Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013


Viễn tưởng
Nguyễn Trung

Lời nói đầu
Trong khi viết bài “Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay (Thời Đại Mới – số 22, tháng 8 – 2011), như một tất yếu khách quan, tôi đụng chạm phải nhiều vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh đất nước đang đứng trước ngã ba đường, hoặc là.., hay sẽ là…. Ngay lập tức tôi bị thôi thúc: Phải nói suy nghĩ của mình về những câu hỏi tự mình đặt ra trong bài viết này. Lẽ đơn giản tôi không được phép chỉ đóng vai “người bình luận”.   
Tôi dự định sẽ tìm cách trình bày tập trung những suy nghĩ của mình liên quan đến những câu hỏi đề ra vào 3 bài viết tiếp theo:
  • “Đất nước đang đứng trước bước ngoặt bất khả kháng như một định mệnh”
  • “Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước”
  • “Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất”
Với tất cả nỗ lực, tôi cố bám sát thực tế nghiệt ngã, chỉ để tìm ra những khả năng khả thi tối thiểu có thể có trong tình hình hiện nay cho việc giải quyết một số vấn đề hệ trọng đất nước. Tuy nhiên với nhiều lý do xác đáng, sẽ có những câu hỏi khó hoặc đến nay tôi chưa thể trả lời được. Vì những lẽ này, cả ba bài dự định viết này sẽ có cái tựa đề chung là Viễn tưởng.  
Sự thôi thúc trong thâm tâm khiến tôi bỏ qua mọi hạn chế và ngần ngại của bản thân, liều lĩnh viết ra 3 bài viết này với hy vọng sẽ nhận được sự trao đổi rộng rãi trong dư luận. 
Tất cả vì tổ quốc yêu dấu của chúng ta.


 Bài 3


Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại
vai trò lãnh đạo bị đánh mất -
 
hay là 
Hoang tưởng?


Đặt vấn đề

          Hy vọng các bài về “vấn đề hiền tài”, Bài 1 và Bài 2 đã ít nhiều: (1) phác họa ra được bước ngoặt quyết liệt phía trước đất nước ta đang phải đối mặt, (2) phân tích đòi hỏi bất khả kháng là phải thông qua cuộc cải cách sâu rộng, triệt để thể chế chính trị, kinh tế, và đổi mới toàn diện đời sống văn hóa, xã hội của đất nước,  (3) đặt vấn đề trên cơ sở kế thừa sáng tạo những thành tựu đã giành được và vận dụng mọi thành quả của văn minh nhân loại tìm đường đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới để tồn tại và có chỗ đứng xứng đáng trong cục diện thế giới quyết liệt này nay.  
          Điểm (3) nêu trên đồng thời phản ánh niềm tin của người viết là: Thông qua con đường cải cách phòng ngừa không để cho bất khả kháng xảy ra đổ vỡ theo kiểu “cách mạng của các mùa hoa” như ở châu Phi, thực hiện sự kế thừa sáng tạo cho phát triển, thường xuyên thúc đẩy sự tiến hoá (evolution) về mọi mặt, đưa đất nước đi vào con đường trở thành nước phát triển.