III. toàn cầu hoá và chúng
ta
1. Đôi điều về toàn cầu hoá
Rất may đây là vấn đề nhân dân ta quan tâm. Cũng
rất may phương tiện báo chí truyền thông có nhiều bài nhiều tin về đề tài này;
sách báo trong nước và nước ngoài (đã được dịch sang tiếng Việt) về đề tài này
không ít. Xin miễn cho tôi việc bàn nhiều về toàn cầu hoá, bởi vì tôi sẽ chỉ
lặp lại, hoặc không nói không viết hay hơn được những gì các bạn đã được nghe,
được đọc.
Tôi xin nói rất tóm lược về toàn cầu hoá để làm
cơ sở trình bày một vài suy nghĩ riêng của mình về một số nhận thức khác
nhau ở nước ta đối với vấn đề quan trọng này.
Tựu trung lại, toàn cầu hoá là một quá trình xã
hội hoá ngày càng sâu sắc sự phát triển của lực lượng sản xuất và của quan hệ
sản xuất cùng với sự phát triển của những mối quan hệ biện chứng giữa chính hai
yếu tố này ở quy mô toàn cầu.
Nhận xét thứ nhất: Vì lẽ vừa nói trên,
toàn cầu hoá không phải chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội hoá ở quy mô
toàn cầu về mặt kinh tế, mà còn là một quá trình giao lưu và quốc tế hoá trên
mọi lĩnh vực của đời sống con người và đời sống các quốc gia trong cộng đồng
thế giới. Về nhiều phương diện, nó thực sự là một vấn đề chính trị cực kỳ quan
trọng. Toàn cầu hoá kinh tế ngày càng trở thành yếu tố quyết định nhất trong
toàn bộ quá trình giao lưu này và tác động sâu sắc vào mọi lĩnh vực của đời
sống con người, đời sống mỗi quốc gia, vào mối quan hệ giữa các quốc gia trong
cộng đồng thế giới.
Với ý nghĩa là mở rộng phạm vi hoạt động của một
quốc gia ra ngoài phạm vi lãnh thổ của nó,
ra ngoài khu vực địa lý kinh tế và địa lý chính trị của nó, mở rộng sang
cả các châu lục khác, nên không ít nhà nghiên cứu cho rằng toàn cầu hoá là hiện tượng đã xuất hiện ở thế kỷ thứ 4
trước công nguyên – thời Alexander đại đế. Đó là thời kỳ nền văn minh Hy - La.
Thông qua sức mạnh kinh tế và văn hoá thôn tính các nước Trung Âu và lan sang
châu A’, Alexander đã mở rộng ảnh hưởng kinh tế và văn hoá của mình ra các khu
vực chung quanh trên hai lục địa này. Hiểu như vậy, toàn cầu hoá là một hiện
tượng khách quan, đồng thời gắn với hoạt động chủ quan của con người, có từ rất
sớm; động lực đầu tiên vẫn là sự phát triển của lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất cùng với sự phát triển của mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu
tố này.
Cũng có
thể nói, xã hội hoá các yếu tố này là đặc thù vốn có của xã hội loài người kể
từ thời nguyên thuỷ. Tại điểm khởi thuỷ của nó, toàn cầu hoá là một hiện tượng
bành trướng, qua mỗi giai đoạn phát triển của lịch sự kinh tế – xã hội của loài
người, quá trình xã hội hoá này lại được nâng cao lên một mức và lan toả ngày
một sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực, đi dần đến mức độ toàn cầu hoá như chúng ta
đang biết tới ngày nay[47].
Tuy nhiên phần đông các nhà nghiên cứu cho rằng
toàn cầu hoá với nội dung như chúng ta hiểu hiện nay thực sự bắt đầu từ thế kỷ
15, 16. Đấy là thời kỳ chủ nghĩa tư bản hình thành, phát triển, bành trướng vào
các vùng trống (vacuum) ở châu Âu, thực hiện được các cuộc phát kiến địa lý như
tìm ra châu Mỹ, mở đường biển vòng quanh châu Phi, tìm ra các thị trường rộng lớn
ở châu A’ như Trung Quốc, Â’n Độ.., đẩy mạnh thôn tính thuộc địa và chia nhau
khu vực ảnh hưởng trên thế giới. Quá trình này thúc đảy sự tan rã nhanh
chóng của chế độ phong kiến – trước hết ở châu Âu; hiện tượng này có thể được
xem là tác động nổi bật nhất ở thời kỳ này. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
(1848) có đoạn viết: “Do việc bóc lột thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã
làm cho sự sản xuất và sự tiêu dùng của tất cả các nước đều có tính chất thế giới... ... Giá sản phẩm rẻ của giai
cấp ấy là những trọng pháo bắn thủng tất cả những bức vạn lý trường thành và
buộc những người dã man bài ngoại ương ngạnh nhất cũng phải hàng phục.”[48]
Nhận xét thứ hai: Quá trình toàn cầu hoá
chúng ta đang bàn ở đây thuộc giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay, có thể
chia thành 3 đợt hay 3 làn sóng, gây nên nhiều bão táp đảo lộn thế giới.
Trước hết chúng ta thấy các cuộc chiến tranh thế
giới, các cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng như những thời kỳ kinh tế hưng thịnh
xảy ra trên thế giới, lúc làm gián đoạn, lúc thúc đẩy các làn sóng toàn cầu
hoá, song nhìn chung quá trình toàn cầu hoá tiến triển không ngừng.
-
Làn sóng thứ nhất gắn liền với sự việc chủ nghĩa thực dân và chủ
nghĩa đế quốc hoàn thành việc phân chia thuộc địa và phạm vi ảnh hưởng của nó
vào cuối thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20.
-
Làn sóng thứ hai có hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phát triển
kinh tế bùng nổ sau chiến tranh thế giới II, các cuộc cách mạng khoa học và
công nghệ liên tiếp, sự hình thành hai phe đối kháng nhau trên thế giới; đặc
biệt là tác động tích cực của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa đối với phong
trào giải phóng dân tộc, thúc đảy sự tan rã và đi đến kết thúc của chủ nghĩa
thực dân... Làn sóng này kéo dài tới thập kỷ 1970, 1980.
-
Tiếp theo là làn sóng thứ ba đang diễn ra hiện nay, từ đây toàn
cầu hoá chỉ còn mang một cái tên gọi đích thực của nó. Những đặc điểm nổi bật
nhất trong làn sóng này là sự kết thúc trật tự thế giới có hai phe đối kháng
và đang hình thành dần dần một trật tự thế giới có nhiều trung tâm, sự phát
triển vượt bực của lực lượng sản xuất –
trước hết là của khoa học kỹ thuật và công nghệ, sự phát triển chưa từng có của
các mối quan hệ kinh tế và cạnh tranh quyết liệt trong tất cả các khu vực và
trên toàn thế giới.
Cũng có thể nói thêm rằng trong làn sóng thứ 3 này, việc xảy ra sự
sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ, lực lượng đế quốc tiếp tục suy yếu, các
nước đang phát triển ngày càng cải thiện được vị thế quốc tế của mình, sự phụ
thuộc lẫn nhau toàn cầu ngày càng tăng, các vấn đề chung cả thế giới phải cùng
nhau tham gia giải quyết ngày càng nhiều, học thuyết tiền tệ và kích cầu thông
qua chi tiêu ngân sách quốc gia của Keynes không còn hiệu lực, việc phương thức
sản xuất Ford/Taylor bị đảy lùi vào quá khứ... đấy là những hiện tượng nổi
bật, phản ánh nội dung, tính chất và mức độ tác động sâu sắc của làn sóng thứ
ba này. Nói một cách khác, mặc dù không còn tồn tại 2 phe đối kháng, toàn cầu
hoá hiện nay đang đi dần tới một thời kỳ mới, trong đó các nước đang phát triển
và các lực lượng tiến bộ trên thế giới ngày có nhiều tiếng nói chung hơn và
tiếng nói của họ ngày càng có có trọng lượng hơn trước. Thế giới dễ thở hơn
trước, nhưng lại đối mặt với nhiều vấn đề mới gay cấn phức tạp hơn trước trên
nhiều phương diện khác - đặc biệt là hố ngăn cách giầu nghèo, vai trò lũng đoạn
của các công ty xuyên quốc gia, các vấn đề toàn cầu khác... Âu là sự vận động
của cuộc sống luôn luôn đầy ắp những mâu thuẫn! Không phải là vô lý triết học
coi mâu thuẫn là bản chất vận động của sự vật.
Xem xét quá trình toàn cầu hoá từ thế kỷ 15, 16
đến nay, chúng ta thấy có hai quá trình phát triển có quan hệ nhân quả và quan
hệ biện chứng với nhau:
-
Một bên là sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản
xuất cùng với sự phát triển của các mối
quan hệ biện chứng của chính hai yếu tố này. Điều này đã được thể hiện rõ trong
nhiều ý của chương II bên trên.
-
Một bên kia là những biến chuyển của thượng tầng kiến trúc do tác
động sự của phát triển đã trình bày trên: sự
tan rã của chế độ phong kiến, sự hình thành vai trò thống trị và ảnh
hưởng của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, sự xuất hiện hệ thống thế
giới xã hội chủ nghĩa và hình thành trật tự thế giới có hai phe đối kháng - dẫn
tới thời kỳ chiến tranh lạnh, sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân, sự hình
thành thế giới nhiều trung tâm thay thế cho trật tự thời chiến tranh lạnh, vai
trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển, sự rút lui dần của phương thức
sản xuất Ford/Taylor và học thuyết Keynes và những bước phát triển mới của các
công ty xuyên quốc gia (TNCs)[49],
sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, thế giới ngày càng có nhiều vấn đề chung
vượt ra ngoài biên giới các quốc gia và các châu lục, quá trình giao lưu văn
hoá ngày càng phong phú và năng động với tất cả mọi chiều hướng thuận nghịch
khác nhau... Có thể ví von: làn sóng thứ ba này là cuộc bể dâu lớn nhất
trong thế kỷ 20.
Cần lưu ý
cả hai nhận xét vừa trình bày trên để thấy rõ: Toàn cầu hoá vừa
là một quá trình phát triển khách quan, nhưng đồng thời cũng là một quá trình
chịu sự tác động của thượng tầng kiến trúc – nghĩa là tác động chủ quan của con
người và của các thể chế do chính con người tạo nên. Điều này cũng có nghĩa
không thể khiên cưỡng tách rời toàn cầu hóa về kinh tế ra khỏi những vận động
khác trong toàn bộ thượng tầng kiến trúc của đời sống thế giới, cũng như không
thể thụ động tuân thủ mệnh lệnh của toàn cầu hoá.
Nếu dựa vào các lực chi phối quyết định nhất để
một chiều nhấn mạnh toàn cầu hoá tự nó
mang tính giai cấp thì cũng không đúng – bởi vì quá trình toàn cầu hoá diễn ra
ngày nay không loại trừ bất kỳ quốc gia nào và tiếp tục diễn ra không lùi bước
trước bất kỳ nền văn hoá hay ý thức hệ nào. Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản đã nói
lên rất rõ điều này và thực tế cho đến nay cũng kiểm nghiệm như vậy.
Quá trình toàn cầu hoá thực sự là một hiện tượng
xã hội và mang đầy đủ tính chất như bất kỳ hiện tượng xã hội nào khác trong thế
giới loài người. Không thấy hết hoặc coi nhẹ điều này sẽ phải trả giá chết
người. Những biến động vừa trình bày bên trên cho thấy trong từng thời kỳ lực
lượng nào chi phối và chi phối bằng cách nào quá trình toàn cầu hoá, lực lượng
nào hoặc phương thức thể chế nào bị quá trình này đẩy lùi, loại bỏ, vì sao bị
đảy lùi, loại bỏ...
Hiển nhiên, từ thời Alexander đại đế cho đến nay, chúng ta thấy mỗi giai đoạn toàn cầu hoá lại
có những lực lượng chi phối riêng của giai đoạn ấy, Nói cách khác, giai đoạn
của những lực lượng nào thì những lực lượng ấy giữ vai trò chi phối chủ yếu quá
trình toàn cầu hoá trong giai đoạn ấy. Bằng chứng sinh động nhất là khi chủ
nghĩa thực dân chưa tan rã, thì các nước đang phát triển không thể nào có vai
trò gì đáng kể trong quá trình toàn cầu hoá như ngày nay họ đang có – vào lúc
ấy họ chỉ là những thuộc địa hoặc những nước phụ thuộc, không được quyền có
tiếng nói riêng của mình về bất kỳ vấn đề gì trên thế giới, bị bóc lột thậm tệ.
Có thể gọi những giai đoạn ấy là giai đoạn toàn cầu hoá của chủ nghĩa thực dân.
Tiếp theo sự xuất hiện các nước XHCN, từ khi hầu hết các nước thuộc địa kiểu cũ
và kiểu mới trở thành các quốc gia độc lập có chủ quyền, quá trình toàn cầu hoá
ngày càng có nhiều thay đổi tương ứng
với sự suy yếu của chủ nghĩa đế quốc.
Nhận xét thứ ba: Từ các điều vừa trình
bày, không thể nói có toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa, toàn cầu hoá xã hội chủ
nghĩa; lại càng không thể nói: có toàn cầu hoá phi xã hội và phi giai cấp.
Nghĩa là không thể có sự lựa chọn: nước mình tẩy chay toàn cầu hoá này, hay chỉ
tham gia vào toàn cầu hoá kia, hoặc chờ đợi một loại toàn cầu hóa mới nào đó
xảy ra rồi sẽ tính việc của ta... – vì
cả thế giới chỉ có một quá trình toàn cầu hoá duy nhất đang trải qua các giai
đoạn phát triển khác nhau mà thôi, giai đoạn của lực lượng nào, thì quá trình
toàn cầu hoá trong giai đoạn ấy do những lực lượng ấy chi phối.
Nhận xét như vậy, nếu nước ta tự xem mình là một
bộ phận của những lực lượng trong giai đoạn hiện tại của thế giới, thì chỉ có
sự lựa chọn là chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra. Trung
Quốc chỉ đặt cho mình một mục tiêu là tham gia thắng lợi vào quá trình này, với
ý chí chính trị không gì cản nổi.
Nhận xét thứ tư: Muốn nói lời hay ý đẹp gì thì nói, trong làn
sóng thứ 3 hiện nay của toàn cầu hóa kinh tế thế giới, khoảng cách giầu nghèo giữa
các nước đang phát triển và các nước công nghiệp, cũng như khoảng cách giàu
nghèo trong một quốc gia có xu hướng tiếp tục xoạc rộng, đồng thời đặt
ra nhiều vấn đề phức tạp mới trong đời sống kinh tế, xã hội.
Ví dụ, tổng sản phẩm của 3 tập đoàn lớn nhất
nước Mỹ lớn hơn tổng GDP của 48 quốc gia nghèo nhất thế giới. Ngay trong nội bộ
một nước phát triển, toàn cầu hoá cũng gây ra nhiều hiện tượng phân hoá mới
trong xã hội.., v... v... Cho đến nay chưa có câu trả lời thoả đáng nào trong
việc tìm kiếm khả năng xử lý thực tế nghiêm trọng này. Đây là thách thức rất
lớn.
Có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu vẫn là không
thể có sự phát triển đồng đều, những nước phát triển bao giờ cũng có nhiều lợi thế hơn, chưa có những biện pháp
hữu hiệu giúp những nước nghèo theo kịp những biến chuyển ngày càng nhanh trong
nền kinh tế toàn cầu hoá, chưa có (hoặc không thể có?) những thể chế toàn cầu
hay khu vực có thể hoạt động hữu hiệu
trong việc duy trì sự phát triển cân bằng và xử lý khủng hoảng. Một thể chế như
vậy các nước nghèo kém chỉ có thể thông qua hiệp lực đấu tranh quyết liệt từng
bước một giành lấy mà thôi. Dù trong phạm vi một nước hay trong phạm vi thế
giới, không xử lý thành công thách thức này, toàn cầu hoá sẽ đem lại nhiều điều
bất trắc hơn là những điều tốt đẹp[50].
Trên thế giới và ngay trong từng nước có những
phản ứng ngược chiều với xu thế toàn cầu hoá là hệ quả tất yếu. Thực tế này đặt
ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải nhận biết chính xác và quan tâm xử lý. Nguyên nhân
của phản ứng ngược chiều này rất đa dạng vì động cơ phản ứng và những nhóm
người hay những nước phản ứng rất khác nhau. Chúng ta phải tỉnh táo xem xét tất
cả để lựa chọn quyết định của chúng ta.
Cần thấy các công ty xuyên quốc gia (TNCs) và
các nước giàu mạnh là những kẻ hiện đang chi phối quá trình này, muốn quá trình
này phục vụ tốt hơn nữa lợi ích của họ, họ có rất nhiều lợi thế để theo đuổi ý
đồ này. Không phải là vô lý nếu có ý kiến cho rằng điều phũ phàng là thế giới
hiện nay chỉ biết đến toàn cầu hoá do chủ nghĩa tư bản là lực lượng chi phối
chính[51].
Thật đáng tiếc đó là thực tế không phủ nhận
được. Trong hiện tại, ở bình diện quốc tế, nước càng nghèo thì những rủi ro
thách thức phải đương đầu càng lớn trong tham gia vào quá trình toàn cầu hoá.
Thực tế này cũng phũ phàng không kém. Cuộc sống trên hành tinh chúng ta đã từng
có bá quyền quân sự, bá quyền chính trị, thì nếu xuất hiện bá quyền kinh tế có
gì là khó hiểu? Câu chuyện còn lại của một quốc gia trong hoàn cảnh như nước ta
là đương đầu với thực tế này như thế nào – chứ không phải là chạy trốn.
Không một nước nào, một nền kinh tế nào, một
doanh nghiệp hay một cá nhân nào có thể chạy trốn quá trình toàn cầu hoá ngày
nay; tất cả chỉ có sự lựa chọn: tìm cách làm chủ quá trình này, hoặc bị quá
trình này đào thải.
Nhận xét thứ năm: Đụng chạm đến những vấn
đề nhạy cảm vừa nêu trên, cần tỉnh táo nhận xét bản chất và vai trò của những
công ty xuyên quốc gia (TNCs) để định liêu đối sách của mình.
Theo số liệu xủa WTO, hiện nay thế giới có khoảng 60 nghìn công ty xuyên
quốc gia (năm 1995 toàn thế giới mới chỉ có 37 nghìn TNCs), làm ra 1/4 tổng sản
phẩm và chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch
buôn bán trên thế giới; trong đó 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất đã chiếm
khoảng 60% GDP toàn bộ các TNCs trên thế giới, khoảng 1/2 dung lượng thị trường
thế giới, khoảng 80 – 90% toàn bộ công nghệ cao, chi nhiều nhất cho “nghiên cứu
& triển khai (R&D)” và do đó hầu như làm chủ tiến bộ khoa học và công
nghệ của cả thế giới.
Xem xét một cách khách quan, có thể nói rằng
chịu tác động của những bước tiến triển của toàn cầu hoá kinh tế thế giới hiện
nay, các hiện tượng đào thải, phát triển, đổi mới, hình thành những thực thể
mới... của các công ty xuyên quốc gia đang diễn ra là quyết liệt nhất, sâu sắc
nhất và năng động nhất so với bất kỳ thực thể kinh tế nào tồn tại trên trái đất
này – chủ yếu trên các phương diện:
· khai thác hoặc đối phó
với mọi tác động quá trình toàn cầu hoá;
· đổi mới phương thức kinh
doanh tới mức gần như tiến hành các cuộc cách mạng nhỏ loại bỏ từng bộ phận hay
loại bỏ hoàn toàn phương thức kinh doanh truyền thống;
· đổi mới sản phẩm và
chiếm thêm hay sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới;
· bành trướng kinh doanh,
bành trướng thị trường vào mọi ngóc ngách và ra toàn thế giới, tạo ra thị
trường mới bằng cách đưa ra những sản phẩm mới hoặc tạo ra cầu (demand) mới...
· sáp nhập, hợp nhất, hoặc
giải thể để lập ra TNCs mới, cải tiến liên kết liên doanh theo mạng, thay đổi
các thể chế - đặc biệt là phải tăng cường những thể chế chung, luật pháp chung
(ví dụ như GATT và ngày nay là WTO), tính công khai minh bạch, tăng cường chống
tham nhũng... để nâng cao hiệu quả, nhất là để có khả năng thu hút tốt hơn nữa
mọi nguồn lực của nền kinh mới toàn cầu hoá (như nâng cao giá trị cổ phiếu
và bán được nhiều cổ phiếu hơn nữa – lẽ sống còn đối với bất kỳ TNC nào,
thu hút nguồn nhân lực, công nghệ, kỹ thuật, thu hút sự hợp tác...), và để làm
tốt hơn nữa tất cả những vấn đề nêu ra trong các điểm nói trên;
· tăng cường hơn nữa mối
quan hệ với bản thân chính quốc và với mọi quốc gia, mọi tổ chức khu vực và
quốc tế để tăng khả năng cạnh tranh và thực hiện các mục tiêu đề ra;
· vân... vân....
Tôi đã đưa ra ví dụ hợp nhất giữa General Motor,
Ford và Daimler Benz. Trong số 12 TNCs hàng đầu của Mỹ ra đời đầu thế kỷ này
bây giờ chỉ còn có 1 tồn tại. Mọi người cũng đã biết đến việc Boeing “thôn
tính” McDonnell Douglas (chủ yếu sản xuất máy bay quân sự)....
Nhân đây xin nêu ra sự thay đổi bên trong một số
TNC để minh hoạ thêm những thay đổi kể trên:
· Từ Sony chuyển thành
So-net! Với 170.000 cán bộ công nhân viên từ mấy thập kỷ nay Sony là tập
đoàn sản xuất sản phẩm nghe nhìn hầu như không có đối thủ cạnh tranh tương xứng
trên thế giới. Song tỷ trọng thu nhập từ những sản phẩm truyền thống trong tổng
thu nhập của tập đoàn này từ nhiều năm nay liên tục giảm sút, riêng năm ngoái
giảm sút 59%. Lý do: Từ hơn một thập kỷ nay Sony buộc phải chuyển sang mở rộng
kinh doanh nhiều sản phẩm khác trên internet, nếu không các dàn âm thanh và
video của Sony sẽ chỉ còn là những công cụ cuối cùng, là “phần cứng” chuyển tải
những sản phẩm thực sự làm ra nhiều tiền được sản xuất và chuyển tải trên mạng
internet. Nobuyuki Idei, ông chủ tập đoàn, gọi sự chuyển đổi ấy là sự ra đời
lần thứ hai của Sony. Huyền thoại từ Sony chuyển sang So-net có nghĩa là Sony
cung cấp mọi dịch vụ mà tất cả các TNCs khác có thể cung cấp trên mạng, nhưng
vẫn không quên phát huy thế mạnh của mình là cung cấp các dịch vụ giải trí trên
mạng như ca nhạc, phim ảnh, truyện, chụp ảnh... Bạn có thể ngồi nhà, mở trang
web của So-net, để mua bán kinh doanh bất kỳ thứ gì, để nghe bất kể bản nhạc
nào bạn muốn đã in trong các album CD, xem bất kỳ phim gì; với máy ảnh kỹ thuật
số bạn chụp ảnh xong có thể ngay tức khắc gửi cho bất kỳ ai qua mạng, ngoài ra
còn biết bao nhiêu trò giải trí khác qua mạng... Sản phẩm nghe nhìn của Sony
vẫn được cải tiến và tiếp tục sản xuất nhưng đã tụt xuống hàng thứ yếu trong
tập đoàn...
· Cũng với tính cách thay
đổi thường xuyên và năng động như vậy, Bill Gates, chủ của Microsoft, trong vòng 3 thập kỷ – từ một sinh viên đang
học chưa học xong đại học - đã làm ra một tài sản trên 100 tỷ USD!
· Hãng Electrolux cung cấp
máy giặt nổi tiếng trên thế giới phải hoá thân thành hãng cung cấp dịch vụ giặt
– thay vì bán máy, hãng cung cấp máy giặt đến người tiêu dùng, bộ phận vi tính
cài sẵn trong máy được nối vào mạng, hàng tháng giặt bao nhiêu thanh toán bấy
nhiêu, nếu trục trặc sẽ được máy báo lên mạng để hãng cho người đến xửa hoặc
thay máy mới...
· Sau một buổi làm việc
với công ty tài chính Goldman Sachs (Mỹ), tôi bắt chuyện với một chuyên gia về
quản lý các quỹ thác quản, đại ý:
-
Làm
việc ở một tập đoàn nổi tiếng như thế này, nỗi lo của bạn là gì?
-
Thất
nghiệp!
-
Với
trình độ chuyên môn cao như của bạn?
-
Đúng
vậy. Mọi việc tôi đang làm bây giờ khách hàng có thể bỏ rơi tôi bằng cách làm
việc thẳng với các đối tác của họ trên các trang web mở 24giờ/24 giờ trên
internet.
-
Bản
dự định giải quyết nỗi lo của mình như thế nào?
-
Tôi
phải học thêm và tự học để đổi nghề, từ làm môi giới và cung ứng dịch vụ thác
quản sang làm cố vấn cho khách hàng.
-
...
· vân... vân...
Đâu đâu cũng vậy, tất cả nói lên: Ngay cả đối
với các TNCs, không thay đổi đồng nghĩa với chết.
Nói riêng về TNCs ở Mỹ: Các tập đoàn tài chính, các TNCs của nước này
và lợi thế về công nghệ cao, khiến cho Mỹ hiện nay – theo số liệu tính toán của
ngân hàng Boston năm 1999 - thu hút được tới 72% vốn của toàn thế giới hoạt
động cho nền kinh tế nước mình và đang tạo ra được thời kỳ tăng trưởng năng
động nhất, kéo dài nhất của lịch sử nước này kể từ nửa thế kỷ nay!
Nhận xét thứ sáu: Dù yêu hay ghét TNCs
như thế nào, cuộc sống – nghĩa là yêu cầu phát triển và bảo vệ lợi ích của đất
nước ta, vẫn cứ đặt vấn đề nước ta phải chọn lựa chung sống với TNCs một cách
có lợi nhất.
Các nước đang phát triển, nhất là các nước đi
sau, muốn phát triển nhanh, không có cách nào khác là một mặt phải tự vạch ra cho mình một chiến lược phát triển đúng, mặt
khác phải có đủ thông minh, bản lĩnh và khả năng khai thác sự tuỳ thuộc lẫn
nhau toàn cầu, trên nguyên tắc cùng có lợi, lựa chọn cho quốc gia mình những
TNCs nào đó thành đối tác quan trọng của mình, thông qua họ đi vào sản phẩm
mới, thị trường mới, để tìm ra cho quốc gia mình con đường phát triển nhanh
nhất, hiệu quả nhất, Chính sách và cố gắng nào thì đem lại kết quả ấy, đó là
chân lý. Đấy là thực tiễn trước đây đã tạo ra các nước “con rồng”,
ngày nay đang đem lại cho Trung Quốc nhiều công nghệ cao để tăng khả năng cạnh
tranh và nhiều thị trường rộng lớn. Với việc gia nhập WTO, Trung Quốc còn muốn
mở rộng hơn nữa hợp tác với các TNCs và tự phát triển thêm ngày càng nhiều các
TNCs của chính mình.
Thành tựu
mang tính chất đột phá của Â’n Độ trong xuất khẩu phần mềm hiện nay đạt 4 – 5
tỷ USD/năm – chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của nước này.
Đấy là kết quả ấn Độ liên tục mỗi năm đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ 1990 tới nay
cho phát triển công nghệ cao. Thực tế này không
phải là chuyện ngẫu nhiên, mà là một trong nhiều kết quả của những kinh nghiệm,
những bài học rất đáng suy nghĩ ấn Độ đã tự rút ra cho mình.
Bài học ấy đại thể như sau: Đến năm 1976 – nghĩa
là trước khi Trung Quốc tiến hành cải cách, ấn Độ đã làm được cuộc cách mạng
xanh và vượt Trung Quốc trên một số lĩnh vực kinh tế, công nghệ và xuất khẩu.
Song ấn Độ theo đuổi con đường phát triển
nền kinh tế hoàn chỉnh, khép kín, ít mở cửa, nền giáo dục không theo kịp
bước phát triển, ngoài ra còn biết bao nhiêu vấn đề của một xã hội bị phân chia
thành các đẳng cấp.., trong khi đó Trung Quốc đẩy mạnh cải cách và mở cửa...
Kết cục hiện nay là Trung Quốc đã bứt
lên, bỏ xa ấn Độ về nhiều phương diện. Sau 20 năm cải cách (tính đến 1997),
Trung Quốc đã có GDP theo đầu người gấp đôi và tổng kim ngạch xuất khẩu gấp 3
lần của ấn Độ; cán cân thương mại của Trung Quốc liên tục là số dương, của ấn
Độ là số âm... ấn Độ ngày nay đang quyết tâm vận dụng bài học đã tự rút ra được
cho bản thân mình, dự kiến xuất khẩu phần mềm sẽ vượt trên 100 tỷ USD vào năm
2010, chủ yếu bằng con đường làm ăn gắn với các TNCs, trước hết là TNCs của Mỹ.
Người ta thường nói: TNCs coi cả thế giới là
công xưởng của mình, cả thế giới là thị trường của TNCs, người ta gọi TNCs là
đội quân xung kích – thậm chí có người còn coi là đội quân viễn chinh (!) - của
toàn cầu hóa... Song hiển nhiên không ai có thể coi các NICs, Trung Quốc, ấn
Độ... là các thuộc quốc của TNCs, không ai có thể nói Trung Quốc đang đánh mất
chủ nghĩa xã hội mang bản sắc của mình... Hiển nhiên muốn chơi với cọp phải
biết cách đánh võ với cọp!
Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ: sự
phát triển vượt bậc của nhiều ngành kinh tế quan trọng của nước ta 15 năm qua
một phần rất quan trọng là ta đã thực hiện được liên kết liên doanh thành công
bước đầu với một số TNCs. Xin hãy nhìn lại sự phát triển của các ngành như hàng
không, viễn thông, dầu khí, tin học, điện lực, công nghiệp chế biến... Yếu kém
của ta trên phương diện này là vẫn còn nhiều việc phải làm ăn qua trung gian và
chưa với tới công nghệ nguồn. Nhận thức của chúng ta về vai trò của TNCs còn
phiến diện cả trên hai hướng hợp tác và cạnh tranh, chưa thành công nhiều lắm
trong xây dựng được phương thức làm ăn có lợi cho mở rộng liên kết liên doanh
với các TNCs nhằm đột phá thị trường mới bằng những sản phẩm mới có hàm lượng
giá trị gia tăng cao như Trung Quốc và ấn Độ đã và đang làm. Nền kinh tế nước
ta sẽ không thể có chuyện đuổi kịp, đi tắt, đón đầu... nếu
không tìm ra phương sách tốt nhất để xử lý và làm ăn với TNCs.
Nhận xét thứ bảy: Xin nhấn mạnh, không
một nhóm quốc gia nào, cũng như không một siêu cường hay vài ba siêu cường nào,
không một nhóm TNCs nào có thể duy ý chí tạo ra một kiểu toàn cầu hoá cho riêng
phe nhóm của mình - dù rằng lúc này lúc khác vẫn còn tồn tại những hiện tượng
lũng đoạn ở các cấp độ khác nhau trên những phương diện khác nhau.
Điều này có nghĩa không thể chờ đợi đến lúc chủ
nghĩa tư bản không còn tồn tại nữa, hoặc chờ cho đến lúc có toàn cầu hoá xã hội
chủ nghĩa hay một thứ toàn cầu hoá nào đó “nhân đạo” hơn, “văn minh” hơn, rồi
mới tính đến chuyện hội nhập quốc tế. Tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt
trong quá trình diễn tiến ngày càng năng động của toàn cầu hoá không dung tha
sự chờ đợi nào.
Còn việc mong muốn quá trình toàn cầu hoá này
phát triển như thế này, hoặc phát triển như thế kia – ví dụ như một số công ty
xuyên quốc gia và một số nước giàu muốn tự do hoá thật nhanh, đảy mạnh phi điều
tiết theo kiểu anglo saxon, một số khác như thế lại muốn tự do hoá có điều
tiết, các nước đang phát triển lại muốn toàn cầu hoá phải phục vụ hay chiếu cố
các nền kinh tế chậm tiến, có nước lại muốn hoặc chỉ thừa nhận kiểu toàn cầu
hoá xã hội chủ nghĩa... Đó là những mong muốn chủ quan có thực của những
quốc gia hay nhóm quốc gia, các nhóm hay các tập hợp kinh tế, các nhóm lợi ích
khác nhau. Đó là các hình thức đấu tranh hay tranh chấp có thực đang diễn ra
rất gay gắt, quyết liệt trong một quá trình toàn cầu hoá chung duy nhất của cả
thế giới.
Để suy xét cho hết nhẽ, nếu muốn dùng cách nói
quyết liệt, cũng có thể gọi đó là một loại vấn đề mới, một nội dung mới của ai
thắng ai? , diễn ra trong quá
trình toàn cầu hoá ngày nay – chỉ xin đừng quên: phương tiện, phương thức và sự
tập hợp lực lượng cho vấn đề ai thắng
ai? trong “mặt trận” toàn cầu
hoá này rất rất khác so với tất cả những gì xưa nay chúng ta đã hiểu và nghĩ về
ai thắng ai?.. Trong xử lý vấn đề này
trong mặt trận toàn cầu hoá còn phải
xử lý sự phụ thuộc lẫn nhau và nhiều vấn đề chung khác đúng với nội dung vừa hợp tác vừa đấu tranh, mà còn
phải tìm cách xử lý sao cho cuối cùng hợp
tác giữ ưu thế, để ta không bị cướp mất cả cái bánh, để phần của ta được chia
đỡ thiệt hơn - hoặc được công bằng, để cùng nhau giành lấy những bước phát
triển xa hơn nữa thì càng lý tưởng. Không thể để cho vấn đề “Ai thắng
ai?” vượt quá phạm vi “toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau”, dù gay gắt, quyết liệt như
thế nào! Muốn được như vậy, nước ta phải có năng lực và chủ động làm được việc
này. Lẽ đơn giản là: Nước ta không thể chọn riêng cho mình lên sống ở một hành
tinh khác, không thể chờ cho thế giới này được cải tạo như ta mong muốn rồi ta
mới vào cuộc, cũng không thể cầu xin ai cho ta điều gì, cũng không có sự buông
tha nào để nhờ đó ta có thể yên ổn đứng riêng ra hay nấp vào đâu đó để mong
sống sót... Chỉ có con đường phải tìm cách đứng được, tồn tại và phát triển
được trong thế giới mà chúng ta đang sống.
Vì vậy đối với nước ta, lựa chọn những bước đi thích
hợp tham gia như thế nào để có thể thực hiện và bảo vệ được
lợi ích của mình? - đây là thách thức rất lớn, nước ta buộc phải chấp nhận, như
đã từng chấp nhận đứng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích nô lệ của chế độ thuộc
địa. Nghĩa là phải dũng cảm và thông minh mở đường đi vào đại dương toàn cầu
hoá đày sóng gió để trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá như đã ghi
trong các nghị quyết Đại hội Đảng. Khả năng bị đánh chìm hoặc đi tới đích trên
con đường này là 50/50; phần thắng tuỳ thuộc hoàn toàn vào phẩm chất và bản
lĩnh của Đảng ta và dân tộc ta trên con đường này.
Không chấp nhận thách thức nói trên, quay về con
đường “ta về ta tắm ao ta...” chỉ có thể chuốc lấy sự nô dịch mới của nghèo nàn
lạc hậu, sau khi đất nước đã thoát khỏi sự nô dịch của thực dân đế quốc. Con
đường này sẽ dẫn tới kết cục tất yếu là thủ tiêu mọi thành quả cách mạng và
tiến bộ xã hội đã giành được, là tích tụ những yếu tố gây ra một cuộc bể dâu mới như thường thấy trong lịch sử phát triển của các
quốc gia trước kia và hiện tại. Không phải ngẫu nhiên trên thế giới hiện đang
có không ít các bài báo nói về nước ta nhân dịp 25 năm ngày 30-4-1975: Việt Nam
đã thắng trong chiến tranh, nhưng đang thua trong cách mạng! Người đảng viên
cộng sản Việt Nam, người công dân Việt Nam yêu nước nhất quyết không để cho
điều này xảy ra!
Xin nhắc lại rằng ngày nay trên thế giới có biết
bao nhiêu nước đang phát triển sau khi giành được độc lập thì lại rơi vào khủng
hoảng kinh tế, trầm trọng hơn nữa là rơi vào chiến tranh huynh đệ tương tàn, vì
tranh giành lợi ích phe phái giai cấp, sắc tộc và tôn giáo, vì khác biệt nhau
quan điểm phát triển... Nguyên nhân của mọi nguyên nhân trước hết là
tình trạng chậm phát triển. Trong những quốc gia ấy có các nước bạn rất
gần gũi với ta, đã từng cùng với nước ta đứng chung trong chiến tuyến đấu tranh
chống chủ nghĩa đế quốc - như Indonesia, Algérie, Congo Brazavil, Nicaragua,
Ethiopie, Eritea...
Không có một thế lực bên ngoài nào có thể ép
Việt Nam ta lựa chọn con đường này hoặc con đường kia, cưỡng bức nước ta hội
nhập hay không hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá hiện nay. Nhưng xu thế phát
triển của kinh tế thế giới sẽ đẩy nước ta tham gia tự giác hoặc không tự giác
vào quá trình của nó một cách không thể cưỡng lại được.
Nếu chúng ta tham gia hội nhập vào quá trình
toàn cầu hoá, thì buộc phải thực hiện nhiều cam kết chung hoàn toàn không dễ
dàng đối với nền kinh tế hiệu quả còn thấp như hiện nay của nước ta. Đây là cửa
ải chết người phải tìm cách vượt qua. Nếu chúng ta cố tình không tham gia, thì
quá trình toàn cầu hoá vẫn cứ đi theo con đường của nó, không mảy may luyến
tiếc chúng ta. Nếu chúng ta ghét bỏ, lên án nó, nó không thèm quan tâm đến sự
phẫn nộ của chúng ta; chắc chắn nó cũng không nhẹ tay đối với nước ta trong bất
kỳ vấn đề gì... Điều chắc chắn, số phận của nước ta sẽ chỉ do chính Đảng ta
và dân tộc ta tự định đoạt, tuỳ theo sự lựa chọn con đường gì và với những bước
đi như thế nào trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay của thế giới.
Một bên là hình mẫu cải cách ở nước Nga ngày
nay, một bên là các hình mẫu cải cách ở Trung Quốc, đổi mới ở Việt Nam, một
hình mẫu nữa là Bắc Triều Tiên, phần nào nữa là Cuba... Không một quốc gia
nào trong 3 hình mẫu này có thể đứng yên một chỗ hoặc biệt lập khỏi thế giới
bên ngoài, chỉ có vấn đề lựa chọn sự chuyển đổi nào và những bước đi tự mình
thiết kế lấy mà thôi. Thực tiễn ngày nay của cả 3 hình mẫu này đã cho nhiều
câu trả lời và còn đang đòi hỏi chúng ta tìm kiếm nhiều câu trả lời khác nữa.
Trên thế giới còn nhiều hình mẫu vận động của các nước hoặc các nhóm nước khác
nhau...
Xin từ suy nghĩ này mà xem xét: Hội nhập vào quá
trình toàn cầu hoá này đối với nước ta là tất yếu hay không tất yếu, là xu thế
khách quan của sự phát triển nước ta hay không phải như vậy?...Xin suy nghĩ
nung nấu về những điều này. Không phải ai khác, theo Marx, người cộng sản phải
là người tự giác nhận thức được thế giới mình đang sống và phải có bản lĩnh cải
tạo nó, – chứ không phải chỉ có lòng mong muốn đơn thuần, cũng không phải đi
tìm nơi nương thân ở một hành tinh khác.
2. Toàn cầu hoá và định hướng xã hội chủ nghĩa
Toàn cầu hoá đụng chạm trực tiếp đến con đường
phát triển của mỗi quốc gia, ở nước ta là vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vậy ở nước ta toàn cầu hoá đối kháng, ngăn cản, hay thúc đẩy định hướng xã hội chủ nghĩa ? chung sống, cộng
sinh, hay loại bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa?..
Thật ra đây là những câu hỏi rất quan trọng, vừa
đúng, và ở khía cạnh nào đó là vừa không đúng. ý nghĩa quan trọng của những câu
hỏi này có lẽ đã rõ.
Những câu hỏi này là đúng, vì con đường phát
triển của nước ta đòi hỏi bắt buộc phải xử lý thành công những vấn đề do toàn
cầu hoá đặt ra cho nước ta. Song nếu đem vấn đề con đường phát triển của nước
ta đối lập với vấn đề toàn cầu hoá sẽ là không đúng. Lẽ đơn giản là dù kiên
định thực hiện con đường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đến đâu chăng
nữa, vẫn phải thực hiện con đường ấy trong thế giới chúng ta đang sống.
Cứ tạm coi là chúng ta đã có được quan niệm thống
nhất về nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa
ở nước ta để khỏi bàn sâu về đề tài này - đó là:
-
xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và
giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới – như Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã ghi trong Di chúc của Người, hoặc là
-
thực hiện dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh,
giành được vị thế quốc tế xứng đáng – như nhiều văn kiện chính
thức của Đảng đã nêu.
Trong những phần sau tôi sẽ có dịp nêu thêm
một số khía cạnh khác của nội dung này.
Sự đụng chạm căn bản nhất đối với sự nghiệp cách
mạng nước ta là vấn đề “hai con đường”. Đảng ta đã thảo luận
suốt 70 năm nay và lựa chọn con đường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có đủ
lý lẽ để nhận xét như vậy. Sự lưa chọn chẳng những đã được quyết định mà đã và
đang định hình. Xin cứ tiếp tục lao tâm
khổ trí suy nghĩ, bởi vì nhiều vấn đề cụ thể của nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa cho
đến ngày hôm nay vẫn còn ở phía trước.
Trong phạm vi vấn đề toàn cầu hoá (TCH),
vấn đề xin được bàn ở đây là nước ta cũng đứng trước hai con đường,
-
con đường thứ nhất: lựa chọn các khả năng tham gia toàn cầu hoá –
tạm gọi: con đường khả năng;
(con đường tham gia TCH)
-
con đường thứ hai: không hội nhập, dẫn tới kết cục đã được tiên
liệu trước – tạm gọi: con đường kết
cục tất yếu (con đường không tham gia TCH).
Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nước ta không
phải là quốc gia đầu tiên đi tìm và lựa chọn con đường khả năng. Như đã trình bày ở trên, trước chúng ta,
trong vòng 4-5 thập kỷ vừa qua đã có
trên 130 nước đang phát triển mở các cuộc hành trình “phát kiến địa lý” như
thời Christopher Columbus (1451-1506) và
chỉ có khoảng 10 nước tới đích và trở thành NICs. Con đường khả năng gian truân là như vậy, xác suất khắc
nghiệt đến như vậy. Song trong số gần 120 nước còn lại hầu hết không chết
chìm, (trừ một vài nước có những vấn đề đối nội quá gay gắt – như nội
chiến, chiến tranh sắc tộc, chiến tranh ma tuý...) Những nước không thành công
này có thể đã phải chịu nhiều tổn thất, song cũng đã giành được những thành tựu
nào đó, đôi khi với những giá rất đắt. Nhưng dù sao, những tiến bộ đạt được
không phải là không đáng kể, đặc biệt quan trọng: con đường đi lên nước công
nghiệp hay nước phát triển vẫn để ngỏ cho họ ở phía trước. Chúng ta có
thể so sánh Philippin, Inđônêxia, Thái Lan và Malixia hiện nay với cách đây 3-4
thập kỷ. Những nước này chưa trở thành NICs, nhưng đã giành được những bước
phát triển quan trọng; riêng Malaixia đang cố dấn bước gia nhập câu lạc bộ NICs. Xa hơn nữa, xin nhìn sang châu Mỹ La-tinh
hiện nay và so sánh với chính bản thân nó trước đây nửa thế kỷ để xác minh điều
này[52].
Con
đường kết cục tất yếu thì sao? Xin hãy nhìn vào một số nước châu Phi,
nhất là khu vực châu Phi da đen. Thời gian như đứng lại trên những quốc gia
này. Qua những hình ảnh và tin tức chúng ta được thấy, được nghe trên các phương
tiện truyền thông: nghèo đói, nạn mù
chữ, bệnh tật, nhất là HIV/AIDS và dịch bệnh “ngủ” trong thời gian gần đây, lạc
hậu, tội ác, huỷ hoại môi trường do bị bóc lột tài nguyên và do lạc hậu, chiến
tranh bộ tộc... Thật là đau khổ cho những quốc gia này và khó hình dung họ sẽ
tìm được lối thoát cho mình như thế nào để có thể đi đến một tương lai tốt đẹp
hơn.
Thời gian không đến nỗi đứng lại trên nước ta
như ở châu Phi da đen, nhưng hình như chuyển động chậm hơn so với nhiều nơi
khác trên thế giới – xin hãy đọc lại và so sánh một số chỉ số phát triển đã nêu
trong chương I. Đây là điều không thể không lo lắng. Trong tình hình như vậy,
mà lại “ta về ta tắm ao ta”, thì đấy sẽ là sự tự thủ tiêu dần dần, chắc chắn và
có hiệu quả nhất tất cả mọi thành quả cách mạng đã giành được. Nhân dân ta
trong kịch bản này sẽ là người đầu tiên bác bỏ con đường này, các thế hệ con
cháu chúng ta càng kiên quyết bác bỏ con đường này. Đó là con đường sẽ dẫn đất
nước vào ngõ cụt, sớm muộn cũng rất chắc chắn đẩy đất nước ta vào một cuộc
khủng hoảng mới, sẽ là sự tái diễn bi kịch cách đây hai thế kỷ mà triều đình
nhà Nguyễn phải gánh chịu trên vai mình trách nhiệm trước lịch sử đất nước...
Khác chăng là bi kịch này sẽ diễn ra với kịch bản mới - một người bình thường
nào cũng có thể hình dung được mọi hệ quả của tư duy “ta về ta tắm ao ta”.
Câu chuyện phải bàn tới hết sức nghiêm túc,
và bây giờ không còn chỉ là nhận thức
mọi hệ quả của tư duy trên, mà trước hết phải là xác lập tư duy bác bỏ dứt
khoát con đường kết cục tất yếu, quyết tâm lựa chọn con đường khả năng, xây dựng bản lĩnh và trí tuệ để quyết
tâm đi trên con đường đó. Thiết nghĩ tính tiền phong chiến đấu của Đảng ta
trong giai đoạn cách mạng này của đất nước phải hướng về con đường này.
Thời gian cũng đã quá chín muồi cho sự lựa chọn
dứt khoát đi vào con đường khả năng
hay con đường kết cục tất yếu
trước những thách thức của toàn cầu hoá. Không thể có sự chiết chung giữa hai
con đường này[53].
Nếu chúng ta lựa chọn sự chiết chung, nghĩa là
đổi mới miễn cưỡng và nửa vời, thì sớm muộn sẽ không tự giác rơi vào con đường
thứ hai – con đường kết cục tất yếu. Giả thử vì những lẽ gì đi nữa chúng ta bị
động rơi vào con đường thứ hai này, hay chủ động đi vào con đường này, thì cùng
với thời gian trôi đi, cuộc sống cuối cùng vẫn đẩy đất nước ta đi vào con đường
thứ nhất mà thôi – chỉ có một điều là lại phải một lẫn nữa đi lại chặng đường
đã đi từ cuối thế kỷ 19 đến ngày 30-4-1975 với các kịch bản khác nhau và độ dài
thời gian khác nhau. Bản chất của sự vật là vận động, đứng yên một chỗ không
được; ẩn số chỉ còn là tác động chủ quan tự giác hay không tự giác của con
người, tác động như thế nào và tác động được đến đâu vào sự vận động này.
Nhìn theo tinh thần cách mạng: Con đường định hướng xã hội chủ nghĩa
và con đường khả năng của nước ta trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay đang có cơ hội
có thể là một – tất cả tuỳ thuộc vào phẩm chất và bản lĩnh cách mạng của Đảng
ta. Đảng ta đang nắm trong tay cơ hội làm cho hai con đường ấy là một.
Vả lại như đã trình bầy trên, định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam bắt buộc
phải thực hiện ở trên hành tinh này.
Dân tộc ta đau khổ quá nhiều rồi. Dân tộc ta
phải, xứng đáng, và hoàn toàn có khả năng đi trên con đường ấy. Dân tộc ta chịu
nhục nhiều lắm rồi, đã đến lúc từng người dân phải đứng lên cùng nhau rửa cái
nhục của nghèo nàn lạc hậu, tận dụng xu thế phát triển của thế giới để rửa nỗi
nhục này..
Tôi hy vọng, để suy nghĩ này dẫn dắt, mỗi chúng
ta sẽ tự nâng cao tâm hồn mình, trở thành một con người mới, đáng sống, và sẽ
biết yêu thiết tha cuộc sống. Để suy nghĩ này dẫn dắt, dân tộc Việt Nam ta mãi
mãi đoàn tụ thành một khối vững chắc, với nghị lực sáng tạo và ý chí sẽ san lấp
được khoảng cách phát triển ngăn cách nước ta với thế giới bên ngoài. Nhân đây
xin láy lại: Không thể có hai vấn đề khác nhau và sự
khác nhau nói chung như một số anh đã nghĩ và tôi đã trích dẫn ở
cuối chương I, nếu như mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ta muốn
cùng nhau xoá nỗi nhục nước nghèo. Tố chất tạo nên sự cùng nhau này
là của
nhau, và như thế cũng có nghĩa là đi tới của dân. Một dân
tộc đã phải cùng nhau chung lưng đấu cật đi qua bao nhiêu chặng đường đau khổ
suốt gần hai thế kỷ nay, chẳng lẽ dân tộc ấy không thể là của nhau, không thể xây
dựng nên giá trị của dân?
Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc quyết tâm
lấy lại 5 thế kỷ bị đánh mất và phấn đấu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường.
Làm gì, Trung Quốc cũng xuất phát từ quyết tâm chính trị này, làm gì cũng không
xa rời mục tiêu chiến lược này. Y’ chí chính trị này là điều rất đáng để chúng ta học tập, xây
dựng quyết tâm thoát khỏi cái nhục của nước nghèo.
Viết đến đây tôi nhớ lại những cảnh hiện đang
xẩy ra trong xã hội ta và trên thế giới theo hướng câu chuyện “Tướng về hưu”.
Một hai tháng nay thôi, tivi của ta vừa mới chiếu một phim Anh, nói về số phận
một người dân Eskimo ở Bắc Cực phần thuộc nước Anh. Người thanh niên Eskimo này
ý thức được thân phận của anh ta trong xã hội Anh, quyết tâm vượt mọi trở lực
và sự thất học của mình, phấn đấu trở thành một phi công giỏi của không quân
Anh, làm nên nhiều chiến tích xuất sắc đánh lại quân Đức trong chiến tranh thế
giới II, được tặng những huân chương cao quý của Hoàng gia Anh. Nhưng vì anh ta
không vượt qua được sự nghèo khó - và đây cũng là nguyên nhân anh ta không vượt
qua được sự phân biệt đối sử trong xã hội Anh, lại thất bại trong xung đột giữa
một bên là những giá trị đã tạo dựng nên nhân cách và phẩm chất của anh ta và
một bên là những điều trớ trêu trong xã hội của đồng tiền... Cuối cùng anh ta
trở thành một ông già ăn mày cô đơn và không chốn nương thân, lang thang trước
các tiệm ăn, kể lại các chiến tích của mình.., để mong được bố thí một ngụm rượu. Cuối cùng người phi
công già Eskimo lại phải trở về nơi anh ta đã ra đi, tự tìm đến cái chết trên
băng giá của Bắc Cực – vì đói rét, song đau đớn hơn nữa là vì không chịu được
nhục, đau đớn đến mức không dám nhận mặt người con gái duy nhất của anh ta đang
hết lòng tìm kiếm anh ta – chỉ vì yêu con, vì sợ thân phận hẩm hiu của mình có
thể ảnh hưởng đến tương lai của con gái mình... Ôi thân phận một con người! Thì
ra tại nơi nào trên thế gian này cũng vậy thôi. Nếu đấy là thân phận một quốc
gia!?.. Trong cái xã hội thế giới, quốc gia cũng chỉ là một con người và hoàn
toàn có thể phải chuốc lấy một thân phận như thế lắm chứ?
Bác Hồ nói dân
giàu nước mạnh thật là chí lý. Làm gì có một hệ thống bảo hiểm an toàn nào
100% tránh được cho tất cả các nước nghèo hèn khỏi bị chèn ép và rơi xuống bùn
đen? Không có đâu, sự tôn trọng và công bằng cho đất nước ta tự chúng ta phải
giành lấy, nhưng không phải bằng sự nghèo hèn đang có trong tay. Chúng ta tự
cho chúng ta là một dân tộc anh hùng, bây giờ dân tộc anh hùng này phải biết
rửa cái nhục là một nước nghèo. Xin nhấn mạnh: Trước hết mỗi chúng ta phải biết
tất cả cùng nhau làm việc phải làm này.
Toàn cầu hoá đối với nước ta là quyết liệt, sát
phạt và nghiêm túc đến mức như vậy.
Rất may, ở nước ta tiếng nói biểu thị quyết tâm
lựa chọn con đường khả năng
để chủ động hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá khá mạnh, ngay từ trong
những Nghị quyết quan trọng của Đảng... Mong rằng nó trở thành tư tưởng chủ đạo
dẫn dắt hành động của chúng ta. Song cũng xin cho phép tôi lưu ý đến đôi ba suy
nghĩ không thuận cho quyết tâm này, với mong mỏi tăng cường hơn nữa sự thống
nhất ý chí và hành động của tất cả chúng ta.
Loại
suy nghĩ thứ nhất: Thấy đâu đâu cũng nói về
hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa, thấy nhiều nước đạt được những tiến bộ rất
nhanh, nhiều công nghiệp và công nghệ có thể đổi mới với tốc độ chóng mặt,
trong khi đó những biến đổi ở nước mình thì quá chậm chạp, do đó nảy sinh ý
muốn hội nhập rất nhanh, mong muốn bước một bước lên tới trời. Đó là mong muốn
hội nhập gần như vô điều kiện vào quá trình toàn cầu hoá, coi đó là lối thoát
và cơ hội, phải chớp lấy ngay... Mong muốn này là thiện ý, song nông cạn và nôn
nóng. Tư duy này chỉ có thể đưa đất nước đến thất bại chắc chắn.
Loại
suy nghĩ thứ hai: Hoàn toàn đối lập với loại ý kiến trên, vì kém tự tin vào chính
dân tộc mình và đất nước mình, muốn đứng ngoài cuộc, vì sợ vào cuộc thì sẽ thua
cuộc, sẽ có nhiều xí nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng lên, dẫn tới mất ổn định;
nếu phải cho nhiều nguồn lực bên ngoài vào để giải toả tình hình thì lại sợ
rước thêm nguy cơ diễn biến hoà bình, sẽ “đổi màu”, không giữ được bản sắc của
mình, hội nhập sẽ trở thành hoà tan...
Sự lo lắng này là chính đáng. Song hiển nhiên khả năng “một mình một chợ” là
hoàn toàn loại trừ trong thế giới ngày nay.
Đơn giản là “một mình một chợ” thì mấy triệu tấn
gạo ăn không hết mỗi năm xuất đi đâu? Hàng tỷ USD hàng may mặc dày dép xuất đi
đâu, lấy ở đâu mọi thứ “đầu vào” để làm ra khối lượng hàng này? Lấy đâu ra công
ăn việc làm cho 6 – 7 tháng nông nhàn mỗi năm của hàng chục triệu nông dân? Lấy
thiết bị, công nghệ, vật tư, nguyên liệu, vốn từ đâu để tạo thêm được công ăn
việc làm cho mỗi năm có thêm 1,5 – 2 triệu lao động mới? Lấy gì để hoàn thành
tiến độ công nghiêp hoá, hiện đại hoá đã đề ra? Giả thử bằng phép tiên thực
hiện được công nghiệp hoá - dù là thật hiện đại đi nữa, mà sản phẩm không nơi
tiêu thụ có sống được không? – Ngay hiện tại hàng năm hàng tồn kho lên tới hàng
nghìn tỷ đồng... vân vân... Trong các chương sau tôi sẽ quay trở lại bàn kỹ hơn
những vấn đề này. Loại ý kiến thứ hai này được tặng cho cái tên “chưa đánh đã
chịu thua”[54],
tôi đồng tình. Xin ví von một chút: Ngày nay
trúc xinh trúc đứng một mình mất xinh... Còn nếu nghĩ rằng ...Đầu tư trực tiếp của nước ngoài bây giờ
không vào nữa à? Càng tốt, tự ta làm lấy mọi hàng, lo gì. Không có vốn thì đi
huy động trong dân, còn nhiều tỷ (USD) lắm, còn thiếu thì đi vay nước ngoài về
mà làm, công nghệ mới mua ở đâu mà chẳng được... Duy ý chí và duy tâm quả
thực là anh em ruột của nhau.
Loại
suy nghĩ thứ ba: Cực chẳng đã, đành phải
hội nhập thôi, tham gia từ từ vào quá trình toàn cầu hoá này, càng chầm chậm
bao nhiêu càng hay bấy nhiêu – vì cần có thời gian chuẩn bị, thời gian thích
nghi... Nghe rất cẩn trọng, rất có lý. Song lập luận này này ẩn giấu một tư duy
bạc nhược, không thấy rõ thời cơ và thách thức tự đến và tự đi theo quá trình
vận động của chúng. Thời cơ và thách thức không bao giờ cần hỏi ý kiến chúng ta
và cũng không bao giờ hẹn trước.
Trong những tình huống nhất định, đây còn là một
tư duy ích kỷ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Một số trong những người mang
tư duy này đã nói thẳng ra miệng: Muốn hội nhập phải đổi mới, mà như thế nhiều
rủi ro lắm, chờ mình hạ cánh an toàn thì để cho lớp sau họ làm... Tôi hoan
nghênh sự thật thà ấy, nhưng không thể chấp nhận tính khôn vặt này. Tiếc rằng
trong xã hội ta số người khôn vặt này hình như nhiều hơn mức cho phép.
Loại
ý kiến thứ tư: Kiên quyết tảy chay, cho toàn cầu hoá đang diễn ra là toàn cầu
hoá tư bản chủ nghĩa, ta không thể tham gia! Đấy không phải là đòi hỏi tất yếu
hay xu thế phát triển khách quan của nước ta!.. Phải đấu tranh cho toàn cầu hoá
xã hội chủ nghĩa, hay toàn cầu hoá của các nước nghèo; tiếp tục đấu tranh giai
cấp ai thắng ai? trong phạm vi quốc gia và quốc tế, ra sức tập
hợp lực lượng Nam-Nam để tạo lập ra một loại toàn cầu hoá phi tư bản chủ nghĩa,
công bằng hơn, nhân bản hơn... Suy nghĩ này cao quý lắm, nhưng hoàn toàn không
hiện thực. Don Quixote không thành công trong tiểu thuyết của Cervantes
(1547-1616), thì càng không thể thành công ở ngoài đời, nhất là trong thế kỷ 21
này.
Mon men theo loại tư duy này còn có những ý nghĩ
hay lời nói thiếu thận trọng, có thể làm
cho các nước đang phát triển là bạn bè của ta phật ý, những người hiểu biết
trên thế giới có thể khó đồng tình, còn chúng ta nghe cũng khó lọt tai. Cho
phép tôi trích ra đây một ví dụ tiêu biểu cho loại ý nghĩ này:
“Chưa bao giờ trên hành
tinh của chúng ta lại vang lên lời kêu gọi thống thiết rằng các người ơi, muốn
sống không, muốn giàu nứt đố đổ vách không, muốn có xe hơi nhà lầu, ăn cơm Tàu,
lấy vợ Nhật, ở nhà Tây, mat xa Thái Lan... không? Muốn hả? Vậy thì hãy mau mau
toàn cầu hoá.
Các nước thứ ba cuống cả
lên. Chết, không toàn cầu hoá là nguy to, là không tham gia luật chơi của các
“ông lớn” Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản thì lấy đâu ra đầu tư ‘đầu túi’, lấy đâu ra
cô ta (quota) ‘cô mình’ mà xuất khẩu tôm tép, gạo nước, xuất khẩu hạt điều với
hạt không biết điều đây? Thế là các nước thứ ba nháo nhác cả lên, hò nhau họp
tới họp lui bàn kế toàn cầu hoá nền kinh tế, bằng cách phải tập chơi trò chơi
khu vực hoá nền kinh tế...”[55]
Cũng có thể tác giả thực lòng suy nghĩ như vậy
và tác giả hoàn toàn có quyền nói lên ý nghĩ của mình. Nhưng qua đoạn trích như trên, tôi e rằng tác
giả dạy khôn các nước thứ ba, đó là điều theo tôi không nên làm và dứt khoát
không bao giờ nên làm, đấy là chưa nói đến có phải thực tế đang diễn ra như đoạn
trích nói trên không? Lời lẽ dạy khôn
như thế cũng không được văn hoa tao nhã lắm. Cũng xin cân nhắc: không biết là
ta dạy người hay người dạy ta? Khiêm nhường học hỏi lẫn nhau vốn là lẽ phải ở
đời. Mượn chữ của tác giả, tôi xin nói rằng: Chính nước ta cũng đang “tập chơi
trò khu vực hóa nền kinh tế”. Bạn đọc nên tìm đọc hết bài viết này. Đoạn kết
tác giả muốn thể hiện lập trường của mình đối vấn đề toàn cầu hoá, cũng xin để
tuỳ bạn đọc phân tích, vì tôi tôn trọng tự do ngôn luận. Tôi tin là tác giả
không giận lời phê bình của mình, vì biết đâu đấy, may ra lời phê bình này sẽ
làm cho bài viết của tác giả trở thành nổi tiếng – hiện tượng này đã xảy ra
trong đời sống văn học nước ta.
Tuy không nhiều, song những ý kiến xỉ vả toàn
cầu hoá như thế có thể gây thêm những khó khăn không đáng có lúc này, hoặc vô
tình hỗ trợ cho sự “khôn vặt” nói trên thì càng không hay. Nỗi lo chung, thực
sự rất đáng lo là: Làm sao biết mình, biết người, lựa chọn cho mình bước đi
thắng nhiều hơn bại và giành được thắng lợi cuối cùng trong tham gia vào toàn
cầu hoá...
Dù
nhấn mạnh đến thế nào đi nữa về xu thế tất yếu khách quan của toàn cầu hoá kinh
tế thế giới, xin đặc biệt lưu ý quá trình toàn cầu hoá này biến động không
ngừng, có nhiều kịch bản khác nhau, với những hệ quả khác nhau– cơ hội cũng
khó thấy hết được, mà thách thức và những bất trắc cũng khôn lường – bao trùm
lên mọi lĩnh vực của đời sống mỗi quốc gia. Kịch bản nào sẽ xảy ra, chẳng những
khó đoán trước được; mà ngay cả những yếu tố gì, tham gia đến đâu, vào kịch bản
nào cũng chỉ có thể dự đoán với tất cả sự may rủi[56].
Cứ nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 sẽ có thể ý
niệm được điều này, gần như hơn 3 thập kỷ xây dựng năng động để rồi đổ vỡ trong
vài ngày. Toàn cầu hoá bao gồm tất cả những điều như vậy... Dĩ bất biến để ứng
vạn biến ở đây đối với Việt Nam ta là phải
có một nhà nước có chất lượng và một dân tộc mạnh, luôn luôn sống với ý chí
biến nguy cơ thành thời cơ! Chưa bao giờ đòi hỏi này bức xúc đối với
vận mệnh đất nước ta như bây giờ. Đây
chính là nhiệm vụ trọng đại số một của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới
của đất nước, thách thức Đảng ta: Tồn
tại hay không tồn tại?!
Cuộc khủng hoảng
tháng 7-1997 là tồi tệ, tiêu biểu cho một kịch bản xấu xẩy ra trong một
cục diện và từng nấc thang của quá trình toàn cầu hoá tất yếu, nhưng chưa hẳn
sẽ là kịch bản xấu nhất trong tương lai.
Trong thế giới dứt dây động rừng này,
nếu chúng ta đặt những sự kiện đã và
có thể xảy ra, ví dụ như cuộc khủng hoảng tài chính, một sự kiện Đông
Timor, Aceh, Tây Tạng, Chécnia.., vấn đề Trung Đông, tranh chấp biên giới vùng
Kashmir giữa Â’n-độ và Pakistan, sự đổ vỡ của hội nghị Seattle, cuộc chạy đua
vũ trang lại tái diễn – bắt đầu từ Mỹ, những xung đột lợi ích mới.., tình trạng
nghèo đói và mất ổn định của nhiều nước châu Phi, sự bất lực ngày càng tăng của
Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, các tiến trình trong APEC, AFTA,
NAFTA đang chậm lại và lúng túng hơn trước.., tình trạng đình công bãi
công - nhất là tình trạng thất nghiệp -
đang tăng lên trong các nước công nghiệp phát triển, sự bế tắc hiện nay của tất
cả các nước công nghiệp phát triển trong việc thiết kế một hệ thống an toàn báo
động hoặc giảm tác động của những sự kiện “tháng 7-1997”, tình trạng nhiều sản
phẩm cung vượt cầu, tình trạng khủng bố, tội ác và ma tuý, tình trạng cháy rừng
ở Inđônêxia, tình trạng nền kinh tế ảo ngày càng bành trướng chưa có cách gì
kiểm soát khả dĩ tin cậy được trong quá trình toàn cầu hoá về tài chính – trước
hết thể hiện qua các dòng chảy vốn và tiền tệ[57]
– với tất cả những phép ảo thuật của nó,
nền kinh tế ảo này đang tiếp tục tích tụ những yếu tố tạo ra các kiểu nền kinh
tế bong bóng mới, thậm chí nền kinh tế
Mỹ đang lên hiện nay cũng có người xếp vào
loại một nền kinh tế bong bóng khổng lồ, ...và một khi một hay nhiều
bong bóng như thế nổ tung?.. Hiện nay lại đang có chuyện về nguy cơ xuất hiện
một nước A’o “nâu” trong Liên minh châu Âu (EU), đồng Euro từ khi ra đời sụt
giá liên tục...
Thưa các bạn, nếu chúng ta xếp tất cả những sự việc đã, đang và sẽ có
thể xảy ra như vừa kể trên trong một không gian và thời gian hẹp hơn,
và giả thiết rằng trong hoàn cảnh như
vậy, một ý đồ ngông cuồng hay một sai lầm của một chính phủ, một chính khách
hay một nhóm chính trị nào đó, gây ra một sự kiện – ví dụ một cuộc hay một loại
chiến tranh Kosovo mới với những “mô-típ”, cường độ, địa điểm, cự ly và các vai
tham gia khác nhau.., hay một vụ đầu cơ kiểu George Soros mới, hay nếu xảy ra
một sự thất bại trong cải tổ hệ thống tài chính tiền tệ của Nhật, hoặc giả
thiết vì lý do nào đó Trung Quốc lâm vào hoàn cảnh buộc phải phá giá đồng tiền
của mình... – Nếu một sự kiện như thế làm bén lửa một ngòi nổ nào đó trong cái
mớ bòng bong đầy dây dẫn nổ và thuốc nổ nói trên.., rồi cũng giả thiết rằng con
người bất lực trong một tình huống như thế.., thưa các bạn, có thể tượng tượng
điều gì sẽ diễn ra trên thế giới này!?
Sống trong một thế giới đày rãy những nhạy cảm
như vậy mà vô cảm thì không còn gì nguy hiểm bằng. Nhiều người thông thái nói
rằng “Điều đáng sợ nhất là tính không biết sợ!”. Ngạn ngữ của ta nói: Điếc
không sợ súng!” Từ hai thành ngữ này tôi muốn rút ra kết luận: Cố tình không sợ
gì cả thì còn đáng sợ hơn nhiều!
Xin nhắc lại, dĩ bất biến ứng vạn biến đối với
nước ta vẫn là : Một Nhà nước có chất lượng và một dân tộc mạnh, luôn luôn sống với ý
chí biến nguy cơ thành thời cơ!. Hàn Quốc trong cuộc khủng hoảng
vừa qua đã cho một ví dụ tốt về vấn đề này. Hàn Quốc dám thực hiện những phẫu
thuật đau đớn – trước hết cắt bỏ nhiều ung nhọt do các Chaebol[58]
gây ra, chấp nhận nhiều biện pháp khắc khổ của IMF nhưng vận dụng thông minh và
vẫn giữ được chủ quyền chứ không nhất cử nhất động răm rắp nghe theo IMF, các
tầng lớp nhân dân khác nhau – từ giới thợ đến giới chủ, dù có nhiều mâu thuẫn
gay gắt với nhau – nhưng đều cùng nhau hậu thuẫn mạnh mẽ cho những biện pháp
kiên quyết và đau đớn của Tổng thống để cứu nền kinh tế cả nước, Tổng thống Kim
Đại Trọng còn có một số quyết định ân xá quan trọng để giảm bớt đổ vỡ và tập
trung thêm sức lực cứu nguy đất nước. Dù rằng vạn sự nan giải còn ở phía trước,
song nền kinh tế Hàn Quốc đã ngoi lên khỏi đáy cuộc khủng hoảng và trên đường
phục hồi – tất cả chỉ mới trong vòng 2 năm, vượt xa nhiều dự kiến... Chủ nghĩa
yêu nước, tinh thần dân tộc và một Nhà nước mạnh trong hội nhập cần thiết đến
như vậy.
Song mảng sáng trong đời sống thế giới ngày nay
cũng đủ sáng cho việc đi tìm những cố gắng nhằm ngự trị được tình hình, tìm ra
những giải pháp. Không phải chỉ có những tiếng nói, mà đã có nhiều cố gắng thực
sự, nhiều hành động ở tất cả các quốc gia – dù là ở các nước công nghiệp hay
các nước đang phát triển - và ở trong nhiều tổ chức khu vực và quốc tế cũng như
ở trong các thể chế quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều thập kỷ nay
tại hầu hết các nước trên thế giới đang diễn ra những cuộc cải cách hành chính
sâu rộng, đổi mới triệt để hệ thống giáo dục để nâng cao năng lực con người của
nước mình, đổi mới nhiều thể chế của quốc gia mình nhằm nâng cao năng lực toàn
xã hội. Cả thế giới đang chạy đua quyết liệt trong cải cách...
Đấy là những việc làm rất tự giác, nhằm tích tụ
và tạo ra cho quốc gia mình những khả năng mới để thích ứng với những đòi hỏi
và thách thức của sự sống trong một thế giới đầy biến động. Chưa bao giờ trên
thế giới có những tiếng nói, những cố gắng, những hành động, những áp lực và
những khả năng đổi mới các thể chế chung hiện có trên thế giới và khu vực – kể
từ Liên Hiệp Quốc, IMF, WB... mạnh mẽ như ngày nay.
Cũng xin đừng quên rằng, trong những cố gắng
chung này của nhân loại tiến bộ, những lý tưởng cao đẹp xã hội chủ nghĩa vẫn là
những nguyện vọng thiết tha giữ nguyên được sức sống của nó – mặc dù con đường
thực hiện nó còn đang phải tiếp tục khai phá. Trong nhiều cuộc tranh luận lớn
trên thế giới, gần đây nhất là nhân dịp kỷ niệm 150 năm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tổ chức tại
Pháp, rất nhiều ý kiến khẳng định: Những lý tưởng đẹp đẽ của Marx vẫn là
bó đuốc sáng phía trước...
Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, cùng
với tri thức và ý thức tự giác của con người trên hành tinh này ngày càng được
nâng cao đang là những tác nhân quan trọng làm cho những kịch bản toàn cầu hoá
có nhiều hơn, sáng sủa hơn, hứa hẹn hơn – nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào tất cả
các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Nước ta luôn luôn đứng trong hàng ngũ này,
bây giờ càng phải ra sức góp phần của mình trong hàng ngũ này.
Cá nhân tôi vừa mơ ước, vừa tự hỏi mình: Điều gì sẽ xảy ra, nếu những người cộng
sản Việt Nam và những công dân Việt Nam xây dựng được một nước Việt Nam dân
giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh... Đảng ta và dân tộc ta
đang có cơ hội để làm việc này!.. Nhưng muốn thế phải đi trong thế giới này,
phải đi với cả thế giới để làm việc này, phải tìm mọi cách để cả thế giới đồng
tình, hoặc nếu không đồng tình thì chịu để yên ta làm việc này, hoặc bớt quấy
phá công việc của chúng ta chừng nào hay chừng nấy, có khả năng ngăn chặn được
từ xa mọi quấy phá thì càng tốt... Nghĩa là theo tinh thần Đại hội VII, chúng
ta phải đi xa hơn cả khẩu hiệu “thêm bạn bớt thù”, cố làm cho Việt Nam là bạn,
là cầu nối... của hoà bình, hữu nghị và hợp tác của cả thế giới, để ta có điều
kiện bên trong bên ngoài thực hiện tốt công việc của ta: xây dựng thành công
dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh cho nước ta.
Khái quát lại: Để giành thắng lợi
trong toàn cầu hoá, nước ta phải ưu tiên phát triển con người. Nhìn nhận vấn đề
như vậy, toàn cầu hoá đối với nước ta còn là đòi hỏi, là cơ hội để thực hiện
định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp phát triển nước ta nếu không thực hiện
được mục tiêu trung tâm là phát triển con người, thì vừa không có định hướng xã
hội chủ nghĩa và đồng thời cũng phải cam chịu toàn cầu hoá đè bẹp. Tất cả tuỳ
thuộc vào sự lựa chọn chiến lược và nghị lực phấn đấu của dân tộc Việt Nam ta.
Sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam là lãnh đạo dân tộc thực hiện thắng
lợi sự lựa chọn chiến lược này.
3. Từ GATT đến WTO
Trong khi nước ta mở cửa phát triển kinh tế đối
ngoại, thì GATT (Hiệp định tổng quát về Thuế quan và Thương mại – General
Agreement on Tariffs and Trade) trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới (World
Trade Organisation). Như vậy có thể nói: Chúng ta chưa kịp tham gia GATT thì nó đã trở thành WTO. Nêu
lên thực tế này để lưu ý một điều quan trọng: tham gia vào quá trình toàn cầu
hoá kinh tế hiện nay trên thế giới, nền kinh tế nước ta luôn luôn phải đuổi
theo, và cho đến nay là thường đuổi không kịp mọi bước phát triển đang diễn ra
trong kinh tế thế giới. Nhận xét như vậy không phải để bi quan, mà trước hết để
hiểu thêm mình và hiểu thêm người, hiểu thêm xu thế đang diễn ra trên thế giới,
quan trọng hơn nữa là để thêm quyết tâm tăng tốc trong cuộc chạy đua, để ngày
một rút ngắn cự ly giữa ta với các đối thủ ở phía trước.
Nói một cách khái quát, GATT chuyển thành WTO là
sự chuyển dịch từ tự do hoá thương mại trên cơ sở hạ thấp hàng rào quan thuế và
vận dụng không phân biệt đối xử trên cơ sở có đi lại là chủ yếu, sang tự do hoá
thương mại toàn diện theo lịch trình với thuế suất vào thời hạn cuối cùng sẽ
bằng 0%, tự do hoá bao gồm cả các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ... và xoá bỏ mọi
biện pháp rào cản phi quan thuế.
Vì sao GATT chuyển thành WTO và sự chuyển đổi
này nói lên những điều gì đối với nước ta là người đi sau?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết xin tóm tắt
lịch sử GATT.
GATT được ký ngày 30-7-1947 tại Giơnevơ, có 23
nước tham gia, tất cả là các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật và một vài nước châu Mỹ Latinh..;
Mỹ là tác giả chính nhưng không phải là
tác giả duy nhất. GATT lúc này là một hiệp định, chưa phải là một tổ chức, bởi
vì Hạ viện Mỹ lúc ấy cho rằng trong thời bình có đã ITO (Tổ chức thương mại quốc tế của Liên Hiệp
quốc – UN) là đủ. Nhưng trên thực tế từ khi thành lập đến khi tự nó mất đi, ITO
chưa bao giờ hoạt động.
GATT xuất phát từ nhận thức trong các nước
phương Tây chủ chốt là: tranh giành thị trường và chủ nghĩa bảo hộ là một trong
những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng kinh tế và chiến tranh,
nhất là những cuộc khủng hoảng và tranh giành thị trường kéo dài từ 1871 dẫn
đến chiến tranh thế giới I và cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 dẫn đến chiến
tranh thế giới II. Chính vì lý do này, ý tưởng tự do hoá thương mại – lúc đó
được hiểu ngầm là tự do hoá thương mại giữa các nước tư bản là chủ yếu - đã
được xới lên khi thành lập hệ thống Bretton Woods (hình thành tại Hội nghị về
tài chính của Hội Quốc Liên từ 1 đến 22-7-1944, Mỹ) khi chiến tranh thế giới
gần kết thúc. Quỹ tiền tệ Quốc tế – IMF - được thành lập trong hội nghị này,
(lúc đó Liên Xô là một thành viên sáng lập).
Thực ra tư tưởng tự do hoá thương mại và tìm
cách thiết lập các thể chế thực hiện nó ra đời rất sớm. Trong thế kỷ 15, 16 đã
có các liên đoàn buôn bán, được gọi là các Hansa (chủ yếu xuất phát từ Đức) đi
theo hướng này. Tư tưởng chính là: “Hàng năm làm sao bán ra bên ngoài nhiều hơn
là tiêu dùng của họ tính theo giá trị”. Không phải ngẫu nhiên từ thế kỷ thứ 18
những người sáng lập khoa kinh tế học như David Hume (1711-1776, Anh), Adam
Smith (1723-1790, Anh), David Ricardo (1772-1823, Anh), John Stuart Mill
(1806-1873, Anh)... đã sớm thấy được những ích lợi của tự do hoá thương mại.
Trong tác phẩm đầu tiên của mình “Thử điều tra bản chất và nguyên nhân của sự
thịnh vượng”, Adam Smith viết: “Điều gì là thông minh trong cách ứng xử của
cuộc sống gia đình rất riêng tư, thì hiếm khi trở thành điên rồ đối với cả
vương quốc (Anh). Nếu một quốc gia nào
đấy có thể bán cho chúng ta những hàng hoá rẻ hơn chúng ta tự làm ra, thì nên
dùng một phần các sản phẩm nền công nghiệp chúng ta làm ra mua những hàng hoá
ấy...” Hume và Smith đều cho rằng nếu đơn thuần tích tụ nhiều tiền, thậm chí cả
sức mạnh nữa (như tàu chiến chẳng hạn...), thì không hẳn đã đem lại cuộc sống
tốt đẹp hơn cho các công dân; thậm chí
chỉ tích tụ tài sản bằng tiền còn có thể gây ra lạm phát, huỷ hoại lợi
thế cạnh tranh của nước mình trên thế giới...[59]
Còn John
H. Jackson, giáo sư trường Đại học luật Michigan (Mỹ)[60],
thì bình luận: Các nhà kinh tế học cổ điển thế kỷ thứ 18 đã chú ý đến sự giàu
có của các công dân nước mình hơn là thể diện quốc gia và sớm nhận thức được
lợi thế của ngoại thương...
Trong “Sử
Ký” của Tư Mã Thiên, quan Thái sử thời Hán Vũ Đế (-145 đến -86? trước Công nguyên), bộ sử lớn nhất của Trung
Quốc đồng thời cũng là một trong những bộ sử lớn nhất của thế giới, có phần
viết về các thiết chế chính trị, xã hội và kinh tế Trung Quốc vào thời Hán Vũ
Đế. Phần này có 8 “thư”; trong đó “Bình chuẩn thư” cung cấp cho chúng
ta những thông tin chuẩn xác và quan trọng. Những thông tin này giúp chúng ta
hiểu được thị trường, hàng hoá, mối quan hệ cung cầu, tiền – tệ và mối quan
hệ hàng-tiền, vấn đề lạm phát, chế độ bản vị (parity) trong đồng tiền, vai
trò can thiệp của nhà nước, tư tưởng trọng nông khinh thương và mối quan hệ
giữa kinh tế và xã hội ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và
trước đó. Xin lẩy ra đây một số ý trong “Bình chuẩn thư” để bạn đọc tham khảo:
-
Kinh Thư thời Nghiêu Thuấn – nghĩa là từ xa xưa lắm, và Kinh Thi
thời Ân, thời Chu – nghĩa là vài thế kỷ trước Hán Vũ Đế, đã nói đến các loại
tiền: bằng kim loại, bằng da, vải, dao, mai rùa, vỏ sò...
- Nhà Tần thống nhất
Trung Quốc, tiền bằng vàng, bằng bạc và bằng đồng bắt đầu thịnh hành. Đơn vị
đồng tiền cao nhất là “dật” bằng 20 lạng, các đồng tiền vàng khác giá trị nhỏ
dần theo khối lượng vàng giảm. Tiền bạc kém giá trị hơn tiền vàng, tiền đồng
kém giá trị hơn tiền bạc...
- Thời Hán Vũ Đế tiền
kim loại càng phát triển. Sự chi tiêu quá đỗi của nhà vua và cửu khanh khiến
tiền trở nên khan hiếm. Vua phải lấy da con nai trắng của mình cắt làm thành
những mảnh vuông gọi là “tệ” dùng thay
cho tiền, rồi định giá mỗi mảnh như vậy giá trị bằng 40 vạn đồng tiền vàng.
Để cho các mảnh da đó thực sự có giá trị, vua bắt các vương hầu khi đến chầu
phải đặt ngọc bích lên trên những mảnh da ấy rồi mới được vào chầu.
-
Các quan địa phương đến các núi đồng khai thác để đúc tiền, dân
cũng đúc tiền trộm, khiến có thời tiền nhiều rộ lên đếm không xuể. Tiền càng
nhiều càng mất giá, hàng hoá càng ít và càng quý (lên giá).
-
Tiền càng nhẹ và mỏng thì vật giá càng quý.
-
Tiền kim khí trắng (bạc và thiếc) dần dần mất giá, dân không cho
là quý và không dùng. Quan địa phương ra lệnh phạt nhưng không ăn thua.
-
Được hơn một năm thì tiền kim khí trắng bị bỏ không dùng nữa.
Năm ấy (115 trước Công nguyên) Trương Thang chết... Nhà vua nghe lời đô uý
Tang Hoằng Dương, sai đặt các “quan thâu” ở bộ phận đại nông nắm tất cả vật
sản trong thiên hạ, ngày mùa thì mua vào, khi giáp hạt thì bán ra, do đó bọn
phú thương và chủ hiệu buôn lớn không thể lấy được nhiều lời mà buộc phải
quay về nghề nông, nhờ vậy điều hoà được giá cả trong thiên hạ, vật giá không
nhẩy vọt, công việc đó gọi là bình
chuẩn.
-
Từ thời Ân, thời Chu, khi đất nước yên ổn, đã có các chủ trương
đưa người vào học trong các trường, các tự, chú trọng đến gốc là nghề nông,
dùng lễ nghĩa và bỏ ngọn là nghề thương để đề phòng cái việc hám lợi..
.
-
...Khi kim thượng (chỉ Hán Vũ Đề) lên ngôi, mấy năm đầu nhân dân
no đủ, kho lúa ở kinh đô và ở các nơi đều đầy, các kho đụn thừa của cải..,
dân chúng có ngựa hàng đàn trên đường ngõ, kẻ cưỡi ngựa cái không được đến
chỗ đông người, kẻ coi cổng làng cổng xóm bữa ăn thường có gà có thịt, kẻ làm
quan lại làm đến lúc con cháu lớn lên, kẻ làm quan lấy chức làm họ. Cho nên
ai nấy đều tự yêu mình, sợ phạm pháp luật, ham làm việc nhân nghiã, lo tránh
sỉ nhục...
Phải chăng những thông tin không một lời bình nói trên của Tư Mã
Thiên cho chúng ta thấy: ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào có nền kinh tế hàng
hoá thì mọi quy luật của thị trường và kinh tế thị trường đều vận động. Cũng
có thể đi xa hơn nữa: Kinh tế hàng hoá và kinh tế thị trường là một, tuỳ
những giai đoạn phát triển của lịch sử mà có những nấc độ phát triển và sự
vận động khác nhau.
Sưu tầm: Nguyễn
Trung
tham khảo:
Sử Ký, Tư Mã Thiên
NXB Văn Học,
Hà Nội, 1988
|
|
Nguồn gốc hay tổ tiên tinh thần của GATT là như vậy, là sản phẩm
ý thức tự giác chắt lọc và tích tụ dần những kinh nghiệm từ sự vận động của
nền kinh tế hàng hoá. GATT không phải là sản phẩm của một bộ óc thông minh cá
thể hay là sản phẩm của một ý thức hệ nào (hiểu theo nghĩa là sản phẩm riêng
của một giai cấp). Nhưng hiển nhiên giai cấp tư sản các nước phương Tây lúc
đó đã nắm lấy và làm chủ được sự vận động này. Nội dung chính của GATT bao
gồm các điểm
1.
Không phân biệt đối sử trong thương mại trên cơ sở tối huệ quốc.
2.
Thực hiện nguyên tắc “đối sử quốc gia” (national treatment) – ví
dụ: không đánh thuế hàng nhập cao hơn sản phẩm cùng loại trong nước, không
thu các loại phí hoặc giá dịch vụ cao hơn mức áp dụng cho trong nước...
4.
Liên minh quan thuế là phương tiện chính để thực hiện tự do hoá
thương mại, với điều kiện không phân biệt đối xử với nước thứ ba.
5.
Thành viên GATT được quyền đặt mức thuế nhập ngang bằng thuế
đánh vào sản phẩm cùng loại trong nước tự sản xuất.
6.
Được phép thực hiện các biện pháp chống hàng nước ngoài bán phá
giá (antidumping), được phép tăng thuế, hoặc thu các loại phí, hoặc áp dụng
những loại dịch vụ đánh vào hàng nhập làm nản lòng sự trợ giá của nước xuất
khẩu.
Đương nhiên GATT còn nhiều điều khoản cho
nhiều vấn đề dặc biệt khác như cán cân thanh toán cân bằng, thặng dư hoặc
thâm hụt quá lớn, các trường hợp bất khả kháng, những tình thế đặc biệt
vân...vân...
Chiến thắng của Hồng Quân Liên Xô góp phần
quan trọng vào việc hình thành các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Đứng
trước nguy cơ phong trào cộng sản và công nhân chiếm ưu thế tại các nước Đông
Âu có thể lan sang Tây Âu, Mỹ đưa ra Kế hoạch Phục hồi châu Âu (1948-1951) – kế hoạch Marshall
– viện trợ 13 tỷ USD theo thời giá lúc đó cho 17 nước Tây và Nam Âu tham gia
kế hoạch này; tất cả đều là những nước ký
kết GATT. Tháng 1-1949 Hội đồng Tương trợ kinh tế được thành lập
(Council for Mutual eonomic Aids – SEV, 1949-1990); giữa GATT và SEV đã bắt
đầu xuất hiện chiến tranh lạnh; hai khối này chẳng những không có quan hệ
kinh tế với nhau, mà còn thù địch nhau. Có thể nói kế hoạch Marshall đã đạt
được mục đích của nó.
Vòng đàm phán ký kết GATT tại Giơnevơ 1947 được gọi là vòng 1.
Có thể nói 4 vòng tiếp theo của GATT chỉ đàm phán xoay quanh các vấn đề về
biểu thuế. Đó là các vòng Annecy 1949 (Pháp) có 33 nước tham gia, vòng
Torquay 1950 (Anh) có 34 nước tham gia, vòng Geneva 1956 (Thuỵ-sĩ) chỉ còn 22
nước tham gia, và vòng Dillon 1960-1961 (Mỹ) có 45 nước tham gia.
|
Vòng thứ 6 gọi là vòng Kennedy, kéo dài từ 1962
đến 1967, họp tại các địa điểm khác nhau, có 48 nước tham gia. Đây là vòng đàm
phán bàn sâu về nhiều vấn đề phi quan thuế. Kết quả nghèo nàn, không đạt thêm
được điều gì mới đáng kể ngoài việc thông qua điều lệ chống phá giá (Antidumping
code – AD), nhưng gần như không thực hiện được, trước hết vì Mỹ (vấp phải kỹ
thuật bán hàng của Mỹ – American selling price – ASP technics), làm nản lòng
nhiều nước . Tuy nhiên vòng này đã sửa lại một số điều khoản chính, ký được một
số hiệp định phụ làm rõ thêm những điều đã ký kết, đặc biệt là đã thêm được
Phần IV giành riêng cho các nước đang phát triển. Nhờ những kết quả ấy, sau 15
năm hiệp định GATT được ký kết, đến vòng này GATT mới thực sự trở thành một tổ
chức với đúng nghĩa của nó (trước đấy
chỉ là hiệp định và các bên ký kết hiệp định). Không thể nào cắt nghĩa khác: Sự
có mặt của phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc,
phong trào Không liên kết đang lên mạnh vào thời kỳ này đã tác động vào GATT.
Vòng 7 gọi là Vòng Tokyo, 1973-1979, còn gọi là vòng đàm phán thương mại đa biên (Multilateral
Trade Negotiations – MTN), mở rộng đáng
kể thẩm quyền của tổ chức GATT, do sửa lại
nhiều điều khoản chính trong Hiệp định, làm rõ thêm phần đối xử đối với
các nước đang phát triển (các loại biện pháp đặc cách, thuận lợi, có đi có
lại...), đồng thời hình thành những công cụ mới, gọi là các “điều lệ”
riêng biệt, vừa có tính kỹ thuật, vừa
mang tính chất như một hiệp định riêng - đặc biệt là những “điều lệ” chống các
loại biện pháp bảo hộ phi quan thuế (Non-tariff measures – NTM). Hiệp định
chính được sửa đổi lại, cùng với những “điều lệ” mới này mang tính chất luật
pháp quốc tế và trở thành các yếu tố lập ra WTO ngày nay.
Vòng 8, Vòng
Uruguay, 1986-1994, có 120 nước tham gia, với Tuyên bố ngày 15-4-1994 tại
Marrakesh, Morocco, dẫn tới việc thành lập WTO, hệ thống thương mại đa biên hình thành. Đây là vòng gian khổ
nhất, dài nhất, quyết định nhất trong toàn bộ lịch sử GATT; đồng thời cũng phản
ánh rõ nét nhất tương quan lực lượng so sánh trong GATT – bây giờ là WTO – tiếp
tục thay đổi tương ứng với những biến đổi trên thế giới. Đến Hội nghị Seattle
(tháng 12-1999, Mỹ), WTO có 135 thành viên. Trung Quóc chắc sẽ là thành viên số
136[61].
Từ GATT 1947 đến
WTO (về nội dung còn gọi là GATT 1994) là chặng đường một nửa thế kỷ, đi từ tự
do hoá thương mại chủ yếu trên cơ sở hạ thấp các biểu thuế và thực hiện đối xử quốc gia (NT), đến tự do hoá
thương mại hoàn toàn, bao gồm xoá bỏ mọi biện pháp bảo hộ phi quan thuế, mở
rộng sang cả các lĩnh vực dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và đầu tư.
Con đường nửa thế
kỷ này vẽ bằng các con số đại thể như sau:
-
Hiệp định GATT 1947 có 23 thành viên, kim ngạch đạt 10 tỷ USD.
-
GATT khi trở thành tổ chức (vòng Kennedy 1962-1967) có 48 thành
viên, kim ngach đạt 40 tỷ USD.
-
GATT đến vòng Uruguay 1986-1994, có 120 thành viên, kim ngạch đạt
3700 tỷ USD.
-
WTO tại Seattle có 135 thành viên, kim ngạch đạt trên 6000 tỷ USD,
chiếm khoảng trên 3/4 kim ngạch toàn thế giới[62]
-
Với Trung quốc là thành viên thứ 139 (?), WTO chiếm khoảng trên
90% GDP thế giới.
Cơ sở của WTO là 57
văn kiện chính thức được công bố (các tuyên bố, hiệp định, thoả thuận, điều lệ,
quy định...) dày khoảng 650 trang. Ngoài ra còn 4 Hiệp định nhiều bên, hàng
chục biểu nhân nhượng thuế và những cam kết về dịch vụ thoả thuận riêng cho các
nước đang phát triển hoặc giữa những nhóm nước với nhau, tuy là những văn kiện
này là phần chính thức không thể tách rời của thể chế WTO, nhưng được công bố
riêng, không kể trong số 57 văn kiện nói trên. Ngoài ra còn phải tính đến hàng
trăm văn bản kỹ thuật khác...
Rõ ràng chúng ta cần tìm hiểu, cần phải biết rất
kỹ cái “rừng” rất phức tạp này, để không bị lạc, không va vấp... và để thực
hiện được lợi ích của mình. Đòi hỏi này không phải chỉ đặt ra với Chính phủ,
với các Bộ, cơ quan... Mà từng doanh nghiệp và từng doanh nhân cũng phải làm
việc này - đương nhiên các bộ máy của Nhà nước, các viện, trường học... phải
giúp các doanh nghiệp và doanh nhân làm tốt việc này, ít nhất là phạm vi hoạt
động kinh doanh đến đâu thì phải tìm hiểu cái “rừng” này đến đấy; các cơ quan
quản lý Nhà nước, hoạch định chính sách và các tổng công ty lớn thì phải nắm
toàn diện.
Để chứng minh sự
cần thiết vừa nêu trên, xin giới thiệu rất khái quát những nội dung mới vòng
Uruguay đã đạt được, nghĩa là nội dung của WTO ngày nay.
Vòng Uruguay đạt
được kết quả thuế suất trung bình đánh vào hàng nhập khẩu là 3,9% và các thoả
thuận đa biên về lịch trình hạ dần xuống còn 0% theo từng nhóm, ví dụ như EU,
NAFTA, APEC, AFTA, MERCOSUR[63]..,
các nước đang phát triển tuỳ theo kết quả đàm phán trong các nhóm đạt được các
nhân nhượng riêng về biểu thuế và lịch trình thực hiện những cam kết khác...
Ngoài việc rỡ bỏ mọi hàng rào và biện pháp bảo hộ phi quan thuế, thực hiện mạnh
mẽ quy chế đối xử quốc gia (NT), nội dung chủ yếu của những lĩnh vực mới như
sau:
-
Tự do hoá thương mại
trong lĩnh vực dịch vụ. Quá trình đàm phán đi tới những thoả thuận cuối cùng tại vòng
Uruguay về lĩnh vực này kéo dài hơn 10 năm, song vẫn còn nhiều vấn đề trong
tương lai còn phải đàm phán hàng chục năm nữa để có thể thoả thuận tiếp. Trước
hết vì những thoả thuận bao gồm trên 150 loại dịch vụ khác nhau (sắp tới có thể
sẽ là 200), hơn nữa dịch vụ thường chiếm quá nửa GDP các nước công nghiệp phát
triển, đụng chạm đến toàn bộ hệ thống luật pháp quốc gia, nhất là phần thực
hiện nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) và tối huệ quốc (MFN). Khả năng và những
phương tiện thực hiện cạnh tranh trong lĩnh vực này rất phong phú và cực kỳ
nhạy cảm – trước hết là trong các ngành tài chính, ngân hàng, bảo
hiểm, dịch vụ tư vấn, dịch vụ viễn thông... Vòng Uruguay đã ra được
một hiệp định riêng – “Hiệp định
Tổng quát về thương mại trong lĩnh vực
dịch vụ” (GATS) là khung khổ pháp lý đầu tiên, đồng thời cố gắng xây dựng một số
quy định cho phép vận dụng “lợi thế so sánh”.
Nhân nhượng về lịch trình thực hiện những cam kết trong GATS cũng là vấn
đề đàm phán cam go nhất của các nước đang phát triển. Một trong những vấn đề
các thành viên của WTO chắc chắn sắp tới còn phải mất nhiều năm đàm phán là làm
sao xây dựng được một cơ chế “giữ trật tự” hay thực hiện sự “cộng tác chung” để
ngăn chặn những diễn biến thái quá trong thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Đây
cũng là lĩnh vực cạnh tranh khó nhất đối với các nước đang phát triển, nhưng họ
chấp nhận với ý đồ tìm cách phát triển nhanh lĩnh vực này...
-
“Hiệp định về những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở
hữu trí tuệ” (TRIPS) được coi là thành công lớn nhất của vòng Uruguay,
là sự thoả hiệp giữa một bên sở hữu nhiều know how và công nghệ cao – phần lớn
là các nước công ngnhiệp phát triển, và một bên có ít hay không có những thứ
này – trước hết là các nước đang phát triển. Mối lo chính của các nước đang
phát triển là sẽ phải chi trả rất nhiều tiền cho việc mua hoặc sử dụng bản
quyền, còn các nước công nghiệp phát
triển thì vừa sợ mất bản quyền vừa sợ hàng “nhái”. Kết quả đạt được là sự thoả
hiệp, các nước đang phát triển nhằm vào mục tiêu tạo thuận lợi tranh thủ chuyển
giao công nghệ, các nước phát triển nhằm vào lợi ích tăng thêm trật tự trên thị
trường công nghệ và bản quyền. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra ở
các nước đã ký kết, cuộc sống diễn ra không đơn giản như vậy. Ký là một việc,
đấu tranh với nhau thực hiện lại là việc
khác.
-
Mở rộng GATT sang lĩnh
vực nông nghiệp: Hiệp định về Nông nghiệp. Thực chất đây là cuộc
tranh chấp gay gắt giữa một bên là Mỹ, Canađa và Uc, một bên là các nước trong
Liên minh châu Âu (EU). Đó là những cường quốc xuất khẩu nông phẩm. Nhật tham
gia vào cuộc đấu chủ yếu với tư cách là nước nhập khẩu và là nước bảo hộ quyết
liệt nhất cho nông nghiệp nước họ. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ
trong GDP của những quốc gia nay, song đây lại là vấn đề rất nhạy cảm trong đấu
tranh chính trị đối nội của mỗi quốc gia, đồng thời giữ vai trò đáng kể trong ngoại
thương - với nghĩa ai cũng phải ăn, phải uống, nước nào cũng phải bảo vệ vùng
sinh thái nông nghiệp của mình... Tất cả những nước này đều có các hình thức
trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc rất tinh vi trợ giá rất mạnh cho nông nghiệp,
gần đây còn có những vấn đề công nghệ gây tranh cãi gay gắt, nhất là thức ăn
gia súc có các loại hoóc-môn và công nghệ gien trong xuất khẩu thịt của Mỹ. Các
nước phải đặt ra “green box” (hộp xanh) – nghĩa là cất những vấn đề không thể
thoả hiệp được vào một chỗ, không đụng chạm tới – ví dụ với lý do bảo vệ “môi
trường”, bảo vệ phong tục tập quán, vùng du lịch, nguồn nước, thuỷ lợi, vân
vân... Các vấn đề thoả thuận được – chủ yếu là chung quanh việc trợ cấp trực
tiếp cho xuất khẩu nông phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm... – thì được đưa
vào “hộp đỏ” (Red Box). Thực ra các nước phát triển đã rút gần hết mọi thứ ở
“hộp đỏ” nhét vào “hộp xanh”, bằng chứng là 7 nước OECD năm 1985 trợ cấp cho nông nghiệp 125 tỷ USD,
năm 1994 khoản trợ cấp này là 362 tỷ USD; hiện nay khoản chi lớn nhất trong
ngân sách EU là trợ cấp cho nông nghiệp (có tin nói khoảng gần 1/2 ngân sách
EU). Hầu hết các khoản chi này đều thực hiện dưới hình thức phù phép đút vào
“hộp xanh”. Đương nhiên Hiệp định về nông
nghiệp cũng chấp nhận những ưu đãi lớn hơn đối với các nước đang phát triển
(tạm gọi là “hộp vàng”). Chỉ có điều là cả “hộp xanh”, “hộp vàng” lẫn “hộp đỏ”
của các nước đang phát triển đều bé tý teo hoặc là hộp rỗng! Đây vẫn là vấn đề
khó của các nước đang phát triển tham gia xuất khẩu nông phẩm, thực phẩm, trong
đó có nước ta[64].
-
Hiệp định về những biện
pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) . Dù rằng tên của Hiệp
định rất rõ ràng, chủ yếu xử lý vấn đề đầu tư liên quan đến xuất khẩu, song nội
dung của nó bao hàm một diện rộng, liên quan mất thiết đến nguyên tắc đối xử
quốc gia, vấn đề nhập khẩu vật tư, thiết bị, kỹ thuật – so với tỷ trọng những
sản phẩm này sản xuất trong nước - liên
quan đến đầu tư, vấn đề minh bạch, phòng ngừa những biện pháp bảo hộ (những hàng
rào) bằng kỹ thuật hoặc khối lượng, ngăn ngừa việc nhập khẩu các sản phẩm dưới
danh nghĩa là sản phẩm của công trình đầu tư, những giới hạn liên quan đến
ngoại tệ, những yêu cầu đối với xuất khẩu các sản phẩm của các công trình đầu
tư - ví dụ tỷ lệ giá trị nhất định của các yếu tố nội địa trong một sản phẩm
cần phải có, để xuất xứ của sản phẩm được thừa nhận và để được hưởng những điều
kiện ưu đãi trong xuất khẩu những hàng hoá đúng xuất xứ được thừa nhận...
Tóm lại, với việc hình thành WTO, một thể chế
thương mại toàn cầu và đa biên đã được thiết lập, một bộ phận khá lớn những
hiệp định, quyết định, điều lệ, nguyên tắc... mang tính chất luật pháp quốc tế,
hoặc trên thực tế (de facto) mang tính chất luật pháp quốc tế; hiện nay khoảng
trên 3/4 kim ngạch xuất và nhập khẩu toàn thế giới tiến hành trong khuôn khổ
các thể chế của WTO. Đối với các nước đang phát triển muốn vươn lên, ngăn kéo
của mọi hiệp định đều chứa những quả “đắng”, nhưng WTO lại là cửa ngõ phải đi
qua để vào các thị trường lớn cần thiết cho công nghiệp hoá - trước hết là cho
xuất khẩu của họ. Kết thúc việc đàm phán gia nhập WTO[65],
Đài Loan kết luận: Họ được lợi thêm 10 nhưng phải chịu mất 3, nghĩa là lấy cái
lợi bù cái thiệt số dư là 7. Nhưng đấy phải là nền kinh tế Đài Loan.
WTO sẽ còn tiếp tục phát triển thông qua đấu
tranh và hợp tác, như đã đấu tranh và hợp tác để đi tới thành lập WTO như chúng
ta đã thấy ngày nay.
Những gì đã thoả thuận được để đi tới thiết lập
WTO còn là kết quả hay chịu sự tác động của các tập hợp và tổ chức khu vực. Ví
dụ một mình Xinhgapo hay Thái Lan tranh cãi trong vòng Uruguay thì chẳng nghĩa
lý gì, nhưng nhóm AFTA phát biểu ý kiến thì tiếng nói lại có trọng lượng khác. Vì vậy quá trình tập hợp lực
lượng trên diễn đàn khu vực hay quốc tế vô cùng phức tạp, liên quan mật thiết
với nhau. Hệ quả là đối thủ hay đối tác thay đổi vô cùng biến động và đa dạng
trong từng vấn đề, từng sản phẩm, trên từng diễn đàn, trong từng thời điểm –
chỉ có một điều không thay đổi, đó là: trong từng vấn đề và từng thời điểm..,
nếu lợi ích gặp nhau thì là đối tác của nhau, lợi ích không gặp nhau thì là đối
thủ của nhau hoặc lảng tránh nhau.
Chúng ta hãy nhìn lại quá trình đàm phán thương
mại Trung – Mỹ, mặc dù có sự kiện đại sứ quán Trung Quốc ở Kosovo bị ném bom.
Chúng ta đã thấy cách Trung Quốc phản ứng quyết liệt đối với sự kiện này như
thế nào, báo chí cho chúng ta biết đàm phán thương mại Trung-Mỹ rất cam go....
Song chúng ta cũng được nghe các phát biểu thực sự mang ý nghĩa hợp tác chiến
lược của lãnh đạo hai nước Trung Mỹ trong các cuộc thăm viếng nhau trong năm
1999. Có thể nói, với ý chí chính trị rất cao, Trung quốc dù làm gì, cũng không
bao giờ xa rời mục tiêu chiến lược của mình: chủ động hội nhập quốc tế để
thành đạt mục tiêu trở thành siêu cường. Làm như vậy là hoàn toàn
phù hợp và là cách phục vụ tốt nhất lợi ích của Trung Quốc, ví dụ như hiện nay
40% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc là vào Mỹ. Đẩy nhanh quá trình vào
WTO, Trung Quốc còn muốn tạo điều kiện bên ngoài thúc đẩy quá trình đổi mới bên
trong...
Phần lớn các nước đều tức giận trước việc Mỹ
phớt lờ Hội đồng bảo an của Liên hiệp quốc, tự cho phép mình kéo quân NATO vào
Kosovo. Hiện nay Mỹ còn đang tìm cách vi phạm Hiệp định ABM (Agreement on
Ballistic Missiles) chống tên lửa xuyên lục địa, nhiều nước đã lên tiếng phản
đối “kế hoạch lá chắn tên lửa NMD”
(National Missile Defense) của Mỹ. Nhưng nếu một nước nào đó cho rằng Liên hiệp
quốc như thế là bất lực và quyết định không cần tham gia vào tổ chức này nữa,
thì không có sai lầm nào có thể so sánh được với một quyết định như vậy. Đối
với WTO cũng vậy thôi.
WTO là một bước tiến quan trọng trong quá trình
toàn cầu hoá. Song dù WTO như hiện nay và trong tương lai còn có thể phát triển
đến đâu chăng nữa, WTO sẽ không bao giờ có thể đóng vai là người mang
lại công bằng cho mọi quốc gia, nhất là đối với các nước nghèo và chậm phát
triển. Thế nhưng đứng trong WTO, các nước đang phát triển có khả năng tập hợp
lực lượng tốt hơn, khai thác tốt hơn sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu, để đấu
tranh tốt hơn cho công bằng và lợi ích của chính mình. Điều thậm vô lý nhưng
vẫn phải nuốt: không mở cửa được vào thị trường Mỹ thì cũng không vào được WTO.
Mỹ cho đến hiện nay vẫn là như vậy. Những tiếng nói to tát nhất trên thế giới
về nhân quyền, bình đẳng và tự do thường bỏ quên sự thật này. Nhiều nước đã là
thành viên WTO cũng phải chấp nhận sự thật này; lẽ đơn giản là khối lượng làm
ăn buôn bán với nước ta quá nhỏ, nên họ không bao giờ có thể bỏ đối tác chủ
chốt số 1 của họ là thị trường Mỹ.
Tìm hiểu thất bại của hội nghị WTO tại Seattle
(Mỹ, 12-1999), chúng ta thấy những nguyên nhân chủ yếu là: Nhiều nước, kể cả
những nước trong Liên minh châu Âu (EU) không tán thành tự do hoá thương mại nhanh
hơn nữa. Nghĩa là vẫn mơ ước bá chủ, Mỹ muốn hội nghị này sẽ đi rất xa so
với những gì đã đạt được trong vòng Uruguay, theo một tốc độ rất có lợi cho
xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như
của Boeing, Microsoft... mà không có lợi như vậy cho xuất khẩu của EU và của
các nước đang phát triển. Xa hơn nữa, nếu hội nghị chót lọt, vòng đàm phán tự
do hoá thương mại được tăng tốc này sẽ có thể được đi vào lịch sử với cái tên
gọi là “Bill Clinton Round”. Tham vọng cá nhân ghê gớm thật. Vì những lý do này
hội nghị Seattle tan vỡ.
Nhưng hội nghi Seattle còn chịu một đòn nặng nề
từ phía nội bộ nước Mỹ: Một bộ phận khá lớn trong Hạ viện Mỹ không muốn ngân
sách quốc gia giảm sút thêm vì mất thuế do đẩy nhanh hơn nữa quá trình tự do
hoá này, nhiều công ty nhỏ ở Mỹ lo sẽ bị thôn tính, nhiều người lao động mỹ tổ
chức các cuộc biểu tình phản đối hội nghị Seattle vì lo quá trình tự do hoá này
sẽ tăng thêm nạn thất nghiệp ở Mỹ - do hàng nhập khẩu vào Mỹ sẽ càng rẻ hơn
nữa. Cũng vì những lý do này ở Mỹ tiếp tục có nhiều ý kiến chống đối việc Trung
Quốc gia nhập WTO mà chính quyền Bill Clinton đang tìm cách vượt qua.
Vào lúc hội nghị đang họp, từ đại bản doanh Boeing
ở Seattle lọt ra tin một số phụ tùng đơn giản của Boeing sẽ có thể được chuyển
sang sản xuất ở Inđônêxia, thế là ngọn lửa biểu tình của công dân Mỹ thuộc các
tầng lớp khác nhau tại Seattle càng bùng lên, Bộ trưởng các nước dự hội nghị bị
nhốt kín hai ngày liền trong khu vực họp vì lý do an ninh... Có báo chí Mỹ gọi
thất bại hội nghị Seattle là thất bại “vòng Bill Clinton”. Diễn biến của hội
nghị này là bằng chứng cho thấy một khả năng quan trọng: Các nước đang phát triển nếu nhảy vào cuộc,
chứ không đứng ngoài, cùng nhau hiệp lực, họ sẽ là một lực lượng không thể gạt
sang một bên, và họ có nhiều khả năng tìm được đồng minh ngay trong lòng các
nước phát triển, cho từng việc, từng vấn đề. Tôi lấy làm tiếc là một số bài báo
của ta chỉ giải thích một cách gọn lỏn và phiến diện: đổ vỡ của hội nghị
Seattle và không khí căng thẳng chung quanh hội nghị Davos là phản ứng của thế
giới chống lại xu thế toàn cầu hoá, hay là chống lại toàn cầu hoá của Mỹ...
Cách tuyên truyền giản lược như vậy, theo tôi hại nhiều hơn lợi.
Toàn cầu hoá trải
qua nhiều mốc, nhiều nấc thang phát triển, nhất là trong 2 thế kỷ vừa qua và
trong nửa sau của thế kỷ 20. Đặc biệt là với những tiến
bộ không lường hết được của công nghệ tin học – nhất là từ khi xuất hiện
internet – kinh tế thế giới chuyển lên một nấc thang phát triển mới, đảo lộn
nhiều phương thức và quan hệ kinh doanh truyền thống, làm xuất hiện nhiều mối
quan hệ và phương thức kinh doanh hoàn toàn mới, xu thế toàn cầu hoá càng trở
nên năng động và nhậy cảm hơn bao giờ hết.
ít nhất từ một hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ
20, toàn cầu hoá không còn là một xu thế, một hướng phát triển nữa, mà trở
thành một hệ thống, một loại hình thái trật tự quốc tế với lôgíc, các luật
chơi, các thể chế và tất cả các mặt thuận mặt nghịch của riêng nó. Tiêu biểu
chung nhất cho hệ thống này là WTO.
Xin lưu ý điều này để có thái độ dứt khoát với
vấn đề toàn cầu hoá. Từ GATT đến WTO đối với các doanh nghiệp và doanh nhân
nước ta đồng nghĩa với: Đội tuyển Việt Nam phải vừa xếp hàng vừa chạy thì may
ra mới kịp, và phải chạy nhanh hơn nữa trong cuộc đua này, với tinh thần chủ động và
quyết tâm do nhận thức được lẽ tất yếu của vấn đề – nghĩa là nhận
thức toàn cầu hoá với tính chất là một hệ thống, có ý thức nắm bắt và làm chủ
sự vận hành của hệ thống. Đảng và Nhà nước ta cần có các quyết sách, các biện
pháp hỗ trợ đội tuyển nước ta – chủ thể trực tiếp của quá trình toàn cầu hoá -
giành thắng lợi trong cuộc đua quyết liệt này, quyết liệt tới mức mất, còn.
4. Thế giới và kinh tế tri thức
Trước khi
trình bầy vài suy nghĩ về vấn đề này , xin phi lộ đôi điều:
-
Khái niệm kinh tri thức (knowledge economy, économie du savoir), dịch cho sát
tiếng Việt hơn là kinh tế của hiểu biết.
-
Nói cho cùng ở giai đoạn phát triển nào cũng vậy trong xã hội loài
người, không có nền kinh tế nào lại không có hay không cần đến sự
hiểu biết. Song hiện nay nhiều nhà nghiên cứu, trường phái kinh tế
sử dụng khái niệm này để mô tả một giai đoạn phát triển kinh tế mới của
xã hội loài người, trong đó sự hiểu biết và khả năng vận dụng sự hiểu
biết ngày càng sâu rộng chưa từng có, trở thành yếu
tố quan trọng nhất, chi phối nhiều nhất (không phải là duy nhất),
tạo ra những bước tiến, những thay đổi lớn lao trong phát triển lực lượng sản xuất nói riêng và trong phát
triển kinh tế - xã hội ngày nay nói chung – trước hết nhờ dựa vào sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ ở nấc thang
vượt trội hơn hẳn mọi giai đoạn lịch sử
trước đó. Không phải hoặc không nhất thiết là vô lý rằng nhiều người đã nghĩ
đến hay phác hoạ ra xã hội hậu công nghiệp, xã hội thông tin...
-
Kinh tế tri thức – theo cách gọi thông dụng hiện nay - là kết qủa,
là sự kết tinh của bước phát triển này, với đặc trưng đang tạo ra sự bùng nổ hay tạo ra những tiền đề
của sự bùng nổ những bước phát triển tiếp theo . Marx đã từng coi khoa
học và công nghệ là yếu tố quan trọng nhất của phát triển lực lượng sản xuất, là lực lượng sản xuất
trực tiếp. Kinh
tế của sự hiểu biết, tên gọi thông dụng hiện nay là kinh tế
tri thức, theo nhận thức của tôi, không là cái gì khác: Đó chính là điều Marx
đã nhận
thức được và đang vận động ở nấc thang phát triển hiện tại của xã hội loài người
chúng ta:
Ngày
nay những tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công
nghệ thông tin (hiểu theo khái niệm rộng) đã nhân lên và mở rộng ra gấp bội
khả năng phát huy, sáng tạo và ứng dụng những tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật
và công nghệ, đang tạo nên những cuộc cách mạng trong kinh tế nói chung
- đặc biệt là trong tổ chức, kinh doanh và quản lý, và trong sản xuất nói riêng
(ứng dụng, phát triển công nghệ mới, sản phẩm mới...), tạo ra năng suất và kỹ
năng lao động cao hơn trước rất nhiều hoặc hoàn toàn mới. Vì những lý do này,
thông tin trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế, tri
thức trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy phát triển kinh tế; từng con
người, từng doanh nghiệp và toàn xã hội của một quốc gia bắt buộc phải tạo ra
cho mình khả năng và kỹ năng mới làm chủ quá trình phát triển
kinh tế – xã hội vô cùng năng động này. Cần nhấn mạnh thêm rằng công nghệ thông
tin (hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm này) thúc đẩy mạnh mẽ quá trình toàn
cầu hoá nền kinh tế thế giới; rồi lại đến lượt chính quá trình toàn cầu hoá này
thúc đẩy con người, doanh nghiệp và toàn xã hội của một quốc gia phải tự phát
triển cho mình khả năng thích nghi, khả năng làm chủ quá trình toàn cầu
hoá. Kinh tế tri thức đang trở thành xu thế phát triển khách quan rất năng động
trong kinh tế thế giới, đem lại những cơ hội phát triển khó tưởng tượng được,
song cũng đặt ra những thách thức khó lường.
-
Với nghĩa vừa trình bày trên,
kinh
tế tri thức không phải chỉ là thông tin, là công nghệ tin học.., mà là một
phạm trù đang hình thành, đang vận động, ngay cả tên gọi của nó cũng đang trong
quá trình hình thành. Phạm trù này bao quát mọi lĩnh vực
kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, chính trị, văn hoá, xã hội ở giai đoạn
phát triển hiện tại của xã hội loài người.
-
Nói một cách bao quát, thuật ngữ kinh tế tri thức
rộng và đầy đủ hơn thuật ngữ nền kinh tế tri thức. Để bớt
trừu tượng, trong phần này, tôi chỉ xin bàn đến một phạm vi rất hẹp; do đó tôi
xin phép sử dụng khái niệm nền kinh tế tri thức. Đó
là nền kinh tế học hành suốt đời, yếu tố hay phương tiện hàng đầu của người lao
động là hiểu biết, là khả năng tiếp thu, vận dụng hiểu biết của cả thế giới;
lấy thị trường cả thế giới làm đối tượng, làm không gian hoạt động của mình, và
tạo ra cho bản thân mình những khả năng, phẩm chất và kỹ năng ngày càng cao mà
lao động và cuộc sống ngày nay đòi hỏi, để bản thân mình và đất nước mình
trở
nên giàu có, văn minh, hiện đại. Còn mục đích nào cao đẹp hơn của định hướng xã hội chủ nghĩa là làm
cho mọi người lao động có khả năng làm chủ nền kinh tế này? Được như vậy, vấn
đề “ai thắng ai?” ngày càng nghiêng về phía chúng ta. Dứt khoát không nên hiểu kinh tế tri thức chỉ là của giới trí thức,
lại càng không phải chỉ là sở hữu riêng của chủ nghiã tư bản...
-
Cũng như mọi hình thái kinh tế khác, nền kinh tế tri thức cũng có
hai phần cơ bản – lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất - tác động biện chứng
với nhau, là tiền đề và cứu cánh của nhau. Nền kinh tế tri thức không tự nó
giải quyết hoặc giải quyết một cách lý tưởng những vấn đề trong quan hệ sản
xuất. Những vấn đề trong quan hệ sản xuất của nền kinh tế tri thức trước hết
vẫn là những vấn đề của con người, của thượng tầng kiến trúc, của thể chế kinh
tế-chính trị-văn hoá-xã hội trong đó nền kinh té tri thức vận hành. Song phải chăng tính tiền
phong chiến đấu của người cộng sản là phải nắm lấy kinh tế tri thức, phải tạo mọi
điều kiện để nhân dân lao động làm chủ kinh tế tri thức – yếu tố
quan trọng hàng đầu để xử lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa những vấn đề
thuộc quan hệ sản xuất trong kinh tế tri thức. Đây thật là một nhiệm vụ
trọng đại và cực kỳ gian khổ của Đảng ta.
-
Cũng xin dựa vào Marx: Đi vào kinh tế tri thức, con người đang tiến
thêm một bước trong việc nâng cao khả năng của mình chinh phục và làm chủ tự
nhiên, làm chủ chính bản thân mình.
Bây giờ tôi xin vào đề:
Tiến hành cuộc cách mạng phát triển đất nước vào
lúc chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ, vào lúc thế giới đang
bước vào nền kinh tế tri thức, chúng ta lại một lần nữa phải nhìn nhận lại tất
cả, để biết mình biết người thật nghiêm túc. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến
nay đúng 25 năm, đấy cũng là khoảng cách thời gian kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng
Cộng sản xuất hiện năm 1848 đến lúc có
lời tựa năm 1872 của Ăng-ghen, trong đó Ăng-ghen ghi nhận những biện pháp cách
mạng ở chương II của Tuyên ngôn vào thời điểm này lẽ ra phải viết khác đi, vì
đại công nghiệp công nghiệp trong 25 năm ấy có nhiều tiến bộ lớn. Song 25 năm
giữa thế kỷ 19 và 25 năm cuối thế kỷ 20 khác nhau xa lắm.
Ghi nhận của Ăng-ghen nhắc nhở chúng ta: những ý
tưởng, những phương án những công việc... chúng ta đề ra trong các chiến lược
và chính sách phát triển cách đây 25 năm, 10 năm, 5 năm, thậm chí mới ngày hôm
qua.., hôm nay đều phải xem xét lại dưới ánh sáng của nền kinh tế tri thức đang
hình thành trên hành tinh của chúng ta – một nền kinh tế mới mang trong nó
những nguồn lực, trí tuệ, thông tin và các khả năng khó có thể hình dung nổi.
Bây giờ thông tin được đưa vào sử dụng
ngày càng nhiều, nghĩa là tri thức ngày càng nhiều. Tri thức được sử dụng thì càng
phát triển chứ không mất đi, tri thức lại đẻ ra tri thức và không có giới hạn.
Đặc biệt sự phát triển của công nghệ tin học càng thúc đẩy xu thế này.
Được kết mạng, thông tin và tri thức sản sinh ra những nguồn lực mới không
lường hết được, sản phẩm mới, đồng thời cũng không ngừng tạo ra “cầu” (demand)
mới.. Sự phát triển dựa trên tri thức như vậy ngày càng thúc đẩy sự hình thành nền
kinh tế dựa trên tri thức – nói gọn là: nền kinh tế tri thức.
Ngày nay, như Các Mác đã tiên đoán, khoa học và
công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Trong thời đại chúng ta, khoa
học và công nghệ giữ vị trí yếu tố hàng đầu của tăng trưởng và phát triển, đồng
thời những thông tin và tri thức mang trong nó ngày càng nhiều, tự nó dần dần
tạo thành nền sản xuất tri thức. Chính với lý do này khoa học và công
nghệ ngày nay trở thành lực lượng sản xuất thứ nhất, đứng trên tất cả những lực
lượng sản xuất hữu hình hoặc vô hình khác.
Loài người đang từng bước chuyển từ sản xuất
công nghiệp dựa vào máy móc, tài nguyên thiên nhiên, đất đai... là chủ yếu sang
nền sản xuất chủ yếu dựa vào tri thức, xa hơn nữa là đang phát triển nền sản
xuất công nghệ, sản xuất tri thức - dựa chủ yếu vào trí lực và thông tin[66],
nghĩa là nền sản xuất ra bản thân sự
phát triển và mọi nguồn lực quyết định nhất của sản xuất dịch vụ và sản xuất
vật chất. Trong quá trình đang hình thành và phát triển của nền kinh tế
tri thức, nhân loại đang chuyển dần sang xã hội hậu công nghiệp với tất cả
những thay đổi sâu sắc có thể nhận biết rõ rệt từng năm, từng thập kỷ... trong
hạ tầng cơ sở và trong thượng tầng kiến trúc.
Không phải đòi hỏi nhiều trí tưởng tượng lắm,
chỉ nhìn vào những gì đã diễn ra trong nửa thế kỷ vừa qua, đặc biệt là trong
những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ vừa qua, chúng ta có thế đễ dàng hình dung
nền kinh tế tri thức đang hình thành như thế nào và đang tạo ra những thay đổi
gì trong hiện tại và cho tương lai.
Trong 3 thập kỷ cuối cùng, khoa học và công nghệ
đóng góp trên 70% vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của tất cả các nước
công nghiệp phát triển, mặc dù khoa học và công nghệ cũng là nguyên nhân quyết
định nhất loại bỏ khá nhiều hoặc làm thay đổi tất cả các ngành công nghiệp và
dịch vụ của các nước này[67].
Vận dụng phương pháp so sánh tương đối, có thể thấy trong khoảng 3 thập kỷ nay
giá sản phẩm vật chất trung bình giảm đi 1- 2 lần; một cú điện thoại 3 phút
giữa New York – London năm 1930 phải trả 300 USD (giá USD 1996), ngày nay hoàn
toàn miễn phí nếu sử dụng qua internet (Thomas Friedman), Cách đây 10 năm một
con voi sứ của ta xuất khẩu bán được 10 USD, bây giờ nếu ai mua cũng con voi ấy
với giá 3 USD ta sẵn sàng ký ngay, thậm chí giá có thể mềm hơn nếu bán được số
lượng lớn[68]!
v... v... Trong khi đó mấy thập kỷ gần đây giá sản phẩm trí tuệ trong giá thành
một sản phẩm tăng trung bình gấp 5 – 7 lần hoặc nhiều hơn nữa...
Xu thế
này đang tiếp tục phát triển, nguyên nhân chủ yếu là vì khoa học & công
nghệ phát triển theo cấp số mũ. Trong sản xuất vật chất có hiện tượng phổ biến
là chi phí về công nghệ hay trí tuệ ngày càng tăng nhanh hơn hay đều lớn hơn
chi vi phí về lao động cơ bắp hay nguyên liệu trong mỗi sản phẩm. Giá trị gia
tăng càng lớn thì tỷ lệ này càng nghiêng về phía công nghệ và trí tuệ. Hiện
tượng ngày càng phổ biến là trong nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao tỷ
lệ phần trăm (%) chi phí về lao động cơ bắp và nguyên liệu nhiều khi chỉ còn là
một con số; xu thế này không thể đảo ngược được.
Đặc biệt là sự phát triển các loại phòng thí
nghiệm ảo, khả năng dựng lên những mô hình ảo, tri thức đã bỏ qua rất nhiều các
khâu nghiên cứu, triển khai, thể nghiệm trong thực tế.., các công việc trong
các labo được thực hiện chủ yếu trên các máy vi tính, và nhờ thế có thể đi
thẳng đến khâu cuối cùng là sản xuất, thực hiện...
Nhờ đó, thị trường đã nhanh chóng có những sản
phẩm mới, những vật liệu thay thế có tính năng kỹ thuật cao gấp trăm lần vật
liêu truyền thống, những nguồn năng lượng hạt nhân “sạch”, năng lượng
hydrogène, năng lượng mặt trời.., những siêu robot, những năng suất khó tưởng
tượng nổi trong sản xuất nông nghiệp theo công nghệ gien và phương pháp nhân
bản vô tính (cloning), những thành quả kỳ diệu trong công nghệ sinh học... Gần
đây hơn 90% gien của con người đã được giải mã và cho phép lập thành bản đồ
gien, y học đứng trước những triển vọng chưa từng có... Công nghệ nanô kết hợp
với những công nghệ khác đang mở ra chân trời bao la cho nền công nghiệp vật
liệu mới... Những tiến bộ như vậy ngày càng dồn dập. Nhiều nỗi lo trên thế giới
về lương thực, năng lượng, nguyên liệu đã có hướng giải toả. Nhu cầu trên thị
trường thay đổi. Phương thức làm ra những sản phẩm vật chất và dịch vụ cũng
thay đổi - tới mức không một phương thức truyền thống nào có thể cạnh tranh
được...
Đằng sau hay gắn liền một cách hữu cơ với xu thế
và sự phát triển vừa nói trên – nhất là từ khi internet phát triển - là sự thay đổi tất cả những gì
có liên quan – từ chu kỳ sản xuất, phương thức quản lý kinh doanh, phương thức thương mại, giáo
dục đào tạo, cấu trúc và tổ chức xã hội, phương thức tổ chức và quản lý nhà
nước, phát triển văn hoá, thượng tầng kiến trúc xã hội...
Đặc điểm nổi bật nhất trong sự thay đổi này có
lẽ là mô hình đẳng cấp và mô hình tuyến đang bị thay thế dần bằng mô hình
mạng, mô hình tự chủ; ranh giới giữa ngành nghề hoặc đẳng cấp xã
hội mờ dần, nhưng tính độc lập, sự phân chia,
sự hội tụ, khuynh hướng liên kết,
hợp tác, hiệp đồng giữa chúng lại tăng lên. Đáp ứng sự thay đổi này trở thành đòi
hỏi không thể thiếu trong việc hiện đại hóa một một dây
chuyền sản xuất, môt phương thức làm việc, một phương thức kinh doanh, một
ngành kinh tế, một bộ máy làm việc, một tổ chức trong bộ máy nhà nước... và
cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế, toàn bộ hệ thống Nhà nước, toàn bộ đời sống
xã hội...
Xin lưu ý điều vừa trình bầy để hình dung và
định hướng được những việc phải làm và sẽ phải làm. Đây là nội dung quyết định
nhất của vấn đề hiện đại hoá lâu nay chúng ta vẫn nói trong cụm từ công
nghiệp
hoá, hiện đại hoá. Không phải ngẫu nhiên, ngày nay sức mạnh và tiềm
năng kinh tế của một quốc gia không phải chỉ đơn thuần đo bằng TSPXH chia theo
đầu người (GDP per capita), mà còn được đo bằng số “bit per capita”, số lượng
“nối mạng per capita”, chiều rộng của giải nối mạng (bandwidth)... Hay nói cho
cụ thể hơn, ngày nay giá trị gia tăng và nguồn thu nhập lớn nhất của nhiều nền
kinh tế hiện đại chủ yếu nhờ vào sự gia tăng của các chỉ số này.
Tri thức là những thông tin được ứng dụng và là
động lực của hành động, của lao động sáng tạo. Tri thức không có biên giới,
không có tri thức nội địa hay tri thức ngoại lai mà chỉ có tri thức của nhân
loại ngày càng phong phú. Không có tri thức phản động hay tri thức tiến bộ –
những đặc tính này chỉ do việc vận dụng tri thức và mục đích vận dụng quyết
định.
Từ những điều vừa trình bầy trên và từ 7 ví dụ
nêu trong phần “I. Khoảng cách một giai đoạn
phát triển” của cuốn sách này xin rút ra một số nhận xét:
-
Tri thức không thuộc về riêng một ai mà chỉ thuộc về ai làm chủ
được nó.
-
Tri thức được sử dụng không mất đi mà luôn luôn được tái tạo và
phát triển thêm ngày càng phong phú. Tri thức ngày nay trở thành yếu tố hàng
đầu của lao động sáng tạo,.
-
Trong nấc thang phát triển kinh tế – xã hội hiện nay của nhân
loại, tri thức đem lại cho nông dân, công nhân, người làm lao động chân tay,
người làm lao động trí óc, nhà quản lý, người kinh doanh... khả năng lao động
sáng tạo chưa từng có.
-
Việc vận dụng, làm chủ, sáng tạo mới tri thức bắt đầu từ giáo dục
phát triển con người. Vì tri thức phát triển không ngừng và vì lao động ngày
càng đòi hỏi những tri thức mới và kỹ năng mới, nên bắt buộc phải hình thành
quá trình thường xuyên đào tạo, đào tạo lại và phải học tập suốt đời. Chính
thực tế này đồng thời đòi hỏi phải không ngừng phát triển và xây dựng những giá
trị mới, những thể chế kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội mới đáp ứng sự vận
hành của nền kinh tế ở nấc thang phát triển này. Toàn bộ quá trình này, đến
lượt nó lại tạo ra những tiến bộ mới,
nâng vai trò của tri thức với ý nghĩa là yếu tố quan trọng nhất của lao động
sáng tạo và phát triển lên nấc thang mới, mang lại cho phát triển kinh tế - xã
hội những thành tựu mới. Khái niệm nền kinh tế tri thức gói ghém
toàn bộ sự phát triển mới này trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá.
-
vân vân...
Những điều vừa trình bầy trên giải thích ngày
nay tri thức là nguồn lực quan trọng
hàng đầu tạo ra mọi của cải vật chất, của cải tinh thần và sự phồn vinh nói
chung. Chính vì lẽ này, tích luỹ tri thức và tạo mọi điều kiện kinh tế, văn
hoá, xã hội thường xuyên thực hiện tốt nhất sự tích lũy tri thức là sự tích lũy
– không phải là duy nhất, nhưng quan trọng nhất - của một quốc gia để giành lấy
cho mình thế và lực mới trong nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hoá sâu
sắc.
Người là vốn quý nhất. Trong nền kinh tế tri
thức điều này càng đúng, phát triển con người càng trở thành đòi hỏi trung tâm
của mọi nỗ lực toàn xã hội trong nền kinh tế tri thức.
Còn một vấn đề quan trọng khác:
Chìa
khoá để làm cho tri thức trở thành nguồn lực hàng đầu làm ra của
cải vật chất, của cải tinh thần và sự phồn vinh là quản lý (kể cả quản lý
tri thức). Nói theo nghĩa rộng, đó là tri thức quản lý.
Giả thử bạn có khả năng nắm giữ
một công nghệ chuyên môn nào đó, đồng thời bản thân bạn hay những người cộng
tác với bạn có các khả năng tổ chức sản xuất kinh doanh, nắm được thị
trường, biết huy động vốn và mọi nguồn lực khác từ đâu, biết bán sản phẩm đi
đâu, biết đương đầu và vượt qua mọi thách thức như thế nào, biết thường xuyên
tạo ra cho mình lợi thế cạnh tranh mới để giành thắng lợi, để phát triển... Tất
cả những
khả năng ấy có thể móc nối với nhau, tổng hợp lại, thâu tóm trong
phạm trù tri thức quản lý để tạo ra sản phẩm và của cải mới[69].
Điều này cũng có nghĩa tri thức - để trở thành yếu tố quan trọng nhất của sản
xuất và của lao động sáng tạo - mang
tính xã hội rất cao và và đòi hỏi tính tổ chức xã hội rất cao.
Với những điều vừa trình bầy, tôi muốn đặc biệt
nhấn mạnh:
Tri thức
vốn là sản phẩm của con người. Song ở nấc thang phát triển ngày nay của nền văn
minh nhân loại, tri thức trở thành nguồn
tư bản lớn nhất, yếu tố sản xuất quan trọng nhất mà con người có thể tạo ra
được. Đây là điều cơ bản khác với mọi giai đoạn phát triển trước đó của xã hội
loài người. Nguồn vốn quan trọng nhất này thường xuyên tự tái tạo trong quá trình
lao động, lớn lên và bất tận, vì bản thân tri thức là bất tận. Cơ hội và thách
thức đối với từng con người trong một quốc gia là làm sao chiếm hữu
được và thường xuyên mở rộng nguồn vốn quý nhất này. Khác với mọi giai đoạn phát
triển trước đó trong xã hội loài người, con đường thực hiện sự chiếm hữu này
bắt đầu từ việc tạo ra mọi nguồn lực ưu tiên phát triển con người.
Nhà nước hay chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa có dám nhận lấy sứ mệnh làm trợ
thủ đắc lực cho từng công dân của mình thực hiện sự chiếm hữu này hay
không?
Chính câu hỏi vừa nêu trên, đến lượt nó, lại trở
thành cơ hội và thách thức đối với Nhà nước và chế độ chính trị xã hội chủ
nghĩa của chúng ta. Bởi vì còn gì nhân văn hơn, còn gì xã hội chủ nghĩa hơn đối
với chức năng và sứ mệnh như vậy của một nhà nước mang danh xã hội chủ nghĩa?
Nhìn từ góc độ này, vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong nhiệm vụ xây dựng một
Nhà nước và chế độ chính trị làm được chức năng trợ thủ như thế đối với công
dân của mình càng mang thêm những nội dung quan trọng. Nghĩa là trong nền kinh tế tri
thức, Đảng ta cũng đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Đây thực sự là
một khía cạnh mới, một mặt trận mới thử thách tính tiền phong chiến đấu của
Đảng.
Phải chăng làm cho từng con người trong nước
Việt Nam ta – dù là nông dân, công nhân, lao động chân tay hay lao động trí óc
- đều có điều kiện tiếp cận, làm chủ và sáng tạo mới tri thức để thường xuyên
nâng cao khả năng lao động sáng tạo của mình, nâng cao khả năng làm chủ bản
thân mình và nâng cao khả năng làm chủ đất nước là mục tiêu đáng khao khát nhất
của một nước Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa?
Không nên kỳ thị với nền kinh tế tri thức và
chụp cho nó mọi cái mũ đầy thành kiến hoặc suy nghĩ thiển cận. Cũng không thể vin
vào tình trạng nghèo nàn lạc hậu hiện nay của nền kinh tế nước ta để xuê xoa
cho tâm lý tự ti, thái độ nhu nhược hay sao nhãng đối với nền kinh tế tri thức.
Song cũng không nên nhìn nhận và nói xuông về nền kinh tế kinh tế tri thức như
một “mốt” thời thượng – giống như ngày nào nhiều người cứ mở miệng là nói đến
“hộp đen” để chứng tỏ hiểu biết (xuông)
của mình về sự vận hành của cơ chế thị trường. Lại càng không thể coi việc sử
dụng máy vi tính như một cái máy đánh chữ và hộp lưu trữ được hiện đại hoá,
việc sử dụng internet thay thế cho bộ bách khoa toàn thư đồ sộ để trên giá
sách... là đã bước chân vào nền kinh tế tri thức! Đừng nên nghĩ như vậy, bởi tự
đánh lừa mình nguy hiểm hơn bất kể sự đánh lừa nào khác.
Kinh tế tri thức là một thực tế khách quan, đã
xuất hiện và ngày càng phát triển, con đường đi tới nó vô cùng gian khổ, đất
nước ta bắt buộc phải vươn tới.
Không có một con đường chung nào đi đến nền kinh
tế tri thức cho các quốc gia; mỗi quốc
gia chỉ có thể xây dựng cho mình một nền kinh tế tri thức riêng của chính mình
– nghĩa là không nước nào giống nước nào.
Hiểu theo nghĩa tạo ra cho con người có tri thức
để làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội để tạo ra môi trường vận hành mà nền kinh
tế tri thức đòi hỏi, xây dựng nền kinh tế tri thức xem xét trên góc độ này còn
là sự phấn đấu, chinh phục và làm chủ chính bản thân con người – vì thế đây là
sự phấn đấu khó nhất. Xây dựng nền kinh tế tri thức là bước phát triển kinh tế
khó nhất, cao nhất từ trước đến nay đất nước ta cần hướng tới.
Cần nhấn mạnh một vấn đề cốt lõi trong nền kinh tế tri thức đối với nước ta là
phải giúp cho từng công dân có khả năng
làm chủ và sáng tạo mới tri thức; nhất thiết không để cho tri thức trở
thành một thứ hàng xa xỉ hay chỉ thuộc sở hữu độc quyền hay đặc quyền của một
nhóm người nào hay một giai tầng xã hội nào. Định hướng xã hội chủ nghĩa hay
mất định hướng xã hội chủ nghĩa là do vấn đề cốt lõi này xác định.
Tôi có thể tán dương con người Việt Nam bẩm sinh
là phù hợp với nền kinh tế tri thức, có thể ba hoa ca ngợi tư chất con người
Việt Nam là một lợi thế hiếm có để chiếm lĩnh nền kinh tế tri thức, vân...
vân... Song không hiếm các sách báo và phương tiện truyền thông đã chuyển tải
quá nhiều những điều nhảm nhí này rồi. Chỉ tiếc rằng nhiều điều nhảm nhí này
chưa được xếp vào loại văn hoá độc hại, thậm chí có khi chúng được... ngộ nhận là... – tuỳ theo bối cảnh và
trình độ hiểu biết của mỗi người.
Xin cho phép tôi lưu ý bạn đọc: Trong
nền kinh tế tri thức cơ hội không xa lánh và thách thức không buông tha một ai,
một quốc gia nào, một chế độ chính trị hay đảng phái nào. Không dễ
gì hiểu đúng cơ hội và thách thức này. Càng không dễ gì nắm bắt được cơ hội và
chiến thắng được thách thức này.
Đối với con người và xã hội, đạo đức và tri thức
là tiền đề và cứu cánh của nhau. Với ý nghĩa này, đạo đức là tâm hồn của tri
thức, tri thức là nền tảng của đạo đức; tất cả là sản phẩm của lao động sáng
tạo và sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi, hoà hợp thành động lực bất tận cho sự phát triển không ngừng của chính bản
thân con người và xã hội loài người. Đạo đức và tri thức là đôi cánh nâng con
người lên những nấc thang cao xa hơn nữa của chân, thiện, mỹ.
Nền kinh tế tri thức - với tính cách là một bước
phát triển mới của văn minh nhân loại - một mặt đem lại những triển vọng mới,
đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho mọi quốc gia, mọi dân tộc –
trước hết là những nước nghèo.
Có nhiều thách thức lắm, song theo tôi có lẽ
thách thức lớn nhất là nguy cơ “mù, thiếu hoặc lạm dụng tri thức”.
Nhà tương lai học người Anh John Naisbett, 1996 nêu ra nỗi lo rất xác đáng về
tình trạng cuộc sống bị thông tin tràn ngập nhưng thiếu tri thức – hiểu theo
nghĩa tri thức không bao giờ chúng ta có thể có đủ. Một khi mù, thiếu hoặc lạm
dụng tri thức, nếu thông tin càng nhiều, càng dễ bị nhiễu, khả năng bị tước
đoạt – trước hết là bị tước đoạt những quyết định và sự ứng xử đúng đắn – sẽ
càng lớn, hoặc có thể vấp phải sai lầm
tiêu tan cả cơ đồ. Thông tin và tri thức đẻ ra yêu cầu phải luôn luôn làm chủ
tri thức và sáng tạo tri thức mới. Mặt khác, sức cám dỗ của lạm dụng tri thức
không phải lúc nào con người cũng chế ngự được. Vì vậy nguy cơ mù hay lạm dụng
tri thức không buông tha một quốc gia nào, một lực lượng kinh tế hay chính trị
nào, một chính khách, một nhà kinh tế, hay một nhà khoa học nào trên hành tinh
này. Xin nêu vài ví dụ đơn giản:
· Giả thử vì không làm chủ
được nguy cơ này, chúng ta quyết định và đi tới hành động là dốc ra nhiều tiền
của, thời gian, công sức làm ra một sản phẩm để cuối cùng phải đưa vào tồn kho
vì lỗi thời và không cạnh tranh được... Rất dễ hình dung điều gì sẽ xẩy ra...
· Từ 10 năm nay ấn Độ
thành công đi vào kinh tế phần mềm, gặt hái những kết quả khó hình dung được.
Song cũng khoảng 10 năm nay Malaysia chi hàng chục tỷ USD cho phát triển siêu
xa lộ thông tin ngay trên vành đai thủ đô Kualalumpur – một công trình
táo bạo và nắm bắt được ý tưởng hiện đại của nền kinh tế dựa vào tri thức,
nhưng hầu như chưa gặt hái được bao nhiêu nếu chưa muốn nói tạm thời có thể lỗ;
nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn nhân lực có khả năng thành đạt mục tiêu đề
ra và chưa cạnh tranh nổi với Singapore.
· Kinh tế nước Nga đang có
nhiều khó khăn do đổ vỡ của nhiều biện pháp cải cách – hệ quả của sự thiếu hụt
tri thức về cải cách trong bối cảnh quốc gia và quốc tế phức tap. Song kinh tế
Nga còn gánh chịu nhiều hậu quả của những sản phẩm thua lỗ, ví dụ có loại máy
kéo nông nghiệp bán trên thị trường còn rẻ hơn giá bán sắt cân mà không có
người mua, vì công nghệ quá lạc hậu – nghĩa là sản phẩm thiếu hàm lượng những
tri thức cập nhật...
· Cuộc khủng hoảng tài
chính 1997 nổ ra từ Thái Lan, song ngay lập tức trở thành cơn lốc tài chính thế
giới, vì sự nhạy cảm và bệnh lây nhiễm
trong nền tài chính toàn cầu hoá, vì sự hoảng loạn và không đủ tri thức chế ngự
cơn lốc này, song còn vì có loại tri thức đầu cơ kiếm lợi trong cuộc khủng
hoảng này[70]...
· Niềm hân hoan lớn về lập
được bản đồ gien của con người đồng thời cũng thổi bùng lên nỗi lo con người
lạm dụng hiểu biết mới của mình...
· Ngày càng có nhiều quyết
định kinh tế hệ trọng đến thị trường được phát đi không phải từ những quan
chức, cơ quan nhà nước, hay tập đoàn nào đấy, mà là từ bàn máy tính trong một
căn hộ riêng nào đó phóng lên mạng... – vấn đề không phải chỉ ở chỗ thương mại
điện tử đang phát triển với cấp số nhân, mà là các chủ thể của toàn cầu hóa
ngày càng có nhiều khả năng tham gia hay lũng đoạn quá trình này.
· Một sinh viên Philippine
tinh nghịch mới đây gây ra virus “I love you” làm cho nhiều công ty và nhiều
nước thiệt hại hàng tỷ USD. Luật pháp Philippine đã phải xét xử anh ta.
· Vân...vân...
Nguy cơ nói trên có gì xa lạ
đâu. Giữa thế kỷ 20, khi con người làm chủ được năng lượng hạt nhân, thì ngay
lập tức phải “nếm” và phải đối mặt với nguy cơ huỷ diệt hạt nhân. Viết tới đây
tôi nhớ tới tác phẩm “Faust” nổi tiếng và giầu triết lý của Goethe: Vì là con
người có bản lĩnh và nhân cách, Faust sống không thể thiếu tri thức. Để có nó,
Faust đã phải trả giá tất cả, kể cả việc kết bạn với quỷ dữ Mephistopheles.
Song khi làm chủ được tri thức, ngay lập tức Faust lại phải đối đầu với chính
bản thân mình: Phải tìm cách làm chủ bản thân mình; ngoài ra còn phải chế ngự
sự lộng hành Mephistopheles...
Còn một điều nữa đáng dành cho sự quan tâm của
của chúng ta: Tiến bộ của khoa học và công nghệ, sự phát triển của nền kinh tế
tri thức tác động ngày càng nhiều vào vai trò và nhiệm vụ của Nhà nước. Các nhà
nước trên thế giới trong thế kỷ vừa qua, nhất là trong những thập kỷ gần đây
đang chuyển đổi không ngừng trên nhiều chức năng quan trọng, bắt đầu đi từ Nhà
nước sản xuất, đến Nhà nước thương mại, Nhà nước quản lý, Nhà nước tổ chức, Nhà
nước “mạng”, Nhà nước bà đỡ cho sự phát triển mới...
Đấy là xu
hướng: Trong xã hội hậu công nghiệp, chức năng Nhà nước ngày càng “bé dần”
(nghĩa là nhỏ về quy mô, thay đổi một số chức năng, nhưng vẫn giữ nguyên tầm
quan trọng của nó) trên nhiều phương
diện, đồng thời chức năng của nó ngày càng tập trung vào hỗ trợ hay làm tốt hơn
nữa những việc “bàn tay vô hình” của Adam Smith không làm được. Nhà nước mới
còn phải làm tốt hơn nữa vai trò bà đỡ của sự phát triển mới – không phải bằng
cách tham gia trực tiếp, mà chủ yếu bằng cách hướng mọi cố gắng của đất nước
tạo ra năng lực xã hội cao hơn nữa. Dựa vào các mô hình và
phương thức làm việc, người ta còn đưa ra khái niệm “Nhà nước ảo”[71]...
Không nên và không thể chỉ vì quan điểm giai cấp (thường được hiểu hiểu theo
nghĩa hẹp hòi và không chính xác) mà bỏ qua sự phát triển những chức năng mới
của Nhà nước trong tiến trình đi vào xã hội hậu công nghiệp.
Thậm chí tôi còn nghĩ rằng Nhà nước xã hội chủ
nghĩa hay theo định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng cần phải tìm cách chiếm lấy
và làm tốt những chức năng cần phải làm trong tiến trình này. Đó là sản phẩm,
là thành quả của văn minh nhân loại trong thời đại chúng ta. Không thể coi sự
phát triển những chức năng này là thiên chức của chủ nghĩa tư bản, càng không
thể để cho chủ nghĩa tư bản độc quyền chiếm lấy. Đảng ta đã xác định phải xây
dựng Nhà
nước là đầy tớ của dân, lại càng phải tự vươn lên nắm bắt lấy những
chức năng và kỹ năng tiến bộ nhất của văn minh nhân loại để có được Nhà nước
phục nhân dân đắc lực nhất.[72]
Marx còn dự báo sự tiêu vong của Nhà nước. Phải chăng những thành tựu mới này
của nền văn minh nhân loại là một viên gạch mới được lát thêm vào trên con
đường trường chinh của nhân loại hướng về sự tiêu vong của Nhà nước?
Tạm gạt các vấn đề chính trị đối ngoại sang một
bên cho đơn giản vấn đề, chúng ta hãy thử hình dung trong bối cảnh thế giới
đang đi dần vào nền kinh tế tri thức như vậy, cuộc cách mạng phát triển ở nước
ta cần tiến hành như thế nào cả về nội dung
và các bước đi thực hiện?
Ví dụ, đã đến lúc chúng ta không thể nấn ná
-
giữa một bên là tiếp tục làm ra các sản phẩm tồn kho và một bên là
đi tìm con đường đi vào các sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng,
-
giữa một bên là tích tụ vật chất và một bên là tích tụ khả năng và
tri thức nhằm tận dụng các nguồn lực do xu thế toàn cầu hoá nền kinh tế thế
giới đem lại,
-
giữa một bên là chiến lược công nghiệp hoá truyền thống và một bên
là chiến lược mở rộng không gian kinh tế cho đất nước, lấy cả thế giới làm thị
trường và đối tác của mình, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh để thực
hiện tốt yêu cầu này;
-
giữa một bên là bảo hộ không làm cho doanh nghiệp nhà nước thực sự
có khả năng cạnh tranh và một bên là thực hiện quán triệt chủ trương phát triển
nền kinh tế nhiều thành phần trên một sân chơi chung...
-
vân vân...
Sự phát triển cấp số mũ của khoa học và công
nghệ đang đẩy nhanh tiến trình hình thành nền kinh tế tri thức, đang buộc tất
cả các quốc gia – kể cả nước ta – phải xem lại mọi quyết định của mình. Cụ thể
ở nước ta là phải xem xét lại từ những quyết định như có nên đào thêm than,
phục hồi lại khu gang thép Thái Nguyên, xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai như thế
nào... cho đến những chủ trương như phát triển nền kinh tế nhiều thành phần,
phát triển dân chủ ở cơ sở, cải cách giáo dục... – nhất là trong bối cảnh trên
thế giới xuất hiện nền kinh tế mới toàn cầu hoá.
Theo tôi, người làm cách mạng, nhất là lực lượng
lãnh đạo, đảng lãnh đạo, không bao giờ được phép “giáo điều” hoặc làm các nhà
tiên tri. Tôi xin lưu ý điều này, để nhấn mạnh rằng việc thường xuyên xem xét
lại, điều chỉnh lại quan điểm, đường lối, chiến lược, chính sách cho phù hợp
với tiến triển của sự vật và quá trình cách mạng, để thúc đẩy sự nghiệp cách
mạng tiến lên, là tự nhiên, là tất yếu, là một bí quyết để đi tới thắng lợi. Có
như vậy mới là cách mạng. Thước đo phẩm chất cách mạng và sự sáng suốt của một
đảng lãnh đạo không phải là “giáo điều” hay là nhà tiên tri – dù đấy là một ông
thày bói giỏi. Cách mạng trước hết là hành động thực hiện lý tưởng đề ra.
Thước
đo của cách mạng là luôn luôn nắm bắt được sự phát triển của thực tiễn khách
quan trên thế giới và trong nước, đề ra được và thực hiện thành công những điều
chỉnh mà sự nghiệp cách mạng luôn luôn đòi hỏi, để thực hiện bằng được mục tiêu
– vì cách mạng không bao giờ có một con đường được vạch sẵn và diễn ra trong
một bối cảnh định trước. Có đặt vấn đề như vậy, mới dám vượt lên mọi mặc
cảm của chính mình, kiên định đảy mạnh công cuộc đổi mới hiện nay. Bí quyết làm
cho mỗi quyết sách có nhiều khả năng thực thi nhất và đỡ phải điều chỉnh nhất
là phải có tầm nhìn và dân chủ, còn quyết sách viết ra với
mục đích để lưu trữ hay để chờ đón và chấp nhận đổ vỡ thì không cần phải điều
chỉnh..
Dân gian ngày nay có câu nói về điều hành đất
nước: “Có đúng có sai, sai đâu sửa đấy,
sửa đâu sai đấy, sai đấy sửa đâu?” Đây thật là một câu vè hàm ý phê phán
nhiều điều. Thời nào cũng vậy, khi sự phê phán đã trở thành ca dao hò vè,
thường là ít nhiều có điều gì đó không ổn. Các cơ quan, các người có chức có
quyền cần xem xét nghiêm túc, thẳng thắn tiếp cận những vấn đề ca dao hò vè đặt
ra, không có gì phải tránh né nếu còn giữ trong mình chữ liêm, chữ công.
Cái gì đúng thì nghe, thì sửa, cái gì không đúng thì tự nó sẽ mất đi; nhưng nếu
cố tình không nghe thấy gì cả thì điều đó có nghĩa là đã xuất hiện các ngôn ngữ
khác nhau trong đối thoại giữa dân và cán bộ rồi. Nói đến mức độ như vậy, tôi
muốn nhấn mạnh rằng: Cách mạng có nghĩa là không đánh mất định
hướng xã hội chủ nghĩa - đã được cụ thể hoá thành mục tiêu: Dân giàu nước mạnh,
xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Khi tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta
đã cân nhắc, phân tích rất thận trọng diễn tiến bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ,
đi theo xu thế chống phát xít[73],
và đã phát lệnh toàn dân tổng khởi nghĩa giành được thời cơ phải giành lấy.
Thậm chí trong những ngày đầu sau Cách mạng
Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, Đảng ta đã phải tiến hành những điều
chỉnh lớn, những sách lược và bước đi chiến thuật mà ngày nay nhìn lại chúng ta
vẫn chưa hết tâm trạng kinh ngạc và kính phục. Xin xem lại lịch sử, những việc
Đảng ta đã phải làm để giữ vững mặt trận dân tộc thống nhất lúc bấy giờ, để
tranh thủ từng giờ từng ngày chuẩn bị lực lượng đối phó với quân xâm lược đã
bước vào bên trong nhà mình, để đối phó với các âm mưu chia rẽ của các lực
lượng Việt gian phản động và các các thế lực đế quốc khác... Tình hình lúc đó
ngàn cân treo sợi tóc.
Trong sự điều chỉnh này, cái đích duy nhất không
bao giờ rời bỏ là xây dựng và giữ vững bằng được mặt trận dân tộc thống nhất,
để cả nước một lòng tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng đi vào kháng chiến
chống Pháp. Chỉ cách mạng triệt để mới dám tiến hành những điều chỉnh như thế,
phải điều chỉnh như thế cách mạng mới giành được thắng lợi. Phải chăng đấy cũng
là những gợi ý cho cách đi, cho con đường dẫn dắt cuộc cách mạng phát triển của
nước ta đến thắng lợi trong tiến trình nền kinh tế tri thức đang hình thành
trên thế giới?
Điều làm tôi thầm
lo là mỗi đảng viên, mỗi công dân, mỗi thanh niên, học sinh của đất nước phải
chăng đã ý thức đầy đủ về sự xuất hiện nền kinh tế tri thức và có ý chí sắt đá
theo đuổi nó? Thêm một nhiệm vụ mới thật nặng nề đặt ra cho Đảng ta! Xây dựng
Đảng cần đặc biệt quan tâm đến đòi hỏi mới này. Con đường chinh phục tri thức
không thể lát được bằng những tấm bằng giả, học hàm học vị giả, bằng những nỗ lực
hời hợt, bằng những giá trị đạo đức khoa trương, bằng những hiểu biết vay mượn
hoặc bất kể thủ đoạn làm giả ăn thật nào! Trong đời sống con người, chinh phục
tri thức là cuộc chinh phục gian khổ nhất nó có thể có được, bắt đầu từ chinh
phục – nghĩa là làm chủ – ngay chính bản thân nó, bắt đầu từ biết trân trọng và
tránh lãng phí tri thức – ngay trong khâu trồng người, ngay trong khâu học hỏi,
sử dụng....
Khó mà nói hết những thiệt thòi đất nước ta phải
gánh chịu do 2 thế kỷ bị đánh mất, do bị cướp mất cả một giai đoạn phát triển.
Song hình như điều an ủi duy nhất, là nước đi sau, dân tộc ta đang khởi công sự
nghiệp xây dựng một nước Việt Nam mới vào lúc trên thế giới xuất hiện nền kinh
tế dựa vào tri thức. Làm tất cả mọi việc đưa đất nước ta tiến thẳng vào nấc
thang phát triển này của nhân loại là cơ hội, là cuộc cách mạng đang ở phía trước, dân tộc ta cần giác ngộ và
giành thắng lợi. Có lẽ đấy cũng là quan điểm giai cấp, quan điểm cách mạng
triệt để nhất của những người cộng sản Việt Nam chúng ta. Đây cũng là đòi hỏi
rất nghiêm túc và nghiêm khắc đặt ra cho mỗi công dân nước ta, nhất là cho thế
hệ trẻ của đất nước.
Lý lẽ rất đơn giản: Phát triển suy cho cùng là sự
tăng lên không ngừng năng lực và năng suất lao động toàn xã hội. Vào thời đại
chúng ta đang sống, tri thức là động lực quyết định nhất phải giành lấy, để
mang lại cho đất nước ta sự phát triển
dân tộc ta đang khao khát, để có khả năng tự vệ nhất thiết phải có mà thời đại
ngày nay đòi hỏi.
Đảng ta có nhiệm vụ dẫn dắt đất nước thực hiện
thành công hoài bão nói trên - bắt đầu ngay từ những việc bình thường nhất,
trong tầm tay... - như nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi, chất lượng các loại sản
phẩm và dịch vụ.., tiến dần lên sản phẩm vật chất và dịch vụ ngày càng nhiều
hàm lượng công nghệ, đi dần vào sản phẩm công nghệ cao, phát triển sản phẩm
phần mềm, nâng cao năng lực kinh doanh, nâng cao năng lực toàn xã hội; nâng cao
khả năng điều hành, quản lý từ trong gia đình cho đến cơ quan, doanh nghiệp và
toàn xã hội..; tất cả luôn luôn nhằm vào nâng cao giá
trị gia tăng để mang về nguồn thu nhập lớn nhất cho đất nước. Ưu tiên vẫn là để
có nguồn lực phát triển con người, để mở đường đưa đất nước sớm bước vào nền
kinh tế tri thức, san lấp khoảng cách phát triển ngăn cách đất nước với thế
giới bên ngoài. Mặc dù đất nước ta còn nghèo đến mấy, không có một
lý do gì buộc chúng ta phải chờ đợi!
Sớm muộn kinh tế tri thức sẽ là một trong những yếu tố quyết
định nhất giúp nước ta thu hẹp và dần dần san lấp khoảng cách phát triển.
Kết thúc phần Thế giới và kinh tế tri thức, nếu được yêu cầu
diễn đạt vấn đề này bằng lời nói hình ảnh, tôi sẽ xin thưa: Ngày nay cả thế
giới thách thức một người, nhưng một người có khả năng coi cả thế giới là đối
tượng lao động của mình.
5. Con người, văn hoá, chủ quyền quốc gia
Trong khi chúng ta
còn đang tranh luận về toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa, toàn cầu hoá xã hội chủ
nghĩa, hội nhập quốc tế như thế nào... trí tuệ của thế giới đã nói từ lâu rằng tham gia toàn cầu hoá còn là công việc
của từng cá nhân và từng doanh nghiệp, họ là chủ thể chính của quá trình toàn
cầu hoá đang diễn ra trên thế giới. Với
cách nhìn này, nhiều người còn nói toàn cầu hoá là một hiện tượng kinh tế vi
mô.
Theo tôi, đây là một suy nghĩ đúng, một ý tưởng
mạnh mẽ, quyết liệt, dám nhìn nhận toàn cầu hoá còn là một hiện tượng kinh tế
vi mô vì chủ thể chính là từng cá nhân và từng doanh nghiệp!
Một đất
nước có mọi công dân, mọi doanh nghiệp của mình sẵn sàng đối mặt với cả thế
giới, đất nước ấy sẽ mạnh như thế nào! Việt Nam anh hùng có thể trở thành một
đất nước như thế? Đã có một quyển sách “Có một Việt Nam như thế!”. Vì khát vọng
bao đời nay của dân tộc ta sau khi đã giành được độc lập và thống nhất đất
nước, Đảng ta và nhân dân ta cần viết nên quyển sách “Có một Việt Nam như thế”
cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Ngày nay, không
phải chỉ vì bạn ngồi một chỗ có thể nói chuyện, liên hệ với bất kỳ ai ở nước
nào qua điện thoại, email, internet... mà đưa ra những nhận xét nói trên. Hiện
tượng ngồi một chỗ có thể tiếp xúc với mọi nơi mới chỉ là một trong rất nhiều
yếu tố – thậm chí không phải lúc nào cũng nhất thiết là yếu tố quan trọng nhất
để xem xét.
Để giản lược vấn
đề, theo tôi phải chăng có thể nêu ra ba yếu tố chính để có thể coi cá nhân
từng con người và bản thân từng doanh nghiệp là chủ thể của quá
trình toàn cầu hoá hiện nay:
-
Một là: Yếu tố quan trọng nhất
của sản xuất, tăng trưởng và phát triển bây giờ là con người – trước hết với
nghĩa cá nhân từng con người; quá trình toàn cầu hoá hiện nay với nền kinh tế
tri thức ngày càng phát triển, đang phát huy yếu tố con người hơn bao giờ hết
so với mọi giai đoạn phát triển trước đây của xã hội loài người[74].
-
Hai là: Tính chất toàn cầu hoá
trong sản xuất và cạnh tranh của mỗi quốc gia ngày càng đi vào chiều sâu; sự
phát triển của nền kinh tế tri thức với động lực – hay sức sản xuất trực tiếp
nhất – là sự tiến triển vũ bão và không ngừng của khoa học kỹ thuật và công
nghệ, đang ngày càng làm sâu sắc thêm đặc điểm này, qua đó con người – với tính
cách từng cá nhân – ngày càng đóng vai
trò trung tâm trong mọi hoạt động, mọi quyết định của quá trình sản
xuất và cạnh tranh ngày nay[75].
-
Ba là: Môi trường để con người phát huy vai trò nói
trên của mình là doanh nghiệp, mỗi sản phẩm làm ra đều thuộc một doanh nghiệp
nhất định. Doanh nghiệp cũng là người đưa sản phẩm của mình ra thị trường,
quyết định huỷ bỏ một sản phẩm nào đó, hoặc đưa ra một sản phẩm mới. Doanh
nghiệp là người trực tiếp nhất trong đối
chọi hay hợp tác với mọi đối tượng trong nền kinh tế toàn cầu hoá– nhà nước chỉ
có thể đứng đằng sau làm hậu thuẫn. Đương nhiên, đến lượt mình, bản thân mỗi
doanh nghiệp phát triển như thế nào – trước hết lại cũng do con người quyết
định.
Còn một yếu tố bao
trùm: lao động đơn giản ngày càng giảm ý nghĩa trong sản xuất và cạnh tranh
mang tính toàn cầu hoá. Đòi hỏi phát triển con người trở thành điều kiện thắng,
thua và điều kiện giành thắng lợi cuối cùng trong một sản phẩm hay trong một
bước phát triển của mỗi quốc gia.
Trước chiến tranh thế giới thứ nhất,
Ac-hen-ti-na – rộng lớn, rất giàu tài nguyên thiên nhiên - được coi là nước có
thu nhập tính theo đầu người xếp thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Nhưng vì đi theo
con đường phát triển nền kinh tế nguyên liệu và không mấy thành công trong chiến lược phát triển
con người, nên hiện nay Ac-hen-ti-na có thu nhập theo đầu người xếp thứ 71 trên
thế giới.
Trong nửa sau thế kỷ 20, Trung Quốc và Â’n-độ về
đại thể có trình độ phát triển sàn sàn nhau. Nhưng thành công của nền giáo dục
Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với nền giáo dục ở Â’n-độ, nâng cao đáng kể
chất lượng nguồn lực con người. Chính đây là một trong những yếu tố quan trọng
nhất giúp Trung Quốc bứt lên bỏ xa Â’n-độ đáng kể về nhiều phương diện phát
triển.
Khi con người đóng vai trò trung tâm như vừa
trình bày trên, nó vừa phải có khả năng tiếp cận, hoà nhập với thế giới của
mình, đồng thời vừa phải có khả năng tự khẳng định mình trong thế giới ấy. Một
quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hoá mà không có những công dân như vậy, quốc gia ấy thua
cuộc.
Trong quá trình này, sức ly tâm tác động lên công
dân của mỗi quốc gia rất lớn. Chính sách phát triển con người của một quốc gia
phải làm sao ngự trị được sức ly tâm ấy, nghĩa là làm cho sức ly tâm ấy vận
động theo hướng tăng thêm khả năng và bản lĩnh của công dân mình tiếp cận tốt
nhất với thế giới của anh ta hay chị ta, mang lại khả năng phục vụ tốt nhất lợi
ích của đất nước - dù là công dân đó sống ở đâu dưới gầm trời trái đất này,
không để cho sức ly tâm ấy cuốn hút mất công dân của mình – hiểu theo nghĩa
quay lưng lại với lợi ích của đất nước – dù công dân ấy sống ở trong nước hay
nước ngoài cũng thế thôi.
Ai cũng thấy ngay, chỉ có thể thực hiện được
điều này khi làm cho lợi ích của công dân đồng nhất với lợi ích của đất nước,
làm cho sự phát triển và lợi ích của đất nước trở thành nền tảng, thành cơ sở
để thực hiện lợi ích của cá nhân công dân ấy. Bản sắc văn hoá và những giá trị
truyền thống được nuôi dưỡng, phát huy sẽ là những yếu tố tinh thần không thể
thiếu được để ngự trị sức ly tâm này, đồng thời cũng là yếu tố không thể thiếu
được giúp cho mỗi công dân tự khẳng định mình trong thế giới của mình – dù là
đang sống ở đâu trên thế giới này. Một quốc gia sẽ trở thành vô địch, nếu Nhà
nước của nó, hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội và truyền thống văn hoá của nó
trở thành cội nguồn sức sống và chỗ dựa không thể thiếu được cho mỗi công dân
của nó để tự khẳng định mình trong khi dấn thân vào quá trình toàn cầu hoá. Nếu
cá nhân tôi bước vào vũ đài thế giới, dù tôi là một doanh nhân, một chính
khách, một nhà khoa học, một sinh viên, thậm chí là người lao động đi làm thuê
ở nước ngoài để kiếm sống... sẽ cảm thấy vững tâm như thế nào nếu thấy quốc gia
mình, Nhà nước mình đang hậu thuẫn cho mình... Một lần nữa chúng ta lại
thấy vấn đề “của dân” là lẽ
sống còn. Nhưng chủ nghĩa sô-vanh hoặc bất kể sự kỳ thị nào thì không bao giờ
tốt. Ôi tinh thần, tính cách Việt Nam da diết lắm, thiêng liêng lắm! Đảng, Nhà
nước và toàn thể cộng đồng dân tộc ta xin hãy tìm mọi cách gìn giữ, nuôi dưỡng
tinh thần, tính cách này[76]...
Không phải chờ đến lúc công dân của mình bước ra
nước ngoài mới phải đương đầu với sức ly tâm ấy. Hoàn toàn không phải như vậy.
Trong thế giới thông tin – hay người ta thường nói trong thời đại tin học ngày
nay, sức ly tâm ấy tiếp cận từng giờ từng phút với mọi lớp người mọi lứa tuổi
ngay trong mỗi quốc gia, ngay trong mỗi nhà, ngay trên chương trình tivi hàng
ngày chúng ta đang ngồi xem ở trong nhà...
Không có một cánh cửa hay lá chắn nào có thể
ngăn cản sức ly tâm này, nhưng có bản lĩnh ngự trị được sức ly tâm này. Bản
lĩnh ấy phải được xây dựng cho từng con người – bằng giáo dục trí tuệ, phẩm
chất, bằng khả năng gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc
mình, bằng niềm tự hào về tổ quốc và con người của đất nước mình, bằng sự hậu
thuẫn không mệt mỏi của cả nước cho mỗi công dân của mình... Xin từ yêu cầu này
xem xét lại mọi vấn đề có liên quan, từ xây dựng và phát triển xã hội, hệ thống chính
trị, giáo dục đào tạo, phát triển văn
hoá...
Đã có lần tôi báo cáo với các đồng chí lãnh đạo
Đảng và Nhà nước: Trong hội nhập quốc tế, không có một chiến tuyến thẳng tắp
phân biệt bên này là nước ta, bên kia là các đối tác hay đối thủ, nhưng mỗi
công dân nước ta đều có một chiến tuyến phải đương đầu và để tự khẳng định
mình. Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, và trước hết là gia đình... phải
làm gì để mỗi công dân của mình có được khả năng và bản lĩnh đứng vững trên
chiến tuyến của chính bản thân mình?
Định hướng xã hội chủ nghĩa trước hết là phát triển
con người Việt Nam với tinh thần như vậy.
Xin
nói thêm đôi điều về chủ quyền quốc gia,
Chủ quyền quốc gia không những ngày càng phải
thích ứng với những đòi hỏi mới trong quá trình tham gia vào các thể chế khu
vực và quốc tế mà còn chịu sự chi phối của những hoạt động kinh tế, trước hết
là những hoạt động kinh tế của các công
ty xuyên quốc gia và các tập đoàn tài chính, chịu sự chi phối của toàn bộ quá trình toàn cầu hoá.
Không phải ngẫu nhiên Thomas Friedman trong cuốn
sách “Nhà máy ôtô Lexus và cây ô-liu”[77]
phải nhận xét rằng cuộc viếng thăm của một cơ quan xếp hạng trái phiếu có khi
còn quan trọng hơn cả cuộc viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia, tỷ giá đồng
tiền một nước có khi lại do một thị trường chứng khoán rất xa ở đâu đó trên thế
giới quyết định...
Song có nước lại đưa ra khái niệm “biên giới
mềm” bằng lời tuyên bố: hàng hoá của mình đi tới đâu là chủ quyền quốc gia của
mình tới đó; nghĩa là nước ấy sẵn sàng điều chỉnh những vẫn đề cần thiết trong
nước để thực hiện yêu cầu này.
Nhận xét của Thomas Friedman có thể được xem là
ví dụ chủ quyền quốc gia bị các yếu tố bên
ngoài thu hẹp. Còn khái niệm về “biên giới mềm” có thể được xem là hiện tượng
bành trướng chủ quyền quốc gia. Chủ quyền quốc gia trong quá trình toàn cầu hoá
hiện nay phải cùng một lúc đối phó với những hiện tượng trái chiều nhau như
vậy, hay cùng một lúc phát triển theo các chiều hướng khác nhau như vậy.
Có không ít ý kiến cho rằng với những tác động
như vậy của toàn cầu hoá vào chủ quyền quốc gia, vai trò nhà nước ngày càng thu
hẹp. Quan điểm này cần được xem xét rất thận trọng và cần đề phòng sự lầm lẫn
do vì khái quát hoá mà bỏ quên mất đặc thù của từng vấn đề và đặc thù của tình
hình từng quốc gia.
Trong hoàn cảnh của nước ta, đúng là cần thiết
tạo ra sự thích nghi với các thể chế quốc tế và khu vực, đúng là càng đẩy mạnh
đổi mới và nâng cao sức cạnh tranh, càng phải giảm bớt hoặc xoá bỏ những can
thiệp hành chính không cần thiết của nhà nước vào kinh tế. Song chính những
đòi hỏi này lại đặt ra yêu cầu phải có một nhà nước có chất lượng, có hiệu lực
rất cao. Với ý nghĩa này, tôi muốn hiểu là trong quá trình toàn cầu hoá,
vai trò có hiệu quả của nhà nước càng trở nên vô cùng quan trọng.
Chúng ta thử hình dung: Không có một nhà nước có
hiệu quả như vậy, làm sao sản xuất và tiêu thụ được một cách có lợi nhất đầu ra
của nền kinh tế trên thị trường trong nước và nước ngoài? Làm sao tranh thủ FDI
và chuyển giao công nghệ được tốt hơn để đảy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế? Làm sao tránh né hay bảo tồn nền kinh tế nước mình trước những hiện
tượng như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997? Làm sao khai thác
được những cơ hội tốt?.. vân...vân...
Ngoài ra, tham gia vào toàn cầu hoá còn đòi hỏi
từng công dân và từng doanh nghiệp phải ý thức đầy đủ về chủ quyền quốc gia và
có khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đó không phải đơn thuần chỉ là nhiệm
vụ của Nhà nước.
Có đủ thực tế để kết luận: từng cá nhân, từng doanh nghiệp là chủ thể của toàn cầu hoá, Nhà nước có nghĩa vụ giúp họ
thực hiện thắng lợi vai trò chủ thể này. Muốn làm được điều này, phải có Nhà
nước có chất lượng cao và có dân chủ – một trong những nhiệm vụ cách mạng cực
kỳ quan trọng của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
[47]
Tham khảo thêm: Trần Việt Phương, “Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế”,
trong sách “Toàn cầu hoá, quan điểm và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế”, Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, NXB Thống kê, Hà Nội 1999, tr. 5-31.
[48]
Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản, sách đã dẫn, tr. 27 và 28, chỗ gạch dưới do tôi
muốn nhấn mạnh.
[49]
Phương thức này bị các phương thức mới loại bỏ: công nghệ thiết kế tổng hợp
đồng thời (simultan), quá trình sáng chế liên tục, phương thức làm việc đồng
đội (team work), phương thức “đúng lúc” (in time) và “không có kho” (zero
stock) vân...vân... – chủ yếu do những tiến bộ mới của công nghệ tin học, khoa
học quản lý, công nghiệp viễn thông, sự phát triển của gia thông vận tải, cường độ lưu chuyển các dòng chảy của vốn
ngày càng lớn... Đặc biệt là từ khi xuất hiện
internet - một cú hích thúc đẩy sự chuyển dịch gần như có ý nghĩa quyết định từ
mô thức kinh tế theo tuyến sang mô thức kinh tế theo mạng, thay đổi sâu sắc đời
sống kinh tế hiện tại trên toàn bộ hành tinh của chúng ta.
[50]
Trên phạm vi thế giới, khoảng cách về trình
độ công nghiệp hoá giữa nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát
triển năm 1960 gấp 30 lần, năm 1987 là 36 lần, năm 1992 là 57 lần, hiện nay là
60 lần.. Toàn cầu hoá tác động trong phạm vi một nước, ví dụ 1996 Pháp có 3 triệu người thất nghiệp, đồng thời trong
quá trình xáp nhập hoặc giải thể các công ty do tác động toàn cầu hoá, có thêm
3,5 triệu người nữa bị xa thải buộc phải đi tìm việc mới, như vậy số người bị
bần cùng hoá lên đến 6,5 triệu; toàn Tây Âu 1996 có 20 triệu người thất nghiệp
và 38 triệu người nghèo khổ, vượt xa con số thời kỳ đại khủng hoảng 1929-33 –
Le Monde diplomatique tháng 11-1996. Trong khi FDI tìm cách lấn sân tại các
nước đang phát triển, thì hàng nhập rẻ vào các nước công nghiệp – trước hết là
sản phẩm tiêu dùng – từ các nước đang phát triển cũng đóng góp phần mình vào xu
thế tăng thêm khoảng cách giàu-nghèo trong nội bộ các nước công nghiệp, đồng
thời góp phần làm phá sản nhiều xí nghiệp nhỏ và vừa của những nước này.
Tạp chí
The Economist 10-2-1996 và tạp chí Newsweek cùng tuần đưa tin: chỉ riêng 12 ông
chủ lớn ở Mỹ trong vòng vài năm nay đã xa thải 363.000 công nhân; Bộ trưởng lao
động đương chức của Mỹ Robert Reich phải kêu lên: “Trong các nền dân chủ công
nghiệp của chúng ta, toàn cầu hoá đang tạo ra một lớp người mất tinh thần vì bị
bần cùng hoá...”...
Sự chênh
lệch giầu nghèo làm cho làn sóng di cư vào các nước phát triển – nhất là khu
vực Tây Bắc Âu – ngày càng khó kiểm soát, một số nước Tây Bắc Âu có tỷ lệ người
nhập cư trên 10%, cá biệt có nước gần 20% dân số trong nước, đặt ra nhiều vấn
đề phức tạp mới.
[51]
Từ cuối thập kỷ 1940 đến cuối thập kỷ 1980 tồn tại một hình thức toàn cầu hoá
trong khuôn khổ liên minh chính trị Vác-sa-va của các nước XHCN: khối SEV
(1949-1990), tiếc rảng ngày nay hình mẫu này không để lại một ảnh hưởng gì đáng
kể. Các nước đang phát triển, các nước Nam-Nam phải tiếp tục nỗ lực tìm đường
khẳng định mình - đấy là sự lựa chọn (alternative) duy nhất.để tham gia vào quá
trinhg toàn cầu hoá hiện nay.
[52]
Hiện nay các nước châu Mỹ Latinh có thu nhập bình quân theo đầu người thấp nhất
là 1700 USD, cao nhất là Achentina = 8700 USD; nguồn WB 1999.
[53]
Xin đừng đánh đồng sự chiết chung này với những bước đi có cân nhắc, sáng suốt,
thích hợp, kiên định nhằm vào thúc đảy công cuộc đổi mới để hoàn thành sự
nghiệp CNH,HĐH theo định hướng xã hội chủ nghĩa..
[54]
Xem bài viết đã dẫn của Trần Việt Phương.
[55]
“Mùa xuân nghĩ về toàn cầu hoá, bản lĩnh Việt Nam bước vào cuộc chơi kinh tế”,
Trần Mạnh Hảo, Thời báo Kinh tế, số Xuân Canh Thìn.
[56]
Trong năm 1999 tôi có cơ hội tiếp xúc với một số nhà kinh tế, học giả và người
làm chính sách của Liên Minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan... Khi hỏi
họ về dự báo tương lai, ý kiến của nhiều người trong số họ đai thể là: Nếu dự
báo đúng được, thì việc đầu tiên là họ bỏ ngay những nơi họ đang làm việc để đi
làm giàu, nhưng rất tiếc là không một ai có tài dự báo này; dự báo để tìm hướng
tư duy thì cứ dự báo, còn dự báo để hành động và làm ăn thực sự thì ngay cả
những Viện có tên tuổi nhất cũng chỉ dám dự báo 3-4 năm thôi. Họ thừa nhận ngày
nay thế giới biến đổi nhanh quá...
[57]
Giao dịch hối đoái năm 1900 khoảng vài chục triệu USD/ngày. Cuối thập kỷ 1980
khoảng 600 tỷ USD/ngày; năm 1993 vượt 1000tỷ USD/ngày; nguồn: Trung tâm phát
triển OECD 1994. Hiện nay giao dịch hối đoái trên thế giới ước khoảng 1500 tỷ
USD/ngày (Thomas Friedman). Trí tuệ con người, khoa học kỹ thuật và công nghệ
ngày nay vẫn chưa thiết lập được một cơ chế gì có thể kiểm soát nền kinh tế ảo
này. Trong khi đó toàn bộ kim ngạch xuất và nhập khẩu của cả thế giới cả năm
1998 khoảng 14.000 tỷ USD.
[58]
các “tập đoàn” ở Hàn Quốc.
[59]
Đương nhiên phải hiểu những ý này trong bối cảnh thị trường tiền tệ và thị
trường vốn của thế kỷ thứ 18 – Nguyên Nguyên.
[60][60]
tác giả cuốn “Hệ thống buôn bán thế giới”. The
MIT Press, Cambridge, Massachusetts, London, in lần thứ 3 , 1999.
[61]
Trên thế giới hiện nay chỉ còn trên 30 quốc gia chưa tham gia WTO, song phần
lớn là các quốc đảo, các vùng lãnh thổ nhỏ, một số nước còn đang có nội chiến
hoặc quá chậm phát triển, những nước lớn hơn chưa tham gia hay đang đàm phán
tham gia hoặc chưa đàm phán là Việt Nam, Cuba, Miến Điện, Bắc Triều Tiên,
Campuchia, Lào...
[62]
Chỉ tính kim ngạch xuất khẩu. Nguồn: The World Trading System, sách đã dẫn,
tr.74 và tham khảo thêm báo cáo của World Bank về kinh tế thế giới 1999/2000,
bản tiếng Việt, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.
[63]- EU, Liên minh châu Âu, cơ chế chính thức
như hiện nay hình thành từ cuối thập kỷ 1980, có 15 nước thành viên, hiện
nay nhiều nước châu Âu khác đang xin tham gia.
-
NAFTA, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, ký kết 1989, hình thành nhóm
1-9-1994, có Mỹ, Canađa và Mêhicô
tham gia, nhóm này bao gồm 365 triệu dân.
-
APEC, diễn đàn Hợp tác kinh tế châu A’ - Thái bình
dương, hình thành và phát triển dần từ năm 1989, bao gồm các nước ASEAN7, Trung
Quốc Mỹ, Canada, Nhật, Uc, Niu Dilân, Hàn Quốc... Việt Nam tham gia từ 1999.
-
AFTA , Hiệp hội thương mại tự do châu A’, của các nước
ASEAN7, bắt đầu hình thành từ 1992.
-
MERCOSUR, Thị trường chung Nam Mỹ, ký năm 1994, bao gồm
phần lớn các nước châu Mỹ La-tinh
[64]
Tuy nhiên, nếu có khả năng vươn lên, nước ta cũng có thể giành những lợi thế lớn
trong phần này. Ví dụ gần đây nhât, 1999, do thực hiện được các tiêu chuẩn vệ
sinh thực phẩm, EU chấp nhẫn 28 doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của ta được
xuất sang EU không hạn chế quota và được hưởng thuế ưu đãi tốt nhất. Đây là cơ
sở thuận lợi quan trọng để ta đàm phán với các thành viên WTO khác. Nỗi lo
chính là nếu một trong 28 doanh nghiệp ấy chỉ cần 1 lần vi phạm tiêu chuẩn
thôi, sẽ đỗ vỡ tất cả và khoá xổ công việc này – xin được đặc biệt lưu ý. Những
ví dụ này có thể mở rộng sang các loại nông phẩm khác, thực phẩm khác của nước
ta.
[65]
Vì nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, Đài Loan còn phải chờ Trung Quốc được kết
nạp vào WTO thì mới được tham gia.
[66]
Tham khảo các tài liệu:
-
Đặng Hữu: “Cuộc cách mạng KH&CN hiện đại và sự xuất
hiện nền kinh tế tri thức”,
-
Hứa Tác Cầu: “Chủ nghĩa Mác và kinh tế tri thức”, tạp
chí Thế trào đương đại, TQ, số 1-1999.
-
NXB Buttherworth Heinemann, Đức, 1988: “The knowldge
Economy”, nhiều tác giả.
[67]
Tại Mỹ, sự thay đổi này diễn ra tới mức trong tổng số 12 tập đoàn công nghiệp
lớn nhất thành lập ngày 1-1-1900, ngày nay chỉ còn tập đoàn General Electric
duy nhất tồn tại, những tập đoàn khác phải chia nhỏ hoặc biến mất - vì cả 11
tập đoàn kia đều đi vào nền kinh tế nguyên liệu và những công nghiêp đã chín
muồi, xế chiều... Tại tất cả các nước OECD, chưa bao giờ các tập đoàn thi
nhau đổ vỡ, thi nhau ra đời, thi nhau xé lẻ hoặc sáp nhập vào nhau nhiều như
trong hai thập kỷ vừa qua, đặc biệt
trong thập kỷ 1990 – hiện tượng này thường được chup cho cái mũ chung là “khủng
hoảng”, song chủ yếu hay trước hết đó là hệ quả tất yếu của phát triển vũ bão
của KH&CN, là một hình thái phát triển trên cơ sở loại bỏ cái thua kém, cái
lạc hậu...
[68]
Tôi thầm lo công đào đất, đào than và còn bao nhiêu thứ chi phí khác nữa... tất
cả chỉ có 3 USD cho một con voi sứ, không biết có đủ hay không? Xin hãy đến xem
sự ô nhiễm môi trường của làng làm đồ gốm Bát Tràng, của những địa ơhương làm
đồ thủ công mỹ nghệ khác... Kéo dài xuất khẩu như thế này đất nước sẽ đi tới
đâu? Mà hiện tại không xuất khẩu được như thế cũng chết!. Mọi vấn đề bức bách
của đất nước càng trở nên bức bách hơn!.
[69]
Một lần nữa xin lưu ý công nghệ thông tin ngày nay trở thành phương tiện quan
trọng nhất có thể phục vụ đắc lực quá trình móc nối, tổng hợp này.
[70]
Giả thử nước A kinh tế có nguy cơ suy sụp, người nước ngoài đầu tư hay cho vay
vốn đánh hơi thấy và tháo chạy, rút vốn của mình đưa sang nước B, nhiều khi
tháo chạy quá mức, khiến kinh tế nước A từ chỗ chỉ có nguy cơ, nay suy sụp thật
sự. Vốn dồn vào nước B, khiến nước B phải giảm lãi xuất cho vay, hoạt động tài
chính và ngân hàng của nước B có thể vì thế mà tê liệt. Nước B bỗng dưng nhiều
vốn, đột nhiên có thể xẩy ra các hiện tượng nhất thời hoặc giả tạo – ví dụ: giá
bất động sản lên, sản xuất một số mặt hàng nào đó tăng đột ngột..; những hiện
tượng này kéo theo nhiều rối ren khác khó xử lý. Cứ thế tình hình kinh tế nước
B tác động vào bạn hàng truyền thống của mình – ví dụ là nước C. Tham gia vào
trò chơi này còn có các nước D, E, F... xyz... Thế là xuất hiện sự sụp đổ của
các con bài domino, ngoài ra còn có bàn tay của các ông George Soros 1, George
Soros 2, 3, 4... Sơ đồ cơn bão tài chính thành 7-1997 đại thể là như vậy. Ngày
nay chưa có đài thiên văn nào làm được việc dự báo hữu hiệu loại bão này; còn
khi bão đã đổ bộ vào thì muộn rồi ...
[71]
Hiện nay còn đang có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm “nhà nước ảo” –
một hướng suy nghĩ tương tự như khi nói về nền kinh tế ảo. Trước hết đó có thể
là một “nhà nước” không có viên chức và bộ máy làm việc, nhưng lại có các thiết
chế, các thể chế, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp “phần mềm”, các
“mạng”, các luật chơi trong khung khổ một quốc gia, một khu vực hoặc phạm vi
quốc tế, trong khung khổ giữa các tập đoàn kinh tế.., thay thế hay thay thế một phần nhà nước thực trong
điều hành những công việc nhất định hay một phần của những công việc nhất định,
hoặc thậm chí có khi có những quyết định không đi qua con đường nhà nước thực.
Khái niệm “nhà nước ảo” có lẽ là bằng chứng rõ rệt nhất về tính nhà nước ngày
càng “bé” trên những phương diện nhất định, nhưng trên nhiều phương diện khác
lại càng trở nên quan trọng hơn nhiều. Tại một số nước phát triển, công dân có
thể từ nhà làm việc trên máy tính với các “trung tâm” hoặc các “mạng” để làm
việc với nhà nước thật trong các việc như xin phép. kiện cáo, kiến nghị..; công
dân hỏi, xin.., các máy tính của các “trung tâm” hoặc các “mạng” tự trả lời...
– song tôi nghĩ đây là một biện pháp cải cách hành chính, chứ không phải là một
ví dụ về “nhà nước ảo”.
[72]
Nên chăng cần nghiên cứu làm rõ thêm bản chất giai cấp của Nhà nước ở nước
ta còn phải được đo bằng khả năng của nó phục vụ các mục tiêu phát triển
đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chứ không chỉ xem xét theo quan điểm
thành phần giai cấp đơn thuần.
[73]
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Sự thật là nhân dân
ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp... ...Chúng
tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng
ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền
độc lập của dân Việt Nam”
[74]
Xin luôn luôn hiểu cho khái niệm con người ở đây là nói về từng cá nhân con
người trong cộng đồng chung của một quốc gia, một xã hội; không nên hiểu con
người với khái niệm quá chung chung, trừu tượng.
[75]
Xin xem lại các ví dụ về công nhân lắp ráp xe Mercedes, về những người nông dân
ở các nước phương Tây... đã nêu trong phần I.
[76]
Xin nói lại một chuyện cũ: Mới cách đây vài thập kỷ trở về trước, người Trung
Quốc cư trú ở các nước phương Tây thường bị gọi một cách miệt thị với cái tên
là “chiệc”; nhưng bây giờ khái niệm “Trung Quốc” ở những nơi này mang những nội
dung và giá trị rất khác trước, người Trung quốc cư trú ở những nơi đấy cũng
được nhìn nhận băng những con mắt khác. Chính điều này đã tăng thêm sự gắn bó
Trung Hoa giữa kiều dân Trung Quốc với đất nước mình. Hiện nay có một văn hoá
Trung Hoa ngày càng phát triển của cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, rất gắn bó
với văn hoá Trung Quốc đại lục, bất luận các vấn đề Đài Loan, Hongkong, Macao
diễn tiến thế nào... Xin từ đó suy xét mọi điều.
[77]
Nhà máy ô-tô Lexus và cây ô-liu, Thomas
Friedman, New York Times, New York, 1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét