Các công cụ cá nhân
Thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị
ĐCSVN
Ngày 9 tháng 8 năm
1995, để chuẩn bị đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt đã gửi
thư này tới Bộ Chính trị ĐCSVN, trong đó ông nêu lên 4 vấn đề : 1. Đánh giá
tình hình cục diện thế giới ngày nay ; 2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch
hướng ? 3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước ; 4. Xây dựng Đảng.
Thư của ông VÕ VĂN
KIỆT
gửi BỘ CHÍNH TRỊ ĐCSVN
gửi BỘ CHÍNH TRỊ ĐCSVN
VÕ VĂN KIỆT
Hà
Nội, ngày 9 tháng 8 năm 1995
Kính
gửi BỘ CHÍNH TRỊ
Sau đợt thảo luận tháng
6 vừa qua trong Bộ Chính trị xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội VIII, đồng
chí Tổng bí thư đã kết luận còn một số vấn đề và quan điểm lớn cần tổ chức
nghiên cứu và thảo luận sâu hơn nữa. Tôi tán thành kết luận này và xin trình
bày một số ý kiến về 4 vấn đề :
1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay
2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng ?
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
4. Xây dựng Đảng
2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng ?
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
4. Xây dựng Đảng
1. Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay
Nhận thức của chúng ta
về tình hình, cục diện thế giới này nay quyết định đánh giá của chúng ta về
thời cơ và thách thức.
Đặc điểm cần nhấn mạnh là : Trong thế giới ngày nay,
không phải mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mà
trước hết là tính chất đa dạng đa cực trở thành nhân tố nổi trội nhất chi phối
những mâu thuẫn và sự vận động của các mối quan hệ giữa mọi quốc gia trên thế
giới. Và cũng khác với trước, ngày nay lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực, những
lợi ích toàn cầu khác (ví dụ hoà bình, vấn đề môi trường, vấn đề phát triển,
tính chất toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc của sự phát triển lực lượng sản
xuất...) đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc phát triển những mâu
thuẫn cũng như trong việc tạo ra những tập hợp lực lượng mới ngày nay trên thế
giới. Nhiều mâu thuẫn khác đã từng tồn tại trong thời kỳ thế giới còn chia thành
hai phe – kể cả mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã
hội – có thể tiếp tục còn tồn tại, song chịu sự chi phối ngày càng lớn hơn
bởi những mâu thuẫn khác và do đó không còn có thể giữ vai trò như cũ.
Không thấy hết đặc điểm quan trọng nói trên, không thể
cắt nghĩa được việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN, ký kết hiệp định khung
với EU (Liên hiệp châu Âu, chú thích của DĐ), tạo lập ra được quan hệ quốc tế
ngày càng rộng rãi và giành lấy vị trí quốc tế ngày càng thuận lợi hơn trước
giữa lúc hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại được nữa. Cần nhấn mạnh đây là chiến công có ý nghĩa
chiến lược và xoay chuyển hẳn tình thế của đường lối đối ngoại Đại hội
VII – xuất phát từ những nhận thức mới và chính xác về cục diện thế giới
ngày nay. Bây giờ, lợi ích của Việt Nam là phát huy hơn nữa đường lối ấy. Đồng
thời cũng phải tỉnh táo đánh giá những thách thức và sức ép mới do ta gia nhập
ASEAN, hợp tác với EU, bình thường hoá quan hệ với Mỹ...
Ngày nay, Mỹ và các thế
lực phản động khác không thể giương ngọn cờ chống cộng để tranh thủ dư luận và
tập hợp lực lượng chống lại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trước
được nữa. Vì ngọn cờ này đã hết phép mê hoặc, chúng phải chuyển sang ngọn cờ
dân chủ và nhân quyền. Song ngay cả ý đồ muốn thủ tiêu nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam của các thế lực đế quốc và phản động cũng phải được đánh giá
dưới ánh sáng của cục diện quốc tế mới – đặc biệt là trong mối tương quan
giữa các nước lớn, các “ trung tâm ”, các “ cực ” đang hình thành ngày càng rõ
nét.
Để có cơ sở phân tích
mối tương quan vừa nói tới bên trên, chúng ta có hàng loạt những sự kiện quan
trọng kể từ khi cục diện quốc tế bắt đầu chuyển sang thời kỳ mới, đó là : chiến
tranh Irak, sự tập hợp lực lượng và thái độ các nước lớn chung quanh việc chống
Việt Nam trong vấn đề Campuchia, giải pháp hoà bình giữa Palestine và Israel,
hoà giải ở Nam Phi, nội chiến ở Nam Tư cũ (Bosnia, Herzegovina), sự tranh chấp
ở Trường Sa và thái độ các loại nước khác nhau chung quanh vấn đề này, sự phát triển
các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam trong 10 năm qua, triển vọng bình thường
hoá quan hệ Việt - Mỹ, vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN, tiếng nói của
các nước nhỏ ngày càng có nhiều trọng lượng hơn trước, xu thế tập hợp các tổ
chức kinh tế khu vực, vai trò ngày càng tăng của Liên hiệp quốc song song với
hiện tượng những siêu cường ngày càng khó thao túng Liên hiệp quốc như thời kỳ
chiến tranh lạnh, vân vân...
Chúng ta cũng cần phân
tích sâu những mâu thuẫn mới và sự tập hợp lực lượng mới đang diễn ra trong
quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, tạo ra cho mỗi nước những cơ hội và
thách thức mới khó lường hết được.
Trước hết đó là những
mâu thuẫn và lợi ích của các quốc gia – bao gồm cả sự cạnh tranh gay gắt,
xung đột lợi ích quốc gia, yêu cầu hợp tác, những thách thức tác động vào mọi
quốc gia do sự phát triển của lực lượng sản xuất và những biến động trong kinh
tế thế giới, sự hình thành những liên kết kinh tế khu vực, những thách thức mới
trên các lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội do quá trình hoà nhập và giao lưu
kinh tế ngày càng sâu rộng giữa các quốc gia, những chính sách và thủ đoạn của
các quốc gia và các thế lực thù nghịch nhau sử dụng những yếu tố mới này để chi
phối, đối phó hoặc loại bỏ nhau... Không xử lý được tình hình mới này, không
một quốc gia nào có thể đứng vững được.
Cũng cần đánh giá thực chất quan hệ giữa các nước xã hội
chủ nghĩa còn lại. Sự thật hiện nay là 4 nước xã hội chủ nghĩa tuy có những mối
quan hệ với nhau ở mức độ nhất định, song không thể hành động và không có giá
trị trên trường quốc tế như một lực lượng kinh tế và chính trị thống
nhất. Nói riêng về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cộng hoà dân
chủ nhân dân Triều Tiên thì tính chất quốc gia lấn át (nếu
chưa muốn nói là loại bỏ) tính chất xã hội chủ nghĩa trong
những mối quan hệ giữa những nước này. Thậm chí trong quan hệ Việt Nam - Trung
Quốc tồn tại không ít điểm nóng. Thuần tuý nói về chủ nghĩa xã hội thì cả 4
nước xã hội chủ nghĩa còn lại đều nói còn đang phải tiếp tục nghiên cứu, tìm
tòi con đường riêng phù hợp của từng nước.
Cũng không thể xem xét sự phục hồi ở mức độ nào đấy của
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế – kể cả ở những nước Liên Xô Đông
Âu cũ, có cùng một chất lượng và cũng một giá trị cộng sản chủ nghĩa như trước
kia. Chủ nghĩa xã hội dân chủ và nhiều quan điểm pha trộn khác đang tác động
mạnh mẽ vào trào lưu này. Nghĩa là sự phục hồi này chưa mang lại cho phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế sức nặng chính trị vốn có trước đây.
Song có một thực tế
khách quan khác rất quan trọng cần được mổ xẻ nghiên cứu. Đó là, bất chấp những
biến động nghiêm trọng của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa, nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ngày càng được củng
cố và đứng trước những triển vọng to lớn. Cục diện quốc tế ngày nay có những
đặc điểm gì, cho phép vận dụng đường lối nào và có thể khai thác những yếu tố
gì đã giúp cho Đảng ta xoay chuyển được tình hình ; tìm ra được hướng đi mới và
tạo khả năng giành thời cơ để đi lên như vậy ?
Điều hiển nhiên là trên thế
giới tiếng nói ủng hộ hay đồng tình với yêu cầu ổn định chính trị của Việt Nam
ngày càng mạnh, sự chấp nhận trên thế giới đối với chế độ chính trị một đảng
của Việt Nam cũng đang tăng lên – mặc dầu lúc này lúc khác vấn đề dân chủ
và nhân quyền được sử dụng như một phương tiện chính trị đối phó với chúng ta.
Hơn thế nữa, đang có một xu thế ngày càng mạnh trên thế giới hoan nghênh, cổ vũ
sự phát triển năng động và vai trò tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nếu như trong tương lai gần đây, chúng ta thực hiện được dân giàu nước mạnh, xã
hội công bằng và văn minh, nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo sẽ
lại một lần nữa giành được trái tim của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế
giới – một sự tập hợp lực lượng mới, như Đảng ta và nhân dân ta đã từng
thực hiện được trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Bởi vì mục tiêu dân giàu nước
mạnh, xã hội công bằng và văn minh là khát vọng của nhân dân ta, đồng thời cũng
là mong muốn của nhiều nước đang phát triển và các lực lượng tiến bộ trên toàn
thế giới. Những lý luận hoặc mô hình này mô hình khác về xây dựng xã hội xã hội
chủ nghĩa vừa qua có thể thất bại, nhưng xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa
chân chính vẫn là khát vọng của nhân dân lao động toàn thế giới. Xem xét thế
giới như vậy, mặt trận của Việt Nam tập hợp lực lượng trên thế giới ngày nay
vẫn có triển vọng ngày càng mở rộng. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào đường lối
của Đảng ta và phẩm chất cách mạng của chúng ta.
Tất cả phải đưa lên bàn cân, để có thể nhận định, phán đoán
tình hình một cách đúng đắn, xác định chính xác nhiệm vụ phải thực hiện, để lo
thu xếp huy động thực lực bên trong, tập hợp lực lượng bên ngoài và bài binh bố
trận như thế nào để thắng bằng được trong keo vật mới này ?
Với đánh giá tình hình theo cách nhìn mới, có thể nói, sau
một nửa thế kỷ phấn đấu đầy hy sinh gian khổ kể từ Cách mạng tháng Tám, bây giờ
chúng ta mới cùng một lúc có được điều kiện bên trong tốt nhất
và bối cảnh quốc tế bên ngoài thuận lợi nhất cho phép đặt ra được và thực hiện
được dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh, đáp ứng được đòi hỏi
phải vươn ra thế giới bên ngoài để tồn tại và phát triển, để lấy lại thời gian
đã mất và đuổi kịp các nước chung quanh. Có thể nói, đất nước đang đứng trước
cơ hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta !
Đảng ta lãnh sứ mệnh lịch sử trước dân tộc là không được
bỏ lỡ cơ hội này. Đây chính là nhiệm vụ của Đại hội VIII. Cũng có thể nói rằng,
rụt rè bỏ lỡ cơ hội này, sẽ là thảm hoạ cho đất nước, Đảng ta sẽ đứng trước
nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo – chỉ vì không đáp ứng được đòi hỏi phát
triển của đất nước. Xin nhấn mạnh rằng sau gần 200 năm kể từ khi kinh tế thế
giới đi vào thời đại công nghiệp hoá, dân tộc Việt Nam ta bây giờ mới có lại
một cơ hội như vậy. Chúng ta không được và không có quyền để bất kỳ một vướng mắc
nào ngăn cản nhân dân ta nắm lấy cơ hội này. Sự tồn vong của đất nước phải được
xem xét trên tất cả.
2. Vấn đề 'chệch hướng' hay không 'chệch hướng' ?
Đề tài này đang được
thảo luận rất sôi nổi trong Đảng và trong cả nước, chắc chắn còn phải mất nhiều
công sức để đi tới những kết luận có sức thuyết phục hơn.
Về lý luận sẽ bàn sau.
Về thực tiễn, phải chăng
có thể căn cứ vào những tiêu chí cơ bản nhất sau đây để làm rõ định hướng xã
hội chủ nghĩa, đó là :
– Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn
minh,
– Phát triển gắn liền với giữ gìn độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hoá của dân tộc,
– Phát triển gắn liền với phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường,
– Xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có hiệu lực,
– Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ quá trình phát triển nói trên của đất nước.
– Phát triển gắn liền với giữ gìn độc lập, chủ quyền và bản sắc văn hoá của dân tộc,
– Phát triển gắn liền với phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường,
– Xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có hiệu lực,
– Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ quá trình phát triển nói trên của đất nước.
Một vấn đề rất khó ở đây
là sự tách bạch đúng đắn giữa mục tiêu và phương tiện thực hiện mục tiêu. Có
làm tốt được việc này, mới xác định rõ được chệch hướng hay không chệch hướng.
Ví dụ, nếu chúng ta cho
rằng kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí của định hướng xã
hội chủ nghĩa, nhấn mạnh rằng đó là mục tiêu phấn đấu của chúng ta, của dân tộc
ta, thì điều này hoàn toàn không đúng. Thực ra vai trò chủ đạo của kinh tế quốc
doanh chỉ là một trong nhiều điều kiện quan trọng, đồng thời cũng là một trong
nhiều phương tiện quan trọng cần phải có để thực hiện định hướng xã hội chủ
nghĩa. Nghệ thuật lãnh đạo đất nước ở đây là phải xử lý hài hoà mối quan hệ
giữa việc phát huy vai trò kinh tế quốc doanh và việc thúc đẩy các thành phần
kinh tế khác phát triển, với đích cuối cùng là bảo đảm thực hiện được 5 tiêu
chí nói trên.
Chúng ta nhất trí rằng
con đường xây dựng xã hội đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta chưa có
tiền lệ chính vì lẽ này : phải luôn tránh công thức hoá, phải bám lấy kết quả
tổng thể trong việc thực hiện những tiêu chí lớn để soi rọi lại xem có chệch
hướng hay không chệch hướng.
Ví dụ có đồng chí nói
biểu hiện của chệch hướng là quốc doanh không làm chủ được lưu thông phân phối,
tư thương hầu như chi phối thương nghiệp. Một biểu hiện khác của chệch
hướng – cũng theo cách nhìn nhận như vậy – là trong giao thông vận
tải, tỷ lệ xe tư nhân chiếm quá cao...
Cũng những sự việc nói
trên đúng ra phải được đánh giá hoàn toàn ngược lại.
Sự thật là đường lối đổi
mới đã tạo ta được một cơ chế kinh tế cho phép huy động mọi tiềm năng trong xã
hội nhờ đó đã xử lý có thể nói khá thành công vấn đề lưu thông hàng hoá và giao
thông vận tải. Về phương diện này, chúng ta đã thành công rất xa so với thời kỳ
còn cơ chế kinh tế bao cấp. Bây giờ hàng hoá đi và về hầu như mọi miền đất
nước, nhân dân trong cả nước đi lại dễ dàng hơn trước nhiều lần. Cũng nhờ đó,
đời sống được cải thiện rõ rệt, nền sản xuất hàng hoá tăng trưởng nhanh. Chúng
ta thử hình dung sự phát triển này đã huy động được biết bao nguồn lực nhàn rỗi
trong xã hội, đã tạo ra biết bao công ăn việc làm mới cho người dân trong cả
nước mà khu vực kinh tế nhà nước không thể lo xuể. Những năm trước khi thực
hiện đổi mới, chúng ta đã có kinh nghiệm nếu không có sự phát triển này thì
kinh tế tiêu điều và ách tắc như thế nào ! Nếu coi sự phát triển này là chệch
hướng, có nghĩa là chúng ta phải đem kinh tế quốc doanh ra đối lập lại với sự
phát triển này, đối lập với tất cả những người lao động đang bỏ của và công sức
để tạo ra sự phát triển như hiện nay.
Đương nhiên tình hình
lưu thông phân phối và giao thông vận tải hiện nay chưa phải thật hoàn hảo.
Song, không thể giải quyết những vấn đề ta gọi là “ tranh mua tranh bán ”, vấn
đề đầu cơ, tai nạn giao thông... bằng cách mở rộng mạng lưới quốc doanh trong
những lãnh vực này. Đấy không phải là giải pháp. Trong những năm của cơ chế
kinh tế cũ, quốc doanh đã hầu như nắm toàn bộ các lãnh vực này và chúng ta đã
biết kết quả. Ngày nay không ít xí nghiệp, đơn vị quốc doanh làm ăn trái với
pháp luật, số lượng phương tiện giao thông vận tải của quốc doanh – trong
đó có xe của đơn vị quân đội – tham gia buôn lậu khá lớn... Vì vậy, giải
pháp cho những vấn đề này là phải tiếp tục hoàn thiện thị trường, tăng cường chất
lượng bộ máy nhà nước trong quản lý kinh tế, kiện toàn và tiếp tục phát triển
các hệ thống tài chính, luật pháp, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đúng
hướng..., chứ không phải giao cho quốc doanh “ nắm ” tất cả.
Cũng có ý kiến nói chệch
hướng trong vấn đề hợp tác xã.
Cần phải nói thẳng thắn
mô hình hợp tác xã cũ không còn thích ứng với sự phát triển của kinh tế hộ và
những đòi hỏi trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay của đất nước. Kết
thúc sự tồn tại của mô hình này trong lĩnh vực nông nghiệp và tiểu thủ công
nghiệp là tất yếu. Thật ra kinh tế hộ trong nông lâm nghiệp, thuỷ sản, những
người sản xuất tiểu thủ công nghiệp và không ít những người buôn bán nhỏ, sản
xuất nhỏ đang rất cần một loại hình hợp tác xã mới có thể hỗ trợ thiết thực cho
họ. Khuyết điểm của chúng ta là chưa đáp ứng được đòi hỏi mới này. Trong khi
đó, các hộ kinh tế này đang tự phải tổ chức với nhau những hình thức hợp tác
thiên hình vạn trạng và ở những mức độ rất khác nhau, nơi thành công, nơi thất
bại và không ít những kinh nghiệm đáng được nghiên cứu cho việc xây dựng mô
hình hợp tác xã kiểu mới thích hợp. Khư khư giữ mô hình hợp tác xã cũ sẽ lại
thất bại. (Vừa qua, tôi đến thăm nông trường Sông Hậu. Thực chất đó không còn
là một nông trường theo nghĩa xưa nay chúng ta vẫn hiểu. Đó chính là một mô
hình hợp tác xã kiểu mới như chúng ta vẫn thường thấy ở các nước công nghiệp.
Đây chính là mô hình cần được nghiên cứu).
Song nguy cơ chệch hướng
đang ẩn náu trong nhiều hiện tượng kinh tế xã hội khác cần được chú ý xử lý
thoả đáng. Đó là tình trạng làm ăn trái pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang
trở thành “ quốc nạn ”, bao gồm cả những thói xấu như cục bộ, cửa quyền, tính
vô chính phủ, cát cứ, tiêu xài lãng phí và ăn cắp của công... Những hiện tượng
này đang làm giảm hiệu lực pháp luật và các hệ thống quản lý kinh tế (vĩ mô và
vi mô) của nhà nước, gây nhiều thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, kể cả trong liên
doanh với nước ngoài ; kích thích kinh tế ngầm và các mafia, tăng thêm những
căng thẳng trên các vấn đề như khoảng cách thu nhập, sự phân hoá và tệ nạn xã
hội (đặc biệt là những tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, mãi dâm), vấn đề công bằng và
công lý, v.v... Sẽ là sai lầm, nếu đem tất cả những phát triển không lành mạnh
này đổ lỗi cho cơ chế thị trường. Kết luận như vậy sẽ chỉ còn có cách là xoá bỏ
cơ chế kinh tế thị trường, một điều ai cũng thấy là vô lý, và những hiện tượng
xấu ấy sẽ không vì thế tự nhiên biến mất (đành rằng cơ chế thị trường và nền
kinh tế nhiều thành phần tự nó cũng đặt ra nhiều vấn đề mới phải xử lý).
Để những hiện tượng xấu
này tiếp tục phát triển, sẽ có nghĩa nhà nước mất dần khả năng kiểm soát, sự
trong sạch và vững mạnh của chế độ chính trị giảm sút, lòng dân phân tán, định
hướng xã hội chủ nghĩa sẽ chỉ còn là khẩu hiệu trống rỗng. Chệch hướng và diễn
biến hoà bình sẽ có thêm mảnh đất màu mỡ để bung ra. Trên phương diện này, rõ
ràng hậu quả của những yếu kém trong năng lực quản lý nhà nước chưa được đánh
giá đúng mức. Chỗ nào chúng ta cũng có đảng viên, cán bộ, song tình trạng tiêu
cực vẫn có xu hướng phát triển. Đảng và các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền các
cấp, các đoàn thể, các ngành phải làm gì ?
Một vấn đề không thể
tránh né là chúng ta thừa nhận sự phát triển của thành phần kinh tế ngoài quốc
doanh đến mức độ nào để khỏi chệch hướng ?
Đề nghị cần trao đổi kỹ
vấn đề này.
Chúng ta đang đứng trước
đòi hỏi khách quan là nước ta phải giàu lên càng nhanh càng tốt, để có sức cạnh
tranh và có lực thu hút mọi nguồn vào từ bên ngoài để giữ được độc lập tự chủ
trong mở rộng, hợp tác và phát triển. Chúng ta phải ráo riết tăng mạnh cường độ
tích tụ vốn để có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã từng
kéo dài hàng trăm năm trong lịch sử các nước công nghiệp xuống còn vài ba thập
kỷ như một số “ con rồng ” ở châu Á đã thực hiện. Không làm được như vậy sẽ mất
thời cơ và mất tất cả. Chính đấy là những đòi hỏi ràng buộc chúng ta trong khi
xử lý vấn đề phát triển các thành phần kinh tế.
Hơn thế nữa, chúng ta
còn phải đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sao cho trong vòng
mươi, mười lăm năm tới chỉ còn trên 1/3 lao động cả nước làm nông nghiệp, tỷ
trọng nông nghiệp trong GDP phải giảm xuống mức thấp trong quá trình tăng
trưởng kinh tế. Không đạt được yêu cầu này, sẽ tăng thêm nguy cơ bần cùng hoá
(bởi vì trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên đất đai, rừng núi và ven
biển đã được khai thác hầu như ở mức độ quá tải bằng công nghệ thủ công và lạc
hậu), hoàn toàn không thể nói tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá,
hiện đại hoá. Trong mở rộng liên doanh với nước ngoài, phần góp vốn của phía ta
hiện nay thường chỉ đạt 20 - 30 % giá trị công trình, vì làm chưa tốt việc huy
động các nguồn lực trong nước, phía ta rất thiệt thòi v.v...
Như vậy phải chăng câu
trả lời sẽ là : Để đáp ứng những đòi hỏi vô cùng bức xúc của phát triển, chúng
ta chủ trương trong khi đối xử bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế,
chúng ta chấp nhận không đặt ra cho các thành phần kinh tế bất kỳ giới hạn phát
triển nào, miễn là sự phát triển ấy cân đối hài hoà, ổn định, nằm trong khuôn
khổ của luật pháp, nhà nước kiểm soát được và đáp ứng tối đa những tiêu chí lớn
chúng ta đã xác định cho định hướng xã hội chủ nghĩa ?
Nếu chấp nhận đạo lý vừa
trình bày trên, sẽ có nhiều vấn đề hệ trọng phải xem xét lại trong việc hoạch
định đường lối và chính sách. Có thể chính đạo lý này sẽ thống nhất ý chí toàn
dân tộc trước vận mệnh mới của đất nước, tạo ra động lực không gì khuất phục
được cho một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh,
độc lập và bất khả xâm phạm với bất kỳ sức ép bên ngoài nào. Song nhằm đạt được
mục tiêu này, năng lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội trở thành một
trong những tiền đề quyết định – và đây lại chính là điều chúng ta thiếu
nhất. Xử lý thành công yêu cầu này là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của
Đảng ta hiện nay.
Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam có phải ưu tiên phát triển thành phần kinh tế quốc doanh hay
không ?
Như đã trình bày, Đảng
ta lựa chọn quan điểm đối xử bình đẳng các thành phần kinh tế. Lợi ích lâu dài
của đất nước đòi hỏi phải quán triệt và kiên trì quan điểm này. Trừ một số lĩnh
vực liên quan đến an ninh quốc phòng và phát triển cơ sở hạ tầng (bao gồm cả về
mặt xã hội), không nên và không thể đặt vấn đề “ ưu tiên ” KTQD, hay giao cho
KTQD nhiệm vụ “ nắm ” một thứ gì đó như chúng ta thường làm trong cơ chế quản lý
cũ.
Nhưng kinh tế quốc doanh
thật sự đang có nhiều vấn đề quan trọng khác chưa được quan tâm đúng mức.
Điều đáng lưu ý nhất là
kinh tế quốc doanh nhìn chung chưa đem lại hiệu quả mong muốn lớn nhất cho nền
kinh tế quốc dân xứng đáng với vai trò, vị trí và vốn liếng nó nắm trong tay.
Đối với chế độ chính trị của nước ta, kinh tế quốc doanh là lực lượng kinh tế
quan trọng nhất trong việc thực hiện đường lối, chủ trương kinh tế và phát
triển đất nước của Đảng. Chúng ta còn phải làm nhiều việc để cho KTQD trở thành
đội quân chủ lực mở đường cho kinh tế nước ta đi lên, hỗ trợ cho các thành phần
kinh tế khác phát triển, làm chỗ dựa và có khả năng hạn chế bớt rủi ro cho kinh
tế cả nước, tạo ra những tập đoàn mạnh trong cạnh tranh với bên ngoài. Cũng
phải từ quan điểm vừa trình bày mà xem xét, bố trí KTQD vào đâu, làm việc gì,
với phương thức nào là có lợi nhất. Ngoài ra cần làm cho KTQD trở thành yếu tố
năng động trong hệ thống điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước.
Sự thực là năng suất lao
động và hiệu quả của từng đồng vốn trong KTQD (ở đây không kể những đơn vị kinh
tế phải làm công ích xã hội hoặc phát triển cơ sở hạ tầng) nhìn chung còn thấp
so với vốn của các thành phần kinh tế khác trong xã hội. Tình trạng thất thoát
và lợi dụng vốn quốc doanh còn ở mức nghiêm trọng. Hơn nữa, việc sắp xếp và cơ
cấu lại KTQD, cổ phần hoá, xây dựng các liên kết liên doanh còn rất chật vật,
có nhiều sức tiêu cực chống lại. Ngoài ra chúng ta hiện nay mới chỉ quan tâm
đến xử lý tính hiệu quả của các xí nghiệp, song chưa có sự quan tâm thoả đáng
đến vấn đề chuyển đổi các xí nghiệp để huy động vốn quốc doanh tập trung vào
những ngành nghề có thể chi phối sự phát triển kinh tế của cả nước, việc sắp
xếp lại và giải thể những xí nghiệp không có hiệu quả kinh tế đáng kể, thực
hiện chưa tốt nên chưa tạo ra chuyển biến mới.
Tóm lại, để góp phần giữ
được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu
quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị
trường nước ta chứ không phải là giành cho nó quyền “ nắm ” thứ này thứ khác.
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
Đã có nhiều cuộc trao
đổi về nhà nước pháp quyền. Tôi không đi vào lý luận của vấn đề này, mà muốn
nhấn mạnh yêu cầu bức xúc phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, với nhận thức
cho rằng yếu kém hiện nay của chúng ta trong nhiệm vụ quản lý nhà nước đang
thách thức rất nghiêm trọng khả năng vươn lên của nước ta.
Trước hết, sống và làm
việc theo pháp luật trở thành đòi hỏi ngày càng bức thiết của cuộc sống và sự
nghiệp phát triển đất nước ta.
Đòi hỏi tất yếu và không
thể tranh cãi được này đang làm cho chúng ta lo lắng. Bởi vì một mặt, sự phát
triển luật pháp và năng lực thi hành luật pháp chưa theo kịp đà phát triển của
đất nước và xã hội ta hiện nay. Mặt khác, tình trạng sống và làm ăn trái phép
với pháp luật chưa có xu thế giảm.
Có thể nói chúng ta đã
làm rất nhiều việc để tiếp tục phát triển hệ thống luật pháp, kết hợp với tăng
cường các tổ chức thi hành luật pháp, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Ngay bây
giờ, tình trạng bất cập của bộ máy nhà nước và những vấn đề nóng bỏng trong đời
sống kinh tế xã hội đã ở mức báo động.
An ninh kinh tế, an ninh
chính trị và an ninh xã hội đều có nhiều vấn đề đáng lo ngại do buông lỏng quản
lý nhà nước. Chưa có thể nói chúng ta đã tạo ra được một môi trường kinh tế xã
hội thông suốt, minh bạch rõ ràng cho từng người dân có thể an tâm làm ăn và
được bảo hộ chu toàn trong làm ăn. Chúng ta chưa có một môi trường như vậy cho
sự quản lý có hiệu quả của nhà nước.
Giới đầu tư và kinh
doanh nước ngoài, mặc dù đánh giá rất cao sự ổn định chính trị và tiềm năng
kinh tế của nước ta, nhưng còn e ngại rất nhiều về môi trường làm ăn ở nước ta.
Không thay đổi căn bản tình hình này, ngay sự kiểm soát của nhà nước ta đối với
mọi quá trình diễn biến trong xã hội nước ta sẽ ngày càng có nhiều hiện tượng “
tuột tay ”, “ chệch hướng ”.
Hãy thử mổ xẻ tình trạng
tham nhũng, tình trạng buôn lậu, trốn thuế, tình trạng móc ngoặc ở trong nước,
hoặc với nước ngoài trong kinh tế, tình trạng chồng chéo ách tắc trong điều
hành và quản lý đất nước, rừng núi tài nguyên bị tàn phá trong thời bình, môi
trường tự nhiên đang bị xâm phạm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng nhiều nơi không
được gìn giữ, tình trạng dân kêu oan khiếu nại..., chúng ta sẽ có được những
thước đo khá chính xác về mức độ báo động này. Một trong những nguyên nhân chính
là những yếu kém trong nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Phải chăng cho đến nay
mọi cố gắng của chúng ta trên mặt trận này còn rất chắp vá, thiếu đồng bộ và
chưa đụng chạm vào những khâu cơ bản nhất – nghĩa là chưa trúng vào những
“ nút ” cần bấm để thay đổi hẳn tình thế ? Xin nhắc lại rằng trong những năm
trước Đại hội VI và sau đó một ít, chúng ta loay hoay mãi trong việc ổn định
giá cả và chống lạm phát nhưng không kết quả, phải chờ cho đến khi thiết lập
được cơ chế kinh tế trên cơ sở thừa nhận giá thị trường, chúng ta mới xoay
chuyển được tình hình và đạt kết quả. Như vậy có việc phải đi tìm những cái “
nút ” để xử lý ?
Nói một cách khái quát,
để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, chúng ta phải làm cùng một lúc và
trong cùng một tổng thể những chủ trương chính sách hài hoà cả 3 việc lớn :
kiện toàn bộ máy nhà nước, kiện toàn hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ
mô, hoàn thiện và phát triển thị trường. Nghĩa là việc tăng cường cơ sở quyền
lực của luật pháp phải gắn liền với việc nâng cao khả năng điều hành và việc
tạo môi trường kinh tế xã hội thuận lợi cho sự hoạt động hữu hiệu của bộ máy
nhà nước.
Về kiện toàn bộ máy nhà nước
Có thể nói rằng hệ thống
luật pháp và bộ máy nhà nước của chúng ta được chú ý củng cố và phát triển,
song hiệu lực của hệ thống bộ máy nhà nước và năng lực của cán bộ viên chức còn
nhiều mặt không đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ. Một hiện tượng rất nghiêm trọng
khác là nhiều cơ quan thuộc bộ máy quản lý nhà nước sa đà vào các công việc
kinh doanh và những sự vụ của cơ chế “ chủ quản ”, sao nhãng chức năng chủ yếu
là quản lý nhà nước trong lĩnh vực của mình.
Nói về hệ thống, điều
quan trọng nhất là phải làm cho bộ máy nhà nước vận hành hoàn toàn trên cơ sở
Hiến pháp và pháp luật với những chức năng và kỹ năng ngày càng hoàn thiện, có
quyền lực thực chất và hiệu lực mạnh trong toàn bộ lĩnh vực của đời sống kinh
tế xã hội. Đi vào thời bình xây dựng đất nước và khuyến khích sự năng động của
các thành phần kinh tế cũng như của từng thành viên trong xã hội, càng đòi hỏi
phải có một hệ thống nhà nước như vậy, với yêu cầu phát huy được mọi tiềm năng
nhưng nhà nước vẫn kiểm soát đầy đủ. Đã đến lúc bộ máy quản lý nhà nước các
ngành các cấp phải đoạn tuyệt với cơ chế “ chủ quản ” và với bất kỳ hoạt động
kinh doanh nào, phải được cải cách để làm đúng chức năng quản lý nhà nước. Phải
xem đó là nội dung chủ yếu của nhiệm vụ cải cách hành chính.
Chúng ta cần sớm khắc
phục những ảnh hưởng còn lại của phương thức điều hành đất nước trong thời
chiến với những đặc điểm như : cơ chế chính uỷ, quyền lực quyết định tại chỗ,
tính chất địa phương, cơ cấu bộ máy sắp xếp cán bộ theo yêu cầu chính trị, bộ
máy của Đảng song trùng và trên thực tế là có những việc đứng trên hoặc làm
thay bộ máy chính quyền, cơ chế trách nhiệm không rõ ràng và sự yếu kém về
nghiệp vụ do vận dụng nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách v.v...
Cũng có thể nói một cách khái quát : phải đẩy mạnh xây
dựng nhà nước pháp quyền với mục đích nâng cao hơn nữa năng lực quản lý nhà
nước của toàn bộ hệ thống bộ máy quyền lực, đồng thời tạo mọi điều kiện cần
thiết cho việc bảo đảm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các chủ trương chính
sách của Đảng. Yêu cầu này đòi hỏi phải nâng cao khả năng nghiệp vụ và phẩm
chất chính trị của các cơ quan, đơn vị và đội ngũ cán bộ viên chức trong bộ máy
quyền lực nhà nước ở trong tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hơn bao giờ hết phải nâng cao hơn nữa chất
lượng thể chế hoá, chính quy hoá đối với bộ máy chính quyền, cơ chế làm việc và
đội ngũ cán bộ viên chức nhà nước. Đây là đòi hỏi tất yếu bảo đảm thực hiện mọi
chủ trương chính sách của Đảng trong quá trình phát triển ngày càng cao của đất
nước. Tình trạng hiện nay là không ít những chủ trương chính sách đúng đắn của
Đảng và luật lệ của nhà nước không thi hành được, nguyên nhân chính là thiếu yếu
tố quyết định vừa nói trên.
Một hướng khác trong đẩy
mạnh cải cách hành chính là nên sớm từng bước thực hiện chế độ đào tạo, bổ
nhiệm, bãi chức đối với cán bộ viên chức trong hệ thống hành pháp bao gồm cả
những chức vụ chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã.
Đồng thời cần tăng cường quyền lực và khả năng hoạt động hữu hiệu của các cơ
quan dân cử bao gồm Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp với nội dung : chú
trọng tăng cường khả năng và quyền lực lập pháp của Quốc hội ;
tăng cường quyền lực và khả năng giám sát của hội đồng nhân
dân. Không nên nhầm lẫn coi hội đồng nhân dân là những cấp “ lập pháp ” địa
phương dưới Quốc hội. Cả nước chỉ có một cơ quan duy nhất có
tính năng và quyền lực lập pháp là quốc hội.
Nêu lên một sơ đồ về tổ
chức của Đảng hiện nay đan xen vào hệ thống bộ máy nhà nước, chúng ta sẽ thấy
nhiều tầng, nhiều cấp chồng chéo – trên thực tế là làm giảm bớt sự lãnh
đạo của Đảng và hiệu lực của bộ máy nhà nước.
Cần xác định rõ các tổ
chức cơ sở Đảng trong các bộ máy nhà nước nói trên (Quốc hội, hội đồng nhân
dân, uỷ ban nhân dân các cấp)
có nhiệm vụ chính trị hàng đầu là làm cho cơ quan của Đảng bộ mình làm tròn
chức năng quyền hạn Nhà nước được giao. Các tổ chức cơ sở Đảng không làm
thay, không quyết định thay. Các tổ chức cơ sở Đảng vì vậy cần được đổi
mới và tổ chức lại một cách khoa học, cần được kiện toàn phù hợp với nhiệm vụ
chính trị mới này. Công tác Đảng cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giáo dục, đào tạo
đội ngũ cán bộ viên chức để đưa vào những cương vị thích hợp qua quy chế đào
tạo, tuyển chọn, bổ nhiệm, bãi miễn và sa thải rất nghiêm ngặt của hệ thống
chính quyền.
Quan điểm cần thông suốt
là hệ thống bộ máy quản lý nhà nước mạnh, chủ trương chính sách của Đảng mới
được thực thi đầy đủ, và như vậy Đảng mới mạnh. Đây còn là phương thức khắc
phục tình trạng lộng quyền, coi thường pháp luật, mất dân chủ, mất đoàn kết,
bản vị, cục bộ... khá phổ biến ở một số đảng bộ cơ sở hoặc một số cấp uỷ.
Về kiện toàn hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô
Điểm mới ở đây là coi nhiệm
vụ này là một vế không thể thiếu được trong nâng cao năng lực quản lý nhà nước.
Bởi vì quyền lực của nhà nước chúng ta sẽ không còn hiệu lực nếu như nhà nước
đó không có trong tay hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô có hiệu
quả. Có lẽ vì thiếu điều kiện này, việc quản lý nhà nước của chúng ta còn nhiều
sơ hở, vừa tăng thêm tính quan liêu, đồng thời vừa kém hiệu quả.
Trong tình hình phải vận
dụng cơ chế kinh tế thị trường, phát huy mọi thành phần kinh tế trong xã hội và
mở rộng kinh tế đối ngoại, luật pháp và các quy chế thường không đủ linh hoạt,
không phát triển kịp hoặc không bao trùm hết được mọi vấn đề, lại càng đòi hỏi
phải kiện toàn hệ thống điều hành và kiểm soát kinh tế vĩ mô.
Yêu cầu nói trên đòi hỏi :
– Phải tích cực phát triển hệ thống
các luật pháp trong đó gấp rút nhất là Luật dân sự (đang soạn thảo) và Luật
thương mại.
– Phát triển và hoàn thiện hệ
thống tài chính tiền tệ – bao gồm cải tổ lại hệ thống thuế và các sắc
thuế, hệ thống kiểm toán, kế toán, mở mang thị trường tài chính tiền tệ (hệ
thống ngân hàng thương mại, các thị trường cổ phần, tín phiếu, chứng khoán...).
– Hoàn thiện thị trường để tăng
thêm khả năng làm chủ cơ chế thị trường.
– Phải tích cực phát triển hệ
thống các luật pháp trong đó gấp rút nhất là Luật dân sự (đang soạn thảo) và
Luật thương mại.
– Phát triển và hoàn thiện hệ thống tài chính
tiền tệ – bao gồm cải tổ lại hệ thống thuế và các sắc thuế, hệ thống kiểm
toán, kế toán, mở mang thị trường tài chính tiền tệ (hệ thống ngân
– Hoàn thiện thị trường để tăng thêm khả năng
làm chủ cơ chế thị trường.
Điều đáng lưu ý ở đây là
Đảng ta ít nhiều còn coi những nhiệm vụ nói trên như một loại công tác sự
nghiệp đơn thuần, nghĩa là chưa coi đó là một nhiệm vụ chính trị phải quyết tâm
thực hiện. Thậm chí còn có ý kiến coi đó là những vấn đề thuộc về kinh tế tư
bản chủ nghĩa ! Đồng thời cũng phải thẳng thắn nhận xét rằng một bộ phận không
nhỏ cán bộ đảng viên trong các ngành luật pháp, tài chính, tiền tệ và trong
hàng ngũ quản lý kinh tế, quản lý xí nghiệp có những nhận thức và hành động
không đúng trong cơ chế thị trường do nhà nước ta quản lý.
Cần nhấn mạnh rằng muốn
thực hiện phát triển kinh tế có định hướng, bắt buộc phải có hệ thống điều hành
và kiểm soát này, nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa càng đòi
hỏi như vậy ! Nếu không, tính chất tự phát, vô chính phủ và những hệ quả xấu
khác của kinh tế thị trường là không thể kiểm soát được.
Về hoàn thiện và phát triển thị trường
Đây cũng là một vấn đề
cần nhấn mạnh và cần được thực hiện gắn liền với quá trình tăng cường quản lý
nhà nước, nhằm tạo thêm một tiền đề kinh tế có ý nghĩa hết sức quan
trọng để thực thi mọi luật pháp và thể chế của nhà nước.
Yêu cầu tối thượng của
vấn đề này là cuối cùng, mọi hoạt động kinh tế của bất kỳ ai trong xã hội nước
ta đều chịu sự cọ xát, sàng lọc của một thị trường rõ ràng, lành mạnh, được nhà
nước kiểm soát, dẫn dắt bằng luật pháp, bằng các chế tài và bằng các biện pháp
khuyến khích. Một nền kinh tế mạnh đòi hỏi phải có một thị trường hạn chế được
xuống mức thấp nhất các hiện tượng đầu cơ, cửa quyền, độc quyền, kinh tế ngầm,
các mafia, sàng lọc các hoạt động kinh tế kém hiệu quả, cung cấp những tín
nhiệm hữu ích cho mọi quyết định của từng thành viên kinh tế trong xã hội, có
khả năng huy động mạnh mẽ nguồn lực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với ý nghĩa nói trên,
càng kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa càng phải hoàn thiện và phát triển
thị trường, càng phải đẩy mọi hoạt động kinh tế của toàn xã hội ra thị trường,
không thể có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào (trừ một số hoạt động kinh tế phục
vụ sự nghiệp, hạ tầng cơ sở, an ninh quốc phòng). Cũng vì lẽ này cần sớm xoá bỏ
sự phân biệt hoặc sự hình thành các loại hình như : kinh tế dân sự, kinh tế
đoàn thể, kinh tế Đảng, kinh tế các lực lượng vũ trang v.v...
Không có một thị trường
và một chính sách về thị trường như vậy, sự kiểm soát của nhà nước sẽ kém hiệu
quả, nguy cơ chệch hướng sẽ tăng lên, và kinh tế sẽ sớm đi vào trì trệ, ách
tắc.
Đương nhiên yêu cầu về
thị trường nêu trên đòi hỏi phải có bộ máy hành chính có năng lực, hệ thống
luật pháp ngày càng hoàn thiện và hệ thống các chính sách điều hoà điều tiết đủ
sức duy trì sự phát triển cân bằng ổn định, bảo đảm phát triển phúc lợi xã hội.
Mang danh là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước ta càng phải thực hiện tốt những
đòi hỏi này.
Với tinh thần và nội
dung vừa trình bày, chúng ta nên coi ba khâu công tác nói trên (kiện toàn bộ
máy nhà nước, kiện toàn cơ chế điều hành vĩ mô, phát triển thị trường) là một
tổng thể hữu cơ của nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý nhà nước.
4. Xây dựng Đảng
Có thể nói dự thảo báo
cáo đánh giá khá đầy đủ những ưu điểm lớn trong nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng là xây
dựng Đảng. Cần nhấn mạnh bản lĩnh của Đảng ta trước hết thể hiện qua sự vững
vàng trước những biến động sâu sắc trên thế giới trong hai thập kỷ vừa qua và
những thành tựu giành được trong sự nghiệp đổi mới. Cần khẳng định điều này để
tự tin, để nâng cao hơn nữa ý chí cách mạng và tinh thần đổi mới.
Song chúng ta đang đứng
trước thực tế là tính tiền phong chiến đấu của đảng viên và của các tổ chức cơ
sở của Đảng có nhiều mặt giảm sút, thậm chí yếu kém. Nhiều đảng viên không còn
vai trò gương mẫu, nhiều tổ chức cơ sở Đảng chỉ hoạt động hình thức, hoặc tê
liệt, thoái hoá. Quan hệ giữa Đảng và dân ngày càng có nhiều vấn đề. Chỗ nào
cũng có đảng viên, song tình trạng bê bối, tiêu cực ở các ngành, các địa phương
khá phổ biến.
Những hiện tượng này
đang thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đại hội VIII cần đem lại
một động lực mới thực sự thúc đẩy sự chỉnh đốn và khả năng tự đổi mới của Đảng.
Bên cạnh việc rèn luyện ý chí cách mạng, cần đặc biệt phát huy dân chủ trong
Đảng, để đẩy mạnh đấu tranh chống những thoái hoá, để phát huy sức sống mới và
trí tuệ mới của toàn Đảng, đặc biệt là để có cơ sở vững chắc cho sự thống nhất
ý chí và hành động trong toàn Đảng và trong mọi cấp uỷ.
Dưới đây xin nêu lên một
số vấn đề đáng lưu ý nhất trong nhiệm vụ xây dựng Đảng :
a) Xây dựng Đảng về đường lối
Có thể nói đây là nhiệm
vụ hàng đầu. Có đường lối đúng sẽ có tất cả. Không nên tiếp tục cách suy nghĩ
chỉ đơn thuần quy mọi nhiệm vụ, mọi mục tiêu không thực hiện được hoặc thực
hiện không tốt cho việc thực hiện đường lối chưa tốt.
Hơn thế nữa, cách mạng
Việt Nam đang chuyển sang một giai đoạn mới, diễn ra trong một bối cảnh quốc tế
hoàn toàn thay đổi so với thời kỳ còn tồn tại hệ thống xã hội chủ nghĩa, đòi
hỏi Đảng ta bắt buộc phải đề ra đường lối mới thích hợp. Trước hết là dựa trên
cơ sở nhận định tình hình mới, Đảng ta cần xác định chính xác những nhiệm vụ
phải thực hiện, tính toán việc huy động lực lượng và tổ chức thực hiện, xác
định những thách thức phải vượt qua.
Thực ra chúng ta đã bắt
đầu công việc này và đề ra đường lối đổi mới. Sắp tới chúng ta phải tập trung
nhiều công sức cho việc tạo ra động lực phát triển từ bên trong của đất nước.
Vì lẽ đó, đổi
mới chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một đường
lối mới phù hợp.
Trước mắt, có thể nói
khái quát : mục tiêu chiến lược của chúng ta là thực hiện công nghiệp hoá, hiện
đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu nước
mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Chúng ta phải thực hiện
nhiệm vụ chiến lược ấy trong bối cảnh quốc tế không có sự tồn tại của hệ thống
thế giới xã hội chủ nghĩa, nước ta phải cọ xát, đương đầu, cạnh tranh với cả
thế giới, nhưng đồng thời cũng có cơ hội mở rộng quan hệ kinh tế với cả thế
giới, có điều kiện tạo ra tập hợp lực lượng mới. Bên cạnh thách thức kinh tế
rất gay gắt, nước ta phải đương đầu với những thách thức quân sự và chính trị
có lúc rất nhạy cảm và tế nhị.
Có thể nói, đặc
điểm nổi bật là nước ta hiện nay phải một mình đương đầu với tất cả, đồng thời
cũng có khả năng tạo ra tập hợp lực lượng bên ngoài hoàn toàn mới.
Để giành được thắng lợi,
chúng ta phải huy động ở mức độ cao nhất sức mạnh của toàn thể dân tộc ta và
phải tập hợp được lực lượng rộng rãi nhất trên trường quốc tế. Chỉ có như vậy
nước ta mới tự bảo vệ được mình, tranh thủ được thời gian và khả năng sớm vươn
lên thành quốc gia giàu mạnh. Chỉ có như vậy mới giữ được độc lập tự chủ, bảo
vệ được toàn vẹn lãnh thổ, thoát khỏi hiểm hoạ tụt hậu, bảo vệ được thành quả
cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vì những lẽ trên, động lực để thực hiện nhiệm vụ chiến
lược này là hun đúc tinh thần quật khởi dân tộc và thực hiện mạnh mẽ dân chủ. Điều này chẳng những không trái, mà còn là tiền
đề không thể thiếu được cho thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó
chính là thực tiễn cách mạng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới.
Bây giờ nói độc lập gắn
với chủ nghĩa xã hội là nói với nội dung như vậy. Bởi vì, không tạo ra được
thực lực này, sẽ không còn độc lập tự chủ và cũng không có định hướng xã hội
chủ nghĩa.
Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết là
đảng cầm quyền, Đảng ta cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Đảng ta là
lực lượng chính trị có đủ tư cách nhất và uy tín cao nhất để làm tròn trọng
trách này, nhất thiết không để ai nắm lấy. Đảng ta chẳng những phải phấn đấu
vươn lên làm đội tiên phong của giai cấp, mà còn phải trở thành bộ phận tinh
hoa nhất, tiêu biểu cho trí tuệ, nghị lực và phẩm chất cao quý của toàn thể dân
tộc Việt Nam ta, bao gồm cả toàn thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang
hướng về Tổ quốc.
Phải chăng đấy chính là
một tư tưởng lớn, là nội dung cốt lõi của nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Đại hội
VIII cần làm rõ, là kim chỉ nam xây dựng đường lối và mọi chủ trương chính sách
mới của Đảng.
b) Xây dựng Đảng về tổ chức
Có thể nói nhiệm vụ cách
mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển mới, với những đặc điểm mới như
đã được trình bày trong những phân tích nêu trên. Song tổ chức của Đảng về cơ
bản vẫn giữ như thời chiến ! Đã đến lúc cần xét xem những gì có thể duy trì và
nâng cao thêm, những gì cần cải tiến hay loại bỏ trong công tác xây dựng Đảng
về tổ chức cho phù hợp với những nhiệm vụ và đòi hỏi mới.
– Ưu điểm cần phát huy là Đảng ta
có một hệ thống tổ chức cách mạng, chẳng những đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thắng
lợi trong chiến tranh, mà còn đủ năng lực đưa đất nước vào thời kỳ đổi mới.
Trên phương diện tổ chức, chúng ta cần nghiên cứu sâu, tìm hiểu những nguyên
nhân và yêu tố gì đã giúp cho Đảng ta chuyển mình được, đổi mới tư duy, đổi mới
phương thức hoạt động đem lại những thành quả chẳng những tránh cho đất nước
khỏi sụp đổ trong cuộc khủng hoảng ác liệt vừa qua của hệ thống thế giới xã hội
chủ nghĩa, mà còn mở ra triển vọng chưa từng có của sự nghiệp phát triển nước
ta. Có thể nói, chúng ta chưa nghiêm túc làm tốt công việc nghiên cứu, đúc kết
những kinh nghiệm của vấn đề có ý nghĩa sống còn này.
– Một vấn đề bức xúc khác đang
đặt ra là : trong tình hình đòi hỏi phải tăng cường nhà nước pháp quyền của
dân, do dân và vì dân, mở rộng dân chủ để phát huy tối đa sự năng động của các
thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường. Đảng ta cần được đổi mới và tăng
cường về mặt tổ chức như thế nào ? Chúng ta chưa nghiên cứu sâu vấn đề này. Có
lẽ không thể đơn thuần tiếp tục duy trì tổ chức và phương thức sinh hoạt các tổ
chức cơ sở Đảng như hiện nay, bởi vì đã xuất hiện tình trạng Đảng hầu như không
có mặt hoặc không thâm nhập sâu được vào nhiều hoạt động kinh tế xã hội mới
phát triển ; hoặc tác dụng kiểm tra nắm bắt của Đảng đối với những hoạt động
này rất yếu, chưa thoả đáng. Hiện nay, trong nông nghiệp kinh tế hộ giữ vai trò
chủ yếu, lực lượng kinh tế các thành phần ngoài quốc doanh chiếm tới 60 % GDP,
cơ chế thị trường còn nhiều mảng nằm ngoài pháp luật, các hoạt động xã hội, văn
hoá lành mạnh và không lành mạnh, các hoạt động giao lưu với bên ngoài đang nở
rộ. Vai trò và tác dụng thực chất của Đảng đối với những phát triển này như thế
nào ?
– Chúng ta khẳng định vai trò
lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi một mặt phải
tăng cường khả năng lãnh đạo của Đảng, mặt khác phải tạo ra được cơ chế chính
trị và mô trường xã hội đủ sức ngăn chặn xu thế quan liêu, độc đoán, mất dân
chủ, xu thế xem thường và đứng trên pháp luật. Hơn thế nữa, vai trò lãnh đạo
của Đảng cần được tăng cường trên cơ sở mở rộng dân chủ trong đời sống kinh tế,
chính trị, văn hoá của toàn xã hội. Như vậy tổ chức và phương thức sinh hoạt
Đảng cần được cải tiến như thế nào cho phù hợp ? Mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước,
giữa Đảng các đoàn thể nhân dân cần được thiết kế lại như thế nào ?
Đảng ta là đảng cầm quyền với nghĩa lãnh đạo đất nước dựa
trên quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, song nhất thiết không làm
thay. Một đòi hỏi rất khó
phải thực hiện là : đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng phải đi đầu trong việc
giữ gìn trật tự kỷ cương, nhưng lại phải biết phát huy sự năng động và khả năng
sáng tạo của nhân dân theo định hướng của Đảng. Đảng cần đặc biệt quan tâm nâng
cao dân trí, giáo dục, phát huy và bảo vệ quyền công dân để phát huy sức mạnh
của cả nước. Đó là sức mạnh của chính Đảng ta, là con đường tiếp tục duy trì và
tăng thêm ra sự chấp thuận tự nguyện với nhận thức sâu sắc nhất của toàn dân
đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta mà tình hình nhiệm vụ mới đòi hỏi, đồng
thời là một trong những yếu tố quan trọng bảo vệ Đảng.
Chúng ta thảo luận nhiều về nguyên tắc “ dân chủ tập
trung ”, hoặc “ tập trung dân chủ ”. Tôi đề nghị bỏ cách suy nghĩ rất công thức
như vậy. Nên chăng khẳng định
lại một cách không thể hiểu lầm như sau : Để huy động trí tuệ của toàn Đảng và bảo vệ sự trong sáng
trong Đảng, cần phải triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của
Đảng, mọi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị
quyết của Đảng. Tổ chức và phương thức sinh hoạt Đảng cần được đổi mới
nhằm đáp ứng tốt yêu cầu này. Trong thực tiễn hiện nay, Đảng ta đứng trước yêu
cầu phải đẩy mạnh đấu tranh chống các hiện tượng vô tổ chức, vô chính phủ, cục
bộ bản vị (đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế), đồng thời phải nghiêm túc thực
hiện những nguyên tắc dân chủ trong Đảng.
Có thể nói công tác
nghiên cứu đường lối chính sách, nghiên cứu tình hình và con đường phát triển
của đất nước, công tác bồi dưỡng đảng viên, công tác tuyển chọn, bố trí cán
bộ... của chúng ta hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo của
Đảng. Hiện nay, nếu nhìn vào lịch sử quá trình hình thành sự nghiệp đổi mới,
chưa thể nói Đảng ta thực sự đi tiên phong về mặt tư duy, đang đào tạo ra đủ và
bố trí được lực lượng cán bộ xuất sắc theo kịp đòi hỏi của đất nước ; cũng chưa
thể nói trình độ tư tưởng lý luận của tuyệt đại đa số đảng viên phù hợp với
những đòi hỏi mới của nhiệm vụ cách mạng. Tiếp tục công tác đào tạo và bố trí
cán bộ như hiện nay còn tăng thêm nguy cơ cục bộ, địa phương chủ nghĩa và cát
cứ, tăng thêm tính cơ hội, dựa dẫm hoặc nguy cơ bè phái trong Đảng, khó làm bộc
lộ và đào tạo nhân tài, khó tạo ra sinh lực mới cho những đảng bộ hoặc tổ chức
cơ sở đang yếu kém... Chúng ta phải nhìn thẳng vào những mặt còn thiếu sót để
tự chỉnh đốn, tự vươn lên.
Có thể kết luận, trên
con đường đi lên đầy gian khổ và thử thách của đất nước, phải chăng cái khó
khăn nhất hiện nay là tình trạng trình độ, phẩm chất cán bộ đảng viên chưa theo
kịp sự phát triển của đất nước ?
Tình trạng bất cập với
đòi hỏi của nhiệm vụ là nguy cơ lớn đối với Đảng. Cần gấp rút sắp xếp, cải
thiện lại các ban, viện của Đảng, đổi mới lại tổ chức và phương thức sinh hoạt
Đảng. Đặc biệt cần đẩy mạnh giáo dục cho đảng viên chủ nghĩa yêu nước với
nội dung sớm làm cho đất nước giàu mạnh, cần nâng cao ý chí của đảng viên, phấn
đấu thực hiện các mục tiêu của Đảng, trau dồi những tri thức mới mà nhiệm vụ
mới của Đảng đòi hỏi.
Hơn bao giờ hết, nâng
cao năng lực lãnh đạo và phẩm chất cách mạng của Đảng, nâng cao năng lực quản
lý nhà nước của chúng ta là hai nhân tố quyết định nhất để nắm lấy thời cơ đang
đến với đất nước.
Xin trình bày để các anh
tham khảo./.
VÕ VĂN KIỆT
Các thao tác trên Tài
liệu
Trang này được phát hành
theo Giấy phép Creative Commons
BY-NC-ND 3.0 France.
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France. | diendanonline@gmail.com |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét