Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Những vấn đề đặt ra từ  ngành than

                                                                     Vũ Diêu
                                              Báo Nhân Dân ngày 21-6-2000,  tr.2

Tại sao phải thanh tra?
Chuyện bắt đầu từ ngành than. Ngày 25-5-1999, tại mỏ than Cao Sơn, Tổng Công ty Than họp hội đồng giám đốc và đi đến quyết định ngừng sản xuất luân phiên ở các mỏ. Chiều 25-5-1999, Tổng giám đốc than họp báo, giải thích lý do phải ngừng sản xuất than là do tồn kho quá lớn, đến 4,3 triệu tấn, làm đọng vốn gây thiệt hại lớn cho sản xuất, kinh doanh toàn ngành. Tin ngừng sản xuất được truyền đi trong cả nước, gây hoang mang, lo lắng trong công nhân mỏ và động đến cả Trung ương, Chính phủ.
Ngày 8-6, tại Hà Nội, Chính phủ đã họp với các ngành tìm cách tháo gỡ cho ngành than. ở cuộc họp này đã có những ý kiến phê phán lãnh đạo ngành than là nóng vội, chủ quan trong quyết định, không tính đến các yếu tố kinh tế, xã hội. Đến ngày 24-6, Chính phủ giao Bộ công nghiệp thành lập tổ công tác “giải quyết khó khăn” cho ngành than, thực chất là để kiểm tra việc sản xuất - kinh doanh của ngành than ra sao? Có đúng như báo cáo là tăng trưởng nhanh, quản lý chặt chẽ, lập được trật tự khai thác? Cũng trong tháng 6, Cố vấn Đỗ Mười, rồi Phó Thủ tướng, sau là Thủ tướng Chính phủ đã về Quảng Ninh kiểm tra, xem xét, tìm cách hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho ngành than. Trong những lần họp này, ngành than vẫn báo cáo tồn 4.3 triệu tấn, tốc độ bốc đất đá tăng lên, không mỏ nào nợ đất, một số mỏ hầm lò đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, dùng vì chống thuỷ lực, giảm rất nhiều gỗ, “khấu dật”... Những số liệu trong báo cáo nói trên của ngành than đã làm một số người nghi ngờ. Thông báo số 208 của Văn phòng Chính phủ ngày 15-12-1999 nói rõ, “một số cán bộ, công nhân Tổng Công ty, các vị cán bộ lão thành cách mạng và phương tiện thông tin đại chúng phản ánh” (điều 3). Và theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27-12-1999, Tổng thanh tra Nhà nước đã quyết định thành lập đoàn thanh tra ngành than.
Như vậy xem xét lại từ đầu để thấy thanh tra “vào cuộc” là bắt đầu từ những quyết định, số liệu báo cáo của ngành than thiếu trung thực, không có sức thuyết phục.
Những nét lớn                           
Đoàn Thanh tra gồm có 23 người, chia thành 5 tổ thanh tra từng lĩnh vực riêng. Quyết định ghi rõ thời điểm thanh tra ngành than từ ngày 1-1-1998 đến 30-3-1999. Thời gian kiểm tra không quá 30 ngày. Theo ông Trần Quốc Trượng, Phó Tổng thanh tra Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra than, “bước vào thanh tra mới thấy công việc quá lớn, không thể làm trong thời hạn một tháng, cho nên đoàn đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Tổng thanh tra Nhà nước xin thêm thời hạn, cho nên đến ngày 15-6-2000, tính tròn là 6 tháng, đoàn mới công bố kết luận chính thức. Thanh tra Nhà nước kết luận nhiều vấn đề : về sản lượng than; xây dựng cơ bản, quản lý tài chính, đào tạo cơ bản; đào tạo, sử dụng cán bộ... Vấn đề nào cũng có những vi phạm nghiêm trọng, tuy mức độ có khác nhau, nhưng kết luận của thanh tra đều nói rõ sự sai phạm so với những điều mà Tổng Công ty Than báo cáo với Chính phủ. Thí dụ, báo cáo đến thời điểm tháng 6-1999, than tồn kho 4.3 triệu tấn, thanh tra chỉ công nhận 2.4 triệu tấn (tính tròn). Báo cáo viết không nợ bóc đất đá, nhưng thanh tra bảo nợ (6.3 triệu m3). Báo cáo lãi, thanh tra kết luận lỗ. Báo cáo viết, đến tháng 6-1999, vay nợ là 2.704 tỷ đồng, thanh tra kết luận đến thời điểm ấy ngành than nợ 3.030 tỷ đồng. “Một món nợ lớn” - ông Trần Quốc Trượng nhận xét. Những kết luận trên đây dẫn đến một khoản tiền mà thanh tra yêu cầu phải xử lý là 270 tỷ đồng và 586.574 USD (bao gồm hạch toán không đúng, chi treo, khoản nọ bỏ khoản kia, vay nợ...). Trong khoản này có 12 tỷ đồng ngành than phải nộp vào ngân sách. Thanh tra cũng đề nghị phải thi hành kỷ luật ở các mức khác nhau đối với bốn người. Phác qua những nét lớn mà thanh tra Nhà nước đã kết luận cũng là những vấn đề khái quát, mới thanh tra được ở 24 đơn vị (chưa được một nửa số thành viên của Tổng Công ty Than Việt Nam). Nếu kiểm tra một cách tỷ mỉ việc mất vốn ở Công ty Than Việt Nam; việc quản lý ở Công ty than nội địa; việc tiêu tiền ở Công ty phát triển tin học công nghệ và môi trường; việc xuất khẩu than và nhập khẩu thiết bị... chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện mà sau này cơ quan điều tra sẽ có điều kiện để làm rõ.
Công tác cán bộ và quản lý
Đã từ lâu, trong văn phòng Tổng Công ty, rộng hơn là cả vùng than, người ta đã nói nhiều về bốn người mà thanh tra Nhà nước đề nghị thi hành kỷ luật nói trên. Nhiều người đều chung nhận xét : bốn người này có hành vi vụ lợi, làm việc không vì lợi ích của công nhân mỏ, đơn kiện, tố cáo có nhiều, nhưng không hiểu sao hội đồng quản trị, tổng giám đốc, rồi ban kiểm sát cứ che chắn, coi họ là những người có năng lực làm việc. Lợi dụng sự tin cậy này, Trương Thị Gấm đã nắm trọn quyền xuất khẩu than, tự đàm phán, định đoạt, ký kết, gây nhiều khó khăn cho một đơn vị trong ngành than là Coalimex, vốn đã làm công tác xuất khẩu từ lâu. Năm 1998, Trương Thị Gấm ký 59 hợp đồng xuất khẩu than (tổng số 65 hợp đồng), trong đó 44 hợp đồng ký trước, làm văn bản sau (viết tay, không đề ngày, tháng) mà tổng giám đốc cũng phê cho phép thực hiện. Năm 1999, Trương Thị Gấm vẫn lặp lại cách làm một mình này và hơn nữa tự ý hạ giá bán than vào thị trường Trung Quốc, rồi lại đề xuất bồi thường cho một thương nhân Trung Quốc tên là A Quế từ 15 đến 20 nghìn USD, trong khi theo hoạt động, than bán thừa tiêu chuẩn, chất lượng ký kết. Ngành than đã phải bồi thường 15 nghìn USD, chưa kể đến việc điều hành tàu ra, vào, chỉ định đại lý... Trương Thị Gấm đã lợi dụng quyền lực, can thiệp vào công việc của các đơn vị thành viên, làm thiệt hại chung cho ngành than. Tóm lại, trong điều hành sản xuất than, có “ẩn ý” gì đó khiến công việc chỉ do một, hai người biết và giải quyết?
Trường hợp thứ hai là Nguyễn Chí Quang, một giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn được vào làm giám đốc Công ty phát triển tin học, công nghệ và môi trường. Theo ông Trần Quốc Trượng, thanh tra phải vất vả lắm mới lấy được tài liệu. ở Công ty này, mọi việc có cái gì đó bất ổn, từ việc mua xe ô tô, đến việc mua thế chấp Nhà Trung tâm thiết kế ở Cẩm Phả để vay 200 triệu đồng chuyển về Hà Nội, hay việc mở lớp học nghe người nước ngoài giảng có gần hai tuần mà mỗi người phải đóng đến 40 triệu đồng; việc gán máy vi tính xách tay giá đắt cho các giám đốc, để bỏ trong tủ kính...
Trường hợp của Đào Xuân Sinh và Nguyễn Thế Hạnh cũng là việc sử dụng cán bộ rất khó hiểu. Bao nhiêu đơn kiện, Công ty không có một nguyên tắc quản lý nào, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng, nợ chồng, nợ chất. Riêng tiền nợ thuế bia Vích-cô đã hơn 3 tỷ đồng, nợ tiền mua than ở khu vực Cẩm Phả 14 tỷ đồng... Rồi chuyện mua đất, mua xe, cho người nước ngoài vay tiền... Các khoản này đã lên đến hai tỷ đồng, không còn khả năng đòi được.
Những chuyện tày đình như vậy, nhưng không hiểu sao, HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc có biết hay không mà cứ làm ngơ, cứ che chắn, để dẫn đến hậu quả như thanh tra đã kết luận? Qua việc này, các tổng Công ty 91 có thể rút ra bài học về công tác cán bộ: Không dồn quyền lực vào tay một người và dù là doanh nghiệp nào, cũng cần có tổ chức Đảng và Đảng phải nắm công tác cán bộ. Tiếc rằng, các tổ chức đảng trong Tổng Công ty 91 hiện nay chưa được nghiên cứu tổ chức chặt chẽ. Một người dù tốt đến mấy, nếu nắm quyền điều hành lại thiếu dân chủ, không bàn bạc tập thể về công tác cán bộ thì sẽ xảy ra sai lầm.
Bài học thứ hai là, về quản lý Nhà nước, đã đến lúc Nhà nước cần xem xét, tổng kết mô hình Tổng Công ty 91 về thực chất và hiệu quả của các tổng Công ty này. Chỉ nghe báo cáo thôi là chưa đủ ngành than báo cáo: đi đúng hướng, phát triển nhanh, năm 1997 lãi 137 tỷ đồng(tính tròn). Năm 1998 lãi 47 tỷ đồng. Năm 1999 lãi 8,36 tỷ đồng. Nhưng sự thật không phải như thế. Rất đáng lưu ý là, những con số lãi này, được kiểm toán Nhà nước xác nhận, đóng dấu son. “Được Thứ trưởng Tài chính ký xác nhận hẳn hoi”. Người của ngành than vẫn nói vậy. Dấu đóng rồi, tiền kiểm toán thu rồi (2,4 tỷ đồng), vậy chuyện xảy ra trong ngành than, kiểm toán, tài chính có trách nhiệm không?    (gạch dưới: Nguyên Nguyên).                  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét