Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

tiểu thuyết "Hiến dâng" - file C

Nhân sang dự hội thảo khoa học ở Viện chống lao Trung ương, Đông hỏi thăm  cô gái Mai Ngọc Bảo và được biết bệnh trạng cô đang diễn biến cấp tính, có biểu hiện kháng thuốc hoặc bệnh nhân mất khả năng đề kháng. Giờ nghỉ, anh đề nghị được đến thăm cô gái. Anh phát hoảng, mới chưa đầy ba tuần mà thấy Bảo chỉ còn da bọc xương, mắt nhắm nghiền, nằm không cử động trên giường bệnh. Bác sỹ và y tá trực cho biết Bảo vừa trải qua một cơn đau ngực dữ dội, cơn đau đầu tiên kể từ ngày vào đây. Anh hỏi kỹ bác sỹ trực. Ngay sau đó anh đọc lại các phim chụp phổi, đề nghị hội chẩn chớp nhoáng với các bác sỹ trực tiếp chữa bệnh cho Bảo.


Đông cho rằng bệnh nhân được điều trị theo liệu pháp “DOT”· ở mức độ cao đã hai tuần rồi mà vẫn sốt dai dẳng, bệnh vẫn tăng lên, có nhiều biểu hiện khác thường, thuỳ phổi dưới có nhiều tổn thương lạ. Rõ ràng ngoài nguy cơ kháng thuốc, nguy cơ bệnh lao ở thể cấp tính, còn phải tính đến nguy cơ HIV đã chuyển sang thể AIDS. Hồ sơ bệnh lịch của Bảo cho phép nghi ngờ như vậy.

Y’ kiến của Đông được các bác sỹ chú ý, nhưng chưa thật thuyết phục lắm, bởi vì trong hội chẩn chớp nhoáng này có ý kiến cho rằng chưa thấy có trường hợp HIV nào chuyển thể sang AIDS nhanh như vậy. Song cũng có bác sỹ nêu giả thiết  bệnh nhân nhiễm HIV lâu rồi mà chưa phát hiện kịp thời thì vẫn đủ thời gian chuyển thể sang AIDS. Cũng không loại trừ bệnh lao cấp tính đã rút ngắn quá trình chuyển thể, ở tuổi của Bảo nguy cơ này rất lớn... Tuy nhiên các bác sỹ đều đồng ý với Đông, trong diễn biến bệnh lý phức tạp của Bảo phải nghĩ đến bàn tay của HIV/AIDS.

Sự thống nhất ý kiến đó làm cho Đông lo lắng đến con số 13 –  ...các bệnh nhân anh đã đề nghị gửi mẫu máu sang Viện vi trùng học, trong đó có Nguyệt. Hôm qua Bách cho anh biết Viện vi trùng học đang buộc phải gửi những mẫu ấy vào kho lạnh, vì còn tồn đọng nhiều mẫu chưa xét nghiệm xong. Viện ở trong tình trạng vật tư, thiết bị và kinh phí thiếu quá chừng, công nghệ còn lạc hậu nên việc xét nghiệm càng mất nhiều tiền của, thời gian và công sức. Đông lẩm bẩm: Rõ ràng càng nghèo, càng tốn kém... Nhưng Viện cam kết sớm muộn sẽ xét nghiệm chu đáo. Tình trạng của Mai Ngọc Bảo càng làm cho Đông nóng ruột. Là người thầy thuốc, xưa nay Đông chẳng tin vào phép màu nhiệm nào của trời phật. Tuy thế, anh vẫn cầu trời cho chẩn đoán của mình là nhầm và mong cho 13 bệnh nhân này thoát khỏi bàn tay thần chết.

...Nếu mình nhầm, cô gái Bảo và những người còn lại trong con số 13 này may ra có cơ được cứu sống... Cô gái mới mười chín tuổi đầu, sao lại tự huỷ hoại cuộc đời của mình như vậy? Các bậc cha mẹ, nhà trường, xã hội và các đoàn thể cần làm gì để bảo vệ con cháu mình trước tệ nạn tiêm trích và quan hệ tình dục bừa bãi?.. ...Nhưng sắc thái cô gái này xấu hơn rất nhiều so với lúc còn ở khoa I của Trung tâm, mình nhầm làm sao được... Sinh mệnh của 13 con người chứ có phải ít đâu. Lạy trời, mong rằng mình đã nhầm, bệnh tình của cô gái này chỉ là trường hợp ngoại lệ... Xin lạy trời...

Đông quay về dự tiếp hội thảo, tâm trạng rối bời. Được một lúc, có người nhắn Đông ra nghe điện thoại: Tâm cho anh biết Nguyệt chiều nay được xuất viện, Tâm thừa nhận hoàn toàn bất lực trong việc khuyên Nguyệt trở về quê. Chị khẩn khoản ở đầu dây nói:

-         ... Trưa nay anh cố về, may ra  anh có thể lay chuyển được Nguyệt chăng. Còn nước còn tát anh ạ...

Phiên họp buổi sáng kết thúc, Đông quay trở lại Trung tâm, bỏ cả ăn trưa.

Bước vào phòng trực khoa, anh được biết Tâm có việc bận phải về nhà. Anh vào thẳng phòng bệnh nhân, thấy Nguyệt hai mắt sưng húp vì khóc, năm sáu bệnh nhân khác ngồi chung quanh an ủi. Thoạt đầu Đông ngạc nhiên thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Nguyệt và những bệnh nhân này, một hiện tượng hiếm thấy trong Trung tâm. Hoặc giả các bệnh nhân này là những người tốt, hoặc Nguyệt đã gây được cảm tình với họ trong thời gian điều trị ở khoa này. Bởi vì phần lớn bệnh nhân đến Trung tâm là những kẻ chán đời, hoặc là những người mang nặng trong mình tâm trạng thất vọng, bế tắc. Có lúc tâm trạng ấy trở thành nguồn năng lượng huỷ hoại khó lường...

-         Bác sỹ Đông. Bác sỹ Đông đến...
-         Chào bác sỹ...
-         Chào các chị, các cô.
-         Chắc bác sỹ hôm nay đến thăm cô Nguyệt? - Một phụ nữ lớn tuổi nhất trong đám họ hỏi Đông.
-         Vâng, bác sỹ Tâm cho tôi biết chiều nay cô Nguyệt xuất viện. - Đông vừa chào vừa đáp lại mọi người.
-         Nguyệt chào bác sỹ Đông đi chứ, sao còn khóc mãi? - Người phụ nữ nhiều tuổi nhất thúc giục.
-         Em chào anh. – Lúc này Nguyệt mới ngẩng đầu lên.
-         Chiều nay em được ra viện, ngày mai em về quê chứ? Hay em  xin chị Tâm cho ở thêm tối nay, sáng mai ra thẳng bến xe đi chuyến sớm nhất cho tiện? Có cần anh nói giúp với chị Tâm không? Nhất định em về quê chứ?... - Đông hỏi dồn một thôi một hồi.

Nguyệt ngồi im không nói không rằng, được một lúc lại bắt đầu sụt sùi. Đông rất lúng túng. Các bệnh nhân ngồi chung quanh tán thành ý kiến của Đông và thay nhau thúc giục Nguyệt phải hứa như vậy với bác sỹ Đông.

Cố gắng lắm, mãi Nguyệt mới nói được, câu nói đứt quãng trong tiếng khóc:
-         ...Vâng, em không... không dám hứa, nhưng em... em xin cố gắng...
-         Em nhất định phải về quê... - Đông nói như ra lệnh - Cho anh gửi lời kính thăm bố mẹ em, anh hứa  có dịp sẽ sớm về thăm bố mẹ em và em. Em không được làm sai lời anh dặn...  - Đông móc ví, còn tất cả ba tờ giấy bạc hai mươi nghìn đồng, anh lấy ra hết, giúi vào tay Nguyệt.  ...Chúc em ngày mai đi đường may mắn. Xin chào tất cả các chị, các cô...

Đông ra khỏi phòng bệnh. Mọi người nhìn theo ngơ ngác, không ai kịp nghĩ đến chào lại. Từ phòng bệnh anh đi xe máy đến thẳng nhà Tâm.

-         Có cái gì cho anh ăn một tý. Anh phải đi họp tiếp chiều nay, đến lượt anh trình bày báo cáo. Anh đã gặp Nguyệt rồi, nhưng hoàn toàn thất vọng. Hoàn toàn thất vọng...
-         Cô ấy nói sao? Anh uống nước ngồi nghỉ một lát đi, em nấu cho anh bát mỳ nhé? -  Tâm vừa hỏi vừa đi vào bếp.

Đông lấy nước rửa tay, vỗ nước lạnh lên mặt cho đỡ mệt, lặng lẽ lấy khăn lau mặt rồi ngồi vào bàn tự rót nước, vẻ mặt đầy tư lự. Anh ngồi yên, thỉnh thoảng hớp một ngụm nước chè, chưa trả lời ngay được câu hỏi của Tâm. Hết một chén, lại một chén nữa, ...mãi cho đến lúc Tâm bưng bát mỳ nóng lên:
-         Mời anh ăn đi, chắc lúc này anh rất đói. Nguyệt nói gì hở anh?

Đông lặng lẽ vừa ăn vừa đuổi theo những suy nghĩ của mình. Anh ăn hết bát mỳ rồi mới cảm ơn Tâm, nhưng vẫn chưa trả lời ngay câu Tâm hỏi. Tâm đoán chắc phải có điều gì làm cho Đông trở nên trầm ngâm như vậy. Tâm thông cảm và kiên nhẫn chờ đợi.

-         Hoàn toàn thất vọng em ạ. Nguyệt không dám hứa gì với anh. Đến nỗi anh phải nói như ra lệnh cho cô ấy... Nhưng cô ấy chỉ khóc...
-         Em hiểu nguyên nhân tại sao Nguyệt không dám về quê với bố mẹ. Đấy là cái chết của cô Hương.
-         Hương nào hở em?  Tên này anh nghe quen lắm.
-         Nguyệt đã tâm sự hết với em. Hương là người cùng làng, và hình như có họ hàng gì nữa với Nguyệt thì phải. Trong câu chuyện thuật lại, thấy Nguyệt có lúc xưng chị với Hương. Vài ngày trước khi tự tử, Hương đã nói hết mọi điều cay đắng của đời mình cho Nguyệt. Trước khi quay trở lại quán Hoa Đồng và do đó bị tạt a-xít vào mặt, Hương đã về sống ở quê gần hai tháng. Sự dè bỉu, hắt hủi của  bà chị dâu Hương và đứa cháu gái lớn... Hương còn cắn răng chịu đựng được. Nhưng sự khinh bỉ, chế giễu của xóm làng, từ đám học sinh, các em chăn trâu.., rồi lan ra cả đến ngoài chợ... Hễ Hương có mặt ở đâu, dù là lúc gánh nước, lúc ra làm đồng.., là những người chung quanh lại bắt đầu những câu chuyện rỉa rói, nhất là mấy cậu trai làng trước đây theo đuổi Hương không được. Hương nói dứt khoát với Nguyệt: Cực nhọc mấy cũng chịu được, nhưng sống mà lúc nào cũng phải cúi gằm xuống, tai phải giả điếc, mặt không dám ngửng lên nhìn mọi người, ngày cũng như đêm, thì không sao sống được...
-         Nhưng Nguyệt là con một cơ mà?
-         Vâng, em cũng nói kỹ với Nguyệt điều này. Nhưng còn cái miệng của cả làng cả tổng nữa anh ạ.
-         Trời ơi, làng quê tốt thế sao còn tồn tại mãi tập quán chết người này!..
-         Xoá bỏ tập quán ở làng quê khó lắm anh ạ. Em còn sợ rằng cái mốt duy trì hay bịa đặt ra một cách bừa bãi những lễ hội làng đang rộ lên thành phong trào. Ti-vi đã có những phóng sự ca ngợi một số địa phương phục hồi lại hương ước, mà theo em trong đó đầy rẫy những hủ tục. Ngoài ra còn cái nạn bói toán lễ bái... Phong trào theo kiểu như vậy thì sẽ còn tồn tại nhiều tập quán chết người. Đấy không phải là đậm đà bản sắc dân tộc, không phải là hiện đại hoá, mà là trở về lề thói lạc hậu. Sự ngộ nhận này vô ý thức hay cố tình hở anh? Hay là chúng mình mất gốc rồi?
-         Anh thật không ngờ công việc chữa bệnh của chúng ta lại liên quan đến những điều quá rắc rối ấy. Đúng là không thể cứ phát động một phong trào hay ra một nghị quyết là có thể chuyển đất xoay trời. Nhưng thôi, đấy là những chuyện quá to tát, anh không dám nghĩ tới. Thú thực, anh đang rối bời ruột gan.
-         Ngoài chuyện của Nguyệt ra còn chuyện gì nữa hở anh?
-         Sáng nay anh thăm bệnh nhân Mai Ngọc Bảo, sau đó hội chẩn với các đồng nghiệp bên ấy. Anh nghi rằng bệnh nhân mắc HIV bây giớ đã chuyển sang AIDS.  Em phải tuyệt đối giữ kín điều này: Bảo thuộc nhóm 13 người phải thử máu xét nghiệm HIV/AIDS, trong đó có Nguyệt. Đến nay Viện vi trùng vẫn chưa làm được xét nghiệm, vì quá tải. Anh sốt ruột lắm. Diễn biến bệnh của Mai Ngọc Bảo khiến anh lo là anh không nhầm.
-         Trời ơi, còn chuyện ấy nữa anh?
-         Anh cầu trời cho mình nhầm, nhưng anh không thể tin là mình nhầm.
-         Phải làm gì với Nguyệt hở anh?
-         Anh cũng không biết nữa.
-         Chiều nay em phải đi họp các bí thư chi bộ, do đảng uỷ triệu tập. Hay là em tìm cách gặp Nguyệt một lần nữa trước khi em đi họp?
-         Vô ích em ạ. Những điều cần nói thì cả em và anh đều nói với Nguyệt hết rồi. Đành nán chờ thêm xem Nguyệt xử sự thế nào. Thôi, chào em, anh phải đi đây... – dắt xe xuống hè, Đông còn ngoái cổ lại: Cho anh mấy đồng, anh sợ dọc đường xe hết xăng...

Tâm lúc này cũng đã dắt xe đạp ra khỏi cửa, đưa cho Đông hai tờ giấy bạc mười nghìn. Đông giả lại Tâm một tờ:
-         ...Như thế này đối với anh là quá đủ rồi...

Hai người chia tay nhau. Tâm đi họp ở Trung tâm, Đông quay sang Viện chống lao. Cả hai không còn tâm trí nào nghĩ đến cái nắng chang chang như táp lửa vào mặt giữa trưa hè. Họ chưa biết có thể làm gì để giúp Nguyệt.


Trước khi họp, Tâm ghé vào khoa. Y tá trực và các bệnh nhân cùng phòng với Nguyệt cho Tâm biết Nguyệt đã  chào mọi người và đi rồi, ngay sau khi bác sỹ Đông đi khỏi. Người thì đoán rằng Nguyệt định đi từ sáng, nhưng nấn ná chờ chào được Đông rồi mới đi. Người thì cho rằng Nguyệt đi ngay buổi trưa để kịp chuyến xe về quê lúc hai giờ. Nghe những lời suy đoán ấy, Tâm tự hỏi: Hay là Nguyệt đã được anh Đông thuyết phục? Hy vọng là như vậy...
...


Đông đã từng được mời dự nhiều hội thảo để chi cho hết tiền của các dự án. Đấy là những hội thảo chán ngắt, anh tiếc thời giờ. Những hội thảo này thực ra chỉ để phục vụ cho báo chí và ti-vi là chính, trong đó cố nêu bật tên tuổi, hình ảnh mấy người cần nổi tiếng, mấy vị khách và tổ chức nước ngoài... Những quan chức của ta đi ô-tô đến tham gia hội thảo thường chỉ có mặt một lần trong buổi lễ khai mạc, chủ yếu là để cho các ca-mê-ra, mi-crô-phôn, máy ảnh... chõ thẳng vào mặt mình một lúc. Nếu họ có diễn văn diễn từ gì, thì đó thường là những câu chữ đầu đuôi khác nhau nhưng nội dung cùng một điệp khúc vạn năng, dùng ở hội nghị hội thảo nào cũng được – miễn là được thêm thắt một ít dấm ớt thích hợp. Những thợ viết của những vị này thực quả là những kiện tướng về xoay vần con chữ. Người đi xe máy hay xe đạp đến dự hội thảo cũng có mặt đông đủ trong phiên họp khai mạc, nhưng chủ yếu để nhận tài liệu và phong bì. Các buổi sau thường chỉ lác đác vài người, có khi chủ toạ mời chán cũng không thấy ai lên phát biểu, nhiều lúc phải chỉ định...

Càng ngày, các ban tổ chức hội thảo cũng ranh ma dần lên. Phong bì không còn đựng một cục tiền nữa, mà được chia ra làm nhiều phong bì mỏng, thường chỉ được phát vào lúc mỗi buổi họp sáng hoặc chiều gần kết thúc. Nhưng chất lượng các ý kiến phát biểu không vì thế mà tăng lên. Không ít các hội thảo phải hoàn thành nhiệm vụ vượt thời hạn – thường là một buổi chiều, thậm chí một ngày... Từ ngữ biểu thị chất lượng những cuộc hội thảo này đăng trong kỷ yếu hay trên báo được dùng đi dùng lại nhẵn thín đến nỗi chẵng còn góc cạnh, ý nghĩa gì cả: đầy tư duy sáng tạo, kết quả mỹ mãn, thành công tốt đẹp...

Nhiều lúc hội thảo bùng lên thành nạn dịch - nghề kiếm tiền chính của một số cán bộ xoay sở. Một vài đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã buộc phải lên tiếng phê phán gay gắt... Dù đã nhiều lần cầm phong bì, đã bao nhiêu lần được những phong bì này cứu nguy, nhưng Đông vẫn cảm thấy ngường ngượng làm sao ấy. Nhìn vào cuộc sống hàng ngày, chỗ nào anh cũng thấy phong bì. Ăn cưới: phong bì, đám ma: phong bì, đi họp: phong bì, đi mit-tinh ngày kỷ niệm: phong bì, mừng thi đỗ: phong bì, liên hoan đẻ con trai: phong bì, luồn lọt – xin xỏ – chạy chọt..: phong bì... Đông nghĩ lại  nếu so với đám cưới của mình trước đây được nhận một lúc 4 cái phích nước và một đống nồi, soong, chậu... thì phong bì bây giờ hợp lý hơn nhiều. Nhưng khi phong bì trở thành phương tiện tính toán thì  ...ôi chúng ta đang phát triển một thứ văn hoá phong bì...


Không khí hội thảo Đông tham dự hôm nay khác hẳn. Giấy mời được loan báo trước 4 tuần, ghi rõ: Hội thảo 2 ngày, chương trình có 4 báo cáo, nêu đầy đủ tên đề tài và báo cáo viên, mỗi báo cáo được thù lao một triệu đồng; từng buổi họp có thời khắc biểu rất xít xao; danh sách 30 người được mời tham gia hội thảo, mỗi người được thù lao 100 nghìn đồng, tổng chi phí của hội thảo dự trù 12 triệu đồng; tham gia hội thảo không phải khách mời phải đóng 200 nghìn đồng và đăng ký chậm nhất là một tuần trước hội thảo... Nơi đỗ xe trước phòng họp chẳng có chiếc ô-tô nào, mà lổng chổng toàn xe máy, xe đạp các kiểu. Trong phòng họp: bàn ghế sơ sài, không biểu ngữ trang trí về hội thảo, không máy lạnh, chỉ có tiếng quạt máy rào rào, ai muốn phát biểu phải nói thật to, không bóng dáng một ca-mê-ra hay một nhà báo.... Hội thảo do giáo sư Ngữ, chủ nhiệm Uỷ ban phòng chống lao chủ trì, bàn về tổng kết kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị lao trong tình trạng bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS xảy ra tại một số nơi trong nước ta. Những đại biểu tham gia do giáo sư đích thân chọn mời từng người...

Phiên họp buổi chiều của hội thảo kéo dài quá giờ quy định, vì những cuộc tranh luận sôi nổi. Khoa học đúng là không có bờ bến... Đông cảm phục nhiều ý kiến sắc sảo đã đành, song rõ ràng ý thức trách nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp của những người thầy thuốc, các nhà khoa học tham gia hội thảo này đã khích lệ anh mạnh mẽ. Đông thầm nghĩ ...thì ra hàng ngũ những người lương tri chưa bị cuộc sống tinh ma ăn mòn không đến nỗi ít lắm... Phòng họp có một trăm chỗ ngồi mà gần kín. Cuối buổi họp chiều, anh có dịp trao đổi riêng trong giờ nghỉ giải lao với giáo sư Tạn về khả năng bào chế một loại tân dược chống ma tuý bằng những nguyên liệu trong nước.

Khi ra về, Đông tạt vào ban tổ chức lĩnh tiền nhuận bút báo cáo chuyên đề và tiền thù lao tham gia hội thảo, người phát tiền khoe với Đông:
-         Báo cáo của anh được giáo sư Ngữ chấm số một đấy.
-         Nếu vậy ban tổ chức hội thảo phải tăng nhuận bút cho anh lên gấp đôi.
-         Thưa tiến sỹ, không được đâu ạ. Tài chính công khai như đinh đóng cột rồi... Anh ký vào phiếu nhận tiền cho em.
-         Cô này trông phúc hậu mà đá xi măng nhỉ. Chẳng nhẽ tôi cho cô lên chức bà già ki bo?
-         Anh phong chức mới cho em như thế thì em ế chồng mất. Hội thảo này chi chưa hết một nửa kinh phí dự trù anh Đông ạ, vì số người tham dự phải đóng tiền cũng khá đông.
-         Họ là ai vậy?
-         Phần lớn là đại diện của các công ty liên doanh với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, còn lại là một số công ty dược của ta...
-         Trong số này có ai là quan chức các cơ quan quản lý không?
-         Họ không thừa thời giờ tham gia loại hội thảo như thế này.
-         Y’ cô muốn nói họ bận, hay hội thảo này không quan trọng?
-         Không phải thế anh ạ. Hội thảo này đối với họ chẳng ăn nhằm gì...
-         Chưa có chồng mà sao cô đanh đá thế?
-         ...

Về đến nhà, Đông mệt rũ. Anh đi tắm, ngay sau đó lục lọi, tra khảo thêm một số sách báo về đôi điều trong tranh luận anh đang nghi vấn. Tìm được mấy tài liệu cần, anh ngả mình lên giường, vừa nằm nghỉ, vừa đọc rồi ngủ thiếp lúc nào không biết.

Có tiếng gõ cửa. Đông nhổm dậy, ra mở cửa.

-         Trời ơi, Nguyệt. Anh nghĩ rằng em nghe lời anh, và vào giờ này lẽ ra em phải ngồi bên cạnh bố mẹ em rồi.
-         Vâng, em có lỗi, anh tha lỗi cho em. Chị Tâm và anh đã khuyên em hết lời rồi. Em đã nghĩ kỹ, nhưng em không thể làm được như chị Tâm và anh mong muốn. Em không thể...
-         Em ngồi xuống đi. Bình tĩnh lại, uống nước đi rồi hãy nói...  Đông kéo nghế và rót cho Nguyệt cốc nước lã đun sôi để nguội.

Nguyệt vẫn đứng yên như cột mọc giữa nhà.

-         Ra khỏi Trung tâm, em đi đâu cho đến tận bây giờ?
-         ...
-         Em nói đi chứ.
-         ...

Đông nhìn Nguyệt từ đầu đến chân. Anh nhận ra ngay cái túi du lịch đựng đồ dùng cá nhân Nguyệt đeo ở vai là của Tâm cho. Đôi ba lần Tâm phải tiếp tế lương khô - nghĩa là các gói mỳ ăn liền – cho Đông bằng cái túi này. Đông nhận thấy đầu tóc Nguyệt bơ phờ, đôi dép lê đầy bụi, áo quần xộc xệch, dáng người mệt mỏi...
-         Hình như em đi lang thang suốt cả chiều nay?
-         Vâng.
-         Em không đủ can đảm nghe lời anh, còn quay lại đây làm gì?
-         Anh đi rồi em mới định thần lại được. Em nhận tiền anh cho, ngày mai anh lấy gì mà sống? Biết anh chiều nay không làm việc tại Trung tâm. Cả buổi chiều em đã qua đây hai lần, nhưng anh không có nhà. Xin anh tha tội cho em. Em cũng nhờ anh xin bố mẹ em tha tội cho em...

Nguyệt đặt ba tờ giấy hai chục nghìn đồng lên bàn rồi vụt bỏ chạy ra ngoài đường.

-         Nguyệt!.. Nguyệt!.. Đứng lại...

Đông sững người ra một lát rồi mới dượt đuổi theo. Cũng may, chạy một quãng anh nắm được tay Nguyệt.

-         Anh cấm em làm liều. Đi vào nhà. Hoá ra chị Tâm, các anh các chị khác chữa chạy cho em là uổng công vô ích? Sao em vô ơn thế?

Không ngờ lời mắng gay gắt của Đông lại có tác dụng. Nguyệt không dám  chạy nữa và ngoan ngoãn đi theo anh về nhà.

-         Em ngồi xuống đi. Uống nước đi, rồi bình tĩnh kể cho anh nghe em sẽ định liệu cuộc sống của mình như thế nào.

Nguyệt đưa hai tay đỡ cốc nước Đông đưa cho, uống luôn mấy ngụm dài, vì suốt buổi chiều nay khát bỏng cả cổ. Mãi rồi Nguyệt mới nói được:
-         Xin anh và các anh các chị khác tha tội cho em. Còn một hơi thở, em còn ghi lòng tác dạ công ơn của anh, của chị Tâm, của các anh các chị khác đã mấy lần cứu sống em. Xin đừng cho em là người vô ơn. Nhưng em tuyệt vọng, chừng nào còn sống em chỉ làm nhọc nhằn và mang lại ô nhục cho những người em yêu quý -  trong đó có bố mẹ em, có anh, có chị Tâm...
-         Em đừng nghĩ quẩn nữa. Nếu bây giờ anh để em đi, em sẽ đi đâu?
-         Em thực không biết, có thể em sẽ ngủ tạm ở một xó xỉnh nào đó và nếu có cơ hội thì ...em sẽ về với Hương...
-         Không được. - Đông giãy nảy lên. –...Anh không cho phép em nghĩ như vậy. Tối nay em ở lại đây. Nhà anh tuy chật nhưng đủ chỗ cho em.

Nguyệt quỳ phủ phục xuống chân Đông:
-         Em lạy anh, xin anh để cho em đi. Em biết, đưa em vào Trung tâm lần này, anh phải chịu thêm bao nhiêu điều tai tiếng. Em thà chết, chứ em không có quyền làm hại thanh danh người đã cứu em ba lần. Xin anh hiểu cho em...
-         Em không phải nói với anh những điều như vậy. - Đông cầm tay kéo Nguyệt đứng lên. - Không ai có thể làm hại thanh danh của anh được, kể cả em. Trừ phi anh tự huỷ hoại thanh danh của mình. Em ngồi lên ghế đi. Em ở lại đây đêm nay, nghỉ ngơi, rồi bình tâm suy nghĩ. Cả cuộc đời của em còn ở phía trước...

Đông rót cho Nguyệt cốc nước nữa. Anh đi đi lại lại trong phòng.

-         Có lẽ mười lăm hay mười sáu năm nay rồi đấy em nhỉ, kể từ ngày anh về công tác lần cuối cùng ở quê em khi nào. Thỉnh thoảng anh vẫn nhớ lại. Những lần về thăm bố mẹ anh hồi sơ tán, anh vẫn nhớ như in em được bố mẹ em yêu quý như thế nào. Có hôm trời mưa, báo động máy bay địch đến, bố em cõng em từ nhà chạy ra hầm. Mẹ em vừa chạy theo vừa chế em: Đời thuở nhà ai con gái lớn tướng như cái bồ sứt cạp mà còn bắt bố cõng... Bố mẹ em bây giờ chắc già đi nhiều rồi và đang ngày đêm lo nghĩ về em... Anh nhớ cả nét mặt em rạng rỡ khi anh thưởng cho em quyển sổ và cái bút chì xanh đỏ....
-         Em nhớ chứ, em nhớ tất cả. Em nhớ cả hôm bố mẹ em và em lên dự đám cưới của anh. Về nhà mấy hôm rồi mà bố mẹ em vẫn tấm tắc khen mãi chị Kiều Liên đẹp như tiên. Em không ngờ bây giờ anh chị lại mỗi người một nơi. Em cũng không bao giờ nghĩ thân phận em bây giờ như thế này... Em van anh đừng nhắc đến những chuyện ngày xưa nữa... Em van anh...
-         Đúng là không ai biết trước được số phận mình. Nhưng để có can đảm sống tiếp, em không được đánh mất những điều mình yêu quý trong đời. Em phải có niềm tin vào chính mình... Bây giờ em có định bỏ chạy đi nữa không?
-         Anh cho em suy nghĩ.
-         Chiều nay em đã ăn uống gì chưa?
-         Dạ chưa.
-         Đi họp về mệt quá, anh ngủ quên mất, chưa cơm cháo gì. Bây giờ anh thấy đói quá.
-         Để em chạy đi mua phở cho anh nhé?
-         Hay lắm, cả cho em nữa. - Đông vừa đói thật, cũng vừa muốn thử xem Nguyệt đã đủ can đảm nghe theo lời anh chưa, dù chỉ là sự can đảm suy nghĩ thêm cho ra lẽ phải...

Nguyệt cầm một tờ giấy bạc trên bàn, tìm cái soong có vung đem rửa sach sẽ, rồi mang soong ra khỏi nhà. Đông nhìn theo, sau đó anh quay lại kéo bàn làm việc của mình ra gần phía cửa xổ cho rộng chỗ, sắp xếp kê dọn lại mấy thứ trong phòng. Nhà còn một cánh phản không dùng, anh đem kê lại thành một giường ngủ cho mình bên dưới cửa sổ. Ngắm lại thấy tạm ổn, Đông cài cửa, đi thẳng sang nhà chú hộ tịch viên, cách đây vài căn hộ. Trong lòng anh hy vọng gặp chú vào giờ này.

-         Em chào anh Đông.
-         Chào chú, tôi gặp may.
-         May gì hở anh?
-         May là  muốn gặp chú và gặp được thật.
-         Có việc gì đột xuất thế hở anh?
-         Việc khá quan trọng, nhưng tôi phải nói có đầu có đuôi chú mới hiểu được.
-         Em có gói chè Thái ở nhà mới gửi cho. Mời anh uống thử xem chè quê em có ngon không. Thưởng thức chè quê em đã, rồi em sẽ nghe anh nói.
-         Được uống chè Thái của nhà trồng thì còn gì bằng. Chú pha đi. Câu chuyện là như thế này...

Đông kể cho chú hộ tịch viên nghe tỷ mỷ về hoàn cảnh của Nguyệt, mối quan hệ ơn nghĩa giữa gia đình anh và gia đình Nguyệt. Anh sang gặp chú để đăng ký cho Nguyệt tạm trú ở nhà anh một thời gian, hy vọng có thể thuyết phục Nguyệt làm lại cuộc đời.

Chú hộ tịch viên kém Đông đến mười tuổi, rất hiểu hoàn cảnh của Đông và kính trọng Đông. Khi không có mặt anh, chú thường nói với những người khác trong cụm chú phụ trách: Anh Đông là trí thức lớn nhất cụm ta, một con người quý mến... Đôi khi gặp phải việc khó, chú thường nhờ Đông giúp đỡ ý kiến.

Nghe Đông nói xong, chú phát biểu:
-         May cho chị này quá, nếu không gặp anh thì chắc cuộc đời chị ấy coi như là bỏ rồi. Anh cứ yên tâm, em sẽ làm chu đáo việc đăng ký tạm trú...

Đông trở về nhà một lúc mới thấy Nguyệt về, vì Nguyệt chưa biết nơi có hàng phở nên phải đi loanh quanh.

-         Em thấy anh làm việc vất vả quá.
-         Biết làm thế nào em, công việc nhiều ngập đầu.
-         Nhưng anh ăn uống không có giờ giấc thế này thì nguy lắm, sức đâu mà làm việc mãi được.
-         Như thế là em biết lo cho anh đấy, nhưng trước hết phải biết lo cho em đã. Ăn xong em đi ngủ sớm, vì em đi bộ suốt cả chiều nay rồi. Ngày mai ngồi nhà một mình, em có đủ thời giờ nghĩ lại tất cả.
-         Nhưng em không thể ở lại đây được.
-         Em không phải lo sợ gì, anh đã đăng ký cho em tạm trú ở đây. Điều quan trọng duy nhất là em phải nghe lời khuyên của chị Tâm và của anh.
-         Vâng, em xin cố gắng...

Sáng hôm sau Đông thức dậy rất sớm, lòng dạ bồn chồn, nhưng    chờ trời sáng rõ anh mới ngồi dậy. Anh làm mọi việc trong nhà buổi sáng, cố giữ vẻ bình thường bề ngoài. Ăn xong gói xôi Nguyệt mua cho, anh đưa chìa khoá nhà cho Nguyệt:
-         Nhà cửa anh để bừa bãi quá, em dọn dẹp lại giúp anh nhé. Hôm nay anh dự hội thảo tiếp, không về ăn cơm trưa đâu. Em ở nhà tự lo liệu lấy...

Đông đến nhà Tâm lúc Tâm đang chuẩn bị ăn sáng một mình. Chị Phúc chưa dậy, còn Thanh Tâm đã ăn trước đây nửa giờ và đi rồi.

-         Mời anh ăn sáng với em. Sáng nay em thổi xôi sớm cho cháu Thanh Tâm kịp vào trường thi vấn đáp. Em nghĩ hôm nay anh dự tiếp hội thảo?
-         Đúng thế. Anh ăn sáng rồi, cũng ăn xôi, nhưng sẽ ăn cùng với em một bát nữa... – Chần chừ một lát, Đông đánh bạo nói tiếp: Bữa xôi sáng nay là Nguyệt mua cho.
-         Nguyệt hở anh?  Thế nào rồi?.. – xuýt nữa Tâm đánh rơi đôi đũa trong tay. - ...Nguyệt không đủ can đảm về quê hở anh?..

Đông vừa ăn vừa kể lại mọi chuyện cho Tâm.

-         Anh Đông ạ, anh quyết định như vậy là rất đúng. Không thể bỏ rơi Nguyệt lúc này được anh ạ. Sao anh không gọi điện thoại cho em ngay tối hôm qua?..

Đông khẽ thở phào nhẹ nhõm, một lúc anh mới trả lời được:
-         Anh nghĩ rằng anh lo liệu được, nên sáng nay anh mới đến em.
-         Thời gian... Chúng ta cần mang lại cho Nguyệt thời gian vượt qua khó khăn này.
-         Thực lòng đêm hôm qua nằm mãi anh không ngủ được, định gọi điện cho em mấy lần.  Sáng nay anh thức dậy rất sớm, nhưng sợ có thể làm cho Nguyệt nghĩ ngợi điều gì nên anh vẫn phải nằm im chờ trời sáng. Vào những lúc phải quyết định một việc khó như thế này, anh rất nóng lòng gặp em. Anh thực sự ngại dư luận dị nghị, nhất là mấy người ác khẩu trong Trung tâm. Nhưng bỏ rơi Nguyệt lúc này không được, nhất là ông bà Tích là ân nhân lớn đối với bố mẹ anh và hai con chị Thu.

Vì rất hiểu gia cảnh của Đông, Tâm hiểu Đông muốn nói gì.
-         Đừng ngại anh ạ. Em sẽ bảo vệ anh ở bất kỳ đâu, trong chi bộ, trong cơ quan. Em thề...

Đông đưa cả hai tay nắm lấy tay Tâm:
-         Ôi, muôn vàn lần cảm ơn em! Em đã giúp anh đỡ mang tội bất hiếu với bố mẹ. Anh chịu ơn em nhiều lắm, em ơi...

Bốn mắt nhìn nhau yên lặng, Một giọt nước mắt lăn tăn trên má Tâm. Mãi về sau Tâm mới rút tay mình ra, rót cho Đông chén nước. Tâm cố chuyển giọng để bắt sang chuyện khác:
-         Việc Trung tâm tham gia lễ hội đình An Thịnh đã được quyết định hôm qua rồi đấy anh ạ.
-         Quyết thế nào? Em có nói thẳng suy nghĩ của chúng ta không?
-         Cuộc họp đảng uỷ mở rộng quyết định là tham gia. Một mình em một ý kiến nên thiểu số.
-         Thế là thế nào?
-         Trước khi thảo luận, anh Liêm đọc thông tri của quận uỷ về việc thực hiện nghị quyết nuôi dưỡng và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, phát động phong trào quần chúng bài trừ tệ nạn xã hội. – Tâm nói lưu loát không nhịu một từ nào.
-         Sao tên của nghị quyết dài thế, anh chịu trí nhớ của em? - Đông cắt ngang lời Tâm.
-         Em không dám chắc có thuộc chính xác tên của nghị quyết không, vì quá dài, nhưng đại thể là như vậy. Anh Liêm nhấn mạnh lễ hội đình An Thịnh là một dịp quan trọng để cơ quan cùng với địa phương thực hiện nghị quyết này. Thế là hội nghị phát biểu ào ào theo hướng vạch ra. Quận uỷ đã ra thông tri rồi cơ mà...
-         Đành là thế, nhưng phải làm cho vỡ nhẽ nội dung tham gia như thế nào chứ?
-         Có. Anh Liêm giải đáp trôi chảy hết, trình bầy nội dung tham gia, chủ yếu là các tiết mục biểu diễn văn nghệ, công việc được phân công rành rọt cho từng đơn vị. Đặc biệt là Thanh niên, Công đoàn và tổ nữ công hưởng ứng rất sốt sắng. Phát biểu hăng hái nhất là bác sỹ Tôn khoa I. Trong phiên họp này em mới biết Tôn vừa mới được chỉ định làm quyền bí thư chi đoàn, tạm thời thay cho bí thư chính thức được đi học bổ túc một năm.  Anh Liêm sẽ thay mặt Trung tâm đọc diễn văn chính trong lễ hội.
-         Cuộc họp không bàn vấn đề gì khác? Cũng không còn một ai nhắc đến đề án cải tạo Trung tâm nữa?
-         Không. Mà có muốn bàn vấn đề gì khác cũng không còn thời giờ, vì chuông rồi mà họp chưa xong. Mất thời giờ nhất là các đơn vị tranh nhau mấy bài hát tủ...
-         Đúng là chỉ bận những việc không đáng bận. Giả thử Liêm thấy việc tham gia lễ hội là cần thiết thì cứ nhân danh ban lãnh đạo Trung tâm vạch ra một số việc thiết thực rồi phân công thực hiện là xong.
-         Không được anh ạ, như thế vừa mang tiếng là không dân chủ, vừa sau này không thể nhân danh đảng uỷ làm báo cáo của đảng bộ về việc thực hiện nghị quyết của quận uỷ.
-         A`, hoá ra đấy là lẽ tồn tại và phát triển. Bây giờ thì anh hiểu...
-         ...


Đông chia tay Tâm để đi cho kịp họp, vì từ nhà Tâm đến Viện chống lao trung ương cũng hơi xa. Câu chuyện tham gia lễ hội đình An Thịnh chỉ luẩn quẩn trong tâm trí Đông được một quãng đường ngắn. Nhưng đến đường Thanh niên, anh phải dừng xe lại, không đi tiếp được nữa vì xúc động. Ngực anh nhói đau phía trái.

...Anh Đông ạ, anh quyết định như vậy là rất đúng. Em sẽ bảo vệ anh đến cùng, bất kỳ ở đâu... Bảo vệ anh đến cùng!.. Ôi những lời nói từ đáy lòng! Một lời thề... 

Đông cảm thấy hơi loạng choạng. Anh tìm chỗ dựng xe cạnh một ghế đá, ngồi xuống thở mạnh, thầm nhắc lại cho mình những câu nói của Tâm để uống lấy những câu nói ấy. Uống mãi, như kẻ chết khát tìm được dòng nước trong mát...

...Với Kiều Liên mình đánh mất tất cả, nhưng Tâm đang mang lại cho mình tất cả. Cảm ơn em. Muôn vàn lần cảm ơn em, Tâm ơi...

Từng làn gió sớm từ mặt hồ thoảng vào làm cho những lời nói chân thành của Tâm thấm sâu hơn nữa vào tâm khảm Đông. Anh muốn quỳ xuống cảm ơn trời đất, cảm ơn vong linh bố mẹ mình và chị Thu đã phù hộ, dun rủi cho anh còn có Tâm bên cạnh trên chặng đường đời lận đận này.

...Có lẽ đấy cũng là sự bù đắp của cuộc đời cho những nỗi đau mjình đang phải gánh chịu. Thì ra cuộc sống vẫn rất công bằng? Hay là muốn sống được phải tin vào lẽ mình sống?..

Trên mặt hồ trước chỗ Đông ngồi những vòng tròn tăm cá cứ thi nhau lan rộng mãi ra, đuổi bắt nhau, bất tận... Nhưng ngay trong giây phút tư lự này, Đông lại phải tìm cách lẩn tránh những suy nghĩ, những câu hỏi thầm kín nhất anh đã từng bao nhiêu lần lẩn tránh.

...Em cao cả và thiêng liêng quá đối với anh, Tâm ơi... Em đã cho anh quá nhiều, mang lại cho anh quá nhiều... Anh không dám cầu xin thêm ở em bất kỳ điều gì nữa!..  Thông cảm cho anh Tâm ơi!.. Ôi Giang ơi... Con hiểu được nỗi lòng của bố?...

Đông trầm ngâm một mình, cố trấn tĩnh lại. Một lát sau anh lên xe máy đi tiếp đến nơi họp.



5


          Nguyệt ở nhà Đông được mười một hôm thì Đông nhận được chỉ thị tham gia đoàn chuyên viên Bộ y tế đi tìm hiểu tình hình nghiện ma tuý lại rộ lên ở Tây Bắc. Anh rất mừng được đi khảo sát thực tế như vậy. Chỉ có một điều làm anh bối rối là vẫn chưa có kết quả xét nghiệm 13 mẫu máu của Viện vi trùng học. Anh đếm từng ngày chờ đợi cái tin không biết lành dữ thế nào. Trong khi đó bệnh của Mai Ngọc Bảo ngày càng trầm trọng. Viện chống lao cho anh biết thời gian của Mai Ngọc Bảo chỉ còn tính bằng tháng hay tuần... Các bác sỹ bên ấy kể:  lúc tỉnh táo Mai Ngọc Bảo dồn hết sức lực tàn tạ vào viết hồi ký. Cô gái nhờ bố mẹ thuê cho một người ghi chép những điều cô kể lại.

Trước khi đi, anh đến nhờ Tâm thỉnh thoảng gặp Nguyệt để động viên. Anh dặn Tâm rất kỹ, bằng mọi cách không để cho Nguyệt nghĩ quẩn làm liều, hoặc lại rơi vào tình trạng ngựa quen đường cũ. Nhất là đến bây giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng của Viện vi trùng học.   Để chắc chắn thêm, anh giao cho Nguyệt nhiệm vụ giữ nhà và một số việc lặt vặt trong thời gian anh đi công tác vắng.

Từ hôm có Nguyệt về, căn hộ bé nhỏ của Đông gọn gàng ngăn nắp hẳn lên. Không còn tình trạng mạng nhện khắp nhà, sách vở tài liệu chồng đống ngổn ngang, các xó xỉnh đầy cứt chuột cứt gián... Nhờ bàn tay phụ nữ có khác...

Tâm bước vào nhà Đông mà vẫn còn ngỡ ngàng.

-         Ôi chị Tâm, em chào chị.
-         Chị cứ ngỡ rằng chị vào nhầm nhà...

Hai người ôm chầm lấy nhau. Mãi Nguyệt mới nói được:
-         Chị đứng đây rồi sao còn nói là nhầm hở chị? Chị đến em vui quá.
-         Chị tưởng nhầm nhà thật đấy, mọi thứ đều đúng chỗ, sạch sẽ, trông nhà anh Đông đẹp hẳn lên. Trông em cũng như một người đẹp ở đâu trên trời mới rơi xuống. Em hồng hào trở lại thế này chị mừng lắm.
-         Nhờ công lao của anh Đông và của chị đấy. Bố mẹ em sinh ra em, còn anh chị cứu sống em...

Hai người lại ôm nhau quấn quýt, đuôi mắt Nguyệt long lanh giọt nước mắt. Tâm nhìn thấy và hiểu đấy là giọt nước mắt của lòng biết ơn, của niềm vui được cứu sống... ...Em ơi, chị mong rằng đó còn là giọt nước mắt của hy vọng... Nghĩ như vậy, Tâm càng ôm chặt lấy Nguyệt hơn nữa. Ngắm nhìn Nguyệt mãi, một lát sau Tâm quay ra giỏ xe đạp, xách vào một túi:
-         Chị bồi dưỡng cho em đây, sức khoẻ là trên hết em ạ.
-         Em xin chị. - Nguyệt nhấc ra trong túi một nải chuối và  một túi trứng gà.  ...Chị nuôi em như thế này em sẽ đi không lọt cửa mất.
-         Em ở nhà một mình có buồn không?
-         Anh Đông giao cho em một số việc và bắt em đọc một quyển sách. Anh còn dặn khi nào anh về em phải kể lại mình hiểu những gì đã nói trong quyển sách.
-         Sách gì thế em?
-         Đấy là quyển “Những điều cần biết về nghiện ma tuý và bệnh HIV/AIDS”, thuộc tài liệu nghiên cứu nằm trong giáo trình giảng cho sinh viên y khoa. Anh Đông còn nói thêm, nếu em hiểu được, chẳng những có ích cho sức khoẻ của em mà còn có thể giúp anh ấy được vài việc.
-         Anh Đông nói đúng đấy em ạ. Một khi em thấy mình sống có ích, em sẽ can đảm hẳn lên.
-         Anh Đông vẫn lấy chị ra làm gương cho em. Anh Đông thường nói với em, đối với anh, chị là người phụ nữ số một trên thế gian này, khuyên em phải học chị nhiều điều. Không có chị, chắc em không thể nghe lời anh Đông ở lại đây được. Anh Đông đã kể cho em nghe tất cả.
-         Nhà có nước uống không em, chị đi làm về, đi chợ, rồi đạp xe thẳng xuống đây, khát nước quá.
-         ối chết, em mừng quá, quên mất cả mời chị uống nước. Em pha cho chị cốc nước cam nhé?
-         Tốt quá. Nhà có sẵn cam à?
-         Vâng, em vẫn bắt anh Đông hàng ngày phải uống đều nước cam, nhất là anh Đông ăn không được khoẻ. Hồi này anh ấy gầy quá, mà đi làm về tối nào cũng đọc đọc viết tới mười một mười hai giờ đêm.
-         Thiếu người phụ nữ trong nhà, anh Đông ăn uống rất thất thường em ạ. Đôi khi vẫn phải đến chỗ chị xin ăn đấy, có khi xin cả tiền mua xăng nữa, chị hiểu và rất thương anh ấy. Thấm thoắt anh Đông về ở căn hộ này được ba năm rồi. Ly dị Kiều Liên, anh Đông bớt được một gánh nặng, nhưng bị cướp mất Giang anh Đông hình như mất hết cả sức sống, đó là điều làm anh ấy đau khổ nhất. Anh ấy vẫn tâm tâm niệm niệm với chi quyết làm mọi việc cứu con mình.
-         Nhưng Giang chơi với đám bạn bè xấu, lại có người mẹ như vậy?..
-         Nên anh Đông đến bây giờ vẫn chịu bó tay em ạ. Gần đây công an cho anh Đông biết Giang chơi với một băng đảng nguy hiểm, thế mới chết chứ! Và hình như Giang đã đi vào con đường tiêm trích...
-         Trời ơi... – suýt nữa Nguyệt đánh rơi cốc nước cam đưa cho Tâm.  ...Sao lại đi vào con đường chết này!?... Có cách gì cứu được Giang không hả chị?  Làm sao cho cháu hiểu được con đường chết này và lôi kéo cháu trở lại?.. Bây giờ em mới đủ can đảm nhìn lại mình, nhìn lại tất cả.  Em đã nhiều lúc tuyệt vọng, nhưng bây giờ em bắt đầu hy vọng. Trời ơi, sao mọi nỗi khổ cứ dồn hết vào anh Đông...

Tâm rất cảm động. Chị ngồi yên, muốn nghe Nguyệt nói, và hiểu đấy là những lời nói nhận ra lẽ sống...

-         Em có tiền đi chợ không?
-         Có chị ạ. Anh Đông đưa cho em một tệp còn buộc nguyên. Anh ấy nói là tiền nhuận bút báo cáo hội thảo vừa rồi.
-         Thế thì chị yên tâm rồi. Em phải giúp anh Đông ổn định lại cuộc sống của mình, đừng để anh ấy ăn uống thất thường. Chị giao việc này cho em, được không em?
-         Được ạ, em sẽ cố.
-         Chị về đây, còn phải lo cơm nước cho hai bác cháu nó.
-         Vâng. Chị cứ tin ở em. Thanh Tâm đã thi xong chưa hở chị?
-         Phần thi vấn đáp và ngoại ngữ cháu được điểm cao, bây giờ mọi chuyện phụ thuộc vào điểm của luận văn tốt nghiệp.
-         Em vẫn chưa biết mặt chị Phúc và cháu. Lúc nào em sẽ nhờ anh Đông đưa em lại nhà chị...


Tâm đi khỏi một lúc rồi mà Nguyệt vẫn chưa hết bàng hoàng vì vui mừng, vì chợt như có một luồng ánh sáng loé lên trong tâm trí mình, vì công việc được Tâm giao, vì cảm thấy có sự chuyển biến trong người mình đòi hỏi phải làm một việc gì đấy, vì lo... ...Anh Đông nhận xét đúng, chị Tâm thật là người phụ nữ số một trên thế gian này...  ...Giang ơi, cháu còn trẻ quá!  Tại sao lại tự dấn thân vào con đường tự huỷ hoại mình như thế cháu ơi!?...

Nguyệt đào bới lại quãng đường đời tủi nhục của chính mình để nhìn nhận lại tất cả.



...Na thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, ông bà Tích rất lấy làm tự hào. Ông bà cho rằng ở nông thôn con gái học đến đấy là quá được, không mấy nhà trong làng thực hiện nổi điều này. Tìm cho nó tấm chồng tử tế, sau này ông bà có cháu ngoại bế bồng, thế  là sung sướng nhất đời. Đã có ba bốn chỗ dạm hỏi Na từ trước khi tốt nghiệp một hai năm, ông bà Tích thấy cũng có vẻ môn đăng hậu đối, nên nguyện vọng của ông bà không có gì là xa xôi hão huyền cả.

Nhưng về phía Na, một phần do được bố mẹ cưng chiều từ tấm bé, chưa bao giờ quen biết công việc đồng ruộng, một phần vì Na nghĩ rằng đã học được hết phổ thông rồi mà bỏ dở thì phí quá, chẳng lẽ cứ giam mình mãi vào số phận lấy chồng, đẻ con, không biết làm ruộng thì lại chỉ quẩn quanh với mấy con lợn con gà như biết bao chị em khác trong làng này? Nếu thế thì chẳng cần học hết phổ thông làm gì...

Na thuyết phục bố mẹ cho phép tìm con đường sống khác. Ông bà Tích thấy Na có lý, nhưng lấy ai làm người đỡ đầu cho Na trong việc tìm đường lập thân này? Những trai làng và trai làng bên tỏ lòng tơ tưởng, Na gạt hết sang một bên, chỉ mày mò tìm sách học thêm để thi vào đại học. Giá có tiền, Na sẽ xin bố mẹ lên theo học lớp tập trung luyện thi đại học trên tỉnh. Song Na hiểu đấy là điều nằm mơ trên cung trăng. Na đành tự lo toan một mình, làm đơn xin thi vào đại học nông nghiệp và sư phạm - vì nhiều lời đồn học sinh không thích hai môn này, may ra dễ len chân...

Ba năm liền xoay xở như vậy, Na đều trượt. Kinh tế trong nhà sa sút dần. Na đã mấy lần nhờ người này người khác lên huyện xin làm bất kể một việc gì: tạp vụ, thư ký, thường trực cơ quan... Có dăm ba chỗ cần người, nhưng chỉ có điều không đến lượt Na. Lẽ đơn giản là cả hai bên anh em họ hàng nhà ông bà Tích đều là nông dân gốc, làm ruộng từ đời này sang đời khác, không một ai thoát ly làm cán bộ để có thể nhờ cậy được. Ông bà Tích không có tiền chạy chọt, mà nếu có tiền thì cũng không biết chạy chọt cửa nào...

Bí quá, Na lần mò lên thành phố tìm đến nhà chị Thu. Bệnh tim của chị Thu ngày một nặng, liệt nửa người. Bố mẹ chị Thu ngoài việc dậy bảo hai cháu ngoại còn phải lo chăm sóc con gái. Na sang nhà anh Đông. Lúc này anh đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Kiều Liên tiếp Na. Nghe Kiều Liên ăn nói vô cùng xách mé với mình và đành hanh với người giúp việc, Na chưa uống xong cốc nước đã phải bật đứng dậy chào ra về.

Thất vọng ê chề, sau khi mua vé ô tô trở về làng và một gói bánh làm quà cho bố mẹ, còn ít tiền Na dốc túi mua các loại báo. Về đến nhà, Na đọc không sót một chữ các mục rao vặt về việc làm. Chuyến đi có một ngày, nhưng ông bà Tích mất đứt đôi gà mái ghẹ.

Đuổi theo các mục rao vặt trong hơn một năm trời, đi đi về về thành phố nhiều lần, nghĩa là ông bà Tích phải bán gần hết số lợn gà nuôi trong nhà, cuối cùng Na cũng xin được việc làm trong xí nghiệp may liên doanh Thái Hà -  làm theo hợp đồng tạm. Nhờ có văn hoá và khéo tay, sau bốn tuần học nghề, Na đã được ngồi vào máy làm sản phẩm chính. Ba tháng sau, hôm về thăm nhà, Na biếu ông bà Tích mấy chục nghìn lần đầu tiên dành dụm được từ lương, ông bà Tích vui lắm.

-         Chưa  đủ tiền đôi gà mái ghẹ hôm đầu tiên ra thành phố ngày nào cô nàng ạ, đừng nói gì đến những thứ khác...

Bà Tích mắng yêu con, song cuối cùng hai ông bà đều phải cho rằng cho rằng Na có lý.

Hợp đồng làm tạm sáu tháng đã hết, Na vẫn chưa được tuyển vào làm chính thức, chưa được tính lương theo mức và chất lượng sản phẩm như những công nhân chính thức. Na kiện lên ban giám đốc, không hiểu thế nào cả phía ta và phía chủ nước ngoài cùng một ý kiến: Xí nghiệp còn đang ở thời kỳ hoạt động chưa ổn định, Na có thể kéo dài hợp đồng sáu tháng nữa, hoặc huỷ hợp đồng.

Hết kéo dài sáu tháng lần thứ nhất, lại kéo dài thêm sáu tháng nữa. Na bắt đầu hoang mang. Na viết thư hỏi ban chấp hành công đoàn vừa mới thành lập, câu trả lời: đơn khiếu nại sẽ được nghiên cứu chu đáo. Chờ mãi nóng ruột, Na hỏi tổ trưởng tổ công đoàn, chỉ được tổ trưởng trả lời ầm ừ. Người tổ trưởng này vừa mới được chuyển sang hợp đồng chính thức, nên còn e ngại nhiều điều.

May mắn sao một hôm nhân viên kiểm tra chất lượng sản phẩm cùng với phiên dịch đến kiểm tra công việc của phân xưởng Na. Nhân viên kiểm tra này xem rất kỹ thao tác và sản phẩm của Na, tỏ ý rất hài lòng. Thấy có dịp thuận lợi, Na mạnh dạn nhờ người phiên dịch hỏi dùm lý do tại sao vẫn chưa được chuyển sang hợp đồng chính thức. Nhân viên người nước ngoài này giải thích: anh ta biết chuyện này, nhưng phía đối tác Việt Nam tham gia quản lý xí nghiệp liên doanh đã đưa quá nhiều con cháu mình vào, làm cho biên chế sản xuất dư thừa. Phía nước ngoài đòi loại bớt số con cháu kém tay nghề của các vị này ra thì mới có chỗ chuyển những công nhân giỏi đang làm theo hợp đồng tạm vào biên chế chính thức, phía Việt Nam chỉ hứa sẽ xem xét...

Nhân viên này dặn đi dặn lại Na và  người phiên dịch đừng nói với lãnh đạo cả hai phía là anh ta đã để lộ chuyện này.

...Kiện lên đâu nữa bây giờ? Thôi thì hợp đồng tạm còn hơn là ôm khăn gói về làng.., lại kéo dài lần thứ ba...

Với tâm trạng nơm nớp lo bị đuổi việc, Na đánh liều tìm cách gặp ông phó chủ tịch hội đồng quản trị, người có chức vụ cao nhất phía Việt Nam trong xí nghiệp liên doanh. Săn đón bao nhiêu lần Na mới gặp được ông này, vì ông ta không bao giờ ngồi một chỗ. Trong giờ làm việc, ông ta lúc nào cũng điện thoại di động trong tay, đi khắp nơi trong xí nghiệp, đã thế mỗi tuần ông ta đến xí nghiệp có 3 buổi sáng.

Nghe Na trình bầy xong, ông gọi điện thoại  di động nói chuyện với ai đó, rồi quay ra nói với Na:
-         Cháu cứ yên tâm. bác sẽ xem xét.

Một tuần, hai tuần, ba tuần.., chẳng có động tĩnh gì. Nhưng Na biết thêm:

Ông phó chủ tịch hội đồng quản trị nguyên là cán bộ có thâm niên công tác cao và nhiều năm tuổi đảng, nhưng năng lực hạn chế nên được đưa về phụ trách kho lương thực của thành phố. Cơ chế bao cấp không còn, kho lương thực của thành phố trở nên vô nghĩa. Gặp thời đổi mới, đơn vị công tác của ông góp đất và nhà kho với phía đầu tư nước ngoài, lập thành xí nghiệp liên doanh may mặc Thái Hà bây giờ. Là thủ trưởng đơn vị, ông nghiễm nhiên trở thành phó chủ tịch hội đồng quản trị của liên doanh, được dịp đi công tác nước ngoài vài chuyến. Mọi chuyện tính toán trong công việc làm ăn giữa ta với bên liên doanh, ông xử sự thật  rộng rãi, thoải mái -  nói theo kiểu ngày xưa: quan năm cũng ừ, quan tư cũng gật... Ông tin cậy vào hai trợ thủ đắc lực: một là cái điện thoại di động, hai là người nhân viên văn thư cũ của ông. Người nhân viên văn thư này bây giờ có chức là trợ lý của phó chủ tịch hội đồng quản trị. Người thợ nào vô ý gọi sai chức danh trợ lý của anh ta thì cứ liệu hồn.

Một hôm, trong khi làm ca tối, Na được trợ lý gọi lên:
-         Cô em vẫn làm việc theo hợp đồng tạm, có phải không?
-         Vâng, thưa anh trợ lý. Hợp đồng tạm của em đã kéo dài 3 lần rồi ạ, mong anh xét cho... – giọng Na run lên vì hy vọng.
-         Này, cho ngủ một cái, mai có hợp đồng chính thức ngay. Đồng ý không?

Na không tin vào tai mình, miệng câm như bị đóng hàm thiếc, cắm đầu chạy thẳng về phân xưởng.

Na hiểu là chuyện không ổn rồi, lại mua báo tìm đọc các mục rao vặt về công ăn việc làm. Na tranh thủ mọi lúc rỗi ra bưu điện gọi điện thoại hoặc đi xe ôm đến các địa chỉ mới tìm được, song chưa có một tia hy vọng mới nào...

Chị Tâm ra về đã lâu rồi, bên ngoài trời tối lúc nào Nguyệt cũng không để ý, bao nhiêu suy nghĩ dồn hết vào dĩ vãng...  Câu hỏi Nguyệt đã bao nhiêu lần đặt ra cho mình, hôm nay lại trỗi dậy: Phải chăng số phận tủi nhục này là định mệnh hay là do tự mình chuốc lấy? ...Bắt đầu từ cái đêm hôm ấy, với biết  bao nhiêu hy vọng chói loà...

...Na đang ngồi máy, nhân viên người nước ngoài làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng sản phẩm đi cùng với phiên dịch đến phân xưởng Na, thái độ rất trịnh trọng. Người này đọc quyết định của ban lãnh đạo về việc xí nghiệp tham gia cuộc thi biểu diễn thời trang, do công ty Tiếp thị, công ty quảng cáo lớn nhất của thành phố, tổ chức. Cả phân xưởng Na ồ lên trầm trồ. Từ mấy năm nay công ty Tiếp thị của Sở Thương nghiệp thành phố là ngôi sao sáng trên thương trường trong Nam ngoài Bắc, tiếng thơm của nó vang ra cả nước ngoài. Sự nổi tiếng của nó lâu nay đã được trẻ con người lớn dựa vào lời quảng cáo của hãng Coca Cola đặt ra câu quảng cáo mới: ...Ăn Tiếp Thị, sống Tiếp thị, làm việc với Tiếp thị...

 Địa điểm thi biểu diễn là Phòng Đại dạ hội (Grand Ballroom) của khách sạn 5 sao Thái Bình Dương. Mục đích tham gia thi là vừa để quảng cáo, vừa để cạnh tranh với mười một doanh nghiệp may mặc khác trong toàn thành phố. Sau đó người nhân viên này đọc danh sách mười công nhân nữ được tuyển lựa để huấn luyện làm diễn viên tham gia biểu diễn, chọn các loại sản phẩm sẽ được trình diễn cho từng chị em. Thời gian huấn luyện hai tuần, mỗi tuần 3 ngày, được tính vào giờ làm việc. Nơi huấn luyện cũng ở ngay trong khách sạn, diễn viên được khách sạn đài thọ ăn uống trong thời gian tập luyện, nhưng phải tự lo việc đi về. Trong danh sách được tuyển chọn có Na. Cả phân xưởng trầm trồ...

Trong thời gian tập luyện, Na được một phụ nữ dạy bảo rất chi tiết. Từng bước đi, chân sau phải bước thẳng lên phía trên mũi chân trước, để hai cái mông lúc đánh sang phải lúc đánh sang trái.  Phải làm đúng từng cử chỉ vung vẩy tay, cách uốn éo thân hình khi quay trái, quay phải, cách khuỵu chân ngoẹo đầu chào, tay thấp tay cao nhón nhén cặp lấy tà áo... Hai người làm thân với nhau rất nhanh, Na học cũng rất nhanh. Người phụ nữ hơn Na đến chục tuổi, tự giới thiệu là nghệ sỹ hoá trang, mở cửa hàng thẩm mỹ trên phố. Nghệ sỹ là người ký với Công ty Tiếp thị hợp đồng huấn luyện các diễn viên tham gia cuộc thi. Người phụ nữ này còn tập luyện thêm cho Na mấy buổi tối, chị chị em em thân thiết, cho Na số điện thoại để liên hệ. Na không ngờ biểu diễn thời trang phải chuẩn bị công phu đến thế.

- ...Nếu thành công em ơi... - người phụ nữ này giảng giải - đó sẽ là con đường nghệ thuật để lập thân của phái đẹp, đã có người còn tham gia thi hoa hậu, nhận vương miện, làm quảng cáo, đóng phim... Nhất là một người đẹp như em. Vinh quang hạnh phúc bắt đầu mỉm cười với em rồi đấy! Khi nào thăng hoa đừng quên chị em nhé...

Đứng trước tấm gương lớn một lần nữa trước khi bước vào Phòng Đại dạ hội, chính Na cũng thấy choáng ngợp về sự trang điểm và cách ăn mặc của mình. Nữ nghệ sỹ hoá trang quả là người có tài.  ...Bố mẹ ơi,  chưa bao giờ con thấy mình đẹp như thế này... Na thốt lên.

Trong gian phòng Đại dạ hội mênh mông giờ lễ khai mạc đã điểm. Tổng giám đốc công ty Tiếp thị Vũ Xuân Quang với tư cách là chủ tịch danh dự Hội đồng giám khảo được trịnh trọng mời lên tuyên bố cuộc thi bắt đầu. Sau những tiếng nổ của một loạt sâm banh tưới lên các lẵng hoa đặt thành một hàng dài viền kín sân khấu, kèn nhạc, trống phách, tiếng vỗ tay râm ran... Tim Na như muốn nhảy ra ngoài. Hé mắt qua dèm, Na chưa bao giờ thấy một cử toạ đông như thế trong một gian phòng, có lẽ đến khoảng bốn năm trăm người, ăn vận lịch sự, đài các, những hàng ghế ngay ngắn, trên tường hoa đèn lộng lẫy... Na cảm thấy có mặt trong cái thế giới này là một sự tôn vinh. Hơn nữa những người biểu diễn sẽ là những bông hoa...

Kết quả biểu diễn mỹ mãn, Na đoạt giải nhất, mang lại niềm kiêu hãnh cho sản phẩm của xí nghiệp liên doanh Thái Hà và vinh quang cho chính bản thân.

Phần thưởng là cái vương miện lấp lánh trên mái tóc, một bó hoa lớn tuyệt đẹp lần đầu tiên trong đời Na được ôm nó trong tay, một phong bì năm trăm nghìn đồng - nghĩa là bằng tiền lương sáu tuần Na thường lĩnh. Chưa bao giờ Na kiếm được một số tiền như vậy chỉ sau hai tuần tập luyện và một tối biểu diễn. Những bông hoa trong tay, Na có thể đếm được, nhưng vinh quang và  niềm vui đoạt giải nhất biểu diễn thời trang ngay trong đợt dự thi đầu tiên thì không gì có thể đo đếm hoặc tả xiết... Na bay vút lên trời, nhưng lại chìm nghỉm trong những tia chớp sáng loé và trong mê man ống kính, mi-crô-phôn...

Cuộc khiêu vũ bắt đầu trong tiếng nhạc rầm rầm và trong bóng tối bị muôn vàn tia sáng đủ các mầu sắc xuyên thủng...

Trong dạ tiệc liên hoan ngay sau cuộc thi biểu diễn, riêng mình Na được vinh dự mời lên ngồi cùng bàn của lãnh đạo công ty Tiếp thị. Một lát sau, anh trợ lý với tư cách là đại diên xí nghiệp liên doanh Thái Hà, cũng được mời lên. Lúc đầu Na cũng thấy sờ sợ khi ngồi đối diện với anh trợ lý. Nhưng lạ thay, anh ta tỏ ra khúm núm và quê kệch khác thường trong giới cao sang ngồi ở bàn này. Ngay đối với Na anh ta cũng dùng lời lẽ kính trọng, khác hẳn cái tối thô bạo hôm nào. Những người ngồi cùng bàn tâng bốc Na hết lời.

Giữa bữa tiệc, Na xin phép rời bàn vài phút đi tìm nữ nghệ sỹ hoá trang để cảm ơn thì người phụ nữ này đã ra về lúc nào rồi. Na đi loanh quanh chia vui với một số bạn khác trong xí nghiệp cùng tham gia biểu diễn. Quay trở lại bàn mình, anh trợ lý cũng rút lui từ bao giờ – vì trong đám này anh ta lép về mọi phương diện: mồm miệng, cách ăn mặc sang trọng, sự thạo đời, tiền bạc... Nhưng bây giờ bữa tiệc thực sự của bàn này mới bắt đầu, nhiều món ăn và các loại rượu Na chưa hề biết tên gọi của chúng. Chuyện trò như pháo ran, chủ đề xoay quanh ca ngợi phái yếu, sự thành công của Na, những tư tưởng bành trướng vĩ đại của công ty Tiếp thị trong tương lai. Na có cảm giác mọi người đang nói chuyện với nhau bằng tiếng nước ngoài, vì Na không có một chút ý niệm gì về những câu chuyện vang vang trên bàn...

Bỗng nhiên các con mắt dồn về một phía, cả bàn tiệc lục tục đứng dậy, trừ một người bệ vệ lịch lãm vẫn ngồi. Na chưa hiểu chuyện gì, nhưng cũng vội đứng dậy theo. Những tiếng chào cung kính nhao nhao, những cái bắt tay vồn vã: Tổng giám đốc Vũ Xuân Quang đến.

Tổng giám đốc mời mọi người ngồi xuống, tự tay kéo cho mình một chiếc ghế nhưng bản thân vẫn đứng, một cử chỉ tỏ sự thân mật chứ không phải để kiếm chỗ ngồi, tay nâng cốc hướng về phía một người bệ vệ:
-         Xin chúc sức khoẻ anh. Cảm ơn anh đã đến dự. Mời được bậc đại ca tham dự hôm nay chúng em vinh dự lắm.
-         Cảm ơn. Cuộc thi hôm nay là số một... - ông bệ vệ lịch lãm nắm bàn tay lại, rồi giơ ngón tay cái ra giữa bàn.  ...Các cuộc thi hoa hậu của báo Tiền Phong, báo Kinh Tế vừa mới đây thua đứt cuộc thi này. Cậu thật là cừ khôi. Nhiệt liệt chúc mừng!

Ngồi giáp mặt, Na chưa hết bàng hoàng vì thấy Tổng giám đốc mới chỉ ngoài ba mươi tuổi, lại càng bàng hoàng hơn khi thấy Tổng giám đốc cứ một điều xưng em, hai điều xưng em với cái ông bệ vệ lịch lãm kia.

Làm xong phận sự chúc sức khoẻ đại ca, Tổng giám đốc cáo lui vì công việc quá bận. Cả bàn lại đứng dậy chào Tổng giám đốc, trừ đại ca vẫn ngồi tại ghế bắt tay.

-         Nhiệt liệt chúc mừng sự thành công tuyệt vời của em. Uống với anh hết cốc rượu này để chia vui... – tổng giám đốc nâng tay Na đứng dậy. Chờ Na uống hết cốc rượu, tổng giám đốc chào mọi người rồi ra về, người trợ lý lật đật chạy theo sau.

Na cũng đứng dậy xin phép mọi người ra về, nhưng chưa nói hết câu đã cảm thấy chân như đứng không vững. Những bàn tay nào đó níu Na ngồi xuống...

Bàn tiệc trở lại không khí hân hoan, náo động. Sự tán thưởng bốc trời vẻ đẹp của Na khiến Na mau chóng trút bỏ sự e ngại. Dần dần hiểu võ vẽ đôi điều, càng tham gia nói chuyện, Na càng có duyên. Niềm vui như bất tận.

 Buổi khiêu vũ đã tan từ lâu. Các bàn chung quanh lục tục ra về, song cuộc bàn luận về cái đẹp, về mốt mới của thời đại ở bàn này ngày càng sôi nổi. Na tham gia nhiệt thành với tất cả sự ngây thơ của mình:

-         ...Lúc trình diễn đợt chung khảo, Na hồi hộp quá các anh ạ... Vì thế Na chỉ  cố biểu diễn theo đúng bài huấn luyện, không dám linh hoạt như bài dạo đầu lúc khai mạc... Nhiều chỗ Na vẫn còn ngượng nghịu, hơi cười cười một chút trong lúc trình diễn...

Chính Na cũng không để ý và không biết mình có cách xưng hô như vậy từ bao giờ. Thậm chí Na còn cảm thấy mình được nâng lên khi mọi người nói chuyện với mình cứ một điều Na, hai điều Na một cách đầy sủng ái.

Na vừa dứt lờì, ông bệ vệ lịch lãm nâng tay Na lên hôn một cách âu yếm, nâng cốc:
-         ...Ôi đấy mới là cái đẹp trong trắng thiên thần, cái đẹp của tự nhiên... Một “Con chim vành khuyên” mới, vút lên từ đồng nội bay về giữa chúng ta đêm nay...
-         Đại ca tán hay quá! Bra-vô! Bra-vô!
-         Các đàn em, hãy nâng cốc chúc mừng Na, một Venus của Titian giáng thế xuống trần gian!...

Một loạt cốc được nâng lên khỏi đầu. Na làm theo, nhưng chẳng hiểu ông bệ vệ lịch lãm nói gì. Một người ngồi cạnh Na thì thào sát vào tai:
-         ...Cái ông đại ca là ân nhân của “bót”ª đấy, là khách danh dự số một của cuộc thi hôm nay cô em ạ. Ông ta có công lớn lắm trong việc thành lập công ty Tiếp thị...

Chưa biết thực hư thế nào, nhưng Na thấy ông đại ca xưng anh với cả bàn tiệc, được mọi người cư xử như một thủ lĩnh. Trong câu chuyện trên bàn tiệc, ông đại ca luôn luôn gọi tên Na một cách thân thương...

Một câu nói nữa chúc mừng Na vang lên, lại một loạt cốc được nâng khỏi đầu. Một câu nói khác đỡ lời, lại một loạt cốc bay cao... Cứ thế... Cứ thế...

-         Chúc Na sẽ ban cho chúng ta diễm phúc lớn nhất...
-         Chúc mỗi chúng ta đêm nay sẽ được nhận một cái hôn của Na!..
-         Chúc đại ca không quên chia phần cho đàn em!
-         ...

Càng về sau, những lời chúc càng sát sườn, lõa lồ. Na thấy người bừng bừng – không biết là vì ngượng hay vì rượu... Ông đại ca là bậc bề trên, chỉ ngồi thưởng thức những lời chúc và cái đẹp của Na.

Vì chưa bao giờ uống rượu, Na bốc rất nhanh và bắt đầu chuếnh choáng. Biết bao niềm vui vì được tâng bốc.  Biết bao kỳ vọng khát khao về một chân trời mới. ...Ôi diễn viên thời trang chuyên nghiệp, thi hoa hậu, ngôi sao màn bạc... Những mường tượng đầy hy vọng được rót vào đầu Na chờn vờn chuếnh choáng cùng thân thể và tâm trí Na...

Ngay đêm hôm đó, Na bị phá trinh.

Gần mười giờ sáng hôm sau Na mới tỉnh dậy. Vứt tấm khăn mỏng trên người, Na thấy mình trần như nhộng. Na vớ lấy một thứ gì đó khoác tạm lên người, miệng thấy khô cháy, đầu nhức như búa bổ. Na cố ngồi dậy, mở tủ lạnh với chai nước, nốc lấy nốc để. Lúc này Na mới thấy đau đau phần dưới của cơ thể, nhìn lên giường thấy ít máu dây trên đệm trắng...

Na mở cửa buồng tắm, mở tủ, chẳng thấy ai. Mở cửa ra vào chỉ thấy cầu thang và một hành lang nhỏ. Na không dám bước ra, quay vào mở cửa sổ, Na dần dần nhận ra mình đang ở trong một ngôi nhà nhỏ hai tầng mới xây. Nhìn ra chung quanh, Na thấy ngôi nhà này nằm trong một ngách nhỏ, bên cạnh một con đường bê-tông vào làng, từ đây còn nhìn thấy được cột vô tuyến truyền hình, nhưng rất xa... Trong nhà không một tiếng người. Na quay lại phòng, thấy một phong bì trên đầu giường, mở ra có bốn tờ giấy bạc năm mươi nghìn, không một mảnh giấy hay một dòng chữ nào kèm theo. Xiêm áo biểu diễn, tất, giầy, ví, đồ lót của Na vương lung tung khắp nhà...

Lúc này Na mới đủ tỉnh táo ý niệm được những gì đã mất mát, đã sụp đổ. Na đấm ngực, vật vã, khóc thảm thiết, tự mình trách móc xỉ vả  mình...

Mình có kháng cự lại hay không? Hay chính mình cũng ngã lòng? Hay sự kháng cự của mình quá yếu ớt?.. Sao mình lại chấp nhận cái việc đê tiện này?.. Na giãy lên đành đạch trên giường, giựt tóc, vò tai, nhưng chẳng tìm ra câu trả lời nào mà Na có thể tin được.

Na chỉ nhớ lại mang máng đã chấp thuận cái lão đại ca bệ vệ đưa giúp mình về nhà trọ, vì sợ đêm khuya đi đường nguy hiểm, hơn nữa chân tay Na lúc ấy hình như không còn tuân theo ý muốn của Na... Lão ta nói chuyện với ai đó qua điện thoại cầm tay, một lát sau có xe ô-tô đến đón, bỏ mặc bọn đàn em tiếp tục chén chú chén anh. Quần áo chúng, nơ, cà-vạt bắt đầu xộc xệch, đã có một hai cái chân gác lên bàn. Lè nhè, ồn ỹ...

Trong khoang xe lão ta tự tay xoa bóp cho Na trên trán, hai bên thái dương, lên cổ, lên vú, hai đầu gối, rồi cao hơn nữa, lên bẹn..:
-         ...Na phải cẩn thận, dễ bị cảm lạnh đấy, rất nguy hiểm...

Tay Na lúc phải vịn vào đại ca cho khỏi ngã, lúc đờ đẫn khua đuổi cái tay ngang bướng của đại ca.

Tới nơi, lão ta đỡ Na ra khỏi xe, nâng niu như nâng trứng. Đứng trước ngôi nhà lạ, đã có người chực sẵn mở cổng, Na chần chừ, vùng vằng. Nhưng lão ta chẳng cần để ý, vẫn ghì riết lấy Na, đưa thốc Na vào nhà như mèo tha chuột, bế Na tuột lên gác...

Na đến giờ vẫn không thể hiểu được:  Sự vuốt ve mơn trớn thể xác Na để kích dục, cảm giác chuếnh choáng của men rượu, hay những lời âu yếm ngon ngọt của hắn ta đã làm tê liệt mọi sự phản kháng của mình? Cái nào là chính hay là cả ba thứ ấy? Nó oai vệ vào bậc cha chú mình sao nó có thể đểu cáng đến thế? Tại sao sự trinh bạch của mình có thể bị cướp đoạt dễ dàng thế? Hay là mình chưa bao giờ nghĩ rằng trên đời này có thể có sự cướp đoạt như vậy? Chính mình đã tạo cơ hội cho sự cướp đoạt ấy?.. Na muốn chết lắm, vì xấu hổ quá, vì không thể nào chấp nhận sự khờ dại của mình...  ...Nhưng làm thế nào để chết được ngay bây giờ? Trời ơi là trời! Bố mẹ ơi, vì sao con đến nông nỗi này...

Khóc, dằn vặt, rồi lại khóc, lại dằn vặt, giẫm chân, đấm ngực...

Khi Na rón rén bước tới cầu thang, bên ngoài trời đã ngả sang chiều. Ngó quẩn quanh mãi Na mới nhìn thấy một phụ nữ tuổi có vẻ đã cao, quần áo xuềnh xoàng nhưng gọn gàng. Bà ta hình như ngồi chờ sẵn dưới chân cầu thang từ lâu.

-         ...Cháu chào cô ạ.
-         Trời ơi, cô để tôi ngồi mọc rễ ra ở đây, chờ cô suốt từ sáng.
-         Cô cho cháu hỏi thăm chủ nhà này là ai ạ?
-         Chủ nhà tôi chưa hề gặp mặt, chứ đừng nói là biết tên.
-         Cô là...
-         Tôi từ quê lên, được thuê vào quét dọn trông coi cái nhà này. Mới được có mươi hôm thôi, chưa biết gì xất.
-         Thế cái ông đưa cháu vào đây tối hôm qua đâu ạ? Ông ta có phải là ông chủ ở đây không?
-         Ông nào? Tôi chỉ trông coi ban ngày. Buổi tối tôi được nghỉ, nên không biết ai vào ai. Khoảng sáu hay bảy giờ tối là tôi được nghỉ rồi.
-         Tối cô nghỉ ở đâu ạ?
-         Tại nhà trọ, gần đây thôi. Sáng nay người coi nhà ban đêm nói là có cô ở trên gác. Anh ấy dặn tôi không được lên gác dọn dẹp, khi nào cô xuống thì giục cô ra khỏi nhà sớm. Tôi chờ gần hết cả ngày.
-         ...?    

Câu nói đó làm cho miệng Na há hốc. Na không còn nước mắt để khóc nữa, đồng thời cũng hiểu ra là có hỏi thêm điều gì nữa cũng vô ích. 

-         ... Cô ơi, cô có bộ quần áo nào để lại cho cháu một bộ có được không ạ. Cháu không thể ăn mặc thế này về nhà.
-         A`, phải giữ bí mật với gia đình hả? Cũng cần như vậy thật, nếu không thì tan nát hết. Chẳng qua cũng chỉ vì miếng sống thôi... 

Bà không trả lời thẳng vào câu hỏi của Na, bỏ Na đứng một mình rồi đi ra phía sau nhà. Một lát sau bà quay lại đưa cho Na một cái quần thâm và một cái áo cánh, cả hai đều cũ, vừa mới rút từ dây phơi, còn nóng nguyên cái nóng của một ngày đầy nắng. Giọng nói của bà đầy ái ngại:
-         ...Cho cô. Rõ khốn khổ, mặc vào rồi đi nhanh lên để khỏi bị rắc rối ở nhà...


Ngày hôm sau viên trợ lý hạch tội Na nghỉ một ngày làm việc không xin phép.

Một tháng rưỡi sau, Na phải nhờ một bà đỡ tư nạo thai. Nghi bị nhiễm trùng, phải nằm nhà trọ tự chữa chạy thêm hai tuần nữa, đồng thời mất việc. Bơ vơ giữa thành phố trong tình cảnh này, Na dựa vào số điện thoại của nữ nghệ sỹ hoá trang bươn chải mọi việc. Năm trăm nghìn đồng tiền thưởng và hai trăm nghìn đồng của cái phong bì bỉ ổi bốc hơi hết.

Cũng số điện thoại này dẫn Na đến băng nhóm Hoa đồng, chuyên nghề buôn bán dâm. Cái tên cha mẹ cho Lê Thị Na phải đổi thành Lê Kim Nguyệt để bảo đảm nguồn thu tối đa cho ông hay bà Tú Bà. Trong “ca-ta-lô” quảng cáo mật, cái tên đầy đủ của Na là “Lê Kim Nguyệt, diễn viên thời trang huy chương vàng năm199...”, được in nổi bằng chữ vàng bên dưới tấm ảnh một cô tiên xiêm áo hở hang, mỏng tang. Cô tiên ấy nếu gọi tên thật là Lê thị Na...

Nhiều lần Na đi tìm cái chết nhưng không thành.

Vì xót thương công sinh thành của bố mẹ?
Nhưng điều tủi nhục con gây ra cho bố mẹ không sao cứu vãn nổi bố mẹ ơi...

Vì quá hèn nhát, không dám dứt bỏ kiếp người?
Nhưng ta có làm gì nên tội? Tại sao ta phải thí mạng cho kẻ gây tội ác với chính ta?

Vì khờ dại mà phải chết thì oan khuất cho ta quá. Từ ngày bố mẹ sinh ra, ta chưa làm một việc gì xấu cho ai, chưa nỡ làm một việc gì ác. Bố mẹ sai cắt tiết gà ta cũng đành nhắm mắt bỏ chạy...

Vì phải đi hết con đường khờ dại và phải trả giá xứng đáng cho ước vọng hão huyền của mình - để mà thấm thía, để mà nhớ đời?..
Ôi sao lại có sự trừng phạt ác nghiệt đến thế là cùng...

Vì oan ức quá, uất hận quá. Không thể chết được, phải sống, phải trả thù...

 Nhưng... bằng cái thân đĩ điếm của mình? Cái tát và nắm tiền bố thí của người phu khuân vác hàng lậu ga Giáp Bát chưa đủ làm cho mình thức tỉnh?..
...


Ngày hôm nay, ngồi một mình trong nhà Đông, cuộc vật lộn giữa một bên là mong muốn đi tìm cái chết và một bên là bản năng ham sống lại trống mái quyết liệt trong tâm trí Na...

Nhớ lại, có lẽ một trong những cuộc huyết chiến ác liệt nhất giữa sống và chết là cuộc đối mặt với một tên mua dâm hung hăng đến cuồng loạn. Nó doạ bóp cổ Na chết tươi, nếu bắt nó phải dùng bao cao su. Thân thể trần truồng của nó phủ kín những hình chạm trổ quái dị, mùi rượu nồng nặc, hai tay quỷ dữ của nó đã ướm lên cổ Na, lắc lắc thân hình Na như đang lay đổ dễ ợt một thân cây ẻo lả... Na luồn tay với lấy con dao nhọn đã thủ sẵn dưới đệm rồi đưa cho nó:
-         Đây. Trước khi muốn làm gì, hãy cầm con dao này đâm chết ta đi!..

Một cuộc chiến ác liệt khác giữa sống và chết Na nghĩ không bao giờ quên được là hôm găp Hương. Cả hai từ hai địa điểm khác nhau, tình cờ lại được hai xe ôm của băng Hoa đồng đưa đến tiếp khách đêm trong cùng một biệt thự, giống như nơi người ta phá trinh Na hôm nào. Nhìn thấy người ngờ ngợ giống Hương xuống xe cùng bước vào, Na run bắn người. Khi vào hẳn trong nhà, đèn sáng, Na nhận rõ ngay đúng là Hương thật. 

...Thế này thì còn mặt mũi nào  nhìn nhau được nữa. Trời có mắt sao mà ác thế trời ơi... Không còn đường nào trốn thoát, Na chạy đâm đầu thẳng vào tường. Nhưng mặt mũi bỗng nhiên tối sầm lại, mới được vài bước Na đã ngã xuống ngất xỉu. Hương phải dìu Na vào một phòng tạm gần đó, xoa dầu, đánh gió mãi rồi mới thấy Na mở mắt. Hương cho Na uống tiếp một cốc nước đường nóng, Na mới dần dần tỉnh hẳn...

Na và Hương là hai chị em con dì con già. Hương là em, kém Na bốn tuổi. Hương không còn bố mẹ từ năm mười hai tuổi, là em út trong gia đình, do anh cả nuôi dạy. Càng lớn lên, càng hiểu biết, Hương càng không thể chịu nổi cảnh chị dâu em chồng. Cái nghèo cố hữu trong gia đình càng làm cho người chị dâu nghiệt ngã với Hương. Nhiều lần Hương sang nhà Na than thở để san bớt nỗi đau bị đối xử tàn tệ. Na thừa nhận chưa thấy trên đời này có một người chị dâu nào ác đến như vậy. Vài năm gần đây, vì thương anh bị vợ đay nghiến dằn vặt, vì ngày càng không chịu nổi sự độc ác của chị dâu, Hương bỏ nhà ra thành phố tìm đường kiếm sống...

Na ốm mất mấy ngày, Hương ra sức chăm sóc chị.

Trong những ngày hai chị em sống với nhau, cả hai mới dần dần vỡ lẽ: Trong thành phố hào hoa nhộn nhịp này, một mạng lưới vô hình đang ngày đêm dăng lên bắt mọi con mồi để cung cấp cho cái bộ máy buôn bán thịt người còn sống. Cái mạng lưới này vô hình nên thiên hình vạn trạng, sức mạnh và sự xảo quyệt của nó gần như bất khả kháng.

...Một địa chỉ, một số điện thoại di động, một người lái xe ôm,   một bộ ấm chén độc nhất với cái đèn dầu hoả - do một người đàn bà duy nhất ngồi bán trong đêm dưới gốc cây bên lề đường, một tiệm cắt tóc - mát-xa có máy lạnh mở cửa gần như thâu đêm, một nghệ sỹ hoá trang, các quán Bar – Karaoke, một cửa hàng thẩm mỹ, các quán đặc sản được bảo kê, một tấm danh thiếp, một mảnh giấy   loằng ngoằng mấy dòng chữ viết tay - không ký tên nhưng đầy quyền uy, một lời nhắn gió có sức mạnh đổi hướng các hoạt động trong cả một vùng hoặc trên suốt một tuyến đường... 

Đấy là những mắt lưới gián tiếp hay trực tiếp của mạng lưới vô hình này. Các con mồi khôn bề chạy thoát.  Một mắt lưới, một mảng lưới nào đó bị chặt đứt, lập tức xuất hiện mắt lưới mới, mảng lưới mới,   tinh vi hơn. Mạng lưới vô hình này che chắn khá tốt bộ máy buôn bán thịt người còn sống, ngang nhiên thách thức hệ thống pháp luật... Chính bản thân Nguyệt và Hương đã nhiều lần trốn thoát các chiến dịch của công an vây ráp gái mãi dâm. Cũng có lần Nguyệt chỉ thấy mình bị khua cho chạy chứ không ai đuổi bắt. ...Cũng có lần Nguyệt bị bắt rồi, nhưng chỉ bị hỏi vài câu rồi lại được thả ngay... Song nhiều lần Nguyệt và Hương tự hỏi nhau về tên thật của cái mụ hay cái lão Tú Bà của băng Hoa đồng là gì, muốn biết đích thực kẻ nắm quyền sinh sát đối với Nguyệt và Hương là ai, cả hai đều không trả lời được... Đến bây giờ Nguyệt vẫn không trả lời được. Cái lão đại ca đểu cáng cũng lặn tăm...
...

Bên ngoài đã tối hẳn. Nguyệt vẫn ngồi nguyên cạnh chỗ uống nước cùng với chị Tâm lúc nãy, tiếp tục theo ký ức lần lại những đoạn đường đã trải qua.

...Đã không dám chết, thế nhưng cái gì đã làm cho mình không dám sống? Cái gì đã xích chặt mình vào cái số phận khốn nạn này?

...Có  thực mới vực được đạo, hai tay trắng như mình thì làm được gì? Cái triết lý ấy đúng muôn đời, mình không ngu dốt đần độn tới mức không hiểu được điều này. Mình chỉ mơ ước một cuộc sống đơn giản, đâu dám có tham vọng gì. Song cái gì làm cho mình suốt đời tay trắng, cái gì làm cho mình mất hết cả mơ ước trở lại làm người?  Cũng không dám trở lại thành Na của bố mẹ như ngày xưa nữa?.. Bố mẹ ơi, cả mong ước nhỏ nhoi này con cũng không dám nghĩ đến... Đã mấy năm nay con trốn biệt bố mẹ rồi?..

Càng nghĩ, Nguyệt càng tin rằng chính tâm trạng thất vọng ấy, chứ không phải sự thèm muốn những cảm giác xa lạ, đã dẫn mình đến với ma tuý. Cũng tâm trạng ấy dẫn Nguyệt đến đánh bạc. Đôi lúc Nguyệt tự bào chữa: biết đâu, gặp vận may mình có thể dôi dư vài đồng làm lưng vốn, từ đó sẽ tìm cách thoát khỏi tất cả những uy hiếp đã cùm chặt Nguyệt vào băng nhóm Hoa đồng. Song ma tuý và cờ bạc chỉ dìm Nguyệt chìm sâu hơn nữa. Nghĩ đến các cột số nợ ghi trong sổ băng nhóm Hoa đồng, những vụ bọn ma-cô trắng trợn cướp giật ngay trên tay mấy đồng tiền “bo” nhơ nhớp đầy nước  mắt của mình.., đến hôm nay Nguyệt vẫn còn rùng mình, vừa chua xót vừa uất ức... Hình ảnh Hương với khuôn mặt dị dạng vì bị tạt át-xít lại hiện về. Cái tát nảy đom đóm mắt của người phu khuân vác hàng lậu ga Giáp Bát lại rát bỏng trong tâm khảm Nguyệt...

Bất giác, Nguyệt đứng dậy, bật đèn bàn thờ bố mẹ Đông, thắp một nén hương:

... Cháu cúi đầu vái lạy hai bác, cháu có tội. Cháu như người không có hồn, mãi đến hôm nay cháu mới định thần lại được thắp hương lễ hai bác. Mong hai bác hãy thương anh Đông và phù hộ cho anh Đông... ...Hương ơi, chị khấn vái vong hồn em. Em sống khôn thác thiêng hãy về đây với chị. Hai chị em chúng ta đã làm gì nên tội để phải sống bị đầy ải và chết tủi nhục như thế này... Bây giờ mồ mả em cũng không có, ngày thác của em cũng không ai hay ai biết... Ôí em Hương của chị ơi... Em Hương ơi...

Nguyệt đứng trước bàn thờ, hai tay chắp ngực, nức nở...       




· Direct observe theratpy – tạm dịch: phương pháp chữa bệnh trực tiếp theo dõi bệnh nhân với liệu pháp mạnh để xử lý dứt điêm hay kịp thời mọi diễn biến, nhằm tăng cường hiệu quả chữa bệnh.
ª Boss - ông chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét