II. Tìm hiểu thái độ
ứng xử của một số nước
1. Thế giới của chúng ta người ngày càng khôn, của càng khó
Đã có nhiều sách, tài liệu nghiên cứu dự báo xu
thế phát triển của thế giới trong cả thế kỷ 21, trong nửa đầu của thế kỷ này,
trong một vài thập kỷ tới.
Nhìn
trung hạn cho vài ba thập kỷ tới, có thể điểm xuyết một số nét chính liên quan
đến chủ đề kinh tế tri thức chúng ta đang bàn.
-
(1) Quá trình diễn tiến của
cách mạng khoa học và công nghệ vào thời
điểm giao thoa giữa hai thế kỷ và thiên niên kỷ, cùng với nấc thang của quá
trình toàn cầu hoá vào thời kỳ này đã làm xuất hiện nền kinh tế tri thức trên
thế giới. Đấy là một quá trình cách mạng phát triển kinh tế, bắt đầu từ hai ba
thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước. Có thể nhận xét như vậy, bởi vì cấu
trúc, xu thế và phương thức (khái niệm của Marx) phát triển của
kinh tế thế giới đi vào một bước ngoặt mới như đã trình bày
trong phần I: phát triển dựa vào tri thức với tính chất là yếu tố kinh tế quyết
định nhất, đồng thời quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới ngày càng sâu
sắc và có tính năng động mới.
-
(2) Sự phát triển của kinh
tế tri thức trên thế giới - còn
được hiểu là những bước phát triển mới của lực lượng sản xuất, diễn ra trong những mô hình liên kết theo
mạng ở quy mô xuyên quốc gia, trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Quá
trình này đang có xu thế xắp xếp lại, làm thay đổi và thúc đảy mạnh mẽ sự hoạt
động của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) với tính cách là lực lượng nắm khối
lượng R&D và khối lượng tri thức trong kinh tế lớn nhất trên thế giới .
Thực tế khách quan này tăng cường hơn nữa vai trò các công ty xuyên quốc gia
với tư cách là những tác nhân quyết định nhất (tuy không phải là duy nhất) xu
thế phát triển của lực lượng sản xuất trên thế giới nói riêng và kinh tế thế giới
nói chung[84], vô luận thái độ của
chúng ta chấp nhận hay không chấp nhận, thích hay không thích hiện tượng này.
Vai trò tiếp tục tăng lên của TNCs trong kinh tế thế giới đặt ra nhiều vấn đề
mới trên mọi phương diện (chủ quyền quốc gia, pháp lý, kinh tế, chính trị, văn
hoá...) trong mối quan hệ giữa toàn cầu và quốc gia. Dù nhìn các công ty xuyên
quốc gia (TNCs) bằng con mắt nào, việc ứng xử thành, bại trong mối quan hệ với
TNCs trở thành cơ hội hay thách thức ngày càng nhạy cảm hơn đối với các nước,
trước hết là các nước đang phát triển. Ngoài ra không thể bỏ qua thực tế tại
một số nước, trong đó có cả các nước phát triển, một số nền kinh tế mới xuất
hiện (emerging economies) và một số nền kinh tế đang chuyển đổi (transitional
economies)... có những TNCs mang tính chất các mafia (chủ yếu liên quan đên
buôn bán ma tuý, vũ khí và rửa tiền).
-
(3) Tất cả các quốc gia đều
đứng trước yêu cầu phải tìm cách thích nghi tốt hơn nữa với xu thế phát triển
mới của kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá. Có những nước lấy đẩy
mạnh tăng trưởng và phát triển làm trọng tâm của chiến lược phát
huy những lợi thế đã giành được trong quá trình toàn cầu hoá. Có những
nước chủ trương đảy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu để đi nhanh hơn nữa vào
nền kinh tế mới – kinh tế dựa vào tri thức, nhằm tăng tốc độ hội nhập để giành lại
những lợi thế đã mất hay giành lại chủ động... Song cũng có không ít
các quốc gia – trước hết là một số đông các đang phát triển thuộc diện nghèo và
lạc hậu – rơi vào tình trạng bị động đối phó và lúng túng, thậm chí bị gạt ra
ngoài lề.
-
(4) Tại tất cả các quốc gia
các mối quan hệ tự do hoá thương mại và dịch vụ, hội nhập, mở cửa và bảo hộ đan
xen và chống đối nhau quyết liệt, đòi hỏi mỗi nước, mỗi nền kinh tế phải sớm
tạo ra cho mình những năng lực và phẩm chất mới để tồn tại được và phát triển.
Cũng có thể nói, kinh tế thế giới đang
bước lên một nấc thang mới trong quá trình toàn cầu hoá, làm tăng thêm xu thế
toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau, nhưng đồng thời cạnh tranh cũng mang tính chất
phức tạp và quyết liệt hơn.
-
(5) Trên thế giới ngày
càng nhiều vấn đề không một quốc gia
riêng lẻ nào có thể tự xử lý được – từ những vấn đề trong quan hệ kinh tế, quan
hệ thương mại, bảo vệ môi trường[85], vấn đề nước sạch, vấn
đề xoá đói nghèo.., đến các vấn đề chống các dịch bệnh, nạn khủng bố, buôn lậu
ma tuý, thiên tai.., tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và các
nguồn tài nguyên thiên nhiên... Đồng thời thế giới toàn cầu hoá có biết bao
nhiêu sự vự việc xảy ra ở một nố nào đó hay trong một lĩnh vực nào đó, nhưng
lại tác động đến các nước khác, thậm chí nhiều khi rất nhạy cảm – ví dụ vấn đề
tỷ giá đồng tiền... Để phát triển cũng như để đối phó với mọi thách thức mới,
mọi quốc gia đều đứng trước đòi hỏi phải tìm ra cho mình cách ứng xử tối ưu
nhất trong quá trình hội nhập quốc tế không thể cưỡng lại được, cùng góp sức
hay tham gia đấu tranh củng cố, xây dựng các thể chế quốc tế để tăng thêm “trật
tự an ninh chung” trong ngôi làng thế giới... Mặt khác, phải ra sức
tăng cường thực lực để bảo vệ lợi ích của mình. Đây là những vấn đề đặc biệt
nhạy cảm với các nước đang phát triển.
-
(6) Dù thế giới còn nhiều
điểm nóng, sau chiến tranh Vùng Vịnh thế giới đã phải chứng kiến chiến tranh ở
Kosovo, các cuộc chiến tranh sắc tộc, các cuộc chiến tranh biên giới, một số
cuộc nội chiến mang tính ly khai, vấn đề Trung Đông luôn luôn đe doạ bùng nổ
trở lại, cục bộ từng vùng trên thế giới còn có tiềm ẩn những căng thẳng hoặc
xung đột mới – ví dụ tình hình khu vực Bancăng hiện nay.., nạn khủng bố... Song
có thể nói xu thế chung là trật tự thế giới có nhiều trung tâm đang tiếp tục
được củng cố, về đại cục có thể tiếp tục duy trì được hoà bình; mặt khác những
mâu thuẫn và các mối liên hệ giữa các trung tâm luôn làm nảy sinh nhiều vấn đề
phức tạp mới – trong đó phải kể đến việc thực hiện những chính sách nhằm duy
trì vị trí siêu cường số 1 của Mỹ, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực...
-
(7) Có thể nói trong vòng 1
– 2 thập kỷ sau chiến tranh thế giới II, được sự hậu thuẫn của phe xã hội chủ
nghĩa và các lực lượng tiến bộ trên thế giới lúc bấy giờ, phong trào độc lập
dân tộc đã xoá bỏ được chủ nghĩa thực dân. Thế nhưng lý giải và nhìn nhận như
thế nào những mâu thuẫn giữa các nước nghèo và những nước giàu đang có xu hướng
trở nên phức tạp hơn? Trong khoảng 150 nước đang phát triển, sau một nửa thế kỷ
phấn đấu, mới chỉ có khoảng 10 quốc gia và lãnh thổ trở thành các nước mới công
nghiệp hoá (NICs). Hầu hết các nước đang phát triển còn lại, tuy đã giành được độc lập, nhưng lại
phải đang đối mặt với những vấn đề sẽ tiếp tục định đoạt số phận của họ: những
vấn đề của phát triển. Hố ngăn cách giàu nghèo gay gắt hơn.
-
Vân... vân...
Liệu có tái diễn cuộc khủng hoảng thừa như thời kỳ 1929-1933 hay không? Nền kinh tế
mới, kinh tế dựa vào tri thức của thế giới hiện đại ngày nay có khả năng ngăn
ngừa một cuộc khủng hoảng như thế không?..
Đấy là những câu hỏi đang hiện lên lởn vởn đâu đó.
Xin nêu lên một vài ví dụ:
-
Ngày nay thị trường toàn thế giới mỗi năm dư thừa khoảng 250 triệu
tấn thép (nghĩa là dư thừa khoảng 25%
công suất) 20 triệu xe ôtô, hàng trăm triệu tấn trọng tải tầu thuỷ..;
tại sa mạc Nevada (Mỹ) hiện có hàng nghìn máy bay mới xếp trên bãi chưa có
người mua (Trần Quốc Hùng); riêng trong vùng
Đông A’ và Đông Na A’ còn tới 20% công suất lọc dầu không sử dụng hết...
-
Trong nửa thế kỷ vừa qua các sản phẩm trung gian (các loại hoá
chất, kim loại, phân bón, ximăng...) nhìn chung tình trạng cung vượt cầu, dẫn
đến giá
so sánh giảm khoảng 60% so với các sản phẩm chế tạo. Hiện nay so với
năm 1960 giá cả dịch vụ tăng gấp 3 lần giá cả hàng hoá công nghiệp (điều này
giải thích vì sao hiện nay dịch vụ chiếm khoảng 80% GDP của Mỹ - Dale Neef).
-
Hầu hết các loại nông phẩm đều ở trong tình trạng cung vượt cầu,
một mặt vì độ co giãn của cầu (demand elasticity) của những mặt hàng này
không đáng kể, mặt khác những tiến bộ trong công nghệ sinh học đang tạo ra
những năng suất cao chưa từng có. Cách đây hai thập kỷ người ta còn lo loài
người không thể giải quyết được vấn đề lương thực do dân số tăng nhanh, và khả
năng cải tiến sản xuất lương thực không theo kịp. Ngày nay cả hai lo lắng này
có thể không đúng. Một thập kỷ trước đây Trung Quốc và ấn Độ là hai nước nhập
lương thực, bây giờ họ xuất khẩu lương thực, giá và chất lượng có sức cạnh
tranh tốt hơn sản phẩm lương thực của ta... Ai cũng biết ta đang phải nhập
giống lúa của Trung Quốc để cải thiện tình hình này[86].
-
Nông phẩm là mặt hàng chủ yếu của nhiều nước đang phát triển,
nhưng những quốc gia này không có cách gì cạnh tranh lại các nước phát triển.
Trước hết năng suất vật nuôi cây trồng ở các nước phát triển đều cao hơn, chất
lượng tốt hơn nhờ có tiềm lực lớn về kỹ thuật, công nghệ mới và trình độ quản
trị sản xuất kinh doanh hiện đại. Các nước công nghiệp phát triển gộp lại – trừ
ngoại lệ là Nhật và một số nước quá nhỏ – hiện là người xuất khẩu lớn nhất về
nông phẩm và thực phẩm trên thế giới. Ngoài ra hiện nay vì cung vượt cầu, các
nước OECD hàng năm trợ cấp khoảng 273 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, nghĩa là
khoảng 37% toàn bộ giá thành sản xuất nông nghiệp của họ, với lý do: để duy trì
ngành này và bảo vệ môi trường[87]- bao gồm cả yêu cầu
không để diện tích nông nghiệp suy giảm (giữ gìn không gian “màu xanh”). Ví dụ:
Các nước Liên minh châu Âu hiện nay trợ cấp tới 60% giá thành cho sản xuất
thịt, khoảng 50% giá thành cho ngũ cốc các loại.., Mỹ trợ cấp khoảng 60% giá
thành cho sữa, 30% giá thành cho ngũ cốc các loại, giá thành sản xuất 1 tấn gạo
ở Nhật đắt hơn ở nước ta khoảng 7-10 lần...
-
Cơ cấu lao động tại các nước công nghiệp có nhiều thay đổi lớn.
Ngày nay tại những nước này so với cách đây
trước chiến tranh thế giới II nhìn chung giờ lao động giảm 1/3, nhưng
năng suất lao động tăng lên 40 –50 lần. Lực lượng lao động trong công nghiệp,
nông nghiệp, xây dựng và vận tải hiện nay chỉ chiếm khoảng 15-20% lực lượng lao
động toàn xã hội. Điều này có nghĩa tất cả các loại lao động
trong sản xuất cũng như trong lĩnh vực dịch vụ phải có kỹ năng và vốn tri thức
cao. Trên thực tế ở những nước này đã xuất hiện những khái niệm công nhân cổ
xanh, cổ trắng, công nhân tri thức.., sự phân hoá về thu nhập là điều không
tránh khỏi. Nhịp độ thay đổi nghề nghiệp ngày càng khẩn trương hơn, càng làm sâu sắc thêm sự phân hoá này và nhiều vấn
đề xã hội khác[88].
-
Khoảng cách giàu nghèo giữa các nước phát triển và các nước đang
phát triển có thêm tên gọi mới với cường độ phân hoá mạnh hơn: Sự
phân hoá do kỹ thuật số! Mức sống của 1/5 dân số các nước giàu nhất
trên thế giới năm 1960 bằng 30 lần 1/5 dân số sống ở các nước nghèo nhất thế
giới, năm 1990 chỉ số này là 74 lần (nguồn OECD năm 2000). Xu thế này đang tiếp diễn tới mức tất các tổ
chức kinh tế quốc tế và khu vực đều phải đưa vào chương trình nghị sự của mình
việc đảy nhanh hơn nữa vấn đề xoá nghèo đói, coi đấy là một trong những điều
kiện của môi trường an toàn cho phát triển kinh tế thế giới (khoảng cách 74 lần
như vậy đang gây nhiều vấn đề chính trị – xã hội cho các nước đang phát triển,
mặt khác tăng sức ép di cư vào các nước phát triển...). Một nửa thế kỷ qua đi,
nhưng khu vực Đông Nam A’ chỉ có vài nước NICs thu hẹp được khoảng cách giàu
nghèo này. Đương nhiên không thể phủ nhận một thực tế là sau một thế hệ, tự so
mình với mình trong khoảng 3 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, có trên 40
nước đang phát triển đã tăng thu nhập của mình lên được gấp đôi; nhưng nhìn
chung tăng trưởng chưa được hỗ trợ vững chắc bởi phát triển, do đó
khá mong manh trước những sóng gió từ bên ngoài hoặc dễ mất ổn định từ bên
trong.
-
Ngay trong hàng ngũ trên 140 các nước đang phát triển cũng xuất
hiện những chênh lệch ngày một xoạc rộng:
12 nước Achentina, Braxin, Chilê, Mêhicô, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng
Công, Sinhgapo, Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia chiếm 80% tổng lượng
FDI, 90% tổng lượng vốn kinh doanh chứng khoán, khoảng 80% tổng lượng kim ngạch
xuất khẩu... của toàn bộ khối này. Trong khi đó tỷ trọng thương mại của các
nước châu Phi năm 1950 chiếm 7% kim ngạch của toàn bộ các nước đang phát triển,
năm 1998 chỉ còn 2,4%...
-
Hiện nay có trên 70 nước đang phát triển (bao gồm cả 12 nước vừa
kể trên) xuất khẩu vào Nhật, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) xuất các mặt hàng
tiêu dùng giống như của hàng xuất khẩu của ta (bao gồm may mặc, hàng giày da,
một số thực phẩm...) với sức cạnh tranh quyết liệt. EU vừa mới ra quyết định từ
năm 2001 bỏ quota nhập khẩu những hàng này cho 48 quốc gia nghèo...
-
Riêng về Trung Quốc còn phải nói thêm: năm này dồn qua năm khác
hàng tồn kho không xuất khẩu được lên tới hàng trăm tỷ USD; khối lượng cao ốc
cho thuê và số phòng khách sạn hiện dư thừa đủ dùng cho mức phát triển của
Trung Quốc trong 10 năm tới... (Trần Quốc Hùng).
Tất cả những điều vừa trình bày trên liên quan
mật thiết đến tương lai phát triển đất nước ta.
Ngoài những vấn đề chung ấy ra, riêng đất nước
ta còn phải đối mặt với nhiều vấn đề hệ trọng khác thuộc phạm trù
địa chính trị và địa kinh tế liên quan đến lịch sử các cuộc kháng chiến
của nhân dân ta chống ngoại xâm trước đây cũng như liên quan đến bàn cờ thế
giới hiện tại và sắp tới và vị thế nước ta trên bàn cờ ấy.
Thấy được sâu sắc những vấn đề phải đối mặt, đất
nước ta, dân tộc Việt Nam sẽ tìm ra được câu những trả lời xác đáng. Đứng trong
một thế giới quyết liệt mgày nay, nhìn vào chỗ nào cũng chỉ thấy yếu kém, trông
vào đâu cũng thấy thù địch, là tự ti và hữu khuynh tới mức hoang tưởng. Nhưng
không thấy hết tính chất quyết liệt của các vấn đề đất nước đang phải đối mặt
trong thế giới ngày nay thì cũng chẳng khác gì sống trên cung trăng. Cả hai
thái cực này không thể giúp đất nước ta đi đến lựa chọn quyết định đúng đắn.
Còn tự nhìn nhận sự vật theo con mắt cái gì của mình cũng nhất thế giới thì là
mất trí.
Sự thật là: Để sống được trong thế giới này, đất
nước ta ngày trước khôn một, bây giờ phải khôn mười, quyết tâm hai mươi!
Nỗi lo canh cánh cho một quốc gia trên con đường
công nghiệp hoá là phải đi qua các bãi thải công nghiệp. Ngày nay, với sự xuất
hiện trên thế giới nền kinh tế mới, nền kinh tế tri thức, nỗi lo này càng lớn.
Phải chăng các “đống rác” – nghĩa là những cơ sở kinh tế và sản phẩm lỗi thời,
hàng tồn kho... – cũng đang ngày một nhiều lên trên đất nước ta?
Về nhiều phương diện liên quan đến kinh tế tri
thức, cũng có thể nói nền kinh tế nước ta còn đứng ngoài cuộc. Thế nhưng bây
giờ, với trình độ phát triển của nước ta hiện tại, mỗi năm đã hàng triệu, hàng
chục vạn tấn gạo, càphê, hồ tiêu, ximăng, thép xây dựng, than, phân bón... bị
ế, hàng trăm tỷ đồng hàng gạch men, gốm sứ và các mặt hàng công nghiệp khác
đang chờ thị trường tiêu thụ, hàng nghìn phòng khách sạn chờ khách, cho đến nay
mới chỉ cho thuê được khoảng vài chục phần trăm diện tích các khu công nghiệp,
số doanh nghiệp nhà nước có công nghệ lạc hậu và thua lỗ còn chiếm tỷ lệ quá
cao... Cần xem xét tình trạng này dưới góc độ mỗi năm gần hai triệu người đến
tuổi lao động cần việc làm - chưa kể số lao động hiện không có việc làm hoặc số
lao động dôi dư ra nếu có thể xắp xếp lại các doanh nghiệp, cơ quan.. -
Liên quan đến những vấn đề nóng bỏng vừa kể
trên, xin đặc biệt lưu ý trên thế giới có khá nhiều sản phẩm cung
vượt cầu – nhất là những sản phẩm có hàm lượng chế biến hoặc hàm
lượng chất xám thấp. Xu thế khủng hoảng thừa – hiểu theo như
cách phân tích của Marx - thể hiện rõ trong nhiều mặt hàng truyền thống. Đấy là
chưa nói đến câu chuyện những “cái trớn” , “những bãi rác mới” thời
hiện đai... như đã nêu trong chương I. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động trên
thế giới đang chuyển dịch năng động theo
hướng ngày càng bất lợi cho mọi sản phẩm và lao động ít hàm lượng chất xám.
Yếu tố tri thức trong kinh tế càng trở nên quan
trọng bao nhiêu, mức độ toàn cầu hoá của kinh tế thế giới càng sâu rộng bấy
nhiêu, hợp tác và cạnh tranh vì vậy ngày càng phức tạp và quyết liệt. Trong một
bối cảnh kinh tế thế giới như thế, con đường đi lên công nghiệp hoá, hiện đại
hoá của nước ta trong những năm tới sẽ gay go gian khổ như thế nào! Thế giới
chúng ta đang sống người ngày càng khôn hơn, của ngày càng khó hơn.
2. Tìm hiểu thiên hạ nghĩ
và làm gì
Nhóm các nước phát triển: Có thể nói sự cạnh tranh trong nhóm này rất
quyết liệt, mặc dù có hợp tác, liên kết với nhau ở các cấp độ và trong từng
lĩnh vực khác nhau. Nhóm chia thành 3 trung tâm chính: Mỹ, EU và Nhật. Mỗi
trung tâm có một số đồng minh, liên minh hoặc vệ tinh trong nhiều vấn đề hoặc
chỉ trong một vài vấn đề nhất định.
Nổi bật là Mỹ: Ngoài vị thế vốn có từ
thời chiến tranh lạnh, trong gần 3 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, Mỹ đã
bứt lên trong việc phát triển khoa học và công nghệ, đảy nhanh quá trình đi vào
kinh tế tri thức, nên trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước. Đặc biệt là
trong 8 năm của chính quyền Clinton, Mỹ đã thực hiện được tăng trưởng và phát
triển trong một thời kỳ dài nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II , tạo ra một
khoảng cách có ý nghĩa so với EU và Nhật. Có thể so sánh “sức khoẻ” của nền
kinh tế Mỹ với của EU và của Nhật qua so sánh tỷ giá đồng USD với đồng Euro và
đồng Yên trong thập kỷ này và hiện nay. Do có lực, Mỹ là nước được hưởng lợi
nhiều nhất trong quá trình toàn cầu hoá, đồng thời cũng bị thế giới phản đối
mạnh nhất trên lĩnh vực này. Tiếp theo lôi kéo NATO vào sự kiện Kosovo, Mỹ đang
muốn đảy mạnh chương trình “Hệ thống phòng thủ chống tên lửa” (Theater Missile
Defence – TMD, còn gọi là National Missile Defense - NMD ), gây ra nguy cơ một
cuộc chạy đua vũ trang mới, với ý đồ tiếp tục tăng cường vị trí của Mỹ đối với
EU, Nhật, Nga và Trung Quốc. Không ít nhà nghiên cứu và chính khách của EU đã
nói thẳng: Mỹ đang chủ trương theo đuổi mục tiêu cái gì tốt với Mỹ phải tốt cho cả
thế giới! Không ai khác, người
Pháp đã tặng cho Mỹ cái tên châm biếm “hyperpuissance” (‘siêu siêu cường) làm
cho Mỹ cảm thấy bị dị ứng (Thierry de Montbrrial – giám đốc Viện Quan hệ quốc
tế Pháp). Không làm được sen đầm quốc tế, Mỹ đang ra sức tăng cường vị trí siêu
cường số 1 của thế giới. Lợi thế lớn nhất của Mỹ là tiềm lực khoa học và công
nghệ, tiềm lực kinh tế và tài chính, là nước xuất khẩu lớn nhất sản phẩm công
nghệ cao, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hầu hết những
nước có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới. Mỹ có các TNCs lớn nhất thế giới
đồng thời cũng là nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới! Từ năm 2000 kinh tế Mỹ
bắt đầu suy giảm, song ít có khả năng suy giảm mạnh vì có tiềm lực lớn và nhiều
kinh nghiệm đối phó. Không loại trừ chương trình TMD cũng là một
trong những cách Mỹ lôi các đối tác và đối thủ vào cuộc chơi của mình,
vừa để xử lý những khó khăn mới của nền kinh tế Mỹ vừa luôn luôn tìm đi bước
trước trong khoa học và công nghệ[90]. Riêng trong năm 2001
Cục dự trữ Liên bang của Mỹ (FED) đã 5 lần giảm lãi suất để ứng phó với tình
hình kinh tế Mỹ đang suy giảm. Nhiều nền kinh tế lớn lo ngại sẽ bị cuốn hút vào
vòng xoáy của sự suy giảm này. Tuy hiện tại Mỹ còn là cái chợ lớn nhất của nhiều
nước, song không phải là cái chợ duy nhất của thế giới. Sự tùy thuộc của Mỹ vào
xu thế phát triển của kinh tế thế giới cũng ngày một tăng lên. Đã có những dự
báo vào năm 2025, 2050 tình hình có thể khác. Nước nào cũng có nhiều cái lo,
Mỹ cũng vậy. Song đáng chú ý hiện nay trên phương diện ganh đuavới những đối
thủ chính của mình, Mỹ tự cho rằng nền
giáo dục của mình là một trong những khâu yếu nhất cần sớm khắc phục. Hiện nay
hàng năm Mỹ vẫn còn thiếu hàng trăm nghìn nhân viên xử lý dữ liệu cho các ngành
kinh tế khác nhau. Năm 2000 Mỹ dã chi 800 tỷ USD nhằm “mạng hoá” tất cả các
trường học; trong những năm tới sẽ đẩy mạnh “chương trình giáo dục qua mạng”
(E-education) để khắc phục yếu kém này.
Liên minh châu Âu (EU): Sau khi đồng Euro được bắt đầu lưu hành năm
2000 (quá trình này còn đang tiếp diễn), EU mới bắt đầu đi vào thời kỳ
phát huy sức mạnh của việc hình thành EU; nghĩa là còn mất nhiều thời gian nữa
để EU làm được những việc đã tạo nên sự ra đời của chính bản thân EU: loại bỏ
vĩnh viễn ở châu Âu những nguy cơ đã từng tạo ra chiến tranh thế giới II, tập
hợp thành một nền kinh tế thống nhất có đủ sức mạnh đương đầu với những yêu cầu
ngày càng cao của thế giới toàn cầu hoá. Hiện nay EU là một tập hợp các quốc
gia có trình độ tổ chức cao nhất và hoàn thiện nhất trong cả thế giới, vừa là
đối tác và vừa là đối thủ ngày càng “nặng ký” của Mỹ. Ngày nay EU muốn có lực
lượng quân sự của riêng EU đứng ngoài NATO. Nhiều nước EU tuy là thành viên NATO nhưng đã phê phán Mỹ
trong nhiều vấn đề quan trọng: vấn đề Kosovo, vấn đề vũ khí uranium nhẹ, chương
trình TMD, vấn đề kéo dài cấm vận chống Irắc... EU thừa nhận có khoảng cách
đáng kể so với Mỹ về công nghệ[91] và sức tăng trưởng kinh
tế trong thời gian qua kém năng động so với Mỹ. Bản thân EU cũng còn nhiều vấn đề:
Anh tỏ ra luôn luôn đi sát các chính sách của Mỹ, sự hợp tác giữa Đức, Pháp và
các nước EU khác cũng còn phải vựơt qua nhiều trở lực khác; vừa qua nổi lên vấn
đề Haider (nguy cơ phát xít mới) ở A’o và nền kinh tế yếu kém của Thổ-nhĩ-kì,
tính đa dạng trong EU quá lớn... Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế không cao
như ở Mỹ, song ổn định, cấu trúc kinh tế chuyển dịch năng động và có khả năng
tăng nhanh hơn trong thời gian tới. Các nước EU có lợi thế về hệ thống giáo
dục so với Mỹ, nên sắp tới sẽ phát huy tích cực yếu tố này, nhằm mục tăng tốc
độ đi vào kinh tế tri thức. EU chủ trương sẽ tích cực phát huy vai trò hỗ trợ
của các thể chế nhà nước và của Liên minh cho mục tiêu này. Anh có nhiều
cải cách thành công hơn so với châu Âu lục địa, nhưng chính sách của Tony Blair
thường gắn nhiều với Clinton, nhưng hình như có sự thay đổi từ khi Bush lên cầm
quyền. Khu vực đại học Cambridge đang có xu hướng trở thành một “Silicon” của
Anh với tốc dộ phát triển rất nhanh, tại đấy đã xuất hiện trên 1000 công ty
phần mềm và kỹ thuật cao. Đức và Pháp đang có những cố gắng tương tự. So với
Anh, hai nước Pháp và Đức đứng cách xa Mỹ hơn trong nhiều vấn đề quốc tế quan
trọng.
Nhật: Phần lớn những nguyên
nhân sự trì trệ của Nhật gần 2 thập kỷ nay đều xuất phát từ nguyên nhân cơ cấu
kinh tế trì trệ và việc kéo dài quá mức các chính sách đóng cửa. Mặc dầu là
nước đi rất nhanh trong ứng dụng công nghệ mới, song có Nhật vẫn còn quá nhiều
ngành công nghiệp truyền thống không chuyển kịp – trước hết là công nghiệp thép[92], công nghiệp ô-tô..,
không tập trung cao độ cho R&D nên ít tự tạo ra được công nghệ và sự chuyển
dịch mà nền kinh tế Nhật đòi hỏi. Hệ thống tài chính tiền tệ bảo thủ và lạc hậu
cùng với di sản nặng nề của các cơn sốt địa ốc cách đây hai ba thập kỷ đang đẻ
ra cho nền kinh tế Nhật nhiều khoản nợ lớn khó đòi của các doanh nghiệp và của
ngành ngân hàng. Kinh tế không phát triển, nên vốn ứ đọng lớn. Đồng Yên và giá
cổ phiếu, trái phiếu suy giảm liên tục. Bản thân nước Nhật và các bạn hàng của
Nhật đều lo kinh tế nhật có thể rơi vào suy thoái nặng, vì Nhật là thị trường
lớn thứ hai sau Mỹ. Nhật đang có nhiều cố gắng theo hướng cải cách hệ thống
ngân hàng và đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế để mong thoát khỏi tình hình này,
nhưng đến nay chưa có hiệu quả. Hệ quả không tránh khỏi là tháng 4-2001 chính
phủ Mori đổ, lần đầu tiên trong lich sử đảng LDP phe đa số thất bại, mở đường cho phe thiểu số
đưa J. Koijumi lên cầm quyền.
Một số nước phát triển khác: Các nước khác như Uc,
Canada, New Zealand, Iceland, Phần Lan... có nhiều cố gắng lớn tập trung vào
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế và hành chính, phát triển nguồn
nhân lực, nhằm tạo sức năng động mới phù hợp với những yêu cầu của kinh tế tri
thức. Khó khăn của những nước này là các ngành kinh tế có công nghệ mới, đặc
biệt là công nghệ ICT, tăng nhanh, nhưng thiếu nguồn nhân lực thích hợp với
phát triển kinh tế theo mạng. Ví dụ Uc trong 5 năm qua thành lập hàng trăm công
ty ICT hoạt động khắp thế giới, nhưng hiện vẫn còn thiếu hàng nghìn nhân viên
kỹ thuật thích hợp. Hiện nay Uc đang cố gắng chuyển mạnh sang kinh tế công nghệ
cao để đối phó nguy cơ kinh tế Uc có thể rơi vào suy thoái. New Zealand phải
thay đổi chính sách nhập cư và chính sách thuế thu nhập nhằm thu hút chất xám
từ các nước và trong vùng nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ
tri thức cao và giảm bớt chảy máu chất xám của nước mình (ví dụ năm 1999 so với
1998 số người này nhập cư vĩnh viễn giảm 8%, số người có trình độ tri thức cao
di cư vĩnh viễn hoặc dài hạn khỏi NZ tăng 11%)... Trong 50 năm qua lao động
nông nghiệp của Phần Lan từ 70% nay chỉ còn 6%, tỷ trọng sản phẩm công nghiệp
có hàm lượng công nghệ cao trong GDP 10 năm qua tăng gấp 3 lần; ví dụ chỉ riêng
hãng Nokia (viễn thông) hiện nay chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước
này; từ 1996 Phần Lan đã đề ra chiến lược “xây dựng xã hội thông tin”; xoá mù
“vi tính” là chương trình giáo dục quốc gia, tất cả các trường đều truy cập
mạng, đầu tư đến 10,4% thu nhập của các TNCs cho R&D (trong khi đó 300 TNCs
lớn nhất thế giới chỉ chi 4,6%). Riêng chi cho R&D của một mình hãng Nokia
lớn bằng toàn bộ chi cho R&D của New Zealand!.. Ireland có chiến lược tương
tự như Phần Kan, nhờ vậy đạt tăng trưởng GDP
khoảng 7%/năm trong suốt thập kỷ 1990 ( trong khi đó toàn EU khoảng trên
2%), ngoại thương bằng trên 150% GDP.., đang chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo
dục để tạo đà đi xa nữa trong tương lai. Nghĩa là tất cả những quốc gia này đều
lấy việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng cao làm quyết sách hàng
đầu.
Trung quốc: Giới nghiên cứu Trung Quốc cho rằng cuộc tranh
luận sôi nổi trong xã hội Trung Quốc về kinh tế tri thức đã ngã ngũ với kết
luận: Quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế Trung Quốc thích nghi với
những tác động của kinh tế tri thức toàn cầu hoá[93]. Thực hiện mục tiêu này,
Trung Quốc tiến trên 3 hướng:
-
đẩy mạnh cải cách kinh tế và thể chế,
-
đẩy mạnh cải cách giáo dục,
-
xây dựng con người mới với những thang giá trị mới.
Trên thực tế từ hai thập kỷ nay Trung quốc đã chú ý đến
những yêu cầu quan trọng này.
Đến nay Trung Quốc đã thành lập được 53 khu công
nghệ cao ở cấp nhà nước, thu hút được 18.000 doanh nghiệp và 1,8 triệu nhân
viên; cho phép khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ vào quá trình này. Đã có 600
doanh nghiệp trong số này có doanh thu hoạt động công nghệ – thương mại vượt
100 triệu nhân dân tệ/1doanh nghiệp; một bộ phận khá đông những doanh nghiệp
này đã hoà mạng hơp tác kinh doanh có hiệu quả với thế giới bên ngoài. Trong 5
năm tới Trung Quốc sẽ thành lập thêm 50 khu công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.
Hiện tại các cơ quan chính quyền đang thử nghiệm
mô hình mới: hỗ trợ 3700 doanh nghiệp nhỏ làm công nghệ cao, lập 100 công ty
vốn hỗ trợ rủi ro (một dạng Hedge Fund trong hệ thống ngân hàng phương Tây)
nhằm phục vụ cho chương trình này, số vốn ước khoảng 8 tỷ NDT và sẽ tiếp tục tăng
thêm, thử nghiệm đưa một số công ty này tham gia thị trường chứng khoán theo
kinh nghiệm của Đức, Thuỵ Sỹ.., cho phép công ty tài chính nước ngoài tham gia,
đồng thời ban hành những thể chế (khung khổ pháp lý về các vấn đề bảo hộ, ưu
đãi, kiểm tra, kiểm soát...) để bảo đảm môi trường hoạt động cho những công ty
này.
Trung Quốc đã thực hiện được một bước đột phá về
mở rộng mạng internet ra cả nước, tự đánh giá đã xây dựng được một mạng lưới kỹ
thuật và kết cấu hạ tầng cần thiết chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ
trong một hai thập kỷ tới – thể hiện trong “Chiến lược thúc đẩy phát triển
kinh tế dựa trên khoa học và giáo dục” do Chính phủ Trung ương ban
hành và trực tiếp chỉ đạo[94].
Trung Quốc chủ trương đảy nhanh quá trình gia
nhập WTO với mục đích thúc đảy mạnh hơn
nữa quá trình cải cách kinh tế và tiến nhanh lên hiện đai.
Tháng 2 năm 2000 tổng bí thư Giang Trạch Dân
tuyên bố Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải phấn đấu trở thành (1) người
đại diện cho sức sản xuất xã hội tiên tiến nhất, (2) đại
diện cho nền văn hoá tiên tiến, và (3) đại diện cho lợi ích căn bản của
nhân dân Trung Quốc. Phải chăng vì những yêu cầu phát triển bức xúc,
Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đề ra “quan điểm 3 đại diện” như vậy, để đổi mới và
nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng phù hợp với những yêu cầu phát triển mới của
Trung quốc?
Đặt ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Đảng của Trung
quốc như vậy là rất cao, gắn lợi ích căn bản của nhân dân Trung Quốc với sự
phát triển của thế giới toàn cầu hoá, coi đó là con đường khai thác xu thế phát
triển của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới phục vụ sự nghiệp phát triển
của Trung Quốc[95].
Đài Loan/(Trung quốc): Có thể nói giới cầm quyền và kinh doanh ở đây
nhận thức vấn đề khá dứt khoát: Thừa nhận trọng tâm của cạnh tranh và động
lực thúc đẩy, dẫn dắt tăng trưởng bền vững lâu dài cho kinh tế Đài Loan
sắp tới là kinh tế tri thức; tập trung mọi nỗ lực phát triển vốn
con người và vốn tổ chức; các doanh nghiệp tự thân buộc phải nỗ lực
và đồng thời được phía chính quyền hỗ trợ tái sáng tạo để duy trì sức cạnh
tranh trong tham gia vào bước phát triển mới của kinh tế thế giới. Quá trình
này được gắn liền với đẩy mạnh công việc chuẩn bị cho Đài Loan tham gia Tổ chức
Thương mại Thế giới[96], đồng thời đổi mới cấu
trúc toàn bộ nền kinh tế kinh tế.
Đài Loan chủ trương đưa việc sản xuất một số sản
phẩm Đài loan vẫn cần nhưng kém lợi thế cạnh tranh ra nước ngoài[97]. Năm 1991 Đài Loan có
37,7% các ngành kinh tế đã vận dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn định nghĩa
“công nghiệp dựa vào tri thức” (knowledge based industries – KBI) của các nước
OECD, năm 1997 tỷ lệ này đạt 40,6%[98] - đặc biệt là trong các
ngành chế tạo và dịch vụ (dịch vụ hiện nay chiếm trên 60% GDP của Đài Loan).
Công nghiệp ICT phát triển mạnh trong những năm gần đây, đồng thời Đài Loan có
22% số hộ gia đình truy cập mạng, đứng thứ hai châu A’ (Singapore có tỷ lên này là 48%, Nhật là
18%). Nhưng Đài Loan thừa nhận còn có khoảng cách lớn với Tây Âu về dải tần
rộng và thương mại điện tử, dự định vào
năm 2004 sẽ phủ dải tần rộng trên 96% diện tích lãnh thổ và nâng thương mại
điện tử chiếm khoảng 9 GDP.
Đài Loan chủ trương đổi mới 3 khâu trong kinh
doanh kinh tế tri thức là sáng tạo, marketing và nhà thầu
để tăng tốc độ cạnh tranh và chiếm lĩnh những sản phẩm mới, thị trường mới, với
ý nghĩa: sử dụng “hậu cần toàn cầu”, cung cấp “thị trường toàn cầu”, với phương châm chỉ có hai chữ: tốc
độ . Hòn đảo Đài Loan có thể được xếp hạng là một trong những cường
quốc sản xuất ngành công nghiệp IC [99].
ấn Độ: Trong những thập kỷ 1950 – 1970 ấn Độ đã
vươt Trung Quốc một số mặt về phát triển kinh tế như khoa học kỹ thuật, cuộc
cách mạng xanh trong nông nghiệp... Nhưng rồi từ đó bắt đầu lạc hậu dần so với
Trung quốc. Một phần vì Trung quốc giành được nhiều thành tựu to lớn trong quá
trình cải cách và đẩy mạnh mở cửa, một phần vì ấn Độ chưa tự giải thoát được
mình khỏi tình trạng xã hội có sự phân biệt sâu sắc về đẳng cấp (một phần về
tôn giáo và một phần cả về sắc tộc nữa), một thời gian dài ấnđộ lại theo đuổi
nền kinh tế khép kín, hệ thống giáo dục không phát triển như của Trung Quốc...
Hiện nay ấn Độ đang ra sức khắc phục tình trạng
này, nhất là đẩy mạnh mở cửa nền kinh tế, thu thập và vận dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật và công nghệ... Riêng bang Bangalor có
nhiều công ty sản xuất phần mềm, tạo thành một mạng lớn hợp tác chặt chẽ
24/24 giờ với khoảng 7000 công ty kỹ thuật cao, chủ yếu là với Mỹ. Hiện nay
Bangalor mỗi năm xuất khẩu sang Mỹ và EU khoảng 6 tỷ USD sản phẩm phần mềm –
nghĩa là cứ 4 TNCs trên thế giới cần mua phần mềm cho công việc của mình thì 1 TNC
mua thứ hàng này từ Bangalore. ấn Độ dự kiến đưa doanh số này lên khoảng 100 tỷ
USD trong hai thập kỷ tới. Không ai nói được con số chính xác, nhưng có thể ước
lượng có hàng nghìn hay hàng chục nghìn cán bộ kỹ thuật ấn Độ soạn thảo phần
mềm đang làm việc tại Mỹ...
Singapore: Có thể nói khái quát quốc gia thành phố này
(city state) đang dẫn đầu châu A’ trong phát triển kinh tế tri thức. Từ giữa
thập kỷ 1990 Singapore đã cố đi theo các bước của OECD trong phát triển kinh tế
tri thưc. Sau cuộc khủng hoảng tài chính tháng 7-1997, Uỷ ban Cạnh tranh của Singapore đưa ra chương
trình phát triển Singapore trong vòng một thập kỷ trở thành một nền kinh tế tri
thức có sức cạnh tranh toàn cầu, bao gồm 4 yếu tố:
-
tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư vào tri thức và sáng tạo những
ý tưởng mới, phát triển kết cấu hạ tầng vật chất, kỹ thuật và pháp lý phục vụ
mục đích này;
-
xác định những ngành công nghiệp cần tập trung nhiều năng lực
R&D, đặc biệt chú trọng phát triển các tiềm năng R&D công cộng nhằm
truyền bá cập nhật thành tựu tri thức mới và hỗ trợ những ý tưởng mới;
-
quy tụ nhân tài và phát triển nguồn vốn con người;
-
tạo thuận lợi cho luân chuyển và trao đổi tri thức ở quy mô toàn
cầu.
Nói một cách khác, Singapore đã biến cuộc khủng
hoảng tháng 7-1997 thành một sức ép đối với chính bản thân mình đẩy mạnh phát
triển kinh tế tri thức. Phương thức tiến hành chú trọng tới vấn đề thương mại
hoá (không bao cấp), ví dụ 1998 chính phủ đã ban hành chính sách “Tinh thần kinh doanh công nghệ” (gọi tắt là
chính sách T21) nhằm dỡ bỏ các rào cản trên con đường đi vào kinh tế tri thức;
lập “Quỹ đầu tư cho sáng tạo” (1tỷ USD, nhằm thu hút các công ty tài chính và
công ty công nghệ tham gia, đặc biệt chú trọng các công ty ở thung lũng
Silicon); sửa đổi nhiều vấn đề trong thể chế - đặc biệt là Luật phá sản, phát
triển “Quỹ đầu tư thiên thần” nhằm mở rộng R&D công cộng; thành lập một Bộ
mới trong chính phủ: “Bộ nhân lực” để thực hiện chiến lược “kế hoạch nhân lực
21”, đồng thời có kế hoạch thu hút sự cộng tác của 10 trường đại học đứng đầu
thế giới phục vu cho các yêu cầu: giáo dục, sáng tạo và sử dụng tri thức
mới.
Singapore được xếp hạng thứ 2 sau Mỹ về các chỉ
tiêu sử dụng tri thức, nhưng về hiệu quả sử dụng thì thấp hơn Mỹ, Nhật; còn xếp
hạng về kinh doanh trong kinh tế tri thức Singapore còn đứng sau cả Hongkong và
Đài Loan... Singapore cho rằng năng lực của chính phủ, sự minh bạch và trong sạch của bộ máy chính phủ góp
phần quan trọng vào những thành công đạt được. Mặc dù chỉ là một quốc gia thành
phố, Sigapore thừa nhận sự phân hoá về thu nhập và thất nghiệp do cơ cấu không dễ giải quyết. Singapore kiên trì thu
hút nhân tài nước ngoài.
Hàn Quốc: Chính phủ, giới kinh doanh và giới nghiên cứu
Hàn Quốc thừa nhận cuộc khủng hoảng tài chính châu A’ tháng 7-1997 thức tỉnh
Hàn Quốc về sự tụt hậu của nền kinh tế nước mình so với quá trình phát triển
năng động của kinh tế tri thức toàn cầu hoá đang diễn ra trên thế giới. Xét một
cách phiến diện, cuộc khủng hoảng này làm bộc lộ những yếu kém kinh tế và hệ
thống điều hành của Hàn Quốc - đặc biệt là hệ thống tài chính tiền tệ, sự lũng
đoạn của các chaebol (tập đoàn lớn) và hệ thống điều hành của chính phủ.
Song Tổng thống, chính giới và giới nghiên cứu
của Hàn Quốc tự đánh giá: Cuộc khủng hoảng làm cho Hàn Quốc bừng tỉnh khỏi cơn
choáng về các thành tựu to lớn của chính mình đã đạt được liên tiếp trong mấy
thập kỷ vừa qua và làm bộc lộ rõ những yếu kém về cơ cấu kinh tế và thể chế điều
hành của Hàn Quốc trong một thế giới đã thay đổi sâu sắc[100]. Hàn Quốc cho rằng có
hai nguyên nhân cơ bản của những yếu kém này:
-
khoảng cách về nguồn lực con người không thể chấp
nhận được giữa Hàn Quốc và các nước công nghiệp tiên tiến khác; chính điều này
gây ra những bất lợi nặng nề cho Hàn Quốc trong khi thế giới đã tiến vào kinh
tế tri thức;
-
khoảng cách về thể chế so với
các nước công nghiệp tiên tiến khiến cho Hàn Quốc thiếu hoặc không phát triển
được tốt một loạt các giá trị trong hệ thống thị trường và trong hệ
thống tổ chức, dẫn tới sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực của nền kinh
tế – bao gồm cả nguồn lực tri thức không thể gọi là nghèo[101] - và làm yếu khả năng
cạnh tranh của Hàn Quốc.
Trong bối cảnh đó Hàn
quốc lại luôn chịu áp lực sợ bị các NICs khác và Trung Quốc đuổi kịp; động lực
suy yếu dần của cải cách và hậu quả của cuộc khủng hoảng tháng 7-1997 làm cho
áp lực này tăng lên. Ngoài ra nền kinh
tế còn chịu nhiều thua thiệt đáng kể của tình trạng phân biệt đối sử còn nặng
nề đối với lực lượng lao động nữ ở Hàn Quốc, mặc đù lực lượng này có tỷ lệ tham
gia lao động và trình độ chuyên môn, trình độ học vấn khá cao.
Tháng 11-1999 “Hội đồng
tư vấn kinh tế Quốc gia” đã trình tổng thống “Mô hình mới cho thiên niên kỷ mới
– Kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế tri thức của Hàn Quốc”. Tổng thống trực
tiếp chỉ đạo cuộc cải cách và thực hiện chiến lược này. Nội dung gồm các vấn đề
chính:
-
cải cách thể chế, tăng cường sự công khai minh bạch và khả năng
điều hành của chính phủ, sửa đổi các luật có liên quan đến tài chính, cạnh
tranh – trong đó đặc biệt là vấn đề phá sản, đẩy mạnh mở cửa, phân bổ lại nguồn
lực R&D, tạo động lực thúc đảy đổi mới cấu trúc kinh tế;
-
cải cách giáo dục, đặc biệt là tăng cạnh tranh giữa các trường và
viện, tạo các khung khổ luật pháp và tài chính gắn bó giữa nghiên cứu và doanh
nghiệp, cải tiến mọi biện pháp – kể vấn đề vay ngân hàng (tài trợ) cho thực
hiện việc học tập suốt đời của người lao động; chú ý phát huy nguồn lao động
nữ;
-
cải tiến hệ thống an sinh hỗ trợ việc xử lý những hệ quả xã hội
trong quá trình chuyển sang kinh tế tri thức, chú ý kiểm soát tình hình phân
hoá giàu nghèo theo kỹ thuật số...
-
v... v...
Có thể nói tổng thống Kim Đại Trọng đang theo đuổi một chiến lược
có nhiều tham vọng lớn.
Malayxia: Quốc gia này có chiến lược “Tầm nhìn 2020”,
với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp phát triển, trong đó công nghệ
thông tin và truyền thông (ICT) được coi là một phương tiện thực hiện quan
trọng. Malaysia chủ trương phải tiến hành một nền kinh tế sản xuất được ITC
thúc đẩy, và coi đó là con đường đi vào kinh tế tri thức.
Năm 1994 chính phủ đã thành lập Hội đồng công
nghệ thông tin Quốc gia (NITC) do chính thủ tướng Mahathir làm chủ tịch, bắt
tay vào xây dựng “siêu xa lộ thông tin” (Multimedia Super Corridor – MSC) khá
hiện đại, nhằm mục đích thực hiện
“Chương trình công nghệ thông tin Quốc gia” (NITA), lấy thông tin đẩy mạnh phát
triển. Đối với xã hội đạo hồi, MSC mở ra cơ hội lớn cho mọi người dân tiếp cận
thông tin, số người sử dụng internet tăng nhanh. Tuy nhiên MSC còn quá mới mẻ,
chưa thể sớm phát huy hiệu quả, đồng thời cũng vào thời điểm này xảy ra mâu
thuẫn giữa Mahathir và người phó của mình, Alwa Abrahim. Hai sự kiện này – mở
rộng tiếp cận thông tin của thế giới và vấn đề Abrahim – tác động sâu sắc vào
xã hội Malaysia.
Malaysia sớm nhìn thấy vai trò của ICT đối với
phát triển, có tiềm năng kinh tế lớn phát triển kết cấu hạ tầng cho ICT, song
còn đang tìm cho mình con đường phát triển theo mục tiêu đề ra, nhất là mục
tiêu “tầm nhìn 2020”. Nếu so với Hàn Quốc và Đài Loan, có thể nói Malaysia mới
chỉ chú trọng đến ICT, chưa thể nói đã bắt đầu chú trọng đến kinh tế tri thức.
Inđônêxia: Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của vấn
đề, song đất nước đông dân và có hàng nghìn hòn đảo này còn thiếu nhiều điều
kiện cần thiết cho việc xúc tiến kinh tế tri thức: chưa tạo ra được nguồn nhân
lực thích hợp, chưa ra khỏi khủng hoảng, nền kinh tế có nợ công và nợ của các
doanh nghiệp quá lớn nên không còn tiềm lực cho phát triển công nghệ mới, đất
nước chưa có ổn định, khu vực kinh tế tư nhân đang phá sản và thiếu sự công
khai minh bạch.
Thái Lan: Tuy có tình hình kinh
tế khả quan hơn, mạng viễn thông phổ cập hơn so với Inđônexia, có một số cơ sở
công nghệ thông tin, song hầu như chưa
có tiến bộ gì đáng kể về chuẩn bị nguồn nhân lực và các thiết chế kinh tế – xã
hội để đi vào kinh tế tri thức.
Trên đây là bức tranh khái quát về kinh tế tri
thức ở các quốc gia xa gần. Nhận xét chung từ bức tranh khái quát này là:
Những nền kinh tế năng động đều lấy đảy mạnh
kinh tế tri thức làm động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững, thích
nghi với những bước phát triển mới của thế giới toàn cầu hoá. Tuy mỗi quốc gia
có con đường riêng, chiến lược riêng, xuất phát từ những nấc thang phát triển
khác nhau, không nước nào giống nước nào, song nỗ lực của mọi quốc gia - , nói
chuẩn xác hơn nữa: nỗ lực của những lực lượng tiên tiến hay bộ phận tinh hoa
của mọi quốc gia đều mang một nét chung, nhằm vào:
-
phát huy nguồn nhân lực,
-
cải tiến và phát triển mới thể chế mà kinh tế tri thức đòi hỏi,
-
xây dựng những giá trị mới làm nền tảng văn hoá của xã hội trong
kinh tế tri thức.
Đó cũng là ba tiền đề bắt buộc để theo đuổi
thành công mục tiêu đi vào hay phát triển kinh tế tri thức.
Về mặt kinh tế học và triết học, bức tranh chung
khái quát này hình như làm rõ thêm ở nấc thang mới một quan điểm cực kỳ quan
trọng của Marx[102]: Kinh tế tri thức mang trong nó
một bước phát triển mới của tính xã hội hoá ngày càng cao, được sản sinh ra từ
bản thân sự phát triển ở một nấc thang cao hơn của lực lượng sản xuất trong thế
giới ngày nay.
III. Việt Nam và kinh tế
tri thức
1. Việt
Nam nên làm gì?
Đấy
là câu hỏi nước ta phải tự đặt ra cho mình khi đối mặt với sự vận động của kinh
tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá.
Câu hỏi vẻn vẹn 5 chữ
này buộc chúng ta phải xem xét lại mọi vấn đề có
liên quan đến sự nghiệp của nhân dân ta là xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo định
hướng xã hội chủ nghĩa. Nhìn rộng ra cả thế giới, hầu như không một quốc gia
nào ngày nay thoát khỏi yêu cầu phải tự xem xét mình như vậy khi đặt chân bước
vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới.
Chưa
nói gì vội đến kinh tế tri thức, chỉ còn 5 năm nữa là đến năm 2006, các hàng
nhập khẩu vào nước ta sẽ chỉ có thuế suất từ 0 – 5%, đồng thời nước ta phải
thực hiện nhiều cam kết khác trong lộ trình mở cửa nền kinh tế để tham gia AFTA
. Sau đó sẽ chỉ còn 15 năm là tới năm 2020, cũng là năm phải hoàn thành nhiệm
vụ CNH,HĐH, nước ta phải tiến hành xong toàn bộ các bước đi trong lộ các trình
tiếp theo của APEC, WTO.., nhằm mở cửa hoàn toàn cho nền kinh tế đất nước tham
gia đầy đủ vào một sân chơi chung duy nhất cho mọi quốc gia trong kinh tế thế
giới toàn cầu hoá.
Nếu
hiểu rằng trong hai ba thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, với tốc độ tăng
trưởng và phát triển theo cấp số mũ, kinh tế tri thức đã tạo ra những bước phát
triển khó hình dung được và tăng thêm cường độ cạnh tranh chưa từng có trên thế
giới.., nếu quan sát những biến động khôn lường như cơn bão tài chính tiền tệ
tháng 7-1997, tình trạng tuổi thọ trung bình của một sản phẩm công nghiệp chỉ
còn một vài năm, phương thức làm ăn trên thế giới ngày càng dứt khoát vứt bỏ
cách nghĩ và làm truyền thống.., chúng ta sẽ mường tượng được những điều gì sẽ
chờ đợi nền kinh tế nước ta trong hai ba thập kỷ tới của thế kỷ này!
Thời
gian 5 năm và 15 năm như vậy không phải là dài, nhưng dồn nén biết bao nhiêu
thách thức và cơ hội, hoặc là có thể xô đảy nền kinh tế nước ta vào một hay
nhiều cuộc khủng hoảng mới nếu con thuyền kinh tế nước ta không vượt được lên
trên mọi sóng gió trong đại dương nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá, hoặc là
nền kinh tế nước ta có thể bứt khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu hiện nay để đi
vào một thời kỳ phát triển mới.
Thời
gian 5 năm và 15 năm sắp tới như vậy không phải là dài, nếu như chúng ta đo đếm
lại những
vấn đề sắp tới phải giải quyết bằng được sau khi đã đi được chặng
đường 15 năm vừa qua:
-
15 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, tỷ trọng lao
động trong nông nghiệp từ 74% nay giảm xuống còn 70%; Làm thế nào vào năm 2020
tỷ trọng này chỉ vào khoảng 25 – 30% lao động cả nước?[103]
-
15 năm qua, GDP theo đầu người (GDP p.c.) từ 200 USD nay đạt
khoảng 400 USD; tiếp tục đi theo tốc độc này vào năm 2020 GDP p.c. của ta vẫn
thấp hơn khá xa so với Thái Lan hiện nay; chấp nhận hay không chấp nhận triển
vọng này?[104]
-
15 năm qua chúng ta vẫn chưa tìm ra được lời giải cho đòi hỏi hỏi
sống còn: Công nghiệp hoá và phát triển nông thôn như thế nào để có thể hoàn
thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào năm 2020?[105],
thậm chí nhiều vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng vẫn còn đang lúng túng trong
lựa chọn cây trồng vật nuôi; kỹ thuật canh tác còn thô sơ nên chưa thể có năng
suất lao động cao, thế nhưng đã có nhiều vấn đề nan giải cho tiêu thụ đầu ra...
-
quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá 15 năm qua không giảm được
áp lực về việc làm, 15 năm tới áp lực về việc làm do cơ cấu dân số nước ta và
do tốc độ chậm của quá trình công nghiệp hoá và phát triển nông thôn sẽ còn gia
tăng; hơn thế nữa, con đường công nghiệp hoá nước ta đang đi không thu hẹp được
mà có nguy cơ mở rộng hơn nữa khoảng cách tụt hậu so với
thế giới bên ngoài;
-
sau 15 năm đổi mới và đẩy mạnh CNH,HĐH, hàng hoá thô và hàng hoá
có hàm lượng chế biến thấp còn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu,
một khối lượng kim ngạch xuất và nhập khẩu khá lớn còn phải thực hiện qua trung
gian, khả năng cạnh tranh của hàng hoá nước ta nhìn chung thấp và còn phải tiếp
tục ở mức độ khá cao nhiều hình thức bảo hộ trực tiếp hoặc biến tướng dưới các
hình thức khác nhau[106]
(thuế, phi quan thuế, bao cấp, xoá nợ cho doanh nghiệp thua lỗ, cơ chế xin –
cho, độc quyền...); sản xuất thay thế nhập khẩu có xu thế lấn lướt sản
xuất hướng về xuất khẩu, song nhiều sản phẩm không cạnh tranh được ngay trên
thị trường nội địa, hàng
ế và tồn kho đến mức độ
đáng lo ngại, mặc dầu nền kinh tế nước ta mới ở quy mô GDP p.c. khoảng gần 400
USD[107];
-
sau thời kỳ tăng trưởng và phát triển năng động 1989 –1995, tốc độ
tăng trưởng suy giảm chưa có cách gì phục hồi lại được; tuy vậy phát triển
không theo kịp tăng trưởng, nên chưa tạo ra được quá trình tăng trưởng và phát
triển bền vững; hiệu quả kinh tế cả nước nhìn chung thấp, còn nhiều lãng phí và
thất thoát lớn; hệ thống tài chính tiền tệ và hệ thống pháp lý – hai công cụ
quan trọng nhất của điều hành kinh tế vỹ mô - còn nhiều yếu kém;
-
công cuộc đổi mới tiến hành được 15 năm, nhưng cải cách hành chính
hầu như giẫm chân tại chỗ, ngày càng nhiều ách tắc mới; sự chậm trễ của nhiệm
vụ cải cách hành chính trực tiếp kìm hãm công cuộc phát triển kinh tế; nguy
hiểm hơn nữa là chưa có phương sách khả thi đảy mạnh cải cách hành chính; đặc
biệt cần nhấn mạnh: cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công
cuộc đổi mới ngày càng đi vào chiều sâu và phải xử lý nhiều vấn đề khó khăn nan
giải hơn;
-
những bước phát triển kinh tế – xã hội đạt được trong 15 năm đổi
mới tuy rất khích lệ, thay đổi hẳn bộ mặt đất nước, song đã xuất hiện nhiều vấn
đề kinh tế – xã hội nan giải; môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế và môi
trường xã hội đứng trước nhiều vấn đề bức xúc; tình trạng mất dân chủ và tệ nạn
quan liêu tham nhũng đang tăng thêm nhiều thách thức mới, xói mòn nhiều thành
tựu và giá trị đạt được, trực tiếp kìm hãm sự phát triển của đất nước và đang
cướp đi nhiều cơ hội mới - kể cả khả năng hấp dẫn đầu tư trực tiếp của nước
ngoài và mở rộng thị trường cho sản phẩm của nước ta ra thế giới;
-
còn nhiều lúng túng trong chiến lược hệ trọng nhất: chiến lược
phát triển con người - yếu tố quyết định nhất cho thành đạt mục tiêu chiến
lược: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh;
-
mặc dù chưa bao giờ nước ta có vị thế quốc tế thuận lợi như ngày
nay, song áp lực nhiều dạng và từ nhiều phía lúc nào cũng lăm le đảy nước ta rơi
vào tình trạng dậu đổ bìm leo, thách thức vận mệnh đất nước! Không thể một
giây một phút dời mắt khỏi nguy cơ này!
-
vân vân...[108]
Đối
mặt với sự xuất hiện và xu thế phát triển của kinh tế tri thức trên thế giới,
những điều vừa trình bày bên trên có lẽ đủ giúp chúng ta xác định được đất nước
ta đang đứng ở cung bậc nào trong cuộc đua tranh với cả thế giới toàn cầu hoá.
Cũng những điều vừa nói trên làm gay gắt thêm câu hỏi “Việt
Nam nên làm gì?” Cả nước cần nhìn thẳng vào sự thật này.
Dù
còn ở mức nghèo nàn lạc hậu đến mấy, nước ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất
là phải tự tìm ra con đường riêng cho mình tiếp cận và sớm đi vào kinh tế tri
thức.
Sự
khẳng định này xuất phát từ một lẽ đơn giản: Để phát triển, nước ta phải đi với
cả thế giới; nghĩa là không thể đứng ngoài, mà phải tìm cách hội nhập với những
bước đi năng động vào xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Kinh tế tri thức
đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng hơn trong kinh tế thế giới, không lẽ gì
chấp nhận hội nhập vào kinh tế thế giới mà lại làm ngơ với kinh tế tri thức.
Thậm chí còn phải nói, làm ngơ hay thụ động trước sự phát triển của kinh tế tri
thức, nước ta sớm muộn sẽ bị gạt bỏ về phía sau một cách tàn nhẫn.
Còn
một lý do hệ trọng khác, nằm ngay trong lý tưởng xây dựng đất nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa: để
phát
triển con người, phục vụ lợi ích của con người, cần hướng tới kinh tế tri thức.
Đối
với một nước nghèo và trình độ phát triển còn thấp như nước ta, đi vào kinh tế
dựa vào tri thức trước hết với nội dung là phát triển một nền kinh tế tạo ra
khả năng đem lại sự học hành suốt đời cho người lao động, làm cho tri thức và
kỹ năng cao trở thành yếu tố hay phương tiện kinh tế ngày một quan trọng hơn, dần
dần trở thành nguồn của cải và phương tiện chủ chốt nhất của người lao
động – làm được như vậy nước ta sẽ từng bước tự tạo ra cho mình nguồn lực sáng
tạo năng động nhất, không bao giờ suy cạn. Nguồn lực con người như vậy là yếu
tố quyết định nhất để tạo ra kinh tế tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững.
Đất nước có yếu tố quyết định này, sẽ sớm tiến lên hiện đại. Muốn biến cả thế
giới là đối tác hay đối tượng lao động của mình, đất nước càng phải hướng về sự
phát triển này.
Chỉ
có lấy thị trường cả thế giới làm đối tượng, làm không gian hoạt động kinh tế
của mình, tạo ra cho từng người lao động những khả năng, phẩm chất và kỹ năng
ngày càng cao, để cả nước thực hiện được điều ấy, mới hy vọng thu hẹp khoảng
cách phát triển giữa ta và thế giới bên ngoài. Không nên coi cái nghèo và lạc
hậu hiện tại còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước là lý do làm chúng ta nản
lòng. Ngược lại, phải coi đó là sự thôi thúc cả nước nỗ lực hơn nữa, quyết đem hết ý chí và nghi
lực sáng tạo mở đường đi vào nền kinh tế tăng trưởng và phát triển được dẫn dắt
bởi tri thức.
Còn
mục đích nào cao đẹp hơn của định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là làm cho
mọi người lao động từng bước tiến tới có khả năng làm chủ kinh tế tri thức? Nếu
đặt vấn đề như vậy, nền kinh tế tri thức nước ta sau này xây dựng được chắc
chắn sẽ không thể là một bản sao lại của bất kỳ nước nào đó! Được như vậy, vấn
đề “ai thắng ai?” ngày càng nghiêng về lý tưởng và khát vọng của dân tộc ta.
Dứt khoát không nên hiểu kinh tế tri thức chỉ là của giới trí thức, lại càng
không thể coi kinh tế tri thức chỉ là sở hữu riêng của chủ nghiã tư bản...
Một
khi người lao động có tri thức, nghĩa là chiếm hữu được nguồn tư bản với tính
chất là yếu tố kinh tế quyết định nhất, họ sẽ có khả năng tốt nhất giác ngộ và
thực hiện được lợi ích của mình, làm chủ tốt nhất chính cuộc đời mình và sẽ
biết cách cống hiến xứng đáng cho đất nước. Đó là một nền kinh tế, một xã hội
lấy con người làm trung tâm. Một dân tộc, một quốc gia có những công dân như
vậy, dân tộc ấy, quốc gia ấy sẽ có dân chủ, sẽ giàu mạnh, và sẽ có vị trí xứng
đáng của mình trong cộng đồng thế giới.
2. Bắt đầu từ đâu?
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản
Việt Nam lần thứ 6 khoá VI năm 1986 đi
tới quyết định chiến lược: tiến hành công cuộc đổi mới, bắt đầu
từ đổi
mới tư duy, với nội dung cơ bản là xoá bao cấp, cởi trói, phát triển
nền kinh tế mở. Từ nấc thang này, ngày nay đổi mới tư duy cần vươn lên hướng
vào yêu cầu: làm cho thị trường cả thế giới
trở đối tượng lao động và đối tác của mình. Đổi mới với nội dung như
vậy, là chìa khoá và đồng thời là nguồn lực giải phóng mọi nguồn lực. Đổi mới
với nội dung như vậy, thực chất là một cuộc cách mạng phát triển.
Đây không phải là một ý tưởng ngông cuồng hay
mang tính chủ nghĩa bành trướng, mà là một đòi hỏi không thể thoái thoác cho sự
tồn tại và phát triển của đất nước ta. Thật ra ý tưởng này không có gì mới, các
nước phát triển đã thực hiện nó từ hàng thế kỷ, các NICs từ nhiều thập kỷ tìm
cách vận dụng nó. Bây giờ đến lượt nước ta phải thực hiện ý tưởng này.
So với các nước, khác chăng là nước ta phải thực
hiện ý tưởng này khẩn trương hơn - vì đã chậm mất 200 năm, vì áp lực ngày càng
quyết liệt của cạnh tranh trong kinh tế thế giới toàn cầu hoá, và còn vì đất
nước hội đủ những điều kiện để khẩn trương thực hiện ý tưởng này.
Chúng ta chưa có điều kiện làm ngay như Đài
Loan: “lấy vốn con người và vốn tổ chức làm yếu tố quyết định, tất cả cho
thực hiện một nền kinh tế sử dụng hậu cần toàn cầu, nhằm cung cấp cho thị
trường toàn cầu”. Nhưng ngay từ bây giờ, nếu chúng ta không tìm được
thị trường tiêu thụ đầu ra cho nền kinh tế của mình, không vận dụng được mọi
nguồn lực nội tại và bên ngoài, không ngày một mở rộng được thị trường cho nền
kinh tế nước ta ra cả thế giới, ý tưởng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH,HĐH)
cho một nước với khoảng trên dưới 110 triệu dân vào năm 2020 sẽ chỉ là viễn
tưởng!
Thật vậy, tìm cách đi với cả thế giới để thực
hiện sự nghiệp phát triển nền kinh tế CNH,HĐH của nước mình, có nghĩa là mọi
công việc đối nội và đối ngoại, từ xây dựng hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội
của đất nước, phát triển văn hoá giáo dục, mở mang quan hệ kinh tế quốc tế, xây
dựng chiến lược CNH,HĐH và phương thức thực hiện, phương thức quản lý kinh tế,
xã hội, tiến hành đường lối đối ngoại,.. tất cả phải xoay quanh yêu cầu biến
thị trường cả thế giới thành đối tượng lao động và đối tác của mình. Nghĩa là
bất kể việc gì cũng không thể tiến hành theo cách một mình một chợ, ta về ta tắm ao
ta... Mà như thế ta cũng phải coi thị trường cả thế giới là thượng
đế!
Làm như vậy không phải là hy sinh vô điều kiện
chủ quyền quốc gia và chấp nhận bất kỳ giá nào sự lệ thuộc vào bên ngoài. Thật
ra phải nhấn mạnh: Chỉ có một dân tộc, một quốc gia có bản lĩnh, trình độ văn hoá - xã
hội tiên tiến, có thể chế kinh tế - chính trị vững mạnh và kỹ năng cao, tất cả
những ưu việt này thể hiện tập trung trong nền kinh tế thường xuyên theo kịp xu
thế phát triển của thế giới và có sức cạnh tranh lớn... mới có khả năng coi thị trường cả thế giới là
thượng đế của mình, là đối tượng lao động của mình.
Đấy là cái đích rất cao, còn xa vời, nhưng ngay
từ bây giờ cả nước ta phải lao động cần cù, thông minh và dũng cảm để đi tới.
Thất bại keo này thì bày keo khác, thế hệ này tiếp nối không sờn lòng thế hệ
khác, từng bước gian khổ tự khai phá con đường cho đất nước giành thắng lợi.
Không có một bản đồ có sẵn chỉ đường đi tới cái đích ấy. Trên con đường trường chinh này,
có thêm một cơ hội mới đối với nước ta so với trước khi có đổi mới cách đây 15
năm là: Tìm mọi cách mở con đường ấy đi qua nền kinh tế tri thức. Chủ
nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trí tuệ và nghị lực sáng tạo Việt Nam, đạo
đức và văn hoá Việt Nam, tất cả những phẩm chất này bây giờ phải nhằm vào đưa
đất nước tiến tới cái đích ấy! Làm được như vậy, mới giữ được độc lập tự chủ
trong hội nhập vào kinh tế thế giới để thực hiện hoài bão của nước mình. Báo cáo
của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc của
Đảng lần thứ IX nêu rõ: “Tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế
đòi hỏi toàn Đảng toàn dân ta phải phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến
công, tiếp tục công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đưa đất nước tiến
nhanh và vững chắc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không làm được như vậy sẽ
tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế so với các nước xung quanh, ảnh
hưởng trực tiếp tới niềm tin của nhân dân, sự ổn định chính trị và an ninh quốc
gia...” [109]
-
Đi với cả thế giới để thực hiện hoài bão của mình không thể đi sâu
vào công nghiệp hoá theo cách phát triển nền kinh tế nguyên liệu và sản phẩm
trung gian không có khả năng cạnh tranh và gay cấn trong tiêu thụ đầu ra, không
thể để cho sản xuất thay thế nhập khẩu lấn lướt, không thể duy trì tình trạng
hàm lượng chất xám trong sản phẩm quá thấp, bảo hộ cách làm ăn thua lỗ...
-
Đi với cả thế giới, không thể kéo dài mãi tình trạng giá thành cao
hơn nhiều nước trong vùng 20-30% và những yếu kém khác trong kết cấu hạ tầng
vật chất kỹ thuật và trong kết cấu hạ tầng xã hội.
-
Đi với cả thế giới để thực hiện hoài bão của mình, không thể để
cho quan liêu tham nhũng hoành hành đến mức cướp đi lợi thế cạnh tranh của đất
nước và làm nản lòng giới kinh doanh cả trong nước và nước ngoài[110].
-
Muốn hội nhập mà không bị “hoà tan”,[111]
thì không thể tiếp tục duy trì tình hình phát triển nguồn lực quý nhất của quốc
gia là con người như đang diễn ra, không thể để cho những giá trị cao quý bị
mai một, càng không thể không quan tâm xây dựng thêm những giá trị mới không
thể thiếu được cho một nước phấn đấu trở thành nước công nghiệp hoá...
-
Đi với cả thế giới để thực hiện hoài bão của mình không thể kéo
dài mãi tình trạng làm ăn lúng túng trên thị trường thế giới và còn phải dựa
quá nhiều vào trung gian, còn nhiều thị trường và lãnh địa kinh tế hoàn toàn xa
lạ với nước ta...
-
Đi với cả thế giới để thực hiện hoài bão của mình, nhất là kinh
qua con đường tiếp cận và đi vào kinh tế tri thức, không thể lãng phí mọi nguồn
lực kinh tế, nhất là nguồn lực con người và xâm phạm môi trường tự nhiên như
đang xảy ra...
-
...
Rõ ràng phải phải bắt đầu từ đổi mới tư duy với
tinh thần cách mạng nhất phù hợp với thế giới của thế kỷ 21.
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu chiến
lược phát triển chiến lược kinh tế - xã hội 2001 – 2010 như đã ghi
trong phần II và III trong Báo cáo của Ban CHTƯ Đảng khoá VIII tại Đại hội IX,
càng phải tìm cách làm cho thị trường cả thế giới là đối tượng lao động và đối
tác của mình, con đường mở ra những khả năng mới để khả dĩ hoàn thành mục tiêu
chiến lược CNH,HĐH vào năm 2020.
Vậy
nên lựa chọn cách tiếp cận nào?
Là một nước nghèo, còn
lạc hậu trên nhiều phương diện, cách tiếp cận tối ưu nhất của nước ta với kinh
tế tri thức có lẽ là tìm cách tận dụng lợi thế nước đi sau.
Điều đó trước hết có nghĩa :
nỗ lực vận dụng sáng tạo những tiến bộ khoa học và công nghệ cùng
với phương thức vận hành đã có trên thế giới của kinh
tế tri thức với mức độ và những bước đi phù hợp với khả năng phấn đấu của nước
ta, nhằm:
đảy nhanh hơn nữa sự nghiệp CNH,HĐH; giải quyết những vấn đề bức xúc trong nông
nghiệp và phát triển nông thôn; đẩy mạnh công cuộc đổi mới các thể chế kinh tế
– chính trị – xã hội;
(1) vận dụng những kinh
nghiệm quản trị kinh doanh, tổ chức và quản lý kinh tế – xã hội, nhằm tận dụng
tối ưu mọi nguồn lực của đất nước, nâng cao
kỹ năng và năng suất của từng người lao động, nâng cao khả năng sản xuất
kinh doanh của từng doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả toàn bộ nền kinh tế
và năng lực toàn xã hội, tạo ra những bước đi vững chắc trong hội nhập quốc tế
mà yêu cầu phát triển đất nước toàn diện và năng động đòi hỏi;
(2) Nhà nước ban hành những
chủ trương chính sách khuyến khích khai thác những thành tựu đã có trong kinh
tế tri thức của thế giới nhằm đảy nhanh quá trình cải cách bộ máy điều
hành đất nước và các thể chế kinh tế - xã hội, tạo ra những điều
kiện tốt nhất hoàn cảnh nước ta cho phép đạt được để phát triển con người, mở
mang kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật và kết cấu phần mềm, tạo những điều kiện
cho đất nước sớm tiếp cận và tiến dần đến kinh tế tri thức, phát triển kết cấu
hạ tầng văn hoá - xã hội làm nền tảng tinh thần cho phát triển kinh tế – bao
gồm cả việc phát huy những giá trị tốt đẹp đã giành được và xác lập thêm những
giá trị tiên tiến mới;[112]
(3) tận dụng nguồn lực con
người hiện có, tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ đất nước đến nay đã tích
tụ được, mạnh dạn mở đường tìm ra những sản phẩm mới hoặc phát triển những
ngành kinh tế mới có hàm lượng chất xám cao cho nhu cầu trong nước và có thể
tăng thêm thu nhập về xuất khẩu - đặc
biệt là những sản phẩm của công nghệ thông tin và những sản phẩm trong lĩnh vực
dịch vụ đòi hỏi hàm lượng chất xám cao; có sự hỗ trợ và những ưu đãi cần thiết
của nhà nước về huy động các nguồn lực trong nước cũng như về xúc tiến liên kết
liên doanh với bên ngoài – trước hết là các công ty xuyên quốc gia (TNCs)[113] - cho việc thực hiện những công việc này, tìm
ra những phương thức làm ăn lâu dài trên nguyên tắc cùng có lợi với những TNCs
hoặc các đối tác bên ngoài, cùng với họ tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm mới và
đưa tới được mọi thị trường mới trên thế giới – cần xem đây là một trong nhưng
phương thức quan trọng nhất để nhẫn nại từng bước làm cho thị trường cả thế
giới trở thành đối tượng lao động và đối tác của mình;
(4) Kiên trì và nhất quán
thực hiện quan điểm thực hiện tăng trưởng và phát triển kinh tế năng động, bền
vững, thân thiện với môi trường, tất cả tập trung vào mục tiêu ngày càng
taọ ra nhiều giá trị gia tăng, nhờ đó có điều kiện thực hiên ưu tiên cao nhất
là tích tụ mọi nguồn lực cho phát triển con người (với ý nghĩa trọn vẹn nhất
của nhiệm vụ này)[114] – yếu tố số một để đất
nước khai phá được con đường của chính
mình đi vào kinh tế tri thức, sớm thực hiện được dân giàu nước mạnh, xã hội
công bằng dân chủ và văn minh.
3. “Lấy ngắn nuôi dài”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần căn dặn
chúng ta: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tinh thần này suy ra: có con người của kinh tế tri thức, sẽ có kinh
tế tri thức. Tập trung cho yêu cầu tích tụ cao nhất mọi nguồn lực ưu
tiên phát triển con người, đó chính là phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Có con
người, sẽ có tất cả.
Song phương châm lấy ngắn nuôi dài đòi hỏi:
·
phải vô cùng kiên trì và nuôi chí làm ăn lâu dài, bước đi trước
phải mở đường chứ không được chặn đường mọi bước đi tiếp theo;
·
phải làm ăn cực kỳ năng động và thông minh;
·
phải luôn luôn bám sát, theo kịp diễn biến và xu thế phát triển
của thị trường thế giới..
Có thể, và chắc chắn mức độ phát triển hiện nay
của kinh tế tri thức trên thế giới sẽ cung cấp cho ta những lời giải và những
điều kiện để đáp ứng 3 đòi hỏi này. Nguồn lực trí tuệ, nguồn lực vật chất kỹ
thuật, nguồn lực tinh thần trong nước tích tụ được đến nay đã tạo ra cho đất nước ta tiềm năng đáng kể
cho phép thực hiện tốt phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào ý chí chính trị và
nghị lực sáng tạo của toàn Đảng và toàn dân ta. ý chí và nghị lực này phải đạt
tới mức trước hết dám thay đổi chính bản thân mình! Muốn đi vào kinh tế tri
thức, nói rộng hơn nữa, muốn đổi mới canh tân đất nước, đưa đất nước vào một
thời kỳ phát triển mới để trở thành một nước công nghiệp hiện đai, mỗi chúng ta
phải lột xác! Độc lập và thống nhất đất nước đã giành được rồi; bây giờ từ một
nước nông nghiệp lạc hậu nước ta muốn trở thành một nước công nghiệp hiện đại,
lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa nữa, nước ta, dân tộc ta phải tiến hành
một quá trình đổi mới sâu sắc đúng với ý nghĩa lột xác!
Dân tộc ta có có nền văn hiến hàng nghìn
năm, với tất cả những giá trị và truyền
thống cao đẹp cần phải được tiếp tục gìn giữ, nuôi dưỡng. Những năm xây dựng
đất nước trong hoà bình, nhiều gia trị mới được sáng tạo và định hình trong xã
hội mới, chỉ số phát triển con người (HDI) được xếp thứ hạng khả quan trong
hàng ngũ các nước đang phát triển. Về phương diện này có thể nói: Nước ta không
nghèo.
Tuy nhiên chúng ta thiếu rất nhiều giá trị mới,
cách nhìn mới, tri thức và kỹ năng mới và những tiềm năng vật chất, kỹ thuật
mới khác của một nền kinh tế phải đảy nhanh tốc độ hội nhập quốc tế. Chúng ta
còn thiếu nhiều điều kiện khác để mở ra con đường kinh qua kinh tế tri thức đảy
nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại đất nước. Không tự giác nhận thức
được điều này, để cho quán tính của quá khứ – dù là quán tính của những vinh
quang lớn nhất – tiếp tục dẫn dắt, hiển nhiên là khủng hoảng mới hay một thảm
hoạ nào đó sẽ tìm đường ập vào đất nước.
Ví dụ trong nông nghiệp:
Từ một nước mãi cho đến gần hết thập kỷ 1980
hàng năm vẫn phải nhập về khoảng 0,7 – 0,8 triệu tấn gạo để nuôi dân, bây giờ
nước ta đứng thứ hai thế giới về xuất gạo. Có thể nói chưa bao giờ đời sống
kinh tế và văn hoá của nông dân được cải thiện và nâng cao như trong 15 năm đổi
mới vừa qua, cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng phát triển một bước
đáng kể. Có thể nói: Bộ mặt nông thôn Việt Nam có nhiều thay đổi, số địa phương
phát triển trù phú và văn minh ngày một nhiều. Năm 2000 Việt Nam được thế giới
đánh giá là một trong hai nước thành công nhất trong xoá đói giảm nghèo.
Song vấn đề được mang ra bàn ở đây là từ nền
nông nghiệp hiện nay nông thôn nước ta đi lên nền nông nghiệp hiện đại và phát
triển nông thôn theo hướng CNH,HĐH như thế nào?
Hiển nhiên, ngồi lại trên đỉnh cao này, cứ tiếp
tục xuất gạo như hiện nay, nông dân sẽ không giàu lên, mà ngày một nghèo đi, vì
đầu vào cho sản xuất ngày càng cao, trong khi đó tiêu thụ đầu ra gặp nhiều khó
khăn. Ngay trước mắt, Nhà nước sẽ không thể năm này qua năm khác thường xuyên
tìm các nguồn từ ngân sách để mua thóc đưa vào kho, nhằm bớt khổ cho nông dân.
Tiếp tục tình trạng này, quá trình phát triển nông thôn sẽ bế tắc, quá trình
CNH,HĐH sẽ đình đốn... Rồi càphê, hạt điều, hồ tiêu, cây ăn trái, mía đường...
đều có những chuyện tương tự như cây lúa.
Câu chuyện thời sự hiện tại: gần như sau một đêm,
cả nước bây giờ có hàng nghìn hécta nuôi tôm, phần lớn là các ruộng ven biển
trước đây trồng lúa hoặc vùng đồng ruộng nhiễm mặn. Diện tích nuôi tôm đang
tăng lên với tốc độ chóng mặt, hứa hẹn nguồn thu hàng tỷ USD do xuất khẩu tôm.
Từ lúa xoay ra tôm là một quyết tâm và nỗ lực phi thường của nông dân tìm đường
sống đi lên. Nhiều vùng ven biển đã đổi đời nhờ nuôi tôm. Song niềm vui về con
tôm sẽ lâu dài và sẽ còn được nhân lên nữa, mở rộng ra các vùng khác như dự
kiến? Hay là người nông dân chẳng bao lâu sẽ phải đối mặt với một tai hoạ lớn
hơn?
Đã xuất hiện đôi ba nơi
nuôi tôm mất trắng, do giống, kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên
tai... Phát triển nuôi tôm ào ạt như hiện nay đang có nguy cơ trở thành một
cuộc phiêu lưu lớn - do chưa làm chủ được nhiều vấn đề kinh tế và kỹ thuật quan
trọng như quy hoạch các vùng nuôi tôm, giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, môi
trường, công nghệ bảo quản và chế biến, vệ sinh thực phẩm, khả năng và giới hạn
không nên vượt qua, khả năng cạnh tranh... Chưa thể nói tất cả những vấn đề này
đã được nghiên cứu thấu đáo. Tại Thái Lan và một vài nước khác đã có những vùng
nuôi tôm bị ô nhiễm nặng và trở thành
tai họa...
Có cách nào cảnh báo cho nông dân điều này?
Làm sao có thể giúp nông dân ngay từ đầu phòng ngừa có hiệu quả cao nhất nguy
cơ có thể xảy ra tai hoạ này? Người nông dân nuôi tôm phải có tri thức, kỹ năng
và năng lực quản trị kinh doanh gì để đi vào sản phẩm này? Vốn, kỹ thuật, khả
năng marketing, thị trường mới trên cả thế giới... được tạo ra từ đâu để người
nông dân nuôi tôm có thể đi vào sản phẩm này một cách có bài bản, lâu dài, bền
vững và làm cho sản phẩm này trở thành một thế mạnh mới của nông nghiệp Việt
Nam? Thậm chí có khi phải mời cả giới đầu
tư, giới kinh doanh và giới khoa học nước ngoài cùng tham gia ở những khâu nào
đó, mới có thể tìm được câu trả lời có tính khả thi cao. Sự phân công lao động
tối ưu nhất cần tạo ra là nên phát triển hệ thống dịch vụ như thế nào, bao gồm
cả dịch vụ ngân hàng, khoa học kỹ thuật và thương mại, để người nông dân phát
huy ưu thế lớn nhất của mình là dồn hết công sức cho công việc nuôi
tôm... vân... vân...
Đấy là những vấn đề mà
người nông dân nuôi tôm, Nhà nước và cả nước – từ giới sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế, đến giới
khoa học, giới quản lý, các cơ quan làm chính sách, hệ thống ngân hàng
và dịch vụ... – phải cùng nhau tìm ra cách xử lý.
Từ ruộng lúa, ruộng
nhiễm mặn trở thành ruộng nuôi tôm hiển nhiên cần rất nhiều thứ, trước hết là
cần đến cả một kho tri thức và cách tư duy kinh tế mới. Kho tri thức ấy khá phong
phú trong kinh tế thế giới, chúng ta có thể học được và sáng tạo thêm bằng
nhiều cách. Khai thác tốt được kho
tri thức này, có thể huy động được vốn và những nguồn lực khác, hiểu được những
khó khăn phải đương đầu, thấy trước được những giới hạn không nên vượt qua...
Còn có thể đúc kết những kinh nghiệm không ít đau đớn mà chúng ta đã tích lũy
được từ các cây lúa, càphê, hạt điều, cao su, mía đường, cây ăn trái... trong
nhiều năm qua để tính toán con tôm một cách kỹ lưỡng hơn.
Để người nông dân một
mình tự xoay xở lấy, mạnh ai nấy làm, lợi ích thu được chỉ là tạm thời, thất
bại lâu dài và triệt để cầm chắc trong tay.
Không thể cứ đơn giản đào ruộng be bờ, đưa
nước lợ vào, là rụông lúa ruộng nhiễm mặn cứ thế sẽ đầy ắp các con tôm đẻ ra
đô-la! Trong nông nghiệp không nên kinh doanh theo kiểu được ăn cả ngã về không,
nhất là lưng vốn của nông dân ta nhìn chung còn mỏng.
Nhân đây cũng xin lưu ý:
Nông nghiệp (bao gồm cả thuỷ sản) là ngành kinh tế nhạy cảm nhất, khó nhất,
vì tự nhiên thông minh hơn chúng ta rất nhiều; khó cạnh tranh nhất
– vì các nước chung quanh ta và các nước phát triển đều có diện tích canh
tác/lao động nông nghiệp rộng hơn so với nước ta, có công nghệ, điều kiện vật
chất kỹ thuật cao hơn, nên họ có năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tốt
hơn, buôn bán giỏi hơn... Song đặc biệt quan trong là còn vì các “hộp xanh”,
“hộp đỏ”[115]
của những nước giàu và các tiêu chuẩn rất khó theo trong WTO...
Về phát triển ngành nghề
mới ở nông thôn:
Cả nước ta hiện nay có
hơn 1000 làng nghề, có một số làng nghề thành công tiêu biểu, góp phần đáng kể
vào thu nhập quốc dân và tích cực tham gia xuất khẩu. Riêng kim ngạch xuất khẩu
mặt hàng thủ công mỹ nghệ – chủ yếu từ các làng nghề này – hiện nay ước khoảng
230-240 triệu USD/năm, nghĩa là gấp 3 lần kim ngạch xuất khẩu của ngành than[116]
và chiếm khoảng 1.7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có những mặt hàng
thủ công mỹ nghệ cứ xuất khẩu được 1 triệu USD/năm thì tạo ra được 2000-3000
việc làm/năm cho lao động ở nông thôn và những lao động nông nhàn, góp phần
quan trọng vào xoá đói giảm nghèo ở những địa phương này. Song những thách thức
những làng nghề này phải đối mặt hàng ngày không nhỏ – từ nguồn nguyên liệu,
năng lượng, vốn, kỹ thuật cho đầu vào, đến việc tiêu thụ đầu ra...
Con đường xí nghiệp hương trấn của Trung Quốc
thành công rực rỡ ban đầu nhưng sau đó lại rơi vào những thất bại nhiều khi
không cứu chữa được - đấy là một trong biết bao nhiêu ví dụ trên thế giới để
chúng ta ngẫm nghĩ. Bản thân các làng nghề của chúng ta kinh nghiệm vui và buồn
cũng phong phú không kém. Các Bộ, các viện, trường, các cơ quan quản lý hành
chính và chuyên môn các cấp với trách nhiệm là Nhà nước của
dân, do dân và vì dân, trước hết là các chi bộ đảng tại chỗ, có thể làm
được gì hơn hỗ trợ những làng nghề này?
Không thể để mặc cho các làng nghề tự lo liệu số phận mình; nhưng can
thiệp hành chính thì dứt khoát không nên.
Để cho nông dân tự lo,
hoặc sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn và chính quyền không đạt kết quả mong
nuốn, luật pháp kỷ cương chung không
được giữ vững, phát triển tuỳ tiện không theo một quy hoạch nào cả... nông
thôn nước ta luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị huỷ hoại và môi trường tự
nhiên bị ô nhiễm khó bề cứu chữa được[117].
Xin hãy đến xem hàng
trăm lò gạch ở huyện Điện Bàn / Quảng Nam, có không ít lò gạch nằm ngay trong
làng và chỉ cách trường học hoặc nhà dân khoảng vài bước chân. Không phải chỉ
có những luỹ tre, những hàng cau, vườn tược bị phá trụi.., day dứt hơn nữa là
dân tình kêu khổ 4 – 5 năm nay nhưng nạn ô nhiễm vẫn có chiều hướng ngày một
gay gắt hơn. Đi liền với những ô nhiễm môi trường tự nhiên do các lò gạch gây
ra là những ô nhiễm xã hội nảy sinh từ sự phát triển hỗn độn này. Nguy cơ này
đang tiến vào gần thành phố cổ Hội An... Xin hãy đến xem các làng nghề làm
những sản phẩm đúc đồng, đúc chì, nấu rượu, làm bún, mổ lợn, thuộc da, làm
giấy... nằm ở ngoại vi Hà Nội và chung quanh các đô thị
khắp cả nước... Nhiều nơi thậm chí nước giếng ăn cũng nhiễm bẩn, các chất độc
hại trong không khí cao hơn hàng chục hoặc hàng trăm lần mức cho phép... Nạn
khai thác trái phép vàng, đá quý và nhiều thứ khác đang huỷ diệt nhiều vùng và
gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho các vùng lân cận, nạn ruồi do chăn nuôi
đang hoành hành ở Củ Chi và một vài nơi khác...
Câu chuyện không dừng
lại ở đây, đói nghèo và sự phân hóa giàu nghèo thường xuyên lăm le tìm cách
vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước, những hệ quả văn hoá-xã hội trở nên
nhức nhối hơn, nền tảng gia đình bị uy hiếp, mặt trái của cơ chế thị trường có
môi trường để hoành hành, dân chủ và công bằng khó thực hiện... Xin lưu ý đói
nghèo và phân hoá xã hội là hai vấn đề thường trực và nan giải ở tất cả
các nước đang phát triển. Hai vấn đề này càng trở nên phức gay gắt hơn tại các
nước muốn đảy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tiến hành công nghiệp hoá.
Đảng và Nhà nước ta quan tâm xử lý hai vấn đề này, cả nước đã giành được những
thành tựu quan trọng, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh[118].
Tuy nhiên, kinh nghiệm của cả thế giới và của riêng nước ta cho thấy: Đây là
một cuộc chiến đấu trường kỳ, thắng lợi và thất bại giành giật nhau từng bước
trong suốt quá trình tiến hành công nghiệp hoá.
Đói nghèo, phân hoá xã
hội, phát triển thiếu định hướng và quy hoạch tốt, môi trường xuống cấp nhanh
chóng, nạn tham nhũng... - đấy chính là những yếu tố luôn luôn tạo ra nguy cơ: bước
phát triển trước gây ra nhiều trở ngại hoặc có thể chắn đường bước phát triển
sau, và chung cuộc là làm chậm toàn bộ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá,
tệ hại hơn nữa là có thể làm mất cơ hội mới của đất nước...
Một khuôn mặt kinh tế-xã hội như vậy
đang lấp ló tại bất kỳ nơi nào đang diễn ra quá trình đô thị hoá, những nơi
xuất hiện những ngành nghề mới, những nơi người lao động bỏ nông thôn dồn vào
các đô thị để kiếm sống... Khuôn mặt ấy không phải là sự tưởng
tượng. Xin hãy làm thử một số cuộc điều tra mẫu tại những vùng nông thôn như
vậy, những vùng nông thôn có quá trình đô thị hoá, tệ nạn cờ bạc, hút sách, mại
dâm, những nơi đào vàng, những khu dân cư có tỷ lệ tạm trú cao, các “xóm liều”.
Báo chí có một số bài nói về “chợ vợ” tại thành phố Hồ Chí Minh cho thị trường
Đài Loan, thực chất là việc buôn bán phụ nữ, nạn nhân phần lớn từ nông thôn.
Chợ lao động nhan nhản tại nhiều thành phố lớn... Xin hãy làm những so sánh qua
thống kê về các vấn đề vừa nêu trên, đi sâu phân tích tình hình phân hoá giàu
nghèo, sự phát triển của tệ nạn xã hội, tỷ lệ ly dị, tỷ lệ số trẻ em lang thang
cơ nhỡ...
Khuôn mặt đang lấp ló ấy chỉ rình mò
sự sao lãng của chúng ta để chộp thời cơ chiếm lĩnh trận địa, để xuất hiện
nguyên hình là kẻ huỷ hoại! Song cũng sẽ là sai lầm lớn, nếu chúng ta lại vin
vào điều này để trút mọi tỗi lỗi cho cơ chế thị trường và đồng thời xuê xoa
những yếu kém của mình. Sai lầm sẽ lớn hơn nữa, nếu chúng ta lẽ ra phải thông
qua đẩy mạnh đổi mới và phát triển để chống quyết liệt kẻ đang lấp ló này, lại biến
nó thành đồng minh cho chúng ta trong bàn lùi việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới
đất nước và trong bàn lùi việc mở rộng con đường đi vào xu thế phát triển của
kinh tế thế giới.
Phát triển nông
nghiệp và nông thôn theo hướng CNH,HĐH có lẽ là khâu khó nhất trong toàn bộ sự
nghiệp CNH,HĐH đất nước. Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng CNH,HĐH
ở nước ta sớm muộn phải làm sao cho một lao động nông nghiệp có khoảng 4-5
hécta ruộng đất canh tác - đòi hỏi tối thiểu về ruộng đất để
phát triển nền nông nghiệp hiện đại[119]. Đòi hỏi tối thiểu này
đặt ra nhiều thách thức lớn về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường
mà chúng ta chưa thể lường hết. Xấu hơn nữa là có thể tạo ra những kẽ hở dẫn
đến những chuyện như đã xảy ra trên Tây Nguyên trong những tháng đầu năm nay
(2001)... Có thể nói giải quyết không thành công vấn đề phát triển nông thôn là
nguyên
nhân quan trọng số một giải thích vì sao trong cả thế kỷ 20, đặc
biệt là trong nửa sau thế kỷ 20, hơn một trăm nước đang phát triển trên thế
giới, tuy là những quốc gia độc lập hay đã giành được độc lập, vấp phải thất
bại liên tiếp trên con đường công nghiệp hoá đất nước[120].
Điều may mắn là trình độ phát triển kinh tế-xã
hội trên thế giới ngày nay có rất nhiều tri thức có thể chế ngự thành công
những thách thức đó. Có năng lực và phẩm chất làm chủ những tri thức này của
nhân loại trở thành yếu tố quyết định để nước ta có thể đỡ trả giá hơn, thành
công xuôn xẻ hơn. So với nhiều nước đang phát triển khác, ngoài lợi thế nước
đi sau, nước ta có một số lợi thế có thể phát huy để mau chóng làm chủ
những tri thức này.
Tóm lại, ở nước ta lấy ngắn nuôi dài để
phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng CNH,HĐH phải kinh qua con đường
các làng nghề, phát triển những ngành nghề mới và quá trình đô thị hoá – một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều trí tuệ, tri
thức, công nghệ và một hệ thống những chính sách hỗ trợ đúng đắn, đặc biệt là
chính sách đất đai. “Bàn tay vô hình” của Adam Smith dù tài giỏi đến đâu cũng
không thể làm thay chúng ta những công việc này. Sự hỗ trợ trực tiếp, lớn nhất
Nhà nước có thể dành cho nông thôn có lẽ là công tác quy hoạch có chất lượng
và sự quản lý thông thoáng, kèm theo là ưu tiên dồn các nguồn lực có
thể huy động được cho việc phát triển kết cấu hạ tầng – trước
hết là tạo ra những điều kiện vật chất kỹ thuật kết nối các vùng nông thôn với
các trọng điểm kinh tế của đất nước.
Một kinh nghiệm gần như phổ biến của nước ta ở
hầu hết các vùng nông thôn nghèo đã phát triển thành công là: cần phát triển
mạng lưới dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động trong nông
nghiệp, đồng thời nỗ lực giúp nông dân đổi mới cây trồng vật nuôi và tạo ra
nhiều việc làm mới phi nông nghiệp ở nông thôn. Đây là hai yếu tố có ý nghĩa
rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Mạng lưới dịch vụ này
bao gồm tất cả các khâu từ ngân hàng, đến kỹ thuật, thương mại, thông tin, đào
tạo...
Đặc biệt là cần làm mọi việc nâng cao dân trí
làm cơ sở cho sự phát triển - đây là sự tiết kiệm lớn nhất, đồng thời cũng là
đầu tư lâu dài và có hiệu quả nhất cho tương lai, bắt đầu từ đổi mới chất lượng
và phát triển mạnh hơn nữa hệ thống giáo dục và đào tạo..
Con đường phát triển nông nghiệp và nông thôn vô
cùng gian truân. Cả nước đã có rất nhiều cố gắng, song có thể nói tri thức và
trí tuệ của cả nước vẫn còn đang mắc nợ việc tìm ra con đường phát triển tối ưu
theo hướng: hình thành nền nông nghiệp hiện đại và phát triển công nghiệp tại
nông thôn (đô thị hoá nông thôn).
Ví dụ về công nghiệp
Câu
hỏi thứ nhất: Ai không muốn kinh tế nước ta sẽ sớm có những ngành
công nghiệp hiện đại?! Nhưng thế nào là nền công nghiệp hiện đại ở vào nấc
thang kinh tế thế giới toàn cầu hoá của thế kỷ 21? Trả lời câu hỏi này không dễ
và bây giờ câu trả lời phải khác so với cách đây vài ba thập kỷ.
Câu hỏi thứ hai: Bằng cách nào, hay con
đường đi nào tạo ra nền công nghiệp có thể trở thành nước công nghiệp hoá vào
năm 2020?
Câu hỏi thứ hai khó hơn nhiều, và nước ta không
thể một mình tuỳ ý trả lời theo mong muốn hay sở thích
riêng của mình được.
Lẽ đơn giản là: đầu vào và đầu ra cho
công nghiệp của một nước công nghiệp hoá không thể chỉ vẻn vẹn trông chờ vào
thị trường của chính nước đó. Cách đây một hai thế kỷ đã như vậy, bây giờ, bước
sang thế kỷ 21, lại càng như vậy.
Nhưng chính cái lẽ đơn giản này lại là
điều khó xử lý nhất.
Ví dụ: Nước ta mới chỉ có một số cơ sở nhập phôi
về để cán thành thép xây dựng, kỹ thuật vào loại trung bình (nghĩa là lạc hậu vài thế hệ), thế mà đã có năm ế tới
khoảng một triệu tấn thép cán, xuất khẩu không được vì giá thành cao và chất
lượng kém, bảo hộ lại càng khuyến khích thép nhập lậu... Trong khi đó phần lớn đầu
vào của những cơ sở cán thép này là từ nước ngoài! Lấy gì để thanh toán
việc nhập khẩu đầu vào?
Vậy công nghiệp xương sống cho sự nghiệp công nghiệp hoá của cả nước sẽ là gì đây?
Giả thử công nghiệp xương sống ấy là thép?
Nếu luyện kim từ thượng nguồn bằng những công
nghệ hiện đại, Trung Quốc đã tính toán: lò luyện phải có công suất khoảng 4
triệu tấn/năm và công nghệ phải đạt có tỷ lệ thép ra lò ngay sau khi luyện từ
quặng là 70% thì may ra mới cạnh tranh được – bởi vì công suất sản xuất thép
trên thế giới hiện nay thừa 250 triệu tấn/năm, hơn nữa phần lớn các cơ sở luyện
thép đã hoàn thành khấu hao... Phải đầu tư bao nhiêu vốn cho xây dựng một lò
luyện mới có công suất cao và công nghệ hiện đại như vậy? Rồi kết cấu hạ tầng
và năng lực quản lý có kham nổi không? Sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh không,
sẽ lỗ hay lãi?.. Vân vân[121]...
Giả thử công nghiệp xương sống là sản phẩm lọc
dầu?
Riêng trong khu vực Đông A’ và Đông Nam A’ công
nghiệp lọc dầu dư thừa khoảng 20% công suất. Khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất
của ta có đặc điểm từ mỏ dầu đến nơi chế biến khá xa, nên chi phí vận tải lớn.
Ngoài ra Dung quất sẽ phải cạnh tranh gay gắt với những nhà máy lọc dầu khác
trong khu vực Đông Nam á về các mặt công nghệ, phương thức quản trị kinh
doanh... Như vậy sản phẩm của lọc dầu
Dung Quất của ta có cạnh tranh nổi với giá thị trường trong khu vực và trên thế
giới hay không? Sắp đến có thể còn thêm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nữa!.. Trong
khi đó chúng ta cần rất nhiều vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng và những ngành
nghề tạo ra nhiều việc làm cho toàn miền Trung. Đất nước còn nghèo, các nguồn
vốn hiếm hoi đầu tư vào đâu là tạo ra nhiều việc làm nhất, đem lại nhiều giá
trị gia tăng và thu nhập lớn nhất cho toàn bộ nền kinh tế luôn luôn là những
bài toán vỡ đầu.
Cả Dung Quất và Nghi Sơn chưa thể tính đến công
nghiệp hoá dầu, vì vốn đầu tư sẽ lại càng lớn. Hiển nhiên, trong thế giới cạnh
tranh quyết lịêt hiện nay: Đi
vào công nghiệp hoá dầu lúc nào, bằng con đường nào, lộ trình?..
Đấy là những bài toán hoàn toàn khác, trước sau phải đặt lên bàn để tính toán!
Công nghiệp xương sống có thể là cơ khí được
không, đặc biệt là cơ khí nặng – vừa có lợi cho kinh tế, vừa phục vụ quốc
phòng?
Là sản phẩm cơ khí cụ thể nào? Xe hơi? Xe vận
tải? Máy công cụ? Tầu thuỷ? Cần cẩu hay cầu trục? Phụ tùng hay thiết bị cho các
nhà máy ximăng, cho các nhà máy đường?.. Lại có vấn đề giá thành và chất lượng.
Lại có vấn đề để xuất khẩu hay chỉ phục vụ nhu cầu nội địa là chủ yếu? Hầu như
chắc chắn trong vòng một hai thập kỷ tới, nước ta không đủ lợi thế cạnh tranh
đưa những loại sản phẩm này thành những nguồn xuất khẩu chủ yếu của đất nước; còn
thị trường nội địa thì không đủ lớn để có thể phát triển một ngành cơ khí hiện
đại, nhất là cơ khí nặng.
Một nước có quy mô nền kinh tế như nước ta không
thể thiếu ngành cơ khí, nhưng nó chỉ khả thi với mục đích chủ yếu là để đáp ứng
nhu cầu nội địa trong những trường hợp có thể thay thế nhập khẩu một cách có lợi, để
tiết kiệm ngoại tệ và tạo thêm công ăn việc làm mà thôi. Điều kiện bắt buộc là sản phẩm thuộc những
ngành công nghiệp này phải cạnh tranh được ngay trên thị trường nước ta. Một
ngành cơ khí như vậy – ít nhất là từ nay đến năm 2020 - không thể là xương
sống của một nền kinh tế từ nông nghiệp là chủ yếu đang trên đường đi
lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bởi vì nền kinh tế nông nghiệp trên con
đường công nghiệp hoá vào thế kỷ 21 còn đòi hỏi nhiều ngành công nghiệp quan
trọng khác. Sau năm 2020 như thế nào là chuyện còn phải bàn tính tiếp.
Hiện nay nước ta có 14 liên doanh sản xuất ôtô,
tất cả 14 dây chuyền của những liên doanh này đều hoạt động ở mức rất thấp so
với công suất thiết kế, một số liên doanh đã đóng cửa hay thực tế đã đóng cửa;
trong khi đó các cơ sở láp ráp xe máy rởm lại nở rộ... Nền kinh tế cả nước sẽ
không có lấy 1 cent USD thu nhập mới từ những xe máy rởm này, nhưng bệnh chảy
máu những đồng USD khan hiếm của đất nước đang tăng lên, bãi rác công nghiệp
mới có thêm loại rác mới[122]...
Công nghiệp xương sống là nhôm? là than? là các
vật liệu trung gian khác? Chắc chắn là không được! Vào thế kỷ 21 không thể phát
triển theo con đường kinh tế nguyên liệu và sản phẩm trung gian đang ngày càng
mất giá trên thế giới[123]. Vào thế kỷ 21 không
thể phát triển kinh tế theo chiều rộng và huỷ hoại môi trường, nhất là nước đi
sau như nước ta. Vào thế kỷ 21 bắt buộc phải tìm đường sớm đi vào những
sản phẩm công nghiệp trong đó hàm lượng chất xám chiếm tỷ trọng cao...
Vậy còn có thể chọn sản phẩm công nghiệp xương
sống nào khác?
Có lẽ không thể có sản phẩm nào như
thế cả, vì trong nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay tuổi thọ của bất kỳ sản phẩm
công nghiệp nào cũng ngày càng rút ngắn, phương thức tổ chức và cơ cấu sản xuất của một sản phẩm thường xuyên
thay đổi (trong nước, ngoài nước, phương thức hoạt động của các TNCs...), nhưng
sản phẩm của công nghiệp xương sống thì lại không thể biến hoá nhanh được.
Có lẽ không có sản phẩm nào như thế cả, vì tuổi
thọ của sản phẩm ngày càng ngắn, vì yếu tố tri thức đã vượt trội mọi yếu tố vật
thể khác trong kinh tế. Và đặc biệt quan trọng là:
Cách suy nghĩ về sản phẩm xương sống như vậy là tư duy kinh tế ngày nay không
còn phù hợp với xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới. Từng thời kỳ nhất
định, một nền kinh tế của một nước có thể có một vài sản phẩm mũi nhọn, một vài
ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chúng phải có khả năng luôn luôn chuyển sang sản
phẩm mới nhằm đáp ứng những nhu cầu mới do quá trình phát triển đặt ra.
Trong kinh tế tri thức của thế giới toàn cầu
hoá, trong kinh tế được tổ chức theo mạng và phi tuyến đã thay thế kinh tế tổ
chức theo tuyến ngành và thứ bậc, tư duy kinh tế buộc phải nghĩ đến thiết kế hệ
thống giường cột hữu hiệu cho toàn bộ nền kinh tế. Nghĩa là để
phát triển, phải chuyển từ tư duy theo sản phẩm sang tư
duy theo hệ thống và xu thế phát triển của kinh tế.
Tuỳ điều
kiện của từng quốc gia, hệ thống giường cột đó đươc cấu trúc và có những mặt
mạnh yếu khác nhau. Song về đại thể, hệ thống giường cột này bao gồm: chất
lượng nguồn nhân lực, hệ thống pháp lý, hệ thống tài chính tiền tệ, kết cấu hạ
tầng vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng văn hoá-xã hội, năng lực quản trị
kinh doanh, năng lực hội nhập và thâm nhập vào mọi thị trường, năng lực tổ chức
của xã hội...
Hệ thống giường cột này ngày nay không thể thiếu
được nguồn lực hàng đầu là tri thức, bao gồm mọi thành tựu của kinh tế tri
thức, trước hết là những ngành khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công
nghệ liên kết mọi tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại: công nghệ
thông tin. Hệ thống giường cột này thường xuyên đỏi hỏi phát triển tiềm lực
nghiên cứu và triển khai (R&D) vân... vân...
Chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tư duy
sản phẩm công nghiệp xương sống luôn có xu hướng quay về sản xuất thay thế nhập
khẩu, dẫn tới tăng cường bảo hộ và sẽ mất dần khả năng bám sát xu thế phát
triển của kinh tế thế giới. Tụt hậu ngày càng xa hơn trở thành định mệnh, nghĩa
là được hoạch định ngay từ trong lòng chiến lược được vạch ra.
Chiến lược phát triển kinh tế dựa trên tư duy
xây dựng hệ thống giường cột cho toàn bộ nền kinh tế luôn luôn có xu hướng duy
trì, đổi mới khả năng cạnh tranh, đòi hỏi phải luôn luôn tìm kiếm, khai thác
thị trường mới. Về cơ bản chiến lược này phù hợp với xu thế phát triển của nền
kinh tế mới trong thế giới toàn cầu hoá.
Một khó
khăn nghiêm trọng đã xảy ra với nông nghiệp là càng phát triển nông nghiệp như
hiện nay, nông dân càng gặp nhiều khó khăn hơn, thậm chí có thể càng nghèo đi,
chủ yếu là vì đầu vào ngày càng tăng lên, đầu ra không tiêu thụ được và mất giá.
Trong công nghiệp hiện tượng này đã xảy ra và đang có nguy cơ lan rộng. Nguyên nhân chính là khoáng sản thô và sản
phẩm trung gian (ximăng, thép, các vật liệu xây dựng khác, hàng gốm sứ...) còn
chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng sản lượng công nghiệp; phần còn lại nhìn chung
hàm lượng chế biến thấp, giá trị gia tăng ít; khu vực dịch vụ hiệu quả còn thấp
và chưa có hướng đi lâu dài... Hệ quả tất yếu
là:
-
(a) Sản phẩm ế hoặc thua lỗ chiếm tỷ trọng đáng kể, giá trị gia
tăng thấp, hiệu quả kinh tế nhìn chung thấp, dẫn đến thu nhập thấp, đất nước
không tự tạo được nguồn tích luỹ cần phải có, sự tăng trưởng kinh tế và thu
nhập không
đi kịp những vấn đề kinh tế – xã hội tiếp tục đặt ra trong quá trình
phát triển, cái nghèo kéo dài sẽ tạo thêm những nguy cơ mới trên nhiều phương
diện và rất phức tạp[124].
-
(b) Khoảng cách tụt hậu cứ xoạc rộng ra chưa có cách gì thu hẹp
được, năng lực cạnh tranh còn yếu kém như hiện nay (nguyên nhân chủ yếu là
những bất cập trong năng lực quản lý vĩ mô và vi mô, rồi mới kể đến vốn và kỹ
thuật) có nguy cơ dẫn đến những bất cập mới; trong khi đó các lộ trình mở cửa của AFTA, APEC,
WTO... ngày càng đến gần[125].
Thế nhưng đối chiếu với công việc chúng ta đang
làm, với những điều chúng ta nghĩ? Đối thủ của ta biết đến chân tơ kẽ tóc những
yếu kém của ta. Còn chúng ta cũng biết đến chân tơ kẽ tóc như thế về những yếu
kém của chính mình?
Chúng ta đang có tốc độ tăng trưởng công nghiệp
12-14%/năm. Một con số thống kê tuyệt đẹp. Đấy là chỉ số khá cao so với nhiều
nước trong vùng và trên thế giới.
Nhưng chúng ta thử làm các phép tính: Với cơ cấu
công nghiệp như hiện nay, nếu không có sự chuyển dịch quyết
liệt, nền kinh tế nước ta vào năm 2010, 2020 sẽ ế thêm bao nhiêu khoáng sản,
vật liệu trung gian, sản phẩm công nghiệp hàm lựợng kỹ thuật thấp...
Tiếp tục
tăng trưởng công nghiệp như hiện nay, cơ cấu lại chuyển đổi chậm, thực tế là
đang đi vào con đường một ngày nào đó không xa sẽ bị các hàng
hoá ế đọng và nợ nần nút chặt. Nghĩa là - tự giác
hay không tự giác - đang đi dần dần vào ngõ cụt. Tham gia vào trò chơi này
còn có những hàng nhập lậu không có cách gì ngăn chặn được - vì hàng của ta
không đủ sức cạnh tranh... Cái ngõ ấy - ở từng điểm, từng diện, từng bộ phận
của nền kinh tế - có thể sẽ cụt rất sớm, ...trước năm 2010,
trước năm 2020... – tuỳ theo từng loại
sản phẩm, nếu chúng ta không có những đối sách khả dĩ ngăn chặn được tình hình
này xảy ra. Chúng ta hãy thử kiểm kê chuẩn xác trong cả nước những xí nghiệp
hay những phần của các xí nghiệp nằm “đắp chiếu” vì sản phẩm không còn phù hợp
hay công nghệ quá lỗi thời.., những xí
nghiệp vận hành quá thấp dưới mức công suất thiết kế, những xí nghiệp
phải bù lỗ, phân tích trung thực triển vọng của chúng... để có những ý niệm rõ
rệt nguy cơ ngõ cụt này.
Xin đừng để các con số tăng trưởng công
nghiệp “12-14%/năm” ru
ngủ chúng ta. GDP hàng năm tăng trưởng 6-7-8% mà cơ cấu kinh tế không chuyển
đổi là bao thì trước sau vẫn chỉ là những con số dễ làm chúng ta lạc hướng! Hơn
một thập kỷ vừa qua nông nghiệp nước ta được mùa liên tục và tăng trưởng bình
quân 4-5%/năm, nghĩa là rất cao so với nhiều nước đang phát triển khác. Song
trong suốt thời gian 15 năm ấy tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động cả
nước từ 74% nay mới rút xuống được còn 70%, càng tăng trưởng với chất lượng như
hiện nay, tiêu thụ đầu ra càng khó! Đến bao giờ tỷ lệ này sẽ là 40-30-20..%?
Nhưng nếu bên trong những con số
tăng trưởng nói trên còn có thêm những con số phản ánh sự chuyển
dịch năng động cơ cấu kinh tế, thì lại là hạnh phúc lớn lao cho đất
nước.
Cái ngõ không cụt, hay là con
đường công nghiệp hoá dẫn kinh tế nước ta đến phát triển phồn vinh, chắc chắn không thể là sự tiếp tục chấp nhận chuyển đổi cơ cấu kinh tế với tốc
độ và chất lượng như hiện tại.
Nếu chúng ta không ý thức được và không thực
hiện được sự chuyển đổi quyết liệt này, cái ngõ cụt ấy sẽ đứng rất
gần, gần hơn là chúng ta nghĩ!
Những cái ngõ cụt ấy đã từng xảy ra ở
nhiều nước châu Mỹ Latinh trong gần hết thế kỷ 20, đặc biệt là trong nửa sau thế
kỷ 20; đã xảy ra ở ấnđộ trong những thập
kỷ 1970-1980 và ngày nay ấnđộ đang ra sức khai thông cái ngõ cụt ấy...[126] Cái ngõ cụt ấy chẳng có lý do gì kiềng
nể đất nước ta, ngoại trừ chúng ta sớm ý thức được nó và quyết không để cho ma
lực của nó cuốn hút nền kinh tế đất nước ta đi vào.
Trong đời
sống kinh tế, ma lực của cái ngõ cụt ấy đang trở nên ngày càng nguy hiểm hơn
đối với nước ta, vì cạnh tranh trên thế giới ngày một quyết liệt hơn, nhất là
với sự xuất hiện của kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá. Muốn chiến
thắng ma lực này, trước hết chúng ta cần chiến thắng quán tính, sức ỳ và những
hạn chế trong tầm nhìn của chính bản thân chúng ta, để có những định hướng và
những quyết sách mới trong chiến lược phát triển kinh tế. Sức ỳ này nằm ngay trong
tình trạng nhận thức của chúng ta thường không theo kịp những vấn đề phát triển
đang đặt ra cho nước ta, không theo kịp tình hình và xu thế phát triển của kinh
tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế – trên mọi phương diện: thực trạng, nguy
cơ, thời cơ, thách thức, triển vọng... Chúng ta đã được nghe nói đến nhiều về
những thảm hoạ của nền kinh tế bong bóng, nhưng hiện tại chúng ta cần chú ý
nhiều hơn nữa trong việc không để cho nền kinh tế đất nước bị cuốn hút vào bất
kỳ một ngõ cụt nào.
Bốn năm nay chỉ số giá cả (CPI) của nền kinh tế
nước ta suy giảm liên tục, một hiện tượng hoàn toàn không bình thường. Đến nay
chúng ta vẫn chưa thể đánh giá được dứt khoát đó là biểu hiện của suy thoái?
của giảm phát? hay là của cả hai? Mối liên hệ giữa thực trạng này của nền kinh
tế nước ta và tình hình kinh tế trong khu vực và trên thế giới? Lối thoát ra
khỏi tình hình này là gì?.. Sự thật là hiểu biết của chúng ta chưa thể đưa ra
những câu trả lời thuyết phục được chính bản thân chúng ta. Giới nghiên cứu
nước ngoài cũng không thông minh hơn bao nhiêu. Cũng vì vậy những biện pháp như
kích cầu (để chống thiểu phát), nới lỏng chính sách tiền tệ (để chống giảm
phát) mà chúng ta đã áp dụng, chưa mang lại kết quả mong nuốn. Vì bất kỳ lý do
nào đó (ví dụ như chẩn đoán bệnh sai, thiếu thực lực, quyết sách không phù
hợp...) mà bốc thuốc sai hay bốc thuốc không đủ liều, đều nguy hiểm. Thực trạng
chỉ số giá cả giảm sút mấy năm liên tục hiện nay ở nước ta đòi hỏi phải tìm
hiểu sâu xa hơn trong cơ cấu kinh tế, trong chính sách đầu tư, chính sách phát
triển nền kinh tế nhiều thành phần và các chính sách vận hành khác, khả năng
cạnh tranh, mối quan hệ kinh tế quốc tế
và tác động của kinh tế thế giới... Hiển nhiên cần sớm mổ xẻ, phân tích để tìm
ra nguyên nhân xác đáng của tình trạng kém năng động hay trì trệ đang diễn ra
trong nền kinh tế nước ta hiện nay[127].
Nước ta không phải là trường hợp cá biệt, Nhật
Bản vật lộn cả một thập kỷ nay vẫn chưa tìm được lối thoát ra khỏi suy thoái.
Đương nhiên Nhật Bản và Việt Nam là hai nền kinh tế hoàn toàn khác nhau với các
vấn đề phải đối phó hoàn toàn khác nhau, tính chất suy giảm trong kinh tế rất
khác nhau... Một ví dụ này thôi đủ cho thấy không thể tư duy và hành động theo
sách vở hoặc theo bất kỳ lối mòn quán tính nào khác! Những vấn đề phải xử lý
ngày càng mang tính hệ thống và ngày càng đòi hỏi nhiều tri thức, nhiều biện
pháp tổng hợp.
Chỉ có thể chiến thắng được ma lực của ngõ cụt bằng
cách thường xuyên rà xoát, điều chỉnh
nền kinh tế, nhằm bắt kịp sự cạnh tranh quyết liệt trong quá trình nước ta hội
nhập vào kinh tế thế giới. Thật ra điều này là hoàn toàn tự nhiên và tất
yếu đối với hầu hết mọi quốc
gia. Hàng năm tại mỗi nước công nghiệp phát triển có hàng trăm, hàng nghìn
doanh nghiệp phá sản, phải bỏ sản phẩm cũ chuyển sang sản phẩm mới, hàng trăm
hay hàng nghìn doanh nghiệp mới ra đời. Họ thường xuyên làm việc này, từng
thời kỳ và từng năm thường xuyên điều chỉnh chiến lược, và khi cần
thiết thì tìm cách vứt bỏ hẳn chiến lược không còn phù hợp... Khác chăng là ở
nhiều nước trên thế giới hình như quyết tâm này lớn hơn ở nước ta – xin nhìn xem cả những nước như Trung
Quốc, ấn-độ, Hàn Quốc, New Zealand, Iceland, một số nước cải cách thành công ở
châu Phi...
Thực ra trong đổi mới, nước ta đã rũ bỏ khá
nhiều vấn đề quan trọng có tính chiến lược: Bỏ hợp tác xã nông nghiệp kiểu cũ
để chuyển sang khoán – bây giờ đang tìm đường xây dựng hợp tác xã kiểu mới[128];
phát huy nền kinh tế nhiều thành phần để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả
nước; xoá bao cấp để chuyển sang cơ chế thị trường; bỏ quan điểm kinh tế khép
kín và quan điểm phát triển công nghiệp theo kiểu cũ; mở rộng quan hệ kinh tế
quốc tế, vân vân... Có lẽ vì chưa nhìn nhận thẳng vào thực chất, chưa nhìn nhận
thấu đáo những quyết định như vậy là những quyết định có tính chiến lược mở ra
hướng đi hoàn toàn mới cho đất nước, ít nhiều còn coi chúng chỉ là
những giải pháp tình thế, nên bây giờ
còn thiếu quyết tâm chiến lược như lúc ban đầu để tiếp tục công cuộc đổi
mới– ví dụ như thiếu quyết tâm chiến lược trong đổi mới doanh nghiệp nhà nước,
trong cải cách hành chính, trong cải cách hệ thống tài chính tiền tệ, trong đổi
mới hệ thống giáo dục, trong đổi mới doanh nghiệp nhà nước..!
Câu trả lời cả nước ta đang tìm cho những
quyết sách mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội để hoàn thành
CNH,HĐH đất nước vào năm 2020 hình như phải đi tìm trong tư duy:
Phát huy khả năng nội sinh của nước ta để
khai thác, tận dụng xu thế phát triển của kinh tế thế giớí, nhằm thành đạt
những mục tiêu riêng cho nước mình.
Thực hiện tư duy này, phải bắt đầu từ làm ăn theo phương
châm từng đồng vốn còn đang rất khan hiếm của đất nước dù thuộc
thành phần kinh tế nào đều phải sinh lời tối ưu, nhằm đảy nhanh hơn nữa quá
trình tích tụ các nguồn lực của đất nước – trước hết là nguồn lực để phát triển
con người Việt Nam có khả năng khai thác mọi nguồn lực trong nước và trên thế
giới.
Xin ngẫm nghĩ: Nếu phương châm này là đúng, sẽ
có rất nhiều vấn đề phải xem xét lại, phải đổi mới triệt để. Chấp nhận phương
châm này một cách tự giác, có nghĩa cả nước dấn thân vào một cuộc cách mạng,
từng con người và cả dân tộc Việt Nam ta phải tự đổi mới mình để chấn hưng đất
nước! Bởi vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta suy
cho cùng chỉ có thể thành công kinh qua con đường làm cho
thị trường cả thế giới trở thành đối tượng lao động và đối tác của mình. Cần
phải tự đổi mới, để có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực thực hiện thành công yêu
cầu sống còn này.
Thách thức thường trực đối với nền kinh tế nước
ta là làm thế nào đáp ứng tốt nhất đòi
hỏi của thị trường thế giới, để luôn luôn mang về thu nhập lớn nhất cho đất
nước, nhờ đó có nguồn lực – kể cả nguồn lực tri thức và trí tuệ - làm cho nước
ta sớm trở thành quốc gia phát triển hiện đại.
Chọn
hiệu quả kinh tế và giá trị gia tăng để tích tụ mọi nguồn lực, nhất thiết phải
chống lại sự cám dỗ của những công trình chỉ có thể trở thành những tượng đài
vĩ đại của hiệu quả kinh tế thấp, nợ nần và thậm chí thua lỗ.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế là việc lâu dài, diễn
ra liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác, phải được chuẩn bị có bài bản, phải
làm nhiều việc có chuẩn đích đúng, rất công phu, phải lao động thông minh và
cực nhọc, phải tiết kiệm từng đồng tiền bát gạo, từng ngày từng tháng... Nhưng
không thể chuyển dịch với tốc độ và chất lượng như 15 năm qua.
Một việc cực kỳ khó khác là phải chuyển biến cả
xã hội cùng đi và làm hậu thuẫn cho những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế năng
động.
Làm thế nào đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển đổi
cơ cấu kinh tế? Thực sự đây là câu hỏi đang chờ đợi những phương án trả lời
mới.
Để đi tới câu trả lời tối ưu, chỉ có thể khuyến
khích từng doanh nhân và từng doanh nghiệp, các nhà kinh tế và các nhà khoa
học, các cơ quan nghiên cứu.., tất cả cùng nhau hợp tác, thăm dò, mạo hiểm đi
vào sản phẩm mới, thị trường mới; mở rộng liên kết liên doanh với nước ngoài để
thành đạt mục tiêu này - đằng sau là sự hỗ trợ của cả nước...
Chính vì những lý do này, vai trò đúng đắn của Nhà nước cực kỳ quan trọng.
Trong cạnh tranh quyết liệt ngày nay trên thế giới, nước nào cũng phải đặt ra
câu hỏi này. Đối với nước ta lại càng như thế. Chiến lược công nghiệp hoá được
xây dựng chủ yếu trên những dự báo nhu cầu của đất nước với tính
chất là một quốc gia dự định thực hiện xong công nghiệp hoá vào năm 2020. Nên
chăng phải làm thêm một việc bổ sung nữa: Bỏ công sức nghiên cứu đến nơi đến chốn,
để làm rõ vấn đề tiến hành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước
đến năm 2020 thế nào là tối ưu nhất trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh.
Chính đây là vấn đề quan trọng, cần được xem xét thấu đáo. Có câu trả lời xác đáng cho vấn đề đặt ra
này, con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước có lẽ bớt quanh co khúc
khuỷu, bớt được những ngõ cụt, để đi tới một quốc gia có lợi thế cạnh tranh tốt
hơn, có khả năng đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của đất nước, mới có thực lực để
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Bổ sung thêm quan điểm công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH,HĐH) trên
cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh, sẽ có những căn cứ xác đáng cho việc huy
động và phân bổ tối ưu nhất các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội - đặc
biệt là trong đầu tư và sử dụng những nguồn vốn luôn luôn khan hiếm của đất
nước, sẽ có thể thực hiện tối ưu mối quan hệ giữa sản xuất hướng về xuất khẩu
và sản xuất thay thế nhập khẩu, sẽ hài hoà được mối quan hệ giữa tăng trưởng và
phát triển, tạo thêm khả năng cho phát triển bền vững, sẽ tìm ra tốc độ và mức
độ phù hợp mở cửa hội nhập kinh tế thế giới. Nói ngắn gọn: CNH,HĐH trên cơ sở
phát huy lợi thế cạnh tranh sẽ lựa chọn đúng sản phẩm.
Thường xuyên coi trọng phát huy lợi thế cạnh
tranh, sẽ có thêm nhiều động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
và làm cho kinh tế của đất nước theo sát xu thế phát triển của kinh tế thế
giới, không quá mạo hiểm hay quá chậm chạp trong mở cửa hội nhập kinh tế thế
giới. Nắm vững yêu cầu phát huy lợi thế cạnh tranh, sẽ có thêm động lực đẩy
mạnh xây dựng và thực thi những thể chế kinh tế-chính trị-xã hội lành mạnh và
đấu tranh chống tiêu cực. Tuy nhiên, phát huy lợi thế cạnh tranh đòi hỏi thường
xuyên nâng cao năng lực của Nhà nước và của toàn xã hội.
Đại hội IX nhấn mạnh chiến lược phát triển kinh
tế 10 năm 2001-2010 phải bám chắc mục tiêu “tăng tưởng kinh tế nhanh và bền vững; ổn
định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu
lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá[129].”
Tình hình phát triển kinh tế 4 năm vừa qua là chưa nhanh (nhất là so với
những năm 1990-1995), ổn định thực hiện được ở mức độ nào
đó, song chưa bền vững – vì hiệu quả toàn bộ nền kinh tế nói chung chưa cao
và tích tụ nhiều vấn đề mới phải giả quyết; chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ
cấu lao động nhìn chung diễn ra
chậm, ngoài ra còn sức ép của quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Xin từ thực
tế này rút ra những kết luận cần thiết cho việc thực hiện những quan điểm quan
trọng của Đại hội IX.
4. Bàn về chiến lược phát
triển khoa học và công nghệ
Đây là vấn đề đã bàn từ nhiều năm nay, nhiều
công sức đã bỏ ra. Có thể nói cả nước rất quan tâm xây dựng một chiến lược có
bài bản để phát triển khoa học và công nghệ cho đất nước. Trong soạn thảo chiến
lược, chúng ta đã thôi không làm theo cách đặt ra và cân đối các chỉ tiêu, mà
chuyển sang cách xác định những mục tiêu, đề ra những hướng dẫn phần lớn mang
tính chất định tính. Chúng ta trau truốt từng ý tứ, nhấn mạnh vấn đề này, hạn
chế vấn đề khác. Trong một số chỉ tiêu định lượng cần phải có, chúng ta ra sức
làm chỉ số này nhỉnh lên một chút, gọt chỉ số kia nhỏ đi một chút... Như thể
rồi đây cuộc sống sẽ do những điều cân nhắc nặng, nhẹ và do các chỉ số nhỉnh
lên hay teo đi ấy chi phối!.. Song cái khó hơn, đòi hỏi phải bỏ ra nhiều công
sức hơn, phải quyết tâm cao hơn là làm sao thiết kế và thực thi được các chính
sách, thể chế và cơ chế vận hành cho phép khai thác mọi tiềm năng khoa học kỹ
thuật và công nghệ đất nước ta đang có trong tay, để đi tới những mục tiêu đề
ra. Không thể nói vạch chiến lược là công việc dễ dàng, nhưng chiến lược đúng
và hay đến mấy mà không có kế sách khả thi cũng không còn mấy ý nghĩa.
Nhìn vào đội ngũ khoa học kỹ thuật, tiềm năng
những nguồn nhân lực khác ở nước ta, những cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu,
những thành tựu đã thu được.., hoàn toàn có thể khẳng định đất nước ta không
đến nỗi phải tiếp cận với kinh tế tri thức bằng tay trắng! Có thể khẳng định
đất nước đã đạt trình độ nhất định trong vận dụng hoặc sáng tạo mới tiến bộ
khoa học kỹ thuật và công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng, như nông
nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, y
tế, giáo dục.., nhờ đó có những thành tựu đáng ghi nhận.
Những thành tựu khoa học và công nghệ ta đạt
được – từ nỗ lực của chính nước ta, từ học hỏi, hoặc thông qua hợp tác quốc tế
và chuyển giao công nghệ - đã góp phần xứng đáng vào những thành tựu kinh tế
của đất nước, nhất là trong 15 năm đổi mới vừa qua. Cả nước hiện nay có trên 1 triệu cán bộ tốt
nghiệp đại học và cao đẳng, khoảng 10 nghìn trên đại học, khoảng 1,4 triệu tốt
nghiệp trung cấp, trên 100 trường đại học và cao đẳng và khoảng 800 các viện,
tổ chức và cơ quan nghiên cứu[130];
nước ta có chỉ số phát triển con người –HDI- vào loại trung bình cao trong hàng
ngũ các nước đang phát triển[131].
Vào đầu thập kỷ 1990 có không ít dự báo của một
số cơ quan nghiên cứu trên thế giới về khả năng sớm xuất hiện nền kinh tế “con
rồng Việt Nam”, trong đó có lý do họ đánh giá khá cao tiềm năng khoa học &
công nghệ và nguồn nhân lực Việt Nam.
Dù có hay không có dự báo vừa nêu trên, câu hỏi
đặt ra cho nước ta trên phương diện phát triển khoa học và công nghệ là:
Mọi tiềm năng khoa học và công nghệ của đất nước
đã được phát huy hết mức chưa? Trong tương lai khoa học và công nghệ phải đóng
góp như thế nào vào thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược hoàn thành CNH,HĐH
đất nước vào năm 2020?
Các phần 2 và 3 vừa trình bày trên trong chương
này đã hàm chứa những câu trả lời. Nếu nhìn vào năng suất lao động, hàm lượng
khoa học và công nghệ trong sản phẩm, hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh,
năng lực quản lý.., có thể nói: Chúng ta vừa chưa phát huy tốt mọi tiềm năng
khoa học và công nghệ đã tích luỹ được so với đòi hỏi phát triển kinh tế-xã hội
của đất nước, đồng thời có những khoảng cách đáng kể về nhiều mặt so với một số
nước, nhất là so với các đối thủ cạnh tranh có cùng những mặt hàng như của nước
ta trên thị trường thế giới.
Liên hệ đến kinh tế tri thức, nói khiêm tốn hơn
nữa là ngẫm nghĩ về tất cả những gì có liên quan đến phát triển, ứng dụng khoa
học kỹ thuật và công nghệ cao cho xây dựng nền kinh tế tiên tiến, có thể nói nước
ta cái gì cũng có nhưng hình như vẫn là chưa có gì ra tấm ra món! Trong
nhiều trường hợp điều này có nghĩa: Cái gì cũng có mà vẫn là chưa có cái gì!
Tất cả còn manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, đứng tách rời nhau rời
rạc... Những yếu kém nổi bật nhất có lẽ
là:
-
Trừ một số ngành mới phát triển tiếp cận được với công nghệ hiện
đại, phần lớn các ngành còn lại công nghệ đều lạc hậu vài ba thế hệ.
-
Lao động thủ công với công nghệ thô sơ còn chiếm tỷ lệ khá cao
trong công nghiệp. Tình hình này trong nông nghiệp còn đặm nét hơn.
-
Công nghệ quản trị và công nghệ kinh doanh còn rất yếu kém, làm
suy giảm rất nhiều hiệu năng của toàn bộ nền kinh tế.
-
Cho đến nay Nhà nước và quốc doanh “làm” khoa học & công nghệ
là chủ yếu và còn nhiều dấu ấn thời “bao cấp”, còn nặng tính “hành chính”; vì
vậy vận dụng và hiệu quả cũng chịu nhiều ảnh hưởng của “bao cấp” và “hành
chính” (có lẽ đây là nguyên nhân quan trọng của tình trạng: Cái gì cũng có mà
vẫn là chưa có cái gì!). Trong khi đó tiềm năng của các thành phần kinh tế khác
và của giới khoa học kỹ thuật chưa được phát huy.
Để minh hoạ, xin hãy nhìn vào cuộc sống hàng
ngày.
Chúng ta thấy không hiếm những trường hợp khoa
học và công nghệ còn hững hờ với sản xuất kinh doanh, đồng thời hiện tượng làm
ăn mảnh khá phổ biến, được biện hộ bằng cách đổ lỗi cho cơ chế thị
trường!
Cách đây nhiều năm, hai khu công nghệ cao (KCNC)
của cả nước đã được hoạch định và còn đang tiếp tục hoạch định. KCNC phía Bắc
vừa mới làm xong việc nhận mặt bằng (đất đai) được giao, còn KCNC ở phía Nam
(Công viên khoa học và công nghệ Quang Trung) đi xa hơn được một số bước..,
nghĩa là cả hai còn đứng khá xa mục tiêu đề ra.
Cơ sở vật chất kỹ thuật còn khan hiếm và ở trình
độ khiêm tốn, nhưng lại bố trí theo tuyến, cấp bậc và địa phương, nên phân tán,
xé lẻ theo kiểu khép kín (theo ngành, cấp bậc và địa phương), nghĩa là xé lẻ,
manh mún, mạnh ai nấy làm, không hiếm trường hợp trùng lặp. Nếu làm các cuộc
điều tra về nhiều phương diện (năng lực nghiên cứu & triển khai, năng lực
cán bộ, nguồn tài chính dược cấp, đề tài và nhiệm vụ được giao...) và kiểm kê các cơ sở vật chất kỹ thuật của các
đơn vị, các tổ chức, trường, viện ngay trong từng Bộ, từng tỉnh, sẽ có thể dựng
lên một bức tranh rõ nét và thuyết phục. Có cơ sở tin cạy để kết luận: nước ta
còn nghèo nhưng lãng phí lớn lắm. Lãng phí về chất xám càng lớn. Đấy là chưa
nói đến biết bao nhiêu công trình hay kết quả nghiên cứu khó khả thi, hoặc có chất lượng tương tự như “bằng rởm”, “học
hàm rởm”, học vị rởm”.., được hình thành từ các nguồn cấp phát bằng tiền thật[132]...
Vân... vân...
Nguyên do phải chăng là nhiều nhà trí thức và
nhiều nhà kinh doanh ở nước ta không biết đất nước có câu ca dao “Một cây làm
chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao?”
Hay là có những cơ chế, tập quán, hay cái gì đó
làm cho câu ca dao đẹp này tắt ngấm?
Không ít người nói thẳng những suy nghĩ của mình:
-
Trí thức Việt Nam thường mắc bệnh dèm pha nhau, ít ai chịu ai và
khó hợp tác với nhau...
-
Được đào tạo và lập nghiệp theo bao cấp và con đường quan
trường thì làm ăn hay thực hiện nhiệm vụ cũng theo kiểu bao cấp và quan trường!
-
Doanh nhân Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài không có tinh
thần làm ăn hiệp đồng như cộng đồng doanh nhân người Hoa...
-
Hiệp đồng đã yếu, giữ chữ tín lại kém, lại chưa quan tâm hay
chưa được khuyến khích làm ăn lâu dài, làm ăn lớn (nghĩa là ít nhiều còn chịu
ảnh hưởng của phong cách ăn xổi ở thì, chụp dựt...)!
-
Luật thực và cơ chế thực trong đời sống nước ta – thành văn hay
không thành văn - , các chính sách thuế
và tài chính tiền tệ, chính sách dùng người, cơ chế hành chính bao cấp, cơ chế
“xin-cho”... hình như chứa đựng nhiều điều đố kỵ với kinh tế tri thức...
-
Giữ nguyên những yếu kém trong cơ chế quản lý và làm ăn như hiện nay, nhà nước càng đầu tư, các
nhà khoa học càng nỗ lực... thì chỉ càng gây thêm các hiện tượng hay hiệu ứng
“chim cút”, “cá trê phi”...[133].
-
...
Phải chăng thực trạng trình bày trên lý giải cho
những kết cục tất yếu và day dứt:
-
Việt Nam ta đi trước đến sau trong công nghệ cao, đi trước nhưng
đứng sau xa vời nhiều nước trong đi vào kinh tế tri thức...
-
“Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”... Từ khi có câu này đã mấy
thế kỷ trôi qua rồi, song ngoại thương của nước ta vẫn còn đượm bóng dáng buôn
bán hàng xén. Báo chí nói nước ta có hơn 160 quốc gia là đối tác buôn bán,
nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước vẫn đứng xa dưới vạch 15 tỷ USD...
-
Việt Nam có lẽ là nước đầu tiên ở Đông Nam A’ sử dụng công nghệ
máy tính, từ những năm ta còn đang đánh Mỹ – trước rất xa so với cả Đài Loan...
Nhưng bây giờ nước ta đang đứng ở đâu trong lĩnh vực này?.. (Đương nhiên nước
ta còn phải gánh chịu những hậu quả của nhiều năm chiến tranh, bị bao vây cấm
vận.., song dù sao cũng đã có 1/4 thế kỷ trong hoà bình).
-
...
Bây giờ hãy còn tươi roi rói những ấn tượng của
những năm tìm đường đi vào đổi mới. Lúc đó chúng ta hầu như chỉ nghĩ đến cách
thoát khỏi bệnh dị ứng với cơ chế thị trường để ra khỏi khủng hoảng kinh tế kéo
dài. Lúc đó không ai dám nghĩ đến xuất khẩu gạo, cũng chẳng lấy đâu ra vốn đầu
tư cho yêu cầu xuất khẩu này. Lúc đó không có Bộ nào tưởng tượng ra được việc
xuất khẩu các máy xay xát gạo, động cơ diesel nhỏ; không mảy may có ý định hay
kế hoạch làm cho hàng may mặc và giày da trở thành một sản phẩm xuất khẩu mũi
nhọn... Trong những năm đó chúng ta vẫn coi dịch vụ là một thứ “phi kinh tế” và
tảy chay nó, vẫn sợ FDI là con dao hai lưỡi và là thứ nam châm có thể hút nước
ta ra khỏi định hướng... Thế nhưng
nhờ vào tư tưởng đổi mới đúng và nhờ vận dụng được những quy luật của thị
trường, cuộc sống kinh tế của nước ta đã diễn ra vô cùng sinh động. Những gì đã
thực hiện được trong những năm đi vào đổi mới đều bỏ xa mọi điều tưởng tượng
của chúng ta như vừa trình bày. Nền kinh tế đất nước hội nhập quốc tế khá thành
công trên nhiều mặt, kể cả lĩnh vực công nghệ cao... vân vân... Những thành tựu
này cho thấy: Một khi mọi tiềm năng của đất nước được đánh thức và phát huy..!
Trong những nguyên nhân làm cho đà tăng trưởng
và phát triển kinh tế của nước ta vào nửa sau thập kỷ 1990 chững lại, có những
nguyên nhân: đổi mới chững lại, hành chính quan liêu tăng lên – người anh em
sinh đôi của nó là tham nhũng cũng lớn lên theo, bao cấp cùng với độc quyền và đặc quyền tìm đường
ngóc đầu dậy, biết bao nhiêu nguồn lực bị lãng phí hoặc huy động và phân bổ
không đúng, môi trường tự nhiên bị xâm phạm quá mức, hệ quả tổng hợp của tất cả
những yếu kém này tác động vào các lĩnh vực đời sống văn hoá - xã hội, vấn đề
phân hoá xã hội có những khía cạnh mới đáng lo ngại hơn trước...
Tuy nhiên còn phải nhấn mạnh một đặc điểm nữa: Sau 15 năm đổi mới, mọi yêu cầu của phát
triển kinh tế-xã hội đều cao hơn trước, công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu và đi vào
những lĩnh vực khó hơn trước - đặc biệt là những vấn đề như cải cách
hành chính với nội dung chủ yếu là đổi mới hệ thống điều hành và quản lý đất
nước, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển hệ thống tài chính tiền tệ, cải
tiến hệ thống pháp luật, hoàn thiện cơ chế thị trường, đảy mạnh thực hiện nền
kinh tế nhiều thành phần, phát triển văn hoá-xã hội hậu thuẫn cho quá trình
phát triển kinh tế... Có thể nói những thành tựu của đổi mới đã đưa đất nước ta
vào một giai đoạn phát triển mới, cao hơn, phong phú hơn - trong tiến trình hội
nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Nói đơn giản: cả nhận thức và khả năng của
chúng ta đang chạy theo không kịp những đòi hỏi phát triển của đất nước
do chính những thành tựu của công cuộc đổi mới đề ra.
Dựa vào chuyện cũ bàn chuyện mới, xin thuật lại
một giai thoại xảy ra trong cuộc sống - trong một cuộc gặp mặt cách đây vài
tháng, kỷ niệm 50 năm kết bạn với nhau của những học sinh trung học lớp đầu
tiên tỉnh Yên Bái (niên học 1949-1950). Trừ một số người đã đi xa, hoặc ốm đau,
hoặc ở quá xa và quá bận không đến được, những người còn lại đều tề tựu đày đủ
... Họ bây giờ tất cả đều là những người cao tuổi, có cháu nội cháu ngoại, hãn
hữu có vị đã có chắt; song các cụ vẫn cứ
“cậu cậu”, “tớ tớ”, “đằng ấy” với nhau...:
-
P. ơi, bây giờ không cần chính chị chính em với nhau nữa, cậu
nói thật đi, lần đầu tiên xuất kích, lúc đó cậu có hốt không? – người được hỏi
là một trong những phi công đầu tiên của ta nghênh chiến với không quân Mỹ khi
đế quốc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc từ tháng 4-1965.
-
Hốt. – P., trả lời. - Chúng
nó mỗi đứa phải có 3000 giờ bay tập mới được tham chiến. Phần lớn là F4 và F5,
hiện đại hơn ta nhiều, đông và hung hăng, Bọn mình chỉ có Mig 17, không đông
bằng, hầu như ai lúc đó cũng chỉ mới có khoảng 300 giờ bay tập, thậm chí liên
hệ với nhau còn lớ ngớ và lạc lung tung, chưa nói đến đánh với đấm.
-
Vậy cậu làm thế nào?
-
Chấp nhận tiếp chiến! Không có cách nào khác! Tốc độ bọn chúng nhanh hơn nhiều, nhưng vì thế bán
kính vòng lượn của chúng phải rộng. Mig 17 của mình chậm hơn, do đó bán kính
vòng lượn nhỏ hơn nhiều. Vì thế bọn mình hiệp đồng với nhau tìm cách cắt đường
bay của chúng để đánh thẳng vào mạng sườn... Mà cũng phải đánh như thế mới sống
được! Còn lưới lửa mặt đất thì tuyệt vời, ở khắp mọi nơi, đủ mọi tầm cao...
-
...
Những cụm từ
hiệp đồng, cắt đường bay, đánh vào mạng sườn địch. lưới lửa mặt đất...
vừa thuộc phạm trù quân sự, vừa là những ý tưởng phát huy ý chí và trí tuệ để
đối phó với kẻ địch hơn hẳn về số lượng và vượt trội về kỹ thuật, công nghệ.
Phải chăng những giá trị, những phong cách, những phương thức tư duy nằm trong
những cụm từ này của thời chiến không gợi nên điều gì cho cơ man câu hỏi, cho
biết bao nhiêu vấn đề gay cấn trong xây dựng kinh tế thời bình? trong khai thác
mọi tiềm năng khoa học kỹ thuật của đất nước?.. Đấy chẳng phải là những câu hỏi
đáng chạnh lòng – nhất là khi chúng ta liên hệ đến những gì đất nước có trong
tay? những gì lẽ ra đất nước ta phải đạt tới?..
Dù hiện nay ta còn nghèo đến đâu chăng nữa, cũng
không thể đổ mọi tội lỗi cho cái nghèo. Hiển nhiên vốn nhàn rỗi trong xã hội có
nhiều, ngân hàng chưa dám huy động hết mức, vì sợ không cho vay được. Nhiều
người có tiền nhưng không biết nên làm ăn gì, đành đưa vào bất động sản cho
chắc ăn hoặc tránh lạm phát... Nhưng đúng là chúng ta thiếu nhiều chính sách và
sự bảo đảm tin cạy của Nhà nước khuyến khích việc đưa những nguồn lực này vào
các mục tiêu tăng trưởng và phát triển. Đi liền với thực tế này là tình trạng
thu nhập trốn tránh nghĩa vụ đóng góp. Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng
kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng nền kinh tế này còn quá nhiều
mảnh đất nuôi dưỡng sự tù mù và bất công.
Không thể đổ lỗi cho các nhà khoa học của ta kém
yêu nước, các trường, viện của ta lười biếng,.. Nhưng sự thực là chúng ta thiếu
nhiều quyết sách phát huy hết mức tài năng và khả năng đóng góp của họ, không
khuyến khích thoả đáng ý chí dám mạo hiểm và những nỗ lực của họ, cũng không
bảo hộ có hiệu quả những thành công của họ, còn thiếu nhiều cơ chế chính sách
khuyến khích sự hiệp đồng cần phải có như trong câu chuyện Mig17 đánh F4, F5...
Không thể nói các doanh nghiệp của ta – trước
hết là các doanh nghiệp nhà nước – quá tham lam hay dốt nát... Nhưng phần thì
các cơ chế chính sách hiện hành “khấu” đi quá nhiều trong khoản thu nhập của
doanh nghiệp, hiệu quả của doanh nghiệp thường là thấp hoặc rất thấp – thậm chí
không ít doanh nghiệp thua lỗ. Phần thì cơ chế bao cấp và tiêu cực thao túng,
phần thì xí nghiệp là quốc doanh nhưng tinh thần lại chỉ là trách nhiệm có hạn. Phần thì mạo hiểm
cạnh tranh đầy rủi ro không được thưởng xứng đáng. Mặt khác bảo mạng,
không chấp nhận rủi ro trong cạnh tranh
nhiều khi có thể sống tốt hơn, khéo léo một tý thì vừa no nê vừa hạ cánh an toàn, v...v.. Trong
cái mớ bòng bong ấy mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải chăm lo thoả đáng cho
R&D, phải đi tiên phong vào công nghệ cao... thì đúng là không tưởng...
Nhưng là chủ thể tham gia quá trình hội nhập
kinh tế thế giới, doanh nghiệp và doanh nhân, các trường, viện, các tổ chức
nghiên cứu và các nhà khoa học... không đi tiên phong vào vận dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật, vào công nghệ cao, vào kinh tế tri thức, thì là ai đây?
Con đường đi vào công nghệ mới, sản phẩm mới
trong nền kinh tế nước ta – dù là bắt chước cái có sẵn của thế giới hay ta tự
sáng tạo – đầy rãy chông gai và cạm bãy. Thực sự hệ thống kinh tế của nước ta –
bao gồm cả hệ thống tài chính tiền tệ,
hệ thống quản lý đất nước ta – kể cả hệ thống pháp lý - thiếu những cơ
chế, những bộ đỡ hay lá chắn hỗ trợ hữu hiệu cho những nhà khoa học và những
doanh nhân, những đơn vị nghiên cứu và kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh
tế... dám mạo hiểm đi vào con đường này. Trong khi đó những tiêu cực các diện
trong đời sống kinh tế-xã hội hàng ngày gần như áp đảo hoàn toàn những ý chí và
những mạo hiểm như vậy, bóp chết từ trong trứng những ý tưởng dám mạo hiểm.
Chúng ta chưa có cách gì huy động tập trung hơn các nguồn lực cho nghiên cứu và
triển khai (R&D) nhằm nâng cao chất lượng của năng lực sản xuất hiện có...
Chúng ta thiếu những loại quỹ làm tốt các nhiệm vụ bảo hiểm, chống rủi ro,
khuyến khích sản phẩm mới, phòng ngừa sản phẩm mất giá... Chúng ta còn thiếu
nhiều thiết chế an toàn khác, nhất là
cho những sản phẩm nhạy cảm, qua đó tăng thêm an toàn cho toàn bộ nền
kinh tế...
Rồi đây phải mạnh mẽ đổi mới doanh nghiệp, đổi
mới sản phẩm, nhiều người phải bỏ nghề cũ tìm nghề mới.., phát triển nông thôn
cũng sẽ đòi hỏi nhiều nông dân bỏ nghề làm ruộng để học và làm nghề khác. Thực
tế này đòi hỏi nước ta phải sớm có những hệ thống và thiết chế bảo hiểm xã hội
và an sinh; phát triển những hệ thống này rộng khắp nhiều lĩnh vực và làm cho
chúng hoạt động hữu hiệu – dưới dạng các quỹ, các hiệp hội, các thể chế
khác.... Hệ thống này rất cần thiết cho duy trì sự cân bằng và ổn định xã hội,
phát triển nguồn nhân lực theo kịp quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế của đất
nước. Rõ ràng đây là một sự hẫng hụt lớn
trong tổ chức xã hội dân sự để phát huy mọi nguồn lực cho xây dựng và bảo vệ
đất nước. Nhà nước càng bao biện, làm thay, can thiệp hành chính,.. sự hẫng hụt
này càng lớn thêm[134].
Những năm vừa qua có khá nhiều tiến bộ công nghệ
và kỹ thuật gắn với đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Đây là một trong
những thành công lớn của đổi mới. Nhưng nhìn nhận với tinh thần khách quan và
phê phán, phải nói rằng chưa đạt được bao nhiêu trong việc với tới công nghệ
nguồn – nhất là của các TNCs, nhìn chung chuyển giao công nghệ qua FDI còn chưa
như mong muốn – kể cả công nghệ quản trị kinh doanh. Những yếu kém này cản trở
đi nhanh vào những sản phẩm có nhiều hàm lượng chất xám hơn, cản trở việc tạo
ra sản phẩm mới và mở ra thị trường mới. Trong những năm nửa sau của thập kỷ
1990 FDI suy giảm liên tục, chẳng những
ảnh hưởng đến tốc tộ tăng trưởng và phát triển kinh tế, mà còn hạn chế việc tạo
ra những bước đi nhanh hơn vào công nghệ cao, vào kinh tế tri thức. Việc vận
động trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia phát triển kinh tế, nhất là phát
triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, còn rất hạn chế.
Những điều vừa trình bày chứng minh: Một chiến lược phát triển khoa
học và công nghệ dù hay đấy mấy, chỉ có thể khả thi nếu nó được gắn với đẩy
mạnh quá trình cải cách kinh tế – xã hội lên mức cao hơn nữa. Sự phát triển của
khoa học và công nghệ trong một quốc gia để tiến tới hình thành kinh tế tri
thức, càng đòi hỏi: Phải có một kết cấu hạ tầng toàn diện đủ sức làm nền tảng
cho nó, một thượng tầng kiến trúc làm cho nó cất cánh và phát triển đúng hướng,
toàn bộ nền kinh tế vận hành trong một thị trường năng động.
Nhìn chung trong giới nghiên cứu ở nước ta có sự
nhất trí cao là chiến lược khoa học và công nghệ trong thời gian tới (đến năm
2010, 2020...) chủ yếu phải nhằm vào hai nhiệm vụ chính:
-
(a) nâng cao hiệu quả kinh tế của cả nước và năng lực toàn xã hội,
-
(b) phát triển những sản phẩm mới ngày càng nhiều hàm lượng khoa
học và công nghệ cao, tiếp cận với kinh tế tri thức.
Nhiều công trình nghiên cứu của các Bộ, trước
hết là của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, của Ban Khoa Giáo Trung ương,
các trường, viện và nhiều nhà nghiên cứu gọi đấy là chiến lược hay chương trình
lồng
nghép. Những ý tưởng này
được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Thực thi những ý tưởng này
thật sự là những thách đố sống còn.
5. Câu chuyện: “botton up” hay “top down”?
Việc phát triển con
người, điều kiện tiên quyết số 1 của kinh tế tri thức, phải được tiến hành từ
dưới lên, hay từ trên xuống?
Đấy là một trong
những câu hỏi được thảo luận khá sôi nổi trong cuộc Hội thảo khoa học về kinh
tế tri thức do Ban Khoa giáo TƯ, Bộ KHCN&MT, Bộ Ngoại giao tổ chức ở Hà Nội
ngày 21 và 22 tháng 6 năm 2000.
Loại ý kiến thiên
về “botton up” muốn nhấn mạnh vấn đề phát triển giáo dục. Dân trí mạnh sẽ giác
ngộ tất cả và sẽ làm được tất cả.
Loại ý kiến thiên về “top down” nhấn mạnh phải
nâng cao tri thức cho đội ngũ lãnh đạo các cấp với tư cách là những người làm
chính sách và trực tiếp điều hành đất nước. Cần nhấn mạnh “top down” vì đó là
những người nắm trong tay vận mệnh đất nước.
Cũng có nhiều ý
kiến cho rằng bàn về phát triển con người là bàn về tất cả, người lãnh đạo và
người bị lãnh đạo, ai cũng phải nâng cao tri thức của mình, ai cũng phải tiến
hành việc học tập suốt đời, để không bị xã hội đào thải, hay để không cản trở
xã hội đi lên.
Nhìn lại lịch sử
hình thành công cuộc đổi mới, mọi người đều biết sự việc bắt đầu từ các hiện
tượng nông dân ngoài Bắc – đặc biệt là ở Vĩnh Phú - tự phá rào, rồi Long An tự bù
giá vào lương, nhiều nơi tiến đến khoán, đến một giá... Rồi phải kể
đến cống hiến của những anh
Kim Ngọc ở ngoài Bắc và trong Nam, của nhiều nhà nghiên cứu tâm
huyết với đất nước, những cuộc tranh luận sôi nổi trong Đảng, trong Bộ Chính
trị và trong các đợt sinh hoạt quan trọng nhất của Đảng mà cao điểm lúc đó là
Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ VI, các Hội nghị Trung ương tiếp theo...
Dù phải trải qua một quá trình rất gian khổ,
quyết liệt, lúc đầu chưa phải là tự giác, sự ra đời của công cuộc đổi mới là một
ví dụ mẫu mực cho việc phát huy và kết hợp hài hoà của “botton up”
và “top down”, tạo ra một bước đột phá về dân chủ.
Đổi mới
là ví dụ mẫu mực về lòng dân và ý chí của dân trở
thành quyết sách của Đảng trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã
hội của đất nước: Cả “top down” và “botton up!” đều phải đi tới cái đích thông
qua dân chủ làm cho cách mạng trở thành sự nghiệp của quần chúng! Con đường phải kinh qua của “Botton up” là
như vậy.
Đổi mới cũng là ví dụ mẫu mực về việc Đảng thông
qua đấu tranh nghiêm khắc với chính mình, quyết tâm thực hiện dân chủ – thể
hiện qua quyết tâm tiến hành đổi mới đất nước.
Nhìn lại, càng thấy rõ nội dung thực chất của
đổi mới là dân chủ, và chính có dân hủ làm động lực nên đổi mới đã có những
quyết định đúng đắn, có khả năng thực hiện thắng lợi những quyết định ấy. Những
năm tháng ấy đổi mới đã đổi đời kinh tế – xã hội đất
nước trong tình trạng trứng để đầu đẳng!
Xin hãy nhìn lại phe xã hội chủ nghĩa những năm cuối thập kỷ 1980.
Không có dân chủ, nhất là không có sự đồng thuận
dân tộc vững chắc, không phát huy được truyền thống văn hoá lịch sử, không nâng
cao được dân trí để phát huy dân chủ, “botton up” hay “top down” sẽ là một thứ
gì đó na ná như đang xảy ra ở Indonesia hay vùng Balcan hiện nay. Vai
trò lãnh đạo của Đảng ở đây chính là làm cho dân chủ trở thành yếu tố thành
công quyết định - một trong những nhiệm
vụ khó nhất của chỉnh đốn và xây dựng Đảng. Thực chất đấy là nhiệm vụ cải cách
thể chế chính trị, điều kiện tiên quyết số 1 của thời kỳ phát triển mới hiện
nay của nước ta.
Vì
thế, “top down” cũng vô cùng quan trọng. Bởi vì những người nắm trong tay vận
mệnh đất nước càng phải quan tâm trau giồi cho mình đạo đức, trí tuệ, tri thức
và khả năng hoàn thành trọng trách được
giao. Đặc biệt là những người lãnh đạo cần phải
có phẩm chất và khả năng phát huy tri thức của tất cả mọi người, để mở
rộng tầm nhìn cho chính mình và cho cả nước, để cùng nhau phấn đấu mang về
những thành quả lớn nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đảng tự nhận về
mình nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp, lãnh đạo dân tộc lại càng phải làm như vậy.
Không phải ngẫu nhiên Đại hội IX lần này nhấn mạnh là Đại hội của trí tuệ, dân chủ,
đoàn kết, đổi mới.
Trong
khá nhiều nhiệm vụ quan trọng mang tính chất tạo ra động lực thúc đảy sự phát
triển của đất nước, xây dựng những giá trị mới, hoặc trong việc tạo ra sức mạnh
loại bỏ mọi trở lực kìm hãm sự phát triển của đất nước.., lại cần thiết phải
nhấn mạnh phương châm tiến hành từ trên xuống và từ trong Đảng tiến ra xã
hội.
Dân dã có câu nói nôm na: Đảng viên đi trước, làng nước
theo sau! Câu này có cả hai
nghĩa: tốt và xấu. Đảng viên gương mẫu, làng nước có trật tự kỷ cương. Đảng
viên hư, xóm giềng tắc loạn. Điều này càng đúng với đảng cầm quyền. Đối với
người lãnh đạo lại càng như vậy. Những nhiệm vụ cực kỳ gian khổ như cải cách
hành chính, chống tham nhũng, phát huy dân chủ, sống và làm việc theo pháp
luật, học thật suốt đời, trọng dụng người hiền tài, đi tiên phong trong tiếp
tục đảy mạnh công cuộc đổi mới... chỉ có thể tiến hành có kết quả theo phương
châm từ trên xuống và từ trong Đảng ra. Làm được như thế, mới dấy lên được
phong trào nhân dân mạnh mẽ thực hiện thành công những nhiệm vụ khó khăn này.
Đây còn là nội dung tính tiền phong chiến đấu của Đảng trong lãnh đạo đổi mới
đất nước.
Đề
cập đến vấn đề học tập suốt đời, không thể không bàn đến nền giáo dục nước ta
hiện nay.
Đây là vấn đề phải viết riêng thành nhiều quyển
sách. Các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước đã bỏ ra biết bao nhiêu công sức cho vấn đề trọng đại này. Ngoài
những ý đã trình bày trong cuốn “Việt Nam định hướng XHCN...”[135],
xin góp thêm một vài ý nhỏ.
-
Cải cách giáo dục đang là vấn đề trọng đại, rất bức xúc, thu hút
sự chú ý của toàn xã hội. Nhiệm vụ vô cùng bức bách này quyết định tương lai và
vận mệnh đất nước. Nền giáo dục như hiện nay, nếu không được cải cách thật
triệt để và thật khoa học, đất nước sẽ ngày càng tụt hậu và suy yếu. Nhưng cải
cách như thế nào, chúng ta thực sự chưa có mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi được
đề ra. Tuy nhiên, cần xem đây là lý do thôi thúc chúng ta phải nỗ lực lao động
có trí tuệ nhiều hơn nữa cho nhiệm vụ này. Mong rằng con em chúng ta sẽ được
học tập tốt hơn, được học trong trường và ngoài đời những phẩm chất tốt, trung
trực và vị tha, có đầu óc phê phán biết mình biết người, tự tin nhưng khiêm
nhường, có tinh thần cởi mở và hợp tác, không bị nhồi nhét hoặc tiêm nhiễm thói
khoa trương, sẽ có nhiều giờ hơn cho ngoại ngữ và tin học, nhưng sẽ bớt được
hình phạt khổ sai vì các giờ học thêm quá nhiều và nhàm, sẽ có nhiều thời giờ
hơn cho tuổi thơ, cho tuổi thanh xuân, cho phát triển thể lực và rèn luyện ý
chí... Báo chí đã lên tiếng báo động số 3: Do có quá nhiều cái vô lý trong học
hành và thi cử, số trẻ em bị rối loạn tâm thần, bị tress... đang tăng nhanh,
một số em đã mắc bệnh nặng! Tình trạng giáo dục như hiện nay và những hệ quả
của nó, theo tôi, có lẽ là sự lãng phí và tổn thất lớn nhất về
người và của của quốc gia ngày nay và mai sau trong thời bình xây
dựng và bảo vệ đất nước!
-
Có lẽ chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến những phần việc cả
nước và toàn xã hội phải làm cho cải cách và đổi mới nền giáo dục
nước nhà. Cả nước và toàn xã hội cần chăm lo gìn giữ, phát huy, xây dựng mới những
giá trị của dân tộc, của xã hội công bằng dân chủ và văn minh, của
nền văn hoá giàu tính dân tộc, nhân văn và tiên tiến, của nền kinh tế coi thị
trường cả thế giới là đối tượng lao động và đối tác của mình, của một Nhà nước
dân chủ và hiện đại. Thiếu những phần việc này, nhất là thiếu những giá trị
này, giả thử có thiết kế được một nền giáo dục tốt nhất cũng sẽ là vô nghĩa.
Cha mẹ hư thì con không ngoan được. Các giá trị chân chính bị trà đạp thì không
dạy con cháu sống theo và gìn giữ những giá trị ấy được[136].
Bằng giả, học giả nhưng lại được việc và được trọng dụng thì bằng thật và học
thật là vô nghĩa... Làm tốt những việc cả nước và toàn xã hội phải làm này là
sự hỗ trợ cực kỳ quan trọng cho cải cách
giáo dục, là một bộ phận hữu cơ của chính nhiệm vụ cải cách giáo dục, là sự bảo
đảm chắc chắn cho cải cách giáo dục thành công. Tự dạy mình trước mới hy vọng
dạy được con cháu mình.
-
Nền giáo dục nước ta đứng trước rất nhiều nghịch lý mà mọi điều
kiện kinh tế, văn hoá, xã hội, phong tục tập quán... của đất nước chưa cho phép
giải quyết tốt hoặc giải quyết ngay được. Ví dụ tiêu biểu nhất là: cơ cấu giáo
dục và đào tạo ở nước ta có thể ví như một cái hình chóp lộn ngược[137].
Hình ảnh này minh hoạ: đào tạo ở bậc đại
học và sau đại học là quá lớn so đào tạo ở bậc trung cấp và công nghân chuyên
nghiệp. Không dễ dàng gì đặt cái hình chóp này trở lại đúng với thế đứng của
nó. Những nguyên nhân lật ngược hình chóp này thật dễ
thấy, nhưng hoàn toàn không dễ khắc phục. Một mình ngành giáo dục càng không
thể đặt lại cái hình chóp lật ngược này. Việc này phải là của cả nước và toàn
xã hội – từ thể chế tuyển dụng người vào biên chế nhà nước, từ việc phát triển
các ngành nghề, từ bảo hộ sở hữu và thu nhập chính đáng của những người lao
động ngoài biên chế nhà nước, từ tôn vinh các thang giá trị chân chính. Đặc
biệt cần tạo ra sự tôn vinh dành cho những người tự lập thân trên đường đời ở
bất kỳ thành phần kinh tế nào và trong mọi nghề nghiệp, mọi lĩnh vực khoa học
kỹ thuật, chứ không phải là lập thân qua con đường quan trường. Muốn thế
phải rào kín các “ngóc ngách” của con đường quan trường, chỉ còn để lại một cửa
thi- tuyển công khai và có thử thách khắt khe. Cả nước ta có thể lấy tinh hoa
của Quốc Tử Giám làm gương cho việc thực hiện sự thi - tuyển này -
đúng với tinh thần người tài là nguyên khí của quốc gia! Muốn thế phải mở đường cho mọi tài năng có
đất thi thố trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, phải phát triển khung khổ pháp lý
phù hợp và các hệ thống bảo hiểm xã hội
và hệ thống an sinh hoạt động hữu hiệu để hỗ trợ, vân... vân – khó mà kể hết
những công việc cả nước và toàn xã hội phải làm như vậy! Lấy ngắn nuôi dài phải đi
qua con đường này! Phải kiên trì làm năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế
hệ khác. Về nhiều phương diện, cải cách giáo dục còn là một phần hữu cơ của nội
dung cải cách chính trị – xã hội. Nhất thiết xây dựng sự công khai minh bạch,
xoá bỏ mọi hiện tượng ô dù, luồn lọt, chạy ghế, họ hàng thân quen lôi kéo nhau
vào biên chế... Có làm được tất cả những điều vừa nói, mới hy vọng giảm dần
được việc học hành theo đuổi đường quan trường, mới dần dần đặt được cái hình
chóp lộn ngược trở về thế đứng vững chãi của nó, đất nước mới mở mày mở mặt lên
được[138].
Cần hết sức nuôi dưỡng truyền thống hiếu học của nhân dân ta, nhưng cũng nên
bồi bổ truyền thống tốt đẹp này những cách nhìn mới, để phát huy truyền thống
này phù hợp với những đòi hỏi phát triển mới của đất nước. Trước mắt cả nước
cần đem hết sức mình cùng với Bộ Giáo dục ra sức khắc phục những yếu kém Chính
phủ đã chỉ ra, đó là: *chất lượng giáo
dục đại trà ở các cấp học, bậc học còn thấp, *khả năng tư duy độc lập sáng tạo
và kỹ năng thực hành của học sinh sinh viên còn yếu, *nhiệm vụ rèn luyện phẩm
chất chính trị, đạo đức và lối sống đạt hiệu quả thấp, *cơ sở vật chất, đội ngũ
giáo viên, phươmg pháp giáo dục, phương tiện giảng dạy còn nhiều bất cập, *giáo
dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó
khăn, *những hiện tượng tiêu cực, thiếu kỷ cương trong giáo dục và đào tạo còn
khá phổ biến...[139]
-
Nước nghèo, ngân sách eo hẹp, phần chi từ ngân sách cho giáo dục
tất nhiên rất eo hẹp so với đòi hỏi của đời sống đất nước. Phải bổ sung thêm
phần “xã hội hoá” cho giáo dục là tất yếu. Trên thực tế ở nước ta phần chi của
toàn xã hội cho giáo dục – từ ngân sách Nhà nước và từ túi tiền của bố mẹ học
sinh – thật ra không thể nói là nhỏ so với tổng thu nhập của đất nước. Vấn đề
tồn tại là việc “xã hội hoá” này làm chưa tốt, phần lớn là chi chui, vô cùng tốn kém
cho bố mẹ học sinh, nhưng chất lượng giáo dục cả nước nói chung không được cải
thiện, hoặc được cải thiện không đáng kể. Chi chui hay “xã hội hoá” cho giáo
dục kiểu này là thương mại hoá giáo dục một cách rất đáng phê
phán. Thực ra “xã hội hoá” là tất yếu. Các nước giàu nhất thế giới cũng phải
thực hiện “xã hội hoá” một phần rất quan trọng trong chi tiêu cho giáo dục. Chỉ
có một điều ở các quốc gia giàu có này, những hoạt động giáo dục, bất kể là cấp
nào, nếu nằm trong phần “xã hội hoá” thì phải hoạt động theo nguyên tắc phi
lợi nhuận (để không thương mại hoá giáo dục), trong khung khổ pháp lý
rất chặt chẽ, và phải chịu sự giám sát của các cơ chế tự quản đầy quyền lực của
nhân dân địa phương nơi cơ sở giáo dục đó hoạt động. Nên huy động trí tuệ cả
nước bỏ ra nhiều chất xám tìm cách kết hợp tốt nhất phần ngân sách nhà nước
với phần
“xã
hội hoá” hợp lý, để có điều kiện thực hiện một nền giáo dục có chất
lượng hơn, công bằng hơn cho các loại đối tượng học sinh, đồng thời tạo điều
kiện cho giáo viên có thu nhập thoả đáng và xứng đáng với cống hiến (lương +
thu nhập ngoài lương được chính thức hoá), để giáo viên có điều kiện tốt nhất
làm nhiệm vụ cao quý của mình là trồng người. Cần đặc biệt khuyến khích các
doanh nghiệp, các doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nhiệm vụ
giáo dục và đào tạo.
6. Bàn về những trở lực
Liên quan đến việc thực hiện những ý tưởng
khuyến khích vận dụng, khuyến khích sáng tạo mới những tiến bộ khoa học kỹ
thuật và công nghệ nhằm đáp ứng những đòi hỏi phát triển kinh tế – xã hội của
đất nước, phải thừa nhận suy nghĩ của con người vô cùng phức tạp.
Có người nói thẳng:
-
“Phần lớn những việc việc kể lể bên trên đương nhiên là làm được.
Nhưng làm như thế ăn gì?!”...
Một số người khác, đông hơn, cũng có thể hiền
lành hơn:
-
“Cũng biết như thế đấy, song tội gì đứng mũi chịu sào? Không khéo
thì chẳng phải đầu cũng phải tai!..”
Có người tặc lưỡi:
-
Một nhiệm kỳ có 5 năm thôi, trước hết phải thu hồi vốn cái đã, phải tận dụng thời gian,
phải lo hạ cánh an toàn, mọi chuyện khác để lại cho hậu thế... – dù cho sau ta sẽ là cơn đại hồng thuỷ[140]...
Có người lại nhận xét:
-
Không ít người làm việc là
để làm lịch sử hơn là vì đất nước...
Có những người thật sự lương thiện lại nghĩ:
-
Từ cổ chí kim, có ai bước qua được cái bóng của mình?.. - nghĩa là thủ tiêu đấu tranh.
Rất tiếc những cách suy nghĩ như vậy ngày nay
không hiếm ở bất kỳ đâu trong nước ta!
ý thức được những yếu kém của mình, những việc
phải làm, quan trọng hơn nữa là ý thức được bản lĩnh và khả năng của dân tộc
mình, đất nước ta sẽ sớm khai phá được con đường tiến vào kinh tế tri thức.
Sự lạc hậu cuối triều Nguyễn đã bỏ lỡ mất cơ hội
canh tân đất nước, dẫn đến 80 năm mất nước và các cuộc chiến tranh xâm lược
liên tiếp của chủ nghĩa đế quốc chống lại đất nước ta. Hệ quả là đất nước bị
cướp đi cả một giai đoạn phát triển 200 năm.
Đấy không chỉ là 2 thế kỷ bị đánh mất hay bị
cướp mất, mà còn kéo dài thêm biết bao nhiêu di sản nặng nề của chế độ phong
kiến và nô lệ, di sản kinh tế và văn hoá của nền sản xuất tiểu nông manh mún,
lạc hậu. Đấy là những vết thương chiến tranh về tinh thần, về vật chất trong
lòng đất nước, trong lòng dân tộc. Chắc chắn còn phải mất nhiều thế hệ nữa
những vết thương này mới lành lại được. Đấy là những tập quán và quán tính rất
khó khắc phục do những năm tháng chiến tranh quá dài gây ra... Hơn nữa, trong
hai thế kỷ bị cướp mất ấy, nhất là trong nửa sau thế kỷ 20, kinh tế thế giới và
tiến bộ công nghệ và khoa học kỹ thuật có những bước tiến dài hơn tất cả 20 thế
kỷ trước đó của xã hội loài người, trong khi đó nước ta bị cùm chân tại một
chỗ!
Trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng đất
nước, chúng ta sẽ ngày một ý thức đầy đủ hơn thế nào là bị cướp đi cả một giai đoạn phát
triển. Điều này nhắc nhở chính chúng ta - những thế hệ của hiện tại -
cần nhận thức hết trách nhiệm nặng nề của mình đối với đất nước hiện nay và mai
sau. Rồi đây lớp con cháu chúng ta, khi đến lượt chúng gánh vác trên vai mình
nhiệm vụ đối với đất nước, chúng sẽ phán xét chúng ta là những người đã chuẩn
bị thoả đáng cho công việc của chúng, hay là những người để lại nhiều gánh nặng
và đánh mất cơ hội của chúng.
Khi thống nhất đất nước, tỷ lệ lao động trong
nông nghiệp nước ta ước lượng chiếm khoảng 80% lao động cả nước. 25 năm sau, tỷ
lệ này bây giờ là 70%. Trên đất nước ta vẫn còn khoảng 2 triệu dân sống du canh
du cư. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau hàng nghìn năm nay bây giờ
vẫn là hình ảnh quen thuộc đọng lại ở nhiều nơi... Một vài ví dụ này thôi đủ
nói lên sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước ta còn chật vật, gian
khổ như thế nào. Song những cái “lạc hậu” này không phải là những khó khăn lớn
nhất. Còn có những khó khăn lớn hơn rất nhiều, có thể tạm gói ghém chúng trong một cụm từ nghe vướng tai một chút: “những
khó khăn dạng yếu tố phi vật thể” – vì nhân thể chúng ta đang bàn về
kinh tế tri thức.
Ví dụ:
-
Năm này qua năm khác trong một làng tái diễn mãi những chuyện chi
bộ họ Nguyễn hay chi bộ họ Trần?.. rồi một xã, một huyện, một tỉnh, một
doanh nghiệp, một Bộ, trong phạm vi cả nước...
-
Nhìn vào hệ thống thang bậc tiền lương của nước ta, dù rằng đã cải
tiến bao nhiêu lần, chúng ta có thể thấy rất nhiều nét ảnh hưởng của suy nghĩ
thời chiến, thậm chí cả ảnh hưởng của những suy nghĩ thời phong kiến...
-
Hiển nhiên ai mà không nhận ra học hành theo con đường quan trường là
không nên, song loại bỏ mọi yếu tố phi vật thể làm môi sinh cho học
hành theo con đường quan trường, thật rất khó nói đến bao giờ đất nước
ta mới làm được.
-
Văn hoá phong bì là xấu và khó khắc phục lắm, song việc khắc
phục những yếu tố phi vật thể nuôi dưỡng văn hoá phong bì còn khó
hơn nhiều...
-
Vân... vân...
Còn biết bao nhiêu điều khác thấm sâu vào trong
máu, vào trong nếp nghĩ của chúng ta,
nhiều khi chúng ta không nhận ra được...
Giả thử ngay bây giờ chúng ta cần xây dựng một
nhà máy điện hạt nhân thì sẽ như thế nào? Việc vận hành một nhà máy loại công
nghệ cao như thế – với sự học hỏi và giúp đỡ nào đó - có thể nói là nằm trong
tầm tay chúng ta. Nhưng... trong sự tồn tại những yếu tố phi vật thể tiêu cực ở xã hội nước ta như hiện nay, chúng
ta có dám chắc sẽ đạt được sự hoàn hảo ở tất cả các khâu – từ đấu thầu, đến xây
dựng, láp ráp, luật pháp, kỷ cương, sự tuân thủ và hỗ trợ chung của toàn xã hội
đối với những quy định an toàn phải thực hiện khi nhà máy bắt đầu vận hành, xử
lý chất phế thải... - để tránh xuất hiện ở Việt Nam một địa danh Tréc-nô-bưn
được không? Nếu dựa vào những chuyện rắc rối, tù mù đang xảy ra chung quanh
việc đấu thầu công trình Sân vận động Quốc gia để chuẩn bị cho SEA Games 22
(năm 2003) tại Hà Nội, vào việc xây dựng
gia cố đoạn đê Hữu Hồng/Cát Thượng/Từ Liêm/Hà Nội, việc xây dựng cải tạo hệ
thống cống ở Thành phố Hồ chí Minh.., câu trả lời lô-gích cho câu hỏi trên chỉ
có thể là: Không!
Câu trả lời giả định nêu trên về nhà máy điện
hạt nhân không phải là võ đoán, thực ra nó dựa trên sự quan sát những gì đã xảy
ra ở các nước láng giềng quanh ta. Những thành tựu kỳ diệu được xây dựng lên
trong hai ba thập kỷ vừa qua của
Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã đổ nhào chỉ trong vài tuần của cuộc
khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997. Trước hết là vì những thành tựu này
được xây dựng trên một nền móng xã hội có quá nhiều các yếu tố phi vật thể như
vậy. Cũng vì lẽ này, thực hiện dân chủ để loại bỏ những yếu tố phi vật thể mang
tính phá hoại, phải làm song song với bài trừ thứ “dân chủ” không tôn trọng hay
đứng trên pháp luật, thứ “dân chủ” theo kiểu vô kỷ luật trong bộ máy điều hành
đất nước.
Tri thức không bao giờ đủ. Nhưng mọi tri thức
đất nước ta đến nay đã tích tụ được sẽ trở nên vô nghĩa, mọi sáng tạo mới hay
tiếp thu thêm tri thức nào đó cũng chẳng ích lợi gì mấy, nếu như không xây dựng
được những
thể chế kinh tế, chính trị, xã
hội đòi hỏi và khuyến khích từng công dân, từng doanh nghiệp
thuộc mọi thành phần kinh tế cố gắng hoặc dám mạo hiểm vận dụng tri thức để xây
dựng cuộc sống của mình. Thành quả của những cố gắng hay mạo hiểm này cần được
sự bảo hộ thoả đáng từ phía Nhà nước và được tôn vinh trong xã hội. Cần xây
dựng những đòi hỏi và khuyến
khích này thành các giá trị mới, đồng thời kiên định loại bỏ mọi hành
vi ăn bám hay đi ngược lại những thể chế và giá trị này. Mặt khác, có thành
công trong chống đói nghèo, trong giải quyết những hệ quả kinh tế –
xã hội không thể tránh khỏi trong xuốt quá trình cải cách và chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, mới hy vọng tạo ra tăng trưởng và phát triển bền vững. Cái giá phải
trả cho tiến bộ của đất nước sẽ là chịu đựng được, ổn định chính trị và xã hội
sẽ duy trì được, bước phát triển của đất nước hôm nay chuẩn bị – chứ không cản
trở - cho bước phát triển của ngày mai, trước hết và chủ yếu phụ thuộc vào sự thành
công này. Công bằng, dân chủ, văn minh trước hết xuất phát từ sự thành
công này. Và cũng chỉ có công bằng, dân chủ và văn minh mới bảo đảm
cho kinh tế của đất nước tăng trưởng và phát triển năng động, bền vững.
Thách thức rất lớn đối với nước ta là: Trong
kinh tế tri thức các nước phát triển hơn nước ta càng đi nhanh hơn, những yêu
cầu đặt ra trong xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới ta khó đáp ứng
hơn, những biến động ta phải đối phó sẽ phức tạp hơn. Song nếu biết khai thác
tốt lợi thế nước đi sau, biết khôn khéo tạo ra sự hợp tác cùng có lợi, con
đường phát triển kinh tế nước ta có thể bớt quanh co khúc khuỷu, nước ta có thể
lợi dụng yêu cầu cạnh tranh của các đối tác để tiến vào những sản phẩm mới và
thị trường mới.
Tựu trung lại, khi bàn về những trở lực, phải
chăng ngoài những yếu kém do nền kinh tế của nước ta còn ở giai đoạn kém phát
triển gây ra, có hai loại trở lực cần đặc biệt chú ý khắc phục. Đó là:
-
(1) những trở lực do những yếu kém chủ quan trong nếp sống, nếp
nghĩ, những tập quán khó sửa của từng cá nhân riêng lẻ cũng như của toàn xã hội
– tạm gọi đó là những yếu kém thuộc phạm trù văn hoá-xã hội;
-
(2) những trở lực do nhận thức còn nhiều hẫng hụt hoặc bất cập so
với thực tế khách quan của sự vật đang diễn ra – tạm gọi đó là những yếu
kém do những hạn chế về nhận thức, về
tri thức.
Đặt vấn đề như vậy, bởi vì những yếu kém do nền
kinh tế còn ở giai đoạn kém phát triển gây ra sẽ còn tồn tại một thời gian dài.
Lẽ đơn giản là chúng ta không thể ngày một ngày hai tạo ra ngay những cơ sở vật
chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cần thiết cho việc hình thành
một nền kinh tế hiện đại. Chúng ta buộc phải chung sống với những yếu kém này
trong một thời gian nhất định – ngắn dài bao nhiêu là tuỳ thuộc vào thành quả
những nỗ lực của cả nước. Song tiềm lực đất nước ta đã có trong tay để
đi lên là to lớn - kể cả tiềm lực khoa học và công nghệ, tiềm lực tiến tới kinh
tế tri thức. Xin nhắc lại: Tiềm lực ấy sẽ trở nên kém ý nghĩa hoặc thậm chí vô
nghĩa, nếu chúng ta không thành công trong khắc phục hai loại trở lực nói trên.
Nhận thức sâu sắc hai loại trở lực này để quyết tâm khắc phục, nước ta đang có
khả năng vượt qua mọi thách thức, sớm vận dụng được cơ hội trở thành một nền
kinh tế mạnh và một đối tác kinh tế có vị thế xứng đáng trong khu vực, sớm
tranh thủ được nhiều đối tác khác trên thế giới. Đây cũng là con đường khả thi
nhất cho việc hoàn thành chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vào
năm 2020.
Cũng xin lưu ý các nước trong khu vực, nhất là
các nước ASEAN mà nước ta là một thành viên, đang phải đối đầu với nhiều thách
thức mới, tình hình đang đòi hỏi những quốc gia này phải sớm lấy lại ổn định và
sức phát triển năng động để hoàn toàn ra khỏi những dư chấn của cuộc khủng
hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997. Là đối tác của những quốc gia này, nước
ta vừa có nghĩa vụ và vừa có cơ hội phải sớm trở thành một nền kinh tế mạnh,
một đối tác có thực lực, góp phần xứng đáng vào ổn định và phát triển của khu
vực. Đó cũng là con đường tích cực nhất, chủ động nhất để nước ta có khả năng
đương đầu thắng lợi với rất nhiều thách thức phía trước, tiếp tục nâng cao vị
thế của đất nước.
7. Đại hội IX và kinh tế tri thức
Đại
hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam đề ra 5 quan điểm cơ bản
làm cơ sở cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước phù hợp với
tình hình mới, nhằm hoàn thành cơ bản nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá
nước ta vào năm 2020. Nội dung 5 quan điểm cơ bản như sau:
1. Phát triển nhanh, hiệu
quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã
hội, bảo vệ môi trường, tăng nhanh năng
suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng nhanh năng lực
nội sinh về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và
đào tạo, nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế-xã
hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta.
2. Coi phát triển kinh tế
là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đồng bộ nền tảng cho một nước công nghiệp là
yêu cầu cấp thiết, nhấn mạnh: phát triển nguồn nhân lực con người Việt Nam với
yêu cầu ngày càng cao, vận hành thông suốt và có hiệu quả thể chế kinh tế định
hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
3. Đẩy mạnh công cuộc đổi
mới, tạo động lực giải phóng và phát huy mọi nguồn lực.
4. Gắn chặt việc xây dựng
nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
5. Kết hợp chặt chẽ phát
triển kinh tế – xã hội với quốc phòng - an ninh.
Thiết nghĩ tri thức và
tìm cách tiếp cận với kinh tế tri thức sẽ tạo thêm thuận lợi góp phần vào thực
hiện 5 quan điểm nói trên. Còn có thể nói, trong một tương lai nào đấy, kinh tế
tri thức ở nước ta sẽ là một trong những động lực quan trọng góp phần thực hiện
5 quan điểm cơ bản này. Nếu thế, mọi việc đi đến tương lai ấy phải bắt đầu ngay
từ bây giờ.
Văn kiện Đại hội IX
khẳng định lại và làm rõ thêm nhiều chủ trương chiến lược quan trọng, nhằm bảo
đảm hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vào năm 2020 theo 5 quan
điểm vừa nêu trên. Đại hội IX nêu rõ: Con đường đi lên của nước ta là sự phát
triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp
thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được, đặc biệt về khoa học và
công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng
sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại. Trong thời kỳ quá độ có nhiều hình
thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp
xã hội khác nhau, thống nhất trong mục tiêu chung: Độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Văn kiện Đại hội nêu rõ:
phát triển lực lượng sản xuất hiện đại gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất
mới phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối; kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh
tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với
kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc. Tiêu chuẩn căn bản để
đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa là
*thúc đảy phát triển lực lượng sản xuất, *cải thiện đời sống nhân dân, *thực hiện
công bằng xã hội. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ
phận cấu thành quan trọng của nền nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Đại hội IX đề ra trong 5 năm tới phải cơ bản hoàn thành
củng cố, sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động các
doanh nhgiệp nhà nước hiện nay, đồng thời phát triển thêm doanh nghiệp mà Nhà
nước đầu tư 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối ở một số ngành, lĩnh vực then
chốt và địa bàn quan trọng. Thực hiện tốt chủ trương cổ phần hoá và đa dạng hoá
sở hữu đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn; giao,
bán, khoán, cho thuê... các doanh nghiệp loại nhỏ Nhà nước không cần nắm giữ;
sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu
quả... Cần phân biệt quyền của chủ sở hữu và quyền kinh doanh của doanh nghiệp
để thực hiện chế độ quản lý công ty đối với các doanh nghiệp kinh doanh dưới
dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một chủ sở hữu là Nhà nước và đối với công ty
cổ phần có vốn Nhà nước, xoá bao cấp, doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng trên
thị trường, tự chịu trách nhiệm về sản xuất kinh doanh, nộp đủ thuế và có lãi.
Để thực hiện vai trò của mình, doanh nghiệp nhà nước phải đi đầu ứng dụng tiến
bộ khoa học và công nghệ, nêu gương về năng suất – chất lượng – hiệu quả kinh
tế-xã hội, và nêu gương chấp hành pháp luật.
Đối với các thành phần
kinh tế, văn kiện Đại hội IX nêu rõ: *phát triển kinh tế tập thể với các hình
thức hợp tác đa dạng, *kinh tế cá thể và tiểu chủ ở nông thôn và thành thị được
Nhà nước tạo điều kiện phát triển, *kinh tế tư bản tư nhân được khuyến khích
phát triển, không hạn chế về quy mô trong những ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn
mà Nhà nước không cấm; khuyến khích hợp tác, liên kết, liên doanh, *kinh tế tư
bản nhà nước dưới các hình thức liên kết liên doanh trong nước và với nước
ngoài ngày càng phát triển, *kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài là một bộ
phận của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích phát triển, hướng mạnh vào sản
xuất kinh doanh hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu, hàng hoá và dịch vụ có công nghệ
cao, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Đại hội IX nêu rõ cần
tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường – bao gồm phát triển thị trường lao động,
thị trường khoa học và công nghệ, thị trường vốn, thị trường bất động sản; đổi
mới và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước; đổi mới chính sách và kiện toàn
hệ thống tài chính tiền tệ; mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, tất
cả nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi những chủ trương kinh tế nêu trên[141].
Có thể nói, để thực hiện
tốt những nhiệm vụ vừa nêu trên, toàn Đảng và toàn dân ta cần ra sức vận dụng
những kinh nghiệm, những tri thức do chính mình đã tích tụ được trong quá trình
xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc cũng như những kinh nhgiệm và tri thức của nhận
loại, nhất là những tri thức mới nhất trong khoa học và công nghệ, kể cả những
tri thức mới nhất trong khoa học tổ chức và quản lý kinh tế, xã hội. Hơn thế
nữa là nước đi sau, nước ta có thể khai thác những kinh nghiệm thành, bại của
các nước đi trước, tìm ra cho mình những bước đi đỡ trả giá hơn, đạt nhiều hiệu
quả hơn, tiến nhanh hơn đến hiện đại. Thực tiễn của 15 năm đổi mới vừa qua đã
chứng minh điều này và đang tạo ra cho nước ta năng lực nội sinh vô giá: năng lực
làm chủ quá trình vận động của sự vật trong thời kỳ phát triển mới của đất nước
trong thế giới đã xuất hiện kinh tế tri thức và ngày càng toàn cầu hoá sâu sắc.
Để không bỏ lỡ thời cơ, để chiến thắng mọi thách thức, nước ta bắt buộc phải
phát huy năng lực nội sinh này. Rồi đây chính yêu cầu phát triển của nước ta sẽ
đòi hỏi nước ta ngày càng phải hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá của kinh tế
thế giới, phải từng bước làm cho thị trường cả thế giới là đối tượng lao động
và đối tác của mình, nhất thiết nước ta phải ra sức phát huy năng lực nội sinh
này. Tri thức và kinh tế tri thức sẽ là một trong những yếu tố không thể thiếu
và ngày càng trở nên quan trọng để tạo ra và phát huy năng lực nội sinh cần
phải có ấy.
Con đường đất nước phải đi tiếp để trở thành một
nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là
một cuộc trường chinh đầy gian truân. Xây dựng lòng người - nghĩa
là thực hiện dân chủ của người dân, một xã hội dựa trên trên nền tảng của dân
chủ và một Nhà nước minh bạch, có năng lực và trong sạch - sẽ giúp dân tộc ta
phát huy nghị lực và mọi khả năng sáng tạo để tiếp tục tiến bước trên con đường
ấy, nhất là sẽ làm cho tri thức trở thành nguồn lực quan trọng đem lại giàu có,
công bằng và văn minh cho đất nước.
Xây dựng được lòng người như vậy, đất nước ta sẽ
có nhiều nghị lực và trí tuệ để xây dựng kinh tế lành mạnh hơn, nhanh hơn và
vững chắc hơn theo tinh thần 5 quan điểm phát triển cơ bản của Đại hội IX.
Nghèo nàn và lạc hậu không phải là định mệnh đối với nước ta. Nhưng nghèo nàn
và lạc hậu hầu như sẽ bất khả kháng đối với nước ta, nếu từng công dân và toàn
thể dân tộc ta không được trang bị đầy đủ những hiểu biết về những mối nguy
trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay. Những mối nguy này có thể làm cho nghèo
nàn và lạc hậu trở thành định mệnh như đã và đang xảy ra từ nửa thế kỷ nay đối
với hơn một trăm nước đang phát triển trên thế giới đã giành lại được độc lập
và chủ quyền của mình. Nghĩa là định mệnh này đã thắng tại hàng trăm quốc gia,
lẽ gì lại kiềng nể nước ta?!
Sẽ là định mệnh, nếu như Đảng ta và nhân dân ta
không thắng được sức ỳ và những quán tính của chính bản thân mình – nhất là
không chiến thắng được những yếu kém phi vật thể từng ngày từng giờ đang tìm cách làm mục
ruỗng nền kinh tế và huỷ hoại mọi nguồn lực, mọi giá trị cần thiết cho sự
nghiệp chấn hưng đất nước.
Sẽ là định mệnh, nếu như Đảng ta và nhân dân ta
không thực hiện được việc làm cho dân chủ trở thành sự giải phóng mọi nguồn lực
và trí tuệ của đất nước, trở thành sự quần tụ của dân tộc tạo ra sức mạnh bất
khả chiến bại đẩy lùi định mệnh này. Những quyết sách mang tính chiến lược,
những biện pháp quyết liệt xoá bỏ bao cấp, những chính sách khuyến khích phát
huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế nhiều thành phần trong những năm đi vào
công cuộc đổi mới hàm chứa biết bao nhiêu kinh nghiệm vô cùng quý báu, cần được
khai thác cho những bước đi tiếp của đất nước. Những kinh nghiệm này chứng minh
không thể bác bỏ được: Dân chủ đã giải phóng mọi nguồn lực và trí tuệ của đất
nước, đã quần tụ sức mạnh của dân tộc đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế
– xã hội kéo dài, đưa Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tiến tới vị thế như
ngày nay trên thế giới.
Trước sau nghèo nàn lạc hậu sẽ là định mệnh, nếu
như Đảng ta và nhân dân ta không thắng
được cái vòng kịm cô “ta về ta tắm ao ta”, nếu như lạc lõng với xu thế phát
triển của kinh tế thế giới và không có khả năng làm cho thị trường cả thế giới
trở thành đối tượng lao động và đối tác của mình...
Xây dựng được lòng người như vậy, mọi công dân
của đất nước sẽ có khả năng và phẩm chất tiến xa hơn vào thế giới tri thức để
mở đường phát triển kinh tế tri thức cho nước nhà.
Suy cho cùng, công nghiệp hoá, hiện đại hoá
chung cuộc là phải mang lại cho đất nước ta lợi thế cạnh tranh hơn hẳn nhiều
nước khác, để sớm thành đạt mục tiêu chiến lược: làm cho thị trường cả thế giới
trở thành đối tượng lao động và đối tác của mình. Đặc biệt là cần xem xét
sự xuất hiện kinh tế tri thức trên thế giới là một thách thức mới rất phức tạp,
đòi hỏi nước ta phải đương đầu thắng lợi, không được phép thất bại. Song quan
trọng hơn nữa là cần ra sức khai thác tình hình xuất hiện kinh tế tri thức
trong thế giới toàn cầu hoá như một thời cơ, một cơ may cho việc thực hiện mục
tiêu chung cuộc này của công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nhìn rộng ra nữa, công cuộc đổi mới đang giải
phóng và nhân lên gấp bội mọi nguồn lực của đất nước, vị thế đất nước ta ngày
càng được nâng cao trong thế giới ngày nay, sự xuất hiện của kinh tế tri thức
trong thế giới toàn cầu hoá - đấy là ba yếu tố đang tạo ra cho nước ta thời cơ
có một không hai trong lịch sử đất nước để san lấp khoảng cách phát triển hai
thế kỷ. Vô luận phải đương đầu với những thách đố nào, Đảng ta, dân tộc Việt
Nam ta cần nắm lấy bằng được thời cơ này. Đi tắt đón đầu xu thế phát triển của
kinh tế thế giới, trước hết phải nắm lấy thời cơ này. Yêu nước, đòi hỏi quyết
không để lỡ thời cơ này. Đòi hỏi này là hòn đá thử vàng đối với mọi phẩm chất,
giá trị, lý tưởng cao đẹp nhất và trí tuệ của con người Việt Nam chúng ta.
“Kiểm kê” lực lượng trước khi đi
vào khai phá con đường sống còn này trong thời kỳ phát triển mới của đất nước,
cái mà nước ta cần nhất nhưng đang có ít nhất, không phải là vốn, kỹ thuật, tri
thức, kỹ năng, tiềm năng kinh tế.., mà là ý chí và khả năng tiến hành triệt để
công cuộc đổi mới. Lẽ đơn giản là:
Không tạo ra sự chuyển
biến mạnh mẽ về sức năng động và chất lượng của nền kinh tế đất nước, có nguy
cơ khó hoàn thành được mục tiêu chiến lược CNH,HĐH vào năm 2020 và cũng sẽ khó
thực hiện xong lộ trình của hội nhập quốc tế để chủ động tham gia vào xu thế
phát triển của kinh tế thế giới. Tạo ra động lực cho sự chuyển biến ấy không
thể là cái gì khác ngoài việc tiến hành triệt để công cuộc đổi mới hiện nay.
Đổi mới như vậy đồng nghĩa tiến hành một cuộc cách mạng vô cùng sâu sắc và trọng
đại. Tiến hành cuộc cách mạng này, phải cân nhắc thấu đáo từng bước, phải vô
cùng bền bỉ, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, tất cả cho thành đạt mục tiêu
chiến lược bứt nước ta ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo trên thế giới.
Xin coi những điều trình bày trên là những gợi ý
khai thác tri thức và kinh tế tri thức để góp phần đưa Nghị Quyết Đại Hội IX
vào cuộc sống.
Võng
Thị, tháng 6 năm 2001
Tài liệu
tham khảo
1. Các văn kiện của Hội
nghị Trung ương 6 khoá VI, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của khoá
VII, Hội nghị Trung ương 6 và 6B khoá VIII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
2. UNIDO, DSI, BKHĐT, “Tổng
quan về cạnh tranh công nghiệp Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1999.
3. “Nền kinh tế tri thức –
nhận thức và hành động – Kinh nghiệm của các nước phát triển và đang phát
triển”, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sưu tầm, biên soạn, NXB
Thống kê, Hà Nội 2000.
4. RAMSES 20001, “IFRI”,
bản tiếng Việt, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tháng 1-2001.
5. “Tình hình kinh tế – xã
hội Việt Nam 10 năm 1991 – 2000, NXB
Thống kê, Hà Nội 2-2001.
6. Tư duy mới về phát triển
kinh tế cho thế kỷ XXI, nhiều tác giả, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn
quốc gia, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000.
7. Josph A.
Schumpeter, “Capitalism, Socialism and
Democracy”, Harper & Row, New York.., 1942.
8. Peter F. Drucker,
“Weltwirtschaftswende, Tendezen fuer die Zulunkft”, Wirtschaftsverlag
Langen-Mueller/Herbig, Germany, 1984.
9.
Đavid S. Landes “The Wealth and Poverty of Nations”, NXB W. W. Norton & Company, New York – London,
1988.
10.
Elettra Agliardi, “Positive Feedback Economies”, ST. Martin’s
Press. Inc. New York, 1998.
11.
Gs. Trần Văn Thọ, “Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại châu A’
- Thái Bình Dương”, NXB TPHCM,VAPEC, Thời báo kinh tế Sài Gòn, TPHCM, 1997.
12.
Dani Rodrric, “The Asian
Financial Crisis and the Virtues ò Democracy”International Finance, Harward
University, 8-1999.
13.
Dominique Foray, “Kinh tế tri thức” NXB La Decouverte, Paris,
2000.
14.
Armatya Sen, “Beyond the crisis – Development Strategies in
Asia”, Alfred Knopf, New York, 1999.
15.
Viện các quan hệ quốc tế, Pháp, Báo cáo hàng năm, nhiều tác giả,
“Bước vào thế kỷ XXI”, VNghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư. biên soạn, Hà Nội,
tháng 11 năm 2000.
16.
Dale Neef, “Nền kinh tế tri thức” NXB Butterworth – Heinemann,
1998 (Viện NCQLTƯ dịch).
17.
Tài liệu của hội thảo “Tăng trưởng kinh tế dựa vào tri thức và
những tác động chính trị – xã hội ở Đông A’”. Tokyo, 25 và 26 tháng 10 năm
2000.
18.
Võ Tá Hân, Trần Quốc Hùng, Vũ Quang Việt, “Châu A’ – từ khủng
hoảng nhìn về thế kỷ 21”. NXB TPHCM, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, VAPEC, TPHCM,
2000.
Và một số sách, báo, tài liệu tham khảo khác.
[84]
Trên thế giới hiện nay có khoảng 63.000 công ty xuyên quốc gia (TNCs). Những
TNCs này chiếm khoảng 80% tổng R&D, khoảng 60% GDP và khoảng 80% kim ngạch
buôn bán hàng hoá và dịch vụ trên toàn thế giới, các tập đoàn tài chính hầu như
làm chủ thị trường tiền tệ thế giới. Riêng các TNCs của các nước OECD có khoảng
2,7 triệu nhà nghiên cứu trực tiếp tham gia và R&D, hàng năm chi gần 500 tỷ
USD cho R&D, tương đương 2,2% GDP của những nước này, ngoài ra còn các
khoản hỗ trợ từ ngân sách chính phủ; tổng cộng chi cho R&D của các nước
OECD ước khoảng 3% GDP. Tuy nhiên mức chi từng nước có khác nhau, cao nhất là
các TNCs ở Thuỵ Điển – chi tương đương khoảng 4%GDP của nước này hàng năm cho
R&D, tiếp theo là ở Mỹ và ở Hàn Quốc khoảng 3%... (nguồn UNDP 2000).
[85] Trong thế kỷ vừa qua nhiệt độ trái đất tăng
lớn hơn cả mức tăng của 10.000 năm trước đó, chủ yếu do lượng khí thải CO2
đưa vào khí quyển ngày một nhiều và làm mỏng tầng ozon, đã gây nhiều biến động
về thời tiết và các thiên tai lớn. Trong thế kỷ 21, nếu không kiểm soát được
tình hình này, sẽ có nhiều tai hoạ khó lường. Giả thử giữ nguyên được mức khí
thải CO2 hàng năm đưa và khí quyển ở thế kỷ này tương đương với năm
1990 – một điều rất khó xảy ra -, thì nồng độ CO2 trong khí quyển
hiện nay là 360ppmv, sẽ tăng lên đến 500 ppmv vào năm 2100, làm cho khí hậu
nóng lên 1,50 đến 4,50, điều đó nghĩa nước biển sẽ dâng
cao thêm từ 15 đến 95cm, với biết bao nhiêu hậu quả xấu! Nghị đinh thư Kyoto ký
1997 ra đời vớiịư cam kết chung của cộng đồng các quốc gia muốn cải thiện tình
hình này.
[86]
Hiện nay trên thế giới cung vượt cầu: gạo khoảng 2 – 3 triệu tấn/năm, càphê
khoảng trên 1 triệu bao/năm, vân...
vân... Chính vì lý do này giá nông phẩm một hai năm nay tụt. Các nước đang phát
triển xuất khẩu nông phẩm ngày nay cũng đủ khôn ngoan không đến nỗi một bề chịu
bị ép giá, nhưng không địch lại nổi tình trạng cung vượt cầu. Tháng 4-2001 lần
đầu tiên ta bán gạo với giá rẻ chưa từng thấy, cụ thể là bán 200 nghìn tấn gạo
cho Philippines với giá CIF là 145 và 164 USD/tấn, vì tình hình thị trường gạo
đang dư thừa, ta đang tiếp tục tìm người mua mà chưa ra (tham khảo thêm bài
“Độc lập dân tộc và hội nhập toàn cầu” của giáo sư Nguyễn Đình Ước, báo Nhân
Dân ngày 18-4-2001).
[87] Trợ cấp trong khuôn khổ Hiệp định về Nông nghiệp của WTO
thường được thực hiện dưới dạng: “hộp xanh lam” – hỗ trợ với mục đích
giảm bớt sản lượng sản xuất; “hộp xanh lục” – những loại hỗ trợ
được xem là phục vụ bảo vệ môi trường và không gây hệ quả xấu trong cạnh tranh
trong thương mại... Riêng “hộp đỏ” bao gồm những quy định các loại hỗ trợ bị cấm. Theo tôi, thực tế
diễn ra có thể là: các nước đang phát triển ngân sách thường nghèo nên khó có
cái gì để bỏ nhiều vào các “hộp xanh”, còn các nước phát triển
thì các “hộp xanh” thường quá lớn nên “hộp đỏ” chẳng có nghĩa
lý gì.
[88]
Tuy nhiên, nước ta cần chú ý vấn đề sau đây: Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước
mới công nghiệp hoá khác trong vòng 20 – 30 năm đã giảm tỷ trọng lao động nông
nghiệp xuống mức khoảng 20% lao động toàn xã hội; hiện nay lao đông nông nghiệp
của những nước này chỉ chiếm khoảng 7 – 8% lao động toàn xã hội. Nước ta sau 15
năm đổi mới lao động nông nghiệp từ 75% xuống còn khoảng 70%; sự chuyển dịch cơ
cấu lao động như vậy là quá chậm, nghĩa là tốc độ công nghiệp hoá của nước ta
đang chậm.
[89] Nguồn: Ramses 2001, “Nền kinh tế tri thức” – NXB
Butterworth – Heinemann 1988, các bài viết và báo cáo của UNDP 1999-2000, “Từ
châu A’ nhìn về...” – sách đã dẫn.
[90]
Xưa nay tiến bộ khoa học công nghệ của Mỹ gắn bó khá mật thiết trên nhiều lĩnh
vực với chạy đua vũ trang; ngoài ra bán vũ khí vừa là một nguồn thu nhập lớn
của Mỹ, vừa là cách gắn đồng minh vào ảnh hưởng của Mỹ.
[91]
Ví dụ tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của EU thừa nhận lac hậu hơn tập đoàn
Boeing đến 10 năm và phải chi hàng vài chục tỷ USD cho R&D may ra mới đuổi
kịp. Mỹ đều có nhiều bước đi trước trong công nghệ ICT và công nghệ gien, khả
năng đổi mới quản trị kinh doanh...
[92] Nhật không có than và quặng, nhưng lại là nước
sản xuất thép nhất nhì thế giới nhờ có nhiều vốn và công nghệ cao. Hai, ba thập
kỷ trở về trước đấy là lợi thế rất lớn của Nhật, nhưng bây giờ là gánh nặng
lớn. Iceland cũng có hoành cảnh tương tự như Nhật trong sản xuất nhôm. Song từ
hai thập kỷ nay ngành này trong nền kinh tế Iceland trở thành thứ yếu so với
những ngành công nghiệp mới, trước hết là công nghiệp ICT...
[93]
Tham khảo Tian zhongqing “Nền kinh tế tri thức ở Trung Quốc – Nhận thức và thực
tiễn” tại hội thảo khoa học ở Tokyo 25&26-10-2000; Ngô Quý Tùng, “Kinh tế
tri thức – Xu thế mới của xã hội thé kỷ XXI”, NXB Khoa học Kỹ thuật, Bắc Kinh,
tháng 7-1998, bản tiếng Việt do NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, phát hành tháng
11 năm 2000; Tần Ngôn Trước “Thời đại kinh tế tri thức”, NXB Thiên Tân, bản
tiếng Việt do NXB Chinh trị Quốc gia, Hà Nội phát hành 2-2001.
[94]
Trong phạm vi cuốn sách này không bần đến các vấn đề liên quan đến công nghiệp
quốc phòng.
[95]
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, 1-7-2001, diễn
văn của Tổng bí thư Giang Trạch Dân giải thích cặn kẽ quan điểm “3 đại diện”.
Đây là văn kiện rất đáng tìm đọc để tham khảo.
[96] Đến nay Đài Loan đã hoàn tất mọi việc để tham
gia WTO; theo nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, Đài Loan chỉ còn chờ Trung Quốc
được kết nạp vào WTO thì Đài Loan cũng sẽ được tham gia. Trên thực tế Đài Loan
đã tiến hành ký kết xong các thoả thuận tay đôi hoặc đa phương trong khuôn khổ
WTO, nên việc tham gia WTO của Đài Loan chỉ còn là vấn đề thể thức.
[97]
Ví dụ: một số nông phẩm, thực phẩm, công nghiệp chăn nuôi gia súc, một số nguyên liệu – (như bột giấy, kính..), một số sản phẩm cơ khí... Riêng
trong nông nghiệp Đài Loàn có nhiều biện pháp mạnh: khuyến khích thu hẹp diện tích
sản xuất nông nghiệp nhưng không thu hẹp diện tích đất nông nghiệp (chủ yếu
nhằm bảo vệ môi trường), kiểm soát chặt chẽ để hạn chế đến mức tối đa việc sử
dụng đất nông nghiệp vào các mục đích phi nông nghiệp, ngân sách bồi thường cho
nông dân trong việc để trống phần đất nông nghiệp không canh tác (nhằm giảm bớt
khan hiếm lao động, phục hồi sự màu mỡ của đất, không sử dụng đất nông nghiệp
vào các mục đích phi nông nghiệp...) v... v...
[98]
Tỷ lệ KBI của OECD năm 1997 là 50,9%. Hiện nay Đài Loân là một trong nhưng
trung tâm lớn của thế giới sản xuất các con chip, bảng vi mạch tích hợp, các bộ
nhớ DRAM (bộ nhớ truy xuất động ngẫu nhiên), các linh kiện trong các máy vi
tính chuyên dụng (trong y tế, công nghiệp vũ trụ...) và máy vi tính cá nhân , bao gồm tất cả những
nhãn hiệu có tên tuổi nhất của thế giới – trong đó có những công ty gốc Đài
Loan nổi tiếng như ACER, Delta, Quanta...
[99]
Tham khảo các báo cáo khoa học tại Hội thảo về Kinh tế tri thức tại Tokyo tháng
10 năm 2000, các tài liệu củaViện nghiên cứu kinh tế Chung-hua, Ban Kinh tế học
Đại học quốc gia Đài Loan...
[100]
Đánh giá của các viện KDI, KEDI, Viện Phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc,
Viện Phân phối nhân lực Hàn Quốc... năm 1999.
[101] Hàn Quốc hàng năm chi 3% GDP cho R&D,
song giữa một bên là các doanh nghiệp và một bên là các trường đại học và viện
nghiên cứu - nơi thu dụng đến 80% tiến sỹ khoa học của cả nước - đã không tạo
ra được sự gắn bó đáng lẽ phải có, gây ra nhiều lãng phí và tụt hậu. Giữa các
trường, viện lại thiếu sự cạnh tranh cần thiết. Tham khảo thêm báo cáo của Eul
Yong Park, Đại học Han Dong, tại Hội thảo “Trends and Issues 2000”, Tokyo
25&26-10-2000.
[102]
Một trong những quan điểm quan trọng của Marx là: xu thế của phát triển lực
lượng sản xuất là xã hội hoá, suy cho cùng sự phát triển của lịch sử xã hội
loài người là sự phát triển của lực lượng sản xuất.
[103]
Xin lưu ý, các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan... đã thực hiện được công
việc này trong vòng 3 thập kỷ khi được công nhận là các NICs. Hiện nay hai nước
này chỉ có khoảng trên 10% lao động
trong nông nghiệp, khoảng 30% lao động trong công nghiệp và xây dựng, còn lại
là lao động trong lĩnh vực dịch vụ. Riêng Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng kinh
tế cao gần 4 thập kỷ liên tiếp, Trung Quốc trên hai thập kỷ tăng trưởng với 2
con số bà phải đối phó với vấn đề “tăng trưởng quá nóng”, riêng Việt Nam thời
kỳ tăng trưởng cao chỉ được có 5 – 7 năm (1989 – 1995). “Nguội” đi quá nhanh
như vậy đặt ra nhiều vấn đề.
[104]
Theo
cách tính PPP (Purchaging Power Parity– so sánh chỉ số sức mua theo
trị giá thực của người dân), hiện nay GNP theo đầu người (GNP p.c.) ở nước ta
khoảng 1689 USD nếu thực hiện được tốc độ khá cao là cứ 7 – 8 năm tăng gấp đôi,
vào khoảng năm 2020 GNP p.c. nước ta ước sẽ đạt khoảng 5000 USD theo thời giá hiện nay, trong khi đó
GNP p.c. của Thái Lan theo cách tính PPP năm 2000 đã là 5524 USD – nghĩa là 20
năm tới ta vẫn chưa kịp Thái Lan về GNP p.c. năm 2000! Tính theo GDP thì hiện nay GDP p.c.của nước ta khoảng gần 400
USD, của Thái Lan khoảng 1400 USD.
[105]
Một trong các tiêu chí quan trọng nhất là vào thời điểm 2020 tỷ trọng lao động
nông nghiệp chỉ còn được giữ ở mức 20 – 30% lao động toàn xã hội của nước ta
với dân số lúc đó khoảng 110 – 120 triệu dân!
[106]
Một trong những nguyên nhân quan trọng hầu như vô hiệu hoá những biện pháp
chống buôn lậu.
[107]
Xin hãy thử hình dung, trong tình hình như vậy bằng cách nào và đến bao giớ
nước ta thể đạt được GDP p.c. là 4000 USD, nghĩa là bằng khoảng 1/2 mức Hàn
Quốc hiện nay?
[108]
Tham khảo thêm mục II, phần nói về những yếu kém nêu trong Báo cáo chính trị và
điểm I trong “Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001-2010” của Đại hội IX
ĐCSVN lần thứ IX,.
[109]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội
– 2001, trang158-159.
[110]
Có ý kiến cho rằng: ở các nước khác người kinh doanh chấp nhận chịu đựng tham
nhũng nhưng còn được việc, còn ở nước ta đút lót các cửa rồi mà vẫn không biết
công việc của mình sẽ đi đến đâu, cơ chế một cửa cho FDI bị móc vào không biết
bao nhiêu cái khoá khó mở...
[111]
Thuật ngữ “hoà tan” tôi mượn từ một số bài gặp trên báo chí; dùng nó trong
nghiên cứu khoa học còn phải cân nhắc thêm.
[112]Xin
đặc biệt lưu ý đây là nhiệm vụ khó nhất, khó hơn cả những vấn đề thuộc
về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Không tạo ra sự cải cách triệt để này,
công cuộc đôi mới sẽ giẫm chân tại chỗ, phát triển kinh tế bị kìm hãm, cuối
cùng là sẽ không hoàn thành được CNH,HĐH và cũng không có kinh tế tri thức,
không xúc tiến được hội nhập quốc tế một cách có lợi nhất cho đất nước, khoảng
cách tụt hậu tiếp tục xoạc rộng, đất nước trở nên rất nhạy cảm trước mọi nguy
cơ hay tác động bất kể từ đâu đến.
[113]
Dù bản chất của TNCs như thế nào, cuộc sống không đặt ra cho nước ta câu hỏi
chấp nhận hay không chấp nhận TNCs, bởi vì câu hỏi này vô nghĩa. Nhưng nước ta
thực sự phải đương đầu với thách thức chẳng những không tránh mặt mà còn phải
tìm ra cách mang về thành tựu cho đất nước trong làm ăn với TNCs.
[114]
Xác lập ưu tiên hàng đầu “tạo giá trị gia tăng để tích tụ tối đa mọi
nguồn lực cho mục tiêu hàng đầu là phát triển con người” như là một phương
châm chiến lược của phát triển, sẽ đòi hỏi phải xem xét lại chiến
lược phát triển kinh tế nói chung và chiến lược sản phẩm nói riêng. Bởi vì vốn và mọi nguồn lực vật
chất kỹ thuật khác của cả nước chỉ có hạn, huy động và phân bổ vào đâu
để đạt mục tiêu trọng đại này? Một
chiến lược phát triển với
mục tiêu tích tụ cao nhất mọi nguồn lực
cho phát triển con người để sớm thực hiện và thực hiện tốt nhất từng bước yêu
cầu “làm cho thị trường cả thế giới trở thành đối tượng lao động và đối tác của
nước ta” hoàn toàn khác với chiến lược kinh tế khép
kín, kinh tế nguyên liệu và sản phẩm trung gian, kinh tế thay thế nhập khẩu!
Với cách huy động và phân bổ mọi nguồn lực như hiện nay, e rằng nền kinh tế
nước ta đang bị xô đẩy một cách có ý thức hay không có ý thức vào mô hình chiến
lược sau, sớm muộn sẽ dẫn đến ngõ cụt. Xin thẳng thắn nhìn vào sự thật này! Chủ
trương kích cầu hiện nay nếu vượt quá phạm vi giải pháp tình thế cũng sẽ
đồng nghĩa với việc tự giác hay không tự giác đi vào chiến lược ngõ cụt.
[115] Hiệp
định về Nông nghiệp của WTO thừa nhận những khoản trợ cấp cho nông
nghiệp không thể thoả thuận được với nhau giữa các nhước thành viên WTO (ví dụ:
vì các lý do bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, duy trì bản sắc văn hoá...)
thì đưa vào “hộp xanh”, các khoản trợ cấp thoả thuận được với nhau thì đưa
vào “hộp
đỏ” (đấy là những khoản trợ cấp
trực tiếp cho xuất khẩu nông phẩm như thú y, vệ sinh thực phẩm...); riêng các
nước đang phát triển còn được hưởng thêm “hộp vàng, bao gồm một số ưu
đãi về cách thức trợ cấp và lộ trình
tiến tới loại bỏ “hộp vàng”.
[116]
Cả năm 2000 ngành than xuất khẩu được khoảng 88 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2001 công ty Vinamilk xuất
khẩu 107 triệu USD – nguồn: Tổng cục
thống kê Kinh tế Việt Nam năm 2000 và báo Nhân dân ngày 27-6-1
[117]
Nguy cơ này là thường trực đối với tất cả các nước đang phát triển trên con
đường công nghiệp hoá.
[118]
Năm 2000 Việt Nam và Trung Quốc được Liên hiệp Quốc đánh giá là hai nước thành
công nhất trong giảm tỷ lệ đói nghèo.
[119]
Xin lưu ý: Trong kháng chiến chống Mỹ, vì phải động viên tối đa mọi lực lượng
ra tiền tuyến, miền Bắc đã phải đề ra chủ trương : Một lao động nông nghiệp
canh tác 1 hecta ruộng và nuôi hai con lợn; về cơ bản đã thực hiện thắng lợi
chủ trương này, lúc đó lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu là nữ!
[120]
Tham khảo thêm những dẫn chứng của David S. Landes, sách đã dẫn.
[121]
Hiện nay chủ yếu ta nhập phôi thép để sản xuất thép cán dùng trong xây dựng;
song công suất thừa nhiều, vì không sản xuất được các thép xây dựng đặc chủng.
Ngoài ra mỗi năm ta phải nhập một khối lượng khá lớn thép tấm, thép lá... Khu
gang thép Thái Nguyên hiện nay có trên 1 vạn công nhân, theo phó tổng giám đốc
Tổng công ty thép Việt Nam, Phạm Chí cường, khối lượng công việc của khu này
hiện nay chỉ cần khoảng 300 người, FDI không chịu đi vào luyện kim từ khâu
thượng nguồn ở nước ta vì ít sinh lời (hay không sinh lời?)..! (Tham khảo Thời
báo Kinh tế ngày 11-7-2001). Rất đáng tổng kết quá trình phát triển công nghiệp
luyện kim từ khi xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên cho đến nay.
113Sau ximăng lò
đứng, các nhà máy đường rẻ tiền.., câu chuyện nhập ồ ạt xe máy kém phẩm chất là
thêm một ví dụ mới hùng hồn về chiến thắng áp đảo của sản xuất thay thế nhập khẩu.
Chuyện xe máy đang gây ra nhiều tranh cãi. Hai ý kiến xung đột nhau gay nhất
là: Một bên cho việc nhập khẩu này phục vụ đòi hỏi bức thiết của số đông người
tiêu dùng, một bên cho là chảy máu những đồng ngoại tệ hiếm hoi của đất nước và
hứng lấy những ách tắc mới trong kinh tế và có thêm bãi rác công nghiệp. Tuy
nhiên, để cho khách quan, tôi xin gợi thêm một vài ý nhỏ khác: Từ các lợi ích
khác nhau, nên đương nhiên có những cách đánh giá khác nhau về nhập khẩu xe máy
như hiện nay. Song còn một khía cạnh chung nữa là: Phải đứng trên quan điểm
toàn cục của lợi ích quốc gia mà xem xét vấn đề này; và thường thường khó tránh
khỏi việc thực hiện một lợi ích quốc gia lớn hơn sẽ phải bỏ qua một số lợi ích
của một bộ phận dân cư nào đó. Đấy cũng là cái giá phải trả cho lợi ịch
chung, tiến bộ chung của đất nước. Việc mà chúng ta chưa làm tốt
là Nhà nước với tư cách là người điều hành chiến lược phát triển đất nước chưa
đặt lên bàn cân để tính toán, so đọ nên lựa chọn cái giá đáng phải trả
nào giữa các phương án: cho nhập có điều kiện (phải là những điều
kiện gì?), cho nhập không cần điều kiện nào, hoặc không cho nhập xe máy. Điều
cực kỳ quan trọng là dù phải trả cái giá nào, nhất thiết cái giá phải trả ấy
phải có
sự cân nhắc, chủ động lựa chọn, có tính toán trả giá đến đâu và như thế nào là
có lợi nhất, làm chủ được toàn bộ quá trình thực hiện, phương án xử lý những
vấn đề sau khi phải trả giá...
Không thể cứ một chiều bị động đối phó như hiện nay – ví dụ: năm 2000 ta
chỉ chủ trương cho nhập vài trăm nghìn xe máy với một số điều kiện nhất định về
nội địa hoá; nhưng trên thực tế đã nhập về 1,8 triệu xe máy (do không kiểm soát
được nhập lậu); cái việc gọi là nội địa hoá cũng được thực
hiện một phần đáng kể qua nhập lậu các linh kiện, đẫn đên hỗn loạn nhãn mác,
hỗn loạn phụ tùng... Có tin còn nói rằng không ít những loại xe máy và linh
kiện này là các sản phẩm của các xí nghiệp hương trấn...
Mặt khác cũng không thể chấp nhận tình trạng xe Dream giá
xuất xưởng ở Thái Lan chỉ khoảng 900 USD, nhưng ở Việt Nam khoảng gấp đôi!
Muốn đưa đất nước đi lên cũng phải chấp nhận lựa chọn hy
sinh cái gì, và cái gì không thể hy sinh!. Xin lưu ý, đất nước ta còn rất
nghèo, thậm chí các xe đạp, tivi, xe máy, tủ lạnh vứt ở các bãi rác ở các nước
mà có công ty hoặc cá nhân buôn lậu của ta còn nhặt về bán cho dân. Cái
khó là nước càng nghèo, càng dễ bị đổ rác, dễ trở thành bãi rác. Chỉ cần tặc
lưỡi một cái là ngay lập tức có thêm một bãi rác mới. Nguy cơ này lớn lắm, bởi vì nông nóng, vì
thiếu kinh nghiệm, vì những quyết định không đúng, vì khả năng điều hành và
quản lý, vì những sai lầm và tệ nạn khác... Nguy cơ này dẫn đến tình hình cả
nước chưa tiếp thu xong bãi rác này lại đón nhận luôn bãi rác khác, rồi dần dà
thành cái bãi rác vĩnh cửu cho nước ngoài – nghĩa là mãi mãi vẫn là nước lạch
hậu... Chưa ai nghiên cứu xem những bãi rác như ximăng lò đứng, nhà
máy đường lạc hậu và xe máy thứ cấp... này sẽ để lại những hậu quả như thế nào.
Nếu không ý thức đầy đủ vấn đề này thì cuối cùng cả nước sẽ phải trả giá cho
những bãi rác như vậy. Hay là ở mức nghèo và lạc hậu như nước ta việc cho nhập
những thứ đó là phù hợp? Cho đến nay hình như trong cả nước chưa có một cuộc
thảo luận đến đầu đến đũa, cho nên chưa
đi đến một kết luận thống nhất. Đây là việc cần bàn cho ra nhẽ để rút kinh
nghiệm xử lý những sự việc khác tương tự có thể lại xảy ra trong tương lai.
Chú ý: Bộ Thương mại cho rằng xe máy thuộc loại hàng
không cần quota nên ta không cấm hay hạn chế được. Có lẽ cách giải thích nàu
không ổn. Giả thử chúng ta thấy cần thiết phải hạn chế và cấm nhập, trong tay
chúng ta có đủ các biện pháp để làm việc này mà không trái với những cam kết
trong AFTA, APEC, WTO... (ví dụ vận dụng những vấn đề như: bảo vệ môi trường,
tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện an toàn giao thông ở Việt Nam...). Nếu không
tin, một doanh nghiệp của ta hãy thử tìm cách xuất vào một nước Tây Âu nào đó
hay Mỹ - ví dụ như dứa hay dưa chuột
đóng hộp, trong khi trồng có sử dụng thuốc trừ sâu DTT. Có thể dám chắc 100%
sản phẩm này sẽ bị các nước nói trên cấm nhập – kể cả trường hợp nước ta được
hưởng chế độ tối huệ quốc! Nước nào cũng phải biết cách bảo vệ nền kinh tế của
mình, dù là hội nhập. Tuy nhiên trong thương mại quốc tế thời nào cũng có chuyện
ăn
miếng giả miếng, ví dụ Nhật tháng 5 vừa qua viện các lý lẽ và hàng
rào phi quan thuế (phân bón, giống,
gien, hoócmôn trong thức ăn gia súc...) hạn chế việc nhập sản phẩm nông nghiệp
của Trung Quốc. Mặc dù đang trong quá trình kết thúc đàm phán việc gia nhập
WTO, Trung Quốc đã vin vào các lý do kỹ thuật đánh thuế gấp đôi hàng điện tử và
xe ôtô nhập từ Nhật để trả đũa lại.
[123] Trong 3 thập kỷ vừa qua giá so sánh của những sản phẩm này
giảm sụt khoảng 60% so với giá sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
[124] Chúng ta thử hình dung những ách tắc, bất cập hiện nay
trong kinh tế cứ chồng chất sinh sản mãi ra, chung cuộc sẽ đi đến đâu trong 5
năm tới, 10 năm, 20 năm tới..? Ngay kế hoạch năm 2001 đã có nhiều vấn đề chật
vật rồi: những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, còn nhiều doanh
nghiệp nhà nước thua lỗ, đầu tư nói chung còn thấp và còn nhiều tồn đọng trong
đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ số giá cả tiếp tục suy giảm..! Ngày 18-6-2001 tại
kỳ họp thứ 9 của Quốc Hội khoá X, Thủ
tướng Phan Văn Khải phát biểu: “Tôi nói thật với các đồng chí, điều lo lắng
nhất của Chính phủ là làm sao đạt tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm nay. Năm
1999 đến năm 2001, chúng ta dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng
các cấp, nên có nhiều việc chưa làm được. Đại hội xong chúng ta tổ chức quán
triệt Nghị quyết, hầu hết các đồng chí cán bộ cốt cán phải tập trung nghiên cứu
Nghị quyết, trong khi đó công việc còn nhiều, toàn việc nước sôi lửa bỏng, liên
quan đến quốc kế dân sinh...” (Tham khảo báo Nhân Dân ngày 13-7-2001).
[125] Trong
tình hình như vậy: đẩy mạnh hội nhập thì không có lực cạnh tranh nên dễ thua
thiệt và có nhiều thách thức khó lường, quay về đóng cửa thì bế tắc và có thể
sẽ nhanh rơi vào khủng hoảng! Đất nước
đang đứng trước nhiều thách thức từ bên ngoài. Không giàu mạnh nhanh lên, không
có thực lực, giữ vị thế quốc tế hiện nay cũng không đơn giản, giành lấy vị thế
quốc tế mới càng khó hơn; những đối thủ của ta thừa khôn ngoan sảo quyệt để
hiểu rõ những khó khăn này của ta và đang hàng ngày hàng giờ tìm cách khai thác
chỗ yếu này.
[126] Tham khảo những ví dụ của David S. Landes, nêu trong sách
đã dẫn.
[127]
Đi sâu phân tích tình hình kinh tế nước ta hiện nay, có lẽ sẽ vượt ra ngoài
phạm vi cuốn sách này. Tuy nhiên xin nhân dịp này mạo muội đưa ra một vài nhận
xét riêng, rất chủ quan, để tham khảo. Cần lưu ý thành quả phát triển kinh
tế-xã hội bao giờ cũng đặt ra những đòi hỏi phát triển mới, làm xuất hiện những
thách thức mới. Nghĩa là không thể nào ngủ trên những thành quả đã đạt được.
Tình trạng suy giảm sức năng động trong phát triển kinh tế nước ta hiện
nay phải chăng cho thấy:
(1)
Những quyết sách và biện pháp đề ra trong những năm đầu
của đổi mới đã làm xong nhiệm vụ của chúng, kinh tế đất nước đứng trước những
đòi hỏi phát triển mới cả về chất lượng, quy mô, cấu trúc và hướng
phát triển; tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay còn thiếu hỗ trợ của những
bước phát triển kinh tế-xã hội thích ứng nên khó duy trì được sức năng động lâu
dài, bền vững..; đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những biẻu
hiện bất cập trong thể chế chính sách điều hành và trong những
những nỗ lực nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức bách mới về chuyển dịch cơ cấu
kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
(2)
Nếu những lý do vừa trình bày trong điểm (1) là xác
đáng, có thể kết luận tình trạng suy giảm sức năng động hiện nay trong phát
triển kinh tế nước ta tuy chưa trầm trọng (vì mới suy giảm), song chứa đựng
nhiều nguyên nhân sâu xa nằm trong cấu trúc nền kinh tế, trong xu
hướng phát triển và trong hệ thống điều hành vĩ mô và vi mô; tình
trạng này là tín hiệu cảnh báo: nếu không triệt để khắc phục những bất cập
trong điều hành, nếu không đáp ứng thoả đáng những đòi hỏi phát triển mới của
nền kinh tế, để tình trạng suy giảm này kéo dài, sẽ có nguy cơ đi vào một thời
kỳ suy thoái mới hoặc khủng hoảng mới. Sự cảnh báo này thúc giục phải làm mọi
việc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng,
trước hết là nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, và đảy mạnh công
cuộc đổi mới, nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất cho thực hiện thắng lợi
những mục tiêu chiến lược của phát triển, đồng thời tạo ôàich nước ta những khả
năng cần thiết đối phó có hiệu quả mọi thách thức tác động từ bên ngoài.
(3)
Những kết quả bước đầu trong chuyển đổi cây trồng vật
nuôi và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, trong phát triển sản phẩm mới của công
nghiệp và dịch vụ, trong mở ra nhiều thị trường mới, trong cải tiến một số thể
chế và công cụ điều hành vĩ mô, khuyến khích sự năng động của điều hành vi
mô... trong những năm gần đây tuy còn khiêm tốn, nhưng cho thấy rõ nét hơn
hướng đi lên và triển vọng cần nắm bắt của nền kinh tế trong những năm tới.
Thực tế mày cũng chứng minh đòi hỏi cấp thiết là phải làm mọi việc phát huy
tiềm năng của nền kinh tế nhiều thành phần, kết hợp với đảy manh thu hút đầu tư
trực tiếp của nước ngoài (FDI). Đấy là con đường nâng cao khả năng cạnh tranh
và chiếm thị trường mới. Đấy cũng là cách tích tụ khả năng đảy nhanh quá trình
chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phải chăng cần coi đó là những yêu cầu chính trong
chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, để hoàn thành sự nghiêp công nghiệp hoá,
hiện đại hoá đất nước.
[128] Nông trường Sông Hậu thực chất là một điển hình thành công
của một mô hình hợp tác xã kiểu mới mà Lênin đã nói tới trong NEP (Chính sách
kinh tế mới). Rất tiếc hướng đi thành công này không được phát huy rộng trong
cả nước, trước hết không nhận thức được bản thân Nông trường Sông Hậu ngày nay
là một hợp tác xã kiểu mới.
[129]
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXBCTQG, Hà Nội 2001, tr.90.
[130]
Mặt trái của vấn đề: Đây là những con số chứng minh hùng hồn sự bố trí và cấu
trúc manh mún của lực lượng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo của nước
nhà.
[131]
Theo số liệu của UNDP, năm 2001 Việt Nam có chỉ số phát triển con người (HDI)
xếp hạng 101/162 nước trên thế giới, chỉ số đói nghèo (HPI) xếp hạng 45/90 nước
đang phát triển.
[132] Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng cho biết tại kỳ họp thứ
9 khoá X tháng 6-2001 “...Mỗi đại biểu
Quốc hội được phát một cuốn sách dày, bìa cứng, in đẹp với hàng loạt tên các
công trình nghiên cứu khoa học và tác giả của các công trình này. Đọc cuốn sách
rất công phu đó tôi vừa vui, vừa buồn... Vui vì khó khăn như thế mà giới khoa
học vẫn vượt qua biết bao khó khăn để hoàn thành hàng nghìn công trình khoa học
với hàng vạn trang kết quả nghiên cứu đã được công bố. Buồn vì nghĩ lại không
hiểu ngần ấy công trình đã làm thay đổi được gì bộ mặt kinh tế – xã hội của đất
nước?.. Có lẽ chỉ có ví dụ về sản xuất vacin phòng chống viêm gan B là (thành
tựu) xác đáng hơn cả... Các ví dụ khác thì thật là mơ hồ. Không rõ đâu là phát
minh khoa học, đâu là ứng dụng kết quả nghiên cứu của nước ngoài, đâu là sự
phấn đấu của quần chúng, đâu chỉ là do có sự “cởi trói” trong chính sách?..”
(tìm xem báo Văn Nghệ số 27 ngày 7-7-2001, tr.9). Xin thử hình dung bao nhiêu
tiền của công sức đổ vào hàng vạn trang giấy này!
[133] Nói nôm na là hiện tượng cướp công người khác, hiện tượng
ăn bẩn... (những ý kiến phát biểu trong Hội thảo khoa học “Kinh tế tri thức và
những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” do Ban Khoa giáo TƯ, Bộ KHCN&MT, Bộ
Ngoại giao tổ chức, Hà Nội 21 và 22 – 6 – 2000).
[134] Thực ra chúng ta đã có một số loại quỹ và một số lượng khá
đông các hiệp hội như vậy, song còn nặng tính hành chính và hoạt động ít hiệu
quả. Các cơ quan quản lý nhà nước đã làm rất nhiều việc, nhưng nếu tiếp tục làm
theo kiểu can thiệp hành chính thì không làm xuể và kém hiệu quả. Giả
định rằng bất kể việc gì trong đời sống kinh tê - xã hội các cơ quan nhà nước
đều có nhiệm vụ phải hướng dẫn đến nơi đến chốn như Thông tư số 11/2001 BYT “Hướng
dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp” ra ngày 6-6-2001 của Bộ Y
tế, thì dù có tăng biên chế bộ máy hành chính của đất nước lên gấp mấy lần hiện
nay cũng vẫn sót việc. Thông tư này ghi rất tỷ mỷ, đại thể như quy định xoa bóp
đùi được xoa từ đâu đến đâu, xoa phía trong phía ngoài của đùi, xoa bóp mình,
đầu cổ, chân tay... như thế nào... Mục đích của thông tư này là ngăn chặn tệ
nạn mại dâm, cần phải được ủng hộ. Nhưng tác dụng của thông tư này thật đáng
nghi ngờ... – chưa nói đến chuyện tốn kém chất xám, tiền của, thời gian, từ khâu
soạn thảo đến khâu ra thông tư, phổ biến, đôn đốc kiểm tra thi hành vân...
vân...
[135] Sách đã dẫn, trang 350-355.
[136] Hàng ngày, báo chí đăng tải không biết bao nhiêu tội ác
tham nhũng khó tưởng tượng nổi, gần đây
là vụ “Mường Tè” có nhiều quan chức dính líu, các vụ lừa đảo người lao động một
cách quá bẩn thỉu của một số công ty trong nước đưa người lao động kiếm việc
làm ở nước ngoài, những điều mờ ám đến nhiều tỷ đồng cho những công trình liên
quan đến đường Trần Khát Chân ở ngay giữa thủ đô Hà Nội; tệ nạn xã hội công
khai đủ các loại ở các trung tâm “lắc” và các “quán “cà phê ảo”, các ổ mãi dâm
trá hình ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác... Sáng sáng các em bán báo
rao những tin về những tội ác giật gân đăng trên báo An ninh Thủ đô, người nghe
có lúc không tránh khỏi giật mình tự hỏi: Mình đang sống ở thế giới nào vậy!?..
Báo Lao Động ngày 6-6-2001 đưa tin về những tội ác man rợ của nhân viên cai
quản người học tập để hoàn lương trong trung tâm “giáo dục lao động và việc
làm” tại tỉnh Bình Phước... Xin lưu ý,
với đội ngũ trên 2 triệu đảng viên ĐCSVN và hơn 10 vạn cán bộ làm công tác tư
tưởng văn hoá trong cả nước, không thể để xảy ra trên đất nước ta ngày một
nhiều tệ nạn xã hội trầm trọng.
[137] Cơ cấu đào tạo
trong hệ thống giáo dục và đào tạo
ở Việt Nam là mỗi năm cứ đào tạo được 1 ở bậc đại học thì có 0,25 được
đào tạo trung cấp và 0,18 được đào tạo
là công nhân kỹ thuật; trong khi đó tỷ lệ này của thế giới là 1 / 2,5 /3,5.;
hiện tại hàng năm có khoảng 200000 học
sinh vào học đại học và khoảng 6500 học sinh học nghề, trong khi đó mỗi năm nền
kinh tế nước ta đòi hỏi phải đào tạo khoảng trên 1 triệu lao động chuyên
nghiệp. Mùa thi năm 2001 cả nước có khoảng 2,2 triệu thí sinh thi vào đại học,
tỷ lệ sẽ được tuyển vào học tính chung trong cả nước là 1/13; trong đó có
trường tỷ lệ tuyển vào học là 1/40. Xin thử hình dung nếu bạn là 1 trong 2,2
triệu thí sinh nói trên, hoặc là bậc cha mẹ lặn lội sông nước đưa con đến
trường thi..!
[138] Chứng cứ hiển nhiên là trong những năm qua chúng ta đã
trao một số lớn bằng cấp, học hàm, học vị, đã kết nạp hàng vạn đảng viên mới,
nhưng đời sống kinh tế – xã hội hiện nay của đất nước tiếp tục có nhiều vấn đề
mới phức tạp.
[139]
Tham khảo những tin nêu trên báo chí về cuộc họp Chính phủ ngày 30 và 31 tháng
7-2001.
[140] Nói theo cách nói của
kinh Phúc âm.
[141]
Tham khảo Văn kiên Đại hội IX, sách đã dẫn, phần Báo cáo của Ban chấp hành
Trung ương Đảng khoá VIII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét