Toàn văn bản gốc
bài đăng nhiều kỳ trên
Tia Sáng, VietnamNet, và nhiều báo khác
Suy
nghĩ thực hiện Nghị quyết Đại hội X
Nguyễn Trung
Năm 2006 nước ta có 2 sự kiện đặc biệt quan trọng: Đại hội toàn quốc lần thứ
X của Đảng Cộng Sản Việt
Quyết tâm và cam kết này vừa là thành quả phấn đấu trong 30 năm đầu tiên của
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và độc lập, vừa là ý chí của cả dân tộc ta
tham gia vào sân chơi chung bình đẳng trên thương trường quốc tế, đưa nước ta
hội nhập toàn diện vào xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Nói một cách
khác, lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt nam có vị thế và bản lĩnh coi
cả thế giới là đối tác của mình, cả thế giới chấp nhận vị thế này của Việt
Nhìn lại quá khứ đầy máu và nước mắt của một quốc gia trong ngót hai thế kỷ
vừa qua đã có lúc bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới, làm sao không tự hào về
bản lĩnh mới và vị thế mới ngày nay đất nước ta giành được? Nhìn vào tầm vóc
cuộc đua tranh nước ta có vị thế tham gia và chấp nhận tham gia, làm sao
tránh khỏi giây phút ngỡ ngàng. Chính điều này đòi hỏi mỗi người Việt
Nam chúng ta phải tự nhìn nhận lại chính mình trước khi bước vào “cuộc chiến”
lần đầu tiên đối mặt: “Cuộc chiến” xóa bỏ số kiếp nước nghèo và chấn hưng đất
nước – “cuộc chiến” lớn nhất so với tất cả những gì đất nước ta đến nay đã
trải qua: giành lấy chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới hiện đại.
Xem xét lại thực lực mọi mặt của mình, ước lường cuộc đua tranh sẽ tham gia,
trang bị cho mình ý chí, hiểu biết và phẩm chất phải có trước khi xung trận,
đó là việc nhất thiết phải làm - bắt đầu từ việc suy ngẫm biết mình,
biết người.
Dưới đây xin nêu lên những
điều thiết yếu nhất.
I. Một quan điểm cần khẳng định đối với hội nhập
kinh tế thế giới
Từ khi tiến hành đổi mới, chúng ta đã bắt đầu từng bước tự giác nhận thức sự
vận động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ở nấc thang hiện tại.
Nhận thức này – tuy là hình thành từng bước và còn đang tiếp tục hình thành,
là cơ sở của tư duy mới dẫn dắt sự phát triển mọi mặt của đất nước 20 năm
qua. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nêu bật một điều then chốt:
Hội nhập kinh tế thế giới
là một quan điểm chiến lược, là con đường đất nước phải trải qua để tiến lên
trở thành nước công nghiệp hiện đại, là con đường cả nước ta phải chủ động
bước vào với quyết tâm chính trị cao nhất.
Sự vật thường được nhìn nhận từ góc độ người đứng
nhìn. Điều này cũng có nghĩa quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới có nhiều
chiều cạnh. Bất luận quá trình toàn cầu hóa này diễn ra như thế nào, có những
mặt trái phải ra sao, được đánh giá theo ý thức hệ gì đi nữa.., song từ góc
độ lợi ích của đất nước, chúng ta cần khẳng định: Nước ta phải hội nhập, chủ
động hội nhập, để thực hiện mục tiêu chiến lược là đưa đất nước tiến lên giàu
có, văn minh.
Nói rằng thực
hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, phải kinh qua hội
nhập kinh tế thế giới là chuẩn xác. Lẽ đơn giản là dù con đường tiến lên
CNH-HĐH ở mỗi quốc gia mổi khác song tất cả đều phải hội nhập vào sự vận động
của kinh tế thế giới. Ngày nay không thể có công nghiệp hóa trong phạm vi một
quốc gia, lại càng không thể công nghiệp hóa trong nền kinh tế khép kín. Công
nghiệp hóa ngày nay của bất kể quốc gia thành viên “trẻ” nào trên thương
trường quốc tế cũng đều phải chịu sự cọ sát, cạnh tranh với cả thế giới, muốn
thế phải hội nhập thành công vào sự vận động của kinh tế thế giới.
Điều cần lưu ý là nước ta tiến hành CNH-HĐH vào lúc xuất hiện “thế giới
phẳng” (nói theo cách diễn đạt của Thomas Friedman), nghĩa là từ nhiều thập
kỷ qua sự phát triển của kinh tế thế giới và quá trình toàn cầu hóa ngày nay
hầu như đã hình thành một thị trường thế giới duy nhất, nhiều chuẩn mực chung
trên thương trường được thiết lập. Trong hợp tác cũng như trong cạnh tranh
quá trình toàn cầu hóa đang ngày càng làm mờ nhạt nhiều khác biệt của “quốc
gia”, đồng thời ngày càng làm nổi lên nhiều cái phổ cập, nhiều cái chuẩn mực
chung của “thế giới”. Đấy chính là những yếu tố tạo dựng nên luật chơi chung
trên sân chơi của cộng đồng quốc tế. Ngày nay bản đồ phân công lao động thế giới
đã thay đổi vượt xa mọi dự đoán. Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ -
nhất là công nghệ thông tin, và sự xuất hiện của kinh tế tri thức từ gần nửa
thế kỷ nay càng thúc đảy mạnh mẽ quá trình vận động này. Cơ hội trên thế giới
xuất hiện hiều hơn bao giờ hết, song những biến động trên thế giới do những
thách thức truyền thống và phi truyền thống gây ra ngày càng nhiều. Điều
đặc biệt quan trọng là thời gian và tốc độ ngày càng trở thành yếu tố quyết
định cho thành công hay thất bại.
Hệ quả cốt yếu nhất của tình
hình nêu trên là: Ngày nay có thể sản xuất bất kể cái gì, tại bất kỳ đâu, đem
bán ở nơi nào, miễn là làm chủ được thị trường, làm chủ được công nghệ và
tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm chủ được xu thế vận động của kinh tế thế giới.
Hiện tượng này là một bước phát triển mới của tự do, song cũng là một thách
thức chết người với những nước đi sau, những kẻ đến muộn. Điều đáng lo ngại
nhất trong tình hình này là không gian kinh tế cho các nước nghèo do sức cạnh
tranh yếu nên đang nhỏ đi tương đối so với qui mô lớn lên không ngừng của
kinh tế thế giới hiện nay. Đã thế, trong xu thế toàn cầu hóa ngày càng có
nhiều thể chế quản lý ở quy mô thế giới và khu vực, khiến cho không gian
chính sách quốc gia của hầu hết các nước đang phát triển tiếp tục bị thu hẹp
(Robert M. Hamwey 9-2005) – nghĩa là quyền và khả năng quyết sách của những
nước này bị co lại, sự phụ thuộc gia tăng.
Như vậy, phải chăng có sự
khác biệt lớn giữa cái thế giới thực mà chúng ta đang sống và cái thế giới
chúng ta ý thức được để tính toán, để cân nhắc trong khi xây dựng chiến lược
phát triển đất nước?
Muốn thoát khỏi nghèo nàn
lạc hậu, nước ta không có con đường khác ngoài con đường CNH-HĐH. Thế nhưng
ngày nay không thể tiến hành CNH-HĐH chỉ nhằm trực tiếp đáp ứng đòi hỏi phát
triển của đất nước, mà còn phải tiến hành CNH-HĐH thế nào để sản phẩm trụ
được trên thị trường và có lãi nhất, phải ít trả giá nhất về mọi phương
diện kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và môi trường, và để thu về được
nhiều của cải và mọi nguồn lực khác (khoa học, công nghệ, tri thức, năng lực
quản trị đất nước, năng lực kinh doanh, vốn và quyền năng con người, vốn xã
hội, tầm cao văn hóa mới…) đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước. Song CNH-
HĐH như thế nào là có lãi nhất, ít trả
giá nhất ở vào thế giới thế kỷ 21, phụ thuộc rất sâu sắc vào khả năng nắm bắt
xu thế vận động của kinh tế thế giới và hội nhập thành công vào sự vận động
này. Đây là vấn đề đang đòi hỏi rất nhiều trí tuệ và nghị lực.
Rõ ràng CNH-HĐH phải xuất
phát từ tầm nhìn thế giới để đi đến những quyết định cho nước mình. Khó khăn
hơn nữa là dù chúng ta quyết định lựa chọn sản phẩm và con đường thực hiện
nào, sự phán xét cuối cùng vẫn là thị trường, là xu thế vận động của kinh tế
thế giới. Không có tầm nhìn thế giới một cách chuẩn xác và nhạy bén để vạch
ra chiến lược CNH-HĐH xác đáng, không thường xuyên giữ cho con đường CNH-HĐH
đi cùng một nhịp với xu thế vận động của kinh tế thế giới, đừng hy vọng thu
về nhiều lãi và mọi nguồn lực khác để phát triển đất nước, kết quả gặt hái
được sẽ là nhiều thất vọng.
Hiển nhiên cho đến nay chúng
ta chưa xác lập được rõ ràng một chiến lược CNH-HĐH bám sát xu thế vận động
của kinh tế thế giới. Những gì chúng ta đã làm và đang làm trong suốt 20 năm
đổi mới và hiện nay còn đang đậm nhạt bóng dáng “nền kinh tế hế hoạch” trước
đây, còn vấn vương nhiều “bao cấp”, và trên thực tế là vẫn đi bên lề -
nếu như không muốn nói có phần nào đó đi lạc lõng - xu thế vận
động của kinh tế thế giới. Có thể nhận biết thực trạng này qua những hiện
tượng:
-
sự vận động chậm chạp của chuyển đổi cơ
cấu kinh tế - nhất là tình trạng phát triển kết cấu hạ tầng phần cứng và phần
mềm quá chậm so với đòi hỏi cũng như so với điều kiện cho phép;
-
kết cấu hạ tầng xã hội, hệ thống chính
trị và hệ thống quản lý nhà nước hầu như không theo kịp đòi hỏi phát triển
kinh tế;
-
sự phát triển nguồn nhân lực chưa vượt
lên hay đi song song với yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là tỷ lệ lao
động nông nghiệp và trong nông thôn còn quá cao, chất lượng lực lượng lao
động thấp;
-
trong nền kinh tế cả nước, tỷ lệ giá
trị gia tăng của sản phẩm còn thấp;
-
tính hiệu quả cả nền kinh tế chưa xứng
với mức các nguồn lực bỏ ra, nếu đem so sánh với nhiều nước đang phát triển
cùng trình độ sẽ thấy rõ điều này;
-
khả năng mở ra thị trường mới, sản phẩm
mới còn rất hạn chế;
-
khả năng thu hút đầu tư trực tiếp của
nước ngoài còn thấp cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả.
-
…
Đành rằng không thể bỏ qua
thực tế khách quan là xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta rất thấp. Song
sẽ là biện hộ che đậy những yếu kém nếu ta nhất nhất đổ mọi lỗi lầm cho tình
trạng nghèo nàn lạc hậu. Thật ra đem kinh tế nước ta so sánh với các nước mới
công nghiệp hóa (NICs) ở vào thời điểm 20 năm kể từ khi họ xuất phát thì phải
nói nước ta đi chậm so với những nước này·, nếu
so với láng giềng Trung Quốc càng thấy rõ sự chậm chạp của nước ta. Hai mưoi
năm đổi mới và phát triển là một khoảng thời gian đủ dài để đạt lấy một trình
độ phát triển cao hơn. Vì vậy có thể nói nguyên nhân hàng đầu của sự chậm
chạp này chính là sự bất cập trong tư duy chiến lược kinh tế, mặt nào đó còn
là sự bất cập trong tư duy nhìn nhận thế giới.
Nếu nhìn vào những thành tựu
đã thay da đổi thịt nền kinh tế nước nhà trong 20 năm đổi mới được cả thế
giới đánh giá cao, thì phải nói chủ yếu đấy là những thành tựu của phần
lớn những sản phẩm không nằm trong diện ưu tiên cao nhất của chiến lược phát
triển, những sản phẩm không phải là những bộ phận quyết định trong chiến lược
CNH-HĐH. Đấy là những thành tựu của những sản phẩm kinh kinh tế không được
tập trung đầu tư hay được hưởng những ưu đãi thỏa đáng nhất; đấy là những
thành tựu của những chính sách đúng đắn (tiêu biểu là Luât Doanh nghiệp ban
hành năm 2001 - được tặng cho cái tên là “khoán 10 trong công nghiệp”) ra đời
dưới áp lực của cuộc sống – nghĩa là tính tự giác, tính chủ động và đón đầu
chưa cao, là kết quả những nỗ lực phi thường của các thành phần kinh tế -
trước hết là thành phần kinh tế tư nhân - những nỗ lực tìm cách luồn
lách vượt qua những rào cản còn tồn tại khá phổ biến trong nước, vượt qua mọi
thách thức cạnh tranh bên ngoài… Đó là tình trạng cái mà chúng ta mất nhiều
công của đầu tư để phát triển thì không mang về hiệu quả như mong muốn, cái
mà không nằm trong diện ưu tiên đầu tư phát triển thì lại mang về những kết
quả vượt bậc. Một nền kinh tế muốn có sức cạnh tranh, không thể tiếp tục một
chiến lược phát triển xa thực tế và một phương thức phân bổ kém hiệu quả
những nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên những thành tựu đạt được trong hoàn
cảnh như vậy cho thấy nền kinh tế nước ta hoàn toàn có thể phát triển năng
động hơn và vững chắc hơn nếu có các quyết sách thỏa đáng.
Nghiêm khắc mà nói, 20 năm
qua chiến lược CNH-HĐH được vạch ra đi một đằng, nhưng sự phát triển kinh tế
của đất nước gần như tự thân đi theo một đường riêng, những đoạn đường trùng
hợp nhau khá mong manh và hiếm hoi, không ít những đoạn không gặp nhau hoặc
ngược chiều nhau – ví dụ: đầu tư không hiệu quả hay hiệu quả thấp vào nhiều
sản phẩm công nghiệp quan trọng trên cơ sở bao cấp của nhà nước, sự trì trệ
của khu vực kinh tế quốc doanh đầy ưu ái và những hệ quả tiêu cực đối với
toàn bộ nền kinh tế do chính sách bảo hộ gây ra… Đáng lưu tâm là tính tự phát
khá phổ biến – đó là những hiện tượng đày tính cơ hội, manh mún, gặp gì làm
nấy trong mọi thành phần kinh tế - kể cả quốc doanh: gặp ô-tô làm ô-tô, gặp
đóng tầu làm đóng tầu, chỗ nào cũng xi-măng lò đứng, mía đường, chỗ nào cũng
xây dựng cảng biển.., và tất cả hình như đều thiếu một luận cứ kinh tế vững
chắc trong một tổng thể chiến lược kinh tế rõ nét.
Sự phát triển như thế đang
đẻ ra nhiều gánh nặng mới cho nền kinh tế.
Tất cả những hiện tượng này
rọi thêm ánh sáng vào các nguyên nhân vì sao thành tựu đạt được chưa bền
vững, chất lượng chưa cao, chưa cân xứng với công sức bỏ ra, chưa thỏa đáng
với những điều kiện và thời cơ cho phép, chưa cân xứng với môi trường tự nhiên
và môi trường xã hội bị hủy hoại, không ít giá trị đã hun đúc nên được theo
chiều dài lịch sử của đất nước bị mai một hoặc đảo lộn… Để làm rõ được,
mất thì phải đem tất cả lên bàn cân so sánh một cách không khoan
nhượng. So sánh với ý thức cạnh tranh quyết liệt với cả thế giới, có thể nói
nền kinh tế nước ta đến nay vẫn còn là một nền kinh tế đắt.
Ta hôm nay đem ra so với ta hôm qua thì không dễ nhận ra điều này.
Một điều cần đặc biệt lưu ý
cho tương lai: Nhận biết bất cập về thế giới, về toàn cầu hóa kinh tế đã
khiến chúng ta bỏ lỡ nhiều thời cơ quan trọng và đất nước phải trả giá. Điều
này đã tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế và chiến lược CNH
đất nước. Hiệp địnhThương mại Việt - Mỹ ký chậm mất 2 năm, lẽ ra nước ta hôm
nay đã là thành viên của WTO và không phải oằn lưng gánh chịu thêm nhưng gánh
nặng mới của vòng đàm phán Doha, những cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp của
nước ngoài trong các năm 1995, 1997 và hiện nay chưa được tận dụng…
Và, dù không bao giờ lấy lại
được nữa, nhưng xin đừng bao giờ quên: Việc bỏ lỡ thời cơ lớn nhất
- thời cơ ngay trong lòng cộng đồng dân tộc và trên thế giới dành cho đất
nước ta ngay sau đại thắng mùa xuân năm 1975 đã gây ra cho đất nước bao nhiêu
hệ lụy nghiêm trọng.
Cả “cuộc chiến” cho sự nghiệp
chấn hưng đất nước còn ở phía trước, vì vậy nên từ lỡ thời cơ
rút ra những bài học rất đáng rút ra.
Điều đáng lo ngại nhất bây
giờ là tất cả những thành tựu đạt được chưa chuẩn bị những điều kiện tốt
nhất, chưa tạo ra được những tiền đề tốt nhất cho những bước phát triển tiếp
theo của nền kinh tế nước ta; những hệ quả do những yếu kém để lại cần khắc
phục không phải là nhỏ nếu như không muốn nói là có thể uy hiếp những bước
phát triển tiếp theo của đất nước; khả năng của nước ta đối chọi với những biến
động trong kinh tế thế giới khá mong manh. Tất cả chứng minh: Nền kinh tế
nước ta còn đi bên lề hoặc chưa định hướng mạnh mẽ vào xu thế vận động của
kinh tế thế giới trong quá trình toàn cầu hóa.
Nước ta có thể hội nhập kinh
tế thế giới thắng lợi, có thể sớm vươn tới một quốc gia công nghiệp theo
hướng hiện đại với cách nhìn nhận thế giới và với một chiến lược phát triển
như chúng ta đang có?
Xin nhắc lại: Quá trình
toàn cầu hóa kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều bất công, do những “cá mập”
chi phối, tiềm ẩn biết bao nhiêu biến động khó lường… Song tất cả những hiện
tượng này không phải là lý do để chúng ta ngập ngừng, để kéo dài sự bảo hộ..,
mà chỉ là những lý do đòi hỏi nước ta phải tự trang bị cho mình tốt hơn nữa
bản lĩnh và khả năng cần thiết giành lấy kỳ được thắng lợi trong
hội nhập kinh tế thế giới: thực hiện thành công xây dựng dân giàu nước mạnh,
xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Đấy là quan điểm chiến lược
cần xác định với tất cả lòng yêu nước và ý chí chính trị cao nhất của cả
nước, của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, để hội nhập thông minh và
dũng cảm vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới một khi nước ta trở
thành thành viên của WTO.
II.
Những yếu kém lớn của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập
1. Lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của nước ta chưa
được phát huy tối ưu
Nền kinh tế nào muốn cất
cánh cũng phải xuất phát từ mặt đất, nghĩa là từ chỗ thấp nhất nó đang đứng,
nhưng con đường cất cánh thì hình như chỉ có một: Phát huy lợi thế so sánh
mình đang có, rồi chuyển sang phát huy lợi thế cạnh tranh, từng bước cải
thiện lợi thế ấy.
Là nước đi sau, chúng ta lại
càng phải tìm cách đi sáng tạo trên con đường này nếu không muốn thường trực
quẩn quanh trong nghèo nàn lạc hậu. Sau khi trở thành nước CNH, nước ta vẫn
phải tiếp tục con đường này để chuyển hẳn sang phát huy lợi thế cạnh tranh –
nhưng ở nấc thang cao hơn, bài bản hơn. Hầu như đấy là con đường mang tính
quy luật phát triển. Nói CNH-HĐH phải giành lấy phân công lao động quốc
tế tối ưu chính là nói theo tinh thần này.
Chúng ta mất 10 năm đầu
trong nền kinh tế bao cấp nên không quan tâm đến lợi thế so sánh và lợi thế
cạnh tranh. Trong 20 năm đổi mới chúng ta ý thức nhiều hơn đến lợi thế so
sánh, lợi thế cạnh tranh. Song phải nói chiến lược phát triển đất nước nói
chung, chiến lược CNH-HĐH nói riêng trong những năm đổi mới còn nặng về định
hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung chưa xác định được thật rõ ràng – trên
thực tế là mang nhiều nét bảo hộ, bao cấp và hướng nội - theo tinh thần quốc
doanh là chủ đạo và hạn chế các thành phần khác. Có lúc lại giải thích định
hướng XHCN là thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn
minh, nhưng trước sau nền kinh tế vẫn giữ nhiều dấu ấn bao cấp và bảo
hộ…Trong 20 năm đổi mới việc phân bổ các nguồn lực trong phát triển kinh tế
và nhiều chính sách đã ban hành chứng tỏ chúng ta chưa thật tự giác định
hướng nền kinh tế đi vào con đường phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh
tranh.
Khi nói đến phát huy lợi thế
so sánh, trước hết có nghĩa là ưu tiên thu hút và phân bổ các nguồn lực đầu
tư - kể cả FDI và các nguồn lực bên ngoài khác - vào việc phát huy các lợi
thế đất nước sẵn có bên trong (như nguồn nhân lực, đất đai, thị trường, vị
trí địa lý thuận lợi, khí hậu, một số tài nguyên nhất định, sự ổn định chính
tri…), đồng thời thực hiện các quyết sách cần thiết cho yêu cầu này. Đến một
giai đoạn phát triển nhất định thì phải đảy mạnh kinh tế đối ngoại để chuyển
sang xây dựng và phát huy lợi thế cạnh tranh trên cơ sở xây dựng các liên
kết, liên doanh giữa trong nước và bên ngoài. Đó là những liên kết, liên
doanh theo chiều dọc (trong phạm vi sản phẩm và ngành), hoặc liên kết
theo chiều ngang giữa các sản phẩm thuộc các ngành hoặc các tập đoàn
khác nhau. Nền kinh tế phát huy lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh trước
hết và chủ yếu là một nền kinh tế hướng ngoại, là nền kinh tế đặc biệt coi
trong ngoại thương, là CNH-HĐH theo hướng mang về nhiều lãi và những nguồn
lực khác để phát triển đất nước.
Hiện nay ở nước ta cứ 100
đồng của GDP làm ra có tới 60 đồng là dành cho xuất khẩu, chủ yếu là nhờ tận
dụng lợi thế so sánh, nói lên tiềm năng lợi thế so sánh của nước ta rất lớn.
Thế nhưng các chính sách ban hành, các thể chế hiện hành, các chính sách thu
hút FDI (còn nhiều dấu ấn bảo hộ và hướng nội).., và nhất là việc phân bổ các
nguồn lực đầu tư lại không ưu tiên nhằm phát triển kết cấu hạ tầng, phát
triển nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ, cải tiến các thể chế, những ưu
đãi khuyến khích khoa học và công nghệ… nhằm phục vụ cho yêu cầu phát huy lợi
thế so sánh.
Phải chăng vì những nguyên
nhân nói trên tỷ lệ lãi giành được trong mỗi sản phẩm nhìn chung thấp? - chủ
yếu do tiêu thụ nhiều lao động và nguyên liệu, nhưng hàm lượng công nghệ
thấp. Phải chăng vì thế nền kinh tế nước ta chậm chuyển sang được phát huy
lợi thế cạnh tranh – nghĩa là chưa thực hiện được bao nhiêu các liên
kết, liên doanh với bên ngoài để làm ra các sản phẩm dưới dạng giữ nguyên
thiết kế chế tạo gốc của chính hãng (original equipment
manufacturing – OEM), tiến xa hơn nữa là làm ra các sẩn phẩm của liên kết,
liên doanh nhưng tự mình thiết kế lấy (own design manufacturing – ODM), và
cuối cùng là tiến tới khai thác liên kết, liên doanh để làm ra các sản phẩm
có thương hiệu riêng của mình (own brand manufacturing – OBM)§ như
nhiều nước đã làm được.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ,
chúng ta thấy Trung Quốc lúc đầu thu hút FDI để làm các sản phẩm lắp ráp, gia
công theo thiết kế chế tạo gốc (OEM), sau đó thông qua liên kết, liên doanh
chuyển sang sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao giữ nguyên thương hiệu gốc
của các tập đoàn nước ngoài nhưng được sản xuất tại Trung Quốc (ODM); tiến
lên một bước nữa gần đây Trung Quốc làm ra nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực công
nghệ cao nhờ các liên kết, liên doanh nhưng do TQ tự thiết kế và mang thương
hiệu riêng của TQ (OBM). Ai cũng thấy ngày nay sản phẩm Trung Quốc thôn tính
thị trường thế giới như thế nào – từ ô-tô, máy điện toán cao cấp..., đến đồ
chơi trẻ con và… vân vân. Trên thế giới chỗ này chỗ khác tại các nước phát
triển đã có những xí nghịêp hoặc thậm chí cả một thành phố nhỏ phải đóng cửa
vì hàng rẻ của Trung Quốc…
Rõ ràng, để hội nhập giành
thắng lợi, phải tự giác phát huy mạnh mẽ lợi thế so sánh của nước ta, và tích
tụ mọi điều kiện để chuyển nhanh sang phát huy lợi thế cạnh tranh, cạnh tranh
quyết liệt có khi đến mức mất còn.
Xin lưu ý, quyết định chiến
lược nào, thể chế nào, chính sách thu hút FDI nào, chính sách hợp tác như thế
nào, thì tạo ra sản phẩm ấy, hiệu quả ấy. Không phải cứ duy ý chí và quyết
tâm cao là giành được thắng lợi mong muốn. Ở nước ta, nếu không tìm cách sớm
thoát khỏi tình trạng “nền kinh tế đắt”, nếu không có các chính sách và những
thể chế thân thiện và khuyến khích thoả đáng FDI, nếu không phát huy tốt hơn
nữa nguồn nhân lực và nâng cao khả năng quản lý đất nước, tất cả để phát huy
tốt hơn nữa lợi thế so sánh và dần dần chuyển sang phát huy lợi thế cạnh
tranh, tất yếu hội nhập kinh tế thế giới sẽ không đạt được mục đích. Điều này
sẽ có nghĩa khoảng cách tụt hậu so với thế giới bên ngoài rộng mãi, khó mà
nghĩ đến đuổi kịp ai.
2. Một số vấn đề trong
chiến lược công nghiệp hoá của nước ta thời hội nhập toàn diện vào toàn cầu
hoá kinh tế thế giới
Điều nổi bật là nước ta tiếp
tục công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào lúc châu Á nói chung và Đông Á nói
riêng trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, có nhiều thể chế
song phương, đa phương đã đi vào hoạt động, nổi bật nhất hiện nay là xu thế
hình thành các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên cạnh các Hiệp định Thương
mại song phương (BTA), đã và đang hình thành các khung khổ hợp tác ASEAN + 1
(Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc…), các khung khổ ASEAN + 2, ASEAN + 3, và rộng
hơn nữa là APEC. Vào một tương lai không xa nước ta cũng phải đi theo xu thế
ký kết những FTA… Trong tình hình đó, ngoài sự cạnh tranh của các nền kinh tế
năng động trong khu vực, sự xuất hiện của Trung Quốc với tính cách là công
xưởng sản xuất của thế giới về nhiều loại sản phẩm - từ hàng may mặc đến
những hàng công nghiệp hiện đại như đồ điện dân dụng, xe hơi, máy vi tính,
các sản phẩm công nghiệp điện tử cao cấp… - càng tác động mạnh mẽ vào quá
trình CNH ở nước ta, đồng thời cũng tác động vào các thị trường trên thế giới
mà sản phẩm của nước ta đi tới. Quá trình CNH của nước ta hiển nhiên không
thể đứng ngoài sự vận động của kinh tế khu vực, nhất là đứng trước thực tế
cạnh tranh quyết liệt của sản phẩm Trung Quốc và các nước ASEAN 4 (Thái Lan,
Indonesia, Philippines), cạnh tranh quyết liệt ngay trên thị trường nội địa
của nước ta.
Thực tế hiện nay là: Trừ một
số nông phẩm, nguyên liệu và một số mặt hàng công nghiệp gia công (như may
mặc, giày dép, một số rất ít mặt hàng công nghiệp khác…) nhìn chung lợi thế
cạnh tranh của nước ta rất thấp. Không xử lý được vấn đề khả năng cạnh tranh
thấp, quá trình CNH-HĐH của nước ta có nguy cơ thất bại – ví thử sản xuất chỉ
để tiêu dùng trong nước thì sản phẩm của nước ta cũng không thể trụ được,
trong khi đó việc mở cửa thị trường nước ta theo những thể chế của WTO và những
thể chế song phương và đa phương khác ta đã ký kết là bắt buộc.
Trong bối cảnh hội nhập như
vậy, lại đứng giữa một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới, tiếp tục quá
trình CNH-HĐH với mục đính là mang về lãi và những nguồn lực khác để phát
triển kinh tế đất nước và hoàn thành sự nghiệp này vào năm 2020, trước
hết có nghĩa là phải tìm cho ra những “kẽ lách” mới (niches) và xây dựng được
chiến lược nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng ta đã ý thức được đòi
hỏi khách quan mang tính sống còn này hay chưa? Đã tập trung mọi nỗ lực của
chúng ta vào hướng cạnh tranh?
Câu trả lời của chúng ta
hình như mới chỉ là những lời kêu gọi hạ quyết tâm, song còn thiếu nhiều
quyết sách và hành động đem lại hiệu quả mong muốn.
Xin nói thêm rằng bản thân
quá trình CNH-HĐH tự nó là đối nghịch với nền kinh tế tự cung tự cấp khép
kín, trước sau sẽ đi đến thất bại trong
nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín. Xin
lưu ý điều này để có quyết tâm dứt khoát:
Ngày nay nước ta muốn
tiếp tục công cuộc CNH-HĐH đất nước thì chỉ có một con đường là nâng cao
khả năng mọi mặt của đất nước để phát huy lợi thế cạnh tranh của toàn bộ
nền kinh tế.
Nhưng bằng cách nào?
Trước hết cần xác định, dù
là tìm ra được kẽ lách nào trên thị trường thế giới và trong nước ta§,
nhất thiết nó phải là kẽ lách cho những sản phẩm có nhiều hàm lượng
công nghệ và có tỷ suất lãi cao (high rate of return). Chỉ có kẽ lách đáng
mong muốn này mới có ý nghĩa đối với công cuộc CNH-HĐH của đất nước ta.
Thấy sâu sắc được đòi hỏi này, mới có hướng đi tìm câu trả lời.
Đặc điểm nổi bật của sản
phẩm công nghiệp nước ta dành cho xuất khẩu là gia công, phát huy lợi thế lao
động rẻ và một số nguyên liệu nào đó sẵn có trong nước; sản phẩm may mặc
chiếm tới khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó trên 80% giá trị xuất
khẩu là dành cho nhập nguyên liệu và máy móc), sản phẩm xuất khẩu các máy móc
chỉ chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó khoảng 50-70% giá trị
xuất khẩu là dành cho nhập các linh kiện, máy móc và phụ tùng…). Nói chung,
xuất khẩu như vậy tỷ suất lãi thấp, hàm lượng công nghệ thấp, chuyển dịch cơ
cấu kinh tế có nhiều khó khăn và chậm. Hệ quả chung là toàn bộ quá trình
CNH-HĐH không thể phát triển năng động và khó tiến vào những lĩnh vực hiện
đại có hàm lượng công nghệ và tỷ suất lãi cao hơn, việc mở thị trường mới và
chiếm thêm nhiều thị phần cũng khó khăn. Toàn bộ quá trình này cắt nghĩa vì
sao nền kinh tế nước ta có nguy cơ tụt hậu kéo dài.
Giải pháp tối ưu cho việc
tìm ra kẽ lách mong muốn là liên kết liên doanh với các tập đoàn mạnh
nước ngoài.
Giải pháp nâng cao khả năng
cạnh tranh trước hết cũng là phải hình thành những liên kết liên doanh với
các tập đoàn mạnh nước ngoài.
Cả hai giải pháp trên làm
nổi bật vai trò quan trọng của FDI, đặc
biệt là trong việc chuyển từ sản xuất các sản phẩm dưới dạng giữ nguyên thiết
kế chế tạo gốc của chính hãng (original equipment manufacturing –
OEM), lên các sản phẩm của liên kết, liên doanh nhưng tự mình thiết kế lấy
(own design manufacturing – ODM), và cuối cùng là tiến tới khai thác liên
kết, liên doanh để làm ra các sản phẩm có thương hiệu riêng của mình (own
brand manufacturing – OBM)§ như
nền kinh tế Trung Quốc đang vươn lên thành công xưởng sản xuất của thế giới.
Nói một cách khác, cần tham khảo, nghiên cứu, học hỏi những kinh nghiệm của
Trung Quốc và tìm ra cách vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của nước ta.
Nền kinh tế nước ta hiện nay
đang yếu cả trên 2 phương diện (a) khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh
tế; (b) chính sách thu hút FDI với yêu cầu tạo ra những liên kết, liên doanh
khả dĩ giúp nền kinh tế nước ta rút ngắn các cung đoạn sản phẩm OEM-ODM-OBM.
Các nhà nghiên cứu, các nhà
hoạch định chính sách ở nước ta chắc hiểu rất rõ phải làm gì để khắc phục hai
yếu kém nói trên để điều chỉnh chiến lược CNH-HĐH của đất nước cho phù hợp.
Việc đầu tiên là cần nhận thức sâu sắc hai yếu kém lớn này và quyết tâm có
những quyết sách khắc phục đúng với ý thức chủ động hội nhập kinh tế thế
giới.
Đã xuất hiện một thực tế là
một số doanh nghiệp công nghiệp nước ta (hầu hết là ngoài quốc doanh) không
chờ đợi các quyết sách của Đảng và Nhà nước cho 2 vấn đề trọng đại này. Đứng
trước tình hình tràn ngập hàng rẻ Trung Quốc ở mọi nơi, họ đã tự đề ra cho
mình phương châm “sống chung với lũ để vượt lũ”. Họ tận dụng mọi chính sách
và thể chế hiện có, tự tìm các đối tác liên kết liên doanh theo chiều sâu,
huy động các nguồn lực để tự làm lấy khâu nghiên cứu - triển khai (R&D)
và làm ra sản phẩm mới với thương hiệu riêng (OBM), cạnh tranh được ngay trên
thị trường nước ta và xuất được vào thị trường Trung Quốc. Đấy là hàng may
mặc cao cấp, đồ điện và điện tử dùng trong gia đình, trang bị nội thất, vật
liêu xây dựng cao cấp, một số mặt hàng khác như ống nước nhựa cao cấp, dây
dẫn điện, đồ uống… vân vân.
Tuy còn khiêm tốn về chủng
loại mặt hàng, về kim ngach đạt được, song những nỗ lực “sống chung với lũ để
vượt lũ” như vậy là những con chim én báo hiệu mùa xuân một phong cách kinh
doanh mới với triển vọng mới. Đó là những gợi ý tốt và phong phú cho các nhà
nghiên cứu và họach định chính sách ở nước ta.
Xin lưu ý các nước ASEAN4
hầu như xuất siêu liên tục sang Trung Quốc, chính là nhờ phát huy được lợi
thế cạnh tranh, với kết quả tỷ lệ hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất
khẩu của họ vào thị trường này khá cao (thường gấp đôi tỷ lệ của Việt Nam
hoặc hơn nữa). Trong khi đó xuất khẩu của ta vào Trung Quốc khoảng trên dưới
80% kim ngạch là nguyên liệu thô, sản phẩm thô, điều này giải thích vì sao
Việt Nam đang nhập siêu lớn trong buôn bán với Trung Quốc.
3. Nhìn nhận rõ thêm
vai trò của FDI
Nhà nước ta đánh giá cao vai
trò của FDI đối với sự nghiệp CNH-HĐH và phát triển đất nước, dành cho FDI
hầu hết mọi ưu đãi có thể trong điều kiện cho phép, ra sức cải thiện và đổi
mới các thể chế, luật pháp, chính sách, môi trường kinh doanh… để thu hút
FDI. Đấy là những nỗ lực rất lớn, được cả thế giới thừa nhận. Thậm chí chỗ
này chỗ khác xuất hiện một số hiện tượng thái quá, tạo ra những ưu đãi hoặc
cách đối xử với FDI vượt quá khung khổ pháp lý cho phép, các bên phía ta
giành giật nhau khiến thế đàm phán của ta suy yếu, gây ra những thua thiệt
không đáng có – tuy nhiên đây chỉ là hiện tượng phụ.
Mặc dù có những nỗ lực lớn
như vậy, khối lượng FDI đã thực hiện đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng
và phát triển kinh tế đất nước, khoảng 1/3 kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu
có sự tham gia của FDI, môi trường kinh doanh của FDI được cải thiện nhiều,
vân vân… Nhưng so sánh với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam sau 20 năm đổi
mới vẫn bị coi là nước “chưa thân thiện” với FDI, khả năng cạnh tranh thu hút
FDI còn thấp so với những điều kiện thuận lợi cho phép; đã bỏ lỡ một số làn
sóng FDI có thể thu hút được (1995, 1998), chưa có những chuyển biến mạnh mẽ
để thu hút làn sóng mới của FDI hiện đang diễn ra trong khu vực. Việc khai
thác FDI để tranh thủ chuyển giao công nghệ, cải tiến phương thức quản trị
kinh doanh, tiếp cận và khai phá thị trường mới bên ngoài v…v… nhìn chung
thấp.
Nếu đem nước ta ra so sánh
với Trung Quốc và các nước ASEAN4, còn phải lưu ý: Ta chưa khai thác được bao
nhiêu vai trò của FDI trong việc tạo ra các liên kết, liên doanh theo chiều
dọc và chiều ngang như đã trình bày trong các phần trên để cải thiện và đổi
mới lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nước ta, để đảy mạnh đổi mới cơ cấu
kinh tế trong nước, đẩy nhanh quá trình
CNH-HĐH, và chung cuộc là để đưa kinh tế nước ta vươn rộng ra thị trường bên
ngoài.
Vì mục đích chính của bài
viết này là tìm hiểu những tồn tại, nên xin miễn nói nhiều đến những thành
tựu và ưu điểm trong thu hút FDI. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh một thực tế
làn sóng FDI lên cao ở nước ta vào những năm 1995 trở về trước và phần nào
đang hồi phục từ 1-2 năm gần đây đều gắn với sự thông thoáng trong môi trường
kinh doanh và sự đơn giản hóa công việc quản lý của bộ máy nhà nước đã tạo ra
được ở hai thời kỳ này.
Vậy những yếu kém chính
trong vấn đề thu hút FDI là gì?
(a) Trước hết phải nói
tính tiên liệu được (predictability) trong môi trường kinh doanh ở nước ta
nhìn chung thấp; đây là môt trong những khó khăn lớn những nhà đầu tư
nước ngoài vấp phải trong môi trường kinh tế nước ta.
Ai cũng biết, làm ăn mà
không tiên liệu được thì nhiều rủi ro, không dám làm ăn lâu dài, không dám
làm ăn lớn. Môi trường đầu tư mà như vậy thì chỉ có khả năng khuyến khích
cách làm ăn chụp giựt, làm ăn nhỏ, dễ làm khó bỏ, mang đầy tính đầu cơ,
rất có hại cho nước chủ nhà và không thể tính đến những liên kết, liên doanh
dài hạn cho tương lai, cho việc cùng nhau khai phá thị trường mới cho nước
chủ nhà..; cuối cùng chính nước chủ nhà rơi vào tình trạng không tiên liệu
được còn tệ hại hơn so với người đầu tư nước ngoài và rất bị động.
Tính không tiên liệu được
trong môi trường đầu tư ở Việt Nam chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:
-
Tính nhất quán trong hệ thống chính
sách và hệ thống quản lý của bộ máy nhà nước thấp.
-
Các chính sách kinh tế, luật pháp, kế
họach kinh tế và quy hoạch phát triển thay đổi luôn.
-
Luật pháp, quy hoạch phát triển kinh
tế, các chính sách đã ban hành nhiều khi bị bóp méo khi thực thi. Nguyên
nhân: năng lực nghiệp vụ của bộ máy quản lý nhà nước và của cán bộ của còn
nhiều mặt hạn chế, tệ nạn quan liêu tham nhũng, tính tranh giành cục bộ địa
phương…
-
Khả năng ứng phó còn rất hạn chế đối
với những biến động bên trong (thiên tai, sự khan hiếm, biến động thị
trường, vấn đề đất đai…) hay từ bên ngoài lan tới (khủng hoảng tài chính tiền
tệ 1997, giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới, khủng hoảng kinh tế
hay chiến tranh ở các khu vực khác...).
-
Có lúc xảy ra tính bất nhất hoặc dao
động trong chính sách đối ngoại (ví dụ: một mặt khuyến khích hợp tác, mặt
khác lại đả kích gay gắt trên báo chí hoặc có những bước đi đối ngoại khó
hiểu, ngược chiều với khuyến khích hợp tác kinh tế…).
-
Tính dao động lúc tả lúc hữu do xung
đột những quan điểm lớn trái ngược nhau (mở cửa hay hạn chế mở cửa, bảo hộ
hay không bảo hộ, nói xóa bao cấp nhưng trên thực tế chỗ này chỗ khác và ở
mức độ nhất định còn bao cấp…)
(b) Do còn bị tư duy
cũ chi phối, nên tính bảo thủ và bảo hộ còn tác động sâu xa đến khuyến khích
thu hút FDI.
-
Tư duy kinh tế còn nặng về hướng nội,
nên trừ một số ngành như may mặc, giày dép.., phần lớn các dự án thu hút FDI
hướng về thị trường nội địa, kèm theo nhiều tiêu chí bảo hộ do ta đề ra
như tỷ lệ “nội địa hóa”, thuế suất nhập khẩu cao cho đầu vào, những hạn chế
hữu hình và vô hình khác.
-
Bảo hộ trực tiếp hoặc gián tiếp sản
phẩm cùng lọai của các xí nghiệp quốc doanh.
-
Những đặc quyền riêng dưới nhiều dạng
rơi rớt từ thời bao cấp dành cho quốc doanh, ảnh hưởng đến nguyên tắc đối xử
bình đẳng quốc gia (national treatment) - đặc biệt là trên các phương
diện vốn, đất đai, quyền kinh doanh, hạn chế trong một số ngành kinh tế quan
trọng như điện lưc, giao thông...
-
Hạn chế các tập đoàn có FDI vào Việt
Nam được kinh doanh đa ngành nghề, hạn chế khâu thương mại nội địa của những
tập đoàn này (gần đây tình hình này đã được cải thiện).
-
Những hạn chế trong các lĩnh vực ngân
hàng và một số dịch vụ khác.
-
Vân vân…
Cần phân biệt đàm phán giành
lấy lộ trình thích hợp cho việc mở cửa nền kinh tế nước ta và tự ta ở trong
nước chủ động đẩy nhanh tiến độ hội nhập là hai việc khác nhau. Đàm phán thì
phải giành lấy lộ trình tối ưu để bảo đảm an toàn cho hội nhập, song điều này
cũng không có nghĩa kéo dài đàm phán đến mức lỡ thời cơ như đã xảy ra. Mặt khác
tự ta phải lựa chọn cho mình những lộ trình ngắn nhất cho phép chủ động đi
nhanh trong quá trình hội nhập. Xin phép được diễn đạt một cách nôm na: Trước
khi bơi dứt khoát phải tập bơi, nhưng muốn bơi thì phải nhảy xuống nước với ý
chí can đảm. Một quốc gia trong hội nhập vào kinh tế thế giới cũng phải hành
xử như vậy.
(c) Giá đất đai và chi
phí trung gian quá cao, nhìn chung nước ta còn là một nền kinh tế đắt
-
Với tư cách là nước chủ nhà, nhà nước
đã có nhiều cố gắng cải tiến việc cung cấp đất đai, mặt bằng cho các dự án có
FDI. Mặc dù vậy, đây vẫn là vấn đề gay cấn số 1, bắt nguồn từ thực trạng quản
lý đất đai ở nước ta có nhiều yếu kém và công tác quy hoạch phát triển còn
nhiều thiếu sót. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nước ta
bỏ lỡ nhiều cơ hội và những dự án tốt. Có thể dự báo ngay trước mắt và trong
tương lai vấn đề đất đai sẽ còn nóng bỏng hơn nữa, đòi hỏi phải sớm có quyết
sách thay đổi cơ bản tình hình này.
-
Trong thực tế đầu tư kinh doanh ở nước
ta, hầu như chi phí có hai phần – xin tạm gọi như vậy. Phần chính thức là các
chi phí tính theo giá được quy định do nhà nước hay trong hợp đồng; phần
không chính thức là phần “không có giá” – nghĩa là biên độ của giá này tùy
thuộc vào “bối cảnh”. Những chi phí trung gian này chủ yếu gồm 2 khoản: phần đền
bù thêm cho việc giải tỏa mặt bằng và những tiêu cực phí cho cán
bộ và cơ quan chức năng có liên quan. Cho đến nay chưa có cách gì thống kê
làm rõ thực trạng chi phí này lên đến mức nào trong tổng vốn đầu tư phải bỏ
ra, song có thể tạm kết luận đây là một trở ngại lớn trong cạnh tranh với
những quốc gia khác về vấn đề thu hút FDI.
-
Mặc dù nhà nước ta đã áp dụng chế độ
“một cửa”, song trên thực tế đang tồn tại tình trạng “một cửa, nhiều khóa”,
nạn giấy phép con, các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật đi xa hay
vượt ra ngoài luật… Thực tế này chẳng những gây nhiều tốn kém trực tiếp cho
nhà đầu tư nước ngoài, mà còn gây những tổn thất khác do lãng phí thời gian,
lãng phí cơ hội, nhiều khi không tính được bằng tiền đối với các nhà đầu tư
nước ngoài.
-
…
(d) Còn thiếu hẳn một
chiến lựơc coi FDI là cứu cánh thực hiện CNH-HĐH khai thác thị trường mới và
giành thị phần ngày một lớn hơn.
Đáng chú ý là những vấn đề
lớn sau đây.
-
Rất thiếu lực lượng lao động có tay
nghề cao, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản trị kinh doanh
giỏi để cung cấp cho các dự án FDI làm ra những sản phẩm có hàm lượng công
nghệ cao. Công tác tiếp thị thị trường FDI và đội ngũ cán bộ phụ trách vấn đề
FDI các ngành các cấp có nhiều yếu kém; đặc biệt là còn rất yếu trong vấn đề
cung cấp thông tin giúp các bên đối tác (phía ta cũng như phía nước ngoài) có
nhiều khả năng lựa chọn các cơ hội và có những quyết định nhanh chóng
-
Chậm phát triển kết cấu hạ tầng, thiếu
các mạng xí nghiệp vệ tinh thỏa mãn đầu vào cho những dự án FDI lớn, thiếu
những quyết sách hữu hiệu cho việc hình thành những liên kết, liên
doanh thúc đẩy quá trình đổi mới cơ cấu kinh tế.
-
Nhìn chung còn thiếu nhiều chính sách
và những nỗ lực chính trị khác - kể cả trong lĩnh vực ngoại giao, nhằm giữ
gìn chữ tín, tạo sự tin cạy làm ăn lâu dài, khiến cho giới FDI và nước chủ
nhà có sự hợp tác cùng hội cùng thuyền, cùng ngồi chung một thuyền đi vào
những thương trường mới, sản phẩm mới.
-
Chưa chú ý xây dựng văn hóa hợp tác
kinh doanh nhằm nâng đất nước ta lên thành môi trường lý tưởng thu hút FDI.
-
…
Hiện nay, những đối tác lớn
bên ngoài đang có yêu cầu đa dạng hóa thị trường đầu tư, trong khi đó nước ta
có vị thế kinh tế và chính trị ngày càng được cải thiện, chế độ chính trị ổn
định, kinh tế phát triển năng động. Tình hình này đang mang lại cho nước ta
cơ hội lớn đón bắt làn sóng FDI mới vào nước ta. Đã bắt đầu có dấu hiệu một
“boom” mới về FDI vào Việt Nam. Thực tế này thôi thúc phải đẩy mạnh cải cách
toàn diện, mau chóng thực hiện các lộ trình đã cam kết trong khung khổ WTO và
trong những cam kết song phương và đa phương, nhằm tạo mọi điều kiện nắm bắt
lấy cơ hội quan trọng này.
4. Những vấn đề lớn
cần lưu ý sau khi gia nhập WTO
Ý thức cho kỳ được
điều cốt tử
Sau khi nước ta gia nhập WTO
không phải mọi chuyện đều vui. Không phải ai cũng vui. Hội nhập kinh tế thế
giới còn có nhiều điều cay đắng.
Là nước nghèo và chưa ra
khỏi tình trạng chậm phát triển, khả năng thích nghi và cạnh tranh đều yếu
kém, nên những điều cay đắng đối với nước ta không phải là ít và dễ chịu
đựng.
Nạn nhân đầu tiên là những
sản phẩm không trụ được trên thị trường thuế quan thấp hoặc có thuế suất bằng
không – nhất là sản phẩm của những ngành công nghiệp non trẻ; sự bảo hộ cuối
cùng là bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật cũng phải rỡ bỏ dần.
Nạn nhân đầu tiên là những
sản phẩm lỗi thời bị các sản phẩm mới thay thế một cách không thương tiếc
trên thị trường mở cửa cho cả thế giới.
Nạn nhân đầu tiên là những
người lao động không thích nghi kịp hoặc không đáp ứng được những đỏi hỏi do
sản phẩm mới đặt ra…
Nạn nhân đầu tiên là mọi
phương thức làm ăn trong những khung khổ pháp chế và những chế định trái hay
không khớp với những tiêu thức chung đã được thừa nhận trong WTO…
Còn nhiều nạn nhân khác nữa.
Nạn nhân “nặng ký” nhất là
sự tụt hậu về tư duy trong một thế giới đã thay đổi sâu sắc.
Cho nên hội nhập dù có mang
tính tất yếu sống còn đi nữa, xin đừng quên sự thật lạnh lùng mà các nạn nhân
khác nhau đang phải đối mặt. Bởi vì
trên sân chơi chung và bình đẳng của thị trường, mỗi sản phẩm có lợi thế cạnh
tranh khác nhau, mỗi quốc gia, tập đoàn, mỗi con người thường có những điều
kiện và khả năng phấn đấu khác nhau. Trên thế giới kẻ được người thua trong
hội nhập là chuyện xảy ra hàng ngày, trong phạm vi một quốc gia cũng vậy.
Đương nhiên vai trò nhà
nước, các thể chế và tổ chức xã hội ở nước ta có trách nhiệm lớn trong việc
cùng với toàn dân khắc phục những khập khiễng này; nhưng quyết định vẫn là sự
nỗ lực của từng công dân, từng doanh nghiệp quyết vượt qua mọi khó khăn.
Hiện tại thời đại toàn cầu
hóa kinh tế thế giới đã đạt tới nấc thang phát triển: Ngày nay cả thế
giới thách thức một người, một người có khả năng coi cả thế giới là đối tượng
lao động của mình.
Thành - bại, vinh - nhục đối với một quốc gia, một doanh nghiệp, một cá nhân
tùy thuộc vào khả năng ý thức điều cốt tử này. Một sản phẩm đưa ra thị
trường, hay kết quả làm việc của một lao động – dù là trong cơ quan hành
chính sự nghiệp, ngày nay đều phải chịu một thước đo chung và mọi thử thách
khác của cả thế giới, đồng thời cũng có thể nhằm vào cả thế giới.
Câu chuyện đối với nước ta
không phải là ngồi than vãn sức cạnh tranh của mình chênh lệch quá lớn so với
thiên hạ, vì nước đi sau nào thoát được sự chênh lệch này? Câu chuyện đích
thực của nước ta là phải ý thức được cái điều cốt tử này để có phương hướng
hành động - từ suy nghĩ của một cá nhân cho đến chính sách của nhà nước.
Một khi nhìn thấy sản phẩm hay kết quả lao động của mình chịu sự thách thức
của cả thế giới, thì sẽ không đem ta hôm nay ra so sánh với ta hôm qua nữa,
mà là so sánh với cả thế giới; ta sẽ nhận biết ta rõ hơn – nghĩa là biết
mình rõ hơn, sẽ hiểu cơ hội và thách thức đến từ đâu – nghĩa là biết
người rõ hơn. Một khi có ý thức có thể coi cả thế giới là đối tượng lao
động của mình, thì sẽ có ý chí tìm cách thoát khỏi cái vung trời lơ
lửng úp trên đầu đang thu hẹp tầm nhìn của chúng ta, sẽ lựa chọn quyết sách
nuôi chí lớn. Cuối cùng là sẽ tìm ra con đường biến cả thế giới thành đối
tượng lao động của mình. Nghĩ, sống và làm ăn lâu dài là từ đây. Chống tình
trạng ăn sổi ở thì và tự ti là từ đây. Quyết tâm đi tới dân giàu nước mạnh xã
hội công bằng dân chủ văn minh nhất thiết phải có ý chí này.
Cả nước, trước hết là nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, cần xác lập ý
chí này làm động lực đảy mạnh cải cách toàn diện, nhằm giải phóng mọi nguồn
lực của đất nước, để có thể chủ động khai thác những quy chế của WTO. Mọi cái
giá phải trả để vào WTO chỉ có ý nghĩa khi nước ta có bản lĩnh khai thác được
tối đa những quy chế này.
Đối với mỗi công dân Việt Nam, mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc ta, yêu
nước bây giờ trước hết là dám chấp nhận thách thức của cả thế giới, có ý chí
coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình, cả nước cùng nhau ra sức xây
dựng xã hội học tập, xã hội thông tin để hun đúc ý chí như thế.
Một nước CNH-HĐH, hay bãi rác?
Khi là thành viên của WTO, câu hỏi này càng trở nên nóng bỏng đối với nước
ta.
Bởi lẽ: khả năng tiếp thụ
kém, khả năng cạnh tranh kém, nền kinh tế nước ta dễ có nguy cơ trở thành
“bãi rác” khi mở cửa và hội nhập toàn diện vào kinh tế thế giới. Điều này
không phải là hoang tưởng, mà đang là sự thực chua sót tại nhiều nước đang
phát triển là thành viên của WTO từ hàng chục năm nay tại châu Á, châu Phi và
châu Mỹ Latinh. Tầm nhìn kinh tế hạn chế, tư tưởng ăn sổi ở thì, hiện tượng
thiếu chăm lo thỏa đáng cho cái lâu dài, cùng với phương thức làm ăn “bóc
ngắn cắn dài” và đầu tư theo kiểu vào lỗ hà ra lỗ hổng như những PMU 18,
những đường hầm Văn Thánh… và nhiều yếu kém khác xảy ra trong thực tế đời
sống kinh tế nước ta đang có xu hướng thai nghén “cái bãi rác”.
Trong quá khứ không xa đã
xảy ra các công trình xi-măng lò đứng, là “mía - đường”, nhiều xí nghiệp công
nghiệp đã chết khác… Trong hiện tại là phong cách làm ăn tranh thủ được gì
làm nấy – như xe máy, ôtô, đóng tầu, cán thép, xuất khẩu than, các nguyên
liệu và sản phẩm thô khác... Phương thức làm ăn này khá thụ động, chứa đựng
nhiều điều nan giải. Một trong những ví dụ thời sự hiện nay là duy trì ngành
công nghiệp ô-tô như thế nào trong bối cảnh phải mở cửa thị trường nhập ô-tô
cũ, tán thành hay chống đều chưa có lý lẽ thuyết phục – vì chưa
đặt câu chuyện ngành công nghiệp ô-tô vào tổng thể chiến lược CNH-HĐH của
nước ta ở thời điểm toàn cầu hóa hiện nay trên thế giới! Chặng đường CNH-HĐH
đã đi quá nửa về thời gian, mà hôm nay vẫn khó hình dung nước ta vào
khoảng năm 2020 là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại sẽ có diện
mạo như thế nào, kinh tế tri thức phát triển đến đâu. Nhìn vào quy hoạch phát
triển cho những yêu cầu lớn như kết cấu hạ tầng, đô thị hóa, mở mang công
nghiệp và các ngành dịch vụ khác.., nỗi lo “bãi rác” càng không thể xem
thường.
Ngoài ra còn phải nói so với số dân, quỹ đất ở nước ta rất hẹp (dưới mức bình
quân của cả thế giới, mật độ dân số cao hơn cả của Trung Quốc…), yêu cầu mở
mang kết cấu hạ tầng trong những năm tới rất lớn, do nhiều nguyên nhân giá
đất ở nước ta rất cao. Ngoài ra còn phải tính đến thị trường đất đai và bất
động sản hiện nay mang nhiều tính đầu cơ và đang gây một sức ép đáng kể lên
nền kinh tế. Giả thử cho đến năm 2020 nước ta cần một mạng đường bộ các loại
gấp 2 lần hoặc hơn nữa như hiện có để đáp ứng những yêu cầu phát triển của
một nước công nghiệp, điều gì sẽ xảy ra và tốn kém như thế nào? Có thể nói
vắn tắt: quỹ đất hiếm, quản lý kém hiệu quả, giá đất cao, chất lượng quy
hoạch thấp, những điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến thu hút FDI nói riêng
và quá trình CNH – HĐH (bao gồm cả quá trình đô thị hóa) nói chung. Tình hình
đất đai như vậy tác động không lợi vào việc phát huy lợi thế cạnh tranh của
đất nước.
Chất lượng nguồn nhân lực như hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển
kinh tế nói chung và quá trình CNH-HĐH nói riêng. Điều này cũng đang trở
thành nỗi lo đáng kể cho việc phát huy lợi thế cạnh tranh với tính cách là
thành viên WTO. Ngoài ra còn phải kể đến những yếu kém khác trong năng lực
quản lý đất nước, trong năng lực làm chính sách…
Xin nhắc lại: Vào WTO mà không tận dụng được mọi điều kiện để phát huy lợi
thế cạnh tranh là thất bại, tất yếu đi tới “bãi rác” – không một duy ý chí
nào có thể cưỡng lại nổi.
Xem xét như vậy, nên chăng tiến hành một cuộc điều chỉnh lớn chiến lược phát
triển?
Nội dung của cuộc điều chỉnh
này là ưu tiên phân bổ nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng phần cứng và
phần mềm, phát triển nguồn nhân lực, chấm dứt hẳn việc dùng ngân sách nhà
nước hay các nguồn nhà nước đi vay để đầu tư hay hỗ trợ đầu tư vào các dự án
công nghiệp, ban hành các thể chế và chính sách giải phóng và không phân biệt
đối sử mọi nguồn lực của cả nền kinh tế, khuyến khích thu hút FDI, khuyến
khích hình thành các liên kết, liên doanh giữa trong nước với FDI; cải tiến
mạnh mẽ hệ thống ngân hàng, ban hành những khuyến khích định hướng và cung
cấp tối đa các dịch vụ thông tin, dịch vụ kỹ thuật - tất cả nhằm tạo ra thị
trường đầu tư tốt nhất cho những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và tỷ lệ
lãi cao, có khả năng chiếm được thị phần lớn ở trong nước cũng như trên thế
giới. Đấy chính là tinh thần coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình.
Xin lưu ý, sản phẩm và thành
quả lao động của nước ta trong hội nhập có đạt thương hiệu
được thị trường thế giới xác nhận, thì đất nước mới có cơ may sớm tiến lên giàu
mạnh. Mà ai cũng biết con đường xây dựng thương hiệu chỉ hứa hẹn thành công
bằng chữ tín của bản thân và bằng những mối liên kết, liên
doanh có hiệu quả với các đối tác có tên tuổi ở thế giới bên ngoài.
Nói ngắn gọn, vào WTO là để tìm cách mở rộng không gian kinh tế cho sự nghiệp
chấn hưng đất nước và phải tránh bằng được nguy cơ “bãi rác". Muốn thế
phải từ bỏ con đường nhà nước làm công nghiệp hóa, để chuyển hẳn sang con
đường nhà nước tạo mọi điều kiện mang tính định hướng, để cho công nghiệp
phát triển theo xu thế vận động của kinh tế thế giới. Nghĩa là nhà nước tìm
cách để cho thị trường làm công nghiệp hóa theo hướng đáng mong muốn. Ngành
công nghiệp nào ra đời, kinh tế phát triển theo hướng nào.., chủ yếu phải dựa
trên cơ chế thị trường, phù hợp với xu thế vận động của kinh tế thế giới, nhà
nước đưa ra được những điều kiện định hướng và những ưu đãi, những khuyến
khích có hiệu quả. Vai trò nhà nước không nên đi quá phạm vi này, lại càng
không được trực tiếp làm kinh tế. Tóm lại, nhà nước phải thực hiện tốt vai
trò bà đỡ của mình đối với nền kinh tế, làm cho nền kinh tế vận động đúng
nguyên lý cơ bản: Thị trường quyết định sản phẩm, sản phẩm quyết định
chính sách.
Thúc đẩy doanh nghiệp xông
ra thị trường, để doanh nghiệp chịu sự đào thải và tôi luyện của thị trường,
nhà nước hậu thuẫn hết lòng – đó là con đường thành công của nhiều quốc gia.
Nhà nước xông vào thị trường, nhà nước làm kinh tế, thường xảy ra là nhà nước
bị thị trường đào thải, con đường này đã khiến cho nhiều quốc gia mất cả chì
lẫn chài. Trong khung khổ thể chế WTO “luật chơi” này càng nhạy cảm.
Bài toán nào cho phát
triển nông nghiệp và nông thôn?
Trước hết cần nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước
ta gắn kết hữu cơ với quá trình đô thị hóa, vừa là tiền đề vừa là kết quả của
quá trình CNH-HĐH.
Phát triển nông nghiệp và
nông thôn vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề xã hội, vừa là vấn đề văn hóa,
vừa là vấn đề môi trường, đòi hỏi phải xử lý đồng bộ trong quá trình đô thị
hóa cũng như trong quá trình CNH-HĐH. Đặc biệt 2/3 số dân nước ta còn đang
sống trong khu vực nông thôn, nông dân lại là lực lượng chủ lực trong những
giai đoạn cách mạng vừa qua, nên phát triển nông nghiệp và nông thôn còn là
vấn đề phát triển đất nước nói chung và là một vấn đề chính trị trọng đại.
Trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của nước ta như vậy, vấn đề phát
triển nông nghiệp và nông thôn là nhiệm vụ khó nhất trong sự nghiệp CNH-HĐH
đất nước, quyết định thành bại sự nghiệp CNH-HĐH, bảo đảm ổn định chính trị
và an ninh của đất nước.
Hội nhập kinh tế thế giới,
nhất là sau khi gia nhập WTO còn đặt ra vấn đề sản phẩm nông nghiệp nước ta
cạnh tranh như thế nào với cả thế giới về giá cả, chất lượng, điều kiện lao
động, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.., nhất là các nước phát triển
thường hỗ trợ cho sản phẩm nông nghiệp của họ tới 30 - 40% giá thành và nhiều
dịch vụ kỹ thuật khác. Ngoài ra để nâng cao lợi thế cạnh tranh, vấn đề thời
sự trong nông nghiệp nước ta là làm gì để nâng cao hàm lượng chế biến trong
sản phẩm nông nghiệp, phát triển những sản phẩm nông nghiệp cao cấp khác có
thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới.
Cái khó lớn nhất của nông
nghiệp và nông thôn nước ta là cái nghèo, đặc biệt là cái nghèo ở các vùng
sâu vùng xa. Song bù lại, nhìn chung nước ta có lực lượng lao
động trong nông nghiệp và nông thôn hùng hậu, có đức tính lao động cần cù,
phần lớn được hưởng chế độ giáo dục phổ cập, có nhiều ngành nghề phi nông
nghiệp, có nhiều tiềm năng tiếp thụ tiến bộ kỹ thuật cho sản phẩm mới.
Nhìn vào những kinh nghiệm
thành công ở nông thôn nước ta, ở nông thôn các nước Trung Quốc, Đài Loan,
Hàn Quốc.., phải chăng phát triển nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam thời
hội nhập nên đi trên cả 2 hướng:
(a)
nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của những sản phẩm nông nghiệp hiện
có, phát triển sản phẩm nông nghiệp mới;
(b)
phát triển những xí nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa phục vụ những yêu cầu của
địa phương, phục vụ phát triển công nghiệp cả nước nói chung, khuyến khích
trực tiếp tham gia xuất khẩu.
Để làm được như vậy, vai trò
nhà nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc tạo những điều kiện thuận
lợi về kết cấu hạ tầng; hình thành các thể chế pháp luật và những chính sách
khuyến khích, ưu đãi nông nghiệp và nông thôn; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ
thuật, pháp lý, thông tin; hỗ trợ đào tạo ngành nghề; phát triển thương mại
và ngoại thương; thiết lập hệ thống ngân hàng hoạt động hữu hiệu; thu hút
nguồn vốn trong nước và nước ngoài về nông thôn…
Dân dã đã tổng kết, phát triển
nông nghiệp và nông thôn đi theo 2 hướng nêu trên là phương thức phát triển
nông nghiệp và nông thôn dời nông nghiệp nhưng không dời làng. Nhìn
vào các thị trấn, thị tứ mới hình thành trong các vùng nông thôn đông dân ở
nước ta trong 20 năm qua, có thể nói đấy là con đường phát triển nông nghiệp
và nông thôn đầy hứa hẹn, cần được hỗ trợ bằng những quy hoạch phát triển
được tính toán thấu đáo và bằng những chính sách khôn ngoan. Thực tế này cho
thấy nông nghiệp và nông thôn nước ta hoàn toàn có khả năng phát triển nhanh
và vững chắc.
Tuy nhiên không thể phủ nhận
áp lực rất lớn của các định chế và nhiều chính sách khác của WTO đối với sản
phẩm nông nghiệp của các nước đang phát triển – trong đó có nước ta. Vấn đề
sản phẩm nông nghiệp cũng là một trong những vấn đề đàm phán gay go nhất
trong vòng Doha hiện nay và chưa ngã ngũ. Song thẳng thắn mà nói, thách thức
lớn nhất đối với phát triển nông nghiệp và nông thôn nước ta là nhà nước có
làm tốt được vai trò và nhiệm vụ phải làm của nó như đã trình bày hay không?
Điểm lại, phải thừa nhận nhà nước ta chưa làm được nhiều, đã thế lại mất khá
nhiều thời giờ và công sức vào những chuyện như phát triển hay không phát
triển kinh tế trang trại, phát triển đến đâu? Hạn điền hay không hạn điền?
Những hợp tác xã ta cố duy trì theo Luật Hợp tác xã thì thiếu sức sống, trong
khi đó những hợp tác xã do dân tự lập ra theo cách làm của dân có sức sống lạ
thường và đang cần những hỗ trợ đích đáng - nếu không sẽ dễ biến tướng và bị
thao túng… Đem so sánh nhà nước ta làm gì cho nông nghiệp với việc nhà nước
Thái Lan, Hàn Quốc hay Đài Loan làm gì cho nông nghiệp, chưa biết mèo nào cắn
mỉu nào. Đảng ta thường nhấn mạnh liên minh công nông, nhưng trên thực tế
những yếu kém này là chỗ yếu nhất trong thực hiện liên minh công nông. Gia
nhập WTO, cần đặc biệt quan tâm khắc phục yếu kém này.
…Tạo ra yếu tố nhân
hòa tốt nhất
Là nước nghèo, lại đi sau,
sự lựa chọn tối ưu nhất cho nước ta là tận dụng mọi lợi thế nước đi sau để
tìm cách phát huy tối đa lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của mình, vượt
lên thu hẹp khoảng cách tụt hậu, tìm đường tiến lên hàng ngũ các nước công
nghiệp hiện đại.
Trong loạt bài “Thời cơ
vàng” tôi đã có dịp trình bày, lần đầu tiên trong lịch sử của mình nước
ta đang hội tụ được mọi điều kiện bên trong, bên ngoài cần thiết cho sự
nghiệp chấn hưng đất nước. Chỉ cần tạo ra được yếu tố nhân hòa
tốt nhất, nước ta sẽ làm nên tất cả. Đó là xây dựng và phát huy con người
Việt Nam, tinh thần dân tộc Việt Nam, xây dựng một Nhà nước Việt Nam làm bà
đỡ tốt nhất cho sự nghiệp phát triển của Việt Nam.
Tự do dân chủ, nhà nước pháp
quyền, xã hội dân sự ở trình độ ngày nay là những thành quả vô cùng quý báu
của văn minh nhân lọai, là xu thế tiến bộ đang nảy nở trong nhiều quốc gia
trên thế giới. Đối với nước ta, đấy chính là các điều kiện không thể thiếu để
tạo ra yếu tố nhân hòa tốt nhất, đúng với tinh thần: giải
phóng con người, con người là trung tâm của sự phát triển. Có con
người được giải phóng mới có tất cả. Nói cho cùng cái đích này mới thật là xã
hội chủ nghĩa. Một quốc gia có những con người như thế mới có thể cạnh tranh
thắng lợi trên thị trường thế giới.
Tiến cùng thế giới, tiến
cùng thời đại, không có lý do gì để trối bỏ những thành tựu của văn minh nhân
loại. Hội nhập là để tranh thủ mọi điều kiện mau chóng vận dụng thành công
những thành tựu của văn minh nhân loại. Mang danh định hướng xã hội chủ nghĩa
lại càng phải tìm cách làm chủ những thành tựu này. Chỉ có con người được
giải phóng, tinh thần dân tộc được phát huy, Việt Nam mới có thể sớm trở
thành một thành viên bình đẳng trong WTO, bằng không sẽ chỉ tranh được cái
chân thành viên loại hai, ba, bốn.., – nghĩa là tụt hậu mãi mãi.
III. Trách nhiệm của Đảng lãnh đạo
Đại hội X khẳng định đẩy mạnh chỉnh đốn và xây dựng Đảng là nhiệm vụ chính
trị hàng đầu của khóa này. Đấy là một quyết định chính xác, nói lên quyết tâm
làm tròn sứ mệnh là đảng lãnh đạo của đất nước trong thời đổi mới, tiến hành
CNH-HĐH đất nước, hội nhập kinh tế thế giới.
Nếu nhìn vào những tha hóa và yếu kém nhiều đảng viên mắc phải đến mức có
đồng chí lãnh đạo phải thừa nhận có những lỗi lầm thuôc về hệ thống, chúng ta
cắt nghĩa tình trạng này như thế nào? Mọi người đều thấy nhiều hiện tượng tha
hóa biến chất của đảng viên đã ảnh hưởng xấu đối với đời sống văn hóa, tinh
thần của đất nước, đang làm đảo lộn nhiều thang giá trị phải gìn giữ. Báo cáo
Chính trị tại Đại hội X nghiêm khắc thừa nhận những yếu kém xảy ra đang làm
cho lòng tin của nhân dân vào Đảng bị tổn thương, giảm sút.
Đứng trước tình tình này,
không thể không đặt ra câu hỏi: Suốt 20 năm đổi mới vừa qua không một lúc nào
Đảng ta sao lãng nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, thế nhưng tại sao lại
có sự hẫng hụt như vậy về phẩm chất và năng lực lãnh đạo so với đòi hỏi của
nhiệm vụ cách mạng?
Phải đi tìm người thày là
lịch sử để có câu trả lời tin cạy.
Nhìn lại suốt chiều dài lịch
sử và truyền thống cách mạng hào hùng của Đảng ta, phải chăng Đảng ta xác lập
được vai trò lãnh đạo của mình là nhờ vào 4 yếu tố chính sau đây:
·
giác ngộ những đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta
·
vạch ra được đường lối đúng đắn giành thắng lợi cho sự nghiệp
cách mạng,
·
tổ chức thực hiện thành công đường lối cách mạng đã vạch ra,
·
toàn Đảng và từng đảng viên xả thân chiến đấu và đi tiên phong trong
việc thực hiện những nhiệm vụ cách mạng đã đề ra.
Bốn yếu tố nêu trên cho phép kết luận: Đi tiên
phong về tư duy nhận thức nhiệm vụ cách mạng, có phẩm chất chiến đấu ngoan
cường thực hiện nhiệm vụ cách mạng – chính hai điều kiện này đã xác lập vai
trò lãnh đạo của Đảng ta, đã đem lại thắng lợi cho dân tộc, cho đất nước từ
Cách mạng Tháng Tám đến nay.
Phân tích sự hẫng hụt về phẩm chất và năng lực của
Đảng hiện nay cũng cho thấy trong Đảng hiện nay có hai yếu kém cơ bản: (a) tính
tiền phong chiến đấu và (b) phẩm chất cách mạng
của Đảng đang có khoảng cách không thể xem thường so với nhiệm vụ cách mạng
ngày nay đòi hỏi.
Phải chăng vì chưa làm rõ hai yếu kém cơ bản
này trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước, nên công tác chỉnh đốn và xây
dựng Đảng chưa đi vào được thực chất của vấn đề, và điều này cắt nghĩa vì sao
nhiệm vụ chỉnh đốn và xây dựng Đảng luôn luôn được đặt lên hàng đầu mà đến
nay vẫn không mang lại kết quả mong muốn?
Không phải ngẫu nhiên, để dứt khỏi đường mòn và tiến
được vào thời kỳ đổi mới, Đại hội VI đã phải đề ra yêu cầu: Nhìn thẳng vào sự
thật và đổi mới tư duy.
Nhìn vào những thành tựu giành được trong 20 năm
đổi mới, điều rất rõ là những thành tựu này đều gắn với đổi mới tư duy của
Đảng và gắn với ý chí thực hiện đường lối đổi mới; những yếu kém vấp phải
trong thời gian này đều có nguyên nhân từ sự lạc hậu của tư duy và sự sa sút
của phẩm chất cách mạng.
Giai đoạn cách mạng mới của đất nước trong thời kỳ
hội nhập toàn diện vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới đặt ra cho
nước ta những đòi hỏi và những nhiệm vụ chưa hề có. Đi tiên phong về tư duy
nhận thức những đòi hỏi và nhiệm vụ mới của đất nước, đi tiên phong về tư duy
nhận thức những thời cơ và thách thức mới, có trí tuệ và bản lĩnh dẫn dắt đất
nước thành công trên con đường chấn hưng đất nước, có phẩm chất xả thân phấn
đấu cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Đấy
chính là nội dung cốt yếu của nhiệm vụ đổi mới chỉnh đốn và xây dựng Đảng.
Nói một cách khác, nhiệm vụ cách mạng của Đảng
trước đây là đi tiên phong trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước,
ngày nay là đi tiên phong trong sự nghiệp giải phóng mọi nguồn lực của đất
nước, dẫn dắt đất nước tiến bước thắng lợi trên con đường hội nhập vào quá trình
toàn cầu hóa kinh tế thế giới, tất cả nhằm thực hiện thành công sự nghiệp dân
giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Nói ngắn gọn, Đảng phải đi
tiên phong trong việc vận dụng mọi thành quả văn minh của nhân loại để tạo
mọi điều kiện cho quốc gia mình, dân tộc mình sớm đi tới đích. Lãnh đạo có
nghĩa là như vậy.
Đặt vấn đề như vậy trước hết có nghĩa Đảng phải đi
tiên phong và có phẩm chất cách mạng thực hiện tự do dân chủ, xây dựng nhà
nước pháp quyền, xây dựng xã hội công dân, giải phóng con người và mọi nguồn
lực của đất nước, xây dựng sự đồng thuận vững chắc của toàn dân tộc, để trong
một tương lai không xa dựng lên được một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh
phúc. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội đích thực Đảng ta cần đem hết trí tuệ,
nghị lực và nhiệt tình cách mạng lãnh đạo dân tộc ta phấn đấu thực hiện bằng
được.
Đặt vấn đề như vậy, phải đổi mới hẳn nội dung
chỉnh đốn và xây dựng Đảng.
Đặt vấn đề như vậy phải đổi mới hẳn phương thức và
nội dung Đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị của đất nước.
Đặt vấn đề như vậy có nghĩa làm cho sự lãnh đạo
của Đảng trở thành tiền đề cho việc dẫn dắt đất nước thành công trên con
đường hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày nay, bảo đảm
cho Việt Nam sớm trở thành một thành viên có vị thế xứng đáng trong WTO nói
riêng và trên trường quốc tế nói chung.
Đại hội VI là một mốc son trong lịch sử Đảng
ta, mở ra thời kỳ đổi mới và thay đổi hẳn vị thế của đất nước, đưa đất nước
vào một thời kỳ phát triển mới. Những người đảng viên Đảng Cộng Sản
Việt Nam hãy đem tất cả trí tuệ và lòng yêu nước của mình, dốc lòng phấn đấu
thực hiện cam kết của Đảng trước dân tộc đã ghi trong Nghị quyết của Đại hội
X: Sớm đưa nước ta thoát khỏi nước nghèo và chậm phát triển vào năm 2010.
Đi tiên phong về nhận thức con đường phát triển
của đất nước thời hội nhập vào kinh tế thế giới toàn cầu hóa ngày nay, đi
tiên phong tạo ra yếu tố nhân hòa tốt nhất trong cộng đồng dân tộc để xây
dựng thành công nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ và văn minh - đấy chính là
thước đo, là hòn đá thử vàng đối với người cộng sản Việt Nam, là con đường
tiếp tục kế thừa sứ mệnh của Đảng đối với đất nước, đối với dân tộc mà Đảng
ta đã gánh vác trên vai mình kể từ ngày thành lập. Đấy là con đường Đảng
trường tồn với dân tộc.
Thay cho phần
kết luận: Sự lựa chọn của chúng ta
Hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế trong
một thế giới phát triển năng động và đầy biến động, nước ta lựa chọn phương
thức ứng xử nào?
Muốn hay không, trước hết cần phải thừa nhận trên
thế giới ngày nay có nhiều biến động và tác động ngoài ý muốn của chúng ta.
Ai dự báo được điều gì một khi giá dầu lửa trên thế giới lên tới 100 USD một
thùng hoặc hơn nữa? Tác động như thế nào vào kinh tế thế giới, vào khu vực,
vào nước ta? Chiến tranh Iraq sẽ đi tới đâu? Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Bắc
Triều Tiên chưa giải quyết xong lại xuất hiện thêm vấn đề làm giàu uranium ở
Iran - một trong những nước OPEC xuất khẩu nhiều dầu nhất thế giới… Nếu đồng
dollar tiếp tục mất giá… vân vân… Hôm kia là áp dụng luật chống phá giá đối
với cá basa của ta, hôm qua là tôm… Hôm nay là giày dép và đồ may mặc vào thị
trường EU… Những hoạt động khủng bố… Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1…
Chúng ta lựa chọn cách ứng xử nào trong thế giới
này?
Toàn cầu hóa kinh tế đang tiếp tục làm đảo lộn cả
thế giới. Nhưng toàn cầu hóa kinh tế không đảo lộn được nguyên lý: Có thực
mới vực được đạo! Mạnh vì gạo, bạo vì tiền…
Nước ta hình như chỉ có một sự lựa chọn: Phải làm
cho mình giữ được cái nguyên lý mà toàn cầu hóa kinh tế phải kiêng nể. Nghĩa
là nước ta phải giàu nhanh lên, mạnh nhanh lên. Đến mức: Phải giàu mạnh nhanh
lên, hay là chết!?
Đi với cả thế giới để giàu mạnh nhanh lên,
hay là chết!
Người Việt Nam, trước hết người đảng viên Đảng
Cộng Sản Việt Nam có thể vô cảm với thách thức này?
Hết
Võng Thị,
ngày 08 tháng 5 năm 2006
§ Bài viết này tập trung trình bày các
đánh giá và quan điểm riêng của cá nhân tôi, không đại diện cho ai, chỉ nhằm
đưa ra những gợi ý rất riêng tư với tất cả trách nhiệm của mình, để bạn đọc
tham khảo cho công việc nghiên cứu. Bài viết được soạn thảo dựa trên những
kinh nghiệm tích luỹ theo hiểu biết chủ quan (có thể rất phiến diện và khó
tránh sai lệch) và những thông tin, những tài liệu nghiên cứu sưu tầm được
hoặc mượn đọc được ở những nơi tôi có liên hệ công tác. Vì thời giờ eo hẹp và
lọ mọ làm việc một mình ở tuổi về hưu, để tiết kiệm sức lực tôi không đi vào
các sự việc hoặc số liệu thống kê, xin được miễn liệt kê xuất xứ những dẫn
chứng hoặc tài liệu tham khảo thường phải có cho một bài viết có tính khoa
học, mong được thông cảm và lượng thứ.
· Đại hội IX đã đề ra mục tiêu này, Đại
hội X khẳng định sớm đạt mục tiêu thoát khỏi nước nghèo vào năm 2010.
· Hầu hết các NICs như Hàn Quốc, Đài
Loan, Singapore… được hình thành trong khoảng 3 thập kỷ.
§ Tìm hiểu thêm những quan điểm
của C. Poper về phát huy “lợi thế cạnh tranh.
§ Thị trường nội địa của nước ta
cũng rất quan trọng trong cạnh tranh kinh tế toàn cầu mà nước ta tham gia.
§ Tìm hiểu thêm những quan điểm
của C. Poper về phát huy “lợi thế cạnh tranh.
Lên trang này ngày
|
Nguyễn Trung nguyên trợ lý Cố Thủ Tướng : Võ Văn Kiệt, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, tác giả loạt bài : "Thời Cơ Vàng", "Dòng Đời", "Lũ",...
- A - 6 bài về Đại hội XII
- A - chuyên đề Đại hội XII
- A1 "Lũ" - Final Draft April 2015
- AA - về Đại hội XII ĐCSVN
- AAA - Nhật ký
- AAAA - sự kiện
- AAAAA - 1
- Archive
- Archive - Hiến pháp 1992
- Bản thảo sách: Về kinh tế trí thức
- bauxite Tây Nguyên
- Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Đổi mới
- Giáo dục
- Sách tham khảo (1998)
- Sách tham khảo: Dấn bước đi lên
- Suy ngẫm
- Thời Sự
- Tiểu thuyết - Dòng đời
- tiểu thuyết "Hiến dâng"
- Tiểu thuyết "Lũ"
- Viễn tưởng
- Việt - Trung - Biển Đông
Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét