Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Chữ tín

Chữ tín
Nguyễn Trung
           
Sống với mọi người trong một cộng đồng, mỗi người lấy sự trung thực và cách ứng xử đúng đắn đối với mọi người làm lẽ sống của mình, đấy là sống theo chữ tín.
Nói thì đơn giản như vậy.
Song chữ tín với nghĩa như một giá trị đạo đức đồng thời về nhiều mặt như một mục đích vươn tới còn là nguồn năng lực phi thường, bất khả chiến bại và không thể thiếu - vừa là để tu thân làm nên sự nghiệp của một con người, vừa là sự bền vững và cội nguồn sức mạnh, cội nguồn hạnh phúc của một gia đình hoặc của một quốc gia. 
Cũng với nghĩa như vậy, chữ tín mang trong nó sức mạnh bất khả xâm phạm bảo tồn cái thiện và mọi thành quả cái thiện của một con người, một gia đình hay một quốc gia đã phấn đấu làm nên, đồng thời duy dưỡng và tiếp tục phát huy những thành quả ấy. Chữ tín trong một quốc gia sẽ thu nhân tâm về một mối. Chữ tín của một quốc gia có thể chiếm được trái tim của cả nhân loại.

Trong những giá trị như hòa bình, hữu nghị, hợp tác… là các thành tố của các mối quan hệ xây dựng song phương hoặc đa phương giữa các quốc gia trong cộng đồng thế giới được gìn giữ và có thể phát huy tới mức độ nào, trước hết phụ thuộc vào các bên hữu quan gìn giữ được tới đâu chữ tín trong ứng xử với nhau.
Một khi đánh mất chữ tín, cũng có nghĩa là tạo ra đổ vỡ - dù là đối với một  con người, một gia đình, một quốc gia, hoặc là làm tan nát các mối quan hệ với nhau giữa các quốc gia.
Không hiếm trường hợp, đánh mất chữ tín có nghĩa là mất hết. Một con người không còn tin vào chữ tín, sẽ không còn sức sống, và như thế sẽ là mồi của mọi sa ngã. Một dân tộc trong một quốc gia không còn tin vào chữ tín, quốc gia ấy đang rơi vào tình trạng mất phương hướng và sớm muộn cũng lao nhanh vào cuộc bể dâu. 
Cuộc sống còn cho thấy, một con người, một gia đình, thậm chí một dân tộc hay một quốc gia thất bại, bây giờ muốn vực mình đứng lên, đều phải bắt đầu từ thực hiện chữ tín trong mọi mối quan hệ có liên quan. Hàng ngày mỗi chúng ta có thể thấy biết bao nhiêu ví dụ, bao nhiêu tấm gương xác nhận chân lý này.
Vây tín là gì mà có thể tạo ra sức mạnh của cái thiện tự chính bản thân mỗi con người mình cũng như của cả cộng đồng trong một quốc gia?
Tín là gì mà lại có thể trở thành nguồn gốc của hầu hết mọi giá trị của nhân bản và của sáng tạo?
Vì sao tín lại là cái gốc của đạo đức làm người trong mối quan hệ người với người và là giường cột tinh thần của quốc gia?..
Vân vân…
Rất đáng đặt ra nhiều câu hỏi khác nữa theo hướng suy nghĩ nêu trên, để mỗi chúng ta có thể tự giác ngộ ngày càng sâu sắc chữ tín làm kim chỉ nam cho chí hướng của mình, để tâm hồn chúng ta sáng ngời những ước vọng cao đẹp cho mình, cho mọi người và cho đời.
Các bậc hiền triết đều cho rằng tín bắt đầu từ niềm tin vào chính bản thân mình và bản lĩnh dám tin vào người, lấy cái dám tin này tạo dựng nên mối quan hệ giữa người với người. Đó cũng là niềm tin của chính mình vào cái thiện và ý chí xả thân cho cái thiện. Con người thiếu niềm tin này, sẽ không tìm đâu ra nghị lực phấn đấu làm người. Cồng đồng xã hội thiếu niềm tin này, làm sao tránh khỏi hỗn mang, và đến lúc nào đó sao tránh được cảnh ăn thịt lẫn nhau?
Trong đạo Phật, Đức ngài Như Lai giảng giải: Điểm cực kỳ quan trọng là niềm tin trong chữ tín là niềm tin của bản lĩnh và của trí tuệ. Niềm tin trong chữ tín không phải là sùng tín,  không phải là niềm tin mù quáng, càng không phải là niềm tin của cuồng vọng. Niềm tin trong chữ tín còn là niềm tin của cái tâm và trí tuệ một mặt nhận ra được và phê phán cái bất thiện (akusala), mặt khác ngộ được cái thiện (kusala) để hiến dâng như đã được kể ra trong Kinh Kalama[1].

Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa (Mahaprajnaparamita-sutra) giảng giải: Tín phải bắt đầu từ trí tuệ ngộ được cái thiện và từ cái tâm Phật ở trong ta, Phật là ta, để sống theo chữ tín, sống vì chữ tín[2]. Không có bản lĩnh từ cái tâm như thế và không có trí tuệ như thế, sẽ không thể có được niềm tin và nghị lực để xác lập nên chữ tín.
Cuộc đời chúng ta đang sống có phải như vậy không?
Có muôn vàn dẫn chứng xác tín những điều đã trình bầy bên trên.
Hiện nay cả thế giới đang hồi hộp và vui mừng về những gì đang diễn ra ở Myanmar, một đất nước đang tự vực mình đứng dậy từ đổ vỡ đầy máu và nước mắt. Đó là những bước cải cách chính trị quyết liệt của chính quyền Myanmar đứng đầu là tổng thống Thein Sein, để chuyển đất nước đi vào con đường phát triển của dân chủ. Những việc đã làm được chứng tỏ chính quyền Myanmar dám tin vào nhân dân để thay đổi, còn phía nhân dân thì được thuyết phục, dám tin và hậu thuẫn các biện pháp cải cách của chính phủ.
Làm được như vậy, vì Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ với thủ lĩnh là bà Aung San Suu Kyi một mặt chẳng những đấu tranh kiên cường cho các quyền tự do dân chủ của nhân dân Myanmar, đồng thời một mặt có đủ bản lĩnh và trí tuệ dám tin và ủng hộ những bước cải cách của chính quyền.
Nhìn vào truyền thống đạo Phật ở Myanmar, hoàn toàn có cơ sở để nói: Những thay đổi chính trị sâu sắc đang diễn ra ở Myanmar được bắt đầu từ các bước đi của các bên hữu quan tạo ra ý thức dám tin cậy lẫn nhau, để cùng nhau thực hiện chữ tín đối với nhau, để tất cả cùng nhau vì đất nước, đồng lòng thay đổi đất nước.
Chữ tín trong Myanmar đang trở thành chữ tín của Myanamar đối với thế giới bên ngoài. Không thể nói khác, vượt lên trên cả những khung khổ và nghi thức của chính trị đối ngoại, chính tổng thống Obama đã tỏ ra được thuyết phục và rất trân trọng những thay đổi ông được chứng kiến ở Myanmar. Đến lượt mình, tự thân tổng thống Obama cũng đã khẳng định giữ đúng những điều mình đã cam kết với Myanmar. Chữ tín đang vẫy gọi chữ tín trong quan hệ hai nước, cả hai bên đều có lý do để hy vọng.
Phải chăng câu chuyện Myanmar kể trên là một dạng nào đó và ở những khía cạnh nào đó để chúng ta kiểm chứng chữ tín trong cuộc sống?

Hết

Hà Nội, cuối Thu năm 2012



 



[1] Trịnh Nguyên Phước đã dẫn Kinh Đức Tin (Kalama) và sự tích đức Phật giải thích cho người dân Kalama khi Ngài đi qua một thị trấn nhỏ, tên là Kesaputta, thuộc vương quốc Kosala. Tìm xem: Trịnh Nguyên Phước,  “Đức Tin Trong Đạo Phật”  http://chimviet.free.fr/thoidai/nguyenphuoc/tnpl060.htm

[2] Tìm xem:   Trịnh Nguyên Phước,  “Đức Tin Trong Đạo Phật”  http://chimviet.free.fr/thoidai/nguyenphuoc/tnpl060.htm
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét