http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_VuotLenKhucQuanh.htm
Chữ tín
Bài 3:
Vượt lên khúc quanh của lịch sử
Nguyễn Trung
I – Nhận diện khúc quanh của lịch sử
Lịch sử không thể làm lại, không có chữ “nếu”, song luôn luôn là
người thầy trung thực và nghiêm khắc. Con đường đất nước ta đã trải qua kể từ
Cách mạng Tháng Tám 1945 cho đến nay đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng quá, chưa
được nghiên cứu một cách khách quan và nghiêm túc để rút ra những kết luận cần
thiết cho đất nước ta hôm nay và trong tương lai. Công việc này trước hết là
món nợ lớn của giới sử gia nước ta. Song cũng nên coi đây là món nợ lớn của mỗi
người dân ta quan tâm đến vận mệnh đất nước.
Trong khi đó cuộc sống cứ diễn tiến theo nhịp điệu riêng của nó, không thèm chờ
đợi, vô luận chúng ta có rút ra được cái gì từ những bài học của lịch sử phải
học hay không. Mặt khác, trong dư luận có bao nhiêu vấn đề nghiên cứu được đặt
ra, thì trong tranh luận có bằng nấy vấn đề được nhìn nhận với những lý lẽ và
kết luận trái ngược nhau, phủ định nhau. Ví dụ, đã có những ý kiến đặt ra những
câu hỏi: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có nhất thiết phải kéo dài và quyết liệt như
thế hay không? Có con đường nào khác đã bị bỏ qua trong việc thống nhất
Bắc-Nam? Vân vân…
Xin khất lại cho cả nước món nợ nghiên cứu lịch sử chưa trang trải được mà nó
nhất thiết cần sớm được trang trải. Chỉ xin nêu lên ở đây, khi kiến nghị với cả
nước nên lựa chọn con đường cải cách để đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng hiện
nay và mở ra một trang sử mới – như đã trình bày trong loạt bài chữ
tín này, tôi vấp phải một thực tế đau đầu:
Nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ, tôi đã đi tới kết
luận cuộc chiến tranh này mang trong lòng nó 6 cuộc chiến tranh khác[1]. Trong đó tôi
rút ra một điều: Hệ quả của một số trong những cuộc chiến tranh này là nước ta
đã trở thành trận địa nước thứ ba cho cuộc chiến tranh
gián tiếp giữa một số nước lớn giành giật ảnh hưởng lẫn nhau. Đến nay, mới chưa
đầy 4 thập kỷ trôi qua và chưa có được hòa bình trọn vẹn, thế nhưng cục diện
châu Á – Thái Bình Dương hiện nay lại đang một lần nữa lăm le đẩy nước ta vào
cái kịch bản mớitrận địa nước thứ ba! Số phận của nước ta chẳng
lẽ oan nghiệt đến vậy sao? Có phải trời đầy đọa nước ta không? Nước ta đã sẵn
sàng mọi mặt chống lại một tai ương mới đang lù lù trước mắt này? Mấy ngày nay
đang nóng lên câu chuyện Ukraina...
Nước ta có nhất thiết phải hứng chịu số phận nêu trên không? Đương đầu với nó
như thế nào? Cứ èo uột leo dây như thế này liệu có thoát được
số phận này không? Tại sao trên thế giới có không ít quốc gia cũng rơi vào các
tọa độ nóng chẳng kém gì như của nước ta hay còn nóng hơn nữa, thế mà họ lại
dám không cam chịu số phận đen ngòm này, họ thắng được số phận đen ngòm này?
Thậm chí có khi thiên hạ còn phải cầu cạnh họ, ví dụ như Thụy Sỹ... Vì sao
vậy?..
Cuộc sống dạy cho tôi đủ hiểu: Đi ăn xin thì bao giờ và mãi mãi vẫn chỉ là
thằng ăn xin!
Câu hỏi lại đẩy tôi đến câu hỏi: Lực èo uột, sống phải leo dây như
thế này liệu có dám cứng đầu với số phận không?– Cứng đầu ở đây là giữ được
phẩm chất ta là ta, không đánh mất ta, không phải cầu xin cái này cái nọ, song
cũng không phải là gây gổ. Cứng đầu ở đây là có đủ những điều kiện và tố chất
khiến thiên hạ phải tôn trọng ta, thậm chí ta có thể góp một tay vào hòa bình,
ổn định và phát triển trong khu vực.
Lấy đâu ra lực phải có để dám cứng đầu như thế với cái số phận đen ngòm này?
Hàn Quốc, với xuất phát điểm GDP per capita là 82 USD vào
những năm 1950s, chỉ cần 3 thập kỷ sau đó (những năm của thập kỷ 1980s) với mọi
nguồn lực huy động được chỉ bằng một nửa nguồn lực nước ta có được cũng trong
vòng 30 năm, nhưng Hàn Quốc trở thành nước công nghiệp, còn nước ta hôm nay vẫn
đứng rất xa cột mốc này. Làm ăn ươn hèn như thế, số phận đen ngòm này của ta là
đích đáng, có phải thế không?
Đúng là đau như cắt để tự hỏi như thế.
Càng ngày đất nước ta đang càng rơi
sâu vào một khúc quanh mới của lịch sử:
Từ là trận địa nước bên thứ ba thời chiến tranh lạnh
hôm qua, nước Việt Nam ta hôm nay – do kiên trì kéo dài mãi sự hèn kém của mình
như thế này – chắc lại đang tự trói chân tay mình, sẽ đành chờ
cam chịu giao nộp mình cho số phận trận địa nước bên thứ ba của
cục diện mới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương!? Một Việt Nam giầu mạnh, có
bản lĩnh đâu chịu dồn ép mình vào số phận này?
Chẳng lẽ phải chịu bao nhiêu hy sinh
xương máu của bốn cuộc chiến tranh chống xâm lược trong gần hết nửa sau của thế
kỷ vừa qua chỉ là để hôm nay đi tiếp trên con đường đang dẫn tới cái số phận
đen ngòm mới phía trước hay sao? Hay là niềm tự hào đã đánh thắng được những đế
quốc to đang che lấp mất cái số phận đen ngòm mới phía trước đang lăm le hăm
dọa đất nước?
Thời chiến tranh lạnh, nước ta có mời gọi ai đến tranh giành nhau trên đất nước
ta đâu, nhưng họ vẫn cứ đến và làm khổ nước ta, không dưới một lần bán đứng
nước ta trong chuyện này chuyện nọ, làm cho hai cuộc kháng chiến đầu của nước
ta đã khốc liệt càng thêm phần khốc liệt. Ngày nay cũng thế, nước ta không thể
kêu gọi Trung Quốc đừng lấn xuống Biển Đông, cũng như không thể đề nghị Mỹ thôi
cái “pivot to the Asia-Pacific” đi, để nước ta được yên thân. Làm
gì có chuyện đó! Ta có quỳ xin, họ cũng chẳng nghe đâu, họ có việc của họ. Ta
cũng không thể bê nước mình đến một địa danh mới được. Mà còn phải leo
dây, thì ta còn được bán tiếp.
Thế giới ngày nay, một cường quốc
vác quân đi xâm lược một nước khác khó lắm. Song thế giới ngày nay có thêm vô
vàn thủ đoạn mới và phương tiện mới để khuất phục đối thủ, cái yếu luôn luôn
phải trả giá. Kinh nghiệm mấy chục năm độc lập thống nhất dạy nước ta như thế.
Sự tụt hậu đáng sợ so với thế giới
bên ngoài mà đất nước đang phải đối mặt, những yếu kém quá nhạy cảm của nền
kinh tế còn đang thiếu đối sách, sự chênh lệch quá lớn về thực lực so với đối
thủ, sự yếu kém của chế độ chính trị, sự phân tán trong lòng dân đối với chế
độ, sự xuống cấp các mặt văn hóa – xã hội chưa từng có, khả năng tập hợp mặt
trận rất hạn chế vì nước ta đang có nhiều cái lạc lõng trong trào lưu chung của
thế giới, tình hình trong khu vực lại có không ít những vấn đề phức tạp… Tất cả
những thứ yếu kém này đang dồn nước ta vào thế quốc gia leo dây,
cái “sự cân bằng” đang có được nhờ sách lược chẳng bao giờ bền vững, và
trên thực tế không ít thì nhiều đã phải trả giá!.. Trong bối cảnh như
thế, nếu sức vươn lên của cả dân tộc cứ bị trói chân trói tay mãi như thế này,
liệu có thể đương đầu thắng lợi với cái số phận đen ngòm đang lù lù phía trước
được không? Trong khi đó sau cái ADIZ ở biển Hoa Đông là cái ADIZ ở Biển Đông
đang lấp ló. Ukraina nóng bỏng đang tạo ra nguy cơ xung đột mới. Trong cái thế
giới là cái bình thông nhau này, chẳng có chỗ nào chân không, vùng nóng nơi này
mở thêm vùng trống nơi kia, nạn nhân luôn luôn là các nước “bên thứ ba”. Những
chuyện tiếp theo khác chỉ là chuyện ngày giờ… Mà thân phận nước ta, ta phải
giữ, gửi gắm cho ai được? Nếu ta không dám là chính ta thì làm sao có thể mong
đợi sự hậu thuẫn từ bạn bè trên thế giới được?..
Vậy chỉ còn mỗi con đường: Nếu muốn cưỡng lại cái số phận đen ngòm đang cứ tái
đi tái lại này, phải nhận diện cho ra khúc quanh của lịch sử để
tìm lối thoát.
Nhân đây tôi xin nói một nhận định để tính toán :
Việt
Nam không phải là một nước yếu. Xưa nay thế, bây giờ thế, trong tương lai cũng
sẽ như thế: Không một kẻ xâm lược nào có thể khuất phục được Việt Nam. Điều này
chắc như đinh đóng cột. Nhưng Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh để bứt ra khỏi
khúc quanh oan nghiệt của lich sử. Vì lẽ này Việt Nam chưa mang lại được cho
chính mình sự phát triển đáng có và hoàn toàn có thế có được. Vì lẽ này Việt
Nam chưa làm tốt nghĩa vụ của mình là một thành viên tích cực đối với cộng đồng
thế giới đúng với vị thế mà địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế và địa lý chính trị
của thế giới trao cho Việt Nam. Song đây chỉ là câu chuyện của thời gian. Người
viết những dòng chữ này có niềm tin sắt đá: Đây hoàn toàn chỉ là câu chuyện của
thời gian, vì không ai có thể bắt dân tộc này ngủ.
II – Xu hướng đẩy đất nước ngày càng
chìm sâu vào khúc quanh của lịch sử
Trong lịch sử cận đại của nước ta, dù mỗi thời một thế, song khúc quanh của
lịch sử trình bày trên có thể được xem như một dạng tái bản khúc quanh của lịch
sử khi nước ta rơi vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp vào đúng giai đoạn Việt Nam
độc lập, phát triển và trở nên hoàn chỉnh nhất như cho đến hôm nay kể từ thời
Gia Long. Đừng đổ lỗi cho tinh thần yêu nước của các triều đại thời Gia Long
kém thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà phải nhìn thấy cái lỗi nằm
ở chỗ nước ta hồi ấy tụt hậu mất một giai đoạn phát triển; và chính điều
này hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự.
Lịch sử không lặp lại, nhưng sự tái
diễn với phiên bản mới, vòng xoáy ốc mới của một kịch bản đã xảy ra một mặt nói
lên sự trừng phạt nghiêm khắc cho việc mù tịt hay trốn tránh những bài học của
lịch sử. Mặt khác sự tái diễn này cho thấy mức độ phức tạp hơn rất nhiều của
những vấn đề phải giải quyết hôm nay. Bây giờ đâu đâu tại các quốc gia có ý
thức trên thế giới này cũng bức thiết khẩu hiệu: Thay đổi hay là chết! Còn ở
ta: Kiên định định hướng xã hội chủ nghĩa hay là chết?
Đã đến lúc phải tự hỏi: Việt Nam độc lập thống nhất từ 30-04-1975 ứng xử như
thế nào với cái thế giới nó đang sống? (Mọi chuyện trước 30-04-1975 xin
tạm gác lại một bên sẽ bàn sau này khi có dịp).
Trong những lần góp ý kiến với các đại hội đảng IX, X và XI tôi đã trình bày
một đánh giá chung, đại ý: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc kể từ sau
30-04-1975, đường lối của đảng có nhiều sai lầm cơ bản, nguyên nhân chính là
không hiểu hết ta, không hiểu đúng thế giới, định hướng sai, khiến cho thành
quả đạt được không ngang xứng với nguồn lực và công sức đã bỏ ra, nhiều cơ hội
lớn bị bỏ lỡ, đất nước gặp nhiều khó khăn mới.
Trong bài chữ tín (bài 1), tôi đã một lần nữa
trình bày khái quát đánh giá chung này, nêu lên nguy cơ: sự kìm hãm nặng nề của
thể chế chính trị có thể làm bế tắc việc mở ra cho đất nước một thời kỳ phát
triển mới.
Cũng trong những đóng góp ý kiến với đảng nhân các dịp khác nhau, tôi đã trình
bày từ 30-04-1975 lãnh đạo đã bỏ lỡ mất bốn cơ hội lịch sử:
1. Cơ hội thực hiện hòa giải đoàn kết dân tộc,
đưa nước ta đi lên con đường dân tộc - dân chủ ngay sau
30-04-1945, hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
2. Cơ hội lựa chọn con đường độc lập -
dân tộc - dân chủ khi các nước LXĐÂ cũ sụp đổ (1989 – 1991), để từ đây
nước ta cùng đi được với cả thế giới, xây dựng vị thế quốc tế mới cho quốc gia,
không phải đi theo một bên nào. – nhưng tiếc thay lãnh đạo lại lựa chọn con
đường quay về Thành Đô để bảo tồn chế độ xã hội chủ nghĩa.
3. Cơ hội khoảng nửa đầu thập kỷ 1990 đẩy nhanh
quá trình gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập WTO trước
Trung Quốc, để đất nước phát triển nhanh và mau chóng thoát khỏi hay giảm bớt
sức ép của Trung Quốc.
4. Cơ hội sửa đổi hiến pháp năm 2013 để cải cách
thể chế chính trị của đất nước trong hòa bình, ổn định, đưa đất nước sớm ra
khỏi khủng hoảng hiện nay và mở đường đi vào giai đoạn phát triển mới.
Cả bốn lần mất cơ hội lớn đều chung một nguyên nhân sâu xa: Sợ mất chế độ, thực
ra là sợ đảng bị lọai bỏ, chưa có tầm nhìn thấu đáo về lợi ích quốc gia trong
bối cảnh tương quan lực lượng trên toàn thế giới luôn luôn thay đổi. Trong một
giai đoạn ban đầu sau 30-04-1975 và ở chừng mực nhất định, nguyên nhân này có
thể là hệ quả của tư duy ý thức hệ sai lầm. Song càng ngày ý thức hệ kiên định
giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa càng bị tha hóa trong đảng biến tướng, lấn
át. Ngày nay trên thực tế “định hướng XHCN” chỉ còn lại là một thứ “nhân danh”.
Bốn cơ hội lịch sử nêu trên cho
thấy: Mặc dù bối cảnh thế giới phức tạp như thế nào, khả năng ra khỏi khúc
quanh của lịch sử là rất lớn. Điều kiện tiên quyết là phải nhận thức rõ được
khúc quanh đau lòng này và nắm lấy những cơ hội đang đến với đất nước. Song mỗi
lần cơ hội bị bỏ lỡ như thế, đất nước sau đó lại sa đà sâu hơn nữa vào con
đường sai đang đi. Nước ta dù mấy thập kỷ vừa qua phát triển thế nào đi nữa,
khoảng cách phát triển giữa ta và các nước phải so sánh (nhất là Trung Quốc,
ASEAN…) tiếp tục rộng thêm, các khó khăn hôm nay đối với đất nước lớn hơn hôm
qua, nhiều thách thức cũng lớn hơn – kể cả về mặt an ninh quốc phòng. Giữa thập
kỷ 1990 đến đầu những năm 2000 bàn về triển vọng kinh tế Việt Nam, thế
giới đã từng kỳ vọng về “con hổ” mới là Việt Nam. Từ dăm năm trở lại đây người
ta nói “con hổ” Việt Nam không gầm được nữa!..
Cho đến nay, Việt Nam đạt được là
đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của tất cả các nước quan trọng trên thế
giới. Song vì không có lực chống lưng, nên có tiếng mà không có miếng, trên
thực tế Việt Nam vẫn ở vị thế khá chênh vênh – nhất là trong quan hệ với Mỹ,
với Trung Quốc. Có thể nói, hiện nay đất nước có những mặt suy yếu hơn khóa đại
hội X, khóa đại hội IX, vì tha hóa, và cũng một phần vì các vấn đề bây giờ phải
giải quyết nan giải hơn rất nhiều. Làm yếu đất nước, đảng cũng đang tha hóa và
suy yếu tiếp, đến mức nhiều khi phải tự vệ bằng nói dối.
Phải nói những nỗ lực bỏ ra cho củng cố chế độ, tăng cường quyền lực của đảng,
của nhà nước và của hệ thống chính trị trong các khóa đại hội đảng vừa qua là
rất lớn. Song vì sai hướng, vì không nhận ra xu thế đất nước đang ngày càng
chìm sâu vào khúc quanh hiện nay của lịch sử, nên mọi nỗ lực bỏ ra ngày càng
mang tính chất “siết” – nghĩa là ngày càng mất dân chủ nhiều hơn, ngày càng
quẫn bách hơn về nội dung, về phương hướng. Ngoài “siết” ra, hầu như không có
cái gì mới để nói, để làm.
Trong khi đó đất nước hàng ngày có
biết bao nhiêu vấn đề khó, bức xúc không thể chờ đợi, biết bao nhiêu vấn đề
thiết thực phải mổ xẻ, phải tìm giải pháp – kể cả về mặt lý luận. Ví dụ: Đưa
nông nghiệp và nông dân Việt Nam lên sản xuất quy mô lớn với công nghệ cao như
thế nào? Phải giải quyết những mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
gì cho nhiệm vụ này?[2] Cải cách
giáo dục làm đi làm lại mãi hai thập kỷ nay không xong. Còn 6 năm nữa,
Việt Nam có thể trở thành nước công nghiệp được không – dù là nói theo cách
nào? Một nước Việt Nam công nghiệp thì cần phải đứng ở đâu trong những chuỗi
sản phẩm nào của kinh tế thế giới đang thay đổi hiện nay? Cứ giả thử đạt được
một nước công nghiệp như thế đi, thể chế chính trị yếu kém và tham nhũng như
hiện nay có vận hành nổi không? … Lãnh đạo là trả lời cho dân cho nước những
câu hỏi này, chứ không phải là hô hào và đặt câu hỏi cho dân: Trồng cây gì?
Nuôi con gì?... …
Còn một nỗi lo bao trùm, âm thầm,
không bộc phát quyết liệt ngay trong cuộc sống hàng ngày, song tiềm tàng đe dọa
ngày đêm: So với các nước trong khu vực, các công trình và các sản phẩm của cả
nền kinh tế nước ta nhìn chung có chất lượng thấp hơn, giá thành cao hơn, ít
thân thiện với môi trường. Trước mắt không ít công trình kinh tế lớn cứ ỳ ạch
lên ỳ ạch xuống rất tốn kém kiểu như nhà máy lọc dầu Dung Quất. Một số công
trình thủy điện đang là ác mộng cho các vùng hạ nguồn. Alumina Tân Rai và Nhân
Cơ sẽ đi đến đâu? Rồi đây liệu có tránh khỏi tái diễn thảm kịch “cầu Chu Va 6”
hay không? Xa lộ mới vài tháng đưa vào sử dụng đã phải đại tu, cầu Vĩnh Tuy mới
hoàn thành nhưng đã có những vết nứt... Trong toàn bộ nền kinh tế, hàm
lượng công nghệ cao trong công nghệ được sử dụng không quá mức 4%. Công nghệ
được sử dụng trong cả nền kinh tế chủ yếu là loại 2, loại 3 hoặc thậm chí thấp
hơn. Đặc biệt là giá thành công trình kết cấu hạ tầng nhìn chung rất cao, độ
bền thấp, thất thoát trong xây dựng ước tính 10 - 20%... Tình trạng tham nhũng
đã đáng sợ, tình trạng lãng phí còn đáng sợ hơn… v.v. Cần nhìn nhận nguyên nhân
câu chuyện này trước hết là lỗi của hệ thống, song cái lỗi hệ thống này lại do
lỗi của toàn bộ hệ thống chính trị gây ra, lỗi riêng của từng con người chỉ là
những nguyên nhân sau.
Cần đặc biệt lưu ý là (a) mọi ưu ái
dành cho vai trò chủ đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước và kinh tế quốc
doanh tạo ra đặc quyền đặc lợi lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế, (b) quan điểm đất
đai sở hữu toàn dân góp phần nghiêm trọng tạo ra bong bóng bất động sản và sự
đổ vỡ của nó hiện nay, (c) những yếu kém của thể chế huy động và phân bổ nguồn
lực dẫn đến rối loạn, lạm phát và thất thoát lớn, tiêu biểu là tình trạng khó
kiểm soát hiện nay của hệ thống tài chính/ngân hàng. Đấy là ba nguyên nhân cơ
bản tạo ra khủng hoảng cơ cấu kinh tế trầm trọng hiện nay của nước
ta.
Hệ quả: Về tổng thể, nước ta có một
nền kinh tế đắt, cơ cấu lạc hậu, ít hiệu quả hơn, ít an toàn hơn so với tiêu
chuẩn phải có. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục thấp đi; trong khi
đó sự hỗ trợ của các hệ đòn bẩy cũng như của luật pháp vừa bị giảm hiệu quả
nghiêm trọng, vừa rất xa sự mong đợi… Toàn bộ tình hình này không phải chỉ là
câu chuyện của kinh tế và của kỹ thuật, mà chủ yếu lại là câu chuyện chất lượng
của một thể chế chính trị quá nhiều khuyết tật: chồng chéo, quan liêu, ăn bám
và tham nhũng. Sự thật là các vấn đề phải tháo gỡ hôm nay khó hơn rất nhiều so
với cách đây 10 năm, 15 năm...
Ngoài ra, cũng phải thừa nhận chế độ
chính trị hiện nay có thêm nhiều bất an mới, phản ánh sự tích tụ những mâu
thuẫn nội tại mới trong xã hội. Song có phải chủ yếu là do các thế lực thù địch
và sự can thiệp của bên ngoài gây ra hay không? Cứ gia tăng mãi “siết” như thế
này, và đồng thời cử dư luận viên đổ hết mọi tội lỗi cho các thế lực thù địch
và sự can thiệp của bên ngoài, liệu chế độ có vững chắc hơn không?.. v.v…
Cuộc sống đang cho thấy, càng nỗ lực theo phương châm “siết”
như vậy, tình hình các mặt của đất nước chỉ căng thẳng thêm. Bởi vì mọi vấn đề
phải giải quyết hầu như còn nguyên vẹn, chẳng nghị quyết, khẩu hiệu nào hay đợt
học tập chính trị tư tưởng nào có thể hốt chúng đi được. Các nhóm lợi ích tiếp
tục hoành hành, kinh tế cứ xấu đi, trọng tội trọng án nhiều lên, văn hóa - xã
hội xuống cấp tệ hại, mê tín dị đoan nẩy nở, mặc dù còn giữ được tăng trưởng
kinh tế ở mức thấp, nhưng rất tốn kém.
Một biểu hiện bộc lộ đặc chưng cho
xu hướng thiên về “siết” là chưa bao giờ thấy ngôn ngữ của Ban Tuyên giáo đầy
khẩu khí nhà binh như hiện nay: …chỉ đạo và phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, các lực lượng
làm công tác tuyên giáo, đội ngũ dư luận viên… để định hướng tư tưởng, tuyên
truyền sâu, rộng, để quán triệt… … … Đọc những dòng chữ này trong những sách báo
và tạp chí lý luận của đảng, tôi nhớ lại hồi là sinh viên học ở CHDC Đức, cuối
thập kỷ 1950 tôi đã từng được đọc thứ ngôn ngữ na ná như vậy trong lưu trữ báo
chí Đức quốc xã…
Tóm lại, đảng như hôm nay, nhất là
những cơ quan làm trí tuệ của đảng, đang đứng ở đâu trong cuộc sống đất nước
hiện đang dồn nén vô vàn khó khăn thách thức chưa có lời giải như vậy? Ai
nói được lối ra nào cụ thể cho đất nước? Lấy từ đâu ra nguồn lực nào, cần bao
nhiêu thời gian, cần những nỗ lực nào khác nữa… để cơ bản khắc phục được sự bế
tắc nêu trên? Làm thế nào tạo ra cho đất nước động lực đi vào một thời kỳ phát
triển mới trong cái thế giới phức tạp hôm nay?.. Trong khi đó luôn luôn đòi
khẳng định đảng giữ quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Tình hình đất nước nêu trên, cùng
với thực tế là chỉ trong vòng chưa đầy bốn thập kỷ lãnh đạo đảng đã bốn lần bỏ
lỡ cơ hội lớn, cho thấy đảng hiện nay ở trong trạng thái: bị mù quáng
vì ý thức hệ, tư duy bế tắc, tầm nhìn thiển cận và lạc hậu, tâm sức phân tán
quá nhiều cho mâu thuẫn nội bộ, đạo đức suy thoái trầm trọng, kỷ cương không
nghiêm, thể chế và tư duy nhiệm kỳ loại bỏ nghĩ lớn,
nghĩ dài….
Nói nghiêm khắc: Sự tha hóa của đảng
đã tới mức thủ tiêu tính tiền phong chiến đấu đã được rèn luyện trong các cuộc
kháng chiến. Từ 30-04-1975 đến nay tha hóa đang từng bước diễn biến đảng trở
thành một lực lượng cai trị ngày càng nhiều mâu thuẫn với lợi ích quốc gia. Dân
gian nói thẳng: Mừng đảng rồi mới mừng xuân mà! Đảng bây giờ yêu mình
trước đã!.. Đảng đứng trên cả đất trời!.. Đây mới là sự diễn biến hòa bình
có thật mà bốn thập kỷ nay đảng quay lưng lại không dám nhìn. Trong khi đó đảng
hầu như không tiếc một nỗ lực nào tạo ra sự sùng bái đảng, không ngần ngại chụp
mũ cho mọi ý kiến xây dựng tộidiễn biến hòa bình, tội suy thoái đạo đức
chính trị tư tưởng.., thậm chí còn thẳng tay trấn áp.
Đến đây có thể kết luận: Tình hình
đất nước hiện nay và các mối tương quan giữa các lực lượng trong xã hội
nước ta đặt ra tình huống đỡ tổn thất nhất, đỡ xương máu nhất, đáng lựa chọn
nhất, và cũng là khả dĩ nhất đi đến thắng lợi bền vững cho quốc gia, làĐCSVN
phải chủ động đề xướng sự nghiệp cải cách duy tân đất nước. Lợi ích
quốc gia cao nhất đòi hỏi sự lựa chọn này, chứ không phải phẩm chất và trí tuệ
hiện nay của đảng đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ trọng đại này. Nói dễ hiểu: đó là
sự lựa chọn cực chẳng đã của tình thế đất nước.
Đảng cần nhận rõ đòi hỏi khách quan
nói trên của đất nước và sự hẫng hụt của bản thân để tự sửa mình, để nâng cao
mình đáp ứng đòi hỏi này. Chưa nói đến, nghĩa vụ đảng đã cam kết trong cương
lĩnh, món nợ chính trị với đất nước đảng phải trang trải… Cần đặc biệt
nhấn mạnh, tha hóa trong đảng đã tới mức: Đảng nhất thiết phải dựa vào dân
thông qua sự nghiệp cải cách duy tân của đất nước lần này để thay đổi chính
mình, để trở thành đảng đi với dân tộc, nếu không muốn bị tiêu vong. Song muốn
làm được như thế, việc đầu tiên là lãnh đạo hiện nay và
toàn thể đảng viên phải tự ý thức được là chính mình – chứ không phải ai khác –
đang đẩy đất nước và bản thân mình ngày càng chìm sâu trong khúc quanh quái ác
của lịch sử, với hệ quả là đất nước tiếp tục tụt hậu và lạc lõng trong thế giới
hôm nay. Chẳng có thế lực thù địch nào làm nổi việc này cả. Cứ nói mãi tự phê
bình và phê bình, nhưng tại sao lãnh đạo đảng năm này qua năm khác cứ nhắm mắt
bỏ qua việc tự phán xét này? Các đảng viên không dám đặt ra với lãnh đạo đòi
hỏi sống còn này cũng phải chịu trách nhiệm. Quan điểm của tôi: Để đất nước lâm
vào tình trạng hôm nay, không một đảng viên nào vô can!
Nhân đây, xin lưu ý một tâm trạng
phổ biến: Nhiều đảng viên tâm huyết với đất nước hỏi nhau trong toàn bộ
đội ngũ lãnh đạo cứ như thế này cả thì không biết chọn ai bây giờ? Không có
minh chủ, không thấy nhân vật nào có thể gửi gắm được! Mà như thế làm sao đất
nước ra khỏi quẫn bách hiện nay!?.. Tôi hiểu được tâm trạng lo âu này, song
không muốn tiếp cận vấn đề bằng cách lo tìm người để gửi gắm như thế. Đấy không
phải là lối thoát.
Quốc gia nào cũng có những thăng
trầm quyết liệt, đòi hỏi phải có những suy nghĩ quyết liệt. Cuộc nội chiến Bắc
- Nam đẫm máu 1861 – 1865 ở Mỹ đẩy liên bang này đến bờ sụp đổ. Sau khi ra khỏi
thảm họa này, tổng thống Lincoln nói, đại ý: Chiếc
áo cộng hòa của chúng ta đã bị lấm lem, và vệt bẩn trong đất bụi. Chúng ta hãy
giặt sạch cho nó trắng lại, bằng tinh thần, chứ không phải bằng máu, bằng
cách mạng… Đứng trước muôn vàn khó
khăn của nước Mỹ 1993, tổng thống Clinton nói: “Không có gì sai với
nước Mỹ mà không thể chữa trị bằng cái gì đúng với nước Mỹ.” [3]
Nghĩa là: Quyết định phải là cách đặt vấn đề đúng và giải pháp thích hợp.
Dựa vào tinh thần những
câu nói rất đáng ngẫm nghĩ trên, tôi cho rằng: Chế độ chính trị của nước ta
tích tụ ngày càng nhiều sai trái và thối nát, đang kìm hãm đất nước, đã đến lúc
nhân dân ta cần thay đổi nó. Nhưng không phải bằng máu, không phải bằng cách
mạng, mà bằng sự giác ngộ của mỗi người dân chúng ta và ý chí thay đổi nó. Tôi
cũng nghĩ rằng không một sai lầm nào của chế độ chính trị, cũng như không một
khó khăn nào trong đời sống kinh tế - xã hội của nước ta không thể khắc phục
được bằng giáo dục, trí tuệ, đạo đức, bằng ý chí tổ quốc trên hết, bằng đoàn
kết hòa giải dân tộc đúng với tinh thần một người vì tất cả, tất cả vì
một người.
III – Bàn thêm về con đường của chủ
nghĩa xã hội
Xin dành cho việc nghiên cứu lý luận cho những công trình lý luận. Trong phần
này chỉ xin dựa vào thực tiễn của cuộc sống nêu lên một số ý kiến để tham khảo.
Nói tóm tắt, tôi muốn nhìn nhận sự ra đời của chủ nghĩa cộng sản (CNCS) và học
thuyết Marx như một bước phát triển trong lịch sử tư duy của nhân loại.
Về nhiều phương diện, còn có thể xem CNCS là một nỗ lực của nhân loại tìm đường
giải phóng mình ra khỏi quá trình phát triển không ít máu và nước mắt của chủ
nghĩa tư bản ở vào thời kỳ đã mở đường ra toàn cầu, vì một tương lai tốt đẹp
hơn của tự do. Tính đến khoảng hai thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới
II, lý tưởng giải phóng này đã chinh phục được 1/3 nhân loại: Đó là các nước xã
hội chủ nghĩa và phong trào các nước thuộc địa giành độc lập dân tộc.
Song lý tưởng lãng mạn và cuộc sống
thực là hai thực thể khác nhau. Mô hình thể chế chính trị của các nước XHCN ra
đời từ lý tưởng lãng mạn này là “nhà nước chuyên chính vô sản + kinh tế
kế hoạch hóa tập trung + công hữu tư liệu sản xuất”. Mô hình này không
thực hiện được lý tưởng lãng mạn của giải phóng và tự do, nên thất bại. Cuối
cùng nó tha hóa thành nhà nước độc tài toàn trị, với mọi tệ hại khủng khiếp
vượt ra ngoài trí tưởng tượng. Các nước xã hội chủ nghĩa LXĐÂ tự sụp đổ từ bên
trong như một lẽ tất yếu.
Tuy nhiên, khát vọng giải phóng và
tự do của con người không bao giờ ngừng nghỉ, thua keo này, bày keo khác, vì đó
là lẽ sống. Khát vọng này tìm đường đi tiếp trong muôn ngả khác của cuộc sống,
trong từng bước tiến bộ mới hàng ngày của văn minh nhân loại.
Đã có chứng minh rất thuyết phục: Chông gai, xương máu, rác rưởi làm
đau khổ cuộc đời này còn nhiều khắp nơi. Nhưng, nhờ vào sự phát triển mọi mặt
của cuộc sống, các giá trị cao đẹp của con người và cuộc sống xã hội được phát
huy tới đâu, con người được giải phóng và hoàn thiện tới đó trên con đường bất
tận của chân, thiên, mỹ. Chỉ có các triết lý đúng đắn của các giá trị và các
giá trị, chứ không có thứ chủ nghĩa nào trên đời này có thể giúp con người
thành công trên con đường nó phải đi.
Tôi nghiệm thấy như vậy, có niềm tin
như vậy, sống theo như vậy, và như thế đối với tôi là đủ.
Tôi không quan tâm chuyện có hay
không có xu thế tất yếu loài người sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng
sản, vì – theo tôi – nó xa vời và quá huyễn hoặc, nếu có thì cũng là là câu
chuyện của hàng trăm năm tới, hàng nghìn năm tới. Ai giữ niềm tin vào xu thế
tất yếu này, tôi tôn trọng, coi đó là niềm tin tôn giáo của họ, tôi không tham
gia tranh luận đúng / sai làm gì. Nhưng nếu muốn đem thứ niềm tin tôn giáo này
áp lên đất nước, thì đây lại là vấn đề của cả nước, phải do cả nước quyết định.
Cái mà người ta thường nói về con
đường của chủ nghĩa xã hội, về định hướng xã hội chủ nghĩa, về các học thuyết
và chủ nghĩa liên quan đến chủ đề này, về chủ nghĩa Mác – Lênin… với tính cách
là các lý thuyết dẫn dắt mô hình phát triển quốc gia… đã từng gây tranh cãi
quyết liệt ở nơi này nơi nọ trên thế giới. Chính F. Engels khi còn sống đã
không dưới một lần phản biện lại Tuyên ngôn Cộng sản và phong trào cộng sản.
Cuộc tranh cãi này đã đi tới hồi kết ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa
LXĐÂ cũ khi chuyển đổi chế độ, bằng cách từ bỏ lãng mạn đã theo đuổi,
quay lại lựa chon con đường đi chung của nhân loại là “kinh tế thị
trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự”, với các mức thực hiện được
rất khác nhau trong từng quốc gia này.
Tôi cho rằng câu chuyện “con
đường của chủ nghĩa xã hội” như thế là ngã ngũ, thiên hạ đã tổng kết khá
thuyết phục.[4] Câu
chuyện “con đường” này chỉ còn đang tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc, Việt Nam…
Song thực chất đây lại là chuyện chính trị và chuyện ý thức hệ, mà ngay cả cái
gọi là chuyện ý thức hệ thì cuối cùng cốt lõi vẫn là chuyện chính trị.
Nhìn lại, ta có được bức tranh tổng
thể của con đường xã hội chủ nghĩa trên thế giới: (a) các nước LXĐÂ cũ đã xóa
bỏ “cả gói” mô hình XHCN (bao gồm cả các đảng dựng lên chế độ XHCN ở những quốc
gia này) để quay lại lựa chọn con đường chung của nhân loại, (b) Trung Quốc chỉ
xóa bỏ con đường XHCN nhưng giữ nguyên đảng, vì yêu cầu thống trị toàn Trung
Quốc và yêu cầu trở thành siêu cường Đại Hán, (c) Việt Nam hiện giữ nguyên
đảng, điều chỉnh lại con đường thành “định hướng XHCN” để bảo toàn chế độ toàn
trị với kết quả như thực trạng đất nước hôm nay. Cho dù bức tranh tổng thể này
có những mảng màu khác nhau như vậy, song vẫn toát lên sự thực cốt lõi là mô
hình của CNXH như đã dựng nên đã hoàn toàn phá sản ở tất cả các
nước xã hội chủ nghĩa. Sự thật là như thế, và nên nhận định dứt khoát như thế
trong tư duy cải cách, để gạt bỏ mọi điều còn lấn cấn, để nghĩ và
hành động theo hướng dẫn của trí tuệ và các giá trị, chứ không phải là của ý
thức hệ. Nói tất cả vì con người, nói tổ quốc là trên hết, nhất thiết nên để
cho trí tuệ và các giá trị quyết định hành động của mình.
Xin nhắc lại, cái gọi là chủ nghĩa
xã hội đặc sắc Trung Quốc thực chất chỉ là chủ nghĩa tư bản đặc sắc đại Hán
mang khát vọng siêu cường. Nếu nhìn về phương diện đối ngoại, còn phải nói chủ
nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc mang nhiều tính chất của thứ chủ nghĩa thực dân
mới đặc sắc Trung Quốc mà dư luận thế giới đã phải thừa nhận là nó nguy hiểm
hơn và vượt xa chủ nghĩa thực dân mới thế kỷ 20 trên mọi phương diện. Thứ chủ
nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc này đang theo đuổi khát vọng bành trướng chẳng
những uy hiếp các nước láng giềng mà còn trở thành vấn đề của cả thế giới. Hiểu
Trung Quốc là một chuyện, chính sách đối ngoại của nước ta đối với Trung Quốc
là chuyện khác. Có hiểu thật đúng Trung Quốc, mới có khả năng tìm ra con đường
cho nước ta thực được hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác,
láng giềng tốt với Trung Quốc mà nước ta luôn mong muốn.
Ở nước ta, những mục tiêu được đề ra
cho xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thập kỷ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập
thống nhất đã thất bại, dẫn tới phải tiến hành đổi mới kinh tế từ đại hội VI
năm 1986, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội được điều chỉnh lại thành định
hướng xã hội chủ nghĩa. Trong gần ba thập kỷ tiếp theo, con đường định
hướng xã hội chủ nghĩa này mang lại cho đất nước chỗ đứng như hôm nay và đã
được trình bày khái quát trong loạt bài viết này. Hiện nay đất nước ta đứng
trước đòi hỏi bức xúc phải thay đổi toàn diện theo hướng cải cách duy tân, để
phát triển trên con đường dân tộc và dân chủ. Nói một cách khác, nước ta cũng
phải tìm cách trở lại đi chung con đường của cả nhân loại, đó là phát triển đất
nước thông qua thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Từ sau đại hội IX đã có sự thừa nhận nửa vời đối với đòi hỏi khách quan
này, đó là thêm cái vỹ ngữ “định hướng XHCN” vào kinh tế thị trường, vào nhà
nước pháp quyền, đồng thời thôi không nói đến chuyên chính vô sản nữa. Song cái
“đuôi” (“vỹ ngữ”) thêm vào này trên thực tế lại là cái “đầu”, bởi vì nó có sức
mạnh lũng đoạn kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, qua đó nó biến dạng
nghiêm trọng toàn bộ hệ thống pháp luật, đạo đức và kỷ cương của đất nước. Một
số học giả của đảng đã đề nghị đưa khái niệm “xã hội dân sự định hướng xã
hội chủ nghĩa” vào hệ thống chính trị, nhưng đến nay chưa được chấp
nhận. Thêm vào những cái “đuôi” để đối phó như vậy, chung cuộc chỉ dựng
lên được cho đất nước: Chế độ chính trị toàn trị + nền kinh tế thị
trường kém phát triển như hôm nay + môi trường tự nhiên bị xâm phạm nghiêm
trọng (cũng có ý nghiên cứu cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ của
chủ nghĩa tư bản hoang dã).
Nhìn về lâu dài và khi điều
kiện cho phép, có nhiều vấn đề của lịch sử nhất thiết phải nghiên cứu cho rành
rẽ để tiếp tục tạo ra chỗ đứng vững chắc và tầm nhìn đúng đắn trong việc cân
nhắc đại sự của đất nước. Cả một quá khứ đã đặt Việt Nam lên đường ray của chủ
nghĩa xã hội suốt bốn thập kỷ như thế đang để lại để trang trải rất nhiều vấn
đề và hệ quả cho hôm nay cũng như cho tương lai. Đó là sự thật khách quan.
Song cuộc sống của đất nước không
thể chờ đợi, trong khi đó năng lực làm việc của con người chỉ có hạn. Do đó nên
tập trung sức lực cho tiến hành cải cách với tinh thần khép lại quá khứ, nhưng
không trốn tránh giải quyết những vấn đề sống còn của đất nước do quá khứ để
lại. Cần bình tĩnh và tỉnh táo đặt ra cách tiếp cận này, đơn giản vì không thể
nôn nóng cùng một lúc giải quyết mọi việc, mà toàn là những việc nhạy cảm, bức
xúc, nóng bỏng, nhiều việc chưa có lời giải...
Tối ưu nhất là đảng chủ động huy
động trí tuệ cả nước dựng nên một chiến lược cải cách duy tân đất nước, kế
hoạch tổng thể thực hiện chiến lược này, lộ trình tiến hành. Đồng thời, đảng
cần vận động toàn dân – trước hết là đảng viên – trau dồi hiểu biết và phấn đấu
hết mình cho sự nghiệp cải cách duy tân đất nước với tinh thần Diên Hồng.
Cải cách đòi hỏi một cuộc vận động,
giáo dục, học tập sâu rộng và lâu bền trong toàn quốc. Cứ nhìn công sức và
nguồn lực đã bỏ ra cho nhiệm vụ “giữ vững định hướng” – như qua các đợt học tập
chính trị, qua đợt vận động quá nhiều hình thức giả dối cho việc sửa đổi hiến
pháp, vân vân.., có thể nói dứt khoát: Đất nước dù còn nghèo, song hoàn toàn
không thiếu nguồn lực cho thực hiện cuộc vận động vỹ đại này để phục vụ sự
nghiệp cải cách duy tân đất nước, bắt đầu từ học tập. Chỉ có chuyện nguồn lực
này cố ý được sử dụng cho những mục đích khác! Sử dụng nguồn lực như thế là sự lãng
phí đầy tội lỗi, là sự tham nhũng cơ hội của đất nước…
Đất nước ta, dân tộc ta đã phải chịu
đựng quá nhiều tàn phá và đau thương rồi. Bây giờ, ngay trong cải cách và sau
đó, không cần thiết phải mất thêm một giọt máu, không cần thêm một sự tàn phá,
không cần phải có thêm một trận chiến tương tàn! Người Việt với người Việt là
con một nhà, là anh em, hãy tất cả cho cải cách! Hãy tha thứ cho nhau và vì
nhau để cải cách thành công bằng được! Hãy giúp nhau hiểu biết để ai cũng có
thể tham gia vào sự nghiệp đổi đời chính bản thân mình và đổi đời đất nước
mình! Hãy bảo vệ nhau và hợp tác với nhau đến cùng cho cải cách duy tân đất
nước! Ê chề trước thiên hạ vì nghèo hèn, danh dự dân tộc bị xúc phạm, tất cả
như thế là quá đủ rồi! Hãy quyết bảo nhau trong cải cách: Thiên hạ làm được thì
người Việt ta cũng làm được!
Lại hỏi: Trước sau đảng vẫn khước từ cải cách duy tân đất nước thì
sao?
Đáp: Câu hỏi này đã trả lời rồi.
Thay lời kết: Thông điệp của nhân
dân
Một nhân vật lịch sử, một anh hùng
dân tộc sống mãi trong lòng dân. Sự kiện dân làm đám tang Đại tướng Võ Nguyên
Giáp nói lên rất rõ điều này. Cả nước đã nói lên điều này, không có gì phải bàn
thêm nữa.
Song việc hàng triệu người dân cả nước trực tiếp chia tay với Đại tướng một
cách thành kính, tha thiết, không chỉ biểu thị một tấm lòng với người đã khuất,
mà còn là lời gửi gắm, lời nhắn nhủ.., và nhất là còn là một lời nhắc nhở không
thể bỏ qua đối với người còn sống.
Hàng triệu người trong cả nước, không ai bảo ai, cũng chẳng ai đứng ra tổ chức,
tất cả cùng nhau trang nghiêm tiễn đưa Đại tướng, trong một trật tự tự giác
chưa từng thấy… Sự việc này trịnh trọng nói lên ý chí của nhân dân, biểu thị
mãnh liệt quyết tâm và khả năng của nhân dân trong việc thực hiện ý chí của mình.
Không gì có thể cản nổi! Xưa nay hiếm thấy một đám tang nào như thế dành cho
một đảng viên từ khi đảng còn trứng nước, một vị tướng được nhân dân coi là của
mình, một con người nhân dân ngưỡng mộ. Cả nước được chứng kiến: Ý chí trở
thành triệu người một khối, lừng lững, hòa bình… Hiếm thấy một đám tang nào nói
lên nhiều điều như thế đối với cả nước, nhất là trong bối cảnh của đất nước hôm
nay.
Tôi thầm hiểu, thế nào là nhân dân muôn người như một trong một nguyện vọng,
trong một ý chí, trong một hành động. Nói đến cải cách duy tân đất nước hôm
nay, nếu khởi xướng lên được với tất cả tinh thần và nội dung thiêng liêng của
sự nghiệp đổi đời này, đất nước ta chắc chắn sẽ có nhân dân muôn người như một,
trong một ý chí, trong một hành động.
Tôi tin rằng sẽ có một ngày như
vậy./.
Võng Thị - Hà Nội, ngày 01-03-2014
(Bài 4 (sẽ đăng tiếp): “Yêu
nước và nói thật”)
[1] Tìm xem
các bài liên quan tôi đã viết trong khoảng 10 năm trở lại đây, trong:http://nguyentrung-vt.blogspot.com
[3] Nguyễn Xuân Xanh: Diễn văn Gettysburg - huyền
thoại của Abraham Lincolnhttp://sgtt.vn/Quoc-te/187634/Bai-dien-van-Gettysburg-huyen-thoai-cua-Abraham-Lincoln.html
[4] Nguyễn
Trung: Diễn văn của Tổng thống Joachim Gauck kỷ niệm 150 năm đảng Dân Chủ Xã
Hội Đức, http://viet-studies.info/NguyenTrung/MguyenTrung_DienVanTongThongDuc.htm
Tác giả gửi
cho viet-studies ngày 6-3-14
Lời bác Trung như "nước đổ đầu vịt", nhưng vẫn mong có ngày vịt sặc nước bừng tỉnh sớm cho dân đỡ khổ.
Trả lờiXóaThêm chữ "Vẫn biết" vào câu đầu. Cám ơn!
Trả lờiXóa