Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

về đại hội XII ĐCSVN

 http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_CaiCach.htm
Chữ tín
 
Bài 2:

Sự lựa chọn của tôi: Cải cách

Nguyễn Trung


I - Bạn bè quở trách

          Không thể nói tôi chai lỳ với những lời nhiếc mắng chân tình của bạn bè thân thiết nhất về những gì tôi viết ra. Lần này sự quở trách ấy dành cho bài Chữ tín,[1] trong đó tôi khuyên đại hội XII sắp tới của ĐCSVN – kể cả khâu chuẩn bị - nên bắt đầu từ việc tìm cách thực hiện chữ tín. Đó là những lời nhiếc mắng đã từng nhiều lần dành cho tôi: ngu trung, ảo tưởng, ngây thơ, nặng về tình cảm… vân vân… Những lời phê phán khác của người Việt khắp thế gian với nghĩa là quyền ăn quyền nói đương nhiên của mỗi người, thì dỏng tai nghe, cố hiểu người nói, không có gì đáng phải băn khoăn ở đây cả.


          Thật ra tôi đã lường được tất cả, đã cân nhắc tất cả trước khi viết.  

          Đã quá xa cái tuổi cổ lai hy rồi, tôi ít nhiều hiểu được những điều phải hiểu liên quan đến quyền lực – sức mạnh và quyền năng của nó, những mặt nham hiểm hay bỉ ổi của nó... Song suy ngẫm mọi bề, cuối cùng tôi vẫn phải chọn lời khuyên ĐCSVN tìm cách thực hiện “chữ tín”, đơn giản vì đất nước đòi hỏi nhất thiết phải mở đường sống thông qua cải cách chính trị để thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, lý tưởng nhất là trong hòa bình. Xin nhấn mạnh, đấy là sự lựa chọn của tôi.

          Cuộc sống có nhiều lý do rất quan trọng khiến tôi phải cân nhắc kỹ cho sự lựa chọn này của mình. Đắn đo mãi, cuối cùng tôi rút ra kết luận cho chính mình: Dù sự tha hóa của quyền lực hiện tại có thể gây nên bất kể tội lỗi gì, nhưng nếu xót xa với từng hy sinh mất mát của cả dân tộc ta trong hơn một thế kỷ qua, nếu trân trọng từng sinh mạng, từng giọt mồ hôi nước mắt của nhân dân cả nước phải bỏ ra kể từ sau 30-04-1975 đến nay, nếu đặt lợi ích sống còn của đất nước lên trên hết, tôi lựa chọn:   

          (1) Cải cách hòa bình để chuyển đổi thể chế chính trị độc tài toàn trị hiện nay của đất nước sang một chính thể dân chủ của một nhà nước pháp quyền. Đấy là con đường duy nhất tránh cho đất nước một cuộc bể dâu mới nồi da xáo thịt, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc trong khủng hoảng, mở ra một thời kỳ phát triển mới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh quốc tế mới hiện nay đòi hỏi.

          (2) Để có được một cuộc cải cách trọng đại như thế trong hòa bình, mọi việc phải bắt đầu từ ĐCSVN, với tính cách là lực lượng chính trị mạnh nhất và đang duy nhất nắm trọn vẹn trong tay quyền cai trị đất nước. Với tính cách như thế, ĐCSVN cần chủ động mở đường đi vào cuộc cải cách này. Nếu ĐCSVN không chịu chủ động như thế, nhân dân cả nước cần đồng lòng đòi hỏi bằng được ĐCSVN phải thực hiện nhiệm vụ cải cách chính trị này. Đơn giản vì nhiệm vụ này là lời hứa phải thực hiện mà ĐCSVN đã ghi trên lá cờ của mình khi hiệu triệu nhân dân đứng lên làm cách mạng.  Nhiệm vụ chính trị này là món nợ chính trị số một với dân với nước, ĐCSVN từ khi đất nước độc lập thống nhất đến nay vẫn chưa thực hiện, bây giờ nhất thiết phải trang trải (đã nêu trong điểm 3, bài 1).  

(3) Và trên hết cả, về nhiều mặt, nhiệm vụ cải cách duy tân đất nước hiện nay còn phải được coi là một nghĩa vụ thiêng liêng đối với từng người dân Việt Nam, có sự ràng buộc bằng hy sinh xương máu của biết bao nhiêu thế hệ Việt Nam kể từ khi mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp cho đến hôm nay. Đây là nhiệm vụ từng thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam ta. Từng người phải đứng lên thực hiện bằng được với tất cả tinh thần đoàn kết hòa giải dân tộc, với tất cả ý chí không gì quý hơn độc lập tự do. Không một người Việt Nam nào có thể vin vào bất kỳ lý do gì để thoái thác. Danh dự của dân tộc, sự sống còn và tương lai của đất nước đòi hỏi phải như thế.

           
II – Bàn thêm: Thay đổi bằng cải cách, hay là bằng bạo lực lật đổ?
         
Những vấn đề nóng bỏng do thực trạng đất nước gần 4 thập kỷ vừa qua tích tụ lại và những thách thức mới hiện nay dẫn đến đòi hỏi bất khả kháng, đó là phải thay đổi thể chế chính trị hiện hành.

Bằng cách nào?

          Dù có những tình tiết pha trộn hay đan xen nhau như thế nào giữa những cách thực hiện khác nhau, song cuộc sống chỉ có 2 phương thức cơ bản để thay đổi thể chế chính trị hiện hành: (1) cải cách trong hòa bình; hay là (2) dùng bạo lực xóa bỏ chế độ hiện hành.

          Trí tuệ của thế giới đến nay có được, cũng như thực tiễn của lịch sử các quốc gia trên thế giới đã xác nhận: cải cách trong hòa bình và cải cách thường xuyên để phát triển đất nước là con đường lý tưởng nhất làm nên ở mọi nơi quốc gia hưng thịnh, hạnh phúc, bền vững. Nhìn vào nước ta cũng phải nhận định như vậy.

Thực tiễn lịch sử vài ba thế kỷ nay của các quốc gia từ Đông sang Tây cũng cho thấy: Có nhiều cuộc cách mạng đã xẩy ra là tất yếu và bất khả kháng, để phá vỡ một trật tự xã hội đã bế tắc và không còn lý do để tồn tại. Song bất kể một cuộc cách mạng nào, sau khi phá vỡ được chế độ cũ, nhưng nếu không thành công tiếp theo trong quá trình cải cách và cải cách thường xuyên để phát triển đất nước sau đó, cuối cùng sự nghiệp cách mạng ở đó vẫn đổ vỡ, những lý tưởng tạo dựng nên cuộc cách mạng ấy trở thành không tưởng và cuối cùng là bị phản bội. Hệ quả thường là: Dần dà cách mạng tạo dựng nên một chế độ chính trị bất công mới. Quyền lực lại rơi vào nhóm thống trị mới chứ không phải vào tay nhân dân. Quá trình này tha hóa tiếp, cuối cùng dẫn tới hệ quả đất nước bị nhóm vô lại mới là chính con đẻ của cách mạng thống trị. Tất cả lại tích tụ thuốc nổ cho một cuộc cách mạng mới, bắt đầu một cái vòng luẩn quẩn mới của lịch sử…

Nguyên nhân cơ bản của sự vận động trên là:  Bản chất của cách mạng là bạo lực, tự nó không thể mang lại dân chủ. Chính quyền cách mạng chỉ có thể tồn tại và bảo vệ được bằng chuyên chính. Trong khi đó dân chủ chỉ có thể là thành quả của một thể chế chính trị tiến bộ được từng bước xây dựng nên trong quá trình phát triển của quốc gia. Vì thế, sau cách mạng mà không có một thể chế chính trị có khả năng xây dựng nên dân chủ để phát triển, thì cuối cùng chỉ còn lại bạo lực; mà bạo lực vì sự tồn tại của chính nó thường xuyên đối kháng với dân chủ và phát triển. Chưa nói đến xây dựng dân chủ là một quá trình phấn đấu lâu dài, thường xuyên và gian khổ, nó là thành quả của phát triển; song đến lượt nó, chính dân chủ lại trở thành tiền đề của phát triển, - đây là cái biện chứng cần quan tâm.

Trên thế giới đến nay có không ít sách báo và công trình nghiên cứu chứng minh sự vận động nói trên của lịch sử. Sự vận động này không phải là đặc tính riêng của các cuộc cách mạng xã hội đã xảy ra trên thế giới. Thật ra, trước đó, sự vận động của các triều đại phong kiến trên thế giới cũng đều đi theo quy luật này: Quy luật sự tha hóa của quyền lực.[2]

Cái đấu tranh nay là trận cuối cùng (Quốc tế ca) hóa ra lại là cái câu hỏi mà chủ nghĩa cộng sản bỏ qua: Làm sao, sau khi cách mạng thành công trong việc xóa bỏ chế độ cũ, có thể luôn luôn chế ngự được và luôn luôn chiến thắng được quy luật tha hóa của quyền lực? Câu trả lời chỉ có thể tìm thấy trong quá trình cải cách và thường xuyên cải cách để phát triển đất nước. Tên của câu trả lời này là dân chủ, chứ không phải là chuyên chính vô sản.

Những lý lẽ xác đáng, cũng như thực trạng đất nước ta hiện nay đều dẫn tới một kết luận duy nhất: Cải cách thể chế chính trị là đòi hỏi tất yếu và là phương án tối ưu nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nói đến mức sát phạt là thế này: Giả định rằng không may đất nước ta bất khả kháng rơi vào một cuộc đấu tranh bạo lực đẫm máu mới, để thay đổi chế độ chính trị hiện nay của đất nước, thì ngay sau đó vẫn phải tìm đường thực hiện một sự nghiệp cải cách duy tân, và phải cải cách thường xuyên, để mang lại cho đất nước sức sống mới, sự phát triển mới. Đấy là chưa nói, nếu lựa chọn con đường bạo lực thì phải đấu tranh bạo lực trong bao nhiêu lâu? cái giá dân tộc ta phải trả? một hiệp đấu tranh bạo lực liệu có xong không? sẽ còn phải làm bao nhiêu hiệp tiếp theo nữa để cho thể chế mới ra đời?...  Đã thế, bạo lực gọi bạo lực, cái chế độ mới sẽ được ra đời bằng đấu tranh bạo lực này là con đẻ của bạo lực thì làm sao mang lại hòa bình, trí tuệ và phát triển cho đất nước?.. v.v.

Chẳng lẽ đất nước ta gần một thế kỷ vừa qua chưa đủ kịch bản thay đổi chế độ hoặc xây dựng chế độ mới bằng bạo lực để suy ngẫm hay sao?..

Nhân đây cũng xin thưa, đấu tranh bạo lực ôn hòa nhất như ở Thái Lan (mà điều này không thể có ở Việt Nam) thì từ năm 1932 đến nay cứ vài năm lại một lần đảo chính, đổ máu không ít... Cho đến hôm nay con đường dân chủ của Thái Lan vẫn còn dài ở phía trước,  mặc dù Thái Lan có những bước tiến xa hơn nước ta  về dân chủ. Đã thế trên trái đất này không có sự chân không dành riêng cho Việt Nam. Làm gì, nước ta cũng phải tính đến những kẻ đánh hôi, những thế lực đục nước béo cò...

Tôi kết luận dứt khoát cho mình: Để nước ta trở thành một quốc gia phát triển, trước sau không có cách gì trốn được cải cách và cải cách thường xuyên. Nhật và Hàn Quốc hôm nay đều bắt đầu từ cải cách…

Xin lưu ý: Tấm gương xấu, tấm gương tốt của những biến động quốc gia trên toàn thế giới kể từ khi các nước Liên Xô – Đông Âu cũ sụp đổ cho đến hôm nay mang lại cho chúng ta không ít điều phải ngẫm nghĩ. Chỉ riêng hiện tượng Myanmar và hiện tượng Ukraina đang diễn ra cung cấp cho chúng ta nhiều bài học rất quý báu cho con đường cải cách của đất nước, miễn là dám nhìn thẳng vào sự thật, có trí tuệ nhìn đúng sự thật.

Còn như, nếu để cho đất nước ta bất khả kháng bị đẩy đến tình trạng xảy ra bạo loạn - giả định như vậy - , thiết nghĩ trước hết (xin nhấn mạnh trước hết) cần xem xét phẩm chất và năng lực của hệ thống chính trị hiện hành.  Bởi vì so sánh tương quan lực lượng mọi mặt cho đến thời điểm hiện nay, có thể nhận xét: Tiềm năng và khả năng các lực lượng hay thế lực bên trong / bên ngoài muốn lật đổ chế độ chính trị hiện hành của Việt Nam bằng bạo lực vì bất kỳ lý do gì, đều rất yếu và hầu như không thể làm được, dù họ muốn. Nói như thế, để nhấn mạnh một vế khác quan trọng hơn nhiều: Việt Nam hôm nay có tất cả những điều kiện đủ cho cải cách và cải cách thành công; Việt Nam hôm nay chỉ còn thiếu điều kiện cần là: quyết tâm chính trị của đảng cầm quyền cho cải cách.

Mặt khác, cả nước phải cảnh giác với hệ lụy có thể của tình huống cái xảy nẩy cái ung. Đất nước gần đây xảy ra nhiều sự việc đau lòng, đó là các sự kiện như vụ Quỳnh Phụ - Thái Bình năm nào… Gần đây là vụ trấn áp Đoàn Văn Vươn, vụ trấn áp tại Văn Giang liên quan đến Eco Park, các vụ nạn nhân bị công an đánh chết trong khi giam giữ dẫn đến phản ứng quyết liệt của dân, các vụ người dân tự thiêu hay tự sát, các vụ bắt bớ đánh đập những người yêu nước biểu tình bầy tỏ ý chí bảo vệ biển đảo và chủ quyền quốc gia, vụ Nguyễn Phương Uyên, vân vân…

Vâng, giả định trong những vụ việc như vậy nếu lỡ tay để xảy ra sự cố không kiểm soát được – ví dụ như để xảy ra đổ máu lớn - , ai dám đoán trước những diễn biến tiếp theo, quy mô và hệ lụy của chúng?  Chưa nói đến những sự cố không kiểm soát được kèm theo phản ứng bầy đàn nếu để xảy ra trong những khó khăn kinh tế của đất nước, trong thiên tai, dịch bệnh, trong một biến cố chính trị / kinh tế nào đó của khu vực hay trên thế giới, trong những thách thức mới phi truyền thống chưa ai lường được… vân vân.

Nêu lên những điều vừa nói trên, tôi muốn đặc biệt lưu ý: nguy cơ để xảy ra bạo loạn đang tiềm tàng nhiều hơn trong những hệ quả của những sai lầm, yếu kém và sự tha hóa phẩm chất của hệ thống chính trị - trong đó trước hết là của đảng nắm quyền gây nên. Nhìn sự việc với tin thần tiên trách kỷ, hậu trách nhân là thế.

Trong đời sống hàng ngày hiện nay, sự hoạt động đang diễn ra của đội ngũ dư luận viên đang từng giờ từng phút bóp méo sự thật, làm tha hóa hệ thống chính trị, làm tê liệt nghiêm trọng khả năng của đất nước đề kháng nguy cơ bạo loạn… Mọi dối trá như thế rõ ràng chỉ gây thêm những khó khăn mới cho đất nước và đều có cái giá phải trả. Mọi sự trấn áp khác theo khuynh hướng này cũng vậy. Có thể xem đây là một trong nhiều ví dụ về nhân – quả đòi hỏi phải được nhìn nhận với tinh thần tiên trách kỷ hậu trách nhân.

Còn một lẽ nữa, muốn kiên định con đường cải cách chính trị, cần phải tăng cường khả năng của nhân dân cả nước chủ động đề kháng đối với nguy cơ để xảy ra bạo loạn - nhưng không phải bằng kìm kẹp, trấn áp hay nói dối dân nhân danh giữ vững ổn định, mà phải bằng cách nói thật, tin vào dân, dựa vào dân trong mọi tình huống, nghe dân nói, trang bị cho dân mọi thông tin, hiểu biết và khả năng bảo vệ lẽ phải, làm cho dân tự giác chủ động loại bỏ nguy cơ này. Để làm được như thế, chung quy chế độ phải phấn đấu để thực sự là của dân, dám dựa vào dân. 

Nói một cách trần trụi, chừng nào còn nói dối dân và không đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chừng đó không có cải cách. Cải cách phải bắt đầu từ nói thật và yêu mước. Không có điều kiện tiên quyết này đừng nghĩ đến cải cách. Đương nhiên, cải cách còn đòi hỏi nhiều điều kiện khác nữa. 


III – Vị thế của ĐCSVN trong cải cách

          Sự lựa chọn của tôi: Dành cho ĐCSVN giữ vai trò quyết định, ngoại trừ trường hợp những người nắm quyền lực trong ĐCSVN hiện nay chủ trương chống lại cải cách và đối kháng lại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc.

          Sự lựa chọn này của tôi trước hết căn cứ vào nghĩa vụ và món nợ lịch sử ĐCSVN đã cam kết với nhân dân, với tổ quốc và bây giờ nhất thiết phải trang trải.

          Sự lựa chọn này của tôi xuất phát từ lòng tin trong ĐCSVN vẫn còn nhiều đảng viên có lương tri, có trí tuệ và tâm huyết với đất nước, mặc dù họ đang bị hệ thống bộ máy đảng kìm kẹp, đang bị nhiều áp lực khác trong thể chế chính trị cũng như trong đời sống hàng ngày làm cho vô hiệu hóa, hay làm cho câm lặng. Khi có điều kiện, những đảng viên này chắc  chắn sẽ xả mình vì nước. Hơn nữa, về mặt nào đó mà xét, số đảng viên tha hóa biến chất, ngoan cố chống lại lợi ích của đất nước cũng như lợi ích chính đáng của chính bản thân ĐCSVN chỉ là thiểu số, cho dù họ là những người chi phối quyền lực. Nếu có thảo luận dân chủ và công khai trong đảng, chắc chắn chính nghĩa và sự thật sẽ thắng ngay trong nội bộ ĐCSVN.

          Sự lựa chọn này của tôi dựa trên  nhận định: Nếu những người có thực quyền trong đảng chủ trương thảo luận dân chủ và thẳng thắn trong nội bộ đảng như thời đại hội VI về thực trạng đất nước hiện nay và tìm lối ra, hoặc là nhiều đảng viên lên tiếng yêu cầu lãnh đạo và các tổ chức của đảng phải tổ chức cuộc thảo luận này, tôi tin rằng sự thật sẽ được nhận diện, hầu như chắc chắn sẽ có tiếng nói quyết định phải tiến hành cải cách chính trị để cứu nguy đất nước.

Nhận định như vậy, bởi vì tôi đã được nói chuyện với nhiều đảng viên tâm huyết như thế, kẻ đã về hưu, người đang tại chức. Chúng tôi hầu như thống nhất với nhau cách suy nghĩ này. Thậm chí có một đảng viên tại chức, thuộc loại rất cao cấp, nói với tôi: “Anh Trung ạ, để cải cách, cái đảng ta cần nhất bây giờ là thực hiện dân chủ ngay trong đảng!..” Tôi thừa nhận đảng viên ấy đúng. Phần nào hiểu được sự vận động của đảng trong cuộc sống, trong lòng tôi ước ao lúc nào đó bàn về đổi mới ĐCSVN, sẽ có ai đó đưa ra đề nghị nhìn nhận lại lịch sử mất dân chủ trầm trọng diễn ra trong nội bộ đảng. Việc này cần làm để lấy lại sức chiến đấu của đảng.

          Sự lựa chọn này của tôi dựa trên tinh thần khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, không hồi tố, thực hiện dân chủ để đoàn kết và hòa giải dân tộc; mọi người và mọi lực lượng chính trị của đất nước đều phải mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp cải cách để phát triển đất nước. Có thể nói đây là nguyện vọng cháy bỏng của hầu hết những người Việt Nam có hiểu biết và quan tâm đến vận mệnh của đất nước, dù là sống trong nước hay ở nước ngoài. Gặp gỡ những người này, ai cũng nói rằng tối ưu với đất nước ta là từ chỗ đứng hiện nay, chắt chiu tất cả những gì đã làm được, thông qua cải cách chính trị để tìm đường cho đất nước đi tiếp, sẵn sàng khép lại quá khứ để đi tiếp. Đừng xóa đi làm lại từ đầu. Đừng phải đổ thêm máu nữa, bốn cuộc chiến tranh trong một nửa thế kỷ đối với đất nước ta là quá nhiều rồi!..

Quan trọng hơn nữa, tìm được mục tiêu của cải cách sao cho trong cải cách cũng như trong thành quả đạt được từng người dân yêu nước ai cũng thấy được mình. Một sự nghiệp cải cách như thế chẳng lẽ là không đáng? Một sự nghiệp cải cách như thế lý gì không thể thành công? Vì thế, dân chủ, đoàn kết, hòa giải dân tộc… không phải là những khái niệm trừu tượng, mà phải là những gì thấy được, cảm nhận được ngay trong quá trình tiến hành cải cách và trong mục tiêu đạt được.

Tóm lại, tình thế đất nước lựa chọn đảng cần chủ động đứng ra vận động cả nước tiến hành cải cách, giữ vai trò quyết định trong cuộc vận động này, dù rằng đảng phải phấn đấu rất quyết liệt mới có thể có được phẩm chất đảm nhận trách nhiệm này. Tôi lựa chọn như thế cho đảng.

          Vâng, sự lựa chọn như vậy có thể là cuộc mạo hiểm cuối cùng của tôi. Vì ở tuổi tôi, ai mà biết được trò chơi của tạo hóa? Tôi không còn nhiều thời gian cho những hoài bão khác. Bây giờ làm được việc nào, biết chắc việc nấy.

Coi sự lựa chọn này là một mạo hiểm, vì đây là một lựa chọn rất khó đối với tôi: Cải cách sẽ phải đương đầu quyết liệt với quyền lực và đối mặt với không biết bao nhiêu vấn đề nan giải, đòi hỏi trí tuệ và nghị lực nhiều hơn là đấu tranh bằng bạo lực. Rồi còn những diễn biến không dễ chế ngự… Tôi không dám nói mình đã lường được mọi sự… Song có thể nói, tôi đang dành tất cả những gì mình nghĩ được cho cuộc mạo hiểm này. Vì đấy là ý nghĩ nung nấu trong tôi mấy thập kỷ nay: Phải đi theo con đường cải cách, còn nước còn tát!  

Còn một lý do nữa, có lẽ là quan trọng nhất: Tôi lựa chọn cải cách, vì cái thiện trong cuộc sống, dù bị băm vằm như thế nào, vẫn là bất diệt, vẫn là bất khả kháng.

Hàng ngày, đi đâu hoặc lật trang báo, không ít thì nhiều tôi đụng phải những chuyện tím ruột tím gan. Vài tháng trước đây là những chuyện đại loại như dư luận viên dọa mất sổ hưu. Cách đây vài ngày là chuyện tổ chức nhảy đầm tại vườn hoa Lý Thái Tổ để phá rối những người biểu tình tưởng nhớ những hy sinh mất mát trong cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, trong khi đó dư luận viên xa xả mắng những người đi biểu tình: Các người kích động chống Trung Quốc, sẽ không có hàng nhập khẩu, để kinh tế nước ta chóng sụp đổ, để các người dễ bề lật đổ chế độ có phải không?!.. Mới hôm qua thôi, một bạn già lão thành cách mạng của tôi có giấy của cơ quan đảng cấp trên đòi phải làm kiểm điểm về tội viết những bài được cho là chống đảng, và phải tự định mức kỷ luật trước đảng. Bạn của tôi bác lại, nói thẳng đảng này không phải là đảng ông giơ tay tuyên thệ khi gia nhập cách đây hơn một nửa thế kỷ!.. Cuộc sống còn vô vàn chuyện đau lòng khác nữa, những vụ tham nhũng động trời, những tội ác hình sự man rợ trong xã hội ngày càng nhiều…

Nhưng đi đến đâu tôi đồng thời cũng gặp không ít cái thiện đang lặng lẽ, bền bỉ dung dưỡng cuộc sống này, duy trì sự tồn tại của đất nước này – những nỗ lực im hơi lặng tiếng không cần ai biết đến của người dân, của người cán bộ, của đảng viên… Họ là số đông trong cuộc sống này. Tôi có cảm tưởng cuộc sống ác nghiệt này chẳng làm gì được họ!.. Trong tôi càng khao khát mong sao cái thiện âm thầm này phải sớm trở thành dòng chảy chính xoay chuyển cục diện đất nước, đưa đất nước sang trang mới.

Song đặt hy vọng bao nhiêu vào cải cách chính trị, tôi vẫn phải cảnh báo quyết liệt bấy nhiêu về cái mặt cố hữu cực kỳ nham hiểm và phản động của quyền lực. Cảnh báo chính mình và mọi người. Cải cách không dễ như chúng ta muốn. Quyền lực thường vô cảm với lẽ phải và không dễ nhường bước, mà thường là không tự giác nhường bước cho cải cách như chúng ta mong đợi. Thậm chí cải cách cũng phải đứng lên mà giành lấy, mà thực hiện. Dẫn chứng là gần ba thập kỷ đã qua kể từ khi tiến hành đổi mới kinh tế năm 1986, nhưng đến nay cải cách chính trị vẫn bị trì hoãn; đời sống chính trị trong nước cũng như của đảng nhiệm kỳ khóa đại hội XI hiện nay có nhiều bước thụt lùi hay xuống cấp nghiêm trọng so với khóa đại hội X, đại hội IX… Chưa nói đến, mọi vấn đề trong cuộc sống hiện nay của đất nước phải giải quyết đều vô cùng khó khăn phức tạp. Có những việc trong tình hình bình thường phải thận trọng một, trong khi tiến hành cải cách thì phải thận trọng hai, ba… Chúng ta không được lựa chọn, mà cuộc sống đưa ra đòi hỏi như thế.

          Có câu hỏi: Đã thế, tại sao lại cứ phải dành cho ĐCSVN vai trò quyết định trong cuộc cải cách này?

          Xin thưa:

          Trước hết, đó là sự lựa chọn của tôi. Sau nữa, suy nghĩ nhiều mặt, tôi thấy cũng nên như vậy.

          Trí tuệ thế giới đã tổng kết từ lâu rồi: Cải cách chính trị duy tân đất nước tiến hành từ trên xuống – nghĩa là từ giới cầm quyền, thậm chí từ cấp cao nhất của giới cầm quyền – thường là phương án tối ưu nhất.

Ngay ở nước ta, áp lực của đổi mới để xóa bỏ kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu và bao cấp đến từ nhân dân, từ cuộc sống. Quá trình này lên bờ xuống ruộng hàng chục năm, với nhiều tổn thất cay đắng. Song chỉ một khi đổi mới trở thành quyết định của đại hội VI, bởi vì áp lực này không thể cưỡng lại được nữa,   đổi mới đã thành công ngoạn mục.

Ai được gì, ai mất gì trong đổi mới vừa qua, đó là điều cả nước nên suy ngẫm, trước hết là ĐCSVN và các đảng viên. Có lẽ cũng nên đặt ra câu hỏi: Nếu không có đổi mới vừa qua, ĐCSVN hôm nay có còn không?..

          Bây giờ, với tính cách là đảng duy nhất nắm quyền, nếu ĐCSVN chủ động đứng ra đảm nhận vai trò quyết định trong cải cách chính trị, xin hỏi còn gì đáng mong muốn hơn cho đất nước chúng ta trong điều kiện hiện nay?

Trong một kịch bản như thế, cải cách hầu như chắc chắn thành công. Thử hỏi, qua đó vị thế của ĐCSVN trong xã hội Việt Nam cũng như trong cộng đồng thế giới rồi đây sẽ như thế nào? Một Việt Nam thông qua cải cách để phát triển và đứng vững được trên đôi chân của mình sẽ được thiên hạ rồi đây đối xử ra sao? Có phải quỵ lụy và leo dây như hiện nay không?..

Song chẳng lẽ chỉ vì quyền lực trong đảng muốn ĐCSVN độc quyền nắm quyền, nhân danh bảo vệ chế độ của đảng và con đường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng biến ĐCSVN thành trở lực số một của cải cách, thế là toàn thể đảng viên đành cam chịu, và cả đất nước này cũng đành cam chịu?.. Rồi tình trạng cam chịu như thế sẽ trụ được bao lâu?.. Tất cả các đảng viên cần thẳng thắn với câu hỏi này và có ý kiến của mình.

Như đã nói trên, trách nhiệm lịch sử, và cũng là nghĩa vụ ràng buộc phải trang trải nữa, đặt ĐCSVN vào vị thế phải chủ động nắm lấy vai trò quyết định trong sự nghiệp cải cách duy tân đất nước hiện nay. ĐCSVN hoàn toàn có thể làm được như vậy và thành công. Bởi vì ĐCSVN có bề dầy lịch sử và có lịch sử là người thầy luôn luôn cho đảng những bài học trung thực đáng học, lịch sử chứ không phải bất kỳ thứ chủ nghĩa nào. Cái gì chưa biết, lịch sử sẽ dậy. Cái gì quên, lịch sử nhắc nhở - mà lịch sử chẳng bao giờ quên điều gì. Nhưng trốn tránh lịch sử, sẽ phải trả giá. Nếu phản lại lịch sử, sớm muộn không tránh khỏi bị trừng phạt.

Nếu yêu nước, yêu dân, ĐCSVN nên coi việc nắm lấy vai trò quyết định này trong cải cách là cơ hội trả nợ ơn nghĩa sâu nặng của nhân dân, và qua đó tự đổi đời được chính mình.

Chữ tín các thế hệ tiền bối của đảng đã xây dựng nên nhưng thế hệ hiện nay hủy hoại, nắm lấy cơ hội này ĐCSVN hôm nay sẽ lấy lại được, sẽ làm lại được tất cả và tự mở ra cho mình con đường mãi mãi cùng đi với nhân dân.

Nếu ĐCSVN hôm nay không chủ động tiến hành cải cách, hoặc nếu không bằng mọi cách vận động được ĐCSVN hôm nay tham gia cải cách, khả năng cải cách trong hòa bình và ổn định hầu như không hiện thực. Đơn giản là quyền lực nếu không lựa chọn tự hành động trên con đường cải cách, nó chỉ còn lại khuynh hướng luôn luôn huy động bạo lực để tự vệ. Như thế xung đột xã hội chắc chắn xảy ra. Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ rất nhiều đau khổ cho đất nước, nghĩa là cái gì phải đến sẽ đến. Điều này càng làm rõ: Chủ động tiến hành cải cách là phương án tối ưu nhất cho đất nước và cho mọi bên hữu quan, trong đó thực hiện dân chủ để khép lại quá khứ theo tinh thần đoàn kết hòa giải dân tộc là chìa khóa.

Thảo luận công khai trong đảng và trong cả nước, chắc chắn lẽ phải sẽ thắng, làm nên cái được chung rất lớn cho cải cách, đồng thời giảm thiểu được cái giá phải trả của tất cả các bên hữu quan.

Vai trò quyết định ở đây dành cho ĐCSVN trước hết được hiểu là: Đảng dựa vào ý chí và nguyện vọng của nhân dân chủ xướng cải cách, huy động mọi trí tuệ và thúc đẩy mọi nỗ lực của nhân dân cả nước cho tiến hành cải cách, giữ gìn cho cải cách được tiến hành trong hòa bình, trật tự và ổn định. Thật ra nội dung này chính là những việc chính quyền của tổng thống Thein Sein – Myanmar kể từ khi lên cầm quyền đã và đang thực hiện trong một kế hoạch tổng thể, với các thời gian biểu được tính toán cẩn trọng cho từng bước đi nhỏ trong những lĩnh vực khác nhau.[3] Cũng phải nói thêm, dân trí và chất lượng áp lực đòi hỏi cải cách đến đâu, thành quả đạt được đến đấy, chẳng có cái gì được thiện chí cho không hoặc tự rụng xuống từ trên trời. Sự chủ động tiến hành cải cách của chính quyền Thein Sein đã kết thúc được trong hòa bình chế độ quân phiệt 20 năm đẫm máu ở Myanmar, đột phá được những bước cải cách đầu tiên ngoạn mục trên con đường trường chinh vạn dặm vì dân chủ và phát triển.

Một khi ĐCSVN dứt khoát khước từ vai trò quyết định lẽ ra cần nắm lấy này, đương nhiên đảng sẽ tự diễn biến mình từ đảng tiền phong chiến đấu (như ghi trong cương lĩnh) trở thành một lực lượng chính trị lớn nhất hiện nay độc quyền cai trị đất nước. Một khi đảng chỉ còn là một lực lượng chính trị như thế, hiện tượng này tự nó sẽ dấy lên trong xã hội những lực lượng đối kháng. Đảng đã chẳng từng dậy cho đảng viên của mình “có áp bức thì có đấu tranh chống áp bức” là gì!?

Thực tiễn cuộc sống hàng ngày cũng đang cho thấy: Vai trò lãnh đạo của đảng càng bị diễn biến và thay thế bằng cai trị bao nhiêu, thì quá trình phân hóa xã hội nước ta thành các lực lượng đối kháng khác nhau càng trở nên quyết liệt bấy nhiêu. Con đường dẫn tới các cuộc bể dâu vừa qua ở các nước Bắc Phi và một số nước khác chính là con đường đi qua cuộc sống hàng ngày như vậy đó. Cho nên, cải cách chính trị thật sự là con đường sống của đảng. Cứ đem ra thảo luận thẳng thắn trong đảng điều này, đúng sai sẽ vỡ nhẽ.

Hỏi: Đảng muốn cải cách lắm, nhưng vì sinh sôi nhiều dây mơ rễ má quá, đa mang đèo bòng nhiều quá, bây giờ có muốn cũng không làm nổi thì sao?

Đáp: Thì dân giúp đảng, giúp được đấy. Giúp cho đến khi thành công mới thôi. Kể từ khi thành lập năm 1930 dân đã chẳng bao phen cứu sống đảng là gì?! Chẳng những cứu, mà không dưới một lần còn đem xương máu mình ra bảo vệ nữa!.. Lần gần đây nhất dân cứu sống đảng là công cuộc đổi mới thời đại hội VI. Ngày nay, đảng còn muốn đi với dân, thì dân còn cứu được. Dựa vào dân, đảng cũng sẽ tự cải tạo được chính mình.

Hỏi: Giả định rằng dành cho vai trò quan trọng có ý nghĩa quyết định như thế trong tiến hành cải cách, nhưng nếu ĐCSVN hôm nay trước sau không muốn nhận, lần này quyết không nhận và chống lại thì làm sao?

Đáp: Hỏi như thế, cũng có nghĩa câu trả lời đã rõ ràng. Người Việt nào không thuộc câu nói của Nguyễn Trãi?



Lời kết: Công dã tràng?

           Đã bao nhiêu lần tôi nói, viết góp ý cho các đại hội đảng, nhưng công cốc, không bao giờ có hồi âm. Các bài viết khác, các thư riêng về vấn đề này vấn đề nọ cũng vậy. 

          Nhưng không sao. Nước Việt Nam chúng ta là của tất cả mọi người Việt Nam chúng ta, lo gì. Ai đó trong đảng không muốn nghe, không muốn đọc, thì người Việt Nam khác nghe, người Việt Nam khác đọc, trong đảng hoặc ngoài đảng. Lẽ phải cần phải được chia sẻ, kiểm định. Sự lựa chọn của tôi như đã trình bày trong bài này có thể đúng, có thể sai, có những điểm đúng, có những điểm sai…Thiết nghĩ trao đổi với nhau như thế, sẽ càng nhiều người quan tâm, suy nghĩ về vận mệnh của đất nước, chúng ta sẽ càng rộng đường dư luận... Như thế, các ý kiến sẽ ngày càng được gạn đục khơi trong, và càng trở nên đúng đắn hơn. Thời gian quý vô giá, mỗi ngày chúng ta cố trao đổi với nhau một thông tin, một ý kiến, chí ít là góp vào thôi thúc sự quan tâm đến vận mệnh đất nước… Được như thế, âu cũng là sự chuẩn bị thiết thực cho thái độ của chúng ta đối với những gì xảy ra, sẽ xảy ra. Nghĩ như vậy tôi không nản lòng, mà chỉ lo ý kiến của mình còn nghèo nàn.

          Tôi cố không nuối tiếc công dạ tràng.

Hà Nội ngày 25-02-2014

Bài 3 (kế tiếp): “Vượt qua khúc quanh của lịch sử

 

[1] viet-studies.info 12-02-2014, được bổ sung ngày 17-02-2014: http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_ChuTin.htm  và http://nguyentrung-vt.blogspot.com
[2] Cuốn sách đã dịch sang tiếng Việt  rất đáng tham khảo gần đây cho chủ đề này là cuốn“Vì sao các quốc gia thất bại – nguồn gốc của quyền lực, sự thịnh vượng và nghèo khó” của Daron Acemoglu và James A. Robinson, NXB TRẺ,  TPHCM 2013.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 5-4-14



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét