Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013


55 năm vết thương dân tộc
Cảm nghĩ nhân 55 năm ngày ký
Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương

Nguyễn Thị Kim Cúc


          Ngày 21-07-1954 Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được ký kết, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp hồi đó tại các nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

          Hơn một nửa thế kỷ đã qua, song còn biết bao nhiêu câu hỏi quên đi thì thôi, nếu nhớ đến lại quặn đau chín khúc ruột. Hơn nữa, cho đến ngày hôm nay, không phải bất kỳ một câu hỏi nào liên quan cũng đều tìm được câu trả lời.

Song tất cả những câu hỏi thắt ruột nói trên chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau đất nước bị chia cắt kể từ cái ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước 20-07-1956 không bao giờ đến! Lấy gì ước lượng, cân đong đo đếm, hay so sánh được cái giá dân tộc ta phải trả cho sự nghiệp thống nhất đất nước hôm nay?  

          Hãy cùng nhau cố nén lòng, cố giữ cho cái đầu nguội lạnh để ôn nhớ lại sự kiện 21-07-1954 một cách khái quát.

          Ngày nay có thể khẳng định việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 đối với ta là tất yếu, vì so sánh lực lượng không cho phép làm khác được, hơn nữa cuộc chiến tranh nào cũng phải kết thúc. Thiết nghĩ điều này là rõ ràng.

Những câu hỏi còn lại đến nay chưa có câu trả lời cuối cùng – và có lẽ sẽ khó hay không bao giờ có thể có câu trả lời cuối cùng –  đại thể là những câu hỏi liên quan đến vấn đề ta ký như vậy thiệt/hơn đến đâu so với thành quả kháng chiến chống Pháp? sức ép của các nước lớn đến đâu? sự đánh đổi lợi ích giữa các nước lớn với nhau trên cơ sở hy sinh các lợi ích của nước ta đi xa tới mức nào? nhìn nhận con đường cách mạng của nước ta? vân... vân...

Điều chắc chắn có thể khẳng định được là nước ta có bị sức ép của các nước lớn, có bị thiệt, có sự đánh đổi lợi ích giữa các nước lớn với nhau trên cơ sở xâm phạm những lợi ích của nước ta. Điều chắc chắn không kém là sức mạnh vật chất và sức mạnh trí tuệ của ta đến đâu thì ta giành được đến nấy, trên đời này chẳng có nước nào tặng thưởng hay cho không nước ta điều gì.  Lịch sử không sửa chữa được, nhưng thiết nghĩ bài học thua thiệt này dạy chúng ta nhiều bài học khác cho hiện tại và tương lai.

-  Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954 có phải là nguyên nhân chia cắt đất nước ta không?
-  Không phải vậy.

Có lẽ đúng hơn là Hiệp định này đánh dấu hay mở đầu quá trình chia cắt đất nước. Còn nguyên nhân đích thực chia cắt đất nước là mưu toan và những nỗ lực thuộc chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản, đã được triển khai từ năm 1950 – lúc đầu dưới dạng tiếp sức cho cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp với ý đồ sẵn sàng thay thế Pháp. Khi ký Hiệp định này thì Mỹ nắm lấy cơ hội thay thế Pháp hoàn toàn và chính thức tạo dựng sự có mặt của mình ở Miền Nam Việt Nam. Chính vì lý do này, Mỹ cho rằng không bị Hiệp nghị Giơ-ne-vơ ràng buộc vì không tham gia ký kết, đồng thời Mỹ ủng hộ chính quyền Bảo Đại và sau đó là chính quyền Sài Gòn bác bỏ tổng tuyển cử 20-07-1956. Ngày 1-1-1955 Mỹ cử nhóm cố vấn quân sự đầu tiên (MAAG) vào Sài Gòn.

Ngay sau khi kết thúc  300 ngày tập kết (chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp[1] tập trung về miền Nam) cuộc đàn áp diệt cộng của chính quyền Sài Gòn bắt đầu và ngày càng đẫm máu, sự có mặt về quân sự của Mỹ ngày càng leo thang. Tháng 5-1961 Mỹ đưa 400 huấn luyện viên quân sự đầu tiên, gọi là “lính mũ nồi xanh” vào miền Nam, đến cuối năm quân số của Mỹ đã lên tới 20.000. Ngày 02-08-1964 Mỹ tự gây ra sự kiện chiến hạm Maddox tại Vịnh Bắc Bộ để mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ra cả nước (tấn công miền Bắc bằng không quân). Năm 1968 cuộc chiến tranh này lên tới cao điểm, với sự tham chiến của 536.000 quân Mỹ, ngoài ra có sự tham gia của binh lính các nước Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan.

Như vậy, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ được khởi đầu bằng cuộc chiến tranh trên chiến tuyến Bắc – Nam, giữa cộng sản và chống cộng đối kháng nhau quyết liệt. Cuộc chiến tranh trong lòng dân tộc này đã xuyên xuốt, trở thành một bộ phận hữu cơ của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, kéo dài tới ngày 30-04-1975 khi giải phóng được Sài Gòn và hoàn thành việc thống nhất đất nước. 

Bối cảnh lịch sử quốc tế còn tạo ra trong lòng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược cuộc đụng đầu trực tiếp giữa phe xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa đế quốc với tất cả những rối rắm vô cùng phức tạp của nó. Và tất cả những yếu tố này đã làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước trở thành cao điểm nóng bỏng nhất suốt thời kỳ chiến tranh lạnh (1945 – 1991).

Chính các yếu tố vừa nêu trên là nguyên nhân dẫn đến sự chia cắt đất nước và khiến cho quá trình đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta kéo dài 21 năm, bắt đầu từ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954, với biết bao nhiêu máu và nước mắt khôn kể xiết.

Ai dám nói ngày nay vết thương đất nước chia cắt  đã hoàn toàn được hàn gắn? Ai dám nói sau 34 năm thống nhất đất nước mọi hậu quả của thời kỳ đất nước bị chia cắt đã được khắc phục? Ai dám nói đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc ở nước ta bây giờ không thành vấn đề nữa? Còn những gì đang cản trở tiếp tục đẩy mạnh quá trình hòa hợp, hòa giải dân tộc?..

Còn rất nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời, hầu như toàn là những câu hỏi vỡ đầu.

Song tất cả có lẽ chỉ làm tấy lên gay gắt hơn những câu hỏi của hôm nay:
-     Làm gì? Làm thế nào để mọi vết thương của thời kỳ lịch sử đầy máu và nước mắt này của dân tộc sớm hàn gắn hoàn toàn và vĩnh viễn không tái diễn?
-     Làm gì? Làm thế nào để lấy lại quãng thời gian lịch sử bị đánh mất này để đất nước ta sớm ra khỏi sự tụt hậu hôm nay so với bàn dân thiên hạ? - nhất là ngay bây giờ nguy cơ tụt hậu mới, nguy cơ bị lấn át lại đang lù lù thách thức nước ta một lần nữa!
-     Vân vân...

Trong khi tìm những câu trả lời, xin đừng quên một trong những bài học khác, có lẽ là bài học quan trọng nhất rất đáng rút ra từ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ 1954, đó là: Phải hiểu rõ thế giới chúng ta đang sống, sức mạnh vật chất và sức mạnh trí tuệ của ta đến đâu thì thành quả giành được đến đấy.  Trong thời đại ngày nay sức mạnh ấy bắt nguồn từ dân chủ và sáng tạo. Thực tế những thành công đạt được trong 23 năm đổi mới chứng minh điều này. Mặt khác, những thất bại vấp phải trong 23 năm đổi mới hầu như đều có nguyên do từ thiếu vắng dân chủ và sáng tạo.

Cam chịu tiếp tục tụt hậu và bị lấn át, hay hiểu rõ thế giới chúng ta đang sống, quyết tìm đường nhân lên sức mạnh vật chất và sức mạnh trí tuệ dân tộc ta đang có trong tay? – đó là câu hỏi mỗi người Việt Nam có lương tri hôm nay, không phân biệt trong nước hay ngoài nước, không phân biệt địa vị xã hội, phải trả lời trước chính mình và trước đất nước./.                                                                                      

Thiên Cầm, ngày 18-07-2009

 

[1] “Khối Liên hiệp Pháp” là một trong các bên ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, bao gồm (1) Pháp và (2)chính quyền Việt Nam do Pháp dựng lên, thời đó ta gọi là chính quyền bù nhìn.