Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Hoang tưởng và hiện thực
(Thư trao đổi ý kiến với anh Tống Văn Công,
đồng gởi anh Lữ Phương)

Nguyễn Trung

          Anh Tống Văn Công  và anh Lữ Phương thân mến,

          Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi nhận được món quà từ người bạn quý mến của mình, anh Tống Văn Công,  bằng một câu hỏi choang ngay vào đầu:

Lũ ! Sao không vỡ bờ?

          Hình như bằng cách đó, anh Công muốn cho tôi một câu trả lời?
Cũng có thể anh muốn san sẻ cho tôi niềm hy vọng của mình?


          Điều chắc chắn là trong các thư trao đổi giữa chúng ta - anh, anh Lữ Phương và tôi - cả ba chúng ta cùng chia sẻ một khát vọng chung của đông đảo các tầng lớp nhân dân sống ở trong nước cũng như của các cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài: Thông qua thay đổi hòa bình đưa đất nước thoát khỏi trạng thái nhiễu nhương tê liệt hiện nay, mở ra cho đất nước một thời kỳ phát triên mới. Khát vọng chung này đang ngày càng chín muồi trong suy nghĩ của nhiều người dân mọi tầng lớp xã hội khác nhau, đến một lúc nào đó sẽ có thể trở thành ý chí của tuyệt đại đa số nhân dân cả nước và bất khả kháng.

          Nuôi dưỡng khát vọng chung này, sẽ tiếp tục rất hao tâm khổ trí nhiều người về 2 vấn đề:

-         Làm sao hiểu thấu đáo nguồn gốc sâu xa của khát vọng chung này?
-         Con đường đi tới hòa giải dân tộc để mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước?

Trong thư ngày 27-12-2012 gửi cho tôi, anh Lữ Phương đưa ra ý kiến phải rốt ráo nhìn lại nguồn gốc sâu xa của hiện trạng đất nước từ mổ xẻ ý thức hệ được nhập cảng vào nước ta, và phải thay đổi hẳn tư duy để từng bước chuyển đất nước sang một thời kỳ phát triển mới, không thể trăm sự chỉ đơn thuần đổ lỗi lên đầu cái bệnh “tha hóa”. Anh Lữ Phương cho rằng tôi chưa thật dứt khóat như vậy, vẫn còn loay hoay và thiếu tự tin, còn lo là mình có thể quá viễn tưởng hay hoang tưởng. Anh Lữ Phương cho rằng tôi vẫn tư duy theo lối từ một đảng có thực hiện nay  đang nắm mọi quyền lực trong tay, mong sao bằng cách nào đó sẽ có được một loại đảng cứu đời

Những câu hỏi anh “choang” vào đầu tôi cũng búa tạ không kém. Anh hỏi:

-         Đành rằng để hòa giải thì phải thỏa hiệp, thỏa hiệp với cái gì?
-         Ai chịu trách nhiệm chính cho hòa giải?
-         Chỉ khép lại quá khứ là đủ mà không cần trang trải đúng/sai với nhau hay sao?
-        

Riêng về đi tìm cái nguyên nhân gốc gác dẫn đến thực trạng đất nước hôm nay – cái thực trạng đau đớn đang nung đốt nóng bỏng khát vọng chung của chúng ta – anh (Tống Văn Công) còn đưa chủ nghĩa thực dân như một can phạm vào thực trạng đất nước ta hôm nay ra hầu tòa…

Tôi xin được dành việc phân giải những vấn đề rất bức thiết nói trên của đất nước anh Lữ Phương nêu ra, cũng như việc trả lời những câu hỏi anh (Tống Văn Công) đặt ra ở đây cho sự thảo luận rộng rãi của dư luận cả nước, để mỗi chúng ta sẽ được sáng ra nhiều điều, nhất là về lối ra và  về con đường đưa khát vọng chung  trở thành hiện thực. Việc là việc của cả quốc gia, cả dân tộc, nên tôi rất thiết tha được nghe ý kiến của  mọi người dân mình.  



I.                  Chém cha cái loay hoay!..

Về phần mình, với tầm nhìn có hạn, tôi đã qua các nhân vật trong Lũ ở các tuyến/diện khác nhau cố nói lên suy nghĩ của mình, có thể đúng, có thể sai, nhưng đấy là những điều tôi cố cân nhắc thiệt/hơn, phải/trái về những vấn đề đặt ra cho đất nước mà tôi đụng tới được trong Lũ. Có thể nói tôi đã cố “đụng chạm” đến những vấn đề ở mức tôi có thể với tới được, nghĩa là ở mức cái gan, cái chí của mình dám với tới. Tôi thừa nhận cái gan này, cái chí này của mình còn bé lắm, chỉ khoảng hai hay ba phần trăm so với những gì trên đời này tôi đã nhìn thấy được, đã nghĩ tới được, mà  lẽ ra tôi phải dám tìm cách với tới tất cả[1]. Tôi thừa nhận mình vẫn còn nhút nhát. Đương nhiên, những điều mà con mắt và trí tuệ của mình chưa nhìn ra được thì không nói ở đây làm gì… – Và có lẽ những cái “không thấy được” ấy mới là cái phần chìm của tảng băng và là đối tượng của việc nghiên cứu.

Thẳng thắn: Tôi chưa thực sự vượt qua hẳn được nỗi sợ của mình, sợ bị đánh lén một phần, nhưng phần lớn hơn là sợ mọi vấn đề phải đưa ra khó quá, thông tin thì tù mù giả - thật, trí tuệ mình lại có hạn, các vấn đề tôi muốn nói tới thì quá nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến vận mệnh sống còn của đất nước, không thể lỡ mồm lỡ miệng được… Tôi luôn luôn cánh cánh mối lo chắc gì mình đã nắm được thật đúng mạch sự việc… Trong đầu lúc nào lửa cũng đùng đùng, nhưng khi viết ra tôi dứt khoát giữ một ý thức nói ra không phải là để cho hả dạ, mà là để tham gia vào việc cùng nhau đi tìm lẽ phải, phân giải thiệt/hơn với nhau trong nhân dân - bao gồm cả những đảng viên ĐCSVN – để đi tới sự thật. Tôi phải thường xuyên tự động viên mình: Thôi được, biết là mình hãy còn sợ như thế, thì sẽ có cách tiếp tục đẩy lùi dần nỗi sợ...

Từ khá lâu rồi, quá nhiều sự việc trên thế giới đập vào mắt tôi trên suốt đường đời của mình làm nghề ngoại giao, rồi đến khi hàng ngày tôi chìm ngập vào các sự việc xẩy ra ngổn ngang trong cuộc sống đất nước kể từ khi có hòa bình, độc lập, thống nhất...  đã giúp tôi vượt qua được nỗi sợ  lâu nay vẫn che chắn tầm nhìn của mình, bứt tôi ra được khỏi cái “kiên định lập trường”, tôi nói thực, điều này không dễ đối với tôi. Đấy chính là động lực thôi thúc tôi bắt tay vào viết Dòng đời: Phải nhìn lại tất cả, để đi tới hòa giải dân tộc mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong truyện, Dòng đời cũng kết thúc với kết luận như vậy.

Những năm dằn vặt với chữ nghĩa cho bản thảo của Dòng đời, tôi luôn luôn đụng phải một thôi thúc, có lẽ như một mệnh lệnh từ trái tim mình, từ khao khát của mình: Phải làm lại từ đầu!..  Vì đã trải qua tất cả những gì phải trải qua trong cả 4 cuộc chiến tranh và mấy chục năm xây dựng đất nước trong hòa bình, đã bước vào chặng cuối con đường đời của mình rồi, cho nên ở chặng đường này, mỗi khi phải tự nói với chính mình “Phải làm lại từ đầu!” như thế, tôi đau nhói như tim mình bị đâm nát…

Từ cái nhận thức do mệnh lệnh “Phải làm lại từ đầu!” dẫn dắt, nên khi viết xong dòng chữ cuối cùng trong Dòng đời, tôi đã vạch ngay cho mình bước đi tiếp: Lối ra như thế nào? Đấy là câu hỏi mà tôi muốn tìm câu trả lời trong “”.

Cũng phải nói thẳng, tôi không nghĩ là tôi đã chiến thắng được mình dứt khoát như thế đối với nỗi sợ trong khi tôi nghĩ về lối ra của đất nước, mặc dù trước sau tôi đinh ninh đất nước chúng ta nhất thiết phải đi qua cửa ải: Cải cách chính trị tạo dựng nên một thể chế dân chủ thực hiện được hòa giải dân tộc để mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Nếu không như thế, thì là thảm họa – trong thâm tâm, không bao giờ tôi chấp nhận để cho đất nước mình một lần nữa lại phải gánh chịu thảm họa như đã xảy ra trong 4 cuộc chiến tranh đẫm máu liên tiếp suốt 3 thế hệ vừa qua chống lại bạo lực nước ngoài!..

Nỗi sợ tôi chưa chiến thắng được này có lý do rất đơn giản: Cuộc sống trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước thì muôn vẻ muôn phần, có quá nhiều cái mới mình chưa biết,  nhưng về cả mặt hiểu biết và sức nghĩ của mình tôi lại chỉ là một hạt bụi. Suy nghĩ về lối ra, tôi vấp ngã không biết bao nhiêu lần trước câu hỏi: Làm thế nào?  Xem ra, cái câu hỏi “Was tun?”[2] chưa khó bằng!

Trong một số bài viết, và qua cả một số nhân vật trong Lũ, tôi đã không giấu diếm sư loay hoay này của mình, đôi lúc thiếu tự tin đến mức cho là mình có thể còn ảo tưởng, hay hoang tưởng khi nghĩ rằng chỉ có một lối ra như thế… Bởi vì tôi muốn đứng trên mặt đất để tìm cách trả lời câu hỏi Làm thế nào? Tôi cố đi thật nhiều nơi tôi có thể đến được, trên Tây Nguyên, trong các làng hẻo lánh, nơi đô thị, trường học, xí nghiệp… Tôi cố mở to mắt nhìn tất cả… Chứ không muốn ngồi nhâm nhi bên tách cà-phê, rồi thả hồn tự do cho sự tưởng tượng. Tôi luôn luôn tự răn mình: Không bao giờ được phép đối sử với đất nước như trong y học người ta đối sử với con chuột bạch để thử nghiểm mọi ý tưởng! Quả thực, đi như thế tìm tòi được nhiều điều, nhưng lại loay hoay thêm nhiều điều -  vì lời giải vẫn ở phía trước.

 Sự loay hoay ấy chính là sự đánh vật trong tôi: Đối thoại giữa tướng Lê Hải và đại tá Phạm Trung Nghĩa  (trong Lũ, tập II, chương 23); đối thoại giữa một bên là đại diện doanh nhân và trí thức và một bên là đại diện những người cầm quyền  (Lũ, tập II chương 27); đối thoại giữa lẽ phải và quyền lực, giữa cái ác và cái thiện, giữa cái khao khát về chân - thiện - mỹ và cái dục vọng thấp kém, giữa cái đạo lý sống và sự hèn kém của con người trong một xã hội bị “đảng hóa” nghiêm trọng… trong suốt toàn bộ “Lũ”… Có lẽ đặt tên mới của “” là “Loay hoay” cũng không sai. Không phải vì tôi cố tình để ngỏ mọi vấn đề, mà sự thực là cuộc sống đất nước chúng ta đang có rất nhiều vấn đề nóng bỏng còn để ngỏ, đang chờ đợi trí tuệ và ý chí cả nước.

Loay hoay như thế, tôi nhồi nhét tất cả những gì làm tôi ray rứt vào truyện, thiếu quan tâm đến sự vất vả của người đọc – cho phép tôi chỗ này có một lời xin lỗi đã làm mệt bạn đọc. Sự nhồi nhét như thế cùng với cách viết văn của một người không có tay nghề văn học, nên – như anh Lữ Phương đã nhận xét rất đúng và tôi cũng thừa nhận: Truyện không phải là truyện, mà chỉ là người mang tải bất đắc dỹ những thông tin, những tín hiệu, những băn khoăn, những lời nhắn khô khan hay nhức nhối… tôi muốn chia sẻ với người đọc. Vì thế,  “Lũ” không  “vẽ” ra cái gì, không dựng nên mô hình nào cả, cũng không chuẩn bị một món ăn sẵn đề mời mọc. “” chỉ đặt lên bàn một mớ rắm rối bòng bong những điều đang làm tôi ray rứt và cầu mong mọi người lên tiếng – đại diện cho cái mớ bong bong này là bản “Di chúc của một người lính” trong [3]  - với mong muốn kêu gọi sự lên tiếng của cả nước giục giã nhau tìm lối ra.

 Điều mà tôi mãi đến về cuối đời mình mới học được là: Trên đời này chẳng có chủ nghĩa nào hay cuộc cách mạng nào, cũng chẳng có công nghiệp hóa – hiện đại hóa nào có thể lôi dắt đất nước chúng ta ra khỏi quá khứ gian truân dằng dặc gần hai thế kỷ vừa qua và của 7 thập kỷ qua để đi tới hạnh phúc - văn minh, mà chỉ có con đường của tự do dân chủ để phát triển. Thế thì, chỉ còn con đường cải cách thể chế chính trị, để thường xuyên thay đổi từng bước, và để liên tục vươn lên cái đúng, cái tốt!..

Nhưng: Làm thế nào?

Làm thế nào? - trên mảnh đất thực tại của nước ta còn hằn đầy những dấu ấn của chặng đường dài quá nhiều đau buồn gần hai thế kỷ vừa qua, của chặng đường đầy khói lửa và nước mắt gần 7 thập kỷ vừa qua, và… những dấu ấn còn nguyên vẹn của chặng đường có không biết bao nhiêu được/mất, phải/trái, đúng/sai của đất nước trong 37 năm đầu tiên là một quốc gia độc lập thống nhất?

Còn hơn thế: Làm thế nào? – với tâm lý xã hội “tiểu nhược quốc”, “tiểu nông”… như một di sản văn hóa tiêu cực ngấm sâu vào nếp nghĩ trong hầu hết các tầng lớp nhân dân, thâm căn cố đế từ bao đời nay, tạo ra không biết bao nhiêu trở lực vô hình không dễ vượt qua cho sự nghiệp canh tân đất nước! Xin phép nói bỗ bã: So với thiên hạ nhân dân ta còn nhiều cái dốt, nhiều cái hư và nhiều cái hèn lắm; cái đoàn kết hòa giải với nhau và vì nhau trong thời bình còn kém lắm, đã thế lại hay “sỹ” và hay nhỏ nhen đố kỵ nhau... Dù đau lòng thế nào đi nữa, chúng ta vẫn cứ phải nói với nhau người Việt chúng ta vẫn còn không ít cái kém văn minh… - nghĩa là hòa giải ngay giữa người Việt chúng ta cũng không phải là chuyện dễ!.. … Những “bệnh” này đang trầm trọng lên vì sự bưng bít, vì chính sách ngu dân… và nhất là vì sự nuôi dưỡng cái dối trá và nhiều giá trị thấp kém khác – bao gồm từ  việc hệ thống chính trị làm những việc không văn mình và thực thi các biện pháp trấn áp thẳng tay tự do tư duy, đi đôi với sự bơm thổi lên những  niềm tự hào xáo rỗng  - vì chỉ có một nội dung duy nhất là nhâm nhi cái vinh quang đã có trong quá khứ, cố được tô vẽ cho đẹp thêm..; reo rắc cái bệnh “tự sướng” là tìm ra những cái để mình tự khen - nào là “nhất thế giới”, nào là “nhất Đông Nam Á”..; và đánh lạc hướng dân trong không biết bao nhiêu hoạt động xin tạm đặt cho cái tên chung là phản văn hóa, không có văn hóa… đang diễn ra hàng ngày… Sự mất lòng tin của dân vào chế độ chính trị hiện nay, tình trạng thiếu thông tin, mất phương hướng… cũng làm trầm trọng thêm không kém những “bệnh” này; cái chủ nghĩa makeno – sống chết mặc bay – đang làm xã hội rệu rã kinh khủng!..

Vâng, phải làm thế nào ? – với thực tại của nước ta trong bối cảnh của một thế giới ngày nay đang bước vào một thời kỳ vận động khác hẳn so với trước? Nhất là đừng một lần nữa bỏ lỡ thời cơ: chưa bao giờ nước ta có nhiều đồng minh tự nhiên như ngày nay để có thể cùng dấn bước với cả thế giới tiến bộ!

Phải làm thế nào? – trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đang tìm mọi cách đưa Trung Quốc lên vị trí siêu cường, đang là vấn đề của cả thế giới, mà Việt Nam ta - do sát nách Trung Quốc về địa lý - nên cả về địa  kinh tế cũng như địa chính trị hiện nay trở thành chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên mà Trung Quốc trên con đường vươn lên siêu cường đang tìm mọi cách khuất phục…

Nói ra sự loay hoay này, tôi không muốn làm khát vọng chung nhụt đi. Tôi chỉ muốn cảnh báo: phải có trí tuệ và ý chí nhiều hơn nữa. Như thế này chưa đủ! Chỉ bức xúc không thôi chưa đủ. Chỉ bắt chước không thôi cái hay cái tốt của thiên hạ, cũng chưa đủ - mà đất nước ta đã không biết bao phen ngã vỡ mặt vì bắt chước rồi!.. Phải đứng trên mảnh đất của nước ta để tìm cách giải quyết những vấn đề của ta… Muốn thế,  phải học nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn, và kiên gan hơn nữa…

Viết đến đây, tôi nhớ đến lời răn đầu tiên của Phật: Kẻ thù của ta là chính ta!

Vâng, phải trí tuệ và kiên gan hơn nữa, để trước hết phải chiến thắng được chính mình, trước tiên là chiến thắng “cái tiểu nhân và thói đố kỵ” trong chính mình, phải ra sức giành lại nhiều chỗ hơn nữa trong tim mình cho lòng bao dung và tinh thần hiệp sỹ, phải dám xả thân vì cái tốt, dám tìm ra con đường đúng là của mình, giải quyết những vấn của chính nước mình!.. Vài dòng chữ vỏn vẹn thế này thôi, nhưng làm được như thế khó lắm! Trước tôi không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu người đã nghĩ, đã khuyên như thế này, thế nhưng mỗi chúng ta hôm nay xin tự hỏi mình: Ta đã thắng được chính ta bao nhiêu?

Không thể nói khác: Chúng ta học vẫn chưa đủ!

Bởi vì cải cách là con đường đấu tranh không dùng bạo lực, gian khổ hơn nhiều, đòi hỏi nhiều trí tuệ và dũng cảm hơn… Như thế còn có nghĩa phải có sức thuyết phục cao, phải sẵn sàng đương đầu với đàn áp thô bạo, khó tránh khỏi đổ máu, vân vân… Song cái khó lớn nhất của cải cách chính trị lại là làm sao tạo ra được sự đồng thuận có trí tuệ cao của toàn xã hội, để giải quyết những vấn đề rất khó, rất sống còn, gần như chưa có tiền lệ ở nước ta. Mỗi người không tự chiến thắng được mình trước, làm sao đất nước có được sự đồng thuận đáng mong muốn này!?


Để khỏi nói chay với nhau, tôi xin nêu thử một ví dụ: Cải cách để có một thể chế chính trị ở nước ta như thế nào sát nách cái siêu cường Đại Hán đang lên?

Trung Quốc có thể đặt điều: Cải cách trở thành một quốc gia có chế độ dân chủ như thế, rõ ràng Việt Nam hưởng ứng cái trục xoay chiến lược trở lại Á trong chính sách đối ngoại Obama-Clinton, đi với Mỹ để chống Trung Quốc, vì thế lại cần phải cho Việt Nam một bài học – có thể kiểu tháng 2-1979 hoặc toàn diện và quyết liệt hơn! Mặc dù trong bụng Trung Quốc thừa biết Việt Nam không bao giờ ngu dại gì chơi trò đi với một bên chống một bên.

Trung Quốc cũng quá hiểu, có một thể chế chính trị dân chủ trên đất Việt Nam sát nách Trung Quốc như thế, sẽ có nhiều ảnh hưởng lôi thôi rất khó chịu đối với nội trị Trung Quốc vốn dĩ hiện nay đang không ít chuyện đau đầu. Dân chủ đang là gót chân Ashilles của Trung Quốc.

Ví dụ này không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà là một kết luận  được rút ra từ những lời nói và hành động có liên quan của Trung Quốc trong toàn bộ lịch sử quan hệ CHXHCNVN – CHNDTH. Vả lại, cho đến nay, chưa một ngày nào Trung Quốc thôi dùng các thủ đoạn “cứng” hoặc “mềm” để giữ bằng được Việt Nam ta trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc; khỏi phải nói sự can thiệp của “quyền lực mềm” Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay là khá sâu, có những lúc đã thành công vô cùng tai hại cho nước ta – như Hội nghị Thành Đô 1990 tôi đã có dịp điểm qua trong một bài viết trước đây[4].

Vậy ta phải đành bó tay, không dám làm cái việc của ta phải làm cho nước ta?

Nhưng có một câu hỏi khác: Một Việt Nam èo uột như hiện nay, hay một Việt Nam phát triển của ý chí dân tộc và dân chủ có thể đứng tốt hơn với tư cách là một láng giềng hòa bình và được tôn trọng bên cạnh siêu cường đang lên Trung Quốc? Chưa nói đến thực tế phũ phàng trước mắt: Nước ta trì trệ thêm một ngày, sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới siêu cường Đại Hán áp lên nước ta nặng thêm một ngày.

Lại một câu hỏi khác chen vào: Làm sao có một Việt Nam phát triển như thế, nếu chính quốc gia này – hoặc là (1)nhân dân, hoặc là (2)quyền lực đang ngự trị quốc gia này, hoặc là cả hai thực thể này  – không  lựa chọn, không có khả năng lựa chọn, hay không dám lựa chọn một cuộc cải cách chính trị có ý nghĩa bước ngoặt như thế? Hoặc là trong 2 thứ chủ thể (1, 2) của Việt Nam như thế, một bên “pro”, một bên “con”; hoặc là trong mỗi chủ thể ấy đều có cả “pro” và “con” với các tỷ lệ khác nhau; làm thế nào để “pro” mạnh hơn “con”, rồi thuyết thục được “con”?... Hay là chẳng lẽ … chỉ còn mỗi cách: Một bên loại bỏ một bên, để rồi sau đó lần mò tiếp trong đổ vỡ tìm đường đi tới cải cách thể chế chính trị vậy?.. Nghĩa là bất lực chịu rơi vào một cuộc bể dâu  mới, rồi mới dần dần tỉnh ra lần mò con đường cải cách!?.. Ôi, cái bản lĩnh của dân tộc Viêt Nam ta để ở đâu?!..

Tôi xin dành những câu trả lời cho mỗi người Việt Nam chúng ta – dù là ai. Chỉ xin được phép lưu ý: Theo tôi,  không một người Việt Nam nào – kể cả hơn ba triệu đảng viên ĐCSVN – có thể cho mình cái quyền lẩn tránh những câu hỏi nêu trên và im lặng. Đất nước này là của mỗi người Việt Nam chúng ta mà! Chúng ta là chủ mà!

Về phần mình, tôi đã trình làng câu trả lời của mình – trong đối thoại giữa dại diện doanh nhân và trí thức và đại diện những người cầm quyền (Lũ, tập II, chương 27). Tôi không trốn tránh nghĩa vụ của mình. Còn đúng sai thế nào, xin tùy nhân dân và cuộc sống xem xét, lựa chọn.

Đến đây, chắc anh Lữ Phương và anh Tống Văn Công có thể hình dung ra sự loay hoay trong tôi. Không thể diễn đạt hết thành lời được đâu.

Đối mặt với thực tế như thế, trong tôi không loay hoay sao được? Song như đã trình bầy, tôi không bàn chùn, mà chỉ muốn làm sao đi tới tận cùng sự phức tạp của vấn đề, với tất cả thận trọng của mình, để có những ý kiến, kiến nghị xác đáng, cho những cuộc thảo luận rất đáng có lúc này... Chí ít nêu ra như thế để mời mọi người suy nghĩ…  

Mà cuộc sống của đất nước chúng ta còn nhiều vấn đề nội trị, kinh tế, ngoại giao khác khó khăn không kém vấn đề quan hệ Việt – Trung…

Làm thế nào để vừa mở ra một cuộc cải cách vỹ đại toàn bộ cuộc sống mọi mặt của đất nước, song song với từng bước đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài hiện nay, đồng thời bảo vệ biển đảo và chủ quyền đất nước và phát huy vị thế đối ngoại của nước mình? Ba nhiệm vụ lớn này phải làm đồng bộ và cùng một lúc, cùng hỗ trợ lẫn nhau; một nhiệm vụ lớn thất bại thì hai nhiệm vu kia không thể thành công, và đều dẫn tới hệ lụy chung: Sụp đổ.

Nhưng tiến hành ba nhiệm vụ này với một đảng và một hệ thống chính trị như hiện nay? Với lòng dân phân tán và bị bưng bít đến mức nguy hiểm như thế này?

Công cuộc đổi mới bắt đầu từ dân và sự chấp thuận ở mức độ nhất định của đảng và hệ thống chính trị, đã tạo được bước phát triển đầu tiên đất nước phải có, đây là việc đã làm được. Đó  thực sự là cả một quá trình “học”, gần như là từ ABC về kinh tế, chính tôi cũng đã phải học như thế rồi mới ngộ ra, chuyện “đắt/rẻ” bàn sau.

Bây giờ cải cách bắt đầu từ đâu? Tốt nhất vẫn phải bắt đầu từ học[5], tôi nghĩ thế.

Nghĩ mãi rồi, tôi vẫn chỉ thấy cải cách chính trị thực hiện dân chủ và các quyền tự do của nhân dân, để từ đó có hòa giải giải phóng sức mạnh dân tộc là chìa khóa. Góp ý trước khi họp Đại hội XI của ĐCSVN, một lần nữa tôi lại nêu quan điểm này…

Song tạo ra cái chìa khóa này như thế nào?..

Đến đây, không biết, với những gì tôi viết ra trong các bài, trong .., đã nêu được rành rọt nội dung toàn câu chuyện là như thế chưa?! Phần nỗi sợ tôi chưa vượt qua được chính là chỗ này, tôi muốn san sẻ để làm vơi bớt nỗi sợ này trong chính mình. Phần còn thiếu tự tin chính là chỗ này… Không ít lời quở trách gay gắt từ bạn bè đồng niên, đồng song, chí cốt: Nhà đã mục nát đến thế này thì để cho nó sụp quách đi làm lại, cứ ngu trung mãi làm gì để kéo dài cái khổ của dân của nước!?.. Vài nhân vật trong cũng nói toạc ra như thế.

Tôi phân vân: Cái chìa khóa phải có này là hoang tưởng hay hiện thực? Loay hoay chính là chỗ này! Còn không ít những cái loay hoay khác, tất thảy đều liên quan đến cái chìa khóa này là hoang tưởng hay hiện thực?!..Nhưng không thể vì thế mà đứng lại được, tôi phải đi tiếp.

Tôi mong được chi viện những kiến giải.

Trong những ngày vừa qua, tiếng nói của nhân dân ủng hộ kiến nghị của 72 nhân sỹ, trí thức ngày 19-01-2013 về xây dựng Hiến pháp mới ngày càng nhiều. Sự việc lan tỏa nhanh, rộng rãi và có chiều sâu, hứa hẹn một phương hướng ngày càng rõ hơn con đường đất nước trước sau sẽ phải đi, không thể khác được! Những tiếng nói ấy, xu thế ấy đang thôi thúc cả nước suy nghĩ tiếp. Đây là điều cổ vũ lớn đối với tôi. Trước đó câu chuyện Myanmar cũng đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Để xem những người nắm giữ trong tay quyền lực cai quản đất nước sẽ ứng xử thế nào chung quanh việc sửa đổi Hiến pháp lần này và việc dân kiến nghị về Hiến pháp mới; chắc chắn sẽ chẳng có gì nhiều đáng để phán đoán... Song tiếng nói của nhân dân ngày càng có nhiều hàm lượng trí tuệ và đồng thanh về một hướng. Tiếng nói ấy ngày càng không thể làm ngơ được.



II.               Hòa giải dân tộc – một giá trị cơ bản bị cướp mất
  

Hòa giải dân tộc bị nhiều thứ và chiến tranh cướp đi, đến nay chưa khôi phục lại được. Tôi muốn bắt đầu câu chuyện này bằng nhìn lại lịch sử, mong từ đó tìm ra đôi điều.

Cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ do ĐCSVN lãnh đạo là 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược, giải phóng dân tộc, với kết quả có được đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất như hôm nay. Lịch sử là như vậy.

Anh (Tống Văn Công) đã dựa vào lịch sử đưa chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mỹ hồi ấy ra là can phạm, sau đó là chủ mưu cho việc mở đầu và thực hiện việc chia cắt Việt Nam ngay từ thời kháng chiến chống Pháp.

Tôi chỉ  xin bổ sung:  Việc chia cắt Việt Nam do Mỹ hoàn thiện, và từ đây, miền Nam Việt Nam được cả thế giới phương Tây đối xử là một quốc gia về mọi mặt: Việt Nam Cộng Hòa. Lịch sử là như thế.

Việc miền Nam Việt Nam trở thành một thực thể quốc gia như thế là một thực tế, cho dù với bất kể quan điểm chính trị nào muốn nhìn nhận thực thể này là sản phẩm của chủ nghĩa thực dân mới, là tay sai của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, hay là gì gì đi nữa…  

Trong quá trình trở thành một thực thể quốc gia như thế, Việt Nam Cộng Hòa từng bước và cùng với thời gian có những phát triển tự nó và có những cái riêng của chính nó với tính cách là một quốc gia trong một thế giới như những người công sản chúng tôi hồi ấy gọi là “thế giới hai phe, bốn mâu thuẫn[6]

Nếu có gì phải nói thêm trong câu chuyện chia cắt Việt Nam, có lẽ nên tìm hiểu thêm vai trò dính líu của Trung Quốc trong Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương và thái độ của Trung Quốc sau này trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam.

Ngoài những nguyên nhân từ bên ngoài chia cắt Việt Nam, đã đến lúc phải phân tích rạch ròi những nguyên nhân tự nội tại nước ta làm sâu sắc thêm việc chia cắt này. Cái gì cũng đỗ lỗi tuột luột cho đối phương – kể cả giữa hai bên Việt Nam ta với nhau cũng thế - e là vẫn sẽ chỉ nhìn sự việc bằng nửa mắt. Xới lên như thế chỉ để có cơ sở thảo luận tiếp trong bài này cho vấn đề hòa giải dân tộc. Vấn đề sử, xin dành cho các sử gia trong những dịp khác.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược để lại nhiều vấn đề lớn nghiêm trọng nhất phải xử lý cho việc thực hiện hòa giải dân tộc.

Đất nước ta không thể lựa chọn được bối cảnh lịch sử khi nổ ra ở nước ta cuộc Cách mạng Tháng Tám xóa bỏ chế độ thuộc địa của dân Pháp để giành độc lập: Đó là Chiến tranh thế giới II kết thúc và đồng thời cũng là sự mở đầu sự đối kháng quyết liệt giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cộng sản, giữa chủ nghĩa đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở phạm vi toàn thế giới.

Chiến tranh thế giới II kết thúc chính là sự mở đầu thời kỳ chiến tranh lạnh rất quyết liệt ở quy mô thoàn cầu, với nhiều cuộc chiến tranh nóng cục bộ xảy ra ở nhiều nới trên thế giới trong phần lớn nửa sau của thế kỷ 20 – mà thực chất bên trong những cuộc chiến tranh nóng cục bộ này - dù đặm nhạt khác nhau thế nào, chủ yếu vẫn là sự đối đầu trực tiếp với nhau của 3 nước lớn nhất thế giới: Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc. Bên trên tôi đã nói nhiều thứ  (với nghĩa là những tác động chi phối của bối cảnh thế giới vào các quốc gia) và chiến tranh đã cướp đi của chúng ta hòa giải dân tộc là vì những lẽ như vậy.

Xem xét với cách nhìn nư thế:

1.     Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta – kể cả trong lòng Miền Nam Việt Nam – trước hết là cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.
2.     Nhưng trong cái thế giới 2 phe 4 mâu thuẫn hồi ấy, đây còn là cuộc chiến tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc. VNDCCH và sau này là CHXHCNVN đã từng nhận về mình vai trò tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, còn VNCH tự đảm nhiệm vai trò của mình là tuyến đầu chống cộng trên thế giới. (Thắng/thua là chuyện khác, còn nói về quyết liệt theo ý thức hệ thật khó nói miền Bắc hay miền Nam ai quyết liệt hơn ai).
3.     Cuộc chiến tranh nóng cục bộ với tính cách là một bộ phận của chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ trên đất Việt Nam.
4.     Cuộc chiến tranh nóng cục bộ giữa Trung Quốc và Mỹ với mục đích ngăn cản không cho Mỹ đến sát Trung Quốc. Xin đừng quên, vì mục đích này Trung Quốc đã chủ động phát động cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 và thất bại. Trong chiến tranh Việt Nam, tọa sơn quan hổ đấu, quyết đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng… ra đời từ tư duy chính thống của Trung Quốc.
5.     Cuộc chiến tranh tranh giành ảnh hưởng thống soái giữa Liên Xô và Trung Quốc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và trong phong trào độc lập dân tộc xảy ra trên đất Việt Nam.
6.     Cuộc chiến tranh đại diện cho phong trào độc lập dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc.
7.     Và cho đến nay điều quyết liệt nhất và còn cấm kỵ nghiêm khắc nhất không dám nói đến: Đây còn là một cuộc nội chiến trong lòng Việt Nam, hình thành từ việc đất nước bị chia cắt như đã điểm ra bên trên. Đây cũng là điểm mấu chốt nhất so với mọi nguyên nhân khác cướp đi sự hòa giải dân tộc của nước ta.[7]

Nhìn lại sử, tôi muốn nhìn như vậy.

Bản chất cuộc kháng chiến của Việt Nam chống Mỹ xâm lược chứa trong lòng nó 7 cuộc chiến tranh như vậy, lẽ đương nhiên khi kết thúc, ĐCSVN với tính cách là người chiến thắng phải là người chủ động giải quyết mọi hệ quả của cả 7 cuộc chiến tranh như vậy sao cho có lợi nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước sau khi quốc gia đã hoàn thành được sự nghiệp độc lập thống nhất. Nhìn lại lịch sử để học, thì nên rút ra kết luận như thế.

Nhưng sau 30-04-1975 mọi việc đã không diễn ra như thế.

Trong một số bài viết và trong , tôi trình bầy: ĐCSVN, với tính cách là người chiến thắng, sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ĐCSVN nợ đất nước 2 nhiệm vụ lịch sử:

-         Xây dựng nên một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước từ nay và mãi mãi về sau.
-         Thực hiện hòa giải dân tộc để thực hiện thống nhất dân tộc, tất cả cho giải phóng sức mạnh dân tộc vì một Việt Nam trong thế giới hôm nay và mai sau.

Cả hai món nợ lịch sử này đối với dân tộc, đối với đất nước, đến hôm nay ĐCSVN vẫn chưa trang trải được.

Vì phải thoát khỏi quá khứ và những hệ lụy của chiến tranh sau khi hết thúc, hai món nợ, hay là hai nhiệm vụ lịch sử phải làm này gắn bó hữu cơ với nhau đến mức: nhiệm vụ này là điều kiện tồn tại và phát triển của nhiệm vụ kia.

Xin cứ ngẫm mà xem, có phải như thế không?[8].

Đến đây, xin bàn thẳng vào vấn đề hòa giải dân tôc, những vấn đề khác xin gác lại cho những dịp sau này.

-         Hòa giải dân tộc là một nhiệm vụ lịch sử hệ trọng không thể thiếu và đến bây giờ vẫn còn nợ lại chưa làm được, một vấn đề trọng đại có nội dung đang tiếp tục phát triển và đồng hành với sự diễn biến của đất nước, càng để chậm càng khó, càng phức tạp.

-         Hòa giải dân tộc không phải là một vấn đề có nội dung cố định, càng không phải chỉ là một vấn đề của quá khứ, mà là một vấn đề đang ngày càng nóng bỏng đối với đất nước ta hiện tại và trong tương lai.

-         Không thực hiện được hòa giải dân tộc, cũng không có thống nhất dân tộc, đất nước sẽ không thể thiết lập nên được một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ; độc lập thống nhất đất nước đã giành được sẽ tiếp tục bị uy hiếp từ bên ngoài.

-         Không có hòa giải dân tộc để làm được những công việc như thế, con đường đi lên một Việt Nam phát triển có độc lập – tự do – hạnh phúc sẽ có nhiều rào cản không vượt qua được. Hòa giải dân tộc chính là bước đầu tiên đưa đất nước đi lên con đường dân tộc và dân chủ để phát triển, là một trong những giá trị quan trọng thường xuyên và mãi mãi đổi mới dân tộc Việt Nam ta.

 Để cho bài này đỡ dài, xin mời mọi người tự lý giải xem có phải như vậy không.

Dưới đây tôi xin điểm ra một vài khía cạnh để minh họa.

Hòa giải dân tộc, lúc đầu đúng chỉ là vấn đề Bắc – Nam trong lòng đất nước, và là vấn đề giữa trong nước và  cộng đồng người Việt ta di tản ra nước ngoài. Những vấn đề này bao hàm nhiều nguyên nhân sâu xa, song chủ yếu vẫn là những nguyên nhân từ các ý thức hệ, hậu quả chiến tranh chỉ là một phần. Xin nêu một ví dụ đơn giản còn thời sự đến hôm nay, và đây chỉ là một thôi:

-         Nếu bây giờ vẫn cứ khăng khăng: Không theo chủ nghĩa xã hội là không yêu nước, thậm chí là phản quốc… - như thế thì chỉ còn cách bắn nhau tiếp mà thôi!..
-         Hoặc cứ khăng khăng dứt khoát: Cộng sản đã  bán rẻ quốc gia… - nghĩ như thế là đủ hận thù cha truyền con nối, và sẵn sàng lật đổ nhau rồi!..

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhiều lần đau lòng nói: Cứ đến ngày 30 Tháng Tư, trong nước một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn… Câu chuyện như thế còn sâu xa hơn cả những ngang trái của các ý thức hệ, cứ ngày đêm khắc cứa mãi vào vào tâm hồn, vào da thịt mỗi chúng ta trong cộng đồng đồng bào Việt Nam… Đấy là những nỗi đau không lời nào nói hết được.

Còn hơn thế nữa: Các nỗi đau tâm linh thiêng liêng theo miết trong tâm khảm mỗi chúng ta cùng năm tháng không chịu dịu lại… Xin tất cả mọi người, nhất là những người bên thắng cuộc (mượn cách nói của Huy Đức) cứ thành tâm ngẫm nghĩ mà xem. Như thế hòa giải đâu chỉ là chuyện chiến tranh Bắc – Nam đang xa dần nữa!? Hòa giải dân tộc đang ngày càng trở thành vấn đề của ngay trong lòng đất nước, rồi mới đến ở nước ngoài.

Như thế hiển nhiên, chẳng một sự vật nào bất động và đứng yên một chỗ, mà đều thường xuyên vận động và phát triển. Bạn cứ thử cố tự thoát ra khỏi ý thức hệ nào đó mà bạn đang tôn thờ mà xem có phải như vậy không? …Để chỉ còn chính bạn với bạn… Và như thế, bạn nghĩ gì mỗi khi giỗ, tết đến trong nhà, bạn thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, đến người thân ở thế giới bên kia – nhất là những người đã mất trong chiến tranh vừa qua… Rồi nếu bạn đi ra các nẻo đường,  sẽ thấy không biết bao nhiêu thứ đập vào mắt mình dịp này, bạn có thể, hay không thể chấp nhận được trong thâm tâm những điều nhìn thấy… Rồi bạn rời nơi mình ở, đi viếng mộ người thân, nhìn mọi người đi viếng mộ người thân… … … Chẳng ai có quyền yêu nước hơn ai! Cũng chẳng ai có quyền gắn bó tâm linh thiêng liêng hơn ai đối với tổ tiên và những giọt máu đào của dòng họ mình… Đây cũng là thứ quyền bất khả xâm phạm của mỗi người!..

Nỗi đau chưa lấy lại được hòa giải dân tộc vẫn chưa dừng lại ở đây.

Lịch sử vinh quang trong quá khứ đối với những người bên thắng cuộc cũng không đứng yên cố định một chỗ.

Niềm vinh quang  của mình – ĐCSVN – với biết bao nhiêu tự hào chính đáng, cứ theo thời gian biến dần thành tự mãn, rồi cứ thế tạc dựng ngày một đặm nét hơn nữa không gì thay đổi được một nếp sống, một lẽ sống, hằn sâu trong tâm thức, trong hơi thở, trong cuộc sống hàng ngày của đảng!.. Càng đặm nét, cái nếp hằn này càng bê-tông hóa thành nền tảng vững chãi cho một thứ tôn giáo thần tượng, có quyền lực vô hình nhưng gần như tối thượng trong ĐCSVN. Cái bệnh sùng bái cá nhân  xưa kia nó chỉ là một  tế bào ung thư đầu tiên phôi thai ra cái thứ tôn giáo thần tượng này mà thôi. Ngày nay cái tôn giáo thần tượng này theo thời gian trương mãi lên thành một thứ “thần thánh” đội lốt sử, di căn thành một thứ quyền lực vô hình ở bất kể nơi nào có Đảng, bất chấp mọi thứ trong tư duy và trong đạo đức.., và cứ thế để  cho tha hóa của ĐCSVN tha hồ tung hoành và ngày càng đẻ ra nhiều yêu quái hơn.

Trong xu thế phát triển này, quá khứ vinh quang đã biến nhiều thứ bây giờ trở thành một trật tự, thành những khuôn luật không lời, những quy tắc tự hiểu lấy và không do văn bản hay quyết định nào đề ra cả, những tiền lệ trở thành quy ước gần như bất khả xâm phạm… Đến mức hình như cuộc sống của cả nước chẳng có cái gì thoát ra được khỏi cái bóng của quá khứ vinh quang của ĐCSVN, hoặc tự do cũng chẳng còn lại bao nhiêu dưới cái uy của thứ tôn giáo thần tượng này!..  Thậm chí, kể cả trong sinh hoạt đảng, trong mọi hoạt động và sự vận động của ĐCSVN!.. … Một ví dụ: Cứ nhìn lại quá trình diễn biến của mọi sự vật trước, trong và sau của từng Đại hội toàn quốc của Đảng mà xem có phải như thế không… Rõ nét nhất là những cái lệ không thành văn: Bộ Chính trị bao giờ và lúc nào cũng đúng và đứng trên tất cả… Tuần tự vi tiến, toàn đảng phải tuân thủ cái luật không lời như thế, cái trật tự hay cái tiền lệ không thành văn như thế, mọi cái khác tương tự như thế… nhan danh cái dân chủ tập trung. Cái tôn giáo thần tượng này – với tên gọi chính thức là truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng - cùng với thời gian xây đắp nên bức tường thành kiên cố, chặn đứng có hiệu quả hầu hết mọi tư duy mới, bóp chết mọi nỗ lực muốn thay đổi ngay trong lòng ĐCSVN. Tôn giáo thần tượng này không có khả năng tiếp thu bất kỳ cái gì mới, bất kỳ cái gì khác nó! Tôn giáo thần tượng này được củng cố bằng cả một hệ thống quyền lực toàn diện và tuyệt đối từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở làng, xóm, phố, phường… Đấy cũng chính là sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của ĐCSVN.

Cứ thế, cùng với năm tháng, ĐCSVN từng bước trở thành kẻ nô lệ ngày càng lớn hơn, ngày càng không muốn tự giải phóng mình khỏi niềm vinh quang mình đã đạt được, rồi bây giờ có muốn tự giải phóng chắc cũng không được!..

Nhìn lại trong 37 năm đất nước độc lập thống nhất, ĐCSVN chưa bao giờ chủ động đưa ra được một chủ trương sáng suốt nào có tính cách tạo bước ngoặt chiến lược cho đất nước phát triển, mà chủ yếu là chạy theo cuộc sống, trong khi đó không ít các chủ trương hay quyết định sai lầm.

-         Công cuộc đổi mới bắt đầu năm 1986 là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân thôi thúc, cuối cùng lãnh đạo Đảng chấp nhận và nâng lên thành nghị quyết của Đảng. Song từ Hội nghị toàn quốc của ĐCSVN khóa VII họp đầu năm 1994, đổi mới bắt đầu chững lại, để lại nhiều hệ quả cho nhiều vấn đề khác của đất nước cho đến hôm nay (cái gọi là “4 nguy cơ”: tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng, diễn biến hòa bình).
-         Quyết định vô cùng quan trọng là Hội nghị Thành Đô năm 1990 là sai lầm chiến lược với nhiều hệ quả lâu dài. Cũng chưa có thời kỳ nào đất nước ta có nhiều sai lầm về đối ngoại như trong 37 năm vừa qua!
-         Mọi quyết định lớn và đúng đã đề ra được nhìn chung đều rất chậm, do cuộc sống thúc bách, không hiếm trường hợp bỏ lỡ thời cơ, vân vân. Và vân vân… … Tôi chi muốn ngửa mặt kêu trời, vì không sao hiểu nổi khi xem tivi thấy đến hôm nay các vị lãnh đạo đi “vi hành” các địa phương mà vẫn còn yêu câu dân phải cố nghĩ xem nên trồng cây gì, nuôi con gì cho thoát nghèo, mà lẽ ra các vị này phải là người mang đến cho dân con đường mà các vị đang hỏi dân. Có vị còn hỏi: Bà con nhận được bò của chương trình Lục lạc vàng tặng thế này liệu có thể thoát nghèo không?!..  Thật là chẳng còn trời đất nào nữa!
-         Cuộc khủng hoảng toàn diện đất nước đang lâm vào, trong đó nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế đã kéo dài 5 nay và hiện giờ vẫn đang gian truân tìm lối ra, cùng với tệ nạn tham nhũng và tha hóa hiện nay đang thách thức sự tồn vong của Đảng và chế độ chính trị - đấy chính là kết quả tổng hợp của 37 năm ĐCSVN cầm quyền trong một quốc gia độc lập. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mới chỉ dám thừa nhận mối nguy cơ đến từ tha hóa của Đảng và hệ thống chính trị.

Như vậy rõ ràng: Sự nô lệ vào vinh quang của quá khứ như thế đã và đang từng ngày thủ tiêu tính tiền phong chiến đấu của ĐCSVN – đến mức ĐCSVN bây giờ hầu như chỉ đủ trí tuệ mài lịch sử của mình ra để sống tiếp, không ít những biểu hiện khiếp nhược trước nhân dân và trước thế giới bên ngoài. Tôi thực sự không hiểu nổi tại sao cả một hệ thống lý luận đồ sộ và đội ngũ tuyên giáo hùng hậu của ĐCSVN không nhìn ra sự bế tắc đến mức khốn quẫn này, nguồn gốc có thể là sự ngoan cố bám lấy quá khứ và không có khả năng thực hiện dân chủ ngay trong nội bộ ĐCSVN.


Thực tế nêu trên hiển nhiên cho thấy: 37 năm qua do không có thể chế dân chủ và hòa giải dân tộc làm môi trường phấn đấu, ĐCSVN đã và đang tự đánh mất mình. Chẳng có thế lực thù địch nào đủ sức lật đổ được đảng và chế độ.

Vậy thế chế dân chủ và hòa giải dân tộc cũng là vấn đề vô cùng thiết thân đối với chính sinh mệnh của ĐCSVN chứ?  

Là đảng duy nhất cầm quyền và là nhân lõi của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, nhưng tính tiền phong chiến đấu của ĐCSVN đã bị chính tha hóa của mình tiêu hóa hết mất rồi. Cho nên, để giữ được vị thế độc tôn của mình trong hệ thống chính trị và đối với đất nước, thậm chí muốn giữ như thế mãi mãi, ĐCSVN chỉ còn duy nhất quá khứ vinh quang làm vốn do các thế hệ trước hy sinh chiến đấu để lại cho. Đảng cầm quyền như chính danh của nó hôm nay thực chất và chủ yếu chỉ là người thụ hưởng gia tài thừa kế mà thôi, đâu có phải là đã từng trực tiếp hy sinh chiến đấu!

Cho nên, níu chặt lấy quá khứ vinh quang đang bị chính tha hóa hiện nay của Đảng làm cho phai mờ ấy bây giờ là lẽ sống của Đảng, trở thành cuộc chiến đấu đích thực của Đảng. Làm như thế, ĐCSVN khác nào lấy cái lấy cái cùm đang giam hãm chính mình cùm luôn cả đất nước – nhân danh độc lập dân tộc gắn với CNXH và phải giữ vững định hướng XHCN. 

Trong quá trình tha hóa ngày càng nguy hiểm này, đang hình thành ngày càng sâu sắc mâu thuẫn mới trong lòng đất nước: mâu thuẫn giữa người cai trị và người bị cai trị.

Lại nảy sinh vấn đề mới nóng bỏng tính thời sự: Phải giải quyết mâu thuẫn này như thế nào?

-         Đập vỡ cái cùm này? – phương pháp bạo lực, có thể xảy ra khi sự chịu đựng của người dân đến mức tức nước vỡ bờ! Một cuộc nồi da xáo thịt mới!?.. Hay là…
-         Tháo gỡ cái cùm này rồi vứt xuống biển? – nghĩa là bằng biện pháp cải cách trong hòa bình.

Rõ ràng không có con đường thứ 3.

Giả định lựa chọn biện pháp hòa bình là cải cách thể chinh trị, nhất thiết phải thực hiện dân chủ và hòa giải dân tộc:
-         dân chủ để thực hiện các quyền của dân và như thế mới có được hòa giải dân tộc.
-         hòa giải dân tộc để tạo đồng thuận đồng tâm hiệp lực của dân trong việc giải phóng sức dân cho biết bao nhiêu vấn đề khó khăn, phức tạp trong và sau quá trình cải cách chính trị.

Thử hình dung xem, thiếu dân chủ và hòa giải dân tộc làm sao có được cải cách chính trị?! Mà dân chủ và hòa giải dân tộc là hai vấn đề không có cái này thì cũng chẳng có cái kia.

Kể cả một khi lòng dân đã trở thành một quyền lực xã hội, thúc đẩy ra đời được một thể chế chính trị dân chủ thông qua cải cách, hòa giải dân tộc… Kể cả đã làm được như thế, hòa giải dân tộc vẫn trở nên ngày càng vô cùng cần thiết để củng cố thành quả này, để giải quyết tiếp các vấn đề của phát triển. Cuộc sống trong và sau bước ngoặt cải cách luôn luôn đòi hỏi phải nuôi dưỡng hòa giải dân tộc, đò hỏi hòa giải dân tộc phải có ngày càng nhiều trí tuệ hơn và sự giác ngộ chính trị ngày một cao hơn…  Cứ nhìn xem, gần 20 năm rồi Nga và các nước Liên xô – Đông Âu cũ vẫn chưa hoàn thiện xong thể chế dân chủ của mình… Ai Cập 2 năm sau cách mạng hoa nhài giờ đây vẫn đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ tiếp…

Xin nghĩ tiếp, từ đây trên con đường phát triển của đất nước và mãi mãi trong hội nhập thế giới, làm sao Việt Nam có thể thiếu giá trị hòa giải dân tộc như là một sức mạnh, một bản lĩnh của chính mình cho những vấn đề của nước mình trong đối xử với thế giới bên ngoài?

Đi với cả thế giới, làm sao nước ta có thể thiếu thực lực và nghị lực hòa giải để kiến tạo hữu nghị, hợp tác và vươt qua mọi thách thức, góp phần trách nhiệm của mình trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Hòa giải như thế sẽ rèn luyện bản lĩnh dân tộc Việt Nam ta.

Ở góc độ đối ngoại, nhìn lại lich sử nước mình, hòa giải có bản lĩnh (chứ không phải là hòa hiếu với nghĩa chịu cắn răng nặng về hiếu để mong sao có hòa mà không được, cũng không phải với nghĩa “giữ đại cục” đến mức trấn áp cả nhân dân mình như đang làm) là một vốn lớn của Việt Nam ta trong mọi triều đại huy hoàng xưa, tại sao hậu thế chúng ta hôm nay lại không phát huy truyền thống hòa giải như thế thành một sức mạnh của đất nước trong thế giới hôm nay?

Xin nhấn mạnh, những nỗ lực của mỗi chúng ta cho nghị lực và phẩm chất hòa giải như thế cần được nhiệt liệt hoan nghênh và nâng đỡ. Hàng ngày, trong cộng đồng dân tộc chúng ta ở trong nước và nước ngoài có không biết bao nhiêu gương tốt khép lại quá khứ, vượt lên quá khứ, phấn đấu cho hòa giải như thế, tuy rằng còn mảnh lẻ, và còn phải nỗ lực rất nhiều để trở thành một bản lĩnh mới của dân tộc.

Với ý nghĩa như vừa nói, một trong những cố gắng dấn thân cho hòa giải nhân đây tôi muốn cổ vũ và hoan nghênh, đó  là những công việc mà Academy Trần Nhân Tông và anh Nguyễn Anh Tuấn cùng với bạn bè của mình đang xúc tiến. Những nỗ lực như vậy đang nảy mầm trong cộng đồng dân tộc chúng ta, nên được cả nước chắt chiu, nâng niu.

Như vậy, khó có lý lẽ nào có thể bác bỏ được hòa giải dân tộc và những giá trị hòa giải có thể đem lại cho một dân tộc, cho một quốc gia. Hòa giải, cả về đối nội cũng như đối ngoại, là một giá trị cơ bản của một dân tộc, của một quốc gia.

Cũng xin phép được nói thêm: chỉ có bản lĩnh, có trí tuệ, có văn minh mới có thể thao tác và vận dụng được giá trị hòa giải.

Nhưng khi bàn đến hòa giải dân tộc ở nước ta, sự thật có tiếng nói riêng chát chúa: 37 năm đất nước độc lập thống nhất rồi, nhưng đến giờ phút này hòa giải dân tộc với tinh thần như đã trình bày trên, hầu như vẫn là câu chuyện không thể!

 Tôi nghĩ rằng nhận xét của mình không quá đáng.

Suốt mấy ngày nay thôi, “Bên thắng cuộc” và “Quyền bính” được cả hai “bênném đá tới tấp, khó nói được mức độ quyết liệt “bên” nào hơn “bên” nào. Đấy chẳng là một cái “test”, một ví dụ nóng hổi hay sao?

Những tiếng nói hoan nghênh Huy Đức hay phân tích khách quan có nhiều. Những tiếng nói này là xác đáng, nhiều tiếng nói rất công bằng, nhưng tôi chưa muốn bàn ở đây – vì muốn tập trung suy nghĩ tìm hiểu kỹ nguyên nhân của hiện tượng ném đá trước đã: Hiện tượng này cho thấy những gì liên quan đến hòa giải dân tôc?

Nhưng trước nữa, cho phép tôi nói đôi điều liên quan đến sách của Huy Đức.

Cả cuộc đời làm công tác nghiên cứu, dần dần tôi học được chỉ nên lấy lịch sử làm người thầy tin cậy của mình, là cái gương để soi mình… Làm như thế không ít phen tôi hút chết. Nhưng tôi có thói quen ngoài sử ra, tôi chẳng tin ai cả - dù là chủ nghĩa hay thần tượng. Cách nghĩ này thôi thúc tôi viết Dòng đời và sau đó là. Có thể nói, tôi đã đọc Huy Đức với nỗi đau riêng của tôi về thân phận đất nước và với ý thức như vậy đối với lịch sử.

Tôi nghĩ Huy Đức không viết sử. Những sự việc Huy Đức sưu tầm được và đưa vào sách của mình là những mảnh di vật của sử mà Huy Đức đã “bới nhặt” được, giống như nhà khảo cổ học vẫn thường làm trong đào bới các địa tầng và ở mọi nơi của công việc khảo cổ vậy. Những di vật này chưa phải là tất cả, càng không thể là những sự vật nguyên vẹn, nhưng nó là các “mảnh” của sử - với những chất lượng khác nhau; thậm chí có “mảnh” bị thời gian và cát bụi làm biến dạng, làm “lão hóa, còn phải chờ những phân tích khoa học; có những “mảnh” chỉ là những ý nghĩ rất chủ quan của người trong cuộc hay nhân chứng kể lại cho Huy Đức ghi theo cái nghĩ chủ quan của người kể… Nhiều “di vật” Huy Đức đưa vào sách tôi đã biết, có cái tôi còn biết rõ hơn…

Song sách của Huy Đức có một giá trị quý báu đối với tôi, không chỉ ở chỗ Huy Đức cố hết mức có thể ném bỏ “cái tôi” của mình ra ngoài sách. Huy Đức thực sự đã rất nỗ lực với tất cả cái tâm của mình, xắp xếp lại những di vật của sử tìm được, như một người xắp xếp các mảnh hài cốt khai quật được trong mọi địa tầng và ở những nơi khác nhau, để nhờ đó thấy rõ dần ra hình hài nỗi đau của toàn dân tộc ta đã trải qua trên chặng đường đi tới hôm nay.

Đọc Huy Đức như thế nào, đấy là quyền, khả năng, và tâm tính của mỗi người.

Tôi đọc Huy Đức với tâm trạng như trên, đọc mà đau thêm những nỗi đau mình đã biết, đã ngấm, đã sống trong nó… Nên tôi coi sách của Huy Đức là một đóng góp quan trọng, quý báu, thôi thúc cái tâm và cổ vũ mọi nỗ lực của đất nước lúc này đang tìm cách khôi phục hòa giải dân tộc. Nhân đây, xin có lời cảm ơn và chúc mừng Huy Đức.

Mỗi khi nhìn lại sử, tôi luôn nghĩ rằng sử là sự thật có nhiều cái giúp mỗi chúng ta học lại. Sử đã giúp tôi học lại tất cả, tạo ra ý tưởng thôi thúc tôi viết Dòng đời: Để góp tay vào bắt đầu cho một thời kỳ phát triển mới!.. Tôi vẫn khát khao đất nước ta phải ra khỏi quá khứ, phải vượt lên quá khứ trước hết vì lẽ này – nhất là để không bao giờ nữa lại có chia cắt đất nước! Để không bao giờ nữa Việt Nam lúc là chiến trường không của bên này thì là của bên kia, hoặc thậm chí là của nhiều bên…– dù là bị động do bối cảnh lịch sử,  hay à do tai nạn của lịch sử, dù là vô ý thức…Và hình như cho đến bây giờ vẫn có không ít người trong cộng đồng dân tộc ta vẫn chưa thấy cái dại này lịch sử này… Nếu thế thì đau lắm! Đến giờ này còn tiếp tục coi nhau là thù nữa!.. Thế thì càng đau!..

Có thể đúng hoặc sai, trong thâm tâm tôi thực sự nghĩ rằng trong bẩy thập kỷ vửa qua nước ta có nhiều cái dại lịch sử lắm, lòng đau như cắt vì tiếc nuối. Chỉ còn cách tự an ủi: Lịch sử không có chữ nếu. Vậy thì phải học sử để từ đây bớt dại hay không dại nữa mà thôi…

 Học từ sử, để hiểu thế giới hơn nữa và từ đó hiểu mình. để có trí tuệ và bản lĩnh làm chủ vững chắc vận mệnh của quốc gia mình. Điều vô cùng quan trọng, học sử là để có người thầy trung thực cho chính mình khi đứng trước các vấn đề của hiện tại và của tương lai đất nước. Tôi dứt khoát phản đối “dùng” sử để mài lịch sử ra mà sống! Còn cứ cố dùng cái “lá nho” hay những “cành nguyệt quế” để che đậy, hay để trang điểm cho sử, thì chỉ có thể viết nên những bi hài kịch làm bia miệng cho đời mà thôi...

Còn như anh hỏi: Hòa giải dân tộc có phải thỏa hiệp gì với nhau không, có phải trang trải gì với nhau không, theo tôi, thì nên trang trải hay thỏa hiệp với nhau như thế, anh Tống Văn Công ạ. Nghĩa là phải đủ bản lĩnh sòng phẳng với lịch sử! Để học cho ra khỏi cái dốt, cái xấu! Song để khép lại mọi hận thù! Để không bao giờ mắc lại cái dại lịch sử!

Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ theo cách như thế, là để chỉ còn lại cho nhau sự chia sẻ chung nỗi đau vô hạn về những tổn thất của dân tộc! Để quyết chí đến cùng hợp lực toàn dân tộc khai phá một thời kỳ mới cho đất nước!.. Võ văn Kiệt đã đau như thế nỗi đau của dân tộc các anh ạ, tôi nhớ điều này lắm… Anh ấy lúc nào cũng như đang lồng lên, nhất là trong những tháng ngày trước khi anh Anh ấy đi xa…

Trở lại câu chuyện ném đá

Chí ít, cái “test” Huy Đức cho thấy cái bóng đen của quá khứ còn đen ngòm lắm.

Song như tôi đã trình bầy, dù thế nào đi nữa, trách nhiệm thực hiện hòa giải dân tộc bao giờ và mãi mãi vẫn thuộc về “bên thắng cuộc”; đơn giản: “bên thua cuộc” – dựa theo cách nói của Huy Đức – thì làm gì có gì trong tay để thực hiện nó? Thiếu sự chủ động của “bên thắng cuộc”, sẽ chỉ có hòa giải dân tộc như một sự ban cho. Chờ đợi “bên thua cuộc” chấp nhận một sự hòa giải được ban cho như thế khó lắm, cũng chẳng khác gì đòi hỏi “bên thua cuộc” sự quy phục hay cuộc đầu hàng lần thứ hai là mấy.

Song quan trọng hơn nhiều lần, như đã trình bầy trên, hòa giải dân tộc chính là một vấn đề vô cùng thiết thân đối với sự tồn vong của ĐCSVN. Nó là chuyện sống còn của chính ĐCSVN. Thiếu nó đồng nghĩa thiếu vắng luôn cả thể chế chính trị dân chủ của dân như là một môi trường sống của ĐCSVN. Chính vì sự thiếu vắng môi trường sống này, ĐCSVN đang trên đường tha hóa đến giờ phút này chưa có lối ra, đang đi tiếp đến nguy cơ tiêu vong..

Bây giờ, sự tha hóa của ĐCSVN đang coi sự níu kéo quá khứ để tồn tại là mặt trận chính của mình, là cuộc chiến đấu đích thực của mình. Làm như thế, hiển nhiên, người chịu trách nhiệm chính phải thực hiện hòa giải dân tộc lại đang lựa chọn cho mình cái công việc phủ định nó! Vì lẽ này, và trước hết chỉ vì lẽ này, cho đến giờ phút này hòa giải dân tộc vẫn là câu chuyện không thể!

Mọi trở ngại khác trong các cộng đồng của nhân dân cho dù có rối rắm phức tạp thế nào đi nữa, vẫn là là trong tầm với của những giải pháp khả thi.

Điều vô cùng nguy hiểm, tránh né con đường dân tộc dân chủ, cụ thể ở đây là tránh né thiết lập một thể chế chính trị dân chủ và thực hiện hòa giải dân tộc, những người nắm quyền lực trong ĐCSVN hiện nay – vô thức hay có ý thức – trên thực tế là đang dẫn dắt đảng của mình ngày càng đi sâu vào con đường đối kháng với dân tộc, với đất nước, đẩy đất nước đi vào thảm họa. Có cách gì lên tiếng cảnh tỉnh nguy cơ chết người này!?

Lợi ích tối cao của đất nước không cần một sự đối kháng như thế, vì nó chỉ có một con đường dẫn tới phá vỡ tất cả, xóa sạch tất cả, để làm lại từ đầu tất cả!..

Nếu chẳng may lỡ tay – có hay không có sự can thiệp của bên ngoài – để cho đối kháng này xảy ra như là một cái gì đó không thể tránh được, một “force majeure” bất khả kháng như từ trên trời rơi xuống, sau đó đất nước chúng ta sẽ là gì, thì chưa ai dám nói chắc. Nhưng hoàn toàn chắc chắn là cái giá phải trả sẽ vô cùng đắt, kể cả với khả năng xấu nhất là nước ta sẽ có thể trở thành một thuộc quốc kiểu mới của thiên triều Trung Quốc. Cũng vô cùng đắt, nếu trầy trật sau đó là một Việt Nam mới ra đời… Và một điều khác cũng  chắc chắn như đinh đóng cột: Đối kháng này xảy ra, tất yếu sẽ dẫn đến sự cáo chung không vinh quang của ĐCSVN!

Lợi ích tối cao của đất nước lúc này không cần và không muốn để cho đối kháng này xảy ra. Lợi ích tối cao của đất nước lúc này đòi hỏi ĐCSVN và nhân dân cả nước phải tìm ra bằng được con đường của hòa giải dân tộc. Trước hết những đảng viên ĐCSVN có tâm huyết với đất nước lúc này phải lên tiếng, như thiếu tướng Lê Trọng Vĩnh và nhiều đảng viên yêu nước khác đã lên tiếng!..

Thiết nghĩ, ĐCSVN cần thấy rõ thảm kịch nhãn tiền của sự mù quáng mình đang mắc vào để tìm lối ra. Toàn thể nhân dân cần chủ động lên tiếng, dứt khoát không cam chịu để cho ĐCSVN muốn dắt đất nước chúng ta đi đâu thì dắt.

Để đi tới con đường hòa giải dân tộc như thế, trước tiên ĐCSVN phải thắng được hệ thống lý luận đồ sộ và đội ngũ tuyên giáo hùng hậu của chính mình, thực hiện dân chủ ngay trong nội bộ ĐCSVN, và phải biết nghe tiếng nói của nhân dân. Không làm được như thế, ĐCSVN đã tự định đoạt số phận của mình.

Con đường hòa giải giữa nhân dân và quyền lực để cứu nguy đất nước đã và đang diễn ra ở Myanmar. Tại sao không thể diễn ra ở Việt Nam?

Xin dành cho các nhà nghiên cứu phân tích những gì đã diễn ra ở Myanmar. Ở đây chỉ xin cung cấp một vài thông tin thiết yếu:

-         Chính quyền cải cách ở Myanmar hiện nay - với tổng thống Thein Sein đứng đầu sau cuộc bầu cử 2010 - xuất thân từ một chính quyền quân phiệt độc tài, cướp quyền cai trị đất nước 20 năm, rất tham nhũng và đẫm máu. Cuộc cải cách do tổng thống Thein Sein tiến hành sau cuộc bầu cử 2010 có nguồn gốc trong cuộc trưng cầu dân ý xây dựng Hiến pháp 2008 với mục tiêu mở ra “một nền dân chủ phát triển trong trật tự” (nguyên văn: a "discipline-flourishing democracy"). Quyết định cải cách do tồng thống Thein Sein trực tiếp tiến hành từ năm 2010 được sự ủng hộ của một số tướng lĩnh chủ chốt trong cơ quan quyền lực cao nhất của chính phủ quân phiệt trước đó, goi là Hội đồng quốc gia khôi phục luật pháp và trật tự (SLORC -  State Law and Order Restoration Council, một dạng nhóm quyền lực tối cao như kiểu như Bộ Chính trị của Việt Nam), tướng Thein Sein là một trong những nhân vật chủ chốt của SLORC. Khi tướng Thein Sein lên làm tổng thống, ông đã giải thể SLORC (hầu như chắc chắn có sự đồng ý của nhiều thành viên trong SLORC, báo chí nói trong đó có tướng Than Swe, nhân vật số 1 của SLORC). Bản thân tổng thống Thein Sein là một chính khách liêm khiết và có uy tín. Với những lý do này, có thể coi cuộc cách cách hiện nay ở Myamar là một dạng cải cách hòa bình từ trên xuống. Con đường Myanmar này có một không hai trên thế giới!
-         Nguyên nhân dẫn đến cuộc cải cách dưới quyền tổng thống Thein Sein chủ yếu là giới lãnh đạo nước này thấy được tình hình nội tại bên trong và sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc khiến cho quốc gia lâm nguy, họ quyết định cải cách để cứu nước, đặt quyền lợi quốc gia là tối thượng. Myanmar quyết định cải cách mà không sợ, cũng không xin phép Trung Quốc, mặc dù sự can thiệp của Trung Quốc có thể nói là đến nghẹt thở về kinh tế, vô cùng trắng trợn về chính trị và quân sự, nhất là tại các bang có các sắc tộc khác nhau.
-         Chính quyền của tổng thống Thein Sein từng bước đã thực hiện tất cả các biện pháp phải thực hiện – như chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông quốc tế - để thực  hiện một cuộc cải cách thực sự. Từ khi khởi sự, trong vòng chưa đầy 2 năm, cải cách chính trị đã hoàn thành việc chuyển đổi chính quyền quân phiệt độc tài  tồn tại 20 năm dưới sự cai quản của thời SLORC trước đây sang  chính quyền của nhà nước pháp quyền dân chủ, không phải bắn một phát súng, không tốn một sinh mạng, có tam quyền phân lập, thừa nhận phe đối lập Auung San Suu Kyi, thả hết tù chính trị (con số trên nghìn người), thực hiện quyền tự do báo chí và các quyền công dân khác. Đang đẩy mạnh cải cách kinh tế để phát triển đất nước... Ví dụ: Riêng cải cách tiền tệ nước ta trước đây trầy trật làm nhiều năm không xong, Myanmar đã làm gọn gàng và không gây tổn thất trong vài tháng; điều mừng nhất là cải cách chính trị đang thúc đẩy kinh tế Myanamr phát triển.
-         Để bắt tay vào cải cách, tổng thống Thein Sein và chính phủ của ông ta có chung quanh mình hàng trăm cố vấn là các trí thức, các chuyên gia Myanmar cho mọi lĩnh vực, gồm rât nhiều người đã từng bỏ Myanmar ra đi vì sợ khủng bố hoặc vì chống chế độ, một số là tù chính trị và đã sống nhiều năm trong tù… giúp đỡ thường xuyên. Những cố vấn và chuyên gia này đã giúp  từ việc vạch ra và thực hiện kế hoạch và các bước đi rất bài bản, khôn ngoan và có trình tự đúng đắn, giữ được ổn định trong tiến hành cải cách chính trị, và bây giờ đang tiếp tục giúp như thế cho những bước đi cải cách để hoàn thiện hệ thống nhà nước và phát triển kinh tế. Nghĩa là chất sám được huy động, dân chủ được thực hiện.
-         Giới lãnh đạo trong chính quyền của tổng thống Myanmar hiện nay, kể cả phe đối lập của bà Aung San Suu Kyi, nhìn chung là những người có trình độ học vấn cao và không bị trói buộc bởi ý thức hệ, ngoài nhận thức thống nhất là đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
-         Truyền thống Phật giáo  và nền giáo dục cấp cơ sở ở Myanmar chẳng những bảo toàn có hiệu quả xã hội Myanmar dưới thời quân phiệt khét tiếng, và bây giờ đang là một yếu tố rất thuận lợi cho cải cách thay đổi đất nước.

Có lẽ như thế là rõ, tại sao cải cách chính trị hòa giải dân tộc ở nước ta đến giờ phút này vẫn là câu chuyện không thể, là hoang tưởng; nhưng ở Myanmar cải cách và hòa giải dân tộc là một hiện thực đã diễn ra, và đang ngày càng được củng cố.

Myanmar mới chỉ đi được những bước đầu tiên trên con đường vạn dậm phải đi. Nhưng điều có ý nghĩa quyết định lâu dài là những bước đi đầu tiên này đã xác định con đường, chắc chắn nhân dân Myanmar không muốn con đường này bị đảo ngược.

Không có lý do gì tôi lại không suy nghĩ cho nước mình, ước ao cho nước mình một sự chuyển động như thế. Đến đây, tôi thực sự lại mon men đến làn ranh giữa hoang tưởng và hiện thực[9]. Đến đây tôi lại loay hoay, anh Công và anh Lữ Phương ạ.

Không thể không loay hoay được, vì vấn đề tuy hoang tưởng, nhưng rất hiện thực, tôi nghĩ thế. Song đúng vẫn là vấn đề rất khó của nước ta lúc này. Đồng ý là chúng ta nhắc nhau đừng bi quan. Có lẽ như thế, hai anh nhỉ.?.

Chào thân mến.

Hà Nội – Võng thị, ngày 27-01-2012



[1] Tìm xem tiểu thuyết , tập II, chương 23, nhất là từ trang 558, box “Nguyễn Trung”
[2]Was tun?” , tác phẩm của Lê-nin “Làm gì?”, tìm xem: http://de.wikipedia.org/wiki/Was_tun%3F

[3]”, tập II, chương 23, từ trang 558, sđd.
[4] Nguyễn Trung – “Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990”
[5] Vì lẽ này, tôi muốn đưa việc học như thế vào Lời nói đầu của một Hiến pháp mới. Đương nhiên, đây  là dịp bầy tỏ mong muốn để nhấn mạnh cái Học thôi, Hiến pháp đâu cần dài dòng như thê!
Tìm xem: Nguyễn Trung, “Hiến pháp và những bất cập của Dự thảo sửa đổi”, phần về Lời nói đầu:
(a)  Như một lời thề của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta trước tổ tiên đã gây dừng nên đất nước này cho chúng ta, trước tất cả vong linh những người mọi thế hệ của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta đã ngã xuống trên suốt chặng đường gần hai thế kỷ qua kể từ khi mất nước để đi tới độc lập thống nhất đất nước hôm nay. Lời thề đó là: Cả nước một ý chí học lại tất cả những thành – bại đã trải qua trong lịch sử cận đại, học tất cả những gì có thể học được của thiên hạ, để không bao giờ cho phép xảy ra chia rẽ dân tộc, chia cắt đất nước và lập lại những sai lầm cũ khác, học để hiểu thế giới và từ đó hiểu chính mình để không bao giờ lạc lõng nữa trong thế giới này, nhất là để từ nay không ai trên thế giới đánh lừa được mình… Học như thế để từ nay toàn thể dân tộc đoàn kết một lòng, không tiếc sức mình phấn đấu mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Học như thế, để dân tộc Việt Nam ta dứt khoát phải thành công trên chặng đường mới của đất nước… … …”
[6] Thế giới của 2 phe 4 mâu thuẫn là:  Phe chủ nghĩa xã hội và phe đế quốc. Bốn mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn giữa phong trào độc lập dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và người bị bóc lột, mâu thuẫn giữa trong lòng các nước đế quốc với nhau.
[7] Trong tiểu thuyết Dòng đời tôi đã đề cập đến việc phải nhìn nhận cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chứa trong lòng nó những cuộc chiến tranh khác nhau như vậy. Tìm xem Dòng đời, Quyển I, tập I trang 496… sđd. Vấn đề này sẽ còn phải nghiên cứu tiếp.
[8] Tìm xem “Di chúc của một người lính”  - trong  , tập II, chương 23, tr. 558, sách đã dẫn.
[9] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Vượt lên nỗi sợ” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét