Phụ
lục
***
Góp ý kiến về chiến lược giáo dục:
chấn hưng,
cải cách, hiện đại hoá là nhiệm vụ cấp bách
nhất
Hoàng Tụy
Tháng 8 năm 1999 tôi có gửi lên Thủ Tướng
Chính Phủ và Bộ GD-ĐT bản kiến nghị “Mấy
giải pháp cấp bách về giáo dục” (bài đã đăng ở báo Tia sáng và báo Văn Nghệ đầu
tháng 9, 1999), kèm theo một kiến nghị khác về “giáo dục trên đại học”. Vài tuần sau tôi được Văn Phòng Chính Phủ
thông báo Thủ Tướng đã chỉ thị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bản kiến nghị để báo cáo với
Thủ Tướng và trả lời tác giả truớc 30/10/99.
Đương nhiên không ai chủ quan nghĩ rằng mọi ý kiến của mình đều đúng
100%, cho nên tôi vẫn mong có cơ hội đối thoại. Thế nhưng, tôi đã kiên nhẫn chờ
hết tháng này đến tháng khác, từ tháng 10 đến tháng 4 vẫn không hề nhận được
của Bộ dù chỉ mấy chữ vắn tắt: có nhận
được kiến nghị và cám ơn-- theo phép lịch sự thông thường mà hàng ngày ta vẫn
dạy con cháu. Trong khi đó, các quan chức giáo dục thay nhau phát biểu trên báo
chí, gián tiếp hoặc trực tiếp phủ nhận mọi ý kiến đóng góp. Có người bênh vực tổ chức thi cử như hiện nay
là “tối ưu rồi”, mua điểm bán bằng là do “nhu cầu bằng cấp của xã hội”, trẻ em
học quá tải là do “phụ huynh cạnh tranh ngấm ngầm”, v.v... Tóm lại, theo các vị
ấy, nền giáo dục VN cuối thế kỷ 20 này đã được quản lý tốt nhất rồi, nếu có gì
không hay là tại xã hội và người dân.
Mặc
dù vậy, ai đã từng góp phần xây dựng giáo dục suốt những năm kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ, khi nó còn thật sự là
bông hoa của chế độ, và ngày nay có cơ hội đối chiếu những đổi thay chóng mặt
khắp nơi trên thế giới với thực trạng nhà trường của ta, đều không thể yên lòng
và tự thấy có trách nhiệm phải tiếp tục phát biểu.
*
**
Tôi
có được đọc bản “dự thảo chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010” của Bộ
GD-ĐT. Cần nói đây là một văn bản được
soạn thảo công phu, xuất phát từ ý tưởng tốt đẹp muốn đem lại cho đất nước một
nền giáo dục tiên tiến, phục vụ yêu cầu sự nghịêp CNH, HĐH khi bước vào thế kỷ
21. Song rất tiếc, đọc xong bản dự thảo, tôi chưa thấy được rõ nét bằng cách
nào từ chỗ yếu kém hiện nay nền giáo dục của ta có thể vươn lên đáp ứng yêu cầu
đó. Tôi có cảm tưởng đây là một bản kế
hoạch dựa trên cơ sở nền giáo dục đang phát triển lành mạnh, đúng hướng, trong
một thời kỳ lịch sử bình lặng của nhân loại và đất nước, cho nên cái gì cũng
tính toán chi li, như thể chúng ta nắm chắc hết mọi yếu tố cần thiết. Giống như
các bản kế hoạch thời bao cấp, nặng về những tính toán định lượng rất cụ thể
nhưng thiếu căn cứ xác thực, mà nhẹ các tư tưởng định hướng then chốt. Nói một cách vắn tắt thì tư tưởng định hướng
cơ bản toát ra từ bản chiến lược này, tuy khá mờ nhạt, là điều chỉnh, củng cố, phát triển, trong khi đó theo nhận thức của
tôi thì cấp bách nhất hiện nay là: chấn
hưng toàn diện, cải cách mạnh mẽ, hiện đại hoá. Bởi vì không chấn hưng toàn diện, không cải cách mạnh mẽ để đưa nền
giáo dục trở lại quỹ đạo đúng đắn, không hiện đại hoá mà cứ để lạc hậu như thế
này thì có phát triển cũng chỉ là phát triển bừa bãi, tiêu phí ngày càng lớn mà
hiệu quả không là bao, thậm chí còn có thể âm.
Ai cũng biết những thói quen học vẹt, lười suy nghĩ, thiếu chủ động, kém
tưởng tượng, những kiến thức sai, lạc hậu, học ở nhà trường, những lỗ hỗng kiến
thức do chương trình học tập quá cũ kỹ, sự mệt mỏi, đầu óc mụ mị vì nhồi nhét quá tải, vì thi cử
căng thẳng trong suốt thời gian ở trường-- sẽ đeo đuổi dai dẳng người thanh
niên khi ra đời, tạo cho họ một thế yếu rõ rệt trong cạnh tranh với bạn bè ở
các nước có nền giáo dục tiên tiến hơn.
Dựa trên nhận xét tổng quát đó bây giờ xin góp thêm ý kiến
về mấy vấn đề lớn: 1) Thực trạng giáo dục và nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay; 2) Hướng chấn hưng giáo dục từ nay
đến 2005. 3) Hướng cải cách và phát triển giáo dục từ 2005 đến 2010. Tôi sẽ xin
tập trung thảo luận về phần 1) vì đó là cơ sở, còn phần 2) thì hai bản kiến
nghị của tôi đã có đề cập it nhiều. Về phần 3) muốn góp ý kiến cụ thể và thiết
thực cần có thời gian nghiên cứu nghiêm túc, cho nên chỉ xin nói sơ lược.
I.
Thực trạng giáo dục và nhiệm vụ cấp bách nhất hiên nay
Theo nhận thức của tôi, thực
trạng giáo dục là một trong những vấn
đề lớn nhất, nghiêm trọng nhất của xã hội Việt Nam hiện nay. Không có vấn
đề gì đáng lo lắng hơn cho tương lai đất nước, càng đáng lo lắng vì các cơ quan
hữu trách, trước hết là các cơ quan trực tiếp quản lý giáo dục, chưa ý thức hết
tính nghiêm trọng của vấn đề. Điếc không sợ súng, như trong dân gian ta vẫn
nói.
Từ khi ra đời Nghị quyết TƯ II về giáo dục đến nay đã ba năm, không những chúng ta chưa
thực hiện được bao nhiêu yêu cầu Nghị quyết, mà tình hình một số mặt cơ bản có vẻ
dẫm chân tại chỗ, nếu không muốn nói tồi tệ hơn. Những sai lầm lớn đã bị phê
phán cách đây ba năm như: dạy thêm học thêm tràn lan, thi cử nặng nề, nội dung
và phương pháp giảng dạy nhồi nhét, lạc hậu, chất lượng đào tạo xuống cấp không
kiểm soát nổi, những hiện tượng tiêu cực như mua bằng, bán điểm, và nguy hiểm
hơn, bằng thật mà không thật (bằng thật nhưng học giả), chẳng những chưa khắc
phục được bao nhiêu mà lâu ngày đang biến thành những tình thế khó đảo ngược,
những chứng bệnh thâm căn cố đế dường như khó có phương thuôc chữa trị hữu
hiệu, chỉ còn cách từng bước chuẩn bị dư luận chấp nhận chính thức để quản lý
có trật tự và giữ cho không hoành hành quá mức cho phép (như người ta đã bắt
đầu giải thich dạy thêm học thêm “có đóng góp tích cực nâng cao chất lượng”,
chỉ cấm thầy cô giáo dạy thêm cho chính học sinh của mình, còn luyện thi đại
học thì được biện minh vì “ở các nước phát triển đều có” !-- điều hoàn toàn sai
lầm).
Tôi không phủ nhận một số thành tích nêu trong dự thảo,
nhưng điều quan trọng hơn là phải thấy ý nghĩa rất tương đối của các thành tích
đó. Chúng ta thường dẫn chứng: chưa bao giờ con em ta đến trường đông như bây
giờ, chưa bao giờ không khí học tập
trong xã hội sôi nổi như bây giờ. Thật là một cách suy luận kỳ quặc: sao không
nói luôn là chưa bao giờ nhà trường ta được trang bị máy vi tính như bây giờ,
chưa bao giờ có máy photocopy tiện lợi như bây giờ (kể cả để làm “phao”),
v.v. Cho dù những thành tích là có thật
và đáng khích lệ, xin hãy: 1) so sánh kết qủa với chi phí đã bỏ ra, bởi vì điều
cốt yếu là hiệu quả chứ không phải con số tuyệt đối; 2) nhìn sang các nước
trong khu vực, xem cũng trong thời gian
đó họ đã làm được gì,vì điều cốt yếu không phải là ta đã tiến bao xa mà khoảng
cách giữa ta với họ rút ngắn được đến đâu.
Ngay chỉ so ta với ta thì sao không thấy không khí học tập thời kháng
chiến chống Pháp, thời chiến tranh chống Mỹ, trong muôn vàn khó khăn gây nên
bởi bom đạn, học cạnh miệng hầm, học trong rừng sâu, học dưới ánh đèn dầu leo
lắt, mà dân ta có bao giờ ngừng học tập.
Không khí học tập bây giờ làm sao hơn được những thời ấy ? mà cái học
thời ấy mới thật là học để mở mang trí tuệ, để rèn luyện nhân cách, để làm
người hữu ích cho xã hội, chứ không phải với những động cơ phức tạp như bây
giờ.
Các nứơc Mỹ, Pháp, Nhật, Đức, ..., nền giáo dục của họ có
tồi đâu, thế mà họ tự đánh giá, phê phán khá gay gắt. Vì sao ? vì họ đều nhận
thức rõ, chúng ta đang sống ở một thời kỳ thế giới biến đổi cực nhanh, cái mà
ngày nay còn chấp nhận đựơc, thậm chí còn được xem là tốt, ngày mai có thể được
nhìn nhận khác. Phương châm giáo dục ngày nay không còn là cung cấp bửu bối, võ
trang kiến thức chỉ để có kiến thức, mà là rèn luyện khả năng tư duy, khả năng
thích ứng mau lẹ, rèn luyện đầu óc và nhân cách, để có những con người ném vào
hoàn cảnh nào cũng xoay xở và vươn lên được tối đa, tự khẳng định mình đồng
thời thúc đẩy cộng đồng tiến lên. Cái
tinh thần gần giống như trước đây ta gọi là tinh thần tấn công cách mạng, đó là
đức tính thường thấy rõ nét ở thanh niên đào tạo từ nhà trường các nước.
Mới đây tôi có dịp đến thăm đại học
Xanhgapo, nghe họ tự phê phán: tuy giáo dục Xanhgapo được xếp vào loại khá tốt
trên thế giới, nhưng họ vẫn tự nhận thấy nó đang bộc lộ nhiều nhược điểm, cho
nên phải được cải cách triệt để nếu Xanhgapo muốn giữ được và củng cố vị trí
của mình trong sự cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt. Họ chê tất cả những anh chàng Narcisse điển
trai, suốt ngày chỉ đắm đuối nhìn ngắm dung nhan mình trong hồ nước, để rồi sớm
muộn cũng sẽ, như Narcisse, khô héo và chết mòn bên cạnh hồ nước ấy.
Còn ta, chưa rõ tài giỏi đến đâu nhưng thường tự khen quá dễ
dàng, không chỉ trong giáo dục mà nói chung trong nhiều ngành đều như vậy. Tôi
chỉ xin nêu vài điều dễ thấy. Trong lúc xu
hướng mới của nhà trường phổ thông ở các nước phát triển là tiến tới học sinh học tất cả tại lớp, về nhà
không phải học bài, làm bài thêm gì hết về các môn dạy ở trường, thì trên đất
nước ta, trong Nam ngoài Bắc phụ huynh học sinh đều than thở con em mình phải
học và làm bài ở nhà quá nhiều, đến nỗi tiểu học mà các cháu phải thức khuya,
dậy sớm, hoặc phải nhờ bố mẹ làm giúp mới hết bài. Người ta thi cử nhẹ nhàng,
nhưng ở ta mỗi mùa thi là một mùa cả xã hội ăn ngủ không yên, còn quá thi đình
thi hội thời xa xưa, vừa tốn kém vô lối, vừa phơi bày mọi chuyện tiêu cực đáng
xấu hổ. Không ở nước tư bản nào nhà trường biến thành cái chợ mua bán chữ tồi
tệ như ở nhiều nơi trong nước ta. Cho
đến nỗi tiểu học cũng học thêm. Theo dõi
một vài phóng sự về chuyện dạy thêm, học thêm, về luyện thi đai học mà lúc này
đây đã vào mùa ở HN và tp HCM, cũng đủ thấy nhức nhối vì tất cả sự lạc hậu và yếu kém thảm hại của giáo
dục. Từ năm này qua năm khác, không hề
có chuyển biến tích cực. Chưa nói nội
dung và phương pháp giảng dạy, từ tiểu học đến đại học và trên nữa, cũ kỹ hàng mấy chục năm mà vẫn bình
chân như vại, không hề có chút lo lắng (điển hình là môn toán -- môn sở trường
của chúng ta-- và cách đào tạo sư phạm). Cũng chưa kể thực tế đáng buồn là nền
giáo dục theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà trớ trêu thay, đang khoét sâu thêm
bất công xã hội: từ tổ chưc, chương
trinh học, cách dạy, thi cử , tuyển sinh đều tạo cơ hội thuận lợi nhất cho con
em các tầng lớp có thu nhập cao ở các thành phố lớn.
Trường phổ thông đã vậy, trường chuyên nghiệp và dạy nghề còn kém nữa. Đại
học nhiều nơi chỉ là “học đại”, sách vở, thư viện nghèo nàn, thiết bị cũ kỹ,
rất ít kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Quy củ nhất của ta như đại học quốc gia cũng
chỉ được xếp thứ 62 trên 65 trường trong khu vực, theo sự khảo sát và đánh giá
trên tuần san Asiaweek (đương nhiên cơ sở cách sắp xếp này chưa phải đáng tin
cậy lắm, nhưng giá có so sánh thật khoa
học chắc ta cũng khó vượt lên cao).
Tình hình như thế thì làm sao có thể nói “ chuyển biến đúng
hướng”, “xu thế đi lên” như trong bản dự thảo nhận định ? Thật sự giáo dục của ta đang ở trạng thái
SOS, đang đi chệch quỹ đạo, mặc dù
nói ra điều đó nhiều quan chức giáo dục
không đồng tình.
Điều nghiêm trọng nhất là phần lớn những khó khăn, yếu kém
đó đều do ta tự tạo ra, không phải là tất yếu khách quan, không
phải do đất nứơc còn nghèo, như tôi đã nêu rõ trong hai bản kiến nghị.
Khi buộc lòng phải nhắc tới những chuyện không hay trong giáo dục mà ai cũng
biết, tôi không hề muốn trách cứ giáo viên hay phụ huynh vì thật ra không ai
muốn như vậy. Nguyên nhân sự sa sút, một
phần cơ bản quan trọng nhất là do cơ chế các chính sách chung hiện nay, mà rõ
rệt nhất, trực tiếp nhất là chế độ tiền
lương và các chế độ tài chính quá lạc hậu và bất hợp lý kéo dài, nhưng cũng
phải nói, một phần khác, không kém quan trọng, là do năng lực bất cập của cơ quan quản lý trực tiếp.
2. Hướng
chấn hưng giáo dục cho đến 2005
Như vậy nhiệm vụ cấp bách trong 5 năm tới là chấn
hưng giáo dục, chấn hưng toàn diện.
Kiên quyết thực hiện bằng được Nghị quyết II, đưa nhà trường các cấp (từ mẫu
giáo vỡ lòng đến chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học, và trên đại
học) vào quỹ đạo đúng đắn. Kiên quyết xử
lý, thanh toán các hiện tượng tiêu cực: dạy thêm, học thêm, luyện thi đại học,
đồng thời cải cách chế độ thi cử, cải tiến việc giảng dạy,cải tiến khâu biên
soạn và xuất bản, phân phối sách giáo khoa, tất cả nhằm tạo một cục diện mới
trong giáo dục, làm cho giáo dục VN nhích dần đến các tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển mạnh giáo dục chuyên nghiệp, đi đôi với cải tiến
việc dạy lao động cơ bản ở trường phổ thông (dạy những động tác cơ bản xử lý
gỗ, vải, hoặc kim loại, chứ không phải một nghề cụ thể, dù là đơn giản).
Về cao đẳng và đại học, giải quyết đúng đắn mâu thuẫn giữa
chất lượng và quy mô: trong khi phát triển mạnh các đại học ngắn hạn và cao
đẳng thì cần tập trung sưc giải quyết chất lượng cho một số đại học trọng điểm,
đặc biệt hai đại học quôc gia, nhằm nhanh chóng tiến lên trình độ hiện đại
trong khu vực.
Trao quyền tự quản rộng rãi cho các đại học trọng điểm. Về đào tạo trên đai học, chấn chỉnh chất lượng là chủ yếu thay vì chạy
theo số lượng như hiện nay. Đi đôi với bản kiến nghị về giáo dục phổ thông, tôi
cũng đã có một kiến nghị riêng về giáo dục trên đại học. Xin nhắc lại ở đây một
ý chính trong kiến nghị ấy là cần thay đổi căn bản cách quản lý giáo dục trên
đại học, một mặt kiểm soát chặt chẽ việc giao nhịệm vụ đào tạo trên đại học
(không giao tràn lan, mà chỉ giao cho những cơ sở thật sự đủ điều kiện), nhưng
sau khi đã giao nhiệm vụ thì chỉ kiểm tra chất lượng đào tạo cuối cùng (qua
trình độ các luận án), chứ không can thiệp tỉ mỉ vào quy trình đào tạo như lâu
nay đã làm.
Điều kiện tối quan trọng để thực hiện được chấn hưng giáo
dục trong 5 năm tới là chuyển biến tư duy giáo dục trong toàn xã
hội, ủng hộ những thay đổi theo hướng tích cực như trên. Nhà nước cần cải
cách căn bản chế độ tiền lương để tiền lương đủ bảo đảm cho giáo viên
mức sống trung bình khá trong xã hội, thì mới tạo được tiền đề cần thiết cho
mọi chuyển biến tich cực về giáo dục.*)
3. Cải
cách, hiện đại hoá giáo dục trong giai đoạn 2005- 2010
Ngay trong giai đoạn chấn hưng giáo dục (2000-2005), cần tổ
chức nghiên cứu chương trình cải cáchvà hiện đại hoá giáo dục để thực hiện
trong giai đoạn tiếp theo (2005-2010).
Mục tiêu cải cách và hiện đại hoá là làm sao cho, từ tổ chức đến chương
trình, nôi dung, phương pháp giáo dục, điều kiện và phương tiện học tập, ở mọi
cấp học, nhà trường của ta dần dần bắt kịp và hoà nhập được với thế giới. Chẳng
hạn: cơ sở trường lớp, thiết bị học tập, phương tiện vi tính và sử dụng
internet, chương trình và sách giáo khoa hiện đại, trình độ thày giáo, tổ chức
giảng dạy để bảo đảm học sinh phổ thông được học và làm bài tất cả tại lớp,
v.v..., về từng mặt ấy đều ít ra đạt được chuẩn mực như các nước trong khu
vực. Đồng thời phát triển giáo dục thường
xuyên, để sau khi ra trường, mọi người có cơ hội thường xuyên cập nhật kiến
thức, nâng cao và mở rộng hiểu biết theo yêu cầu của xã hội hiện đại.
Luôn luôn , ở mỗi giai đoạn, đều phải coi trọng cả mấy khâu:
nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài, chứ không chỉ tập
trung vào nhân lực như bản dự thảo đề nghị.
Trong thời đại văn minh trí tuệ ngày nay, dù cho nhân lực quan trọng đến
đâu thì nhân tài và dân trí vẫn thiết yếu cho sự phát triển của đất
nước. Đừng nghĩ trình độ dân trí chỉ đơn giản ở tỉ lệ số người biết chữ, số người
học hết một cấp học nào đó (nhất là chữ quốc ngữ dễ học), mà còn biểu hiện ở
thái độ người dân đối với luật pháp, đối với lao động nghề nghiệp, đối với việc
gìn giữ bảo vệ môi trường, cũng còn là đầu óc biết làm ăn, tính toán, v.v...
trong xã hội hiện đại. Còn nhân tài thì như ông cha ta đã từng nói, đó là
nguyên khí quốc gia.
Cuối cùng nên nhắc lại bài học kinh nghiệm từ những cải cách
vội vã trong giai đoạn 1992-1996 là cần nhiều thời gian để chuẩn bị kỹ càng các
kế hoạch cải cách giáo dục. Vì vậy phải xúc tiến nghiên cứu nghiêm túc việc cải
cách ngay từ bây giờ thì mới kịp bắt đầu năm 2005.
*) Trong bài
“Mây giải pháp cấp bách về giáo dục” tôi có đề nghị, nếu vì lý do gì chưa gải
quyết được căn bản chế độ tiền lương, thì trứơc mắt nên thu các khoản đóng góp
hiện nay dưới hình thức học phí và lấy
đó trả lương cho giáo viên một cách chính thức, đồng
thời nghiêm cấm dạy thêm, dành một phần thì giờ đó để giáo viên học thêm, một
phần để tổ chức giờ học sinh tự học ngay ở trưòng, dưới sự giám sát của giáo
viên. Nhưng tốt nhất là Nhà nước cải cách căn bản chế độ tiền lương và các chế
độ tài chính liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét