Sách tham khảo
Về kinh tế
trí thức
***
Lời phi lộ
Khoảng
cuối năm 2000 chúng tôi được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia (NXB), Hà Nội, mời
viết đôi điều suy nghĩ về kinh tế trí thức và liên hệ với Việt Nam. Chúng tôi lựa
chọn các bài viết của mình đã trình bầy trong một số cuộc hội thảo trong nước
về đề tài này biên soạn lại thành một cuốn sách nhỏ. Đầu năm 2001 bản thảo hoàn
thành và đã gửi đến NXB, kèm theo cả “lời giới thiệu của Nhà xuất bản” mà
chúng tôi được NXB yêu cầu chúng tôi soạn ra. NXB nói làm như thế cho tiện
việc.
Mọi
việc đều xong xuôi, bản thảo đã gửi đến NXB, nhưng có lẽ vì không đủ tiêu chuẩn
nào đó nên không được xuất bản.
Hơn
một thập kỷ đã trôi qua, nhiều cách nhìn và ý tứ trong bản thảo đã trở nên lạc
hậu và cũ kỹ. Song bản thảo có nhiều thông tin còn dùng được, nêu ra được không
ít những vấn đề lớn của đất nước có liên quan đến phát triển kinh tế trí thức ở
nước ta nhưng đến hôm nay vẫn còn nằm nguyên vẹn trong các file lưu giữ của máy
tính. Vì lý do này, nhân dịp lưu lại trên blog, xin trân trọng giới thiệu với
bạn đọc.
Nguyễn
Trung
Hà nội
tháng 12 – 2013
Dưới đây là toàn văn bản thảo
Lời Nhà xuất
bản
Sự xuất hiện của kinh tế tri thức,
trước hết với tính chất là một biểu hiện mới của phát triển lực lượng sản xuất
trong kinh tế thế giới, đang tác động ngày càng mạnh vào mỗi quốc gia và vào
quá trình toàn cầu hoá. Làm chủ được sự vận động này để xử lý có hiệu quả những
thách thức mới và để có thể tranh thủ được những cơ hội mới - đấy là đòi hỏi
bức thiết tự thân sự phát triển và vận động của kinh tế thế giới đề ra cho mỗi
quốc gia trên hành tinh này. Chính vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng
Cộng Sản Việt Nam lần thứ IX đề ra nhiệm vụ: “Phát huy những lợi thế của đất
nước, tận dụng mọi khả năng để đạt trình độ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ
thông tin và công nghệ sinh học, tranh thủ ứng dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức
cao hơn và phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học và công nghệ, từng bước
phát triển kinh tế tri thức.”ª
Tuy nhiên, nhìn nhận kinh tế tri thức
trước hết là một bước phát triển mới của lực lượng sản xuất - với đặc trưng là
khoa học kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đang là một vấn đề
thời sự. Một mặt vì bản thân sự vật đang trong quá trình vận động, mặt khác vì
nhận thức như thế nào thì cách ứng xử sẽ như thế nấy, liên quan mật thiết đến
quyết sách và hành động của đất nước ta.
Góp phần tìm hiểu bước phát triển mới
này của lực lượng sản xuất, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trân trọng giới
thiệu với bạn đọc
-
“Kinh
tế tri thức, những vấn đề và sự lựa chọn” của Nguyên Nguyên (Nguyễn
Trung), nguyên đại sứ nước ta tại Thái Lan.
-
“Kinh
tế tri thức và con đường hội nhập của Việt Nam” của G.s. tiến sỹ Phan
Đình Diệu, Đại học Quốc gia Hà Nội. Và
-
“Nền
kinh tế mới toàn cầu hoá - cơ hội và thử thách đối với các nước đang phát triển”
của tiến sỹ Trần Quốc Hùng, hiện nay là Giám đốc điều hành về nghiên cứu kinh
tế và thị trường tài chính thế giới của Rabobank International, London.
Ba tác giả nói trên làm việc và nghiên
cứu trong các môi trường khác nhau. Những vấn đề được trình bày và những suy
nghĩ riêng của ba tác giả được in chung trong cuốn sách này về kinh tế tri thức
đưa ra những gợi ý rất đáng tham khảo. Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia rất mong
những ý kiến thảo luận, đóng góp, bổ khuyết của bạn đọc.
Tháng
7 năm 2001
Nhà
xuất bản Chính trị quốc gia
ª Đảng Cộng Sản
Việt Nam: Văn kiện Dậi hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà nội 2001, tr. 25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét