Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

THỨ SÁU, NGÀY 05 THÁNG 2 NĂM 2016
Đại hội XII, một thất bại chung của Việt Nam!

* NGUYỄN TRUNG
1.
Đấy là nhận xét của tôi, - đứng tại góc độ nhìn nhận một Việt Nam với Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thế giới hôm nay sẽ được gì, mất gì? Sẽ mạnh lên hay yếu đi?... 
Đơn giản vì thế giới hôm nay nói chung, và nhất là (a) xu thế trên thế giới muốn có một Việt Nam mạnh đứng vững trên đôi chân của mình mà hòa bình và sự phát triển của thế giới hôm nay đang cần, hoặc là (b) xu thế muốn có một Việt Nam tiếp tục suy yếu để khai thác tốt hơn nữa sự lệ thuộc của nước này cho khát vọng giấc mộng Trung Hoa.., các xu thế khác (c) .., (d) .., (e) … vân vân.., tất cả những xu thế này trên thế giới không quan tâm đến mức mất ăn mất ngủ chuyện ai ở ai đi của Đại hội XII…
Các xu thế này trên thế giới quan tâm nhiều hơn đến chuyện ai ở ai đi đã được định hình tại Đại hội XII như vậy hứa hẹn sẽ dẫn tới một Việt Nam nào trong thế giới hôm nay và những năm tới? Sẽ có lợi hay bất lợi cho ai?.. Với một Việt Nam sau Đại hội XII như thế sẽ có những hệ quả gì trên bàn cờ khu vực, bàn cờ quốc tế?.. vân vân...  

Nhận xét của tôi “Đại hội XII là một thất bại chung của Việt Nam” còn xuất phát từ góc nhìn Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử, được tạo thành bởi 2 yếu tố quyết định. Đó là : (a) thế giới đã sang trang, hiện nay đang đi vào một thời kỳ có nhiều vấn đề quyết liệt nhất kể từ chiến tranh lạnh I (xảy ra sau chiến tranh thế giới II; hiện nay là chiến tranh lạnh II); và (b) sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta cũng phải sang trang, bởi vì giai đoạn phát triển đầu tiên sau 40 năm độc lập thống nhất đã hoàn tất (thật ra giai đoạn này đã kết thúc cách đây khoảng 10 năm rồi), ngày nay nước ta bắt buộc phải tìm đường trở thành một nước phát triển.
Tại bước ngoặt này, thách thức đối với nước ta quyết liệt chưa từng có, nhất là (1) vấn đề phát triển tự thân của đất nước ta và (2) vấn đề Trung Quốc bành trướng. Song cơ hội lớn cũng chưa từng có: Ngoại trừ Trung Quốc, hầu như cả thế giới mong muốn và hậu thuẫn một Việt Nam trở thành nước phát triển! 
Vì thế, phải đưa đất nước sang trang tại bước ngoặt lịch sử này là đòi hỏi chính trị có ý nghĩa sống còn đối với đất nước.  
Song tại Đại hội XII – trong Báo cáo chính trị cũng như trong Nghị quyết của Đại hội đã được thông qua, trong bố trí đội ngũ lãnh đạo cho nhiệm kỳ khóa XII…  đòi hỏi chính trị hàng đầu này coi như không tồn tại.  
Giải quyết câu chuyện ai ở ai đi và phải duy trì bằng được nguyên trạng của chế độ chính trị hiện nay là công việc chủ yếu của Đại hội – từ khâu chuẩn bị đến tiến hành Đại hội.
Trong khi đó toàn bộ những thách thức hiểm nghèo đất nước đang phải đối mặt trên mọi phương diên đối nội cũng như đối ngoại, những vấn đề quốc kế dân sinh sống còn của thời kỳ sang trang… chỉ được Báo cáo Chính trị và Nghị quyết Đại hội XII đáp ứng bằng những quan điểm – thực ra chỉ là những khẩu hiệu, đã được nhắc đi nhắc lại mòn cả chữ trong các Đại hội kể từ Đại hội VII đến nay, với kết quả đạt được là thực trạng đất nước hôm nay.  
Những quan điểm hay khẩu hiệu đó mấy chục năm qua đại thể là: kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, kiên quyết chống 4 nguy cơ, quyết xây dựng đất nước giầu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh… Đại hội XII thay đổi một số ngôn từ, song cũng chỉ dừng lại như một khẩu hiệu, tuyệt nhiên không có lấy một quyết sách nào mới cho nhiệm vụ đưa đất nước bước sang một trang phát triển mới và thích nghi được bối cảnh quốc tế hôm nay. 
Hãy thử đặt ra vài câu hỏi: 
-      Kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa từ 40 năm nay, đất nước ta hôm nay ra sao?
-      Phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp hiện đại bằng cách nào? “Sớm” là bao giờ?, “cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại” nghĩa là gì?, 30 năm đổi mới vừa qua đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đã làm được gì?, cái giá đã phải trả đến nay?...
-      Rồi đây nước ta sẽ là nước công nghiệp gì? - nếu như 70 – 80% xuất khẩu hiện nay là nhờ vào FDI, với nền kinh tế hiện nay lắp ráp và gia công là chủ yếu, lao động cơ bắp và công nghệ thấp đang là các yếu tố sản xuất quyết định, sẽ còn phải tiếp tục dựa vào nhiều hơn nữa loại FDI đáng sợ này để có thêm công ăn việc làm, nhiều vùng chiến lược của đất nước ngày càng bị các yếu tố nước ngoài chi phối nghiêm trọng, nhiều đơn vị kinh tế quan trọng đã bị nước ngoài mua đứt hoặc chịu sự chi phối của vốn ngoại…
-      Không thể nhắm mắt trước sự thật tổng quát: Về nhiều mặt, sau 30 năm công nghiệp hóa hiện đại hóa, hôm nay chúng ta đang là một nước đi làm thuê, đất nước ta đang là một đất nước cho thuê… Chưa nói tới sức ép của hàng loạt các vấn đề kinh tế vỹ mô khác đang vô cùng nóng bỏng – nổi lên là: những mối nguy hàng ngày trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, là câu hỏi vỡ đầu của doanh nghiệp mọi loại hình sở hữu: Làm thế nào có sản phẩm mới để có thể tồn tại trong cạnh tranh hôm nay?,  là làm sao sớm tạo ra được một nền nông nghiệp mới phù hợp?...
-      Sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như thế nào với thể chế chính trị toàn trị hiện có và sẽ còn được củng cố hơn nữa theo nghị quyết của Đại hội XII và đội ngũ lãnh đạo mới có quá đông thành viên từ công an và quân đội? …
-      Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên thế giới, sự hội nhập hiện nay của Việt Nam vào kinh tế toàn cầu được tiến hành trong bối cảnh của trật tự thế giới thế kỷ 21: cạnh tranh và đấu tranh với nhau rất quyết liệt giữa các nền kinh tế và các thế lực; trong khi đó thế giới ngày càng nhiều vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự rất nhạy cảm (ví dụ: chỉ riêng một vấn đề di tản từ Bắc Phi vào châu Âu đủ làm cho EU chao đảo, rạn nứt! Cứ cái đà như ba thập kỷ vừa qua, Trung Quốc bá chiếm Biển Đông hình như sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian? Vân vân…) . Thực tế khách quan này đặt ra đòi hỏi sống còn cho Việt Nam: phải sớm tạo ra cho mình một nền kinh tế dựa trên lao động ngày càng nhiều hàm lượng chất xám, phát huy tối đa tiềm năng con người, đất nước phải được vận hành bởi một thể chế chính trị kiến tạo ra được sự phát triển mới này, phải lựa chọn được một quốc sách đối ngoại phù hợp Đại hội XII đã ý thức được những đòi hỏi sống còn này? đã đề ra được những đối sách gì cho đất nước?...
-      Nói rốt ráo, đất nước đã bỏ lỡ 40 năm rồi. Sự thật của cuộc sống trong thế giới hôm nay nghiêm khắc đến mức đòi hỏi Việt Nam phải sớm trở thành một dân tộc khác giác ngộ được đầy đủ chính bản thân mình, để tự đứng lên là chính mình. Việt Nam phải sớm tạo ra cho mìnhmột nền kinh tế khác, phải xây cho mình một thể chế chính trị khác, để sớm dựng lên một quốc gia Việt Nam khác. Đấy là con đường Việt Nam thoát khỏi thực trạng èo uột và lệ thuộc hiện nay, giành lấy sự tôn trọng và sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế, và nhất là để có thể trở thành một láng giềng bình đẳng và được tôn trọng của Trung Quốc... Chẳng lẽ những đòi hỏi sống còn này của đất nước không đáng để Đại hội XII quan tâm? Ngoài cái gọi là kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác – Lênin, hai năm chuẩn bị và 8 ngày họp Đại hội XII không có được lấy một chữ về những vấn đề sống còn này của đất nước. Vứt bỏ những nhiệm vụ chính trị trọng đại như vậy của đất nước, lại dồn hết sức lực vào câu chuyện duy nhất ai ở ai đi? của khóa XII này để bám giữ chế độ, thử hỏi ĐCSVN sau Đại hội XII sẽ mạnh lên hay sẽ tha hóa trầm trọng thêm?
-      Trong vòng chưa đầy 10 ngày đầu tháng 1-2016 Trung Quốc đã cho 46 lần máy bay của họ xâm phạm vùng trời của ta tại Hoàng Sa và Trường Sa, xâm phạm vùng thông báo bay của nước ta, ngang nhiên đưa vào sử dụng các căn cứ quân sự họ xây dựng trái phép trên các đảo lấn chiếm của ta… Tiếp theo đó là việc đưa giàn khoan HD 981 vào vịnh Bắc Bộ… Thử hỏi: Giữa lúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa mới đi thăm Trung Quốc về và Đại hội XII sắp họp, những hoạt động của máy bay Trung Quốc và sự việc giàn khoan HD 981 mang tính vỗ mặt và đầy dã tâm bành trướng này nói lên điều gì? Luật chống khủng bố ở nước ngoài Trung Quốc mới ban hành (12-2015)  có ảnh hưởng ra sao? Trước thực tế này thực hiện nghị quyết Đại hội XII kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước như thế nào bây giờ?
-      Vân vân…
Còn nhiều câu hỏi mất còn đối với đất nước như thế cần được đặt ra sau Đại hội XII.  
Có quá nhiều sự việc diễn ra trong suốt quá trình chuẩn bị (kể từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI), tiến hành và kết thúc Đại hội XII đã tự phơi bầy ra trước công luận những diễn biến mới tệ hại chưa từng có trong nội bộ Đảng và trong hàng ngũ các chính khách của Đảng… Các sự việc đã diễn ra, từ không khí trên những gương mặt sát khí đằng đằng với mọi vũ khí khí tài hiện đại bên ngoài nơi họp Đại hội, cho đến những diễn biến thăng trầm bất thường gần như từng ngày từng giờ bên trong Đại hội, tất cả đều mang tính bi hài kịch đến tột độ, thậm chí khó mà có thể thấy  được ngay cả trong những kiệt tác văn học!  
Song Đại hội XII chỉ có một kết quả, hay là chỉ làm được một việc duy nhất: Ai ở, ai đi và kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin. 
Tất cả những điều nói ra ra trên đây đều dẫn tới kết luận cuối cùng: Sau Đại hội XII ĐCSVN tiếp tục yếu đi, nội bộ ngày càng phân hóa, đảng tiếp tục tha hóa.  
Quan trọng hơn thế, Đại hội XII đã tự phơi bầy ra trước cả nước: Nhiệm vụ chính trị tối thượng của quyền lực trong Đảng bây giờ thực chất chỉ nhằm vào duy trì bằng được chế độ toàn trị. Quyền lợi mà quyền lực trong Đảng bám giữ được cùng với nỗi khiếp sợ trước Trung Quốc là hai nguyên nhân chính dẫn tới kết quả này của Đại hội. 
Với sự thất vọng trong dân về Đại hội XII, ĐCSVN hôm nay đang “mất” trong dân nhiều nhất so với tất cả các giai đoạn trước đây, kể từ ngày thành lập.  
Vì các lẽ nói trên, có thể coi Đại hội XII là thất bại của ĐCSVN - một sự thật khách quan! 
Đại hội XII còn là một thất bại của Việt Nam trên bình diện quốc tế, bởi lẽ triển vọng sớm xuất hiện một Việt Nam mạnh và là chính mình đã bị kết quả của Đại hội XII đẩy ra xa nữa vào tương lai không đoán định được – vào cái thời buổi của thiên hạ: Lỡ một bước, hận nghìn thu!… Giữa lúc nền kinh tế đất nước 3 năm gần đây đang trên đường phục hồi, các đối tác và bạn bè trên thế giới đang kỳ vọng vào những tiềm năng to lớn của Việt Nam!..
2.
  Đại hội XII còn là thất bại chung của cả nước, vì lẽ sau đây:
 Trước hết khái niệm “cả nước” ở đây xin được hiểu là mọi người Việt Nam yêu nước, không kể bất kỳ sự khác biệt nào, sống trong nước hay ở nước ngoài.  
Cả nước như thế đã có không ít những ý kiến đóng góp đúng đắn, chuẩn xác, xây dựng, với tất cả ý thức trách nhiệm. Cả nước như thế mong muốn Đại hội XII sẽ mở ra một bước ngoặt lịch sử, đưa nước ta đi vào con đường trở thành nước phát triển. Cả nước đòi hỏi Đại hội XII phải mở ra một thời kỳ đổi đời đất nước, và ĐCSVN phải thay đổi thành một đảng dân tộc và dân chủ để làm đúng được chức năng là đảng cầm quyền… 
Nhiều ý kiến, kiến nghị đã nêu lên những vấn đề cụ thể phải giải quyết, những việc phải làm, các bước đi…, để hòa bình tiến hành một cuộc cải cách chính trị từ trong Đảng ra và từ xã hội dân sự, mang nhiệm vụ đổi đời đất nước và giải phóng tiềm năng con người với tính cách là nguồn lực và sức sáng tạo quý nhất của quốc gia. Cả nước mong muốn Đại hội XII sẽ là Đại hội của sự thật, dân chủ, hòa giải dân tộc và cải cách…  
Không ít trong những kiến nghị này chẳng những đòi hỏi, mà còn giao phó cho ĐCSVN với tính cách là đảng chính trị độc nhất đang nắm trong tay vận mệnh đất nước (Đảng tự gọi mình là đảng cầm quyền)  trách nhiệm ràng buộc là phải đứng ra chủ xướng và tổ chức cuộc cải cách chính trị trọng đại này. Để khỏi nói chay, có thể nêu ra bức thư ngỏ ngày 09-12-2015 của 127 người ký tên gửi lãnh dạo ĐCSVN khóa XI và Đại hội XII là một trong những ví dụ cụ thể.  
Cả nước làm như thế không phải vì ảo tưởng, mà vì đấy là sự lựa chọn của trí tuệ và ý chí, tiết kiệm xương máu cho đất nước, và hứa hẹn thành công vững bền. 
Nếu tổng hợp những kiến nghị xây dựng như vậy trong cả nước gửi Đại hội XII, có thể kết luận chắc chắn: trí tuệ Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng vạch ra và tiến hành thành công cuộc cải cách chính trị vỹ đại này mà đất nước đang cần.  
Rất tiếc, cả nước đã thất bại, đơn giản vì những kiến nghị xây dựng này đã bị bỏ ngoài tai và không mảy may tác động vào Đại hội XII. 
Coi Đại hội XII là thất bại chung của cả nước, suy nghĩ này lập tức sẽ vấp ngay sự phản kháng quyết liệt rất xác đáng trong dân: Thất bại của Đại hội XII là chuyện của Đảng, tự Đảng gây ra, sao lại lôi buộc cả nước dính vào? Cái Đảng này không thể thay đổi và cũng không biết tự thay đổi, cũng chẳng lực lượng nào trong nước có thể lật đổ nổi… Vậy thất bại của Đại hội XII và cái Đảng này tự đi tiếp tới sụp đổ là tốt cho đất nước chứ, hà cớ gì lại buộc cả nước dính vào, lại còn dám đòi cả nước gánh chịu thất bại chung?.. Đất nước đến nông nỗi này mà vẫn còn rắp tâm cứu Đảng? Còn ngu muội như thế đến bao giờ nữa? Ngu muội đến phản động!  Tại sao không làm tất cả để cứu nước?...
Phải thừa nhận ĐCSVN tha hóa tiếp và tự đi tới tự sụp đổ là một trong những khả năng hiện thực nhất, đã xẩy ra rồi tại các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô – Đông Âu cũ. Thậm chí không loại trừ đây là khả năng hiện thực duy nhất của nước ta trong thực trạng hôm nay – một khi tức nước vỡ bờ! Ngoài ra không có thế lực thù địch nào trong ngoài nước làm được việc lật đổ ĐCSVN và chế độ toàn trị của nó đâu, kể cả quyền lực rắn và mềm của bất kỳ ngoại bang nào! 
Nhưng nếu bây giờ cả nước chịu buông tay, chấp nhận kịch bản Đảng tự đi tiếp đến sụp đổ, sẽ đồng nghĩa cả nước cam chịu chấp nhận để cho đất nước rơi tự do vào một cuộc bể dâu mới, chắc chắn sẽ đầy máu và nước mắt!  
Cả nước ta bây giờ, vào thế kỷ 21 này, với tất cả những kinh nghiệm của thất bại và thành công trên con đường đất nước đã trải qua 70 năm qua, với tất cả những bài học xương máu của các quốc gia trên thế giới, chẳng lẽ đành một bề bó tay cam chịu chờ đợi cuộc bể dâu mới này ập đến? Và chỉ còn biết than thở: …Thôi thì cái gì phải đến sẽ đến!?.. 
Thế rồi sau cái cuộc bể dâu này, cái gì phải đến sẽ đến nữa?.. Lại sẽ triền miên giằng xé nhau nữa!?.. .
Trời ơi, không thể như vậy được! 
Vì thế, suy nghĩ chấp nhận coi Đại hội XII là thất bại chung là suy nghĩ quyết liệt: Đất nước này dứt khoát không phó mặc thân phận mình cho mọi trò chơi quyền lực của Đảng. Dứt khoát không phó mặc cho Đảng số phận của đất nước muốn ra sao thì ra! 
Cả nước coi Đại hội XII là thất bại chung, có nghĩa là cả nước quyết đứng lên giành lấy quyền tự quyết định thân phận của mình và số phận của đất nước, quyết không cam chịu gắn bó số phận của đất nước với quá trình tự sụp đổ của Đảng.  
Cả nước coi Đại hội XII là thất bại chung, là suy nghĩ bao dung và nhân văn theo tinh thần đoàn kết và hòa giải dân tộc, tiết kiệm xương máu và mồ hôi nước mắt của dân tộc, chắt lọc các yếu tố tích cực dù là nhỏ nhất – theo tinh thần gạn đục khơi trong, còn nước còn tát.  
Hiển nhiên quyền lực trong Đảng không biết lẽ phải và chỉ biết đối thoại bằng bạo lực. Song ngày nay át được tiếng nói chính nghĩa của dân không dễ nữa. Chưa nói đến trong 4,5 triệu đảng viên, chắc chắn có một tỷ lệ rất lớn số đảng viên còn nặng lòng yêu nước và đứng về phía dân. Ngay trong Đại hội XII cũng có những tiếng nói và các con số biểu quyết phản ánh sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ Đảng, đến mức đã có nhận xét: ĐCSVN sau Đại hội XII không còn là như trước nữa…
Muốn hay không muốn, dù chỉ mang tính khẩu hiệu xuông, Báo cáo chính trị và Nghị quyết của Đại hội XII vẫn phải ghi một số những việc phải làm cho nhân dân, cho đất nước, nhất là đã nêu ra (thực ra là chỉ nhắc lại)  đòi hỏi phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, đã đặt vấn đề phải thực thi quyền của nhân dân làm chủ đất nước và các quyền tự do dân chủ của công dân… Cả nước cần phải có tiếng nói quyết liệt đủ sức đòi thực hiện những điểm đã một lần nữa ghi được trên giấy trắng mực đen này. Đừng để cho đấy chỉ là câu chuyện của giấy và mực! Một tiếng nói có thể bị trấn áp, song cả nước đồng thanh thì quyền lực nào cũng phải nghe.  
Giữa lúc báo chí và hội họp không đủ lời ca ngợi Đại hội XII mà dám coi Đại hội XII là thất bại chung, có nghĩa là cả nước sẽ có ý chí dám nói lên những vấn đề phải nói với tinh thần xây dựng, đoàn kết và hòa giải. Chỗ này cần phải nói cho rành rọt: Đây là hòa giải giữa người bị cai trị và người cai trị, giữa dân và Đảng, để mỗi trong hai bên đều cố vượt qua nỗi sợ và những yếu kém của mình, để cùng nhau tìm ra tiếng nói chung cho cái đúng, quyết định được những giải pháp đúng cho những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đúng với tinh thần: Tổ quốc trên hết! 
Như vậy, bằng lý trí, ý chí và lý lẽ đúng đắn, dân sẽ không sợ những uy lực càn bậy, dám nói những điều phải nói, dám làm những việc phải làm.  
Như vậy, Đảng cũng sẽ không sợ dân lật đổ, biết dựa vào dân để tự cải tạo và nâng cao chính mình, phát huy được sức mạnh của dân để giải quyết những vấn đề của đất nước – đây cũng là con đường phấn đấu để trở thành đảng cầm quyền với đúng nghĩa. (Chiến tranh qua lâu rồi, Đảng hôm nay hoàn toàn vứt bỏ bài học dựa vào dân của chính mình, đã quên mất có nhân dân bảo vệ Đảng mới tồn tại được đến hôm nay!).
Về phía dân, một khi cả nước dám coi Đại hội XII là thất bại chung, điều này cũng có nghĩa cả nước dứt khoát không cam chịu khoanh tay ngồi yên, phó mặc cho sự tha hóa của Đảng xô đẩy vào đất nước vào cái bể dâu ghê sợ phía trước. Ý chí này biểu hiện sự trưởng thành chính trị ngày càng cao của nhân dân, và là nguồn lực, là sức mạnh vô cùng quan trọng không thể thay thế được cho tiến hành cải cách chính trị thành công trong hòa bình. Nuôi dưỡng và phát huy ý chí này chính là một trong các nhiệm vụ trọng đại nhất của xã hội dân sự. 
Về phía Đảng, cần nhận thức sâu sắc: Chừng nào cả nước còn coi Đại hội XII là thất bại chung, chừng đó còn cho thấy dân muốn Đảng phải thay đổi để trở nên tốt hơn, dân không muốn chủ động đẩy Đảng trở thành kẻ đối kháng của mình; qua đó khả năng dựa vào dân để thay đổi Đảng thành đảng của dân tộc và dân chủ vẫn là hoàn toàn hiện thực cho hôm nay. Đảng muốn đi với dân tộc thì phải dựa vào dân như vậy, dân chủ là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.  
Suy nghĩ cả nước coi Đại hội XII là thất bại chung như thế, trước hết có nghĩa vô cùng quan trọng: Cho đến giờ phút này nhân dân vẫn muốn kéo ĐCSVN về đứng chung trên chiến tuyến của mình – chiến tuyến của Tổ quốc Việt Nam trên hết! Hôm nay ĐCSVN và 4, 5 triệu đảng viên của mình nếu chưa hiểu được điều này thì phải cố học để hiểu và thấm nhuần bằng được điều này! 
Dân và Đảng dám coi Đại hội XII là thất bại chung, đấy chính là ý chí mãnh liệt cả từ phía dân và phía Đảng, quyết cùng nhau chặn đứng xu thế vận động Đảng ngày càng đi ngược với lợi ích quốc gia. Chẳng lẽ Đảng không cần dân, không muốn dựa vào dân để đảo ngược sự vận động này của Đảng?  
 3.
Những nhiệm vụ phải làm đưa đất nước sang trang tại bước ngoặt lịch sử hiện nay tuy không được xây dựng thành những quốc sách tại Đại hội XII, nhưng vẫn còn nguyên vẹn phía trước, và phải làm.  
Dù có hay không có ghi trong Nghị quyết của Đại hội XII, lợi ích quốc gia đòi hỏi ĐCSVN trong khóa XII này phải tạo ra được sự phát triển của đất nước làm được chức năng chuyển giai đoạn, đưa nước ta hiện nay vẫn là nước nghèo đi vào con đường trở thành nước phát triển. Đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cải cách thể chế chính trị trở thành yếu tố quyết định thúc đẩy đất nước phát triển. Vì thế trước hết Đảng phải nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thay đổi quyết liệt chính mình, như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã phát biểu tại Đại hội. 
Không thể chỉ bằng những lời kêu gọi, bằng khẩu hiệu, bằng xử thị uy một số vụ án, bằng những sửa chữa chắp vá một số thủ tục, quy chế.., chỗ này một tý, chỗ kia một tý theo kiểu chuồn chuồn đập nước dưới cái tên gọi mỹ miều là cải cách thể chế, nhưng lại giữ nguyên hệ thống chính trị hiện tại và siết hơn nữa – nhân danh kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, bạo danh coi độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc! Càng không phải bằng cách quy kết tất cả những gì quyền lực Đảng không thích vào chung một rọ “suy thoái đạo đức chính trị tư tưởng, tự diễn biến…” để miệt thị và hù dọa, úp thêm cái mũ “các thế lực thù địch” để trấn áp! Không phải thế! 
Đất nước cần hơn bao giờ hết một cuộc cải cách triệt để hệ thống chính trị với những bước đi thích hợp. Lợi ích quốc gia và những thách thức hiểm nghèo phía trước đất nước đang phải đối mặt đòi hỏi ngay trong nhiệm kỳ khóa XII này ban lãnh đạo mới của Đảng phải dựa vào trí tuệ của cả nước để hình thành được một chiến lược tổng thể cho cải cách chính trị và những việc phải làm đầu tiên từ nay đến năm 2020, mở đường cho sự nghiệp cải cách trong những năm tiếp theo, chứ không phải là chốt lại như trong Nghị quyết Đại hội XII “…không sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đảng hiện hành.”.
Cái đích tối cao của cải cách chính trị là thực hiện bằng được quyền làm chủ đất nước của nhân dân và các quyền tự do, dân chủ của công dân. 
Nội dung cơ bản của cải cách là loại bỏ tình trạng hệ thống chính trị “3 trong 1” – Đảng, nhà nước, mặt trận – mà trong thực tế toàn bộ hệ thống chính trị chỉ là công cụ của quyền lực trong Đảng, để thực hiện đúng nghĩa xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đấy là nhà nước pháp quyền dân chủ trên nền tảng của kinh tế thị trường và xã hội dân sự. Hệ thống nhà nước này phải có các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp được thiết kế đầy đủ, có trách nhiệm và quyền lực riêng biệt được phân công rõ rệt (chứ không phải nhánh này đứng trên nhánh kia)  theo quy định của Hiến pháp, cùng kiểm soát - giám sát lẫn nhau, và cùng liên đới chịu trách nhiệm trước cả nước về thực thi Hiến pháp với tính cách là bộ luật tối thượng của đất nước, ĐCSVN cần phấn đấu trở thành đảng cầm quyền đúng luật trong hệ thống nhà nước này. Vai trò lãnh đạo của Đảng là ở chỗ: Đảng có những quyết định cần thiết và chủ động đứng ra phát huy trí tuệ và nghị lực cả nước xây dựng bằng được hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ này, làm mọi việc có thể bảo đảm và bảo vệ sự nghiệp xây dựng thành công trong hòa bình một hệ thống nhà nước như vậy cho đất nước. (Cũng như trước đây: Vai trò lãnh đạo của Đảng là phát huy sức mạnh cả nước đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước, song cái không nên làm là có độc lập thống nhất Đảng lại làm chủ luôn đất nước!) . Cải cách chính trị như thế chính là con đường giải phóng mọi tiềm năng của đất nước để sớm vươn lên trở thành nước phát triển. Đó cũng là con đường giải phóng ĐCSVN hôm nay khỏi những tha hóa trầm kha và lấy lại chính danh của mình. 
Những việc có thể làm ngay trước mắt là thực hiện ngay những quyền tự do, dân chủ của công dân như đã ghi trong Hiến pháp 2013 – nhất là: quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình.., nghiêm cấm và nghiêm trị những hành vi trấn áp phi pháp, thả ngay những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ.
Ngay trước mắt, một thử thách nghiêm khắc để chứng minh tính chính danh của Đảng, và cũng là một trách nhiệm rất quan trọng của ban lãnh đạo mới nhiệm kỳ khóa XII đối với đất nước, đó là việc bầu cử Quốc hội mới sắp tới.  
Làm thế nào để có được một Quốc hội với đúng nghĩa là người đại diện cao nhất quyền lực của nhân dân, loại bỏ tình trạng “Đảng cử dân bầu”? Phải thay đổi những gì để chấm dứt trạng thái trên thực tế Quốc hội là cơ quan cấp dưới của Bộ Chính trị (trên thực tế là cơ quan hợp pháp hóa và thực thi quyền lực Đảng)  mà không ít các đại biểu Quốc hội đã công khai nói ra như vậy trong các buổi họp Quốc hội cũng như trước công luận? Đảng và hệ thống chính trị phải tự thay đổi như thế nào thì mới có được một Quốc hội đúng nghĩa?.. Tránh né cải cách, tránh né những câu hỏi này, Ủy ban bầu cử quốc hội mới và những thứ kèm theo cũng chỉ là để trang trí. 
Song lại có ý kiến: Trung Quốc không cải cách chính trị, nên Việt Nam không làm được, không dám làm, dù có muốn cũng không được. 
Sự thật hiển nhiên là vấn đề Trung Quốc là một áp lực rất lớn chống lại cải cách ở Việt Nam, Trung Quốc có trong tay nhiều phương tiện có thể phá vỡ mọi nỗ lực cải cách ở Việt Nam – kể cả một khi cải cách được tiến hành (tuy khập khiễng, song vấn đề “Krym” và những diễn biến ở Ukraina là một  trong những ví dụ điển hình đáng tham khảo) . Song những gì đang diễn ra ở Myanmar, ở Đài Loan đang chứng minh: Không phải Trung Quốc muốn gì cũng được. 
Chờ Trung Quốc cải cách thì ta mới dám cải cách không khác gì chờ Trung Quốc bỏ mục tiêu siêu cường số một thế giới!  
Nước ta đã chờ như thế 40 năm kể từ 30-04-1975. Đã chờ như thế từ Hội nghị Thành Đô. Lấy cả kiên định con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội để biện minh cho cái chờ này. Ghi vào Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc 06-11-2015 “hai bên coi sự phát triển của nước này là cơ hội phát triển cho nước kia” để cầm chắc cho cái chờ này. Song chờ như thế nước ta đã mất gì, được gì suốt 40 năm qua? Chẳng lẽ được sự lệ thuộc ngày càng trầm trọng vào Trung Quốc và sự phát triển èo uột? Được sự yên ổn để họp Đại hội XII… Còn mất thì sao? Nhiều lắm! Cái mất lớn nhất là con đường phát triển của đất nước đang bị chính cái chờ này của ta chặn đứng! Không thể đổ mọi tội cho Trung Quốc. 
Một sự thật nghiêm trọng khác là càng chờ như vậy, Trung Quốc càng lấn tới, và nước ta ngày càng lực bất tòng tâm trong nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và chủ quyền mọi mặt của quốc gia. Bởi vì chờ như vậy, lòng dân ngày càng mất tin tưởng vào Đảng và chế độ, sự giằng xé trong nội tình đất nước gia tăng do sự tha hóa của hệ thống chính trị đang gia tăng, ngay trong nội bộ Đảng cũng ngày càng phân hóa. Chờ như vậy lòng dân càng phân tán, không thể có hòa hợp hòa giải dân tộc, không thể hội tụ và phát huy sức mạnh dân tộc. Chờ như vậy trong nước thì không thể nhân tâm thu về một mối, bên ngoài thì không thu phục được lòng người để nước ta có thể sống được trong cái trật tự thế giới ngày càng ác nghiệt này! Chờ như vậy là cam chịu sống trong cái bóng của Trung Quốc. Sống trong cái bóng của Trung Quốc, lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 2000 năm qua cho thấy Việt Nam mất nhiều hơn được. 70 năm qua càng như thế… 
Đúng ra phải đặt vấn đề ngược lại: Không phải vì Trung Quốc nên phải chờ! Mà chính là vì Trung Quốc nên càng không được chờ! Dám như vậy mới có lối ra! Cả nước một lòng, từ trong Đảng ra và từ xã hội dân sự, Đảng chủ động đề xướng và tạo mọi điều kiện cho cải cách và bảo vệ cải cách. Như thế chẳng có gì phải chờ! Việt Nam muốn chính là Việt Nam thì không cần chờ, không được chờ! 
Bây giờ mọi ghế đã yên vị, công việc cấp bách hơn bao giờ hết của toàn ban lãnh đạo mới là thực hiện dân chủ để bàn bạc thực lòng và hết lòng với cả nước mọi quyết sách cho mọi vấn đề trọng đại của cải cách chính trị và của phát triển đất nước đang đặt ra, nhất là những giải pháp cho những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nóng bỏng nhằm đẩy mạnh quá trình kinh tế đang phục hồi và tạo ra được những bước đi xuôn xẻ vào thời kỳ hội nhập mới (TTP, AEC, các FTAs mới…) , làm tốt nhiệm vụ là đối tác chiến lược và đối tác toàn diện ta đã cam kết...  
Cần mở rộng dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị của đất nước, trong bộ máy chính quyền, trong xã hội dân sự, trong các trường – viện làm công tác nghiên cứu và giảng dậy, trong hệ thống tuyên truyền – báo chí, trong các đơn vị kinh tế… để bàn bạc với nhau thực lòng và hết lòng, trước hết nhằm xác định đúng các vấn đề phải xử lý và các giải pháp.  
Dứt khoát nên vứt bỏ và phê phán nghiêm khắc nếp nghĩ, nói và làm theo cái gọi là “quán triệt nghị quyết, đưa nghị quyết vào cuộc sống”, mà nên nhìn thẳng vào đòi hỏi: Sự thật trong cuộc sống đang đặt ra những vấn đề gì? Phải giải quyết thế nào?.. Dứt khóat cần vứt bỏ việc dùng bạo lực và dối trá để khỏa lấp các sai trái, trấn áp những ý kiến trái chiều, những bất đồng, những phản đối bất công... Dân chủ, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình phải trở thành những tiêu chí bắt buộc của mọi hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong mọi lĩnh vực của đất nước… Đấy là những việc rất cụ thể, đầu tiên, khả thi, có thể làm ngay được cho việc mở ra một chương mới của lịch sử đất nước. 
Xin có một lời dành riêng cho tất cả những ai đang làm việc trong hệ thống tuyên giáo, truyền thông và trong gần 800 báo chí của cả nước: Xin hãy làm tất cả với sự trung thực và ngoan cường của mình dấy lên trong cả nước tinh thần: Tổ quốc Việt Nam trên hết! Và xin từng người hãy cố vượt qua cái sợ riêng trong mình để gìn giữ lương tâm người cầm bút, người chiến sỹ trên mặt trận tinh thần của đất nước!  
Kết thúc bài này, xin đề nghị ban lãnh đạo mới của Đảng nhiệm kỳ khóa XII huy động trí tuệ trong Đảng và cả nước làm rõ câu hỏi: 
- “Thừa nhận Đại hội XII là thất bại chung của cả nước, một thất bại của Việt Nam” là một luận điệu phản động, hay là một sự thật cần nhìn thẳng vào để tìm lối ra cho đất nước?
Hà nội – Võng Thị, ngày 03-02-2016
N.T/(Viet-studies)/TTHN
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhxL01LFAulByQnv8dSvtr_V_DtCyNOynQMcnBYlod4gnoXSSUjArMMK6B5un6zWrWKf9E9-gmW9FjANUqpxoOpdYwMGvSTave3i-H2sY20g3vblgQNvVsX25V7r5XOckPu8p_nsREvz7i3/s1600/1a1a1b3c.jpg
-----------
Được đăng bởi Bùi Văn Bồng vào lúc 21:21 
23 nhận xét:
1.  
Bài viết hay. Tôi thích.
1.         
Đồng ý với anh TMT.
Nếu bác NT.phân tích một cách khoa học như trên
thì Người Buôn Gió nói thẳng ra cái thực tế xót
xa như "đi guốc trong bụng" những kẻ gian tà vì
thông đồng và thoà hiệp với giặc Tàu cộng !
Hoan hô NBG.với bài "Đàng ngoài thắng thế" !
2.  
Dân chủ đa nguyên...

Ai dám chỉ trích chính quyền Độc tài thì sẽ bị đi tù.
Ai dám chưởi chính quyền Dân chủ, thì được lên truyền hình.

( Manfred Rommel )

http://gutezitate.com/zitate-bilder/zitat-wer-in-der-diktatur-die-regierenden-kritisiert-kommt-ins-gefangnis-wer-in-der-demokratie-uber-manfred-rommel-107970.jpg
3.  
dân cpc còn văn minh hơn Việt Nam rất nhiều lần, có lá phiếu bầu cử mà cũng không thật là chính mình, huống hồ gì phải cất lên tiếng nói thể hiện tự do ngôn luận
1.         
ở cpc , có đâu nạn chèo kéo khách hàng, dân bức xúc sẵn sàng tập hợp biểu tình phản đối, dân việt kẹt xe thì bọn trên bảo không phải vì còn nhúc nhích được, bán vé số có thu nhập cao, mả bố chúng vậy chúng cho con cái đi bán vé số hết đi, khốn khổ khốn nạn cho dân việt
4.  
Sự tồn tại ở vị trí độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản đã là 1 thất bại của Việt Nam rồi, nói gì tới đại hội Đảng . Càng nhiều đại hội Đảng, VN càng thất bại thảm hại .

Nhưng lại là thắng lợi của Đảng .
5.  
Làm ơn đừng gọp CHUNG cái đảng thổ tả nầy với VN, Tổ Quốc, Dân Tộc.
Trò đánh lận con đen nầy xưa như cái LÁ ĐA rùi.
1.         
Cũng đừng gọi lá cờ đỏ sao vàng của tỉnh Phúc Kiến TC là "cờ Tổ quốc VN"!?
6.  
Bài của bác Nguyễn Trung rất dài và tôi lĩnh hộ được một điều cơ bản nhất: ĐCS hèn, Đại hội 12 là một thất bại lớn của ĐCS và nhân dân ta không được trông chờ gì ở sự cải cách sau Đại hội này, vì ĐCSVN ngày càng phụ thuộc vào TQ nên càng không thể có bất cứ một sự cải cách nào.
Tuy vậy, hai tấm gương vừa xẩy ra tại Myanmar và tại Đài Loan, cho thấy TQ và những kẻ ôm chân TQ dù làm cách nào cũng không ngăn cản được xu thế tiến bộ xã hội khi lòng dân mong muốn.
7.  
nếu bài viết này chỉ vài ngày nữa mà được đăng trên báo Nhân Dân hay tạp chí Cộng Sản hoặc những báo tương tự thì lịch sử Việt Nam sẽ sang trang mới
1.         
Trang mới của chương cũ ?
8.  
Vâng,chính xác như bác NTrung đã nhận định một cách thẳng thắn,
có ý và có tình qua bài viết rất thuyết phục này.
Điều đau xót nhất là quan chức chính trị VNCs.chỉ biết lo bám
lấy đặc quyền đặc lợi do độc đảng CS.toàn trị ban phát từ tiền
thuế của nhân dân và tiền viện trợ quốc tế giúp cho người dân
VN.thoát khỏi bần hàn nhưng bị đảng họ quản lý tất tần tật để
BÓC LỘT và VƠ VÉT gấp ngàn lần chế độ phong kiến hay tư bản !
Thử hỏi họ là nước mất thì đặc quyền đặc lợi có giữ được không
khi họ trở thành tội phạm đối với lịch sử dân tộc VN.?
9.  
Noi ngan gon la nhu the nay : Co the nuoc Viet da bi con virus Trung Cong tham nhap va pha tu trong pha ra. Nhung ten bac sy Trong Lu luc thi xai vacine 'dom', luc lai dem may cuon bua chu MacLe ra cau cung ( y nhu khi xua bon HongVeBinh ben TQ luon dem 'Mao tuyen' ra niem than chu. Thu hoi nhu vay toi bao gio het benh. Cau tra loi la, benh chi co nang them, du cac bai viet gop y cua nhan dan co 'tam huyet' cach may thi cung bang thua, vi co thang quan nao no them de mat toi. Neu chung de mat toi, tuc la chung muon nghe thi bai da duoc dang tren 'Nhan Dan' chu khong phai thi tha thi thot trong nhan dan nhu the nay! OK ?
10.                     
Do vậy họ cố ý tìm cách xóa môn lịch sử để các thế hệ sau ko ai biết những tội ác tày trời của chúng gây ra cho dân tộc.
11.                     

Tín hiệu tại Hà L..ội và Sài Gòn sắp động đất sụp tiệm


http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/660/amz/worldservice/live/assets/images/2016/02/05/160205154351_hoangtrunghai_dinhlathang_640x360_getty_nocredit.jpg




'Thèng' gốc Đại Hán làm Bố Hà L..ội ! !
'Thèng' gốc Bắc làm Cha Sài Gòn ơi !
Hai 'thèng' tân ủy viên Bộ chính Chị
Đinh La Thăng tài la hét đâu tồi !
Tham quan thị sát 'bốc' nhựa đường ngửi
Hoàng Trung Hải nặc máu Hoàng Văn Hoan rồi !
Chưa kể cháu đích tôn Tô Định - Mã Viện ! ! !
Cú này chắc Hà Nội sẽ mất toi thôi !!!
Ấy thế nguyên Chủ tẹt Hội Bầu bí Tề-Vệ



http://ichef-1.bbci.co.uk/news/ws/560/amz/worldservice/live/assets/images/2015/04/09/150409155629_vu_cao_phan_304x171_baomoi_nocredit.jpg

Tiến sỹ Chạp phô Vũ Cao Phan phê tồi :
''Cả hai Thăng lẫn Hải làm việc tốt
Đều là những người nhiệt tình .. con Giời !
Xưa nay chưa có điều tiếng gì .. .. tham nhũng !!! "
Đúng loài Cộng phỉ toàn chim Bìm Bịp quá lời .. ..
Tín hiệu Hà L..ội - Sài Gòn sắp động đất sụp tiệm
Toàn Dân chóng thoát Đại Hồng Thủy xuống đời ...



Nguyễn Hữu Viện
cảm tác nhân đọc Bầy Bọ Chấy

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160205_new_party_appointments_comments_vucaophan

12.                     
Rất cảm ơn tác giả, Bài viết rất hay. Nếu ai cũng hiểu như tác giả thì đất nước này này đâu đến nỗi như hôm nay.
13.                     
Cám ơn Đại tá BVB đã cho đăng bài của bác Nguyễn Trung, một bài viết rất hay và nhiều ý nghĩa. Cùng với tiểu thuyết 'Lũ' được đăng nhiều kỳ trước, quá xuất sắc có lẽ đã góp phần làm thức tỉnh bao nhiêu cái đầu u mê trong BCH TW, trong QH...những đv đảng csVN đang giữ những vị trí trọng trách của đất nước. Phải chăng bắt đầu có sự thay đổi? Chúng ta cũng hi vọng lắm chứ!
14.                     
Bài viết hơn 53 năm trước của ông Ngô đình Nhu, giờ mới thấy là rất đúng:

«… Sự chia đôi lãnh thổ đã tạo thành hoàn cảnh cho sự chi phối và sự toan thống trị của nước Tàu đối với Việt Nam tái hiện dũng mãnh, sau gần một thế kỷ vắng mặt. (..) Các lãnh đạo miền Bắc, khi đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng, đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi cơ hội phát triển của chúng ta, mà còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc.
Sở dĩ tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa hình thành, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.
Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm lối thoát cho các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nay họ vẫn tiếp tục ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng.
Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc, và cứu dân tộc khỏi ách thống trị (của Trung hoa) một lần nữa..(..)»
15.                     
Bộ chính trị và ban chấp hành TU nếu là người tự trọng vì nước vì dân hãy đọc kỹ bài viết của ông Nguyễn Trung tự liên hệ và phản biện công khai minh bạch thể hiện chính kiến của mình thì đất nước mới phát triển.
16.                     
Thư ngỏ gửi các đảng viên Đảng CS Việt nam

Trần Lực

Kính thưa các cụ lão thành cách mạng-những người đảng viên Đảng Lao động VN năm xưa đã có công đầu trong cuộc cách mạng tháng tám, giành lại độc lập tự do cho dân tộc; kính thưa các vị tướng tá và các cựu chiến binh đã từng là những anh bộ đội cụ Hồ làm nên thiên sử vàng Điện biên phủ ,thưa các anh chị em đảng viên của Đảng CSVN-những người trung thực, liêm khiết,vẫn còn lo lắng đến vận mệnh của đất nước và dân tộc. Với tất cả tấm lòng kính trọng và khâm phục của mình và cùng với tâm trạng đầy bức xúc trước hiện trạng của Đảng CSVN tôi xin phép được nói một lời thẳng thắn như sau:

Chắc các vị càng ngày càng nhận ra rằng Đảng CSVN bây giờ đã khác rất xa với Đảng của ngày xưa mà các vị là những người đại diện. Đảng đang từng ngày trở nên thối nát mục ruỗng và mất hết niềm tin trong nhân dân trong đó có cả các vị. Dù cho Đảng bằng bộ máy cường quyền vẫn giữ cương vị lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đối với đất nước, nhưng Đảng đã đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của dân tộc( Độc quyền tự do tư tưởng và báo chí; thực thi chính sách bắt bớ đàn áp những người bất đồng chính kiến,đấu tranh cho tự do và dân chủ; đàn áp tôn giáo, muốn lồng sự chỉ đạo của Đảng vào các tôn giáo đã tồn tại trong lòng dân tộc trước Đảng từ bao đời nay; cắt đất cắt biển cho ngoại bang).Một Đảng như thế không thể đại diện cho dân tộc và đất nước này được nữa rồi. Đảng đã thoái hoá biến chất vì đại đa số các đảng viên nhất là đảng viên có chức có quyền kể cả một số người lãnh đạo cao nhất đã trở thành những tên sâu mọt chỉ biết đục khoét. Đảng vẫn rêu rao chống tham nhũng, nhưng chỉ là nói xuông, càng chống,tham nhũng lại càng nhiều và hầu hết những trường hợp tham nhũng bị báo chí phanh phui và pháp luật xử lí đều là các đảng viên có chức có quyền của Đảng như Uỷ viên trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Các Tổng và Phó tổng Giám đốc các Công ty quốc doanh, các vị chức sắc ở các tỉnh và thành phố; ở khắp các địa phương trong cả nước đã hình thành nên bọn cường hào ác bá mới, bọn cửa quyền chuyên ăn tiền hàng ngày ức hiếp dân thường khiến lòng dân rất oán hận. Đảng đã trở thành một lực lượng độc tài, coi thường mọi ý kiến của nhân dân, phớt lờ những lời tâm huyết của chính những đảng viên trung thực của mình và trong nhiều trường hợp cụ thể đã phản bội lại họ, đã loại trừ họ không thương tiếc( Thư Gửi Bộ CT và Trung ương Đảng của của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 3 lá thư của Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh,Thư gửi TƯ Đảng của các tướng Phùng Thế Tài,Hoàng Minh Thảo, Lê Tự Đồng ,2 lá thư của các ông Đồng văn Cống, Nguyễn văn Thi,Phạm văn Xô và thư của rất nhiều vị lão thành CM khác gửi lên các cấp lãnh đạo đảng đã bị cố tình lờ tịt). Chính những người lãnh đạo cũ của Đảng nay đã về hưu (các ông Võ văn Kiệt,Trần Bạch Đằng,Nguyễn Đức Tâm,Hoàng Tùng,Trần văn Hà,Lê Đăng Doanh…) cũng phải thú nhận trên báo chí những khiếm khuyết rõ ràng của chế độ độc tài Đảng trị và sự suy thoái của Đảng.

Thử hỏi những người chính trực, trung thực, liêm khiết,có tâm huyết đối với đất nước và dân tộc sao còn có thể đứng được trong đội ngũ của một đảng như thế? Sao còn có thể đứng trong cùng một đội ngũ với những kẻ tham tiền,tham quyền, bọn sâu mọt hại dân hại nước? Sao còn có thể đứng trong cùng một đội ngũ với những kẻ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, không thèm đếm xỉa đến những ý kiến tâm huyết,cố tình bưng bít sự thật và mở miệng ra là nói dối? Tôi cho rằng lúc này đây chính là lúc phải dứt khoát từ bỏ cái Đảng đã thoái hoá biến chất ấy. Từ bỏ nó chính là tỏ rõ khí phách hiên ngang của những chiến sĩ cách mạng oai hùng năm xưa, chính là luôn trung thành với những gì mà mình đã mơ ước và cống hiến cho đất nước và dân tộc từ thuở ban đầu; từ bỏ nó dứt khoát chính là đáp ứng với lòng dân đang mong mỏi giải phóng họ khỏi ách nội xâm(“ Autocolonialisme”), xây dựng một đất nước tự do dân chủ thực sự, nhanh chóng vượt qua được khoảng cách tụt hậu, sánh vai cùng bè bạn hội nhập vào thế giới ngày nay.
17.                     
Thư ngỏ Trần Lực gửi các đảng viên Đảng CS Việt nam

(tiếp theo)
Kính thưa các cụ, các bác,và các anh chị em.Hơn mười năm trước đây tôi từng là một đảng viên của Đảng CSVN, tôi chẳng hề có khuyết điểm gì đối với đảng nhưng tôi đã tự nguyện li khai,từ bỏ nó để trở thành người ngoài đảng. Lúc đó tôi cũng có nhiều băn khoăn trăn trở,tôi cũng đã bị coi là rời bỏ đội ngũ, nhưng tôi đã rứt khoát và lúc này đây tôi thực sự yên tâm vì mình đã có một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Tôi nghĩ rằng việc từ giã đảng do bất đồng chính kiến,do mục đích của đảng không còn phù hợp với mình hoặc do cái đảng ấy đã mất hết tư cách và phản bội mình sẽ là điều hoàn toàn bình thường và tự nhiên ở các nước có truyền thống dân chủ cao, bởi lẽ mọi người tự nguyện tham gia thì cũng có quyền tự nguyện rời bỏ, không ai có thể ép buộc.Song ở đất nước ta hiện nay chế độ độc quyền độc đảng sẽ gây nhiều cản trở phiền toái cho việc từ bỏ đảng, nhưng chúng ta đã có nhiều tấm gương dũng cảm li khai như Trung tướng Trần Độ, như các ông Nguyễn Hộ, Lê Hồng Hà, Trần Dũng Tiến, Vũ Cao Quận, nhà báo Nguyễn Vũ Bình và rất nhiều người khác mà tôi không thể nêu hết. Họ là những người đi trước thời đại. Họ đã thức tỉnh chúng ta, họ là tấm gương sáng mãi của những người tử tế và lương thiện.Một vài người từ bỏ đảng sẽ có thể bị đảng gây sức ép hoặc trù dập,vài ba chục cũng sẽ như vậy,nhưng khi con số đó đã lên đến hàng trăm hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người li khai thì cái đảng ấy sẽ phải tự hiểu ra rằng nó chẳng còn có ý nghĩa gì nữa đối với chính các đảng viên của mình chứ chưa nói đến toàn thể nhân dân Việt nam.Chính vì lẽ đó mà Đảng CSVN sẽ không bao giờ làm và không dám làm cái việc công khai trưng cầu ý kiến toàn đảng toàn dân cho nền dân chủ của đất nước như nhà dân chủ trẻ tuổi Phương Nam đã lên tiếng đề nghị.

Bộ máy lãnh đạo độc tài của ĐCS VN đang ở vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, và họ đã chọn con đường bằng mọi cách giữ ghế, giữ quyền lực để giữ quyền lợi cá nhân. Để làm việc ấy họ luôn luôn hù dọa nhân dân về những thế lực thù địch chống đối bên ngoài với những “diễn biến hòa bình” và “đa nguyên đa đảng” mà không hiểu được rằng chính vì đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của nhân dân nên “ đa đảng đa nguyên” “diễn biến hòa bình” sẽ từ trong nội bộ đảng, từ cái đầu của mỗi đảng viên đi ra chứ không từ đâu khác.

Thưa các Cụ các Bác, các Vị và các anh chị em kính mến, để kết thúc bức thư ngỏ này tôi xin được bày tỏ một lời kêu gọi dù là rất nhỏ nhoi của mình – một cựu đảng viên,một công dân của nước Việt nam chỉ muốn nói lên một sự thật-sự thật có thể gây mất lòng: Lúc này đây hơn bao giờ hết, những Đảng viên Đảng CSVN còn có tâm huyết,còn có lòng với đất nước và dân tộc cần phải khảng khái và dứt khoát tuyên bố rằng: “Đảng của chúng tôi phải là một Đảng khác, nó không thể là cái Đảng như bây giờ được và nhất thiết chúng tôi không thể đứng trong đội ngũ của một Đảng như thế!”

Thái độ đó chính là thái độ của những người tử tế và lương thiện, biểu lộ rõ ràng sự phân biệt phải trái, trắng đen, không thể lẫn lộn mình trong trạng thái bùng nhùng của đảng hiện nay. Chắc chắn thái độ đó sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi đã từ lâu của nhân dân ta trong và ngoài nước.

Kính thư, Hà nội 4.6.2005

Trần Lực
18.                     
Đại hội XII như một minh chứng cho quần chúng kể cả Đảng viên cs thấy được cái mặt thật xấu xa của Đảng . Một đại hội phản tuyên truyền nhất , mang tính phản động nhất cho một XHCN mịt mờ .

Không thể bao che để tuyên truyền , phải chấp nhận hình thức lừa dối và độc tài để bảo vệ Đảng . Một thất bại của Đảng rất cần thiết cho mọi người tin vào Đảng , tin vào XHCN thức tỉnh cơn mê !

Lừa dối , độc tài và cúi đầu quỵ luỵ TQ để mất một phần đất đai biển đảo thông qua Đại hội XII là một tội lỗi thực tại hiển nhiên của Đảng , khiến cho Đảng viên phải bẽ mặt , khó ăn khó nói khi ca tụng về Đảng .

Năm nay Đảng phải vỡ , khônng vì đập chuột vỡ bình . Nhưng chính chuột đánh nhau trong bình khiến bình phải vỡ .

Đều trớ trêu , những con chuột CS đập nhau , lại xử dụng vũ khí dân chủ tự do công bằng và tổ quốc .
19.                     
Hoàn toàn nhất trí với những nhận định đánh giá chính xác,khách quan khoa học xuất phát từ lòng yêu nước cao cả và tinh thần dũng cảm của nhà nghiên cứu nổi tiếng Nguyễn Trung. Nói ngắn gọn: Do Đảng CSVN ngày nay đã biến chất thành đảng của một số nhóm lợi ích cầm quyền, không còn là đảng của thế hệ HCM nên ĐH của của họ chủ yếu tập trung vào v/đ tranh chấp quyền lực,không hề tiếp thu những ý kiến của cựu cán bộ đảng viên và nhân dân đóng góp về con đường đi lên của dân tộc. Vì vậy đó là một ĐH thất bại- trước hết là đối với dân tộc ta.. Bài viết của Ông Tr Lực cũng rất giá trị vè lý luận cũng như thực tiễn. Tôi là một đảng viên được két nạp trong chiến đấu ( 1967), nhưng cũng đã bỏ sinh hoạt đảng từ sớm( 1992). Xin đề nghị : các ĐV yêu nước hãy lẳng lặng bỏ sinh hoạt đảng, sau một thời gian tự khắc "được "gạch tên. Sau đó, sẽ tập hợp lại vận động tách đảng CS hiện nay thành Đảng Lao động như thời HCM trước đây với một cương lĩnh mới do chính chúng ta góp sức viết nên. Đó phải chăng là phương án tối ưu? 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét