Bài tham gia
Hội thảo
"Quan hệ Mỹ - Nga - Trung trong bối cảnh thế giới mới
và vấn đề đặt ra cho Việt Nam" -
của Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,
Hà Nội, ngày
24-03-2016
Nguyễn
Trung
Hà
Nội, tháng 3 - 2016
I. Bàn về sự lựa
chọn
Mục
đích của hội thảo "Quan
hệ Mỹ - Nga - Trung trong bối cảnh thế giới mới và vấn đề đặt ra cho Việt Nam" nhằm
đi tìm câu trả lời: Nước ta lựa chọn quyết sách gì cho sự tồn tại và
phát triển của mình trong thế giới hôm nay?
Vào lúc thế giới đang chuyển dịch vào thời kỳ có
nhiều biến động mới và rối loạn mới, câu hỏi nước ta lựa chọn gì? như
vậy càng trở nên bức thiết.
Câu
hỏi nước ta lựa chọn gì? là thường trực trong quá trình vận
động của đời sống đất nước, chí ít đã xuất hiện ngay sau 30-04-1975, khi nước
nhà độc lập thống nhất. Trước đó chỉ toàn là chiến tranh và chiến tranh trong
một cục diện quốc tế khiến nước ta khó có thể làm gì khác được, nên tạm không
tính đến, sẽ để bàn sau. Vậy xin tập trung điểm lại quá khứ từ 30-04-1975 đến
nay, để rút kinh nghiệm cho hiện tại, cho tương lai.
Sau
2 cuộc kháng chiến đẫm máu kéo dài 30 năm của một đất nước bị xé đôi, ngay lập
tức nước ta hiển nhiên khách quan đứng trước đòi hỏi phải đi vào con đường dân
chủ hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chia cắt và chiến tranh, lựa chọn cho
tổ quốc Việt Nam độc lập thống nhất con đường phát triển vì chính mình chứ
không vì một thứ chủ nghĩa nào cả; đồng thời trên phương diện đối ngoại nước ta
phải một mặt cần chủ động tìm đường hữu hảo ngay với các đối phương ta vừa đánh
bại, mặt khác phải sớm tạo ra cho đất nước khả năng làm bạn với cả thế giới, để
gìn giữ thành quả kháng chiến, tự bảo vệ mình và phát huy vai trò của mình, tìm
đường làm ăn với cả thế giới để sống và phát triển… (ngày xưa cha ông chúng ta
đã từng ứng xử tương tự như thế!). Nhưng tiếc thay, đất nước đã lựa chọn – hay nói
đúng hơn là đã bị đẩy vào – con đường tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã
hội, với mọi hệ lụy cho đến hôm nay.
Câu
hỏi lựa chọn gì? đã được trả lời cho chiến thắng
30-04-1975 như vậy là sai lầm mang tầm vóc chiến lược. Lựa chọn này dẫn tới con
đường phát triển không thể nào cưỡng lại được suốt 40 năm qua, và thậm chí hiện
nay không dễ gì thoát ra.
Có
ý kiến cho nhận định như thế là “sai, thoát ly những điều kiện lịch sử,
khiên cưỡng và duy lý…”: Hoàn cảnh khách quan và khả năng tư duy thời ấy
không cho phép nghĩ khác để lựa chọn khác.
Phản bác
trên có lý về mặt nào đó, ở góc độ quá khứ.
Tuy
nhiên ở góc độ nghiên cứu sự vật khách quan, ở góc độ phân tích được/mấtcủa
quốc gia trong mối quan hệ giữa Việt Nam và cả thế giới còn lại, từ chỗ
đứng hôm nay, cần thừa nhận đây là sai lầm chiến lược mang lại
cho đất nước thất bại chiến lược, có nguyên nhân gốc là tư duy ý thức
hệ. Nguyên nhân gốc này chi phối toàn bộ sự vận động
của Việt Nam suốt 40 năm qua và mọi lựa chọn đã trải qua. Đánh giá này có ý
nghĩa thời sự, vì từ sau 30-04-1975 cho đến hôm nay, ĐCSVN chưa một lần nào rút
ra kết luận nói trên, nên đã xảy ra 4 lần sai lầm chiến lược tiếp theo; đó là:
- Câu hỏi nước ta lựa
chọn gì? nóng lên khi các nước xã hội chủ nghĩa cũ trong
khối Liên Xô – Đông Âu sụp đổ, Việt Nam có cơ hội thoát khỏi cái gọi là “2
phe – 4 mâu thuẫn”[2] để
trở thành một nước độc lập tự chủ với đúng nghĩa trong một thế giới không còn
tập hợp lực lượng thời chiến tranh lạnh I… Nhưng đất nước đã bị đẩy vào con
đường Thành Đô (1990).
- Câu hỏi lựa chọn
gì? lại một lần nữa nóng lên vào đầu thập kỷ 1990, khi mọi điều
kiện cho Việt Nam hội nhập thế giới, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập
WTO đã chín muồi… Nhưng đất nước cứ dùng dằng loay hoay mãi… Hệ quả là hội nhập
bị động và chậm mất khoảng 5 năm, trong cái thế giới “chậm một bước, hận
nghìn thu!”! Cái giá phải trả cho sự chậm trễ này rất lớn.
- Câu hỏi lựa
chọn gì? một lần nữa lại bị ném đi, khi năm 2013 đất nước tiến
hành sửa đổi Hiến pháp. Không chỉ có thế, những ý kiến tán thành
sửa đổi Hiến pháp theo tinh thần Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945 và Hiến pháp
1946 (thể hiện trong “kiến nghị 72”[3])
đều bị coi là “suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức!"Công
sức bỏ ra rất lớn, song chỉ lựa chọn được một Hiến pháp bảo tồn cái hiện có,
không thể mở ra cho đất nước một thời kỳ phát triển mới.
- Tại thời điểm họp Đại
hội XII của ĐCSVN, đất nước đứng trước bước ngoặt lịch sử – được tạo ra bởi 2
yếu tố quyết định: (a)Việt Nam đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác, và
(b)bản thân Việt Nam buộc phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Thực
tế này khiến câu hỏi Việt Nam lựa chọn gì? đặt ra những
thay đổi phải thực hiện có tầm vóc chiến lược mang tính đổi đời đất nước. Nhưng
câu hỏi này bị bỏ qua, Đại hội trên thực tế chỉ giải quyết vấn đề nhân sự, nghị
quyết Đại hội XII khẳng định tiếp tục quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, vững
bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Như
vậy, trong 40 năm độc lập thống nhất, ít nhất đã 5 lần đất nước đứng trước sự
lựa chọn chiến lược, và cả 5 lần đều liên tiếp lựa chọn: loại bỏ cơ hội để bảo
toàn chế độ!Thực tế lặp đi lặp lại 5 lần như vậy nói lên tất cả, đòi hỏi
phải xem lại tất cả. Thực tế này góp phần giải thích nguyên nhân tụt
hậu và lạc hậu của đất nước, cái giả phải trả rất đắt, nhưng không oan
uổng!
Nhức
nhối hơn nữa: 40 năm qua trong cộng đồng dân tộc nước ta có không biết bao
nhiêu kiến giải cho sự lựa chọn đúng, nhưng tiếc thay tất cả đều không được
lắng nghe. Trong những kiến giải này, rất đáng chú ý là những đề nghị bằng văn
bản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính
trị ĐCSVN, ông chính thức đề nghị:
- phải
nhìn nhận lại thế giới để thay đổi mục tiêu chiến lược cần
lựa chọn cho đất nước,
- cần xây dựng nhà
nước pháp quyền và đổi mới Đảng về đường lối và về tổ chức để thực hiện.
Xin lưu
ý, kiến nghị Võ Văn Kiệt được đưa ra vào thời điểm đất nước hội tụ được 3 thuận
lợi lớn: Công cuộc đổi mới giành thành tựu ngọan mục, Việt Nam hoàn tất bình
thường hóa quan hệ với Mỹ và hội nhập quốc tế toàn diện, Trung Quốc phải lựa
chọn chiến lược “giấu mình chờ thời”; song đúng lúc này trong Đảng xuất hiện
khuynh hướng đảo chiều[4].
Cái khó
đối với đất nước chúng ta hôm nay – và cũng là đối với Hội thảo này, là phải
làm sao học hỏi được những sai lầm đã phải trả giá trong 40 năm qua, để từ đó
mới hy vọng lựa chọn đúng và xây dựng được quyết tâm thực hiện.
II. Việt
Nam đã ngủ quá lâu trong thế giới hôm nay
Năm 2010, nhân
dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, trong bài “Việt Nam trong thế giới của
thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”[5] tôi
trình bầy:
“Việt Nam, kể từ 1986, sau một phần tư thế kỷ thực hiện sự
thay đổi căn bản mang tên là đổi mới, đã kết thúc thời kỳ phát triển
theo chiều rộng với nhiều thành tựu to lớn có tính bước ngoặt, thay đổi bộ mặt
đất nước và được thế giới ghi nhận. Cần nhận định dứt khoát như vậy để gỡ bỏ mọi
rào cản, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Cần nhận định dứt khoát như vậy
trước khi tìm hiểu những vấn đề đặt ra cho Việt Nam phía trước trên con đường
phát triển của mình.
Mặt khác, cũng phải tỉnh táo nhìn nhận, so với chính ta
trước kia, những thành tựu đạt được trong 25 năm qua là rất to lớn; nhưng nếu
so với chặng đường 25 năm đầu tiên trên con đường trở thành NIC (nước mới công
nghiệp hóa) của Hàn Quốc, Đài Loan.., nước ta phát triển như thế là chậm, so
với những thách thức hiện tại và phía trước nước ta phải đối mặt lại càng chậm.
Nên có cái nhìn nhiều chiều như vậy để định liệu công việc của mình, và nhờ đó
có thể “đỡ” rơi vào cái bệnh “mẹ hát con khen hay”!
Việt Nam bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ này đúng vào
lúc kinh tế thế giới – trước hết là những nền kinh tế lớn mà đầu tàu là kinh tế
Mỹ - đang tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống hiện nay để tìm
đường chuyển sang một thời kỳ phát triển mới. Trong khi đó Trung Quốc đang dấn
bước vào thập kỷ thứ hai này với mọi nỗ lực quyết liệt nhất để đi nhanh hơn nữa
trên con đường trở thành siêu cường vào giữa thế kỷ; giới nghiên cứu trên thế
giới hầu như có cùng nhận định: Thập kỷ thứ nhất (2000-2010) đánh dấu bước
ngoặt mang tính thời đại của Trung Quốc trên đường đi tới siêu cường, sang thập
kỷ thứ hai hiện tượng Trung Quốc sẽ còn nóng bỏng hơn nữa trên trường quốc tế.
Như vậy, thập kỷ thứ hai đến với Việt Nam với ba đặc
điểm. Thứ nhất, thế giới đang tìm đường ra khỏi cuộc khủng hoảng
hiện nay, trên thực tế là đang phải tìm đường chuyển sang một thời kỳ phát
triển mới khác trước. Thứ hai, hiện tượng Trung Quốc trên con
đường trở thành siêu cường ngày càng trở nên nóng bỏng trên trường quốc tế -
nhất là tại khu vực. Và thứ ba, Việt Nam vừa phải thích nghi
với bối cảnh thế giới mới rất quyết liệt so với trước, đồng thời vừa phải tự
mình tìm đường chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn để có thể đứng vững
trong tình hình mới.
Ba đặc điểm ấy đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức
mới, tới mức có thể nói: Kể từ khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống
nhất đất nước ngày 30 Tháng Tư năm 1975, do đòi hỏi trong nước và bối cảnh quốc
tế mới, chưa bao giờ mà độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia
và tương lai phát triển của đất nước phải đối phó với nhiều thử thách nguy hiểm
và quyết liệt như hiện nay. Cụ thể là con đường phát triển của Việt Nam
đang đặt ra nhiều đòi hỏi gắt gao, đồng thời cục diện quốc tế và khu vực đang
đi vào một bước ngoặt đặt nước ta trước nhiều thách thức mới. Tất cả tạo nên
sức ép căng thẳng bên ngoài và bên trong, đòi hỏi cả nước phải dấn lên đối
mặt…
So với bức
tranh nêu trên, có thể nói khái quát: Mới chỉ có 6 năm trôi qua, tình hình thế
giới hôm nay quyết liệt hơn bội phần. Riêng trong 2 năm 2014 – 2015 Trung Quốc
đã xây xong và đưa vào sử dụng hành lang các căn cứ quân sự xây trên các đảo và
bãi đá tại Hoàng Sa – Trường Sa lấn chiếm của nước ta. Cái Vạn lý
trường thành trên Biển Đông (đô đốc Harry Harris) này đặt đất nước ta
vào trạng thái bên miệng hố chiến tranh!
Nghĩa
là, hiện nay đang có sự vênh nhau ngày càng lớn một cách nguy hiểm giữa một bên
là các thách thức Việt Nam phải đối phó, và một bên là khả năng thích nghi
không tới tầm của Việt Nam.
Để làm rõ, xin
điểm qua thế giới hôm nay.
Trước hết phải
nói tới (a) cuộc chiến tranh Syrie đã kéo dài 5 năm, ngày càng khốc liệt, và
hôm nay đã hoàn toàn trở thành cuộc chiến tranh ủy nhiệm, (b) việc Nga sáp nhập
Krym năm 2014, trực tiếp uy hiếp Ukraina, gây ra căng thẳng mới với NATO và Mỹ,
và (c)với Đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (11-2012), Trung Quốc công
khai khẳng định khát vọng siêu cường dưới tên gọi giấc mộng Trung Hoa – đặc
biệt là ráo riết triển khai trận địa chiến lược ở Biển Đông. 3 sự kiện
nóng bỏng này là đỉnh cao của cuộc chiến tranh lạnh mới hiện nay, xin
gọi là chiến tranh lạnh II (bắt đầu từ ngay khi cuộc chiến tranh Iraq của Mỹ và
liên quân kết thúc năm 2011[6]).
Sự kiện Krym và “đường lưỡi bò” mang tính chất vẽ lại bản đồ thế giới, nói lên
tính nghiêm trọng lâu dài của chiến tranh lạnh II.
Trong bối cảnh
trên, nạn thánh chiến của phong trào Nhà nước Hồi giáo (IS), nạn khủng bố, nạn
di cư từ một số nước châu Phi vào châu Âu qua cửa ngõ Bắc Phi… đang gây ra
những rối loạn mới khó kiểm soát, cả thế giới bị tác động. Trong khi đó cuộc
khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu từ năm 2008 đến nay chưa kết thúc. Ngoài
Mỹ đã phục hồi, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Liên minh
châu Âu (EU), Nhật và một số nước quan trọng khác đang suy thoái tiếp. Thời kỳ
Trung Quốc phát triển nóng 2 con số bị chặn đứng (hiện tượng hạ cánh
cứng) – do khủng hoảng cơ cấu kinh tế và những biến động tài chính tiền tệ
nghiêm trọng (vấn đề nợ của doanh nghiệp và các địa phương, vấn đề chảy máu
vốn, vỡ bong bóng thị trường địa ốc, thị trường chứng khoán sụp đổ …). Thực tế
này khiến nhiều đối tác quan trọng của Trung Quốc lao đao – vì thị trường nhập
khẩu khổng lồ và thị trường đầu tư của Trung Quốc co lại. Trong khi đó Trung
Quốc giương cao ngọn cờ dân tộc chủ nghĩa và có các bước đi hiếu chiến để xuất
khẩu áp lực trong nước ra bên ngoài.
Thế giới trong
thời kỳ chiến tranh lạnh II hiện nay không còn nữa những ranh giới rành rọt như
thời kỳ “2 phe 4 mâu thuẫn” của chiến tranh lạnh I. Thay vào đấy là các
mối quan hệ hợp tác và xung đột đan xen nhau, chồng lấn nhau xuyên quốc gia,
xuyên khu vực và toàn cầu…
Những
thách thức mới này đòi hỏi gắt gao hơn bao giờ hết mọi quốc gia bản lĩnh mới,
sự phát triển những khả năng đối phó và thích nghi mới, bao gồm khả năng hiệp
đồng giữa các quốc gia và giữa các tập hợp khác nhau, khả năng tạo ra tập hợp
lực lượng mới...Việt Nam đứng trước sự thật: Nếu cứ loay hoay tiếp tục
sống theo cách lựa chọn như đã làm suốt 40 năm qua, Việt Nam sẽ ngày càng bất
cập hơn so với đòi hỏi phát triển mới của chính mình và so với những thách thức
từ thế giới bên ngoài, thân phận chư hầu là hệ quả tất yếu.
Dẫn
chứng 1: Nguồn lực tổng thể huy động được
(tạm gọi là input) cho 3 thập kỷ tiến hành công nghiệp hóa của Việt Nam - tính
từ đổi mới 1986 đến 2015 - lớn khoảng gấp đôi (hoặc có thể hơn) input của Hàn
Quốc huy động được cho nhiệm vụ này thời kỳ 1960 – 1988. Với lợi thế nước đi
sau, lại có điều kiện địa lý kinh tế tự nhiên giầu có hơn Hàn Quốc, giả
định Việt Nam thành công bằng hay gần bằng Hàn Quốc thời kỳ này, có lẽ
Việt Nam hôm nay có một khả năng hội nhập và cạnh tranh hoàn toàn khác, chẳng
những sẽ có thế và lực được nể trọng, mà còn có thể có được một thể chế chính
trị của một nước công nghiệp hóa mà Việt Nam trong thế giới hôm nay đang rất
cần.
Dẫn
chứng 2: Trong chiến lược thôn tính Biển
Đông, thử hỏi Trung Quốc từ năm 1956 (năm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam)
đến năm 2016 đã đi được một chặng đường như thế nào? Trong khi đó khả
năng tổng hợp đối nội và đối ngoại của Việt Nam gìn giữ chủ quyền biển đảo của
mình có theo kịp những thách thức do Trung Quốc gây ra hay không? Việt Nam hôm
nay đang ở trong tình trạng nào trong mối quan hệ Việt – Trung nói riêng và
trong mối quan hệ tổng thể giữa một bên là Trung Quốc và một bên là cả thế giới
còn lại nói chung? Việt Nam đã tạo ra cho mình sự hợp tác và tập hợp lực lượng
nào trên thế giới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình? Nước ta đã
tạo ra được những lợi ích chung căn bản nào làm nền tảng cho các mối quan hệ
đối tác chiến lược, đối tác toàn diện có thực chất để xây dựng và bảo vệ tổ
quốc?.. …
Thiết nghĩ xem
xét như thế, sẽ không có gì là quá lời: 40 năm qua nước ta đã ngủ quá lâu trong
một thế giới quyết liệt, nhất là bên cạnh cái chảo lửa Trung Quốc.
Xin
hết sức lưu ý: Khu vực châu Á – Thái Bình Dương
đã trở thành một trong ba mặt trận chủ yếu của chiến tranh
lạnh II[7], trong đó
vùng nóng là Biển Đông. Tại đây, Việt Nam là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên
của giấc mộng Trung Hoa, nghĩa là: Sau 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mỹ, Việt Nam hôm nay lại một lần nữa trở thành nạn nhân của
lời nguyền địa lý!
III. Mối
quan hệ Mỹ-Nga-Trung
tác động như thế nào đối với Việt Nam?
tác động như thế nào đối với Việt Nam?
III.1. Điểm danh các đối thủ
Trước hết xin
nhận dạng từng đối thủ.
Mỹ vẫn là siêu
cường số 1, sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới ít nhất cho đến giữa thế kỷ này hoặc
xa hơn nữa.
Mâu thuẫn mới
Mỹ phải đối mặt là: Thế giới ngày càng nhiều vấn đề mới và nóng bao nhiêu, vai
trò của Mỹ càng quan trọng hơn bấy nhiêu, nhưng lực của Mỹ chỉ có hạn. Để duy
trì và mở rộng ảnh hưởng hiện có trên thế giới, và đồng thời để luôn luôn tranh
thủ được lợi thế mới trong môi trường toàn cầu, Mỹ một mặt buộc phải tự thân
phát triển năng động hơn, mặt khác buộc phải hành động có lựa chọn hơn (ví dụ:
không thể cùng một lúc làm 2 cuộc chiến tranh, không thể đơn phương kham nổi
những vấn đề quá phức tạp như IS, nạn khủng bố…). Từ sau chiến tranh Iraq của
W. G. Bush (2003-2011) Mỹ hạn chế sự can thiệp trực tiếp mình ở bên ngoài, đẩy
mạnh can dự của các đồng minh và liên minh để san sẻ trách nhiệm, chú trọng các
giải pháp đa phương...
Khác
với thế kỷ trước, ngày nay Mỹ có nhiều lợi thế trong đi cùng chiều với những
giá trị và tiến bộ đang dẫn dắt sự vận động của thế giới, trước hết là hòa
bình, hợp tác, phát triển, quyền con người... Vì vậy phát huy lợi thế
này là một trong những ưu tiên chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, từ sau chiến tranh
Iraq (2003-2011) đến nay, đế chế Mỹ ngày càngtiếp tục
nhỏ lại so với cái thế giới đang ngày càng lớn lên của
trật tự quốc tế đa cực đang ngày càng nhiều rối loạn mới. Thực tế này, cùng với
những thách thức mới của phát triển kinh tế thế giới, những biến động phi
truyền thống và những tác động của biến đổi khí hậu đang thử thách quyết liệt
trật tự quốc tế hiện hành, manh nha những thay đổi lớn khó lường.
Trung Quốc
hiện nay có GDP bằng 60% của Mỹ, lúc nào đó có thể vượt Mỹ về số lượng (dự tính
là trong vòng 2 thập kỷ tới, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng 6 – 7%/năm)[8].
Song GDP p.c. kinh tế Trung Quốc hiện nay chỉ bằng 15% của Mỹ, và nhìn chung có
khoảng cách lạc hậu khá lớn so với Mỹ trên nhiều phương diện. Nhờ vận dụng có
hiệu quả cao lợi thế kinh tế quy mô (economics of scale) và hội nhập kinh tế
thế giới, tận dụng lao động rẻ, đồng thời hy sinh các quyền con người và môi
trường tự nhiên (dưới cái nhãn mác “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc – cũng
có thể gọi đấy là “chủ nghĩa tư bản hoang dã đặc sắc Trung Quốc”), kiên
trì giấu mình chờ thời để đắc lợi trong môi trường toàn cầu..,
nên Trung Quốc đã tạo ra cho mình sự phát triển kinh ngạc trong 4 thập kỷ vừa
qua. “Chiến tích” này không thể thiếu sự thao lược đến mức quỷ quái của giới
lãnh đạo Trung Quốc có nguồn gốc truyền thống xa xưa từ thời Xuân Thu Chiến
Quốc. Đấy là tư duy chiến lược Đại Trung Hoa “mục tiêu biện minh cho biện
pháp”. Trên thực tế, Trung Quốc hiện nay là siêu cường số 2 thế giới và
đang làm thay đổi sâu sắc cục diện kinh tế và chính trị thế giới hôm nay. Bắt
đầu từ đại hội 18 của ĐCSTQ (2012), Trung quốc công khai đi vào thời kỳ theo
đuổi “giấc mộng Trung Hoa” – được dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Trong
20 năm qua Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng lên 20 lần, tiến hành ngày càng
nhiều bước đi quyết liệt trên Biển Đông và biển Hoa Đông, ngang nhiên khẳng
định Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Trung Quốc từ lịch sử xa xưa không thể bàn
cãi, tuyên bố công khai quyết đánh thắng chiến tranh cục bộ (được hiểu là trên
Biển Đông)... Đồng thời Trung Quốc triển khai ráo riết chiến lược kinh tế một
vành đai – một con đường (nhân danh phục hồi Con đường tơ lụa),
lập Ngân Hàng Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)… Đồng nhân dân tệ
(Yuan) vừa giành được vai trò nằm trong giỏ các đồng tiền có quyền rút vốn đặc
biệt (SDR) của IMF, ráo riết thúc đẩy đồng nhân dân tệ trở thành phương tiện
thanh toán quốc tế - mặc dù rối loạn tài chính và tiền tệ của Trung Quốc riêng
trong 2 tháng đầu năm 2016 đã làm bốc hơi khoảng 1000 tỷ USD khỏi vốn của nền
kinh tế Trung Quốc... Lũng đoạn bằng quyền lực mềm là tác nghiệp thường xuyên
tại bất kỳ đâu Trung Quốc đặt chân tới.
Ở đỉnh cao mới
này (kể từ sau vụ Thiên An Môn 1989), Trung Quốc hiện nay trở nên hung hăng hơn
bao giờ hết, song cũng là lúc đang bộc lộ nhiều nhược điểm lớn: kinh tế đang
khủng hoảng trầm trọng, nội trị tham nhũng nặng nề và chia rẽ - đang phải “đả
hổ, diệt ruồi” để củng cố, nguy cơ phân rã là thường trực.
Giấc mộng Trung
Hoa của quy mô dân số 1,3 tỷ dân và còn tăng nữa tự nó mang trong lòng (built
in – thuộc về bản chất): (a)các yếu tố của bành trướng không gian sinh tồn,
(b)phương thức của luật chơi “zero sum game” và (c)văn hóa Đại Trung Hoa coi
mình là trung tâm của vũ trụ. Chính bản chất này (rất Trung Hoa, rất
Tầu) mâu thuẫn với xu thế vận động của thế giới, khiến siêu cường thứ 2 sẽ
không thể nào giành được vai trò lãnh đạo thế giới, ngoài việc lũng đoạn hơn
nữa thế giới hiện tại.
Khủng
hoảng kinh tế và chính trị đối nội hiện nay của Trung Quốc rất nguy hiểm –
trước hết cho chính Trung Quốc. Có thể hiểu được vì sao lúc này Tập Cận Bình
tập trung mọi quyền lực vào tay mình để làm chủ tình hình đối nội, bành trướng
không gian sinh tồn và xuất khẩu áp lực đối nội ra bên ngoài, kể cả sẵn sàng
cho chiến tranh (cục bộ, tại Biển Đông…). Niềm hy vọng của lãnh đạo
Trung Quốc gửi gắm vào hiện trạng thế giới đang có nhiều rối loạn mới. Có những
dự báo có lý lẽ về khả năng sụp đổ của kinh tế Trung Quốc (David Shambaugh, Robert Kaplan, Minxin Pei, Paul Krugman, Gordon Chang…),
nhưng bao giờ? Song với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 –
6%/năm, hiện thực đang diễn ra là trong vòng một vài thập kỷ tới (ví dụ từ nay
đến 2030…), quốc gia này còn tiếp tục tạo ra những biến động mới
khó lường cho khu vực và toàn cầu. Song trước sau Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc
vào cả thế giới.
Nga có lãnh
thổ lớn nhất thế giới (17 triệu km2 – gần gấp đôi Mỹ hoặc Trung Quốc). Nhờ vào
(a)vai trò là cường quốc quân sự ở tầm vóc hoàn toàn có thể thực hiện được khả
năng hủy diệt lẫn nhau, (b)vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên
hiệp quốc (trước hết là quyền veto), và (c)người cung cấp quan trọng dầu và
khoáng sản cho châu Âu, nên Nga hiện nay còn giữ lại được phần nào vị thế quốc
tế thời Liên Xô cũ. Song nước Nga hiện nay về kinh tế có GDP đứng thứ 10 thế
giới, chỉ bằng 130% của Hàn Quốc, 18% của Trung Quốc và 10% của Mỹ; GDP p.c.
của Nga đứng thứ 72 trên thế giới (Trung Quốc đứng thứ 74). Cấu trúc kinh tế
của Nga còn lạc hậu, chủ yếu dựa trên xuất khẩu dầu và khoáng sản, bán vũ khí.
So với khi Liên Xô sụp đổ, kinh tế Nga được cải thiện ít nhiều, chủ yếu nhờ giá
dầu tăng. Nhưng gần đây kinh tế Nga đi vào tăng trưởng âm, do giá dầu sụt giảm
và do tác động những đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây liên quan đến vấn đề
Krym - Ukraina. Thách thức lớn nhất Nga hiện nay phải đối phó là xu hướng bài
Nga của những nước trong Liên Bang Xô Viết cũ nay đã tách hẳn khỏi Nga, và xu
hướng ly khai tiếp của các nước thuộc Liên Xô cũ nhưng đến nay vẫn còn ở lại
trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (Commonwealth of Independent States, còn gọi là các nước SNG, ra đời sau khi Liên Xô sụp đổ). Những
quốc gia có xu hướng ly khai này hầu hết là các nước theo đạo Hồi ở vùng Trung
Á và vùng Caucase... Ngoài những biện pháp can thiệp bằng kinh tế và chính trị,
Nga đã tiến hành một số cuộc chiến tranh trực tiếp hoặc gián tiếp mang tính
trấn áp và chia cắt lãnh thổ chống các nước Kazkhstan, Kyrgystan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan,Chechnya, Gruzia… để duy trì ảnh hưởng của mình. Tại một số nước này Nga đã hình
thành những “tiểu quốc” (statelets), nhằm chia để trị. Song nóng
bỏng nhất hiện nay là việc Nga sáp nhập Krym và chia cắt để chiếm đóng trên
thực tế vùng Đông Ukraina[9]. Đồng
Rúp hiện nay mất giá khoảng 50% so với năm 2014, kinh tế Nga 2015 sụt -4%, tác
động trực tiếp đến đời sống của quảng đại nhân dân lao động. Tình trạng quan
liêu tham nhũng của thể chế không thua kém thời xô-viết (tài sản của Putin được
đưa lên mạng, sách và báo chí dao động giữa 40 – 60 tỷ USD)[10].
Nạn chảy máu chất xám và chảy máu vốn ngày càng trầm trọng. Những di sản văn
hóa tiêu cực – trong đó có tâm lý thù ghét phương Tây và tàn dư của chủ nghĩa
bài Do-thái (anti Semitism), ảnh hưởng đặc thù và sự can thiệp vào chính trị
của cơ đốc giáo, nạn nghiện rượu, sự hoành hành của mafia… - kéo dài sự trì trệ
của đất nước. Toàn bộ thực tế này kìm hãm, làm thiên lệch, thậm trí có thể chặn
đứng quá trình cải cách của Nga. Putin đang ra sức tập trung mọi nỗ lực, để về
bên trong ngăn cản Cộng đồng các Quốc gia Độc lập tan rã tiếp, về bên ngoài nhằm
đối phó với các áp lực mới từ các láng giềng châu Âu (nhất là sự bài Nga quyết
liệt của các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ do những vấn đề lịch sử để lại),
từ NATO và từ Mỹ. Hiện trạng của nước Nga khiến nhiều ý kiến cho rằng dù đã ¼
thế kỷ trôi qua, quá trình tan rã của Liên Xô cũ hiện nay vẫn chưa thật sự kết
thúc, nội bộ chưa hoàn toàn ổn định để đi vào một thời kỳ phát triển mới.
Chính thể Nga hôm nay thực chất vẫn là một dạng chuyên quyền kiểu xô-viết không
có Liên Xô. Nước Nga sau Putin sẽ như thế nào là câu hỏi để ngỏ. Trong
khi đó mọi nỗ lực quốc gia không nhằm vào thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa, mà
nhằm vào phục hồi đế chế Nga. (Phải chăng khát vọng đế chế Nga và con đường dân
chủ của Nga trong bối cảnh quốc tế hiện tại đối kháng nhau?). Khát vọng này vừa
là con đẻ như một phản ứng tự nhiên của nỗi đau thất bại và tan vỡ Liên Xô với
tính chất là một dạng đế chế sau Sa hoàng quyền thế nhất trong lịch sử Nga đến
nay (chứ không phải là sự nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản), vừa là lối thoát tinh
thần của giới tinh hoa và lãnh đạo Nga trong tình trạng lực bất tòng tâm. Vì lẽ
này chủ nghĩa dân tộc được vực dậy như một cứu cánh thiêng liêng nhằm tạo ra
đoàn kết và sức mạnh quốc gia, chi phối hoạt động đối nội và đối ngoại của quốc
gia rộng lớn này. Có thể nói Nga hiện nay không có hay chưa thể có những tham
vọng có tính toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc, mọi nỗ lực toàn cầu của Nga hiện
nay chủ yếu chỉ nhằm vãn hồi vai trò đế chế Nga đã có từ thời Pierre Đại đế và
thời Liên Xô vừa qua. Những yếu kém nội trị Nga hiện có và quy mô dân số quá
nhỏ so với địa lý quá rộng của đế chế Nga hiện hữu (bao gồm cả tình hình dân số
Nga đang “già” nhanh) có lẽ là 2 nguyên nhân cơ bản khiến Nga giới hạn sự lựa
chọn của mình trong mục tiêu vãn hồi quá khứ.
Hiện nay Nga
là đối thủ yếu nhất trong cuộc chơi tay ba Mỹ - Trung – Nga; và đây là một
trong những lý do quan trọng khiến Nga ngày nay hiếu chiến hơn bao giờ hết kể
từ sau 1991 để tự vệ và tồn tại. Song vì lực bất tòng tâm, vì những mâu thuẫn
khách quan trái chiều nhau trong tập hợp lực lượng và trong mối quan hệ tay ba
Mỹ-Nga-Trung, nên Nga buộc phải lựa chọn cách ứng xử đa dạng (lúc phải tăng
cường quan hệ với Trung Quốc, lúc phải hợp tác với Mỹ…). Đây là một trong những
nguyên nhân gia tăng những xáo động trên bàn cờ quốc tế.
III.2. Trận đồ cuộc đấu
Mối quan hệ và mâu thuẫn – hay là cuộc chạy đua – giữa các quốc gia trên thế
giới ngày nay, nhất là giữa Mỹ và các cường quốc, bị chi phối trước hết bởi các
nhân tố chủ yếu:
- Sự phụ thuộc lẫn nhau
ngày càng sâu sắc trong tiến trình vận động ngày nay của thế giới.
- Sự chia sẻ đòi hỏi
chung phải kiểm soát được khả năng hủy diệt lẫn nhau.
- Khả năng thường xuyên
tự thay đổi để quốc gia thường xuyên phát triển năng động và thích nghi tối ưu
trên cả hai phương diện tự vệ và phát triển.
- Khả năng khai thác, đáp
ứng những giá trị chung toàn cầu và những đòi hỏi chung cùng có lợi để nâng cao
và mở rộng hợp tác, liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng mới.
Bốn yếu tố chính này khách quan tạo ra khả năng/giới hạn/luật chơi chi
phối mọi quốc gia trong bàn cờ thế giới hôm nay. Trong khung khổ những yếu tố
này, sự giành giật của cuộc chơi tay ba Mỹ - Trung – Nga khiến thế giới vừa có
sự tập hợp mới, vừa phân rã mới rất phức tap.
Đặt vấn đề như vậy, sau khi đã điểm danh các đối thủ (III.1),
và dựa vào nhận định những sự việc đang diễn ra, có thể đi tới những nhận xét
sau đây trong quan hệ Mỹ, Trung Quốc và Nga, chỉ tập trung vào những
khía cạnh có liên quan đến Việt Nam.
Về quan hệ Mỹ - Trung
Về
phía Mỹ: Châu Á – Thái Bình Dương là vùng địa kinh tế - địa
chính trị chiến lược hàng đầu đối với sự phát triển và duy trì vị thế
siêu cường của Mỹ.
Trước hết bởi vì:
- là khu vực phát triển kinh tế rộng
lớn nhất, năng động nhất toàn cầu, gắn liền với kinh tế Mỹ và sự phát triển của
Mỹ trong tương lai,
- đang ngày càng trở thành thị trường
lớn nhất trên thế giới, đồng thời là nơi qua lại khoảng trên một nửa khối lượng
hàng hóa thông thương toàn cầu,
- là địa bàn chiến lược an ninh đối
với sườn phía Tây của Mỹ nói riêng và đối với toàn bộ vị thế siêu cường của Mỹ
nói chung.
Tuy
nhiên nổi lên các vấn đề sau đây đối với Mỹ:
- các đồng minh của Mỹ trong vùng (Nhật,
Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Úc, Ấn Độ) tuy không ít về số lượng, nhưng chưa
hình thành một tập hợp có sức nặng đương đầu thỏa đáng với đối thủ số 1 của Mỹ
trong vùng là Trung Quốc.
- sự có mặt về quân sự của Mỹ nhìn
chung trên bình diện toàn vùng là thường trực và vượt trội so với Trung Quốc và
Nga, tuy nhiên còn mỏng và quá xa trên bình diện cục bộ là phía Tây Thái Bình
Dương, nhất là tại Biển Đông.
- nếu để Trung Quốc tiến xa nữa trong
mưu đồ độc chiếm Biển Đông, có nguy cơ ASEAN sẽ vỡ trận, con đường huyết mạch
quan trọng nhất của thương mại thế giới bị khống chế, và thế chiến lược của Mỹ
trong khu vực CATBD có thể sụp đổ. Đây là điều Trung Quốc muốn, nhưng Mỹ
dứt khoát không thể chấp nhận.
Về
phía Trung Quốc: Từ 1956 (chiếm trọn vẹn Hoàng Sa) đến nay Trung
Quốc tập trung liên tục mọi nỗ lực trên các mặt kinh tế - chính trị - quân sự
vào thực hiện mưu đồ độc Biển Đông, bằng những bước nhỏ không ngừng nghỉ
(salami slicing strategy).
Có thể nhận định Trung Quốc đã thành công đáng gờm. Nguyên nhân là đã khai
thác được triệt để những vấn đề sau đây:
- sự bận rộn của Mỹ tại các khu vực
khác (trước hết là Trung Đông, căng thẳng Nga-NATO…) và trong những vấn đề nan
giải khác (kinh tế, chính trị, ngoại giao, nạn IS và khủng bố, yếu kém của
EU…),
- chính sách phân hóa và uy hiếp trực
tiếp rất hiệu quả của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nước Đông Nam
Á,
- “củ cà rốt” Trung Quốc được
tân dụng trong quan hệ thương mại và kinh tế toàn cầu, và nhờ đó đạt được sự
phân hóa đáng kể có lợi cho Trung Quốc trên bình diện toàn cầu mà Trung Quốc
mong muốn,
- khả năng các nền kinh tế lớn (kể cả
Mỹ) khó hay không dám “cắt rốn” khỏi thị trường buôn bán và thị trường đầu tư
hấp dẫn và quan trọng của Trung Quốc,
- nỗi lo chung của nhiều nước về nguy
cơ xảy ra khả năng hủy diệt lẫn nhau, và
- chiến thuật không đánh mà
thắng theo kiểu cờ vây (Nguyễn Quang Dy), tạo ra và duy trì trạng thái
“không hòa bình không chiến tranh”, “bên miệng hố chiến tranh” để thường xuyên
lấn tiếp… (“no war no peace”, “brinkmanship” – tìm xem: Kaplan, các báo cáo của
Rand Corporation 2015…), đồng thời tìm cách ngăn cản hoặc tránh những bước đi
cứng rắn của Mỹ có thể xảy ra.
Chú
ý: trong duy trì trạng thái “no war, no peace”, “brinkmanship”.., Trung
Quốc đặc biệt chú trọng vừa uy hiếp, vừa đẩy mạnh chiến thuật bẻ từng que đũa
bó đũa ASEAN – trước hết nhằm vào Việt Nam, nhưng tránh để xảy ra tình huống
làm các nước ASEAN hoảng sợ bỏ chạy theo Mỹ.
Trung quốc chủ động đề xuất với Mỹ quan hệ kiểu mới giữa nước đang phát
triển lớn nhất thế giới là Trung Quốc và nước phát triển nhất thế giới là Mỹ,
(gọi tắt là quan hệ nước lớn kiểu mới) với nội hàm: (a)chỉ song
phương, không tính đến các cường quốc khác, và (b)với điều kiện Mỹ cần tôn
trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hiện nay gồm 3 vấn đề: (1)Đài Loan, (2)Tây
Tạng, và (3)con đường phát triển (development path)[11] của
Trung Quốc – với nội dung tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Trung
Quốc bao gồm: Tân Cương, Biển Đông và các đảo Senkacu/Điếu Ngư[12]. Trung Quốc
coi chính sách của Mỹ ở Biển Đông chỉ nhằm bao vây Trung Quốc. Tập Cận Bình nói
trong hội đàm với Obama (Sunnyland 09-2015) Biển Đông thuộc về Trung
Quốc từ lịch sử xa xưa không thể bàn cãi… Bằng mọi hành động, Trung Quốc
muốn khẳng định đường lưỡi bò trên thực tế (de facto), đã tạo
ra 1 ADIZ đang phôi thai (C. A. Thayer) trên Biển Đông. Hai cuộc gặp thượng
đỉnh Mỹ - Trung Sunnyland 06-2013 và 09-2015 không giải quyết được vấn đề nào
của Biển Đông.
Trong nội trị Trung Quốc ráo riết nêu cao ngọn cờ dân tộc Đại Hán, tập trung
quyền lực để sẵn sàng cho chiến tranh cục bộ. Tuy nhiên đến lúc này vẫn có
những biểu hiện Trung Quốc tránh đi những bước có thể chủ động dẫn thẳng đến
chiến tranh cục bộ trên Biển Đông (rõ nhất là vụ rút giàn khoan HD 981 sớm hơn
dự định một tháng). Có thể vì Trung Quốc tính toán: (1)không muốn dồn Việt Nam
đến mức bật dậy chống lại, khiến Trung Quốc có thể mất lợi thế đã giữ được Việt
Nam như một chư hầu kiểu mới trong quỹ đạo của mình (lợi thế này đang là kịch
bản tối ưu của Trung Quốc), (2)phòng ngừa tạo cho Mỹ có chính danh trả đũa và
có cơ hội dấy lên toàn thế giới một phong trào bất khả kháng chống Trung Quốc,
(3)nhưng Trung Quốc luôn sẵn sàng cho những kịch bản khác, ra tay
khi có bất kỳ cơ hội nào hoặc trường hợp phải phản ứng nhanh.
Tựu trung những kịch bản khác Trung Quốc đã sẵn sàng đều có chung đặc điểm chủ
yếu là liệu cơm gắp mắm, đục nước béo cò, mục tiêu biện
minh cho biện pháp mà Trung Quốc rất sở trường![13] (Từ
Hội nghị Geneva 1954 về Đông Dương cho đến nay Việt Nam đã phải trả giá nhiều
lần cho những đòn của món võ nhà nghề này của Trung Quốc!)
Nhìn
tổng thể, thực tiễn hiện tại nói trên hình như còn cho thấy một điều nghiêm
trọng khác: Từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay, mọi nỗ lực toàn cầu của Trung
Quốc không lúc nào xa rời mục tiêu chiến lược số 1 là Biển Đông – nằm trong “development
path” (con đường phát triển, con đường sống còn) của Trung Quốc. Những
bước đi lớn như chiến lượcmột vành đai, một con đường (con đường tơ lụa),
hợp tác Trung Quốc – ASEAN, lập AIIB… cũng toát lên tinh thần này. Nỗ
lực toàn cầu tập trung vào phục vụ một mục tiêu khu vực như vậy hiển nhiên nói
lên quyết tâm chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông, và đồng thời cho
thấy rõ cách Trung Quốc thực hiện khôn ngoan đột phá khẩu đầu tiên này. Tuy
còn rất xa cột mốc siêu cường bá chủ, song những gì đã giành được trên Biển
Đông đã thực sự là những diễn biến nổi bật cho đến nay, khiến
Trung Quốc hôm nay trở thành một kiểu quái vật Frankenstein (Kaplan,
Nguyễn Quang Dy…); đến giờ phút này thế giới vẫn chưa có cách xử lý hữu hiệu
nào đối với nó[14]!.
Sai
lầm của Mỹ: Khó mà nói là Mỹ không hiểu được Trung Quốc, chí ít là
tiềm năng nghiên cứu của Mỹ có thể cho phép suy luận như vậy.
Song có lý hơn có thể là: Do những tính toán sai lầm, nên Mỹ đã quyết sai nhiều
chính sách lớn đối với Trung Quốc hay liên quan đến Trung Quốc. Tạm kể ra:
(1) Thông cáo chung Thượng Hải 1972 thời Nixon/Kissinger nhằm vào chống Liên
Xô. Nhưng từ 1949 Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa chưa bao giờ gắn kết với Liên Xô.
Sụp đổ của Liên Xô 1991 hoàn toàn không phải do hệ quả Trung Quốc trở cờ đi với
Mỹ. Cho đến khi chiến tranh Việt Nam của Mỹ kết thúc, CHNDTH với tính cách là
kình địch của Liên Xô chưa bao giờ là kẻ thù của Mỹ với đúng nghĩa. Thông cáo
chung Thượng Hải cũng không thể giúp Mỹ tránh được thất bại trong chiến tranh
Việt Nam. Trên thực tế, kết quả quan trọng nhất Thông cáo chung Thượng Hải đạt
được lại là giúp cho con rồng Trung Quốc xổ lồng để bắt đầu
khuấy động Đông Nam Á, mở đầu là chiến tranh biên giới chống Việt Nam 02-1979,
xua đuổi dần ảnh hưởng của Mỹ tại đây. Tuy nhiên, có thể đây là cái giá Mỹ phải
trả cho tập hợp lực lượng chống Liên Xô và tìm đường sớm rút khỏi Việt Nam. Mỹ
có những nhóm lợi ích khác nhau, trường phái Nixon-Kissinger là một nhóm như
thế. Hiện nay ở Mỹ vẫn có nhóm có thế lực muốn làm ăn lớn với Trung Quốc (tại
các nước phương Tây khác cũng vậy). Dưới góc độ này Thông cáo chung Thượng Hải
có cái lý của nó. Các nước bên thứ ba phải coi chừng.
(2) Tổng thống G. W. Bush bịa ra cớ để tiến hành chiến tranh Iraq, vì nhìn thấy
thời cơ lớn và có tham vọng lớn. Nhưng cuộc chiến tranh này khiến Trung Quốc
được một phen đục nước béo cò còn hơn cả trời cho, trong khi đó Mỹ bị sa lầy
đến hôm nay chưa dứt hẳn ra được. (Nhưng, chuyện gì sẽ xảy ra đối với Mỹ và cả
thế giới còn lại, nếu Bush hồi ấy biến được Iraq thành
một trung tâm dân chủ đi với Mỹ giữa lòng thế giới đạo Hồi? Chữ nếu này
to quá, song có lẽ giúp giải thích được mạo hiểm quá lớn này của Mỹ thời Bush?)
(3) Mỹ thời Obama ra sức thiết lập cái gọi là “G2” (Group of two) – với hy vọng
hợp tác Mỹ - Trung sẽ có thể thuần hóa con rồng Trung Quốc trong sân chơi chung
toàn cầu… Trung Quốc tận dụng offer này cho đẩy mạnh quan hệ và hội nhập kinh
tế, song vẫn ai đi đường nấy cho đến hôm nay.
Vân vân…
Phân tích những sai lầm lớn nêu trên của Mỹ xin để vào một dịp khác. Song có
thể nói ngay: Có lẽ không phải vì Mỹ kém thông minh hơn Trung Quốc, mà vì Mỹ có
những tính toán khác hẳn với Trung Quốc và luôn ở vào vị thế hay tình huống cần
hoặc có thể mạo hiểm để tìm kiếm vị thế mới, quá “tham” so với
thực lực. Nhưng siêu cường số 1 nếu không dám thường xuyên mạo hiểm như thế,
làm sao bảo tồn được vị thế của nó? Vả lại, vì là siêu cường số 1, nên Mỹ có
nhiều khả năng thua keo này bầy keo khác (nghĩa là luôn luôn tự tạo ra cuộc
chơi mới bắt cả thế giới phải theo). Bản chất Mỹ cũng là như vậy.
Năm
2011 ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xướng “pivot”, có thể được xem là sự
thức tỉnh cần thiết của Mỹ dù là chậm. Song tiếc rằng cho đến nay chưa tiến
triển được bao nhiêu, chủ yếu vì Mỹ cũng đang “bé” dần – vì phải phân tán lực
lượng vào một thế giới ngày càng quá nhiều vấn đề nóng bỏng. (Có ý kiến: Mỹ cho
đến nay trên thực tế đang thua Trung Quốc trên Biển Đông).
Hiệp đinh TTP được ký ngày 04-02-2016 là một bước tiến quan trọng mới, triển
vọng lớn, song khả năng khả thi còn để ngỏ ở mức độ nhất định.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN tại Sunnyland (15-16th Feb. 2016) có tầm vóc
rộng lớn cho hợp tác đa phương, song chưa đủ liều lượng đối với những vấn đề
Biển Đông – Trung Quốc. Lý do chủ yếu có thể là các nước ASEAN còn thiếu một
lập trường chung trong vấn đề Biển Đông, mặc dù phía Mỹ đã có nhiều nỗ lực, khó
có thể làm gì hơn được.
Xác
đinh red line: Mỹ đã có những bước đi quyết liệt khác tại khu vực
này. Rõ nhất là nâng cao vai trò khu vực của Nhật (bao gồm cả việc Nhật sửa đổi
Hiến pháp có liên quan đến vấn đề quốc phòng – Điều 9), khẳng định sự cam kết
bảo vệ của Mỹ đối với Nhật, Hàn Quốc, Singpore và Philippines, hợp tác tăng
cường khả năng quốc phòng của Đài Loan. Thực tế này đã kẻ ra một vạch đỏ (red
line) không thể cho phép Trung Quốc vượt qua. Mỹ có lẽ sẽ cũng không thể cho
phép mình lùi sau red line này.
Với việc tăng cường sự có mặt về quân sự trên Thái Bình Dương/Biển Đông, không
giảm chi tiêu cho hải quân mặc dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, khẳng định
kiên trì thực hiện và bảo vệ tự do thông thương trên biển và trên không tại
Biển Đông theo luật quốc tế (trong đó có UNCLOS 1982), có thể nói Mỹ có khả
năng giữ được vạch đỏ nêu trên.
Đối với những sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra, từ việc Trung Quốc lập ADIZ trên
biển Hoa Đông, đến sự kiện giàn khoan HD 981, đến việc Trung Quốc đầu năm nay
đưa vào sử dụng các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi đá.., Mỹ đã lên tiếng
phản đối quyết liệt, kể cả ở mức cao nhất khi cần thiết (về vụ HD 981, tổng
thống Mỹ, thượng viện và hạ viện Mỹ đều chính thức lên án nghiêm khắc sự việc
này – cao nhất trong các quốc gia phương Tây đã lên tiếng), điều động thêm lực
lượng hải quân vào khu vực, tiến hành các hoạt động có tính innocent của không
quân và hải quân để khẳng định UNCLOS 1982 và bác bỏ gián tiếp sự khẳng định
chủ quyền tại chỗ của Trung Quốc… Thực tế này cho phép đánh giá:
Trung
Quốc trong tầm nhìn nhất định hầu như không đủ lực trực tiếp đụng độ quân sự
với Mỹ để độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên hành lang các căn cứ quân sự xây dựng
trên các đảo và bãi đá chiếm của Việt Nam là cái thòng lọng đặt sẵn đối với các
nước trong khu vực, trước hết là Việt Nam, rất thuận lợi cho Trung Quốc
bành trướng tiếp,[15].
Những diễn tiến trên Biển Đông cho thấy cái thòng lọng này đang được siết dần
lại theo thời gian và tùy thuộc các sự cố trên thế giới (các forces majeures).
Sắp tới có thể là ADIZ trên Biển Đông, chiến tranh dưới dạng “no war – no
peace” với các nước trong vùng là thường trực; không loại trừ phản ứng chớp
nhoáng, đụng độ lớn, thậm chí chiến tranh.
Thời kỳ Mỹ là sen-đầm quốc tế (world gendarmerie) qua lâu rồi, lợi ích và thực
lực của Mỹ trong tương quan thế giới hôm nay – như đã nói trên – đòi hỏi Mỹ
phải tiếp cận các vấn đề của thế giới và khu vực theo cách huy động nhiều hơn
nữa sự can dự chung, san sẻ trách nhiệm chung... Mới đây nhất Mỹ đã có bài học
cay đắng trong chiến tranh Iraq, đúng với nghĩa mất cả chì lẫn chài –
vì tự thân Iraq không muốn và không thể thay đổi để theo con đường dân chủ, còn
nền dân chủ được Mỹ bê vào Iraq không có đất sống. Trong khi đó sự thay đổi tự
thân của Myanmar lại chỉ cần sự hậu thuẫn nào đấy là đủ.
Chính
sách Việt Nam của Mỹ: Chiến tranh Việt Nam và mọi di sản của nó đối
với Mỹ đã lùi xa vào quá khứ. Từ khi quan hệ hai nước bình thường hóa, Mỹ chủ
động đáng kể cho sự phát triển mối quan hệ song phương Mỹ-Việt. Mỹ hôm nay đánh
giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực. Vì lợi ích toàn cầu của mình, Mỹ
rất muốn Việt Nam trở thành đối tác chiến lược với đúng nghĩa.
Song Mỹ cũng hiểu chế độ chính trị của ĐCSVN còn rất nhiều rào cản để Việt Nam
trở thành một đối tác như vậy, Mỹ lựa chọn cách tiếp cận từng bước: tùy thuộc
vào khả năng tự thay đổi của Việt Nam.
Mỹ hiểu và thừa nhận quan hệ láng giềng tốt của Việt Nam với Trung Quốc là lẽ
tự nhiên có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam. Mỹ coi việc bảo vệ chủ quyền
biển/đảo của Việt Nam trước hết và chủ yếu là việc của Việt Nam không ai làm
thay được. Mỹ không có lợi ích biến Việt Nam thành một chư hầu chống Trung
Quốc, cũng không có chuyện làm lính đánh thuê miễn phí giữ nhà hộ cho Việt Nam.
Mỹ cam kết tôn trọng chế độ chính trị của Việt Nam, vì coi đó hoàn toàn là vấn
đề nội bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam (chuyến đi Mỹ năm 2015 của TBT Nguyễn
Phú Trọng). Mỹ coi một Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của Mỹ với đúng
nghĩa sẽ là một đóng góp rất quan trọng để giúp ASEAN trở thành một cộng đồng
vững chắc và phồn vinh (hiện nay ASEAN còn đứng xa mục tiêu này). Một ASEAN như
thế không thể thiếu đối với hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và
ngoài khu vực. Hơn thế nữa, lợi ích chiến lược lâu dài và tối thượng của Mỹ
không phải là gia tăng đối đầu nhằm xóa bỏ Trung Quốc, mà là muốn có một Trung
Quốc có trách nhiệm xây dựng đúng với tầm vóc của mình đối với cộng đồng quốc
tế. Một ASEAN vững chắc và phồn vinh rất quan trọng cho việc thúc đẩy xu hướng
này.
Một đặc điểm khách quan của thời cuộc hôm nay là lợi ích chiến lược của Mỹ và
của Việt Nam gặp nhau trên nhiều vấn đề quyết định, Việt Nam dám
dấn thân tới đâu trong mối quan hệ song phương này, Mỹ sẵn sàng đi tới đó.
Điều này cần phải được hiểu là Mỹ còn có những ưu tiên khác, những việc phải
làm khác, những phương án khác. Bởi vì lợi ích và toàn bộ chiến lược toàn cầu
của Mỹ đương nhiên không thể đặt cược vào sự chờ đợi Việt Nam đi nhanh hay chậm
như thế nào trong quan hệ Việt – Mỹ. Trong mối quan hệ song phương này, Mỹ nhất
thiết phải hành xử theo tinh thần ăn có mời, làm có khiến. (Ví dụ:
Việt Nam bị cướp mà không kêu, người ngoài cuộc sao giúp được? Việt Nam muốn đề
phòng cướp, cũng không thể ngồi há miệng chờ sung rụng được!)
Đủ
hay chưa đủ?: Nếu trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”
của Trung Quốc trên Biển Đông với trợ giúp của nhiều thứ khác (ví dụ: quyền lực
mềm, quyền lực rắn – bao gồm cả kinh tế…) tới khi nào đó một mặt làm
tê liệt vai trò lẽ ra phải có của ASEAN, bóp nghẹt đáng kể nhiều hoạt động kinh
tế và dân sự cũng như sự phản kháng của Việt Nam và Philippines trong vấn đề
Biển Đông; mặt khác giả thử Trung lợi dụng thành
công những sự cố mới trên thế giới (các forces majeures) cho phép Trung Quốc
phản ứng nhanh và tránh né được đụng độ trực tiếp với Mỹ trên Biển Đông, điều
gì sẽ xẩy ra?
Xin đừng quên cuộc sống chính trị thế giới cho thấy có những trường hợp người
thắng trong cuộc chơi không nhất thiết là người mạnh hơn, mà có thể lại là kẻ
yếu hơn nhưng có khả năng sống sót dai dẳng hơn và tìm được sự phát triển hay
thích nghi nào đó trong xung đột kéo dài (George Strausx-Hupé; tướng Trung Quốc
Trì Hạo Điền). Với lợi thế tại chỗ, tài câu giờ và phản ứng linh họat,
kẻ sảo quyệt có khả năng sống sót dai dẳng ở đây trong tình huống cụ thể của
khu vực Biển Đông có thể và có lúc nào đó là Trung Quốc! - dù đấy sẽ chỉ là
thắng lợi có giới hạn, tạm thời… Trong tình huống như vậy, vấn đề đặt
ra là: Nước hay các nước bên thứ ba (trong đó có Việt Nam) có đủ khả năng và
bản lĩnh sống sót qua đượccái thắng có giới hạn và tạm thời này của Trung
Quốc hay không? Đây là một thách đố lớn cho Việt Nam! Nhất là thế giới
hôm nay có quá nhiều forces majeures khó lường![16] Cái
nguy hiểm của Trung Quốc trên Biển Đông đối với các nước trong khu vực ĐNÁ và
cả thế giới chính là điểm này, cần cảnh giác để không bị bất ngờ, không bàn
lùi. Còn nếu sợ và lùilà sập bẫy Trung Quốc. Xin
đừng quên: Suốt 30 năm qua hầu như mọi bước leo thang của Trung Quốc trên Biển
Đông đều có liên quan hay là nằm trong tình huống xảy ra một sự cố nào đó trên
thế giới và trong khu vực.
Sự lựa chọn của Mỹ hiện nay dưới thời Obama là bảo vệ dứt khoát red line nói
trên và đồng thời đẩy mạnh chiến lược “xoay trục”. Song hiển
nhiên như thế là chưa đủ, Trung Quốc vẫn tiếp tục lấn tới trên Biển
Đông. Các bước leo thang của Trung Quốc tại Biển Đông trong 2 tháng đầu năm
2016 hiển nhiên quyết liệt hơn rõ rệt so với trước đó, không khí chiến tranh
đang nóng lên, giữa lúc thế giới đang tiềm tàng những sự cố
mới. Trong khi đó Donald Trump
có tiếng nói khác lạ (đại ý: các căn cứ quân sự
trên các đảo và bãi đá tại Hoàng Sa và Trường Sa ở xa quá và đã được xây
xong rồi. Mỹ có nhiều việc khác phải làm…), tác giả “trục xoay”
Hillary Clinton chưa thấy nói gì thêm so với năm 2011. Trên thế giới đang dấy
lên nỗi lo: Lợi dụng thời gian chuyển tiếp tổng thống mới ở Mỹ, Trung Quốc có
thể dám có thêm những bước đi cứng rắn mới.
Toàn
bộ thực tế trình bầy trên đòi hỏi Mỹ và ASEAN – trước hết là Việt Nam – phải
tìm ra cách tiếp cận hiệp đồng và tổng thể hơn nữa trong vấn đề Biển Đông,
không được để xảy ra bất ngờ hoặc quá chậm trễ. Nhất thiết phải tạo ra tập hợp
lực lượng ở phạm vi thế giới cho hòa bình ở Biển Đông.
Tại đây, đánh giá đối phó của Mỹ và ASEAN với Trung Quốc, có câu hỏi: Đủ
hay chưa đủ?
Về phần các nước bên thứ ba có liên quan nói chung – trước hết
là Việt Nam – sẽ có thể trả lời là “Đủ!”, nếu có
chính sách Biển Đông của mình dựa trên một dân tộc tự do và quật khởi. Một
dân tộc như thế là vô địch và luôn luôn được cả thế giới hậu thuẫn. Song
rất tiếc Việt Nam hôm nay đang thiếu chính cái điều kiện quyết định này.
Trong khi đó ASEAN vẫn còn đứng cách xa cái đích chuyển DOC trở thành COC.
Vâng, chữ nếu này còn cam go lắm!
- Một sự thật khách quan
hiện nay phải tính đến là Việt Nam và Mỹ - cả hai ở thời điểm hiện tại đều chưa
tiến tới được cột mốc Việt Nam là đối tác chiến lược của Mỹ (hiện nay Việt Nam
trên thực tế mới chỉ là một đối tác chiến lược tiềm năng, a
potential/nascent strategic partner). Quan hệ Mỹ - Việt vì thế hiện nay chưa
mang đầy đủ những yếu tố thuộc về lợi ích của các mối quan hệ đồng minh, chưa
nói đến địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu cho thấy Mỹ lúc này còn có những
lợi ích chiến lược khác cần ưu tiên hơn.
- Toàn bộ thực tế khách
quan nêu trên cho thấy: Trong mọi tình huống, yếu tố quyết định vận mệnh của
Việt Nam trước sau vẫn là sự chủ động của Việt Nam – bao gồm cả
việc coi những thách thức hiện nay là cơ hội vừa bắt buộc, vừa cho
phép Việt Nam phải chủ động đứng lên tạo ra cuộc chơi của
mình, tạo ra tập hợp lực lượng mới tối ưu cho mình trên thế giới, để các người
chơi phải chơi trong cuộc chơi do chính Việt Nam lựa chọn. Hoàn toàn không có
câu hỏi Ai có thể làm thay Việt Nam được? Mà chỉ
có câu hỏi: Một Việt Nam phải như thế nàotrong thế
giới hôm nay mới có thể đứng lên tạo ra cuộc chơi của mình như thế - đúng với
tính cách là một quốc gia độc lập, tự chủ, một thành viên dấn thân trong cộng
đồng quốc tế? Làm cho câu hỏi này trở thành mối trăn trở của mỗi người
dân, đất nước ta sẽ tạo ra cho mình sức sống mới.
Một điều hệ trọng các nước hữu quan bên thứ ba, trong đó có Việt
Nam, nên quan tâm để xử sự cho mình: Thực tế đang diễn ra trên toàn cầu cho
thấy tùy thời mầu sắc có thể thay đổi đậm nhạt thế nào đi nữa, và dù làm gì –
kể cả những răn đe nếu cần thiết, cuối cùng Mỹ vẫn xoay quanh ưu tiêu tối quan
trọng của mình là hợp tác hay đấu tranh đều phải nhằm vào cái đích thúc đẩy các
mối quan hệ Mỹ-Trung có lợi cho phát triển của nước Mỹ, có lợi cho xu thế hòa
bình, hợp tác và phát triển trên thế giới – trong đó Trung Quốc miễn cưỡng phải
tham gia ở mức độ nhất định. Đơn giản vì dù có 3 đầu 6 tay Trung Quốc cũng
không thể ngang nhiên chống lại cả thế giới, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào cả
thế giới không nhỏ và không ít nhạy cảm. Mỹ lựa chọn phương thức chạy
đua này, bởi vì trong đó Mỹ có lợi thế hơn hẳn Trung Quốc. Và đây cũng là
một trong những phương thức quan trọng giúp Mỹ duy trì vai trò số 1 của mình
trên thế giới: vừa hợp tác, vừa răn đe, tránh đối đầu trong chừng mực tình hình
còn cho phép.
Nhiều lần đã xảy ra trên bàn cờ thế giới: Mỹ hy sinh lợi ích bên thứ ba để phục
vụ lợi ích của mình. Nên xem đây như một quy luật của cạnh tranh sinh
tồn. (Cùng là XHCN với nhau, nhưng Trung Quốc đối xử với Việt Nam còn tệ
hơn nhiều, có phải không?) Sẽ không có mấy ý nghĩa nếu chỉ bám lấy những quan
điểm đạo đức để phê phán. Dại dột hơn nữa nếu lấy sự phê phán dựa trên quy phạm
đạo đức làm chuẩn mực chi phối việc xây dựng quyết sách mới. Đơn giản vì quy
luật này của cạnh tranh sinh tồn không thay đổi được và sẽ tiếp tục tồn tại.
Song để có thể vô hiệu hóa nó, có một quy luật khác nước bên thứ ba nhất thiết
phải nằm lòng: Không muốn làm đe, phải tìm mọi cách làm búa (Johann
Wolfgang von Goethe) – theo tinh thần tự mình lựa chọn cuộc chơi
trong tập hợp lực lượng tối ưu do mình tạo ra trên thế giới. Quốc gia
nào cũng có những lợi thế riêng của mình cần vận dụng cho việc lựa chọn này. Và
cũng xin đừng lúc nào quên: Mỹ cũng chỉ là một quốc gia không thể không có sai!
Cũng không phải lúc nào lợi ích của Mỹ và của nước khác đều cùng một hướng!
Về quan hệ Mỹ - Nga
Trong khi Mỹ và Trung Quốc có lợi ích xung đột nhau chủ yếu trong tranh giành
ngôi số 1 thế giới để chi phối toàn cầu, Nga xung đột với Mỹ chủ yếu là để bảo
vệ đế chế đang tan rã tiếp của mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ 1990-1991, quan hệ
Mỹ - Nga tuy không còn căng thẳng giống như thời chiến tranh lạnh I, nhưng
nhiều mâu thuẫn truyền thống và xung đột lợi ích mang tính siêu cường giữa hai
bên vẫn còn nguyên vẹn. Mỹ và NATO vẫn tìm mọi cách kiềm chế Nga. Về phần mình Nga
vẫn nhìn Mỹ là một kẻ can thiệp nguy hiểm. Xu hướng ly khai của các nước trong
CĐCQGĐL càng đổ thêm dầu vào lửa.
Vì đụng tới số phận to be or not to be? của đế chế Nga như
vậy, nên xung đột lợi ích Nga – Mỹ tuy chủ yếu là song phương, nhưng rất quyết
liệt ở phạm vi toàn cầu, nhất là trên 2 mặt trận chính: (1)tại châu Âu, liên
quan đến những tác động của phương Tây vào nội tình Nga cùng với các thành viên
trong Cộng đồng các Quốc gia độc lập, và việc NATO mở rộng sang phía Đông,
(2)chiến tranh Syrie, liên quan đến đồng minh còn lại duy nhất của Nga và việc
duy trì cửa ngõ duy nhất của Nga qua Biển Đen đi ra Địa Trung Hải.
Trên
mặt trận châu Âu:
Sự sụp đổ của Liên Xô do những nguyên nhân nội tại tạo ra làn sóng một loạt
nước trong Liên Xô cũ li khai, số còn lại vì những lý do nhất định đã/phải tham
gia vào Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CĐCQGĐL). Các quốc gia này tuy chịu
khuất phục trước những áp lực và ràng buộc không tháo gỡ được, họ vẫn muốn ly
khai tiếp.
Kể từ thời Sa hoàng cho đến khi Liên Xô sụp đổ, giữa các nước thành viên
CĐCQGĐL và Nga luôn có những xung đột mang tính lịch sử và văn hóa rất sâu sắc,
nhất là phần đông các nước này mới bị nước Nga Sa hoàng chinh phục hay khuất
phục trong thế kỷ 18 (nghĩa là dấu ấn lịch sử còn rất mới!). Sau khi Liên Xô
sụp đổ, những xung đột này bùng nổ công khai và còn đang tiếp tục. Sự kiểm soát
của Nga càng tăng để bảo vệ đế chế của mình, càng kích thích xu hướng bài Nga.
Thời đại internet càng làm cho xu hướng li khai/bài Nga của các nước thành viên
CĐCQGĐL trở nên thường trực và sâu sắc hơn, tạo ra trạng thái đế chế Nga hôm
nay bên trong luôn động và đang tan rã tiếp. Sự can thiệp hay ảnh hưởng của
phương Tây dù thế nào cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu.
Có thể nói ngoài bạo lực và áp lực, Nga không có bất kỳ thứ vũ khí, hay phương
tiện, hay nguồn của cải nào có thể đảo ngược xu thế bài Nga/ly khai nói trên
trong và ngoài CĐCQGĐL, vấn đề Ukraina hiện nay có thể được xem là ví dụ điển
hình.
Song song với tình hình trên, các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa cũ luôn coi Nga
là sự uy hiếp thường trực. Tất cả những nước này đã tham gia NATO, tạo ra thực
tế NATO triển khai mạnh mẽ sang phía Đông, trực tiếp tiếp cận/uy hiếp Nga. Sự
phát triển nội trị Nga hiện nay cho thấy mọi vấn đề chưa có lời giải. Thực tế
này cũng có nghĩa quan hệ Mỹ - Nga nói riêng, quan hệ phương Tây – Nga nói
chung còn căng thẳng kéo dài, mặc dù quan hệ kinh tế Nga – EU rất quan trọng
cho các bên hữu quan.
Trên
mặt trận Syrie:
Tìm đường vãn hồi ảnh hưởng đế chế, trên thế giới hôm nay Nga chỉ còn lại một
đồng minh duy nhất là Syrie triều đại Assad. Hơn thế nữa trên bở biển Địa Trung
Hải phần thuộc Syrie có Tartus là căn cứ quân sự cuối cùng của Nga ở nước ngoài
không thể thiếu cho việc bảo vệ con đường của Nga từ Hắc hải ra đại dương (Địa
Trung Hải – Bắc Đại Tây Dương). Nếu mất Tartus, Nga sẽ bị cô lập nghiêm trọng.
Đây là một trong những lý do quyết định khiến Nga ủng hộ chính quyền Al-Assad
và tìm mọi cách bảo vệ chính quyền này kể từ khi xảy ra nội loạn năm 2011.
Trong khi đó Mỹ và liên minh ủng hộ các nhóm nổi dậy và đòi loại bỏ Al-Assad.
Chiến tranh Syrie còn liên quan đến tranh giành lợi ích chiến lược rất phức
tạp, giữa các nước ở Trung Đông với nhau, giữa các nhóm sắc tộc khác nhau của
đạo Hồi, giữa một số nước Bắc Phi và phong trào nhà nước thánh chiến Hồi giao
(IS), các nhóm của phong trào khủng bố… Tổng cộng có tới trên 40 “bên”/”nhóm”
tham chiến, 51 quốc tịch. Vấn đề càng trở nên phức tạp do xuất hiện những nỗ lực
tập hợp lực lượng mới tại chỗ tranh giành ảnh hưởng trong toàn khu vực Trung
Đông, trong đó có nhóm các nước ả-rập do Ả-rập Saudi dẫn đầu, sự trỗi dậy của
Iran sau khi thoát khỏi cấm vận, ý đồ liên minh Iran – Nga trong vùng… Vì có
quá nhiều bên tham gia với những mục tiêu xung đột nhau, nên chiến tranh ở đây
rất khốc liệt và kéo dài – nguyên nhân chính là do tương quan lực lượng, song
cũng có nguyên nhân Mỹ và liên minh chỉ tham gia bằng không chiến – hệ quả của
bài học chiến tranh Iraq. Còn Nga tuy rất quyết liệt, nhưng chỉ đấu tranh bằng
ngoại giao bảo vệ chính quyền Al-Assad, tăng cường lực lượng trực tiếp bảo vệ
căn cứ Tartus[17].
Trước áp lực quyết liệt của phương Tây chống Nga do vụ Krym và vấn đề Ukraina,
đồng thời Al-Assad đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, từ tháng 9-2015 Nga phản
ứng lại bằng cách đưa tên lửa bắn từ biển và không quân tham chiến ở Syrie.
Việc tham gia của Nga như vậy là một tính toán chuẩn xác, đạt mục đích, đảo
ngược tình thế gần như thất thủ của Al-Assad. Mỹ và liên minh bất ngờ trước
bước đi quyết liệt này của Putin. Tình hình chiến trường Syrie thay đổi, với
kết quả đầu tiên là đạt được thỏa thuận ngừng bắn 27-02-2016, có khoảng 30
phe/nhóm tham gia, mặc dù không thể biết được triển vọng thỏa thuận này sẽ dẫn
tới đâu. (Xin lưu ý: thỏa thuận ngừng bắn này là sản phẩm của đàm phán Nga –
Mỹ; ngày 14-03-2016 Putin tuyên bố rút một phần sự tham chiến của Nga tại đây).
Tham chiến vào Syrie, Putin giành được những chiến thắng quan trọng - dù là
chiến thuật và tạm thời: (1)đỡ đòn cho mặt trận châu Âu liên quan đến Krym –
Ukraina, (2)khẳng định Mỹ không thể loại bỏ được vai trò quyết định của Nga
trong giải quyết vấn đề Syrie, (3)làm cho di cư vào châu Âu tăng đột biến EU
không đối phó nổi (một kết quả gián tiếp, nhưng lại là một đòn chí mạng giáng
vào EU), (4)lấy lại tinh thần Nga cho đế chế Nga, (5)Putin trở thành người hùng
của Nga và khát vọng vãn hồi đế chế Nga, mặc dù những khó khăn kinh tế trong
nước hiện nay rất lớn.
Tuy nhiên, trong tranh giành Nga – Mỹ, nguồn lực và vị thế của Nga mở rộng ảnh
hưởng rất hạn chế. Làm gì, Nga trước hết cũng chỉ nhằm vào vãn hồi quá khứ đế
chế, chưa thể tính đến khả năng khuếch trương nó.
Trong tranh giành quyền lực với Mỹ, cả hai bên Nga và Trung Quốc đã chủ động
liên kết với nhau vì hai bên cần nhau, đều muốn và đều có nhiều điều kiện lợi
dụng lẫn nhau – nhất là trên phương diện kinh tế và quân sự. Song có thể nói
hợp tác Nga-Trung là một cuộc hôn nhân bất đắc dỹ. Ví dụ, thỏa thuận quan trọng
nhất là hợp tác kinh tế 400 tỷ USD cho 30 năm, song đi vào thực hiện ngay tức
khắc “chưa ấm đã lạnh” (VnEconomy 08-09-2015): có nhiều trở ngại khó vượt qua,
trong đó có vấn đề giá dầu sụt và những vướng mắc kỹ thuật khác trong quá trình
thực hiện, bao gồm cả những nguyên nhân liên quan đến giá cả sản phẩm và trình
độ kỹ thuật của sản phẩm Nga, cách hợp tác rất khó “nhằn” của Trung Quốc (quyền
lực mềm.., Trung Quốc muốn trực tiếp khai thác tại chỗ trên lãnh thổ bao la tài
nguyên Nga…)... Song trở ngại lớn nhất trong hợp tác Nga – Trung có lẽ là những
nghi kỵ của Nga trước những ý đồ của Trung Quốc bành trướng vào Nga – nhất
là vấn đề di cư tự do từ phía Trung Quốc vào vùng Viễn Đông dân cư thưa
thớt của Nga, sự nguy hiểm của quyền lực mềm Trung Quốc đối với hệ thống chính
thể Nga rất mẫn cảm với tiêu cực, sự bành trướng ảnh hưởng Trung Quốc vào các
nước trong CĐCQGĐL tại Trung Á, vấn đề bảo mật công nghệ quốc phòng Nga (bị Trung
Quốc “nhái” quá nhiều); một khi kỹ thuật quốc phòng Trung Quốc vượt trội, nguy
cơ có thể là Nga sẽ giữ chức nạn nhân đầu tiên, chứ không hẳn là NATO hay
Mỹ!..
Đương nhiên cũng không thể đánh giá thấp những nguy hiểm trong những hoạt động
có sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. Những việc công khai là một số trường hợp
Nga và Trung Quốc đã veto thành công một số vấn đề đưa ra HĐBA LHQ, việc Nga
tuyên bố (ở cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng) có lợi cho Trung Quốc trong lấn chiếm
Biển Đông… Còn những việc bí mật?
Xu thế dẫn dắt sự vận động của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác, phát
triển, bảo vệ môi trường và quyền con người. Giấc mộng Trung Hoa và khát vọng
vãn hồi đế chế Nga tự nó khách quan đi ngược với xu thế vận động này của thế
giới. Do đó thế giới không thể trông đợi điều gì tốt đẹp trong sự hợp tác giữa
một bên là giấc mộng Trung Hoa và một bên là khát vọng vãn hồi đế chế Nga.
Nhìn
toàn cục và lâu dài, vì không thể, hoặc vì đều cố tránh hủy diệt lẫn nhau, mọi
xung đột trong cuộc chơi từng cặp hay tay ba giữa Mỹ - Trung – Nga vẫn có một
không gian rộng lớn cho việc khai thác sự phụ thuộc lẫn nhau và tìm kiếm khả
năng hòa hoãn của từng cặp hay giữa cả 3 bên. Như một tính quy luật, sự hòa
hoãn này thường diễn ra hoặc là trên lưng các nước thứ ba, hoặc bắt buộc phải
tranh thủ sự tham gia của các nước bên thứ ba. Các nước bên thứ ba hôm nay,
trong đó có Việt Nam, vừa có khả năng, vừa bắt buộc phải có ý thức, trí tuệ và
ý chí không để cho sự hòa hoãn này diễn ra trên lưng mình.
IV. Lời kết: Lựa chọn gì?
Cả 5 lần lựa chọn sai của nước ta như đã nêu trong phần mở đầu của bài này đều
có chung nguyên nhân là hiểu sai sự vận động của thời cuộc thế giới và không
tạo ra cho đất nước khả năng vươn lên thực hiện sự lựa chọn đúng mà đất nước lẽ
ra phải lựa chọn. Hội nhập quốc tế và cạnh tranh kinh tế đã bước vào cách mạng
công nghiệp lần thứ 4 và trong tình hình kinh tế tri thức đạt mức độ cao mới.
Trong khi đó đất nước ta đứng trước đòi hỏi vừa phải đi vào một thời kỳ phát
triển mới sau 30 năm đổi mới (kết thúc thời kỳ phát triển theo chiều rộng để
chuyển sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu), vừa phải thay đổi triệt để nhằm
đối phó và thích nghi được với những thách thức và đòi hỏi mới toàn cầu, đồng
thời phải làm sao vận dụng được cơ hội mới chưa từng có. Thực tế
khách quan này đối với nước ta đang nóng bỏng hơn bao giờ
hết.
Nhận diện đúng thực tế khách quan đối nội và đối ngoại của đất nước là điều
kiện tiên quyết phải có để có thể lựa chọn đúng. Xin trình bầy lần lượt dưới
đây.
Những thành tựu thực chất đất nước đã giành được 30 năm qua cho dù to lớn hay
vỹ đại đến như thế nào đi nữa, thực tế khách quan nước
ta hôm nay phải đối mặt vô cùng quyết liệt. Đấy là:
1- những thách thức từ bên ngoài –
do sự de dọa đến từ chiến lược Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông hiện nay đi xa
tới mức đẩy nước ta đến bên miệng hố chiến tranh, tiếp tục xâm phạm chủ quyền
biển đảo của ta, uy hiếp nghiêm trọng an ninh biển của đất nước nói riêng và
tiền đồ phát triển của đất nước nói chung (chưa nói đến vấn đề nước đầu nguồn
sông Mekong); do cạnh tranh kinh tế chưa từng có trong giai đoạn hội nhập mới
hiện nay (các FTAs, AEC, TTP…); do những đòi hỏi mới đặt ra cho Việt Nam phải
tự vươn lên với tính cách là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đối với các
đối tác ta đã cam kết, vân vân..;
2- những thách thức bên trong: những
bất cập và tha hóa đang tồn tại trong chế độ chính trị, những hệ lụy trầm trọng
của một quá trình phát triển 30 năm có nhiều sai lầm và yếu kém – đặc biệt là
trong lĩnh vực giáo dục và phát triển con người..; kết cấu hạ tầng có quá nhiều
bất cập và ách tắc, môi trường tự nhiên bị tàn phá đến mức báo động; thiên tai
hạn hán, lụt, nhiễm mặn, thiếu nước ngọt ngày càng khốc liệt – trong đó còn có
nguyên nhân 30 năm qua phát triển theo lối bóc ngắn cắn dài, hôm qua ăn
ốc nhưng hôm nay và ngày mai phải đổ vỏ!..; kinh tế đất nước hiện nay
đang có nhiều vấn đề nhạy cảm như nợ, tệ nạn tham nhũng và lãng phí, bất công
và phân biệt giầu nghèo quá lớn; đạo đức xã hội tha hóa trầm trọng, lòng người
phân tán..; tư tưởng nhiệm kỳ và tính cát cứ trong làm ăn kinh tế của chế độ đã
để lại nhiều hậu quả rối rắm, tình trạng lạc hậu và tụt hậu, đồng thời không
chuẩn bị cho đất nước được bao nhiêu những điều kiện phát triển mới mà thế giới
hôm nay đòi hỏi,.. v… v..,
3- những mối nguy từ phía cầm quyền: chú
trọng bảo tồn quyền lực cai trị (lo sợ mất chế độ) - đến mức hầu như chịu bó
tay trước mọi thách thức và cơ hội, chạy theo số lượng và thổi phồng “thành
tựu” hoặc cố tình chỉ so ta hôm nay với ta hôm qua – nhưng lại coi nhẹ chất
lượng của phát triển – để tự mê hoặc và ngu dân; cố mài quá khứ ra mà sống để
biện minh cho cái gọi là kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó
không biết bao nhiêu tiềm năng phát triển của đất nước bị kìm hãm hoặc thui
chột. Hệ quả chung ai cũng thấy: 30 năm vừa qua Việt Nam đã phát triển
dưới khả năng và những thời cơ của mình cho phép, người ta gọi Việt Nam là nước
không chịu phát triển…
4- Trên tất cả là sự toàn trị của chế độ
chính trị đã bóp chết tinh thần quật khởi dân tộc cần phải có cho sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ tổ quốc. Đây có lẽ là hậu quả trầm trọng nhất của con đường 30
năm kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa! - vào giữa lúc đất nước ta hôm nay
đang cần hơn bao giờ hết tinh thần quốc gia khởi nghiệp cho thời kỳ phát triển
mới của đất nước trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Đất nước hiện nay
lâm vào tình trạng vừa thiếu trí tuệ vừa thiếu ý chí thực hiện hòa giải và đoàn
kết dân tộc để dấy lên sức mạnh đổi đời đất nước. Giới lãnh đạo và đội ngũ trí
tuệ hiện nay của hệ thống chính trị không đủ ý chí, phẩm chất và năng lực vạch
ra cho đất nước một con đường như vậy. Về nhiều mặt đất nước đang biến
thành đất nước đi làm thuê và đất nước cho thuê. Nhân dân ngày càng
mất lòng tin vào Đảng và chế độ, thậm chí xuất hiện tâm trạng mất phương hướng…
Chưa bao giờ tinh thần yêu nước và lòng tự trọng của chúng ta bị nghèo, hèn và
tha hóa xúc phạm như hiện nay!
Cần
nhấn mạnh những yếu kém chủ quan của ta là kẻ thù số một của đất nước ta, có
nguy cơ đẩy đất nước vào sụp đổ hỗn loạn, biến tổ quốc Việt Nam của chúng ta
thành con mồi lý tưởng cho giấc mộng Trung Hoa.
Sống trong thế giới hôm nay, việc đầu tiên nước ta cần lựa chọn ngay là phải
can đảm nhìn thẳng vào những yếu kém của chính mình, quyết
thoát khỏi trạng thái đang mê ngủ hiện nay! Xin gọi đây là sự lựa
chọn đầu tiên. (Xin lưu ý Đảng nói nhiều về tự phê bình và phê bình,
nhưng chưa một lần tự phê bình và phê bình với ý thức như vậy về những yếu kém
chủ quan này).
Một đặc điểm nổi bật trong cục diện thế giới hiện nay là: Những rối loạn của
tranh chấp quyền lực đang diễn ra và những đòi hỏi của phát triển kinh tế thế
giới tạo ra tình huống là: hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Đông Nam Á
đang rất cần một Việt Nam phát triển, đứng vững chắc trên đôi chân của mình,
góp phần xứng đáng vào việc hình thành một ASEAN vững mạnh! Một Việt Nam như
thế là đóng góp không thể thiếu cho cuộc sống toàn vùng và ngoài khu vực. Chính
vì lẽ này, chứ không phải ngẫu nhiên lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt
Nam có được hầu hết các quốc gia quan trọng trên thế giới cam kết trở thành đối
tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Thực tế khách quan đang nói tới này (thực tế khách quan
thứ 2) đặt ra đòi hỏi thứ 2vô cùng bức thiết. Đó là: Việt Nam
phải vươn lên có sức mạnh toàn diện để tự thân trở thành đối tác chiến lược hay
đối tác toàn diện có thực chất. Đơn giản vì không thể vỗ tay bằng một bàn tay.
Một Việt Nam yếu kém sẽ chỉ tạo ra quan hệ đối tác một chiều; mà
như thế dù có tên gọi mỹ miều như thế nào đi nữa, một đối tác chiến lược Việt
Nam yếu kém chỉ có thể là một kẻ ăn xin – như chúng ta
đang xin được công nhận là kinh tế thị trường, xin có thêm ODA, xin các ưu đãi
khác!.. Thực tế khách quan thứ 2 này (có nhiều đối tác chiến lược hầu
như khắp thế giới) là cơ hội ngàn năm có một, để nước ta thoát khỏi lời nguyền
địa lý đã hơn 2 thế kỷ nay hành hạ dân tộc ta - kể từ khi có nước Việt Nam hoàn
chỉnh như hôm nay, bắt đầu từ thời Gia Long.
Người Việt Nam chúng ta hôm nay ai không biết con đường lận đận đất nước đã đi
trong hơn hai thế kỷ vừa qua, những gì đã trải qua thời thuộc địa, bao phen bên
ngoài đã biến đất nước ta thành trận địa để chia cắt tranh giành nhau, đã gây
ra trên nước ta cảnh dân tộc ta tay trái chém tay phải, vết thương dân tộc đến
hôm nay vẫn chưa lành.., bao nhiêu cơ hội phát triển của đất nước bị cướp mất,
ta tự đánh mất!?.. Sự lạc hậu, tụt hậu và ngu dốt hôm nay đất nước đang phải
chịu đựng cứ chồng chất lên mãi. Cái thòng lọng của tham vọng bá quyền giấc
mộng Trung Hoa trên Biển Đông kề kề bên cổ... Người Việt Nam chúng ta hôm nay
ai không hiểu chặng đường lịch sử đau khổ hơn hai thế kỷ này của đất nước?! Ai
không nhìn ra hay không muốn nhìn ra đất nước hôm nay đang đứng trước cơ hội
ngàn năm có một?!.
Trong thế giới hôm nay, sự lựa chọn thứ 2 đang đặt ra
cho nước ta không phải là vấn đề theo ai? chống ai?,
mà là cả nước nhất quyết phải đứng lên lựa chọn con đường
giải thoát tổ quốc chúng ta ra khỏi lời nguyền địa lý, không cam chịu
thân phận nước bên thứ ba cho thiên hạ giằng xé, không
chấp nhận một lần nữa làm chư hầu hay nô lệ!Đây là con đường duy nhất để
nước ta có thế và lực để được chấp nhận là láng giềng bình đẳng, được tôn
trọng, xây dựng được quan hệ hữu nghị đời đời với Trung Quốc. Tương lai cũng
đòi hỏi nước ta phải đời đời giữ được vị thế này trong quan hệ
Việt - Trung! Xin được đặt tên cho sự lựa chọn thứ 2 này: Quyết
thoát khỏi lời nguyền địa lý.
Để thực hiện được 2 lựa chọn nói trên, phải thực hiện đòi hỏi thứ 3:
Đất nước phải học lại tất cả vì đã học quá nhiều cái không đúng; bây giờ phải
học những cái chưa được học, để từ đó đổi đời chính mình và thay đổi đất nước.
Có thể nói đến mức, nếu phải tìm ra cái gì là nguyên nhân đầu tiên,
nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm cho đất nước bị tụt hậu, bị
kìm hãm như hôm nay, câu trả lời xin đưa ra trong bài viết này là: Sự
thất học!
- Dám nói Việt Nam hôm
nay thất học? Việt Nam với nghĩa ở bình diện quốc gia, Việt Nam là cả nước? Dám
nói câu trả lời này là chung cho mọi người Việt Nam trong cả nước!?..
- Vâng. Đúng như thế! Là
cả nước, không loại trừ một ai! Thất học trước hết với nghĩa không được học cái
phải học. Mặc dù 40 năm qua nước ta đã mất rất nhiều công của và thời gian cho
việc học, nhưng vẫn thất học. Bởi vì đến nay chỉ được học quá nhiều cái sai,
học cái lạc hậu thế giới đã vứt bỏ, trong khi đó có nhiều cái khác lẽ ra phải
học thì lại bị coi là diễn biến hòa bình, là của các thế
lực thù địch… Thất học bởi vì người trong cả nước có chứng chỉ các loại, có
học vị và bằng cấp cao… vô cùng nhiều, có lẽ nhiều nhất thế giới tính theo tỷ
lệ dân số, nhưng đất nước vẫn nghèo và lạc hậu tiếp… Thất học với nghĩa học cái
phải học nhưng học không thủng, nhất là không học được để thấu hiểu nỗi nhục
của đất nước: bên trong phải chịu đựng quá nhiều yếu kém, bất công, dối trá và
tha hóa, bên ngoài thì độc lập và bờ cõi quốc gia bị xâm phạm... Thất học với
nghĩa không được học hoặc không học đủ để có bản lĩnh và kiến thức nhận ra sai
trái, cách khắc phục các sai trái… - của chính mình và trong cả nước, để dám
nói thật, được nói thật… Thất học vì không biết hay không dám thực hiện quyền
của mình bảo vệ cái đúng, quyền chống cái sai… Thất học với nghĩa không được
học, hoặc là học không được, hoặc là học không vào để giải quyết được vấn đề
Trung Quốc của Việt Nam – một trong ba thất bại chiến lược của nước ta trong 40
năm qua[18]!
Thất học với nghĩa không được học những điều nhất thiết phải học, phải biết mà
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh thế giới hôm nay đòi hỏi…
Trên hết cả là thất học với nghĩa chúng ta không được học, học không vào, hoặc
là học chưa đủ, để dám đứng lên làm người tự do!.. Mà để sống, chúng ta nhất
thiết phải làm người như thế. Để rồi với tính cách là người tự do như
thế, chúng ta còn phải học dân chủ, hòa giải, đoàn kết với nhau, “Mỗi
người vì mọi người! Mọi người vì mỗi người!”, sống với nhau lấy chữ tín và
thượng tôn pháp luật làm trọng, tất cả dám vượt lên cái bóng của người đi trước
theo tinh thần “con hơn cha là nhà có phúc!”, cùng nhau xả thân phấn đấu
vì hạnh phúc của chính mình, vì sự cường thịnh và vinh quang của tổ quốc! Học
để ngay trước mắt là tìm được cho đất nước lối ra khỏi khủng hoảng hiện nay
(đang hội tụ nhiều vấn đề nóng bỏng như kinh tế, chính trị, thiên tai, đối
ngoại…) và giải pháp vấn đề Trung Quốc… Học để ngay hôm nay quyết chí lát bằng
được những viên gạch đầu tiên cho con đường mới đất nước phải đi... Học để làm
cho một ngày nào đó “Made in Vietnam” sẽ là một thương hiệu được
công nhận trên thế giới… Học vì còn nhiều cái thất học khác nữa phải khắc
phục… Tựu trung lại, thất học với nghĩa không được học, hay là chưa
được học đủ, hoặc là học chưa đủ.., để dám làm người – những con người
mà tổ quốc Việt Nam chúng ta đang rất cần trong thế giới hôm nay, để mỗi công
dân Việt Nam cũng sẽ là một công dân thế giới với đúng nghĩa!
Nhiệm vụ tìm đường đổi đời chính mình và thay đổi đất nước nên bắt đầu từ khắc
phục cái thất học này. Đây là việc bắt buộc phải làm, để mỗi chúng ta và cả
nước có thể thành công với cái giá phải trả tiết kiệm nhất. Thiết nghĩ, dám học
như thế, mỗi người dân chúng ta - dù thân phận và địa vị xã hội nào, chính kiến
gì, tôn giáo nào, đảng viên hay không đảng viên… – sẽ vạch ra được cho mình
chương trình hành động làm chủ bản thân và làm chủ đất nước.
Mỗi
người dân học được như thế, muốn hay không ĐCSVN cũng sẽ phải thay đổi. Học như
thế là để cả nước cùng nhau bắt tay với ý thức cao nhất vào sự nghiệp đổi đời
chính mình và thay đổi đất nước, nhằm thực hiện sự lựa chon thứ 3:
Đấy
là tiến hành cuộc cải cách toàn diện và triệt để chế độ chính trị hiện nay,
giải phóng mọi tiềm năng phát triển của đất nước - với lộ trình và bước đi của
trí tuệ và ý chí quyết đưa đất nước ta thoát khỏi lời nguyền địa lý. Sống hay
là chết - to be or not to be!
Dấy lên tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam ta trong thế giới hôm nay, bắt
đầu từ dấy lên trong cả nước tinh thần học tập như thế để mỗi người tự thay đổi
chính mình và cùng nhau đổi đời đất nước, quyết tiến hành cuộc cải cách chưa
từng có để mở đường đưa nước ta trở thành đất nước của những
người có học, thành nước phát triển –
chứ không phải là đất nước đi làm thuê, đất nước cho thuê như hiện nay!
Còn khát vọng nào cháy bỏng hơn đối với mỗi người Việt Nam chúng ta sống trên
đời này!? Còn gì khác nữa, chủ nghĩa nào, lý tưởng nào, có thể tạo ra trong cả
nước ta và trong toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta sống trên thế giới này
sự quần tụ triệu người như một vì khát vọng này!?
Xây dựng một chế độ chính trị được lòng dân có khả năng phát huy 3 yếu tố làm
nên sự phồn vinh và thực lực bất khả kháng của quốc gia là tự do,
dân chủ, quyền sở hữu, tổ quốc Việt Nam chúng ta trong bối cảnh thế
giới hôm nay đang hội đủ những điều kiện quốc gia và quốc tế quan trọng nhất
cho mục tiêu chiến lược: Giải phóng đất nước mình thoát khỏi lời
nguyền địa lý, tạo ra năng lực tự mình viết ra cuộc chơi cho mình vì sự tồn tại
và phát triển của chính mình, có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong
khu vực, và qua đó nước ta dấn thân cho lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Điều kiện tiên quyết là phải có trí tuệ và ý chí xây dựng và tiến hành được
đường lối đối ngoại cho sự lựa chọn này dựa trên nền tảng các mặt trận kinh tế,
nội trị và đối ngoại của quốc gia nhất thiết phải hài hòa đứng chung trên một
chiến tuyến duy nhất và thống nhất cho mục tiêu tự tạo ra cuộc chơi cho chính
mình. Đây là sự nghiệp phấn đấu tổng lực của toàn dân tộc, đời này sang đời
khác, không ít hy sinh gian khổ, còn khó hơn nhiều lần so với những quá trình
trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm nước ta đã trải qua. Đáng chú ý là trong thế giới hôm nay các nước nhỏ ý
thức được chính mình đều có cơ hội giành lấy vai trò làm chủ chính mình như vậy[19].
Lấy tinh thần yêu nước vực quốc gia đứng dậy, quyết nắm lấy các giá trị chung
của nhân loại tiến bộ để phát triển quốc gia mình và dấn thân cùng đi với cả
thế giới - đây chính là con đường sống của đất
nước. Dù có hay không có TTP, các FTAs hay là AEC.., Việt Nam vẫn phải
tự mình đứng lên chủ động chọn cho mình con đường này.Không muốn làm đe
thì phải làm búa có nghĩa là như vậy! Tất cả bắt đầu từ học.
Dấy lên và tìm đường thực hiện khát vọng thoát khỏi lời nguyền địa lý nêu trên
của dân tộc Việt Nam ta, đấy chính là nội dung, là tinh thần của ngọn
cờ lãnh đạo đất nước Việt Nam hôm nay!
♦
Trên đây là 3 lựa chọn bài viết này xin kiến
nghị với đất nước.
Xin nói thêm, trong loạt bài viết suốt 2 năm qua (2014 – 2015 – xem thêm
mục Tài liệu tham khảo cuối bài này) mang tính kiến
nghị với ĐCSVN về Đại hội XII, tôi đã trình bầy nội dung chính của nhiệm vụ cải
cách chính trị này, phân tích sự cần thiết và khả năng khả thi của nó trong bối
cảnh của đất nước, của khu vực và quốc tế hiện nay. Trong những bài này tôi
cũng cảnh báo hiểm họa đối với đất nước, đối với ĐCSVN nếu trốn tránh nhiệm vụ
cải cách chính trị. Xin bạn đọc và Hội thảo tìm hiểu trong các tài liệu tham
khảo và trên mạng để tiết kiệm thời gian.
Sự thật là 2 năm nay tôi phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó mỗi khi bàn đến chủ
đềĐất nước lựa chọn gì? Gay cấn nhất là những câu hỏi:
- ĐCSVN có phẩm chất
và năng lực tiến hành nhiệm vụ cải cách chính trị này không?
- Trước khi trả lời câu
hỏi này, có lẽ ĐCSVN với tính cách tự nhận về mình vai trò là đảng duy nhất
lãnh đạo đất nước nên tự hỏi mình là có muốn, có ý chí, hay có dám nắm
lấy ngọn cờ lãnh đạo đất nước Việt Nam hôm nay như đã
nêu trên hay không? Ý chí nào thì sẽ có phẩm chất và năng lực nấy.
- Nói vậy có nghĩa:
Nếu ĐCSVN có ý chí thì có thể?
- Tốt nhất là lãnh đạo
của ĐCSVN nên trực tiếp trả lời trước cả nước câu hỏi này. Theo tôi, ĐCSVN đang
có trong tay những điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với Myanmar khi tổng thống
Thein Sein bắt đầu cải cách chính trị năm 2011. ĐCSVN hoàn toàn có thể có phẩm
chất và năng lực thực hiện thành công vẻ vang nhiệm vụ cải cách chính trị trọng
đại này, nếu từ nay Đảng dám đặt quyền lợi quốc gia
lên trên hết, quyết xả thân vì quốc gia! Đây cũng là kịch bản tối ưu cho
đất nước, và cho Đảng. Khả năng thành công vẻ vang rất lớn, vì so sánh với tất
cả những nước trên thế giới đã và đang cải cách chính trị, hay đang đứng trước
đòi hỏi phải cải cách chính trị như nước ta, tôi thấy Việt Nam có nhiều thuận
lợi hơn cả – tính đến cả sự tồn tại những mối quan hệ và ràng buộc/lệ thuộc
Việt Nam – Trung Quốc hiện nay.
- Chữ “nếu” này
dắt được cả con voi chui qua lỗ kim! Nếu Đảng nhất quyết không cải cách chính
trị như thế thì sao?
- Chắc chắn nhất cho
ĐCSVN và an lành cho đất nước là: Trước khi đi tới một quyết định “to be
or not to be?” như thế, Đảng nên tìm cách hỏi dân – hỏi thực lòng, để Đảng có
căn cứ xác đáng cho mình hành động, hỏi vì lợi ích của chính mình – nghĩa là đi
tìm câu trả lời trung thực quyết định vận mệnh của Đảng, chứ không phải là hỏi
lấy lệ như khi xây dựng Hiến pháp 2013 để biện minh và tuyên truyền.
- Hỏi như thế, ĐCSVN
sẽ có thể “mất hết”, có ngu mới hỏi! Đảng cứ làm tới không cần hỏi. Cho đến giờ
phút này cũng chưa ai đủ sức bắt Đảng phải hỏi. Cũng có nhiều rào cản không cho
hỏi. Đảng kiên quyết không cải cách chính trị để kiên định đi lên CNXH, thì
sao?
- Việt Nam trước Gia Long
(lên ngôi vua 1802), và Nhật trước Minh trị (lên ngôi vua 1867), cùng chung một
trình độ phát triển dưới cái bóng của văn minh Trung Quốc. Sự khác biệt là Gia
Long – với tính cách là vua của một Việt Nam thống nhất – đã tiếp cận với thế
giới và tư bản phương Tây trước Minh Trị 65 năm. Nhưng sau Minh Trị (chết năm
1912 – nghĩa là trong phạm vi một đời vua) Nhật trở thành nước phát triển, vì
mở cửa tiếp thụ thành quả văn minh của thế giới bên ngoài. Còn ở Việt Nam: Tuy
cùng chung một bối cảnh tiếp xúc với phương Tây như Nhật và đi trước Nhật,
nhưng hủ nho và tha hóa của triều Nguyễn đã dẫn đến mất nước (Pháp bắt đầu xâm
lược Việt Nam 1858, hoàn tất việc chinh phục Việt Nam 1884). Bài học khắc cốt
ghi xương: Con đường lận đận của đất nước hơn 2 thế kỷ qua bắt đầu từ đây…
Ngày nay,
trong chiến tranh lạnh II đã xuất hiện nơi này nơi khác chiến tranh ủy nhiệm;
các mối đe dọa chiến tranh kinh tế và chiến tranh nóng đang gia tăng; ngay tại
Biển Đông là tình trạng bên miệng hố chiến tranh; đặc biệt quan trọng là TTP,
các FTAs và AEC đang đòi hỏi phải sớm có một Việt Nam hoàn toàn khác, với một
nền kinh tế khác, được vận hành bởi một thể chế chính trị khác!.. Một thế giới
quyết liệt như vậy không có chỗ đứng cho một Việt Nam dặt dẹo. Thực tế này đặt
ĐCSVN sau Đại hội XII trước sự lựa chọn: Hoặc là ĐCSVN sẽ đi vào lịch sử là
người lãnh đạo nhân dân nắm bắt được cơ hội giải thoát đất nước khỏi lời nguyền
địa lý để trở thành một nước phát triển?.. Hoặc giả… nếu làm ngược lại, thì
ĐCSVN sẽ là gì?!
- ???…
Để kết thúc bài viết, xin đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đang
mang chức danh ràng buộc với đất nước như tên gọi của mình, hãy dấy lên trong
cả nước cuộc thảo luận về chủ đề: Đất nước chúng ta nên lựa chọn gì
trong thế giới hôm nay? Nên coi Hội thảo hôm nay là mở đầu. Còn gì
đáng mong muốn hơn việc đầu tư công sức cho một việc đất nước đang mong đợi như
thế!?
Nguyễn Trung,
Hà Nội, Võng Thị, ngày 10-03-2016
Tài liệu tham khảo
01- Nguyễn Trung –
Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21,http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
02- Nguyễn Trung - Chúng ta lựa chọn gì cho tổ quốc?
(Bài 3 trong năm 2014 viết về Đại hội XII sắp tới của ĐCSVN) http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_LuaChonGiChoToQuoc.htm -
03- Nguyễn Trung – Hai mươi năm bức thư của cố Thủ tướng Võ Văn
Kiệt,http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_20NamThuVVKiet.htm -
04- Nguyễn Trung - Đại hội XII – một thất bại chung của
Việt Nam,http://viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_DaiHoiThatBai.htm
05- Nguyễn
Quang Dy – Trung Quốc có thể làm gì ở Biển
Đông? http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_TQCOTHELamGi.htm
06- Minxin
Pei (Bùi Mẫn Hân): "The Twilight of Communist Party Rule in China",bản
dịch của Phạm Gia Minh American Interest, 15-12-2015http://www.viet-studies.info/kinhte/Pei_CCPTwilighlt_trans.htm
07- Robert D. Kaplan (Trung tâm nghiên cứu An ninh Hoa
Kỳ) - TÌNH TRẠNG HỖN LOẠN VÔ CHÍNH PHỦ SẮP DIỄN RA TRÊN LỤC ĐỊA
Á- ÂU -Những rủi ro đến từ sự yếu đi của Trung Quốc và Nga ( Eurasia's Coming Anarchy (Foreign Affairs
March/April2016) - http://www.viet-studies.info/kinhte/FA_EurasiaAnarchy_trans.htm
08- Alexander L.
Vuving - Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?http://www.viet-studies.info/kinhte/Vuving_TrungQuocLamGi.htm
09- Các
tài liệu nghiên cứu của Rand Corporation:
www.rand.org › Calendar of Events. *(2)RAND Corporation .... Yann-huei Song, Research Fellow, Academia Sinica, Taiwan ... China's Approach to the ECS and SCS Disputes – 13-01-2016. *(3)China's
Incomplete Military Transformation - Rand -www.rand.org/content/dam/rand/pubs/research.../RAND_RR893.pdf. …etc
…
10- Walter
Laqueur – Putinism, Russia and its Future in the West, -
Thomas Dounne Books, New York July 2015.
11- Natan Dubowizki
– Nahe Null, 2009 – 2011, Berlin Verlag GmbH, Berlin.
12- Carl Thayer: New Model of
Major Power Relations: China-U.S. Global Cooperation and
Regional Contention -
http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_NewModel.pdf./.
[1] Bài này
xin trình bầy một số nhận xét tổng quan về vấn đề lựa chọn chiến
lược của đất nước để bạn đọc tham khảo – như một gợi ý về cách đặt
vấn đề. Suy nghĩ về bước đi và giải pháp cần lựa chọn cho hôm nay, người viết
bài này xin được trình bầy riêng khi thuyết trình (ngoài khuôn khổ của bài viết
này).
[2]Hai
phe: Chủ nghĩa xã hội chống chủ nghĩa
đế quốc; bốn mâu thuẫn: (1)giữa chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa đế quốc, (2)giữa phong trào độc lập dân thộc và chủ nghĩa đế quốc,
(3)giữa phong trào công nhân và giai cấp tư bản, (4)giữa các nước đế quốc với
nhau. – Tham khảo thêm các văn kiện của Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân
quốc tế họp tại Moscow 1957, Tuyên ngôn 1957…
[3] Kiến
nghị của 72 nhân sỹ trí thức về sửa đổi Hiến pháp, ngày 04-02-2013 đã được trao
chính thức cho Quốc hội khóa 13. Kiến nhgị này được hàng
nghìn người trong nước hưởng ứng bằng chữ ký.
[4] Sự thật
là kiến nghị Võ Văn Kiệt được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị toàn quốc giữa
nhiệm kỳ của ĐCSVN khóa VII (01-1994) đưa ra 4 nguy cơ mang xu hướng ghìm hãm
đổi mới, nhấn mạnh nguy cơ chệch hướng XHCN và nguy cơ diễn biến hòa
bình.
[6] Chiến
tranh lạnh I bắt đầu sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc năm 1945 và kéo
dài tới các nước Liên Xô – Đông Âu sụp đổ 1989 – 1991.
[8] Các số
liệu thống kê về kinh tế Mỹ, Trung, Nga đều lấy từ thống kê của IMF và WB năm
2015. – Nguyễn Trung.
[9] Đặc biệt
nguy hiểm là miền Đông Ukraina có thể bi chia cắt vĩnh viễn, cuộc chiến tranh
của Nga 08-2008 giúp phiến quân ly khai ở tỉnh Ossetia của Gruzia đánh bại quân
đội chính quyền trung ương Gruzia, vân vân. Tham khảo thêm Robert
D. Kaplan - Eurasia's Coming Anarchy - The Risks of Chinese
and Russian Weakness -https://www.foreignaffairs.com/articles/china/2016-02-15/eurasias-coming-anarchy
[10] Trong bảng xếp hạng những nguyên thủ giàu nhất thế giới,
thật bất ngờ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đàn ông có sức ảnh hưởng
nhất năm 2013 lại là nguyên thủ giàu thứ hai thế giới. Theo chuyên gia phân
tích chính trị Stanislav Belkovsky thuộc Viện Chiến lược Quốc gia (National
Strategy Institute) cho biết, hiện tổng thống Putin đang sở hữu 35% cổ phần của
công ty dầu khí Surgutneftegaz và 4,5% cổ phần ở tập đoàn dầu khí Gazprom. Tham
khảo thêm: Walter Laqueur – Putinism – Russia and its Future with
the West - Thomas Dounne Books – St. Martin’s Press, New York
2015.
[11] Khái
niệm “development path” – “con đường phát triển – trong ngữ cảnh
này cần được hiểu như là “con đường sống còn” không thể
thay đổi, không thể thương lượng. Ngoài ra, Tập Cận Bình và Vương Nghị đã
chính thức nói với phía Mỹ: Biển Đông là lợi ích cốt lõi của
Trung Quốc– Nguyễn Trung.
[12] Tham
khảo: Carlyle A. Thayer - New Model of Major Power
Relations: China-‐U.S. Global Cooperation and Regional Contention, http://www.viet-studies.info/kinhte/Thayer_NewModel.pdf
[13] Có thể
nói Trung Quốc phản ứng rất nhanh nhậy và quyết liệt. Trong khi TTP đang trong
quá trình đàm phán và đi tới ký kết, Trung Quốc thiết lập ngay AIIB, đảy nhanh
hơn nữa chiến lược “một vành đai, một con đường”, xúc tiến các hợp đồng kinh tế
quan trọng với Anh, Iran, các nước châu Mỹ Latinh… Trong quân sự, việc
xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi đá chiếm của Việt Nam được xúc
tiến rất khẩn trương, từ đầu năm 2016 đã ráo riết đưa vào sử dụng… Tham khảo thêm:
Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21” – Thời Đại Mới – 2010.
[14] Bên cạnh
việc Trung Quốc đã sẵn sàng bố trí thường trực SU35, tên lửa và radar mạnh vào
các căn cứ xây trên các đảo lấn chiếm của ta ở Biển Đông (đã hòan tất giai đoạn
chuẩn bị và thử), đã tiến hành các cuộc tập trận của tầu chiến và không quân,
công khai nói tới việc lập ADIZ ở Biển Đông… Đáng chú ý là hiện nay Trung Quốc
đã đầu tư hay thuê được khoảng 20 cảng trên khắp thế giới, nổi bật là đã thuê
được 99 năm cảng Darwin (Bắc Úc) và một cảng ở Djibouti – cả hai nơi này đều có
các căn cứ quân sự của Mỹ…
[15] Trên
thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ kép:
(1) áp lực xâm lược trực tiếp từ chính sách bá quyền của Trung Quốc – Việt Nam
với tính chất là bàn đạp chiến lược đầu tiên cần chinh phục để mở đường bước ra
Thái Bình Dương và đồng thời cũng là chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên phải xử
lý của Trung Quốc tại Biển Đông; (2) trận địa nóng nhất của tranh chấp Mỹ -
Trung ở CÁTBD là Biển Đông, trong đó Việt Nam là khâu nhậy cảm nhất. Nghĩa
là: Do sự can thiệp quá sâu Trung Quốc đã tạo ra được, chưa bao giờ
Việt Nam bị Trung Quốc uy hiếp nghiêm trọng như hiện nay – kể từ ngày xuất hiện
nước CHNDTH. Hiện nay Việt Nam đang ở trong tình hình còn nguy hiểm hơn thời kỳ
chiến tranh lạnh I (1945 – 1990). Cần nhấn mạnh:
Trong cục diện thế giới nhiều rối loạn, những bước đi TQ đã thực hiện được trên
Biển Đông, cùng với những thách thức dồn dập của kinh tế, nội trị và biến đổi
khí hậu đang hoành hành quyết liệt trên đất nước ta, có thể nói: Tổ Quốc
chúng ta đang lâm nguy hơn bao giờ hết!
(1) Ukraina
tìm con đường phát triển dân chủ và thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga là đòi hỏi
chính đáng của nước này. Song cái xảy ra bất khả kháng là tự thân con đường này
chẳng những đối kháng trực tiếp với lợi ích đế chế của Nga, mà còn rơi
vào xung đột chiến lược toàn cầu Nga – phương Tây. Liệu Ukraina có thể
sống sót qua được tình thế bất khả kháng này và khi nào, trong hoàn cảnh nào Ukraina
có thể thực hiện được ước vọng chính đáng của mình? Song một Ukraina nội bộ
chia rẽ và tham nhũng có lẽ là không thể!
(2) Chiến
tranh Syrie bùng lên làn sóng di tản từ châu Phi vào châu Âu. Cách đây
vài tháng có ai nghĩ rằng hiện tượng này đang không kiểm soát được, và có thể
phá vỡ một số định chế của EU? Giả định là có một EU sẽ ngập sâu hơn nữa vào
nạn khủng bố và nạn di cư, sẽ xảy ra những tác động nào đối với cả thế giới?
[17] Tình
hình ở đây nhạy cảm rất khó lường, ví dụ: Ngày hôm trước Nga, Thổ và Iran còn
chủ trương hình thành một liên minh chống ảnh hưởng của Mỹ tại đây (mặc dù Thổ
là thành viên NATO và đang trong quá trình gia nhập EU), song sau ngày Thổ bắn
hạ một máy quân sự của Nga, lập tức Nga và Thổ trở thành kình địch của nhau.
Nguyên nhân là một bộ phận người Kurd ở biên giới nổi lên chống Thổ và nguồn
dầu của IS cung cấp cho Thổ. Bộ phận người Kurd này thân các phe nhóm Syrie nên
được Nga ủng hộ; trong khi đó Thổ lại sử dụng lực lượng IS tại chỗ để trừng trị
sự nổi dậy này. Có ý kiến cho rằng Thổ chủ định như vậy để lôi NATO dính líu
vào những mưu đồ của Thổ mở rộng ảnh hưởng tại chỗ…
[18] Hai thất
bại chiến lược khác là: (1) Không thể trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng
hiện đại vào năm 2020; (2) không xây dựng được chế độ chính trị mà sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nước ta trong thế giới hôm nay đòi hỏi. Vì 3
thất bại chiến lược này, đất nước ta vừa có nguy cơ để vuột mất cơ hội đổi đời.
[19] Hầu hết
các nước đang phát triển trên thế giới đang cùng với nước ta đứng trước thách
thức phải mở ra cho mình con đường sống như thế nào trong cục diện kinh tế và
chính trị toàn cầu mới đầy biến động và không ít rối loạn như hiện nay. Đấy là
một lực lựơng đồng minh tiềm tang của ta, có thể tạo ra cho nước ta một trong
những tập hợp lực lượng không thể thiếu trong thế giới hôm nay – bắt đầu ngay
từ trận địa ASEAN. Và nhìn chung, do đối nội yếu kém, nên trong đối ngoại nước
ta đang ở thời kỳ yếu nhất, kém nhất trong nhiệm vụ tạo ra cho mình sự tập hợp
lực lượng trên thế giới mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay đòi
hỏi. Việt Nam hiện nay đang có không ít những tập hợp lực lượng khác có thể tạo
ra, vì bối cảnh thế giới ngày nay và vị thế địa kinh tế - địa chính trị của
nước ta cho phép như vậy. Chính sách đối ngoại của ta trên mặt trận này nhất
thiết phải thay đổi quyết liệt cho mục tiêu có ý nghĩa chiến lược này, bắt
đầu từ thay đổi quyết liệt trong đối nội: Không sợ diễn biến hòa bình, dám
nắm lấy các giá trị hòa bình, dân chủ, quyền con người, phát triển
bền vững, hợp tác, phát triển… làm động lực phát triển của
chính mình và làm vũ khí cho tập hợp lực lượng trong đối ngoại…
Tác giả gửi
cho viet-studies ngày 8-4-16
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét