Đừng để hiểm họa chết cá biển miền Trung
biến thành sóng thần của nhân dân lật nhào chế độ!
Thư ngỏ
Kinh gửi
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ
trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà
Nguyễn
Trung
Hà
Nội, ngày 29-04-2016
Thật rất khó khăn phải
nén lại nỗi đau và nỗi nhục, để cố bình tĩnh viết lên đôi điều lo lắng sau đây
với những người có trọng trách cao nhất và trực tiếp của đất nước phải đứng ra
xử lý hiểm họa cá chết chạy dài trên 200 km bờ biển miền Trung, suốt từ Vũng
Áng tới Lăng Cô, kể từ ngày 04-04-2016 đến nay.
Đã hơn ba tuần trôi
qua, nhưng chưa ai dám chắc cá còn chết tiếp đến bao giờ và vùng biển nhiễm độc
còn lan đi bao xa. Mới đây có thêm tin đảo Chim (còn gọi là Hòn Gió, cách cảng
Hòn La 10 hải lý) không còn chim, vì chim chết hoặc bỏ đi do ăn phải cá nhiễm độc,
nhiều xác chim và cua cá chết nằm lại trên đảo… Lại càng khó đánh giá các hậu
quả kinh tế, xã hội và chính trị rồi đây sẽ phải xử lý của hiểm họa kinh hoàng
này… Nhất là giữa lúc đất nước đang phải gồng mình chống đỡ thiên tai hạn hán
và nước nhiễm mặn từ nhiều tháng nay đang trực tiếp uy hiếp đời sống hàng triệu
dân… Rồi còn ngổn ngang biết bao nhiêu vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và đối
ngoại nóng bỏng khác đang dầy vò đất nước…
Tại cuộc họp báo tối
27-04-2016 thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân công bố 2 nhóm nguyên nhân gây
hiểm họa là độc tố và thủy triều đỏ. Ngay hôm sau, nhiều
nhà khoa học người Việt trong và ngoài nước, Hội nghề cá một số tỉnh và báo chí
đã đưa ra các lý lẽ và chứng cứ bác bỏ nguyên nhân thủy triều đỏ, cho công bố
này là không thuyết phục.
Vấn đề càng trở nên
rắc rối khi báo SGGP và Dân Trí đăng tin loại trừ nguyên
nhân "thủy triều đỏ" làm cá chết ở miền Trung; nhưng sau đó tin này bị
gỡ xuống ngay lập tức – dư luận cho là Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ thị như thế.
Hai tờ báo này đã nhắc lại thông báo của Văn phòng Chính phủ: …Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn cho biết "bước đầu loại trừ nguyên nhân do hiện tượng dị
thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở
hoa mà thế giới gọi là thủy triều đỏ. Bằng phương pháp loại trừ, các nhà khoa học
hiện nay đang hướng nghiên cứu vào nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng
cá chết hàng loạt là tác động của độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con
người trên đất liền và trên biển.."
Tại sao lại có chuyện
trống đánh xuôi kèn thổi ngược như vậy?
Cho đến nay, sự thật
đã được báo chí khẳng định là:
-
Ngư
dân Nguyễn Xuân Thành và thợ lặn Hoàng Xuân Đoán trong những ngày đầu của hiện
tượng cá chết đã lặn xuống vùng ống xả của Formosa thải nước bẩn ra biển; họ thấy
nước biển bị phân tầng, biến mầu và hôi thối nghiêm trọng, không còn sinh vật
nào ở tầng đáy và tầng giữa, tầng nổi chỉ có cá chết dạt vào…
-
Cái
chết bất thường ngày 24-04-2016 của thợ lặn Lê Văn Ngầy sau ngày làm việc tại
công trình dưới nước của Formosa tại cảng Sơn Dương, nguyên nhân tử vong còn
đang xét nghiệm; sức khỏe của những người trong nhóm thợ lặn cùng làm việc hôm ấy
với anh Ngầy cũng bị nước biển nhiễm độc tác động mạnh…
-
Bảng
danh mục 297 tấn hóa chất độc hại Formosa nhập về cho mục đích làm mát và xúc rửa
các đường ống vận hành bên trong hệ thống máy; trong danh mục này có những loại
hóa chất cực độc… Formosa đã dùng như thế nào, bao nhiêu?.. ???
-
Còn
những gì nữa?..
-
Ngày
29-04-2016 trong buổi làm việc tại Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà xác nhận và
xin lỗi về việc Bộ chưa có kinh nghiệm, sự lúng túng và chậm chạp của Bộ trong
xử lý hiểm họa này…
Cho đến nay, có lẽ
rõ ràng không thể phủ nhận được là phát ngôn của đại diện Formosa Chu Xuân
Phàm, rất xấc xược, nhưng lại là những câu nói rất thật, có thể được xem như một
lời chót buột miệng gián tiếp tự thú tội…
Xin lưu ý: Công
trình Formosa hiện còn đang trong thời kỳ hoàn tất việc xây cất các hạng mục,
và mới chỉ bắt đầu làm sạch hệ thống máy và chạy thử. Với quy mô cá biển miền
Trung chết như đang xẩy ra, phải đặt câu hỏi: Với sự quản lý quan liêu và đầy
tham nhũng của chủ nhà như hiện nay, điều gì sẽ có thể sẽ xảy ra khi toàn bộ
công trình Formosa đi vào sản xuất theo công suất thiết kế? Ngoài ra còn lịch sử
“đen” của Formosa tại nhiều nơi trên thế giới không đáng để ý tới hay sao?..
Đặt vấn đề như trên,
xin được tạm gạt sang một bên mọi phẫn uất của nhân dân về sự bất cập cả về đạo
đức lẫn chuyên môn của hệ thống và những
người trong hệ thống trong việc ứng xử và xử lý hiện nay hiểm họa này, để có thể
tập trung suy nghĩ vào mối hệ lụy khôn lường có nguy cơ xảy ra từ hiểm họa cá
biển chết đang diễn ra.
Đó là:
Bất luận, do dối
trá và trấn áp để che đậy sự thật, hoặc do bất cập, để cuối cùng dẫn tới đánh
giá sai và đánh giá không đủ những nguyên nhân gây ra hiểm họa cá biển chết miền
Trung hiện nay, đều có thể mang lại đại họa cho đất nước như một hệ lụy bất khả
kháng – bởi vì sẽ không thể lường hết sự hủy diệt của đại họa mang tính hệ lụy
có thể xảy ra này đối với sinh mạng nhân dân và đất nước. Con giun xéo mãi cũng
quằn, đến lúc ấy tất yếu sẽ nổi lên sóng thần của nhân dân lật nhào chế độ! (Hiện
nay, tình trạng con giun xéo mãi cũng quằn đang trở nên ngày càng bức xúc).
Để nổi lên sóng thần
như thế, đất nước sẽ rơi vào cảnh nồi da xáo thịt, lần này là không thể tưởng
tượng được, khả năng hòa bình cải cách đổi đời đất nước bị xóa bỏ, mọi cơ hội mới
của phát triển trong hội nhập quốc tế cũng bị xóa sổ theo, ngoại bang tha hồ
xâu xé!
Để tránh kịch bản sóng
thần, nhiều ý kiến đúng đắn trong giới trí thức của đất nước đã thẳng thắn chỉ ra:
Nên nhìn nhận hiểm họa cá biển chết miền Trung hiện nay như một sự thúc giục sống
hay là chết?, quyết xử lý đúng đắn và triệt để hiểm họa này, lấy đó làm
đà tiến hành các bước đi làm sạch dần hệ thống chính trị, mở ra công cuộc hòa
bình cải cách đổi đời đất nước.
Cả nước đứng trước sự
thật: Đánh giá đúng và đủ những nguyên nhân hiểm họa cá chết biển miền Trung là
việc rất khó, vượt tầm hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hiện tại; việc đề
ra các biện pháp đúng đắn để khắc phục càng khó hơn. Song đây là con đường sống
duy nhất.
Làm thế nào bây giờ?
Con đường sống duy
nhất chỉ có thể được khai phá bằng phương thức duy nhất: Công khai minh bạch dựa
hẳn vào nhân dân, vào trí thức của đất nước, tận dụng sự chi viện của trí thức
thế giới, không tránh né trước bất kỳ sự thật nào, quyết tìm ra đúng và đủ các
nguyên nhân của hiểm họa đang xảy ra ở biển miền Trung, đề ra được những biện
pháp và bước đi khắc phục thích hợp, phát huy sức mạnh cả nước thực hiện; nhân
dịp này rà xoát lại tất cả để làm lành mạnh nền kinh tế đất nước, xốc lại quốc
gia, mở đường cho cải cách chính trị không thể tránh né.
Xem xét trên nhiều
phương diện, phương thức duy nhất này đặt ra những đòi hỏi mang tính lột xác đổi
đời của hệ thống chính trị. Với nghĩa này, hiểm họa cá chết biển miền Trung
đang xảy ra thách thức trực tiếp Đảng Công Sản Việt Nam. Tổng bí thư nên suy
nghĩ về thách thức này, làm đúng, làm hết trách nhiệm của mình, và nêu ra trong
toàn Đảng vấn đề sống còn này./.
Hết
Kính thưa Chú Nguyễn Trung,
Trả lờiXóaCháu cám ơn Chú đã chính thức lên tiếng, cháu cũng hoang mang trước thảm họa môi trường này, nhưng cháu chưa biết phải làm thế nào.
Cháu hy vọng Thư Ngỏ của Chú có thể đánh động được lòng họ.
Một lần nữa cháu cám ơn Chú và xin kính chúc Chú nhiều sức khỏe ạ!
Trân trọng,
Vu Bich Ngoc
Amata
Cám ơn Ngoc đã đọc bài của Bác. Chúc Ngoc luôn may mắn trong cuộc sống và thành công trong công việc
Xóa