Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Năm 2007: Phải mở ra bước ngoặt phát triển mới cho đất nước!

Cảm nhận 2007
Nguyễn Trung
Lời phi lộ:
Bài báo này tổng hợp những sự việc và số liệu sưu tầm trên mạng, các sách tham khảo và báo chí. Ngoài việc nói lên suy nghĩ của mình, người viết tự chịu trách nhiệm về bài viết của mình, không đại diện cho ai hoặc tổ chức nào cả. Vì là một bài báo mang những suy nghĩ và cảm nhận của một người đã quá tuổi thất thập cổ lai hy, làm việc một mình và thiếu hẳn sự phụ trợ hoặc cố vấn cần thiết, do đó không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết. Bài này cố ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận riêng của cá nhân để chia sẻ, học hỏi, không gò vào một khung khổ chặt chẽ nào, nên có những khác biệt nhất định so với một bài viết nghiên cứu, mong được thông cảm.

Năm 2007 có nhiều điểm rất đáng ghi nhớ đối với nước ta.
Nổi bật nhất có lẽ là mọi yếu tố phát triển bên trong sau 22 năm đổi mới của đất nước, những thành tựu mọi mặt đối nội và đối ngoại giành được, và những yếu tố do sự vận động của  tình hình thế giới và khu vực tác động từ bên ngoài vào nước ta – tất cả hợp thành một tình thế đặt ra yêu cầu bức thiết hơn bao giờ hết: Việt Nam phải vươn lên chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới.

Đương nhiên, phát triển thịnh vượng là niềm khao khát thường trực của dân tộc ta – nhất là nước ta đã phải trải qua bao nhiêu gian truân và mất mát lớn lao ròng rã gần hai thế kỷ nay và hiện vẫn đang còn là một nước nghèo. Song nét mới của năm 2007 – năm thứ 22 của đổi mới - là sức phát triển của đất nước, vị thế quốc tế mới giành được và những tác động từ bối cảnh bên ngoài đặt ra cho nước ta một đòi hỏi mới, dứt khoát như một mệnh lệnh.
Trong lịch sử quốc gia, phát triển bao giờ cũng là một quá trình mang tính liên tục, thường khó xác định một cột mốc thời gian cụ thể cho một bước tiến hóa nào. Song thật hiếm thấy ở nước ta có năm nào có những chuyển biến xuất hiện rõ ràng như năm 2007: quy mô nền kinh tế đã tới đạt đỉnh cao của phương thức phát triển theo chiều rộng, đòi hỏi bức thiết về sự phát triển năng động mới, thời cơ to lớn đang có trong tay và những thách thức mới trong tình hình hội nhập toàn diện.., - tất cả những yếu tố này đang tạo ra một thôi thúc có thể cảm nhận được đến mức như khía vào da thịt:
Sống hay là chết!.. Đất nước phải dấn lên bước vào một thời kỳ phát triển mới!”
Một cảm nghĩ lãng mạn chăng?
Hãy cảm nhận lấy cuộc sống và để nó tự giải thích. Tình hình phảng phất một không khí của năm 1986, khác chăng hồi đó là sự bức bách bất khả kháng mở ra công cuộc đổi mới, còn bây giờ - năm 2007 – là sự thôi thúc không nhân nhượng: Phải dấn lên phía trước đổi mới mọi mặt!
Ngẫm nghĩ kỹ, có lẽ được phép kết luận: Năm 2007 đánh dấu một bước ngoặt quyết định của đất nước: Hoặc là năm mở đầu bước vào một thời kỳ mới với sự lựa chọn dứt khoát chuyển sang sự phát triển năng động và bền vững để đi lên, hoặc là sẽ để cho thời cơ tuột tay và mọi yếu kém hiện có lấn át - với tất cả hệ lụy sẽ dẫn tới một bước ngoặt khác.
Tính chất quyết liệt ấy chính là điều đáng ghi nhớ cho năm 2007.

I.                   Con đường chuyển sang thời kỳ phát triển mới đã mở ra
Trước hết, năm 2007 nước ta đạt thành tích cao nhất trong 22 năm đổi mới, mặc dù vẫn còn nhiều yếu kém lớn.
Những thành tựu cụ thể và các chỉ số tăng trưởng nêu trong báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa X nói rõ điều này. Tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8,5%, là mức cao nhất từ 10 năm này. Đương nhiên kết quả này là sự tiếp nối những nỗ lực và thành tựu của những năm trước. So sánh tốc độ tăng trưởng từng mặt của năm 2007 sẽ thấy hầu hết các chỉ số đều vượt tốc độ của năm 2006; (chỉ riêng sức tăng trưởng xuất khẩu dầu thô giảm vì lượng khai thác dầu giảm); đặc biệt FDI thực hiện tăng 17% so với 2006; FDI cam kết đạt 13 tỷ USD – cao nhất từ trước đến nay[1].
Có hiểu được bao nhiêu cố gắng bền bỉ cho mỗi sản phẩm làm ra, mỗi tiến bộ nhỏ nhoi, mỗi thương hiệu mới giành được.., sự động não quên ăn quên ngủ cho một vấn đề chưa có lời giải của những người đứng mũi chịu sào trong doanh nghiệp của mình.., cuộc đấu tranh lúc thầm lặng lúc quyết liệt giữa tốt và xấu chống tiêu cực – và không phải lúc nào cũng thắng.., những hy sinh mất mát không lấy lại được cho một thành quả mới.., sự dũng cảm của những trí tuệ vượt qua mọi rào cản và tha hóa để thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước.., ý chí chấp nhận một mất một còn của một vùng quê, một đơn vị sản xuất kinh doanh đi vào sản phẩm mới.., có nhìn thấy những bàn tay gày guộc chuyền nhau từng tờ bạc nhầu nát hai trăm đồng, năm trăm đồng của các bà mẹ nơi làng quê hẻo lánh để cùng nhau chắt chiu lập quỹ cho vay chống đói nghèo.., có nghe thấy tiếng khóc khan kiệt nước mắt khi giang tay cào cuốc chôn vùi cả cơ nghiệp mình để cho dịch bệnh không lây lan sang đàn gia súc các làng bên.., hãy đếm những đồng tiền kiều hối, những đồng tiền lao động, hãy đếm biết bao nhiêu việc làm khác ở nước ngoài của biết bao nhiêu tấm lòng và trí tuệ ngày đêm hướng về đất mẹ Việt Nam.., hãy đến xem người nông dân hợp tác xã Trần Thanh Cao vắt óc và lao động cần cù như thế nào để 100% sản phẩm thủ công mình làm ra từ bẹ khô cây lục bình (bèo tây) xuất khẩu được sang châu Âu.., tinh thần chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách trong trong đối mặt với thiên tai dầy vò miền Trung... Có hiểu biết bao điều như vậy - mới thấu hiểu phần nào những gì mỗi người trong mọi tầng lớp xã hội của toàn thể cộng đồng dân tộc ta đã xả thân làm nên dấu ấn năm 2007 cho đất nước!
Năm 2007 - một năm quả là thời gian quá ngắn để nói lên điều gì, tuy nhiên có thể nhận xét: Năm đầu tiên là thành viên WTO của VN là xuôn xẻ, mặc dù còn rất nhiều chuyện hệ trọng phải bàn. Nhìn vào những việc đã làm được: Rõ ràng với tư cách mới này, Việt Nam năm 2007 đã tạo ra được một bước đột phá về kinh tế đối ngoại, không những chỉ biểu hiện qua chỉ số FDI nói trên, mà trước hết là qua những mối quan hệ kinh tế mới thiết lập được thông qua những chuyến viếng thăm chính thức của các vị lãnh đạo nhà nước ta, các đoàn chính giới và doanh nhân nước ngoài vào thăm Việt Nam. Tính riêng các dự án, các đề tài kinh tế đạt được trong những chuyến viếng thăm này đã vượt 50 tỷ USD, bao gồm những ngành kinh tế rất thiết yếu đối với thời kỳ phát triển sắp tới của Việt Nam như: kết cấu hạ tầng, sản phẩm công nghiệp mới, sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ tài chính ngân hàng.., tất cả là những cam kết với các nước phát triển.
Dựa trên những gì đã làm được trong năm 2007, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 2 đã thông qua mục tiêu phấn đấu năm 2008 sẽ vượt cái ngưỡng quốc gia có thu nhập thấp tính theo đầu người. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu đầy tự tin: mục tiêu tăng trưởng 8,5 – 9% của 2008 là khiêm tốn, tận dụng tốt những điều kiện có trong tay còn có thể vượt. Có ý kiến tính toán đến khả năng tăng trưởng 2 con số.
Nếu nhìn theo một hướng khác, tình hình nêu trên phải chăng có thể đưa ra kết luận:
Việt Nam hiện nay có đầy đủ những điều kiện bên trong và bên ngoài tốt nhất vừa đòi hỏi, vừa cho phép mở đường đi vào một thời kỳ phát triển mới: Chất lượng hơn, bền vững hơn, giá trị gia tăng cao hơn – chủ yếu dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập?
Đây mới chính là vấn đề trung tâm cần được xem xét từ mọi khía cạnh.
Những cái mới so với trước
Ngoài vị thế mới trên trường quốc tế sau khi Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, kinh tế Việt Nam năm 2007 có 3 đặc trưng mới: thị trường vốn trong nước phát triển nhanh, thu hút FDI mạnh, khả năng mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài ngày càng lớn.
Khai thác và phát huy mạnh mẽ 3 đặc trưng mới này, sẽ tạo ra động lực to lớn cho kinh tế phát triển mạnh cả về lượng và chất. Chính những thành tích đạt được, nhất là 3 đặc trưng mới này đòi hỏi:  Phải chuyển mạnh sang thời kỳ từ lợi thế so sánh chủ yếu dựa trên lao động rẻ và khai thác tài nguyên, môi trường – gọi là phát triển theo chiều rộng, sang thời kỳ tạo ra lợi thế so sánh mới chủ yếu dựa trên phát huy nguồn nhân lực và khai thác hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa – thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Đòi hỏi này là tất yếu khách quan của tình hình phát triển sau 22 năm.  
Đương nhiên nước ta sẽ còn tiếp tục đi vào những mặt hàng truyền thống trong thời gian dài, song trong tình hình bên trong và bối cảnh bên ngoài đã thay đổi sâu sắc:
-         quy mô nền kinh tế nước ta ngày càng lớn (đạt tới đỉnh cao của phát triển theo chiều rộng),
-         nguồn lực trong và ngoài đưa vào nền kinh tế nước ta tăng nhanh,
-         nền kinh tế nước ta có thị trường ngày càng mở rộng trong và ngoài nước, ngày càng nhiều đối tác mới tầm cỡ quốc tế,
-         cạnh tranh hàng dựa trên lao động rẻ và chất lượng thấp ngày càng lợi bất cập hại – nhất là do giá cả nguyên nhiên liệu và sự trả giá về môi trường; trong khi đó thị trường ngày càng bão hòa những mặt hàng này.
Thực tế nêu trên tất yếu đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đi vào những sản phẩm mới, với nhiều hàm lượng công nghệ và dịch vụ hơn, với giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ, sẽ vẫn là tiếp tục xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như thủy sản, nông phẩm, hàng may mặc.., song rõ ràng nếu không nâng cao chất lượng mọi mặt và dịch vụ,  thì giữ được thị trường và khách hàng cũ đã khó, đừng nói gì đến mở rộng. Nhưng quan trọng hơn nhiều vẫn là phải sớm tìm đường đi vào những sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ và dịch vụ cao hơn.
Việc tạo ra những sản phẩm mới như thế còn vô cùng bức bách ở chỗ nó là nội dung chủ yếu của những cam kết hợp tác mới vừa mới đạt được trong năm nay  – bởi vì ngoại trừ những kẻ đánh quả, không đối tác nào có tầm cỡ lại thừa tiền  và công sức lựa chọn nước ta là bạn đồng hành chỉ để sản xuất ra các thứ hàng đồ đồng nát.
Cái nghèo hiện hữu của đất nước mới chỉ là câu chuyện trước mắt. Theo cách nhìn con người là trung tâm và là mục đích của sự phát triển, điều tối quan trọng là sau 32 năm hòa bình, trong đó có 22 năm đổi mới, nguồn nhân lực cả nước vẫn còn tới 70% sống trong nông thôn và chủ yếu với nền nông nghiệp còn lạc hậu; điều này có nghĩa nguồn lực quý báu nhất của quốc gia chưa được giải phóng. Không gì nguy hiểm hơn một cách lâu dài và toàn diện cho đất nước nếu không sớm khắc phục được thực trạng này.
Hơn thế nữa, là một quốc gia có dân số đứng thứ 13 thế giới, đất hẹp người đông, ở vào vị trí địa lý kinh tế và chính trị đầy thuận lợi bậc nhất cũng như thách thức bậc nhất, Việt Nam sẽ là một đất nước ra sao? – tất cả  tùy thuộc vào việc nước ta từ nay lựa chọn phát triển theo hướng nào? Trước đây 22 năm còn có thể trì hoãn câu trả lời phải đi tìm này, nhưng bây giờ không thể!
Trên con đường công hiệp hóa – hiện đại hóa, từ chỗ đứng đã bước tới được hôm nay sau 22 năm đổi mới, đất nước đứng trước yêu cầu phải chuyển sang thời kỳ phát triển mới trong tình hình còn nhiều yếu kém lớn trong kinh tế, có những bất cập lớn của luật pháp và quản lý nhà nước, tình trạng môi trường tự nhiên xuống cấp nghiêm trọng, nhiều câu hỏi nóng bỏng đang đặt ra cho vấn đề nông dân và nông thôn, xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc. Nói một cách khác, nước ta đứng trước tình hình: kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự còn đang ở mức rất thấp, nếu không xoay chuyển hẳn được tình hình này sẽ là lún sâu không cưỡng lại được vào con đường của sự phát triển hoang dã, sẽ không thể có ổn định bên trong, sẽ lệ thuộc nhiều mặt vào bên ngoài. Đi sâu nữa vào kịch bản này, lòng người ly tán, vì số đông sẽ không thể vừa lòng với cuộc sống mình có, vừa phải chịu tác động mọi mặt gián tiếp hoặc trực tiếp từ bên ngoài – kể cả mọi hình thức can thiệp. Bài học của các nước Liên Xô Đông Âu cũ đã cho thấy: Để xảy ra đổ vỡ từ bên trong, tình hình sẽ là không cứu vãn được.
Ngay trước mắt, trong những năm tới nếu không tạo ra được sự phát triển hiệu quả hơn và bền vững hơn, hệ quả sẽ rất khắc nghiệt: Thời kỳ phát triển với tốc độ cao như hiện nay có thể ngắn lại đáng kể, đất nước sẽ chồng chất nhiều vấn đề nan giải mới, mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 khó mà thực hiện được, nếu có những biến động bất thường sẽ càng phức tạp[2].
 Sau 22 năm đổi mới, đất nước bây giờ đã tạo ra được tình hình: thực lực của bản thân cho phép nắm lấy thời cơ bên trong và bên ngoài để bước sang thời kỳ phát triển mới. Trước đây 22 năm không thể có tình hình này. Thậm chí cách đây 5 năm cũng chưa thể tạo ra tình hình này, nguyên nhân hàng đầu là vì chưa hội đủ những yếu tố bên trong.
-         Nhưng nắm bắt lấy bằng cách nào?
-         Bằng cách tiếp tục kéo dài con đường của 22 năm phát triển theo chiều rộng như vừa qua?
Hiển nhiên các giới hạn không được phép vượt qua của sự phát triển theo chiều rộng đã ở ngay sát chân chúng ta – nhìn về bất kể phương diện nào cũng thấy như vậy: đất đai, tài nguyên, môi trường, lao động giá rẻ và trình độ phát triển thấp của nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, trình độ quản trị quốc gia...  Hiện nay đã xuất hiện những ách tắc, những mâu thuẫn cục bộ không dễ gì khắc phục được về nhiều phương diện. Đi tiếp con đường phát triển như 22 năm vừa qua, sẽ tích tụ thêm mãi những mâu thuẫn nội tại phát sinh ngay trong lòng bản thân quá trình phát triển này của đất nước.
Có thể nói dứt khoát, không một diễn biến hòa bình của thế lực nào thù địch với việt Nam có thể đảo ngược được thành quả độc lập thống nhất đất nước đã giành được của dân tộc ta. Nhưng để cho bất cập và tha hóa đẻ thêm mãi các mâu thuẫn nội tại hiện nay, thì tới một lúc nào đó là hoàn toàn có thể! Độc lập quốc gia trong trường hợp này sẽ biến dạng thành lệ thuộc; tình hình này sẽ cám dỗ sự can thiệp bất khả kháng từ bên ngoài, những yếu kém nội tại sẽ biến chứng thành sự bùng nổ hay đổ vỡ phải đến.
Có thể nói hình ảnh thế này: Sau 22 năm đổi mới, sự phát triển bên trong của nước ta và thời cuộc quốc tế đang đặt nước ta trước ngã 3 đường của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đaị hóa:
-         Sẽ tiến tới một nước “NIC” trong tương lai – ví dụ một Việt Nam Hàn Quốc?
-         Hay là để cho quán tính tiếp tục chi phối, cuối cùng dẫn nước ta đến một quốc gia lạc hậu – ví dụ một Việt Nam Philippines trong tương lai?[3]
 Bèo dạt mây trôi, được tới đâu hay tới đó, dựa dẫm, duy ý chí, cầu xin ô dù, phiêu lưu, thiển cận, bóc ngắn cắn dài, thân cô thế cô, lạc lõng một mình một kiểu, khôn vặt, van nài sự thông cảm.., mọi tư duy loại này ở thế giới chúng ta đang sống hôm nay chỉ mang lại cho nước ta một kết cục thảm hại giống nhau. Tự giác hay không tự giác chọn cách sống như thế thì cũng đáng với số phận như thế.
Mà nếu là một quốc gia nghèo, hèn, lạc hậu, chẳng những sẽ không có nhiều thứ, mà bên trong thì phân tán, chia rẽ, bên ngoài thì bị các thế lực khác nhau xâu xé, đất nước không yên, không thể trở thành một quốc gia có tự trọng. Để xảy ra tình hình này khác gì lại mất nước một lần nữa? – lần này sẽ không phải là dưới dạng đô hộ như ngày xưa, mà có thể là dưới dạng lệ thuộc, hèn, độc lập chủ quyền bị xâm phạm, thể diện quốc gia bị chà đạp. Và một dạng “vong quốc” nào chắc gì dễ chịu hơn một dạng “vong quốc” nào? Độc lập thống nhất 32 năm rồi, có lúc nào một ý nghĩ về nguy cơ có thể mất nước dưới dạng như thế làm gợn lòng chúng ta? Ở đỉnh cao của thành tựu và thời cơ, để xảy ra suy sụp sẽ là hiểm họa. Xưa nay không hiếm thất bại hiểm nghèo nhất đến từ chiến thắng lẫy lừng nhất.
 Nếu với tất cả trí tuệ và bản lĩnh của một dân tộc biết tự trọng, với tất cả những giá trị xây dựng được làm cho cái tên gọi Việt Nam đã đi vào lòng nhân  dân thế giới, biết tận dụng lợi thế nước đi sau để lựa chọn con đường tối ưu cho phép trở thành một nước phát triển trong trào lưu chung của thế giới[4], nước ta sẽ có tất cả, nhân dân hạnh phúc, độc lập và chủ quyền quốc gia được bảo tồn; một Việt Nam như thế mới có ích cho hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực – và chỉ có ích như vậy cho thiên hạ Việt Nam mới có thể được nể trọng trong cái thế giới hôm nay. Bạn bè trên thế giới của nước ta đông lắm và cũng mong mỏi như vậy, đừng làm họ thất vọng.
Là người việt Nam xin đừng lúc nào quên nước ta từ bao thế kỷ nay có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị thuận lợi số 1 và thách thức số 1 -  trong thế giới hôm nay và trong tương lai cũng  vậy. Tạo hóa đặt nước ta vào vị trí này mà! 80 năm mất nước và những hệ quả sau đó có nguyên nhân quan trọng là dân tộc ta đã đứng với tư thế nào trên vị trí tạo hóa trao cho này trong bối cảnh của thế giới đương thời. Cái giá của độc lập thống nhất của đất nước hôm nay đắt lắm, chúng ta vẫn chưa có đủ khoảng cách thời gian, cái tâm và tầm nhìn lường hết được đâu. Vì thế không được phép để cho quốc gia đi tới viễn cảnh trở thành kẻ làm thuê về kinh tế và vong quốc vì lệ thuộc!  Như một mệnh lệnh[5] của đất nước: Đứng trước ngã ba này, phải tìm đường đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, hiện đại!
Xin hãy hình dung: Ngay trước mắt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho thời kỳ 2006-2010 dự kiến sẽ đạt trên 140 tỷ USD, trong đó vốn nước ngoài (FDI+ODA) dự kiến trên 50 tỷ USD, so với các chỉ số này của thời kỳ 2001-2005 là 100 tỷ và 30 tỷ. Chí ít về mặt số học, quy mô nguồn lực đưa vào nền kinh tế thời kỳ 2006 -2010 lớn hơn thời kỳ 5 năm trước đó 1/3. Theo Vietnam Economic News Online 19-10-2007, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thời kỳ 2006 - 2010 với tổng số 163 dự án, ước tính 61 tỷ USD, nghĩa là quy mô nền kinh tế có thể còn lớn hơn nữa...  Trong 22 năm qua dân số nước ta tăng khoảng 15 triệu người; nền kinh tế nước ta tính theo GDP năm 2007 ước tính lớn gấp 6 lần năm 1986; quan hệ kinh tế đối ngoại năm 2007 – ví dụ tính theo kim ngạch xuất nhập khẩu - lớn hơn khoảng 60 lần năm 1986[6]... Thiện chí hay không thiện chí, không ai có thể bác bỏ thành tựu hiếm hoi này, mặt khác cũng không nên để cho những lời khen ngợi quá mức quyến rũ và làm cho mê ngủ. Sự thật là từ những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX đến nay trên thế giới chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là hai nước đang phát triển đông dân đã giành được những kết quả như thế trong quá trình chuyển đổi. Nhưng xin đừng giây phút nào quên: So với cả thế giới nước ta vẫn còn thua kém rất xa trên nhiều phương diện.
Thành tựu tự nó đặt ra những vấn đề mới, những thách thức mới: Xin các chuyên gia thống kê làm giùm con tính so sánh trong quãng thời gian 22 năm này riêng kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật và những tiện ích công cộng khác đã tăng lên được bao nhiêu? đã chuẩn bị được bao nhiêu cho 5 năm tới, 10 năm, 20 năm tới? Có cách nào tính thử xem hay so sánh nguồn nhân lực và chất lượng của nó cũng như khả năng quản trị quốc gia của nước ta trong 22 năm này đã tăng lên như thế nào? Trong khi đó kinh tế nước ta đang phải đối mặt với sự thật hiển nhiên:  giá trị gia tăng trong sản phẩm và hiệu quả kinh tế nói chung của Việt Nam thua tất cả các nước trong nhóm ASEAN6 (trong 5 năm vừa qua chỉ số ICOR của những nước này thường là 3, của Việt Nam là 4 - 5, lạm phát của Việt Nam có chỉ số cao nhất, hơn cả Trung Quốc...).  Đứng trước tình hình như thế, giữ nguyên sự phát triển theo chiều rộng hoặc cải tiến không đáng kể lợi thế so sánh hiện có, đồng nghĩa với kéo dài và mở rộng thêm lạc hậu, nhân thêm những yếu kém trước tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt.    
 Hơn nữa, từ nay trở đi nước ta sẽ phải hoạt động trong những lộ trình ngày càng cao hơn của khung khổ WTO và gánh vác trách nhiệm ủy viên không thường thực của HĐBALHQ, tầm suy nghĩ và việc làm phải thay đổi theo hướng này.
Cũng phải nói ngay, lựa chọn đúng và thực hiện đúng sự lựa chọn là hai chuyện khác nhau. Đã 6 thập kỷ trôi qua, cả thế giới thứ ba mới chỉ xuất hiện được vài ba “con rồng”, còn lại hàng chục nước đang phát triển khác tuy đã giành được những bước tiến rất xa, nhưng vẫn chưa thoát hẳn tình trạng các nước nghèo và lệ thuộc, không ít nước vẫn còn ở thời kỳ phát triển hoang dã. Ngay trong ASEAN, các nước như Indonesia, Thái Lan... đã phát triển năng động trong 3 thập kỷ kiên tiếp, nhưng từ hai thập kỷ trở lại đây, nhất là từ 10 năm nay đang giẫm chân tại chỗ; Philippines cũng vậy, và ngày nay chủ yếu vẫn là một quốc gia làm thuê.  Là nước đi sau, nước ta phải ngẫm nghĩ rất nhiều về thực tế lịch sử này.  
 Một thành tựu quan trọng khác của năm 2007 – tuy còn rất khiêm tốn - nhưng nếu được tiếp tục phát huy sẽ có ý nghĩa sâu xa đối với toàn bộ sự phát triển của đất nước trong tương lai, đó là một số tiến bộ mới trong quá trình dân chủ hóa đời sống mọi mặt của đất nước – trước hết là trên lĩnh vực kinh tế. Có thể đo những tiến bộ mới này qua nhiều giác độ khác nhau, từ giảm bớt một chút thủ tục hành chính phiền hà, cải tiến hệ thống luật pháp theo hướng thân thiện hơn với kinh tế thị trường và phù hợp với những cam kết quốc tế và khu vực, tiến thêm một bước trong tự do hóa thương mại và đầu tư, môi trường kinh doanh năm 2007 được World Bank xếp cao lên 13 bậc, riêng thuận lợi về cấp tín dụng 2006 xếp thứ 80/104 năm 2007 xếp thứ 48/104; có một số biện pháp mới khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân và thực hiện một số biện pháp đảy mạnh kinh tế quốc doanh ra thị trường, cải thiện một số chính sách đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tiếng nói của báo chí ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn trong sự nghiệp phát triển đất nước...  
 Thế giới của thế kỷ 21 có nhiều diễn biến mới đan xen nhau, ngày càng phức tạp hơn, khó lường hơn; thực tế này sẽ tác động sâu sắc vào thời kỳ phát triển sắp tới của Việt Nam, xin được bàn kỹ hơn vào một dịp khác.    

II.   Thành tựu đạt được và thời cơ trong tay đang làm cho những yếu kém vốn có trở nên gay gắt hơn
Năm 2007 cũng nổi lên một vấn đề lớn khác: Trong tình hình mới, các yếu kém vốn có từ nhiều năm của nước ta càng bộc lộ rõ, nhiều yếu kém đã đi tới điểm “nóng”, có điểm trở nên rất “nóng”.
Cái “nóng” của quán tính ứng phó
Yếu kém đáng nêu lên nhất là quán tính ứng phó – đối với thời cơ cũng như đối với thách thức – nghĩa là thụ động, phản ứng theo lối mòn, ít sáng tạo, chưa ráo riết chuyển sang cách ứng xử của một thành viên WTO.
Đối với thuận lợi hay cơ hội mới, quán tính ứng phó thể hiện rõ nét nhất theo kiểu: “tranh thủ được gì làm nấy”. – ví dụ năm 2007 còn thu hút quá nhiều nhiều dự án FDI nhỏ, chủ yếu với mục đích “tăng GDP địa phương”, giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ, lấp chỗ trống cho khoảng 40 – 50% diện tích chưa sử dụng của các khu công nghiệp... Cách làm như vậy đương nhiên ít nhiều thụ động trước  tác động của kinh tế thế giới, coi nhẹ những đòi hỏi trong định hướng chiến lược của nước ta về công nghệ, môi trường, nguyên liệu... Không ít dự án trong số này nếu có chính sách tốt có thể dành cho đầu tư trong nước. Tại diễn đàn lãnh đạo các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Đông Nam Á họp cuối tháng 8-2007 có Ấn-độ và Trung Quốc tham dự, Việt Nam chưa được liệt kê vào mạng các quốc gia sản xuất của khu vực, đến nay chưa có một doanh nghiệp Việt Nam nào đứng vào được trong một “chuỗi” cung ứng sản phẩm và dịch vụ của khu vực hoặc trên thế giới - nghĩa là Việt Nam vẫn chỉ là một nước gia công. Tình hình này “nóng” đến mức có nguy cơ biến nước ta mãi mãi là kẻ làm thuê![7], kéo dài tình hình này không phù hợp với mục đích ta gia nhập WTO.
Quán tính ứng phó còn thể hiện theo phong cách “xử lý tình thế”. Ví dụ dễ thấy nhất là ngoại tệ dồn về nhiều, phải bỏ nội tệ ra mua khoảng 7 tỷ USD đã góp phần nhất định vào việc đẩy lạm phát lên, đồng thời thiếu hẳn kế hoạch sử dụng nguồn ngoại tệ thu vào được sao cho sinh lời tối ưu cho nền kinh tế[8].
Ngay sau đó chính phủ đã cảm nhận được phản ứng tức thì của lạm phát. Tuy nhiên trong xử lý, chính phủ thiên về dùng những biện pháp hành chính (kiềm chế giá săng, giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng...), kết quả đạt được không như mong muốn. Những tháng cuối năm lạm phát đã tới mức “nóng” – hết năm có thể bằng hoặc vượt chỉ số tăng trưởng kinh tế, đang trở thành gánh nặng lớn đối với tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, đảy lùi đáng kể những nỗ lực xóa đói giảm nghèo[9]. Chính phủ đã phải tính đến những biện pháp vỹ mô[10].
Thị trường chứng khoán phát triển mạnh liên quan mật thiết đến “sốt bất động sản” (không loại trừ sự tham gia của hoạt động “rửa tiền”), một tình huống khó lường trước và mang nhiều đặc thù phải xem xét từ những chính sách kinh tế vỹ mô. Song cách giải quyết đang thiên về tìm kiếm những biện pháp ứng phó trước mắt nhằm chống đầu cơ bất động sản (ví dụ tăng thuế sử dụng đất đai và chuyển nhượng bất động sản), thay vì cần tập trung nỗ lực vào việc tìm ra những công cụ vỹ mô khác tạo nguồn cung mới để thu hút những nguồn tiền nóng từ những cơn sốt của thị trường bất động sản. Trong khi đó hạ nhiệt giá đất nói chung ở Việt Nam đang là một vấn đề “rất nóng”, nhưng đến nay chưa có một phương sách khả thi nào được đề ra.
Thị trường vốn trong nước phát triển nhanh là một bước phát triển mới quan trọng, song sẽ rất dễ trở thành vấn đề “nóng” nếu không chủ động có những chính sách thông minh của nhà nước nhằm kiểm soát chặt chẽ sự vận động của các dòng vốn – đặc biệt là trước tình hình các tập đoàn kinh tế quốc doanh đang có xu hướng dùng thế và lực của mình nhảy vào thị trường vốn, thị trường bất động sản, hoặc thậm chí đang lăm le chiếm lĩnh trận địa lập ngân hàng hay công ty tài chính riêng cho mình. Thụ động ứng phó với thực trạng này, tới mức nào đó tình hình sẽ có thể là “bom” chứ không còn là “nóng” nữa, ngay từ bây giờ phải rất cảnh giác![11]
Nhìn chung những lúng túng của Chính phủ vấp phải trong năm đầu tiên của thời kỳ phát triển mới -  năm 2007 - trong các vấn đề tài chính tiền tệ - đặc biệt là vấn đề lạm phát, thị trường vốn và thị trường bất động sản báo hiệu sẽ có những thách thức lớn hơn và phức tạp hơn đối với khả năng điều hành của chính phủ trong những năm tới.
Cái “nóng” trong quy hoạch phát triển
Một tồn tại cố hữu là tính quy hoạch chưa cao nên xảy ra tình trạng nhiều dự án kinh tế bị tồn đọng hoặc triển khai chậm – nhất là do các khâu đền bù giải tỏa đất đai, hoặc do những điều kiện cung ứng bất cập (đường, điện, nước, nguồn nhân lực thích hợp...), có những công trình trở nên “đắt” nhất thế giới. Trong khi đó vì thiếu hụt nhiều thứ khác, trước hết là thiếu quy hoạch, nên nhiều dự án FDI quan trọng đành bỏ lỡ hay tạm “gác lại”. Nguồn vốn có thể huy động được từ thị trường trong nước và từ kiều hối tăng nhanh, nhưng thiếu các kênh và các dự án đủ sức hấp dẫn những nguồn vốn này vào các hoạt động kinh tế, trong khi đó nhiều dự án có sẵn lại thiếu vốn – chủ yếu vì ít hấp dẫn hoặc tính khả thi thấp.
Sâu xa hơn nữa, sự hẫng hụt của quy hoạch phát triển, của quy hoạch tổng thể đã “nóng” tới mức làm cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung và chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa nói riêng mang nặng tính chất của từng kế hoạch 5 năm với những thay đổi và sự nhấn mạnh khác nhau của từng thời đoạn, không còn giữ được tính liên tục với đường nét rõ ràng của một chiến lược, không giữ được tính tập trung vào một hướng phát triển – ví dụ hướng phát huy ưu thế lớn nhất của đất nước là con người và tận dụng tình hình hội nhập. Thực trạng này có thể dễ dàng nhận thấy ở sự chồng chéo, trùng lặp và tính cục bộ trong các chiến lược ngành cũng như trong các chiến lược phát triển của các địa phương. “Nền kinh tế GDP tỉnh” là một biểu hiện rất đặc trưng của sự phát triển này. Hệ quả là kinh tế cả nước đã là một thị trường thống nhất nhưng tính manh mún và cục bộ vẫn còn khá đặm nét. Tư duy “nhiệm kỳ” hoành hành nặng nề và đang làm cho thực trạng manh mún này “nóng” thêm nữa.  
Riêng về quy hoạch phát triển giao thông vận tải và phát triển đô thị để giải quyết ách tắc cũng như để tạo ra sức phát triển năng động mới – đặc biệt là tạo ra sức phát triển hướng ra biển (rộng hơn khái niệm kinh tế biển) – còn đang là vấn đề đại đai sự và hết sức lúng túng, đụng chạm trực tiếp đến tư duy lựa chọn chiến lược phát triển nào. Hình như không một bộ óc nước ngoài siêu việt nào có thể cố vấn cho chúng ta trong vấn đề quy hoạch này nếu như tự chúng ta trước đó chưa lựa chọn cho mình một tư duy, một chiến lược phát triển rõ ràng: Đi vào thời kỳ phát triển mới chủ yếu dựa trên phát huy con người và hội nhập.
Cái “nóng” của lãng phí, tham nhũng
Trước hết hiệu quả chung của cả nền kinh tế còn thấp, chỉ số ICOR ước tính là 4 - 5 - nghĩa là cao nhất trong khu vực; lạm phát cũng cao nhất trong khu vực, trong khi đó tốc độ tăng trưởng kém xa các nước NICs ở vào giai đoạn phát triển như nước ta hiện nay[12]. Giá thành xây dựng 1 km đường, một KW điện... nói chung cao hơn giá trung bình của Trung Quốc và các nước trong khu vực. Thực tế này cho thấy ngay tình trạng lãng phí và tham nhũng là rất lớn. Rất tiếc đến nay chưa có những điều tra và so sánh một cách khách quan để đưa ra công luận những con số cụ thể.  
Trong so sánh với 125 nước, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 74 năm 2005, tụt xuống thứ 77 năm 2006; tình trạng tham nhũng xếp thứ 111 năm 2005, tụt hạng xuống thứ 123 năm 2006, mặc dù Việt Nam hiện nay xếp thứ 6 trong “top ten” thu hút FDI và xếp hạng môi trường kinh doanh được tăng lên 13 bậc. Đấy là những con số cũng phản ánh tình trạng lãng phí.  
Báo cáo của Kiểm toán nhà nước  năm 2007 cho thấy con số thất thoát 7600 tỷ đồng trong phạm vi các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước và là 9400 tỷ đồng nếu tính cả khu vực an ninh và quốc phòng; tuy nhiên đây mới chỉ là một phần của sự việc (VNN ngày 24-09-2007).
Nghiêm trọng hơn là lãng phí dưới dạng “đầu bài sai”  trong đầu tư nói chung (lựa chọn công trình đầu tư kém hiệu quả, tốn đất đai, trả giá đắt về môi trường, các chương trình kinh tế sai như “1 triệu tấn đường”, “đánh cá xa bờ”...), trong xây dựng cơ bản (không đồng bộ, chắp vá, cầu chờ đường dẫn, đường chờ cầu, cảng chờ đường...), trong giáo dục (các chương trình cải cách), trong nghiên cứu khoa học (các đề tài kém giá trị ứng dụng)... Những “đầu bài sai” như thế chắc không ít, nhưng đến nay chưa liệt kê ra được. Riêng thất thóat về đất đai thời gian 1994 - 2004 Gs. Đặng Hùng Võ đưa ra con số 70 tỷ USD[13]...
Những năm gần đây liên tục thiếu điện (năm 2006 thiếu 1,1tỷ kwh; năm 2007 thiếu 6,6 tỷ kwh, năm 2008 Tập đoàn Điện EVN dự báo thiếu 8,6 tỷ kwh) song từ nhiều năm nay có nhiều dự án FDI lớn về nhiệt điện có tính khả thi cao lại phải nằm chờ - nguyên nhân chính thường được đưa ra để biện minh là chưa đạt được thỏa thuận giá ta bán than và mua điện, cách ta mua điện... Không thể không đặt ra câu hỏi “ta” đây là ai?..
FDI và các nguồn vốn khác cho phát triển kết cấu hạ tầng rất sẵn sàng (đường sắt cao tốc xuyên Việt, đường tầu điện ngầm cho các thành phố lớn...), nhưng đang thiếu quy hoạch, thiếu dự án, thiếu nhân lực..; có khi còn chưa làm rõ cả quan điểm sơ bộ ban đầu cho sự lựa chọn – ví dụ nên làm ngay toàn bộ, hay làm từng bước hệ thống đường sắt hiện đại Bắc – Nam, thế nào là tối ưu nhất?.. Tất cả chưa có câu trả lời, mà sự lựa chọn nào thì sẽ hệ lụy ấy... FDI cho công nghệ cao cũng đang phải chầu chực: Các khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bắc Ninh... triển khai chậm... – hiện tượng “bội thực” dự án vì khả năng “hấp thụ” hạn chế. Đồng thời trong khi đó báo chí rền rĩ chuyện “vốn nước ngoài đang bí đầu ra” (TBKTVN 30-10-2007)...
Phân bổ nguồn lực mọi mặt không tối ưu hóa sự lựa chọn trước sau cũng tạo ra lãng phí lớn, bởi lẽ trí, lực, thời gian đều có giới hạn, cái nào nên làm ngay – ví dụ kết cấu hạ tầng (điện. đường, trường, trạm...), đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính.., cái nào có thể để chậm lại dăm mười năm cũng không sao – ví dụ xây mới các trụ sở cơ quan...
Lãng phí còn đẻ ra lãng phí ở chỗ nhiều nơi tiếp tục tình trạng bước trước cản trở bước tiếp theo. Chuyện nhỏ nhất thường xảy ra là làm đường xong lại đào bới lên lắp cống lắp điện. Chuyện lớn hơn là việc tiếp tục phát triển đô thi hướng vào bên trong, việc mở rộng đô thị và phát triển các đô thị vệ tinh trên cơ sở quy hoạch rắm rối đang gây thêm nhiều ách tắc và bất cập mới, đang làm cho bần cùng hóa nông thôn gia tăng...
Cái lãng phí lớn nhất không được nói đến nơi đến chốn là lãng phí về con người, vì nhiệm vụ giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực từ nhiều năm nay sa đà vào phát triển đại trà và bệnh thành tích, do đó làm nên thất bại: Chi phí của toàn xã hội rất lớn, nhưng kết quả đạt được không tương xứng,  ưu thế lớn của nước ta về nguồn nhân lực không phát huy được, không đón trước được sự phát triển của tình hình nên hiện nay đang nảy sinh hẫng hụt lớn về nguồn nhân lực thích ứng, chất lượng nguồn nhân lực nước ta hiện nay thấp nhất so với 5 nước ASEAN6 và Trung Quốc. Giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay đang tích tụ nhiều vấn đề nan giải lâu năm và chưa tìm được lời giải[14].
Còn phải kể tới từ nay đến năm 2010 nếu không tạo ra được một trạng thái phát triển mạnh mẽ theo chiều sâu – bao gồm cả đổi mới năng lực điều hành vỹ mô và quản lý toàn bộ đời sống đất nước, sẽ dễ xảy ra lãng phí về cơ hội với những thách thức khó lường.  
Những cái “nóng” hàng ngày cũng rất nóng
Nhiều điểm “nóng” khác đã trở nên bức xúc hàng ngày, như: tai nạn giao thông, kẹt xe, vấn đề điện, nước, y tế, nhà ở cho người nghèo, về văn hóa, xã hội...
Nhiều địa phương có các công trình kết cấu hạ tầng xây dựng trước năm 1975 nay xuống cấp hàng loạt, tai nạn dập dình hàng ngày; việc phải cử công an chặn hai đầu cầu Đồng Nai – cửa ngõ đi vào TPHCM -  để giảm bớt lượng xe cùng một lúc có mặt trên cầu phòng ngừa sập cầu bất kỳ lúc nào là ví dụ rợn người.
Trong cả nước xảy ra nhiều vụ khiếu kiện đông người và kéo dài của nông dân, chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai... Cho đến nay chưa có cách gì giảm bớt một cách cơ bản những căng thẳng phát sinh trong quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa, phát triển nông nghiệp và nông thôn - nhất là vấn đề tạo việc làm và cuộc sống ổn định cho nông dân những vùng phải di dời. Thực trạng này là một trong những nguyên nhân chính gia tăng khoảng cách giàu nghèo và làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội khác.  
Liên tiếp trong 2 năm 2006 – và 2007 thiên tai và dịch bệnh xảy ra nhiều và lớn hơn các năm trước với tổn thất lớn, trong đó một phần có nguyên nhân môi trường tự nhiên bị xâm hại quá mức, uy hiếp đáng kể khả năng phát triển năng động của đất nước, thách thức nguồn lực và khả năng xử lý hữu hiệu của bộ máy nhà nước. Thực tế này đặt đòi hỏi bức xúc làm sao từ nay có thể chủ động phòng chống thiên tai và dịch bệnh hơn nữa, nghĩa là đòi hỏi phải có những chủ trương đúng, dài hạn và đầu tư nguồn lực rất lớn cho mục đích này, không hể trì hoãn được.
Trong những bức xúc hàng ngày, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội thừa nhận cái khó nhất vẫn là vấn đề cải cách hành chính. Nói thẳng thắn: cái “nóng” nhất của mọi cái “nóng” trong cả nước là khả năng quản trị quốc gia còn nhiều bất cập.
Trong cải cách hành chính, nói về con người: So với chức năng nhiệm vụ của nó, nhân lực của hệ thống hành chính quốc gia – nhất là đội ngũ cán bộ kỹ trị và chuyên môn -  đang là một trong những bộ phận có nhiều yếu kém nhất trong toàn bộ nguồn nhân lực cả nước. Nói về bộ máy: Tình trạng quan liêu tham nhũng và chất lượng bất cập của nền hành chính quốc gia đang là trở lực trực tiếp đối với sự phát triển năng động và bền vững của đất nước. Điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh VN (VNCI) cho thấy chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2007 tuy được cải thiện hơn 2006 nhưng vẫn còn nhiều vấn đề: Khoảng 70% doanh nghiệp còn phải trả “phí không chính thức” để cho công việc được chạy; 56% doanh nghiệp cho biết phải có “quan hệ” mới có thông tin cần thiết cho công việc kinh doanh của mình; 44% doanh nghiệp cho thấy quan hệ với cán bộ thuế rất quan trọng; số giờ doanh nghiệp hàng năm phải chi dùng riêng cho việc đóng thuế là 900 – 1050 giờ, cao nhất trong khu vực; tiếp cận với thông tin về đất đai còn rất nhiều khó khăn... Có thể tin rằng các số liệu này mới chỉ là cái mỏm băng nhìn thấy được của cả tảng băng.
Các đánh giá của một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài, trong đó Economist Intelligence Unit (EIU), Transparency International (TI).., cho rằng có các nhóm lợi ích chi phối đáng kể hoạt động của các tập đoàn kinh tế - biểu hiện rõ nét nhất là ưu tiên dồn các nguồn lực tài chính và nhiều ưu ái khác cho bộ phận kinh tế này, việc thực hiện cổ phần hóa tại một số đơn vị kinh tế thực ra là tiến hành tư nhân hóa gần như trực tiếp vào túi những người trong nhóm lợi ích, sự bất công gia tăng. Báo chí trong nước có không ít bài phanh phui những hiện tượng này.
Xin hãy quan sát những cái “nóng” khác trong đời sống thường ngày:
-         chuyện xảy không hiếm trong bộ máy chính quyền như người thiếu đạo đức được trọng dụng – ví dụ như gần đây nhất là dư luận phản ứng  gay gắt việc ông Đỗ Văn Công nguyên bí thư huyện ủy Tân Uyên/Bình dương - cha của cảnh sát giao thông Đỗ Hoài Minh Phương (múa kiếm tại sân bay Đà Nẵng) vừa mới được bổ nhiệm làm Bí thư Đảng ủy khối dân - chính - Đảng tỉnh, ông Nguyễn Thành Phương -  khi còn làm Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh - đã từng liên quan đến vụ mua dâm trẻ em - được bổ nhiệm làm Chủ tịch huyện Tân Uyên[15];
-         những sai trái trong đời sống pháp luật  – tiêu biểu là các vụ xử án oan sai, vụ quan thanh tra tham nhũng ngay trong khi làm việc thanh tra (Lương Cao Khải), vụ tòa án Đồ Sơn xử án tham nhũng đất đai như một màn kịch hề vụng về;
-         những tội phạm hình sự trong đời sống xã hội - điển hình như vụ nhân viên trường mầm non Lĩnh Nam (Hoàng Mai - Hà Nội) âm mưu đầu độc học sinh cả trường bằng thuốc chuột 3 lần không thành – đáng lo nữa là mọi chuyện rơi tõm vào lãng quên, hay là cuộc sống đã trở nên quá chai sạn?[16]
-         cháu gái Nguyễn Thị Bình bị 21 tuổi chưa biết đọc, bị ngược đãi bằng nhục hình man rợ hàng chục năm trời ngay giữa thủ đô mà xã hội chung quanh khoanh tay còn bộ máy chính quyền thì không hay biết – đây là sự vô cảm hay sự bất lực?[17];
-         vụ dân quân đánh đòn dã man 4 học sinh lớp 9 tại trụ sở chỉ huy quân sự P. 10 Q. 15 TPHCM để lấy cung chiều 13-11-2007 làm chết tim người đọc, thêm một lần chết nữa là vụ này lại do chính thầy giáo của trường các em yêu cầu[18];
-         những hiện tượng xuống cấp trong đời sống văn hóa xã hội và sự bất lực của học tập bồi dưỡng đạo đức cho thế hệ trẻ – điển hình là sử nước thì không thuộc nhưng tên các ca sỹ trên M-TV thuộc vanh vách, vụ video clip  “Vàng Anh”..;
-         tình hình trí tuệ và người tài phải lùi bước trước những mối “quan hệ” phức tạp, chưa có được chỗ đứng và tiếng nói lẽ ra phải có trong đời sống mọi mặt của đất nước..,
-         mấy ngày nay báo chí rôm rả chuyện cười làm se lòng người trong đối thoại ở Trà Vinh giữa dân và cán bộ liên quan đến tính thu nhập bình quân theo đầu người; có thể diễn đạt: tại bàn tiệc nọ hai người được ăn một con gà, như vậy bình quân mỗi người được ăn nửa con gà, trong đó một người được chén cả con, một người không được miếng nào!..[19]
-         Vân vân...  
Tất cả những cái “nóng” ấy trong cuộc sống hàng ngày cho thấy câu hỏi “hoặc là.., hay là..?” đặt ra cho đất nước hôm nay thật như xóc vào gan ruột! Một tâm tư lo lắng cho tương lai đang lan rộng.

III.            Trí tuệ, ý chí chính trị và thời gian là quyết định
          Chuyển sang thời kỳ phát triển mới như thế nào?
          Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, có lẽ nên đặt thêm một câu hỏi khác: Nước ta – ở đây xin được hiểu với nghĩa bao chùm là nhân dân ta, nhà nước ta, đảng lãnh đạo... – đang nghèo nhất cái gì?
-         Nước ta đang nghèo nhất trí tuệ, ý chí chính trị và thời gian[20].
Xin được thứ lỗi, nếu câu trả lời được coi là ngạo mạn, nhưng vì nghĩ thế, nên xin viết ra như thế, không dám nói dối.
-         Trí tuệ, ý chí chính trị, thời gian - cả nước sao lại không có? Dám vơ đũa cả nắm nói càn?
Xin thưa: Tiền bạc, nguồn lực vật chất, nguồn lực chất xám có thể huy động được cho phép nước ta chuyển lên thời kỳ phát triển cao hơn có thể nói không thiếu. Hy vọng phần I của bài này đã lý giải được như thế. Song thực sự sẽ phải bàn cãi rất nhiều: Huy động chúng bằng trí tuệ nào, với ý chí được thống nhất ra sao? cũng có nghĩa là nhằm vào mục tiêu nào? Đã có sự lựa chọn? Tất cả - ở đây là nhân dân, nhà nước, đảng lãnh đạo – đã thống nhất trong một sự lựa chọn?
Còn thời gian? Chúng ta nhận thức nó đang là thúc bách, là đang ở ngã 3 “hoặc là... hay là..,”  hay là chỉ là sự tiếp nối bình thường muôn thuở giữa ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai? Chúng ta nghĩ gì cảnh trâu chậm uống nước đục? Nhận thức nào, sẽ hệ lụy ấy. Chúng ta đã đi tới một nhận thức thống nhất?
Như vậy cái nghèo lớn nhất bây giờ phải chăng là trí tuệ, ý chí chính trị và thời gian?
 Làm thế nào khắc phục cái “nghèo” này? – đấy phải là câu hỏi của mỗi người và của tất cả mọi người, chỉ có thể tìm được câu trả lời một khi cùng nhau chia sẻ nỗi bức xúc: Làm gì để đất nước trở thành một quốc gia phát triển  - ví dụ như một “NIC”?
Thực sự đã đến lúc phải rà xoát lại và xác định lại tất cả cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới.
Nói riêng về Đảng CSVN: Sự thực, do yêu cầu phát triển của đất nước và trong bối cảnh quốc tế mới khác hẳn trước (sự hình thành của trật tự thế giới đa cực), Đảng đang đứng trước tình hình và nhiệm vụ hoàn toàn mới. Không ý thức sâu sắc điều này sẽ là thảm họa.
Ưu tiên số 1
Nói một cách chung nhất, cái “thắt cổ chai” đối với toàn bộ sự phát triển năng động và có chất lượng của đất nước trước hết là sự bất cập của kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực yếu kém và năng lực quản trị quốc gia hẫng hụt. Chiến lược nào hay kế hoạch gì cho trước mắt và cho nhiều năm tới cũng phải khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này – một đòi hỏi ưu tiên số 1.
 Rất đáng huy động trí tuệ cả nước mổ xẻ nguyên nhân mọi mặt để nhận dạng chính xác thực trạng cái “thắt cổ chai” này. Huy động trí tuệ khắc phục cái “thắt cổ chai” này là thực hiện dân chủ có thực chất nhất. 
Thực hiện dân chủ ở đây trước hết là thực hiện quyền nói của người dân, của trí tuệ về những vấn đề hệ trọng liên quan đến xóa bỏ cái “thắt cổ chai”. Đứng trước yêu cầu phải thực hiện ưu tiên số 1 này, dân chủ quả thật có nội dung sao vô cùng rõ ràng, vô cùng đơn giản đến như vậy! có một sức mạnh giải phóng không thể lường hết được! Tuy nhiên, thực hiện quyền này đang là việc rất khó, và chỉ có thể khả thi hơn trên cơ sở thực hiện công khai minh bạch, nâng cao dân trí và thường xuyên nâng cao những quyền khác của công dân, trước hết là quyền được thông tin - để cả nước cùng nhìn thẳng vào sự thật, cùng sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn thử thách, cùng chung một quyết tâm đưa đất nước đi lên.
Yêu cầu khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” này đòi hỏi trong năm 2008 cần hình thành được các chiến lược phát triển cho từng vấn đề: (1)kết cấu hạ tầng, (2)nguồn nhân lực, (3)quản trị quốc gia, với những quy hoạch và kế hoạch cụ thể. Có thể nói trong vòng 5 – 10 năm tới và đến năm 2020 phải tiến hành những cải cách lớn cho 3 vấn đề nếu trên, lấy đó làm động lực thực hiện thành công chiến lược phát triển đến năm 2020[21]. Đương nhiên những chiến lược ngành, quy hoạch và kế hoạch như vậy phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh thích ứng tối ưu với sự phát triển của tình hình, song nhất thiết không để cho tư duy “nhiệm kỳ” và mọi ảnh hưởng của nó (nhất là bệnh “tân quan tân chính sách” của mỗi nhiệm kỳ) làm biến dạng hay gián đoạn.
Muốn hay không, yêu cầu phát triển của đất nước khách quan đòi hỏi:
1.     khắc phục bằng được những bất cập và hẫng hụt đã tạo ra và đang nuôi dưỡng tình trạng “thắt cổ chai” của cả nước;
2.     phấn đấu tạo mọi điều kiện để dần dần đạt được mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực sẽ đi trước sự phát triển của cả nước 5 – 10 năm;
3.     nâng cao năng lực kỹ trị và phẩm chất nghề nghiệp của hệ thống quản trị quốc gia để nó có thể phục vụ tốt nhất sự nghiệp phát triển mọi mặt của đất nước.  
Vai trò của đảng cầm quyền chính là phát huy trí tuệ và nghị lực của cả nước thực hiện 3 yêu cầu vừa nói trên.
Riêng việc thực hiện yêu cầu thứ 3, xin lưu ý:
Trong nhiều văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước nhân các dịp Đại hội Đảng, các dịp tổng kết kết thúc nhiệm kỳ, nhiệm vụ cải cách hành chính thường được đánh giá là tiến hành chậm, ít hiệu quả, không theo kịp đòi hỏi tình hình... Trong những văn kiện này không hiếm sự phê phán nghiêm khắc những bất cập của bộ máy hành chính quốc gia, có ý kiến nêu rõ cải cách hành chính chỉ có khả năng thành công nếu xuất phát từ đổi mới toàn diện vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là những đánh giá xác đáng. Khắc phục nguyên nhân sâu xa nhất của bất cập này rõ ràng cần bắt đầu từ việc đổi mới và nâng cao chất lượng vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền. Hơn nữa, vấn đề đặt ra không phải chỉ là “cải cách hành chính” - ở những khâu thuộc về thủ tục hành chính và những khâu có tiếp xúc với dân như lâu nay đang cố gắng làm, mà là cải cách toàn bộ hệ thống quản trị quốc gia. Trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tất yếu phải có một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại. Sau 22 năm đổi mới, tình hình phát triển mọi mặt ở nước ta hiện nay đã đến mức cho phép kết luận: Không xây dựng được một hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, sẽ không thể có một Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Đây thực sự là thách thức lớn nhất đối với đảng cầm quyền (xem thêm chú thích 21).
Tình hình và mọi điều kiện đất nước đang có trong tay cho phép nhiệm vụ khắc phục tình trạng “thắt cổ chai” trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển năng động và bền vững của đất nước về mọi mặt, thực hiện được với chất lượng tốt hơn những mục tiêu tăng trưởng và phát triển đã đề ra cho đến năm 2010. Đấy cũng là hướng phấn đấu đúng nhất chuẩn bị cho sự phát triển tiếp theo của đất nước đến năm 2020, là sự phản ứng quyết liệt dứt khoát nhất cần phải có để đất nước sẽ không ngoặt vào hướng đi dẫn tới một quốc gia lạc hậu.

Vượt lên sức ép tâm lý
Trong một thế giới năng động và đầy biến động, phán đoán tình hình dăm ba thập kỷ tới là việc đầy khó khăn. Kinh nghiệm đã qua cho thấy các dự báo dài hạn như vậy thường thường là ...sai nhiều hơn đúng! Ngày nay có không ít vấn đề chỉ nhìn trước được mươi năm, dăm năm, thậm chí có khi một vài năm, thế mà vẫn có những đột biến không lường được, hoặc biết mà vẫn không trù liệu ứng phó chủ động được. Ai sẽ nói được gì nhiều về đồng đô-la đang suy giảm hiện nay, về giá dầu, về sự thai nghén của một trật tự thế giới đa cực mới, nạn khủng bố, thiên tai dịch bệnh?..
Sống trong một thế giới như thế, con đường nước ta phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 luôn luôn phải được nhìn lại, để điều chỉnh, sửa sót sai lệch, nhìn rõ hơn phía trước.., để quyết tâm hơn nữa. Song muốn làm được như vậy, cần phải vượt lên sức ép tâm lý nhiều bề, nhất là trong trường hợp phải thay đổi một cách nhìn không còn phù hợp, hủy bỏ một quyết định đã tỏ ra là sai, thậm chí có khi phải làm lại từ đầu một việc nào đó. Và khi phải làm thế, thường không ít đau đớn.
 Ví dụ cuộc sống đang có nhiều câu hỏi nóng bỏng: Than phát triển mạnh và xuất khẩu nhiều như hiện nay đang phát sinh hệ quả gì? Hàng loạt các mỏ khoáng sản trong các tỉnh biên giới phía Bắc đang được triển khai, sắp tới sẽ là quặng bauxite ở Tây Nguyên, sẽ tiếp tục khai thác để xuất khẩu dầu thô?.. Như thế có phải là sự lựa chọn tối ưu không cho một quốc gia đất hẹp người đông? Còn sự lựa chọn nào khác ra nhiều tiền hơn không? Môi trường tự nhiên còn bán tiếp được đến mức nào nữa?.. Sự bùng nổ các đô thị nhỏ vệ tinh và sự phát triển tiếp tục hướng vào bên trong của các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn... trong tình trạng quy hoạch tổng thể khập khiễng như hiện nay đang tăng thêm nhiều ách tắc; kẹt xe và tai nạn giao thông đang trở thành nỗi lo kinh hoàng[22], – giải quyết tình trạng này như thế nào? Có dám làm khác đi không?
Tiếp tục hay không việc có thêm những công trình kinh tế gây ô nhiễm môi trường đến nỗi báo chí đã phải tặng cho cái tên “kẻ giết người thầm lặng” (Tuổi trẻ ngày 29-10-2007 và các số tiếp theo), trong khi đất nước đang xuất hiện những dòng sông “chết”, các làng ung thư..? Chúng ta lựa chọn ngành đóng tầu biển, ngành bột giấy, ngành khai khoáng... là chiến lược dài hạn, hay “giải pháp tình thế”?.. Là nước đi sau có nhất thiết phải chấp nhận tất cả những gì các nước đi trước đang thải loại không?  
Tư duy “nhiệm kỳ” đang là nguyên nhân của nhiều căn bệnh trong chiến lược và quy hoạch phát triển, trong phát huy sức mạnh của nền kinh tế thống nhất, trong công tác tổ chức cán bộ... Tư duy “nhiệm kỳ” là một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng kẻ ăn ốc, người đổ vỏ, các thế hệ tương lai phải trả giá. Lối tư duy này đối kháng với lợi ích phát triển chiến lược của quốc gia. Ai không muốn khắc phục tư duy này? Nhưng sao nó vẫn tồn tại?
Một thực tế khác có liên quan  không thể bỏ qua: Do hạn chế trong tiếp cận thông tin, do đã quá lâu nghe thông tin một chiều, do nhiều tác động hay hạn chế khác của hoàn cảnh lịch sử để lại.., đã hình thành sâu sắc những nếp nghĩ, những cách nhìn không còn thích hợp với thực tại, không theo kịp xu thế phát triển trong thế giới ngày nay. Ví dụ: Tuy còn nhiều bức xúc, song nhìn chung ai cũng thấy cuộc sống hôm nay dễ chịu hơn hôm qua rất nhiều. Đó là sự thật. Thế giới đang giành cho Việt Nam không ít lời ca ngợi về các thành tựu đổi mới. Điều này cũng đúng với sự thật. Thế nhưng có ai dám so sánh thiệt hơn giữa cái được và cái giá phải trả không? Trả giá như thế là đúng giá? Đắt? Rẻ? Phát triển như thế là nhanh hay chậm? chất lượng? lâu dài bền cho tương lai? Chiến lược phát triển đề ra như vậy, hôm nay nhìn lại có còn là chiến lược như ta nghĩ và thiết kế không? chỗ nào đúng, chỗ nào sai? Còn hướng đi nào khác?
Nhìn về tương lai còn nhiều câu hỏi rất cụ thể, nhưng mang tầm chiến lược không thể không đặt ra ngay từ hôm nay. Ví dụ:
-         Lũ lụt quá lớn năm 2007 ở miền Trung có liên quan gì đến phá rừng không? Nếu có, việc làm đường xá sắp tới phải quy hoạch như thế nào để giảm thiểu sự tàn phá môi trường tự nhiên do tự tay chúng ta gây ra? Sắp tới các vấn đề môi trường (kể cả v/đ triều cường) sẽ còn gay gắt gấp bội.
-         5 năm, 10 năm, 20 năm tới năng lượng – trước hết là điện – là vấn đề cực kỳ nóng bỏng. Nhiều dự án lớn của nước ngoài đang e ngại sự thiếu hụt này. Mạng lưới điện quốc gia như hiện nay còn thích hợp nữa không, hay là cần mau chóng bổ xung thêm bằng các mạng khu vực, miền? Nhưng bằng cách nào?
-         Thủy điện ư? Đất đai quá hẹp và thiên nhiên ngày càng đỏng đảnh! Điện hạt nhân ư? Khoảng sau năm 2030 sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân ở nhiều nước phát triển sẽ chuyển sang các lò phản ứng thế hệ IV EPR, hiện nay là thế hệ III EPR; là nước đi sau ngay từ bây giờ ta lựa chọn gì, thế hệ nào? Mọi rủi ro đã được tính toán kỹ? Còn dạng năng lượng nào khác nữa không? Trí tuệ hay quyết định chính trị sẽ định đoạt?[23]..
-         Nếu vì những nguyên nhân nhất định phải “giảm nhiệt” tốc độ tăng trưởng để nâng cao chất lượng nền kinh tế thì có dám chấp nhận không hay sợ mất thành tích?
-         Tiếc rằng thế giới văn minh ngày nay vẫn chưa sạch cái đạo “lý kẻ khỏe, mềm nắn rắn buông, được đằng chân lân đằng đầu”. Nếu muốn chống lại một sức ép nào đó từ bên ngoài, thường phải hứng chịu sự “trả đũa”, ta có gan chấp nhận không? Sử ngoại giao Việt Nam cho thấy hợp tác thực sự mới có đối tác thực sự; khi ta bị o ép thì phải công khai trước thế giới lẽ phải của ta, nhân dân hậu thuẫn, tranh thủ được công luận các nước, ai bắt nạt ta sẽ không dễ. Thời bình có dám tiếp tục truyền thống ngoại giao này không?..
Không tự mãn, thì còn rất nhiều câu hỏi như thế phải đặt ra. Giả thử tìm được câu trả lời đúng, song có gan vượt lên sức ép tâm lý nhiều bề và của chính mình để lựa chọn quyết định đúng không?
Chỉ có cách bám chắc vào thực tế khắc nghiệt của bối cảnh thế giới để quyết định: Là một quốc gia đất hẹp, người đông, có vị trí địa lý kinh tế và chính trị thuận lợi số 1, đồng thời cũng chịu thách thức số 1, nước ta lựa chọn gì cho mình – từ sản phẩm kinh tế cho đến vị thế chính trị quốc tế? Phải làm gì để thực hiện được sự lựa chọn ấy?
Đất nước này là của dân, do dân, vì dân, sẽ có câu trả lời.
                                       
Lời kết: Bài học của Đại hội VI
 Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam đi vào lịch sử là mở đầu thời kỳ đổi mới. Nội dung cách mạng nhất của Đaị hội này là ý chí nhìn thẳng vào sự thật, nhờ vậy đã xác lập được con đường đổi mới, nhờ vậy đã dẫn tới thành quả đất nước giành được như hôm nay. Vì lý do này, bài học quan trọng của Đaị hội VI thường được nhắc tới là thái độ nhìn thẳng vào sự thật. Trên chặng đường đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, bài học này càng có ý nghĩa. Bởi vì nhìn thẳng vào sự thật thì tránh được lạc hậu với sự thật, hơn thế nữa đó là cách nhìn, là tiền đề không thể thiếu cho mỗi quyết định đúng nhất thiết phải có.
Đại hội VI còn một bài học khác quan trọng không kém, cần được nhấn mạnh trong năm 2007: Đừng bao giờ lặp lại tình hình bị dồn đến chân tường mới quyết định đổi mới.  
Xin lưu ý, trong 22 năm đổi mới vừa qua có không ít trường hợp đã để cho   cơ hội tuột tay hoặc không được tận dụng được.
Ví dụ, mỗi một lần Đại hội Đảng, mỗi lần bầu Quốc hội mới đều là một cơ hội cực kỳ lớn để giải phóng nghị lực sáng tạo của toàn dân mang lại sức mạnh mới cho đất nước, để đổi mới Đảng, để nâng cao năng lực, phẩm chất của hệ thống nhà nước..; mỗi lần đại hội cấp tỉnh và bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh cũng mang lại những cơ hội như vậy cho mỗi tỉnh... Ôi nếu mỗi lá phiếu bầu trong những dịp như thế có chất lượng và sức nặng đích thực của nó!.. Song tiếc rằng những gì đạt được qua bầu cử như thế chưa đủ sức nâng hệ thống chính trị lên ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ! Chưa nói đến những tha hóa mới, chưa nói đến yêu cầu đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển mới!
Xem lại tư liệu báo chí, toát lên một thực tế quan trọng: Bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ (BTA), việc gia nhập WTO lẽ ra có thể diễn ra sớm hơn một số năm. Tiếc thay những cơ hội cho phép đạt kết quả sớm hơn đã không được tận dụng – tất nhiên cái giá của sự chậm chạp không bao giờ rẻ.
Đàm phán để gia nhập WTO kéo dài một thập kỷ, song chuẩn bị cho hậu WTO không được bao nhiêu; thị trường vốn trong nước và quan hệ kinh tế đối ngoại phát triển đột phá, nhưng thiếu vắng sự sẵn sàng cần thiết –  nổi cộm nhất hiện nay  là nguồn nhân lực, dự án khả thi, kết cấu hạ tầng, năng lực quản trị...
Còn bao nhiêu cơ hội khác nữa đang có trong tay không đủ kiên nhẫn chờ đợi sự chậm chạp của chúng ta?
Toàn bộ thực tế vừa nêu trên cùng với những cái “nóng” đang “nóng” thêm và “rất nóng” trong quá trình đổi mới 22 năm qua nói lên những yếu kém, những mặt thất bại, bất cập còn vấp phải của một tầm nhìn. Đấy cũng là một sự thật cần nhìn thẳng vào để từ đây đi tiếp.
Nhớ lại, tình hình khủng hoảng kinh tế xã hội của nước ta vào giữa những năm 1980 đã lên tới đỉnh điểm, tác động của bối cảnh quốc tế càng làm gay gắt thêm đến tột độ. Song may mắn thay cuộc sống đã đi trước những bước quyết định: từ hiện tượng Kim Ngọc, đến khoán chui, khoán 10, khoán 100, bù giá vào lương, kế hoạch 3, nguồn hàng của cá nhân những người Việt các “binh chủng” sinh sống tại các nước Liên Xô Đông Âu cũ kiên nhẫn gửi về... Khi công cuộc đổi mới được tiến hành, ngay lập tức một sức sống mới được giải phóng.
Lịch sử không nhất thiết lúc nào cũng lặp lại may mắn như thế, cũng không có chữ “nếu”. Song lịch sử nhắc nhở: Đừng bao giờ để xảy ra tình trạng bị dồn vào chân tường mới quyết!
Đấy cũng là lời gửi gắm của năm 2007 cho năm 2008, tất cả cho một quốc gia Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại!
Hết
Hà Nội, 20-11-2007




[1] Tham khảo báo cáo của Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2007 tại kỳ họp thức 2 Quốc hội khóa XII.

[2]  Đấy là chưa nói đến tình huống: Vào khoảng thập kỷ thứ 3 của thế kỷ này, giả thiết rằng kinh tế thế giới không có những chấn động mạnh (dưới dạng một backlash) do một tình huống bất khả kháng nào đó gây ra (một “force majeure” – ví dụ: giá dầu lửa, đồng đô-la Mỹ, sự đổ vỡ của tình hình Trung Đông, mâu thuẫn mới giữa các “cực”, thiên tai hay dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát...), và nếu dự báo rằng xu thế toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự giao lưu đan xen lẫn nhau của các nguồn lực vốn, công nghệ và lao động trên thế giới, có thể phán đoán: xu thế hình thành các “chuỗi” và “mạng” cung ứng sản phẩm và dịch vụ trên thị trường thế giới cũng sẽ tiếp tục gia tăng với cường độ như hiện nay. Trong tình nhình như vậy, các “chuẩn” của “chuỗi” và “mạng” sẽ ngày càng nhiều và luôn thay đổi, cạnh tranh để chiếm một vị trí tốt trong “chuỗi” và “mạng” sẽ càng gay gắt. Mặt khác bên cạnh thể chế WTO, thể chế  FTA (Free Trade Agreement) của quan hệ song phương đang tiếp tục mở rộng; đồng thời đang chớm xuất hiện những hợp tác mới của phạm vi khu vực như ở Đông Á, châu Mỹ Latinh, hợp tác giữa các nước lớn Trung Quốc – Nga - Ấn Độ. Toàn bộ sự phát triển này sẽ đặt ra nhiều rối rắm mới. Trong tình hình phức tạp như thế, tiêu chí thế nào là một “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào thời điểm năm 2020 mà nước ta đang mong muốn chắc chắn sẽ ngày càng ít phụ thuộc hơn vào mức độ sắt thép, điện đóm, đường xá, thu nhập... tính theo đầu người, mà trước hết ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng nước đó mở rộng thị trường đến mức nào, chiếm lĩnh được những vị trí thỏa đáng ra sao trong các “chuỗi” và “mạng” của nền kinh tế toàn cầu. Nghĩa là khó có thể đơn thuần xử dụng các tiêu chí nước ta tự đã đặt ra cho mình khi xây dựng chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa cách đây khoảng 20 - 30 năm! Thậm chí đã đến lúc phải nhìn nhận lại toàn diện con đường đi lên của nước ta, không phải là để tiến nhanh hay tiến chậm, vấn đề này sẽ bàn sau, mà trước hết để không lạc lõng trong thế giới này, để không lại rơi vào tình cảnh tụt hậu hẳn một giai đoạn phát triển của thế giới – nguyên nhân chính đã dẫn đến mất nước cách đây gần hai thế kỷ.

[3] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực” – Thời đại mới số 11 tháng 7-2007 (Nếu Việt Nam là một Philippines trong tương lai...). Tuổi trẻ 30-11-2007: Philippines: "Sẽ không có gì thay đổi"
[4] Đất nước bị đô hộ và chiến tranh xâm lược tàn phá đã đánh cắp mất của nước ta 2 thế kỷ. Lịch sử đau thương này chỉ để lại cho nước ta một sự an ủi duy nhất: Lợi thế nước đi sau. Không đủ trí tuệ và bản lĩnh tận dụng lợi thế này chẳng những khó có thể giành lại thời gian bị mất, mà còn có nguy cơ còn phải trả giá tiếp cho cảnh theo voi ăn bã mía!
[5] Dưới dạng gần như một “postulation”.
[6] Ước tính theo số liệu của Tổng cục thống kê theo thời giá – Nguyễn Trung.

[7] Tham khảo Vietnam Net 24-08-2007.
[8] Tham khảo thêm bài: Dollar's double blow from Vietnam and Qatar, BST ngày 04-10-2007
[9] Diện “đói nghèo” hiện nay ước tính chiếm khoảng 20% dân số (Vũ quang Việt).
[10] Tham khảo: Vũ Thành Tự Anh, “6 lý do để lo lắng về lạm phát hiện nay” TBKTSG 8-11-2007; một số cơ quan nghiên cứu nước ngoài cho rằng Việt Nam thực ra đang lạm phát 2 con số. Phải chăng lạm phát cao năm 2007 ít nhiều có những bóng dáng rất kinh điển của những năm 1970 – 1980, nghĩa là do nhiều nguyên nhân tổng hợp lại: Sức đẩy của chi phí, sức kéo của cầu, chính sách tiền tệ (tìm hiểu các ý kiến của Vũ Quang Việt rải rác trong nhiều bài)?
[11] Bài học cay đắng nhất của khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 là chính phủ các nước lâm sự mất sự kiểm soát sự vận động của các dòng vốn và để xảy ra những quả “bom” khốc liệt từ thị trường địa ốc và thị trường tài chính; sự đổ vỡ của một số Chaebol Hàn Quốc – điển hình là sự sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn Daiwoo có thể được coi như một bài học kinh điển của sự câu kết giữa tập đoàn + quyền lực + tài chính, với sự trả giá khủng khiếp của cả nền kinh tế (Hàn Quốc tự đánh giá: bị kéo lùi 10 năm!). Ở nước ta kiểm soát sự câu kết này khó hơn, để xẩy ra sự câu kết này, tình hình còn nguy hiểm hơn, vì các tập đoàn này thuộc quyền sở hữu nhà nước, nên tự nó có những điều kiện gắn kết hữu cơ với quyền lực nhà nước. Rất nên xem xét lại hoặc thiết kế lại chủ trương cho phép tập đoàn kinh tế thuộc sở hữu nhà nước lập các công ty tài chính hay ngân hàng riêng của mình - Nguyễn Trung.
[12] Ví dụ, tham khảo một số tài liệu, sách báo, được biết: Hàn Quốc, Đài Loan trong giai đoạn phát triển tương tự như nước ta hiện nay – nghĩa là thời kỳ đạt GDP p.c. khoảng 800 - 1000 USD - chỉ số ICOR thường là >3, đạt tăng trưởng 2 con số hàng chục năm liền, lạm phát khoảng 5 – 6%, song vào thời điểm này kết cấu hạ tầng của Hàn Quốc đã đi trước sự phát triển kinh tế khoảng  5 năm. Cách đây vài năm có tài liệu của chuyên gia nước ngoài cho rằng tham nhũng, lãng phí của Việt Nam hàng năm ước khoảng 4% GDP hoặc hơn nữa.
[13] Xem báo Người Lao động ngày 06-02-2007.
Chú ý: Cho đến nay diện tích đất đai đã được Nhà nước cấp quyền sử dụng chiếm 71% diện tích lãnh thổ quốc gia (trên thực tế - de facto – là giao quyền sở hữu), song Nhà nước vẫn “nghèo” và hầu như không tạo ra được nguồn vốn đáng kể nào từ sự việc này cho việc phát triển kinh tế của đất nước. Cũng có thể nói Nhà nước đã để “mất” một nguồn vốn rất lớn của quốc gia; mặt khác để lại nhiều hậu quả lớn, trong đó có vấn đề giá đất nói chung của cả nước quá cao đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. – Nguyễn Trung.
[14] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Nguồn nhân lực cho cơ hội phát triển mới” Tia Sáng online 15:02:42 01/11/2007,  và  Nguyễn Trung: Suy nghĩ về phát triển nguồn nhân lực ở nước ta -- Bản gốc của tác giả - Viet-Studies 10-11-2007
[15] Xem báo Người Lao động 09-11-2007;  xem thêm các bài  “Tân Uyên, Bình Dương: Xe ông Hai  - “vua” của “xe vua” – Tuổi trẻ, Tuổi trẻ online 26 và 27-08-2007. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khó XII một số đại biểu quốc hội chất vấn về tình hình “chạy ghế”...
[16] Xem báo Gia đình & Xã hội 05-052007.
[17] Xem:  Gặp người giải cứu em Nguyễn Thị Bình, Tiền Phong, thứ Năm, 08/11/2007, 08:48; cách xử lý là cách chức tổ trưởng dân phố và kiểm điểm cơ quan chính quyền phường, quận.
[18] Xem Tuổi trẻ ngày 16-11-2007.
[19] Đọc: Tuổi trẻ online 21-11-2007.
[20]  Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Nhìn lại một năm”, Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, số tháng 11-2007

[21] Nhằm khắc phục những yếu kém nóng bỏng hiện nay trong 3 lĩnh vực kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống quản trị quốc gia, ít nhất trong vòng 5 năm tới phải có những nỗ lực rất triệt để, có như vậy mới hy vọng chuyển mạnh sang một thời kỳ phát triển cao hơn và mới có điều kiện thực hiện lộ trình của những cam kết trong khung khổ WTO. Ngay trước mắt, những ách tắc về giao thông – đặc biệt là ở TPHCM và Hà Nội phải cần tới 2 – 3 năm mới giải quyết được nếu có phương án xử lý đúng đắn. Việc khắc phục những yếu kém hiện tại trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ít nhất cũng đòi hỏi một khoảng thời gian như vậy.  Nhìn xa hơn nữa, nếu làm giỏi mọi việc, chúng ta cũng phải cần tới 10 năm mới có thể xây dựng được một hệ thống kết cấu hạ tầng theo kịp yêu cầu phát triển,  đổi mới xong hệ thống giáo dục và đào tạo hiện nay để đi vào một hướng phát triển mới của nguồn nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi của đất nước, mới nâng cao được năng lực quản trị quốc gia theo kịp nhịp độ phát triển của đất nước. Khái niệm “theo kịp”, “đáp ứng” được nêu ra ở đây tuy rất trừu tượng, song được hiểu là không còn tình trạng có khoảng cách hay bất cập quá lớn so với đòi hỏi của cuộc sống như hiện nay, được đo bằng chất lượng và sức tăng trưởng của phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, tiến bộ xã hội... Như vậy nhiệm vụ trong vòng 5 -10 năm tới hết sức khó khăn và nặng nề, vượt xa tầm suy nghĩ hiện nay của chúng ta. Đây thực sự là một vấn đề tồn tại lớn của tầm nhìn, của tư duy, phải phát huy mọi trí tuệ để giải quyết thỏa đáng để có điều kiện hoạch định chiến lược và thiết kế quy hoạch và kế hoạch thực hiện. Xin lưu ý: Nói riêng về kết cấu hạ tầng (hệ thống giao thông, thông tin, điện, nước, thủy lợi...) nếu nước ta giữ tốc độ xây dựng như hiện nay thì tụt hậu khoảng 10 - 15 năm so với Thái Lan hoặc Malaysia, cả hai nước này vẫn chưa được coi là NIC; khoảng cách tụt hậu về hệ thống hành chính quốc gia của ta so với hai nước này cũng khá lớn; khoảng cách GDP danh nghĩa tính theo đầu người hiện nay ta kém Thái Lan khoảng 2000 USD (tính theo PPP là 5300 USD), kém Malaysia khoảng 4300 USD (tính theo PPP là 8300 USD) (tham khảo báo cáo IMF 2006 và 2007, Wikipedia 2006). Xem như thế, sẽ có câu hỏi: Mục tiêu nước ta trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 sẽ theo tiêu chí nào? Về khắc phục những sai sót, đổi mới và phát triển  hệ thống giáo dục – đào tạo – phát triển nguồn nhân lực trên nền tảng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện tại và trên nền tảng những giá trị mới cũng đòi hỏi tối thiểu khoảng 10 năm với điều kiện hệ thống chính trị của đất nước cũng phải có những thay đổi sâu sắc. Việc đổi mới hệ thống quản trị đất nước khó mà tiên đoán trước được sẽ đòi hỏi bao nhiêu năm, sẽ thành công hay thất bại, bởi vì hoàn toàn phụ thuộc vào việc đổi mới triệt để Đảng CSVN trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc để có khả năng thực hiện được vai trò lãnh đạo đất nước, toàn bộ sự vận động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước phải nằm trong khung khổ kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ngày càng phát triển. Một vấn đề hệ trọng khác: Chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa được đề ra trong các văn bản chính thức của Đảng và Nhà nước và quá trình công nghiệp hóa trên thực tế diễn ra ở nước ta trong xuốt 22 năm đổi mới  gần như không khớp nhau, nhất là trong vòng 10 năm trở lại đây; không ít những việc hay mục tiêu định làm thì thất bại (chế tạo cơ khí, công nghiệp nặng, khai khoáng...) – vì không thực tế, duy ý chí, không theo quy luật; nhiều vấn đề hay mục tiêu không đề ra lại phát triển rất  mạnh (sản phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu, nông lâm thủy sản, dịch vụ...) – mà nguyên nhân chủ yếu của những thành công này là hợp quy luật phát triển và khai thác được thế mạnh nội tại, khai thác được hợp tác với bên ngoài. Thực tế này đòi hỏi từ những thất bại và thành công trong thực tiễn đánh giá lại chiến lược phát triển với tầm nhìn mới để xác định những bước đi sắp tới. Sơ bộ có thể nói ngay đường lối phát triển đất nước và chiến lược CNH-HĐH như đã ghi trong các văn bản chính thức của Đảng và nhà nước có nhiều điểm sai, mơ hồ, chung chung, bị cuộc sống lôi kéo đi nhiều hơn là làm kim chỉ nam cho cuộc sống.
[22] Ước tính mỗi năm 1 – 1,5% GDP (Lê Đăng Doanh). Nếu cộng thêm phần tham nhũng và thất thoát ước khoảng 3 - 4% GDP, hiệu quả kinh tế sẽ ra sao?
[23] Tìm đọc trả lời của giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn do RFI phỏng vấn ngày 19-04-2006.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét