Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Chuyên đề nghiên cứu được giao
Dân chủ - Đoàn kết – Đồng thuận xã hội

Quan điểm và những giải pháp cơ bản nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân để thực hành tốt hơn vấn đề dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội trong giai đoạn hiện nay

Người thực hiện: Nguyễn Trung

Hà Nội tháng 9-2008.


Xác định mục tiêu của chuyên đề:
Trọng tâm của đề tài là làm rõ những quan điểm cơ bảnnhững giải pháp cho việc nâng cao nhận thức của công dân  cho thực hành tốt hơn vấn đề dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Như vậy, chuyên đề này mang tính thực tiễn và thực hành là chủ yếu, phần nội dung mang tính hàn lâm hay học thuật chỉ giới hạn trong phạm vi đủ làm cơ sở cho những quan điểm và giải pháp được nêu ra.



Tóm tắt
Dân chủ, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội là những giá trị phổ cập, có ý nghĩa gường cột cho kỷ cương và sự phát triển bền vững của một quốc gia trong xã hội loài người. Tuy nhiên, tính phổ cập của những giá trị này tùy từng giai đoạn lịch sử của một nước mà có nội dung khác nhau. Ví dụ, ngay ở nước ta những giá trị này trong thời hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay có nội dung rất khác so với thời đất nước ta tiến hành hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để giành lại độc lập và thống nhất đất nước.
Nước ta đã kết thúc ba thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình. Ngày nay với vị thế hội nhập quốc tế toàn diện và trong một thế giới có nhiều biến đổi mới, nước ta đang bước vào một thời kỳ phát triển mới. Người viết bài này cho rằng: Chính tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước trong thời kỳ này sẽ quyết định nội dung cụ thể cho các vấn đề dân chủ, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội cần phải xây dựng cho thời kỳ này.
Với các đặt ván đề như vậy, chuyên đề này có 4 phần như sau:

I
Thế giới chúng ta đang sống

                Với vị thế mới, nước ta  tham gia cạnh tranh và hội nhập quốc tế toàn diện, trong một thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc. Nhìn theo góc độ đua tranh toàn cầu, điểm nổi bật nhất là trong thế kỷ 20, đặc biệt là trong nửa sau thế kỷ 20, dân chủ - một trong những giá trị quan trọng nhất của văn minh nhân loại -  đạt được sự tiến bộ đột phá so với tất cả các thế kỷ trước và đang trở thành động lực quyết định nhất, trào lưu mạnh nhất thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trong thế kỷ 21. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế ở mức độ ngày nay tạo ra tình hình “cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, tuổi thọ của một sản phẩm ngày càng ngắn”. Thực tế này khiến cho phát huy dân chủ để phát huy con người trở thành cốt lõi của sức mạnh quốc gia trong cạnh tranh và hội nhập ngày nay.
                Mặt khác, cục diện thế giới một siêu đa cường sau chiến tranh lạnh đang chuyển sang cục diện đa cực. Sự chuyển biến này diễn ra nhanh hơn khả năng ứng phó của các quốc gia, chớm nở cục diện chiến tranh lạnh cục bộ Nga – Mỹ. Riêng tại khu vực Đông Nam Á chớm nở trên thực tế (de facto) cục diện lưỡng cực Trung – Mỹ; hiện tượng “cái công xưởng thế giới” và cuộc khủng hoảng tài chính phố Wall hiện nay khiến vai trò của Mỹ tại đây lu mờ hơn trước, đặt ra cho  Việt Nam nhiều vấn đề nhạy cảm mới.
                Sau 32 năm phát triển trên cơ sơ khai thác lợi thế giá lao động rẻ và tài nguyên, các thành tựu đạt được và cái ngưỡng phát triển theo chiều rộng (extensive development) không được phép vượt qua, đặt VN trước yêu cầu phải chuyển sang phát triển dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập (phát triển theo chiều sâu – intensive development) và phải sớm thích nghi được với những biến động mới trên thế giới và nhất là trong khu vực. Hơn bao giờ hết, VN phải sớm tạo ra cho mình khả năng phát triển và thích nghi được trong tình hình mới. Đòi hỏi mới này quyết định đường lối cách mạng và chiến lược phát triển đất nước; cũng có nghĩa là quyết định nội dung của dân chủ, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội của giai đoạn này.

II
Bàn thêm về dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội

                Là một giá trị quan trọng văn minh nhân loại đã sáng tạo ra được, dân chủ với tính cách là một khái niệm tiếp tục phát triển trong mọi lĩnh của cuộc sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của một quốc gia và ngày càng được những tiến bộ trong văn minh nhân loại làm cho phong phú thêm – đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến phát huy quyền năng con người. Tuy nhiên, dân chủ có nhiều khuyết tật trong quá trình thực thi, phải tìm cách khắc phục bằng nhiều biện pháp. Không có dân chủ tự nó, càng không có dân chủ được ban cho. Vì thế dân chủ phải dựa trên nền tảng của giác ngộ và gắn với trách nhiệm xã hội. Cuộc sống thực tế và nghiên cứu khoa học ngày nay thừa nhận dân chủ phải thông qua giáo dục, phải được nâng đỡ bởi các giá trị, và trên hết cả là thông qua giác ngộ của con người mà giành lấy. Với những điều kiện như vậy, dân chủ vừa là nền tảng phát huy các quyền tự do của con người, vừa cần phải được nuôi dưỡng và tiếp tục phát triển bằng cách nâng cao quyền năng con người.
                Trong cuộc sống có không ít khuynh hướng hiểu sai lệch về dân chủ. Dù tên gọi của những khuynh hướng này là “các giá trị châu Á”, là “nhân danh dân chủ phải có lãnh đạo”, hay là gì khác nữa.., tựu trung lại những khuynh hướng này chỉ cùng chung một nội dung là thu hẹp hoặc phủ nhận dân chủ. Cuối cùng, có thể nói các khuynh hướng này không trụ vững được trước mọi thách thức của cuộc sống.
                Dân chủ có khả năng hội tụ và chia sẻ những giá trị chung, những nguyện vọng và mục đích chung, vì vậy nó là nền tảng của đoàn kết và đồng thuận xã hội. Nước ta cũng như các nơi khác trên thế giới có nhiều ví dụ sinh động chứng minh dân chủ - đoàn kết – đồng thuận xã hội có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và của phát triển. Dân chủ là nền tảng của thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.

III
Bàn về quan điểm và giải pháp
                Tình hình, nhiệm vụ và mục tiêu cần đạt được quyết định đường lối và chiến lược.
                Điều quan trọng là cần nhận thức đòi hỏi khách quan: Sự phát triển nội tại của nước ta và các thách thức của hội nhập trong bối cảnh quốc tế mới đặt ra yêu cầu phải chuyển sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước sang một giai đoạn phát triển mới. Làm gì để mang lại cho đất nước khả năng phát triển và thích nghi tốt nhất trong giai đoạn mới này? - đấy là câu hỏi đường lối cách mạng và chiến lược phát triển quốc gia phải trả lời, là trách nhiệm của Đảng lãnh đạo. Câu trả lời chỉ có thể là thông qua dân chủ phát huy sức mạnh dân tộc - bắt đầu từ phát huy vai trò, sức mạnh và nghĩa vụ của từng cá nhân thành viên trong cộng đồng dân tộc. Nghĩa là phải giương cao hơn nữa ngọn cờ dân tộc và dân chủ với nội dung mới: Khác với trước kia là Đảng lãnh đạo một dân tộc mất nước, phải  đấu tranh giành lại độc lập và thống nhất cho tổ quốc; ngày nay Đảng lãnh đạo một dân tộc là chủ nhân ông của đất nước. Đảng chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ tạo ra sức mạnh phát triển và thích nghi mà đất phải có trên cơ sở làm cho dân tộc phát huy được hết nghị lực sáng tạo và quyền năng của mình với tính cách là người chủ của đất nước. Đây chính là nền tảng của phát huy dân chủ, thực hiện đoàn kết và đồng thuận xã hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
                Các giải pháp cơ bản nằm trong 4 nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện trong giai đoạn mới, đó là:
-        Đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đảng chỉ là người phục vụ dân, Nhà nước chỉ là công cụ của dân.
-       Lành mạnh hóa khu vực kinh tế quốc doanh và thực hiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để tạo ra năng lực cạnh tranh mới mà yêu cầu phát triển và thích nghi đòi hỏi.
-       Nâng cao chất lượng cuộc sống của dân và trên cơ sở đó phát huy các quyền và nghĩa vụ công dân.
-       Bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia trên cơ sở có dân tộc mạnh, nhà nước mạnh, đảng lãnh đạo mạnh.
Giải pháp gốc và lâu dài là đổi mới Đảng trở thành đảng của dân tộc.
Trong khi tìm đường, thiết kế các bước đi, để thực hiện giải pháp gốc nói trên, cần thực hiện các giải pháp trước mắt, đó là:  đẩy mạnh cải cách hệ thống chính trị, bắt đầu từ thực hiện dân chủ trong Đảng, tiếp tục hoàn thiện và phát triển thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.

Kết luận
                Tạo ra sức mạnh phát triển và thích nghi trong giai đoạn  cách mạng mới của đất nước và trong bối cảnh quốc tế mới là đòi hỏi bức xúc, chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ lãnh đạo dân tộc ngày nay là chủ nhân ông của đất nước. Đấy chính là nội dung mới của phát huy dân chủ, thực hiện đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội. Người muốn khuất phục Việt Nam chỉ sợ một Việt Nam có dân chủ. Việt Nam có dân chủ sẽ đứng vững trong thế giới này với vị thế xứng đáng.
                           



I
Thế giới chúng ta đang sống

           Hiện nay nước ta đang đứng trước mục tiêu phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020. Gần đây, Đại hội X, mục tiêu này được điều chỉnh lại: phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp.
Với sự kiện nước ta trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới kể từ ngày 11-01-2007, nước ta phấn đấu thực hiện mục tiêu nêu trên với tư cách là thành viên hợp tác toàn diện trong cộng đồng kinh tế thế giới, điều này cũng có nghĩa sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở nước ta hơn bao giờ hết gắn kết hữu cơ với sự vận động của nền kinh tế toàn cầu hóa và đời sống chính trị thế giới, nghĩa là trong mối quan hệ giữa nước ta và thế giới bên ngoài không còn một vùng trống hoặc một lĩnh vực nào để ngỏ, ngoại trừ, biệt đãi hay kiêng cấm đối với nước ta. Nói một cách khác: Từ nay, nước ta tham gia toàn diện vào đời sống kinh tế, chính trị thế giới.
Việc nước ta lần đầu tiên là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An – Liên Hiệp Quốc 2008-2009 là một bước gắn kết mới nữa giữa nước ta và cồng đồng quốc tế. Bước gắn kết mới này một mặt nói lên vị thế quốc tế mới của đất nước, mặt khác nói lên trách nhiệm của một nước thành viên đối với cộng đồng thế giới: Nước ta không còn và không thể là một thành viên thụ động trong cộng đồng quốc tế trong mục tiêu phấn đấu cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển do chính nước ta tự đề ra cho mình; nước ta phải dấn thân trên bàn cờ lớn quốc tế.
Tất cả những điều vừa trình bầy trên có nghĩa nước ta từ nay tham gia toàn diện vào cuộc đua tranh với toàn thể cộng đồng quốc tế, vì sự phát triển thịnh vượng của chính nước ta, vì hòa bình và tiến bộ chung của cả thế giới. Thực tế này trực tiếp đặt lên vai mỗi công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam một trọng trách: Cần hiểu rõ thế giới mà chúng ta đang sống, hiểu rõ nghĩa vụ và mục tiêu phấn đấu mỗi người con của đất nước cần thực hiện.
Nhìn dưới góc độ cuộc đua tranh toàn cầu nước ta tham gia toàn diện từ nay, điểm nổi bật nhất của thế giới trong thế kỷ 20 là dân chủ - một trong những giá trị quan trọng nhất của văn minh nhân loại – đã đạt được sự tiến bộ đột phá mạnh mẽ nhất so với tất cả các thế kỷ tước đó. Hiện nay dân chủ đang trở thành động lực quyết định nhất, trào lưu mạnh nhất thúc đẩy sự phát triển của nhân loại trong thế kỷ 21[1].
Trong thế kỷ 20, loài người đã chứng kiến sự tan rã của chủ nghĩa đế quốc, sự tiêu vong của chủ nghĩa phát xít, sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới, sự ra đời của hàng loạt các quốc gia độc lập. Đó là những thắng lợi của trào lưu dân chủ trên thế giới. Về nhiều mặt, sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa là một thắng lợi quan trọng khác nữa của trào lưu dân chủ, một trong những nhân tố quyết định làm tiêu vong chủ nghĩa phát xít, dấy lên trào lưu giành độc lập dân tộc và góp phần quyết định xóa sổ chủ nghĩa thực dân mới ở phạm vi toàn thế giới. Đồng thời thực tế cũng cho thấy một trong những nguyên nhân quyết định nhất dẫn đến sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ là sự bất cập từ bên trong của những nước này trước những đòi hỏi phát triển nội tại của dân chủ. Tại Việt Nam và Trung Quốc, sau khi vấp phải những hậu quả nặng nề của đường lối kinh tế kế hoạch hóa và quan liêu bao cấp, đã kiên quyết đi vào con đường cải cách (TQ 1976) và đổi mới (1986 VN). Những thành tựu lớn thay đổi hẳn thực lực và vị thế quốc tế của Việt Nam cũng như của Trung Quốc đạt được trong đổi mới và trong cải cách đã mở ra cho mỗi quốc gia này con đường phát triển mới của riêng mình, trước hết đó cũng chính là những thành tựu của dân chủ[2].
Lực lượng sản xuất và của cải được làm ra trên thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 – thời kỳ trào lưu dân chủ giành được bước phát triển đột phá – tăng vượt bậc so với trước. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng và tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ - đặc biệt là công nghệ tin học – đang từng bước làm xuất hiện kinh tế tri thức, tạo ra những bước phát triển mới trong toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội trên thế giới. Trong mối quan hệ nhân quả, quá trình này một mặt được sự thúc đẩy của dân chủ với tính cách là yếu tố giải phóng sự sáng tạo và năng suất lao động, mặt khác quá trình này làm cho dân chủ trở thành đòi hỏi ngày càng cấp thiết hơn của phát triển ở mọi quốc gia. Gần như không có ngoại lệ, bức tranh chung của thế giới cho thấy: Ở mỗi quốc gia, dân chủ được phát huy tới đâu, quốc gia ấy phát triển tới đó[3].
Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sự phát triển năng động của lực lương sản xuất, cuộc đua tranh toàn cầu còn có một cục diện khác: Ngày nay cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, tuổi thọ của một sản phẩm ngày càng ngắn lại[4].
(1)“Cả thế giới thách thức môt người,” điều này có nghĩa trên thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt ở quy mô toàn cầu, tác động sâu sắc đến từng công dân của nó, thắng hay bại hầu như được quyết định bởi từng công dân của nó. Sự lây lan của khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu hiện nay đang là biều hiện mang tính thời sự nhất cho sự thách thức này. Các quốc gia chỉ có sự lựa chọn: giành thắng lợi để tồn tại và phát triển, hoặc chấp nhận bị loại bỏ. Độc lập và chủ quyền quốc gia của một nước sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa khi nước đó bị cuộc cạnh tranh này loại bỏ.
(2)“Một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình”, điều này có nghĩa cơ hội mở ra cho mỗi quốc gia và từng công dân của nó lớn hơn bao giờ hết. Thực vậy, nền kinh tế toàn cầu hóa của thế giới ngày nay cho phép mỗi quốc gia và công dân của nó có thể huy động mọi nguồn lực đến từ bất kỳ đâu để làm ra bất kỳ sản phẩm nào miễn là (a)sản phẩm đó có khả năng cạnh tranh tốt nhất, và (b)quốc gia đó và từng công dân của nó có khả năng làm chủ toàn bộ quá trình “cuộc chơi” này. Một khi sân chơi cho một quốc gia và từng công dân của nó được mở rộng ra phạm vi toàn thế giới như thế, việc tạo dựng được khả năng vùng vẫy trong sân chơi lớn này có ý nghĩa quyết định sống còn (hay bị nhấn chìm trong sân chơi lớn này cũng là điều dễ xảy ra nhất!).  
(3)“Tuổi thọ của một sản phẩm này một ngắn”, điều này cho thấy tốc độ và chất lượng cạnh tranh ngày càng quyết liệt, thời gian ngày càng mang ý nghĩa là một “nguồn vốn”, là “một lực lượng vật chất” vô cùng quý báu và cũng ngày càng “trở nên khan khiếm” trong đời sống kinh tế nói chung và trong cuộc đua tranh toàn cầu ngày nay nói riêng. Hơn bao giờ hết, thế giới ngày nay không chỉ có chuyện “trâu chậm uống nước đục”, mà quan trọng hơn thế nhiều: nắm được cơ hội là thắng tất cả, nhưng bỏ lỡ cơ hội nhiều khi đồng nghĩa với mất tất cả - nghĩa là cũng chẳng còn “nước đục” để mà uống!
Một cục diện đua tranh toàn cầu bao gồm một lúc cả 3 điểm như vừa trình bày trên chỉ xuất hiện sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và khi kinh tế thế giới đạt tới mức độ toàn cầu hóa như hiện nay. Nhìn nhận dưới góc độ đua tranh toàn cầu, 3 điểm vừa trình bày trên chính là nội dung, là ý nghĩa thời đại sâu xa nhất, gắn liền với hơi thở của cuộc sống hàng ngày, tác động tực tiếp nhất tới mọi quốc gia và từng công dân của nó. Đây chính là điều cần được ý thức sâu sắc.
Cuộc đua tranh toàn cầu ngày nay còn là một cuộc giao lưu và đua tranh về văn hóa với nội hàm rộng nhất của khái niệm này, trong đó xu thế chủ đạo là phát huy quyền con người. Cuộc đua tranh này là kết quả những thành tựu mới của trào lưu dân chủ, mở ra những cơ hội mới cho phát triển trong mỗi quốc gia, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không kém phần quyết liệt một khi những đòi hỏi về dân chủ, trước hết là những đòi hỏi về phát huy quyền con người bị đè nén hoặc tước bỏ. Nói một cách khái quát nhất, trên thế giới ngày nay trào lưu dân chủ với xu thế chủ đạo là phát huy quyền con người đang mang lại cho văn minh nhân loại những bước tiến mới, những khát vọng mới về các quyền tự do dân chủ của con người, về phát huy quyền năng con người. Trào lưu này gắn bó hữu cơ với trào lưu bảo vệ môi trường tự nhiên, với những nỗ lực chung của loài người chống lại bệnh tật và đói nghèo...
Tại nhiều quốc gia, trước hết tại các nước phát triển, cuộc sống cho thấy: Thịnh vượng, công bằng và sự ổn định xã hội gắn liền với sự phát huy quyền năng con người trên cơ sở phát huy dân chủ và quyền con người. Tại không ít các quốc gia khác, sự đàn áp các quyền tự do dân chủ đã trực tiếp thu hẹp hoặc thủ tiêu quyền năng con người, đã khiến cho nghèo nàn, lạc hậu, bất công, mất ổn định xã hội... là những hệ quả tất yếu. Ngay tại các nước Liên Xô Đông
Âu cũ, việc không đáp ứng được những đòi hỏi của phát huy dân chủ và quyền con người là một trong những nguyên nhân nội tại trực tiếp góp phần làm sụp đổ hệ thống chính trị của các quốc gia này, những nguyên nhân tác động từ bên ngoài chỉ làm cho quá trình tan rã này diễn ra nhanh hơn và nhiều kịch tính hơn mà thôi.
Vô cảm trước trào lưu này, hoặc đơn thuần nhìn nhận trào lưu này chỉ là một phương tiện để một nước này can thiệp vào nước kia sẽ là sự thiển cận phải trả giá đắt – đành rằng trên thế giới thường xuyên có vấn đề lạm dụng vấn đề dân chủ & nhân quyền như một công cụ can thiệp để tác động vào nước khác. Sự tồn tại của trào lưu tiến bộ này và việc lợi dụng vấn đề dân chủ & nhân quyền như một công cụ can thiệp là hai vấn đề khác nhau.

Trong cục diện chính trị thế giới ngày nay, hòa bình vẫn giữ xu thế chủ đạo, song các diễn biến mới thường xảy ra nhanh hơn, tại nhiều khu vực tiếp tục có thêm những vấn đề phức tạp mới.
Cục diện chiến tranh lạnh kéo dài khoảng 4 thập kỷ, sau đó là cục diện một siêu đa cường – cho đến nay là 2 thập kỷ, nhưng thế giới đang chuyển nhanh vào xu thế đa cực. Tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh kinh tế giữa các cực cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn, tác động sâu sắc và toàn diện vào mọi mối quan hệ quốc tế. Nét nổi bật là sự tập hợp lực lượng theo những quan điểm về địa chính trị và địa kinh tế ngày càng tiếp tục lu mờ, cũng có nghĩa là sự tập hợp lực lượng theo ý thức hệ không còn tồn tại, trong khi đó sự tập hợp lực lượng theo vấn đề và theo lợi ích giữ xu thế chủ đạo. Trung Quốc với vai trò “công xưởng của thế giới” đang trở thành vấn đề của cả thế giới, từ nay đến 2020, 2050 còn nhiều diễn biến khác nữa.
Đặc biệt là những diễn biến mới đây ở Gruzia đang làm xuất hiện trở lại không khí chiến tranh lạnh trong khu vực Caucase, quan hệ giữa một bên là Mỹ (và phần nào có EU) và một bên là Nga có những xung đột lợi ích và căng thẳng mới. Tuy còn quá sớm để có những phán đoán cụ thể hơn, song mọi vấn đề (mở rộng NATO, các đường ống dẫn dầu trong khu vực giữa Biển Đen và Biển Caspian, chiến lược bao vây nước Nga...) liên quan đến “vấn đề Gruzia”, cùng với nó là sự ra đời hai quốc gia mới là Nam Ossestia và Abkhaze, đang tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng quốc tế mới[5]. Vấn đề “Gruzia” một mặt đặt ra một “tiền lệ” mới nguy hiểm trong thế giới thời “hậu chiến tranh lạnh” – nguy hiểm đối với một nước nhỏ là láng giềng của một nước lớn; mặt khác làm cho các “vai chính” trên sân khấu quốc tế là Mỹ, EU và Nga bận bịu với nhau nhiều hơn – và tình hình này cũng gần như có nghĩa “vai chính” Trung Quốc được rảnh tay hơn trong “khu vực truyền thống” của nó.
Tại khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng của Trung Quốc vượt trội, xu thế này còn tiếp diễn. Trên thực tế đang tồn tại ở đây hiện tượng “lưỡng cực” là Trung Quốc và Mỹ. Trong một số vấn đề nhất định “cực Mỹ” ở đây đang lùi xa dần (so với những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20) do sự thay đổi trong tương quan so sánh lực lượng Trung – Mỹ trên bình diện quốc tế và trong khu vực này[6]. Tại khu vực này quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đang có nhiều vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất.
Nhìn vào vị thế nước ta trong “bàn cờ khu vực”, trạng thái “lưỡng cực” hiện nay nhắc nhở chúng ta những kinh nghiệm cay đắng nước ta đã trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong toàn bộ thời kỳ “vấn đề Campuchia”.
Nói ngắn gọn: Với tiềm lực còn hạn chế trên nhiều phương diện, với nhiều yếu kém còn tồn tại,  Việt Nam đang một mặt phải cạnh tranh toàn diện – trước hết là cạnh tranh  kinh tế quyết liệt, với cả thế giới – đặc biệt là với các nước trong khu vực, mặt khác đang phải xử lý nhiều vấn đề nhạy cảm và phức tạp trong quan hệ song phương với Trung Quốc. Nói một cách hình ảnh: Hơn bao giờ hết, Việt Nam ngày nay phải tự đứng trên đôi chân của mình, phải có sức mạnh, trí tuệ và bản lĩnh sống chung được với cả thế giới, phát triển được và thích nghi được trong môi trường quốc tế đầy biến động sâu sắc và quyết liệt. Không một liên minh ý thức hệ hay liên minh phe nhóm nào có thể thay thế được chân lý này.
Nước ta đang đứng trước một thực tế: Chưa bao giờ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi phải phát huy sức mạnh dân tộc và tranh thủ sự hậu thuẫn của trào lưu tiến bộ trên thế giới gắt gao như bây giờ. Cũng chưa bao giờ sức mạnh dân tộc đòi hỏi nhất thiết phải được xác lập trên cơ sở phát huy sự giác ngộ và khả năng cống hiến của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc như ngày nay. Điều này có nghĩa chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc phải có nội dung mới và chất lượng mới. Đó là chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc với tư cách là chủ nhân ông của đất nước giác ngộ sâu sắc những vấn đề đang đặt ra cho đất nước ở chặng đường phát triển hôm nay và trong thế giới hôm nay. Đó là chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc dựa trên dân chủ, đem lại cho đất nước khả năng phát triển và thích nghi trong thế giới ngày nay. Nó khác hẳn với chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc của những người mất nước, của những người bị cai trị. Nó không thể là chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc của phong trào, của hiệu ứng bầy đàn, và càng không thể của trạng thái thiếu hiểu biết hoặc ngu dân.
Chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc ở tầm cao phát huy dân chủ như vậy trở thành yếu tố chiến lược hàng đầu tạo ra cho nước ta khả năng phát triển và thích nghi trong thế giới hiện tại đầy biến động, quyết định thành, bại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay và trong tương lai.
Tất cả những điều vừa trình bầy trong phần I này cho thấy: Sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước, chưa bao giờ củng cố sự gắn kết dân tộc để tạo ra sức mạnh mới và tăng cường khả năng tranh thủ hậu thuẫn của dư luận tiến bộ thế giới cần thiết mang ý nghĩa mất, còn cho nước ta như bây giờ!
Hay nói một cách khác: Tất cả những vấn đề đất nước hôm nay phải đối mặt trong một thế giới như vừa trình bày trên quyết định đường lối cách mạng, chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước; quyết định nội dung quan điểm và những giải pháp cần lựa chọn cho việc thực hiện dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước. Xa dời lập trường này đồng nghĩa với việc đưa đất nước vào thảm họa mới.

                                                             II       
Bàn thêm về dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội

          Dân chủ không chỉ đơn thuần đồng nhất với nội dung thực hiện quyền làm chủ hay quyền cai trị của số đông (thường được thực hiện dưới dạng “dân chủ đại diện”, “dân chủ tập trung”... với rất nhiều khuyết tật).
Dân chủ còn mang nhiều nội dung quan trọng và phức tạp hơn nhiều,  ví dụ như tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cá nhân của con người, nhất là quyền sở hữu, các quyền tự do chính trị, quyền bầu cử tự do, tôn trọng những quyền lợi hợp pháp, quyền tranh luận tự do, quyền được cung cấp thông tin và quyền chia sẻ thông tin không chịu sự kiểm duyệt... Dân chủ bao hàm sự tôn trọng và phát huy các quyền con người.
Dân chủ cần được thực hiện trong kinh tế - thể hiện trước hết là trong thị trường, trong mối quan hệ giữa cá nhân công dân với nhà nước, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội. Vì lẽ này dân chủ còn là nền tảng của kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự, mặt khác: muốn thực hiện dân chủ phải thiết lập và thường xuyên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
Dân chủ cần được nuôi dưỡng thường xuyên bằng những tri thức và giá trị (nhất là những tri thức mới và giá trị mới) có khả năng luôn luôn nâng cao được trách nhiệm của dân chủ - và đấy là điều kiện để dân chủ gắn với trách nhiệm. Dân chủ là điều kiện để phát triển, đồng thời phát triển sẽ thúc đẩy việc mở rộng và phát huy dân chủ[7]. Diễn đạt theo một cách khác: Dân chủ gắn liền với trí tuệ, đạo đức, văn hóa và phát triển. Như vậy có nghĩa: Không có dân chủ có sẵn, không có dân chủ được ban cho, mà chỉ có dân chủ do giác ngộ, do giành lấy, do xây dựng và phát triển[8].
Từ hai thập kỷ nay trào lưu tiến bộ trên thế giới đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo dục đối với phát huy dân chủ, đổi mới một xã hội về lâu dài và căn bản theo hướng phát huy dân chủ phải bắt nguồn từ giáo dục – với hai mục tiêu chính: (a)nâng cao quyền năng con người, (b)truyền bá các giá trị liên quan đến dân chủ. Nói một cách khác, ở đây giáo dục phải làm chức năng tạo ra nền tảng tinh thần và mang lại đạo đức cho dân chủ[9].
Dân chủ như vừa trình bầy trên là lẽ sống và là sức sống của một cá nhân, một xã hội và một quốc gia. Dân chủ như vậy là đa nguyên, vì bản thể của cuộc sống là như vậy. Muốn phấn đấu cho thực hiện và phát huy dân chủ tất yếu phải thừa nhận sự tồn tại của đa nguyên. Đây là một quan điểm cần được thừa nhận rạch ròi để có thái độ ứng xử khách quan và khoa học; tránh né thực tế khách quan này là duy tâm, là huyễn hoặc. Tránh né như vậy có nghĩa thất bại của một hành động sẽ vấp phải trong cuộc sống đã hình thành ngay từ khi còn đang thai nghén trong tư duy. Vấn đề đa nguyên và đa đảng là hai vấn đề khác nhau, không thuộc phạm vi bài viết này nên xin bàn vào một dịp khác.
Dân chủ có một khuyết tật rất cơ bản là khó thực thi trong tình trạng có sự bất bình đẳng và thường không thể bảo vệ được một cách hoàn hảo trước tác động của xung đột lợi ích giai cấp hay đấu tranh giai cấp. Không hiếm trường hợp dân chủ còn chịu tác động từ bên ngoài (ví dụ sự can thiệp của nước ngoài, chiến tranh...). Đời sống thực tế cũng cho thấy sự bất bình đẳng mới là hiện tượng phổ biến - nhất là sự bất bình đẳng về chính trị và sự bất bình đẳng về kinh tế của mỗi cá nhân. Chính vì vậy trong phải luôn luôn đặt ra và thường xuyên hoàn thiện các định chế hay thể chế để thường xuyên khắc phục tình trạng bất bình đẳng này. Thế nhưng các định chế hay thể chế này thường bị bóp méo hay bị lạm dụng, rất nhiều trường hợp đã dẫn tới chỉ còn dân chủ giả hiệu. Vì lẽ này, cần phải có sự hỗ trợ thường trực của các chính sách – ví dụ các chính sách tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người, các chính sách chống tham nhũng, các chính sách bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường.., các giá trị đạo đức và văn hóa,  sự công khai minh bạch... Trong kinh tế phải luôn luôn phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với nâng cao khả năng điều chỉnh của nhà nước. Trong xã hội cần đẩy mạnh phát triển xã hội dân sự. Thực tế cuộc sống tại mọi quốc gia, nhất là tại các nước phát triển, cũng cho thấy: Cải cách, đổi mới và hoàn thiện, phát triển mới các thể chế kinh tế, nhà nước và xã hội là việc thường xuyên phải làm, như sống thì phải thở vậy.
Tại nhiều quốc gia, kinh tế thị trường và xã hội dân sự chẳng những được coi là đối tượng phục vụ của nhà nước pháp quyền, mà về nhiều mặt còn được xem là đối trọng với nhà nước pháp quyền để tạo lập ra sự phát triển ổn định của chính quốc gia ấy.
Nói thêm về tổ chức nhà nước pháp quyền: Trí tuệ và văn minh loài người đã đề ra được “tam quyền phân lập”. Còn có nhiều mô hình thể nghiệm khác – nhất là tại các nước xã hội chủ nghĩa trước kia và bây giờ. Tuy nhiên, cuộc sống cũng cho thấy một cách thuyết phục: phát triển và tiến bộ xã hội trong hầu hết mọi quốc gia đều gắn liền với sự phát triển của thiết chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp), mà nội dung chủ yếu của thiết chế này là thực hiện sự kiểm soát lẫn nhau và Hiến pháp được coi là chuẩn mực tối thượng[10]. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng cho thấy: Nhà nước pháp quyền chỉ có thể được tạo lập, phát huy vai trò của nó và tiếp tục phát triển trên nền tảng kinh tế thị trường và xã hội dân sự - trong đó thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu cá nhân và quyền tự do cá nhân là hai vấn đề cốt lõi.
Quan điểm của Karl Marx về dân chủ, quyền sở hữu cá nhân và quyền con người rất phức tạp qua các thời kỳ trưởng thành khác nhau của Marx và trong những vấn đề khác nhau (ví dụ giai cấp và đấu tranh giai cấp, vai trò của chuyên chính trong dân chủ, vấn đề chuyên chính vô sản...) mà Marx đã đề cập tới. Thực tế đã và đang xảy ra nhiều lần hiện tượng người đời sau này “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, - ví dụ lấy quan điểm của Marx về vai trò của chuyên chính vô sản trong Tuyên ngôn Cộng sản để đi tới kết luận chuyên chính vô sản là cần thiết và áp dụng cho cả thời kỳ không phải là cuộc cách mạng của vô sản theo đúng như quan niệm của Marx[11]; hoặc chỉ thấy Marx đề cao vai trò của chuyên chính (như
chuyên chính vô sản trong trường hợp vừa kể trên), mà không thấy Marx cũng là người phê phán gay gắt chuyên chính trong tay quyền lực (trong The Eighteenth Brumaire of Louis Bonaparte, 1852). Hơn thế nữa  ý tưởng của Marx về chuyên chính vô sản từ khi có Tuyên Ngôn Cộng Sản (1848) đến Phê phán Cương lĩnh Gotha (1875) đã có sự thay đổi lớn và vẫn chưa hình thành một quan điểm rõ rệt; Lênin là người tiếp tục phát triển quan điểm của Marx, nhưng chưa xong; nội dung chuyên chính vô sản như hiện nay chúng ta đang quan niệm chủ yếu dựa vào cách hiểu của Stalin và nhiều người khác được vận dụng vào hoàn cảnh nước ta, vân vân... Tóm lại ở đây có 4 vấn đề (a)Marx chưa hoàn chỉnh xong lý thuyết của mình vì hoài bão quá lớn, hơn nữa bản thân lý thuyết của Marx là mở; (b)những hạn chế hay sai lầm của Marx trong dự báo tương lai về chủ nghĩa cộng sản, (c)người đương thời chúng ta hiểu sai Marx, (d)người đương thời chúng ta làm sai điều Marx nghĩ (Việt Phương). Một điều chắc chắn, với quan điểm phát triển tự do của mọi người là điều kiện phát triển tự do của mỗi người, với khát vọng muốn giải phóng con người, trước hết là giải phóng người lao động khỏi bóc lột, Marx là một trong những chiến sỹ tiên phong của nhân loại đấu tranh cho quyền tự do của con người. Nhìn nhận tư tưởng và quan điểm của Marx theo tinh thần phê phán triệt để của Marx là điều người đương thời chúng ta thường hay quên.

Một thời – nhất là trong những thập kỷ 1980s và 1990s nổi lên quan điểm vể “những giá trị châu Á”. Các diễn đạt và lý giải về quan điểm này có thể nhiều mầu sắc trong nhiều tình huống tại các quốc gia khác nhau. Tựu trung lại quan điểm này cho rằng vì những lý do đặc thù của châu Á một sự chuyên chế hay độc tài nào đó là cần thiết cho phát triển, nhất là ở giai đoạn phát triển ban đầu; Lý Quang Diệu một thời là người biện hộ mạnh nhất cho quan điểm này[12] – với 2 lý do  chính (a)ở châu Á còn bị nhiều ràng buộc về văn hóa truyền thống và (b)phải thực hiện phát triển kinh tế trong những điều kiện của trạng thái kém phát triển (mức thu nhập, dâ trí, hệ thống luật pháp, hệ thống xã hội...). Xa hơn nữa quan điểm này còn cho rằng trong những điều kiện của đói nghèo và lạc hậu, nói về dân chủ, tìm cách thực hiện dân chủ là huyễn hoặc, huyễn hoặc rất nhiều so với những biện pháp hay chính sách quyết đoán hoặc có tính chuyên chế có khả năng cải thiện hoặc nâng cao thu nhập.
Những điểm nổi bật của những giá trị châu Á là tính phục tùng, sự nhẫn nhục, thái độ sẵn sàng đặt quyền lợi riêng dưới quyền lợi chung hay là sự hy sinh quyền lợi riêng vì cái chung (quan hệ họ hàng, dòng tộc...), một số đặc thù văn hóa của châu Á – đặc biệt là đạo Phật và ảnh hưởng của Khổng giáo...
“Sự phát triển thần kỳ” của Nhật, của các con rồng châu Á (các NICs), gần đây là sự phát triển chóng mặt của Trung Quốc, những thành tựu đổi mới của Việt Nam (hai quốc gia đang bị coi là mất dân chủ và vi phạm nhân quyền ở thứ hạng cao) được xem là những dẫn chứng sống cho quan điểm này. Tuy nhiên, sau nhiều năm khảo sát và tranh luận, cái gọi là “giá trị châu Á” không đứng vững về mặt khoa học, ngoại trừ một điểm chung: coi trọng vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội. Có thể trong thập kỷ đầu tiên hoặc lâu hơn thế một chút của quá trình phát triển ban đầu tại các nước Hàn Quốc (thời Lý Thừa Vãn và Pac Chung Hy), Đài Loan (thời Tưởng Kinh Quốc) Singapore (thời kỳ đầu của Lý Quang Diệu) sự chuyên chế ở mức độ nhất định và trong thời hạn nhất định có tác dụng thiết lập một trạng thái “kỷ luật” nào đó cần thiết cho phát triển, song ngay cả sự chuyên chế ban đầu và có giới hạn này cũng phải vận động trong khung khổ  kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền. Gần đây chính Lý Quang Diệu cũng xa dần “các giá trị châu Á” mà ông ta đã một thời cổ súy để chuyển hẳn về trường phái tân cổ điển.
 Paul Krugman coi “giá trị châu Á” về nhiều mặt là khuynh hướng tăng trưởng và phát triển dựa vào mồ hôi là chủ yếu, chứ không phải là dựa vào tài năng và phát huy con người là chủ yếu. Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997 đã gần như trong một đêm làm sụp đổ nhiều nền kinh tế đang ở đỉnh cao như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaisia, Indonesia.., bóc toạc những yếu kém của “giá trị châu Á” – đó là sự lấn lướt của “quan hệ” đối với luật pháp, là chủ nghĩa tư bản “bằng hữu”, là mầm mống gần như bất khả kháng của tham nhũng, là sự hoành hành của các tập đoàn gia đình (Indonesia, Thái Lan) và các Chaebol (Hàn Quốc)... Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học lý giải tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài gần hai thập kỷ nay ở Nhật Bản liên quan đến nhiều thành tố của cái gọi là “giá trị châu Á” của nước Nhật. Pauk Krugman còn đi tới kết luận: Bài học cuộc khủng hoảng 1997 trước hết không phải là bài học về kinh tế, mà là bài học cho các thể chế chính phủ[13].
Hàn Quốc là nước ra khỏi cuộc khủng hoảng 1997 nhanh nhất, bên cạnh “ý chí Hàn Quốc”, phải nói việc tăng cường dân chủ trong thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự là nguyên nhân quyết định[14]. Tình hình đổ vỡ trong cuộc khủng hoảng 1997 xảy ra nghiêm trọng nhất là ở Indonesia, chẳng những dẫn đến sự ra đi của gia đình Soeharto mà còn gây ra hỗn loạn trong nước. Rõ ràng các lực lượng chính trị tại quốc gia này thông qua dân chủ (thể hiện tập trung nhất trong việc bầu cử tự do) đã tái thiết lập được hệ thống nhà nước pháp quyền, nhất là việc chuyển giao quyền lực thông qua việc bầu bà Megawati Sukarnoputri (23-07-2001 đến 20-10-2004), tiếp theo là  ông  Susilo Bambang Yudhoyono ( từ 20-10-2004) làm tổng thống đã thực sự mang lại cho Indonesia ổn định chính trị và sự phát triển mới như hiện nay, mặc dù nội trị Indonesia còn nhiều yếu kém[15].
Thái Lan tuy kinh tế đã phục hồi ở mức nhất định, song vẫn chưa lấy lại được sức phát triển năng động như trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997, trong đó tình hình nội trị Thái Lan như hiện nay là nguyên nhân quyết định. Hiện nay Thái Lan vẫn chưa ra khỏi tác động cuộc đảo chính 19-0-2006. Nhìn theo góc độ văn hóa, có thể coi Thái Lan là một ví dụ điển hình về “ảnh hưởng tiêu cực” của “giá trị châu Á”, bởi lẽ: Quốc gia này mở cửa ra thế giới bên ngoài từ cuối thế kỷ 19, cho đến nay chưa hề bị là thuộc địa của cường quốc nào, song phải chăng chế độ quân chủ  và vai trò thống soái của quân đội khiến Thái Lan đến bây giờ vẫn chưa trở thành một NIC, mặc dù tiến trình dân chủ và kinh tế thị trường ở Thái Lan đã đi những bước rất dài, tiến xa nhiều so với nước ta.

Đoàn kết và đồng thuận xã hội luôn luôn là yếu tố phải có cho ổn định và phát triển ở mọi quốc gia, trong nhiều trường hợp nó là sức mạnh của một quốc gia trong trường hợp nước nhỏ phải xử lý những mối quan hệ với một nước lớn khác, hoặc trong trường hợp phải xử lý một vấn đề lớn trong nước hay từ bên ngoài tác động vào. Đoàn kết chỉ có thể tạo ra được trên cơ sở chia sẻ chung những giá trị, những mối quan tâm chung, quan trọng hơn nữa là những mục đích chung. Cuộc sống cho thấy dân chủ có khả năng hội tụ và chia sẻ những giá trị chung và những nguyện vọng, những mục đích chung; chính vì lẽ này dân chủ là nền tảng của đoàn kết và đồng thuận xã hội.  
Đoàn kết thường được thực hiện trong phạm vi một quốc gia, song do hình thành các loại hình hợp tác kinh tế - cao nhất hiện nay là tổ chức Liên minh châu Âu (EU), đoàn kết còn mở rộng ra phạm vi của khu vực. Có thể nói: Nếu không có sự đoàn kết này – theo nội dung và tinh thần như vừa diễn đạt trên, nếu không có sự nhượng bộ nhau nhất định, nếu không có sự dung hòa lẫn nhau, sẽ không thể tổ chức được EU, bởi vì mỗi quốc gia thành viên ngoài cái chung của châu Âu còn có nhiều cái riêng của quốc gia mình, trình độ phát triển của các quốc gia thành viên cũng khác nhau. Kết quả của đoàn kết này đã làm cho EU trở thành một nền kinh tế liên quốc gia, có đồng tiền chung, có các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa được vận hành trong khuôn khổ một hiến pháp chung.
Trên thế giới còn có nhiều loại hình đoàn kết, phong trào đoàn kết – mà một trong những tiêu biểu nổi trội là phong trào của nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chỉ tập trung nêu lên vấn đề đoàn kết trong phạm vi quốc gia như đã trình bầy trên.
Trước khi bàn tiếp sang khái niệm đồng thuận xã hội (do Ban Tuyên giáo Trung ương đặt vào đề tài nghiên cứu này và “đặt hàng” cho người viết bài này với tính chất là một phần của đề tài) xin đề cập đến khái niệm đồng thuận dân tộc, bởi lẽ: Những vấn đề phải xử lý để phát huy dân chủ ở nước ta và những nhiệm vụ, những thách thức đặt ra cho nước ta ở giai đoạn hiện nay phải được nhìn từ góc độ toàn quốc gia, toàn dân tộc, có tầm quyết định thành, bại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Mỗi quốc gia là một trường hợp riêng biệt, không nước nào giống nước nào. Tuy nhiên nếu liên hệ so sánh giữa các quốc gia với nhau, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống đoàn kết dân tộc rất cao, tạo ra được cho mình sự đồng thuận dân tộc rất cao làm nên những điểm sáng vinh quang trong lịch sử của mình – thời dựng nước cũng như thời giữ nước. Nêu lên nhận xét này nhằm lưu ý cần quan tâm khai thác những bài học của chính mình, trong khi cởi mở tiếp thu những bài học của các nước khác, của nhân loại – nhất là tiếp thu với ý thức triệt để khai thác lợi thế nước đi sau của ta.
Về nhiều mặt, có thể coi đoàn kết và sự đồng thuận là kết quả của sự cùng nhau chia sẻ những giá trị và mục đích hành động; cũng có nghĩa là không có sự chia sẻ chung này, sẽ không có đoàn kết và sự đồng thuận. Tính chất cùng nhau chia sẻ như vậy chính là một trạng thái hay một phần của dân chủ, là kết quả của dân chủ.
Hiểu theo nghĩa chủ động, đoàn kết và đồng thuận dân tộc chủ yếu có nghĩa là nắm bắt được đòi hỏi bức bách của dân tộc, đưa đòi hỏi đó trở thành mục tiêu cho sự tập hợp lức lượng dân tộc, vận động cho sự tạo dựng đoàn kết và đồng thuận để thực hiện.
Giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc và dân chủ, đáp ứng đòi hỏi của dân tộc về giải phóng đất nước và giành lại quyền tự do dân chủ của nhân dân, Đảng ta đã tập hợp được lực lượng dân tộc tiến hành thành công Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến vỹ đại chống ngoại xâm. Thành tựu đạt được trong 22 năm đổi mới chủ yếu cũng là nhờ đường lối của đổi mới đã đáp ứng được đòi hỏi bức bách của sự nghiệp phát triển đất nước và nguyện vọng của người dân muốn phát huy khả năng của mình cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thực tế này – trong thời chiến cũng như thời bình – còn cho thấy đoàn kết và đồng thuận dân tộc phải dựa trên những mục tiêu chiến lược được gắn kết lại thành mục tiêu chung của cả dân tộc, là vấn đề chiến lược, đòi hỏi các quyết sách mang tính đường lối và chiến lược. Đoàn kết và đồng thuận dân tộc không thể là một vấn đề sách lược mang tính ngắn hạn, lại càng không thể là một thủ đoạn mỵ dân hay là một thủ đoạn lãnh đạo.
Nói một cách khác, đoàn kết và đồng thuận dân tộc là vấn đề chiến lược, chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở có đường lối và chiến lược đúng. Khi đoàn kết và đồng thuận dân tộc ở một nước có vấn đề (sa sút, tha hóa, chia rẽ...), cũng đồng nghĩa là đường lối và chiến lược của quốc gia đó, hay là của lực lượng lãnh đạo quốc gia đó có vấn đề, không thể khác được. Ví dụ, bàn ngay về nước ta: Đoàn kết và đồng thuận dân tộc hiện nay chưa đạt như mong muốn và có nhiều vấn đề, nguyên nhân không chỉ là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể khác chưa làm tốt vai trò của nó..; có nguyên nhân này – song vẫn là hàng thứ yếu so với những nguyên nhân liên quan đến đường lối của Đảng, đến bản chất của hệ thống chính trị cũng như năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ đảng viên, đến tình trạng tha hóa và tham nhũng đang diễn ra... – sẽ bàn kỹ hơn ở phần sau.
Các ví dụ đã nêu trong bài này về Hàn Quốc, Thái Lan, EU, Ấn Độ, Trung Quốc... có lẽ cũng góp phần làm sáng tỏ những điều vừa trình bầy trên. Tại đây xin bổ sung thêm một số ví dụ: Chia rẽ sắc tộc và tôn giáo đang là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước đang phát triển; tại nhiều nước khác như Canada thỉnh thoảng lại nổi lên vấn đề Quebec muốn ly khai vì lý do ngôn ngữ và văn hóa, Tây Ban Nha có vấn đề Basque và nhóm vũ trang ETA; Nga có vấn đề Checnya và một số vấn đề mới ở vùng Caucase, Trung Quốc có vấn đề Tây Tạng, dân tộc Duy-ngô-nhĩ, Đài Loan; vấn đề ly khai vẫn đang là vấn đề thời sự của một số nước vùng Balkan vân vân...
Thái Lan hiện nay ngoài vấn đề đạo Hồi ở phía Nam (vùng tiếp giáp Malaysia) sự tranh giành giữa các lực lượng chính trị khác nhau và quân đội luôn luôn gây nhiều trở ngại cho sự phát triển năng động của nước này. Cuộc điều tra của báo chí mới đây về cuộc khủng hoảng chính trị hiện đang tiếp tục diễn ra ở Thái Lan (với kết quả trước mắt là sự ra đi của thủ tướng Samak) cho thấy: 60% số người được hỏi ý kiến giữ thái độ bàng quan, 21% ủng hộ phe đối lập, 19% ủng hộ đảng PPP và phe của ông Samak – nghĩa là sự không đồng thuận của một thiểu số cũng có thể dẫn đến sự mất ổn định trong cả nước.
Bức tường Berlin sụp đổ ngày 09-11-1989 dẫn đến sự thống nhất nước Đức ngày 03-10-1990, với rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Sau 20 năm, ngày nay có thể nói  hầu hết mọi vấn đề đã được giải quyết tốt, đó là sự thống nhất mang lại cho nước Đức sức mạnh mới, vị thế và ảnh hưởng mới - với tính cách là một trong các trụ cột chính của EU. Có thể nói tinh thần dân tộc Đức và tiềm lực kinh tế của Tây Đức (Cộng Hòa Liên Bang Đức cũ) là hai nguyên nhân chính của sự thành công này. Kể từ ngày thống nhất đến nay, trung bình hàng năm ngân sách của Liên Bang (thực chất là của vùng Tây Đức cũ) mỗi năm phải chi cho vùng Đông Đức (CHDC Đức cũ) khoảng 100 tỷ DM (Deutsche Mark – theo thời giá của các năm thực hiện ước khoảng 60 - 70 tỷ USD/năm) để vực nền kinh tế vùng này cho ngang bằng với cả nước. Mục tiêu vực dậy này đến nay về cơ bản đã hoàn thành (nghĩa là chưa xong hẳn), và chỉ có thể thành công với tinh thần chia sẻ của toàn Liên Bang. Có thể xem đây là một ví dụ - tuy là rất riêng lẻ và độc đáo – về khả năng và sức mạnh của đoàn kết dân tộc. Sự kiện bà Angela Dorothea Merkel – vốn là ủy viên chấp hành quận đoàn Đoàn Thanh niên Tự do Đức của CHDC Đức cũ – được bầu làm thủ tướng CHLBĐ hiện nay cho thấy: bên cạnh việc nước Đức chọn được người tài[16], còn có thể xem như một hiện tượng nói lên sự hoàn thiện về chiều sâu của quá trình thống nhất nước Đức – cũng có nghĩa là quá trình thống nhất đất nước về mặt pháp lý đã thực hiện xong cả quá trình thống nhất của dân tộc Đức[17].
Tuy khó có thể phân biệt rạch ròi, song có thể nói đồng thuận xã hội mang một ý nghĩa nào đó hẹp hơn khái niệm đồng thuận dân tộc – vì ngoài nghĩa rộng và không rõ bằng khái niệm đồng thuận dân tộc, nó có thể được hiểu là sự đồng thuận trên những vấn đề ít quan trọng hơn, hoặc là sự đồng thuận của một cộng đồng dân cư trong một vùng lãnh thổ hoặc trong một tầng lớp xã hội trên một hay nhiều vấn đề nào đó. Khái niệm đồng thuận xã hội có thể thuận tiện hơn cho việc xem xét những vấn đề trong phạm vị hẹp và cụ thể, đặc biệt là trong việc xây dựng xã hội dân sự. Mặc dù vậy, đồng thuận xã hội vẫn phải dựa trên nền tảng của đoàn kết, của dân chủ, của việc chia sẻ những giá trị chung và những mục tiêu phấn đấu chung.


III
Bàn về quan điểm và giải pháp

Tình hình, nhiệm vụ và mục tiêu cần đạt được quyết định đường lối và chiến lược
1. Đất nước đứng trước yêu cầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới:

Những thành tựu to lớn đạt được trong 22 năm đổi mới và cục diện quốc tế mới – đặc biệt từ khi nước ta gia nhập WTO – đã đặt ra yêu cầu bách phải đưa nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Trước hết thực tiễn cho thấy: Bản thân những thành tựu xây dựng đất nước mọi mặt sau 32 năm xây dựng trong hòa bình, trong đó có 22 năm đổi mới, tự nó đã đặt ra những yêu cầu cao hơn về phát triển; đồng thời phương thức phát triển đã thực hiện trong những thập kỷ này chủ yếu dựa trên lợi thế so sánh về lao động rẻ và khai thác tài nguyên – tạm gọi là phát triển theo chiều rộng (extensive development) - phương thức này đã đi tới cái ngưỡng không thể vượt qua. Sự nghiệp xây dựng đất nước đòi hỏi phải chuyển hướng sang phương thức phát triển theo chiều sâu (intensive development) – chủ yếu dựa trên lợi thế phát huy nguồn lực con người và hội nhập. Đòi hỏi này ngày càng trở nên bức xúc sau khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy: Trong khoảng 10 năm nay, chí ít là 5 năm nay, kinh tế nước ta có tăng trưởng mạnh – chủ yếu nhờ tăng đầu tư, nhưng phát triển rất chậm – chủ yếu vì hiệu quả kinh tế thấp: không có chuyển biến đáng kể nào về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, kết cấu hạ tầng các mặt tiếp tục bất cập, hiệu quả đầu tư từ nhiều năm nay thuộc loại thấp nhất trong khu vực (chỉ số ICOR là từ 4,5 – 5); tài nguyên quý nhất là nguồn nhân lực không phát huy được, tiếp đến là tài nguyên đất đai bị băm nát và và hủy hoại trầm trọng. Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nước ta còn lạc hậu, lãng phí lớn và chất lượng thấp. Xung kích của nền kinh tế là khu vực tư nhân đang bị kìm hãm, trong khi đó hầu như chưa tạo ra được những điều kiện thỏa đáng cho phép thu hút FDI có hàm lượng công nghệ cao để đổi mới cơ cấu kinh tế. Đã có ý kiến đúc kết: mẫu số chung của sự tăng trưởng kinh tế và phát triển ở nước ta 10 năm vừa qua là nền kinh tế GDP tỉnh nhân với tư tưởng nhiệm kỳ (GDP tỉnh x tư tưởng nhiệm kỳ)! Sau 32 năm xây dựng, GDP theo đầu người của nước ta hiện nay (tính theo sức mua - PPP) mới chỉ bằng 2/3 của Indonesia, 1/3 Thái Lan... – nghĩa là chậm và có khoảng cách khá xa. Đứng trước thách thức của hội nhập “cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, tuổi thọ của sản phẩm ngày một ngắn”, việc chuyển sang phương thức phát triển theo chiều sâu càng trở nên bức xúc. Càng trì hoãn sự chuyển giai đoạn này, sẽ càng gập nhiều khó khăn lớn và tụt hậu thêm.
 Xin hãy nhìn lại, chỉ trong khoảng thời gian từ quý IV - 2007 đến hết quý II - 2008 lạm phát vọt lên 2 con số, thị trường chứng khoán đột nhiên sụt mất khoảng 50% giá trị với những gánh nặng lớn cho nền kinh tế nói chung và đặc biệt cho nguồn vốn của nhà nước nói riêng, đất nước bị xô đến bờ vực một cuộc khủng hoảng lớn  – giữa lúc nền kinh tế nước ta đang phát triển năng động và có những cơ hội thuận lợi nhất. Cũng chưa bao giờ tệ nạn tham nhũng, sự tha hóa trong hàng ngũ cán bộ đảng viên nặng nề như ngày nay; cải cách chính trị hầu như giẫm chân tại chỗ, có những nơi và những vấn đề còn tệ hại hơn trước. Hệ thống luật pháp và chính sách mới được phát triển mạnh, song khả năng thực thi rất kém, gần như trong tình trạng nói được mà không làm được, cả nước lâm vào vấn nạn nói dối. Trong đời sống hàng ngày xảy ra nhiều chuyện bất cập ở mức độ nguy hiểm – từ ô nhiễm môi trường (ví dụ như vụ Vedan, vụ hạt Nix của Vinashin, các con sông chết, các làng ung thư...) đến chuyện xử lý vụng về một số vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, chính trị...[18]
Nói một cách hình ảnh: Lạm phát 2 con số, hiện tượng Vedan và hiện tượng khủng khoảng tài chính Mỹ hiện nay cảnh báo nghiêm khắc chúng ta phải rà xoát lại chiến lược phát triển kinh tế của nước mình trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại, nhắc nhở chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững và tận dụng tốt hơn nữa yếu tố Việt Nam là một nền kinh tế lớn, là một thị trường lớn – đừng vì quá thiên về hướng ngoại mà coi nhẹ những điều này. Gần đây tình hình được cải thiện đôi chút, song nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế nước ta còn nguyên vẹn và vẫn đang ở phía trước.
Ngay trước mắt, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ của quốc gia của nước ta trước mọi nguy cơ hiểm nghèo hiện nay không có sức mạnh hay phép mầu nào, không có ý thức hệ hay liên minh xã hội chủ nghĩa nào có thể thay thế sức mạnh của chính tự thân nước ta được phát huy dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ. Bảo vệ quốc gia trước mọi sự can thiệp của các loại “quyền lực mềm” lại càng đòi hỏi như vậy.
Để xảy ra thất bại trong việc chuyển giai đoạn – được hiểu là tiếp tục con đường phát triển đất nước như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ trở thành một Philippines mới trong khu vực – nghĩa là một quốc gia có nền kinh tế èo uột và hệ thống chính trị yếu kém, một quốc gia của những người đi làm thuê và đất nước trở thành đất nước cho thuê; và như vậy độc lập và thống nhất đất nước đã giành được sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa – nhất là nhìn vào vị trí địa lý của nước ta. Để kịch bản Philippines xảy ra – xin tạm gọi như vậy – có lẽ dân tộc sẽ không chấp nhận và Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng sẽ không thể tồn tại[19].
 Trong khi đó trên thế giới chỉ trong vòng vài tuần lễ cục diện chiến tranh lạnh đã xảy ra ở vùng Caucase và lan ngay sang Nam Mỹ. Thực tế này gián tiếp tăng thêm những mối nguy tiềm tàng từ mọi hình thức uy hiếp đến sự thâm nhập của quyền lực mềm vốn có ở khu vực Biển Đông...  Rồi đến khủng hoảng tài chính tiền tệ của Mỹ hiện nay (được coi là 100 năm mới xảy ra một lần - Alan Greenspan, nguyên Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, FED) [20] đang loang rộng không chừa khu vực nào, đe dọa làm sụp đổ bất kỳ nền kinh tế nào.., nhiều quốc gia phải tính đến thay đổi chiến lược kinh tế của mình[21]. Thực tế này đang làm gay gắt thêm những thách thức từ bên ngoài đối với nước ta như đã phân tích kỹ trong Phần I: Thế giới mà chúng ta đang sống. Có thể nói cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ hiện nay sẽ làm gay gắt thêm mọi vấn đề nước Mỹ vốn có; nổi lên là chiến tranh (cam kết) + nợ + suy thoái kinh tế; đồng thời với sự suy sụp của đồng đôla cuộc khủng hoảng này sẽ có nhiều tác động tàn phá đối với kinh tế thế giới. Cuộc khủng hoảng này về dài hạn báo hiệu sự ra đi không thể cưỡng nổi của siêu cường Mỹ để cục diện thế giới chuyển sang đa cực (mặc dù Mỹ sẽ vẫn dẫn đầu trong các cực này trong một thời gian dài, song không thể duy trì vai trò độc tôn như sau chiến tranh lạnh). Về ngắn hạn cuộc khủng hoảng này sẽ đẩy kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế vào nhiều biến động mới khó lường. Hơn bao giờ hết, cuộc khủng khoảng tài chính Mỹ đặt ra cho mọi quốc gia, trước hết là các nước nhỏ yếu đòi hỏi phải có khả năng thích nghi để tồn tại và phát triển. Là nước láng giềng của “cái công xưởng thế giới” trong cục diện quốc tế mới đang diễn ra như vậy, đòi hỏi này đối với Việt Nam càng bức xúc.
Phát triển mà không thích nghi được thì cầm chắc thất bại, bởi vì so sánh lực lượng mọi mặt sẽ quyết định kết cục như vậy. Thích nghi mà không phát triển thì trở thành đất nước đi làm thuê, đất nước cho thuê và cuối cùng là một đất nước vong nô thời hiện đại!
Phát triển và thích nghi, nhất thiết ngày nay phải tạo ra cho nước ta có đủ cả hai khả năng này. – Nhưng bằng cách nào?  Bằng trí tuệ và nghị lực nào? – Nếu không phải là một đường lối cách mạng mới với một chiến lược phát triển mới dựa trên giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ với nội dung mới – bắt đầu từ phát huy sức mạnh của từng cá nhân  thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, từng công dân của Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam? – Dân chủ, đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội của một nước Việt Nam chấn hưng chỉ có thể nảy nở và đơm hoa kết trái trên một nền tảng như vậy.
Làm gì để Việt Nam có thể phát triển và thích nghi được trong thế giới đầy biến động mới và trong mối tương quan mới Trung – Mỹ tại khu vực Đông Nam Á? – thực sự đây là câu hỏi nát óc được đặt ra cho Đảng CSVN với tư cách là người đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đảng CSVN có đủ trí tuệ và bản lĩnh để tự đề ra được cho mình câu hỏi này và có thể tìm được câu trả lời đúng đắn không? – Còn là đảng tiền phong chiến đấu hay không trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước chính là ở chỗ này.
Tất cả những điều vừa trình bầy trên một mặt cho thấy nhận thức của chúng ta không theo kịp vận động của sự vật. Mặt khác cuộc sống cũng chỉ ra khả năng ứng phó của nước ta mong manh như thế nào đối với những thách thức mới bên trong và bên ngoài, đồng thời phơi bầy nhiều yếu kém của hệ thống kinh tế và hệ thống chính trị của đất nước trước những yêu cầu phát triển mới. Mọi thành tựu đạt được trong đổi mới dù lớn thế nào cũng không thể bỏ qua thực trạng nói trên.
Đảng ta đang đứng trước một thực tế: Chưa bao giờ Đảng ta đông và chiếm vị thế chính trị mạnh trong đất nước như bây giờ, song cũng chưa bao giờ Đảng ta yếu như bây giờ so với đòi hỏi hiện nay của tình hình và nhiệm vụ đất nước phải đối mặt; lòng tin của dân và hào khí đất nước đang giảm sút; đất nước đang thời kỳ phát triển sung sức nhưng lại đứng cách gang tấc nguy cơ đổ vỡ khôn lường.
Tất cả những điều vừa trình bày trên cho thấy yêu cầu nội tại bên trong và những thách thức từ bên ngoài tác động vào nước ta đang thôi thúc yêu cầu phải chuyển đất nước sang một giai đoạn cách mạng mới: Tạo ra sức phát triển và thích nghi trong thế giới đầy biến động ngày nay [22].

  Để đi vào giai đọan phát triển mới, đất nước đứng trước 4 đòi hỏi cấp thiết: (1)đổi mới Đảng và hệ thống chính trị, (2)lành mạnh hóa khu vực kinh tế quốc doanh và thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, (3)nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, (4)bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia.  
Chính yêu cầu chuyển giai đoạn thể hiện tập trung trong 4 đòi hỏi như vậy quyết định đường lối chính sách của Đảng trong hiện tại và tương lai.
Con đường tạo ra khả năng đáp ứng 4 đòi hỏi cấp thiết này chỉ có thể là  thông qua việc tăng cường thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự phát huy sự tham gia hết lòng với tư cách là chủ nhân ông của đất nước của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc, của từng công dân dù là đảng viên hay ngoài đảng. Đó cũng chính là thông qua con đường phát huy dân chủ để phát huy sức mạnh dân tộc, là  quan điểm cơ bản và cơ sở để thực hiện đoàn kết và đồng thuận dân tộc, đồng thuận xã hội.
2. Quan điểm về một số vấn đề và giải pháp cơ bản
          Bốn đòi hỏi cấp thiết của đất nước trong giai đoạn phát triển mới như đã trình bầy ở phần trên xác định đường lối cách mạng Việt Nam hiện nay là phải giương cao hơn nữa ngọn cờ dân tộc và dân chủ với trí tuệ mới và bản lĩnh mới.  Đã đến lúc Đảng ta phải đặt vấn đề hệ trọng này lên bàn nghị sự và phải tìm bằng được các câu trả lời có liên quan để đưa sự nghiệp cách mạng ở nước ta đi tiếp đến mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh.  
          Kinh nghiệm thực tiễn cách mạng Việt Nam cho đến nay đã chỉ ra một điều gần như mang tính quy luật: Mọi thắng lợi giành được trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến nay đều gắn với giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ với tất cả ý chí tự chủ và nghị lực sáng tạo, mọi thất bại hầu như đều do vứt bỏ ngọn cờ này và do sự sao chép mọi dạng.
          Về tổng thể, Đảng ta đã thực hiện được nhiệm vụ lãnh đạo dân tộc giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Ngày nay Đảng ta còn nợ dân tộc việc thiếp lập nên một thể chế dân chủ vận hành mọi việc của đất nước, đủ khả năng và bản lĩnh phát huy sức mạnh và nghị lực sáng tạo của dân tộc ta trong giai đoạn cách mạng mới.  Đây là giải pháp cơ bản nhất và lâu dài cho phát huy dân chủ, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội vì sự nghiệp chấn hưng đất nước. Dân tộc Việt Nam chỉ có thể thông qua dân chủ để tự đổi mới được chính mình, vươn lên xây dựng thành công đất nước giầu mạnh và văn minh. Thiết lập được dân chủ như vậy, dân tộc sẽ gắn bó với Đảng. Kẻ thù của Việt Nam cũng chỉ sợ một Việt Nam có dân chủ.
Tuy nhiên, trong 32 năm đầu tiên của thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước Đảng ta chưa đi xa được bao nhiêu trong việc thực hiện nhiệm vụ này, thậm chí có những biểu hiện không ý thức được hoặc phủ nhận nhiệm vụ này - với quan điểm cho rằng chế độ chính trị của nước ta đang xây dựng (Đảng ta đặt tên là chế độ xã hội chủ nghĩa, là định hướng xã hội chủ nghĩa...) là ưu việt, là duy nhất đúng, không còn gì để bàn.
          Giả thiết rằng món nợ nêu trên đối với dân tộc được thừa nhận theo đúng tinh thần của Tuyên Ngôn Độc Lập 2-9-1945, việc phát huy trí tuệ đi tới thiết kế được một chiến lược cách mạng và các kế sách thực thi, các bước đi cần tiến hành.., để thiết lập nên được một thể chế dân chủ như vậy còn là một cung đoạn phấn đấu gian khổ nữa, đòi hỏi phải dầy công xây dựng, không thể nóng vội ăn sống nuốt tươi được.

          Dưới đây là 4 nhiệm vụ cụ thể cho thời kỳ chuyển tiếp vào giai đoạn phát triển mới, đồng thời cũng là những giải pháp cơ bản cho phát huy dân chủ, đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.
(1)Đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Đây là vấn đề được thường xuyên quan tâm, chiếm vị trí quan trọng trong nhiều nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên những kết quả đạt được có khoảng cách rất xa so với nghị quyết. Đảng thừa nhận cải cách chính trị không theo kịp cải cách kinh tế, cải cách hành chính giẫm chân tại chỗ.
Điều nghiêm trọng nhất là: Ngày nay, với tính cách là đảng lãnh đạo, Đảng đang có những diễn biến theo hướng chuyển hẳn sang tính cách đơn thuần là đảng cầm quyền với nhiều biểu hiện của đảng cai trị - thể hiện rõ nhất qua những hiện tượng “đảng hóa” và “nắm”. Sự diễn biến này đang  ăn mòn tính chất lãnh đạo của đảng tiền phong chiến đấu và đảng của dân tộc,  kích thích xu hướng trở thành một tổ chức chính trị nắm quyền  điều hành đất nước – thể hiện rõ nhất ở chỗ số lượng đảng viên rất đông (đông nhất từ trước đến nay), nắm cương vị điều hành trong tất cả các ngành các cấp toàn bộ hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước, nhưng tính tiền phong chiến đấu lại thấp nhất so với mọi giai đoạn cách mạng trước đây – thể hiện qua tình trạng bất cập nặng nề của toàn bộ hệ thống – bất cập so với đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ, bất cập so với phẩm chất phải có với tính cách Đảng là người phục vụ nhân dân và Nhà nước là công cụ của dân[23]. Nếu để cho cái chất của Đảng tiếp tục biến đổi như thế, thì không ai khác mà chính là Đảng cũng có phần của mình trong việc đang gây ra mầm mống đa đảng trong xã hội nước ta, theo nguyên lý đã một thời  từng là một trong những yếu tố tạo dựng ra Đảng: ở đâu có áp bức, ở đấy có đấu tranh. Nhất thiết phải chặn lại và đảo ngược xu thế nguy hiểm này.
Đặc biệt tình trạng mất dân chủ, thiếu công khai minh bạch, sự đề kháng với tài và đức, tư tưởng nhiệm kỳ[24]... đấy là các hiện tượng tha hóa phổ biến hiện nay trong Đảng và trong hệ thống chính trị của đất nước. Nguy hiểm hơn nữa, sự vật không đứng yên một chỗ, biểu hiện tập trung nhất là ngày nay “văn hóa phong bì” đang lùi bước nhường chỗ cho “văn hóa quan hệ” lũng đoạn mọi thể chế và kỷ cương của đất nước. Tình hình đáng ngại đến mức trong số những người tâm huyết với vận mệnh của Đảng và của đất nước có hai luồng ý kiến: (1)tha hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị hiện nay ở mức không thể khắc phục được nữa, đành để cho sự vật tiếp diễn theo quy luật tự nhiên; (2)vẫn còn hy vọng khắc phục được sự tha hóa này nếu có sự chuyển biến triệt để từ cấp lãnh đạo cao nhất – và phương án này là tiết kiệm xương máu nhất cho đất nước, được đa số nhân dân mong muốn nhất.
Chỉ có thể kết luận: Không thể trì hoãn hơn được nữa nhiệm vụ đổi mới xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

(2)Lành mạnh hóa khu vực kinh tế quốc doanh và thực hiện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế là vất đề rất khó, song lại là vấn đề thực chất nhất, hiện thực nhất, tác động sâu rộng nhất trong việc phát huy dân chủ để phát huy đoàn kết dân tộc, phát huy đồng thuận xã hội. Muốn xây dựng một Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, nghĩa là một Việt Nam là một nước phát triển, phải bắt đầu từ nhiệm vụ này và trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ này[25]. Về lâu dài, nếu làm được, nhiệm vụ này sẽ tạo ra nền tảng vững chắc nhất cho ổn định và phát triển của đất nước, tăng cường chế độ chính trị, và qua đó gìn giữ được, nâng cao được vai trò lãnh đạo của Đảng – vì vậy đây mới chính là con đường cơ bản nhất bảo vệ Đảng, là con đường tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và phát huy vai trò của Đảng với tính cách là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc, là đảng của dân tộc.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này vốn dĩ cực khó, các nước Liên Xô Đông Âu cũ sụp đổ cũng một phần vì những lỗi lầm mắc phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách khu vực kinh tế nhà nước. Nhiệm vụ này còn cực khó ở chỗ trong Đảng còn không ít người nuôi ảo tưởng “nắm kinh tế quốc doanh mạnh và những quả đấm thép (các tập đoàn, các tổng công ty 91 và 90) để giữ vững chế độ chính trị” (thực nhất là để bảo vệ các lợi ích “nhóm”), vì vậy muốn Đảng phải coi nó là bửu bối.
Sự thật lại là: Về lâu dài, không có gì đe dọa hiệu quả hơn sự tồn tại của chế độ chính trị hiện nay là khu vực kinh tế nhà nước - với sự lũng đoạn nhiều mặt như chúng ta đang thấy[26]. Do đó cải cách khu vực kinh tế nhà nước là việc không thể tránh né.
Vì còn vấn vương với những quan điểm “chủ đạo”, “nền tảng”..., nên vừa qua – hoặc ít hoặc nhiều, hoặc nặng hoặc nhẹ - trong cổ phần hóa và xắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước có nhiều việc làm nửa vời, không hiếm trường hợp biến thành sự chia chát, chiếm đoạt tài sản của nhà nước, của nhân dân; các ví dụ cổ phần hóa thành công quả thật hiếm hoi.
Đáng ngại hơn nữa, khu vực kinh tế nhà nước đang tiếp tục thu hút về mình quá nửa tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, hình thành các mối quan hệ khó kiểm soát với thị trường tài chính quốc gia – nhất là trên thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán, có những trường hợp Nhà nước mất quyền kiểm soát[27]. Tình hình này cùng với những yếu kém trong điều hành kinh tế vỹ mô là nguyên nhân chủ yếu của lạm phát 2 con số hiện nay. Cần nhấn mạnh hiện nay ở nước ta không có (hay chưa có) vấn đề cải cách và tự do hóa trong kinh tế đi quá xa, mà chỉ có vấn đề sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích diễn ra quá nhanh. Tất cả đang nói lên: Lành mạnh hóa kinh tế quốc doanh và đẩy mạnh thực hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trên mọi phương diện. Đây là nội dung cốt lõi của phát triển kinh tế thị trường, và cần nâng cao năng lực quản trị quốc gia để có thể làm tốt nhiệm vụ này.
Vì cùng một lúc phải tạo ra khả năng phát triển và thích nghi, trong chiến lược phát triển kinh tế cần quan tâm hơn nữa phát triển sức mạnh bên trong, nghĩa là phát huy tối đa các yếu tố bản thân Việt Nam là một thị trường lớn, là một nền kinh tế có quy mô lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Trung Quốc và Indonesia), để Việt Nam có thể trở thành một nền kinh tế cầu nối giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực. Phát triển và thích nghi là như vậy. Vì thế, phát huy nguồn nhân lực và nâng cao khả năng quản trị quốc gia trở thành đòi hỏi quyết định. Cả trên góc độ này, vấn đề dân tộc và dân chủ có ý nghĩa sống còn.

(3)Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân đang là vấn đề ngày càng bức xúc, bởi lẽ cho đến nay có sự thiên lệch nguy hiểm chạy theo tăng trưởng về số lượng, có quá nhiều việc làm không thực chất hoặc nặng về thành tích và phô trương hình thức –  biểu hiện điển hình là cái gọi là “nền kinh tế GDP tỉnh và huyện”[28]. Trong khi đó cuộc sống có nhiều mặt bất cập hoặc xuống cấp – nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường tự nhiên, tình trạng ách tắc và tai nạn giao thông. Đặc biệt tình trạng chênh lệch giầu nghèo diễn ra ngày càng gay gắt, mất công bằng xã hội gia tăng nhanh – đặc biệt là chung quanh vấn đề đô thị hóa, công nghiệp hóa, vấn đề đất đai của nông dân; nhiều quyền tự do dân chủ của nhân dân bị xâm phạm (số lượng các vụ khiếu kiện thường xuyên tăng nhanh), nhất là các quyền tự do về thông tin, quyền nói lên ý kiến của mình, quyền đòi sự công khai minh bạch.
Đặc biệt quyền bầu cử mang nặng tính hình thức để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Sự thật là đến nay Đảng chưa có được kế sách gì hữu hiệu có thể nâng cao quyền lực thực chất của dân thông qua bầu cử, và như vậy làm sao xây dựng được nhà nước của dân, do dân và vì dân, làm sao thường xuyên nâng cao được dân trí, ý chí và trách nhiệm công dân ngang tầm những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ hiện nay?..
Kinh tế tăng trưởng, nhưng chất lượng cuộc sống có nhiều mặt giảm sút, thể hiện ở chỗ nhiều giá trị và đạo đức bị băng hoại, tệ nạn xã hội gia tăng, giáo dục y tế xuống cấp, môi trường tự nhiên bị xâm phạm quá mức... Trong khi đó công tác tuyên truyền, báo chí, giáo dục chính trị không làm được nhiệm vụ mong muốn là nâng cao dân trí và chí khí của nhân dân, còn nhiều vấn đề chệch hướng. Ví dụ: quá thiên về thi hoa hậu trong khi đó chưa quan tâm đúng mức đến nhiều vấn đề nóng bỏng khác trong cuộc sống của nhân dân, của đất nước; quá trọng hình thức và chạy theo số lượng như trong đợt vận động học tập tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tiến hành (nên lấy sự chuyển biến đạt được trong xã hội làm thước đo)... vân vân.... Sự cố hoa hậu “Thùy Dung” dù chỉ do “một sơ xuất” (cứ cho là như vậy) gây ra, nhưng nói lên nhiều điều đáng hổ thẹn, để lại một vết nhơ cay đắng chung cho những người làm công tác văn hóa trong cả nước[29], làm tổn thương hình ảnh đất nước.
 Cần nhấn mạnh quan điểm: Dân yếu làm sao có đảng mạnh, nhà nước mạnh được? Còn nếu cần dân ngu để dễ sai khiến lại là chuyện khác. Vì thế tôn trọng các quyền của dân và lợi ích của dân là đòn bẩy tốt nhất nâng cao chất lượng cuộc sống của dân, là chất keo gắn bó người dân với chế độ, cổ vũ có hiệu quả nhất nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình. Như vậy sẽ có dân chủ, sẽ có đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội, mặc dù GDP tính theo đầu người của nước ta còn ở mức thấp. Làm được như vậy, sẽ có tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững. Thiếu điều này, GDP tính theo đầu người càng cao, chia rẽ dân tộc và phân hóa xã hội càng sâu sắc và sẽ mau dẫn tới sụp đổ.
(4)Bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia lúc này càng đòi hỏi phải có dân tộc mạnh, nhà nước mạnh và đảng lãnh đạo mạnh. Mạnh ở đây được hiểu theo nghĩa toàn diện phù hợp với hiện đại: vừa có khả năng tự lập nội sinh với tinh thần độc lập tự chủ hơn bao giờ hết, vừa có bản lĩnh tập hợp được dư luận tiến bộ trên thế giới đứng về phía những lợi ích chính đáng của nước ta, có khả năng chủ động tham gia vào bàn cờ thế giới.
Ngoài các vấn đề mang tính truyền thống (traditional) và tính quy ước (conventional), yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia ngày nay đòi hỏi phải xử lý nhiều vấn đề phi truyền thống, phi quy ước. Ví dụ, ngày nay đòi hỏi không những phải có lực lượng quốc phòng an ninh mạnh đủ sức đối phó với những vấn đề mang tính truyền thống và tính quy ước (chống lại nước ngoài mang quân đến đánh chiếm, xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải, can thiệp vào nội bộ gây bạo loạn, lật đổ... vân vân...), mà còn phải có sức mạnh hay sức đề kháng (kể cả bản lĩnh và trí tuệ) đối phó mọi hình thức lũng đoạn kinh tế và chính trị, với sự thâm nhập của quyền lực mềm, sự xâm lăng văn hóa, các thủ đoạn bao vây cô lập hoặc chia rẽ về kinh tế, chính trị, dư luận.., phải có bản lĩnh và sự thông minh vượt qua những khúc quanh co trên trường quốc tế, phải theo đuổi đường lối ngoại giao có dấn thân vì người mới hy vọng nâng cao được vị thế tự bảo vệ mình, vân vân...
Khái niệm không gian và thời gian trong nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia ngày nay cũng mang nội dung mới, nhất là nước ta ngày nay lại ở sát “cái công xưởng thế giới”. Đặc biệt là nước ta đứng trước yêu cầu phải chạy đua gay gắt với thời gian, phải mạnh nhanh lên và mạnh toàn diện hơn bao giờ hết, bởi lẽ so sánh lực lượng của nước ta đối với thế giới bên ngoài đặt ra đòi hỏi này, các diễn biến trên thế giới cũng như trong khu vực thường nhanh hơn khả năng ứng phó của chúng ta. Trong tình hình như vậy bản lĩnh và trí tuệ của đảng lãnh đạo, của cả dân tộc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nói ngắn gọn, bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia ngày nay chẳng những đỏi hỏi có sức mạnh vật chất, khả năng sự dụng thông minh sức mạnh vật chất ấy, mà còn phải có trí tuệ và bản lĩnh của từng người dân, của cả cộng đồng dân tộc, của cả chế độ chính trị, của toàn bộ hệ thống nhà nước, của đảng lãnh đạo làm được sứ mệnh của mình. Nói tập trung hơn nữa, bảo vệ có hiệu quả lợi ích quốc gia phải bắt đầu từ những công dân được trang bị khả năng và phẩm chất đáp ứng tốt nhất những đòi hỏi của tình hình vừa nêu trên; dân trí, chủ nghĩa yêu nước và ý chí trở thành yếu tố hàng đầu. Chưa bao giờ nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia thời hội nhập lại liên quan mật thiết đến sự giác ngộ của từng công dân như ngày nay. Nếu lòng người chia năm xẻ bẩy, tổ quốc của chúng ta sẽ là quốc gia gì? Dựng lên được  trong cộng đồng dân tộc ta ý chí muôn người như một vì một nước Việt Nam phục hưng, sẽ là sức mạnh bất khả kháng và từ đó mới sẽ có tất cả. Đảng lãnh đạo làm sao thực hiện được đòi hỏi sống còn này? Trả lời câu hỏi này ngày nay thực sự là một thách thức rất lớn đối với Đảng.

3. Một số giải pháp
Hy vọng quan điểm về một số vấn đề cơ bản như đã trình bầy trên sẽ gợi mở ra các việc phải làm dài hạn và ngay trước mắt, đồng thời cũng sẽ gợi ý các giải pháp.
Như đã trình bầy, thực hiện dân chủ, đoàn kết và đồng thuận dân tộc (bao hàm cả ý nghĩa đồng thuận xã hội) là vấn đề chiến lược, là quốc sách lâu dài, đòi hỏi sự chuyển biến mang tích cách mạng của cả thể chế và từng con người, trước hết là từng đảng viên. Đó là con đường sống, là lẽ sống. Dân chủ, đoàn kết, đồng thuận dân tộc không thể là một cuộc vận động, một phong trào, càng không thể là một thủ đoạn chính trị.
Cũng không thể đặt vấn đề nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ mỗi công dân để thực hành tốt hơn vấn đề dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội trong giai đoạn hiện nay, như chuyên đề này nêu ra.
Việc nâng cao như vậy dù cần thiết đến mức nào đi nữa, nhất thiết phải đặt trên tiền đề tạo dựng ra trên đất nước này một chế độ chính trị, một thể chế kinh tế - chính trị - xã hội thừa nhận, bảo hộ và phát huy quyền chủ nhân ông đất nước của người dân, thể hiện trước hết ở sự tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu và các quyền tự do cá nhân. Đây chính là cái gốc của vấn đề, có cái gốc này, mới có thể xây dựng và nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân được. Nói thô thiển: nếu người dân không có mọi quyền tự do với tư cách là chủ nhân đất nước của họ, không là chủ cái họ sở hữu, không được hưởng những thành quả do chính họ làm ra, thì chế độ cai quản đất nước ấy làm sao xây dựng và nâng cao được nhận thức quyền lợi và nghĩa vụ công dân để thực hành dân chủ đoàn kết và đồng thuận dân tộc? Làm gì có những thứ xa xỉ này? Mà có thì để làm gì?.. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Nước được độc lập, nhưng nhân dân nghèo đói và không có tự do thì độc lập dể làm gì? Đây là cái gốc của mọi vấn đề.
Vậy câu chuyện của cái gốc là những vấn đề chiến lược lâu dài, không thể không làm, nếu không nói là quá muộn, lâu nay chúng ta chưa dám đụng chạm vào cái gốc này. Đã 32 năm xây dựng đất nước trong thời bình, thử hỏi Đảng, thể chế kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước đã tiến được bao xa? Những bước tiến đã đạt được có thỏa mãn những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới hay không? So sánh nước ta với các nước chung quanh và trên thế giới? So sánh với những tiến bộ mới của khoa học, công nghệ và văn minh nhân lọai? Còn những nếp gì, những vấn đề gì tiếp tục mang nặng dấu ấn thời đấu tranh vũ trang chống ngoại xâm?..
Có thể nói, chúng ta đã lạc hậu quá lâu so với mức thời gian cho phép. Cuối cùng, sự trói buộc về tư duy vừa là cha đẻ, vừa là bà đỡ của mọi tha hóa hiện đang diễn ra trong lòng đất nước. Chính những tha hóa này một mặt đang làm phai nhạt nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ của hệ thống chính trị đối với dân tộc; mặt khác làm cho hệ thống chính trị ngày càng nghiêng lệch vào nhiệm vụ giữ gìn chế độ - đồng nghĩa với giữ gìn sự tồn tại của bản thân hệ thống chính tri, dẫn tới những hệ quả không mong muốn là: làm suy yếu chế độ, làm suy yếu đất nước, tự mình gieo mầm mống cho những nguy cơ mới.
Giải pháp hệ trọng nhất và lâu dài là ngay từ bây giờ cần nghiên cứu mổ xẻ những vấn đề thuộc về cái gốc: xác lập con đường giương cao hơn nữa ngọn cờ dân tộc dân chủ của Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước, lấy đó làm cơ sở cho việc đổi mới xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc,  Đảng dân tộc Việt Nam” như có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với giới báo chí nước ngoài ở Hà Nội năm 1946[30].  
Rất tiếc rằng tất yếu khách quan về chuyển giai đoạn cho đến hôm nay vẫn chưa được nhận biết, hoặc chưa được nhận thức đầy đủ. Trí tuệ của toàn Đảng và của cả nước cần được huy động để làm rõ và nhận thức sâu sắc đòi hỏi tất yếu khách quan này, để có thể ra sức phấn đấu giành thắng lợi trong giai đoạn phát triển mới này với tất cả nghị lực và bản lĩnh như một thời đã từng làm nên sự nghiệp giành độc lập và thống nhất đất nước.
Hơn thế nữa như đã trình bầy, trong một môi trường toàn cầu hóa cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, lại đứng cạnh nách “cái công xưởng thế giới”, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc là rất lớn, quyết định trực tiếp sự hưng vong của đất nước. Chính thực tế khách quan này đòi hỏi phải nhận thức lại, nhận thức mới ngọn cờ dân tộc và dân chủ, để phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển mới này. Quy luật tiến hóa của sự vật là như vậy.
Đổi mới xây dựng Đảng cả về đường lối, chiến lược và tổ chức – đấy chính là giải pháp gốc, bảo đảm thực hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ngày nay Đảng lãnh đạo dân tộc với tư cách là chủ nhân ông của đất nước, sự lãnh đạo này phải khác biệt về chất so với thời kỳ lãnh đạo dân tộc ta với tính cách là người mất nước. Hơn bao giờ hết, Nhà nước phải là công bộc của dân, Đảng phải là người phục vụ dân, dứt khoát không để cho hệ thống chính trị biến tướng thành bộ máy cai trị dân. Đổi mới Đảng như vậy là cả một chiến lược cực kỳ khó khăn gian khổ, đòi hỏi ý chí, trí tuệ và bản lĩnh cách mạng cao nhất, và phải thiết kế được những bước đi thích hợp. Có không ít ý kiến cho rằng đổi mới Đảng như vậy là không hiện thực, không khả thi. Xin đề nghị từng đảng viên và toàn Đảng suy nghĩ thật kỹ về ý kiến này.

Các giải pháp trước mắt và trung hạn cần tập trung vào (a)đổi mới xây dựng Đảng trong những điều kiện cho phép hiện nay, và (b)hoàn thiện, phát huy kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
          Về đổi mới xây dựng Đảng trong điều kiện cho phép hiện nay:
Trong khi chờ đợi nghiên cứu và xây dựng được nhận thức mới về đường lối của Đảng dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ thời đất nước độc lập và hội nhập, ngay trước mắt cần đảy mạnh thực hiện dân chủ và công khai minh bạch trong Đảng, nâng cao sức chiến đấu của toàn Đảng và từng đảng viên, bắt buộc mỗi đảng viên phải (a)là công dân gương mẫu về mọi mặt – đặc biệt là nhiệm vụ tuân thủ và thực thi pháp luật, và (b)làm tròn nhiệm vụ người đảng viên nơi mình sinh sống, làm việc (trong đảng bộ của mình).
Cần làm cho toàn thể đảng viên thấy rõ tình hình và nhiệm vụ mới, những thách thức mới Đảng phải đối mặt, thấy rõ những yếu kém đang làm suy yếu vai trò tiền phong chiến đấu của Đảng. Hơn bao giờ hết cần làm cho dân chủ, trí tuệ và phẩm chất cách mạng phải trở thành các tiêu chí quyết định sinh hoạt đảng, cách ứng xử của đảng viên, cách giải quyết những vấn đề của Đảng – bao gồm cả vấn đề kết nạp đảng viên mới và các vấn đề nhân sự cho các bộ máy và tổ chức của Đảng, công tác cán bộ, đấu tranh chống lại các thói hư tật xấu, sự dốt nát, bè phái, bệnh cơ hội, tư tưởng nhiệm kỳ… - để thiết thực nâng cao năng lực chiến đấu của Đảng. Ngày nay nhất thiết phải làm mọi việc chặn đứng tình trạng Đảng đang bị những tha hóa làm biến chất, không thể cứ làm mãi công tác giáo dục chính trị tư tưởng chung chung được nữa, không thể cứ xây dựng mãi đảng bộ trong sạch vững mạnh mà trên thực tế chỉ là hình thức[31].
Trong Đảng có dân chủ, đoàn kết, thì mới có thể thực hiện được dân chủ và đoàn kết trong hệ thống chính trị, trong toàn xã hội. Có đổi mới xây dựng Đảng và công tác Đảng mới có thể đẩy mạnh cải cách chính trị - trước mắt là những cải cách hành chính… Tạo được sự chuyển biến như vậy trong Đảng, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tích cực thúc đẩy sự chuyển biến trong xã hội. Nói đảng viên đi trước, làng nước theo sau, chính là vì lẽ này.
Về hoàn thiện, phát huy thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự:
Cần xem đây là một thể chế thống nhất, với nghĩa có cái này thì phải có cái kia, chịu tác động qua lại lẫn nhau (ví dụ: không thể có kinh tế thị trường lành mạnh mà thiếu vắng nhà nước pháp quyền, cả hai thứ này đều không thể phát huy nếu thiếu xã hội dân sự và ngược lại…). Xây đựng và phát huy được thể chế này là tiền đề vô cùng quan trọng giải phóng khả năng và nghị lực sáng tạo của từng người, cho phát huy dân chủ - từ đó mới có thể nói đến đoàn kết, đến đồng thuận xã hội.
Tuy nhiên, nước ta còn ở thời kỳ đầu của xây dựng thể chế này, vì vậy bên cạnh việc phát huy sự tham gia chủ động và sáng tạo của từng người dân, vai trò lãnh đạo, vai trò thiết kế, vai trò tổ chức của Đảng và Nhà nước và đặc biệt là vai trò gương mẫu của đảng viên cực kỳ quan trọng.
Đương  nhiên, mỗi quốc gia cần xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh của mình để xây dựng nên thể chế này một cách phù hợp, không nước nào giống nước nào. Nhưng phải đảm bảo những nguyên tắc, những yêu cầu cơ bản, không thể chỉ đơn giản thêm cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm tính từ, để rồi tùy tiện làm theo duy ý chí chủ quan. Ví dụ: coi tập đoàn kinh tế quốc doanh là quả đấm thép, còn duy trì bao cấp và đặc quyền cho nó; dựng nên nhà nước pháp quyền nhưng Đảng làm thay tất cả thông qua bộ máy nhà nước được đảng hóa; tránh né xã hội dân sự…
Điều then chốt của thể chế này là tôn trọng quyền sở hữu và các quyền tự do cá nhân, tôn trọng quy luật của thị trường, thực thi luật pháp. Một khi kỷ cương và trật tự được thiết lập trên cơ sở này, sẽ có công bằng, dân chủ, văn minh, sự thụ hưởng sẽ gắn liền với thành quả lao động chính đáng. Chính điều này sẽ cổ súy, nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Nói một cách khác, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với phát huy dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội sẽ được nâng cao một khi người dân thấy mình là chủ đất nước, là chủ những thành quả lao động của chính mình, tìm thấy ý nghĩa phải tạo ra những nỗ lực chung trong cộng đồng nơi mình sống và trong cả nước để gìn giữ và làm giàu có thêm những thành quả ấy - cho bản thân, cho các thế hệ sau. Đây cũng là tiền đề cho ổn định, phát triển – cũng có nghĩa là tiền đề cho dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội, cùng nhau đưa quốc gia đi lên. Lẽ đương nhiên không thể có dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong một đất nước sa sút và hỗn loạn.

Dưới đây xin nêu thêm một số vấn đề cần chú ý.
Về kinh tế thị trường
          Bên cạnh tôn trọng sự vận hành kinh tế theo quy luật của thị trường, cần đặc biệt quan tâm lành mạnh hóa khu vực kinh tế nhà nước và thực hiện cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đặc biệt Nhà nước cần làm tốt những nhiệm vụ mà “bàn tay vô hình” không làm được, kiểm soát được sự chênh lệch giàu nghèo  sao cho có lợi cho sự phát triển  năng động nhưng có chất lượng và bền vững; giữ vững sự hài hòa vỹ mô, ứng phó có hiệu quả những tác động từ bên ngoài. Cần quan tâm cung cấp thông tin và thực hiện những biện pháp hỗ trợ khác làm cho người dân và doanh nghiệp ngày càng nâng cao được kỹ năng và năng lực phán đoán, quyết định của mình trong tham gia vào kinh tế thị trường thời hội nhập. Lạm phát 2 con số hiện nay ở nước ta và cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ đang diễn ra cho thấy vai trò nhà nước có trí tuệ và kỹ năng cực kỳ quan trọng để gỡ rối và giữ cho thị trường vận hành lành mạnh.
          Phát triển kinh tế thị trường cần nắm vững đặc điểm thời hội nhập ngày nay “cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình, tuổi thọ của sản phẩm ngày một ngắn”, tất cả nhằm chuyển nhanh sang thời kỳ phát huy lợi thế nguồn con người và hội nhập, mau chóng đưa nền kinh tế nước ta chuyển dần từ nền kinh tế dựa trên gia công và khai thác tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế có khả năng tham gia trực tiếp vào các khâu hay chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước sau, tất cả phải phục cho mục tiêu chiến lược là phát triển và thích nghi.

Về nhà nước pháp quyền
          Có hai vấn đề chính cần đặc biệt quan tâm: (a)điều hành đất nước theo luật[32] (chứ không phải theo “quan hệ” hoặc duy ý chí ngoài luật – làm như thế thực chất là vi hiến hoặc phạm pháp), (b)các bộ máy trong hệ thống nhà nước phải có kỹ năng và phẩm chất làm được đúng chức năng của mình (chứ không phải là cánh tay nối dài của Đảng, kỹ năng và phẩm chất yếu kém; càng không được là hữu danh vô thực). Cần đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị - bắt đầu từ cải cách sự lãnh đạo của Đảng, để thực hiện bằng được hai yêu cầu này – với đúng nghĩa điều đã nói ra được nhưng chưa làm được: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Nhất thiết phải thay đổi hẳn chế độ bầu cử và cơ chế tuyển dụng, sử dụng người tài đức, người có kỹ năng, thay đổi thể chế làm việc, để các cơ quan dân cử và các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước làm được đúng chức năng theo quy định của Hiến pháp; phải tìm ra bước đi làm cho đảng lãnh đạo với tính cách là một tổ chức phải đứng trong khuôn khổ của Hiến pháp, trong xã hội xã hội dân sự, nhưng đứng ngoài hệ thống Nhà nước. Hệ thống Nhà nước chỉ vận hành theo Hiến pháp và Luật, Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình thông qua việc đưa các tư tưởng, ý chí của mình trở thành những điều được chấp thuận trong Hiến pháp và trong Luật, trong các quyết định của hệ thống Nhà nước, và thông qua sự thực hiện gương mẫu các nhiệm vụ của người đảng viên trong hệ thống Nhà nước.
          Cần dứt khoát thực hiện tam quyền phân lập, để có Nhà nước mạnh làm được chức năng của nó là công bộc của nhân dân, và không biến nó thành công cụ của Đảng. Một nhà nước như vậy sẽ có khả năng tăng nhanh sự giầu có phồn vinh của đất nước – nhờ vào khả năng quản trị của nó, và sẽ càng cổ vũ nhân dân chủ động tham gia xây dựng, gìn giữ, phát huy nhà nước ấy[33]. Bảo đảm triệt để tính pháp quyền của nhà nước là đòi hỏi hàng đầu của việc gìn giữ kỷ cương phép nước và trật tự xã hội, thực hiện sự bình đẳng trước pháp luật, và là nền tảng của dân chủ và sự công khai minh bạch. Với nội dung như vậy nhà nước pháp quyền vừa là người bảo hộ, vừa là người tạo ra “sân chơi và thể thức cuộc chơi” cho mọi nguồn lực của đất nước được giải phóng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
          Liên quan đến việc xây dựng Đảng, xin lưu ý: Nhà nước mạnh và xã hội dân sự mạnh là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể xây dựng được Đảng mạnh và có khả năng làm đúng vai trò lãnh đạo của mình. Nhà nước và xã hội dân sự èo uột, bao giờ cũng là môi trường tốt nhất duy dưỡng sự tha hóa của đảng lãnh đạo.

Về xây dựng xã hội dân sự
          Đây là nhiệm vụ không thể tránh né. Về cơ bản, xã hội dân sự có 3 chức năng: (1)đối trọng với quyền lực của nhà nước với nghĩa với nghĩa kiểm soát khả năng lũng đoạn của nhà nước, (2)nơi công dân trực tiếp thể hiện tiếng nói và quyền năng của mình, và (3)là trường học và môi trường cho công dân phát triển quyền năng của mình và khả năng hội nhập. Như vậy xã hội dân sự là một trong những phương thức quyết định nhất phát triển con người trong cộng đồng và thực thi dân chủ, là một trong 3 cột trụ nâng đỡ quốc gia. Xã hội dân sự hoàn toàn đối lập với chính sách áp đặt và chính sách ngu dân.
Nội dung cốt lõi của xã hội dân sự là quyền sở hữu, các quyền chính trị thuộc về tự do cá nhân, quyền được thông tin và quyền được chia sẻ thông tin. Xây dựng xã hội dân sự phải bảo hộ và phát huy những quyền này. Người dân chỉ có thể thực sự làm chủ đất nước bằng cách: Trong khuôn khổ của Hiến pháp trực tiếp thể hiện quyền lực của mình thông qua xã hội dân sự; bởi vì phần quyền lực dân trao cho “dân chủ đại diện” – thể hiện qua các cơ quan dân cử và bộ máy nhà nước – chỉ có thể thực hiện được những công việc dân ủy thác cho mà thôi (những việc dân không thể tự mình đứng ra làm được hoặc không trực tiếp làm được).
Phát huy được quyền năng là người chủ của dân, mới tạo ra được sự gắn bó hữu cơ giữa người dân và chế độ chính trị, giữa người dân và thể chế nhà nước; người dân cảm nhận được chế độ này, thể chế này là vì họ, nên quan tâm chăm sóc nó, coi nó là của họ. Chỉ như vậy mới nâng cao được tinh thần trách nhiệm của dân đối với cộng đồng và các giá trị xã hội – nền tảng nhất thiết phải có cho phát huy đoàn kết và đồng thuận xã hội; chủ nghĩa yêu nước sẽ có sức sống bất tận. Tất cả cũng cho thấy giáo dục quan trọng như thế nào để hình thành được người công dân như vậy.
Truyền thống lịch sử và văn hóa của nước ta cũng như thành tựu 32 năm đầu tiên xây dựng và bảo vệ đất nước sau khi giành được độc lập thống nhất đã tạo nên ở nước ta một xã hội dân sự có trình độ phát triển đáng kể, nghĩa là chúng ta không phải bắt tay vào việc từ con số không, nhưng phải bắt đầu từ thái độ không tránh né nhiệm vụ này. Nguy cơ mất ổn định không đến từ xã hội dân sự, mà từ những những yếu kém của hệ thống kinh tế và chính trị quốc gia. Hơn thế nữa, quan tâm xây dựng xã hội dân sự là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển ổn định và bền vững; bảo vệ quốc gia càng đòi hỏi chăm lo yếu tố này. Nói dân chủ cần được giáo dục nâng đỡ và dẫn dắt, trước hết chính là cần làm cho xã hội dân sự thực hiện tốt          (1)vai trò trường học, (2)vai trò hình thành dư luận xã hội, và (3)vai trò              xây dựng các giá trị mới. Không thể nào hình dung xây dựng xã hội dân chủ công bằng văn minh bên ngoài xã hội dân sự.
Vấn đề xã hội dân sự có tất yếu dẫn đến đa đảng hay không, và tất yếu này nếu có sẽ diễn ra như thế nào? – Trả lời câu hỏi này xin được bàn vào một dịp khác, vì không thuộc phạm vi đề tài này.

Kết luận
Bối cảnh quốc tế và khu vực cùng với yêu cầu nội tại chuyển đất nước ta lên một giai đoạn phát triển mới sau 32 năm xây dựng trong thời bình – trong đó có 22 năm đổi mới – quyết định các nhiệm vụ cách mạng phải thực hiện. Nước ta đứng trước yêu cầu phải tự tao ra cho mình sức mạnh phát triển được và thích nghi được trong một thế giới có nhiều biến động mới sâu sắc và quyết liệt. Thực tế này quyết định đường lối chính sách của Đảng, đòi hỏi sự tự giác vươn lên vượt bậc của Đảng. Điểm nổi bật của tình hình và nhiệm vụ hiện nay là thuận lợi rất to lớn, nhưng thách thức bên trong và bên ngoài cũng gay gắt chưa từng có so với tất cả các giai đoạn cách mạng trước đây kể từ Cách mạng Tháng Tám.
Nhìn vào các thách thức, cần nhấn mạnh: Một mặt Đảng phải mở ra cho được con đường đưa đất nước vào thời kỳ phát triển cao hơn dựa vào phát huy nguồn lực con người và hội nhập, mặt khác phải đồng thời tạo ra cho nước ta có bản lĩnh và sức mạnh tồn tại và phát triển được trong môi trường sống bên cạnh “cái công xưởng thế giới” đang “đói” và đang muốn “Hán hóa” nhiều thứ mà cả thế giới phải bận tâm.  
Nhưng bằng cách nào, nếu không phải là thông qua hợp tác quốc tế (được hiểu là có cả hợp tác thực sự với Trung Quốc cần được tạo ra) để nâng cao sức mạnh tự thân của chính mình?
Nhưng sức mạnh tự thân này bắt nguồn từ đâu để có được hợp tác quốc tế như vậy, nếu không từ từng người dân nước Việt với tư cách là chủ nhân ông của đất nước? Chính điều hệ trọng bậc nhất này mang lại cho ngọn cờ dân tộc dân chủ một nội dung cách mạng mới mà Đảng ta cần giương cao để dẫn dắt dân tộc trên con đường chấn hưng đất nước. Chỉ có như vậy, dân chủ mới được phát huy và trở thành nền tảng của đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội, mang lại cho đất nước một sức sống mới mà thời đại ngày nay đòi hỏi.
Nhấn mạnh giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ thì nên bỏ hay giữ định hướng xã hội chủ nghĩa?
Nếu đã khẳng định sự cần thiết phải giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ lên một tầng nấc mới với nội dung mới (để hiệu triệu và lãnh đạo một dân tộc ngày nay là chủ nhân ông của một quốc gia độc lập thống nhất có chủ quyền trong bối cảnh quốc tế hiện tại), việc trả lời câu hỏi này sẽ chỉ còn là một quyết định chính trị chiến thuật hơn là một vấn đề khoa học, càng không phải là một vấn đề liên quan đến đường lối. Trước khi quyết định “bỏ hay giữ”, cần cân nhắc kỹ lợi, hại trong bối cảnh cụ thể của đất nước. Thậm chí nếu vì những lý do chính trị chiến thuật nào đó (đối nội và đối ngoại), nếu được cân nhắc thấu đáo và thấy cần thiết, có thể về ngôn từ không cần phải khoa trương lên ngọn cờ dân tộc dân chủ để tránh những khó khăn mới không đáng có và tránh bị “nhiễu”, có thể vẫn tiếp tục giữ lại định hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung duy nhất là thực hiện dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Tuy nhiên về bản chất và hành động, nhất thiết cần phải:
1-    kế thừa truyền thống cách mạng để đổi mới thành công xây dựng Đảng về chất thành đảng của dân tộc trong hệ thống chính trị mới của thời kỳ chấn hưng đất nước. Đảng lãnh đạo đất nước với tính cách là đảng của dân tộc, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của mình trong một thiết chế dân chủ của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự.
2-    có đường lối và chiến lược mới phát huy hết mức yếu tố dân tộc và dân chủ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn phát triển mới;
3-    có các bước đi thích hợp để việc chuyển giai đoạn phát triển sẽ diễn ra theo kịch bản tối ưu nhất, ít trả giá nhất và bảo đảm giành thắng lợi trong giai đoạn phát triển mới; thực hiện dân chủ và công khai minh bạch để thường xuyên cải cách, hoàn thiện và phát triển thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự theo kịp đòi hỏi của tình hình.
Lựa chọn đổi mới xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc trong thời kỳ chấn hưng đất nước là lựa chọn đi với dân tộc vào tương lai. Xây dựng dân chủ để phát huy đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội cần bắt đầu từ nhận thức này.
Các việc cần làm ngay trước mắt (cũng có thể gọi là bước đi đầu tiên) của thời kỳ chuyển giai đoạn hiện nay là hoàn thiện hơn nữa kinh tế thị trường, nâng cao hơn nữa khả năng quản trị quốc gia của hệ thống nhà nước, thực hiện tốt dân chủ của dân. Điều cần đặc biệt nhấn mạnh là ngày nay Đảng không còn lãnh đạo một dân tộc mất nước nữa, mà đang phải vươn lên làm vai trò lãnh đạo một dân tộc là chủ nhân ông của đất nước. Để giành những thắng lợi mới cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới này, Đảng cần làm mọi việc nâng cao vai trò chủ nhân ông như vậy của dân tộc, mang lại cho đất nước khả năng phát triển và thích nghi mà thế giới ngày nay đòi hỏi. Đây chính là nội dung mới của phát huy dân chủ để thực hiện đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội. Có dân chủ như thế, nước ta sẽ có tất cả. Người muốn khuất phục Việt Nam chỉ sợ một Việt Nam có dân chủ. Một Việt Nam có dân chủ sẽ đứng vững trong thế giới này với vị thế xứng đáng./.
Hà Nội tháng 9-2008.
Hết

Tài liệu tham khảo

1.     Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 4, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội 1995.
  1.  “Tuyên ngôn Cộng sản”, bản dịch tiếng Việt, in lần thứ 6, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1963.
3.     Amartya Sen, “Dân chủ và công bằng xã hội” – tham luận tại hội thảo Seoul – Hàn Quốc 1999 được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn.
  1. Amartya Sen “Phát triển là quyền của tự do”, bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2002.
  2.  John Stuart Mill, “Bàn về tự do”,  bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, tháng 7-2006
  3. John Stuart Mill, “Chính thể đại diện”,  bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội tháng 1-2008.
  4. Friedrich A. HayekThe Road to Serfdom” , Nhà xuất bản Routledge, USA & UK. 2001.
  5. John Dewey, American Pragmatist. Tìm  đọc trên website: John Dewey.
  6. John Dewey, “Dân chủ và giáo dục” (viết 1916) – bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội quý II-2008, 
  7. Hernando De Soto, “Bí ẩn của vốn – vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác”  - bản dịch tiếng Việt: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2006.
  8. Kornai Janos, (1)“Hệ thống xã hội chủ nghĩa”, bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2002; (2)“Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do”, bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2006.
  9. David W. Allan,  “Socrates and Democarcy”, đăng trên Allans Time, ngày 29-07-2001.  
  10. Samuel Scolnicov,Plato on Education as the Development of Reason” -  chttp://www.bu.edu/wcp/Papers/Anci/AnciScol.htm, trường đại học  Hebrew University, Jerusalem.
  11. Farrukh Iqbal  & Jong-il You  “Dân chủ và kinh tế thị trường – từ góc nhìn châu Á”,  Nhà xuất bản The World Bank, bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 6-2002.
  12. Bài nói của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Anh, JACK STRAW, tại trường Đại học Luật, Hà Nội ngày 11 tháng 9 năm 2008.
  13. Paul Krugman “Điều gì đã diễn ra đối với sự thần kỳ Đông Á”, tạp chí Fortune ngày 18-08-1997, trang 27... Bài này được nêu lại trong cuốn “Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á” do J E Stiglitz và Shadid Yusuf biên tập, bản dịch tiếng Việt, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002.
17.  Kim Dea-Jung, “Dân chủ và kinh tế thị trường – hai bánh xe của một cỗ xe”, đăng trong “Dân chủ, kinh tế thị trường và phát triển – từ góc nhìn châu Á”, bản tiếng Anh, do Ngân hàng Thế giới phát hành, bản dịch ra tiếng Việt do Nhà xuất bản Thế giới phát hành, Hà Nội 6-2002.
18.  Nguyễn Trung, bài “Ngã ba 2007” trong cuốn “Bàn về công tác kế hoạch hóa ở nước ta trong thời kỳ mới”, của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hà Nội 07-2008, trang 288-320.
  1. Nguyễn Trung, “Vài suy nghĩ về tập đoàn kinh tế quốc doanh ở nước ta”, Vietnam Net ngày 8,9 và 10-09-2008 >> Mô hình tập đoàn nhà nước và mối lo vượt tầm kiểm soát,   Phần 2 Ci cách tp đoàn nhà nưc và mt ch "Dám"  
  2. Cú sốc của hoa hậu hay cú sốc văn hoá dân tộc?  Vietnam Net ngày 07-09-2008 của Hiệu Minh, (Washington DC).







[1] Tham khảo thêm: Amartya Sen, “Dân chủ và công bằng xã hội” – tham luận tại hội thảo Seoul – Hàn Quốc 1999 được tổ chức theo sáng kiến của tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và chủ tịch Ngân hàng Thế giới James Wolfensohn tổ chức.
[2] Có số liệu thống kê của phương Tây nói số các quốc gia có thể chế dân chủ năm 1972 là 40 nước, năm 2007 là 130 nước; ngoài ra năm 2007 có 30 nước đang trên đường trở thành nước có thể chế dân chủ; còn lại 20 nước không được coi là có thể chế dân chủ.
[3] Điều này cũng có nghĩa: Nghèo và lạc hậu ở mỗi quốc gia có thể đo được ở mức độ thực thi dân chủ tại quốc gia đó. Song có thể sẽ có câu hỏi: Dân chủ ở Ấn độ phát triển cao hơn Trung Quốc, nhưng tại sao đời sống kinh tế, xã hội Ấn độ có nhiều mặt phát triển chậm hơn Trung Quốc? Câu trả lời có thể là: Nếu xem xét về chế độ chính trị, về hệ thống nhà nước và về kinh tế, về các quyền con người.., dân chủ ở Ấn độ đi xa hơn Trung Quốc rất nhiều. Tuy nhiên,  những tiến bộ này ở Ấn độ chưa đảo ngược được những lực cản lớn trong nội tại, trước hết là vấn đề đẳng cấp trong xã hôi, vấn đề tôn giáo... Các yếu tố văn hóa, nhất là triết lý của Ấnđộ giáo, có ảnh hưởng sâu sắc đến con đường phát triển của Ấnđộ.
[4] Đây là vấn đề thiết thân trong cuộc sống hàng ngày, song hầu như chưa được nhận thức đầy đủ ở mọi quốc gia. Nói một cách thô thiển, ví dụ một nông dân trồng lúa ở nước ta – dù là vùng nông thôn nào – hạt gạo anh ta làm ra thời nay, dù để tiêu thụ trong nước hay để xuất khẩu, đều phải cọ sát toàn diện với thị trường cả nước và thị trường thế giới; nếu muốn giành phần thắng về mình, anh ta không thể làm ngơ sự “cọ sát” này – dù là ở khâu sản xuất hay khâu tiêu thụ đầu ra; mặt khác, thời nay anh ta có thị trường là cả thế giới cho sản phẩm của mình – miễn là sản phẩm của anh ta đáp ứng tối ưu nhất (nghĩa là cạnh tranh tốt nhất về giá cả, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân quyền... ) yêu cầu của thị trường nơi anh ta lựa chọn để cung ứng. Cũng sản phẩm hạt gạo được chính anh ta tiêu thụ hoặc đem đi bán ấy, nhìn chung có tuổi đời ngày càng ngắn – vì phương thức canh tác hay tiêu thụ hoặc mối quan hệ cung - cầu... thường xuyên thay đổi với chu kỳ và vận tốc mau hơn. Nếu nhìn vào sản phẩm của công nghệ điện tử, công nghệ tin học.., tuổi thọ ngày càng ngắn lại này càng dễ nhận thấy.
[5] Việc Nga quyết định đưa một lực lượng hải quân lớn thuộc loại hiện đại nhất của mình vào vùng biển Nam Mỹ cùng tập trận với hải quân Venezuela gợi nhớ lại một trong những cao điểm của thời chiến tranh lạnh là cuộc khủng hoảng do tên lửa của Liên Xô có mặt ở Cuba, cuộc khủng hoảng này nổ ra vào thời kỳ J F Kenedy làm tổng thống Mỹ (sự kiện “vịnh Con lợn – Bay of Pigs, 1961- 1962). Tiếp theo là sự kiện Nga quyết định đẩy mạnh tăng cường lực lượng vũ trang, tình hình quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với 2 nước Nam Mỹ (VenezuelaBolivia).
[6] Vào những dịp khác nhau trong nhiều năm gần đây, báo chí Mỹ nêu lên quan điểm của chính phủ Mỹ ở vùng Biển Đông: tán thành hòa bình ổn định, song không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực này, tuy nhiên Mỹ dứt khoát không chấp nhận việc thôn tính Đài Loan, không chấp nhận việc uy hiếp tuyến giao thông hàng hải Malacca.
[7] Tham khảo thêm: (1)Amartya Sen “Phát triển là quyền của tự do”, chương 6, từ trang 173.., Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2002; (2)John Stuart Mill – a – “Bàn về tự do”, các chương Bàn về tự do tư tưởng và tự do thảo luận, chương Con người cá nhân như một thành tố của anh sinh, và chương Giới hạn cua quyền uy xã hội đối với cá nhân, Nhà xuất bản Trí thức, Hà Nội, tháng 7-2006; - b - “Chính thể đại diện”, chương Dân chủ thực sự và dân chủ giả hiệu từ trang 207.., Nhà xuất bản Trí thức, Hà Nội tháng 1-2008. Chú ý: Trong lịch sử văn minh nhân loại, triết gia Hy Lạp Socrates (469-399 TCN) có lẽ là người sớm nhất cho rằng khuyết tật cơ bản của dân chủ là  trí tuệ luôn luôn có sự hẫng hụt và chưa đủ tầm (tìm đọc Socrates and Democarcy của David W. Allan,  đăng trên Allans Time, ngày 29-07-2001. Triết gia Hy Lạp Plato (423-347). Cùng dòng suy nghĩ như Socrates, Plato có quan điểm coi giáo dục là yếu tố cơ bản để phát triển con người và xã hội; đến ngày nay quan điểm này vẫn còn giá trị  (tìm xem Plato on Education as the Development of Reason của Samuel Scolnicov, trường đại học  Hebrew University, Jerusalem -http://www.bu.edu/wcp/Papers/Anci/AnciScol.htm và nhiều bài khác trong “Dân chủ và kinh tế thị trường – từ góc nhìn châu Á” do Farrukh Iqbal và Jong-il You sưu tầm và biên soạn, Nhà xuất bản The World Bank, bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội 6-2002.
[8] Quan điểm của John Dewey (triết gia Mỹ nổi tiếng, 1854 - 1952): Không nên coi dân chủ chỉ đơn thuần là một hình thức cai quản. Đương nhiên dân chủ là một hình thức cai quản, nhưng đồng thời nó cũng là cách sống (the way of life)), là một lý tưởng về mặt đạo đức và là một cam kết của cá nhân đối với bản thân và đối với xã hội. Đặc biệt dân chủ là một cách sống trong đó các cá nhân  tự điều chỉnh hành vi của mình và có khả năng theo đuổi các mục đích cũng như công việc của mình. Một xã hội duy trì trật tự bằng sự giám sát hay áp bức thì không thể coi là dân chủ. Thực tế cho thấy dân chủ thường tăng cường lợi ích riêng của cá nhân cũng như lợi ích chung của cả cộng đồng. Với tinh thần ấy John Dewey coi trọng vai trò của đạo đức và kỷ luật trong thực thi và phát huy dân chủ.  Tìm  đọc trên website: John Dewey, American Pragmatist.
Vậy dân chủ  phải có lãnh đạo hay không? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần làm rõ ai lãnh đạo, lãnh đạo nhằm mục đích nào? Giả thiết rằng đạt được tình trạng người lãnh đạo và mục đích lãnh đạo nhằm hướng tới đều tiêu biểu cho khát vọng đúng đắn của số đông, dân chủ vẫn cần phải thông qua giác ngộ mà giành lấy; dân chủ được ban cho không bao giờ có thể trở thành dân chủ đáng mong muốn.
[9] Tham khảo: John Dewey, “Dân chủ và giáo dục” (viết 1916) – bản dịch tiếng Việt do Nhà xuất bản Trí thức phát hành, Hà Nội quý II-2008, chú ý các chương: III – Giáo dục xét như là điều kiên; chương VII – Khái niệm dân chủ trong giáo dục; chương XXIV – Triết lý giáo dục. Có thể nói khái quát: Một trong những quan điểm chính của John Dewey là ông coi giáo dục là điều kiện để duy dưỡng và phát huy dân chủ.
[10] Tham khảo Phát biểu của BỘ trưởng Bộ Tư pháp Anh, JACK STRAW, tại trường Đại học Luật, Hà Nội ngày 11 tháng 9 năm 2008:  
“Sức mạnh và sự giàu có của một quốc gia – cũng như khả năng đối mặt với khó khăn – được quyết định rất lớn bởi sự vững mạnh của các thể chế, và cam kết của chính phủ và người dân về pháp quyền. Những yếu tố đó cũng có vai trò quan trọng không kém những yếu tố như tài nguyên thiên nhiên, khí hậu hoặc địa lý của quốc gia đó. 
Pháp quyền không chỉ là một loạt những quy định được ghi nhận trong luật pháp nhằm quản lý công dân của một quốc gia, mà đó còn là một cách thức tổ chức xã hội trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật, tất cả mọi người đều phải tuân thủ và được hưởng lợi từ luật pháp. Pháp quyền là một loạt những giá trị chung gắn kết một quốc gia.
Tôi không biết liệu có ai đã từng viết về vấn đề này hay hơn Aristotle, một triết gia vĩ đại của phương Tây cách đây gần 2500 năm:‘Con người, khi hoàn thiện, là loài động vật tiến bộ nhất, nhưng khi tách rời khỏi luật pháp và công lý thì lại là loài động vật xấu xa nhất.’ [Chính trị học, Quyển 1, Phần II]”.
[11] Một ví dụ: Những điều kiện để cuộc cách mạng vô sản sẽ diễn ra như Marx dự báo trong Tuyên ngôn Cộng sản đã không xảy ra, bằng chứng là những điều kiện này không hội đủ kể cả khi xảy ra Cách mạng Tháng Mười Nga – nếu coi đây là một cuộc cách mạng vô sản; hoặc là nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô sau này đã tiềm tàng ngay từ trạng thái không hội tụ đủ những điều kiện như Tuyên ngôn đòi hỏi và dự báo, hoặc là phải coi cuộc Cách mạng Tháng Mười là một cuộc cách mạng vô sản đốt cháy giai đoạn? Hơn thế nữa, nhân dịp kỷ niêm 25 năm Tuyên ngôn Cộng sản, Friedrich Engels viết một bài tựa mới, trong đó nêu bật ý: Tình hình trong 25 năm vừa qua đã thay đổi rất nhiều, có vài điểm đã cũ rồi, đến mức ngày nay Tuyên Ngôn Cộng sản nếu viết thì phải viết khác đi, nhưng vì đây là một văn kiện lịch sử nên vẫn giữ nguyên như vậy. – Tìm xem: Tuyên ngôn Cộng sản, in bằng tiếng Việt lần thứ 6, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội 1963, trang 9... Nếu lập luận vừa nêu là đúng, hệ luận phải rút ra sẽ là: Đốt cháy giai đoạn và hiểu sai, làm sai quan điểm tư tưởng và lý luận của Marx là vấn đề cực kỳ hệ trọng... Phải chăng thực tế của 22 năm đổi mới đang đi theo xu hướng khắc phục những sai lầm này. Đã đến lúc người cộng sản Việt Nam cần mổ xẻ với tất cả ý chí cách mạng cao nhất nhữngmâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn để rút ra những kết luận đúng đắn chỉ đạo hành động, tất cả vì (a)sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh – như Hồ Chủ Tịch đã nêu ra, (b)vì dân giầu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh – như đã nêu trong nghị quyết các Đại hội Đảng gần đây, (c)vì đòi hỏi đổi mới xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc. Ngày nay, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nói Đảng Cộng Sản Việt Nam không có mục đích gì hơn là phụng sự lợi ích dân tộc, hiểu tiêu chuẩn tối thượng của người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam là sẵn sàng hy sinh vì lợi ích dân tộc – ngày nay cả hai điều này trước hết có nghĩa là cần phấn đấu đổi mới và xây dựng bằng được Đảng là đảng của dân tộc với tất cả nội dung và ý nghĩa của tên gọi này. Gìn giữ, phát huy tính tiền phong chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước  trước hết là phải dây dựng cho được Đảng trở thành đảng của dân tộc. Đây sẽ là cuộc cách mạng gian khổ nhất và cũng là thách thức lớn nhất của Đảng kể từ ngày Đảng được thành lập, có ý nghĩa còn hay mất, có ý nghĩa lột xác đối với Đảng. Chưa bao giờ ĐCSVN và từng đảng viên của mình đứng trước một thực tế nghiêm khắc lạnh lùng như bây giờ là phải chứng minh mình là ai trước dân tộc.
[12] Trong học thuật một thời  đã hình thành cái tên gọi “quan điểm Lý”, “lý thuyết Lý”...
[13] Tham khảo:  Paul Krugman “Điều gì đã diễn ra đối với sự thần kỳ Đông Á”, tạp chí Fortune ngày 18-08-1997, trang 27... Bài này được nêu lại trong cuốn “Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á” do J E Stiglitz và Shadid Yusuf biên tập, Nhà xuất bản chính trị Quốc gia đã xuất bản bằng tiếng Việt, Hà Nội 2002, trang 5 và 6.
[14] Tổng thống Hàn Quốc Kim Dea-jung bắt tay vào phục hồi đất nước sau cuộc khủng hoảng 1997 với hai quan điểm chính: Phải thực hiện dân chủ trong hệ thống Nhà nước và phát huy kinh tế thị trường (xóa bỏ kinh tế thị trường đã bị các Cheabol câu kết với quyền lực chính trị bóp méo). Hỗ trợ cho chương trình này, tổng thống Kim Dea-jung dấy lên ở Hàn Quốc chủ nghĩa yêu nước và lòng tự trọng dân tộc rất cao (tự mình cứu lấy mình, không ỷ lại vào sự giúp đỡ từ bên ngoài}, tình hình diễn ra mang những hào khí tương tự như “tuần lễ vàng” ở nước ta năm 1946 (tuần lễ quyên góp vàng để cứu nước ở nước ta khi chuẩn bị tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp). Quan điểm của tổng thống Kim Dea-jung được trình bầy sinh động trong tham luận của ông “Dân chủ và kinh tế thị trường – hai bánh xe của một cỗ xe”, đăng trong “Dân chủ, kinh tế thị trường và phát triển – từ góc nhìn châu Á” sách do Ngân hàng Thế giới phát hành, bản dịch ra tiếng Việt do Nhà xuất bản Thế giới phát hành, Hà Nội 6-2002, từ trang 23...
[15] Sau 3 năm cầm quyền, bà tổng thống Megawati Sukarnoputri tự nhận thấy chính phủ của mình không đủ sức vãn hồi lại trật tự và ổn định tình hình đất nước, do đó với tư cách là người đương quyền, bà đã chủ động đưa ra quyết định tổ chức bầu cử mới, với kết quả là tiến sỹ Susilo Bambang Yudhoyono lên làm tổng thống. Sự việc này được coi là một tấm gương về thực hiện dân chủ trong nhà nước pháp quyền. Những thay đổi và tiến bộ Indonesia đạt được dưới thời ông Susilo Bambang Yudhoyono đến nay chứng tỏ sự thành công của dân chủ trong một đất nước đông dân và tình hình rất phức tạp (nhiều đảo, vấn đề ly khai, vấn đề đạo Hồi...).
[16] Tạp chí Forbes năm 2006 xếp hạng bà Merkel là người phụ nữ quyền lực số 1 trên thế giới – năm 2005 ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice chiếm giữ bị trí này trong xếp hạng của Forbes. Rất đáng đặt ra câu hỏi: Sự tôi luyện nào và thể chế tuyển chọn ra sao để có thể bầu ra một nữ thủ tướng Merkel có một lý lịch xuất thân như vậy? Phải chăng cũng ví dụ này cho thấy người tài trong cuộc sông không thiếu?.. Tất cả những câu hỏi loại này lại tập trung vào vấn đề cốt lõi là dân chủ.
[17] Rất cần nêu ra câu hỏi: Sau khi hoàn thành độc lập thống nhất đất nước, nước ta đã hoàn thành nhiệm vụ thống nhất dân tộc với tinh thần thu phục nhân tâm về một mối hay chưa? Kiến tạo sự đồng thuận dân tộc trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước nhất thiết phải trả lời căn kẽ trên mọi góc độ câu hỏi hệ trọng này – vì đấy là một trong những câu hỏi quyết định đường lối và chiến lược cách mạng Đảng ta cần phải có cho giai đoạn phát triên hiện nay của đất nước.
[18] Có thể nói, nhìn về nhiều mặt, nước ta đang ở trong một tình thế nhạy cảm cả về đối nội và đối ngoại, lại đúng vào lúc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới có thể tác động nguy hiểm vào nước ta. Hơn bao giờ hết cần đề phòng chuyện “dậu đổ bìm leo” và “đục nước béo cò” có thể uy hiếp ổn định và an ninh của đất nước.
[19] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Ngã ba 2007” , sách đã dẫn.
[20] Cuộc khủng hoảng tài chính  Mỹ phức tạp đến mức Giulio Tremonti, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ý, cho rằng: Đây là sự sụp đổ của hệ thống chứ không phải là sự sụp đổ của các ngân hàng,  Alan Greenspan có lẽ không phải  là ông thầy về tài chính tiền tệ, mà là người phá hoại nước Mỹ chỉ sau Osama bin Laden! Các ngân hàng Tây Âu toàn mua phải sản phẩm (tài chính tiền tệ) độc hại của Mỹ!.. (xem Los Angeles Times ngày 20-09-2008). Sự việc còn quá nóng bỏng, tuy nhiên có thể sơ bộ kết luận: Sau hơn một nửa thế kỷ vận hành, học thuyết tân tự do và hệ thống kinh tế do nó dẫn dắt – thể hiện tập trung nhất trong hệ thống tài chính – đã  đem lại cho kinh tế của chủ nghĩa tư bản sự phát triển bột phá cùng với nhiều sự tàn phá ghê gớm đối với thế giới; tới mức độ vượt khỏi tầm kiểm soát, hệ thống và lý thuyết tân tự do đã đi tới sự sụp đổ như chúng ta đang thấy.
[21] Đối với nước ta, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ sẽ có nhiều tác động lớn, vì kinh tế nước ta gắn khá mật thiết với đồng đôla và Mỹ là một trong những thị trường xuất  khẩu chính của ta. Cuộc khủng hoảng này còn gây ra những tác động chính trị toàn cầu bất lợi cho nước ta. Phát triển kinh tế thị trường đi đôi với nâng cao năng lực quản trị quốc gia là câu trả lời nước ta cần lựa chọn để đối mặt với tình hình mới này.
[22] Nhận thức về chuyển giai đoạn luôn luôn là là một vấn đề khó, quyết  định  thành / bại của cách mạng; nôn nóng đốt cháy giai đoạn hay bỏ lỡ cơ hội chuyển giai đoạn đều chung một kết quả là thất bại. Sự thật vấn đề chuyển giai đoạn đã chín muồi từ thời kỳ trước Đại hội IX, thậm chí từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội X lại tiếp tục có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề chuyển giai đoạn phát triển, song cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được đề cập tới. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ: Không đặt ra vấn đề sửa đổi Cương lĩnh, mà chỉ bổ sung những cái còn thiếu. Tình hình này đang làm nảy sinh một luồng ý kiến khác: Còn phân vân như thế thì đặt Cương lĩnh hiện hành sang một bên, cũng không đặt ra vấn đề xây dựng Cương lĩnh mới, cứ đi theo cuộc sống rồi hạ hồi phân giải! Có nên như vậy không? Nhìn lại, có thể nhận xét thẳng thắn: Nếu đặt lợi ích của tổ quốc của dân tộc lên trên lợi ích ý thức hệ, phải đặt ra vấn đề chuyển giai đoạn cách mạng ở Việt Nam khi chiến tranh lạnh kết thúc. Sự hẫng hụt trong công tác tổng kết cho thấy đất nước phải trả giá đắt.
[23] Đây là vấn đề cần tổng kết nghiêm túc. Trong giai đoạn tiến hành Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng thực hiện tốt đòi hỏi đặt ra cho đảng lãnh đạo – thể hiện trên hai vấn đề quan trọng: (1)Tiền phong chiến đấu về tư duy, tư tưởng chiến lược và đường lối cách mạng; (2)phẩm chất chiến đấu cách mạng. Song trong 32 năm hòa bình xây dựng và bảo vệ đất nước tình hình diễn ra hầu như ngược lại: Đảng có nhiều bất cập trên cả hai phương diện vừa nói trên. Vì sao? Bàn về đổi mới xây dựng Đảng mà không tổng kết thực trạng này có nghĩa là chấp nhận những diễn biến hiện nay trong Đảng là bất khả kháng.
[24] Tư tưởng nhiệm kỳ  như một bệnh lao làm ruỗng mục cơ thể, đang tàn phá đất nước mọi mặt trong hiện tại và xé nát triển vọng của đất nước trong tương lai.
[25] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Vài suy nghĩ về tập đoàn kinh tế quốc doanh ở nước ta”, Vietnam Net ngày 8,9 và 10-09-2008 >> Mô hình tập đoàn nhà nước và mối lo vượt tầm kiểm soát,   Phần 2 Ci cách tp đoàn nhà nưc và mt ch "Dám"  
[26] Không phải ngẫu nhiên từ lâu Đào Xuân Sâm đã nhận xét: Lấy kinh tế quốc doanh là nền tảng, là chủ đạo là đặt kinh tế đất nước vào chỗ chết!
[27] Đặc biệt nguy hiểm là một số tập đoàn quốc doanh có ngân hàng riêng. Có thông tin nói rằng có những tháng tập đoàn Vinashin cứ trung bình 1,5 ngày lập thêm một công ty con cho việc kinh doanh đa ngành nghề (“nghề tay trái” của tập đoàn).
[28] Biểu hiện qua chạy đua cơ cấu kinh tế toàn diện “công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ” ở khắp mọi nơi chốn trong cả nước, coi trọng mức tăng trưởng GDP. Sáng 16-09-08 TV đưa lại cuộc họp của một huyện ủy “kiểm điểm tình hình giữa nhiệm kỳ”, nếu nhắm mắt lại mà nghe bí thư huyện ủy nói và đọc, thì có thể tưởng lầm đấy là báo cáo của thủ tướng chính phủ, rặt những câu chữ điều hành kinh tế vỹ mô của quốc gia, không có lấy một ý kiến cụ thể về bất kể một vấn đề cụ thể nào của huyện và các xã trong huyện! Các đại biểu dự họp cúi rạp trên bàn ghi ghi chép chép! Tôi tự hỏi nhân dân huyện đó nhờ vả được gì vào một báo cáo và một cuộc họp quan liêu, vô hồn và trống rỗng như vậy?
[29] Sự việc nhà báo bị đấm vỡ mũi trong thi hoa hậu hoàn vũ thế giới vừa qua và sự cố Thùy Dung hiện nay có thể được xem là thước đo sự sa đọa của văn hóa nước ta xuống đến mức nào. Sự sa đọa không nằm ở cú đấm mất văn hóa hay ở cháu Thùy Dung, mà ở cái cơ chế sản sinh ra hai hiện tượng không văn hóa  này, nghĩa là 2 hiện tượng này chỉ là sản phẩm mà thôi. Trong khi đó cuộc sống đất nước có biết bao nhiêu vấn đề cháy bỏng không được dành cho sự quan tâm như cho “thi hoa hậu”! – Tìm đọc thêm bài  >> Cú sốc của hoa hậu hay cú sốc văn hoá dân tộc?  Vietnam Net ngày 07-09-2008 của Hiệu Minh, (Washington DC).
[30] “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...  Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tín ngưỡng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam...” (in nghiêng trong sách được trích dẫn) Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 4 trang 161, Nà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995.
[31] Khắp nơi đều có đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhưng tham nhũng tiêu cực hoành hành khắp nơi, trong khi đó ngoài xã hội đầy rẫy chuyện bê bối, yếu kém, người tài đức bị trù dập hoặc không được sử dụng…

[32] Tham khảo: Hernando De Soto “Bí ẩn của vốn – vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây và thất bại ở mọi nơi khác”  - bản dịch tiếng Việt: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2006. Trong cuốn sách này de Soto đã phân tích tình hình nước Mỹ, so sánh với tình hình các nước Mỹ Latinh và các nước đang phát triển khác và đi tới kết luận: nước Mỹ đã rút ngắn thời kỳ phát triển hoang dã nhờ bắt tay  ngay vào không phải là công nghệ mới hay kỹ thuật mới, mà trước hết là bắt tay ngay vào xây dựng hệ thống luật pháp và  nhà nước pháp quyền, nhờ vậy đã vượt qua thời kỳ hoang dã này rất nhanh và cuối cùng trong một thời gian ngắn đã đuổi kịp và vượt các nước tư bản phát triển khác. Khởi thủy, luật pháp và nhà nước pháp quyền đã biến đất đai ở nước Mỹ thời phát triển hoang dã là “tư bản chết” (death capital) nhanh chóng trở thành “tư bản sống” (living capital) – nhờ vào lập được trật tự của sở hữu và sự hoạt động hữu hiệu của hệ thống ngân hàng; và từ đó quật lên nguồn vốn vô cùng hùng hậu cho sự phát triển nước Mỹ. Có thể nói quyền sở hữu được phát huy trong môi trường pháp lý ngày càng vững chắc là nguồn gốc khởi thủy căn bản nhất cho sự phát triển năng động của nước Mỹ. Đồng thời de Soto cũng chứng minh một cách thuyết phục nghèo nàn và lạc hậu ở các nước đang phát triển có nguyên nhân sâu xa trong sự thiếu vắng luật pháp và nhà nước pháp quyền; ông còn đi tới lời khuyên các nước đang phát triển: Để khắc phục nghèo và lạc hậu, việc đầu tiên các nước đang phát triển nên làm không phải là lao vào công nghệ hay kỹ thuật hiện đại, mà trước hết tất cả là xây dựng luật pháp và nhà nước pháp quyền.

[33] Trong cuốn “Hệ thống xã hội chủ nghĩa”, và cuốn “Con đường dẫn tới nền kinh tế tự do” Kornai Janos đã phân tích sâu sắc những khuyết tật của hệ thông kinh tế XHCN – đặc biệt là ở Hungari – và những cái giá phải trả cho những cải cách nửa vời sau khi nhà nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Kornai cho rằng mỗi quốc gia phải tìm con đường cải cách riêng của mình, nhưng phải thực sự trở về với kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, vai trò nhà nước mạnh (với nghĩa là nhỏ về quy mô, nhưng  quản trị đất nước giỏi, vận hành kinh tế có hiệu quả...) trong thời kỳ cải cách là rất quan trọng; một chính phủ hay một nhà nước như thế chỉ có thể được thiết kế trên cơ sở dân chủ, công khai minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét