Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Thời cơ vàng - Hiểm họa đen


(Đăng trên các báo VietnamNet, Tuổi Trẻ, giữa tháng 1-2006)

Tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng Sản Việt Nam
 
Thời cơ vàng của Đảng ta
Nguyễn Trung

      Năm 2006, công cuộc đổi mới của đất nước tròn hai mươi tuổi. 
 
      Bất kỳ ai cùng với đất nước trải qua đoạn trường dẫn tới công cuộc đổi mới, bất kỳ ai cùng với cả nước chịu đựng mọi khó khăn thử thách để khai phá con đường đổi mới dẫn tới những thành tựu đất nước đạt được như hôm nay, đều có thể thở phào nhẹ nhõm: Sự nghiệp cách mạng đất nước ta sau khi giành được độc lập và thống nhất đã không đi vào vết xe đổ của các nước Liên Xô Đông Âu  xưa như báo chí phương Tây hồi ấy đã dự báo không tiếc lời.  
      Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cùng với cả nước không tiếc tâm trí và công sức mầy mò con đường làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội đất nước thay da đổi thịt được như hôm nay, đều có quyền tự hào: Việt Nam đã tìm ra và đang bắt đầu khai phá con đường phát triển riêng của chính mình, để hội nhập vào xu thế phát triển chung của toàn thể nhân loại, với mục tiêu thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh cho chính mình, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của cả thế giới. Việt Nam đang quyết tâm đem hết cả tinh thần và nghị lực dấn bước trên con đường do chính mình xác định được, do chính mình đang không tiếc công sức tiếp tục khai phá! 
      Không tự hào làm sao được, khi cuộc sống hôm nay ấm no hơn trước và đạt những bước tiến bộ mới trên những phương diện nhất định.  
      Trước đổi mới, GDP theo đầu người của nước ta ở cái ngưỡng dưới 200 USD, ngày nay tăng gấp hơn 3 lần, tỷ lệ số người đói nghèo trong xã hội giảm nhanh ở mức kỷ lục so với hầu hết các nước nghèo và đang phát triển - cả thế giới đánh giá cao thành tích này. Ngày nay, kim ngạch xuất khẩu trong 8 ngày bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm trong thời kỳ trước đổi mới. Ngày nay cứ làm ra 10 đồng của cải mới mỗi ngày thì khoảng 5 - 6 đồng là dành cho xuất khẩu. Ngày nay sản phẩm của Việt Nam có mặt tại tất cả các thị trường quan trọng nhất trên thế giới và xuất hiện ở rất nhiều nơi khác, xu thế này đang phát triển năng động… 

      Sự nghiệp cách mạng của đất nước mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước đã đem lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Giai đoạn đầu tiên vừa qua của công cuộc đổi mới đã bảo vệ thành công thành tựu cách mạng cực kỳ trọng đại này trước bao nhiêu thách thức hiểm nghèo sau khi đất nước ra khỏi những thập kỷ đằng đẵng của các cuộc chiến tranh tàn khốc, và ngày nay đang đem lại cho đất nước một vị thế chưa từng có trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới hôm nay. 
      Một câu hỏi đơn giản: Nếu không tự đổi mới, nếu công cuộc đổi mới không thành công như vừa qua, sự nghiệp cách mạng của đất nước sẽ ra sao và ngày hôm nay đất nước ta sẽ đang ở đâu? 
      Nên tự hỏi câu hỏi này để thấy rõ được mọi yếu kém của mỗi người và của đất nước còn phải vượt qua, thấy rõ mọi hiểm nguy phía trước, và nhất là để thấy rõ và tự tin vào con đường mình đã lựa chọn, để quyết tâm khai phá tiếp và vững bước trên con đường mình đang đi.  
      Nên tự hỏi câu này để đoạn tuyệt với mọi quán tính bảo thủ lạc hậu, để mở rộng tầm nhìn và tìm cách làm chủ những thành tựu mới nhất của tri thức và văn minh nhân loại. Để tự tin, để yêu thiết tha hơn nữa Tổ quốc của chúng ta! Để tất cả cho Tổ quốc của chúng Ta! 
      Trên hết cả, nên tự hỏi câu hỏi này, để thấy rõ tương lai và vận hội chưa từng có của Tổ quốc Việt Nam ta kể từ ngày dựng nước, để cả nước và toàn thể cộng đồng dân tộc ta muôn người như một, đồng tâm hiệp lực nắm bắt lấy vận hội này!  
      Nói một cách khái quát: Thời cơ và vận hội của Cách Mạng Tháng Tám đã giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, thành quả của Cách Mạng Tháng Tám và của giai đoạn đầu trong công cuộc đổi mới cho đến nay đang đem lại cho đất nước vị thế quốc tế và vận hội mới có một không hai trong lịch sử của đất nước. Đây chính là cơ sở vững chắc cho những bước đi tiếp theo của đất nước vào tương lai.
      Nhận định chung cục diện quốc tế hiện nay xin để vào một dịp khác, đầu xuân chỉ xin nói ngay về thời cơ vàng, về những năm phía trước là thời gian vàng đang mở ra cho Tổ quốc Việt Nam ta. Đất nước ta, dân tộc ta chỉ có một sự lựa chọn: Hoặc là.., hay sẽ là… 
      Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam bây giờ không có kẻ thù chiến lược. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam được công nhận đầy đủ và có quan hệ chính thức với tất cả các cường quốc, với hầu hết mọi quốc gia khác còn lại trên thế giới, Việt Nam đã thực sự trở thành viên có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và trên thực tế là đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta có tất cả các cường quốc trên thế giới là đối tác kinh tế quan trọng, là thị trường quan trọng của nước mình! Trên hết cả, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam là đối tác với tất cả các cường quốc trên thế giới, đang có khả năng ngày một mở rộng sự hợp tác của mình với tất cả các cường quốc và mọi đối tác khác trên thế giới!.. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt Nam có khả năng thực hiện được ước vọng là giương cao ngọn cờ hữu nghị và hơp tác, vì hòa bình và phát triển của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới. 
      Vị thế này của đất nước chính là kết tinh của những thành tựu cách mạng mà dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay đã không từ một hy sinh nào, đã cầm súng chiến đấu qua mấy thế hệ, và đã vượt qua muôn vàn khó khăn trong ba thập kỷ đầu tiên của sự nghiệp kiến thiết đất nước để giành lấy! Và có một điều may mắn lớn từ bên ngoài, đó là: đất nước ta giành được vị thế này vào lúc tranh chấp giữa các thế lực lớn trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á hiện nay chuyển sang hình thức tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình là chủ yếu, các thế lực lớn trên thế giới lúc này – trong một thời gian nhất định, chưa ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc cũng không phải là ngắn lắm – hoặc là đang bận bịu với chính mình, hoặc là đang bận bịu với những vấn đề của họ ở những nơi khác trên thế giới. Cơ hội và điều may mắn này hội tụ với nhau đang đem lại thuận lợi tới mức nước ta chỉ cần tạo ra điều kiện nhân hòa thật tốt bên trong, nước ta sẽ làm nên tất cả! 
      Nói nước ta đang có cơ hội vàng, nói những năm phía trước là thời gian vàng, chính là vì những lẽ vừa trình bầy. 
      Chỉ xin nêu ra một câu hỏi để suy ngẫm: Điều gì sẽ xảy ra nếu như Việt Nam trong những năm tới tận dụng được tốt vị thế của mình, ngày càng mở rộng được khả năng hợp tác mọi mặt của mình với tất cả các cường quốc và của hầu hết mọi quốc gia khác trên thế giới? Nếu nhìn vào khả năng tiếp tục duy trì được sự phát triển năng động như nước ta đang giành được, nếu chúng ta quan tâm hơn nữa đến chất lượng phát triển, nếu nước ta có tầm nhìn và ý thức được vị thế quốc tế mới của mình để hành động, nếu nước ta có tầm nhìn mới để mở rộng sân chơi với cả thế giới trên mọi lĩnh vực.., thì câu hỏi đáng đặt ra này dứt khoát không phải là một mong ước viển vông. Câu hỏi này đang mở ra con đường tối ưu nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình – đồng thời cũng là con đường đúng đắn nhất của sự nghiệp chấn hưng đất nước. 
      Vì vậy, câu trả lời chỉ có thể là: Đây chính là cơ hội vàng! Thời gian vàng của nướcViệt Nam ta! 
      Song cơ hội vàng này, thời gian vàng này không phải là vô hạn định. Cơ hội vàng và thời gian vàng này đỏi hỏi có điều kiện, thậm chí những điều kiện khắt khe và quan trọng. Ví dụ như:
    • Việt Nam có ý chí và quyết tâm lớn đi cùng với xu thế phát triển của thế giới.
    • Việt Nam không tự chuốc lấy kẻ thù cho mình.
    • Đảng lãnh đạo thành công lớn trong đoàn kết và hòa hợp dân tộc, để thu phục được nhân tâm về một mối là tất cả cho chấn hưng đất nước, để cho trong ấm ngoài êm với những điều kiện tốt nhất cho mở rộng hợp tác mọi mặt với mọi đối tác bên ngoài.
    • Khu vực và thế giới không xảy ra những đột biến bất khả kháng.
    • Vân… vân…
      Đương nhiên, cũng không nên quên cơ hội vàng này, thời gian vàng này cũng dành cho nhiều quốc gia khác trong khu vực ý thức được điều này. Như vậy thời cơ không chỉ dành riêng cho nước ta, nước ta bắt buộc phải vươn lên và cạnh tranh quyết liệt để giành lấy. Song cuộc sống có thêm một điều may mắn mới, đó là thế giới hôm nay không chỉ có luật chơithắng của kẻ này là bại của kẻ kia, được của mi là mất của ta (zero sum game), sự phát triển của thế giới hiện đại đã và đang tạo ra cả luật chơi cùng có lợi (win – win game) cho những quốc gia có bản lĩnh vận dụng luật chơi này.

 
      Ý thức sâu sắc về thời cơ vàng, thời gian vàng của mình, ngay tức khắc chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào những thách thức mất còn đang uy hiếp sự tồn vong của đất nước, đó là sự tụt hậu và lạc lõng trong một thế giới phát triển năng động và đầy biến động. Ngay tức khắc chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào một sự thật lạnh lùng: vị thế của Việt Nam ta trong chính sách đối ngoại của hầu hết mọi cường quốc hiện nay vẫn còn thấp so với đòi hỏi phát triển của đất nước ta.  
      Đấy là nghịch lý, hay là một sự thật nhức nhối? 
      Nghịch lý hay sự thật nhức nhối này có nhiều nguyên nhân, song  những nguyên nhân bên trong chi phối là chính và thường trực, những nguyên nhân bên ngoài chỉ thực sự trở nên nguy hiểm trong những tình huống nhất định và với những điều kiện nhất định. 
      Bàn thêm về những nguyên nhân bên trong: 
      Thời cơ vàng, thời gian vàng sẽ là vô nghĩa, nếu như chúng ta không tự tạo ra được những yếu tố bên trong tốt nhất để nắm bắt lấy. Thách thức lớn nhất có thể cướp đi thời cơ vàng, thời gian vàng này là những yếu kém và những bất cập bên trong nếu không được khắc phục quyết liệt. 
      Đành rằng khả năng cạnh tranh thấp của nền kinh tế nước ta là một thách thức rất lớn. Nghèo và lạc hậu cũng là những thách thức lớn. Song tất cả những thứ này không phải là những thách thức lớn nhất. Những thành tựu của 20 năm đổi mới đã làm rõ điều này. 
      Yếu tố quyết định nhất cho phép nắm bắt lấy cơ hội vàng, thời gian vàng này, trước hết là làm cho toàn thể dân tộc ta nhận thức sâu sắc thế giới ngày nay và giác ngộ bằng được thời cơ vàng, thời gian vàng này. Phải tạo ra nhận thức, sự giác ngộ và sự đồng tâm hiệp lực của toàn thể dân tộc cho sự nghiệp chấn hưng đất nước như Đảng ta đã từng thực hiện được thời tiến hành Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến. Có thể làm được như vậy, nếu Đảng ta có ý chí và quyết tâm này, đơn giản vì lẽ: Người Việt Nam nào không đau nỗi nhục mất nước, không đau nỗi nhục nước nghèo và muốn quay lưng lại với sự nghiệp chấn hưng đất nước? Sau khi đất nước và cả dân tộc đã quằn quại trong hai thế kỷ đầy máu và nước mắt, người Việt Nam nào muốn nhắm mắt bỏ qua cơ hội đang đến? Người Việt Nam nào không có khát vọng tận dụng cơ hội đang đến? Khát vọng này là cháy bỏng! Khát vọng này là thiêng liêng đối với toàn thể dân tộc ta, đang nung nấu tâm can từng con người dù sống ở đâu trên thế giới này nhưng luôn ý thức mang trong mình dòng máu Việt!  
      Thành tựu của 20 năm đổi mới đã xoay chuyển hẳn thế cờ của đất nước để mở ra vận hội mới cho đất nước. Nhưng nước ta vẫn chưa thoát khỏi số phận nước nghèo và chậm phát triển! Hai mươi năm ra sức đuổi theo như thế mà thu nhập theo đầu người hiện nay của nước ta mới chỉ bằng khoảng hơn 1/3  của Thái Lan và khoảng 1/6 của Malaysia… Dân tộc nào còn được phép tự coi mình là một dân tộc nếu không biết đau nỗi đau chính mình đã phải trả giá trong lịch sử? Người Việt Nam nào còn có thể tự coi mình là người Việt nếu không có khát vọng lấy lại hai thế kỷ tự mình đánh mất hay bị ách nô lệ bên ngoài và chiến tranh cướp mất?  
      Xin đừng quên chúng ta mất nước vào tay chủ nghĩa thực dân Pháp hồi ấy vào lúc đất nước ta phát triển hoàn chỉnh nhất với tư cách là một thể chế quốc gia, và là một trong những nước phát triển nhất trong khu vực - với những hệ quả đầy máu và nước mắt.., mãi cho đến khi giành lại được độc lập và thống nhất đất nước. Xin đừng quên hồi ấy chúng ta mất nước không phải vì dân tộc ta thấp kém về chủ nghĩa yêu nước, mà nguyên nhân hàng đầu là vì nước ta bị lạc hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với thế giới bên ngoài. Thật là phiến diện nếu chỉ một bề đổ hết mọi tội lỗi cho bên ngoài, cho chủ nghĩa thực dân, mà không nhìn nhận lại đến nơi đến chốn sự lạc hậu và yếu kém của chính mình. Đổ lỗi một bề cho bên ngoài như vậy có khác gì cầu mong trên đời này có một chủ nghĩa thực dân nhân đạo, một chủ nghĩa tư bản nhân đạo, và hôm nay là cầu mong có một toàn cầu hóa kinh tế nhân đạo!..  Vì vậy, bài học cay đắng mất nước vì lạc hậu so với thế giới bên ngoài vẫn còn nguyên giá trị và rất nóng bỏng cho hôm nay.

 
      Dân tộc ta không phải chỉ có khát vọng cháy bỏng lấy lại hai thế kỷ đánh mất! Dân tộc ta đang có cơ hội trong tay và vận may đến từ thế giới bên để ngoài thực hiện khát vọng của mình - trước hết còn bởi lẽ ngoài nỗ lực tự thân ra của mỗi dân tộc ra, thế giới ngày nay đang tạo ra những điều kiện cho bất kỳ dân tộc nào ý thức được nấc thang phát triển của thế giới ngày nay và có sự phấn đấu ngoan cường cho thực hiện khát vọng của mình. 
      Bên trên đã trình bầy vị thế mới, thời cơ mới của đất nước. Ở đây chỉ xin lưu ý thêm, bên cạnh những thách thức khắc nghiệt mới, sự phát triển của thế giới ngày nay cũng đang tạo ra những tiền đề phát triển chưa từng có cho những nước đi sau. Cứ nhìn vào sự phát triển của nước ta trong 20 năm đổi mới vừa qua, nhìn vào sự phát triển năng động của  nhiều nền kinh tế năng động của một số nước đang phát triển khác, nhìn ngay vào sự phát triển của Trung Quốc đang làm chấn động cả thế giới.., sẽ nhận thức rõ những điều mới lạ này…  
      Cuộc sống chưa bao giờ có những điều kiện thuận lợi và khó tưởng tưởng nổi như ngày nay, cho phép từ lạc hậu đi đến hiện đại bằng những con đường ngắn nhất, nhanh nhất, nhiều khi cũng là rẻ nhất, trên bất kỳ phương diện nào: kinh tế, xã hội, xây dựng thể chế chính trị, phát triển văn hóa xã hội..., hầu như không ngoại trừ quốc gia nào – miễn là nó ý thức được và có khả năng làm chủ được xu thế phát triển này của thế giới! Tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, tiến bộ của kinh tế tri thức, nói rộng ra nữa những bước phát triển mới của văn minh nhân loại trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay đang đem lại cho những nước đi sau những cơ hội chưa từng có! Kèm theo cũng là những thách thức chưa từng có nếu ý thức hời hợt hoặc thậm chí vô cảm với thế giới chúng ta đang sống. 
      Sống trong thế giới ngày nay, nhìn trên phương diện tích cực, chúng ta chẳng những đang chứng kiến các quốc gia hoặc các vùng đạt được những thành quả khó tưởng tượng nổi trong thế kỷ trước, trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước… 
      Trong thế giới này, chúng ta đang chứng kiến biết bao điều khác thường, đảo lộn hẳn suy nghĩ chúng ta vốn theo đuổi - ở ngay nước ta, đó là những đổi mới thực sự đảo lộn rất nhiều tư duy cũ, là sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.., ở nhiều nước khác là sự phát triển lên kinh tế tri thức và những bước phát triển mới trong công cuộc xây dựng xã hội dân sự… Cả thế giới trầm trồ - và lo ngại nữa – về sự phát triển thần kỳ liên tục hơn hai thập kỷ của Trung Quốc đã đành, sự chiếm lĩnh những thị phần lớn ngay trên thị trường các cường quốc kinh tế… Thế giới cũng đang chứng kiến chuyện chưa hề có trong bất kỳ học thuyết, kinh điển hay chủ nghĩa nào về “một nước, hai chế độ” ở Trung Quốc. Nhân đây có thể nói: Gần như điều chắc chắn, trong thế giới ngày nay - và chỉ trong thế giới ngày nay - đường lối “một nước, hai chế độ” ở Trung Quốc không còn là và ngày càng không phải là một sách lược nữa, nó từ câu chuyện nuôi “con gà đẻ trứng vàng” đang thực sự trở thành quốc sách, thành chiến lược, thành con lăn đưa chuyển tòa nhà kinh tế khổng lồ của Trung Quốc lên tầm cao phát triển mới! Chuyện này chỉ có thể xảy ra trong thế giới ngày nay – và mầm mống từ trong cách lãnh đạo của Trung Quốc đổi mới hoàn toàn nhận thức của họ về thế giới! 
      Thế giới của chúng ta hôm nay chứa đựng biết bao nhiêu điều mới lạ khác nữa, đòi hỏi cách tiếp cận khác hẳn. Ngay trong kinh tế, không thể cứ một chiều đi theo con đườngnhanh hơn, rẻ hơn, tốt hơn, nhiều hơn.., môi trường ngày nay cũng không cho phép đi mãi trên đường mòn như vậy, mà phải sớm biết xử lý những vấn đề mới, tìm ra “cầu” mới – nghĩa là thị trường mới, làm ra sản phẩm mới. Trí tuệ, công nghệ, tổng hợp chung lại là tri thức trở thành vốn quyết định nhất - với đúng nghĩa con người là vốn quý nhất… 
      Cũng trong thế giới ngày nay, cuộc sống chưa bao giờ chứng kiến sự sụp đổ trong một đêm cả một hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa Liên Xô Đông Âu cũ có 70 năm tuổi đời - hầu như do những nguyên nhân tự thân bên trong. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng khốc liệt trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gia tốc… Mỹ tuy ở vị trí siêu cường nhưng đang tiếp tục suy yếu tương đối so với các đối thủ cạnh tranh khác – thể hiện khá rõ qua mối tương quan giữa các đồng tiền Euro, Dollar, Yên, Nhân dân tệ (TQ)… Các thách thức cũng như các vấn đề phi truyền thống cũng đang tác động hết mức vào mọi mặt đời sống thế giới… 
      Chúng ta đang sống trong một thế giới rất khác so với thế kỷ trước, so với một vài thập kỷ trước, so ngay với những năm đầu tiên của thế kỷ này, có nhiều vấn đề hoàn toàn mới khiến nhận thức của chúng ta thường phải đuổi theo sau nhưng không kịp, đòi hỏi cách tiếp cận và xử lý mới, có những vấn đề chưa có lời giải… 
      Điều quan trọng cần rút ra và khẳng định đối với nước ta là: Trong một thế giới như vậy, dân tộc ta đang có trong tay cơ hội vàng, những năm phía trước là thời gian vàng để thực hiện khát vọng cháy bỏng của mình: Tự bứt mình ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo chậm phát triển, vươn lên thành quốc gia giàu mạnh sánh vai với năm châu bốn biển, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong ước khi Người viết thư căn dặn các cháu học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới… 
      Kẻ thù của nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai? 
      Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác. 
      Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này? 
      Phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước – bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do. 
      Chính khát vọng này, chính sự giác ngộ này đang nung nấu, đang tích tụ chí khí của toàn thể dân tộc ta. Chính khát vọng này, sự giác ngộ này đang nhen nhóm để rồi sẽ bùng lên một hào khí trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta, một cao trào Cách Mạng Tháng Tám mới cho sự nghiệp chấn hưng đất nước – như đã từng bùng lên một Cách Mạng Tháng Tám cho sự nghiệp cứu nước. Tích tụ chí khí này, làm bùng lên hào khí của đất nước cho sự nghiệp chấn hưng đất nước chính là sứ mệnh đích thực của Đảng ta với tư cách là một đảng lãnh đạo. Không làm được như vậy, hào khí của đất nước sẽ tích tụ lại thành những áp lực gây tai biến khôn lường – đơn giản là vì sự vận động của cuốc sống đất nước không có điểm dừng và không biết chờ đợi.
 
      Không có một sự nghiệp chấn hưng đất nước nào của bất kỳ dân tộc nào lại không đòi hỏi sự lãnh đạo của lực lượng tinh hoa của chính dân tộc đó!  
      Lẽ đơn giản, phát triển đi tới chấn hưng đất nước là một quá trình phát triển đầy khó khăn gian khổ, đòi hỏi nhiều nhất sự giác ngộ chính mình và thế giới chung quanh – nhất là sự giác ngộ những thành quả của văn minh nhân loại và xu thế phát triển của thế giới. Phát triển để chấn hưng đất nước đòi hỏi nhiều nhất trí tuệ, công sức, ý thức đồng tâm hiệp lực, sự thực hiện tốt nhất công bằng - dân chủ - văn minh, tất cả để phát huy tối ưu mọi nguồn lực bên trong và tranh thủ tốt nhất mọi nguồn lực bên ngoài cho phát triển, tất cả phải bắt đầu từ phát huy tối ưu khả năng, phẩm chất và quyền năng của từng con người trong cộng đồng xã hội, để mỗi con người tự do có thể với tất cả trái tim và khối óc mình đem hết công sức cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, vì chính mình và vì đất nước, hài hòa được lợi ích của chính mình và của đất nước.  
      Sự lãnh đạo cần phải có này là đòi hỏi tất yếu, tất yếu nếu không hơn thì cũng không kém thời cứu nước! Trong cách mạng, tự phát sớm muốn sẽ dẫn đến thất bại. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước lại càng như vậy. 
      Chúng ta không nên đóng cửa trí tuệ trước bất kỳ thành tựu văn minh nào của nhân loại. Mặt khác chúng ta cũng không nên bỏ phí trí tuệ của chính dân tộc ta sáng tạo ra. Nhìn vào thực tế cuộc sống của nước ta, hiển nhiên công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng từ dưới lên. Song với trách nhiệm là người lãnh đạo, Đảng ta xuất phát từ khát vọng và hành động đổi mới của quảng đại các tầng lớp nhân dân đã xây dựng lên thành đường lối đổi mới của Đảng, thành quốc sách có hiệu quả của nhà nước, nhờ đó đổi mới đã không biến tướng thành tự phát vô chính phủ, không gây ra đổ vỡ như ở nhiều nước khác. Nhờ đó và cuối cùng Đảng đã tổ chức thực hiện, về cơ bản là thực hiện thành công công cuộc đổi mới trong hai thập kỷ đầu tiên vừa qua, để cuộc sống đất nước được như hôm nay.  
      Nguyên nhân quan trọng nhất của thành công là trong đổi mới đã thực hiện được một bước đi quan trọng trên con đường dân chủ hóa toàn bộ đời sống kinh tế và quản lý xã hội.  
      Thành tựu quan trọng bậc nhất đã đạt được của công cuộc đổi mới, dù mới chỉ ở bước khởi đầu, là có biết bao nhiêu sáng kiến, nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân con người đã được khơi dạy, được giải phóng, được phát huy, vì lợi ích và hạnh phúc của chình mình, vì sự giàu có của đất nước, tìm đường hài hòa lợi ích của chính mình với lợi ích của đất nước.  
      Dù mới chỉ là ở bước đầu rất sơ khởi, công cuộc đổi mới đang đi vào hướng đúng đắn là tạo điều kiện cho mỗi người tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình! Một dân tộc có mỗi cá nhân thành viên của mình có khả năng tự thắp đuốc tìm đường đi lên cho chính mình, dân tộc đó là bất khả chiến bại! Một Đảng chính trị có khả năng tạo ra cho mỗi cá nhân thành viên trong cộng đồng dân tộc mình làm được việc tự thắp đuốc tìm đường cho mình đi lên, đó chính là đảng lãnh đạo của dân tộc đó! 
      Chính vì những lẽ vừa trình bày, sự lãnh đạo sáng suốt và đúng đắn của Đảng là đòi hỏi tất yếu. 
      Chính vì những lẽ vừa trình bầy, thời cơ vàng của dân tộc cũng là thời cơ vàng của Đảng ta!

 
      Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai?
Trên con đường phát triển của mình, nhân dân phải nhận rõ kẻ thù của mình. Là người lãnh đạo, Đảng càng phải hiểu rõ hơn ai hết điều gì cản trở vai trò lãnh đạo của mình. Đảng không thể không nêu ra cho mình câu hỏi ai là kẻ thù đối với sứ mệnh lãnh đạo nhân dân, lãnh đạo đất nước của mình. 
      Có nhiều câu trả lời. Cũng có nghĩa là có nhiều kẻ thù. 
      Câu trả lời nghiêm khắc nhất, câu trả lời quyết định sứ mệnh vai trò lãnh đạo của Đảng chỉ có thể là: 
      Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước!* Chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới tự bảo vệ được mình. Nhưng đặc biệt quan trọng, chiến thắng kẻ thù này Đảng ta mới có lý do tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo. 
      Tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về trí tuệ là Đảng ta chưa thành công bao nhiêu trong sự nghiệp làm cho nhân dân ta giác ngộ sâu sắc và thực hiện được vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của đất nước độc lập tự do, để từ đó làm nền tảng cho việc xây dựng thể chế chính trị và hệ thống tổ chức xã hội dân sự, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phát triển quan hệ với thế giới bên ngoài. Có bao nhiêu yếu kém lớn mắc phải về mọi mặt trong 30 năm qua, nhất là trong 10 năm đầu sau khi ra khỏi chiến tranh, kìm hãm mãi nước ta trong vòng lạc hậu, trước hết chính là do Đảng lãnh đạo mắc phải yếu kém tiêu biểu này. 
      Các văn kiện chính thức của Đảng đã coi tham nhũng là quốc nạn. Tuy nhiên, tiêu biểu nhất cho sự hẫng hụt về phẩm chất của Đảng ta hiện nay phải nói là tệ nạn quan liêu tham nhũng và tiêu cực.  
      Sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất hư vậy đang hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, đang làm mai một nhiều truyền thống cách mạng quý báu của Đảng, đang từng bước đẩy lùi đảng lãnh đạo xuống thành đảng cai trị, điều mà tôn chỉ mục đích của Đảng không bao giờ cho phép. Sứ mệnh lãnh đạo và sự tồn tại của Đảng đòi hỏi phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt này.  
      Tuy nhiên, sự hẫng hụt này có hai phần cần làm rõ và có cách khắc phục thích hợp thì mới có hiệu quả. Đó là (1)hẫng hụt do tha hóa và bất cập; (2)hẫng hụt do tầm cao của nhiệm vụ mới trong giai đoạn cách mạng mới diễn ra trong tình hình mới đến mức gần như thay đổi hoàn toàn so với trước. 
      Tha hóa tự thân và hẫng hụt trong cuộc sống là hiện tượng thường xuyên diễn ra, là một mặt vận động của cuộc sống. Ngay cả một đảng phái  hay một nhân vật lý tưởng có thể vẽ ra hay dàn dựng lên trong kinh sách cũng không bao giờ hoàn hảo, không thể thoát khỏi những khiếm khuyết. Cho nên chẳng có gì để hoang mang, cũng không phải là bôi nhọ, khi thẳng thắn vạch ra sự tha hóa tự thân và sự hẫng hụt này của Đảng ta. Hơn thế nữa, phải có dũng khí của Đại hội VI “nhìn thẳng vào sự thật!”, “nói sự thật!” để có dũng khí khắc phục sự tha hóa và sự hẫng hụt này! 
      Thái độ ứng xử đối với sự tha hóa và hẫng hụt này mới là điều quyết định! 
      Loại bỏ những ý đồ thù địch với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, trong dư luận xã hội đại thể có hai loại ý kiến về sự ứng xử này:
    • đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dân chủ cho phát triển;
    • Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo.
       Thế nhưng người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) nói riêng và toàn Đảng nói chung lựa chọn sự ứng xử nào? 
      Đảng ta lựa chọn sự ứng xử khắc phục sư hẫng hụt này, hay là chỉ lựa chọn sự bảo vệ quyền lãnh đạo của Đảng? Sự lựa chọn nào thì kết quả hay hệ lụy ấy. 
      Ý kiến đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng để thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dânchủ dựa trên lập luận: ĐCSVN không thể bước qua cái bóng của mình. 
      Ý kiến đòi hỏi Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo dựa vào truyền thống cách mạng của Đảng và sự gắn bó của nhân dân với Đảng. 
      Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào?
      Không ai có thể trả lời thay, và Đảng ta không thể để bất kỳ ai trả lời thay mình câu hỏi này! 
      Trong khi nội tình ở nhiều quốc gia có sự tranh giành khốc liệt giữa các lực lượng chính trị để xác lập vị trí lãnh đạo của một lực lượng nào đó, thì ở nước ta Đảng ta là lực lượng chính trị đã được thử thách dày dạn nhất và đang hội tụ được trong hàng ngũ của mình nhiều nhất những công dân ưu tú của đất nước. Đến giờ phút này Đảng hãy còn giữ được tấm lòng của quảng đại nhân dân đối với Đảng, vẫn đang được hưởng sự bao dung và bảo vệ của nhân dân. Chỉ cần Đảng đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết, phát huy tự do dân chủ trong Đảng để phát huy tự do dân chù trong cả nước, Đảng sẽ tự tạo ra được cho mình nghị lực và phẩm chất cách mạng, để lựa chọn được sự ứng xử của Đảng mà dân tộc ta đang mong đợi. 
      ĐCSVN có vượt qua được cái bóng của mình không? 
      Trong lịch sử của mình, Đảng ta đã hơn một lần vượt qua cái bóng của mình – lẽ đơn giản là Đảng chỉ có một mục đích duy nhất là phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Gần đây nhất Đại hội VI là như thế, trong những năm đổi mới đã có nhiều ví dụ như thế.  
      Ý kiến cho rằng ĐCSVN không vượt qua được cái bóng của mình nói: Người đảng viên bây giờ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, đã dính chặt vào cái ghế cầm quyển của mình rồi! Không thay đổi được!.. 
      Đưa hai tay bịt tai lại, hay phùng má đao to búa lớn đối với ý kiến trên – cả hai loại việc này đều vô nghĩa. 
      Điều trước sau quyết định sống còn vẫn là: Đảng ta lựa chọn sự ứng xử nào? Hoặc là… Hay sẽ là… 
      Cuộc sống luôn luôn có những sự thật đanh thép. Hôm qua là hôm qua, hôm nay là hôm nay. Hôm qua người cộng sản Việt Nam đã không dưới một lần vượt qua cái bóng của mình – như nhiều người cộng sản Việt Nam đã tự chứng minh, nhiều khi bằng cả tính mạng của mình. Song điều đó không có nghĩa là cuộc sống hôm nay sẽ tự lặp lại như thế như một lập trình được cài đặt sẵn trong máy tính! Cuộc sống ngày nay đang đòi hỏi khắt khe ở mỗi người đảng viên ĐCSVN: Sống là mỗi ngày phải vượt qua cái bóng của mình! Không như thế không còn danh hiệu người đảng viên! Không như thế Đảng ta không còn lý do để tồn tại với tư cách là đảng lãnh đạo. 
      Đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc, mỗi đảng viên và toàn thể Đảng ta sẽ mỗi ngày vượt qua được cái bóng của mình! Đau thấu nỗi đau của dân tộc, khát vọng da diết khát vọng của dân tộc, Đảng ta sẽ tự trang bị được cho mình trí tuệ mẫn tiệp và ý chí bất khuất, trước hết là để thu phục nhân tâm toàn thể cộng đồng dân tộc ta về một mối cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, để phấn đấu làm cho Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc, và nhờ đó Đảng sẽ thực hiện được sứ mệnh là lực lượng lãnh đạo sự nghiệp chấn hưng đất nước. Khi nói đên xây dựng Đảng trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc. cũng có nghĩa là tự do dân chủ phải được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng dân tộc. 
      Thời cơ vàng đang đến của dân tộc, vì vậy cũng chính là thời cơ vàng của Đảng ta! Hoặc là… Hay sẽ là…
      Mong rằng Đại hội X dành tâm trí cho vấn đề sống còn này của Đảng ta – vì hạnh phúc và vinh quang của Tổ quốc chúng ta!


 



Thông điệp từ trái tim của tác giả "Thời cơ vàng" 
07/02/2006 17:33 (GMT + 7)
TTO - Hơn 1.000 thư, emal, tin nhắn của bạn đọc là sự hưởng ứng chưa từng có dành cho loạt bài viết chính luận “Thời cơ vàng” của tác giả Nguyễn Trung đăng trên Tuổi Trẻ 12&17-1-2006.


CHIA SẺ
“Sẽ là khiếm nhã và thiếu nghiêm túc nếu tôi chỉ nhận những lời “khen” và làm ngơ trước không biết  bao nhiêu câu hỏi các bạn dành cho tôi… Sự giống nhau chung nhất và cũng là duy nhất: tất cả các câu hỏi này đều nặng lòng với đất nước vào thời điểm vận hội mới đang tới với đất nước”.
Và vì sự nặng lòng không của riêng ai này, tác giả Nguyễn Trung sẽ gặp lại chúng ta trênTuổi Trẻ ngày mai 8-2-2006 với cuộc trò chuyện mà ông gọi là thông điệp “Từ trái tim đến trái tim”.
Thời cơ vàng có gắn với hiểm họa đen? Chọn hướng đi là quay lưng lại với mặt trời thì làm sao vượt qua được cái bóng của mình? Hệ thống chính trị của ta không trọng dụng người tài hoặc đố kỵ với người tài?…
Nguyễn Trung - một công dân, một đảng viên thường của Đảng cộng sản VN, một viên chức đối ngoại cấp bậc đại sứ - với lý tưởng “Tổ quốc trên hết! Đại đoàn kết tất cả vì sự nghiệp chấn hưng Việt Nam” không muốn tránh né bất kỳ vấn đề nào bạn đọc đã đặt ra dù có ý kiến làm tác giả phải thốt lên: “Ôi, thà bạn xát muối vào ruột tôi còn hơn!” .
Mời đón đọc bài viết bắt đầu từ số báo ngày mai 8-2-2006.

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng X:
Kỳ 1: Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen
08/02/2006 01:02 (GMT + 7)
TT - Gần 1.000 ý kiến bạn đọc phản hồi bài báo "Thời cơ vàng" đã thật sự gây bất ngờ cho chính tác giả Nguyễn Trung. Ông đã tiếp nhận tất cả những ý kiến đó bằng sự đồng cảm và chia sẻ dù là hoan nghênh hay bác bỏ. Bởi ý kiến dù khác nhau thế nào cũng đều chung một ý tưởng: “Tổ quốc trên hết”.


Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen
Nguyễn Trung

Hiểm họa từ đâu?
Nhiều thư, thậm chí có cả bài báo, các cuộc nói chuyện điện thoại đã nhắc nhở tôi: khi nói đến thời cơ vàng của nước ta, phải nói liền theo đó đến hiểm họa đen. Có ý kiến còn nói hiểm họa đen hay “thời cơ đất sét” cùng với thời cơ vàng ở nước ta trong hoàn cảnh hiện nay chỉ là một thôi, vì từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay đã bao nhiêu lần thời cơ lớn bị bỏ lỡ và đã có phen đẩy đất nước lâm vào gian nguy rồi. Có thư phản hồi của bạn đọc còn viết: Bọn tham nhũng đã nắm được thời cơ vàng, đất nước thì chưa! (Tôi - Nguyễn Trung - tự hỏi mình: Còn lời nói nào đau lòng hơn thế nữa không?).
Tôi cảm ơn và chia sẻ với sự nhắc nhở này.
Như vậy, câu bỏ lửng “Hay là..., hoặc sẽ là…” trong bài viết của tôi chưa đủ tầm, chưa rõ, có nhiều chuyện phải bàn thêm.
Trước hết xin cho phép tôi là người viết bài “Thời cơ vàng” chân thành cảm ơn sự chia sẻ của tất cả các bạn với những ý nghĩ tôi nêu trong bài viết này - dù là chia sẻ dưới dạng hoan nghênh hay bác bỏ.
Thật khó cho tôi làm sao nói lên được sự mừng lo chen lấn nhau trong tâm trạng của mình về sự chia sẻ của các bạn. Mừng là vì tôi không đơn độc khi nói lên nỗi niềm trăn trở của mình, lo là vì cảm nhận được nỗi lo chung của chúng ta lớn quá!
Sự chia sẻ này tự nó đã nói lên: những suy nghĩ của chúng ta đồng cảm hay khác nhau như thế nào chăng nữa, trong tim mỗi chúng ta chỉ có chung một Tổ quốc VN vô vàn yêu quí!
Tôi tin tưởng sâu sắc rằng trong tâm khảm mỗi chúng ta cùng chung một ý tưởng thiêng liêng: Tổ quốc trên hết! Đại đoàn kết tất cả vì sự nghiệp chấn hưng VN!
Tôi hy vọng đôi điều tâm tình của mình sẽ cổ vũ các bạn đem hết tâm huyết góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội X đã được công bố để xin ý kiến đóng góp của toàn dân.
Sự thật là: thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau trong cuộc sống như hình với bóng, đổi chỗ cho nhau có thể chỉ trong nháy mắt! Ví dụ điển hình nhất ở nước ta theo suy nghĩ của tôi là từ đỉnh cao 30-4-1975 đất nước rơi nhanh quá vào 10 năm khủng hoảng trầm trọng sau đó về mọi mặt.
Không ít những thách thức và hiểm nguy hồi ấy có mầm mống ngay từ trong những thắng lợi và quán tính của chúng ta, rồi bối cảnh bên ngoài tác động vào, nhanh đến mức độ khi chúng ta “tỉnh” ra thì sự nghiệp cách mạng của đất nước đã đứng bên bờ vực thẳm. Ngày nay nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hãi hùng!
Các ý kiến phản hồi nhắc nhở về hiểm họa đen, hỏi suy nghĩ của tôi về hiểm họa đen… đã nêu lên rất đúng mối nguy của quốc nạn tham nhũng và những hư hỏng của một số không ít cán bộ đảng viên có chức có quyền.
Đấy là những cảnh báo nghiêm khắc, không thể bỏ ngoài tai, và cho đến nay hằng ngày trên dư luận công khai có không ít những lời cảnh báo như vậy. Điều lo lắng của tôi là từ nhiều năm nay cảnh báo thì cứ cảnh báo, nhưng hư hỏng cứ tiếp tục hư hỏng.
Góp phần vào cảnh báo này, tôi chỉ xin mọi người đừng quên: Hiểm họa đen còn đang rình mò, lấp ló từ nhiều phương trời khác nữa trong đời sống của đất nước.
Đấy là những hiểm họa từ cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng còn nhiều yếu kém, từ những chính sách vĩ mô bất cập, từ những quyết định kinh tế không đúng - ví dụ như thường xảy ra trong lĩnh vực đầu tư - điển hình là chuyện mía đường và ximăng lò đứng, câu chuyện đang tranh cãi về nhà máy lọc dầu Dung Quất..., từ tình trạng đất đai vô cùng phức tạp và đầu cơ đất đai đang diễn ra như hiện nay, từ sự phân hóa giàu nghèo và biết bao nhiêu vấn đề khác trong vấn đề phát triển nông thôn…
Rồi đến những hiểm họa mới trong sự xuống cấp nhanh chóng của môi trường so với sức chịu đựng của nền kinh tế, những hiểm họa từ những yếu kém trong chiến lược và qui hoạch phát triển kinh tế, từ biết bao nhiêu khoản nợ khó đòi trong không ít các doanh nghiệp nhà nước, rồi bây giờ là H5N1, hạn hán, lũ lụt, những thách thức truyền thống và phi truyền thống khác, là sự khập khiễng chưa có cách gì thu hẹp lại giữa một bên là cải cách hành chính và hệ thống chính trị và một bên là những đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội và của hội nhập quốc tế...
Bây giờ còn phải nhấn mạnh thêm những hiểm họa lấp ló từ những khó khăn và mối nguy khôn lường của cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, từ những quyết sách bắt buộc phải cân nhắc, phải lựa chọn của một nền kinh tế có tới khoảng 60% của cải làm ra hằng năm buộc phải dành cho xuất khẩu - nếu không thì nghèo đói to, từ một nền kinh tế thường xuyên có nhập siêu lớn… Nhìn dài hạn hơn nữa là những hiểm họa đang thai nghén từ nền giáo dục còn nhiều bất cập và yếu kém hiện nay, từ những xuống cấp khác đang xảy ra trong lĩnh vực văn hóa, xã hội..., và ngay trong sinh hoạt Đảng.
Lớn hơn những hiểm họa vừa nói trên, có lẽ còn phải nêu lên những hiểm họa đến từ những lãng phí vô hình và hữu hình, lãng phí chất xám, lãng phí thời gian và cơ hội..., những hiểm họa đến từ sự thiển cận hay kiêu ngạo, từ sự ru ngủ hay tự giam hãm lẫn nhau trong tư duy lỗi thời và cằn cỗi, từ sự sa sút ý chí cách mạng và lòng yêu nước, những hiểm họa do tụt hậu và lạc lõng trong một thế giới đã bước lên một nấc thang phát triển mới…
Nếu sống theo câu châm ngôn cổ Trung Hoa “sẩy chân một bước hận nghìn thu”, gương tày liếp là sự sụp đổ của các nước Liên Xô, Đông Âu cũ, chuyện mới đây là cơn bão tài chính tiền tệ năm 1997 gần như trong một đêm tàn phá tan hoang những nền kinh tế năng động vào bậc nhất ở châu Á..., thì việc nêu lên và ý thức hết những hiểm họa nói trên không phải là một sự hù dọa, càng không phải là chuyện vạch áo cho người xem lưng, mà là một phẩm chất phải có do cuộc sống hôm nay đang đòi hỏi ở mỗi quốc gia và từng con người, trước hết ở mỗi đảng viên và toàn Đảng Cộng sản VN. Tôi chân thành nghĩ như vậy.
Làm sao vượt qua thách thức?
Vô cảm hay khoanh tay cảnh giác trước những hiểm họa này đều vô nghĩa. Điều tôi ước muốn là làm sao từng đảng viên, từng công dân của đất nước ta luôn nhận được những thông tin, luôn được trang bị những hiểu biết mọi chiều cạnh, để nhận biết và để tự mình có cách ứng xử tích cực và quyết liệt - đối với chính bản thân mình và xã hội, đối với toàn bộ hệ thống quản lý đất nước, nâng cao trách nhiệm của chính mình đối với toàn bộ cuộc sống của đất nước.
Nếu suy nghĩ như vậy được chấp nhận, sẽ có rất nhiều việc trong toàn bộ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của đất nước phải làm khác đi.
Sự thật, trong sinh hoạt Đảng, trong học tập và tu dưỡng… cũng như trong công tác tuyên truyền và thông tin báo chí, trong học tập, trong việc giáo dục con người - từ trẻ em trên ghế nhà trường cho đến mọi người đang gánh vác các công việc khác nhau trong xã hội… - chúng ta còn đứng cách khá xa đòi hỏi sống còn này. Không có lý do gì để duy trì mãi hay để thanh minh bào chữa cho khoảng cách này.
Trên hết cả là hệ thống chính trị của cả nước phải tìm mọi cách thường xuyên nuôi dưỡng trong toàn Đảng, toàn dân tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đại hội VI, đó là: ý chí và khả năng nhận biết mọi hiểm họa từ khi chúng còn là mầm mống, ý chí và khả năng không thỏa hiệp với bất kỳ sự tha hóa và bất cập nào, ý chí và khả năng đương đầu thắng lợi với bất kỳ hiểm họa và thách thức nào…
Lịch sử nước ta, nhất là lịch sử cận đại, đã nhiều lần nghiệm trải: quán tính của tư duy cũ và thói phô trương “mẹ hát con khen hay” là kẻ đã nhiều lần dẫn lối đưa đường cho nhiều hiểm họa đến với đất nước… Còn phải nói đến nơi đến chốn về sự bạc nhược của mỗi người chúng ta - trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên - đối với mọi sai trái xảy ra chung quanh ta. Chẳng dám đấu tranh với mọi sai trái thì phải chấp nhận chung sống với nó thôi!
Hiểm họa lớn nhất trên con đường đi lên của đất nước ta nằm ngay trong thách thức lớn nhất: Cuộc sống đang đòi hỏi dân tộc ta với tư cách là chủ nhân ông của đất nước phải giác ngộ sâu sắc chính mình và thế giới chung quanh để tồn tại, để cùng đi, để cùng đua tranh với cả thế giới!
Hơn bao giờ hết, chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc phải được nâng lên một tầm cao mới, với trí tuệ và ý chí mới! Giác ngộ cho bằng được thách thức lớn nhất này của dân tộc cũng là thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản VN - với tính cách là đảng lãnh đạo, với vai trò là đội tiền phong chiến đấu của dân tộc trên con đường chấn hưng đất nước.
Đứng mũi chịu sào cho cả dân tộc, Đảng phải chấp nhận thách thức này! Có nghĩa là Đảng phải làm mọi việc mở đường cho việc đưa vào chủ nghĩa yêu nước và đoàn kết dân tộc những nội dung mới mà thời đại ngày nay đòi hỏi - bắt đầu từ thực hiện thật tốt công bằng dân chủ văn minh trong toàn bộ đời sống của đất nước, từ thay đổi một cách triệt để nội dung công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, giáo dục...
Tôi còn cả nghĩ rằng trên thế giới ngày nay không một đảng cầm quyền nào, kể cả ở những nước phát triển nhất, dám xem nhẹ thách thức lớn nhất này của chính mình.Lại càng không có đảng cầm quyền nào dám dại dột theo đuổi chính sách ngu dân, bởi họ hiểu làm như thế là dẫn đảng của họ vào con đường tự sát. Cuộc sống trên thế giới ngày nay là như vậy.
Rõ ràng yêu nước và đoàn kết dân tộc trong thời đại ngày nay có nhiều nội dung mới lắm, đòi hỏi ý chí kiên cường và nhiều trí tuệ mới lắm.
Thời cơ vàng sẽ là cái gì nếu dân tộc VN ta và Đảng Cộng sản VN bình chân như vại trong một thế giới như vậy? Nhất là đảng lãnh đạo phải làm gì để không ru ngủ, không làm vô cảm, mà là phải nuôi dưỡng và phát huy cao nhất tinh thần yêu nước và ý chí của toàn dân tộc một lòng đoàn kết vươn lên đua tranh với cả thế giới.
NGUYỄN TRUNG
-----------------
* Kỳ sau: Hệ thống chính trị sẽ như thế nào?
Nói hay phải làm giỏi
Một bài viết rất hay. Tuy nhiên để thực hiện một phần nhỏ các ý trong bài viết trong tình hình của đất nước hiện nay thì như "mò kim đáy biển" và chỉ có thể thực hiện được một khi Đảng, Chính phủ "nói phải làm" theo nghị quyết, cải tổ phương thức lãnh đạo, phương thức hoạt động cho phù hợp. Chứ đại đa số người dân cho rằng Đảng, chính phủ nói thì rất hay (giống như mấy ông đại biểu quốc hội đi xuống dân để vận động), nhưng làm thì lại không theo nghị quyết.
Chẳng hạn: chuyện kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, thì lãnh đạo đảng từ Tổng bí thư đến Ban bí thư phải làm gương nêu tài sản của mình lên thông tin đại chúng. Chẳng hạn chúng ta có thể làm một website để công bố tài sản lãnh đạo các cấp, bằng cấp... sẽ hạn chế được tham nhũng, bằng giả... Tôi xin có ý kiến là ta nên đổi khẩu hiệu theo thứ tự: "Xã hội công bằng - dân chủ - văn minh" bằng: "Xã hội văn minh - dân chủ - công bằng"!
Cantho1977
Tôi muốn nghe thêm nhiều lời từ nhiều trái tim nữa
Liên quan đến "Cơ hội vàng" sẽ còn có nhiều vấn đề và ý kiến góp ý. Riêng tôi, chưa cần nói đến những vấn đề về nội dung, mà chỉ nói riêng đến "thành phần tham gia". Tại sao bài báo "Cơ hội vàng" thu hút nhiều ý kiến tâm huyết của bạn đọc đến vậy mà "những thông điệp từ trái tim đến trái tim" với lời thốt: "Ôi! Thà bạn bạn xát muối vào ruột tôi còn hơn!" đối thoại với bạn đọc chỉ là của mỗi tác giả Nguyễn Trung. Tại sao không và ước gì "những thông điệp từ trái tim đến trái tim" ấy có cả những ý kiến và sự đồng cảm của những đồng chí lãnh đạo Đảng, chính phủ... để tạo nên một hào khí toàn dân tộc trong công cuộc chấn hưng đất nước?
VŨ XUÂN THAO
Hãy tìm "hào kiệt" cho bộ máy quản lý
Trước hết phải nói rằng, bài viết của tác giả Nguyễn Trung thật sự tâm huyết, có chiều sâu nhờ có nhiều nỗi đau đáu với thực tại của đất nước. Đất nước thật sự cần có những con người nhiều trăn trở và có khả năng nhận thức được vận hội và hiểm họa trong những hoàn cảnh nhất định. Trong số những con người này, chúng ta phải tìm ra được người hiền, tài giỏi nhất để giao trọng trách đưa ra những quyết sách cho đất nước. Tất nhiên những quyết sách đó phải là trí tuệ của cả một tập thể những cái đầu đức độ, mẫn cán, có hiểu biết sâu rộng, có khả năng cảm nhận thời cuộc.
Nhưng muốn có được sự tập hợp đó, chúng ta phải có cơ chế để đưa được những bậc hiền tài thực sự lên nắm vận mệnh của đất nước. Tất cả những lo toan về "nắm bắt thời cơ vàng và né tránh những hiểm họa đen" của tác giả Nguyễn Trung chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta đưa ra được cơ chế hiệu quả để tiến cử người tài. Vì "Hào kiệt đời nào cũng có", nhưng làm sao để hào kiệt thật sự tiếp cận được những vị trí quản lý, hoạch định trong bộ máy nhà nước.
Nói như vậy không có nghĩa là người hiền tài không biết cách tiếp cận, mà do thói thường trong thời bình, những kẻ xu nịnh và mưu mô thường xoay đủ cách để tiếp cận với quyền lực để mưu cầu lợi ích riêng, trong khi cách làm đó không phải là đức tính của người hiền tài. Mong rằng những ai đương chức, còn có tấm lòng như tác giả Nguyễn Trung, hãy vì sự hưng thịnh của đất nước mà tìm tòi, đưa ra được cơ chế tuyển trạch người hiền tài cho đất nước.
LE XUAN DINH
Hãy làm tất cả vì dân tộc
Theo tôi nghĩ, những ai có tâm hyết và lương tri khi nghĩ đến vận mệnh đất nước và dân tộc hẳn không khỏi giật mình với cách đặt vấn đề một cách trực diện và thẳng thắn của tác giả Nguyễn Trung. Mọi lời nói sẽ vẫn chỉ là lời nói nếu những người lãnh đạo cao nhất của chúng ta không dám đối diện với sự thật, để từ đó mạnh dạn đoạn tuyệt với lối tư duy sáo rỗng, duy ý chí, chấp nhận mọi sự thay đổi dù đau đớn nhưng bảo đảm sự trường tồn của dân tộc và các thế hệ mai sau. Có một câu nói của Tổng thống Charles De Gaulle: "Mọi chủ thuyết rồi sẽ qua đi, cái còn lại sau cùng đó là Dân tộc".
HỒ QUAN TRUNG
Tôi sẽ về Việt Nam
Tôi vẫn thường trăn trở với hoài bão về Việt Nam sinh sống, nhưng ngần ngại bởi đã sống xa quê hương quá lâu, e ngại sự khó khăn trong nước về mọi mặt. Đọc được "Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen" của tác giả Nguyễn Trung, tôi thấy lòng nhẹ hẳn và phấn chấn lên, cảm nhận rõ sự rộng mở tư duy và mạnh mẽ ý chí của người dân Việt Nam để tranh đua giành lấy sự phồn vinh và văn minh. Đất nước Việt Nam đã bao nghìn năm kiêu hùng và là một dân tộc biết yêu thương, luôn vị tha.
Cảm ơn ông Nguyễn Trung và bao nhiêu người nữa đã ghi lên đây những tình tự dân tộc và sự nhạy bén ý thức cho quê hương, cho mọi người dân Việt trong và ngoài nước hướng về nguồn cội, chung nhau sức mạnh xây dựng nước Việt Nam không thua kém văn minh trên thế giới trong tương lai gần. Tôi sẽ luôn yêu quê hương Việt Nam tôi trong tinh thần chấn hưng đất nước. Tôi sẽ về xây dựng đất nước Việt Nam nghìn đời đã sinh ra tôi.
LÊ VĂN TRUNG (California U.S.A)
Tôi là một viên chức bình thường và chưa bao giờ có thể bày tỏ tâm tư của mình trong những lĩnh vực mà Nguyễn Trung đã đề cập. Tuy nhiên, là một công dân của đất nước Việt Nam, có lẽ tôi, bạn và cả ai đó nữa cần có vài suy nghĩ. Trước hết, tôi rất đồng tình với nhận định và đánh giá của Nguyễn Trung mà tôi đã được đọc, đây là một điều hiển nhiên vì theo tôi tất cả mọi công đân VN chân chính đều muốn sống trong một đất nước hoà bình và phát triển.
Song hoà bình sao được khi hằng ngày hàng giờ "giặc tham" vẫn hoành hành ở bất cứ nơi nào; phát triển sao được khi tệ nhũng nhiễu đang ngày đêm tìm cách kéo lùi bước tiến của đất nước. Như vậy thách thức đen không phải chỉ là do yếu tố khách quan nào cả mà chính là do nội tình chính chúng ta tạo ra đó thôi. Từ đó cho thấy Đại hội Đảng toàn quốc lần này có một nhiệm vụ nặng nề nhất theo tôi đó là dùng sức mạnh và trí tuệ cộng với truyền thống vẻ vang của mính để "căng thẳng lại bánh xe quyền lực" của toàn hệ thống chính trị đất nước, làm cho cỗ xe Tổ quốc Việt Nam vẫn vững vàng tiến về cái đích tốt đẹp hơn trong tương lai.
ĐẶNG LÊ THẮNG
Tôi là một độc giả của Tuổi Trẻ. Đọc bài báo "Cơ hội vàng" của tác giả Nguyễn Trung và ý kiến phản hồi của độc giả, tôi nghĩ rằng mọi người dân đang "sốt ruột" trước những vấn đề bất cập trong xã hội, từ chuyện ăn hối lộ (tôi không thích từ "tham nhũng" vì nó lịch sự) cho đến việc quản lý yếu kém trong các bộ máy công quyền, nền giáo dục khủng hoảng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhưng tỷ lệ lạm phát cũng chẳng thua kém, đặc biệt là sự xuống cấp đạo đức một bộ phận giới trẻ hiện nay. Còn sự thoái hóa đạo đức của một số đảng viên và cán bộ thì không cần bàn tới nữa, tốt hơn là hãy tìm cách khống chế "đại dịch" thoái hóa của một số đảng viên và cán bộ.
Vấn đề đặt ra cho mỗi người dân, nhất là từng lớp trí thức, là phải can đảm tranh đấu cho  công bằng, dân chủ, tự do thật sự cho đất nước. Chúng ta cần phải mạnh dạn đề xuất, đưa ra giải pháp và nhất là phải hành động để làm trong sạch đất nước. Quả thật khi đọc những văn kiện của Đảng, tôi cảm thấy rằng ĐCSVN là một đảng tiến bộ nhất thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải là như vậy. Sự thật là có một sự khác biệt rất lớn giữa những gì người dân "nói" với chính quyền và những gì người dân "nghĩ" về chính quyền.
Sau khi đọc các bài báo của ông Nguyễn Trung, tôi rất cảm kích vì ông đã có những suy nghĩ rất tâm huyết và xác đáng về vận mệnh quốc gia, dân tộc. Đây cũng là những vấn đề lớn mà hiện nay nhiều công dân Việt Nam thường trăn trở. Tuy nhiên còn một điều tôi vẫn lấy làm băn khoăn và chưa được thỏa mãn là không tìm thấy câu trả lời hoặc phương án trả lời cho những vấn đề mà ông đã nêu ra.
Theo tôi, chỉ có duy nhất một vấn đề then chốt mà Đảng cần làm sáng tỏ để có thể giải quyết tất cả những vấn đề tồn tại gây bức xúc trong xã hội đó là: KHÁI NIỆM QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA NHÂN DÂN LAO ĐỘNG. Tôi nghĩ rằng khi khái niệm này đã được rạch ròi thì mọi vấn đề bức xúc trong xã hội sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng, minh bạch. Trong khuôn khổ diễn đàn này tôi không thể phân tích đầy đủ, chỉ mong gợi ra một ý kiến nhỏ để giải quyết vấn đề ông đã nêu. Nếu có điều gì không được thấu đáo, mong ông và bạn đọc thông cảm.
MIEN NHU
http://tuoitre.vn/App_Themes/TuoiTre/images/love.jpg
0
Thời cơ vàng hay hiểm họa đen ?
Nguyễn Trung là ai ? Ông nói gì ? Dư luận phản ứng ra sao ? Trong khuôn khổ chật hẹp của bài này, chúng tôi cố gắng trả lời ngắn gọn.

Số 160 - tháng 03. 2006
Nhân Đại hội X của ĐCSVN
Tâm thư của ông Nguyễn Trung
THỜI CƠ VÀNG
hay
HIỂM HOẠ ĐEN ?
Phong Quang
Ngày 3.2.2006, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố bản dự thảo « báo cáo chính trị trình đại hội » lần thứ X (dự trù họp vào tháng 6 tới). Cùng ngày, tờ báo mạng Vietnamnet (VNN) công bố phần 1 bài viết của ông Nguyễn Trung « Từ trái tim đến trái tim ». Trong những ngày tiếp theo, VNN và báo Tuổi Trẻ trên mạng công bố 3 phần tiếp theo. Loạt bài này có thể coi là trả lời của tác giả sau khi nhận được mấy trăm lá thư phản hồi của độc giả xa gần sau khi VNN đăng bài « Thời cơ vàng của Đảng ta » của ông (ngày 6.1.2006). Có thể nói không ngoa : dư luận đã chú ý tới nội dung và hình thức hai bài viết của đảng viên Nguyễn Trung hơn là tới văn kiện chính thức của ĐCSVN.
Nguyễn Trung là ai ? Ông nói gì ? Dư luận phản ứng ra sao ? Trong khuôn khổ chật hẹp của bài này, chúng tôi cố gắng trả lời ngắn gọn.
Nguyễn Trung là một nhà ngoại giao về hưu. Ông từng làm đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Úc và hiện là thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Đây là một nhóm tư vấn của thủ tướng chính phủ, trong đó có khá nhiều cán bộ cấp cao được đánh giá là có bản lĩnh, độc lập suy nghĩ, dám nói thẳng ý kiến của mình, do đó ít khi được trao những trách nhiệm quan trọng, và khi được trao trách nhiệm, thì chẳng chóng thì chầy, nhận được « nhiệm vụ mới » : ông Lê Đăng Doanh (nguyên trợ lí của các tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười) là một ví dụ khá điển hình.
Mở đầu bài viết, ông Trung trình bày cái mà ông gọi là « thời cơ vàng » :
« Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam bây giờ không có kẻ thù chiến lược. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam được công nhận đầy đủ và có quan hệ chính thức với tất cả các cường quốc, với hầu hết mọi quốc gia khác còn lại trên thế giới, Việt Nam đã thực sự trở thành viên có vị thế nhất định trong cộng đồng quốc tế. Lần đầu tiên trong hai thế kỷ nay Việt Nam trở thành một quốc gia xuất khẩu và trên thực tế là đã có quan hệ kinh tế, thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
« Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chúng ta có tất cả các cường quốc trên thế giới là đối tác kinh tế quan trọng, là thị trường quan trọng của nước mình ! Trên hết cả, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Việt Nam là đối tác với tất cả các cường quốc trên thế giới, đang có khả năng ngày một mở rộng sự hợp tác của mình với tất cả các cường quốc và mọi đối tác khác trên thế giới !.. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình Việt Nam có khả năng thực hiện được ước vọng là giương cao ngọn cờ hữu nghị và hơp tác, vì hòa bình và phát triển của mọi quốc gia trong cộng đồng thế giới. »
« (...) Đất nước ta giành được vị thế này vào lúc tranh chấp giữa các thế lực lớn trên thế giới tại khu vực Đông Nam Á hiện nay chuyển sang hình thức tranh chấp bằng các phương tiện hòa bình là chủ yếu, các thế lực lớn trên thế giới lúc này - trong một thời gian nhất định, chưa ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, nhưng chắc cũng không phải là ngắn lắm – hoặc là đang bận bịu với chính mình, hoặc là đang bận bịu với những vấn đề của họ ở những nơi khác trên thế giới. Cơ hội và điều may mắn này hội tụ với nhau đang đem lại thuận lợi tới mức nước ta chỉ cần tạo ra điều kiện nhân hòa thật tốt bên trong, nước ta sẽ làm nên tất cả ! ».
Để thấy rõ ý nhị của phần mở đầu này, cũng nên nhắc lại là trong giới lãnh đạo ĐCSVN, còn không ít người vẫn còn hội chứng « mồ côi kẻ thù », tuy ngoài miệng tuyên bố « Việt Nam muốn làm bạn với mọi người », nhưng trong thâm tâm và trong những phát biểu « nội bộ », vẫn « nhìn đâu cũng thấy địch » và « những âm mưu diễn biến hoà bình ».
Tiếp theo, tác giả nhấn mạnh : « thời cơ vàng » này không chỉ dành riêng cho Việt Nam (ngược lại !) và « không phải là vô hạn định ». Nó lại đòi hỏi những « điều kiện khắt khe và quan trọng », như : « Việt Nam không tự chuốc lấy kẻ thù cho mình », « Đảng lãnh đạo thành công lớn trong đoàn kết và hoà hợp dân tộc »...
Nguyễn Trung nhấn mạnh tới những « yếu tố bên trong ». Nói tới « sự sụp đổ trong một đêm » của hệ thống Liên Xô – Đông Âu, ông khẳng định : « hầu như do những nguyên nhân tự thân bên trong ». Tương tự, đối với hiện tình Việt Nam, ông đặt vấn đề :
« Kẻ thù của nhân dân ta trên con đường thực hiện khát vọng thiêng liêng này là ai ?
« Trước hết đó là sự lạc hậu, là ý thức chưa đầy đủ về sự lạc hậu của mình và về những biến đổi của thế giới chung quanh mình. Thắng được kẻ thù này, dân tộc ta sẽ thắng được mọi kẻ thù khác.
« Động lực và sức mạnh để chiến thắng kẻ thù này ?
« Phát huy tự do dân chủ để giác ngộ được sự lạc hậu phải khắc phục, quan trọng hơn nữa là để có sức mạnh tinh thần và vật chất nắm bắt bằng được vận hội mới đang đến với đất nước – bắt đầu từ giác ngộ đầy đủ vai trò một dân tộc tự do là chủ nhân ông của một đất nước độc lập tự do. »
(...) « Vậy kẻ thù đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là ai ? Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với vai trò lãnh đạo của Đảng ta là sự hẫng hụt về trí tuệ và phẩm chất so với đòi hỏi của sứ mệnh đảng lãnh đạo trong nhiệm vụ dẫn dắt dân tộc ta tiến bước thành công trên con đường chấn hưng đất nước ! . »
Ứng xử thế nào đối với sự « hẫng hụt » ấy ? Tác giả nói : « trong dư luận xã hội đại thể có hai loại ý kiến về sự ứng xử này : 
- Đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thực hiện đa nguyên đa đảng để có tự do dân chủ cho phát triển ;
- Đảng phải khắc phục bằng được sự hẫng hụt của mình để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo.... »
Ý kiến thứ nhất dựa trên lập luận : « ĐCSVN không thể bước qua cái bóng của mình » vì « người đảng viên bây giờ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, đã dính chặt vào cái ghế cầm quyền của mình rồi ! Không thay đổi được !.. ».
Đảng viên Nguyễn Trung, cố nhiên, khẳng định ý kiến thứ hai, nhưng ông khuyên can trước : « Đưa hai tay bịt tai lại, hay phùng má đao to búa lớn đối với ý kiến trên – cả hai loại việc này đều vô nghĩa ».
Dư luận phản ứng ra sao sau bài « Thời cơ vàng... » ?
Một phản ứng khó đo lường là sự im lặng hoài nghi, không tin tưởng của một số người. Trong chừng mực nào đó, phản ứng này thể hiện qua bài của ông Phạm Toàn (xem bài trên talawas). Ông nói (một cách hết sức tự tin) rằng Nguyễn Trung quá... tự tin, rằng Nguyễn Trung là phù thuỷ « thổi sáo » mê hoặc dư luận... Có lẽ tác giả Nguyễn Trung đủ từng trải để biết luồng dư luận ấy, và rõ ràng bài của ông nói với những người khác. Ta hãy thử xem những người khácđã phản ứng ra sao ?
Cố nhiên, có khá nhiều ý kiến đồng tình, tán thành : chẳng mấy khi báo chí Việt Nam có một bài như vậy, nói toạc một số điều như vậy. Nhưng quan trọng hơn là những ý kiến phản bác, mà người ta không (hay ít) được đọc thẳng trên VNN hay Tuổi Trẻ), song đã được tác giả phản ánh qua bài trả lời. Nguyễn Trung sắp xếp các vấn đề thành 4 cụm :
1. Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen ?
2. Những yếu kém nằm trong hệ thống đòi hỏi phải thay đổi hệ thống ?
3. Hệ thống chính trị của ta không trọng dụng hoặc đố kỵ với người tài ?
4. Dân chủ tất yếu phải gắn với đa nguyên ?
Trong cụm đề tài thứ nhất, các ý kiến tập trung nhắc nhở « Khi nói đến thời cơ vàng của nước ta, phải nói liền theo đó đến hiểm họa đen. (...) từ khi giành được độc lập thống nhất đến nay đã bao nhiêu lần thời cơ lớn bị bỏ lỡ và đã có phen đẩy đất nước lâm vào gian nguy rồi. Có thư phản hồi của bạn đọc còn viết : Bọn tham nhũng đã nắm được thời cơ vàng, đất nước thì chưa ! (Tôi - Nguyễn Trung - tự hỏi mình : Còn lời nói nào đau lòng hơn thế nữa không?) ». Đây là dịp để ông nhấn mạnh thêm : « Thời cơ và thách thức luôn đi liền với nhau trong cuộc sống như hình với bóng, đổi chỗ cho nhau có thể chỉ trong nháy mắt ! Ví dụ điển hình nhất ở nước ta theo suy nghĩ của tôi là từ đỉnh cao 30 Tháng Tư đất nước rơi nhanh quá vào 10 năm khủng hoảng trầm trọng sau đó về mọi mặt. Không ít những thách thức và hiểm nguy hồi ấy mầm mống ngay từ trong những thắng lợi và quán tính của chúng ta, rồi bối cảnh bên ngoài tác động vào, nhanh đến mức độ khi chúng ta “tỉnh” ra thì sự nghiệp cách mạng của đất nước đã đứng bên bờ vực thẳm. Ngày nay tôi nghĩ lại tôi vẫn chưa hết hãi hùng ! ».
Trong cụm câu hỏi thứ 2, tác giả cho biết : « Trong các ý kiến phản hồi của các bạn gửi đến tôi, cũng có những ý kiến cho rằng chừng nào nước ta chưa chấp nhận thay đổi hệ thống, sẽ không có cách gì khắc phục được quốc nạn tham nhũng và những bất cập khác của hệ thống chính trị và bộ máy quản lý đất nước. Có một số câu hỏi được đặt ra khá gay gắt. »
Trả lời các ý kiến này, tác giả chọn « cải cách » thay vì « cách mạng ». Ông cho rằng những thay đổi trong hai mươi năm qua có « tính hệ thống », nhưng thừa nhận còn « dùng dằng nửa ở nửa về », và câu hỏi « Đảng cộng sản Việt Nam có tiếp tục khắc phục được những yếu kém thuộc hệ thống không ? » còn bỏ ngỏ.
Nguyễn Trung nêu ra một số ví dụ cho thấy những khó khăn của vấn đề. Thí dụ nóng hổi tính thời sự là vụ cá độ cả triệu đô la của ông Bùi Tiến Dũng :
« Khi báo chí chất vấn bộ trưởng Đào Đình Bình tại sao lại bổ nhiệm và sử dụng người như Bùi Tiến Dũng vào chức vụ phụ trách PMU 18, trả lời : đấy là công việc của cấp ủy Đảng hữu trách ! Báo chí hỏi đảng ủy tại chỗ vì sao lại để xảy ra chuyện này, trả lời : Bùi Tiến Dũng đã được nhắc nhở, nhưng không chịu nghe lời. Ông Đào Đình Bình không nói sai, đảng ủy tại chỗ không nói sai. Song cái chết nằm ngay ở chỗ không nói sai này ! Sự thực đúng 100% như vậy ! Sự thực này nói lên những bất hợp lý và mọi bệnh hoạn nằm trong tổ chức, cơ chế và sự vận hành của hệ thống. Sự thực này cắt nghĩa vì sao trước “Bùi Tiến Dũng” hiện tại, đã có không ít “Bùi Tiến Dũng” quá khứ (...) Cũng có nghĩa là nếu còn giữ nguyên hệ thống như thế này, lúc nào đó lại sẽ có những “Bùi Tiến Dũng” mới (...) Phải nói cho đến nay bàn tay của cơ chế, của tổ chức – kể cả tổ chức cơ sở đảng - và của luật pháp, hầu như không chủ động ngăn chặn được những vụ bê bối, thường thì chỉ với tới được chúng khi chúng bị lộ.., đến nỗi trên báo chí có khi người ta đã phải dùng đến cách xưng hô “Thưa các đồng chí chưa bị lộ !..” »
Dễ hiểu là khi tác giả nói « nguyên nhân chính là chưa dám vượt qua cái bóng của mình », một bạn đọc đã nhận xét : « Chọn hướng đi là quay lưng lại với mặt trời thì làm sao vượt được cái bóng của mình ! » -- khiến ông phải nói : « Ôi, thà bạn ấy xát muối vào ruột tôi còn hơn ! ».
Hệ thống chính trị của ta không trọng dụng hoặc đố kỵ với người tài?
« Để có đầu có đuôi, tôi xin kể lại một chuyện cũ. Cách đây nhiều năm, khi Thủ tướng Nhật lần đầu tiên đi thăm chính thức nước ta, trong diễn văn đáp từ tại tiệc chiêu đãi, ông ta nói đại ý : Trong Quốc tử giám có bia ghi rằng người tài là nguyên khí của quốc gia, xin chúc Việt Nam giữ được nguyên khí ấy ! Lúc ấy tôi thực sự rùng mình, hỏi đồng nghiệp, hỏi cấp trên: Thủ tướng Nhật khen chúng ta, hay Thủ tướng Nhật nhắc nhở chúng ta? Tôi liên tưởng đến nhiều điều khoản trong Bộ Luật Hồng Đức quy định trừng phạt nghiêm khắc những tội như cờ bạc, đánh cờ tướng ăn tiền, làm văn bằng giả.., địa phương nào có người tài mà giấu vua thì quan phụ trách sẽ bị trị tội… » (...)
« Nhiều lúc, tôi có cảm nghĩ chúng ta, những người đảng viên, nói rộng ra nữa là Đảng ta, hình như rất quan tâm đến nắm chắc lấy con tầu, làm mọi việc để giữ lấy con tầu, nhưng lại chưa làm được như thế trong việc giữ gìn hướng đi của con tầu, lại càng chưa làm được như thế trong việc chăm lo xử lý những lỗ hà lỗ hổng bám vào con tầu! (...) Đảng ta đang rất quan tâm giữ lấy con tầu, còn đảng viên rất quan tâm giữ chặt lấy vị trí của mình trên con tầu. Không biết tôi nhận xét như thế có khắt khe hay ác khẩu không? Thiết nghĩ, cho dù xử sự như thế với cái tâm trong sáng nhất đi nữa, thì vẫn chỉ là cố thủ  ».Trong cụm vấn đề chót, tác giả nói tới ý kiến bạn đọc : « Chế độ chính trị một đảng đối lập với dân chủ, muốn thực hiện dân chủ nhất thiết phải chấp nhận đa nguyên đa đảng » và thừa nhận : « Tôi nghĩ rằng đa nguyên với nghĩa đúng đắn của nó là một điều kiện không thể thiếu được của thực hiện và phát huy dân chủ. Tôi cũng thừa nhận nếu không có hệ thống đa nguyên, việc chống tha hóa trong hệ thống chính trị và trong toàn bộ đời sống của đất nước có những khó khăn hoàn toàn khác và không thuận lợi như ở các nước có chế độ chính trị đa nguyên. »
Cả vấn đề là : « Bằng cách nào ? ». Có lẽ câu hỏi ấy có sức nặng hơn là lời khẳng định « đa nguyên đa đảng để dẫn tới “da cam da quýt” với biết bao nhiêu hỗn loạn, làm đổ vỡ nền kinh tế, đẩy đất nước vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước, công dân đảng viên Nguyễn Trung dứt khoát chống lại. ». Ý ông muốn nói tới các cuộc « cách mạng màu da cam » ở Đông Âu. Nhưng chắc gì « nhất nguyên độc đảng » không là con đường ngắn nhất đưa tới « cam quýt » ?
Phong Quang

© http://www.diendan.org
Trần Kỳ - Trao đổi về "thời cơ vàng, vận hội mới" với ông Nguyễn Trung
·         Chính trị - xã hội
Trần Kỳ
Chia sẻ bài viết này
Thưa ông Nguyễn Trung.
Tôi đọc và nghiên cứu kỹ những phát kiến của ông trên mấy số báo Tuổi trẻ từ số thư năm ngày 12-1-2006 đến số thứ sáu ngày 10 tháng 2-2006 với nhiều tiêu đề khác nhau. Tôi xin đước gói gọn trong bài trao đổi của tôi với ông trong tiêu đề "Thời cơ vàng, vận hội mới". Quả thật bài phát biểu của ông làm tôi mất ngủ. Tôi lo lắng cho sự sống còn của Đảng Cộng sản VN một phần, còn tôi "khoái" vì bài của ông đã gãi đúng chỗ đau của những người con dân nước Việt. Đã có người thay mặt mọi người dám nói lên một phần sự thật, góp ý kiến vào văn kiện đại hội Đảng. Ý kiến của ông trên những số báo tuổi trẻ đã dấy lên những dư luận khá xôn xao trong đời sống tinh thần của những ngày sau tết. Vấn đề ông nêu lên không mới. Nói đúng ra là "khổ lắm! biết rồi! không dám nói!".
Tuổi già giọt lệ như sương, suy ngĩ một đêm mất ngủ cũng làm tôi vóc hạc, mình mai có phần giảm thọ. Song, không nói ra trong lòng tôi bất an, chết không nhắm mắt. Ông cho phép tôi chỉ trao đổi riêng với ông thôi. Ý kiến của tôi hơi nghịch nhĩ, công khai e khá phiền. Vì, như cụ Nguyễn Tuân đã từng nói: "Tôi sống đến ngày nay, vì tôi biết sợ". Còn tôi, thưa ông, tôi chỉ là một cán bộ quân đội nghỉ hưu. một công dân loại hai, nói ai nghe. Tôi cũng là con cháu "nhà cáy " mà thôi. Tôi nói với ông hôm nay, chính là núp dưới bóng cây đại thụ để uốn ba tác lưỡi cùng vài ba giòng chữ góp ý với ông.
Bac Hồ, Bác Tôn, bác Nguyễn Lương Bằng... hằng hà sa số những vị lãnh đạo của Đảng ta nằm xuống trong bộ đại cán đã sờn, cùng hai bàn tay trắng. Các vị chỉ để lại cho con cháu đất nước độc lập thống nhất, giang sơn gấm vóc hiện nay mà ta đang tự hào. Các vị đẫ được gì, mất gì trong cuộc đấu tranh quyết liệt, thảm khốc với đế quốc, thực dân.
Trong các vị lãnh đạo nhà nước ta hiện nay đã có ai xuống đồng tát nước cùng bà con nông dân? Đã có ai cùng kéo lưới với các ngư dân trên bãi biển?... Các vị đứng trên bục trong ánh sáng điện chói loà, với những băng khẩu hiêu đỏ chói, chiếc đầu óng mượt, bóng nhẫy, với chiếc cổ cồn, ca-vát sang trọng dậy đời mọi lĩnh vực; kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật... dậy người tế thế, an bang. Ghê thật! đáng khâm phục thật ! Trên đời, ai cũng vậy, chỉ giỏi trong một hai lĩnh vực. Chứ đâu như các vị - một pho bách khoa toàn thư? Và, bài diễn hôm nay như ngày hôm qua. Bài diễn ở địa phương Quảng Ngãi như bài diễn ờ Hải Phòng... Luôn hô hào: do dân, vì dân. Câu khẩu hiệu rỗng tuếch mà Cụ Khổng đã nói cách đây 2000 năm "dân vi quý"
Thử hỏi các vị từ trung ương đến Bộ chính tri có ai dừng lại một ngôi nhà, một chiếc xe? hay: "... ba vợ, bốn nhà vẫn là trung ương,
con rơi, con vãi đầy đường... ", "... Xe cha đi trước, xe con đi sau... " còn nhiều, nhiều lắm...
Chinh vì vậy, Đảng ta đã tự mình làm mất mình. Mỗi khi thấy các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đăng đàn diễn thuyết, nhiều người lập tức tắt phụt ti- vi. Điều đó nói lên sự tín nhiệm, lòng yêu mến Đảng? Đau đớn thay!
Như vậy, trong lớp những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ xưa đến nay có thể phân làm hai loại: Loại vì dân, vì nước – Loại vì mình! Các vị đều là cộng sản cả đó. Nhưng sao khác nhau đến thế?
Tôi nói vậy, phải chăng chỉ để thoả nỗi bức xúc, bực bội. Nhưng xin ông "hạ phóng" ra ngồi ở các quán nước, các tiệm bia... chúng ta sẽ nghe thấy những điều đáng xấu hổ mà bà con nói về Đảng, về Nhà nước. Tôi hiểu, dù sao trong bài của ông còn có nhiều góc cấm. Chính vì vậy, ông huy động trí tuệ của mọi người để có thể " dĩ bất biến, ứng vạn biến" tạo nên sự đóng góp hữu hiện cho sức nặng của sụ đóng góp của mình vào báo cáo đại hội Đảng. Thật, kính phục lắm thay!
Thưa ông Nguyễn Trung.
Ông là một nhà ngoại giao, một nhà lý luận lại là một quan chức đang tại chức có tên tuổi. Lời nói, sự góp ý của ông ít nhiều làm các nhà đương chức chú ý, trân trọng. Bạo gan xin hỏi ông đã nói hết nỗi búc xúc trong lòng mình chưa? Tôi dám bảo đảm là chưa!
Còn tôi năm nay 76 tuổi, gần đất xa trời rồi, không còn một chút tham vọng nào. Hơn nữa do bệnh tật và cũng do... tôi đã xin nghỉ sinh hoạt Đảng. Tôi vào Đảng từ 1948, chính thức 1949, đạt chân trên khắp các chiến trường Trung Nam Bắc, Lào, Căm-pu–chia, đạp bằng Thập Vạn đại sơn sang Trung Quốc, vượt Si-bê-ri sang Nga thọ giáo... Là một đứa nhỏ 16 tuổi đi chưa vững, Đảng đã biến tôi thành người chỉ huy trong quân đội bách thắng. Đối với Đảng tôi nặng ân tình biết bao, nặng duyên tơ biết bao, vinh quang biết bao và cũng đau dớn biết bao. Lờp người như chúng ta ngày đó, tôi đã trao đổi với nhiều nhà tổ chức, cán bộ trong quân đội. Họ đều xác nhận các chiến sĩ ta gian khổ, hoặc bị địch bắt bức đầu hàng thì có. Nhưng chưa hề có ai phản lại Đảng. Trong hàng triệu quân, hàng chục vạn sĩ quan đối mặt với kẻ thù, đố ai tìm ra một tên phản Đảng. Nói như vậy, đẻ ông hiểu đối tác của ông.
Đây, mới chỉ là dạo đầu của bản tổng phổ mà tôi đang dạo để ông nghe. Nói những vấn đề hư hỏng của các đảng viên đang chức, đang quyền thì có đến sang năm không hết. Đóng góp vào báo cáo đại hội Đảng thì nó rộng lớn quá, tôi không dám, chỉ xin trao đổi cùng ông hai định đề: Tổ quốc, Nhân dân và Đảng – Và, mối quan hệ giữa Nhà Nước với Đảng!
Trước khi vào đề, tôi xin được nêu một ván đề ta cùng thống nhát – Hưng, thịnh, suy vong là quy luật của muôn đời. Xã hội hoặc con người đều phải tuân thủ quy luật đó. Triều đại nào dù có anh minh, sáng suốt tới đâu, con người dù có luyện tập, bồi dưỡng đến đâu rồi cũng vong theo quy luật. Chỉ có điều nếu biết nắm quy luật, xã hội đó có thể sẽ trường tồn, con người đó sẽ sống lâu thêm tuổi. Đảng ta, Nhà nước, chúng ta chắc chắn cũng nằm trong quy luật đó. Vì thế:
Đảng phải nằm trong Tổ Quốc, trong Nhân Dân. Tại sao Đảng bắt nhân dân phải ơn Đảng Đảng lại tự vỗ ngực khoe khoang thành tích, chiến công mà quên Nhân Dân đã sản sinh, đã bù trì, bú mớm, chăm bẵm, dang tay che chở trong những năm tháng ấu thơ, để Đảng trưởng thành, mạnh mẽ như ngày nay. Đảng đã nằm trong lòng mẹ Nhân Dân VN vĩ đại. Đảng đã lớn lên trên mảnh đất nghèo nàn, thấm đẫm tình người của Tổ Quốc VN thân yêu của chúng ta. Đảng cùng Nhân dân thừa hưởng truyền thống của ông cha từ ngàn đời nay. Đảng phải biết ơn, tôn vinh Nhân Dân, Tổ Quốc VN chứ! Không có lý con bắt bố mẹ phải biết ơn, khi con khôn lớn thành người?
Tôi chắc không ai phản đối tôi vấn đề này. Và, nêu đồng ý với tôi thì Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước VN. Nếu như vậy thì chắc không có chuyện: cấm đảng viên không được làm giầu, 12 điều cấm đảng viên, một ông Uỷ viên Bộ Chính trị ký lệnh bắt giam một vị tướng đương chức!... Dẫn chứng còn nhiều lắm, nhiều lắm.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược ta phải biết ơn truyền thống tổ tiên, của Bà Trưng, Bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Khi cách mạng còn trứng nước, khi chúng ta còn mặc quấn xà lỏn, vác trên vai đòn sóc đi đánh giặc, ta đâu có biết đảng Cộng sản? Ta đâu có biết giai cấp công nhân VN với mấy anh thợ mỏ, mấy chàng chữa ô, mấy chú thợ rèn, mấy anh phu xe, hoạn lợn... Chính tầng lớp trí thức, tầng lớp tiểu tư sản học sinh, tiểu tư sản thành thị là cầu nối giữa các nhà hoạt động cộng sản mang tinh thần dân tộc với tầng lớp nông dân và các tầng lớp nhân dân khác làm nên chiến thắng lẫy lừng bốn biển, năm châu. Công lao đó, chính là truyền thống bất khuất của dân tộc, mà cha ông chúng ta để lai. Bác Hồ của chúng ta đã vận dụng vấn đề DÂN TỘC vào cách mạng VN một cách nhuần nhuyễn mới có được hôm nay. Những người Cộng sản VN biết nắm thời cơ phất cao ngọn cờ dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Quên Dân Tộc là mất gốc. Quên nhân dân là vô ơn, bạc nghĩa.
Chính sự vỗ ngực tự khoe khoang thành tích, ai đó gọi là "kiêu ngạo cộng sản" đã làm tha hoá những người cộng sản xu thời, có quyền, có chức ngày nay, gây nên sự mất tín giữa nhân dân và Đảng. Gây nên nỗi băn khoăn, trăn trở của những người có tâm huyết với Đảng. Chính những thói tự khoe khoang. tự tôn vinh, sự "kiêu ngạo cộng sản" không ít những cán bộ lãnh đạo vỗ ngực: "Đảng cũng là tao, Chính phủ cũng là tao", đi đến chỗ coi thừơng luạt pháp, coi thường nhân dân, quần chúng.
Bác Hồ đã tuyên dương quân đội: "Quân đội ta trung với Nước, hiếu với Dân... ". Ai đó lại chuyển sang "... trung với Đảng..." thật là vô lối, thật là xúc phạm tới lời tuyên dương của Bác Hồ với quân đội. Không thể đánh lộn sòng Tổ quốc với Đảng. Tổ quốc là Tổ quốc, Đảng là Đảng. Từ đây ta thấy sự "kiêu ngạo cộng sản" nó hiểm nguy tới đâu. Đánh lộn sòng giữa mẹ và con, giữa con và mẹ.
Trong chiến đấu với những tên đế quốc hung hãn, trang bị đến tận răng chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng, cần phải có nguyên lý, lý luận chính thống, đường lối chính thống. Những năm tháng đó, người ta có thể chấp nhận Đảng và Tổ quốc, Tổ quốc và Đảng là một, không phân biệt ranh giới với mục tiêu cao nhất CHIẾN THẮNG quân thù. Khi chiến tranh đã đi qua thì việc phân biệt phải rạch ròi, nếu không, rõ ràng nhiều người đã lạm dụng Đảng và Nhân dân, Đảng và Tổ quốc, Đảng và Chính phủ. Sự lộn sòng đó trở thành tội ác, điều này chúng ta sẻ phân tích ở phần sau.
Xin sang phần thứ hai.
Ta biết trong cơ cấu nhà nước dù cho là tư bản, đế quốc hay cộng sản cũng phải có các cơ quan: Hành pháp, Chấp pháp và Tư pháp. Ba cơ quan đó phải được độc lập, hình thành một Nhà nước pháp quyền. Cho dù Nhà nước đó biến hình thế nào chăng nữa cũng không thể phủ định được cơ cấu đó. Tất nhiên loại trừ chế độ phong kiến kiểu cũ.
Nhà nước XHCNVN cũng hình thành cơ cấu Nhà nước đó. Song, một vấn đề bao trùm lên Nhà nước là Đảng Cộng sản! Sự lộn nhèo giữa Nhà Nước và Đảng tạo nên một quyền lực tối thượng là Đảng. Không khác gì chế độ quân chủ kiểu cũ "Quân xử thần tử tử, thần bất tử bất trung...". Nhà vua muốn chém ai là chém, thậm chí "chu di tam tộc, cửu tộc".
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý không rõ ràng, dẫn đến một nhà nước không ra nhà nước. Một nhà nước bị coi như nhà nước của một vài người, muốn bỏ tù ai là do ý thích của một cá nhân nào đó trong Đảng. Một nhà nước mà quyền công dân không được bảo vệ. Một nhà nước mà không được thực thi nhiệm vụ, hoàn toàn phụ thuộc vào Đảng (mà Đảng là của vài ba người). Dân chủ chỉ là cái bánh vẽ hoặc một vật trang trí.
Chính cơ cấu, mối liên hệ giữa Đảng và Nhà nước không rõ ràng gây cho nhân dân biết bao điều thê thảm - Từ cải cách ruộng đất đến cải tạo công thương nghiệp Tư bản, tư doanh. Từ Vụ án Nhân văn, Giai phẩm đến vụ án xét lại chống Đảng! Từ vụ bài xích, khủng bố người Hoa, cải tạo công thương nghiệp ở Sài Gòn đến việc lừa dối cải tạo hàng chục vạn sĩ quan trong chế độ cũ...
Điều kỳ lạ, những vụ án đó hầu như không có án. Vụ nọ qua vụ sau lại vẫn như thế, không hề rút kinh nghiệm để sửa chữa. Điều này dẫn đến cuộc di tản tập thể của hàng triệu con dân nước Việt, hàng chục vạn người làm mồi cho cá. để lại đằng sau hòn ngọc viễn đông sáng giá nhất Đông Nam A hồi đó.
Cả một giai đoạn lịch sử mà Đảng bất tuân Hiến pháp, Pháp luật đã chôn vùi biết bao công thần, biết bao nhân tài đất nươc, biết bao nhà công thương nghiệp, nhà văn, nhà báo... nổi tiếng. Tuỳ tiện đem quân sang nước người, không cần thông qua các cơ qua lập pháp, hành pháp, chấp pháp (Đại hội Đảng 6 vẫn còn bảo lưu ý kiến tới nay) Vai trò Nhà nước có đủ mọi cơ cấu bị vô hiệu hoá, khoanh tay vâng lệnh Đảng.
Nên chăng ta phân biệt thực rạch ròi vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng ta là đảng cầm quyền... cụm từ đó không rõ nghĩa, hiểu sao cũng được, rất nguy hiểm. Đảng lãnh đạo những gì về đường lối, về chiến lược. Còn Nhà nước nên chăng khôi phục lại uy lực của chế độ tam đầu chế (tam quyền phân lập). Có như vậy mới khai phá, chống hiệu quả những vụ tham ô trong các quan chức nhà nước hiện nay. Có như vậy mới xoá bỏ được các cơ quan ban ngành khổng lồ trong tổ chức Đảng. Có như vậy mới triệt tiêu được thành tích ảo ở mọi lĩnh vực, GDP ảo, phát triển ảo... có như vậy hiến pháp, luật pháp, quyền con người mới được thực thi, chưc năng Nhà nước được đề cao và có sức mạnh. Đảng nên khiêm tốn nằm trong cơ cấu tổ chức của Mặt trận. Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nắm thời cơ lãnh đạo đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Sự khiêm tốn của Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh, khâm phục
Đất nước chúng ta được bình an, phát triển như ngày nay là mừng lắm rồi. Cầu mong tiên tổ, sự anh linh của Bác Hồ cho đất nước ta ngày càng phát triển. Tiếng súng, tiếng đạn bom không có trên đất nước ta. Chính trị ổn định. Nhân dân yên ổn làm ăn. Nhân dân ta có đủ sức mạnh về trí tuệ, về lực lượng xây dựng một nươc VN dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ...
Thưa ông Nguyễn Trung,
Tôi xin mạn phép luận lại tiêu đề mà ông đặt cho bài viết của ông "Thời cơ vàng – Vận hội mới". "Thời cơ vàng – Vận hội mới" phải đặt vào giai đoan 1975-1985 mới đúng. Sau chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ thống nhất tổ quốc, khá nhiều nước bắt tay với ta, viện trợ cho ta, trong đó có Tổng thống Mý. Chúng ta đã chối bỏ. Tiếp đó, chúng ta đem quân sang Căm–pu-chia và chiến tranh với phương Bắc. Sự thất nhân tâm đó, kéo dài sự đói khổ, khó khăn trong cả nước. Một thập kỷ nhân dân cả nước điêu đứng. Lại thêm một nưa thập kỷ xốc lại đội hình, bước vào thời kỳ gọi là đổi mới (thực chất trở lại những cái cũ mà ta đã phế bỏ). Chính mắt tôi đã được chứng kiến nhà máy sữa, máy chè Mộc Châu do Úc giúp ta, nhà máy hoá chất Bắc Giang do một nước phương Tây giúp ta và vô số những nhà máy khác do các nước phản đối chủ trương, hành động của ta đã rút hợp đồng. Nhà máy sụp đổ, hoen rỉ trong mưa gió. Giá như ta nắm bắt được "Thời cơ vàng – vận hội mới" lúc đó thì tới nay chúng ta đã khác xưa nhiều rồi. Bác Hồ đã từng nói: "Gặp thời một tốt cũng thành công...", các cụ ngày xưa cũng đã nói "... Thời lai đồ, điếu thành công dị / vận khứ anh hùng ẩm hận đa" đó sao!
Quả thật tôi chưa thấy được Vàng ở đâu và Mới chỗ nào? nên chăng ta đặt lại "Nắm thời cơ - Bắt vận hội"?
Nên chăng tôi bạo gan đề nghị: Đảng hãy công khai xám hối trước nhân dân về những vấn đề sai lầm mà mình đã phạm. Đảng cần phục hồi, đền bù về tinh thần vật chất cho, những đảng viên, quần chúng, gia đình bị oan sai trong các cuộc vận động. Sau đó mới lấy ý kiến của muôn dân, xốc lại đội hình dương cao ngọn cờ lãnh đạo tiến lên. Tôi tin chắc uy tin của Đảng đước nâng cao. Ngọn cờ lãnh đạo toàn dân giải phóng dân tộc được muôn dân tôn vinh hơn, sáng giá hơn.
Thưa ông Nguyễn Trung
Giấy ngắn, tình dài còn khá nhiều vấn đề cần trao đổi với ông. Tôi xin đóng lại ý kiến của tôi bằng mấy câu của các cụ ta để lại trong vấn đề trị quốc.
Phi nông, bất an.
Phi thương, bất phú
Phi trí, bất túc.
Phi thức, bất minh.
Xin cảm ơn ông đã đọc những ý kiến lẩm cẩm của một cựu chiến binh già hồi hưu.
Địa chỉ: Khu tập thể Hàng Không, ngõ 295
Thuỵ Khuê, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội - ĐT: 7531.605 Trần Kỳ
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 20/05/2011
(Tác giả đã mất năm 2012)
Bạn đánh giá bài viết này thế nào?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét