Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Vi. Dấn bước đi lên phía trước


1.     Con đường “cổ điển” đắt và phí quá

Trước khi trình bày những suy nghĩ về ý tưởng vừa mới nhắc lại trong đoạn kết của phần V, tôi xin bình thêm đôi điều về hiện tại.

          Một sự tình cờ thú vị, viết đến phần này, tôi đọc trên sách báo: Có những người Mỹ đang nghiên cứu những thất bại trong chiến tranh xâm lược Việt Nam để ứng dụng vào việc kinh doanh của họ. Đúng là suy nghĩ Mỹ!


Trong những thông tin ấy có một giai thoại về câu chuyện giữa hai vị tướng già, một là Mỹ, một là Việt Nam[109]. Tôi thuật lại theo ngôn ngữ của mình:

-         Vì sao bom đạn của chúng tôi dữ dằn như vậy, mà các ông vẫn vận chuyển được mọi thứ từ miền Bắc vào đánh chúng tôi?
-         Vì chúng tôi có những cái cầu bắc dưới mặt nước, máy bay của các ông không phát hiện được, nhưng xe cộ của chúng tôi vẫn đi qua được...
-         ...

Thông thường chỉ có người điên mới bắc cầu dưới mặt nước. Trong trường hợp này chúng ta không điên. Trong trường hợp này cách tiếp cận “bắc cầu dưới mặt nước” – có thể nói bắt đầu từ thời cái xe đạp thồ hàng tạ lương thực, vật tư phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 - đã thắng những phương tiện chiến tranh hiện đại nhưng có cách tiếp cận rất “classic”  - nghĩa là rất cổ điển – của không lực Hoa Kỳ. Như thế là đã rõ: Ai phải chi nhiều tiền hơn ai, ai đạt được mục đích của mình... thắng hay bại hoá ra trong trường hợp cụ thể này lại là cách tiếp cận quyết định.

Ước vọng xây dựng nhà máy luyện kim, luyện nhôm, phát triển cơ khí nặng để tạo ra xương xống hay trụ cột cho nền kinh tế là điều đáng mong muốn.... Nhưng vào lúc thế giới bước vào nền kinh tế mới của thế kỷ 21 và trong điều kiện của nền kinh tế nước ta hiện tại, theo thiển ý của tôi, cách làm ấy là cách tiếp cận “classic” của không lực Hoa Kỳ, và bỏ phí mất cách tiếp cận “bắc cầu dưới mặt nước” mà chính chúng ta là tác giả. Cách tiếp cận “classic” ấy có cùng họ hàng với phương pháp luận của con đường phát triển nền kinh tế theo chiều rộng, nền kinh tế nguyên liệu, nền kinh tế thay thế nhập khẩu... đang không còn triển vọng trên thế giới.
         
          Không một nền kinh tế nào có thể  được phép thiếu một hệ thống gì đó làm trụ cột cho nó phát triển vững chãi. Mong muốn thiết lập một hệ thống trụ cột như vậy là rất đúng. Điều duy nhất thay đổi so với cách đây một thế kỷ là vào thời buổi bây giờ cái trụ cột bằng thép, bằng nhôm, bằng sản phẩm cơ khí nặng ... ngày nay vừa tốn kém – nhất là đối với nền kinh tế còn nghèo và lạc hậu như của nước ta, vừa không làm được chức năng trụ cột của nó – vì chúng là những “ngành kinh tế xế chiều” không thể là chỗ dựa cho các ngành khác phát triển, vừa ngốn phí tiềm lực kinh tế còn nhỏ nhoi của đất nước, vừa không có khả năng cạnh tranh nên khó tồn tại, không phù hợp với giai đoạn tích tụ ban đầu của một nước nghèo như nước ta, không ăn khớp với sự phát triển nền kinh tế mới toàn cầu hoá đang diễn ra ngày càng năng động trên thế giới[110].

Như đã trình bày trong phần nói về xu thế hình thành nền kinh tế tri thức (phần IV), đi vào nền kinh tế nguyên liệu, vào công nghiệp nặng với tư cách là người đến muộn (the late comer) như nước ta, lại nghèo, không có kết cấu hạ tầng hiện đại cần thiết, không có công nghệ hiện đại cần thiết, sản phẩm làm ra chắc chắn chỉ thuộc loại “sản phẩm thượng nguồn” và thuộc loại thứ cấp, trong tay cầm chắc thất bại. Nói theo cách nói của Ăng-ghen – sẽ không có một lá chắn nào đủ kiên cố bảo hộ những sản phẩm này trước những đạn trái phá là hàng nhập ngoại hoặc nhập lậu.

Tôi xin nêu ra 4 ví dụ cụ thể dưới đây.

Ví dụ (1):  Một nhóm nghiên cứu đề nghị với lãnh đạo ta xúc tiến đề tài kinh tế luyện kim loại sắt theo công nghệ hoàn nguyên, vì ta có mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng lớn. Nước ta tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá không thể không có sắt thép - điều này rất có sức thuyết phục. Đề nghị này đã được thảo luận nhiều lần. Sự tiến bộ cố đi theo nhịp bước của công nghệ hiện đại trong đề nghị này là loại bỏ công nghệ lò cao, có lẽ sẽ sử dụng công nghệ hoàn nguyên.

Tuy nhiên, tạm gạt tất cả những vấn đề kỹ thuật sang một bên – ví dụ như hàm lượng sắt, hàm lượng kẽm, các tạp chất khác trong quặng, điều kiện địa chất tự nhiên và điều kiện địa hình nơi khai thác, công nghệ sẽ lựa chọn, quy mô kinh tế tối ưu, khối lượng vốn cần phải có, v... v... - dựa vào những thông tin về sản xuất và thương mại những sản phẩm thép các chủng loại trên thị trường thế giới hiện nay, đề án này làm tôi lo lắm. Thép cán của ta không cạnh tranh nổi với giá thị trường quốc tế và các công ty thép của ta đang kêu ế, hiện nay đang phải sản xuất dưới công suất khá nhiều để bớt ế. Bây giờ lại còn đi sâu hơn nữa vào luyện kim, ngay từ khâu thượng nguồn đầy tốn kém, dù là với công nghệ hoàn nguyên, triển vọng có sáng sủa hơn không?

          Thống kê năm 1995 của Tiểu ban kinh tế Châu Âu của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Genève cho biết: Từ năm 1975 nay tổng công suất sản xuất thép của các nước công nghiệp phát triển đã dư thừa khoảng  50 – 70 triệu tấn/năm, buộc những nước này phải triệt để cải tổ ngành sản xuất thép, bao gồm cả việc đóng cửa nhiều xí nghiệp. Một số mỏ than ở châu Âu phải đóng cửa theo.

Thuỵ Điển phải bỏ việc sản xuất thép thông dụng chuyển hẳn sang sản xuất thép chuyên dụng có hàm lượng cao về công nghệ: độ đàn hồi cao, độ cứng cao (thường gấp 3 – 4 lần thép thông dụng và giảm được thể tích từ 1 đến 2 lần), thép chuyên dùng cho sản xuất các loại máy công cụ đặc biệt, thép cho sản xuất các loại dây dẫn có điện trở thấp, các hợp kim có những tính năng đặc biệt... Nhờ vậy ngành công nghiệp sản xuất kim loại của Thuỵ Điển mới ra khỏi khủng hoảng và ngày nay có sức cạnh tranh trên thị trường. Đấy là phương thức lấy thay thế nhập khẩu để bỏ hẳn ngành luyện kim ở phần thượng nguồn, chuyển sang phát triển ngành luyện kim ở phần hạ nguồn với những công nghệ tiên tiến nhất (tận dụng nền kinh tế tri thức), nhằm làm ra những sản phẩm kim loại nhiều hàm lượng công nghệ cao, sức cạnh tranh cao... Song chính các chuyên gia Thuỵ Điển cũng chưa dự đoán được tình hình này sẽ duy trì được đến năm nào trong một hai thập kỷ đầu của thế kỷ hiện tại. Vì hiện nay công nghệ vật liệu mới tiến bộ quá nhanh[111].

          Theo thông báo ngày 8-4-1997 của Tiểu ban kinh tế Châu Âu của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Genève, các nước ngoài nhóm OECD sản xuất tới 50% thép xây dựng của cả thế giới. Thông báo này lưu ý: công suất sản xuất dư thừa của sản phẩm này trên thế giới làm cho nhiều nhà sản xuất lo ngại.

          Trong quá trình thảo luận giữa các ngành trong nước để tham gia WTO, thép là một đề tài khó của Trung Quốc.

Là quốc gia có hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc có sản lượng thép lớn nhất thế giới, hiện nay ước khoảng 100 triệu tấn/năm. Song ngành thép được bảo hộ rất cao mà vẫn thua lỗ, vì đại bộ phận sản xuất theo mô thức của Liên Xô cũ. Mặc dù được hưởng những “bao cấp” còn được duy trì, giá thành 1 tấn thép xây dựng ở Trung Quốc hiện nay là 2800 Nhân dân tệ; thép nhập khẩu vào Trung Quốc giá 2200NDT - bao gồm cả 28% thuế nhập khẩu, trong khi đó giá ở Hongkong là 1900NDT. Nền công nghiệp thép Trung Quốc có 82 xí nghiệp lớn, chiếm 1/3 số lượng xí nghiệp sản xuất thép của toàn thế giới, nhưng chỉ làm ra 1/10 sản lượng thép của thế giới. Ngoài ra Trung Quốc có hàng nghìn xí nghiệp luyện gang, tinh luyện, cán thép của cấp huyện, sản phẩm làm ra không tính vào số 82 xí nghiệp lớn nói trên.

Các chuyên gia Trung Quốc đã tính toán: nhà máy sản xuất thép bây giờ phải có công suất từ 8 triệu tấn/năm trở lên thì mới thuận lợi cho vận dụng công nghệ hiện đại và mới có lãi, song toàn Trung Quốc mới chỉ có 4 xí nghiệp có công suất 3 triệu tấn/năm, số còn lại công suất thường là 1 triệu hoặc dưới 1 triệu tấn/năm, nghĩa là quá manh mún.

Một khó khăn nữa là công nghệ lạc hậu, Trung Quốc chỉ có 2,8% tổng sản lượng thép loại tinh luyện ngay trong lò cao (nghĩa là đưa vào sử dụng ngay được sau khi ra lò – bỏ qua khâu luyện từ gang ra thép),  tỷ lệ này ở các nước có công nghệ cao như Nhật, Hàn Quốc... khoảng trên 70%. Các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận đây là ngành tiến vào quá sâu vào công nghệ lạc hậu, tốn quá nhiều vốn, hiệu quả thấp, khó rút ra. Một nước  hơn một tỷ dân không thể không phát triển  công nghiệp luyện kim, Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác là phải triệt để cải tổ ngành này và phải tăng cường phần sản xuất thép chuyên dụng, nhưng sẽ cần bao nhiêu vốn[112]?.. Nước ta có kinh nghiệm nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Vậy đã đến lúc chúng ta nghĩ về luyện kim Thạch Khê chưa? Trong khi đó nếu ta có tiền thì muốn dùng loại thép gì cũng có thể mua ngay được, chắc chắn rẻ hơn giá thép ta tự làm ra, lại đỡ phải chống buôn lậu.     Tôi nghĩ rằng vài thập kỷ tới chúng ta quay trở lại đề tài sắt Thach Khê vẫn chưa muộn nếu tình hình cho phép hay đòi hỏi phải làm như vậy – ai mà nói trước được vào lúc đó chúng ta sẽ vận dụng công nghệ nào? Không loại trừ khả năng chúng ta phải tìm ra cách tiếp cận không bình thường một chút, như kiểu bắc cầu dưới mặt nước mà chính chúng ta là người giữ bản quyền. Nghĩa là đến lúc nào đó, khi tình hình đòi hỏi và có điều kiện thực hiện, chúng ta sẽ tận dụng những khả năng của thị trường thế giới, phát triển ngành luyện kim bắt đầu từ phần hạ nguồn, rồi sẽ tính thêm ngược lên thượng nguồn. Hiện tại có lẽ chưa phải lúc chúng ta làm việc này. Còn suy nghĩ, nghiên cứu thì tha hồ!..

Nếu chúng ta cứ quyết tâm làm thép, mà không có rất nhiều vốn đầu tư để làm tiếp khâu sản xuất thép có tính năng kỹ thuật cao, thì giỏi lắm cũng chỉ làm ra được thép xây dựng loại trung bình mà thôi. Nếu chúng ta lại duy ý chí cố tìm cách đầu tư thêm bước nữa vào công nghệ hạ nguồn, giỏi lắm cũng chỉ làm ra thép cán làm vỏ tầu, trong vòng một chục năm tiếp theo chưa chắc đã làm ra các loại sản phẩm thép như của Thuỵ Điển mà ngành cơ khí hiện đại bây giờ đòi hỏi, mà nếu có thể làm được thì vẫn phải nhập động cơ tầu thuỷ và các phương tiện điều khiển để có thể hoàn thành được một loại sản phẩm mới – ví dụ như tầu vận tải biển. Chưa ai nói trước được giá thành một tầu biển của nước ta đi theo cách này sẽ đắt như thế nào, chất lượng ra sao, và trước sau vẫn phụ thuộc vào việc nhập động cơ và các máy móc khác.  Nghĩa là vấn đề phụ thuộc vào bên ngoài, bất chấp mọi tốn kém như vậy, vẫn còn nguyên vẹn. Từ ví dụ này có thể suy ra mọi chuyện khác, xin đừng bỏ qua. Đấy là con đường nhấn chìm nền kinh tế.

Trong ASEAN, 4 nước Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Thái Lan tiêu thụ thép tính theo đầu người cao hơn ta gấp hàng chục lần, song cả 4 nước này đến nay chưa có ngành luyện kim từ thượng nguồn, có thể sắp tới họ cũng không tính đến chuyện này.

Xin nêu thêm một vài ví dụ khác trong cách tiếp cận một sản phẩm kinh tế để bạn đọc tham khảo:
-          ở quy mô quốc gia: Chiến lược phát triển kinh tế suy cho cùng là sự lựa chọn sản phẩm định làm ra và các quyết sách thực hiện sản phẩm đó. Singapore với diện tích 633 km2 và 2,7 triệu dân, vốn là một tiểu vương quốc, bị Anh chiếm làm thuộc địa, năm 1959 giành được quyền là một châu tự trị trong  Malaysia, năm 1965 rút ra để trở thành một nước riêng. Với nền kinh tế suy sụp, trên 70% số dân sống trong các túp lều xác xơ, không có bất kể nguòn tài nguyên thiên nhiên nào, phụ thuộc cả về nước ngọt và khí đốt cung cấp từ Malaysia. Nnước Singapore độc lập nằm kẹt giữa 2 nước lớn – môt bên là Malaysia với gần 20 triệu người, một bên là Indonesia với gần 200 triệu người. Lý Quang Diệu, lãnh tụ sáng lập và Thủ tướng đầu tiên của nước Singapore độc lập, đứng trước vấn đề sống còn: Lựa chọn con đường phát triển nào? Có nhiều câu trả lời khác nhau được đưa ra lúc bấy giờ, trong đó có phương án phát triển Singapore thành nền kinh tế công nghiệp, hoặc khu công nghiệp. Sự lựa chọn của Lý Quang Diệu là phát triển nền kinh tế dịch vụ: nghĩa là phát triển bất kể ngành kinh tế nào – kể cả công nghiệp - đều phải tận dụng lợi thế về con người và vị trí địa lý của Singapore, xoay quanh mục tiêu duy nhất là xây dựng nền kinh tế dịch vụ - trước hết hiểu theo nghĩa hướng về xuất khẩu. Kết quả là chưa đày 3 thập kỷ, Singapore trở thành một “siêu cường kinh tế” nhỏ, với nền công nghiệp chế biến hiện đại - đầu vào là từ khắp thế giới, đầu ra là để xuất khẩu đi khắp thế giới, ngành thương mại và thị trường tài chính rất phát triển. Nhờ vào chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế rất năng động, ngày nay Singapore trở thành một trong những trung tâm thương mại và tài chính lớn của thế giới. Sự lựa chọn sản phẩm nền kinh tế dịch vụ đã được thực tế kiểm nghiệm và khẳng định, mang lại cho Singapore sự phát triển như ngày nay. Nếu Singapore đi theo con đường nền kinh tế khu công nghiệp, chắc kết quả sẽ không như vậy. [113]
-           ở quy mô một sản phẩm: Ai cũng thấy nước ta phải phát triển nhanh công nghiệp tin học. Giả thử chúng ta bắt đầu từ “phần cứng” thì thất bại cầm chắc trong tay – vì không lấy đâu ra đủ vốn và công nghệ cao để làm việc này; nhưng nếu chúng ta bỏ qua phát triển “phần cứng” – nghĩa là bỏ qua việc bắt đàu từ khâu “thượng nguồn”, chỉ tập trung sức vào “phát triển “phần mềm”, hướng đi lên đầy triển vọng. Đối với nước đi sau, phương thức tiếp cận một sản phẩm trước hết từ khâu “hạ nguồn” ngày nay rất hiện thực và có nhiều ý nghĩa - đó chính là đi tắt, đón đầu...
-          vân vân...



Ví dụ (2): Tôi được dự thính một vài cuộc họp của nhóm nghiên cứu đề nghị nước ta sản xuất nhôm. Lập luận: nước ta có mỏ bauxite rất giầu tại Bảo Lộc và có nguồn thuỷ điện lớn! Nước ta đang cần nhôm, đồng thời có thị trường tiêu thụ trên thế giới.

Phản ứng đầu tiên của tôi là sợ nhôm sẽ làm hỏng mất vùng Đà Lạt nổi tiếng cả nước ta và cả khu vực Đông Nam A’.

Hơn thế nữa nước ta đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá sẽ cần rất nhiều điện. Tính toán nguồn điện năng các dạng của cả nước, chắc chắn đi vào điện hạt nhân đối với nước ta bây giờ đã là hơi muộn rồi, nhưng nước còn nghèo biết làm thế nào. Ngày xưa làm ruộng trông trời, trông đất, trông mây.., bây giờ thuỷ điện cũng phải trong trời trông mây, cứ năm nào ít mưa là lại lo, mưa nhiều quá cũng lo...

Bài tính của tôi là thế này:

Các chuyên gia cho biết để sản xuất một tấn nhôm thành phẩm từ quặng bauxite, bắt đầu từ khâu luyện bauxite thành alumin (tạm gọi là bột nhôm), rồi từ alumin chuyển sang khâu luyện thành nhôm, tất cả cần khoảng trên dưới 15.000 Kwh, và nếu giá 1 Kwh dưới 4 cent USD thì  nhôm của ta mới cạnh tranh được với thị trường thế giới. Giá điện hiện nay bán tại thị trường nước ta ước khoảng 7 cent USD/1Kwh, trong khu vực Đông Nam A’ khoảng 6 cent USD 1 Kwh, đến năm lò luyện bauxite ra nhôm của ta đi vào hoạt động, giá điện trong khu vực có thể sẽ lên tới 7 cent USD/1Kwh. Tôi tính nhẩm mỗi tấn nhôm xuất xưởng nhà nước phải bù lỗ riêng cho tiền điện là 200-300USD, hoặc 300 - 400USD, tuỳ theo hiệu quả kinh tế chúng ta đạt được. Các chuyên gia cũng cho biết thêm: đi vào công nghiệp sản xuất nhôm tính ra phải đầu tư 200.000 USD cho 1 chỗ làm việc. Trong khi đó nhiều ngành kinh tế trong nước chỉ cần đầu tư khoảng 1000 USD cho 1 chỗ làm việc. Vậy có nên đi vào công nghiệp nhôm không? Câu hỏi đúng hơn là có nên bán điện của nước ta theo cách bù lỗ, phải đào bới môi trường tự nhiên và đầu tư tốn kém qua nhôm như vậy không? Vì thực chất xuất khẩu nhôm là xuất khẩu điện, giá quặng bauxite hiện nay trên thế giới quá rẻ. Còn nếu quả là muốn xuất khẩu điện thì cần gì phải bán qua nhôm. Có thể bán điện ngay cho các nước láng giềng, không phải chế biến thành nhôm rồi lại tốn kém thêm công chuyên chở, giá thành đắt lại tồn kho... Còn nếu chỉ dừng lại ở mức luyện alumin, đúng là tiêu thụ điện ít hơn, song bán alumin cũng không khác gì bán các khoảng sản khác bao nhiêu – ví dụ như than đá.

Hay là tôi tính sai? Xin dành cho các cuộc thảo luận kinh tế và khoa học câu trả lời. Chẳng lẽ chúng ta không có cách nào sử dụng tốt hơn nguồn điện tương đối khan hiếm và không ít bấp bênh hiện nay của nước ta? Chúng ta làm gì có tiền đến mức có thể tự cho phép mình thực hiện sự bù lỗ này? Còn bao nhiêu lao động cần việc làm? Môi trường tự nhiên vùng Bảo Lộc, Đà Lạt không đáng được bảo vệ hay sao?.. Tại sao không đưa nguồn điện và vốn cho nhôm vào phát triển miền Trung?.. Với điều kiện khí hậu và tự nhiên tuyệt vời, vùng Bảo Lộc - Đà Lạt có triển vọng trở thành một khu Bangalore như của ấn Độ hay một khu Silicon như của Mỹ được không? Vân... vân...

Theo thông tin tôi có được, trên thế giới hiện nay có hai nước sản xuất nhôm thực sự có lãi, nói cho đúng hơn là họ không có đường tải điện để bán điện với khối lượng rất lớn, đó là:
·     Australia: có nguồn bauxite, khí đốt và các nguồn năng lượng khác rất lớn, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho khai thác và sản xuất quy mô lớn với công nghệ hiện đại nhất. Tuy nhiên nước này vẫn phải dành một phần bauxite đáng kể cho xuất khẩu, bởi vì sản xuất nhôm quá mức nguồn năng lượng tại chỗ, giá thành sẽ không cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
·     Iceland: phải nhập bauxite đi gần nửa vòng trái đất – chủ yếu từ Australia, vì đấy là cách tiêu thụ có hiệu quả nhất nguồn điện năng trời cho quá giàu có của nước này, dưới dạng thuỷ điện và địa nhiệt điện, dân số lại chỉ có 1/4 triệu dân. Bù lại việc phải chở bauxite đi nửa vòng trái đất,  Iceland mang nhôm của mình đi bán tại thị trường rất gần: Châu Âu. Nhưng Iceland bây giờ theo đuổi một chiến lược phát triển khác: Chuyển mạnh sang công nghiệp sản xuất phần mềm tin học, vì đã tích tụ được cho mình tiềm năng lớn về công nghệ tin học, vì tỷ trọng thu nhập từ luyện nhôm giảm dần trong tổng thu nhập của nước này.

Ví dụ (3): Than.  Hiện nay mỗi năm chúng ta sản xuất khoảng 10 triệu tấn than sạch, tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 vạn công nhân. Chưa bao giờ nước ta sản xuất được một khối lượng than sạch  lớn như vậy, tăng gấp đôi so với cách đây 10 năm. Song cũng như mọi ngành kinh tế khác, khi phát triển tới mức độ nhất định, thì  chính bản thân thành tựu phát triển lại đặt ra những vấn đề mới phải xử lý. Đó là quy luật phát triển kinh tế.

Theo tôi, ngành than là một trong nhiều ví dụ ở nước ta cũng như trên thế giới  cho thấy: Bất kể một sản phẩm gì, khi tăng trưởng và phát triển tới mức độ nhất định, thì phải có sẵn các phương án được nhìn dài hạn từ trước để kịp thời thu hẹp dần hoặc chuyển đổi, thay đổi, hoặc loại bỏ hẳn để chuyển sang sản phẩm mới...Đấy là các bước đi tất yếu của một sản phẩm trong kinh tế. Vai trò của kế hoạch nhà nước nói riêng và của Nhà nước nói chung có ý nghĩa quyết định đối với việc thúc đảy những bước đi tất yếu này. Còn việc xác định các chỉ tiêu sản xuất chỉ là công việc thứ yếu trong xây dựng kế hoạch và chỉ nhằm đưa ra những dữ liệu để Nhà nước và doanh nghiệp định hướng công việc của mình mà thôi. Nghĩa là kế hoạch nhà nước theo tinh thần này, xa hơn nữa là chiến lược phát triển, phải luôn luôn đi trước sự phát triển, với các phương án và kịch bản khác nhau. Có thể nói bây giờ chúng ta mới nêu vấn đề này ra với than là hơi muộn.

Vấn đề thời sự nhất của ngành than bây giờ là phải sản xuất dưới công suất mặc dù năng suất lao động thấp, giá bán trong thị trường nội địa thấp hơn giá thành. Than xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1/3 sản lượng hàng năm, vì cầu trên thị trường thế giới ít, giá rẻ, chi phí vận tải rất tốn kém. Hiện nay than hàng năm tồn kho một khối lượng đáng kể - có lúc vượt 3 triệu tấn.

Theo nhận xét riêng của tôi, những vấn đề lớn đặt ra là:

-         Tiếp tục khai thác thủ công như hiện nay, năng suất lao động và công suất khai thác mỏ đều rất thấp, tài nguyên tổn thất lớn, phải sử dụng nhiều vật tư - nhất là gỗ chống lò; môi trường  nơi khai thác than bị tàn phá nghiêm trọng.
-         Hiện nay phải sản xuất dưới năng lực cho phép, vì thiếu thị trường tiêu thụ, nhưng không đảy mạnh sản xuất, công nhân càng thiếu việc làm.
-         Cầu trên thị trường trong nước và thế giới hầu như bão hoà hoặc ít co giãn. Với phương thức kinh doanh hiện nay, giả thử có vốn đổi mới công nghệ khai thác, số công nhân thất nghiệp sẽ tăng lên, cung tiếp tục vượt cầu mạnh hơn, tồn kho lớn hơn, thua lỗ chắc sẽ nhiều hơn.
-         Tiếp tục duy trì sản xuất như  hiện nay – nghĩa là không có thay đổi đáng kể về công nghệ, sẽ có nghĩa là tiếp tục kéo dài các tình trạng thua lỗ, tồn kho, khai thác lãng phí tài nguyên, và đời sống công nhân sẽ ngày càng khó khăn hơn, khó mà nói tới khả năng cải thiện.

Tôi không thể đưa ra các con số chính xác để minh hoạ những lo nghĩ của mình và chứng minh ngành than thua lỗ bao nhiêu – có lẽ đấy là các con số khó tính toán hoặc có xin được cũng khó tính toán. Tôi nêu ra nhiều câu hỏi, nhưng thường chỉ nhận được những câu trả lời chung chung, không thông minh thêm được chút nào.

Ngành than cho biết chỉ còn 7 mỏ thua lỗ, những mỏ khác bắt đầu có lãi. Tôi không tính được thế nào là lãi, lãi có bù nổi lỗ hay không. Nhưng nếu làm  tính nhẩm trong đầu, căn cứ vào giá than gày (anthracite) trong nước và trên thị trường thế giới, 10 vạn công nhân chỉ khai thác được khoảng 10 triệu tấn than lộ thiên/năm mà muốn trả lương nuôi được công nhân ở mức chấp nhận được thì, theo tôi, kiểu gì cũng lỗ. Hay là tôi tính sai? Có lần tôi hỏi một đồng chí đã từng giữ cương vị cao trong tỉnh Quảng Ninh,  được trả lời:

-         Muốn tính  là lãi thì  là lãi, muốn tính là lỗ thì là lỗ.
-         Sao lại có cách làm tính kỳ diệu như vậy?
-         Đơn giản, ví dụ khối đất đá phải bóc đi chưa đưa vào kết toán cùng một lúc với khối lượng than đã khai thác, thì là lãi. Có thể làm được như vậy, vì cùng một lúc còn có những hầm than mới đang ở giai đoạn bóc đất đá, chưa khai thác. Năm này qua năm khác, tính dồn lại cho đủ thì lỗ, thậm chí có thể lỗ lớn. Có nhiều chi phí khác có thể tạm gác sang một bên như vậy.
-         Một mỏ than khai thác xong, bao giờ thì khôi phục hoàn trả lại môi trường?
-         Chưa biết đến bao giờ, có thể là không bao giờ...
-         ...

Nhưng nếu đặt tôi vào địa vị người chủ, phải đi vay để sản xuất và phải khai thác theo Luật bảo hộ lao động, Luật bảo vệ tài nguyên,  Luật bảo vệ môi trường... của Nhà nước; phải tính đúng tính đủ các khoản: khối lượng vốn đầu tư bỏ vào, lãi suất phải trả, hao mòn thiết bị, năng lượng và vật tư phải chi dùng, chi phí lương và bảo hiểm xã hội, chi phí hành chính sự nghiệp rất cao[114], các khoản chi nghiên cứu và triển khai, thuế phải nộp các loại cho ngân sách nhà nước, các khoản chi xã hội khác.., chưa kể các “phong bì”, chắc chắn tôi sẽ lỗ lớn. Xin đề nghị Nhà nước cần thay mặt dân đóng vai người chủ, để tính toán chi li như vậy. Chưa nói đến việc khó phục hồi lại được môi trường. Tôi thầm lo cái thua lỗ lớn nhất không gì cứu vãn nổi chưa xảy ra ngay tức khắc nhưng có lẽ đang tới gần: Nghĩa là tiếp tục khai thác than như hiện nay, đến một ngày nào đó nước ta có thể có một Quảng Ninh đen màu than và nham nhở, đời sống công nhân than vẫn lam lũ, còn Quảng Ninh nói riêng và ít nhất miền duyên hải phía Bắc nước ta nói chung mất cơ hội phát triển và làm giàu. Hay là tôi quá bi quan? Mỗi lần đi thăm Quảng Ninh về, thấy Hạ Long đẹp thêm một chút, lại thêm một lần day dứt: Chao ôi! Nếu tìm được cho Quảng Ninh một con đường phát triển không phải đi qua các mỏ than?..

Đi mò các con số, tôi được biết thêm khoảng 1/3 tổng doanh thu của ngành than không phải là than, và đang có xu hướng đưa khoản này lên khoảng 40-50%, trong đó có may măc, da giầy, xi-măng lò đứng, gạch ốp lát... Tôi hiểu đây là cố gắng lớn thực hiện kinh doanh đa ngành nghề – nếu làm đúng thì nên khuyến khích, vì nó tạo công ăn việc làm cho gia đình vợ con công nhân mỏ. Hãng mỹ phẩm Unilever còn sản xuất cả kem ăn bán ở nước ta mà trẻ em chúng ta rất ưa thích, thì cách kinh doanh đa ngành nghề của ngành than không có gì lạ. Nhưng lấy cái nọ nuôi cái kia, nhất là nuôi than thì lại là vấn đề phải suy nghĩ. Bởi vì tự tôi chưa tìm cách nào chứng minh được là sản xuất than của ta với cung cách hiện nay có thể than tự nuôi than như đã nói ở trên[115]. Ngành than còn có dự kiến vào thời điểm nào đó sẽ lên 20 triệu tấn năm, và đã xuất hiện ý kiến đề nghị với Chính phủ dự án khai thác than bùn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Tin này làm tôi hoảng quá. Có lẽ càng bàn luận, tôi càng bộc lộ sự nhút nhát của mình?

Bởi vì chỉ mới có 10 triệu tấn/năm, mà xuýt nữa mất luôn vùng chùa Yên Tử – một trung tâm phật giáo của Việt Nam từ thế kỷ 13 và đồng thời là nơi tu hành của vua Trần Thái Tông, rồi chuyện cho mìn nổ rung chuyển cả khu có dân cư!.. Rồi đây lên 15, 20 triệu tấn/năm sẽ ra sao đây, rồi sẽ còn đào mỏ ở đồng bằng Bắc Bộ nữa để khai thác than bùn!? Nghĩa là chúng ta sẽ chủ trương phát triển nền kinh tế nguyên liệu với bất kỳ giá nào? Việt Nam bước vào thiên niên kỷ thứ 3 này – với than!? Thực hiện chương trình vĩ đại này trong tình hình giá bán than trong nước hiện nay thấp hơn giá thành và chỉ bằng 65% giá nhập khẩu![116].

Xin nói thêm 2 điều phụ: Giá bán than trong nước thấp hơn giá thành trong cơ chế thị trường hiện nay ở nước ta có nghĩa là thị trường không chấp nhận giá bằng hoặc cao hơn giá thành; vậy chẳng lẽ lại yêu cầu Uỷ ban Vật giá Nhà nước tăng giá than như Uỷ ban đã làm với điện? Giá than bán trong nước chỉ bằng 65% giá nhập khẩu - điều này quả thật tôi không hiểu. Hoặc là loại than nhập khác với than anthracite ở Quảng Ninh, bởi vì không ai dại gì bỏ ngoại tệ ra mua than nhập cùng loại đắt hơn 35%. Hoặc là người nhập than móc ngoặc với bên nước ngoài mua than cùng loại với anthracite để ăn phần trăm – nhưng điều này khó xuôi lắm, vì Bộ Ngoại thương và Hải quan nước ta chắc không thể để yên chuyện này.

Về Quảng Ninh tôi đã nói rồi, viết đến dòng này tôi xin lấy tư cách công dân khẩn thiết kêu gọi ngành than hãy dừng tay, đừng đụng chạm đến vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Vấn đề nan giải là ở chỗ bóc tài nguyên lên để mà sống mà vẫn lỗ thì lấy gì mà phát triển. Cách đây gần hai mươi năm tôi đã xuống một mỏ than lớn ở vùng Ruhr (Đức) nhân dịp nó làm lễ đóng cửa. Mỏ này nằm sâu dưới lòng đất khoảng  gần 2km, hiện đại và có công suất lớn hơn các mỏ than của ta nhiều lần, sản phẩm là than mỡ (lignite), rất phù hợp cho luyện than koke dùng trong luyện kim; song nó phải đóng cửa vì giá thành và vì quy luật cung cầu. Đây không phải là mỏ duy nhất ở vùng Ruhr và ở châu Âu bị đóng cửa trong hai thập kỷ vừa qua – mặc dù năng suất lao động ở đây lúc bấy giờ gấp 10 lần so với ở Quảng Ninh hiện nay.

Than của ta là anthracite (than gày), chỉ tốt cho nhiệt điện, song trên thế giới tỷ trọng điện được sản xuất bằng than ngày càng giảm nhiều vì chi phí vận tải than quá lớn. Tỷ lệ dùng than gày trong luyện kim rất nhỏ, phải trộn thêm các loại than khác, do đó anthracite của ta không có thị trường lớn trên thế giới. Than đang là một bài toán khó trong nền kinh tế nước ta. Nếu tiếp tục phát triển công nghiệp than với phương thức hiện nay, sẽ chồng chất thêm những gánh nặng mới lên nền kinh tế. Công ăn việc làm của 10 vạn công nhân mỏ đâu có phải là chuyện nhỏ[117]. Thế rồi nền kinh tế còn phải cõng những thua lỗ của bao nhiêu ngành khác nữa, dần dần nền kinh tế sẽ đi tới đâu[118]? Đây là câu hỏi do thực tiễn phát triển trong đời sống kinh tế đặt ra. Toàn Đảng toàn dân ta cần quan tâm đến câu hỏi này, quyết tâm tìm mọi cách thoát ra bằng được tình hình này. Nước nào và lúc nào cũng có những câu hỏi loại như vậy.

Ví dụ (4): Điện.  Sản lượng điện tính theo đầu người ở nước ta còn rất thấp, đối với một nước công nghiệp hoá lại vô cùng thấp, ngành điện nước ta còn phải phát triển rất mạnh. Phát triển điện vừa qua là một trong những thành tựu lớn của đổi mới. Song cũng như than, điện bắt đầu có những vấn đề riêng của điện.

Báo chí ta cho biết hiện nay công suất điện tạm thời chưa sử dụng hết – vì nhiều lý do, thế nhưng ngành điện lại được phép tăng giá điện. Tôi chưa thấy nước nào kinh doanh kiểu như vậy. Tôi coi đây là một dẫn chứng thuyết phục về độc quyền. Báo  chí và người tiêu dùng (bao gồm cả doanh nghiệp) thắc mắc, ngành điện giải thích: cần tăng giá để lấy tiền đầu tư phát triển ngành điện. Lại thêm một lập luận rất vô lý về kinh tế, nhưng cũng rất thuyết phục về độc quyền. Đầu tư mới bằng tiền không phải đi vay, không phải trả vốn và lãi thì còn gì bằng! Đấy không phải là kinh tế, càng không phải là kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa hay quốc doanh giữ vai trò chủ đạo.

Một vấn đề khác nữa: Trong ngành điện, khâu sản xuất điện và khâu bán điện được nhập cục với nhau làm một vào trong ngành điện. Sự nhập cục này cho phép lỗ của khâu này dồn sang khâu kia, hoặc có cách lãi của khâu nào khâu ấy giữ riêng cho mình. Sự dồn đi giữ lại như vậy sẽ đẻ ra những vấn đề gì đối với nghĩa vụ hạch toán và nộp ngân sách Nhà nước? Ngoài ra sự nhập cục như vậy, sẽ không có một khâu nào phải chịu những sức ép cần thiết để bắt buộc phải làm ăn có hiệu quả hơn. Xin các chuyên gia kế toán, chuyên gia về quản lý kinh tế của ta phân tích tình hình này và rút ra những kiến nghị trình Nhà nước.

Gần đây có một vấn đề mới khác: Ngành điện kiến nghị xây dựng thuỷ điện Sơn La. Khi làm thuỷ điện sông Đà đã có dự kiến này. Xét riêng lẻ vấn đề thủy điện, sau Sông Đà làm thêm Sơn La là lý tưởng.

Tôi không phải chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng từ hiệu quả của thủy điện Thác Bà và công suất còn lại hiện nay của nó sau khoảng 30 năm sử dụng – nhất là xem xét vùng thuỷ điện Thác Bà là nơi đã từng là vựa lúa chủ lực của hai tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái thời kháng chiến chống Pháp, trong lòng hồ Thác Bà còn chứa bao nhiêu tài nguyên quý dưới mặt đất, xem xét về mật độ dân số nước ta, về bình quân ruộng đất canh tác trên đầu người của cả nước[119], về tỷ trọng cơ cấu các thành phần điện trong toàn bộ ngành điện năng nước ta, xem xét vấn đề môi trường ở nước ta và những biến động thiên tai ngày càng tăng trên thế giới do những biến động ngày càng nhiều trong môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái toàn cầu, xem xét một số tai hoạ đã xảy ra trên thế giới – kể cả ở Mỹ...

          Theo tôi, dự án công trình thuỷ điện Sơn La 200 có những vấn đề sau đây đáng được cân nhắc kỹ:

1.     Hiện nay thuỷ điện ở nước ta đã chiếm khoảng  trên 60% (có tài liệu nói là 67%) tổng sản lượng điện cả nước. Đó là tỷ lệ rất đáng sợ, nói lên mức phụ thuộc quá lớn vào thời tiết tự nhiên trong sản xuất điện ở nước ta. Những hiện tượng El Nino và La Nina trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt trong thập kỷ này, nhất là trong mấy năm vừa qua – gần đây nhất là hiện tượng lụt năm 1998 chưa từng có kể từ hàng chục năm nay ở Trung Quốc và tình trạng hạn hán kéo dài ở nước ta từ 1998 tới nay v...v... càng cho thấy khí hậu trên thế giới và trong vùng nước ta nói riêng ngày càng có nhiếu biến động với những hậu quả khôn lường[120]. Do tác động xấu vào môi trường tự nhiên không có cách gì kiểm soát được và xu hướng chung vẫn là một ngày xấu thêm, tình hình khí tượng thuỷ văn luôn có những biến động, thiên tai mọi dạng xẩy ra với tần suất và mức độ ngày một cao hơn. Trong năm 1998 và đầu năm nay trên thế giới đã xẩy ra một số thiên tai có cường độ tàn phá vượt cả sự tính toán. Trong tình hình của môi trường tự nhiên như vậy, nước ta có nên tăng tỷ trọng thuỷ điện trong sản xuất điện nữa hay không? Đấy là chưa nói đến những dữ kiện về địa chất còn đang tiếp tục phải xem xét thêm.
2.     Nước ta có mật độ dân số cao, ruộng đất canh tác của nước ta hiện nay tính theo đầu người thấp hơn mức bình quân đầu người trên thế giới, thấp hơn cả mức của Trung Quốc. Bảo đảm an ninh lương thực là một trong những vấn đề hàng đầu của một quốc gia; hơn nữa còn có vấn đề không gian sinh tồn. Công trình thuỷ điện Sơn La 200 dự kiến hoạt động trong 30-40 năm  - như vậy là lý tưởng về mặt tuổi thọ của một công trình, không có điều gì để bàn cãi nhiều về khía cạnh này. Nhưng vào khoảng thời gian đó dân số nước ta sẽ lên tới 120 – 140 triệu người - tuỳ các kịch bản phát triển dân số khác nhau có thể diễn ra. Điều này có nghĩa mật độ dân số càng cao, không gian sinh tồn càng co hẹp, cũng sẽ không còn cả non để “bồng bế nhau lên nó ở non” như câu thơ xưa ngày nào. Các thế hệ đang sống có trách nhiệm gì đối với các thệ hệ con cháu chúng ta về vấn đề này không?
3.     Cân nhắc hai vấn đề vừa trình bầy trên, chúng ta có nên làm chìm hàng chục nghìn ha ruộng đất và rừng dưới lòng hồ để thực hiện công trình thuỷ điện Sơn La 200 không? Ngày nay, nếu làm con tính so sánh một bên là những cái lợi hiện tại của thuỷ điện Thác Bà mang lại, một bên là những  cái lợi nếu duy trì vùng dân cư Yên Bình – Lục Yên châu, chắc sẽ có câu trả lời đáng tham khảo cho việc: có nên tiến hành công trình thuỷ điện Sơn La 200 hay không nên.
4.     An ninh quốc gia thường đòi hỏi phải phát triển các vùng biên giới thành các vùng đông dân cư và trù phú. Xem xét như vậy, chúng ta có nên làm thuỷ điện ở đây và thu hẹp các vùng dân cư sinh sống tại miền biên giới hay không? Để làm thuỷ điện Sơn La, chúng ta phải di chuyển một bộ phận dân cư khá lớn (vấn đề này hiện tại vẫn chưa giải quyết được trọn vẹn đối công trình thuỷ điện Sông Đà/Hoà Bình), với nhiều hệ quả kinh tế – xã hội lớn, thậm chí còn có nguy cơ tác động sâu sắc không cứu chữa được đối với vùng văn hoá đồng bào dân tộc Thái và một số đồng bào dân tộc thiểu số khác. Vấn đề đồng bào các dân tộc ít người luôn luôn đặt ra những vấn đề chính trị quan trọng ở mỗi quốc gia. Thậm chí đôi khi phải đình bỏ lợi ích nào đó để bảo đảm đại đoàn kết dân tộc, điều này đối với nước ta không phải là ngoại lệ.
5.     Hiện nay chúng ta có vùng than lớn ở Quảng Ninh và trữ lượng khí lớn để sản xuất nhiệt điện. Điều đáng chú ý  là giá than xuất khẩu của Quảng Ninh có thể ví rẻ như bùn, đào bới loại tài nguyên rất ít lợi thế so sánh như vậy để xuất khẩu chỉ là điều vô cùng bất đắc dĩ. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề mở rộng phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhiệt điện ở Quảng Ninh trong khi đồng thời xúc tiến các chương trình đưa khí vào bờ (ở đây cũng có vấn đề phải cân nhắc: tỷ trọng đưa khí vào làm nhiệt điện với tỷ trọng sử dụng  khí phát triển công nghiệp hoá chất). Chưa nói đến những vấn đề như: giá than xuất khẩu ngày một hạ, xuất khẩu than ngày một khó và vấn đề cân nhắc đưa một phần than xuất khẩu vào sản xuất nhiệt điện... Hiện nay hàng năm Quảng Ninh mỗi năm có khoảng 1-2 triệu tấn than cám hoặc nhiều hơn nữa không xuất khẩu được, nhưng hoàn toàn có thể sử dụng khối lượng than cám này vào sản xuất nhiệt điện. Tìm khả năng tiêu thụ thêm được 1 triệu tấn/năm  than cám ở Quảng Ninh có nghĩa duy trì được khoảng 2 - 3 vạn chỗ làm việc/năm cho lực lượng lao động đơn giản ở Quảng Ninh. Đấy là chưa nói đến vốn huy động cho công trình nhiệt điện thường ít hơn, đặc biệt là tiết kiệm không gian sinh tồn cho đất nước. Thực sự đang có bài toán kinh tế vỹ mô ở tầm quốc gia là: rất nên cân nhắc việc giảm thiểu lượng than xuất khẩu ở Quảng Ninh để tăng lượng than đưa vào sản xuất nhiệt điện trong khi buộc còn phải duy trì nhịp độ khai thác than hiện nay; đây là một biện pháp đáng xem xét.
6.     Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, để đối phó với tình hình thuỷ điện sông Đà lúc gặp phải quá nhiều lũ, lúc cạn kiệt, đồng thời để xử lý một cách cơ bản vấn đề thuỷ lợi cho vùng Tây Bắc, việc nghiên cứu và xây dựng các công trình thuỷ lợi – có thể kết hợp với thuỷ điện nhỏ – là vấn đề rất đáng được đặt ra, chứ không phải là loại công trình như thuỷ điện Sơn La 200  hay thuỷ điện Sơn La thấp hơn nữa. Làm thuỷ lợi là chủ yếu, kết hợp với thuỷ điện nhỏ cho Sơn La với mục đích là công trình bổ trợ cho thuỷ điện sông Đà, tuy không lý tưởng lắm về mặt thuỷ điện cho sông Đà, nhưng  lại là cách tránh những sai lầm với những hậu quả không thể nào cứu chữa được trong xâm phạm vào môi trường tự nhiên. Một nhà khoa học Liên Xô (cũ) đã từng nói: Nếu chúng ta bắn vào môi trường tự nhiên một phát súng lục, chúng ta sẽ bị môi trường tự nhiên bắn trả một phát đại bác; thiết nghĩ lời cảnh cáo đó là có ích.
7.     Trong quá trình tiến lên trở thành nước công nghiệp, vấn đề đi vào điện hạt nhân đối với nước ta đã quá muộn và trước sau vẫn không thể tránh khỏi. Đã đến lúc phải khẩn trương hơn nữa trên hướng này. Khả năng thực hiện được điện hạt nhân sạch càng tăng thêm triển vọng này.
8.     Vân... vân... (vì còn nhiều lý do khác nữa, không tiện nêu ra ở đây).

Xin trình bày ý kiến của tôi  về than và điện như vậy để các bạn đọc tham khảo[121].

Qua 4 ví dụ nêu trên, tôi nghĩ rằng: Con đường phát triển kinh tế nước ta đang theo đuổi đắt quá, phí quá. Phải chăng để tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế năng động, có hiệu quả và bền vững, có lẽ phải tìm cách đi khác với phương thức chúng ta đang nghĩ, khác với cách chúng ta đang làm?

Không có môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội nào, không có Nghị quyết Đại hội hay chủ trương đường lối nào đề ra việc bắc cầu dưới mặt nước. Đấy chỉ là một cách nghĩ, một cách tiếp cận, là một sản phẩm tổng hợp của tất cả những thứ vừa kể trên, là của sáng tạo - xuất phát từ ý chí muốn sống, bất chấp cuộc sống khắc nghiệt như thế nào. Suy nghĩ ấy, cách tiếp cận ấy là một sản phẩm của tinh thần cách mạng Việt Nam, mang trong nó bản chất của cách mạng, là chính cách mạng. Công cuộc đổi mới là kết quả tổng hợp của những ý chí, những cách tiếp cận như vậy. Tuy nhiên, bắc cầu dưới mặt nước một cách cảm tính, phiêu lưu, thiếu căn cứ khoa học...[122]  đồng nghĩa với tự sát.

Là nước đi sau, cách tiếp cận vận dụng trí tuệ và mọi thành  tựu của khoa học và công nghệ với ý chí như vậy, đấy chính là nguồn lực vô tận của nước ta.

15 năm sau khi khởi sự công cuộc đổi mới, với những kinh nghiệm đã tích tụ được kể từ khi xây dựng Miền Bắc xã hội chủ nghĩa 1954 và những kinh nghiệm phát triển kinh tế trong 25 năm giải phóng và thống nhất đất nước, thực sự đã đến lúc phải xem lại chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, bao gồm cả chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đối chiếu với những kinh nghiệm trên thế giới, đối chiếu với xu thế phát triển nền kinh tế mới toàn cầu hoá của thế giới, để làm rõ, điều chỉnh mọi chủ trương chính sách và kiên trì đi theo con đường phát triển mà công cuộc đổi mới đã gợi mở ra.  Kiên quyết rời bỏ con đường phát triển nền kinh tế theo chiều rộng[123], nền kinh tế nguyên liệu, nền kinh tế tích tụ tư bản vật chất; ngay từ bây giờ tìm đường từng bước chuyển mạnh sang nền kinh tế tích tụ khả năng khai thác mọi nguồn lực do nền kinh tế mới toàn cầu hoá đem lại, mở rộng không gian kinh tế cho đất nước, lấy phát triển con người và nâng cao năng lực toàn xã hội làm động lực.

Tư tưởng của chiến lược phát triển này nên có hai nội dung chính là:
-         đi từ những bước thấp nhất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh hướng mạnh về xuất khẩu, len lách vào mọi thị trường, tập trung vào những đối tác chính, với mục đích mang lại nhiều giá trị gia tăng, nguồn thu nhập quốc dân và khả năng tích tụ vốn, công nghệ ngày càng lớn cho đất nước;
-         làm cho Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp (chế biến), thương mại, dịch vụ[124] và là cầu nối kinh tế giữa khu vực và thế giới bên ngoài.

Đó là nền kinh tế chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực tối ưu nhất của đất nước: con người Việt Nam, để tận dụng mọi nguồn lực có thể thu hút từ cả thế giới. Đó là chiến lược phát triển tìm đường đi tắt, đón đầu bước vào nền kinh tế tri thức trong tương lai. Không nên mất nhiều thời giờ ngồi làm dự báo bao giờ đi vào được nền kinh tế tri thức và san lấp được khoảng cách phát triển. Nhưng cần bỏ ra nhiều công sức để ngay từ bây giờ xây dựng chiến lược và khai phá con đường phát triển này – bắt đầu từ việc nhận thức lại thế giới và nhận thức lại mình thật chính xác.

          Kết thúc phần này, tôi xin trích lại phần tự kiểm điểm của Đảng ta nêu trong Cương Lĩnh do Đại Hội VII thông qua: “Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có nhiều cố gắng nghiên cứu, tìm tòi, xây dựng đường lối, xác định đúng mục tiêu và phương hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng Đảng đã phạm sai lầm chủ quan duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan: nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần; có lúc đẩy mạnh quá mức việc xây dựng công nghiệp nặng; duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; có nhiều chủ trương sai trong việc cải cách giá cả, tiền tệ, tiền lương. Công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ phạm nhiều khuyết điểm nghiêm trọng.” Tôi nghĩ rằng: Tinh thần và nội dung tự phê phán nghiêm túc ấy vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho những bước đường tiếp theo của đất nước, cảnh báo chúng ta không được một lần nữa sa vào “con đường cổ điển” đắt và phí quá.

          Xin nói thêm, 4 ví dụ tôi vừa trình bầy về luyện kim, nhôm, than và thuỷ điện là những vấn đề ở mức độ nhất định đã được tính đến, được lựa chọn và được quyết định. Vì lợi ích của kinh tế đất nước, trong thâm tâm tôi cầu mong những suy nghĩ trình bầy trên của tôi là sai. Sau này, nếu thực tế cho thấy những ý kiến ấy của tôi quả là sai, tôi xin được lượng thứ – bởi lẽ tôi nghĩ như thế mà không nói ra cũng là có tội với đất nước, dù là có thể nghĩ sai. Những suy nghĩ của tôi về Dung Quất và Chu Lai được trình bày trong phần V. 2. Những vấn đề gay cấn nhất cũng mong được xem xét bao dung như vậy. Tôi xin nhắc lại, nền kinh tế nước nào cũng cần phải có một hoặc vài ngành công nghiệp làm trụ cột, một hoặc vài vùng kinh tế trọng điểm, một hay vài “cú hích” nào đó thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế... Câu chuyện thời sự đang làm tổn hao trí tuệ của chúng ta là: Lựa chọn cái gìcách tiếp cận như thế nào để đi lên hiện đại chứ không tụt hậu, để cạnh tranh được chứ không lặp câu chuyện “xi-măng lò đứng” với kịch bản mới. Vì nghĩ như vậy, trước sau tôi tin rằng:

Vấn đề sống còn phải chăng là tạo nhiều giá trị gia tăng để có nguồn lực phát triển con người, động lực quyết định nhất để không ngừng mở rộng không gian kinh tế  cho đất nước - chìa khoá mở ra con đường san lấp khoảng cách phát triển? Có lẽ đây là hướng đi và các bước đi để chúng ta trả lời cho các câu hỏi cái gì?cách tiếp cận như thế nào?

Trong phần I (“Khoảng cách một giai đoạn phát triển”) của cuốn sách này tôi đã đưa ra các con số so sánh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta với các nước đang phát triển khác ở các thời kỳ trong quá trình công nghiệp hoá.

Những so sánh này cho thấy:
(a)         tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta trong hai thập kỷ vừa qua như thế là quá chậm so với đòi hỏi của một nước đi lên công nghiệp hoá trong thời đại ngày nay;
(b)          nếu tiếp tục chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và CNH như chúng ta đang theo đuổi, có nguy cơ vào năm 2020 nước ta chưa hẳn đạt được mức phát triển của Thái Lan năm 2000[125].

Hiển nhiên đất nước chúng ta đang có nhiều vấn đề mới phải được mổ xẻ, phải được nhìn nhận dưới ánh sáng của những đòi hỏi tất yếu do yêu cầu san lấp khoảng cách phát triển. 


2.     Không có bài thuốc tiên

Dù cổ vũ nhiệt tình cách tiếp cận mang cái tên vui vui “bắc cầu dưới mặt nước”, tôi vẫn nghĩ rằng: Mọi nền kinh tế muốn cất cánh đều phải cất cánh từ mặt đất. .

Trong các phần trên, tôi đã trình bày cuộc sống không chấp nhận bất kỳ một siêu nhân, một ông thày bói hay một lực lượng siêu phàm nào. Cũng với ý thức như vậy, tôi xin lưu ý: Trong cuộc sống không có bài thuốc tiên nào là không tồi tệ thảm hại; bài thuốc tiên nào càng công thức, càng lý luận hoàn hảo bao nhiêu, khi đưa vào cuộc sống càng tồi tệ thảm hại bấy nhiêu.

Lẽ đơn giản những tư duy triết học hướng về một xã hội loài người tốt đẹp hơn, kể từ Socrates, Aristoteles... cho đến Marx và những ai khác sau này nữa, về cơ bản thường có hai phần:

Aristoteles (382-322 t.C.N) nói về tư hữu và Nhà nước :

...Luôn luôn có khó khăn trong cuộc sống giữa con người với nhau, trong việc có chung các thứ, đặc biệt trong việc có tài  sản sở hữu chung. Khi mỗi người có lợi ích riêng của mình, con người không làm phiền nhau và họ càng có nhiều tiến bộ; bởi vì mỗi người đều bận bịu vào công việc riêng của mình...  Yêu bản thân mình là bản tính tự nhiên của con người và điều này không phải là vô ích, đương nhiên tính ích kỷ lại là điều đáng phê phán... 


  Khi con người trở nên có năng suất lao động cao hơn, nó sẵn sàng san sẻ cho mọi người khác nếu nó có tài sản riêng. Nhưng tính ưu việt này sẽ mất đi nếu có sự thống nhất thái quá trong khuôn khổ Nhà nước.

      Một tình trạng pháp lý như vậy – tình trạng thống nhất thái qua trong khuôn khổ Nhà nước, hay còn gọi là tình trạng mang tính chất của cải chung – communistic – có thể làm xuát hiện sự hào hiệp nào đó... Người ta thường được nghe nói như vậy và dễ có xu hướng tin rằng trong một trường hợp tuyệt vời nào đó mọi người đều là bạn của nhau... Nhưng chúng ta thấy những người có của cải chung thường xích mích với nhau nhiều hơn so với những ngươì có của cải riêng...


   Có một thời điểm nào đó, tại đấy môt Nhà nước có thể đạt tới tình trạng thống nhất ở mức độ Nhà nước ấy không còn là Nhà nước nữa; hay là tại thời điểm ấy mặc dù nhà nước đó trên thực tế còn tồn tại – nhưng nó chỉ còn là một Nhà nước ở dạng thấp... Chúng ta hãy nhớ đừng xem thường những kinh nghiệm của thời đại...

               



trích từ báo
                 TheNation,
                 ngày18-7-1990,

 Người sưu tầm:
                Nguyễn Trung



-                      (a) Những lý tưởng cao đẹp hướng tới chân lý.
-                      (b) Những lý luận, những mô hình được đưa ra theo học thuyết của mình với mong muốn thực hiện những lý tưởng cao đẹp đã được xác định; học thuyết nào thì mô hình ấy.


Không phải ai khác, Bác Hồ đã có lần đưa ra nhận xét, đại ý: chúa Jê-xu, phật Thích Ca, Khổng Tử, Mác, Ghandi, Tôn Dật tiên... nếu các vị đó sống cùng thời với nhau chắc sẽ là những người bạn tốt của nhau vì những lý tưởng bác ái và tự do.

Theo suy nghĩ của tôi:

-         Phần chân lý là những lý tưởng cần hướng tới.

-         Phần lý luận  về mô hình xã hội là những nỗ lực chủ quan  của từng học thuyết, nhằm đưa ra những mô thức thực hiện những lý tưởng ấy trong cuộc sống, mỗi học thuyết có mô thức riêng của mình. Đó không phải là kinh thánh.[126]

    Nỗ lực chủ quan của từng học thuyết và thực tế khách quan của cuộc sống luôn luôn là hai vấn đề khác nhau. Nếu giữa nỗ lực chủ quan này và thực tế khách quan của cuộc sống có 2 thế kỷ chen vào nữa, thì sự khác biệt này giữa tính chủ quan của những mô hình được dựng nên và thực tế khách quan của cuộc sống hiện tai lại càng lớn. Điều mà cuộc sống đã mách bảo chúng ta là nên quán triệt những lý tưởng về chủ nghĩa xã hội mà học thuyết Marx đã nêu ra. Còn những mô hình thực hiện thì chúng ta cần hiểu đó là những gợi ý, những mô hình cần được xem xét với tinh thần như Engels đã nêu trong bài tựa năm 1872 viết cho Tuyên ngôn của Đảng cộng sản.

Trong “Chính sách kinh tế mới” (NEV) Lênin đã nêu một gương sáng về việc thực hiện phương pháp luận này của Engels. Đảng ta, trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lênin nên đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu cách mạng vĩ đại – từ sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước cho đến công cuộc đổi mới ngày nay.




-         Từ quan điểm phát triển công nghiệp nặng đến Hội nghị Trung ương 6 khoá IV năm 1979 chuyển sang công nghiệp nhẹ hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương.
-         Từ nền kinh tế kế hoạch tập trung đến Hội nghị Trung ương 6 khoá VI tháng 3-1988 để chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
-         Con đường gian khổ đi từ hợp tác xã kiểu cũ đến khoán     100, rồi khoán 10 – bước tiếp theo nên chăng là tiếp tục đẩy mạnh những khảo nghiệm, xây dựng những mô hình mới về kinh tế hộ  mà chúng ta đang giành được nhưng tiến bộ bước đầu khá quan trọng  trong kinh tế trang trại, những mô hình hợp tác xã làm ăn theo kiểu hiện đại mà chính Lê-nin đã phác hoạ trong NEV - (theo tôi, Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ là một trong những ví dụ tốt về mô hình hợp tác xã ở Việt Nam theo hướng Lê-nin dự kiến)...
-         Từ công nghiệp hoá theo kiểu cũ đến đẩy mạnh xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm sản xuất trong nước có hiệu quả.
-         Từ cải tạo xã hội chủ nghĩa đến nền kinh tế nhiều thành phần với tính chất là một chủ trương chiến lược lâu dài và cần thực hiện nhất quán, triệt để.
-         Từ bảo tồn xí nghiệp quốc doanh đến cổ phần hoá những xí nghiệp cần cổ phần hoá...[127]
-         ...

Toàn bộ quá trình nêu trên toát lên tinh thần Engels trong bài tựa năm 1872, là NEV của Lênin, là quan điểm cách mạng thực tiễn của Hồ Chí Minh vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam trong một thế giới vào lúc chuyển giao giữa hai thế kỷ, giữa hai thiên niên kỷ. Đây là một trong những kinh nghiệm quý báu nhất, tạo ra bước ngoặt mang tinh thần cách mạng triệt để nhất của đổi mới. Đây là tinh thần quán triệt lập trường giai cấp nhất, kiên định nhất, vì thể hiện quyết tâm tạo ra sức phát triển năng động của nền kinh tế cả nước, để có điều kiện thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đảng ta đã nhiều lần tổng kết, tất cả những thắng lợi giành được là nhờ vận dụng sáng tạo học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phát huy truyền thống yêu nước, trí tuệ và nghị lực phi thường của dân tộc ta; đấy là sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng ấy vào hoàn cảnh và những điều kiện cụ thể của nước ta, kết hợp với sức mạnh của thời đại, tạo ra sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi. Đây trước sau vẫn là một nguyên lý cần được tiếp tục vận dụng thật sáng tạo cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hoá ngày càng năng động hơn.

Sáng tạo trên cơ sở vận dụng tri thức của nền văn minh nhân loại là cách mạng, là một trong những phẩm chất quý báu của Đảng ta. Xin hãy giữ lấy những lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vươn lên những lý tưởng ấy bằng nghị lực sáng tạo từ cuộc sống luôn luôn đi trước tư duy của chúng ta. Tôi coi sáng tạo thuộc về bản lĩnh và phẩm chất của con người, tôi không coi sáng tạo là bài thuốc tiên, càng không tin có bài thuốc tiên, dù rằng có nhiều sách vở viết ra những bài thuốc tiên.

Nhưng tôi thực sự tin rằng những bước đi trong đổi mới ở nước ta như vừa phác hoạ trên đây, cho đến nay chưa thấy có sách vở nào bao quát được, cần được tổng kết sâu sắc. Như tôi đã trình bày, đây thực sự là một lãng phí lớn quá, tiếc quá.


3.  Cất cánh từ mặt đất

Như vậy mọi việc đều phải bắt đầu từ chỗ chúng ta đang đứng trên mặt đất này và trong bối cảnh thiên hạ đã bỏ xa chúng ta mất cả một giai đoạn phát triển khoảng 200 năm, bắt đầu từ chỗ nhận biết mình nhận biết người một cách tỉnh táo của ý chí cách mạng. Mọi việc, nước ta đều phải nhằm vào mở rộng không gian kinh tế cho đất nước trong thế giới toàn cầu hoá - để tồn tại và phát triển, nguồn lực chủ lực là phát huy con người. Một tấc không đi một ly không rời khỏi mục tiêu này, từ thế hệ này sang các thế hệ tiếp theo.

Dù là đánh giá cao đến đâu những thành tựu đã đạt được sau 15 năm đổi mới, vào thời điểm này, nghĩa là hiện tại và có thể trong vòng một vài năm tới, chúng ta phải nhìn thẳng vào một sự thật khắc nghiệt ngay trước mắt:

Vấn đề hàng đầu là phải khắc phục tình trạng tốc độ tăng trưởng suy giảm dần từ 1996 tới nay, lấy lại sự phát triển năng động trong nửa đầu thập kỷ 1990, đồng thời tìm tòi và tiến hành những bước đi trên con đường thực hiện mục tiêu chiến lược nói trên.

Cần nhìn thẳng vào sự thật là nền kinh tế đất nước tuy có nhiều thuận lợi lớn hơn so với thời gian 1986-1989, nghĩa là so với những năm bắt đầu đưa công cuộc đổi mới vào cuộc sống, ngày nay những vấn đề nền kinh tế đang phải đối mặt phức tạp và khó hơn trên nhiều phương diện, vì hai nguyên nhân chính:
-         Một là: Càng phát triển lên nấc thang mới của nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước,  các vấn đề  đòi hỏi phải giải quyết càng khó hơn: ví dụ vấn đề đổi mới DNNN, vấn công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, những điều chỉnh cần phải có trong chiến lược CNH,HĐH – bao gồm cả vấn đề xem lại phát triển kinh tế biển, vấn đề đổi mới hệ thống quản lý và hệ thống chính trị của đất nước sao cho phù hợp với những yêu cầu phát triển mới.
-         Hai là: Hậu quả của những vấn đề chưa xử lý tốt hay chưa xử lí được của 15 năm đổi mới vừa qua đang tích tụ lại và gây thêm những khó khăn mới. Rõ nét nhất là cơ chế thị trường chưa hoàn thiện, sự bất cập của bộ máy quản lý và điều hành nền kinh tế - đặc biệt là trong hệ thống tài chính tiền tệ. Tư duy lạc hậu không theo kịp yêu cầu phát triển đang góp phần làm cho kinh tế có thêm những căng thẳng mới trong cơ cấu và trong vận hành.  Do thiếu kinh nghiệm nên vấp váp không ít trong quan hệ kinh tế đối ngoại – nhất là trên hai phương diện: thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và mở rộng ngoại thương... Trong những vấn đề này, nhức nhối nhất, gây nhiều rắc rối nhất, đồng thời gây nhiều lực cản nhất cho những cố gắng sắp tới có lẽ là quốc nạn quan liêu tham nhũng.

Phải chăng còn có thể nêu một sự khác biệt nữa: Trong những năm 1986-1989 khó khăn chính lúc đó là chưa tìm được lối ra nhưng quyết tâm đổi mới rất cao; còn khó khăn của bây giờ là con đường đổi mới đã hé mở nhưng nội dung đổi mới bây giờ rất phức tạp khiến cho bước đi ngập ngừng?

Thật là nguy hiểm, nếu nghĩ rằng bây giờ gạo đủ ăn mà còn có thừa để bán, năng lượng đủ và cũng thừa, sắt thép xi măng cũng vậy, cứ thế mà làm ăn, cứ thế mà tiến, bên ngoài muốn mở rộng hợp tác thì mở rộng, bên ngoài không muốn thì ta cứ làm việc của ta, lo gì... Suy nghĩ như vậy là không thấy hết mức nghiêm trọng của những vấn đề đặt ra cho sự phát triển của đất nước như đã trình bày trong phần V.

Trước khi trình bày một số ý kiến về công việc sắp tới, tôi xin nhấn mạnh, không đứng vững chắc trên mảnh đất của thực tế cuộc sống để nhìn nhận mọi vấn đề với đúng thực chất của chúng, việc hoạch định và tiến hành những bước đi mới sẽ là những ảo tưởng.

Tổng cục thống kê cho biết quí I-2000 sản xuất công nghiệp tăng 11,34% so với cùng kỳ năm trước - đại thể nhích lên chút ít nhưng vẫn là sụt so với những năm đầu thập kỷ 1990 (thường là 14 – 15%), nhưng nỗi lo về tiêu thụ đầu ra vẫn còn nguyên vẹn, lượng hàng tồn kho các loại vẫn còn lớn.

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế 1999 và của quý I-2000 mang lại một số tín hiệu lạc quan. Song ngay những tin tức lạc quan này cũng cần được lý giải, để nhận biết chuẩn xác tình hình thực tế. Bởi vì cần phân tích kỹ, sự nhích lên một chút ấy là do các nhân tố chủ quan tạo ra đến đâu – như tăng năng suất lao động, đầu tư hiệu quả hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn, cải cách quản lý đạt tiến bộ.., hay là sự tăng trưởng chút ít này là do một số yếu tố ngoại cảnh nhất thời như giá dầu thô lên, thời tiết thuận lợi được mùa, tình hình kinh tế khu vực ĐNA’ được cải thiện... Bởi vì cốt lõi là phải tạo ra sự tăng trưởng năng động, nhưng  ổn đinh và bền vững.

Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ năm 2000 nhấn mạnh cần cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,6 – 6%, nghĩa là vẫn còn thấp so với 5 năm về trước. Trong nhiều cuộc họp quan trọng với các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2000, Thủ tướng thẳng thắn nêu câu hỏi năm 2000 có chặn được đà giảm sút tăng trưởng kinh tế kéo dài từ mấy năm nay hay không, bởi vì vấn đề việc làm ngày càng gay gắt, ngoài ra chưa kể còn biết bao nhiêu vấn đề nan giải khác có liên quan nếu không đảy mạnh được tốc độ tăng trưởng và phát triển – trước hết là tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế sẽ bị tác động tiêu cực; chỉ số giá cả quý I-2000 tiếp tục suy giảm; trong khi đó các nền kinh tế chung quanh nước ta đang trên đà phục hồi.

Bộ Tài chính thông báo trên báo chí năm 1999 số DNNN làm ăn có lãi là 71,10%; song kết quả tổng hợp của các Bộ, ngành lại cho thấy năm 1999 chỉ có khoảng 40% DNNN làm ăn có lãi – cùng là con số thống kê của các cơ quan nhà nước đưa ra, nhưng sao lại có sự khác biệt lớn như vậy?[128] Thậm chí có ý kiến năm 1999 chỉ khoảng 20% DNNN có lãi... Nhưng dù là con số nào, thì chí ít vẫn là khoảng quá nửa hoặc 1/3 DNNN làm ăn không có lãi; trong khi đó tổng nợ các loại, bao gồm cả nợ đến hạn hoặc quá hạn của khu vực DNNN lên đến 220.000 tỷ VNĐ[129]. Các biện pháp kích cầu thực hiện được gần hai năm, nhưng kết quả chưa có gì rõ rệt – do kích cầu chưa đủ mức, hay do bệnh chưa được bốc đúng thuốc?

Trên báo chí trong nước đang có những ý kiến đánh giá khác nhau: Tình hình vừa kể trên (a) là thiểu phát?  (b) hay là một triệu chứng báo hiệu mới của khủng hoảng cơ cấu kinh tế?  (c) hay là cả hai hiện tượng này thực chất chỉ là 2 mặt của một vấn đề nằm sâu trong cơ cấu kinh tế và hệ thống điều hành của nước ta? Tôi thiên về ý kiến sau cùng. Đây là vấn đề rất hệ trọng, có xác định đúng mới có được khả năng đề ra giải pháp đúng.

Điều đáng lo ngại khác là từ hai năm nay chúng ta nhấn mạnh phát huy nội lực, làm rất nhiều việc để cải thiện môi trường đầu tư, nhưng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào ta tiếp tục ở mức độ rất thấp – năm 1999 chỉ bằng khoảng 1/2 năm 1998; trong khi đó FDI vào khu vực ĐNA’ năm 1999 tăng 15%. Anh Nguyễn Mại đưa ra nhận xét đáng suy nghĩ:

“Tình hình đất nước hiện nay, khi mà chúng ta đang bắt tay vào xây dựng chiến lược cho thời kỳ mới, đang đòi hỏi sự dũng cảm của các nhà hoạch định chính sách trong việc nhìn thẳng vào thực trạng tình hình kinh tế-xã hội của đất nước... Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao  và bền vững,..có nghĩa là giữ được hệ số ICOR[130] hợp lý, thì vốn đầu tư của thời kỳ sau thường phải cao hơn hai lần so với thời kỳ trước. Nếu như trong thời kỳ 1991-1995 tổng vốn đầu tư là 15,6 tỷ USD để duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 8-8.5%/năm, tổng số vốn đầu tư của thời kỳ 1996-2000 phải là 40-42 tỷ USD, bằng 2,7 lần. Từ đó suy ra  tổng vốn đầu tư cho thời kỳ 2001-2005 khoảng 100-120 tỷ USD và 5 măm tiếp đó, 2006-2010 là 200-220 tỷ USD[131]...” Nếu kéo quá dài thời kỳ tăng trưởng chậm trong hoàn cảnh nước ta, sẽ có nguy cơ rơi vào khủng hoảng. Tôi thấy nhận xét của anh Nguyễn Mại rất cần được quan tâm. 

Các chuyên gia nước ngoài tính toán thời kỳ 1991-1995 FDI chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội ở nước ta, tăng trưởng kinh tế thời kỳ này đạt 8 – 8,5%, nếu không có FDI sẽ chỉ đạt khoảng gần 6%; ngoài ra FDI còn đóng góp 2/3 mức tăng trưởng xuất khẩu của nước ta trong thời kỳ này. Thực tế đã xẩy ra là chúng ta không huy động được tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cần thiết cho thời kỳ 1996-2000 và đấy là một trong những nguyên nhân quyết định trực tiếp tình hình suy giảm của thời kỳ 1996-2000 và có thể ảnh hưởng tiếp tục cho những năm sau. Những yếu tố cần tạo ra để có thể huy động một lượng đầu tư lớn khoảng 100 –120 tỷ USD, trong đó ước 1/3 là FDI, cho thời kỳ 2001-2006 còn đang đặt ra nhiều bài toán khó.

Tóm lại, cùng một lúc nền kinh tế đang đòi hỏi phải có động lực mạnh cho tăng trưởng và phát triển năng động, phải nâng cao khả năng cạnh tranh và phải tạo ra những tiền đề đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác những nguồn lực do quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới có thể đem lại.

Mọi việc cần bắt đầu từ nhận thức tỉnh táo thực tế khách quan đầy thách thức đã trình bày ở trên, lấy nó làm xuất phát điểm cho những nỗ lực mới, với tất cả tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm cần phải có của một dân tộc đang quyết tâm lấy lại 2 thế kỷ đánh mất – yêu nước và dũng cảm như tất cả ra tiền tuyến, tất cả cho tiền tuyến như ngày nào... Không phải chỉ cho một trận đánh, mà còn phải trường kỳ hơn cả trường kỳ kháng chiến, thế hệ này chưa làm xong thì các thế hệ sau tiếp theo, cho đến khi san lấp được khoảng cách phát triển với thế giới bên ngoài. Mọi nỗ lực nên xoay quanh những yêu cầu sau đây:

Một là: Ưu tiên số một là mở rộng thị trường để từng con người Việt Nam chúng ta phát huy được khả năng lao động cần vù và sáng tạo của mình, để từng đồng vốn và mọi nguồn lực khác dù thuộc thành phần kinh tế nào của đất nước từng ngày, từng ngày được tận dụng hữu ích - với mục tiêu thường xuyên nâng cao thu nhập cho đất nước, ra sức tích tụ nguồn lực nhằm tạo mọi điều kiện phục vụ nhiệm vụ hàng đầu là phát triển con người – phát triển nguồn lực tạo ra mọi nguồn lực, trên cơ sở đó nâng cao dần khả năng khai thác các nguồn lực do nền kinh tế toàn cầu hoá đem lại. Xin đặc biệt nhấn mạnh, để thực hiện yêu cầu này, cùng với việc phát huy mọi nguồn lực trong nước, vai trò đầu tư trực tiếp của nước ngoài có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Hai là: Thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, đồng thời phát triển  hệ thống pháp luật bảo hộ và khuyến khích mọi thành quả lao động và kinh doanh của từng cá nhân theo đúng tinh thần làm giàu cho mình và đồng thời làm giàu cho đất nước. Lấy dân chủ và công khai minh bạch để hoàn thiện thị trường. Đồng thời lấy cơ chế thị trường ngày càng hoàn thiện để loại bỏ độc quyền và mọi bao cấp còn lại, quyết xoá bỏ mọi hiện tượng ăn bám, thua lỗ. Đảng và Nhà nước đứng đằng sau mỗi nỗ lực của từng công dân đi vào sản phẩm mới, thị trường mới. Từng cá nhân, từng cán bộ công nhân viên chức nhà nước và từng doanh nghiệp, cơ quan luôn luôn phải làm việc dưới áp lực sẽ bị loại bỏ, bị phá sản nếu hiệu suất thua kém. Toàn xã hội tôn vinh người làm ăn giỏi, người làm giàu, các doanh nghiệp và cơ quan, nhất là tôn vinh những ai tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội và mở mang thị trường mới cho đất nước, làm ra sản phẩm mới, công nghệ mới. Sự tôn vinh quan trọng nhất là sự bảo hộ thoả đáng và lâu dài bằng luật pháp những thành quả này

Ba là:  Vì tư tưởng chiến lược là tạo ra nguồn lực cho phép tận dụng tối ưu mọi nguồn lực do nền kinh tế toàn cầu hoá có thể đem lại, cho nên trọng tâm của mọi hoạt động kinh tế, xã hội phải nhằm vào tăng thu nhập để tăng phát triển theo hướng phát triển bền vững, trước hết là phát triển con người. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và kết cấu hạ tầng xã hội cũng phải ưu tiên nhằm vào trọng tâm này, với mục tiêu chiến lược lâu dài là thu hẹp dần nền kinh tế nguyên liệu, chuyển mạnh sang nền kinh tế có hàm lượng chế biến và hàm lượng công nghệ ngày một cao hơn, mở dần từng bước con đường đi vào nền kinh tế tri thức. Cố gắng tạo ra sự chuyển dịch này diễn ra hài hoà, người đi trước kéo theo người đi sau, nhưng đồng thời không ai phải chờ đợi ai.
Xin nêu lên một vài ví dụ để xem xét:


Theo David S. Landes trong cuốn Sự thịnh vượng và nghèo khó của các quốc gia, NXB W.W. Norton & Company, New york-London, 1998: Một trong những nguyên nhân quan trọng của chấn hưng nước Nhật thời Minh Trị là giáo dục và đào tạo con người, khiến cho quá trình công nghiệp hoá của Nhật mặc dù đi sau nước Anh hơn 100 năm nhưng tiến nhanh hơn nước Anh và không phải trải qua con đường đầy đau khổ như ở nước Anh. Dưới thời Minh Trị hơn 40% ngân sách là chi cho giáo dục, và nhờ vậy ngay hồi đó tỷ lệ người không mù chữ đã cao hơn ở nước Anh; nhà nước đã giáo dục và nâng cao thêm một số giá trị vốn có trong xã hội Nhật như cần cù, khéo tay, tinh thần làm việc kỷ luật và đồng đội, ý thức giữ tín nhiệm nơi làm việc và trong cộng đồng, lòng yêu nước sẵn sàng học tập và thay đổi nghề nghiệp của mình vì đất nước; Nhà nước trọng thưởng các sáng kiến phát minh hoặc mạo hiểm trong thương mại, khuyến khích mạnh mẽ bắt chước hoặc tự chế tạo các sản phẩm công nghiệp...

   Landes cũng nêu ra người thua cuộc trong thời kỳ này là các nước châu Mỹ La Tinh giàu có, trước hết là Ac-hen-ti-na và Brazil, vì Nhà nước không làm các việc như nhà nước Minh Trị đã làm, và vì đặc điểm bảo thủ của giới quý tộc bám lấy ruộng đất và chế độ nông nô...


Bốn là:  Triệt để cải cách giáo dục và đào tạo, nhằm đổi mới và nâng cao đáng kể chất lượng con người Việt Nam sao cho đáp ứng những yêu cầu thực hiện tư tưởng chiến lược nói trên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Một mặt cần cố gắng khắc phục nội dung và phương pháp dạy và học chay, nhồi sọ hoặc quá sơ lược, xa dời những đòi hỏi bức thiết của yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Mặt khác cần khắc phục tình hình nội dung và chất lượng giáo dục nước ta không theo kịp sự tiến bộ nhanh chóng của thế giới. Thực tế đòi hỏi giáo dục và đào tạo ở nước ta phải  có một chiến lược đổi mới hay cải cách rất triệt để, phù hợp với yêu cầu canh tân và chấn hưng đất nước – từ đào tạo lại nhân cách đến tri thức, phong cách làm việc và lối sống của con người trong một nước Việt Nam mới. Phải nói rằng đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng. Điều quan trọng là không bỏ phí bất kể nguồn lực nào có thể huy động được cho giáo dục và chủ  động khuyến khích mọi phương thức giáo dục và đào tạo có hiệu quả, theo chương trình và nội dung sát thực với đòi hỏi phát triển của đất nước. Việc phổ cập và nâng cao trình độ ngoại ngữ - trước hết là tiếng  Anh - ngày càng trở nên vô cùng bức xúc, nhằm nâng cao năng lực toàn xã hội và tạo thuận lợi cho hội nhập vào nền kinh tế mới toàn cầu hoá của thế giới. Không giành
 được thắng lợi triệt để trong cải cách giáo dục, đất nước ta sắp tới sẽ không thể mong giành được thắng lợi đáng kể nào trong nền kinh tế mới của thế giới toàn cầu hoá. (Cốt lõi của vấn đề không phải là ta chi quá ít cho giáo dục. Ngay trong ngành giáo dục cũng có nhiều lãng phí lớn. Song vấn đề trầm trọng nhất là nền giáo dục nước ta có ngày một nhiều tụt hậu về nội dung và phương pháp).

          Vận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, khai thác thông tin, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh – cả 3 khâu này của nền kinh tế mới đều bắt đầu từ giáo dục[132].

Năm là:  Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá trước hết cần ưu tiên phục vụ 4 yêu cầu vừa kể trên, hoặc là tạo điều kiện cho 4 yêu cầu nói trên triển khai thuận lợi. Như vậy đó phải là một chiến lược phát triển kinh tế, xã hội rất linh hoạt, đầy sức phát triển năng động, thường xuyên có khả năng chuyển dịch cơ cấu tiến dần lên hiện đại hoá - nhất là không găm chết những nguồn lực to lớn của xã hội vào những cơ cấu kinh tế kém hiệu quả và khó chuyển dịch theo chu kỳ ngày càng ngắn của sản phẩm, của phát triển khoa học và công nghệ cũng như sự thay đổi ngày càng nhanh của cầu trên thị trường trong nước và thế giới – nghĩa là luôn luôn tạo ra được khả năng kịp thời  tìm ra và chuyển dịch được sang thị trường mới với sản phẩm hàng hoá và dịch vụ mới. Đó cũng là con đường thường xuyên nâng cao thực lực của nền kinh tế - điều kiện hàng đầu để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là:  Đổi mới và phát triển hệ thống Nhà nước theo tinh thần làm cho dân chủ và tính chất của dân, do dân, vì dân vừa là yếu tố, vừa là động lực phát triển toàn diện kinh tế, xã hội của đất nước. Trước hết cải cách hệ thống điều hành vĩ mô như luật pháp, tài chính tiền tệ, kế hoạch và hệ thống quản lý hành chính nhằm tạo ra tiền đề cho việc xây dựng và phát triển bộ máy chính quyền theo tinh thần nói trên.

Nhiệm vụ chuyên chính triệt để nhất của hệ thống Nhà nước là: bảo đảm ổn định chính trị và an toàn xã hội, nghiêm khắc chống tệ nạn quan liêu tham nhũng, bảo đảm công bằng và tính công khai minh bạch trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước để mọi tài năng lao động, sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong nước được phát huy, mọi thành quả được bảo hộ và tôn vinh, đồng thời tạo khả năng thu hút tối đa sự hợp tác của bên ngoài – trước hết là thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, lấy hợp tác và cạnh tranh với bên ngoài đẩy nhanh việc nâng cao hiệu quả nền kinh tế và hiện đại hoá.

Hệ thống nhà nước cần tạo ra sự bình đẳng về cơ hội phát triển cho mỗi công dân, bảo đảm  công bằng xã hội, phát triển hệ thống phúc lợi xã hội để phát triển tốt nguồn lực con người – nhất là thực hiện tốt vấn đề xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ những vùng chậm phát triển. Điều cần được đặc biệt quan tâm là xây dựng hệ thống tài chính tiền tệ phát triển và hệ thống phúc lợi xã hội hoạt động có hiệu quả để có khả năng kiểm soát sự phân hoá giầu nghèo thái quá, duy trì được sự phát triển xã hội hài hoà, mà vẫn không kìm hãm sự phát triển năng động của nền kinh tế đất nước. Đấy chính là những việc rất  cụ thể phải làm để thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ xác định sáu đòi hỏi nêu trên đến việc thiết kế thành các chủ trương chính sách, các bước đi thực hiện là cả một chặng đường gian khổ. Song tìm được hướng đi thì cũng sẽ xác định được những bước đi.



vii. Xây dựng đảng lãnh đạo trong giai đoạn phát triển mới của đất nước


1.     Sứ mệnh lịch sử của Đảng ta

Nhiệm vụ xây dựng Đảng lãnh đạo là tiền đề của mọi tiền đề cho thực hiện mục tiêu xây dựng thắng lợi một nước Việt Nam mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nói trong Đảng và trong cả nước đã có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu khẳng định đòi hỏi tất yếu này.

Trước khi trình bày một vài suy nghĩ, tôi muốn nhấn mạnh: Lịch sử Đảng ta cho thấy tính tiền phong chiến đấu vì lợi ích của dân tộc, lợi ích của giai cấp là phẩm chất quyết định nhất của Đảng ta, luôn luôn đem lại cho Đảng ta sức sống mới, năng lực mới. Nhờ vậy Đảng ta có phẩm chất và khả năng đảm đương những nhiệm vụ ngày càng khó khăn phức tạp do quá trình phát triển của sự nghiệp cách mạng đề ra.

Lấy lịch sử làm chỗ tựa cho suy nghĩ của mình, tôi đặc biệt chú ý tới thực tế đã diễn ra là: Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã nhận thức chính xác đòi hỏi bức bách của dân tộc, của đất nước là xoá bỏ chế độ thuộc địa, giành lại độc lập dân tộc, mang lại cho nhân dân quyền làm chủ đất nước và đời sống ấm no, hạnh phúc; Đảng ta đã nhận thức đúng đắn tình hình thực tế khách quan và vạch ra con đường thực hiện được khát vọng cháy bỏng này của dân tộc, đã tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày nay. Bản thân Đảng ta và các đảng viên của mình đã đi tiên phong trong cuộc chiến đấu này. Phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại làm nên những thắng lợi lịch sử.

Đấy là những thực tế lịch sử minh hoạ và khẳng định đày sức thuyết phục về sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo đất nước của Đảng ta.

Đấy là những thực tế lịch sử chứng minh: Lãnh đạo có nghĩa là là sự giác ngộ chính xác đòi hỏi bức bách của dân tộc, khả năng vạch ra con đường và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi đòi hỏi bức bách của cách mạng.

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua,  nghĩa là kể từ khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, chuyển sang nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình, chính phẩm chất này là động lực quyết định nhất của công cuộc đổi mới của cả nước nói chung và động lực đổi mới Đảng ta nói riêng: Đổi mới Đảng ta từ lực lượng lãnh đạo dân tộc đấu tranh cách mạng giải phóng và thống nhất đất nước, thành Đảng lãnh đạo dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

 Chính vì lẽ này, như tôi đã trình bày trong các phần trên, đổi mới không phải chỉ đem lại những tiến bộ mọi mặt trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước, mà quan trọng hơn nữa là mở ra một bước ngoặt phát triển của đất nước. Công cuộc đổi mới đã và đang đổi mới chính bản thân Đảng ta, đem lại cho Đảng ta phẩm chất, tư duy và năng lực mà giai đoạn phát triển mới của đất nước đòi hỏi.

Quá trình này, phẩm chất này là sự kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng sáng tạo của Đảng ta trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau kể từ ngày thành lập Đảng. Cho dù có sự khác biệt như thế nào giữa các giai đoạn mà lịch sử cách mạng Việt Nam đã trải qua, phẩm chất này luôn luôn bao hàm ba yếu tố:
-         (a) tính tiền phong chiến đấu vì lợi ích của dân tộc và của giai cấp, và
-         (b) khả năng nhận thức sự vật khách quan theo quan điểm tư duy khoa học của duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trước hết là khả năng nhận thức những đòi hỏi thúc bách của dân tộc, của đất nước qua những thời kỳ và giai đoạn khác nhau, khả năng tìm ra con đường thực hiện,
-         (c) nắm vững đòi hỏi tất yếu về phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng  và thống nhất đát nước và ngày nay đang thông qua công cuốc đổi mới tạo ra bước ngoặt của đất nước đi vào một giai đoạn phát triển mới.


Được cổ vũ bởi những yếu tố đã được lịch sử khẳng định vừa trình bày trên, tôi xin mạnh dạn nêu lên một số suy nghĩ xoay quanh yêu cầu nhận thức những đòi hỏi đối với Đảng lãnh đạo trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thú thực, điểm lại những vấn đề do cuộc sống của đất nước đang đặt ra, mường tượng con đường sẽ phải đi, các mục tiêu phải đạt tới để san lấp khoảng cách phát triển, tôi không thể tránh khỏi cảm nghĩ rất riêng tư của mình là bị choáng ngợp bởi tầm vóc lớn lao của những nhiệm vụ ấy. Choáng ngợp vì triển vọng, vì hy vọng.., vì ý nghĩa rất đáng sống vì triển vọng và hy vọng này của đất nước...

-         ...Phải biết nhục nỗi nhục của nước nghèo để lấy lại hai thế kỷ bị đánh cắp, mở rộng không gian kinh tế cho đất nước, vì sự tồn tại và phát triển phồn vinh của đất nước,
-         phải san lấp khoảng cách phát triển ngăn cách nước ta với thế giới bên ngoài, coi đấy là mệnh lệnh tối hậu đối với mọi người Việt Nam, trước hết là đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam,
-         phải làm cho dân chủ và tính chất của dân, do dân, vì dân trở thành động lực của chủ nghĩa yêu nước và nguồn lực quan trọng nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước,
-         phải làm cho tinh thần yêu nước và nguồn lực phát triển ấy tạo ra sức mạnh đưa mỗi công dân và doanh nghiệp của nước ta thuộc mọi thành phần kinh tế ra đối mặt với thế giới với tư cách là những chủ thể của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế,
-         phải tạo ra được một Nhà nước có khả năng phát huy năng lực toàn xã hội tận dụng được mọi nguồn lực do nền kinh tế mới toàn cầu hoá của thế giới đem lại để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, theo kịp xu thế phát triển của kinh tế thế giới,
-         phải làm cho Việt Nam trở thành biểu tượng của hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, là cầu nối của mọi giao lưu kinh tế và văn hoá vì hạnh phúc và cuộc sống phồn vinh của con người, là biểu tượng của sản phẩm chất lượng cao, là đồng nghĩa với chữ tín,
-         phải thực hiện chuyên chính tốt nhất bảo đảm thực hiện thắng lợi những yêu cầu nêu trên, nghĩa là tạo ra môi trường và điều kiện tốt nhất đồng thời loại bỏ mọi tiêu cực và trở ngại ngăn cản dân tộc ta thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh,
-         và trên hết cả, phải làm cho Đảng ta trở thành người lãnh đạo, người tổ chức, phát huy sức mạnh toàn dân tộc ta tận dụng mọi cơ hội, đương đầu thắng lợi với mọi thách thức, và là đội ngũ đi tiên phong của dân tộc trên con đường tiến tới những mục tiêu cao cả nói trên.

Đấy là cảm nghĩ khái quát của tôi về sứ mệnh lãnh đạo của Đảng ta trong giai đoạn xây dựng một nước Việt Nam mới – vì lý tưởng này thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước dân tộc ta không ngừng hy sinh phấn đấu trong suốt hai thế kỷ vừa qua.

Nói rõ hơn nữa, trong giai đoạn phát triển mới của đất nước trong thế giới ngày nay, dân tộc ta đứng trước đòi hỏi bức thiết phải tạo ra không gian kinh tế rộng lớn, phát huy tối đa năng lực của mình để san lấp được khoảng cách phát triển. Dân tộc ta cần có sức mạnh quần tụ lớn nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng đại này. Lãnh đạo nhân dân ta thực hiện được những yêu cầu này, đấy chính là nội dung sứ mệnh lãnh đạo của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nếu coi những yêu cầu nêu trên là những nhiệm vụ phải thực hiện, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra được cách nhìn tổng thể làm chỗ dựa cho việc tìm giải pháp cho từng vấn đề cụ thể, kể cả những việc phải làm hay những mâu thẫu phải giải quyết.

Quan trọng hơn nữa, nhận thức thấu đáo những đòi hỏi đặt ra cho đất nước trong giai đoạn phát triển mới sẽ luôn luôn nâng cao tầm nhìn của chúng ta, nghĩa là để từ thế hệ này sang các thế hệ tiếp theo sẽ không bao giờ  xa lạc mục tiêu san lấp khoảng cách phát triển, quyết tâm đem lại hạnh phúc cho nhân dân, giành lại vị thế xứng đáng cho đất nước trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Đấy là toàn bộ nội dung và thực chất của giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Lẽ đơn giản là không thể có định hướng xã hội chủ nghĩa để giữ vững, thậm chí không có cả độc lập tự chủ, nếu như nước ta chỉ là một nước nghèo, lạc hậu, chậm phát triển, nay  phải đi xin cứu trợ, mai phải đi vay để sống qua ngày... Nhất quyết không thể chịu như vậy.

Trong bất kỳ quốc gia nào và ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, sự phát triển bao giờ cũng đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của lực lượng tinh tuý nhất trong xã hội của quốc gia ấy vào giai đoạn ấy. Hoàn cảnh lịch sử và cuộc đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam trong hai thế kỷ vừa qua, phẩm chất và năng lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam được thử thách suốt 70 năm qua, đó là thực tế đã  tôi luyện Đảng ta thành lực lượng tinh tuý nhất của dân tộc và của giai cấp trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Xây dựng Đảng làm tròn sứ mệnh mới của mình trước hết có nghĩa là trau giồi phẩm chất và năng lực của Đảng ta xứng đáng là lực lượng tinh tuý nhất của nước Việt Nam mới . Nhiệm vụ này phải gắn liền với cuộc đấu tranh thường xuyên chống lại mọi nguy cơ tha hoá Đảng.
Sứ mệnh lãnh đạo của Đảng không phải do trời cho, càng không phải do quyền lực tạo ra. Bởi vì cả hai đặc tính này không dung hoà được với sứ mệnh của một đảng lãnh đạo với tính chất là lực lượng tinh tuý nhất của dân tộc và của giai cấp. Tôi nghĩ rằng đây là xuất phát điểm của tư duy về xây dựng Đảng và chống những nguy cơ tha hoá Đảng. Nhìn sang nước bạn, việc Tổng bí thư Giang Trạch Dân để ra thuyết “3 đại biểu” để xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tầm cao mới mà nhiệm vụ cách mạng Trung Quốc đòi hỏi, có thể gợi ý cho chúng ta nhiều điều (xem thêm chú thích số 26 thuộc cuối chương I của cuốn sách này).


2.     Vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp

Đã có nhiều  lý luận, nhiều tài liệu nói về đấu tranh giai cấp, về đảng mang tính giai cấp và không có đảng siêu giai cấp, về những mâu thuẫn giữa các giai cấp trong một dân tộc hay một quốc gia, về bản chất giai cấp công nhân và sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động – trước hết với tinh thần giai cấp công nhân muốn tự giải phóng mình đồng thời phải giải phóng cả nhân dân lao động, suy rộng ra nữa sự thống nhất giữa lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích dân tộc...

Cuộc sống vận động không ngừng. Vì vậy, trước sau đây vẫn là đề tài nên tiếp tục nghiên cứu, lý giải – nhất là từ góc độ tiếp cận với thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong gần một thế kỷ mất nước, tiếp cận với lịch sử đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, từ nhận thức yêu cầu mới phải ra sức phát huy sức mạnh đoàn kết hoà hợp dân tộc để có đủ sức mạnh hội nhập quốc tế và san lấp khoảng cách phát triển...

Tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VIII đề ra qua điểm: “Đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp dân tộc, các tôn giáo, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cồng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, lấy mục tiêu đó làm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xoá bỏ định kiến, mặc cảm, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đại đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau.”

Đối chiếu quan điểm đúng đắn này về vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp với thực tế, theo cảm nhận chủ quan của tôi, có 3 điều đáng lưu ý sau đây:

-         Một là: Nếu so sánh giữa nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tiễn cách mạng Việt Nam về đấu tranh giai cấp và về những vấn đề trong các mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, hình như sự nghiên cứu về lý luận – mà có thời điểm, có vấn đề chưa hẳn là lý luận nhuần nhuyễn thực sự của mình -  có phần lấn át. Nghĩa là vế nghiên cứu thực tiễn của nước ta còn lép, chưa đúng tầm, nên có những lúc dẫn đến những kết luận, những quyết định chủ quan duy ý chí. Nhìn lại 55 năm qua, hầu như ít nhiều mọi kết luận hay quyết định chủ quan, duy ý chí, dẫn tới sai lầm, thậm chí có những sai lầm phải trả giá vô cùng đau đớn, đều xuất phát từ thực trạng này. Dưới góc độ nhất định, trong những hoàn cảnh hay thời điểm nào đó, đây còn là biểu hiện của giáo điều và sự thiếu vắng suy nghĩ độc lập tự chủ trong vận dụng lý luận đấu tranh giai cấp vào hoàn cảnh và những điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Kinh nghiệm này, theo tôi, còn giữ nguyên tính thời sự của nó trong tương lai.
-         Hai là:  Lịch sử cách mạng Việt Nam có một kho tàng phong phú và vô cùng quý báu về điều hoà mâu thuẫn giai cấp, thực hiện đoàn kết và hoà hợp dân tộc, tạo ra sức mạnh vô địch thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn khác nhau – trong những lúc sự nghiệp cách mạng gặp bước hiểm nghèo nhất cũng như trong lúc cần phát huy sức mạnh tổng lực của dân tộc để giành thắng lợi quyết định.

Thông thường có ba hình thức căn bản xử lý các mâu thuẫn hay quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, đó là xử lý theo hình thức phủ định, xử lý theo hình thức điều hoà trong mối quan hệ nội bộ dân tộc và xử lý theo phương hướng xây dựng sự đồng thuận để phát huy sức mạnh đoàn kết và hoà hợp dân tộc.
Phải chăng thực tiễn cách mạng Việt Nam 55 năm qua cho thấy hai cách xử lý sau phong phú hơn nhiều và hiệu quả hơn nhiều, và đặc thù này không phải dân tộc nào và xã hội nào cũng có được. Đó còn là truyền thống lịch sử và văn hoá Việt Nam. Đất nước ta mới bắt đầu đi vào con đường phát triển, trình độ phát triển, mức độ tích tụ tư bản còn thấp và do đó tình trạng  phân hoá xã hội cũng còn thấp (dù có thể có mặt này mặt khác gay gắt cần tìm hiểu kỹ[133]), nhưng lại đứng trước yêu cầu trước đây là chống các thế lực xâm lược mạnh hơn mình gấp nhiều lần, và bây giờ là phải từ nghèo nàn lạc hậu phát triển thẳng lên xã hội văn minh hiện đại, xa hơn nữa là phát triển lên xã hội văn minh của nền kinh tế tri thức, trong đó con người đóng vai trò trung tâm. Nghĩa là điều kiện và cơ hội để xây dựng sự đồng thuận dân tộc ở nước ta – do những nguyên nhân lịch sử – trước đây và ngày nay đều  thuận lợi hơn nhiều so với những con đường tất cả các nước phát triển đã phải trải qua[134]. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ. Sáng tạo và độc lập tự chủ trong tư duy là như vậy, vận dụng lợi thế nước đi sau là như vậy. Song cũng xin đừng quên: trong các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước kể từ ngày tổ tiên ta dựng nước, đoàn kết dân tộc thường bộc lộ phần yếu nhất trong thời bình. Đây cũng là vấn đề phải chú ý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Đảng ta có cả một gia tài kinh nghiệm phong phú và nên đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát huy mặt mạnh này, để nhân lên nữa nguồn sức mạnh của dân tộc ta – dựa trên cơ sở phát triển không ngừng sự đồng thuận dân tộc vững chãi như vừa trình bày trên. Bất kể sự thái quá nào cũng đều mang lại hậu quả xấu, kể cả sự thái quá trong việc tốt nhất cũng có thể mang lại hậu quả xấu nhất. Phủ nhận đấu tranh giai cấp trong xã hội còn giai cấp là sai lầm chết người. Nhận thức rằng chỉ có một con đường trong đấu tranh giai cấp cũng là sai lầm không kém. Vin vào đấu tranh giai cấp để sao nhãng chống tha hoá trong Đảng đồng nghĩa với tự tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Còn xử lý mọi vấn đề giai cấp trong xã hội nước ta để xây dựng sự đồng thuận dân tộc vững chắc mà nhiệm vụ mới của đất nước ta đòi hỏi thì thực sự là một cuộc cách mạng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Người cộng sản Việt Nam giác ngộ sâu sắc nhiệm vụ cách mạng mới này[135]?

-         Ba là:   Nước ta đang đứng trước một thời cơ lớn cho phép thực hiện tốt hơn nữa việc điều hoà mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp ở nước ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đó là sự nghiệp xây dựng đất nước trong điều kiện cách mạng vũ bão của khoa học và công nghệ đặt ra yêu cầu phát huy con người để tạo ra nguồn lực phát triển quyết định nhất, đồng thời để tạo ra sức mạnh dân tộc giành thắng lợi trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế mới toàn cầu hoá của thế giới. Để đứng vững và phát triển được trong thế giới ngày nay, chưa bao giờ đất nước cần ra sức phát huy con người của mình như bây giờ. Để đối mặt với cả thế giới, chưa bao giờ mỗi con người, mỗi doanh nghiệp cần có cả đất nước hậu thuẫn cho mình như bây giờ. Đây là đòi hỏi tất yếu, bởi vì ngày nay mỗi quốc gia đều cố gắng mở rộng không gian kinh tế của mình, và đồng thời không gian kinh tế của mỗi quốc gia đan xen vào nhau, xâm chiếm thôn tính nhau. Một chính đảng lãnh đạo đất nước cần làm chủ tình hình này.

-          Lịch sử cách mạng nước ta đã tạo ra tình huống: Không một người dân Viêt Nam có lương tri và yêu nước nào – dù họ thuộc thành phần và chính kiến gì - lại không có khát vọng cháy bỏng về một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh. Không một người dân Việt Nam có lương tri và yêu nước nào lại không mong muốn Đảng ta lãnh đạo dân tộc thực hiện thắng lợi khát vọng này. Tất cả những điều còn lại là: Phẩm chất và năng lực lãnh đạo của Đảng ta có ý nghĩa quyết định.

Có thể nói, xây dựng sự đồng thuận dân tộc vững chắc để xử lý theo tinh thần hoà hợp mọi vấn đề về giai cấp trong nội bộ dân tộc nước ta, quan trọng hơn nữa là để tạo ra sức mạnh quần tụ dân tộc lớn nhất mà nhiệm vụ san lấp khoảng cách phát triển đòi hỏi, để tồn tại và phát triển được trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá,  là yêu cầu chiến lược hàng đầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, là sứ mệnh nặng nề dân tộc đặt lên vai Đảng ta.

Hơn thế nữa, Đảng ta, dân tộc ta chẳng những đứng trước đòi hỏi trọng đại này, mà còn đang nắm trong tay cơ hội chưa từng có khả năng thực hiện yêu cầu chiến lược là xử lý thành công những mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp, nhằm thực hiện sự đồng thuận dân tộc mà nhiệm vụ cách mạng mới của đất nước đòi hỏi.

Từ lâu Đảng ta dã nói về đoàn kết hoà hợp dân tộc. Tình hình và nhiệm vụ mới đòi hỏi phải nhận thức đoàn kết hoà hợp dân tộc với nội dung triệt để như vậy. Làm cho các mối quan hệ trong nội bộ cộng đồng dân tộc Việt Nam phát triển thành sự đồng thuận dân tộc vững chắc, đấy chính là đòi hỏi đối với vai trò lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Đấy là cách mạng sáng tạo của Việt Nam. Đấy chính là định hướng xã hội chủ nghĩa. Đấy là quán triệt nhất tính tiền phong chiến đấu, quán triệt lập trường giai cấp của Đảng.

Có thể nói dứt khoát: Không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc và đất nước lại chia năm xẻ bẩy, không thể xây dựng thành công sự đồng thuận dân tộc mà sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh  của nước ta đòi hỏi. Cứ nhìn vào thực tế đau lòng đang diễn ra ở nhiều nước sẽ thấy ngay điều này. Xin nhấn mạnh: Quyết định vẫn là phẩm chất và năng lực của Đảng lãnh đạo.

Còn có thể nói đơn giản hơn nữa: Sau những chặng đường lịch sử đầy hy sinh xương máu đất nước ta đã trải qua suốt 7 thập kỷ vừa qua, trong những điều kiện mới của đất nước và trong bối cảnh quốc tế ngày nay, Đảng ta và dân tộc ta bây giờ lựa chọn cái gì? Lựa chọn đấu tranh giai cấp đến cùng trong nội bộ dân tộc, hay lựa chọn xây dựng sự đồng thuận dân tộc vững chắc không gì phá vỡ nổi? Lựa chọn nào thực sự mang tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa? Tạo ra sự lựa chọn đúng, đấy chính là tiền phong chiến đấu, là lãnh đạo, là sứ mệnh của Đảng, và phải có lãnh đạo thật sáng suốt và có phẩm chất cách mạng cao mới thực hiện được. Sự lựa chọn đúng ấy là sự trung thành và vận dụng sáng tạo vấn đề cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh : giác ngộ tính tiền phong chiến đấu của Đảng, làm cho việc thực hiện lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc là tiền đề và là cứu cánh của nhau trong giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đồng thời cũng là tiền đề và cứu cánh của nhiệm vụ chiến lược phát huy sức mạnh dân tộc để có khả năng kết hợp với sức mạnh của thời đại, san lấp khoảng cách phát triển, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa đất nước ta đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến trên thế giới. Bước vào thế giới toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng và quyết liệt hơn trên mọi phương diện ở nấc thang thế kỷ 21, thực hiện thắng lợi vấn đề cốt lõi này trong tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành đòi hỏi sống còn đối với sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc yêu dấu của chúng ta.


Không có gì có thể bắt buộc nước ta phải đi lại những bước đường các nước khác đã đi qua, mà chỉ có sự lựa chọn và xác lập của Đảng ta và dân tộc ta con đường phát triển đúng đắn riêng  cho đất nước ta là quyết định[136].


3. Dân chủ, của dân, do dân, vì dân là động lực và yếu tố phát triển

Tôi thường tự hỏi mình, trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và thống nhất đất nước, động lực của chủ nghĩa yêu nước của nhân dân ta là gì? Câu trả lời là một chân lý vô cùng đơn giản mà Bác Hồ đã nói lên: Không có gì quý hơn độc lập tự do!

-         Thế còn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước?
-         Đó chỉ có thể là dân chủ, của dân, do dân và vì dân. Nói ngắn hơn nữa đó là dân chủ.

Tinh thần này Bác Hồ đã nói ra tại niều nơi và nhiều lần rồi, kể cả trong Di chúc của Người. Xin được diễn đạt nôm na theo cách nói của Người là: Giành được độc lập thống nhất mà dân không có dân chủ, của dân, do dân và vì dân – nghĩa là dân không quyền làm chủ và không ấm no hạnh phúc thì có nghĩa lý gì!?

Điều này thiêng liêng và hệ trọng lắm. Trong các phần trên tôi đã trình bày vấn đề này tới mức “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là dân,của dân, do dân và vì dân, là dân làm chủ, là dân chủ. Mỗi người dân Việt Nam yêu nước – dù theo chính kiến hoặc tôn giáo nào, dù sống ở trong nước hay nước ngoài, đều là chủ của nước Việt Nam. Vấn đề đặt ra là: Từ lòng yêu nước này xây dựng sự đồng thuận dân tộc vững chãi bất khả xâm phạm và sức sống năng động để xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự đồng thuận này cũng là sức mạnh quyết định nhất để có được và thực hiện được chuyên chính triệt để nhất là: bảo đảm mọi điều kiện giữ vững mục tiêu mà cả nước xả mình vươn tới: dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp năm 1946 – với nội dung cơ bản là của dân, do dân, vì dân - đã đem lại sức mạnh bất khả kháng cho Cách mạng  tháng Tám, mở đường cho đất nước đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực đế quốc tàn bạo nhất và đi tới thời kỳ huy hoàng ngày nay. Tiến hành cuộc cách mạng xoá nỗi nhục nước nghèo, san lấp khoảng cách phát triển, dân tộc ta càng phải nâng cao hơn nữa tinh thần và ý chí Cách mạng tháng Tám - nghĩa là phải nâng cao hơn nữa tinh thần và ý chí của dân, do dân, vì dân để đua tranh thắng lợi với cả thế giới[137].

Đồng thuận dân tộc do Đảng lãnh đạo xây dựng nên như vậy, dân chủ, của dân do dân và vì dân như vậy có gì trái với định hướng xã hội chủ nghĩa? Hay đấy chính là nội dung đích thực của định hướng xã hội chủ nghĩa?

Còn một lý do quan trọng và rất thiết thực nữa: Trên con đường phát triển, đất nước ta đứng trước bao nhiêu vấn đề mới, rất khó và chưa có tiền lệ. Ví dụ, chỉ riêng một vấn đề làm sao giảm nhanh lực lượng lao động trong nông nghiệp đã đặt ra bao nhiêu vấn đề khác phải giải quyết. Giả thử Nhà nước có cả núi tiền đổ vào đây theo kiểu bao cấp mà không có những giải pháp đúng, thì vẫn thất bại. Hay là chúng ta lựa chọn con đường mạnh ai nấy chạy, mạnh được yếu thua, gạt mọi nông dân thất nghiệp ra lề đường..? Không cần phải giàu trí tưởng tượng lắm, cứ nhìn vào các cuộc cải cách thất bại ở các nước sẽ thấy ngay được kết cục con đường “thả nổi’ mang tên là “tự do hoá” này. Xin đừng bao giờ quên rằng ở nước ta nông dân là đội quân chủ lực của cách mạng, lực lượng nhân dân đã góp phần cống hiến lớn nhất vào sự nghiệp của đất nước. Hiển nhiên, xây dựng đường lối chủ trương đúng đắn và tạo ra sự đồng thuận dân tộc là hai yếu tố không thể thiếu được để giành thắng lợi, là sứ mệnh của Đảng ta trước dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Không có cách nào khác, phải phát huy tự do và dân chủ trong khung khổ những đường lối chủ trương đúng đắn trên cơ sở đồng thuận dân tộc vững chắc và theo tinh thần của dân do dân và vì dân, động lực khơi dạy được mọi sáng kiến và nỗ lực của từng công dân, để xây dựng được những chương trình khả thi của từng vùng và của cả nước, từng bước tìm ra các giải pháp đúng. Thực hiện quyền làm chủ của dân như vậy thực sự là nguồn lực sáng tạo vô tận, tạo ra sức mạnh và của cải vật chất cũng như tinh thần nước ta nhất thiết phải có để vượt qua mọi thử thách và để phát triển đất nước. Không nghi ngờ gì nữa, lãnh đạo toàn dân xây dựng được dân chủ, thực hiện được tinh thần của dân, do dân như vậy là sứ mệnh lịch sử của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước.

Tóm lại, đối với nước ta, dân chủ thực sự là động lực của phát triển. Xin đề nghị có những nỗ lực cần thiết thực hiện được yêu cầu này. Nhận thức cho đúng dân chủ là một quá trình đấu tranh gian khổ với những suy nghĩ, tập quán, quán tính và quyền lực trái với dân chủ, đưa dân chủ vào cuộc sống với tính chất là động lực của phát triển thực sự là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Xin thôi đừng nói chung chung rằng dân chủ của nước ta gấp vạn lần dân chủ của các nước tư bản... như vẫn thường xẩy ra trong các cuộc bút chiến, luận chiến. Vì nói chay như vậy, các việc chúng ta phải làm vẫn còn nguyên vẹn, mà chỉ tiếp viện thêm đồng minh cho sự lười nhác trong quá trình phấn đấu gian khổ của toàn Đảng toàn dân để thực hiện dân chủ với tính chất là động lực của phát triển.

Những năm đổi mới vừa qua còn cho thấy những thành tựu phát triển đạt được đã thúc đẩy dân chủ tiến lên tuy còn rất chật vật nhưng đang đi vào đúng hướng. Nhìn lại đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá của đất nước trước đổi mới, rồi so sánh với bây giờ,  tôi càng tin rằng: thông qua đổi mới, đất nước ta đang từng bước đi trên con đường đúng đắn thực hiện dân chủ. Thiên hạ nói cái gì hay, cái gì phải thì nghe, nhưng không cần mất thời giờ bận tâm hay súc động về những điều thiên hạ muốn tác động vào nội bộ nước ta, nghĩa là cũng cần lì lợm thực hiện bằng được dân chủ của mình cho nước mình.

Dân chủ, của dân, do dân và vì dân như vậy là bất khả xâm phạm với bất kể diễn biến hoà bình nào. Nhưng sự vi phạm những giá trị này và tệ nạn quan liêu tham nhũng  là mảnh đất màu mỡ nhất để mọi diễn biến bành trướng dưới hình thức hoà bình hay không hoà bình. Thực hiện được dân chủ, của dân, do dân và vì dân như vậy còn là nền tảng không gì phá vỡ nổi của đoàn kết và hoà hợp dân tộc. Nền tảng này không mâu thuẫn gì với liên minh công nông và trí thức, nếu được thực hiện tốt thậm chí là cứu cánh của liên minh công nông và trí thức.

Khi mỗi công dân của một quốc gia, của một Nhà nước giác ngộ đúng đắn quyền chủ nhân ông đất nước của mình, những công dân ấy hoàn toàn có đủ khả năng xây dựng một Nhà nước có đủ năng lực thực hiện sự chuyên chính của mình để bảo vệ lợi ích và chủ quyền của đất nước mình. Sứ mệnh lãnh đạo của Đảng là phải tạo ra mọi điều kiện nâng cao phẩm chất và năng lực như vậy của mọi công dân trong cộng đồng dân tộc mình. Đây còn là yếu tố hàng đầu, là nền tảng để xây dựng được một Nhà nước do nhân dân làm chủ, xây dựng được sự đồng thuận dân tộc thể hiện dưới hình thức cao nhất là Hiến pháp đúng với dân chủ và khả năng thực thi Hiến pháp, thực hiện được chuyên chính của nhân dân[138] đối với mọi hành động và mưu toan đi ngược lại mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, bao gồm cả chuyên chính đối với tệ nạn quan liêu tham nhũng – hình thức bóc lột phi đạo đức nhất, ghê tởm nhất đang tồn tại trong xã hội nước ta.

Xem như vậy, dân chủ không phải chỉ đơn thuần là những vấn đề chính trị, chia ghế giữa các đảng phái, phân chia quyền lực giữa cai trị và bị cai trị.., mặc dù đây là những vấn đề rất quan trọng. Dân chủ thực chất với đúng nghĩa nguyên thuỷ của nó trước hết là động lực của phát triển. Xưa nay, trong mọi giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội loài người, dân chủ bao giờ cũng là động lực của phát triển. Người nông dân làm chủ ruộng đất của mình hoàn toàn khác với người nông dân trong chế dô nông nô. Người dân trong một xã hội công dân hoàn toàn khác với người dân với tư cách là thần dân của lãnh chúa. Nhưng ngày nay, trong thời kỳ hậu công nghiệp, trong quá trình hình thành nền kinh tế tri thức, đất nước ta muốn thực hiện thắng lợi công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta cần đặt vấn đề dân chủ dưới ánh sáng mới của thời đại ngày nay – thời đại bản thân sự phát triển ngày càng mang trả lại hay bổ sung thêm sức sống cho dân chủ với đúng nghĩa của nó. Thời đại con người giữ vị trí trung tâm của phát triển và là chủ thể của quốc gia tham gia vào quá trình toàn cầu hoá! Đây thực sự là một trong những nhiệm vụ tiền phong chiến đấu của Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Vì những lẽ vừa trình bầy trên, dân chủ, của dân, do dân và vì dân về nhiều phương diện là vấn đề hàng đầu trong định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó còn là ước vọng của người dân và đồng thời cũng là chất keo gắn bó người dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Chính vì lẽ này, dân chủ, của dân, do dân, vì dân là nguồn động lực vô song để xây dựng đất nước CNH,HĐH theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề chính trị trung tâm trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, trong xây dựng hế thống chính trị của nước ta cũng như trong chiến lược giáo dục và đào tạo phát triển con người Việt Nam.


4.     Nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh (kinh tế Nhà nước)

Không ngừng mở rộng không gian kinh tế cho sự tồn tại và phát triển phồn vinh của đất nước? Với mức GDP trên 300 USD tính theo đầu người? Một ý nghĩ điên rồ hay hoang tưởng?[139]

Không làm được như vậy thì còn tệ hại hơn cả điên rồ và  hoang tưởng. Trong các phần trên tôi đã trình bày kỹ. Chỉ xin nói gọn lại: Lẽ đơn giản đây là vấn đề sống còn tất yếu.

Nhìn lại, khi bàn đến vấn đề nền kinh tế nhiều thành phần, lúc đầu chúng ta mới chỉ nghĩ đến “cởi trói” những nguồn lực bị kìm hãm – nghĩa là một biện pháp tình thế, rồi tiến lên một bước nữa phát triển thành một quan điểm lâu dài, nhất quán và thực hiện quán triệt, mặc dù trong thực tế chưa hẳn đã làm được như vậy. Sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế vẫn còn tồn tại, dẫn chứng rõ rệt nhất là chúng ta còn cần nhiều thời gian và công sức để tiến tới xây dựng một Luật doanh nghiệp chung cho tất cả các thành phần kinh tế. Khỏi phải nói tới khu vực kinh tế quốc doanh ngày nay đang nắm giữ những nguồn lực và tài nguyên to lớn như thế nào của đất nước, những ưu đãi, đặc quyền và độc quyền không một thành phần kinh tê nào có thể so sánh được...

Thực sự còn tồn tại nhiều vướng mắc, có thể quy gọn lại vào hai vấn đề chính:
-         Một là: Mối quan hệ giữa nền kinh tế nhiều thành phần và thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa.
-         Hai là: Tình trạng hiệu quả kinh tế chưa như mong muốn của khu vực kinh tế quốc doanh.

Quan điểm riêng của tôi về hai vấn đề này chắc đã được thể hiện trong các phần trên, tôi chỉ xin bổ sung thêm một số ý.

Một là:  Không thể tránh né được đòi hỏi phải từng bước, từng bước len lách mở rộng không gian kinh tế cho đất nước, bắt đầu từ mở rộng thị trường trong nước mở rộng dần ra thị trường bên ngoài. Chúng ta không thể bỏ phí bất kể thành phần kinh tế nào, bỏ phí bất kể doanh nhân và doanh nghiệp nào có thể làm được việc này cho đất nước. Thậm chí còn phải coi việc này là thước đo sự đóng góp, sự cống hiến của từng doanh nhân và doanh nghiệp dù thuộc thành phần kinh tế nào đối với đất nước, coi việc tạo thêm được một chỗ làm việc cho nền kinh tế của đất nước, đưa thêm được một sản phẩm có lãi của đất nước tiêu thụ được trong thị trường và trong xuất khẩu... là những hành động yêu nước thiết thực.

Mỗi khi có dịp về quê ở đồng bằng Sông Hồng, tiếp xúc được với họ  hàng, vấn đề việc làm ở nông thôn càng làm tôi day dứt. Tôi ướm hỏi mấy hộ nông dân là bà con với mình, và hầu như đều nhận được câu trả lời giống nhau: Giá có cách nào tăng được diện tích canh tác của họ lên 4 – 5 lần thì hoạ ra mới đủ việc làm và mới có thể dám nghĩ đến cuộc sống sung túc một chút! Đại thể một hộ với 3-4 lao động chính cần phải có chừng  4 - 5 ha ruộng đất chẳng hạn – nghĩa là một diện tích canh tác còn quá nhỏ so với kinh tế trang trại ở nhiều nước. Điều đó có nghĩa là trong khoảng thời gian ngắn nhất cần rút bớt khoảng 2/3 hoặc 3/4 số lao động nông nghiệp hiện nay ra khỏi nghề của họ thì mới có đủ việc làm cho số nông dân còn lại với những điều kiện kỹ thuật canh tác như hiện nay. Chưa bàn đến vội vấn đề hiện đại hoá toàn bộ nền nông nghiệp nước ta như ở các nước phát triển – có thể đây sẽ là đề tài của hai ba thập kỷ sau này[140].

Ai làm nổi việc này? Chắc chắn Nhà nước có tiền rừng bạc bể cũng không làm xuể. Cũng không lấy đâu ra cho đủ số doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã để tạo ra việc làm cho mấy chục triệu lao động dôi dư này. Giả thử có đủ tiền của làm được như vậy chăng nữa, chắc gì những DNNN và hợp tác xã này có thể tồn tại.

 GDP theo đầu người của Thái Lan hiện nay khoảng 3000 USD, của nước ta khoảng 310 USD; khoảng cách giữa hai nước hiện nay ước lượng 2600 USD. Nền kinh tế nước ta cứ đều đều tiến bước theo nhịp độ 7-8%/năm như vừa trình bày trên, vào năm 2020 giỏi lắm GDP tính theo đầu người của nước ta ước lựơng là gần 3000 USD, nghĩa gần bằng của Thái Lan hiện nay. Nhưng vào năm đó, với nhịp điệu tăng trưởng 4-5%/năm, GDP theo đầu người của Thái Lan sẽ là hoặc vượt 7000 USD. Điều đó có nghĩa khoảng cách GDP tính theo đầu người giữa nước ta và Thái Lan vào năm 2020 ước lượng  sẽ là trên dưới 4000 USD chứ không phải 2600 USD như hiện nay. Như vậy làm sao nói đến san lấp khoảng cách phát triển?[141].

Xin nêu lên một vài con số so sánh ta với ta: Năm 1999 gần 30 triệu nông dân trồng lúa của nước ta, với diện tích canh tác khoảng gần 7,3 triệu ha, xuất khẩu được 4,6 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD, một kỷ lục chưa hề có ở nước ta. Nhưng trong khi đó gần 30 vạn công nhân ngành dệt may nước ta năm 1999 xuất khẩu được một khối lượng hàng hoá trị giá 1,7 tỷ USD. Song xuất khẩu gạo đang đứng trước một khó khăn lớn: trên thị trường thế giới cầu giảm do cung tăng lên. Giá loại gạo ta xuất 1999 khoảng 230 USD/tấn, năm nay giá thị trường khoảng 160-170 USD/tấn mà vẫn ít khách mua; Trung Quốc năm nay mở rộng tham gia xuất khẩu gạo, có loại chào giá 140 USD/tấn. Cà-phê năm nay giá cả như 1999, nghĩa là tiếp tục sụt giá khoảng 40% so với 1998... Anh Đào Xuân Sâm cho rằng năm nay – giống như năm 1997 – nông dân được mùa lúa nhưng mất mùa giá, lo nhiều hơn vui... Tôi hoàn toàn chia xẻ với anh Sâm nhận định này.

Những con số vừa nêu ra cho thấy: càng tăng trưởng xuất khẩu gạo, càng tụt hậu xa hơn, thậm chí nghèo đi, và đấy không phải là lối thoát cho nền kinh tế nước ta. Xin lưu ý, trong suốt  nửa thế kỷ vừa qua trên thế giới không có một nước đang phát triển nào có thể trở thành NIC nhờ vào xuất khẩu hai thứ quý nhất là lương thực và năng lượng. Song tất cả các NICs – trừ nước thành phố Xinhgapo là ngoại lệ - đều phải phát triển 2 loại sản phẩm này đủ mức cho nhu cầu trong nước để bảo đảm an ninh về lương thực và năng lượng, nhờ đó có điều kiện tốt nhất dồn sức phát triển các ngành nghề khác có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, mang về nguồn thu nhập quốc dân lơn hơn gấp bội.

Đã đến lúc phải thay đổi triệt để cách nhìn, các chương trình và chiến lược kinh tế phải làm sao mỗi năm thu hút ngày một nhiều lao động ra khỏi nông nghiệp và đưa họ vào những ngành nghề khác. Đến năm 2020 chỉ còn khoảng 20 –25% lao động trong nông nghiệp là  mức phấn đấu cần đạt được.

-         Ai làm được việc này?
-         Tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là những người làm ăn giỏi, những người sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề có nhiều hàm lượng chế biến, có nhiều hàm lượng công nghệ cao, có nhiều giá trị gia tăng...

 Không còn con đường nào khác: Cần có mọi chủ trương biện pháp khuyến khích phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành phần với tất cả mọi điều kiện cho phép, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP với chất lượng cao hơn. Đó là con đường tạo công ăn việc làm cho cả nước với năng suất lao động ngày một cao hơn, thu nhập quốc dân tăng nhanh, thanh toán được nợ nần và tích tụ được vốn, có điều kiện đảy mạnh quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá... Vai trò của Nhà nước tạo ra và thúc đẩy (chứ không phải can thiệp) sự chuyển dịch cơ cấu này diễn ra hài hoà, đi đúng hướng là cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là Nhà nước phải cáng đáng những việc mà không một cá nhân nào, một doanh nghiệp riêng lẻ hay môt thành phần kinh tế nào có thể làm được - đó là thiết kế và thực hiện các chính sách xã hội xử lý những hệ quả không thể tránh khỏi trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhất thiết phải diễn ra này. Định hướng xã hội chủ nghĩa hay không là ở điểm quan trọng này.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo kiểu tự phát đồng nghĩa với tự sát - đó chính là con đường hình thành thứ chủ nghĩa tư bản hoang dã (sauvage), môi trường lý tưởng của luật rừng.

Khi bắt đầu tiến hành đổi mới, chúng ta không dám mơ ước nền kinh tế đất nước phát triển thêm nhiều ngành nghề mới như ngày nay. Chúng ta cũng chẳng dám nghĩ đến đất nước ta có thể xuất khẩu được một khối lượng kim ngạch và nhiều chủng loại hàng hoá đến như vậy. Riêng trong 2 năm gần đây kể từ khi chúng ta cho mọi thành phần kinh tế tham gia trực tiếp vào xuất khẩu,  ngoài phần kim ngạch tăng lên nhờ chủ trương đúng này, xuất khẩu của nước ta mở thêm được 20 thị trường mới với 20 loại sản phẩm mới...

Tôi hy vọng có chính sách và cơ chế đúng, nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta sẽ làm được những việc mà ngay bây giờ chúng ta cũng chưa dám nghĩ tới. Song chắc chắn đó sẽ là một cuộc trường chinh đầy hy sinh gian khổ, lúc này lúc khác không thể tránh khỏi tổn thất. Chính sách và cơ chế đúng ấy chính là điều đất nước đang thiếu.

Nói theo ngôn ngữ chiến đấu: Phải thông qua phát triển sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế nhiều thành phần, tiến lên mở con đường sống của đất nước, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước cho đến khi san lấp được khoảng cách phát triển! Phát huy sức mạnh dân tộc, phát huy nội lực trước hết là như thế. Theo tôi, đấy là cách nghĩ quán triệt những quan điểm về nền kinh tế nhiều thành phần và phát huy nội lực nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá VIII. Điều yếu nhất trong phát triển nền kinh tế nhiều thành thần có lẽ là chưa làm tốt việc tạo ra sức mạnh tổng hợp này.

Hai là:  Sự cạnh tranh trên thị trường, nhất là trên thị trường quốc tế, rất gắt gao. Chu kỳ của một sản phẩm thường xuyên rút ngắn, thay đổi rất linh hoạt, thường xuyên đòi hỏi sự đáp ứng, ứng phó kịp thời, không thể một thành phần kinh tế nào ở nước ta đơn thương độc mã làm được việc này. Muốn tranh thủ các đối tác nước ngoài, các doanh nhân, doanh nghiệp  thuộc mọi thành phần kinh tế của nước ta cũng không thể đơn thương độc mã hoặc tranh giành nhau đến mức làm mất lợi thế mặc cả của phía ta để tranh thủ các đối tác nước ngoài. Thực tiễn đời sống sản xuất kinh doanh cũng cho thấy muốn giành thắng lợi thì phải giỏi – bao gồm cả dám mạo hiểm, theo như cách bắc cầu dưới mặt nước. Nhưng đấy phải là sự mạo hiểm tự thân của các thành phần kinh tế, không thể mạo hiểm bằng sự bao cấp của Nhà nước theo cách đi xe ô-tô nhãn hiệu 1=3...

Với cách nhìn như vậy, nỗi lo riêng của tôi  là đến nay chưa tìm ra được phương thức gì hay để phát huy tối ưu sức mạnh của các thành phần kinh tế, chưa thấy chuyên gia nào hiến được các kế sách gì  làm cho các thành phần kinh tế của cả nước hợp thành một sức mạnh chung, dám mạo hiểm, mạo hiểm thắng lợi, luôn luôn chiếm được thị trường mới, mở rộng sản phẩm mới, nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước. Liên kết liên doanh giữa các thành phần kinh tế còn rất yếu – vì những nguyên nhân rất dễ hiểu...

Tôi thực lòng không chia xẻ nỗi lo: phát triển mạnh nền kinh tế nhiều thành phần sẽ mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Lẽ đơn giản là: Nếu tất cả mọi hình thức sở hữu – nghĩa là mọi thành phần kinh tế – đều phải có nghĩa vụ bình đẳng theo pháp luật, góp phần đầy đủ của mình vào phát triển nền kinh tế và làm giàu có đất nước, thì còn hay mất định hướng xã hội chủ nghĩa? Thiết nghĩ câu trả lời là rõ ràng. Xin đừng để cho những định kiến về vấn đề sở hữu cản trở việc lựa chọn quyết sách này. Xin hãy bám chắc mảnh đất thực tiễn của Việt Nam hiện nay, tin vào lòng yêu nước của nhân dân ta. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài chúng ta còn chấp nhận được, tại sao lại không có thể chấp thực sự – chứ không sách lược - nền kinh tế nhiều thành phần?

Trong điều kiện nước ta ở vào xu thế phát triển nền kinh tế mới khi bước vào thế kỷ 21, vấn đề sở hữu – vận động thông qua phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế nhiều thành phần do Đảng ta lãnh đaọ – là nhân tố nội lực quan trọng hàng đầu của phát triển. Nhưng sự tù mù hiện nay đang ngày càng bành trướng trong sở hữu cùng với quốc nạn quan liêu tham nhũng đang hàng ngày hàng giờ đẻ ra kinh tế ngầm và làm trệch hướng con đường ĐHXHCN của đất nước. Đây không phải là câu chuyện đoán mò. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 đã minh chứng điều này ở nhiều nước. Sự tù mù trong sở hữu, chứ không phải vấn đề sở hữu, mới là kẻ thù đích thực của ĐHXHCN. Sự tù mù ấy cùng với quốc nạn quan liêu tham nhũng xứng đáng được coi là đối tượng không thể khoan dung của tất cả sức mạnh chuyên chính Nhà nước ta có thể có được.

Có thể nói một cách cực đoan để nhấn mạnh: Trước đổi mới, chúng ta xử lý chưa tốt vấn đề sở hữu – và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến nền kinh tế rơi vào khủng hoảng; trong những thành tựu đạt được thời đổi mới có sự đóng góp không thể thiếu được của việc xử lý tốt hơn vấn đề sở hữu – thể hiện qua phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Ba là:  Điều làm tôi thực sự lo lắng chưa thấy ai hiến được kế sách gì trong cơ chế quản lý hiện hành bắt buộc mọi doanh nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động sản xuất kinh doanh theo pháp luật.

Ngày nay môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh ở nước ta có nhiều yếu tố làm méo mó thị trường, làm mất hiệu lực nhiều luật pháp và chủ trương chính sách đúng đắn. Nhũng nhiễu và kinh tế ngầm đang thực sự trở thành những tác nhân ngày càng chi phối đời sống kinh tế nước ta.  Buôn lậu ngang nhiên hoành hành. Trên báo chí đã có bài chỉ trích bằng cách đề ra ý kiến phải dán tem cả vào loại hoá đơn đỏ!.. Tôi nghĩ, A-dít Nê-xin, tác giả những truyện ngắn trong tác phẩm Những người thích đùa, có lẽ phải suy tôn người viết bài báo này lên bậc sư phụ,  và hình như chưa nước nào đạt được kỷ lục về hoá đơn giả đến nỗi phải có bài báo hài hước đến phải phát khóc như vậy! Tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có cả chợ ngầm bán hoá đơn đã ghi khống! Nhưng câu chuyện dán tem vào hoá đơn đỏ và những hiện tượng tiêu cực khác lại không thuộc về bản chất “bắt buộc phải phát sinh” của nền kinh tế nhiều thành phần, cũng không phải là “tính tất yếu” của cơ chế thị trường. Trước hết chúng thuộc về những thiếu sót trong hệ thống nhà nước và bộ máy chính quyền, các cơ chế chính sách quản lý và đội ngũ cán bộ viên chức của chúng ta. Xin đừng quên thời bao cấp 100% - nghĩa là thời hầu như chưa có cơ chế thị trường - có biết bao nhiêu chuyện “móc ngoặc”, danh từ “móc ngoặc” được sản sinh ra trong thời kỳ này và làm giầu ngôn ngữ nước ta trong phạm trù tiêu cực.

Cần nhấn mạnh những tiêu cực và yếu kém là những tác nhân hàng ngày hàng giờ đẻ ra kinh tế ngầm và trực tiếp đẩy sự phát triển của đất nước đi trệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Cần nói thẳng ra rằng kẻ tham gia– chủ động hoặc bị động – vào nền kinh tế ngầm này, hoặc câu kết với nhau trong nền kinh tế ngầm này  là những người thuộc tất cả các thành phần kinh tế và những viên chức nhà nước hư hỏng. Những năm gần đây các vụ việc nghiêm trọng có xu hướng tăng lên, doanh nghiệp nhà nước tăng nợ và thua lỗ, số doanh nghiệp tư nhân phá sản ngày một nhiều, quân ta đánh quân mình... Người gánh chịu mọi hậu quả của kinh tế ngầm là nhân dân cả nước, là nền kinh tế cả nước. Nhưng lạ thay chụp giựt, nhũng nhiễu và nền kinh tế cứ ngầm ngang nhiên tồn tại, bất chấp sự chuyên chính kiên quyết của Nhà nước ta. Đáng tiếc hơn nữa là cũng có đôi ba ý kiến buộc tội cơ chế thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần là cha đẻ của kinh tế ngầm...

Chẳng lẽ những vấn đề vừa trình bày trên không phải là những yêu cầu kinh tế và chính trị trong nhiệm vụ xây dựng Đảng? – trên cả hai phương diện: (a) xây dựng đường lối chính sách bảo đảm nền kinh tế nhiều thành phần phục vụ tốt nhất lợi ích  của đất nước; (b) xây dựng Đảng về tổ chức để đáp ứng đòi hỏi này.

Trong thực hiện và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần có hai vấn đề rất cụ thể, làm được tốt thì thực hiện được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, thực hiện không tốt thì trệch hướng. Đó là:

-         Nghĩa vụ đóng thuế đúng với thu nhập tạo ra được.
-         Trách nhiệm của sở hữu đối với xã hội[142].
Thật ra một xã hội công bằng và văn minh nào cũng đòi hỏi phải thực hiện tốt hai điều này, để tái tạo lại và phát triển thêm những nguồn lực của xã hội đã góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào thu nhập mỗi người tạo ra được cũng như vào nguồn của cải mỗi công dân có được; đồng thời mỗi công dân đều có trách nhiệm đóng góp tuỳ theo thu nhập hoặc tài sản mình có được vào phát triển các nguồn lực của toàn xã hội.

Nếu  đặt vấn đề mọi hình thức sở hữu đều phải có nghĩa vụ phát triển sức mạnh nền kinh tế, tăng thu nhập cho đất nước – bao gồm cả nghĩa vụ thuế, nâng cao phúc lợi xã hội thì không lo trệch hướng.

Nên lấy quan điểm này làm căn bản cho việc thực hiện triệt để và nhất quán việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Riêng thuế đánh vào tài sản thừa kế còn nhằm mục đích kiểm soát khoảng cách về sở hữu tài sản giữa các bộ phận dân cư khác nhau trong xã hội; tuy nhiên chính sách thuế này cũng phải có những bước đi thích hợp với trình độ từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chỉ có như vậy đất nước mới ngày một văn minh giàu có lên[143].

Bí quyết là làm thế nào xây dựng được một hệ thống thuế và chính sách tài chính đúng của Nhà nước và thiết lập được sự công khai minh bạch về thu nhập và tài sản của mỗi công dân. Đây là vấn đề rất khó, nhưng bắt buộc phải tìm cách thực hiện, là một trong những nội dung quyết định nhất trong xây dựng thể chế của một nhà nước hiện đại, là một vấn đề khó của hiện đại hoá đất nước.

Nhìn ra thế giới, có biết bao nhiêu kinh nghiệm xử lý thành công vấn đề thiết thân này, nguyên lý cũng thật đơn giản: Nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu thì ngân sách càng thu được nhiều, hệ thống thuế càng đơn giản và thuế suất đúng (với nghĩa rất chú trọng nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu – nói chung là ít sắc thuế, ít các mức thuế, thuế suất thấp) thì càng thu được nhiều thuế và đỡ tiêu cực. Nguyên lý đơn giản này hoàn toàn trái ngược với hệ thống thuế vô cùng phức tạp của nước ta và không có các kiểu đánh thuế như thuế trang trại, thuế xe ôm (đã bãi bỏ vì bị phản ứng) và các phụ thu, các “lệ phí” rất tuỳ tiện như vừa qua và hiện nay[144].

Thực ra tôi không băn khoăn lắm về nền kinh tế nhiều thành phần sẽ từng giờ từng ngày đẻ ra chủ nghĩa tư bản. Bởi vì nếu như chúng ta thực hiện được nghĩa vụ đóng thuế đúng với thu nhập và trách nhiệm của sở hữu đối với xã hội thì Nhà nước ta hoàn toàn làm chủ được quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhưng tôi thực sự lo lắng về khả năng tạo ra sự minh bạch và công khai về thu nhập và tài sản của mỗi công dân cũng như về xây dựng thiết kế được chính sách tài chính đúng. Không làm được hai việc này thì kinh tế ngầm phát triển, thì nền kinh tế nhiều thành phần hay ít thành phần vẫn đi tới trệch hướng như một hệ quả tất yếu. Xin nhìn vào các vụ trọng án đã xẩy ra. Có thể nói rằng nhìn chung vấn đề công khai minh bạch về thu nhập và tài sản của công dân ở các nước công nghiệp phát triển được xử lý tốt hơn nhiều so với nước ta, so với Trung Quốc hoặc so với các nước đang phát triển khác.

Còn một khó khăn lớn không thể bỏ qua: Đảng và Chính phủ ta sẽ phải mất nhiều công sức và thời gian làm cho mọi người tin vào chủ trương thực hiện quán triệt nền kinh tế nhiều thành phần, nhất là làm cho luật pháp và các chính sách, cơ chế kinh tế của nước ta chuyển từ chỉ được làm những gì cho phép sang chỉ không được làm những gì luật pháp cấm, xoá bỏ hẳn cơ chế xin – cho. Muốn được như vậy, trước hết phải xoá bằng được cái cơ chế “Trống chùa ai đánh thì thùng, của chung ai khéo vẫy vùng nên riêng!” Hiện đang tồn tại trong cuộc sống nhiều giai thoại hài hước nhưng đau lòng. Điều đáng lo nhất là làm sao tạo được môi trường pháp luật đúng đắn không để lọt lưới hành vi bất chính của bất kỳ thành phần kinh tế nào và phát triển được thị trường minh bạch rõ ràng làm sân chơi chung cho mọi thành phần kinh tế, để Nhà nước có thể hướng  nền kinh tế nhiều thành phần đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không làm được điều này, thành phần kinh tế nào cũng chứa đầy rãy những nguy cơ, là mất chuyên chính.

Kết thúc phần này, tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: Một trong những yếu tố quan trọng nhất để phát triển thành công nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích có hiệu quả mọi người làm giàu cho mình và cho đất nước, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa là phải giải quyết tốt vấn đề sở hữu của mọi thành phần kinh tế: Sở hữu phải được luật pháp bảo hộ, sở hữu phải minh bạch (transparent)[145], sở hữu phải làm tròn trách nhiệm đối với xã hội theo luật pháp quy định. Thiếu sự hài hoà giữa 3 yêu cầu vừa nêu trên đối với vấn đề sở hữu, kết cục sẽ chỉ là bóc lột, là kinh tế ngầm – ở trạng thái nghiêm trọng hơn nữa sẽ là cướp ngày – và nói chung  là mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời xin lưu ý: Không phát triển được nền kinh tế nhiều thành phần, không khuyến khích được mọi người làm giàu cho mình và cho đất nước thì cũng không có định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xử lý thành công vấn đề sở hữu là một vấn đề thật sự chúng ta đang lấn bấn nhất


Tôi xin dành vài lời nói thêm về kinh tế quốc doanh, cụ thể hơn nữa là về doanh nghiệp nhà nước.

Cổ phần hoá, bán, khoán, cho thuê, thay đổi hình thức sở hữu đối với các DNNN không cần duy trì hình thức sở hữu của Nhà nước đã được bàn tới nhiều rồi, chỉ có vấn đề là thiếu quyết tâm nên việc thực hiện còn chậm. Chỉ riêng làm được việc này và làm đúng, là đã cắt bỏ được một khối u “bao cấp” và nhiều di tật tai hại khác trong nền kinh tế của đất nước, mở rộng không gian kinh tế cho các nguồn lực năng động.

Song suy nghĩ của tôi trong phần này tập trung vào những DNNN còn lại hoặc những DNNN đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước giữ tỷ trọng vốn chi phối.

Đã có nhiều đòi hỏi, nhiều nơi đề xuất được những chủ trương đúng về đổi mới DNNN. Tồn tại lớn nhất là làm sao đáp ứng tốt những đòi hỏi này, thực hiện tốt những chủ trương đúng đã đề ra được. Song những cách nhìn trái ngược nhau cũng không ít. Đây là những chuyện đại sự, liên quan mật thiết đến sự tồn vong của chế độ. Đến bây giờ có thể nói được dứt khoát: Quyết sách khả thi không thiếu, nhưng rất thiếu quyết tâm thực hiện đổi mới DNNN.

Tôi chỉ xin nhắc lại một ý đã nêu trong các phần trên: DNNN hiệu quả thấp kém thì không có cách gì có thể giúp nó sắm vai chủ đạo trong nền kinh tế, không một đạo diễn tài ba nào có thể làm nổi việc này mà không làm suy sụp nền kinh tế. Để miễn phải nói dài dòng,  xin nêu vài con số tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu A’ (ADB) và một số viện nghiên cứu, chuyên gia, học giả nước ngoài:

-         Toàn bộ doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện nay sử dụng 80% tổng lượng vốn kinh doanh trong toàn xã hội, chưa kể nắm giữ các nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất của cả nước, làm ra 49%GDP. DNNN còn nắm giữ nguồn tài nguyên lớn nhất, tốt nhất về con người và công nghệ, phần lớn nhất đất đai sử dụng trong kinh doanh.
-         Năm 1995, trong toàn bộ nền kinh tế 1 đồng vốn DNNN làm ra 3,46 đồng doanh thu và 0,19 đồng lợi nhuận; năm 1998 các số tương ứng là 2,9 đồng doanh thu và 0,13 đồng lợi nhuận. Nhân đây xin nhắc lại, báo chí của ta cho biết năm 1999 tổng nợ của các loại của DNNN lên tới 200.000 tỷ đồng và khoảng 40% DNNN làm ăn thua lỗ. 200 DNNN lớn nhất chiếm khoảng 60% tổng số vốn nhà nước, đồng thời chiếm khoảng 40% tổng nợ vừa nêu trên...
-         Năm 1997 nợ của 12 nhà máy đường ở Việt Nam đã đi vào hoạt động là 40 tỷ đồng, năm 1998 là 80 tỷ đồng, năm 1999 leo thang lên 110 tỷ đồng[146]..;
-         Mức tiêu thụ điện theo đầu người vủa Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Thái Lan, nhưng mức tổn thất (10,8%) cao gấp 1,8 lần mức của Thái Lan; trung bình một nhân viên bán điện trong một công ty của Thái Lan phục vụ 352 khách hàng và bán 1.597.331 Kwh; một nhân viên Việt Nam trong Tổng công ty điện lực phục vụ được 57 khách hàng và bán được 363.880 Kwh. Giá điện ở Thái Lan, Singapore,  Malaixia khoảng 5 cent USD/1KWh, ở Việt Nam là 7,5 cent USD.
-         Sân bay Tegel ở Berlin có 600 nhân viên, một năm phục vụ khoảng 16 –18 triệu lượt khách; sân bay Nội Bài có trên 5000 nhân viên một năm phục vụ khoảng 5 – 6 triệu lượt khách – xin miễn so sánh chất lượng phục vụ.
-         Khu vực tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay  - bao gồm cả kinh tế hộ trong nông nghiệp – sử khoảng  20% vốn của toàn xã hội (không kể ruông đất nông nghiệp), nhưng làm ra trên 1/2 GDP cả nước và tạo công ăn việc làm cho 90% lao động cả nước, riêng trong 5 năm qua tạo ra 5 triệu việc làm mới...
-         Vân...vân...

Những con số vừa kể trên rất đáng làm cho chúng ta suy nghĩ. Là người lãnh đạo đất nước, Đảng ta có trách nhiệm đôn đốc việc hình thành những chính sách và biện pháp kinh tế làm cho nguồn vốn của toàn xã hội, tài nguyên của đất nước và công sức lao động mồ hôi nước mắt của nhân dân cả nước được phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả tốt hơn, thay đổi việc sử dụng người sao  cho loại bỏ được đến mức tối đa những cán bộ, đảng viên làm doanh nghiệp nhà nước thua lỗ  và gây thiệt hại cho nền kinh tế, kiên quyết loại bỏ những kẻ tham nhũng  -  đó là những kẻ bóc lột phi đạo đức nhất xuất hiện trong xã hội nước ta. Không làm tốt được những việc  này, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ bị đe doạ, nguy cơ tha hoá Đảng sẽ tăng lên, cuối cùng làm cho kinh tế quốc doanh lẽ ra phải làm nhiệm vụ chủ đạo với ý nghĩa là đầu tàu kéo nền kinh tế cả nước đi lên, thì lại trở thành tác nhân lớn nhất gây ra thua lỗ và kéo lùi nền kinh tế...

Xin chú ý cho, vốn (hiểu với nghĩa là mọi nguồn lực) thuộc sở hữu nhà nước là một trong những thành quả xương máu của cách mạng. Đảng cầm quyền không có bất kỳ lý do gì chấp nhận tình trạng để cho nguồn vốn này ngày càng mai một đi.

Thiết nghĩ rằng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa không đơn thuần chỉ là việc bảo tồn các DNNN. Theo tôi, điều quan trọng hơn nhiều là làm cho nguồn vốn lớn nhất này của đất nước sinh sôi nẩy nở, trở thành nguồn lực thúc đảy mạnh mẽ nền kinh tế đất nước đi lên, chủ đạo trước hết là như vậy. Tư duy theo hướng này, từ lâu trong nước ta có nhiều ý kiến đề nghị nên tìm cách làm cho nguồn vốn  (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả vốn vô hình và hữu hình, công nghệ, bản quyền, know how...) thuộc sở hữu nhà nước (hiện nay ước khoảng 80% toàn bộ các nguồn vốn đang kinh doanh trong xã hội) tham gia, thâm nhập dưới mọi hình thức liên kết, liên doanh, góp vốn, cho thuê vốn... vào mọi hoạt động của các thành phần kinh tế, thúc đảy kinh tế cả nước phát triển[147].

Muốn như thế, phải kiên quyết xoá bỏ cơ chế chủ quản[148], kiên quyết đẩy mạnh phát triển thị trường vốn và quá trình đổi mới DNNN, kiên quyết phát triển thị trường vươn lên trình độ ngày một cao hơn với tư cách là sân chơi chung theo những luật chung cho tất cả các thành phần kinh tế, kể cả FDI. Có thể nói làm được những việc này, san lấp khoảng cách phát triển hoàn toàn là hiện thực.

Ngoài những việc Đảng và Nhà nước ta đang làm để nâng cao hiệu quả các DNNN, tôi xin đề nghị dành sự quan tâm đặc biệt trong việc giúp các DNNN thực hiện đầy đủ quyền tự chủ của mình trong sản xuất kinh doanh, bao gồm cả nâng cao trách nhiệm  và nghĩa vụ của bản thân DNNN đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, xóa bỏ hết mọi bao cấp còn tồn tại – dù là bao cấp bằng vốn, bằng cơ chế hoặc bằng bất kể sự ưu đãi nào khác.

Loại trừ mọi tác động phi kinh tế từ bên ngoài doanh nghiệp cho đơn giản hoá vấn đề và cho dễ thảo luận, so sánh giữa doanh nghiệp tư nhân với DNNN, tôi nhận thấy DNNN chiếm rất nhiều lợi thế, song lại thiếu một lợi thế quyết định: đó là quyền tự chủ; hoặc là quyền tự chủ của DNNN thấp hơn nhiều so với quyền tự chủ của doanh nghiệp tư nhân. Có lẽ đây là chỗ yếu nhất, khiến cho DNNN không phát huy được tính năng động của mình, đồng thời cũng là vấn đề khó nhất trong việc đổi mới DNNN.

Song thực hiện quyền tự chủ đúng đắn của DNNN như thế nào? Lẽ đương nhiên quyền tự chủ ấy phải được thực hiện trong khuôn khổ luật pháp chung và trên một sân chơi chung của tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả FDI.

Tại tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, cũng như tại Trung Quốc hiện nay, quyền tự chủ của DNNN là vấn đề khó nhất, chưa nước nào tìm ra được giải pháp thoả đáng. Làm không đúng, Nhà nước có nguy cơ mất cả chì lẫn chài, và có thể làm chìm cả con tầu kinh tế quốc gia – như đã từng xảy ra ở nước Nga vừa qua.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc thể nghiệm cách vận dụng mô hình công ty hoá các DNNN để nâng cao hiệu quả những DNNN cần duy trì[149] - thí nghiệm triệt để nhất là đã vận dụng đối với ngành dệt của Thượng Hải. Nhiều ngành kinh tế và nhiều tỉnh khác ở Trung quốc cũng đang tiến hành cuộc thử nghiệm này, nhưng có lẽ đi xa nhất vẫn là ngành dệt ở Thượng Hải.

Xin giới thiệu tóm tắt chủ trương công ty hoá của Trung Quốc nội dung như sau:
-         Thanh toán hết mọi công nợ của doanh nghiệp, vốn hoá toàn bộ tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp theo thời giá khi tiến hành công ty hoá, Nhà nước làm chủ sở hữu.
-         Nhà nước thuê ban giám đốc toàn quyền điều hành doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết giữa Nhà nước và ban giám đốc được thuê.
-         Doanh nghiệp hoạt động theo thể thức của công ty trách nhiệm hữu hạn mà luật pháp đã quy định.

Tôi chưa có đủ thông tin để đánh giá quá trình này ở Trung Quốc thực hiện đến đâu, thành bại ra sao, nhưng được biết Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm, đến nay đã đã bước sang năm thứ 7 thứ 8. Nếu tính từ chuyến đi thăm nổi tiếng của Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình về Thượng Hải thì thời gian thử nghiệm này còn dài hơn nữa.

 Cảm nhận của tôi là lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có lẽ kiên trì đi theo hướng này, song khó khăn không ít. Vấn đề lớn nhất quyết định thành, bại đặt ra đối với lãnh đạo Trung Quốc có lẽ là toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc và xã hội Trung Quốc có thể kham nổi đến đâu những hệ quả kinh tế, xã hội bắt buộc phải giải quyết một khi DNNN chuyển hẳn sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Tiến độ thực hiện công ty hoá có lẽ phụ thuộc vào điều cực kỳ nhậy cảm này.

Cái lợi của phương thức công ty hoá là vốn quốc doanh được bảo toàn và phát huy hiệu quả, tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội hoạt động theo luật chung và trên sân chơi chung, đối với đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng sẽ như vậy, toàn bộ nền kinh tế sẽ có điều kiện giành hiệu quả cao hơn, góp phần loại bỏ dần kinh tế ngầm.., nhưng đòi hỏi phải kèm theo cái tài xử lý được những hệ quả xã hội của sự chuyển đổi này trên nhiều phương diện.

Nội bộ Trung quốc còn đang tranh luận rất sôi nổi, các ý kiến tán thành hay chống lại đang đối chọi nhau ngang ngửa, xoay quanh nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề khó nhất có lẽ là xử lý ra sao số lao động dôi dư bắt buộc phải thải loại, hoặc đào tạo lại. Những vấn đề khác chắc dễ giải quyết hơn, bởi vì Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm tốt trong các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, Trung Quốc có nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước hoạt động tốt ở Hongkong, Macao...

Con đường công ty hoá doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước không phải là sáng kiến riêng của Trung Quốc. Thực ra từ hàng trăm năm nay nhiều nước tư bản phát triển đã quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước dưới hình thức công ty (ví dụ các ngành đường sắt, hàng không, dầu khí, ngân hàng thương mại...). Ngày nay cũng như vậy, chỉ có khác trước là số công ty thuộc sở hữu nhà nước ở những nước này ít dần do quá trình tư nhân hoá[150].

Tôi chưa dám đưa ra gợi ý gì đối với DNNN của ta, nhưng xin kiến nghị Đảng và Nhà nước ta đầu tư nhiều công sức hơn nữa cho yêu cầu nâng cao quyền tự chủ của các DNNN, để đòi hỏi các DNNN làm ăn bình đẳng với các thành phần kinh tế khác và thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đối với Nhà nước. Tôi hy vọng đây là một trong những biện pháp tốt nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh và loại bỏ dần kinh tế ngầm.

Có quyền tự chủ đầy đủ gắn với trách nhiệm đầy đủ, hoạt động cùng trên một sân chơi chung với tất cả những thành phần kinh tế khác – kể cả FDI, đó là hai điều kiện căn bản  để DNNN của chúng ta sẽ tự loại bỏ dần được những yếu kém và sẽ phát huy được mọi lợi thế những thành phần kinh tế khác không có, nhờ đó có thể vươn lên làm tốt vai trò chủ đạo nền kinh tế quốc dân.

Với cách nghĩ như vậy, cần tìm ra con đường thực hiện tốt vai trò chủ đạo của DNNN với đúng nghĩa của nó: là yếu tố mở đường, thúc đẩy nền kinh tế đi vào sản phẩm mới, thị trường mới, là động lực tăng cường sự đua tranh bình đẳng giữa tất cả các thành phần kinh tế, làm cho tất cả các thành phần kinh tế khác đều mạnh lên, góp phần xứng đáng nâng cao không ngừng hiệu năng của toàn bộ nền kinh tế của đất nước. Nhất thiết chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng doanh nghiệp nhà nước còn được tiếp viện những ưu đãi, bao cấp, độc quyền, cùng tham gia tiêu cực, gây thêm nợ nần mới và tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế.

Trong điều kiện lịch sử, kinh tế và xã hội của nước ta hiện nay không thể coi trọng hay coi nhẹ một thành phần kinh tế nào, mà là bắt buộc làm cho mỗi đồng vốn của toàn xã hội phải luôn luôn sinh lời cao nhất, mang lại thu nhập lớn nhất cho đất nước. Con đường duy nhất hay tối ưu nhất thực hiện đòi hỏi này là: phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta.

Những nhân tố của nền kinh tế mới trên thế giới trong quá trình toàn cầu hoá ở giai đoạn hiện nay làm cho  cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn bao giờ hết – khốc liệt tới mức nhà kinh tế Arnold Brown (trong nhóm Weiner-Edrich-Brown, New york) 21-12-1999 đưa ra ý kiến: Bàn tay vô hình của Adam Smith trong điều kiện cạnh tranh của chủ nghĩa tư bản phản lực (turbo-capitalism) ngày nay đã trở thành quả đấm vô hình, tạo thành từ mọi sức mạnh có thể tổng hợp được bất kể từ đâu và từ lĩnh vực nào...

 Đương đầu với thực tế Brown nêu ra, chúng ta có lý do gì để không phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế trong nước ta?[151]


5. Cải cách hành chính

Cục xương của mọi cục xương có lẽ là vấn đề cải cách hành chính, dẫm chân tại chỗ từ nhiều năm, và cũng chưa có triển vọng gì sẽ chuyển động mạnh mẽ nếu chúng ta không thay đổi cách nhìn và cách tiếp cận. Những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta khắc phục sự tha hoá trong bộ máy hành chính tuy rất lớn, nhưng kết quả là dẫm chân tại chỗ[152]. Xin lưu ý, Báo cáo chính trị của Đại hội VIII nhấn mạnh phải nỗ lực cải cách nền hành chính nhà nước, coi đó là trọng tâm của việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước trong những năm trước mắt (tham khảo Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Cbính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tr. 131).

Cần nhấn mạnh cải cách hành chính không chỉ đơn thuần là bớt sách nhiễu phiền hà nhân dân, mà còn phải nhằm vào mục tiêu cung ứng những dịch vụ công tốt hơn nữa mà nhân dân thuê Nhà nước làm bằng tiền đóng thuế của mình.

Đã đến lúc Đảng ta phải đặt ra câu hỏi: Cải cách hành chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước,  thế nhưng tại sao nhiệm vụ này lại quá trì trệ? Trì trệ đến mức đang làm cho Nhà nước của dân, do dân và vì dân bị quan liêu hoá ngày một nghiêm trọng. Trì trệ đến mức gây ra những chướng ngại vật trên con đường đi lên của đất nước, làm nản lòng  ý chí làm ăn chân chính của người trong nước và không khuyến khích người đầu tư nước ngoài...

Thực tế cho thấy phải đẩy mạnh cải cách hành chính từ các góc độ khác nhau:
-         từ dân,  giác ngộ nhiều điều và cung  cấp tri thức, thông tin, giúp cho công dân có nhiều khả năng và quyền lực thúc đảy hành chính phải cải cách, làm cho nhân dân thực hiện được sự chuyên chính của mình đối với việc thực thi pháp luật và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đã nêu trong Hiến pháp: Nhà nước là của dân, mọi việc là vì dân, nhân dân là chủ nhân ông của đất nước.
-         từ trong Đảng, kể từ cấp cao nhất. Đảng có đổi mới thì bộ máy Nhà nước, bộ máy hành chính mới đổi mới được, bắt đầu từ nhận thức phải xây dựng bằng được Nhà nước và bộ máy hành chính thực thi tốt nhất những chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng đã được thể hiện trong hệ thống luật pháp của Nhà nước, xây dựng Nhà nước với những quan điểm và thành quả mới nhất của văn minh nhân loại, nhất thiết không để cho bộ máy hành chính tha hoá thành một bộ máy cai trị – dù là tha hoá một bộ phận. Một Nhà nước thực hiện được tốt nhất những chủ trương đúng đắn của Đảng đã đươc thể chế hoá thành Hiến pháp, luật pháp, đấy là Nhà nước có tính chuyên chính cao nhất mà sự nghiệp phát triển đất nước đang đòi hỏi. Đấy chính là sự chuyên chính của nhân dân mà Đảng có trách nhiệm và cần ra sức xây dựng bằng được. Rất tiếc rằng cho đến nay chuyên chính hình như chỉ được hiểu hoặc chỉ được nhấn mạnh theo quan điểm thành phần chủ nghiã, mà không nêu bật tầm quan trọng hàng đầu: Chuyên chính nhất, lập trường giai cấp nhất là phải có Nhà nước thực hiện được tốt nhất đường lối chủ trương chính sách của Đảng đã được thể chế hoá thành luật pháp.
-         và phải đẩy mạnh cải cách hành chính từ bên ngoài xã hội,  xây dựng sự công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước – trừ những vấn đề phải bảo mật về an ninh, quốc phòng. Đấy là phương thức thực hiện sự giám sát của dân, đồng thời phát huy mọi khả năng và nghị lực sáng tạo của dân tham gia vào các nhiệm vụ của đất nước.

Như vậy vẫn chưa đủ, cải cách hành chính còn phải phục vụ đắc lực phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), xoay quanh một mục tiêu kinh tế – xã hội  trung tâm rất cụ thể: Làm sao từ nay đến năm 2020 liên tục mỗi năm hơn bù kém, trung bình tạo ra được 3-4 triệu việc làm mới, đồng thời xoá bỏ khoảng 1 -  2 triệu việc làm cũ – trước hết là trong nông nghiệp, trong những doanh nghiệp cần cho phá sản, trong những ngành sản xuất mất khả năng cạnh tranh... Nếu không, sẽ không có cách nào công nghiệp hoá nông nghiệp và nông thôn, không có cách nào hoàn thành được nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước vào khoảng năm 2020 như đã ghi trong các Nghị quyết Đại hội VII và Đại hội VIII. Đương nhiên còn bao nhiêu việc khác phải làm để phục vụ mục tiêu trung tâm mở rộng không gian kinh tế cho đất nước, từ xác định lại chiến lược phát triển, đổi mới hệ thống luật pháp và hệ thống điều hành kinh tế vỹ mô - trước hết là hệ thống tài chính tiền tệ và ngân hàng, chính sách đối ngoại – bao gồm cả kinh tế đối ngoại, các chính sách hướng dẫn, khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước để việc phát triển ngành nghề và tạo việc làm mới đi vào đúng hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá cần đạt tới... Song tất cả những chủ trương chính sách và những công việc vừa kể trên chỉ có thể thực hiện thắng lợi nếu thành công trong đẩy mạnh triệt để cải cách hành chính.

Trong những điều kiện và trong phạm vi các chính sách chủ trương mới tạo ra được ấy, tối thiểu, ngay trước mắt cải cách hành chính phải làm  được các việc giúp cho các thành phần kinh tế:
(1)   tự do thuê đất đai hoặc thuê quyền sử dụng đất đai – nghĩa là có mặt bằng cho phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh, 
(2)   tự do tiếp xúc các nguồn vốn,
(3)   tự do trong kinh doanh theo pháp luật và được pháp luật bảo vệ,
(4)   đặc biệt là làm cho Nhà nước thực hiện tốt vai trò bà đỡ cho nền kinh tế cả nước tìm được những kẽ lách đi vào thị trường mới với sản phẩm mới, mở rông không gian kinh tế cho đất nước, hậu thuẫn cho từng doanh nhân và doanh nghiệp trong làm ăn với nhau và với đối tác bên ngoài. Hệ thống chính trị và hệ thống Nhà nước của chúng ta có hàng chục Ban, Bộ, hàng trăm Viện, trường, Hiệp hội và gần 70 cơ quan đại diện  ở nước ngoài có thể giúp dân đắc lực trong những công việc này .

Khó hơn nữa là luật pháp phải luôn luôn được hoàn thiện và điều chỉnh kịp thời phù hợp với nhịp điệu phát triển của đất nước, tạo ra môi trường kinh tế - xã hội an toàn, để mọi hoạt động sản xuất kinh doanh được sàng lọc thông qua cơ chế thị trường lành mạnh và trong hành lang pháp lý rõ ràng, được tiến hành thuận lợi, khuyến khích xu thế làm ăn lâu dài, bền vững.

Một yêu cầu khác cực kỳ quan trọng trong cải cách hành chính Đảng ta đã đề ra được, nhưng còn rất lúng túng trong thực hiện; đó là phương châm: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Cái khó là phân biệt rạch ròi các khâu lãnh đạo, quản lýlàm chủ, từng khâu phải thực hiện đúng nội dung chức năng của nó. Đấy là yêu cầu tất yếu để từng cơ quan của Đảng và từng cơ quan của Nhà nước phải thực hiện triệt để chức năng của mình và chịu đầy đủ trách nhiệm về nội dung chức năng phải thực hiện cũng như phần việc mỗi khâu phải làm. Quyền và trách nhiệm làm chủ của dân cũng cần được làm rõ và thực hiện triệt để như vậy, chứ không phải chỉ là hình thức.

Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, lý lẽ thật đơn giản, hợp lý và rõ ràng, nói thì rất dễ, nhưng quả thực làm thì rất khó.

Tình trạng phổ biến trở thành tập quán hiện nay là lãnh đạo thường được hiểu và thực hiện là nắm, thậm chí còn được hiểu là nắm trực tiếp, nắm toàn diện... Còn quản lý thường được hiểu và thực hiện là thi hành sự chỉ đạo của lãnh đạo. Thoạt nghe có vẻ là tốt, chặt chẽ. Song trên thực tế là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng xuống vai trò quản lý, tạo ra một cơ chế chồng chéo, vất vả, tốn kém thời gian, công sức và tiền của, nhưng không một khâu nào chịu trách nhiệm hoàn toàn về những phần việc hay chức năng của khâu mình – không chủ động phát huy hết mức chức năng nhiệm vụ của khâu mình và của cán bộ. Ngoài ra còn có hiện tượng dựa dẫm, luồn lọt, cơ hội. Điều hành và quản lý như vậy, không hiếm trường hợp luật pháp và các chế định nhà nước bị gạt sang một bên...

Cần đặc biệt nhấn mạnh, cơ chế và cách làm này là nguyên nhân cực kỳ quan trọng khiến cho trong khâu quản lý có những việc bị chính trị hoá thay vì Hiến pháp, pháp luật và các định chế nhà nước phải là tiêu chuẩn hàng đầu; năng lực nghiệp vụ của quản lý do đó bị xói mòn và trở nên yếu kém so với phát triển của đất nước, khả năng chuyên môn hoá và nâng cao nghiệp vụ ngày càng bất cập. Cứ so sánh bất kể một cơ quan hành chính sự nghiệp nào các cấp của nước ta với một nước đang phát triển trung bình – ví dụ như Thái Lan, Malaixya... – sẽ thấy ngay điều này, mặc dù ở những nước này cũng đảng cầm quyền nào thì chính sách nấy. Thực trạng này còn bị làm trầm trọng hơn do chưa xây dựng được một đội ngũ công chức đúng với nghĩa của nó. Bây giờ có tặng cho đội ngũ này danh hiệu xã hội chủ nghĩa hay danh hiệu gì cũng thế thôi, chất lượng sẽ không vì thế mà tăng lên.

Làm việc theo tập quán “nắm” với biết bao nhiêu chồng chéo và sơ hở như vậy, nếu công việc nhờ những lý do may mắn nào đó đạt kết quả tốt, thì không biết đâu là ưu điểm của khâu lãnh đạo hay khâu quản lý để phát huy và để còn tiến xa hơn nữa. Nếu kết quả công việc là xấu, thì lãnh đạo đổ cho quản lý, còn quản lý thì thanh minh mọi việc đều đã xin ý kiến của lãnh đạo, rất khó cho việc truy cứu trách nhiệm. ý chí dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám tự chịu trách nhiệm... bị làm cùn. Ngoài ra còn các tình trạng “ê-kíp”, phe cánh, ô dù. Và đặc biệt nguy hiểm là cách làm việc theo đường dây – của cá nhân, của tập hợp hay câu kết phức tạp – việc gì đi theo con đường chính diện không xong thì chạy cửa hậu... Đây không phải là một cơ chế vận hành tốt hệ thống điều hành và quản lý đất nước ở tất cả mọi cấp, mọi tổ chức, mọi địa phương và trong mọi đơn vị cơ quan hoặc doanh nghiệp. Dân gian có câu vè rất gay gắt: Mất mùa là tại thiên tai, Được mùa là tại thiên tài Đảng ta... Đất nước không thể đi lên với cách điều hành và quản lý như vậy. Người đảng viên chúng ta cần có cái tai nhạy cảm với những câu hò vè loại này. Để cho sự hư hỏng một khi tha hoá thành các dây, kết thành các mảng trong hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền, mọi điều sẽ trở nên vô nghĩa – nguy cơ số một đối với đảng lãnh đạo.

Không thể duy trì lề lối làm việc dựa dẫm, “chắc ăn” theo kiểu khôn vặt, người nọ đùn người kia, dưới đùn lên trên. Không thể duy trì chế độ ở trong biên chế suốt đời, vì người đặt việc – dân gian đã lên tiếng phê phán: “Tiến vi Bộ, thoái vi Ban”, chỉ có lên không có xuống, đã được đặt việc rồi thì phải làm việc, càng làm rách việc... Bộ máy quyền lực và cơ quan cứ phình mãi ra, lấy gì mà nuôi?.. Đảng ta không thể để ngoài tai những ý kiến như vậy. Hệ thống biên chế của nước ta ưu ái con người tới mức không một cấp nào có thể đuổi nổi một nhân viên quèn bất tài nào ra khỏi biên chế, trừ phi người này phạm trọng tội. ở đây định hướng xã hội chủ nghĩa và ăn bám bị lẫn lộn. Ngoài ra còn biết bao nhiêu điều rắc rối khác – mảnh đất mầu mỡ của kinh tế ngầm và biết bao nhiêu tiêu cực khác[153]... Cần phải nhanh chóng tạo ra tình hình mọi cơ quan, dù thuộc hệ thống Đảng hoặc Nhà nước, đoàn thể, hay doanh nghiệp nhà nước, mọi cán bộ nhân viên phải làm việc trong những điều kiện thường xuyên chịu sự ràng buộc với trách nhiệm và chức năng được giao, luôn luôn phải đối phó với sức ép thường xuyên bị đào thải nếu không làm tròn chức trách được giao. Đã đến lúc cần tạo ra trong toàn Đảng toàn dân sự giác ngộ sâu sắc hiện trạng đội ngũ công chức nước ta, để tranh thủ được sự hậu thuẫn của toàn Đảng toàn dân cho việc thực hiện và giám sát ngặt nghèo nhiệm vụ xây dựng một đội ngũ công chức đúng với phẩm chất và năng lực phải có của nó trong một nhà nước pháp quyền, nhất là trong nột nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để thực thi những chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng được xây dựng thành Hiến pháp, luật và các chế định nhà nước.

Cần thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng về xóa bỏ “cơ chế chủ quản” – thực chất là xóa bỏ các “vương quốc” của đặc quyền, đặc lợi. Phải thường xuyên phát hiện và xoá bỏ những “vùng chồng lấn” – nghĩa là sự chồng chéo, cùng một việc mà nhiều cơ quan ban ngành cùng làm, dẫm chân lên nhau. Đồng thời cũng phải thường xuyên phát hiện và xoá bỏ các “vùng trắng” – nghĩa là những phần việc chẳng cơ quan hay cá nhân nào chịu trách nhiệm. Cứ công khai minh bạch mọi vấn đề ra toàn xã hội, làm đúng tinh thần Đại Hội VI (1986) đã nêu ra: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, cứ kiên định làm như vậy, dần dần chúng ta sẽ tìm ra được cách khắc phục những yếu kém này trong quản lý nhà nước, đầy mạnh được cải cách hành chính.

 Cái yếu nhất trong nhiệm vụ cải cách hành chính không phải là sự lúng túng về nội dung, về phương thức thực hiện, mà là nói được nhưng không làm được như nói, vì nó trực tiếp đụng chạm lợi ích sinh tử riêng tư của từng người. Và do đó ngại đụng chạm.

Chúng ta thường lớn tiếng phê phán chế độ ăn bám tại các nước khác, nhưng lại chưa dành cho sự ăn bám ngay trong hệ thống quản lý điều hành đất nước ta sự nghiêm khác cần phải có. Luật Doanh nghiệp vừa mới được Quốc Hội ban hành – một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách hành chính; nhưng ngay lập tức cả một thiên la địa võng các mánh khoé tiêu cực mới úp chụp lấy nó, đang lăm le vô hiệu hoá nó hoặc lạm dụng nó. Luật Đầu tư nước ngoài và nhiều chính sách có liên quan đã được sửa đổi rất nhiều, nhưng môi trường đầu tư vô cùng rắm rối vẫn tồn tại nguyên vẹn và tiếp tục xua đuổi đầu tư nước ngoài, tiếp tục gây thêm tiêu cực bằng những thủ đoạn mới.

Việc đảng viên trong biên chế Nhà nước tiến hành tự kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 6b hiện nay hầu như chưa hay không đụng chạm vào những vấn đề vừa trình bầy trên. Thiết nghĩ đã đến lúc toàn Đảng, toàn dân phải tuyên chiến với tình trạng trì trệ quá ngoan cố trong cải cách hành chính; có lẽ nên bắt đầu từ:
Ø     đơn giản hoá mọi cơ cấu tổ chức quản lý và cơ chế điều hành theo đúng tinh thần “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tiến tới giảm bớt tổ chức, giảm biên chế (một việc đề ra từ ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng cho đến nay nhưng chưa bao giờ thực hiện được!); đặc biệt chú trọng thực hiện Đảng lãnh đạo toàn diện thay cho cách nghĩ và làm nắm trực tiếp, nắm toàn diện[154],
Ø     đẩy mạnh minh bạch, công khai hoá trong mọi lĩnh vực – trước hết là trong kinh tế,
Ø     triệt để chấp nhận cạnh tranh công khai trên thị trường giữa mọi thành phần kinh tế – Nhà nước làm mọi việc ngày càng hoàn thiện thị trường và hệ thống luật pháp để thực hiện được sự cạnh tranh lành mạnh này,
Ø     kiên quyết thanh lọc cán bộ nhân viên tiêu cực hoặc không làm được chức năng nhiệm vụ của mình,
Ø     mạnh dạn xây dựng cơ chế tài chính mới để thực hiện mọi người phải sống bằng lương và các nguồn thu nhập chính đáng của mình phù hợp với kết quả lao động của bản thân và hiệu quả kinh tế của đơn vị mình – Nhà nước thực hiện thừa nhận và bảo hộ về pháp lý toàn bộ thu nhập này để tiến tới thực hiện công khai minh bạch hoá về thu nhập, về tài sản của mọi công dân,
Ø     kiên quyết loại bỏ các DNNN thua lỗ; tách kinh tế ra khỏi hành chính, các đơn vị sự nghiệp và các đoàn thể; xoá bỏ triệt để cơ chế chủ quản, xóa bỏ cấp trung gian, tăng cường triệt để vai trò tự chủ của địa phương và của doanh nghiệp,
Ø     thực hiện những chính sách xã hội nhằm hỗ trợ tích cực việc xử lý những hệ quả xã hội của quá trình này...

Tìm ra cách xử lý thành công 2 vấn đề mấu chốt là sở hữu và dân chủ có lẽ là chìa khoá để cải cách hành chính thành công.  Trước hết nên bắt đầu từ tạo lập ra sự minh bạch và công khai của sở hữu[155] và thực hiện dân chủ có thực chất. Không thực hiện được hai đòi hỏi quan trọng này, chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trên thực tế đang mở rộng kinh tế ngầm với mọi hậu quả khôn lường.

Một khi mỗi công dân có một đồng vốn cảm thấy thôi thúc phải làm thành ra hai đồng chứ không cần phải giấu diếm, cất trữ, một khi anh ta hay chị ta cảm nhận được và thấy cần dựa vào các thể chế và cơ quan hành chính để thành đạt mục tiêu này, chứ không cần phải đối phó, mua chuộc các cơ quan hành chính.., một khi đầu tư nước ngoài lại trở lại sôi động, năng nổ..., thì đấy là những biểu hiện tập trung nhất, những thước đo tin cậy nhất nói lên cải cách hành chính đang tiến triển đúng hướng.

Xin lưu ý rằng trong 3-4 thập kỷ nay, tại nhiều nước thế giới đang diễn ra làn sóng năng động và liên tục về cải cách hành chính, nguyên nhân chủ yếu là phải đổi mới quản lý hành chính để thường xuyên nâng cao năng lực toàn xã hội theo kịp xu thế phát triển và cạnh tranh của kinh tế trong thế giới toàn cầu hoá, giành lấy cho nước mình những lợi thế mới. Cải cách hành chính không phải chỉ là yêu cầu phát triển riêng của nước ta. Trên lĩnh vực này thực sự đang diễn ra một cuộc chạy đua quyết liệt, sống còn của nhiều quốc gia trong cộng đồng thế giới[156].

Cải cách hành chính cần được nhận thức là một nhiệm vụ bức bách và phải được thực hiện với quyết tâm chính trị và trí tuệ rất cao, bắt đầu làm từ trong Đảng làm ra, làm từ trên làm xuống, lấy thực thi Hiến pháp làm chuẩn mực, lấy phát huy dân chủ làm động lực.

 Theo nhịp phát triển đất nước đạt được và theo yêu cầu phải huy động mọi nguồn lực từ nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá để phát triển đất nước mình, từng bước Hiến pháp cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp. Phải làm cho Hiến pháp trở thành cương lĩnh chung cao nhất của toàn thể dân tộc, ai ai cũng phải tuân thủ. Là đảng viên lại càng phải chăm lo gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và mọi luật pháp của Nhà nước. Mục tiêu của nhiệm vụ chiến lược cải cách hành chính do Đảng ta lãnh đạo toàn Đảng toàn dân thực hiện là phải vươn tới xây dựng  một Nhà nước hậu thuẫn đắc lực sự phát triển của từng công dân và từng doanh nghiệp nước mình, giúp họ thực hiện tốt nhất vai trò là chủ thể của đất nước trong nhiệm vụ giành vị trí xứng đáng cho đất nước trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá.




6. Xây dựng Đảng tiền phong chiến đấu và tăng cường hệ thống chính trị của nước ta.

Các vấn đề và các kiến nghị nêu trong các điểm từ 1 đến 5 vừa nêu trên đã trình bầy những nội dung cụ thể nên được đưa vào nhiệm vụ xây dựng Đảng về mặt đường lối chủ trương chính sách. Phần này xin tập trung một số suy nghĩ vào nội dung tăng cường tính tiền phong chiến đấu của Đảng.
 
Xây dựng tính tiền phong chiến đấu của Đảng trong giai đoạn phát triền mới của đất nước, xin đề nghị đặc biệt lưu ý đến những đặc điểm mới của tình hình nước ta trong một thế giới đã thay đổi sâu sắc khi bước vào thế kỷ 21, đó là:
(1) nền kinh tế mới dựa vào tri thức và toàn cầu hoá ở giai đoạn hiện nay đang mang lại cho nước ta cơ hội mọi người có tri thức và có bản lĩnh đều có thể làm giầu, đẩy nhah sự nghiệp CNH,HĐH đất nước theo định hướng XHCN;
(2) để làm giầu trong nền kinh tế mới của thế giới,  mỗi người dân nước ta đều cần sự hiệp đồng của nhiều người và của cộng đồng, nâng cao khả năng hợp tác và cạnh tranh với bên goài - đặc biệt người dân rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước để làm tốt những việc này,
(3) nhân dân ta cho đến nay đã tự tạo cho mình được nguồn nhân lực và trí lực có chất lượng đáng kể, có nền văn hiến và tinh thần tự trọng cao, đã tích tụ được thực lực nhất định – nghĩa là không còn phải bắt đầu sự nghiệp với hai bàn tay trắng!
(4) tri thức mới, sự phát triển của khoa học và công nghệ, bao gồm cả khoa học xã hội, khoa học quản lý, sự phát triển của giáo dục... cho phép mở ra nhiều con đường, có thể tiếp cận từ nhiều phía cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội hiện đại hoá có lợi cho dân chủ và cho phát huy mọi tiềm năng của con ngườì - một cơ hội vàng phát huy những mặt mạnh của con người Việt Nam;
(5) đất nước ta chưa bao giờ giành được vị thế quốc tế  thuận lợi như bây giờ, là bạn của mọi quốc gia và đang có cơ hội trở thành cầu nối của hoà bình, hữu nghị và hợp tác...
(6)  Đảng Cộng Sản Việt Nam có bản lĩnh đổi mới để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối trong giai đoạn phát triển mới của nước ta.

Tất cả những điều kiện này chưa hề có khi Marx viết Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1848, thậm chí chưa hề có sau khi nước ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước năm 1975, chưa hề có cách đây một hai thập kỷ. Cách mạng triệt để nhất , tính định hướng xã hội chủ nghĩa cao nhất đối với nước ta, theo tôi là tận dụng đến cùng tất cả những điều kiện chưa hề có này, nhằm mau chóng san lấp khoảng cách phát triển còn đang ngăn cách nước ta với thế giới bên ngoài.


Những thách thức mới đối với nước ta có lẽ nẩy sinh từ những nguyên nhân sau đây:
(1) Những yêu cầu mới do chính bản thân thành tựu phát triển của 15 năm đổi mới vừa qua đặt ra,
(2) những đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn phát triển sắp tới trong bối cảnh quốc tế mới, và
(3) những khó khăn do quá trình phát triển trong những thập kỷ vừa qua để lại – trước hết là những khó khăn trong cơ cấu nền kinh tế (bao gồm cả những khó khăn mới trong những năm tốc độ tăng trưởng suy giảm từ 1996 tới nay), những yếu kém cố hữu trước đây hoặc mới nẩy sinh trong đổi mới.

Tôi muốn nhấn mạnh, tiềm năng của nước ta để vượt qua những thách thức này và để nắm bắt những cơ hội đang tới là rất lớn, chỉ cần có cách nhìn vấn đề thực khách quan và có quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng và toàn dân. Có rất nhiều ví dụ trong cuộc sống hàng ngày chứng minh điều này:
(1)    Trong khi ngân hàng thương mại ứ đọng vốn vì không cho vay được, thì vẫn có nhiều hộ kinh tế, các doanh nghiệp, trang trại... phải đi vay vốn với lãi suất cao  gấp 3 – 4 lần so với lãi suất cho vay của ngân hàng. Tôi dám đưa ra sự ước lượng: Chỉ riêng một việc Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại của cả nước ta làm đúng chức năng của mình theo đúng nghiệp vụ tất yếu bất kỳ một ngân hàng tiêu chuẩn nào ở một nước đang phát triển trung bình trên thế giới đều buộc phải làm, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực trong toàn bộ nền kinh tế nước ta có thể tăng lên 20 – 30% so với hiện tại; điều này cũng có nghĩa các lãng phí thất thoát chí ít có thể giảm tương đương như thế. Làm được như vậy, sự lành mạnh trong nền kinh tế còn lớn hơn nhiều và không thể đo đếm được bằng con số.
(2)    Nếu thay đổi hẳn – theo hướng đơn giản hoá - cơ chế, chính sách, các quy định và luật về thuế, sửa đổi cách làm thuế VAT, giảm bớt các loại thuế suất và hạ thấp thuế suất xuống mức hợp lý -, chuyển từ “thu thuế” theo áp đặt sang “chủ động đóng thuế theo luật” và đóng thuế trực tiếp qua ngân hàng kèm theo nguyên tắc hậu kiểm... chắc chắn nguồn thu được nuôi dưỡng và tăng lên,  thuế thu được cũng sẽ tăng lên, bộ máy thu thuế sẽ giản chính đi nhiều, nhũng nhiễu vì thế cũng bớt nhiều... Thực ra đây chủ yếu chỉ là cách chuyển phần thuế lậu (do trốn thuế hoặc rơi vào túi cán bộ thuế) sang phần thuế chính thức và bớt phiền hà cho người có nghĩa vụ đóng thuế... Ngân sẽ sách tăng lên chứ không giảm đi, tài chính doanh nghiệp và cá nhân sẽ dần dần trở nên minh bạch hơn, nhờ đó Nhà nước sẽ có công cụ vỹ mô để kiểm soát nền kinh tế tốt hơn... Đấy là chưa nói ngay từ bây giờ phải tính chuyện nhanh nhanh chuyển sang cơ cấu ngân sách chủ yếu dựa trên thuế thu nhập cá nhân, thuế lợi tức doanh nghiệp và thuế VAT cho kịp các lộ trình AFTA, APEC, WTO... Là nước đi sau, Việt Nam có cả một kho tàng kinh nghiệm thế giới vô cùng phong phú cho vấn đề này.
(3)    Ngành tài chính - ngân hàng cả nước ta có hàng nghìn cán bộ, chuyên gia trên đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, chẳng lẽ hai đề tài (1) và (2) vừa nêu trên vượt sức đội ngũ cán bộ chuyên gia và khoa học này?
(4)    Đầu tư đúng hướng và đúng lúc, thì với nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, vẫn có thể tháo gỡ được nhiều điều – nhất là về tạo việc làm  và phát triển kết cấu hạ tầng, có thể sớm tăng thêm hiệu quả của cả nền kinh tế và đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu. Chỉ riêng một việc thay đổi cơ chế giải ngân cho các dự án đã được duyệt để mọi dự án có thể triển khai ngay từ đầu năm ngân sách – nghĩa là khắc phục tình trạng cố hữu từ bao nhiêu năm nay: dự án chờ hàng quý mới được giải ngân, ngân sách đầu tư đã được duyệt cũng phải chờ hàng quý việc xét duyệt các dự án mới chi được...-, nếu tăng cường quyền tự chủ cho các tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư và ngân sách đã được giao – tỉnh sẽ không phải vô cùng tốn kém đi đi về về, chạy chọt luôn lọt qua bao nhiêu cửa ải tiêu cực, sẽ đỡ được bao nhiêu phong bì... để xin giải ngân cho từng khoản,  – chỉ riêng thực hiện được một quyền tự chủ này thôi, với tổng vốn đầu tư của cả nước hiện nay, hiệu quả đầu tư cũng tăng lên cả về khối lượng và chất lượng chúng ta khó hình dung được, tháo gỡ được biết bao nhiêu ách tắc, sức năng động của nền kinh tế tăng lên không thể đo đếm được... Chẳng lẽ đây không phải là một việc trong tầm tay? Xin thử hình dung: chỉ cần mỗi dự án giảm được một quý tình trạng người chờ việc, việc chờ cấp vốn, vốn đã duyệt nhưng đành nằm chết vì chờ các thủ tục giải ngân... tình hình sẽ ra sao? Mỗi năm cả nước có hàng vài trăm dự án như thế!
(5)    Nếu hoàn thiện và phát triển các loại thị trường – trước hết là thị trường vốn, đất đai, lao động, công nghệ.., đẩy mọi thành phần kinh tế ra thị trường công khai minh bạch, sẽ giảm bớt được rất nhiều lãng phí hiện có.., thì nguồn lực dôi dư ra để thực hiện các chương trình kinh tế có lợi sẽ không phải là ít, sẽ giảm bớt được cả kinh tế ngầm, Nhà nước sẽ có thêm công cụ và hệ thống tín hiệu tin cậy trong tay để tăng cường sự quản lý của mình...
(6)    Nếu có các chủ trương chính sách theo tinh thần “bung ra làm ăn” như Đảng ta đã từng thực hiện “khoán 100” (1981), khoán 10 (1986) “kế hoạch 3 phần”[157]... trước đây, nhằm khuyến khích và bảo hộ các thành phần kinh tế trong mạo hiểm đi vào thị trường mới, sản phẩm mới, tạo thêm việc làm.., nền kinh tế sẽ sớm lấy lại được đà tăng trưởng và phát triển cao... Giả thử những cố gắng này được đặc biệt ưu tiên dành cho phát triển kinh tế phần mềm (soft ware), có gì có thể cản trở nước ta trong vòng 5 – 10 năm tới mỗi năm có thể xuất khẩu từ 200 – 300 triệu – 1 tỷ – vài tỷ ...USD hàng hoá và dịch vụ này?[158] Bước khởi động đã bắt đầu rồi – xin hãy triển khai tốt Luật doanh nghiệp vừa mới ban hành...  Xin tiến tới toàn bộ nền kinh tế gần đây sẽ chỉ có một Luật doanh nghiệp chung cho tất cả các thành phần kinh tế...
(7)    Nếu bằng việc nâng cao vai trò tự chủ của các DNNN, xoá bỏ được những bao cấp còn lại, đẩy DNNN cọ sát mạnh mẽ hơn nữa với thị trường, hiệu quả của kinh tế quốc doanh nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung sẽ được nâng cao rõ rệt.
(8)    Cả nước đã quy hoạch hai khu công nghệ cao, nếu chúng ta đưa chúng vào hoạt động sớm?.. Chí ít là hãy tập trung sức lực sớm đưa một trung tâm vào hoạt động thực sự... Nếu bằng các biện pháp làm thông thoáng nền kinh tế giúp cho các phương thức kinh doanh theo các mô hình mía đường Lam Sơn, nông trường Sông Hậu, công ty sơn tổng hợp Hà Nội, các loại hình kinh tế đa dạng của huyện Quỳnh Lưu, hàng dệt may, hàng da giày, thuỷ sản, công ty May 10, gấm Thái Tuấn, Vinamilk..., xuất khẩu máy xay xát gạo, máy cơ khí nhỏ... được nhân lên rộng rãi trong cả nước... Thêm được một xu thu nhập cũng quý, nếu chúng ta hiểu rằng xuất khẩu 1 triệu USD hàng thủ công mỹ nghệ là tạo ra việc làm cho khoảng vài ba nghìn lao động nhàn rỗi – trước hết ở nông thôn – nếu chúng ta có những chính sách cần thiết hỗ trợ mặt hàng này[159]...
(9)    Nếu có chính sách và môi trường tốt thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp của nước ngoài hướng về xuất khẩu – chứ không phải hướng vào thay thế nhập khẩu, nếu tạo ra được sự hợp tác cùng có lợi với những đối tác lớn – trước hết là các TNCs, thì khả năng tăng nhanh xuất khẩu của nước ta vào những thị trường lớn là khả quan, quá trình hiện đại hoá đất nước cũng sẽ năng động hơn – và chính điều này mới là ý nghĩa quan trọng nhất của thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
(10)        Nếu Quảng Ninh không đi sâu thêm nữa vào than, mà lại quy hoạch được, thực hiện được và kiểm soát được để triển khai thành một trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nếu Nhà nước trao cho Quảng Ninh có một  cơ chế nâng cao quyền tự chủ, khả năng sáng tạo và trách nhiệm của tỉnh để thực hiện những mục tiêu này, có lẽ chỉ trong vòng 5 – 10 năm Quảng Ninh có thể trở thành một vùng kinh tế trọng điểm mới của cả miền Bắc, công ăn việc làm nhiều lên, sự lam lũ của ngành than sẽ giảm đi... Những gì đã làm được ở Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu.., hoàn toàn có thể thực hiện được, thậm chí có thể thực hiện tốt hơn ở Quảng Ninh vì có lợi thế kẻ đi sau. So với tất cả các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh có những ưu đãi trời đất ban cho về mặt địa lý tự nhiên khó một tỉnh nào của nước ta có thể so sánh được, Quảng Ninh có nguồn nhân lực dồi dào và nhìn chung có trình độ phát triển tốt, nhân dân có giác ngộ chính trị cao. Quảng Ninh là một địa phương có vị trí địa lý kinh tế và địa lý chính trị đặc biệt thuận lợi trong mối quan hệ bang giao ngày càng phát triển của nước ta với thế bên ngoài và trong xu thế phát triển hiện nay của khu vực... Tóm lại, Quảng Ninh có nhiều điều kiện đi thẳng lên nền kinh tế hiện đại, một viên ngọc quý của cả nước, xin làm tất cả mọi việc cho viên ngọc ấy toả sáng – và ngay từ bây giờ, xin tìm mọi cách tránh những sai phạm trong lựa chọn chiến lược và quy hoạch phát triển có thể ảnh hưởng đến tương lai đầy hứa hẹn của Quảng Ninh... [160].
(11)        Ngoài những trung tâm kinh tế hiện nay, đất nước ta còn có vài ba địa phương có thể trở thành những động lực mạnh mẽ kéo nền kinh tế cả nước đi lên, còn vài ba ngành kinh tế có nhiều hứa hẹn. Với ý nghĩa nền kinh tế hiện đại hoá, nền kinh tế là cầu nối của khu vực với thế giới bên ngoài - chứ không phải với ý nghĩa nền kinh tế nguyên liệu, khép kín.
(12)        Nếu các cơ quan nhà nước, trước hết là các Bộ, Sở, UBND, các Viện, Hiệp hội... thường xuyên cung cấp cho nhân dân, cho doanh nhân và các doanh nghiệp những thông tin kinh tế và dịch vụ hữu ích, dành cho họ sự hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết đi vào sản phẩm mới hoặc thị trường mới, giúp họ giảm bớt được những rủi ro, hớ hênh... thì nền kinh tế đất nước được nhờ nhiều lắm. Những khă năng này của các cơ quan đơn vị nói trên rất lớn, chỉ còn thiếu ý thức và nhiệt tình khai thác những khả năng này cho dân, thậm chí nhân dân không đòi hỏi phải cho không nếu đấy là những sản phẩm thông tin và dịch vụ hữu ích... Nói cho nghiêm khắc, nếu bớt được sự lười biếng, ăn bám, nhũng nhiễu trong những cơ quan đơn vi này, tăng thêm được tinh thần phục vụ dân, thì có thể giúp dân biết bao nhiêu việc mở mang sản xuất kinh doanh và mang lại sự giàu có.

Vân... vân... Nghĩa là danh mục này còn có thể kéo dài nữa. Nghĩa là thực lực và cơ hội đưa nước ta đi lên lớn lắm. Tổ quốc chúng ta thực sự giầu đẹp – nếu nhìn theo con mắt phát triển theo phương châm tận dụng xu thế phát triển của kinh tế thế giới, với ý chí chính trị lựa chọn đối tác và khai thác thị trường thế giới để mở rộng không gian kinh tế cho nước ta...

Nhưng làm việc theo cách phô trương, sống theo kiểu lãi giả lỗ thật, thì một việc nhỏ  cũng không thành đạt được, thậm chí những thành tựu đã giành được cũng có thể bị lụn bại dần. ở đây ăn bám và bóc lột quyện vào nhau, bảo vệ nhau, nguỵ trang cho nhau, không hiếm trường hợp nhân danh bảo vệ định hướng xã hội chủ nghĩa.

Còn như cả nước làm việc với trí tuệ và phẩm chất cách mạng, - trước hết là làm việc một cách trung thực với chính mình, tự mình phán xét mình -  chưa bao giờ đất nước ta có trong tay thực lực và cơ hội lớn như bây giờ. Xin suy nghĩ lao lung điều này và làm việc – nghĩa là không nói chay, nói xuông nữa. Càng không nên chỉ bảo dạy thiên hạ điều này điều khác theo như cách làm của nhà văn Trần Mạnh Hảo mà tôi đã trích dẫn và nêu ra trong phần Đôi điều về toàn cầu hoá.  Chúng ta nên dành hết nghị lực của mình quan tâm học hỏi, tự dạy lấy mình, tự lo lấy việc của chính đất nước mình. Nhưng động lực để sống và làm việc như vậy trước hết là giá trị của dân, là dân làm chủ, là dân chủ -  cội nguồn và sức sống vô tận của chủ nghĩa yêu nước sau khi nhân dân đã giành lại đất nước và là chủ nhân của đất nước.

Có thể nói nước ta có đủ các điều kiện để phấn đấu trở thành một trung tâm kinh tế phát triển mới của khu vực Đông Nam A’, là cầu nối cho Đông Nam A’ lục địa với thế giới bên ngoài. Tất cả phụ thuộc vào ý chí chính trị của dân tộc ta và Đảng ta, vào quyết tâm: chẳng những không tách mình ra khỏi xu thế phát triển của thế giới, mà còn có nghị lực và trí tuệ khai thác được xu thế phát triển của thế giới để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh của nước mình.

Theo suy nghĩ của tôi, ngày nay xây dựng tính tiền phong chiến đấu của Đảng ta có lẽ trước hết là từ nhận thức sâu sắc những đặc điểm mới của tình hình nước ta như vừa trình bầy trên trong thế giới ngày nay, nhận thức những đòi hỏi mới trong phát triển đất nước, xây dựng quyết tâm chính trị nói trên trong toàn Đảng, từ đó tạo ra sự đồng thuận dân tộc vững chắc bảo đảm thực hiện thắng lợi quyết tâm chính trị ấy. Đó là chìa khoá mở ra con đường thực hiện thắng lợi sự nghiệp dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ và văn minh theo tinh thần Hồ Chí Minh.

Một nước Việt Nam thịnh vượng, văn minh, giàu tính nhân văn, do những người dân làm chủ đất nước đồng tâm hiệp lực xây dựng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, được thế giới tôn trọng vì chất lượng sản phẩm cao và chữ tín, lại là cầu nối kinh tế và văn hoá trong khu vực, là biểu tượng của hoà bình, hữu nghị và hợp tác – chẳng lẽ một quốc gia như vậy không phải là là khát vọng của dân tộc ta? Xây dựng một quốc gia như vậy chẳng lẽ không phải một nước xã hội chủ nghĩa? Chẳng lẽ đấy không phải là chủ nghĩa xã hội hiện thực? Có lẽ đấy mới thực sự là những tiêu thức đo những thành quả của định hướng xã hội chủ nghĩa: phát huy con người, mức nâng cao hạnh phúc của con người, sự giàu có và vị thế quốc tế của đất nước.., chứ không phải là đo tỷ lệ kinh tế quốc doanh bao nhiêu, tỷ lệ kinh tế hợp tác xã bao nhiêu, ODA tranh thủ được bao nhiêu...

Và cũng không thể nói đến chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa nếu tài sản vốn liếng của quốc gia không sinh sôi nảy mở mà cứ bị tham nhũng tiêu cực ăn bớt, cắt xén, hao hụt dần, ngày chỉ đẻ thêm những nợ nần mới cho đất nước, còn những khả năng phát triển khác thì bị kìm hãm. Cũng không thể có định hướng xã hội chủ nghĩa nếu cứ để kinh tế ngầm phát triển, tiếp tục ngấm ngầm đẻ ra các đặc quyền đặc lợi, để cho ăn bám và cơ hội phình mãi ra, trong khi đó dân chủ, và tinh thần của dân do dân và vì dân teo dần lại... 

Có tinh thần và ý chí này trước đã, rồi chúng ta sẽ có sự thông minh cần thiết trả lời câu hỏi Lênin đã từng đặt ra: Làm gì?

Đặt vấn đề như vậy, từ công tác kết nạp đảng viên mới,  đến tổ chức hệ thống hoạt động và xây dựng nội dung hoạt động của Đảng nói chung và của đảng bộ cơ sở, của chi bộ nói riêng, công tác rèn luyện giáo dục đảng viên, công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công tác nghiên cứu xây dựng đường lối chính sách mọi mặt của Đảng, lựa chọn đội ngũ cán bộ... sẽ phải đổi mới trên nhiều phương diện. Xây dựng sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng trước hết cũng cần xuất phát từ những nội dung mới trong nhiệm vụ xây dựng Đảng như vừa trình bày. Nội dung sinh hoạt của từng chi bộ Đảng cũng phải gắn bó mật thiết hơn nữa với môi trường kinh tế, chính trị và xã hội của đơn vị hay địa phương nơi chi bộ ấy hoạt động, không thể chung chung như hiện nay.

Cương lĩnh Đại hội VII thông qua ghi rõ: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình đô trí tuệ, năng lực lãnh đạo.” Chưa bao giờ chúng ta nói nhiều đến nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh như ngày nay, nhất là trước mỗi kỳ đại hội các cấp. Nhưng xin hãy so sánh những gì trong thực tế thường diễn ra và những yêu cầu vừa trình bày trên.

Ngày này chúng ta nói rất nhiều đến tư tưởng và học thuyết của Marx về xây dựng Đảng tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân. Nhưng phải chăng chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức đến những cảnh báo của Marx về nguy cơ tha hoá của Đảng cầm quyền? Lênin và Hồ Chí Minh cũng có nhiều ý kiến cảnh báo chúng ta vấn đề nghiêm trọng này. Marx không chỉ cảnh báo bằng lý lẽ, mà còn lấy kinh nghiệm lịch sử đã xảy ra ra trong thực tế để răn đe nguy cơ và hậu quả của sự tha hoá này: Cuộc cách mạng Pháp năm 1789 vĩ đại làm chấn động châu Âu và đánh thức  phong trào dân chủ ở nhiều nước trênthế giới; nhưng sự bế tắc về đường lối phát huy thành quả cách mạng cùng với sự tha hoá của các lực lượng lãnh đạo, dần dà hình thành nhà nước chuyên chế quan liêu. Thực trạng này về sau đem lại hệ quả là tạo cơ hội cho độc tài Napoléon năm 1851 làm đảo chính xoá bỏ mọi thành quả cách mạng, năm 1852 lên ngôi hoàng đế[161]. Beethoven thất vọng đến mức xé bản nhạc giao hưởng Die Heroika  (tạm dịch: Bản anh hùng ca) – bản giao hưởng số 3 - vừa mới viết xong – dự định tặng cho Napoléon với tư cách là người anh hùng chiến đấu cho tự do, sau đó Beethoven giữ bản nhạc giao hưởng bất hủ này cho các chiến sỹ đã hy sinh vì lý tưởng tự do.

Người cộng sản Việt Nam cần từ nhận thức sâu sắc tình hình mới dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: Sự tha hoá và tình trạng bất cập (với nhiệm vụ) đang xảy ra trong Đảng ta, trong đội ngũ đảng viên ta ở mức độ hiện nay không thể xem thường.

Tôi đánh giá cao một ý kiến cho rằng: Càng  muốn giữ vững chế độ một Đảng , càng phải thực hiện dân chủ, càng phải đại đoàn kết dân tộc, càng phải phát triển Mặt trận rộng rãi. phải làm cho các tổ chức trong Mặt trận thực sự có năng lực, bản lĩnh tham gia tích cực, chủ động và sáng tạo vào mọi công việc của đất nước.

Tôi không dám nói là đã nghiên cứu kỹ vấn đề đa nguyên chính trị, nhưng có thể nói đã không bỏ qua việc này. Trong tầm nhận thức của mình, sự lựa chọn của tôi là: Vào thời điểm lịch sử này của đất nước, ưu tiên hàng đầu là phải xuất phát từ điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay tận dụng mọi truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của đất nước, để phát triển con người và nâng cao năng lực toàn xã hội. Không thể tiêu phí thời gian và năng lượng vào một phiêu lưu hay thể nghiệm nào, không thể biến nước ta thành một phòng thí nghiệm. Sự đồng tâm nhất trí phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Dảng thực hiện ưu tiên nay là phục vụ lợi ích dân tộc tối ưu nhất. Điều kiện tiên quyết là Đảng ta phải ra sức nâng cao phẩm chất và năng lực cách mạng của mình và nhân dân ta không chịu khuất phục trước những yếu kém của chính bản thân mình.

Cùng với công việc đổi mới để nâng phẩm chất và cao năng lực lãnh đạo của Đảng, phải đẩy mạnh đổi mới các tổ chức đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trước hết phải xây dựng những tổ chức đoàn thể ấy trở thành những đại diện có phẩm chất và trí tuệ, chủ động nói lên được tiếng nói của giới mình về những vấn đề và nhiệm vụ của đất nước, là những diễn đàn có chất lượng để các thành viên trong giới mình bầy tỏ thái độ và chính kiến của mình về những vấn đề sự nghiệp phát triển đất nước đề ra, về xây dựng và thực hiện những chủ trương chính sách của Đảng và luật pháp của nhà nước, là nơi nâng cao năng lực và trí tuệ của các thành viên trong giới mình, và từ đó góp phần nâng cao năng lực và trí tuệ của toàn xã hội. Đây là một đòi hỏi bức thiết, rất tự nhiên, nghĩa là tất yếu, nhưng hoàn toàn không dễ thực hiện. Hay đây chỉ là một mong muốn không tưởng?

Nhất thiết khắc phục khuynh hướng tràn lan hiện nay là hạ thấp vai trò các đoàn thể trong Mặt trận, hành chính hoá các đoàn thể, biến các đoàn thể thành những người thụ động truyền bá các chủ trương chính sách của Đảng, thành những người làm công tác tuyên truyền với chất lượng và hiệu quả rất hạn chế, thành những người làm công tác phong trào thường rất hình thức; thậm chí có nơi hoạt động đoàn thể gần như đơn thuần là một hoạt động văn hoá quần chúng... Không, không phải như vậy, không xây dựng và phát triển các đoàn thể theo hướng như vậy, nếu Đảng ta quan tâm đến xây dựng một hệ thống chính trị mạnh cho đất nước.

 Trong hệ thống chính trị có một đảng, bên cạnh chiều hướng “đảng hoá” hệ thống Nhà nước (bao gồm tất cả các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp – thể hiện qua sự lúng túng giữa các khâu lãnh đạo – quản lý – làm chủ) đã đề cập tới trong các phần trên, khuynh hướng đảng hoá, hành chính hoá, tầm thường hoá các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, các hiệp hội... là những hiện tượng trực tiếp hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tế này làm Đảng ta suy yếu và tăng thêm các nguy cơ tha hoá trong Đảng, sẽ từng bước, từng bộ phận tự giác hoặc không tự giác biến hoá Đảng ta từ Đảng lãnh đạo thành Đảng cai trị, sẽ thúc đảy sự phát triển những mâu thuẫn giữa cai trị và bị cai trị trong xã hội. Những hiện tượng này đồng thời kìm hãm sự phát huy vai trò quan trọng không thể thiếu được của các đoàn thể và các tổ chức quần chúng trong hệ thống chính trị nước ta, làm yếu những tổ chức này và kìm hãm sự phát triển năng lực toàn xã hội. Cuối cùng những khuynh hướng này sẽ từng bước biến chất toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước. Để cho sự biến chất này phát triển, có sự tác động nguy hiểm của quốc nạn tiêu cực và tham nhũng, hệ thống chính trị của đất nước ta dần dà sẽ mất khả năng phát huy sức mạnh của nhân dân, bản thân các tầng lớp nhân dân sẽ xa lánh các tổ chức của mình và xa lánh cả Đảng; đồng thời bản thân hệ thống chính trị của đất nước cũng sẽ mất khả năng đề kháng trước mọi diễn biến - đó chính là môi trường và cơ hội tốt nhất của diễn biến hoà bình.

Đó chính là thứ diễn biến hoà bình rất hiện thực, nhưng hình như sự quan tâm của chúng ta lại hướng vào một thứ diễn biến hoà bình khác không thể nào so sánh được với nguy cơ diễn biến hệ thống chính trị như vừa trình bày trên. Xin luôn luôn bám chắc nguyên tắc đã ghi trong Cương lĩnh của Đảng: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả.”

Một đội bóng đá giỏi chẳng những cần đội trưởng giỏi mà còn phải có đồng đội là các cầu thủ xuất sắc, mỗi người có một biệt tài; đội trưởng phải có khả năng  thiết kế sự hiệp đồng các biệt tài ấy để làm nên thắng lợi. Trong suốt quá trình cách mạng của đất nước, chúng ta thời nào cũng có biết bao nhiêu kinh nghiệm quý báu về phát huy vai trò các đoàn thể, biết bao nhiêu thành tựu của đất nước không thể tách rời vai trò các đoàn thể – kể cả trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Đảng ta nên đặc biệt quan tâm phát huy truyền thống này, nghiêm túc làm mọi việc nâng cao hơn nữa vai trò các đoàn thể, tạo mọi điều kiện làm cho các đoàn thể tự vươn lên được làm hết chức năng của mình, kiên quyết loại bỏ mọi việc làm hình thức mà trên thực tế là hạ thấp vai trò các đoàn thể. Bản thân các đoàn thể cũng không được tự hạ thấp và làm mất vai trò của mình. Trong chế độ một Đảng, nói dân chủ thực chất – trước hết phải làm thật tốt những việc này. Còn đội bóng đá chỉ có đội trưởng giỏi, các cầu thủ còn lại chỉ là những người thiên lôi chỉ đâu đánh đấy, thì bản thân đội trưởng phải một mình trực tiếp tự làm bàn – và chuyện này không thể xẩy ra được trong bóng đá. Một quốc gia “đá” với cả thế giới lại càng như vậy.

Đặc biệt Đảng cần quan tâm xây dựng hệ thống Nhà nước vững mạnh, đủ năng lực quản lý, điều hành toàn bộ công việc của đất nước theo Hiến Pháp và các Luật được ban hành. Quốc hội phải được nâng cao về chất lượng để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ lập pháp và nhiệm vụ là cơ quan Nhà nước quyền lực cao nhất của cả nước nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao hơn  trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, như đã ghi trong Báo cáo chính trị của Đại hội VIII. Đây thực sự là một vấn đề khó, phải mất rất nhiều công sức nghiên cứu, đổi mới việc xây dựng Quốc Hội và tìm ra những phương thức làm việc mới có thực chất. Nhưng việc đầu tiên là phải nhìn nhận thật nghiêm túc vai trò của Quốc Hội, làm mọi việc để Quốc Hội thực hiện đúng chức năng đã ghi trong Hiến Pháp.

Các Hội đồng nhân dân các cấp rất cần được kiện toàn để làm tốt nhiệm vụ của mình. Các HĐND trước hết là một tổ chức của hệ thống Nhà nước (chứ không phải cơ quan) thay mặt nhân địa phương giám sát tại địa phương mình việc thực hiện Hiến Pháp, các luật pháp chung và các định chế, chính sách chung của cả nước tại địa phương mình.

Cả nước chỉ có một Hiến Pháp và một hệ thống luật pháp và các chế định duy nhất làm khung khổ chung. Vì vậy các Hội đồng nhân dân các cấp không nên được hiểu và thiết kế như là các “quốc hội địa phương”. Đương nhiên HĐND phải làm chức năng giám sát UBND địa phương mình, giám sát các cơ quan nhà nước trên địa bàn của mình. Trong khung khổ chung của Hiến Pháp và hệ thống pháp luật của cả nước, các HĐND có tiếng nói quyết định về các việc của địa phương mình. Trong quá trình cải cách hành chính liên tục và sâu sắc hiện nay của nhiều nước trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm phong phú về đề tài này, rất đáng để chúng ta tham khảo.

Xây dựng Nhà nước mạnh là đòi hỏi không thể thiếu được để thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, là cơ sở hàng đầu cho việc thực hiện sống và làm việc theo pháp luật.

Còn phải nhấn mạnh rằng vào thời điểm hiện tại,
·     tiến hành cải cách hành chính, với mục tiêu làm cho dân chủ trở thành động lực phát huy toàn diện nghị lực sáng tạo và ý chí phấn đấu của con người – nghĩa là phải xây dựng bằng được Nhà nước là bà đỡ (nói theo ý của Mác và Lê-nin), là  người đày tớ (nói theo ý của Hồ Chủ Tịch) phục vụ tốt nhất cho sự phấn đấu này của các công dân của mình;
·     đổi mới hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trở thành phương tiện kinh tế vỹ mô quan trọng bậc nhất, có khả năng phát huy tối ưu nội lực và thu hút tối đa mọi nguồn lực từ thị trường thế giới, loại bỏ mọi lãng phí và các đơn vị làm ăn thua lỗ;
·     đổi mới doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, giúp họ vươn lên làm tốt vai trò là chủ thể tham gia vào quá trình toàn cầu hoá hiện nay trên thế giới.

là những nhiệm vụ cụ thể quyết định vận mệnh của đất nước. Thực hiện thành công những nhiệm vụ này là hòn đá thử vàng đối với hệ thống chính trị lãnh đạo đất nước và đối với ý chí phấn đấu của toàn thể dân tộc ta. Những nhiệm vụ quan trọng này chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện phát huy cao độ tính tiền phong chiến đấu của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới như vừa trình bầy trên.

***



Thay cho lời kết luận

Tôi viết đến dòng này, ngày 30 Tháng Tư lịch sử đang đến gần. Trong nước ta vẫn còn trên 300.000 chiến sỹ đã hy sinh chưa tìm được mộ. Liệu những người Mỹ quan tâm đến vấn đề MIA[162] có thể hiểu hay không hiểu con số 300.000 này? Mỗi người Việt Nam chúng ta nghĩ gì về con số 300.000 này và nghĩ gì về vấn đề MIA? Chỉ nghĩ đến hai câu hỏi này thôi, tôi thấy vất vả lắm mới làm chủ được bản thân mình. Một phần tư thế kỷ đã qua đi, nhưng vết thương chiến tranh còn đang rỉ máu trong rất nhiều gia đình Việt Nam ta. Nỗi day dứt về khoảng cách phát triển càng day dứt.

          Một số ít người Việt trong hàng ngũ nguỵ quân nguỵ quyền
trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn thường lấy ngày 30-4 làm ngày quốc hận, tại một số nơi họ vẫn tụ tập phản đối trước cửa cơ quan sứ quán ta, một số rất ít năm này năm khác vẫn lén lút trở về, đem theo truyền đơn, vũ khí và muốn tiến hành các hành động phá hoại, lật đổ...

Tuy nhiên, trong cộng đồng người Việt bỏ nước ra đi vì ngày 30-4-1975, số người nhận thức đúng đắn về cuộc chiến tranh đã xảy ra đang ngày càng đông lên. Đối với những người này, dù họ theo chính kiến gì, tôi muốn lưu ý: Đừng bao giờ quên cuộc chiến tranh vừa qua và những tội ác không sao kể xiết là do bên ngoài áp đặt lên dân tộc ta, đừng bao giờ quên chính sách dùng người Việt đánh người Việt, đừng bao giờ quên chính sách Việt Nam hoá chiến tranh...  Trong những ngày này TV Việt Nam chiếu lại bộ phim  Mỹ “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình”. Xin hãy nghe những người Mỹ hiểu biết nhiều, hiểu biết ít hoặc không hiểu biết đã tham chiến xuất hiện trong phim này nói gì! Hãy nghe lại những phát biểu đầy mùi thuốc súng của Humphrey và Johnson trong bộ phim này. Hãy nhớ lại  những chiến dịch ném bom nhằm đưa Miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Hãy xem những hình ảnh chiến tranh do bom đạn Mỹ gây ra, những vụ thảm sát Sơn Mỹ, Mỹ Lai, những tội ác, chất độc màu da cam... Hãy đọc lại hồi ký của McNamara, vân vân...[163]

Trên mọi phương diện, cuộc chiến tranh là một thảm kịch do các thế lực đế quốc bên ngoài áp đặt lên dân tộc ta, gây ra cho dân tộc ta biết bao nhiêu tang tóc đau thương của cảnh nồi da xáo thịt. Xin lưu ý rằng số lính Mỹ chết trong cuộc chiến tranh này chỉ trên 5 vạn người, còn phía nhân dân ta chết bao nhiêu triệu người?

Số người Việt Nam cố tình đi ngược lại với lợi ích của dân tộc chỉ là thiểu số, số người bị đảy vào thảm kịch dân tộc ta lớn hơn nhiều, chiến tranh đem lại tổn thất đau thương cho toàn dân tộc. Một phần tư thế kỷ là thời gian đủ để bình tĩnh nhìn lại quá khứ, để cùng với nhân dân cả nước nỗ lực hơn nữa trong việc tìm cách khép lại quá khứ đau thương của dân tộc mình, cùng với cả nước tìm ra và tăng cường sự đồng thuận dân tộc, vì Tổ quốc Việt Nam chung giàu mạnh, hạnh phúc, để đất nước có thể ngửng mặt sánh vai với thiên hạ[164].

Mong rằng Ngày 30 Tháng Tư năm 2000 mở ra một chương mới trong lịch sử đoàn kết và hoà hợp dân tộc của Tổ Quốc Việt Nam chúng ta - điều có ý nghĩa nhất để toàn thể dân tộc ta tay nắm tay cùng nhau tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, mở đầu tốt đẹp cuộc cách mạng phát triển dân tộc của nước ta..

Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói bất hủ: Đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, đại thành công! Đấy là chân lý soi rọi cho cả dân tộc ta.

Suy nghĩ về ý nghĩa của thời đại chúng ta đang sống, có lúc trong tôi bừng lên một cảm nhận mãnh liệt: Sự phát triển của kinh tế, khoa học và công nghệ trên thế giới, những tiến bộ của văn minh nhân loại trong thời kỳ tiến dần vào nền kinh tế tri thức, thực lực nước ta đã tích tụ được, mối quan hệ của nước ta với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền trên bàn cờ thế giới ngày nay.., tất cả đang tạo ra những tiền đề đưa nước ta bước vào một thời đại dân chủ ngày càng trở thành động lực phát triển của nước ta.

Tôi không đủ sức nghĩ về một thời đại bao la mang ý nghĩa lịch sử nào đó của thế giới, xin trả việc này cho các học giả, các nhà chính trị, vì tôi không dám bước vào vương quốc không phải của mình. Tôi chỉ ngẫm nghĩ về thời đại cho nước mình. Đầu óc quốc gia của tôi còn hẹp hòi lắm, nhưng càng nghĩ về nước mình, tôi càng tin có một con đường đi tắt, đón đầu, đuổi kịp sự phát triển của nhân loại, với động lực tự thân nó ngày càng phát triển; động lực đó là: Con người Việt Nam giác ngộ đầy đủ về dân chủ trong nền văn minh hiện đại của thế giới, có bản lĩnh và tri thức.

Suy nghĩ của tôi còn lãng mạn tới mức nghĩ rằng: Chúng ta đang từ thời đại con người Việt Nam giác ngộ tinh thần yêu nước đã lấy lại được đất nước để bước vào thời đại con người Việt Nam giác ngộ về dân chủ. Đó là thời đại con người Việt Nam chúng ta có những điều kiện tốt nhất để chinh phục và sáng tạo mới tri thức, tạo ra cho chính mình và toàn dân tộc ta bản lĩnh và khả năng phát triển mình và đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới. Đó là thời đại dân tộc ta có những cơ hội lớn nhất xây dựng một nước Việt Nam mới đúng với lý tưởng và khát vọng: dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh...

Hay tôi chỉ là một kẻ lãng mạn?

Cái tính cha mẹ tôi cho tôi cũng thật là oái oăm. Khi còn trai trẻ, yêu ai thì trong lòng chết đi mấy khúc ruột, có lẽ chết còn hơn cả trong câu thơ của Heinrich Heine “Yêu là chết ở trong lòng”[165], bây giờ về già vẫn còn lãng mạn như vậy, biết làm thế nào!

-         Anh bạn già ơi, những điều anh nói chỉ toàn là ý tưởng, chưa thấy anh nói tý gì cụ thể về chiến lược phát triển, về sản phẩm!
-         Quả thực như vậy, cả nước còn phải mất nhiều công sức để làm việc này. Song thiết nghĩ trước hết cần xây dựng được nhận thức chung. ở Quảng Trạch, Quảng Bình, có một xí nghiệp vật liệu xây dưng cấp huyện quanh năm thua lỗ. Trong đổi mới từ 1989, xí nghiệp trở thành công ty phân bón vi sinh Sông Gianh, sản phẩm nổi tiếng trong cả nước và có hàng xuất khẩu. Công ty ngày nay đạt doanh số khoảng 60 tỷ VNĐ/năm và có 8 cơ sở sản xuất, cung ứng dịch vụ rải rác trong cả nước. Bí quyết thành công là nhờ chọn mặt hàng đúng và tiếp thu tốt chuyển giao công nghệ của  giáo sư Phạm Khắc Hữu, đào tạo được đội ngũ cán bộ kinh doanh, khoa học kỹ thuật và lực lượng lao động chuyển hẳn sang sản phẩm mới... Phát triển kinh tế phần mềm trong công nghệ thông tin không còn là một khả năng mà đang trở thành một đòi hỏi, một bước phát triển tất yếu khách quan ở nước ta... Một ngôi sao không làm nên bầu trời, song những ví dụ như vậy ở nước ta không hiếm. Vì thế, nếu tích tụ được nguồn lực phát triển con người nhanh hơn sự mong đợi, lựa chọn được sản phẩm cho phép mở cửa nền kinh tế cả nước ta thành cầu nối của hoà bình, hợp tác và phát triển giữa khu vực với thế giới bên ngoài, sẽ không gì có thể trói buộc nền kinh tế nước ta vào những kế hoạch hay lộ trình không còn phù hợp.
-         Theo sự lãng mạn của anh, khi nào nước ta san lấp được khoảng cách phát triển?
-         Học hỏi, cần mẫn, thông minh, tiết kiệm, hiệp đồng, tín nhiệm; nền tảng của những phẩm chất này là dân chủ, tất cả cho nuôi chí làm ăn lâu dài đời đời, mở rộng không gian kinh tế của đất nước. Đây có lẽ là những nội dung cốt lõi nhất của một cuộc cách mạng phát triển đáng được thực hiện nhằm triệt để canh tân đất nước. Tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng phát huy những giá trị này trong thế kỷ 21 sẽ giúp dân tộc ta sớm thực hiện được khát vọng san lấp khoảng cách phát triển.
-         Trả lời như thế chung chung quá, có thể nói cụ thể hơn được không?
-         Nhiều nghị quyết của Đảng đã đề cập đến một ý tưởng rất quan trọng: Làm giầu cho chính mình và làm giầu cho đất nước. Tôi nghĩ đấy là con đường hiện thực nhất dể san lấp khoảng cách phát triển. Tôi xin diễn đạt ý tưởng này một cách nôm na: Một khi có những cơ chế, chính sách, luật pháp khuyến khích làm cho từng người dân không chịu bỏ phí một phút nào để nghĩ cách làm giầu, không chịu để từng đồng bạc của mình nằm cất giấu dưới gối hoặc hoặc đem chôn vào bất động sản,  nếu thiếu vốn thì dám đi vay để mạo hiểm chiếm lấy know how đi vào sản phẩm mới và thị trường mới, huy động mọi nguồn lực từ bất kỳ đâu có thể huy động được để làm giầu cho mình, chi một đồng – dù là đầu tư hay tiêu sài - cũng phải tính toán chi ly thiệt hơn... Khi từng người dân từng giờ từng phút đứng ngồi không yên vì học và quyết làm giầu như vậy, cả nước sẽ sớm có nền kinh tế hiện đại và nền văn hóa tiên tiến – thậm chí tham nhũng và lối sống suy đồi cũng sẽ trở nên khó hơn trước. Cơ chế, chính sách, luật pháp ấy là những thứ đang thiếu hoặc chưa có đủ, còn ý chí của dân cũng như các nguồn lực vật chất và tinh thần, vô hình và hữu hình, nội lực và bên ngoài đều không thiếu.
-         Có thể nêu ra một mốc phát triển kinh tế nào đó làm chuẩn được không?
-         Khó lắm, hay có quá nhiều cái để làm chuẩn. Song có thể nói một cách hình ảnh, đó là một khi lao động nông nghiệp cả nước Việt Nam ta đạt mức một hộ nông dân  gồm một cặp vợ chồng và hai con bình quân có khoảng 5 ha ruộng đất canh tác, hoặc nhiều hơn nữa thì càng hay.
-         Thời đại nền kinh tế tri thức mà lại lấy mấy hécta ruộng đất canh tác ra làm chuẩn?
-         Nhưng đây lại là cái “chuẩn” khó nhất, đồng thời là vừa là kết quả, vừa là tiền đề của mọi cái “chuẩn” khác. Đi tắt đón đầu cũng không thể bỏ qua, mà là để thực hiện sớm nhất, tốt nhất cái “chuẩn” này. Khái niệm “nền kinh tế tri thức” dễ gây ra những cảm tưởng hàn lâm và mơ hồ. Thật ra nó vô cùng đơn giản, sự đơn giản khó thực hiện nhất:
· vận dụng và sáng tạo tiến bộ khoa học và công nghệ,
· khai thác thông tin và
· thường xuyên đổi mới và sáng tạo mới phương thức sản xuất kinh doanh,
cứ thế nấc thang này lại tạo ra nấc thang mới cho mọi ngành kinh tế, cho toàn bộ nền kinh tế. Tất cả bắt đầu từ giáo dục, được duy dưỡng bằng sự học tập chuyên sâu  suốt đời, và được vận hành trong các chế định kinh tế - pháp lý - chính trị - xã hội và các giá trị văn hoá luôn luôn tiến triển phù hợp[166]. Được thúc đẩy bởi động  lực của các bước phát triển giành được, càng về sau các nấc thang càng đa dạng, với vận tốc ngày càng lớn hơn, với nội dung ngày một phong phú hơn, vận động trên vòng xoắn ốc phát triển cao hơn của xã hội loài người... Nghĩa là không có sự cáo chung của lịch sử[167].
-         ...

Thế kỷ 20 là thế kỷ biến động năng động nhất từ khi có lịch sử loài người. Những biến động trong 1/4 cuối cùng của thế kỷ 20 là kinh thiên động địa nhất, một cuộc bể dâu toàn cầu lớn nhất trong suốt thế kỷ này. Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay sau khi ra khỏi những thập kỷ chiến tranh ác liệt đã đứng vững và vượt lên cuộc bể dâu này. Hơn nữa, bằng những thành tựu đã giành được trong đổi mới, Việt Nam đã mở ra cho mình  bước ngoặt đi vào một giai đoạn phát triển mới.

Năm 2000 so với năm 1989 GDP bình quân theo đầu người của nước ta tăng gấp đôi, sản lượng công nghiệp tăng gấp 4, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 6; Ngân Hàng Thế Giới (WB) có báo cáo của bà Nisha Agrawar coi Việt Nam là một trong hai nước đang phát triển (nước thứ hai là Trung Quốc) thành công mẫu mực trong thời kỳ 1993 – 1998 về xoá đói giảm nghèo... Trên thế giới chỉ có một số rất ít các nước đang phát triển giành được những thành tựu tương tự như vậy trong 2 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20; trong khi đó một loạt các nước công nghiệp khối Liên Xô Đông Âu cũ sụp đổ, nhiều nước đang phát triển khác lâm vào tình thế khó khăn hơn. Thực tế này thôi thúc toàn Đảng toàn dân ta: Hãy dồn sức tiếp tục khai phá và tiến bước trên con đường chính trí tuệ, nghị lực và bàn tay chúng ta đã tự mở ra. Chân lý là ở đây.

Nhìn lại, những thắng lợi vỹ đại của Cách Mạng Tháng Tám, của hai cuộc Kháng Chiến Cứu Nước và của Đổi Mới đều có những nét chung cực kỳ quan trọng:
·     Tất cả những nhiệm vụ cách mạng trọng đại hơn một nửa thế kỷ vừa qua Đảng và nhân dân ta đã phải thực hiện trong những điều kiện của so sánh lực lượng “châu chấu đá voi” và trong nhiều tính thế “nghìn cân treo sợi tóc” - như Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã có lần nói lên những hình ảnh này.
·     Yếu tố hàng đầu làm cho sự nghiệp cách mạng nước ta đã có thể giành được những thắng lợi vẻ vang là do Đảng ta vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhận thức đúng đắn tổng thể sự vật khách quan và xu thế vận động của nó, nhờ vậy đã đưa ra được những quyết định giàu trí tuệ và tinh thần cách mạng, nắm bắt được thời cơ, vượt qua được thách thức, đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
·     Truyền thống yêu nước và lịch sử văn hoá của dân tộc ta là nguồn  sức mạnh và nghị lực sáng tạo vô tận; được đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng phát huy, dân tộc ta đã giành lại giang sơn gấm vóc và mang lại cho đất nước vị thế quốc tế đáng tự hào như ngày nay.

Giai đoạn phát triển mới của đất nước dù khó khăn gian khổ như thế nào, song Đảng ta và dân tộc ta có trong tay những tiền đề bảo đảm thực hiện thành công định hướng xã hội chủ nghĩa, như Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ghi trong Di Chúc của Người: “xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là sự lựa chọn của Đảng ta và dân tộc ta trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.


Khi xếp trang cuối cùng này để đưa bản thảo đến nhà xuất bản, trong ký ức tôi vang vọng lời Bác Hồ kêu gọi 20 triệu đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa làm Cách mạng Tháng Tám. Bây giờ dân số nước ta tăng lên xấp xỉ 4 lần. Chỉ riêng một thực tế đầy thách thức này đủ sức đánh đổ đánh đổ mọi suy nghĩ lỗi thời của chúng ta. Từ đó tôi hiểu thêm lời dặn dò thiêng liêng của Bác Hồ nêu trong điều mong muốn cuối cùng của Người.

Nhìn lại những chặng đường đất nước ta 200 năm qua, nhất là những chặng đường đầy đau thương, chiến đấu hy sinh anh dũng và sự phấn đấu vô cùng vinh quang của dân tộc ta trong 6 thập kỷ sau của thế kỷ 20; nhìn vào bàn cờ thế giới trong suốt 2 thế kỷ này – nhất là trong nửa sau của thế kỷ 20 - để ước định những chặng đường mới của đất nước bước vào thế kỷ 21 – nhất là để không bao giờ một lần nữa cam chịu những bất hạnh không sao kể xiết dân tộc ta đã phải trải qua, tôi hiểu thêm điều Bác dặn, dĩ bất biến ứng vạn biến để Việt Nam thực hiện thắng lợi định hướng xã hội chủ nghĩa trong thế giới toàn cầu hoá ngày càng năng động là : Hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Là đảng viên, tôi càng hiểu thêm sứ mệnh lịch sử của Đảng ta lãnh đạo dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, càng thấm thía những phẩm chất cách mạng toàn Đảng và toàn dân tộc ta cần phấn đấu để giành thắng lợi./.



Võng Thị, tháng 4 năm 2000
   Nguyên Nguyên






[109] “Cạnh tranh cho tương lai”, Thái Quang Sa biên soạn, Trung tâm thông tin KHKT hoá chất, Hà Nội 1999, tr. 176...
[110] Cách suy nghĩ này còn có nguy cơ  xây dựng “nền kinh tế đồ cổ”, nghĩa là biến nước ta thành bãi chứa những công nghiệp và công nghệ lạc hậu các nước đi trước thải ra. Tham khảo: Nguyễn Trung, “Vận dụng lợi thế so sánh để phát triển đất nước”, NXB Khoa học xã hội, Hà nội, 1999.
[111] Tham khao thêm “Cuộc  cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại và sự xuất hiện nền kinh tế tri thức”, Đặng Hữu. Ngoài ra xin lưu ý: Ngành điện của ta hiện nay mua khí đốt của Petro Vietnam với giá 2,7 – 3 USD/1 triệu MTU, các chuyên gia tính toán, nếu ta định luyện thép bằng khí thì  giá phải khoảng 1,3 USD/1triệu MTU thì mới có lãi.

[112] Tham khảo sách đã dẫn “Làn sóng WTO tác động vào nước ta như thế nào”, phần “Triển vọng của công nghiệp gang thép làm người ta lo lắng”.
[113] Tham khảo thêm: Văn minh tinh thần Xingapo, NXB Chinh trị Quốc gia, Hà Nội 1997 và “Goh Chok Tong”, Pelanduk Publications, Malaysia, Alan Chong 1991.

[114] Giả thử ngành than tự làm kết toán chi phí hành chính sự nghiệp thật đày đủ trong một năm, sẽ có được những số liệu rất thuyết phục.
[115] Chuyện này không có gì mới, một đồng chí cựu bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh kể cho tôi nghe: người Pháp chủ công ty than Hòn Gai ngày xưa đã có thư báo cáo với Toàn quyền Pháp, đại ý nếu trả lương đủ sống cho công nhân mỏ – bao gồm một vợ và hai con anh ta – thì lỗ và yêu cầu Toàn quyền Pháp trợ cấp công việc khai thác than. Thư này đã được dịch và báo cáo, hình như vẫn còn trong hồ sơ lưu trữ. Hai tháng sau khi viết xong bản thảo cuốn sách này, tôi được đọc bài “Những vấn đề đặt ra từ ngành than”, báo Nhân Dân ngày 21-6-2000, chủ yếu tường thuật kết quả thanh tra của Đoàn Tổng thanh tra nhà nước sau 6 tháng kiểm tra 24 đơn vị (nghĩa là khoảng một nửa số đơn vị) của ngành than. Đáng chú ý là bài báo còn nêu ra vấn đề phải xem lại mô hình tổ chức tổng công ty 91.
[116] Thời báo kinh tế Việt Nam, số 30 ngày 10-3-2000, tr.5.
[117] Giống như đòi hỏi phải tạo các ngành nghề khác để sớm giảm bớt lao động làm nông nghiệp, lợi ích của công nhân mỏ cũng đòi hỏi phải tạo ra các ngành nghề mới để giảm thiểu biên chế lao động trong ngành than.
[118] Một ví dụ: Riêng nhà máy phân đạm Hà Bắc, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế trong nước và nước ngoài cho rằng: nếu giữ cách làm ăn và công nghệ như hiện nay của nhà máy, thà lấy tiền nhà nước hàng năm bù lỗ, khoanh nợ, đáo nợ... để trả lương nuôi công nhân, đưa họ đi làm việc khác, còn hơn là duy trì một nhà máy kém hiệu quả như vậy. Có thể cách đây vài thập kỷ, công nghệ và phương thức kinh doanh của nhà máy phân đạm Hà Bắc là tốt, nhưng chậm theo kịp với bước đi của thời gian thì trở thành vấn đề. ở quốc gia nào mà không như vậy?
[119] Chú ý: Phải mất hàng triệu năm biến đổi của địa chất mới kiến tạo được các vùng đát đai canh tác được. Ngoài ra thuỷ điện cũng gây ra nhiều tai hoạ về môi trường: sự ô nhiễm trong nước do các cây cối còn năm lại trong lòng hồ,  sự xói mòn đất đai chung quanh hồ và làm hồ chứa nông dần, tích tụ dần những nguy cơ lũ lụt hoặc thuỷ hoạ lớn, làm thay đổi dần kiến tạo địa chất trong lòng hồ chứa và vùng phụ cận...
[120] Những điều trình bầy này được nêu lên lúc chưa xảy ra nạn lũ lụt miền Trung cuối năm 1999.
[121] Nhân đây xin đặc biệt lưu ý những thập kỷ hợp tác đầy gian truân và không mấy kết quả giữa các quốc gia sông Mekong cho chúng ta nhiều bài học cực kỳ quan trọng. Gần đây tôi được biết các dự án về nhiệt điện tận dụng than Quảng Ninh được nêu ra từ 5 –6 năm nay bây giờ được bàn tới khẩn trương hơn.
Chú ý:  Trong phiên họp Chính phủ ngày 30 và 31-1-2001 tại thành Phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã nhất trí cao về tiến hành xây dựng thuỷ điện Sơn La, sẽ khởi công năm 2004; Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu: nên lựa chọn phương án Sơn La cao + Hoà Bình, không được bàn lùi, vì đến năm 2020 nhu cầu về điện của nước ta rất lớn. Là đảng viên và là công dân, tôi chân thành cầu mong quyết định của Chính phủ là đúng đắn, ý kiến của tôi về vấn đề này là sai – và được như thế sẽ là điều hạnh phúc lớn cho đất nước, trong trường hợp này tôi xin được lượng thứ với tất cả sự khoan dung. Tuy nhiên trong cuốn sách này, tôi vẫn xin giữ lại những ý kiến của mình về thuỷ điện Sơn La như đã trình bầy để sau này tham khảo. 
[122] Mạo hiểm và phiêu lưu là hay khái niệm khác nhau nhưng lại vô cùng khó phân biệt với nhau. Trong mao hiểm có phiêu lưu, nhưng khác chăng mạo hiểm đòi hỏi phải suy nghĩ tỉnh táo và khoa học hơn, phải tự giác và dũng cảm hơn.
[123] Một trong những yếu kém lớn nhất, dẫn đến sa sút và cuối cùng góp phần làm sụp đổ LX.

[124] được hiểu theo định nghĩa của WTO, hiện nay có khoảng gần 200 ngành.
[125]  Tham khảo thêm phần “Nền kinh tế nhiều thành phần và vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh” trong chương VII của cuốn sách này.
[126] “Chúng ta không cố đoán trước tương lai một cách giáo điều, mà chỉ mong tìm ra cái thế giới mới qua sự phê phán thế giới cũ... ...việc cấu tạo tương lai và tuyên bố dứt khoát những quuyết định in sẵn cho tất cả mọi thời kỳ sắp đến không phải là việc của chúng ta...” C. Mác, 1843 – các thư của Mác, niên giám Pháp - Đức, C.Mác – F. Ănghen toàn tập, tập 1, NXBCTQG 1995, tr. 520, 522-523. Người trích nhấn mạnh và gạch dưới.
[127] Vì cuốn sách này không thể làm được nhiệm vụ quá lớn là tổng kết những chặng đường đã trải qua trong xây dựng CNXH ở nước ta (trước hết là ở Miền Bắc từ 1954) trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt kéo dài cho đến 1975, 1979, 1989, chỉ xin lưu ý 4 nhận xét riêng dưới đây để bạn đọc tham khảo:
·       Hy vọng rồi đây các công trình tổng kết có tính chất khách quan và khoa học ở mức độ cao sẽ rút ra được những kết luận và kinh ngiệm quan trọng, bổ ích cho những bước đi sắp tới của đất nước.
·       Cho dù những mô hình xây dựng CNXN ở nước ta trong những năm chiến tranh có những mặt thiếu sót chủ quan gì đi nữa, song không thể phủ nhận là: trong những năm chiến tranh không có một nền kinh tế chỉ huy tập trung cao độ, không thể huy động tổng lực toàn xã hội phục vụ sự nghiệp kháng chiến giải phóng và bảo vệ đất nước và đi đến thắng lợi; không có khát vọng về CNXH, không thể có ý chí chiến đấu ngoan cường như vậy của toàn dân trong kháng chiến và không thể gắn cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta với trào lưu tiến bộ và phong trào độc lập dân tộc của thế giới lúc bấy giờ để thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...
·       Sự nghiệp xây dựng đất nước ta nói chung – cụ thể ở đây trong giai doạn cách mạng hiện tại là thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa – không bao giờ có thể tách khỏi xu thế phát triển của thế giới – trước kia, hiện tại và sau này  đều như vậy; còn lại là sự lựa chọn bước đi của nước ta, do chủ quan ta quyết định.
·       Trong những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng và kéo dài ở nước ta từ cuối thập kỷ 1970, phải chăng có nguyên nhân nền kinh tế chỉ huy tập trung rất cần thiết cho thời chiến được hiểu là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, là xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện ở nước ta, và  được tiếp tục duy ý chí  vận dụng trong thời bình xây dựng đất nước – trong bối cảnh các nước XHCN đã lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Nghĩa là ở đây có 2 loại vấn đề cực khó: (1) không tự giác nhận thức được phải thay đổi mô hình kinh tế chỉ huy tập trung cho thời chiến khi chuyển sang xây dựng đất nước trong trời bình, và (2) ở mức độ nhất định và trong  một phạm vị nhất định có sự lầm lẫn giữa mô hình kinh tế chỉ huy tập trung rất cần thiết cho thời chiến với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa khi chuyển sang xây dựng đất nước trong thời bình và trong bối cảnh quốc tế cũng như xu thế phát triển của kinh tế thế giới đã có nhiều thay đổi sâu sắc trên nấc thang mới của quá trình toàn cầu hoá.
[128] Tham khảo Thời báo Kinh tế số 32 ngày 15-3-2000.
[129] Xem bài Khơi thông ách tắc để phát triển kinh tế; của Ngô Tuấn Kiệp đăng trên tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ, số 5 tháng 3-2000; có báo đưa ra con số tổng nợ này là 200.000 tỷ VNĐ.
[130] Incremental Capital Output Ratio, tỷ lệ hay hệ số giữa vốn đầu tư tăng thêm và giá trị sản phẩm gia tăng nhờ quá trình tăng vốn đầu tư này. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam nếu hệ số ICOR  là 3 hoặc 4 là lý tưởng, năm 1998 đạt 4,9; nhưng năm 1999 hệ số này ước khoảng 5,2 – 5,6, như vậy là quá cao. Hệ số càng cao nói lên hiệu quả đầu tư mới càng thấp. Cách tính hệ số ICOR chưa vận dụng rộng rãi ở nước ta.
[131] Tham khảo: Nguyễn Mại: Vấn đề phát huy nội lực trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế hiện nay. Tài liệu nghiên cứu chuyên đề FDI 1999 và một số bài khác của GSTS Nguyễn Mại đã đăng trong TCCS và các báo chí khác....
        Trong phạm vi cuốn sách này không thể bàn sâu về vấn đề cải cách hay đổi mới nền giáo dục và đào tạo ở nước ta. Nhưng vì vấn đề này quá trọng đại, quyết định trực tiếp tương lai của đất nước, tôi xin nêu lên một số cảm nghĩ của mình, đúng sai thế nào xin tuỳ sự phán xét của mọi người quan tâm. Trong thâm tâm tôi thực sự lo lắng:
-          Tình trạng xuống cấp, lạc hậu, và lạc lõng của nền giáo dục và đào tạo nước ta chưa được đánh giá đúng mức; trước hết nội dung vừa thừa, vừa không đủ, vừa thiếu trong hầu hết các môn giảng dạy ở các cấp, không theo kịp sự phát triển tiên tiến trên thế giới; phương pháp dạy cho học sinh còn nặng về nhồi sọ,  nghĩa là nặng về học thuộc lòng, học theo giáo trình, học theo thầy, học thiếu sáng tạo.., song còn nhẹ về dạy cho học sinh tự làm quen dần và tự động não xây dựng phương pháp của riêng mình, học cách nắm vững kiến thức, cách tự học, cách tự nghiên cứu, cách phát huy và vận dung kiến thức - đây là đòi hỏi tối cần thiết cho yêu cầu phải học tập suốt đời và yêu cầu tạo ra cho bản thân mình khả năng tự xử lý mọi vấn đề phải đương đầu trong khi thâm nhập vào xu thế phát triển của nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá. Đặc biệt vấn đề đào tạo ngoại ngữ là một lỗ hổng lớn - một điều kiện để phát triển kinh tế đất nước, một phương tiện không thể thiếu được để đi vào kho tàng tri thức và văn hoá của nhân loại...
-          Đã nghèo lại lãng phí vô cùng lớn; ngân sách nhà nước có hạn, xây dựng chương trình dạy học và phân bổ các khoản chi tiêu như thế nào là hợp lý nhất (ví dụ như: bớt những tiết, những môn không cần thiết, phân loại và dành những môn  này cho các trường dạy nghề hoặc các lớp học của các doanh nghiệp và trường, viện chuyên môn sẽ dạy chuyên sâu hơn; không có một trường phổ thông hay đại học nào có thể dạy cho học sinh đủ các điều mà cuộc sống lao động của họ đòi hỏi, nhưng học sinh lại có quá nhiều điều học xong trở thành vô dụng...); trong khi ngân sách nhà nước quá nghèo, phân bổ ngân sách nhà nước kết hợp với  huy động mọi nguồn lực trong dân như thế nào để một mặt vừa phát triển tốt giáo dục và đào tạo, mặt khác hạn chế xuống mức thấp nhất có thể được tình trạng bất bình đẳng hay phân hoá xã hội ngay từ trong giáo dục và đào tạo. Thực tế hiện nay là dân bỏ rất nhiều tiền chi cho việc học tập của con em mình, song phần lớn là chi kém hiệu quả, chi chui, chi không hợp thức.., nên trở thành gánh nặng cho dân, tổng chi của toàn xã hội cho giáo dục không nhỏ, tiêu cực nhiều, chất lượng đào tạo giáo dục vẫn giảm sút.
-          Chất lượng đào tạo về phẩm chất, đạo đức, ý thức chính trị cho học sinh ở tình trạng rất đáng lo lắng, mặc dầu nội dung này được đặc biệt quan tâm trong nhà trường. Lỗi chủ yếu không phải do học sinh. Lỗi chủ yếu có thể do các nguyên nhân: nội dung giáo dục về những vấn đề này bất cập (theo tôi, thậm chí hoàn toàn bất cập, khuôn sáo), đồng thời những ảnh hưởng tiêu cực ngoài xã hội tác động quá mạnh, hầu như vô hiệu hoá những điều dạy cho học sinh!.. Hệ quả trực tiếp là các gương xấu của các bậc cha anh đang trở thành tác nhân quan trọng làm giảm sút lý tưởng và nghị lực phấn đấu của học sinh. Đồng thời sự cám dỗ ngày càng tăng của  tiêu cực và các tệ nạn trong xã hội đang làm cho học sinh dễ dàng trở thành nạn nhân của mọi tệ nạn xã hội. Sẽ là hoàn toàn sai lầm nếu đổ lỗi mọi điều đau buồn này cho cơ chế thị trường. Nhiều trường viết rất to trên tường khẩu hiệu  Tiên học lễ, hậu học văn,  chữ lễ được thày, trò và cha mẹ học sinh hiểu ngầm với nhau là lễ lạp, là tiền thì không còn trời đất nào nữa!
-          Cuộc sống thay đổi và phát triển với vận tốc quá nhanh, nền giáo dục ở các nước luôn luôn phải đuổi theo, phải thay đổi, nhưng thường không kịp. Nhiều môn học, sách học và phương pháp dậy phải thay đổi gần như hàng năm, nhất là ở bậc đại học. Nghiên cứu khoa học và nghiên cứu nói chung là cơ sở và tạo điều kiện cho những thay đổi này... Đây là lý do vô cùng quan trọng phải thường xuyên dành nguồn lực đáng kể và thực hiện sự phân bổ tối ưu những nguồn lực này cho nghiên cứu. Song ở nước ta, mọi chuyện trong giáo dục và đào tạo cứ bình chân như vại, thày có thể vác giáo trình của mình di dạy mòn cả giấy hết năm này qua năm khác, hết trường này qua trường khác, lại còn có cả giáo trình chuẩn nữa, còn các nguồn lực dành cho nghiên cứu lại phân bổ rất kém hiệu quả - thậm chí có hiện tượng chia chác để lấy tiền của ngân sách - vô luận kết quả các công trình nghiên cứu xấu tốt ra sao... Liệu nước ta có thể đuổi kịp, san lấp khoảng cách phát triển, đi tắt đón đầu với những con người được đào tạo trong một nền giáo dục bình chân như vại? Xin nói ngay rằng trong hàng ngũ các nước đang phát triển, nước ta đạt được chỉ số phát triển con người khá cao  (HDI), song đừng để cho chỉ số này ru ngủ chúng ta, vì mục tiêu của chúng ta không phải là bảo tồn danh hiệu của mình mãi mãi là nước đang phát triển.
-          Cải cách hay đổi mới triệt để nền giáo dục và đào tạo ở nước ta, rất toàn diện, bao gồm cả đào tạo lại, bổ túc, đào tạo mới đội ngũ giáo viên và cán bộ giảng dạy. Nên từ các nguồn ngân sách và nguồn đóng góp của dân (ví dụ dưới dạng phí, học phí) đặc cách hợp lý hoá và hợp pháp hoá nguồn thu nhập đúng đắn bảo đảm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ giảng dạy có đời sống kinh tế ổn định để thực hiện tốt việc nâng cao năng lực giảng dạy của mình, tạo hình ảnh tốt của thày đối với trò, đồng thời tránh những tiêu cực khác. Chúng ta có chế độ đặc cách về lương cho các lực lượng vũ trang, tại sao không thể làm như thế cho đội ngũ giáo viên và cán bộ giảng dạy? Đặc biệt không thể tách rời cải cách, đổi mới giáo dục và đào tạo với xây dựng các giá trị mới trong xã hội, các cơ chế chính sách phát huy những giá trị mới này, vấn đề tuyển dụng người tài, những thể chế và luật pháp một xã hội văn minh, hiện đại đòi hỏi ...
-          Còn có thể nêu nhiều ý khác nữa, song theo tôi, hoàn toàn không thể lấy lý do thiếu tiền để trì hoãn việc cải cách hay đổi mới triệt để nền giáo dục và đào tạo ở nước ta. Chỉ riêng một việc tìm ra cách xử dụng hợp lý tổng chi hiện nay của toàn xã hội dành cho giáo dục (bao gồm cả đóng góp của bố mẹ học sinh), chúng ta đã có được nguồn lực rất lớn để nâng cấp và đổi mới triệt để nền giáo dục và đào tạo ở nước ta, nhờ đó có thể phát huy thế mạnh lớn nhất của đất nước là con người Việt Nam.


[133] Trong đời sống kinh, tế xã hội nước ta có hiện tượng nhiều khi sự phân hoá xã hội do bất công, do mất dân chủ, do vi phạm quyền làm chủ của sân, do đặc quyền đặc lợi lại gay gắt hơn nhiều so với sự phân hoá xã hội do giàu nghèo. Trong nghiên cứu không thể bỏ qua hiện tượng này.
[134] Tham khảo thêm nhận xét của Davìd S. Landes trong sách đã dẫn “Sự thịnh  vượng và nghèo khổ của các quốc gia”, trong đó Landes đặc biệt lưu đến những con đường khác nhau của các quốc gia trong quá trình đi lên nước công nghiệp phát triển.
[135] Xưa nay chúng ta nói về cách mạng dân tộc dân chủ với nội dung chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, giành lại quyền làm chủ đất nước. Phải chăng tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước ta với mục tiêu san lấp khoảng cách phát triển trong nền kinh tế mới của thế giới toàn cầu hoá đang đề ra cho dân tộc Việt Nam ta một cuộc cách mạng mới: Cuộc cách mạng phát triển dân tộc? Mục tiêu của cuộc cách mạng này là xây dựng và phát triển quyền làm chủ đất nước của nhân dân trên nền tảng xác lập sự đồng thuận dân tộc vững chắc, trong đó các mâu thuẫn giai cấp được xử lý theo yêu cầu xác lập và củng cố sự đồng thuận vững chắc đó, tất cả nhằm vào nâng cao chất lượng toàn diện con người Việt Nam và năng lực toàn xã hội, xây dựng thành công một nước Việt Nam hiện đại do dân làm chủ, sánh vai được với thiên hạ trong tình hình mới. Chính việc xây dựng và củng cố sự đồng thuận dân tộc như vậy là kim chỉ nam xử lý các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không có lý do gì sau khi đã giành lại được độc lập thống nhất rồi, thì lại phải bắt đầu tiến hành từ đầu cuộc đấu tranh giai cấp trong nội bộ dân tộc ta để thực hiện định hướng xã hội chủ nghiã rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Phải chăng đã có đủ thực tế để khẳng định: Đấy không phải là con đường dẫn tới định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cuộc cách mạng phát triển dân tộc là vấn đề khoa học và lý luận rất lớn, tôi mường tượng được nhưng chưa đủ sức với tới – từ xác lập những khung giá trị mới và xây dựng các thiết chế xã hội hiện đại, mở rộng khả năng tự trau giồi tri thức, nâng cao trí tuệ và kỹ năng nghiệp vụ, đổi mới tác phong lao động và có ý thức học tập suốt đời, có ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội, có khả năng hiệp đồng bên trong và thực hiện tốt hợp tác, cạnh tranh với bên ngoài, nâng cao năng lực làm chủ quá trình nền kinh tế tham gia hội nhập quốc tế... Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của “cuộc cách mạng để muộn”  - một trong những điều kiện tiên quyết để dân tộc Việt Nam ta giành thắng lợi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Không có lý do gì Đảng ta không trau giồi phẩm chất và khả năng để nắm lấy quyền lãnh đạo cuộc cách mạng phát triển dân tộc  mà đất nước đang đòi hỏi.
[136]  Viết tới đây tôi không thể không nhắc lại một ý kiến nghiêm túc của anh Hà Nghiệp: Phải lấy trí tuệ và khoa học của chủ nghĩa phục vụ lợi ích phát triển của đất nước, không thể phát triển đất nước để chứng minh cho chủ nghĩa!
[137]  
·       “...Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do... Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luônluôn được tự do bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được...” – Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945.
·       Hiến pháp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1946:
Ø       Điều 1: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo...
Ø       Điều 4: Mỗi công dân Việt Nam phải: - bảo vệ Tổ quốc, - tôn trọng Hiến pháp, - tuân theo pháp luật.
Ø       Điều 5: Công dân Việt Nam có nghĩa vụ phải đi lính.
Ø       Điều 6: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá.
Ø       Điều 7: Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình...
Ø       Điều 10: Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận, -Tự do xuất bản, - Tự do tổ chức và hội họp, - Tự do tín ngưỡng, - Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài...
Ø       Điều 12: Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm..
Ø       Điều 15: Nền sơ học cưỡng bách và không có học phí. ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình. Học trò nghèo được Chính phủ  giúp. Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước...
Ø       Điều 18: Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và mất công quyền. Người ứng cử phải là người có quyền bầu cử, phải ít ra là 21 tuổi, và phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ...
Ø       Điều 21: Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70...
Ø       Điều 30: Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của Nghị viện. Trong những trường hợp đặc biệt, Nghị viện có thể quyết nghị họp kín...
·       Không phải ngẫu nhiên những luật gia nổi tiếng như Phan Anh, Phan Mỹ, Nguyễn Ngọc Minh... (đã khuất) và Vũ Đình Hoè, Lưu Văn Đạt,.. đã có những công trình nghiên cứu, những bài viết, những ý kiến đánh giá rất cao hai văn kiện quan trọng này. Tham khảo thêm tài liệu nghiên cứu KX 05-07 “Bộ máy lập pháp, hành pháp, tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam”, Nguyễn Văn Thảo, 1999, đã công bố.
[138] Hiện nay đó đây trong một số tài liệu sách báo của nước ta vẫn còn sử dung khái niệm chuyên chính vô sản. Trong ki đó từ lâu khái niệm này trong các văn kiện chính thức cũng như trong phát biểu của lãnh đạo và giới học thuật Trung Quốc được thay thế bằng khái niệm chuyên chính của nhân dân. Tôi nghĩ rằng các bạn Trung Quốc đã thực hiện được một bước tiến mới trong tư duy nghiên cứu lý luận cách mạng. Tại nước ta, nếu đặt vấn đề xây dựng sự đồng thuận dân tộc với ý nghĩa trình bày trên, bao hàm cả yêu cầu lấy liên minh công nôngvà tri thức làm nền tảng, để thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn mình thì Đảng ta có trách nhiệm xác lập và lãnh đạo thực hiện chuyên chính của nhân dân
[139] Nếu bạn nghĩ thêm rằng ở nước ta hiện nay, sau 37 năm cố gắng thực hiện các chủ trương xoá đói giảm nghèo, vẫn còn khoảng 200 nghìn hộ với 1,2 triệu dân  sống du canh du cư (theo một tiêu chí khác thì những con số này là 350 nghìn hộ với 2,1 triệu dân – tham khảo báo Nhân Dân ngày 28-6-2000), có nơi - như ở xã Vĩnh Thành, Vĩnh Châu, Soóc Trăng... có các xóm mù – nghĩa là xóm có nhiều người mù, chủ yếu do đói nghèo và trình độ dân trí thấp (xem báo Lao Động ngày 16-6-2000)... - Một quốc gia như vậy mà dám tính đến chuyện mở rộng không gian kinh tế, tìm đường đi vào nền kinh tế tri thức?  - Xin thưa: Chính thực trạng này lại là một trong những nguyên nhân thúc bách nhất đặt ra đòi hỏi này, vì sự tồn tại và phát triển của đất nước - song phải có gan tính toán bắt đầu từ những bước đi thấp nhất, với lòng kiên trì “chân cứng đá mềm”, kết hợp với những bước đi táo bạo mà trí tuệ và phẩm chất.của dân tộc ta cho phép. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị vô cùng trọng đại dân tộc đặt lên vai Đảng ta, thử thách quyết liệt tính tiền phong chiến đấu của Đảng ta.


[140] Tuy nhiên đây không phải là lý do bàn trùn, trốn tránh nhiệm vụ vận dụng những thành quả khoa học và công nghệ mới có thể vận dụng được vào nông nghiệp nước ta trong suốt quá trình tiến hành CNH-HĐH.
[141] Một số cơ quan và một số nhà nghiên cứu nước ta có gần đây có khuynh hướng vận dụng những cách tính khác về thu nhập bình quân theo đầu người trong các nền kinh tế khác nhau trên thế giới. Dùng cac phương pháp khác nhau để tính toán, xem xét sự vật, là việc nên làm; nhưng để ru ngủ nhau thì hoàn toàn không nên làm – ví dụ như trong việc sử dụng cách tính toán theo PPP (purchaging power parity – chỉ số đo sức mua của dân trong một nền kinh tế), nhất là một khi nền kinh tế nước ta phải tham gia mạnh mẽ xuất khẩu.
[142] Dựa vào những quan điểm tiến bộ trong những công trình nghiên cứu thu thập được của các nhà kinh tế, các học giả..trên thế giới, anh Việt Phương đi tới kết luận: Điều đặc biệt quan trọng của vấn đề sở hữu đối với phát triển kinh tế – xã hội là phải tìm cách xử lý đúng đắn 3 nội dung cơ bản của sở hữu; đó là: Mục đích, quyền và nghĩa vụ của sở hữu. Hình thức sở hữu nào cũng có 3 nội dung cơ bản này, vấn đề đặt ra là phải có các chế định và chính sách khiến cho 3 nội dung này của bất kỳ hình thái sở hữu nào cuối cùng thực hiện tối ưu lợi ích phát triển của toàn xã hội. Tôi tán thành cách suy nghĩ này. Theo tôi, định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là khiên cưỡng xoá bỏ hay làm phình ra một hình thức sở hữu nào đó, mà là làm cho 3 nội dung cơ bản của mọi hình thái sở hữu thuộc mọi thành phần kinh tế đang tồn tại khách quan trong xã hội nước ta phục vụ hài hoà và tối ưu mục tiêu: dân giầu nước mạnh, xã hội công băng dân chủ và văn minh. Bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu này chính là nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng thông qua phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân. Sự hình thành, tồn tại, phát triển và mất đi của một hình thái sở hữu do các quy luật khách quan của quá trình phát triển kinh tế – xã hội chi phối. Thực tiễn 50 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải chăng cho thấy các việc làm khiên cưỡng xoá bỏ hay tạo ra một hình thái sở hữu nào đó đều không đem lại kết quả mong muốn. Chúng ta vẫn thường nói quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, nhưng trên thực tế điều này luôn luôn bị vi phạm, vi phạm nhiều nhất. Và đấy thường là nguyên nhân chủ yếu của nhiều khó khăn, sai lầm. Nội dung của đổi mới, suy cho cùng là tìm cách xử lý hài hoà và tối ưu 3 nội dung cơ bản của mọi hình thái sở hữu thuộc các thành phần kinh tế, nhằm vào thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh. Hiển nhiên trong những nỗ lực của đổi mới, Đảng và nhân dân ta đã giành được những thành tựu bước đầu mang ý nghĩa mở đường cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Với cách suy nghĩ như vậy, phải chăng thực chất của định hướng xã hội chủ nghĩa là Đảng ta lãnh đạo đất nước làm sao khiến cho của cải tạo ra được cho phân phối lại ngày càng dồi dào và được phân phối lại theo hướng thúc đảy xã hội phát triển – trung tâm là phát triển con người. Nghĩa là không thể dùng vấn đề sở hữu làm mục tiêu, làm thước đo hoặc thậm chí thước đo duy nhất cho định hướng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề sở hữu xin được xem xét thấu đáo, để khắc phục tình trạng chập chững, do dự hiện nay trong đổi mới, nhất là trong phát huy nền kinh tế nhiều thành phần...
[143] Tại các nước phát triển hầu như không một ai có thể thoái thác thuế thu nhập và thuế tài sản – kể cả thuế đánh vào tài sản thừa kế và quà biếu, cao nhất có khi lên tới 70-80% giá trị tài sản thừa kế hoặc hơn nữa. Ngoài ra còn có các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc phải mua – bên cạnh những khoản bảo hiểm mua hay không mua tuỳ theo sở thích. Tài sản của Bill Gates / Microsoft hiện nay trên 100 tỷ USD – làm nên trong vòng chưa đầy 30 năm từ gần như tay không. Theo T. Friedman, vừa qua Giang Trạch Dân đã tiếp Bill Gates hai lần tại Bắc Kinh nhưng mới một lần tiếp Bill Clinton. Có tin nói Bill Gates đã tuyên bố sẽ hiến trên 90% tài sản này cho xã hội, chỉ giữ phần còn lại rất nhỏ cho con mình. Một cử chỉ hào hiệp? Sự thật có thể là như vậy. Nhưng nếu đúng, trong sự thật này còn có một chút sự tính toán khôn ngoan: bởi vì nếu không hiến, thì sau khi ông ta chết, con hay các con ông ta cũng phải đóng thuế thừa kế tài sản có thể tới gần gần mức như vậy. Có thể đây còn là một cách làm marketing giỏi của Bill Gates.
[144] Ngân sách Hongkong chủ yếu chỉ dựa vào hai loại thuế đánh đồng loạt trong toàn lãnh thổ: thuế thu nhập 15%, thuế lợi tức 17,5%. Luật ngân sách của Hongkong quy định toàn bộ ngân sách của Hongkong chỉ được phép chiếm tối đa là 18% toàn bộ thu nhập của Hongkong.
[145] Sự minh bạch (transparency) – trước hết được hiểu là sự làm ăn rõ ràng, đúng luật pháp - và sự công khai hoá (have to be in the publicity, to be open) là hai vấn đề khác nhau và không nên lầm lẫn, càng không nên đồng nhất hai vấn đề này với nhau. Sự minh bạch là đòi hỏi có sự ràng buộc về pháp lý  đối với sở hữu. Song trong những trường hợp nhất định, sở hữu đòi hỏi phải có cả hai yếu tố minh bạch và công khai.
[146] Hiện nay cả nước có 55 nhà máy đường và khoảng 330.000 ha trồng mía, sản xuất đường  đạt khoảng 1 triệu tấn/năm – kể cả đường sản xuất thủ công, đem lại việc làm cho khoảng 1 triệu lao động – nhất là tại các vùng đất khó canh tác, có ý nghĩa to lớn đối nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo. Song vì nhiều nguyên nhân, bao gồm cả những tính toán vỹ mô còn chịu ảnh hưởng lối suy nghĩ của nền kinh tế khép kín (chưa lường hết những tác động của thị trường khu vực và quốc tế, những cam kết rồi đây sẽ phải thực hiện trong khung khổ AFTA, APEC, WTO...), cách suy nghĩ làm kinh tế theo phong trào, năng suất cây trồng và lượng đường trong mía nhìn chung thấp, còn nhiều yếu kém và tiêu cực.., khiến cho giá thành sản xuất đường trong cả nước hiện nay tính bình quân khoảng 4000-4800đ/kg, đắt hơn giá thị trường trong nước khoảng trên dưới 500 VNĐ/1kg (hoặc hơn nữa, vì có đường nhập lậu) và nhìn chung đắt hơn giá thị trường thế giới khoảng 30-40%. Trong 3 năm gần đây giá đường thế giới từ 390-400 USD/tấn sụt xuống còn 180-200USD tấn, đặt ra cho cả nước nhiều thách đố gay gắt. Phát triển sản xuất đường như vừa qua là một ví dụ điển hình cho thấy: Một chủ trương phát triển kinh tế dù đúng đắn trong pham vi mục tỉêu xoá đói giảm nghèo, nhưng còn nhiều yếu kém trong hoạch định quyết sách và trong thực thi, cũng có thể gây ra nhiều tai hoạ. Khắc phục thua lỗ trong sản xuất đường trở thành vấn đề nhạy cảm – vì liên quan đến khoảng 1 triệu nông dân trồng mía – và nan giải. Những yếu kém trong quá trình phát triển sản xuất đường những năm vừa qua còn cho thấy nhiều hệ quả tai hại khác nếu để cho các ý tưởng hay ý đồ phi kinh tế can thiệp vào kinh tế, làm kinh tế theo phong trào.., đòi hỏi phải được rút kinh nghiệm để tránh lặp lại – tham khảo thêm bài “Chung quanh cây mía và cân đường”, báo Nhân Dân ngày 19-6-2000. Trên bình diện kinh tế - xã hội, vấn đề “cây mía cân đường” cho thấy nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo ở nước ta gay go gian khổ như thế nào, đòi hỏi phải có những bước đi tính toán thấu đáo và lâu dài hơn. Tham khảo thêm Thời báo Kinh tế ngày 15-3-2000 và bài “Hậu mía đường ở Thừa Thiên – Huế, 1500 ha mía đang hoá củi”, báo Lao Động ngày 21-6-2000, tr. 3.
[147] Các nước OECD đưa ra định nghĩa: Nếu vốn FDI chiếm 10% của một doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó được coi là xí nghiệp liên doanh với nước ngoài. Điều này có nghĩa FDI chỉ cần chiếm 10% tổng vốn là đủ kiểm soát được xí nghiệp liên doanh, Đặt vấn đề theo một cách khác: Giả thử Nhà nước bằng tổng nguồn vốn hiện có của mình đưa được tỷ trọng ấy hoặc hơn thế chút ít vào các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở nước ta, triển vọng sẽ thế nào?
[148] Tham khảo “Xoá bỏ cơ chế chủ quản”, Nguyễn Trung, tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 2, Hà Nội tháng 4 năm 1994; “Vận dụng lợi thế so sánh để phát triển đất nước”, Nguyễn Trung, NXB Khoa học xã hội,  Hà Nội, 1999, tr. 64-71.
[149]  Trong số 230.000 DNNN (xí nghiệp công hữu) hiện có, quá 2/3 số đó là thua lỗ, Trung Quốc chủ trương sẽ cải cách triệt để và chỉ duy trì vài trăm đến 1000 DNNN lớn giữ vị trí chủ đạo của nền kinh tế, sẽ phải thực hiện những kế hoạch không lồ di chuyển, xa thải, đào tạo lai, bố trí việc làm mới cho hàng chục triệu lao động; hiện nay mỗi năm xử lý được khoảng 2 triệu lao động trong biên chế. Trung Quốc hiện này chủ trương lấy nỗ lực tối đa bên trong kết hợp với chủ động hội nhập quốc tế làm 2 động lực quyết định thúc đẩy quyết liệt quá trình cải cách DNNN (xí nghiệp công hữu).

Theo nhận thức hạn hẹp của  mình, tôi cho rằng: Quá trình cải cách ở Liên Xô cũ cực kỳ khó, con đường thực hiện chưa thể nói là đã được thiết kế chu đáo, ít nhiều có chuyện ăn sống nuốt tươi những quan điểm hay học thuyết nào đấy từ bên ngoài mà thiếu hẳn những kinh nghiệm tự tích luỹ lấy từ những bước đi thận trọng của chính mình. Quá trình thực hiện cải cách lại diễn ra hay buộc phải diễn ra quá nhanh, thiếu hẳn những chuẩn bị cần thiết -  trước hết là thiếu những cơ chế kinh tế, pháp lý, chính trị và xã hội ràng buộc đặt ra cho cải cách đối với vận mệnh chung của đất nước... Hơn nữa trong tình hình quan điểm chia năm xẻ bẩy ở Liên Xô lúc bấy giờ , “sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay!”; nhận thức của bất kỳ phe nhóm nào – trong sáng hoặc không trong sáng - cũng khó với tới đúng tầm của vấn đề, do đó dứt khoát không thể có sự chuẩn bị đáng mong muốn, mà quả trình sụp đổ kinh tế - xã hội và hệ thống chính trị lại ập tới quá nhanh, Liên Xô không cải cách không được. Tôi không nghĩ rằng những người cải cách ở Liên Xô cũ, dù thuộc nhóm “sư” nào hay “vãi” nào, muốn bán đứng tổ quốc mình, nhưng  đúng là tình hình đã quá chín muồi và lực bất tòng tâm! Lại thêm sự phản bội của một dúm phần tử cơ hội chính trị trong nước, cùng với những tác động thù địch từ bên ngoài, đã tạo ra những cú hích cuối cùng nhưng quyết định, đẩy Liên Xô vĩ đại xuống vực thẳm. Có lẽ chính bối cảnh bi kịch này trên thực tế làm cho cải cách gần như biến thành một sự ăn cướp tài sản của Nhà nước Xô viết, xoá bỏ nhiều thành tựu xã hội quan trọng, và trên hết cả là xoá sổ Liên Bang Cộng Hoà Xô Viết Xã Hội Chủ Nghĩa – thành trì của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, thành trì của hòa bình và phong trào cách mạng thế giới...Hệ quả là hệ thống chính trị cũ sụp đổ nhường chỗ cho trạng thái vô chính phủ, hệ thống cần phải có thì không hay chưa dựng lên được, gần như trong một đêm các tập đoàn tư bản ít nhiều mang tính chất mafia mọc lên như nấm, vượt  khỏi khả năng kiểm soát của chính phủ và hầu như rũ bỏ mọi trách nhiệm đối vơí biết bao nhiêu vấn đề kinh tế – xã hội nóng bỏng, thuận tay thì cướp bóc thêm... Tuy nhiên, sẽ không có sự cáo chung của lịch sử như một số người có quan điểm chống cộng khét tiếng rêu rao đâu! Nước Nga vĩ đại, và cùng với nước Nga là các thành viên trong SNG, sẽ viết tiếp những trang sử mới của mình. Tôi cũng không nghĩ đến việc oán trách, dậy khôn hay lên án bất kỳ người cải cách nào ở Liên Xô cũ, vì tôi không muốn và không có tư cách gì để làm việc này. Tôi cũng tin răng lịch sử và nhân dân các nước SNG sẽ có tiếng nói cuối cùng với những kẻ phản bội chống lại tổ quốc họ. Nhưng điều day dứt tôi là: Cải cách thì không đừng được, nhưng phải cải cách thế nào để cải cách nhất thiết phải trở thành một quá trình phát triển lành mạnh - đây là điều cực kỳ hệ trọng, để cải cách giành thắng lợi cho đất nước, cho lý tưởng cao đẹp: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh!  Cải cách có thể, thậm chí rất cần phải năng động, nhưng không bao giờ đồng nghĩa với hỗn loạn (chaos). Day dứt trong tôi phải tổng kết những kinh nghiệm của bản thân sự nghiệp đổi mới ở nước ta và kinh  nghiệm của thế giới chính vì thế càng day dứt. Xin nói lên điều này để góp sức vào mọi cố gắng muốn đoạn tuyệt với sự lười biếng, ngu dốt và lối tư duy khoa trương.– nhất là phải bằng mọi giá tránh cho kỳ được bi kịch “Lực bất tòng tâm!” lúc nào cũng rình mò đất nước ta. Cải cách phải có một Đảng vững vàng tiên tiến lãnh đạo, phát huy được trí tuệ và sự đồng thuận của cả nước, chính là vì những lẽ này. Thêm một lý lẽ nữa nói lên tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của nhiệm vụ xây dựng Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước!
[150] Từ những thập kỷ 1970 và 1980, tổ chức UNIDO và nhiều viện nghiên cứu của các nước công nghiệp phát triển đã đưa ra kết luận 1 đồng vốn trong doanh nghiệp tư nhân sử dụng có hiệu quả bằng 1,3 đồng vốn trong các công ty do nhà nước sở hữu. Khi tướng Charges de Gaulle lên cầm quyền ở Pháp, ông ta đã quốc hữu hoá một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp lớn, với hy vọng tạo ra một số tập đoàn mạnh nhằm đẩy nền kinh tế đuổi kịp Tây Đức lúc bấy giờ, nhưng ngay trong cuối nhiệm kỳ của ông ta, kế hoạch này phải huỷ bỏ, vì thua lỗ. Các nhà kinh tế phương Tây thừa nhận chưa có cách nào giải bài toán 1=1,3.
[151] Xin hãy quan sát hiện tượng sáp nhập xuyên lục địa giữa các công ty xuyên quốc gia (TNCs), hợp nhất giữa các TNCs khổng lồ..; xin hãy quan sát hiện tượng thương mại điện tử liên kết trong phạm vi nhiều châu lục nhiều ngành nhiều hãng trong việc sản xuất không có kho và cung ứng sản phẩm hay dịch vụ cho bất kỳ nơi nào trên trái đất... (tham khảo thêm bài “Nền kinh tế mới toàn cầu hoá, cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển” của Trần Quốc Hùng. Tôi không nghĩ các mô hình tổng công ty 90 và 91 có thể đảm đương yêu cầu tạo sức mạnh tổng hợp này.

Nhân đây xin giới thiệu 2 ý kiến quan trọng của Engels để chúng ta tham khảo cho việc phát triển nền kinh tế nhiểu thành phần:

...Thắng lợi của CNXH ở các nước phát triển “mang lại một sức mạnh to lớn  và một tấm gương khả dĩ khiến cho các nước nửa văn minh hướng theo chúng ta. Nhưng các nước đó sẽ phải trải qua những giai đoạn chính trị và xã hội nào trước khi đạt tới tổ chức xã hội chủ nghĩa, tôi nghĩ rằng điều đó  chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết khá  mơ hồ mà thôi...”
Thư của Engels ngày 13-9-1892 gửi Kauski, Marx-Engels toàn tập, NXB BCT Mascơva, tập 38, tr. 108, tiếng Nga.

                ”Cuộc cách mạng mà chủ nghĩa xã hội cố gắng thực hiện thì nói một cách vắn tắt là sự chiến thắng của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản và sự thiết lập một tổ chức xã hội mới bằng cách xoá bỏ sự phân biệt về giai cấp. Điều này đòi hỏi  phải có không những giai cấp vô sản là giai cáp tiến hành cuộc cách mạng đó, mà còn phải có giai cấp tư sản là giai cấp nắm được những lực lượng sản xuất của xã hội dã phát triển đến một trình độ đủ để có thể vĩnh viễn xoá bỏ sự phân biệt giai cấp... ...Chỉ có một trình độ nào đó của lực lượng sản xuất xã hội, mà trình độ ấy  đối với những điều kiện hiện đại của chũng ta vẫn còn là một trình độ rất cao, thì mới có thể nâng cao sản xuất tới một mức độ mà việc thủ tiêu mọi sự phân chia giai cấp có thể trở thành một bước tiến thật sự, tồn tại vững chắc, mà không đưa đến sự suy sụp phương thức sản xuất xã hội. Nhưng chỉ có ở trong tay giai cấp tư sản thì lực lượng sản xuất nới đạt đến trình độ đó.
                Do đó cả về mặt này, giai cấp tư sản cũng là một điều kiện tiên quyết cần thiết của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa như bản thân giai cấp vô sản, cho nên người nào đó nói rằng cuộc cách mạng đó có thể tiến hành dễ dàng hơn trong một nước mà ở đó mặc dù không có giai cấp vô sản, cũng vì vậy không có giai cấp tư sản, thì chỉ chứng tỏ là người đó còn cần phải học những điều a. b. c. về chủ nghĩa xã hội.”
                                         Trích từ: “Bàn về những quan hệ xã hội ở Nga” (Đay-rích 1874)

[152] Gần đây giới lý luận Trung Quốc viết nhiều cuốn sách quan trọng về tình hình và những vấn đề trong cải cách hành chính ở Trung Quốc, một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo màu sắc Trung Quốc; trong đó có những cuốn đáng chú ý như: “Cuộc cách mạng lần thứ 7” nói về cải cách chính phủ Trung Quốc, tác giả Lưu Trí Phương, NXB Nhật Báo Kinh Tế, Băc Kinh 1998, cuốn “Cải cách Chính phủ, cơn lốc cuối thế kỷ 20”, nhiều tác giả, chủ biên: Tinh Tinh, NXB Quản lý kinh tế, Bắc Kinh, 1998...  Cuốn sách của Tinh Tinh mở đầu với những trích dẫn:
-          lời của Đặng Tiểu Bình: “...Tình trạng này (những yếu kém trong nền hành chính Trung Quốc- N.T.) khó có thể tiếp tục kéo dài, quả thật đã đến mức không thể chấp nhận được nữa, nhân dân cũng không thể chấp nhận được, Đảng ta cũng không thể chấp nhận được...” 
-          Lời của Giang Trạch Dân:  “...Bộ máy phình to, biên chế cồng kềnh, chính quyền không tách khỏi xí nghiệp, quan liêu nghiêm trọng, cản trở trực tiếp đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến quan hệ giữa Đảng và nhân dân.”
-          Trả lời phỏng vấn của Chu Dung cơ về cải cách hành chính:  “...Bất chấp phía trước là những bãi mìn và vực thẳm, tôi cũng sẽ tiến bước, việc nghĩa không chần chừ, cúc cung tận tuỵ, cho dù có phải chết...”
Đấy là những sách rất đáng dịch ra tiếng Việt để bạn đọc rộng rãi tham khảo. Có thể nói cải cách hành chính ở Trung Quốc tiến hành quyết liệt hơn ở nước ta rất nhỉều, khó như húc đầu vào đá, nhưng đây là nhiệm vụ không thể trốn tránh.
[153] Từ Đại Hội VI Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình để cho bộ máy Đảng, Nhà nước và đoàn thể bị quan liêu hoá, tha hoá và ngày càng phình to lên mãi. Đại hội VI nhấn mạnh phải đổi mới toàn diện, lấy đổi mới kinh tế làm trung tâm; tuy chưa đi sâu vào đổi mới chính trị, nhưng nhấn mạnh đổi mới Đảng có ý nghĩa quyết định toàn bộ công cuộc đổi mới, nhấn mạnh vai trò làm chủ của nhân dân với quan điểm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra – Tham khảo “Báo cáo Chính trị” của Đại hội VI (1986).
[154] Đây là một vấn đề lớn, cần có những công trình nghiên cứu riêng công phu. Trong thực tiễn cách mạng nước ta, đã có nhiều thời kỳ Đảng ta thực hiện sáng tạo, xuất sắc yêu cầu Đảng lãnh đạo toàn diện, tiêu biểu nhất là thời kỳ Tổng khởi nghĩa tiến hành Cách mạng Tháng Tám, các cuộc kháng chiến cứu nước, những kinh nghiệm trong tiến hành công cuộc đổi mới. Xin đừng bỏ phí kho tàng kinh nghiệm cực kỳ quan trọng và vô cùng phong phú này. Muốn chống tha hoá Đảng có hiệu quả, Đảng ta càng phải chuyển mạnh từ “nắm toàn diện, nắm trực tiếp” sang lãnh đạo toàn diện. Nói cho nghiêm khắc: Phải từ nắm toàn diện, nắm trực tiếp” quay trở lại lãnh đạo toàn diện – yêu cầu này đòi hỏi Đảng ta phải có phẩm chất và năng lực cách mạng cao hơn nhiều, làm cho cách mạng trở thành sự nghiệp của nhân dân trong thời kỳ xây dựng phát triển đất nước.
[155] Có nhiều cách thực hiện yêu cầu này, ví dụ bước khởi thuỷ có thể là xác lập tình trạng hiện thời để xác lập trật tự trong vấn đề sở hữu, rồi từ đó tính toán các bước tiếp theo đúng với tinh thần xử lý hài hoà 3 nội dung cốt lõi của sở hữu, gắn bảo hộ sở hữu với thực hiện nghĩa vụ đối với tiến bộ xã hội...
[156] Nếu chúng ta thử so sánh chế độ kiểm soát thu nhập cá nhân của bất kỳ nước phát triển nàoz với sự kiểm soát như vậy ở nước ta, sẽ thấy ngay sự khác biệt khó tưởng tượng. Đã có người nước ngoài châm biếm: Việt Nam các anh tự do hơn nước chúng tôi, chi tiêu tiền mặt thoải mái, trốn thuế dễ dàng, thu nhập và tài sản không phải khai báo...
[157] “Khoán 100”,  theo chỉ thị 100/CT-TW ngày 13-1-1981 theo tinh thần của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thư 6 khoá IV họp tháng 8-1979. “Kế hoạch 3 phần” trong DNNN theo  quyết định 25/CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ.
[158] Xin lưu ý hiện nay các nước phát triển, trước hết là Mỹ, đang cần thuê ngay hàng chục vạn người viết phần mềm tin học phục vụ cho những yêu cầu trong nền kinh tế của họ. Yêu cầu này đang tăng với tốc độ chóng mặt trong nền kinh tế mới... Singapore, Đức... cũng vậy...
[159] Hiện nay hàng thủ công mỹ nghệ của ta xuất đi 40 nước, kim ngạch hàng năm đạt khoảng trên 100 triệu USD và còn nhiều tiềm năng tăng nhiều hơn nữa, song phải cạnh tranh rất gay gắt; ví dụ: cách đây 10 năm, giá một con voi sứ xuất khẩu là 10 USD, bây giờ là 3 USD. Duy trì mặt hàng xuất khẩu này là vạn bất đắc dỹ, nhưng cần thiết và phải được hỗ trợ, vì lao động nhàn rỗi không thể ngồi không chờ việc.
[160] Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ các cơ chế chính sách (dù còn mang tính chất thí điểm) phát triển kinh tế các tỉnh biên giới, các khu kinh tế cửa khẩu.., bộ mặt kinh tế – xã hội các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh... thay đổi đáng kể, an ninh được tăng cường, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
[161] Tham khảo tác phẩm Ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte, Karl Marx, toàn tập, Hà Nội, NXB Sự Thật.
[162] MIA= Missing in Action, nói nôm na là việc tìm kiếm các lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam.
[163] “...Cưỡng hiếp, tra tấn, những làng xóm bị đốt, những đứa trẻ bị làm mục tiêu ngắm bắn, những chiếc tai người Việt Nam còn sống hay đã bị giết đổi lấy các lon bia, những tù nhân bị quẳng xuống từ máy bay lên thẳng...” Đấy là những hình ảnh, những lời thú nhận của 125 lính Mỹ ngực đầy huân chương, vì không chịu nổi sự cắn dứt lương tâm của chính mình, nên đã tự họp lại với nhau tại Detroit tháng 2 năm 1971, để tự thú về những hành động man rợ của mình trước các ống kính và những người làm phim – có 36 giờ phim như  thế, trong đó tổng hợp nhất là bộ phim “Winter Soldier” (người lính mùa đông)... Nhân dịp 30-4-2000, những tư liệu bị giấu diếm này bây giờ được công bố ở Mỹ! Nhân đây xin nhắc đến một vài số liệu của nước ngoài, kể cả của Mỹ, đã được công bố: Cuộc chiến tranh của Mỹ  giết chết khoảng 3 triệu người Việt Nam , khoảng 12% diện tích  vùng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam bị giải chất độc màu da cam dioxin; khoảng 3 triệu lính Mỹ lần lượt thay nhau tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam – số quân Mỹ tham chiến thời kỳ 1967-1972 vượt quá nửa triệu;  tổng số bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh Việt Nam thời kỳ 1964-1972 gần 15 triệu tấn = gấp đôi tổng số bom đạn Mỹ dùng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nghĩa là: trong cuộc chiến tranh Việt Nam mỗi lính phía Mỹ Nguỵ sử dụng số đạn dược gấp 3 lần chiến tranh Triều Tiên và gấp 26 lần chiến tranh Thế giới II; để tiến hành cuộc chiến tranh này Mỹ đã chi ước khoảng 300 – 350 tỷ USD; vào thời điểm 1972-1973 tỷ lệ số người ở Mỹ chống lại cuộc chiến tranh Việt Nam là 2/1; cũng vào thời điểm này  trong Quốc hội Mỹ phe chống đối kéo dài chiến tranh Việt Nam là trở lực phe hiếu chiến không thể vượt qua được – nguyên nhân sâu xa nhất của vụ scandale Watergate mà tổng thống Nixon phải ra đi.
[164] Hai tháng sau khi tôi viết xong cuốn sách này, ngày 14-6-2000 cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều kết thúc bằng Tuyên bố chung 5 điểm của Kim Chơng Y và Kim Dae-jung, nhằm tiến tới thống nhất đất nước một cách độc lập  - chỉ có thể được hiểu là loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài.. Nối tiếp những diễn biến sâu sắc trong quan hệ quốc tế từ 1/4 thế kỷ vừa qua, những chuyển biến quan trọng trên thế giới góp phần không nhỏ vào sự kiện này. Đồng thời sự kiện này làm cho bàn cờ thế giới tiếp tục thay đổi, làm cho thủ đô nhiều cường quốc rung chuyển và không ít người ngỡ ngàng, phong trào đòi rút lính Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên lại dấy lên mạnh. Người thắng cuộc lớn nhất là dân tộc Triều Tiên và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Trên bình diện quốc tế, sự kiện này dựng lên một cột mốc mới đánh dấu xu thế không thể đảo ngược và những tác động toàn diện, sâu sắc của quá trình toàn cầu hoá. Trong đó, phát huy sức mạnh dân tộc vừa có những triển vọng trước đây chưa thể có, vừa trở thành điều kiện sống còn đối với các nước đang phát triển. Trên bình diện quốc gia, sự kiện này thêm một lần nữa chứng minh trong quan hệ quốc tế khả năng vỹ đại và bất khả kháng khi nhận thức về lợi ích dân tộc trở thành động lực cho mọi quyết sách. Là một đất nước, một dân tộc đã từng bị chia cắt, thiết nghĩ chúng ta có thể là những người thông cảm sâu sắc sự phát triển này và, từ đáy lòng mình, chúng ta chia vui với nhân dân hai miền Triều Tiên. Xin chúc cho Bản tuyên bố chung 5 điểm còn nhiều bước đi tiếp theo trên con đường còn nhiều gian truân vì sự nghiệp thống nhất đất nước mà dân tộc Triều Tiên quyết tâm lựa chọn. Ngày 13-07-2000, nghĩa là 3 tháng sau khi tôi viết xong bản thảo cuốn sách này, Hiệp định thương mại Việt Mỹ được ký kết. Xin được nói về sự kiện này vào một dịp khác.

[165]  Câu thơ của Xuân Diệu “Yêu là chết ở trong lòng một ít...”  có lẽ mượn từ ý này, hay là ý của hai nhà thơ lớn gặp nhau – mặc dù họ đứng cách nhau một thế kỷ?.
[166] Những “tri thức” ta biết được, nhưng không được đưa vào ứng dụng, không hành động, thì chỉ là thông tin, hoặc chỉ có giá trị như thông tin. Đây là sự phân biệt quan trọng nhất giữa thông tintri thức. Cũng như mọi nền kinh tế khác, nền kinh tế tri thức đòi hỏi và sản sinh ra thượng tầng kiến trúc riêng của nó với mọi mối quan hệ nhân quả và biện chứng. So với tất cả mọi thời kỳ phát triển trước đó của xã hội loài người, quá trình kién tạo thượng tầng kiến trúc của nền kinh tế tri thức phức tạp hơn nhiều – trước hết vì nó liên quan mật thiết hơn đến từng con người, đòi hỏi nhiều cố gắng tự giác hơn của từng con người, đòi hỏi có những thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội và các giá trị văn hoá thúc đẩy những cố gắng này của từng con người. Quá trình kiến tạo này có lẽ làm đảo lộn nhiều nhất những tư duy và những giá trị sẵn có và sáng tạo ra nhiều nhất những tư duy và giá trị mới. Quá trình kiến tạo thượng tầng kiến trúc này chật vật hơn nhiều so với quá trình hình thành nền kinh tế tri thức.Đây là điều cần được nhận thức sâu sắc trong đẩy mạnh công cuộc đổi mới hiện nay.
[167] Một số học giả phương Tây, tiêu biểu là Francis Fukuyama, cho rằng chế độ cộng sản tại các nước Liên Xô Đông Âu cũ đã sụp đổ, chủ nghĩa tư bản ngày càng hoàn thiện và chứng minh sức sống của nó; toàn cầu hóa, xã hội công dân và mô hình quản trị tốt là 3 yếu tố sẽ tạo ra hình thái xã hội cao nhất của loài người. Trên cơ sở này họ dự báo sự cáo chung của lịch sử. Nhưng theo tôi, có một thực tế khách quan không thể phủ nhận được là: Sự tiến bộ của xã hội loài người -  thể hiện tiêu biểu và tập trung trong sự tiến bộ của lực lượng sản xuất - đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra theo hướng xã hội hoá ngày càng cao như Marx đã nhận định. Nhận định này chính là một trong những tiền đề quan trọng nhất của Marx về nhận thức sự tiến triển của hình thái xã hội qua các giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử loài người. Vì thế tôi hiểu rằng: Dự báo và sự phác hoạ của Marx về chủ nghĩa cộng sản trước hết dựa trên nhận thức này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét