Đánh đánh – đàm đàm, giương Đông kích Tây
Tiểu xảo ngoại giao cổ truyền của đại Trung Hoa
Nguyễn
Trung
Giữa lúc dư luận thế giới quan tâm và lên tiếng mạnh mẽ phê phán Trung Quốc
chung quanh sự kiện giàn khoan HD 981 cắm sâu vào thềm lục địa và vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam, dư luận thế giới cũng không quên cảnh báo việc
Trung Quốc đang ráo riết tiếp tục thực hiện các dự án có trị giá nhiều tỷ USD
để xây dựng các căn cứ quân sự nổi trên các bãi đá ngầm Gạc Ma và Chữ Thập
của Việt Nam mà Trung Quốc đã đánh chiếm năm 1988, để sẽ hình thành một hệ
thống các căn cứ quân sự nổi trên Biển Đông, lì lợm đẩy tới việc thực hiện
“cái lưỡi bò” chiếm gần hết diện tích Biển Đông.
Nhìn lại hành động của Trung Quốc trên Biển Đông những năm gần đây, ai cũng
thấy những bước đi ầm ỹ, rất hiếu chiến và đe dọa xâm lược của Trung Quốc
trên biển Hoa Đông trong tranh chấp với Nhật, rồi đến việc thiết lập vùng
nhận dạng phòng không (ADIZ) tại vùng Bắc Biển Đông. Song về nhiều mặt những
bước đi này đồng thời nhằm tạo thế cho Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh việc
bành trướng trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông, cụ thể là những hoạt động
tiếp tục lấn chiếm vùng Scarborough của Philippines, giờ đây là sự kiện giàn
khoan HD 981 và việc ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi
đã ngầm ở Trường Sa của Việt Nam như đã trình bầy trên. Đây là những bước đi
của Trung Quốc có tính toán kỹ lưỡng, vừa nhằm phân tán sự chú ý của dư luận,
phô trương thanh thế để uy hiếp các nước trong khu vực, nhưng đồng thời vừa
tranh thủ đi những bước xa hơn trong vùng Đông Nam Á của Biển Đông để tận
dụng lợi thế có sức mạnh quân sự áp đảo tại chỗ của Trung Quốc.
Song song với những hành động quân sự trắng trợn và được thực hiện có hệ
thống như vậy tại nhiều nơi trên Biển Đông, ông Tập Cận Bình tuyên bố thẳng
thừng Trung Quốc không nhân nhượng, trong khi đó ngoại giao Trung Quốc ra sức
xuyên tạc sự thật và vu cáo các hoạt động hòa bình bảo vệ chủ quyền của phía
Việt Nam.
Có thể nói kể từ sau vụ đánh chiếm 7 đảo và bãi đá của
Việt Nam ở Trường Sa năm 1988, sự uy hiếp của Trung Quốc hiện nay đối với
Việt Nam trên Biển Đông đang leo thang ở mức cao nhất, bất chấp thỏa thuận
cấp cao Việt – Trung (Trương Tấn Sang – Tập Cận Bình) ngày 21-06-2013,
trong đó ghi rõ: “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt
điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức
tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm
soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các
vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến
đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai
bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của
các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển
Đông.”
Những sự việc trên một lần nữa tái khẳng định thực
tiễn ngoại giao truyền thống của đại Trung Hoa “đánh đánh – đàm đàm, giương
Đông kích Tây”, nói một đằng làm một nẻo, tận dụng mọi quyền lực và cơ hội,
chỉ để thực hiện nhất quán trước sau mục tiêu chiến lược bành trướng. Việt
Nam đã được nếm đủ cay đắng của thứ ngoại giao này của Trung Quốc suốt từ
cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tháng 2-1979 cho đến hôm nay.
Cũng xin đừng quên: Tuyên bố chung cấp cao 21-06-2013
nêu trên thật ra chỉ là một trong nhiều cam kết đầu lưỡi mà phía Trung Quốc
đã không dưới một lần dành cho phía Việt Nam trong các cuộc hội đàm cấp cao
như vậy kể từ Thành Đô 1990. Có bao nhiêu tuyên bố cấp cao như thế thì có
bằng nấy lời nói đường mật chỉ để gây hỏa mù. Nhân đây cũng phải nhắc lại,
quan hệ hợp tác hữu nghị với 4 tốt và 16 chữ vàng từ Hội nghị
Thành Đô 1990 để bình thường hóa quan hệ hai nước sau chiến tranh đã dẫn tới
kết cục hôm nay. Không thể nói quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cơ bản là tốt
đẹp như tướng Phùng Quang Thanh phát biểu và làm cho dư luận trong nước cũng
như trên thế giới sững sờ.
Không phải ngẫu nhiên nhiều thức giả Việt Nam, trong
đó có Nguyễn Khắc Mai và Nguyên Ngọc, đã lên tiếng cảnh báo: Đừng để cho sự
kiện giàn khoan HD 981 che khuất các căn cứ quân sự nổi của Trung Quốc đang
hình thành ở bãi đá Gạc Ma, ở bãi đá Chữ Thập; đừng để cho một cử chỉ lừa mị
nào của phía Trung Quốc có thể dấy lên ý nghĩ cầu xin kẻ xâm lược trả lại
những gì đã bị chiếm. Càng không thể đánh đổi độc lập và chủ quyền quốc gia
lấy thứ quan hệ hòa hiếu viễn vông!
Kinh nghiệm thất bại vô cùng đau đớn trong quan hệ
ngoại giao với Trung Quốc từ Thành Đô đến nay là đảng và nhà nước đã bưng bít
nhân dân ta sự thật về quan hệ giữa hai nước, qua đó phía ta luôn phải đàm
phán với Trung Quốc trên thế yếu và không tranh thủ được sự hậu thuẫn không
thể thiếu của nhân dân, dẫn tới nhiều thất bại trong thực hiện các thỏa
thuận.
Thực tế cũng chỉ ra mọi hứa hẹn tốt đẹp của phía Trung
Quốc về phát triển quan hệ 2 nước chỉ là lời nói suông, mọi thỏa thuận ngoại
giao bí mật chẳng những là vô nghĩa mà còn gây ra nhiều tác hại nhiều chiều
và rất nguy hiểm cho nước ta. Cho đến nay, bất kể một bố thí hòa hoãn nào của
phía Trung Quốc cũng đều chung một mục đích chuẩn bị cho bước leo thang cao
hơn trong lấn chiếm lãnh thổ và xâm phạm chủ quyền của nước ta, không có một
ngoại lệ.
Quan hệ hai nước Việt – Trung chỉ thừa nhận một sự
thật duy nhất: Việt Nam có bản lĩnh đến đâu thì bảo vệ được chủ quyền của
mình và phát triển được quan hệ bình thường đến đấy, chẳng có quà tặng nào
của lòng tốt dành cho ta cả. Kinh nghiệm còn luôn luôn thẳng thắn chỉ ra: Ta
càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới, ta không có cách gì thỏa mãn được
đòi hỏi của bành trướng.
Việt Nam tất nhiên mong muốn hòa bình, hợp tác, hữu
nghị với Trung Quốc. Đây là đòi hỏi bất di bất dịch. Song cuộc sống đến nay
cho thấy mong muốn này chỉ có thể trở thành hiện thực cho một Việt Nam có gan
bảo vệ độc lập chủ quyền và phẩm giá của mình. Lịch sử Việt Nam cũng cho thấy
chưa một Lê Chiêu Thống hay Trần Ích Tắc nào có thể làm dịu được khát vọng bá
quyền của Trung Quốc.
Tình hình leo thang bành trướng của Trung Quốc trên
Biển Đông đặt ra cho nước ta ngày càng nhiều thách thức nguy hiểm, nhất thiết
mọi bước đi trên mặt trận đối ngoại phải kiên định lập trường bảo vệ độc lập
chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, phải có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của
toàn dân, phải góp phần vào tranh thủ sự liên kết tự vệ chung của các nước
hữu quan trong khu vực, cùng nhau ngăn chặn khát vọng “lưỡi bò” của Trung
Quốc.
Khát vọng bành trướng của Trung Quốc để trở thành siêu
cường, để vươn lên làm đế chế đại dương, đang thách thức nghiêm trọng hòa
bình và an ninh trong khu vực, uy hiếp con đường giao lưu hàng hải huyết mạch
của thế giới. Vì lẽ này Trung Quốc bành trướng đang trở thành vấn đề của cả
thế giới. Thực tế này đặt ra cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt
Nam, phải cùng nhau nỗ lực có được đối sách thỏa đáng giữ Trung Quốc trong
quỹ đạo phát triển chung của cả thế giới. Các nước trên thế giới chia sẻ cách
nhìn này, chắc chắn nỗ lực chung đáng mong đợi này sẽ trở thành hiện thực./.
Hà Nội, ngày 10-06-2014
Tác giả gửi cho viet-studies
ngày 10-6-14
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét