Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Nguyễn Trung     
Hà Nội, ngày 07-12-2015

         
Kính gửi

-         Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng,
-         Toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị  nhiệm kỳ khóa XI

Đồng kính gửi
-         Đồng chí Trần Quốc Vượng – Bí thư Trung ương ĐCSVN, Chánh văn phòng Trung ương Đảng, (xin nhờ chuyển giùm thư này đến Tổng bí thư và toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI)


Kính thưa các Đồng chí,

Ngày 07-10-2015 anh Trần Việt Phương, anh Trần Đức Nguyên và tôi đã gửi thư đến các Đồng chí, đề nghị được trình bầy trực tiếp những suy nghĩ trăn trở của chúng tôi về đất nước nhân dịp Đại hội XII sắp tới của Đảng.

Đến hôm nay thư không được trả lời. Tôi hiểu là đề nghị của chúng tôi không được chấp thuận.

Không muốn mắc tội đánh trống bỏ dùi, cá nhân tôi viết thư này gửi đến các Đồng chí, cố tóm tắt những suy nghĩ chính, dự kiến sẽ trình bầy trực tiếp với các Đồng chí trong cuộc gặp không có này.

Tôi cố nhìn thẳng vào sự thật, nói lên trong thư này suy nghĩ của riêng mình về trách nhiệm lịch sử của Đại hội XII trước đất nước và trước Đảng. Tuy nhiên, mệnh nước không cho phép viết hết ra trên giấy những điều phải nói, người đọc cần tự ngẫm nghĩ.


Trách nhiệm lịch sử của Đại hội XII



1.   Sau chặng đường 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên, với tất cả thành tựu to lớn đạt được, đất nước ta buộc phải thay đổi toàn diện để chuyển lên một giai đoạn phát triển mới trong tình hình phải đối phó với nhiều thách thức đối nội và đối ngoại mang tính mất / còn, vì cục diện thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Đất nước đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử.

-      Nếu Đảng làm chủ được tình hình và vượt qua được mọi thử thách, chẳng những sẽ bảo toàn được thành quả đất nước đã giành được, mà còn mở ra cho đất nước một thời kỳ phát triển mới vẻ vang với tính cách là một quốc gia có vị thế là một nhân tố quyết định tại khu vực trong cục diện quốc tế mới; và đồng thời qua đó Đảng sẽ tự giải phóng được chính mình thoát khỏi sự tha hóa đã tới mức biến Đảng ngày càng trở thành yếu tố đối kháng trực tiếp với sự nghiêp phát triển của quốc gia, để thay đổi chính mình trở thành Đảng của dân tộc.
-      Phát huy ý chí dân tộc với tinh thần dân chủ và hòa giải – đoàn kết dân tộc là con đường duy nhất tạo ra sức mạnh bất khả kháng của đất nước trong tình hình và nhiệm vụ mới, để giải quyết thành công những thách thức và mở ra thời kỳ đưa nước ta vươn lên trở thành nước phát triển. Đây cũng chính là con đường giúp Đảng thay đổi toàn diện bản thân mình, phấn đấu đi tiên phong, để trở thành lực lượng chính trị lãnh đạo quốc gia.  
-      Không quyết định được như nói trên tại Đại hội XII này để hành động, Đảng trên đà tha hóa hiện nay sẽ chẳng những ngày càng đánh mất bản chất cách mạng của mình, mà sẽ còn đi sâu nữa vào con đường tội lỗi với nhiều tổn thất mới cho đất nước, qua đó sẽ tự chính tay mình từng bước đẩy đất nước vào hiểm họa nồi da xáo thịt mới, biến đất nước thành con mồi cho bành trướng Trung Quốc cũng như cho sự giằng xé giữa các nước lớn. Đây còn là con đường tất yếu sớm muộn sẽ dẫn đến sự diệt vong của Đảng.

2.   Đối với nước ta, điểm nguy hiểm nhất của cục diện thế giới hiện tại là sự xuất hiện chiến tranh lạnh mới (chiến tranh lạnh II) giữa các nước lớn, giữa các tập hợp của các thế lực lớn; đặc biệt là liên minh Nga – Trung đang tạo ra nhiều hệ lụy nguy hiểm rất khó lường… Chiến tranh lạnh II đã và đang lan ra ở mọi phạm vi quốc tế hoặc khu vực và liên khu vực, diễn ra dưới dạng các mâu thuẫn đối kháng song phương hoặc đa phương... Chiến tranh lạnh I (xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới II) chủ yếu được dẫn dắt bởi xung đột ý thức hệ. Trong khi đó chiến tranh lạnh II hiện nay có những động lực rất đa dạng và trở nên đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh kinh tế, chính trị quốc tế hiện tại, nạn nhân luôn luôn là các nước nhỏ có liên quan, trong đó có Việt Nam.

Đáng chú ý:  

-      Chiến tranh lạnh hiện nay “nóng” hơn trước, đặc biệt là sự cọ sát trực tiếp giữa NATO và Nga chung quanh vấn đề Ukraina/Crimé, vấn đề các quốc gia Đông Âu/Nga, vấn đề Syria, sự đụng độ Nga – Thổ qua vụ bắn rơi máy bay SU 24… Ngoài ra trên thế giới có nhiều điểm nóng khác đang tiềm tàng khả năng trở thành trận địa cho các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy wars) giữa các nước lớn, trong đó có Việt Nam và những vấn đề trên Biển Đông.
-      Không kể những vấn đề trong tự nhiên, các thách thức phi truyền thống khác trong cục diện chiến tranh lạnh hiện nay rất đa dạng về hình thức vận động (trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, tôn giáo, sắc tộc…), rộng lớn về quy mô và phạm vi địa lý (vùng miền, liên quốc gia, xuyên quốc gia, khu vực, quốc tế…), với tính đối kháng và cách thực hiện rất quyết liệt… Tiêu biểu là vấn đề IS mang tính cách cuộc thánh chiến (thực ra là khủng bố) toàn cầu – kèm theo vấn đề di tản rất phức tạp – đang tác động sâu sắc vào toàn bộ cục diện quốc tế hiện nay. Các thách thức phi truyền thống thường mang nhiều tác động lây lan và rất dễ gây những chấn thương mới cho những nước yếu kém.
-      Với sức mạnh của lợi thế kinh tế quy mô, từ một phần tư thế kỷ nay (kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh I) Trung Quốc là cường quốc duy nhất lợi dụng được tốt nhất tình thế “đục nước béo cò”, vì các đối thủ chính của Trung Quốc đang bị phân tán vào nhiều rắc rối khác hoặc sa lầy tại nhiều nơi. Hiện nay Trung Quốc đang có điều kiện khai thác tối đa cục diện chiến tranh lạnh II để theo đuổi những mưu đồ đế quốc có tên gọi là giấc mộng Trung Hoa, trước mắt nhằm đạt siêu cường kinh tế ở phạm vi toàn cầu (mới đây nhất là đồng Nhân dân tệ đã giành được vị thế là 1 trong 5 đồng tiền chính trong giỏ tiền tệ của IMF), bá chủ quân sự ở phạm vi khu vực, chiếm bàn đạp chiến lược đầu tiên mở đường ngoi lên siêu cường là Biển Đông. Trung Quốc qua đó ngày nay trở thành vấn đề nan giải của cả thế giới. Sự lấn tới này của Trung Quốc còn nhằm giảm áp lực những yếu kém rất lớn bên trong về kinh tế và nội trị đang phải đối phó (càng nóng trong nước, càng tìm cách hung hăng với bên ngoài); tuy nhiên về nhiều mặt Trung Quốc đang còn yếu và thường trực bên bờ vực khủng hoảng lớn.
-      Kinh tế thế giới đang phải thay đổi sâu sắc cấu trúc và các mối liên kết hiện tại. Quá trình này sẽ thường xuyên có những biến động bất ngờ và nan giải trong bối cảnh quốc tế của chiến tranh lạnh II. Thực tế này thách thức quyết liệt khả năng ứng phó của mọi quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Ở vị trí địa đầu của địa chính trị và địa kinh tế trong bối cảnh chiến tranh lạnh mới hiện nay, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức mới chưa từng có: Vừa phải quyết liệt tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế ở nấc thang cao hơn, vừa phải tạo ra và gìn giữ được môi trường hòa bình ổn định, vừa phải có ý chí, trí tuệ và sức mạnh bảo vệ thỏa đáng chủ quyền quốc gia và các lợi ích sống còn, đồng thời phải vì mình mà dấn thân trong cuộc đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển (bởi lẽ đời này chẳng có gì cho không).
-      Song cục diện kinh tế và chính trị thế giới hiện nay cũng khiến cho đòi hỏi của cộng đồng các quốc gia trên thế giới về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trở nên bức thiết hơn bao giờ hết – và chính thực tế này đang mang lại những cơ hội rất mong đợi cho các nước, nhất là như nước ta ở sát cái chảo lửa Trung Quốc. Hiển nhiên thế giới của thế kỷ 21 là một thế giới hoàn toàn khác trên mọi bình diện, tất cả quốc gia bắt buộc phải thay đổi để thích nghi. Có thể xem (1)hiện tượng những đối kháng ngày càng gia tăng và không thể kiểm soát được trong đại cục quan hệ giữa 2 nước “xã hội chủ nghĩa anh em” Việt Nam – Trung Quốc,  và (2)đế quốc Mỹ xâm lược của thế kỷ 20 ngày nay trở thành đối tác toàn diện rất quan trọng của Việt Nam là hai trong rất nhiều ví dụ đập vào mắt cho thấy thế giới  trong thế kỷ 21 đã hoàn toàn khác.

3.   Đại hội XII đang đứng trước một thực tế khách quan rất khắc nghiệt.

Đó là đất nước hôm nay có nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại nghiêm trọng; càng phát triển, đất nước ngày càng nhiều vấn đề khó hơn trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh  quốc phòng.., đang xuất hiện ngày một nhiều mâu thuẫn mới giữa một bên là đòi hỏi phát triển của đất nước và một bên là tình trạng lạc hậu và bất cập của thể chế chính trị, đang xảy ra ngày càng nhiều bất bình và thất vọng sâu sắc của nhân dân đối với đảng lãnh đạo.., đang ngày càng nhiều thách thức mới chưa từng có đặt ra cho Đảng với tính cách là người duy nhất và trực tiếp nắm trong tay vận mệnh đất nước trước bước ngoặt lịch sử hiện nay…

Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng:
(a)thể chế chính trị của nước ta với (1)kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – trong đó có vấn đề kinh tế quốc doanh là chủ đạo – trên thực tế là nền kinh tế bị chi phối rất hoang dã bởi chủ nghĩa tư bản thân quen, các nhóm lợi ích và bộ máy chính quyền quan liêu tham nhũng, với (2)nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa – trên thực tế là một hệ thống chính trị rất cồng kềnh ăn lương từ ngân sách và các nguồn lực quốc gia (Đảng + nhà nước + Mặt trận), trong đó Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp, toàn bộ hệ thống nhà nước và đoàn thể xã hội là cánh tay nối dài hay là công cụ của Đảng, và với (3)thượng tầng kiến trúc được áp đặt tư duy ý thức hệ hoàn toàn lỗi thời và chống lại lợi ích quốc gia mang tên là chủ nghĩa Mác – Lênin, nhân danh độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội và bảo đảm quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Một thể chế chính trị với nội dung như thế đã thiết lập nên ở nước ta một chế độ toàn trị rất lạc hậu và ngày càng đối kháng với lợi ích quốc gia.
(b)không công khai minh bạch, không thực hiện trách nhiệm giải trình, bưng bít thông tin và dối trá, ngăn cấm tự do tư duy, dùng bạo lực trấn áp sự phản đối bất công và những người bất đồng chính kiến, xâm phạm nghiêm trọng các quyền làm chủ đất nước và những quyền tự do dân chủ khác của công dân và các quyền con người đã ghi trong Hiến pháp…, đấy là những căn bệnh ngày càng trầm trọng của toàn bộ hệ thống chính trị. Vì vậy chế độ toàn trị đang một mặt làm tê liệt đáng kể sức đề kháng và sức vươn lên của quốc gia, diễn biến nghiêm trọng bản chất chính trị của Đảng – qua đó trên thực tế đảng lãnh đạo ngày nay đã biến chất thành đảng cai trị của chế độ toàn trị; mặt khác chế độ toàn trị như vậy là nguồn gốc của nhiều sai lầm và tội ác đau lòng, gây nhiều tổn thất và hệ quả trầm trọng cho đất nước, làm băng hoại kỷ cương và nhiều giá trị của dân tộc, làm tổn thương lòng yêu nước của nhân dân và thể diện quốc gia, để lại nhiều tệ nạn và những hậu quả văn hóa – xã hội rất sâu sắc cho đất nước; những căn bệnh này đang ngày càng gia tăng tốc độ tích lũy các mâu thuẫn đối kháng giữa đất nước và chế độ chính trị,
(c)một hệ quả nghiêm trọng khác là song song với sự phát triển của đất nước mà nhân dân ta đang nỗ lực đẩy manh với nhiều kết quả khả quan, bạn bè nước ngoài đang gửi gắm, mong đợi.., thì đồng thời đang xuất hiện những tín hiệu của trạng thái manh nha tiền khủng hoảng theo kiểu các cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập. Sự xuất hiện những tín hiệu này là sản phẩm tất yếu của chế độ toàn trị, nhưng Đảng lại gán cho cái gọi là các họat động chống phá của các thế lực thù địch – mà trong thực tế chủ yếu đấy là những người bị trấn áp vì phản đối bất công hay vì bất đồng chính kiến; nghĩa là: lẽ ra phải tìm những giải pháp đúng đắn và tích cực, chế độ chính trị lại đổ thêm dầu vào lửa, tự mình tăng thêm các yếu tố đối kháng với nhân dân. Song chính những tín hiệu này cũng nhắc nhở còn kịp thời gian để chế độ chính tri tự giác thông qua cải cách đảo ngược tình hình, chủ động dấy lên sự phát triển năng động của đất nước trong thế giới quyết liệt hôm nay; càng để chậm, tình hình xấu sẽ càng trở nên nguy hiểm.
(d)thể chế chính trị hiện hành với những khuyết tật của nó rất khó hoặc sẽ không thể tạo ra được khả năng thoát khỏi bẫy “quốc gia có thu nhập trung bình thấp”, những bế tắc, ách tắc khó tránh khỏi trong phát triển kinh tế - xã hội có thể sẽ khó khắc phục, cải cách chính trị do đó là lối thoát duy nhất. Xin đặc biệt lưu ý: với đòi hỏi về hòa bình, hợp tác và phát triển trở thành xu thế vận động chủ yếu của thế giới hôm nay, với thực tế chưa từng có là hầu hết mọi quốc gia và đối tác quan trọng nhất trên thế giới đã cam kết trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam, thực tế đang diễn ra này mang lại cho Việt Nam một cơ hội lịch sử có lẽ còn lớn hơn so với cơ hội thời Cách Mạng Tháng Tám: Thông qua cải cách chính trị để vươn lên trở thành nước phát triển, tạo ra cho quốc gia thế và lực giành lấy vị trí xứng đáng trong thế giới khắc nghiệt này. Song cơ hội đổi đời này của đất nước có thể sẽ bị vuột mất, nếu nội trị nước ta bê bết và đối ngoại của ta yếu hèn.
(e)đất nước ta cho đến nay chưa tạo ra được cho mình những mối liên minh, liên kết bền vững với bên ngoài về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh quốc tế mới đòi hỏi; trong khi đó đang tiềm tàng nguy cơ đất nước ta bị bỏ rơi hay bị cô lập trong mọi giằng xé mới của bên ngoài – trước hết bởi vì trong mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội – trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại – nước ta tuy đã hội nhập toàn diện, song trong thực tế chế độ toàn trị của Đảng cho đến nay vẫn đang dẫn dắt đất nước lạc lõng đi một mình một lối trong thế giới hôm nay, do đó khoảng cách tụt hậu tiếp tục rộng thêm;
(f)chung cuộc, đã hội nhập quốc tế mấy chục năm rồi nhưng khoảng cách tụt hậu của ta so với các nước trong khu vực cứ rộng mãi ra, trong khi đó khả năng cạnh tranh kinh tế đang sụt giảm. Đặc biệt nghiêm trọng là 40 năm nay nội trị yếu kém của đất nước không cho phép xử lý thành công mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cực kỳ nhạy cảm và phức tạp để đất nước có hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Liên tục 40 năm nay an ninh và tiền đồ phát triển của nước ta đang bị Trung Quốc siết dần mọi mặt. Mức độ hiện nay ta bị uy hiếp và lệ thuộc vào Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với cách đây 40 năm. Các cơ hội đã đến cho phép đảo ngược tình thế này đến nay đều bị bỏ phí, hiểm họa vì thế cứ tiếp tục lớn lên mãi. Điểm yếu nhất của nước ta không phải là sự chênh lệch ngày càng lớn về lực lượng giữa ta và Trung Quốc, mà là sự nô lệ của tư duy ý thức hệ của Đảng đang trói buộc và làm ươn hèn đất nước.

Tất cả những điều trình bầy trong các phần 2 & 3 nói lên: Tại bước ngoặt lịch sử này, thách thức và cơ hội đều cấp thiết đến mức đòi hỏi Đảng phải đặt ra vấn đề cứu nước, bằng cách mở ra con đường đưa nước ta trở thành nước phát triển; qua đó thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, vứt bỏ thân phận con mồi đang bị các nước lớn nhằm nhè, để nước ta tự chính mình trở thành đối tác chiến lược của các nước đã cam kết với ta, tự chính mình quyết định vận mệnh đất nước mình.  

4.   Đặt vấn đề cứu nước như vậy, đầu tiên phải đặt ra vấn đề cứu Đảng ra khỏi tình trạng tha hóa và bất cập hiện nay, vì hai lý do căn bản:

(1)Với quyền lực đang có trong tay, chỉ có Đảng thông qua con đường tự giác nhìn được thực trạng của mình mới có thể tự mình khắc phục được trạng thái tha hóa và bất cập của Đảng đang là trở lực lớn nhất ngăn cản con đường phát triển của đất nước. Đơn giản vì ngoài khả năng tự tan rã và tự sụp đổ ra do tha hóa tiếp, trong tầm nhìn trước mắt, đất nước hiện nay không có một lực lượng hay yếu tố chính trị nào, cũng chẳng có thế lực thù địch nào trong nước hay ở nước ngoài đủ sức thay đổi hiện trạng của Đảng – ngoại trừ tình huống Đảng ngoan cố, hoặc vô thức, hoặc bất lực để cho những mâu thuẫn đối kháng trong lòng đất nước giữa Đảng và nhân dân đến một lúc nào đó đủ chín muồi tạo ra khả năng lật đổ và xóa bỏ Đảng.  

(2)Cải cách thể chế chính trị mở ra ra con đường phát triển mới cho đất nước là con đường hòa bình duy nhất, để kế thừa các thành tựu của 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên, giải phóng được nội lực để tiếp tục tạo ra sự phát triển mới, đưa đất nước vươn lên trở thành nước phát triển. Sự nghiệp cải cách như vậy rất sâu rộng, mang tính toàn diện và rất triệt để, có ý nghĩa đổi đời đất nước. Trong hiện tình đất nước, và cũng là kịch bản lý tưởng nhất, một sự nghiệp cải cách như thế có thể thành công với cái giá phải trả thấp nhất là do Đảng chủ động đề xướng và thực hiện. Bởi vì Đảng có khả năng huy động mọi nguồn lực trí tuệ và vật chất của quốc gia và kinh nghiệm của thế giới mà cải cách chính trị đòi hỏi. Với tinh thần tổ quốc trên hết, quyết phát huy những nguồn lực này của quốc gia, đấy cũng chính là con đường tự giác thay đổi Đảng trở thành đảng của dân tộc, đi với dân tộc. - Có dám không? - Đây là nhiệm vụ Đảng nhất thiết phải làm cho chính mình và vì nước trước bước ngoặt lịch sử của đất nước. Đây cũng là con đường nhờ đó gìn giữ và kế thừa được truyền thống cách mạng của Đảng. Thực ra, nhiệm vụ này là gánh nợ lịch sử lẽ ra Đảng phải trang trải với đất nước ngay sau 30-04-1975. - Đương nhiên còn nhiều con đường khác từ xã hội dân sự để thay đổi Đảng; song cho đến nay những nỗ lực của dân trên con đường này – trong đó có những nỗ lực của một số nhân vật lịch sử có tên tuổi là đảng viên ĐCSVN – thường bị chế độ toàn trị bóp chết ngay từ trong trứng; vì lẽ này nếu xuất hiện được thường chỉ hứa hẹn bạo loạn nhiều hơn là thành công.

Tựu trung lại, bước ngoặt lịch sử của đất nước đặt ra cho Đại hội XII nhiệm vụ chưa từng có kể từ ngày thành lập Đảng là phải cứu nước, bắt đầu từ cứu Đảng, như đã trình bầy trên.

5.   Hơn bao giờ hết, phải thực hiện dân chủ ngay trong Đảng, đoàn kết một lòng, toàn Đảng chỉ một ý chí đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tự giải phóng mình khỏi nô lệ tư duy ý thức hệ và mọi tha hóa về phẩm chất đạo đức – chính trị, quyết vượt qua mọi tiền lệ không còn phù hợp hay những định kiến sai trái, quyết thực hiện dân chủ trong cả nước, quyết khép lại quá khứ và không hồi tố vì đoàn kết và hòa giải dân tộc, quyết phát huy sức mạnh toàn dân tộc cho việc tiến hành hòa bình sự nghiệp cải cách chính trị trọng đại này.  

Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và toàn thể đại biểu dự Đại hội XII có trách nhiệm trước toàn Đảng và cả nước giúp Đại hội XII có những quyết định mở ra được những bước đi đầu tiên của sự nghiệp cải cách chính trị trọng đại này theo tinh thần dân tộc và dân chủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trong Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945 và trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – bao gồm cả việc thông qua thảo luận dân chủ tại hội trường trong các phiên họp toàn thể lựa chọn cho Đảng đội ngũ lãnh đạo Đảng khóa XII đúng tầm, để tiến hành ứng cử, đề cử và bầu cử, sao cho đảm bảo Đại hội thực hiện được nhiệm vụ của mình là cơ quan quyền lực cao nhất, trách nhiệm cao của Đảng giữa hai nhiệm kỳ – nhất là đối với việc bầu cử các vị trí Tổng bí thư và các ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, với những cam kết ràng buộc trước toàn Đảng và cả nước.

Nhân đây xin nhấn mạnh: Dù là còn hời hợt, Đảng đã có không ít nghị quyết phê phán tình trạng tha hóa và yếu kém của mình, đã miễn cưỡng thừa nhận lòng tin của nhân vào Đảng chưa bao giờ giảm sút như hiện nay. Trong khi đó cục diện quốc tế có mặt cực kỳ nhạy cảm. Ngày nay vì bất kỳ nguyên nhân gì, bạo lọan và chiến tranh có thể xảy ra tại chỗ hoặc được đưa từ bên ngoài tới bất kỳ nước bên thứ ba nào – trong đó có nước ta. Nhưng Đảng hiện nay thực sự bất cập hoặc chưa đủ sẵn sàng trước tình hình nghiêm khắc này, đang vùi đầu tiếp vào những quan điểm và lý luận mù quáng để ngụy biện với dân. Khả năng lãnh đạo của Đảng trong toàn bộ hệ thống chính trị đang bị sự chia rẽ vì tranh giành quyền lực và lợi ích cá nhân lũng đoạn nghiêm trọng. Vì thế Đảng đang dồn sức lấy siết dân và mị dân để che chắn các nguy cơ, nhưng lại tự trói tay mình và đất nước; đội ngũ lý luận cực kỳ yếu kém và tha hóa của Đảng phụ họa thêm vào bằng dối trá và ngu dân... Nhân đây xin lưu ý: Với sự lạc hậu hàng thế kỷ về lý luận và tư tưởng, tuyên giáo và tổ chức của Đảng là hai yếu tố nghiêm trọng làm hỏng Đảng trong thời bình và kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Bất cập hoặc chưa sẵn sàng như vậy là nguyên nhân trực tiếp đe dọa sự tồn tại của Đảng, lăm le mang lại hiểm họa cho đất nước, chặn đứng khả năng hòa bình tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước.

Hơn bao giờ hết đất nước cần Đảng phải là nhân tố hàng đầu của đoàn kết và hòa giải dân tộc, quy tụ được trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn dân tộc, là chỗ dựa của toàn dân tộc cho phép đất nước ta có được những quyết định sống còn và sức mạnh bất khả kháng mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đòi hỏi. Nói Đảng của dân tộc và đi với dân tộc là như thế. Nhưng 40 năm nay nay Đảng đang làm ngược lại.

Với quyền lực của mình và những công cụ quyền lực tạo ra cho mình trong thể chế chính trị hiện hành, Đảng đang ngồi trên dân, trấn áp sự không phục tùng Đảng và sự phản đối bất công… Đảng có không ít việc làm vừa mị dân và hình thức, vừa ngụy biện, dối trá sự thật và che giấu các sai trái. Tha hóa, tham nhũng và nhiều tệ nạn hầu như không thể khắc phục được là hệ quả tất yếu của ngồi trên dân như thế, làm gì có đạo đức nào chữa nổi; chưa nói đến lẽ phải, đạo đức và hiền tài không thể có chỗ đứng trong trạng thái ngồi trên dân. Những bất an hiện có trong lòng đất nước trước hết đến từ nguồn gốc ngồi trên dân như thế, sự can thiệp của các thế lực thù địch không đáng sợ bằng. Đại hội XII này phải đi tới quyết định thay đổi quyết liệt, phấn đấu xây dựng bằng được Đảng thành đảng của dân tộc, chiếm được trái tim và hội tụ được trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của dân tộc, để: từ dân tộc mà ra, của dân tộc, vì dân tộc, từ đó phấn đấu trở thành đảng cầm quyền hợp pháp trong một nhà nước pháp quyền dân chủ. Không một quyền lực hay ảo thuật nào, cũng không một dĩ vãng hào hùng nào có thể ăn bớt cho Đảng con đường phải phấn đấu trở thành đảng của dân tộc như thế.

Nhiều người nói: Như một tất yếu, Đảng Cộng Sản Việt Nam, cũng như các đảng cộng sản khác từng nắm quyền hay đang nắm quyền tại các quốc gia trên thế giới, chỉ có khả năng bị đánh đổ, không có khả năng tự thay đổi. Nhận định này có những thực tế xác đáng và lý lẽ thuyết phục.

Tuy nhiên, tôi vẫn nói: Dù cái tất yếu này quyết liệt đến mức nào, không nhất thiết Đảng Cộng Sản Việt Nam phải đầu hàng cái tất yếu này. Bởi vì ĐCSVN ra đời từ cứu nước, cái gọi là “chủ nghĩa” thực ra là tai họa và tai nạn, chứ không phải là điểm xuất phát. Đảng đã trải qua 4 cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, hiện nay quốc gia vẫn đang thường trực bị uy hiếp nghiêm trọng từ bên ngoài, và trên hết cả là truyền thống yêu nước hàng nghìn năm của dân tộc đã ngấm sâu vào máu mỗi con người Việt Nam, nhân dân Việt Nam hôm nay cũng nhận thức hoàn toàn khác về thế giới… Nên chừng nào lòng yêu nước không thể chết trong mỗi đảng viên của Đảng, khả năng ĐCSVN phải thay đổi chính mình để trở thành đảng của dân tộc vẫn lớn hơn các đảng cộng sản nắm quyền khác trên thế giới. Đảng hôm nay có đủ mọi điều kiện để tự thay đổi chính mình, chỉ còn thiếu ý chí vượt lên chính mình mà làm người nhất thiết phải có. Trên hết cả, ĐCSVN tự lột xác để trở thành đảng của dân tộc như thế là tiết kiệm xương máu nhất cho đất nước trên con đường khai phá một thời kỳ phát triển mới.

Đội ngũ lãnh đạo Đảng khóa XII có trách nhiệm nặng nề là phát huy sức mạnh toàn dân tộc vừa kế tiếp những thành quả phát triển đất nước đã đạt được, vừa kiến tạo được một thể chế chính trị mới mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nếu Đại hội XII chỉ bầu ra được một đội ngũ lãnh đạo tránh né, hoặc bất lực, hoặc chống lại trách nhiệm nặng nề trước tình hình và nhiệm vụ mới, sẽ đồng nghĩa với việc Đại hội XII đánh dấu nấc thang mới trong quá trình Đảng tự xóa bỏ sự nghiệp của Đảng. Để xảy ra như vậy, đương nhiên, trách nhiệm đầu tiên sẽ thuộc về Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

*
Vì thời gian rất eo hẹp, không cần phải soạn thảo lại dự thảo Báo cáo chính trị để đưa ra Đại hội XII, việc này không cần thiết nữa. Thay vào đấy cần nêu lên một số vấn đề cốt lõi Đại hội XII cần thảo luận và cần quyết định cho việc mở ra và tiến hành cải cách chính trị.

Đại hội XII cần thông qua một văn bản là Nghị Quyết của Đại hội XII quyết định tiến hành nhiệm vụ cải cách chính trị và những việc chính của giai đoạn mở đầu cải cách chính trị phải thực hiện trong nhiệm kỳ khóa XII này - như đổi tên nước, đổi tên Đảng, sọan thảo Hiến pháp mới, soạn thảo Cương lĩnh mới, thực hiện bầu cử Quốc hội một cách dân chủ và trung thực…, những mục tiêu phát triển quan trọng đất nước phải đạt được và những việc phải giải quyết trong nhiệm kỳ khóa XII này – nhất là việc thực hiện ngay những quyền công dân và quyền con người đã ghi trong Hiến pháp hiện hành… và giao cho BCHTƯ và BCT khóa XII thực hiện.

Có thể nhận định sự nghiệp cải cách chính trị đổi đời đất nước, đổi đời Đảng như vậy sẽ nhận được sự hậu thuẫn không gì cưỡng lại được của toàn thể cộng đồng dân tộc ta trong nước, ngoài nước, của đông đảo các quốc gia trên thế giới, nghĩa là cả thế giới tiến bộ sẽ đứng về phía chúng ta. Sự nghiệp này cần được bắt đầu ngay từ việc tiến hành các việc phải làm trong các Hội nghị Trung ương sắp tới (có thể là HNTƯ thứ 13 và thứ 14) trù bị cho Đại hội XII.

Song nhân danh kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa để ngoan cố duy trì chế độ toàn trị hiện nay như đã phác thảo trong dự thảo Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội XII, bước ngoặt lịch sử đang đặt ra cho đất nước sẽ biến thành cột mốc mới trên con đường đẩy đất nước đi sâu vào ách nô dịch mới.

*

Toàn bộ trình bầy trong thư này mới chỉ đặt ra những vấn đề Đại hội XII cần quyết định, như là bước đi đầu tiên xác định cho đất nước ngả đường dẫn vào con đường mới. Nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng và ban lãnh đạo khóa XII là thiết kế và khai phá những bước đi đầu tiên của đất nước trên con đường mới này.

Ở Myanmar, quá trình chế độ quân phiệt độc tài thai nghén công cuộc cải cách chính trị để đi tới kinh tế khởi sắc đầy hứa hẹn và cuộc bầu cử tháng 11-2015 vừa qua – bước đi đầu tiên trên con đường còn muôn vàn gian truân phía trước để hình thành một Myanmar mới – là 12 năm, bao gồm 7 năm chuẩn bị đổ lên đổ xuống của thời chính quyền tướng Than Shwe và 5 năm thực hiện thời tổng thống Thein Sein hiện nay. Song là nước đi sau, thiết nghĩ nước ta có những mặt thuận lợi hơn Myanmar, nhất là trong những điều kiện của nước ta hiện nay Đảng có được nhiều tiềm năng rất lớn thông qua việc đổi đời chính mình thành đảng của dân tộc, để trở thành đảng cầm quyền (thực tế hiện nay đang là đảng chiếm quyền), dẫn dắt quá trình cải cách chính trị của đất nước thành công. So với Myanmar, sự khác biệt duy nhất Đảng phải giải quyết chỉ là câu hỏi Đảng phải đặt ra cho chính mình:

Đảng Cộng Sản Việt Nam hôm nay có dám đặt lợi quốc gia lên trên hết hay không? Trước hết là Tổng bí thư và từng ủy viên Bộ Chính trị khóa XI có đủ trí tuệ và có dám cùng nhau một lòng đặt tổ quốc lên trên hết hay không?

Vâng, cùng nhau, và chỉ cùng nhau một ý chí này, sẽ mở ra giải pháp đất nước mong đợi.


Thưa các Đồng chí,

Sự thật thì trần trụi, lại thêm tôi trình bầy thô lỗ. Song thiển nghĩ, dù trung ngôn nghịch nhĩ đến mức nào, bước ngoặt lịch sử đang đặt ra và vận mệnh đất nước không cho phép tôi chần chừ nước đến chân mới nhảy. Vì để nước đến chân, lúc ấy nói gì cũng sẽ vô nghĩa.

Thực ra bây giờ mới viết thư này gửi các Đồng chí đã là rất muộn, dù chưa phải là quá muộn, tôi thật có lỗi với đất nước. Nghĩ vậy tôi lại phải tự hỏi: Cách đây 20 năm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức nêu lên với Bộ Chính trị đương thời những vấn đề đại thể cùng nội dung như thư này, chẳng lẽ quyền lực của Đảng vô cảm và không có ý niệm về thời gian?

Hiểu biết và phẩm chất có hạn, dù đúng dù sai thế nào cũng xin bộc bach những điều nung nấu. Tôi xin chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng về những điều viết ra trong thư này.

Rất mong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cân nhắc.

Nhất thiết không được xô đẩy đất nước lăn dần vào cái hố đen phía trước kiểu loại các cuộc cách mạng mùa xuân Ả-rập như đang làm!

Hãy còn kịp để mở ra cho đất nước một con đường khác!

                                                                Kính thư
                                                                Nguyễn Trung   




Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét