Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Vài suy nghĩ về khởi nghiệp - nhìn từ cuộc sống

Vài suy nghĩ về khởi nghiệp -
nhìn từ cuộc sống

Tuỳ bút về khởi nghiệpquốc gia khởi nghiệp

Nguyễn Trung
Hà Nội, 27-11-2016



Trước khi viết bài này theo yêu cầu của VIDS (19-11-2016), tôi thốt lên trong lòng: Khởi nghiệp – như đang được hiểu hiện nay – là vấn đề cũ rích trên quả đất này rồi, chí ít là từ hàng nửa thế kỷ nay khái niệm về khởi nghiệp theo nghĩa hiện tại thông qua các hiện tượng phát triển của các nước như Israel, Singapore, Hàn Quốc, vân vân... đã được giảng trong nhiều trường học trên thế giới, và lác đác cả ở nước ta. Thế mà sao hôm nay khởi nghiệp vẫn cứ như là hai tiếng thần chú: huyền bí, thần thánh và gần như mới toanh ở nước ta đến vậy?!


Như là mốt thời đại, trên nhiều diễn đàn khác nhau tại các hội trường cơ quan hay trường học, trong các doanh nghiệp hoặc ngoài xã hội.., đâu đâu cũng thấy nói về khởi nghiệp!.. Thế mà con thuyền nước ta đi mãi vẫn chưa sao thấy được ánh sáng ngọn hải đăng của bờ quốc gia khởi nghiệp, dù rằng năm 2016 – năm quốc gia khởi nghiệp đã được Chính phủ chính thức phát động – đang đi dần vào những tháng ngày chót…

Song đúng là ở nước ta khởi nghiệp vẫn là vấn đề đại sự.

Cái mừng là nếu hỏi được một trăm người về khởi nghiệp, chắc chắn sẽ được nghe gần như là một trăm nội dung khác nhau. Những cái khác nhau này quan trọng lắm, trước hết qua đó tôi thấy khởi nghiệp là sự nghiệp của từng người, mỗi người theo cách riêng của mình thực hiện mong muốn và quyền lựa chọn của mình…

Trong cái khác nhau này của một trăm nội dung trả lời có thể tìm được như thế đều có một sức sống mới rất đáng quý. Làm sao sức sống này của mỗi người trở thành sức sống quốc gia!? Xa hơn nữa, làm sao thành quả của từng khát vọng khởi nghiệp riêng lẻ sẽ tích tụ nên sức mạnh quốc gia!? Khởi nghiệp mà ai cũng làm như ai hẳn làm sao có được khởi nghiệp - dù là của cá nhân hay ở phạm vi quốc gia?! Hiện nay, trong những thanh niên nỗ lực tìm đường khởi nghiệp bằng những dự án cụ thể, tỷ số thành công trong cả nước ta năm 2016 ước khoảng gần 10%, một tỷ lệ không phải là nhỏ so với nhiều nước hiện nay trên thế giới; từng vùng như tại TPHCM và Hà Nội tỷ số này cao khoảng gấp đôi – (một số cuộc hội thảo thông báo/báo cáo như vậy). Nuôi dững thành quả ban đầu này như thế nào?

Tại Hà Nội, gần đây trong một số cuôc họp của Viện SENA, trong buổi lễ Microsoft ký kết một dự án hậu thuẫn Sillicon Valley Vietnam, tôi có dip nghe các báo cáo, truyện trò với một số thanh niên triển lãm sản phẩm khởi nghiệp thành công của mình.

Hôm nay ngồi ngẫm lại, tôi tìm thấy khởi nghiệp của những bạn trẻ này có một cái giống nhau thích thú: Thành tựu của các bạn trẻ này hầu như đều bắt đầu từ một câu hỏi hay một cách nghĩ mà chẳng giống ai, chẳng ai nghĩ tới. Ấn tượng nhất đối với tôi trong buổi gặp mặt này là câu hỏi đầy phiêu lưu: Có cách gì và như thế nào thì có thể trồng lúa, nuôi rươi và nuôi vịt trên cùng một thửa ruộng được không? Vì tính toán cho thấy giá trị thu hoạch sẽ rất lớn, đất đai được bảo dưỡng, gìn giữ được môi trường, phù hợp với biến đổi khí hậu, tạo nhiều việc làm… Được biết câu hỏi viển vông này không chỉ là ý tưởng nữa, đang được thực nghiệm trên thực địa, chưa biết thành bại thế nào, nhưng đã dám... Trong đầu tôi bật lên: Không hỏi được như thế, chắc khó lòng đi tới được sáng tạo!

Thì ra một sự nghiệp lớn có thể bắt đầu từ làm sao có được một câu hỏi đúng!

Tôi rất thích thú về triết lý này nhờ qua truyện trò đã tự tìm thấy được cho mình, dù rằng nó chẳng phải là mới mẻ gì trên đời này!..

Trong nhiều thứ tìm được, tôi tìm thấy một cái giống nhau nữa trong suy nghĩ của họ – tuy là rất có lý – nhưng tôi lại không thích, và muốn lưu ý ở đây: Các bạn ấy mong muốn được có cơ chế hay ưu đãi đặc biệt, nhất là về vốn, về đất đai, về một số chính sách...

Phần tôi lại nghĩ không nên như thế. Bởi vì chờ đến khi có được trong tay những ưu đãi mong đợi ấy thì lâu lắm, và thường là không bền, lại phải hàm ơn. Hơn nữa, ưu đãi chẳng bao giờ là đủ, sớm muộn cũng sẽ làm hư các bạn này theo một cách nào đó. Nên chăng các bạn này cần phải dấn thêm bước nữa: Lên tiếng đưa những mong muốn này của mình vào thể chế, cơ chế, chính sách, chịu khó sàng lọc nó để đưa vào xây dựng cơ chế chính sách mới..; chứ không thể đơn thuần xin theo kiểu bao cấp như vậy được. Sẽ không gì hơn là từ những đòi hỏi thực hiện những sản phẩm khởi nghiệp của chính mình, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách. Nếu chưa đủ trưởng thành làm việc này thì cố phấn đấu tự trưởng thành để quyết làm và phải làm, góp phần đưa hơi thở của mình và của cuộc sống vào cơ chế, chính sách của đất nước.

Cũng qua những câu chuyện trao đổi với nhau như vậy, còn nhiều điều tôi muốn viết ra ở đây. Song chính tôi cũng được khuyến khích đi tìm cách nghĩ khác cho bản thân, và xin mạnh dạn nêu lên tại đây đôi điều.

Học bạn bè trên thế giới là cần, không bao giờ đủ. Thế nhưng có cái gì có thể học được từ chính cuộc sống nước mình về khởi nghiệp hay không?

Hỏi như thế, tôi nghĩ ngay đến Cách mạng Tháng Tám, muốn nhìn nhận cuộc cách mạng này ở cạnh khía nó mang trong nó những nét cơ bản của một quốc gia khởi nghiệp trên phương diện nhất định:

-      Thời ấy, toàn dân ta với một khí thế và tinh thần mới, cách nghĩ mới, đã cùng nhau làm mọi việc mới của quốc gia (vì trước đó họ không được làm, không có quyền làm…), với mục tiêu đổi đời chính mình, và và xây đất nước dân chủ, tự do, hạnh phúc.
-      đã làm nên nhiều thành quả quan trọng như cứu đói, ổn định cuộc sống nhiều mặt (sau khi chiến tranh thế giới II kết thúc trên đất nước ta và xoá bỏ chế độ thực dân phong kiến…), xây dựng nhà nước pháp quyền (bầu cử và lập Hiến pháp 1946), giải quyết nhiều tệ nạn xã hội, bắt đầu xây dựng đời sống mới, chuẩn bị kháng chiến, vân vân..,
-      với kết quả chung cuộc là đổi đời mỗi người và đất nước lúc đó, tạo ra cho đất nước có lực kháng chiến khi ngoại xâm quay trở lại.  
-      Vân vân…

Toàn bộ những công việc đã làm được ấy thực sự là công cuộc khởi nghiệp của một quốc gia. Chiến tranh xâm lược ập đến sớm quá (23-09-1945 ở Nam Bộ, 19-02-1946 toàn miền Bắc và trong cả nước), nên chưa thể bắt đầu những nhiệm vụ xây dựng kinh tế.

Vận dụng cách nhìn này, tôi thấy ngay 3 yếu tố cơ bản đã làm nên công quộc khởi nghiệp quốc gia của nước ta thời đó:

-      Nhân dân có tự do và được thực hiện những quyền của mình.
-      Có nhà nước dân chủ pháp quyền (dù lúc đó còn rất manh nha), được thiết lập ra vì những mục tiêu đúng đã được xác định: độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân, của đất nước.
-      Đã giành được những kết quả căn bản trong phạm vi thời gian có được trước khi ngoại xâm quay trở lại.

Với cách nhìn như thế, tôi tìm được ngay gợi ý đúng và cần thiết để đặt ra câu hỏi: Ngày nay nước ta muốn khởi nghiệp trong xây dựng kinh tế, cần phải làm gì?

Đối chiếu với lý luận hiện đại, tôi cũng thấy 3 yếu tố cơ bản nêu trên hoàn toàn hợp lý cho quốc gia khởi nghiệp. Song quan trọng hơn nhiều: Đây là kinh nghiệm sống ngay trên đất nước ta, cung cấp cho chúng ta nhiều bài học kèm theo vô giá cho hôm nay. Ví dụ như: cả nước đoàn kết một lòng và một ý chí, có được một chế độ chính trị vì dân vì nước, người trong đảng lãnh đạo hay trong bộ máy nhà nước tiên phong gương mẫu và một lòng vì nước vì dân…  Các chủ trương đường lối chính sách đúng và được thực hiện tốt cũng từ đấy mà ra. Vân vân… Ai đã được sống trong những ngày của đất nước sau Cách mạng Tháng Tám, và những năm tháng trong kháng chiến sau này nữa, chắc hôm nay vẫn còn cảm thấy rất hạnh phúc, vì đã được hít thở trong khí thế hào hùng của dân tộc, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám khởi nghiệp…

quy mô địa phương, tôi xin gợi ý cả nước nên khảo sát, nghiên cứu sự phát triển của xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai, Hà Đông, nay thuộc địa phận Hà Nội) trên 20 năm vừa qua (tính cho đến nay).

Tôi thực sự muốn coi Thanh Văn như một ví dụ độc nhất vô nhị trong cả nước về nhiều mặt phát triển của một xã khởi nghiệp: ngân sách nhà nước không phải đầu tư, nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội Thanh Văn đạt được phong phú và cao hơn rất nhiều so với những chỉ tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới cả nước đang tiến hành nhiều năm nay. Đáng chú ý nhất: Toàn xã tỷ lệ hộ nghèo không tới 1%, nhân dân hoàn toàn làm chủ mọi việc của xã, không có tham nhũng tiêu cực, nông dân có lương hưu từ nguồn bảo hiểm lương hưu do chính mình tạo ra và từ phúc lợi xã hội của xã, và điều như truyện thần thoại: có thể nói nhân dân và đảng bộ ở đây là một!.. …

Nói ngắn gọn: Xã này đã tự tạo ra cho mình hầu như là đủ cả 3 yếu tố cơ bản đã trình bầy trên cho khởi nghiệp, nhưng ở quy mô xã. Bây giờ nó đang ở giai đoạn phát triển với mọi khả năng nó có, bắt đầu đứng trước tình huống (nguy cơ) sân chơi của nó đã hết (vì nhiều lý do của xã và của quốc gia, ngày nay nó khó lòng vươn xa được nữa – cũng nên mổ xẻ các lý do của thực tế đáng lo này)!

Từ khi biết xã này cách đây vài ba năm, tôi thực sự đau đầu: Vì sao mô hình này không thể nhân ra được trong cả nước? Nhiều lão đồng chí và bạn bè cùng tôi loay hoay quảng bá cho nó, muốn nhân mô hình này trong cả nước, nhưng không ăn thua. Chúng tôi đành tự an ủi mình bằng sự thán phục: Thanh Văn vẫn đứng kiên cường như thế trên đôi chân của mình cho đến hôm nay đã là điều trên cả tuyệt vời!

Chuyện Thanh Văn rất dài dòng, hoàn toàn xứng đáng bỏ công sức ra tìm hiểu, có thể một kết quả khó tưởng tượng nổi đang chờ đợi!

Tầm khởi nghiệp cá nhân. Truyện trò với các bạn trẻ tại Silicon Valley Vietnam, tôi liên hệ đến Đặng Lê Nguyên Vũ – một người khởi nghiệp đã thành công từ khi ở tuổi thanh niên (ngay sau khi ra trường).  

Tốt nghiệp đại học y, nhưng bỏ nghề, để khởi nghiệp từ một quán cà-phê ở TPHCM. Làm việc quần quật bằng cái đầu, để từ tay trắng dần dần làm nên vương quốc café Trung Nguyên từ cái nôi Buon Ma Thuot, được đời tặng cho cái danh thơm “from zero to hero”.

Vốn từ học đường và ý chí học hỏi từ trường đời trong phấn đấu sống chết với sản phẩm cà-phê ở phạm vi thế giới đã làm nên một “the king of coffee” Đặng Lê Nguyên Vũ, với nhiều suy nghĩ và triết lý sâu sắc mang tầm vóc chiến lược phát triển của một quốc gia thời hội nhập nói chung – cụ thể ở đây là nhằm vào Việt Nam, và của café Việt Nam nói riêng.

ĐLNV từ hàng chục năm nay công khai tham vọng của mình và dấn thân thực hiện nó: Muốn dấy lên một Việt Nam khởi nghiệp như Israel đã từng trải qua; đã từng bỏ ra không ít trí tuệ, công sức, của cải, thời gian, cả một phần nào sự nghiệp kinh doanh của mình nữa, quyết theo đuổi tham vọng này. ĐLNV đã dựng lên được vương quốc cà-phê Trung Nguyên giành được tên tuổi trên thế giới, nhưng đến nay vẫn thất bại trong khát vọng dựng lên quốc gia khởi nghiệp Việt Nam. Cũng như mọi người thành công khác trong khởi nghiệp, ĐLNV cũng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng những câu hỏi không giống ai đặt ra cho chính mình.

Thích hay không thích, khen hay chê ĐLNV là chuyện của mỗi người. Cũng như mọi người, trong thực hiện ước mơ của mình ĐLNV có những cái thiết thực và hão huyền, không ít những đúng và sai, có cả tốt và xấu, những tính toán và tham vọng.., chẳng sao cả! Xin nói thẳng như vậy. Cuộc sống sẽ sàng lọc, phán xét.

Tại sao lại đi cấm một người dám mơ ước làm vua dựng lên một quốc gia khởi nghiệp? Mọi con người tự do đều có quyền mơ ước và dấn thân cho điều mình mơ ước, có quyền dám và cả quyền thất bại – vì chính mình và vì hạnh phúc của cộng đồng. Vì lẽ công bằng, riêng tôi còn muốn ghi nhận: Người mơ, sống, thở và hành động cho khởi nghiệp trở thành động lực quốc gia của Việt Nam, cho một Việt Nam khởi nghiệp, đã làm được không ít việc cho mục tiêu này dù có thành có bại như ĐLN Vũ đã làm, những người như thế ở nước ta không nhiều! Trong giá sách của tôi có nguyên trọn bộ “tủ sách Trung Nguyên về quốc gia khởi nghiêp” chỉ là một ví dụ.

Lời ghi nhận nói trên của tôi không phải để an ủi hay tôn vinh ĐLNV – tôi nghĩ ĐLNV không cần những thứ này. Song thâm tâm tôi mong muốn đất nước ta phải có thật nhiều người dám như thế! Nói lên nỗi niềm này, tôi muốn bầy tỏ lòng trân trọng của mình đối với mọi thất bại của những hoài bão đẹp trong đời sống của đất nước, trong lòng cầu mong ngày càng nhiều người dám như thế…

Tới đây, tôi không thể không tự hỏi mình không ít những câu hỏi miên man.

Phải chăng chúng ta cho đến tận hôm nay vẫn chưa đủ sức nhìn nhận Cách mạng Tháng Tám về phương diện nào đó còn làm nên sự nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp, trên thức tế đã tạo nên 3 yếu tố cơ bản nhất thiết phải có cho một sự nghiệp như thế?

Phải chăng vì chưa đủ sức như thế, cho nên con thuyền Việt Nam cách đây 71 năm đã chạm tay được vào những vấn đề quốc gia khởi nghiệp, nhưng trong 40 năm độc lập thống nhất bơi lội mãi mà vẫn chưa làm sao thấy được bến bờ quốc gia khởi nghiệp? Có đúng như thế không?

Nhức nhối không kém là những câu hỏi về nhân rộng mô hình Thanh Văn.

Về hiện tượng Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là một rừng câu hỏi trăn trở. Nhất là những câu hỏi: Là cường quốc số 1, số 2… thế giới về xuất khẩu café nhân hàng chục năm nay, sao hôm nay café nhân Việt Nam vẫn phải bán rẻ hơn so với thiên hạ? Mấy chục năm rồi mà Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là cường quốc café nhân, không đi xa hơn được nữa, đành chịu nhường phần giá trị gia tăng rất quan trọng trong café nhân cho các đối thủ cao tay hơn trên thế giới – vì sao? Là một cường quốc 1, 2 thế giới về café mấy chục năm nay rồi, mà vẫn chưa sao xây dựng được một hệ thống hỗ trợ, bảo hộ và bảo hiểm rất nên có cho nông dân trồng café – làm sao khắc phục được thiếu sót này? Vân vân… ĐLNV thất bại không ít trước những câu hỏi này. Nhà nước ta thất bại nhiều hơn!..

Vân vân… và vân vân…

Gõ Google để tìm các lý lẽ về khởi nghiệp, trong vài phút bạn có thể có hàng trăm trang các loại lý thuyết để in ra giấy, và sẽ có thể mất vài giờ hoặc vài ngày để đọc nó, thậm chí có thể lâu hơn. Đại loại là những dòng chữ:

Khởi nghiệp – theo định nghĩa phổ biến nhất – đó là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình…Diễn Đàn Doanh Nghiệp ngày 10-11-2016.

Khởi nghiệp là một tổ chức của con người được thiết kế nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong những điều kiện không chắc chắn nhất. Khởi nghiệp Trẻ tháng 11-2016.

Vân vân… và vân vân.

Nhưng mất vài phút đọc mấy trang tuỳ bút này, tôi hy vọng bạn đỡ buồn ngủ hơn, suy nghĩ cũng được kích thích hơn, và cũng có thể bạn sẽ bị hành hạ nhiều hơn… Mặc dù làm con mọt sách trong mọi thời giờ có thể luôn luôn là việc phải làm, như thâu nạp dinh dưỡng cho sống vậy.

Điều tôi mong mỏi nhất: Mỗi chúng ta nên đào bới từ cuộc sống của chính nước ta những câu hỏi và trả lời phải có, lấy kinh nghiệm và lý luận của thiên hạ soi rọi thêm vào, trung thực và can đảm đối với những điều mình đào bới được, từ đó mỗi chúng ta một tay cùng nhau quyết làm nên quốc gia Việt Nam khởi nghiệp. Rất đáng làm như thế lắm lắm, cho mình, cho đất nước!




Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét