Nguyễn
Trung
Hà Nội, ngày 15
tháng 4 năm 2012
Kính
gửi ông Nguyễn Phú Trọng
Tổng
bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam
Thưa
ông,
Đọc
tin Brazil hủy chuyến đi thăm chính thức của Ông với cương vị người đứng đầu Đảng
Cộng Sản Việt Nam và trên thực tế trong hệ thống chính trị nước ta cũng là người
đứng đầu đất nước, tôi thực sự ngỡ ngàng đến tê tái, vì điều này chưa hề xảy ra
trong lịch sử ngoại giao nước ta kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thật lòng
tôi cảm thấy bị làm nhục. Theo tin của TTXVN, lý do hủy là do phía Brazil có
khó khăn đột xuất.
Tôi
đã lên mạng các trang của Brazil bằng tiếng Anh để tìm hiểu xem nguyên nhân nào
hay khó khăn gì đã dẫn đến phía nước bạn hủy bỏ chuyến đi thăm quan trọng này
mà cả hai bên đã chuẩn bị công phu, phía ta đã công bố rõ ràng chuyến thăm này
là nhận lời mời của bà tổng thống Brazil Dilma Rousseff. Tôi không tìm được gì bất thường hay
khó khăn đột xuất nào của Brazil. Tin tức báo chí cho biết Hội nghị cấp cao lần
thứ VI của các nước châu Mỹ họp 2 ngày – ngày 14 và 15-04-2012 - ở Columbia đã
được chuẩn bị từ lâu; bà tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, cùng tổng thống nước chủ nhà chủ trì Hội nghị
này. Vậy có thể loại trừ đến 99% việc chủ nhà phải tham dự Hội nghị này là lý
do bất thường khiến phải hủy việc đón tiếp đoàn cấp cao Việt Nam; lẽ đơn giản
là việc xếp lịch đến thăm Brazil của đoàn cấp cao như vậy đều do 2 bên Việt Nam
và Brazil phải bàn bạc kỹ lưỡng và xắp xếp, không thể coi Hội nghị thượng đỉnh
lần thứ VI này của châu Mỹ được triệu tập đột xuất hay bất thường.
Nếu quả thực chỉ vì Hội nghị cấp cao châu Mỹ lần
thứ VI mà phía Brazil phải hủy việc đón tiếp đoàn cấp cao Việt Nam, thì điều
này có nghĩa là phía Brazil làm ăn vô cùng cẩu thả và khinh thường nước ta quá.
Nhưng gần cả đời người sống trong nghề ngoại giao, tôi không tin có hiện tượng
cẩu thả và khinh thường này.
Một giả thiết khác, nếu chỉ vì đến phút chót bà tổng
thống Brazil cho biết không thể tiếp Tổng bí thư vì lý do lễ tân của nước chủ
nhà – Tổng thống chỉ đón tiếp Chủ tịch nước, thì tại sao cả hai bên không ngã
ngũ chuyện này từ trước, để phía Việt Nam quyết định thăm hay không thăm trước
khi quyết định công bố trước thế giới và lên đường? Thể diện và uy tín quốc gia
của ta không cho phép phía ta chuẩn bị một chuyến đi thăm cấp cao nhất của nước
ta với một vấn đề lễ tân có ý nghĩa quyết định nhưng lại không được ngã ngũ trước
như vậy, đến nỗi vào giờ chót phía ta phải tự hủy bỏ chuyến thăm. Nếu giả thiết
này là đúng, uy tín và thể diện quốc gia không thể tha thứ sự chuẩn bị cẩu thả
này của phía ta.
Suy nghĩ mãi,
tôi lo lắng… hay là bài diễn văn của Ông tại trường Đảng Cuba Nhicô Lôpết có thể là lý do dẫn tới phía Brazil vào phút chót đã có quyết định
hủy bỏ việc đón tiếp nói trên hay không? Mọi điều cần phải được nêu ra để xem
xét, vì về phía những người trong Đoàn ta có ý kiến cho rằng bài nói này được
coi như là một tuyên bố chính trị của Việt Nam về chủ nghĩa xã hội trước cộng đồng
quốc tế.
Tôi chưa tìm ra được lý do nào rõ ràng có thể lý
giải việc hủy này, rất mong phía ta tìm hiểu căn nguyên đích thực để rút kinh
nghiệm.
Nhưng dù thế nào hay vì lý do gì đi nữa, việc
Brazil hủy bỏ vào giờ chót việc đón tiếp đoàn cấp cao Việt Nam (theo cách đưa
tin của VNTTX) như vậy là một sự cố
ngoại giao tác động trầm trọng đến quốc thể, và xảy ra lần đầu tiên đối với nước
ta – nhất là trong hoàn cảnh quan hệ hai bên Brazil-Việt Nam đang phát triển tốt
đẹp. Nếu do phía ta tự ý hủy bỏ, hoặc rơi vào hoàn cảnh phải tự hủy bỏ, hệ quả
đối với thể diện và uy tín quốc gia còn xấu hơn.
Đương nhiên, để
xảy ra sự cố này trách nhiệm thuộc về các cơ quan trong nước ta chuẩn
bị chuyến đi thăm này của Đoàn. Song dù là thế đi nữa, thiết nghĩ về nhiều mặt,
là người đứng đầu đất nước, trách nhiệm này vẫn đặt lên vai Ông là chính và trước
hết. Tôi không thể nghĩ khác được. Mong Ông để tâm điều này.
Đặt vấn đề “sự
cố” nêu trên sang một bên để tìm hiểu tiếp và để sau này đi tới kết luận tin cậy,
tôi vẫn thấy phải lưu ý bài nói của Ông tại trường Đảng Cuba Nhicô Lôpết có quá nhiều điều không lợi cho đất nước cả về đối nội cũng
như đối ngoại. Để khái quát hóa, qua bài nói này, cá nhân tôi cảm nhận thấy có
3 nước Việt Nam:
-
Một nước Việt Nam tươi đẹp, đang phăm phăm tiến bước trên con
đường định hướng xã hội chủ nghĩa như là một lựa chọn tất yếu của dân tộc – được
Ông trình bày trong bài nói tại trường Đảng Cuba Nhicô Lôpết;
-
Một nước Việt Nam trong đó sự tha hóa của Đảng đang đe dọa sự
tồn vong vủa Đảng và của chế độ chính trị đất nước, như Ông đã nhận xét tại Hội
nghị Trung ương 4 vừa qua;
-
Một nước Việt Nam đang khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội
toàn diện kéo dài, từ năm 2007 lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính cơ cấu
rất sâu sắc đến nay chưa có lối ra – như hàng ngàn ý kiến nhận xét và góp ý của
cả nước nhân dịp chuẩn bị Đại hội XI của ĐCSVN. Không thể nào coi những ý kiến
đóng góp đầy tâm huyết ấy đối với Đảng là sự suy thoái về tư tưởng hay đạo đức
chính trị, càng không thể quy kết những ý kiến đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm
ấy là của các lực lượng thù địch. Chỉ có một sự thật là trăm ngàn khó
khăn đang diễn ra trong đời sống mọi mặt hàng ngày của đất nước – gánh nặng trước
hết dồn lên vai người dân lao động, nhất là những người thất nghiệp và có thu
nhập thấp – và sự uy hiếp từ phía Trung Quốc đang ngày càng gia tăng đối với nước
ta. Chính sự thật này đang chứng minh tính đúng đắn của những ý kiến
đóng góp đầy tinh thần trách nhiệm ấy của cả nước đối với chuẩn bị Đại hội XI –
trong đó có rất nhiều ý kiến của đảng viên là lão thành cách mạng và trí thức.
Trong tiếp xúc với bạn bè và một số người dân về
bài nói của Ông tại trường Đảng Cuba, họ cho rằng bài nói gây tác dụng phản cảm
nhiều hơn là có tác dụng tích cực; đơn giản vì mọi người cho rằng có khoảng
cách quá khắc nghiệt giữa bài nói của Ông và cuộc sống thực hiện nay của đất nước.
“Sự cố” dù sao cũng đã xảy ra rồi. Nhưng có “3 nước Việt Nam” là câu chuyện còn
nguyên vẹn tính thời sự nóng bỏng, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước. Nghĩ
như vậy, tôi rất mong Ông can đảm thực hiện lời nói của chính mình: Hãy
nhìn thẳng vào sự thật! – như Ông đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương
4.
Cuối thư, tôi mạn phép mượn lời Ông: Vì sự tồn
vong của Đảng và của chế độ chính trị, nhất là để tránh những đổ vỡ cho đất nước,
rất mong Ông nhìn thẳng vào sự thật...
Kính
chào Ông
Nguyễn Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét