Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Nguyễn Trung


Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2010

          Kính gửi đồng chí Nguyễn Phú Trọng,

          Chào đồng chí, tôi xin lấy tư cách đảng viên trao đổi ý kiến với đảng viên viết thư riêng này gửi đồng chí, trước hết vì những nỗi lo trong lòng về tình hình đất nước hiện nay và về Đảng, sau nữa vì có thể đồng chí sẽ là Tổng bí thư khóa Đại hội XI, - mà nếu không phải như vậy đi nữa, thì đồng chí nào khác làm Tổng bí thư, đồng chí và các đồng chí trong Bộ Chính trị khóa  X và XI cũng nên quan tâm những điều tôi xin trình bầy dưới đây.


1

          Trên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình, hiện nay nước ta bước vào “cuộc chiến” thứ tư kể từ mùa thu Cách mạng Tháng 8-1945. Nói cho đủ nghĩa, nên gọi đây là keo vật thứ tư - sau 3 keo vật trước: 3 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Pháp, Mỹ, Trung Quốc (2-1979) trong thế kỷ trước. Đối phương chính trong keo vật này là Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường, với tham vọng là số 1 thế giới và lãnh đạo thế giới.

          Nên dùng khái niệm “keo vật thứ tư” cho toàn diện hơn và cũng là lọn nghĩa hơn và khỏi gây những hiểu lầm không cần thiết, nhất là vì nó diễn ra trong thời bình, chủ yếu dưới dạng không phải là chiến tranh. Cũng vì những lẽ này, nên dùng khái niệm “đối phương” để chỉ Trung Quốc – “đối phương” với nghĩa là phía bên kia, bao hàm tùy vấn đề và tùy lúc là bạn hữu, chiến hữu, đối tác, phía bên kia, đối tượng, địch, vân vân...  – đây cũng là một nét riêng mới của keo vật mới này.

          Việc nước ta bước vào keo vật thứ tư này không phải do nước ta tự chọn, mà do khát vọng siêu cường của Trung Quốc và do cục diện thế giới ngày nay áp đặt lên nước ta, muốn tránh né cũng không được. Điểm quyết liệt nhất trong keo vật thứ tư này là: Về nhiều mặt, Việt Nam là chướng ngại vật tự nhiên lớn nhất, khó vượt qua nhất trên hướng đi thuận lợi nhất của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường. Tính chất quyết liệt của keo vật thứ tư nước ta đã bước vào này có thể được đo bằng tính chất quyết liệt vươn lên thành siêu cường số 1 thế giới của Trung Quốc.

          Thực ra keo vật này đã bắt đầu khá lâu rồi, chí ít là từ Hội nghị cấp cao Việt – Trung tại Thành Đô năm 1990. Keo vật thứ tư này hiện nay đang diễn ra với xu thế cán cân nghiêng dần dần về phía Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông của ta chỉ là một mặt trận trong keo vật thứ tư này giữa hai bên mà thôi, không phải là mặt trận số 1, dù rằng có thể có lúc rất nóng.

          Mặt trận số 1 của keo vật thứ tư này đối phương lựa chọn là nội tình nước ta. Đối phương coi giành thắng lợi trên mặt trận số 1 này là điều kiện hàng đầu để giành thắng lợi trên các mặt trận khác, để giành toàn thắng.

          Dù là keo vật thứ tư được thực hiện trong thời bình và chủ yếu dưới dạng không chiến tranh, song ý nghĩa của nó đối với vận mệnh và tương lai đất nước ta chẳng khác bao nhiêu và hoàn toàn không kém quan trọng nếu không nói là hơn so với 3 keo vật mà nước ta đã phải chấp nhận trong thế kỷ trước – (ở đây lại phải hiểu rõ hồi đó là 3 cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, Mỹ và Trung Quốc 2-1979). Bởi vì keo vật thứ tư này sẽ quyết định có thể bảo vệ thành công được hay không thành quả của 3 keo vật trước, quyết định tương lai đất nước.

          Để vật nhau như thế, đầu tiên ta bắt buộc phải đánh giá cặn kẽ, toàn diện hai bên: ta và đối phương; để từ đó quyết định đường đi nước bước của đất nước và của trách nhiệm cá nhân mình, kể cả trau luyện ý chí và phẩm chất của riêng mình. Xin nói ngay, tôi không nghĩ rằng các đồng chí UVBCT ý thức được đầy đủ keo vật thứ tư này, không loại trừ có đồng chí không nhận thức được keo vật thứ tư này. Đây là điểm mấu chốt dẫn đến mọi yếu kém, tha hóa và sai lầm. 

          Đất nước đã bị kéo khá sâu vào keo vật thứ tư này rồi, nếm không ít cay đắng rồi, mà vẫn mơ hồ như thế này, vẫn mất phương hướng và thiếu ý chí như thế này, phẩm chất phấn đấu như thế này, làm sao tránh được bại?

          Để khỏi dài dòng, có thể đi ngay vào nhận định: Hiện nay Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là cường quốc quân sự uy hiếp nhiều quốc gia và mạnh áp đảo trong khu vực, giành được nhiều lợi thế khác trên trường quốc tế do 2 bước tiến này tạo ra, đã tạo ra tình huống thế giới cần, ngán và phần nào sợ Trung Quốc, đối thủ chính của Trung Quốc là Mỹ buộc phải có những bước đi thay đổi chiến lược. Tình hình này kéo theo nhiều thay đổi sâu sắc trên thế giới.

          Nhìn cụ thể hơn nữa và ở phạm vi gần, Trung Quốc đã tạo ra được ảnh hưởng chi phối đối với các nước Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia. Sự chi phối này sâu sắc đến mức có thể tạm dùng khái niệm “các nước chư hầu kiểu mới” của Trung Quốc hiện đại.

          Mức “chư hầu kiểu mới” Trung Quốc đạt được và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với Trung Quốc xếp theo thứ tự là Bắc Triều Tiên, Việt Nam và Thái Lan. So với 3 nước này, các nước Myanma, Lào và Campuchia phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, nhưng không quan trọng bằng về mọi mặt. Trung Quốc đẩy mạnh xu thế “nắm” này để đi tiếp.


2

          Ta có nhiều thắng và thua trong keo vật thứ tư này. Tuy nhiên, nhìn sâu vào tình hình hiện nay, lúc này cán cân đang nghiêng nghiêng dần về phía Trung Quốc trong quan hệ Việt – Trung. Cần thẳng thắn nhìn nhận ta đã có nhiều thất bại lớn phải ngồi xem lại. Các thắng lợi giành được để bàn lúc khác.

          Những thất bại như mất đất, biển, đảo đã xảy ra, trước hết và chủ yếu là những thất bại quân sự, dù đau đớn như thế nào, đấy vẫn là những thất bại mang tính chiến thuật. Nguyên nhân chủ yếu là do đối phương (trong trường hợp này là “địch”) mạnh áp đảo tại chỗ.

          Những thất bại trong nội trị, kinh tế, ngoại giao đã xảy ra, thường là những thất bại mang tính chiến lược,  song nguyên nhân chính lại không phải là do ta yếu hơn Trung Quốc trong so sánh lực lượng. Những nguyên nhân chính lại nằm chủ yếu trong sai lầm, yếu kém và tha hóa của phía ta.

          Mức độ tổng hợp của tất cả những thất bại vấp phải này có thể đo bằng các hiện tương: sự lệ thuộc của ta vào Trung Quốc có nhiều mặt gia tăng, sức chiến đấu của Đảng ngày càng nhiều bất cập, lòng dân không yên, kinh tế tích tụ nhiều khó khăn mới nguy hiểm, chế độ chính trị ngày càng nhiều biểu hiện xung yếu, phẩm chất chiến đấu của đội ngũ cán bộ đảng viên xuống cấp nghiêm trọng. Trung Quốc nói thẳng đi guốc trong bụng ta, nắm rất rõ  tình hình này, và đang ra sức khai thác.

          Bên cạnh việc phân biệt các thất bại chiến thuật và chiến lược và nguyên nhân như thế, cần hết sức chú ý đánh giá nghiêm túc những thất bại trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Đừng một chiều nghĩ rằng chỉ trong kinh tế mới có những “Vinashin”, cho dù phải thừa nhận rằng mức độ phụ thuộc hiện nay của ta vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế rất “Vinashin” và rất nhậy cảm. Cứ xem Trung Quốc dọa Nhật trong vụ Senkaku thì rõ.

          Trong chính trị có không ít những “Vinashin”.

          Ví dụ, kết quả tổng hợp đạt được trong toàn đợt học tập đạo đức và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh thực ra là một dạng “Vinashin”, vì học rất rầm rộ, kéo dài và tốn kém, song trên thực tế chỉ khuyến khích cái hình thức, cái giả dối rất nguy hiểm mà Đảng đang cần chống, không tạo ra được chuyển biến mới trong hệ thống chính trị và xã hội; thậm chí trên thực tế chất lượng Đảng khóa X tiếp tục xuống cấp mọi mặt và tha hóa hơn so với khóa IX… Ví dụ, hệ thống chính trị nói chung và hệ thống nhà nước nói riêng rất được quan tâm đầu tư công sức và tâm trí để nâng cao, nhưng các bất cập và tha hóa vẫn cứ lớn lên nhanh hơn. Ví dụ, bỏ ra bao nhiêu công sức cho giáo dục, nhưng kết quả nền giáo dục nước ta hiện nay rất “Vinashin” với nhiều hậu quả lớn hơn, lâu dài hơn Vinashin. Ví dụ về đối ngoại: thế và thời cơ của đất nước sau 30-04-1975 lớn như thế, nhưng để đất nước ta thế như hiện nay trên bàn cờ quốc tế là thất bại chiến lược vượt rất xa tầm “Vinashin”. Để cho Trung Quốc khoét sâu vào nội bộ ta là thất bại chính trị có nghĩa chiến lược vượt rất xa tầm “Vinashin”! Vân Vân…

          Vào keo vật, chỉ có thắng hoặc thua. Dứt khoát phải nhìn thẳng như thế vào thất bại để tìm cách đảo ngược tình hình “đang nghiêng nghiêng” như hiện tại.

          Để cho Trung Quốc tạo ra đứng bên mình là một Việt Nam èo uột, là ta thua.

          Làm cho Trung Quốc tôn trọng độc lập chủ quyền và mọi quyền tự chủ của ta, hữu nghị hợp tác với ta trong quan hệ láng giềng tốt, không biến nước ta thành bàn đạp hay quân tốt của họ trong cuộc giành giật vị trí siêu cường; việc của họ là của họ, đừng kéo ta dính líu vào.., làm cho  Trung Quốc và cả thế giới coi Việt Nam là bạn, là đối tác.., làm được như thế là ta thắng.

          Keo vật thứ tư này mới ở giai đoạn đầu tiên và sẽ  còn nhiều giai đoạn tiếp theo nữa, nghĩa  là sẽ còn kéo rất dài, chỉ kết thúc khi ta thắng.


3

          Trong keo vật thứ tư này, ở vào thời đoạn nhiệm kỳ khóa XI, Đảng đứng trước 3 nhiệm vụ:

1.    Phải mở đường chuyển hẳn nền kinh tế nước ta đi vào thời kỳ phát triển mới, có chất lượng cao hơn, năng động, bền vững.
2.    Phải giải quyết thành công nhiệm vụ đối ngoại khó nhất là “Trung Quốc” để cải thiện hay khắc phục hẳn tình hình “nghiêng nghiêng” hiện nay.
3.    Phải cải cách triệt để toàn bộ hệ thống chính trị, mở đầu là đổi mới hẳn Đảng, để có điều kiện quyết định thực hiện thành công nhiệm vụ 1 và 2 nêu trên.

Cương lĩnh dự thảo và các văn kiện dự thảo khác phục vụ Đại hội XI không đáp ứng được 3 nhiệm vụ nói trên, nguyên nhân hàng đầu là mọi vấn đề không được đặt ra với nhận thức nước ta hiện nay đang ở trong tình thế “nghiêng nghiêng” trong keo vật thứ tư này. Nguyên nhân của lãnh đạo là lý luận và đường lối sai, tư duy sai, và phẩm chất không đáp ứng.

Sau Đại hội, triển khai các nghị quyết như đã làm trong khóa X, chắc chắn sẽ vấp thêm những thất bại lớn.

Nhân đây xin nói thêm nhận xét khái quát về thực hiện các nghị quyết của Đại hội X:
-         Cái đúng trong các nghị quyết chỉ trở thành khẩu hiệu, hoặc để kìm kẹp nhau. Phần cái đúng thực hiện được không bao nhiêu, chủ yếu do thúc đẩy của cuộc sống, thiếu tự giác và thường là rất hao người tốn của (“đắt”).
-         Cái sai trong các nghị quyết được lợi dụng triệt để cho “lợi ích”, hoặc để biện minh, để che đậy tha hóa.
-         Tình trạng “nằm ngăn kéo”, chỉ đụng tới khi cần là phổ biến; vì vậy “quán triệt nghị quyết” nhiều khi thực ra cũng chỉ là cách nói.
-         Thành tích không ít, nhưng nói chung thường “đắt”, có khi quá “đắt”, mà như thế trong dài hạn không thể giành thắng lợi, thậm chí sẽ bại.

          Như vậy, các nghị quyết chuẩn bị cho Đại hội XI dù có được viết tốt đến đâu đi nữa cũng không có nhiều ý nghĩa lắm.

          Đến họp Đại hội XI, thời gian không còn nhiều cho sửa lại dự thảo các văn kiện, vả lại trong tình hình này việc sửa đổi các dự thảo cũng không cần thiết nữa. Thiết nghĩ điều cốt lõi là (a)Đại hội xem xét có phải 3 nhiệm nêu trên là xác đáng không và giao cho BCHTW khóa XI thực hiện, (b)Đại hội quyết định ngay phải thực hiện triệt để dân chủ trong Đảng với mục đích đặt nền móng cho đổi mới Đảng và cho phấn đấu trở thành đảng tiên phong về mọi mặt của dân tộc – giao cho BCHTW khóa XI thực hiện.

          Nếu thực hiện được dân chủ ngay trong Đại hội này vào việc bầu cử BCHTW, BCT và TBT thì rất tốt – điều này là khả thi, cho dù họp Đại hội có thể kéo dài thêm ngày. Thời gian từ nay đến họp Đại hội có lẽ đủ cho việc chuẩn bị cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên như thế trong Đại hội Đảng. Nên dồn tâm sức ưu tiên hàng đầu thực hiện việc chuẩn bị bầu cử dân chủ này.

          Không thể chờ đợi Đại hội XI sẽ chọn được đúng người tài (được hiểu là gồm cả đức) trong Đảng cho vấn đề nhân sự, vì cái “guồng máy” đang chạy không có khả năng làm việc này. Đòi hỏi này chỉ nên đặt ra tương đối. Điều chính yếu là loại bớt bầu cử theo cơ cấu, đánh đổi, mua bán. Điều chính yếu là đây sẽ là BCHTW, BCT và TBT đầu tiên được lựa chọn trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong Đại hội Đảng. Điều chính yếu đây là đột phá đầu tiên cho thực hiện công khai minh bạch và thực hiện dân chủ trong Đảng. Đột phá được như vậy sẽ mở ra bước ngoặt cho Đảng trên con đường phấn đấu trở thành đảng tiên phong về mọi mặt của dân tộc.

          Nói gắn gọn: Đại hội XI phải mở ra được đột phá này cho toàn bộ sự nghiệp của Đảng từ nay trở đi.


4

          Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong 3 keo vật trước. Đảng đang lãnh đạo nhân dân trong keo vật thứ tư này. Song thắng lợi của 3 keo vật trước không nhất thiết là sự bảo đảm cho Đảng làm được như thế trong keo vật thứ tư. Nếu để kết quả sẽ là một Việt Nam èo uột, coi như Đảng thất bại. Và trong một tình hình như thế, nhân dân sẽ không còn thừa nhận Đảng là người lãnh đạo, tình hình sẽ không thể diễn ra như khi Liên Xô sụp đổ, thảm họa nồi da xáo thịt trong lòng đất nước ta sẽ là nguy cơ rất lớn, mở ra khả năng cho sự can thiệp mới từ bên ngoài.

          “Đánh vật” ở keo thứ tư như nước ta đang tham gia hiện nay rất quyết liệt và phức tạp, tương lai đất nước đang bị uy hiếp rất lớn. Tôi không muốn làm thầy bói cho tương lai, chỉ muốn nhận định:
-         ĐCSLX đã thất bại, đảng không tồn tại nữa, cái còn lại chỉ là tàn dư. Nhưng cường quốc Nga đang sống lại và trỗi dậy, nhất định sẽ giành được vị trí quốc tế xứng đáng của nó.
-         ĐCSTQ hiện nay đã trở thành một đảng khác trên thực tế, phù hợp cho nước Trung Quốc tư bản chủ nghĩa theo chế độ toàn trị đặc sắc Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường.
-         ĐCSVN từ đảng lãnh đạo có chức năng cầm quyền, đang tha hóa thành nắm quyền, và hiện đang tha hóa tiếp thành đảng cai trị. Con đường định hướng xã hội chủ nghĩa Đảng đang theo đuổi thực chất là đang đạt được những kết quả của chủ nghia tư bản hoang dã thời kỳ tích tụ ban đầu.

          Cục diện thế giới, “cái công xưởng thế giới” rất nóng ngay sát  nách mình, nội tình và xu thế phát triển đang diễn ra của đất nước như hiện nay – đấy là 3 yếu tố đặt ra yêu cầu sống còn: Đảng phải được cải cách triệt để thành đảng tiên phong về mọi mặt của dân tộc, lấy dân chủ làm nền tảng cho chính mình và cho đất nước. Không tự cải cách được như thế, Đảng sẽ trở thành đối đối kháng của dân tộc.

          Tôi nghĩ cá nhân mình đủ trưởng thành để chiêm nghiệm rằng quyền lực tự nó không biết cải tạo, không biết tuân theo lẽ phải. Vậy chỉ còn một con đường duy nhất, khó nhất, sống hoặc chết, nếu con người nằm trong hay đang nắm quyền lực dám tự tách mình ra khỏi quyền lực, đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết, trên cả chính mạng sống của mình.

Với thực trạng trong Đảng hiện nay, tôi nghĩ rằng nếu toàn thể các ủy viên BCT là một, thì Bộ Chính trị có thể dám “tự tách bản thân mình” như thế, dám đặt sự sống còn của Tổ quốc và của Đảng lên trên hết, Bộ Chính trị sẽ dám chấp nhận cải cách triệt để Đảng thành đảng tiên phong về mọi mặt của dân tộc. Đây cũng là khả năng lớn nhất, là cơ hội duy nhất Đảng đang có trong tay.  Bộ Chính trị là một như thế, có thể đấy sẽ là một  Trần Thủ Độ tập thể của Việt Nam thời hiện đại. Trần Thủ Độ lịch sử đã chuyển hoá triều Lý tàn lụi để dựng nên cả một thời đại nhà Trần hiển hách và là niềm tự hào đời đời của dân tộc Việt Nam ta.

Cái “vốn” Đảng tích lũy được cho mình qua 3 keo vật trước của đất nước cho phép Đảng nắm lấy cơ hội duy nhất và khó nhất này. Nhất là trong 3 keo vật trước không phải dưới một lần Đảng có truyền thống: khi Bộ Chính trị đã nhìn ra vấn đề, khi Bộ Chính trị đã một lòng, việc đảo ngược tình hình, chuyển bại thành thắng hoàn toàn nằm trong tầm tay. Bộ Chính trị lựa chọn Tổ quốc, lựa chọn nhân dân thì dù khó thế nào cũng sẽ làm được, còn lựa chọn mình thì chắc chắn thất bại. Đương nhiên cuộc sống cũng cho không ít bài học: nhiều khi truyền thống vẫn chỉ là chuyện đã qua.

Xin nói thẳng thắn, viết thư riêng này không phải là vì tôi yêu “Đảng hiện nay”. Nhiều lần tôi đã nói thật lòng và công khai: Đảng trong tim tôi và “Đảng hiện nay” là hai đảng khác nhau mất rồi! Viết thư riêng này, chỉ vì dân tộc ta trên chặng đường hiện nay ở giữa keo vật thứ tư này đang cần hơn bao giờ hết sự lãnh đạo sáng suốt của lực lượng tinh hoa nhất của chính mình. Vấn đề đặt ra là: Có những thuận lợi lớn nhất trong tay so với cả nước, tại sao Đảng lại không tận dụng phấn đấu để trở thành lực lượng tinh hoa như thế mà dân tộc đang mong đợi? – Đảng tiên phong về mọi mặt của dân tộc Việt Nam sau khi đã giành lại được đôc lập thống nhất cho Tổ quốc!

“Đảng hiện nay” cho cái mình đang lựa chọn, đang giữ khư khư là tốt nhất cho đất nước hay sao? Mà như thế cũng là sẽ giữ được Đảng?

Viết thư riêng này cho đồng chí, chỉ là vì tôi tìm mọi cách theo lương tri và sức của cá nhân mình, góp phần cùng với mọi người vào việc làm cho đất nước mình tránh bằng được nguy cơ một lần nữa đất nước ta lại có thể lâm vào cảnh nồi da xáo thịt.

Cơ hội của đất nước rất lớn và chưa từng có, vì ngoại trừ đối phương, trong cục diện thế giới hiện nay hầu hết các nước trên thế giới muốn có một Việt Nam mạnh, không muốn một Việt Nam èo uột, càng không muốn một Việt Nam nằm trong vòng tay ôm ấp của Trung Quốc. Chỉ xin đừng hiểu nhầm là những nước này yêu thích chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Nhất định nhân dân ta quyết tâm lựa chọn cơ hội này, nếu Đảng không lựa chọn thì nhân dân chỉ chọn cơ hội và làm mọi việc để thực hiện. 1000 năm Bắc thuộc không làm được gì, bây giờ càng không làm được gì đối với nước ta.

Xin nhắc lại, Đảng đã thành công lãnh đạo nhân dân trong 3 keo vật trước của đất nước. Trong thành công này, thất bại lớn nhất của Đảng là không làm chủ được vũ khí dân chủ. Chính thất bại này ươm mầm cho hầu hết những thất bại nghiêm trọng Đảng đã vấp phải trong suốt 3 keo vật này. Thất bại này hôm nay đang đe dọa đánh bại Đảng hay làm mất Đảng.


5


Ngoại trừ chấp nhận nhắm mắt đi tiếp, tới đâu thì tới, muốn ra sao thì ra.., con tầu đang lao nhanh giữa biển, không thể đột ngột hãm lại. Càng không thể hãm lại khi đang phân vân và chưa xác định rõ mục tiêu mới phải lựa chọn, chưa nhìn rõ hướng mới và cách đi tới nó… Nhất là  càng không thể đột ngột như thế trong khi chưa nhận thức thấu đáo được mọi việc của quốc gia và của Đảng phải được đặt trong bối cảnh đất nước đã bước sâu vào keo vật thứ tư, mọi việc phải được nhìn nhận với ý thức sâu sắc nhất và trí tuệ sắc bén nhất: Lợi ích quốc gia trên hết. Nhìn ra rồi, còn phải cân nhắc cẩn trọng đường đi nước bước nữa – nhất cử nhất động, không nôn nóng được! Xin nhấn mạnh: Phải quyết liệt, nhưng kiên trì, phải thấy rõ nhất cử nhất động!



*


Thư này là viết riêng cho đồng chí, chỉ gửi riêng cho đồng chí, xin tùy đồng chí cân nhắc, xử lý nó như thế nào, và tự quyết định. Theo tôi, cả Bộ Chính trị hiện nay nên quan tâm đến thư này; Bộ Chính trị của khóa XI nhất thiết nên đọc thư này. Nhưng bây giờ là lúc nên tập trung sức lực tổ chức họp Đại hội XI tốt nhất có thể, như đã kiến nghị bên trên. Sau khi mọi việc có liên quan sau họp Đại hội đã thu xếp xong, Bộ Chính thị khóa Đại hội XI sẽ bình tâm xem xét những điều tôi viết lên trong thư này, rút ra cho mình những kết luận từ việc nhận thức lại về keo vật thứ tư, rồi quyết định… Dù quyết định theo hướng nào, dứt khoát không phơi áo cho đối phương xem lưng. Xin dứt khoát không bao giờ sơ xuất rơi vào tình cảnh vạch áo cho người xem lưng!

Những điều tôi viết ra đây có thể đúng, có thể sai, cái đúng cái sai… Tôi có bổn phận nói thực, song không có bổn phận khuyên đồng chí nên theo hay không theo điều này điều khác tôi nói. Tôi cũng không chờ đợi đồng chí trả lời thư này hay không trả lời thư này, ngoài làm cái việc thực hiện bổn phận phải nói của mình.

Tôi đã cố tỉnh táo, điềm tĩnh, nhưng biết thư này lỗ mãng. Xin miễn cho tôi việc xin lỗi, nhưng mong được thông cảm.

                                                                             Kính thư
                                                                             Nguyễn Trung




         

         



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét