Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Một nhiệm kỳ không đủ cải cách giáo dục

09:45' 08/01/2008 (GMT+7)
(VietNamNet) - Bàn về câu chuyện cải cách giáo dục, tác giả Nguyễn Trung khẳng định không có chuyện đánh nhanh thắng nhanh, càng không có chuyện cải cách giáo dục là công việc của nhiệm kỳ này, mà nó phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài vì "đất nước không có nhiệm kỳ".
VietNamNet giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Trung về những trăn trở của giáo dục VN trong năm 2008. (Tựa bài và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt).

Chi phí cao, hiệu quả thấp
Ảnh: Lê Anh Dũng
Ảnh: Lê Anh Dũng
Cần nhìn thẳng vào thực tế là từ hàng chục năm nay năng lực quản lý yếu kém của bộ máy nhà nước các cấp trong lĩnh vực giáo dục, bệnh thành tích, trình độ chuyên môn và phẩm chất hẫng hụt của một số người trong ngành (bao gồm cả người làm nhiệm vụ quản lý cũng như những người giảng dạy) đang để lại nhiều hệ quả nặng nề trong lĩnh vực giáo dục của nước nhà.
Vấn đề nổi cộm nhất là công sức và chi phí mọi mặt của toàn xã hội bỏ ra nhiều, chất lượng giáo dục đạt được thấp, không những thế mà còn phát sinh, nuôi dưỡng nhiều tiêu cực mới trong xã hội. Tình trạng yếu kém của giáo dục hiện nay và những hệ quả xấu phải mất nhiều năm và với nỗ lực rất lớn mới khắc phục được.
Cho dù trong tay có ngay một núi tiền, những yếu kém về chất lượng giáo dục ở bậc phổ thông hay bậc ĐH hiện nay không thể nào khắc phục ngay trong một hai năm được. Có nhiều vấn đề không thể dùng tiền mà giải quyết được như khắc phục những tư duy sai lầm trong giáo dục: đào tạo từ các em học sinh mẫu giáo theo những khuôn mẫu “bé ngoan” dễ bảo thay vì phải thức tỉnh, rèn luyện cho các em từ rất sớm ý thức tự tại, tự lập, đào tạo nên những con người được nhồi sọ kiến thức thay vì đào tạo nên những con người có khả năng sử dụng kiến thức, tự tạo ra kiến thức...
Câu chuyện bắt đầu từ chương trình giảng dạy, nội dung giảng dạy... Nhiều người còn nói câu chuyện bắt đầu từ triết lý sai lầm về giáo dục mang cái tên “vừa hồng vừa chuyên” theo đuổi từ bao nhiêu năm nay. Có nhiều vấn đề phải thẳng thắn nhìn vào để sửa từ gốc.  
Tôi không bi quan đến mức coi nền giáo dục của ta là hỏng, hay cơ bản là hỏng. Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được giải thích điều này. Song tôi nghĩ rằng những yếu kém của nền giáo dục nước nhà rất nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Những tệ nạn tiêu cực có liên quan đến giáo dục là rất lớn, từ khâu dạy học đến khâu sử dụng người.
Sự lãng phí lớn nhất đất nước phải trả giá trong những năm qua là nguồn nhân lực của đất nước chưa được phát huy đúng mức, chất lượng lực lượng lao động của nước ta còn khá thấp so với nhiều nước chung quanh, thiếu nghiêm trọng đội ngũ cán bộ kỹ trị và lực lượng lao động có chất lượng cao, vừa gây tổn thất vừa bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn lớn. Nói lên như vậy, tôi muốn làm rõ mức nghiêm trọng của vấn đề, nó sẽ là câu chuyện nghiêm trọng phải đặc biệt quan tâm giải quyết trong nhiều năm tới chứ không phải chỉ của riêng năm 2008.
Vì thế, đừng nghĩ đến làm một cuộc cách mạng về giáo dục hay một sự thay đổi nào đó mang tính cách mạng trong giáo dục cho năm 2008. Càng không nên làm bất kỳ một cuộc cách mạng nào mà chúng ta không biết nó sẽ xây nên cái gì, và hình như xây nên một cái gì mới thường là nhiệm vụ của phát triển chứ không phải là của cách mạng.
Đã có nhiều ý kiến nêu lên trên báo chí về những vấn đề nóng bỏng phải giải quyết ngay trong năm 2008, song có một việc mang tính cách mạng thật, nhất thiết phải làm trong năm nay, đó là: Huy động trí tuệ tâm huyết cả nước – nhất là của trí thức trong ngoài nước, để dựng lên cho được một chương trình cải cách cải cách sâu rộng nền giáo dục nước nhà, trên cơ sở này vạch ra những công việc phải làm cho những năm tiếp theo.
Không có chuyện đánh nhanh thắng nhanh được, càng không có chuyện cải cách giáo dục là công việc của nhiệm kỳ này, mà nó phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Xin nhớ cho đất nước không có nhiệm kỳ!
Giảm chi phí "phòng trào" để tăng lương giáo viên
Ở nước ta, trường mở tràn lan. Nhiều trường có số lượng SV còn đông hơn cả những trường ĐH nổi tiếng nhất thế giới. Trong tình trạng như vậy, thiếu người dạy và chất lượng giảng dạy thấp là tất yếu, kể cả về mặt đạo đức.
Không chỉ có chuyện người dạy phải dạy nhiều giờ, mà còn có chuyện người dạy còn đi dạy ở nhiều trường. Hiện nay đang có nhiều GS, TS đăng ký cùng một lúc tại nhiều nơi để những nơi này “hội đủ những điều kiện” mở trường mới. Mà như thế chỉ riêng việc tăng học phí để tăng lương cho người dạy sẽ không giải quyết được vấn đề. Đã thế, cũng không thể dẹp bớt các trường hiện có hoặc giảm bớt chỗ học của HS để đỡ thiếu thầy.
Chúng ta đứng trước một vấn đề nan giải, thiết nghĩ chỉ có cách gỡ ra từng mảnh để giải quyết dần từng phần trong một chương trình tổng thể chung của cải cách giáo dục trong nhiều năm tới, không thể đau đâu chữa đấy theo kiểu chữa cháy.
Cắt giảm những chi tiêu phi lý từ tổng các nguồn thu hiện nay để có nguồn tăng lương cho người dạy là việc nhất thiết phải làm, song việc tăng lương phải gắn với cam kết hay nghĩa vụ của người dạy trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cần rà soát nghiêm ngặt lại thu và chi hiện nay để chấn chỉnh lại thì cũng có thể đủ nguồn để tăng lương một cách hợp lý cho người dạy trong các trường công lập hay là những bộ phận nhất định trong hệ thống trường công lập.
Việc tăng học phí trong các trường công lập là bất đắc dĩ, chỉ nên đặt ra sau khi đã rà soát và phân bổ lại tổng các nguồn thu như đã nêu trên và xét lại việc chi, chỉ nên tăng ở mức thấp nhất cho phép, thu được từ nguồn này phải chi đúng việc là tăng lương cho người dạy. Mặt khác chú trọng kết hợp với những biện pháp hỗ trợ người học như hiện nay Chính phủ đang tìm cách ban hành.
Nhìn rộng ra cả nước, tôi thấy có thể cắt giảm nhiều khoản chi cho những hoạt động giáo dục mang nặng tính phong trào và chỉ có ý nghĩa hình thức. Cắt những công trình nghiên cứu đồ sộ với chi phí hàng tỷ, thậm chí chục tỷ nhưng hầu như không mang lại lợi ích thiết thực nào cho cuộc sống, dồn những khoản ngân sách đã được phân bổ cho các chương trình này nhưng dùng không hết hoặc dùng cho các chương trình chỉ có cái tên mới nhưng nội dung gần như cũ để có thêm nhiều nguồn lực mới để chi một cách đích đáng cho giáo dục. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tại sao không đặt vấn đề rà soát lại các nguồn lực khác, các khoản chi lãng phí khác trong ngân sách nhà nước để ưu tiên dồn cho giáo dục?
Xin nói thêm, không một việc tăng lương nào cho người dạy  - cho dù chúng ta có thể làm tốt việc này – có thể thay thế việc người dạy tự lấy cái đức của nhà giáo làm động lực tự nâng cao khả năng giảng dạy của mình – nhất là dạy người học làm người bằng tấm gương phấn đấu của chính mình, và đấu tranh quyết liệt với cái dạy “giả”, cái học “giả”.
Cái đức lớn nhất của nhà giáo là hãy nêu gương là người yêu nước, cống hiến hết mình cho đất nước đi lên, đương đầu với mọi sai trái với tinh thần yêu nước,  lấy tinh thần cống hiến ấy nâng cao năng lực dạy và khả năng ảnh hưởng của mình đối với người học. Thế hệ trẻ, những người học đang khao khát sống vì đất nước, vì vậy họ đang cần tấm gương ấy, đang cần ảnh hưởng ấy của người dạy.
Tự chủ ĐH: Phấn đấu từ 2 phía
Ảnh: Lê Anh Dũng
Ảnh: Lê Anh Dũng
Quyền tự chủ cho các trường đại học đang là một đòi hỏi bức bách. Đây cũng có thể còn là một “mốt thời đại” – cho nhiều chuyện “bậy bạ” mang tính thời đại.
Nói đến quyền tự chủ cho các trường đại học, việc đầu tiên phải nói ngay là quyền này chỉ được phép có và chỉ được nhằm vào một mục đích: Nâng cao chất lượng đào tạo.
Tự chủ để tự do chủ nghĩa và bất chấp mọi sự kiểm soát, ràng buộc là thứ tự chủ dứt khoát phải loại bỏ. Vì mục đích duy nhất của quyền tự chủ là nâng cao chất lượng đào tạo, nên nó phải là quyền tự chủ có điều kiện.
Tham khảo ý kiến nhiều lão làng trong ngành giáo dục, tôi xin mô tả những điều kiện chính như sau:
- Trước hết đó là quyền tự chủ về không gian học thuật và nghiệp vụ.
- Quyền tự chủ về quản lý tài chính như một doanh nghiệp – cụ thể ở đây là tự chủ trong việc sử dụng các nguồn thu  đã được phân bổ, các nguồn thu được phép, không phải vì mục đích kinh doanh vì lợi nhuận, mà vì mục đích sử dụng tối ưu các nguồn lực được phân bổ này.
- Phải có năng lực nghiệp vụ (giảng dạy, nghiên cứu...) và năng lực quản lý để thực hiện quyền tự chủ này.
- Thực hiện công khai minh bạch toàn bộ hoạt động của trường.
- Phải chịu sự đánh giá, kiểm soát mọi mặt, trước hết là chất lượng đào tạo, của một cơ quan độc lập trong xã hội dân sự và của công luận.
Đặt vấn đề như vậy thì Chính phủ hay là Bộ GD-ĐT nên tạo mọi điều kiện cần thiết có liên quan và nên sớm đòi các trường đại học phải phấn đấu có đủ các điều kiện để tự chủ, nghĩa là bắt buộc các trường đại học phải sớm có khả năng tự chủ. Bắt buộc, chứ không phải ban cho, nhưng thiết nghĩ, có lẽ không phải trường đại học nào cũng dám xung phong xin được nhận quyền tự chủ. Để công bằng, cũng xin nói ngay chưa hẳn  - tôi đoán vậy -  Bộ GD-ĐT đã dám “buông ra” theo những điều kiện trên để cho các trường tự chủ. Vậy để thực hiện quyền này, phải cùng phấn đấu từ hai phía.
Tôi có một cái nhìn lạc quan cho năm 2008. Tại sao không biến sự thất bại thảm hại hiện nay của giáo dục thành một cơ hội? Có thể được và rất nên như thế chứ! Đây là cơ hội gạt bỏ những yếu kém trong giáo dục đang cản trở sự phát triển của đất nước, cơ hội phát huy dân chủ và lòng yêu nước huy động trí tuệ và ý chí của cả nước dốc sức xây dựng một nền giáo dục nhân bản và tiến bộ mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi, cơ hội thực hiện nguyên lý mọi việc của đất nước đều thuộc về quyền của dân, vì dân và do dân quyết định, cơ hội hoàn thiện và phát triển thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự  mà nhân dân ta đang ra sức xây dựng. Nói gắn gọn: cơ hội nâng cao lòng yêu nước, đoàn kết toàn dân, và thực hiện quyền của dân – nghĩa là dân chủ!
  • Nguyễn Trung 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét