Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

(Bản thảo 1.7.)


Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa
trong
thế giới toàn cầu hoá?


Nguyên Nguyên



I. Khoảng cách một giai đoạn phát triển


          Công cuộc đổi mới ở nước ta mở ra một bước ngoặt đáng ghi nhớ trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Biến nguy cơ mất còn thành thời cơ phát triển, nhân dân ta và Đảng ta trong 15 năm đổi mới, với tất cả ý chí cách mạng và nghị lực sáng tạo, đã làm nên những thành tựu xây dựng kinh tế và phát triển đất nước  chưa từng có kể từ khi nước Việt Nam Dân Chủ cộng Hoà ra đời. Nhờ vậy đời sống của nhân dân được nâng cao rõ rệt, nền kinh tế đất nước thay da đổi thịt, chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa của đất nước đứng vững trước mọi sóng gió, đất nước giành được vị thế quốc tế chưa từng có. Đặc biệt trong những năm 1990 – 1995 kinh tế nước ta lần đầu tiên vượt rất cao mọi chỉ tiêu phấn đấu. Trong khoảng thời gian này tăng trưởng hàng năm của GDP đạt khoảng 8,5 đến 9,5%, tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20-25%. Riêng về xuất khẩu tổng giá trị kim ngạch năm 1999 bằng 5 lần năm 1991... Nhìn lại, ai quên được những lời dự đoán từ đâu đâu tới  trong những năm tháng ấy: Cộng Hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ đi vào vết xe đổ của các nước Liên Xô Đông Âu chăng?...




Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã thực hiện thành công quan điểm chiến lược độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, kết hợp được với sức mạnh của thời đại, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng đất nước, mang lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước, những thành tựu của 15 năm đổi mới đang gợi mở ra nhiều điều quan trọng rất đáng được suy ngẫm về tư tưởng và chiến lược phát triển, trước hết là trên những vấn đề gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc như thế nào, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại như thế nào trong nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng... Đây là những vấn đề rất mới – do chính yêu cầu tự thân của sự nghiệp phát triển đất nước ta đặt ra trong những bước đi chung đầu tiên của cả thế giới tiến vào nền kinh tế của thế kỷ 21, vào thiên niên kỷ thứ 3 trong chính sử của nhân loại.

Chưa thể nói được chúng ta đã tổng kết tốt những kinh nghiệm vô cùng quý báu của 15 năm đổi mới. Nhưng phải chăng thực tiễn đã cho phép rút ra một số kết luận kết luận:
(1)  Ngày nay, nhờ những thành tựu bước đầu nhưng có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc đổi mới, chúng ta đang ngày càng nhận thức rõ hơn con đường thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh, thấy rõ hơn giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội  chủ nghĩa gắn với chủ động hội nhập quốc tế thắng lợi?
(2)  Quan trọng hơn nữa, phải chăng những thành tựu mọi mặt trong 15 năm đổi mới vừa qua chỉ ra: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh là nền tảng của độc lập dân tộc và tạo điều kiện thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa? Lẽ đơn giản là nghèo yếu làm sao có thực lực giữ gìn độc lập và lấy gì để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa?
(3) Cho dù con đường thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh còn gian nan và quanh co khúc khuỷu như thế nào, song Đảng ta và nhân dân ta đã thực hiện được những bước đi mở đường có ý nghĩa chiến lược, và thấy được hướng đi ngày càng rõ về gắn sự phát triển kinh tế của đất nước với xu thế phát triển của kinh tế thế giới.

Có thể kết luận như vậy không?


Những thành tựu cách mạng dân tộc ta đã giành được kể từ ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam cho đến ngày nay là sự kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống yêu nước, những phẩm chất và giá trị cao quý và tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt Nam ta từ thuở lập nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước hoàn thành, cùng với  những thành quả trong sự nghiệp xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo và những thành quả phát triển kinh tế – xã hội đã đạt được cho đến nay mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử Việt Nam: Đó là kỷ nguyên Việt Nam tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, thực hiện khát vọng xoá bỏ khoảng cách nghèo nàn lạc hậu so với thế giới bên ngoài, phấn đấu trở thành một quốc gia phát triển hiện đại. Vì hoài bão này dân tộc ta từ thế hệ này sang thế hệ khác đã chấp nhận mọi hy sinh, và sẽ tiếp tục phấn đấu kiên cường để thực hiện.

Qua những thành tựu nói trên, có lẽ chúng ta chưa bao giờ thu lượm được từ thực tiễn của công cuộc đổi mới những ý niệm, cách nhìn và nội dung rõ ràng như vậy về con đường phát triển nước Việt Nam hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong một thế giới đã thay đổi khác hẳn khi bước vào thế kỷ 21, Nghĩa là: so với tất cả những gì đã ghi được vào các Nghị quyết của của các Đại hội Đảng từ trước cho đến nay, cuộc sống đang mang lại nhiều cái mới phải nghiên cứu và đưa vào chiến lược phát triển đất nước.

Những thành tựu của đổi mới còn mang lại cho Đảng ta những phẩm chất, khả năng và tư duy mới cần phát huy để Đảng ta tự nâng cao mình ngang tầm với những yêu cầu của đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy còn có thể nói: đổi mới mang lại cho Đảng ta cơ hội tự khẳng định mình là lực lượng tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong giai đoạn xây dựng một nước Việt Nam mới – ngay trong lúc hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã và nhiều đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng.

Đổi mới còn chứa cả một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú cho nhiều vấn đề trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình và trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bước lên một nấc thang mới trong quá trình toàn cầu hoá. 

Tóm lại, nhờ mọi thành tựu cách mạng đã giành được cho đến khi tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới khác hẳn với mọi giai đoạn phát triển đã trải qua trong lịch sử nước ta. Theo tôi, ý thức sâu sắc điều này là điều tối cần thiết để xác lập lẽ sống của mỗi người Việt Nam chúng ta, trước hết là các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thư của Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Khả Phiêu nhân dịp 55 năm ngày thành lập Quân đội Nhân Dân Việt Nam (22-12-1999) tổng kết:  Trong 23 thế kỷ vửa qua, dân tộc Việt Nam ta đã phải cầm vũ khí chiến đấu ròng rã 12 thế kỷ để bảo vệ đất nước. Tôi nghĩ, lịch sử hào hùng này nhắc nhở chúng ta phải nâng cao hơn nữa tinh thần tự trọng và ý thức tự lực tự cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Vào thời điểm cùng với các quốc gia trong cộng đồng thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta hãy bình tâm nhìn lại chặng đường nước ta đã trải qua trong thế kỷ 20, để định liệu những bước đi sắp tới.


Thế kỷ 20 có rất nhiều vấn đề hệ trọng đối với vận mệnh của đất nước. Nhận xét riêng bao trùm nhất, khía sâu vào tâm can tôi,  là:  Thế kỷ 20 đày máu và nước mắt đối với dân tộc Việt Nam ta.

Hơn 3/4 thế kỷ này chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và những cuộc chiến tranh xâm lược của nó[1] đã gây ra cho nước ta những đau thương không sao kể xiết - nhất là những tai hoạ, những hy sinh tổn thất về người, về vật chất, và về tinh thần trong nửa sau của thế kỷ này. Trong những năm cuối của đại chiến thế giới thứ II, bom đạn đã dội xuống nước ta. Nạn đói năm 1945 cướp đi gần hai triệu sinh mạng, rồi đến các cuộc chiến tranh xâm lược đẫm máu hòng nô dịch Việt nam một lần nữa kéo dài suốt 3 thế hệ người dân nước ta, hai đầu đất nước bị đánh phá trên các vùng biên giới và cuộc chiến tranh Camphuchia, tình trạng đất nước bị cô lập, bao vây, cấm vận[2]... Hầu như chỉ còn lại chưa đầy hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này đất nước mới bắt đầu thực sự được hưởng hoà bình, 5 năm cuối cùng của thế kỷ này nước ta mới thực sự bình thường hoá quan hệ được với mọi quốc gia trên thế giới.

Mọi việc bắt đầu từ một đất nước mang trên mình đầy thương tích không sao kể xiết. Nói lên lịch sử khắc nghiệt của thế kỷ 20 đối với nước ta là để nhìn rõ xuất phát điểm của mình, để nung nấu ý chí vươn lên của dân tộc, chứ không phải để thanh minh hay biện hộ cho những yếu kém hay sai sót của chúng ta trong sự nghiệp xây dựng đất nước, càng không phải để cầu xin thiên hạ rủ lòng thương hại hay sự chiếu cố nào đó.

Và từ khi bắt tay vào xây dựng lại đất nước, điều quan trọng hơn tất cả có lẽ là: mỗi người con đất Việt chúng ta bây giờ ngày càng ngấm hơn nỗi đau nước ta bị cướp mất cả một giai đoạn phát triển.  Đây là hậu quả lớn nhất đối với sự nghiệp phát triển đất nước mà chúng ta khó ý thức hết được chiều sâu của nó và chưa biết còn phải cần bao nhiêu thời gian để khắc phục nó...


Điểm lại, trong nửa sau của thế kỷ 20 – nghĩa là trong khi dân tộc Việt Nam ta gánh chịu những hy sinh mất mát to lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của mình, thì kinh tế, khoa học và công nghệ trên thế giới đi vào thời kỳ phát triển năng động nhất từ xưa đến nay, tạo ra được những thành tựu chưa từng có. Trong nửa sau của thế kỷ này, sự phát triển của lực lượng sản xuất trên thế giới, trước hết là sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, thừa hưởng toàn bộ tri thức và các thành tựu sáng chế, chế tạo và phát minh mà loài người đã sáng tạo ra được, đồng thời giành được những bước phát triển đột phá mới trên con đường tiến vào nền kinh tế tri thức.

Trước hết vì lẽ này, của cải vật chất, công nghệ và tri thức nhân loại giành được trong 5 thập kỷ này lớn hơn gấp bội so với toàn bộ lịch sử nhân loại trước đó[3]. Con người ngày càng đi sâu vào thế giới siêu vi mô của vật chất (công nghệ micro -6 và công nghệ nano –9...) tiến sâu hơn nữa vào thế giới của cuộc sống, đồng thời vươn xa hơn nữa ra vũ trụ[4]. Khoa học quản lý kinh tế, xã hội có những bước phát triển lớn đồng thời đặt ra nhiều vấn đề mới.

 Những bước phát triển mới này tạo ra nhiều thay đổi lớn trong các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hoá của xã hội loài người. Nói khái quát hơn nữa, trước khi bước vào thế kỷ 21, những bước phát triển mới này khiến cho  thượng tầng kiến trúc của xã hội loài người – bao gồm cả những mối quan hệ giữa người với người cũng như giữa các quốc gia và các khu vực với nhau trong cộng đồng thế giới – mang những dấu ấn sâu sắc của quá trình toàn cầu hoá ở nấc thang mới, chịu nhiều tác động mới thuận chiều hoặc nghịch chiều, đảo lộn vị thế nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời chính những mối quan hệ mới giữa con người và giữa các quốc gia trong cộng đồng thế giới đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho từng con người,  nhiều vấn đề mới ở phạm vi từng quốc gia, hoặc ở quy mô toàn cầu.

Toàn bộ sự vận động này chính là nội dung và bản chất của quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra trong giai đoạn hiện tại, ngày càng năng động, và trên nhiều phương diện thường diễn ra quá nhanh so với nhận thức của con người – nguyên nhân cơ bản vẫn là sự phát triển của lực lượng sản xuất, với đặc điểm là ngày nay khoa học kỹ thuật và công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và quan trọng nhất.


 Trong một thế giới như vậy trên ngưỡng cửa bước vào thế kỷ 21, nền kinh tế nước ta sẽ phải đương đầu với những vấn đề gì - nếu so sánh: kết thúc kế hoạch kinh tế 1996-2000, nước ta cơ bản vẫn còn là một nước nông nghiệp lạc hậu, nền kinh tế của đất nước đang ở vào thời kỳ ban đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá?

Trong khi đó, với việc làm chủ được năng lượng hạt nhân, từ giữa thế kỷ 20 này thế giới đã đi vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ V[5], từ đó mở ra một thời kỳ mới của phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ, bao gồm các cuộc cách mạng công nghệ mang tính chất mở đường cho sự phát triển của thế giới trong thiên niên kỷ thứ 3 –  trước hết là sự phát triển của công nghệ tin học.

Ngày nay, dù bạn là công nhân, nông dân, nhà chuyên môn hoặc trí thức, người làm công tác nghệ thuật... trong lao động hàng ngày của mình bạn phải ứng xử ngày càng nhiều với những thông tin, những vấn đề và những sự việc khác có liên quan. Những thông tin, những vấn đề, những sự việc ấy có thể đến từ bất kỳ đâu, với khối lượng, quy mô và nội dung, chất lượng hay tính chất có lẽ cách đây nửa thế kỷ bạn khó có thể tưởng tượng nổi, đồng thời bạn cũng phải đối mặt với bằng ấy hoặc nhiều hơn nữa những thách thức và cơ hội mới. Trong cuốn “Con đường đi đến năm 2015...”, nhà tương lai học người Mỹ John L. Petersen cho rằng một tờ báo New York Times ngày chủ nhật bây giờ chứa đựng một khối lượng thông tin người đọc có thể tiếp nhận được tương đương với khối lượng thông tin một công dân Mỹ tích tụ được trong suốt đời mình thời Thomas Jefferson (1743 –1826)[6], thậm chí có nhiều thông tin và tri thức thời đó chưa hình dung được.

Xin nêu một số ví dụ khác:
-         (1) Không hiếm nông dân ở Arizona, Nevada (Mỹ) hay ở đồng bằng Newsouthwales, Queensland (Australia), những người chăn nuôi ở Scotland (Anh), những người trồng nho ở vùng Bordeaux (Pháp)  và trên các cao nguyên hoặc các vùng sườn dãy núi Alpes (A’o, Y’, Thuỵ Sỹ, Pháp)... phải hàng ngày qua internet và moi phương tiện thông tin khác xem giá cả sản phẩm của họ trên thị trường thế giới biến động như thế nào, mà còn phải thường xuyên theo dõi xem công nghệ mới nhất nào – kể từ chất bón, giống, công nghệ gien, công nghệ chế biến, hướng lựa chọn sản phẩm mới... đến thời vụ, cách bảo quản, thương mại hoá...- đã được đưa vào ứng dụng trong việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm của họ; có người còn phải thuê vệ tinh địa tĩnh (hệ thống GPS) theo dõi cánh đồng của họ để xử lý kịp thời và tối ưu những diễn biến trên diện tích trồng trọt rộng lớn của mình...  – không làm được những việc như vậy thì không cạnh tranh được và không còn lý do để tồn tại. Nhiều nông dân ở Israel còn phải lo tưới nước chuẩn xác vào từng gốc cây và đúng giờ, vì nước ở đây quý như vàng; nhờ vậy cam, chanh thơm không có hột của họ nổi tiếng trên thị trường châu Âu – mặc dù vậy tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp trong GDP của israel đang ngày càng nhỏ dần... Công việc của nhà nông ở những nước loại này chẳng đơn giản chút nào, nếu chúng ta hình dung một hộ nông dân ở vùng Mecklenburg (Đức) có chừng 2 lao động, canh tác 15-20 hecta khoai tây, mỗi hecta một vụ sản xuất khoảng vài chục tấn; hay một hộ nông dân ở Maine (Mỹ) - chừng 2 lao động chính và 1 hoặc 2 lao động phụ, mỗi ngày trong năm trung bình sản xuất 5 tấn sữa... Đây chỉ là những hộ nông dân cỡ nhỏ ở những nước công nghiệp[7]. Họ phải làm những việc gì từ khâu vay vốn, sản xuất, bảo quản đến khâu bán sản phẩm của họ một cách có lợi nhất? Những người nông dân này muốn tồn tại và phát triển được, họ phải tìm cách tự phát triển mình. Nghĩa là họ không còn được phép thuần tuý chỉ là nông dân theo nghĩa cũ kỹ xa xưa, mà còn phải tạo ra cho mình khả năng là một chút thợ cơ giới có tay nghề cao, một chút nhà kế hoạch và kế toán khôn ngoan, một chút là nhà sinh học có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, một chút là nhà quản lý và nhà buôn biết thực hiện lợi ích của mình, một chút là luật gia - vì không có một việc gì trong nghề nghiệp của họ là không đụng chạm đến luật và lệ của chính nước họ, của các tổ chức kinh tế mà nước họ tham gia và của các nước đứng trong cùng một tổ chức kinh tế với họ... Mỗi thứ “một chút” ấy gần như là một nghề thực thụ. Nếu không làm được như vậy? –  Câu trả lời: Phá sản, với tất cả những điều gì phá sản có thể đem lại được!.. Không phải ai khác, chính những người nông dân Đài Loan đã tranh cãi rất kịch liệt với ngay chính phủ của mình trong việc đưa ra các phương án đàm phán việc Đài Loan gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) [8] như thế nào.
-         (2) Trong những cơ sở sản xuất hiện đại, người công nhân không còn là một sinh vật máy tự động hay là một robot người nữa. Ngày nay anh ta vừa phải làm thuần thục nghề của mình, đồng thời vừa phải biết ứng xử với nhiều tình huống khác nhau để đáp ứng những yêu cầu đặc biệt riêng lẻ của từng đơn hàng hay thậm chí của từng sản phẩm trong đơn đặt hàng, lại còn phải biết cách làm việc trong đồng đội (team work) – nghĩa là biết hiệp đồng và xử lý mối quan hệ giữa mình và đồng đội, đôi khi cả với những xí nghiệp bạn – sao cho sản phẩm đạt mức tối ưu về mọi mặt. Ví dụ: trong một dây chuyền lắp ráp ô-tô Mercedes (Đức), cùng loại, nhưng các khách hàng, người đòi hỏi chiếc xe này có hệ thống máy tính điện tử dẫn đường, người kia đòi hỏi xe có hệ thống gối hơi bảo hiểm, người khác đòi hỏi xe phải có hệ thống báo động tự động, một khách hàng khác nữa lại đòi hỏi xe phải có hệ thống video chuyên dụng...- bất luận khách mua hàng sống ở Thuỵ Sĩ hay Ac-hen-ti-na... Người công nhân láp ráp xe và đồng đội của anh ta phải có đủ hiểu biết, khả năng kỹ thuật, khả năng hiệp đồng, khả năng lựa chọn quyết định tối ưu ngay tại chỗ, nhằm thực hiện những đơn đặt hàng theo từng yêu cầu riêng lẻ đó - bất luận dây chuyền láp ráp xe Mercedes đó được đặt tại Mỹ hay Nhật, châu Mỹ La-tinh..., bởi vì không thể hàng ngày từ các nơi có xí nghiệp láp ráp xe Mercedes ở mọi châu lục chuyển hàng nghìn đơn đặt hàng với những yêu cầu riêng lẻ đó về đại bản doanh Daimler-Benz AG[9] ở Stuttgart (Đức). Hơn nữa gần đây Ford, Daimler Benz* và General Motors đã hợp nhất với nhau trong việc bán sản phẩm của họ trên toàn thế giới...
-         (3) Nhiều nhà kinh doanh, nhiều nhà khoa học ngày nay không thể làm việc có hiệu quả nếu không truy cập và truy cứu kịp thời biết bao nhiêu thông tin mới, dữ liệu mới có liên quan đang được chuyển tải từng giờ, từng giờ trên internet. Giả sử bạn là thày giáo dạy triết hay vật lý, nếu có học sinh nào yêu cầu bạn đưa ra một định nghĩa mới nào đó về thời gian, bạn thực sự đứng trước một việc không đơn giản. Bởi vì người học sinh đó có thể so sánh câu trả lời bạn cho với khoảng 2000-3000 thông tin và dữ liệu khác nhau về định nghĩa thời gian mà học sinh đó có thể tra cứu trên internet. Đặc biệt là các bộ môn khoa học
Thời gian trong triết học các trường phái khác nhau, thời gian trong vũ trụ, thời gian là chiều thứ tư của không gian,  thời gian trong thuyết tương đối của Einstein, thời gian trong khoa học tự nhiên, trong công nghệ.., thời gian trong đời sống sinh học, thời gian trong khoa học xã hội, , thời gian trong kinh tế, thời gian trong tôn giáo, lịch sử của thời gian...  vân vân... Câu chuyện thời sự nhất hiện nay của thời gian có lẽ là tốc độ, cơ hội thách thức mất còn...

và công nghệ ngày càng hội tụ, đan xen vào nhau vô cùng phong phú, hoặc tự phân nhánh thành những ngành hoặc liên ngành mà trước đây chưa hề có. Đồng thời xảy ra sự lồng nghép vô cùng đa dạng giữa các ngành công nghiệp khác nhau, các lĩnh vực kinh tế khác nhau, giữa các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giữa kinh tế, khoa học, công nghệ và văn hoá, môi trường... khiến cho bạn có nguy cơ trở thành vô
dụng hoặc bất lực, không còn khả năng thực hiện tốt nghề nghiệp chính của mình, nếu tài năng và hiểu biết của bạn chỉ bó hẹp trong phạm vi nghiệp vụ của mình. Nếu bạn là nhà khoa học tự nhiên đi sâu vào thuyết tương đối của A. Einstein và thế giới (lý thuyết) lượng tử thì chính bạn đã phần nào phải nhờ cậy đến triết học hoặc đồng thời phải tự mình một phần trở thành nhà triết học... Lý thuyết lượng tử đã tham gia vào  nhiều cuộc “cách mạng” trong ngành vật lý và ngành hóa học với những kết quả như chúng ta đang thấy ngày nay – kể từ môn vật lý hạt nhân đến các hiện tượng phản ứng dây chuyền trong hoá học... Không phải ai khác, chính Albert Einstein (1879-1955) đã được thế giới khoa học suy tôn là người mẫu mực của thế kỷ 20 về phương diện này. Ngày xưa có câu nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Ngày nay có lẽ phải nói: Để làm được một nghề phải biết rất nhiều nghề và học tập suốt đời...
-         (4) Trước Tết Canh Thìn vài ngày, một người bạn của tôi khoe: tự nhiên có một đại lý hãng buôn nước ngoài ở Hà Nội cho người khuân đến nhà bạn tôi một máy giặt và một tủ lạnh, đúng là những thứ gia đình bạn tôi đang cần.  Nhưng bạn tôi ngỡ ngàng và sợ không có tiền thanh toán; hỏi ra thì mới biết là do con gái đang làm việc ở nước ngoài gửi về qua con đường thương mại điện tử, hàng được chuyển đến đúng yêu cầu màu sắc, kiểu dáng, mẫu mã, thông số kỹ thuật, chức năng và giá cả - rẻ hơn khá nhiều so với giá mua theo cách thông thường, đúng cả thời gian với ý nghĩa là quà Tết của con biếu bố mẹ... Một vài siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh và một vài doanh nghiệp trong Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) đã bắt đầu thí nghiệm phương thức bán hàng qua mạng, song còn ở mức rất khiêm tốn về kỹ thuật (dưới dạng email để truy tìm thông tin, hoạ hoằn mới có doanh nghiệp có website riêng để giao dịch) cũng như về doanh số. Thế là thương mại điện tử bắt đầu lần mò đến nước ta rồi, chắc chắn rồi đây ai muốn trở thành người buôn bán giỏi ở nước ta – nhất là muốn khắc phục tình trạng lệ thuộc vào khâu trung gian - phải sớm làm quen với phương thức buôn bán kiểu mới này – quan trọng hơn nữa phải sớm nghĩ đến cách làm ăn hoàn toàn mới do thương mại điện tử đòi hỏi... Kim ngạch của thương mại điện tử trên thế giới năm 1998 đã vượt  700 tỷ USD. Song thương mại điện tử đang đặt ra biết bao nhiêu vấn đề hoàn toàn mới trong kinh tế vĩ mô và vi mô...
-         (5) Trung tâm công nghệ cao ở thành phố Bangalore (Â’n-độ) 24 giờ/24 giờ làm việc và sản xuất trong những chương trình chung phối hợp trực tiếp hoặc liên doanh với những cơ sở công nghệ cao ở Slicon Valley (Mỹ) như dưới một mái nhà và trong một xí nghiệp khổng lồ chung; khoảng cách hàng chục nghìn cây số giữa họ với nhau hầu như không tồn tại... Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của trung tâm này – chủ yếu là sản phẩm phần mềm trong công nghệ tin học - đã vượt quá 5 tỷ USD và sẽ còn tăng nhanh; đối tác của trung tâm là hầu hết những tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) mạnh nhất của Mỹ về công nghệ cao như Texas Instruments, Cisco, Oracle, Motorola, Hewlett Packard, Nortel Network, Lucent Technologies, IBM... Con đường dẫn trung tâm của Bangalore trở thành một Silicon Valley của chính ấn Độ còn là một cuộc trường chinh gian khổ và đòi hỏi những quốc sách cực kỳ thông minh, táo bạo. Song dù sao Trung tâm công nghệ cao Bangalore hiện nay đang dẫn đầu các nước đang phát triển ở châu A’ trong xuất khẩu sản phẩm tin học và trở thành một trong những động lực kinh tế quan trọng của cả nước ấn Độ.
-         (6) Nửa thế kỷ sau của thế kỷ 20 hầu như bắt đầu hoặc đánh dấu sự cáo chung của phương thức sản xuất và quản lý Ford/Taylor[10]. Đấy là phương thức tổ chức sản xuất và quản lý khoa học, ứng dụng cho sản xuất dây chuyền và tự động hoá theo quy mô lớn. Trong phần lớn thế kỷ 20 phương thức này đã từng mang lại sự bùng nổ về năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao cho các nước công nghiệp – trước hết là Mỹ. Cách làm việc của các khu công nghệ cao của Â’n Độ và Silicon Valey vừa nêu trên và cách làm việc theo yêu cầu từng đơn đặt hàng riêng lẻ... là những ví dụ rõ ràng về việc loại bỏ phương thức này. Trên thế giới hiện có hàng nghìn công ty xuyên quốc gia và hàng vạn chủng loại sản phẩm đang hàng ngày rời bỏ phương thức sản xuất Ford/Taylor được tổ chức chủ yếu theo tuyến và đẳng cấp. Từ những thập kỷ 1970-1980 hoặc sớm hơn chút ít, tất cả trong số 500 công ty xuyên quốc gia (TNCs) lớn nhất thế giới đã chia tay với phương thức Ford/Taylor trong việc làm ra những sản phẩm mới. Xu thế hợp nhất, sáp nhập giữa các công ty xuyên quốc gia khổng lồ ngày càng mạnh, đem lại cho lý thuyết về hiệu quả kinh tế theo quy mô (economy of scale) nội dung hoàn toàn mới  - được tổ chức chủ yếu theo mạng và theo quyền tự chủ được phân cấp.
-         (7) Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 chỉ xẩy ra ở 4 nước là Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Hàn Quốc, nhưng làm cả thế giới tài chính tiền tệ chao đảo trong hơn một năm, mặc dầu tổng GDP của 4 nước này chỉ bằng khoảng 1,5% tổng GDP thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu của họ chỉ bằng khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Kinh tế nước ta chưa tham gia bao nhiêu vào thị trường thế giới, lại nằm ngoài vùng mắt bão của cơn bão tài chính tiền tệ này, thế nhưng cũng chịu những  tác động nhất định của “bão dớt”. Cơn bão tài chính tiền tệ tháng 7-1997 hình thành từ những sai lầm tiềm ẩn nhiều năm trong nền kinh tế của 4 nước nói trên, dần dần tích tụ thành những áp xuất “khí tượng tài chính” không đài “thiên văn tài chính” nào tiên báo được, hoặc giữa lúc trời quang mây tạnh đôi ba dự báo lác đác lúc ấy của một vài học giả được coi như những lời phù phiếm; rồi hành động đầu cơ, rồi đến một tia chớp làm cho cơn bão bùng nổ, hoành hành, không chỉ bó hẹp ở phạm vi lãnh thổ Thái Lan... - đó là quyết định sai lầm ngày 2-7-1977 của thủ tướng Thái Lan Cha-va-lit: thực hiện liệu pháp “sốc”, trong một ngày thả nổi hoàn toàn tỷ giá đồng Bath - trong tình thế bị động về mọi mặt và không có một biện pháp dự phòng nào. Kinh tế nước cũng chịu nhiều tác động, mặc dù nằm ngoài mắt bão[11]...
-         Vân vân...

-         Còn có thể nêu ra biết bao nhiêu ví dụ khác nữa...

Các nhà kinh tế nói rằng ranh giới giữa công nhân áo cổ xanh và công nhân áo cổ trắng, giữa công nghiệp và dịch vụ... không còn phân biệt rạch ròi được nữa trước hết là vì những lẽ này. Mỗi năm hàng nghìn công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ của các nước công nghiệp phá sản hoặc ra đời trước hết cũng vì  những lý do đại loại như vậy...

Khoảng cách phát triển giữa ta và thế giới bên ngoài nói rất cụ thể là xa vời như vậy, rộng như vậy, nhạy cảm như vậy... và nguy hiểm như vậy...

Thiết nghĩ, thấm thía nỗi đau bị các thế lực thực dân đế quốc cướp  đi cả một giai đoạn phát triển, là để biết mình biết người, nghĩa là nhận biết sâu sắc chính bản thân mình và hiều biết tường tận thế giới - để có ý chí chính trị sắt đá, để có nhận thức khoa học và sự lựa chọn đúng đắn con đường phát triển đất nước trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi từ nửa sau thế kỷ 20.


Qua 7 ví dụ vừa kể trên, điều dễ nhận biết nhất có lẽ là:
·     Trong thời kỳ phát triển mới này của xã hội loài người, với tất cả tính mâu thuẫn và tính thống nhất triệt để nhất giữa cá nhân từng con người và cộng đồng xã hội, hơn bao giờ hết chất lượng phát triển cá nhân của từng con người ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia;
·     đồng thời sự phát triển của từng quốc gia ngày càng chịu nhiều tác động qua lại  của sự phát triển tại những quốc gia khác, những khu vực và mọi tổ chức trong cộng đồng quốc tế.

Trong thời kỳ phát triển mới này, phát triển chất lượng con người và sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu chứa đựng trong nó những yếu tố thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của mỗi quốc gia, đặt ra nhiều thách thức đồng thời cũng mang lại những cơ hội mới, có khả năng tác động mạnh mẽ vào quá trình vận động của mỗi quốc gia và của toàn cầu[12].

Phát triển con người và khai thác sự phụ thuộc toàn cầu trở thành hai xu hướng chiến lược cho phép một quốc gia có thể tạo ra bước phát triển nhảy vọt mới. Vai trò Nhà nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để nắm bắt bằng được hai xu hướng chiến lược này.


Đấy chính là một bước phát triển mới trong hình thái vận động của xã hội loài người ở thời đại ngày nay mà quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của học thuyết Marx đã nắm bắt được. Nửa sau thế kỷ 20 có biết bao nhiêu  ví dụ ở tất cả các châu lục về sự trả giá đau đớn nếu bất lực hoặc đi ngược hai xu hướng này. Với sứ mệnh lãnh đạo đất nước trong thời kỳ phát triển mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta có nhiệm vụ cực kỳ trọng đại xây dựng bằng được một Nhà nước Việt Nam làm chủ hai xu thế chiến lược này để xây dựng thành công đất nước cường thịnh.



Thế kỷ thứ 20 còn là một thế kỷ oanh liệt của dân tộc ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước từ xưa tới nay. Trong thế kỷ này nhân dân ta đã nêu cao tinh thần bất khuất, chấp nhận những hy sinh lớn lao vì độc lập và thống nhất đất nước, và đã góp phần xứng đáng của mình vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì hoà bình, vì độc lập của các dân tộc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân. Trong sự nghiệp này, bạn bè và đồng chí trên thế giới đánh giá dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và dành cho dân tộc ta những tình cảm cao quý nhất.

Song tất cả niềm tự hào chân chính dân tộc ta có thể có được, tất cả vinh quang mà dân tộc ta xứng đáng được nhận, trước hết phải giúp chúng ta ý thức sâu sắc hơn nữa nỗi đau về khoảng cách phát triển bị cướp mất, ý thức đầy đủ hơn nữa mệnh lệnh tối hậu của đất nước phải sớm khắc phục bằng được khoảng cách này. Đây còn là nghĩa vụ, là  trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ đã hy sinh vì đất nước và đối với các thế hệ mai sau, là sự trả nghĩa đối với sự hỗ trợ và những thiện cảm bạn bè trên thế giới đã dành cho nước mình[13], là liêm sỉ và tư cách của một quốc gia đứng trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới.

Quan trọng hơn nữa: Đất nước có giàu mạnh, chế độ chính trị mới vững chắc, xã hội mới có thể ổn định, lòng dân mới thu được về một mối, ngày càng có nhiều đối tác và bạn bè gần xa khắp thế giới – như vậy mới có đầy đủ những điều kiện để giữ vững độc lập tự chủ và thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa. Lịch sử các quốc gia trên thế giới xưa nay chỉ có kinh tế đổ nát dẫn tới nhà nước suy vong, hoặc chế độ chính trị đồi bại làm băng hoại kinh tế và mọi giá trị xã hội rồi đi tới sụp đổ. Nhưng xưa nay chưa có nước nào kinh tế hưng thịnh mà hệ thống nhà nước lại tan rã, mà chỉ có sự phồn vinh luôn luôn củng cố bền vững thêm những giá trị đã giành được và sáng tạo ra những giá trị mới.

Xin đừng quên: Trước khi xảy ra giai đoạn lịch sử đẫm máu và nước mắt do chế độ thuộc địa và các cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc gây ra cho nước ta, nghĩa là vào đầu thế kỷ thứ 19, nước ta về đại thể có cùng trình độ phát triển với Thái Lan, Triều Tiên, Malayxia, Đài Loan, Sinhgapo, Hongkong. Song ngày nay, nghĩa là khoảng gần 200 năm sau, khi bước vào thế kỷ 21, GDP bình quân theo đầu người của nước ta theo cách tính thông dụng trên thế giới ước khoảng 300-310 USD, nghĩa là chỉ bằng 1/10 của Thái Lan, bằng 1/35 các nền kinh tế các con rồng châu A’ và bằng 1/12 của bình quân toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người hiện nay của nước ta lần lượt so với các đối tượng vừa kể trên là 1/6, 1/23 và 1/7 – tất nhiên ở đây không đặt vấn đề so sánh với các nước công nghiệp phát triển[14].

Nhìn vào cơ cấu kinh tế và sự phân bổ lao động của các nền kinh tế năng động trên thế giới, khoảng cách phát triển giữa nước ta với thế giới bên ngoài càng đặt ra nhiều câu hỏi gay gắt.

Xin minh hoạ đôi điều:

Vào năm 1900 hầu hết các nước công nghiệp phát triển trên thế giới - kể cả Mỹ, có tới 40-50% lao động trong nông nghiệp, vào thập kỷ 1950 tỷ trọng này còn khoảng trên dưới 10%. Theo số liệu thống kê của Eurostat 1998, hiện nay lao động trong nông ngiệp ở Mỹ ước là 2,8% lao động toàn xã hội, bình quân của 15 nước trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung là 5,2% - trong đó Anh 2,1%, Bỉ 2,3%, Luxemburg 2,4%, Đức 2,5%. Tại châu A’ nước Nhật còn 7,3% lao động trong nông nghiệp (phần nào còn vì lý do duy trì môi trường sinh thái). Tuy thế, cho đến nay các nước công nghiệp phát triển vẫn chiếm vị trí hàng đầu về tổng kim ngạch xuất khẩu nông phẩm và thực phẩm trên thế giới.

Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP của nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục thay đổi năng động theo hướng ngày càng mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ. Hiện nay tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ở Mỹ là 1,7%, trong 15 nước EU nói chung là 2,8% - trong đó Anh 1,3%, Luxemburg 1,3%, Đức 1,4%, A’o 2,6%...-, ở Nhật 1,6%, CHLB Nga 8%, Trung Quốc 13,9%, Â’n Độ 21%... Tại các nền kinh tế đang phát triển mạnh ở Đông và Đông Nam A’ tỷ trọng nông nghiệp năm 1999 trong GDP của Hongkong và Sinhgapo là 0%, Hàn Quốc 4,8%, Thái Lan 8,5%, Malayxia 9%, Philippin 15,6%. Tại các nước châu Mỹ La-tinh nói chung tỷ trọng này là 5,7%...[15]

Vào đầu thập kỷ 1960 – nghĩa là vào thời điểm bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá, nông nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc, chiếm khoảng 40% GDP và trên 50% lao động trong xã hội. Hai thập kỷ sau, vào khoảng giữa thập kỷ 1980, tỷ trọng nông nghiệp của hai nước con rồng châu A’ này giảm xuống còn 10-15% trong GDP và 15-20% trong lao động. Năm 1998 tỷ trọng nông nghiệp của Đài Loan chỉ còn chiếm 2,9% GDP và chiếm khoảng 8,8% lao động, của Hàn Quốc là 4,8% trong GDP và 9% trong lao động. Chúng ta thấy: cho đến nay, cứ khoảng 15 năm thì hai “con rồng” này lại giảm tỷ trọng nông nghiệp trong GDP và tỷ trọng lao động nông nghiệp trong toàn xã hội của họ xuống còn khoảng một  nửa của 15 năm trước đó. Như vậy, trong vòng 30 năm hai nước này đã giảm tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế của họ tới cái ngưỡng để trở thành một nước công nghiệp hoá. Nói một cách khác, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế như vậy có thể dùng làm thước đo quá trình phát triển thành công của một nước đang phát triển trên con đường công nghiệp hoá.

Để thấy rõ hơn nữa tốc độ chuyển dịch kinh tế diễn ra ở các nước chung quanh ta, xin nêu lên một số số liệu khác: Trong thời gian từ 1976 đến 1997, nghĩa là trong vòng hai thập kỷ, tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong GDP của Thái Lan từ 26,7% giảm xuống còn 11,2%, Malaixia từ 26,8% giảm xuống còn 12,1%, Inđônêxia từ 29,7% giảm xuống còn 16%, của Philippin từ 29,3 còn 18,7%, của Trung Quốc từ 32,8 xuống còn 18,7%, của Â’n Độ từ 38,6 còn 25,3%, của Việt Nam từ 48,6 còn 26,2%. Nghĩa là tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp trong GDP ở nước ta vẫn ở mức cao nhất và tốc độ giảm chậm nhất[16].

15 năm đổi mới vừa qua nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu khả quan, đưa nước ta vốn phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Song cũng nên nhìn thành tựu này ở một góc độ khác nữa: theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng nông nghiệp khi nước ta bước vào đổi mới năm 1986 chiếm 41% GDP và thu hút gần 74% lao động, năm 1998 còn chiếm xấp xỉ 25% GDP và thu hút khoảng 70% lao động. (Có ý kiến cho rằng nông nghiệp ở nước ta hiện nay còn chiếm khoảng 1/3 GDP). Nghĩa là sau 15 năm đổi mới và tiến hành công nghiệp hoá tỷ trọng nông nghiệp của nước ta trong GDP mới chỉ bớt được 17% và trong lao động mới chỉ bớt được 4%[17].

Các chỉ số này cho thấy tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta như vậy diễn ra rất chậm so với tiến trình của những nước trong thời kỳ công nghiệp hoá.

Nghị quyết Đại hội toàn quốc Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH,HĐH) vào năm 2020. Xem xét về mặt phân bổ lao động – một trong những tiêu thức quan trọng nhất của nền kinh tế công nghiệp hoá, vào thời điểm kết thúc quá trình CNH,HĐH năm 2020 tỷ trọng lao động trong nông nghiệp nước ta lúc ấy sẽ chỉ được phép chiếm tối đa là khoảng 25-30% lao động toàn xã hội hoặc phải thấp hơn nữa; bởi vì một nước hoàn thành CNH,HĐH tỷ trọng này lẽ ra phải ở mức 15-20% mới là hợp lý.

Phải chăng các Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra mức phấn đấu quá cao?

Mức phấn đấu của ta đạt 25-30% lao động trong nông nghiệp vào năm 2020 nói trên là khá thấp so với tiến trình công nghiệp hoá đã được thực hiện ở các nước con rồng (NICs) châu A’ hoặc các nước châu Mỹ La-tinh. Bởi vì nếu tính từ năm 1986, nghĩa là từ khi tiến hành đổi mới, đến năm 2020 là 35 năm. Thiết nghĩ vào thời buổi thế giới ngày nay, chúng ta không thể đặt mức phấn đấu thấp hơn được.

Lẽ đơn giản là: Giả thử giữ nguyên hoặc nâng được chút ít tốc độ giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp như đã thực hiện được trong vòng 15 năm qua, vào khoảng năm 2020 nền kinh tế nước ta sẽ còn khoảng 55-60% lao động trong nông nghiệp. Cho dù có thực hiện được mức độ tăng dân số  khoảng 1-1,5%/năm (đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, khó khả thi) thì vào thời điểm ấy nước ta sẽ có khoảng 100–105 triệu dân; vào năm ấy nước ta sẽ có khoảng trên dưới 35 triệu lao động nông nghiệp, chứ không phải là 25 triệu như hiện nay;  bình quân ruộng đất cho 1 lao động nông nghiệp vào lúc đó sẽ là 0,25 ha hoặc ít hơn nữa – vì còn có vấn đề đô thị hoá và phát triển đường xá, chứ không phải là xấp xỉ 0,4 ha như hiện nay.  Sự tụt hậu càng xa hơn.

Xin làm thêm một phép tính nữa: Giả thử vào năm 2020 chúng ta đạt được tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 25-30% lao động toàn xã hội, thì vào thời điểm ấy giỏi lắm cứ 2 lao động nông nghiệp mới có 1ha ruộng đất canh tác, nghĩa là còn thua xa mức chúng ta đã thực hiện trong thời kỳ chống Mỹ: “Một lao động  canh tác một hecta và nuôi hai con lợn”[18].

Ngay trong hiện tại, với 0,3-0,4ha/1 lao động nông nghiệp, diện tích ruộng đất canh tác bình quân cho nhân khẩu trong nông nghiệp ở nước ta đều thấp hơn các nước Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... và sẽ còn thấp nữa trong quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Riêng tại các nước Liên minh châu Âu (EU) hiện nay bình quân mỗi lao động nông nghiệp có từ 10 đến 50ha ruộng đất tuỳ theo điều kiện địa lý mỗi quốc gia, ở Mỹ khoảng 100ha... Nếu định đưa nước ta đi lên từ nông nghiệp, thì tình hình ruộng đất nước ta khắc nghiệt như vậy.

Nhìn chung các NICs đều thực hiện xong giai đoạn công nghiệp hoá trong vòng 3 thập kỷ, tương đương với độ dài thời gian từ năm 1986 đến năm 2020 trong chiến lược phát triển kinh tế của nước ta mà Đại hội VII và Đại hội VIII của ĐCSVN đã thông qua. Ngoài ra còn phải nói thêm rằng vào giữa thập kỷ 1990 nền kinh tế nước ta đã đạt được một số chỉ tiêu như về lương thực, năng lượng, cơ khí, tích tụ vốn... ngang bằng với Hàn Quốc đầu thập kỷ 1960 khi nước này bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá.

Một khía cạnh khác không thể không lưu tâm: Sau gần 3 thập kỷ tiến hành cải cách, nền kinh tế Trung Quốc luôn luôn giữ mức tăng trưởng GDP rất cao, nhiều năm tốc độ tăng trưởng quá nóng, năm cao nhất là 15%. Hiện nay Trung Quốc đang cố điều chỉnh tăng trưởng  kinh tế xuống mức thấp nhất, khoảng 8-9%/năm. Năm 1999 các nước chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 đã phục hồi và bắt đầu tăng trưởng đáng kể, đặc biệt Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng GDP 8% và bắt đầu tăng dự trữ ngoại tệ...

Thời kỳ 1991-1995 nước ta đạt được mức tăng trưởng 8-9%/năm, nhưng từ năm 1996 cho đến nay tốc độ tăng trưởng giảm dần còn khoảng 5 - 5,5%/năm, trong các năm 1998 và 1999 có những biểu hiện giá cả giảm sút, khối lượng các loại sản phẩm ế đọng có những lúc lên tới nhiều nghìn tỷ đồng[19]. Đòi hỏi lấy lại nhịp độ tăng trưởng của những năm 1991-1995 đã khó, nâng cao chất lượng của tăng trưởng kinh tế lại càng khó hơn.

 Tình hình buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: Chẳng lẽ thời kỳ tăng trưởng năng động đối với một nền kinh tế có nhiều tiềm năng như nền kinh tế nước ta và có nhiều đòi hỏi bức xúc về phát triển chẳng lẽ lại ngắn ngủi như vậy? Nguyên nhân?.. Trong khi đó  tình hình kinh tế và vị thế đối ngoại của nước ta khi bước vào kế hoạch 1996-2000 so với khi bước vào kế hoạch 1991-1995  thuận lợi hơn nhiều về mọi mặt.

Nền kinh tế nước ta đứng trước đòi hỏi tất yếu là vào khoảng năm 2020 phải đạt được những mức rất cao so với hiện nay; trong đó phải thực hiện bằng được việc giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp ở nước ta xuống còn 1/2  tỷ trọng hiện nay hoặc thấp hơn nữa. Nhưng 15 năm qua, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp mới chỉ giảm được khoảng 4%. Có cách nào trong vòng 20 năm tới bớt đi một nửa tỷ trọng lao động nông nghiệp hiện nay? Nói một cách khác, làm thế nào trong vòng 20 năm tới thực hiện được việc giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp gấp 5-6 lần mức giảm đã đạt được trong 15 năm qua? Đây là một thách thức, hàm chứa sức ép ghê gớm từ bản thân yêu cầu phát triển của nền kinh tế nước ta.

Các tài liệu và số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới  cho thấy :
-         Inđônêxia là một nước đông dân, nhiều đảo, sau khi giành được độc lập kinh tế vô cùng khốn đốn. Năm 1969 đất nước hàng nghìn hòn đảo này thực hiện chiến lược phát triển kinh tế “Trật tự mới” với xuất phát điểm GDP theo đầu người là 70 USD; sau 27 năm -  năm 1996 đạt 1106 USD, tăng gần 16 lần; nghĩa là trong thời gian này trung bình cứ sau 2-3 năm GDP theo đầu người của nước này lại tăng gấp đôi.
-         Trong khoảng thời gian 1969-1996 GDP theo đầu người của Hàn Quốc tăng 21 lần – nghĩa là trung bình 28 tháng tăng gấp đôi, của Đài Loan trong thời kỳ này tăng 34 lần, nghĩa là trung bình 19 tháng tăng gấp đôi[20].
-         Sau  gần 15 năm đổi mới 1986-1999, GDP theo đầu người của Việt Nam tăng  1,55 lần, nghĩa là trong thời kỳ năng động nhất cho đến nay của nền kinh tế nước ta cần tới 16 năm mới tăng được gấp đôi...[21]

Như thế có nguy cơ càng chạy đua kinh tế nước ta càng tụt hậu? Cần phải nhìn thẳng vào sự thật, như Đảng ta vẫn thường nói, nhất là từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khoá IV họp tháng 9 năm 1979.

Trong những năm tới, nếu không thực hiện được tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm hoặc cao hơn nữa, với chất lượng phát triển tốt hơn, thì sẽ khó kiểm soát được tình hình thất nghiệp và khó hoàn thành được chiến lược CNH,HĐH vào năm 2020. Kinh nghiệm 15 năm qua ở nước ta cho thấy cứ tăng trưởng xuất khẩu được 3% thì mới có hy vọng GDP tăng trưởng được 1%. Nếu muốn giữ kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mỗi năm 25% để đạt được mức tăng GDP 7-8%/năm thì vào năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của nước ta theo tính toán số học phải lớn gấp 86-87 lần hiện nay, đồng thời chất lượng và hiệu quả nền kinh tế cũng phải tăng lên rất nhiều. Thử hình dung nước ta như vậy sẽ phải làm ra được bao nhiêu sản phẩm mới, phải nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng quản lý như thế nào mới có thể tạo ra được cho mình khả năng cạnh tranh cần thiết, và trước hết phải mở rộng thị trường trên thế giới đến mức nào để hoàn thành mục tiêu CNH,HĐH này? Lấy những nguồn lực nào thực hiện tất cả những mục tiêu này?..

Phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xa rời những mục tiêu vừa nói trên thì không thực hiện được CNH,HĐH và càng không giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa. Lẽ đơn giản là: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ và chất lượng như chúng ta đã tiến hành trong 15 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong 5 năm gần đây, có nguy cơ sẽ không thực hiện được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hoá vào khoảng năm 2020. Nguy hiểm hơn nữa, khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nước ta cũng như của từng sản phẩm, tốc độ tăng trưởng và phát triển chậm chạp như vậy của nền kinh tế sẽ có thể đẩy nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng mới khó lường.

Xin tính toán kỹ với những con số rất đáng suy nghĩ vừa trình bầy trên.

Năm 2020, khi hoàn thành chiến lược CNH,HĐH đã được thông qua, cũng là năm nước ta với tư cách là thành viên APEC[22] phải thực hiện cam kết tự do hoá hoàn toàn về thương mại với thuế suất nhập khẩu bằng 0% và tự do hoá trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác[23]. Trước đấy 5 năm, vào năm 2015, với tư cách là thành viên AFTA[24] nước ta phải vận dụng thuế suất nhập khẩu là 0% (các nước ASEAN6 – Sinhgapo, Malaixia, Brunây, Thái Lan, Philippin, Inđônêxia - phải thực hiện thuế suất này vào năm 2010). Vào năm 2006 nước ta phải vận dụng thuế suất cho nhập khẩu là  0-5% (các nước ASEAN6 là năm 2003). Hiện nay nước ta đang đàm phán với Mỹ để ký kết Hiệp đinh thương mại Việt-Mỹ và đàm phán với các nước thành viên Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) về việc gia nhập tổ chức này; về đại thể nước ta cũng sẽ phải vận dụng những cam kết về tự do hoá thương mại và tự do hoá trong các lĩnh vực kinh tế khác như trong tổ chức APEC. Điều đáng lưu ý là các lộ trình về tự do hoá trong thương mại và kinh tế đang có chiều hướng bị rút ngắn, càng gây thêm nhiều sức ép bổ sung đối với các nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Đấy là những mốc thời gian không có cách gì đẩy ra xa thêm được, mà chỉ có nguy cơ chúng đang nhích lại gần hơn.

Xuất phát điểm của nền kinh tế nước ta cho những lộ trình vừa kể trên rất thấp, thể hiện trên 3 đặc điểm:
(1)    thuế suất của nhập khẩu còn rất cao - cao nhất là 60%, nếu tính cả phụ thu còn cao hơn,
(2)    còn nhiều biện pháp bảo hộ phi quan thuế,
(3)    còn đóng cửa nhiều lĩnh vực kinh tế.

Thời gian để xử lý thành công 3 đặc điểm rất hóc búa này không có nhiều, thậm chí rất bức bách. Xin thử phác hoạ:
-         Kịch bản I: Xử lý thành công,  đất nước sẽ lấy lại được đà phát triển của những năm 1989-1995 và tiến lên mạnh mẽ.
-         Kịch bản II: Xử lý không thành công sẽ có thể dẫn đến khủng hoảng mới.
-         Kịch bản III: Tránh né, chống đỡ, che đậy, phí phạm công sức vào việc bảo hộ và tự ru ngủ mình, hoặc cơ hội hay thực dụng mơn trớn với những vấn đề gay cấn do yêu cầu phát triển kinh tế đặt ra, hoặc án binh bất động không làm gì.., tất cả sẽ chỉ là đồng nghĩa với tự giác hay không tự giác chịu suy sụp dần trước mọi sức ép bên trong và bên ngoài, nền kinh tế có nguy cơ ngày càng rệu rã bên trong và rốt cuộc cũng sẽ rơi vào khủng hoảng.
-         Còn kịch bản nào khác nữa?..

Bản chất của sự vật là vận động, còn vận động như thế nào thì tuỳ thuộc vào nỗ lực chủ quan của Đảng và nhân dân ta.

Không một thế lực bên ngoài nào – dù muốn chọc phá nước ta đến đâu - có thể áp đặt cho nước ta kịch bản nào, mà chỉ có sự lựa chọn, chấp nhận kịch bản nào của dân tộc ta – trước hết là sự lựa chọn và ý chí phấn đấu của Đảng ta, là quyết định.

Xin lấy ra một ví dụ: Chúng ta thử hình dung khoảng  gần 40% ngân sách nhà nước hàng năm hiện nay thu từ thuế nhập khẩu. Chúng ta sẽ phải làm những việc gì để vào năm 2020 – năm thuế nhập khẩu = 0% - cơ cấu thu ngân sách nhà nước khoảng 80-90% thu từ thuế lợi tức và thuế thu nhập, loại bỏ gần như hoàn toàn nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu và nhiều loại thuế gián thu khác? Phải có một nền kinh tế lành mạnh, vươn xa ra được bên ngoài, phát triển trong một xã hội có các thể chế quản lý tốt và hoạt động trong một thị trường có hiệu quả cao thì mới thực hiện được điều này. Đứng ra ngoài một mình tách khỏi thiên hạ với luật chơi riêng thì  không tồn tại được – ví dụ sẽ tìm đâu ra thị trường để xuất khẩu một khối lượng hàng hoá lớn như nói trên vào năm 2020 để có thể mang lại nguồn thu nhập cần thiết cho đất nước? Câu hỏi còn phải đặt ra trước đó là bằng nguồn lực và công nghệ nào, phương thức quản lý nào để tạo ra khối lượng sản phẩm có khả năng cạnh tranh ấy cho xuất khẩu...

Chúng ta thấy, chỉ riêng một vấn đề thực hiện thuế suất của nhập khẩu = 0% đã đặt ra cho nhà nước ta ngay từ bây giờ biết bao nhiêu vấn đề về thể chế, luật pháp, nền hành chính, cơ chế quản lý, cấu trúc nền kinh tế về ngành nghề và về các thành phần, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược sản phẩm, chiến lược thu hút đầu tư của nước ngoài, vấn đề tranh thủ chuyển giao công nghệ, vấn đề đào tạo và đào tạo lại con người, tìm thị trường và lựa chọn đối tác bên ngoài... Vì không thể qua một đêm, ngày hôm sau thức dạy là có ngay và thích nghi được ngay với thuế suất của nhập khẩu = 0%.

Bạn là đảng viên, là người quản lý, là nhà hoạch định chính sách, là nhà khoa học, là người lao động bình thường, là công dân của nhà nước ta... bạn hãy thử suy nghĩ xem! Cần làm những việc gì để có ngân sách nhà nước đáp ứng mọi yêu cầu phát triển khi thuế suất của nhập khẩu =0%!?.. Đây mới chỉ là một vấn đề trong rất nhiều vấn đề phải đương đầu mà thôi. Ngoài ra còn thực hiện tự do hoá trong các lĩnh vực kinh tế khác?.. Ta có muốn đóng cửa cũng không được, vì chẳng ai cho không ai cái gì trên đời này, ta mở cửa cho sản phẩm của thiên hạ đến đâu thi thiên hạ mở cửa cho sản phẩm của ta đến đấy; mà ta mở cửa không khéo thì mất nhiều hơn được. Mở cửa thành công, sức mạnh nền kinh tế của nước ta sẽ tăng lên gấp bội...

Nhưng... nếu ta cố tình đóng cửa thì đó sẽ chỉ là những cánh cửa thủng vô nghĩa...

Vào năm 2020 phải thực hiện kim ngạch xuất khẩu lớn gấp 20-22 lần hiện nay, cho nên không mở cửa không được. Sự nhức buốt của một khoảng cách phát triển là như vậy, thậm chí đó là những thách thức mất, còn chế độ – những thách thức gian nan không kém, hoặc thậm chí phức tạp hơn rất nhiều so với thời kỳ cầm vũ khí chiến đấu cứu nước...

          Những số liệu và những vấn đề vừa nêu trên không chỉ nói lên tầm vóc, tính chất của khoảng cách phát triển nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt, mà còn tiềm ẩn những thách thức, những sức ép khó lường.

          Thời gian, tốc độ và chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế liên quan mật thiết đến thời cơ và nguy cơ. Ngạn ngữ ta vốn có câu trâu chậm uống nước đục; có lẽ bây giờ phải nói: Trâu chậm thì nước đục cũng không còn để mà uống.

Bởi vì: Thông thường chu kỳ của một sản phẩm hàng hoá bao gồm: (1) nghiên cứu, triển khai (R&D), (2) sản xuất, kinh doanh, (3) loại bỏ chính sản phẩm đó để chuyển sang chu kỳ của sản phẩm mới. Ngày nay, trong quá trình toàn cầu hoá ngày càng năng động của kinh tế thế giới, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, chu kỳ này có  cấu trúc linh hoạt, thiên hình vạn trạng, có độ dài thời gian ngày càng rút ngắn. Với nhận thức ấy, các quốc gia trên thế giới đang ráo riết làm mọi việc tiến vào thế kỷ thứ 21, với biết bao nhiêu mong đợi hồi hộp về cơ may có thể giành được, và cũng với biết bao nhiêu lo âu về những thách thức mới. Nước nào cũng quyết tâm giành lấy bằng được cho mình những thuận lợi tối ưu nhất, mở rộng tối đa không gian kinh tế cho nước mình trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá. Nước ta không thể đứng ngoài cuộc đua, và cũng không thể chỉ tham gia hờ hững vào cuộc đua này.

Có thể rút ra nhận xét: 15 năm đổi mới là thời kỳ năng động nhất của nền kinh tế nước ta trong nửa thế kỷ vừa qua, thực sự mở đường cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Song cũng phải nhấn mạnh những thành tựu và sự năng động đã đạt được ấy chỉ mới phác họa ra được phương hướngchỉ mới tạo ra được bước khởi động cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi phải tạo ra được tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao hơn nữa, với chất lượng tốt hơn nữa, trong một chiến lược phát triển thích ứng được những đòi hỏi gay gắt nhất của nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay.

Chạy đua như vừa qua, nhất là như trong nửa đầu của thập kỷ 1990, là tốt với thời gian vừa qua. Nhưng sắp tới, nếu tiếp tục chạy đua như vừa qua – cả về tốc độ và chất lượng, có nguy cơ càng vào sâu cuộc đua, khoảng cách phát triển giữa nước ta và thế giới bên ngoài càng xoạc rộng, mục tiêu CNH,HĐH càng xa vời, bởi vì nền kinh tế nước ta đã bước lên một quy mô và nấc thang phát triển mới, đồng thời quá trình toàn cầu hoá bên ngoài tiến triển không ngừng. Chúng ta chạy đua như trong nửa sau của thập kỷ 1990 thì đấy có lẽ không còn là một cuộc chạy đua nữa... Nguy cơ này phải được chặn đứng. Không đánh giá hết những vấn đề đặt ra hoặc tự ru ngủ mình với những thành tựu đạt được, đồng nghĩa với chuẩn bị đón chào thất bại mới.

15 năm qua chúng ta đã nỗ lực hết sức, nhưng so với thiên hạ chung quanh, sức bật của nền kinh tế nước ta vẫn còn thua kém. Thiên hạ đang  khai thác không thương tiếc chỗ yếu này của nước ta. Đây là thực tế không thể nhắm mắt bỏ qua.

Chúng ta hãy ngẫm nghĩ lại: Gần hết cả thập kỷ 1980 Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý và nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và các học giả của chúng ta tốn bao nhiêu công sức, đã đề xuất biết bao nhiêu chính sách và biện pháp giải quyết tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hôị lúc bấy giờ. Chúng ta học không biết bao nhiêu thày và chuyên gia trong nước và ngoài nước, chúng ta nhận được cơ man lời khuyên từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), các tổ chức của Liên hiệp quốc như UNIDO, UNCTAD, UNDP, ILO.., hàng nghìn đoàn nghiên cứu của nước ta đi các nước và tìm hiểu hầu như mọi mô hình kinh tế-xã hội hiện có trên thế giới... Chúng ta không được vô ơn bội nghĩa, song  cuối cùng vẫn phải nói rằng: Những “bài thuốc” cho những căn bệnh của nền kinh tế nước ta lúc ấy vẫn phải do chính chúng ta tự tìm ra, trên cơ sở dựa vào tất cả những hiểu biết thu lượm được trong thiên hạ và chắt lọc những kinh nghiệm của thực tiễn nước ta, phát huy ý chí và nghị lực sáng tạo của nhân dân ta.

Chúng ta phải vật lộn gian khổ, chịu đựng biết bao nhiêu thất bại trong gần hết cả thập kỷ này mới tìm ra được con đường: đi từ hợp tác xã nông nghiệp đến “khoán chui”, “khoán 10”, rồi thêm một bước nữa đến“khoán 100” [25], từ kế hoạch theo chỉ tiêu định sẵn cho mỗi doanh nghiệp nhà nước chuyển sang kế hoach 3 phần, từ bù giá vào lương đến chấp nhận giá thị trường, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế hạch toán, từ nền kinh tế chỉ huy sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, từ nền kinh tế chỉ có hai thành phần sang nền kinh tế nhiều thành phần... Từ tất cả những cuộc vật lộn gian khổ cay đắng, chật vật ấy, từng bước, từng bước mới hình thành được đường lối đổi mới; trong quá trình thực hiện lại phải từng bước điều chỉnh, bổ sung... 

Đường lối đổi mới ở nước ta hiển nhiên không giống Perestroika ở Liên Xô cũ, cũng chẳng giống các mô hình của Trung Quốc hay các NICs, có nhiều điểm rất khác với các lời khuyên của IMF, WB, UNIDO... Đấy là quá trình rất tự nhiên của việc hình thành một đường lối cách mạng. Đó là một bước ngoặt cực kỳ quan trọng cứu nguy đất nước, bác bỏ đầy sức thuyết phục những tiên đoán cho rằng CHXHCNVN sẽ đi vào vết xe đổ của các nước LXĐÂ lúc bấy giờ...

 Trong nhiều chặng đường, nhiều thời điểm suốt 70 năm lịch sử của mình đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước, Đảng ta đã từng có rất nhiều bài học sáng tạo và thành công như vậy trong những tình huống vô cùng gian nguy. Nhưng 15 năm đổi mới vừa qua là chặng đường đầu tiên Đảng ta thu lượm được những bài học vô cùng quý giá cho sự nnghiệp xây dựng đất nước. Xin đừng bỏ phí những bài học vô giá trên chặng đường này.

Song như đã nói ở trên, tất cả 15 năm đổi mới ấy thật sự mới chỉ hé mở ra phương hướng và tạo ra sự khởi động ban đầu cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Phương hướng ấy, sự khởi động ấy khác rất nhiều so với nhận thức, với những điều chúng ta đã nghĩ và đã đưa vào các nghị quyết trước thời kỳ đổi mới, làm cho nhận thức và lý luận cách mạng của Đảng ta ngày càng phát triển phong phú. Thực tiễn này là một quá trình hoàn toàn lô-gích và khách quan của sự ra đời một đường lối mới, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khoá VI. Trí tuệ và phẩm chất cách mạng có thể thúc đẩy hoặc cản trở quá trình vận động này, nhưng không thể bỏ qua quá trình vận động này.

Thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của 15 đổi mới mang ý nghĩa chiến lược cứu nguy đất nước. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, thành tựu còn lớn hơn của 15 năm đổi mới đối với tương lai của đất nước là kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý báu tích tụ được trong quá trình này, cần được tổng kết nghiêm túc  để tạo ra động lực phát triển mới cho nước ta.

Chỉ xin đơn cử một ví dụ: Cho đến 1989, nước ta quanh năm thiếu lương thực, tình hình kinh tế cho đến thời điểm này muôn vàn khó khăn, hầu như không có điều kiện đầu tư gì cho nông nghiệp, thậm chí cách làm ăn kiểu cũ trong mô hình hợp tác xã cũ phải loại bỏ. Thế nhưng mới chỉ đề ra được chính sách đúng, cơ chế đúng, Việt Nam gần như trong một đêm trở thành nước xuất khẩu lương thực. Có thể nói đây là một ví dụ mẫu mực về chủ trương chính sách đúng cởi trói sức sản xuất và xác lập quan hệ sản xuất đúng đắn. Câu chuyện một đêm ấy thai nghén 15 năm, bắt đầu từ những năm tháng khó khăn, quá nửa thu nhập cho cuộc sống của nông dân nhờ cậy vào mảnh đất 5%, và sự ra đời của “khoán chui”!

Diễn văn nhân dịp kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nêu rõ: “Nhờ dân và vì dân, Đảng sửa chữa được sai lầm khuyết điểm... Nhưng không có lời nhận lỗi nào nghiêm túc hơn là thấy cho rõ những tồn tại và khuyết điểm...” Với tất cả ý thức và sự giác ngộ của người cộng sản, phải nói rằng sự nghiệp đổi mới ở nước ta khởi sự từ dân, sáng tạo từ dân. Nhân dân ta thật vô cùng vĩ đại, công lao của Đảng là đã đúc kết ý chí và nghị lực sáng tạo của nhân dân ta  thành đường lối đổi mới hợp lòng dân. Thực tiễn này một lần nữa khẳng định cách mạng bao giờ cũng là sự nghiệp của nhân dân. Công cuộc đổi mới ở nước ta tuy mới chỉ bắt đầu, một  sự khởi đầu có ý nghĩa chiến lược. Song thực tế của đổi mới cho thấy có trí tuệ và ý chí phấn đấu cao, Đảng ta và nhân dân ta hoàn toàn có khả năng thực hiện kịch bản I  trong tương lai. Cũng thực tế này nhắc nhở không được quay trở lại con đường mòn.

Còn một nhận xét nữa: So sánh với lịch sử phát triển cận đại của các quốc gia, tôi nghĩ chúng ta cần thẳn thắn nhìn nhận rằng công cuộc đổi mới ở nước ta chưa đạt tới mức như cuộc cải cách  nước Nga dưới thời Pierre I Đại đế (1672 –1725), cuộc cải cách chấn hưng nước Nhật dưới thời Minh Trị (bắt đầu từ năm 1886), quá trình công nghiệp hoá và điện khí hoá ở Liên Xô cũ, các cuộc cách mạng công nghiệp hoá ở các nước “con rồng”... Về nhiều mặt cũng có thể nói công cuộc đổi mới và phát triển của nước ta ngày nay, theo sự hiểu biết của tôi, còn nhiều mặt chưa thật sâu sắc như ở Trung Quốc[26] trên cả hai phương diện nhận thức và hành động – mặc dù công cuộc đổi mới ở nước ta đạt được một số bước phát triển đặc biệt. Những so sánh này đưa tôi đến ý nghĩ: Nhìn thế giới rồi nhìn lại mình, sự thật đập vào mắt là: Đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi tiến hành một cuộc cách mạng phát triển.

Nhà Nguyễn cuối thời đã bỏ lỡ cơ hội canh tân đất nước, nên đã lâm vào thảm hoạ mất nước, dân tộc ta bị cướp đi cả một giai đoạn phát triển. Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này, có nguyên nhân bỏ ngoài tai những lời cảnh báo da diết của Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Nguyễn Lộ Trạch... và của biết bao sỹ phu yêu nước khác thời bấy giờ. Phái hủ nho trong triều Tự Đức lúc bấy giờ gọi những người này là kẻ sàm ngôn, còn vua thì cũng hủ nho không kém và bất lực! 

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành lại đất nước. Sự nghiệp xây dựng đất nước bước vào thế kỷ 21 đặt lên vai Đảng ta sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng phát triển mà vì những bi kịch lịch sử nước ta đã phải để chậm mất 200 năm!

Chúng ta tự nói gì về mình cũng được, ngôn luận thế giới cũng không thiếu gì những điều tâng bốc nước ta lên mây xanh. Nhưng tước bỏ những lời lẽ ngọt ngào bề ngoài, cách  đối xử thực chất trong các mối quan hệ làm ăn  đối với nước ta diễn đạt một cách thô thiển là:

- Bạn có GDP theo đầu người 310 USD thôi à? Tốt lắm, thị trường nội địa của bạn hơi nhỏ môt chút. Tôi vẫn chú ý đến bạn trong phạm vi có thể, nhưng tôi phải tính đến những thị trường lớn hơn, mong bạn thông cảm...

Vị thế nước ta, về một số phương diện cụ thể nào đó nào đó, đại thể là như vậy. Việc tìm lối thoát ra khỏi số phận nước nghèo vẫn còn là nhiệm vụ ở phía trước, theo cách suy nghĩ của Friedrich Engels, trước hết phải bắt đầu từ hiểu lẽ tất yếu.., cần thấy rõ mình là ai, đang đứng ở đâu trong cái thế giới đầy rãy những chuyện quyết liệt này.

Đã đến lúc tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam phải tìm cách tạo ra sức bật cần phải có cho nền kinh tế nước ta. Dân tộc ta chiến đấu hy sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác suy cho cùng là nhằm tạo ra cơ hội để thực hiện được mục tiêu cao cả: San lấp khoảng cách phát triển tách biệt nước ta với thế giới bên ngoài.  Đấy phải là ý chí chính trị cao nhất của toàn Đảng và toàn thể dân tộc Việt Nam ta trong thời đại ngày nay.

 Quá trình chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tiến hành khẩn trương. Làm gì để khắc phục khoảng cách phát triển này?  Tôi nghĩ, đấy là câu hỏi xứng đáng thu hút toàn bộ tâm trí mỗi đảng viên.






ii.            chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng tự giác


Cuốn sách nhỏ này không thể là chỗ trình bày một báo cáo chuyên đề đánh giá tình hình thế giới ngày nay. Hơn nữa, đấy còn là một việc quá sức người viết những trang sách này. Song hiểu rõ thế giới ngày nay lại là điều kiện không thể thiếu được để hiểu sâu sắc những vấn đề của chính nước ta. Mong rằng sách báo nước ta sẽ có những công trình nghiên cứu đáp ứng đòi hỏi chính đáng này.

Vì vậy, xin cho phép tôi chỉ lẩy ra một số vấn đề của thế giới ngày nay mà tôi có thể ý niệm được, trước khi nêu lên ý kiến của bản thân mình về một số vấn đề của đất nước.


1.     Một thế giới ngày càng tự giác

          Có lẽ chưa bao giờ trên thế giới có nhiều đánh giá hiện tại và nhiều dự báo cho tương lai về tình hình mọi mặt của cuộc sống con người và của cộng đồng các quốc gia trên hành tinh của chúng ta như hiện nay. Điều này xảy ra có lẽ do hai nguyên nhân chính:
-         Một là, từ nhiều thập kỷ gần đây, nhất là trong một hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ này, kinh tế thế giới và mối quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng quốc tế có những biến đổi rất sâu sắc, gần như mang tính chất đi vào một giai đoạn mới – giai đoạn của nền kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu công nghiệp và trong sự hình thành trật tự thế giới có nhiều trung tâm rất phức tạp. Giai đoạn phát triển mới này của thế giới buộc tất cả các nước phải nhận thức lại hiện tại và dự đoán chuẩn xác hơn nữa cho tương lai.
-         Hai là, hầu như mọi quốc gia trên trái đất đều chia xẻ chung  sự quan tâm nhìn nhận lại chính mình và thế giới, với mong muốn đưa quốc gia mình bước vào thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ 3 với tính tự giác cao hơn nữa so với quá khứ – trước hết là tự giác trong nhận thức những cơ may và thách thức có thể đến với quốc gia mình, tự giác cao hơn nữa trong lựa chọn những quyết định...

Đương nhiên mỗi quốc gia đều nhận thức, đánh giá hiện tại và dự báo tương lai theo cách nhìn riêng và hoàn cảnh riêng của mình, nhưng có một điểm giống nhau: Nước nào cũng muốn tìm cách tạo ra cho mình những điều kiện và những không gian thuận lợi hơn, lớn hơn  cho sự tồn tại và phát triển của nước mình trong một thế giới ngày càng “người khôn của khó”. Đây là vấn đề nổi bật nhất trong thế giới ngày càng tự giác ngày nay.

Từ khi chủ nghĩa tư bản ra đời khoảng thế kỷ thứ 16 cho đến gần hết nửa đầu của thế kỷ 20 chỉ có một số ít nước tư bản, trước hết là các nước thực dân đế quốc, ý thức mạnh mẽ về điều này. Ngày nay, từ khi chủ nghĩa thực dân bị chôn vùi, thì cả thế giới các nước đang phát triển ngày càng ý thức sâu sắc về điều này – nhất là quá trình toàn cầu hoá đang làm cho kinh tế thế giới ngày càng trở thành một thị trường thống nhất. Diễn đạt theo ngôn ngữ ngoại giao: đó là sự nỗ lực ráo riết của mỗi quốc gia, nhằm tạo lập cho mình một vị thế quốc tế tốt hơn so với quá khứ và hiện tại.

 Đặc điểm mới này vô cùng quan trọng đối với nước ta là nước đi sau, xin được ngẫm nghĩ cho hết mọi nhẽ. Cuộc sống ngày nay – vì một điểm giống nhau này - quyết liệt hơn trước, đòi hỏi tiêu hao nhiều trí tuệ và nghị lực hơn trước.

Trong lịch sử kinh tế thế giới và lịch sử quan hệ quốc tế, có lẽ chưa bao giờ trên trái đất này hầu hết mọi quốc gia đều nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu này với tinh thần tự giác rất cao như ngày nay.

Vì sao các quốc gia trên thế giới ngày nay có ý thức tự giác ngày càng cao?

Xưa nay không quốc gia nào không tự giác quan tâm đến mọi vấn đề trong thế giới mình đang sống. Nhưng hiển nhiên ngày nay số phận mỗi quốc gia ngày càng gắn bó mật thiết hơn với mọi diễn biến xẩy ra trên thế giới, đồng thời mỗi quốc gia cũng có nhiều điều kiện hơn trước tiếp cận với mọi vấn đề hoặc trở thành tác nhân hay chịu sự tác động của mọi vấn đề xẩy ra hoặc sẽ xẩy ra trên thế giới. It nhất có những nguyên nhân sau đây tạo ra tình hình nói trên:

Một là: Quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, đặc biệt từ khi xuất hiện xu thế hình thành trật tự thế giới có nhiều trung tâm, ngày càng tác động mạnh mẽ thuận chiều hoặc nghịch chiều vào nền kinh tế của mỗi nước; sự phát triển của giao lưu hàng hoá và các dòng vốn, cùng với những tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật và công nghệ - đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, và giao thông vận tải – đang ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này với sự năng động và gây ra nhiều biến động chưa từng có. Lựa chọn chỗ đứng, tìm cách tham gia có lợi nhất cho mình vào quá trình này và tránh né những tác động không thuận hoặc đối nghịch, đó là công việc trở thành đòi hỏi sống còn đối với mỗi quốc gia.

Hai là: Mặc dù các nước công nghiệp phát triển, các tập đoàn kinh tế  và công ty xuyên quốc gia vẫn giữ vai trò chi phối sự vận động của kinh tế thế giới, song chủ nghĩa thực dân đã bị loại bỏ hẳn trên trái đất. Dù tình trạng nghèo đói và biết bao nhiêu vấn đề nan giải khác còn đè nặng lên số đông các nước đang phát triển, dù họ còn phải chịu phụ thuộc nhiều vào bên ngoài, song với tính cách là các quốc gia độc lập có chủ quyền, nhìn chung các nước đang phát triển ngày càng cải thiện được vị thế quốc tế của mình, tiếng nói của họ ngày càng quan trọng hơn trước trên mọi vấn đề của thế giới. Đặc biệt là trọng lượng kinh tế của các nước đang phát triển đang tăng dần lên, khả năng của họ tiếp cận với thị trường và công nghệ mới lớn hơn trước rất nhiều, bản thân những nước này với tiềm lực kinh tế ngày một phát triển đang trở thành thị trường và đối tác ngày càng quan trọng hơn trước đối với mọi đối tác trên thế giới.

Giác ngộ thực tế này, các nước đang phát triển đang có nhiều cố gắng mới để có tiếng nói chung, nỗ lực chung, nhằm một mặt tìm cách cải thiện vị thế thương lượng của mình, mặt khác tìm cách khai thác tốt hơn sự phụ thuộc toàn cầu có lợi cho họ. Tiềm lực kinh tế của những nước đang phát triển tăng lên, thì chính những nước này càng trở thành những thị trường lớn hấp dẫn mà không kẻ nào đi kiếm lợi nhuận có thể bỏ qua được. Thực tế này thúc đẩy các nước đang phát triển mạnh mẽ  tự giác nhận thức và chủ động tham gia vào mọi vấn đề trong quá trình toàn cầu hoá.

Tuy nhiên, sự giác ngộ này cũng tăng thêm cạnh tranh giữa các nước đang phát triển với nhau. Đây là một thực tế không kém phần nan giải.

          Ba là: Không phải chỉ có các nước công nghiệp phát triển, mà hầu hết các nước đang phát triển trên thế giới tự giác nhận thức quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, hiểu đó  là xu thế phát triển tất yếu, nên quyết tâm chủ động hội nhập vào quá trình này. Các nước đang phát triển nghĩ và hành động như vậy, không phải là để múa theo gậy chỉ huy của các nước giàu hoặc của các tập đoàn tài chính, các công ty xuyên quốc gia, mà để bảo vệ, để thực hiện lợi ích của mình bằng cách không để cho các nước giàu và các tập đoàn lớn đơn phương thao túng, hay tuỳ tiện lũng đoạn quá trình này.

          Nói về một thế giới đang ngày càng tự giác hơn, cũng có nghĩa tương quan nhiều mặt trên thế giới đang có những thay đổi sâu sắc. Ngôn ngữ truyền thống gọi đó là so sánh lực lượng trên thế giới tiếp tục thay đổi ngày càng có lợi hơn trước cho các nước đang phát triển, dù rằng trên thế giới còn những trung tâm theo đuổi mộng bá quyền – ví dụ mới nhất là những ý đồ trong việc mở rộng NATO, chiến tranh Kosovo, việc áp đặt những giá trị của “một nước không ai có thể thay thế được”...

Nói theo khẩu khí trước đây rằng  “chủ nghĩa đế quốc tiếp tục bị đẩy lùi từng bước...” thì cũng không có gì là “đại ngôn” hay sặc mùi “chiến tranh lạnh” cả, mà đó là sự thật. Trong so sánh lực lượng trên thế giới từ nửa sau thế kỷ 20, nhất là trong giao thời giữa hai thiên niên kỷ, thực sự đang diễn ra nhiều thay đổi, từng bước có lợi hơn trước cho hoà bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển .

Bản thân sự việc đang hình thành một trật tự thế giới có nhiều trung tâm cũng hàm nghĩa Mỹ không còn giữ được địa vị bá quyền độc tôn trên nhiều phương diện như sau chiến tranh thế giới thứ II cho đến cuối thập kỷ 1980 – mặc dù ngay sau đó xảy ra sự kiện tan rã hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa. Ngay cả những dự báo lạc quan của Mỹ cũng cho rằng: Nếu coi thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, thì sang thế kỷ 21 chưa có gì chắc chắn tình hình sẽ tiếp tục như vậy. Nhiều dự báo cho rằng chỉ vào khoảng thập kỷ 2030, 2040 có nhiều khả năng địa vị của Mỹ sẽ bị thách thức hơn bây giờ trên nhiều phương diện, nền kinh tế Mỹ đến lúc ấy không chắc còn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dầu hiện tại Mỹ vẫn còn là siêu cường số 1[27]... Đương nhiên Mỹ đang ra sức tận dụng lợi thế của mình làm mọi việc để duy trì vị trị “không ai thay thế được” trên thế giới.

          Cũng xin nêu thêm một khía cạnh khác: Không phải chỉ có các nước đang phát triển với tư cách là các quốc gia độc lập có chủ quyền ngày càng nhận thức được vai trò và ảnh hưởng của mình, tự giác tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, mà cả các nước công nghiệp phát triển cũng phải tự giác nhìn nhận lại chính họ và không thể cho phép mình ỷ vào thế kẻ giàu bỏ qua sự phụ thuộc toàn cầu – cho dù trong những nước này vẫn còn những thế lực gì đi nữa. Lẽ đơn giản là: Ngoài nhiều vấn đề toàn cầu chung như bảo vệ môi trường, tội phạm, ma tuý, nạn khủng bố, vũ khí huỷ diệt hàng loạt... các nước phát triển ngày càng cần đến các nước đang phát triển, trước hết là cần đến thị trường ở các nước đang phát triển, vì không một nước phát triển nào “chê” thị trường và lợi nhuận.,

Có thể nói thô thiển: Tôi không tồn tại thì anh cũng không tồn tại được, tôi không phát triển được thì anh không có đất bán hàng... Lẽ đời hầu như không thay đổi chỉ là: Trong sự phụ thuộc toàn cầu này, làm thế nào giành giật được phần lớn hơn về cho mình. Và chính đấy là điều các nước đang phát triển phải luôn luôn cảnh giác và cùng nhau hiệp lực đối phó.

 Sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu không hề có nghĩa làm mất đi hay giảm bớt những mâu thuẫn Bắc-Nam vốn đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại, mà chỉ làm cho những mâu thuẫn này có những hình thái vận động mới với những nội dung phức tạp mới rất gay gắt, đòi hỏi phải có những khả năng xử lý mới.

Có thể nêu lên một hình ảnh để làm ví dụ: Trong cơn bão tài chính tiền tệ tháng 7-1997, Thủ tướng Thái Lan Chavalít khi nhận ra được vấn đề thì trong một ngày đã dốc gần một chục tỷ USD dự trữ quốc gia để cứu tỷ giá đồng Bath. Việc làm này của ông Chavalít cho dù mang tính chất cảm tử quyết liệt đến mức nào, nó vẫn trở nên vô nghĩa đối với một lệnh của George Soros đã được ban ra trên mạng vi tính trước khi ông Chavalit kịp ra tay hành động. Trong vòng vài tuần sau đó, toà nhà kinh tế Thái Lan đổ ụp, cuốn theo Malaixia, Inđônêxia, Hàn Quốc vào cơn lốc domino tài chính tiền tệ, với nhiều chấn động lan xa ra các châu lục khác như chúng ta đã thấy. Đương nhiên Goerge Soros[28] không phải là thày phù thuỷ, mà chỉ là người đã nhìn trước được và biết lợi dụng những gì sẽ phải xẩy ra do những yếu tố đã tích tụ từ lâu. Phải chăng đây là ví dụ có thể minh hoạ rằng sự phụ thuộc toàn cầu còn giấu trong nó những âm binh, nếu để xổng ra ngoài thì chúng sẽ có thể tàn phá khôn lường, việc tiễu trừ những âm binh này đòi hỏi những kỹ năng mới (new expertises), có bài bản.

Khoảng 10 năm trước cuộc khủng hoảng  tháng 7-1997, các nước LXĐA sụp đổ không có một phát súng nào từ bên ngoài, mặc dù cải cách được tiến hành khá sớm ở những nước này. Trung Quốc và Việt Nam không sụp đổ vì đã tìm được con đường cải cách phù hợp. Thời đại mới, vấn đề mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận và xử lý mới. Rõ ràng hành động theo kiểu liều chết như của ông Chavalit không đem lại kết quả.

Xin nhấn mạnh rằng lãnh đạo những nước này không phải là những người khờ dại, và xin cũng không nên bao giờ nghĩ đến việc dạy khôn người khác. Vấn đề chỉ là ở chỗ: Một khi các yếu tố tích tụ lại đủ cho một sự vật đi tới thời điểm bùng nổ, thì con người thường lâm vào tình trạng lực bất tòng tâm. Xin cũng đừng quên rằng không bao giờ có thắng lợi vĩnh cửu, mà chỉ có đòi hỏi thường xuyên phấn đấu giành thắng lợi mới, để tiếp tục tồn tại và phát triển. Triết lý vận động của sự vật xưa nay có lẽ vẫn như vậy.

Trong nửa thế kỷ trước, ngọn cờ tập hợp lực lượng Nam -Nam là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Phải chăng ngày nay, bước vào thế kỷ 21, ngọn cờ tập hợp lực lượng Nam – Nam là cùng nhau hiệp lực, làm cho quá trình toàn cầu hoá phải phục vụ đắc lực xoá đói nghèo, cho  phát triển và tiến bộ xã hội? Không dễ gì giành được mục tiêu này.

Trong thế giới toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc về mọi mặt, chỉ có một phương án tối ưu duy nhất là tự giác và chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hoá này, để bảo vệ và thực hiện lợi ích của chính mình. Rất may đó là sự lựa chọn của đa số các nước đang phát triển trên thế giới, mặc dù đó là sự lựa chọn gian khổ, đòi hỏi chấp nhận không ít mạo hiểm. Hội nhập là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Không thể có một cơ may ngẫu nhiên hay phước lành được ban xuống từ đâu đó. Không muốn làm đe thì phải làm búa..!

Hội nghị bộ trưởng thương mại WTO ở Seattle (tháng 12-1999. Mỹ) tan vỡ và tiếng nói mạnh mẽ của các nước đang phát triển tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (tháng 1-2000, Thụy Sỹ) vừa qua chứng minh ý chí của các nước đang phát triển và khả năng của họ chủ động tác động vào quá trình tự do hoá thương mại trên thế giới. Điều gì sẽ xẩy ra trong toàn cầu hoá nếu cứ để cho các nước giàu thoả sức thao túng? Sẽ thực sự là một thảm hoạ, nếu trong quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới các nước đang phát triển không chủ động tham gia và không cùng nhau hiệp lực phát huy vai trò của mình.

Là những nước nghèo như nước ta, nếu không góp phần mình vào tiếng nói chung ấy, nếu không tìm cách tham gia tác động vào quá trình ấy, mà chỉ đóng cửa đơn độc chống đỡ, phó mặc vận mệnh quốc gia mình cho quy luật sinh tồn và tiến hoá, thì số phận của đất nước coi như đã an bài.

Nhân đây cũng xin lưu ý đến học thuyết Đác-uyn (Charles Darwin, 1809-1882), được trí tuệ loài người coi là cuộc cách mạng Côpecních[29] (Nicolaus Copernicus) lần thứ 2 về khám phá thế giới quy luật của cuộc sống. Ngày nay chúng ta có thói quen chỉ nói đến quan điểm ”cá lớn nuốt cá bé” trong chủ nghĩa tư bản và quy luật đấu tranh giai cấp, mà chưa dành sự quan tâm thoả đáng đến một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, đó là quy luật tiến hoá và sinh tồn của bản thân mỗi sự vật. Nghĩa là: Bất kỳ một sự vật nào – dù mang trong nó những đặc trưng ưu việt đến đâu - nếu không tuân thủ quy luật này thì tha hoá, thoái hoá, tiến đến tự diệt vong, hoặc bị diệt vong – trong tự nhiên và trong cuộc sống xã hội đều như vậy. Các Mác (Karl Marx) đánh giá cao và không bỏ qua học thuyết Đác-uyn trong khi xây dựng học thuyết của mình[30].

Xin nêu một ví dụ có thể ít được ai chú ý: Trong đời sống kinh tế thế giới ngày nay, có nhiều tư duy đã bước qua quan điểm vận dụng lợi thế so sánh, tiến sang quan điểm xây dựng lợi thế cạnh tranh. Sự việc này có thể nhìn nhận là một bước lỗi thời của quan điểm vận dụng lợi thế so sánh trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá ngày nay, hoặc đấy là một bước tiến hoá mới của quan điểm vận dụng lợi thế sánh. Ví dụ nổi tiếng của Ricácđô (David Ricardo 1772-1823) so sánh giữa một nước chuyên dệt vải và một nước chuyên trồng nho làm rượu vang có lẽ ngày nay không còn hoặc không còn hoàn toàn thích hợp nữa. Bởi vì lưu chuyển vốn, công nghệ, thông tin, truyền thông, thương mại và vận tải ngày nay cùng nhiều sự phát triển khác nữa về luật pháp, văn hoá... đang làm lu mờ hay biến đổi dần những khái niệm về biên giới, chủ quyền quốc gia, ngày càng thúc đảy mạnh mẽ xu thế:
-         Sản xuất cái gì ở đâu cũng được.
-         Sự so sánh chuyển sang nội dung mới: sản xuất cái gì, ở đâu và như thế nào để có thể cạnh tranh tốt hơn.
Phải chăng điều này có thể chứng minh cho thuyết tiến hoá Đác-uyn đúng cả trong khoa học kinh tế, và Mác đã đúng?  Xin thú thực, năm 1997 tôi đã viết cả một cuốn sách nhỏ ủng hộ quan điểm vận dụng lợi thế so sánh để phát triển đất nước, bây giờ xem lại thấy đã có nhiều điều trở nên lạc hậu. Tuy vận dụng lợi thế so sánh là một quan điểm vẫn còn tính thời sự của nó, nhưng nội dung phải được bổ sung và và cách vận dụng nó phải được nâng cao lên nhiều.

Rõ ràng trong một thế giới ngày càng tự giác và đồng thời cũng có ngày càng nhiều mánh khoé khôn ngoan và sảo quyệt hơn, xây dựng khả năng và bản lĩnh tự giác nhận thức thế giới càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong quá trình phát triển của toàn cầu hoá đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên, ngày càng tinh vi và phức tạp hơn. Trong tổng thể phát triển này, trò chơi “tổng số bằng không” (“the zero sum game) - nghĩa là anh được thì tôi phải mất hoặc ngược lại - trong quan hệ làm ăn với nhau giữa các quốc gia, ngày càng nhường chỗ cho mối quan hệ “hợp tác cùng có lợi”. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa những vụ cướp giật trắng trợn hoặc những chuyện móc túi ngoạn mục cứ tự nó biến đi. Tỉnh táo hơn còn phải nói: trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hoá ngày càng tăng, sự giành giật không gian kinh tế và bành trướng ảnh hưởng văn hoá càng quyết liệt. Thậm chí có không ít dự báo không thể xem thường về khả năng gia tăng xung đột văn hoá trong quá trình toàn cầu hóa.

Nhưng nếu chỉ vì lo bị cướp giật hoặc bị móc túi, nên khư khư giữ cửa cho chặt, không dám và không biết tự giác đi mạnh vào hợp tác cùng có lợi – trước hết là không tự giác làm cho mình sớm trở thành kẻ có khả năng thực hiện sự hợp tác cùng có lợi, thì cuối cùng sẽ không còn gì để mất hoặc không còn gì đáng mất! Trong trường hợp này, kinh tế sớm muộn sẽ rệu rã, dẫn tới hiện tượng dậu đổ bìm leo  -  triển vọng tốt đẹp nhất cũng chỉ có thể trở thành một kẻ phụ thuộc vào sự bố thí từ bên ngoài; còn nếu tình hình mọi mặt của đất nước trở nên xấu hơn, sẽ dễ rơi vào tình trạng chia rẽ, phân ly, tay phải đánh tay trái, nội chiến, chiến tranh sắc tộc... như đã và đang xẩy ra ở một số nước. Quan hệ thế giới ngày nay có thể trở nên phức tạp, khốc liệt, và có lúc ngộ nghĩnh đến mức cười ra nước mắt như vậy đối với sự thiếu vắng khả năng tự giác nhận biết thế giới – bao hàm cả khả năng tự nhận biết chính mình.

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng tự giác, vì – theo Klaus Schwab, chủ tịch Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF, Davos, Thuỵ-sĩ), tại cuộc họp 1-1999 nhận xét: ...Thế giới đang chuyển từ cá lớn nuốt cá bé sang một thế giới kẻ nhanh nuốt người chậm, kẻ thon khoẻ thắng người béo ị[31]... Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 7-1997, Thủ tướng Chuan Leekpai phát biểu: “Đã tham gia thị trường thế giới thì phải biết tự bảo vệ mình... Một trong những bài học chúng tôi rút ra được cho mình là nhiều cơ cấu và thể chế của chúng tôi lạc hậu so với thời đại toàn cầu hoá. Bây giờ chúng tôi phải tìm cách làm cho bản thân mình đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế mới. Cả nước Thái đòi hỏi điều này, muốn có một chính phủ tốt hơn và công khai minh bạch.”

Thế giới ngày càng tự giác,  còn bởi vì chưa bao giờ một nước, một công ty... hay một cá nhân có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, công nghệ, nguồn tài chính và quyền lựa chọn quyết định như ngày nay...


2. Điều tự giác khó nhất

Một điều vô cùng quan trọng khác: Phải tự giác không để trở thành nơi lưu tàng đồ cổ hoặc thậm chí là bãi rác của thế giới.

Nói điều này thì dễ, nhưng suốt nửa thế kỷ vừa qua trong số hơn 130 nước đang phát triển theo đuổi mục tiêu này chỉ có khoảng 10 nước tìm ra con đường và thực hiện được điều này trên nhiều phương diện. Đó là những con đường rất khác nhau trong những hoàn cảnh rất khác nhau của các nước mới công nghiệp hoá (NICs) - đầy chông gai, và đương nhiên  phải trả giá không ít. Số nước còn lại không đạt được mục tiêu của mình. Có những nước đi được đoạn đường khá xa rồi lại phải chuyển hướng đi tìm con đường mới như Â’n Độ và một số nước khác ở châu Mỹ La-tinh... Có nhiều khu công nghiệp ở các nước đang phát triển thực sự chỉ là những bãi thải cho những công nghệ lỗi thời, một số nước chịu sự tàn phá môi trường hầu như không có cách gì khôi phục lại được...

Ngay ở nước ta, rừng, tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên đang bị huỷ hoại một cách đáng sợ, tăng thêm các nhân tố góp phần gây ra những thiên tai lớn. Rừng tự nhiên của cả nước chỉ còn khoảng 25%, mỗi năm có thêm hàng nghìn ha rừng bị tàn phá. Có những vùng tự nhiên bị tàn phá không có cách gì khôi phục lại được do không thực hiện nghiêm túc luật pháp và những quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường trong khai thác các nguồn tài nguyên không tái tạo được. Ngoài những nạn ô nhiễm do các chất phế thải, phá rừng, còn phải kể đến nạn khai thác rừng và các loại khoáng sản theo kiểu “thổ phỉ”...

Gần đây nhiều nơi xây ra hiện tượng khai thác vàng, bạc và đá quý rất bừa bãi, huỷ hoại nhiều vùng. Một số hoá chất rất độc hại dùng trong nhiều nơi đãi vàng, bạc... như hợp chất thuỷ ngân xi-a-nuya (HgCn) [32], hoặc muối xi-a-nuya (potassium cyanide) được đổ thẳng xuống sông hồ, gây nhiễm độc nghiêm trọng đối với các nguồn nước và đất đai. Bùn đất do đãi vàng, bạc, đá qúy, các khoáng sản khác... thải ra tại nhiều nơi khai thác lấp hết các nguồn nước sinh sống của dân cư địa phương.

Sự ô nhiễm về môi trường xã hội ở những nơi khai thác này còn khủng khiếp hơn: không ít các “bưởng” (chủ của lô đất thầu để khai thác) là những tên “đầu gấu” nguy hiểm. Tệ nạn luật rừng, mãi dâm, ma tuý, cờ bạc hoành hành ngang nhiên tại những nơi này. Đáng lo ngại hơn nữa, tại nhiều nơi này bộ máy trực tiếp quản lý ở đấy – kể cả cơ quan hành chính địa phương - bất lực, hoặc làm ngơ, thậm chí có người đồng loã với lũ bọn ác ôn... Đã có những bài báo  cực lực lên án tình trạng này, nhưng chưa tác động được bao nhiêu.

Nhìn ra thế giới, nhiều nơi đang tích cực chuyển sang phương thức quản lý kinh doanh và sản xuất không có kho (“zero stock manegement and production”): nguyên liệu, linh kiện được chuyển thẳng từ nơi cung cấp đến nơi sản xuất theo đúng lịch vận hành của xí nghiệp, sản phẩm làm ra được chuyển thẳng đến người mua đã xắp xếp theo lịch gửi hàng. Mục đích của phương thức này là không để vốn chết vì thời gian nguyên liệu và sản phẩm phải nằm chờ trong kho, giảm nhiều loại chi phí, quay nhanh vòng sản xuất. Trong những năm gần đây xuất hiện nhiều phương thức mới kinh doanh mới  đang được Microsoft, Intel, DELL, Sisco, Nescape, Compaq, IBM... và nhièu công ty đa quốc gia (TNCs) khác vận dụng,

Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất đang dẫn dắt hiểu biết của con người ngày càng đi sâu hơn nữa vào tính hệ thống và quy luật của hệ thống trong sự vật, nhờ đó con người ngày càng khám phá ra nhiều điều mới trong thế giới và tạo ra cho mình những khả năng hoàn toàn mới, tiếp tục đảo lộn nhiều nhận thức đã có như Côpécnic đã từng đảo lộn  cỗi rễ tư duy thời trung cổ. Đương nhiên chính quá trình này cũng đặt ra những thách thức mới. Con người luôn luôn kiên nhẫn và dũng cảm tìm cách làm chủ thế giới.

Khoảng 200 năm sau Côpécnic nổ ra một cuộc cách mạng khoa học mới do Isaac Niu-tơn (Isaac Newton 1642-1727) tiến hành, định luật vạn vật hấp dẫn trở thành cha đẻ của môn vật lý sau này. Các cuộc cách mạng khoa học khác tiếp tục diễn ra với tần suất ngày càng mau hơn, trong đó phải kể đến Ađam Smít (Adam Smith 1723-1790), cha đẻ của môn khoa học kinh tế chính trị học), Ricácđô, Đác-uyn...Trong thế kỷ 20, đặc biệt là trong nửa sau thế kỷ 20, tần suất các cuộc cách mạng khoa học ngày càng cao, đảo lộn nhiều cuộc cách mạng khoa học trước đó  - kể cả cuộc cách mạng của  Niu-tơn, phát triển thêm những thành tựu khoa học đã giành được, mở ra nhiều ngành mới.

Trước hết phải kể đến An-bớc Anhtanh (Albert Einstein), Mac Plăng (Max Planck), nhà tâm lý học Díchmun Frôi (Sigmund Freud), hai cha con nhà vật lý Bo (Niels Bohr và Aage Bohr), Evin Xruêđinhngơ (Erwin Schroedinger), Vecnơ Haidênbéc (Werner Heisenberg)... Xin nhắc lại ở đây các thành tựu khoa học và công nghệ giành được trong nửa sau của thế kỷ 20 lớn hơn gấp nhiều lần toàn bộ  những thành tựu loài người giành được trước đó, tác động sâu sắc vào đời sống con người trên hành tinh chúng ta, mở đường cho sự phát triển khoa học và công nghệ thế kỷ 21.

Con đường của khoa học xã hội, trước hết là của triết học, quanh co khúc khuỷu hơn nhiều, nếu kể từ Khổng Tử và Socrates đến nay khoảng hơn 2500 năm đã qua đi.  Dù là các trường phái khác nhau, thậm chí đối lập nhau, từ Platô (Plato) đến Aristôt (Aristoteles), Kant, Hegel, Mác, J.J. Rutxô (Jean Jacque Rousseau), Điđêrô (Denis Diderot).., song tất cả đều chung một khát vọng cháy bỏng là đi tìm chân lý và tự do. Các học thuyết kinh tế cũng thay đổi và phát triển không ngừng...

Sự phát triển của hạ tầng kiến trúc và sự phát triển của thượng tầng kiến trúc thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Toàn bộ quá trình này không ngừng giúp cho con người hiểu được thế giới và ngày càng mang lại cho nó khả năng cải tạo thế giới. Sự vật chung quanh ta thay đổi hàng ngày hàng giờ, nhanh chóng và sâu sắc hơn khả năng nhận biết của chúng ta rất nhiều. Tất cả những gì đang diễn ra đã sớm được Ăngghen (Friedrich Engels) cảm nhận và lưu ý chúng ta trong bài tựa năm 1872 viết cho Tuyên ngôn Cộng sản nhân dịp Tuyên ngôn 25 tuổi, đại ý:

...Cương lĩnh công xã Paris có vài điểm đã cũ, “Chính ngay bản Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng việc áp dụng những nguyên lý ở đâu và lúc nào cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời,  và do đấy không nên quá coi trọng những biện pháp cách mạng kể ra cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại, thì về nhiều phương diện phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những tiến bộ lớn trong 25 năm qua... Tuy nhiên Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không còn có quyền sửa đổi nữa.[33]

Cái mới của hiện tại so với khi Ăngghen viết những lời này phải chăng là: 25 năm cuối của thế kỷ 20 ngày nay gây nên những cuộc bể dâu lớn lao và sâu sắc hơn nhiều so với 25 năm cuối thế kỷ thứ 18.

Phải cạnh tranh với cả thế giới mà nền kinh tế nước ta  còn mang trong nó biết bao nhiêu nghịch lý, thì làm sao hy vọng giành phần thắng? Phải tự giác nhận thức điều này.

Chúng ta hãy thử hình dung, trong sự vận động của cuộc sống ngày nay, nếu chúng ta cứ nhẩn nha tiếp tục làm ăn theo phương thức “hàng tồn kho”, vậy chúng ta sẽ cạnh tranh với phương thức làm ăn “không có kho” của thiên hạ ra sao đây? Nói thiết thực hơn nữa, hiện nay mức tiêu hao nguyên nhiên liệu, vật tư và thời gian của nước ta cho một sản phẩm nhìn chung cao hơn nhiều nước đang phát triển khác dù ở Đông Nam A’, hay ở châu Mỹ La-tinh; có người ước tính mức tiêu hao này trong nền kinh tế nước ta cao hơn khoảng 30%. Phần lớn công nghệ đang vận hành trong nền kinh tế nước ta thuộc thế hệ 3, thế hệ 4 hoặc trước chiến tranh thế giới II, trong quốc phòng cũng vậy...

Ai là người táo tợn nhất trong chúng ta thì cũng không dám nói rằng Việt Nam là nước đang thừa vốn. Thế nhưng hiện nay nhiều ngân hàng thương mại của nhà nước ta không dám đẩy mạnh việc huy động vốn, vì có vốn mà không cho vay được, hoặc càng cho vay theo chỉ thị hành chính thì càng mất. Hàng nghìn tỷ đồng vốn dưới dạng các tài sản thế chấp đang nằm chết dí, trong khi các doanh nghiệp và người muốn kinh doanh thực sự rất thiếu vốn.

Yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước rất bức xúc, nhưng lúc này lại ít ai dám nghĩ đến làm ăn lớn, làm ăn lâu dài. Vì những lý do rất dễ hiểu: không thạo thị trường, sản xuất thì không biết sẽ tiêu thụ đầu ra ở đâu, chính sách nhà nước thay đổi luôn[34], còn bao nhiêu điều phiền toái khác.., vốn của từng cá nhân thì quá nhỏ bé, nhưng hùn lại với nhau thì lại thường xảy ra vỡ hụi.., đành mua xe máy vừa thỉnh thoảng được đi vừa giữ của, hoặc gửi ngân hàng hay mua ít đất để khỏi giữ tiền mặt trong nhà, hoặc mạo hiểm thêm chút nữa là lại mở quán ăn, cửa hàng xén,  “Karaoke”...

Vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) trong những năm trước đây đổ vào nước ta mỗi tháng vài trăm triệu USD, bây giờ con số đó khoảng một chục triệu. Mặc dù xu hướng chung lúc này trên thế giới, theo số liệu của UNCTAD, FDI năm 1999 đổ vào các nước đang phát triển tăng 15%...vân vân...

Vân vân...

Trăm tội có thể đổ cho cái nghèo, cái lạc hậu, tác động của cơn bão tài chính 7-1997.., nhưng đổ lỗi loanh quanh như vậy chúng ta không tiến lên được.

Tiếp tục công nghiệp hoá mà không ý thức được đầy đủ và tìm cách xử lý tốt những vấn đề trong nước và trên thế giới đặt ra, liệu nước ta có lực để công nghiệp hoá lâu dài, bền vững, bứt lên được những bước quyết định vào nền kinh tế mới... cho đến khi trở thành nước công nghiệp được không?

Thành tích công nghiệp hoá có thể được đo bằng kết quả kim ngạch xuất khẩu năm 1999 tăng hơn 5 lần so với 1990, không phải quốc gia nào cũng có thể dễ dàng đạt được như thế. Ngoài ra còn nhiều thành tựu khác nữa... Song nhìn về tương lai, không thể vì thế mà không xem xét đến những mặt còn yếu kém.

Bởi vì muốn “lấy ngắn nuôi dài”, muốn tránh tình trạng “bóc ngắn cắn dài” để rồi cuối cùng vẫn bị gông cùm trong nghèo nàn lạc hậu, muốn công nghiệp hoá bước trước mở đường chứ không phải làm khó khăn hay cản đường bước sau, muốn công nghiệp hoá để cuối cùng trở thành một quốc gia hiện đại, có môi trường sạch đẹp, con người giàu có về của cải, trí tuệ và có môi trường tốt cho cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc cho hiện tại và các thế hệ mai sau.., chúng ta phải thường xuyên so đọ mình với thế giới, xem xét lại mọi việc, để luôn luôn có những điều chỉnh, uốn nắn kịp thời.

Xin lưu ý ngày nay cả thế giới, trước hết là các nước đang phát triển,  đều phải lựa chọn hướng phát triển công nghiệp theo cách tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ môi trường, khai thác thị trường thế giới. Tiến bộ của khoa học và công nghệ vừa cho phép vừa bắt buộc công nghiệp hoá phải tiến hành theo hướng này. Nếu cưỡng lại, cái giá phải trả là ô nhiễm môi trường không khắc phục được, sự mất đi những nguồn tài nguyên không tái tạo được... và những ách tắc tất yếu dẫn đến bế tắc. Hơn thế nữa, sản phẩm làm ra sẽ không có khả năng cạnh tranh, không một ngân sách nào có thể bù lỗ nổi, không một hàng rào quan thuế hoặc phi quan thuế nào có thể chống đỡ được, càng bảo hộ buôn lậu càng rộ nở, hàng tồn kho càng chồng chất, và kinh tế rơi vào khủng hoảng mới là kết cục sớm muộn sẽ tới.

Tôi lo rằng: Sự giác ngộ của chúng ta về những thách thức này chưa thể nói là đầy đủ. Sự giác ngộ chưa đầy đủ này là một trong những tác nhân quan trọng đang cản trở công cuộc đổi mới, làm giảm tốc độ tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế nước ta, làm yếu sức cạnh tranh cần phải có trong chủ động hội nhập quốc tế.


3. Cái khó nhất trong điều tự giác khó nhất

Đó là:  Phải tự giác nhận biết những yếu kém của chính bản thân mình. Trong đời sống xã hội tất cả các thời đại từ cổ chí kim, đây là điều thường làm người nghe nghịch tai nhiều hơn là gây ra cảm giác dễ chịu.

Xin hãy tìm hiểu một số ví dụ.

- Nghe xuất khẩu được hàng tỷ USD hàng may mặc và da giày, ai là người không vui? Song trong khối lượng kim ngạch này – tuỳ nó là da giày, hay hàng may mặc... - chỉ có khoảng trên dưới 1/5 giá trị là  thực chất nước ta xuất được – bao gồm sức lao động và một khối lượng rất ít nguyên liệu, năng lượng trong nước, phần còn lại của khối lượng kim ngạch này là nguyên liệu nhập ngoại để gia công rồi xuất đi. Nếu ai cũng ý thức sâu sặc được điều này thì  chúng ta sẽ sớm tìm ra được những biện pháp xử lý, để ngày một nâng cao tỷ trọng phần kim ngạch xuất thực của nước ta trong những mặt hàng kể trên, niềm vui chắc sẽ lớn hơn nhiều.

- Nước ta mỗi năm bây giờ xuất khẩu trên 3 triệu tấn gạo, nhưng chất lượng gạo và cách bán hàng làm cho mỗi tấn gạo xuất được thiệt khoảng 20-40 USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê và hạt điều của nước ta gần đạt con số 1 tỷ USD, thế nhưng chỉ có vài phần trăm hạt điều và cà phê xuất khẩu đạt chất lượng loại I... Xuất khẩu gạo, hạt điều và cà phê với khối lượng như vậy là thành tích to lắm, 15 năm trước không ai trong chúng ta dám mơ ước. Song nhìn vào con số âm 20-40 USD/tấn và con số vài phần trăm là sản phẩm loại I vừa nói trên, chúng ta chắc sẽ có cảm giác tiền cầm trong tay rồi mà vẫn cứ bị ai rút bớt đi, sẽ thấy ngay không thể để tình trạng này kéo dài, sẽ bị thôi thúc phải làm biết bao nhiêu việc có thể sớm đẻ ra tiền ngay... Thế rồi cũng có lúc cà-phê ế, hạt điều ế, sắp tới có thể có năm gạo cũng ế (năm nay đang có nguy cơ này), chúng ta – trước hết là các nông dân của chúng ta sẽ xoay sở ra sao đây? Ai là người giúp nông dân trả lời câu hỏi này? Trong những năm trước đây có những lúc nông dân chặt cây điều, chặt cao su, gần đây có nơi chặt cây hồng xiêm... Khi tôi viết đến trang này, có hàng nghìn tấn mủ cao su chưa sơ chế đang thối dần vì bị dìm giá và nằm chết quá lâu ở cửa khẩu Móng Cái. Phải chăng khối lượng xuất khẩu gạo đã tới cái ngưỡng cho phép và đã đến lúc phải tính tới sản phẩm nông nghiệp khác, thậm chí phải chuyển mạnh sang sản phẩm khác? Ai giúp nông dân làm việc này?..

Điều đáng quan tâm hơn nữa, chúng ta vẫn chưa tìm ra được cách buôn bán chặt chẽ và có lợi nhất; chưa xác lập được các đối tác có tên tuổi, có thể tin cạy và làm ăn lâu dài, chưa thể nói đã nắm chắc những diễn biến thị trường và những nguồn thông tin xác đáng để ứng xử kịp thời, khối lượng hàng xuất nhập qua trung gian còn chiếm tỷ trọng đáng kể trong kim ngạch ngoại thương nước ta. Trong khi đó cách làm ăn trăm manh nghìn mối tranh giành nhau làm giảm thế cạnh tranh của phía ta... Tóm lại, đến nay chưa thể đánh giá rằng chúng ta đã nắm vững được thị trường thế giới và đã tìm ra cách buôn bán lọc lõi để có thể thực hiện và bảo vệ tốt nhất lợi ích của nước mình, mặc dù bộ máy điều hành kinh tế của cả nước không kém phần đồ sộ và có 64 cơ quan đại diện đóng tại cả 5 châu lục....

Nói một cách khái quát hơn nữa, nền kinh tế nước ta đã chuyển  hẳn sang nền kinh tế hàng hoá từ gần hai thập kỷ nay, song vẫn còn nhiều quán tính của cơ chế cũ đang kìm hãm hoặc đối nghịch với nền kinh tế hàng hoá. Sau khi những chính sách ban đầu của đổi mới làm xong nhiệm vụ của nó, chính những điều yếu kém này là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho công cuộc đổi mới vấp váp, nền kinh tế chững lại và bắt đầu có những biểu hiện suy giảm từ 1996.

 Những con số và sự việc thua thiệt vừa nói trên chẳng lẽ không đáng là những đề tài nóng hổi nhất, quyết liệt nhất trong các đại hội đảng bộ, các kỳ sinh hoạt chi bộ, công đoàn, thanh niên... của những đơn vị, cơ quan, những địa phương liên quan đến sản xuất kinh doanh của đất nước?.. Thế nhưng hình như trong mỗi kỳ bầu cử, các đợt đại hội... vấn đề chạy ghế, vấn đề nhân sự.., thường lấn át nhiều vấn đề kinh tế cụ thể và thiết thực khác. Biết bao nhiêu thời gian, công sức và của cải phải tiêu dùng trước và sau các đợt đại hội, các đợt bầu cử cho những chuyện chẳng mấy liên quan đến những vấn đề kinh tế rất thiết thân này của đất nước?... Tại sao Đảng ta và nhân dân ta cứ chấp nhận mãi sự lặp đi lặp lại từ hàng chục năm nay những hiện tượng này?

- Hàng năm, hàng tháng cả nước có biết bao nhiêu tiến sỹ mới được phát bằng, có người “làm” tiến sỹ trong vài tháng là được bằng, trong vài năm làm vài bằng... Tôi không dám vơ đũa cả nắm, trong thực tế có nhiều tiến sỹ, giáo sư rất xứng đáng với học vị, học hàm của họ. Song cũng phải nêu lên trong lịch sử nước ta, có lẽ chưa bao giờ đất nước được mùa giáo sư tiến sỹ như bây giờ. Thế nhưng mức độ tiến bộ trong kinh tế, văn hóa, xã hội, trong khoa học và công nghệ, trong quản lý đất nước... chẳng cân xứng chút nào so với tốc độ phình lên nhanh chóng của đội ngũ những người mới được mang học hàm học vị cao này. Tại một tỉnh cao nguyên trong vài năm có thêm hàng chục luật sư mới được nhận bằng, nói cho đúng hơn là những người tốt nghiệp đại học luật bằng mọi cách, thế nhưng nhìn chung thực thi luật pháp ở đấy không tốt hơn trước là bao, tiêu cực và nạn phá rừng vẫn có xu hướng gia tăng. Ngành kinh tế nào cũng có hàng nghìn cán bộ, chuyên gia sau đại học,  thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, nhưng sao ngành nào cũng có nhiều vấn đề? Theo số liệu thống kê, tỷ lệ các chuyên gia và nhà khoa học ở nước ta chiếm 0,3% lực lượng lao động, tỷ lệ này ở các nước công nghiệp phát triển là 0,5%.

- Đành rằng càng phát triển lên, công viêc quản lý đất nước càng khó, song dựa vào số bằng cấp phát ra không thể nói ta thiếu cán bộ được đào tạo. Theo thống kê chính thức đã công bố: Số cán bộ các cơ quan trung ương có trình độ đại học và trên đại học chiếm 75,2%;  26,7% số đó là tiến sĩ trở lên. Cán bộ cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trình độ đại học chiếm 55,9%. Cán bộ cấp huyện và phường, xã có trình độ đại học và trung học chiếm 46,7%. Đấy là tỷ lệ rất cao so với nhiều nước đang phát triển có GDP tính theo đầu người 1000 - 2000USD. So sánh đội ngũ to lớn các cán bộ có tỷ lệ học vấn (hay tỷ lệ bằng cấp) cao như vậy với hiệu quả kinh tế và hiệu quả quản lý đất nước là việc rất nên làm[35]. Cũng  nên tính toán xem Đảng và Nhà nước hàng năm chi bao nhiêu tiền cho các lớp học tại chức, các lớp cho cả nước đi học để quán triệt các nghị quyết, cho cán bộ nhân viên đi học vào giờ làm việc, tiêu tốn biết bao nhiêu thời gian, phải cáng đáng biết bao nhiêu chi phí như tiền tàu xe đi về, tiền ở, tiền phụ cấp.., trong khi đó chúng ta có biết bao nhiêu phương tiện truyền thông hiện đại!.. Đất nước còn nghèo, chi một đồng cũng phải tính toán. Cũng phải xem xét kết quả thu được là xứng đáng hay chưa xứng đáng so với chi tiêu, thời gian và công sức bỏ ra... Tôi tán thành phải học tập suốt đời, nhưng có lẽ không phải học như cách chúng ta đang thực hiện, lại càng không nên học theo kiểu bao cấp như vậy. Có thể nói nước ta có truyền thống hiếu học, tố chất thông minh của học sinh ta được đánh giá cao. Nếu như có cách gì dồn những khoản tiền chi dùng cho việc học không có chất lượng, học giả, bằng giả, học hàm giả... vào việc tạo thêm trường lớp cho con em chúng ta học hành thì hạnh phúc biết bao! Cả nước còn bao nhiêu trẻ em lang thang cơ nhỡ vì bố mẹ chúng không đủ tiền nuôi chúng ăn học...

- Những năm gần đây Đảng ta kết nạp thêm được vài trăm nghìn đảng viên mới. Đấy là bước tiến quan trọng trong phát triển và xây dựng Đảng, hy vọng mang  lại cho Đảng ta sinh lực chiến đấu mới và trí tuệ mới. Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ hàng đầu của công tác Đảng. Chưa bao giờ trên con đường đi lên của đất nước lại đòi hỏi cấp thiết phải có Đảng lãnh đạo ngang tầm với nhiệm vụ của mình như trong giai đoạn phát triển mới của đất nước ngày nay. Chưa bao giờ chúng ta dồn nhiều sức lực, tâm trí cho, cách làm việc rất quy củ, rất hệ thống... cho nhiệm vụ hệ trọng này như bây giờ.

Song nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đảng cần luôn luôn đối chiếu với thực tiễn phát triển của đất nước, để thường xuyên nâng cao năng lực và phẩm chất của Đảng. Thực tế đòi hỏi phải luôn kịp thời nhìn thấy những việc làm được hoặc có thể làm tốt hơn, những việc làm chưa tốt hoặc chưa làm được trong nhiệm vụ xây dựng Đảng.

Có nhiều cách kiểm tra xem xét chất lượng công tác xây dựng và phát triển Đảng. Ví dụ, ở quy mô toàn quốc, chúng ta có thể so sánh công tác phát triển Đảng với những nhiệm vụ chính trị cả nước đang phải thực hiện như cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp lý và bộ máy nhà nước, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, khai phá con đường phát triển mới và chiếm lĩnh thị trường, xoá bỏ cơ chế chủ quản kết hợp với đảy mạnh chống quan liêu tham nhũng và buôn lậu, cải thiện môi trường kinh doanh để phát huy nội lực và thu hút đầu tư nước ngoài, khắc phục tình trạng cơ chế làm việc chồng chéo và mất đoàn kết trong một số cơ quan, xây dựng tổ chức mạnh và đội ngũ cán bộ tinh thông có phẩm chất cao, bài trừ tệ nạn xã hội ... vân vân...

Chúng ta thử xem xét những kết quả đạt được trong những nhiệm vụ này có tương xứng với những thành tựu phát triển Đảng trong những năm gần đây không? Vì sao tình hình kinh tế những năm gần đây có chiều hướng giảm sút, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội không đẩy lùi được bao nhiêu, có mặt trầm trọng hơn, một số giá trị xã hội có chiều hướng suy thoái – thể hiện qua sự gia tăng của quốc nạn quan liêu tham nhũng, ma tuý và các tệ nạn xã hội khác... Trong khi đó báo chí cho biết năm 1992 chúng ta mới chỉ có 32% số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, năm 1995 đạt 52,7%, gần đây tỷ lệ này chắc còn cao hơn nhiều.
Điều rất đáng lo ngại là có những vụ trọng án xẩy ra trong các đơn vị cơ quan có những đảng bộ được phân loại tốt như vậy... Chẳng lẽ đấy là những hiện tượng không liên quan gì với tình hình xây dựng và phát triển Đảng trong phạm vi cả nước? Nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Đảng còn đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm ngặt hơn nữa với cách nhìn mới.

- Những năm qua có nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước được nghiệm thu với điểm xuất sắc, song nhiều ý tưởng của chúng chưa thấy đưa hoặc không đưa được vào cuộc sống – do chúng ta chưa quan tâm đến vận dụng, hay do có khoảng cách quá lớn giữa kết quả nghiên cứu và thực tế? Chưa bao giờ chúng ta dồn nhiều công sức để xây dựng lý luận và các nghị quyết về rất nhiều vấn đề quan trọng như bây giờ, thậm chí nhiều vấn đề lý luận hệ trọng đã được coi là sáng tỏ, là đã giải quyết dứt điểm. Song chúng ta hãy nhìn lại những vấn đề đại sự như:  cải cách hành chính,  phát triển nền tài chính quốc gia, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá; vấn đề phát triển và công nghiệp hoá nông thôn; kinh tế trang trại; vấn đề phát triển thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề nền kinh tế nhiều thành phần; chiến lược kinh tế đối ngoại; vấn đề cải cách giáo dục và chiến lược phát triển con người; vấn đề dân chủ và công bằng xã hội; vấn đề xoá đói giảm nghèo và giảm thất nghiệp; vấn đề phòng chống và bài trừ tệ nạn xã hội; vấn đề hội nhập quốc tế... Xin hỏi xem vấn đề nào trong những đề tài đã nghiệm thu ấy đã có những câu trả lời, những kết luận, những phương án dứt khoát, khả thi và hứa hẹn thành công?

Xin hiểu cho những ví dụ như vậy nói lên nhiều nỗi lo chung của cả nước, toàn Đảng toàn dân phải cùng nhau hiệp lực tìm cách xử lý. Không phải việc gì cũng xử lý ngay được, nhiều vấn đề còn phải đánh vật với chúng nhiều keo rồi may ra mới có giải pháp. Có những keo vật ta còn thua nữa chứ!.. Nhưng trước hết, mọi vấn đề đều phải được đặt lên bàn, công khai minh bạch, để cả nước đồng tâm hiệp lực tìm những giải pháp.

Và trên tất cả - theo suy nghĩ của riêng tôi - độc lập thống nhất đất nước giành được rồi, nhưng chúng ta chưa xây dựng được ý chí chính trị sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam ta một lòng một dạ thực hiện bằng được cuộc cách mạng phát triển để muộn mất 200 năm.

Tại sao chưa có thể làm cho mơ ước xây dựng tổ quốc Việt Nam hiện đại và tiên tiến trở thành ý chí chính trị và nghị lực phấn đấu của từng công dân, từng người đảng viên, tất cả dám mạo hiểm với nỗ lực, trí tuệ và đạo đức cao nhất vì mục tiêu cao cả này như thời cứu nước? Nhân dân ta hy sinh chiến đấu từ thế hệ này sang thế hệ khác là vì khát vọng này cơ mà!

Xin nói thêm, bàn tới điều này, có ý kiến phê phán rằng dân ta không biết tiết kiệm, có được đồng nào thì mua sắm xe máy, xây dựng nhà cửa.., không có ý thức tích luỹ vốn cho phát triển kinh tế...

Tôi thực sự phân vân và không thể chia xẻ những lời phê phán như vậy.

Trước hết phải thừa nhận rằng làm ăn kinh doanh không phải là việc dễ, nhất là trong tình hình hiện nay ở nước ta: hàng họ ế ấm, có những hiện tượng giảm phát, chưa có cách gì mở thị trường mới, sản xuất có mặt cung vượt cầu, vốn liếng ít, bàn tay hỗ trợ của Nhà nước chưa làm tốt chức năng của nó, còn bàn tay vô hình của Adam Smith thì quá yếu kém (hoặc do chúng ta đeo lên nó quá nhiều vòng trang sức), chính sách lại còn những điều chưa làm rõ được và luôn luôn thay đổi. Câu hỏi đầu tiên là vấn đề thị trường – trước hết là vấn đề tiêu thụ đầu ra còn mung lung quá...

Bên trên tôi đã nói lên suy nghĩ của mình. Xin hãy để cho các doanh  nghiệp, mọi người làm ăn buôn bán nói lên tiếng nói của mình – về những thủ tục rườm ra, những phiền hà, những  việc họ phải “làm luật” thể thiếu được đối với mọi loại, mọi cấp quan chức -  kể từ đội quy tắc, người giữ con dấu của phường của xã trở lên, đến những tiếng còi bất thình lình toét toét bắt dừng xe trên các xa lộ... Hiển nhiên tham nhũng và làm ăn đục khoét chụp giựt  là anh em ruột của nhau, dễ trở nên giàu có.

Tiêu cực và tham nhũng làm nản lòng, hoặc thậm chí chặn đứng con đường làm ăn chân chính của những người muốn mạo hiểm làm ăn chân chính. Xin tiến hành điều tra kinh tế và điều tra xã hội để đánh giá đúng thực trạng.

Tôi thực sự lo ngại: đã 15 năm đổi mới, nhưng đội ngũ doanh nhân giỏi của đất nước có nền kinh tế gần 80 triệu dân còn khiêm tốn quá, những doanh nghiệp thực giàu mạnh – dù thuộc thành phần kinh tế nào – còn ít quá, trong khi đó số doanh nghiệp thành đạt nhưng đổ vỡ sớm không ít!.. Các nhà khoa học – nhất là các nhà khoa học – có khi là một tập thể các nhà nghiên cứu, viện, trường... vừa mới được nhận bằng, có những công trình nghiên cứu được chi hàng tỷ đồng vừa mới được nghiệm thu... xin dành sự quan tâm lớn hơn nữa cho thực tế không thể yên tâm này. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần gặp trực tiếp giới kinh doanh trong nước và nước ngoài, trực tiếp nghe nhiều ý kiến của họ, tuy nhiên đến nay tình hình chưa được cải thiện là bao – không thể đổ lỗi mọi chuyện cho tác động của khủng hoảng tài chính tiền tệ tháng 7-1997 trong khu vực, mà trước hết phải đi tìm những nguyên nhân bên trong đất nước ta.

Gần đây, triển khai thực hiện Luật doanh nghiệp, Chính phủ ra Quyết định số 19-2000/ QĐTTg ngày 3-2-2000 xoá bỏ 84 loại giấy phép trong kinh tế, nghĩa là xoá được khoảng 1/3 số giấy phép hiện hành. Một cố gắng vượt bực, hy vọng môi trường làm ăn của nhân dân sẽ ngày một thông thoáng hơn. Thế nhưng đã có quan chức phát biểu phản đối trên tivi và trên báo. Quan chức của Chính phủ phát biểu như vậy là điều tôi không thể hiểu được, khiến tôi phải tự hỏi: Rồi đây thực thi việc xoá bỏ những giấy phép này sẽ ra sao? Phải chăng đấy là sự phản ứng vì những quyền và lợi bay theo mất cùng với những loại giấy phép đã bị xoá bỏ?..

Tôi nhớ lại chuyện cũ: Cách đây vài năm, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp từ nhiều phía, Chính phủ sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và quyết định thực hiện nguyên tắc “một cửa” - để bớt phiền hà và ngăn chặn tham nhũng. Song đi vào cuộc sống thì quyết định “một cửa” này dần dần được thực hiện theo cách “một cửa nhưng nhiều khoá!” Nghĩa là những luật pháp, chính sách và biện pháp đúng đắn xây dựng được đã khó, thực hiện chúng còn khó hơn nhiều, trường hợp chúng bị vô hiệu hoá không phải là hiếm hoi, tiêu cực trong thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) hầu như không giảm, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút lui[36]... Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta chịu dung thứ mãi tình hình này?

Hiển nhiên đang tồn tại một nghịch lý nghiêm trọng: Đảng và Nhà nước ta bỏ ra biết bao nhiêu công sức xây dựng luật pháp, thể chế; phải thừa nhận rằng hệ thống  luật pháp và thể chế của nước ta trong những năm gần đây có nhiều bước phát triển mới, thế nhưng việc thực thi hầu như ít hiệu lực hoặc lại đi theo một hướng khác. Không có cách gì khác là phải xem xét lại cả hai vế:
-         xây dựng luật pháp và thể chế,
-         hệ thống và khả năng thực thi.

Xin đặc biệt lưu ý từ nhiều năm nay cải cách hành chính gần như dẫm chân tại chỗ, mặc dù những nỗ lực bỏ ra rất lớn. Sự chậm trễ của cải cách hành chính đang cản trở nghiêm trọng kinh tế, xã hội phát triển, đang  là một trong những vấn đề khó nhất của đổi mới.

Cũng xin đừng cho việc nói lên những suy nghĩ trên là bôi đen chế độ. Lại càng xin đừng lo việc này sẽ làm suy yếu chế độ và kẻ thù sẽ lợi dụng.

Chúng ta và kẻ thù biết nhau quá rõ rồi. 70 tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam là 70 năm đấu tranh quyết liệt giữa ta và họ rồi.

Cũng không sợ vạch áo cho người xem lưng, người nước ngoài biết hết chúng ta xuất nhập những gì, kim ngạch bao nhiêu, vốn vay ở đâu, công nợ thế nào, làm ăn hiệu quả ra sao, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực như thế nào, thái độ đối xử với các thành phần kinh tế... Có gì mà phải giấu?

Xin bàn thêm về bôi đen hay không bôi đen, giấu hay không giấu, sự lợi dụng của kẻ thù:

- Ví dụ 1: Bây giờ có thể kết luận sự kiện tỉnh Thái Bình xẩy ra cách đây vài năm chủ yếu là do tham nhũng và hư hỏng của cán bộ; những hiện tượng khác như kích động, quấy phá theo kiểu đục nước béo cò... cũng chỉ là những nguyên nhân thứ yếu và không thể vượt qua được ý thức chính trị rất cao của nhân dân Thái Bình. Phản ứng quyết liệt của nhân dân  các địa phương Thái bình cuối cùng đã loại bỏ được một số sâu mọt. Qua sự việc này lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Trung ương thu được nhiều kinh nghiệm tốt. Không thiếu gì những xúc xiểm từ nước ngoài hoặc những hiểu biết sai trái – thậm chí có thể có một số dụng ý sai trái; nhưng tất cả những thứ bạy bạ này cũng không thể gây ra bạo loạn trong nước. Trình độ chính trị của nhân dân ta đã bị những kẻ mang trong đầu những thứ bạy bạ này đánh giá thấp. Song cách giải quyết thẳng thắn, công khai của Đảng ta dù là chưa thật kịp thời, song cuối cùng đã đem lại kết quả bước đầu. Nhân dân Thái Bình qua sự việc này càng khẳng định rõ hơn quyền làm chủ của mình. Nnhân dân các địa phương khác được nâng cao tinh thần đấu tranh bảo vệ luật pháp của Nhà nước và chống tiêu cực tham nhũng. Cán bộ các cấp được nhiều bài học quý báu. Để cho sự kiện tỉnh Thái Bình xẩy ra là lỗi lầm, thế nhưng việc xử lý thẳng thắn, công khai được nhiều vấn đề (dù chưa phải là tất cả) ở Thái Bình làm cho chế độ chính trị của đất nước yếu đi hay mạnh lên? Có cái gì mà phải giấu? Giả thử không làm như vậy, mà lại ra sức bưng bít, kết cục sẽ ra sao? Nếu có điều gì tồn đọng còn đáng lo ngại trong sự kiện Thái Bình, theo tôi thì chỉ là câu hỏi: Liệu những hư hỏng của cán bộ, các khuyết điểm khác đã khắc phục được tận gốc hay chưa mà thôi.

- Ví dụ 2: Vừa qua Nhà nước ta xử môt loạt vụ trọng án, số lượng cán bộ các cấp dính vào khá đông. Hậu quả những trọng tội trong các vụ án này rất lớn. Việc cắt bỏ được những ung nhọt như thế là tốt đối với đất nước, nhân dân trong nước đồng tình; nước ngoài cũng phải đánh giá cao sự nghiêm khắc này. Công khai và nghiêm khắc như vậy chế độ chính trị của nước ta mạnh lên hay yếu đi? Điều còn đáng lo không phải là chuyện “vạch áo cho người xem lưng”, hay là nguy cơ có những kẻ “thọc gạy bánh xe”, cũng không phải là chuyện “xấu chàng hổ ai?”... Điều thực sự còn đáng lo là: kỷ cương phép nước chưa được gìn giữ nghiêm ngặt hết mức, sự thực hiện tính công khai minh bạch vẫn còn nhiều yếu kém. Ngoài ra, trong những vụ trọng án này, lẽ ra các cán bộ đầu ngành cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm trước dân vì để những việc nguy hại xẩy ra trong ngành hay trong lĩnh vực mình phụ trách. Rất đáng ghi nhận việc tội ác bị trừng trị nghiêm khắc, song còn nhiều điều lo lắng trong việc phòng ngừa tội ác. Xử phạt nghiêm khắc đồng thời xây dựng được cơ chế ngăn chặn tội ác, thì mới hy vọng  giảm dần được tội ác; không làm được như vậy thì không khác gì câu chuyện truyền thuyết “chém đầu Phạm Nhan”.

-Ví dụ 3: Báo chí ta nói rất nhiều về những yếu kém trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thế nhưng tại sao chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến vai trò chủ đạo nhà nước, mà lại không dành sự quan tâm như thế hoặc hơn thế nữa cho việc làm cho DNNN thật sự lành mạnh, có hiệu quả và thực hiện được vai trò chủ đạo? Những việc quan trọng đã làm được cho DNNN trước hết là bảo hộ, khoanh nợ, đáo nợ, tiếp tục cấp phát vốn theo lệnh và biết bao nhiêu thứ bao cấp và ưu đãi khác về tài nguyên, đất đai, cơ chế và các quyền kinh doanh. Tại sao chúng ta không dám tạo ra thị trường công khai minh bạch và bắt tất cả các thành phần kinh tế cùng chạy đua với nhau trong một luật chung và trên sân chơi chung ấy. Có cách nào sát hạch các doanh nghiệp dù là thuộc thành phần nào tốt hơn bằng cách sát hạch như vậy không? Nếu qua sát hạch các doanh nghiệp tốt được phát huy, các doanh nghiệp thua lỗ  sẽ bị loại bỏ, thì nền kinh tế cả nước càng lành mạnh và phát triển hay nghèo đi? Sát hạch như vậy tham nhũng và tiêu cực sẽ tăng hay giảm?..

Càng muốn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế nhà nước càng phải có hiệu quả cao, muốn thế, có cách nào hơn sự tham gia vào cuộc đua chung trên sân  chung này không? Bao cấp hay sát hạch trong cuộc đua chung sẽ thực hiện được điều này? Có biết bao nhiêu nghị quyết về đổi mới doanh nghiệp nhà nước,  về cổ phần hoá những doanh nghiệp cần cổ phần hoá, phát triển thị trường vốn, lập thị trường chứng khoán và các thị trường khác.., nhưng vì sao tiến triển rất ỳ ạch? Phải chăng  chủ yếu vì chưa xoá bỏ được những bao cấp và đặc quyền còn dành cho DNNN. Cũng có ý kiến nói rằng DNNN không trốn thuế được, doanh nghiệp tư nhân trốn thuế được, nên không thể có sân chơi chung được!.. Nói như thế có thoả đáng không?.. Bởi vì sẽ lại có câu hỏi: Tại sao lại để cho doanh nghiệp tư nhân trốn thuế và ai để cho họ trốn thuế?..

Chẳng cần phải chờ đến lúc kẻ thù thọc gậy bánh xe, cứ tự mình tiếp tục tình trạng để các DNNN thua lỗ chiếm tỷ trọng lớn dần lên trong tổng số DNNN, nền kinh tế nước ta sẽ từng bước tự thoái hoá  – hay là định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tăng lên?

Hay là chúng ta sợ rằng sát hạch đến nơi đến chốn trên thị trường, các thành phần kinh tế khác sẽ lấn át DNNN? Mối lo bị lấn át này có thể giải quyết bằng cách xoá bỏ các đối thủ – nghĩa là xoá bỏ các thành phần kinh tế khác được không? Đã nhiều đợt kéo dài trong nhiều năm chúng ta thử nghiệm cách làm này rồi và đi tới kết cục cách đây 15 năm phải tiến hành công cuộc đổi mới, quyết định phát triển nền kinh tế nhiều thành phần...

Hiện nay còn một thực trạng đáng lo nữa: vì không có sát hạch như vậy, vì không có công khai minh bạch, nên đã xảy ra nhiều vụ câu kết giữa quốc doanh và tư nhân để làm ăn bất chính, thậm chí có nhiều ví dụ về quốc doanh chỉ là cái vỏ bọc ngoài, gây nhiều tổn thất cho kinh tế đất nước...  Không lời hay ý đẹp nào có thể ngăn chặn việc sẽ xảy ra và những gì phải xẩy ra. Thế nhưng nêu rõ được thực trạng, huy động được trí tuệ, quyết tâm và sự hậu thuẫn của cả nước, thì có thể, hay chắc chắn sẽ tìm ra được các giải pháp xử lý hiệu quả những vấn đề này.

Xin nhớ lại: Đánh giặc trong các cuộc kháng chiến, nếu Đảng ta chỉ bo bo vào những lý luận hoặc tư duy nào đó, không căn cứ vào thực tiễn mổ xẻ những thành công và thất bại, không mỗi cuộc chiến lại tìm tòi cách chiến đấu mới - dù là thất bại không ít, không tổng kết để tìm đường đánh thắng giặc.., ắt nước ta không có ngày nay. Trong các học thuyết quân sự, làm gì có thuyết “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh!”, làm gì có chuyện vũ khí cầm tay chống máy bay Thần sấm, Con ma... Điều duy nhất không thay đổi trong mọi thay đổi về đường lối và phương thức đánh giặc xuyên suốt mấy cuộc kháng chiến là: Chiến đấu đến cùng với tinh thần: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Trong phát triển kinh tế-xã hội lại càng như vậy: Mọi vấn đề có thể thay đổi, nhưng tất cả phải nhằm vào mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

Càng trang bị cho đảng viên và công dân thông tin, tri thức và bản lĩnh xử lý những vấn đề của đất nước, càng sớm giành thắng lợi, có gì mà phải giấu, phải sợ bôi đen, sợ xúc xiểm? Chẳng lẽ một dân tộc đi theo Đảng gần một thế kỷ vẫn còn là một dân tộc nhẹ dạ, thiên hạ dễ lừa lọc?  Chẳng lẽ một chế độ chính trị của dân, do dân, vì dân hàng triệu tấn bom đạn trước đây không khuất phục nổi, mà bây giờ lại không đủ sức đương đầu với bất kỳ thủ đoạn đổi trắng thay đen hay diễn biến  nào từ bên ngoài? Song hệ thống chính trị của nước ta đúng là có điều đáng lo trước tình hình tham nhũng và tiêu cực đã trở thành quốc nạn – như Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra.

Điều thực sự cần quan tâm chăm sóc là thường xuyên bằng việc tốt, gương tốt vun đắp cho lòng tin của dân vào Đảng, luôn nghiêm túc xử lý những sai lầm làm tổn hại lòng tin này. Quan trọng hơn nữa là Đảng phải làm bằng được vai trò hậu thuẫn tin cậy cho từng cố gắng, cho từng đồng vốn của bất kỳ ai muốn đưa kinh tế đất nước ta đi lên – làm được như thế, Đảng ta và nhân dân ta là vô địch. So với những giai đoạn cách mạng trước, hiện nay Đảng ta còn nhiều việc chưa làm tốt về những phương diện này, thậm chí có những cá nhân, những bộ phận thoái hoá. Đảng ta có thể tự phê bình thẳng thắn trước dân như vậy. Diễn văn của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhân 70 năm ngày thành lập Đảng đã nói lên ý này.

Hãy nói thẳng với toàn dân và trước toàn thế giới như vậy, và làm như vậy, để xem sẽ xảy ra điều gì!

-         Một lời tuyên chiến ư?
-         Đúng. Một sự bày tỏ thái độ dứt khoát của Đảng ta và dân tộc ta đối với mọi yếu kém của chính mình và đối với những ai không muốn có một Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh, một Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.



4. Dân chủ và tinh thần yêu nước

Đấy là hai yếu tố dân tộc ta, nước ta cần nhất để có bản lĩnh và sức mạnh hội nhập thắng lợi vào thế giới ngày nay. Nhưng dân chủ và tinh thần yêu nước giờ đây lại là hai yếu tố chúng tố chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa so với đòi hỏi phát triển mới của đất nước.

                   Trước hết xin bàn về dân chủ:

          Đảng và Nhà nước ta đã dành ra biết bao nhiêu công sức xây dựng dân chủ, không phải là một thứ dân chủ chung chung nào, dân chủ tư sản, dân chủ cóp nhặt từ đâu đấy, mà là dày công xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh hiện nay của Đảng và Hiến pháp năm 1992 đều nhằm vào xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm chủ. Gần đây nhất, là chỉ thị 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị  BCHTƯ khoá VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đảng và Nhà nước đã làm nhiều việc đôn đốc gắt gao thực hiện nghị quyết này.

Tuy nhiên, so với những khâu khác, tôi nghĩ rằng dân chủ vẫn là khâu yếu trong hệ thống chính trị của nước ta. Bởi vì từ quan điểm, chủ trương chuyển sang thành luật pháp, hệ thống nhà nước, thể chế và cơ chế thực hiện, kiểm tra... còn nhiều vấn đề. Giữa những khâu này cũng có nhiều vấn đề. Ngoài ra dân chủ  còn đòi hỏi phải xây dựng được những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và cơ chế tốt để thực hiện, trước hết là xây dựng tính công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và trong đời sống chính trị của đất nước. Để thực hiện dân chủ, còn phải thường xuyên nâng cao năng lực của dân thực hiện quyền dân chủ của mình và ý thức bảo vệ, thực hiện pháp luật. Trong nhiều giai đoạn cách mạng khác nhau, thực tiễn của nước ta còn cho thấy phải triệt để thực hiện dân chủ từ trên xuống, mới có thể tạo ra động lực đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công khai và minh bạch luôn luôn là một điều kiện không thể thiếu được để thực hiện dân chủ.

          Gần đây trong nước đã có rất nhiều đề tài nghiên cứu, bài giảng và sách lý luận nói về dân chủ, về xây dựng dân chủ trong hệ thống chính trị ở nước ta. Xin để cho các diễn đàn chuyên đề này tiếp tục làm công việc của mình. Rất đáng bỏ nhiều công sức cho việc này, nhưng phải đi vào thực chất, với một ý thức khách quan, khoa học, với tinh thần cách mạng dám khắc phục tất cả những gì xâm phạm đến quyền làm chủ của nhân dân, trái với Hiến pháp và luật pháp.

Trên bình diện cả nước, dân chủ tập trung nhất là xây dựng Nhà nước và các thể chế có khả năng thực thi cao nhất mọi luật pháp. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị khó nhất của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Lẽ đơn giản là thiếu một Nhà nước có phẩm chất và năng lực như vậy, thiếu những thể chế tốt, đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và ý nguyện của nhân dân làm sao trở thành hiện thực trong cuộc sống? Nhân dân ta có câu nói rất hay: Lòng dân ý Đảng. Câu nói có 4 chữ ngắn gọn này ý nghĩa bao la, song chỉ có thể trở thành hiện thực trong cuộc sống thông qua xây dựng thành công Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Dân chủ là như vậy. Điều kiện tiên quyết: ý Đảng phải xuất phát từ lòng dân, từ tinh thần của dân, phải là lòng dân[37].

Cho phép tôi ở đây nêu lên một suy nghĩ khái quát của riêng tôi, không rõ sẽ được bạn đọc đánh giá đúng sai thế nào, đó là:

Có lẽ vì chưa có dân chủ đúng với mức phải có, nên việc thực thi luật pháp và các chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước kém hiệu quả; thậm chí nhiều điều đúng đắn bị bóp méo, bị vô hiệu hoá. Cũng vì chưa có dân chủ đúng với mức phải có, nên luật pháp và các thể chế xây dựng lên được – nhất là quy chế thực hiện - ở nước ta còn nhiều yếu kém; thậm chí có khi sơ hở, mâu thuẫn nhau, gây thêm khó khăn cho thực thi luật pháp và các thể chế, có quá nhiều hiện tượng đứng ngoài và đứng trên pháp luật.

          Dựa vào ý vừa trình bày trên, có thể nói ngắn hơn nữa:

          Vì thiếu dân chủ nên thực hiện chuyên chính kém hiệu quả, vì dân chủ kém nên chưa xây dựng được chuyên chính tốt.
         
          Xin miễn kể lể ở đây nào là có nhiều dân chủ hơn chắc sự kiện tỉnh Thái Bình sẽ không trầm trọng kéo dài đến thế, chắc sẽ bớt đi các vụ EPCO-Minh Phụng, Tamexco, Tân Trường Xanh, Vũ Xuân Trường.., nào là việc mua bằng chạy ghế trong các kỳ bầu cử chắc sẽ khó hơn,  gây mất đoàn kết hay kéo bè phái sẽ chẳng dễ dàng như trước nữa, nào là đơn khiếu tố sẽ ít đi và được xử lý nhanh hơn... vân...vân...

          Tôi chỉ xin nêu lên một vài ý nghĩ liên quan đến hai chủ thể trong dân chủ:
-         một là:  người được dân uỷ quyền làm trọng tài (trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp) hay dân thuê làm công (hiểu theo nghĩa dân đóng thuế nuôi họ làm dịch vụ công) trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội đối với việc thực hiện dân chủ; ở đây chủ yếu tôi muốn nói vài điều rất hẹp về người lãnh đạo (Hồ chủ tịch gọi là đầy tớ của dân).
-         hai là: người dân - với tư cách là những công dân của một Nhà nước, là chủ của đất nước - những người đã thoả thuận với nhau và cam kết cùng nhau trong khuôn khổ của Hiến pháp thực hiện những điều đã thoả thuận về cuộc sống chung trong xã hội của quốc gia mình[38].

Đối với người lãnh đạo: đã có rất nhiều lý lẽ của các bậc tiền bối nói về người lãnh đạo phải có những phẩm chất gì để thực hiện dân chủ, nhiều sách báo đã bàn nát vấn đề này. Tôi chỉ xin nêu thêm vài suy nghĩ hay điều mong ước riêng:

Để tăng thêm dân chủ trong hệ thống chính trị của nước ta, người lãnh đạo cần có ý chí mãnh liệt đối với thực hiện dân chủ, thể hiện ở trí tuệ và phẩm chất của mình đối với dân chủ. Phẩm chất này có thể đo bằng sự hiểu biết và giác ngộ của người cán bộ ấy về quyền và khả năng của dân, đo bằng ý chí  và năng lực của người cán bộ ấy trong việc tạo cho kỳ được mọi điều kiện để người dân phát huy khả năng thực hiện quyền dân chủ của mình. Phẩm chất này của người cán bộ còn phải được thể hiện bằng lòng tin vô hạn của chính anh ta hay chị ta vào tinh thần yêu nước thiêng liêng và ý chí cống hiến cho tổ quốc của nhân dân, bằng sự tôn trọng và gìn giữ điều thiêng liêng nhất: Tổ quốc Việt Nam là của mỗi người Việt Nam yêu nước, bất luận mọi chính kiến, tôn giáo - đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ riêng anh ta hay chị ta mới là người yêu nước nhất hay là biết yêu nước![39]

Bộc bạch ước vọng này của mình, tôi hiểu thực hiện nó không dễ. Ước vọng này theo tôi là có lý, chắc không ai phản bác, nhưng thực hiện khó vô cùng, và tôi thực không đủ sức nói dối điều này. Tôi chưa biết có cách nào bắt buộc – nghĩa là thực sự mang tính ràng buộc hoặc cưỡng chế – người cán bộ lãnh đạo phải có phẩm chất và năng lực hành động như vậy.

Xin nhấn mạnh rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã  coi chiến đấu cho dân chủ của dân là mục đích thiêng liêng của mình. Với tính tiền phong chiến đấu của mình, Đảng ta là người xứng đáng nhất giương cao ngọn cờ dân chủ, phát huy sức mạnh  toàn dân tộc, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh như đã được ghi trong Cương lĩnh của Đảng. Không thể để ngọn cờ này rơi vào tay một lực lượng nào khác.


Về người dân, tôi muốn nói dài dòng hơn.

Không biết đã có biết bao nhiêu lời, bao nhiêu ý, bao nhiêu sách báo của ta nói về quyền của dân. Tôi trân trọng việc xác lập và việc công nhận những quyền đó, dù rằng chưa thể coi tất cả những điều đã được viết, được nói như vậy là đúng và đủ.

Điều tôi trăn trở là làm thế nào để cho người dân ngày càng có nhiều năng lực và bản lĩnh, nghĩa là có sức mạnh, có quyền lực  thực hiện được những quyền ấy của mình.

Việc này đối với một nước nghèo, lại vừa thoát thai từ một xã hội phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, thật không dễ. Một số người tự khen: Dân chủ của ta gấp vạn lần dân chủ của các nước tư bản... Tôn trọng nguyên tắc tự do tranh luận, tôi xin để các cuộc tranh luận tự do ấy đi đến kết luận, và chắc chắn sẽ tìm được kết luận tốt.

Tôi chỉ muốn tập trung suy nghĩ của mình về những việc của nước mình. Không phải ngẫu nhiên, sau khi tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kêu gọi toàn dân tuyên chiến với giặc đói và giặc dốt. Dân đói và dốt thì làm sao thực hiện được quyền làm chủ của mình? Ngày nay trong xây dựng đất nước, trong tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lại càng như vậy. Nơi nào đói, dốt, thất nghiệp ngự trị, nơi đó nói đến quyền làm chủ của dân làm gì cho hổ thẹn!

...Con tôi tốt nghiệp được 3 năm rồi, chạy đâu cũng chưa tìm ra được việc làm. Nó mà lêu lổng, rồi mắc vào hút sách, tá lả thì coi như khai tử cả nhà... Vì thế, tôi có phải nịnh thủ trưởng của tôi một chút, xuê xoa vài thiếu xót của anh ta hay chị ta, tâng bốc và được việc hơn nữa cho riêng anh ta hay chị ta một chút.., để con mình được vào biên chế... dại gì mà tôi không làm, thậm chí có thể phải đi cả bằng hai tay tôi cũng sẵn sàng...

Trong cuộc sống hàng ngày những chuyện như vậy nhiều lắm. Các bạn sẽ hiểu cho thực hiện dân chủ khó như thế nào.

Những con số như 92,7% lao động nông nghiệp chưa được đào tạo nghề[40], mỗi năm một lao động nông nghiệp có tới 5-6 tháng nông nhàn và vô cùng chật vật tìm việc lấp thời gian trống này, tỷ lệ những người nghèo đói trong xã hội, số người thất nghiệp đủ các loại... Đấy là những con số quái vật đang gặm nhấm hoặc ăn sống nuốt tươi nhiều điều thuộc quyền của người dân, là đồng loã với những kẻ bóc lột dân, lạm dụng và chà đạp lên quyền dân...

Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm rất nhiều việc để đối phó với những kẻ thù quyền của dân này, còn phải làm nhiều hơn nữa, cũng phải giành tiến bộ từng bước, không thể nôn nóng được.

Dù nghèo thiếu thế nào, trước hết phải thường xuyên làm mọi việc nâng cao quyền và khả năng của dân về hiểu biết, về thông tin và quyền được nói lên suy nghĩ của mình, nâng cao quyền và khả năng của dân trong sản xuất kinh doanh. Đây là hai việc cốt lõi nhất, cơ bản nhất, là điều kiện để mở rộng khả năng thực hiện các quyền dân chủ khác của dân. Tôi thiết tha xin đặc biệt lưu tâm hai việc này, nghèo thiếu đến đâu cũng làm được – miễn là có ý chí giác ngộ sự cần thiết này – cả về phía dân cũng như về phía người lãnh đạo.

          Điều day dứt tôi là để làm tốt hai việc này, chúng ta còn nghèo thiếu nhưng lại vô cùng lãng phí, lãng phí không thể tưởng tượng nổi.      Tôi xin minh chứng bằng một ví dụ:

          Chưa bao giờ nước ta có được phương tiện truyền thông phong phú như ngày nay, nhưng chúng ta sử dụng lãng phí quá, thậm chí nhiều khi sai mục đích, hoặc mục đích không tốt. Giả thử khắc phục được thiếu sót này, trình độ dân trí, tri thức, sự giác ngộ của dân về luật pháp, sự hiểu biết của dân về kinh tế, chính trị... sẽ được nâng cao. Sẽ khó tưởng tượng được đất nước có thể thu lượm được những lợi ích to lớn như thế nào...

          Những tin tức tốt, những bài viết bài nói tốt, những sách báo tốt... – tốt với nghĩa nâng cao hiểu biết, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm của công dân - ngày càng nhiều, rất đáng được trân trọng,  rất đáng được nâng cao hơn về số lượng và chất lượng. Đặc biệt là báo chí nêu lên được nhiều vấn đề thời sự bức xúc của đời sống kinh tế, xã hội trong nước, ngày càng nêu được nhiều gương tốt, có tiếng nói mạnh mẽ dũng cảm tham gia đấu tranh chống tham nhũng và tiêu cực.

Vừa qua dư luận trong dân đánh giá cao báo cáo của Chính phủ nêu lên thực trạng tình hình kinh tế xã hội của đất nước và tự phê phán những yếu kém trước Quốc hội trong kỳ họp cuối năm 1999. Những thông tin như vậy rất cần thiết cho nâng cao năng lực, quyền và trách nhiệm của dân, được nhân dân đón nhận rất trân trọng. Mong rằng ngày càng có nhiều những thông tin như thế được đưa lên trên mọi phương tiện truyền thông như người dân mong muốn và như yêu cầu đi lên của đất nước đòi hỏi. Chưa thể nói những thông tin tốt như vậy là đủ, mà còn phải có nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, giúp nhân dân nhiều hơn nữa trong việc thấu hiểu tình hình mọi mặt của đất nước.

Nên khuyến khích đọc báo chí hàng ngày, trước hết là báo Đảng, các sách báo lý luận... Người viết bài nên tự đặt mình vào địa vị người đọc để viết tốt hơn. Xem các chương trình thời sự hàng ngày về tình hình đất nước phát trên các kênh tivi chúng ta hiểu thêm được những điều gì?  Người làm các chương trình thời sự nên tự đặt mình vào địa vị khán giả để nâng cao chất lượng chương trình. Thường xuyên nâng cao chất lượng thông tin là một nguồn lực quan trọng làm cho đất nước giàu mạnh.

Tôi không dám nói thay ai, mà chỉ dám nói lên mong ước của riêng mình là báo chí sẽ có nhiều bài tốt, tin tốt hơn nữa; nội dung các bài các tin có nhiều lý lẽ sâu sắc, khách quan và khoa học hơn nữa, có nhiều bài tranh luận và các ý kiến khác nhau để rộng đường suy nghĩ... Được đọc và nghe như vậy, dân có thể tự nâng cao trình độ, nhận thức và khả năng phê phán của mình.

Tuy nhiên, phải nói trong thực tế vẫn còn không ít bài, tin rất chung chung – nghĩa là trong đó lượng thông tin quá ít,  hoặc có những thông tin một nửa – nghĩa là những thông tin mang tính công thức, có chữ mà gần như không có nghĩa. Đọc hoặc nghe xong những bài, những tin ấy, tôi không tự trả lời được cho bản thân: Cái gì sẽ đọng lại trong đầu mình? – bởi vì cách nói, cách viết rất công thức, khiến tôi nhiều khi chưa nghe hết, chưa đọc hết, đã đoán được, hiểu được những đoạn tiếp theo, thế là không sao có hứng thú đọc tiếp, nghe tiếp được cho đến hết. Những bài mang tính chất làm văn theo kiểu ca tụng ta cái gì cũng “nhất thế giới” nghe càng chán và có khi có hại... Bật tivi lên, tôi thấy phần lớn là các cuộc họp, các hội nghị các cuộc đón tiếp, các cuộc tiếp xúc, đủ mọi cấp mọi ngành... Không ít lần xem tivi như vậy, tôi không có cách gì hiểu sâu được những vấn đề được bàn trong những hoạt động này; các hình ảnh được thấy phần lớn là các nghi thức, các lời được nghe phần lớn là lời phóng viên đọc bài tường thuật viết sẵn, nội dung rất chung chung. Tôi thèm vô cùng được nghe ý kiến thật của người thật trong những cuộc họp, hội nghị hay sự kiện được đưa lên tivi như vậy để mong hiểu sâu thêm vấn đề[41], chứ không muốn phóng viên suy nghĩ và kết luận hộ cho mình mình. Các đồng chí trọng trách qua những phương tiện truyền thông trực tiếp thường xuyên nói với dân, trao đổi ý kiến với dân về những vấn đề quan trọng của đất nước, của phát triển kinh tế xã hội, dân càng khôn lên, càng hăng hái tham gia vào những việc chung hơn, lo gì? Một đôi lần tôi được đi theo các cuộc họp hay hội nghị quan trọng, tôi bái phục là: hội nghị hay cuộc họp chưa xong, thế mà phóng viên đã có bài đúc kết hội nghị họp thành công tốt đẹp gởi về đài rồi; tôi thầm tiếc sự lãng phí lớn mình được chứng kiến...

Thông tin cho dân như thế là phí phạm lắm, về thời giờ, công sức, tiền bạc!..

Để minh hoạ cho nỗi tiếc da diết này, tôi xin nêu một ví dụ:

Hiện nay nước ta đang đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng đối với đất nước, liên quan trực tiếp đến từng công dân – dù bạn là nông dân, công nhân, kỹ sư, doanh nhân, luật sư.., dù là doanh nghiệp  trong quốc doanh hay ngoài quốc doanh... Bởi vì tất cả các thể chế sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế dần dần phải đi theo những cam kết chung của ta với WTO – ví dụ như đến lúc nào đó thuế quan sẽ là 0%, tự do hoá thương mại trên rất nhiều lĩnh vực, thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ... Từng công dân và từng doanh nghiệp của ta không tham gia thực hiện thì không vào WTO được. Cuộc đàm phán nước ta đang tiến hành kéo dài từ nhiều năm nay, khá gian khổ, ví dụ như phải trả lời hơn 1900 câu hỏi của các nước thành viên WTO nêu ra cho phía ta – phần lớn là các câu hỏi liên quan đến điều hành và tình hình phát triển nền kinh tế nước ta. Hiện nay vẫn còn trên 200 câu hỏi phải trả lời tiếp, còn biết bao nhiêu cam kết rất “đắng” đã được bày lên bàn trước mặt đoàn ta để đàm phán... Tôi hiểu rằng nội dung đàm phán phải được bảo mật. Song không thể vin vào cớ giữ bí mật để trốn tránh việc làm cho cả nước hiểu rõ rồi đây sẽ phải đối phó với những vấn đề gì do việc tham gia WTO đặt ra. Trong đàm phán cố giành lấy những cái gì có thể giành được là một việc, nhưng cung cấp thông tin giúp toàn dân khởi động chạy trước để giành chủ động trong cuộc đua lại là việc phải làm càng sớm càng tốt. Nhìn sang nước bạn Trung Quốc, có biết bao nhiêu thông tin, tài liệu sách báo giải thích cho dân vì sao phải gia nhập WTO, sẽ mất gì được gì đối với từng ngành, đối phó ra sao, chuẩn bị tranh thủ những điều kiện gì... Đảng và Chính phủ Trung Quốc làm rất nhiều việc cổ vũ nhân dân đẩy mạnh cải cách, tạo mọi điều kiện gia nhập WTO càng sớm càng tốt, quyết tâm đưa đất nước xếp vào hàng chủ đạo trênvũ đài kinh tế quốc tế[42].

Còn chúng ta đã làm gì nếu so sánh với Trung Quốc?

Các bạn thử tìm xem có những sách báo nào ở nước ta mang lại cho người dân, người kinh doanh, thậm chí cho cả những quan chức nhà nước nhất định những thông tin và hiểu biết cần thiết về đề tài này, để từng người dân, từng doanh nghiệp tự lo dần cách ứng xử của mình? Hay là việc ta đàm phán gia nhập WTO không quan trọng như của Trung Quốc?

Từng người dân, người quản lý, người kinh doanh ở nước ta, nếu không có cách gì làm cho họ quan tâm, hiểu biết thấu đáo những vấn đề liên quan đến việc nước ta gia nhập WTO, làm sao hy vọng tìm được sự hậu thuẫn của cả nước cho việc đàm phán? Làm sao cả nước sẽ tìm được cách thực hiện có lợi nhất cho nền kinh tế của đất nước những điều sẽ cam kết với WTO, tránh được đến mức tối đa những thiệt thòi phải chấp nhận?.. Nhân dân Trung Quốc quyết tâm đưa đất nước trở thành cường quốc kinh tế, nhân dân ta lựa chọn quyết tâm gì?

Tại một số cuộc tiếp xúc với những người lãnh đạo Bộ, các tổng giám đốc, giám đốc, câu chuyện giữa chúng tôi với nhau đại thể là:

-         Tham gia AFTA và WTO à? Được thôi. Năng suất lao động và công nghệ của chúng tôi còn kém lắm. Nhà nước cứ chịu khó đầu tư mới, đầu tư lại từ đầu cho chúng tôi là xong ngay!

Tôi đã được nghe câu nói ấy bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng ngơ ngác... Không ít cán bộ hiểu công việc vào AFTA, WTO... là việc của Chính phủ, của ai đấy, thậm chí có người không hiểu gì cả. Báo chí đã phải cảnh báo có một tỷ lệ khá cao giám đốc doanh nghiệp nhà nước không đọc nổi bảng cân đối thu chi của đơn vị mình... Trong tình hình như vậy, dốc bao nhiêu tiền của và công nghệ mới cho họ chỉ  làm cho nợ nần của nền kinh tế tăng lên bấy nhiêu mà thội. Tôi lại nghĩ đến công tác thông tin của chúng ta, nghĩ đến cái cơ chế sản sinh ra sự thờ ơ với thông tin, thờ ơ với mọi tín hiệu của đời sống kinh tế...

Một vấn đề trọng đại như thế không đáng là một nội dung thông tin, truyền bá và huấn luyện trong Đảng và trong dân hay sao?

-         Nhưng thiếu kinh phí!
-         Không đúng! Ví dụ: Chúng ta hiện nay có 3 kênh TV trung ương, và khoảng trên dưới 60 đài TV cấp tỉnh - thành phố – có lẽ đứng số 1 châu A’ về mật độ số đài TV. Chỉ cần bắt hai kênh TV của Trung ương trích một phần nhỏ tiền quảng cáo thu được chi cho một kênh TV Trung ương còn lại vào việc chuyên phục vụ chương trình phổ cập những vấn đề có thể phổ cập về đàm phán WTO, là cả nước được nhờ, là sẽ tránh được bao nhiêu lãng phí rủi ro trong kinh tế, tiên liệu trước bao nhiêu việc phải làm để tranh thủ thời gian... Đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều nguồn chi khác nữa. Chưa bao giờ đất nước ta có nhiều sách báo và các phương tiện truyền thông khác nhiều như bây giờ...
-         Nhưng thiếu người viết bài cho loại đề tài này!
-         Không đúng. Chúng ta có biết bao nhiêu Bộ đang trực tiếp tham gia đàm phán, có biết bao nhiêu Viện, trường, chuyên gia đang tham gia vào công việc này...

Tác hại của sự lãng phí thông tin và phương tiện thông tin như thế không thể lường hết; làm yếu Đảng, yếu đất nước cũng không thể lường hết. Viết đến đây tôi nhớ lại, đã một thời trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, để phát huy sức mạnh của dân, Đảng ta và Bác Hồ đã phải làm rất nhiều việc chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp... Bây giờ Đảng ta và nhân dân ta phải làm rất nhiều việc chống lại tình trạng  cung cấp thông tin thiếu chất lượng và không đầy đủ, chống lại việc thờ ơ với thông tin, chống lại dốt nát và sự bạc nhược đối với dốt nát.

Xin gói lại: Phổ cập kiến thức, tri thức và thông tin giúp cho nhân dân hiểu và nắm sâu được những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước – từ các vấn đề như chi tiêu ngân sách của chính quyền, các quyết định kinh tế, quy hoạch phát triển ở từng địa phương và trong cả nước, việc đấu thầu các công trình.., đến các việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ, tình hình làm ăn buôn bán tại địa phương, trong cả nước, ngoài nước, những vấn đề của ngay xí nghiệp mình, của địa phương mình, hay của cả nước đang phải đối phó, những tác động từ thế giới bên ngoài... chẳng những là cách thực hiện sự công  khai minh bạch, để cho dân nói lên những kiến nghị hoặc phê phán của mình, mặt khác còn tăng cường được vai trò làm chủ của dân, làm cho dân trở thành người trực tiếp giám sát, đôn đốc thực hiện và tự mình cũng tham gia thực hiện những quyết sách của Đảng và Nhà nước...

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” chính là như vậy. Cần nói thẳng thắn, việc này chúng ta nói rất trúng, nhưng chưa làm được bao nhiêu và còn nhiều khi hình thức. Bảo vệ và thực thi luật pháp, chống tham nhũng tiêu cực, phải bắt đầu từ thực hiện công khai hoá và tạo ra sự minh bạch trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước, từ việc tranh thủ sự hậu thuẫn của toàn dân...

Xin bình tâm suy nghĩ: Chúng ta không được phép cho mình hưởng sự xa hoa trong cách làm công tác thông tin tuyên truyền như vậy. Còn về thông tin để giúp dân thực hiện quyền và khả năng làm ăn kinh doanh của chính bản thân hay gia đình mình, xin để bạn đọc  tự suy nghĩ để phần viết này đỡ dài.

Dân chủ cần bắt đầu từ sự công khai minh bạch và việc thường xuyên nâng cao dân trí, nhằm làm cho mỗi công dân của đất nước thực sự có khả năng thực hiện quyền làm chủ của mình.


Về tinh thần yêu nước

-         ...Hình như hiện đang thiếu ở nước ta vào giai đoạn phát triển mới của đất nước!

-         Suy nghĩ như thế xúc phạm dân tộc!

Nghĩ thế nào đi nữa, tôi vẫn không xua đuổi được những cảm nhận của mình, cứ xin thú thực và chịu phê phán. Tôi cảm thấy: Có lẽ vào thời buổi bây giờ, tinh thần yêu nước ở nước ta đang được ít nói tới, có khi bị bỏ quên, có khi bị xếp sang một bên, hay đang được nói theo một ngôn ngữ khác chăng?..

Hay là... bây giờ nguy cơ ngoại xâm không có, ít nhất trước mắt là như vậy, công việc làm ăn sinh sống quá bộn bề, lại còn bao nhiêu thứ đua đòi hay đua tranh trong thời bình.., nên lúc này chưa cần hay tạm gác tinh thần yêu nước sang một bên cũng được, có chết ai? Khi nào giặc ngoại xâm đến nhà sẽ hay, lại cầm súng đứng lên chiến đấu, quen rồi, sợ gì?  Đảng ới một tiếng là “Có tôi đây!”...

- Có thể... bây giờ đang thời bình, vì quá nghĩ đến miếng sống trước mắt, quá nghĩ đến bon chen, đến hưởng thụ nên tạm thời coi nhẹ ý thức yêu nước?

Vân... vân...

Tôi không thể nuốt được bất kể giả thiết nào đại loại như vậy.

Ngày xưa, nghe theo tiếng gọi kháng chiến, thế là bỏ cửa bỏ nhà, bỏ thành phố, lên chiến khu; có nơi thực hiện tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, quyết không để lại cho giặc một tý gì... Ngày nay nhà trên nhà dưới tranh nhau, chửi bới nhau, không thèm nhìn mặt nhau, có khi đánh nhau vỡ đầu, chỉ vì  lấn nhau vài chục xăngtimét trong lối đi chung.., mặc dù trước đây cùng làm việc với nhau trong một chiến khu, một đơn vị...

Không. Ngay cả những chuyện như thế tôi hiểu được và tôi cũng không dùng nó để đo tinh thần yêu nước của dân ta bây giờ. Suy nghĩ của tôi đi theo một hướng khác, bởi lẽ không thể đơn giản đem những giá trị của thời chiến đo những giá trị của thời bình.

Không phải là rào trước đón sau, phần này không phải là chỗ nói về các thành tích, mà là chỗ tôi muốn tìm hiểu những mặt yếu, tìm hiểu cái còn thiếu trong tinh thần yêu nước của thời bình.

Hay là... chúng ta có cả một lịch sử chiến đấu huy hoàng quá, chói lọi quá, mới ngày hôm qua thôi mà, cả thế giới ca ngợi, có gì đáng phải bận tâm về điều này?

Kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất của dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh là cái nghèo và lạc hậu – trước hết là quốc nạn quan liêu tham nhũng. Kẻ thù này nguy hiểm không kém và có phần còn phức tạp hơn giặc ngoại xâm trước đây. Chiến đấu chống kẻ thù này phải có tinh thần yêu nước với nội dung mới, ý thức mới. Tinh thần yêu nước trong cuộc chiến mới này đòi hỏi chúng ta phải có những phẩm chất, những giá trị hoàn toàn mới – mà hình như chúng ta chưa có đủ. Cái yếu, hay cái thiếu tôi muốn nói tới là như vậy, nằm trong suy nghĩ như vậy.

Xin thử mổ xẻ vài câu hỏi:

Yêu nước sao lại ăn cắp của Nhà nước, của dân? Yêu nước sao lại mua bằng, tranh chỗ, chạy ghế? Lẽ sống là lợi dụng chức quyền và khi đẫy rồi thì tìm cách hạ cánh an toàn lúc cuối đời? Yêu nước sao lại cần danh cho mình thơm mãi đời đời, tên tuổi mình đi vào lịch sử.., còn hiệu quả công việc ra sao, kinh tế đất nước trả giá thế nào... có xá gì? Yêu nước sao lại dối trên lừa dưới, thậm chí đồng chí phản nhau, bẫy nhau?..

Không thể vơ đũa cả nắm, song báo chí hàng ngày đưa ra không ít những tin tức, những thước đo như thế về tinh thần yêu nước. Làm sao không thể lo lắng? Đối chiếu những  tin tức đang tải trên báo chí về kết quả đợt học tập và tự kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết Trung ương 6 (b) khoá VIII vừa qua với thực tế cuộc sống đang diễn ra, có thể nói: hầu như chưa đụng chạm được bao nhiêu vào những vấn đề phải xử lý, nhất là phần tự kiểm điểm thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Đôi điều về chủ thể thứ nhất đã nói rồi, bây giờ xin nói về chủ thể thứ hai: người dân;  lại cũng chỉ xin tập trung suy nghĩ đi tìm chỗ yếu, chỗ thiếu.

Điều làm tôi lo lắng trong thâm tâm là hình như có một tâm trạng thờ ơ nào đó đang âm ỷ trong dân. Việc nhỏ nhất là ở chợ tôi đã thấy kẻ cắp móc túi, mà người chung quanh nhìn thấy không dám la lên. Trong công việc nhà nước, trong cơ quan, doanh nghiệp sự thờ ơ như vậy cũng không ít, nhiều người nhắm mắt trước các sai trái sờ sờ. Ngôn ngữ dân gian có câu “đấu tranh, tránh đâu”, phổ biến đến mức được coi như một chân lý mới, một giá trị mới. Một dân tộc, với xuất phát điểm rất thấp, phải đưa cả nền kinh tế của mình bước vào cuộc đọ sức với cả thế giới bên ngoài, dân tộc ấy có thể giành thắng lợi bằng sự thờ ơ, hờ hững và bằng những giá trị và phẩm chất tương tự như vậy được chăng? Làm sao có thể bỏ qua những biểu hiện“thờ ơ, hờ hững” đang lan ra trong xã hội nước ta hiện nay?  Chụp giựt, tham nhũng  và tiêu cực đang làm nản lòng những người làm ăn chân chính, thậm chí chặn đứng những con đường làm ăn chân chính... Như thế đòi hỏi dân nâng cao tinh thần yêu nước sao được? Vân vân...

Tôi chỉ muốn kết luận: Không được để cho bệnh “thờ ơ, hờ hững”  lây lan hay ngự trị đời sống tinh thần của nhân dân ta. Lỗi không phải tại dân.

Trong một cuốn sách quan trọng, có một đoạn viết như thế này: “trong thanh niên xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại: một bộ phận thiếu định hướng chính trị, lý tưởng, hoài bão, không thiết tha với tổ chức Đoàn (năm 1987 số đoàn viên còn chiếm 25% tổng số thanh niên, đến năm 1993 tỷ lệ đó giảm chỉ còn 10% - giảm 1,65 triệu người), ngại vào Đảng, lúng túng trong hướng nghiệp, thiếu việc làm, thất học, sống thực dụng, mắc nhiều tệ nạn xã hội, phạm pháp tăng.”[43] Tôi chỉ xin bổ sung một ý: Không thể đổ hết mọi lỗi cho thanh niên. Hàng năm chúng ta tổ chức biết bao nhiêu lớp học chính trị cho đoàn viên, các lớp huấn luyện bí thư chi đoàn, các cuộc thi bí thư chi đoàn giỏi... Xin hãy so sánh nội dung những lớp học, lớp huấn luyện các cuộc thi như vậy... với những nhận xét nêu trong cuốn sách nói trên, với những đòi hỏi bức xúc của tầng lớp thanh niên trong cuộc sống hàng ngày... Cũng nên làm việc so sánh như vậy với các lớp học và những hoạt động tương tự của công đoàn, của các tổ chức Đảng các cấp.

Ngẫm nghĩ sự thờ ơ, hờ hững nói trên, tôi liên hệ với thế giới bên ngoài. Người dân Hàn Quốc trong quá trình xây dựng đất nước mình trở thành NIC dám đưa ra khẩu hiệu: Cạnh tranh đánh đổ hàng Nhật! Họ đã làm được nhiều việc theo hướng này, không phải chỉ vì đồng lương của chủ họ, mà còn vì tinh thần Hàn Quốc. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tháng 7-1997, nhiều người dân Hàn Quốc tự nguyện đem vàng, đem đô-la Mỹ ra cứu nền kinh tế đất nước mình, có những cặp vợ chồng mới cưới tự nguyện huỷ bỏ đi du lịch nước ngoài trong tuần trăng mật để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước... Khi tổng thống Kim Đại Trọng quyết dịnh những biện pháp vô cùng đau đớn, hàng vạn công nhân xuống đường biểu tình phản đối, song cuối cùng họ vẫn ủng hộ những biện pháp rất khắc khổ của chính phủ, nhờ vậy cuối 1999 GDP đã tăng trưởng 8%, dự trữ ngoại tệ vượt con số 10 tỷ USD... Chúng ta muốn nói gì thì nói, chắc chắn không có tinh thần yêu nước, Hàn Quốc không thể từ đống đổ nát của khủng hoảng trong vòng 2 năm lại có thể đứng lên như vậy. Vạn điều khó của Hàn Quốc còn ở phía trước, nhưng dù sao vẫn có thể nói tinh thần yêu nước như vậy trong thời bình, trong khủng hoảng kinh tế cần lắm chứ! Song cũng phải nói rằng chính quyền của tổng thống Kim Đại Trọng quyết tâm đương đầu với khủng hoảng nên mới nhận được sự hỗ trợ của tinh thần yêu nước như vậy. Cuộc khủng hoảng đã xảy ra, về mặt nào đó, là sự thử thách xứng đáng đối với chính quyền Kim Đại Trọng.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ở nước ta đã có Tuần lễ vàng, hào hùng lắm – sự kiện sáng ngời của tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta ngày nay sẽ có khí thế Tuần lễ vàng như vậy nếu tình hình đất nước đòi hỏi?

Tôi ngờ rằng sự thờ ơ, hờ hững này có lẽ nằm trong sự thiếu – nghĩa là chưa đủ, hoặc sự vắng – nghĩa là không còn, đánh mất hoặc chưa có, một cái gì đó là của dân.

Lúc đầu kháng chiến, chỉ một lời kêu gọi, cả nước nhất tề đứng lên, vì cả nước hiểu cuộc chiến đấu này là của mình, đất nước này là của mình, Đảng này, chính quyền này là của mình. Cả khi Đảng ta vấp sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất, niềm tin này của dân không lay chuyển. Cái tinh thần của dân như vậy đã làm nên sức mạnh vô địch. Những năm kháng chiến chống Mỹ, độc lập càng gắn mật thiết với chủ nghĩa xã hội, và cả độc lập và chủ nghĩa xã hội đều là của dân, và dân ta đã chiến thắng huy hoàng – mặc dầu trong thời gian này cũng có bao nhiêu sai lầm trong xây dựng kinh tế.

Ngày nay trong sự thờ ơ, hờ hững  - nghĩa là trong sự thiếu, vắng cái tinh thần, cái giá trị của dân, liệu chúng ta có thể chờ đợi những thắng lợi huy hoàng mới?

Gần đây tôi lại được đọc : ...Bây giờ không cần nói chính quyền của dân nữa, mà chỉ cần có chính quyền vì dân, do dân là đủ... “Bởi lẽ Nhà nước của ai, nó phải được tổ chức và hoạt động như thế nào là hai vấn đề khác nhau. Nhà nước của ai được quy định bởi bản chất giai cấp của nó... Hơn nữa khi nói nhà nước của dân, nhưng thực tế nhà nước đó tồn tại dưới  hình thức bộ máy quyền lực khác với nhân dân nói chung...”[44] (do tôi gạch dưới). Đọc những dòng chữ này tôi thực lo, hay là tôi mất tính đảng rồi? 

Sự băn khoăn của tôi là: Chính quyền không của dân mà đòi nó phải do dân và vì dân thì khó cho nó quá. Thế rồi, không cần chính quyền của dân thì liệu dân có vì chính quyền không? – tôi lại càng lo. Tôi tán thành phải tự do tư tưởng trong công tác nghiên cứu, nhưng đặt vấn đề của dân như vậy, tôi e rằng có sự khác biệt rất xa so với Cương lĩnh Đại hội VII đã thông qua, xin được xem xét kỹ.

Suy nghĩ của tôi đơn giản thế này: Việc nước hiểu theo nghĩa rộng – kể cả thời chiến cũng như thời hội nhập quốc tế để xây dựng đất nước  – là trách nhiệm của mỗi công dân. Thế thì không thể một mặt đòi hỏi trách nhiệm đối với đất nước là của mỗi công dân; nhưng mặt khác lại coi vấn đề Nhà nước của aibản chất Nhà nước lại là hai vấn đề khác nhau.  Cũng không thể coi tính chất nhà nước của công dân và tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước lại có sự khác nhau nói chung theo tinh thần “không cần nói đến nhà nước của dân” như vừa kể trên được. Người công dân có ý thức sẽ không bao giờ chấp nhận hai vấn đề khác nhau và sự khác nhau nói chung  theo cách tư duy như vậy.

Đảng lãnh đạo Nhà nước, thực hiện đường lối chủ trương của mình thông qua Hiến Pháp và bộ máy Nhà nước thì có nghĩa là đường lối chủ trương chính sách của Đảng đã phải trải qua quá trình trở thành cuả dân rồi; quá trình này được tiến hành tốt, thì đường lối chủ trương đúng đắn của Đảng mới thực thi tốt được - đó là thực tiễn đã được khẳng định trong cách mạng Việt Nam kể từ ngày thành lập ĐCSVN. Quán triệt lập trường giai cấp trước hết phải được hiểu là thực hiện tốt quá trình làm cho đường lối chủ trương của Đảng trở thành của dân, được thực hiện thông qua Nhà nước của dân. Hay là ý thức giai cấp của tôi mơ hồ?

Theo tôi, những yếu kém trong hệ thống chính trị của nước ta có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là chưa xây dựng được tốt Nhà nước của dân với đúng nghĩa của khái niệm này. Tại sao trong khi chưa xây đựng được tốt Nhà nước của dân thì lại kiến nghị bỏ nó đi? Trong xây dựng hệ thống chính trị nước ta, việc khó nhất là xây dựng cho bằng được Nhà nước của dân đúng với nội dung triệt để nhất của khái niệm này, mặc dù chúng ta có rất nhiều lý luận về vấn đề này. Chúng ta thường nhấn mạnh đến lý tưởng và những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Của dân, theo tôi, đây là một trong những điều tốt đẹp nhất, một trong những giá trị tốt đẹp nhất của chủ nghĩa xã hội, sao lại bỏ đi?

Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp soạn thảo chỉ viết: Nhà nước của dân. Chính tư tưởng của dân đã trở thành động lực, năng lực sáng tạo và bản lĩnh kiên cường bất khuất làm nên sự nghiệp cách mạng nước ta cho đến ngày nay. Tư tưởng của dân là tinh thần, là linh hồn, là nội dung chân lý: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân.

Phải chăng có thể kết luận: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đang bị làm tổn thương – chứ không phải nhân dân kém yêu nước hơn trước; bị làm tổn thương vì dân chủ bị tổn thương và giá trị của dân bị tổn thương.

Có thể có người sẽ hỏi: Dân chủ và yêu nước như vậy thì tính chuyên chính thế nào?

Xin dành câu trả lời cho các cuộc trao đổi ý kiến đầy tinh thần dân chủ và yêu nước, để cùng nhau thống nhất ý chí, thống nhất hành động.

Tôi chỉ xin phép góp một ý ngắn gọn:

Dân chủ tốt sẽ xây dựng được chuyên chính tốt; dân chủ mạnh sẽ thực hiện được chuyên chính tốt, tất cả sẽ củng cố vững chắc tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam ta.

Nghĩ như vậy - theo tinh thần phê phán của Nghị quyết Trung ương 6 lần thứ hai khoá VIII, tôi càng tin rằng trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước  hiện nay, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với Đảng ta, đối với hệ thống chính trị nước ta, và đối với dân tộc ta là nghèo nàn lạc hậu; đồng loã với kẻ thù này là quan liêu tham nhũng tiêu cực - đến mức đã trở thành quốc nạn. Chiến thắng được những kẻ thù đối với vấn đề của dân, nhân dân ta mới có ý chí, đất nước ta mới có thực lực, giữa người dân và chế độ chính trị mới có sự gắn bó hữu cơ. Đấy là tiền đê quyết định tạo ra nghị lực sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đất nước và bản lĩnh bất khả kháng  bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ đất nước. Chiến thắng kẻ thù này, thì những kẻ thù khác, dù từ đâu tới, dù muốn diễn biến hoà bình, gây bạo loạn, lật đổ, hay xâm lược vũ trang trực tiếp, nhân dân ta đều có thể đánh thắng.

Trong mâu thuẫn đối kháng, khi kẻ thù muốn đánh đổ chế độ chính trị nước ta, hay diễn biến hoà bình, hay xâm lược trực tiếp, bao giờ chúng cũng nhằm vào chỗ yếu nhất của ta. Chỗ yếu nhất ấy hiện nay là nghèo nàn lạc hậu – có sự hậu thuẫn của đội quân thứ 5 là tệ nạn quan liêu tham nhũng tiêu cực, nghĩa là sự hậu thuẫn của kẻ thù đối với giá trị  của dân.

Trong tương quan lực lượng trên thế giới ngày nay, không gì thượng sách hơn hạ gục kẻ thù đối kháng mà không phải dùng đến một phát súng. Chuyện đó đã xẩy ra cuối những năm 1980 đối với các nước Liên Xô Đông Âu cũ[45]. Chính là vì chỗ yếu nhất không xử lý được và bị bên ngoài khoét sâu thêm. Chẳng lẽ đấy không là kinh nghiệm cho chế độ chính trị của nước ta?

Còn nếu kẻ thù từ đâu đó trực tiếp dùng lực lượng vũ trang tiến công nước ta bất ngờ, ồ ạt, chớp nhoáng thì sao? Tôi chưa muốn bàn đến việc khả năng này có thể hay không có thể xẩy ra, mà cứ giả thiết nó xẩy ra thì tính sao, để tiên lượng mọi điều.

Xin hãy nhìn vào chiến tranh Vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo. Hai cuộc chiến tranh này hình như hai lần cho thấy một suy nghĩ bệnh hoạn kiểu Mỹ: nếu lính Mỹ không phải chết thì khi cần Mỹ dám ra oai tác quái lắm! Giả thiết chúng ta phải đương đầu với một cuộc chiến tranh như thế, chúng ta sẽ dùng vũ khí vừa ít, vừa lạc hậu đến 3 – 4 thế hệ để đối phó, và có thể đối phó có hiệu quả chăng? Câu trả lời: Lại phải tiến hành chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích - theo kiểu của ta như mấy cuộc kháng chiến vừa qua – có thể được cải tiến và nâng cao lên mức độ nào đó. Song ngày nay, điều kiện hàng đầu cho phép tiến hành một cuộc kháng chiến mới như vậy, hơn bao giờ hết phải là tinh thần, là tư tưởng của dân. Lo bảo vệ đất nước trong thời bình, hàng đầu là phải chăm lo đến giá trị của dân, phải làm cho đất nước có đủ sức mạnh và ý chí làm thất bại bất kỳ ý đồ bệnh hoạn nào của các thế lực xâm lược.

Khi phải giành lại đất nước, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” là bất khả chiến bại. Khi đất nước đã giành được độc lập thống nhất, của dân là sức mạnh không một bạo lực hay âm mưu nào của các thế lực thù địch và phản động có thể đối chọi được.

Xin hãy nhìn thẳng vào sự thật: Trong những đợt huy động lực lượng quốc phòng tham gia chống thiên tai bão lụt ở miền Trung năm 1999, tinh thần anh dũng của dân và quân ta vô song, nhưng lực lượng vật chất kỹ thuật của ta thiếu quá, lạc hậu quá. Kẻ thù của chúng ta có đủ các phương tiện truyền thông để biết rõ những yếu kém này. Trong lòng tôi cháy bỏng mong muốn: Phải làm gì để đất nước giàu nhanh lên, mạnh nhanh lên. Muốn có lực lượng vũ trang chính quy ngày càng mạnh, ngày càng hiện đại, đất nước càng phải giàu nhanh lên.

Chưa nói gì đến chiến tranh, hãy nghĩ đến viêc xua đuổi bọn hải tặc, bọn đánh bắt cá trộm trên biển và bọn buôn lậu, bọn tuồn hàng và ma tuý qua biên giới trên biển, trên bộ và trên không, bọn phản động “Việt Nam phục quốc” và cùng loại từ bên ngoài đang tìm cách tuồn vũ khí và thâm nhập vào trong nước để gây rối, các loại gián điệp đủ mọi kiểu, các tội phạm hình sự nghiêm trọng... Cần phải có sớm lực lượng vũ trang chính quy hiện đại, những phương tiện kỹ thuật và biện pháp hiện đại để đáp ững với những đòi hỏi và thách thức mới.

Trong khi chưa xẩy ra một cuộc chiến tranh mới mà nước ta buộc phải đương đầu, hay chừng nào chưa xẩy ra một cuộc chiến tranh như thế, thì điều sống còn là phải ra sức tranh thủ thời gian, tranh thủ cơ hội, thực hiện thật tốt dân giàu nước mạnh, để có điều kiện tăng cường và hiện đại hoá thực lực quốc phòng của đất nước mình. Điều mong muốn này chỉ có thể thực hiện được khi đất nước có được hào khí của tinh thần, của tư tưởng của dân, trước hết phải có hào khí ấy trong đấu tranh chống nghèo nàn lạc hậu, trong đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng tiêu cực, trong làm giàu vì mình và vì nước - thực hiện dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Viết đến đây tôi nhớ lại những lớp học bình dân những năm đầu Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, nhớ lại khẩu hiệu của Bác Hồ kêu gọi nhân dân trong vùng tự do và trên chiến khu: Tấc đất tấc vàng, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất... Thưa các đồng chí và các bạn, các chiến thắng Thu Đông, chiến thắng biên giới Đông Bắc... rồi đến Điện Biên Phủ... bắt đầu từ đấy. Ta đã chiến thắng các thủ đoạn chính trị thâm độc của địch cũng nhờ có sự bắt đầu ấy.

Chống diễn biến hoà bình bằng cách nào? Bằng cách làm cho mỗi người dân tự mình gắn bó với chế độ, với đất nước, tự tìm cách góp phần vào sự nghiệp làm cho đất nước giầu mạnh, tự nguyện trở thành một chiến sỹ, gia đình của chính mình tự trở thành một pháo đài bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước? Hay bằng cách để lòng dân phân tán, để cho sự thờ ơ hờ hững trong dân tăng lên? Bằng cách chịu bất lực trước quan liêu tham nhũng và tiêu cực, nhưng mặt khác lại ra sức làm công tác chính trị tư tưởng với nội dung chỉ chăm lo hời hợt đến tinh thần, đến giá trị của dân?

Vũ khí chống diễn biến hoà bình không gì đánh bại được trước hết là tư tưởng, là tinh thần của dân như đã trình bày trên. Vũ khí vô địch ấy là lòng dân. Như trước đây dân đã từng bảo vệ cách mạng, bảo vệ cơ sở Đảng trong mọi tình thế hiểm nghèo nhất khi làm cách mạng cũng như khi đánh giặc, ngày nay có sự bảo vệ ấy của dân đối với chế độ, đối với đất nước, sự bảo vệ ấy sẽ là vô địch, - linh hồn, trái tim, sức mạnh và trí tuệ của sự bảo vệ ấy là tư tưởng, là tinh thần của dân. Có tinh thần và tư tưởng này mới có tất cả những thứ khác. Lòng dân là gốc.

Còn một mặt trận nữa không súng đạn, nhưng đang hàng ngày hàng giờ tiến công ráo riết và trực diện vào chỗ yếu nhất của ta, đó là khả năng cạnh tranh còn yếu của sản phẩm nước ta và tính kém hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Có lẽ bây giờ điều này rõ như ban ngày?.. Thiết nghĩ, trên mặt trận không súng đạn này, luật pháp, thể chế, các chính sách và biện pháp kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta dù hay đến mấy, nhưng nếu trong những chính sách, biện pháp và cơ chế thực hiện thiếu cái tinh thần, thiếu cái tư tưởng của dân làm động lực, sẽ thực thi khó lắm và như vậy cũng sẽ khó thắng.

Nhà nước ta muốn thực hiện được chuyên chính chống lại những cái xấu, trước hết cũng phải thực hiện bằng được tinh thần, tư tưởng của dân. Nhà của tôi thì tôi giữ đến cùng, đừng có ai hòng xâm phạm vào. Làm cho đất nước thành cái nhà chung của mọi người dân, sẽ là bất khả xâm phạm. Có thế mới xây dựng được nội dung chuyên chính tốt, sức thực hiện chuyên chính tốt ấy sẽ rất mạnh. Nhiệm vụ của Đảng lãnh đạo là thực hiện bằng được ý tưởng này.

Nhìn nhận thật nghiêm khắc, phải chăng việc Đảng ta chưa làm được tốt nhất –  có lẽ là:  chưa xây dựng được thật quán triệt, thật vững chắc, thật phong phú tinh thần và tư tưởng của dân trong các thể chế chính trị, kinh tế và xã hội cũng như trong đời sống văn hoá của nước ta, chưa nâng được giá trị của dân lên tầm cao của những yêu cầu đối với một đất nước đang phải dốc hết sức mình san lấp khoảng cách phát triển và tìm đường hội nhập quốc tế thắng lợi.

Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đưa ra một khẩu hiệu rất ngắn, làm nô nức lòng người và tạo nên sức mạnh vô địch. Ngày nay có thể có người quên khẩu hiệu này, nhiều người trong thế hệ trẻ hiện tại có thể chưa nghe đến hoặc  cũng chỉ nghe được qua loa về khẩu hiệu này. Đó là:

“Nước Việt Nam của người Việt Nam!”

          Hồi đó tôi còn được đọc khẩu hiệu này cả bằng tiếng Pháp, tiếng Anh dán khắp thành phố Hà Nội. Nghe theo khẩu hiệu này, người người nao nức xuống đường đi theo tiếng gọi của Đảng, của đất nước, dù là quần nâu áo vải, đi giày hay đi đất, là ông chủ hay người làm thuê, dù là com-lê ca-vát, hay áo dài thướt tha... Đương nhiên trong số những người này không thể có những bọn và bè lũ như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần... Rồi đến “tuần lễ vàng”[46]... Cả nước xuống đường đi theo tiếng gọi của Đảng, của đất nước, cả nước đi vào kháng chiến... - dù là ai, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh giặc cứu nước, ai có súng dùng súng, ai không có súng thì dùng giáo mác gạy gộc... - đúng như Hồ Chủ tịch đã kêu gọi. Miền Nam lúc đó có câu: tay không gạy tầm vông cũng đánh giặc.., rồi đến “hũ gạo cứu nước” trong những năm kháng chiến... Ôi, tiếng gọi của non sông đất nước!

Của dân là như vậy.
“Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư...” thực chất là như vậy...
Nam đế cư là dân, là cốt lõi nội dung của dân.

Nói cho kỳ cùng, phải chăng nguồn gốc chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam ta kể từ ngày tổ tiên ta dựng nước, luôn luôn và mãi mãi là là giá trị, là tinh thần, là tư tưởng của dân, chứ không phải  là một thứ triết lý hay tôn giáo trừu tượng nào. Trong thời bình, xác lập chủ nghĩa yêu nước phức tạp hơn nhiều, lại càng phải lấy tư tưởng của dân làm gốc.

          Để hội nhập thắng lợi vào một thế giới ngày càng lọc lõi, đày thách thức và cạm bãy, dân tộc ta, đất nước ta phải mạnh.  Muốn thế trước hết cần tự giác khắc phục những yếu kém của mình, bắt đầu từ kế tục, xây dựng thêm và phát huy tinh thần, tư tưởng của dân  cho từng công dân, như Bác Hồ đã ghi trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Của dân là xuất phát, là cốt lõi tư tưởng Hồ chí Minh, là Hồ Chí Minh.

          Tóm lại:
-         Làm cho dân chủ trở thành nguồn lực vô tận sinh ra  mọi của cải trí tuệ và vật chất, trở thành sức mạnh của dân phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.
-         Xây dựng và hoàn thiện các thể chế làm cho dân chủ của dân được thực hiện; lấy tinh thần và tư tưởng của dân làm sức mạnh thực hiện, phát huy và bảo vệ những thể chế này.
-         Lấy dân chủ và của dân nâng cao năng lực, phẩm chất và trí tuệ của dân để từng công dân luôn luôn có khả năng thực hiện và bảo vệ dân chủ, phát huy giá trị tinh thần và tư tưởng của dân.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam xây dựng trên cơ sở dân chủ và của dân như vậy phải chăng là cốt lõi của định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta đang theo đuổi? là vô địch trong giai đoạn phải đẩy mạnh hội nhập vào thế giới toàn cầu hoá hiện nay? Tôi có niềm tin như vậy. Trên nhiều bình diện và ở tầm nội dung sâu sắc nhất, dân chủ và của dân là một.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng những suy nghĩ theo hướng này sẽ gợi mở và sáng tạo cho chúng ta những hành động, những bước đi đúng đắn. Phải chăng còn có thể nói rằng: xác lập những suy nghĩ theo hướng này là việc làm đầu tiên trước khi bắt tay vào xây dựng chương trình hành động của Đảng ta, của toàn dân ta trong thời hội nhập?..

Xin cho phép tôi nhấn mạnh một lần nữa, những thành tựu giành được trong 25 năm hoà bình xây dựng đất nước và chế độ chính trị là cực kỳ to lớn, nhờ đó đất nước mới có thực lực, có mức độ phát triển và giành được vị thế quốc tế như ngày nay. Song chính vì muốn Tổ quốc chúng ta tiến xa hơn nữa, mọi yếu kém, mọi thách thức cũng như mọi cơ hội đều phải được suy ngẫm nghiêm túc.

Năm nay nước ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, suy nghĩ về thành tựu cách mạng, xin cho phép tôi tâm sự đôi điều:

Chúng ta, các thế hệ khác nhau, chắc chắn cùng chung một ý nghĩ: Nếu không có Cách mạng Tháng Tám,  sẽ không có ngày hôm nay. Đi theo dòng thời gian, lớp cháu ngoại cháu nội của tôi hiện nay, môt vài chục năm nữa, chúng có thể sẽ nói rằng: Nếu không có đổi mới và không đi con đường đổi mới, có lẽ sẽ không có Việt Nam với tư cách là một nước phát triển như chúng ta đang có... Tôi muốn đánh giá thành tựu Đảng ta và nhân dân ta đã đạt được từ sau ngày 30-4-1975 theo cách nhìn như vậy.

Ngay hiện tại thôi, mỗi lúc tôi về thăm quê, trong khi tâm sự với nhau, các bà con họ hàng của tôi thường nhắc đi nhắc lại hầu như không biết chán “...May mà nhờ có cái khoán 10...” Mỗi lần trong nhà có giỗ chạp hay Tết đến, vợ con tôi lại kể lể với nhau “...Nếu còn thời tem phiếu, phải đi xếp cục gạch (để xếp hàng)...”

Sau chúng ta không phải là cơn đại hồng thuỷ. Sau chúng ta là các lớp cháu nội cháu ngoại của chúng ta, lớp con, lớp cháu của các cháu nội cháu ngoại chúng ta. Tôi mong rằng chúng sẽ có ngày, có lúc nói lên câu nói “Thật là may, nếu hồi đó không có đổi mới, nếu không đi con đường này, thì...”. Tôi cầu nguyện nữa, chứ không phải chỉ mong đợi như vậy.

Nhưng...  Nhưng, xin đừng để cho lớp cháu nội cháu ngoại của chúng ta có ngày, có lúc chúng phải nói: Giá mà lúc đó Đảng ta, dân tộc ta tiến mạnh hơn nữa trên con đường đổi mới thì đâu đến nỗi...

Tôi tự xem xét, mình còn biết tiếc hai thế kỷ đánh mất. Hậu sinh khả uý, lớp con cháu mình chắc sẽ còn nghĩ sâu xa hơn nhiều...




[1] Phải bắt đầu tính từ những năm cuối của đại chiến thế giới II.
[2] Ngày 30-4-1975 cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ  hoàn toàn thất bại. Ngày 3-2-1994 Mỹ bỏ cấm vận, ngày 11-7-1995 bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, đến lúc này mới có thể coi là kết thúc.tình trạng chiến tranh của Mỹ chống lại nước ta.
[3] Nếu tính từ khi xuất hiện homo sapiens (người khôn) thì lịch sử lao động sáng tạo của loài người bắt đầu cách đây khoảng 400.000 năm; người Homo habilis (người khéo, còn gọi là Handy man), đã bắt đầu biết dùng hòn đá làm công cụ,  xuất hiện cách đây trên 2 triệu năm; homo erectus (người đứng thẳng) xuất hiện cách đây khoảng từ 2 triệu đến 250 nghìn năm; người A. afarensis (người cổ đại nhất được biết tới nay) xuất hiện cách đây trên 5 triệu năm.
[4] Công nghệ siêu vi mô ở mức độ hiện nay chẳng những cho phép “giải phẫu” phần cực nhỏ từ  -6 đến –9  của các particle (các hạt cực nhỏ của vật chất), mà nhờ đó còn có thể “cấu trúc lại” vật chất, tạo ra tính năng hoàn toàn mới của chính vật chất ấy hoặc “lồng ghép” thành những vật chất mới; công nghệ này có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển sắp tới của công nghệ sinh học và công nghệ điện tử, công nghệ vật liệu mới. Ngành khoa học vũ trụ và công nghiệp vũ trụ chẳng những giúp con người vươn xa hơn nữa ra vũ trụ, mà đặc biệt quan trọng là giúp con người làm chủ tốt hơn hành tinh mình đang sống, tham gia ngày càng sâu vào mọi lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất trên hành tinh của chúng ta. Đặc biệt việc thiết lập được bản đồ gien có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Tham khảo thêm một số ý trong phần II. Chú ý: Do những khám phá mới về gien, gần đây đang hình thành một luận thuyết mới: Loài người có thể là một sinh vật thuần chủng! Nếu vậy, lịch sử loài người mới chỉ có khoảng 300 – 400 nghìn năm trở lại đây thôi. Chưa thể lường hết được những điều gì sẽ được đặt ra theo logic mới này!
[5] CMCNghiệp I  1750–1847, CMCN II  1825-1847, CMCN III  1807-1888, CMCN IV  1982-1914, CMCN V: từ 1946.
[6] Tổng thống thứ 3 của Mỹ, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Tham khảo “Con đường di đến năm 2015...”, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.22.
[7] Tại hầu hết các nước công nghiệp phát triển, một hộ nông dân thường có 2 vợ chồng là chủ hộ đồng thời là hai lao động chính; muốn làm nông dân thường phải được đào tạo chính quy ít nhất chuyên một ngành nào đó trong nông nghiệp thì mới đủ khả năng ban đầu để cáng đáng công việc, sau đó là những đợt học, lớp học bổ sung hầu như cho đến khi nghỉ hưu, vì không học như vậy không tiếp tục làm việc được - đây còn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ nông dân nhỏ hay lạc hậu về công nghệ phá sản, thúc đảy sự ra đời những hộ nông dân, những trang trại hiện đại hơn.
[8]  Các quan chức Đài Loan cho biết đây là phần gay go nhất trong nội bộ Đài Loan khi lấy ý kiến các ngành các giới xây dựng nội dung đàm phán tham gia WTO.
[9] Thành lập 1926, mang tên của Gottlieb Daimler và Both Benz – hai người này đã sáng chế ra ô tô đầu tiên chạy bằng xăng và đưa ra thị trường trong những năm 1883-1887.
[10] Frederick Winslow Taylor (Mỹ) 1856-1915, nhà buôn, nhà quản lý, kỹ sư, nhà sáng chế (có 40 sáng chế quan trọng trong kỹ thuật và quản lý), nhà cải cách; được mệnh danh là cha đẻ của phương pháp quản lý khoa học trong kinh tế, tác phẩm nghiên cứu nổi tiếng nhất của ông là “Những nguyên lý của phương pháp quản lý khoa học”, xuất bản 1911. Henry Ford (1863-1947) - cha đẻ của tập đoàn sản xuất ôtô Ford - đi theo hướng này và áp dụng mạnh mẽ phương pháp sản xuất theo dây chuyền lắp ráp và nối liền các khâu từ nghiên cứu, đến sản xuất và bán hàng. Dưới tác động của những bước phát triển mới của quá trình toàn cầu hoá - trước hết của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ – từ những thập kỷ 1960-1970 phương thức này cũng lỗi thời dần.
[11] Có người đặt câu hỏi: Nền kinh tế nước ta chưa tham gia vào cuộc chơi này bao nhiêu và có nhất thiết phải hứng chịu những tác động của cơn bão tài chính tiền tệ tháng 7-1997 hay không?
[12] Sư ra đời các NICs, sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cũ, sự hình thành trật tự thế giới nhiều trung tâm và vị thế được cải thiện của các nước đang phát triển, sự phát triển từ GATT sang WTO vân... vân... là những ví dụ sinh động.
[13] Xin được nhắc lại,  trong phong trào cùa nhân loại tiến bộ trên thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, có nhiều hy vọng gởi gắm vào một tương lai phát triển tốt đẹp của Việt Nam.
[14] Sau hàng chục năm phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, chúng ta chắc có đủ thực tế rút ra cho mình kết luận: Trong làm ăn với thế giới bên ngoài, không một sự chiếu cố nào có thể bù lại những thua thiệt cho nước ta do cái nghèo gây ra.
[15] Các số liêu thống kê của Eurostat và World Bank 1999.
[16] Nguồn: 1999 World Development Indicators CD-ROM, World Bank.
[17] Báo Nhân Dân ngày 8-2-2000 đưa ra những số liệu của Ban Chỉ đạo điều tra lao động – việc làm Trung ương và Tổng cục Thống kê, theo đó tính vào thời điểm 1-10-1999 nước ta lực lượng lao động ở nông thôn chiếm 77,73% lao động toàn xã hội.
[18] Đây là khẩu hiệu Đảng ta đề ra và đã được nhân dân miền Băc thực hiện trong thời đánh Mỹ. Sở dĩ có chủ trương này vì phải huy động đại bộ phận nguồn nhân lực cho tiền tuyến. Lúc đó nông dân miền Bắc – mà chủ yếu là phụ nữ - đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này và còn đảm nhiệm mọi công việc khác ở hậu phương; điều kiện canh tác hồi đó hầu như hoàn toàn lao động thủ công.
[19] Nhiều ý kiến cho sự giảm sút giá cả kéo dài này là biểu hiện của giảm phát, song cũng có những ý kiến cho đấy là những biểu hiện của những suy yếu trong cơ cấu kinh tế – nhất là nhìn vào sự thay đổi chậm chạp trong cơ cấu sản xuất và khả năng cạnh tranh ít được cải thiện của sản phẩm, sự ế đọng một số sản phẩm quan trọng.
[20] Đương nhiên, bước vào giai đoạn giai đoạn phát triển cao hơn, những nước này không thể tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng và phát triển ban đầu.
[21] Tham khảo thêm các thống kê của: World Bank 1999, Eurostat 1999, Taiwan Statistical Data 1999, Niên giám thống kê Việt Nam 1999, tài liệu nghiên cứu của Vụ kinh tế tổng hợp Bộ Ngoại giao năm 1999.
[22] Asia Pacific Economic Cooperation: tổ chức Hợp tác Kinh tế châu A’ – Thái Bình Dương.
[23] Bao gồm: phi quan thuế, dịch vụ, đầu tư, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hải quan, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, mua sắm chính phủ, cơ chế chính sách kinh tế, quy tắc xuất xứ, cơ chế giải quyết tranh chấp, giao lưu của các doanh nghiệp, thực hiện kết quả vòng Uruguay, thu thập xử lý thông tin kinh tế...
[24] ASEAN Free Trade Association: Hiệp hội Thương mại tự do các nước ASEAN.
[25] Nhìn lại, chúng ta thấy: Làm tan nát cả một Liên Xô vĩ đại thì nhanh thôi, nhưng cải cách nước Nga và SNG bây giờ thì chưa ai nói được sẽ đòi hỏi bao nhiêu thời gian nữa, cũng chưa ai nói được cái giá phải trả sẽ còn như thế nào, vì mọi việc còn đang diễn biến. Sau Chécnia sẽ là gì? Hàn gắn mọi đổ vỡ trong Perestroika ra sao đây? Đi lên từ những đổ vỡ này bằng cách nào?.. Tất cả còn là những câu hỏi chưa có câu trả lời. Đương nhiên nhân dân Nga vĩ đại và nhân dân các nước SNG cuối cùng sẽ tìm được con đường đi lên của mình.
[26] Có thể bình luận: Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc có rất nhiều cố gắng, thực sự cầu thị, luôn luôn tìm tòi bước đi mới; một giải pháp đã hết hiệu lực hay không thành công thì lại mạnh dạn đề ra giải pháp mới, không câu nệ, đấy là thái độ rất cách mạng, đừng nên kết luận vội vã là tư tưởng thực dụng. Tất cả đều có thể thay đổi, lúc thì nói “mèo trắng, mèo đen...”, lúc thì nói “4 kiên trì”, lúc thì nói “3 nguyên tắc”, “4 quán triệt”..., song nói gì thì nói, tất cả mọi việc làm Trung Quốc đều nhằm vào mục tiêu chiến lược duy nhất: giữ vững chế độ chính trị do Đảng hiện nay lãnh đạo, gấp rút phát triển kinh tế, sớm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường. Đấy là mội dung đích thực của “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” , là ý chí chính trị cao nhất của ĐCSTQ và nhân dân Trrung Quốc.  Tháng 2-2000 Giang Trạch Dân đưa ra thuyết “3 đại biểu” để xây dựng Đảng Cộng Sản Trung Quốc  thành “đại biểu cho sức sản xuất xã hội tiên nhất, đại biểu cho nền văn hoá tiên tiến, đại biểu cho lợi ích căn bản của nhân dân Trung Quốc...” Có thể nói đấy là cách Trung Quốc thực hiện tốt nhất, kiên định nhất mục tiêu chiến lược của mình. Lịch sử cổ kim đều cho thấy, một đất nước dù lớn hay nhỏ, tương lai không bao giờ thuộc về ý chí bạc nhược.
[27] Sau chiến tranh thế giới II nền kinh tế Mỹ chiếm tới xấp xỷ 50% GDP toàn thế giới, độc quyền về nhiều thứ; nhưng ngày nay GDP của Mỹ chỉ còn chiếm khoảng 25% GDP thế giới. có nhiều đối thủ cạnh tranh nghiêng ngửa với Mỹ trên nhiều sản phẩm. Nguồn: World Bank Data1999. Một số học giả có tên tuổi của Mỹ nhìn quá sự phát triển năng động của Mỹ hiện nay và đưa ra những dự báo khủng hoảng của Mỹ – trước hết là khủng hoảng những giá trị Mỹ trong vòng hai, ba thập kỷ tới... Ngay trong sự kiện Kosovo, Mỹ cũng không thể một mình đóng vai trò sen đầm quốc tế; mặt khác qua sự kiện này Mỹ còn muốn khẳng định vai trò của mình đối với các đồng minh của chính mình trong một thế giới đã hoàn toàn thay đổi.
[28] 12-3-1930, Người Mỹ, gốc Hung, nổi tiếng về đầu cơ tiền tệ, vài ngày trong cuộc khủng hoảng đồng Pound Sterling (Anh) năm 1992 với tay không G. Soros kiếm được 1 tỷ USD, sau đó còn nhiều vụ khác nữa, nhưng riêng trong vụ đầu cơ vào USD để tính đến việc đổi lấy đồng Yên (Nhật) 1994 G. Soros mất trắng 1 tỷ USD. Báo chí nói rằng trong cơn bão tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 G. Soros kiếm được 1tỷ USD...
[29] Nicolaus Copernicus (1473-1543) là người đầu tiên đưa ra cách nhìn về quả đất và vũ trụ, đảo lộn hoàn toàn mọi quan điểm của nhà thờ thời trung cổ. Đấy là cuộc cách mạng đầu tiên của con người về nhận thức thế giới: Quả đất quay quanh trục của nó, cùng với những hành tinh khác nó chuyển động trên quỹ đạo quay quanh mặt trời, vai trò đấng tối cao được nhìn nhận lại...
[30] Ngày nay xuất hiện học thuyết Darwin mới, dựa trên cơ sở khám phá ra sự phát triển đột biến của gien. Còn sự phát triển xã hội đột biến – theo nghĩa tiêu cực hoặc tích cực – thời đại nào cũng có.
[31] Hai thập kỷ vừa qua trên thế giới có rất nhiều ví dụ cho nhận xét này trong quan hệ quốc gia – quốc gia và trong các quan hệ công ty – công ty.
[32] Tháng 2-2000 một nhà máy tinh lọc vàng ở Rumani để chất thải này  tràn ra sông Đa-nuýp, tiêu diệt đến 90 % cá và các loài thuỷ sinh khác ở nơi gần nhà máy và làm ô nhiễm năng nế nguồn nước chính của cả nước Rumani, và những nơi sông Đanuýp chẩy qua, nhất là hai nước Hungari và Bỉ. Các chuyên gia môi trường cho rằng vụ ô nhiễm thảm khốc này phải mất khoảng 15-20 năm mới khắc phục được và nguy hại không kém vụ rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân Chécnôbưn. Đây là lời cảnh báo nghiêm khác đối với nước ta.
[33]  Tuyên ngôn Cộng sản, NXB Sự Thật, Hà nội 1963, tr. 10 và 11, những chữ gạch dưới là của người trích.
[34] Tại các cuộc gặp thường được tổ chức hàng năm giữa các giám đốc doanh nghiệp cả nước và đại diện Chính phủ, các giám đốc tự tổng kết với nhau bên lề hội nghị: Chính sach của Chính phủ gồm “bốn không”, đó là : không đồng bộ, không ổn định, không rõ ràng và không thực tế; vì thế các doanh nghiệp đối phó lại bằng “ba không”: Không tính chuyện làm ăn lâu dài, không tính chuyện làm ăn lớn, không nói thật!
[35] Báo Lao Động ngày 1-3-2000 đưa tin: Qua kiểm tra đột xuất, phát hiện:Viện Đại học mở Hà Nội có 35,5% công chức đi học môn quản trị kinh doanh dùng bằng giả; trường Đại học văn hoá mở Nghệ An có 28,5%; lớp quản trị doanh nghiệp của trường Đại học Hàng hải Hải Phòng có 23,8%;  lớp cử nhân chính trị của Phân viện Báo chí Tuyên truyền Thanh Hoá 21,6%... Lại cũng báo Lao Động, ngày 3-4-2000: Hàng trăm học sinh trung học phổ thông Hà Tây thi trượt mà vẫn trúng tuyển... Đấy là những con số biết nói. Những chuyện nghiêm trọng như vậy và có tác hại lâu dài mà cứ xẩy ra như cơm bữa hàng ngày thế này, nền giáo dục nước ta sẽ đi đến đâu? Chiến lược phát triển con người sẽ đi đến đâu?
[36] Năm 1997 FDI vào nước ta giảm 40% so với năm trước, 1998 giảm 16% so với 1997, 1999 giảm 59% so với 1998 – báo Lao Động ngày 17-5-2000.
[37] Vì dân, trên mặt nào đó mà xem xét, có thể hiểu là cái kết quả cuối cùng của tinh thần của dân, Nhà nước có của dân thì mới vì dân được. Song còn một khía cạnh nữa, khi nhân dân – với ý nghĩa là công dân, là từng công dân - đã có ý thức xây dựng được một chế độ xã hội, một nhà nước thành của mình, thì chính bản thân quá trình xây dựng  này từng bước tạo ra, rèn luyện ý thức, bản lĩnh và khả năng làm chủ của nhân dân. Vì thế của dân còn là con đường nhân dân tự mình giác ngộ và thực hiện dân chủ. Con đường này là cả một quá trình lịch sử tiến hoá đầy đau khổ,  kể từ khi hình thành xã hội loài người. Con đường này đã đi qua biết bao nhiêu bậc thang khác nhau cho đến ngày nay. Sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt sự phát triển của xã hội loài người đi vào thời kỳ hậu công nghiệp, thời kỳ văn minh của nền kinh tế tri thức, nhận thức về dân chủ ngày càng mở rộng,  khả năng nhân dân thực hiện dân chủ ngày càng phong phú. Dân chủ ngày nay trở thành điều kiện hàng đầu cho tri thức phát triển. Còn có thể nói, muốn có dân chủ cần có tri thức, nhân dân có tri thức càng cao, dân chủ càng cao – nghĩa là dân chủ thù địch và không thể đồng hành với ngu dân. Không phải ngẫu nhiên, từ xa xưa hầu như ngôn ngữ của dân tộc nào cũng có câu nói cùng một ý: Hiểu biết là sức mạnh.
[38] Nếu bạn đọc nào quy kết cho tôi rằng những ý nói về người lãnh đạovề người dân như vậy là “cóp” trong khái niệm “social contrat” của Jean Jacques Rousseau, xin tuỳ bạn đọc phán xét. Tôi cũng không dám đề cập đến mọi vấn đề như “khế ước xã hội” đã bàn tới, mà chỉ muốn nói đôi điều suy nghĩ rất hẹp về hai chủ thể này mà thôi. Hiểu biết của tôi về dân chủ còn đơn sơ, xin được lượng thứ.
[39] Viết tới đây, tôi nhớ lại một giai thoại xảy ra giữa hai nhà văn Lê Lựu và Nguỵ Ngữ trong chuyến đi thăm Mỹ 1988. Suốt chuyến đi mỗi người mỗi ngả, vì công việc đòi hỏi như vậy. Lê Lựu thầm lo Nguỵ Ngữ có thể bỏ đất nước và không quay về nữa. Khi ngồi cùng máy bay trên đường trở về nước, Lê Lựu bộc bạch tâm trạng của mình. Nguỵ Ngữ đánh giá cao sự thật thà của bạn nhưng vẫn phát khùng: Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ anh mới biết yêu nước!... Lê Lựu rất trân trọng giai thoại này và đã lưu lại trong tác phẩm “Một thời lầm lỗi”... Tôi cũng được một bài học qua giai thoại này. Đương nhiên những người cố ý chống lại đất nước lại là chuyện khác.

[40] Báo Nhân Dân ngày 16-2-2000, tr.3.
[41] Có lẽ ngoại trừ một năm hai lần tivi truyền trực tiếp Quốc hội chất vấn, Chính phủ trả lời.
[42] Tham khảo:
-          Nghị quyết Đại hội Đảng CSTQ XV,
-          Các diễn văn của Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ trong các chuyến thăm Mỹ và trong lúc tiếp Bill Clinton ở Bắc Kinh 1999 .
-          “Làn sóng WTO tác động vào nước ta như thế nào?”, giáo sư Bạch Quang, NXB Trung Quốc kiến tài công nghiệp xã, Bắc Kinh, 6-1996.
[43] Xin tham khảo cuốn sách “Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới”, NXB  chính trị quốc gia, Hà Nội 1999. tr. 134.
[44] Sách đã dẫn: “Đổi mới và tăng cường hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới”, của nhiều tác giả, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 91, 92...
[45] Nhiều nơi trên thế giới, trước hết là Trung Quốc, đang tiếp tục nghiên cứu  những nguyên nhân làm cho Liên Xô tan rã. Tạp chí Kinh tế và Chính trị Thế giới số 21-1999 của Trung Quốc có bài viết cho rằng sự tan rã của Liên Xô có nhiều nguyên nhân tích tụ từ lâu, nhưng rõ nhất là dưới thời Brezhnev tình hình ngày càng trì trệ, tham nhũng phát triển, hình thành các tầng lớp đặc quyền đặc lợi, mất dân chủ nghiêm trọng, quan hệ giữa Đảng và nhân dân ngày càng nhiều vấn đề, rồi đến các sai lầm trong chính sách dân tộc - đặc biệt là nhìn nhận mâu thuẫn dân tộc như mâu thuẫn giai cấp, đường lối tư tưởng của ĐCSLX ngày càng xa rời con đường đúng đắn.., kinh tế suy sụp, chế độ chính trị suy yếu dần... Để kết luận, bài báo nêu lại ý của Đặng Tiểu Bình, đại ý: Hiện nay có lẽ không ai có thể nói rõ được thế nào là chủ nghĩa xã hội, nhưng phát triển  mới là đạo lý, trong đó khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất... Có ba tiêu chuẩn đánh giá cải cách xã hội chủ nghĩa, đó là có lợi cho phát triển sức sản xuất, có lợi cho việc nâng cao đời sống của nhân dan, có lợi cho tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia...
[46] Tuần lễ quyên vàng cứu nước trong những ngày sau Cách mạng Tháng Tám và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét