Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013


                         LỜI GIỚI THIỆU (đã in trên sách)

Một ngôi sao không làm nên bầu trời, nhưng nó vẫy gọi những chân trời, hấp dẫn những ánh mắt muốn hướng đến những khát vọng tìm tòi, khám phá.
Trên tay bạn là cuốn sách của một người muốn trình bày những suy tư của mình về những vấn đề bức xúc, hướng tới khát vọng cháy bỏng thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn phát triển mới khi cả thế giới bước vào thế kỷ 21. Yêu lý tưởng vĩ đại đã dẫn dắt dân tộc ta đi qua những chặng đường vẻ vang , mang lại cho tổ quốc ta vị thế ngày nay trong cộng đồng các quốc gia trên thế giới, tác giả càng cháy bỏng tình yêu đất nước mình, dân tộc mình. Thật cảm động khi anh gợi đến câu thơ của Heinrich Heine  "yêu là chết trong lòng"để biểu đạt lòng mình đối với  những vấn đề hệ trọng của đất nước. 
Xuất phát từ cô  gắng tìm hiểu những thăng trầm của lịch sử đất nước trong hai thế kỷ qua, và tự cho phép mình được bày tỏ tình yêu đó,  tác giả chân thành nêu lên những suy ngẫm riêng tư về một số vấn đề của đất nước, giãi bày tâm sự của mình, và mạnh dạn nghĩ về những kiến giải , dù mới chỉ là những suy nghĩ , những gợi ý còn "rất thô thiển"  như tác giả khiêm nhường tự bộc bạch.
Tôi thật sự cảm động về tấm lòng của tác giả trên từng trang bản thảo của anh, trân trọng từng dòng ý tưởng của anh. Chia sẻ với lời tâm sự của anh "Tôi không đủ sức nghĩ về thời đại bao la mang ý nghĩa lịch sử nào đó của thế giới. Xin trả việc này cho các học giả, các nhà chính trị, vì tôi không dám bước vào vương quốc không phải  của mình. Tôi chỉ ngẫm nghĩ về thời đại cho nước mình....Càng nghĩ về nước mình, tôi càng tin có một con đường đi tắt, đón đầu, đuổi kịp sự phát triển của loài người, với động lực tự thân ngày càng lớn lên. Động lực đó là con người Việt Nam giác ngộ đầy đủ về dân chủ trong nền văn minh hiện đại của thế giới, có bản lĩnh và tri thức", nhưng chính vì thế tôi lại không đồng ý với anh khi anh  "không dám bước vào  cái vương quốc không phải là của mình" ? thế thì nó là của ai đây nhỉ? Ai được tự giành cho mình quyền vào ra  cái vương quốc ấy thế?
 Học giả ư? Ai là học giả đây?  Nếu thật là người có học thì không thể giả vờ không nghĩ, không biết, không phẫn nộ, không vui buồn, không bức xúc về thực trang của đất nước để đem cái "học thật" của mình góp phần tìm đường đi cho dân tộc đang đi?
Nhà chính trị ư? Ai là nhà chính trị đây?  Phải chăng đó là người tự giành cho mình quyền suy nghĩ và quyền ban phát những ý tưởng chỉ có thể là "đúng trở lên" ,  muốn  thay thế sự suy nghĩ của mọi người bằng cái đầu chỉ biết gật đầu tuân phục , hoặc tệ hơn nữa biến nó thành cái "đầu gối" !
Ai đây? Không nên có ai như vậy cả. Và trong thế giới này, không ai lại dại đi làm chuyện đó, càng không dễ gì làm chuyện đó. 
Cái thời đại mà"khoa học kỹ thuật trở thành lưc lượng sản xuất trực tiếp" mà C.Mác nói đến đang sải những bước chân thần kỳ với những thành tựu kỳ diệu mà những cái đầu vĩ đại đến đâu của những thế kỷ đã qua cũng không sao hình dung nổi mặc dù giờ đây cái khát vọng của C.Mác " sựpphát triển tự do và trọn vẹn của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và trọn vẹn của tất cả mọi người" càng trở nên cháy bỏng hơn lúc nào hết. Mà anh đã chẳng đã dành hẳn một chương cho  chủ đề "chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng tự giác" đó ư? Rồi khi bàn về toàn cầu hoá, về kinh tế tri thức, cũng chính anh đã đưa ra ý tưởng rất hay: "Ngày nay cả thế giới thách thức một người, một người có khả năng coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình" đấy thôi? Tôi cho rằng tư duy không bao giờ là vương quốc của riêng ai cả., điều ấy lại càng sống động trong thời đại của nền kinh tế tri thức đang phát huy ảnh hưởng to lớn lên mọi hoạt động của con người.
Tình yêu cháy bỏng của tác giả khiến tôi cảm động và trân trọng thâm tình của anh dành cho tôi vinh dự viết đôi lời giới thiệu sau khi đã ưu ái cho đọc bản thảo  trước khi đưa đến Nhà xuất bản hàng mấy tháng trời. Tôi trân trọng tấm lòng của bạn, nhưng phân vân vì  lượng biết sức nghĩ, sức hiểu còn hạn hẹp của mình trước một dung lượng đầy ắp thông tin, ý tưởng, cảm nhận và nhiệt tình của tác giả thấm đẫm trên từng trang viết. Càng phân vân hơn khi tôi biết tác giả đã dồn nén biết bao suy tư, nghiền ngẫm để không  dễ dãi tuôn trào sự nung nấu ấy trên đầu ngọn bút. Ây vậy mà không cần phải  tinh cho ý lắm cũng cảm nhận  được  ngọn lửa trong tâm hồn người viết.
Phân vân song không thể từ chối, vì chính tôi cũng đang được ngọn lửa ấy sưởi ấm lòng để cùng anh suy ngẫm về những cái được vô cùng quý giá dân tộc ta đã giành được mà có lẽ  chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều để nhận biết cho hết, cũng như suy ngẫm về những cái mất một cách oan uổng  mà giờ đây chưa dễ gì chúng ta đã thấm sâu được  nỗi đau  về những cái mất đó .
Cái được quý giá nhất là tinh thần dân tộc được khởi động và đẩy tới đỉnh cao nhất trong lịch sử với trí tuệ và bản lĩnh của thời đại Hồ Chí Minh "không có gì quý hơn độc lập tự do" , đưa tới những thắng lợi mà không phải dân tộc nào cũng có thể giành được trong chiến tranh giành lại đất nước, và rồi tự khẳng định mình bằng sự dũng cảm và sáng tạo trong sự nghiệp Đổi Mới, nhờ ý chí cach mạng, nghị lực sáng tạo và khả năng nắm bắt được những biến đổi của thời đại.
 Cái mất oan uổng và đau đớn nhất là mất thời cơ lịch sử. Khi mà nước Nhật của vua Minh Trị biết mở cửa đón nhận nền văn minh công nghiệp thì những đầu óc canh tân của Việt Nam lại bị khước từ do sự bảo thủ, hạn hẹp của nhà cầm quyền , đánh mất cả một giai đoạn phát triển, để lại một hậu quả lâu dài và  nghiệt ngã . Những khúc đoạn trường đầy máu và nước mắt đất nước đã phải trải  qua từ khi mất nước cho tới khi giành lại được độc lập và thống nhất, mà cái giá phải trả là sự tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và với thế giới. Mất thời cơ  đã được lịch sử chứng minh là cái mất khó lường nhất.          
Nghiền ngẫm để cố thấu hiểu cặn kẽ cái được vô cùng quý giá mà không phải dân tộc nào cũng có, cũng như  tỉnh táo để cố thấm thía cái mất quá lớn mà nhiều quốc gia dù rằng không có những điều kiện như nước ta nhưng đã không chịu để mất!  Đấy là những điều dày vò tác giả trên nhiểu trang sách. Nhận cho ra cái lẽ "được mất" của dân tộc mình trong bối cảnh của một thế giới đầy biến  động đúng là công việc thật đáng làm lúc này. Chính sự giục giã của ý thức đảng viên, của tinh thần trách nhiệm công dân đã khiến cho người đọc cảm nhận được sự trong sáng trong động cơ cầm bút và sự minh bạch trong những ý tưởng tác giả giãi bày, cho dù trong cuốn sách này chắc là vẫn còn có những điều đáng bàn cãi. Mà nếu tạo ra được sự bàn cãi thấu đáo, thì tôi nghĩ rằng đó chính là mơ ước của tác giả khi cầm bút. Tôi nghĩ  chính vì thế mà cuốn sách rất cần được viết ra.
Nói vậy vì tôi cảm được rằng  tác giả đã bị đẩy tới tận cùng của sự trăn trở - như anh đã bộc bạch tâm sự mình về tương lai của đất nước "Không thể có một cơ may ngẫu nhiên hay phước lành được ban xuống từ đâu đó. Không muốn làm đe thì phải làm búa."
Theo cái logic nghiệt ngã đó, sáu chương của cuốn sách đã tbẳng thắn trình bày nhận thức và kiến giải của tác giả trước hiện trạng đất nước đang trong bối cảnh của một thế giới mới đầy những thách thức, song nếu hiểu ra được thách thức  thì cơ hội cũng đang nằm trong đó. Thế giới của xu thế toàn cầu hóa không cưỡng lại được mặc cho những mặt tích cực cũng như những mặt tích cực chen vào nhau. Thế giới của nền kinh tế tri thức đang hình thành và phát huy ảnh hưởng to lớn , đang tạo ra những tiền đề của những đột biến trong sự phát triển. 
Ý tưởng xuyên suốt từng trang viết của cuốn sách là sự khẳng định : dân tộc ta hoàn toàn có thể tận dụng một cách sáng tạo cơ hội đó để bứt lên, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, sánh bước cùng bè bạn trong khu vực và trên thế giới. Sự khẳng định đó khởi nguồn từ  những suy ngẫm về thành tựu đã có và bản lĩnh tự khai phá, tìm tòi con đường phát triển của chính đất nước ta , đã từ trong máu lửa đến với thế giới mới trong tư thế của một dân tộc có truyền thống văn hiến. Biết khai thác sáng tạo và phát huy lên đên đỉnh cao truyền thống ấy bằng cách khởi động ý thức dân chủ của mọi tầng lớp xã hội, chính là tạo ra động lực của sự phát triển trong cái thế giới ngày càng tự giác mà chúng ta đang sống. Phải chăng vì thế mà phát huy dân chủ là điệp khúc được nhắc nhiều lần trong cuốn sách.
Rồi cũng chính từ  sự cảm nhận sâu sắc cái logic nghiệt ngã của cuộc sống mà những dồn nén trong suy tư đã tuôn chảy trên đầu ngọn bút, khiến người đọc có thể nhận ra ngay sự xô bồ , dồn dập của nhiều mảng tâm tình xen lẫn những những con số lạnh lùng làm bật lên những kiến giải về những chủ đề kinh tế, những ý tưởng về chính sách.
Lật từng trang sách, chúng ta có thể bắt gặp những thông tin, những tri thức từ  tác phẩm của nhà tương lai học mới xuất bản đầu năm 2000 đến những dẫn chứng từ trong "Sử Ký" của Tư Mã Thiên thời cổ đại, từ những thông tin cập nhật trên  những tờ báo nước ngoài mới ra trong tháng7.2000 đến những ý tưởng của Aristotèles trước công nguyên, được vận dụng để diễn đạt những phân tích, nhận định, kiến nghị . Luôn luôn ta có thể tìm thấy những mệnh đề chứa chất cả một dồn nén suy tư "đã đến lúc tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam phải tìm cách tạo ra sức bật cần phải có cho nền kinh tế nước ta. Dân tộc ta chiến đấu hy sinh từ thế hệ này sang thế hệ khác, suy cho cùng là nhằm tạo ra cơ hội để thực hiện mục tiêu cao cả san lấp khoảng cách phát triển tách biệt nước ta với thế giơi bên ngoài " đi liền với một vẻ dung dị giàu chất hài hước của trong cách diễn đạt ngay trên cùng một trang viết: "bạn có GDP theo đầu người chỉ 320.USD thôi à?Tốt lắm, thị trường nội địa của bạn hơi nhỏ một chút. Tôi vẫn chú ý đến bạn trong phạm vi có thể, nhưng tôi phải tính đến những thị trường lớn hơn, mong bạn thông cảm"!
 Đang trầm ngâm trước câu văn biểu đạt một triết lý "phải tự giác nhận biết những yếu kém của chính bản thân mình. Trong đời sống xã hội từ cổ chí kim, đây là điều thường làm người nghe nghịch tai nhiều hơn là cảm giác dễ chịu", người đọc có thể hiểu được ngay cái triết lý muôn thuở ấy trong dẫn chứng thô mộc gần như liền kề "khi tôi viết đến trang này, có hàng nghìn tấn mủ cao su chưa sơ chế đang thối dần vì bị dìm giá và nằm chết quá lâu ở của khẩu Móng Cái" .
Cũng không thể không nói thêm , chớ nghĩ rằng chỉ với sự dễ dãi đọc lướt những câu chữ tưởng như rất dung dị, thoải mái là đã có thể nắm bắt được ngay những ý tưởng đằng sau câu chữ ấy. Chẳng hạn, có lẽ phải trầm ngâm suy tư một chút trước ý tưởng của Thomas Friedman được tác giả lẩy ra "cuộc viếng thăm của một cơ quan xếp hạng trái phiếu có khi còn quan trọng hơn cả một cuộc viếng thăm của một nguyên thủ quốc gia, tỷ giá đồng tìền của một nước có khi lại do một thị trường chứng khoán rất xa đâu đó trên thế giới quyết định"..."song có nước lại đưa ra khái niệm "biên giới mềm" bằng lời tuyên bố hàng hóa của mình đi tới đâu là chủ quyền quốc gia của mình tới đó"...
 Thế nhưng, để diễn đạt một khái niệm rất rộng, có khi tác giả lại có cách trình bày rất hóm hỉnh như chuyện các cô gái người dân tộc ở huyện miền núi Kỳ sơn cheo leo của NghệAn trang điểm bằng các mỹ phẩm của hãng Unilever để rồi lập luận rằng "trừ phi trốn lên sao Hỏa những hàng hóa này may ra mới không đuổi theo chúng ta...Lên Kỳ sơn, tôi liên hệ đến con đường tơ lụa khoảng trên 1200 năm trướccông nguyên đã từng nối liền nền văn minh Trung Quốc với nền văn minh La Mã, khi loài người chưa có ý niệm gì về internet để hiểu thêm về sức mạnh phi thường của thương mại. Cũng có nghĩa là thị trường nước ta đang bị bên ngoài chiếm lấy bất kể ở đâu và bằng bất kỳ cách nào có thể. Toàn cầu hóa là như thế đấy".
 Nguồn mạch tuôn trào những ý tưởng của tác giả cứ thế dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trong nhìn nhận và phân tích những sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Có khi là sự thẳng thừng dễ làm bực mình khối người trong chuyện khi tác giả phân tích một cách lạnh lùng nhưng đầy thuyết phục về những tính toán  sai lầm trong dự án sản xuất nhôm, những thua lỗ của ngành than, những sáng kiến oái oăm do độc quyền trong ngành điện. Có khi là sự điểm xuyết vào những con số tính toán đến chi li với những nhận xét cô đọng ghi đậm dấu ấn của nỗi niềm đất nước "luyện nhôm sẽ làm hỏng mất vùng Đà Lạt nổi tiếng của nước ta và cả vùng Đông Nam Á",..."chỉ mới có 10 triệu tấn than một năm mà suýt nữa mất luôn chùa Yên Tử - một trung tân Phật giáo của Việt Nam từ thế kỷ 13"..."về Quảng ninh tôi đã nói rồi, viết đến dòng này tôi xin lấy tư cách công dân khẩn thiết kêu gọi ngành than hãy dừng tay, đừng động chạm đến vùng đồng bằng Bắc Bộ"...
Mà có lẽ cũng vì những cảm xúc cứ chen lấn vào như the, người đọc có thể nhận ra sự trùng lặp, chưa thật khúc chiết, gẫy gọn trong văn phong, câu chữ; trong sự chặt chẽ, nhịp nhàng của cấu trúc nội dung cuốn sách. Có thể có chuyện đó, điều này cần rút kinh nghiệm cho những cuốn sách tiếp theo mà tôi biết anh đang ấp ủ.
Nhưng riêng tôi thì tôi luôn luôn đặt tính chân thật của sự kiện và sự sòng phẳng trong nhận xét, phẩm bình  đang còn tươi rói những  xúc cảm, lúc hân hoan, khi phẫn nộ như chính cuộc sống đang diễn ra lên trên mọi kỹ xảo. Sự sù sì thô mộc của nguyên liệu chưa qua sự trau chuốt, đánh bóng mạ kền lại có sự hấp dẫn riêng của nó, nhất là đối với những cuốn sách như cuốn sách này..
Hơn nữa, tôi biết anh không là một ngòi bút chuyên nghiệp, cũng không là ngòi bút chính luận có nghề. Anh là một người hoạt động thực tiễn với cái đầu biết tư duy , dám tìm tòi , muốn khám phá và thẳng thắn trình bày những suy tư, cảm xúc của mình.  Vả chăng, theo tôi chất liệu thật của cuộc sống liệu còn lại được bao nếu người viết điêu luyện trong sự kín cạnh và có tài lạng lách  ngòi bút. Tôi nghĩ rằng tác giả có thể xem sự thô thiển này là cái may của mình, nó tránh cho người đọc cảm giác chán ngán là dưới lớp sơn phủ ngoài bóng bẩy chỉ là  những ý niệm có sẵn đã cũ mèm.  Tôi hy vọng cuốn sách này không cam chịu số phận ấy. Và vì thế tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc, để mong nhận được những bàn cãi, phẩm bình .                                                 
 Gấp cuốn sách lại, vương đọng trong tâm trí tôi là nỗi lòng của tác giả muốn khẳng định ý chí  của dân tộc ta chấp nhận mọi thách thức của thời đại, chủ động vận dụng xu thế  toàn cầu hoá để biến thành cơ hội mở rộng không gian kinh tế , hội nhập với thế giới để thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc yêu dấu của mình , thực hiện thắng lợi điều mong ước cuối cùng của Bác Hồ  "Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". 



                                                                                                                                            Tương Lai                                                                                                                                                                       
                                                                                       31 tháng 12 năm  2000



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét