Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Các nước châu Á với việcTrung Quốc gia nhập WTO

T.s. Lưu Ngọc Trịnh
Viện Kinh tế thế giới
Báo Nhân Dân ngày 28-6-2000, tr. 5


Theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc cần phải đạt được các hiệp định tự do hoá thương mại với tất cả 134 nước thành viên trước khi được xét kết nạp. Mặc dù hiện nay, Trung Quốc còn phải giải quyết một số vấn đề có tính thủ tục và đạt được thoả thuận thương mại song phương với bốn nước nữa là Thụy Sĩ, Mê-hi-cô, Goa-tê-ma-la và Ê-cu-a-đo, song bằng việc đạt được thoả thuận thương mại với Mỹ vào tháng 11/1999, với Liên hiệp châu Âu (EU) vào ngày 19-5-2000, và bằng việc Hạ viện Mỹ phê chuẩn dành cho Trung Quốc Quy chế thương mại hoà bình vĩnh viễn (PNTR) vào ngày 11-5 vừa qua, Trung Quốc đã vượt qua được những rào chắn lớn nhất trong cuộc đàm phán kéo dài 14 năm xin ra nhập WTO. Do vậy, theo nhiều đánh giá, chậm nhất vào cuối năm nay, Trung Quốc sẽ trở thành thành viên của WTO, với thị trường 1.3 tỷ người tiêu dùng, một nền kinh tế có quy mô là 3.928,4 tỷ USD (tính theo đồng giá sức mua - PPP), với giá trị xuất khẩu chiếm 3,3%, đứng hàng thứ 6.

Theo thoả thuận song phương ký hồi tháng 11-1999 với Mỹ và tháng 5 vừa qua với EU, Trung Quốc cam kết sẽ có những nhượng bộ lớn nếu họ được gia nhập WTO và được hưởng những ưu đãi tương ứng từ các nước thành viên của tổ chức này. Những nhượng bộ này bao gồm việc cắt giảm thuế quan trung bình từ 22% hiện nay xuống còn 17,5% đối với các mặt hàng nông sản vào tháng 1-2004 và đối với các sản phẩm công ngiệp từ mức trung bình của năm 1997 là 24,6% xuống còn 9,4% vào năm 2005 và sẽ giảm mạnh thuế đối với các mặt hàng ô tô, hoá chất, gỗ và giấy. Hạn ngạch nhập khẩu đối với một số mặt hàng sẽ dần được nới lỏng và bãi bỏ hẳn từ năm 2004 hoặc 2005 . Trung Quốc cam kết sẽ bãi bỏ những ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả, loại bỏ hầu hết những hạn chế về cổ phần của nước ngoài và những hạn chế về địa lý trong các khu vực dịch vụ trong vòng từ hai đến sáu năm và thừa nhận các thoả thuận về dịch vụ thông tin viễn thông và dịch vụ tài chính cơ bản của WTO. Thoả thuận vê dịch vụ viễn thông cho phép nước ngoài có sở hữu tới 49% trong các dịch vụ điện thoại di động, trong nước và quốc tế, trong đất liền và trên biển, trong vòng năm đến sáu năm và sở hữu 50% trong các dịch vụ nhắn tin và dịch vụ trị giá gia tăng trong vòng hai năm. Thoả thuận dịch vụ tài chính sẽ bãi bỏ dần những hạn chế về tài chính đối với các Công ty bảo hiểm nước ngoài trong vòng ba năm và mở rộng phạm vi hoạt động trong vòng năm năm. Trung Quốc cũng sẽ dành quyền buôn bán và phân phối cho các Công ty nước ngoài trong vòng ba năm sau khi gia nhập WTO và cho phép các Công ty nước ngoài có quyền nhập khẩu và xuất khẩu mà không cần qua khâu trung gian của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc phải chấp nhận các chuẩn mực quốc tế trong kinh doanh. Tất cả các văn bản luật và điều lệ không phù hợp thông lệ quốc tế đều phải được sửa đổi và trong quá trình thực hiện nếu có vi phạm phải tuân theo các quy định quốc tế.
Theo các nhà phân tích và giới bình luận quốc tế, việc Trung Quốc trở thành thành viên của WTO trong tương lai không xa chắc chắn sẽ có những tác động to lớn đối với không chỉ Trung Quốc mà còn cả đối với các bạn hàng chủ yếu của họ, trước hết là các nước thuộc châu á, đặt những nước này trước những thách thức không nhỏ, và tất sẽ có những “kẻ thua, người thắng” trên thương trường châu á và thế giới.
Đứng về khía cạnh thương mại mà xét, việc giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích lớn cho những nơi có trình độ phát triển cao trong khu vực. Giá trị nhập khẩu sản phẩm công nghiệp có hàm lượng vốn cao sẽ tăng nhanh tại thị trường rộng lớn này. Các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ấn Độ và Xin-ga-po được hưởng đầu tiên, do sản phẩm công nghiệp của họ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong khi giá thành thấp hơn và có ưu thế về mặt địa lý. Hàng hoá của họ là các sản phẩm của các ngành công nghệ cao, các ngành viễn thông và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính, chắc chắn sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Mặc dù chưa có những đánh giá định lượng về mức độ gia tăng của các ngành này, nhưng các phân tích ban đầu đều dự báo  là sẽ rất lớn, căn cứ vào quy mô và nhu cầu của bản thân thị trường Trung Quốc, cũng như xét tới xu hướng phát triển của chúng trên thế giới hiện nay.
Tuy vậy, những nước trong khu vực có thể bị thiệt hại nhiêu do việc gia nhập WTO của Trung Quốc. Hàng hoá xuất khẩu sử dụng nhiều lao động của Trung Quốc và ASEAN, như dệt may, giày dép, đồng hồ, đồ chơi, túi xách... có chất lượng mẫu mã tương tự, và đều hướng sang các nước phát triển, do đó sẽ cạnh tranh gay gắt. Từ cuối những năm 80, với chiến lược trở thành trung tâm của thế giới về hàng chế tạo, Trung Quốc đã là nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới về các mặt hàng chế tạo tập trung nhiều lao động. Trong cạnh tranh tương lai với ASEAN, Trung Quốc có ưu thế rất lớn, bởi vì  không những Trung Quốc sẽ được hưởng những ưu đãi thuế quan và phi quan thuế không không kém gì các nước đang phát triển khác từ các nước phát triển  khi gia nhập WTO mà còn vì Trung Quốc có số lao động dồi dào, vượt tổng số lao động của tất cả các nước trong tổ chức OECD cộng lại. Dự đoán vào năm 2025, khi số lao động của Trung Quốc lên đến 814 triệu, gấp 2.1 lần của OECD, và thị phần hàng chế tạo tập trung lao động trên thế giới vẫn rất lớn, thì lúc ấy liệu còn bao nhiêu chỗ cho hàng hoá cùng loại của ASEAN? Triển vọng của sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng trên - vốn là trụ cột của các nền kinh tế trong khối - sang các thị trường Mỹ, EU, và Nhật Bản sẽ như thế nào? Câu trả lời cho đến bây giờ vẫn còn treo lơ lửng, đòi hỏi các nước trong khối này sớm có những giải pháp thích ứng. Thực tế những năm qua đã cho thấy, thị phần thế giới của mười nhóm mặt hàng chủ lực, mà phần lớn là những mặt hàng tiêu hao nhiều lao động và nguyên nhiên liệu, của Trung Quốc ngày càng lấn át các nước ASEAN. Chẳng hạn, nếu những năm 1988-1990, những mặt hàng này của Trung Quốc chiếm 3.8% và của ba nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan chiếm 3.4% thị trường thế giới, thì đến những năm 1997-1998, phần của Trung Quốc đã lên tới 6.33%, trong khi của ba nước trên giảm còn 2.4%.
Tuy nhiên, bù lại, các nước Đông-Nam á, nhất là những nước xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên như In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và những nước sản xuất nông nghiệp như Thái Lan, Việt Nam... có thể sẽ tăng được thị phần hàng nông sản và nguyên liệu thô trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các nhà sản xuất dược phẩm ấn Độ có khả năng thâm nhập tốt hơn thị trường thuốc được bảo vệ nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc gia nhập WTO cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ dần dần phải cải tổ cơ cấu và cải tiến các thể chế kinh tế cho hợp thông lệ quốc tế, phải nới lỏng các quy chế đầu tư theo hướng mở cửa hơn nữa cho các nhà kinh doanh nước ngoài. Điều này cũng có những tác động to lớn đến các nước trong khu vực. Một mặt, các nhà kinh doanh Đông-Nam á có thể sẽ có nhiều cơ hội làm ăn hơn sinh lời ở Trung Quốc, sẽ sử dụng Trung Quốc như một địa bàn đầu tư để sản xuất và xuất khẩu sang các nước thứ ba, cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc. Tuy vậy, khả năng này sẽ trở thành hiện thực tới chừng nào điều đó còn phụ thuộc kết quả cạnh tranh giữa họ và các đối thủ khác, đặc biệt là từ các nước có nền kinh tế phát triển hơn, vốn ưu thế về mặt hàng lâu bền có chất lượng cao, như Mỹ,EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặt khác, môi trường đầu tư ở Trung Quốc chắc chắn sẽ được cải thiện, ngày càng hấp dẫn và có tính cạnh tranh hơn nhằm thu hút các nguồn vốn bên ngoài phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mình, và như vậy rất có thể các dòng vốn quốc tế sẽ chuyển mạnh sang phía Trung Quốc thay vì vào các nước Đông-Nam á. Trên thực tế, từ sau khi ký hiệp định thương mại với Mỹ, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, và sẽ còn tiếp tục xu hướng gia tăng trong tương lai, khi Trung Quốc là thành viên chính thức của WTO và thực hiện các cam kết đa phương. Theo tính toán của Công ty Garson của Mỹ, sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc sẽ tăng từ 45.5 tỷ USD năm 1998 lên 100 tỷ USD vào năm 2005 và có thể vượt Mỹ trong thời gian không xa. Trong những năm vừa qua mặc dù chưa được công nhận là thành viên của WTO, song Trung Quốc đã thu hút được lượng vốn FDI nhiều hơn tất cả các nước châu á khác gộp lại.
Người nước ngoài có câu châm ngôn “Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Vì vậy, dù Trung Quốc sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn sau khi gia nhập WTO, song các nền kinh tế lớn cũng không bao giờ quay lưng lại với các địa bàn đầu tư và buôn bán khác để chuyển hẳn sang làm ăn với Trung Quốc nhằm tránh bị lệ thuộc vào một thị trường duy nhất. Do đó, để cạnh tranh được với Trung Quốc, giữ được các đối tác và bạn hàng truyền thống, các nước đang phát triển châu á, trước hết là các nước ASEAN, không có cách nào khác là cần phải duy trì được sức cạnh tranh và nâng cao được sức hấp dẫn của mình. Để làm được điều đó, ta cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu nội bộ khu vực và sang các nền kinh tế lớn ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, lựa chọn và tập trung phát triển những mặt hàng mà mình có lợi thế, tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn bằng cách thành lập một khu vực đầu tư ASEAN.
    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét