Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Chung quanh cây mía và cân đường

Thu Thành, Trần Dũng, Ngọc Vinh
Báo Nhân Dân 19-6-2000

Hàng năm, Công ty đường Quảng Ngãi đầu tư hơn 10 tỷ đồng phát triển vùng nguyên liệu, đưa các loại mía năng xuất cao vào trồng đại trà ở địa phương.
Chương trình sản xuất một triệu tấn đường vào năm 2000 được thực hiện từ cuối năm 1994 đến nay đã thành hiện thực. Ngành mía đường đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, ổn định đời sống cho hơn một triệu người.
Hàng nghìn ha đất phèn, và ở vùng sâu, vùng xa được khai thác nhờ trồng mía và đã trở thành cây “xoá đói, giảm nghèo”. Chung quanh câu chuyện cây mía và cân đường đang nổi cộm một loạt vấn đề: chưa cân đối giữa vùng nguyên liệu với nhà máy, kỹ thuật và công nghệ chế biến không đồng bộ, chi phí sản xuất lớn,  giá đường bán ra thấp hơn giá thành, làm cho nhiều cơ sở sản xuất đường lao đao... Thực trạng trên, cần khẩn trưởng tháo gỡ khó khăn để ngành mía đường vượt lên và phát triển.
Kết quả đạt được
Trước những ý kiến khác nhau về hiệu quả chương trình mía đường, chúng tôi đã tìm hiểu nhiều ngành, đơn vị cơ sở liên quan vấn đề này. Và sau đó được Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thiện Luân cho biết, đến năm 2000 diện tích mía cả nước đạt 320 nghìn ha (trong đó vùng nguyên liệu của các nhà máy 202 nghìn ha, còn lại là diện tích mía ngoài quy hoạch, chiếm 37%); dự kiến năng suất bình quân đạt 49 tấn mía/ha, sản lượng mía đạt 15,7 triệu tấn, và vụ 1999-2000, các nhà máy ép 8,5 triệu tấn mía, sản lượng đường công nghiệp đạt 700 nghìn tấn, các sơ sở chế biến thủ công làm ra khoảng 300 nghìn tấn, tổng sản lượng đường của cả nước đạt hơn 1 triệu tấn. Như vậy, chương trình mía đường về sản lượng đã thành hiện thực. Đến nay đã hình thành một hệ thống chế biến đường với 44 nhà máy (tổng công suất thiết kế 78.200 tấn mía/ngày) với ba vùng trọng điểm mía đường là Thanh Hoá - Nghệ An, Quảng Ngãi và Tây Ninh tổng công suất các nhà máy ở ba vùng này bằng 54% cả nước  (trong đó 41 nhà máy đã đi vào sản xuất).
Qua khảo sát và tìm hiểu chương trình mía đường, chúng tôi nhận thấy, đặc điểm của cây mía là chịu hạn, dễ trồng, cho nên các vùng mía đường tận dụng đất đồi, đất phèn, cằn cỗi và ở vùng sâu, vùng xa. ở những vùng này khó chọn được cây nào có giá trị kinh tế hơn cây mía: Thực tế vùng trồng mía nguyên liệu phát triển trong thời gian qua, đã góp phần chuyển đổi cơ chế cây trồng, xóa đói, giảm nghèo tạo điều kiện đưa vùng nông thôn nghèo thành các thị trấn, thị tứ với hệ thống công nghiệp mía, đường, dịch vụ. Cái được lớn nhất trong bốn năm qua, vùng trồng mía phát triển đã tạo việc làm cho 600 nghìn lao động nông nghiệp, trong khi lao động ở nông thôn dư thừa rất nhiều, ổn định đời sống cho khoảng 1,4 triệu người, mức sống của nông dân nhiều nơi được cải thiện, thu nhập khá như ở Lam Sơn (Thanh Hoá), Quảng Ngãi, Tây Ninh.
Đến nay gần 80% các nhà máy mới được xây dựng ở những vùng nguyên liệu mía tập trung, quy mô lớn và được trang bị những thiết bị tương đối hiện đại. Còn 20% số nhà máy có thiết bị loại trung bình, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh các vùng nguyên liệu mía có quy mô nhỏ ở cùng sâu, vùng xa. Việc tăng nhanh lượng mía ép công nghiệp tiết kiệm một số lượng mía bị lãng phí do ép thủ công (ép thủ công đạt tỷ lệ 18-20 kg mía/kg đường, chế biến công nghiệp đạt 10-12 kg mía/kg đường). Các nhà máy thu hút, tạo việc làm cho hơn 30 nghìn lao động công nghiệp.
ở vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng (cầu, đường, hệ thống điện, thuỷ lợi...) cùng với các nhà máy sản xuất đường, làm các sản phẩm sau đường (bánh kẹo, rượu, cồn nước uống, ván ép, thức ăn gia súc...) tạo nên một khu dân cư, công nghiệp mới. Có 10 Công ty, nhà máy đường sản xuất các sản phẩm sau đường chất lượng cao với khối lượng hơn 10 nghìn tấn bánh kẹo, 11 triệu lít cồn, 2.000 tấn nha công nghiệp... Nhờ đó nhà máy đường có vốn ngay để mua mía của nông dân, giải quyết thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Lao động trên các vùng mía, trong các nhà máy chế biến được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ thuật, tay nghề. Đến nay, ngành mía đường đã đào tạo nghề cho 15.000 người, trong đó có 2.000 cán bộ quản lý, kỹ sư, trung cấp, 13.000 công nhân kỹ thuật. Từ kết quả đạt được sau những năm thực hiện chương trình mía đường khẳng định kế hoạch sản xuất một triệu tấn đường vào năm 2000 đã được thực hiện đúng tiến độ về thời gian, góp phần quan trọng thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; không phải nhập khẩu hơn 500 nghìn tấn đường (khoảng 150 triệu USD).
Những yếu kém                    
Điểm yếu nhất trong thực hiện Chương trình mía đường là việc xây dựng vùng nguyên liệu không đồng bộ với xây dựng nhà máy. Trong số những nhà máy được xây dựng và mở rộng, có ba nhà máy, sản xuất đến hai ba vụ vẫn thiếu mía nghiêm trọng (Nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh) đạt 19,6% công suất, Quảng Bình đạt 18,6%, Thừa Thiên-Huế đạt 26,6% công suất). Chúng tôi được biết, ở Linh Cảm là đất trồng lạc, ngô có hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía, cho nên nông dân không hăng hái trồng mía. Còn ở Quảng Bình, khí hậu nắng nóng, năng suất chất lượng mía kém. Tại Thừa Thiên-Huế, vùng nguyên liệu xa nhà máy, hạ tầng cơ sở kém, đường vận chuyển nguyên liệu đến nhà máy xa... Như vây, việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho những nhà máy ở nơi này đã không sát điều kiện thực tế địa phương, không bảo đảm đủ những yêu cầu cơ bản về một vùng nguyên liệu mía cho nhà máy đường. Mặt khác, ở một số địa phương, nông dân trồng mía đạt hiệu quả kinh tế cao, thì lại hăng hái mở rộng thêm diện tích ngoài quy hoạch vùng nguyên liệu của nhà máy (số này chiếm 37% tổng diện tích của cả nước) vượt xa năng lực chế biến của nhà máy, dẫn đến thừa mía, nhất là trong thời vụ thu hoạch. Các nhà máy có vốn trong nước đã phát huy 80% công suất, nhà máy vốn nước ngoài và liên doanh đã phát huy 65% công suất.
ở vùng nguyên liệu mía, còn có vấn đề “no dồn, đói góp”. Bởi lẽ, giống mía hiện nay mới bảo đảm đủ và thừa trong thời vụ thu hoạch từ 100 đến 120 ngày. Sau thời vụ đó, các nhà máy đói nguyên liệu. Các giống mía thích hợp điều kiện khí hậu, nhằm rải vụ, kéo dài vụ còn trong thời kỳ thử nghiệm. Khi chúng tôi đề cập vấn đề tổng số vốn đầu tư thực hiện dự án nhà máy đường lại cao hơn dự toán, các đồng chí có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận có chuyện đó. Mỗi dự án nhà máy đường thực hiện từ năm 1995, đến khi quyết toán, tổng mức đầu tư tăng so với ban đầu khoảng 35-40% (gạch dưới: NN).  Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là, trong năm 1995, các Công ty tư vấn thiết kế, chủ đầu tư lần đầu tiên lập dự án, thiết kế, lập tổng dự toán các nhà máy đường quy mô lớn, chưa có kinh nghiệm, chính sách luôn thay đổi, lại nhiều dự án lập cùng thời điểm, cho nên có nhiều thiếu sót, nhiều hạng mục không tính đúng, tính đủ, khi thực hiện đã phát sinh.
Theo Nghị định 177/CPP, các dự án mía đường thuộc nhóm B được lập ngay dự án khả thi, tổng mức đầu tư khi lập dự án được xác định theo phân tích sơ bộ về công nghệ và kỹ thuật, quá trình thực hiện mới có thiết kế chính thức, nhiều khi vừa thiết kế vừa thi công, cho nên có hạng mục phải bổ sung, cao hơn so với sự án ban đầu. Một số địa phương, đơn vị khi lập dự án đã cố gò tổng vốn đầu tư dưới mức 100 tỷ đồng để hợp pháp hoá thủ tục xét duyệt cho nhanh, cắt giảm một số khoản chi phí thực tế của dự án, khi thực hiện phải điều chỉnh.
Hầu hết các dự án nhà máy đường được bắt đầu thực hiện từ năm 1995, trong hoàn cảnh cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, luôn thay đổi, mỗi dự án từ khi lập đến quyết toán, thường kéo dài bốn, năm năm (gạch dưới: NN), trong thời gian đó có nhiều quy định, định mức mới của Nhà nước, làm cho tổng mức đầu tư tăng lên. Cụ thể là có 23 trong 28 dự án, được quyết định đầu tư từ năm 1995. Thời gian này áp dụng Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng theo Nghị định 177/CP của Chính phủ. Ngày 16/7/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/CP thay cho Nghị định 177/CP. Nghị định 42/CP quy định đưa vào tổng mức đầu tư nhiều khoản mà nghị định trước không được phép đưa vào, như chi phí quản lý dự án, thẩm định thiết kế, thẩm định dự án, chi phí bảo hiểm, lãi suất vốn vay..., đã làm tăng mức đầu tư của các dự án. Một nhà máy đường sử dụng thiết bị Trung Quốc công suất 1.000 tấn mía/ngày, tổng mức đầu tư tăng khoảng 18 - 20 tỷ đồng so với dự toán ban đầu.
Ngoài ra, tổng mức đầu tư tăng còn do sự thay đổi tỷ giá đồng ngoại tệ với đồng tiền Việt Nam. Khi lập dự án (1995) tỷ giá ngoại tệ dưới 11.100 đồng/USD, nay lên 14.000 đồng/USD. Giá các loại vật tư thiết yếu trong nước như xăng dầu, điện, vật liệu xây dựng, cước  phí vận chuyển,... đều tăng so với lúc lập dự án. Cụ thể là, mức trượt giá từ năm 1995 đến 1999 là khoảng 35%.
Nhiều công trình xây dựng nhà máy đường đã vi phạm các quy chế đấu thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế, xây lắp công trình (gạch dưới: NN). Tại nhà máy đường Quảng Bình, có khối lượng xây lắp trị giá 7,624 tỷ đồng, không tổ chức đấu thầu. Ngoài ra các quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu (của 15 gói thầu xây lắp các hạng mục công trình) đều được tiến hành sau khi đã ký hợp đồng thi công. Trong đó có bảy gói thầu bên B đã ký hợp đồng và thi công từ tháng 4 đến tháng 8-1998, mà ngày 28-10-1998 mới có quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu. Hai gói thầu ký hợp đồng thi công từ tháng 4 đến tháng 6-1998, nhưng tới ngày 25-11-1998 mới có quyết định phê duyệt trúng thầu. Về vấn đề này theo giải trình của Vụ đầu tư xây dựng cơ bản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Nhà máy đường Quảng Bình vừa tiến hành thiết kế, vừa thi công, từ tháng 6-1998 công trình mới chính thức đi vào thiết kế những hạng mục chính, nhưng vụ mía 1998-1999 đã đến kỳ thu hoạch, thúc ép phải hoàn thành sớm, nếu không, mía sẽ không có nơi tiêu thụ. Để hoàn chỉnh thiết kế sau đó sau đó mới lập các thủ tục đấu thầu cho các gói thầu phải mất từ một đến hai tháng một gói thầu, chắc chắn tiến độ không bảo đảm, nông dân sẽ lao đao vì sản phẩm làm ra bị tồn đọng.
Tại Nhà máy đường Bến Tre, công trình có 40 hạng mục chỉ có 2 hạng mục có giá trị hơn 1,48 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu. Nhà máy đường Vị Thành (Cần Thơ) có giá trị xây lắp 15,7 tỷ đồng, cũng không tổ chức đấu thầu. Nhà máy đường Trị An (Đồng Nai) có 38 hạng mục công trình, thì 32 hạng mục không tổ chức đấu thầu mà do UBND tỉnh chỉ định thầu. Mặc dù có những nguyên nhân khách quan về thời vụ thu hoạch mía thúc ép, nhưng bỏ qua các quy định về quy chế đấu thầu theo Nghị định 42/CP là vi phạm.
Trong số các nhà máy mới được xây dựng, có 20% là thiết bị vào loại trung bình, lắp đặt ở vùng nguyên liệu mía có quy mô nhỏ, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết thiết bị loại này mua ở Trung Quốc. Tiền vốn vay mua thiết bị của Trung Quốc là 76,5 triệu USD chiếm 11,6% tổng vốn đầu tư của cả chương trình. Hiện nay có 16 nhà máy mua thiết bị của Trung Quốc (tổng công suất 15.900 tấn mía/ngày), chiếm 1,16 tổng công suất các nhà máy đường, vốn vay theo phương thức mua hàng trả chậm. Về vấn đề này, Đoàn kiểm tra liên bộ của Chính phủ đánh giá: “Tất cả các dây chuyền thiết bị mua của Trung Quốc đều do các nhà máy cơ khí Trung ương sản xuất, trình độ kỹ thuật và chất lượng đạt mức trung bình của ngành công nghiệp chế biến đường thế giới, một số thiết bị đạt trình độ tiên tiến, công suất thiết bị dự trữ thường lớn, có khả năng huy động công suất cao hơn thiết kế 20-30% vẫn hoạt động ổn định”.
Quá trình vận hành sản xuất những năm qua, cho thấy dây chuyền thiết bị của các nhà máy đường hiện nay dễ sử dụng, dễ mở rộng quy mô nâng công suất khi có đủ nguyên liệu. Đầu tư thêm 5-10 tỷ đồng có thể đưa được công xuất từ 1.000 đến 1.500 tấn mía/ngày như nhà máy đường ở Bình Định và Quảng Ngãi đã làm...
Tuy nhiên, thực tế đã có sự cố, một số đơn vị mua bán một sô phụ tùng, thiết bị, không đúng quy định, không bảo đảm chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng kém lắp vào dây chuyền, gây ách tắc sản xuất. Những sự việc này cần xử lý nghiêm.
Có một số phụ tùng của nhà máy đường, ngành cơ khí trong nước có thể chế tạo được, nhưng vẫn mua của nước ngoài? Vấn đề này, theo ông Nguyễn Ngọc Khanh, Cục trưởng Chế biến nông lâm sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thực tế để chế tạo những thiết bị này, phải theo trình tự từ thiết kế chế tạo, xây dựng quy trình công nghệ, đến chọn vật liệu, thi công và phải có vốn đầu tư để hình thành quy trình công nghệ mới. Trình tự này rất phức tạp và cần có nhiều thời gian. Trong khi đó xâylắp nhà máy đường chỉ 8 đến 15 tháng phải xong để đáp ứng yêu cầu vùng nguyên liệu. Về việc chọn thiết bị hiện đại, quy mô công suất lớn hay thiết bị có công suất trung bình, Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân cho rằng, quy mô phải phù hợp vùng nguyên liệu. ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nguyên liệu mía phân tán nên bố trí loại quy mô vừa phải phù hợp khả năng đầu tư tiền vốn và trình độ quản lý, tay nghề của cán bộ, công nhân trong vùng. Chỉ những vùng mía lớn, và có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, mới bố trí loại thiết bị công suất lớn, hiện đại (quy mô lớn, hiện đại vốn đầu tư lớn). Chung quanh câu chuyện về trình độ kỹ thuật - công nghệ các cơ sở chế biến mía đường còn có nhiều ý kiến khác nhau; cần có cuộc khảo sát chuyên ngành để kết luận, làm sáng tỏ vấn đề này.
Chung quanh việc tiêu thụ đường
Xét cho cùng, giá bán đường quyết định toàn bộ kết quả kinh tế của cả các hoạt động sản xuất kinh doanh ngành mía đường. Khi lập luận chứng dự án, tính giá một kg đường là 5.000 đồng. Với giá này, sau khi trừ các chi phí sản xuất, làm có lãi, có tái đầu tư mở rộng sản xuất (chưa kể lãi mặt xã hội). So với đường nhập khẩu lúc đó, giá này tương đối thấp hơn một chút. Như vậy việc tự túc đường trong nước vừa có hiệu quả kinh tế, vừa tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu đường. Nhưng thực tế diễn ra trong thời gian qua không như dự kiến kế hoạch. Cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới làm cho giá đường nhập khẩu giảm mạnh, dưới mức giá thành, dẫn đến đường nước ngoài qua con đường buôn lậu tràn vào nước ta khá nhiều, cạnh tranh quyết liệt với đường nội địa. Đường sản xuất nhiều, vượt cầu, khiến các cơ sở sản xuất bánh kẹo tiêu thụ khối lượng lớn đường, không cần dự trữ để tránh nộp thuế giá trị gia tăng. Vốn lưu động không được cấp, các nhà máy vẫn phải mua mía của nông dân, cho nên phải vay vốn lãi suất không được ưu đãi. Vốn đầu tư thiết bị vay của nước ngoài đã đến hạn trả cả vốn và lãi. Nhà máy mới đi vào hoạt động phải rút ngắn thời gian, khấu hao để có tiền trả nợ. Giá đường giảm xuống thấp, đường tồn kho nhiều, nhưng vẫn phải mua hết mía của nông dân theo giá quy định (180-200 nghìn đồng/tấn mía)... Tất cả những điều bất lợi nói trên đã được phản ánh không bình thường trong cơ cấu giá thành 1.800-2.000 đồng; khấu hao cơ bản 1.000 đồng; lãi vay 740 đồng; lương công nhân 200-250 đồng; chi phí khác 300-350 đồng. Tổng chi phí, một kg đường trên dưới 4.000 đồng, trong khi giá bán đầu hè năm nay chỉ có 3.000-3.500 đồng/kg (gạch dưới: NN).
Điều bất lợi nói trên cộng với sự yếu kém trong chỉ đạo, điều hành, quản lý của bản thân các cơ sở mía đường, đã làm khó khăn tăng gấp bội. Đó là việc quy hoạch vùng nguyên liệu thiếu vững chắc, còn nhiều yếu tố tự phát, rủi ro. Năng suất và chất lượng nguyên liệu mía còn rất thấp, chỉ bằng 1/5 thậm chí 1/10 khu vực và thế giới. Ngoài sự trục trặc của thiết bị, công nghệ, công tác quản lý kỹ thuật còn bất cập, mặc dù có thể hoạt động vượt 20% công suất thiết kế, nhưng chưa có nhà máy nào hoạt động đạt hơn 80%, thậm chí có nhà máy một năm chỉ đạt hoạt động vài ba tháng.
Con đường phát triển ngành mía
Quyết định số 194/1999/QĐ-TTg ngày 13-9-1999 về việc xử lý tài chính cho một số nhà máy đường, đã tạo điều kiện cho nhà máy đường phát triển sản xuất, hạ giá thành, tiêu thụ được sản phẩm, trả được nợ, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm trữ 100 nghìn tấn đường; miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm đường; các phụ phẩm, phế liệu thu thồi (mật rỉ, bã mía, bã bùn). Cụ thể là, năm 1999, được giảm số thuế giá trị gia tăng phải nộp tương ứng với số lỗ, nhưng cao nhất không vượt quá số thuế giá trị gia tăng phải nộp trong năm. Năm 2000 tạm thời giảm 50% số thuế giá trị gia tăng phải nộp hàng tháng. Đây là những biện pháp tình thế giúp ngành mía đường dượt qua khó khăn trước mắt. Về lâu dài ngành này tự thân vận động, tự khẳng định mình là một tập đoàn kinh tế mạnh, không cần phao cứu hộ, mà còn đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Tiến tới đích đó, không có cách nào khác là phải tạo ra những biện pháp mạnh, cơ bản thúc đẩy sản xuất - kinh doanh lành mạnh, đúng hướng. Đó là, đối với vùng nguyên liệu, trồng đủ mía theo quy hoạch đã được phê duyệt. Những nơi trước mắt, cũng như tương lai không có khả năng đáp ứng vùng nguyên liệu cho chế biến, cần tính toán chuyển ngay nhà máy đến nơi khác, có nguồn nguyên liệu phong phú, như các nhà máy đường Quảng Bình, Linh Cảm, Thừa Thiên- Huế đã làm. Đầu tư khoa học - kỹ thuật cho vùng mía, tạo ra các giống mía mới có năng suất cao, chữ đường nhiều, rải vụ. Dành vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi giao lưu trong khu vực vùng nguyên liệu với nhà máy và bên ngoài. Đối với các nhà máy, cần hoàn chỉnh nhanh, đủ, đúng các hồ sơ, thủ tục về tài chính để quyết toán và xử lý tài chính theo quy định. Trong nhà máy, tổ chức tốt quản lý sản xuất, nâng cao hiệu suất tổng thu hồi, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm chi phí, nhanh chóng hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Mở rộng các đại lý, tăng lượng đường bán ra. Mở rộng các công nghệ sản xuất các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường (phân vi-sinh, thức ăn gia súc, bánh lẹo, nước uống...). Mặt khác, cần tổ chức tốt việc tiêu thụ, chống nhập lậu đường, quản lý tốt thị trường... Đất nước 80 triệu dân, trong thời gian gần sẽ tăng lên 100 triệu với sản lượng một triệu tấn đường thì không nhiều. Khó khăn, thách thức hiện tại chỉ là tạm thời. Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, ngành mía đường chắc chắn sẽ khắc phục những yếu kém vượt qua khó khăn và phát triển, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.               
                                                
                     


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét