Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

 Hiền tài là nguyên khí quốc gia
Vì sao không sử dụng được người tài?


Nguyễn Trung
Hà Nội, tháng 07-2011


Mục lục:

I. Tầm vóc câu hỏi đặt ra…………………………………..tr. 2
I.1. Thực trạng đất nước hiện nay……………………………….tr. 2
      - Bức tranh tổng thể ….……………………………………...tr. 9
      - Kết luận về tham nhũng.…………………………………...tr. 9
      - Hòa giải hòa hợp đoàn kết dân tộc là điều kiện tiên quyết...tr. 9
      - Về tham nhũng……………………………………………..tr. 10
I. 2. Đất nước ta đang đứng trước một bước ngoặt quyết định….tr.10
1.2.1. Đứng cạnh Trung Quốc đang ngoi lên siêu cường……......tr.10
I.2.2. Đòi hỏi duy tân đất nước……………………………….......tr.11

II. Đánh vật với câu hỏi “Vì sao?”: Một chế độ chính trị đồng nghĩa với quốc gia………………………………………...tr.15
Suy luận rút ra…………………………………………………...tr. 20

III. Tìm hiểu một số vấn đề hóc búa…………………………...tr. 21
         
III.1. Cơ chế “đảng hóa” ngày nay và hệ lụy…………………...tr. 21
III.2. Lối ra: Đảng phải thôi làm vua……………………………tr. 26
III.3.: Ngọn cờ dân tộc dân chủ…………………………………tr. 29
III.4.: Dân chủ - điều kiện tiên quyết của hòa giải hòa hợp
          đoàn kết dân tộc………………………………………… tr. 30

Ba thách thức đương đại -  thay cho kết luận…………………tr. 32

Tài liệu tham khảo……………………………………………...tr. 34





***


I. Tầm vóc câu hỏi đặt ra   

           Tham gia nghiên cứu vấn đề sử dụng người tài ở nước ta, tôi được yêu cầu nêu lên những suy nghĩ của mình chung quanh câu hỏi: “Vì sao chế độ nước ta hiện nay không sử dụng được người tài?

          Đây là một câu hỏi khó và nhạy cảm.

          Câu hỏi nêu trên hàm ý rõ ràng: Chế độ chính trị nước ta đã một thời phát huy cao độ vai trò vô cùng quan trọng của người tài, thể hiện rõ nhất trong Cách mạng Tháng Tám và trong 4 cuộc chiến tranh ái quốc. Nhưng sau khi đã hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất quốc gia để đi vào thời kỳ xây dựng đất nước, chế độ chính trị nước ta ngày càng có nhiều bất cập trong việc sử dụng người tài.

           Vậy sẽ phải hỏi thêm: Tại sao cùng trong một chế độ chính trị, mà lại có hai thời kỳ khác nhau như vậy?

          Thiết nghĩ rất đáng huy động trí tuệ và ý chí của cả nước trả lời những câu hỏi này. Bởi vì làm được việc này, sẽ có thể mang lại cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước một cách nhìn khác, và sẽ có thể dấy lên một sức sống mới của cả nước. Người viết bài này mới chỉ đủ khả năng xới xáo một vài vấn đề thô thiển từ cảm nhận trực quan, rất mong trí tuệ và lương tri cả nước suy nghĩ rốt ráo vấn đề hệ trọng này.

          Lý lẽ rất đơn giản: Cuộc sống đất nước ta đang đặt ra hàng loạt vấn đề bức xúc.

I.1 Thực trạng đất nước hiện nay

          Đo đếm lại chặng đường đầu tiên của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời bình, GDP danh nghĩa bình quân tính theo đầu người của nước ta (GDP p.c.) sau 25 năm đổi mới tăng   khoảng 5 – 6 lần (từ 180 USD năm 1986, đạt 1115 USD năm 2010). Ta hôm nay sống tốt hơn so với ta trước đổi mới là rất đáng mừng. Nhưng ta so với thế giới quanh ta hôm nay và so với những thách thức đang đặt ra cho nước ta ngay trước mắt thì vẫn là đáng lo.

          Hãy xem xét, để nâng cao gấp 5 – 6 lần tăng trưởng TSPQN tính theo đầu người (GDP p.c.) như vừa trình bầy, nước ta cần 25 năm.  Song trước đây (cũng tính từ điểm xuất phát có mức GDP p.c khoảng trên dưới 200 USD), các nước như Trung  Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaisia.., chỉ cần một khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm hoặc ít hơn để hoàn thành chặng đường như thế (đạt GDP p.c. khoảng 1000 USD). Quan trọng hơn nữa là chặng đường đat “GDP p.c. 1000 USD” ấy của những quốc gia này mở ra cho họ sự phát triển rất năng động cho chặng đường tiếp theo. Còn ở nước ta từ vài năm nay bắt đầu đi vào khủng hoảng kinh tế mang tính cơ cấu, đang phải tìm lối ra.

          Một cách so sánh nữa: Năm 1995 GDP p.c của ta kém Trung Quốc (tính theo số tròn) 600 USD, kém Thái Lan 2400 USD, kém Hàn Quốc 9600 USD, kém Đài Loan 12.000 USD. 15 năm sau, cụ thể ở đây là năm 2010, các chỉ số này lần lượt là: 3208 USD, 3818 USD, 19.417 USD và 17.284 USD (nguồn Wikipedia). Rõ ràng ta ngày càng tụt hậu xa. Như thế có đáng lo không?
         
          Riêng từ năm 2007 đến nay (ngoại trừ năm 2009) lạm phát liên tục ở mức hai con số. Năm 2011 tiếp tục lạm phát hai con số ở mức cao hơn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và đình đốn (stagflation)[1]. Hiệu quả kinh tế ngày càng thấp so với tiền của và công sức bỏ ra, thể hiện rõ nét nhất ở chỉ số ICOR[2] từ nhiều  năm nay là trên 6 (trong khi đó các nước trong khu vực chỉ số này là 2 – 3!). Kinh tế hiện nay tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư mới, lao động chất lượng thấp, khai thác đến cạn kiệt tài nguyên và môi trường, tổn thất và thất thoát nhiều.

          Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay làm xong nhiệm vụ tạo ra sự phát triển khởi đầu cho một quốc gia trong thế giới ngày nay, bây giờ không còn phù hợp cho việc đi vào giai đoạn phát triển mớị.
          Quan trong hơn nữa, tình hình thế giới hiện nay có 4 đặc điểm là (a)cấu trúc kinh tế thế giới đang thay đổi sâu sắc với nhiều biến động mới khó lường, (b)sự suy yếu tương đối của Mỹ và phương Tây, (c)sự xuất hiện của Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường, đồng thời Nga và Ấn Độ ngày càng khẳng định xu thế đang lên của mình, (d) trên thế giới xuất hiện nhiều biến động chính trị sâu sắc với tính cách là hệ quả tất yếu của 3 đặc điểm trên. Đó chính là khủng hoảng kinh tế và chính trị rất sâu sắc của thế giới, một mặt làm thay đổi xu thế phát triển của quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, mặt khác đẩy nhanh hơn nữa quá trình phân cực và liên kết mới trên bàn cờ thế giới; trào lưu thế giới vì hòa bình, dân chủ, nhân quyền và bảo vệ môi trường trở thành một xu thế chính trị - xã hội ngày càng mạnh. Trên thế giới xuất hiện nhiều thách thức mới và cơ hội mới chưa từng có.

          Trong bối cảnh quốc tế mới như vậy, nếu nước ta tiếp tục con đường phát triển như hiện nay, chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2020 của nước ta chắc chắn thất bại, vì khả năng cạnh tranh thua kém, và vì không thể thích nghi được với tình hình mới. Chiến lược đối ngoại nước ta hiện nay đang theo đuổi (bao gồm cả kinh tế đối ngoại) không còn phù hợp với những thay đổi trong xu thế phát triển của quá trình toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, đồng thời cũng khó thích nghi được với quá trình phân cực và liên kết mới đang diễn ra trong bàn cờ thế giới. Cùng với sự tụt hậu của thể chế chính trị so với đòi hỏi phát triển của đất nước cũng như so với trào lưu tiến bộ trên thế giới, tiếp tục chiến lược phát triển đất nước như hiện nay, về đối nội cũng như đối ngoại, nước ta sẽ khó tránh khỏi bế tắc và đổ vỡ. Nước ta đứng trước đòi hỏi tất yếu phải tìm ra một chiến lược mới, với cách nhìn hoàn toàn mới.  

          Sự thật là sau mấy chục năm phát triển kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tích đạt được, đã và đang nảy sinh ngày càng nhiều hiện tượng nguy hiểm có tính chất loại bỏ tiêu chí dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên các phương diện quan trọng như: (a)hình thái tích tụ / phân bổ của cải trong xã hội, (b)hình thái chiếm hữu/ sử dụng tài nguyên quý báu nhất của quốc gia là ruộng đất, (c)hệ thống luật pháp và năng lực thực thi pháp luật.., (d)thực thi các quyền tự do dân chủ của nhân dân, vân vân. Rất đáng lo ngai là sự xuất hiện các nhóm lợi ích và các nhóm quyền lực đang lũng đoạn pháp luật, sự xuất hiện những giai tầng mới đang trở thành nguồn gốc của những bất công mới trong xã hội.., tất yếu dẫn tới hệ quả đang tích tụ ngày càng nhiều những mâu thuẫn mới trong xã hội – bao gồm cả những mâu thuẫn lúc này lúc khác giữa nhân dân và chính quyền…

          Từ nhiều năm nay nước ta sống trong một nghịch lý: Tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người càng cao, những ách tắc, bất cập, tham nhũng và các vấn nạn xã hội ngày càng tăng, chất lượng cuộc sống của nhân dân xuống cấp, niềm tin của nhân dân giảm sút!  Đó chính là những biểu hiện phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã. Đường lối của Đảng không chủ trương như vậy, nhưng từ nghị quyết đi đến cuộc sống nó lại hình thành ra như vậy. Tình hình này không đáng lo?


          Thử tìm hiểu thêm một vài lĩnh vực hệ trọng khác để xác minh.
         
Ví dụ:        

          1.1.1.: Trong lĩnh vực giáo dục: Có thể nói dân ta vốn hiếu học, thuộc loại đứng đầu thế giới trong việc thắt lưng buộc bụng chi cho giáo dục so với thu nhập của mình, thế nhưng so sánh dưới góc độ kết quả/chi phí bỏ ra thì phải nói (a)kết quả và chất lượng nền giáo dục nước ta đạt được thời chiến tốt hơn thời bình, (b)nền giáo dục nước ta hôm nay về cơ bản vẫn là một nền giáo dục lạc hậu trên thế giới, so với nhiều nước ASEAN cũng vậy. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp so với khả năng cho phép, chưa xây dựng được và chưa phát huy được con người của tự do, của sáng tạo. Lao động cơ bắp và lao động trình độ thấp, tâm lý làm thuê… vẫn là nét chủ yếu của nguồn nhân lực nước ta. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến nước ta lạc hậu mãi như hôm nay. Với thực trạng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội như hiện nay của đất nước, nền giáo dục của nước ta tự nó cũng đang góp phần xứng đáng của nó vào việc làm hỏng đất nước với nhiều hệ quả lâu dài, chưa biết sẽ làm sao khắc phục được. Vì sao như vậy?

          1.1.2.: Từ bắt đầu đổi mới năm 1986 đến nay có hiện tượng: Bộ máy ngày càng phình to, nhưng chất lượng Đảng, hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, phẩm chất cán bộ, cứ sau mỗi Đại hội Đảng lại xuống cấp một ít, xuống cấp so với chính nó ở Đại hội trước, và càng xuống cấp rõ hơn so với tình hình phát triển của đất nước đòi hỏi. Ở đây chẳng những Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước có những vấn đề bất cập, mà còn có nhiều vấn đề thực sự là “lực bất tòng tâm”, bởi vì nhiều cái đúng, cái tốt đã viết ra được, đã trở thành đường lối, nghị quyết và luật pháp, thế nhưng thực thi không được bao nhiêu, hoặc thậm chí không hiếm trường hợp chỉ còn lại là các văn kiện, văn bản – nghĩa là nằm trên giấy… Cứ nhìn vào tình hình đất nước 10 năm vừa qua so với 10 năm trước đó sẽ rõ…

          1.1.3.: Hiến pháp nước ta ghi rõ ràng: Nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bất chấp mọi nỗ lực tiền của, thời gian, chất xám bỏ ra rất rất nhiều cho xây dựng một nhà nước như thế, nhưng tại sao cho đến hôm nay cái chất của dân, do dân, vì dân của nó vẫn rất thấp? Thấp so với công sức bỏ ra đã đành, càng thấp hơn so với đòi hỏi phát triển của đất nước. Có thể thấy ngay cái thấp, cái bất cập này ở sự phát triển hầu như không thể kiểm soát nổi của nạn tham nhũng, ở môi trường tự nhiên đang bị tàn phá và môi trường xã hội đang xuống cấp trầm trọng, ở những ách tắc và bất cập ngay trong phát triển kinh tế, cũng như trong xử lý những vấn đề của phát triển như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, trong thực thi luật pháp; nhiều quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp bị xâm phạm nghiêm trọng… Cái thấp này còn thấy rất rõ ở mức độ nền dân chủ và sự công khai minh bạch của nước ta rất thấp so với những nước có GDP p.c. tương tự như nước ta – ví dụ như Ấn Độ... Vì sao vậy?

          1.1.4.: Mới đây nhất tại Hà Nội (18-07-2011) xảy ra hiện tượng công an bắt và đạp vào mặt người đi biểu tình bảo vệ chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Cùng với cách xử vụ án Cù Huy Hà Vũ, sự việc này là diễn tiến mới của quá trình chế độ chính trị nước ta sử dụng công cụ chuyên chính trực tiếp đàn áp việc làm yêu nước, phản ánh một xu thế phát triển nguy hiểm cho mối quan hệ giữa nhân dân và chế độ chính trị. Đáng lo hơn nữa là sự im lặng gần như điếc hẳn của toàn bộ khoảng 700 báo giấy và các mạng truyền thông của cả nước về các cuộc biểu tình liên tiếp trong nước và của nhiều người Việt đang sống tại nhiều nơi trên thế giới.  
Giáo sư Phạm Duy Hiển viết lên bức xúc của mình như thế này: “Mấy ngày hè nóng bỏng vừa qua, một số người đã xuống đường (biểu tình). Con số ít lắm, vài trăm không hơn. Lại cũng chỉ là một ép xi lôn (ε) so với dân số Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng những hình ảnh từ đây đã để lại bao nhiêu cảm xúc dâng trào cho hàng triệu người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều người đã khóc. Ngay đến bản thân tôi, nước mắt tưởng đã ráo hoảnh từ lâu rồi, mà sao vẫn cứ tuôn trào. Thế thì tại sao trên 700 tờ báo cách mạng không có lấy một dòng nào? Tại sao không có lấy một vị Tổng biên tập nào dám hy sinh một ép si lôn (ε) đi để vừa được yêu nước như các vị thường rao giảng trên các trang báo của mình, lại vừa khơi dòng chảy thông tin tưới tắm cho đất nước? Hóa ra giờ đây chỉ cần một tý ép xi lôn (ε) đó đủ để làm cho bạn hóa thân thành anh hùng dân tộc. Khó hiểu quá! Tôi xin thề rằng trong cuộc đời làm khoa học của mình tôi chưa bao giờ được trải nghiệm một nghịch lý quá bí hiểm như thế này…”
          Đặt sự “im lặng” nêu trên bên cạnh việc cơ quan quản lý nhà nước ở Lạng Sơn, ở Nghệ An phế bỏ những tấm bia của lịch sử yêu nước, chúng ta nghĩ gì?[3]…       

          1.1.5.: Gần đây nhiều người không sao hiểu nổi chuyện xuất hiện “Trường Thành” dài khoảng 300m với dòng chữ “Bất đáo Trường Thành phi đáo Hán” ngay tại Đà Lạt… Đặc biệt kết quả đau lòng của môn sử trong kỳ thi đại học năm nay (2011) làm cho những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà không thể bình tâm[4]. Tình hình chính trị - văn hóa - xã hội của nước ta như thế này thì nguy quá!

          1.1.6.: Sau 4 cuộc kháng chiến tự vệ đẫm máu, nhân dân ta rất thiết tha với hòa bình, mong muốn làm bạn với mọi người, càng không muốn gây gổ với ai.., thế mà hôm nay nước ta vẫn bị chèn ép nhiều bề, chưa dành được vị thế quốc tế đáng có và cần phải có cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trí tuệ nào và bản lĩnh nào mà lại để cho đất nước rơi vào tình thế như vậy? Trên bàn cờ quốc tế, thật khó mà nói được ta đã trở thành bạn tin cậy của ai, dù là ta muốn lắm; và cũng khó nói lắm ai là bạn tin cậy của ta, dù là ta cần lắm. Đến hôm nay, ta vẫn chưa thể nói được là đã thành phường thành hội với ai trên thị trường thế giới, đấy là bạn kinh tế. Bạn chính trị càng mong manh hơn nữa. Vì sao chứ? Chính ta cũng phải tự hỏi mình: Ta như thế này, không biết thiên hạ có thích làm bạn với nước ta không nhỉ? Làm sao ăn ngon ngủ yên được nếu ta tự chất vấn: Nước ta đang đứng ở đâu trong cái thế giới ngày càng quyết liệt này?

           Vân vân…

          1.1.7.: Chưa hết, còn một vấn đề vô cùng quan trọng, chi phối và sẽ quyết định mãi mãi số phận của đất nước, đó là: Sau 36 năm độc lập thống nhất, xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình, vết thương dân tộc từ hai cuộc kháng chiến đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn tiếp tục rỉ máu; sự nghiệp thu phục nhân tâm về một mối vì sự yên ấm và cường thịnh của Tổ quốc vẫn còn xa vời phía trước. Không hàn gắn được vết thương dân tộc vẫn đang rỉ máu này, mục tiêu của Cách mạng Tháng Tám và của 3 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc sẽ không còn mấy ý nghĩa. 

          Ở đây không phải chỉ có những hệ quả không sao tránh khỏi thuộc vấn đề Nam/Bắc do hai cuộc kháng chiến để lại, và cho đến nay cả khoa học và chính trị chính thống của chế độ chính trị nước ta đều tìm cách lẩn tránh. Trên bàn thờ của hàng triệu hàng triệu gia đình người Việt ta từ Bắc chí Nam, bên này hay bên kia, năm này qua năm khác vẫn nghi ngút khói hương của đau thương, mất mát. Điều này có nghĩa còn lẩn tránh, thì vấn đề này vẫn còn đấy, tương lai đất nước sẽ còn nhiều trắc trở, không thời gian nào xóa được. Đơn giản vì lịch sử chẳng quên điều gì, mỗi chúng ta cũng không được phép quên điều gì. Hơn nữa, xin đừng lúc nào quên hơn 3 triệu người Việt hiện đang sống ở nước ngoài là máu thịt của cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, trong quá khứ, trong hiện tại và trong tương lai mãi mãi là máu thịt của cộng đồng dân tộc Việt Nam ta, với tất cả mọi ký ức đau thương không gì xóa được.  

          Lịch sử quốc gia không chỉ là những việc đã xảy ra không làm lại khác được, mà còn để lại những hệ quả. Hiện tại và tương lai của nước ta trong bối cảnh thế giới quyết liệt ngày nay phụ thuộc sâu sắc vào việc chúng ta khắc phục những hệ quả này như thế nào. Đấy là thực tế khách quan, không có cách gì phủ nhận hay tránh né được.

          Bàn về sự thống nhất dân tộc, ở đây còn phải nói đến tình trạng khoảng cách giầu nghèo ngày càng lớn đang không ngừng làm sâu sắc những phân hóa mới ngay trong lòng xã hội nước ta. Lại thêm sự hoành hành của tham nhũng, của các nhóm đặc quyền đặc lợi, sự xuất hiện các giai tầng xã hội mới với những bất công mới… Tất cả những hiện tượng này khiến lòng dân không yên.,   Khẩu hiệu Đảng đưa ra “Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, “Chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của nhân dân ta!” trong bối cảnh cuộc sống thực như đã trình bầy trên làm sao thuyết phục được nhân dân? làm sao gắn bó được nhân dân lại triệu người như một?  

          Cho nên, thu nhân tâm về một mối, thực hiện hòa hợp hòa giải đoàn kết dân tộc, để không bao giờ tái diễn cảnh nồi da xáo thịt, để mãi mãi toàn dân tộc chung sức chung lòng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, dứt khoát không thể thực hiện được chỉ bằng khẩu hiệu hay các việc nửa vời. Chính vì lý do này, đất nước đã thống nhất, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thể nói được lòng người đã thống nhất! Cuộc sống cũng chỉ ra: Nhiệm vụ trọng đại thu nhân tâm về một mối trước hết là vấn đề của thực hiện dân chủ: thực hiện quyền làm chủ đất nước cuả người dân trong toàn thể cộng đồng dân tộc ta[5]. Hòa hợp hòa giải đoàn kết dân tộc với tinh thần như vậy là điều kiện tiên quyết mãi mãi cho một Việt nam hạnh phúc và cường thịnh.

          Trở lại câu chuyện hiền tài, không thể không đặt ra câu hỏi: Đã 36 năm rồi, nước ta đang đứng ở đâu trong việc thực hiện điều kiện tiên quyết này? Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam để ở đâu mà đến nay vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu nhiệm vụ thu nhân tâm về một mối như vậy? Chẳng lẽ dân tộc ta chỉ có khả năng thống nhất khi chống ngoại xâm, nhưng không thể có thống nhất trong thời bình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc?[6]

           Bức tranh tổng thể ngày nay của đất nước là: làm ăn thu được kết quả không tương xứng với công sức bỏ ra, không tương xứng với những cái giá phải trả; thành tích nhiều và tăng trưởng nhiều nhưng không bền vững và chất lượng thấp, bước phát triển trước thường không chuẩn bị tốt được mà có khi gây thêm khó khăn cho bước phát triển sau. So với thiên hạ, nước ta vẫn thua em kém chị nhiều mặt, khiến cho nước ta đến nay vẫn chưa có được chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế. Nhìn về thời cơ và thách thức đang đặt ra cho đất nước thì còn đau đầu hơn nữa… Trong những cái đạt được có không ít cái  giả dối, cái phô diễn, cái hình thức, chẳng những  gây tốn kém, mà còn mầm mống cho những khó khăn mới. Chính những cái giả, diễn, hão” này đang trở thành nguồn sống của tất cả những ký sinh làm hao mòn sức sống của đất nước[7]. Chế độ chính trị tha hóa tới mức đang cản trở sự phát triển năng động của đất nước[8].

          Tình trạng tha hóa của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đến mức phải rút ra kết luận: Tham nhũng là kẻ bóc lột ghê tởm nhất trong chế độ ta, băng hoại mọi giá trị và đạo đức xã hội, làm nhụt nhuệ khí của nhân dân, một mặt tìm cách thâu tóm quyền lực, mặt khác lại tạo trận địa cho bàn tay của bên ngoài lũng đoạn. Có thể nói, ngày nay tham nhũng đang làm cho đất nước nghèo đi và yếu hèn, đối kháng quyết liệt đối với mọi nỗ lực vì dân chủ và tiến bộ xã hội, có nguy cơ cướp mất cơ hội phát triển mới của đất nước. Vì những lẽ này, tham nhũng trở thành kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta!

          I. 2. Đất nước ta đang đứng trước một bước ngoặt quyết định

          1.2.1.: Đứng cạnh Trung Quốc đang ngoi lên siêu cường

          Là nước láng giềng có vị trí địa lý nằm án ngữ con đường độc đạo của Trung Quốc đang ngoi lên thành siêu cường, tạo hóa  ác ý biến Việt Nam ta thành chướng ngại vật số một mà Trung Quốc cần khuất phục bằng mọi cách, hòa bình hay không hòa bình. Tự thân cuộc sống đặt ra cho nước ta vấn đề sống còn như thế, không quan tâm đến việc nước ta chấp nhận đối mặt hay chạy trốn[9]. Trung Quốc quyết liệt như thế nào để trở thành siêu cường, thì mức độ đối xử của họ đối với cái chướng ngại vật tự nhiên có tên gọi là Việt Nam này sẽ quyết liệt như thế, dù ta có quỳ xuống van xin để được yên thân cũng không thoát. Thực tế này là một áp đặt bất khả kháng, không cho nước ta lựa chọn, mà chỉ đặt ra câu hỏi quyết liệt như một định mệnh:
         
          Là láng giềng sát nách một siêu cường Trung Quốc đang lên như thế, Việt Nam lựa chọn cho mình một chiến lược thích nghi và phát triển như thế nào để vẫn giữ được độc lập chủ quyền quốc gia, đồng thời là một đối tác được tôn trọng?
         
          Thật ra bây giờ mới đặt ra cho cả nước, cho toàn dân tộc câu hỏi này là quá muộn, bởi lẽ tham vọng trở thành siêu cường của Trung Quốc không phải do người Trung Quốc đêm hôm qua quá chén chợt nghĩ ra. Nếu quan tâm đến những ý kiến cảnh báo của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, đặt ra câu hỏi này trước và sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 cũng không phải là sớm[10]. Nhưng cho đến hôm nay, thực sự nước ta vẫn chưa có câu trả lời.

          Ngày nay, chừng nào nước ta – từ  người lãnh đạo cao nhất đến từng người dân – còn chưa nghiêm túc đặt ra cho mình câu hỏi nêu trên thì vẫn chưa thể có câu trả lời. 

          Trung Quốc bây giờ không còn chỉ nói nữa, họ đang leo thang trong hành động. Gần đây nhất, sau sự kiện Bình Minh 02 và sự kiện Vicking II, ngày 16-06-2011 Trung Quốc lại cử tầu tuần tra, thực chất là một chiến hạm, mang tên Haisun số 31, có trọng tải 3000 tấn và mang theo trực thăng, nhằm đơn phương xác quyết đường lưỡi bò 9 vạch, kết hợp với đi thăm chính thức Singpore! Đồng thời hiện nay Trung Quốc vẫn tiếp tục đuổi bắt thuyền đánh cá của ngư dân ta, tiến hành những hoạt động xâm phạm vùng biển nước ta, Mọi kịch bản “xử lý” cái chướng ngại vật này từ thấp đến cao đã được soạn thảo. Trên báo chí tiếp tục ngôn ngữ bá chủ, trấn an, mạt sát, xuyên tạc nước ta...  Mọi phương án đã sẵn sàng!

          Nếu chúng ta theo dõi chặt chẽ những động thái xảy ra trong đời sống hàng ngày ở khắp mọi miền đất nước ta, qua đó xem xét cặn kẽ sự thâm nhập, sự lũng đoạn của quyền lực mềm Trung Quốc vào toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước ta, vào các vấn đề có liên quan đến an ninh và quốc phòng của ta.., có thể nhận định: Tình hình rất nguy hiểm, Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trên con đường theo đuổi ý đồ chiến lược là tạo ra một Việt Nam lệ thuộc, èo uột, để dễ bề khuất phục[11].
         
          Lại một lần nữa liên quan đến câu hỏi “Vì sao..?”: Trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam hôm nay ứng xử ra sao trước những thách thức như thế của siêu cường Trung Quốc đang lên? Chúng ta ngày nay đã và đang làm gì so với tổ tiên và các bậc tiền bối của chúng ta trong suốt lịch sử hơn 2000 năm dựng nước và giữ nước?
          …

           Toàn bộ câu chuyện được trình bầy trong phần mở đầu này của bài viết đã phác hoạ ra bối cảnh của đất nước và tầm vóc những bức xúc đặt ra cho câu hỏi:  “Vì sao chế độ chính trị hiện nay không sử dụng được người tài?”

          Hy vọng là thế.
          Bởi vì trả lời hai chữ “vì sao..?” hóc búa này, chúng ta không thể tùy tiện tư duy theo nhận thức chủ quan hay ước vọng của chúng ta trong một thế giới hư không được, mà phải bám sát những vấn đề, những thách thức phía trước đang đặt ra cho đất nước ta trong bối cảnh quốc tế hôm nay.
         
          I.2.2.: Đòi hỏi duy tân đất nước
          Có thể khái quát như thế này:
          (a)Kinh tế nước ta đã trải qua thời kỳ phát triển ban đầu, hiện nay đang đứng trước yêu cầu nhất thiết phải chuyển đổi cơ cấu để đi vào thời kỳ phát triển bền vững. Vì đòi hỏi khách quan này không đáp ứng được, nên sau khi các biện pháp của đổi mới đã làm xong nhiệm vụ của nó và hết đà, kinh tế nước ta từ năm 2008 lâm vào cuộc khủng hoảng kéo dài và sâu sắc nhất kể từ khi tiến hành đổi mới. Nguyên nhân từ bên ngoài đến sau và tác động thêm vào.
          (b)Đồng thời nước ta phải đối mặt với cục diện quốc tế đầy những thách thức mới do xuất hiện một Trung Quốc đang ngoi lên thành siêu cường, lại trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới đang có nhiều biến động lớn.
          (c)Thể chế chính trị nước ta ngày càng tụt hậu so với sự phát triển của đất nước cũng như so với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong bối cảnh quốc tế mới. Thực tế này đòi hỏi phải cải cách triệt để thể chế chính trị nước ta để có thể đáp ứng được những nhiệm vụ mới đã nêu trong hai điểm (a) và (b) nói trên.
          Ba vấn đề vừa nêu cho thấy: Những biện pháp trong tiến hành đổi mới như vừa qua đã thực hiện xong, nhưng bây giờ là không đủ, và  trước bước ngoặt định mệnh của đất nước hôm nay là không còn thích hợp nữa! Tất cả phải xem lại, phải thay đổi, để mở ra cho đất nước một thời kỳ phát triển mới.
   Trong cục diện mới của thế giới với Trung Quốc đang ngoi lên thành siêu cường, sự tồn tại và phát triển của nước ta đặt ra đòi hỏi khách quan là phải tìm ra một con đường mới, một chiến lược phát triển mới thích nghi được với cục diện mới này. Đây là vấn đề chiến lược có ý nghĩa sinh tử đối với đất nước, nêu ra bây giờ đã là muộn nhưng chưa phải là quá muộn. Cốt lõi của vấn đề này là làm sao tạo ra được cho nước ta sức mạnh kinh tế, nội trị và đối ngoại để có thể “trụ” được  - với nghĩa là không đánh mất mình - và phát triển được bên cạnh một siêu cường đang “nóng” như thế.
   Câu trả lời chỉ có thể là: phải có một thể chế chính trị có khả năng phát huy được nguồn lực lớn nhất của đất nước là con người Việt Nam, để xây dựng và thực hiện được một chiến lược phát triển kinh tế, nội trị và đối ngoại tạo ra cho Việt Nam có sức mạnh thích nghi với cục diện mới của thế giới.
   Có thể nói tới mức: Đặt vấn đề như vậy, có nghĩa là chúng ta phải thay đổi tất cả, từ tư duy đến hành động, từ chiến lược mới phải đề ra cho đến mục tiêu phải đạt được… Xem xét như vậy, có thể nói ngay: Chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đến năm 2020 như đang tiến hành chẳng những sẽ là không thực hiện được mà còn trở nên lỗi thời, thậm chí sẽ phá sản bên cạnh “cái công xưởng của thế giới” là siêu cường TQ đang lên như vậy – đơn giản vì không cạnh tranh nổi, và ngày càng lệ thuộc. Xem xét các lĩnh vực khác cũng phải rút ra những nhận xét tương tự… Hơn nữa, cục diện chính trị thế giới đang thay đổi sâu sắc trong quá trình  phân cực mới.
   Khi đất nước bi xâm lược, tất cả phải tập trung vào nhiệm vụ đánh giặc cứu nước. Bây giờ đất nước đứng trước bước ngoặt quyết liệt như một định mệnh, tất cả phải vì sự nghiệp duy tân đất nước.
   Vì vậy, tất cả phải được nhìn nhận lại. Tất cả phải thay đổi! Đòi hỏi này đã quá chín muồi, cần được nêu ra cho toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta xem xét và quyết định – một nhiệm vụ vô cùng quan trọng không thể thoái thác của ĐCSVN với tính cách là đảng lãnh đạo, trừ phi ĐCSVN muốn tự hạ thấp mình xuống đảng cầm quyền hay đảng cai trị!
   Hiển nhiên, dấy lên một phong trào duy tân đất nước ngày nay trở thành lẽ sống còn.  
          Ba đòi hỏi vừa nêu trên cho thấy mỗi người dân Việt ta phải sớm rũ bỏ mọi yếu kém và các thói hư tật xấu, phải gạt sang một bên mọi giáo điều, để tìm ra bằng được câu trả lời phải có cho đất nước trước bước ngoặt định mệnh này. Cả nước cần một lòng, một ý chí tạo dựng nên một nước Việt Nam là một đối tác đứng được trên đôi chân của mình và được cả thế giới tôn trọng.
          Tôi chưa tìm ra được tên gọi vừa với ý mình cho đoạn đường mới phía trước đất nước phải vạch ra do bước ngoặt này. Nhưng tôi cảm nhận được sự bức súc: Để nước ta tiếp tục đi lên trong thế giới ngày nay có siêu cường Trung Quốc sát nách đang xuất hiện, lại trong một thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quyết liệt, nước ta rất cần một phong trào duy tân, duy tân triệt để, đại thể có tầm vóc vực dậy đất nước đứng lên khỏi trạng thái èo uột và bị uy hiếp như hiện nay, một sự nghiệp vực dậy như đã từng diễn ra và làm nên cường quốc kinh tế Nhật Bản hôm nay sau chiến tranh thế giới II, hay đại thể như đã từng diễn ra ở Nam Triều Tiên sau chiến tranh để từ đó làm nên nước công nghiệp Hàn Quốc có nền kinh tế hiện nay đứng thứ 9 thứ 10 thế giới… Thiết nghĩ đòi hỏi duy tân đất nước ngày nay có lẽ còn thúc bách hơn nhiều lần so với thời Phan Châu Trinh – vì đòi hỏi phát triển của chính nước ta, vì yêu cầu phải cùng với cả cộng đồng các  quốc gia trên thế giới dấn thân cho hòa bình, dân chủ, quyền con người và bảo vệ môi trường. Song ngày nay sự nghiệp duy tân đất nước ta cũng hiện thực hơn trước nhiều lần.  
          Một thời kỳ phát triển duy tân như thế cho đất nước sẽ được hình dung, được phác thảo như thế nào, xin dành cho những dịp khác khi được bàn tới. Nhưng ngay trong bài viết này tôi muốn nhấn mạnh: Một đòi hỏi về duy tân đất nước như thế, thiết nghĩ nó phải được cảm nhận sâu sắc trong hơi thở, trong ý nghĩ, trong mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi đất nước đang đặt ra cho chúng ta hôm nay.  Một nền dân chủ đích thực cho đất nước, một nền giáo dục tiên tiến, sàng lọc và rèn luyện để tạo lập nên một tầng lớp tinh hoa lèo lái con thuyền quốc gia trong đại dương thế giới hôm nay –  thiết nghĩ đấy là 3 mục tiêu cụ thể của phong trào duy tân này, cần thực hiện bằng được.
          Ba mục tiêu này có lẽ sẽ mãi mãi là 3 cột trụ của sự phát triển bền vững cho một Việt Nam hạnh phúc, cường thịnh. Bởi vì Việt Nam không thể vươn  ra đại dương thế giới bằng con tầu ọp ẹp do thiếu vắng nền dân chủ đích thực và nền giáo dục tiên tiến. Con tầu Việt Nam không thể thiếu vắng đội ngũ tinh hoa tiên tiến của dân tộc vận hành nó trên đại dương đầy sóng gió. Ba cột trụ này của sự phát triển là những điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công cấu trúc giường cột của một quốc gia phát triển dựa trên kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Tôi tin vững chắc vào điều này.
          Hãy mở đầu việc phấn đấu thực hiện phong trào duy tân  này bằng thực hiện sự công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước, trước hết thực hiện sự công khai minh bạch mang lại sự thuyết phục cao nhất và sự đồng tâm nhất trí cao nhất về đòi hỏi tất yếu phải xây dựng bằng được 3 cột trụ này của sự phát triển cho đất nước chúng ta. Tôi hy vọng đã diễn tả được những ước muốn khát khao của mình về một phong trào duy tân cần dấy lên này cho đất nước ta.
          Tự đáy lòng mình, tôi thực sự muốn nói: Cả dân tộc Việt Nam ta lúc này hơn bao giờ hết cần mau chóng thức dậy khỏi cơn mê muội đất nước èo uột hiện nay, vì sự nghiệp duy tân này! Toàn thể dân tộc ta cần xả thân cho sự nghiệp duy tân này – với tinh thần: Sống hay là chết! Trí tuệ và người tài của đất nước cần đi đầu dấn thân cho phong trào duy tân này, với tất cả tinh thần: Sống hay là chết!
            ĐCSVN hiện nay nếu muốn tiếp tục vai trò lãnh đạo đang giữ trong tay và nếu muốn đi hẳn với dân tộc, nhất thiết phải bằng mọi giá tạo ra cho mình phẩm chất và khả năng dấy lên và đi đầu một phong trào duy tân đất nước như thế của dân tộc. Quyết định này đối với ĐCSVN chí ít cũng đầy đủ ý nghĩa với tất cả sự quyết liệt: Sống hay là chết! Còn hay không còn sự tồn tại của ĐCSVN với tính cách là một đảng cách mạng – đảng lãnh đạo! Không có bất kỳ duy ý chí nào buộc ĐCSVN phải làm như vậy, mà chỉ có bước ngoặt định mệnh phía trước của đất nước áp đặt lên Đảng phải lựa chọn quyết định sống còn này mà thôi[12]. Lẽ dĩ nhiên, chỉ có đảng cầm quyền, đảng cai trị thì chẳng cần và cũng chẳng muốn sự lựa chọn này!


II. Đánh vật với câu hỏi “Vì sao..?”: Một chế độ chính trị đồng nghĩa với quốc gia

          Khi nhóm nghiên cứu giúp cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc này đồng chí Võ Văn Kiệt đã nghỉ hưu) bàn về vấn đề đổi mới công tác xây dựng Đảng, tìm hiểu những nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công của ĐCSVN trong Cách mạng Tháng Tám và trong 4 cuộc chiến tranh ái quốc, tôi cho rằng có 4 nguyên nhân chính:

1.     Đảng giác ngộ đươc sâu sắc sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước.
2.     Để ra được chủ trương đường lối và những quyết sách thực hiện được sự  nghiệp này.
3.     Đảng phát huy được sức mạnh của nhân dân thực hiện sự nghiệp này và tranh thủ được sự hậu thuẫn của trào lưu thế giới tiến bộ.
4.     Đảng viên và toàn bộ hệ thống chính trị của Đảng đi đầu hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp này.
         
          Trong 4 nguyên nhân nêu trên, hiển nhiên trí tuệ và ý chí là yếu tố nổi bật, là nền tảng của đạo đức cách mạng, là chính phẩm chất cách mạng.
         
          Tôi chủ định không viện dẫn bất kỳ chủ nghĩa hay tư tưởng nào trong 4 nguyên nhân nêu trên, vì cho rằng mọi thứ chủ nghĩa hay tư tưởng nếu đúng và nếu được thực hiện đúng, thì cũng chỉ là phương tiện thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước trong từng thời kỳ và trong bối cảnh nhất định, và cũng chỉ đem lại một số kết quả nhất định mà thôi. Không nên biến những thứ này thành kinh thánh, hoặc quy luật cho muôn đời. Đấy là chưa nói đến những thứ chủ nghĩa và tư tưởng này trong những phương diện và hoàn cảnh nhất định đã gây ra không ít tác hại cho đất nước ta trên con đường đấu tranh tự giải phóng mình và vươn lên. Vì thế còn phải nói: Không có 4 nguyên nhân này, nói khái quát hơn nữa, không có phẩm chất này, chủ nghĩa hay tư tưởng nào cũng không dùng được.

     Nếu có gì đáng nói về ý thức hệ, hay gọi một cách suy nghĩ nào đó là ý thức hệ phải tuyệt đối trung thành, thì đó chỉ có thể là ý thức và tinh thần: Tổ quốc Việt Nam trên hết! Lợi ích quốc gia  Việt Nam trên hết!

      Suy nghĩ như vậy, xin tha thứ và xin đừng quy kết là ngạo mạn khi tôi cho rằng: Ý thức hệ này của dân tộc ta nói chung ngày nay còn nhiều mặt yếu kém so với đòi hỏi khách quan của thế giới đặt ra. những người nắm trong tay địa vị lãnh đạo, yếu kém này càng lớn so với trách nhiệm của họ đối với đất nước – dù họ là ai, bên này hay bên kia; bởi vì lợi ích quốc gia, sự tôn nghiêm và danh dự của đất nước chỉ có một sự phán xét chung không phân biệt đối sử dành cho mọi công dân của nó!  Đặc điểm lớn nhất của yếu kém này có lẽ là những hạn chế trong xác lập tầm nhìn thế giới cho phép định vị chính xác chỗ đứng phải lựa chọn và lợi ích của quốc gia mình trong mọi tình huống biến động của thế giới.

      Sự yếu kém này có lẽ là nguyên nhân chủ yếu, hoặc là một trong những nguyên nhân chủ yếu, khiến cho về đối nội đã góp phần không nhỏ đẩy đất nước rơi vào nhiều vòng đau thương, và cho đến hôm nay vẫn chưa tạo ra được sự đồng thuận và sự thống nhất ý chí dân tộc mà vận mệnh và sự nghiệp của đất nước luôn luôn đòi hỏi. Về đối ngoại, yếu kém này không ít lần xô đẩy đất nước, hoặc không cứu được đất nước ra khỏi sự xô đẩy của các cơn bão trên bàn cờ quốc tế. Là môt nước nhỏ cạnh nước lớn “rất nóng”, lại là môt nước luôn luôn có vị trí địa chính trị là nơi tranh chấp của các lực lượng khác nhau trên thế giới, ý thức hệ này – nói chuẩn xác hơn sự giác ngộ này về chỗ đứng đất nước phải lựa chọn và về lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế – là đòi hỏi sống còn giữ cho đất nước thoát khỏi cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, là không thể thiếu để chủ động làm thất bại mọi ý đồ muốn biến đất nước ta thành một bình phong hay một quân tốt trên một bàn cờ nào đó.
     
      Trên hết cả, là một đất nước luôn luôn phải đứng chính diện trên điểm nóng bỏng thường trực của địa kinh tế và địa chính trị thế giới gần 2 thế kỷ nay, sự giác ngộ này về chỗ đứng đất nước phải lựa chọn và về lợi ích quốc gia trong bối cảnh quốc tế là điều kiện tiên quyết để nước ta có ý chí và có khả năng tạo ra được cho mình con đường giành lấy vị thế quốc tế xứng đáng.

      Không phải ngẫu nhiên trong giới nghiên cứu đã có người phải kêu lên: Việt Nam luôn luôn là nạn nhân của sự tàn bạo của địa lý! Viêt Nam mắc phải “lời nguyền” địa lý…  Hiển nhiên không một thứ “chủ nghĩa” hay “tư tưởng” nào có thể giúp nước ta thay đổi tình huống này. Thử hỏi, chính người Việt chúng ta ngày nay đã giác ngộ đầy đủ thực tế địa lý bạo ngược này áp đặt lên đất nước ta? Xin hãy tỉnh lại đi! Chúng ta phải tỉnh lại để dứt khoát bứt ra khỏi sự mê hoặc của bất kỳ cái gì gọi là “chủ nghĩa” và “tư tưởng”!

      Giữa một bên là đòi hỏi của đất nước về sự giác ngộ này, một bên là trí tuệ và cái tâm của chúng ta, rõ ràng là có khoảng cách lớn. Trong thế giới quyết liệt ngày nay, sự giác ngộ này  là điều mỗi người Việt Nam chúng ta đang cần nhất, để tự quyết định vận mệnh của mình và của đất nước. Nhìn chung trong cả nước, sự giác ngộ này còn đứng cách xa những đòi hỏi và thách thức của đất nước ngày nay.
       
      Xin được bàn sâu về chủ đề này trong một dịp thuận tiện.   
         
          Liên quan đến câu hỏi “vì sao?” của hội thảo này, phải chăng chính vì có phẩm chất như đã trình bày trên, nên chế độ chính trị nước ta  suốt thời kỳ này – 1945-1975 – về cơ bản đã làm tốt được nhiệm vụ phát huy và sử dụng người tài?
         
          Có rất nhiều dẫn chứng làm cơ sở cho nhận định trên. Mọi người chắc hẳn còn nhớ tiếng gọi của non sông đất nước hồi ấy đã thức tỉnh toàn dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám, toàn dân quyết tâm kháng chiến cứu nước với tất cả tinh thần ai có súng dùng súng, ai không có súng thì dùng gươm giáo gậy gộc… Tiếng gọi non sông đất nước lúc ấy chính là tiếng gọi của Đảng hồi ấy. Các chiến sỹ tiên phong trong cuộc chiến đấu này chính là các đảng viên một lòng vì dân vì nước… Đảng lúc bấy giờ còn ít lắm, với chỉ khoảng 50 nghìn đảng viên, Đảng không thể có mặt ở khắp mọi nơi, nhưng Đảng là linh hồn của cuộc Cách mạng này, của kháng chiến… Đảng lúc ấy đã làm cho cuộc Cách mạng này, và cuộc kháng chiến sau đó trở thành sự nghiệp của toàn dân, do chính nhân dân thực hiện, vì khát vọng cao cả nhất của nhân dân: Chấm dứt kiếp nô lệ, giành lại độc lập và quyền của người dân làm chủ đất nước
         
          Sử dụng người tài trong thời kỳ này, ở góc độ bình dị nhất là phát huy tài năng, trí sáng tạo, quyết tâm của từng người dân tham gia kháng chiến. Rất dễ hiểu, đánh lại kẻ giặc mạnh hơn mình rất nhiều, với tay không, hoặc chỉ với vũ khí thô sơ, mà không có trí tuệ sáng tạo, không có những kỹ năng tối thiểu cần thiết, thì rõ ràng không thể giành thắng lợi.
         
          Đáng lưu ý: Trong quá trình cách mạng này, có không biết bao nhiêu người dân bình thường – dù thuộc thành phần xã hội nào và ở trình độ trí thức nào, kể từ những người khố rách áo ôm với đúng nghĩa đen của cụm từ này, những người thất học, cho đến những người ở các tầng lớp xã hội khác, có học vấn cao thấp khác nhau, đã trở thành các tướng tài, các chỉ huy giỏi, các cán bộ kiệt xuất, là giường cột của sự nghiệp cách mạng… Thắng lợi của cách mạng, của kháng chiến không thể thiếu những tài năng và những người tài như thế. Cũng còn phải nói, cách mạng và kháng chiến đã làm nên những tài năng và những người tài như thế!
         
          Sử dụng người tài trong thời kỳ này ở góc độ phát huy vai trò các nhân sỹ, nhân tài của dân tộc, lịch sử nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có biết bao nhiêu sự kiện lay động lòng người về đoàn kết hòa hợp dân tộc trên tinh thần dân chủ, và còn mãi mãi ấn tượng sâu sắc đến hôm nay và mai sau. Có lẽ chưa một thời kỳ nào có nhiều nhân sỹ và nhân tài tham gia Chính phủ lâm thời, Chính phủ VNDCCH, tham gia kháng chiến và tham gia chính sự đất nước như thời kỳ này, đóng góp vô cùng quan trọng vào thành công của Cách mạng – nhất là trong khi Cách mạng ở thời kỳ trứng nước và trong nhiều vấn đề quan trọng khác – ví dụ như sự nghiệp phát triển giáo dục, sự nghiệp phát triển y tế, xây dựng nhà nước pháp quyền… Ngày nay mọi người còn nhắc đến “thế hệ vàng” là các trí thức và nhân sỹ lớn đã đem hết tâm huyết và trí tuệ phụng sự đất nước, góp phần làm nên những thành quả có tính cách đặt nền móng cho sự nghiệp phát triển các lĩnh vực khác nhau của đất nước sau này.
         
          Vậy phải chăng có thể sơ bộ kết luận, suốt thời kỳ này người tài được trọng dụng và phát huy cao độ vì các lẽ:

1)          Chế độ chính trị được lãnh đạo bởi tầng lớp có trí tuệ và ý chí cách mạng kiên định – tiêu biểu là các nhân vật lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và công cuộc kháng chiến.
2)          Hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước được xây dựng gồm những con người gắn bó với nhân dân, trung thành với sự nghiệp cách mạng, được rèn luyện và lựa chọn thông qua thử thách trong quá trình cách mạng.
3)          Nhờ nguyên nhân 1 và 2 (cơ bản vẫn là những nguyên nhân con người, nguyên nhân có người tài[13] trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước) hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước một mặt có khả năng lớn thực thi các nhiệm vụ cách mang đề ra, nói được là làm được; mặt khác nó gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hệ thống chính trị không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và của sự nghiệp mạng.
4)          Trong thời chiến không thể có thiết chế dân chủ giống như trong thời bình với mục đích tạo ra sự đồng thuận xã hội cao nhất cho mọi vấn đề, mọi nhiệm vụ đất nước đặt ra. Thế nhưng bản chất và khả năng của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước thời ấy như đã nêu trong điểm 3 cho phép tạo ra sự đồng thuận lớn nhất của nhân dân cho nhiệm vụ cách mạng, tạo ra sức mạnh to lớn hoàn thành nhiệm vụ cách mạng (nghĩa là trong bối cảnh kháng chiến và vì nhiệm vụ chính trị là kháng chiến, có thể nói chế độ chính trị nước ta thời ấy là rất dân chủ).
5)          Tuy các thiết chế luật pháp thời kỳ này còn rất sơ sài, song hệ thống chính trị  và bộ máy nhà nước cùng với những con người của nó chịu sự thử thách, sàng lọc rất nghiêm khắc của bản thân cuộc kháng chiến, của tinh thần tự giác cao ở từng con người phụng sự trong hệ thống  chính trị và bộ máy nhà nước, của cả xã hội kháng chiến cứu nước. Lẽ đơn giản bất kể sự tha hóa nào trong chiến tranh, dù là của tổ chức hay của cá nhân, đều ngay tức khắc gây ra thất bại và đều ngay tức khắc bị chiến tranh sát phạt nghiêm khắc, nhiều khi phải trả xương máu rất đắt. Thực tế này là cơ chế sàng lọc, đào thải không thương tiếc mọi tha hóa và bất cập của hệ thống cũng như của từng con người trong hệ thống, không dung tha chủ nghĩa cơ hội[14].
6)          Hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước – nói gọn là chế độ chính trị - của thời kỳ này phát huy được và tạo ra được những giá trị cao đẹp làm nền tảng vững chắc cho một môi trường xã hội lành mạnh của những đức tính cao quý: sống vì sự nghiệp chung, tự do phát huy hết khả năng mình cống hiến cho sự nghiệp chung, bình đẳng trong trách nhiệm và trong cống hiến… Sự bình đẳng ấy cũng có nghĩa là dân chủ. Đó là một môi trường giải phóng mọi khả năng cống hiến và không dung dưỡng mọi tha hóa. Đấy cũng là tự do và dân chủ có thực chất trong bối cảnh thời chiến thiếu vắng các thiết chế chính quyền và pháp luật cần thiết cho tự do và dân chủ. Chính không khí tự do và dân chủ trong bối cảnh thời chiến như vậy, trong thước đo giá trị của toàn xã hội thời đó là như vậy, nên đã tạo ra và phát huy được người tài, trọng dụng người tài, tôn vinh người tài.
         
          Nếu phải tóm tắt cả 6 nguyên nhân nêu trên trong một nhận xét khái quát, thì đó chính là thời kỳ đất nước ta có được một chế độ chính trị đối với người dân gần như đồng nghĩa với tổ quốc.

          Diễn đạt nôm na: Người dân yêu chế độ chính trị này của đất nước mình, tự hào về nó, thấy đáng sống và đáng chết vì nó, sẵn sàng hy sinh chiến đấu bảo vệ nó như tổ quốc. Dưới chế độ chính trị này, nếu người dân không có được tự do và dân chủ trong bối cảnh thời chiến như vậy, không cảm nhận được sự đồng nghĩa của chế độ chính trị gần như đồng nghĩa với tổ quốc như vậy, làm sao người dân có thế tự giác đánh giặc cứu nước? làm sao chế độ chính trị này có thể phát huy tinh thần, nghị lực sáng tạo và sức chiến đấu của họ?
         
          Đó cũng là chế độ chính trị đã thu hẹp được đến mức tối đa – nghĩa là thu hẹp đến mức hầu như không còn khoảng cách phân biệt giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, thời kỳ ý chí và quyền lợi của lãnh đạo và của bị lãnh đạo đồng nhất với nhau làm một: Tất cả cho kháng chiến thắng lợi! Và chính thực tế này đã phát huy cao độ tự do và dân chủ của lãnh đạo và của cả bị lãnh đạo trong bối cảnh của thời chiến - vì những mục đích chung, lãnh đạo và bị lãnh đạo đều cùng nhau chia sẻ, đều cùng nhau gánh vác, cùng nhau chịu trách nhiệm, để phụng sự sự nghiệp của cách mạng.
         
          Nếu ôn lại không biết bao nhiêu cuộc chiến phải hy sinh đẫm máu của nhân dân để bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ, bao nhiêu gương đấu tranh khác của nhân dân vì sự nghiệp cách mạng.., thì nhận xét khái quát này hoàn toàn thích hợp cả về ngôn ngữ cũng như về mặt tinh thần và nội dung.  Chính trong bối cảnh ấy nhân tài rộ nở, được phát huy, được trọng dụng, được tôn vinh, được sản sinh thêm mãi.
         
          Đến đây có lẽ được phép suy luận: Chế độ chính trị hiện nay không sử dụng được người tài, bởi vì tính chất của nó “gần như đồng nghĩa với tổ quốc” trong quan hệ với người dân đang ngày càng sa sút hoặc thậm chí ngày nay đã bị đánh mất. Chế độ chính trị này mặc dù ngày nay có không ít các thiết chế luật pháp và hành chính dành cho tự do và dân chủ, song vì không thực thi được, nên nó chưa mang lại, hoặc không mang lại được bao nhiêu tự do và dân chủ có thực chất cho người dân. Về nhiều phương diện nó đang diễn biến thành chế độ cai trị!

          Phải chăng là như vậy?
         
          Đấy là chưa nói, sáng tạo đích thực bao giờ cũng là sản phẩm của giải phóng, là sản phẩm của tự do và dân chủ. Phát huy tài năng đích thực lại càng phải có tự do và dân chủ. Chế độ chính trị muốn dùng được nhân tài lại càng cần phải có tự do, dân chủ - đây chính là ách tắc mấu chốt trong chế độ chính trị nước ta ngày nay.


III. Tìm hiểu một số vấn đề hóc búa
         
          III.1.: Cơ chế “đảng hóa” ngày nay và hệ lụy

          Cơ chế đề kháng tha hóa đã thiết lập được cho chế độ chính trị thời chiến ngày nay không còn hữu hiệu trong thời bình; hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước trong thời bình đang bị hiện tượng “đảng hóa”, hiện tượng “cơ cấu”  biến tướng trầm trọng thành hệ thống “đảng trị”, mọi nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền trên thực tế chỉ đang hình thành được nhà nước nhân trị, nhà nước “đảng trị”, với nhiều hệ quả nặng nề đầy nguy hiểm cho đất nước.

          Có thể nói, với tính cách là đảng cầm quyền, cho đến hôm nay ĐCSVN đã bỏ ra những nỗ lực rất lớn, để chuyển chế độ về cơ bản là chế độ chỉ huy cai quản đất nước trong thời chiến, sang chế độ pháp trị cai quản đất nước trong thời bình. Đảng cầm quyền đến hôm nay đã xây dựng nên được một hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà  nước hoàn chỉnh, theo nghĩa là có đầy đủ đầu mình và chân tay của một hệ thống nhà nước pháp trị, có hệ thống kinh tế quốc doanh là chủ đạo làm nền tảng, có hệ thống MTTQVN là mối liên hệ kết nối trong xã hội. Nhà nước mà Đảng xây dựng ra cho dân được ghi rõ trong Hiến pháp là nhà nước của dân, do dân, vì dân… Tuy vậy, cái cốt lõi, cái linh hồn của hệ thống mới này hôm nay, về cơ bản vẫn là cái cốt lõi và cái linh hồn của hệ thống nhân trị của chế độ một đảng hôm qua trong thời chiến: Đảng quyết định tất cả. Hơn thế nữa, đảng cầm quyền hôm nay chủ yếu chỉ làm cái việc Đảng quyết định tất cả, nhưng lại không chịu trách nhiệm về tất cả, và không làm hay không còn làm được bao nhiêu nữa vai trò lãnh đạo với đúng nghĩa của khái niệm lãnh đạo.
         
          Tình trạng mất dân chủ trong Đảng càng gia tăng, thì cái cốt lõi, cái linh hồn “cũ” thời cách mạng vinh quang đáng tự hào xưa bây giờ ngày càng biến tướng, càng tha hóa trong thời bình. Hôm nay, cái tha hóa này nhẩy lên thống soái ngay trong Đảng, đồng thời nó thống soái mọi mặt phát triển và vận mệnh của đất nước. Chính thực trạng này đã và đang ngày càng làm méo mó hoặc vô hiệu hóa từng bộ phận cái chế độ nhà nước pháp trị mà Đảng đang ra sức xây dựng dưới cái tên nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính cái tính thống soái này – thể hiện dưới cái tên gọi chính thức của nó trong các văn kiện chính thức là “tính quán triệt” – đang  trực tiếp và hàng ngày không ngừng xô đẩy Đảng từ vị thế người lãnh đạo trong thời chiến sang vị thế người cai trị trong thời bình. Ngày nay Đảng đang bước tiếp trên con đường: Kẻ thắng trở thành ông vua. Hiện tượng này rõ nét nhất ở chủ trương “đảng hóa[15] từ A đến Z toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước, được thực hiện thông qua cái gọi là “cơ cấu” – nhân danh bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, nhân danh thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng. Cái nhân danh này đang sinh sôi nảy nở hiện tượng cha truyền con nối tập thể, với không ít phê phán ngay trong Đảng và trong nhân dân.

          Cái “đảng hóa” này vận động chủ yếu theo kiểu sống lâu lên lão làng, con vua thì lại làm vua, một người làm quan cả họ được nhờ, được tiến hành theo cái gọi là chính sách cơ cấu. Đấy là chính sách dùng người chủ yếu theo cơ cấu hay phân bổ cán  bộ muốn đạt được, cán bộ có cương vị Đảng phân công gì cũng được… - nghĩa là không theo việc mà dùng người. Vì thế đặc tính này của hệ thống loại bỏ ngay từ đầu hoặc hạn chế nghiêm trọng khả năng thay máu, khả năng đưa vào hệ thống chính trị những sinh lực mới, chất xám mới, khả năng đưa vào hệ thống chính trị những nhân tài hoặc khả năng tuyển chọn nhân tài mới... Một hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước bị “đảng hóa” và “cơ cấu” như thế, chẳng những khiến nó không làm được chức năng được giao của nó – chức năng xây dựng và thực thi nhà nước pháp quyền, mà chính hiện tượng “đảng hóa” này lại trở thành nguồn gốc mới, nguồn gốc quan trọng nhất trong thời bình của mọi tha hóa và mọi tệ nạn quan liêu tham nhũng đang phát sinh.

          Đồng thời, hiện tượng “đảng hóa” đẻ ra và thúc đẩy yêu cầu phải trang trí bộ mặt của nó – bộ mặt của hệ thống, để cho nó có vẻ dân chủ, có vẻ là nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa… Cho nên, trong những việc đã làm được, cái “giả”, cái “diễn” cứ liên tục phát triển, đẻ ra hàng loạt thứ “giả” thứ “diễn” tiếp theo trong mọi mặt của đời sống đất nước, những cái “hão” trong đời sống đất nước vì thế sinh sôi nảy nở… Tiêu biểu nhất cho những cái “giả - diễn – hão” này là nhiều quyền công dân đã được ghi trong Hiến pháp chỉ là lý thuyết hoặc không được thực thi nghiêm túc, không ít chủ trương chính sách đúng chỉ có giá trị là văn bản… Có lẽ hiện tượng “giả - diễn - hão” này tồn tại trong Đảng  giải thích rõ nét nhất vì sao Đảng ngày càng yếu đi ở Đại hội sau so với Đại hội trước, Đảng càng đông sức chiến đấu của Đảng càng giảm sút! Hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng yếu kém song hành với các hiện tượng như số người có bằng cấp và học vị cao ngày càng gia tăng, hiện tượng “chạy ghế” ngày càng phổ biến, biên chế phình lên ngày càng lớn...

          Nguy hiểm hơn nữa những cái “giả - diễn - hão”, cái bưng bít sự thật hay cái sự thật bị cắt xén.., thoạt đầu chỉ xuất phát từ yêu cầu trang trí, yêu cầu giữ gìn bộ mặt, giữ gìn thể diện, sự ổn định, yêu cầu an dân... Song đất nước càng phát triển lên nấc thang cao hơn, hệ thống chính trị này càng trở nên “quá tải”, tất yếu là bất cập và tha hóa càng trở nên trầm trọng. Hệ quả là đất nước đã và đang ngày một dấn sâu vào một thực tế mới: Một bộ phận quan trọng những tha hóa này dần dần biến thành những quy ước, những luật không thành văn mạnh hơn những luật chính văn, kể cả trong sinh hoạt Đảng (ví dụ: những quy định không thành văn cản trở sự thực hiện dân chủ trong Đảng và có những việc sai cả với Điều lệ Đảng, đã được nhiều ý kiến phân tích xác đáng trong những đợt sinh hoạt chính trị chuẩn bị Đại hội Đảng…). Thậm chí cái không thành văn này có khi trở thành chính diện của cuộc sống (thể hiện rõ nét nhất là hiện tượng trong thực tế Đảng đứng trên Hiến pháp và luật pháp quyết định tất cả). Trên một số phương diện nhất định, những tha hóa này còn trở thành một nhu  cầu không thể thiếu được cho khả năng sống sót (survival capability) và cho chính đòi hỏi duy trì sự tồn tại của hệ thống. Qua đó cuộc sống mọi mặt của đất nước ngày càng nhiều cái ký sinh, cái tha hóa.., với hệ quả cái tốt ngày càng bị lấn át.  

          Một sự thật nghiêm trọng không thể bỏ qua là: Trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, Đảng bị sự tha hóa này tấn công trực diện nhất, và Đảng cũng là người chịu tổn thất nặng nề nhất. Cho đến nay chưa có một lực lượng thù địch nào có thể từng bước cướp đi mối quan hệ gắn bó lịch sử giữa nhân dân và Đảng như đang xảy ra. Trong toàn bộ lịch sử và truyền thống cách mạng của Đảng, chưa có một thời kỳ nào sức tiền phong chiến đấu của Đảng bị tha hóa làm cho tê liệt như hôm nay. Chưa một thời kỳ nào tính tổ chức và tính đảng của toàn Đảng cũng như của đảng viên thấp như bây giờ, v… v…

          Toàn bộ những cái “giả - diễn - hão” này, về bản chất tự nó đối kháng với chân, thiện, mỹ; đối kháng với lẽ phải, trí tuệ; dẫn đến đối kháng và thải loại người tài – thậm chí không hiếm khi nhân danh  kiên trì đường  lối và quan điểm lập trường của Đảng, nhân danh giữ gìn sự trong sạch của Đảng... Điều này cắt nghĩa rõ nhất vì sao bỏ tiền của công sức bồi đắp cho hệ thống, cho tổ chức, cho phong trào bao nhiêu đi nữa, song năng lực và phẩm chất của hệ thống chính trị - xã hôi, của bộ máy nhà nước và của đội ngũ cán bộ vẫn tiếp tục ngày càng yếu kém. Cái thực, cái thực lực, cái sức sống đích thực của đất nước không còn lại như mong đợi. Khả năng đề kháng trong Đảng, khả năng của đất nước vượt lên mọi khó khăn bé dần. Tiềm lực của nhân dân bị tiêu hao…

          Cái “đảng hóa” như thế, với tất cả những hệ quả và các hiện tượng phái sinh  “giả - diễn - hão” của nó như thế, ngày nay không còn là chuyện   của một cá nhân, một tổ chức hay một địa phương riêng lẻ nữa. Tất cả những  cái “giả - diễn – hão” này đang ngày càng trở thành một đặc thù, một phong cách, một bản chất, thậm chí như một thứ văn hóa... Hệ quả là cả nước hầu như 90 đến gần 100% địa phương có tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, có tổ dân phố hay thôn xóm đạt danh hiệu xây dựng nếp sống văn hóa.., nhưng tình hình thật của các địa phương lại không như thế, tệ nạn tham nhũng tiếp tục tràn lan, tệ nạn xã hội hầu như không kiểm soát được… Trong tình hình như vậy mà lại có lúc đề xướng “xây dựng văn hóa Đảng” nữa thì thật quả là điển hình của tha hóa.

          “Đảng hóa”, và gắn liền hữu cơ với nó là hiện tượng“cơ cấu” như thế, tự nó cũng trở thành một hệ thống xuyên chéo nhau, giằng dịt với nhau giữa các con người (phần đông là liên quan đến chức, quyền, lợi ích), các tổ chức, các địa phương, các ngành, các cấp  -  từ cơ sở đến cao nhất... Bởi vì, muốn thực hiện được “đảng hóa” và thực hiện được “cơ cấu” ở người này, thì phải bắt đầu từ người kia, cấp này phải bắt đầu từ cấp kia… Tiến hành “Đảng hóa” hay “cơ cấu” trong quyền lực chính trị nhiều khi phải bắt đầu từ kinh tế, hoặc ngược lại, vân… vân… Tất cả phụ thuộc vào nhau, tất cả cùng tồn tại, tất cả cùng nhau bảo vệ “đảng hóa”, bảo vệ “cơ cấu”. Và cứ như thế, tất cả cùng nhau xây dựng cái thành lũy kiên cố cho cái “nhân danh Đảng” ở ngay trong Đảng cũng như ở trong toàn xã hội, mặc dù tất cả không hiếm khi xung đột nhau quyết liệt. Hệ quả vô cùng nghiêm trọng là đất nước phải gánh chịu không biết bao nhiêu sai lầm, thất bại và tổn thất, nhưng hầu như không thể quy kết trách nhiệm cho ai, lại càng khó hơn trong việc tìm ra kế sách khắc phục tình trạng này. Trong khi đó tư tưởng nhiệm kỳ làm cho tình trạng này ngày càng trầm trọng thêm.

          Trong một hệ thống “đảng hóa” và “cơ cấu” như thế, giả thử có cài cắm được người tài, giả thử người tài có len chân vào được, thì anh ta hay chị ta sớm muộn cũng sẽ phải bật đi, hoặc phải tự hạ  mình thành công cụ của hệ thống. Trong một hệ thống như thế thì làm sao trí tuệ và lẽ phải có tiếng nói mạnh mẽ được? Nói dối, ngu dân và bưng bít trong xã hội đương nhiên trở nên vô cùng cần thiết cho hệ thống.

          Một xã hội chịu tác động như thế ngày này qua ngày khác, cùng với nền giáo dục như đang được tiến hành, dần dà cũng tạo nên một thứ văn hóa cần thiết cho sự tồn tại hàng ngày của chính xã hội ấy – ví dụ đập vào mắt là “văn hóa phong bì, “văn hóa mua/bán quan hệ” – cho các affairs, cho chạy ghế, chạy án, chạy dự án, chạy bằng khen… và biết bao nhiêu thứ “chạy” khác. Tư tưởng nhiệm kỳ gắn liền với mọi cách làm ăn bóc ngắn cắn dài, vơ vét để bù lại cho tốn phí chạy chức chạy quyền, cục bộ, thân ai người nấy lo, v… v… Đến lượt nó, chính một xã hội chịu đựng những tác động như thế không phải lúc nào cũng thuận lợi cho những giá trị chân chính, cho lẽ phải, cho tài năng… Một xã hội chịu đựng mãi những tác động như thế, dần dần nản lòng bảo vệ cái tốt, giảm sút ý chí suy nghĩ cái lớn, cái lâu dài cho đất nước. Qua đó tâm lý “mỳ ăn liền”, tâm lý “múc” (vơ vét, cướp đoạt…) và những sản phẩm tương tự khác phát triển. Một xã hội như thế dễ dung túng, thỏa hiệp hay trở nên vô cảm, mũ ni che tai… Một xã hội như thế, thuận lợi cho những tiêu cực khác như đố kỵ nhau, bảo thủ, dèm pha kìm hãm lẫn nhau, trâu buộc ghét trâu ăn… Một xã hội như thế cuối cùng dẫn đến người này níu kéo người kia, để tất cả cùng nhau chìm sâu vào nghèo nàn lạc hậu, manh mún, cò con… Trong đời sống xã hội hiện đang xảy ra quá nhiều hiện tượng làm tổn thương danh dự và lòng tự trọng của dân tộc, thể diện của quốc gia…

          Như một sản phẩm tất yếu của thực trạng kinh tế và chính trị đất nước hiện nay, những thứ tiêu cực nói trên đang dần dần hình thành nên một thứ văn hóa thấp kém của đất nước, nhiều giá trị và thước đo mất thiêng, mê tín dị đoan gia tăng. Tình hình này chưa biết cần được khắc phục như thế nào và đến bao giờ mới khắc phục được! Sinh lực, nhuệ khí và ý chí của dân tộc bị bào mòn. Đất nước ta đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tinh thần và giá trị sâu sắc nhất kể từ Cách mạng Tháng Tám đến nay…  Không thể nói khác, tình trạng xuống cấp về văn hóa và đạo đức trong xã hội nước ta ngày nay như vậy thật đáng vô cùng lo ngại – từ hành vi giao thông trên đường, đến cung cách ứng xử với nhau ở mọi chốn, mọi nơi, và biết bao nhiêu điều đau lòng khác nữa trong đời sống hàng ngày.

          Rõ ràng là đất nước đang bị làm hỏng!.. Dứt khoát không thể đổ lỗi cho nhân dân sa sút, vô cảm, cho dân trí thấp.., mà phải quy kết về những nguyên nhân tạo ra tình trạng này.

          Tôi muốn nói đến mức: Hiện tượng “đảng hóa” và “cơ cấu” đang xảy ra như thế khiến cho Đảng ta hôm nay dù đứng trên đỉnh cao nhất của quyền lực, nhưng sự thật là chưa bao giờ Đảng yếu kém như bây giờ. Đất nước ta đang trên đường và trên đà của phát triển, mà sao lại lâm vào tình trạng chưa bao giờ có nhiều vấn đề nan giải như bây giờ. Chế độ chính trị mang danh là định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng lại có quá nhiều thứ ngược lại[16]. Người tài vì vậy thui chột hoặc không thể sử dụng được. Đất cho nhân tài nảy nở bị ô nhiễm muôn phần. Chân lý và công lý trở nên xa vời.

          Nhắm mắt hay mở mắt, sự thật đang là như vậy.


          III.2.: Lối ra: Đảng phải thôi làm vua

           Lối ra ngày nay của Đảng cũng là đòi hỏi của dân tộc, đó là trách nhiệm của Đảng với tư cách là người lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi và là người chiến thắng, Đảng phải làm tròn trách nhiệm lịch sử của mình đối với dân tộc là lãnh đạo nhân dân xây dựng nên một thể chế dân chủ đích thực của dân, do dân,  vì dân, để xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh.

          Diễn đạt nôm na là: Đảng phải thôi làm vua, chịu sự chi phối của Hiến pháp và luật pháp như mọi công dân khác, trả đất nước về cho dân làm chủ. Đảng nhất thiết phải phấn đấu vươn lên thành người lãnh đạo thành công của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình. Làm như thế, thực chất  là tiến hành một cuộc cải cách triệt để hệ thống chính trị từ trên xuống và từ trong Đảng ra. Ngày nay, trước bước ngoặt định mệnh đang đặt ra cho đất nước, món nợ lịch sử này của Đảng đối với dân tộc càng lớn, không thể thoái thác [17]. Đây còn là kịch bản tối ưu nhất đối với Đảng và đất nước.

          Xét về tính cố hữu của quyền lực, dù những đòi hỏi nêu trên đối với Đảng có thể được coi là ảo tưởng, song hiển nhiên đấy là lối ra duy nhất của lí trí phải tính đến, trước hết là của tinh thần Tổ quốc trên hết! Chấp nhận hay không chấp nhận lối ra này, ĐCSVN ngày nay sẽ tự chứng tỏ trước nhân dân, trước đất nước, mình là ai!

          Trong lịch sử thế giới đương đại, ít nhất tôi đã được thấy một lần, có một đảng, một lãnh tụ đã làm được cái việc sau khi giành được thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng giải phóng đất nước khỏi ách thống trị phân biệt chủng tộc apartheid khét tiếng năm 1994, đảng ấy và lãnh tụ ấy đã trao lại đất nước Nam Phi cho toàn thể nhân dân Nam Phi đủ các sắc tộc khác nhau định đoạt. Ảo tưởng hay không ảo tưởng, đó chính là đảng African National Congress (ANC – Đảng Quốc Đại của Nam Phi), có nhiều đảng viên cộng sản Nam Phi tham gia, và với lãnh tụ của ANC là Nelson Mandela. Khỏi phải nói chính thể ngày nay ở Nam Phi là của người dân các sắc tộc Nam Phi đúng với nghĩa là của dân, do dân, vì dân, nghĩa là của họ. Trong chính thể dân chủ Nam Phi không có chuyện ANC và Nelson Mandela lên làm vua, và vì thế Nam Phi cũng không phải bận tâm với câu chuyện “đảng hóa” và câu chuyện cha truyền con nối. Khỏi phải nói Nam Phi ngày nay (2010) có thu nhập tính theo đầu người là 10.498 USD, xếp thứ 77 trên thế giới, là nước châu Phi phát triển nhất, văn minh nhất, mặc dù quốc gia này chỉ có nông nghiệp là chủ yếu và không có dầu. Tôi không thể tránh được câu hỏi: ANC đã làm được, ĐCSVN có làm được không?

          Đảng có làm được trách nhiệm lịch sử này hay không, đó là việc Đảng phải tự quyết định, trước hết là những người lãnh đạo. Bước ngoặt của định mệnh phía trước đang đặt ra cho quốc gia không quan tâm đến việc ĐCSVN có muốn và có làm nổi trách nhiệm lịch sử này hay không; nhưng độc lập chủ quyền và sự tồn tại của quốc gia lại đặt ra cho ĐCSVN: lựa chọn như thế nào thì liên quan như thế đến vận mệnh và sự nghiệp của Đảng trên bước đường sắp tới.

          Xin nhắc lại vấn đề cốt lõi:

-         Nguyên nhân cơ bản làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và 4 cuộc chiến tranh ái quốc là ĐCSVN đã giương cao được ngọn cờ dân tộc và dân chủ.
-         Nguyên nhân cơ bản làm nên những thành tựu đổi mới của 25 năm qua, đảo ngược thế nguy của đất nước và mang lại cho đất nước vị thế hôm nay, cũng là do ĐCSVN đã cởi trói cho nhân dân thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp và phát huy được ở mức độ nhất định sức mạnh dân tộc, dân chủ.
-         Nguyên nhân cơ bản tước đi vai trò lãnh đạo của ĐCSVN, và ngày nay đang không ngừng xô đẩy ĐCSVN sang vị thế đảng cai trị, là do ĐCSVN đang đánh mất (hay vứt bỏ?) ngọn cờ dân tộc dân chủ.
-         Để phát huy sức mạnh dân tộc và tranh thủ được hậu thuẫn của thế giới tiến bộ cho việc đương đầu thắng lợi với bước ngoặt định mệnh đang đặt ra cho đất nước, nhất thiết phải thực hiện hòa hợp đoàn kết dân tộc để giương cao được ngọn cờ dân tộc và dân chủ.

          Vậy Đảng lựa chọn gì?

          Không phải ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết rất sớm: Mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo đều nhờ giương cao được ngọn cờ dân tộc - dân chủ, mọi thất bại đều gắn với tình trạng Đảng vứt bỏ ngọn cờ này.

          Chân lý đơn giản, rõ ràng là thế, Đảng thôi làm vua để trở về phấn đấu làm người lãnh đạo nhân dân dưới ngọn cờ dân tộc - dân chủ trên bước đường mới này của đất nước là một tất yếu khách quan.  

          Nhưng đúng là có nhiều câu hỏi khó trả lời, xoay quanh câu chuyện: Đảng có muốn hay không? Đảng có làm nổi hay không? Đảng phải làm như thế nào?.. Điều kiện tiên quyết để trả lời những câu hỏi xoay quanh chuyện này là phải xác định dứt khoát:  ĐCSVN có đủ dũng khí cách mạng và tinh thần yêu nước để thừa nhận tất yếu khách quan nêu trên hay không? Toàn bộ câu chuyện này vượt quá khung khổ bài viết, xin được bàn vào một dịp khác khi có cơ hội.

          Trở lại chủ đề người tài của bài viết này, ở đây xin nói ngay: Thừa nhận tất yếu khách quan nêu trên, ĐCSVN tự mình sẽ đặt ra cho mình yêu cầu bức thiết phải tìm được trí tuệ và người tài, sẽ có ý chí sử dụng và sử dụng được trí tuệ và hiền tài để thực hiện. Như vậy, ĐCSVN chính mình sẽ tự mở ra không gian mênh mông cho người tài dụng võ; sẽ làm cho trí tuệ và ý chí của cả nước trở thành động lực, thành sức mạnh làm nên một nước Việt Nam đúng với tinh thần duy tân như đã nói trên mà người Việt nào không khao khát?!

          Nói một cách khác, ĐCSVN chỉ có thể sử dụng được, phát huy được hiền tài khi sự lựa chọn của Đảng xuất phát từ đòi hỏi của đất nước, gắn liền với lợi ích và vận mệnh của đất nước, trân trọng và phát huy vai trò làm chủ đất nước của nhân dân. Không phải ngẫu nhiên trên tấm bia đầu tiên của Văn Miếu ghi câu nói của Thân Nhân Trung: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng thấp (kém)”.  Luận ra từ câu nói này: Có thể đo được phẩm chất của Đảng thông qua xem xét mối quan hệ giữa Đảng và trí tuệ, giữa Đảng và hiền tài; hơn thế nữa, qua đó còn có thể biết được vận nước đang thịnh hay đang suy! Thực tế đất nước hiện nay đang khẳng định như vậy.


           III.3.: Ngọn cờ dân tộc dân chủ

          Đứng trước bước ngoặt định mệnh đặt ra cho đất nước hiện nay, ĐCSVN không nên, thậm chí không có quyền bỏ lỡ thời cơ giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ.

          Là lực lượng chính trị lớn nhất của cả nước, trong Đảng vẫn còn rất nhiều đảng viên chân chính yêu nước và có trí tuệ, mối quan hệ gắn bó của Đảng với nhân dân có bề dày lịch sử rất lớn. Như thế, ĐCSVN rõ ràng là lực lượng chính trị có những điều kiện mạnh nhất trong tay so với cả nước, để giương cao thành công ngọn cờ dân tộc – dân chủ. Cái duy nhất mà Đảng hiện nay đang thiếu, trước hết là cái mà lãnh đạo Đảng bây giờ đang thiếu, đó chính là sự giác ngộ sâu sắc và ý chí giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ trong giai đoạn cách mạng hiện nay! Cần nhấn mạnh, đây chính là ngọn cờ thời đại chúng ta đang sống.

          Nên để cho trí tuệ, ý chí và nguyện vọng trong toàn Đảng và trong cả nước trả lời câu hỏi “Làm thế nào ĐCSVN hoàn thành được trách nhiệm lịch sử này?”

          Cũng xin khất lại như thế và xin dành cho một dịp khác việc bàn luận, phác thảo con đường đất nước sắp tới phải đi. Cho phép tôi tại đây nói ngay suy nghĩ của mình: Nhận thức được và chấp nhận được tất yếu khách quan đặt ra cho ĐCSVN tại bước ngoặt lịch sử này, chắc chắn Đảng sẽ  có cách hoàn thành được trách nhiệm lịch sử của mình.

          Niềm tin nêu trên xuất phát từ suy nghĩ: Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, nhìn về phía trước với tinh thần đặt lợi ích quốc gia là trên hết, từng đảng viên làm như vậy, toàn Đảng làm như vậy, nhất định ĐCSVN sẽ hoàn thành được trách nhiệm lịch sử của mình. Bộ Chính trị làm được như vậy, chắc chắn toàn thể ĐCSVN sẽ làm được như vậy; toàn dân chẳng những sẽ cổ vũ Đảng và cũng làm theo như vậy. Có lẽ lãnh đạo là thế!

          Để tránh bằng được nguy cơ của thảm họa đổ vỡ trong cảnh nồi da xáo thịt, chắc chắn phải lựa chọn như thế!

          Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, nhìn về phía trước như vậy, sẽ có hòa giải hòa hợp và đoàn kết dân tộc trên nền tảng của dân chủ, và chính điều này chẳng những sẽ tạo ra khả năng sáng tạo và sức mạnh bất khả chiến bại của Việt Nam ta; mà còn phải nói: chính điều này sẽ làm nên một dân tộc Việt Nam hoàn toàn mới, cho một nước Việt Nam duy tân.


     III.4.: Dân chủ - điều kiện tiên quyết của hòa giải hòa hợp đoàn kết dân tộc

          Đứng trước bước ngoặt do cục diện thế giới ngày nay đặt ra cho đất nước như một định mệnh, thực hiện hòa giải hòa hợp đoàn kết dân tộc là sự khởi đầu con đường sống của đất nước ta, là bước đi đầu tiên[18] nhất thiết phải có của sự nghiệp xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững và cường thịnh trên cơ sở một nền dân chủ đích thực, một nền giáo dục tiên tiến và do các tầng lớp tinh hoa của đất nước dẫn dắt.

          Cần phải sớm tạo ra một thể chế dân chủ làm tiền đề, làm nền tảng gây dừng nên, phát triển, củng cố và hoàn thiện hòa giải hòa hợp đoàn kết dân tộc. Ngôn từ có thể là to tát như thế, song nói cho cụ thể là phải thực hiện đầy đủ các quyền tự do dân chủ của công dân đã ghi được trong Hiến pháp hiện hành; nhà nước phải được thiết kế lại sao cho có năng lực thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình theo hiến định và đúng với tinh thần là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, toàn bộ quyền lực của đất nước thuộc về dân; cả nước thượng tôn pháp luật như đã nêu lên được trong khầu hiệu “mọi người sống và làm việc theo pháp luật”; nghiêm túc tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc những điều vừa trình bầy, v… v…  Từ một thể chế dân chủ đích thực như thế,  tinh thần yêu nước sẽ lại được dấy lên. Cả nước sẽ một lòng, một ý chí, tất cả đều vì một đất nước là của toàn thể dân tộc. Từ đây sẽ hình thành một dân tộc Việt Nam mới cho một nước Việt Nam duy tân!.. Tôi tin và khát khao như thế.
         
          Cục diện thế giới trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay đang mang lại cho đất nước ta cơ hội phát triển và thách thức chưa từng có, nhưng nguy cơ dân tộc ta để vuột mất cơ hội và bất lực trước mọi thách thức là rất lớn. Đứng trước bước ngoặt định mệnh của đất nước, chẳng lẽ dân tộc ta cam chịu bị khuất phục?

          Cần tỉnh táo đánh giá chuẩn xác toàn bộ thực trạng nêu trên, chứ không mạt sát nhau hay đổ lỗi cho nhau – theo đúng tinh thần khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ. Tất cả chỉ với mục đích nhìn ra sự thật, nhìn thẳng vào sự thật. Đồng thuận nhìn nhận được sự thật, sẽ đồng thuận nhìn nhận được lối ra, sẽ từng bước vạch ra được, và sẽ đồng thuận một lòng thực hiện được không gì có thể ngăn cản con đường đi lên của đất nước theo mệnh lệnh từ trong mỗi con tim chúng ta: “Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, cùng nhau thực hiện hòa hợp hòa giải đoàn kết dân tộc, tất cả vì Tổ quốc!”
                  
          Chắc chắn tất cả chúng ta còn phải lao động cật lực cho việc trả lời câu hỏi “Làm như thế nào?” Nhưng tôi có niềm tin sâu sắc: Nhận thức được vấn đề, xác định được điểm khởi đầu, sẽ dần dần gỡ ra được tất cả, và từ đó nhất định sẽ trả lời được câu hỏi “Làm như thế nào?”

-         Nếu ĐCSVN quyết định không thôi làm vua thì sao?
-         ???

          Có nhiều câu trả lời lắm. Tôi ước gì có diễn đàn mở, để lắng nghe ý kiến và thu hút trí tuệ cả nước. Bàn về vận mệnh đất nước, nên chẳng ai được phép độc quyền chân lý, càng không thể độc quyền yêu nước.

          Hơn nữa, công khai minh bạch, thúc đẩy sự đồng thuận xã hội theo tinh thần khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, cùng nhau thực hiện hòa hợp hòa giải đoàn kết dân tộc, tất cả vì đất nước, chắc chắn là điều kiện tiên quyết để sàng lọc, phát huy trí tuệ và người tài đang rất cần cho đất nước trước bước ngoặt của định mệnh đang tìm đường đi lên.

*

Ba thách thức đương đại -  thay cho kết luận
         
          Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc đang đứng trước những đòi hỏi hoàn toàn mới, bắt buộc phải thay đổi hẳn chiến lược phát triển đất nước. Sự xuất hiện siêu cường Trung Quốc đang gây nên nhiều điều bất định cho chính bản thân Trung Quốc và cả thế giới – nhất là nước láng giềng như nước ta và các nước trong khu vực. Với khúc dạo đầu là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới 2007 – 2008 kinh tế thế giới bắt đầu đi vào một thời kỳ có nhiều biến động mới chưa có tiền lệ với nhiều hệ quả chính trị sẽ thay đổi sâu sắc trật tự thế giới hiện nay.  Đấy là 3 thách thức đương đại nước ta phải đối mặt trong thập kỷ hiện nay và trong vòng vài thập kỷ tới. Trong thế giới quyết liệt này, nước ta sẽ bị đắm chìm trong nghèo hèn và lệ thuộc, hay tìm được con đường vươn lên thành một quốc gia phát triển, tất cả chỉ phụ thuộc vào nước ta xử lý thất bại hay thành công 3 thách thức đương đại này.  

          Ba thách thức đương đại này đòi hỏi Việt Nam phải mở ra một thời kỳ phát triển mới với nội dung:

(a)      Chiến lược phát triển kinh tế phải thay đổi hẳn, để đi vào thời kỳ phát triển bền vững cho phép khai thác tối đa mọi ưu thế lớn nhất của nước ta là nguồn lực con người năng động, điều kiện đất đai khí hậu phong phú[19], và vị trí địa lý tự nhiên vô cùng thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức, để phát triển những sản phẩm có nhiều lợi thế nhất trên thị trường dù cho kinh tế và chính trị thế giới cũng như trong khu vực ĐNÁ phát triển và biến động như thế nào. Chắc chắn đó phải là một nền kinh tế có hàm lượng trí tuệ, tri thức, công nghệ và văn hóa ngày càng cao, trở thành một nền kinh tế có khả năng thích nghi với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong kinh tế và chính trị thế giới, có khả năng hội nhập ngày càng sâu trên thị trường toàn cầu[20].
(b)      Phải xây dựng và thực hiện một nền ngoại giao một mặt có khả năng tạo ra môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi nhất cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của nước ta nêu trên [điểm (a)], mặt khác xây dựng Việt Nam trở thành một thành viên dấn thân vì những lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, trở thành một đối tác, một cầu nối mà cộng đồng quốc tế và trào lưu tiến bộ trên thế giới đang cần -  vì lợi ích của nước ta, và vì lợi ích của hòa bình, dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường, và những tiến bộ khác của thế giới.
(c)       Phải xây dựng một nền nội trị làm nền tảng cho chế độ chính trị có khả năng thực hiện tốt nhất hai nhiệm vụ (a) và (b) nêu trên. Điều khác hẳn với giai đoạn từ khi tiến hành đổi mới đến nay và cần nhấn mạnh là: Bước vào thời kỳ phát triển mới này, nhiệm vụ thứ ba này [nhiệm vụ (c)] phải có những bước đi trước, những bước đi tiên phong mở đường và làm bà đỡ cho quá trình triển khai nhiệm vụ (a) và nhiệm vụ (b). Ngày nay nhiệm vụ thứ ba này trở thành điều kiện tiên quyết cho thực hiện thành công hai nhiệm vụ trên. Có thể nói ngay, xây dựng một nền nội trị mới như thế chắc chắn là một quá trình không ít đau đớn – vì những sai lầm và hệ quả do quá khứ để lại, vì sẽ phải trả giá cho những thất bại mới lúc này lúc khác không thể tránh được trong quá trình đi vào  thời kỳ phát triển mới. Cần ý thức đầy đủ con đường chông gai này.
         
          Với vị trí hiện có của trí tuệ trong chế độ chính trị và trong xã hội nước ta; với hiện tượng “đảng hóa”, hiện tượng “tư tưởng nhiệm kỳ” như đang diễn ra trong hệ thống chính trị và trong đời sống hàng ngày; với những di sản và hệ quả của một quá trình dài đất nước bị cái “giả, diễn, hão” thao túng, thử hỏi: Hôm nay đất nước ta còn lại bao nhiêu dư địa cho tầm nhìn, cho ý thức trách nhiệm, cho khát vọng đào sâu suy nghĩ để hình thành một chiến lược như thế cho thời kỳ phát triển mới; còn lại bao nhiêu tiềm lực và nghị lực cho đầu tư vào việc mở ra cho đất nước một thời kỳ phát triển như thế; còn lại bao nhiêu bản lĩnh tự xem xét lại chính mình, để thay đổi, để vượt qua nỗi sợ của chính mình, để chấp nhận đi vào con đường của phát triển?

          Ai là người phải trả lời những câu hỏi này? Đất nước không có nhiệm kỳ, mà chỉ có những vấn đề ngổn ngang trong hiện tại và những thách thức phía trước. Đất nước chỉ có sự lựa chọn thắng hay  bại.

          Tựu trung lại, cả 3 thách thức đương đại ngoan cố đặt nước ta trước ngã ba đường. Một ngả là tiếp tục trạng thái đất nước phát triển èo uột như hiện nay (cách nói văn hoa nhưng không chính xác là trạng thái quốc gia “mắc vào cái bãy có mức thu nhập trung bình”), không thích nghi được với những biến động mới và lại một lần nữa tiếp tục lỡ nhịp với sự phát triển của thế giới, khó tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ đẫm máu. Một ngả dẫn đến con đường của một quốc gia phát triển[21]. Đất nước sẽ chuyển mình đi vào ngả đường nào, tất cả tùy thuộc vào trí tuệ và ý chí mà nhân dân ta có thể trang bị được cho mình.

          Sự lựa chọn nhất quyết phải lựa chọn thiết nghĩ là con đường duy tân đất nước! Kiên trì chịu đựng mọi hy sinh và khó khăn gian khổ để duy tân đất nước!

          Đã đến lúc mối lo chung về vận mệnh đất nước cần được từng người dân chúng ta chia sẻ, gánh vác theo tinh thần Diên Hồng. Quyền và nghĩa vụ này là bất khả xâm phạm! Tự do dân chủ sẽ là động lực phát huy tiềm năng của dân tộc ta./.


Hết

Tài liệu tham khảo

1.     Nguyễn Trung, “Việt Nam trong thế giới thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”,
Tạp chí Thời đại mới,
2.     Nguyễn Trung, “Trách nhiệm lịch sử”, tạp chí Thời đại mới,
3.     Nguyễn Trung, “Biển Đông – cái biển hay cái ao?”, tạp chí Thời đại mới,
4.     Nguyễn Trung, “`Tô-tem sói’ ngày nay là con sói ngày càng hung dữ”,
Tạp chí Thời đại mới,
5.  Nguyễn Trung, “Ngã ba 2007”,
6.  Các tài liệu tham khảo về những phát biểu của cố Tổng bí thư
 ĐCSVN Lê Duẩn có liên quan đến Trung Quốc – ABS 105






[1] Ở nước ta hiện nay, đó là hiện tượng: Lạm phát cao, cả năm 2011 ước khoảng 22%; tăng trưởng GDP thấp, ước khoảng 5 – 6%; hàng hóa thừa ế vì sức mua giảm và kinh tế không phát triển, vốn chết nhiều nhưng lại thiếu vốn cho những vẫn đề “chữa cháy”… Cuộc khủng hoảng kinh tế của nước ta hiện nay khó tới mức các công cụ xử lý khủng hoảng như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và nhiều biện pháp khác ở tầm vỹ mô hay vi mô đang ngày càng kém hiệu lực hoặc thậm chí triệt tiêu nhau; ví dụ: lãi xuất quá cao (vào loại nhất nhì thế giới) khiến kinh doanh không hiệu quả, nhưng giảm lãi xuất thì tăng nguy cơ lạm phát; phải thắt chặt chính sách tiền tệ (nhất là việc cung tiền) để giảm lạm phát, song lại tăng nguy cơ thiếu vốn và đình đốn; vân vân… Nguyên nhân chủ yếu là vì khủng hoảng kéo dài nhiều năm, nên “dư địa” trong nền kinh tế cho mỗi công cụ xử lý khủng hoảng có thể hoạt động không còn lại bao nhiêu. Tất cả nói lên tính chất trầm trọng của khủng hoảng cơ cấu kinh tế.
[2] Incremental Capital - Output Rate – tạm dịch là tỷ lệ vốn trên sản lượng tăng thêm; điều này có nghĩa tỷ số vốn trên sản lượng tăng thêm càng lớn, chứng tỏ hiệu quả đầu tư nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung càng thấp. Ở nước ta trong những năm gần đây đầu tư hàng năm chiếm trên 40% GDP, song tăng trưởng kinh tế  (tăng trưởng GDP) chỉ đạt khoảng 6-7%, do đó chỉ số ICOR là: 40/6đến7 = <6.
[3] Tấm bia ghi nhớ chiến công của sư đoàn 337 đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc 2-1979 tại núi Khánh Khê, Lạng Sơn; tấm bia tại đền thờ vua Quang Trung ở núi Dũng Quyết, thành phố Vinh ghi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ca ngợi vua Quang Trung đại thắng quân Thanh…
[4] Thế nhưng bộ trưởng Phạm Vũ Luận lại cho rằng nên coi việc hàng nghìn thí sinh đạt điểm “0” cho môn thi này là chuyện “bình thường… và không nên coi đây là một thảm họa” thì thật là không còn trời đất nào nữa!
[5] Xin đừng quên một khẩu hiệu đấu tranh có ý nghĩa quyết định tạo nên thắng lợi rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám là: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam!
[6] Một ví dụ để tham khảo: Mọi so sánh dù khập khiễng thế nào, cũng vẫn có thể gợi ý ra đôi điều phải suy nghĩ; ở đây tôi muốn nói về lịch sử nước Mỹ tính cách là một quốc gia (không bàn tới ở đây về nước Mỹ với tính cách là một đế chế). 85 năm sau khi ra đời với Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, nước Mỹ rơi vào cuộc nội chiến Bắc/Nam kéo dài 4 năm (1861-1865).  So với số dân nước Mỹ hồi đó, khoảng 10% trai tráng của cả nước Mỹ đủ các mầu da đã tham chiến, khoảng 8% trai tráng Mỹ da trắng (tuổi khoảng 15 đến 43) đã bị giết (chưa tìm được những số liệu thương vong khác), sự thiệt hại về vật chất rất lớn… Đấy là cuộc nội chiến rất đẫm máu, vì 11  tiểu bang nông nghiệp phía Nam kiên quyết đòi duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ, tiến hành chiến tranh chống lại 21 tiểu bang phía Bắc. Phải mất thêm nhiều năm sau đó nước Mỹ mới hàn gắn xong vết thương nội chiến về tinh thần, bằng cách xây dựng nên thiết chế dân chủ cho toàn nước Mỹ trên nền móng có sẵn trước đó trong Tuyên ngôn Độc lập (04-07-1776) và trong Hiến pháp Mỹ (17-09-1787). Thiết chế pháp lý dân chủ là cơ sở cho thực hiện cho hòa hợp hòa giải dân tộc thời ấy của nước Mỹ theo tinh thần: Cùng nhau chia sẻ tổn thất, làm nhục một người Mỹ cũng là làm nhục nước Mỹ. Nói ngắn gọn, không có thiết chế dân chủ này, không thể hàn gắn mọi mặt vết thương nội chiến Mỹ, cũng có nghĩa không thể có nước Mỹ phát triển bỏ châu Âu tụt lại phía sau. Giai đoạn lịch sử này của nước Mỹ có thể mang lại cho chúng ta thông điệp gì?  Lịch sử thế giới đương đại cũng có nhiều ví dụ tương tự như thế.  
[7] Ví dụ: Khi được mời bàn về nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tôi đề nghị liệt kê ra từ hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “KX” tốn kém không biết bao nhiêu tỷ đồng  và công sức trong hàng chục năm nay, xem có những kiến giải nào đúng và đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Đề nghị này được quan tâm, nhưng thất bại, phải bỏ cách làm này, vì nhóm nghiên cứu chúng tôi hầu như chẳng lựa chọn thống nhất được với nhau đề tài nào hay kiến giải nào. Tôi rùng mình tự hỏi: Chẳng nhẽ có nhiều cái “hão” đến thế hay sao? Không biết cả nước năm này qua năm khác có biết bao nhiêu cái “hão” đáng sợ như vậy!?..
[8] Xem “Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” của trí thức cả nước, Hà Nội, ngày 10-07-2011.
[9] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Tô-tem sói” ngày nay là con sói ngày càng hung dữ,  Hà nội – tháng 06-2011

[10] Tham khảo các ý kiến của cố Tổng bí thư Lê Duẩn về quan hệ Việt – Trung

[11] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Tô-tem sói…”, trong đó phân tích đại ý: duy trì một Việt Nam là một láng giềng èo uột, lệ thuộc là thượng sách trong chiến lược xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
[12] Nhân đây xin nêu lên giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá: So sánh ĐCSTQ với ĐCSVN hiện nay, người ta thấy lãnh đạo ĐCSTQ có tầm nhìn xa hơn và giác ngộ hơn lợi ích quốc gia của họ so với lãnh đạo ĐCSVN! Đáng chú ý hơn nữa, lâu nay ĐCSVN hình như chi  bước theo sau những bước cải cách của ĐCSTQ, mà không dám bứt lên có những bước đi trước như ĐCSVN đã từng làm khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới…
[13] Người tài ở đây và trong toàn bài viết này được hiểu bao gồm cà đức.
[14] Ví dụ: Tình trạng tội phạm nghiêm trọng cực kỳ ít trong suốt 4 cuộc kháng chiến chứng minh điều này.
[15] Khái niệm do đồng chí Võ Văn Kiệt đưa ra sử dụng để đặt tên cho thực trạng này.
[16] Sẽ không phải là vô ích, và chắc sẽ khó tránh khỏi giật mình, nếu làm một cuộc điều tra và so sánh nếp sống văn minh và thực trạng xã hội nước ta hiện nay với những nước chung quanh như Thái Lan, Lào, Campuchia,  Myanma, Philippines, Malaisia, Indonesia…
[17] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Trách nhiệm lịch sử”, tạp chí Thời đại mới,

[18] 36 năm đất nước độc lâp thống nhất rồi mà vẫn chưa thực hiện xong bước đi đầu tiên này để tiến tới một Việt Nam hạnh phúc, cường thịnh, thậm chí nguy cơ nô dịch của ách chư hầu kiểu mới đang cận kề. Vậy thì gần một nửa thế kỷ trước nhân dân ta đổ xương máu để làm gì?
[19] Xin đừng nhầm với “kinh tế khoáng sản” đang làm đat nước lụn bại và tàn phá môi trường.
[20] Chịu khó động não với tầm nhìn dài hạn, chắc chắn sẽ tìm ra được cho nước ta nhiều sản phẩm như thế. Chắc chắn những tư duy, quan điểm, triết lý về công nghiệp hóa – hiện đại hóa, về phát triển nông nghiệp và nông thôn, về khu vực dịch vụ… như đang thống soái nền kinh tế nước ta hiện nay đã trở nên lỗi thời và sự thật là đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đã đến lúc phải xem lại tất cả. Rất đáng huy động trí tuệ trong ngoài nước tổ chức nghiên cứu chủ đề này.
[21] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Ngã ba 2007”,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét