Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

tiểu thuyết "Hiến dâng" - file D

                                             
                                                       6


          ...Cuối năm ngoái đẻ con trai và được kết nạp Đảng, giữa năm nay là bí thư chi đoàn, bây giờ là thành viên soạn thảo đề án xây dựng “Viện phòng chống ma tuý và HIV/AIDS” tầm cỡ viện quốc gia, thủ trưởng Vũ Liêm còn động viên mình nên cố gắng hơn nữa để có thể cơ cấu vào đảng uỷ khoá tới. Lại có bà chị đỡ đầu nữa, mình đánh đâu mà không thắng. Cái đích lớn sắp tới là Viện quốc gia. Viện quốc gia muôn năm!.. Muôn năm!..


...Chịu thầy. Đúng là tổ sư về Kinh Dịch. Thầy giảng cái quẻ “tốn” mình bốc được hôm đi lễ chùa Bích Sơn đầu năm ngoái sao mà tài thế:

...Với căn số của tuổi đồng chí, quẻ này nói thân phận tuy đơn độc thấp hèn, nhưng trong việc đời và đường công danh biết nhún nhường mà đi, thì muốn đi đến đâu mà chẳng tới. Lại có sao thiên tuế phù trợ, phúc lộc nhiều lắm...

...Nghiệm lại, mọi việc diễn ra cứ như viết sẵn trong sách vậy. Cuối năm nay cả hai vợ chồng phải đi lễ bốc quẻ mới, nhờ thầy xem hộ năm tới thế nào, luôn thể lễ tạ thầy...

          Tôn hỉ hả cho tập đề án vào cặp. Ngước nhìn lên cái xích-đông cao trên tường làm bàn thờ, Tôn bắc ghế thắp một nén hương, cúi đầu lễ ba cái để cầu may. Thỉnh thoảng đi họp đó đây, Tôn thấy có phòng làm việc có bát hương. Tôn đã bắt chước, nhưng phó bí thư đảng uỷ Vũ Liêm khuyên dẹp đi, vì đảng viên làm như thế tại cơ quan không tiện. Tôn vâng lời, thay bằng việc thắp hương ở nhà đều đặn hơn.

Vẫn còn hơi sớm, anh nựng con một lúc, thằng bé mới bảy tháng mà cười to đáo để. Sau đó Tôn chào vợ rồi dắt xe đạp xuống đường. Căn hộ của Tôn ở tầng ba, cầu thang bao giờ cũng bận rộn vào giờ đi làm. Dắt xe từ nhà xuống tới mặt đường, Tôn gặp toàn đàn ông. Bụng bảo dạ, thế là hôm nay ra ngõ gặp trai rồi, đề án này sẽ trúng, có thể trúng to là khác.

Trước khi nhảy lên xe đạp, Tôn vỗ vỗ cái yên: ...Con ngựa sắt yêu quý của ta ơi, ráng chịu khó một thời gian ngắn nữa thôi, ta sẽ cho nhà ngươi nghỉ hưu tử tế, có chế độ đầy đủ... Dọc đường Tôn khoái chí, có lúc huýt sáo nhè nhẹ, chỉ đủ mình nghe:
Tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ấy thế mà nên bông...

Tâm trạng nhộn nhịp theo bài hát. ..Chỉ tiêu phấn đấu bây giờ là: cuối năm tậu một cái Dream II, vợ xin được việc làm, ...thực là một đề án tuyệt chiêu...

          Những ý nghĩ bay bổng đưa Tôn đến cơ quan rất nhanh. Ụt nhất là Tôn có cảm giác như vậy. Tôn pha xong ấm chè, ngồi suy tư một lúc mới thấy bác sỹ Mai và chị Tường y tá trưởng đến. Sáng nay chị Tường được phân công đi phát thuốc và làm các việc sổ sách. Còn Mai và Tôn hôm nay sẽ cùng nhau duyệt lại lần cuối cùng từng câu chữ của đề án. Công việc cần làm nhanh để phó trực Vũ Liêm ký và trình lên trên sớm.

          Tôn đon đả rót nước mời Mai, mở cặp lấy tập đề án ra, một tay bẻ lại giúp Mai cái cổ áo bị vặn lên, nhặt mấy sợi tóc vương trên áo:
-         Ọm đã dành cả buổi chiều và buổi tối hôm qua đọc lại từng phần. Càng đọc em càng thấy đề án này hấp dẫn chị ạ.

Mai uống xong chén nước, nhưng vẫn ngồi yên, vẻ mặt hầm hầm như vừa cãi nhau với ai. Tôn chưa biết nếp tẻ thế nào, nói tiếp về đề án để thăm dò:
-         Ọm thấy chị quyết việc thuê tay chuyên viên Sở tài chính chỉnh lý lại đề án quả không thừa. Các lập luận về dự trù ngân sách kinh phí cho đề án có lý lẽ hẳn lên.
-         ...
-         Chị hôm nay mệt à?

Mai vẫn ngồi yên.

-         Ậ hay, chị làm sao thế?
-         Sáng nay mất đứt năm chục triệu.
-         Năm chục triệu gì? Mất cắp hả chị?
-         Năm chục triệu đồng. Mình bị tống tiền, nhưng không oan.
-         Tống tiền thì chỉ có bọn cướp mới dám làm, thế mà chị lại kêu không oan? Em chẳng hiểu chị nói gì.

Như để trút bớt lửa giận trong người, Mai kể lại câu chuyện xảy ra ở nhà Mai sáng sớm nay cho Tôn nghe.

...Cách đây bốn tháng, một hôm Mai có việc đột xuất phải về nhà trong giờ làm việc. Thấy nhà cửa hơi lạ, Mai không lên gác như thường lệ mà xộc thẳng vào trong bếp để ngó phía sau nhà, kẻ gian đã có lần từ nhà bên trèo tường vào qua lối này. đi qua căn buồng xép, thấy có tiếng động, Mai giật cửa ra: Chồng Mai đang đè ôm người ở gái trên sàn gạch men, cả hai đều trần truồng, quần áo vung vãi chung quanh. Người ở gái rú lên, vùng đứng dậy, hai tay che vú, mắt cô ta đỏ hoe. Còn chồng Mai nằm úp mặt xuống đất vì quá ngượng. Mai quay ra hành lang quát hai người mặc quần áo và đuổi ngay người ở gái. Một lát sau người ở gái ôm bọc quần áo, vừa đi vừa khóc :

-         Cô ơi, chú ấy ép cháu bằng được, không phải tại cháu...

Mai nhìn rõ vạt áo người ở gái bị xé rách, một ống tay áo gần đứt rời khỏi thân áo. Mai lẳng lặng đứng chờ người ở gái bước ra khỏi nhà rồi mới lên gác lấy mấy thứ cần thiết. Sau đó Mai trở về cơ quan, không nói với chồng một lời.

Bữa cơm tối bọn trẻ không thấy người ở gái đâu, Mai giải thích: Nó ăn cắp, mẹ đuổi đi rồi...

Tối hôm đó Mai nói với chồng:

-         Liệu thu xếp cho ổn thoả, nếu không được thì xéo về Hà Tây cho rảnh mắt... - đoạn đuổi chồng sang phòng khác.

Từ đó hai người ly thân. Mai cố làm ra cái vẻ nghiêm trọng như vậy, nhưng sự thực là đuổi chẳng được tha làm phúc. Mai thừa hiểu làm gì có sợi chỉ nào trói được con người háo gái non này. Mai biết chồng Mai hư hỏng từ lâu rồi, vì khuất mắt trông coi nên bỏ qua. Nhưng bắt quả tang ban ngày ban mặt tại nhà như thế này thì là một dịp không thể làm ngơ, để răn đe và để ra oai. Mai đủ nhạy cảm để hiểu rằng một ngày nào đó sẽ thực sự anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, không có cách gì giữ chân hắn được...

Cách đây một tuần, vào lúc cả nhà đang ngồi ăn cơm tối, có cả bố mẹ Mai từ Hà Đông ra thăm, người ở gái vác cái bụng chửa đã nhìn rõ đến cầu cứu, đi cùng là anh trai cô ta, làm đốc công trong xí nghiệp chồng Mai. Chính anh ta xin cho em gái đến làm việc tại nhà thủ trưởng, vì biết gia đình thủ trưởng cần thuê người ở, không ngờ sự việc lại đến nông nỗi này.

Khi anh ta biết chuyện thì cái thai đã  ba tháng rồi. Anh ta mếu máo: đã đi lại nhiều lần, nhưng bệnh viện C dứt khoát không cho em gái anh ta nạo thai, vì cái thai đã lớn, em gái anh ta máu chậm đông và có bệnh tim mạch do hậu quả của thấp khớp từ bé, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh viện yêu cầu phải giữ cái thai, hàng tháng phải đến khám lại, đến ngày sinh có thể sẽ phải mổ nếu người mẹ yếu quá...

Mai chỉ nhắc lại câu nói duy nhất đã nói với chồng rồi đuổi hai anh em người ở gái và chồng Mai ra phòng khách, mặc họ giải quyết mọi việc với nhau. Mãi đến gần hai giờ sáng mới thấy hai anh em người ở gái ra về.

-         ...
-         ...
-         Người anh trai của ô-sin tống tiền hả chị?
-         Không phải thế. Tác giả một nửa của vụ tống tiền này là ông anh thần tượng của cậu đấy. Sáng nay, hắn ta – Mai vẫn gọi đức ông chồng của mình như vậy khi tức giận - sang phòng chị rất sớm, quỳ dưới chân xin một hai chục triệu đấm mõm anh con bé. Hắn ta năn nỉ: phải xin tiền là vì lúc này đột xuất rút tiền từ quỹ cơ quan, hay giật tạm  đều bất tiện, dễ  lộ... Hắn ta khẩn khoản ...nếu việc vỡ lở, chuyện trước mắt, chuyện lâu dài đều rắc rối.

Nghe mấy tiếng Mai nói “...quỳ dưới chân...”  Tôn lộ rõ vẻ kinh ngạc trên mặt, nhìn Mai từ đầu đến chân như thể lần đầu tiên được thấy rõ bà nữ tướng của mình.

Thật ra Mai “bốc” với Tôn, có chuyện năn nỉ thật, nhưng làm gì có chuyện quỳ.

Nhìn đi nhìn lại Mai, Tôn gật gật tán thưởng:
-         Đúng rồi, phải mạnh tay như thế mới yên mọi bề được, chị ạ.
-         Lên cái con khỉ. Còn đứa bé trong bụng nữa chứ. Mẹ nó biết nói và cũng sẽ dạy nó biết nói. Mà như thế sẽ rách việc lắm. Chị muốn phải giải quyết dứt điểm cơ.
-         Chị lo xa quá. Dứt điểm bằng cách nào?
-         Nạo thai không được, chỉ còn cách lo cho con bé một nơi sống kín đáo. Cái chính là bằng bất kỳ giá nào phải tránh búa rìu của dư luận và không để bọn nhà báo chõ mũi vào. Chị đòi hắn ta tìm phương án lâu dài. Hắn ta tính toán hết năm mươi triệu. Chị đồng ý. Giao cho anh trai con bé lo liệu chuyện này.
-         Nữ tướng hào phóng quá và anh nhà được mặt chơi đẹp!
-         Đẹp gì cái đồ mắc dịch. Rõ ràng là đã hiếp nó, chuyện mà ra toà thì tù rũ xương. Cũng may con bé vừa đủ mười tám tuổi.
-         Ối, thế thì anh nhà vượt xa Bill Clinton rồi. Mà chị cũng không thua kém gì bà đệ nhất phu nhân Hillary, ra tay cứu ông chồng khỏi một bàn thua trông thấy... – Tôn rót cho Mai một chén nước nữa: - Thôi chị ơi, năm chục triệu chẳng qua chỉ là hai cái Dream II, so với sự nghiệp thì chẳng thấm tháp gì...  Vô tư đi chị ạ, cứ coi như là mất trộm...

Câu nói an ủi của Tôn làm Mai bật cười  ...vô tư đi chị ạ, cứ coi như là mất trộm...  Cơn giận nguôi đi phần nào, từng bước nhường chỗ cho cái tính thực dụng quay trở lại:
-         Cậu nói đúng đấy, trước mắt cứ tạm coi như mất trộm hai cái Dream II. Cậu đã rà soát kỹ lại đề án chưa?
-         Chị yên tâm.
-         Nếu thế thì đem nộp anh Liêm đi, đầu óc chị bây giờ đọc một chữ hoá hai. Cậu thuê tay chuyên viên bên Sở tài chính hết bao nhiêu tiền?
-         Năm triệu chị ạ. Số tiền chị đưa lần sau vừa đủ. Lần trước chị đã duyệt chi mười triệu cho phó tiến sỹ Phạm Mạnh bên trường Y biên tập lại phần chuyên môn...

Mai không thể tập trung suy nghĩ làm bất kể việc gì lúc này. Ngồi trên bàn làm việc mà đầu óc vẫn tiếp tục bị cuốn hút vào những chi tiết chồng Mai kể lể lúc xin tiền sáng sớm nay. Mai cố  cân nhắc lại mọi bề, xem xét mọi tình tiết để còn liệu đường đối phó tiếp.

...Sau này đứa bé ra đời, chắc chắn sẽ còn một chuỗi những việc phiền phức khác. Không quyết như vậy, chẳng những bao công sức lo lót cho chức vụ mới của hắn ta sẽ xuống sông xuống hồ hết, mà cái ghế giám đốc xí nghiệp hiện nay chắc gì giữ được.., nhất là bây giờ hắn ta đã vào được danh sách đề bạt các thành viên mới của ban giám đốc Tổng công ty, dự kiến phụ trách toàn bộ mạng lưới kinh doanh...Hai cái Dream II là giải pháp bắt buộc thật rồi, không có cách nào hơn. Đành như thế vậy, miễn là vượt qua được thời điểm ra quyết định về nhiệm vụ mới của cái lão đa dâm này, tính toán dài hơi hơn nữa chưa được, phải chờ xem... Nhưng anh trai con bé quả là người biết điều. Chỉ thấy nó kêu xin tìm cách cứu vãn tình thế, chứ không thấy gây sức ép gì. Hay là vì nó biết thân phận cấp dưới nên phải nể sợ uy thế của “sếp” nó?..

Mai đứng dậy, ra khỏi phòng đi loăng quăng một lát, hy vọng dứt bỏ được những suy nghĩ cứ bám lấy Mai như đỉa đói từ sáng sớm.

-         Chào Mai, đi đâu mà vẻ mặt ưu tư thế?
-         Ậi anh Đông – Mai giật mình.  ...Anh về khi nào mà đã đến cơ quan ngay thế này?
-         Tôi về tối hôm qua. Sáng nay đến báo cáo có mặt và muốn nói một số thông tin sốt dẻo trước khi làm báo cáo gửi lên Bộ. Công việc ở nhà có gì đặc biệt không Mai?
-         Mọi việc trong Trung tâm đều bình thường anh ạ. Anh đi gặp anh Liêm?
-         Vâng, nếu Mai quan tâm về tình hình ma tuý trên Tây Bắc, xin mời Mai cùng nghe.
-         Cảm ơn anh, thế thì hay quá...

Cả hai đi đến phòng Vũ Liêm. Một số cán bộ nghiên cứu của Trung tâm cũng có mặt ở đấy. Tối hôm qua Đông đã điện thoại mời Tâm dự cuộc họp này. Nhưng Tâm hôm nay nghỉ bù nên không có mặt.

...Việc loại bỏ cây anh túc trên Tây Bắc chẳng khác gì gạt bèo trên mặt nước. Gạt chỗ này, bèo giạt chỗ kia, chủ yếu vì chưa tìm ra được cách làm ăn nào có thể nuôi sống đồng bào địa phương nếu không trồng cây thuốc phiện. Ngoài ra còn nhiều tập quán khó sửa... Dù sao cái nghèo và lạc hậu vẫn là nguồn gốc chủ yếu...

-         ...Các đồng chí thử nghĩ, từ phòng họp chúng ta đang ngồi đây đến huyện Sóc Sơn cách nhau khoảng ba mươi cây số đường chim bay, thế nhưng cái nghèo ở đấy vẫn bám riết lấy vùng đất có phong cảnh tuyệt vời này. Không ít người dân ở đây còn sống bằng cái nghề cắt cỏ guột và chặt cành thông khô làm củi bán. Bao nhiêu kế sách xoá đói giảm nghèo từ hàng chục năm nay chưa cải thiện tình hình này được bao nhiêu. Nhưng nếu các đồng chí  đi đến các vùng chung quanh thị xã Lai Châu hay thị xã Sơn La với một bán kính như vậy, các đồng chí sẽ thấy nhiều nơi vẫn còn đốt nương làm rẫy. Thậm chí lác đác có nơi chưa có tập quán định cư, trồng ngô bằng cách chọc từng lỗ xuống đất để gieo hạt. Không hiếm gia đình người lớn trẻ con đều mắc nghiện...  Chúng ta có thể hình dung nhiệm vụ chống nghèo nàn lạc hậu trên Tây Bắc khó khăn gấp hàng chục hàng trăm lần dưới xuôi... Nạn ma tuý đang vắt kiệt công sức vốn đã nhỏ nhoi của đồng bào các dân tộc trong vùng này. Gần đây buôn ma tuý xuyên biên giới có xu hướng tăng lên, làm cho vấn đề càng thêm nan giải...  ...Tại một số xã mạnh dạn giao rừng cho dân, hỗ trợ có kết quả việc định canh định cư, hướng dẫn tốt đồng bào thiểu số phát triển kinh tế trang trại, tôi thấy cây anh túc bị đẩy lùi. Hy vọng được gửi gắm vào mô hình này...

Đông trình bày những điều tai nghe mắt thấy, đưa ra nhiều ví dụ sinh động...

Nhưng Mai ngồi nghe câu được câu chăng. Chẳng bao lâu  suy nghĩ xoay chuyển hẳn sang một hướng khác, gần như Mai đang ngồi một nơi không có ai chung quanh.

...Hôm nay thật là một ngày đặc biệt, mình giáp mặt với bốn loại đàn ông khác nhau trên đời này. Không, có lẽ phải tính là năm mới đúng chứ...

...Sớm bảnh mắt là đức ông chồng của mình. Hắn ngày một đểu cáng. Không có cách gì lẩn tránh được sự thật này. Chuyện hai cái Dream II có thể chỉ là dạo đầu của một màn kịch mới. Khi mới cưới nhau hắn ta là người tháo vát, lo làm ăn và chu đáo với gia đình. Nhưng từ khi được bố mình nâng đỡ cho có vai có vế trong tỉnh, không biết hắn học ở đâu rất nhanh cái tài lợi dụng và lừa gạt mình. Về thành phố được ít lâu, hắn ta không giữ được một chút gì còn lại của những đức tính ngày trước. Thật là may chìa khoá két  vẫn còn trong tay mình. Nhưng rồi đây sẽ thế nào? Càng leo cao, hắn sẽ càng bồ bịch, càng lắm thủ đoạn...  Lúc mới cưới nhau, rồi lúc bọn trẻ con mới bi bô tập nói, gia đình mình đầm ấm biết bao. Bây giờ hai vợ chồng chỉ là một cặp cộng sinh quái đản. Rất được việc cho mình, nhưng thật quái đản. Đúng là phải lấy quái đản trị quái đản...

... Vũ Liêm à? Thực là một anh nông dân láu cá. Tay này học dốt nhưng biết lấy khôn ngoan san lấp cái dốt. Phải  thừa nhận cái khôn ngoan của tay này có lợi bằng vạn cái bằng đại học chính thức của mình. Cách xử sự việc đời của Vũ Liêm hơn mình hẳn mấy cái đầu. Mà như thế không thể liệt Vũ Liêm vào loại dốt được. Hắn chỉ dốt cái hắn không học được, nhưng lại rất khôn cái cần phải khôn. Người làm nghề như hắn khôn ngoan mới là cái quyết định. Cái học thuyết “cơ cấu” của Vũ Liêm thật đáng nể. Nhưng thật quả học nó không dễ. Mình quyết không để Vũ Liêm biến mình thành một công cụ cho học thuyết của hắn ta... Dù có thực hiện cơ cấu theo cách gì và ở đâu, nhưng nếu thiếu mình, thiếu Tôn, Vũ Liêm sẽ không thành Vũ Liêm. Đã hiểu được con người Vũ Liêm, mình phải tìm bằng được cách làm chủ tình thế...

...Đào Đích Tôn – một thanh niên, không một đàn ông mới vào đời, bạn tâm phúc của mình.  Là lớp đàn em nhưng Tôn hơn đứt Vũ Liêm và chồng mình cái bằng đại học thật, dù là điểm thi đỗ thấp. Các cụ nói tre già măng mọc. Phải chăng đây cũng là một hướng tre già măng mọc? Nhưng tre già măng mọc theo kiểu này rồi sẽ ra sao?  Rồi lại đến lượt Đào Đích Tôn mẫn cán này sẽ mất không phải là hai cái Dream II, mà sẽ là vài cái ô-tô, vài cái nhà và sẽ bỏ xa Phạm Huy Phước Tamexco trong việc chơi gái?.. A` thì ra con đường công danh trước đây của chồng mình bắt đầu từ những bước Đào Đích Tôn đang đi. Bây giờ mình thấy được “tấn trò đời” Phạm Huy Phước¨ được viết lên như thế nào. Phạm Huy Phước nguyên bản đã hạ màn. Một Phạm Huy Phước mới đang bước ra sân khấu, màn sắp sửa trình diễn là thăng hoa: ông phó tổng giám đốc mới nhậm chức  của mình. Một Phạm Huy Phước thứ ba đã bắt đầu được cuộc sống thai nghén, nhào nặn, hãy còn ở bên trong cánh gà, trước mắt còn làm trợ lý, làm loong-toongª cho mình... Thôi, đấy sẽ là chuyện của Đào Đích Tôn. Hiện tại Tôn phải làm tròn nhiệm vụ cánh tay hay bậc thang cho mình bước lên đã...

          ...Với những con người này, với cơ hội này, không có lý do gì mình không thể đi tới đích mình muốn, nhất là mình có ý chí, có khả năng... Mấy bà thứ bộ trưởng nhờ vào vận may là chính, chứ về mặt bản lĩnh thì có nghiã lý quái gì so với mình... Ta không có ý chí như vậy, người đầu tiên loại bỏ ta sẽ không phải ai khác là cái tay chồng đểu cáng của ta, rồi mới đến những người khác... Hai cái Dream II không là cái đinh gì nếu so với cái xe ô-tô Honda đời mới cúng phó bà phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vân Thanh để chạy cho chức vụ mới của chồng mình. Đó là những quyết định ta dám quyết. Dù sao ta cũng dám chịu chơi để đạt được mục đích, trước hết để không bao giờ bị loại bỏ...

...Người anh trai đứa ở gái thuộc vào loại đàn ông đáng thương. ...Đáng thương đúng như cái khuôn mặt mếu máo tiều tuỵ của anh ta... Hắn, những người đại loại như hắn, kể cả những dây mơ rễ má như em gái hắn, chỉ là nguyên liệu, là phương tiện cho cái chủ thuyết “cơ cấu” của Vũ Liêm đang vận hành trong tay ta... Các giáo sư tiến sỹ ơi, các vị còn phải tốn nhiều giấy mực mới đủ trình độ sờ soạng được vào cái chủ thuyết này... Các vị  còn khốn đốn hơn cả tình cảnh thầy bói xem voi, chứ đừng nói đến chế ngự chủ thuyết này...

...Trong cánh đàn ông, người mình ghét nhất, sợ nhất vẫn là Nguyễn Đông. Liệu cái đề án Viện quốc gia... có qua mặt anh ta được không? Đã tốn kém khá nhiều tiền để biên tập, nói cho đúng hơn là để xào xáo ra một đề án mới. Những tay thợ viết được thuê cũng vào loại có tên tuổi. Tôn và mình đã bỏ ra bao nhiêu công sức thảo luận với các tay thợ viết, sáng tạo ra một đề án mới, nhưng phải cố giữ những điều cốt lõi trong đề án cũ thì mới có cơ được duyệt. Đọc lại bản thảo, rõ ràng cách hành văn, trình tự các vấn đề hoàn toàn thay đổi so với đề án gốc. Như vậy đã đủ yên tâm chưa? ...Nguyễn Đông có một tri thức tuyệt vời, song đấy không phải là cái khó nhất đối với mình. Điểm mạnh nhất của anh ta là anh ta chẳng có ý đồ gì để mình có thể bấu víu tấn công. Điểm yếu nhất của anh ta là không biết dùng thủ đoạn, nên tránh những đòn anh ta có thể đánh mình không khó. ...Hay là anh ta quá khôn, quá hiểu biết nên không cần thủ đoạn? Cái màn kịch phong bì hôm nọ mà cá cắn câu thì sẽ biết tay ta, uy tín của cái anh chàng này sẽ chỉ còn là cái giẻ rách... Kịch bản không tồi, nhưng mình đạo diễn tồi...  Anh chàng giờ đây đang đứng trước mặt mình, đang sôi nổi trình bày. Uyên bác như anh ta mà đang mù tịt về nhiều điều, kể cũng đáng thương hại...  Sòng phẳng mà nói mình đang chơi không đẹp với anh ta.  - ...Nhưng Nguyễn Đông ơi, hãy thông cảm nhé... Hay là Nguyễn Đông quá giầu có, đến nỗi chẳng thèm để ý đến việc bị móc túi? - Đây vẫn là con người mình sợ thực sự, con người mình khó hiểu nhất...

          Quả là các sự việc và các nhân vật hệ trọng đối với cuộc đời Mai hôm nay ngẫu nhiên hội tụ mạnh mẽ trong tâm trí Mai, bật loé lên những tia sáng soi rọi vào các mối quan hệ phức tạp trong gia đình Mai và trong xã hội. Đột nhiên Mai nhìn thấy rõ  nhiều điều, bản thân Mai bị cuốn hút ghê gớm vào dòng xoáy tư duy được tạo lên từ chính sự hội tụ của những “tuýp” đàn ông này...

-         Anh Đông đã cung cấp  cho chúng ta một số tình hình trên Tây Bắc và những thông tin bổ ích. Cảm ơn đồng chí Đông. Có đồng chí nào hỏi gì thêm không?

Lời cảm ơn của Vũ Liêm kéo Mai về thực tại. 

Cuộc họp kết thúc sau khi Đông trả lời thêm vài câu hỏi tỷ mỷ của Liêm về các biện pháp chống buôn lậu ma tuý xuyên biên giới, vì sao chúng đạt hiệu quả thấp...

Mọi người chưa ra về ngay, đứng chuyện trò với nhau một lúc nữa. Đột nhiên Mai hỏi thăm Đông:
-         Bệnh nhân Lê Kim Nguyệt của anh hồi này thế nào? Anh có tin tức gì về cô này không?
-         Hy vọng cô này có thể khỏi nghiện, nhưng chưa dám về với bố mẹ, hiện nay đang ở chỗ tôi Mai ạ.

Câu trả lời rất tự nhiên, nhưng lại gây ra sự ngạc nhiên cho mọi người chung quanh. Mai có vẻ thán phục:
-         Anh Đông đúng là một hiệp sỹ.
-         ...

Liêm bước chân ra khỏi phòng, chợt nhìn thấy chị hộ lý Thường, Liêm quay ngoắt trở vào. Cách đây vài hôm chị ta lại nhắc chuyện xin việc cho con trai.


Đông không hề hay biết, chỉ trong vòng một hai tiếng đồng hồ sau buổi báo cáo, nhiều cán bộ nhân viên trong Trung tâm đã sôi nổi kháo nhau và đàm tiếu việc Đông chứa  cô gái điếm. Như người điếc không sợ súng, anh bình thản dành trọn vẹn cả buổi chiều trao đổi với phó tiến sỹ Bách về những công việc trong suốt thời gian anh đi Tây Bắc. Công việc ùn lại quá nhiều, tập trung vào những hồi âm và những thông báo mới của các trường, các viện về những đề tài Đông đang tham gia.

Đông đặc biệt chú ý đến thông báo của giáo sư Tạn về một số kết quả mới trong thí nghiệm bào chế một loại thuốc cai nghiện đặc hiệu bằng các dược liệu tân dược mới có trên thị trường. Vì là chuyên gia đi sâu trong lĩnh vực narcotics nên Đông được mời tham gia từ đầu vào công trình nghiên cứu này. Đông và Bách mừng lắm, hy vọng ngày loại thuốc đặc hiệu này được công nhận và được sử dụng sẽ không xa. Đông chỉ xuýt xoa, nếu có nhiều tiền thì có thể rút ngắn đáng kể quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm này.

-         Còn một bì thư nữa, đề rõ chỉ anh mới được bóc thư.
-         Của Viện vi trùng học? Sao cậu không nói ngay từ đầu? - Đông vồ lấy bì thư, bóc luôn. Bách không kịp trả lời.
-         Vâng, của Viện vi trùng học. Nhưng em chưa biết thư lành dữ thế nào, nên muốn để anh bình tĩnh nắm lại công việc  trước đã...

Đông không nghe thấy Bách nói gì nữa. Trong số mười ba mẫu máu, có tới sáu mẫu máu nhiễm HIV. Mắt Đông hoa lên, ôi con số mười ba... Anh cố trấn tĩnh đọc lại lần thứ ba rồi mới giục Bách lấy danh sách đã mã số hoá ra đối chiếu. Trong số sáu người này có Mai Ngọc Bảo nhưng không có Nguyệt. Đông và Bách so đi so lại vẫn không thấy có tên  Nguyệt.

-         Hay là Nguyệt gặp may hở Bách?
-         Mong là Nguyệt thuộc vào nhóm bẩy người gặp may.
-         Có khả năng xét nghiệm sơ xuất không? Vì bệnh sử của Nguyệt vào loại phức tạp trong nhóm mười ba người này.
-         Mọi khả năng đều có thể xảy ra anh ạ, nhất là điều kiện vật chất kỹ thuật của ta vừa lạc hậu vừa thiếu.
-         Tội nghiệp cho Mai Ngọc Bảo, đây là người trẻ nhất. Xót xa cho một con người đang chuẩn bị bước vào đời... Anh vẫn chưa hết lo cho Nguyệt, mặc dù tỷ lệ sáu trên mười ba là quá mức dự đoán của anh.
-         Hay là làm xét nghiệm máu cho Nguyệt một lần nữa?
-         Bách nói đúng, anh sẽ thuyết phục Nguyệt. Ngày mai cậu làm ngay thủ tục thông báo cho những nơi quản lý sáu bệnh nhân này và gia đình họ – nhớ thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo mật... Nhắc các hộ tịch viên và các chi hội Chữ thập đỏ nơi những bệnh nhân này cư trú hỗ trợ việc quản lý.
-         Anh Đông ạ, bốn trong số sáu bệnh nhân này tuổi đều dưới hai mươi. Nếu từ đó suy ra trong xã hội thì rất đáng lo...
-         ...



Lâu lắm Đông chưa có dịp chuyện trò với Bách. Còn chút thời giờ, Đông thu xếp tài liệu và chia sẻ với Bách những ấn tượng anh thu nhận được trong chuyến đi công tác dài ngày vừa qua:
-         Trong chuyến đi Tây Bắc lần này anh không thể hiểu nổi tình trạng dân thì nghèo, trình độ kinh tế chậm phát triển, nghiện hút tăng lên, nhưng nhiều cán bộ phụ trách ở địa phương cứ nhởn nhơ, coi đây là chuyện vặt vãnh.
-         Thế mà em hiểu đấy.
-         Đừng cắt ngang, để mình nói hết cho mà nghe. Nguy nhất là số con em họ trích hút ngày một nhiều. Không rõ những cán bộ này chủ quan, hay họ không thấy hết được hiểm hoạ của ma tuý?
-         Anh chỉ trách cán bộ địa phương không thôi thì không công bằng.
-         Tới đâu cũng được địa phương đón tiếp liên hoan linh đình. Đoàn anh có năm người, nhưng các buổi liên hoan thường vài chục. Trên ấy mà cũng rượu ngoại bia ngoại thoải mái.
-         Chắc là rượu ngoại rởm?
-         Hỏi thế thì anh mù tịt. Khẩu ngữ phổ biến nhất là “Trăm phần trăm!” Đi thêm một tuần nữa có lẽ anh sẽ bị thủng dạ dầy!
-         Đoàn của anh mới chỉ là đoàn chuyên viên hạng bét, đón tiếp thế chắc không ăn nhằm gì so với những đoàn lớn.
-         Ngồi làm việc với cán bộ địa phương, điều anh rất lo là không ít trong số họ vừa bất cập với nhiệm vụ, vừa hời hợt với công việc. Trong các buổi liên hoan anh mới vỡ lẽ, đấy là dịp để một số người chăm sóc các mối quan hệ với nhau. Quan hệ họ hàng ở địa phương càng được coi trọng.
-         Tại ngay thành phố này cũng thế thôi, anh Đông ạ.
-         Nếu đúng như vậy thì là bệnh hoạn. Ông vụ trưởng của Bộ làm trưởng đoàn trong chuyến đi này cũng nói hệt như cậu: Thời buổi bây giờ không quan hệ không sống được... Đã thế, mấy bố giời ơi trong đoàn của anh cứ như là được xổ lồng, tranh thủ tận hưởng miền đất lạ! Suốt chuyến đi này, họp hành thì đại khái, nhưng liên hoan thì rôm rả.   Đêm ở khách sạn thị xã Lai Châu anh bị các bố nhà ta dựng dậy hai lần rủ đi chơi...
-         Anh cũng cùng họ hành quân chứ? – Bách cười ranh mãnh. ...Lần sau đến lượt em đi công tác địa phương chứ không phải anh đâu nhé...
-         Xin nhường cậu hết đấy. Riêng việc chạy theo chạm cốc đủ lệ với các bố ấy mình cũng gần chết rồi. Những chuyện tếu táo nhiều quá xá, lắm lúc thật sàm sỡ. Nhiều chuyện được nhắc đi nhắc lại khiến anh nghi trong đó có ít nhiều sự thật. Hình như không còn đề tài nào khác hấp dẫn hơn...
-         Bác sỹ Mai nói đúng, anh mắc bệnh tâm thần cỡ nặng rồi.
-         Này, cậu ăn phải đũa bác sỹ Mai từ bao giờ thế? - Đông giãy nảy lên như người bị dị ứng.
-         Đấy là điều nói thật của kẻ thực dụng anh ạ. Phải hiểu nhận xét ấy của bác sỹ Mai, anh mới hiểu được cuộc sống.
-         Ợ`, nói thế thì còn nghe được.
-         Ngay ở thành phố này bây giờ cũng thế thôi anh ơi. Gặp một đối thoại để nói với nhau một câu chuyện đứng đắn, có trí tuệ, có văn hoá là dịp may hiếm có đấy. Anh xem có đúng không.
-         Cậu dẫn chứng đi.
-         Em còn nhớ thời bao cấp các “con phe” có nhiều cách chi phối đời sống của chúng ta. Họ quyết định mầu cá vàng của xe máy Peugeot, mầu đỏ của xe máy Simson, mầu đồng của xe đạp Peugeot, mầu xanh lá mạ của xe đạp Mifa... là những mầu thượng phẩm. Họ gieo rắc vào xã hội lối sống: ...một yêu anh có may-ô, hai yêu anh có đồng hồ đeo tay...
-         Cậu nhớ dai nhỉ.
-         Song lớp người này chỉ có tiền thôi anh ạ. Họ hầu như không có văn hoá và không có quyền, nên ảnh hưởng của họ lúc bấy giờ không là bao.
-         Đấy là chuyện xưa rồi, cậu vẫn hoài cổ à?
-         Suốt năm ngoái đi thu thập những dữ liệu về tệ nạn xã hội của thành phố, em có dịp tìm hiểu một lớp người mới đang nổi danh trong xã hội ta. Đặc điểm chung nhất là họ có nhiều quyền hành. Dù đấy là người giữ con dấu, cô thủ quỹ, anh kế toán, cao hơn nữa là chuyên viên, cán bộ phụ trách, rồi đến ông thủ trưởng hay bà thủ trưởng...
-         Cậu học được cái kiểu phân chia giai tầng xã hội này ở đâu thế? Lại đem tất cả bỏ vào một rọ.
-         Nhưng mà đúng. Trong cái rọ chung này ai ai cũng đều có quyền riêng theo chức vụ của mình. Dù lớn nhỏ thế nào, những quyền riêng này đủ mức buộc anh khi có công việc thì phải “làm luật” thích hợp với từng đối tượng.
-         Nhận xét này đúng, mình thừa nhận. Báo chí phê phán mãi vẫn không đẩy lùi được nạn nhũng nhiễu... Trớ trêu là luật pháp thì khó thực thi, nhưng việc “làm luật” mà trốn thì không xong. Mấy lần ăn cơm ở nhà Tâm, mình thấy Phương  phàn nàn điều này. Anh bạn trẻ dứt khoát không chịu nộp mười “vé” để được tuyển vào biên chế chính thức.
-         Chưa hết anh Đông ạ, quyền riêng thì lớn thế, nhưng khi xẩy ra chuyện gì thì hầu như chẳng thấy ai chịu trách nhiệm, chuyện thế gian thường tình mà.
-         Bách này, đến nay anh chưa thấy một vị chức sắc nào tự nguyện ra đi vì những bê bối của cơ quan mình. Trong những vụ trọng án vừa qua cũng chưa thấy một vị thủ trưởng nào chủ động xin lỗi hoặc bị truy cứu trách nhiệm về những hành động phạm pháp của cán bộ nhân viên do mình phụ trách. Chỗ nào cũng có chi bộ, đảng viên, nhưng tiêu cực tham nhũng vẫn ngang nhiên hoành hành.
-         Đôi khi em có cảm tưởng lớp người mới này là những con kỳ nhông đội lốt người. Trong công sở hay trong các cuộc họp, họ nói năng xử sự cực chuẩn theo chỉ thị nghị quyết. Nhưng từ phòng họp hay cơ quan rủ nhau đi ăn trưa, họ trở thành những con người khác, và đây mới là đúng lúc nhất để bàn những việc cần bàn giữa họ với nhau. Sau một công việc rủ nhau đi ăn đêm, họ lại là những con người khác nữa. Tiêu sài bốc trời nhưng quê kệch.
-         Theo em họ đào đâu ra lắm tiền mà ăn tiêu như thế?
-         Làm sao biết được cái tổ con chuồn chuồn! Vì vừa có quyền và có tiền, họ chi phối đáng kể lối sống của xã hội. Anh xem, ở thành phố anh thấy “một trăm phần trăm!” Anh lên Lai Châu cũng thấy “một trăm phần trăm!”.  Em cam đoan anh có vào  Trường Sơn, xuống đến Vũng Tầu cũng thấy lu bù “một trăm phần trăm!” Có lần em được mời đi ăn sáng với họ, cũng “một trăm phần trăm”. Tất cả chỉ có 3 người mà hết hai trăm nghìn đồng. Một bữa nhậu chớp nhoáng giữa buổi để làm quen cũng ba bốn trăm nghìn đồng như bỡn. Một bát yến năm sáu trăm nghìn đồng...
-         Anh nhớ hồi ở phổ thông được học là trong kháng chiến chống Pháp Bác Hồ đã phát động phong trào “Sửa đổi lề lối làm việc” và bài trừ nạn uống rượu. Lúc bấy giờ có nơi nêu ra khẩu hiệu “Uống rượu là uống máu đồng bào!”
-         Ngày nay, nếu có quyền lực, anh thử đưa ra một khẩu hiệu như thế xem.
-         Ví dụ?
-         Chẳng hạn như: “Tiết kiệm của công và không tham nhũng để đất nước giầu mạnh!”
-         Cứ cho là như vậy đi.
-         Thì lớp người có quyền mới này bề ngoài có thể suy tôn anh làm thánh sống, nhưng trong bụng họ cười vào mũi anh. Và tất nhiên họ sẽ để riêng mình anh sống theo khuôn mẫu lý tưởng anh đề ra.
-         Cái dở nhất của bọn chúng mình ngày nay là sống với lớp người này chúng ta không biết sắm nhiều vai, có phải thế không Bách?
-         Đúng là đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Nhưng em sợ điều các cụ đã dạy này bây giờ lạc hậu mất rồi anh ạ. Muốn sống được với họ, có lẽ anh phải vừa là bụt, vừa là ma, còn chỉ sắm vai hay thay áo không thôi thì không đủ.
-         Cậu nói thế thì bọn chúng mình hết đường.
-         Lớp người này chỉ là cái váng bẩn trong xã hội, nhưng lại có thể trở thành một tác nhân quan trọng cho sự ra đời thứ văn hoá tếu táo trong xã hội ngày nay.
-         Kết quả gần một năm công việc khảo cứu của cậu đấy à?.. - Đông ngỡ ngàng.
-         Vâng. Đấy là thu hoạch phụ của em trong một năm đi thực tế, không đưa vào luận án được.
-         Nhưng lại rất có ý nghĩa trong nhận biết cuộc sống hiện tại?
-         Vâng. nói chính xác là mười một tháng. Em có dịp giao tiếp, tìm hiểu, tất cả được một trăm hai mươi bảy mẫu của loại người này. Em ghi lại hết tên, địa chỉ, nghề nghiệp, chức vụ của họ, đại ý từng cuộc đối thoại và nhận xét của em về từng người. Em cố đưa ra những câu hỏi trong đối thoại để làm nổi bật góc cạnh từng người.
-         Hay đấy nhỉ. Lúc nào cho mình mượn đọc. Giải phẫu tâm lý cũng tốt cho chuyên môn của mình đấy.
-         Thày ra lệnh thì học trò phải cho mượn thôi. Mỗi người là một cá thể duy nhất anh ạ. Song nếu chịu khó phân tích, thì cũng có thể tìm ra trong họ nhiều nét tương đồng, có những biến thể theo giới tính, tuổi tác và địa vị xã hội, nhưng cũng có nhiều nét giống Vũ Liêm và Đặng Tuyết Mai của chúng ta.
-         Thế mà mình không biết điều này lúc cậu bảo vệ. Thảo nào trong phần Những hệ quả xã hội  của luận án tôi thấy cậu có nhiều lập luận xác đáng. Mình rất thích cách làm việc chuẩn xác, khách quan và khoa học của cậu.
-         Bệnh nghề nghiệp tạo cho em thói quen làm việc gì cũng mổ xẻ...

Đột nhiên Bách loanh quanh tìm thứ gì đó trên bàn, rồi cầm lấy bút và mảnh giấy, miệng nói, tay vạch vạch, viết viết:
-         Nếu phải dựng lên chân dung lớp người này bằng vài nét chấm phá, bức ký hoạ tiêu biểu cho họ là như thế này đây. Coi được không anh?..  – Bách đưa cho Đông mảnh giấy có hình anh vừa mới vẽ nguệch ngoạc.

Đông không trả lời ngay, anh vân vê ngắm nghía một lúc mảnh giấy Bách đưa cho, sau đó trầm ngâm:
-         Sao, có mặt trời chiếu nắng, ngồi ô-tô có mui, mà vẫn còn thò tay ra ngoài cửa xoè ô là thế nào? Người gì mà lạ vậy?
-         Anh ơi, cái ô là vật bất ly thân của lớp người này.
-         Anh không ngờ Bách trăn trở đến mức như vậy về khả năng xuất hiện thứ văn hoá tếu táo này.  Nhưng anh vẫn hy vọng vào sức sống văn hoá đích thực của đất nước. Suốt dọc đường từ Tây Bắc trở về, anh cứ băn khoăn mãi về sự lãng phí quá lớn các nguồn lực của đất nước, lãng phí trước hết chỉ vì cách dùng người.
-         Anh đi điều tra tệ nạn ma tuý, nhưng lại thu hoạch về tệ nạn xã hội.
-         Đúng thế. Băn khoăn day dứt đến mức anh ngờ vực chính mình. Có lúc anh tự cảm thấy là một người xa lạ đang sống  ngay trên đất nước mình...
-         Em đã được ăn một cái tát về sự băn khoăn như của anh đấy.
-         Sao? Ai tát cậu? - Đông bỏ kính xuống, nhìn Bách sát tận mặt vì ngạc nhiên.
-         Cái tát ấy mới cách đây vài hôm thôi anh ạ. Tụi em họp lớp cùng học với nhau hồi phổ thông, có liên hoan mặn hẳn hoi. Một cô bạn bây giờ giầu có nhất hội đứng ra khao. Cô bạn chủ tiệc chính là người em từng yêu thầm nhớ vụng suốt những năm cấp ba. Cô ấy là Mạnh Thường Quân của em suốt thời gian em đi khảo sát thành phố năm ngoái. Không có gì thích thú hơn khi được cùng nhau ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa. ...Nhưng khi đàm đạo về cuộc sống hiện tại thì các ý kiến của bọn em chống đối nhau ngang ngửa. Sau khi nghe em nói lên những điều tâm sự về hiện tại, cô ta đứng lên đĩnh đạc giữa nhà: “Bách ơi, cậu tốt lắm, nhưng còn ngu lắm! Không bao giờ được ngu. Bởi vì ngu chỉ đáng để cho người ta giày xéo và lợi dụng thôi. Cố lên, đừng bao giờ ngu, Bách nhé...” Em đón nhận cái tát ấy với lòng biết ơn...
-         Chà chà. Nếu cô ta tát thật thì sao?
-         Em sẽ giữ tay cô ấy ở mãi trên má em. Nói thực, em vẫn còn yêu cô ấy, không làm sao quên được mối tình đầu anh ạ... Đôi ba lần vợ chồng em tâm sự với nhau về điều này. Vợ em an ủi: ...hãy giữ lấy mảng sáng ấy để cho cuộc đời đáng sống hơn anh ạ...
-         Trời ơi Bách... - Đông nắm lấy vai Bách, lắc mạnh.  - Nếu anh là con gái chắc anh phải yêu cậu thôi. Vợ cậu là con người tuyệt vời. - đến đây giọng nói của Đông hạ thấp xuống: - ...Nhưng Bách ạ, nhiều lúc trong thâm tâm anh phải tự thú mình là người thiếu văn hoá. Vì ngoài công việc, anh chẳng còn biết cái gì hơn. Như thế thật không ổn. Song có lẽ cậu đúng, rất đáng lo cái tếu táo nó đang lấn lướt cái chân chính. Nhưng bây giờ cậu làm gì với mối tình đầu mãi mãi không nguôi này?
-         Đành thỉnh thoảng đọc thơ lòng vậy, anh Đông ạ. Vì... nói theo Xuân Quỳnh: ...Không có em, anh chỉ còn bão tố©... Đấy là mảng sáng xa xưa không bao giờ tắt được trong em, đúng như vợ em nói...
-         Cậu làm thơ hả Bách?  ...Này, hình như... Anh em mình sống với nhau bao nhiêu năm mà mình không hề biết cậu là thi sỹ...
-         Có bao giờ em làm thơ đâu anh Đông. Em chỉ thỉnh thoảng lại đọc Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Xuân Quỳnh... để bão tố trong lòng dịu đi mà thôi.
-         Xem ra cậu khá lãng mạn và cũng có hồn thơ đấy chứ?
-         Có lúc em thử xem một vài vở kịch mới của ta trên ti-vi, được một lát thấy tầm thường quá, tắt luôn. Đành rằng văn hoá cũng phải mở cửa, nhưng ta cũng phải có cái gì để tự khẳng định mình chứ. Cứ hết Bao Công lại Tể tướng Lưu gù rồi đến Tần Thuỷ Hoàng... Ti-vi cứ làm mãi như thế mà không biết nhàm, biết chán. Văn xuôi văn vần mới bây giờ em thấy khác xa trước quá. Có quá nhiều tác phẩm mới làm người đọc phát nghẹn, đề tài chai mòn, nội dung không chân thực, nghệ thuật cũng như ngôn ngữ bị tầm thường hoá nhân danh cái hiện thực, nếu không như thế thì lại quá dung tục, huỷ hoại...
-         Cậu thuộc loại kén ăn mất rồi...
-         Còn âm nhạc lại làm em nhớ đến dự kiến đổi quốc ca khi nào... Song chối tai nhất đối với em là cái thứ nhạc cuồng loạn nhập khẩu, gào thét đến hụt hơi những âm thanh tiếng nước ngoài, phát âm sai, quần áo phanh ra, chân tay nhảy cẫng lố lăng, người thì ngắn một mẩu... Từ đó em đâm ra sợ phí thời gian vào những thứ này, và chắc chắn vì thế bỏ lỡ nhiều tác phẩm văn hoá đáng thưởng thức, đáng trân trọng...
-         Đúng là cuộc sống hiện đại cần cái mạnh, cái ấn tượng, song nếu nó hài hoà được với những cái tinh tế, cái thơ mộng, cao cả riêng tư trong con người thì càng đẹp chứ. Cậu có nghĩ thế không Bách? ...Nhưng có lẽ anh em ta lỗi thời mất rồi, không tiêu hoá nổi cái hiện đại. Thanh Tâm khoe Nhà hát Tuổi trẻ đang diễn chùm kịch “Đời cười”, có thể xem được. Lúc nào kéo nhau đi xem thực hư thế nào. Bách đứng ra tổ chức đi, mời cả Tâm tham gia...
-         Từ tiêu hoá  anh dùng chuẩn đấy anh Đông ạ, nhất là một khi văn hoá được thưởng thức trước hết bằng thể xác...
-         ???..

Bên ngoài đường phố đã lên đèn từ bao giờ mà hai người không hay biết.
...



Kết quả xét nghiệm máu của Nguyệt làm cho Đông về nhà với tâm trạng nhẹ nhõm, thấy càng phải cố giúp Nguyệt hơn nữa. Song vì còn hoài nghi, nên anh chưa nói gì với Nguyệt. Anh rất vui thấy Nguỵệt có sự cố gắng rõ rệt. Tối hôm qua, Nguyệt không hỏi anh về chuyến đi công tác, mà chỉ kể cho anh nghe chuyện Tâm đến thăm, những việc Nguyệt đã làm ở nhà, đã đọc xong quyển sách anh giao cho, đưa cho anh xem ghi chép cặn kẽ những điều Nguyệt hiểu được, những điều cần hỏi thêm... Nguyệt còn khoe giúp đỡ hàng xóm được vài việc lặt vặt. Rõ ràng Nguyệt đang cố làm theo những điều anh dặn.

Anh định bụng trong bữa cơm tối nay sẽ lựa lời thuyết phục Nguyệt thử máu một lần nữa.

Từ ngày có Nguyệt chăm lo cơm nước và các việc trong nhà, Đông dần dần lấy lại thói quen chạy bộ trên đê khoảng một tiếng trước khi tắm rửa ăn cơm tối. Mặt đê được thành phố sửa sang lại thành một công viên dài và đẹp. Đây là thời giờ Đông quên hết mọi việc trên đời, vừa chạy vừa ngắm cảnh, ngắm người.

Sau mỗi cuộc chay bộ, được ngồi nghỉ, Đông mở rộng tâm hồn hứng lấy tất cả cảnh đẹp trong ráng chiều của làng quê bên kia sông Hồng...

Hôm nay, trước mặt Đông, dòng sông mềm mại màu nâu nhạt uốn quanh những vạt lúa xanh bát ngát rồi hoà quyện vào nắng vàng. Xa xa làng quê viền thành những dải xanh thẫm nối liền với chân trời. Nắng chiều ánh lên những cánh mây nhẹ nhàng, tô điểm những màu sắc huy hoàng cho bầu trời cao xanh. Cuối trời một suối ánh sáng rực rỡ tuôn ra từ đám mây lớn rồi toả ra thành những rẻ quạt chảy xuống làng quê...

Trong tâm khảm §ông lại bừng lên những mảng sáng của ráng chiều ở Cao Xá năm nào, ráng chiều êm ả trên các trận địa phòng không ở các vùng núi non và đồng bằng miền Bắc sau những trận đánh quyết liệt, ráng chiều trên đảo Cát Bà với Kiều Liên và bé Giang... Những mảng sáng ấy sống mãi cùng anh, đi mãi cùng anh trong mỗi đoạn đường đời.    ...Vợ Bách nói đúng. ...Phải giữ mãi những mảng sáng ấy cho đời đáng sống...

Nhờ lấy lại những buổi tập luyện, sức khoẻ anh khá lên rõ rệt. Anh cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn trước, nhưng mặt mũi chân tay vẫn còm nhom.

Ngồi vào bàn, sau khi nhận cốc nước cam Nguyệt đưa cho, Đông hỏi:
-         Hôm nay em cho anh ăn gì nào?
-         Hôm nay em chiêu đãi anh, vì hôm qua anh về em không biết trước nên chưa kịp chuẩn bị gì cả.
-         Nước cam em pha ngon quá. Bây giờ anh em mình cam kết với nhau thế này. Anh uống nước cam đều vào các bữa ăn tối, còn em phải tập thể dục buổi sáng thật đều. Ai vi phạm sẽ phải phạt.
-         Phạt gì hở anh? Chẳng lẽ anh cầm roi đánh em à? Và có khi em cầm roi đánh anh nữa?
-         Phạt... Ờ ờ… phạt gì... Dùng roi đối với chúng ta thì vô lý thật. để anh nghĩ cái đã.
-         Thế mà chị Tâm, và cả chú hộ tịch viên nữa, cứ khen anh là nhà thông thái.

Đông cười trừ, vì bí chưa trả lời được.

-         Chú hộ tịch viên cũng sang thăm nhà mình à?
-         Vâng, chú sang hỏi thăm cuộc sống của em có được thu xếp ổn thoả không và động viên em phải tin vào sự giúp đỡ của anh. Chú ấy nói, việc gì khó mấy cũng vượt qua được.
-         Chú ấy nói thế em có tin không?
-         Bây giờ thì em nói được là em tin.
-         Tốt lắm, nhưng để trở lại khoẻ mạnh bình thường, em còn phải tập luyện nhiều, cả về thể lực và tinh thần. Nhiệt độ em tự đo hàng ngày trong thời gian anh đi Tây Bắc, anh thấy tạm ổn, nhưng em phải đi thử máu, vì đã đến kỳ rồi. Sáng mai, trước khi đi làm, anh sẽ đo huyết áp và xem tim mạch cho em, rồi sẽ nhờ Bách đưa em đi thử máu.
-         Có chuyện gì nguy hiểm không anh?
-         Không có chuyện gì nguy hiểm cả, nhưng từ hôm thử máu ở khoa chị Mai đến nay đã khá lâu rồi, đã đến kỳ phải kiểm tra tiếp.
-         Có đúng thế không anh?
-         Đúng.
-         Thế thì tiêu chuẩn của em còn cao hơn cả tiêu chuẩn của Chủ tịch nước.
-         Em nói thế là thế nào?
-         Bác sỹ chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch nước chắc chắn còn thua anh mấy cái bằng. Chủ tịch nước chỉ có một bác sỹ, em có hai.
-         Phải cho em ăn vài cái cốc bươu đầu lên, dám so mình với Chủ tịch nước.

Đông cốc nhè nhẹ lên đầu Nguyệt mấy cái...

Bữa cơm rất ngon. Chuỵện trò vui vẻ. Bỗng có chuông điện thoại reo. Nguyệt bảo Đông cứ ăn tiếp đi và tranh ra nghe.

-         Vâng ạ, đúng đây là nhà bác sỹ Nguyễn Đông ạ...
-         Vâng ạ, xin đồng chí chờ cho một chút.  – Nguyệt quay ra nói với Đông: - Có điện thoại rất gấp của công an quận, anh ra mau lên.

Nguyệt ngồi nghe bên cạnh, chân tay run bắn lên.

Đặt máy điện thoại xuống, mặt Đông nhợt ra:
-         Nguyệt ơi, Giang bị giết rồi trời ơi! ...Cách đây một giờ! Lấy cho anh cái mũ xe máy!..

Nguyệt mới gỡ được cái mũ xe máy ra khỏi cái mắc áo, chưa kịp đưa, Đông đã vồ lấy, cả người và xe lao ra phía cửa.

-         Anh Đông, đêm hôm thế này đi đâu bây giờ anh Đông?.. Anh đi cẩn thận...  anh Đông!..

 Nguyệt chạy ra ngoài đường gọi với theo. Tiếng xe máy rú lên át tiếng gọi của Nguyệt.


Nguyệt báo ngay tin dữ cho Tâm. Còn lại một mình ở nhà, Nguyệt đứng ngồi không yên. Một nửa giờ sau Tâm đi xe ôm đến. Nguyệt không thể kể gì hơn cho Tâm nghe ngoài những điều Đông vừa nói. Nguyệt thu dọn mâm cơm dở dang rồi cùng Tâm chờ đợi.

-         Em lo lắm, chỉ kịp dặn với theo, nhắc anh ấy đi cho cẩn thận.
-         Điều mà anh Đông và chị lo sợ lâu nay, bây giờ đã xảy ra.
-         Tại sao mọi chuyện đau khổ cứ dồn hết vào anh Đông là thế nào hở chị ơi?
-         Chị cũng không biết nữa. Nếu Giang có một người mẹ tốt thì đâu đến nỗi...

Tâm và Nguyệt nắm tay nhau ngồi chờ Đông về. Đó là hai phụ nữ trên đời này thương cảm nhất hoàn cảnh của Đông.

Hễ có tiếng xe máy gần nhà, cả hai lại ra ngó xem có phải Đông về không. Ba tiếng đồng hồ sau Đông về đến nhà, mặt tóp hẳn đi. Nguyệt dắt xe vào nhà , còn Tâm đỡ Đông vào ngồi nghỉ trên chiếc ghế song.

Nguyệt lấy nước cho Đông uống rồi trở về chỗ Tâm ngồi. Cả hai cùng im lặng chờ đợi Đông uống nước và lấy lại sức. Một lúc lâu, Đông mới bắt đầu nói.

-         Giang bị giết thật rồi hai em ạ. Công an đã đưa anh đến hiện trường chỗ Giang bị giết, tại gần hồ Hoàng Mai. Giang bị đâm sâu vào ngực trái và có nhiều vết chém trên mặt, chết ngay tại chỗ. Nguyên nhân có thể Giang bị băng nhóm giết theo luật của chúng. Chờ anh nhận dạng xong, công an đã đưa Giang về bệnh viện để giao cho pháp y. Chưa bắt được thủ phạm, nhưng băng đảng của Giang đã bị công an theo dõi từ lâu. Giang nằm trong hồ sơ theo dõi của công an. Họ cho biết đã cảnh báo Kiều Liên và bố dượng của Giang nhiều lần. Anh biết việc này, vì công an cũng thông báo cho anh, khuyên anh hợp tác với gia đình Kiều Liên để cứu Giang, nhưng anh chẳng làm được gì.
-         Kiều Liên đã biết tin này chưa anh Đông? – Tâm hỏi.
-         Công an báo cho Kiều Liên trước rồi mới báo cho anh. Họ cố chờ Kiều Liên nhưng không thấy đến, nên anh mới về muộn như thế này.
-         Ối, sao lại có thể như thế?.. Nguyệt thốt lên.

Tâm cầm lấy tay Đông:
-         Anh Đông ơi, điều anh lo lắng nhất bây giờ đã xảy ra rồi, không cứu vãn được nữa. Phải tiếp tục sống. Không có cách nào khác anh ạ.  Phải giữ sức khoẻ để tiếp tục sống!  – Tâm đi rót cho Đông một cốc nước nữa, đứng nhìn Đông mãi rồi lấy hết sức bình sinh tự mình dứt ra khỏi chính mình. Tâm quay sang nói với Nguyệt: - Em cố giúp anh Đông vượt qua nỗi đau này. Em hứa với chị đi. Không được để anh Đông một mình lúc này em ạ. Chúng ta phải dựa vào nhau để sống, phải dựa vào nhau! Em hiểu chị không?.. – giọng nói của Tâm run rẩy lạ thường.
-         Vâng em hiểu ạ, em xin hứa... – Nguyệt nói, rưng rức nước mắt.



          Tâm ra về rồi, mà Đông vẫn ngồi nguyên rất lâu trên ghế, mắt nhìn về đâu đâu. Nguyệt ngồi im không dám giục Đông đi nghỉ, thỉnh thoảng chỉ dám đứng lên rót nước cho Đông uống.

          Đông cầm lấy tay Nguyệt:
-         Em không bỏ anh lúc này chứ?

Nguyệt đứng dậy, không nói được nên lời, hai tay ôm đầu Đông siết vào lòng mình, xót sa những điều Đông đang phải chịu đựng...


          Đêm hôm ấy Tâm khóc thầm một mình.

          ...Hãy hiểu cho em... Anh Đông, em thương anh quá, nhưng em không biết em phải làm gì... Em yêu anh vô ngần, nhưng tại sao lúc anh đang đau khổ như thế này em lại không đón anh về? Không đón anh về với em lúc này còn lúc nào nữa?.. Giang không còn, càng thương anh vô cùng. Em cũng không hiểu tại sao vào đúng lúc này em lại không định đoạt nổi điều gì? Em biết, anh rất yêu em, trông cậy vào em. Anh rất cần em lúc này... Em không thể bỏ anh, nhưng tại sao chính lúc này em lại chờ đợi? Em cũng không hiểu nổi chính mình nữa. Đón anh về, em sẽ không phải chờ đợi... Càng yêu thương anh càng muốn đón anh về... Song chính vì yêu anh vô cùng, em phải chờ đợi... Phải chăng số phận chúng ta là như thế? Chúng ta tất cả vì nhau. Chúng ta không nói ra với nhau, nhưng đều biết chúng ta yêu nhau, ...thầm kín vô cùng, thiêng liêng vô cùng... Anh chẳng đã từng nói là gì: ...Đi với nhau chung một chuyến đò còn hiểu nhau, huống chi là anh và em... Hãy hiểu cho em lúc này... Hãy hiểu lòng em! Em chờ anh...

          Thổn thức mãi, nước mắt đầm đìa trên gối, Tâm muốn chính mình nghe được trái tim mình đang nói những gì, như để vợi lòng mình và để thổ lộ với chính mình tình yêu dành cho Đông. Tâm không biết đã thầm yêu Đông từ bao giờ, nhưng hôm nay lần đầu tiên Tâm nói thành lời với mình, nói cho chính mình... Với niềm tin mãnh liệt  ...Đông sẽ hiểu cho mình...

          Khi tiếng khóc bật lên thành lời, Tâm ôm riết lấy con, như ôm lấy nơi mình bấu víu nương tựa trên đời này. Đêm ấy hai mẹ con tâm sự với nhau đến sáng.
          ...


          Sáng hôm sau Đông vẫn đi làm. Nhưng anh mua một bó hoa đẹp rồi đến thẳng Viện chống lao trung ương, trực tiếp báo tin dữ cho các bác sỹ đang chữa cho Mai Ngọc Bảo. Bây giờ mọi người đều thống nhất với anh là tập trung cố gắng giảm bớt những cơn đau và kéo dài sự sống của Bảo được ngày nào hay ngày ấy. Hội ý xong, anh đề nghị cho đến thăm Mai Ngọc Bảo. Rất may, lúc này Bảo đang tỉnh táo.

-         A chú Đông, hôm nay chú đến thăm cháu…
-         Tặng cháu những bông hoa đẹp nhất chú có thể có được. Chú vừa đi công tác trên Tây Bắc về cách đây hai hôm.
-         Chú bận thế nhưng không quên cháu. Các bác sỹ ở đây nói chú vẫn hỏi thăm cháu luôn, chú vẫn thường xuyên trao đổi ý kiến về cách điều trị cho cháu. Cháu vô cùng biết ơn chú.
-         Đưa tay cho chú xem mạch nào. Các bác sỹ ở đây kể cháu đang viết hồi ký?
-         Vâng, cháu muốn làm một việc có ích trước khi ra đi...

Đông giật mình, bất giác quay mặt đi vì không giấu được sự luống cuống, trong lòng tự hỏi:  ...chẳng lẽ Bảo đã biết được số phận mình?..  Anh nghe cô gái nói tiếp:

-         Có thể đây là việc làm có ích duy nhất trong đời cháu, may ra cháu làm được. Cháu chỉ còn đủ sức nói lại những điều cháu nhớ và có người ghi chép hộ...

Giọng nói của Bảo bình tĩnh lạ thường. Đông hiểu là cô gái hoàn toàn làm chủ được bản thân, trong lòng vừa yêu thương vừa khâm phục. ...Cháu ơi, không ai lấy lại được thời gian đã qua, nhưng cháu đang thực hiện trách nhiệm của mình đối với cuộc sống... ...Giang ơi, con không còn cơ hội làm việc này, dù chỉ là một phút, một giây... Đông cố làm chủ mình:
-         Cháu đang làm một việc rất đáng trân trọng. Như vậy cháu đang sống vì mọi người, kể cả sau khi cháu phải ra đi. Chú hiểu cháu lắm. Cháu hãy can đảm. Can đảm đến cùng...
-         Có một chuyện cháu chưa có dịp thưa với chú.
-         Việc gì thế, cháu nói đi.
-         Cháu xin lỗi chú về cái phong bì hôm nào. Cháu hiểu làm như thế là xúc phạm chú. Hồi ấy cháu yếu đuối quá, bác sỹ Mai bày cách cho cháu làm việc này và cháu nghe theo. Cô y tá trưởng ngăn cản mà cháu không nghe. Nhưng hôm nay cháu là một đứa con gái khác rồi. Cháu không thể nào chịu nổi ý nghĩ có thể bị chú coi là cô gái đưa phong bì hôm nào. Cháu giục bố cháu viết thư xin lỗi chú nhưng bố cháu chưa viết...
-         Cháu yên tâm. Hôm ấy chú đã nhìn thấy mắt bác sỹ Mai và hiểu cháu. Chúng ta quên hẳn chuyện ấy đi, được không cháu?

Bảo đưa hai tay nắm lấy bàn tay của Đông áp vào ngực mình, trên khuôn mặt gầy gò một nụ cười yếu ớt với cái nhìn vời vợi:
-         Cháu cảm ơn chú. Chú có thể tin ở cháu. Cháu cố xứng đáng với tình thương yêu của chú dành cho cháu...
-         Chú cháu ta cố gắng xứng đáng với nhau. Đồng ý chứ?

Đông chia tay với Bảo. Sau đó anh đi gặp Tâm kể lại mọi chuyện. 



Một tuần sau Đông, Nguyệt, Tâm, Bách làm lễ tang đưa Giang về nơi an nghỉ cuối cùng, tổ chức ngay trong phòng lễ tang của bệnh viện Công an. Đông có báo cho gia đình Kiều Liên biết.

Kiều Liên đến đúng giờ, đi một mình, dáng điệu lủi thủi, khổ sở, đứng lánh xa sang hẳn một bên, không dám ngửng nhìn những người có mặt. Đông lại dắt Kiều Liên đến trước quan tài của con, cả hai nắm tay nhau cùng cúi đầu vĩnh biệt con.

Bỗng dưng Kiều Liên khóc xé ruột xé gan rồi chạy vụt ra ngoài. Đông nhờ Nguyệt chạy theo đưa Kiều Liên về nhà. Những người còn lại đi cùng xe tang đến nghĩa trang thành phố.
         


                                                           7


          Bộ tứ Tú - Liêm – Mai – Tôn thoả thuận cuộc họp làm việc được tổ chức dưới dạng bữa ăn trưa 11giờ ngày thứ năm tại  tiệm ăn Hương Sen đường Lê Thánh Tông. Tú tự lái đến bằng ô tô riêng. Lái xe riêng của vợ chồng Mai chở ba người còn lại. Khách người Việt đi ô tô đến ăn cơm trưa, chắc chắn phải thuộc loại “xịn” – nếu không phải cỡ sở hữu loại công ty có tên tuổi thì cũng phải loại cán bộ kha khá và làm ăn giỏi, nội dung công việc được bàn trong bữa ăn chắc phải là loại “áp-phe” (affairs) quan trọng hay hái ra tiền. Chủ tiệm và những người phục vụ nghĩ như vậy. Vì dưới loại “xịn” và không có cái “áp-phe” đáng giá, không ai thừa tiền vào ăn cơm trưa ở cái tiệm ăn nổi tiếng về các món đặc sản với cái giá cắt cổ này. Tú vừa đạo diễn, vừa chủ chi.

          Mai đã dặn trước Liêm và Tôn phải ăn mặc thật lịch sự, đầy đủ com-lê ca-vát. Riêng Tôn, Mai còn dặn thêm phải theo cái kiểu ăn trông nồi, ngồi trông hướng, không phải vì sợ Tôn tham ăn, mà sợ Tôn lóng ngóng trong ăn uống và vụng về trong giao tiếp. Đây lần đầu tiên Tôn được tham gia sự kiện trọng đại này. Mai nghĩ, Liêm đã đi với Tú nhiều lần, chắc không thành vấn đề.


          Tuy nhiên, khi đến đón Liêm và Tôn, Mai vẫn ít nhiều thất vọng.  Mầu sắc quần áo, ca-vát, giầy tất của hai người này cái gì cũng mới nhưng chẳng thứ nào đi với thứ nào. Ca-vát của Liêm quá sặc sỡ, thắt to như quả ổi ở giữa cổ, giầy đen, com-lê nâu lại đi tất trắng. Tôn mặc sơ-mi chim cò, com-lê vàng, ca-vát đỏ, tất xọc xanh, giầy trắng bốp. Nhưng tất cả đã ngồi lên xe rồi, thay đổi làm sao được nữa. Trong thâm tâm Mai trách Tú tại sao lại giở giói đi ăn ở cái tiệm ăn sang trọng này, dù là có một số khách quan trọng dự cùng đi nữa. Vì trong cái tiệm ăn đắt tiền này có bao nhiêu người khác lui tới, đâu chỉ có mấy vị khách dở tỉnh dở quê này... Tú muốn vây vo với bọn mình hay là muốn chài mấy ông khách quan trọng? 

          Mai buột miệng hỏi:
-         Ai cố vấn cho Tôn chọn màu ca-vát đấy?
-         Màu này có được không chị? Mầu đỏ vừa khoẻ, vừa là màu cách mạng.
-         Muốn ăn mặc đúng “mốt”, Tôn phải mang cơm nắm đến ở nhờ và học chị Mai, chú mày ạ...
-         ...

          Bộ tứ đến rất đúng giờ. Xe Tú đến trước. “Bồi” khách sạn trịnh trọng mở cửa xe, Tú ra khỏi xe, đưa chìa khoá xe cho “bồi” lái xe vào ga-ra, rồi thong thả bước vào trong sảnh tiệm ăn đứng chờ.

          Tú nhìn lại đồng hồ một lần nữa, lúc này ba người cũng vừa tới:
-         Xin chào, các bạn đúng giờ như các nhà ngoại giao vậy. – Tú bắt tay Mai trước.

Liêm giới thiệu Mai và Tôn với Tú. Tuy được nghe nói đến Tú luôn từ khi bắt tay vào cái đề án xào xáo này, nhưng hôm nay Mai gặp Tú lần đầu tiên. Đúng là một gentlman, từ cách nói, đầu tóc, cách ăn mặc, cái kính trắng đầy vẻ thông thái và trang nhã, cái kẹp ca-vát Dunhill đậu đúng chỗ, đồng hồ đeo tay Longines mỏng dính, quai da mầu đen đúng mốt. Trong khi nói chuyện Tú thỉnh thoảng bật tay phải tách tách phối âm cho câu nói, điệu bộ rất Tây... Mai vốn thích thú và sành sỏi về “mốt” nên nhận xét không bỏ một chi tiết nào.

Tú gọi đồ uống nhẹ trong khi bàn trước một số công việc. Đúng 11giờ30 hai vị khách quan trọng sẽ đến.

-         Tôi đã tận tay trình giám đốc sở ký đề án cách đây ba tuần và chuyển ngay lên Bộ cùng ngày. – Tú vừa mời mọi người uống nước vừa mở đầu việc bàn luận.  ...Tuần trước có thông tin đề án được duyệt, bây giờ chỉ còn chờ ký. Có thể nói đấy là tốc độ kỷ lục. Vì thế phải tổ chức ngay cuộc gặp hôm nay để kịp triển khai. Tác giả biên tập lại vào loại cự phách đấy. Tôi  đọc mà cứ tưởng là một dự án “din” mới toanh, phải bình là rất có sức thuyết phục. Phần tôi đề nghị điều chỉnh mặt bằng và mở rộng diện tích xây dựng trong Trung tâm đã được anh Liêm và các bạn quan tâm chu đáo, xin thành thật cảm ơn.
-         Phụ trách biên tập phần chuyên môn là bác sỹ Mai, có bác sỹ Tôn làm trợ lý. Còn tôi chỉ lo phần tổ chức và kinh tế thôi.
-         Chúc mừng bác sỹ Mai, chúc mừng anh Liêm, chúc mừng đồng chí trợ lý, chúc mừng đề án của chúng ta... Lát nữa chúng ta sẽ chạm cốc chính thức. – Tú nâng cốc nước cam, mọi người cùng chạm cốc...


Công việc bây giờ mới thực sự bắt đầu. Tú tính cho mọi người nghe các thủ tục còn phải tiến hành. Để đề án được triển khai cần phải chạy các cửa xin trên ba mươi con dấu nữa, nếu tính cả các con dấu của cấp quận và phường thì còn nhiều hơn: giấy phép tổ chức Viện, quyết định cấp đất của thành phố, quyết định kinh phí do mấy Bộ hữu quan ban hành, giấy phép xây dựng, thủ tục xin   điều chỉnh mặt bằng, các thủ tục và cách tổ chức đấu thầu, tuyển thầu, vân  vân... Nhất  là đề án  vào loại công trình quốc gia, kinh phí trên một chục tỷ đồng... Các đầu việc phải làm lên tới hàng trăm, đấy là chưa nói đến những công việc thuần tuý về chuyên môn và nhân sự thuộc thẩm quyền của Viện sau này.

Liêm trình bầy việc thành lập Tiểu ban xây dựng Viện, phân công Liêm phụ trách chung, đồng thời trực tiếp bảo đảm khâu xây dựng. Tôn được tạm thời bàn giao nhiêm vụ ở khoa I để làm trợ lý cho Liêm đồng thời kiêm thường trực của Tiểu ban. Mai phụ trách khâu triển khai cơ sở kỹ thuật. Sẽ huy động thêm một số cán bộ nhân viên trong Trung tâm giúp Tiểu ban trong thời gian thực hiện đề án. Một số công việc chuyên môn khác sẽ thuê các kỹ sư hoặc chuyên gia. Tú được yêu cầu chạy ngoài để lo dàn xếp mọi công việc giữa Trung tâm và các cơ quan hoặc các quan chức hữu quan...

Liêm chuẩn bị khá chu đáo nên bàn luận dễ dàng và được nhất trí cao. Khi bàn xong mọi việc thì vị khách của Sở địa chính và vị khách của Bộ đến. Tú đứng lên giới thiệu mọi người với nhau, đồng thời gọi tiếp viên mở sâm-banh. Câu chuyện làm quen trên bàn diễn ra thoải mái.

-         Anh Tú hôm nay tổ chức gặp mặt trịnh trọng quá. – Vị khách của Bộ khen.

Còn vị khách của Sở địa chính chỉ mỉm cười một cách vui vẻ, thái độ hiền từ, ít nói.

Chờ cho mọi người làm xong việc trao đổi danh thiếp, Tú đứng lên trịnh trọng tuyên bố lý do, cảm ơn sự giúp đỡ của vị khách trên Bộ và vị khách của Sở địa chính, chúc mừng Trung tâm của Liêm. Tú hết lời ca ngợi chủ trương sáng suốt của Bộ, ca ngợi cố gắng vượt bực của Trung tâm trong việc đề xuất đề án, thiết tha mong muốn sự hỗ trợ của Sở địa chính để triển khai công việc. Nhân danh Sở y tế của mình Tú cảm ơn sự tham gia của các bên hữu quan vào buổi gặp mặt làm việc hôm nay, cảm ơn sự hợp tác, khẳng định sẽ làm mọi việc để thực hiện đề án với kết quả tốt nhất, mang tiếng thơm về cho thành phố, cho Bộ...

Tú kết thúc phần tuyên bố lý do:
-         ...Sau khi ở đây bàn xong mọi việc, Sở y tế chúng tôi và Trung tâm sẽ cùng nhau sang trình bên Ủy ban Nhân dân thành phố kế hoạch triển khai, thi công...

Tú vốn sành ăn, nên gọi thức ăn và gọi rượu vừa hợp và đúng trình tự. Sau món xúp, là món bít-tết sirdeloin. Tiếp viên hỏi từng khách thích dùng món này ở mức tái, tái trung bình hay chín hẳn. Liêm phân vân song chợt nghĩ ra cái mẹo vẫn áp dụng là cứ làm theo Tú, nhắc lại câu trả lời Tú vừa nói.

Vì mải liếc nhìn trộm cô tiếp viên trẻ và khá đẹp, ăn vận quần áo sát người càng nổi các vẻ khêu gợi, Tôn không để ý mọi người chung quanh đã trả lời như thế nào, đành đọc lại thực đơn trên bàn và tự hỏi trong đầu: Món xúp mình vừa ăn đề là xúp rùa mà chẳng thấy miếng thịt rùa nào cả, chỉ rặt một thứ nước trong veo màu nâu nâu như nước chè đen pha loãng...   Bít-tết thì mình hiểu, còn Sirdeloin là cái quỷ quái gì? Quên mất lời Mai dặn, Tôn đàng hoàng hỏi lại tiếp viên một cách rất tự nhiên:
-         Si- rờ-de-lo-in là cá, là tôm hay là thịt mà lại hỏi là tái, tái vừa hay chín hẳn?

Nghe Tôn hỏi như vậy, người tiếp viên giơ tay thật nhanh lên miệng, cố chặn tiếng cười buột ra, song mặt cô ta đang cười thì không giấu được:
-         Dạ thưa không phải cá, không phải tôm, mà là thịt bò ạ.
-         Thế thì tái gầu. – Tôn trả lời cộc lốc.

Chuyện trên bàn tiệc đang râm ran bỗng im bặt một lúc, vì mọi người cũng cố nhịn cười. Khi nữ tiếp viên mang vang đỏ ra rót, thao tác chưa thạo nên để giây vài giọt rượu ra bàn. Tú rất lịch lãm:
-         Cháu đưa chú rót hộ, tay cầm chai rượu phải xoay như thế này, vừa đẹp, vừa không giây rượu ra bàn cháu ạ... - cử chỉ rót rượu của Tú rất thuần thục. Tú vừa rót rượu cho mọi người vừa nói tiếp:  - Cốc này là cốc để uống cô-nhắc không phải cốc uống vang... Các khách sạn du lịch của cả cái thành phố này cứ dùng cốc cô-nhắc cho khách uống vang, chú đã góp ý tại nhiều nơi mà không thấy đâu sửa.
-         Cháu sẽ báo cáo lại với sếp của cháu...
-         Anh Tú cái gì cũng thạo. - Tôn nói oang oang một câu cộc lốc thứ hai, hoàn toàn không để ý cái nguýt mắt không biết lần thứ mấy của Mai.

Nhưng đến cái đoạn ăn bằng dao dĩa, Tôn cảm thấy mình toát mồ hôi hột, vì cứ mỗi lần thái thịt tiếng dao của mình chạm canh cách xuống đĩa quá mạnh,.. người ngồi bàn bên cạnh cũng nghe thấy, ngó mắt nhìn sang,  mà miếng thịt đâu có chịu đứt cho, có lúc suýt văng ra ngoài đĩa, có lúc không xiên được, phải cùng một lúc dùng cả dao lẫn dĩa đưa miếng thịt lên mồm...

Tú nêu ra vài câu hỏi để kéo mọi người trở lại câu chuyện.

Ông vụ trưởng hưởng ứng:
-         Bộ trưởng của tôi đang phân vân tại sao anh Đông không tham gia đề án này? Vì đây là đề án rất quan trọng. Tiếng tăm của anh Đông nhiều người biết đã đành, song khi bộ trưởng của tôi làm nghiên cứu sinh thì anh Đông đang làm Dr Habil, và chính anh Đông phụ đạo cho bộ trưởng của tôi rất tích cực.

Câu hỏi của vị khách Bộ y tế làm bàn tiệc chết lặng một lúc. Tú khôn ngoan tỏ vẻ ngạc nhiên:
-         Ờ nhỉ, mời anh Đông tham gia đề án này thì rất vững tâm. Sao anh Liêm lại không nghĩ đến chuyện này nhỉ? – Tú vừa gợi ý, vừa đẩy quả bóng sang phía Liêm.
-         Ngay từ đầu chúng tôi đã nghĩ đến anh Đông, nhưng đồng chí biết đấy, Bộ và trường giao cho anh ấy bao nhiêu là việc. Tháng trước anh ấy vừa đi Tây Bắc về. Tôi đề nghị quyết định của Bộ nên ghi thêm ý yêu cầu anh Đông làm cố vấn cho chúng tôi trong việc thực thi đề án này. Như vậy rất thuận cho chúng tôi mời anh ấy tham gia...

Mai thán phục Liêm, bụng bảo dạ: Tay này chữa cháy giỏi đấy, mình đánh giá Liêm không sai.
...

Câu chuyện trên bàn tiệc trở lại rộn rã, khoảng cách giữa khách và chủ thu hẹp dần rồi mất hẳn, không khí vui vẻ. Mọi người bắt đầu tán tụng nhau, qua đó biết thêm nhau. Mai gần như là trung tâm của câu chuyện nói về phái đẹp do Tú khởi xướng, vị khách trên Bộ tham gia.

-         Bác sỹ Mai như chọn nhầm nghề...
-         Chắc anh Tú chê trình độ chuyên môn của tôi.
-         Trình độ chuyên môn của chị thể hiện trong đề án rồi. Nhưng tôi thấy chị còn là một nghệ sỹ thời trang. Có khi tôi phải nhờ đến cái tài tay trái của chị...

Đến tiết mục này Liêm cao đạo đóng vai quan sát viên. Tú quả có con mắt tinh đời. Ngay nữ tiếp viên trong khi phục vụ khách thỉnh thoảng vẫn tham gia vài ba câu thực lòng ca ngợi Mai, cũng là vừa tán dương để đề cao  thượng đế:
-         Cháu trông cô như là bà hoàng trên bàn tiệc. Cô có thời giờ xin mời cô thỉnh thoảng đến đây chỉ bảo cho bọn cháu cách ăn mặc, trang điểm...

Những lời nói của người tiếp viên không quá đáng lắm. Tôn thấy có dịp phải song ca với nữ tiếp viên này, theo cái kiểu vẫn thường tâng bốc Mai như lúc hai người ngồi với nhau trong phòng làm việc ở Khoa I:

-         Các bác mới chỉ thấy cái đẹp xiêm áo trang điểm bên ngoài của bà chị tôi thôi. Em có nhiệm vụ phải lưu ý các bác, bà chị tôi có cái đẹp trí thức, cái đẹp nữ tướng sắc sảo... Không phải mắt thường ai cũng thấy được...

Mai cảm thấy người mình chín dừ, hai tai đỏ ửng, mắt long lanh, chân dưới gầm bàn muốn đá Tôn mấy cái để bắt cậu ta ngậm miệng lại, nhưng chỉ sợ đá nhầm chân người khác. Mai cứu mình bằng cách chủ động hướng câu chuyện vào đề tài trang phục và trang sức của phụ nữ Việt Nam  trong thế giới hiện đại...

Riêng người khách Sở địa chính quá ít nói. Trong suốt bữa tiệc anh ta chỉ mỉm cười, hoạ hoằn lắm mới hưởng ứng một vài lời ngắn ngủi. Thái độ anh ta có vẻ rất khiêm tốn, đến mức có thể hiểu là nhút nhát.

Đến khi món tráng miệng được bưng ra, khách Sở địa chính mới nhỏ nhẻ:
-         Cái mạnh của đề án này là không xin thêm nhiều đất đai, mà chỉ xin điều chỉnh lại mặt bằng cho vuông vức và phù hợp với quy hoạch mới của thành phố. Trong thiết kế mới, cần bỏ cổng chính hiện nay của Trung Tâm, vì đường vào không thuận lợi. Nên biến cổng phụ thành cổng chính, ngõ đi vào cổng phụ sẽ được quy hoạch lại thành đường chính, hai đầu nối thẳng vào hai trục đường chính của thành phố, như thế mới xứng đáng với một Viện ở tầm cỡ quốc gia.
-         Đúng là con mắt của kiến trúc sư thành phố, xin nhiệt liệt hoan hô anh. Chúng tôi không nhận ra được điều này... – Mai ca ngợi.  - Chúng ta nên sửa lại quy hoạch mặt bằng, và bố trí lại vị trí của trụ sở chính cho phù hợp ý tưởng này.
-         Nhưng đây là công việc ngoài hàng rào Trung tâm. – Tôn láu táu.
-         Vâng, đấy là công việc của Sở chúng tôi, chỉ cần Trung tâm đề xuất ý kiến này lên Sở. Con có khóc mẹ mới cho bú... -vị khách trẻ của Sở địa chính vẫn cái giọng nhỏ nhẻ, thủng thỉnh, phần nào hơi nhút nhát. Trong khi đó Tôn bị Mai đá cho một cái đau điếng vào chân ở dưới gầm bàn.
-         ...

Bữa ăn trưa làm việc thật mỹ mãn, mối quan hệ bạn bè mới ra đời. Mọi người nói năng tự nhiên, không còn phải khách khí nữa. Liêm trở lại cái tính hoạt bát của một cán bộ xưa nay vốn có biệt tài về giao tiếp theo kiểu dân vận.

Khi cà-phê được bưng ra, Tú gọi một chai cô-nhắc Hennessy mời khách để chia tay trước khi ra về. Rượu vừa rót xong, Liêm không tự kiềm chế được nữa, là người đầu tiên nhấc cốc lên:
-         Thế mà không đưa thứ này ra từ đầu. Các thức vang vung lúc nãy nhạt thếch, nặng cả bụng. Có bạn nào  “trăm phần trăm” với mình không?  Tú nhé?
-         Hôm nay anh Liêm phải miễn cho, tôi tự lái xe lấy mà.
-         Thôi được, nhân danh tất cả các bạn, tôi “trăm phần trăm” cái cốc này. – Nữ tiếp viên rót lại rượu cho anh, anh nhìn thẳng vào mặt cô ta: - Cứ rót đầy vào, đừng khách sáo gì xất...

Ậng vụ trưởng cầm ly rượu bước lại chỗ Liêm ngồi:
-         Hôm nay chín mươi chín phần trăm thôi. Hoàn thành công việc sẽ một trăm phần trăm. – nói đoạn ông quay về phía Tú: - Chắc anh Tú cũng đồng ý như thế chứ?

Không ai bảo ai, nhưng cả Tú và Liêm đều một lời:
-         Chí lý! Nhất định là như thế.
-         Chí lý lắm.  Xin nâng cốc!
Mai cũng cầm ly rượu của mình, đứng lên:
-         Nhất trí với các anh.

Ba người này quá hiểu ông vụ trưởng định nói gì. Còn Tôn thì cứ oang oang giữa bàn: “Một trăm phần trăm! Hôm nay mà các anh không dám một trăm phần trăm là xoàng!”  Anh bạn trẻ này càng oang oang, Liêm và Mai càng lúng túng.

Riêng ông Sở địa chính chỉ mỉm cười. Vị khách này chăm chăm nhìn Mai rồi cũng nâng cốc, song  chẳng có lời nào lọt qua kẽ răng.
Thủ tục cuối cùng đã xong. Mọi người đứng dậy, Tú cho chai Hennessy còn đến một nửa vào hộp, mang về nhà. “Bồi” đưa xe đến và giao chìa khoá xe cho Tú, đồng hồ lúc này là hai giờ ba mươi.

Trên đường về, Tú hớn hở: ...Vũ Liêm là đối tác về cái Viện này, còn đối tác cho các áp-phe bên ngoài hàng rào của Viện có lẽ phải là Mai, một phát kiến mới chăng? Mai có bõ cho mình làm một cuộc thăm dò địa chấn không nhỉ? Cô nàng có tướng đa mao, ngựa hay đấy. Thằng Liêm có mắt như mù. Nếu cô nàng bớt được một chục cái xuân xanh thì rất xứng đáng để ta làm ngay một cuộc phiêu lưu, bây giờ cứ biết thế đã. Cái lão vụ trưởng vẫn còn muốn mè nheo, phải tìm cách cho hắn một chưởng... Liêm khôn ngoan là thế mà nhặt được ở đâu cái thằng Tôn giời đánh!..

...


Như đã hẹn trước, chiều nay sau giờ chạy bộ Đông đưa Nguyệt đến nhà Tâm ăn cơm tối. Nguyện vọng của Nguyệt là được gặp cả Thanh Tâm và Phương. Riêng Đông còn nóng ruột chờ đợi kết quả luận văn tốt nghiệp của Thanh Tâm và cũng rất thích gặp đôi trai gái này, vì đấy là hai con người sôi nổi, thường mang lại cho Đông nhiều suy nghĩ, nhiều gợi ý mới lạ.

Chị Phúc ngồi nói chuyện với Nguyệt và Đông một lúc rồi đưa hai tay lần lần tìm đường đi về phòng nghỉ của mình. Hồi này chị yếu đi nhiều, thị lực hai mắt ngày càng giảm sút. Đông đỡ tay đưa chị đi, Nguyệt vào bếp phụ việc nấu nướng cho Tâm.

Quay ra, Đông thấy mấy quyển sách lạ lạ trên bàn. Anh nói với vào bếp:
-         Hai chị em cứ trổ tài nấu nướng thết khách nhé, miễn cho tôi cái việc dọn bát đũa, trên này có mấy quyển sách gì đây, tên sách  nghe hay hay nên muốn ngó qua một chút.
-         Sách cháu Tâm nó mượn về tham khảo khi viết luận văn tốt nghiệp đấy anh ạ. Cũng may cháu có một cô bạn gái, bố làm ở Bộ Ngoại giao, nên thỉnh thoảng mượn được một vài quyển sách mới...

Tâm còn nói thêm vài câu gì nữa, nhưng §ông đã chúi mũi vào đống sách. Anh kinh ngạc khi đọc các tên sách.

Sự đảo lộn của thế giới địa chính trị thế kỷ XXỤ
Tìm hiểu lịch sử sự thịnh vượng và sự nghèo khó của các quốc gia trước khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba
Marx, nhà tư tưởng của cái có thể
Đổi mới ở Đông A’
Những nước “con hổ” khốn đốn
Định nghĩa lại Nhà nước trong một thế giới chuyển đổi
Nền văn minh trong xã hội tin học
...

          Đông vừa lật các quyển sách, vừa thốt lên kêu trời. Có quyển anh đọc vài trang. Có quyển anh đọc trọn phần giới thiệu của chính tác giả. Có quyển anh đọc các lời bình của những học giả in trên bìa bọc sách...

          Anh kinh ngạc vì thấy đề tài luận văn tốt nghiệp của Thanh Tâm đụng chạm vào nhiều vấn đề quá quan trọng, phải hiểu rõ tình hình trong nước và tình hình thế giới mới lý giải được. Việc chọn đề tài này quả là một ý nghĩ táo bạo, đáng khuyến khích. Nhưng một cô gái – nói theo kiểu xưa – miệng còn hơi sữa, nghĩa là còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa từng trải, chưa phải là nhà sử học, liệu có đủ sức tiếp cận đề tài này không? Sao cháu tôi phiêu lưu thế?.. Tuy nhiên phải thừa nhận đề tài là một ý tưởng hay, nói lên khát vọng mong muốn đất nước sớm giành được vị trí xứng đáng trong một thế giới phát triển rất năng động và đầy biến động... 

          Suy nghĩ của Đông miên man theo các trang sách.

...Thế hệ mình phải bắt đầu từ đánh giặc giữ nước, thế hệ của Thanh Tâm phải bắt đầu từ nhận thức những vấn đề đặt ra cho đất nước trên con đường phát triển này... Đúng là phải như vậy.

Đông thốt lên trong lòng ...nếu tuổi trẻ cả nước ý thức sâu sắc về điều này! Nghĩ đến cả nước có tới gần mười sáu mười bảy vạn người nghiện ma tuý,  ba phần tư thuộc lứa tuổi thế hệ trẻ. Đông tê tái... 

...Đông nhớ lại câu chuyện của Phương và Thanh Tâm đêm hôm đội bóng đá của ta thắng đội Thái Lan... Chúng ta đang làm gì giúp họ nhen nhóm được khát vọng như của Thanh Tâm? Hay là chúng ta đang làm gì để nêu gương xấu cho họ, đầu độc họ, hoặc thậm chí ăn cắp niềm hy vọng của họ?.. Mọi câu hỏi phải đặt ra. Đông lại nghĩ đến số phận của Giang và Bảo...

Khi lật mấy trang trong quyển Đằng sau những bóng đen, Đông càng kinh ngạc hơn, vì nó đánh thức và liên kết những suy nghĩ Đông vừa chợt nắm bắt được qua những quyển sách Đông vừa để mắt đến. Thì ra các nước lớn đã bao phen đánh cờ với nhau trên lưng cả thế giới... Các nước nhỏ yếu thường bị gán cho số phận làm quân tốt trên bàn cờ của các nước lớn - để được thí, đổi chác... 

Thấy có mấy trang của quyển sách này được đánh dấu rất kỹ, §ông giở ra đọc - đấy là một số sự việc liên quan đến cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc nước ta năm 1979... Bây giờ thì Đông hiểu...

          Đông hoàn toàn bị cuốn hút vào đống sách. Có lúc anh mỉm cười một mình: Thanh Tâm làm luận văn tốt nghiệp, nhưng anh lại rút ra được các bài học cho mình từ công việc của Thanh Tâm...

          Trong khi đó Tâm và Nguyệt bận bịu công việc bếp núc.

-         Em nghe nói có ý kiến đòi khai trừ anh Đông ra khỏi Đảng, có thật không chị?
-         Ai kể cho em nghe?
-         Không ai kể, nhưng chị hỏi như vậy là đúng có chuyện này rồi. Chị không giấu em được.
-         Em giỏi bắt nọn nhỉ... – Tâm hơi bối rối một chút và cân nhắc câu trả lời.
-         Anh Đông không kể, nhưng em đoán được việc này cách đây vài tuần, sau khi anh ấy đi họp chi bộ về. Anh Đông đã nguôi ngoai đôi chút về cái chết của Giang, nhưng sau cuộc họp đó anh lại buồn bã vật vờ mất mấy ngày. Có lúc anh ấy còn hỏi em: Là một người ngoài Đảng, Nguyệt thấy anh còn đủ tư cách đảng viên không? Em hỏi lại tại sao anh lại đặt cho em câu hỏi khó thế. Anh ấy bảo là đối với anh ấy em không bao giờ nói dối... Và em đoán được chuyện gì đã xảy ra...

Tâm nghĩ cũng đã đến lúc phải cho Nguyệt biết sự thật, để đứng được trong cuộc sống này, hoặc bị cuộc sống này loại bỏ:

-         Câu chuyện có lẽ còn nghiêm trọng hơn điều em đoán già đoán non. Khởi đầu là trên lại đề xuất ý kiến phong hàm giáo sư cho anh Đông. Đây là lần thứ ba. Trung tâm phải biểu thị thái độ của mình, tán thành hay không tán thành. Hai lần trước lãnh đạo Trung tâm đã bác bỏ, với lý do là anh Đông xưa nay trốn học các lớp chính trị, như vậy không đạt tiêu chuẩn vừa hồng vừa chuyên.
-         Thế nhưng chưa bao giờ em nghe thấy anh Đông nói đến chuyện phong hàm giáo sư. Hôm ấy anh Đông chỉ hỏi em về tư cách đảng viên thôi.
-         Đúng là anh Đông không bao giờ quan tâm đến việc này. chị thấy cũng hiếm người như vậy. Chị biết một vài cán bộ có lẽ chỉ học xong bổ túc công nông hoặc mới có cái bằng xéc-ti-fi-ca (certificat) ngày xưa thôi, thế mà bây giờ cũng có cái nhãn hiệu giáo sư, thậm chí có cả giáo sư cấp hai.
-         Bàn lần thứ ba việc phong hàm giáo sư có liên quan gì đến tư cách đảng viên của anh Đông hở chị?
-         Lý do bác bỏ lần thứ ba được bác sỹ Mai bổ sung thêm là anh Đông đang chứa trong nhà một cô gái điếm. Bác sỹ Mai đặt vấn đề phải xem anh Đông còn đủ tư cách đảng viên không.  Bác sỹ Mai nhân danh đảng uỷ chính thức yêu cầu chi bộ của chị phải tiến hành kiểm điểm anh §ông và kết luận, báo cáo lên đảng uỷ.

Nói đến đây, Tâm chủ ý dừng lại, chờ xem Nguyệt phản ứng thế nào. Tâm ngạc nhiên là chỉ thấy Nguyệt bầm môi lại một lúc, tai đỏ lên song vẫn làm chủ được mình.

-         Chị nói tiếp đi. Em đủ can đảm nghe tất cả mà.
-         Chi bộ đã họp. Tất nhiên  toàn chi bộ nhất trí bảo vệ anh Đông. Bởi vì ngay sau hôm giữ em lại, anh Đông đã cho chị biết, vài hôm sau anh Đông đã báo cáo việc này với chi bộ và được toàn chi bộ coi là một quyết định, một cách xử sự có đạo đức, và trên tất cả đây còn là vấn đề tình nghĩa. Anh Đông không tham danh vọng, nhưng thật là anh Đông không chịu nổi việc xúc phạm danh dự anh ấy.
-         Ý kiến của lãnh đạo Trung tâm bây giờ thế nào hở chị?
-         Gọi là lãnh đạo Trung tâm, nhưng thật ra mọi việc hầu như đều do anh Liêm và chị Mai thao túng. Họ chịu là chưa đủ căn cứ gì để bác bỏ kết luận cúa chi bộ vấn đề tư cách đảng viên của anh Đông. Nhưng họ vẫn bác việc phong hàm giáo sư, với lý do còn phải có thời gian xem xét thêm hành vi của anh Đông – bao gồm cả thái độ chính trị, và quan hệ với em.
-         Thái độ chính trị gì? Anh Đông bị nghi là phản động hở chị?
-         Chắc không đến nỗi như thế, song trốn học như vậy thì có thể coi là phần tử lạc hậu.
-         Anh Đông là người chăm chỉ sao lại trốn học chị nhỉ?
-         Không phải một lần mà là ba lần. – Tâm buồn cười về câu hỏi của Nguyệt. đúng là Nguyệt không hiểu lý do trốn học của anh Đông.
-         Chỉ có thế thôi hở chị?
-         Ô hay, như thế chưa đủ nghiêm trọng à?
-         Thế còn... quan hệ với em? – ngập ngừng mãi rồi Nguyệt cũng nói ra được thành lời.

Tâm bỏ dở mớ rau đang nhặt, quàng tay lên vai Nguyệt:
-         Chị đã nói với em kết luận của chi bộ. Em yên tâm chứ?

Nguyệt không trả lời Tâm, hai môi bặm lại, một lát sau nêu ra câu hỏi khác:
-         Chị giúp em một việc được không?
-         Em nói đi, nếu chị giúp được thì tại sao lại không?
-         Chị xin cho em đến làm lao công cho Trung tâm, làm không lương. Có được không chị? Anh Đông nuôi em được. Hơn nữa chị cũng khuyên em không được bỏ anh Đông lúc này. Em xin làm nửa ngày thôi, còn nửa ngày dành thời giờ chăm sóc anh Đông.
-         Sao em lại nảy ra ý nghĩ này?
-         Em muốn trực tiếp đối mặt với mọi người... – giọng nói của Nguyệt cả quyết.

Tâm im lặng.

-         Chị trả lời em đi chứ?
-         Cho chị nợ em việc này...
-         ...


Cơm nước dọn ra rồi. Đông xếp lại chồng sách cho ngay ngắn. Nghe lao xao tiếng Thanh Tâm và Phương, cả ba người lớn đều đi ra phía cửa. Sau lời chào, Phương lo lắng:
-         Chắc cả nhà chờ cơm chúng con đã lâu.

Nguyệt và Thanh Tâm xoắn xuýt lấy nhau, vì Thanh Tâm đã được mẹ kể về cuộc đời Nguyệt và giầu lòng thương cảm. Cái chết của Giang, lòng thương yêu và kính phục đối với bác Đông, vai trò của cô Nguyệt đối với bác Đông lúc này làm cho Thanh Tâm rất dễ hoà vào với Nguyệt. Từ khi được nghe mẹ kể, chính mẹ giao nhiệm vụ cho cô Nguyệt lúc này phải chăm sóc bác Đông, Thanh Tâm càng kính phục và yêu thương mẹ mình. Từ sau đêm tâm sự giữa hai mẹ con hôm ấy, Thanh Tâm thôi không gán mẹ mình với bác Đông nữa. Cô hiểu tất cả...

Nhìn Thanh Tâm quấn quýt với Nguyệt, hỏi thăm Nguyệt nhiều điều, Tâm nghĩ con mình đã trưởng thành và sẽ có tính cách đúng với cái tên của anh Thanh và của mình trao cho con... Tâm nghĩ, chỉ làm mẹ mới hiểu được đúng con mình.

Khi Thanh Tâm và Nguyệt bưng nồi cơm điện và  bày mấy thức ăn nóng ra bàn, Tâm cắt ngang câu chuyện giữa Đông và Phương:
-         Xin mời hai bác cháu ngồi vào bàn. Hôm nay khao hai bác cháu bia chai Hà Nội...  - Tâm quay sang nói với Đông: - Hình như đây là lần đầu tiên em khao bia có phải không anh nhỉ.
-         Đúng thế. Những lần trước anh toàn đến đây xin ăn, sao lại dám đòi cả bia.
-         Không, có những lần em mời anh hẳn hoi, nhưng đều không có bia.
-         Thế lý do vì sao hôm nay có bia?
-         Vì hôm nay chúng ta sẽ được nghe kết quả luận văn của Thanh Tâm và hôm nay là lần đầu tiên Nguyệt đến đây.
-         Lý do em nêu ra thật là tuyệt Tâm ạ. Cháu đã nói kết quả thế nào chưa?
-         Hai cô cháu còn đang quấn quýt lấy nhau, chúng ta kiên nhẫn chờ một chút.

Trong không khí như vậy, người cảm động nhất có lẽ là Nguyệt. Khi mọi người ngồi vào bàn, bữa cơm lập tức xoay quanh câu chuyện luận văn của Thanh Tâm. Đông không chờ được nữa:
-         Kết quả luận văn của cháu thế nào?
-         Xuýt nữa thì trượt bác ạ. Nhưng trên thực tế coi như là trượt.
-         Làm sao? Trượt là trượt, đỗ là đỗ chứ  sao còn có chuyện coi như là trượt hả con? – Tâm rất ngạc nhiên.
-         Đầu đuôi như thế này, mẹ ạ. Luận văn được phê:
Đề tài là ý tưởng hay, nhưng nội dung có nhiều vấn đề ra ngoài giáo án và chưa có sức thuyết phục cao. Kết luận: Đạt yêu cầu.
Kết quả tổng hợp các môn trong kỳ thi tốt nghiệp: Đạt yêu cầu.

-         Nghĩa là cháu đỗ chứ không phải trượt? Cháu nói dứt khoát đi, đừng làm bác lo.
-         Vâng đúng là cháu đỗ ạ, sẽ được phát bằng tốt nghiệp hẳn hoi. Nhưng với kết quả đạt yêu cầu thì có nghĩa tốt nghiệp coi như không. Bởi vì sẽ không có cơ quan nào nhận cháu vào làm việc với kết quả thi tốt nghiệp chỉ đạt yêu cầu.
-         Có phải vì bây giờ khó xin việc không? - Đông hỏi Thanh Tâm.
-         Với chứng chỉ tốt nghiệp như vậy, cháu sẽ bị loại ngay từ đầu trước khi được ghi tên vào danh sách thi tuyển của bất kỳ cơ quan nào, vì vậy mà tốt nghiệp hay trượt trong trường hợp của cháu nghĩa như nhau. Chưa kể dù tốt nghiệp điểm cao mà không đủ tiền chạy chọt thì cũng vô dụng. Cháu không thể quên được bài học của anh Phương cháu.

Không khí trong bữa cơm đụng vào vấn đề quá hệ trọng, lấn át mất sự chú ý về thức ăn.

-         Có phải lỗi tại cháu chọn đề tài khó quá không?
-         Thưa bác đúng là đề tài khó. Nếu Hội đồng chấm thi chỉ phê vào luận văn là chưa có sức thuyết phục cao – nghĩa là một lời phê vô cùng chính trị, vô cùng cao-su, thì cháu cũng xin cam chịu, dù rằng đấy là một lời phê không sòng phẳng. Nhưng cái mệnh đề  “nội dung có nhiều vấn đề ra ngoài giáo án”,  theo cháu là một việc làm hèn hạ. Mệnh đề này chỉ nhằm tạo cơ sở về lý lẽ và về học thuật cho cái kết luận: luận văn đạt yêu cầu... – giọng nói Thanh Tâm đượm vẻ uất ức.   
-         Sao con nặng lời thế?  Con mất bình tĩnh rồi?
-         Thưa mẹ, con nhận xét thật như vậy đấy ạ, chứ không phải con mất bình tĩnh. Bởi vì để chứng minh nội dung bài viết của con có nhiều vấn đề ra ngoài giáo án thì quá dễ. Còn nếu chỉ đơn thuần đi vào chứng minh về sức thuyết phục chưa cao của các luận điểm nêu trong luận văn thì con e rằng hội đồng chấm thi sẽ phải tốn thời giờ với con để làm rõ ai đúng ai sai.
-         Thưa bác và cô, Thanh Tâm nói có lý đấy ạ... – Phương chen vào. - Chiều nay hai chúng cháu đã ngồi trao đổi hơn một giờ với thầy phụ đạo của Thanh Tâm về từng phần trong luận văn. Thầy phụ đạo cũng không tán thành lời phê như vậy. Thật ra trong quá trình viết, thầy phụ đạo đã lưu ý Thanh Tâm, nếu liều lĩnh viết ra ngoài giáo trình chuẩn thì phải sẵn sàng đón nhận những quả đắng cho sự liều lĩnh, bất luận nội dung đúng sai.
-         Trời ơi, thế thì còn gì là nghiên cứu và khoa học nữa... - Đông bật lên như một cái lò so.  Anh gặng hỏi: - Trong tình hình thế này mà Phương lại thôi không làm trong xí nghiệp thiết bị viễn thông nữa, tương lai của hai cháu liệu có bấp bênh không?
-         Nếu cháu có ở lại xí nghiệp này thì cũng không chắc an toàn hơn ạ. Bác tính lúc cháu kết thúc hợp đồng – nghĩa là trong vòng một năm, biên chế xí nghiệp cháu tăng gần ba mươi phần trăm, mà giá trị đầu ra không thay đổi. Các vị tìm cách đưa con cháu của mình vào nhiều quá. Tiếp tục cái đà này, làm sao tránh khỏi thua lỗ và phá sản? Mà cháu thì không muốn cứ nai lưng ra nuôi con cháu các vị.
-         Con định trù liệu sắp tới như thế nào đây, Thanh Tâm?
-         Con sẽ không chịu mất một năm đi làm hợp đồng như anh Phương đâu mẹ ạ. Cái gì biết là trước sau con không đạt được thì con không mơ màng theo đuổi nữa. Cả mẹ và bác Đông đều không có tiền, không có quyền, không thân quen nơi có quyền. Vậy lô-gich đơn giản của con là đi tìm một việc gì không cần những thứ đó.
-         Việc gì vậy cháu?
-         Cháu đã rút ra bài học một năm làm hợp đồng của cháu rồi bác ạ. Thanh Tâm sẽ về thẳng chỗ cháu. – Phương đỡ lời cho Thanh Tâm.
-         Bác và mẹ ạ, cái bằng đỗ cũng như trượt của con không đến nỗi vô ích đâu. Nhờ việc làm luận văn này, tiếng Anh của con được nâng lên đáng kể, đồng thời con học thêm được phương pháp khai thác các tài liệu sách báo nước ngoài. Cái được này lớn hơn cái luận văn đạt yêu cầu của con rất nhiều. Cũng có thể nói con không mất, không thua.
-         Có chắc thế không con?.. – sự lo lắng hiện rõ trên nét mặt Tâm.
-         Anh Bình đồng ý nhận con vào công ty rồi mẹ ạ. Anh Phương sẽ giúp con nâng cao trình độ sử dụng vi tính. Con sẽ được vào làm bộ phận khai thác sách báo và các thông tin kinh tế, chính trị trên internet cung cấp cho các cơ quan của ta. Chắc chắn con không chết đói.
-         Thảo nào cô thấy cháu cứ tỉnh bơ về cái bằng đỗ cũng như trượt của cháu. Cô đã ba lần thi trượt vào đại học và mỗi lần trượt là một lần cô dở sống dở chết...  - Nguyệt từ đầu chỉ ngồi nghe, bây giờ mới tham gia câu chuyện. - Các cháu thử hình dung mỗi năm có bao nhiêu thanh niên hay sinh viên lâm vào hoàn cảnh dở sống dở chết như của cô?!..
-         Các con đã  trù tính được như vậy thì mẹ đỡ lo rồi... – Tâm thở phào.
-         Chịu. Chịu. Đúng là hậu sinh khả uý. Cả nhà nâng cốc chúc hai bạn trẻ này đi. Bây giờ chúng ta có quyền thưởng thức tài nấu nướng của hai phụ nữ bác quý mến nhất trên đời này...

Tiếng cười nói vui vẻ bắt đầu rộn lên trong bữa cơm. Đông khen Thanh Tâm tìm được mấy quyến sách tham khảo rất đáng đọc, anh mượn quyển Tìm hiểu lịch sử sự thịnh vượng và sự nghèo khó của các quốc gia... để hiểu thêm vấn đề này như thế nào.

Sau bữa ăn, Phương và Thanh Tâm xin phép đi nghe băng nhạc ABBA biểu diễn ngoài trời trên sân vận động thành phố tối nay, buổi 21giờ30, do Phương thết vé cánh bạn bè của Thanh Tâm, nhân dịp Thanh Tâm có cái bằng đỗ cũng như trượt...

Còn lại ba người, lúc này Tâm mới nói lại đề nghị của Nguyệt cho Đông nghe.

-         Ý kiến của Tâm thế nào?  - Đông hỏi.
-         Em tán thành Nguyệt cần đối mặt với mọi người. Nhưng không phải là để khiêu khích dư luận, mà là để Nguyệt dày dạn trong cuộc sống. Nếu anh cũng nghĩ như vậy, em sẽ nêu vấn đề này với anh Liêm.
-         Xin cảm ơn em, anh thấy rất nên.
...


Đông và Nguyệt về đến nhà trong tâm trạng vừa mừng vừa lo cho tương lai của Thanh Tâm và Phương. Trong khi cả hai đang ngồi uống nước và bàn luận sôi nổi về sự thông minh và tính cả quyết của Thanh Tâm, thì có tiếng gõ cửa.

Một công an đeo lon thiếu uý bước vào nhà, chào theo đúng cách quy định khi thực hiện phận sự, rồi hỏi:
-         Xin lỗi, đây có phải nhà ông Nguyễn Đông không?
-         Vâng. Tôi là Nguyễn Đông... – anh đứng dậy bước ra khỏi bàn, trong tay vẫn giữ chén nước chè nóng.
-         Thế còn chị này là Lê Kim Nguyệt?

Nguyệt sợ dúm người lại, chưa biết nói năng thế nào, Đông phải trả lời thay:
-         Vâng, cô này là Lê Kim Nguyệt.
-         Chị đã bị công an bắt một lần tại Gia Thuỵ?
-         Vâng. Nhưng chuyện ấy lâu rồi, - Nguyệt trả lời.
-         Hôm nay chị bị bắt, vì có lệnh truy quét, không cho phép gái mãi dâm hoạt động trong thành phố.
-         Trời ơi, thế này là thế nào?  - Nguyệt ngồi gục xuống ghế, hai tay ôm mặt và từ đó như người bị trúng gió cấm khẩu.

Đông hoang mang hết đỗi:
-         Có thể có sự nhầm lẫn nào không đồng chí?
-         Không. Chị này tên thật là Lê Thị Na, trú quán Cao Xá, Quốc Oai, Hà Tây. Ông phạm tội chứa chấp gãi mãi dâm... - viên thiếu uý công an thò tay moi chiếc khoá còng số 8 ra khỏi cái cặp da rồi quay ra phía Nguyệt quát to: - Đưa tay  đây!

Đông ném chén nước trong tay đánh choang xuống nền nhà, quát lại viên thiếu uý công an:
-         Không!

Viên thiếu uý công an lùi mấy bước vì bị bất ngờ trước phản ứng dữ tợn của Đông. Anh ta sững lại như một cây gỗ, mặc cho mấy cánh chè và những giọt nước chè bám đầy trên mặt, trên quần áo.

Mặt Đông trắng nhợt, hai tai đỏ dừ, miệng mím chặt. Hai bàn tay Đông nắm lại nhưng hai cánh tay vẫn rung lên. Đông vẫn đứng yên một chỗ, cố ghìm nén tức giận. Dần dần Đông cũng bình tĩnh lại, lựa lời:
-         Chúng tôi sẽ thi hành nghiêm chỉnh lệnh của cơ quan chính quyền, nhưng chắc phải có sự lầm lẫn nào đó. Đồng chí cứ ngồi chờ đây một chút, tôi chạy sang hàng xóm hỏi thêm cho rõ thực hư, có được không?
-         Được. – Viên thiếu uý công an thở phào, rồi lại lên giọng ngay: Nhưng ông đừng để tôi phải chờ lâu, rõ chưa?
-         Em đừng sợ, cứ ngồi đây chờ anh. - Đông không để ý đến viên thiếu uý công an, chỉ quay ra nói với Nguyệt rồi chạy vội ra ngoài.

Chưa đầy mười phút sau Đông quay lại, đi theo là chú hộ tịch viên, quân phục công an, cũng lon thiếu uý.

Người hộ tịch viên chào rồi chủ động hỏi trước:
-         Đồng chí được lệnh bắt chị Lê Kim Nguyệt?
-         Đúng thế.
-         Nhưng chị Nguyệt đã đăng ký ở phường chúng tôi từ lâu rồi.
-         Đây là chiến dịch truy quét gái mãi dâm để làm trong sạch thành phố, vì vậy có lệnh bắt. Chị này đã từng bị bắt ở Gia Thuỵ. – giọng nói anh ta rất gay gắt.
-         Tôi hiểu, nhưng tại sao trực tiếp phụ trách phường này mà tôi lại không được thông báo gì? Phiền đồng chí cho biết tên và cho xem chứng minh thư của đồng chí được không? Chứng minh thư của tôi đây.
-         Đây là chứng minh thư của tôi, xin mời xem đi.

Sau khi hai người xem kỹ rồi trả lại chứng minh thư cho nhau, người hộ tịch viên hỏi tiếp:
-         Đồng chí có lệnh bắt người không?

Viên thiếu uý công an mở cái cặp da, loay hoay tìm một lúc rồi trả lời:
-         Xin lỗi, lúc đi quá vội, tôi quên không mang theo lệnh.

-         Nếu vậy thì thế này nhé,  đồng chí đã xem chứng minh thư của tôi rồi, biết tôi phụ trách hộ tịch và an ninh của phường này. Bây giờ phiền đồng chí về đem lệnh bắt người đến đây. Tôi xin bảo đảm chị Nguyệt không chạy trốn. Tôi chờ đồng chí ở đây.

Viên thiếu uý công an vẻ mặt thản nhiên, nhận lời quay về mang lệnh bắt người và hẹn sẽ quay trở lại ngay.

Chú hộ tịch viên nói với Đông:
-         Em đang bận. Khi nào người công an kia quay lại, anh sang gọi em ngay. Em nhớ tên, số chứng minh thư của anh ta rồi, đúng là công an đồn Gia Thuỵ. Nhưng đi bắt người mà lại không đem theo lệnh, không hiểu trình độ nghiệp vụ của anh ta như thế nào...

Chú hộ tịch viên ra về. Đông và Nguyệt chờ mãi, không thấy người công an kia quay lại. Đông gọi điện thoại cho Tâm báo tin dữ. Sau đó cả hai đứng ngồi, chờ đợi trong lo hãi...

Đông giục Nguyệt đi ngủ, vì thấy Nguyệt tỉnh thoảng chân tay lại run lên như người sắp lên cơn sốt rét.

-         Em đừng thức nữa, đi ngủ đi. Một mình anh chờ là đủ.
-         Nhưng em sợ lắm, không thể nào nhắm mắt được. Hay là... Anh cho em chạy trốn đi... Cho em chạy trốn ngay đi anh. Bây giờ còn kịp mà. – Nguyệt lắc mạnh cánh tay Đông, van xin.
-         Không được. Dứt khoát không được. Em trốn đi đâu bây giờ?
-         Em không biết nữa, nhưng ở đây thì không được.
-         Hãy chờ cho đến sáng... Nhưng mà tại sao lại phải chạy trốn?..

Đông rã rời vì những câu hỏi về lệnh bắt Nguyệt, về những điều gì sẽ xảy ra nếu Nguyệt lại bị bắt một lần nữa?.. Anh không còn sức đi đi lại lại trong phòng, đành gieo mình xuống chiếc ghế song chờ đợi...

...Chẳng lẽ một lần nữa vào trại giam, rồi đi cải tạo ở Phú thọ, hay đi biệt lập ra đảo trên hồ Thác Bà?  ...Lại bị lùa vào đàn người chỉ biết cào xé lẫn nhau - những người sống chỉ còn là bản năng tồn tại và không có ý thức gì hơn là thất vọng, huỷ hoại, tàn phá?  ...Lại chịu đựng ê chề những lời chửi rủa tục tằn, đánh đập...  Trời còn đầy đoạ tôi làm gì? Nếu không làm cho tôi đủ sức chịu đựng được cuộc sống này, sao trời không làm cho tôi chết quách đi?.. Tai Nguyệt đã nge thấy bao nhiêu con người khốn khổ kêu lên như thế... Chính Nguyệt cũng mấy lần định lao đầu vào xe tải như thế mà không được...

Quá khứ sống lại uy hiếp hãi hùng tâm trí Nguyệt:
-         Em van lạy anh, cho em chạy trốn đi. Còn kịp mà... Trời   đã sáng dần mất rồi anh...
-         Hay là em lánh tạm sang chỗ chi Tâm vậy?
-         Không được anh ạ. Em đã làm chị ấy vất vả nhiều rồi. Hoàn cảnh gia đình chị ấy rất nặng gánh nữa...

Đông đứng dậy pha cốc sữa đưa cho Nguyệt:
-         Trông em phờ phạc chẳng khác gì hôm em mới đến đây khi ra viện. Thôi, bỏ ý nghĩ chạy trốn đi. Nếu em bị bắt lại, anh sẽ đứng ra xin bảo lãnh cho em tại ngoại. Anh sẽ nhờ chú hộ tịch viên giúp sức thêm...

Trời đã sáng hẳn, nhìn đồng hồ thấy sắp đến giờ đi làm. Lúc này Đông mới ớ ra, tự nói với mình: ...Lạ nhỉ, chú hộ tịch viên chỉ hỏi một câu về lệnh bắt người là tay công an này xử nhũn và bỏ về ngay, đến bây giờ chưa quay lại là thế nào nhỉ? Có thể có chuyện gì lếu láo trong việc này?..

Nghe Đông nói như vậy, nhưng Nguyệt vẫn chưa yên tâm:
-         Có thể là như thế, nhưng em vẫn thấy sợ lắm anh ạ...

Nguyệt mua phở cho Đông ăn sáng, còn cố ép Đông ăn thêm quả chuối. Cà-phê cho Đông Nguyệt pha đặc hơn mọi ngày, vì lo Đông đã thức trắng đêm. Nhưng suốt cả ngày hôm đó Đông chỉ thấy mồm miệng đắng ngòm như đang ngậm thuốc Bắc: ...Các nhà chức trách quá mẫn cán, hay đúng là có chuyện gì lếu láo?..
          ...


Kết quả xét nghiệm máu lần thứ hai của Nguyệt vẫn âm tính. Đông thở phào như trút được một hòn đá tảng lâu nay vẫn đè nặng lên ngực mình. Anh cầu khẩn: Lạy trời lạy đất, mong rằng đó là sự thực không thể lầm lẫn được, là sự đền đáp của số phận cay nghiệt cho một con người trong trắng xưa nay chưa từng làm một việc ác, chưa hề làm hại một người nào... Đông suy nghĩ rất nhiều về kết quả xét nghiệm này, cuối cùng phải tự trấn an mình: ...Đành tin vào sự ngoại trừ của định luật xác suất vậy.

Bây giờ khát vọng lớn nhất của anh là phải giúp Nguyệt giành lại nhân phẩm bị trà đạp... Viên thiếu uý công an Gia Thuỵ lặn tăm, Đông càng cảm thấy mình bị thách thức ghê gớm. Thủ phạm của việc này là Vũ Liêm? là Mai? Còn ai khác nữa? Họ táng tận lương tâm đến như thế rồi sao? Nhưng vì lý do gì mới được chứ?.. Mình chưa có chứng cớ rõ ràng để buộc tội họ, song câu chuyện chỉ có thể theo một lô-gích như vậy. Chẳng lẽ vẫn có thể là một sự lầm lẫn của nhà chức trách? Đông quyết định thầm lặng theo dõi tiếp vụ việc này, để thăm dò xem bụng dạ con người nông sâu đến đâu. Bất giác Đông nhớ lại buổi tâm sự với Bách hôm nào về lớp trưởng giả mới...
...

8

Hôm nay chủ nhật, lễ hội đình An Thịnh. Trong nhóm của Đông đến phiên Bách trực ban. Đông dứt khoát bỏ mọi việc để tìm  hiểu, xem lễ hội này có giống một vài lễ hội như ở đền các vua Hùng, đền thánh Gióng anh đã có dịp di dự trong mấy năm trước hay không. Anh nảy ra ý định này vì lời phàn nàn của Tâm: ...Nhiều nơi trong nước bây giờ đang thịnh hành mốt lễ hội và hương ước...

Ăn sáng xong anh đi ngay, không cho ai biết ý định của mình. Trước khi ra khỏi nhà, Đông dặn Nguyệt:
-         Có ai hỏi, em trả lời anh đi bộ lang thang, thay đổi không khí, vì mấy hôm nay hơi mệt. Nếu trưa anh về muộn, em cứ ăn cơm trước...

Đông ngồi xe ôm đi tới đình An Thịnh, mang cả điện thoại cầm tay mượn của Bách. Khi tới nơi, sân đình vắng tanh. Ngó trước ngó sau, Đông thấy trên thềm đình một người đàn ông tuổi chắc ngoài sáu mươi, nhưng khoẻ mạnh, thắt một dải lụa điều ngang lưng. Ông già ngồi dựa vào cột đình, đang thưởng thức ấm chè sáng. Thỉnh thoảng ông già đứng lên dóng lên một hồi trống, đĩnh đạc, oai nghiêm...

Đông dạo quanh đình xem phong cảnh. Cây đa xum xuê và cây đề rất to che gần kín mặt sau của đình. Đây cũng là hai cây cổ thụ duy nhất làng An Thịnh còn giữ được. Sân đình khá rộng, phía trước là cổng tam quan vừa mới được tu bổ lại.  Đông nghĩ rằng ngày xưa đây có thể là một làng đẹp. Nhưng bây giờ ngôi đình bị những ngôi nhà mới xây lố nhố bao vây bốn bề. Nếu không còn cây đa cây đề sau đình, nếu sân đình không được bức tường hoa bao quanh che chở, có thể nói ngôi đình này hoàn toàn chìm nghỉm trong các khối bê-tông, đẹp có, lố lăng có, mái bằng, mái  chóp, mái hình củ hành, không theo một quy hoạch nào, trông thật ngộ nghĩnh.

Theo bảng thần phả ghi trên tường đình, còn ba ngày nữa mới đúng ngày giỗ thần hoàng, ngày mà xưa xửa xừa xưa được chọn là ngày lễ hội của làng này. Mấy chục năm liền làng làm gì có lễ hội. Từ dăm năm nay phục hồi vốn cổ, lễ hội được tái sinh. Vào thời buổi bây giờ, đình lại nằm lọt vào vùng thành phố đang được mở rộng, không thể tổ chức lễ hội đúng ngày, vì rơi vào ngày làm việc. Ngay trong đời sống gia đình, việc giỗ ông bà tổ tiên vẫn thường phải xê xích vào chủ nhật hay ngày nghỉ để họ hàng con cháu có thể về đông đủ, huống chi là hội làng.

Thần phả được viết bằng sơn vàng trên nền đỏ, như phỏng theo những đoạn nào đó trong các truyện cổ  Việt Nam, hoặc trong các quyển sách viết về những địa danh nước ta được xuất bản trong những năm gần đây. Hành văn và từ ngữ ghi trên tường rất hiện đại. Đông đọc hai ba lần. Có lúc anh có cảm giác thần hoàng làng này là một nhân vật thần thoại có sức khoẻ hơn người tên là Lê Như Hổ, mang ít nhiều sự uyên bác của Lương Thế Vinh. Nhưng khi thần phả kể về công lao của vị thần hoàng này trong việc biên chép sử sách cho nước nhà, Đông lại ngờ rằng đây có thể là một Ngô Thời Sỹ dũng mãnh như Thạch Sanh...

Đông lân la đến gần ông già đánh trống:
-         Chào bác ạ, xin bác cho hỏi hôm nay có phải cụm An Thịnh tổ chức lễ hội đình làng ta không ạ?

Ông già mời Đông ngồi xuống chiếc chiếu trải sẵn trên thềm đình, rót cho Đông cốc nước chè tươi:
-         Mời ông xơi nước. §úng đấy, An Thịnh hôm nay lễ hội giỗ thần hoàng, nhưng phải làm sớm ba ngày cho đúng vào chủ nhật. Ậng chắc cũng ít nhiều gốc gác ở đây, về dự hội làng có phải không?
-         Dạ thưa không phải, tôi chỉ là người làm ăn trong phường này thôi ạ. - Đông nâng cốc nước chè tươi nóng hổi: - Cảm ơn bác. Xin mời bác xơi nước ạ... Lâu lắm tôi mới lại được uống nước chè tươi... – Uống xong Đông gật gù: - Chè tươi bác hãm rất sánh.
-         Sáng nào tôi cũng phải làm một ấm như vậy. Làng An Thịnh bây giờ gọi là cụm 1, phường An Thịnh lấy tên của làng này. Phường An Thịnh còn rộng hơn cả tổng ngày xưa đấy.
-         Bác là người gốc làng này. Tôi đoán thế có đúng không bác?
-         Sao ông biết?
-         Dạ thưa bác, tôi làm ăn tại phường này ngót nghét chục năm nay rồi mà vẫn chưa biết làng ta ngày xưa thuộc tổng nào.
-         Tổng Chấn Xương. Nhưng đấy là chuyện xưa lắm rồi.
-         Kể ra cứ giữ nguyên tên cũ mà lại hay đấy bác nhỉ? Xin bác cho tôi đánh thử một hồi trống có được không ạ.

Ông già thoáng chau mắt nhìn Đông như để nhận xét điều gì,  rồi cười hiền hậu đưa dùi trống cho Đông.

Anh đi lại chỗ cái trống, ngắm nghía nó rất kỹ. Đây là cái trống khá cổ, tang trống để mộc, đã lên nước nhẵn bóng, có hai đai đồng chạm trổ cầu kỳ.

Ông già xoay người về phía Đông:
-         Ông cố dang thẳng tay vào, đánh thong thả...

Đông làm theo lời ông già. Nhưng tiếng trống của anh vừa không thật mạnh,  nhịp trống hơi mau, nên không đĩnh đạc vang xa như tiếng trống của ông già.

-         Tiếng trống ông đánh cũng tạm được đấy, nhưng đúng ông không phải người làng An Thịnh...

Đông ngạc nhiên về nhận xét của ông già:
-         Chỉ nghe tiếng trống mà có thể biết được người làng mình hở bác?
-         Nói cho vui thế thôi. Nhìn cách ông cầm dùi trống và nghe nhịp trống thì biết ông là dân cầm bút đánh trống, lại càng không phải gốc gác ở đây rồi.
-         Thưa bác, hay là tôi mất gốc?.. - Đông tìm cách bắt chuyện.
-         Ông có sinh trưởng ở đây đâu mà mất gốc. Gia đình tôi cha truyền con nối nhiều đời tại làng này. Tôi trước là xã viên trồng rau, nghề phụ là trồng cây cảnh. Hợp tác đã giải thể lâu rồi, làng tôi trở thành cụm, cả làng bỏ nghề nông, trở thành dân thành thị hết.
-         Bác đã nghỉ hưu chưa ạ? Trông bác còn rắn rỏi lắm.
-         Tôi nghỉ lâu rồi, nhận với các cụ trong làng việc giữ đình cho vui, vì rỗi rãi. Kinh tế đã có con cháu lo, chúng nó làm ăn cũng khá.
-         Thần phả làng này còn giữ được không bác?
-         Ông tính, khi tôi biết đùa nghịch chạy nhảy trong làng thì đã có cái đình này rồi, lại mấy cuộc chiến tranh, làm sao mà còn được.
-         Vậy những đoạn ghi trên tường trích từ đâu ra ạ?
-         Đấy là các cụ làng tôi nhờ mấy anh cán bộ sở văn hoá sưu tầm trong thư viện rồi chép ra...Thần phả còn hay không còn có hệ trọng gì đâu. Ông tính, dân cư trong cụm này bây giờ  đông gấp ba gấp bốn lần ngày xưa, chia năm phần thì trên bốn phần là dân tứ xứ.
-         Vâng, nghe bác nói và cứ nhìn các nhà mới xây cũng có thể đoán ra được. Xin mời bác xơi thuốc...  - Đông đưa bao thuốc Vinataba cho ông già.
-         Làng này ngày xưa nổi tiếng về trồng rau và hoa. Bây giờ nghề này không còn nữa, vì đất tự nhiên vọt lên đắt hơn vàng. Nhờ vậy làng này nhiều gia đình đổi đời. Nhà mới xây thi nhau mọc lên. Nhà ở thì phần nào thôi, còn khách sạn mini chen nhau san sát, thêm mấy cái quán karaoke nữa...  Nước ta hình như đang mắc dịch karaoke có phải không ông?
-         Bác nhận xét như vậy  cũng có cái lý của nó.  – Vì chưa biết ông già này là người thế nào, Đông chỉ dám trả lời nửa vời.
-         Công việc xây cất mới chững lại lối chừng hai năm nay thôi....  - ông già bóc bao thuốc rút ra một điếu: - Cảm ơn ông mời thuốc, nhưng sao ông không hút?
-         Dạ thưa bác tôi chỉ giữ thuốc lá để mời khách thôi ạ, còn tôi chưa bao giờ hút thuốc.

Ậng già hít một hơi dài, nuốt cả khói như người ta hút thuốc lào, mãi mới từ từ phả khói ra, giọng nói chậm rãi: 
-         ...Ông không nghiện thế là tốt. Người ta không nên nghiện bất kỳ thứ gì. Nhìn chung đời sống trong làng này bây giờ khá hơn trước nhiều, nhưng cũng có nhiều cái đáng lo...
-         Đấy là những điều gì thế hở bác?
-         Nghiện hút, đánh bạc và gái mãi dâm. Phần đông họ từ những nơi khác đến và làm khổ cái làng này. Nhiều gia đình chúng tôi lo ngay ngáy không biết bảo vệ con cháu mình như thế nào để khỏi dính vào những thứ này. Đã bẩy đứa của chúng tôi dính rồi.
-         Nhân dân ở đây có tích cực tham gia phong trào chống tệ nạn xã hội không bác?
-         Chúng tôi cố gắng rất nhiều, nhất là giới phụ lão chúng tôi, nhưng kết quả chưa ăn thua gì. Ngay sáng sớm nay, tôi mất đến nửa giờ quét rác phía sau đình, moi ra trong các hốc cây nào là ống tiêm, kim tiêm,  những mẩu giấy bạc vỏ bao thuốc lá ám đầy khói, bao cao-su... Toàn là của bọn sì-ke ma tuý và gái mãi dâm... Nhất là phía sau đình đêm tối không có đèn. Chúng tôi đã mấy lần mắc đèn, nhưng đều bị lũ khốn kiếp dùng súng cao-su bắn vỡ... Dân đến dự lễ hội mà trông thấy những thứ dơ dáy ấy thì chúng tôi xấu hổ lắm. Nhưng tôi cam đoan với ông chúng không phải người quê quán ở đây, chúng chỉ chọn địa điểm này để hoạt động, lôi kéo con cháu chúng tôi dính vào... - ông già rót cho Đông cốc nước nữa.
-         Làm sao có thể nói chắc được như thế hở bác.
-         Được chứ. Khách vãng lai hoặc những người tứ xứ đến ở trong các nhà mới xây thì đúng là chúng tôi không nắm vững được. Còn người gốc ở đây thì chúng tôi vẫn biết nhau từng nhà, vì cả làng này chỉ có ba họ thôi, lại bao nhiêu năm làm ăn với nhau trong các tổ hợp tác. Bẩy đứa của làng này mắc nghiện, có đứa cai hai ba lần rồi. Hình như chúng nó ở các trại về thường chỉ được bốn năm tháng lại tìm đường tiêm trích, mặc dầu Trung tâm cai nghiện ma tuý của thành phố ở ngay trên địa bàn phường chúng tôi.
-         Bác nói làm tôi xấu hổ, thưa bác tôi hiện đang làm việc ở Trung tâm này.

Ông già nắm lấy vai Đông như người bắt được của:
-         Vậy ông có phải là bác sỹ Đông không?
-         Vâng ạ, nhưng làm sao bác lại biết được tên tôi ạ?
-         Vì ông nói là làm việc tại Trung Tâm, tôi cứ đoán liều, có thể gặp may. Thế là tôi gặp may thật rồi, phúc đức cho tôi quá. - ông già tay vẫn không buông Đông ra, như chỉ sợ Đông chạy mất.
-         Bác gặp may cái gì thế ạ?
-         Bác sỹ ơi, câu chuyện là thế này: Chẳng nói giấu bác sỹ, chính thằng cháu nội tôi đang học lớp 12 thì dính vào ma tuý, sau đó trộm cắp, bỏ học hơn một năm nay rồi. Bố mẹ nó cách đây ba tháng vừa mới lên trại cải tạo trên Phú Thọ đón nó về, nhưng chắc gì đã thoát... – giọng nói ông già trở nên ưu tư.  - Bố mẹ nó đi hỏi khắp nơi, người ta mách nếu nhờ được bác sỹ Đông ở Trung tâm này chữa cho thì may ra khỏi được. Trời đất dun rủi thế nào lại được gặp ông đây. - Ông già đột nhiên đứng dậy, vái một vái dài, khẩn khoản:  - Nó là cháu đích tôn của tôi, xin bác sỹ hết lòng giúp cháu, gia đình chúng tôi cắn cỏ đội ơn ông... 
-         Chết chết, lạy bác, xin bác đừng làm thế... - Đông cũng vội đứng dậy theo, nắm lấy tay ông già.  - Xin bác cho biết tên bác là gì ạ.
-         Tôi là Hiệp, tổ 4, cụm 1. Ông cứ hỏi ông Hiệp tổ trưởng tổ 4 ở đây ai cũng biết. Nhà tôi ở cuối làng này. Phía sau cái nhà 4 tầng mái củ hành kia kìa... Đi thẳng từ đình này ra là đến nơi. Tiếc rằng từ chiều hôm qua bố mẹ nó phải đưa nó về thăm quê bà ngoại. Nói thật với ông chỉ vì xấu hổ, không dám để con ló mặt ra lễ hội.
-         Xin bác yên tâm, trong vòng một hai tuần tôi sẽ nhờ người đến thăm tận nhà hỏi xem tình hình mắc nghiện của cháu thế nào.
-         Ông nhớ kỹ hộ tên tôi là Hiệp tổ 4 nhé. Thật là phúc đức cho gia đình chúng tôi. Đúng là ở hiền gặp lành rồi... Tôi muốn xin ý kiến ông về một số chuyện khác. - Ông già rót nước tiếp mời Đông.  - Ông chờ tôi đánh một hồi trống, tôi sẽ thưa chuyện...

Ông già Hiệp kể trong số bẩy người mắc nghiện, có một người bị HIV/AIDS, làm nghề lái xe tải đường dài, 27 tuổi, chưa lập gia đình,  con một đồng chí đảng viên nguyên là chủ nhiệm hợp tác xã cũ. Y tế của phường đã báo cho gia đình bệnh nhân, vận động các đoàn thể trong cụm hỗ trợ gia đình này và cùng nhau trông nom không để anh ta phá phách. Tổ phụ lão của ông Hiệp tham gia rất tận tình. Nhưng người lái xe này tính tình vốn ngang tàng, bây giờ lại thêm chứng mặc cảm và tâm trạng thất vọng về bệnh tật. Anh ta như một quả bom, lúc nào cũng sẵn sàng nổ làm hại mọi người. Ông Hiệp kể cho Đông nghe nào chuyện ông nghi những nơi bán ma tuý trong phường này, có nơi không xa đình này bao nhiêu, nào chuyện thanh thiếu niên bị cám dỗ vào cờ bạc đề đóm, các bậc cha mẹ ông bà hầu như chịu bó tay, ông cam đoan mấy cái khách sạn mini mới mọc lên trong cụm là nhà chứa... Đông rất biết ơn ông già về những thông tin từ cuộc sống.


-         Chắc lễ hội phải một hai tiếng nữa mới bắt đầu bác nhỉ?
-         Khoảng 9 giờ ông ạ, mặc dù chương trình đề là 8 giờ, năm ngoái cũng thế.
-         Tôi xin phép bác đi dạo loanh quanh trong cụm này. Được gặp bác là tôi đã được nghe bao nhiêu chuyện, còn thời giờ tôi sẽ trở lại xem lễ hội, không thì thôi... - Đông cố ý nói như vậy để làm cho ông già nghĩ rằng Đông sẽ không quay lại. Vì anh không muốn xuất đầu lộ diện tại lễ hội này. Anh nói tiếp: - Nhưng xin bác yên tâm, thế nào tôi cũng cho người đến nhà bác.
-         Vâng, lễ hội  đình này thì bình thường thôi, không có gì đặc sắc lắm đâu. Nhưng được ông hứa giúp, tôi xin đa tạ ông. Xin ông thông cảm cho, nó là cháu đích tôn của tôi...

Chia tay ông già Hiệp. Đông quyết định đến quán cà phê trắng trước. Đấy là tiếng lóng ông già Hiệp cho anh biết, còn tên thật của cái quán này là “Sông Hương”.

Thử xem ông già Hiệp nói có đúng không, anh kiếm một chỗ ngồi trong quán xa khuất mọi người, đọc kỹ thực đơn, giá tiền... Nhưng khoản cà phê trắng thì không thấy.

Một ca-veª  tuổi chỉ khoảng ngoài hai mươi, son phấn đầy mặt, mắt tím xanh nhưng móng tay móng chân đỏ chót, áo nhìn rõ xu-chiêng, vú thật hay giả thì không biết nhưng đầy khiêu khích, vai trần, đon đả chạy đến chỗ Đông ngồi:
-         Chào anh, anh có khoẻ không? Hồi này đi đâu vắng, lâu quá không thấy anh lại. Anh dùng gì để em phục vụ?
-         A` hồi này bận. Lại bị quản chặt quá...  Cho một tách cà- phê...  - Đông nói năng ẫm ờ, cốt xem lời ông già Hiệp chính xác đến đâu.

Quả nhiên ca-ve   chào mời ngay cái món đặc sản:
-         Anh dùng cà-phê trắng nhé?  Bột kem sữa loại xịn của Thái đấy. Cà-phê chồn Đắc Lắc phải uống với loại kem này mới nổi anh ạ.

Đông hiểu ngay lại một thứ tiếng lóng nữa, giọng nói anh tỉnh bơ:
-         Eo ơi, nếu là bột sắn cô em lấy gì đền?
-         Lấy em ra đền là cùng chứ gì? Gớm, đa nghi còn hơn Tào Tháo.
-         Nhỡ không mang đủ tiền, lấy anh ra trả thế, được không?
-         Xong béng.
-         Trả lời nghe được đấy. Nhưng trước khi xem cái bột Thái hay bột sắn của em, phải có cái gì lót bụng đã. Hôm nay có paté chaut không? Một đĩa.
-         Có anh ạ. Em mang luôn cà-phê trắng cho anh nhé?
-         Thong thả, chờ đã. Nhỡ phải gọi thêm đĩa thứ hai thì cà-phê nguội không nuốt được. Chơi rong xem đình suốt từ sáng đến giờ nên đói quá...

Đông chưa dứt lời, ca-ve đã đến quàng lấy cổ Đông rất tự nhiên, hai vú cô ta cọ vào vai Đông, miệng cô ta thì thào vào tai:
-         Có chanh cốm đấy, toàn đầu 1 thôi, đít mênh mông[1], tha hồ anh chọn.
-         Nhưng có chanh cốm đồng nội không?
-         Chỉ toàn hương đồng gió nội thôi. Anh yên tâm. Bây giờ như thế mới là mốt.
-         Ngay bây giờ có được không?
-         Bảo kê 24 giờ trên 24 giờ. Nhưng giờ này mới hay, càng ít ai để ý.
-         Không chơi cái lối mua mèo trong bao tải. Anh muốn em cơ...- Đông lấy ngón tay chỏ gõ gõ lên cánh tay trần trụi của ca-ve nằm trên ngực anh, bàn tay đang mơn trớn má anh. Ngực ca-ve cọ vào lưng làm anh nóng ran.
-         Đến tối thì được, bây giờ không được. Cả ngày hôm nay được ra tắm nắng cho da dẻ đỡ cớm, nghĩa là được ra quầy bán hàng. Hôm nay là ngày kiếm ăn. Cần phải bán thật nhiều hàng để ăn phần trăm và để các anh thưởng tiền “bo” chứ!
-         Lại còn thế nữa. Đến chỗ bọn chanh cốm có phải đi xa không?
-         Không, nhưng trả tiền trước, có xe ôm đưa đi.
-         Bao nhiêu?
-         Ba trăm cả gói, không kể ăn uống.
-         Thế thì giải quyết cái bụng đói của anh nhanh lên. - Đông gỡ tay ca-ve ra.

Đĩa paté chaut  được bưng lên, quả là ngon. Ăn được nửa đĩa, Đông rút điện thoại cầm tay ra nói chuyện với Bách, đồng thời vẫy tay gọi ca-ve đến. Anh lấy tay bịt máy điện thoại, quay ra nói với ca-ve:
-         Cho anh thanh toán, mau lên cô em, sếp gọi. Xong việc sẽ quay lại...
-         Thật nhé, nói lời thì giữ lấy lời đấy. Hai mươi đồng.
Đông đưa cho ca-ve tờ giấy bạc hai mươi nghìn đồng, “bo” thêm cho ca-ve một tờ giấy bạc năm nghìn đồng nữa.


Đi khuất khỏi quán Sông Hương, Đông nghĩ bụng ông già Hiệp nói đúng. Mục tiêu thứ hai: Nhà người lái xe tải bị HIV/AIDS.

Bước vào nhà người lái xe tải, Đông tưởng nhà này đang có đám ma. Bà mẹ người lái xe ngồi khóc cạnh bàn uống nước, mấy người khác tất bật lo cắt cử nhau các việc. Đông vào ngồi cạnh bà mẹ và tự giới thiệu mình, nói cho bà mẹ nghe là ông già Hiệp đã kể cho anh nghe hết mọi chuyện, anh đến thăm và muốn tìm hiểu xem có thể giúp được điều gì không.

Khi biết anh là bác sỹ Đông ở Trung tâm, người đàn ông cao tuổi nhất trong đám người đang bận túi bụi lại chắp tay cúi đầu chào Đông:
-         Ông là bác sỹ Đông ạ? Ông đến thật quý hoá quá. Tôi là chú ruột nó. Ông anh tôi từ sáng đi báo công an chưa thấy về. Cháu tôi nó bỏ trốn đêm hôm qua, mang theo nhiều tiền, một quả lựu đạn và một dao găm. Chúng tôi đang cắt cử nhau đi tìm mọi ngả, phải gọi cả mấy đứa cháu họ đi tìm giúp. Chỉ sợ nó làm liều thì gia đình chúng tôi mang tội với mọi người. Gần hai tháng nay gia đình ông anh tôi và tất cả chúng tôi khổ sở vì nó... Chính tôi đã khuyên ông anh tôi nên sớm tìm gặp ông để xin ông chỉ bảo giúp. Cả cái phường này người ta đều nói như vậy, vì biết ông là bác sỹ giỏi nhất của Trung tâm...

Đông hỏi những người tiếp chuyện anh rất  tỷ mỷ về diễn biến tâm lý của bệnh nhân. Anh được người nhà bệnh nhân cho xem cả bệnh sử, các hồ sơ gây án ở Hà Tây trong thời gian nghiện ma tuý – chủ yếu là tiêm trích, hồ sơ trong thời kỳ cải tạo...

Có thể nói sự chịu đựng của gia đình và họ hàng người lái xe tải này quá sức tưởng tượng của Đông, nhất là sự chịu đựng của bà mẹ. Đã có lúc anh ta tự nguyện cho người nhà xích chân tay mình lại, tự ngồi tù trong nhà. Cả tháng ròng, anh ta ăn, ngủ, ỉa, đái, tắm rửa đều trong phòng. Cả nhà - trước hết là mẹ anh ta,  thay phiên nhau hầu hạ, với hy vọng dứt được cơn nghiện...

...Anh ta sống đi chết lại nhiều lần, nhưng con nghiện không buông tha anh ta. Có lúc anh ta bỏ tiêm trích được đến mươi ngày, nhưng sau đó, chỉ một lần bước ra khỏi nhà và vì một lý do nào đấy, cơn nghiện lại dữ dằn hơn. Từ khi nhận được giấy báo của y tế Hà Tây về nhiễm HIV/AIDS, anh ta hoàn toàn suy sụp, không nghĩ gì đến cai nghiện nữa. Có lần cả nhà đang xúm lại khuyên bảo, anh ta rút ra trong túi áo một cục mìn bắn đá, bắt phải đưa tiền cho anh ta đi tiêm trích, nếu không sẽ đốt cho nổ tung cả nhà. Phải mất mấy hôm bố anh ta mới tìm cách lấy trộm được cục mìn này giao cho công an. Không hiểu thế nào, tối hôm qua anh ta vác ở đâu về một quả lựu đạn và một con dao găm, đòi đưa tiền, rồi nửa đêm lẻn cửa bỏ đi... Mọi người vừa kể vừa khóc lóc, nhất là bà mẹ anh ta...

Chính Đông cũng không biết mình bị câm điếc từ khi nào. Anh lặng người đi hồi lâu.

-         Bác sỹ khuyên chúng tôi nên làm gì? - ông chú người lái xe hỏi.

Đông ngồi yên. Anh không tìm được câu trả lời.

-         Xin bác sỹ khuyên chúng tôi một lời... – mẹ người lái xe khẩn khoản.

Mãi Đông mới nói được, giọng buồn rầu:
-         Xin thưa với gia đình, đến nông nỗi này tôi thực lòng không biết khuyên thêm gia đình điều gì nữa. Những điều gia đình đã làm vượt quá sức tưởng tượng của tôi. Trước mắt hãy đi tìm anh ấy về bằng được. Nếu tìm được, xin cho tôi biết ngay. Địa chỉ và số điện thoại của tôi đây...


Ra khỏi nhà này, Đông  xem đồng hồ và quyết định  quay trở lại đình. Anh có cảm tưởng mình đang chân nam đá chân siêu, câu chuyện thương tâm và khủng khiếp quá. Đầu óc anh liên tưởng đến vụ 2 học sinh trường trung học Colorado tại Mỹ đã dùng tiểu liên thảm sát hàng chục bạn bè mình mới xảy ra cách đây vài tuần...

 Trên đường, anh bị kẹt vào một đám đông ẩu đả nhau ầm ỹ, toàn là con trai, ở lứa tuổi hai mươi, ba mươi gì đó. Anh bị chôn chân giữa đám đông này đến mười phút. Thì ra câu chuyện là một thanh niên thua đề về trận đá bóng lúc hai giờ sáng nay. Đấy là trận đấu giữa Manchester United và Bayern Munich. Xảy ra ẩu đả là vì người thanh niên thua cá cược không chịu nộp cho người được cuộc chiếc xe Honda.

Đông ngơ ngác. Cuối cùng đám đông cũng đẩy bật anh ra. Anh đi tiếp về phía đình.

Anh bỏ lỡ mất phần khai mạc, nên không hiểu lễ hội bắt đầu như thế nào. Anh tìm một chỗ đứng cao và xa để dễ quan sát. Các vị chức sắc đứng dưới sân, sát thềm, gần gian chính của đình. Trong số này Đông biết mặt một hai người ở quận uỷ, ông chủ tịch phường An Thịnh, một vài cụ cao tuổi –   cán bộ đã nghỉ hưu nay là lão làng của phường. Một lúc sau Đông thấy chủ tịch phường An Thịnh chạy đi mời Vũ Liêm, bác sỹ Mai và bác sỹ Tôn đứng vào chỗ những nhân vật quan trọng của lễ hội. Chung quanh họ là một vài nhà báo, ca-mê-ra truyền hình, nhà nhiếp ảnh...

Những người dự lễ hội đứng sát tường hoa chung quanh sân, khoảng năm sáu chục người.

Riêng những người làm lễ đứng có hàng lối ở giữa sân. Đứng đầu là một người cao tuổi của làng – giống như ông tiên chỉ ngày xưa, chỉ khác là chân đi giày Tây da đen – có lẽ vì bây giờ đào đâu ra giầy Gia định, mặc quần xa-tanh vàng, áo thụng vàng, đầu  đội khăn xếp nhiễu điều, hai tay trịnh trọng cầm tờ sớ. Phía sau là đội thanh nữ 9 người, mặc quần trắng, áo dài tân thời các màu, tay bưng khay đựng vàng hương. Sau nữa là những người làm lễ, cũng đứng thành hàng lối, khoảng trên ba chục người,  đứng  trước là các bà, rồi đến các ông, theo trật tự tuổi tác. Các bà đồng loạt mặc áo dài nâu, quần thâm, chít khăn, búi tóc, tóc uốn... tuỳ người; các ông áo the dài quần trắng, tất cả đều đội khăn xếp.

Một hồi trống nổi lên, tiếp theo tiếng mi-crô-phôn giới thiệu trình tự buổi lễ. Ông tiên chỉ và đội thanh nữ dâng hương bước vào giữa đình. Lúc này ông già Hiệp đã thắp xong bó hương lớn trên bàn thờ thần hoàng.

          Ông tiên chỉ vái quỳ phục ba vái rồi bắt đầu đứng lên đọc tờ sớ kể công đức thần hoàng và lòng biết ơn của dân làng, nguyện dốc lòng đoàn kết thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ... Thời buổi này tìm được người biết cách đọc sớ như ông tiên chỉ quả không đơn giản. Tuy đọc chữ quốc ngữ, nhưng giọng ông ta ngân nga như ông quan đọc sớ dâng vua trong triều vẫn thường thấy trên ti-vi.

          Sau lời cung cúc cung bái kết thúc tờ sớ, ông tiên chỉ lại quỳ phục vái ba lễ, đội ngũ các bà các ông làm lễ bước vào đình trong tiếng trống uy nghiêm của ông già Hiệp. Các bà các ông lễ vái rất đều và đẹp mắt theo tiếng trống của ông già Hiệp, đúng như đã tập trước đây một hai tuần, rồi lần lượt lên cắm những nén hương đã đốt sẵn, do đội nữ dâng hương đưa cho.

          Tiếng mi-crô-phôn mời các vị đại biểu lên thắp hương.
Tiếng mi-crô- phôn mời ông chủ tịch phương An Thịnh lên đọc diễn văn.
Tiêng mi-crô-phôn mời vị đảng uỷ quận phụ trách khối văn xã lên đọc diễn văn.
Tiếng mi-crô-phôn mời ông Vũ Liêm, đại diện cho lãnh đạo Trung tâm lên đọc diễn văn.

Xen giữa những lời nói trôi chảy là tiếng ca-mê-ra xè xè...

Tiếng mi-crô-phôn mời những người dự lễ lên cắm hương.
Tiếng mi-crô-phôn truyền lời cảm ơn của ban tổ chức và tuyên bố buổi lễ chuyển sang phần văn nghệ...

          Tiếng loa tiếng trống vang cả góc trời...

Mặt trời đã lên khá cao, cái nóng bắt đầu làm khó chịu mọi người. Một số đã bỏ ra về. Những nhân vật quan trọng của lễ hội vẫn rất nghiêm túc tại chỗ. Mấy cái dù to tướng quảng cáo cho bia Tiger và Coca Cola khiến cho ánh nắng không làm gì được các vị, lại thêm sự hỗ trợ của các chai nước La Vie trong tay...

Đông cố nán xem  hết tiết mục kịch tuyên truyền chống ma tuý, do chi đoàn của Tôn đảm nhiệm, học được của đoàn đại biểu Thuỵ Điển đi vận động chống ma tuý trên thế giới...

...Ngồi trên xe ôm trên đường về nhà, Đông tự đối thoại với mình. Trong đầu Đông những suy nghĩ nhảy múa, đâm chém nhau, thật thật giả giả, lộn tùng phèo...

... Lạ nhỉ, lễ hội cứ lễ hội, cà phê trắng cứ tiếp tục cà phê trắng, đánh đề cứ đánh đề, cháu đích tôn ông già Hiệp trốn về quê bà ngoại, người lái xe tải thất vọng bây giờ tìm đâu cũng không thấy... Tiếng ông chủ tịch oang oang về Đảng, về truyền thống dân tộc... Tất cả đều xảy ra cùng một chỗ, cùng một lúc... Thế là thế nào nhỉ?..  Hay là tệ nạn xã hội chỉ làm nổi bật thành tích chống tệ nạn xã hội. Thành tích chống tệ nạn xã hội càng tôn cao phong trào phát triển văn hoá đượm đà bản sắc dân tộc. Phong trào văn hoá này chỉ mơn trớn qua qua các tệ nạn xã hội... Tất cả cứ thế cùng tồn tại, cùng phát triển, có cái này là để cho cái kia phát triển... Tất cả như mớ bòng bong...

-         Ôm chặt vào cho con nhờ, ngã là toi đấy bố ơi... – thỉnh thoảng người lái xe ôm ngoái lại nói to gần như quát lên với Đông.

...Không có môi trường xã hội trong sạch ma-tuý làm sao  người nghiện ma tuý có thể cai nghiện hẳn được? Không tin vào điều thiện, không ước mong điều thiện, những người lái xe tải thất vọng sẽ sống thế nào? Khủng khiếp như thế nào khi con người không còn gì hay không có gì để sợ, để tự kiềm chế, để tin, để cầu nguyện, để ước mong?... Trời nắng chang chang, song những gì Đông mắt thấy tai nghe tại cụm An Thịnh, cả buổi lễ hội đình An Thịnh khiến anh ớn lạnh...

Người lái xe ôm lại quát lên với anh lần nữa...

Bước chân vào nhà, Đông thấy Nguyệt vẫn chờ cơm trưa. Nguyệt xuýt xoa:
-         Tiếc quá, anh về sớm độ mười lăm phút thôi thì hay bao nhiêu. Tiếc quá anh ạ.
-         Tiếc chuyện gì thế em?
-         VTV3 vừa mới phát đi chương trình giới thiệu cháu gái Trương Thu Phương, đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay trong cả nước, đạt 59 điểm trên 60. Trước khi thi tốt nghiệp, cháu đoạt giải nhất toàn quốc tài năng trẻ về thi đàn piano...

Đông ngồi vật xuống ghế, không nói không rằng, hai mắt nhắm nghiền. Nguyệt hoang mang đứng nhìn không hiểu ra sao cả...

Chiều hôm đó Đông đến thăm Bảo trong bệnh viện.

Ngay tối hôm đó, Đông mời vợ chồng Bách lại ăn cơm. Cái chính là yêu cầu Bách triệu tập một nhóm sinh viên y khoa giỏi, sắp tốt nghiệp, giao cho họ tập trung nghiên cứu ngay việc quản lý các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong điều kiện hiện nay của nước ta, nhờ Bách đến thăm nhà ông già Hiệp trong tuần tới.

Trong bữa cơm cả nhà chăm chú theo dõi chương trình đài truyền hình thành phố phát lại buổi lễ hội đình An Thịnh. Bách là người hay bình luận. đến mục làm lễ dâng hương, Bách kêu lên:
-         Các cụ phụ lão làm lễ đẹp quá, theo đúng nhịp trống, cứ như là văn công biểu diễn vậy... Aó dài màu nâu non quần thâm, quần dài trắng áo the thâm khăn xếp... trang phục cổ cũng có cái đẹp của nó phải không anh §ông...
-         Yên yên nào...  - Đông ngắt lời Bách.

Cả nhà lắng nghe diễn văn của Vũ Liêm trên màn ảnh nhỏ, những con số mô tả đầy sức thuyết phục công việc và thành tích của Trung tâm. Không hiểu vì Liêm là diễn giả hùng hồn, hay nội dung bài diễn văn quá hệ trọng, cả Bách và Đông lúc này ngồi như pho tượng, mắt dán vào tivi. Nguyệt và vợ Bách thấy vậy cũng thôi không thì thầm với nhau.
...Cơ chế thị trường tạo điều kiện cho tham nhũng và tiêu cực ngang nhiên hoành hành trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Đấy là mảnh đất mầu mỡ vô tận cho tệ nạn xã hội và văn hoá độc hại bành trướng. Chống tệ nạn xã hội và văn hoá độc hại, trước hết phải chống tận gốc, nghĩa là chống mọi yếu tố sản sinh ra mảnh đất nuôi dưỡng chúng. Phải chống quyết liệt...

Chốc chốc Vũ Liêm lại đấm mạnh như muốn nhồi từng đoạn văn của mình vào cái bục micro. Rồi dừng đọc, vỗ tay bộp bộp. Phản ứng dây chuyền gây ra tiếng vỗ tay rào rào bên ngoài. Chờ tiếng vỗ tay dứt, Vũ Liêm lại đọc tiếp, dõng dạc, bề thế... Khi Vũ Liêm đọc xong diễn văn, vị đại diện quận uỷ lại bắt tay nhiệt liệt chúc mừng. Ông chủ tịch phường An Thịnh thấy vậy cũng làm theo.


-         Nếu cắt đầu cắt đuôi bài nói này, thì đấy có thể là một bài giảng hoàn chỉnh cho hội nghị hay hội thảo về lý luận công tác tuyên huấn... – Bách ngứa ngáy khơi mào cuộc tranh luận mới với Đông. Hai người này hễ ngồi với nhau thế nào cũng phải lý sự với nhau về một chuyện gì đó...

...
         


Ngồi xem ti-vi, lời cầu khẩn thảm thiết sáng nay của mẹ người lái xe tải thất vọng day dứt Đông. ...Quả lựu đạn và con dao găm... Đông hình dung những thứ giết người này đang sẵn sàng cướp đi bất kỳ lúc nào sinh mạng của bao nhiêu người vô tội... Anh thừa nhận mình hoàn toàn bất lực, tự an ủi mình bằng cách sẽ đến Viện chống lao trung ương thăm Bảo thường xuyên hơn khi thời gian cho phép...



¨ Đã bị xử tử vì tội tham nhũng..
ª planton, tiếng Pháp, người chạy giấy, người sai vặt,
©Nói theo ý của Xuân Quỳnh, trong bài thơ “Thuyền và biển”.
ª Tiếng lóng đang thịnh hành trong làng chơi, nói nhái theo từ cavalière (Pháp) – chỉ gái trong các quày bar hay karaôkê.
[1] Tiếng lóng: Đầu “1” là số hàng chục, “đít” là số hàng đơn vị - ý nói con gái dưới 20 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét