Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Về kinh tế trí thức

Về kinh tế tri thức
Những vấn đề và sự lựa chọn


Nguyên Nguyên

Tặng các cháu Minh Bông
và các thành viên thế hệ trẻ



Đặt vấn đề


          Kinh tế tri thức, nói một cách thật đơn giản, đó là kinh tế của sự hiểu biết.

Song từ cổ chí kim có nền kinh tế nào không đòi hỏi phải có sự hiểu biết? Bản thân sự ra đời một khái niệm mới, ở đây là kinh tế tri thức, hẳn phải có nguyên do của nó, sẽ được lý giải dần dần trong toàn bộ cuốn sách này. Còn một tên gọi được dùng đến nhiều hơn, có lẽ cũng chuẩn xác hơn, song hơi dài, đó là Kinh tế dựa vào tri thức.


Thời gian sẽ định hình cho tên gọi được mọi người thừa nhận, song kinh tế tri thức là vấn đề thế giới đã bàn nát ra, chí ít từ một phần tư thế kỷ nay. Hiện tại, cuộc thảo luận về đề tài này đang rộ lên và thu hút sự chú ý lớn nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không khí này khá sôi nổi ở nước ta. Riêng từ Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII tháng 1-1997 đến nay Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị nghị quyết quan trọng liên quan ở các mức độ và khía cạnh khác nhau đến đề tài này. Sự quan tâm ấy đang lan toả rộng rãi.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được từ những cố gắng của chúng ta còn đứng cách xa những ý tưởng chúng ta đã nắm bắt được về kinh tế tri thức và còn xa vời hơn nữa so với những đòi hỏi phát triển của đất nước. Vận dụng như thế nào sự xuất hiện kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá là có lợi nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta đang trở thành vấn đề ngày càng bức bách.

Nhìn theo góc độ nào đó, phải nói thẳng thắn kinh tế tri thức có lúc bị đối xử như đứa con nuôi – thậm chí còn có thể là đứa con hoang xa lạ – trong gia đình kinh tế nước ta, ngay giữa lúc hầu hết các nền kinh tế có ý chí trên thế giới đang dồn mọi nỗ lực lớn nhất nuôi dưỡng đứa con này. Đồng thời không hiếm trường hợp kinh tế tri thức bị lạm dụng như một khẩu ngữ thời thượng, đại thể như những xiêm áo phô diễn với những kiểu dáng khác nhau của một thể loại mới trong biểu diễn mốt thời trang. Đôi ba ý kiến đây đó, còn gợi lên cảm tưởng: kinh tế tri thức phảng phất dáng dấp một con chiên ghẻ trong bầy chiên thuần đạo. Cũng có người lại hiểu kinh tế tri thức nằm gọn trong cái máy vi tính!..

          Vì có những cách nhìn khác nhau như vậy, nên đây là vấn đề đáng bàn.

Còn một lý do quan trọng nữa. Giả thử chúng ta đã thâu lượm được những hiểu biết đúng đắn về kinh tế tri thức, tất cả đều thực sự mong muốn mở đường cho kinh tế nước ta sớm đi vào giai đoạn phát triển cao này, song làm thế nào đưa một đất nước còn nghèo và lạc hậu như nước ta sớm thực hiện được mong muốn ấy?

Câu hỏi này không dễ trả lời.
Nếu nhìn vào khoảng cách phát triển hiện tại giữa nước ta và thế giới bên ngoài, ta gắng sức chạy được một bước, thiên hạ ít nhất cũng chạy được một bước... Nhưng một bước của một nước hiện nay có GDP bình quân theo đầu người chừng 400 USD như của chúng ta khác nhiều lắm so với một bước của một nước có chỉ số này ví dụ là trên 10 nghìn USD hoặc hơn nữa!.. Ngoài ra còn biết bao nhiêu trở lực do sự lạc hậu trong cấu trúc xã hội và tập quán văn hoá của nền kinh tế kém phát triển phải vượt qua[1].

Thực ra trong bất kỳ xã hội nước nào, ở nước ta cũng vậy, phản ứng đủ các chiều khác nhau đối với kinh tế tri thức, do bất kể động cơ nào dẫn dắt, diễn ra trong đủ các gam khác nhau đi dần từ cực nọ đến cực kia... là điều bình thường, rất tự nhiên, thậm chí có khía cạnh đáng mừng. Bởi vì ít nhất không tồn tại trong xã hội nước ta sự thờ ơ vô cảm trước vấn đề trọng đại này.

Yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi phải thống nhất cả nước trong lựa chọn quyết định và hành động, mà chung cuộc sẽ là thúc đảy hay kìm hãm sự phát triển của đất nước. Thành hay bại trong đua tranh quyết liệt giữa nước ta với cả thế giới bên ngoài sẽ quyết định tương lai của đất nước trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Bước vào nấc thang phát triển của cộng đồng các quốc gia ở thế kỷ 21, vấn đề thành hay bại này liên quan mật thiết đến kinh tế tri thức.


Nội dung của phần kinh tế tri thức, những vấn đề và sự lựa chọn xin chia làm 3 chương để trình bày:

Chương I: Giới thiệu tổng hợp một cách  giản lược về nội dung và bản chất kinh tế tri thức, sự vận động của nó đang diễn ra trong thế giới toàn cầu hoá.

Chương II: Tìm hiểu thái độ ứng xử của một số loại nước khác nhau trên thế giới đối với kinh tế tri thức.

Chương III:  Trình bày một vài suy nghĩ và gợi ý về thái độ ứng xử của nước ta đối với kinh tế tri thức.




***




I. Kinh tế dựa vào tri thức và
vấn đề toàn cầu hoá


1.     Ngày nay, cả thế giới thách thức một người,
một người có thể coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình[2]

Đấy là nhận xét một cách khái quát, tôi muốn nêu lên để diễn đạt:
-         (a) tính chất, mức độ và phạm vi toàn cầu hoá thế giới loài người đã đạt tới khi bước vào thế kỷ 21,
-         (b) động lực mạnh mẽ và vai trò nổi bật của kinh tế dựa vào tri thức đối với sự phát triển kinh tế trong từng quốc gia và trên toàn thế giới,
-         (c) tác động sâu sắc và toàn diện của mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế tri thức và quá trình toàn cầu hoá vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia và toàn bộ xã hội loài người ngày nay trên hành tinh của chúng ta.

Xin đơn cử một số ví dụ.

Loại ví dụ 1:

Giả thử bạn làm ra một sản phẩm gì, thì các phương tiện thông tin hiện có và phương cách kinh doanh mới ngày nay trên thế giới ngay lập tức có thể làm cho sản phẩm của bạn phải cạnh tranh với tất cả mọi người khác khắp nơi trên thế giới đang cùng làm ra hoặc có thể sẽ làm ra sản phẩm giống như của bạn. Câu chuyện thời sự nhất hiện nay của nước ta từ đầu năm là vắt óc tìm vốn mua khoảng năm sáu trăm nghìn cho đến 1 triệu tấn gạo và vài chục nghìn tấn cà-phê để ...cất vào kho dự trữ, nhằm giúp nông dân ta đỡ thua thiệt, vì hai mặt hàng này trên thị trường thế giới đang rớt giá mạnh! Vắt óc, là vì cần ném vào kho một khoản vốn khá lớn đối với nền kinh tế của một nước đang còn nghèo. Vắt óc, vì phải tìm cách làm thế nào để người nông dân được hưởng sự hỗ trợ này, không để cho người trung gian hớt mất.

Giả thử bạn là chủ một xí nghiệp may xuất khẩu áo gió các kiểu, xin bạn hãy coi chừng. Khách hàng trong vòng vài giờ làm việc với các trang web (website) trên mạng internet, hoàn toàn có điều kiện so sánh sản phẩm của bạn về mọi phương diện: kiểu dáng, chất lượng, số lượng, giá cả, điều kiện hải quan thuế má và các quy định của các thể chế khu vực và quốc tế như APEC, EU, WTO[3], điều kiện thanh toán, điều kiện đóng gói, giao hàng... với tất cả các xí nghiệp sản xuất áo gió khắp nơi trên thế giới, trước khi quyết định đàm phán hay không đàm phán, ký hay không ký đồng nhập hàng của bạn. Nếu bạn không cạnh tranh nổi với tất cả những xí nghiệp như thế khắp nơi trên thế giới, bạn chỉ còn cách giữ hàng của mình trong kho. Nếu sự việc cứ lặp đi lặp lại như vậy nhiều lần, bạn nên sớm tìm đường chủ động phá sản trước khi bắt buộc phải phá sản! ...Nếu bạn không sớm tự lo cho mình một trang web riêng, nếu bạn thiếu khả năng “mua tận gốc, bán tận ngọn” – kể cả khả năng giao dịch trực tiếp hay liên hệ qua các trang web với các khách hàng để xử lý đầu vào và đầu ra trong sản xuất của bạn.., bạn có thể sớm rơi vào nguy cơ bị loại khỏi vòng chiến ngay từ trước khi tham chiến, nghĩa là hoàn toàn đứng ngoài cuộc; hoặc bạn phải chịu để cho các loại “cai đầu dài” ăn chặn cả đầu vàođầu ra – dù bạn là ông chủ xí nghiệp quốc doanh hay dân doanh cũng thế thôi. Xin nhấn mạnh đã qua rồi cái thời nhận nguyên liệu của người mua quần áo rồi ngồi nhà làm gia công kiếm mấy đồng trả công lao động để nuôi doanh nghiệp. Sự lựa chọn tối ưu của bạn ngày nay chỉ có thể là bán sản phẩm theo giá FOB (giá bán  tại cảng xuất hàng) hoặc giá CIF (giá bán tại nơi nhận hàng), còn mọi việc từ A đến Z để có sản phẩm đem bán là việc của bạn, phải tự làm lấy.

Vân... vân...


Loại ví dụ 2: 

Chủ Microsoft (thành lập 1975) là Bill Gates ngày nay coi cả thế giới hầu như là thị trường độc quyền cho những softwares của hãng mình, đến nỗi toà án Mỹ gần 2 năm nay vận dụng mọi luật liên quan đến chống độc quyền của nước Mỹ để buộc Microsoft phải tách ra làm hai hay ba công ty khác nhau. Nhưng cho đến nay Bill Gates vẫn thắng kiện! Bill tuyên bố có đủ tiền và sẵn sàng theo kiện tiếp nếu toà án Mỹ muốn tiếp tục kiện! Không phải vì Bill có một quyền lực gì hoặc có phép lạ làm ăn tránh né pháp luật hiện hành ở Mỹ, mà chỉ vì các softwares của Microsoft và cách kinh doanh của hãng cho đến nay là vô địch[4]. và không trái với các luật hiện hành ở Mỹ Thậm chí nhiều luật gia ở Mỹ - trong đó có thẩm phán Thomas J. Jackson, người tham gia xét xử vụ Bill Gates, phải đề ra câu hỏi cho chính mình: Hay là những luật lệ hiện hành liên quan đến chống độc quyền không còn phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế mới[5] đã xuất hiện ở Mỹ?! Người ta thừa nhận rằng câu hỏi này đang đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với thể chế pháp lý của nước Mỹ. ...Đương nhiên, tình hình này sớm muộn rồi cũng sẽ thay đổi – nhưng có thể sẽ không phải do sự phán quyết của toà án Mỹ (trừ phi luật pháp Mỹ sẽ có những sửa đổi), mà do Microsoft bắt đầu có một vài đối thủ đang dần dần trở thành ngang sức ngang tài, thậm chí trong tương lai không xa đang tìm cách vượt trội – ví dụ như Linux, Cisco, Dell...

Người hùng, thày phù thuỷ, nhà tài phiệt, nhà tỷ phú, kẻ đầu cơ phá hoại, con quỷ tiền... đấy là các tên gọi khác nhau người đời đang gán cho George Soros (quốc tịch Mỹ, gốc Hung) -  người coi thị trường cổ phiếu và tiền tệ cả thế giới là môi trường kinh doanh buôn bán của ông ta. Trong vòng một tuần lễ vào thời điểm giữa âm ỷbùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á tháng 7 năm 1997, - theo đánh giá của Malaysia - ông ta đã kiếm được hàng tỷ USD và qua đó gián tiếp góp thêm sức vào cú hích làm cho kinh tế một loạt quốc gia vùng này chao đảo, thậm chí có nước đổ sụp như Indonesia[6]. Nhưng Soros lại bác bỏ lời buộc tội này. Trước đó, năm 1992, Sorros thừa nhận quỹ đầu cơ Quantum của ông ta đúng là hầu như trong nháy mắt đã kiếm được trên 1 tỷ Bảng Anh (Pound Sterling) do việc đầu cơ đúng lúc vào sự phá giá của đồng Bảng Anh. Bí quyết của Soros là kỹ năng cao siêu khai thác các dữ liệu thông tin trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới, đưa ra những phán đoán trúng về những diễn biến có thể sẽ xẩy ra, và có những quyết định táo bạo theo kiểu “được ăn cả, ngã về không” trong kinh doanh trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ. Thật ra Soros chỉ có thể “đánh bạc” như ông ta đã làm trong những điều kiện phát triển của kinh tế dựa vào tri thức và quá trình toàn cầu hoá ngày nay mà thôi[7]. Cùng với Bill Gates, George Soros có thể được liệt vào danh sách những doanh nhân tiêu biểu của thời đại kinh tế một người có thể coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình.

Vân... vân...


Những ví dụ vừa nêu trên tích tụ bên trong những kết quả hay hệ quả của biết bao nhiêu diễn biến sâu sắc mang tính phát triển tiệm tiến hay nhảy vọt, hoặc mang tính biến động tuần tự hay cực kỳ bất ổn định của kinh tế thế giới đã diễn ra ít nhất từ khi có cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên cách đây khoảng ba thế kỷ.

Hệ quả bao trùm nhất của toàn bộ quá trình này là: Ngày nay kinh tế dựa vào tri thức và quá trình toàn cầu hoá đã phát triển tới mức từng quốc gia trong cộng đồng thế giới và từng con người trong mỗi quốc gia phải thay đổi mạnh mẽ chính bản thân mình -  để không bị lạc lõng,  để thích nghi được với thế giới đã thay đổi, và tiến xa hơn nữa là để làm chủ cái thế giới đang thay đổi với vận tốc chóng mặt và với nội dung ngày một phong phú hơn như chúng ta đang chứng kiến từ hai ba thập kỷ nay.

Mỗi người phải tự tiến hành cuộc thay đổi này, không ai làm thay cho mình được, cũng không học mót được. Cuộc thay đổi này phải bắt đầu từ nhận thức được những chuyển biến sâu sắc của thế giới bước vào thế kỷ 21 nhằm đổi mới cách nghĩ, cách làm việc cho phù hợp. Nói cho hết nhẽ, sự phát triển của lực lượng sản xuất trên thế giới và mối quan hệ kinh tế quốc tế trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay đòi hỏi chúng ta phải làm cuộc cách mạng về tư duy và các quan niệm. Suy cho cùng tiến hoá là sự nối tiếp của những cuộc thay đổi hay những cuộc cách mạng như thế.

Nếu chúng ta điểm lại những mốc son gần đây của tư duy con người về nhận thức giới tự nhiên và kinh tế, ví dụ như từ Nicolaus Copernicus, đến Galilei Galileo, Isaac Newton, Albert Einstein... đến các tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật ngày nay mà tiêu biểu nhất là việc lập được bản đồ gien.., từ Adam Smith, David Ricardo, John Stuart Mill... đến Karl Marx, Joseph A. Schumpeter, John Maynard Keynes[8]... Nếu chúng ta cũng làm những  công việc điểm lại như thế trên mọi lĩnh vực khoa học tự nhiên, mọi lĩnh vực học thuật khác, và mọi lĩnh vực văn hoá, xã hội... chúng ta không tránh khỏi ngạc nhiên: có nhiều điều chúng ta hiểu được sâu sắc thêm, song cũng có những điều chúng ta đã từng tin chắc như đinh đóng cột giờ đây buộc phải nghi vấn, hoặc thậm chí phải loại bỏ.

Trong cuộc sống, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục là nhân chứng của những sự kiện đại loại như thuyết lượng tửthuyết tương đối của Einstein bác bỏ hay vượt qua nhiều điều Newton đã khẳng định. Rồi sẽ đến lúc các lý thuyết của Einstein lại được coi như một bản giao hưởng dang dở.., nhường chỗ cho những người khác viết tiếp.

Hiện nay, những khám phá mới trong khoa học về gien, những chứng cứ do thuyết Darwin mới (Neo Darwinism) đưa ra, những  mẫu mới về xương sọ và các xương khác đã hoá thạch của con người vừa mới tìm được đầu năm 2001 có niên đại cách đây khoảng 3 triệu năm... đang đặt ra vấn đề chúng ta phải xem lại nhiều lý giải trước đây được đưa vào thuyết tiến hoá của lịch sử con người. Vai trò ngày càng quan trọng của ngẫu nhiên, nảy sinh từ những khả năng vô cùng phong phú của mã di truyền ADN trong lựa chọn và chuyển tải thông tin- tuỳ theo những điều kiện nhất định[9] - , là một trong những bước tiến đẩy học thuyết Darwin lên nấc thang mới (học thuyết Darwin mới)...

Trong kinh tế, phương pháp quản lý Ford / Taylor cũng như học thuyết xử dụng phương tiện tiền tệ và kích cầu của Keynes một thời lừng danh nay trở nên lỗi thời trên nhiều phương diện – vì một lẽ đơn giản: mọi yếu tố làm chỗ dựa cho phương pháp Ford / Taylor và học thuyết Keyenes đã thay đổi, các vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế mang bản chất hoàn toàn mới. Ví dụ: cấu trúc mới trong kinh tế, tốc độ phát triển, khoảng cách không gian và thời gian, phương thức và văn hoá kinh doanh mới, những yêu cầu mới của sự vận hành kinh tế mạng, những đòi hỏi mới do kinh tế dựa vào tri thức đặt ra, những hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu ở hoá nấc thang hiện tại... v...v... đã và đang phá vỡ tất cả những gì đã từng là khuôn vàng thước ngọc trong lý thuyết quản lý của Ford / Taylor và trong các trường phái kinh tế khác nhau của học thuyết Keynes – kể cả Neo-Keyenes và những nhóm “Friedmaniten”[10].  ở tầm kinh tế vĩ mô, đã xảy ra những trường hợp đường cong “philipps” trong lý thuyết kinh tế cổ điển và tân cổ điển không giải thích được hiện tượng kinh tế các nước phương Tây trì trệ giữa thập kỷ 1970 nhưng lại xảy ra lạm phát cao (lẽ ra theo lý thuyết phải là giảm phát), hiện tượng trong suốt thập kỷ 1990 kinh tế Mỹ tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp (lẽ ra phải ngược lại)... Trường hợp thứ nhất chủ yếu do tác động của toàn cầu hoá, trường hợp thứ hai (kinh tế Mỹ) chủ yếu do tác động của nền kinh tế mới (kinh tế tri thức)... Cuộc sống không phải duy nhất chỉ có hai trường hợp như vậy. Tại Việt Nam trong nửa đầu thập kỷ 1990 tăng trưởng cao và tiền tệ ổn định nếu như không muốn nói là lạm phát thấp; khoảng 4 năm trở lai đây tốc độ tăng trưởng giảm, nhưng tốc độ lạm phát hầu như không giảm.

Danh mục liệt kê những hiện tượng mới này khá dài, đi kèm theo là danh mục những câu hỏi không dễ dàng trả lời. Tất cả chỉ chứng minh cuộc sống phong phú hơn bất kỳ định luật nào mà con người có thể rút ra từ những kinh nghiệm của mình.

Thực tế mới vừa mới trình bày trên đặt ra cho từng người, từng doanh nghiệp và từng tập hợp các doanh nghiệp, từng quốc gia, từng tập hợp các quốc gia và chung cho cả thế giới đòi hỏi phải nhìn nhận lại tất cả để định hướng cho những bước đi tiếp, nhất là để không lạc lõng - điều còn đáng sợ hơn lạc hậu. Ai làm tốt những việc này, người đó giành phần thắng.

Cuộc sống trên thế giới ngày nay là như thế.


2.  Tìm hiểu nguyên nhân
         
          Sự phát triển năng động chưa từng có của lực lượng sản xuất trên thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 với đặc trưng khoa học kỹ thuật ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và quyết định nhất, cùng với quá trình toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng của nền kinh tế thế giới trong thời kỳ này đã tạo ra bước ngoặt quyết định của quá trình phát triển kinh tế thế giới.

Đặc trưng của bước ngoặt này là vào lúc giao thời giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ, nền kinh tế dựa vào tri thức đã bước lên nấc thang mới với quá trình toàn cầu hóa có cường độ năng động hơn. Bước ngoặt sâu sắc tới mức không ít người đã nhận xét nền kinh tế thế giới của thế kỷ 21 thực ra đã bắt đầu từ một hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, và điều này có cái lý của nó.

Peter Drucker năm 1969 đã nói tới xã hội tri thức. Cùng với ông ta, hoặc sau ông ta ít lâu, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới đã nói đến xã hội hậu công nghiệp, xã hội thông tin, nền kinh tế thông tin... vân vân...

          Kết quả hiện nay, bước vào thế kỷ 21, trong kinh tế thế giới thế giới thực sự đã xuất hiện nền kinh tế mới mà người ta còn đang chưa thống nhất được với nhau trong việc đặt tên cho nó. Tên gọi “nền kinh tế dựa vào tri thức”, “nền kinh tế mới”, “nền kinh tế mới toàn cầu hoá”, “kinh tế tri thức”... là những tên gọi đang được tạm thời thoả hiệp và sử dụng nhiều nhất để chỉ cùng một sự vật.

Ở nước ta, anh Việt Phương còn kiến nghị tên gọi đó là “nền kinh tế và xã hội của trí tuệ sáng tạo và sự phát triển tự do của con người, cho mỗi người và cho mọi người”[11]. Đương nhiên tên gọi như vậy sẽ dài quá, mà muốn diễn tả cho đủ hơn thì tên gọi sẽ còn dài hơn nhiều nữa mà vẫn không đủ. Song cũng phải nói anh Việt Phương gợi ra nhiều chiều trong kinh tế tri thức, rất đáng ngẫm nghĩ.

Friedrich Engels có một triết lý nổi tiếng: “Tự do là hiểu lẽ tất yếu!”. Cho nên về phương diện triết học và nhiều phương diện khác, tự do và hiểu biết là tiền đề và cứu cánh của nhau. Nói một cách khác, tri thức và tự do không thể thiếu nhau – và đó là những bửu bối chỉ duy nhất con người mới có, mới sáng tạo ra được, để hiểu biết và tìm cách làm chủ tự nhiên, để làm chủ chính bản thân mình. Kinh tế tri thức, xem xét trên khía cạnh triết học, phải chăng đó là hay sẽ là nền kinh tế của chủ yếu dựa vào hiểu lẽ tất yếu...

Sự không thống nhất nêu trên trong việc tìm tên gọi cho nền kinh tế mới, nói cho đúng hơn là sự phong phú trong việc đặt tên gọi cho cùng một sự vật, đủ nói lên nội dung đa dạng với biết bao nhiêu điều mới mẻ còn đang phải tiếp tục tìm hiểu của một nền kinh tế, hay của một giai đoạn phát triển kinh tế mới trên thế giới mà xã hội loài người đang bước vào.

Một lần nữa tư duy của con người tỏ ra không theo kịp sự phát triển năng động của sự vật. Một lần nữa sự vật tự nó đã chứng minh con người chỉ có thể nhận biết được chiều hướng vận động của sự vật, để chủ động hay bị động định liệu cách ứng xử  của chính bản thân mình, và hiển nhiên không thể tuỳ tiện hay duy ý chí vẽ ra một bản đồ chỉ đường nào đó bắt sự vật phải đi theo. Nghĩa là xã hội loài người, nói cho cụ thể hơn là các dân tộc, các quốc gia đang bước vào một giai đoạn phát triển mới của kinh tế thế giới mà không ai có sẵn trong tay một bản đồ chỉ đường.  Không một thiên tài hay kẻ hoang tưởng nào có thể duy lý, duy ý chí, bịa đặt, hay tưởng tượng để vẽ ra được một bản đồ chỉ đường như thế. Những thành tựu tri thức của con người đã tạo ra trong thế kỷ 20, đặc biệt là trong nửa sau của thế kỷ 20 đã, đang và và sẽ còn tiếp tục làm cho những viễn tưởng phong phú nhất trở nên lạc hậu[12]. Con người bắt buộc phải tìm hiểu và nắm bắt được sự vận động này của sự vật để định ra cách ứng xử cho mình - để thích nghi, để vận dụng sự vận động ấy phục vụ cho lợi ích của mình, cao siêu hơn nữa là tạo ra cho chính bản thân mình mọi khả năng tác động vào sự vận động ấy. Cũng vì thế giai đoạn phát triển mới này của kinh tế thế giới đầy những cơ may và thách thức mới khó lường trước được.

Nói gọn lại: Không có một bản đồ chỉ đường được vẽ sẵn, nhưng hướng phát triển lên nấc thang kinh tế – xã hội cao hơn là tất yếu. Mỗi quốc gia phải vận dụng trí tuệ của mình và của toàn thể nhân loại nắm bắt được hướng đó của cả thế giới, tự tìm ra và thiết kế lấy con đường của riêng mình đi lên hướng đó, và đó chỉ có thể là con đường riêng cho nước mình mà thôi!

Có thể không ít người trong chúng ta có thói quen nhìn kinh tế tri thức (xin tạm gọi như vậy cho gọn) ở những khía cạnh kinh tế, khối lượng, số lượng, sản phẩm mới, kỹ thuật, phương thức vận hành mới của nó v...v... Điều này rất tự nhiên – nghĩa là đúng và hợp lý. Tuy nhiên, để xác định được cách ứng xử hợp lý hay tối ưu của mình đối với sự vật mới này, có lẽ chúng ta cần dành thêm sự chú ý của chúng ta cho cách nhìn vấn đề. Nhìn thấy được vấn đề luôn luôn là điều quan trọng, song tìm ra được cách nhìn vấn đề có lẽ mới giúp chúng ta đi xa hơn được. Chính vì lẽ này – như đã trình bày ở trên, mỗi người, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia - để phục vụ cho chính mình, phải tự thay đổi cách suy nghĩ và cách nhận thức thế giới mới, với tinh thần làm một cuộc cách mạng về tư duy và các quan niệm, để nắm bắt được bước phát triển mới của sự vật.

Góp phần gợi ý những suy nghĩ tìm hiểu và nhận thức những yếu tố đã dẫn đến bước ngoặt này của kinh tế thế giới, xin lưu ý đến một nhận xét do Peter Drucker đưa ra đầu thập kỷ 1980. Ông ta cho rằng quá trình phát triển kinh tế vừa qua có những gián đoạn quan trọng có thể quan sát được. Nghĩa là, chính những sự đứt đoạn này (discontinuations) biểu thị hiện tượng  các sự vật đã dời bỏ hướng đi cũ vốn hình thành từ lâu của chúng, để bước sang hướng đi mới. Rồi đến tác động nhân quả vào nhau của những sự gián đoạn này, và cuối cùng là hệ quả tổng hợp của những sự gián đoạn này đã kết thúc một quá trình phát triển cũ, để tạo nên bước ngoặt của kinh tế thế giới.

Vận dụng kiến thức của những người đi trước, theo dõi những diễn biến đã xảy ra, Drucker quan sát thấy rằng những công nghệ được ứng dụng trong gần 300 năm qua - kể từ khi máy hơi nước ra đời – trước sau và chủ yếu vẫn là những công nghệ dựa trên những nguyên lý cơ học, đi theo cùng một hướng: tạo ra nhiệt độ cao hơn, áp suất lớn hơn, tốc độ nhanh hơn... Quá trình phát triển này chấm dứt hay bị gián đoạn khi công nghệ tách và gây ra nổ hạt nhân ra đời (khoảng gần giữa thế kỷ 20 – Ng. Ng.). Đồng thời cũng vào thời kỳ này công nghệ sinh học bắt đầu phát triển. Cả hai hiện tượng mới này (công nghệ vật lý hạt nhân và công nghệ sinh học) cho thấy các quá trình phát triển tạo ra các công nghệ mới đã dời bỏ các nguyên lý cơ học để chuyển hướng đi vào thông tin.[13]  Đây là một quan sát rất lý thú và quan trọng.

Từ sự đứt đoạn ấy cho đến nay, nghĩa là mất gần 50 năm, chúng ta mới nhận thức được thật sâu sắc tác động của sự chuyển hướng quan trọng mang tính bước ngoặt này. Từ đấy, chúng ta ngày càng hiểu rằng những công nghiệp dựa trên những nguyên lý công nghệ cũ tiếp tục trở nên lỗi thời. Quả nhiên, chúng ta được chứng kiến sự phát triển bùng nổ của những công nghiệp dựa trên những công nghệ mới trong suốt nửa sau của thế kỷ 20, đồng thời nền kinh thế giới vận động theo phương thức hoàn toàn mới - đặc biệt là công nghệ tin học và mạng internet tiếp thêm động lực cho quá trình phát triển năng động này.

Cùng với việc đưa ra quan sát trên, Drucker cũng lưu ý chúng ta về lời tiên đoán của nhà kinh tế học Liepman, đại học Freiburg, Đức, trong cuốn sách “Die Kartelle”[14] của Liepman xuất bản đầu thế kỷ 20: việc lập ra những công ty độc quyền với chức năng tăng cường những công nghiệp truyền thống dựa trên công nghệ cũ trên thực tế chỉ là phòng ngự và hệ quả cuối cùng sẽ chỉ là làm nhanh thêm quá trình tiêu vong những công nghiệp này mà thôi. Đó chính là điều mà  thế giới đã và đang chứng kiến trong suốt nửa sau thế kỷ 20 cho đến nay.

Đương nhiên hai nền công nghiệp này – nền công nghiệp dựa trên công nghệ cũ và nền công nghiệp dựa trên công nghệ mới -  cùng nhau tồn tại. Song cùng với thời gian, nền công nghiệp dựa trên công nghệ mới ngày càng vượt trội. Và cuối cùng – như ngày nay mọi người đều thấy - nền công nghiệp dựa trên công nghệ cũ hầu như chỉ làm ra những sản phẩm truyền thống và ngày càng bị lép vế...

Từ nguyên lý cơ học chuyển sang nguyên lý thông tin, Drucker cho đây là sự gián đoạn quan trọng nhất. Thực tế này còn là một vấn đề, một thách thức nghiêm trọng, và cũng có thể còn là một cơ hội, mà các nước đang phát triển, hoặc một nước đang trên con đường công nghiệp hoá như nước ta nhất thiết phải tính đến. Bởi vì, xin nhắc lại: Ngày nay trên con đường phát triển của mình, con người đã đi tới cung bậc cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình!

Nếu chúng ta bổ sung thêm vào quan sát nói trên của Drucker những quan sát của chúng ta về những thành tựu mà tri thức, khoa học và những công nghệ mới đã tạo ra được trong 3 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, bổ sung thêm những nhận thức mới của chúng ta về những biến đổi trong kinh tế thế giới và trong quá trình toàn cầu hoá do những thành tựu này tạo ra, tầm nhìn của chúng ta về sự ra đời và vận động của nền kinh tế dựa vào tri thức trong quá trình toàn cầu hoá ngày nay sẽ có chiều sâu và được mở rộng.

Xin dừng lại một chút để có thêm vài lời bình về sự gián đoạn (discontinuation) Drucker đã nêu lên. Khó mà liệt kê đày đủ ra đây những thành tựu trong hầu hết mọi lĩnh vực, nào là công nghệ tin học, công nghệ gien, công nghệ micro, công nghệ nano[15], công nghệ quản trị mới, vân vân... Cũng xin miễn nói về những lợi ích, những thành tựu cũng như những vấn đề, những thách thức... mà kinh tế tri thức đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại cho cuộc sống con người... Các bạn có thể dễ dàng tìm đọc những thứ này trên báo chí hàng ngày, nhất là trên các báo chí khoa học.

Xin đặc biệt lưu ý: Sự đứt đoạn từ công nghệ dựa trên những nguyên lý cơ học (mechanism) để chuyển sang công nghệ dựa trên thông tin (information) có nghĩa là sự đứt đoạn của hướng đi theo công nghệ cơ học, để chuyển sang hướng đi vào công nghệ dựa vào hiểu biết ngày càng mở rộng về bản chất bên trong của sự vật. Drucker có lý khi chọn công nghệ tách và nổ hạt nhân và công nghệ sinh học làm ví dụ tiêu biểu để dẫn chứng cho sự đứt đoạn này.

Sự đứt đoạn này có nghĩa là: Từ những thông tin về cấu trúc, bản chất, tính năng và sự vận động bên trong của sự vật có thể khám phá ra và thâu lượm được, con người nhờ vậy có được sự hiểu biết (knowledge) ngày một xác thực hơn về sự vật. Thông tin phong phú đến đâu, hiểu biết – còn gọi là tri thức - được mở rộng đến đấy, được khai thác và vận dụng đến đấy. Rồi đến lượt chính sự hiểu biết này tạo ra những công nghệ mới, cho phép khai thác những thông tin mới. Được vận dụng, được khai thác, những thông tin này lại sản sinh ra những hiểu biết mới, công nghệ mới khác nữa. Rồi bản thân những hiểu biết mới này cũng tự nó sản sinh ra những hiểu biết mới khác trong lao động tư duy của con người. Con đường phát triển của tri thức và tri thức tạo ra tri thức là như thế.

Từ những quan sát trình bày trên, có thể thấy:

Khác với lý thuyết kinh tế tân cổ điển tồn tại trong 200 năm qua chỉ thừa nhận lao độngvốn (kể cả đất đai và tài nguyên) là hai yếu tố trong sản xuất,  lý thuyết về kinh tế tri thức đưa tri thức trở thành yếu tố thứ ba, nhưng lại xếp hạng nó là yếu tố quan trọng nhất, vì các lẽ sau đây:
-         tri thức được coi là một dạng cơ bản và quan trọng nhất của tư bản, tăng trưởng kinh tế chủ yếu được thúc đảy, dẫn dắt bởi tích tụ tri thức[16];
-         tri thức vừa là một hàng hoá công cộng, sử dụng không mất đi, vừa tự tạo ra tri thức mới với sức lan truyền rộng rãi;
-         hai đặc tính nói trên làm cho tri thức trở thành thành  tố của lý thuyết tăng trưởng mới, khác với lý thuyết truyền thống về quy luật lợi suất giảm dần.

Và một khi yếu tố tri thức vượt trội, trở thành yếu tố cơ bản trong một sản phẩm và trong toàn bộ nền kinh tế, kéo theo sự ra đời những phương thức ứng xử mới trong xã hội,  thì đó chính là sự xuất hiện nền kinh tế dựa vào tri thức (Candice Stevens, phụ trách bộ phận Chính sách khoa học của OECD gọi đó là “Nền kinh tế có sức đẩy là tri thức”.)

Có nhiều cách đo, cách nhìn sự vượt trội này  trên từng khía cạnh:
-         (a) ở tầm một sản phẩm,
-         (b) ở tầm vi mô,
-         (c) ở tầm vỹ mô,
-         (d) ở tầm toàn bộ nền kinh tế một quốc gia, trên thế giới..,
-         (e) ở tầm sự vận động và phát triển mới của xã hội loài người...
-         ...

Nhưng kinh tế tri thức không thể được xem  xét theo từng mảnh cắt rời như vậy, mà phải được nhìn nhận tổng hoà của tất cả những khía cạnh đó.

Có thể minh hoạ những điều trên bằng một  vài ví dụ thô thiển:
-         (a) Giá thành một tấn thép đặc chủng là 10, thì ngày nay những chi phí về nghiên cứu và triển khai (R&D) và dịch vụ cho việc sản xuất ra nó có thể là 7 hoặc 8, chi phí về lao động cơ bắp, nguyên liệu, năng lượng và vận tải... cho tấn thép ấy chỉ còn lại là 3 hoặc 2. Giá thành một cái máy vi tính sách tay là 10, thì chi phí về phần mềm và dịch vụ để sản xuất ra nó có thể là 9 hoặc hơn nữa, chi phí về lao động chân tay cộng với chi phí nguyên vật liệu thường là 1 hoặc còn nhỏ hơn nữa...
-         (b) Chu kỳ của một sản phẩm bao gồm mọi khâu từ “R&D > sản xuất > kinh doanh > chuyển sang tìm sản phẩm mới > R&D cho sản phẩm mới...” ngày càng rút ngắn và thậm chí cách bố cục hay sự vận động của các khâu trong những chu kỳ này thường không theo một trình tự truyền thống hay classic như chúng ta thường thấy cách đây 2 hay 3 thập kỷ. Ngày nay từ những mô hình ảo người ta có thể bỏ qua nhiều khâu để đi thẳng đến sản xuất ra một sản phẩm mới. Người ta còn thấy: Tuổi thọ một công nghệ, một sản phẩm ngày càng ngắn; mô hình quản trị và kinh doanh theo mạng, mô hình quản trị và sản xuất kinh doanh không có kho (zero stock management and production), thương mại điện tử (E-trade)... ngày càng phổ biến thiên hình vạn trạng. Các khái niệm về không gian, vị trí địa lý, thời gian, trọng lượng... ngày càng thay đổi và xa dời các định nghĩa truyền thống – trong đó điều quyết định sống còn là vấn đề tốc độ. Ví dụ: Ngày nay có thể sản xuất, bán và mua bất kể ở đâu và lúc nào thứ gì. Giữa Bangalore và thung lũng Silicon và Route 128 (Boston)[17] là nửa vòng trái đất và chênh nhau 12 giờ, nhưng các công ty phần mềm của hai nơi này làm việc với nhau như dưới chung một mái nhà và 24/24 giờ. Vì thế, mọi phương thức đầu tư, kinh doanh, tiêu thụ... cũng có nhiều thay đổi quan trọng[18].. vân... vân...
-         (c) Trên phương diện vỹ mô, việc quản lý hay phát triển một ngành kinh tế, kế hoạch hay chiến lược phát triển của nền kinh tế cả nước bắt buộc phải có cấu trúc và sự vận động thích ứng. Ví dụ: từ 3 thập kỷ nay trong các nước OECD tiến bộ công nghệ của kinh tế tri thức đã tạo ra trên 60% tổng tăng trưởng của những nước này – ở Đức và Nhật là 76%, ở Mỹ là 78%, Anh 73%... -  tỷ trọng sản xuất vật chất trong tổng GDP ngày càng nhỏ dần; những nền kinh tế này còn phải có các thể chế và cơ chế vận hành phù hợp – cả trên các phương diện vốn, công nghệ, thương mại quốc tế... – , một mặt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bên trong, mặt khác luôn luôn tìm cách giành lợi thế đối với bên ngoài trong hợp tác và cạnh tranh của quá trình toàn cầu hoà rất năng động nhưng cũng rất khắc nghiệt.
-         (d) Muốn tạo ra, phát triển và vận hành một nền kinh tế đáp ứng các yêu cầu a, b và c vừa nêu trên, một quốc gia phải tự nâng cao hơn nữa trình độ phát triển của mình về mọi mặt – trước hết là con người, các thể chế về kinh tế, luật pháp, văn hoá và xã hội, cấu trúc hạ tầng cơ sở, cấu trúc thượng tầng.
-         (e) Từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia bắt buộc phải thường xuyên nâng cao khả năng của mình trong việc bảo vệ lợi ích của mình, trong việc giải quyết hoặc tranh chấp mọi vấn đề có liên quan trong quá trình toàn cầu hoá của những điều kiện xuất hiện nền kinh tế tri thức.
-         Vân... vân...

Qua 5 điểm a,b,c,d,e... vừa nói trên có thể nhìn thấy ngay việc vận dụng đơn thuần thuyết lợi thế so sánh của Ricardo không thể đứng vững trong tình hình hiện nay nữa, mà phải ráo riết chuyển sang tìm cách vận dụng các lý thuyết về lợi thế cạnh tranh mà rất nhiều nhà kinh tế – trong đó có Michael E. Porter, đã đề xướng. Nghĩa là phải nâng cao và phát triển lý thuyết lợi thế so sánh lên mức lý thuyết lợi thế cạnh tranh.

5 điểm vừa nói trên một lần nữa phơi bày trần trụi những thách thức ghê gớm các nước chậm phát triển và các nước đang phát triển phải đối mặt. Nghĩa là, có nhiều thứ làm cho người Việt Nam ta tự hào như sức lao động rẻ và dồi dào, đất đai tài nguyên phong phú[19]... đang ngày càng trở nên kém giá trị - nếu chúng ta không mau mau chuyển sang tìm cách tạo ra lợi thế cạnh tranh[20].

Marx đã từng tiên đoán khoa học kỹ thuật sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và quan trọng nhất. Sự xuất hiện nền kinh tế dựa vào tri thức xác nhận sự tiên đoán này ở nấc thang thế kỷ 21, với ý nghĩa tri thức là yếu tố nổi trội và quyết định nhất[21] trong phát triển của kinh tế nói riêng và của xã hội loài người nói chung.

Nhận thức được về yếu tố nổi trội và quyết định nhất này, logic tất yếu đối với nước ta là phải tìm mọi cách mở đường đi vào kinh tế tri thức – mặc dù chúng ta là kẻ đến muộn, là nước đi sau (late comer) và về nhiều mặt còn là một nước chậm phát triển. Điều này trước hết phải thay đổi căn bản tư duy kinh tế.

Không phải chỉ vì là nước đang phát triển nên chúng ta mới nghĩ như vậy. Khi bàn về kinh tế của các nước phát triển, năm 1998 Drucker đã đề xuất, đại ý: mọi người cần hiểu rằng cuộc cách mạng về thông tin đang tiến triển không đơn thuần là cuộc cách mạng công nghệ, cách mạng kỹ thuật.., mà trước hết đó là cuộc cách mạng về các quan niệm. 

Nhân đây xin nói thêm về cách nhìn và nhờ đó Peter Drucker nhận ra được sự gián đoạn mang ý nghĩa tạo ra bước ngoặt phát triển mới của kinh tế thế giới.

Có cơ sở để nhận xét rằng quan điểm nói trên của Drucker là kết quả của sự vận dụng hay chịu ảnh hưởng sâu sắc cách nhìn vấn đề và những quan điểm của Joseph A. Schumpeter (1883-1950), người được coi là một trong các nhà kinh tế chính trị học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20.

Mổ xẻ sự tiến hoá bên trong của sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, Shumpeter đã xây dựng các lý thuyết về tăng trưởng và phát triển, trong đó nổi bật là thuyết về “sự phá huỷ sáng tạo”.

Khác với nhiều nhà kinh tế đương thời, Schumpeter cho phép mình lấy sự tiến hoá của hệ sinh thái là hình mẫu tương tự (biological analogy)[22] để mô phỏng quá trình tiến hoá bên trong của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Với ý nghĩa như vậy, quá trình đó là phức hợp, mang tính hữu cơ và tất yếu gần như trong tự nhiên của hệ sinh thái.  Đó là quá trình phát triển có điều kiện, không thể duy ý chí cưỡng lại hoặc đốt cháy giai đoạn mà tự tạo ra được. Thất bại cực đoan nhất chứng minh điều này mà chúng ta là nhân chứng có lẽ là chính sách kinh tế của Polpot!

Người ta thường nói bất kỳ sự so sánh nào cũng khập khiễng. Có lẽ vì vậy Schumpeter mới phải mượn tới  biological analogy (nguyên văn từ của Schumpeter) để minh hoạ ý tưởng của mình. Nhưng dù sao cách mượn quá trình tiến hoá tương tự  của hệ sinh thái để miêu tả sự vận động của kinh tế như Schumpeter trình bày, tỏ ra: sinh động hơn và sát hơn sự vận động đích thực của kinh tế trong quá trình phát triển của nó – nghĩa là rất biện chứng, đồng thời gợi ý nhiều điều phong phú.

Sự miêu tả này đày đủ hơn nhiều so với cách miêu tả theo mạng, phi tuyến tính... mà nhiều nhà nghiên cứu ngày nay vẫn thường dùng. Và điều đặc biệt quan trọng là cách miêu tả của Schumpeter làm nổi bật được tiến trình tiến hoá tất yếu (gần như mang tính hữu cơ)[23] của sự vật – trong đó chứa đựng mọi hình thức vận động như tiến triển, tiến hoá, bột phát... tuỳ môi trường, hoàn cảnh và những điều kiện của sự vận động, và cao nhất là sự phá huỷ sáng tạo để tạo ra sự vật mới...

Xin minh hoạ thêm đôi điều về suy nghĩ của Schumpeter. Ví dụ, một nhà sản xuất dù độc quyền đến thế nào đi nữa, dù anh ta là người duy nhất sản xuất và cung cấp một mặt hàng nào đó cho cả thế giới, bí mật công nghệ của anh ta được giấu kín ở một hoang đảo giả thử không ai tới được... vân... vân... Nhưng sớm muộn sản phẩm độc quyền ấy cũng sẽ bị hằng hà sa số các nguyên nhân kinh tế, khoa học công nghệ, văn hoá, xã hội cạnh tranh, hoặc làm giảm giá trị, thay thế.., và cuối cùng là phá huỷ sản phẩm ấy, tạo chỗ cho sản phẩm mới ra đời ...

Những yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt Schumpeter đến nhận định về sự phá huỷ sáng tạo có lẽ là: (a) quy luật lợi suất giảm dần và (b) sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và công nghệ, (c) sự nhường bước của lý thuyết về lợi thế so sánh cho lý thuyết về lợi thế cạnh tranh...

Schumpeter nêu ra những dẫn chứng cho phép chứng minh: thông qua những hình thức phá sản làm tiêu vong những hoạt động kinh tế trở nên lạc hậu, thậm chí đào thải những cấu trúc kinh tế đã trở nên lỗi thời.., làm cho những hoạt động kinh tế mới, những ngành nghề và sản phẩm dựa trên công nghệ mới, cấu trúc kinh tế mới xuất hiện và phát triển... Vận dụng phương pháp luận của Marx, ông đưa ra hình ảnh  nền kinh tế đầu tầu hơi nước của giai cấp tư sản đã đánh đổ nền kinh tế cỗ xe tứ mã của giai cấp phong kiến như thế nào, từ đó lý giải cho sự ra đời và phát triển cả một nền kinh tế mới. Schumpeter đi đến kết luận sự vận hành của kinh tế tư bản chủ nghĩa tự nó đã gieo mầm mống cho sự phá huỷ của chính nó. Shumpeter gọi đấy “sự phá huỷ sáng tạo”  (creative deststruction) và coi nó là một trong những  động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đi xa hơn nữa, Schumpeter còn cho rằng mọi nền kinh tế phát triển cân đối trong trạng thái tĩnh sẽ dẫn đến nền kinh tế khép kín và đi tới đổ vỡ. Nền kinh tế có sức tăng trưởng và phát triển mạnh, bền vững, trước hết phải là nền kinh tế có khả năng trao đổi với bên ngoài, cấu trúc luôn luôn chuyển đổi năng động và theo kịp sự tiến hoá của kinh tế thế giới. Đó là nền kinh tế luôn luôn có “sự phá huỷ sáng tạo”, hay nói mềm mỏng hơn nữa: Nền kinh tế luôn luôn có khả năng tự đổi mới.

Không thể bỏ qua thực tế là Schumpeter còn có nhiều ý tưởng táo bạo khác nữa.

Đáng chú ý: Schumpeter tự coi mình thuộc trường phái của Marx về một số phương diện, nhưng ông khẳng định rất rõ không đồng ý với Marx trên một số phương diện khác. Ông đặc biệt đánh giá cao cống hiến của Marx với tư cách là người đầu tiên vận dụng kinh tế giải thích sự tiến hoá của lịch sử xã hội loài người. Trên phương diện này, ông coi Marx là một nhà tương lai học... Ông cho rằng: “...Dù phê phán hay bác bỏ, dù chấp nhận hay liên kết các quan niệm khác nhau, Marx luôn luôn đi vào bản chất của vấn đề. Dẫn chứng nổi bật nhất cho điều này là công trình Những lý thuyết về giá trị thặng dư , tượng đài của một nhà lý luận đầy nhiệt huyết.”[24]

Schumpeter đồng ý với nhiều câu hỏi do Marx đặt ra, đánh giá cao việc Marx đặt ra những câu hỏi đó. Nhưng Schumpeter lại đưa ra những câu trả lời khác với của Marx. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: Trong khoa học, nhất là trong kinh tế chính trị học, cách đặt ra vấn đề, đặt ra được những câu hỏi cần thiết mới là quan trọng, còn việc đi tìm những cách trả lời khác nhau là bản chất của khoa học. 

Xin đơn cử một số ví dụ rất thời sự:

-         Cả thế giới hầu như coi A. Einstein đã vượt qua Newton nhiều điểm và trở thành nhà khoa học vỹ đại nhất thế kỷ 20. Thế nhưng trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20 các nhà vật lý “hậu A. Einstein” như John  Schwarz, Witten... đã đưa ra các “lý thuyết dây” thay thế cho các hạt cơ bản graviton, đồng thời họ cũng tìm thấy những hạt cơ bản mới. Tất cả những điều này vượt xa những thứ mà A. Eisntein đã góp công khám phá vào đầu thế kỷ này. ít nhất cho đến nay đã có 5 lý thuyết dây như vậy. Qua đó không gian 4 chiều của A. Einstein bây giờ ít nhất phải là 11 chiều mới giải thích được các lý thuyết dây này, còn được gọi là các lý thuyết “M” (matrix, mystery, magic...), các hạt cơ bản mới được gọi là những hạt “S” (Supersymmetric particles); tất cả mang tính căn bản hơn, sâu sắc hơn thuyết tương đốithuyết lượng tử mà A, Einstein là tác giả... Hiển nhiên khoa học không bao giờ đứng lại một chỗ!
-         Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế nước ta khi bước vào thế kỷ 21, có thể đưa ra 6 đặc điểm của nước ta mà lúc Marx và Engels soạn thảo Tuyên Ngôn Cộng Sản chưa thấy có đối với một nước chậm phát triển như nước ta, thậm chí chưa có so với lúc dân tộc ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, chưa có so với cả trước khi nước ta tiến hành tiến hành công cuộc đổi mới. Tinh thần chung bao quát cả 6 đặc điểm này là: Sự phát triển của lực lượng sản xuất ở nấc thang toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới ngày nay một mặt vừa cho phép, một mặt vừa thách thức sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế nước ta phải gắn được với quá trình hội nhập thắng lợi vào xu thế phát triển của kinh tế thế giới, đòi hỏi phải tạo ra cho nước ta khả năng mở rộng thị trường ra cả thế giới[25].
-         ...

Cuối năm 1949 Schumpeter được mời viết một bài thuyết trình chuẩn bị cho một buổi toạ đàm khoa học, đồng thời cũng được coi như bài tựa cho xuất bản lần thư tư cuốn sách nổi tiếng của ông “Chủ Nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và vấn đề dân chủ” (sách đã dẫn, xuất bản năm 1942). Bài thuyết trình này mang tên là “Cuộc hành trình tới chủ nghĩa xã hội”. Trong luận văn này, một lần nữa ông lại vấp phải vấn đề:

“Sự phá huỷ sáng tạo” trong phát triển kinh tế của xã hội loài người – với tính chất như một quá trình tiến hoá tương tự như hệ sinh thái (nghĩa là mang tính tất yếu của tự nhiên) - đang đứng trước đòi hỏi phải làm sao tạo ra được những  nguồn của cải phong phú và những giá trị mới đủ sức tạo ra một xã hội mới..

Chúng ta hãy thử so sánh suy nghĩ này với những ý tưởng của Marx, Engels – hình như có những điểm gặp nhau trong cách nghĩ của những nhà khoa học này.

Shumpeter không đặt cho mình nhiệm vụ phải đi tìm lời giải – có lẽ vì coi một lời giải nếu có sẽ giống như một quá trình tiến hoá sinh học mang đặc thù như của hệ sinh thái – nghĩa là mang tính tất yếu của tự nhiên, và điều này cũng có nghĩa nền kinh tế của mỗi quốc gia là một thực thể riêng biệt không lặp lại ở bất kỳ đâu và lúc nào – như mỗi thực thể sinh học đều mang trong nó tính quy luật và tính đặc thù riêng của chính nó. Trong bài này, một lần nữa ông khẳng định những điều ông đồng tình và những điều ông nghĩ khác với Marx. Ông kết luận trong bài thuyết trình này: “Marx đã sai trong sự chẩn đoán xã hội tư bản chủ nghĩa sẽ sụp đổ như thế nào. Nhưng Marx đã không sai trong khi tiên đoán xã hội này thế nào cũng sụp đổ.”[26] 

Kết luận nói trên của Schumpeter về Marx khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Nếu chú ý đến bài tựa năm 1872 của Engels viết cho Tuyên ngôn Cộng sản nhân dịp kỷ niêm 25 năm Tuyên ngôn ra đời, không biết Schumpeter có thay đổi kết luận này của mình hay không?  Rất tiếc rằng gày 30-12-1949, khi viết gần xong bài thuyết trình này, Schumpeter không còn cơ hội chỉnh chang lại, ông lâm bệnh nặng và qua đời ngày 3-1-1950.

Bài tựa năm 1872 có đoạn viết: “Chính ngay bản Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng việc áp dụng những nguyên lý ở đâu và lúc nào cũng phải tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử đương thời,  và do đấy không nên quá coi trọng những biện pháp cách mạng kể ra cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại, thì về nhiều phương diện phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp đã có những tiến bộ lớn trong 25 năm qua... Tuy nhiên Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không còn có quyền sửa đổi nữa.[27]

Nhân đây xin giới thiệu 2 ý kiến quan trọng khác của Engels  liên quan đến vấn đề chúng ta đang bàn, để có cơ sở phân tích kết luận của Schumpeter về sự phá huỷ sáng tạo :

          (1) ”Sự chuyển biến mà chủ nghĩa xã hội hiện đại đang cố gắng đạt tới, nói vắn tắt, chính là sự thắng lợi của giai cấp vô sản đối với giai cấp tư sản và sự xây dựng một tổ chức xã hội mới bằng con đường thủ tiêu mọi sự khác biệt về giai cấp. Muốn vậy chẳng những  phải có không những giai cấp vô sản là giai cấp thực hiện sự chuyển biến đó, mà cũng còn phải có một giai cấp tư sản có trong tay nó lực lượng sản xuất xã hội phát triển đến mức có thể thủ tiêu triệt để những sự khác biệt về giai cấp... ...Chỉ đến một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất xã hội, - một giai đoạn phát triển rất cao (so với – Ng. NG.) ngay cả trong những điều kiện ngày nay của chúng ta, -  mới có khả năng nâng cao sản xuất đến một trình độ khiến cho việc xoá bỏ những sự khác biệt về  giai cấp trở thành một bước tiến bộ thật sự, khiến cho sự xoá bỏ đó được vững chắc, và không dẫn đến tình trạng đình trệ, hoặc thậm chí đến tình trạng suy sụp trong phương thức sản xuất xã hội. Nhưng chỉ trong tay giai cấp tư sản thì lực lượng sản xuất mới đạt tới giai đoạn phát triển  đó. Bởi vậy giai cấp tư sản, về mặt này, cũng là một điều kiện có trước, cần thiết của cách mạng xã hội chủ nghĩa như bản thân giai cấp vô sản (Ng. Ng. nhấn mạnh và gạch dưới). Vì thế, kẻ nào có thể khẳng định rằng, ở một nước tuy không có giai cấp vô sản, nhưng, trái lại,  cũng không có giai cấp tư sản, thì càng dễ tiến hành cuộc cách mạng ấy,- kẻ đó chỉ chứng tỏ rằng còn phải học sách vỡ lòng về chủ nghĩa xã hội.”[28]

(2) “...Thắng lợi của CNXH ở các nước phát triển mang lại một sức mạnh to lớn  và một tấm gương khả dĩ khiến cho các nước nửa văn minh hướng theo chúng ta. Nhưng các nước đó sẽ phải trải qua những giai đoạn chính trị và xã hội nào trước khi đạt tới tổ chức xã hội chủ nghĩa, tôi nghĩ rằng điều đó  chúng ta chỉ có thể đưa ra những giả thuyết khá  mơ hồ mà thôi” (Ng. Ng. gạch dưới)...”[29]


Cũng xin lưu ý: Từ một hai thập kỷ trở lại đây, khái niệm “sự phá huỷ sáng tạo” được sử dụng nhiều hơn so với bất kể thời gian nào trước đó kể từ khi nó ra đời, đặc biệt là khi bàn về kinh tế tri thức. Ngày nay khái niệm này trở thành một quan điểm quan trọng trong lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế hiện đại – một quan niệm mang trong nó những nội dung gần gũi với quan điểm triết học tiến hoá biện chứng “phủ định của phủ định”  mà Hegel đã đề xướng và được Marx vận dụng.

Xin nói thêm về những sự gián đoạn:  Trong cuốn “Bước ngoặt của kinh tế thế giới – những xu thế cho tương lai” Drucker còn nêu ra bốn sự gián đoạn khác  nữa dẫn chứng cho quan điểm của mình, trong đó rất đáng chú ý là sự gián đoạn – nói cho đúng hơn là sự đổ vỡ – của các lý thuyết kinh tế mới, sự gián đoạn về phân công lao động trong từng quốc gia và trong phạm vi thế giới...



3.  Quy luật lợi suất giảm dần và kinh tế tri thức


Ngoài đặc tính vượt trội của tri thức trong một sản phẩm nói riêng và trong toàn bộ nền kinh tế nói chung như vừa trình bày trên, cần xem xét một đặc điểm quan trọng khác trong nền kinh tế dựa vào tri thức. Đó chính là đặc điểm của tri thức, với tính chất là yếu tố kinh tế chiếm vị trí hàng đầu bên cạnh những yếu tố cơ bản khác trong kinh tế như sức lao động và vốn (bao gồm cả công nghệ, tài nguyên, đất đai).

Trong kinh tế thông thường có một quy luật quan trọng bắt buộc phải tính đến, đó là quy luật lợi suất giảm dần. Nói một cách giản lược, đó là quy luật biểu thị hiện tượng: đầu vào cho sản xuất có xu thế tăng dần lên, trong khi đó đầu ra của sản xuất  ấy- nói cho chính xác hơn là lợi tức thu được  - tăng không tương ứng, đứng nguyên, hoặc thậm chí giảm, dẫn tới hệ quả lợi suất của sản xuất ấy giảm dần. Vi phạm quy luật này có thể đi tới thua lỗ phá sản của chính sản phẩm ấy, tệ hơn nữa có thể dẫn tới đổ vỡ cả nền kinh tế.

Ví dụ 1: Giả thử đầu vào của một giai đoạn nhất định ban đầu cho việc sản xuất 1 tấn ximăng là 1; sau một thời gian sản xuất nhất định, nguyên liệu phải đào sâu hơn mới lấy được, phải vận chuyển lâu hơn mới tới nhà máy chế tạo, hao mòn thiết bị đòi hỏi phải chi phí nhiều hơn cho bảo dưỡng...vân...vân.., nếu trong những điều kiện như thế đầu vào vẫn là 1, đầu ra sẽ nhỏ hơn 1, nghĩa là lợi suất giảm dần. Nếu ngày càng có nhiều người cạnh tranh với bạn, bạn sẽ buộc phải đưa thêm ngày một nhiều hơn khối lượng mới đầu vào, để tiếp tục giữ được đầu ra là 1 – ví dụ làm quảng cáo nhiều hơn, chi phí thêm cho cả việc vận chuyển ximăng đến tận tay người tiêu thụ để tranh khách của các hãng sản xuất khác...vân...vân...  Nếu xuất hiện một loại vật liệu xây dựng thay thế tốt hơn, phương thức kiến trúc có nhiều thay đổi nhờ tiến bộ mới trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, cầu về ximăng sẽ co lại, thậm chí việc sản xuất ximăng ở đâu đó có khi lâm vào phá sản...

Ví dụ 2: Là nhà sản xuất T-shirt , bạn có khi phải thêm chi phí đầu vào cho việc in ảnh các diễn viên nhạc Pốp nổi tiếng, những ngôi sao màn bạc, hoặc các danh thủ thể thao... vào áo thì mới hy vọng tiêu thụ được sản phẩm của mình với giá bán như cũ, vì mặt hàng này đang quá thừa, còn T-shirt trắng trơn  thanh niên không ưa thích, bán không chạy... 

Vân... vân...

Trong đời sống kinh tế hàng ngày có biết bao nhiêu yếu tố như vậy - thuộc đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, hoặc nằm ngay trong sự phát triển hay thay đổi của các thể chế kinh tế và luật pháp, thậm chí cả trong những thay đổi về tập quán văn hoá, xã hội... - tạo ra và thúc đảy quy luật này hoạt động.  Ngoài ra còn phải kể đến nhiều nguyên nhân khác trong mọi lĩnh vực tự nhiên và xã hội như: dân số tăng nhanh,  đất đai và tài nguyên ngày càng khan hiếm, những gánh nặng mới do môi trường tự nhiên bị tàn phá... Tất cả đều thúc đẩy quy luật tỷ lệ lợi suất giảm dần tác động vào từng sản phẩm hoặc toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế của một quốc gia có thể đi vào bế tắc, trì trệ, thậm chí rơi vào khủng hoảng nếu con người không khống chế được quy luật này. Đây là thách thức gần như thường trực đối với mọi nền kinh tế. Liên hệ đến nước ta, có lẽ còn có thể nói: Đây chính là một quy luật kinh tế chúng ta chưa chú ý thoả đáng, hoặc thậm chí nhiều khi vi phạm nghiêm trọng, để lại nhiều hậu quả chung cho nền kinh tế[30].

Trong kinh tế học người ta gọi hiện tượng nói trên là nền kinh tế có sự phản hồi âm (negative feedback economy).

Bài toán đặt ra là phải tạo ra các yếu tố, các phương sách bảo tồn được tình trạng lợi suất không đổi – nghĩa là tìm cách giữ sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đại thể bằng cách thêm vào các yếu tố tăng tỷ lệ lợi suất đủ làm triệt tiêu phần tỷ lệ lợi suất bị giảm. Nếu bằng những cách nào đó tạo ra được tỷ lệ lợi suất lớn hơn thì càng đáng mong muốn.

Có rất nhiều nhiều phương thức để tìm cách giải bài toán này, ví dụ như đưa công nghệ mới vào để nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành, tìm ra các quy mô sản xuất kinh doanh tối ưu (economics of scale, còn gọi là quy luật lợi suất tăng theo quy mô), thay đổi phương thức quản trị và kinh doanh... vân...vân... Song giả thử những phương thức ấy không nằm trong phạm trù kinh tế tri thức – nghĩa là cách giải bài toán vẫn là tăng thêm các yếu tố sản xuất truyền thống cho đầu vào, thì sớm muộn quy luật lợi suất giảm dần lại bộc phát ra và hoành hành.

Không hiếm trường hợp phải chấp nhận cách xử lý là huỷ bỏ sản phẩm đang làm ra để tìm đường đi vào sản phẩm mới, có khi phải thay đổi hẳn cấu trúc của cả nền kinh tế để thắng lại quy luật lợi suất giảm dần –  nghĩa là tìm cách chủ động vận dụng sự huỷ hoại sáng tạo. Chính vì không tự giác được quy luật lợi suất giảm dần, hoặc không có khả năng ngự trị (harnessing) được quy luật lợi suất giảm dần, nhiều doanh nghiệp và thậm chí nhiều nền kinh tế đã đổ vỡ – nhất là trong quá trình cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn của thế giới toàn cầu hoá.

Từ nhiều nhiều thập kỷ nay, người ta đã biết phải tìm cách giải bài toán bằng nhiều phương thức khác nhau, được gói ghém chung trong phạm trù “tự tăng cường” (selfreinforcement). Nói một cách khác, đấy là việc đi tìm các phương thức thực hiện nền kinh tế có tỷ lệ lợi suất ngày càng tăng – người ta còn gọi đó là nền kinh tế có sự phản hồi dương (positive feedback eoconomy). Nhờ  sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhờ con người có khả năng ngày càng lớn trong việc vận dụng sự phát triển này, khả năng tạo ra quy luật lợi suất tăng cũng ngày càng phong phú hơn. Mới đây nhất, người ta thường nêu quy luật Gordon More[31] - người đồng sáng lập ra tập đoàn công nghiệp tin học Intel - để minh hoạ sự phát triển này. Qua nhiều khảo nghiệm, người ta đã tìm thấy những phương thức tạo ra kinh tế có sự phản hồi dương trước hết và chủ yếu nằm trong kinh tế tri thức[32]. Chính đây là điều chúng ta cần hết sức quan tâm, bởi vì Việt Nam là nước đến muộn (late comer) và đang nỗ lực đi trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Tri thức, với tính chất là yếu tố kinh tế quan trọng hàng đầu trong các yếu tố cơ bản của một nền kinh tế, có những đặc trưng rất đáng chú ý:
-         (1) trước hết, mặc dù là một hàng hoá, tri thức còn mang tính chất như một hàng hoá công cộng (public goods), được tiêu dùng nhưng không mất đi, người tiêu dùng khác vẫn tiếp tục sử dụng được. Một khi đã có được một khối lượng tri thức nào đó, thì hầu như chỉ có chi phí cho việc chuyển giao được xem là giá thành của khối lượng tri thức được đã chuyển giao ấy – nghĩa là biên độ giá thành của khối lượng tri thức (được chuyển giao) ấy trở nên rất nhỏ, việc phổ cập nó rộng rãi nhờ vậy rất thuận lợi; (chi phí R&D tạo ra các tri thức mới tuy rất tốn kém, nhưng thường chỉ xảy ra một lần và hầu như không còn được tính đến nữa). Rồi đến lượt tri thức lại sản sinh ra tri thức[33] . Xin đặc biệt lưu ý:  Sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ nói riêng và của kinh tế tri thức nói chung còn luôn luôn tạo ra “cầu” mới và những khả năng tạo ra “cung” mới – chính với đặc trưng này, và cùng với đặc trưng là một hàng hoá công cộng, tri thức góp phần rất quan trọng vào việc tạo ra kinh tế có phản hồi dương (positive feedback ecocomy)[34].
-         (2) Việc sản xuất ra và sử dụng tri thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển các nền kinh tế năng động và trong việc vận dụng những nguyên tắc của quy mô kinh tế tối ưu (economics of scale); một khi thông tin chuyển hoá thành tri thức và được đưa vào vận dụng, nó sẽ lan toả nhanh chóng sang các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, tạo ra những khả năng phát triển theo cấp số mũ và mở ra nhiều phương diện hoạt động hoàn toàn mới so với điểm xuất phát ban đầu của thông tin[35] – nghĩa là tri thức có thể mở ra những thời cơ chẳng những to lớn mà còn rất quyết liệt đến mức gần như là những thách thức mới (ví dụ: nếu bỏ lỡ một thời cơ như thế, sản phẩm đang có lãi của chúng ta có thể mau chóng bị loại bỏ, nền kinh tế nước ta đang vận hành tốt có thể mau chóng bị cuốn hút vào khủng hoảng  - do tự bản thân cách ứng xử của ta gây ra, hay do tình hình kinh tế thế giới bên ngoài tác động vào – hãy xem xét tác động cuộc khủng hoảng tài chính tiền châu A’  7-1997 vào giữa lúc nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển năng động thời kỳ 1990-1995).
-         (3) đồng thời sự phát triển của tri thức cũng đặt ra  những bất trắc mới, những bất ổn định mới[36], những đòi hỏi mới.  Ngự trị được những bất trắc mới này, đáp ứng được những đòi hỏi mới này, doanh nghiệp của bạn hay kinh tế của cả nước ta sẽ giành được những cơ hội khó tưởng tượng được. Điều đó đã từng là nguyên nhân chủ yếu của sự ra đời các nước “con rồng”, đã và đang tiếp tục làm thay đổi ngôi thứ giữa các cường quốc kinh tế, các nước phát triển và các nước đang phát triển kể từ nửa sau thế kỷ 20.
Có thể nêu ra một số đặc trưng khác của tri thức với tính chất là yếu tố kinh tế hàng đầu trong kinh tế mới. Nhưng 3 đặc trưng nói trên có lẽ là quan trọng nhất, là những điều đáng quan tâm nhất trong kinh tế tri thức. Hơn nữa, những đặc trưng này thật đơn giản, dễ hiểu – và hình như chân lý bao giờ cũng như vậy.

Tuy nhiên, tri thức còn là một phạm trù triết học.

Mặc dù ở đây chúng ta chỉ bàn đến tri thức với tính chất là yếu tố kinh tế hàng đầu bên cạnh những yếu tố khác trong kinh tế tri thức, song chúng ta không thể bỏ qua việc xem xét nó trên một số khía cạnh triết học có liên quan đến chính chúng ta, trước hết là liên quan đến thái độ ứng xử của chúng ta đối với kinh tế tri thức.

Thông tin được vận dụng mới trở thành tri thức. Bạn hãy qua mạng thu thập thông tin vào đày ắp máy tính riêng có công suất lớn nhất bạn có thể có được, làm việc này quá dễ. Nếu in những thông tin từ các ổ cứng ấy ra thành sách, bạn có thể chất các sách ấy ra đầy cả một căn phòng lớn. Nhưng nếu bạn không có khả năng vận dụng những thông tin lưu giữ được ấy, bạn có thể vẫn là mù tri thức mà những thông tin ấy có thể đem lại cho bạn, kết quả đạt được là mất tiền, mất thời gian và hao tổn bao công sức khác. Nói ngắn gọn: tiền mất tật mang.

Mù, thiếu và nhiễu thông tin, mù tri thức, thiếu tri thức, tri thức lạc hậu, tri thức phô trương, tri thức rởm  đang là những căn bệnh xã hội trầm kha ở nước ta. Paul Samuelson tìm được một câu nói khuyết danh như sau: Bạn có thể biến con vẹt thành một nhà kinh tế uyên thâm, nó chỉ cần học nói được hai từ “cung” và “cầu”. Một sự đùa giỡn đày tí tuệ của Samuelson! Thật vậy, hiểu cho đến nơi đến chốn “cung” và “cầu” trong một nền kinh tế nào đó không phải là việc học giả uyên thâm nào cũng làm được. Nhưng chỉ nói hai từ “cung” và “cầu” thì đúng là việc con vẹt có thể làm được....[37] Những căn bệnh này nguy hiểm ít nhất không kém các dịch bệnh xã hội khác như nghiện ma tuý, HIV/AIDS, lao, nạn mãi dâm.., muốn khắc phục phải bỏ ra nhiều công sức, phải tổn hao nhiều trí tuệ, phải có  ý chí chính trị quyết liệt, trước hết phải có ý chí coi những căn bệnh này không phải là định mệnh đối với một nước đang phát triển như nước ta.

Từ nhiều góc độ còn có thể nói, tri thức có được không thể chủ yếu từ mua, mà phải chủ yếu từ học, có mua được thì sau đó  cũng  phải học.

Có nhiều cách học. Trong triết học, các triết gia thường chia tri thức thành các loại:
-         tri thức có được từ làm quen và biết các sự vật ( knowledge by acquaintance),
-         tri thức có được do sự mô tả (Knowledge by description),
-         tri thức có được nhờ duy lý, còn gọi là tri thức có trước sự vật (priori knowledge),
-         tri thức có được do kinh nghiệm, còn gọi là posteriorie knowledge,
-         tri thức do trực giác (intuition), tự cảm nhận được mà không cần lý giải,
-         tri thức có được trong duy lý,
-         tri thức có được trong kinh nghiệm,
-         tri thức ngầm (tacit knowledge)[38]
-         vân... vân...
-         (Chưa nói đến triết lý về trí thức cũng không bao giờ đứng yên một chỗ!).

Xin gạt chuyên đề triết học về tri thức sang một bên. Việc nêu lên sự phân chia các loại tri thức như vậy dù rằng đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây ra những cuộc tranh luận không dứt, nhưng chính sự phân loại này mang lại cho chúng ta nhiều gợi ý về con đường học, cách học, cách tự kiểm tra mình, cách phát triển tư duy của mình trong việc nắm và vận dụng  tri thức, giải thích cho chúng ta rõ vì sao để sống được trong kinh tế tri thức phải tìm cách học có hiệu quả và phải học suốt đời.

Đối với từng con người và toàn xã hội trong một quốc gia, việc học suốt đời  để “biết cái gì” (know what) nhằm tích tụ kiến thức làm cơ sở cho suy nghĩ và hành động của mình, “biết tại sao” (know why) về sự vận động của giới tự nhiên và con người, “biết ai” (know who) trong nhận thức và xử lý các mối quan hệ kinh tế - xã hội, “biết chỗ nào và bao giờ” (know where and when) để lựa chọn quyết định và nắm bắt thời cơ, phòng ngừa những thách thức, “biết cách làm” (know how) để tạo ra những kỹ năng và khả năng thực hành... là con đường tất yếu để mỗi người nói riêng và toàn xã hội của một quốc gia nói chung tạo ra được kỹ năng (skill formation) và rộng hơn nữa là nâng cao năng lực toàn xã hội mà kinh tế tri thức đòi hỏi bắt buộc phải có. Phải học tập suốt đời, vì người ta ước tính cứ 7 năm khối lượng tri thức tăng gấp đôi, nghĩa là phần lớn những gì sinh viên học được trong 1 – 2 năm đầu đều trở nên lạc hậu khi họ tốt nghiệp!..

Khi nói đến tạo ra và nâng cao kỹ năng của từng công dân, và nâng cao năng lực của toàn xã hội, xin dành vài lời nói thêm một khía cạnh khác của tri thức, đó là trí tuệ.

Qua phần “điểm danh” các loại định nghĩa của các trường phái triết học khác nhau về tri thức vừa trình bày, ít nhiều chúng ta có thể hình dung hoặc có vài suy nghĩ về nguồn gốc, về sáng tạo và   về vận dụng tri thức. Thật khó mà có được một sự định nghĩa mang tính chất giải phẫu để phân biệt giữa thông tin,  tri thức và trí tuệ. Nhưng sẽ là chưa đủ nếu nói đến thông tin và tri thức mà không đề cập đến trí tuệ. Cuộc sống thiên hình vạn trạng, trí tuệ trước hết với tính năng là vận dụng và sáng tạo ra tri thức và thông tin cũng phải được xem xét trong những bối cảnh (context) hay môi trường (environment) thiên hình vạn trạng. Nêu lên nhận xét này, để minh hoạ rằng bản thân trí tuệ cũng là thông tin, là tri thức. Có lẽ đấy là lý do không thể có được sự định nghĩa mang tính giải phẫu để phân biệt ba khái niệm này. Song hiển nhiên đó là ba khái niệm khác nhau. Nói theo  nguyên lý cơ học, nghĩa là rất khiên cưỡng và vô cùng giản lược hoá,  đại thể chúng ta có thể coi thông tin – tri thức – trí  tuệ là các cấp độ và các thành tố của nhau với tính chất là những sản phẩm của tư duy. Nhận xét này cho thấy một khía cạnh quan trọng khác: Thông tin, tri thức và trí tuệ chỉ có thể vận dụng được , phát huy lẫn nhau, và sáng tạo ra nhau trong  tự do - đúng với định nghĩa của Engels về tự do trên các mặt triết học, thẩm mỹ, đạo đức, kinh tế và chính trị. Định nghĩa hay đặt tên cho kinh tế tri thức của anh Việt Phương như đã trình bày trên, có lẽ trước hết là vì lý do này. Tự do được dẫn dắt bởi thông tin, tri thức và trí tuệ, đó sẽ là tự do đúng đắn, là nội dung đích thực của dân chủ. Tự do như vậy khác hẳn với những nhận thức tầm thường hoặc lệch lạc về tự do.

Với nội dung như vậy, tự do là nguồn lực quyết định nhất của sáng tạo mới thông tin, tri thức và trí tuệ - tài nguyên hàng đầu trong kinh tế tri thức. Với nội dung như vậy, tự do đồng thời còn là nguồn lực tạo ra những giá trị mới nâng cao phẩm cách và khả năng sáng tạo của con người[39], nâng cao văn minh của xã hội – một trong những tiền đề hàng đầu và không thể thiếu được để thiết kế được một tổ chức xã hội cho thực hiện mục tiêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.

Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa như Đảng ta mong muốn trong thời đại thông tin, thời đại kinh tế tri thức, tự do lại càng phải được hiểu và xây dựng như vừa trình bày. Tự do không có nội dung như vậy dễ tha hoá thành nhân tố huỷ hoại. Nhìn theo quan điểm này: Mù, thiếu và nhiễu thông tin, mù tri thức, thiếu tri thức, tri thức lạc hậu, tri thức phô trương, tri thức rởm là những căn bệnh tạo ra những yếu tố thù nghịch với định hướng xã hội chủ nghĩa[40]. Không phải ngẫu nhiên, để duy trì sự đô hộ nước ta, một trong những quyết sách hàng đầu của thực dân Pháp là thi hành chính sách ngu dân. Có một chế độ nô dịch nào không cần đến chính sách ngu dân? Có chính sách ngu dân nào không nhắm tới thực hiện một sự nô dịch?

Ngày nay internet trở thành một phương tiện truyền thông quan trọng đồng thời là nguồn thông tin dữ liệu không thể thiếu được trong đời sống kinh tế xã hội. Song còn biết bao nhiêu sản phẩm thông tin mang văn hoá đồi bại và độc hại, chứa đựng những tư tưởng phản động – thậm chí cực kỳ phản động như gây thù hằn dân tộc, phân biệt chủng tộc, kích động bạo lực và chiến tranh, những thông tin giả... được đưa lên internet. Người tốt cần inernet bao nhiêu thì kẻ xấu cũng lợi dụng internet bấy nhiêu.

Còn có thể nói, theo một cách nhìn nào đấy, đã xuất hiện trên Internet một cuộc chiến tranh ác liệt giữa cái thiện và cái ác. Lẽ đương nhiên không thể tiến hành các bịên pháp bưng bít để bảo vệ cái thiện – những biện pháp này sớm muộn sẽ biến dạng không thể cưỡng lại được thành chính sách ngu dân với những kết quả tồi tệ nhất.

Không thể không tiến hành các biện pháp kỹ thuật theo kiểu “bức tường lửa” (fire wall) để ngăn chặn, sàng lọc, kiểm soát “cái ác” trên Internet. Nhưng với công nghệ này nay, khả năng hữu hiệu của những biện pháp kỹ thuật này ngày càng kém tin cậy hơn, hoặc một ngày nào đó trở nên vô nghĩa – vì công nghệ ngày nay tiến rất nhanh. Chúng ta thử hình dung, năm 1970, chuyển 1 quyển “Từ diển bách khoa” qua mạng viễn thông từ bờ đại dương này sang bờ đại dương khác của nước Mỹ tốn kém 170 USD. Ngày nay qua mạng chuyển toàn bộ thư viện Quốc hội Anh sang nước Mỹ chỉ hết 40 USD. Năm 1970 chuyển qua mạng 1 tỷ bit hết 150000 USD, ngày nay hết 0,13 USD... Song kinh tế tri thức không phải chỉ là máy vi tính và Internet. Tiếc rằng có một số người lại hiểu như vậy Trong kinh tế tri thức còn biết bao nhiêu tai hoạ khác đang rình mò bên ngoài internet:
-         Tại nhiều nước, trước hết là Mỹ và Tây Âu, đang có nhiều cuộc tranh cãi gay gắt: Cho phép hay không cho phép thực hiện nhân bản vô tính đối với con người? Đến nay không một ai có thể hình dung hết được tai hoạ gì sẽ xảy ra nếu “tri thức” này bị lạm dụng!
-         Cho phép hay không cho phép sử dung các thực phẩm được chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp đã được biến đổi gien? Vì ai nói được tác động cuối cùng vào con người sẽ như thế nào?[41]
-         Mỹ bây giờ đang định xé hiệp định cấm hệ thống ABM (antiballistic missile system) đã ký với Nga trước đây để thực hiện MND (missile system  of national defense), đẩy mạnh vũ trang trên vũ trụ, phát triển vũ khí hạt nhân nhỏ (loại 5000kgtone xuyên sâu trong lòng đất)... – có thể do nhiều nguyên nhân.., và hình như chắc chắn có nguyên nhân: hệ thống sản xuất vũ khí cũ đã lỗi thời, cần tạo ra hệ thống  mới để nâng cao khả năng răn đe tất yếu, để kiếm lời, đồng thời tiếp tục uy hiếp thiên hạ, khiến không ít đồng minh Tây Âu của Mỹ lo ngại...
-         Mỹ và Anh đang cãi lấy cãi để vũ khí có uranium nhẹ được sử dụng trong chiến tranh ở Kosovo không có nguy cơ phóng sạ, nhiều nước Tây Âu khác đang cố làm cho ra nhẽ nhưng vẫn chưa thắng...
-         Tình trạng ăn cắp thông tin các loại khá nguy hiểm qua các hệ thống vệ tinh mà đến nay chưa có cách phòng ngừa hữu hiệu (tham khảo RAMSES số ra năm 2001, tr. 338 có bài “Hệ thống Echelon – cả hành tinh bị nghe trộm”... Hệ thống này của Mỹ, có từ thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện vẫn đang hoạt động).
-         Nạn “hacker” (ăn cắp dữ liệu trên mạng và trong các máy tính) đang là một tai hoạ lớn xảy ra ở nhiều nước...
-         Vân vân...

Xin thử hỏi biện pháp kỹ thuật nào có thể sàng lọc hay kiểm soát được “tự do” các kiểu như vừa nói trên?

Xin quay trở lại những vấn đề thuộc phạm vi bên trong một quốc gia mà chúng ta nên quan tâm. Đó là phải thực hiện một sự tự sàng lọc và tự kiểm soát - điều này quan trọng hơn gấp bội so với bất kỳ biện pháp nào khác. Đó là cách tăng khả năng miễn dịch (immunity) của người đối với mặt tiêu cực của Internet nói riêng và đối với những mặt trái khác mà kinh tế tri thức nói chung có thể sản sinh ra trên mọi phương diện. Khả năng miễn dịch ấy chỉ có thể tạo ra được bằng cách nâng cao tự do được dẫn dắt bởi thông tin, tri thức và trí tuệ . Có như vậy mới hy vọng làm cho cái thiện thắng được cái ác trong quá trình tiến vào xã hội thông tin, vào kinh tế tri thức.

Diễn đạt một cách khác, trong thời đại thông tin, mỗi quốc gia cần đặc biệt nỗ lực  xây dựng bằng được cho mình những giá trị cao quý của xã hội, được xác lập trên tự do với nội dung như vừa trình bày. Đó phải là những giá trị được xã hội thừa nhận – và cao xa hơn nữa là trở thành lý tưởng của trào lưu chủ đạo trong xã hội, trở thành lý tưởng của những con người có trí tuệ. Khỏi phải minh hoạ, việc xác lập những giá trị cao quý ấy vô cùng khó, nhưng không thể không làm. Chỉ riêng một đòi hỏi này đã đặt ra biết bao nhiêu vấn đề mới cho xã hội, cho Nhà nước, cho từng công dân của mỗi quốc gia. Thậm chí đây còn là yếu tố hàng đầu, là điều kiện đầu tiên để cùng đồng hành trong hàng ngũ văn minh của nhân loại.

Chìa khóa cho việc giải quyết những vấn đề mới này là thực hiện tự do được dẫn dắt bởi thông tin, tri tri thức và trí tuệ, để nâng cao năng lực, quyền lực và trách nhiệm của bản thân mỗi người với tư cách là một thành viên trong cộng đồng xã hội, cộng đồng dân tộc và quốc gia mình, là một công dân trong cộng đồng quốc tế.

Có biết bao nhiêu tai hoạ đang xảy ra hàng ngày hàng giờ tại các nước phát triển vì nỗ lực xây dựng những giá trị mới chưa thành công bao nhiêu. Việt Nam là nước đi sau, lại lựa chọn định hướng xã hội chủ nghiã, càng phải rút ra bài học cho mình để thực hiện bằng được nỗ lực này.


Trong đời sống kinh tế của một quốc gia, kinh tế phản hồi âm và kinh tế phản hồi dương cùng tồn tại với nhau, vận động và tác động qua lại với nhau vô cùng nhạy cảm trong một tổng thể kinh tế - xã hội, làm nẩy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp mới. Tại các nước đang phát triển tình trạng này càng đặm nét, trong đó các hệ quả nổi bật nhất là:
-         (a) con đường phát triển của quốc gia, nhất là con đường đi vào kinh tế tri thức có thể bị kìm hãm,
-         (b) sự phân hoá xã hội, nhất là sự phân hoá giàu nghèo bên trong một quốc gia có nhiều nguy cơ tăng lên,
-         (c) khoảng cách phát triển với thế giới bên ngoài có nguy cơ rộng thêm...

Thu nhập của gia đình công nhân A trong doanh nghiệp nhờ vào vận dụng khoa học công nghệ cao tạo ra sự phản hồi dương, nên có thu nhập ngày càng cao hơn gia đình công nhân B trong doanh nghiệp không ngự trị được quy luật lợi suất giảm dần. Con của gia đình công nhân A nhờ có thu nhập phong phú nên có thể theo đuổi mọi lớp học em muốn. Con của gia đình công nhân B không có những điều kiện ấy, em đành phải chịu những thiệt thòi so với con gia đình công nhân A. Bản thân các mối quan hệ giữa doanh nghiệp của công nhân A và doanh nghiệp của công nhân B cũng tự phát sinh nhiều vấn đề rối rắm – ví dụ như doanh nghiệp A ngày càng lấn át doanh nghiệp B trên các phương diện khác nhau: thị trường, vốn, khả năng tranh thủ đầu tư mới cho công nghệ, chảy máu chất xám... Sự phân hoá xã hội bắt đầu từ những vấn đề cụ thể như thế, và cứ thế hệ quả này đẻ ra hệ quả khác.

Đương nhiên trong kinh tế của một nước, không thể mọi người dàn hàng ngang cùng tiến, cũng không thể thực hiện sự công bằng thông qua việc chia đều sự nghèo khổ, hoặc áp dụng các nguyên tắc bình đẳng của kinh tế cộng sản thời chiến... Nhưng sự tiến bộ của mỗi quốc gia trên con đường tiến vào kinh tế tri thức phụ thuộc gần như tuyệt đối vào việc giải quyết thành công những vấn đề do sự phân hoá này đặt ra, chứ không phải xoá bỏ sự phân hoá không thể tránh khỏi này.

Quả thực đấy là một bài toán khó đối với lực lượng lãnh đạo đất nước và đối với từng công dân của nước ấy. Bài toán ấy đối với nước ta lại càng khó, không phải vì lẽ Đảng ta chủ trương phát triển phải bảo đảm bằng được định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng không phải vì lẽ xuất phát điểm của nước ta quá thấp, mà trước hết vì lẽ nhận thức sai lệch cơ bản về tự do và dân chủ.


Trong quan hệ quốc gia – quốc gia, những thách thức do kinh tế tri thức đặt ra càng gay gắt, có xu hướng mở rộng thêm khoảng cách giàu - nghèo. Trong việc thực hiện những cam kết chung của AFTA, APEC, WTO, dù nước ta được “chiếu cố” đến thế nào đi nữa, ta vẫn có nhiều khó khăn hơn so với các nước phát triển. Giả thử có một điều khoản nào đó nước ta không theo được hoặc không giữ được, sự trừng phạt đối với nước ta rất dễ dàng. Ví dụ: để trừng phạt ta, một hoặc một vài nước nào đó trong OECD đóng cửa biên giới của họ đối với hàng xuất khẩu của; làm như vậy, kinh tế của họ chẳng hề hấn gì, nhưng kinh tế của ta thì sẽ gặp nhiều rắc rối. Quan trọng hơn nữa, nếu nước ta đứng ngoài cuộc hoặc để bị gạt ra ngoài quá trình hội nhập quốc tế, nước ta tụt hậu càng xa hơn...

Nhưng nếu các đối tác của ta làm sai, ta trừng phạt lại họ không dễ chút nào - đơn giản là nước nghèo phạt nước giàu rất khó. Ví dụ: sẽ có nghĩa lý gì đối với kinh tế Mỹ, nếu vì một lý do nào đấy ta cần trừng phạt Mỹ bằng cách tảy chay không xuất khẩu vào Mỹ?!..

Hiện nay đang nổi lên câu chuyện Mỹ ngang ngược chối bỏ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường ghi trong nghị định thư Kyoto về việc giảm bớt lượng khí thải CO2 đưa vào khí quyển – mặc dầu Mỹ là nước có lượng khí thải lớn nhất đưa vào khí quyển. Kinh tế Mỹ chiếm 1/4 GDP toàn thế giới, điều này cũng có nghĩa riêng một mình nước Mỹ gây ra 1/4 hoặc hơn nữa các tác nhân đang làm cho trái đất nóng lên và tầng ozon bị mỏng đi. Việt Nam cũng tham gia nghị định thư Kyoto, Việt Nam sẽ trừng phạt Mỹ như thế nào đây? Cả thế giới xúm lại trừng phạt Mỹ thì may ra có thể!.. Ví dụ như việc Mỹ tháng 5 vừa qua bị loại khỏi Uỷ ban nhân quyền trong ECOSOC của Liên hiệp quốc...

Cơn bão khủng khoảng tài chính châu á tháng 7-1997, về mặt nào đó mà xét, là sự đổ vỡ của một số nền kinh tế “bong bóng”, do nhiều nguyên nhân. Trong những thủ phạm gây ra sự kiện này còn phải nói đến mặt trái của khoa học công nghệ và lối kinh doanh hiện đại trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay.., đến nỗi chỉ cần một lệnh gõ trên bàn phím máy tính nối mạng hoặc chuyền đạt qua một cú điện thoại, là có thể tạo nên một cuộc đầu cơ tài chính, đủ sức tạo ra cú hích đánh đổ nhiều quốc gia! Cái lệnh chết người ấy cực kỳ nhạy cảm, bởi vì khối lượng giao dịch tiền tệ trên thị trường tài chính thế giới năm 1990 mới khoảng gần 700 tỷ USD/ngày, còn bây giờ ở mức khoảng 1500 tỷ USD/ngày[42]. Kinh tế nước ta chỉ nằm ở vùng ngoại vi – nghĩa là không nằm trong vùng mắt bão, thế mà cũng chao đảo vì nó... Có người đang coi kinh tế nước Nhật phảng phất bóng dáng một nền kinh tế bong bóng lớn – nếu điều đó thật sự xảy ra thì sao!?.. Hiện nay khối lượng và trị giá cổ phiếu cùng với cường độ giao dịch cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đang dồn vào công nghệ viễn thông và tin học với tốc độ không thể hiểu được. Phải chăng đây là một hiện tượng đầu cơ quá mức, một quả bong bóng mới? 

Đồng hành với các cơn sốt “sáp nhập” khổng lồ giữa các tập đoàn, hiện tượng đầu cơ quá mức hình như đang hứa hẹn cho ra đời nhiều bong bóng! Quan sát những biến động trên thị trường chứng khoán, còn có thể dự đoán hiện tượng quá trớn này có thể sẽ diễn ra trong công nghiệp sinh học – nhất là từ khi bản đồ gien đã được dựng lên! Kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay không  hiếm các yếu tố sản sinh ra những bong bóng như vậy – đó là những cái trớn tiềm tàng đày thảm hoạ của những bước phát triển, nhất là hình thành nhanh và nổ tung cũng nhanh. Không phải ngẫu nhiên bao nhiêu chất xám – trước hết của các nước phát triển - được tiêu phí để tìm cách ngự tri quá trình này.

Những cái “trớn” này thực chất là những cái bong bóng không thể tránh khỏi, hệ quả nảy sinh trong xử lý mối quan hệ cung – cầu, quy luật của mọi quy luật trong cơ chế thị trường. Những cái bong bóng này tự vỡ hoặc nhập lại thành bong bóng lớn rồi vỡ – tuỳ tình hình phát sinh. Adam Smith gọi đấy là công việc hay sự can thiệp của bàn tay vô hình, Marx coi đấy là hệ quả tất yếu của nhiều mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa tính xã hội của sản xuất và sở hữu tư bản chủ nghĩa, những mâu thuẫn tạo thành quy luật giá trị thặng dư...), J. Schumpeter gọi đấy là “sự phá huỷ sáng tạo”. Trong kinh tế tri thức nếu không có những điều A. Smith, K. Marx và J. Schumpeter chỉ ra, bề mặt trái đất của chúng ta sẽ đầy các loại đống rác mới. Có thể tiếp theo các bãi rác ô-tô, bãi rác các máy và các băng, các đĩa nhựa của công nghệ nghe nhìn, các đồ dùng lâu bền nhưng tính năng trở nên lạc hậu và tốn quá nhiều năng lượng... sẽ là những bãi rác của các máy tính còn mới tinh hoặc chưa dùng nhưng có bộ nhớ quá nhỏ so với đòi hỏi của công việc, các máy văn phòng lỗi thời, các mobilefone chỉ dùng được cho điện thoại và khi sử dụng thì phát sóng tác hại đến cơ thể con người...

Kinh tế tri thức ở giai đoạn hiện nay trên thế giới là một cơ may rất lớn đối với nước ta, cho phép nước ta tăng tốc và tăng chất lượng phát triển trên con đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới khôn lường – không khống chế được sẽ làm tăng thêm khoảng cách tụt hậu của nước ta – nhất là nguy cơ làm ra những sản phẩm chỉ để chất thành đống rác. Xin từng người dân – kể cả các em học sinh (để mà liệu cách học hành), từng doanh nghiệp, từng người cán bộ, nhất là những người tham gia vào hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế đất nước đừng coi thường nguy cơ tạo ra những đống rác này. Ngay bây giờ nền kinh tế nước ta đang ngày một nhiều hàng tồn kho, hàng không cạnh tranh được và những mặt hàng thua lỗ, ngày càng nhiều các khu công nghiệp “rác” (với nghĩa sản xuất các mặt hàng nặng, bẩn, công hệ lạc hậu, hủy hoại môi trường…)  mặc dù đất nước ta hầu như chưa tham gia bao nhiêu vào kinh tế tri thức!

Nhưng cũng xin đừng quên: Kinh tế tri thức cũng chịu tác động chung của mọi quy luật kinh tế, kể cả quy luật lợi suất giảm dần – nhưng ở một dạng khác và trên một vòng xoáy khác. Xem xét trên một góc độ nào đấy, cũng có thể kết luận: Kinh tế tri thức không chỉ có phản hồi dương, mà có khi còn có cả “phản hồi âm” cực kỳ nhạy cảm và quyết liệt, nếu như để cho nền kinh tế đất nước rơi vào “bãy”  của những “cái trớn” được tạo ra từ những sai lầm của con người, từ thông tin không hoàn hảo, từ khuyết tật của thị trường, từ sức ép của những nền kinh tế khác...

Phủ nhận kinh tế tri thức là chết. Coi kinh tế tri thức như một mốt thời trang cũng chết. Đứng ngoài không tham gia nó cũng chết. Tìm cách tham gia nó không được, cũng chết. Tham gia nó nhưng không ngự trị được nó cũng chết. Vậy chỉ còn con đường tìm cách ngự trị nó – như chinh phục một con ngựa hay nhưng bất kham. Mãi mãi qua rồi và xin đừng bao giờ vương vấn cái thời “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!

-         Ta là nước xã hội chủ nghĩa, vậy thì trong kinh tế tri thức tính Đảng và tính giai cấp sẽ như thế nào?
-         Thật ra câu hỏi này về thực chất là hạ thấp vai trò của Đảng, của giai cấp.
-         Sao có thể quy chụp như vậy?
-         Xin trả lời câu hỏi đặt ra bằng một câu hỏi khác: Giả thử dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước khai phá thành công con đường đi vào kinh tế tri thức, giai cấp công nhân đi tiên phong trong sự nghiệp này, vai trò của Đảng, của giai cấp sẽ như thế nào?

Cũng xin nói thêm rằng “công nhân tri thức”  không còn là một khái niệm của tư duy nữa, mà đã trở thành một thực tế trong đời sống và rất khác với “công nhân cơ bắp!.. Thế nhưng.., tại sao cứ phải phân biệt các thuật ngữ mang tính giai cấp như thế để chứng tỏ “có lập trường”?..


4.   Lợi thế cạnh tranh

          Lợi thế so sánh, ví dụ được hiểu như cách minh hoạ của Ricardo về việc nước A có ưu thế về trồng bông nên có thể đem vải của mình  đổi lấy rượu vang của nước B – vì nước B có ưu thế về trồng nho, hoặc được hiểu theo cách chúng ta thường nghĩ hiện nay: Việt Nam có lao động dồi dào, chi phí lao động thấp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nền nông nghiệp nhiệt đới... không nhất thiết còn là một lợi thế nếu nó không thích ứng được trình độ phát triển của kinh tế thế giới ngày nay[43].

Vấn đề không phải chỉ ở chỗ nước A nếu không mua rượu vang của nước B, thì có thể mua ở nước C, nước D, nước E, nước F...với giá cạnh tranh quyết liệt, mà còn vì bây giờ nước A – trong những điều kiện của phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại và trong sự giao lưu kinh tế toàn cầu hoá ngày nay - có thể sản xuất ra nhiều thứ cao siêu hơn nhiều. Ví dụ Iceland, một nước cách đây hai thập kỷ hãy còn chủ yếu sống bằng nghề nhập bauxite từ nước úc ở xa nửa vòng trái đất để luyện thành nhôm bán cho châu Âu, vì Iceland có nguồn thuỷ điện và địa nhiệt điện trời cho rất dồi dào. Nhưng bây giờ thu nhập chính của quốc gia này lại là ngồi ở nhà sản xuất phần mềm cho công nghệ tin học bán khắp cả thế giới.

Vấn đề cũng không phải chỉ ở chỗ chi phí cho lao động đơn giản và nguyên vật liệu trong một sản phẩm công nghiệp chiếm một tỷ lệ ngày càng nhỏ, thậm chí rất nhỏ, trong giá thành; mà còn ở chỗ: Trong nền kinh tế toàn cầu hoá ngày nay nay, đặc biệt là nhờ sự phát triển của giao thông vận tải, viễn thông và lưu lượng khổng lồ các dòng chảy của vốn, người ta có thể sản xuất bất kể ở đâu thứ gì nếu có lãi... Các nước phát triển đều có chi phí về lao động rất cao trong giá thành sản phẩm, thế nhưng hiện nay trên 3/4 đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)  của toàn thế giới lại dồn vào những nước phát triển; chỉ 1/4 còn lại chảy vào toàn bộ các nước đang phát triển – trong đó 1/4 vào Trung Quốc[44] (có năm Trung Quốc chiếm tới gần 1/2). Giá lao động ở Thái Lan hiện nay đắt gấp 3 – 4 lần so với nước ta, nhưng FDI vào đây vẫn nhiều hơn nước ta, lẽ đơn giản là sức cạnh tranh của Thái Lan mạnh hơn của nước ta...

Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đưa tin
-         năm n quốc gia A có một hai nghìn doanh nghiệp phá sản, và hiện tượng này thường được dùng để chứng minh mặt trái của chủ nghĩa tư bản,
-         quốc gia B có hàng trăm vụ doanh nghiệp lớn thôn tính các doanh nghiệp nhỏ, bằng chứng rành rành của hiện tượng cá lớn nuốt cá bé và tính tiêu cực của nền kinh tế tư bản...
-         vân... vân...

Đúng là như vậy, song đấy mới chỉ là sự thực một nửa, nửa trái của sự thực[45] . Còn nửa phải của sự thực là: bất kể một cường quốc tư bản nào, dù là Mỹ, nếu hàng năm không có hàng trăm hay hàng nghìn doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế nước đó sụp đổ. Nhìn lại, 8 năm qua là thời kỳ nước Mỹ dưới thời Clinton có nhiều doanh nghiệp phá sản nhất – đương nhiên chủ yếu do thua kém trong cạnh tranh, có nhiều vụ sáp nhập nhất, thậm chí nhiều vụ sáp nhập khổng lồ... Song chính nhờ loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém và hình thành những doanh nghiệp mạnh, những tập đoàn mới mạnh, nên trong thời kỳ này kinh tế Mỹ đạt được tăng trưởng và phát triển cao nhất kể từ sau chiến tranh thế giới II. Đây cũng là thời kỳ dân Mỹ nhìn chung có thu nhập ổn định nhất so với mấy thập kỷ trước đó. Nửa phải này của sự thực không là cái gì khác ngoài việc Mỹ nhờ lợi thế về khoa học, công nghệ và vốn – bao gồm cả khả năng thu hút vốn từ bên ngoài[46] - trong 8 năm này Mỹ đã phát huy tốt nhất lợi thế cạnh tranh của mình so với các đối thủ Tây Âu và Nhật. Chúng ta đã chứng kiến: trong 8 năm này Mỹ mạnh lên, trong khi đó 2 đối thủ chủ yếu của Mỹ đang phải ra sức tự củng cố lại mình.

Để bạn đọc có thể quan sát hiện tượng vừa trình bày trên, xin nêu ra đây một vài ý chính trong bài “Sáp nhập – mua lại, phương tiện phá của sự huỷ sáng tạo” của Frédérique Sachwald đăng trong tạp chí RAMSES[47] số ra năm 2001:

...Phá sản là việc giải thể các doanh nghiệp thua lỗ, nói nôm na là xoá xổ. Sáp nhập thường là việc một xí nghiệp hay một tập đoàn mạnh mua lại dưới nhiều hình thức một xí nghiệp hay một tập đoàn yếu - phổ biến nhất là dưới dạng mua lại các cổ phiếu. Sáp nhập còn diễn ra dưới hình thức một số xí nghiệp hay tập đoàn nhập lại với nhau thành một xí nghiệp hay tập đoàn mới. Động cơ quyết định nhất là để tăng sức cạnh tranh, mở rộng hoặc chiếm thị trường mới...

Nhìn lại xuốt thế kỷ 20 các đợt phá sản hay sáp nhập ở các nước công nghiệp xảy ra thường xuyên, nhưng có những thời điểm rộ lên bất thường. Tại Mỹ 100 năm qua có ba đợt sáp nhập rộ lên, cả ba đợt đều gắn với các bước phát triển nhảy vọt của khoa học và công nghệ và các làn sóng mới của quá trình toàn cầu hoá, Làn sóng sáp nhập ở Mỹ những năm vừa qua mạnh nhất và gắn liền với cuộc cách mạng tin học[48]. Tại các nước công nghiệp Tây Âu cũng quan sát thấy hiện tượng tương tự. Đặc biệt là đợt sáp nhập cuối thế kỷ 20 có quy mô và cường độ lớn nhất ở tất cả các nước phát triển. Riêng trong năm 1999 tổng giá trị các cuộc sáp nhập trên toàn thế giới đạt mức kỷ lục là 3435 tỷ USD – nghĩa là tăng hơn 30% so với năm 1998; trong đó Mỹ có gần 1000 cuộc sáp nhập với tổng giá trị gần 800 tỷ USD (tương đương với 8% GDP Mỹ năm 1999). Cũng năm 1999, tổng giá trị các cuộc sáp nhập ở các nước công nghiệp Tây Âu gần 600 tỷ USD[49], còn lại là Nhật, úc và các nước NICs. Các cuộc sáp nhập trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2000 đạt 1882 tỷ USD (nguồn Thomson Financial Cicurities). Đương nhiên phần lớn các cuộc sáp nhập là đa quốc gia. Có một thời vào những năm của hai thập kỷ 1970 và 1980 rộ lên các tập đoàn Nhật đi “mua” các tập đoàn của Mỹ và Tây Âu, xu thế bây giờ là ngược lại.

Điều đáng lưu ý các cuộc sáp nhập này đôi khi cho ra đời các tập đoàn có tên gọi mới, ví dụ như tập đoàn Ciba sát nhập với Sandoz năm 1996 để thành tập đoàn Novatis với ban lãnh đạo mới, cách tổ chức và hoạt động mới. Năm 2000 Novatis lại liên doanh với Astrazeneca trong tập đoàn  Syntega. Nhưng cũng có các hình thức sáp nhập, trong đó tập đoàn nào vẫn giữ nguyên tên tập đoàn đó, ví dụ như Renault mua lại 36,8% vốn của Nissan, song quyền kiểm soát Nissan thuộc về Renault – nguyên do chính là khả năng cạnh tranh của Nissan ngày càng không đáp ứng cách bán hàng trong lối kinh doanh hiện đại[50]...

...

Một vấn đề không thể bỏ qua là trong làn sóng phá sản, sáp nhập vừa trình bày, nguy cơ độc quyền và lũng đoạn của độc quyền tăng lên. Microsoft là một ví dụ mà cho đến nay luật pháp của Mỹ tạm thời bất lực, đến mức bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ Larry Summer đưa ra ý kiến thoả hiệp: Hay là đành chấp nhận sự độc quyền tự nhiên?

Lập luận của Summer là: Nếu không thừa nhận độc quyền tự nhiên (ví dụ trường hợp Microsoft), thì giá bán sản phẩm có thể sẽ rất gần chi phí cận biên, nghĩa là sẽ không có hoặc không còn nhiều tiền chi phí rất cao cho R&D, tiến bộ công nghệ và tiến bộ kinh tế sẽ chậm lại hoặc tụt lùi, động lực thúc đảy kinh tế dựa và tri thức sẽ bị kìm hãm... Song ý kiến này hiện đang bị nhiều người ở Mỹ tiếp tục chống lại. Đại diện cho phe chống là ý kiến của Joel Klein, vụ trưởng Vụ chống độc quyền trong Bộ Tư pháp Mỹ: Độc quyền của Microsoft không phải là độc quyền tự nhiên, trên thực tế chẳng qua Microsoft đã biết phát triển hệ thống kinh doanh của mình theo cách gây khó khăn tối đa cho các đối thủ của nó trong việc mở rộng sự tham gia vào thị trường phần mềm... Nghĩa là cùng một sự việc, L. Summer gọi là A, còn J. Klein gọi là B! Lập luận của cả hai bên đều chắc nịch.

Hiển nhiên, ví dụ nêu trên cho thấy kinh tế tri thức luôn luôn đẻ ra nhiều vấn đên rắc rối mới. Tuy vậy toà án Mỹ đã thành công trong việc cấm một số vụ sáp nhập lớn, điển hình là việc chấp thuận quyết định của Uỷ ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission) bác bỏ đề nghị của công ty Air Product (Mỹ) và Air Liquide (Pháp) mua công ty hơi đốt công nghiệp BOC (Anh).

Hệ quả của độc quyền là luôn luôn đẻ ra nguy cơ phá vỡ sự kiểm soát của chính phủ, lũng đoạn và làm mất cân bằng kinh tế vỹ mô, uy hiếp công ty nhỏ hơn và làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng. Kinh tế tri thức trong quá trình toàn cầu hoá ngày nay tự nó gây ra những “bong bóng”; đồng thời độc quyền và lũng đoạn  cũng tham gia tích cực thúc đẩy xu hướng này, hoặc tự nó đẻ ra các bong bóng lớn. Các nước nghèo và chậm phát triển thường là những nạn nhân ít khả năng nhất trong việc chống trả những tai hoạ này.

Tổng hợp lại, các cuộc sáp nhập chủ yếu nhằm 5 mục đích sau đây:
-         (1)  Nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tạo sức mạnh cộng hưởng[51].
-         (2)  Không phải là sáp nhập hàng ngang hay hàng dọc, mà là đa dạng hoá sản phẩm, phát triển liên kết theo mạng.
-         (3)  San xẻ rủi ro ngày càng lớn và khó đoán trước.
-         (4)  Tìm cách thoát khỏi tình trạng bão hoà cung vượt cầu xảy ra với tần suất và cường độ ngày một cao hơn trong nhiều loại sản phẩm, đồng thời mạo hiểm đi vào những cơ hội lớn hơn do yêu cầu phát triển mới[52].
-         (5)  Tăng thêm sức năng động tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế để khai thác hay đối phó với cả 4 điểm trên.

Từ đó phải chăng có thể đi tới hai kết luận:
-         (a) kinh tế tri thức trong quá trình toàn cầu hoá ở nấc thang hiện nay đang tạo ra một cuộc cách mạng trong tư duy chiến lược và trong phương thức kinh doanh[53], với sự cạnh tranh quyết liệt chưa hề có, mang lại những khối lợi nhuận lớn, đồng thời gắn với những nguy cơ rủi ro ở mức kỷ lục, xẩy ra nhiều diễn biến bất thường[54];
-         (b) tính nhạy cảm và dễ bị chấn thương của từng doanh nghiệp, từng tập đoàn, thậm chí của cả một quốc gia tăng lên cùng với cường độ của cuộc cách mạng ấy – nghĩa là bất chấp tính phụ thuộc toàn cầu tăng lên, sự sát phạt nhau cũng ngày một quyết liệt hơn.

Vì vậy, trong kinh tế tri thức của thế giới toàn cầu hoá ngày nay, lẽ sống còn của mọi quốc gia là tìm cách nâng cao lợi thế cạnh tranh.

Loại bỏ hay đổi mới những bộ phận kinh tế yếu kém, đi tìm và phát huy những sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh tốt hơn, thích nghi với mọi phương thức kinh doanh mới - đấy là những đòi hỏi bắt buộc đang đặt ra cho mọi quốc gia. Đó là trạng thái thường xuyên tìm cách đi nhanh hơn, tìm cách thường xuyên đi các bước trước so với các đối thủ của mình.

Những đòi hỏi bắt buộc này còn đặt ra biết bao nhiêu gánh nặng trên những phương diện kinh tế, xã hội, văn hoá và thể chế quốc gia, thách thức phải đổi mới toàn diện đất nước... Không phải ngẫu nhiên những cuộc cải cách trên nhiều phương diện và với sự thành, bại khác nhau đã và đang diễn ra liên tục ở tất cả các nước phát triển từ một nửa thế kỷ nay. Đối với các nước đang phát triển, những đòi hỏi bắt buộc này càng gay gắt và quyết liệt hơn.

Nhìn xa vào lịch sử, cạnh tranh và tạo ra lợi thế cạnh tranh ở quy mô toàn cầu tăng lên cùng với quá trình toàn cầu hoá, phương thức tạo ra lợi thế cạnh tranh và hình thức cạnh tranh  là do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và so sánh lực lượng toàn cầu quyết định. Trong quá trình này, ở quy mô toàn cầu, đã xảy ra hai thảm hoạ lớn nhất là chiến tranh thế giới I và chiến tranh thế giới II. Các sử gia gọi đấy là hai bước thụt lùi lớn nhất (the two biggest backlashes) của quá trình toàn cầu hoá cho đến nay. Đi trước hai thảm hoạ này là các thảm hoạ nhỏ hơn, các cuộc chiến tranh chiếm thuộc địa – trong đó nước ta đã từng là nạn nhân. Cần nêu lại lịch sử như vậy để thấy sâu hơn mặt trái của toàn cầu hoá - một quá trình tiếp tục tăng lên không ngừng theo cùng một nhịp với quá trình phát triển của lực lượng sản xuất.

Trật tự thế giới có nhiều trung tâm và phụ thuộc toàn cầu đang diễn ra ngày nay  - nói một cách khác là phương thức tạo ra lợi thế cạnh tranh và hình thức cạnh tranh trên thế giới ngày nay – cũng chính là do trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và so sánh lực lượng ở quy mô toàn cầu ngày nay chi phối. Toàn cầu hoá là như vậy. Kinh tế tri thức không làm cho sự vận động này của sự vật (toàn cầu hoá) biến mất, mà chỉ tạo thêm tác động mới vào quá trình đang diễn ra của sự vật.

Kết luận đơn giản có thể rút ra cho nước ta là: Trong thế giới toàn cầu hoá ngày nay, là nước đi sau, nếu không sớm phát triển được kinh tế để trở thành một quốc gia cường thịnh, sau khi giành được độc lập và thống nhất, đất nước ta vẫn đứng trước nguy cơ có thể là nạn nhân của một backlash dạng mới nào đó, một backlash của lạc lõng trong quá trình phát triển của thế giới, mặc dù chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới đã vĩnh viễn ra đi rồi. Ngay trước mắt, ai dám đánh giá thấp hệ quả sự xâm thực của những hàng hoá và dịch vụ mang nhãn hiệu nước ngoài đối với một nền kinh tế yếu kém? Giao lưu kinh tế là tất yếu, nhưng nếu vì bất lực để cho sự giao lưu này trở thành nợ nần chồng chất, bãi rác và ách tắc, nghĩa là trở thành cuộc xâm thực ngự trị nền kinh tế nước mình, thì có khác gì sự xâm thực của chủ nghĩa thực dân cách đây một hai thế kỷ? Phải nhìn mặt trái của toàn cầu hoá tới mức độ sát phạt như vậy. Song rút lui về nền kinh tế tự cung tự cấp khép kín, hoặc hội nhập nhưng lại không có đủ khả năng và bản lĩnh hội nhập thắng lợi vào quá trình toàn cầu hoá của kinh tế thế giới, số phận trở thành nạn nhân của một backlash dạng mới nào đó đối với nước ta sẽ là định mệnh không tránh được. Kịch bản này nước ta nhất thiết phải xoá bỏ ngay từ đầu. Những điều vừa trình bày có nghĩa: Nước ta phải tạo ra khả năng và bản lĩnh hội nhập quyết liệt vào nền kinh tế thế giới toàn cầu hoá, đồng thời đấu tranh quyết liệt chống lại những mặt tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa, mọi việc bắt đầu từ một thể chế chính trị giải phóng mọi năng lượng quốc gia cho sự nghiệp này.

Xin đặc biệt lưu ý: Đối với nước ta, từ vận dụng lợi thế so sánh chuyển sang vận dụng lợi thế cạnh tranh, công cuộc đổi mới Đảng ta đã đề xướng ra cách đây 15 năm ngày nay phải được nâng lên một tầm cao mới, phải được thúc đẩy thực hiện với tri thức và quyết tâm chính trị mới, để nước ta sẽ không tụt hậu xa hơn nữa, và còn để nước ta có khả năng thu hẹp dần khoảng cách phát triển. Xin nhấn mạnh, so ngay với một số nước trong vùng nước ta đang có khoảng cách tụt hậu khá xa rồi, nghĩa là không còn nguy cơ tụt hậu nữa. Còn muốn nói về nguy cơ thì phải nói: Nước ta đang có nguy cơ tụt hậu xa hơn! Hoặc là phải nói: nguy cơ trở thành nạn nhân của một backlash dạng mới nào đó của lạc lõng!

Lý lẽ cũng đơn giản: Không phải chỉ vì các nước công nghiệp phát triển đã lợi thế lại càng lợi thế, mà còn vì cạnh tranh giữa nước ta và các nước đang phát triển cũng ngày càng quyết liệt hơn. Mức độ mở cửa nền kinh tế – được đo bằng chỉ số phát triển ngoại thương – của các nước đang phát triển trên toàn thế giới năm 1985 là 22,8% GDP, năm 1997 là 38%. Cũng trong khoảng thời gian này (1985 và 1997) tỷ trọng kim ngạch mậu dịch của các nước đang phát triển từ 23% kim ngạch mậu dịch toàn thế giới  tăng lên 30%;  tỷ trọng hàng công nghiệp trong xuất khẩu của các nước đang phát triển từ 47% tăng lên 70% và hiện nay chiếm khoảng 25% hàng công nghiệp xuất khẩu của cả thế giới (những năm trong thập kỷ 1970 chưa đạt tới 7% của cả thế giới); FDI thu hút được khoảng gần 100 tỷ USD năm 1985 tăng lên gần 200 tỷ USD năm 1997 (nguồn WTO và IMF 1998)... Nghĩa là hiện nay, nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển có sức phát triển năng động hơn so với nền kinh tế nước ta (xin mở sách thống kê của ta để so sánh các chỉ tiêu này). Trên thế giới chỉ ở khu vực châu Phi da đen có một số nước đi ngược lại xu thế phát triển vừa trình bày!

Còn một cách đo khác nữa làm rõ thêm sự quyết liệt trong vấn đề nâng cao khả năng cạnh tranh:

Theo giá thị trường thế giới năm 2000 cho các mặt hàng cùng một mức chất lượng, giá xuất khẩu sản phẩm của ta hầu như đều thấp hơn – chủ yếu chỉ vì phương thức và khả năng kinh doanh của ta kém hơn[55]. Hạt tiêu giá thế giới là 4145 USD/tấn, ta chỉ bán được 3569 USD; cà phê là 915 USD ta chỉ bán được 701 USD; cao su là 680 USD, ta chỉ bán được 608 USD; gạo là 201 USD, ta chỉ bán được 184USD... Riêng một mặt hàng cà phê năm 2000 ta thiệt hại về giá tới 8000tỷ VNĐ - chỉ một con số này đủ làm cho người có ý thức ăn không ngon, ngủ không yên. Cạnh tranh trên thế giới mạnh được yếu thua là như vậy.

Trách nhiệm xử lý những đòi hỏi bắt buộc này để tạo ra hay nâng cao lợi thế cạnh tranh thuộc về ai?

Câu trả lời tối ưu nhất, chỉ có thể là: Nhà nước, doanh nghiệp và từng công dân – nghĩa là thuộc về tất cả, nhưng vẫn phải nói rạch ròi từng chủ thể như vậy.

Bởi vì trong mục đích chung tạo ra lợi thế cạnh tranh cho đất nước mình, mỗi chủ thể này có vai trò và trách nhiệm riêng - không thể thoái thác, không thể bao biện ôm đồm, không thể ban cho, không thể đùn đẩy cho nhau. Vấn đề phân vai rạch ròi như vậy xưa nay luôn luôn bức xúc trong nền kinh tế phát triển; trong  kinh tế tri thức với mức độ toàn cầu hoá của thế giới ngày nay sự phân vai đúng đắn càng trở nên bức xúc hơn.

Chiến lược của nhà nước, chiến lược của doanh nghiệp, kỹ năng của từng công dân là những thành tố gắn bó hữu cơ với nhau để tạo ra được lợi thế cạnh tranh mới. Chỉ riêng một điểm này cũng đủ cho thấy tri thức là nguồn tài nguyên quyết định nhất.


Về vai trò Nhà nước:

Trong kinh tế dựa vào tri thức, nghĩa là kinh tế dựa vào sự hiểu biết, nhiệm vụ cốt lõi của Nhà nước là thông qua phát huy tự do, dân chủ làm cho từng công dân của mình, từng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và toàn xã hội có khả năng nắm bắt, vận dụng và sáng tạo tri thức, làm cho tri thức trở thành nguồn tài nguyên và phương tiện quyết định nhất sáng tạo ra của cải phong phú và những giá trị đem lại tự do hạnh phúc cho từng công dân, nâng cao văn minh của toàn xã hội, củng cố sự giàu mạnh của đất nước. Trong  khi làm nhiệm vụ này, dù tự do dân chủ được phát huy như thế nào, Nhà nước vẫn không thể trốn tránh nhiệm vụ của mình làm bà đỡ cho mọi nỗ lực của từng doanh nghiệp và từng công dân nước mình chiếm lấy lợi thế cạnh tranh mới, làm trọng tài trong cuộc đua tranh giữa các doanh nghiệp và các công dân của nước mình, đồng thời làm nhiệm vụ hậu thuẫn cho các doanh nghiệp và công dân của nước mình trong tìm đường đi vào sản phẩm mới và trong đua tranh với thế giới bên ngoài. Điều này còn có nghĩa Nhà nước không đi quá những nhiệm vụ chủ chốt ấy, không nhẩy vào các sân chơi của các doanh nghiệp, không làm gì khác với chức năng cung cấp những dịch vụ công mà công dân thuê Nhà nước thực hiện bằng tiền đóng thuế của mình.

Nhiệm vụ không thể thoái thác được của Nhà nước là xây dựng chiến lược kinh tế vỹ mô của quốc gia và tạo ra các nhân tố thực hiện, trước hết là việc thực hiện tổng hợp của cả 3 nhiệm vụ chủ chốt nói trên (bà đỡ cho cái mới ra đời, trọng tài, hậu thuẫn). Một thách thức lớn thường xuyên đặt ra cho các chính phủ là các cuộc cách mạng công nghệ thường đi liền với hiện tượng xảy ra các “bong bóng tài chính”  hoặc các “tai hoạ kinh tế” do trong nước gây ra hay bên ngoài tác động vào - đại thể diễn ra dưới hình thức những cái “trớn” như đã trình bày ở cuối điểm 3 (3. Quy luật lợi suất giảm dần và kinh tế tri thức)- với những hệ quả khác nhau. Những bong bóng và tai hoạ này đã góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á tháng 7-1997, hoặc đang đảy nước Nhật vào tình trạng phát triển suy giảm chưa có lối ra sáng sủa từ gần một thập kỷ nay[56]. Thực tế này đang đòi hỏi nhiều nước phải tiến hành những cải cách vỹ mô rất sâu sắc. Điều cần nói ở đây là các thuyết về phi điều tiết hay giải điều tiết (deregulation) của trường phái tân cổ điển – trong đó phái cực đoan nhất chủ trương tự do cạnh tranh tuyệt đối và phủ nhận hoàn toàn vai trò Nhà nước - được kiểm nghiệm trong thực tế là không đúng. Nhưng đồng thời cũng phải lưu ý: Bảo thủ lại là căn bệnh chung nhất của Tây Âu và Nhật trong hai thập kỷ vừa qua dã dẫn tới sự tụt hậu của họ so với Mỹ trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20.

Cũng có người nói Nhà nước ngày càng “nhỏ lại”, hoặc quyền lực nhà nước ngày càng bị “thu hẹp”. Song điều được đa số ý kiến thừa nhận là: Vai trò Nhà nước có nhiều thay đổi lớn và trở nên đặc biệt quan trọng trên một số phương diện mới trong kinh tế tri thức của thế giới toàn cầu hoá ngày nay – thể hiện qua những đòi hỏi mới trong thực hiện 3 nhiệm vụ chủ chốt nói trên mà không phải lúc nào các chính phủ cũng tìm ra được các phương sách đúng.

Cũng đừng ảo tưởng tin rằng trong kinh tế tri thức của thế giới toàn cầu hoá công bằng và văn minh sẽ tự nó từ trên trời rơi xuống như một sản phẩm tất yếu. Trước sau không bao giờ có công bằng và văn minh cho không. Trước sau đó vẫn là những mục tiêu, là lý tưởng phải phấn đấu hoặc trả giá để giành lấy. Song phải thừa nhận ở hầu hết các nước phát triển hệ thống làm việc của bộ máy nhà nước thường xuyên thay đổi để thích nghi với những bước phát triển mới trong kinh tế tri thức của thế giiới toàn cầu hoá. Đấy là quá trình cải cách hành chính diễn ra liên tục suốt nửa thế kỷ vừa qua tại hầu hết các nước phát triển – thành công nhiều, thành công ít hơn, hoặc không mấy thành công, tuỳ hoàn cảnh và đặc thù của mỗi nước...[57]

Đương nhiên Nhà nước còn nhiều nhiệm vụ khác, song ở đây bàn về kinh tế tri thức, nên cần nhấn mạnh đến những nhiệm vụ chủ chốt này mà không doanh nghiệp hay công dân nào làm thay được. Không một nhà nước nào không mang tính giai cấp. Song đồng thời phải nhấn mạnh rằng trong sự phát triển của văn minh nhân loại ở nấc thang hiện tại - cụ thể ở đây là ở thời kỳ kinh tế tri thức toàn cầu hoá ngày càng phát triển – Nhà nước của một quốc gia dù mang thuộc tính giai cấp gì đi nữa, nếu đứng ngoài xu thế phát triển chung, chắc chắn sẽ bị xu thế này loại bỏ. Việc các quốc gia hoặc các thế lực các nhóm quốc gia dùng mọi thủ đoạn kinh  tế, chính trị, quân sự... để loại bỏ nhau không được bỏ quên, nhưng thuộc phạm trù khác, nên không bàn tới tại đây.


Về vai trò doanh nghiệp

Cọ sát với mọi sản phẩm của cả thế giới trước hết là xí nghiệp (được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các công ty, các tập tập đoàn, các tổng công ty...), quyết định lựa chọn chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm của mình cũng không ai có thể làm tốt hơn  hay làm thay doanh nghiệp. Nói theo ngôn ngữ quân sự, doanh nghiệp là quân chủ lực và lực lượng tác chiến trực tiếp của một nước trong kinh tế toàn cầu hoá. Kinh tế dựa vào tri thức làm cho nhiệm vụ này của doanh nghiệp nặng nề thêm, gần như là làm một cuộc cách mạng thường xuyên về đổi mới sản phẩm và đổi mới phương thức kinh doanh ngay trong nước và trên thế giới[58]. Các phần trình bày trên ít nhiều đã lý giải thực tế này.

Dưới đây xin nêu thêm một số khía cạnh khác.

Thông tin thực sự trở thành nguồn lực quyết định nhất đo sức mạnh của doanh nghiệp, đồng thời quyết định chiến lược và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu như trước đây chiến lược của doanh nghiệp thường dành mọi ưu tiên nhằm vào sản phẩm và thị trường đang có, thì ưu tiên ngày nay phải dành vào tương lai. Bởi vì cái đang sản xuất và thị trường đang có không còn quan trọng nữa, hai thứ này đang thay đổi, có tuổi thọ ngày càng ngắn, không đi trước vào tương lai, lợi thế cạnh tranh hiện có mạnh đến đâu cũng sớm trở nên vô nghiã. Doanh nghiệp không được và không nên chỉ xem xét mình có thể làm ra cái gì, mà luôn luôn xem xét thị trường sẽ cần gì, chiếm thị phần cho cái thị trường “sẽ cần” ấy như thế nào, thậm chí có khi dồn mọi năng lượng chủ động tác động vào việc tạo ra hay hình thành cái “cầu” mới (new demand) của thị trường như cách kinh doanh của Microsoft. Kiểu “kích cầu” như vậy mới thực sự là vấn đề các doanh nghiệp phải dốc hết tâm sức của mình thực hiện. Khái niệm “kích cầu” như vậy với nội dung cốt lõi là tạo thị trường mới, chiếm thị trường mới với thị phần ngày càng lớn khác hẳn với khái niệm kích cầu của Keynes theo cách tăng chi ngân sách và không có gì đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp nhà nước ta đang yêu cầu chính phủ cấp thêm vốn.

Xin minh hoạ bằng một vài ví dụ. Khi giải băng (bandwidth) ngày càng rộng  trên mạng, khả năng chuyển tải thông tin trên mạng ngày càng lớn, nhiều doanh nghiệp đã phải đi trước một bước để tạo ra khả năng mới, làm ra sản phẩm mới và chiếm trước thị phần có thể chiếm, ví dụ:
-         điện thoại di động kiêm chức năng máy tính nối người sử dụng với máy chủ và các đối tác khác trên mạng lập tức ra đời – vì nó đã được chuẩn bị từ trước;
-         Electrolux từ chỗ sản xuất máy giặt để bán, ngay lập tức phát triển thêm dịch vụ cho thuê máy giặt[59];
-         nhiều hãng xe hơi nổi tiếng – nhất là các chi nhánh của chúng, phát huy ngay cách quản trị và sản xuất không có kho[60];
-         cấu trúc lại tổ chức doanh nghiệp theo mô hình mạng; vì mô hình này tỏ ra có nhiều khả năng hơn trong việc phát hiện những sai lầm của con người, sự không hoàn hảo của thông tin, khuyết tật của thị trường.., nhờ đó nhanh nhạy hơn, tạo ra sức mạnh tổng hợp và sức cạnh tranh tốt hơn.
-         Vân... vân...

Trái  với phương thức mạng, mô hình Ford / Taylor trước đây được tổ chức theo tuyến và theo thứ cấp từ trên xuống. Mô hình này từ những thập kỷ 1960 – 1970 dần dần trở nên lạc hậu và đã góp phần đẩy nhiều nước công nghiệp phát triển vào trạng thái trì trệ, thể hiện rõ nét nhất qua các đợt suy thoái trong những năm 1970[61]. Có thể nói một cách hình ảnh: Khác hẳn với phương thức “Ford – Taylor”, phương thức mạng đòi hỏi cái đầu ở mối đơn vị thành viên trong mạng phải động não nhiều hơn, đồng thời phải tự chủ, tự quyết đoán và tự chịu trách nhiệm. Các đơn vị tham gia mạng vừa phải nâng cao năng lực của chính mình, vừa phải biết cách triển khai các phương thức kinh doanh B2B và B2C[62].

Trong kinh tế tri thức, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp là tích tụ thông tin và tăng cường khả năng thực hiện R&D, giành bước đi trước. Thời gian và tốc độ trở thành yếu tố trực tiếp quyết định thắng, bại. Chính vì tập trung thông tin và năng lực R&D nhằm luôn luôn tạo ra bước đi trước các đối thủ, Microsoft đã giành được cái gọi là thế độc quyền tự nhiên. Trong khi đó không thiếu các tập đoàn lừng lẫy ở Mỹ bị xoá sổ, dẫn chứng là 12 tập đoàn hàng đầu của Mỹ được thành lập đầu thế kỷ này, ngày nay chỉ còn tồn tại một mình General Electric (GE), nhưng là một GE hoàn toàn khác xưa![63] Song hiện nay GE cũng đang tìm cách sáp nhập với một bạn đời nào đó, và kế hoạch này đang bị Tây Âu chống lại quyết liệt... Như đã trình bày, hàng năm tại các nước công nghiệp phát triển và NICs có hàng ngàn xí nghiệp nhỏ và nhiều tập đoàn phá sản hoặc bị thôn tính, sáp nhập... chính là vì rớt trong cuộc đua này với thế giới bên ngoài, rớt ngay trong cạnh tranh trong nước giữa họ với nhau, rớt vì sự thao túng và thế lực ngày càng mạnh của các tập đoàn tài chính xuyên quốc gia... Trong kinh tế tri thức của thế giới toàn cầu hoá,  thực tế này vẫn giữ nguyên chất tính ác liệt của nó... Nếu gọi hiện tượng này là sự thường xuyên thay da đổi thịt tất yếu để phát triển của một cơ thể sống ... –  có lẽ cũng không có gì là quá đáng. Vân... vân...

          Không thể vin vào cớ nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên các doanh nghiệp của ta – dù là quốc doanh hay dân doanh - không cần có những đức tính hay thái độ ứng xử nói trên. Lẽ đơn giản là - như các nhà thông thái thường cảnh báo chúng ta: Tự nhiên không có hoặc rất ghét khoảng chân không! Định hướng xã hội chủ nghĩa có thể xem xét ở những mặt khác, trước hết ví dụ như mặt phân phối lại, mặt dân chủ và công bằng xã hội... Nhưng trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện nay, lại được tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy, nếu doanh nghiệp quốc doanh hay dân doanh của bạn, dù có treo thật nhiều cờ Đảng và cờ Tổ quốc, nhưng sản phẩm của nó không cạnh tranh được ngay cả trên thị trường trong nước, sẽ không một sức mạnh chuyên chính nào có thể đem lại cho nó một tương lai tốt đẹp. Tương lai của doanh nghiệp bạn sẽ chỉ là: Hoặc sống trên sự lụn bại của nền kinh tế đất nước, hoặc bị xoá xổ. Xin mời bạn ra xem một cửa hàng nào đó gần nhà bạn nhất, hoặc đến một cái chợ nào đó ở vùng sâu vùng xa heo hút nhất trên đất nước ta, chắc bạn không thể thờ ơ khi thấy biết bao nhiêu hàng lậu, hàng ngoại từ Trung Quốc đập vào mắt bạn.., mà đấy mới chỉ toàn là những mặt hàng “tồi”. Còn các doanh nghiệp của chúng ta sẽ cạnh tranh ra sao trong thị trường các mặt hàng cao cấp hơn?

          Tại bất kỳ quốc gia nào ngày nay, doanh nghiệp đều đứng trước đòi hỏi “đổi mới hay là chết!” Đồng thời nó phải tham gia ngày một nhiều vào các công việc chung của toàn xã hội có liên quan đến sự tồn tại và phát triển của chính bản thân nó. Nó không những phải làm phần việc nghiên cứu và triển khai (R&D  - Research and Developement) cho hoạt động của chính nó, mà còn phải tham gia vào phát triển khả năng R&D của toàn xã hội, lôi cuốn toàn xã hội tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, tham gia vào mọi việc làm cho guồng máy hành chính cùng với hệ thống luật pháp của đất nước và mọi hoạt động của xã hội cuối cùng ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế đất nước,  tham gia vào phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống lịch sử của dân tộc làm nền tảng cho sự phát triển này.

Cấu trúc kinh tế ngày càng thay đổi, bản thân các doanh nghiệp cũng thường xuyên phải đổi mới hoặc thậm chí chuyển hướng hoạt động của mình, quá trình này đẻ ra biết bao nhiêu hệ quả xã hội như thất nghiệp, thay đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, đổi mới hệ thống giáo dục, cải tiến hệ thống an sinh, vân... vân... Doanh nghiệp trong một quốc gia hiện đại không thể thoái thác phần tham gia của mình vào việc xử lý những vấn đề này, dù là dưới chế độ chính rị nào...

Các hiệp hội, các liên kết hay câu kết thành mạng giữa họ với nhau là những tổ chức quan trọng không thể thiếu được của họ trong tồn tại và phát triển. Họ còn lôi cuốn được sự tham gia tích cực của các trường, viện, các tổ chức nghiên cứu để có thêm chất xám trong cạnh tranh quyết liệt. Cũng xin nói ngay, ở nước ta các hiệp hội như vậy của các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu như thế... cũng có mặt đày đủ, chỉ khác một điều là những thứ này ở nước ta, nhìn chung vừa bị hành chính hoá vừa kém năng lực hoạt động, nên chúng là những vật nặng chất thêm lên cỗ xe kinh tế của nước ta nhiều hơn là những bộ phận thúc đảy cỗ xe này vận hành – người viết xin lỗi, nếu nhận xét này bị coi là “vơ đũa cả nắm”.

Coi thái độ ứng xử nói trên của doanh nghiệp là thành quả của văn minh cũng được, song còn có một lẽ đơn giản hơn nhiều: không có một môi trường như thế doanh nghiệp không thể phát huy lợi thế cạnh tranh của mình trong thời buổi bây giờ. Một ví dụ điển hình: Từ lúc còn là một sinh viên còn học chưa học xong đại học, Bill Gates lập ra Microsoft năm 1975. Và hầu như tay trắng, trong vòng chưa đầy 3 thập kỷ đã làm nên một tài sản trên 100 tỷ USD. Điều này chỉ có thể xảy ra trong môi trường kinh tế, xã hội và văn hoá kinh doanh ở nước Mỹ và khai thác được xu thế tiến triển của kinh tế thế giới. Nghĩa là chuyện này đòi hỏi phải có một Bill Gates và một môi trường như thế –  nó không thể xảy ra ở môt nơi không có một Bill Gates như vậy và thiếu một môi trường như vậy.. Đương nhiên, khi phải tham gia vào các nhiệm vụ chung trong toàn bộ nền kinh tế và xã hội, không ông chủ nào tự giác làm nhỏ túi tiền của mình để trích ra chi cho các việc của lợi ích công cộng. Phải có bàn tay thúc đảy hay can thiệp của hệ thống lụât pháp, của nhà nước và của xã hội – nhiều khi sự việc diễn ra dưới những hình thức đấu tranh quyết liệt. Quan trọng hơn nữa đất nước phải được dẫn dắt bởi những giá trị thúc đẩy sự phát triển.

Trong kinh tế tri thức toàn cầu hoá ngày nay, quy luật những hệ quả không dự định (tuỳ tường trường hợp có thể là tốt, có thể là xấu) theo lý thuyết bàn tay vô hình của Adam Smith có tính năng động mới, cần tự giác khai thác theo hướng có lợi cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt cho phát triển con người.

Ví dụ 1: Khi nghĩ đến đảy mạnh vận dụng công nghệ tin học (IT), nhà kinh doanh thực ra chỉ nghĩ đến lợi nhuận lớn hơn họ có thể kiếm được; nhưng chính việc này – ngoài ý muốn của nhà kinh doanh - đã làm cho nhiều người tiếp cận được với công nghệ IT, tự tạo ra được cho mình những kỹ năng và hiệu quả lao động mới.., công việc quản lý của bộ máy nhà nước có nhiều cải tiến mới... Ai tự giác khai thác quy luật này? Lý tưởng nhất là Nhà nước, doanh nghiệp và công dân cùng làm. Thiếu sự tự giác này, hệ quả tiêu cực phát sinh, có khi tới mức không kiểm soát được – việc nhỏ nhất là, ví dụ như dùng internet xem phim tình dục và tiêm nhiễm các văn hoá đồi truỵ khác, nạn hacker..; việc lớn hơn là công nghệ viễn thông và tin học đã gây ra  những cái “trớn”  làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất phần cứng phá sản nhanh chóng. Liên quan đến vấn đề tốc độ trong kinh tế tri thức, xin đừng lúc nào quên vòng đời mỗi sản phẩm, mỗi công nghệ ngày càng nhỏ và ngắn, cung rất nhanh vượt cầu, dẫn đên phướng thức sản xuất kinh doanh luôn thay đổi và phát triển. Hệ quả tất yếu là cấu trúc kinh tế cũng phải luôn luôn có khả năng thích ứng năng động.

Ví dụ 2: Thị trường chứng khoán là công cụ tốt cho việc huy động các nguồn lực phát triển nhanh các hoạt động kinh tế, người kinh doanh cổ phiếu kiếm được nhiều lời, còn người sản xuất kinh doanh, các công ty, kể cả Microsoft, nhờ đó có các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Song một khi thị trường chứng khoán bị đầu cơ đến mức gần như trở thành một kiểu sòng bạc thì sự lạm dụng nó có thể trở thành một trong những tác nhân gây ra những sự kiện đại loại như cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 7-1997 đã từng làm sụp đổ nhiều nền kinh tế, để lại nhiều hậu quả đến nay vẫn chưa xử lý được dứt điểm. UNCTAD đã từng lên tiếng cảnh báo mặt trái của đồng tiền: Thị trường tài chính hiện đại, với lưu lượng trên 1500 tỷ USD mỗi ngày, không nhằm tạo ra của cải và việc làm, nó chỉ nhằm vào bòn rút các khoản lãi - phát sinh từ sự khác giá trong khi mua đi bán lại các tài sản có sẵn.

Khi “trúng quả” trong việc đầu cơ vào đồng Bảng Anh năm 1992, Goerge Soros lạnh lùng: “Tôi không chút hối hận khi kiếm lời nhờ sự phá giá đồng bảng Anh. Biết đâu sự phá giá ấy là điều tốt cho nước Anh. Cái chính đối với tôi là: Tôi không đầu cơ vào đồng Sterling để giúp nước Anh, mà là để kiếm lời!”

Vân... vân...

Trong kinh tế hàng ngày hàng giờ có biết bao nhiêu ví dụ về quy luật những hệ quả không dự định như vậy, tác động theo cả hai chiều tốt và xấu...

          Thực tế trình bày trên cho thấy doanh ngiệp phải tham gia ngày một nhiều vào các nhiệm vụ phát triển chung của quốc gia. Hệ thống luật pháp, Nhà nước và xã hội cũng phải ràng buộc có hiệu quả các doanh nghiệp vào các nhiệm vụ chung ấy. Không phải ngẫu nhiên từ “Khế ước xã hội” của J. J. Rouseau[64] nhiều nhà kinh tế đã nảy ra ý tưởng “Hoá đơn xã hội[65]. Trong những cố gắng này của họ, đáng chú ý là trong hai thập kỷ sau cùng của thế kỷ 20, Marx lại được nhắc đến nhiều hơn trước – song không phải vì họ đổi hướng quay sang theo học thuyết Marx. Nguyên nhân chính là: một phần vì có nhiều điều trong các lý thuyết kinh tế đương thời được sùng bái trở nên bất cập, mặt khác họ lại thấy cách giải thích của Marx về nguyên nhân khủng hoảng, khủng hoảng thừa, về giá trị thặng dư... có nhiều điều thích hợp hơn. Nhân đây xin lưu ý: Khủng hoảng thừa trên những sản phẩm nhất định đang trở thành vấn đề ngày càng nổi lên trong kinh tế  thế giới ngày nay.

Có một nét đặm nhạt khác nhau ở mỗi nước, nhưng chung hơn cho mọi nước, vô luận theo chế độ chính trị gì, đó là: Kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá thúc bách gay gắt hơn việc phải gắn phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội. Quốc gia nào không làm được như vậy thì thất bại, thậm chí sụp đổ.


          Vai trò công dân

          Điều cần nói ngay là trong kinh tế tri thức toàn cầu hóa nguy cơ phân hoá xã hội – trước hết thể hiện qua sự phân hoá về thu nhập -  gay gắt hơn, mặc dầu nền kinh tế này có đòi hỏi không thể cưỡng lại là phải tạo ra nhiều tiến bộ xã hội hơn. Xin đừng coi nhẹ đặc điểm này.

          Nhìn vào nước Mỹ, thất nghiệp ở Mỹ trong 8 năm qua giảm xuống mức kỷ lục, khoảng 4%/năm. Nhân tố quan trọng nhất là nhờ công nghệ tin học tạo ra trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua phát triển những ngành khác) nhiều việc làm mới. Đồng thời cũng phải nhận xét rằng từ hai thập kỷ nay Mỹ dẫn đầu thế giới phương Tây trong việc đổi mới phương thức kinh doanh. Báo cáo kinh tế năm 2000 trình bày trước quốc hội Mỹ, cũng là báo cáo cuối cùng của B. Clinton với cương vị tổng thống, từ 1993 đến 2000 Mỹ đã tạo thêm được 20 triệu việc làm mới[66]. Suốt thời gian hai nhiệm kỳ này nước Mỹ có tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ 1965, có ngân sách dương lớn nhất kể từ 1951 – riêng trong 2 năm 1998 và 1999 chính phủ lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ trả được nợ công và đã trả được 140 tỷ USD vân... vân...

Tuy thế, trong tình hình như vậy, khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư vẫn xoạc rộng, mặc dầu nhìn chung thu nhập của các tầng lớp này có tăng lên. Lương trung bình của công nhân “cổ xanh” ở hãng General Electric (GE) hiện nay (năm 2000) khoảng 25000 USD/năm, tương đương với lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp đại học của nước này. Nhưng lương của các Tổng giám đốc (“cổ trắng”) trong tập đoàn GE hiện nay cao hơn khoảng 475 lần, khoảng năm 1980 mới chỉ cao hơn 42 lần!

          Quan sát các nước Tây Âu cũng thấy: nỗi lo công nghệ tin học (IT) và các công nghệ mới khác tạo ra thất nghiệp mới không xẩy ra, mà có xu thế tạo ra thêm nhiều việc làm mới trong xã hội.

          Nỗi lo nằm ở chỗ khác.

          Tại tất cả các nước phát triển, công nghệ mới, cùng với những thay đổi trong kinh tế – ví dụ như đẩy mạnh tự động hoá trong công nghiệp và nông nghiệp, thông qua nhập khẩu loại bỏ sản xuất các mặt hàng tiêu hao nhiều lao động và nguyên liệu, loại bỏ các phương thức quản lý kinh doanh thông thường – ví dụ thông qua mở rộng thương mại điện tử và các dịch vụ khác... tất cả những thay đổi này hàng năm làm mất đi hàng triệu việc làm thông thường, đặc biệt là những việc làm lao động đơn giản. Điều này cũng có nghĩa ở những nước này mỗi năm có hàng triệu người phải dời bỏ nghề nghiệp cũ để học làm một nghề mới, hoặc chịu thất nghiệp. Vấn đề không đơn giản chút nào, ví dụ một công nhân đứng coi máy dệt, lao động chân tay là chủ yếu với một số thao tác kỹ thuật nào đó; bây giờ anh ta hoặc chị ta phải đi học một nghề khác đòi hỏi  phải biết sử dụng máy tính, ngoại ngữ và một số kỹ năng mới trong giao dịch và quản lý... – để làm chủ cách thức hoạt động mới của chính nhà máy dệt ấy theo phương thức mạng và phương thức đáp ứng yêu cầu riêng lẻ của từng khách hàng (trong ngôn ngữ kinh tế gọi là phương thức “may đo”). Nếu phải bỏ nghề  cũ để chuyển sang một nghề mới lại càng không đơn giản,  nhất là phần đông những người rơi vào hoàn cảnh này tuổi đời không còn ở lúc học hành dễ dàng nữa, chưa kể những người còn có gánh nặng gia đình... Công nghệ thay đổi ngày càng nhanh, mặt hàng mới có tuổi đời ngày càng ngắn.., nghề nghiệp phải thay đổi luôn luôn, cách làm việc cũng thay đổi luôn và đòi hỏi kỹ năng mới – ví dụ không sử dụng được máy tính thì gần như không làm được việc gì, dù chỉ là một y tá bình thường trong một bệnh viện... Người lao động không thích nghi được tình hình này, phải tiếp tục nghề cũ, hệ quả sẽ là: hoặc không còn chỗ làm việc, hoặc nếu còn được giữ lại làm việc thì khoảng cách thu nhập so với những người có khả năng thay đổi nghề nghiệp sẽ xoạc rộng mãi ra. Sự phân hoá mới này không những chỉ đụng chạm bản thân họ, mà còn đụng chạm ngay đến cả con em họ đang ngồi trên ghế nhà trường... Song cũng vì tự trau giồi cho mình nhiều tri thức và kỹ năng mới, người lao động tự tạo ra cho mình nhiều sự lựa chọn mới, doanh nghiệp không thể dễ bắt nạt.

          Người ta quan sát ở Mỹ từ 1970, giá lao động cơ bắp hầu như không thay đổi, trong khi giá lao động có tri thức và kỹ năng tăng lên nhanh chóng. Trong thời gian này, bình quân thu nhập của người làm việc có trình độ đại học mỗi năm tốc độ tăng nhanh hơn 30% so với tốc độ tăng của lao động có trình độ trung học. Thực tiễn này khiến sự phân hoá thu nhập ở Mỹ từ 1979 đến nay xảy ra mạnh nhất trong 6 thập kỷ vừa qua. Chỉ tính riêng trong thời kỳ này, lương thực tế của người lao động có trình độ đại học và trung học tăng gấp đôi, còn lương thực tế của những người lao động đơn giản hầu như không tăng hoặc thậm chí giảm đi tương đối so với hai loại lao động trên. Ngoài ra xuất hiện những nghề nghiệp mới xử dụng nhiều tri thức nên thu nhập rất cao. Tình trạng nhập cư của lao động có lương thấp từ nước ngoài vào cũng làm cho đời sống kinh tế của những lao động bản xứ có thu nhập thấp căng thẳng thêm. Hàng nhập khẩu rẻ khiến cho không ít doanh nghiệp sản xuất những hàng thông dụng lâm vào phá sản, người làm công bị đảy ra đường... Đấy là chưa kể đến một số nguyên nhân xã hội khác: số thanh niên bỏ học giữa chừng đi làm ăn kiếm sống khá cao (chủ yếu vì các lý do lối sống,  các lý do văn hoá - xã hội), số người không có khả năng hoặc không có điều kiện học một nghề mới cao hơn, trình độ học vấn của người da đen ở Mỹ nhìn chung thấp, qua internet cạnh tranh trong lao động gay gắt hơn trước rất nhiều... vân... vân... Tại Canada và hầu hết các nước Tây Âu sự phân hoá này không đến mức quyết liệt như vậy, chủ yếu do nâng cao được tỷ lệ lao động có trình độ học vấn... Đặc biệt ở Đức, Nhật và một vài nước Tây Âu khác có thệ thống giáo dục dạy nghề (dưới đại học) phát triển tốt hơn hẳn Mỹ, góp phần  rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ lao động. Chính vì lý do này, có người nhận xét thủ phạm của tình hình phân hoá mạnh ở Mỹ không phải là công nghệ thông tin (IT), mà là thất bại của chính phủ Mỹ trong chính sách cải cách giáo dục . Có những công trình nghiên cứu cải cách giáo dục, trong đó coi khả năng sử dụng máy vi tính là một tiêu chuẩn trong thanh toán nạn mù chữ!..

          Dưới đây xin nêu lên một số vấn đề đáng quan tâm.
Để bàn tập trung vào kinh tế tri thức, xin tạm đặt sang một bên vấn đề “hình thái kinh tế – xã hội”[67], hoặc xin nói ngay là: kinh tế tri thức và việc đặt nó vào một hình thái kinh tế - xã hội nào đó là hai vấn đề khác nhau, vì thế xin không bàn tới trong cuốn sách này. Đơn giản hơn nữa, nếu coi kinh tế tri thức chỉ thuộc về xã hội tư bản, thì Cộng Hoà Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam của chúng ta, với ý nghĩa về ý thức hệ là một nước xã hội chủ nghiã, sẽ chẳng có gì để bàn, và như vậy tự chúng ta đã tự loại chính mình ra khỏi kinh tế tri thức. Hiển nhiên làm như vậy là cực kỳ phi lý.
Ở đây, xem xét riêng về tiến trình phát triển kinh tế,  phải chăng có thể nói khái quát: Sự phát triển kinh tế của xã hội loài người đã qua các nấc thang kinh tế du mục, kinh tế nông nghiệp, kinh tế công nghiệp, và bây giờ đang bắt đầu đi vào thời kỳ kinh tế tri thức. (Đương nhiên mỗi thời kỳ phát triển như thế có thượng tầng kiến trúc riêng của nó, không bàn đến ở đây). Dựa vào cách phân tích của Marx, chúng ta cũng có thể coi đó là các nấc thang của phát triển lực lượng sản xuất. Nếu so sánh trình độ phát triển con người qua mỗi nấc thang phát triển kinh tế ấy, có thể thấy ngay được: con người qua mỗi nấc thang này ngày càng phát triển và có nhiều tự do hơn – nghĩa là ngày càng được giải phóng.
Nhìn từ một góc độ khác, mỗi nấc thang phát triển ấy cũng đặt ra những yêu cầu cao hơn cho con người, trong thời kỳ kinh tế tri thức lại càng như vậy.
          Ngày xưa ta có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Câu này vẫn đúng, nhưng vào thời buổi kinh tế tri thức phải được bổ sung thêm: Muốn làm giỏi một nghề, phải biết nhiều nghề khác[68], và phải có khả năng chuyển sang nghề mới khi tình hình đòi hỏi – chính vì những yêu cầu mới này, nên phải học tập suốt đời.
          Nói ngắn gọn: Cả cơ hội và thách thức đối với từng con người đều lớn chưa từng có.
          Khi tri thức trở thành nguồn của cải lớn nhất và quyết định nhất trong kinh tế, người lao động - thông qua  học tập và nâng cao kỹ năng lao động của mình - có cơ hội ngày càng lớn mở rộng quyền sở hữu nguồn của cải quan trọng nhất này. Có lẽ đây là điều có ý nghĩa nhất, từng cá nhân người lao động phải ý thức được để tự giành lấy. Nói lên mong muốn này thì dễ, thực hiện nó vô cùng khó. Nhưng nhận thức được điều này thì sớm muộn sẽ tìm ra được cách thực hiện nó.  Nhà nước có ích nhất đối với dân chính là Nhà nước có khả năng giúp đỡ thiết thực từng công dân của nó – nhất là công dân trong các tầng lớp lao động có thu nhập thấp – tự tay giành lấy cơ hội này.
Trong cuốn “Phát triển là tự do”, xuất bản 1999, tác giả là Amartya Sen[69] cho rằng tự do là điều kiện, là động lực quan trọng nhất để phát triển từng cá nhân con người, cả một cộng đồng dân tộc và cả một quốc gia, là con đường của từng cá nhân đi đến tri thức, là yếu tố quan trọng nhất phát huy nguồn lực con người... Tư tưởng của cuốn sách này thể hiện trong hai câu thơ của William Cowper do Amartya Sen trích ra:
“Tự do có muôn nghìn cái đẹp,
Mà những người nô lệ dù được thoả mãn đến đâu cũng không bao giờ có được”

Quan điểm của A. Sen tóm tắt như sau: Con người phải được tự do để có điều kịên phát triển, bắt đầu từ có quyền hưởng sự giáo dục tốt, có quyền tự do lựa chọn công ăn việc làm phù hơp với khả năng và có điều kiện phát triển khả năng của mình, có điều kiện và có ý chí học tập suốt đời, tự chịu trách nhiệm với chính mình, có lòng tự trọng và tôn trọng các giá trị cao quý, tôn trọng tự do của những thành viên khác trong cộng đồng. Con người tự do phải biết gìn giữ cội nguồn văn hoá của mình, nhưng cởi mở với tinh hoa văn hoá của nhân loại và đồng thời phải biết khoan dung, không kỳ thị các văn hoá khác với của dân tộc mình... Tự do phải được hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hữu hiệu bảo đảm, được xây dựng trên các thiết chế dân chủ, công khai minh bạch và cần có một nhà nước có khả năng thực thi những thiết chế đó. Tự do đòi hỏi có một nhà nước coi phát triển nguồn lực con người là nhiệm vụ tối thượng của nó và có khả năng chống lại những yếu tố làm cho nhân dân đau khổ. Đồng thời chính bản thân con người phải có nhận thức và khả năng cùng với cộng đồng dân tộc của mình hình thành một nhà nước như thế và xây dựng các giá trị bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng xã hội lành mạnh và nhà nước lành mạnh...
A. Sen phản đối lập luận của Lý Quang Diệu cho rằng vì lý do phát triển, nhất là ở mức trình độ dân trí còn thấp, có thể hy sinh một phần tự do để phục vụ yêu cầu phát triển[70]. Theo A. Sen, trong một giai đoạn ngắn, lập luận này của Lý có thể đem lại hiệu quả, song không thể tạo ra sự phát triển lâu dài và bền vững. Nghiêm trọng hơn nữa là trên thực tế, quan điểm này thường sớm bị lạm dụng hầu như khó bề cứu chữa, biến tướng thành các yếu tố làm mất tự do – một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho nhiều nước đang phát triển đã bị mất cơ hội và sớm rơi vào khủng hoảng. A. Sen cho rằng vào thời  kỳ kinh tế tri thức, quan điểm bác bỏ những giá trị chân chính về các quyền con người theo thuyết của Khổng Tử mà Lý Quang Diệu phần nào dựa vào đã trở nên lỗi thời. A. Sen nhấn mạnh bảo đảm nhân quyền là một trong những vấn đề bức xúc để bảo đảm tự do và khả năng phát triển con người, vấn đề này càng bức xúc hơn đối với phụ nữ; nhưng đồng thời A. Sen cũng phản đối quan điểm cho rằng chỉ có các nước phương Tây mới là tác giả của các giá trị về nhân quyền, thực tế đã chứng minh văn hoá phương Đông cũng có những cội nguồn quan trọng của các giá trị về nhân quyền. A. Sen coi việc lạm dụng nhân quyền như một mưu toan chính trị đày bệnh hoạn trong quan hệ quốc gia – quốc gia là một vấn đề khác, không liên quan gì đến việc phấn đấu cho thực hiện nhân quyền với đúng nghĩa của nó.
Nếu hiểu phát triển chỉ là tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân thì chưa đủ;.. phát triển còn là một tiến trình tổng hợp về mở rộng các quyền tự do cơ bản thực sự của nhân dân – như vậy phát triển mới có đúng ý nghĩa của nó, phát triển mới bền vững đối với từng cá nhân con người – con người tự giác về mình - cũng như phát triển sẽ đúng với toàn thể cộng đồng dân tộc của một quốc gia. Yêu cầu này càng bức bách khi bước vào thời kỳ kinh tế tri thức. Tuy nhiên tôn trọng pháp luật, học tâp, giáo dục và cưỡng chế thực thi pháp luật lại là việc bắt buộc đối với mọi công dân cả nước, kể từ người được giao cho giữ chức quyền cao nhất trở xuống.
Tại Pháp, tháng 11 năm 1998, những người cánh tả (theo Marx hoặc tán thành nhiều quan điểm của học thuyết Marx) trong nhóm “Những không gian Marx” và trong câu lạc bộ  Condorcet tổ chức một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Sở hữu, tư cách công dân và biến đổi xã hội”, nhiều trí thức có tên tuổi đã tham dự. Kỷ yếu của hội thảo này cho thấy những vấn đề quan trọng này cần được xem xét dưới những góc độ mới của kinh tế tri thức toàn cầu hoá. Xin lẩy ra đây hai ý kiến liên quan trực tiếp đến vấn đề đang trình bày:
-         (1) Con người để phát triển được trong những điều kiện biến đổi mới của xã hội trong nền kinh tế mới, tự do lại càng phải được coi là yếu tố hàng đầu và cần được tiếp tục phát triển theo quan điểm Hegel đã đề xướng: Tự do là quyền thuộc về bên trong như là một bộ phận trong cơ thể mỗi con người và không thể bị chiếm hữu.
-         (2) Những biến đổi mới trong kinh tế và xã hội càng thúc bách phải đảy nhanh và làm tốt sự chuyển dịch của Nhà nước là một hệ thống công quyền sang hệ thống dịch vụ công, đồng thời phải đảm bảo quyền lực của công dân kiểm soát tốt dịch vụ công.
Những điều vừa trình bày trên tuy còn rất sơ lược, nhưng hy vọng có thể giúp chúng ta rút ra kết luận: Đi vào kinh tế tri thức, trí tuệ của loài người tiến bộ trên thế giới ngày nay càng quan tâm đến phát huy tự do như điều kiện hàng đầu để con người với tư cách là một công dân trong xã hội dân sự có thể phát triển chính mình, đem lại hạnh phúc cho chính mình và tạo ra sự phồn vinh cho đất nước. Vấn đề đặt ra là: Làm sao từng công dân của một nước – kể cả từng người làm việc trong bộ máy nhà nước dù ở cương vị nào - nói riêng, và toàn bộ hệ thống và các thể chế nhà nước của một quốc gia cùng với tổ chức xã hội của nó nói chung, phải có ý thức và có khả năng làm cho tự do với nghĩa như vậy là điều kiện hàng đầu của phát triển, tiền đề của mọi tiền đề đi vào kinh tế tri thức.
Tự do là một ý niệm, một hoài bão con người đã ấp ủ khi bắt đầu ý thức được về mình ngay từ trong những thời hoang sơ nhất. Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, nghĩa là cùng với sự phát triển của chính con người, tự do lớn lên mãi cùng với sự giác ngộ ngày càng được nâng cao của chính con người về giới tự nhiên và về chính bản thân mình. Tự do trở thành một lý tưởng ngày càng hoàn chỉnh, một khát vọng ngày càng cháy bỏng. Hegel đề xướng quan điểm: Tự do là phần chủ thể hữu cơ bên trong của chính con người và không thể bị chiếm hữu. Trên nhiều diễn đàn khoa học của thế giới ngày nay – khi bước vào kinh tế tri thức toàn cầu hoá, không ít ý kiến đòi hỏi phải từ quan điểm này của Hegel bước tiếp. Trong luồng suy nghĩ này, họ đề nghị không sử dụng khái niệm vốn con người với ý nghĩa tự do không thể bị chiếm hữu. Không ai khác, chính Marx và Engels đã đi tiên phong bước tiếp trên con đường này: “Sự phát triển tự do và trọn vẹn của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và trọn vẹn cuả mọi người.”
Đi theo xu hướng này, mở rộng tự do của con người được hiểu trước hết là phát triển khả năng của con người.
Một vấn đề nữa, hết sức thời sự: Khái niệm về tự do với xuất phát điểm của Hegel như vậy đang trở thành một trong những quan điểm rất quan trọng bác bỏ triệt để mọi ý đồ  hoặc hành vi lạm dụng công nghệ gien, nhất là lạm dụng gien của con người...
 Tự do với nội dung như vậy là lý tưởng phải hướng tới. Vào giai đoạn phát triển hiện tại của chúng ta, bây giờ lao động vẫn còn là một loại hàng hoá. Định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ có nghĩa là phải phát triển tốt thị trường lao động sao cho đem lại nhiều công ăn việc làm và bảo vệ tối ưu quyền lợi của người lao động, nhất là phải làm cho người lao động có khả năng ngày càng lớn trong chiếm hữu tri thức.
Nhìn ra thế giới xem thiên hạ nghĩ gì và làm gì rồi nhìn lại mình, có thể nói hoài bão Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra từ lâu “Xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh” thật vô cùng chí lý. Một đất nước có đủ những yếu tố ấy là một đất nước tự do và còn gì đáng mong muốn hơn!? Con người Việt nam tự do là tiền đề của mọi tiền đề cho thực hiện khát vọng này.
Có thể kết luận: Con đường hội nhập vào kinh tế tri thức trong thế giới toàn cầu hoá chỉ có thể được chinh phục bởi một dân tộc có bản lĩnh: một dân tộc tự do.


5. Thị trường và kinh tế tri thức


Thị trường là thị trường. Kinh tế tri thức không thay đổi được nội dung và tính chất của thị trường. Song nếu nhìn vào khía cạnh phong phú và độ nhạy cảm của kinh tế tri thức, đặc biệt là vấn đề thời gian và tốc độ, cũng có thể nói rằng trong kinh tế tri thức thị trường cũng trở nên phong phú và nhạy cảm hơn. Lôgích tiếp theo là cạnh tranh cũng quyết liệt hơn.

Xin nói một chuyện vui trong đời sống hàng ngày. Giả thử bạn là cô dâu tương lai, đang kén chọn một cái áo cưới bạn thích nhất và hợp với túi tiền của bạn nhất. Bạn có thể đến các cửa hàng may đo, đến các siêu thị xem, chọn, thậm chí mặc cả... Nhưng giỏi lắm bạn cũng chỉ đi được dăm ba cửa hiệu nơi thành phố bạn ở – ví dụ là New York, tốn không biết bao nhiêu săng dầu và thời gian, nếu bị kẹt xe thì còn rắc rối hơn nữa... Nhưng nếu bạn đi chợ trên mạng thì câu chuyện khác hẳn. Bạn tốn tiền chi hai ba chục phút trên mạng (thường là ngang với cước phí điện thoại), bạn có thể đi chợ trên các trang website để giao dịch với các cửa hàng bán áo cưới của cả nước Mỹ, thậm chí có thể đi sang cả nước Nhật nếu bạn muốn... Tìm được hãng như ý, bạn đặt hàng theo đúng yêu cầu may đo và mẫu mã bạn chọn, giá cả lại có thể rẻ từ 25 đến 50% so với giá ở siêu thị hay cửa hàng ngoài phố nếu đấy là hãng làm ăn theo cách “zero stock management and production”. Cửa hàng mà bạn chọn qua E-trade như vậy, có thể chỉ là một địa chỉ trên website, chủ hiệu có thể chỉ là một cô hoạ sỹ nổi tiếng và có tài vẽ các mốt áo cưới, không có cửa hàng, không có cả hàng và bất kể thứ gì khác ngoài cái máy tính nối mạng. Nhưng cô hoạ sỹ này có “chất xám” vẽ kiểu áo và “kỹ năng” giao dịch qua mạng với tất cả những người có liên quan để may xong một cái áo cưới độc nhất vô nhị, 100% đúng với đơn đặt hàng của bạn, kể cả thời gian giao hàng.

Người ta ước lượng hiện nay người tiêu dùng ở Mỹ đã đi chợ E-trade như vậy  khoảng 100 tỷ USD/năm và con số này đang tăng nhanh.

 Bạn thử tưởng tượng, các cửa hàng và siêu thị cạnh tranh với các cửa hàng chỉ có trên website như vậy sẽ quyết liệt đến chừng nào. Song để tận dụng được sự cạnh tranh này, chính người tiêu dùng cũng phải học cách đi chợ trên mạng - đương nhiên là dễ học được thôi. Kiến nghị của một nhà sư phạm nào đó coi phải biết sử dụng vi tính nối mạng là một trong những tiêu chuẩn của xóa nạn mù chữ quả là cũng có cái lý của nó.

...Nhưng bạn yên tâm, các siêu thị và các cửa hàng tiếp tục tồn tại, vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là: Cái thú đi chợ để tiếp xúc với đời thường thì các hãng trên website hầu như không thể cung cấp cho bạn được. Các cửa hàng và các siêu thị còn làm cho thành phố vui đẹp, nhộn nhịp... Nếu cuộc đi chợ ấy đồng thời là một cuộc hẹn hò nữa, hầu như chắc chắn bạn sẽ tắt máy tính và lấy xe lao ngay ra đường...

Ngày nay có thể sản xuất bất kỳ thứ gì, tại đâu, bán đi đâu, miễn là có lợi nhuận. Đặc điểm này biểu thị tính năng động và phong phú của thị trường trong kinh tế tri thức, bao gồm các loại thị trường về lao động, vốn, công nghệ, dịch vụ, nguyên vật liệu...


Bây giờ xin lưu ý các bạn một vài nét về khuyết tật của thi trường trong kinh tế tri thức.

Có thể nói khái quát: Thị trường có quy mô càng lớn, độ nhanh nhậy càng lớn, sự biến đổi càng lớn.., thì những khuyết tật có thể xảy ra của thị trường càng lớn hơn, thậm chí không hiếm trường hợp không kiểm soát được.

Các phần trên đã đưa ra nhiều ví dụ về các cuộc sáp nhập “quá trớn”, tình hình đầu cơ hay đầu tư “quá trớn” qua thị trường chứng khoán vào viễn thông, vào công nghệ tin học và một số sản phẩm khác.., dẫn tới cung vượt cầu, dẫn tới nhiều phá sản mới ngay trong các ngành đang lên. Mọi người đều thấy có biết bao nhiêu điều phi lý đã xảy ra trong những vụ việc “quá trớn” này, có những điều phi lý đoán trước được, có những điều phi lý hoàn toàn bất ngờ, có những điều phi lý do đầu cơ - nghĩa là có chủ định...

Có lẽ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu A’ tháng 7-1997 là ví dụ điển hình nhất cho thấy quy mô và cường độ sự tàn phá mà những khuyết tật của thị trường có thể gây ra trong kinh tế tri thức toàn cầu hoá. Mổ xẻ cuộc khủng hoảng này ở khía cạnh các khuyết tật của thị trường, hy vọng có thể rút ra đôi điều có ích[71].

Câu hỏi thường vẫn đay đi đay lại là: Vì sao cuộc khủng hoảng nổ ra như cơn bão giữa lúc trời quang mây tạnh – nghĩa là giữa lúc những nền kinh tế của những nước hữu quan đang đi lên với nhiều thành tựu đáng kể trong hàng chục năm.

Mọi sự việc xảy ra đều bắt đầu từ sự lạm dụng một khuyết tật cố hữu của thị trường, tên của khuyết tật ấy là: Không có thị trường hoàn hảo.

Các nền kinh tế Đông á và các nền kinh tế phát triển nhất trong ASEAN  (còn gọi là các nước ASEAN4) hàng chục năm có tăng trưởng ổn định, có nhiều điều kiện trở thành môi trường hấp dẫn mạnh mẽ FDI, nhờ vậy liên tục tạo ra sự phát triển năng động. Thực thế này hấp dẫn các nguồn lực khắp nơi trên thế giới đổ về, tạo ra thời cơ vàng cho những cách làm ăn hay đầu tư theo kiểu đầu cơ đúng với cả nghĩa đen của khái niệm này (anh Vũ Quang Việt gọi đó là “các cuộc chạy đua phát triển bốc đồng”), đồng thời cũng là thời cơ vàng  cho bản thân các vụ đầu cơ. Sự suy thoái  nhiều năm của kinh tế Nhật, nền kinh tế số 1 của khu vực, làm cho đầu tư trong nội địa Nhật giảm sút. Vào thời điểm này sự suy thoái của Nhật càng làm mạnh thêm hiện tượng “nước chảy về chỗ trũng” – các dòng vốn – kể cả từ Nhật - càng dồn mạnh vào các nước ASEAN4 và Hàn Quốc, đầu tư theo kiểu đầu cơđầu cơ thực sự ngày một bành trướng với tốc độ bong bóng. Năng lực quản lý của các chính phủ không theo kịp tình hình, hệ thống ngân hàng yếu kém của những nước này, cùng với cách làm ăn theo kiểu “quan hệ”  và sự tù mù – nghĩa là tham nhũng và thiếu công khai minh bạch... tất cả tạo thành môi trường lý tưởng cho những nền kinh tế bong bóng... cho đến khi giông tố tháng 7-1997 làm cho các bong bóng này nổ tung.

Đấy là bức tranh chung nhất cho các nước lâm vào cuộc khủng hoảng này

Nổi bật nhất ở Hàn Quốc là sự đổ vỡ của các Chaebol, điển hình là sự sụp đổ của Daewoo - đến mức Kim Woo Chung đang bỏ trốn ra nước ngoài. Các Chaebol đã dựa vào thế thân quen với những người trong giới quyền lực, tạo ra những “quan hệ” cho phép vay được những khoản vốn khổng lồ trong ngoài nước, có sự bảo lãnh của giới quyền lực, đầu tư ồ ạt theo kiểu bành trướng mọi nơi gần như với bất kỳ giá nào và cũng thua lỗ với bất kỳ giá nào! Thua lỗ được bù đắp bằng các nguồn vốn đầu tư mới, huy động được nhờ vào các “quan hệ” và các thủ đoạn đầu cơ trên thị trường chứng khoán – trong đó thủ đoạn lừa bịp đơn giản và phổ biến nhất là giấu các khoản nợ khó đòi dưới n hình thức khác nhau: công ty mẹ chuyển nợ vào các công ty con để giữ sổ sách của mình cho sạch, thay đổi các tiêu chuẩn quốc tế về quy định nợ khó đòi và các tiêu chuẩn quốc tế về kế toán để giữ bộ mặt của tập đoàn cho đẹp đẽ, móc nối với các ngân hàng thân quen để che giấu sự thật và huy động thêm vốn chống đỡ...

Tại Thái Lan, ngoài những hiện tượng gần giống như ở Hàn Quốc, nổi bật là tình trạng đầu cơ ào ạt vào địa ốc. Hệ thống ngân hàng cũng ngốt lên trước cơ hội đầu cơ này nên kiêm luôn cả chức năng đầu tư để tranh thủ cơ hội đầu cơ. Việc chức năng của ngân hàng là người huy động các nguồn lực để cho vay kiêm thêm chức năng trực tiếp đầu tư, khiến cho đầu cơ trở nên vô cùng nguy hiểm. Ngân hàng không còn làm chức năng kiểm soát hiệu quả sự dụng vốn vay của các nhà đầu tư, mà cùng hùa một phe với họ đầu cơ để kiếm lời, gây nên những cơn sốt địa ốc hầu như không giải thích được. Có những công ty lập ngân hàng riêng cho mình để huy động vốn phục vụ những dự án đầu tư theo kiểu đầu cơ của chính mình (trong kinh tế học ngày nay có thuật ngữ “crony capitalism – chủ nghĩa tư bản móc ngoặc).

Singapore là nước có hệ thống luật pháp và tài chính chặt chẽ không thua kém gì mấy nước phương Tây nhưng cũng không hoàn toàn miễn dịch trước căn bệnh hay lây này. Ví dụ có một cặp vợ chồng ở Singapore với số vốn ban đầu là 800.000 USD năm 1975,  nhờ cách đầu tư theo kiểu đầu cơ vào địa ốc như vừa trình bày, cứ nhảy từ bước nọ lên bước kia, kết quả năm 1996 đã có một cơ ngiệp khổng lồ trong tay là 270 triệu USD. Theo anh Võ Tá Hân, đây chỉ là một trong nhiều ví dụ. Thế rồi 270 triệu USD ấy lại được biến thành cổ phiếu đưa vào thị trường chứng khoán, có thể hình dung cái bong bóng mới được tạo ra ấy trên thị trường chứng khoán lại phồng lên nhanh như thế nào. Bằng con đường này, không ít cổ phiếu giá ban đầu chỉ là 1,5 S dollar, chưa đầy 10 năm sau lên 15 S dollar – nghĩa là còn hơn đánh bạc (Võ Tá Hân)! Bệnh này lây lan sang lĩnh vực tiêu dùng, lại hình thành các bong bóng trong lĩnh vực tiêu dùng...  So với các nước khác, chính phủ Singapore sớm kiểm soát được tình hình,  nhờ hệ thống luật pháp và hệ thống ngân hàng chặt chẽ.

Tình hình Malaysia tồi tệ hơn. Nhưng Mahathir đã có quyết định đúng về giải pháp tình thế, bất chấp mọi sự phản đối gay gắt bên trong và sự tảy chay quyết liệt của bên ngoài: nhất quyết không trông cậy vào IMF vì không tán thành các biện pháp của IMF và vì tin vào nguồn dự trữ ngoại tệ của mình có đủ sức tự vệ. Các biện pháp Mahathir đã làm là: chặn đứng và đi đến cấm hẳn trong một thời gian việc giao dịch ngoại tệ và không cho bán cổ phiếu hay trái phiếu để chuyển tiền ra nước ngoài, cấm các ngân hàng lớn hoạt động trên đất Malaysia bán khống các cổ phiếu (thực tế là cấm bán để tháo chạy), tất cả các cổ phiếu Malaysia ở Singapore cùng với toàn bộ tiền Ringit đang lưu hành ở nước ngoài phải chuyển ngay về Kuala Lumpur nếu không sẽ vô giá trị, cố định tỷ giá 3,8 Ringit/1USD, tất cả ngoại tệ và tiền bán cổ phiếu phải đưa vào tài khoản ngoại lai (external accounts) và chỉ được chi tiêu hay đầu tư ở Malaysia và phải xin phép trước; đem dữ trữ ngoại tệ quốc gia tạm thời lấp những chỗ thiếu hụt để giữ ổn định... Tất cả những biện pháp quyết liệt này đều tập trung vào một mục tiêu duy nhất: tranh thủ thời gian cứu vãn tình hình (lúc cao điểm đồng Ringit sụt giá 40%, giá cổ phiếu trên TTCK sụt 70%...). Đồng thời thủ tướng Mahathir thuê công ty Salomon Smith Barney (SSB) - một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất nước Mỹ – làm cố vấn cho việc cứu nền kinh tế Malaysia, cung cấp mọi thông tin có thể có được để SSB hoàn thành được công việc Malaysia thuê làm. Chỉ 4 ngày sau khi ký hợp đồng, SSB đưa ra một báo cáo 17 trang làm rõ thực trạng nền tài chính Malaysia và biện pháp cứu chữa: làm trong sạch và lành mạnh toàn bộ hệ thống ngân hàng; sau 12 tháng thực hiện đã có hiệu quả... Tuy nhiên, xin nhắc lại: Những việc ông Mahathir đã làm chỉ là những giải pháp tình thế nhằm tranh thủ thời gian cho chữa bệnh, còn căn bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể nền kinh tế nước này. Câu chuyện còn lại là dùng quỹ thời gian tranh thủ được này như thế nào và có cách nào chữa được bệnh?..

Hongkong và Đài Loan có nền tài chính rất mạnh và đày kinh nghiệm, nên đối phó dễ dàng hơn.

Nhưng Indonesia thì rơi vào thảm hoạ, vì ngoài mọi nguyên nhân như có ở các nước khác, hệ thống tài chính bị lũng đoạn cực kỳ nghiêm trọng, chính phủ không làm sao biết được trên thực tế nợ nước ngoài của Indonesia là bao nhiêu, báo cáo sau lật nhào báo cáo trước, khiến chính phủ hoàn toàn mất khả năng kiểm soát tình hình, Soeharto phải ra đi.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng này,  có thể nhận xét:
-         Sự lũng đoạn của các công ty, tập đoàn và những tệ nạn tham nhũng tiêu cực trong chính phủ đã che khuất, xuyên tạc mọi tín hiệu của thị trường, dẫn tới việc lạm dụng tối đa những khuyết tật của thị trường, đẻ ra “kinh tế móc ngoặc” và tệ nạn đầu cơ với sức phá huỷ làm sụp đổ nhiều nền kinh tế, và ở Indonesia là kèm theo tiêu vong cả hệ thống chính tri.
-         Tai hoạ bắt đầu chớm nở từ chỗ không kiểm soát được các luồng vốn đổ vào - đặc biệt là các luồng vốn ngắn hạn (vào nhanh, ra nhanh, để lại nhiều hậu quả) - và vấn đề nợ khó đòi[72] (gồm cả hai loại: nợ của doanh nghiệp và nợ công) – hai nguyên nhân trực tiếp nhất của các cơn “sốt nóng(đầu cơ) và “sốt rét” (bán tháo chạy) - đầu tiên thường là trên thị trường tiền tệ. Một khi ngửi thấy vấn đề trở nên nặng mùi, vốn nước ngoài tháo chạy, thì tình hình đã quá muộn, tâm lý hoảng loạn lại càng đổ thêm dầu vào lửa.
-         Tại các nước bị cuộc khủng hoảng này đánh sụp hoặc làm cho lao đao, đều có hiện tượng các “cơn sốt” gây ra sản xuất thừa ở sản phẩm này hoặc sản phẩm khác, nên hiệu quả kinh tế suy sụp nhanh chóng. Đặc biệt là hầu hết các nước này đều có các “cơn sốt địa ốc”, kể cả ở Nhật[73]. Nguyên do có thể là: tất cả các “cơn sốt” đều mang tính đầu cơ, đầu cơ lại đẻ ra đầu cơ (hiện tượng phái sinh) và lây lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế, mọi tín hiệu của thị trường đều bị bóp méo, dẫn tới hệ quả  nền kinh tế trở thành sự tập hợp các bong  bóng.
-         Quá trình tăng trưởng kinh tế mấy thập kỷ của những nước này không được hỗ trợ bằng quá trình phát triển tương ứng[74] – thể hiện qua những tiêu cực của “kinh tế móc ngoặc” và những yếu kém trong các thể chế tài chính, luật pháp.., nên đổ nhào trong một trận lốc.[75]
-         Thực tiễn quá trình chống đỡ của những nước này cho thấy: “Cái nút” chính cần phải bấm trong quá trình khắc phục khủng hoảng ở những nước này là tập trung sức lực nhanh chóng làm lành mạnh hệ thống ngân hàng. Và từ đó còn có thể kết luận: Có 2 cái “cổng” phải canh giữ kỹ lưỡng như giữ gìn chính sinh mạng mình để ngừa phòng cuộc khủng hoảng mới, đó là (a) hệ thống ngân hàng và (b) thể chế.
-         Những tác động của kinh tế tri thức ở mức độ phát triển hiện nay trong thế giới toàn cầu hoá một mặt làm cho cuộc khủng hoảng này trở nên nhạy cảm hơn và lây lan rộng hơn; mặt khác hiểu biết của con người và những phương tiện có thể huy động được nhằm ứng phó với khủng hoảng cũng phong phú hơn. Chính đặc điểm này càng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm cách làm chủ kinh tế tri thức để có thể tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thế giới năng động và đầy biến động ngày nay.

Nhìn vào những gì đã xảy ra, chúng ta thấy: Tác động của cuộc khủng hoảng này lan sang Nga, Brazil, Venezuela, làm Nhật suy thoái thêm và đã có lúc làm cho thị trường tài chính Mỹ, Canada, Uc, Tây Âu, gặp khó khăn[76]. Chưa bao giờ các biện pháp “chữa bệnh” của IMF bị phê phán mạnh mẽ như trong cuộc khủng hoảng này. Vì các bài thuốc của IMF trong cuộc khủng hoảng này tỏ ra không thích hợp, thậm chí có khi nguy hiểm – IMF trở nên lạc hậu so với tình hình. World Bank và một số người ở Mỹ phê phán IMF còn nặng lời hơn, trong đó nên lưu ý đến những ý kiến phê phán của giáo sư Joseph Stiglitz, nguyên cố vấn của World Bank. Theo J. Stiglitz, IMF đã đưa ra không ít biện pháp sai lầm và vì vậy cũng phải chịu một phần trách nhiệm về những đổ vỡ của các nước lâm vào khủng hoảng. 

...Thế nhưng, có cơ sở để kết luận rằng Trung Quốc là nước duy nhất mạnh lên trong cuộc khủng hoảng này. Nguyên nhân chủ yếu là: Lấy mong muốn sớm trở thành siêu cường làm động lực dẫn dắt - từ nhiều năm nay Trung Quốc luôn luôn tìm cách vận dụng mọi hiểu biết thâu lượm được trên thế giới và những điều kiện có trong tay để duy trì  lợi thế cạnh tranh. Năm 1996, lúc đó chưa xảy ra khủng hoảng, dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả 4 lần hạ lãi suất, trên thực tế TQ đã tự phá giá đồng tiền của mình 30% [77], chỉ với chủ ý nhằm tranh thủ đảy mạnh xuất khẩu. Song chính nhờ có trước quyết định may mắn và đúng lúc này, nên khi xảy ra khủng hoảng, kinh tế TQ không bị hề hấn gì. Trong và sau khủng hoảng, nhờ có lực dự trữ ngoại tệ lớn, có sức cạnh tranh tốt của hàng xuất khẩu, TQ có quyết sách đúng là giữ nguyên giá đồng tiền của mình để chặn các làn sóng của khủng hoảng có thể đổ vào. Trung Quốc đã làm được việc này, nên càng có uy tín và lợi thế.  Nợ nước ngoài của TQ chỉ chiếm 16% GDP trong khi các nước ASEAN – không kể Singapore – gần 60% GDP; cán cân vãng lai của TQ luôn luôn dương; dự trữ ngoại tệ 130-140 tỷ USD; nhiều người còn đoán rằng TQ qua các công ty người Hoa (trước hết là Hongkong) mua được một số lượng đáng kể các tài sản phá giá ở các nước lâm vào khủng hoảng... Tôi nghĩ những kinh nghiệm của Trung Quốc rất đáng được tham khảo[78]. Tuy nhiên những nỗi lo của nền kinh tế Trung Quốc nằm trong những lĩnh vực khác và vẫn có xu hướng tăng lên; những  nỗi lo hàng đầu là tính kém hiệu quả của kinh tế quốc doanh và nạn tham nhũng.

Ngày nay nhiều người cho rằng cộng đồng thế giới hình như vẫn chưa có cách gì lập ra được một hệ thống báo động kịp thời và phòng ngừa có hiệu quả, mặc dù kinh tế tri thức đã xuất hiện. Có thể vì thị trường tài chính trên thế giới ngày nay quá lớn và giới tài phiệt vẫn là những con bạch tuộc tinh quái nhất. Phân tích vấn đề này lại phải dựa vào Marx.

Toàn bộ những vấn đề vừa được trình bày còn cho thấy:
-         Sẽ không có gì phi lý hơn nếu coi kinh tế tri thức chỉ là một loại ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản đưa ra để đối kháng với chủ nghĩa xã hội.
-         Lập luận của Francis Fukuyama dự báo về sự cáo chung của lịch sử tôi cho là cũng phi lý không kém. F. Fukuyama cho rằng dựa trên kinh tế tri thức trong thế kỷ 21 bộ ba toàn cầu hoá + xã hội dân sự +  mô hình quản trị tốt sẽ là hình thái xã hội cuối cùng của xã hội loài người. Thế nhưng xem xét cả mặt phải và mặt trái của kinh tế tri thức như vừa trình bày trong các phần trên, chắc chắn đấy không thể là cái đích cuối cùng xã hội loài người muốn hướng tới.

Xin dành cho các nhà tư tưởng và xã hội học thoả sức tiếp tục suy nghĩ phi lý hoặc có lý về kinh tế tri thức và tương lai. Điều thiết thân đối với nước ta là phải tìm ra thái độ ứng xử thích hợp với kinh tế tri thức để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nước ta với thế giới bên ngoài – trước mắt là đưa nước ta ra khỏi danh sách các nước nghèo nhất thế giới.

Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy quá trình phát triển kinh tế của xã hội loài người là sự tiến hoá liên tục – bao gồm cả những bước thụt lùi (backlashes), và từng thời kỳ có những bước ngoặt, hay còn gọi là sự đứt đoạn của một hướng, để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, ví dụ như sự ra đời và các bước phát triển của kinh tế nông nghiệp, các cuộc cách mạng công nghiệp, và bây giờ là sự xuất hiện “nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức”, nói gọn là kinh tế tri thức.



Có thể tóm tắt:

-         (1) Sự đứt đoạn chuyển hướng phát triển làm xuất hiện kinh tế tri thức là kết quả của sự giao thoa giữa (a) quá trình lịch sử phát triển lâu dài của việc tăng các nguồn lực được dùng vào mục đích sản xuất và truyền đạt tri thức – bao gồm giáo dục, đào tạo, phát triển hệ thống an sinh xã hội, phát triển văn hoá, thực hiện R&D, phối hợp kinh tế... và (b) quá trình xuất hiện những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới từ các làn sóng cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ – thể hiện đặc biệt rõ nét trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng và công nghệ thông tin. Đáng chú ý là vai trò kết nối của công nghệ thông tin tỏ ra hết sức quan trọng trong việc kết hợp và tổng hợp các tiến bộ công nghệ mới trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào quá trình tri thức sáng tạo ra tri thức, thúc đảy nhanh quá trình hình thành nền kinh tế mới, kinh tế dựa vào tri thức.

-         (2) Những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế mới [79] là (a) việc làm có hàm lượng tri thức cao chiếm vị trí vượt trội trong lao động,  (b) thông tin trở thành nguồn lực quyết định,  (c) phần vốn vô hình có giá trị vượt quá phần vốn vật thể trong kinh tế. Những đặc điểm này làm cho tri thức trở thành yếu tố quyết định nhất trong kinh tế dựa trên nền tảng tri thức.[80]

-         (3) Nền kinh tế này một mặt vẫn phải tuân thủ những quy luật kinh tế chung, nhưng ở vòng xoáy và nấc thang cao hơn. Tuy là nền kinh tế “phi vật thể”, tăng trưởng và phát triển theo cấp số mũ, kinh tế tri thức cũng phải đối mặt với sự khan hiếm dành riêng cho nó: khan hiếm tri thức; đồng thời kinh tế tri thức chứa đựng trong nó nhiều biến động rất nhạy cảm. Mặt khác kinh tế tri thức có phương thức vận động riêng của nó (“phương thức vận động” là khái niệm của Marx), hình thành do mối quan hệ biện chứng giữa sự vận động tự thân của nó và tác động của thượng tầng kiến trúc; thực tế này cho thấy kinh tế tri thức vừa rạo ra, vừa đòi hỏi phải có thể chế vận hành nó phù hợp. Có thể nói: (i)Con người được phát triển, (ii)thể chế văn minh hiện đại (trước hết là tự do, dân chủ), (iii)văn hoá tiên tiến, (iv)chính sách kinh tế phù hợp - đấy là bốn cột trụ để phát triển kinh tế tri thức[81].

-         (4) Cũng như mọi hình thái kinh tế khác, kinh tế tri thức cũng có hai phần cơ bản – lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất – tác động biện chứng với nhau, là tiền đề và cứu cánh của nhau. Nền kinh tế tri thức không tự nó giải quyết tốt hoặc xấu những vấn đề trong quan hệ sản xuất. Những vấn đề trong quan hệ sản xuất của kinh tế tri thức trước hết vẫn là những vấn đề của con người, của thượng tầng kiến trúc, của thể chế kinh tế – chính tri –văn hoá - xã hội trong đó kinh tế tri thức vận hành. Tuy nhiên cần nhấn mạnh : Kinh tế tri thức bao hàm lực lượng sản xuất phát triển rất cao, mang tính liên kết rộng trong xã hội, phát triển kinh tế tri thức đòi hỏi phải phát triển con người, bản thân tri thức có tính xã hội hoá cao, và về nhiều phương diện tri thức còn là một hàng hoá công mọi người đều có thể sử dụng... Chính những đặc điểm mới này chi phối sâu sắc thượng tầng kiến trúc của kinh tế tri thức[82].

-         (5) Kinh tế tri thức tăng thêm động lực cho quá trình toàn cầu hoá kinh tế thế giới, mang lại cho mỗi quốc gia, mỗi thực thể kinh tế nhiều cơ hội và thách thức mới. Cần đặc biệt lưu ý là những cơ hội và thách thức mới này rất nhạy cảm, dễ gây chấn thương hoặc gây nguy hiểm chết người cho những nền kinh tế yếu kém, dễ tăng thêm sự phân hoá giàu nghèo giữa các quốc gia hoặc bên trong phạm vi một quốc gia. Các nước đang phát triển, các nước đi sau lại đứng trước thêm nhiều thách thức mới[83].


             




[1] Có biết bao nhiêu hiện tượng trong đời sống hàng ngày minh hoạ tình trạng này, ví dụ: tính chất khép kín còn rơi rớt lại về nhiều mặt trong mỗi địa phương, tính bản vị cục bộ gần như cát cứ của từng ngành.., ngay đến một việc rất đơn giản và rất cần thiết là thực hiện đúng luật đi đường ở nước ta chẳng hề đơn giản chút nào...vân... vân...
[2] Tham khảo: Nguyên Nguyên, Việt Nam định hướng xã hội chủ nghĩa trong thế giới toàn cầu hoá, Nhà xuất bản TRẻ, thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2001, chương III.
[3] Tổ chức Hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu, Tổ chức Thương mại Thế giới.
[4] Chủ yếu bằng cách tiếp tục phát triển hệ phần mềm của mình, luôn luôn đưa ra được những sản phẩm phần mềm (software) mới có tính năng cao hơn, do đó làm cho khách hàng phải tiếp tục phụ thuộc vào Microsoft, đồng thời ngăn các đối thủ khác chiếm thị phần của Microsoft. Sắp tới Microsoft sẽ đưa ra Window PX – nhằm vào khách hàng sử dụng máy vi tính cá nhân, một số bang ở Mỹ lại rục rịch đòi đưa Bill Gates ra toà!
[5] “Nền kinh tế mới” là khái niệm đang được dùng ở Mỹ thay cho khái niệm “kinh tế dựa vào tri thức”
[6] Cho đến nay Soros không công bố và cũng chưa ai chứng minh được ông ta lời bao nhiêu trong “phi vụ” này. Nhưng bản thân ông Soros lại thanh minh trong cuộc khủng hoảng này ông ta bị lỗ tiền tỷ vì Indonesia, Thái Lan và một số nước khác đã bán tống bán tháo các trái phiếu và cổ phiếu để cứu đồng tiền của mình... Ai cũng hiểu rằng nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu á tháng 7-1997 sâu xa hơn nhiều, trong đó có nhiều nguyên nhân nội tại của những nền kinh tế này.
[7] Tham khảo bài  “Nền kinh tế mới toàn cầu hoá - cơ hội và thách thức đối với các nước đang phát triển” của tác giả Trần Quốc Hùng in trong của cuốn sách này.
[8] -    Nicolaus Copernicus 1473-1512, nhà toán họcm thần học, y học, nhà nghien cứu thiên     văn học, người đầu tiên đưa ra lý thuyết tính được các quỹ đạo của một số hành tinh trong hệ mặt trời.
-          Galileo Galilei 1564-1642, nhà toán học, nhà vật lý, nhà thiên văn học, người đầu tiện dùng kính thiên văn quan sát và chứng minh được quả đất quay chung quanh mặt trời, bác lại thuyết  của nhà thờ coi quả đất là trung tâm của vũ trụ và các tà thuyết khác; vì lý do này sách của ông bị đốt, bản thân ông bị nhà thờ bỏ tù suốt 8 năm cuối đời mình cho đến chết. Thành tựu khoa học của ông chứng minh cho các lý thuyết về sự chuyển động của các hành tinh xoay quanh nhau trong hệ thống mặt trời (rotation theory) của Corpernicus.
-          Isaac Newton 1624-1727, cha đẻ ngành vật lý hiện đại, người khám phá ra sức hút của trái đất.
-          Albert Einstein 1879-1955, được tôn vinh là nhà khoa học vỹ đại nhất của thế kỷ 20, người đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của chúng ta về không gian và thời gian;
-          Adam Smith 1723-1790, cha đẻ của khoa kinh tế  học, người khám phá ra “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường.
-          David Ricardo 1772-1823, người đề xướng thuyết lợi thế so sánh.
-          John Stuart Mill 1806-1873,
-          Karl Marx, 1818-1883, người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học.
-          Joseph A. Schumpeter,1883-1950, (quốc tịch Mỹ, gốc áo) người đề xướng luận thuyết nổi tiếng về “sự phá huye sáng tạo”. Tham khảo Joseph A. Schumpeter “Capitalism, Socialism and Democracy”, NXB Harper & Row Publishers, New York 1942, và Peter Drucker “Weltwirtschaftswende – Tendenzen fuer die Zukunft”, Nhà xuất bản Kinh Tế Langen- Mueller / Herbig, Muenchen, Đức, 1984.
-          John Maynard Keyenes 1883-1946.
-           
[9] Ngẫu nhiên ở đây không phải là nhìn nhận theo cách siêu hình, mà chủ yếu được nhìn nhận theo định nghĩa của Ray Solomonoff, Gregory Chaitin (Mỹ) và Andrei Kolmogrov (Nga) trong những năm 1960 đã đưa ra và chứng minh bằng toán học: Ngẫu nhiên là cái không thể tóm tắt được. Khoa học vẫn còn đang tiếp tục minh giải bản chất của ngẫu nhiên.
[10]  - Trường phái Ford / Taylor: Nổi tiếng với quan điểm tổ chức và quản trị sản xuất kinh doanh theo mô hình hợp lý hoá - tự động hoá theo băng chuyền và theo tuyến. Ngày nay mô hình này bị mô hình kinh tế mạng, mô hình phi tuyến và phương thức sản xuất “may đo” – nghĩa là đáp ứng từng yêu câu riêng biệt của từng cá nhân người tiêu dùng, “phương thức sản xuát kinh doanh không có kho”  và nhiều “luật chơi mới” trong kinh tế thay thế.
  -  Các trường phái trọng tiền và kích cầu với nhiều nhánh khác nhau, chủ soái là John Maynard Keyenes. Trong trường phái này còn có Milton Friedman (giải thưởng Nobel, thuộc trường phái Chicago, hình thành một nhánh riêng được tặng cho cái tên “Friedmaniten”). Nội dung cơ bản của trường phái Keyenes là sử dụng phương tiện tiền tệ can thiệp vào kinh tế và kích cầu để duy trì cân bằng trong kinh tế và tạo ra sự phát triển ổn định. Quan điểm cơ bản này ngày nay không đứng vững được nữa do quá trình toàn cầu hoá cao độ của kinh tế thế giới trên mọi phương diện: sản xuất, kinh doanh, lưu chuyển vốn, thị thường tài chính tiền tệ vô cùng năng động ở quy mô toàn cầu... Tóm lại, cấu trúc, sự phân bổ và hình thức vận động của kinh tế thế giới đã hoàn toàn thay đổi so với tất cả những gì đã từng là điểm tựa cho học thuyết Keyenes...
[11] Kỷ yếu hội thảo khoa học “Kinh tế tri thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”, Hà Nội 21-22/6/2000
[12] Trong kho tàng tuyện cổ tích của nước ta có truyện Từ Thức lên trời gặp tiên. Sau một giấc mơ  tiên trên thượng giới trở về làng mạc cũ của mình dưới hạ giới, chàng thanh niên si tình Từ Thức gặp nhiều cụ già; hỏi ra thì những người này toàn thuộc hàng cháu chắt của cháu chắt mình. Không ai biết được truyện cổ tích này đã có cách đây bao nhiêu thế kỷ. Trí tưởng tượng phong phú đến như thế là cùng! Nhưng trong thế kỷ 20, 21 này, nếu chúng ta nhận thức về không gian và thời gian theo lý thuyết tương đối E = mc2  của Einstein và đọc những giải thích của Stephen W. Hawking trong cuốn “Lược sử thời gian” xuất bản năm 1988, thì chuyện một ngày trên thượng giới bằng thiên thu dưới hạ giới là điều có thể hiểu và chứng minh được. Con người ngày nay còn đi xa hơn Từ Thức, không chỉ đã đổ bộ lên mặt trăng, mà còn đang tìm đường lên sao Hoả và đi xa hơn nữa, tầm mắt con người đã với tới một số hành tinh lạ ngoài hệ mặt trời... Có người nói với tôi nhà bác học trác việt Hawking đến Hà Nội đầu năm 1999 và ở khách sạn Sophitel Metropole mà không ai biết; nếu đúng như vậy, chúng ta lỡ một dịp may làm quen với nhà bác học đáng kính này, thật đáng tiếc! Gần đây lại được nghe rằng lập luận của Hawking có nhiều lỗ hổng!.. Cuộc sống là như vậy.
[13] Tham khảo Peter Drucker, sách đã dẫn.
[14] (“tập đoàn công ty độc quyền’)
[15] Công nghệ gien được xem là tiêu biểu của một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới quan trọng nhất khi bước vào thế kỷ mới và thiên niên kỷ mới này. Việc lập được bản đồ gien có ý nghĩa như một cuộc cách mạng mới trong khoa học và công nghệ; tuy nhiên ngay cả thành tựu này cũng chỉ là mới tìm ra được cửa ngõ và đặt được một chân để bước vào thế giới của “gien”, một triển vọng chưa thể hình dung được đang được mở ra trong y học và trong nhiều kĩnh vực khác... Công nghệ micro và công nghệ nano là những công nghệ siêu nhỏ đi vào tìm hiểu cấu trúc của sự vật, ứng dụng vào việc tạo ra những vật liệu mới với những tính năng hoàn toàn mới – ví dụ như trong ngành vật lý chất rắn nhờ vào những công nghệ này người ta đã chế tạo ra một loại vật liệu chất gỗ nhưng có tỷ trọng nhẹ hơn thép nhiều lần, dẻo và bền hơn thép hàng chục lần, lại không dẫn điện, không cháy..; nhờ kỹ thuật số; những con chip và các bảng vi mạch cực nhỏ trong ngành chế tạo người ta đã làm ra những siêu robot có thể cấy vào trong một bộ phận nào đó của con người để trợ giúp bộ phận đó – ví dụ như siêu robot trợ tim cho nhưng bệnh nhân suy tim, các máy nghe nối liền với hệ thần kinh thính giác cho các trẻ em câm điếc v...v... Công nghệ nano nghiên cứu về vật chất hay thời gian có kích cỡ 10_9 (ví dụ 1 nanosecond là 1/1tỷ của 1 giây); nhưng quan trọng hơn nữa là tính chất vật lý của công nghệ này. Theo anh Nguyễn văn Hiệu, kỹ thuật nano có hai phần tử quan trọng mang thông tin: (1) điện tử, (2) photon; điện tử mang thông tin và năng lượng, còn photon có khối lượng bằng 0 và có chức năng mang thông tin nhanh hơn  điện tử nhiều lần, trong công nghệ chuyển tải thông tin thì photon ưu việt hơn điện tử và vai trò của nó ngày càng lấn át điện tử trong nhiệm vụ này – hệ quả thu được là tốc độ chuyển tải thông tin đã đạt tới tốc độ ánh sáng. Trên thế giới thành quả này đang làm xuất hiện ngành quang tử (công nghệ photonic). vân vân... Trong tiến bộ mới của khoa học và công nghệ là giường cột cho kinh tế tri thức, tôi có cảm nghĩ những thành tựu mới trong khoa học quản trị chưa được nhấn mạnh đúng mức. Có thể nói những tiến bộ mới trong khoa học quản trị (chủ yếu dựa trên công nghệ tin học và những kiến thức mới trong xã hội học và kinh tế học) có tác dụng tổng hợp và nhân lên những thành quả khoa học và công nghệ khác, tạo ra khả năng  mới cho từng người lao động, đồng thời nâng cao năng lực ở quy mô doanh nghiệp cũng như toàn xã hội. Trong quá trình cải cách hành chính và hệ thống quản lý nhà nước, nhiều quốc gia đã vận dụng những thành tựu  mới của tiến bộ khoa học và công nghệ, kể cả mô khoa học quản trị. Mặt khác bản thân sự phát triển của kinh tế tri thức cũng đòi hỏi phải có những đổi mới trong thể chế luật pháp, hành chính và xã hội hỗ trợ.
[16] Microsoft thường được lấy ra làm một trong nhiều ví dụ để minh hoạ: phần vốn bằng vật thể của Microsoft nhỏ hơn phần vốn trí tuệ của nó hàng trăm lần.
[17] Con đường vành đai của Boston, trên con đường này tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, trở thành trung tâm công nghệ cao và tin học thức 2 của Mỹ sau Silicon.
[18] Một ví dụ về đầu tư: chi nhánh ngân hàng Anh Standard Chartered ở Singapore có khoảng hai trăm nhân viên, phạm vi hoạt động của nó 24/24 giờ, chủ yếu là châu á và châu Uc; cách đây khoảng 2 năm chi nhánh này phải đầu tư thêm hơn 100 triệu USD riêng cho phần mềm – không kể tiền mua sắm các thiết bị tin học - để nâng cao năng lực hoạt động của nó, từ đó mỗi năm phải đầu tư thêm 10 – 15 triệu USD nữa để thường xuyên nâng cấp phần mềm phục vụ hoạt động của chi nhánh. Ngày nay ngân hàng lớn nào trên thế giới cũng phải đầu tư lại một cách cơ bản như vậy, thậm chi với số vốn lớn hơn nhiều.
[19] Theo những số liệu khảo cứu của nước ngoài gần đây, tính theo đầu người những tài nguyên thiên nhiên quan trọng, diện tích trồng trọt... của Việt Nam nghèo hơn các nước Trung quốc, Malssia, Indonesia, Thái Lan... Mật độ dan số nước ta cũng cao hơn những nước này...
[20] Tham khảo: Michael E, Porter, “The Competitive Advantage of Nations” (Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia) NXB MacMillan Press, London, xuất bản đầu tiên năm 1990, năm 1998 tái bản lần thứ 10. Qua các lần tái bản có bổ sung nhiều điểm. Cuốn sách này rất đáng được dịch ra tiếng Việt làm tài liệu giảng dạy cho bộ môn kinh tế như cuốn Kinh tế học của Samuelson, dù rằng cả hai cuốn này đã có nhiều điểm trở nên lỗi thời.
[21] Còn có rất nhiều cách “đo” tính nổi trội và quyết định nhất của yếu tố tri thức trong một sản phẩm kinh tế, trong toàn bộ nền kinh tế – tham khảo bài của anh Trân Quốc Hùng.
[22] Shumpeter diễn đạt theo cách loại suy, nói một cách nôm na: sự vận động của kinh tế – bao gồm mọi phương diện: tăng trưởng, phát triển, đào thải, biến đổi... – tương tự như quá trình tiến hoá của hệ sinh thái.
[23] Việc Schumpeter mượn hiện tượng sinh học để miêu tả, theo suy nghĩ của riêng tôi, quả thực gợi ra nhiều điều đáng chú ý. Bởi vì sự vận động của các hiện tượng sinh học vô cùng phong phú đến mức: mỗi một sự vật gần như là một sự vật duy nhất, có sự vận động riêng của nó, nghĩa là không có cái thứ hai. Song hiện tượng sinh học nào cũng có đầy đủ các quá trình như trao đổi chất, tiến triển, tiến hoá, tách đôi, nhân lên, phôi thai, và chắc còn nhiều “bước” khác nữa mà chúng ta chưa biết... cuối cùng dẫn tới sự huỷ hoại hay phát triển thành một thực thể hoàn toàn mới... Tất cả những “bước” như vậy – kể cả những “bước” cho đến nay chúng ta chưa thể biết tới, và chắc là có nhiều – là những bước tồn tại và vận động hữu cơ của nhau, không thể xếp theo mạng, theo chuỗi, càng không thể cắt rời nhau. Tất cả những “bước” như vậy đòi hỏi phải có môi trường và những điều kiện nhất định mới xảy ra được. Bàn tay và trí tuệ con người có thể làm cho những “bước” đã được biết tới ấy nhanh lên, chậm đi, song không thể bỏ đi, phá huỷ hay tự “sáng tạo” ra một “bước” nào mà không phá huỷ chính sự vật ấy. Còn bàn tay và trí tuệ của con người có thể vô tình hay vô ý thức vi phạm hay hỗ trợ một bước không biết tới nào đó trong quá trình này, thì hệ quả sẽ rất khác nhau... Có thể nói gọn như thế này: Không có nền kinh tế của nước nào giống nước nào – cho dù cùng một trình độ phát triển, cũng như không thể có chuyện đốt cháy giai đoạn với hy vọng để đi nhanh, lại càng không thể sao chép hay tự mình duy ý chí vẽ bản đồ đi đường áp đặt cho con đường phát triển kinh tế của nước mình... Mọi bước phát triển này lồng nghép hữu cơ với nhau và là của nhau như vậy, đòi hỏi phải có những điều kiện làm cho nó trở nên chín muồi thì mới diễn ra – ở đây, và chỉ ở đây mới là chỗ có thể có việc làm cho bàn tay và trí tuệ con người. Tôi hy vọng suy nghĩ theo cách so sánh với mô hình sinh học như vậy của Schumpeter gợi ra cho chúng ta cách nhìn kinh tế vỹ mô và kinh tế vi mô rõ ràng hớn, bớt phiến diện và bớt duy ý chí.
[24] J. A. Schumpeter, sách đã dẫn, tr. 21.
[25] Tham khảo Nuyên Nguyên, “Việt nam định hướng XHCN...” sách đã dẫn, tr. 419-420.
[26] Schumpeter, sách đã dẫn, trang 424,425.
[27] “Tuyên ngôn  Cộng sản”, NXB Sự Thật, Hà Nội 1963, tr. 10-11. Ghi chú: Marx mất năm 1883.
[28] Trích từ: “Về vấn đề xã hội ở Nga”, C. Mác và Ph. ăngghen    toàn tập, tập 18. tr. 751-752. NXBCTQG Sự Thật, Hà Nội 1995.
[29] Thư của Engels ngày 13-9-1892 gửi Kauski, Marx-Engels toàn tập, NXB BCT, Matscơva, tập 38, tr. 108, tiếng Nga. Ghi chú: Marx mất năm 1883.
[30] Doanh nghiệp nào cũng phải đối phó với quy luật lợi suất giảm dần. Các xí nghiệp quốc doanh của nước ta cũng vậy thôi. Song ở nước ta còn có tình trạng đầu tư trùng lặp và tạo ra công suất dư thừa, ví dụ có quá nhiều tỉnh có nhà máy đường, nhà máy ximăng... Thực thế này làm cho quy luật lợi suất giảm dần trong doanh nghiệp càng trở nên gay gắt hơn, tăng thêm các yếu tó gây ra thua lỗ – chung cuộc là tạo ra nhiều gánh nặng cho nền kinh tế.
[31] Năm 1965 Gordon More đã dự đoán và xây dựng thành lý thuyết: cứ sau 18 tháng khả năng xử lý của mạch vi tính lại tăng gấp đôi, với kết quả chi phí sản xuất ngày càng giảm mạnh, nhưng năng suất lại tăng theo cấp số mũ. Tương tự như vậy, quy luật Gordon More được kiểm nghiệm trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác và trong khoa học quản tri kinh doanh.
[32] Tham khảo Elettra Agliardi,  giáo sư đại học Bologna và đại học Churchill, Cambrridge, “Positive Feedback Economies”, NXB MacMillan Press Ltd, Anh, Hamsphire và Mỹ, New York, 1998. Đây là công trình nghiên cứu công phu bằng các mô hình toán học chứng minh kinh tế phản hồi dương.
[33] Càng được sử dụng, tri thức không mất đi mà ngày càng được phổ biến rộng và được nhân lên. Không ai có thể phủ nhận chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội.
[34] Đây là nguyên nhân quyết định nhất làm cho kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục trong suốt 8 năm thuộc hai nhiệm kỳ của tổng thống Clinton.
[35] Theo tôi, phải chăng đặc trưng này của tri thức là một yếu tố trực tiếp, thậm chí có thể là yếu tố quan trọng nhất trong những yếu tố tạo ra kinh tế có sự phản hội dương (positive feedback economy).
[36] Những bất trắc, những bất ổn định mới này – về một số phương diên nào đó – còn có thể được xem là một hình thái vận động cao hơn của quy luật lợi suất giảm dần trong kinh tế tri thức, diễn đạt ở mức độ cao hơn sự phá huỷ sáng tạo Schumpeter đã đề xướng.
[37] Tham khảo cuốn sách giáo khoa “Kinh Tế Học” của Samuelson – Nordhaus. 
[38] Đó là tri thức, bao gồm cả kỹ năng, con người có thể nắm bắt được trong lao động, luyện tập và học hỏi.., nhưng khó mô tả và điển chế hóa được. Khác với tri thức được điển chế hoá - nghĩa là có thể dạy được, học được – tri thức ngầm khó truyền thụ cho người khác, song vai trò của nó nhiều khi đặc biệt quan trọng. Người ta thường nêu ra một ví dụ như sau để minh hoạ: Một cầu thủ siêu sao bóng đá trong từng trường hợp cụ thể biết phải dùng chiến thuật gì, lối đá nào, các kỹ thuật và tiểu sảo nào để làm bàn..; nhưng nếu anh ta muốn mô tả hết và điển chế hoá tất cả những thứ đó thì phải viết ra hàng trăm trang giấy mà chưa chắc đã đủ và đúng, vì mỗi cú sút làm bàn là một trường hợp riêng biệt hầu như không lặp lại!.. Điển chế hoá tri thức là một trong những yếu tố quan trọng để tái sản xuất tri thức; song tri thức ngầm lại đòi hỏi phải được nuôi dưỡng theo cách riêng của nó.
[39] Nhân đây xin nói thêm, dù trong những thời đại nào của xã hội loài người, những vĩ nhân như Plato, Descartes, Aristoteles, Rousseau, Khổng Tử, Voltaire, Goethe, Hegel, Marx, Nehru, Hồ Chí Minh... trước hết là những con người tự do.
[40] Dọc những vụ việc tiêu cực đăng trên báo chí hàng ngày, phân tích một chút, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để kết luận như vậy.
[41] Điều 11 trong Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về bộ gien người nghiêm cấm việc nhân bản vô tính nhằm mục đích tạo ra con người. Hội đồng các nước EU ngày 12-1-1998 ban hành Nghị định thư bổ sung về cấm nhân bản vô tính con người. Ngày 9-12-1998 Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Tuyên bố toàn cầu của UNESCO về quyền con người và bộ gien người vân... vân...
[42] Theo tạp chí The Economist 7-10-1995 khối lượng giao dịch này năm 1973 mới chỉ khoảng 20 tỷ USD/năm, nhưng năm 1995 đã lên tới 1300 tỷ USD/ngày (năm 2000 có thể là 1500tỷ USD/ngày), trong khi đó khối lượng buôn bán hàng hoá và dịch vụ toàn thế giới những năm đầu thập kỷ 1990 ước khoảng 5000tỷ USD/năm.
[43] Micael E. Porter, nguyên cố vấn kinh tế của tổng thống Reagan, trong cuốn “Lợi thế cạnh tranh của các quốc gia” (The Competitive Advantage of Nations) NXB MacMillan Business, Hamsphire và London, xuất bản lần thứ 10 năm 1998 (có bổ sung nhiều điều) đã đưa ra những dẫn chứng chứng minh các quốc gia khác nhau có lợi thế so sánh dựa trên sự phong phú của đầu vào như lao động, nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn tài chính... ngày càng giảm ý nghĩa cùng một nhịp độ với sự tăng lên của nền kinh tế toàn cầu hoá.
[44] Tuy nhiên, trong tổng lượng FDI hàng năm đổ vào Trung Quốc, chỉ có chưa đầy 20% đến từ Mỹ, Nhật và Tây Âu, còn lại chủ yếu từ nền kinh tế người Hoa – kể cả Đài Loan và Hongkong; trong số FDI hàng năm từ nền kinh tế người Hoa đổ vào này, lại có khoảng 10 đến 15 tỷ USD – tuỳ theo từng năm – là từ nội địa Trung Quốc tuồn ra rồi lộn trở lại vào Trung Quốc dưới dạng FDI để được hưởng các ưu đãi.
[45] Do chủ đề của cuốn sách, những hệ quả xã hội do nửa trái này của sự thực gây ra xin được bàn đến trong một dịp khác nào đó.
[46] Có một số tài liệu nghiên cứu nói rằng nếu tính cả vốn ngắn hạn, toàn bộ nền kinh tế Mỹ sử dụng khoảng 70% toàn bộ các nguồn vốn của cả thế giới – vì Mỹ có nhiều khả năng hấp dẫn lớn nhất các nguồn vốn nước ngoài.
[47] Tạp chí, do Học viện Quan hệ Quốc tế của Pháp xuất bản mối năm một số.
[48] Nếu quan sát kinh tế Mỹ bắt đầu chững lại từ năm 2001, tôi nghĩ rằng hình như làn sóng sáp nhập này đã đạt tới cao điểm của nó.
[49] Năm 1999 các cuộc sáp nhập ở Pháp chiếm 11,4% GDP, Đức 12,3%, Anh 25%... – nguồn Ramsess 2001.
[50] Renault bỏ ra 32,3 tỷ Franc mua 22,5% vốn của Nissan Diesel, và 100 công ty con của Nissan bán hàng ở châu Âu.
[51] Hiện tượng này được một số nhà kinh tế  gọi những cuộc sáp nhập này là sự ra đời của chủ nghĩa tư bản phản lực (Turbocapitalism), qua đó bàn tay vô hình của Adam Smith trở thành quả đấm thép!
[52] Hiện tượng này đặc biệt rõ nét (a) trong sự việc Mỹ và nhiều nước Tây Âu, nhưng trước hết vẫn là Mỹ, trong tình hình mới phải giảm bớt hoặc thay đổi, đổi mới công nghiệp sản xuất vũ khí;  (b) sự lỗi thời của ngành công nghiệp hoá học truyền thống, đòi hỏi phải chuyển mạnh sang công nghiệp hoá học hiện đại gắn rất nhiều với công nghiệp sinh học;  (c) sự lỗi thời của công nghiệp sản xuất các vật liệu trung gian truyền thống do công nghiệp vật liệu mới ngày càng phát triển (e) sự bùng  nổ của những ngành công nghiệp gắn với công nghệ tin học và công nghệ sinh học, những ngành dịch vụ mới,   vân... vân... Có thể dễ dàng quan sát hiện tượng này trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp ô-tô, công nghiệp thiết bị tin học và viễn thông, công nghiệp sản xuất vật liệu trung gian, tuổi thọ ngày càng ngắn của một công nghệ hoặc của một mặt hàng, yêu cầu có những sản phẩm mới trong công nghệ tin học, trong ngành dịch vụ, vân... vân...
[53] Qua bức tranh toàn cảnh nay, chúng ta có thể thấy rõ hơn vì sao nhiều lý thuyết và phương thức cũ phá sản hay không còn thích hợp, thấy rõ hơn những đổi mới chứa đựng trong những phương thức làm ăn mới như kinh  tế mạng, thương mại điện tử, quản lý và kinh doanh không có kho, phương thức “may đo” (đáp ưng từng yêu cầu riêng lẻ của người mua)..

[54] Một ví dụ: Tháng 3-2001 xảy ra một chuyện không bình thường nhưng hoàn toàn bình thường, tập đoàn viễn thông Sing Tel (Singapore) đã đánh bại tập đoàn Vodaphone PLC – một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới về điện thoại di động – trong đấu thầu với giá thầu cả gói là 8,4 tỷ USD - bằng cách  mua mỗi cổ phiếu của OPTUS với giá là 4,5 USD - để mua lại tập đoàn viễn thông OPTUS của Anh đang chiếm lĩnh thị trường toàn nước úc. Với việc sáp nhập bằng cách mua này, Sing Tel trở thành tập đoàn viễn thông lớn nhất khu vực châu á - Thái Bình dương (tham khảo báo Herald Tribune 27-3-2001). Đây lá một cách làm ăn đầy mạo hiểm nhưng rất tính toán theo cách nghĩ “High return, high risk!” (Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn, theo cách nói đánh bạc là “được ăn cả, ngã về không”),  hay một cuộc đầu cơ? Hay đây là một ví dụ nữa cho câu chuyện “cá bé nuốt cá lớn” – (Klaus Schwab, chủ tịch diễn đàn Davos gọi hiện tượng này là “kẻ lanh lợi thắng anh chàng béo ị”) đang xảy ra hàng ngày trên thương trường thế giới ngày nay? Song câu chuyện không dừng ở đây, mặc dù là thành viên ASEAN và tham gia AFTA, Singapore không chờ các nước ASEAN chậm chân khác. Thủ tướng Goh Choktong đã tuyên bố, đại ý: ai chạy trước được thì cứ chạy.
[55]n nguyên nhân gây ra những yếu kém này, như vốn để mua vào khi thời vụ rộ lên, kho lưu gữ để bán ra lúc được giá, khả năng bốc xếp, vận tải, khả năng thương lượng và nắm khách hàng gốc, cách tranh bán hàng giữa ta với ta làm mất lợi thế mặc cả, cách bán hàng manh mún vì quá nhiều người bán, vân vân... Từ nhiều năm nay, mặc dù tiến hành thể nghiệm rất nhiều phương thức, song đến nay vẫn chưa có giải pháp mong muốn, có thể vì chưa tìm thấy nguyên nhân gây ra những nguyên nhân này !
[56] Chủ yếu do sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế của Nhật không tiến kịp với các đối thủ khác. Gần 8 năm liền Mỹ có tăng trưởng GDP 3-4%, trong khi đó Dức xấp xỉ 2%, Nhật 1,2-1,5%... Những nguyên nhân mang lại thành công cho Nhật trong thời ký trước đó (như bảo hộ chặt chẽ thị trường nội địa, sự liên kết khép kín giữa các công ty Nhật với nhau thành rào chắn đối với công ty nước ngoài...) trong những điều kiện của cách mạng tin học và mức độ toàn cầu hoá trở thành những yếu tố làm yếu dần khả năng cạnh tranh của Nhât.
[57] Ramses số ra năm 2001 đánh giá nhà nước ở Mỹ trong thập kỷ vừa qua thành công hơn các nhà nước ở châu Âu và Nhật trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển năng động; không có yếu tố này, Mỹ không thể có được các bước phát triển như 10 năm vừa qua.
[58] Ngày nay các công ty đa quốc gia có tỷ trọng khá cao sản xuất ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia mình và đưa lợi nhuận về nước. Một số nước đang phát triển cũng bắt đầu có các công ty đa quốc gia như vậy.
[59] Nghĩa là bạn không cần mua, hãng đem đến cho bạn máy giặt theo đúng tính năng bạn yêu cầu, việc sử dụng máy được nối với mạng, tháng nào thanh toán tháng nấy, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít, máy hỏng hóc sẽ được tự động bào về hãng qua mạng – sẽ có người đến chữa hoặc thay máy mới...
[60] Trên thực tế gần như là một hình thức kinh doanh chỉ cần chất xám; ví dụ: Hãng nhận đơn đặt hàng theo đúng yêu cầu “may đo” và tiền thanh toán trước của khách hàng, dùng tiền đó chi thẳng ra việc làm ra sản phẩm rồi giao hàng ngay, không cần kho bãi, không mất vốn...
[61] Đã có những công trình khảo sát của UNDP cho thấy hệ thống tổ chức thứ bậc có thiên hướng bác bỏ những dự án tốt; hệ thống mạng bắt buộc phải tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm nên có thiên hướng bác bỏ những dự án xấu và khuyến khích mạo hiểm đi vào sản phẩm mới.
[62] B2B: Business to Business (quan hệ công ty – công ty); B2C: Business to Consumer (quan hệ công ty – người tiêu dùng, tức khách đặt hàng).
[63] Có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng sự tụt hậu của Tây Âu và Nhật trong hai thập kỷ vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân quan trọng là chậm đổi mới các doanh nghiệp. Ví dụ ở nước Anh, nơi có tiếng là bảo thủ, mãi đến thời nữ thủ tướng Thatcher mới đảy mạnh tư nhân hoá các doanh nghiệp sơ cứng và các doanh nghiệp còn được Nhà nước trợ cấp - điển hình là việc tư nhân hoá nhiều tập đoàn lớn như British Aerospace (vũ trụ), British Telecom (Viễn thông), Jaguar (ô-tô), British Gas (hơi đốt), British Petroleum (BP – dầu khí), British Airway (hàng không), Rolls Royce (ô-tô), British Steel (thép), Rover (ô-tô), đường sắt... và bán 600.000 nhà cho người đang sử dụng mà trước đây cho thuê với giá rẻ (HLM) v... v... Quá trình này ở Mỹ xảy ra trước đó từ lâu.
[64] Tìm đọc J. J. Rousseau “Du Contrat Social” (1762) - đã dịch ra tiếng Việt, căn bản triết lý cho xây dựng xã hội dân sự dựa trên bảo đảm quyền tự do của công dân.
[65] Tham khảo các bài viết của Hoàng Ngọc Liêm.
[66] Trong 2 thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước, kinh tế Mỹ phải thải loại 44 triệu việc làm cũ, đồng thời tạo ra 73 triệu việc làm mới để thích ứng với nền kinh tế mới (kinh tế tri thức), trong đó 2/3 số việc làm mới có lương cao hơn trước (Zuckerman, 1999). Điều này còn cho thấy một quá trình đổi mới sâu sắc cấu trúc kinh tế đang tiếp tục diễn ra.
[67] Ví dụ như hiểu theo: xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản, xã hội cộng sản mà thời kỳ quá độ là chủ nghĩa xã hội...
[68] Để minh hoạ cho những đòi hỏi mới này,  xin hãy tìm hiểu - ví dụ như - các hộ nông dân ở Mỹ, Canada, hoặc Tây Âu để làm mẫu... Đó thường là một hộ nông dân gồm hai vợ chồng và 1 hoặc 2 con; giả thử đó là một hộ nông dân chuyên về chăn nuôi để lấy sữa, với đàn bò khoảng 100 – 200 con và diện tích trồng cỏ khoảng 50 -100 ha, họ có thể sản xuất khoảng 4 – 5 tấn sữa mỗi ngày, công việc hầu như hoàn toàn là cơ khí hoá với cả một văn phòng hoạt động rất hiệu quả, đó là cái máy vi tính cá nhân có nối mạng. Tất cả các thành viên trong gia đình này đều phải có nhiều các loại kỹ năng lao động khác nhau và có đầu óc kinh doanh: họ phải là những người nông dân thực thụ như biết các nghề chăn bò, trồng cỏ, vắt sữa.., họ phải là những thợ cơ khí thực thụ để tự lái, tự điều khiển và tự sửa chữa tức thời những hỏng hóc nhỏ các xe cộ và máy móc trong trang trại họ, họ phải có kiến thức thú y khá cao để bảo đảm đàn bò của họ khoẻ mạnh và cho năng suất sữa cao, họ phải là người kinh doanh giỏi để hiểu cách bán sữa của họ và mua các thứ cho đầu vàokể cả các dịch vụ - sao cho có lợi nhất, họ phải biết làm ăn trên mạng để giải quyết những công việc mua bán này – kể cả việc mua bán cổ phiếu hay vay vốn.., họ phải biết cả xu thế thị trường để cân nhắc xem bán sữa tươi hay là cung cấp cho các nhà sản xuất fromage (fó-mát), họ phải biết luật pháp  của nước họ và một số quy định có liên quan trong những ký kết của nước họ với thế giới bên ngoài (ví dụ cách xuất khẩu sữa theo những quy đình và thoả thuần trong khuôn khổ WTO, EU, APEC...), tất cả đều phải biết tiếng Anh - vì đấy là ngôn ngữ chung nhất trên mạng... Nông dân ở một nước phát triển đại thể là như vậy, nếu không, trang trại của cặp vợ chồng này sớm phá sản.
[69] A. Sen, sinh ở Đông Bengal, nay thuộc Bangladesh, từng là giáo dư ở đại học Harward, nay dạy ở đại học Cambridge và đại học Trinity, Anh, giải thưởng Nobel 1998.
[70] Không hiếm người còn phê phán: mọi lý lẽ của Lý Quang Diệu dựa trên kinh nghiệm quản lý Singapore với tính chát là một quốc gia thành phố (city state), các lý lẽ ấy có thể hợp lý với Singapore, nhưng không hẳn luôn luôn thích hợp với những quốc gia như các nước láng giềng của ông ta...
[71] Tham khảo “Châu A’ -  Từ khủng hoảng nhìn về thế kỷ 21”  của Võ Tá Hân, Trần Quốc Hùng và Vũ Quang Việt, NXBTPHCM, VAPEC, Thời báo kinh tế Sài Gòn, xuất bản tại NXBTPHCM năm 2000.
[72] Tại các nước phát triển tỷ lệ nợ /vốn tự có của doanh nghiệp thường không được phép quá 1; nhưng tại Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia... tỷ lệ này là 3-5. Tại các thị trường tài chính phát triển, một khi lãi đến hạn của một khoản nợ chưa thanh toán được thì cả khoản nợ lập tức bị coi ngay là nợ khó đòi; mỗi ngân hàng thường có quy định riêng của mình về sự quá hạn của việc trả lãi này để đánh giá khoản cho vay nào trở thành nợ khó đòi, tuỳ theo đặc thù các khoản vốn cho vay...
[73] Những “cơn sốt địa ốc”  sớm muộn đều đẩy kinh tế những nước này lâm vào tình hình nguy hiểm. Nhìn lại, - và điều này khiến Việt Nam ta phải suy nghĩ - hình như chưa thấy một “cơn sốt địa ốc” nào báo hiệu một tin vui! Các cơn sốt địa ốc ở Nhật có lẽ trầm trọng nhất. Hai thập kỷ đã trôi qua mà Nhật chưa ra khỏi những hậu quả của các cơn sốt địa ốc, mặc dầu Nhật có một tiềm lực tài chính khổng lồ. Hình như tai nạn lớn nhất cho nhiều ngân hàng lớn của Nhật là trong mục  tài sản có các giá trị thế chấp bằng bất động sản chiếm tỷ lệ rất cao, vì được tính theo giá của các “cơn sốt”, nghĩa là trên thực tế khoảng rỗng của những ngân hàng này khá lớn không biết sẽ lấp bằng cách nào, buộc những ngân hàng này kéo dài thêm mãi những hoạt động chống đỡ – nhiều khi không lành mạnh. Hình như đây còn là một trong những lý do khiến cải cách hệ thống ngân hàng ở Nhật diễn ra rất chậm. Các ngân hàng hoạt động ở Sigapore, Hongkong, và phần nào ở Đài Loan (trong đó các ngân hàng lón nhất thường là các ngân hàng phương Tây có bề dày kinh nghiệm và kỷ luật hoạt động rất chặt chẽ) tỏ ra thành công hơn trong việc trị các cơn sốt địa ốc.
[74] Theo Paul Krugman (Mỹ),  chỉ số ICOR (hiệu năng kinh tế của đầu tư mới) của những nước này là 5 – 6,  (nghĩa là quá cao, chỉ số hợp lý chỉ được phép từ 3 – 4),  tỷ lệ lãi trên vốn quá thấp, thường chỉ đạt dưới 5%, còn phần lớn các chaebols chỉ đạt dưới 1% hoặc thậm chí lỗ; tóm lại tăng trưởng nhanh chủ yếu nhờ tăng đầu vào chứ không phải nhờ hiệu quả kinh tế.
[75] Đây có thể là một bài học cực kỳ quan trọng. Lịch sử các quốc gia khác vào mọi thời kỳ cũng cho thấy: tăng trưởng không gắn liền với phát triển thì không bền vững và năng động được, gặp sóng gió không chống chọi lai được, thậm chí có thể đi đến sụp đổ; mặt khác cũng có nhiều ví dụ cho thấy sự tan rã hay suy sụp của một quốc gia thường mở đầu hay gắn liền với sự suy sụp về thể chế. Trần Quốc Hùng đánh giá: Cuộc khủng hoảng tháng 7-1997 kéo các nước lâm nạn thụt lùi 20 năm! Đây là vấn đề rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ.
[76] Tham khảo sách đã dẫn “ Châu á - từ khủng khoảng...”
[77] Có thể nói đây là chủ trương rất quyết đoán của chính phủ trong tình hình ở TQ có 50% doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và 25% không có lãi, nhưng sử dụng tới 75% tín dụng của cả nước. Về mặt nào đó mà xét, quyết định chủ động phá giá đồng Nhân dân tệ 30% như vậy còn là biện pháp của chinh phủ ép DNNN phải đẩy mạnh cải cách hơn nữa, việc đẩy mạnh tiến trình gia nhập WTO cũng bao hàm mục đích này. Trở lực lớn nhất trên con đường đi lên của Trung Quốc là sự thua lỗ quá lớn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là nợ khó đòi hay mất đứt của doanh nghiệp đối với chính phủ hoặc giữa các doanh nghiệp với nhau trở thành gánh nặng quá lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc; hơn nữa lại thiếu một hệ thống an sinh và phúc lợi hoạt động hữu hiệu, nên quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc càng chật vật. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc có quyết tâm lớn, vì không gì có thể át được mục tiêu chiến lược đưa Trung Quốc sớm trở thành siêu cường.
[78] Tham khảo sách đã dẫn trên, Vũ Quang Việt.
[79] Thuật ngữ thường được dùng phổ biến ở Mỹ để chỉ kinh tế tri thức.
[80] Tham khảo thêm: Dominique Foray, “Kinh tế tri thức”, NXB La Découverte, Paris 2000.
[81] Trong cuốn “Sự giàu nghèo của các dân tộc...” của David S. Landes, New york, 1988, toát lên một ý quan trọng: Trong lịch sử xưa và nay, sự phát triển kinh tế thịnh vượng của bất kỳ quốc gia nào trên trái đát này đều không thể tách rơì sự phát triển giáo dục, văn hoas và đạo đức của chính quốc gia ấy. Nhận xét này lại càng quan trọng đối với các nước đi sau (later comers). Vì nếu chấp nhận một cách nghiêm túc nhận xét này, nó có thể giup các nước đi sau giảm bớt máu và nước mắt, tránh được nhiều đoạn trường quanh co đày đau khổ trong quá trình mở đường đi lên sự thịnh vượng và hạnh phúc. Đi vào kinh tế tri thức, nhận xét của Landes càng đáng được chú ý. Tìm hiểu về sự giàu có của tri thức ngay từ trong thời kỳ các nước công nghiệp đầu tiên ra đời ở châu Âu, Landes đã nêu lên một nhận xét khái quát: “Thể chế và văn hoá là trước tiên, tiền bạc là sau đó, nhưng phần thưởng ngay từ đầu và ngày càng tăng là tri thức. Đây là cuốn sách nên tìm đọc, đã được dịch ra tiếng Việt.
[82]  Đặc điểm thứ tư này cho thấy nền kinh tế mới – kinh tế tri thức – vừa đòi hỏi phải tạo ra (nghĩa là không tự nhiên mà có) một xã hội mới, vừa tác động toàn diện lên xã hội mới. Vì lẽ này kinh tế tri thức mang trong nó nhiều yếu tố nhân văn và xã hội hơn so với các nền kinh tế trước đó. Đề cập đến khía cạnh này, trong kinh tế tri thức các yếu tố phải có của xã hội phải được nâng lên tầm cao mới: dân chủ chính trị, giáo dục suốt đời, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, công bằng xã hội, gìn giữ môi trường, an ninh quốc phòng, bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế, bừng nở con người (Việt Phương).
[83] Trên thế giới đang diễn ra hiện tượng: Sự phát triển của kinh tế tri thức có xu thế gia tăng vận tốc quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới, đồng thời làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hoá này cũng ngày càng lan rộng ở tất cả các loại nước phát triển và đang phát triển. Toàn bộ hiện tượng này một mặt cho thấy quá trình toàn cầu hoá này là không thể đảo ngược, song mặt khác cho thấy quá trình này chứa đựng trong nó nhiều vấn đề chưa có cách gì xử lý có hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phân hoá giàu nghèo giữa các quốc gia hoặc trong phạm vi một quốc gia. Sự phân hoá này bức bách đến mức làm xuất hiện một cặp phạm trù mới là “globalizer” (người làm ra toàn cầu hoá, còn gọi là ông chủ của toàn cầu hoá) và “globalizee” (người đi làm thuê cho toàn cầu hoá). Dù thế giới xoay vần thế nào, sự lựa chọn của nước ta không phải và càng không thể là quay lưng lại với xu thế toàn cầu hoá. Để không bị đè đầu cưỡi cổ một lần nữa, nước ta chỉ có sự lựa chọn: Không muốn làm đe thì phải làm búa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét