Bài 5
Bàn về hoàn thiện kinh tế thị trường
(Bài viết về đại hội XII sắp tới của
ĐCSVN)
Nguyễn Trung
nguyentrung-vt.blogspot.com
Hà Nội, 02-09-2014
I.
Đánh giá khái quát con đường 40 năm
Góp phần tổng kết
kinh tế mà đại hội XII nhất thiết phải làm, tôi xin nêu lên một số nhận xét
chính dưới đây, trước khi bàn đến chủ đề hoàn thiện kinh tế thị trường ở nước
ta.
Trong bài 2 và bài
3, tôi cho rằng 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên là một thời kỳ phát triển thất
bại, hoặc dễ nghe hơn: cơ bản là thất bại (song “dễ nghe hơn” như thế chẳng ích
lợi gì thêm cho đất nước).
Nói là thất bại, bởi
lẽ:
Không đạt được các mục tiêu chiến lược, thành tựu hay kết quả thu được không xứng
với thời gian, công sức, của cải đã bỏ ra và những cơ hội có được. Bao chùm lên
tất cả là đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội thất bại, đến 1986 phải xoá bỏ nền
kinh tế bao cấp để tiến hành đổi mới, đề ra cái gọi là xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về thực chất suốt 29 năm đổi mới vẫn là
kiên trì chủ nghĩa xã hội mà chính tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần thừa
nhận chưa rõ nó sẽ là cái gì. Đường lối sai, sửa lại rồi mà cũng không rõ được,
như thế làm sao có thể thành công được? Cho nên thất bại là tất yếu. Dưới đây
xin điểm lại cho rõ.
Trong 40 năm này, nước
ta mất trên dưới 10 năm vào 2 cuộc chiến tranh tiếp theo kháng chiến chống Mỹ
(chiến tranh Campuchia, chiến tranh Trung quốc xâm lược biên giới), lại thêm những
thất bại trong đường lối kinh tế bao cấp (xin dùng tạm tên gọi này) kéo dài cho
đến khi tiến hành đổi mới 1986. Thời kỳ 10 năm này (1975 - 1986, về những mặt
nào đó phải tính đến 1989) đảng đã vấp phải những sai lầm rất nghiêm trọng cả về
đối nội (bao gồm cả kinh tế) và đối ngoại, với nhiều hậu quả lâu dài. Nguyên nhân chủ yếu là chủ quan, duy
ý chí, không hiểu thế giới và không hiểu chính bản thân nước ta: Tiến
nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội! Từ nay không có kẻ thù
nào dám động đến ta! – Đương nhiên, những nguyên nhân khách quan cũng rất
quan trọng, có những mặt bất khả kháng, song dù sao vẫn phải nói những nguyên nhân chủ quan của lãnh đạo và của
hệ thống chính trị là những tác nhân trực tiếp mang tính chất quyết định của những
sai lầm thời hậu chiến.
Trong những nguyên
nhân chủ quan, cái nguyên nhân không hiểu thế giới, không hiểu chính bản thân
nước ta cho đến hôm nay vẫn đang là một cái u-bướu chết người trong não bộ tư
duy của ĐCSVN.
Kinh tế nước ta thực
sự phát triển kể từ khi tiến hành đổi mới 1986, ngày nay đạt mức “nước đang
phát triển có thu nhập trung bình (thấp)”[1].
Nếu so sánh nước ta hôm nay với nước ta 1986, kinh tế nước ta đã đi được một chặng
đường dài: từ nước chậm phát triển lên nước đang phát triển, giải quyết được
nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng được thế giới ghi nhận, GDP p.c. 2014 cao gấp khoảng 10 lần khi tiến hành đổi mới năm 1986 (2000 USD / 200 USD). Đã có lúc kinh
tế nước ta giành được sự phát triển ngoạn mục (nhất là thời kỳ 1986 – 1995…), dấy
lên nhiều hy vọng khiến trên thế giới người ta đã bắt đầu nói tới “con hổ Việt
Nam”, nhưng con hổ này chưa kịp cất lên tiếng gầm nào thì đã biến mất tăm.
Song nếu so nước ta
với các nước chung quanh, khoảng cách tụt hậu của ta ngày càng rộng thêm. Ví dụ:
năm 1986 GDP p.c. (GDP tính theo đầu người) của Trung Quốc gấp đôi của nước ta (400 USD / 200 USD,
năm nay cao gấp trên 3 lần; khoảng cách lúc ấy (1986) GDP p.c.Trung Quốc cao
hơn nước ta ước chừng <+200 USD, nhưng khoảng cách này hiện nay là <+5000
USD; so với các nước đi trước ta trong ASEAN cũng cho thấy mối tương quan như vậy. Nghĩa là 3 thập kỷ vừa qua, càng chạy đua ta càng tụt hậu.
Năm 1990, với tư cách đại sứ tại Thái Lan, tôi tìm hiểu mọi vấn đề và báo cáo về
nước: Việt Nam tụt hậu khoảng 20 năm so với Thái Lan. Năm nay (2014), nghĩa là
sau ¼ thế kỷ, khoảng cách này không hề thu hẹp, mặc dù Thái Lan từ vài thập kỷ
nay không thể ra khỏi cái bẫy các nước có thu nhập trung bình. Lý do: đến nay
Thái Lan vẫn chưa thiết lập được cho mình một thể chế chính trị của một nước
công nghiệp, mặc dù đã hội nhập quốc tế từ những năm 1930s. Đây là bài học nhãn
tiền cho Việt Nam.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là sau 3 thập kỷ phát triển
(kể từ 1986), kinh tế nước ta đã tận dụng hết (đến mức cạn kiệt) mọi yếu tố
nội/ngoại có được cho phát triển theo chiều rộng (chủ yếu
dựa trên lao động giản đơn, khai thác tài nguyên và đất đai, tăng trưởng chủ
yếu nhờ vào đầu tư mới…) song vẫn chưa tạo ra được nền tảng kinh tế vững chắc để
đi vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu (chủ yếu dựa trên khoa học & công
nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thể chế quản trị quốc gia hiện đại). Cho
đến ngày hôm nay, nước ta mới chỉ tạo ra được một nền kinh tế gia công. Nói
nôm na, đấy là một nền kinh tế chỉ bán đi được những thứ ta tự có: lao
động rẻ, tài nguyên, đất đai, môi trường, vị trí địa lý, cơ hội… Cho đến hôm
nay vẫn chưa đi vào được thời kỳ phát triển một nền kinh tế bán các
sản
phẩm ta tự làm ra – với nghĩa có hàm lượng cao về trí tuệ và công nghệ
của một nền kinh tế dựa vào chất lượng cao của nguồn nhân lực và năng lực quản
trị của nhà nước; bởi vì còn thiếu nghiêm trọng những điều kiện tiên quyết cho
thời kỳ phát triển mới này trên mọi phương diện (chất lượng nguồn nhân lực,
chất lượng giáo dục, thể chế chính trị quốc gia, thể
chế kinh tế thị trường thực thụ, lực lượng doanh nghiệp, kết cấu hạ tầng
vất chất kỹ thuật…) Kinh tế đã đi hết đoạn đường phát triển theo chiều rộng,
nhưng hôm nay đang lâm vào khủng hoảng cơ cấu trầm trọng, nên vừa bế tắc (cái
bẫy “nước có thu nhập trung bình – thấp”),
vừa chưa chuẩn bị được những điều kiện phải có cho việc chuyển nền kinh tế đi
tiếp vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu.
Còn 6 năm nữa, năm
2020, nước ta phải trở thành nước công nghiệp, hoặc là “cơ bản là nước công
nghiệp theo hướng hiện đại” (một khái niệm rất “cao-su”, tùy tiện, và rất thiếu
trách nhiệm với đất nước) – như đã ghi trong nhiều nghị quyết của đảng, song mục
tiêu này không thể hoàn thành được, vì trình độ phát triển nền kinh tế còn ở mức
quá thấp nhìn theo bất kỳ tiêu chí nào (tỷ trọng các khu vực kinh tế - economic
sectors, tỷ trọng phân bổ các loại lao động, tỷ trọng kinh tế nông thôn và kinh
tế thành thị…, các chỉ số phát triển tính theo đầu người về kết cấu hạ tầng vật
chất & kỹ thuật, vân vân..; riêng chỉ số bằng thạc sỹ, tiến sỹ tính theo đầu
người và trong bộ máy quyền lực, nước ta vượt xa Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước
phát triển khác). Đặc biệt nghiêm trọng là nước ta không có một thể chế
chính trị quốc gia phù hợp cho một nước công nghiệp hoá, chính điều này trước
sau đang chặn đứng khả năng nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp. Đó là một
chế chính trị quản trị và cai trị đầy bất cập và tham nhũng. Điều cần lưu ý
ở đây, sau 3 thập kỷ tiến hành công nghiệp hoá (chỉ tính từ 1986), nước ta huy
động được một nguồn lực nội và ngoại ước tính nhiều gấp hơn 2 lần của Hàn quốc
cho 3 thập kỷ công nghiệp hoá của họ. Song sau 3 thập kỷ này, Hàn Quốc hoàn
thành được nhiệm vụ công nghiệp hoá; nhưng nước ta không hoàn thành được nhiệm vụ
này, lại rơi quá sớm vào quá trình giải
công nghiệp hoá do tác động của quá trình toàn cầu hóa (rõ nét nhất là nhiều
sản phẩm công nghiệp đã quá dư thừa trên thị trường thế giới và trở nên lỗi thời,
hoặc phải nhường chỗ cho những sản phẩm công nghiệp hightech; có nhiều thay đổi
trong quy mô và phương thức sản xuất công nghiệp, vận dụng phân công lao động
quốc tế để khai thác lợi thế so sánh hoàn toàn khác với cách đây vài thập kỷ,
vân vân…), và hôm nay vẫn là một nền kinh tế gia công đang bế tắc vì khủng hoảng
cơ cấu trầm trọng, nền nông nghiệp của đất nước cũng đang bị thách thức nghiêm
trọng, khu vực dịch vụ phát triển khả quan hơn song về cơ bản vẫn nằm trong phạm
vi quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp.
Nói khái quát, nước
ta đang có một nền kinh tế “đắt”, nhìn theo tính
hiệu quả kinh tế (economic
efectiveness) trên mọi phương diện: chỉ số ICOR cao nhất trong khu vực (nhất là
trong 10 năm qua liên tiếp chỉ số ICOR thường là =6 hoặc <6, trong khi đó thời
gian này ở Hàn Quốc, Đài Loan thường là >3), tỷ suất lợi nhuận rất thấp, mức
độ tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu trên một sản phẩm thuộc loại cao nhất ĐNÁ
và năng suất lao động thuộc loại thấp nhất, năng lực sản xuất từng ngành hoặc bất
cập so với đòi hỏi của thị trường hoặc bỏ phí rất lớn (nhất là trong công nghiệp
sản xuất sản phẩm phụ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến.., với hệ
quả nhiều ngành chỉ sử dụng được khoảng 30 – 40% công suất thực có), chi phí
trung gian rất tốn kém củ yếu do quan liêu và tham nhũng, tác động môi trường nặng
nề với nhiều hậu quả lâu dài... Ngoại trừ một số ít ngành đặc thù trong lắp ráp
và gia công, nhìn chung công nghệ trong công nghiệp nước ta chủ yếu thuộc thế hệ
3 hoặc 4 (nhất là phần lớn những công trình công nghiệp quan trọng mới xây dựng
trong hơn một thập kỷ nay đều được thực hiện dưới dạng EPC do Trung Quốc trúng
thầu). Tham nhũng rất trầm trọng, song lãng phí còn trầm trọng hơn nhiều – nhất
là lãng phí do những quyết định kinh tế sai lầm, những dự án treo, những quy hoạch
phá sản ở khắp cả nước…
Tựu trung là do đã
theo đuổi một chiến lược phát triển sai lầm[2]
trong một thể chế chính trị bất cập. Nổi cộm là các vấn đề:
(1)Công nghiệp rất
chắp vá và chưa định hình được nước ta sẽ là một nước công nghiệp gì nếu thu hẹp
dần công nghiệp gia công hiện nay. Có lẽ phải nói sự phát triển công nghiệp nước
ta nhằm vào lợi ích của doanh nghiệp là chủ yếu, chứ không phải là lợi ích tổng
thể của quốc gia, do đó manh mún, mạnh ai nấy làm và dựa vào tranh thủ được FDI
như thế nào thì phát triển như thế nấy – nghĩa là rất tự phát, duy ý chí và do
bên ngoài chi phối là chính, rất bị động, khó mà nói phát triển theo một chiến
lược rõ nét hay nhất quán nào của ta. Bản thân sự phát triển này lại thay đổi
theo từng khoá đại hội đảng (tư duy nhiệm
kỳ, tân quan tân chính sách). Hiện
tại đất nước chỉ có một nền kinh tế gia công; khai thác và bán các tài nguyên,
môi trường và đất đai… Đó là một nền kinh tế đang trở thành bãi thải công nghiệp
cho nước ngoài là chủ yếu (rõ nét nhất là chất lượng FDI nói chung rất thấp:
chủ yếu thuộc lĩnh vực gia công, sản xuất nguyên vật liệu trung gian rất ô nhiễm
môi trường, công nghiệp khai khoáng và tài nguyên đất đai, một số công trình đặt
ra nhiều vấn đề an ninh chính trị và quốc phòng rất đáng lo ngại… Nói đất nước
ta trở thành đất nước cho thuê, chủ của đất nước trở thành người đi làm thuê…
trước hết là vì những lẽ này).
Công nghiệp hóa như
3 thập kỷ vừa qua là sản phẩm tất yếu của chế độ. Đơn giản vì thể chế chính trị
hiện tại không có khả năng huy động trí tuệ cả nước vạch ra các chiến lược quốc
gia đúng đắn, càng không có khả năng thực thi chúng. (Suy cho cùng, thể chế
chính trị hiện tại có quá nhiều các yếu tố mang trong nó những lợi ích đối nghịch
hay đối kháng với những lợi ích theo đuổi một chiến lược công nghiệp hóa hiện đại
của quốc gia). Trên thực tế (1)tính “phe nhóm lợi ích”, (2)“tư tưởng nhiệm kỳ”,
(3)tính cát cứ của nền kinh tế “GDP tỉnh” như là một đặc tính của thể chế chính
trị này, (4)cùng với hiện tượng trí tuệ không có chỗ đứng phải có trong thượng
tầng kiến trúc của quốc gia là 4 yếu tố chính kể trên khiến cho thể chế chính
trị này chỉ có thể đề ra những chiến lược què quặt, đã và đang xé nát mọi chiến
lược quốc gia đã hoạch định – kể cả chiến lược công nghiệp hóa.
3 thập kỷ công nghiệp
hóa vừa qua ở nước ta kể từ Đổi mới 1986 cho thấy chế độ toàn trị hiện tại chỉ
thích hợp cho việc công nghiệp hóa theo lối khai thác cạn kiệt các yếu tố phát
triển theo chiều rộng dựa trên lao động cơ bắp, bóc lột tài nguyên và môi trường,
và đầu tư để hình thành một nền công nghiệp lạc hậu, hiện nay đứng trước nhiều
ách tắc khó vượt qua để chuyển vào một thời kỳ phát triển mới (phát triển theo
chiều sâu). Đến đây có thể kết luận: Thể chế chính trị toàn trị của nước ta như
hiện nay không có khả năng đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa theo
hướng hiện đại, dù là kéo dài bao nhiêu năm nữa cũng thế thôi – như chúng ta
đang thấy ở các quốc gia rơi vào cái bẫy của nước có thu nhập trung bình như
Thái Lan và nhiều nước đang phát triển khác.
Trong những thập kỷ
tới, ngay trước mắt là trong 5 năm tới, nếu tiếp tục công nghiệp hóa như phương
thức đang diễn ra với thể chế chính trị hiện tại, bãi thải công nghiệp có tên gọi
là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ ngày càng lớn, với mọi hệ lụy sẽ dìm
sâu hơn nữa đất nước vào lạc hậu và tụt hậu.
(2)Nông nghiệp là vấn đề rất nhậy cảm ở nước
ta trên nhiều phương diện, nhưng cũng đang bế tắc nghiêm trọng về mọi phương diện.
Chủ yếu do sai lầm về chính sách đất đai, do thất bại trong quá trình công nghiệp
hoá / đô thị hoá, và do thất bại trong nhiệm vụ công nghiệp hoá – hiện đại hóa nông nghiệp giữa lúc kinh tế cả nước
đã hội nhập vào quá trình toàn cầu hoá như ngày nay… Mặc dù có vị thế nhất định trong một số sản
phẩm trên thị trường nông phẩm thế giới, nông nghiệp nước ta còn đứng rất xa
yêu cầu là một nền nông nghiệp tiến dần lên hiện đại của một quốc gia đang
trong quá trình công nghiệp hoá. Không ít sản phẩm nông nghiệp của nước đang bị
sản phẩm ngọai đẩy lùi ngay trên thị trường nước ta, nhất là từ Trung Quốc.
Thậm chí còn phải
nói, một nền nông nghiệp như hiện tại tự nó cũng sẽ chặn đứng khả năng nước ta
trở thành nước công nghiệp: Cả nước còn trên 50% lao động làm việc trong nông
nghiệp với diện tích đất đai bình quân khoảng 3 lao động / 1 ha ruộng đất, công
nghệ canh tác và chế biến rất lạc hậu.
Trong khi đó với
trình độ phát triển hiện có (nghĩa là vẫn còn rất lạc hậu, lao động chân tay là
chủ yếu, sự tham gia của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn rất thấp…),
một lao động nông nghiệp nước ta hiện nay tối thiểu phải cần tới 3 ha ruộng đất
canh tác để có thể tận dụng dụng hết ngày công của mình trong năm; cả nước vẫn
còn tới khoảng gần 70% số dân sống ở nông thôn; sản xuất nông nghiệp vẫn là nền
sản xuất tiểu nông manh mún với rất nhiều rủi ro nguy hiểm cho nông dân từ đầu
vào cho đến đầu ra của toàn bộ quy trình kinh tế nông nghiệp; tất cả các khâu
giống, phân bón, thức ăn gia súc, năng lực chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn phụ
thuộc nghiêm trọng vào bên ngoài; khả năng đi lên sản xuất quy mô lớn theo hướng
hiện đại của nông nghiệp nước ta đang bị những ràng buộc của vấn đề sở hữu đất
đai, của đường lối phát triển kinh tế hiện tại và của thể chế chính trị cản trở
nghiêm trọng, vân vân…
Xin lưu ý, Hàn Quốc,
Đài Loan trong vòng 2 thập kỷ đầu tiên của thời kỳ công nghiệp hoá đã thực hiện
được đòi hỏi phát triển nông nghiệp phải đồng hành với quá trình công nghiệp
hoá.
(3)Khu vực dịch vụ
phát triển khả quan hơn (trong đó nổi bật là du lịch, viễn thông, hàng không…),
song cũng đã hết đà phát triển theo chiều rộng; đất nước ta chưa có được nguồn
nhân lực có chất lượng, thể chế nhà nước thích hợp và kết cấu hạ tầng vật chất
kỹ thuật tương ứng để đi vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Khu vực dịch vụ
chủ yếu mới chỉ phát triển trong một số ngành, trong khi đó hầu như chưa đi vào
được rất nhiều ngành nghề quan trọng khác của dịch vụ mà điều kiện địa lý tự
nhiên và địa lý kinh tế/chính trị của nước ta cho phép (ví dụ, có thể phân tích
khu vực dịch vụ của nền kinh tế Singapore để thấy rõ những ngành kinh tế nào của
dịch vụ nước ta chưa đụng chạm tới). [Nhân đây xin nói ngay: Cần loại bỏ mong
muốn bệnh hoạn của một số người nào đó muốn phát triền casinos ở nước ta, bởi lẽ
tình trạng tha hoá hiện tại trong xã hội nước ta đã vượt quá xa mức có thể kiểm
soát được.]
(4)Nền tài chính quốc
gia và hệ thống ngân hàng của đất nước rất mong manh, nợ nần nhiều – trong đó tỷ
lệ nợ xấu rất cao, tính công khai minh bạch và năng lực quản trị rất thấp. Sự
can thiệp của chính trị (bao gồm cả nhóm lợi ích) vào lĩnh vực tài chính ở mức
rất nguy hiểm. Những đối phó cục bộ (như lãi suất, thuế suất, giá vàng, trái
phiếu, đáo nợ…) tuy có lúc đem lại kết quả tạm thời (chữa cháy), song chung cuộc
đang tích tụ những nguy cơ đổ vỡ nguy hiểm lớn hơn. Vấn đề đặc biệt nghiêm
trọng là nền tài chính quốc gia và hệ thống ngân hàng của đất nước tự nó đã
khơi ngòi và góp phần quan trọng vào những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn của đất
nước vừa qua, không hoàn thành được nhiệm vụ chính trị số một của nó là huy động
và phân bổ tối ưu mọi nguồn lực cho sự phát triển năng động và bền vững của đất
nước.
(5)Thất bại lớn nhất
của 40 năm qua là đã không xây dựng nên được một thể chế chính trị của nhà nước
pháp quyền dân chủ mang lại độc lập tự do và hạnh phúc cho nhân dân như đã ghi
trong tiêu chí quốc gia[3]
và giải phóng tiềm năng phát triển của đất nước. Nhiều quyền cơ bản của công
dân và quyền con người bị ngăn cấm hoặc xâm phạm nghiêm trọng. Trong thất bại
này cần đặc biệt nêu lên thảm bại nghiêm trọng của nền giáo dục nước nhà đang để
lại những hậu quả rất lâu dài cho đất nước. Chúng ta đang có một nhà nước quản
trị để cai trị theo phương châm cái gì không quản được thì cấm, cần
thì can thiệp tùy tiện, hoàn toàn không phải là một nhà nước kiến tạo
phát triển. Sau 40 năm xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đất nước ta lâm vào
một cuộc khủng hoảng toàn diện (kinh tế - chính trị - văn hoá – xã hội), bị lệ
thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc, độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc
gia đang bi uy hiếp hơn bao giờ hết kể từ sau 30-04-1975. Nghiêm trọng hơn nữa: Sau 4 thập kỷ độc lập thống nhất, phải
chăng đất nước chúng ta hiện đang lâm vào tình trạng mất phương hướng phát triển
giữa lúc tình hình khu vực và thế giới đang có nhiều thách thức nặng nề, và thậm
chí trở nên nguy hiểm hơn trước?
II.
Những khuyết tật lớn trong kinh tế thị trường nước ta
Trước hết về quan niệm,
quan sát sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới, tôi xin rút ra những
điều dưới đây về kinh tế thị trường.
Tinh thần cốt lõi của
kinh tế thị trường là hình thành một quá trình phát triển kinh tế theo sự dẫn dắt
của những lực đẩy được tạo ra từ mối quan hệ qua lại bình thường giữa cầu và
cung trên thị trường.
Cầu và cung ở đây cần
được hiểu là những đòi hỏi của trao đổi tự do trong đời sống kinh tế hướng tới
một sự phát triển mới – thực hiện việc trao đổi thị trường của nền kinh tế
“laissez faire”. Cần đặt vấn đề như vậy để luôn luôn chủ động tránh những
khuynh hướng phát triển hoang dã hoặc thiên lệch nguy hiểm.
Đối với cả cầu và
cung, thị trường luôn luôn có thể làm được chức năng điều tiết ở mức độ nhất định,
được đặt cho cái tên là “bàn tay vô hình” (Adam Smith), bởi vì nó làm những việc
khó thấy được liên quan đến điều tiết nền kinh tế. (yếu tố 1)
Song vì khả năng của
“bàn tay vô hình” là hữu hạn, mà cuộc sống là nhiều chiều và vô hạn, do đó kinh
tế thị trường còn phải cần đến “bàn tay bà đỡ” – thường là và trước hết là thuộc
về chức năng của nhà nước. Xã hội càng phát triển, ngày càng có thêm nhiều yếu
tố khác tham gia tích cực vào chức năng của “bàn tay bà đỡ”. (yếu tố
2)
Điều thiết yếu là
bàn tay
vô hình và bàn tay bà đỡ đều phải làm đúng việc của mình với hiệu quả cao
nhất. Vì lẽ này cả hai đều phải được một bộ não mẫn tiệp điều hành, có thể xem
đây là điều kiện quyết định nhất. Bộ não ấy chính là một thể chế chính trị đáp
ứng được đòi hỏi phát triển của quốc gia, phát huy được vai trò tích cực của giới
doanh nhân (bao gồm các doanh nghiệp), phát triển được một xã hội dân sự năng động,
luôn luôn cổ vũ và luôn luôn hướng quốc gia giành lấy những bước phát triển mới,
nhà nước kiến tạo phát triển là công cụ đặc biệt quan trọng của thể chế chính
trị này. (yếu tố 3)
Nêu lên những điều vừa
trình bầy trên, nhằm mục đích nhấn mạnh ngay từ đầu: Nền kinh tế thị trường
với đúng nghĩa nhất thiết phải bao gồm đầy đủ cả 3 yếu tố (1)bàn tay vô
hình, (2)bàn tay bà đỡ, (3)thể chế chính trị; tất cả phải hoạt động ở trạng
thái tối ưu cho phép – trong đó thể chế chính trị là điều kiện tiên quyết số
một. Đây cũng là 3 tiêu chí có thể dựa vào để đánh giá thực trạng kinh tế
thị trường nước ta hiện nay. Bàn về hoàn thiện kinh tế thị trường ở nước ta
cũng có nghĩa phải bàn về phát triển đồng bộ cả 3 yếu tố cấu thành này của kinh
tế thị trường. [Thông thường, về một nền kinh tế phát triển, người ta chỉ nhấn
mạnh tới vai trò của “bay bàn tay vô hình” (thị trường) và của “bàn tay bà đỡ”
(nhà nước) là đủ. Điều này đúng. Song lại nghĩ, cái gì điều khiển hay chi phối
cả 2 bàn tay này của một cơ thể quốc gia, nhất là nhìn vào thực trạng nước ta,
tôi đồng tình với quan điểm phải nhấn mạnh vai trò quyết định của thể chế chính
trị. Xin tham khảo cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại”, của
D Acemoglu và J A Robinson”.]
Dưới đây xin nêu lên
một số vấn đề nóng nhất.
II.1. Sự lũng đoạn của quyền lực và nhóm lợi
ich
Bài 4A “Bàn về
cải cách thể chế chính trị” đã cố gắng trình bầy sự lũng đoạn của quyền
lực đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung, trong đó vấn đề
nghiêm trọng số 1 là tình trạng “đảng hoá”
toàn bộ đời sống đất nước. Tại đây xin nêu thêm một số khía cạnh liên
quan đến kinh tế thị trường.
Thể chế chính trị ở
nước ta với đặc trưng đảng giữ vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối như đang
diễn ra, về bản chất mâu thuẫn như nước với lửa đối với kinh tế thị trường.
Chính đây là nguyên nhân gốc khiến cho kinh tế thị trường ở nước ta biến dạng
nghiêm trọng, bị điều hành và lũng đoạn bởi (a)quyền lực đảng, (b)chủ nghĩa tư
bản thân quen và chủ nghĩa tư bản hoang dã, (c)sự chi phối của lobby từ bên
ngoài – đặc biệt là quyền lực mềm Trung Quốc.
Thực hiện kinh tế thị
trường là đòi hỏi bất khả kháng đối với nước ta kể từ bắt đầu đổi mới 1986, đến
nay là 3 thập kỷ. Nước ta đã tham gia đầy đủ các thể chế kinh tế quốc tế và khu
vực (WTO, WB, IMF, ADB, các FTAs song phương và đa phương, vân vân…), nhờ đó
kinh tế thị trường ở nước ta đã đạt được những bước phát triển rất quan trọng,
GDP p. c. từ 200 USD nay đạt 1350 USD... Tuy nhiên, nguyên nhân thể chế chính
trị (nguyên nhân gốc) nêu trên đã một mặt làm cho không ít những tiến bộ đạt được
này đều ở trong tình trạng dang dở, mặt khác chỉ làm biến tướng để tăng thêm độ
nguy hiểm chứ không khắc phục được sự lũng đoạn nêu trên (của 3 nhóm a, b, c).
Có lẽ chính thực tế này giải thích hiện tượng: Tại sao kinh tế nước ta càng
phát triển, càng bị xé lẻ thành các “tiểu vương quốc” theo lợi ích (các nền
kinh tế GDP tỉnh, các nền kinh tế tập đoàn nhà nước, kinh tế đảng, kinh tế quân
đội, kinh tế công an…) càng phát sinh nhiều ách tắc trong kinh tế và nhiều bất
công trong xã hội, môi trường càng bị huỷ hoại nghiêm trọng, hầu hết các chiến
lược kinh tế đã đề ra đến nay đều thất bại. Đặc biệt nghiêm trọng là có một số
đại gia hay nhóm lợi ích giầu lên rất nhanh với những ảnh hưởng kinh tế và
chính trị ngày càng lớn, trong khi đó toàn bộ nền kinh tế quốc gia tiếp tục đổ
vỡ và vị thế mọi mặt của đất nước ngày càng yếu đi. Các vụ án đã xử cho thấy tội
ác kinh tế ngày càng nguy hiểm về quy mô và về thủ đoạn thực hiện, sự dính líu
bệnh hoạn giữa kinh tế và hệ thống quyền lực… Sự phát triển như vậy hầu như phá
hủy sức phát triển năng động của đất nướ, hậu quả là những gánh nặng cướp mất
cơ hội phát triển của tương lai. Hiện nay kinh tế đất nước đang ở trạng thái
nguy hiểm chưa có lối ra.
Làm sao nói được là
nước ta có một nền kinh tế hài hoà thống nhất với đúng nghĩa, vì bên trong chứa
đựng quá nhiều nét cát cứ, các “tiểu vương quốc”, sự chùng lặp của các nền kinh tế GDP tỉnh… Có thể viết
nhiều quyển sách mổ xẻ thực trạng này, nhưng hiện nay việc mổ xẻ đến gốc như thế
đang bị kiêng cấm. Song trước sau sẽ là việc phải làm, nếu muốn chữa bệnh. Nói
khái quát: đảng hoá đời sống đất nước, nền kinh tế GDP tỉnh, tập đoàn kinh tế nhà
nước, và tư tưởng nhiệm kỳ, đấy là 4 yếu tố trực tiếp làm nát bét nền
kinh tế đất nước, tạo ra môi trường màu mỡ cho sự can thiệp của quyền lực mềm
Trung Quốc.
Chức năng khách quan
của thị trường là phản ánh mối quan hệ cung - cầu tạo điều kiện góp phần quan
trọng cho sự phát triển hài hoà. Nhưng vi phạm điều mang tính quy luật này
của thị trường, sẽ chỉ tạo ra đầu cơ và thị trường của đầu cơ, chung cuộc sẽ chỉ
có được một nền kinh tế của những hành vi đầu cơ, với sự phá hoại không thể
hình dung nổi.
Ví dụ, thời bao cấp
trước 1986, vì phá quy luật kinh tế thị trường, nên đã xảy ra hiện tượng một
cái xe đạp peugeot có thể đổi lấy một căn nhà, một điều phi lý không thể phi lý
hơn trên thế gian này.
Còn hiện tại: Xâm phạm
quy luật của kinh tế thị trường đã dẫn đến hệ quả cả một đất nước năng động rừng
vàng biển bạc… nhưng hôm nay rơi thỏm vào nền kinh tế của những người đi làm
thuê và đất nước trở thành đất nước cho thuê.
Dưới đây là một số
nét minh hoạ.
-
Sáp
nhập Hà Tây vào thủ đô Hà Nội là một ví dụ điển hình của kinh tế đầu cơ, là một
trong những nguyên nhân trực tiếp tạo ra bong bóng kinh hoàng của thị trường bất
động sản, mặc dù quyết định này bị cả nước bác bỏ quyết liệt (trong đó có Võ
Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt…), nhưng lợi ích của 3 nhóm “a, b ,c” đã thắng. Cả nước
có nhiều cái bong bóng như thế và đã dẫn tới giá nhà đất của Việt Nam cao nhất
thế giới, cản trở sự phát triển của đất nước. Song cũng chính những quyết định theo lợi ích của 3 nhóm a, b,
c như thế đã và đang trực tiếp làm nổ các bong bóng của thị trường địa ốc, khiến
kinh tế cả nước rơi sâu thêm nữa vào khủng hoảng cơ cấu với những thiệt hại
không thể lường hết được.
-
Kinh
tế bauxite Tây Nguyên, kinh tế KCN Vũng Áng, nạn cho thuê rừng… là những ví dụ
điển hình của kinh tế lobby, của kinh tế bán rẻ lợi ích quốc gia, của kinh tế đất
nước cho thuê, đẩy đất nước đi sâu vào cơ cấu kinh tế lạc hậu và nguy cơ trở
thành bãi thải công nghiệp cho những nước khác, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích
và an ninh quốc gia.
-
Phớt
lờ những tín hiệu của thị trường, kinh tế tập đoàn nhà nước TKV (than và khoáng
sản Việt Nam) lẽ ra phải biết mình hết lý do tồn tại từ lâu rồi nhưng vẫn cố đấm
ăn xôi; hậu quả là mỏ hết và đã phải nhập khẩu than ngược trở lại rồi, hầu như
toàn bộ vốn thiết bị của tập đoàn và hàng vạn lao động của nó rơi vào thất nghiệp,
tập đoàn lấy duy trì kinh doanh/liên doanh trái nghề để tồn tại. Nhưng vì TKV
chỉ có đặc quyền nhà nước bao cấp (vốn, quyền kinh doanh, ảnh hưởng chính trị…)
và không có nghề, do đó tất yếu gây hậu quả nghiêm trọng cho toàn xã hội: Chết
mà không chôn được, nên kinh lắm! Cả nước có không ít tập đoàn nhà nước, nông
trường quốc doanh, xí nghiệp quốc doanh… chết rồi mà không chôn được.
-
Quản
lý nhà nước bất cập và chính sách đất đai hiện hành dẫn tới hệ quả giá thành
xây dựng 1km đường cao tốc ở Việt Nam đắt khoảng 5 – 10 lần so với Thái Lan, so
với các nước phát triển khác.., thời gian thi công cũng dài hơn nhiều lần như
thế, chất lượng cũng thấp hơn nhiều lần như thế…
-
Nền
kinh tế có quá nhiều hành vi đầu cơ, lũng đoạn.., nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến
chất lượng FDI thu hút được. Vì thế khối lượng FDI thu hút được tuy không nhỏ,
nhưng không đẩy nhanh được việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế quốc dân theo hướng
hiện đại. Thu hút FDI như hiện nay có nguy cơ kéo dài sự tụt hậu của đất nước…
Đúng là thị trường Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với FDI, vì là quốc gia có
nhiều tiềm năng lớn và giữ vị thế quan trọng trong khu vực trên cả
hai phương diện kinh tế và chính trị. Tuy nhiên thể chế chính trị và thể
chế kinh tế của đất nước hiện nay là rào cản lớn trong việc thu hút FDI có chất
lượng. Đã đến lúc phải chấm dứt xu thế tranh thủ FDI với bất kỳ giá nào (bất chấp
cả lợi ich quốc gia) như đã diễn ra
trong 3 thập kỷ vừa qua.
-
Vân
vân…
II.2. Bàn tay bà đỡ còn nhiều yếu kém
Nhìn chung nhà nước
làm không tốt vai trò “bà đỡ”; cụ thể là vừa không làm đúng chức năng của mình,
vừa can thiệp quá sâu vào kinh tế, khiến
cho đòi hỏi cải thể chế kinh tế ngày càng nóng bỏng.
Những năm gần đây
nhiều công trình nghiên cứu đã đi tới kết luận:
(a)môi trường kinh
doanh bị nạn quan liêu và tham nhũng lũng đoạn nghiêm trọng, trong đó nổi bật
là: quyền kinh doanh và quyền sở hữu bị xâm phạm, luật thường bị lách hoặc thay
thế bằng “làm luật” và lobby, hiện tượng “bộ chủ quản” và nhiều hình thức “chủ
quản” khác đang hồi sinh khiến thị trường bị các hoạt động theo chi phối “lãnh
địa” của các nhóm lợi ích;
(b)thiếu vai trò
trung gian hữu hiệu của các tổ chức kinh tế và dân sự phục vụ các doanh nghiệp
trên các phương diện tài chính, luật pháp và kỹ thuật.., do đó tăng thêm giá
thành và nguy cơ rủi ro trong sản xuất và kinh doanh – nhất là của các xí nghiệp
nhỏ và vừa;
(c)yếu kém của thể
chế chính trị và thể chế kinh tế dẫn tới làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hoạt
động và tính hiệu quả của các công cụ hướng dẫn hay điều tiết thị trường, ví dụ
như lãi suất, tỷ giá, các khuyến khích, các sắc thuế, các chính sách điều tiết
khác, vân vân..;
(d)cùng với những yếu
kém của thị trường, hệ thống thống kê và thông tin kinh tế không chuẩn xác (hoặc
cố ý che giấu hay tô hồng), làm cho những tín hiệu của thị trường giảm hoặc mất
độ tin cậy, gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất kinh doanh và hệ điều hành,
gia tăng các yếu tố đầu cơ;
(e)do những yếu kém
nhiều mặt của kinh tế thị trường, ước lượng Việt Nam chỉ tận dụng được khoảng
30% các hiệp định khung song phương, đa phương và quốc tế đã ký kết, nên không
cải thiện được bao nhiêu năng lực cạnh tranh, chưa tham gia sâu được vào các
chuỗi sản phẩm mặc dù nền kinh tế nước ta có tỷ trọng xuất khẩu rất cao, thậm
chí có nhiều thua thiệt ngay cả trên thị trường nội địa vì không tân dụng được
những điều đã ký kết, vân vân… Mặt khác, hội nhập sâu
rộng mà không nâng cao được năng lực cạnh tranh đã khiến nước ta rơi vào thế lệ
thuộc ngày càng nặng nề vào bên ngoài về vốn (ODA, FDI, các khoản vay khác, thị
trường…), nguồn cung đầu vào – đặc biệt từ Trung Quốc (tổng thầu các dự án, các
sản phẩm trung gian), và một số lĩnh vực khác (FDI chi phối 65% xuất khẩu và
gần 50% công nghiệp).
(f)khu vực kinh tế
quốc doanh, trước hết là các tập đoàn nhà nước, chiếm tới trên 60% vốn của toàn
xã hội, hiệu quả kinh tế thấp, nợ nần lớn, sau nhiều năm cải cách đi cải cách lại
khu vực kinh tế quốc doanh hiện nay chiếm vai trò chủ đạo trong nợ của quốc gia
và là nơi có nhiều ung nhọt nguy hiểm cho cả nền kinh tế; đặc biệt nghiêm trọng
là hiện tượng kinh doanh/liên doanh trái nghề và hiện tượng sở hữu chéo của các
tập đoàn nhà nước một mặt vô hiệu hoá đáng kể khả năng quản lý của nhà nước và
hệ thống luật pháp, mặt khác chèn ép nguy hiểm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làm
méo mó yếu tố thị trường;
(g)chưa tạo ra được
một thị trường phục vụ tốt nông nghiệp trên cả 2 phương diện đầu vào và đầu ra,
khiến cho nông dân bị thiệt thòi nghiêm trọng và chịu đựng nhiều bất công, đồng
thời hạn chế khả năng cải tiến hay hiện đại hoá nông nghiệp; sau gần hai thập kỷ
tham gia WTO và nhiều hiệp định khung khác nước ta vẫn lạc hậu và phải chịu nhiều
thua thiệt lớn trong xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như gạo,
cà-phê, cao su, thuỷ sản, tiêu…
(i)còn thiếu nhiều chính sách và biện pháp thiết thực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích cạnh
tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và
vai trò của giới doanh nhân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, nhất
là trên các phương diện: nâng cao năng lực kinh doanh, phát triển các doanh
nghiệp nhỏ và vừa, cải tiến các mô hình doanh nghiêp, chuyển đổi cơ cấu kinh
tế, đỡ đầu các sản phẩm mới, tham gia xây dựng các chính sách vỹ mô và vi mô,
thể chế, chiến lược phát triển… (còn thiếu những quyết sách làm cho doanh nhân
và các nhà công nghệ trở thành những người trực tiếp thúc đẩy và mở mang kinh
tế; xin lưu ý: doanh nhân và các nhà công nghệ mới là người trực tiếp tạo ra
công ăn việc làm và làm giầu cho đất nước);
(j)trước sau không
thể duy trì vai trò ngân hàng nhà nước với tính cách như là một công cụ của quyền
lực như hiện nay (nguyên nhân gốc của lạm phát và của tình hình chi tiêu cũng
như phân bổ nguồn lực không thể kiểm soát được). Dứt khoát phải sớm tính đến
vai trò độc lập của ngân hàng nhà nước như một công cụ của nhà nước pháp quyền,
phải hoạt động theo hiến pháp, chỉ chịu sự giám sát duy nhất của hiến pháp và
quốc hội, qua đó trở thành công cụ tài chính quốc gia duy nhất, không thuộc bất
kỳ đảng phái hay quyền lực chính trị nào, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất đối với
toàn bộ nền kinh tế - đây là một trong những điều kiện tiên quyết không thể thiếu
của nhà nước pháp quyền cũng như nền kinh tế thị trường. Cùng với vai trò độc lập
này của ngân hàng nhà nước là vai trò độc lập của hệ thống thống kê nhất thiết
phải tôn trọng, cùng với cùng một lý do như ngân hàng nhà nước;
(…)
Tựu
trung có thể nhận xét, vai trò “bà đỡ” của nhà nước còn đứng khá xa đòi hỏi
mang lại cho đất nước có một nền kinh tế thị trường được thúc đẩy bằng sự vận động
của quy luật cung – cầu và sự dẫn dắt của một thể chế chính trị khuyến khích sự
phát triển đất nước bằng những chính sách vỹ mô đúng đắn. Những điều trình bầy
trong phần II này cho thấy đòi hỏi bức xúc phải tiến hành cải cách thể chế
chính trị là trọng tâm số một, song rõ ràng phải luôn luôn gắn với cải cách thể
chế kinh tế để duy trì được tình hình: Cải cách thể chế chính trị phải gắn liền
với những phát triển đạt được trong kinh tế, lấy thành quả này thúc đẩy cải
cách thể chế chính trị. Kinh nghiệm Myanmar khác hẳn với thực tiễn cải cách ở
Liên Xô cuối những năm 1980 ở chỗ từng
bước tiến bộ trong cải cách chính trị ở Myanmar đều được hậu thuẫn bằng những
tiến bộ cụ thể trong cải cách kinh tế và ngược lại, mặc dù nội tình Myamar khó
khăn hơn Liên Xô hồi đó nhiều.
III.
Một số gợi ý
Sự thật kinh tế đất
nước đang ở trong một giai đoạn có nhiều khó khăn nghiêm trọng của khủng hoảng
cơ cấu kinh tế còn kéo dài, mặc dù hai năm gần đây bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Có 4 vấn đề lớn nóng bỏng trong những năm tới nhất thiết phải giải quyết xong một
cách cơ bản vào khoảng năm 2020:
-
Cơ cấu lại nền kinh tế với mục tiêu giảm bớt
lệ thuộc vào bên ngoài, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các khu
vực kinh tế trong nước, và phát triển sản phẩm mới, chuyển đổi sang thời kỳ
phát triển theo chiều sâu;
-
cơ
cấu lại thị trường tài chính tiền tệ để nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực và
kiểm soát được vấn đề nợ;
-
cơ
cấu lại khu vực kinh tế quốc doanh, trước hết là các tập đoàn nhà nước để trực
tiếp góp phần vào đổi mới cơ cấu kinh tế;
-
từng
bước xử lý vấn đề nợ xấu đang trở nên nguy hiểm.
Cả 4 vấn đề nêu trên
đều mang tính cơ cấu nên khó, vừa đòi hỏi nhiều nguồn lực, vừa đòi hỏi nhiều thời
gian, không thể đồng loạt giải quyết. Thiết kế các giải pháp từng bước cho từng
vấn đề lớn này, và thực thi hài hoà với việc giải quyết từng bước cả 4 vấn đề lớn
này như thế nào… là những bài toán khó. Càng không thể tạo ra tăng trưởng cao
trong những năm tới này. Tăng trưởng như hiện nay không có chất lượng mong muốn
và không tạo ra phát triển mới sẽ chỉ có nghĩa từng lúc tạo ra ổn định nhất thời
với cái giá phải trả rất đắt, để sau đó sẽ gây ra khủng hoảng sâu sắc hơn. Chưa
nói đến sắp tới nếu thiếu những biện
pháp thắt lưng buộc bụng gắt gao và có hiệu quả sẽ khó tránh đổ vỡ tiếp – trước
hết vì nợ nần và vì những mất cân đối lớn. Chưa nói đến những diễn biến đột xuất
từ các vấn đề an ninh quốc phòng (ví dụ: Biển Đông)[4],
các vấn đề từ thiên tai, dịch bệnh nếu xảy ra... Đây là sự thật nghiêm khắc, cần nói rõ cho cả nước biết, và cả nước – trước
hết là ĐCSVN – phải thẳng thắn đối mặt.
Cái khó là cả 4 vấn
đề nêu trên đều rất nóng, luôn luôn đẻ ra nhưng hệ quả khó trong quá trình xử
lý. Ví dụ cơ cấu lại nền kinh tế, chắc chắn phải loại bỏ một số sản phẩm (cũng
có nghĩa là phải đóng cửa một số loại doanh nghiệp nào đó, giữa lúc từ vài năm
gần đây đã có tới trên 200.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đóng cửa); trong
khi đó vô cùng thiếu mọi loại nguồn lực cho phát triển các sản phẩm công nghiệp
phụ trợ mà nền công nghiệp hiện có đòi hỏi.
Việc cải cách các doanh nghiệp quốc doanh – trước hết là các tập đoàn
kinh tế nhà nước – cũng đặt ra những khó khăn như vậy: thất nghiệp tăng, doanh
số giảm, nhà nước mất thuế... Nông nghiệp đang đặt ra nhiều bài toán rất khó và
nhạy cảm, với khoảng trên 50% lao động cả nước làm nông nghiệp, với bình quân
ruộng đất canh tác 0,3 ha/1 lao động, luật đất đai và thể chế chính trị hiện tại
hoàn toàn bất cập cho việc đi lên một nền nông nghiệp của một quốc gia công
nghiệp... Cải cách thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng cũng luôn luôn đặt
ra nhiều vấn đề rất nhạy cảm. Lấy tiền ở đâu tăng cường tiềm lực quốc phòng
đang vô cùng bức thiết lúc này? Đời sống những người làm công ăn lương, của các
bộ phận dân cư nghèo ở nông thôn và thành thị, ở các vùng sâu vùng xa… đang vô
cùng nhức nhối… Công ăn việc làm của những người đến tuổi lao động? Hàng chục vạn
lao động đang đi làm thuê ở nước ngoài, hàng vạn phụ nữ phải đi lấy chồng nước
ngoài vì nghèo đói!.. Có thể nói, đất nước có gì có thể bán được hầu như đã bán
hết rồi, từ tài nguyên, đến môi trường, đất đai, lao động rẻ, vị trí địa lý… Song nghèo hèn và bế tắc vẫn hoàn nghèo hèn và
bế tắc… Hình như từ lâu đã bắt đầu bán cả
linh hồn nữa, vì đang cam chịu số phận bị đè nén, èo uột, leo dây và lệ thuộc… 40
năm độc lập rồi vẫn chưa cai sữa được ODA và các thứ đi xin
khác! Không biết niềm tự hào dân tộc còn lại là bao!?.. … Chưa nói đến thực tế
đất nước đang có nhiều vấn đề nóng, rất nóng khác, trong hầu hết mọi lĩnh vực của
cuộc sống: giáo dục, y tế, giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, tệ nạn
tham nhũng, chênh lệch giầu nghèo và bất công lớn quá, sự tha hoá trong xã hội
từ những nguyên nhân kinh tế… Mỗi sản phẩm mới ra đời trong quá trình đổi mới
cơ cấu kinh tế cũng đòi hỏi phải có một khoảng thời gian và những cái giá phải
trả nhất định mới định hình được… Một ngành kinh tế mới càng khó hơn, trong khi
nguồn nhân lực và thể chế chính trị gần
như bất cập… Như thế làm thế nào để có thể chuyển toàn bộ nền kinh tế đất nước
đi vào một thời kỳ phát triển mới? Còn làm tiếp như hiện nay là đi tiếp vào ngõ
cụt!.. Và sự thật là bộ não lãnh đạo của đảng với cái “think tank” rất đồ sộ
đang có trong tay lúc này vẫn không sao mách bảo được cho đất nước nên làm sản
phẩm gì, làm như thế nào, rồi chuyển đổi cả nền kinh tế đất nước sang thời kỳ
phát triển mới ra sao… Cái định hướng xã
hội chủ nghĩa không giúp được gì cho những việc cam go này… Vân vân… Thực tế
của bức tranh kinh tế đầy thách thức này là sản phẩm kết tụ lại của cả một quá
trình chế độ chính trị do ĐCSVN nắm quyền điều hành toàn diện và tuyệt đối dẫn
dắt đất nước theo con đường “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội” từ 40
năm nay. Thực tế của bức tranh kinh tế này không phải là một sản phẩm nhất thời
hoặc của riêng một người hay một nhóm người nào, cũng không phải là sản phẩm của
một vài khoá nhiệm kỳ đại hội nào, mà là sản phẩm của ĐCSVN nắm quyền cai trị đất
nước trong 40 năm đầu tiên độc lập thống nhất. Xin nhắc lại ở đây để không bao
giờ quên trong khi so sánh và đánh giá chính đất nước mình 40 năm qua: Chiến
tranh Triều Tiên kết thúc 1953, Hàn Quốc bắt đầu sự nghiệp công nghiệp hoá vào
khoảng năm 1960, với GDP p. c. lúc ấy là 81 USD; năm 1990 trở thành NIC (nước mới
công nghiệp hoá).
Từ minh hoạ đôi điều
nói trên để đi đến kết luận dứt khoát: Nguy cơ bất cập của hệ thống chính trị
nói chung và của thể chế kinh tế hiện hành nói triêng trước những vấn đề kinh tế
phải giải quyết trong những năm của khoá đại hội XII tới rất lớn. Mọi thứ kinh
tế bánh vẽ để trấn an, hoặc sự kiên định duy ý chí định hướng xã hội chủ nghĩa để bảo vệ hệ thống chính trị toàn trị như đang
tồn tại sẽ chỉ đem thêm thảm hoạ mới cho nhân dân và giúp Trung Quốc bá quyền
xiết chặt hơn nữa cái tròng lệ thuộc trên cổ đất nước ta mà thôi. Tất cả càng
nói lên tính quyết liệt của một thời kỳ cải cách đang đặt ra phía trước cho đất
nước, có lẽ quyết liệt hơn và phức tạp hơn rất nhiều và cũng nhạy cảm hơn rất
nhiều so với lúc phải tiến hành đổi mới thời kỳ 1986, vì tình hình khu vực và
quốc tế ngày nay hoàn toàn khác, sự lệ thuộc của đất nước đã trở nên quá nguy
hiểm…
Thấy và nghĩ gì nói vậy, còn phiến diện lắm,
cho nên ngoài việc nêu lên những nhận xét trên của cá nhân, tôi xin phép không
bàn về các giải pháp, xin để cho các chuyên gia kinh tế làm việc này tốt hơn.
Trong bài này, tôi xin gửi gắm nỗi mong mỏi của mình là đảng – trước hết là Bộ
Chính trị và Tổng bí thư – phải có ý chí tiến hành tổng kết trung thực tình
hình kinh tế đất nước; tổng kết được rồi thì phải nói thực với toàn đảng và với
cả nước, để chắt lọc mọi trí tuệ, mọi nỗ lực, đưa kinh tế nước ta ra khỏi thời
kỳ khủng hoảng cơ cấu trầm trọng hiện nay. Thiết nghĩ đất nước đang cần có một chiến lược
thoát khỏi nền kinh tế gia công hiện nay, tạo ra một xu thế phát triển kinh tế
của tiến bộ khoa học kỹ thuật và trí tuệ, sao cho đến năm 2020 khắc phục
xong khủng hoảng cơ cấu kinh tế hiện nay, phát triển được những điều kiện kết cấu
hạ tầng vật chất kỹ thuật cần thiết cho bước phát triển mới, xây dựng được nguồn
nhân lực có chất lượng, thiết lập được thể chế kinh tế và chính trị đáp ứng được
đòi hỏi của phát triển trong giai đoạn mới. Trong những năm tới này đất nước cũng
phải tích luỹ được lực mới, để từ năm 2020 có thể bắt tay vào xây dựng một nền
kinh tế hiện đại hoá đúng với nghĩa phát triển là động lực bền vững
của tăng trưởng kinh tế. Đặt vấn đề như vậy chất lượng, chứ không phải số lượng
của tăng trưởng kinh tế mới là mục tiêu quyết định – phục vụ nhiệm vụ trung tâm
là phát huy yếu tố con người làm nên sức mạnh quốc gia. Nếu thế cũng phải
cất đi cái khẩu hiệu bánh vẽ “đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp
theo hướng hiện đại vào năm 2020”, càng không thể trút hết mọi tội lỗi lên cái
lá diêu bông: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân của tình trạng kinh tế đất nước
hiện nay là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không theo kịp
công cuộc đổi mới… - mà lẽ ra là phải vứt bỏ dứt khoát cái lá diêu bông!
Chỉ có một lối ra khỏi
tình hình nguy hiểm hiện nay là: Trí tuệ, dân chủ và ý chí cứu nước phải là những
động lực chính trị của sự nghiệp phát triển kinh tế trong những năm tới, bắt đầu
từ việc đại hội XII quyết định tổ chức lại ĐCSVN để phấn đấu trở thành đảng của
dân tộc, dấy lên sự tham gia của toàn dân tộc chuyển đất nước đi vào thời kỳ
phát triển mới năng động và bền vững.
-
Những
yếu kém và sai lầm tích tụ lại của 4 thập kỷ đầu tiên xây dựng đất nước để lại
nhiều hậu quả rất bức xúc, đòi hỏi phải dọn dẹp và khắc phục, đến mức gần như
phải xắp xếp lại giang san đất nước(1);
-
kinh
tế đất nước hiện nay đi vào một thời kỳ phát triển hoàn toàn khác sau 30 năm đổi
mới, đặt ra những đòi hỏi mới phải đáp ứng(2);
-
những
biến cố truyền thống và phi truyền thống trong cục diện của trật tự quốc tế đa
cực đang đặt ra cho mọi quốc gia những thách thức mới khôn lường; thậm chí đã
xuất hiện trở lại chiến tranh lạnh cục bộ ở châu Âu, ở Biển Đông, chiến tranh
nóng ở Ukraine và của IS…(3).
Cả 3 vấn đề có ý
nghĩa chiến lược vừa nêu trên đòi hỏi phải đồng thời giải quyết.
Vì vậy hệ thống
chính trị của đất nước nhất thiết phải được cải cách triệt để, ngõ hầu có thể
phát huy mọi khả năng và trí tuệ đã tích lũy được 40 năm qua, giải phóng mọi tiềm
năng và nội lực hiện có của đất nước để giành thắng lợi.
Tất cả phải nhằm vào
xây dựng một Việt Nam hướng theo các tiêu chuẩn quốc tế để phát triển chính
mình về mọi mặt, và để hội nhập quốc tế toàn diện. Phải lấy các kết quả thương hiệu
“made in Vietnam” từng bước giành được cho mọi sản phẩm của mình tại thị trường
trong nước và quốc tế làm thước đo từng tiến bộ của mình trên con đường gian khổ này, và
cứ thế phấn đấu tiếp. Muốn như thế, phải suy nghĩ lại tất cả, phải học lại tất
cả. Không có một tiêu chuẩn quốc tế nào là ngoại lệ, là mong được chiếu cố, hay có
thể bỏ qua, hay là kiêng cấm đối với Việt Nam, mà phải chấp nhận tất cả. Để cọ
sát, để phấn đấu, phấn đấu đến cùng mà đạt lấy!..
Rồi đây Việt Nam có
thể sẽ là vườn rau sạch, vườn hoa, nhà cung cấp thực phẩm sạch và cao cấp của
thế giới. Là các trung tâm y tế, điều dưỡng, giáo dục, giao dịch tài chính và
các dịch vụ khác của khu vực và thế giới. Sản phẩm công nghiệp “made in Vietnam”
sẽ trở thành những khâu gắn kết hữu cơ trong những chuỗi sản phẩm công nghiệp của
kinh tế thế giới. Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu trở thành trung tâm của sự chia sẻ mọi vấn đề, mọi
kinh nghiệm, mọi ý tưởng.., đóng góp vào các lực thúc đẩy hợp tác và phát triển
của khu vực và toàn cầu… Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu trở thành nơi hội tụ của
các nước đang phát triển, để cùng nhau tìm ra những giải pháp cho những vấn đề của
các nước đang phát triển, cùng nhau cất tiếng nói của các nước đang phát triển
trước thế giới… Tất cả phải tạo ra cho dân tộc và đất nước ta khả năng và phẩm
chất dấn thân đi cùng với cả cộng đồng quốc tế trong mọi vấn đề quốc tế. Vì lợi
ích của cộng đồng quốc tế, đồng thời nhằm giành lấy hợp tác và hậu thuẫn của cả
cộng động quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của chính mình!
Là nước đi sau, nước
ta nhất thiết phải đứng vững trên mặt đất này, không viển vông, mà phải ra sức
khai thác mọi kinh nghiệm của cả thế giới và của chính mình, học hỏi thế giới
và những thành bại của chính mình 40 năm qua, phải bám vào tiêu chuẩn quốc tế để
phát triển chính mình. Cũng không một kiêng cấm hay giáo điều nào được phép
trói buộc đất nước. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, tất cả vì một Việt Nam của
hòa giải dân tộc, cường thịnh và hạnh phúc. Đứng bên cạnh “giấc mộng Trung
Hoa”, nước ta nhất thiết phải sống như thế. Là nước đi sau, muốn thoát khỏi tụt
hậu để vươn lên hàng ngũ văn minh của nhân loại, nước ta phải sống như thế.
Nước ta phải có con
người nào, thể chế nào và trí tuệ nào để làm được những việc nói trên?
Làm gì? và làm thế
nào để lựa chọn được và quyết đi trên con đường phát triển nói trên, nếu không
phải là cả nước đồng lòng tiến hành một cuộc cải cách chính trị đổi đời chính mỗi
bản thân chúng ta và đổi đời cả đất nước?
Đại hội XII của
ĐCSVN đang đứng trước bước ngoặt lịch sử: Thúc đẩy sự nghiệp cải cách này ra đời?
Hay là làm con đê chặn đứng dòng chảy tất yếu của đất nước? Vạn sự khởi đầu nan, có dân chủ và hòa giải dân tộc Việt Nam ta sẽ
có tất cả. Mong rằng đại hội XII bàn kỹ điều này./.
Hết
Hà Nội, tháng 9 - 2014
[1] Các nước
được xếp loại “nước đang phát triển có thu nhập trung binh” có GDP p.c. trong
khung 7000 – 12000 USD, nước ta hiện nay mới đạt khoảng 1350 USD. Để lọt được
vào khung này, nước ta cần khoảng 1 – 2 thập kỷ nữa.
[2] Thật ra
rất khó nói nước ta có chiến lược phát triển kinh tế với đúng nghĩa, nó mang
quá nhiều nét dang dở của tự phát và bị cắt vụn bởi nhiệm kỳ và vùng miền, bộ,
tỉnh…; bởi vì chiến lược được hiểu theo những gì đã được viết ra trong nghị quyết
dù là có nhiều khiếm khuyết song thường không bao giờ được thực hiện nghiêm
túc, hay thay đổi theo nhiệm kỳ đại hội, bị xé lẻ theo tỉnh hay theo ngành; mỗi
tỉnh lại là một nền kinh tế riêng hoàn chỉnh, được quy hoạch, tính toán riêng
cho tỉnh… (cái gọi là “nền kinh tế GDP tỉnh”). Chiến lược công nghiệp hoá là một
chiến lược tổng thể, song cũng được thay đổi tuỳ tiện qua các khoá đại hội. Chiến
lược kinh tế vùng hầu như chỉ nằm trên giấy, trong khi đó cuộc sống tự nó tạo
ra các liên kết giữa các ngành và các địa phương theo nhu cầu của cuộc sống,
không nằm trong nhị quyết nào cả. Hầu như đến nay chưa có một quy hoạch phát
triển kinh tế nào đứng vững – nhất là quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch đô
thị, quy hoach sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản… Vân vân…
[3]
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.
[4]
Riêng đối phó với sự kiện giàn khoan HD 981 kinh tế đất nước mất khoảng 1% GDP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét