Mất và được trong việc
khai thác bauxite ở Tây Nguyên
Hà Nội – tháng 11 năm 2008
Nguyễn Trung
I.
Thị trường thế giới về nhôm (aluminum)
Nhôm (aluminum)
là kim loại nhẹ, ngày càng chiếm vị trí quan trọng kinh tế thế giới. Năm 1991
kinh tế thế giới tiêu thụ khoảng 24 triệu tấn nhôm, mười lăm năm sau (2005) là
63 triệu tấn, hiện nay là xấp xỷ 90 triệu tấn (số tròn); xu thế này sẽ tiếp tục
duy trì, do có nhiều nền kinh tế mới nổi lên – đặc biệt là Trung Quốc –, và do nhôm ngày càng thay thế nhiều loại vật
liệu và kim lọai khác nhờ tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên thị
trường nhôm dồi dào, vì nguồn cung rất phong phú.
Trữ lượng quặng
bauxite trên thế giới rất lớn (có thể là hàng trăm tỷ tấn) so với nhu cầu khai
thác và khả năng khai thác, lại nằm rải rác nhiều nơi trên thế giới, do đó dù
được coi là quý, nhưng nhôm không phải là kim loại hiếm. Tương tự như mặt hàng
dầu lửa, giá nhôm cũng dao động theo cung cầu và theo biến động của tình hình
kinh tế thế giới; tháng 3-2008 giá nhôm trên thị trường thế giới là 3380 USD/tấn,
đến tháng 10-2008 chỉ còn 2850 USD/tấn.
Mặc dù trong một
hai thập kỷ gần đây sản xuất nhôm trên thế giới tăng đều trong biên độ từ 5 – 10%/năm, song bản đồ sản xuất nhôm (hiểu
theo nghĩa nơi có lò luyện nhôm - smelters) trên thế giới trong vòng hai, ba thập
kỷ nay có nhiều thay đổi lớn: sản xuất giảm dần ở Tây Âu, một số nơi ở Bắc Mỹ
và Bắc Thái Bình Dương, để chuyển mạnh vào các vùng kém phát triển hơn như Úc,
Nam Thái Bình Dương, Trung Quốc, Ấn Độ... Nguyên nhân cơ bản của sự chuyển dịch
này là giá thành và vấn đề bảo vệ môi trường.
Từ sự thay đổi
nói trên của bản đồ sản xuất nhôm trên thế giới trong nửa thế kỷ trước, người
làm chính sách của các tập đoàn, nhà nước... và các nhà nghiên cứu đã tổng kết:
Để đi tới quyết định có sản xuất nhôm hay không, cần
đáp ứng thỏa đáng những điều kiện sau đây – xếp theo thứ tự quan trọng của
các yếu tố:
1.
có
nguồn điện dồi dào,
2.
có
nguồn nước dồi dào,
3.
nơi
khai thác có vị trí và địa thế hoang vắng thuận lợi cho giải quyết thỏa đáng vấn
đề bảo vệ môi trường (nước thải và bùn đỏ),
4.
có
khả năng giảm xuống mức thấp nhất chi phí vận tải,
5.
có
trữ lượng bauxite dồi dào với hàm lượng cho phép đạt 4/2/1 (4 tấn quặng làm ra
2 tấn alumina rồi từ đó ra 1 tấn nhôm, nếu không giá thành sẽ quá đắt),
6.
có
nguồn lao động rẻ.
(Tham khảo
1- các báo cáo của UNDP, WTO 2005-2006;
2- các bài về công nghiệp nhôm của Earth Policy Institute – USA 2003 – 2006 3-
Bauxite and Aluminum: A Cradle to Grave Analysis – Nguồn: bss.sfsu.edu/raquelrp/projects/Bauxite%20and%20Aluminum.ppt
4- Canadian Mining
Companies Destroy Environment
and Community Resources in Ghana – nguồn
http://www.miningwatch.ca/updir/Cdn_Cos_in_Ghana.pdf
6 –
Criteria After Bauxite Mining Rehabilitation in Western
Australia http://www.ingentaconnect.com/content/bsc/rec
Vân... vân...)
Bản
đồ các vùng giầu quặng bauxite trên thế giới
Nguồn:
UC RUSAL - 2006
Ngọai trừ vùng mỏ
phong phú của Nga ở miền Trung Uran và cũng là nơi sản xuất chính về nhôm của
quốc gia này và một vài nơi trong các nước
CIS cũ (Liên bang các quốc gia độc lập – bao gồm Nga và một số nước trong Liên
Xô cũ), việc khai thác bauxite ở châu Âu hầu như đóng cửa từ cách đây nhiều thập
kỷ. Trên thực tế chỉ còn lại một số mỏ nhỏ và đang thu hẹp dần ở Rumani, Hy Lạp,
và vùng Bankan... Trước đó nhiều nước Tây Âu đã lần lượt đóng cửa các mỏ than
và quặng sắt, mặc dù còn trữ lượng lớn, song đã mất lợi thế so sánh trong quá
trình toàn cầu hóa kinh tế.
Người cung cấp
quặng sơ chế alumina cho công nghiệp nhôm ở châu Âu hiện nay chủ yếu là Úc, Nam
Mỹ và châu Phi. Trong vòng hai thập kỷ nay, sản xuất nhôm của châu Âu (trừ Nga)
tăng không đáng kể, thậm chí có xu hướng giảm mạnh như ở các nước Đức, Pháp, Ý,
riêng ở Anh từ nhiều năm nay không có số liệu thống kê (có lẽ hoàn toàn đóng cửa).
Sản lượng nhôm của các nước Tây Âu 18 tháng vừa qua tiếp tục giảm đi 0,35 triệu
tấn, dự báo trong vòng một năm tới sẽ giảm tiếp 0,3 triệu tấn. Trừ các nước
trong khối CIS cũ, sản xuất nhôm của châu Âu hiện nay đạt mức khoảng 8 triệu tấn/năm.
Bắc Mỹ đã kết thúc thời đại hoàng kim công nghiệp luyện nhôm của mình vào khoảng
đầu thập kỷ 1970, hiện nay sản xuất dừng lại ở mức khoảng 7 triệu tấn/năm.
Sản xuất nhôm (aluminum) trên thế giới năm 2006:
Nguồn:
European Aluminum Association Report – 2008
Nguyên nhân chủ yếu khiến sản xuất nhôm ở châu Âu chững lại
và giảm là do giá điện và vấn đề môi trường.
Về điện cho sản xuất
nhôm
Để sản xuất 1 tấn nhôm từ quặng sơ chế alumina cần
khoảng 14.500 kwh đến 15.000 kwh để điện phân, nghĩa là tương đương với lượng
điện cho 1 gia đình trung bình dùng trong 20 năm trời! Riêng khối lượng điện
hàng năm tiêu thụ cho sản xuất nhôm hiện nay trên thế giới còn lớn hơn hoặc
tương đương với tòan bộ số lượng điện đang tiêu thụ hàng năm của cả châu Phi.
Giá
CIF quặng sơ chế alumina loại (12% bụi ceria) tại cảng Trung Quốc có lúc lên tới
khoảng 447 - 540 USD/tấn, nay giảm nhiều (350 – 400 USD/tấn). Giá 1mKWh điện ở
Trung Quốc là 50 USD (nghĩa là 5 cent 1 Kwh). Như vậy riêng chi phí cho 1 tấn
nhôm mất khoảng 1100 USD tiền nguyên kiệu và 700 – 800 USD tiền điện, chưa kể
chi phí sản xuất. Có thể nói không cường điệu lắm: đối với một số nước (điển
hình là Iceland) việc làm ra nhôm để bán, thực chất một phần là cách để bán điện
(chiếm 30% giá thành, thậm chí có thể hơn nữa tùy theo giá điện mua được!).
Chuyên
gia của những tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất nhì thế giới như RUSAL, ALCOA,
ALCAN... đưa ra ý kiến: nếu không có giá điện khoảng 35 đến 40 USD/1MKWh (3,5 –
4 cent/Kwh) với đủ 6 yếu tố để làm nhôm như đã nêu trên, thì không thể nói là
có điều kiện lý tưởng để sản xuất nhôm (Trung Quốc hiện đang sản xuất nhôm với
giá 5 cent/kwh). Chính thực tế này cắt nghĩa tại sao sản xuất nhôm tại các nước
Tây Âu đang giảm, phần còn được duy trì chủ yếu là để phục vụ công nghiệp sản
xuất nhôm cao cấp, hợp kim, nhất là các hợp kim cao cấp. Ngay tập đoàn ALCOA hiện
nay có ½ công suất sản xuất nhôm tại Texas phải đóng cửa vì không chịu nổi giá
điện. Ảrập Thống nhất Emirat (EAU) đang dọa cắt hơi đốt để sản xuất điện cho lò
luyện nhôm lớn nhất thế giới (trị giá 5 tỷ USD) của tập đoàn Rio Tinto đặt tại
nước này, nếu Rio Tinto không chấp nhận giá ga mới... (EAU vừa giầu về năng lượng,
nước và có vị trí địa lý và bờ biển có thể nói là lý tưởng cho công nghiệp luyện
nhôm).
Về bùn đỏ
Quá trình sơ chế bauxite để lấy
alumina thường để lại tối thiểu là ½ trọng lượng quặng đã khái thác là bùn đỏ +
khối lượng nước nhiễm bùn này trong quá trình tuyển rửa. Cả hai thành phần này
– bùn và nước nhiễm bùn – vốn không thân thiện với môi trường, lại tồn đọng các
hóa chất gây ăn mòn (đặc biệt là soude caustic), khiến chúng trở thành những
vũng bùn lớn hầu như không có loài vi sinh nào sống được, hủy hoại bề mặt của đất
và các mạch nước ngầm, gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường. Gọi loại bùn đỏ này
là “bom bẩn” không phải là hoàn toàn vô lý. Cách xử lý tối ưu là phải có nơi chôn loại bùn và
nước thải này rồi phủ một lớp đất dầy lên trên, để lấy lại mặt bằng nơi khai
thác và phủ xanh bằng trồng trọt. Đó cũng là phương thức đề phòng mưa gió
chuyển tải bùn đỏ loang ra khắp vùng chung quanh, tuy nhiên vấn đề ô nhiễm nước
ngầm do mưa tạo ra thì chưa có cách gì xử lý được ổn thỏa. Việc hoàn thổ nơi
khai mỏ và chôn bùn như vậy rất tốn kém, thường để lại những cảnh quan loang lổ
như những vết sẹo lớn mầu nâu đỏ trên mặt đất. Cũng vì lý do này, vị trí nơi
khai thác bauxite phải là những vùng hoang vắng và xa các khu dân cư, xa các
nguồn nước nổi và nước ngầm. Riêng vấn đề nhiệt độ không khí gia tăng và bụi do
mưa gió cuốn đi khắp nơi chưa có cách
nào xử lý thỏa đáng. (Tham khảo thêm “MATERIALS
AND THE ENVIRONMENT” Chapter 6. Designing a New Materials Economy Lester
R. Brown, Eco-Economy: Building an Economy for the Earth, W.W.
Norton & Co., NY: 2001, vân vân...)
Ảnh 1 của
GEHO: Một bãi bùn đỏ ở sau khi khai thác bauxite, Ấn Độ
Việc luyện nhôm cũng gây ô nhiễm môi trường không
ít. Cùng với giá điện đắt, đấy là 2 nguyên nhân chính khiến nhiều lò luyện nhôm
ở Tây Âu và Bắc Mỹ tiếp tục đóng cửa.
Ảnh 2 của GEHO: Bãi bùn đỏ Nalco Damanjodi, Ấn Độ,
(không cỏ mọc, không một loại
vi sinh, không sự sống).
Tình hình sản xuất nhôm ở Trung Quốc
Là
“công xưởng thế giới”, nhu cầu về nhôm và sản xuất nhôm của Trung Quốc trong
vòng một thập kỷ nay tăng đột biến. Trung Quốc chiếm khoảng 3% trữ lượng
bauxite thế giới (có tài liệu nói là 2,3%), song hiện nay hàng năm tiêu thụ
trên 10% sản lượng nhôm của thế giới và còn tăng nhanh trong những năm tới.
Nguyên nhân chính là bản thân nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc tăng trưởng mạnh,
đồng thời Trung Quốc có chủ trương chiến lược tranh thủ sự chuyển dịch công nghiệp
sản xuất ô-tô và máy bay vào Trung Quốc để sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu
hai mặt hàng quan trọng này.
Liên tục trong gần
2 thập kỷ vừa qua, sản lượng nhôm của Trung Quốc tăng khoảng 6 -10%/năm trên cơ
sở nhập xấp xỷ 50% nguyên liệu từ bên ngoài. Hiện nay sản xuất nhôm trên lãnh
thổ Trung Quốc đạt khoảng 16 triệu tấn, nhiều gấp đôi châu Âu, hoặc bằng cả Mỹ
và Tây Âu cộng lại, chỉ đứng thứ hai thế giới (sau Úc) và còn tiếp tục tăng
nhanh. Tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất của Trung Quốc là CHALCO, đứng thứ tư thế
giới, mỗi năm sản xuất khoảng 2,1 triệu tấn nhôm. Sự xuất hiện của “con rồng đói” Trung Quốc (TMS - The Minerals, Metals & Materials Society, Mỹ) như vậy là một trong những nguyên nhân
quan trọng khiến cho giá alumina trong vòng 10 năm nay từ 300 USD, lên 350 USD,
có lúc vọt lên 450 USD/tấn, nhưng hiện nay đang giảm. Vì những lý do trình bầy trên, Trung Quốc đang thực hiện một chiến
dịch dài hạn và quyết liệt: “chinh phục” các thị trường bauxite trên thế giới.
Sản lượng nhôm hàng năm Trung Quốc đạt được hiện nay nói lên sự thành công của
chiến dịch này.
Thị trường cung
cấp alumina cho Trung Quốc có thể nói là dồi dào, người cung cấp chủ yếu là Úc,
châu Phi, Indonesia và Nam Mỹ; riêng châu Phi có những mỏ do Trung Quốc trực tiếp
khai thác.
Ảnh1: Dòng suối Tịnh
Tây, Quảng Tây – trước khi khai thác bauxite
Ảnh 2: Tác động ô nhiễm
môi trường nơi khai thác bauxite tại Tịnh Tây, Quảng Tây 10 - 8-2008
Suối Tịnh Tây trong
xanh trở thành suối máu
Ảnh do Dương Danh Dy
sưu tầm.
Năng
lượng tiêu thụ cho việc sản xuất alumina, nhôm. Nguồn: China Daily
April 8, 2008
Khó khăn lớn nhất đối với Trung Quốc hiện nay là môi trường
nơi khai thác bauxite bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiệt độ không khí tăng lên và
tàn phá nghiêm trọng các vùng chung quanh.
II.
Được và mất đối với Việt Nam trong việc
khai thác bauxite ở Tây Nguyên
1.
Lựa chọn con đường
phát triển nào cho Việt Nam?
Đấy
là câu hỏi đầu tiên cần đặt ra, trước khi cân nhắc nên hay không nên, được và mất
gì trong việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Trước
hết, Việt Nam là một nước đất chật người đông, tài nguyên thiên nhiên đa dạng
nhưng nhìn chung không ra tấm ra món và nằm không tập trung. Đặc biệt lại là nước
đi sau, với tình trạng kinh tế nghèo và lạc hậu, có vị trí địa kinh tế và địa
chính trị vừa rất thuận lợi nhưng cũng rất nhạy cảm. Thực tế này đòi hỏi phải
cân nhắc thấu đáo mọi bề trong việc lựa chọn chiến lược phát triển.
Với
một dân cư 254 người/km2, Việt Nam có mật độ dân số đứng sau Ấn Độ (336/km2), gần
ngang với Philippines (277/km2), nhưng gấp hơn 5 lần mật độ dân số cả thế giới
(45,2 người/km2) và gần gấp 3 lần mật độ dân số châu Á (89/km2), cao hơn các nước
Trung Quốc (138/km2), Thái Lan (125/km2), Malaysia (84/km2) là các quốc gia vừa
có quan hệ kinh tế mật thiết với nước ta, vừa là các đối thủ cạnh tranh...
Đất
chật người đông như vậy, đứng sát nách cái “công xưởng thế giới”, lại ở vào khu
vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới, Việt Nam đứng trước những thách
thức rất lớn trong phát triển và cạnh tranh kinh tế. Sau 32 năm xây dựng trong
hòa bình, trong đó có 10 năm đầu khủng hoảng và 22 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là
nước nghèo nhất so với các nước ASEAN6. So với Singapore, Malaysia và Thái Lan,
sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta rất yếu và có khoảng cách lớn – ví dụ:
so với Thái Lan hiện nay khoảng cách này có thể là 20 năm, so với Malaysia và
Singpore còn xa hơn nữa.
Việt Nam cũng bị
Trung Quốc bỏ lại rất xa về mọi phương diện, và trên thực tế đang chịu sức ép rất
lớn nhiều mặt, đặc biệt là sức ép của nền kinh tế Trung Quốc – và điều này cũng
là rất tự nhiên.
Trong bối cảnh
như vậy, cuộc sống chỉ dành lại cho Việt Nam câu hỏi để trả lời: Trong tình thế
này, ứng xử hay lựa chọn con đường phát triển nào là thông minh nhất cho Việt
Nam?
Là
nước đi sau, đất chật người đông, ở vào khu vực phát triển năng động và cạnh
tranh quyết liệt như thế, dù lựa chọn con đường phát triển nào, sản phẩm gì..,
để tồn tại được và trở nên giầu có, kinh tế Việt Nam chỉ có thể dựa trên (a)phát
huy nguồn lực con người và (b)tìm cách làm ra ngày càng nhiều của cải trên
đất nơi mình đang sinh sống. Xin nhấn mạnh: Là bằng sản xuất kinh doanh làm
ra ngày càng nhiều của cải trên đất, chứ không phải dưới
đất – với nghĩa là đào đất (như khai thác khoáng sản) lấy tài nguyên không tái tạo được đem đi bán
và bán luôn cả môi trường tự nhiên, cả không gian sinh sống.
Thực tế khách
quan khắc nghiệt của cuộc sống đòi hỏi như vậy. Phát huy nguồn lực con người để
đẩy mạnh làm ăn trên đất là con đường sống và phát triển của nước ta, làm gì
cũng không được xa dời nguyên lý này.
Nói một cách
hình ảnh, đấy là đòi hỏi: Nước ta cần tìm cho ra một chiến lược phát triển sao
cho với con người của mình, trên mỗi thước vuông của đất nước
mình, có thể làm ra lâu dài và ngày càng nhiều của cải trong thế giới
ngày càng cạnh tranh quyết liệt này!
Chúng ta không
thể đào đất đem đi bán – kể cả dưới hình thức khai thác khoáng sản – để vừa
thu hẹp và vừa hủy hoại không gian sinh sống vốn đã vô cùng chật hẹp so với
dân số nước ta, lại vừa tạo ra cấu trúc kinh tế giam hãm đất nước trong lạc hậu,
giữa lúc kinh tế ngày nay là của thời đại khoa học công nghệ và kỹ thuật, thời
đại kinh tế tri thức và thời đại toàn cầu hóa. Than và dầu xuất đã quá nhiều rồi,
chẳng bao lâu nữa, có thể ngay những năm đầu của thập kỷ 2010, nước ta sẽ phải
nhập những thứ này.
Hơn nữa, không
phải chỉ đối với sản phẩm bauxite, ở vào đầu thế kỷ 21 này, là nước đi sau, mà
lại chú trọng phát triển kinh tế nguyên liệu, tạo ra cấu trúc kinh tế mang nặng
các sản phẩm thượng nguồn – bất luận nó là gì: dầu thô, than, sắt, gỗ, bột giấy,
xi-măng... – thì sẽ có nguy cơ: Càng phát triển càng tụt hậu, càng đánh mất hai
lợi thế cạnh tranh mạnh nhất, quý nhất, và cũng là hai lợi thế duy nhất nước ta có được: con người và vị trí địa
lý kinh tế lý tưởng (đồng thời cũng là vị trí đầy thách thức đầu sóng ngọn
gió của các sức ép nhìn theo địa kinh tế và địa chính trị). Chưa nói đến
khai thác bauxite ở Tây Nguyên, cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay đã đi quá sâu
vào kinh tế thượng nguồn và chưa chuẩn bị được bao nhiêu cho phát triển kinh tế
hạ nguồn. Xu thế này rất nguy hiểm và cần sớm được đảo ngược.
Rồi đây, vào khoảng
2020, 2050 mật độ dân số nước ta còn cao hơn nữa, có thể gấp đôi hiện nay. Rồi
hiệu ứng nhà kính vừa gây thiên tai tàn phá, vừa thu hẹp diện tích đất đai con
người có thể sinh sống của nhân dân ta, đòi hỏi phải phát huy 2 lợi thế duy nhất
nói trên của đất nước sẽ càng trở nên gay gắt hơn. Ngày hôm nay đã phải bắt đầu
chuẩn bị cho tình huống này, ngày hôm nay càng không được phép tạo ra hay chồng
chất thêm những khó khăn mới cho tình huống này!
Vì ngay từ đầu
chậm nhận thức ra hai lợi thế duy nhất này của đất nước, cho nên thành tựu phát
triển kinh tế đất nước đạt được 32 năm qua dù là rất to lớn nếu đem ta ra so với
ta, song vẫn là nhỏ và là quá chậm, nếu so với những gì nhiều quốc gia khác đã
làm được trong cùng một chiều dài thời gian như vậy (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài
Loan...), hoặc so với đòi của bảo toàn độc lập chủ quyền và an ninh quốc gia. Đất
nước vẫn đang đứng trước thực tế: Càng phát triển, khoảng cách nhiều mặt giữa
nước ta và những nước cần so sánh (TQ, HQ, ĐL, TL...) đang rộng thêm mãi ra,
nguy cơ tụt hậu đang tăng lên chứ không giảm đi.
Với
đỉnh cao đạt được năm 2007, nước ta đã hoàn thành thời kỳ phát triển kinh tế
theo chiều rộng. Trong tình hình như vậy mà tiếp tục đi sâu vào kinh tế
nguyên liệu thì có nghĩa là tự mua dây thắt cổ mình, bởi vì các yếu tố để tiếp
tục phát triển theo chiều rộng đã được khai thác tới ngưỡng không cho phép vượt
qua. Tình hình này thể hiện ở chỗ kinh tế từ một thập kỷ nay tăng trưởng mạnh
nhưng chậm phát triển, hiệu quả kinh tế
thấp, cấu trúc kinh tế thay đổi rất chậm;
những ách tắc hay sự hẫng hụt lớn của chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng
và năng lực quản trị quốc gia ngày càng gia tăng. Nhìn theo góc độ này, lạm
phát từ sau quý I-2008 vọt lên 2 con số ngoài việc là hệ quả của những yếu kém
kinh tế vỹ mô còn là sự cảnh báo rõ ràng về cái ngưỡng không được phép vượt qua
vừa nêu trên.
Tình hình hiển
nhiên đã chín muồi: kinh tế đất nước phải chuyển sang một giai đoạn phát triển
cao hơn – giai đoạn phát triển theo chiều sâu, chủ yếu dựa trên phát huy nguồn
lực con người và khai thác hội nhập. Tiếp tục phát triển theo chiều rộng như vừa
qua sẽ đi tới đổ vỡ. Đất nước đang đứng trước ngã ba đường: Hoặc là chuyển sang
phát triển chủ yếu theo chiều sâu để tiếp tục con đường công nghiệp hóa hiện đại
hóa theo hướng trở thành một nước phát triển, hoặc đi sâu vào con đường phát
triển hiện tại dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên để trở thành một
Philippines mới trong khu vực với mọi hậu quả khôn lường (tham khảo thêm bài “Ngã ba 2007” của Nguyễn Trung, VietnamNet,
25-12-2007).
Lựa
chọn con đường phát triển theo chiều sâu chủ yếu dựa trên phát huy nguồn lực
con người và khai thác hội nhập, thì không thể lựa chọn đi sâu vào kinh tế
nguyên liệu, càng không thể đi vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên như đang bắt
đầu tiến hành.
2. Còn phương án phát triển
nào tốt hơn cho Tây Nguyên?
Với cách nhìn vấn đề nêu trong câu hỏi 1, logic tiếp theo
là phải đặt ra câu hỏi 2: Ngoài khai thác
bauxite, còn phương án phát triển kinh tế nào tốt hơn cho Tây Nguyên không?
Đã có nhiều tài liệu nói về tiềm năng kinh tế to lớn của
Tây Nguyên và tầm quan trọng đặc biệt của nó đối với an ninh quốc phòng của cả
nước. Điều này cũng có nghĩa là Tây Nguyên rất nhạy cảm đối với an ninh quốc
phòng của cả nước. Kiến nghị ngày
05-11-2008 của các nhà khoa học và làm công tác nghiên cứu gửi lãnh đạo Đảng và
Nhà nước đề nghị tạm dừng khai tác bauxite ở Tây Nguyên, báo cáo của tiến sỹ
Nguyễn Thành Sơn "Những sai lầm chiến lược
và những rủi ro hiện hữu trong việc phát triển các dự án bauxite trên Tây
Nguyên của VN", tham
luận của nhà văn Nguyên Ngọc, và nhiều tham luận khác tại hội thảo Gia
Nghĩa - Đắc Nông ngày 22 và 23-10-2008 đã nêu lên những lý lẽ xác đáng, xin miễn
cho việc nhắc lại.
Dưới
đây xin lưu ý thêm một số đặc thù của Tây Nguyên để góp phần vào việc tìm hướng
đi cho vùng này.
Lựa chọn hướng phát triển Tây Nguyên xanh có lẽ là
thích hợp nhất cho việc phát huy các tiềm năng của Tây Nguyên, tạo khả năng
phát triển bền vững và gìn giữ môi trường, gìn giữ nguồn nước – không những
không thể thiếu được để nuôi sống con người và tự nhiên toàn vùng Tây Nguyên,
mà còn có lợi cho cả toàn vùng chung quanh, riêng phía Nam xuống tận miền Đông
Nam Bộ. Vì vậy: Khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên mà không bảo toàn được Tây Nguyên
thì có thể nói đến mức: Cướp như thế và mang đi bán dù chỉ là một nhát cuốc đất
của Tây Nguyên, là cuốc lộn Tây Nguyên lên đem bán cho nước ngoài, để lại trong
nước gánh chịu mọi hệ quả! Mong rằng lương tri đủ tỉnh táo để
đánh giá việc làm này.
Ngoài
Đà Lạt, Tây Nguyên còn một số các địa điểm có độ cao và địa hình tương tự như
Đà Lạt, có thể cho phép tạo ra trên Tây Nguyên có thêm một hay hai Đà Lạt mới,
ví dụ như Mang Đen (Komplong, Kontum), mở rộng Đà Lạt ra Đan Kia vân... vân...
Rất nên tiến hành khảo sát kỹ những nơi có độ cao từ 800-1000m trở lên trên Tây
Nguyên để làm rõ tiềm năng này. Nếu tìm ra Tây Nguyên có thêm một hay hai Đà Lạt
mang khi hậu ôn đới, tìm ra nhiều điểm cao khác dù là diện tích nhỏ hơn cũng có
điều kiện khí hậu ôn đới như thế, phải nói đấy sẽ là nguồn của cải vô cùng giầu
có và lợi thế đặc biệt được tạo hóa ban cho nước ta, để làm giàu cho Tây Nguyên
và cho cả nước, giầu về của cải cũng như về văn hóa. Những vùng hay điểm ôn đới
như thế ở Tây Nguyên sẽ là độc nhất vô nhị trong toàn khu vực Đông Nam Á, cho
phép nhân dân ta đem trí tuệ và tài năng của mình phát huy lợi thế này tạo
thành những trung tâm của giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, an dưỡng, du lịch
và các dịch vụ khác của cả nước và toàn khu vực – đúng với nghĩa làm
giàu trên đất. Như vậy Tây Nguyên chẳng những sẽ tạo ra sức hấp
dẫn cho chính mình mà còn cho cả nước, bảo tồn và làm giầu văn hóa Tây Nguyên
và cả nước, có sức hấp dẫn đối với toàn khu vực và trên thế giới. Như vậy đất
nước ta sẽ có thêm một cầu nối kinh tế và văn hóa rất quan trọng để đi vào kinh
tế dịch vụ, kinh tế tri thức và hội nhập.
Điều cần đặc biệt quan tâm là sự tàn phá môi trường diễn ra
đến nay ở Tây Nguyên đã vượt quá mức cho phép. Riêng Lâm Đồng có 67 nghìn ha rừng
thông thì đã bị chặt sạch 52 nghìn ha với
lý do thông già, mà lẽ ra chỉ nên khai thác tỉa bỏ những cây có bệnh và đồng thời
phải trồng bổ sung để bảo toàn lá phổi
của Tây Nguyên. Ngày nay chỉ cần thêm một bước đi sai nữa, một quyết định sai,
một quy hoạch sai dù là nhỏ trên Tây Nguyên, thậm chí dù chỉ ở một huyện hay một
tỉnh, là hoàn toàn có thể hủy hoại toàn bộ triển vọng phát triển nói trên của
Tây Nguyên, đồng thời gây tác hại cho các vùng lân cận . Xảy chân một bước,
mang hận nghìn đời! Hệ quả không thể lường hết được. Xin đừng đánh giá thấp
nguy cơ này.
Hiển nhiên là một thiếu sót lớn không thể bỏ qua là: Cho đến
hôm nay Nhà nước ta vẫn chưa có một chiến lược phát triển Tây Nguyên được xây dựng
theo hướng đi của thời đại, trên cơ sở những thành tựu khoa học và công nghệ mới
nhất của văn minh nhân loại, cũng như trên cơ sở nhận thức đầy đủ những nguy cơ
mới của biến đổi khí hậu và môi trường, những thách thức và cơ hội của hội nhập
vào nền kinh tế thế giới đầy biến động trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay.
Chưa
có một chiến lược tổng thể với cách nhìn như vậy cho phát triển Tây Nguyên mà
đã đi vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên thì không khác gì hôm nay bắt đầu chặt
đứt tương lai phát triển của Tây Nguyên.
Vì những đặc thù nổi bật và tầm quan trọng như vậy, phát
triển Tây Nguyên là nhiệm vụ của cả nước, phải do chính quyền Trung ương
(Nhà nước) trực tiếp nắm lấy, phân cấp gì cho địa phương cũng phải trong khuôn
khổ chiến lược phát triển do chính quyền Trung ương xây dựng với tinh thần vừa
nêu trên, phân định rõ Trung ương (cả nước) phải làm gì và từng tỉnh Tây Nguyên
phải làm gì. Không thể khoán trắng cho các tỉnh để duy trì một Tây Nguyên
phát triển trên cơ sở các nền kinh tế “GDP-tỉnh” và bị chi phối bởi tư tưởng
“nhiệm kỳ”, manh mún, mạnh ai nấy làm, mỗi tỉnh một kiểu như hiện nay.
Không thể lại thêm mỗi ngành hay mỗi tập đoàn bất kể từ đâu đến ngày đêm xâu xé
vùng này năm này qua năm khác... Đấy là chưa nói đến vấn đề di dân tự do, nạn
phá rừng đang diễn ra không ngừng trên Tây Nguyên...
Không
có Tây Nguyên của Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông hay Lâm Đồng, mà chỉ có
Tây Nguyên của cả nước, Tây Nguyên của Việt Nam! Càng không thể có Tây Nguyên của
một ngành hay tập đoàn nào. Hơn nữa, phát triển Tây Nguyên cần bàn bạc kỹ với
tất cả các tỉnh chung quanh.
Một lần nữa xin nhấn mạnh: Sự thật là nước ta thiếu hẳn
một chiến lược phát triển đúng đắn làm nền tảng và căn cứ cho chiến lược tổng
thể phát triển Tây Nguyên. Không thể kéo dài sự chậm trễ này nữa. Chiến lược
Công nhiêp hóa – hiện đại hóa như đã đề ra và đang theo đuổi vừa còn nhiều điểm
chưa rõ, vừa không thích ứng với tình hình mới: Đất nước đã kết thúc một
giai đoạn phát triển, tình hình kinh tế và chính trị thế giới có nhiều thay đổi
lớn mang tính một bước ngoặt.
3. Nhận xét về các dự án
khai thác bauxite đang triển khai
Ngoài
những nhận xét đã nêu trong Kiến nghị ngày 05-11-2008 và trong Hội thảo Đắc
Nông, dưới đây xin trình bầy thêm một số khía cạnh.
Nét
chung nhất là việc quyết định khai thác bauxite ở Tây Nguyên không
được cân nhắc theo 6 yếu tố đã được đúc kết ra từ kinh nghiệm khai thác bauxite
trên thế giới. Chủ trương tiến
hành khai thác bauxite ở Tây Nguyên thực ra chủ yếu chỉ dựa trên hai yếu tố cuối
cùng và có tầm quan trọng thấp nhất: có quặng, có lao động rẻ; 4 yếu tố đầu
quan trọng hơn và mới thực sự là những yếu tố quyết định thì chỉ được xem xét để
cho qua, thực tế là bỏ qua.
Có
thể khẳng định từ nay đến năm 2020 – 2025 nước ta không thể có điện cho sản xuất
nhôm, cho dù đến lúc đó có thể đã có điện hạt nhân. Ngay trước mắt, kể cả trường
hợp 13 dự án điện tập đoàn EVN “nhả ra” với lý do thiếu vốn vẫn được các tập
đoàn khác cáng đáng, khó có thể nói đến năm 2020 ta có thể đáp ứng đủ yêu cầu về
điện của cả nước – chưa tính đến chuyện điện cho luyện nhôm ở Tây Nguyên.
Giả
định rằng kiên quyết đầu tư một số công trình điện thủy lợi hay nhiệt điện chỉ
để cho phục vụ riêng cho luyện nhôm ở Tây Nguyên thì khó mà đạt được yêu cầu 5
cent (USD)/kwh với một lượng điện dồi dào để có thể cung ứng dù chỉ cho một
(1) lò luyện nhôm, công suất tối thiểu phải có là 100.000 tấn/năm,
nghĩa là ít nhất cần phải có khoảng 1,5 tỷ kwh cho luyện một lò như vậy – tương
đương với 1/6 hay 1/5 công suất một năm của nhà máy thủy điện Hòa Bình. Điều
này có nghĩa để sản xuất ra khoảng một nửa triệu tấn nhôm, phải đầu tư riêng
cho điện ước khoảng 2 – 2,8 tỷ USD theo tính toán hiện nay của EVN với giá 1kw cho
thủy điện là 1500 USD và cho nhiệt điện là 1200 USD. Tổng sản lượng điện cả nước
làm ra năm 2007 là 58,4 tỷ kwh, chỉ vừa đủ sản xuất ra gần 4 triệu tân nhôm.
Vào khoảng năm 2015 trở đi Việt Nam sẽ là nước nhập than và dầu, chẳng lẽ chỉ để
cho sản xuất alumina? – chứ không phải nhôm! Lò luyện nhôm công suất dưới 100.000 tấn giá
thành sẽ tăng vọt, rất khó cạnh tranh trên thị trường. Nếu có một lượng điện
như thế ở Tây Nguyên thì dùng vào việc khác sẽ làm ra nhiều của cải hơn. Là nước
đi sau, bây giờ mới tham gia thị trường nhôm với tư cách là nước xuất khẩu, tối
thiểu nước ta phải có sản lượng nhôm hàng năm từ 0,5 đến 1 triệu tấn thì mới trụ
được; nghĩa là chỉ riêng về điện ta sẽ cần có thêm từ 1 đến 2 nhà máy thủy điện
Hòa Bình chỉ để phục vụ cho mục đích này. Có nên không? Có khả thi không?
Tất
cả những điều vừa trình bày cho thấy từ nay đến năm 2020 hoặc 2025 ta không có
khả năng tự sản xuất 100.000 tấn nhôm có hiệu quả kinh tế cao và cạnh tranh được
trên thị trường. Nghĩa là, nếu bây giờ quyết khai thác bauxite Tây Nguyên, thì
mãi cho đến năm 2020-2025 ta chỉ có khả năng làm ra alumina để xuất khẩu, và phải gác lại dài hạn hơn mơ ước
trở thành quốc gia xuất khẩu nhôm. Như vậy, nguy cơ nhãn tiền là chiến lược sản
xuất nhôm xuất khẩu vào năm 2020-2025 có thể sẽ bị gián đoạn hẳn, hoặc phải dừng
lại trong thời gian chưa tính toán được ở khâu sản xuất ra alumina, với những hệ
lụy không tưởng tượng được cho đất nước.
Một bài toán nữa
chưa có lời giải là vấn đề nước ở Tây Nguyên cho bauxite: Lấy ở đâu? và xử lý
nước bùn thế nào ở nơi cao và có độ dốc lớn?
Các thông tin về công nghiệp nhôm trên thế giới cho thấy tùy công nghệ sử
dụng, lượng nước cần thiết cho chế biến được 1 tấn alumina thông thường là 24
m3 – nếu có lắp đặt thêm công nghệ tái tạo lại nước đã sử dụng thì có thể giảm
xuống còn 6 m3. Công nghệ được sử dụng tại
Aughinish / Ireland được coi là hiện đại nhất cho đến nay, sử dụng khoảng 3 m3
/ 1 tấn alumina (tham khảo
http://www.miro.co.uk/tailsafe-if/restricted/docs/wp1_2_6_bauxite.pdf).
Nhiều
mỏ bauxite tại Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường trầm trọng do không xử lý tốt
vấn đề nước bùn, nên đã có những sông suối mang mầu đỏ mà chính báo chí Trung
Quốc gọi đó là những sông suối “máu”.
.
Một số vấn đề khác có liên quan: Giả thiết
ta chỉ sản xuất alumina
Hiệu quả kinh tế đầy nghi ngờ
Hiện nay, sản xuất
ra một tấn alumina (quặng bauxite sơ chế) cần phải có khoảng một tấn than; điều
này có nghĩa phải chuyển một lượng than lớn lên Tây Nguyên, đi bằng
đường nào? Hoặc phải có một lượng điện tương ứng. Nếu tính đủ cả chi phi cho
đầu tư kết cấu hạ tầng, chi phí hoàn thổ và phục hồi môi trường đúng với yêu cầu
mà cấu tạo địa hình Tây Nguyên đòi hỏi sau khi khai thác, liệu giá thành sản
xuất alumina của Tây Nguyên có thể giữ được khoảng 300 – 350 USD/tấn (giá FOB) hoặc
thấp hơn nữa để đứng vững được trên thị trường hay không?
Muốn đạt giá
thành trên, ngoài tổng chi phí cho khai thác, hàm lượng nhôm trong quặng phải đạt
công thức 4/2/1. Giả thiết rằng hàm lượng nhôm trong quặng thấp, ví dụ có thể
là >4/>2/1, giá alumina đem bán sẽ rất rẻ và khó bán – vì giá thành luyện
ra nhôm sẽ tăng cao.
Hơn thế nữa,
alumina của ta làm ra ai sẽ mua? Ta không thể đem alumina bán cho Tây Âu và Bắc
Mỹ được vì xa quá, cước phí vận tải tốn kém và ở đấy sản xuất nhôm đang bị thu
hẹp. Nhật Bản là nước nhập nhôm (chứ không phải là alumina) để tiêu dùng, để luyện
nhôm tinh khiết và chế tạo các hợp kim cao cấp khác.
Nhìn quanh ta:
Cường quốc xuất khẩu nhôm là New Zealand, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD –
tương đương với xuất khẩu thủy sản của nước ta, song đã có nguồn nhập alumina ổn
định từ Úc, giá cả có sức cạnh tranh và chất lượng cao. Thái Lan chỉ có công
nghiệp nhôm tái sinh từ sản phẩm nhôm đã dùng (recycle), các nước ASEAN còn lại
hầu như chưa có công nghiệp luyện nhôm đáng kể và không phải là các quốc gia nhập
khẩu alumina. Như vậy hầu như chỉ còn Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong khu
vực Đông Nam Á nhập alumina và có rất nhiều đầu mối trên thế giới để nhập với
khối lượng lớn, giá cả cạnh tranh.
Tình hình cho thấy,
nếu ta quyết định sản xuất ra alumina, nước ta có thể sẽ rơi vào tình thế: Thị
trường quanh ta chỉ có một người mua là Trung Quốc, trong khi đó người bán rất nhiều và đều mạnh hơn ta (Úc,
châu Phi, Nam Mỹ...). Thực tế này sẽ tạo ra cho alumina của ta sự lệ thuộc nguy
hiểm.
Giả
thử rằng quyết định vào năm 2020 – 2025 nước ta mới bắt đầu đi vào công nghiệp
nhôm, có thể lúc đó – nhờ sự phát triển mọi mặt của đất nước và những tiến bộ mới
của khoa học kỹ thuật và công nghệ – tình hình sẽ cho phép nước ta một sự lựa
chọn khác: đi thẳng vào công nghiệp nhôm cao cấp (nhôm tinh khiết, các hợp kim
quý...), trên cơ sở nguyên liệu nhập hay tại chỗ, với những điều kiện kinh tế
và những điều kiện thân thiện với môi trường có lợi hơn rất nhiều so với hiện
nay. Nghĩa là lúc này vội vã hay nôn nóng là tự ăn vào chính mình! Một
ví dụ cụ thể, ngay bây giờ, giữa lúc người làm dự án khai thác bauxite Tây
Nguyên dự định tạm thời vận tải alumina xuống biển bằng đường ô-tô, trong đầu mới
chỉ có ý tưởng sẽ vận chuyển alumina bằng đường sắt, nhưng chưa có quy hoạch và
thiết kế khả thi cho đường sắt này, thì trên thế giới đã có một vài nơi vận tải
alumina bằng đường ống (Úc, Brazil...)... Quan trọng hơn thế nhiều là tại sao
không ngay từ bây giờ tính đến phương án và trù bị mọi việc, để vào một thời điểm
nào đó, Việt Nam sẽ có thể thay thế Nhật Bản sản xuất những sản phẩm nhôm cao cấp?
Xin lưu ý, hiện nay Nhật đang trù tính chuyển nhiều bộ phận công nghiệp của nền
kinh tế nước mình ra bên ngoài để tăng cường khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế
Nhật. Là nước đi sau, chúng ta có quyền lựa chọn. Có nên tính đến yếu tố này
trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của nước ta hay không? Lựa chọn
con đường này sẽ có khả năng tránh hay giảm thiểu đáng kể việc phát triển kinh
tế của các sản phẩm thượng nguồn và giúp ta khắc phục tốt hơn tình trạng tụt hậu.
Như vậy đối với nước ta hiện nay, với một tầm nhìn chiến lược mới và cách tiếp
cận mới, càng chậm đi vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên, càng có lợi. Lợi thế
nước đi sau là như vậy.
Ngay
ở Trung Quốc, việc phát triển công nghiệp nhôm ngoài đòi hỏi tất yếu là đáp ứng
nhu cầu tiêu thụ mỗi năm khoảng 15 triệu tấn không có cách gì nhập đủ được,
Trung Quốc gắn nhiệm vụ này với việc nhiệm vụ tranh thủ cơ hội trở thành cường
quốc xuất khẩu ô-tô và máy bay. Rõ ràng thời buổi ngày nay quốc gia nào có ý thức
về cạnh tranh đều phải “gắn” như vậy, nếu không là tự đào thải mình. Tìm cách gắn với
cái hiện đại và sức cạnh tranh cao, chứ không phải gắn với tài nguyên không
tái tạo được và lao động cơ bắp.
Quy
trình lộn ngược
Việc
triển khai các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên ngoài việc thiếu chiến lược
phát triển tổng thể của vùng này làm nền tảng, có nguy cơ đang diễn ra theo quy
trình lộn ngược: Kết cấu hạ tầng phải có cho khai thác
và cho bảo vệ môi trường không được xây dựng trước khi tiến hành triển khai các
công trình khai thác và tuyển + sơ chế quặng. Các kế hoạch giải quyết các vấn đề
an sinh xã hội có liên quan đến toàn vùng Tây Nguyên hoặc là mới có ở mức độ ý
tưởng, hoặc là chưa nghĩ đến, hoặc chưa có!
Chưa
thấy các dự án khai thác alumina ở Tây Nguyên có các nguồn điện và nước của
riêng mình, trước mắt vẫn là tính chuyện sử dụng các đầu vào này (input) cho sản
xuất trên cơ sở các nguồn hiện có tài chỗ. Cách tiếp cận này rất nguy hại cho
Tây Nguyên, trong khi Tây Nguyên đang thiếu trầm trọng điện và nước cho con người,
nông nghiệp và cây công nghiệp.
Vấn
đề vận tải một khối lượng lớn quặng sơ chế alumina (ước lượng từ 0,6 đến 1 triệu
tấn/năm) từ Tây Nguyên xuống cảng biển trong nhiều năm sau khi bắt đầu khai
thác, trù tính trong thời chưa có đường sắt và cảng chuyên dụng, sẽ dử dụng đường
bộ và một hay nhiều cảng hiện có. Điều này có nghĩa sẽ hủy hoại đáng kể những
con đường và cảng có liên quan, đồng thời làm ô nhiễm không thể cứu vãn được cả
một vệt đỏ dài hủy diệt xuất phát từ các mỏ bauxite ở Tây Nguyên chạy xuống tận
cảng biển, một phần lớn vùng duyên hải miền Trung. Thực tế này sẽ cũng có nghĩa
là làm hỏng luôn kinh tế cả vùng duyên hải miền Trung, nhất là ngành du lịch. Với
cung cách làm ăn đang có của ta, chờ cho đến khi hoàn thành được đường sắt và cảng
chuyên dụng cho xuất khẩu bauxite, tình hình có thể sẽ quá muộn – chưa nói đến
chuyện những công trình chuyên dụng này có khả thi về mặt kinh tế hay không, có
tiền để làm không, và biết bao nhiêu điều bất thường khác! V... v...
Việc
xử lý bùn đỏ và nước thải nêu trong các đề án khai thác bauxite đầy nghi ngờ,
vì hai lý do: (a)rất tốn kém, (b)khó có thể làm được như có thể viết ra trên giấy
– hiện tượng này đã từng xảy ra tại nhiều
nước trên thế giới – kể cả ở Úc, Canada.... Ngay ở nước ta, xin hãy nhìn lại
quá trình khai thác than hơn 100 năm nay ở Quảng Ninh, nhất là 30 năm trở lại
đây. Có thể nói, cho đến ngày hôm nay, tất cả các mỏ than đã khai thác xong và
đã đóng cửa ở Quảng Ninh hầu như đều là các vùng “Quảng Ninh đen”, chưa có một nơi nào môi trường tự nhiên được
hoàn lại như trước khi khai thác. Một lần tôi hỏi một đồng chí lão thành cách mạng
là nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh: “Tại sao không phục hồi trả lại môi trường
nơi khai mỏ?”. Trả lời: “Một là làm như thế sẽ lỗ; hai là ăn hết mất rồi!” Với cách
quản lý mỗi năm hàng chục triệu tấn than xuất khẩu lậu như đã từng xảy ra vừa
qua, thật khó tin môi trường những nơi khai thác bauxite ở Tây Nguyên sẽ được
hoàn trả một cách an toàn, nhất là vùng này cao và có độ dốc lớn. Còn các vấn
đề ô nhiễm khác?
Hồ chứa bùn đỏ sau khi lấy alumina từ bauxite tại Kashipur - Orissa, India – không còn sự sống nào trong
môi trường này.
Nguồn: http://www.miningwatch.ca/index.php?/Kashipur_Bauxite/ALCAN_Juggling_with_
Vấn
đề nguy hiểm nhất trong quy trình lộn ngược này là chưa có một chương trình khả
thi và được phê duyệt ở cấp quốc gia cho việc bảo vệ, phục hồi môi trường nơi khai thác và cho toàn vùng, thiếu hẳn sự bàn bạc với các tỉnh, các địa phương chung
quanh và các Bộ, ngành có liên quan về việc phối hợp, hợp tác với nhau xử lý
các hệ quả của khai thác bauxite có thể xảy ra. Lẽ ra vấn đề nguy hiểm nhất này
phải được xử lý đầu tiên trước khi quyết định sẽ làm hay không làm alumina ở
Tây Nguyên.
Việc
làm mới?
Báo
chí nói dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã động thổ (Đắc Nông) sẽ đem lại
16 nghìn việc làm mới. Nhìn theo cái giá Tây nguyên phải trả, con số này thật
quá bé nhỏ so với dân số Tây Nguyên – năm 1975 lả 1,3 triệu người và hiện nay
là gần 4 triệu người. Ngoài ra về bauxite ở Tây Nguyên, chí ít phải đặt thêm
các câu hỏi: (1)16 nghìn việc làm này là cho ai – nghĩa là người dân tộc nào?
(2)Bao nhiêu người các dân tộc Tây Nguyên sẽ bỏ đi và sự xáo trộn dân cư “đến
và đi” sẽ xảy ra như thế nào? hệ quả mọi mặt? (3)Phương án Tây Nguyên xanh có tạo
ra nhiều việc làm hơn không? (4)Bao nhiêu việc làm thuộc các ngành nghề khác ở
Tây Nguyên và các vùng, các tỉnh chung quanh sẽ bị mất đi do việc khai thác
bauxite hủy hoại môi trường toàn vùng? V... v...
Năm
1976 Tây Nguyên có khoảng 1,2 triệu người sinh sống, hiện nay là gần 4 triệu.
Trong một môi trường dân số tăng nhanh như vậy– nhất là do tăng dân số cơ học và
còn đang tiếp tục tăng, thêm một hai chục
nghìn việc làm mới cho Tây Nguyên nhờ khai thác bauxite như vậy, có giải quyết
được vấn đề đời sống của Tây Nguyên không? Trong khi đó một không gian dân cư
sinh sống đáng kể sẽ bị việc khai thác khoáng sản này cướp đi. Nên lựa chọn cái
gì?
Cần
lưu ý: Con số 16 nghìn việc làm có thể tạo ra nhờ khai thác bauxite như báo chí
nêu lên, chủ yếu sẽ là lao động thủ công. Thực tế ở Việt Nam và trên thế giới
cho thấy khai thác mỏ càng xử dụng nhiều lao động thủ công, hủy hoại môi trường
càng lớn. Trên hết cả, xin hãy đi khảo sát đời sống thợ tại các mỏ than, mỏ
đá, các mỏ khoáng sản khác ở khắp nước ta để
suy nghĩ xem: Họ đang sống như thế nào? Đây có phải là loại việc làm
đáng tạo ra của thời kỳ đất nước đẩy mạnh công
nghiệp hóa theo hướng hiện đại thời hội nhập ngày nay hay không? Vân...
vân...
Muốn
phát triển Tây Nguyên bền vững, cần trả lời thỏa đáng nhiều câu hỏi khác tương
tự như thế, kể cả về an ninh quốc phòng và đối ngoại.
Kết luận
Khai thác khoáng sản đem bán – dù là than, dầu hay là gì nữa
– lúc này đối với nước ta là cực chẳng đã, là hạ sách, trong nhiều trường hợp
là thất sách, không nên mở rộng thêm, mà cần thay đổi tình hình này càng sớm
càng tốt, kéo dài là chuốc thêm nghèo khó và tụt hậu. Ngoài ra nước ta hàng năm
thiên tai gây ra biết bao nhiêu khốn
khó, năm sau có thiên hướng khắc nghiệt hơn năm trước, tình trạng lụt lội các
nơi ngày càng nhiều. Không có lý do gì mỗi năm lại cứ cho đẻ thêm các công
trình kinh tế góp phần làm trầm trọng
thêm thiên tai, để rồi lại kêu gọi cả nước ra sức chống, ra sức cứu, với bao
nhiêu đau thương và tổn thất.
Khai
thác bauxite ở Tây Nguyên như đang triển khai , sẽ (1)hủy hoại môi trường đồng thời làm biến đổi khí hậu toàn bộ vùng
này và chung quanh, (2)thu hẹp vùng dân cư sinh sống, (3)gây phương hại cho an
ninh của đất nước.
Khai
thác bauxite như đang triển khai, về lâu dài là đang lấp ló một “Vedan” khổng lồ,
toàn diện, vô phương cứu chữa, là sự phụ họa tiếp theo với thiên tai, để làm hỏng
đất nước, kéo dài nữa sự tụt hậu của cả
nước.
Liên
quan đến Vedan, ngày 13-11-2008 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trước Quốc hội: “Chính phủ cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới,
không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi Chính phủ đã từ chối
dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường”. Mong rằng tinh thần
này được vận dụng cho bauxite Tây Nguyên.
Với
nguy cơ triển khai theo quy trình lộn ngược như
đang thực hiện, chương trình khai thác bauxite Tây Nguyên có thể vừa để lại
nhiều hệ quả lớn về kinh tế, chính trị, xã hội, vừa tạo ra cho nước ta sự lệ
thuộc mới không thể chấp nhận.
Khai
thác bauxite như đang triển khai nguy hiểm
tới mức những sai lầm có nguy cơ gây ra những tổn thất lớn lao mang trọng tội đối
với quốc gia, thiết nghĩ nên cân nhắc rất cẩn trọng với tầm nhìn dài hạn.
Vì
vậy xin đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước chỉ thị cho tạm dừng việc triển
khai chương trình này, thực hiện các nghiên cứu cho phép đi tới những quyết định
thỏa đáng cho tương lai phát triển của Tây Nguyên, trước khi đi tới quyết định
nên dừng hẳn trong một thời gian nhất định việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên,
hay nên đi tiếp và đi tiếp như thế nào. Mong trí tuệ của cả nước được huy động,
và mong khai thác kinh nghiệm của cả thế giới cho việc này.
Xin
trân trọng đề nghị Bộ Chính trị và Chính phủ cử một đoàn có thẩm quyền về kiến thức khoa học và kinh tế, độc lập với
các Bộ, ngành và tập đoàn,
-
a: đi khảo sát một số nơi chứa bùn đỏ ở Ấn
Độ, châu Phi, hay một vài nơi nào khác để nghiên cứu những hệ lụy trong việc
khai thác bauxite, về báo cáo công khai trong nước để tham khảo ý kiến nhân dân trước khi đi tới quyết định
cuối cùng.
-
b: đi khảo sát dự án đầu tư của Trung Quốc
ký với Úc khai thác bauxite ở mỏ Aurukun, Queensland rồi so sánh với những dự
án ta đã ký kết và rút ra những kết luận cần thiết cho Tây Nguyên.
Con đường đi lên của nước ta là tìm cách phát huy con người
Việt Nam tự chủ, có ý chí nhẫn nại làm giầu bền vững, lâu dài trên từng thước
vuông đất của Tổ quốc chúng ta - bằng trí tuệ và lao động cần cù sáng tạo,
chứ không phải bằng cách đào bới khoáng
sản đem đi bán.
Xin
đừng giây phút nào quên nước ta đất chật người đông, ở vào vị trí địa lý và vị thế đầy thách thức ác
nghiệt. Riêng trong nửa sau của thế kỷ 20 nước ta phải gánh chịu 5 cuộc chiến
tranh khốc liệt, và hôm nay bước vào thế kỷ 21 với sự lạc hậu và tụt hậu kinh
hoàng so với thế giới. Cần nhìn vào con đường đất nước phải đi để thấy hết sự
thật này! Phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là con đường duy nhất để tồn tại
và phát triển. Vị trí địa lý và vị thế nước ta tiềm tàng một cơ hội như thế! Tất
cả trước hết phụ thuộc vào cái đầu và ý chí, chứ không phải cơ bắp.
Thừa
hưởng những kinh nghiệm của các nước đi
trước trong hai thế kỷ trước, một số
nước NICs đã tận dụng được lợi thế nước
đi sau và đã thành công – con đường họ đi bắt đầu từ giáo dục... Tại sao
nó không thể là con đường của chúng ta? (tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Lối đi duy nhất để Việt Nam thoát
nghèo” VNN.VN
24/10/2008 10:35, và "Chàng
trai 22 tuổi không thể sống trong quần áo thiếu niên" VNN.VN 31/10/2008 10:11).
Thế
hệ chúng ta hôm nay cần làm mọi việc để tránh phải đi vào lịch sử với “tội
danh” là thế hệ hủy hoại Tây Nguyên. Trách nhiệm của mỗi người Việt Nam thế hệ
hôm nay đối với phát triển và tương lai của Tây Nguyên là không thể thoái thác.
Hết
Hà Nội, ngày 11-11-2008
Tài
liệu tham khảo
1.
Các
websites về công nghiệp và thương mại aluminum của các quốc gia được nhắc tới
trong tham luận này.
2.
Các
báo cáo năm của UNDP, WTO năm 2005, 2006.
3.
Các
bài về công nghiệp nhôm của Earth Policy
Institute – USA 2003 – 2006.
4.
Các
báo cáo chuyên đề hàng năm của ALCOA -
5.
BAUXITE
AND ALUMINA PROCESSING
METHOD AND TAILINGS PRODUCTION - http://www.miro.co.uk/tailsafe-if/restricted/docs/wp1_2_6_bauxite.pdf
6. Các báo cáo chuyên đề hàng năm của
UC RUSAL http://www.rusal.ru/en/
7. European
Aluminum Association Report – 2007.
8. Bauxite and Aluminum: A Cradle to Grave Analysis) – Nguồn:
bss.sfsu.edu/raquelrp/projects/Bauxite%20and%20Aluminum.ppt
9. “MATERIALS
AND THE ENVIRONMENT” Chapter 6. Designing a New Materials Economy Lester
R. Brown.
10. Eco-Economy: Building an Economy for the Earth, W.W. Norton & Co., NY: 2001.
11. Ecological
restoration of land with particular reference to the mining of metals and industrial minerals: A review
of theory and practice by J.A. Cooke and
M.S. Johnson – nguồn: pubs.nrc-cnrc.gc.ca/rp/rppdf/a01-014.pdf
12.
Canadian
Mining Companies Destroy Environment
13. Dương Danh Dy – “Tìm hiểu tình trạng ô nhiễm môi
trường khi khai thác bauxit tại một vài nơi ở Trung Quốc”.
14. Nguyễn Trung, (1)“Ngã ba 2007” VietnamNet,
25-12-2007, (2) “Lối đi duy nhất để
Việt Nam thoát nghèo” VNN.VN 24/10/2008
10:35, và (3)"Chàng trai 22 tuổi
không thể sống trong quần áo thiếu niên" VNN.VN
31/10/2008 10:11.
Quyết định 167 ngày 1-11-2007
của Thủ tướng Chính phủ về khai thác bauxite: http://www.vinachem.com.vn/VB_PQ/SX_KD/2007/QD167TTG.doc
Hết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét