|
VẬN DỤNG LỢI THẾ SO SÁNH
ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
NGUYỄN
TRUNG
VẬN DỤNG LỢI THẾ SO SÁNH
ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
(Sách tham
khảo)
NHÀ XUẤT
BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
HÀ NỘI - 1998
LỜI GIỚI THIỆU
Là người nhiệt tình với sự nghiệp phát triển
kinh tế của đất nước, đồng chí Nguyễn Trung đã tham gia vào nhiều cuộc thảo
luận, hội thảo về các đề tài liên quan đến phát triển kinh tế nước ta.
Tuy không phải là một chuyên gia kinh tế,
song trong quá trình công tác của mình, đồng chí Nguyễn Trung đã quan tâm tìm
hiểu những sự kiện kinh tế, xã hội ở trong nước và nước ngoài, mạnh dạn đề xuất
các suy nghĩ của mình. Nghề nghiệp chính của đồng chí Nguyễn Trung là công tác
ngoại giao, từ năm 1993, đồng chí được chuyển về công tác tại Văn phòng Chính
phủ.
Tháng 11 năm 1997 được đề cử tham gia vào
việc bàn luận về “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam đến năm
2020” do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, đồng chí Nguyễn Trung đã
trình bày những suy nghĩ của mình về vấn đề “Vận dụng lợi thế so sánh”.
Nhận thấy những điều đồng chí Nguyễn Trung
trình bày rất đáng được quan tâm, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn
đọc.
NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI
Bàn về
vận dụng lợi thế so sánh để phát triển đất nước, thực chất là đem tất cả cái
mạnh và cái yếu, cái hay và cái dở, cái thuận và cái nghịch của một quốc gia,
một dân tộc đặt lên bàn cân, để tính toán, để lựa chọn quyết định trong cuộc đọ
sức phát triển đầy công, phạt với cả cộng đồng thế giới.
Tôi xin bắt đầu từ một câu chuyện trong đời thường.
Trong một chuyến công tác vào Cửa Lò vào cuối tháng 8 – 1997,
người lái xe của tôi hỏi vặn:
Anh ơi, chiếc xe máy người tình trăm năm của tôi thành sự thật mất rồi, đúng y như lời
quảng cáo trên tivi vậy! Tôi chán ngấy, định đẩy nó đi cho người khác mà không
được. Hèn nào chủ hãng đặt ra biết bao nhiêu loại giải thưởng để tiêu thụ hàng!
Bạn tôi có một chiếc xe ôtô Daewoo mua để chạy khách, bây giờ cũng mếu dở. Nó
còn kể rằng “xếp” cũ của nó còn lâm vào tình cảnh tồi tệ hơn: phụ trách cả một
dây chuyền sản xuất bóng đèn tivi đen trắng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ
được, bây giờ ai xem cái của nợ này... Công nghiệp hóa như vậy là thế nào hở
anh?
Vào đến Nghệ An, tôi thấy ở một số đường phố có khá
nhiều cửa hàng điện tử cũ, xe đạp, xe máy cũ, đồ điện dân dụng cũ..., cũng có
thể gọi đấy là những rác thải nhập lậu.
Xen lẫn vào các cửa hàng đồ cũ này là
đôi ba cửa hàng tivi màu đủ các hãng lắp ráp trong nước. Nhưng đập vào mắt mọi
người là các cửa hàng xe đạp và quạt máy mới nhập lậu. Họa hoằn lắm và phải chủ
động hỏi mới thấy được một hai cái quạt máy Điện
Cơ. .. Hỏi thăm, được biết hàng ta làm ra có
nhiều thứ đang ế khổ sở. Người lái xe của tôi giảng giải: Loại chợ đồ cũ này ở
nước ta không hiếm, anh ạ... Suốt chuyến đi công tác này, trong bụng tôi thán
phục anh lái xe của mình về những nhận xét hóm hỉnh và tinh tế. Đầu óc tôi bị
kích thích, quay cuồng, dằn vặt bởi nhiều câu hỏi được tích tụ lại từ hàng trăm
cuộc thảo luận, tranh luận...
Nhiều năm nay, tôi đã được đọc, được nghe, được đến
tận nơi tìm hiểu các con rồng, nhận được không ít lời
khuyên từ mọi phía cho Việt Nam
về mô hình các con rồng. Tôi còn đang
chưa biết nên tiêu hóa những kiến thức mới đó như thế nào, thưa thốt với thủ
trưởng của mình điều gì, xây dựng những kiến nghị gì..., thì những con rồng ấy bắt đầu lâm nhiều thứ bệnh
nặng nhẹ khác nhau từ mấy năm nay rồi. Tôi còn nhận được cả một quyển sách dày
cộp “Con hổ lao đao” viết về những
khó khăn trong kinh tế Hàn Quốc hiện tại, tác giả là Mark L. Clifford, do M. E.
Sharpe xuất bản 1994.
Vài ngày sau, tôi lại nhận được cuốn sách “ Những ngành công nghiệp lao đao ở Mỹ và
Nhật” – chủ yếu là những ngành sản phẩm trung gian, chế tạo cơ khí, những
ngành không đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ cao... Song đáng chú ý là ở hai nước
này ngày càng có nhiều ngành công nghiệp hiện đại bị thua lỗ và đòi hỏi phải
vận dụng những phương thức kinh doanh và cạnh tranh hoàn toàn mới để tồn tại và
tạo cơ may tiếp tục phát triển. Nổi lên là những ngành như sản xuất ôtô, máy
bay, máy tính...- cuốn sách này do H. W. Tan và H. Shimada biên soạn từ các
cuộc hội nghị và hội thảo khác nhau và được RAND
Corporation xuất bản cùng năm 1994. Robert B. Reich trong cuốn sách “Công việc
của các quốc gia” xuất bản năm 1992,
đưa ra khá nhiều ví dụ dẫn chứng rằng những phương thức kinh doanh và cạnh
tranh mới này phức tạp đến mức độ khó nói rằng xe ôtô Toyota bán tại Mỹ là do
nước Nhật sản xuất, hoặc những sản phẩm của hãng General Motor (Mỹ) tiêu thụ
trên thị trường Mỹ là sản phẩm của nước Mỹ...,tất cả hình như chỉ còn lại có
mỗi cái nhãn hàng (trade mark) là thực sự có xuất xứ gốc, nhưng nếu hiểu xuất
xứ gốc là đồng nghĩa với giới hạn hoặc ranh giới quốc gia thì lại không còn
đúng nữa... Thực tiễn này đòi hỏi phải bổ sung nhiều nội dung mới vào những
phạm trù quan trọng như biên giới, lãnh
thổ, chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế... (tham khảo thêm những suy
nghĩ của Robert B. Reich, trong cuốn The World of Nations, New York , 1992).
Mới ngày nào, các chuyên gia đủ loại từ nước ngoài hết
lời ca ngợi những bước phát triển nhanh chóng của hệ thống tài chính, tiền tệ
và ngân hàng của các con rồng và các
nước ASEAN. Họ đưa ra cho ngành ngân hàng và tài chính tiền tệ nước ta nhiều mô
hình, nhiều lời khuyên. Tôi đón nhận với không ít thán phục. Song, tôi chưa kịp
nghĩ ra điều gì khôn ngoan từ những lời khuyên này, thì cơn lốc sụt giá các
đồng tiền ASEAN hiện nay ập tới; khỏe khoắn như
Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, và xa xôi như Ấn Độ.., bắt đầu cảm thấy
lo vì cơn lốc này.
Một tuần sau vụ đổ bể của ngân hàng Hokkaido Takushoku
(đứng thứ 9 Nhật Bản) và công ty chứng khoán Sanyo, ngày 24-11-1997, tập đoàn
buôn bán chứng khoán Yamaichi, một trong 4 tập đoàn buôn bán cổ phiếu lớn nhất
Nhật Bản, tuyên bố phá sản, để lại 25 tỷ USD nợ nần không thanh toán được, 7500
nhân viên của tập đoàn bị sa thải. Đây là trường hợp phá sản lớn nhất trong
lịch sử kinh tế Nhật, ngay ngày hôm sau, đồng Yên tụt xuống mức thấp nhất trong
5 năm nay: 128 Y/1USD. Nguyên nhân: Yamaichi không xử lý được những vấn đề phát
sinh từ nội tại nền kinh tế bong bóng
của nước Nhật. Nền tài chính siêu cường kinh tế Nhật bản chứng tỏ không phải
hoàn toàn có khả năng miễn dịch. Bây giờ Nhật Bản còn phải tính đến những chấn
động từ cuộc khủng hoảng hiện nay của các con
hổ châu Á – những đối tác chiếm một tỷ trọng đáng kể vốn đầu tư ra nước
ngoài và hàng xuất khẩu của Nhật Bản. Khi tôi viết đến dòng này, Hàn Quốc phải
nén lòng tự trọng để cầu cứu IMF và Nhật hỗ trợ đồng Von đang sụt giá nhanh
chóng: -21% trong vòng một năm nay (tham khảo phụ lục 3b).
Thật ra, tôi không ngờ vực những kinh nghiệm tốt từ
các nước đi trước. Lấy ra vài việc nêu trên từ cuộc sống, tôi chỉ muốn nói
rằng, thời thế trong kinh tế biến đổi nhanh quá, chúng ta đứng trước một nguy
cơ lớn:
-
Sản phẩm ta xuất xưởng chưa kịp đem bán ra thị trường
thì đã mất khả năng tiêu thụ, có biết bao nhiêu sản phẩm khác của chúng ta bị
đánh bại ngay trên sân nhà – kể từ cái tăm, đôi đũa, đồ chơi của trẻ em, cái
quạt máy, cái xe đạp...!
-
Mô hình hay trên thế giới mà ta chưa kịp rút ra những
điều bổ ích vận dụng cho nước mình, đã đứng trước nguy cơ khủng hoảng, sụp đổ;
-
Không ít lý luận khi cần bàn bạc thì rất có lý, song
chưa kịp viết xuống giấy đã trở nên lỗi thời...
Nếu nhìn vào các
chính sách phát triển kinh tế nước ta hiện nay, cơ cấu đầu tư trong nước và đầu
tư trực tiếp của nước ngoài, bên cạnh những thành tựu xoay chuyển hẳn tình thế
đất nước, những thất bại, vấp váp không phải là ít, nổi lên là những vấn đề:
-
Một số sản phẩm truyền thống bị đánh bại ngay trong thị
trường nội địa;
-
Một số sản phẩm liên doanh, lẽ ra ta có thể huy động
vốn trong nước để tự sản xuất hoặc để nâng cao hơn tỷ lệ góp vốn phía ta;
-
Một số công trình liên doanh quan trọng thể hiện sự lấn
át của xu thế sản xuất thay thế nhập khẩu.
-
Khả năng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
cả nước còn rất hạn chế, đòi hỏi về công ăn việc làm rất gay gắt, và đây là vấn
đề cam go nhất.
Nhiều anh đồng cảm với tôi: càng
đọc càng rối. Không thiếu gì các học giả trên thế giới cho rằng ngày nay, các
học thuyết của các bậc tiền bối như: A. Smith, D. Ricardo, J. M. Keynes... cần
được xem xét lại và bổ khuyết! Có lẽ vì thế từ nhiều năm nay đã thấy xuất hiện
nhiều lý luận và lý sự mới.
Thực tiễn khắt khe này khiến tôi nhớ lại cuộc tranh luận trong nhóm
nghiên cứu của chúng tôi trong những năm cuối của thập kỷ 1980 để tìm cách xóa
bao cấp và xử lý vấn đề lạm phát. Khơi mào cho cuộc tranh luận giữa chúng tôi
lúc ấy là trong bài tựa ngày 24-6-1872 của F. Engels trong dịp 25 năm Tuyên
Ngôn Cộng Sản ra đời có những câu: “Chính
ngay bản tuyên ngôn đã giải thích rõ rằng việc áp dụng những nguyên lý ở đâu và
lúc nào cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên
quá coi trọng những biện pháp cách mạng kể ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày
nay mà viết lại, thì về nhiều phương diện phải viết khác đi. Vì đại công nghiệp
đã có những tiến bộ lớn trong 25 năm qua...” (Nhà xuất bản Sự Thạt, Hà Nội,
1963).
Trong những cuộc tranh luận hồi đó, một số anh trong
chúng tôi cứ vin vào đây đòi xóa bỏ giá bao cấp và xóa bù lỗ. Đương nhiên, 25
năm trong thời đại ngày nay sự vận động của kinh tế thế giới còn làm cho chúng
ta chóng mặt hơn nhiều so với 25 năm sinh thời của F. Engels. Bây giờ đọc lại
những bài tựa của F. Engels viết cho Tuyên ngôn Cộng sản trong các dịp khác
nhau, tôi vẫn thấy nhiều điều bổ ích.
Thực ra, tôi không theo trường phái thực dụng hoặc
trông chờ vào may rủi. Còn như lấy thực tiễn thành công của 10 năm đổi mới ở
Việt Nam
phân tích một cách sách vở thì hình như không một học thuyết nào của các bậc
tiền bối ấy có thể giải thích cho chúng ta một cách thuyết phục được. Trông cậy
một cách giáo điều vào một học thuyết nào để khắc phục những yếu kém và vạch ra
đường đi cho nước ta lại càng khó. Lời khuyên của F. Engels nói trên cho thấy
điều quan trọng là phải trung thành với lý tưởng, nguyên lý; còn đường đi nước
bước của cách mạng phải luôn luôn bám sát vào thực tế.
Tuy mỗi quốc gia là một thực
thể đơn nhất, tôi không nghĩ rằng 10 năm đổi mới của nước ta là một ngoại lệ, càng không nghĩ rằng chúng ta
đã phát minh ra một học thuyết siêu việt nào đó mang lại những thành công vừa
qua, những thành công củng cố tinh thần tự tin và mở rộng tầm nhìn của chúng
ta. Sự thật là những quy luật kinh tế cơ bản được các nhà kinh tế lỗi lạc đúc
kết thành các lý luận vẫn đang tiếp tục vận động và phát triển. Điều mà những
bộ óc mẫn tiệp nói trên, lúc đó –
theo tôi – không thể hoặc chưa có điều kiện thâu tóm được trong học thuyết của
họ là: trong bối cảnh phát triển năng động toàn diện của thế giới ngày nay,
những quy luật ấy linh hoạt và tổng hợp ở mức cao hơn rất nhiều so với nhận
thức và khả năng phản ứng của con người. Đồng thời cuộc sống luôn luôn tiếp tục
có những bước phát triển mới, đôi lúc có những cuộc bể dâu mà nhận thức của chúng ta không chạy theo kịp. Chính vì vậy,
chúng ta phải tìm cách thường xuyên bám sát cuộc sống. Đây là thước đo, là
phương thức nâng cao phẩm chất và năng lực của chính bản thân những người làm
công tác nghiên cứu chúng ta.
Xin lưu ý rằng
về phương diện này, Đảng ta luôn phê phán cả hai khuynh hướng: bảo thủ giáo
điều, hoặc thực dụng và không có lý luận. Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng
ta nhấn mạnh phải hiểu quy luật vận động của thực tiễn kinh tế, xã hội Việt Nam và phải làm
theo quy luật. Tư duy khoa học này đã dẫn tới công cuộc Đổi mới vĩ đại ngày
nay.
Chúng ta, những người làm công tác nghiên cứu, dù tự
giác hay không tự giác nhận thức mọi diễn biến xảy ra, thì bản thân cuộc sống
vẫn không quan tâm lắm đến cách ứng xử của chúng ta. Nó cứ đi theo con đường
của nó, như đã đi từ cơ chế bao cấp trong những năm 1980 đến cơ chế đổi mới như
ngày nay. Song, chúng ta có thể thúc đẩy nó, hoặc ngáng đường nó.
Ví dụ:
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, kinh tế thị trường rất cần đến một nhà
nước về bên trong có khả năng giải
phóng mọi tiềm năng để phát triển đất nước tối ưu mọi mặt – nghĩa là một nhà nước bé nhất để dân làm được nhiều
nhất, đồng thời về bên ngoài có
khả năng thực hiện sự hội nhập có lợi nhất cho việc thực hiện và bảo vệ những
lợi ích quốc gia mình, tác động vào xu thế toàn cầu hóa. Một bàn tay vô hình của Smith không đủ khả
năng làm những việc này; những tính toán của Keynes dựa trên những mối quan hệ
cung/cầu – giá – và vai trò cung ứng tiền vẫn còn những ý nghĩa rất đáng cân
nhắc trong quy mô quốc gia, nhưng nếu không bổ sung nhiều điểm, thì khó đứng
vững trước sự hình thành của kinh tế khu
vực và dưới tác động khó lường hết được của xu thế toàn cầu hóa – trong đó nổi lên tình hình nền kinh tế tiền
tệ lớn hơn bảy, tám chục lần khối lượng kim ngạch thương mại và có xu hướng
tách rời sự vận động của thương mại. Những quan điểm cơ bản về lợi thế so sánh
của Ricardo, được trình bày trong ví dụ nổi tiếng về so sánh việc sản xuất rượu
vang và sản xuất vải của 2 nước khác nhau vẫn còn giá trị. Nhưng sự vận động
của lợi thế so sánh trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay – ví dụ, sự tách
rời tương đối giữa kinh tế nguyên liệu với phát triển công nghiệp, sự xuất hiện
tính độc lập tương đối của nền kinh tế tiền tệ và các dòng chảy tư bản rất năng
động, vai trò các công ty xuyên quốc gia, sự phát triển của thương mại và thông
tin... – đòi hỏi chúng ta phải mở rộng thêm nhiều cách suy nghĩ về cách vận
dụng lợi thế so sánh.
Những lý thuyết của nhiều nhà kinh tế về phi điều
chỉnh hoặc phi nhà nước từng một thời được ca ngợi, ngày nay khó đứng vững
trước thực tế vai trò thu hẹp, nhưng
trở nên ngày càng quan trọng không thể thiếu được của Nhà nước trong hầu hết
các quốc gia phát triển năng động cũng như trong việc hình thành các khung khổ,
thể chế khu vực và toàn cầu...v..v..
Những suy nghĩ của tôi còn bị thu hút vào một hướng khác.
Dù rằng đến nay chúng ta chưa tổng kết được sâu sắc mọi mặt
của 10 năm đổi mới, song có nhiều điều đập ngay vào mắt chúng ta và buộc phải
suy nghĩ:
-
Vì sao đang thiếu gạo triền miên, rồi đột nhiên nước ta
đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo – trong khi chúng ta hầu như không có
điều kiện tăng đầu tư cơ bản cho nông nghiệp? Cùng với thành tựu này, chúng ta
nhận thức sâu sắc hơn thế mạnh tương đối của nền nông nghiệp nói chung của nước
ta trong xuất khẩu, nhờ đó chúng ta đã giành được thứ hạng nhất định trên thị
trường thế giới về các mặt hàng như café, cao su, chè, hạt điều... Hơn thế nữa,
dù là vào thời đại công nghiệp hiện đại và cách mạng khoa học kỹ thuật của thế
giới hiện nay, nông phẩm xuất khẩu của nước ta tuy chủ yếu là những sản phẩm thô của một nền kinh tế lạc hậu, song ở
vào hoàn cảnh của nước ta, chúng vẫn có một ý nghĩa chiến lược cho sự tồn tại
và phát triển của đất nước trong những năm vừa qua.
-
Vì sao trong lịch sử công nghiệp nước ta, kể từ khi
khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 10 năm qua công nghiệp Việt Nam trong
bối cảnh phức tạp mới lại phát triển nhanh chưa từng có và cũng chưa bao giờ
tham gia vào xuất khẩu tích cực như vậy? Phải nói thật, đấy là bước phát triển
có nhiều điều nằm ngoài những dự tính
và trù liệu của giới nghiên cứu chúng ta, và lại đúng vào thời kỳ do những khó
khăn kéo dài của nhiều năm trước, Nhà nước chỉ có điều kiện đầu tư cho công
nghiệp ít hơn nhiều so với mọi thời kỳ trước đó.
-
Vì sao trong khoảng thời gian tương đối ngắn, ngành bưu
điện viễn thông, ngành hàng không, ngành tin học... của nước ta phát triển và
hiện đại hóa mau chóng như vậy, mặc dầu những ngành này hiện nay vẫn chưa vượt
qua được những yếu kém quan trọng ban đầu của chúng? Xin đừng quên những yếu
kém có thể đảo ngược tình thế này. Dù sao đi nữa, phải chăng những gì đã đạt
được trong những ngành này cũng có thể được xem là những ví dụ tuy chưa hoàn
thiện, nhưng đáng được phân tích để vận dụng vào việc tìm phương kế thực hiện
phương châm đuổi kịp, nắm bắt, đón đầu
công nghệ mới?
Những câu hỏi như vậy còn nhiều.
Song một điều chắc chắn là phải từ những thành công này rút
ra điều gì cho những bước đi sắp tới của đất nước.
Xin dành phần tổng kết đáng mong đợi này cho những
công trình nghiên cứu nghiêm túc. Từ vài nét nêu trên lấy ra trong cuộc sống,
tôi xin rút ra mấy nhận xét mang tính dẫn đề cho nội dung chính của tài liệu
tham khảo này:
(1)
Lợi thế so sánh,
cũng như những bất lợi tương đối của một nước (comparative advantages and
disadvantages), vô cùng đa dạng, thực sự chỉ có ý nghĩa tương đối, luôn biến
đổi theo xu thế phát triển trên thế giới và hoàn cảnh mỗi nước. Vận dụng lợi
thế so sánh và khắc phục những điều bất lợi, tuy là hai việc, nhưng thực chất
là một; vận dụng lợi thế so sánh luôn
luôn đối lập với nền kinh tế hoàn chỉnh, khép kín.
(2)
Thực tiễn 10 năm
đổi mới ở nước ta cho thấy: phát huy được lợi thế so sánh, tìm cách biến cái
bất lợi thành lợi thế, thì dù nước ta còn nghèo và lạc hậu vẫn có cơ may giành
thắng lợi trước mắt cũng như lâu dài. Không làm được như vậy, thì dù bỏ ra bao
nhiêu công sức, vốn liếng cũng khó tránh khỏi thất bại.
(3)
Vận dụng lợi thế
so sánh, trước hết có nghĩa phải chấp nhận hội nhập và cạnh tranh quốc tế quyết
liệt trên mọi phương diện, chấp nhận sự phụ thuộc lẫn nhau ở quy mô toàn cầu
rất phức tạp. Vận dụng lợi thế so sánh là đòi hỏi cốt lõi cho việc thực hiện
chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu.
(4)
Vận dụng lợi thế
so sánh đòi hỏi phải có một quốc gia mạnh
theo nghĩa:
-
Nhân dân có trình độ cao về dân trí, giác ngộ cao về
lợi ích dân tộc và làm chủ mọi quyết định của đất nước – nghĩa là thực sự có
dân chủ, đặc biệt là cần có nhiều nhà kinh doanh giỏi.
-
Nhà nước có ý chí chính trị cao và có năng lực chiến
lược trong điều hành vĩ mô, để phát huy được sức mạnh tổng thể của đất nước
trong vận dụng lợi thế so sánh của từng sản phẩm cũng như trong từng bước phát
triển đất nước.
Trong nhận thức của mình, tôi luôn luôn bị cuốn hút
vào một ý nghĩ: Từ sau khi nước ta giành được độc lập và thống nhất, hình như
so với tất cả các thời kỳ lịch sử của đất nước cho đến nay, có lẽ chưa bao giờ
nước ta cần có một dân tộc mạnh và một nhà nước giỏi như trong thời đại ngày
nay. Đòi hỏi này là tất yếu, liên quan đến sự tồn vong của đất nước trong cuộc
cạnh tranh quyết liệt với rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế toàn cầu hóa.
Trong thế giới mới này, mỗi quốc gia còn phải làm chủ được xu thế ly tâm trong
nước mình do phải tham gia hoặc bị cuốn hút không gì cưỡng nổi vào xu thế toàn
cầu hóa, đồng thời vừa phải tạo ra khả năng phát huy bản sắc riêng của dân tộc
mình để không tự đánh mất bản thân trong quá trình toàn cầu hóa. Trong lịch sử
thế giới, hình như chưa bao giờ lợi ích và các giá trị của từng quốc gia phải
do chính từng công dân của mình giác
ngộ, thực hiện và bảo vệ trực tiếp
như ngày nay – bởi lẽ nước nào cũng phải tham gia vào quá trình hội nhập và
toàn cầu hóa rất sâu sắc đang diễn ra trong thế giới ngày nay. Tất cả nhằm
giành lấy nhiều lợi thế nhất cho phát triển đất nước mình, tăng cường cho quốc
gia mình khả năng đối phó tốt nhất với mọi thách thức rất nhạy cảm và đa dạng
hơn nhiều so với trước đây.
Con đường đi – nhìn hẹp lại trên một góc độ nhất định
hình như là phải phát huy mọi tinh hoa và khắc phục mọi yếu kém của dân tộc
mình nhằm triệt để vận dụng lợi thế so sánh. Suy nghĩ này của tôi được thức
tỉnh từ những tư tưởng vĩ đại mà Đảng ta và Bác Hồ luôn nêu cao: Người là vốn quý nhất, dân tộc ta là một dân
tộc anh hùng.
Các phần sau đây tôi cố gắng lý giải những nhận xét
nêu trên.
II. LỢI THẾ SO SÁNH LUÔN BIẾN ĐỔI THEO XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA KINH TẾ
THẾ GIỚI
1. QUÁ TRÌNH PHÁ HOẠI SÁNG TẠO KHÔNG NGỪNG
Từ lâu, trong khi quan sát kinh tế các quốc gia, nhất là các
nước phát triển, J. A. Schumpeter đã đưa ra nhận xét về quá trình biến đổi và
hoán chuyển không ngừng trong công nghiệp. Ông ta mô tả đó là sự cách mạng hóa
không ngừng cơ cấu kinh tế từ bên trong,
là sự phá hoại không ngừng cơ cấu kinh tế cũ, sự xây dựng không ngừng cơ cấu
mới, đó là một quá trình liên tục của sự
phá hoại sáng tạo (creative destruction), là một quy luật phát triển trong
kinh tế...
Cách đây vài tuần lễ, trả lời tuần báo Tấm Gương (Đức, số 33 năm 97), nhà
kinh tế P. Romer, Trường Đại học Standford, California, cho rằng kinh tế thị
trường luôn luôn phá vỡ các giới hạn đặt ra cho nó để tiếp tục phát triển. Ví
dụ: Không ít người cho rằng công nghệ cao là một trong những tội phạm quan
trọng của nạn thất nghiệp, coi đấy là mặt giới hạn của công nghệ; nhưng sự thật
công nghệ cao tạo ra bao nhiêu ngành nghề mới và số chỗ làm việc mới thường lớn
hơn so với số chỗ làm việc mất đi... Song quan trọng hơn nữa, công nghệ cao tạo
ra nhu cầu mới, sản phẩm mới, thay đổi sâu sắc phong cách làm ăn truyền thống,
mở ra chân trời hoàn toàn mới cho kinh tế tiếp tục phát triển. Cách đây 2 thập
kỷ thật khó hình dung Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... có ngành công nghiệp
điện tử cạnh tranh ngang ngửa với không ít sản phẩm cùng loại của Nhật và Mỹ
như hiện nay, khó nói hết công lao của nó thay đổi bộ mặt kinh tế những nước
này.
Vô tuyến truyền hình Việt Nam chiều 22-9-1997 đưa tin IBM đã phát minh ra
cách sử dụng nguyên liệu đồng thay nguyên liệu nhôm trong chế tạo các “chíp”,
giá thành giảm 30-40% và đồng thời công suất các loại “chíp” mới này cũng tăng
lên 30-40%. Intel thông báo có thể sớm đưa vào thị trường loại “chíp” 0,25
micrômét – nghĩa là mỏng hơn sợi tóc 400 lần, nhờ đó có khả năng tạo ra bộ xử
lý mới có tốc độ tăng gấp đôi bộ xử lý nhanh nhất hiện nay có kích cỡ 0,35
micrômét (mỏng hơn sợi tóc 285 lần) mới ra đời cách đây 6 tháng... Theo đà này,
Bill Gates, người hùng của Microsoft chắc cũng sớm bị lu mờ, vì công cụ mới sẽ
làm xuất hiện những vua kinh doanh phần
mềm mới. Những nước đi sau đuổi
kịp như thế nào đây?
Thương mại và tiến bộ khoa học kỹ thuật (bao gồm cả giao thông và viễn
thông hiện đại) trở thành các nhân tố chủ chốt tăng cường giao lưu hàng hóa, tư
bản, chuyển giao công nghệ..., thúc đẩy mạnh mẽ xu thế toàn cầu hóa, rồi đến
lượt chính xu thế này lại tiếp tục thay đổi bản đồ và cơ cấu công nghiệp trên
thế giới – một quá trình phá hoại sáng
tạo không ngừng theo cách Schumpeter miêu tả, như những vòng xoáy không
dứt, với tốc độ nhanh hơn và ngày một cao hơn. Một số báo cáo của UNIDO đầu
những năm 1980 đi đến kết luận: Thời gian từ 1 đến 3 năm là đủ để loại một mặt
hàng ra khỏi thị trường thế giới, từ 3 đến 5 năm là đủ để đánh bại một ngành
sản xuất, từ 10 đến 15 năm là đủ để một con
rồng nào đó đánh bại một ngành sản xuất của một nước công nghiệp phát
triển. Những năm vừa qua xác nhận kết luận này.
2. VAI TRÒ CỦA LỢI THẾ SO SÁNH
Đưa tầm nhìn lùi xa hơn nữa vào lịch sử để thấy rõ hơn hiện tại và tương
lai, Paul Kennedy trong cuốn Sự ngoi lên
và tan rã của các đại cường quốc, xuất bản tại New York năm 1989, phân tích
sự thăng trầm của các đế chế trên thế giới trong 5 thế kỷ qua – bắt đầu tự sự
xuất hiện thế giới phương Tây kéo theo sự suy tàn của đế chế Trung Hoa, các
cuộc chiến tranh thôn tính, các cuộc chiến tranh chiếm thuộc địa... cho đến
xuất hiện các quốc gia thần kỳ ngày
nay. Ông rút ra kết luận: nguyên nhân cơ bản của những biến động này là sự phát
triển không đồng đều giữa các nước, và sự đột phá về công nghệ và tổ chức
thường đem lại cho quốc gia này lợi thế lớn hơn so với quốc gia kia – tùy thuộc
vào khả năng của mỗi nước. Sự đột phá về công nghệ và tổ chức ở
đây được hiểu là những lợi thế so sánh trên nhiều
phương diện.
Cách đây 3 thế kỷ, nhà kinh tế Đức theo chủ nghĩa trọng thương tên là Von
Hornigk đưa ra nhận xét: một nước coi là
mạnh và giàu có không tùy thuộc vào sự dồi dào về sức mạnh hoặc của cải nó có,
mà chủ yếu phụ thuộc vào những nước láng giềng của nó có những thứ này nhiều
hơn hay ít hơn nó. Tán thành quan điểm này, Paul Kennedy cho rằng: Không có một vị thế quốc gia nào – dù xấu
hoặc tốt – là vĩnh viễn, tất cả tùy thuộc vào vận dụng thành công hay thất
bại lợi thế so sánh theo nghĩa nói trên trong mọi giai đoạn phát triển diễn ra
ngày một năng động hơn trên thế giới. Ông ta cũng đưa ra những dẫn chứng có sức
thuyết phục: sự hưng vong của một đại cường quốc hay đế chế đều liên quan đến
sự thịnh suy trong nền kinh tế của nó.
Các đế chế thường tan rã vào lúc nền kinh tế của chúng vì bất kể lý do
nào đó – bao gồm những lý do chiến tranh hoặc lý do đối nội – không còn sức đối
địch với các đối thủ khác; không hiếm các đế chế ra đời từ một nước nhỏ bé,
song có sự đột phá về công nghệ và tổ chức trội hẳn, và từ đó tạo ra được sức
mạnh áp đảo các nước là đối tượng của nó. Nhưng cũng có một đế chế nào sụp đổ
vào lúc nền kinh tế của nó phát triển sung sức theo lối so sánh của Von
Hornigk.
Nhân đây xin nói thêm, cách suy nghĩ của Von Hornigk nhắc chúng ta: Không
nên chỉ so sánh mình với mình; trong vận dụng lợi thế so sánh lại cáng không
nên làm như vậy, quan trọng hơn là phải luôn luôn so sánh mình với thiên hạ.
Không phải chỉ trong chiến tranh mới có chuyện châu chấu đá voi. Trong lịch sử kinh tế, chuyện nước loại “David”
tí hon thắng nước loại “Goliath” khổng lồ thời nào cũng có – trước hết và chủ
yếu dựa vào khai thác các lợi thế so sánh. Trong nền kinh tế thế giới hiện đại,
càng khó liệt kê hết những chiến thắng
như vậy – ví dụ sản xuất thép tại Hàn Quốc có công nghệ không thua kém Mỹ,
nhưng giá thành thấp hơn, nên trong những năm 1970 và 1980 đã đánh bại thép Mỹ
trên nhiều thị trường. Chỉ có một điều là bây giờ lại đến lượt chính ngành thép
của Hàn Quốc lao đao – vẫn là vì những lý do cung-cầu, công nghệ... Nhưng từ hơn một thập kỷ nay xuất hiện thêm
nhiều địch thủ lạ mặt cực kỳ nguy hiểm cho thép của Hàn Quốc: những vật liệu
mới, bao gồm cả những loại thép có hàm lượng công nghệ cao.
Với nhiều lý do xác đáng, Paul Kennedy không muốn kinh tế hóa những nguyên nhân thăng trầm của các đại cường quốc
trong 500 năm qua, bởi vì kinh tế không phải và không thể là yếu tố động lực
duy nhất của những cuộc thăng trầm này. Trong
mọi thời đại lịch sử, yếu tố văn hóa đều giữ vai trò quan trọng trong phát
triển.
Tuy nhiên ngày nay, dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa rất năng động,
tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh các nguyên nhân kinh tế đang ngày càng chi phối
trực tiếp sự ngoi lên, sự mai một hoặc sụp đổ của vị thế các quốc gia trong
cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, các nguyên nhân kinh tế thường là ngòi nổ của nhiều vấn đề chính trị, xã
hội khác trong một nước. Ngày nay, sự phụ thuộc lẫn nhau rất sâu sắc trên quy
mô toàn cầu, chiến tranh nóng thôn tính nhau không còn là phương tiện hữu hiệu
nhất, chiến tranh thương mại để tiêu diệt nhau thì kẻ thắng cũng khó tránh khỏi
sụp đổ, lợi thế so sánh trong nền
kinh tế toàn cầu hóa vì thế ngày càng trở nên lợi hại hơn bao giờ hết trên
nhiều phương diện.
3. CẤU TRÚC VÀ BẢN ĐỒ CÔNG NGHIỆP
THẾ GIỚI ĐÃ THAY ĐỔI
Đầu
thập kỷ 1980 UNIDO đã mô tả sự hình thành những đợt phân công lao động mới trên
thị trường quốc tế và liệt kê những danh mục khá dài của các ngành công nghiệp xế chiều, trước hết là những ngành khai thác
nguyên liệu, sản phẩm trung gian, máy công cụ, cơ khí nặng như sản xuất máy
cái, đóng tàu... Bản đồ công nghiệp thế giới trong 1/4 thế kỷ qua thay đổi mạnh
mẽ và sâu sắc hơn so với 3/4 thế kỷ trước đó.
Cùng
vào thời điểm những công trình nghiên cứu nói trên của UNIDO, Saburo Okita –
giáo sư Trường Đại học Hoàng gia Tokyo, từng là ngoại trưởng Nhật 1979-1980 –
đưa ra mô hình
đàn ngỗng bay (*) để mô tả
sự dịch chuyển không ngừng những ngành công nghiệp tiêu phí nhiều lao động và
nguyên liệu từ các nước phát triển cao hơn sang các nước phát triển chậm hơn...
Có thể nói mỗi chúng ta hoàn toàn có đủ tư cách tự phong cho mình là nhân chứng sống của biết bao chuyển dịch như vậy diễn ra từ đó đến nay
trên thế giới. Điều mà ONIDO và S. Okita lúc đó không nói lên được là những
chuyển dịch trong 2 thập kỷ 1980 và 1990 thực sự là quyết liệt. Nếu xem xét đến
đầu tư chéo giữa các nước công nghiệp phát triển với nhau và giữa các châu lục
thì còn phải nói rằng mô hình đàn sếu
bay trở nên quá đơn điệu. Tuy nhiên,
điều này không có nghĩa phủ nhận vai trò các con sếu đầu đàn, các trung tâm phát triển tại các khu vực và các công
ty xuyên quốc gia (TNCs) thực sự đang là những động lực mạnh trong toàn bộ nền
kinh tế thế giới ngày nay, nhiều lúc chúng còn là những lực lượng lũng đoạn.
4. LỢI THẾ SO SÁNH TRONG CÁC LOẠI SẢN PHẨM
Sau
cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ hai cho đến nay không thấy sự kiện này tái
diễn, dù rằng đôi lúc còn những biến động nhất định. Phải chăng đấy có thể là
cuộc khủng hoảng cuối cùng của ngành sản xuất dầu lửa với tính chất là cuộc
khủng hoảng nguyên liệu do mất cân đối giữa cung và cầu? Giả sử có thể xảy ra
một cuộc khủng hoảng mới như vậy, thì có lẽ
sẽ do những nguyên
nhân chính trị hơn là do những nguyên nhân kinh tế. Nhiều loại năng lượng mới
như Hydrogène, năng lượng mặt trời, năng lượng gió... đang xuất hiện; bức tranh
năng lượng trên thế giới sẽ còn nhiều thay đổi.
Trong
1/4 thế kỷ qua, hầu như kinh tế thế giới chưa có một cuộc khủng hoảng đáng kể
nào về nguyên liệu hoặc các sản phẩm trung gian khác. Xu thế chung vẫn là cung
hoàn toàn đáp ứng hoặc dư thừa so với cầu – đặc biệt là do tác động của tiến bộ
khoa học kỹ thuật và do xuất hiện các loại nguyên liệu mới, giá các nguyên liệu
và sản phẩm trung gian trên thị trường thế giới trong 2 thập kỷ vừa qua tiếp
tục giảm trong tương quan so sánh với các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
Thị trường thế giới, kể cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trở nên bão hòa,
thường xuyên cung lớn hơn cầu đối với các sản phẩm trung gian như xi măng, thép
xây dựng, giấy, sản phẩm lọc dầu, các loại vật liệu khác, nhiều nhà máy phải
sản xuất dưới công suất, đổi mới công nghệ, đóng cửa hoặc chuyển sang các nước
lạc hậu hơn. Một số ngành công nghiệp nặng khác như đóng tàu, ô tô, cơ khí
nặng... cũng đang ở tình trạng tương tự, đòi hỏi phải được hiện đại hóa theo
kịp sự phát triển vũ bão của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới có thể
cạnh tranh được.
Người
ta rất lưu ý đến một đặc trưng của
những ngành công nghiệp đang lên là:
Trong giá thành của một sản phẩm công nghiệp, tỷ trọng chi phí phần mềm ngày càng chiếm vị trí áp đảo
so với tỷ trọng chi phí cho lao động cơ bắp, nguyên liệu và năng lượng. Vài ba
thập kỷ trước đây tình hình hoàn toàn ngược lại. Trong nhiều loại sản phẩm công
nghiệp hiện đại ngày nay, tỷ trọng phần
mềm có thể có thể chiếm tới hơn 90% giá thành, lợi thế hiển nhiên thuộc về
những nước có tiềm lực lớn về nghiên cứu và triển khai (R&D). Không ít nhà
nghiên cứu chia sẻ với Peter F. Drucker quan điểm kinh tế nguyên liệu có xu thế
ngày càng tách khỏi kinh tế công nghiệp và càng trở nên kém ý nghĩa.
Nói
một cách khác, trong mối quan hệ cung cầu
trên thế giới hiện nay, nhờ vào thông tin, thương mại và sự phát triển giao
thông vận tải, nguyên liệu và sản phẩm trung gian có thể được huy động từ bất
kỳ nơi nào trên thế giới để phục vụ sản xuất một sản phẩm mới nào đó, miễn là
có phương thức kinh doanh cạnh tranh được và có lãi. Nhìn vào nước ta cũng thấy
rõ hiện tượng này: chủng loại nguyên liệu và sản phẩm trung gian do nước ta tự
sản xuất còn rất ít, song chưa bao giờ nền kinh tế nước ta có thể huy động được
các loại nguyên liệu, vật tư, sản phẩm trung gian từ khắp nơi trên thị trường
thế giới vô cùng phong phú như ngày nay. Thậm chí chúng ta đang phải đối phó
với khó khăn: không ít sản phẩm trong nước như giấy, xi măng, gỗ (một số mặt
hàng nhất định), thép xây dựng, vải... có giá thành cao hơn nhập khẩu hoặc thua
kém về chất lượng.
Xin
lưu ý, trong 3 thập kỷ vừa qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới có nguồn thu
nhập chính từ xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm trung gian không thay đổi được
số phận nghèo nàn lạc hậu của họ trong thế giới năng động này – mặc dầu họ đã
giành được độc lập chủ quyền. Cũng có thể
nói, họ thoát được nạn mất nước, nhưng phần đông trong số họ lại rơi vào kiếp
khổ sai gánh vác những ngành công nghiệp đồ cổ, công nghiệp lỗi thời hoặc kém
lợi thế so sánh – với mọi hậu quả không sao dứt bỏ được, nợ nần tăng mãi lên vì
phải ôm mãi những ngành công nghiệp thua lỗ hoặc mang về quá ít lãi, cơ cấu
kinh tế khó chuyển dịch, kéo dài cái nghèo và chậm phát triển, ô nhiễm môi
trường trầm trọng thêm...
Nói
những quốc gia này tiếp tục bị thua thiệt trong thế giới công nghiệp hóa và
toàn cầu hóa, hoặc nói họ đang bị bóc lột theo một kiểu khác, tuy hơi cường
điệu, nhưng cũng không ngoa lắm – nhưng trong đó lỗi lầm của chính bản thân
những quốc gia này trong việc lựa chọn con đường phát triển góp phần đáng kể
vào tình trạng khó khăn của nước họ. Đường đi nước bước của các con hổ, con rồng hoàn toàn khác hẳn.
Từ
1965 đến 1985 Nhật Bản tăng sản lượng công nghiệp của mình lên 2,5 lần mà hầu
như không tăng tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng (P. Drucker). Cách đây vài
tuần, Liên minh Châu Âu đánh giá vệ tinh viễn thông chung đầu tiên của họ phóng
lên một chục năm trước đây mang về hơn 1 tỷ USD thu nhập (lấy số tròn). Đấy chỉ
là thu nhập của 1 vệ tinh thôi, chúng ta cần bơm lên bao nhiêu dầu, bán bao
nhiêu than, quặng các loại ... để thu được 1 tỷ USD? Mong rằng những ví dụ đối
nghịch nhau này có thể gợi lên những suy nghĩ có ích.
5. VÀI SUY NGHĨ VỀ CÁC YẾU TỐ VÔ
HÌNH
Còn một
khía cạnh khác không thể bỏ qua khi xem xét lợi thế so sánh trong thời buổi
ngày nay: Các loại hình kinh tế chi phối
lợi thế so sánh.
Theo P.
Drucker, ít nhất có 4 loại hình, đó là (a) kinh tế một nước, (b) kinh tế vùng
như Bắc Mỹ, EU, Bắc Á và các tổ chức kinh tế khu vực khác..., (c) kinh tế của
công ty xuyên quốc gia coi cả thế giới là thị trường của mình, và (d) kinh tế
tiền tệ thế giới. Điều này có nghĩa, khi xem xét lợi thế so sánh cho một quyết
định kinh tế chiến lược nào đó, thì đồng thời phải xem xét cả 4 loại hình kinh
tế này sẽ tác động vào quyết định ấy như thế nào.
Ngày
nay, đối với giới kinh tế, liên kết trong khu vực và mở cửa mạnh mẽ ra thị
trường thế giới không còn là một cao kiến thông minh sáng suốt gì nữa, mà là
một đòi hỏi tất yếu của con đường sống, bảo
hộ tốt nhất là mở cửa và cạnh tranh quyết liệt... Bạn là nhà kinh doanh,
nếu bạn đã lên đến đường cao tốc để đi tới thị trường, dứt khoát bạn nên đi
trên một chiếc xe tốt với tay lái giỏi và tốc độ hợp lý; còn đi bộ lang thang
theo sở thích của mình ở đây sẽ cực kỳ nguy hiểm. Trong quá trình này, đi đúng
hướng đúng đường thì thắng, đi sai thì thảm họa ập ngay xuống đầu, không chiếu
cố, không vì nể, không thương xót – dù là nước nào, doanh nghiệp nào. Cơ may và
rủi ro chỉ cách nhau gang tấc.
Chúng ta thử hình dung, đầu vào cho một sản phẩm mới trong điều kiện thế
giới ngày nay có thể huy động được từ khắp thế giới, thị trường tiêu thụ đầu ra
của một ngành sản xuất cũng có thể là toàn thế giới – điều kiện tiên quyết thứ nhất là phải có những bộ não biết làm việc này.
Sự phát triển nhanh của một số ngành ở nước ta chứa đựng một số lý lẽ cơ bản để
có thể được coi là những ví dụ sinh động. Thực tế này có nghĩa: kinh tế đi vào
thời kỳ có những khả năng phát triển không thể suy nghĩ theo cách thông thường,
và đồng thời phải đối phó với cạnh tranh quyết liệt ở quy mô toàn cầu với tất
cả mọi thủ đoạn và kỹ xảo mà con người có thể nghĩ và thực hiện được.
Vào thời đại sự giao lưu mọi mặt đều mở rộng ra quy mô trên toàn thế
giới, sự lựa chọn một sản phẩm và phương thức kinh doanh nó, hình như việc đầu
tiên không hẳn phụ thuộc vào khả năng tìm vốn, công nghệ, nguyên liệu..., mà trước hết là phải có đầu óc xác định được thị trường nào ta có thể đưa ra mặt
hàng gì để chiếm lĩnh một cách tối ưu nhất. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thị trường trong nước bao giờ cũng hạn
hẹp so với khả năng sản xuất mới, do sự phát triển không ngừng của thương mại,
công nghệ và giao thông vận tải đem lại. Cho nên, phải quan tâm chiếm
cả thị trường bên ngoài là lẽ tất yếu. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến hầu
hết các nước tìm đường đi lên phải lựa chọn chiến lược phát triển hướng về xuất
khẩu. Điều đó có nghĩa chiến lược phát triển một sản phẩm phải được xem
xét nó có khả năng tồn tại và phát triển như thế nào trong tổng thể tương tác
thuận chiều và nghịch chiều của 4 loại hình kinh tế như vừa nói trên. Trong bối
cảnh ấy, một sản phẩm làm ra, dù để tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu, phải
giành được phần thắng ngay từ thị trường nội địa của mình. Chiến lược phát triển hướng về xuất khẩu và nền kinh tế mở không bao
giờ đồng nghĩa với bỏ ngỏ hoặc mất thị trường trong nước, cũng như việc bảo vệ
khả năng cạnh tranh của sản phẩm tự sản xuất để tiêu thụ trong nước không bao
giờ có nghĩa là sự bảo hộ với bất kỳ giá nào.
Cuộc khủng hoảng tiền tệ vài tháng nay của 4 nước ASEAN đang có nguy cơ
cướp đi sự năng động của họ vốn được ca ngợi từ hai thập kỷ nay. Nếu xem xét
vấn đề này trong bối cảnh khối lượng lưu thông tiền tệ trên thế giới lớn gấp
hàng chục lần khối lượng tiền tệ cần thiết cho mậu dịch quốc tế, chúng ta sẽ
thấy việc lựa chọn một sản phẩm mới cho
chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta còn đòi hỏi phải có chiến lược
tiền tệ, chiến lược thương mại có khả năng bảo vệ mục tiêu phát triển của mình.
Còn một khía cạnh nữa không kém phần hấp dẫn tư duy của chúng ta: Có thể
biến nguy cơ kinh tế Đông Nam Á đang chao đảo hiện nay thành thời cơ của nước
ta được không? Vì chúng ta buộc phải phòng ngừa nạn cháy thành vạ lây. Nên rất cần huy động chất xám của cả nước trả lời
câu hỏi này. Tình huống này trong tương lai còn luôn luôn tái diễn, luôn
luôn đòi hỏi câu trả lời. Trước mắt, cuộc khủng hoảng tiền tệ này đặt ra cho
nước ta những thách thức gay gắt đối với xuất khẩu và đối với khả năng thu hút
vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) – chủ yếu do vấn đề tỷ giá. Tuy
nhiên, nếu thị trường trong nước ta chứng tỏ là ổn định, môi trường kinh doanh
ở nước ta được coi là thuận lợi, và nếu có những chính sách tỷ giá và những hỗ
trợ đúng đắn của Chính phủ, thì thị trường kinh tế nước ta có thể trở nên hấp
dẫn đối với các nguồn vốn đang rút chạy khỏi những nơi khác và đang cần nơi đầu
tư mới.
Nếu làm được như vậy chẳng những rất lợi cho Việt Nam , mà còn có
thể là đóng góp ý nghĩa nào đấy vào việc lấy lại không khí sinh động của Đông
Nam Á – điều này càng nâng cao vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam . Suy nghĩ
này hiện thực đến đâu, thì còn phải tính toán. Nhưng về tư duy, việc biến nguy
cơ hành cơ hội là điều phải luôn luôn tính đến – nhất là đối với những nước đi
sau (late comer); cũng như phải tính đến nguy cơ luôn luôn rình rập trong mọi
thời cơ – trong thời buổi kinh tế ngày nay, đây là câu chuyện hàng ngày.
Những diều vừa trình bày trên, có nghĩa, muốn giành được thắng lợi, chúng
ta nhất thiết còn phải có khả năng thiết kế được quyết sách đúng và có khả năng
quản lý, thực hiện thành công sản phẩm được lựa chọn, đặc biệt là phải chiếm
được thị phần lớn nhất cho sản phẩm lựa chọn. Như vậy, ngoài những yếu tố kinh
tế tự nhiên, các yếu tố về vốn, công nghệ, lao động.., tất cả những yếu tố vô hình như khả năng thiết kế
quyết sách, khả năng quản lý, khả năng chiếm thị phần... cũng trở thành
những yếu tố trực tiếp quyết định lợi thế so sánh.
Bàn về lợi thế so sánh hay lợi thế tương đối
– kể cả cái bất lợi – thực chất là mổ xẻ, phân tích cái mạnh, cái yếu của đất
nước.
Có
lẽ không cần phải nói nhiều về tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và những mặt còn
yếu kém trong nền kinh tế nước ta – vì các nhận định về những điều này cơ bản
là nhất trí. Trong phần này, xin được bàn thêm về một số mặt mạnh và mặt yếu
còn đang có sự đánh giá khác nhau hoặc chưa được quan tâm xem xét.
1. BÀN THÊM VỀ NHỮNG CÁI MẠNH TƯƠNG ĐỐI
Nếu
so sánh các chỉ số phát triển của ta với các nước ASEAN và những NICs hiện nay, rõ ràng có nhiều điểm ta thua
kém xa. Tôi nhấn mạnh hiện nay, bởi
vì cạnh tranh là hiện tại và tương lai, còn quá khứ bao giờ cũng chỉ là để suy
ngẫm về tương lai, chứ không thể dựa vào quá khứ mà sống được.
Câu
hỏi đặt ra là:
Tại sao trong những yếu kém và khoảng cách
với bên ngoài lớn như vậy, mà nhân dân ta 10 năm vừa qua vẫn giành được
những thành tựu xoay chuyển hẳn tình thế đất nước?
Rõ
ràng là những cái yếu kém của chúng ta trong cạnh tranh với bên ngoài, dù lớn
thế nào đi nữa cũng chỉ là tương đối, tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta
cạnh tranh với thiên hạ trên sản phẩm gì. Ngay trong những cái yếu đó – chúng
ta có những cái mạnh có thể phát huy được, nếu không như vậy, thì làm sao duy
trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên dưới 20% trong suốt 7 năm vừa qua?
Tuy nhiên, ngay trong những cái mạnh này lại cũng bộc lộ nhiều cái yếu khác
phải sớm khắc phục. Nói nghe có vẻ lẩm cẩm, nhưng sự thật là như vậy.
Nhìn
vào cơ cấu hàng xuất khẩu hiện nay của nước ta, điều đáng chú ý là nông phẩm và
sản phẩm thô chiếm tới 80% tổng kim ngạch, còn lại là hàng may mặc và giày thể
dục thể thao, một số mặt hàng cơ khí nhỏ, một số mặt hàng tiêu dùng khác... có
khả năng cạnh tranh ở mức độ nào đó trên thị trường thế giới. Nhìn chung, với
tình hình như vậy, việc duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân của xuất khẩu
trên dưới 20%/năm trong nhiều năm liền là cố gắng lớn gây nhiều ấn tượng đối
với thế giới. Kết quả này chứng minh những năm vừa qua nước ta vận dụng thành
công những lợi thế tương đối có trong tay. Những nguyên nhân chủ yếu có thể là:
-
Tìm được thị trường tiêu thụ, hay thị trường có nhu
cầu.
-
Giá cả cạnh tranh được.
-
Phần nào đáp ứng được những dịch vụ cần thiết trong
xuất khẩu (thể thức thanh toán, bảo hiểm, giao hàng, vận tải, luật pháp...).
-
Vân vân...
Phải
chăng chính thực tế này chứng minh: muốn khai thác được lợi thế so sánh tương
đối của mình, trước hết chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Thị trường cần gì mà ta có thể đáp ứng tốt
hơn so với các đối thủ khác?
Song chúng ta cũng cần tỉnh táo thấy rằng:
Những mặt hàng chiếm ưu thế trong xuất
khẩu của nước ta hiện nay, nhìn chung có giá trị gia tăng thấp, khối lượng
chiếm lĩnh thị trường còn nhỏ hoặc rất nhỏ (trừ gạo), đang bị những sản phẩm
của nhiều nước đang phát triển khác thách thức nghiêm trọng, tương lai những
mặt hàng này không chắc chắn, thậm chí không loại trừ nguy cơ sớm bị đánh bại.
Tạm gọi đó là nhóm mặt hàng của những nước lạc hậu.
Như
vậy, nếu chúng ta tự cho phép mình thỏa mãn với vòng nguyệt quế giành được
trong chặng đầu của toàn bộ cuộc đua thì có nghĩa là đang tích cực chào đón
thất bại của những chặng đua tới. Vì vậy, sớm đổi mới những sản phẩm này là vấn
đề thời sự sống còn của đất nước, là nội dung hàng ngày của công việc tiến hành
công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Kết
luận có ý nghĩa có thể rút ra là: Đối với nước ta, dù trong hoàn cảnh còn nghèo
và lạc hậu, song nếu tìm được thị trường
cho những mặt hàng phù hợp với trình độ phát triển trong nước, thì vẫn có
điều kiện tạo được khối lượng lớn việc làm và thu nhập cho xã hội, mang lại
nguồn thu đáng kể cho ngân sách, góp phần quan trọng thay đổi cục diện kinh tế của
đất nước, ít nhiều tạo ra tích lũy ban đầu... Hiển nhiên không tận dụng được
những thứ lạc hậu này, kinh tế nước ta 10 năm đổi mới vừa qua sẽ nguy to. Có lẽ
đây là điều vĩ đại nhất của 10 năm đầu trong công cuộc đổi mới. Công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nếu bỏ qua hoặc lướt quá nhanh những lạc hậu này sẽ chỉ là không tưởng.
Thật
khó mà nói hết ý nghĩa bước ngoặt của
10 năm qua đối với vận mệnh đất nước. Chính vì vậy, tôi càng cảm thấy bị day
dứt ghê gớm vì giới nghiên cứu chúng ta chưa có được công trình tổng kết nào
khai thác tốt kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý báu 10 năm đổi mới đầu tiên của
đất nước. Tôi cũng tự chất vấn mình: Tại sao chỉ chăm lo đi học ở bên ngoài, mà
chưa dành sự quan tâm thỏa đáng trong nghiên cứu những kinh nghiệm của chính
nhân dân ta, của nước ta?
Đành
rằng kinh tế thường vận động theo những quy luật của nó. Song rõ ràng ở nước
ta, từ việc thực hiện khoán trong
nông nghiệp, xóa bỏ cơ chế bù giá, chống lạm phát, đến việc thiết lập cơ chế
thị trường (dưới sự quản lý của Nhà nước), khuyến khích xuất khẩu... có nhiều
điểm rất Việt Nam, nghĩa là phải vận
dụng vào hoàn cảnh nước ta và gần như chẳng giống nước nào cả - ví dụ rất ít số
nước thực hiện được tăng trưởng kinh tế, giữ được ổn định và cải thiện đời sống
nhân dân ngay trong quá trình cải cách và chống lạm phát. Không ít nước trên
thế giới muốn làm được cải cách như Việt Nam 10 năm qua.
Tôi nói
như vậy hoàn toàn không phải để tự mãn, mà chỉ để nói rằng trong khi cần huy
động tổng lực để thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, chúng ta đang bỏ phí nhiều nguồn
lực vô giá, trong đó có việc chưa tổng kết nghiêm túc những kinh nghiệm hay và dở, nhưng đều quý báu vô cùng của 10 năm đổi mới vừa qua – nhất là để không xem thường một khả năng dù nhỏ nhất có trong tay, để không
lãng phí, để tránh những tổn thất không đáng có, để tìm ra những cái mạnh tương
đối trong những cái yếu, giúp đất nước tự cứu lấy mình và bứt lên.
Đương
nhiên, tình hình hiện nay và trong vòng 10-20 năm tới sẽ có nhiều vấn đề mới
khó khăn phức tạp hơn nhiều, và hoàn toàn khác 10 năm vừa qua.
Một
điều nữa cũng xin nêu lên để xem xét: Phải chăng một bí quyết khác giúp cho
những thứ lạc hậu của chúng ta nói
trên trở thành lợi thế có ý nghĩa quyết định đối với nước ta 10 năm qua là nhờ
tìm được những kẽ lách (niches) trên
thị trường thế giới. Là nước đi sau, thị trường thế giới chật như nêm, việc tìm
ra cho được kẽ lách mãi mãi là vấn đề
sống còn, chiếm thị phần phải bắt đầu từ lách.
Nhu cầu trên thị trường thay đổi, chuyển biến không ngừng, do đó kẽ lách rất
nhiều và hầu như không có giới hạn, tất cả có lẽ chỉ phụ thuộc vào nắm thông tin và tài lách.
-
Làm thế nào lách được?
-
Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nhân và người sản xuất
làm việc này, trước hết là giúp họ tiếp cận và cọ xát với thị trường.
Chúng ta hãy thử tưởng tượng, việc sản xuất chiếc máy bay Boeing hiện
đại, kể từ các nguyên liệu đến cái đinh ốc, bánh xe, máy tính... – có sự tham
gia của trên 1000 xí nghiệp các loại, rải ra các nước đủ cả năm châu lục; tuy
là nước đi sau, nhưng Việt Nam đã bắt
đầu tham gia – mặc dù còn rất khiêm tốn – vào một số lĩnh vực hiện đại trên thế
giới như viễn thông, điện tử, sinh học... Không lách được, thì xuất khẩu những
thứ còn lạc hậu như của nước ta làm sao giữ được tốc độ tăng trưởng cao và liên
tục nhiều năm như vậy?... Cơ hội để lách hoàn toàn không thiếu. Không tìm được kẽ lách trên thị trường thế
giới thì không nên bàn đến vận dụng lợi thế so sánh nữa. Sự năng động của các nhà kinh doanh, vai trò của công tác nghiên cứu và
hỗ trợ thúc đẩy của Nhà nước là những yếu tố không thể thiếu được.
Để “lách”, các quốc gia trên
thế giới sử dụng trăm phương ngàn kế; song tựu trung lại vẫn có thể quy vào 3
yếu tố hoặc 3 phương thức vừa nói trên. Trong hoàn cảnh hiện nay của nước ta,
yếu tố 1 (các doanh nghiệp – trước hết là các nhà kinh doanh) và yếu tố 2 (vai
trò công tác nghiên cứu và những cơ quan làm nhiệm vụ này) còn quá yếu. Vì vậy,
trong thực trạng này, vai trò Nhà nước (yếu tố 3) rất quan trọng, chủ yếu nhằm
hỗ trợ tăng cường yếu tố 1 và yếu tố 2, đồng thời tạo ra những thuận lợi đối
ngoại. Tuy nhiên, đã đến lúc các doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu phải tự
tạo ra và tăng cường cho mình khả năng “lách”
vào mọi thị trường, nắm bắt thị trường thế giới, làm tốt marketing cho sản phẩm
của mình. Cần nói rằng, những việc chúng ta đang làm còn sơ sài và ít nhiều
mang tính chất “ăn xổi ở thì”. Về mặt
tổ chức, nếu so sánh với các hiệp hội,
các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức... của các nước trên thế giới, chúng ta
có lẽ thứ gì cũng có, nhưng chỉ thiếu công việc có chất lượng và tính hiệu quả
cao. Đây chính là vấn đề thời sự cần quan tâm xử lý để “lách” được vào thị
trường thế giới.
Còn một điều nữa chúng ta không nên xem thường, đó là: Cái mạnh tạo ra
được trong 10 năm qua chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Những thành tựu giành được
đang đặt ra những yêu cầu phát triển mới, những yếu kém còn tồn tại có những
mặt bộc lộ rõ hơn và sâu sắc hơn, nền kinh tế đất nước ta phải cạnh tranh quyết
liệt hơn nữa trong hội nhập. Trong tình hình như vậy, nếu Đảng và Nhà nước ta
không tạo ra được cái mạnh mới, kinh tế có thể sẽ lại rơi vào nguy cơ mới.
Ví dụ: Chúng ta đang là nước
đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo, toàn thiên hạ biết điều này rồi;
nhưng đã đến lúc chúng ta phải tự xem lại có nên tiếp tục giữ vị trí thứ 3 này
và cách xuất khẩu gạo như hiện nay không? Giá gạo của ta thường phải bán thấp
hơn giá gạo của Thái Lan – vì nhiều lý do, tiếp tục xuất khẩu như thế này sẽ có
nguy cơ nghèo đi; tỷ lệ thu nhập của nông dân so với vốn và công sức bỏ ra rất
thấp. Bây giờ lại thêm câu chuyện đồng Baht Thái phá giá tác động vào giá gạo
trên thị trường quốc tế.
Từ những nhận xét trên về gạo, có thể đặt ra nghiên cứu một loạt vấn đề:
giảm bớt khối lượng xuất khẩu loại gạo hiện nay, thay vào đó là tìm cách xuất
khẩu loại gạo khác – khối lượng có thể nhỏ hơn nhưng chất lượng cao hơn và có
giá hơn, mở rộng cách xuất khẩu gạo đặc chủng như một vài địa phương đã bắt đầu
làm cho Nhật Bản, mở rộng xuất khẩu rau quả sạch và các nông phẩm thực phẩm
khác thay thế… Có thể làm như vậy được không? Hình như ở đây cũng ứng nghiệm
một điều về tốc độ biến chuyển đã nói ở trên: 8 năm chúng ta duy trì mặt hàng gạo như vậy là đủ rồi, đã đến lúc nên
đổi mới nó theo tinh thần phải thường xuyên đổi mới mặt hàng như đã nói ở trên.
Riêng về nông phẩm còn phải lưu ý một điều khắc nghiệt là hầu hết các nước công
nghiệp phát triển đều trợ giá cho nông phẩm xuất khẩu, bảo hộ thị trường trong
nước rất gay gắt, khiến cho nông phẩm xuất khẩu của nước ta phải cạnh tranh khó
khăn hơn.
2. BÀN THÊM VỀ NHỮNG CÁI YẾU TƯƠNG
ĐỐI
Nhiều
doanh nghiệp của chúng ta nhiễm phải thói quen kêu ca về thiếu vốn, thiếu công
nghệ, kêu ca về cơ sở hạ tầng yếu kém, về… đủ thứ. Đấy là sự thật chọc vào da
thịt. Kêu như thế cũng không xoay chuyển nổi tình cảnh này, đấy cũng là sự thật
chọc vào da thịt.
Vậy
phải đi tìm cách suy nghĩ khác.
Sự khan
hiếm bao giờ cũng là con đẻ của kinh tế. Giả thử tìm gặp và hỏi chuyện được nhà
tỷ phú số 1 thế giới về chuyện này, chắc chúng ta cũng sẽ thấy ông ấy kêu thiếu
vốn và chưa đủ công nghệ mới…
Có lẽ
chúng ta nên đặt ra câu hỏi khác: Đã tận dụng được mọi nguồn lực và khả năng có
trong tay chưa? Vốn nhàn rỗi hoặc sử dụng kém hiệu quả trong các DNNN và trong
xã hội chắc cũng không nhỏ, tỷ lệ giải ngân vốn ODA hàng năm quá thấp… Dựa vào
những thực tiễn này để trả lời câu hỏi về thiếu vốn, thiếu công nghệ.., có thể
chúng ta sẽ tìm được lối ra khả thi hơn.
Trong
những dịp đi công tác các địa phương, tôi đã hỏi chuyện nhiều đồng chí giám
đốc: Nếu có thêm vốn và công nghệ mới, đồng chí sẽ làm gì? Phần đông trả lời:
Sẽ mở rộng sản xuất. Chỉ có một số ít trả lời: Thay đổi phương thức kinh doanh,
tìm thị trường mới và tìm cách sản xuất mặt hàng mới. Tôi thực sự phân vân, nếu
một phép lạ nào đó mang đến thêm vốn và công nghệ mới cho các doanh nghiệp
trong trạng thái của chúng ta hiện nay, liệu có thay đổi được tình hình không?
Hay là lại thua lỗ thất thoát nhiều hơn?
Những
giờ tập thể dục buổi chiều, tôi có thói quen đi bộ vào các làng ven đô Hà Nội. Thật
khó mà tưởng tượng các làng đã biến mất như thế nào. Hầu như chỗ nào cũng chỉ
thấy bê-tông, nhà mới, biệt thự… Nhiều nhà xây dựng rất đẹp, cầu kỳ, thậm chí
rất xa hoa, tốn kém, nội thất rất “oách”. Cũng không ít nhà được xây dựng một
cách phô trương, thách thức, thậm chí có khi rất kệch cỡm đến ngạo mạn. Tôi
không thể hiểu nổi người xây ra nó có ẩn ý gì. Nghĩa là cơ man tiền của đổ vào
đây. Nhưng mà điều làm cho tôi ngạc nhiên thực sự là: trong khá nhiều ngôi nhà
mới xây sang trọng ấy, gia chủ vẫn giữ thói quen giải chiếu ngồi ăn cơm dưới
đất, nhiều ngôi nhà bỏ trống và phải thuê người trông coi. Đột nhiên tôi liên
tưởng đến không ít gia đình nông dân nọ ở một số nơi khác, sau khi tiêu xài hoang phí hết tiền
đền bù đất đai đưa vào khu công nghiệp, họ trở nên trắng tay và thất nghiệp…
Tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ mãi nhiều mặt. Xin dành cho các nhà kinh tế và các nhà
xã hội học phân tích những hiện tượng này. Đến hôm nay tôi vẫn còn vẩn vơ với ý
nghĩ: Giá mà có cách gì thu hút được những nguồn lực này vào các mục tiêu tối ưu
phát triển đất nước!...
Cũng
không ít ý kiến cho rằng có tiền thà cứ xây nhà như thế còn chắc ăn hơn, lương thiện hơn, tạo thêm công ăn việc làm cho khối người trong
lĩnh vực xây dựng; còn giữ tiền cũng dở, gửi tiết kiệm thì lo đối phó với lạm
phát và chưa tín nhiệm ngân hàng nhiều lắm; kinh doanh chui thì nguy hiểm; liên
doanh với quốc doanh thì e ngại nhiều bề, tự kinh doanh đàng hoàng thì phải đi
qua nhiều cửa ải, phải có thế, có ô, có bóng che, phải chịu khó đón tiếp nhiều khách hỏi thăm.., có không ít công ty
trách nhiệm hữu hạn là sân sau và mới là những bộ phận đích thực của DNNN…
Đấy
chính là những vấn đề, những mối lo của dân, Nhà nước cần giải tỏa. Từng lạch
nước nhỏ, nếu có các dòng chảy dẫn dắt, sẽ có thể trở thành sông, hồ với bao
nhiêu ích lợi, nhưng nếu ách tách thì trở thành các nhân tố phá hoại. Âu cũng
là sự vận động của tự nhiên.
Những
cố gắng đã thực hiện cho việc tăng cường quản lý nhà nước không giải tỏa được
bao nhiêu tình hình nói trên, đôi khi lại xuất hiện thêm sơ hở mới. Từ quan sát
trong xã hội, tôi tin rằng, khó khăn thực sự của chúng ta là chưa có cách làm cho mỗi đồng vốn nằm trong dân được bảo
toàn sở hữu một cách tin cậy, được hướng dẫn, đều có khả năng và được kích
thích để sinh lời. Nói những điều đơn giản này tuy dễ, nhưng thực hiện nó
thật không dễ.
Chính
sách và luật pháp Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhằm thực hiện dân giàu nước
mạnh không phải là ít, dù rằng có thể còn những mặt chưa đủ tầm. Nhưng yếu kém
lớn nhất là sự vận dụng không triệt để, thiếu nhất quán, hay thay đổi, thậm chí
có nơi có lúc thực hiện tùy tiện. Tất cả những điều đã làm được về chính sách
và luật pháp hầu như chưa áp đảo được tình trạng chập chững và tệ quan liêu
tham nhũng. Đây là những nguyên nhân làm cho bao nhiêu lời kêu gọi đừng mua xe
máy, đừng làm nhà, đừng cất tiền dưới gối, đừng tiêu xài lãng phí… để đưa vào sản xuất kinh
doanh.., chưa đem lại hiệu quả mong muốn.
Dân ta
cần cù, nhưng tỷ lệ tiết kiệm ở nước ta mới chỉ đạt khoảng 15 – 17% GDP, mức
thấp nhất so với các nền kinh tế năng động ở châu Á. Những nước này thường đạt
tỷ lệ tiết kiệm khoảng 30 – 40% GDP, đồng thời hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của
họ nói chung cũng cao hơn nước ta. Đây là một yếu kém lớn của nền kinh tế nước
ta, những nguyên nhân chính, trước hết, xuất xứ từ các vấn đề điều hành vĩ mô.
Khắc phục yếu kém này là đòi hỏi bức xúc.
Trong
một nền kinh tế có GDP tính theo
đầu người thấp, việc giành tỷ lệ tiết kiệm cao hơn là rất khó, song bắt buộc
phải làm. Nhưng trong vấn đề này, cái khó lớn nhất lại là việc khắc phục sự
lãng phí và thất thoát “của chùa” là thuế của dân đóng góp nên.
Người
làm ăn chân chính thường hiểu giá trị đồng tiền họ kiếm được, đâu có thừa tiền
mà tiêu xài lãng phí? Giả sử họ làm ăn thành đạt, thì những loại người này hầu
như hiếm có phong cách sử dụng đồng tiền như vậy.
Nhân
đây cũng xin nói thêm: Buôn lậu và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực không phải
chỉ gây tổn thất trực tiếp cho nền kinh tế, mà còn là những tác nhân phá hoại
nghiêm trọng đạo đức tiết kiệm, làm thui chột mọi ý chí của người dân dám chấp
nhận rủi ro trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích xu hướng tiêu xài bừa bãi,
sống gấp trong một bộ phận dân cư có lưng vốn nào đó nhưng không tìm được, hoặc
không được hỗ trợ tìm ra con đường làm ăn chân chính mà mình mong muốn.
Tham
nhũng và buôn lậu là nọc độc nguy hiểm nhất hủy hoại cơ thể cuộc sống toàn xã
hội hiện nay. Tham nhũng và buôn lậu mới là căn nguyên chính của mọi suy đồi và
là thách thức trực tiếp nhất đối với chế độ chính trị nước ta. Trên mặt trận
chống những tệ nạn này chúng ta đang thua, mặc dù nguồn gốc những tệ nạn này ai
cũng biết, nó gần giống như câu chuyện hàng ngày xảy ra ở giữa chợ: mọi người –
kẻ mua, người bán, trật tự viên – đều trông thấy kẻ cắp hoành hành mà không làm
gì được. Chúng ta không thể để cho những ký sinh này trở thành bất khả kháng,
càng không thể để cho thái độ thờ ơ hoặc cam chịu bất lực của người dân trở
thành lẽ sống. Yếu tố lớn nhất phá hoại môi trường nước ta thu hút đầu tư nước
ngoài chính là tệ nạn quan liêu, tham nhũng.
Tuy
nhiên, chống tham nhũng không phải là công việc mang tính phong trào, mà là nhiệm vụ gian khổ, lâu dài của công cuộc đổi mới
sâu sắc, với tất cả quyết tâm như thời đánh giặc cứu nước.
Dân trí, sự minh bạch (transparency) trong
đời sống kinh tế, vai trò Nhà nước và pháp luật, trước hết là các chính sách
bảo hộ vốn, khuyến khích các thành phần kinh tế là những yếu tố không thể thiếu
được để chuyển những đồng vốn có thể có được trong xã hội vào những lĩnh vực
mang lại của cải và sự phát triển cho đất nước, giảm bớt tiêu xài lãng phí.
Phải chăng, đây mới thực sự là những điều chúng ta yếu nhất và thiếu nhất, mới
thực sự là những thứ vốn chúng ta cần nhất?
Xin
kiến nghị thử đem cách nhìn này vào phân tích những cái yếu, cái thiếu khác.
3. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
VÀ NÔNG THÔN
Trong
khi chỉ nêu lên vài suy nghĩ về cách nhìn
cái yếu, nên chăng cần nhấn mạnh đến cái yếu lớn nhất của nền kinh tế nước ta
là vấn đề phát triển nông nghiệp và nông
thôn? Hiện nay, sức ép của đòi hỏi việc làm do ruộng đất canh tác ngày một
giảm và do tăng trưởng dân số, tình trạng nông thôn tụt hậu khá xa trong quá
trình cải cách hiện nay của cả nước đang trở thành hai vấn đề nóng bỏng nhất.
Năm
2020, theo kế hoạch, nước ta phải trở thành nước công nghiệp hóa, với khoảng 20
– 30% lao động cả nước làm nông nghiệp. Chúng ta chỉ còn khoảng 2 thập kỷ để
hoàn thành chỉ tiêu này. Thế nhưng từ trên 10 năm nay, chúng ta vẫn còn trên
70% lao động cả nước làm nông nghiệp. Cho đến nay vẫn tồn tại xen kẽ hoặc chủ
yếu những phương thức canh tác cách đây vài trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm –
ví dụ như trâu kéo cày, cấy lúa bằng tay, gieo xạ... Nhưng khắt khe hơn nữa là
bình quân 1 lao động nông nghiệp ngày nay tùy vùng chỉ còn từ 300, 500 đến 800
m2 đất, nghĩa là làm ruộng bằng tay cũng không đủ. Không còn cách nào khác là
phải tìm hướng chuyển dịch khoảng 70 – 80% lao động trong nông nghiệp hiện nay
sang các ngành khác.
Thực
tiễn đang đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực liên kết chương trình 1 với chương trình
2 ghi trong Nghị quyết Đại hội VIII, nhằm vào phục vụ mục tiêu dài hạn từng bước
thực hiện nhiệm vụ chuyển dịch này. Nhiệm vụ công nghiệp hóa nông nghiệp và
nông thôn nói riêng, và sự nghiệp công nghiệp hóa nói chung của cả nước nên coi
nhiệm vụ chuyển dịch này là mục tiêu ưu tiên trọng đại nhất, quyết định nhất.
Có thể phán đoán rằng, thực hiện được ưu tiên này, khả dĩ mới xây dựng được một
nước Việt Nam CNH , HĐH vào khoảng
năm 2020 như đã ghi trong Nghị quyết Đại hội VIII.
Sự khác
biệt quan trọng nhất giữa chế độ tư bản và chế độ xã hội chủ nghĩa của nước ta
có lẽ ở chỗ: Nhà nước ta phải bằng mọi
cách làm cho quá trình chuyển dịch này diễn ra hài hòa, công nghiệp hóa và phát
triển nông thôn tiến đến đâu, sự chuyển dịch này diễn ra nhanh đến đấy, không
thể để cho quá trình này đơn giản đi qua con đường tạo ra những lớp người bần cùng
hóa hay vô sản mới.
Thực
hiện khẩu hiệu người cày có ruộng theo
cách nghĩ đã là nông dân thì phải có
ruộng với giữ nguyên tỷ lệ 70% lao động cả nước làm nông nghiệp, có nghĩa
là tiếp tục giam hãm nông dân và cả nước trong nghèo nàn và lạc hậu, là không có
công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính tình hình này tự nó đang hàng ngày hàng
giờ đẩy từng bộ phận nông dân vào con đường bần cùng hóa không sao cưỡng lại
được. Hiện nay có những xã số hộ sống bằng ruộng mà không có ruộng đã lên tới
tỷ lệ 5, 10, cá biệt có xã lên tới 15 hoặc 20% như chúng ta đã và đang chứng
kiến.
Hơn 10
năm nay tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm trên 70% lao động cả nước,
nghĩa là ruộng đất cho người cày có ruộng giảm đi liên tục, và sẽ còn giảm nữa
do dân số tăng và do công nghiệp hóa. Không chặn đứng được xu thế này và tìm
hướng đi mới, vấn đề nông dân và nông thôn sẽ ngày một gay gắt thêm, sẽ không
thể làm cuộc cách mạng ruộng đất một lần nữa đâu. Các biện pháp như khai hoang,
di dân từ mấy chục năm nay... dù hiệu quả đến mức nào cũng chỉ là tạm thời, là
sự san sẻ và chuyển cái nghèo từ vùng này sang vùng khác, tỷ lệ lao động của cả
nước không hề thay đổi, điều này chứng tỏ cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải
quyết. Đấy là chưa nói đến phát triển kinh tế, xã hội các vùng dân tộc ít
người, phát triển các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa...
Một
số đồng chí trong giới lãnh đạo và giới nghiên cứu nước ta đã lưu ý đến sự phát
triển tất yếu của tích tụ ruộng đất, kinh tế tiểu điền, trang trại, phát triển
các hộ chuyên, các loại hình mới của hợp tác nông nghiệp và phi nông nghiệp..,
coi đó là con đường đưa nông thôn ra khỏi nghèo nàn lạc hậu và xóa bỏ tình
trạng thời gian nông nhàn thường chiếm trên dưới 50% quỹ thời gian lao động của
nông dân. Con đường xí nghiệp hương trấn của Trung Quốc lúc đầu thu được nhiều
kết quả quan trọng, song cũng ngày càng bộc lộ những nhược điểm và thiếu sót
lớn và đang đặt ra nhiều vấn đề phải nghiên cứu xử lý; nhất là hiện tượng sản
xuất trùng lặp và hiệu quả kinh tế thấp của các xí nghiệp hương trấn. Là nước
đi sau, chúng ta nên khai thác mọi kinh nghiệm thành công và thất bại trên thế
giới.
Làm
thế nào để vẫn có thể bảo toàn diện tích ruộng đất canh tác cần thiết trong quá
trình công nghiệp hóa phù hợp với an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và
bảo vệ môi trường, đồng thời từng bước thực hiện việc chuyển dịch 70 – 80% nông
dân cả nước hiện nay sang ngành nghề khác, tránh được cho họ trở thành bộ phận
bần cùng hóa mới trong xã hội, đấy thực sự là một nhiệm vụ chiến lược của Đảng
và Nhà nước ta, là một trong những nội dung quan trọng nhất của chiến lược CNH , HĐH. Nhiệm
vụ này trước hết cần được hiểu với nghĩa mở đường cho mọi thành phần kinh tế
phát triển nhiều ngành nghề mới – nông nghiệp và phi nông nghiệp, với mục đích
cuối cùng là phát triển nhiều ngành nghề mới tại chỗ nhằm thu hút ngày một
nhiều lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp. Cần đặc biệt nhấn
mạnh: Triệt để tự do phát triển các ngành kinh tế để kích thích cầu là một lối
thoát quan trọng tạo ra công ăn việc làm mới, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhiệm vụ này đòi hỏi nỗ lực tổng hợp của toàn dân, không một bộ phận dân cư nào
hoặc một thành phần kinh tế riêng lẻ nào có thể thực hiện được. Tạo ra nỗ lực
tổng hợp này phải là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của Đảng ta trong lãnh đạo
đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Có
thể nói, sức ép của vấn đề việc làm cho số 70 – 80% nông dân cần chuyển nghề
rất lớn, càng giúp đỡ cho nhân dân tự do làm ăn, sẽ càng sớm tìm được lối ra;
càng phát đạt, kinh tế và xã hội sẽ càng đi vào trật tự ổn định, quản lý nhà
nước càng có hiệu quả. Không làm được như vậy, sức ép này sẽ phát huy hết mức
khả năng tàn phá của nó.
Luật
pháp, các cơ chế chính sách cần được phát triển và hoàn thiện để phục vụ tốt
nhất yêu cầu này. Ngoài ra còn nên tổ chức nhiều hoạt động chính trị, văn hóa,
xã hội của các tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng, các hội khoa học, các
đơn vị sản xuất kinh doanh, nhằm vận động thành phong trào sâu rộng trong cả
nước, cùng nhau tìm giải pháp, phổ biến kiến thức, hỗ trợ và khuyến khích lẫn
nhau phát triển các ngành nghề mới.
Nếu
như xây dựng được các chủ trương chính sách và các cơ chế sát thực với đòi hỏi
của nhiệm vụ này, nếu các Đảng bộ ở nông thôn và thành thị trong cả nước được
trang bị những quan điểm đúng đắn, được nâng cao năng lực và hiểu biết, để trực
tiếp tiến hành nhiệm vụ này, giống như ngày xưa các Đảng bộ cơ sở đã từng lãnh
đạo toàn bộ địa phương mình đánh giặc xâm lược, thì chắc chắn sẽ tìm ra được
những giải pháp tốt. Cả nước có nhiều Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nhưng chưa
thể nói cả nước có nhiều cơ quan, địa phương làm tốt nhiệm vụ chiến lược hàng
đầu nói trên của Đảng ta.
Xin
kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng trên cơ sở tôn chỉ, mục đích của Đảng và
dựa vào đòi hỏi của những nhiệm vụ này, xây dựng những chuẩn mực cụ thể cho
việc kết nạp đảng viên, đánh giá đảng viên và các đảng bộ, cải tiến tổ chức và
công tác xây dựng Đảng. Hy vọng đó cũng là con đường thiết thực góp phần nâng
cao năng lực của Đảng ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Xin kiến nghị các
học viện của Đảng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học phục vụ đắc lực nhiệm
vụ chiến lược này.
Ý nghĩa
và tầm vóc của nhiệm vụ chuyển dịch 70 -80% nông dân trở thành những người có
ngành nghề mới, những ông chủ mới phi nông nghiệp trong nông thôn rất lớn.
Nhiệm vụ chiến lược này chỉ có thể tiến hành bằng cách tạo mọi điều kiện để
người nông dân tự làm, chứ không thể
làm theo con đường đã tạo ra những hợp tác xã kiểu cũ mà bây giờ chúng ta đang
phải xử lý.
Cuộc
sống đang rất cần những chủ trương chính sách, các cơ chế, các ưu đãi... nhằm
giúp nông dân tiếp cận trực tiếp với thị trường trong toàn bộ quá trình sản
xuất và kinh doanh của họ, kể từ cung cấp đầu vào, đến các loại dịch vụ... và
khâu tiêu thụ đầu ra, đồng thời giúp họ có khả năng mở rộng kinh doanh sang các
sản phẩm khác, thậm chí chuyển hẳn sang kinh doanh ngành nghề khác tùy theo cơ
hội họ tạo ra được. Thực tiễn này đã và đang diễn ra trong cuộc sống rồi, nhưng
ở nhiều nơi diễn ra dưới hình thức tự phát – đó là các đội quân cửu vạn phải đi làm thuê cho các đường
dây buôn lậu, phải làm phu cho các đầu nậu đào bới tài nguyên của đất nước..,
là những đội quân lao động dủ mọi ngành nghề và dịch vụ dồn về các vùng đô thị
với tiền công rẻ mạt và kéo theo biết bao nhiêu vấn đề xã hội khác nữa, vân vân...
Người nông dân trong tình cảnh này đành chịu chuốc lấy nhiều thua thiệt, nhưng
họ không thể chờ đợi mãi sự chậm trễ của chúng ta.
Với đời
sống ở nông thôn đã được cải thiện một bước đáng kể như hiện nay, trong điều
kiện thông tin phát triển nhanh chóng, chưa bao giờ chúng ta có những điều kiện
tốt như bây giờ để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị có ý nghĩa chiến lược
này, mặc dù đây là con đường đầy chông gai, chưa thiết kế được.
Công việc nên bắt đầu từ nghiên cứu thay đổi
hẳn chủ trương và các phương thức thực hiện xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh thâm
canh, phát triển những sản phẩm nông nghiệp mới và cây công nghiệp, phát triển
chăn nuôi, phát triển chế biến các loại nông phẩm và thực phẩm và những loại
mặt hàng khác của cây công nghiệp, mở rộng việc đưa về nông thôn các ngành nghề
và các công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật, hiểu biết và cách kinh doanh
trên thị trường, thông tin kinh tế... Toàn bộ quá trình này cần được gắn liền
với nhiệm vụ khuyến khích phát triển những mô hình kinh tế mới và hiện đại hóa
đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Đặc
biệt cần làm mọi việc tìm kiếm và mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài
cho việc tiêu thụ một cách có lợi nhất mọi sản phẩm mới của kinh tế nông thôn –
có thể nói đây là khâu quyết định nhất cho sự thành công của chiến lược này.
Những công trình nghiên cứu cấp nhà nước nên ưu tiên nhằm vào những mục tiêu
thiết thực này, mọi sáng kiến và nỗ lực theo hướng này cần được nâng niu, bổ
trợ.
Có thể
khẳng định, đem lại cho vùng nông thôn và kinh tế nông thôn nhiều việc làm và
ngành nghề mới, tạo ra khối lượng giá trị gia tăng ngày càng lớn là một trong
những nhiệm vụ trọng đại nhất của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện
chiến lược CNH , HĐH đất nước; công
nghiệp của cả nước và kinh tế đô thị nói chung cần phục vụ đắc lực nhiệm vụ
trọng đại này.
Trong
thời kỳ phát triển mới của đất nước, thực hiện nhiệm vụ nói trên phải chăng là
nội dung đích thực của liên minh công nông? Không giải được bài toán này, nguồn
nhân lực dồi dào của nước ta trong lợi thế so sánh có thể biến thành trở ngại
lớn.
Nhìn
vào thực tiễn 10 năm Đổi mới, tôi nghĩ rằng, lời giải bài toán đã hé mở và đầy
triển vọng. Với những cố gắng đầy sáng tạo, có những đảng bộ đã lãnh đạo địa
phương mình tiến được những bước đáng kể, tạo ra được nhiều mô hình kinh tế
phong phú.
Mô hình
sản xuất đường ở Khánh Hòa, hiệp hội mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) và nông
trường Sông Hậu (Cần Thơ, thực chất là một loại hình hợp tác xã kiểu mới) là
những mô hình rất đáng được tổng kết và nhân rộng ra các địa phương khác. Khi
được thăm các huyện Xuân Thủy, Hải Hậu... (Nam Định), tôi nghĩ rằng hướng giải
bài toán đây rồi. Mơ ước về thành thị hóa nông thôn đang dần dần có hướng trở
thành hiện thực ở những nơi đây. Trong cả nước, tuy còn chưa nhiều, nhưng không
phải quá hiếm các Xuân Thủy, Hải Hậu.
Đi thăm
các làng nghề ở đồng bằng Sông Hồng, các hộ trồng cà phê trên Tây Nguyên, các
vùng trồng cao su miền Trung, nghề nuôi cá lồng saba ở An Giang, thăm các hộ
kinh tế tiểu điền, một số trang trại, lâm trại, các vườn trồng cây ăn quả và
nuôi các động vật cung cấp những loại thực phẩm đặc sản, các trại nuôi tôm ở
đồng bằng Nam Bộ.., tôi càng dạt dào hy vọng.
Song,
chính ấn tượng sâu sắc của những cuộc đi tìm hiểu thực tế này day dứt tôi ghê
gớm. Còn biết bao nhiêu vấn đề nông dân đang trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà
nước: thị trường tiêu thụ, tôm nhiễm dịch hàng loạt, bệnh vàng lá của cây cam,
nạn ốc bươu vàng, nạn chuột, vấn đề vốn cho nông dân, các mô hình kinh tế và
những công nghệ nuôi trồng, công nghệ chế biến sản phẩm cần phổ cập, những sản
phẩm nào nên bỏ vì không còn triển vọng, tình trạng trùng lặp đầy tổn thất
trong phát triển ngành nghề; hoa và quả của ta vẫn cong nhiều thứ thua Thái
Lan, vân vân...
Chúng
ta, tức là các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan chức năng, chính quyền và đoàn
thể, có rất nhiều việc phải làm đáp ứng tình hình vừa nói trên, trong đó đặc
biệt là vấn đề xác định, mở rộng thị trường và giúp nông dân tiêu thụ tốt nhất
sản phẩm của họ.
Xin mời
đến đồng bằng Sông Cửu Long vào mùa lũ để thăm cảnh trên mưa, dưới nước, ở giữa
lúa nằm đắp nilon và mọc mộng...
Đài
phát thanh, báo chí, tivi của ta năm này qua năm khác đưa những tin như cắt vào
da thịt: Nạn ô nhiễm môi trường hầu như không có cách gì cứu gỡ tại nhiều vùng
quê phát triển ngành nghề phụ và tiểu thủ công nghiệp. Đấy là sứ Bát Tràng, vật
liệu xây dựng và đồ gốm Vĩnh Phú, các làng nghề giấy thủ công, các làng làm
nghề đúc những đồ dùng gia đình bằng những rác phế thải ở một số tỉnh miền Bắc
và miền Trung, những làng phát triển chăn nuôi và làm bún để cung cấp thực phẩm
cho những thành phố lớn và đô thị, bụi nhà máy xi măng lò đứng phủ kín vườn
tược nhà dân xung quanh... Sự cảnh báo da diết của các phương tiện truyền thông
chưa chuyển biến được tình hình nói trên là bao.
Những
vùng quê này có các chỉ số ô nhiễm lớn hàng chục lần chỉ số cho phép, người dân
không còn nước sạch, không khí sạch để sống, để thở. Cảnh quan bị hủy hoại,
bệnh nghề nghiệp và các loại bệnh do ô nhiễm môi trường lan rộng cả thôn, cả
xã... Thêm vào đó là vấn đề lao động trẻ em và biết bao nhiêu vấn đề kinh tế,
xã hội khác, với biết bao nhiêu hậu quả đa dạng khác...
Để nông
dân tự lo cho mình, tự chống đỡ một mình thì tình hình như vậy đấy, và chắc
chắn sẽ còn trở nên nghiêm trọng hơn nữa. Nếu đi theo cung cách này, đưa 70
-80% nông dân sang làm các nghề khác tình hình cả nước sẽ ra sao?
Cũng có
thể có chính quyền thôn xã nào đó cố giúp dân chống đỡ những nguy hiểm này,
nhưng sức họ có hạn về mọi mặt; một vài cơ quan nào đó có sự quan tâm nhất
định... Nhưng nhìn chung, chưa thể nói các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan
chính quyền và chuyên môn các cấp đã ý thức được đầy đủ nhiệm vụ của mình.
Nhiều cơ quan có trách nhiệm vừa thiếu hiểu biết, vừa chưa có những nỗ lực thỏa
đáng đương đầu với những vấn đề này.
Trong
nông thôn hiện nay, tỷ lệ số các em ở độ tuổi đi học không đến trường vì nghèo
và số học sinh phải đi học ca 3 vì thiếu trường còn khá cao; người mù chữ và
các hộ nghèo còn ở mức đáng kể.
Tuy
nhiên, tại các cấp, các địa phương, nếu công tác Đảng, công tác chính quyền,
công tác chuyên môn đem hết tâm, trí và biết dựa vào sức mạnh của dân, thì chắc
chắn sẽ từng bước xử lý được những vấn đề cấp bách này của nông dân. Nguồn lực,
khoa học và công nghệ phù hợp với hoàn cảnh nước ta để xử lý những vấn đè này
cũng không đến nỗi quá thiếu, miễn là chúng ta tậm tâm cố gắng. Vai trò và
nhiệm vụ của Nhà nước ở đây hết sức quan trọng.
Với tất
cả nhận thức về những khó khăn nói trên, tôi vẫn tin rằng con đường và khả năng
giúp 70 – 80% nông dân hiện nay của chúng ta chuyển sang các ngành nghề khác là
hiện thực, hiện thực hơn nhiều so với nhiều nước đang phát triển khác.
Nói
gọn lại, tình hình cấp bách phải sớm xây dựng một chủ trương có ý nghĩa chiến
lược: làm cho nông dân trở thành nhà kinh doanh, không phải chỉ để tự cứu họ,
mà quan trọng hơn là còn để họ có thể tự phát triển chính bản thân mình, chủ
động góp phần của chính mình vào quá trình phát triển nông thôn, nghĩa là thực
hiện nghĩa vụ của họ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xin lưu
ý, nếu chỉ đơn thuần chuyển người nông dân đang làm ruộng như hiện nay sang
người nông dân làm những nghề lao động cơ bắp khác thì tình hình cũng chẳng
sáng sủa hơn bao nhiêu, nghĩa là có thể sớm rơi vào tình trạng giảm bớt được
thất nghiệp lao động nông nghiệp, nhưng lại tăng thất nghiệp phi nông nghiệp.
Song, nếu chuyển được họ thành người có nghề mới và trở thành nhà kinh doanh,
thì tình hình đầy hứa hẹn.
Tại
điểm này lại càng rõ: mọi công việc cần được khởi đầu từ giáo dục, và tiếp tục
phát triển công việc nhờ phát triển giáo dục. Nói giáo dục là quốc sách hàng
đầu, đúng là điều chí lý nhất, bao gồm cả việc giúp cho người nông dân giác ngộ
sâu sắc quyền của mình trở thành người kinh doanh và năng lực thực hiện quyền này.
Sau khi đất nước giành được độc lập thống nhất rồi, còn nhiệm vụ nào đi vào
lòng người hơn nhiệm vụ này?
Nếu
được khuyến khích và tôn vinh, nhất là giúp cho nông dân có ý chí và trí tuệ,
những nhà kinh doanh mới này của nông
thôn sẽ là đội quân tiên phong, là lực lượng tại chỗ mạnh nhất tự phát
triển làng quê họ, tự xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp trong khung khổ của
luật pháp. Nhà nước có nhiều phương tiện hỗ trợ họ, nhưng không thể sáng tác
thay cho họ. Trong mọi sự giúp đỡ có thể được dối với nông dân từ phía Đảng và
Nhà nước, giáo dục và các dịch vụ phát
triển con người có ý nghĩa lâu dài và quyết định nhất.
Nếu có
điều gì đáng lo ngại về hiện tượng “tự
phát” theo nghĩa tiêu cực vẫn được hiểu lâu nay, thì chính điều này tùy
thuộc vào chất lượng sự giúp đỡ -
trước hết là các chính sách, cơ chế - từ phía
Đảng và Nhà nước. Nhân đây xin nói thêm rằng, trong mọi lĩnh vực kinh
tế, số người kinh doanh ở nước ta giàu có mạnh lên bằng con đường làm ăn đúng
đắn, hợp pháp chưa nhiều như mong muốn, nếu không nói là ít lắm; nên hết sức cổ
vũ, khuyến khích họ. Còn số người giàu lên do chụp giựt, lủi và tiêu cực thì nhiều – đây chính là sự tự phát và phân hóa giàu nghèo
trong xã hội không thể chấp nhận được – nguyên nhân lại không phải chỉ là kinh
tế thị trường.
Nhiệm
vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn có ý nghĩa chiến lược và to lớn biết
nhường nào, kể cả trên phương diện an ninh quốc phòng và bảo vệ đất nước.
4. NHỮNG CÁI MẠNH ĐANG CÓ NHIỀU
MẶT YẾU
Đây là
một loại vấn đề nhức nhối khác trong xem xét lợi thế so sánh. Thực ra đó cũng
là lẽ thường tình và hay xảy ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau của bất
kỳ quốc gia nào. Nước ta không thể là một ngoại lệ. Theo cách từ điểm nhìn ra
diện, trong phần này, tôi chỉ muốn lựa chọn ra một vài điểm làm mẫu để phân
tích, giống như làm sinh thiết trong y học.
a) Kinh tế quốc doanh
Doanh
nghiệp nhà nước (DNNN) hay kinh tế quốc doanh (KTQD) - ở đây tôi không bàn đến kinh tế nhà nước, một khái niệm đang
được dùng với nghĩa rộng hơn – nắm giữ nguồn lực lớn nhất của đất nước và có
thể xem là xương sống và cùng với toàn bộ khu vực kinh tế nhà nước được giao
cho nhiệm vụ nắm vai trò chủ đạo đối với toàn bộ nền kinh tế. Song với mọi ưu
đãi và đặc quyền lớn nhất, nó vẫn là khu vực kinh tế kém hiệu quả và đang gặp nhiều
khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ chủ đạo. Nhiều văn kiện quan trọng của Đảng
và Nhà nước ta đã nêu ra tình hình này và đưa ra nhiều biện pháp tìm cách khắc
phục.
Thực tế
này không phải chỉ là đặc thù của Việt nam, mà là của hầu hết khu vực công
trong nền kinh tế mọi quốc gia trên thế giới. Từ lâu, các nước trong Liên minh Châu
Âu (EU) thừa nhận rằng 1 đồng vốn trong khu vực kinh tế tư nhân có hiệu quả
tương đương với 1,3 đồng vốn trong khu vực kinh tế công. Nhiều công trình
nghiên cứu ở Trung Quốc – ít nhiều được coi là lạc quan – thừa nhận hiện nay có
quá nửa số xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, tổng nợ khó đòi rất lớn, kinh
tế quốc doanh chiếm hơn 70% vốn liếng toàn xã hội, rất nhiều ưu quyền, nắm
trong tay hầu hết mọi tài nguyên thiên nhiên của đất nước, nhưng chỉ đóng góp
khoảng 60% ngân sách quốc gia... Chính vì lý do kém hiệu quả của nó, Đại hội XV
của Đảng Cộng sản Trung Quốc dành cho nó sự quan tâm lớn nhất. (Tham khảo phụ
lục 1)
Xin lưu
ý, cho đến nay không có một nền kinh tế nào của các quốc gia trên thế giới lại
không cần đến khu vực công; đồng thời cho đến nay trên thế giới cũng chưa thấy
có một nước nào giải được bài toán 1 = 1,3.
Nhưng
lại có nhiều nước thành công bằng cách tìm ra được sự duy trì khu vực kinh tế
công đến mức độ nào là có lợi nhất cho tổng thể nền kinh tế, có chính sách đối
xử phân biệt cho loại doanh nghiệp quốc hữu phục vụ công ích... Trung Quốc có
lập luận độc đáo riêng bằng cách coi kinh tế quốc doanh liên doanh với đầu tư
nước ngoài và kinh tế quốc doanh được cổ phần hóa đều thuộc khu vực công, là
kinh tế quốc hữu, coi kinh tế quốc hữu là chủ thể trong nền kinh tế - chứ không
phải chủ đạo như trước. Trung Quốc kiên trì quan điểm: kinh tế càng phát triển,
đội ngũ lao động càng đông đảo, dù họ làm trong loại xí nghiệp nào, quyền lợi
chính đáng của họ phải được bảo hộ. Trung Quốc không hiếm các xí nghiệp liên
doanh hoặc 100% vốn nước ngoài có các tổ chức Đảng CSTQ hoạt động tốt...
Tại
nước ta, KTQD là quân chủ lực, làm ra khối lượng GDP lớn nhất và cũng là nguồn
cung cấp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước. Muốn hay không muốn, làm cho lực
lượng kinh tế lớn nhất này của đất nước phát huy hiệu quả cao nhất đang được
coi là một nội dung của định hướng xã hội chủ nghĩa, là đòi hỏi không thể thiếu
được để vận dụng lợi thế so sánh của quốc gia. Nói một cách khác, để lực lượng
kinh tế lớn nhất này của đất nước ta đứng ngoài cuộc, khác nào tước đi khối sức
mạnh lớn nhất trong lúc vận dụng tổng lực của cả nước để thực hiện lợi thế so
sánh? Nhưng đưa nó vào cuộc như thế nào?
Giải
quyết vấn đề kém hiệu quả của KTQD không thuộc phạm vi nghiên cứu của bài viết
này, song theo tôi: Đây thực sự là bài toán khó không thể tránh né, mong rằng
nó sẽ được nêu lên trong những công trình nghiên cứu khác.
Cho đến
nay Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần thực hiện các biện pháp sắp xếp lại các
DNNN, đã đưa ra nhiều chủ trương quan trọng như cổ phần hóa, liên doanh liên
kết, xây dựng thị trường vốn... Nhưng giải quyết vấn đề này thực sự vẫn còn là
con đường đầy gian truân.
Nói gì
đi nữa, xử lý bài toán này vẫn là nhiệm vụ nặng nề của các nhà nghiên cứu. Xin
lưu ý, nền kinh tế mỗi quốc gia là một thực thể đơn nhất, không thích hợp với
bất kỳ mô hình sao chép nào. Hiển nhiên,
trong lực lượng kinh tế mạnh nhất này của đất nước đang có cái yếu, nhất thiết
chúng ta phải tìm cách riêng của mình để khắc phục.
Nhân
đây, xin cho phép tôi nêu lên một quan điểm riêng, để góp phần tìm cách tiếp
cận bài toán KTQD.
Từ
nhiều năm nay, với cách nhìn nhận KTQD là một thành quả cách mạng gắn liền với
nền cộng hòa xã hội chủ nghĩa của chúng ta, là một thực tiễn của nền kinh tế
nước ta, trong quá trình nghiên cứu của mình, tôi đã kiến nghị với Đảng và Nhà
nước:
Ngoài
những chủ trương và chính sách hiện hành nâng cao hiệu quả các DNNN, nên tìm thêm cách tiếp cận từ một hướng
khác, một ý tưởng khác: bảo tồn và phát huy kinh tế quốc doanh bằng cách
làm cho từng đồng vốn của nó có thể
mang lại lợi nhuận tối đa và những lợi ích khác cho tổng thể nền kinh tế của
đất nước.
Tôi xin
nhấn mạnh từng đồng vốn, chứ không
phải từng doanh nghiệp nhà nước, vốn ở đây được hiểu gồm tất cả các loại tài
sản của DNNN – vô hình hoặc hữu hình, kể cả đất đai và bất động sản; tất cả phải được tiền tệ hóa để có cơ sở
căn bản nhất cho hạch toán kinh tế.
Đây là
con đường tìm cách làm cho vốn của kinh
tế quốc doanh trở thành nguốn vốn của nhà nước thâm nhập vào mọi loại hình doanh nghiệp, kể cả DNNN, một cách tối
ưu cho tổng thể nền kinh tế cả nước. Đấy là hướng ưu tiên dùng vốn nhà
nước, chứ không phải dùng các doanh nghiệp nhà nước chi phối toàn bộ nền kinh
tế. Có thể bổ sung thêm hướng suy nghĩ này vào quan điểm về vai trò chủ đạo. Nguồn
vốn này nhất thiết phải ngày một sinh sôi nảy nở, chứ không phải ai xà xẻo cũng
được.
Đây có thể là một hướng suy nghĩ nữa trong
việc sắp xếp lại và cải tiến DNNN, cho phép xây dựng một số DNNN mạnh đầu làm
đầu tầu, thúc đẩy liên kết liên doanh giữa các thành phần kinh tế.
Tìm ra
hình thức và cơ chế thực hiện quản lý nhà nước trên cơ sở tập trung vào quản lý
vốn đối với các DNNN mạnh hoặc cần duy trì, sẽ có khả năng mở rộng triệt để quyền tự chủ của những doanh nghiệp
này – một điều kiện rất quan trọng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của
những doanh nghiệp này, đồng thời ràng buộc chặt chẽ hơn trách nhiệm của doanh
nghiệp đối với đồng vốn của Nhà nước, có thêm nhiều điều kiện mới buộc các
thành phần kinh tế cùng phải tham gia một sân chơi chung trong cơ chế thị
trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Có thể đây là con đường tiếp tục tháo dỡ những trói buộc còn
lại mà các DNNN thường kêu ca, cho phép đơn gián hóa hơn nữa nhiều thủ tục tài
chính và hành chính, quyền và trách nhiệm của DNNN đối với kinh doanh lỗ lãi
của mình cũng sẽ rành mạch hơn và ràng buộc hơn đối với Nhà nước. Để khỏi lạc
đề, tôi chỉ xới lên mấy ý như vậy, mong các nhà nghiên cứu để tâm. Theo tôi,
hiện nay vẫn còn cơ hội lớn để thực hiện ý tưởng này, vì vốn quốc doanh đang
chiếm tỷ lệ lớn nhất trong toàn xã hội.
Nếu để
các DNNN ngày một suy yếu như hiện nay, thì vốn nhà nước tiếp tục mai một đi.
Sẽ có thêm ngày một nhiều hơn nữa những DNNN “vỏ” với nhiều bùng nhùng trong xã
hội, vai trò chủ đạo của DNNN tiếp tục bị xói mòn cho đến lúc chỉ còn trên danh
nghĩa hoặc trở nên vô hiệu, cơ hội dùng vốn quốc doanh chi phối nền kinh tế có
thể bị teo dần.
Nhà
nước CHXHCNVN làm chủ toàn bộ nền kinh tế qua nắm nguồn vốn chi phối này và các
thể chế tài chính tiền tệ khác. Tôi tin có một con đường như vậy, và nếu đúng
cũng sẽ tìm ra được những biện pháp thực hiện phù hợp. Chí ít, cách tiếp cận
này có thể góp phần ngăn chặn nguy cơ KTQD biến thành của chùa hoặc chùm khế ngọt.
Điều
quan trọng và đồng thời cũng là tiêu
chuẩn của mọi chủ trương chính sách chuyển sang nắm và nâng cao hiệu quả
vốn của KTQD là: kinh tế phải phát triển,
nhân dân và đất nước giàu lên, tạo thêm việc làm mới, hạn chế những hệ quả xã
hội ở mức có thể chịu đựng được trong quá trình sắp xếp lại các DNNN theo
phương thức phát huy vốn của nó, giữ được chế độ chính trị ổn định, nâng cao
hiệu quả kinh tế nhà nước để thực hiện vai trò chủ đạo.
Hơn thế
nữa, đó là con đường tạo ra các liên kết liên doanh, phát huy sức mạnh nền kinh
tế nhiều thành phần đã được ghi vào nghị quyết của Đảng. Bình đẳng trong liên
kết và cạnh tranh, hướng đi này có thể tạo ra tình hình KTQD và các thành phần
kinh tế khác đều mạnh lên, có khả năng tránh được “trò chơi tổng số bằng số
không”, nghĩa là tránh được tình hình sự lớn mạnh của anh này tương ứng với sự
lép đi của anh kia. Tuy nhiên, hướng đi mới này đòi hỏi phải có những cơ chế,
chính sách đúng và đội ngũ cán bộ của Đảng có năng lực và phẩm chất. Đây thực
sự là vấn đề rất hệ trọng, đáng nghiên cứu và là một thách thức mới đối với
người cộng sản Việt Nam
chúng ta. (Đề nghị tham khảo thêm bài Xóa
bỏ cơ chế chủ quản, tôi viết cho tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 2, Hà Nội, tháng 4 – 1994)
Tháng 7
năm 1997, được đi nghiên cứu ở Trung Quốc, tôi biết Ủy ban Thể cải của chính
phủ Trung Quốc (tương đương với Bộ cải cách kinh tế) có những nghiên cứu theo
hướng thông qua mô hình công ty tài chính
thác quản để tiền tệ hóa toàn bộ vốn và tài sản của xí nghiệp quốc hữu,
trên cơ sở đó chuyển quyền sở hữu của nhà nước đối với xí nghiệp quốc hữu thành
quyền sở hữu vốn quốc hữu, với mục đích tăng cường sự năng động của kinh tế
quốc hữu. Giới nghiên cứu trong Ủy ban Thể cải của Chính phủ Trung Quốc mô tả
đấy là con đường công ty hóa các
doanh nghiệp quốc hữu. Các bạn Trung Quốc cho rằng đã thu được một vài kết quả
bước đầu, song công việc thực sự cũng mới chỉ là bước đầu, mọi chông gai đều
còn ở phía trước.
Cải
tiến doanh nghiệp nhà nước theo con đường công
ty hóa thực ra đã được giới nghiên cứu nước ta nêu lên trong nhiều năm qua,
nhưng vẫn còn thiếu những công trình nghiên cứu công phu, và hầu như chưa được
thực nghiệm. Những kết quả bước đầu Trung Quốc đạt được trong quá trình nghiên
cứu, thực nghiệm theo hướng này rất đáng để chúng ta tham khảo, để phục vụ tiếp
tục đẩy mạnh nhiệm vụ cải cách DNNN.
Một
điều lý thú là trong một số cuộc trao đổi ý kiến với giới nghiên cứu và học
thuật Trung Quốc, chúng tôi đều chung một nhận xét: Tự thân doanh nghiệp nhà
nước không thể cải cách được nếu không cải cách cả hệ thống quản lý nó. Và đây
chính là việc còn làm được rất ít ở Việt Nam và ở Trung Quốc so với đòi hỏi
của cải cách.
b) Cơ chế thị trường dưới sự quản lý của
Nhà nước
Cơ chế
thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước 10 năm qua đã tự chứng minh khả năng
của nó thúc đẩy kinh tế phát triển so với cơ chế thời bao cấp. Đấy là một trong
những sức mạnh của Đổi mới. Song trong
sức mạnh này, còn nhiều vấn đề phải xử lý. Trên thế giới, không có một nền
kinh tế thị trường nào đứng ngoài sự quản lý của Nhà nước, song có nhiều Nhà
nước chưa làm tốt được việc quản lý nền kinh tế thị trường của họ.
Không
ít ý kiến rất chính đáng nói về những mặt trái của cơ chế thị trường. Việc phải
tìm cách khắc phục hoặc hạn chế những mặt trái này là lẽ tất yếu, cũng hoàn
toàn tất yếu như phải vận dụng cơ chế này vào nền kinh tế hàng hóa của nước ta
hiện nay, hơn nữa ở nước ta phải bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói cho
cùng, cơ chế nào cũng có những mặt tốt và mặt trái, giống như 2 mặt của một
đồng tiền. Xin dành lại việc bàn những mặt trái của kinh tế thị trường cho
những công trình nghiên cứu khác. Những cái yếu được nêu ra bàn ở đây đi vào
những khía cạnh khác.
Cuối
năm 1993, một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập người châu Âu, trong đó có một số
học giả và nhà ngoại giao cao cấp Thụy Điển, đã tiến hành khảo sát và sau đó tổ
chức hội thảo đánh giá tình hình cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở
Đông Âu. Kết quả nghiên cứu được biên soạn trong cuốn sách Chuyển đổi và Hội nhập, xuất bản năm 1995 tại London . Trong công trình nghiên cứu của nhóm
này, họ đưa ra khái niệm thị trường bị
chiếm đoạt (captured market) để chỉ tình trạng kinh tế thị trường đang bị
bóp méo. Các lý do có nhiều loại, nhiều dạng, ví dụ: tình trạng yếu kém của hệ
thống luật pháp, tệ nạn tiêu cực và đặc quyền đặc lợi, thị trường chưa phát
triển, những băng nhóm mafia... Đi liền với thị
trường bị chiếm đoạt là mafia và tội phạm phát triển hầu như không kiểm
soát được. Các nhà nghiên cứu này coi đây là một trong những nguy cơ lớn đối
với cải cách, có thể gây ra đổ vỡ như đã xảy ra ở Anbani, hoặc kéo dài tình
trạng rối ren như tại nước Nga hiện nay.
Trong
trao đổi ý kiến với chúng tôi hạ tuần tháng 9 – 1997 tại Hà Nội, họ cho rằng
Trung Quốc cũng phải đương đầu với thách thức này, đồng thời khuyến cáo chúng
ta phải đấu tranh quyết liệt chống tệ nạn tiêu cực và tham nhũng. Có rất nhiều
biện pháp phải làm, song các bạn Thụy Điển kiến nghị: Việc đầu tiên không thể
thiếu được là cần tìm cách thực hiện bằng được sự công khai hóa và tạo ra mọi
sự minh bạch rõ ràng trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế của toàn xã hội, kể từ
ngân sách nhà nước các cấp, mọi công quỹ, các khoản thu và chi, thuế, mọi quyết
định kinh tế, thủ tục hành chính..., có thể trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
Nghĩa là Nhà nước có nghĩa vụ làm cho người dân biết mọi việc để kiểm tra mọi
việc. Thiết nghĩ nên đặc biệt quan tâm đến những gợi ý thiện chí này. Từ rất
lâu Đảng ta đã đưa ra khẩu hiệu: Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Vấn đề còn lại là quyết tâm thực
hiện.
Nhân
đây còn phải nhấn mạnh đến thực tế nhiệm vụ quản lý của Nhà nước đối với thị
trường còn nhiều mặt yếu kém, vừa bao gồm tình trạng buông lỏng, kém hiệu lực,
vừa có cả tình trạng can thiệp sai trái và không hiệu quả. Những công cụ chủ
yếu của quản lý vĩ mô như hệ thống luật pháp, hệ thống tài chính, tiền tệ, ngân
hàng còn nhiều mặt bất cập. Chính những yếu kém này, cùng với sự nhũng nhiễu
tồn tại trong bộ máy hành chính, đang là những tác nhân nghiêm trọng kìm hãm sự
phát triển năng động của nền kinh tế, giảm bớt khả năng cạnh tranh của nước ta
trong việc thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế với bên ngoài. Nhiều lợi
thế so sánh to lớn của đất nước, vì vậy trở thành những bất lợi.
c) Lãng phí những nguồn lực và cơ hội
Có lẽ
đây là một trong những yếu kém lớn nhất của chúng ta trong vận dụng lợi thế so
sánh, có thể viết nhiều quyển sách về đề tài này.
Lãng phí
tiền của, lãng phí thời gian, lãng phí đất đai, lãng phí chất xám, lãng phí
công sức của dân, lãng phí cơ hội, lãng phí do thiếu hiểu biết, lãng phí do cơ
chế làm việc chồng chéo, lãng phí do thiếu đạo đức, lãng phí do tiêu cực, lãng
phí do lề thói hủ lậu... Có những lãng phí với những hậu quả không lường được,
có những lãng phí vô hình, nhưng hậu quả lớn...
Để làm
ví dụ, chỉ xin kể một vài lãng phí, chúng ta có lẽ ít để ý đến tầm vóc của
chúng:
1) Về
đất đai: Một đặc thù của nước ta là theo Hiến pháp đất đai thuộc sở hữu
toàn dân. Giả thử chúng ta thực hiện được quản lý tốt đất đai, thì dù khó khăn
thế nào đi nữa, những điều lợi do tính chất sở hữu toàn dân có thể đem lại là
to lớn, nhất là trong quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng. Nhưng cơ hội này
đang xa vời dần, làm trầm trọng cái khó hiện nay là trên thực tế có sự pha trộn
giữa sở hữu như ghi trong Hiến pháp và những thực tiễn trái ngược.
Khi
những năm giá đất ở nước ta lên vọt, thậm chí đắt hơn một số nước như Thái Lan,
Philippin, Malaysia..., giả thử Nhà nước ta có những chính sách đúng kịp thời,
sẽ có trong tay một khoản vốn rất lớn và đồng thời nhân đà này đẩy tới được
nhiều việc; nếu biết khuyến khích giúp đỡ những người dân giàu lên trong nháy
mắt nhờ chuyển nhượng (tên gọi thực của việc này phải là bán) một phần đất đai
của mình đưa vốn vào làm giàu, thì có lẽ nhà cửa mới mọc lên cũng bớt đi, ít
lãng phí hơn và đỡ chui lủi hơn (phần lớn dưới dạng phạt và cho tồn tại). Do được
quy hoạch, giá đất đai có nơi đột ngột vút lên, nhà nước tốn phí nhiều về
thiết kế quy hoạch và xây dựng hạ tầng cơ sở, nhưng khoản chênh lệch kếch xù
của giá đất tăng lên tan biến đi đâu mất, từ tiêu cực này đẻ ra biết bao nhiêu
tiêu cực và đổ vỡ đau đớn khác mà chúng ta đã biết.
Không
mau chóng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, sự lãng phí về đất đai có
nguy cơ trở nên trầm trọng hơn nữa trong tương lai. Vấn đề này cần được quan
tâm chặt chẽ theo tinh thần các quyết định của Nhà nước đã ban hành về quy
hoạch phát triển, bảo vệ diện tích trồng lúa trong cả nước, bảo đảm an ninh
lương thực, bảo vệ môi trường...
2) Về
con người: Thái độ thờ ơ theo kiểu ăn
cơm chúa, múa tối ngày, ngồi tại nơi làm việc chưa đủ ngày 8 tiếng, thời
giờ làm việc càng ít hơn và đầy tắc trách, thậm chí có đôi khi làm những việc
hoàn toàn khác với nhiệm vụ được giao... là những hiện tượng xảy ra nơi này,
nơi khác trong một số cơ quan, với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tổ chức bộ máy
càng nhiều, biên chế càng lớn, công việc càng rối. Cá biệt, có nơi hiện tượng
này vượt quá phạm trù lười biếng, lãng phí.., tới mức độ cần được thay thế.
Hàng
ngày, trên báo chí không hiếm những tin tức nói về những cố gắng kiếm các mảnh
bằng rởm, chạy chọt giữ ghế, kiếm chỗ... Không biết bao nhiêu tiền của, thời
gian, lao động, năng lượng trí tuệ, mưu lược... được tiêu dùng vào những việc
này, không biết những thứ gì đã được hy
sinh để thành đạt trong những loại việc này (Tham khảo phụ lục 2).
Đi vào
vận dụng lợi thế so sánh với năng lực và phẩm chất của những con người như vậy
trong bộ máy nhà nước, sẽ khó tránh những sai sót và sẽ không thiếu những
chuyện quân ta tự đá vào “gôn” mình
một cách không có ý thức hoặc có ý thức.
Chúng
ta đề ra không ít các chính sách và biện pháp thực hiện tiết kiệm, thậm chí có
một số công trình nghiên cứu cấp nhà nước cho vấn đề này. Nhưng vì sao lãng phí
vẫn hoành
hành? Có lẽ chống lãng phí
không phải chỉ đơn thuần là vấn đề xây dựng đạo đức, mà còn là những vấn đề tri
thức, dân trí, chính trị và cơ chế chính sách.., đặc biệt đấy còn là vấn đề
trân trọng và sử dụng người tài, vấn đề kỷ cương và công bằng xã hội, vấn đề
tạo điều kiện và khuyến khích người dân đưa đồng tiền của mình và từng giây
từng phút dùng hết tâm sức của mình vào việc làm giàu...(*)
Người Việt Nam thường được ca ngợi là siêng
năng, tiết kiệm và tháo vát, tìm cách phát huy được cái mạnh nhất này (ví dụ
giống như chúng ta đã giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp), thì có lẽ đây
sẽ là thành tựu chống lãng phí lớn nhất, đất nước sẽ tiến bộ rất nhanh chóng.
Nói về cá nhân, cũng có thể xem tiết kiệm là
một trong những thước đo cao nhất về phẩm giá con người; nói về quốc gia, tiết
kiệm thể hiện phẩm chất và năng lực của bộ máy cầm quyền, lòng tự trọng và ý
chí vươn lên của một dân tộc.
IV. BÀN VỀ SỰ LỰA CHỌN LỢI THẾ SO SÁNH
CỦA NƯỚC TA
- VẤN ĐỀ SỐNG
CÒN: GIÁ TRỊ GIA TĂNG
Có
thể nói khái quát, mỗi chúng ta, mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh buộc phải bắt
đầu khởi sự từ cái nghèo và lạc hậu đang gánh trên vai, để tìm cách làm ra giá
trị gia tăng, tích tụ làm giàu và đi lên.
Sự uyên bác viễn tưởng ở đây hoặc sự cầu mong vào nguồn tài trợ nào đó-
dù là của Nhà nước ta- chẳng giúp ích gì mấy. Lẽ đơn giản là ngân sách nhà nước
không phải là nguồn vô tận.
Mọi
việc phải bắt đầu từ tình hình thực tế:
Những
thuận lợi của 10 năm đầu trong Đổi mới đã tạo ra được sự khởi động quyết định,
bây giờ phải tìm ra những khả năng mới. Phải bắt đầu từ thực tế trong nước hiện
nay là nền kinh tế nước ta đang phải đương đầu với nhiều thách thức mới, sản
xuất thay thế nhập khẩu có xu thế áp đảo và đang tạo ra nguy cơ làm chệch hướng
chiến lược công nghiệp hóa của đất nước, đồng thời chúng ta cũng để mất nhiều
phần thị trường trong nước. Chúng ta đang phải đối phó với tình hình các đồng
tiền một số nước ASEAN sụp đổ tác động vào nền kinh tế nước ta, trong lúc tiềm
lực của ta có hạn, lại đang phải ráo riết chạy đua hội nhập vào nền kinh tế
toàn cầu hóa đề giành thị trường mới.
Chúng ta phải xuất phát từ yêu cầu tất yếu là: sau 10 năm đổi mới, đất nước đi vào thời kỳ
phát triển mới, với những đòi hỏi mới, như đa nêu trong văn kiện đại hội toàn
quốc Đảng Cộng sản Việt nam lần thứ VIII; những vấn đề phải xử lý cũng khó khăn
phức tạp hơn…
Những
yếu tố vừa liệt kê trên khiến chúng ta phải xem xét, điều chỉnh kế hoạch và các
chính sách đã vạch ra cho phù hợp với sự phát triển mới của dất nước và những
biến chuyển mới của tình hình kinh tế thế giới và khu vực.
Chúng
ta phải làm ra của cải, nói cho chuẩn xác hơn, phải làm ra giá trị gia tăng,
trong những điều kiện khác cách đây 10 năm rất nhiều, có những thuận lợi to lớn
hơn, nhưng cũng nhiều thách thức quyết liệt hơn.
Làm ra càng nhiều giá trị gia tăng, càng có
thêm khả năng tạo lực cho nhũng bước phát triển tiếp theo cao hơn; làm ngược
lại chỉ có nghĩa tích lũy nợ nần và sẽ rơi vào nguy cơ khủng hoảng.
Giá
trị gia tăng của từng sản phẩm ở đây cần được xem xét đồng thời và hài hòa trong tổng thể nền kinh tế, tối thiểu là trên
2 khía cạnh quan trọng nhất:
a/ Giá trị gia tăng
của một sản phẩm phải tạo ra khối lượng
thu nhập quốc dân tuyệt đối lớn nhất có thể được;
b/ Nó phải đóng góp vào cải thiện không ngừng cân bằng thu chi của toàn bộ nền
kinh tế – nhất là trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn.
Không
đạt được hai điều cơ bản này, sớm muộn sẽ dẫn đến đổ vỡ. Có lẽ đây là hai tiêu
chuẩn hàng đầu để lựa chọn một sản phẩm trong quá trình công nghiệp hóa, nhằm
tạo điều kiện thực hiện những bước đi ban đầu, để tồn tại, và để từng bước phát
triển toàn bộ nền kinh tế.
Làm ra
sản phẩm có sức cạnh tranh thắng lợi ngay trên thị trường trong nước và đi vào
được thị trường thế giới, đó là điều quyết định nhất để giải bài toán nói trên.
Trong
hoàn cảnh hiện tại của nước ta, tất nhiên những sản phẩm này trong một thời
gian nhất định chủ yếu mới chỉ là dầu lửa, gạo, cà phê, cao su, hàng may mặc,
đồ giày da…; song phải đồng thời từng bước tìm con đường ngắn nhất tạo ra được trí tuệ và nguồn lực đi tới được
những sản phẩm như chúng ta vừa qua đã đạt được trong lĩnh vực viễn thông, hàng
không, công nghiệp nhẹ, tin học … tiến lên xây dựng những ngành công nghiệp
chiến lược ta có ưu thế nhất…
Suy
nghĩ trên đây là tìm cách vận dụng tinh thần tự lập, tự chủ rất cao của ông cha
ta: có bột mới gột nên hồ, lấy ngắn nuôi
dài. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, phải chăng đây cũng là cách vận dụng quan
điểm của Đảng ta: Nội lực là yếu tố quyết định không thể thiếu được để vận dụng
những nguồn lực bên ngoài khác.
Tóm
lại, giá trị tăng cần được xem là
tiền đề và xuất phát điểm của mô hình phát triển năng động và bền vững:
Giá
trị gia tăng > Tiết kiệm và đầu tư >
Tăng trưởng và phát
triển > Giá trị gia tăng lớn hơn
Chúng
ta quyết không lặp lại kinh nghiệm cũ của chính mình, cũng như của những nước
đang phát triển khác đã từng nhiều năm bị xích chặt vào cái vòng luẩn quẩn ma
quỷ của nền kinh tế thiếu hụt:
Nợ>
Tiết kiệm và đầu tư thấp>
Tăng trưởng và phát
triển chậm > Nợ lớn hơn
Nhân
đây cũng xin lưu ý một trong những thành tựu to lớn của đổi mới là nước ta tạm
thời thu xếp được thỏa đáng vấn đề nợ
nước ngoài để có thể rảnh tay trong một thời gian lo liệu công việc làm ăn.
Song vấn để nợ nói chung vẫn là một bang ma lớn thường xuyên uy hiếp nền kinh
tế nước ta. Hơn nữa, thế hệ chúng ta có nghĩa vụ tránh cho các thế hệ con cháu
mai sau phải gánh chịu những khoản nợ lớn hôm nay để lại. Kinh nghiệm đổ vỡ của
nền tài chính tiền tế các con rồng châu
Á hiện nay còn cho thấy: đi vay, dù là để đầu tư cho phát triển, mà không xử lý
được vấn đề nợ, trước hết là không tạo ra được khối lượng giá trị gia tăng đủ
sức xử lý vấn đề nợ, thảm họa sớm muộn vẫn là lẽ tất yếu, mặc dầu tỷ lệ tiết
kiệm của những nước này cao khoảng gấp đôi tỷ lệ tiết kiệm ở nước ta. Công
nghiệp hóa, hiện đại hóa cần luôn luôn nhằm vào giá trị gia tăng và phải làm
chủ được vấn đề nợ.
- ĐI TÌM CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT
Nếu
đi như tốc độ 2 thập kỷ vừa qua, vào khoảng năm 2020 công nghiệp và thương mại
trên thế giới sẽ tăng khoảng 4-5 lần so với hiện nay về giá trị, và tiến bộ
công nghệp khoa học kỹ thuật sẽ cao hơn hiện nay hàng chục lần. Đồng thời cơ
cấu công nghiệp thế giới và giá cả sản phẩm cũng sẽ có những thay đổi ngày hôm
nay chưa thể hình dung được, nhưng xu thế thay đổi thì không đảo ngược: sản xuất nguyên liệu ngày càng mất lợi thế so
với sản phẩm có hàm lượng công nghệ và hàm lượng chế biến cao, giá thành sản
phẩm nguyên liệu ngày một rẻ hơn tương đối, nhu cầu về sản phẩm nguyên liệu
ngày một rẻ hơn tương đối, nhu càu về sản phẩm nguyên liệu cũng sẽ giảm đi
tương đối- như Peter Drucker và nhiều nhà kinh tế nổi tiếng đã quan sát những
thập kỷ vừa qua.
Chúng
ta có thể tìm được con đường ngắn nhất rút
bớt khoảng cách phát triển, hay sẽ tụt hậu xa hơn? Câu trả lời phụ thuộc rất
lớn vào việc lựa chọn thị trường và sản phẩm.
Xin nêu
lên một vài suy nghĩ để góp phần vào cuộc thảo luận.
Giả sử,
chúng ta suy nghĩ, tính toán và định lựa chọn phát triển một ngành công nghiệp
mới, xây dựng một công trình công nghiệp lớn, đòi hỏi vốn lên tới hàng trăm
triệu hoặc hàng tỷ USD. Nhà nước ta thường phải huy động một tập thể chuyên gia
trong nước, ngoài nước, nghiên cứu nhiều lĩnh vực và viết ra nhiều quyển sách,
tính toán, tham khảo thị trường, tham khảo ý kiến, thậm chí còn phải làm nhiều
công việc nghiên cứu thăm dò khác nữa, trù liệu các kế hoạch rồi mới đi đến bàn
việc quyết định thực hiện hay không thực hiện.
Tôi
không phải là chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế này, nên xin phép chỉ nêu lên
một vài suy nghĩ không chuyên nghiệp
của một người ngoại đạo, nghĩa là không ở trong nghề, chỉ với mục đích minh họa
mang tính phương pháp luận vè việc lựa chọn đề án kinh tế để thực hiện lợi thế
so sánh, và qua sự trình bày này mong góp phần vào cuộc thảo luận đi tìm con đường ngắn nhất.
Nếu đề
án kinh tế này được thực hiện thông qua liên doanh với nước ngoài, thì chúng ta
có bên nước ngoài tham gia nghiên cứu tính khả thi của đề án. Phía ta cần tính
toán thế nào để bảo đảm lợi ích thỏa đáng của mình với tư cách là nước chủ nhà,
theo tinh thần cùng có lợi, và nhất thiết không để bị lừa.
Nếu là
đi vay vốn bên ngoài để thực hiện đề án, thì xin hãy thận trọng. Trong những thập kỷ trước đây chúng ta đã có
một số công trình kinh tế được xây dựng bằng vốn vay nước ngoài, đến bây giờ
vẫn chưa trả xong nợ, với nhiều kinh nghiệm còn nóng hổi. Tình hình tài chính đổ vỡ hiện đang xẩy ra của
mấy con rồng Châu Á và sự dao động trên thị trường tài chính tiền tệ hiện nay
trên thế giới khiến tôi đi đến kết luận:
Lúc này không thể vay vốn nước
ngoài để tự thực hiện một đề án kinh tế đồ sộ nào, vay một phận cũng không nên.
Vì các lẽ đơn giản: vay nóng hay vay dài hạn đều rất khó. Giả sử vay được,
ta có chịu nổi lãi xuất trong tình hình thị trường tiền tệ thế giới hiện nay
không? Trong quá trình thực hiện, đối tác của ta bỗng nhiên – vô tình hoặc hữu
ý- gặp rủi ro và bỏ dở cam kết cho vay thì sao? Thực tiễn này đã xẩy ra trong
quan hệ kinh tế đối ngoại của ta. Đề án có lãi và có khả năng hoàn vốn không,
hay lại gánh thêm nợ mới ngày một sinh sôi theo kiểu lãi mẹ đẻ lãi con? Vay để
nhập thiết bị rẻ với công nghệ lạc hậu, sản phẩm lạc hậu, thì dù có được hưởng
nhiều ưu đãi thế nào đi nữa, cũng khó tránh khỏi lợi bất cập hại, nhất là đối
với những công trình lớn, tuổi thọ vài ba thập kỷ. Vân vân…
Nếu là
vốn huy động trong nước để thực hiện đề án, danh mục các vấn đề cần phân tích
cũng khá dài, xin lấy ra một vài vấn đề làm ví dụ:
(1)
Công nghệ của nhà máy thuộc thế hệ nào, khả năng quản
lý và bảo dưỡng của ta? Nếu chúng ta có nhiều tiền và nhiều chuyên gia thành
thạo, giỏi lắm chúng ta cũng chỉ có thể xây dựng được nhà máy và mua sắm thiết
bị với công nghệ của thập kỷ này hay trước nữa một chút. Nếu thiếu vốn, phải
tiết kiệm, phải mua chịu, hoặc bị lừa thì có nguy cơ chuốc lấy công nghệ lạc
hậu 1-2 thế hệ so với hiện tại, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm,
hiệu quả kinh tế, ô nhiễm môi trường… với nhiều hậu quả kéo dài suốt tuổi thọ
của nhà máy, thiệt hại về kinh tế, về phát triển… khó lường hết được, nghĩa là
đi vào vết xe cũ của các nước đang phát triển, đang bị cùm chặt vào những ngành
công nghiệp đồ cổ như đã trình bày trong phần trên.
(2)
Với mọi điều kiện có của ta, thì cũng vào khoảng thời
gian không xa 2020 nhiều lắm, nhà máy lớn được xây dựng từ bây giờ mới có thể
hoạt động thuần thục được, nghĩa là lại cách
xa mức hiện đại của thế giới lúc đó thêm
khoảng 20 năm nữa về nhiều mặt. Lúc đó trên thị trường thế giới sẽ xuất hiện
những sản phẩm mới đối địch quyết liệt với sản phẩm của nhà máy này; chúng ta
sẽ đương đầu ra sao?
(3)
Như đã trình bày trong các phần trên, đi vào xây dựng
bất kỳ một công nghiệp nguyên liệu quan trọng nào, nước ta đều phải đương đầu
với một thực tế hiện nay là trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kể cả trong
vùng Đông Nam Á, do cung vượt cầu, nên có nhiều nhà máy tương tự, công nghệ
hiện đại, đang hoạt động dưới công suất. Chúng ta phải xử lý tình hình như thế
nào?
(4)
Do khó cạnh tranh được về giá cả và dịch vụ, thị trường
tiêu thụ trên thế giới tương đối bão hòa, sản phẩm chúng a làm ra hẩu như chỉ
có thể trông chờ vào thị trường tiêu thụ trong nước. Nếu giá thành cao hơn nhập
khẩu, lại phải bảo hộ mậu dịch trong lúc AFTA, WTO và nhiều thể chế khác đi vào
có hiệu lực đối với nước ta… Trong kịch bản này chúng ta có thể tránh được khả
năng phải bù lỗ không? Nhà máy sẽ hoàn
trả vốn vay thế nào?
(5)
Những loại nhà máy sản xuất nguyên liệu này với công
nghệ ngày nay thường tạo ra khối lượng công ăn việc làm và dịch vụ mới không
đáng kể; bên trong nhà máy công việc tự động hóa hầu hết và có những khâu còn
phải thuê công nhân kỹ thuật cao và chuyên gia nước ngoài vận hành. Vậy ngoài
vấn đề sản xuất thay thế nhập khẩu, nhà máy có thể đem lại những lợi ích nào
khác cho nền kinh tế và cho sự nghiệp CNH ,
HĐH?
(6)
Tình hình kinh tế hiện nay còn nhiều vấn đề cấp
bách. Đề nghị tham khảo 10 nguyên nhân
kinh tế kho khăn do Giáo sư, tiến sĩ Ngô Đình Giao nêu lên trong bài “Nguyên
nhân và giải pháp khắc phục để phát triển kinh tế”, đăng trên báo Nhân Dân ngày
30-11-1997. Thực tế hiện nay là nguồn
vốn tự có eo hẹp, việc bảo hộ sản phẩm trong nước rất chật vật, việc chống hàng
nhập lậu cũng không đơn giản, kinh tế của cả nước đứng trước nhiều thách thức
mới do biến động tiền tệ hiện nay trong khu vực, cả nước đòi hỏi gay gắt về vốn
để tận dụng và phát triển năng lực sản xuất hiện có, tạo thêm việc làm, tạo
thêm thu nhập… Trong bối cảnh này, chúng ta có nên dồn lực cho xây dựng những
công trình lớn đòi hỏi nhiều vốn, hay nên ưu tiên dùng những đồng vốn hiếm hoi
đầu tư vào kinh doanh các sản phẩm xuất khẩu có nhiều giá trị gia tăng, sử dụng
nhiều lao động, tăng lợi thế cạnh tranh của đất nước? Có những đề tài công nghiệp thay thế như vậy
không? hiện thực đến đâu?... sự tạm hoãn những công trình lớn như vậy có đe dọa
an ninh kinh tế và đẩy lùi khả năng phát triển của đất nước ta trên phương diện
nào không?
6
vấn đề cần xem xét nêu trên, đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi:
Nếu xây dựng công trình lớn hoặc các công
trình lớn như vậy, chúng ta làm sao thực hiện được nghị quyết của Đảng về đẩy
mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu và chỉ sản xuất thay thế nhập khẩu những mặt hàng trong nước
sản xuất có lợi hơn? Đi theo đà này có nguy cơ quay lại nền kinh tế tự cung tự
cấp không và có sức để bảo hộ không? Sử dụng như vậy đồng vốn rất hiếm hoi lúc
này là tối ưu chưa?
Những
đồng vốn hiếm hoi của nước ta lúc này không có thể so sánh với một giá trị bình
thường vốn có của nó. Nó có thể là đồng vốn cứu nguy và mở ra một thời kỳ huy
hoàng mới của nền kinh tế đất nước, nếu nó được sử dụng đúng và tối ưu
nhất. Song, nó cũng có thể làm khánh
kiệt đất nước nếu sử dụng sai.
Danh
mục các vấn đề phải xem xét như vậy còn dài.
Nếu xem xét thêm những vấn đề gián tiếp có liên quan, sẽ thấy còn nhiều
việc khác nên bàn. Chẳng hạn như nhiều
người nói – chưa biết đúng sai thế nào, nhưng rất cần điều tra: trong xây dựng cơ bản hiện nay, tiêu cực do hợp tác giữa bên A và bên B làm cho giá
thành một số công trình cơ bản trong những năm qua thường tăng lên 1/4-1/3 hay
gần thế so với tiêu chuẩn đã thiết kế.
Nếu đi vào xây dựng những đề án kinh tế lớn mà chưa khắc phục được tiêu
cực này, sẽ tốn kém thế nào?
Trong
phần III .
3. Tôi đã đề nghị gắn chương trình 1 và chương trình 2 về phát triển kinh tế
ghi trong Nghị quyết Đại hội VIII. Thiết
nghĩ ở đây cũng nên cân nhắc thêm có nên đặt ưu tiên huy động vốn phát triển
công nghiệp và nông nghiệp phục vụ mục tiêu chuyển dịch 70-80% lao động nông
nghiệp lên trước các đề án kinh tế lớn khác hay không?
Vân
vân…
Nghĩa
là còn biết bao nhiêu vấn đề cần làm rõ trước khi đi đến quyết định.
Xin
nói rõ ràng thế này: Chúng ta cần lắm,
cần phát triển mạnh công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp hiện đại. Vấn đề đặt ra là làm thế nào thực hiện CNH , HĐH đỡ trả giá nhất, chỉ thành công và không
được thất bại, và nhất là toàn bộ nền kinh tế phải phát triển bền vững, thu về
được nhiều giá trị gia tăng thông qua đẩy mạnh xuất khẩu. Có nhiều giá trị gia tăng, sẽ có vốn và trí
tuệ làm ra tất cả để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp CNH ,
HĐH.
Xin
lưu ý đến một hiện trạng có liên quan:
không ít cơ sở công nghiệp truyền thông hiện có trong ngành cơ khí của
ta đang dần dần trở thành những đống sắt rỉ; số xí nghiệp đóng tầu của ta lên
tới hàng trăm, việc làm thiếu, nhưng vẫn nhập tầu hoặc thuê nước ngoài đóng
tầu, trong khi đó ngành thủy sản nước ta thiếu khổ sở vốn đóng tầu đánh cá xa
bờ; nhiều thiết bị trong các ngành sản xuất đường, xi măng, vật liệu xây dựng
khác, máy công cụ… ta có thể tự sản xuất được, nhưng vẫn được nhập về và để cho
các nhà máy của ta đắp chiếu… Trong quản lý vĩ mô và vi mô của cả nền kinh tế
còn nhiều vấn đề nan giải như vậy. Tôi
hoàn toàn không mong muốn Nhà nước ta đầu tư mới cho những ngành công nghiệp xế
chiều. Song cơ sở sản xuất nào còn tận
dụng được và mang lại hiệu quả kinh tế thì vẫn nên có kế hoạch khai thác, tận
dụng chúng đúng mức, miễn sao không để chúng trở thành gánh nặng mới - nghĩa là
không cản trở quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH , HĐH.
Trong
trường hợp chúng ta phải đắn đo trước một hay nhiều lựa chọn gay cấn, tôi nhớ
lại lời dạy của Bác Hồ: dĩ bất biến, ứng
vạn biến. Cái bất biến ở đây có hể là
câu hỏi mang tính chất định đề không thể bỏ qua trong mỗi quyết định: chọn thị trường nào, sản phẩm gì, lúc nào là
có lợi nhất? Cái vạn biến ở đây có hể
là: tìm mọi con đường khác nhau để cuối
cùng vẫn thực hiện được mục tiêu trong thời gian lịch sử ngắn nhất.
Để khỏi thảo luận trừu tượng, tôi xin đi
vào một vài ví dụ cụ thể.
Gần
đây, một nhóm nghiên cứu đề nghị nước ta sản xuất nhôm, vì nươc ta rất giàu
bauxite và có nguồn thủy điện lớn, đang cần nhôm và có thị trường tiêu thụ trên
thế giới. Nhóm này cho rằng, nếu gía
điện dành cho nhôm là 4-5 cent USD/1kwh, thì nhôm của ta có thể cạnh tranh
được. Sự thật là nước ta hiện nay bắt đầu đi vào thời kỳ thiếu điện. Tính toán
nguồn điện năng các dạng của cả nước, chắc chắn bây giờ bắt đầu đi vào điện hạt
nhân đã là hơi muộn rồi, nhưng nước còn nghèo biết làm thế nào. So với giá điện
đang bán cho nền kinh tế nước ta, nếu sản xuất nhôm với giá điện đề nghị nói
trên, tôi tính nhẩm mỗi tấn nhôm xuất xưởng nhà nước phải bù lỗ riêng cho tiền
điện là 300-400USD; tùy theo hiệu quả kinh tế chúng ta đạt được. Chẳng lẽ chúng
ta không có cách nào sử dụng tốt hơn nguồn điện tương đối khan hiếm của nước
ta?
Trên
thế giới hiện nay có hai nước sản xuất nhôm thực sự có lãi, đó là:
·
Australia :
Có nguồn bauxite, khí đốt và các nguồn năng lượng khác rất lớn, điều
kiện tự nhiên rất thuận lợi cho khai thác và sản xuất quy mô lớn với công nghệ
hiện đại nhất. Tuy nhiên, nước này vẫn phải dành một phần bauxite đáng kể cho
xuất khẩu, bởi vì sản xuất nhôm quá mức nguồn năng lượng tại chỗ, giá thành sẽ
không cạnh tranh được trên thị trường thế giới.
·
Iceland :
phải nhập bauxite đi gần nửa vòng trái đất – từ Australia , vì
đấy là cách tiêu thụ có hiệu quả nhất nguồn điện năng khoảng trên 7 tỷ kwh (có
thể nói là trời cho: thủy điện và địa
nhiệt điện) của một nước chỉ có khoảng 1/4 triệu dân. Nghĩa là nước này có sản lượng điện tính theo
đầu người lớn gần 100 lần so với nước ta. Bù lại, thị trường tiêu thụ nhôm chủ
yếu của Iceland
rất gần: Châu Âu.
Một
nhóm nghiên cứu khác đề nghị xúc tiến đề tài kinh tế luyện kim loại sắt theo
công nghệ hoàn nguyên. Sự tiến bộ theo
kịp thời đại ở đây là loại bỏ công nghệ lò cao.
Nhưng dựa vào những thông tin về sản phẩm thép các chủng loại trên thị
trường thế giới hiện nay, đề án này cũng nên được cân nhắc kỹ. Thép cán hiện
nay của ta không cạnh tranh nổi với giá thị trường quốc tế và các công ty thép
của ta đang kêu ế. Bây giờ lại còn đi
sâu hơn nữa vào luyện kim, dù là với công nghệ hoàn nguyên, triển vọng có sáng
sủa hơn không?
Thống
kê của Tiểu ban kinh tế Châu Âu của cơ quan liên hiệp Quốc tại Geneve cho
biết: từ năm 1975 cho đến nay tổng công
suất sản xuất thép của các nước công nghiệp phát triển dư thừa từ 50-70 triệu
tấn/ năm, buộc những nước này phải triệt để cải tổ ngành sản xuất thép. Ví dụ,
Thụy điển phải chuyển hẳn sang sản xuất thép có hàm lượng cao về công
nghệ: thép có độ đàn hồi cao, thép có độ
cứng cao (thường gấp 3-4 lần thép thông dụng và do đó có thể giảm được thể tích
từ 1 đến 2 lần), thép cho sản xuất các loại máy công cụ đặc biệt, thép cho sản
xuất các loại dây dẫn có điện trở thấp, các hợp kim có những tính năng đặc
biệt… Nhờ vậy ngành công nghiệp luyện kim của Thụy điển ra khỏi khủng hoảng và
ngày nay có sức cạnh tranh lớn trên thị trường, mặc dầu Thụy điển là một nước
nhỏ.
Theo
thông báo ngày 8-4-1997
của Tiểu ban kinh tế Châu Âu của cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Geneve, các nước
ngoài nhóm OECD hiện đang sản xuất tới 50% thép xây dựng của cả thế giới. Thông
báo này lưu ý công suất sản xuất dư thừa của sản phẩm này trên thế giới.
Giả
thử, chúng ta đã cân nhắc kỹ và thấy phải phát triển ngành luyện kim, thì có
nên tính đến cả phương án lợi dụng công suất dư thừa trên thế giới bỏ qua giai
đoạn đầu (vì đến năm 2000 chúng ta sẽ có gần 1 triệu tấn công suất/ năm thép
cán), tìm đường đi thẳng vào giai đoạn sản xuất thép chuyên dụng hoặc thép có
hàm lượng cao về công nghệ theo như mô hình Thụy Điển hay không?
Ví
dụ, có thể thông qua phát triển khu công nghiệp, tạo mọi điều kiện khuyến
khích, chuẩn bị tốt lực lượng lao động và những ưu đãi khác đủ hấp dẫn đầu tư
nước ngoài thực hiện phương án này. Ngày
nay, thực hiện chính sách nào về thu
hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, thì hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được sản phẩm đó. Sau này, vào thời gian n thuận lợi nào đó, khi tình hình thị trường đòi hỏi, và khi năng
lực mọi mặt của ta và những điều kiện kết cấu hạ tầng của nước ta tốt hơn, có
gì ngăn cản chúng ta trở lại khâu đầu của ngành luyện kim? Về mặt nghiên cứu, phương án và phương pháp
luận này cũng đáng được nêu lên để rộng đường suy nghĩ cho xây dựng chiến lược
phát triển các ngành công nghiệp khác. Bởi vì, điều cốt lõi không phải là chúng ta
chỉ xây dựng cho được ngành luyện kim, mà là phải có được ngành luyện kim tồn tại và phát triển được nhờ có sức
cạnh tranh thắng lợi.
Một
vài cơn sốt rét về thép xây dựng xẩy
ra trên thị trường nước ta trong những năm qua, sự đổ vỡ của ngành luyện kim và
nỗi ế ẩm của ngành đóng tầu ở Hàn quốc hiện nay rất đáng để chúng ta suy
nghĩ. Xin nhắc lại công nghệ luyện kim
cho ngành xây dựng và cho ngành đóng tầu của Hàn quốc hiện nay không kém những
sản phẩm cùng loại ở Mỹ, nhưng giá thành hạ hơn. Đến thăm tập đoàn sản xuất thép ở Pohang , chúng ta có thể
kiểm nghiệm điều này. Không ít ngưòi có
tiếng tăm trong giới nghiên cứu cho rằng kinh tế Hàn quốc hiện nay gặp nhiều
khó khăn lớn là do những hậu quả trước đây đã đi vào công nghiệp nặng quá rộng
và sâu, trong khi đó cơ cấu kinh tế thế giới chuyển đổi quá nhanh vào sản phẩm
công nghệ cao.
Câu chuyện cái xe đạp. Xin kiến nghị, trong khi bàn đến phát triển
những ngành công nghiệp mới, cũng nên dành chút thời giờ suy nghĩ về những
ngành công nghiệp truyền thống chúng ta đã có, nhưng nay không tồn tại được. Ví
dụ chúng ta không thể bỏ qua được câu hỏi:
Mặc dầu Việt nam vẫn là một quốc
gia xe đạp, nhưng tại sao bao nhiêu năm qua xe đạp của ta lại phải biến mất để
nhường chỗ cho xe đạp nhập ngoại rất rẻ của Trung Quốc và rất đắt của Nhật ngay
trên thị trường nước ta?
Xin
nêu lên hãng xe đạp Đài Loan Antony Lo
để tham khảo: Hãng này mỗi năm sản xuất
1 triệu xe đạp tại Đài Loan và 1,5 triệu xe tại nước ngoài, kể cả liên doanh
với Trung Quốc. Mỗi năm hãng có thêm từ
5 đến 10 sản phẩm mới, 93% sản phẩm được tiêu thụ bên ngoài lãnh thổ Đài Loan,
doanh số hàng năm của hãng khoảng 400 triệu USD, thị trường quan trọng nhất của
hãng là Châu Âu và Mỹ – bán khoảng 500,000 xe/ năm. Điểm nổi bật nhất là hãng này đang thu hẹp
dần sản xuất của mình ở châu Á để chuyển sang châu Âu – trong đó có Hà Lan-
Nhằm chiếm lĩnh tốt hơn các thị trường tại chỗ, trước hết là nhằm thiết kế, sản
xuất phù hợp với yêu cầu của thị hiếu của từng thị trường tại chỗ, ý nghĩa của
yếu tố giá lao động rẻ đơn thuần giảm dần.
Mỗi năm hãng chi 2% doanh số – khoảng 8 triệu USD- cho nghiên cứu và
thiết kế sản phẩm mới – gồm cả các loại xe tập thể dục, xe đua, xe đạp đi đường
núi, xe đạp gắn dây cót hoặc bình ắc quy…toàn bộ công việc này do 65 kỹ sư và
nhà thiết kế đảm nhiệm, trong đó có 45 là người sinh quán tại Đài Loan, còn lại
là Nhật, Mỹ, Hà Lan, Trung Hoa… nếu xem xét các loại vật liệu dùng để chế tạo,
bao bồm cả graphite và một số vật liệu mới, xem xét các công nghệ được ứng
dụng, cũng có thể lạm dụng danh từ để nói rằng đã xuất hiện những loại xe đạp
có chất lượng cao hoặc công nghệ cao, mặc dầu xe đạp vẫn chỉ là cái xe đạp, nó
vẫn đang tiếp tục tồn tại và phát triển thị trường. Còn về phương thức kinh doanh, hãng có hàng
nghìn cách bán hàng khác nhau. Hãng này
cho rằng, do tình hình môi trường và ách tắc giao thông, hãng sẽ có triển vọng
bành trướng mạnh hơn nữa (tham khảo báo Financial Times ngày 24-10-1997 ).
Tôi
hy vọng câu chuyện cái xe đạp Đài Loan
có thể gợi ra nhiều suy nghĩ.
Chúng
ta đang có cuộc trao đổi ý kiến sôi nổi về con đường phát triển ngành công
nghiệp ô tô của nước ta, vì vậy nêu thêm ví dụ về ô tô:
Trong
những nguyên nhân gây đổ vỡ đồng Baht Thái Lan, có sự đóng góp của ngành ô tô
Thái Lan. Ngành này đã có hơn 10 năm và
phát triển khá lớn, riêng ở Bangkok thời phồn thịnh có 500 ô tô mới xuống đường
mỗi ngày – phần lớn là xe do trong nước sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất
lên đến 60% ô tô nhập phải chịu thuế nhập khẩu rất cao, tùy loại và có thời điểm
phải chịu mức thuế suất cho đến 600%.
Thế nhưng Thái Lan không xuất khẩu được một chiếc ô tô nào, vì không
cạnh tranh được, nợ do vay hoặc bán cổ phần để đầu tư vào ngành ô tô rất lớn. Sức người Thái mua ô tô bão hòa dần, sự thua
lỗ hoặc quá ít lãi của ngành này không còn ở mức nền kinh tế chịu đựng được;
nhiều nhà đầu tư tài chính, phần đông là người Hoa và doanh nhân nước ngoài,
rút cổ phần để cứu vốn của mình.
Đầu
tháng 11-1997, tại Thái Lan: hãng Toyota
phải tuyên bố tạm nghỉ sản xuất cho đến hết năm, hãng Nissan quyết định tạm
thời trong vài tháng tới sản xuất 1 ngày, nghỉ 2 ngày, 11 hãng lắp ráp ô tô
khác còn lại trong cả nước cũng quyết định giảm bớt công suát, dãn thợ… Những
hiện tượng này tích cực góp phần vào sự hoảng loạn của hiện tượng rút vốn trên
thị trường chứng khoán và trong những ngành khác, trước hết là trong kinh doanh
bất động sản và sản xuất thép. Sản xuất thay thế nhập khẩu là như vậy, dù rằng
điều này xảy ra ở Thái lan là nước có nền kinh tế hướng rất mạnh về xuất
khẩu. (tham khảo thêm phụ lục 3).
Chúng
ta tuy mới bắt đầu, nhưng đã có tới 14 hãng lắp ráp ô tô. Thông tin mới nhất nói rõ là 15 hãng, nếu
đúng như vậy là chúng ta vượt Thái
Lan 2 hãng. Câu hỏi chúng ta cần giải
đáp là: Lắp ráp để thay thế nhập khẩu,
hay cũng sẽ dành cho xuất khẩu? Nếu tính
đến cả xuất khẩu thì thị trường nào? Có
cạnh tranh nổi không? Mỗi cách trả lời cho
từng câu hỏi, đòi hỏi chúng ta phải có một hoặc nhiều phương án khác nhau để
lựa chọn. Khi ký kết liên doanh lắp ráp
các hãng nước ngoài đều cam kết tăng dần tỷ trọng nội địa hóa việc sản xuất các phụ tùng, nghe khá hấp dẫn, nhưng
chúng ta sẽ thực hiện bằng cách nào? Bằng cách ta lập riêng các xí nghiệp
chuyên sản xuất phụ tùng cho từng liên doanh lắp ráp này? Ngành cơ khí và các ngành công nghiệp khác
sẵn có của ta có khả năng tham gia quá trình nội địa hóa này không? Hãng
lắp ráp xe máy VMEP đang đổ lỗi cho phía ta việc họ thực hiện nội địa chậm;
điều này có xác đáng không? Có tin nói rằng hiện nay nước ta có loại ô tô lắp
ráp dạng CKD giá thành hoặc giá bán gấp đôi giá nhập, nếu đúng như vậy, thì ý
nghĩa đích thực của liên doanh phát triển ngành công nghiệp ô tô là gì?...
Cơn sốt khu công nghiệp (KCN). Đây là một vấn đề thời sự mới. Ngày nay nhiều tỉnh đang có phong trào phát
triển khu công nghiệp. Nhiệt tình này
nên được nuôi dưỡng, nhưng đòi hỏi phải có tầm nhìn rộng và cách tiếp cận thiết
thực hơn, để tránh những lãng phí lớn đang xẩy ra, trong khi từng đồng vốn,
thước đất và thời gian lúc này là vô cùng quý báu.
Quy
hoạch sớm các khu công nghiệp để giữ chủ động trong phát triển và để có thể sử
dụng tối ưu quỹ đất đai hạn hẹp của chúng ta là việc làm cần thiết. Song điều này không có nghĩa cứ quy hoạch
xong là triển khai ngay. Việc quan trọng
hơn là đã quy hoạch xong thì cần giữ đất, không ai được xông vào xây dựng hoặc
sử dụng trái phép nữa; còn bao giờ triển khai và triển khai như thế nào, cần
được tính toán kỹ. Điều vô cùng quan
trọng là ngay từ bây giờ cần ra sức chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho sự hoạt
động của khu công nghiệp: từ cơ sở hạ
tầng, lao động, cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác, nơi ăn ở sinh sống của
những người sẽ làm việc trong khu công nghiệp, xử lý những tác động kinh tế –
xã hội ra các vùng chung quanh, vấn đề bảo vệ môi trường, các chính sách và cơ
chế thu hút đầu tư sản xuất vào trong khu công nghiệp, các cơ chế chính sách
cung cấp đầu vào cho sản xuất ở khu công nghiệp, các cơ chế chính sách tranh
thủ chuyển giao công nghệ, khả năng quản lý… Không làm được như vậy, sẽ tốn thêm
sức người, sức của, thêm bộ máy và biên chế cồng kềnh, mà vẫn khó tránh khỏi
nguy cơ nhiều khu công nghiệp trở thành bãi hoang hoặc mảnh đất cho những cuộc
lấn chiếm mới, sau này cần đến Nhà nước lại đền bù giải tỏa, lại phải đương đầu
với biết bao nhiêu cực nhọc và tiêu cực…
Nói
gọn lại, chúng ta đang ở trong tình hình có rất nhiều KCN, nhưng KCN hoạt động
tốt không biết có đếm đủ trên đầu ngón tay một bàn tay không? Việc thu hút vào KCN những ngành sản xuất ta
mong muốn lại càng khó và còn thiếu các chính sách khuyến khích phù hợp.
Nhà
nước nên có ngay cơ chế và các chính sách giúp đỡ sử dụng tối ưu các khu công
nghiệp đã được xây dựng, dù đấy là các KCN được xây dựng bằng vốn tự có hoặc
liên doanh với nước ngoài. Là chủ nhà,
chúng ta hiểu rằng để những KCN đã xây dựng còn bị bỏ trống (một phần, nhiều
phần, hoặc toàn bộ) là tổn thất và lãng phí lớn của nền kinh tế. Có thể ước đoán, tổng hợp lại hiện nay cả
nước có lẽ còn tới gần 3/4 tổng diện tích các KCN đã xây dựng bị ế chưa cho thuê được; sự lãng phí, tổn thất như vậy
rất lớn và có thể tính được bằng tiền.
Việc xuất hiện những KCN không đủ tiêu chuẩn về kết cấu hạ tầng và bảo
vệ môi trường gây ra cạnh tranh không lành mạnh và làm cho tình trạng ế này
càng trầm trọng thêm, góp phần tăng thêm sự hủy hoại môi trường, mọi hậu quả
trước mắt và sau này đất nước ta sẽ gánh chịu đầy đủ. Nhà nước và các cơ quan chính quyền nên quan
tâm xử lý tình hình này. Không phải cứ
có KCN là sẽ có công nghiệp. Hơn thế nữa
KCN cần có các chính sách giúp đỡ, thu hút doanh nghiệp trong nước vào làm ăn
bình đẳng với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Rất
nên nghĩ đến việc chọn một vùng ở quy mô vài huyện hoặc một tỉnh, có thể là ở
miền Trung, để hình thành một đặc khu kinh tế, với mọi ưu đãi đặc cách, nhằm
thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, làm trung tâm phục vụ phát triển kinh
tế miền trung và mục tiêu CNH , HĐH
của cả nước.
Những
vấn đề vừa trình bày trên chứng tỏ để phát triển một sản phẩm công nghiệp mới,
chúng ta cần dày công nghiên cứu thấu đáo nhiều mặt, phải có trách nhiệm rất
cao với từng đồng vốn của dân, của nước, phải ý thức được hết mọi hệ quả có thể
xẩy ra.
Tóm lại, muốn vận dụng quan điểm của Đảng ta
coi nội lực là quyết định, việc đầu tiên phải nghĩ đến là làm ra giá trị gia
tăng. Nội lực càng lớn, mới càng với xa
được.
- NGUỒN LỰC LỚN NHẤT VÀ VÔ GIÁ: CON
NGƯỜI VÀ THỜI GIAN
Ai
cũng biết chúng ta là một nước nghèo, đất hẹp, ít tài nguyên, dân đông. Để cạnh tranh với thiên hạ, nhân dân ta chỉ
còn cách phát huy triệt để hai thứ mạnh nhất có trong tay so với những cái yếu
khác trong nước ta là nguồn nhân lực và
thời gian- hầu như ông trời không dành cho nước ta sự lựa chọn nào khác.
Thiết
nghĩ từ này, sách giáo khoa của chúng ta cần dạy cho trẻ em mới bắt đầu cắp sách
đến trường hiểu về cái nghèo của đất nước, hun đúc trong suốt quá trình dạy dỗ
các cháu ý chí làm giàu cho đất nước; nói gay gắt hơn nữa: hun đúc từ tuổi ấu
thơ ý chí rửa nỗi nhục cái nghèo của đất nước, kế tục vẻ vang ý chí rửa nỗi
nhục mất nước của các thế hệ trước.
Đương nhiên, chúng ta còn có một số lợi thế khác, nhưng do còn nghèo,
nên những lợi thế này chưa phát huy được.
Ngoài ra, dân đông thì sức ép dân số, các vấn đề xã hội và nạn thất
nghiệp càng nặng nề.
Không
gì tốt hơn là phải mổ xẻ những bài học thành công và không thành công của 10
năm Đổi mới để tìm lối ra. Ít nhất cũng có thể rút ra từ đó một kết luận: Nhờ những chủ trường chính sách đúng xây dựng
được trong thời kỳ Đổi mới, nhân dân ta bằng những thứ lạc hậu có trong tay đã làm được một số việc đáng
kể. Không có cách nào hơn là phải đi
nhanh và giành lấy những tiến bộ lớn hơn trên con đường Đổi mới.
Tuy
nhiên, muốn phát huy nguồn nhân lực của nước ta và yếu tố thời gian thành lợi
thế so sánh lớn nhất, đòi hỏi phải tiếp cận vấn để ở một số khía cạnh mới và có
thêm những nỗ lực mới.
a) Xin bàn trước yếu tố thời gian
Công
nghiệp hóa một quốc gia không phải là việc làm xong trong một sáng một
chiều. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra mục
tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào khoảng năm 2020. Đó là khoảng thời gian thích hợp, với điều
kiện cả nước phấn đấu giỏi; kéo dài ra nữa là mất cơ hội và phải trả giá đắt
hơn, vì khoảng cách phát triển so với thế giới bên ngoài sẽ quá lớn. Trên thế giới đã có khoảng trên 10 nước làm
nên sự nghiệp này trong vòng 3 thập kỷ.
Còn lại hơn 130 nước đang phát triển vẫn phải tiếp tục đánh vật với
nghèo nàn và lạc hậu từ 3-4 thập kỷ nay mà vẫn chưa có lối thoát. Nước ta nhất thiết phải làm mọi việc để bứt
ra khỏi số phận này.
Vấn
đề đặt ra là sử dụng 2-3 thập kỷ vàng ngọc này thế nào là tối ưu nhất?
Để
trả lời câu hỏi này, tôi thử tưởng tượng ra một vài con đường khác nhau để so
sánh.
Nếu
đi thẳng ngay vào những ngành công nghiệp nặng, chúng ta phải vận dụng toàn
những mặt yếu của mình về: vốn, công
nghệ, khả năng quản lý, kết cấu hạ tầng, dịch vụ…; sản phẩm có nguy cơ bị tụt
hậu ngay từ lúc xuất xưởng đầu tiên, phần thua hầu như cầm chắc trong tay. Tổng kết kinh nghiệm phát triển công nghiệp ở
miền Bắc từ năm 1954 có thể đem lại cho chúng ta nhiều điều bổ ích.
Vậy
nên chăng dùng hai, ba thập kỷ tới này chủ yếu vào mục tiêu ưu tiên cao nhất là
tạo vốn ban đầu, nhờ đó mới có điều
kiện phát triển nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển, hoàn
thiện và tập dượt thuần thục những thể chế cần thiết cho một quốc gia công
nghiệp, phát triển công nghệ- bao gồm cả quản lý và kỹ năng kinh doanh, chuẩn
bị mọi mặt để tạo ra sự phát triển đi tắt, đón đầu có ý nghĩa chiến lược.
Đặt
ra mục tiêu ưu tiên hàng đầu như vậy- dựa vào kinh nghiệm 10 năm Đổi mới vừa
qua, có rất nhiều sản phẩm chúng ta có thể làm được theo tinh thần tạo ra giá trị
gia tăng như đã nói ở trên. Cách đây 10
năm, chắc ít người trong chúng ta có thể hình dung được công nghiệp của nước ta
tham gia vào xuất khẩu với mức độ như hiện nay- nhờ những kẽ lách. Lúc đó có nằm mơ
cũng không dám nghĩ đến nước ta có thể xuất khẩu được khối lượng hàng may mặc,
máy xay xát gạo và một số mặt hàng cơ khí nhỏ khác, vân vân…
Trong
quá trình thực hiện mục tiêu ưu tiên này, phải tranh thủ đầu tư nước ngoài và
mọi cơ hội thực hiện những bước “nhảy cóc”-
theo cách nói của giáo sư Đặng Hữu – vào những kẽ lách có công nghệ cao – như
những mô hình các ngành bưu điện, hàng không, tin học, may mặc giầy da… đã làm
trong những năm vừa qua. Trò chơi nhảy
cóc này phải lặp đi lặp lại, tiếp diễn liên tục, trí tuệ và lực tích tụ
được đến đâu, tiếp tục nhảy cóc đến
đó, cho tới lúc nước ta đạt được mục tiêu công nghiệp hóa.
Cũng
có thể tạm đặt tên quá trình nói trên là kịch
bản thực hiện công nghiệp hóa bằng nhiều bước nhỏ trên nhiều hướng để lách vào
những thị trường trên thế giới có lợi cho ta nhất, để trong thời gian lịch sử
ngắn nhất có thể tích tụ đủ vốn con người và lực đi thẳng vào hiện đại.
Kịch
bản này đòi hỏi nhất thiết phải bám sát xu thế phát triển cơ cấu và toàn cầu
hóa của tổng thể kinh tế thế giới- nghĩa là không sa đà vào những sản phẩm kém
lợi thế so sánh như đã nói trên, bản thân nền kinh tế nước ta phải tự tạo ra
được một cơ cấu linh hoạt luôn luôn
cho phép thực hiện những bước nhảy có
như vậy. Con đường tạo vốn ban đầu như vậy có thể là con đường ngắn nhất, nhưng gian khổ, đòi hỏi nhiều nhất ý chí và
năng lực điều hành vĩ mô. Con đường này tuy hiện thực, song lại chứa đựng nhiều
nguy cơ: tản mạn, trùng lặp, chồng chéo, thậm chí nếu thiếu kỷ cương có thể dễ bị rối loạn, dễ sa lầy vào bãi thải
công nghiệp ở dạng này dạng khác. Tất cả
phụ thuộc vào khả năng làm chủ tình hình ở tầm vỹ mô của Nhà nước; sản phẩm nào
đến lúc nào thì phải dừng, sản phẩm kết tiếp cần lựa chọn, các bước đi chuẩn bị
và kế hoạch thực hiện sự chuyển dịch sang sản phẩm kế tiếp… Ví dụ như vấn
đề thay đổi mặt hàng gạo xuất khẩu nêu trong phần III .1.
Có lẽ không có con đường đi tắt đi thẳng vào hiện đại. Nhưng có nhiều con đường ngắn nhất khác nhau tạo điều kiện cho phép đi thẳng vào
hiện đại, tùy thuộc vào chiến lược chúng ta định lựa chọn. Con đường tạo điều kiện này có lẽ là nội dung
đích thực của ý tưởng đi tắt, đón đầu nêu
trong các nghị quyết của Đảng ta.
Theo
hướng suy nghĩ này, có lẽ đã đến lúc cần định nghĩa rõ hơn nữa khái niệm Đảng
ta đưa ra về sản phẩm mũi nhọn của
nền kinh tế khai thác lợi thế so sánh.
Tính bất biến của sản phẩm này
là: thông qua giá trị gia tăng tạo ra
được, nó phải mang lại khối lượng giá trị thu nhập quốc dân tuyệt đối lớn nhất
cho toàn bộ nền kinh tế. Tính khả biến của nó là: sản phẩm luôn thay đổi từng thời kỳ theo đòi
hỏi của thị trường và theo khả năng đáp ứng tốt nhất của nền kinh tế nước
ta. Sản phẩm mũi nhọn có thể có hàm
lượng ngày càng cao về công nghệ, tùy theo sự phát triển nền kinh tế đạt được,
nhưng nó không nhất thiết luôn luôn đồng nghĩa với sản phẩm có hàm lượng công
nghệ cao.
Tóm
lại, về nhiều mặt yếu tố thời gian là rất quan trọng đối với vận mệnh đất nước,
nó chứa đựng những điều kiện và thời cơ cho phép nước ta đi nhanh trên con
đường CNH , HĐH. Quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tận
dụng thời cơ đang cho phép nước ta mở cửa đi vào mọi thị trường trên thế giới,
với chiến lước phát triển đúng đắn cho những thập kỷ sắp tới, cả nước phấn đấu
với tinh thần một ngày làm việc bằng hai, lẽ nào đất nước ta lại không ra khỏi
nghèo nàn lạc hậu và thu hẹp được khoảng cách phát triển so với thiên hạ?
b) Người là vốn quý nhất
Nghị
quyết Đại hội VIII nêu rõ: Lấy việc phát
huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Dựa vào
quan điểm nói trên, tôi xin nhấn mạnh: Người
là vốn quý nhất. Điều này vô cùng quan trọng, tuy nghe có thể quá nhàm.
Trong quá trình phát triển của bất kỳ quốc gia nào, sự thật là thường xuyên có
nguy cơ không đánh giá đúng mức con người là yếu tố quyết định, chứ không có
nguy cơ quá để cao yếu tố con ngưòi. Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa của
nền kinh tế thế giới, yếu tố con người trong mỗi quốc gia cần phải được coi
trọng hơn nữa.
Ngày
nay giao lưu tiền tệ, phát triển thương mại, tiến bộ của công nghệ và khoa học
kỹ thuật đang đặt ra một thách thức lớn đối với mọi quốc gia:
Cấu trúc kinh tế thế giới thường xuyên thay
đổi với tốc độ ngày một nhanh hơn, kinh tế của một nước làm sao xử lý được tối
ưu nhất thách thức này?
Trả
lời: Yếu
tố quyết định là con người.
Điều này thực sự là cơ hội để nước ta tìm
đường đuổi kịp các nước đi trước.
Như đã
phân tích trong các phần trên: vốn, công
nghệ, nguyên liệu trong kinh tế thế giới ngày nay không còn là những vấn đề nan
giải nữa, thậm chí có thể nói là không thiếu đối với ai và đối với bất kỳ nước
nào biết sử dụng chúng tối ưu và đem lại nhiều lợi nhuận nhất.
Chúng
ta hãy quan sát: các thống kê của nhiều
tổ chức quốc tế – kể cả của Liên Hiệp Quốc- hàng chục năm nay cho thấy 3/4 FDI
trên toàn thế giới vẫn đổ vào các nước công nghiệp phát triển, song những nước
này đâu có thiếu vốn? Khoảng 3/4 của số FDI còn lại này rót vào gần 20 nước
đang phát triển có nền kinh tế năng động. Nghĩa là chỉ còn 1/16 vốn FDI trên
thế giới rót vào hơn 100 các nước đang phát triển còn lại. Thực tiễn này chứng
minh: Biết dùng vốn thì không bao giờ
thiếu vốn, nguyên liệu, công nghệ và thị trường. Ai làm được việc này? Trước
hết đó là con người.
Làm thế
nào thích ứng được với chuyển dịch cơ cấu đang diễn ra quá nhanh trong kinh tế
thế giới?
Ngày
nay, trong khi bàn tính những biện pháp tháo gỡ nguy cơ sụp đổ của đồng Baht,
một số nhà kinh tế Thái Lan cho rằng đang lúc đồng Baht mất giá cần phải nâng
cao cạnh tranh đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa, để cố chuyển bại thành thắng. Muốn
thế phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng về xuất
khẩu, mức độ đạt được hiện nay chưa đủ.
Nếu nhìn vào các ngành ô tô, thép, bất động sản… như đã nói ở trên, thì
còn phải nói đấy là những mất cân đối lớn. Các nhà phân tích này cho rằng Thái
đã say sưa hơi lâu với những lợi thế trước đây của mình – thật ra phải kể đến
cả những “may mắn” riêng của Thái
nữa- và nền kinh tế thực sự quá cơ hội,
sống quá mức của cải nó làm ra. Họ thấy sự tháo gỡ này có nhiều trở lực, như
chính phủ luôn luôn không ổn định, chênh lệch giàu nghèo quá lớn, giao thông
ách tắc và ô nhiễm môi trường nặng nề…, song – cũng theo những nhà kinh tế Thái
này-, trở lực lớn nhất là từ nhiều năm nay việc đào tạo nguồn nhân lực ở Thái
không được chú trọng đúng mức, và hiện nay có sự hẫng hụt lớn về công nhân và
cán bộ kỹ thuật lành nghề, nhà khoa học và nhà quản lý giỏi. Nghĩa là họ kêu
thiếu người, bao gồm cả thiếu chất
xám xây dựng một chiến lược mới phù hợp. (Tham khảo phụ lục 3)
Khi
hệ thống Bretton Woods sụp đổ đầu thập kỷ 1970, trên thế giới hàng ngày khối
lượng mua bán tiền tệ lớn gấp 10 lần khối lượng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn
thế giới. Ngày nay tỷ lệ này là 70 lần hoặc hơn nữa, gây ra biết bao nhiêu biến
động đối với mọi quốc gia- tiêu biểu là cuộc khủng hoảng thị trường tiền tệ
đang lây lan khắp nơi. Vốn từ công ty, tập đoàn này tùy theo cơ hội lỗ – lãi hoặc những nguyên nhân khác
rất đa dạng có thể trong khoảnh khắc chạy sang công ty và tập đoàn khác, từ
nước này chạy sang nước khác, thông qua một cú điện thoại hoặc một lệnh gõ trên
bàn phím máy vi tính nối với internet. Các
vấn đề như dao động thị trường vốn, đầu cơ tiền tệ, biến động tỷ giá… ở quy mô
thế giới hàng ngày hàng giờ tác động tích cực hoặc tiêu cực, trực tiếp hoặc
gián tiếp vào từng sản phẩm hoặc từng hoạt động kinh doanh của mỗi quốc gia.
Xin
nêu ra hai ví dụ dưới đây để minh họa.
Ví dụ 1:
Hiện nay nhiều nước chung quanh ta đang lo đối phó với khủng hoảng tài
chính tiền tệ. Tình hình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến kinh tế nước
ta trên nhiều phương diện. Ngay trước
mắt, đồng tiền của họ mất giá, làm cho nước ta phải cạnh tranh khó khăn hơn
trong xuất khẩu, trong thu hút đầu tư nước ngoài…, bởi vì hàng xuất khẩu và chi
phí sản xuất trong nước ta đột nhiên tăng lên so với tỷ giá mới của đồng tiền
những nước này. Trong trường hợp tỷ giá
của đồng tiền nước ta cao hơn giá trị thực tế, tình hình này sẽ còn phức tạp
hơn. Nếu chúng ta neo cố định tỷ giá của
đồng tiền nước ta, sự thua thiệt trong xuất khẩu và trong thu hút đầu tư nước
ngoài, cũng như sự thua thiệt trên nhiều phương diện khác sẽ không nhỏ (trong
các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thanh toán quốc tế…, dự trữ ngoại tệ sẽ bị tổn
hao, hàng hóa trong nước yêu cầu bảo hộ gắt gao hơn, buôn lậu tăng lên…) thậm
chí có nguy cơ gây ra đình đốn cho nền kinh tế nước ta. Nếu chúng ta giảm giá trị đồng tiền Việt Nam
để khắc phục tình trạng này và để tạo thêm khả năng cạnh tranh, thì các khoản
nợ nước ngoài và nợ do nhập siêu sẽ tăng thêm gánh nặng mới, chi phí sản xuất
trong nước có thể cũng sẽ tăng theo so với tỷ giá cũ, lạm phát có nguy cơ leo
thang ….
Bài
toàn vĩ mô được đặt ra là phải làm mọi việc tạo ra cho được cái lợi mới lớn hơn cái thiệt mới do
việc buộc phải thay đổi tỷ giá đồng tiền Việt nam gây ra.
Đại thể
là: Phải hạ giá thành và nâng cao chất
lượng sản phẩm, phải mở được mặt hàng mới và thị trường mới, có các chính sách
thu hút tốt hơn đầu tư nước ngoài, phải cắt giảm chi tiêu, phải sử dụng có hiệu
quả hơn từng đồng vốn trong nước và nước ngoài có trong tay….
Ví dụ 2:
Do ký kết được hiệp định khung về hợp tác kinh tế với Liên minh Châu Âu
(EU), tham gia Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC), sắp tới nước ta
sẽ tham gia Tổ chức Thương mại Quốc Tế (WTO), xuất khẩu của nước ta có khả năng
ngày càng mở ra nhiều thị trường mới.
Hiện trạng bi quan của tình hình tài chính tiền tệ các nền kinh tế Đông
Á và Đông Nam Á đang đặt ra yêu cầu phục hồi sự phát triển năng động của khu
vực này…
Song
thuận lợi và thời cơ mới này có ý nghĩa gì nếu sản phẩm của chúng ta không cạnh
tranh được về chất lượng và giá cả, hoặc chúng ta không có đủ hàng và những mặt
hàng mới để nâng cao kim ngạch xuất khẩu?
Để xử lý những yêu cầu mới này, có biết bao nhiêu vấn đề kinh tế vĩ mô
và vi mô phải được giải quyết thỏa đáng, hệ thống bộ máy nhà nước và toàn bộ
đời sống xã hội của đất nước cũng phải vươn lên theo kịp những yêu cầu mới.
-
Lấy cái gì
để có thể đem ra đối phó có hiệu quả nhất với những vấn đề xuất hiện trong hai
ví dụ nêu trên?
-
Trả lời:
trước hết là trí tuệ và chất lượng lao động của con người-cụ thể ở đây
là các nhà hoạch định chính sách, các nhà tài chính, tiền tệ, các giám đốc, các
doanh nhân, các nhà khoa học và công nghệ, những người lao động chuyên nghiệp
hoặc không chuyên nghiệp… Nếu ở tầm vĩ mô
cũng như ở tầm hoạt động và sản xuất trực tiếp, nguồn nhân lực của nước ta
thiếu đội ngũ tinh nhuệ và lực lượng lao động có chất lượng, việc ứng phó với
những chấn động của kinh tế thế giới sẽ trở nên nguy hiểm, và mọi cơ hội đất
nước có thể tranh thủ được cũng giảm ý nghĩa.
Xin lưu
ý, tất cả các nước công nghiệp phát triển trên thế giới đều coi phát triển nguồn
nhân lực là một trong những yếu tố cạnh tranh quyết định nhất đối với họ trong
cuộc chạy đua và thế kỷ XXI, ưu tiên tập trung vào sản phẩm chiến lược: trí tuệ.
Chúng ta có đủ cơ sở chắc chắn để tin rằng con người, hay nói chung là nguồn nhân
lực có chất cao, luôn luôn là yếu tố hàng đầu tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu linh
hoạt và thích hợp trong quá trình kinh tế toàn cầu hóa. Đó là yếu tố hàng đầu
để đuổi kịp, đi tắt, đón đầu…
Hiện
nay, dù ta còn nghèo, nhưng với tinh thần lấy
ngắn nuôi dài, hoàn toàn có thể huy động được vốn đầu tư cho phát triển
nguồn nhân lực của nước ta (trước hết là việc làm, giáo dục, y tế, các dịch vụ
xã hội khác….). Có con người với chất lượng cao, có mưu lược cao, nói rộng hơn
nữa có nhân dân với dân trí cao, Tổ quốc chúng ta sẽ có tất cả, trong tương lai
càng như vậy.
Căn cứ
vào thành tựu giáo dục, y tế, tuổi thọ trung bình của dân…, kết quả nghiên cứu
năm 1996 của một số tổ chức quốc tế xếp nước ta đứng thứ 121/175 nước trên thế
giới về phát triển con người, một vị trí không phải thấp đối với một nước
nghèo. Hầu hết thời gian đào tạo nghề
cho công nhân của ta trong các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài đều thực
hiện đúng hoặc rút ngắn từ 1/4 đến 1/2 so với dự kiến, đạt chất lượng đào tạo
đôi khi bất ngờ đối với chuyên gia nước ngoài. Chúng ta có chưa nhiều, nhưng
không hiếm lắm, những nhà khoa học tự nhiên, công nghệ, những nhà kinh tế giỏi,
chiếm giữ những vị trí khá cao trong một số tập đoàn kinh tế lớn hoặc tổ chức
nghiên cứu của các nước phát triển…
Đồng
thời cần thấy những yếu kém của chúng ta trong lĩnh vực phát triển con người
cũng không phải là ít. Ví dụ, về tỷ lệ
trẻ em suy dinh dưỡng nước ta xếp thứ 5 từ dưới lên. Chúng ta còn thiếu nhiều
nhà quản lý, kinh doanh giỏi. Còn thiếu
nhiều chính sách, biện pháp phát huy tối đa tiềm năng con người và trọng dụng
nhân tài. Đời sống kinh tế, xã hội còn
nhiều tập quán của một nền kinh tế phân tán, manh mún, còn vương vất những dấu
vết xã hội phong kiến, còn nhiều yếu kém hoặc thiếu kinh nghiệm trong xây dựng
cộng đồng làm ăn kinh tế… Quan trọng hơn cả là tầm nhìn của chúng ta về yêu cầu
phát triển con người và về phát huy sức mạnh dân tộc Việt nam trong tình hình
mới của đất nước và trên thế giới còn nhiều hạn chế.
Tuy
nhiên, lựa chọn chiến lược phát triển lấy
con người làm trung tâm, chúng ta không đến nỗi phải bắt tay vào việc từ
con số không. Khắc phục được những yếu kém còn tồn tại, chúng ta sẽ khai phá
được sớm nhất con đường đi lên để trở thành một quốc gia hiện đại.
c) Còn một lý do nữa
Vào
những năm đầu thập kỷ này, khi bàn các giải pháp vấn đề Campuchia, tôi kiến
nghị làm cho nước ta trở thành một cầu
nối của giao lưu các mối quan hệ mọi mặt giữa các nước trong khu vực Đông
Nam Á. Đó cũng là phương sách tăng cường
hiểu biết lẫn nhau, giữ hòa bình, ổn định và hữu nghị lâu dài, hợp tác và cùng
nhau phát triển. Phải chăng “cầu nối” là
phương sách thực hiện quan điểm chiến lược của Đảng ta “Việt nam là bạn của các
quốc gia, vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác và phát triển”?
Ý tưởng
này trước hết dựa vào vị trí địa lý chính trị và địa lý kinh tế của nước ta, trước hết là con người và nền văn hóa Việt
nam - nhất là nước ta có nhiều khả năng mở rộng những quan hệ kinh tế mật
thiết với Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Tây nam Trung Quốc - đấy là một vùng
rộng lớn không có biển, yêu cầu phát triển của vùng này rất lớn, giao lưu hàng
hóa của vùng – vào và ra - đi qua
nước ta là thuận lợi nhất. Giả sử nước
ta có thể cung ứng được mọi dịch vụ cần thiết và trở thành cầu nối, thành cửa
ngõ của vùng này đi ra thế giới bên ngoài, tình hình phát triển nước ta và vùng
này sẽ như thế nào?
Một vấn
đề tất yếu vừa mang tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài là
phải đẩy mạnh nền kinh tế nước ta hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa. Ý
tưởng chiến lược cầu nối sẽ đặt nước
ta, khu vực và thế giới vào một tổng thể, trong đó nước ta có thể có những điều
kiện lý tưởng phát huy tính chủ động của mình tham gia vào cuộc chơi chung của
sự vận dộng trong kinh tế thế giới. Phải
chăng đây có thể là cách làm, là chỗ đứng và là nội dung của sự hội nhập có lợi
nhất mà chúng ta có thể lựa chọn, một sự hội nhập cho phép nước ta đóng một vai
trò nào đó, chứ không phải chỉ là việc sắm vai một nhạc công tham gia biểu diễn
giao hưởng dưới que chỉ huy của một nhạc trưởng nào đó.
Ngày
nay quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có những bước phát triển mới rất quan trọng,
nước ta đã trở thành thành viên ASEAN và tham gia vào hợp tác tiểu vùng Mekong,
ASEAN 6 đã trở thành ASEAN 9 và trong tương lai không xa là ASEAN 10. Cùng với
sự triển khai của AFTA các mối quan hệ kinh tế trong khu vực sẽ ngày càng năng
động. Thiết nghĩ ý tưởng cầu nối trong chiến lược công nghiệp hóa của đất nước
ta ngày nay đứng trước những triển vọng đầy hứa hẹn, do đó cần được xới lại để
cân nhắc… Song ý tưởng cầu nối cũng
đề ra những đòi hỏi gắt gao về sự
vững mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị đất nước, trước hết là hệ thống luật
pháp nhà nước cũng như sự giác ngộ chính trị cao, trí tuệ và kỹ năng lao động
của từng công dân. Thiếu những yếu tố
này, cầu nối chỉ có thể trở thành những
khu tam giác vàng, tam giác đen lũng
đoạn đất nước như đã và đang xảy ra ở một số nơi trên thế giới.
Nếu
định lựa chọn một chiến lược phát triển và hội nhập với ý tưởng cầu nối thì mọi việc phải chuẩn bị và
xúc tiến ngay từ bây giờ.
Còn một
khía cạnh nữa.
Vào
những năm của thập kỷ 2020, chắc chắn kinh tế nguyên liệu, kinh tế các sản phẩm
thô, sơ chế và hàm lượng công nghệ thấp càng mất lợi thế so với các sản phẩm
dịch vụ đòi hỏi nhiều chất xám. Kinh tế thế giới lúc đó chắc chắn có những nhu
cầu mới và sản phẩm mới theo tinh thần là một quá trình phá hoại sáng tạo không ngừng như đã trình bày trong phần
đầu của tài liệu này. Các nước công nghiệp phát triển hiện nay chỉ có khoảng
4-5% lao động làm nông nghiệp, 15-20% làm công nghiệp, còn lại làm việc trong
khu vực dịch vụ, tất cả những lĩnh vực này đều đòi hỏi chất xám ngày càng cao.
Với cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực của họ như vậy, họ lại sẽ là những nước
tạo ra được cơ cấu kinh tế mới bám sát bước đi của kinh tế thế giới.
Trong khi toàn thế giới đang tiến vào nền
văn minh trí tuệ, sự phát triển của kinh tế thế giới ngày càng dựa trên sự phát
triển của xã hội thông tin, là nước đi sau như Việt nam, việc sử dụng thời gian
bắt buộc phải có cho công nghiệp hóa cũng như nội dung của chiến lược CNH đều phải
nhằm vào mục tiêu chiến lược là phát triển con người theo ý tưởng nói trên (Phần IV.3.b) có lẽ đấy là chìa khóa để
chúng ta thực hiện được chiến lược đuổi kịp mà toàn Đảng toàn dân ta đang mong
muốn.
- VẤN ĐỀ THAY THẾ NHẬP KHẨU VÀ VẤN ĐỀ
HƯỚNG VỀ XUẤT KHẨU
Báo
cáo chính trị tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1 năm 1994) rút ra kết luận quan trọng:
“Kiên trì chiến lược hướng mạnh về xuất
khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu
quả, phát huy lợi thế so sánh của cả nước cũng như từng vùng, từng ngành, từng
lĩnh vực. Trong từng thời kỳ không ngừng nâng cao sức cạnh tranh trên thị
trường trong nước, thị trường khu vực và thị trường quốc tế.”
Nghị
quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng CSVN tiếp tục khẳng định quan
điểm này. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên đang được hiểu và làm rất khác
nhau, và thực tiễn hiện nay chúng ta đang phải mặt đối mặt là: thay thế nhập
khẩu có xu hướng áp đảo, đồng thời không ít sản phẩm của ta bị thua ngay trên
thị trường trong nước, kiểm soát hàng nhập lậu kém hiệu quả. Vận dụng lợi thế
so sánh đòi hỏi phải nhìn nhận vấn đề này rõ và thống nhất hơn.
Xem
xét cơ cấu hàng nhập khẩu, dù rằng được
biện hộ là tỷ trọng hàng tiêu dùng thấp dưới mức Nhà nước cho phép, song
chủ yếu vẫn là phục vụ sản xuất thay thế nhập khẩu – đã dẫn tới nhập siêu các
năm 1996 và 1997 ở mức báo động. Xem xét cơ cấu thu hút đầu tư trực tiếp của
nước ngoài (FDI) trong nhiều năm, xu hướng thay thế nhập khẩu cũng khá đậm nét.
Trong 5 năm vừa qua 75% vốn FDI đã thực hiện chủ yếu hướng vào thị trường trong
nước, chúng ta đang cố gắng thay đổi xu thế này (nguồn: UNIDO và SDI, Hà Nội 11-1997). Hiện nay FDI vừa chậm, vừa
chưa có sự chuyển hướng đáng chú ý nào sang đẩy mạnh xuất khẩu.
Còn
phải kể đến những hiện tượng có thể do tính toán sai, nên dẫn tới tình trạng
làm trầm trọng thêm sản xuất thay thế nhập khẩu. Ví dụ như sản xuất trùng lặp
của nhiều ngành và nhiều địa phương, chất lượng và giá thành không cạnh tranh
được trên thị trường… Điển hình là cả nước ta có trên 40 cơ sở lắp ráp tivi,
sản xuất khoảng trên 2 triệu cái/ năm, nhưng tiêu thụ được khoảng 60 – 70 nghìn
cái/ năm. Phát triển tiếp tục theo cách này, chắc chắn là đổ vỡ. Nỗi đau này
không phải của riêng ta, mà là của hầu hết các nước đang phát triển đang tìm
đường đi lên. Trung Quốc những năm vừa qua cũng đau đầu vì tình trạng mỗi năm
sản xuất 16 triệu tủ lạnh, nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 4 triệu; sản xuất
được 24 triệu tivi màu, nhưng chỉ tiêu thụ được khoảng 8 triệu…, chủ yếu là bán
cho thị trường trong nước, gần đây họ có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng
này.
Còn
một ví dụ nữa đáng xem xét về sản xuất thay thế nhập khẩu: Trung Quốc có gần
100 xí nghiệp sản xuất ô tô với tổng công suất khoảng 1,5 triệu ô tô/ năm –
nghĩa là không bằng công suất của 1 tập đoàn sản xuất ô tô lớn như của Mỹ hoặc
của Nhật, hoàn toàn để tiêu thụ trong nước. Nhưng thị trường nội địa Trung Quốc
mênh mông, nên bản chất của vấn đề này lại khác so với Thái Lan. Sắp tới, càng
đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác, Trung Quốc càng phải mở cửa thị trường
nước mình và thực hiện nguyên tắc có đi
có lại, nhất là một khi việc gia nhập WTO được hoàn tất. Đến lúc đó Trung
Quốc cũng sẽ rất khó đóng cửa chặn ô tô nhập ngoại, kể cả bằng những biện pháp
phi quan thuế. Cạnh tranh về giá thành và chất lượng sẽ trở thành đại sự. Lãnh
đạo ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã ý thức được khá sớm nguy cơ này, nên
từ vài năm nay đã dành những ưu tiên khó tưởng tượng nổi, để kéo bằng được
những tập đoàn ô tô lớn nhất của Mỹ, Nhật và Đức vào Trung Quốc, với mục đích
chính là tăng khả năng cạnh tranh của ô tô Trung Quốc ngay trong thị trường nội
địa. Các nhãn hiệu như Daewoo, Hyundai… không được Trung Quốc quan tâm lắm.
Từ
ví dụ ô tô Trung Quốc, tôi muốn nhấn mạnh: Kể cả sản xuất thay thế nhập khẩu
cũng phải cạnh tranh được với giá cả thị trường thế giới, nếu chưa thực hiện
ngay được, thì phải thực hiện từng bước. Đối với nước tại thời điểm năm 2003 để
thực hiện AFTA và các lịch trình khác đi vào WTO, APEC … không còn dài nữa, mà
những việc ta phải làm để nâng cao khả năng cạnh tranh và hạ thấp hàng rào quan
thuế thì bề bộn như núi và đầy thách thức.
- VẤN ĐỀ CÂY MÍA
Tôi
chọn cây mía để trình bày thêm một số khía cạnh khác về phương pháp luận nhất
thiết cần xem xét trong quá trình lựa chọn sản phẩm theo tinh thần vận dụng lợi
thế so sánh.
Hiện
nay trong giới nghiên cứu kinh tế nước ta có 2 ý kiến gần như ngược nhau: nhập
đường, hay tự sản xuất thay thế nhập khẩu. Nguyên nhân của tranh luận là:
-
Ý kiến nhập
đường: giá đường nhập rẻ hơn giá sản xuất trong nước đến 30 – 50% tuỳ tình
hình thị trường, cần bảo hộ lợi ích người tiêu dùng trong cả nước; đầu tư nước
ngoài sở dĩ vào sản xuất đường tại Việt Nam chủ yếu là họ trông mong vào tiêu
thụ tại thị trường Việt Nam.
-
Ý kiến bác bỏ: đất
đai nhiều vùng chỉ hợp với cây mía, cần thoát thế độc canh và giúp nông dân
những vùng này xoá đói giảm nghèo.
Trước
hết cần thấy rằng cung và cầu về đường trên thế giới là ổn định và còn ổn định
một thời gian dài, vì phần cung lớn hơn cầu, hơn nữa đây không thể là mặt hàng
có khả năng tăng đột ngột nhu cầu tiêu thụ, (ví dụ: nếu bạn giàu có thêm một ít
thì cũng không thể nào ăn 2 – 3 kg đường trong một tháng). Một thực tế quan
trọng nữa là những quốc gia xuất khẩu đường trên thế giới phần lớn là những
nước có nền nông nghiệp phát triển cao; vì nhiều lý do – trong đó có lý do quy
mô sản xuất lớn thì giá thành mới hạ - giá đường xuất khẩu của những nước này
thường thấp hơn giá tiêu thụ trong nước họ, nghĩa là đường xuất khẩu của họ
thường được bù lỗ từ các nguồn khác nhau. Bù lỗ cho nông phẩm xuất khẩu là
chuyện đương nhiên trong các nước công nghiệp phát triển và thường là một
nguyên do quan trọng gây mâu thuẫn giữa những nước này trong xuất khẩu nông
phẩm.
Vậy nên
xem xét cây mía của chúng ta như thế nào?
Hiện
nay còn thiếu những tính toán thấy đáo, nhiều nơi chưa có đủ công suất sản xuất
đường, nhưng đã trồng mía ào ạt, nông dân thua thiệt lớn, những cơ quan quản lý
hữu quan phải chịu trách nhiệm nhất định.
Công
nghệ của phần lớn các cơ sở sản xuất đường ở nước ta hiện nay rất lạc hậu, cơ
chế quản lý kinh tế có nhiều yếu kém, nên giá thành cao là không thể tránh
khỏi. Trong cả nước hiện có mô hình sản xuất đường ở Khánh Hoà và Hiệp hội sản
xuất đường Lam Sơn (Thanh Hoá) có khả năng vượt được những khó khăn kể trên.
Các mô hình này thực hiện được liên doanh giữa quốc doanh và các thành phần
kinh tế khác, đồng thời vận dụng được nhiều hình thức kinh doanh sáng tạo, nhờ
đó có thể cải tiến công nghệ và hạ giá thành. Theo báo cáo, những cơ sở này
hiện nay có lãi so với giá tiêu thụ trong nước – tôi hiểu là lãi so với giá
đường nhập khẩu đã chịu thuế.
Vấn đề
đặt ra là:
-
Khi
AFTA có hiệu lực thì sao?
-
Nếu
mô hình Lam Sơn làm tốt, có thể có lãi hoặc lỗ một chút, nhưng giúp được nông
dân nhiều vùng xoá đói giảm nghèo thì có nên thực hiện không ? Cần thiết
thì có thể dành một số ưu đãi đặc biệt (thuế, vốn …) và điều tiết một chút từ
các sản phẩm khác cho mục đích này được không ? Còn hơn là thực hiện cứu
tế ?
Thực tế nói trên đòi hỏi phải sớm có những công trình nghiên cứu khách quan và quyết định vĩ mô đúng đắn,
chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, không thể quyết định một cách vội vã hoặc cảm tính.
Nếu tính toán các mặt, kể cả những vấn đề
như đa dạng cơ cấu nông nghiệp, tạo ngành nghề và việc làm mới trong nông thôn,
xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường…, và đi tới kết luận có thể trồng mía để
sản xuất đường thay thế nhập khẩu, dù rằng phải thực hiện một số biện pháp bảo
hộ và điều tiết cần thiết, thì kiên quyết có kế hoạch thực hiện chương trình
này.
Nhân
đây cũng xin lưu ý rằng thực hiện sự bảo hộ cần thiết và đồng thời luôn luôn
nâng cao khả năng cạnh tranh là hai yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi mỗi quốc gia phải
làm tốt trong quá trình tham gia vào nền kinh tế toàn cầu hoá.
Nói chung, nhà nước có nghĩa vụ giúp nông
dân có thông tin và được hướng dẫn về thị trường để họ bớt lâm vào tình trạng
nay chặt cây điều, mai chặt cây nhãn, cà chua bỏ thối ngoài ruộng, tránh những
tổn thất có thể tránh được… Trong nông nghiệp và trong nhiều ngành nghề thủ
công, tiểu công nghiệp… chắc còn nhiều vấn đề tương tự như cây mía phải cân
nhắc thấu đáo, nên bỏ sản phẩm nào, nên hỗ trợ sản phẩm nào, cách thực hiện… Vì
làm nhẹ bớt được những vấn đề xã hội bức xúc cũng là một yêu cầu không thể
thiếu được trong vận dụng lợi thế so sánh. Cũng giống như trong y tế : phòng
bệnh thường có hiệu quả và rẻ hơn chữa bệnh.
Có lẽ đây còn là một vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội, thể hiện trách nhiệm đối với
dân của chế độ chính trị nước ta, là công
việc đích thực của các cơ quan quản lý nhà nước (chứ không phải là việc
tham gia vào sản xuất kinh doanh như một số cơ quan thường hay thích thú làm). Song giới hạn giải quyết những vấn đề này
vẫn phải là : không được giảm mà phải tiếp tục tăng sức cạnh tranh của nền
kinh tế cả nước.
Còn muốn nghĩ đến việc xuất khẩu đường
trong tương lai thì phải cân nhắc hết sức cẩn trọng.
Trong nền nông nghiệp nước ta, những ví dụ
như cây mía nhiều lắm. Với trình độ chăn nuôi hiện nay, giá thành sữa tươi sản
xuất trong nước tính toán xít xao sẽ thấy cao hơn giá nguyên liệu bột sữa nhập
ngoại để chế biến các sản phẩm sữa. Xử lý bài toán này thế nào ? Tiềm năng
về phát triển chăn nuôi, sản xuất các loại nông phẩm sạch, rau quả sạch, thực
phẩm sạch của nước ta không nhỏ. Nếu phát triển mạnh được những sản phẩm này,
sẽ tháo gỡ được nhiều bế tắc và mở ra nhiều khả năng đầy hứa hẹn cho nông
nghiệp và nông thôn Việt Nam. Song muốn đạt mục đích này, trước hết phải nghiên
cứu, phác thảo kế hoạch và bước đi giải quyết hàng loạt vấn đề: thị trường tiêu
thụ trong nước và nước ngoài, vốn, công nghệ sản xuất và chế biến, các loại
dịch vụ và thương mại, cơ chế và các chính sách hỗ trợ… Nhiều cây công nghiệp
của nước ta đã bắt đầu phát huy ưu thế, nay có thể bổ sung thêm cây bông…
Những loại vấn đề nêu trên rất đáng là đối
tượng cho các công trình nghiên cứu khoa học trên mọi lĩnh vực : khoa học
tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội của các trường, viện và cơ quan nghiên cứu
của cả nước ta cũng như của các cơ quan lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp.
Nhằm vào giải quyết những vấn đề này, công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ cải cách
hành chính, đổi mới nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa sẽ có nhiều động lực
mới và bám sát những đòi hỏi bức xúc của đất nước.
Nhìn theo quan điểm vận dụng lợi thế so
sánh, xin đừng quên rằng đi vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản
(bao gồm cả cây công nghiệp và hải sản), chúng ta phải đương đầu với cạnh tranh
quyết liệt trên thế giới, thậm chí còn gay gắt hơn cả trong công nghiệp.
V. HƯỚNG LỰA CHỌN CỦA CHÚNG TA
1. VỀ Ý TƯỞNG ĐI TẮT, ĐÓN ĐẦU
Nói một cách ngắn nhất : Sự nghiệp CNH ,
HĐH của nước ta cần kiên trì theo đuổi chiến lược dựa trên phát huy nhân tố con
người.
Như đã trình bày trong các phần trên, tựu
chung lại để vận dụng lợi thế so sánh,
cái mà chúng ta cần bán nhiều nhất, bán tốt nhất là lao động – thông qua sản
xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại
hoá chúng ta đang theo đuổi – theo tôi suy cho cùng – cũng là nhằm tìm cách bán
sức lao động này gián tiếp hay trực tiếp thông qua các sản phẩm hàng hoá và
dịch vụ với những giá trị ngày một cao hơn. Hàm lượng chất xám trong sức lao
động này cao bao nhiêu, giá trị của nó cao bấy nhiêu, cố làm cho sự phát triển
này trong một tương lai không xa theo kịp các nước mới công nghiệp hoá (NICs).
Đi
theo hướng này có thể tạo ra lợi thế so sánh lâu dài và lớn nhất, sẽ thường
xuyên có được trong tay các biến số cần thiết để giải các bài toán do tình hình
phát triển mới luôn luôn đặt ra; nghĩa là nước ta dần dần sẽ có những khả năng
thay đổi theo kịp sự phát triển năng động của nền kinh tế thế giới đang toàn
cầu hoá mạnh mẽ.
Nếu luôn luôn làm chủ được tiến bộ khoa học kỹ thuật, biến số này có khả năng đưa
đất nước vươn lên hàng ngũ những quốc gia phát triển trên thế giới. Cho nên, người là vốn quý nhất.
Nghĩ như vậy, nên tôi không cảm thấy lo sợ
lắm về những nghèo nàn và khắc nghiệt mà lịch sử và điều kiện tự nhiên dành cho
dân tộc ta. Lẽ đơn giản là có đấm ngực kêu nghèo đến thế nào đi nữa, thì tình
hình này cũng chẳng vì thế tốt lên. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên thôi làm
cái việc đấm ngực kêu nghèo, và càng
không nên có quá nhiều lời ca ngợi những cái hay, cái đẹp mà con người
và đất nước chúng ta có được – vì nguy cơ tự đánh lừa mình rất lớn. Ví dụ,
chúng ta hầu như không còn đủ lời ca ngợi con người Việt Nam, nhưng chúng ta
chưa đủ tỉnh táo nhìn lại thực trạng kinh tế của đất nước; v.v… Những ví dụ như
vậy nhiều lắm. Lại càng nên thận trọng khi ca ngợi hoặc phê phán những vấn đề
kinh tế trong thiên hạ, vì dù sao chúng ta cũng là nước đi sau.
Lợi
thế so sánh lớn
nhất nước ta có thẻ có được là có thời gian và cơ hội phát huy con người Việt
Nam.
Để bán – hay để vận dụng được lợi thế so sánh với nội dung
nói trên, các sản phẩm của chiến lược công nghiệp hoá và sự lựa chọn, phát
triển công nghệ và khoa học kỹ thuật của nước ta phải đặt ra trong diện rộng lắm,
trong một chương trình tổng hợp rất cao, nhưng quán triệt tinh thần: tạo công ăn việc làm, không bỏ phí một khả
năng nhỏ nào, tạo ra ngày một nhiều giá trị gia tăng hơn, công nghiệp hoá bằng
nhiều bước nhỏ trên cơ sở tận dụng quá trình chuyển dịch cơ cấu của kinh tế thế
giới và sự phát triển năng động của khoa học và công nghệ, lấy ngắn nuôi dài,
tích tụ lực và trí tuệ cho những bước nhảy tiếp trong mọi cơ hội, tiếp tục như
thế cho đến khi đạt những mục tiêu đề ra cho năm 2020, rồi lại tính tiếp.
Xin luôn luôn nhắc lại, đi theo hướng này,
vai trò Nhà nước trong quản lý và điều hành vĩ mô có hiệu quả cao là yếu tố
quyết định.
Những công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ
thuật chúng ta định lựa chọn cho một chiến lược CHN, HĐH theo tinh thần vận
dụng lợi thế so sánh như vậy, tập hợp lại sẽ nằm trong một giải tần rất rộng – bao gồm những vấn đề công nghệ và khoa học
kỹ thuật từ vô cùng đơn giản đến hiện đại nhất. Ví dụ từ chỗ giúp người nông
dân bảo quản quả chuối được dài ngày hơn để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cơ giới
hoá nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông phẩm, các ngành công nghiệp khác…,
đến vấn đề đưa công nghệ tin học vào nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực
quản lý các ngành kinh tế khác, không loại trừ cả việc phải tự thực hiện
R&D trong điều kiện tranh thủ được để tự tạo ra sản phẩm mới ta có lợi thế
…
Nghĩa
là chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phải đi từ thấp lên cao, phục vụ
không thiếu một diện nào và một nghề nào, sẵn sàng phục vụ từng người lao động,
bước phát triển trước tạo điều kiện và nuôi bước phát triển sau, cá biệt và tuỳ
điều kiện cho phép có thể đi thẳng vào một số ngành hiện đại nhất…, mục tiêu
trung tâm là tích luỹ nhanh của cải để phát triển con người nhanh nhất, hiệu
quả nhất, nhảy từng bước nhỏ trong từng lĩnh vực, để đến lúc nào đó toàn bộ nền
kinh tế có đủ vốn con người và xây dựng được môi trường xã hội hiện đại, cho
phép tạo ra cơ cấu kinh tế theo kịp sự hiện đại của thời gian.
Sẽ có nhiều đòi hỏi mới luôn luôn được đặt
ra trong quá trình phát triển của nền kinh tế nước ta, đồng thời lại phải luôn
luôn bám sát thị trường và sự phát triển trên thế giới. Lực ta có hạn, nên phải
lựa chọn kỹ đề tài theo những chương trình và kế hoạch đã được cân nhắc, theo
phương châm tiết kiệm, sớm đem lại hiệu quả, tránh trùng lặp.
Một vài ví dụ: Tập đoàn CP của Thái Lan,
mặc dầu có tiềm lực lớn về R&D nhưng trong phát triển công nghiệp chăn
nuôi, khâu nghiên cứu của họ chỉ tập trung vào khâu thuần hoá cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ quản
lý kỹ thuật của Thái Lan những giống gà, tôm hoặc lợn mới nhất của Mỹ và khâu chế biến thành thực phẩm cho phù
hợp với từng thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ; vì họ cho rằng nếu thực hiện
R&D cả trong khâu giống những vật nuôi này, thì chẳng những quá đắt và sẽ
nhiều rủi ro; hơn nữa trong những nghiên
cứu ứng dụng này họ làm hiệu quả hơn các công ty nước ngoài. Trong lĩnh vực
thực vật, Thái Lan đặc biệt quan tâm những công nghệ ứng dụng cải tạo chất
lượng các loại quả và hoa phong lan… Nhật là nước sản xuất và sử dụng robot
trong công nghiệp nhiều hơn Mỹ, song rất nhiều knowhows trong công nghệ sản
xuất robot Nhật lại mua của Mỹ, nhưng Nhật lại tự thực hiện nhiều R&D riêng
của mình vào khâu sử dụng robot… Trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ đã tiến hành một
chiến lược khoa học và công nghệ rất bài bản, dàn ra đầy đủ và đi từ A đến Z,
thành tựu không phải là ít ; nhưng kết quả chung vẫn là đi chậm hơn nhiều
so với Trung Quốc và so với các NICs, từ gần 2 thập kỷ, nay Ấn Độ phải điều
chỉnh.
Giả sử nếu chúng ta theo đuổi ý tưởng cầu nối, thì ngay từ bây giờ chúng ta
phải tích cực đào tạo nguồn nhân lực, từng bước chuẩn bị quy hoạch, chuẩn bị
những kỹ thuật và công nghệ cần thiết, rồi tiến xa hơn nữa là phát triển dần
kết cấu hạ tầng phần cứng và phần mềm của một khu vực cầu nối đại thể như Hongkong, Singapore,
phải đặc biệt chú trọng đến các công nghiệp giao thông viễn thông, chế biến,
phát triển thương mại, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, quản lý,
marketing, du lịch… Chiến lược khoa học và công nghệ cần đáp ứng những yêu cầu
này.
Nhân đây tôi xin đặc biệt nhấn mạnh vai
trò quan trọng của khoa học và công nghệ ngành
quản lý - cần xem xét ngành này dưới góc độ những tiến bộ khoa học kỹ thuật
hiện đại nhất của thời đại thông tin. Đây là vấn đề hình như bị bỏ quên hoặc
chưa được coi trọng đúng mức, đồng thời cũng là ngành khoa học yếu nhất của
nước ta. Nhiều chuyện lủng củng của nền kinh tế nước ta bắt đầu từ những yếu
kém trong lĩnh vực này. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của chúng
ta không thể thiếu ngành này. Xin lưu ý rằng Mỹ, Nhật và Tây Âu đang coi đây là
một trong những sân chơi chính để loại bỏ
nhau (theo nghĩa của môn thể thao kinh tế) và lấn lướt các nước yếu hơn
(tham khảo thêm sách đã dẫn Troubled Industries in the United States and
Japan); Hàn Quốc, trong chiến lược toàn cầu hoá nền kinh tế của nước mình, đang
rất chú trọng đẩy mạnh cải cách phương thức quản lý kinh tế và nhà nước để sớm
khắc phục những yếu kém mới bộc lộ trong cơ cấu kinh tế hiện nay ; tại
nhiều nước đang phát triển công việc này dang diễn ra rất sôi động trong lĩnh
vực cải cách hành chính – mà thực chất của nó là nâng cao chất lượng quản lý
kinh tế và nhà nước v.v...
Tại sao với những thuận lợi về địa – kinh
tế và địa - chính trị, và trước hết với con người và nền văn hoá Việt Nam –
trong một tương lai nào đấy, trong những hoàn cảnh nào đấy - nước ta lại không
thể trở thành một trung tâm thương mại và tài chính mới của tiểu vùng Đông Nam
Á lục địa đang phát triển ngày càng năng động ? Tại sao ở các vùng Lâm
Đồng – bao gồm cả Đà lạt và Bảo Lộc – và một số địa phương khác có những điều
kiện, địa lý tự nhiên tương tự lại không có thể xây dựng được một Silicon Valley (là một vùng công nghiệp
mang tên sản phẩm silicon, bao gồm các thung lũng và đồi của các địa phương San
Jose, San Clara, Los Atlos... miền trung California, đây là vùng công nghiệp
nổi tiếng của Mỹ về vật liệu mới, vi tính và nhiều ngành công nghệ cao khác),
hoặc những Silicon Valley con của
Việt Nam ? Đương nhiên những sản phẩm làm ra có thể không nhất thiết phải
giống như ở Silicon Valley, nhưng thuộc nhóm công nghệ cao ...
Có nhiều câu hỏi rất đáng suy nghĩ như vậy
lắm. Hướng đi này có hiện thực và đáng lựa chọn không ? Một hoài bão quá
viển vông chăng? Nhưng theo tôi, để đuổi
kịp, chúng ta phải có gan như dời núi lấp biển vậy.
Trong khi viết những dòng này, tôi biết
rằng từ nhiều năm nay, chúng ta loay hoay mãi với 2 đề án thành lập khu công nghệ cao, một ở Hà Nội, một ở Thành
phố Hồ Chí Minh, công việc tiến triển vô cùng vất vả, chậm chạp. Không ít người
lo lắng đây sẽ là chuyện dã tràng xe cát
bể Đông. Theo tôi, nguyên nhân không phải là tư tưởng của đề án này, xin
đừng đổ oan cho tư tưởng về khu công nghệ cao. Nếu đề án chưa được thiết kế
hoàn hảo, thì cố làm cho nó hoàn hảo. Còn đề án hay đến đâu chăng nữa, tiếp cận
không đúng và thực hiện không đúng vì bất kể lý do gì, hoặc không có điều hiện
thực hiện, thất bại là chắc chắn – nghĩa là phụ thuộc vào chúng ta, chứ không
phụ thuộc vào đề án. Cả việc thất bại này, nếu xẩy ra, cũng không thể biện hộ
cho sự đầu hàng nào trên con đường chông gai đi vào công nghệ cao.
Chiến lược khoa học và công nghệ 2020
chúng ta định lựa chọn theo tinh thần vận dụng lợi thế so sánh phải đáp ứng
thoả đáng những yêu cầu nói trên, trong điều kiện mọi nguồn lực của nước ta rất
hạn hẹp, phải xử lý nhiều mâu thuẫn phức tạp, và phải thực hiện trong khoảng
thời gian lịch sử ngắn nhất. Tôi không muốn nước ta lựa chọn con đường lẽo đẽo
chạy theo mô hình nào đó mang nặng dấu ấn của thế kỷ sắp kết thúc, lại càng
không muốn nước ta đi vào những vết xe đổ trong thế kỷ XX – dù là của nước hiện
đại nhất.
Sự
phân biệt quyết định nhất giữa những mô hình kinh tế của thế kỷ sắp kết thúc và
những mô hình của thế kỷ đang tới là hàm lượng cao hơn hẳn về
trí tuệ con người. Dân tộc ta vốn có truyền thống và nhiều khả năng phát
triển trí tuệ của mình. Mọi việc cần được bắt đầu từ nền tảng giáo dục ngày một
nâng cao.
Có lẽ ở đây không phải kể lại việc so sánh
quá cũ, ai cũng biết, sự khác nhau về năng suất lao động và giá trị của cải làm
ra được mà nhiều nhà nghiên cứu phương Tây thường phân biệt giữa lao động công nhân áo cổ xanh và công nhân
áo cổ trắng.
Chỉ xin đơn cử một ví dụ: Hiện nay, nhờ
vận dụng công nghệ tin học, những chính sách kinh tế khôn ngoan và những thành
tựu mới nhất của khoa học quản lý, thị trường (sở giao dịch) chứng khoán Thâm Quyến
– do khoảng gần 300 cán bộ nhân viên các loại quản lý và điều hành – 7 năm qua
đi được một đoạn đường mà thị trường chứng khoán London trước đây phải dùng mất
100 năm. Hiện nay thị trường chứng khoán Thâm Quyến mỗi năm nộp thuế cho nhà
nước Trung Quốc trên dưới 100 triệu USD. Một xí nghiệp quốc doanh về công
nghiệp ở nước ta phải vào cỡ nào và cần bao nhiêu đầu tư ban đầu, biên chế, vốn
liếng, đất đai, phải xử lý bao nhiêu vấn đề môi trường để có lãi và… để cuối
cùng vẫn có thể nộp được một khoản thuế
như vậy cho ngân sách nhà nước ta? Đấy là chưa kể đến những lợi ích kinh tế lớn
hơn nhiều đối với cả nước do thị trường chứng khoán này phục vụ hàng trăm công
ty chứng khoán và hàng nghìn doanh nghiệp các loại của Trung Quốc. song trong
ví dụ thành công này còn đang tồn tại biết bao nhiêu yếu kém, khuyết tật. Sở
giao dịch chứng khoán Thâm Quyến nói riêng và hệ thống tài chính – ngân hàng
nói chung đang là một vấn đề quan tâm lớn của chính phủ Trung Quốc.
Đương nhiên để cho thị trường chứng khoán
đổ vỡ thì cũng có nghĩa hứng chịu một cuộc động đất về kinh tế với nhiều độ
richter tuỳ theo quy mô sự đổ vỡ.
Xin mạnh dạn kiến nghị là chúng ta cần suy
nghĩ thêm về ý tưởng cầu nối trong
phát triển chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, nhất là nhìn
theo góc độ: kinh tế của thế kỷ XX trước
hết là kinh tế của trí tuệ, của thời đại tin học. Lâu nay chúng ta đã nói nhiều
về những điều này rồi, nhưng tôi cảm thấy còn trừu tượng lắm, còn học thuật
lắm, và chưa sờ thấy được như sờ vào
thị trường chứng khoán Thâm Quyến. Đương nhiên đây chỉ là một ví dụ, được nêu
ra để kích thích các luồng suy nghĩ mới, và hoàn
toàn không có nghĩa muốn loại bỏ áo cổ xanh hoặc đơn thuần khuyến khích áo cổ
trắng, lại càng không thể chỉ đơn thuần phát triển kinh tế dịch vụ. Nhà hoạ
sĩ trường phái trừu tượng tài giỏi nhất có lẽ cũng không thể vẽ nổi một nền
kinh tế đơn tính như thế được đâu. Cân đối hài hoà các loại hình kinh tế đa
dạng đang tồn tại của đất nước trong một cấu trúc kinh tế tối ưu bao giờ cũng
là một yếu tố lý tưởng của phát triển.
Nhưng xin cân nhắc kỹ, những điều vừa
trình bày trên là để tìm hướng đi tắt,
đón đầu một cách có bài bản, dài hơi, dựa vào trí tuệ và bản lĩnh của dân
tộc ta, tính đến xu thế vận động của kinh tế thế giới. Không thể làm theo cách
ăn may, chụp dựt như một số nước đã trải qua và hiện nay đang lao đao. Sự lựa
chọn và các bước đi không đúng, sẽ có thể biến nước ta một ngày nào đó trở
thành tù binh của trạng thái chậm phát triển trong tương lai, một sự chệch
hướng đầy nguy hiểm, hặc một sự đổ vỡ mới trong thế kỷ XXI.
Điều chắc chắn là nước ta không thể tự cho
phép mình đứng ngoài sự phát triển năng động của khu vực. Ý tưởng cầu nối có thể góp phần khai thác lợi
thế so sánh ta có trong tay, làm phong phú thêm nội dung công nghiệp hoá, hiện
đại hoá nước ta đang được tiến hành, kích thích những suy nghĩ mới trong cả
nước. Điều quan trọng là Đảng và Nhà nước ta cần tạo ra trong cộng đồng dân tộc
nước ta sự đồng lòng nhất trí trong một ý chí chính trị cao và có nghị lực phấn
đấu bền bỉ.
2. BÀN THÊM VỀ VIỆC LỰA CHỌN SẢN PHẨM
Trong xây dựng chiến lược phát triển, mọi
suy nghĩ, tính toán cuối cùng phải dẫn đến lựa chọn sản phẩm. Đây chính là vấn
đề hệ trọng nhất, đồng thời là vấn đề khó nhất, quyết định sự thành, bại trong sự nghiệp CNH – HĐH.
Toàn bộ chương IV. Bàn về lựa chọn lợi thế so sánh của nước ta đã nêu lên
những vấn đề cơ bản cần xem xét trong quyết định lựa chọn sản phẩm. Tổng kết
những kinh nghiệm thâu lượm được từ thực tiễn nước ta cũng như từ thực tiễn của
« những con rồng », những suy nghĩ trong chương IC có thể cho phép
dựng lên nhiều kịch bản khác nhau cho việc lựa chọn sản phẩm. Lựa chọn và thiết
kế kịch bản nào, điều này tuỳ thuộc vào ý chí và khả năng của chính bản thân
nước ta trong nhận thức và vận dụng
lợi thế so sánh.
Về đại thể, việc lựa chọn sản phẩm có thể
đi theo 3 loại kịch bản như sau:
1)
Xây
dựng một nền kinh tế hoàn chỉnh theo nghĩa tự cung tự cấp, với đặc điểm nổi bật
là sản xuất thay thế nhập khẩu chiếm ưu thế.
2)
Lựa
chọn chiến lược phát triển thuần tuý hướng về xuất khẩu.
3)
Chiến
lược kết hợp hài hoà giữa phát triển hướng về xuất khẩu và sản xuất thay thế
nhập khẩu theo tinh thần vận dụng lợi thế so sánh.
Kịch bản thuộc
loại 1 đã được thể nghiệm ở nước ta trong nhiều năm trước đổi mới. Cũng như ở nhiều nước đang phát triển khác, kịch bản này
không đem lại kết quả mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn lực vốn đã quá
thiếu lại bị sử dụng phân tán hoặc thiên lệch, tạo ra ít giá trị gia tăng; hệ
quả là chỉ tạo dựng được nền công nghiệp mất cân đối và lạc hậu, đẩy nhanh quá
trình tích tụ những nguy cơ dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Loại kịch bản 2
thật ra chỉ lấy lý thuyết và không hiện thực đối với một nước đang phát triển
bắt đầu tiến hành công nghiệp hoá. Lẽ đơn giản là nước đang phát triển không
thể có đủ sức cạnh tranh để ngay từ đầu đi thẳng vào chiến lược hướng về xuất khẩu.
Kịch bản đã hình
thành rõ nét ở nước ta từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của ĐCSVN (tháng 1 năm 1994) và được khẳng định
lại tại Đại hội VIII thuộc loại thứ 3, mặc dù ngày nay có thể vẫn còn đang có
nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, hoặc thậm chí sản xuất thay thế nhập khẩu tạm thời có chiều hướng chiếm ưu thế.
Quan điểm của kịch bản chúng ta đang vận
dụng không phải là sự dung hoà của hai loại kịch bản đầu, mà là đòi hỏi của
thực tế khách quan trong giai đoạn phát triển hiện nay của nước ta, được hình
thành và kiểm nghiệm thông qua những thành tựu của 10 năm đổi mới.
Vấn đề thời sự hiện nay là cần kiên trì và đẩy mạnh sự vận dụng sáng
tạo những quan điểm của kịch bản này, trong đó phát huy tối đa nội lực, kết hợp
với huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực bên ngoài được coi là những yếu tố quyết
định tạo ra động lực phát triển, nhằm vào mục tiêu thường xuyên tạo ra khối
lượng giá trị gia tăng ngày càng lớn cho toàn bộ nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong việc lựa chọn sản phẩm,
chúng ta đang phải đương đầu với hai khó khăn chính:
· Phân biệt rõ và đồng thời kết hợp tối ưu
giữa sản xuất hướng về xuất khẩu và sản
xuất thay thế nhập khẩu, ngăn chặn xu thế lấn át của sản xuất thay thế nhập
khẩu;
· Lựa chọn đúng và xây dựng được những ngành
công nghiệp làm giường cột cho CNH
– HĐH theo hướng phát huy lợi thế so sánh và thực hiện ý tưởng đuổi kịp, sao cho không rơi vào nền kinh
tế khép kín hoặc có cơ cấu khó chuyển dịch phù hợp với sự phát triển năng động
của kinh tế thế giới.
Ngoại trừ kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội 5 năm 1996 – 2000 và một số chỉ tiêu phát triển dự kiến cho đến năm 2010,
2020, chiến lược CNH , HĐH đến năm
2020 chúng ta đã phác thảo ra được, chủ yếu mang tính chất định hướng, chưa thể
và không thể đề cập đến những sản phẩm cụ thể. Cũng phải nói rằng, cho đến nay
chưa thấy một công trình hoặc tài liệu nghiên cứu nào trong nước - kể cả tài
liệu bạn đang đọc – có thể giúp chúng ta đi xa hơn nữa trong việc lựa chọn sản
phẩm, thiết kế lộ trình thực hiện cho
CNH , HĐH. Tôi được đọc một số công
trình nghiên cứu chiến lược CNH –
HĐH do các học giả Việt Nam và nước ngoài hợp tác soạn thảo, với sự giúp đỡ của
một số tổ chức quốc tế, song cũng chưa tìm thấy những khuyến nghị về lộ trình và các sản phẩm cụ thể. Điều
này là hoàn toàn tự nhiên và đồng thời cũng chứng minh đòi hỏi thúc bách phải làm tiếp nhiều việc cho thiết kế
chiến lược CNH , HĐH đến năm 2020.
Tình trạng này là một lỗ hổng lớn trong công tác nghiên cứu, đấy là chưa nói
đến việc có lộ trình rồi còn phải thường xuyên điều chỉnh lộ trình trong khi tiến hành CHN – HĐH (ví dụ: chúng ta
dự báo đến năm 2000 mới đi vào thời kỳ khan hiếm điện, song tình hình này đến
sớm 1 – 2 năm).
Mong rằng công sức và trí tuệ cả nước sẽ
được huy động xử lý yêu cầu bức bách nêu trên. Đầu tư thêm công sức và trí tuệ
cho những công việc nghiên cứu quan trọng này, kết quả gặt hái được trong CNH – HĐH có thể sẽ tăng lên nhiều lần, độ rủi ro
và lãng phí trong CNH – HĐH cũng
có thể sẽ giảm đi nhiều lần. Lưu ý bạn đọc về sự bức bách vừa trình bày trên
thực sự là tham vọng lớn quá sức đối với người viết tài liệu này.
Như đã trình bày, trong vận dụng lợi thế
so sánh thị trường (trong nước và
trên thế giới) và khả năng giành thị phần
lớn nhất là những yếu tố rất quan trọng quyết định giành thắng lợi trong CNH – HĐH.
Trong phạm vi thế giới, thị trường và xu
thế phát triển của nó là những biến số được đặt sẵn mà chúng ta phải tuân theo
trong bài toán CNH – HĐH. Trong
phạm vi quốc gia - nhất là đối với một nước có quy mô lãnh thổ và dân số tương
đối lớn như nước ta, ngoài điều tuân theo những
biến số đặt sẵn, chúng ta còn phải chủ
động hoàn thiện, phát triển và mở rộng thị trường trong nước. Trong chừng
mực và trên một số phương diện nào đó, việc mở rộng và nâng cao sức mua của thị
trường trong nước (kích thích cầu)
còn là cách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển.
Từ cách nhìn nói trên, có thể nói mọi sản
phẩm chúng ta nhất thiết phải lựa chọn theo đòi hỏi của thị trường và khả năng
chúng ta có thể giành thị phần lớn nhất. Song, riêng đối với thị trường trong
nước còn phải chú ý hơn nữa đến vấn đề kích thích cầu hoặc tạo ra cầu mới, cũng
có nghĩa là chủ động tạo ra thị trường mới. Tới một giai đoạn phát triển cao
hơn, nước ta cũng có thể tham gia vào quá trình tạo ra thị trường mới ở phạm vi
giao lưu kinh tế thế giới.
Bàn về kích thích cầu, lâu nay chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng của định kiến coi cầu chỉ là hưởng thụ, trái với tiết kiệm
và do đó cho nó là phi kinh tế, cần bác bỏ. Đã đến lúc cần xem lại định kiến
này. Cầu có thể là thuần tuý hưởng thụ, là phi kinh tế, nếu chúng ta lựa chọn
chính sách và sản phẩm không đúng. Song cầu
có thể là yếu tố kích thích tăng trưởng và phát triển, nếu chúng ta đúng
trong lựa chọn chính sách và sản phẩm ; ví dụ cầu về công nghệ tin học, về phát triển phương tiện giao thông cơ
giới, về đẩy mạnh giao lưu hàng hoá trong nước và với nước ngoài, về những sản
phẩm tiêu dùng có chất lượng cao hơn, về điều kiện nhà ở tốt hơn…đang là những
yếu tố quan trọng kích thích sự tăng trưởng và phát triển nền kinh tế nước ta.
Cầu
với nghĩa như vậy còn là
thị trường tiềm tàng khá lớn cho nhiều sản phẩm chúng ta cần sản xuất – vì lý
do việc làm và tận dụng mọi nguồn lực trong tay – và có thể sản xuất, nhưng
chưa tiêu thụ được ở nước ngoài - nhất là trong thời kỳ CNH ,
HĐH ở giai đoạn đầu. Với mục tiêu chiến lược nhằm chuyển dịch trong phạm vi
thời gian lịch sử ngắn nhất khoảng 3/4 lao động nông nghiệp thuần nông hiện nay
sang những ngành nghề khác, càng phải quan tâm mở rộng cầu. Điều thường xuyên gây rắc rối trong quá trình này vẫn là phải
làm thế nào không rơi vào nền kinh tế tự cung tự cấp.
Tạo khả năng cạnh tranh để giành thị phần lớn nhất suy cho cùng, là
điều chi phối nội dung CNH – HĐH
và việc lựa chọn sản phẩm, bắt đầu từ việc xác định thị trường và tạo ra thị
trường theo tinh thần những điều vừa trình bày trên. Sản phẩm của sự nghiệp CNH giành được thị phần lớn nhất là nhân tố bảo đảm
sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia và luôn luôn tạo ra khả năng
cạnh tranh mới. Nhà nước, giới doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế và giới
đầu tư nước ngoài là những tác nhân tham gia vào quá trình giành thị phần cho
nước ta. Thực tiễn của nước ta cho thấy vai trò của Nhà nước trong quản lý vĩ
mô và vai trò của giới doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nhiệm vụ trực
tiếp chiếm lĩnh thị trường cần phải được nâng cao hiệu quả hợp tác với giới đầu
tư nước ngoài và hạn chế những mặt tiêu cực.
Nếu coi thị trường và yêu cầu giành thị
phần lớn nhất là những yếu tố chi phối việc lựa chọn sản phẩm cho CNH –HĐH, thì Nhà nước cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa
vai trò của giới doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế và cải thiện môi
trường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Song song với mục tiêu
chiến lược phát triển cần đạt được cho đất nước, thị trường và khả năng giành
thị phần lớn nhất sẽ thường xuyên là những tiêu chí cho việc lựa chọn sản phẩm
trong suốt quá trình CHN–HĐH. Với cách đặt vấn đề như vậy, có thể tạm thời kết
luận: Điều cốt yếu là Nhà nước phải đề ra hướng đi đúng của sự nghiệp CNH -HĐH theo tinh thần vừa nêu trên, phát triển
nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng phù hợp, có những chính sách và pháp luật
khuyến khích tạo ra những sản phẩm có lợi thế so sánh lớn nhất. Đấy chính là
nội dung cơ bản của chiến lược CNH-HĐH. Việc quyết định và làm ra những sản phẩm
cụ thể trước hết phải là nhiệm vụ của giới kinh doanh.
VI. BUÔN CÓ BẠN, BÁN CÓ PHƯỜNG
1. CHƯA THỰC SỰ CÓ BẠN, CÓ
PHƯỜNG
Thực tiễn nghiệt ngã nhất lúc này là những
thứ chúng ta có thể bán được phần lớn
đều thuộc nhóm rất ít lợi thế so sánh, cũng có thể gọi là nhóm sản phẩm có
nhiều bất lợi tương đối; đã thế lại còn nhiều lúng túng khác. Chúng ta bắt buộc
phải học nhiều thứ trong thời gian lịch sử ngắn nhất.
Nước ta bây giờ lại trở thành nước xuất
khẩu gạo - thậm chí vào loại có thứ hạng. Nhưng cho đến ngày hôm nay, việc xuất
khẩu của chúng ta vẫn còn nhiều thua thiệt, một khối lượng không nhỏ vẫn phải
bán qua trung gian, nông dân thiệt thòi, nhà nước thất thu ngân sách. Chính phủ
và nông dân đều vất vả khổ sở trong việc xuất khẩu này, bao nhiêu biện pháp cải
tiến cho đến ngày hôm nay đều chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Đầu vào cho sản
xuất nông nghiệp cũng gian truân như vậy.
Năm này qua năm khác, chúng ta rất khó
tránh các cơn sốt, lúc nóng, lúc rét, với đủ các tên gọi như xi-măng, phân bón,
thép xây dựng, xăng dầu… với nhiều hậu quả tai hại, người hứng chịu nhiều nhất
là nông dân, rồi đến ngân sách Nhà nước; cơ hội tham nhũng rất nhiều.
Các hãng nổi tiếng như Sony, JVC, Thomson,
Samsung, LG… đã vào Việt Nam, nhưng hiện nay, vì nhiều lý lẽ, phần lớn sản phẩm
làm ra chỉ đủ tiêu chuẩn hàng nội địa và đang ế như đã nói ở trên. Trong khi đó
hàng điện tử vẫn được nhập lậu.
Cả nước tính đến năm 2000 sẽ có tới 1
triệu tấn công suất thép cán, nhập khẩu đầu vào cũng được hưởng đủ thứ ưu đãi.
Nhưng hiện nay thép cán xuất xưởng đắt không kém thép nhập phải chịu thuế cao.
Thép cán trong nước ế mà vẫn có thép nhập ngoại, góp phần tăng nhập siêu, tăng
nợ và ế thêm…
Gần đây nhiều tiếng nói trên báo chí lưu ý
đến nguy cơ trong những năm tới, nhất là từ năm 2005 trở đi, công suất sản xuất
xi-măng, gạch tráng men… có thể dư thừa lớn. Trong khi đó ngay từ năm nay nhu
cầu về điện đã vượt xa dự kiến và tiến độ phát triển ngành điện chúng ta đề ra.
Làm thế nào để có thể phát hiện kịp thời và điều chỉnh có hiệu quả những mất cân
đối thường xuyên xuất hiện trong đời sống kinh tế?
Kim ngạch lớn của xuất khẩu hàng may mặc
và giầy da là điều rất đáng mừng, song nhìn kỹ vào, chủ yếu ta mới chỉ bán được
công lao động - phần lớn là lao động thủ công, ngoài ra không bán được cái gì
khác, dù là một sợi chỉ. Tình hình này thường được giải thích là do không có
vốn, không có công nghệ - trong khi đó tại những nơi khác không ít năng lực sản
xuất một số nguyên liệu, phụ liệu đành bỏ phí, số vốn nhàn rỗi trong xã hội
không nhỏ, việc làm cho người lao động thiếu gay gắt…
Mỗi năm nước ta phải nhập hàng nghìn tấn
bông ; trong khi đó một số đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hoàn thành công việc phát triển cây bông mới của Việt Nam, có đủ các dữ
liệu chứng minh rằng nền nông nghiệp nước ta có đủ khả năng cung ứng đủ khối
lượng bông này với chất lượng không kém bông nhập ngoại. Phần thì do chưa được
khuyến khích thoả đáng, phần thì do một số đơn vị không hợp tác được với nhau,
cuối cùng thà mất đô-la cho nhập bông nước ngoài còn hơn ... Bao nhiêu công của
đổ ra cho nghiên cứu cây bông ở nước ta phỏng có ích gì? Thậm chí có nơi không
quan tâm mua bông của nông dân trồng ra.
Nước ta còn là một nước của kinh tế biển
với trên 3.000 km bờ biển, nhu cầu và thị trường nội địa cho sản phẩm đóng tầu
rất lớn. Cả nước có hàng chục xí nghiệp đóng tầu lớn và hàng trăm cơ sở đóng
tầu nhỏ hơn, dưới quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải, ngành thuỷ sản, Bộ
Quốc phòng và kinh tế địa phương. Ngành đóng tầu nước ta không tương xứng với
một quốc gia kinh tế biển. Ngành này có thể được xem là một ví dụ điển hình của
tình trạng kinh tế manh mún, phân tán, trùng lặp; nguyên nhân cơ bản là cơ chế
quản lý chồng chéo, tình trạng khép kín của từng xí nghiệp và sự cắt rời theo
cơ chế từng Bộ chủ quản. Ai cũng thấy là bất hợp lý và lãng phí, nhưng đành
khoanh tay. Hệ quả là ngành công nghiệp đóng tầu của nước ta chỉ đáp ứng được
một phần nhỏ nhu cầu về tầu đánh cá xa bờ, mỗi năm chỉ sản xuất được vài tầu
vận tải cỡ trung bình hoặc nhỏ, cơ sở sản xuất và công suất xí nghiệp dư thừa
nhiều, song đành bỏ phí, công nhân thiếu việc làm, trong khi đó năm này qua năm
khác vẫn phải nhập khoặc thuê một khối lượng đáng kể tầu các loại.
Dù là trong một tổng công ty, điều động
vốn giữa các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện một ý đồ kinh tế nào đó là việc
cực kỳ khó, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém để dồn lực vào những doanh
nghiệp đích đáng càng khó hơn, anh khoẻ nai lưng ra cõng anh yếu...
Công ty trách nhiệm hữu hạn là sân sau của DNNN có lẽ khó đếm xuể,
nhưng số doanh nghiệp liên kết liên doanh giữa các thành phần kinh tế được coi
là mẫu mực thì còn khá hiếm.
Nghị quyết của Đảng coi trọng nguồn vốn
trong nước và cho nó là yếu tố chủ yếu trong liên doanh với nước ngoài. Nhưng
cho đến nay, chúng ta có được bao nhiêu liên doanh với nước ngoài mà bên Việt
Nam có khả năng huy động vốn của các thành phần kinh tế để cải thiện tỷ lệ góp
vốn phía mình?
Bức tranh này còn vẽ mãi được và day dứt
lắm. Những yếu kém do bản vị cục bộ, manh mún, xé lẻ, rời rạc, cắt khúc, ai
biết nấy, mạnh ai nấy làm, trái pháp luật... thật rõ nét và được những thiếu
sót trong cơ chế chính sách cùng với tình trạng tham nhũng tiêu cực tô đậm
thêm.
Duy trì phong cách làm ăn như vậy, không
thể nói đến vận dụng lợi thế so sánh; việc vận dụng những tiến bộ công nghệ và
khoa học kỹ thuật sẽ khó lòng vượt qua được những chướng ngại vật tự ta đặt ra
cho ta như vậy, nói chi đến lựa chọn những công nghệ tối ưu...; xu thế sản xuất
thay thế nhập khẩu mặc sức bành trướng, tiếng kêu gào bảo hộ càng lớn – nhân
danh bảo vệ doanh nghiệp nhà nước và công ăn việc làm của công nhân...
Tôi không dĩ hoà vi quý, nhưng thiết nghĩ
lúc này ngồi đổ lỗi cho nhau thì tình hình vẫn nguyên vẹn như vậy và tiếp tục
đi theo hướng của nó. Quan trọng hơn là tìm ra cách nhìn thống nhất về bức
tranh này, đồng tâm nhất trí cải tạo nó. Qua những phần trình bày trong tài
liệu này liên quan đến vốn, tiềm năng con người của nước ta, qua một số sản
phẩm giành chiến thắng vinh quang... tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta có khả
năng cải tạo tình hình này.
Tôi đã có dịp tiếp xúc với một số nhà kinh
doanh Việt Nam thành đạt thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, kể cả một số
người đang sống ở nước ngoài, có một số rất đáng khâm phục. Họ cho biết bí
quyết thành công của họ là khai thác được cơ chế thoáng, có thông tin, được
tiếp cận thẳng với thị trường để quyết định kịp thời, tìm được đối tác để hợp
lực và chấp nhận cạnh tranh quyết liệt ...
Một ví dụ: Trong khi xe đạp của chúng ta
bị loại hoàn toàn khỏi cuộc chiến, thì máy xay xát gạo của ta lại ra được thị
trường nước ngoài, nhờ biết chụm lại của một số doanh nghiệp và cá nhân.
Khi họ nói rằng khai thác được cơ chế
thoáng, tôi hiểu trong nước họ cũng phải lách. Như vậy, qua ý kiến của họ, tôi
cảm nhận thấy bài toán hoàn toàn có lời giải nếu chúng ta đi sâu tìm hiểu những
nguyên nhân nêu trên và có ý chí khắc phục.
Giới kinh doanh Nhật Bản thường được ca
ngợi là cạnh tranh với nhau rất quyết liệt trong nước, nhưng trên thị trường
thế giới lại hành động cùng một hướng trong hướng chung của cả nước. Giới
thương nhân người Hoa ở Đông Nam Á cũng được đánh giá cao về tính cộng đồng
giữa họ với nhau, mặc dù không một ai từ bỏ nguyên tắc cạnh tranh.
Còn ở nước ta? Chưa có thể nói chúng ta đã
đạt được trình độ cao về văn hoá kinh doanh buôn có bạn, bán có phường, và làm
sao giúp được các doanh nhân đỡ phải lách ở trong nước, để họ có thể dồn tâm
trí làm tốt hơn nữa việc khôn ngoan đối đáp người ngoài? ...
Thực tiễn nêu trên đòi hỏi chúng ta phải
đầu tư nhiều công sức thực hiện thành công quan điểm xây dựng nền kinh tế nhiều
thành phần mà Đảng ta đã đề ra, để có thể phát triển sự liên kết giữa từng
doanh nhân, từng đơn vị kinh tế và giữa các thành phần kinh tế trên cơ sở cơ
chế thị trường.
Trong một xã hội phát triển, người dân –
dù là người tiêu thụ, người sản xuất kinh doanh, công nhân viên chức nhà
nước..., luôn luôn được tiếp cận với mọi thông tin kinh tế và mọi thị trường để
điều chỉnh hành động ứng xử và quyết định của mình là điều rất đáng mong muốn,
là nguồn lợi vô cùng to lớn đối với đất nước, đồng thời cũng là cách có thể
tránh những lãng phí và tổn thất nhất định. Trong cơ chế quản lý thoáng đạt,
một khi thông tin thông suốt đến với mọi người và ai cũng có khả năng tiếp cận
trực tiếp với mọi thị trường, thì đặc quyền đặc lợi ngày càng bị thu hẹp. Đấy
thực sự là những yếu tố rất quan trọng nâng cao dân trí và ý thức chính trị, ý
thức kinh tế của người dân đối với đất nước, tạo thêm những khả năng mới đấu
tranh chống việc tiêu cực, tham nhũng và buôn lậu.
Muốn lách vào thị trường thế giới, muốn
vận dụng các yếu tố vô hình để lách được (xem phần II.5.), Nhà nước của chúng
ta cần làm tốt những việc nói trên, khiến cho từng người có yêu cầu bức thiết
phải tự động não tìm đường vào thị trường thế giới và có điều kiện làm việc
này. Đó là sự giúp đỡ đầu tiên và quan trọng nhất Nhà nước ta có thể cung cấp
được cho họ, là nguồn nhân lực vô tận để người kinh doanh tự tạo ra được các
sáng kiến mới, các mặt hàng mới, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của
đất nước.
Chúng ta thấy người kinh doanh mong đợi ở
Nhà nước cái gì và đến mức độ nào. Chính sự giúp đỡ này tạo điều kiện cho Nhà nước quản lý tốt nhất mọi hoạt động sản xuất
kinh doanh trong xã hội. Hơn nữa, những sản phẩm như bột giặt Daso, giầy
Biti’s, ắc quy Đồng Nai, máy chân vịt nhỏ, hàng gia công Nike, Reebock ... càng
muốn đi xa hơn, càng cần sự giúp đỡ của Nhà nước.
Trước hết là các cơ quan nghiên cứu kinh
tế của Đảng nên đứng ra tập hợp trí tuệ
cả nước, chắc chắn sẽ tìm ra được nhiều giải pháp tốt. Đây không thể là
công việc của một nhóm người, một hai viện, mà
thực sự là sự nghiệp của nhân dân.
Trong tâm trí tôi còn đọng lại những góc
sáng trân trọng về khoán nông nghiệp Vĩnh Phú, về bù giá vào lương Long An ...
Tôi thường tâm sự với con cháu trong nhà và bạn bè mình : Phải muôn vàn
lần cảm ơn nhân dân ta về sự nghiệp Đổi mới ; phong trào này ở nước ta bắt
nguồn từ trí tuệ của dân, từ dân đi lên, đường lối chính sách đúng đắn của Đảng
đã làm cho sự nghiệp này có sức mạnh thay đổi hẳn tình thế đất nước để có được
hôm nay. Nước ta có một nhân dân như vậy, sự nghiệp gì mà không làm được?
Nguyện vọng có bạn, có phường giữa người
dân chúng ta với nhau lớn lắm, bức xúc lắm, nó không trái gì với cạnh tranh
trong cơ chế thị trường. Nhà kinh doanh chân chính nào, người sản xuất đàng
hoàng nào ở nước ta cũng đều cảm thấy day dứt, bức xúc về tình trạng một cây làm chẳng nên non..., vì lực của
họ, sức với của họ còn nhỏ lắm, càng nhỏ so với ý chí và trí tuệ của họ. Họ cần
nhau lắm, nhưng tự họ và trong môi trường hiện nay thì họ không thể tự xử lý
được tình hình này. Họ mong mỏi Đảng và Nhà nước có những cơ chế, chính sách
giúp họ chụm lại nên hòn núi cao, để
giữ lấy ngay thị trường trong nước, để chiếm thị phần bên ngoài ngày càng lớn.
Họ cũng rất mong luật pháp và bộ máy chuyên chính của nhà nước ta thẳng tay
trừng trị những vụ lừa đảo, vỡ hụi, mafia ... và mọi tệ nạn tham nhũng tiêu
cực.
2. ĐỐI TÁC NƯỚC NGOÀI
Báo chí thế giới thường đưa nhiều tin tức
nói về những mối quan hệ giữa những người lãnh đạo các nước mới công nghiệp hoá
(NICs) với giới lãnh đạo của các nước phát triển, các công ty xuyên quốc gia
(TNCs) và những tập đoàn lớn trên thế giới, những tin tức nói về ý nghĩa rất
quan trọng của những mối quan hệ này đối với phát triển kinh tế trong các nước
NICs ...
Gần đây nhất là những tin tức nói về các
mối quan hệ mật thiết giữa Dr. Mahathir và ông trùm Microsoft Bill Gates liên
quan đến việc phát triển và gắn siêu xa lộ thông tin của Malaysia với mạng
internet của thế giới.
Thủ tướng Singapore đang làm mọi việc có
thể được trong tiếp xúc với các chính phủ và các TNCs các nước khác nhau để
thực hiện nhanh nhất việc làm cho Singapore trở thành hòn đảo của thông tin,
một trong những trung tâm thông tin có hạng của cả thế giới.
Các nước EU đang tìm mọi cách lách luật
cấm vận của Mỹ chống Cuba ...
Tổng bí thư Giang Trạch Dân trong Báo cáo
chính trị tại Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nhận định: «Trong thời điểm sắp bước sang thế kỷ mới,
chúng ta (TQ) đang đứng trước những thách thức gay gắt, và hơn nữa đang đứng
trước những điều kiện thuận lợi và thời cơ lớn trước đây chưa từng có..., hoà
bình và phát triển đã trở thành trào lưu chính của thời đại ngày nay... Quan hệ
giữa các nước lớn đang có sự điều chỉnh quan trọng và sâu sắc... Nhân tố giữ
gìn hoà bình thế giới đang không ngừng được tăng lên...» Đối chiếu với
chính sách thu hút FDI mà Trung Quốc đang thực hiện, chắc chắn lời lẽ nêu trên
là những tín hiệu vô cùng quan trọng của Trung Quốc phát đi cho giới đầu tư
nước ngoài đang tính chuyện làm ăn lâu dài với quốc gia khổng lồ này... Hiện
nay Trung Quốc hàng năm thu hút 1/3 tổng đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI)
rót vào các nước đang phát triển (Robert Lipsey). Nội dung Báo cáo chính trị
của Đại hội XV của DDCSTQ giải thích những kết quả đạt được trong chuyến đi
thăm Mỹ chính thức của Tổng bí thư Giang Trạch Dân… (tham khảo phụ lục 4).
Hàng giờ, hàng giờ báo chí thế giới có
biết bao nhiêu thông tin lý thú như vậy, nối nhau không dứt trên mọi lĩnh vực
và ở khắp mọi nơi.
Liên quan đến chủ đề của tài liệu nghiên
cứu này, tôi chỉ muốn lưu ý tầm quan trọng của những thông tin nói trên trong
việc cân nhắc, xác định hướng chiến lược phát triển của một đất nước, trong
việc lựa chọn đối tác nước ngoài, vai trò nổi bật không thể thiếu được của
những người lãnh đạo một nước trong những công việc trọng đại này. Những thông
tin nói trên có thể gợi ý cho chúng ta nhiều điều bổ ích. Riêng trong lĩnh vực
ngoại giao, có lẽ những thông tin kinh tế này chứa đựng nhiều tín hiệu có thực
chất.
Những điều nói trên không có gì mới lạ, ở
nước ta ngoại giao và kinh tế đối ngoại tuy hai mà một. Qua công việc đã làm,
về đại thể, chúng ta đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú. Những thành
tựu đạt được có thể cảm nhận và đo đếm được bằng các con số, các sự việc như
FDI đã đóng góp 50% vào tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, 20% vào tăng tốc độ
tăng trưởng ngoại thương ; ngày nay chúng ta đã có quan hệ kinh tế với
trên 100 nước trên thế giới (nhiều tài liệu nói là trên 140 nước), v.v…
Tuy nhiên, để tìm đường tiến xa hơn, nhanh
hơn, tôi xin nêu lên một vài ví dụ, dựa vào đó xem xét kỹ hơn những yếu kém còn
tồn tại và cần khắc phục.
Ví
dụ 1: Năm 1992, giữa lúc
chính phủ Mỹ còn chưa bãi bỏ cấm vận chống ta, tập đoàn Crysler vào đàm phán
với ta, đến năm 1995 thì được cấp giấy phép đầu tư công trình lắp ráp ô-tô
Dodge Dakotas và Jeep Cherokes trị giá 192 triệu USD, nhưng gần đây họ xin rút
hợp đồng và chịu mất trắng 4 triệu USD tốn phí, với lý do - họ nói – ta thay
đổi nhiều cam kết với họ, sau khi cấp giấy phép cho họ ta đã cấp phép cho 14
công ty lắp ráp ô-tô khác với tổng công suất ban đầu là 180.000 xe/ năm, trong
khi thị trường Việt Nam hiện nay chỉ tiêu thụ khoảng 5- 10 nghìn xe/ năm.
Chrysler là tập đoàn lớn, không đòi hỏi độc quyền, nhưng đành chấp nhận rút
lui. Một công ty dịch vụ tư vấn Mỹ đưa ra nhận xét về sự việc này : Trong
khi Chrysler chịu rút lui khỏi Việt Nam thì một số anh lau nhau trong số 14 (hay 15?) công ty lắp ráp nói trên lại trụ được.
Ví
dụ 2: Gần đây báo chí nêu
lên trường hợp công ty Mỹ Procter Gamble liên doanh với công ty Phương Đông
(quốc doanh) sản xuất chất tẩy rửa và bột giặt ; gọi tắt là liên doanh
P&G Vietnam, vốn pháp định là 14.3 triệu USD, ta góp 30% và còn cho không
một số bất động sản và tài sản vô hình. Vừa qua phía P&G thông báo sau hơn
2 năm hoạt động lỗ 28 triệu USD, doạ sẽ tuyên bố pháp sản, hoặc là phải để cho
họ mua lại phần vốn của ta để chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài, hoặc
phía Việt Nam phải bù lỗ và tăng vốn góp của liên doanh lên 60 triệu USD. Báo chí ta phanh phui đây là một liên
doanh, phí ta mất cả chì lẫn chài, (xem
bài Được và mất về phía Việt Nam, báo
Tuần tin tức, số 42, 14 – 20 tháng 10
năm 1997, tr. 1 và tr. 8 và một số báo khác). Đây là trường hợp thua lỗ trong
kinh doanh, hay là một phương thức kinh doanh, một thủ đoạn của P&G đánh
bật phần góp vốn của phía nước chủ nhà ? Cần tìm hiểu kỹ để có câu trả lời
xác thực.
Dù sao hai ví dụ riêng lẻ nêu trên cảnh
báo nhiều điều nguy hiểm:
- (1)
Thúc đẩy xu thế phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu, tất yếu đòi hỏi phải
tăng bảo hộ mậu dịch và do đó càng kích thích buôn lậu; hậu quả lớn hơn nữa là
về lâu dài làm thiên lệch cấu trúc nền kinh tế và chệch hướng chiến lược phát
triển CHN, HĐH của Đảng ta, trong khi đó lại để cho một số sản phẩm của ta mất
dần thị trường trong nước;
- (2)
Có nguy cơ biến thị trường nước ta thành nơi tiêu thụ sản phẩm nước ngoài dưới
dạng sản phẩm của liên doanh với FDI, khả năng trả nợ và khả năng tranh thủ
chuyển giao công nghệ đều thấp; tại không ít liên doanh những khả năng này là
số âm; tiếp tục làm ăn như vậy, trong một tương lai gần có thể cả nước trở
thành bãi thải công nghiệp; ngay hiện nay tình hình làm ô nhiễm môi trường của
nhiều liên doanh đã ở mức độ không thể chấp nhận được.
- (3)
Tiêu cực đang làm tê liệt nhiều thể chế trong luật pháp và trong các cơ quan
quản lý nhà nước, hủ hoá đội ngũ cán bộ viên chức, làm trầm trọng tình trạng
quan liêu tham nhũng, huỷ hoại môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
- (4)
Tiếp tục con đường này, đất nước ta trong tương lai sẽ là thành viên thâm niên
cao trong hàng ngũ các nước nghèo nhất trên thế giới.
Tôi không có đủ thông tin trong tay để đưa
ra số liệu cả nước ta có bao nhiêu tập đoàn lớn có tên tuổi trên thế giới đã bị
thua các anh lau nhau (theo cách gọi
của công ty dịch vụ tư vấn Mỹ nói trên) hoặc thua các anh yếu hơn trong các
trận đấu đi vào thị trường Việt Nam. Đấy là những trận thua đích đáng trong đấu
thầu hay thua vì không biết cách tham
gia đấu thầu?
Chắc
chắn Chrysler và P&G không phải là hai trường hợp cá biệt ; các cơ quan
có trách nhiệm của Nhà nước nên và rất cần nắm đầy đủ thông tin và số liệu để
phân tích tình hình này, để có những quyết định kịp thời, kể cả việc đưa ra
công khai cảnh báo những điều cần thiết trong cả nước (Xin đọc lại phần II.4. của tài liệu này).
Mặc dù tôi thiếu thông tin như vậy, nhưng
khi được đến xem tận nơi một số công trình liên doanh xi măng lò đứng, một số
công trình liên doanh sản xuất bia đã phá sản, một số liên doanh về may mặc và
các sản phẩm khác đã vỡ, điểm mặt một
số anh thua mà tôi biết, điểm lại một
số văn phòng đại diện công ty nước ngoài có tên tuổi đã rút lui khỏi Việt Nam
hoặc thu hẹp biên chế của họ, tiếp xúc với một số đại sứ các nước và nghe họ
nói những băn khoăn của những công ty nước họ đang hoạt động tại Việt Nam…, tôi
nghĩ rằng có đủ lý lẽ để thầm lo: tình hình đã đủ chín muồi đòi hỏi phải có
cách nhìn rất nghiêm khắc những vấn đề này. Chúng ta rất cần vốn đầu tư trực
tiếp của nước ngoài (FDI) để mở rộng thị trường, phát triển năng lực sản xuất,
có thêm việc làm, coi FDI là một trong những yếu tố quyết định cho sự nghiệp
CHN, HĐH. Chúng ta cũng cần thấy rõ đất nước đang phải đương đầu với cuộc cạnh
tranh quyết liệt trong việc thu hút FDI. Tuy nhiên, nói như thế không thể làm
tổn hại môi trường của chúng ta về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngạn ngữ ta có câu chọn bạn mà chơi, chọn mặt gửi vàng. Trong việc tìm đối tác liên doanh
nước ngoài lại càng đúng, hơn nữa lại phải thực hiện được sự cân bằng đa phương
hoá, đa dạng hoá có lợi nhất cho nước ta. Song, điều đặc biệt quan trọng là cần
xuất phát từ chiến lược phát triển ta định lựa chọn cho đất nước để chọn bạn mà
chơi, chọn mặt gửi vàng. Nước ta ở vào
tình hình phải giành phần thắng cho mình trong cuộc chơi chung với cả thiên hạ
trên bàn cờ chung của thế giới; nước ta không thể đánh cờ giữa hai người với
nhau trên bàn cờ chung của thế giới.
Chẳng ai cho không ai cái gì trong những
mối quan hệ này, nếu như không muốn nhắc đến nhièu lẽ thường tình khác như: lý kẻ khoẻ, anh nghèo bao giờ cũng thiệt hơn
anh giàu… dù là có biết bao nhiêu thể chế quốc tế và khu vực hay ho đến thế
nào chăng nữa. Đấy là sự thật, ta không thích, nhưng vẫn phải đối mặt với nó.
Và cả trong những trường hợp này, chúng ta vẫn phải kiên trì thực hiện sự có đi có lại theo cam kết. Song, điều
đặc biệt quan trọng là phải làm cho đối tác của ta phải ngồi cùng thuyền với chúng ta, cùng chèo chống mang sản phẩm liên
doanh đến thị trường tốt nhất. Sự khôn ngoan và chữ tín cũng là vũ khí mạnh
của kẻ yếu. Chúng ta cũng cần có những luật pháp, chính sách rõ ràng, bảo đảm
an toàn, khuyến khích và ưu đãi đối với các đối tác mang lại cho ta thị trường
lớn nhất và thực hiện chuyển giao công nghệ đối với ta tốt nhất.
Trong những mối quan hệ này, vai trò Chính
phủ và những người lãnh đạo đất nước rất quan trọng.
KẾT LUẬN
Tôi xin nói lại câu mở đầu làm lời kết
luận: Bàn về vận dụng lợi thế so sánh để
thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thực chất là đem tất cả cái mạnh và
cái yếu, cái hay và cái dở, cái thuận và cái nghịch của nước ta lên bàn cân, để
tính toán, để lựa chọn quyết định trong cuộc đọ sức phát triển kinh tế đầy
công, phạt với cả cộng đồng thế giới.
Vận dụng lợi thế so sánh thực chất là để
tìm ra sức cạnh tranh tuyệt đối hơn hẳn của
từng sản phẩm trong từng thị trường, từng thời gian và trong một bối cảnh nhất
định, từ đó tạo ra lợi thế so sánh mới hớn hơn, tạo điều kiện đẩy nhanh quá
trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế cả nước đi vào những sản phẩm khác có hàm
lượng công nghệ cao hơn và mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn. Đấy cũng là sự
vận động của nền kinh tế nước ta trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong quá trình này, giới hạn khó phá vỡ nhất là thị trường, nhiệm vụ khó nhất
cũng là chiếm lĩnh thị phần ngày càng lớn trên mọi thị trường trong một thế
giới đầy thách thức, cơ hội và rủi ro.
Sự đổ vỡ đang diễn ra đồng thời trong thị
trường tài chính tiền tệ của nhiều nền kinh tế mạnh ở châu Á, phải chăng là
những tín hiệu báo trước sự biến động
lớn nào đó trong nền kinh tế thế giới? Những tín hiệu này phảng phất bầu không
khí oi bức thường có trước những cơn bão lớn như cuộc đại suy thoái những năm 1929 – 1933, sự đổ vỡ chế độ bản vị
vàng và hệ thống tiền tệ Bretton Woods năm 1971, «ngày thứ hai đen tối năm 1987»… Tuy rằng tình hình kinh tế thế giới
ngày nay không xám xịt như những thời đó, song cũng chưa ai dám nói chắc điều
gì nếu xu thế đổ vỡ này tiếp tục lan rộng.
Chúng ta cần phải cảnh giác. It nhất,
những chấn động của sự đổ vỡ nói trên đang gây ra cho nền kinh tế nước ta thêm
nhiều khó khăn và thách thức mới, nhắc nhở chúng ta phải rất tỉnh táo, phấn đấu
gian khổ hơn – và tiết kiệm từng đồng vốn của ngân sách và trong xã hội, phát
huy nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất của từng người. Đổ vỡ của những
nước này cũng cho thấy bất kể sự khinh suất nào, tính bảo thủ hoặc cơ hội, sự
tránh né hoặc thái độ mê tín, đối với bất kỳ mô hình nào… trước sau, sớm muộn
đều phải trả giá.
Dựa theo phương pháp tính ICP, Ngân hàng
Thế giới 1995 đưa ra số liệu GDP
tính theo đầu người của Việt Nam năm 1995 là 1152 USD, vào lúc Việt Nam hoàn
thành các mục tiêu CNH , HĐH theo
chiến lược phát triển hiện nay, nghĩa là vào khoảng năm 2025, sẽ đạt GDP tính theo đầu người là 5878 USD, tăng gấp 5 lần
so với năm 1995. Tuy nhiên, cũng bảng thống kê này cho thấy: năm 1995 GDP tính theo đầu người của Việt Nam thấp hơn Thái
Lan 6000 USD, thấp hơn Trung Quốc 1150 USD, thấp hơn Nhật 21.000 USD; vào năm
2025 các khoảng cách này được dự báo là thấp hơn 13.000 USD so với Thái Lan,
25.000 USD so với Trung Quốc và 42.000 USD so với Nhật. Đấy là những con số gây
ra cảm giác ớn lạnh. Chúng ta có cách nào chứng minh những dự báo này là sai không?
Thách thức đối với đất nước đòi hỏi chúng
ta phải đẩy nhanh quá trình CNH ,
HĐH, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước chung quanh và thế giới bên
ngoài. Song để vươn nhanh tới quốc gia hiện đại, phấn đấu gian khổ thường xuyên
tăng cường nội lực là đòi hỏi tất yêú để có thể đứng vững và tranh thủ mọi cơ
hội cho phát triển đất nước trong nền kinh tế thế giới ngày càng toàn cầu hoá
sâu sắc. Dựa vào trí tuệ và nghị lực của mình, nhân dân ta có thể rút ngắn quá
trình tạo lực ban đầu, song không có đường tắt bỏ qua nó. Chúng ta có thể học
được nhiều điều từ những kinh nghiệm hay, dở trên thế giới, song mỗi quốc gia
là một thực thể duy nhất, nên không thể có một hình mẫu chung cho sự phát
triển.
Con đường phát triển đất nước ta vừa phải tiếp tục khai phá, sáng tạo, thiết kế, đồng
thời phải được thường xuyên điều chỉnh để bám sát cuộc sống. Bây giờ
nhìn lại những chặng đường lịch sử đất nước đã trải qua, có lẽ chúng ta có đủ
lý do chính đáng để nói rằng : Chúng ta đã nhận thức được sâu sắc con
đường hy sinh gian khổ trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước và xác lập được sự
tự giác của chúng ta trong cuộc trường chinh vĩ đại này. Câu hỏi mới được đặt
ra : Chúng ta có thể nói được như vậy chưa trong sự nghiệp xây dựng đất
nước ngày nay?
Câu
hỏi nêu trên ngày càng mang tính thời sự, bởi lẽ trong sự vận động của kinh tế
thế giới ngày nay, lợi thế so sánh của một quốc gia ngày càng phụ thuộc vào
chất lượng đào tạo và nghị lực của từng công dân của nó. Đây chính là nguồn vốn
sáng tạo ra tiền đề của mọi tiền đề cho đất nước ta giành lấy tương lai trong
thế kỷ XXI. Tạo ra nguồn vốn quý báu này, chính là mục tiêu chính trị cao nhất
của mọi nỗ lực trong toàn xã hội.
Từ nhận thức về chiến lược phát triển đất
nước trên cơ sở vận dụng lợi thế so sánh trong xu thế toàn cầu hoá của nền kinh
tế thế giới, trong đó trước hết là nhận thức nước ta phải đua tranh với thiên
hạ quyết liệt hơn so với mọi thời đại trước đây, tôi hy vọng đã chứng minh được
đòi hỏi bức bách: Hơn lúc nào hết, Việt
Nam cần xây dựng được cho mình một dân tộc mạnh và một Nhà nước mạnh giành được
thắng lợi trong cuộc đọ sức phát triển này, và đấy chính là sứ mệnh lịch sử
trọng đại nhất của Đảng ta trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Sức
mạnh này bắt nguồn từ việc không ngừng nâng cao hiểu biết của từng công dân,
bảo đảm dân chủ và công bằng, tôn vinh những người làm ăn giỏi và quan tâm đến
cộng đồng xã hội, và trước hết là từ giác ngộ ý chí chấn hưng đất nước của đội
ngũ cán bộ đảng viên. Đây chính là nguồn động lực phát triển của đất nước, là
sức đề kháng bất khả kháng của dân tộc ta, là điều kiện hàng đầu thu hút mọi
nguồn lực bên ngoài.
Chiến lược phát triển lấy phát triển con
người làm trung tâm, làm mục tiêu có lẽ là con đường ngắn nhất đi kịp vào tương
lai phát triển trên thế giới. Tố chất con người Việt Nam và chiều dày nền văn
hoá Việt Nam là những điều kiện căn bản cho phép nước ta đáp ứng thuận lợi nhất
những thách thức và xu thế phát triển kinh tế đang diễn ra trên thế giới.
Tố chất con người và văn hoá Việt Nam từng
được thể hiện trong những thử thách khắc nghiệt nhất của lịch sử. Nhìn lại sự
nghiệp kháng chiến cứu nước trong 3 thập kỷ liên tiếp, có biết bao nhiêu giá
trị cao quý, thiêng liêng đã gắn bó dân tộc ta trong ý chí «Không có gì quý hơn
độc lập, tự do!» - với tất cả sức đề kháng bất khuất và nghị lực sáng tạo phi
thường. Những giá trị đó đã trở thành nền tảng đạo lý và tinh thần cho tổ chức
xã hội và hệ thống chính trị không gì phá vỡ nổi của đất nước. Đấy là những
kinh nghiệm vô giá! Đấy là sức mạnh của văn hoá Việt Nam!
Đi vào xây dựng đất nước thời hội nhập
quốc tế, hơn bao giờ hết cần nuôi dưỡng, phát huy truyền thống vẻ vang và những
giá trị cao quý ấy, nhằm nâng cao hơn nữa phẩm chất dân tộc ta, gắn bó mọi
người Việt Nam trong đoàn kết hoà hợp dân tộc - tất cả vì hạnh phúc, sự phồn
vinh và danh dự của Tổ quốc Việt Nam ta! Ngày nay, xây dựng những giá trị,
thước đo và phẩm chất cao quý ấy thành nền tảng đạo lý và tinh thần cho tổ chức
xã hội và hệ thống chính trị của đất nước, Đảng ta nhất định sẽ thực hiện được
sứ mệnh lãnh đạo nhân dân ta viết nên trang sử mới vẻ vang của sự nghiệp xây
dựng đất nước.
Tuy nhiên, cũng cần tỉnh táo nhận thức
những yếu kém của bản thân chúng ta để vượt qua, nhận thức những đòi hỏi mới để
vươn lên; sự giác ngộ chủ nghĩa yêu nước trong quá trình toàn cầu hoá càng trở
nên vô cùng quan trọng, để có đủ trí tuệ và nghị lực phát triển đất nước, để
giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc của mình. Ở tuổi về hưu ngẫm nghĩ sự đời,
tôi càng thấm thía một điều: Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta coi lịch sử
vinh quang và những giá trị truyền thống đã giành được là điểm tựa để có ý chí
phấn đấu, thì Tổ quốc Việt nam ta sẽ bước vào một thời kỳ mới huy hoàng. Là
người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi có và sống với niềm tin như vậy.
Có một sự trùng hợp uyên bác, từ Khổng Tử,
Mạnh Tử, Socrates, Aistote… đến Adam Smith, Karl Marx, Friederich Engels…, cho
đến các triết gia, học giả, các nhà kinh tế lỗi lạc ngày nay đều nhấn mạnh
trách nhiệm cá nhân của mỗi con người trong cộng đồng xã hội một dân tộc và
trong cộng đồng xã hội loài người. Đối với nước ta, với ý tưởng coi con người
là vốn quý nhất để vận dụng lợi thế so sánh, tìm đường phát triển đất nước
trong nền kinh tế toàn cầu hoá, việc nâng
cao giáo dục để phát huy chủ nghĩa yêu nước và mở rộng tầm nhìn ra thế giới
có ý nghĩa rất quan trọng. Đấy là điều kiện hàng đầu cho việc phát huy những tố
chất, những giá trị và truyền thống tốt đẹp của con người và nền văn hoá Việt
Nam, để thực hiện thành công nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo
tinh thần: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đấy chính
là thực hiện xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày nay, hầu hết các nước trên thế giới
đều ra sức vận dụng lợi thế so sánh, đều lấy việc phát triển con người làm động
lực. Nước ta tham gia vào cuộc đua này với điểm xuất phát thấp so với nhiều
nước. Lợi thế so sánh duy nhất và lớn nhất chúng ta có trong tay là có cơ hội phát huy yếu tố thời gian và
yếu tố con người Việt Nam, và nhất thiết không thể để mất cơ hội này.
Lao động cơ bắp và nền kinh tế nguyên liệu
đang nhường chỗ hết nơi này đến nơi khác, hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác
trên thế giới cho nền kinh tế của ưu thế về con người và của văn minh trí tuệ.
Chính đây là cơ hội, là vận mệnh đang đến với dân tộc ta, đất nước ta. Phải
trải qua hơn một thế kỷ mất nước và đấu tranh chống ngoại xâm, và nhờ có thành
tựu của những năm gian khổ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước, và
nhờ thành tựu của 10 năm đổi mới vừa qua, bây giờ đất nước ta mới có cơ hội
này.
Để tiếp tục giành thắng lợi cho sự nghiệp
xây dựng đất nước, Nghị quyết Đại hội VIII nêu rõ phải đẩy mạnh toàn diện công
cuộc đổi mới. Lấy sự phát triển của
thế giới làm tấm gương phản chiếu soi rọi lại tình hình phát triển đất nước,
chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nữa những chỗ mạnh, yếu của nước mình, sẽ xây dựng được
cách nhìn và nhận thức thống nhất về lợi thế so sánh của đất nước. Điều này sẽ
có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn thực trạng và vị thế của đất nước trong
mối tương quan mọi mặt với cộng đồng các quốc gia trên thế giới, thấy rõ hơn
những việc phải làm. Vận dụng lợi thế so sánh sẽ đem lại cho suy nghĩ và hành động
của chúng ta tầm nhìn mới và những luận cứ xác đáng, gợi mở thêm những tư duy
sáng tạo trong quá trình phấn đấu thực hiện những mục tiêu trước mắt và lâu dài
như đã ghi trong Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
PHỤ LỤC 1
Tạp chí Trung Quốc Quốc tình, quốc lực tháng 4-1997 cho biết: Trong những năm 1980 –
1990 sản xuất của xí nghiệp quốc doanh của Trung Quốc không ngừng mở rộng,
nhưng tỷ trọng lợi nhuận nộp ngân sách không ngừng giảm, trong khi đó lương
công nhân hàng năm tăng trung bình 18%, nghĩa là cao hơn mức tăng trưởng bình
quân hàng năm của Tổng giá trị sản xuất quốc dân (GDP ).
Trong những năm gần đây tiền gửi tiết kiệm tăng bình quân trên dưới 1000 tỷ
NDT/ năm. Bài báo cảnh báo nguy cơ nước
nghèo dân giàu do tài sản quốc doanh bị tham nhũng bòn rút. Từ khi tiến
hành cải cách năm 1976 đến nay, nhà nước đầu tư vào tài sản cố định cho các
XNQD là 5.000 tỷ NDT, ngày nay chỉ còn 1600 tỷ NDT, trong khi đó tiết kiệm của
dân hiện nay lên tới 4.000 tỷ NDT – theo bài báo này – nghĩa là đủ sức mua lại
toàn bộ số tài sản cố định nhà nước đã đầu tư trong gần 2 thập kỷ cải cách. Bài
báo cho rằng: mặc dù chúng ta (Chính phủ Trung Quốc) không chủ trương tư nhân
hoá XNQD nhưng trên thực tế lại đang
diễn ra một quá trình tư nhân hoá tự phát, trong đó tham nhũng đóng vai trò
quan trọng.
PHỤ LỤC 2
Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam tháng 9
– 1997 có bài phóng sự, nói về nạn bằng rởm
bậc đại học, có lẽ bài báo định nói về bằng tốt nghiệp đại học hệ tại
chức ? Con số tỷ lệ về bằng rởm mà
bài phóng sự này đưa ra gây băn khoăn lớn cho thính giả nghe đài. Phải chăng
tình hình này cắt nghĩa: Chúng ta có nhiều công trình nghiên cứu quốc gia đạt
tiêu chuẩn xuất sắc, nhiều cán bộ chủ
chốt đeo 2 – 3 bằng đại học, có không ít các bằng thạc sỹ và phó tiến sỹ, có
nhiều người mang học hàm giáo sư…, song tình hình kinh tế và tình hình luật
pháp nước ta vẫn có nhiều chuyện như vậy? Xin xem thêm bài «Quan học» đăng trên
Báo Nhân Dân ngày 9 – 11 – 1997.
PHỤ LỤC 3
BÀN THÊM VỀ
KHỦNG HOẢNG ĐỒNG BAHT HIỆN NAY
Thời gian cho phép có thêm một số thông
tin để tiếp tục đánh giá cuộc khủng hoảng đồng Baht Thái.
1. Như một dự báo khí tượng, cuộc khủng
hoảng tiền tệ ở Thái Lan 1997 đã được cuộc khủng hoảng ở Mehico năm 1994 cảnh
báo trước. Trong các năm 1995 và 1996 đã có nhiều công trình nghiên cứu báo động nguy cơ này đối với Thái Lan,
trong đó có các khuyến cáo của IMF. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng này nổ ra
trong tình hình kinh tế Thái Lan đã đạt GDP
tính theo đầu người là trên 3.000 USD và mạnh hơn kinh tế Mehico trên nhiều
phương diện; bình quân trong các năm 1990 – 1995 tăng trưởng GDP đạt 6 – 7%/ năm, tỷ lệ tiết kiệm 35 – 37% GDP / năm; cán cân thương mại khoảng xấp xỉ -1% GDP / năm (trong các năm 1980 phần lớn là số
dương); tỷ lệ lạm phát 5 – 6%/ năm, dự trữ ngoại tệ hàng năm ở mức 30 – 37 tỷ
USD… Có thể nói, nếu chỉ đọc các số liệu trong bảng thống kê hàng năm, cuộc
khủng hoảng nổ ra không khác gì bão lốc ập đến gữa lúc trời quang mây tạnh.
2. Cuộc khủng hoảng của Thái lan có những
nhóm nguyên nhân chính sau đây:
· Mặc dù theo đuổi chính sách phát triển
hướng về xuất khẩu (1996 kim ngạch xuất khẩu lên tới 44,9% GDP , trong đó xuất khẩu nông sản chỉ chiếm 11,8% và
hải sản chỉ chiếm 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn lại là các sản phẩm chế
biến và sản phẩm công nghiệp, Thái Lan không có nguyên liệu xuất khẩu), nhưng
cơ cấu phát triển kinh tế và cơ cấu đầu tư có nhiều thiên lệch, nổi lên là kinh
doanh bất động sản (hiện nay còn 350.000 ngôi nhà và căn hộ chưa bán được),
phát triển ngành cán thép và ngành ô-tô rất mạnh, nhưng lại chỉ có thể tiêu thụ
trong nước.
· Việc phân bổ các nguồn lực có thể được xem
là nguyên nhân nghiêm trọng và điển hình nhất của một nền kinh tế thiếu căn bản
vững chãi. Ví dụ, các ngân hàng thương mại Thái Lan hàng năm phân bổ khoảng gần
¾ các nguồn vốn ngắn hạn và dài hạn trong nền kinh tế ; phân tích sự phân
bổ vốn của loại ngân hàng thương mại này để làm mẫu (không kể các công ty tài
chính khác), chúng ta thấy trong thời gian 1990 – 1995 phân bổ cho nông nghiệp
khoảng 3,5% tổng số vốn cho vay hàng năm, cho công nghiệp chế biến khoảng 26%,
cho thương mại khoảng 17% ; phân bổ cho xây dựng và bất động sản là 15%,
cho các doanh nghiệp thiếu vốn hoặc có nguy cơ phá sản 18%, cho các công ty
hoặc các chương trình tài trợ mới 7,5%, cho tiêu dùng cá nhân (chủ yếu dưới
hình thức vay trước tậu nhà, mua xe hơi, mua hàng trả chậm các tiện nghi đắt
tiền …) khoảng 12,5%. Nói một cách khác, nếu tính cả phần dành cho bất động
sản, quá nửa nguồn lực của các ngân hàng thương mại này phân bổ vào các lĩnh
vực không làm ra lãi hoặc đang ăn lẹm vào vốn, khuyến khích xu thế tiêu thụ,
không đóng góp vào tăng cường xuất khẩu.
Tại những thị trường tiêu thụ chính là Mỹ,
Tây Âu và Nhật, sản phẩm xuất khẩu của Thái Lan mất dần khả năng cạnh tranh,
nên kim ngạch tụt mạnh. Trong các năm cuối thập kỷ 1980, xuất khẩu còn giữ được
tăng trưởng tên dưới 20%/ năm, giảm dần trong các năm đầu thập kỷ 1990, năm
1996 tụt xuống 0,4%, năm 1997 có thể là 0% hoặc số âm. Nguyên nhân chủ yếu là
quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các sản phẩm có nhiều giá trị gia
tăng hơn tiến hành rất chậm, lợi thế so sánh của sản phẩm sử dụng nhiều lao
động giảm dần – do xuất hiện các đối thủ mới, trong đó có Trung Quốc và nhiều
đối thủ khác, và do tiền công lao động ngày càng đắt. Nếu lấy năm 1984 làm mốc
so sánh, năng suất lao động bình quân trong công nghiệp của Thái Lan, năm 1996,
tăng gấp đôi, nhưng tiền lương tối thiểu tăng gấp 2,5 lần.
Mặc dầu gần như thường xuyên có tỷ lệ tiết
kiệm cao, khoảng 30 – 35% GDP / năm
(cao gấp đôi Mehico), song tỷ lệ đầu tư quá cao, thường là 40 – 45% GDP / năm, khoảng cách tiết kiệm/ đầu tư được san
lấp chủ yếu bằng huy động vốn vay. Điều hành vĩ mô phạm nhiều sai lầm nghiêm
trọng trong chính sách tài chính, tiền tệ ; trước hết trên các phương
diện:
· Năm 1984 bỏ chế độ treo tỷ giá cố định vào
đồng USD (#23Baht/ 1 USD), thực hiện phá giá đồng tiền để chuyển sang rổ tỷ giá
gồm đồng USD (trên 70%), (đồng yên trên dưới 15%), vào đồng DM (trên dưới 5%)
với tỷ giá #25 Baht/ 1 USD. Đây là bước đi đúng. Nhưng ngay sau đó, nền kinh tế
Thái Lan ngày càng kém hiệu quả, đồng Baht bắt đầu mất giá liên tục, nhưng tỷ
giá vẫn được neo cố định ở mức 25 Baht/ 1 USD. Trên thực tế tỷ giá này quá cao
(overvalued) từ khoảng 10 năm nay.
· Ngân hàng trung ương (Ngân hàng Thái Lan)
thiếu sự kiểm soát chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính
về các mặt; các loại vốn nóng vay rồi, nhưng khó thực hiện (thường vì thời hạn
quá ngắn, lãi suất cao, chủ yếu chui vào đầu cơ bất động sản), các loại vốn cho
vay quá mức, các loại vốn vay khó hoàn trả đúng hạn (nợ khó đòi), các loại vốn
vay cho các công ty đang phá sản hoặc đang có nhiều nợ đến hạn chưa trả được…
(gọi chung tất cả là bad loans, giới
nghiên cứu Nhật Bản ước đoán cho đến năm 1996 lên tới 17%, năm 1997 có thể là
20% GDP của Thái Lan). Tổng nợ
loại bad loans hiện nay lên tới 1.200
tỷ Baht hoặc hơn thế, ước khoảng 35 – 40 tỷ USD hoặc còn hơn thế, tuỳ theo cách
tính tỷ giá – nghĩa là có thể nuốt chửng 32 tỷ USD dự trữ ngoại tệ còn giữ được
năm 1996. Ngoài ra còn phải kể đến cán cân thanh toán chung của toàn bộ nền
kinh tế (chủ yếu là thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách nhà nước và dịch vụ
nợ): 1994 = -5,6% GDP , 1996 =
-8,2% GDP (= -14,4 tỷ USD). Xin
lưu ý, trên thế giới một nước phát triển hoặc một nước trên con đường công
nghiệp hoá, nếu có mức nhập siêu quá 5% GDP ,
thì tình hình kinh tế không thể coi là bình thường được nữa.
· Chính phủ dựa trên một nền chính trị ốm
yếu, có quá nhiều đảng phái, thường không ổn định và có nhiều tham nhũng, nhận
biết quá chậm tình hình tài chính tiền tệ nghiêm trọng nói trên, đồng thời phạm
nhiều sai lầm trong quá trình xử lý.
· Việc phát triển nguồn nhân lực chưa được
chú trọng thoả đáng, vì vậy gặp nhiều khó khăn lớn trong việc chuyển dịch cơ
cấu kinh tế sang các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng hơn; tăng trưởng và
phát triển chủ yếu bó khung trong Bangkok, giao thông tắc nghẽn mặc dù đầu tư
cho kết cấu hạ tầng rất lớn; để cho các vùng khác tụt hậu quá xa; du lịch tình
dục phát triển với hậu quả trên 1 triệu người hiện nay nhiễm HIV/ AIDS.
3. Tình trạng quản lý và phân bổ không hợp
lý các nguồn vốn ào ạt đổ vào Thái Lan trong hơn 2 thập kỷ vừa qua là một trong
những tác nhân quan trọng của cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng câu hỏi chưa
được trả lời có sức thuyết phục là: Vì sao nền kinh tế Thái Lan có khả năng hấp
dẫn những nguồn lực tài chính lớn và trong một thời gian dài như vậy? Các câu
trả lời được đưa ra cho đến nay đại thể là : Thái Lan nằm trong khu vực
Đông Nam Á phát triển rất năng động và có nhiều ưu đãi nhằm thu hút các nguồn
lực bên ngoài – trong đó có chính sách chủ động duy trì lãi suất cho vay cao
của đồng GaBaht để hút vốn ngoại tệ nước ngoài ; đặc biệt việc đồng Yên
giảm giá so với đồng USD và việc Nhật, do tình hình này, phải đẩy mạnh chuyển
dịch nhiều ngành sản xuất không còn hiệu quả cao ra nước ngoài- trong đó chú
trọng vào Thái Lan ; nguồn vốn của người Hoa ở khu vực Đông Nam Á - kể cả
ở Thái Lan – phát triển mạnh và cần thị trường, Thái Lan vừa là nơi tiếp nhận
vốn, vừa là nơi chuyển vốn đi các thị trường mới - trước hết là Trung Quốc và
các thị trường mới ở Đông Nam Á; sự đánh giá quá cao khả năng phát triển của các con rồng mới trong ASEAN – trong đó
có Thái Lan; sự đầu cơ vào bất động sản và vào thị trường xây dựng, các công
trình lớn và tiêu thụ ở Thái Lan… Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về tham
nhũng, sự đầu cơ này còn có những nguyên nhân sâu xa nằm trong nền chính trị có
quá nhiều đảng phái và thường xuyên thay đổi ở Thái Lan (có nhà báo mô tả cá
chính phủ Thái là chính phủ của các quota); v.v… Tuy nhiên, có một nhận định
quan trọng được nhiều người đồng tình : Hệ thống tài chính tiền tệ của Thái Lan còn nhiều yếu kém, chịu nhiều
tác động can thiệp của chính trị và tham nhũng, và vào thời điểm nguy kịch
nhất, thì nó thực sự tỏ ra vô hiệu. Đây là nhận định rất đáng được ngẫm
nghĩ.
Có đủ căn cứ để kết luận: Cuộc khủng
khoảng tiền tệ của Thái Lan là một cuộc khủng hoảng cơ cấu kinh tế, bắt nguồn
từ trong chiến lược phát triển được vận dụng gần 3 thập kỷ vừa qua của chính
bản thân nền kinh tế Thái Lan. Những nguyên nhân đầu cơ của giới tài chính nước
ngoài trên thực tế chỉ là những giọt nước cuối cùng làm cho cốc nước đầy trào
ra ngoài.
4. Một số ý kiến phân tích cuộc khủng
hoảng này đã được báo chí nêu ra, nay cần xem xét thêm.
· Có ý kiến phân tích cuộc khủng hoảng này
là do kinh tế Thái Lan tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu. nếu điều này là
đúng thì kết luận thế nào? Thật ra là tội lỗi là ở chỗ khả năng cạnh tranh
trong xuất khẩu của Thái giảm dần, và đây là một trong những nguyên nhân dẫn
đến tình trạng hiện nay. Thường xuyên tăng cường khả năng cạnh tranh để đẩy
mạnh xuất khẩu, kể cả việc chuyển dịch cơ cấu và luôn đổi mới mặt hàng xuất
khẩu, là vấn đề sống còn của mọi quốc gia trong thế giới ngày nay. Mặc dầu kinh
tế Thái Lan có nhiều «thuận lợi và may
mắn», song mô hình phát triển của Thái Lan và sự lãnh đạo vĩ mô của các
chính phủ Thái Lan trong những thập kỷ phát triển vừa qua không đáp ứng thoả
đáng đòi hỏi sống còn này, nên khi tình hình trở nên chính muồi thì lao nhanh
vào thảm hoạ.
· Cuộc khủng hoảng này là do tính hai mặt lợi và hại của nền kinh tế toàn cầu
hoá ? Thiết nghĩ, nền kinh tế toàn cầu hoá là một quá trình khách quan, là
sản phẩm tất yếu kể từ khi kinh tế thế giới bước vào thời đại công nghiệp hoá.
Khỏi phải nói đến những nguyên nhân làm cho quá trình này ngày nay trở nên vô
cùng sâu sắc và năng động, không một quốc gia nào trên thế giới có thể đứng
ngoài cuộc. Quá trình này không đưa ra cho bất kỳ nước nào sự lựa chọn có hay không tham gia? Nó chỉ tạo ra những
cơ hội và thách thức có thể phát triển
hoặc nhấn chìm bất kể nền kinh tế nào - tuỳ theo khả năng mỗi quốc gia vận
dụng những cơ hội và ứng phó với những
thách thức đang biến động hàng giờ, hàng ngày trong nền kinh tế toàn cầu hoá.
Hiển nhiên con đà điểu có rúc đầu vào cát cũng không thể tránh được hiểm hoạ
đang đến với nó.
· Thủ phạm của cuộc khủng hoảng tiền tệ Thái
Lan là do giới đầu cơ tài chính nước ngoài? Câu hỏi này cũng cần được xem xét
một cách tỉnh táo. Cần đặt ra câu hỏi là tại sao sự đầu cơ này không xẩy ra ở
Thái Lan cách đây 5 năm – khi nền kinh tế Thái bắt đầu có biểu hiện suy thoái
rõ rệt, hoặc cách đây 10 năm – khi nền kinh tế Thái đang thời kỳ sung sức? Có
thể thấy ngay rằng đầu cơ chỉ có thể xẩy ra khi có cơ hội – nghĩa là vào lúc nền kinh tế Thái đã bị hư hỏng quá lâu, theo
như cách nói của giáo sư Tanet (Trường Đại học Chiengmai), và vào lúc chính phủ
Chavalit đã phạm những sai lầm nghiêm trọng - điển hình là trong 9 tháng tiêu tốn 10 tỷ USD để neo tỷ giá cố định và
rồi lại chuyển sang thực hiện liệu pháp shock thả nổi tỷ giá ngày 2 – 7 – 1997.
Ngoài ra xin lưu ý, không một nhà đầu tư tài chính nào chịu khoanh tay khi
nhìn thấy giá trị các cổ phiếu của mình có nguy cơ sụt giảm ; khi họ
« ngửi » thấy nguy cơ này
và tháo chạy, thì lập tức sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền đầy thảm hoạ. Tuy
nhiên, hiện tượng Thái Lan cho
thấy : trên thế giới, nền kinh tế
tiền tệ càng tách rời nền kinh tế thực bao nhiêu, nguy cơ đầu cơ càng lớn và
nhậy cảm bấy nhiêu. Nạn khan hiếm vốn thường kìm hãm kinh tế phát triển;
song, nếu không làm chủ được nguồn vốn chảy vào, thì cũng có nghĩa là tích tụ
dần những quả bom nổ chậm. Đầu tư kém
hiệu quả và nợ khó đòi là một trong những căn bệnh chung nhất trong
cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ hiện nay của những nền kinh tế mạnh ở châu
Á. Bên cạnh những nguyên nhân thuộc về cơ cấu kinh tế, chính sách tài chính
tiền tệ, kỹ thuật nghiệp vụ, cần phải nói rằng sự thiếu minh bạch, sự dính líu
của quyền lực với hậu quả luật pháp bị lũng đoạn cũng là những tác nhân không
kém phần quan trọng gây ra căn bệnh chung
nhất này.
· Nhân đây xin nói thêm: Tác động khủng
hoảng tiền tệ của các con rồng ASEAN
làm cho đồng dollar Hongkong (DHK) chao đảo, nguyên nhân chủ yếu là do các
luồng vốn tháo chạy nói trên đổ dồn vào Hongkong. Nguy cơ đầu cơ tấn công vào
đồng DHK rất lớn, ví dụ có ngày (23 – 10 – 1997) trị giá cổ phiếu thị trường
chứng khoán Hang Seng tụt 10%. Nhưng giới lãnh đạo tài chính Hongkong quyết tâm
bảo vệ tỷ giá DHK neo vào đồng USD và chống lại cuộc đầu cơ này, họ tuyên bố
nếu cần sẽ dốc cả 88 tỷ USD dự trữ vào cuộc. Quyết định này của họ là đúng và
họ đã thực hiện được – ít nhất là trong keo này. Thành công này có 3 nguyên
nhân chính: tỷ giá đồng DHK sát thực với trị giá thực tế của nó, nền tài chính
Hongkong có lực, ngăn chặn được tâm lý hoang mang. Tuy nhiên, cần chờ xem tính
bền vững của những kết quả này.
· Cũng cần nói thêm, trong khi cuộc động đất
tiền tệ ASEAN gây chấn động mạnh với thị trường tiền tệ cả thế giới, thì đồng
Nhân dân tệ của Trung Quốc bằng chân như
vại. Nguyên nhân chủ yếu lại là Trung Quốc từ cuối thập kỷ 1980 đã chủ động
giữ tỷ giá đồng tiền của mình dưới mức giá trị thực một chút (undervalued) để
đẩy mạnh xuất khẩu, nền kinh tế Trung Quốc đang có sức phát triển năng động,
kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong thập kỷ 1990 tăng trung bình 25%/ năm
- một hiện tượng có lẽ là duy nhất trên thế giới. Tuy nhiên, theo báo chí nước
ngoài: một số tín hiệu ảm đạm về nền tài chính Trung Quốc đã bắt đầu lan đi;
năm 1997 nợ trong nước khó đòi đã lên tới 200 tỷ USD, nợ nước ngoài lên tới 119
tỷ USD – song khác với Thái Lan, đây chủ yếu là nọ trung hạn và dài hạn, đầu tư
nước ngoài năm 1997 giảm 35% …
· Có ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ Đông Nam Á hiện nay là do những âm mưu của
những thế lực nào đấy tấn công vào sự phát triển của các nước ASEAN đang lên,
gây khủng hoảng cho Hongkong sau khi trở về với Trung Quốc và ngăn chặn bước
tiến của Trung Quốc và Nhật Bản… Trong nghiên cứu, mọi giả thiết cần được
đặt ra; đồng thời cũng phải tìm các dẫn chứng, đối chứng để đánh giá, thừa nhận
hoặc bác bỏ các giả thiết. Chỉ xin cung cấp thêm một số thông tin để tất cả
cùng tiếp tục suy nghĩ: Cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á làm nháo nhác thị
trường tiền tệ Mỹ trong suốt tháng 10 – 1997, riêng trong ngày thứ hai 28 – 10
– 1997 chỉ số Dow Jones từ 7700 lúc mở cửa buổi sáng, tụt xuống còn 7000 điểm
lúc đóng cửa buối tối ; các nhà kinh doanh Mỹ gọi đó là ngày thứ hai tàn sát hàng loạt (masssacre Monday,
nguồn: báo USD Today ngày 30 – 10 – 1997), đến nỗi Hạ viện Mỹ phải yêu cầu
Alan Greenspan, chủ tịch Ngân khố dự trữ Liên bang, ra điều trần 2 lần. Các
đồng Pound, Sterling, DM cũng chao đảo không kém trong thời gian này, đồng tiền
chung châu Âu vẫn chưa thực sự ra đời. Còn kẻ nào khác có thể là thủ phạm? Hơn
nữa trong thế giới phụ thuộc hoàn toàn cầu cũng có thể xẩy ra kịch bản không có
kẻ thắng, người thua trong hai anh diệt
và bị diệt.
5. Chính phủ mới của Thái Lan do Chuan
Leek Pai làm Thủ tướng còn quá mới và chưa đủ thời gian đưa ra một chương trình
đầy đủ khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Việc làm đầu tiên là Chính
phủ này đưa ra một số quan niệm và tuyên bố thoả thuận với đề án của IMF, bao
gồm 5 vấn đề lớn:
· Làm lành mạnh nền tài chính, trước hết là
thắt chặt chi tiêu ngân sách và kiểm tra chặt chẽ hoạt động của thị trường vốn
và thị trường tiền tệ (chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, ngăn
chặn cho vay quá mức và các hành động xù vốn, có kế hoạch bảo đảm thanh toán
các nguồn vay nước ngoài …)
· Chuyển đổi sang hệ thống tỷ giá linh hoạt.
· Đẩy mạnh xuất khẩu.
· Sửa đổi chính sách phát triển công nghiệp
và nông nghiệp.
· Thay đổi chính sách và cơ cấu đầu tư.
Quan điểm của chính phủ mới là: Cần sửa
đổi toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ, tăng cường quyền lực và phạm vi trách
nhiệm của những cơ quan và thiết chế điều hành hệ thống tài chính tiền tệ,
nhưng không can thiệp bằng chính trị hoặc hành chính; các biện pháp cần đủ mạnh
để đem lại hiệu quả, nhưng không được tạo ra gánh nặng quá mức chịu đựng của
nền kinh tế Thái và không được để cho lạm phát quá cao; thời gian phải chịu đựng những khắc khổ ít
nhất sẽ kéo dài 2 năm…
Đáng chú ý: Mỹ thừa biết chính phủ của ông
Chavalit không thể tồn tại được. Tuy vậy, vài ngày trước khi Chavalit đổ, Tổng
thống Clinton có thư cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Thái Lan trong cuộc khủng hoảng này.
Hạ tuần tháng 11 tại hội nghị cấp cao APEC ở Vancouver, Clinton lại xin lỗi Thủ
tướng mới của Thái Lan là Chuan Leek Pai về việc Mỹ chậm trễ trong sự hỗ trợ
này. Bên cạnh những ý nghĩa chính trị đối ngoại, phải chăng cử chỉ này còn thể
hiện nỗi lo về nguy cơ không kiểm soát được bệnh cúm tài chính tiền tệ châu Á?
Từ 5 điểm trình bày trên về cuộc khủng
hoảng ở Thái Lan, có thể rút ra nhiều điều suy nghĩ có lợi cho kinh tế nước ta.
PHỤ LỤC 3b
Kinh tế Hàn Quốc trong vòng 4 thập kỷ đã
làm nên kỳ tích cả thế giới khâm phục, biểu hiện tập trung là thu nhập quốc dân
theo đầu người từ 80 USD đầu thập kỷ 1960, ngày nay đạt 10.000 USD, GDP của cả nước bằng GDP
các nền kinh tế Thái Lan, Indonesia và Malaysia gộp lại, mặc dầu dân số Hàn
Quốc chỉ bằng khoảng 17% dân số 3 nước này.
Kinh tế Hàn Quốc đạt tốc đô tăng trưởng
bình quân 9%/ năm trong hơn 3 thập kỷ, trình độ công nghiệp hoá phát triển khá
cao, có nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu thâm nhập mạnh mẽ thị trường các
nước phát triển. Song từ giữa thập kỷ 1990, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm
lại, 1997 dự tính chỉ đạt +6%.
Nguyên nhân tực tiếp của cuộc khủng hoảng
hiện nay là đầu tư kém hiệu quả và nợ ngày càng lớn, mối quan hệ khăng khít
giữa các tập đoàn lớn (các chaebols) và các nhóm quyền lực khác nhau kích thích
và làm trầm trọng thêm tình trạng này. Các tập đoàn lớn vận dụng mối quan hệ
này tranh thủ mọi cơ hội thực hiện tham vọng của mình - đặc biệt là tranh thủ
các nguồn vốn để trang trải những khó khăn hoặc để tăng khả năng cạnh tranh đối
với các đối thủ, trong khi đó, chi phí cho sản xuất ngày càng cao, cơ cấu kinh
tế chuyển dịch chậm so với yêu cầu phát triển mới. Ngày càng có nhiều tập đoàn
kinh doanh kém hiệu quả so với yêu cầu cạnh tranh và yêu cầu đẩy mạnh xuất khẩu
– trong đó có thép, ô-tô, đồ điện tử… Trong năm 1997 có 7 tập đoàn đổ vỡ - điển
hình là tập đoàn KIA (sản xuất ô-tô), 30 tập đoàn thua lỗ nặng, 20 ngân hàng
thương mại phá sản. Theo tính toán của tập đoàn tài chính Goldman Sachs rất nổi
tiếng ở Mỹ, thâm hụt cán cân thanh toán (bao gồm nợ đến hạn phải trả và nhập
siêu) của Hàn Quốc, năm 1997, ước khoảng ¼ GDP
và lớn gấp 3 lần dự trữ ngoại tệ của nước này. Cũng có thể nói : Đi quá
sâu vào công nghiệp nặng, nhưng khả năng cạnh tranh kém dần, kinh tế bành
trướng quá sức trên cơ sở vốn vay, sự lũng đoạn của các chaebols – đó là 3
nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng kinh tế Hàn Quốc ngày nay, mặc dù nền kinh
tế nước này đã đạt được trình độ phát triển khá cao và thực hiện một cuộc sống
tiết kiệm, có tổ chức xã hội chặt chẽ và phần nào khắc khổ.
Tháng 11 – 1997, Hàn Quốc phải nén lòng tự
trọng để thoả thuận với IMF một chương trình hỗ trợ ước 40 – 50 tỷ USD, mong
tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Nội dung của chương trình:
1. Giảm thâm hụt cán cân thương mại xuống 1% GDP , kiềm chế lạm phát ở mức 5%, tốc độ tăng trưởng
GDP rút xuống còn 3%.
2. Thắt chặt cung ứng tiền tệ, nâng cao lãi
xuất cho vay, thực hiện tỷ giá linh hoạt theo thị trường (gắn với các biện pháp
giảm sóc để hạn chế các chấn động)
3. Thắt chặt chi tiêu ngân sách, cơ cấu lại
nợ để tránh những xáo động lớn do tình trạng một số tập đoàn lớn vỡ nợ. Sửa đổi
luật ngân hàng nhằm lập lại trật tự và tăng cường sự minh bạch và hiệu quả của
luật pháp, kiểm toán, kiểm tra trong ngành này; đóng cửa các ngân hàng thua lỗ,
đẩy nhanh lịch trình cho phép ngân hàng nước ngoài hoạt động trong thị trường
nội địa, tăng tiến độ và mở rộng giới hạn thu hút đầu tư nước ngoài vào thị
trường vốn của Hàn Quốc.
4. Tăng cường tự do hoá thương mại trong
khuôn khổ WTO. Cải cách thị trường lao động để tạo lại việc làm cho những người
bị sa thải và tăng sự linh hoạt của thị trường lao động.
5. Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về tình
hình tài chính tiền tệ quốc gia để tăng sự minh bạch trong nền kinh tế và ổn
định tình hình.
So với sự phấn đấu của các nước lâm vào
khủng hoảng như Indonesia, Thái Lan, thì Hàn Quốc có thuận lợi lớn rất quan
trọng, đó là: quyết tâm của chính phủ và nhân dân rất cao, sẵn sàng chấp nhận
mọi khó khăn để cứu vãn và phục hồi nền kinh tế đất nước.
PHỤ LỤC 4
Đường lối đối ngoại của Trung Quốc hiện
nay được chỉ đạo theo tinh thần Đại hội XV của ĐCSTQ: «Quan hệ giữa các nước lớn đang có sự điều chỉnh quan trọng và sâu sắc …
Mong muốn hoà bình, yêu cầu hợp tác, thúc đẩy phát triển đã trở thành trào lưu
chính của thời đại. Nhân tố giữ gìn hoà
bình thế giới đang không ngừng được tăng lên. Trong một thời gian tương đối dài
từ nay về sau có khả năng tránh được một cuộc chiến tranh thế giới mới, việc
tranh thủ một môi trường quốc tế và môi trường chung quanh (khu vực) hoà bình
và tốt đẹp là có thể thực hiện được… (Báo cáo Chính trị do Tổng bí thư
ĐCSTQ Giang Trạch Dân trình bày).
Trong Tuyên bố chung Trung - Mỹ ngày 29 –
10 – 1997 có những ý quan trọng : «…
Chủ tịch và Tổng thống quyết tâm vun đắp cho mối quan hệ hợp tác chiến lược có
tính chất xây dựng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thông qua việc tăng cường hợp tác
nhằm đáp ứng những thách thức quốc tế, thúc đẩy hoà bình và phát triển trên thế
giới. Để đạt mục tiêu đó hai vị nhất trí tiếp cận các mối quan hệ Hoa Kỳ -
Trung Quốc từ tầm cao chiến lược lâu dài trên cơ sở những nguyên tắc của 3 bản
Thông cáo chung Hoa Kỳ - Trung Quốc …»
Tại cuộc họp báo chung ngày 29 – 10 – 1997
với Tổng thống Clinton, Chủ tịch Giang Trạch Dân trả lời một câu hỏi: «… Câu hỏi của ông làm tôi nhớ đến cuộc gặp
đầu tiên giữa Tổng thống Clinton và tôi tại Seatle (1993); khi đó chúng tôi đã
nhất trí rằng chúng tôi cần phải hợp tác với nhau để đưa một thế giới phồn
vinh, hoà bình và ổn định sang thế kỷ thứ XXI …»
Trong chuyến thăm này, Trung Quốc và Mỹ
thoả thuận tạm gác những bất đồng (chủ yếu chung quanh vấn đề Tây Tạng, nhân
quyền, và phần nào là vấn đề Đài Loan) để đẩy mạnh hợp tác. Hai bên đã ký thoả
thuận Trung Quốc mua 50 máy bay các loại, chủ yếu có một số máy bay Boeing với
tổng trị giá 3 tỷ USD; phía Mỹ đồng ý sẽ bán cho Trung Quốc các lò phản ứng hạt
nhân chạy nhà máy điện, có thể lên tới 60 tỷ USD, với điều kiện Trung Quốc tôn
trọng không phổ biến công nghệ và vũ khí hạt nhân. Đây còn là cách để Mỹ khắc
phục nhập siêu của Trung Quốc 40 tỷ USD năm 1996 và khoảng 35 tỷ USD năm 1997.
Xã luận của Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh
viết về chuyến đi thăm này: «… Trong giờ
phút lịch sử quan trọng chuyển giao giữa 2 thế kỷ, việc Chủ tịch Giang Trạch
Dân và các nhà lãnh đạo Mỹ cùng nhau bàn bạc về khuôn khổ và mục tiêu của sự
phát triển quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai đã đạt được nhận thức chung quan
trọng. Điều đó đánh dấu quan hệ Trung - Mỹ đã bước vào một giai đoạn phát triển
mới.»
Hà Nội, tháng 11 năm 1997
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tuyên
ngôn Cộng sản, Nhà xuất
bản Sự Thật, Hà Nội, 1963
2. Văn
kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc ĐCSVN giữa nhiệm kỳ khoá VII , (tháng 1 – 1994)
3. Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSVN lần thứ VIII
4. Bộ KHCN&MT, công trình nghiên cứu khoa
học: Việt Nam – con đường phát triển tới
năm 2020, Hà Nội, 12 – 1994
5. Nguyễn Trung, Bàn về con đường phát triển kinh tế nước ta, Tạp chí Nghiên cứu
kinh tế, số 173 và số 174, năm 1990
6. Nguyễn Trung, Xoá bỏ cơ chế «chủ quản», Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 198 năm
1994
7. GS. Trần Văn Thọ, Công nghiệp hoá Việt Nam trong thời đại CA – TBD, Nhà xuất bản TP
Hồ Chí Minh, 1997
8. Pauk
Kennedy, The Rise and Fall of the Great Powers, Vintage Books, New York 1989
9. World Bank
paper Nr. 120, Nagy K. Hanna, The
Information technology Revolution and Economic Development, Washingotn,
1991
10. Sadao
Nagoaka, Investment, Productivity and
Comparative Advantage, World Bank, 4 – 1990
11. Peter
F. Drucker, Quản lý vì tương lai, những
năm 1990 và sau đó, Viện NCQLKT TW, Hà Nội, 1997
12. UNIDO,
Industry in a changing World, UN, New York , 1983
13. Prof.
Saburo Okita, Approaching the 21st century:
Japan ’s
Role, The Japan Times, Tokyo ,
1990
14. Hong
W. Tan & Haruo Shimada, Troubled
Industries in the US
and Japan ,
MacMillan Press, London ,
1994
15. Mark
L. Clifford, Troubled Tiger, ME
Sharpe, London ,
1994
16. Robert
B. Reich, The Work of Nations,
Vintages Book, New York ,
1992
Và một số tư liệu, sách báo khác.
VẬN DỤNG LỢI THẾ SO SÁNH
ĐỂ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
*
* *
Chịu trách nhiệm xuất bản:
NGUYỄN ĐỨC DIỆU
Biên tập nội dung:
VI QUANG THỌ
Sửa bản in:
VI QUANG THỌ
Trình bày bìa:
NGÔ ĐỨC HẢI
In 300 cuốn khổ 14,5 x 20,5 xí nghiệp in 15 Bộ Công Nghiệp
Số ĐKKHXB 02/357/CXB ngày
In xong và nộp lưu chiểu tháng 8/1998.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét