Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Nhật ký

Nhật ký – số 1, ngày 29-12-2013
Một sự ngẫu nhiên, hay duyên nợ của tôi với tuổi trẻ nước ta, sáng nay tôi thức dậy rất sớm, đầu óc vẩn vơ với Đại hội sinh viên toàn quốc lần thứ IX, hôm nay bế mạc. Tôi không rõ Đại hội của các em bàn thảo những chuyện gì, song đến cả tuần nay trong đầu cứ tự hỏi, với khẩu hiệu và tiêu chí  - như đã đăng tải trên báo -  “Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội từ ngày 27-29/12/ 2013. Với tinh thần Sinh viên Việt Nam học tập - sáng tạo - tình nguyện - hội nhập Đại hội dự kiến phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt” với các tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt…” – tôi tự hỏi mình: Các em sẽ thực hiện tinh thần và những tiêu chí này trên một nền tảng nhận thức nào về đất nước hiện nay và những vấn đề đặt ra cho thế hệ trẻ cả nước hôm nay?


…Một thời, từng hoạt động trong phong trào học sinh thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chúng tôi có không ít những khẩu hiểu mang tinh thần xung phong tương tự như hôm nay. Song hồi đó chúng tôi được học và đều hiểu vì sao học sinh, thanh niên phải xung phong, xung phong vì cái gì. Chúng tôi còn tự giúp nhau học và hiểu, cố hiểu cho sâu những câu hỏi “vì sao?”, “vì cái gì?”… như thế; tranh luận với nhau và với thầy, trong lớp, trên báo tường và bất kỳ ở đâu có dịp, để hiểu kỹ những câu hỏi như thế, để thi đua với nhau trong hành động, trong việc làm… Trường trung học của tôi hồi đó chỉ có vài lớp, song được tỉnh giao cho không ít công việc quan trọng trong tỉnh mà chúng tôi có thể làm được: Vận động phong trào học tập văn hóa trong nhân dân, vận động nhân dân tham gia thuế nông nghiệp, các phong trào kháng chiến… Không hiểu vì sao, hồi đó ý thức chính trị và sự quan tâm đến chính trị của chúng tôi cao lắm, mặc dù thông tin thì vô cùng nghèo nàn vì thiếu thốn đủ mọi thứ. Mời được ai đến trường nói chuyện chính trị thời sự là chúng tôi làm bằng đươc. Hoặc trong thị xã của tỉnh Yên Bái chúng tôi có buổi nói chuyện thời sự nào, chúng tôi không bao giờ chịu vắng mặt. Một lần, nghe tin diễn giả Trần Văn Giàu sẽ đến nói chuyện chính trị - thời sự ở thị xã Tuyên Quang, chúng tôi lập một nhóm, tích góp gạo và muối vừng, dồn nhau lại được mấy đồng bạc, đi bộ một ngày một đêm tới địa điểm nói chuyện; nghe xong buổi tối hôm đó, ngay lập tức lại đi bộ một đêm, một ngày trở về trường! Bây giờ không sao nhớ nổi hồi đó anh Trần Văn Giàu nói gì, nhưng kỷ niệm được nghe anh Giàu nói chuyện vẫn sáng rói trong tâm trí tôi…

          Còn hôm nay? Các em bàn bạc với nhau những gì? Làm sao được các em chia sẻ với mình đôi điều!?.. Cầu chúc các em làm rạng rỡ đất nước với tính cách là các công dân tự do của Việt Nam thế kỷ 21…

          Hôm nay tôi không có gì mới để bẩy tỏ tình cảm của mình với sinh viên nhân họp Đại hội IX. Xin đăng lại những điều đã nói ra vậy.

Trả lời phỏng vấn của báo Sinh viên Việt Nam
http://www.viet-studies.info/
Bản gốc bài phỏng vấn Nguyễn Trung
do Lê Ngọc Sơn – Phương Loan thực hiện
(Bản đăng trên Sinh Viên Việt Nam ngày 26-12-08 đã “bị biên tập” rất nhiều)

1. Ông từng nhấn mạnh những đòi hỏi cấp bách của đổi mới, cải cách đối với Việt Nam sau 22 năm đổi mới. Với riêng giới trẻ, đòi hỏi này đặt ra như thế nào, thưa ông ?
Nếu được phép nói thẳng thắn suy nghĩ của tôi về chính thế hệ mình, xin thưa: Trong sự chuẩn bị cho thế hệ trẻ hôm nay trước thách thức mới của đất nước, thế hệ đi trước – trong đó có tôi – đã phạm nhiều lỗi lầm, làm cho thế hệ trẻ ngày nay của đất nước ta bị chậm trễ. Cá nhân tôi thực sự ăn năn về điều này.
Tôi cho rằng thế hệ chúng tôi đã phạm không ít lỗi; do nhiệt tình cách mạng, do sự bất cập.., và nhiều người trong thế hệ chúng tôi đang ngày càng phạm nhiều lỗi do tha hóa nữa. Mọi yếu kém của chúng tôi để lại nhiều hệ quả cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Mong giới trẻ hôm nay hãy dám và quyết nhận thức đất nước này là của các em và tự quyết định tất cả từ nhận thức này!

Các em hãy nhìn vào khoảng cách tụt hậu kinh hoàng so với thế giới bên ngoài mà đất nước đang phải đối mặt ở thế kỷ 21. Đã hơn 3 thập kỷ trôi qua, làm ăn cực nhọc là thế, thành tựu không thể nói là nhỏ, thế mà khoảng cách phát triển của ta so với thế giới sao vẫn xa vời! Không định thần nhìn nhận lại tất cả, không khéo chúng ta sẽ ngày càng đi sâu vào con đường đi làm thuê, đất nước có nguy cơ trở thành đất nước cho thuê với triển vọng là bãi thải công nghiệp của các quốc gia khác! Giữa lúc thế giới đang bước vào thời kỳ kinh tế tri thức!

2. Con đường trở thành người đi làm thuê và đất nước cho thuê? Đề nghị ông nói rõ nỗi lo này của ông.
- Vâng. Lao động cơ bắp, bán tài nguyên, cho thuê địa điểm sản xuất và bán môi trường vẫn là các yếu tố tăng trưởng chủ yếu trong nền kinh tế nước ta. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) ta thu hút được trong 20 năm qua rất nhiều, song một bộ phận khá lớn cũng là để sử dụng những yếu tố vừa kể trên. Nền kinh tế nhiều năm liền có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng trình độ phát triển mọi mặt còn rất thấp. Tình hình này trong một thời đoạn nhất định là cần thiết, song sau 22 năm mà ngày nay còn kiên trì xu thế tăng trưởng và phát triển như vậy là nguy hiểm. Đã đến lúc phải chuyển mạnh sang một phương hướng phát triển khác: Ngày càng nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, ngày càng nhiều sản phẩm của thương hiệu Việt Nam với giá trị gia tăng ngày càng cao, nhất là ngày càng nhiều sản phẩm của trí tuệ Việt Nam.
Trên hết cả là phải sớm thoát khỏi tư duy của kẻ làm thuê, phải luôn cảnh giác với nguy cơ biến đất nước mình thành đất nước cho thuê – với nghĩa là một đất nước thiếu sự phát triển năng động tự nó từ bên trong !
- Nói như thế, ông không sợ mang tiếng là xúi giục thế hệ trẻ chúng tôi vong ân bội nghĩa và làm loạn ?
- Không !
Xong hoặc chưa xong, thế hệ chúng tôi đã làm công việc của mình, đã và đang trở thành quá khứ. Không có lý do gì cho phép thế hệ này tự phong cho mình là khuôn vàng thước ngọc cho thế hệ tiếp theo. Tự phong như vậy không khác gì là xây dựng con đường cho đất nước đi lên, song chính bản thân mình lại ngồi chễm trệ án ngữ trên đoạn đường thế hệ mình vừa mới xây xong.
Tự phong như thế, thì đời đời kiếp kiếp nước ta sẽ sống trung thành trong cái quán tính lịch sử của sự tụt thậu, mà đúng ra là phải khắc phục nó bằng được. Năm Mậu Ngọ (1858 – Pháp đánh Đà Nẵng và mở đầu thời kỳ thuộc địa ở nước ta!) cái quán tính lịch sử cay đắng ấy đã mở đầu một chu kỳ mới của nó mà đến hôm nay dân tộc ta vẫn chưa trả giá xong. 150 năm đã trôi qua, nhưng bài học này còn nguyên vẹn. Đó là 80 năm nô lệ, 40 năm với 5 cuộc chiến tranh lớn – trong đó 3 thế hệ liên tiếp gánh chịu những hy sinh khốc liệt, 30 năm xây dựng trong hòa bình với biết bao nhiêu lận đận, và hôm nay vẫn là một nước nghèo.
Xin giới trẻ hãy ý thức điều này: Làm gì thì cũng phải tự giải phóng mình ra khỏi cái bóng của chúng tôi trước đã !
Xin hãy nhìn lại, cho đến đầu thế kỷ 19, Việt Nam đâu có thua kém gì Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… Thế nhưng hôm nay ?
Xin cũng đừng nói là các thế hệ Việt Nam trước Mậu Ngọ (1858) yêu nước không bằng các thế hệ Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám.
Trong mối tương quan với đương thời, các thế hệ Việt Nam trước Mậu Ngọ cũng không kém sáng suốt so với các thế hệ Việt Nam hôm nay đâu.
Cho nên, kẻ thù đích thực làm cho nước ta rơi vào tay thực dân Pháp hồi ấy là đất nước ta tụt hậu hẳn một giai đoạn phát triển so với thế giới bên ngoài. Kẻ thù tụt hậu ấy hôm nay vẫn chưa bị dân tộc ta giải giáp.
Nhận thức trách nhiệm của mình đối với đất nước trước thời đại ngày nay, không thể không nhận diện tường tận kẻ thù này.

3. Giới trẻ Việt Nam cần xác định cho mình vị trí nào? Trách nhiệm của giới trẻ với một đất nước ở tuổi trưởng thành là gì ?
- Vị trí nào ư ? Vị trí làm chủ cuộc đời mình và để từ đó có bản lĩnh làm chủ đất nước. Phải chiếm lĩnh vị trí này, chứ không phải chỉ có xác định! Điều này chẳng có gì mới, được nhắc đi nhắc lại đến mòn cả chữ. Bây giờ phải hành động.
Nền kinh tế đất nước đang ở tuổi hai mươi, nên được hiểu đó là đất nước đang tràn đầy đòi hỏi sức phát triển trong “cái áo chật”, mọi thế hệ già trẻ chúng ta hiện nay đứng trước nhiệm vụ phải mang lại cho nền kinh tế sức sống năng động, bền vững, trong cái “áo mới” . Ai phải làm nhiệm vụ của người nấy! Song cá nhân tôi gửi gắm trông mong rất nhiều vào các bạn trẻ.
Bàn về trách nhiệm của giới trẻ:
Tôi nghĩ trong tình hình “cái áo chật” như thế của đất nước, trong tình hình kinh tế đất nước khát bỏng động lực phát triển, xin cho tôi nói thẳng thắn một cách lỗ mãng: Giới trẻ nước ta cũng không nên và không được phép trẻ con quá lâu nữa – cũng có nghĩa là không được chậm lớn quá lâu!
Trẻ con quá lâu hay chậm lớn, trước hết ở chỗ khó mà nói rằng khi chúng ta bước vào tuổi 18 hay tròn 18 tuổi, dù là còn học tiếp hay bước vào đời, là chúng ta đã ý thức được đầy đủ: Từ nay ta phải tự đứng trên đôi chân của ta! Từ nay mọi việc của ta, liên quan đến đời sống của ta, do ta quyết định và tự chịu trách nhiệm!.. Từ nay ta là công dân thành niên ngang hàng với mọi công dân trong cả nước về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước! Dù là bạn còn cha mẹ phải tiếp tục nuôi ăn học, dù là bạn còn phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp nào đó cho việc học hành của mình… Tất cả sự phụ thuộc như thế và tương tự như thế không hề miễn giảm mảy may trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn với tư cách là người thành niên, người lớn.
Bước vào tuổi 18, kể cả ngồi trên ghế nhà trường, tuổi trẻ chúng ta không còn được phép để cho ai muốn nhồi vào đầu mình cái gì cũng được. Chẳng có đáp án nào có sẵn các bạn phải tuân theo của sự nhồi nhét cả! Các bạn có quyền nhận hay từ chối, trên cơ sở phán định của chính mình.
Một biểu hiện nữa của bệnh “trẻ con quá lâu” hay “chậm lớn” là còn ít dám mơ ước táo bạo, trong khi đó thường hay nặng về những cái xin tạm gọi là “mơ ước tầm thường”.
Trước khi bàn sâu thêm chuyện này, hãy ngó ra bên ngoài một chút. Theo tôi Bill Gates và Barack Obama là hai ví dụ điển hình của những ước mơ táo bạo. Hai người này đã chọn được ước mơ đúng – cho chính bản thân họ và cho nước Mỹ. Họ có nghị lực, trí tuệ, cách thực hiện đúng trong môi trường tự do cho những ước mơ như thế. Và họ đã thành công cho đến giờ phút này.
Ở nước ta không hiếm sự thành công của những ước mơ táo bạo – có thể chưa được nổi bật hoặc chưa ở tầm vóc như hai ví dụ trên. Các ví dụ thành công ở nước ta có thể còn là ít hay quá ít – phần rất quan trọng là do những hạn chế của trình độ phát triển và thể chế nước ta đang có. Thế nhưng chờ đợi có được trình độ phát triển và thể chế như mong muốn rồi mới dám mơ ước thì không đáng gọi là mơ ước nữa. Và chính đây là điều đáng nói: Chẳng dám mơ ước thì chẳng bao giờ làm được gì!
Đúng, bất chấp mọi hạn chế chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống, chúng ta ngày nay đang có một điều kiện mới mà trước đây chúng ta chưa có nhiều hoặc rất khó tiếp cận: đó là thông tin. Thông tin ngày nay đã đưa tầm mắt của chúng ra cả thế giới và đến mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tôi ước ao tuổi trẻ chúng ta với tầm nhìn mới này sẽ chọn được ước mơ táo bạo, dám sống vì ước mơ táo bạo, ý chí lập thân, lập nghiệp bằng ước mơ táo bạo.
Vậy nói thật đơn giản: Trách nhiệm của giới trẻ với đất nước đang ở tuổi trưởng thành là các bạn phải sớm trở thành người lớn.

4. Chính kiến tự mình phấn đấu xác lập nên ? Thế còn các chương trình, giáo án, đáp án, giáo lý… đã trở thành những phần cứng phải có được mang tới từ nhà trường ? Ngộ cái chính kiến mà tuổi trẻ chúng tôi tự phấn đấu xác lập nên không giống cái chúng tôi được học thì sao ?
- Nếu có sự khác nhau thì cũng nên coi đó là chuyện bình thường và tự mỗi bạn nên tiếp tục tìm ra lý lẽ giải quyết sự khác nhau này. Tôi nghĩ, ngay cả những điều tốt đẹp nhất nhà trường có thể đem lại cho bạn, bạn cũng phải tìm cách hấp thụ được thành dinh dưỡng nuôi sự hiểu biết và ý chí của bạn, biến nó thành nghị lực của riêng bạn. Không có sự hấp thụ này, việc học sẽ giống như con vẹt học nói thôi – nó có thể phát âm rất chuẩn và làu làu cả câu, cả bài.., nhưng vẫn là cái nói của một con vẹt. Tôi hình dung được tự phấn đấu xác lập nên như vậy khó và đòi hỏi nhiều trí tuệ lắm, thậm chí có khi phải trả giá nguy hiểm nữa. Song trong quá trình hấp thụ này các bạn có quyền nghi ngờ, có quyền sai, và thậm chí có quyền thất bại nữa, miễn là bạn phải tự ý thức được tất cả và tự chịu trách nhiệm tất cả, quyết tâm đi tiếp tới bằng được cái đúng.
Chỉ có như vậy, cái tốt đẹp nhà trường mang đến cho bạn mới thành là của bạn. Chỉ có như vậy, bạn mới đề kháng được mọi cái không tốt đẹp bất kỳ đến từ đâu. Vì đứng trên đời này, bạn cần như nhau cả nghị lực và sức đề kháng.
Tôi nghĩ, một con người dám nghi ngờ, dám sai, dám thất bại để tìm đường đến thành công, tôi nghĩ đấy là một con người đẹp và sớm muộn sẽ thành đạt.
Một xã hội biết tôn trọng sự nghi ngờ, tôn trọng cái dám sai, cái dám thất bại với tình thần như thế, xã hội ấy sẽ ngày càng hiếm chỗ cho những thói đểu cáng và sự hèn mạt. Xã hội ấy sẽ ngày càng hấp dẫn chúng ta và đáng sống.

5. Những đòi hỏi đó có quá sức với người trẻ Việt nam hiện nay ?
- Tôi không thấy có sự “quá sức” như thế trong cuộc sống hàng ngày, mà chỉ thấy nhiều hơn sự lãng phí sức trẻ, lãng phí đến rơi nước mắt, xẩy ra từ hai phía: (1) Cuộc sống xã hội gây ra sự lãng phí này; và (2) tự các bạn lãng phí sức mình.
Chưa nói đến biết bao nhiêu cái bất hợp lý và yếu kém khác trong đời sống xã hội, riêng nền giáo dục còn nhiều mặt thiếu sót như chúng ta đang có là một ví dụ trực tiếp nhất, dễ thấy nhất về sự lãng phí này gây ra cho giới trẻ, sự lãng phí những thứ thể không mua được, không có cách gì lấy lại được: con người, thời gian và cơ hội.
Còn sự lãng phí tự mình – nghĩa là chính các bạn gây ra cho mình: Chắc chắn các bạn sẽ tự đánh giá được. Tôi chỉ muốn lưu ý các bạn về 2 nguyên nhân đáng sợ nhất: (1) lãng phí vì sự hiểu biết của mình còn thấp, (2) lãng phí vì mình thỏa hiệp với yếu kém của bản thân và của ngoài xã hội.

6. Người trẻ cần phải chuẩn bị những gì để tiếp nhận gánh vác những đòi hỏi của thời cuộc ?
- Tôi không có lý thuyết nào để trả lời các bạn cả. Mỗi chúng ta dù khác nhau thế nào, đều nhận được sự nuôi dưỡng của cha mẹ, nhà trường và cuộc sống. Đó là chuẩn bị được trao tặng để chúng ta bước vào đời. Cần trân trọng và tận dụng sự chuẩn bị được trao tặng này. Song thế nào đi nữa, cũng không thể thiếu được sự chuẩn bị của chính mình – chắt lọc từ sự chuẩn bị được trao tặng, từ mơ ước, từ cả những thất bại và sự trả giá… – tất cả với ý thức ta là chủ cuộc đời ta và ý chí trở thành người chủ xứng đáng của đất nước ta.
Sống biết yêu trọng danh dự và yêu đất nước quê hương mình – nguồn lực tinh thần này sẽ thúc đẩy, sẽ hướng dẫn sự chuẩn bị của mỗi chúng ta để tiếp nhận, để gánh vác trách nhiệm của mình mà thời cuộc đòi hỏi. Thậm chí tôi còn muốn nói: Yêu như thế là kim chỉ nam luôn luôn đúng.

7. Đối với cá nhân con người, theo ông ước mơ gì là cao đẹp nhất ?
- Câu hỏi này xưa ngàn đời, và khó ngàn đời! Câu trả lời đã có từ ngàn đời và ngàn đời nay vẫn xa vời: Tự do ! Con người tự do !
Tạo hóa một tay ban cho con người bản tính tình yêu tự do, tay kia lại thiết lập ra trong cuộc sống cái gọi là “tính tất yếu”. Từ đó trong cuộc sống tự nó hình thành ra cái tự do thực sự chỉ có thể là cái đạt được trong phạm vi hiểu được – với nghĩa là làm chủ được – cái tất yếu. Vì thế, càng sống trên đời này, tôi càng thấm thía tự do chỉ có thể giành lấy, trên cơ sở làm chủ cái tất yếu; làm chủ cái tất yếu đến đâu, sẽ có được tự do đến đấy. Đừng oán trách tạo hóa keo kiệt, tôi dần dần cũng ngộ ra như thế.

8. Thế hệ đi trước có thể làm gì để hỗ trợ họ ?
- Tôi thực lòng không thích trả lời câu hỏi này. Sao lại cứ phải nói đến hỗ trợ? Nhưng nếu vẫn phải trả lời, thì việc đáng làm nhất trong nhiều việc người lớn phải làm để hỗ trợ là đừng bao giờ nói dối thế thệ trẻ.

9. Liệu người trẻ đã được trao cơ hội và đặt niềm tin đủ để họ làm những gì mà ông kỳ vọng ?
- Tôi nghĩ là chưa đủ. Cái tính “trưởng”, “gia trưởng”.. của người lớn cho thấy sự thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ. Ngoài ra còn biết bao nhiêu bệnh mãn tính khác của người lớn trong cách cư xử với thế hệ trẻ, nhất là cái bệnh coi ta là chân lý, chân lý duy nhất trên đời này. Nói gay gắt, đấy là cái tính thích thế hệ trẻ trở thành các robot do người lớn lập trình!

10. Bản thân các nhà lãnh đạo hiện nay đã đánh giá đúng và đủ về giới trẻ và đã tận dụng sức trẻ, huy động họ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ?
- Tôi nghĩ là chưa. Chỉ riêng một việc lãnh đạo không kiên quyết dấy lên trong toàn xã hội một cuộc đấu tranh quyết liệt với cách dậy học còn nặng về nhồi sọ, và chỉ muốn ĐTNCS Hồ Chí Minh chỉ là cánh tay của Đảng đã nói lên điều này. Tại sao thanh niên thời đại ngày nay không thể là những bộ não trẻ của Đảng ? Tại sao thanh niên không thể là người tạo ra trong Đảng bầu nhiệt huyết mới, trẻ trung ?
Tại sao thế hệ chúng tôi không đặt ra cho mình nhiệm vụ tạo dựng ra một môi trường thể chế ươm mầm và làm nẩy nở những Bill Gates hay Obama của Việt Nam ? Thế hệ chúng tôi làm chưa xong thì thế hệ các bạn phải làm tiếp, các thế hệ sau làm tiếp nữa… Song trách nhiệm “khởi công xây dựng” sự nghiệp này thuộc về chúng tôi, chúng tôi chẳng có lý lẽ gì để trốn tránh được.
Song hình như công việc “khởi công xây dựng” như thế còn chậm chạp lắm, mặc dù công cuộc đổi mới đã được 22 năm và đã xác định được mục tiêu là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh! Đấy là điều tôi vô cùng băn khoăn.
Tôi tin: Thế hệ trẻ đứng vào vị trí của mình, đất nước sẽ sớm được ngửng mặt cùng thiên hạ.
Nhân dịp năm mới 2009, xin chúc các em một năm giầu nghị lực và niềm vui.

26-12-08


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét