Cải cách tập đoàn nhà nước và một chữ
"Dám"
|
||||||||||
10/09/2008 10:00 (GMT + 7)
|
||||||||||
Đòi
hỏi nóng bỏng lúc này là mổ xẻ thực trạng các tập đoàn kinh tế (TĐKT) quốc
doanh và các tổng cty để chống lạm phát hữu hiệu, đề ra những quyết định
đưa hoạt động của nhóm này vào sự quản lý theo luật công khai minh bạch,
cắt bỏ mọi “quan hệ” đang phát sinh và mọi “bao cấp"... Mọi việc phải
bắt đầu bằng một chữ Dám.
|
||||||||||
>> Mô hình tập đoàn nhà nước và mối lo vượt tầm kiểm soát
>> Những nghịch lý "níu chân" doanh nghiệp Nhà nước >> TĐKT: Đã đặc quyền không thể đòi thêm quyền!
Tạo quả đấm thép hay đẻ thêm gánh nặng?
Nước ta hiện nay có 8 TĐKT quốc
doanh (thuộc sở hữu Nhà nước). Cả nước có 18 tổng công ty 91 và 73 tổng công
ty 90 mang dáng dấp các TĐKT quốc doanh hoặc công ty mẹ - công ty con, (không
rõ bao nhiểu tổng công ty 91 và bao nhiêu tổng công ty 90 đã trở thành hoặc
đã được đưa vào nhóm 8 TĐKT quốc doanh vừa kể trên). Toàn bộ các đơn vị kinh
tế này chiếm khoảng 54% về vốn, 62% doanh thu và 73% tiền nộp ngân sách trong
tổng số 5.970 DNNN hiện nay (khu vực kinh tế quốc doanh).
Các số liệu thống kê cho biết khu
vực kinh tế quốc doanh (5970 DNNN nói trên) chiếm từ 53% đến 67% vốn kinh
doanh của DN cả nước; có tài sản cố định cao hơn tài sản cố định của các DN
tư nhân trong và ngoài nước nhưng không được thể hiện trong các số liệu thống
kê về vốn. Hàng chục năm nay, các DNNN có tỷ lệ đóng góp vào GDP ước khoảng
37-39%; tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động, những năm gần
đây tạo ra không đáng kể việc làm mới; chỉ đóng góp từ 25% đến 34% sản lượng
công nghiệp; các DNNN hầu như tham gia không đáng kể vào các khu vực nông,
lâm, ngư nghiệp. Khu vực các DNNN có nhập siêu thường xuyên và lớn nhất trong
hàng chục năm nay...
Từ các số liệu nói trên có thể suy
ra bức tranh, vai trò và hiệu quả của các TĐKT quốc doanh ở nước ta hiện nay.
Hiện nay đang có xu thế đôn lên
hoặc sáp nhập, hoặc tổ chức lại nhiều tổng công ty 91 và 90 để thành các TĐKT
quốc doanh. Nhằm phán đoán xu thế này, có thể gộp các tổng công ty 91 và 90
và các TĐKT quốc doanh vào một nhóm để quan sát, chúng ta sẽ thấy riêng nhóm
này hiện nay chiếm khoảng 25 đến 30% toàn bộ vốn kinh doanh của cả nền kinh
tế (chưa kể tài sản cố định - vì chưa thể hiện trong số liệu thống kê và
chưa tính được), khoảng 30% vốn đầu tư hàng năm của toàn xã hội, đóng góp
hàng năm ước tính khoảng 14% vào thu ngân sách nhà nước. Các số liệu cho thấy
tiếp tục xu thế hình thành các TĐKT quốc doanh với mong muốn tạo thêm các quả
đấm thép cho nền kinh tế chỉ có thể đẻ thêm ra những gánh nặng mới cho nền
kinh tế
Trong khi các TĐKT thuộc sở hữu
nhà nước ở các nước phát triển phải thực hiện 3 chức năng và tuân thủ 4 tiêu
chí như đã trình bày, các TĐKT quốc doanh ở nước ta chỉ được giao cho một
nhiệm vụ chung chung là thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, và
một nhiệm vụ riêng là quả đấm thép.
Cho đến nay, trong các nghị quyết
của Đảng cũng như trong các văn bản luật pháp của Nhà nước còn thiếu những
định nghĩa và những quy định thực rõ ràng để thực hiện về “vai trò chủ đạo”
và về “quả đấm thép”.
Đi xa nhất là văn kiện Đại hội IX,
phần nói về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 cũng chỉ ghi: “Tiếp
tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo
trong nền kinh tế... DNNN giữ vững những vị trí then chốt trong nền kinh tế;
đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất
lượng, hiệu quả kinh tế và xã hội và chấp hành pháp luật”.
TĐKT đã đóng tốt vai?
Tuy nhiên, nếu bám sát những điều
dù còn chung chung và chưa đầy đủ như vậy đã được ghi vào nghị quyết, có thể
nói nghị quyết chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ở các nước phát triển, chức năng
hàng đầu của loại tập đoàn này là chống độc quyền để phòng ngừa sự phát triển
thiên lệch và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở nước ta, loại tập đoàn này phát
triển độc quyền kinh tế và chính trị, không giải phóng được mọi nguồn lực của
đất nước.
Chức năng thứ hai ở các nước phát
triển là nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế; ở nước ta khó có
thể nói các TĐKT quốc doanh đã làm được vai trò này.
Chức năng thứ ba là góp phần gìn
giữ an ninh chính trị xã hội và quốc phòng; ở nước ta chức năng này của các
TĐKT quốc doanh cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng để có đánh giá xác
đáng.
Điều cần lưu ý là cả trong hai
thời kỳ phát triển cao điểm, các nước phát triển chỉ cần huy động chưa đến
10% tổng lực nền kinh tế cho việc hình thành các tập đoàn thuộc sở hữu Nhà
nước và chỉ tập trung vào một số ít sản phẩm, song các TĐKT thuộc sở hữu nhà
nước của họ đã thực hiện được vai trò của nó. Ở nước ta nhóm các tập đoàn quốc
doanh và tổng công ty 91 và 90 nắm tới khoảng gần một nửa nguồn lực kinh tế
của cả nước, tham gia vào hầu hết các loại sản phẩm của nền kinh tế (từ công
nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp dịch vụ, kinh tế bất động sản, thị
trường tài chính..., chỉ trừ nông lâm ngư nghiệp), với kết quả như đã thể
hiện qua một vài con số nêu trên. Như vậy phải chăng các TĐKT quốc doanh đã
làm tốt vai trò của nó?
Câu hỏi này sẽ khó trả lời hơn,
nếu nhìn vào khả năng cạnh tranh chung của cả nền kinh tế nước ta còn thấp so
với các nước trong khu vực, nhìn vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại
hóa hiện nay đạt được sau 32 năm hòa bình xây dựng đất nước.
Nếu đi vào khảo sát riêng một số
tập đoàn, ví dụ EVN của ngành điện, hay Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam
TKV,.., hoặc xem xét tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong
thời gian gần đây đã đầu tư “vào nghề tay trái” lên đến gần 117.000 tỷ đồng.
Gần một nửa trong 70 tổng công ty 91 & 90 có hoạt động thuộc lĩnh vực
“hot” (“nóng”) là chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, và bất động sản với giá
trị lên đến hơn 23000 tỷ đồng; tình trạng lấn sân và cạnh tranh không bình
đẳng với các DN nhỏ... Và trên hết cả là xem xét tình trạng nền kinh tế cả
nước trong vòng hai quý (kể từ quý IV – 2007) lâm vào lạm phát vọt lên hai
con số giữa lúc nước ta nắm trong tay cơ hội lớn nhất, nền kinh tế đất nước
có nhiều thuận lợi nhất, các nguồn lực trong ngoài huy động được nhiều
nhất...
Sẽ không thể tránh được câu hỏi: Các TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90 với tỷ trọng lớn trong nắm giữ mọi nguồn lực của đất nước và với ảnh hưởng áp đảo của nó đối với toàn bộ nền kinh tế và đời sống chính trị - xã hội của đất nước đã đóng vai trò gì trong diễn biến cấp tính và nguy hiểm này?
Một tác nhân nặng ký như vậy không
thể đứng ngoài cuộc. Là người giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, Đảng cần chủ
xướng và đi tiên phong làm rõ thực trạng này.
"Quan hệ" lấn sân luật
pháp?
Đem so sánh 4 tiêu chí của các
TĐKT thuộc sở hữu nhà nước ở các nước phát triển với vai trò chủ đạo và quả
đấm thép của nhóm kinh tế này trong thành phần DNNN ở nước ta, cũng thấy
nhiều vấn đề hệ trọng phải bàn, nổi bật là tình trạng các mối “quan hệ” chi
phối sâu sắc tiêu chí các tập đoàn mà lẽ ra nó phải được quản lý theo luật.
Hiện nay có quá nhiều kẽ hở không cho phép thực hiện được tài chính công khai minh bạch. Sự chi phối của các lợi ích “nhóm” ngày càng nghiêm trọng, thể hiện công khai ra bên ngoài, rõ nét nhất qua hai hiện tượng: cho phép một số TĐKT quốc doanh được lập ngân hàng riêng - một điều tối kỵ trong kinh tế, và "phong trào" kinh doanh nghề “tay trái” của các tập đoàn này và các tổng công ty.
Giả thiết rằng các cơ quan quyền
lực cao nhất của Đảng và Nhà nước, vì lợi ích tối cao của sự nghiệp phát
triển đất nước, quyết tâm tổ chức điều tra nghiên cứu khách quan sự lưu
chuyển hàng năm các dòng vốn khác nhau từ ngân sách nhà nước và từ mọi nguồn
khác rót vào hoặc bị hút vào các tập đoàn, các tổng công ty 91 - 90, rồi qua
kênh này chuyển vào các công ty con hoặc các nhóm công ty mẹ & con mà
trên thực tế dù mang tên gọi là gì chúng đều thuộc quyền sở hữu tư nhân, hoặc
do sở hữu tư nhân chi phối gần như tuyệt đối. Chúng ràng buộc với nhau bởi
mối quan hệ mẹ - con huyết thống thật sự, hoặc mang các quan hệ họ hàng, thân
hữu với nhau; rồi lấy kết quả đạt được so sánh với lượng vốn được phân bổ vào
các thành phần kinh tế khác...
Nếu làm rõ được toàn bộ sự lưu
chuyển vốn trong nền kinh tế, cả nước sẽ thấy rõ ngay có hay không có chủ
nghĩa tư bản thân hữu (báo cáo của Đại học Harvard) ở nước ta, đúng
hay sai mô hình TĐKT quốc doanh như hiện nay đã đẻ ra hoặc đang thai nghén
tiếp những đứa con mới của chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Chính làm rõ sự lưu chuyển này của
các dòng vốn, sẽ chứng minh được một cách thuyết phục nhất: “quan hệ” đang
lấn sân luật pháp như thế nào, định hướng xã hội chủ nghĩa đang bị xóa mờ
từng bước ra sao, và những kết luận gì khác nữa cần rút ra...
Thiết nghĩ, muốn quản lý đất nước
bằng luật pháp và thực hiện công khai minh bạch không thể bỏ qua việc điều
tra, nghiên cứu như vậy. Vì quyền lợi của chính mình, người dân cả nước cũng
đòi hỏi phải có những thông tin chuẩn xác về sự lưu chuyển này.
Cũng cần lưu ý, làm minh bạch,
kiểm soát và điều tiết có hiệu quả sự lưu chuyển các dòng vốn trong một nền
kinh tế luôn luôn là đòi hỏi sống còn về điều hành vỹ mô của mỗi quốc gia.
Đứng trước tình hình hệ thống tài chính tiền tệ thế giới hiện nay đang có xu
hướng đi vào một cuộc khủng hoảng lớn với những biến động khôn lường, có khả
năng tác động tàn phá vào mọi quốc gia, Nhà nước ta phải tìm cách chủ động
đối phó ngay từ bây giờ, bắt đầu từ làm chủ sự lưu chuyển các dòng vốn trong
nền kinh tế nước ta.
Đã có nhiều lời cảnh báo quyết
liệt không thể để ngoài tai: Vai trò chủ đạo và quả đấm thép thì chưa rõ lắm,
nhưng đang xuất hiện những quả bom nổ chậm phá nền kinh tế. Chẩn bệnh thì
phải làm xét nghiệm máu, chính là làm xét nghiệm sự lưu chuyển này.
Tình hình phức tạp tới mức Bộ
trưởng Võ Hồng Phúc cũng phải than phiền Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể can
thiệp quá trình quyết định của các tập đoàn; còn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì
nói là vấn đề tế nhị không trả lời được khi được Quốc hội chất vấn 10 nghìn
tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được rót
vào để cứu thị trường chứng khoán là cứu những chững khoán nào?
Xin lưu ý: Quản lý kinh tế theo cơ
chế “chủ quản” là lỗi thời và cần xóa bỏ, song điều này có nghĩa phải thực
hiện tốt quản lý theo luật và công khai minh bạch, tuyệt đối không thể để cho
các “quan hệ” hay lợi ích nhóm chi phối như đang diễn ra.
Hơn thế nữa, các TĐKT quốc doanh
và các tổng công ty 91 & 90 là thuộc sở hữu Nhà nước, là tài sản của nhân
dân, Nhà nước thay mặt dân là chủ sở hữu phải là người có tiếng nói quyết
định, phải quản lý có có hiệu quả nhất khối tài sản rất lớn này; song hiện
nay Nhà nước chưa thực hiện đúng được vai trò này.
Quản theo luật bằng được hay bó
tay đầu hàng?
Hiển nhiên, xóa “chủ quản” thì
phải triệt để quản lý theo luật và thực hiện công khai minh bạch, không có
con đường nào khác - đòi hỏi này thực sự đang là thách thức lớn đối với hệ
thống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước: Hoặc là phải làm bằng được,
hoặc là bó tay đầu hàng.
Ưu tiên số một của cả nước bây giờ
là chống lạm phát, chống trước mắt là chống những nguyên nhân trực tiếp
gây ra lạm phát, chống lâu dài là khắc phục thực trạng dẫn tới những nguyên
nhân gây ra lạm phát.
Đặt vấn đề như vậy, hiển nhiên sẽ thấy không thể tiếp tục duy trì nguyên trạng của khu vực DN quốc doanh nói chung, và nhóm TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90 như hiện nay, lại càng không thể khuyến khích xu thế “tập đoàn hóa” và khuynh hướng lũng đoạn của nó đang diễn ra. Bởi lẽ nền kinh tế nước ta sẽ không thể chịu đựng nổi tình trạng chống được lạm phát (cứ giả thiết cho là chống được và phải chống bằng được) để rồi sau đó vài ba năm sẽ rơi trở lại vào lạm phát, có thể sẽ là cấp tính hơn, - vì tình trạng gây ra những nguyên nhân của lạm phát được giữ nguyên.
Dư luận trong cả nước đang vô cùng
bức xúc về tình hình điện ở nước ta, về tình trạng than được khai thác một
cách tàn phá môi trường và xuất khẩu lậu hàng chục triệu tấn mỗi năm, về cung
cách cấp vốn cho Vinashin, về hoạt động của các tổng công ty trên lĩnh vực
thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.., về nhiều yếu kém lớn khác.
Nói cho đúng hơn, trong nhiều trường hợp là sự lũng đoạn của các tập đoàn và
tổng công ty 91 & 90 và sự dính líu sâu của các cơ quan chức năng, về
nguy cơ bên ngoài lợi dụng những yếu kém này can thiệp vào nước ta, vân
vân...
Trong báo chí nước ngoài đã xuất
hiện tiếng nói: Kinh tế Việt Nam đang yếu thế này là lúc “vào dẫn dắt” Việt
Nam dễ nhất! Cũng có tiếng nói cho rằng bây giờ là thuận lợi nhất để “dậy”
Việt Nam thế này thế kia...
Tất cả cho thấy đòi hỏi nóng bỏng đặt ra đối với nước ta lúc này là cần tận dụng yêu cầu chống lạm phát thành một cơ hội mổ xẻ thực trạng các TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90, để ngay trước mắt là chống lạm phát hữu hiệu, đồng thời ngay từ bây giờ đề ra được những quyết định đưa toàn bộ hoạt động kinh tế của nhóm này vào sự quản lý theo luật và thực hiện công khai minh bạch, cắt bỏ mọi “quan hệ” đang phát sinh và mọi “bao cấp” - kể cả đặc quyền - đang tồn tại trên thực tế. Tất cả cho thấy an ninh của nước ta và sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đòi hỏi phải làm ngay việc này.
Nhìn dài hạn, từ mổ xẻ thực trạng
như vậy, sẽ có cơ sở xác đáng và có quyết tâm sắp xếp lại và đổi mới khu vực
DNNN nói chung và nhóm kinh tế này nói riêng, chống lại xu thế “tập đoàn hóa
theo hướng tạo ra độc quyền và khuyến khích lũng đoạn”, tất cả nhằm vào mục
tiêu giải phóng mọi nguồn lực và tiềm năng của đất nước.
Có thể nói đây là nhiệm vụ then
chốt nhất, khó nhất, là bước đi đầu tiên trong giai đoạn phát triển mới của
đất nước hiện nay sau 22 năm đổi mới. Bước đi này có ý nghĩa quyết định thành
hay bại toàn bộ sự nghiệp đổi mới của nước ta trong tương lai, là sẽ có hay
không có một Việt Nam công nghiệp hóa - hiện đại hóa với đúng nghĩa: Việt Nam
là một nước phát triển.
Có phải làm như thế không? Có làm
được không? Nhưng trước đó là câu hỏi: Có dám không?
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét