Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Đổi mới

Ci cách tp đoàn nhà nước và mt ch "Dám"

10/09/2008 10:00 (GMT + 7)
Đòi hỏi nóng bỏng lúc này là mổ xẻ thực trạng các tập đoàn kinh tế (TĐKT) quốc doanh và các tổng cty để chống lạm phát hữu hiệu, đề ra những quyết định đưa hoạt động của nhóm này vào sự quản lý theo luật công khai minh bạch, cắt bỏ mọi “quan hệ” đang phát sinh và mọi “bao cấp"... Mọi việc phải bắt đầu bằng một chữ Dám.

http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2008/09/negotiate.jpg

Tạo quả đấm thép hay đẻ thêm gánh nặng?
Nước ta hiện nay có 8 TĐKT quốc doanh (thuộc sở hữu Nhà nước). Cả nước có 18 tổng công ty 91 và 73 tổng công ty 90 mang dáng dấp các TĐKT quốc doanh hoặc công ty mẹ - công ty con, (không rõ bao nhiểu tổng công ty 91 và bao nhiêu tổng công ty 90 đã trở thành hoặc đã được đưa vào nhóm 8 TĐKT quốc doanh vừa kể trên). Toàn bộ các đơn vị kinh tế này chiếm khoảng 54% về vốn, 62% doanh thu và 73% tiền nộp ngân sách trong tổng số 5.970 DNNN hiện nay (khu vực kinh tế quốc doanh).
Các số liệu thống kê cho biết khu vực kinh tế quốc doanh (5970 DNNN nói trên) chiếm từ 53% đến 67% vốn kinh doanh của DN cả nước; có tài sản cố định cao hơn tài sản cố định của các DN tư nhân trong và ngoài nước nhưng không được thể hiện trong các số liệu thống kê về vốn. Hàng chục năm nay, các DNNN có tỷ lệ đóng góp vào GDP ước khoảng 37-39%; tạo công ăn việc làm cho khoảng 4,4% tổng số lao động, những năm gần đây tạo ra không đáng kể việc làm mới; chỉ đóng góp từ 25% đến 34% sản lượng công nghiệp; các DNNN hầu như tham gia không đáng kể vào các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Khu vực các DNNN có nhập siêu thường xuyên và lớn nhất trong hàng chục năm nay...
Từ các số liệu nói trên có thể suy ra bức tranh, vai trò và hiệu quả của các TĐKT quốc doanh ở nước ta hiện nay.
Hiện nay đang có xu thế đôn lên hoặc sáp nhập, hoặc tổ chức lại nhiều tổng công ty 91 và 90 để thành các TĐKT quốc doanh. Nhằm phán đoán xu thế này, có thể gộp các tổng công ty 91 và 90 và các TĐKT quốc doanh vào một nhóm để quan sát, chúng ta sẽ thấy riêng nhóm này hiện nay chiếm khoảng 25 đến 30% toàn bộ vốn kinh doanh của cả nền kinh tế (chưa kể tài sản cố định - vì chưa thể hiện trong số liệu thống kê và chưa tính được), khoảng 30% vốn đầu tư hàng năm của toàn xã hội, đóng góp hàng năm ước tính khoảng 14% vào thu ngân sách nhà nước. Các số liệu cho thấy tiếp tục xu thế hình thành các TĐKT quốc doanh với mong muốn tạo thêm các quả đấm thép cho nền kinh tế chỉ có thể đẻ thêm ra những gánh nặng mới cho nền kinh tế
Trong khi các TĐKT thuộc sở hữu nhà nước ở các nước phát triển phải thực hiện 3 chức năng và tuân thủ 4 tiêu chí như đã trình bày, các TĐKT quốc doanh ở nước ta chỉ được giao cho một nhiệm vụ chung chung là thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, và một nhiệm vụ riêng là quả đấm thép.
Cho đến nay, trong các nghị quyết của Đảng cũng như trong các văn bản luật pháp của Nhà nước còn thiếu những định nghĩa và những quy định thực rõ ràng để thực hiện về “vai trò chủ đạo” và về “quả đấm thép”.
Đi xa nhất là văn kiện Đại hội IX, phần nói về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010 cũng chỉ ghi: “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước để thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế... DNNN giữ vững những vị trí then chốt trong nền kinh tế; đi đầu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; nêu gương về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và xã hội và chấp hành pháp luật”.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2008/09/Vinahssin.jpg
TĐKT đã đóng tốt vai?
Tuy nhiên, nếu bám sát những điều dù còn chung chung và chưa đầy đủ như vậy đã được ghi vào nghị quyết, có thể nói nghị quyết chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ở các nước phát triển, chức năng hàng đầu của loại tập đoàn này là chống độc quyền để phòng ngừa sự phát triển thiên lệch và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở nước ta, loại tập đoàn này phát triển độc quyền kinh tế và chính trị, không giải phóng được mọi nguồn lực của đất nước.
Chức năng thứ hai ở các nước phát triển là nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nền kinh tế; ở nước ta khó có thể nói các TĐKT quốc doanh đã làm được vai trò này.
Chức năng thứ ba là góp phần gìn giữ an ninh chính trị xã hội và quốc phòng; ở nước ta chức năng này của các TĐKT quốc doanh cần được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng để có đánh giá xác đáng.
Điều cần lưu ý là cả trong hai thời kỳ phát triển cao điểm, các nước phát triển chỉ cần huy động chưa đến 10% tổng lực nền kinh tế cho việc hình thành các tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước và chỉ tập trung vào một số ít sản phẩm, song các TĐKT thuộc sở hữu nhà nước của họ đã thực hiện được vai trò của nó. Ở nước ta nhóm các tập đoàn quốc doanh và tổng công ty 91 và 90 nắm tới khoảng gần một nửa nguồn lực kinh tế của cả nước, tham gia vào hầu hết các loại sản phẩm của nền kinh tế (từ công nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp dịch vụ, kinh tế bất động sản, thị trường tài chính..., chỉ trừ nông lâm ngư nghiệp), với kết quả như đã thể hiện qua một vài con số nêu trên. Như vậy phải chăng các TĐKT quốc doanh đã làm tốt vai trò của nó?
Câu hỏi này sẽ khó trả lời hơn, nếu nhìn vào khả năng cạnh tranh chung của cả nền kinh tế nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực, nhìn vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay đạt được sau 32 năm hòa bình xây dựng đất nước.
Nếu đi vào khảo sát riêng một số tập đoàn, ví dụ EVN của ngành điện, hay Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam TKV,.., hoặc xem xét tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian gần đây đã đầu tư “vào nghề tay trái” lên đến gần 117.000 tỷ đồng. Gần một nửa trong 70 tổng công ty 91 & 90 có hoạt động thuộc lĩnh vực “hot” (“nóng”) là chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, và bất động sản với giá trị lên đến hơn 23000 tỷ đồng; tình trạng lấn sân và cạnh tranh không bình đẳng với các DN nhỏ... Và trên hết cả là xem xét tình trạng nền kinh tế cả nước trong vòng hai quý (kể từ quý IV – 2007) lâm vào lạm phát vọt lên hai con số giữa lúc nước ta nắm trong tay cơ hội lớn nhất, nền kinh tế đất nước có nhiều thuận lợi nhất, các nguồn lực trong ngoài huy động được nhiều nhất...

Sẽ không thể tránh được câu hỏi: Các TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90 với tỷ trọng lớn trong nắm giữ mọi nguồn lực của đất nước và với ảnh hưởng áp đảo của nó đối với toàn bộ nền kinh tế và đời sống chính trị - xã hội của đất nước đã đóng vai trò gì trong diễn biến cấp tính và nguy hiểm này?
Một tác nhân nặng ký như vậy không thể đứng ngoài cuộc. Là người giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, Đảng cần chủ xướng và đi tiên phong làm rõ thực trạng này.  
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/54/2008/09/080624_Vinashin.jpg
"Quan hệ" lấn sân luật pháp?
Đem so sánh 4 tiêu chí của các TĐKT thuộc sở hữu nhà nước ở các nước phát triển với vai trò chủ đạo và quả đấm thép của nhóm kinh tế này trong thành phần DNNN ở nước ta, cũng thấy nhiều vấn đề hệ trọng phải bàn, nổi bật là tình trạng các mối “quan hệ” chi phối sâu sắc tiêu chí các tập đoàn mà lẽ ra nó phải được quản lý theo luật.

Hiện nay có quá nhiều kẽ hở không cho phép thực hiện được tài chính công khai minh bạch. Sự chi phối của các lợi ích “nhóm” ngày càng nghiêm trọng, thể hiện công khai ra bên ngoài, rõ nét nhất qua hai hiện tượng: cho phép một số TĐKT quốc doanh được lập ngân hàng riêng - một điều tối kỵ trong kinh tế, và "phong trào" kinh doanh nghề “tay trái” của các tập đoàn này và các tổng công ty.
Giả thiết rằng các cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng và Nhà nước, vì lợi ích tối cao của sự nghiệp phát triển đất nước, quyết tâm tổ chức điều tra nghiên cứu khách quan sự lưu chuyển hàng năm các dòng vốn khác nhau từ ngân sách nhà nước và từ mọi nguồn khác rót vào hoặc bị hút vào các tập đoàn, các tổng công ty 91 - 90, rồi qua kênh này chuyển vào các công ty con hoặc các nhóm công ty mẹ & con mà trên thực tế dù mang tên gọi là gì chúng đều thuộc quyền sở hữu tư nhân, hoặc do sở hữu tư nhân chi phối gần như tuyệt đối. Chúng ràng buộc với nhau bởi mối quan hệ mẹ - con huyết thống thật sự, hoặc mang các quan hệ họ hàng, thân hữu với nhau; rồi lấy kết quả đạt được so sánh với lượng vốn được phân bổ vào các thành phần kinh tế khác...
Nếu làm rõ được toàn bộ sự lưu chuyển vốn trong nền kinh tế, cả nước sẽ thấy rõ ngay có hay không có chủ nghĩa tư bản thân hữu (báo cáo của Đại học Harvard) ở nước ta, đúng hay sai mô hình TĐKT quốc doanh như hiện nay đã đẻ ra hoặc đang thai nghén tiếp những đứa con mới của chủ nghĩa tư bản thân hữu.
Chính làm rõ sự lưu chuyển này của các dòng vốn, sẽ chứng minh được một cách thuyết phục nhất: “quan hệ” đang lấn sân luật pháp như thế nào, định hướng xã hội chủ nghĩa đang bị xóa mờ từng bước ra sao, và những kết luận gì khác nữa cần rút ra...
Thiết nghĩ, muốn quản lý đất nước bằng luật pháp và thực hiện công khai minh bạch không thể bỏ qua việc điều tra, nghiên cứu như vậy. Vì quyền lợi của chính mình, người dân cả nước cũng đòi hỏi phải có những thông tin chuẩn xác về sự lưu chuyển này.
Cũng cần lưu ý, làm minh bạch, kiểm soát và điều tiết có hiệu quả sự lưu chuyển các dòng vốn trong một nền kinh tế luôn luôn là đòi hỏi sống còn về điều hành vỹ mô của mỗi quốc gia. Đứng trước tình hình hệ thống tài chính tiền tệ thế giới hiện nay đang có xu hướng đi vào một cuộc khủng hoảng lớn với những biến động khôn lường, có khả năng tác động tàn phá vào mọi quốc gia, Nhà nước ta phải tìm cách chủ động đối phó ngay từ bây giờ, bắt đầu từ làm chủ sự lưu chuyển các dòng vốn trong nền kinh tế nước ta.
Đã có nhiều lời cảnh báo quyết liệt không thể để ngoài tai: Vai trò chủ đạo và quả đấm thép thì chưa rõ lắm, nhưng đang xuất hiện những quả bom nổ chậm phá nền kinh tế. Chẩn bệnh thì phải làm xét nghiệm máu, chính là làm xét nghiệm sự lưu chuyển này.
Tình hình phức tạp tới mức Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng phải than phiền Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể can thiệp quá trình quyết định của các tập đoàn; còn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì nói là vấn đề tế nhị không trả lời được khi được Quốc hội chất vấn 10 nghìn tỷ đồng của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được rót vào để cứu thị trường chứng khoán là cứu những chững khoán nào?
Xin lưu ý: Quản lý kinh tế theo cơ chế “chủ quản” là lỗi thời và cần xóa bỏ, song điều này có nghĩa phải thực hiện tốt quản lý theo luật và công khai minh bạch, tuyệt đối không thể để cho các “quan hệ” hay lợi ích nhóm chi phối như đang diễn ra.
Hơn thế nữa, các TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90 là thuộc sở hữu Nhà nước, là tài sản của nhân dân, Nhà nước thay mặt dân là chủ sở hữu phải là người có tiếng nói quyết định, phải quản lý có có hiệu quả nhất khối tài sản rất lớn này; song hiện nay Nhà nước chưa thực hiện đúng được vai trò này.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/69/2008/09/txt5_managing.png
Quản theo luật bằng được hay bó tay đầu hàng?
Hiển nhiên, xóa “chủ quản” thì phải triệt để quản lý theo luật và thực hiện công khai minh bạch, không có con đường nào khác - đòi hỏi này thực sự đang là thách thức lớn đối với hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước: Hoặc là phải làm bằng được, hoặc là bó tay đầu hàng.
Ưu tiên số một của cả nước bây giờ là chống lạm phát, chống trước mắt là  chống những nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát, chống lâu dài là khắc phục thực trạng dẫn tới những nguyên nhân gây ra lạm phát.

Đặt vấn đề như vậy, hiển nhiên sẽ thấy không thể tiếp tục duy trì nguyên trạng của khu vực DN quốc doanh nói chung, và nhóm TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90 như hiện nay, lại càng không thể khuyến khích xu thế “tập đoàn hóa” và khuynh hướng lũng đoạn của nó đang diễn ra. Bởi lẽ nền kinh tế nước ta sẽ không thể chịu đựng nổi tình trạng chống được lạm phát (cứ giả thiết cho là chống được và phải chống bằng được) để rồi sau đó vài ba năm sẽ rơi trở lại vào lạm phát, có thể sẽ là cấp tính hơn, - vì tình trạng gây ra những nguyên nhân của lạm phát được giữ nguyên.
Dư luận trong cả nước đang vô cùng bức xúc về tình hình điện ở nước ta, về tình trạng than được khai thác một cách tàn phá môi trường và xuất khẩu lậu hàng chục triệu tấn mỗi năm, về cung cách cấp vốn cho Vinashin, về hoạt động của các tổng công ty trên lĩnh vực thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.., về nhiều yếu kém lớn khác. Nói cho đúng hơn, trong nhiều trường hợp là sự lũng đoạn của các tập đoàn và tổng công ty 91 & 90 và sự dính líu sâu của các cơ quan chức năng, về nguy cơ bên ngoài lợi dụng những yếu kém này can thiệp vào nước ta, vân vân...
Trong báo chí nước ngoài đã xuất hiện tiếng nói: Kinh tế Việt Nam đang yếu thế này là lúc “vào dẫn dắt” Việt Nam dễ nhất! Cũng có tiếng nói cho rằng bây giờ là thuận lợi nhất để “dậy” Việt Nam thế này thế kia...
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/54/2008/09/Anh-dai-dien.jpg

Tất cả cho thấy đòi hỏi nóng bỏng đặt ra đối với nước ta lúc này là cần tận dụng yêu cầu chống lạm phát thành một cơ hội mổ xẻ thực trạng các TĐKT quốc doanh và các tổng công ty 91 & 90, để ngay trước mắt là chống lạm phát hữu hiệu, đồng thời ngay từ bây giờ đề ra được những quyết định đưa toàn bộ hoạt động kinh tế của nhóm này vào sự quản lý theo luật và thực hiện công khai minh bạch, cắt bỏ mọi “quan hệ” đang phát sinh và mọi “bao cấp” - kể cả đặc quyền - đang tồn tại trên thực tế. Tất cả cho thấy an ninh của nước ta và sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế đòi hỏi phải làm ngay việc này.
Nhìn dài hạn, từ mổ xẻ thực trạng như vậy, sẽ có cơ sở xác đáng và có quyết tâm sắp xếp lại và đổi mới khu vực DNNN nói chung và nhóm kinh tế này nói riêng, chống lại xu thế “tập đoàn hóa theo hướng tạo ra độc quyền và khuyến khích lũng đoạn”, tất cả nhằm vào mục tiêu giải phóng mọi nguồn lực và tiềm năng của đất nước.
Có thể nói đây là nhiệm vụ then chốt nhất, khó nhất, là bước đi đầu tiên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước hiện nay sau 22 năm đổi mới. Bước đi này có ý nghĩa quyết định thành hay bại toàn bộ sự nghiệp đổi mới của nước ta trong tương lai, là sẽ có hay không có một Việt Nam công nghiệp hóa - hiện đại hóa với đúng nghĩa: Việt Nam là một nước phát triển.
Có phải làm như thế không? Có làm được không? Nhưng trước đó là câu hỏi: Có dám không?
  • Nguyễn Trung

http://tuanvietnam.net/news/images/nutbox1.gif
ĐÓNG GÓP CỦA BẠN ĐỌC CHO CHUYÊN MỤC

(Hãy gửi cho chúng tôi bản đánh máy có dấu để bài viết của bạn sớm được đăng!)

Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: quang.pttc@gmail.com
Chúc mừng tgiả Nguyễn Trung đã giải bày ra được căn nguyên của lạm phát.
Họ và tên: Hoàng Văn Thắng
Địa chỉ: 97 Hàm Nghi, Q.1
Email: hoangthang5679@yahoo.com
Mình có đọc phần 1 và phần 2 bài viết về TĐKT của tác giả Nguyễn Trung. Mình phải công nhận một điều là tác giả Nguyễn Trung đã có bài viết phân tích và nhận xét rất mạch lạc và có tầm nhìn chiến lược khá tốt. Mình chỉ băn khoăn một điều là liệu những nhà lãnh đạo ở tầm vĩ mô có được một tầm nhìn như tác giả Nguyễn Trung không? Mình cũng mong qua bài viết này, ít nhiều họ nhận ra được 1 số vấn đề để thay đổi tư duy và tự suy nghĩ sẽ hành động như thế nào cho bước kế tiếp....

Xin cám ơn tác giả Nguyễn Trung rất nhiều, và mong anh sẽ tiếp tục phát huy khả năng nhìn xa trông rộng của mình để vạch trần những thói hư tật xấu mà nền kinh tế nước nhà chưa sửa chữa được. Qua đó, sẽ góp phần cho thế hệ trẻ nhận thức được về đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa!
Họ và tên: doanhban
Địa chỉ: Nam Dinh
Email: DoAnhBan@Gamil.com
Quả thật bài viết có những nhìn nhận và đánh giá cực kỳ quý báu cho những ai đang tham gia, những nhà quản lý, điều hành nền kinh tế đất nước. Tôi rất mong bài viết này được các nhà lãnh đạo đất nước biết đến, sau đó là những người tham gia hoạch định đường lối phát triển kinh tế, tham gia xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của từng địa phương, vùng miền, ngành, lĩnh vực và cả đất nước.  Xin cám ơn những ai đã tham gia viết, phổ biến những nội dung này trên các cơ quan thông tin đại chúng.
Họ và tên: Nguyễn Trọng Tiến
Địa chỉ: Gốc Đề
Email: trongtien213@yahoo.com
Tôi hoàn toàn ủng hộ với ý kiến của tác giả bài viết này! Việt Nam ơi, bao giờ thì hoá thành Rồng của Châu Á vậy?
Họ và tên: Nguyễn Văn Hùng
Địa chỉ: Hải Dương
Email: Nguyenvanhung769@yahoo.com.vn
Một bài viết rất sâu sắc, thể hiện tâm huyết của tác giả Nguyễn Trung. Cám ơn tác giả đã nói lên tiếng nói chung của những người dân Việt Nam đang vô cùng bức súc trước ngổn ngang bao nhiêu vấn đề tồn tại của đất nước.

Tác giả đã kết thúc bài viết bằng một câu hỏi không thể hay hơn được nữa: " Có dám không?", xin được hiểu thêm là: người dám làm ở đây trước hết phải là người dám hy sinh quyền lợi của chính bản thân, vợ con, họ hàng và người thân mình vì quyền lợi chung của dân tộc, của đất nước.

Xin được một lần nữa cám ơn tác giả.
Họ và tên: Bui ngoc
Địa chỉ: ban quan ly dsong
Email: nguyenngocdnong@yahoo.com.vn
Hay quá
Họ và tên: nguyencongphu
Địa chỉ: nghean
Email: nguyencongphu@gmail.com
Mặc dù không am hiểu lắm về nền kinh tế vĩ mô nhưng với nhận thức của mình, tôi thấy tác giả đã mổ xẻ, phân tích cặn kẽ những hạn chế của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty 90,91. Các nhà hoạch định chính sách cần phải nhìn đúng thực trạng của các TĐKT, các tổng cty 90, 91 không vì lợi ích cục bộ của nhóm mà hãy vì lợi ích của quốc gia, dân tộc để tiến hành cải tổ triệt để, toàn diện sớm tạo sự Bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Có như vậy mới huy động được các nguồn lực trong xã hội...sớm đưa nước ta thoát nghèo.
Họ và tên: thái sơn
Địa chỉ: thái bình
Email:
Một bài viết hay và đầy tâm huyết của học giả Nguyễn Trung muốn VN phát triển còn rất nhiều điều phải bàn bạc, mổ xẻ về các tập đoàn và tcty nhà nước. Khu vực này là tác nhân chính của lạm phát của sự tiêu hao vốn của nhân dân một cách không minh bạch và không hiệu quả để phục vụ cho các nhóm lợi ích riêng làm tổn hại kinh tế đất nước, dân chúng thêm khó khăn quằn quại vì lam phát
Họ và tên: Nguyễn Khắc Hiếu
Địa chỉ: Thanh Hoá
Email: hieuvtth@yahoo.com.vn
Tôi rất đồng tình với tác giả bài báo, chúng ta rất cần những người dám đi tiên phong giống như những vị lãnh đạo Đảng đã làm những năm đầu cải cách, quan trọng là ai có thể khởi động đây?
Họ và tên: Tanakeda
Địa chỉ:
Email: tanakeda2002@yahoo.com
Tôi rất tâm đắc với mục đích và nội dung bài viết. Tôi không nghĩ ở nước ta, những người cầm cân nảy mức không nhận ra được sự thật, phải chờ đến phân tích của Nguyễn Trung, mà nghĩ, như tác giả đã viết, vấn đề là ở từ "dám". Tất cả chỉ ở từ "dám" thôi. Than ôi, để dám làm việc tốt thật khó vô cùng!
Họ và tên: Võ Vĩnh Viễn
Địa chỉ: Hậu Giang
Email: vo_m_t@yahoo.com
Cùng với ý kiến của các bạn đọc, xin chân thành cám ơn tác giả Nguyễn Trung rất nhiều. Và bản thân xin có thêm những ý kiến nhỏ cụm từ tạo quả đấm thép hay đẻ thêm gánh nặng? Thật sự là một gánh nặng.

Cụ thể như tập đoàn Vinashin. Nhiệm vụ ban đầu là đóng tàu phục vụ trong nước và xuất khẩu nên đã được rót vốn (được vay thì đúng hơn) có thể nói là cả ngành đóng tàu của Hàn Quốc (trong đó có tập đoàn Deawoo) phải sững sờ với số vốn dự kiến huy động của Tập đoàn Vinashin.

Khi Chính phủ kêu gọi các ngành, địa phương điều tiết giảm bớt các dự án đầu tư không cần thiết để kiềm chế lạm phát, tập đoàn Vinashin đã giảm trên 6.500 tỷ đồng ở các dự án đóng tàu (lĩnh vực chuyên ngành của Tập đoàn Vinashin; trong khí lại dùng vốn đầu tư vào các dự án bất động sản, khu du lịch, sản xuất thép... những lĩnh vực không phải là sở trưởng của Tập đoàn. Như vậy, có phải là gánh nặng không? Tiền, của đi vay sẽ đổ sông ra biển thôi.

Thiết nghĩ những chính sách ưu đãi quá nhiều cho Tập đoàn cộng với sự điều hành quản lý kém hiệu quả thì sẽ không chỉ là gánh nặng nữa mà là khối u, làm đau nhức xã hội.

Chúng ta không thể chấp nhận một mô hình Tập đoàn chỉ trông đợi vào nguồn vỗn vay và ngân sách để chi thả cửa như vậy được, và tham gia vào những lĩnh vực kinh tế không chuyên sẽ làm lũng đoạn thị trường, tiêu hao ngân sách.
Họ và tên: Nguyễn Bình
Địa chỉ:
Email: bin200665@yahoo.com
Một bài viết hay song chưa đủ và chưa thực sự mạnh dạn. Tôi đã làm trong một những TĐKT nhà nước hàng chuc năm nay, song chưa bao giờ tôi thấy việc tham nhũng diễn ra lại dễ và công khai như hiện như hiện nay. Việc lợi dụng chính sách cổ phần hoá, đa dang hoá sở hữu của nhà nước các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thành lập nhiều công ty con dưới dạng cổ phần và tất nhiên những ưu đãi độc quyền của công ty mẹ, của tập đoàn được dồn cho các doanh nghiệp đó như vốn, tài sản cố định, tài nguyên khoáng sản, quyền sử dụng đất... và tất nhiên lợi nhuận sẽ là siêu lợi nhuận. Và cũng đương nhiên lợi nhuận đó sẽ rơi vào túi các quan và nhà nước chẳng thu được gì nhiều.

Không những thế những việc độc quyền phân phối của các công ty con dạng này sẽ làm lũng loạn thi trường, lũng loạn nền kinh tế gấy bất ổn cho xã hội gây bất mãn trong lòng người dân.

Nếu chính phủ không có những quyết sách điều chỉnh kịp thời, hạn chế và tăng cường quản lý chặt chẽ thì những TDKT này thay vì là quả đấm thép như mong đợi mà là những rào cản nguy hại cho nền linh tế đất nước . . .và mãi mãi chúng ta sẽ chỉ trên "con đường tiến lên công nghiệp hoá hiện đại hoá" mà không thể lên được .
Họ và tên: Trung Đinh
Địa chỉ: Quang Trung Ha đông
Email:
Tác giả đã có những phân tích rất sâu sắc, nói nên điều bức xúc nhất hiện nay của nền kinh tế nước nhà. Trước đây đã có rất nhiều ý kiến đề nghị không cho các Tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng riêng nhưng chắng ai chịu nghe, để đến khi kinh tế chao đảo mới xem xét lại. Lúc đó tôi nghĩ, hình như trong cái quan hệ này có điều gì đó ràng buộc, cá nhân,khó xử, khó nói....Lần này sau khi phân tích thật sâu sắc tác giả đã đưa ra một câu hỏi "CÓ DÁM KHÔNG? Đó là một câu hỏi chí lý.
Họ và tên: Phạm Ngọc Bắc
Địa chỉ: 39 Trần Quý Cáp TP.Đà nẵng
Email: pn_bac@danatransgoup.com
Tập đoàn kinh tế với sự kỳ vọng lớn của Đảng, của nhân dân, của chính phủ với số vốn khổn lồ lấy 4 tiêu chi là: Nộp nhiều ngân sách, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho xã hội, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hình mẫu của năng xuất lao động, cuối cùng tạo ra QUẢ ĐẤM THÉP cho nền kinh tế.

Nhiều năm làm ăn với các tập đoàn kinh tế Việt Nam, chúng tôi thường nói với nhau rằng họ không phải là "đối tác" tốt, vì quản lý rất nhiều sơ hở, trùng lập, năng suất lao động thấp và có nhiều động tác khó hiểu. Thường khi làm ăn chúng tôi không chọn đối tác này.

Giải pháp, tạo điều kiện các công ty TNHH đang làm ăn có hiệu quả, có phương hướng kinh doanh tốt, là đầu đàn cho một mũi nhọn kinh tế, có ý thức chính trị vì sự tồn vong của quốc gia được tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất hợp lý, các công ty nay phát triển sẽ tạo ra các tiêu chí như bài báo đã nêu.

"Quả đấm thép" phải tập hợp từ nhiều sức mạnh, "bó đũa hơn cột cờ".

Tiền hiện nay dành cho TĐNN phần nhiều là tiền đi vay, nếu làm không hiệu quả, đời sau con cháu chúng ta sẽ phải còng lưng trả nợ.
Họ và tên: Nguyễn Trọng Hiến
Địa chỉ: Công ty Cổ phần Điện Việt Lào
Email: hientrong1955@yahoo.com
Cảm ơn tác giả Nguyễn Trung, người có nhiều tâm huyết trước vận mệnh của nền kinh tế nước nhà. Mong sao có nhiều ý kiến phản biện mạnh mẽ như ý kiến của tác giả Nguyễn Trung.N ếu các nhà hoạch định chính sách cũng có tâm huyết như tác giả Nguyễn Trung thì phúc đức cho nước Việt Nam ta quá.
Họ và tên: Quốc Bảo
Địa chỉ: TP Hồ Chí Minh
Email: quochoangson@yahoo.com.vn
Tôi đồng tình, ủng hộ cách nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng và hoạt động của các TĐKT nước ta hiện nay mà tác giả Nguyễn Trung đã viết. Nhưng theo tôi nghĩ các nhà lãnh đạo của nước ta có lẽ không phải không nhịn thấy vấn đề này (vì: xung quanh họ luôn có đầy đủ các cơ quan chức năng, những nhà nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế đủ các tầm,...).Tôi cũng cảm nhận tất cả họ cũng đã nghĩ đến; nhưng điều mà tôi thấy và có lẽ đại đa số độc giả quan tâm nhất là liệu các nhà chức trách đã và đang nghĩ có "Dám làm hay không?", "Khi nào làm ? " .
Họ và tên: Hai Chau
Địa chỉ: Vinh- nghe an
Email: haichautc2007@yhaoo.com.vn
Bài viết rất hay và phù hợp với tình hình. Tôi xin chúc mừng.
Họ và tên: Lê Dương
Địa chỉ: Lào Cai
Email: dgln69@gmail.com
Bài viết của Tác giả Nguyễn Trung rất có giá trị về mặt lý luận và tư duy đối với tất cả mọi người dân Việt Nam. Qua bài viết, mọi sự đã rất rõ ràng. Vấn đề đặt ra là liệu những người lãnh đạo đang giữ trọng trách của đất nước có dám hy sinh để thực hiện điều đó hay không? Cả dân tộc ta đang rất cần và mong đợi những hành động của các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước. Nếu không họ sẽ có lỗi với lịch sử và cả dân tộc.
Họ và tên: Phạm Thế Thuý
Địa chỉ: Kho bạc NN Hà Nam
Email: thuypt01@kbnn.vn
Rất cám ơn tác giả đã " Nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật" ! Để có được nội dung bài viết sâu sắc như thế này hẳn là tác giả đã phải tổn hại rất nhiều Nơron thần kinh, dám nghĩ, dám hy sinh, tập trung tâm huyết để đóng góp ý kiến XD sự nghiệp CNH, HĐH đất nước rồi đó! Xin được chia sẻ những phân tâm của tác giả và các độc giả. Tôi không nhớ rõ câu nói của tác giả nào:"Người theo đuổi Cách mạng đến cùng vẫn là người khổ ải nhất". Nhưng quả thực có chịu hy sinh, gian khổ mới thực sự có vinh hạnh mà thôi? !
Họ và tên: Phạm Thế Thuý
Địa chỉ: Kho bạc NN Hà Nam
Email: thuypt01@kbnn.vn
Rất cám ơn tác giả đã "Nhìn thẳng vào sự thật và nói đúng sự thật"  Để có được nội dung bài viết sâu sắc như thế này hẳn là tác giả đã phải tổn hại rất nhiều nơron thần kinh, dám nghĩ, dám hy sinh, tập trung tâm huyết để đóng góp ý kiến XD sự nghiệp CNH, HĐH đất nước rồi đó! Xin được chia sẻ những phân tâm của tác giả và các đọc giả. Tôi ko nhớ rõ câu nói của tác giả nào:"Người theo đuổi Cách mạng đến cùng vẫn là người khổ ải nhất". Nhưng quả thực có chịu hy sinh, gian khổ mới thực sự có vinh hạnh mà thôi? !
Họ và tên: Ti Bon
Địa chỉ: Thanh Xuan, Ha Noi
Email: mr_bon007@yahoo.com
Trước hết cảm ơn ông Nguyễn Trung và Vietnamnet đã khôn khéo đưa ra quan điểm mạnh dạn của mình. Tôi đánh giá cao những phân tích trong 2 phần của bài viết. Tuy vậy, chắc tác giả bài viết và auý báo cũng thừa hiểu vì sao nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình cảnh hiện nay. Tôi cũng nhất trí với ông Nguyễn Trung về chữ "Dám" nhưng cũng rất băn khoăn vì bên cạnh chữ "Dám" ông đề cập còn tồn tại một chữ "LỢI".

Xem chừng chữ "LỢI' còn phức tạp hơn nhiều bởi lẽ nó có thể biến thiên ý nghĩa theo những chiều trái ngược nhau. Theo nghĩa tích cực và dưới góc nhìn của những bậc thánh quân và lương dân, nó có thể được hiểu là lợi ích cho quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển giống nòi để sánh vai với các cường quốc 5 châu.

Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay ở nước ta xem chừng những người nhìn chữ "LỢI' theo cách này thường được xem là ấu trĩ, lạc hậu, không biết mình biết người v,v... Thay vào đó chữ "LỢI" thường được hiểu theo nghĩa đại loại như "lợi dụng", "tư lợi" v,v...

Do vậy, chừng nào chưa có một thế lực có đủ sức mạnh để dẹp bỏ tư tưởng và cách hành động theo nghĩa thứ 2 của chữ "LỢI" như vừa đề cập thì chữ "DÁM" mà ông Nguyễn Trung đề cập vẫn chỉ là một con chữ đơn lẻ, không thể biến thành hành động và/hoặc luôn có chữ "KHÔNG" đứng trước chữ "DÁM" mà ông, tôi và muôn vàn người dân khác đang mòn mỏi chờ trông.
Họ và tên: Ho Thu Tra
Địa chỉ: kalsbader 9 - kirchheim - CHLB Đức
Email: ht_tra@yahoo.com
Là một người sống xa quê hương, khi đọc được bài viết này của tác giả Nguyễn Trung tôi thấy vô cùng phấn khởi vì phương tiện thông tin đại chúng của nước nhà dã dám đưa ra những bài viết như vậy mà từ trước đến nay hầu như mọi người đều thấy nhưng không dám nói ra. Tôi thật sự cám ơn tác giả đã có những phân tích, đánh giá mạch lạc, sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược tốt. Mong rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ dũng cảm để nhanh chóng giải quyết những tồn đọng của các TĐKT nhà nước, đưa đất nước đi lên. Những cũng xin nhắc lại câu hỏi mà tác giả đưa ra "có dám không"
Họ và tên: Nguyen Van Tung
Địa chỉ: Hai Duong
Email: nguyenvantung611@gmail.com
Bài viết đã có những nhận xét và đánh giá rất hay, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của tác giả. Có bao nhiêu nguồn lực , có bao nhiêu vốn, bao nhiêu tài nguyên đã bị lãng phí? Chúng ta cần làm ngay, chờ đợi đến bao giờ nữa? Chờ đợi đến bao giờ? Việt Nam ơi! Tôi yêu Tổ quốc biết bao!
Họ và tên: trần đình quang
Địa chỉ: tân hội - đan phượng -hà nội
Email: dongkisot777@yahoo.com
Bài viết đã chỉ ra mối quan hệ phức tạp của các tập đoàn nhà nước. Và rất thẳng thắn nhìn nhận vấn đề bức xúc đang tồn tại của nền kinh tế nước ta. Tôi rất ủng hộ bài viết.
Họ và tên: Trần Đăng Khoa
Địa chỉ: 14 Trần Bình Trọng, HN
Email: linhptn@yahoo.com.vn
Cháu đã được đọc bài viết của chú Nguyễn Trung phần I và cháu đã chờ đón phần hai của chú. Có lẽ nhiều bạn đọc như cháu không có đủ kiến thức và nhận thức để đưa ra nhưng nhận xét xác đáng nhưng chắc đều có một cảm thụ về một bài viết hay đầy tâm huyết. Quả là với kiến thức độ của mình cháu cũng thức được sự yếu kém, trì trệ, công thần của các ông Tổng 90, 91 và Tập đoàn kinh tế. Họ luôn được thừa hưởng hơn những gì họ phải bỏ ra về công sức, trí tuệ và được bao cấp về vốn, về cơ chế. Xin trân trọng kính chào chú Nguyễn Trung và bạn đọc.
Họ và tên: Trần văn Dung
Địa chỉ: Nhà 22. ngách 61/44 Tràn Duy Hưng HN
Email: tvdung@fpt.vn
Đáng lẽ sau khi hình thành và sau vài năm vạn hành các tổng công ty nhà nước 90,91 Nhà nước (TCT) phải đánh giá mô hình này hoạt đông này về các mặt: - Cơ chế quan hệ Hoạt đông của HĐQT và TGĐ qui định trong điều lệ mẫu có khả thi hay không hay là hình thức. - Gom các công ty lại thành tổng công ty có phát huy được sức mạnh hay là cản trở tính chủ đông và sáng tạo của các công ty thành viên. Bộ máy TCT. - Yêu cầu về Trình độ quản lý và phẩm chất của ngwời đứng đầu TCT đã đáp ứng với qui mô của TCT. - Sức khoẻ Tài chính TCT -Tác động tiêu và tích cực giữa TCT với công ty thành viên Chưa tổ chức đánh giá mô hình TCT mà cho phát triễn các tập đoàn KT có lẽ cũng sai lầm gần giống Phát triển tổ đổ công, hợp tác xã Nông Nghiệp cấp thấp lên cấp cao... Ông Nguyễn Trung và nhiều chuyên gia kinh tế vĩ mô đã nói nhiều và nói đúng.về tồn tại có tính vĩ mô của TCT và các Tập đoàn KT nhà nước . Các Tập đoàn KT Và TCT hiện nay là loại Bộ, Ngành đi kinh doanh. Nên sớm cần phải khắc phục mô hình tổ chức này.
Họ và tên: Nguyễn Trách Nhiệm
Địa chỉ: Hà Tĩnh
Email:
Bài viết rất sâu, rất trí tuệ, rất tâm huyết, có trách nhiệm cao với dân tộc, với đất nước, nhất là trong thời kì lạm phát hiện nay.
Họ và tên:
Địa chỉ:
Email: mythanhpecc1@yahoo.com
Tôi đọc bài viết của tác giả Nguyễn Trung thấy rằng anh đã viết rất trúng những yếu kém khuyết điểm của các TĐKT cũng như của các TCT 91 & 90. Ý định khi khi lập các định chế này thì rất hay nhưng khi thực hiện vì không có ai kiểm soát phải đi vào "lề bên phải" nên mặc ai muốn làm gì thì làm và cũng không ngoại trừ nhiều kẽ hở bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vấn đề là có DÁM làm hay không mà thôi. Chẳng hạn vừa rồi tạm ngưng việc các TĐKT, các DNNN 90&91 thành lập ngân hàng riêng thì họ lại lách luật thành lập các TCT tài chính như Dầu Khí, EVN, Xi Măng, Sông Đà v.vv và v.v...
Họ và tên: Thanh Tùng
Địa chỉ: Vương quốc Bỉ
Email: tungdzoan@yahoo.com
Bài viết phân tích rất thuyết phục nói lên được rất nhiều suy nghĩ của giới tri thức đang lo lắng cho tình hình đất nước mà ít ai mạnh dạn đầu tư viết và phân tích cụ thể như thế, rất cảm ơn tác giả.. Qua bài viết tôi thấy TĐKT không phải không đóng tốt vai diễn của họ, mà tôi thấy họ đã và đang đóng 1 vai trò sức mạnh ghê gớm trong tương lai gần khó có thể kiềm chế.
Họ và tên: nguyen huu thuy
Địa chỉ: ha long- Quang Ninh
Email: halongvandon@yahoo.com
Tôi rất đồng tình và khâm phục cách nhìn của A Trung, rất thật, rất chuẩn. Và các nhà lãnh đạo nước ta cùng bộ máy giúp việc chắc chắn cũng nhìn được vấn đề, tuy nhiên có giải quyết được vấn đề hay không lại là việc khác.... Theo tôi để giải quyết được vấn đề tác giả đã nêu, CP nên thành lập ban chuyên trách làm thí điểm một vài TĐKT đang đầu tư dàn trải, không hiệu quả như tập đoàn VINASIN(Ví dụ: đầu tư tàu vận chuyển hoa sen chạy Nam Bắc 1300tỷ chỉ nhìn qua đã thấy lỗ vốn tiền trăm triệu/ tháng) sau đó có chính sách để điều chỉnh cho toàn cục.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét