Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Về Đại hội XII

Đôi lời thưa thốt

Nguyễn Trung
nguyentrung-vt.blogspot.com



Tình hình trong nước cùng với bối cảnh quốc tế và khu vực đặt Đại hội XII của Đảng Cộng Sản Việt Nam (dự định 2016) trước nhiều vấn đề hệ trọng đối với quốc gia, hàm chứa những thách thức và cơ hội chưa từng có.

Nổi bật nhất là:

·         đất nước đã hoàn tất một giai đoạn phát triển, nhất thiết phải tìm đường đi vào một giai đoạn phát triển cao hơn cho bước hội nhập quốc tế toàn diện hơn, sâu rộng hơn, để xảy ra giẫm chân tại chỗ là bế tắc và sẽ có nguy cơ dẫn tới sụp đổ do mọi áp lực bên trong và bên ngoài;
·         Trung Quốc bước vào thời kỳ mới trên con đường giành bá quyền (giấc mơ “Trung Hoa”) và trở thành vấn đề của cả thế giới, quan hệ và tranh chấp Mỹ - Trung chi phối sâu sắc cục diện thế giới – đặc biệt là tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó Biển Đông trở thành vấn đề nóng;
·         kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động mới trong cục diện quốc tế đa cực ngày nay, nhiều nước phải thông qua cải cách hoặc phải cơ cấu lại kinh tế của mình để thích nghi, trong khi đó trên thế giới có lúc có nơi đã xuất hiện một dạng chiến tranh lạnh cục bộ (trong đó có vấn đề Ukraina ở châu Âu, các vấn đề trên Biển Đông ở châu Á…), có những thách thức phi truyền thống rất phức tạp và quy mô lớn (chủ nghĩa khủng bố - đặc biệt là hiện tượng nhà nước thánh chiến Hồi giáo – IS, dịch bệnh ebola, biến đổi khí hậu…).


Song thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là vẫn đang ở trong thời kỳ tìm đường thóat ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…) đã lâm vào từ gần một thập kỷ nay, và do đó chưa thể nói Việt Nam đã sẵn sàng trước những thách thức và thời cơ đang diễn ra trên thế giới.

Nghiêm trọng hơn nữa là bản chất bất cập của thể chế chính trị hiện hành đã tha hóa tới mức cản trở đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Không cải cách sâu rộng thể chế chính trị hiện hành, đất nước không có lối ra. Thực tế này tạo ra trong lòng đất nước mâu thuẫn đối kháng giữa một bên là lợi ích quốc gia đòi hỏi phải tiến hành cuộc cải cách chính trị sâu rộng để đất nước sống sót được và phát triển được trong thế giới đầy biến động nguy hiểm, và một bên là quyền lực cai trị muốn tiếp tục kéo dài tình trạng đất nước trì trệ hiện nay để bảo vệ lợi ích của chính nó.

Một cuộc cải cách chính trị sâu rộng đề cập tới bên trên, lẽ ra phải được tiến hành song song với công cuộc đổi mới bắt đầu năm 1986, mặc dù như thế là đã chậm trễ mất 11 năm rồi. Chính sự trậm trễ này gây thêm biết bao nhiêu đau khổ và đổ vỡ sau khi chiến tranh đã kết thúc, và do đó buộc phải tiến hành đổi mới năm 1986. Việc trì hoãn cải cách chính trị – nhân danh bảo vệ sự ổn định chính trị và kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa – khiến cho cái giá phải trả cho sự phát triển đất nước đạt được 30 năm qua rất đắt: Càng phát triển mâu thuẫn nội tại càng tích tụ, với sự tụt hậu so với thiên hạ tiếp tục gia tăng. Nhưng nghiêm trọng hơn nữa là tha hóa và tham nhũng một mặt hầu như vắt kiệt tiềm lực đất nước cần phải có cho giai đoạn phát triển mới sắp tới, mặt khác tiếp tục mang lại cho đất nước nhiều vấn đề nhạy cảm nguy hiểm trong đối nội cũng như đối ngoại.

Chung cuộc, độc lập chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia hiện nay đang bị uy hiếp nghiêm trọng nhất kể từ sau 30-04-1975, trong một thế giới có nhiều vấn đề lớn trực tiếp thách thức vận mệnh quốc gia. Hiểm nghèo nhất là nguy cơ nước ta một lần nữa có thể trở thành trận địa hay con mồi cho các thế lực lớn trên thế giới giằng xé như đã xẩy ra trong suốt nửa sau của thế kỷ 20.

         Ngoài những tranh chấp giữa các nước lớn, sự giằng xé hiện nay ở thế kỷ 21 này còn là sự tranh chấp giữa hai thế giới. Một bên là siêu cường Mỹ dẫn đầu và các đồng minh phương Tây, tập hợp lực lượng bằng ngọn cờ dân chủ và nhân quyền. Một bên là Trung Quốc đang muốn ngoi lên siêu cường, tập hợp lực lượng bằng cách liên minh với các chế độ toàn trị, ngọn cờ là chống phương Tây. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang tiềm tàng khả năng một lần nữa trở thành một trận địa chính nào đó của cuộc tranh chấp thế kỷ 21. Thậm chí có thể tái diễn dưới dạng nào đó vai trò Việt Nam là một “tiền đồn” của một bên nào đó trong những tranh chấp mới này, như đã từng xảy ra trong quá khứ thời chiến tranh lạnh ở thế kỷ trước. Cái oái oăm chết người là ở chỗ các giải pháp chính trị quan trọng thường khó mà thiếu được vai trò các nước lớn – những kẻ tiêm nhiễm thói quen thí tốt khi có lợi riêng. Tuy nhiên, sự khác biệt căn bản của hôm nay so với hôm qua là hòa bình, dân chủ, quyền con người và phát triển không đơn thuần chỉ là các “võ” của phương Tây nữa, mà ngày càng trở thành những điều kiện tồn tại và thế mạnh của chính phương Tây. Đấy cũng là những đòi hỏi bức xúc của những nước đang phát triển muốn đổi đời đất nước mình. Đấy cũng là lý do vì sao Mỹ đang nỗ lực nâng cao vai trò “dẫn đầu” (primacy) của mình để xử lý tình thế vai trò bá quyền (hegemony) của siêu cường số một này đang ngày càng suy giảm[1].

         Xin cả nước mở to mắt trước nguy cơ bị giằng xé và quyết ngăn chặn bằng được[2]. Tình hình Ukraina hiện nay đang cảnh báo nghiêm khắc Việt Nam không được phép quên các bài học cũ đầy máu và nước mắt của dân tộc mình trên chặng đường 85 năm qua. Trong bài “Hiểm họa đen” (bài 2) của tập sách này, tôi nhấn mạnh: Để tồn tại được và phát triển với tính cách là một quốc gia độc lập trong thế giới hôm nay, hơn lúc nào hết nước ta phải sớm tạo ra cho mình cái dĩ bất biến: Phải có bằng được toàn dân tộc và cả thế giới tiến bộ trên một chiến tuyến! Phải tận dụng cái khác biệt của thế giới hôm nay sớm tạo ra cho mình cái dĩ bất biến nhất thiết phải có này.

         Không có được cái dĩ bất biến nêu trên trong thế giới hôm nay, Việt Nam bất kể lúc nào cũng có thể lại bị bán đứng, như đã từng xảy ra không dưới một lần trong chiến tranh lạnh ở thế kỷ trước. Đấy cũng là lời cảnh báo giùm ta, của Daniel Ellsberg, người đã từng viết “Pentagon Paper” nổi tiếng.

Hơn nữa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên đến nay chưa mang lại cho đất nước ta thế và lực lẽ ra phải có, để có thể trụ được ở khu vực luôn luôn là đầu sóng ngọn gió này. Trên thực tế đất nước ta đang mắc sâu vào tình trạng lệ thuộc vào bên ngoài rất khó gỡ, sự chi phối của quyền lực mềm Trung Quốc rất nguy hiểm.

Trong khi đó với việc từ năm 2016 nước ta đi vào thực hiện 6 ký kết đa phương và song phương về tự do thương mại và giao lưu kinh tế với hầu hết các đối tác và các khu vực quan trọng nhất trên thế giới, lại trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều mong muốn có một Việt Nam mạnh, đứng vững trên đôi chân của mình, đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, dân chủ, hợp tác và phát triển. Phải nói đây là cơ hội chưa từng có kể từ ngày lập quốc cách đây 2000 năm, để nước ta có thể đổi đời được chính mình, nỗ lực vươn lên sánh vai cùng với cả năm châu bốn biển như biết bao nhiêu thế hệ tiền bối vẫn hằng mơ ước. Đó cũng là con đường của một Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc trên thế giới thực này.


Vì những lẽ trình bầy trên, Đại hội XII của ĐCSVN đứng trước thách thức của sự trung thành với Tổ quốc: Làm thế nào dấy lên được sức mạnh dân tộc cho phép dấn thân cùng đi được với cả thế giới tiến bộ, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong cục diện quốc tế mới ngày nay, tránh cho đất nước ta một lần nữa trở thành trận địa hay con mồi cho các thế lực lớn bên ngoài tranh chấp, giằng xé như đã diễn ra trong suốt nửa sau của thế kỷ trước?

Hiển nhiên, cải cách chính trị sâu rộng để xây dựng nên một thể chế chính trị của nhà nước pháp quyền dân chủ, nhằm phát huy sức mạnh của đoàn kết và hòa hợp dân tộc và cùng đi được với cả thế giới tiến bộ trở thành đòi hỏi bắt buộc. Và đấy cũng là chìa khóa thành công của đất nước ta, kể cả trong quan hệ với Trung Quốc.


Nhìn lại đất nước 40 năm độc lập thống nhất đầu tiên, trong năm 2014 tôi đã viết một số bài (6 bài), nêu lên những suy nghĩ riêng của mình, những đánh giá, nhận định đầy lo ngại.., với mong muốn cả nước và Đại hội XII của ĐCSVN quan tâm tham khảo. Chắc chắn những điều tôi viết ra có nhiều sai sót, vì đấy là suy tư đơn độc dựa trên trải nghiệm và sự hiểu biết rất hạn chế của bản thân, mong bạn đọc thận trọng và chỉ giáo.

Những bài viết nêu trên tôi đã gửi đến những người có trách nhiệm cao nhất trong ĐCSVN, đã trình bầy nội dung những bài này tại Hội đồng lý luận Trung ương, tại Hội Cựu giáo chức Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh và một vài nơi khác, đã được đăng tải trên trang mạng viet-studies.infoBauxite Việt Nam. Mỗi bài bàn về một chủ đề, có thể đọc riêng lẻ.

Nay nhân dịp có đợt lấy ý kiến trong cả nước góp ý cho Đại hội XII, xin tập hợp lại để bạn đọc tiện tham khảo.

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc.

                                                                  
                                                                   Nguyễn Trung



[1] Tham khảo: JOSEPH S. NYE – “American Hegemony or American Primacy?”
http://www.project-syndicate.org/commentary/american-hegemony-military-superiority-by-joseph-s--nye-2015-03
[2] Một thực tế đông đảo giới nghiên cứu trên thế giới thừa nhận – đặc biệt là ở Mỹ và Trung Quốc -, đó là : Tranh chấp Mỹ - Trung sẽ là yếu tố lớn nhất chi phối sự vận động của các mối quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21, đặc biệt ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đương nhiên, điều Việt Nam ta  cần lưu ý là: Trong khi Mỹ dang ngày càng chuyển từ bá quyền (hegemony) sang dẫn đầu (primacy), nỗ lực củng cố vị thế của mình bằng cách thay đổi không ngừng cách thực hiện vai trò dẫn đầu; thì Trung Quốc – vì lẽ tồn tại của mình theo “giấc mộng Trung Hoa” – lại lấy tập hợp lực lượng các chế độ toàn trị làm động lực và giành lấy cho mình vai trò bá quyền. Cần hiểu đúng như thế bản chất của mỗi bên, để đề ra được cho đất nước đối sách đúng: bằng trí tuệ, lý trí, thực lực và sự khôn ngoan; chứ không phải bằng cảm súc yêu, ghét hoặc sợ. Mỗi người, và trước hết là ĐCSVN với tư cách là đảng cầm quyền duy nhất, phải vắt óc trả lời: Lấy ở đâu ra trí tuệ, lý trí, thực lực và sự khôn ngoan ấy?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét