Hà Nội, 04-04-2013
Vụ án Đoàn Văn Vươn -
một thách thức hay một cơ may đối với việc
sửa đổi Hiến pháp đang tiến hành?
Nguyễn Trung
Sự
vận động tạm nói là ngẫu nhiên của thời gian vô hình trung làm cho vụ án Đoàn
Văn Vươn đang được xét xử ở Hải Phòng trở thành một cái “test” – nói theo y học
là một “sinh thiết” – cho việc xem xét thực chất việc sửa đổi Hiến pháp đang tiến
hành.
Hiển
nhiên, vụ án – nói cho đúng hơn là sự việc Đoàn Văn Vươn – không thể so sánh được
với việc sửa đổi Hiến pháp. Nhưng tính chất nghiêm trọng đến mức “tức nước vỡ bờ”
của sự việc Đoàn Văn Vươn báo động triệu chứng vỡ bờ của cả một chế độ chính trị
- và chính với ý nghĩa này, sự việc Đoàn Văn Vươn có tầm quan trọng đặc biệt đối
với việc sửa đổi Hiến pháp đang tiến hành.
Đơn giản là nhân
dân cả nước ta sẽ nhìn vào việc xét xử vụ án Đoàn Văn Vươn để tự rút ra cho
mình kết luận: Cái gì thực chất Hiến pháp đang được sửa đổi rồi đây sẽ đem lại cho
họ.
Hàng chục nghìn
cuộc họp và hàng mấy chục triệu ý kiến Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội đã
thu thập được cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi
lần này dù có được các phương tiện truyền thông của chính quyền khuếch trương
thế nào đi nữa, cũng không thể thay thế được kết luận do nhân dân sẽ tự rút ra
cho mình qua vụ án Đoàn Văn Vươn đang xét xử.
Hơn nữa, trong cả
nước đang nhức nhối hàng nghìn vụ việc nông dân khiếu kiện mất đất mang tính chất
hiện tượng Đoàn Văn Vươn. Báo chí đã phải nói đến nguy cơ xảy ra nhiều trái bom
Đoàn Văn Vươn.
Thiết nghĩ những
người nắm trong tay quyền điều hành đất nước đừng nhắm mắt trấn áp vụ Đoàn Văn Vươn. Nếu làm
như thế, trên thực tế sẽ là đẩy chế độ chính trị tiếp tục đi sâu nữa vào con đường
tự sụp đổ vô cùng hỗn loạn và đẫm máu. Để xảy ra như thế, cái giá đất nước phải
trả sẽ vô cùng khủng khiếp. Cần nói thẳng, nếu cầm quyền mà làm như thế, chính
là để cho sa đọa của bản thân mình dấn sâu hơn nữa vào con đường thù nghịch với
nhân dân và cuối cùng sẽ khó tránh khỏi cảnh dân lật thuyền.
Nếu còn lương
tri, còn tinh thần trách nhiệm ràng buộc đối với đất nước không thể trốn tránh
được do nắm quyền lực trong tay, những người cầm quyền nên biến vụ án Đoàn Văn
Vươn thành một cơ hội góp phần chặn đứng cái ác đang hoành hành trong chế độ
chính trị của đất nước, và qua đó khuyến khích sự tham gia thực sự của
người dân vào sửa đổi/xây dựng Hiến pháp mới. Hoàn toàn có cơ sở để nói, đấy là
cơ hội duy nhất vụ án Đoàn Văn Vươn có thể đem lại. Kiến nghị 72 và thông báo số
2 ngày 02-04-2013 của nhóm Kiến nghị 72 đã nêu rõ nên khuyến khích sự tham gia
thực sự của nhân dân như thế nào.
Cơ hội vụ án
Đoàn Văn Vươn có thể đem lại là: Xử nghiêm theo Hiến pháp đúng người đúng tội –
kể cả đối với bên cưỡng chế và bên bị cưỡng chế, chứ không chỉ xử riêng một
“bên bị” (bên bị cưỡng chế Đoàn Văn Vươn) và cắt rời bên cưỡng chế.
Dứt khoát phải
đem xử cả bên cưỡng chế, không được giấu diếm, bóp méo, hay che đậy bất kể hành
vi nào của bên cưỡng chế - dù là cá nhân hay tập thế ở bất kỳ cấp bậc nào. Phải
nhân việc xử vụ án này làm rõ được sai lầm hay phạm tội của bên cưỡng chế, khiếm
khuyết của luật pháp và thể chế hiện hành. Bởi vì tất cả những vấn đề này có ý
nghĩa quan trọng đối với sửa đổi Hiến pháp và việc cải cách thể chế chính trị gắn
liền không thể thiếu được trong việc sửa đổi/xây dựng Hiến pháp lần này.
Nguồn gốc và động
cơ của sự phản kháng Đoàn Văn Vươn là bị cưỡng chế bất hợp pháp, là hành động tự
vệ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Hơn nữa, vì công lý và vì lẽ phải,
vì Luật pháp phải kiên quyết tuyên chiến tiếp tục chống lại cái ác đang hoành hành
trong hệ thống chính trị nước ta, do đó Đoàn Văn Vươn dù bị kết án đúng tội,
sau khi đã kết án Đoàn Văn Vươn vẫn cần được hưởng sự khoan hồng của Luật pháp
và cần được tha bổng. Hiện tượng này không xa lạ; cuộc sống ở nước ta và trên
thế giới đã có nhiều án lệ tha bổng có ý nghĩa tích cực như vậy. Án lệ đồng Nọc
Nạn (Bạc Liêu) năm 1928 cho một ví dụ tốt
để tham khảo và đối chiếu[1].
Trong thể chế
chính trị hiện nay của đất nước ta, sự đụng độ giữa cái ác và cái thiện ngày
càng quyết liệt, ngày càng đến gần chỗ mất/còn như chính Tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng đã phải thừa nhận; mà nguyên nhân cơ bản là sự sa đọa của hệ thống chính
trị. Những người có lương tri trong cả nước, dù ở địa vị xã hội nào – cầm quyền
hay bị cai trị, nên tận dụng từng cơ hội đất nước có thể có được để cùng nhau mở
con đường sống cho đất nước. Cách xử vụ án Đoàn Văn Vươn đang đem lại một trong
những cơ hội như thế[2]./.
Hà Nội, ngày
04-04-2013
[1] (Xem: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1n#Th.E1.BA.A3m_k.E1.BB.8Bch_.C4.91.E1.BB.93ng_N.E1.BB.8Dc_N.E1.BA.A1n)
[2]
Tham khảo thêm:
Nguyễn Trung - “Hội nghị Trung ương 4 – sự kiện Đoàn Văn
Vươn và vấn đề sửa đổi Hiến pháp”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét