Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Hà Nội, 20-01-2013

Hiến pháp -
và những bất cập của Dự thảo sửa đổi


Nguyễn Trung

Đọc dự thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (sau đây gọi là Dự thảo) do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố, cảm nghĩ của tôi là Dự thảo tuy có bổ sung một số sửa đổi mới, song về tổng thể vẫn giữ nguyên trạng Hiến pháp 1992, không đáp ứng được chính những đòi hỏi dẫn đến yêu cầu phải sửa đổi Hiến pháp lần này.


          Trong bài này, với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi mạnh dạn nêu ra một số vấn đề chính mà tôi cho rằng Dự thảo bất cập hoặc bỏ qua. Việc phân tích chi tiết từng điều & khoản trong Dự thảo không nằm trong phạm vi bài viết này.

         
Vấn đề 1: Lời nói đầu của Hiến pháp

Theo tôi, Lời nói đầu trong Dự thảo còn cố bám lấy quá khứ, tránh né hẳn những đòi hỏi mới của đất nước, và hầu như không đếm xỉa đến những thách thức từ thế giới bên ngoài đất nước ta đang phải trực tiếp đối mặt. Vì vậy không phù hợp.

Tôi chưa biết nên viết thành câu chữ như thế nào, nhưng riêng tôi ước ao Lời nói đầu lần này phải có nội dung mang tải những ý chính sau đây:

(a)  Như một lời thề của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta trước tổ tiên đã gây dừng nên đất nước này cho chúng ta, trước tất cả vong linh những người mọi thế hệ của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta đã ngã xuống trên suốt chặng đường gần hai thế kỷ qua kể từ khi mất nước để đi tới độc lập thống nhất đất nước hôm nay. Lời thề đó là: Cả nước một ý chí học lại tất cả những thành – bại đã trải qua trong lịch sử cận đại, học tất cả những gì có thể học được của thiên hạ, để không bao giờ cho phép xảy ra chia rẽ dân tộc, chia cắt đất nước và lập lại những sai lầm cũ khác, học để hiểu thế giới và từ đó hiểu chính mình để không bao giờ lạc lõng nữa trong thế giới này, nhất là để từ nay không ai trên thế giới đánh lừa được mình… Học như thế để từ nay toàn thể dân tộc đoàn kết một lòng, không tiếc sức mình phấn đấu mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước. Học như thế, để dân tộc Việt Nam ta dứt khoát phải thành công trên chặng đường mới của đất nước.

(b) Là Lời cam kết của Việt Nam với cộng đồng các quốc gia trên thế giới bằng việc xây dựng một Việt Nam dân chủ, hạnh phúc, phồn vinh, để có khả năng góp phần xứng đáng của mình vào nỗ lực chung cả thế giới tiến bộ phấn đấu cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì lợi ích của con người, vì quyền con người. (Là một con người cũng không bao giờ được sống ỷ lại và trốn tránh trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, huống chi đây là một quốc gia!)

(c)  Biểu thị lập trường sắt đá Việt Nam không chống bất kỳ quốc gia nào, không theo bất kỳ ai chống lại hoặc làm hại ai, không để cho ai lợi dụng lôi cuốn nước ta vào chống lại hay làm phương hại lợi ích quốc gia bên thứ ba nào. Khi độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia bị xâm phạm, hoặc khi đất nước bị xâm lược, toàn thể nhân dân Việt Nam quyết mang tất cả ý chí, tính mệnh và tài sản bảo vệ tổ quốc, đồng thời quyết tranh thủ sự hậu thuẫn của cả thế giới tiến bộ.

(d) Là lời cam kết của toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta đối với chính mình: sẽ làm tất cả gìn giữ và phát huy những giá trị và nhân phẩm của người dân một nước độc lập – tự do – hạnh phúc. Vì mục đích này, toàn thể nhân dân ta không phân biệt chính kiến, đảng phái, tôn giáo, giầu nghèo..,  quyết tâm cùng nhau xây dựng và bảo vệ bằng được nhà nước của dân, do dân, vì dân – tất cả vì Tổ quốc, và vì quyền tự do cá nhân con người của mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta.

(e)  Lời nói đầu còn phải mang ý nghĩa như một tuyên ngôn của Việt Nam đối với chính mình và trước thế giới về ý chí thực hiện những vấn đề a, b, c, d nêu trên; là kim chỉ nam cho: việc xây dựng nội dung Hiến pháp, thiết kế hệ thống nhà nước, hệ thống kinh tế, hệ thống xã hội theo tinh thần của Hiến pháp..; là lời hiệu triệu và hướng dẫn tinh thần hành động của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Lời nói đầu như thế có thể viết ngắn hơn, nhưng hoàn toàn không cần dài hơn Lời nói đầu như trong Dự thảo.



Vấn đề 2: Tinh thần Hiến pháp là tối thượng

Dự thảo không làm rõ được tinh thần này, có không ít Điều trái với tinh thần này. Dưới đây xin nêu những ý chính về tinh thần Hiến pháp là tối thượng, cần được xem xét khi sửa đổi/soạn thảo hiến pháp mới:        
         
(a)  Trong một quốc gia độc lập do nhân dân làm chủ, tinh thần Hiến pháp là tối thượng xuất phát từ khẳng định quyền làm chủ đất nước của nhân dân.

Hiến pháp là do nhân dân định ra, để làm cơ sở cho việc hình thành nhà nước pháp quyền, những định chế và bộ máy hoạt động.., nhằm phục vụ những lợi ích của nhân dân, lợi ích quốc gia.

Nói thô thiển, điều cốt lõi ở đây là: Trong nhà nước pháp quyền được hình thành ra như thế, chỉ có mối quan hệ giữa một bên là nhân dân là người đi thuê (người giao việc) và bên kia là nhà nước với tính cách là người được nhân dân thuê (người nhận việc) làm những việc đã được quy định trong Hiến pháp.

Nói cho thủng cái lỗ tai: Hiến pháp là hợp đồng của “chủ” đi thuê “tớ”[1]; mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước là mối quan hệ “chủ - tớ”, nghĩa là nhà nước chỉ được làm những việc nhân dân thuê làm, việc gì dân không thuê thì cấm nhà nước làm. Đấy cũng chính là tinh thần cốt lõi của một nhà nước của dân, do dân, vì dân.

(b) Tinh thần Hiến pháp là tối thượng nêu trong điểm (a) bên trên tất yếu dẫn đến xác định:

-         Trong một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân như thế chỉ có đảng cầm quyền (sẽ nói kỹ ở dưới) như là một người (một thực thể) được nhân dân “thuê” (thông qua bầu cử) vào làm việc trong hệ thống nhà nước pháp quyền. Đảng cầm quyền với tính cách như thế cũng chỉ là một loại “tớ”, và mọi hoạt động của nó trong hệ thống nhà nước pháp quyền không được phép vượt ra ngoài chức năng “tớ”.

-         Trong hệ thống nhà nước pháp quyền như thế, không thể có “đảng lãnh đạo” như một tổ chức chính trị với tính cách là một bộ phận cấu thành của hệ thống quyền lực nhà nước. Vì vậy quan điểm quyền lực nhà nước là thống nhất với hàm nghĩa bao gồm và nhào trộn làm một (hiện tượng “đảng hóa”) cả quyền lực của đảng và quyền lực của nhà nước là trái với bản chất của nhà nước pháp quyền. Nói rốt ráo, sự “thống nhất” như thế của quyền lực nhà nước, đã thế quyền lực đảng là quyết định trong sự thống nhất này, thực ra là sự phủ định trực tiếp trên thực tế nhà nước pháp quyền.

-         Bất kể đảng phái chính trị nào trong quốc gia có nhà nước pháp quyền do nhân dân làm chủ, nhất thiết phải phấn đấu trong môi trường xã hội dân sự, trước hết là (1)để giành lấy sự tín nhiệm được tin theo của nhân dân, sau đó là (2)để được nhân dân thông qua bầu cử (thật) lựa chọn (thuê) làm đảng cầm quyền.

-         Với tinh thần trên, đảng cầm quyền cũng chỉ là người được “thuê”, là một trong nhiều loại “tớ” trong hệ thống nhà nước pháp quyền. Ngoài đảng cầm quyền ra, trong hệ thống nhà nước pháp quyền do dân làm chủ còn có nhiều loại “tớ” khác. Nhân dân “thuê” ai hay không “thuê” ai  là quyền của dân. Chỉ riêng đặc điểm này cũng đủ cho thấy nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với đúng nghĩa không thừa nhận bất kỳ thứ chủ nghĩa nào ngoài ý chí của nhân dân thể hiện qua Hiến pháp, các quốc sách

      Trong phạm trù “nhà nước pháp quyền” đúng với tinh thần “nhà nước của dân, do dân, vì dân” không có chỗ đứng cho khái niệm “đảng lãnh đạo”, mà chỉ có khái niệm “đảng cầm quyền”.

      Một đảng phái chính trị thực hiện chức năng “1” là phấn đấu nhằm đạt được sự thừa nhận có tầm ảnh hưởng lãnh đạo trong xã hội dân sự, đồng thời vừa phấn đấu thực hiện chức năng “2” là trở thành lực lượng tiên tiến của đất nước để nhờ đó được nhân dân “thuê”(bầu cử) làm đảng cầm quyền. Đấy chính là con đường của một đảng phái chính trị qua ganh đua giành lấy vai trò lãnh đạo của nó đối với đất nước trong một quốc gia độc lập có nhà nước pháp quyền và nhân dân giữ vai trò là chủ đất nước. Điều vừa trình bầy có nghĩa: (a)“vai trò lãnh đạo” và “đảng lãnh đạo” là hai khái niệm khác nhau; (b)”đảng lãnh đạo” chỉ thuộc phạm trù xã hội dân sự, không thể nằm trong phạm trù “nhà nước pháp quyền”.

      Đối với một đảng phái chính trị, thực hiện hai chức năng như thế (1-gây dừng uy tín, 2-ganh đua để trở thành cầm quyền), đấy chính là phương thức giành lấy vai trò lãnh đạo đất nước của đảng phái chính trị với tính cách là lực lương tinh hoa của đất nước trong một quốc gia có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Phương thức này khác hẳn so với phương thức lãnh đạo của đảng phái chính trị thời kỳ kháng chiến cứu nước.

      Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của bất kỳ quốc gia độc lập có chủ quyền nào do nhân dân làm chủ cũng cần phải có sự lãnh đạo của lực lượng tinh hoa của quốc gia ấy – chứ không phải là sự lãnh đạo của một thứ quyền lực chính trị nào đó, càng không phải là sự lãnh đạo của quyền lực chính trị đứng trên dân, đứng trên đất nước; đơn giản vì quyền lực chính trị bao giờ cũng chỉ vì lợi ích của chính nó, do đó không thể có khả năng lãnh đạo đất nước.

          Trong một quốc gia với hệ thống nhà nước pháp quyền như nói trong bài này, không có vai trò lãnh đạo đất nước nào là vĩnh viễn và mặc nhiên dành cho bất kể một đảng phái chính trị nào – dù với những nguyên nhân lịch sử gì - ngoại trừ sự thoán quyền và gian lận; mà lúc nào cũng chỉ có vai trò lãnh đạo dành cho đảng phái chính trị nào phấn đấu thành công để được nhân dân thừa nhận là lực lượng tinh hoa của quốc gia ấy. Khác đi, sẽ không thể có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

      Một đảng phái chính trị với tính cách được nhân dân thừa nhận là lực lượng tinh hoa như thế của nhân dân, của đất nước – đấy chính là đảng của dân tộc. Đảng như thế cũng  phải tuyên thệ trung thành với nhân dân và tổ quốc, và chỉ có nhân dân và tổ quốc đối với nó là trên hết!

      Nhân đây xin lưu ý: chăm sóc lực lượng tinh hoa của đất nước là nhiệm vụ của cả nước, song phải bắt đầu từ thể chế chính trị dân chủ, để có một nhà nước thôi thúc được toàn thể dân tộc dốc sức cho nhiệm vụ rất quan trọng này.
       
Tất cả những đòi hỏi trên đều không hàm chứa trong toàn bộ Dự thảo.

(c)  Sự nghiệp giành độc lập thống nhất đã hoàn thành. Vì tự do hạnh phúc của nhân dân và vì sự phát triển bền vững của đất nước, quyền làm chủ đất nước của nhân dân chẳng những đứng trên tất cả, mà còn là lẽ sống  gắn bó nhân dân với tổ quốc và là guồn gốc lâu bền gìn giữ đất nước.

Với tinh thần nêu trên, Hiến pháp là tối thượng có nghĩa mọi công cụ chuyên chính của nhà nước như quân đội, công an, những công cụ chuyên chính khác chỉ là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhà nước pháp quyền được xây dựng lên qua sự ủy thác của nhân dân dưới hình thức Hiến pháp.

Với tinh thần như vậy, mọi lực lượng chuyên chính của nhà nước pháp quyền không phải là công cụ của bất kỳ ai hoặc bất kỳ đảng phái chính trị nào ngoài nhà nước pháp quyền và nhân dân. Tất cả những công cụ chuyên chính này chỉ để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân và nhà nước pháp quyền, chống lại mọi thù địch với tổ quốc, với nhân dân, với nhà nước pháp quyền.

Với tinh thần như thế, mọi công cụ chuyên chính của nhà nước pháp quyền chỉ có nghĩa vụ trung thành tuyệt đối với tổ quốc và nhân dân, ngoài ra không với một ai khác. Không một cá nhân hay đảng phái, tổ chức chính trị nào… có quyền thao túng hay sử dụng những công cụ chuyên chính này chống lại lợi ích quốc gia, chống lại nhân dân và chống lại nhà nước pháp quyền do nhân dân xây dựng nên.

Dự thảo giữ nguyên Hiến pháp cũ về những vấn đề này, và do đó ngược hẳn tinh thần Hiến pháp là tối thượng nói trên.
    

(d) Tinh thần và nội dung Hiến pháp là tối thượng cần được coi là ý tưởng dẫn dắt cho việc hình thành Hiến pháp, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền, hệ thống kinh tế quốc dân của nền kinh tế thị trường, hệ thống xã hội dân sự. Hơn thế nữa, tinh thần và nội dung Hiến háp là tối thượng phải trở thành một giá trị, một đức tính, và cao nhất là phải trở thành một văn hóa sống của cộng đồng dân tộc chúng ta.

(e)  Hiến pháp là tối thượng, tinh thần và nội dung này xác định rõ ràng và dứt khoát: Mọi chủ nghĩa, tôn giáo, đảng phái chính trị, mặt trận, hiệp hội, đoàn thể quần chúng… tất cả phải đứng ngoài hệ thống nhà nước, hệ thống luật pháp và mọi quốc sách (kể cả trong giáo dục[2]) cũng mọi như hoạt động của nhà nước. Đặt vấn đề như thế, có nghĩa:

-         Chỉ có Hiến pháp, hệ thống luật pháp, và các quốc sách của toàn bộ hệ thống nhà nước pháp quyền được phép quyết định và chi phối mọi hoạt động của quốc gia nói chung và của hệ thống nhà nước nói riêng.

-         Mọi ý tưởng dù là tốt đẹp bất kể từ thế giới quan hay từ tư duy, từ tôn giáo, “chủ nghĩa” nào.., từ các đảng phái chính trị, kể cả từ đảng cầm quyền.., nó chỉ được phép đưa vào vận dụng trong hệ thống nhà nước cũng như trong mọi quốc sách – kể cả trong giáo dục (một trong những quốc sách hàng đầu của quốc gia) – một khi đã được nhân dân chấp thuận theo con đường luật hóa thành các chủ trương chính sách của hệ thống nhà nước pháp quyền và trở thành việc của nhà nước pháp quyền, từ đấy nhất thiết chỉ còn là việc của nhà nước pháp quyền không được ai khác xía vô!.. Nói một cách khác, toàn bộ hoạt động đảng phái chính trị,  đoàn thể, tôn giáo, tư duy… đều thuộc phạm vi xã hội dân sự và nhất thiết phải nằm ngoài phạm trù hệ thống và sự vận động của nhà nước pháp quyền.

(f)   Nhìn nhận Quyền lực Hiến pháp là tối thượng như thế, sửa đổi/soạn thảo Hiến pháp lần này phải thiết lập Tòa án Hiến pháp với tính cách là cơ quan phán quyết tối cao độc lập của nhánh tư pháp trong hệ thống nhà nước pháp quyền. Đây sẽ là một việc khó, nhất là đối với văn hóa, hoàn cảnh, trình độ phát triển của nước ta. Song thiết nghĩ chỉ vì sợ khó mà không dám quyết định như vậy, thì ở nước ta bất cứ cái gì đúng phải làm và định làm thì chỉ nên làm nửa vời hay sao, để rồi đến lúc nào đó lại ngựa quen đường cũ?… Quan điểm của tôi là đã là hệ thống và cỗ máy thì phải hoàn chỉnh, còn vận hành khó thì phải học.

Hy vọng sẽ có dịp bàn kỹ thêm vấn đề đảng trong hệ thống nhà nước pháp quyền[3]. Song ngay trong quá trình sửa đổi/soạn thảo Hiến pháp nên quan tâm đến các khía cạnh khác nhau của tinh thần Hiến pháp là tối thượng như sơ bộ điểm ra bên trên, để tranh thủ ý kiến của nhân dân xem xét.


Vấn đề 3:  Sự phân chia quyền lực và kiểm soát lẫn nhau trong hệ thống nhà nước pháp quyền.

Thường gọi là nguyên tắc tam quyền phân lập, có lẽ đấy là cách nói dịch từ tiếng Trung Quốc, chỉ để cho dễ sử dụng, nhưng không chuẩn xác lắm và chưa đầy đủ. Dự thảo tránh hẳn vấn đề này.

Sự phân tách quyền lực nhà nước thành 3 nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp để phân nhiệm và việc thiết lập mối quan hệ ràng buộc và kiểm soát lẫn nhau giữa 3 nhánh là phương thức cho đến nay chất xám của loài người tạo ra được để thực hiệnquản lý quyền lực nhà nước với tính cách là quyền lực được nhân dân ủy thác.

Từ thế kỷ thứ 6 trước công nguyên (Cộng Hòa La-mã), đặc biệt từ thế kỷ thứ 17[4] cho đến nay trí tuệ và khoa học của văn minh nhân loại về quản lý quyền lực nhà nước kết luận:

(a)  Quyền lực nhà nước để được thực thi và quản lý có hiệu quả cần phân chia rạch ròi thành 3 nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.
(b) Nhất thiết phải có sự phân nhiệm rõ ràng và có tính ràng buộc với trách nhiệm cho từng nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.
(c)  Phải thực hiện kiểm soát ràng buộc theo chiều dọc (bên trong mỗi nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp) và theo chiều ngang (giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp với nhau).
(d) Trong nhà nước của dân, do dân, vì dân, việc phân chia quyền lực nhà nước thành 3 nhánh có sự ràng buộc nhau và thực hiện sự kiểm soát lẫn nhau (dọc – ngang) của các nhánh quyền lực nhà nước như thế là phương thức thực hiệnquản lý tốt nhất toàn bộ quyền lực nhà nước.
(e)  Toàn bộ quyền lực nhà nước như mô tả trong các điểm a, b, c, d nêu trên lại phải được kiểm soát bằng xã hội dân sự - (sẽ được nêu trong phần dưới).

Chất lượng và trình độ thực hiện việc quản lý quyền lực nhả nước hiện nay ở các nước – dù là thuộc loại nước phát triển hay nước đang phát triển – rất khác nhau, song mô hình quản lý quyền lực nhà nước theo hướng phân chia, ràng buộc và kiểm soát lẫn nhau như đã nêu sơ lược bên trên được áp dụng ở hàng trăm quốc gia trên thế giới ngày nay.

Có thể nói dứt khoát:
-         Mức độ phát triển và sự tiến bộ của mỗi quốc gia có thể đo được bằng chất lượng của nhà nước pháp quyền có hệ thống quyền lực nhà nước được tổ chức và vận hành như vừa trình bầy trên.  
-         Mức độ phát triển trì trệ, nhiều bất công xã hội, tham nhũng, thiếu tự do dân chủ và quyền con người… của mỗi quốc gia tương ứng với mức độ độc quyền, độc tài, của hệ thống nhà nước của chính quốc gia ấy, kể cả ở những nước coi quyền lực nhà nước là thống nhất.

Ở nước ta, không thể cứ chụp mũ cho việc phân chia, ràng buộc và kiểm soát quyền lực nhà nước như thế là mô hình của nhà nước tư sản, mặt khác lại nhân danh chủ nghĩa xã hội & định hướng xã hội chủ nghĩa tạo cớ duy trì việc bám giữ nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất để lạm quyền và độc quyền mà nhân dân không thể kiểm soát được như đang diễn ra.  

Thực tiễn của Việt Nam cho thấy, thực hiện quyền lực nhà nước là thống nhất và chịu sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng tất yếu dẫn đến “đảng hóa” theo hướng cuối cùng trên thực tế không còn tồn tại nhà nước pháp quyền, pháp luật bị vô hiệu hóa nghiêm trọng như đã phân tích trong bài trước (“Đảng – Nhà nước và Hiến pháp” - bài 1). Thực tế này không thể cứu vãn được bằng cách Đảng kêu gọi mọi người phải sống và làm việc theo pháp luật, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa…  

Vấn đề 4: Tìm cách bảo đảm thực hiên mọi quyền của dân đã ghi trong Hiến pháp

Bài 1 đã nêu Hiến pháp 1992  có như gần đủ các Điều liên quan đến các quyền của công dân, song hầu như không được thực hiện – trên thực tế hầu như chỉ còn lại ý nghĩa viết để cho đủ mâm đủ bát... Những bổ sung trong Dự thảo không thay đổi được thực trạng này. Bài 1 đã nêu ra 3 nguyên nhân. Ở đây xin nói một số vấn đề quan trọng có liên quan.

(a)  Sự công khai minh bạch là đòi hỏi sống còn đối với đời sống của quốc gia có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, như con người cần không khí để thở vậy. Thiếu “không khí” này, không có nhà nước của dân, do dân, vì dân nào có thể sống được, hoặc nếu có thì đấy chỉ là hàng giả. Ít nhất sẽ có 2 loại vấn đề cần quan tâm khi xử lý đòi hỏi này, đó là:

(1)Ngay trong Hiến pháp cần phải thiết kế được các nội dung tạo ra trách nhiệm ràng buộc tối đa cho việc thực hiện công khai minh bạch trong toàn bộ hệ thống nhà nước và những viên chức của nó; sự vận động của toàn bộ hệ thống phải theo tiêu chí  “công khai minh bạch + nguyên tắc chịu trách nhiệm giải trình” ;

(2)Hiến pháp cần có những điều khoản rõ ràng, không thể mập mờ hoặc bị chế ngự, bị vô hiệu hóa bởi những điều khoản khác về khuyến khích sự tham gia, quyết định, giám sát, kiểm soát của công dân đối với mọi  vấn đề của đời sống đất nước, đặc biệt phải bảo đảm quyền quyền con người, quyền sở hữu, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền hội họp, biểu tình, lập hội để chính người dân chủ động thực hiện những quyền của mình với sự giác ngộ cao nhất...  Và đây là con đường quan trọng nhất tạo ra sự công khai minh bạch trong mọi mặt của cuộc sống đất nước.

(b)Hệ thống nhà nước pháp quyền và đảng cầm quyền cần làm tất cả mọi việc để xây dựng nên một dạng quyền lực của xã hội[5] - được hình thành từ ý chí, trí tuệ, sự đồng tâm hiệp lực của mọi tầng lớp trong nhân dân như một trong những yếu tố định hướng, huy động và thúc đẩy những xu hướng tốt, qua đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần quốc gia. Thực hiện đòi hỏi tạo nên một dạng quyền lực của xã hội như thế tất yếu phải quan tâm xây dựng và phát triển xã hội dân sự.

Xã hội dân sự với tính cách là tổng thể các hình thái giao lưu, tập hợp, hay diễn đàn của mọi cá nhân, mọi tổ chức dân sự… trên cơ sở tự nguyện và tự vận hành, để chia sẻ với nhau mọi ý kiến, quan niệm, sở thích… về mọi vấn đề, về những giá trị hay những vấn đề chung đang được quan tâm.., từ đó hình thành những dư luận, hành động chung, những phong trào, xu thế, nếp văn hóa, chí hướng, những đòi hỏi… Xã hội dân sự  được phát triển nhờ các yếu tố lành mạnh, sẽ hình thành trong nó một sức mạnh xã hội có ý nghĩa tích cực.

Sức mạnh có ý nghĩa tích cực như thế hình thành từ xã hội dân sự là một dạng quyền lực của xã hội, rất cần thiết cho sức sống tinh thần của một quốc gia…

Nếu để xã hội dân sự bị chi phối hay lũng đoạn bởi những yếu tố tiêu cực, tất nhiên sẽ dẫn đến những lụn bại khó lường trong đời sống mọi mặt của đất nước.

    Vì nhân dân ta bị kìm hãm tự do và bị trói buộc về tư duy quá lâu, do đó đất nước chẳng những lạc hậu, mà còn bị lạc lõng nghiêm trọng trong thế giới ngày nay. Vì vậy xây dựng xã hội dân sự trong hoàn cảnh hiện tại của nước ta lại càng phải coi như một trong những quốc sách quyết định, một trong những phần việc quan trọng của quá trình nâng cao quyền năng của công dân thực hiện những quyền tự do, dân chủ của mình trong cuộc sống mọi mặt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Có thể nói, hầu hết các việc phải làm để canh tân đất nước đều đòi hỏi phải phát triển xã hội dân sự.

Với tính cách như vậy, xã hội dân sự được phát triển lành mạnh sẽ là:

- nơi nhân dân bằng tiếng nói và ảnh hưởng của mình trực tiếp thực thi quyền  làm chủ  của mình, bao gồm những quyền dân chủ trực tiếp,
- là nơi nhân dân tự giải quyết với nhau những việc của mình trong cộng đồng xã hội mà nhân dân không cần tới sự hỗ trợ nào khác, hoặc bộ máy hành chính và luật pháp của hệ thống nhà nước không với tới được, hoặc không cần thiết với tới, hoặc không được phép đụng tới;
- là trường học của nhân dân, nơi nhân dân tự mình và giúp nhau nâng cao hiểu biết, trí tuệ và quyền năng của mình, đặc biệt là nâng cao chất lượng thực hiện các quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân,
- là nơi nhân dân thông qua quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của mình thực thi tốt nhất quyền lực của mình đối với nhà nước trong việc kiểm soát, giám sát nhà nước, trong việc thúc đẩy hình thành những quốc sách, chủ trương chính sách, những quyết định mới, trong việc đòi hỏi nhà nước loại bỏ những cái đã lỗi thời..,
- tổng hợp các chức năng nêu trên, xã hội dân sự là đối trọng không thể thiếu của một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Nói riêng về đảng phái chính trị: Xã hội dân sự là môi trường không thể thiếu cho việc ra đời, phát triển, sống và rèn luyện của mọi đảng phái chính trị. Một đảng phái chính trị chân chính, lấy mục tiêu vì dân vì nước là lý tưởng chiến đấu của mình, nhất là một khi đã trở thành đảng cầm quyền, nhất thiết đảng ấy phải tranh thủ mọi điều kiện nuôi dưỡng, phát huy xã hội dân sự làm môi trường rèn luyện của mình, là nơi hun đúc tinh thần và sức mạnh dân tộc.

Có thể dễ dàng nhận thấy ở nhiều nơi trên thế giới: Các nước có xã hội dân sự mạnh hầu như không có chỗ đứng cho đảng phái chính trị yếu kém với tính cách là đảng cầm quyền trong hệ thống quyền lực của nhà nước pháp quyền. Một đảng phái chính trị chân chính được nhân dân thừa nhận vai trò của mình trong xã hội dân sự, đấy chính là sự thừa nhận trong lòng dân, đảng ấy là vô địch và bất khả chiến bại. (Đảng Cộng Sản Việt Nam trong những giai đoạn khốc liệt của 2 cuộc kháng chiến đã từng có rất nhiều kinh nghiệm Đảng là gì khi sống trong lòng dân, được nhân dân bảo vệ, che chở, bao bọc…)

Tại không hiếm các nước trên thế giới cho thấy: Không ít đảng phái chính trị lớn thường là những nhóm quyền lực lớn, khi trở thành đảng cầm quyền nhưng sau đó tha hóa, thường bị đào thải. Sự đào thải này thường bắt đầu từ xã hội dân sự.

Cũng không hiếm trường hợp đảng phái chính trị với tính cách là đảng cầm quyền, đem quyền lực của mình lũng đoạn xã hội dân sự để mở rộng và củng cố ảnh hưởng. Song kể cả sau khi làm được như vậy, cuối cùng vẫn không tránh khỏi sụp đổ vì sự tha hóa của chính nó như đã xảy ra ở các nước Liên Xô – Đông Âu cũ, gần đây ngày càng nhiều ví dụ như thế.

Không có xã hội dân sự với đúng nghĩa, không thể có đảng phái giữ vai trò lãnh đạo với đúng nghĩa. Không quan tâm xây dựng xã hội dân sự, sẽ chỉ khuyến khích ra đời các đảng phái chính trị của các nhóm quyền lực có xu hướng thâu tóm quyền lực nhà nước để độc quyền, độc tài.

Nhân đây xin lưu ý, xã hội dân sự cho đến nay vẫn là húy kỵ đối với chế độ chính trị hiện hành ở nước ta, và trên thực tế là không được thừa nhận. Đơn giản  vì xã hội dân sự là nơi quan trọng nhất để nhân dân thực hiện có hiệu quả nhất quyền làm chủ đất nước của mình. Trong đời sống thực của đất nước, không có tam quyền phân lập, đã thế quyền lực nhà nước được thiết kế theo cách thống nhất Đảng và Nhà nước làm một, lại thêm hiện tượng “đảng hóa” toàn bộ đời sống mọi mặt, nhân dân không có xã hội dân sự để thực thi quyền làm chủ của mình. Do đó nói Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thực ra chỉ là khẩu hiệu, không có cách gì thực thi được.

Trong mọi nhà trường, kể cả trường Đảng, nhất nhất không đặt vấn đề giáo dục tinh thần phát triển xã hội dân sự. Vấn đề xã hội dân sự không có trong giáo trình, nhiều nơi không có ngay cả trong chương trình nghiên cứu. Trong khi đó có không ít các bài giảng hay ý kiến bác bỏ xã hội dân sự, coi đấy là mô hình xã hội tư sản, là âm mưu diễn biến hòa bình để chống chế độ… Thậm chí vì bí quá, đã có học giả của Đảng đã đưa ra khái niệm “xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa” để thay thế, nhưng thất bại…

Kìm hãm sự phát triển xã hội dân sự, thực chất là một dạng làm thui chột sức sống của quốc gia, nô dịch nhân dân, mặt khác là sự khuyến khích vô ý thức hay có ý thức mọi tiêu cực trong xã hội. Thậm chí đã đến lúc phải nhìn nhận: Kìm hãm sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự trên thực tế đã và đang là nguyên nhân trực tiếp góp phần làm lụn bại và băng hoại đất nước về nhiều mặt. Song bất chấp thực trạng bị phủ nhận hay vùi dập, xã hội dân sự ở nước ta vẫn đang tự nó vận động, mà lẽ ra nó phải được khuyến khích phát triển như một yếu tố quan trọng nuôi dưỡng và phát huy sức mạnh của nhân dân.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới này, nếu không có xã hội dân sự phát triển, không thể nào thực thi được các quyền của dân đã ghi được trong Hiến pháp, quyền giao cho nhà nước và quan chức đều bị lạm dụng trở thành tất yếu.

Trong hệ thống nhà nước pháp quyền thiếu xã hội dân sự, kinh tế thị trường sẽ trở thành kinh tế hoang dã, nhà nước pháp quyền sẽ trở thành độc quyền, rồi đến lượt nó xã hội dân sự chỉ còn là mảnh đất mầu mỡ cho xã hội đen. Có thể nói tới mức, không có xã hội dân sự lành mạnh, Hiến pháp chỉ còn lại trên giấy.

Sửa đổi/soạn thảo Hiến pháp lần này nhất thiết phải coi trọng vấn đề phát triển xã hội dân sự, coi đấy là con đường không thể thiếu cho việc thực hiện và phát huy các quyền của dân đã ghi trong Hiến pháp.


Lời kết

Còn nhiều vấn đề lớn sẽ phải bàn tiếp. Song những gì đã viết ra trong bài này tiếp tục cho thấy không thể sửa đổi Hiến pháp sơ sơ như đang làm. Soạn thảo Hiến pháp mới như là một trong những nhiệm vụ trọng đại và cấp thiết của cải cách thể chế chính trị đang là một đòi hỏi sống còn của đất nước, không thể tránh né.

Rất đáng hình thành với tất cả tinh thần hòa giải dân tộc các cuộc thảo luận công khai, xây dựng, cởi mở, rộng rãi trong cả nước cho mục đích xây dựng Hiến pháp mới, cải cách hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra sự thay đổi hòa bình đất nước xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Xin mọi người Việt Nam ta trong cả nước hoặc đang sống ở nước ngoài, hãy từ thấu đáo nỗi đau của đất nước và ý thức sâu sắc về những việc đất nước lúc này nhất thiết phải làm, góp tiếng nói xây dựng của mình vào cuộc thảo luận vỹ đại này. Mọi lời lẽ chỉ với mục đích đi tìm “tiêu điểm” để “nhằm bắn”, chắc chắn sẽ chỉ khoét sâu thêm nỗi đau của đất nước, níu kéo quá khứ vào thực tại, duy trì nguyên vẹn mọi trở lực đang kìm hãm đất nước[6]. Hơn bao giờ hết, lúc này đất nước đang cần những kiến giải, đến từ trái tim của mỗi chúng ta./.

Hết

Hà Nội – Võng Thị, ngày 20-01-2013




[1] Tìm xem: J. J. Rousseau “Khế ước xã hội”.
[2] Ví dụ: Trong nhà trường có thể giảng các chủ nghĩa, các tôn giáo, các tư duy…  để học sinh biết, để nghiên cứu những thứ đó như là đối tượng của khoa học.., nhưng không được dạy như một “giá trị bắt buộc” để người học phải tuân thủ.
[3] Trong bài viết ngày 24-03-2012  “Vài ý về sửa đổi Hiến pháp năm 1992” tôi đã nêu sự khác nhau giữa các khái niệm “đảng cầm quyền”, đảng giữ “vai trò lãnh đạo”, “đảng lãnh đạo”, sự cần thiết phải có Hiến pháp mới và ĐCSVN phải dựa trên Hiến pháp mới để xây dựng lại để phấn đấu trở thành đảng cầm quyền. Tìm xem:
[4] Những đỉnh cao thời kỳ này là Montesquieu, J. J. Rousseau.
[5] Tham khảo các bài: Nguyễn Trung
-          “Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước” 20-10-2011
-          “Lũ” – tiểu thuyết, Tập II, chương 23 và chương 27

[6] Tham khảo thêm các thư trao đổi gần đây giữa Lữ Phương, Tống Văn Công, Nguyễn Trung  trên trang
viet-studies.info của Trần Hữu Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét