Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Hà Nội, 13-01-2013

Việt Nam cần một Hiến pháp như thế nào
cho hiện tại, những thập kỷ tới,và xa hơn

Một vài suy nghĩ nhân dịp bàn về sửa đổi Hiến pháp 1992

Nguyễn Trung

I
Hiến pháp: Mối quan hệ “chủ - tớ”

Trong một nhà nước của dân, do dân, vì dân mọi quyền lực quốc gia đều thuộc về nhân dân.
Hiến pháp là bản giao kèo giữa nhân dân và hệ thống nhà nước do nhân dân lập ra. Trong giao kèo này, nhân dân giao cho nhà nước thay mặt nhân dân những quyền, và ủy thác cho nhà nước làm những việc được làm, để quản lý đất nước mọi mặt. Với tính chất giao kèo – nghĩa là có sự ràng buộc lẫn nhau như vậy, nhân dân là người đi thuê – vai trò người chủ, nhà nước là người được nhân dân thuê – vai trò đầy tớ, nhất là với nghĩa tớ không bao giờ có quyền ban phát cho chủ điều này điều nọ.
          Vì được nhân dân ủy thác thực thi những quyền của dân, và được nhân dân giao cho làm những việc được làm, Hiến pháp do đó có quyền lực tối thượng trong quốc gia và có tính ràng buộc đối với bộ máy nhà nước và mọi công dân. [1]Trong một nhà nước pháp quyền như thế, mọi cá nhân, tổ chức, đoàn thể hay đảng phái chính trị… không được phép đứng trên hay đứng ngoài Hiến pháp.

          Hiến pháp quy định những luật, thể chế hay định chế căn bản. Như vậy, bất kể Luật hay quyết định nào do một cơ quan nào thuộc hệ thống nhà nước được Hiến pháp cho phép ban hành – ví dụ như Quốc hội, Chính phủ - đều phải phù hợp và nằm trong khung khổ tinh thần và lời văn các Điều của Hiến pháp, khác đi là vi hiến. Trong nhà nước pháp quyền chỉ có Quốc hội hay Chính phủ mới được ban hành các Luật hay quyết định (thường gọi là “nghị quyết”…) trong khung khổ của Hiến pháp, và theo đúng thủ tục, trình tự Hiến pháp quy định. Vì thế, Hiến pháp được coi là đạo luật gốc.
          Khi bàn về sửa đổi Hiến pháp lần này, việc đầu tiên cần khẳng đinh lại thật rõ: (1)là chủ đất nước, mọi quyền lực quốc gia đều thuộc về nhân dân, (2)Hiến pháp là quyền lực tối thượng biểu thị quyền làm chủ của nhân dân, (3)Hiến pháp là đạo luật gốc; toàn bộ hệ thống chính trị - bao gồm cả Đảng và bộ máy nhà nước  -  nhất thiết phải tuân thủ về mọi phương diện 3 nguyên tắc cơ bản này.
          Bên cạnh tính ràng buộc của “giao kèo” trình bầy trên, thực tiễn của mối quan hệ “chủ-tớ” trong đời sống hàng ngày có những hiện tượng:
-         “Chủ” mà dân trí và quyền năng (được hiểu là khả năng thực hiện quyền của mình) thấp thì bị thoái hóa, hay bị làm cho thui chột, hoặc bị cưỡng bức tụt xuống thành nô lệ của “tớ”.
-         “Tớ” mà không chịu sự sàng lọc, rèn luyện, kiểm tra… của thể chế và những thang giá trị đúng đắn, “tớ” luôn luôn có xu hướng ngoi lên thoán quyền của “chủ”.
-         Chủ” nào thì đất nước ấy, “chủ” nào thì “tớ” nấy. Đây còn là sự vận động tự nhiên có tính quy luật muôn đời. Nói thô thiển: Chủ dốt thì đất nước nghèo hèn và chỉ có khả năng dùng được (hay phải chịu đựng) tớ dốt. Cũng như vậy: “Tớ” theo kiểu trong xứ mù thằng chột làm vua thì chỉ làm khổ “chủ”, mà quốc gia thì không sao mở mày mở mặt được.
-         Vân vân…
Thực tiễn mối quan hệ “chủ - tớ” trong đời sống hàng ngày vừa nêu trên đã và đang xảy ra ra lúc đặm lúc nhạt trong đời sống hàng ngày ở nước ta kể từ khi là quốc gia độc lập thống nhất, với xu thế ngày càng đặm.
Xử lý thực tiễn nói trên theo hướng ngày càng nâng cao trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và quyền năng của “chủ”; mặt khác ngày càng tạo ra “tớ” có lòng trung thành vô điều kiện với “chủ”, với quốc gia và có khả năng kiệt suất thực hiện nhiệm vụ “tớ” của mình; “chủ” và “tớ” vừa có nghĩa vụ và vừa có trách nhiệm giúp nhau cùng nâng cao phẩm chất như thế của mỗi bên… - đây chính là những đòi hỏi mới  phải đặt ra trong sửa đổi (hay soạn thảo mới) Hiến pháp lần này, [2]đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phát triển xã hội dân sự - một trong 3 cột trụ không thể thiếu nhau để làm nên chính thể dân chủ[1].  Cho đến nay hệ thống chính trị vẫn né tránh bằng được vấn đề phát triển xã hôi dân sự ở nước ta.
 Đương nhiên, việc nâng cao chất lượng của “chủ” và “tớ” như thế không phải chỉ là nhiệm vụ riêng lẻ của Hiến pháp, mà còn phải là sự phấn đấu của toàn dân trên mọi bình diện cuộc sống đất nước.

II
Những vấn đề chính của đất nước khi bàn việc sửa đổi Hiến pháp 1992
Có thể tóm tắt:
II.1 Đất nước đã hoàn tất thời kỳ phát triển kinh tế ban đầu.
Sau 27 năm thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế nước ta đã đi hết đoạn đường phát triển theo chiều rộng: chủ yếu dựa trên khai thác tài nguyên, đầu tư vốn mới, lao động rẻ. Cũng có nhà kinh tế còn gọi thời kỳ phát triển này của nước ta là thời kỳ của nền kinh tế gia công.
5 năm gần đây khủng hoảng cơ cấu kinh tế ngày càng sâu sắc, hiệu quả chung của cả nền kinh tế ngày càng thấp, tốc độ tăng trưởng chậm hẳn lại, lạm phát cao, hàng trăm nghìn doanh nghiệp giảm sản xuất hoặc đóng cửa, thất nghiệp tăng cao, đời sống nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khu vực kinh tế tập đoàn nhà nước và thị trường bất động sản có nhiều thua lỗ lớn, thị trường tài chính tiền tệ và ngành ngân hàng bị lũng đoạn nghiêm trọng, gây nhiều tổn thất nặng nề[2]. Có lúc kinh tế cả nước đã đứng trước nguy đổ vỡ.

Nước ta bắt buộc phải chuyển sang thời kỳ phát triển mới theo chiều sâu: có cơ cấu kinh tế hiện đại, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hàm lượng khoa học và công nghệ phải đạt mức cao trong sản phẩm kinh tế, nền kinh tế phải có khả năng thích nghi và khả năng cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới đang có nhiều biến đổi. Những đòi hỏi mới này của nền kinh tế nước ta được đặt ra trong tình hình kinh tế thế giới đi vào một thời  kỳ phát triển mới với 3 đặc trưng: (a)bản thân kinh tế thê giới cũng đứng trước những thay đổi cơ cấu, nhiều nền kinh tế lớn đi vào thời kỳ suy thoái và khủng hoảng kéo dài, (b)mỗi quốc gia phải thay đổi sâu sắc cơ cấu kinh tế hiện có của mình theo xu thế tăng cường khả năng hướng nội, (c)nhưng đồng thời quá trình toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều nước đang tìm cách thay đổi luật chơi để đối phó với việc siêu cường đang lên Trung Quốc áp dụng ở quy mô thế giới một thứ “chủ nghĩa trọng thương bẩn kiểu Trung Quốc” (chủ nghĩa con buôn, còn được gọi là “chủ nghĩa thực dân mới kiểu Đại Hán[3], được vận dụng rất lộ liễu và ngang nhiên ở châu Phi và nhiều thị trường khác[4]), cạnh tranh kinh tế trên thế giới trở nên quyết liệt hơn, thách thức gay gắt mọi quốc gia.
Đất nước đứng trước nghịch lý: Quy mô nền kinh tế tính theo tổng sản lượng kinh tế quốc dân trên đầu người (GDP per capita) cao gấp 10 -12 lần so với khi bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng chưa bao giờ kinh tế nước ta có nhiều ách tắc và hiệu quả thấp như ngày nay, nhiều thách thức mới (trong đó có vấn đề lựa chọn con đường phát triển nào?) chưa có cách xử lý, chênh lệch giầu nghèo và bất công xã hội gia tăng, đồng thời nền kinh tế nước cũng chưa bao giờ dễ bị tổn thương như bây giờ - đặc biệt là trước sự can thiệp của mọi thứ quyền lực mềm và rắn từ Trung Quốc.
Trên tất cả, nước ta có lẽ còn phải vất vả một số năm nữa  mới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay, do đó hầu như chưa sẵn sàng đi vào một thời kỳ phát triển mới, chiếm lĩnh chỗ đứng mới trong một trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi sâu sắc.
Nếu so với cái giá phải trả cho những gì nước ta đã đạt được trong thời kỳ này, có thể nói là rất đắt.

Ví dụ, riêng trong 27 năm đổi mới, nước ta đã thu được khoảng trên 200 tỷ USD từ bên ngoài dưới các dạng FDI, ODA, kiều hối, các loại viện trợ nhân đạo… (hiếm có một quốc gia nào nhận được một nguồn lực lớn như vậy từ bên ngoài cho sự phát triển của mình[5]). Đã thế, đất đai và tài nguyên trên thực tế đã bán đi tới mức như cạn kiệt, cả nước lao động quần quật, hàng chục vạn người đi lao động ở nước ngoài, tăng trưởng GDP hàng năm thuộc loại cao trên thế giới.., thế nhưng đến bây giờ nước ta tuy được xếp là một nước có thu nhập trung bình thấp, nhưng thực tế vẫn nghèo, lạc hậu (đặc biệt là về kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật và năng lực tổ chức của xã hội), khoảng cách tụt hậu giữa ta và các nước nhất thiết phải so sánh (Trung Quốc, Thái Lan…) ngày càng rộng; hiệu quả chung của cả nền kinh tế gần một thập kỷ nay có xu hướng ngày càng thấp; nhập siêu và thâm hụt ngân sách luôn ở mức quá cao; nợ xấu của doanh nghiệp và nợ công của quốc gia, nợ nước ngoài đều ở mức nguy hiểm nhìn theo góc độ khả năng trả nợ; tính chất lệ thuộc của nền kinh tế nước ta ngày càng sâu (lệ thuộc rất khác với phụ thuộc lẫn nhau)..;  chưa nói đến đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển tốt… Kỳ vọng của bạn bè và của nhân dân ta về một con rồng, con hổ kinh tế Việt Nam đang trở thành nỗi thất vọng.

Còn nếu nhìn về sự lãng phí nguồn lực con người, mọi nguồn lực khác trong nước, lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội…  sự thật sẽ kinh hoàng và đau lòng hơn nhiều lần. Không thể nói khác: Nước ta hoàn toàn không đáng nghèo và  lạc hậu như hôm nay! Bạn bè chí cốt thì kêu lên: Viêt Nam là một nước không chịu phát triển!.. Đánh giá kết quả đường lối lãnh đạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ở nước ta kể từ khi đất nước độc lập thống nhất đến nay thì nhất thiết phải nhìn nhận sự “đắt/rẻ” “được/mất”… như vậy với toàn thiên hạ.

Đã đến lúc phải vứt bỏ lối so sánh mẹ hát con khen hay, so sánh ta hôm  nay với ta hôm qua để tự bịt mắt mình. Bởi vì cái đáng lo nhất là con đường đất nước phải đi vào một thời kỳ phát triển mới đang bị cản trở nghiêm trọng - vì sự lạc hậu bên trong chưa tìm được lối ra, và sự kìm kẹp bên ngoài từ phía Trung Quốc.

II.2. Thể chế chính trị và bộ máy nhà nước của ta ngày càng nhiều bất cập và tha hóa nguy hiểm.
Sau mỗi kỳ đại hội Đảng, chất lượng toàn bộ hệ thống chính trị ngày một thấp đi[6]. Tham nhũng tiêu cực ngày càng tràn lan và quy mô ngày càng lớn. Hệ quả là gây tổn thất vô cùng nặng nề cho kinh tế, làm mất lòng tin trong nhân dân, làm băng hoại và đảo ngược nghiêm trọng nhiều thang giá trị trong xã hội; nhiều truyền thống văn hóa – đao lý tốt đẹp của dân tộc bị mai một, hủy hoại; mê tín dị đoan và nhiều hủ tục phát triển trở lại...
Nhất là trong 5 năm vừa qua kỷ cương phép nước, luật pháp bị xâm phạm nghiêm trọng chưa từng có, hình thành các nhóm lợi ích có tính băng đảng. Chạy chức, chạy quyền, chạy chính sách, chạy quy hoạch, chạy án… nở rộ gần như phổ biến. Câu nói cửa miệng trong dân ngày nào “nước ta có một rừng luật, nhưng luật rừng vẫn được thực thi!” đang là một thực tiễn thời sự trong cuộc sống. Trong khi đó ngày càng nhiều hiện tượng mất dân chủ, trấn áp dân – nhất là chung quanh những vấn đề như: vấn đề đất đai, vấn đề dân chủ và các quyền tự do của công dân, các cuộc biểu tình biểu thị lòng yêu nước bảo vệ biển đảo của tổ quốc…
Đời sống chính trị, văn hóa, xã hội cả nước có quá nhiều hiện tượng sa đọa. Trong đó đặc biệt nghiêm trọng là sự thoái hóa đạo đức tư tưởng trong hàng ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức nhà nước ở mọi cấp.
Đặc biệt nguy hiểm cho hiện tại và tương lai đất nước là nền giáo dục nước nhà ngày càng lạc hậu, lạc lõng, đi vào ngõ cụt. Rất nhiều nỗ lực về cải cách giáo dục hầu như thất bại, vì không thể thực hiện được trong một chế độ chính trị và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội trong đó tham nhũng tiêu cực và sự dối trá giữ địa vị thống soái, kỷ cương mục ruỗng. Tình hình này càng trở nên bức xúc trước đòi hỏi gay gắt về việc nước ta nhất thiết phải có một xã hội lành mạnh với nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Nói về giáo dục, tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh tới phần giáo dục quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của quốc gia – trước hết là  
(a)  hệ thống lý luận của Đảng với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng đường lối phát triển đất nước,
(b) hệ thống trường Đảng trước hết với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ cán bộ rường cột mọi lĩnh vực cho cả nước,
(c)  hệ thống tuyên giáo để phát triển  hướng dẫn dư luận và báo chí, phát triển giáo dục, khoa học, văn hóa…
Nhận xét chung của tôi là toàn bộ hệ thống này khô cằn và vô cùng lạc hậu. Cho đến nay, ngoài việc đuổi theo không kịp sự vận động của cuộc sống, hệ thống này chưa từng đề đạt nổi một quốc sách hữu hiệu nào đáng kể cho việc đưa đất nước đi lên con đường phát triển văn minh hiện đại. Các công trình nghiên cứu khoa học đã làm chủ yếu chỉ biện minh, quán triệt mọi thứ từ trên cao đưa xuống, hàm lượng chất xám tiên tiến và khả năng ứng dụng vô cùng nghèo nàn, không hiếm khi hàm chứa quá nhiều quan điểm phản tiến bộ, phản khoa học…
Nhiệm vụ trung tâm của toàn bộ hệ thống này là củng cố và duy trì quyền lực của Đảng nhân danh giữ vững ổn định chế độ chính trị và định hướng xã hội chủ nghĩa – đến mức trong đời sống hàng ngày đã xuất hiện các  khái niệm như “báo chí lề phải”, “suy nghĩ theo lề phải”, “sự tự diễn biến thù địch”… Đời sống tinh thần của đất nước ngày càng nhiều sự việc chỉ có thể gọi là ngu dân, hủ hóa tư tưởng và trấn áp tự do tư duy.., không hiếm trường hợp diễn ra không cần đến lý lẽ và ngôn ngữ có văn hóa.
Hệ thống này nhân danh sứ mệnh quyết liệt chống diễn biến hòa bình, để trên hành động thực tế là tìm mọi cách đối kháng đến cùng những nội dung chân chính của những giá trị phổ cập của nhân loại như tự do, dân chủ, quyền con người…  Nếu không còn lối nào thoát, một khi buộc phải thừa nhận một thành quả nào đó của văn minh nhân loại, thì hệ thống tư duy này nhất nhất phải thêm vào cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, để dễ bề làm méo mó, giải thích tùy tiên, hay vứt bỏ cái giá trị thực của những thành quả ấy[7].
Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật:
-         Hệ thống tư duy hiện đang ngự trị trong Đảng có quá nhiều cái “nhân danh”, chỉ nhằm vào nhiệm vụ trung tâm là củng cố quyền thống trị của Đảng, chứ không phải là mở mang sự phát triển đất nước.
-         Hệ thống tư duy này là nguyên nhân hàng đầu tha hóa Đảng, khiến Đảng Cộng Sản Việt Nam - vốn một thời là đảng yêu nước, có bản lĩnh lãnh đạo và làm nên lịch sử.., nhưng từ khi trở thành đảng cầm quyền trong thời bình thì ngày càng tự diễn biến hòa bình thành đảng cai trị.
-         Hệ thống tư duy này được bộ máy chuyên chính tinh thần và bộ báy chuyên chính bạo lực của hệ thống chính trị bảo hộ. Đặc biệt là xem xét trên phương diện tự do tư tưởng và sự phát triển của sáng tạo, có thể nói về nhiều mặt hệ thống tư duy này đang nô dịch hóa đất nước.

II.3. Năng lực lãnh đạo và quản trị quốc gia của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. 
Nếu được đo bằng những gì đã đạt được và những cái giá phải trả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước 27 năm qua kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới – chỉ có thể kết luận: Năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng ngày càng bất cập so với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đội ngũ của mình, ngày càng nhiều người ở mọi cấp sa sút về đạo đức và chính trị.
Đặc biệt, sự tha hóa chính trị nghiêm trọng nhất của Đảng là đã nhân danh thực hiện sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, nhân danh đòi hỏi quyền lực chính trị phải là thống nhất, Đảng đã tiến hành đảng hóa hệ chính trị và bộ máy nhà nước trong cả nước. Làm như vậy, trên thực tế Đảng đã biến toàn bộ hệ thống bộ máy nhà nước trở thành bộ máy thực thi quyền lực của Đảng. Có đại biểu Quốc hội đã phải nói thẳng: Bộ Chính trị là cấp trên của Quốc hội. Thực tế này là biểu hiện rõ rệt nhất Đảng đứng trên Hiến pháp. Nếu không muốn thừa nhận như thế thì phải nói: trong Hiến pháp đã dành cho Đảng vai trò là người có quyền lực tối thượng, nghĩa là đứng trên cả quốc hội với tính cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đấy chính là sự thống trị của Đảng trong thời bình, được hợp pháp hóa trong Hiến pháp, bất chấp tình trạng ngày nay Đảng đang bị tha hóa đến mức chính Tổng bí thư phải thừa nhận là nguy hiểm đến mức đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ. Không thể nói khác: Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa cho thấy Đảng mới là nhà nước đích thực, nhà nước đảng trị[8].
Cuộc sống thực tế cũng cho thấy: Trong nhà nước của dân – do  dân – vì dân của ta hiện nay phương châm “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chỉ là khẩu hiệu; mối quan hệ giữa người dân và nhà nước (trên thực tế là cả hệ thống chính trị) chỉ là mối quan hệ giữa kẻ bị cai trị và người cai trị; cho đến hôm nay vẫn khắc khoải chưa trả lời được câu hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra rất sớm và nhiều lần: Đất nước độc lập mà người dân không có tự do thì độc lập để làm gì? … Lòng dân ngày càng phân tán và mất tin tưởng vào lãnh đạo, vào Đảng, vào chế độ chính trị; ngày càng nhiều biểu thị của dân phản ứng quyết liệt chống lại những việc làm mất dân chủ và những hành động trấn áp; trong khi đó con mắt của toàn bộ hệ thống chính trị nhìn vào đâu cũng chỉ thấy nhan nhản “các lực lượng thù địch chống phá Đảng và lật đổ chế độ!..”
Nhìn nhận toàn bộ thực trạng đất nước như đã nêu trên từ góc độ Hiến pháp, có thể thấy ngay đòi hỏi cấp thiết: [3]Hiến pháp sửa đổi (hay Hiến pháp mới) phải được thiết kế sao cho ngay từ nội dung và các phần khác nhau trong Hiến pháp đã tạo ra tối đa những ràng buộc (a)bảo đảm thực thi được các quyền tự do dân chủ của công dân, (b)thực hiện được sự công khai minh bạch

III
Việt Nam trong thế giới hôm nay và trong một vài thập kỷ tới
Tôi đã có một số bài viết về đề tài này[9]. Trong phạm vi thảo luận liên quan đến sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chỉ xin tập trung vào
(1)một số nét về ảnh hưởng quốc tế của siêu cường đang lên của Trung Quốc có liên quan đến nước ta, và
(2)một số kinh nghiệm xương máu của nước ta trong quá khứ.
III.1  Về Trung Quốc
Lịch sử thế giới cho đến nay chưa có một siêu cường nào xuất hiện một cách hòa bình – trước hết với nghĩa không ồn ào ngay trong nội trị của nó – thậm chí nhiều khi đẫm máu, không thách thức ai bên ngoài, không kéo theo một xắp xếp trật tự mới trên trường quốc tế, không gây ra một ảnh hưởng hay đau khổ nào cho các quốc gia lân cận, cho một vùng, hay cho nhiều vùng ảnh hưởng của nó và toàn cầu…
Quá trình toàn cầu hóa ở mức rất cao như ngày nay có thể làm cho những đặc điểm hình thành siêu cường mới có những hình thức vận động mới, song bản chất thâm nhập, giành giật, thôn tính và đối kháng trong sự vận động này về cơ bản không thay đổi. Xin nói ngay từ đầu điều sơ đẳng này, chỉ để nhấn mạnh: Chẳng có ý thức hệ nào, hay tình đồng chí, tính đồng minh hay liên minh, hay mối quan hệ hữu nghị… nào có thể thay đổi được sự thật có tính tất yếu khách quan này. Vấn đề đặt ra cho các quốc gia liên quan chỉ là ở chỗ ứng xử với tính tất yếu khách quan này như thế nào mà thôi, sự lựa chọn vào thì hệ quả ấy. Lịch sử quan hệ 2 nước CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa xuyên xuốt 7 thập kỷ vừa qua là một trong những chứng minh sinh động cho nhận định này.
Sinh sau đẻ muộn, mọi phương trời đất đều có “chủ”, chiến tranh thực dân hay chiến tranh đế quốc như trong thế kỷ 18, 19 và đến giữa thế kỷ 20 không còn phù hợp nữa, đồng thời quá đắt, siêu cường Trung Quốc đang lên lựa chọn con đường mở mang không gian sinh tồn và phát triển cho mình theo chủ nghĩa thực dân mới kiểu Đại Hán, có thể diễn đạt bằng 16 chữ: Xâm lăng hàng rẻ, vơ vét tài nguyên, lũng đoạn kinh tế, thao túng chính trị. Đấy chính là chiến lược toàn cầu Trung Quốc bằng quyền lực mềm. Khi cần thiết, cũng được áp dụng đi kèm những biện pháp quân sự - cho đến nay chủ yếu đối với các nước lân bang (như đã xảy ra xuyên suốt lịch sử nước CHNDTH với không trừ một láng giềng nào của nó). Với lực lượng quân sự mạnh áp đảo ở châu Á và ngân sách quốc phòng thường xuyên tăng trưởng 2 con số, Đại hội 18 của ĐCSTQ đã vạch ra chủ trương đi xa hơn: Sẵn sàng đánh thắng một cuộc chiến tranh cục bộ.
Văn hóa Đại Hán của siêu cường đang lên Trung Quốc với (a)cái cốt lõi kể từ khi hình thành văn hóa Hán là tất cả cho mục đíchbình thiên hạ” làm nên Trung Quốc, với (b)lối tư duy vận dụng chiến lược – sách lược – chiến thuật – tác chiến – thao tác… đầy thủ đoạn, ra đời và được tôi luyện từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, ngày nay càng được nâng cao..,  với (c)tính thực dụng “mục đích biện minh cho biện pháp” theo kiểu “mèo trắng – mèo đen” ngày càng được hiện đại hóa với mọi thủ đoạn và kỹ thuật hiện đại nhất có thể khai thác được trong quá trình toàn cầu hóa và trong các thành tựu mới của phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới, - nghĩa là với những đặc điểm (a, b, c) như thế, siêu cường đang lên Trung Quốc có bản chất nguy hiểm riêng và có tính tàn bạo riêng[10]. Điểm nổi bật mang tính thời sự là thứ văn hóa tư duy chiến lược này hôm nay càng đậm nét tư tưởng “bình thiên hạ”, có nhiều điểm đối lập nghiêm trọng với với những giá trị phổ cập hiện nay của văn minh nhân loại đã trở thành những chuẩn mực trong quan hệ quốc tế  - như dân chủ, tự do, quyền con người, bảo vệ môi trường, hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, hợp tác, cùng phát triển…
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc không thay đổi, mà chỉ hiện đại hóa, chỉ trang bị tốt hơn, ngụy trang tốt hơn văn hóa Đại Hán được phôi thai từ cái chủ đích nguyên khai “bình thiên hạ” cho thời siêu cường đang lên của Trung Quốc hôm nay mà thôi. Tuy nhiên, trong khi muốn khám phá đến cùng thực tế này, nhất thiết không một lúc nào được quên phân biệt rạch ròi với văn hóa Trung Quốc như một quốc gia lớn với tính cách một thời đã là một trong cái nôi văn minh của nhân loại cần được trân trọng.
Cho nên, trong hình thái một trật tự thế giới như hiện nay mà siêu cường đang lên Trung Quốc đang bước vào, vấn đề được đặt ra chủ yếu là Trung Quốc có thể làm gì?  Chứ không phải là Trung Quốc dám làm gì?
Trong vòng khoảng một nửa thế kỷ nay, tính từ bắt đầu cải cách năm 1978, kinh tế Trung Quốc hôm nay ngoi lên đứng hàng thứ 2 trên thế giới (có khả năng trở thành nền kinh tế số 1 thế giới về quy mô GDP vào khoảng thập kỷ thứ tư của thế kỷ này), với khoảng 3500 tỷ USD dự trữ ngoại hối, GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2011 là 5411 USD (Việt Nam là 1324 USD, Thái Lan là 5395 USD…- theo thống kê của IMF  2012).
Trong vòng nửa thế kỷ nay chủ nghĩa thực dân mới Đại Hán đã chiếm lĩnh được hay có mặt trên thị trường toàn thế giới, và đã mang về cho nó khối lượng của cải, tài nguyên lớn hơn tất cả những gì chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa thực dân mới phương Tây đã làm được trong 2 thế kỷ. Kinh tế thế giới đang diễn ra một hiện tượng cơ bản giống nhau về hình thức, song khác nhau về bản chất đã được nêu ra trong Tuyên Ngôn Cộng Sản: Hàng rẻ (trong đó có nhiều hàng rẻ theo nghĩa bẩn) và quyền lực mềm Trung Quốc đang thực hiện ngoạn mục một cuộc xâm lăng toàn cầu chưa từng có, xóa đi không ít các trung tâm sản xuất hoặc đánh bại nhiều sản phẩm truyền thống của hầu hết mọi quốc gia phát triển, biến nhiều cường quốc kinh tế thành con nợ, đã mua được bằng tiền không ít ảnh hưởng thâm nhập vào các quốc gia khác nhau trên cả 5 châu lục, “chơi” với tất cả các chính khách hay chế độ diệt chủng, độc tài… miễn là có lợi cho Trung Quốc. Thử hình dung với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kinh tế Trung Quốc có GDPp.c. cứ 7 hay 8 năm tăng gấp đôi, chủ nghĩa thực dân mới kiểu Đại Hán sẽ phải làm gì nữa để thỏa mãn yêu cầu này, sẽ đặt ra những vấn đề gì mọi mặt cho thế giới? môi trường tài nguyên, khí hậu, nước… của thế giới sẽ ra sao?...
Tình hình còn trở nên rất nhạy cảm ở chỗ trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hóa cao độ ngày nay, đặc biệt vào thời kỳ kinh tế thế giới đang có khủng hoảng cơ cấu và vấn đề nợ ngày càng trở nên cam go của hầu hết các nước phát triển – kể cả Mỹ, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều cần thị trường Trung Quốc… Đã thế, tình hình kinh tế thế giới vừa nêu trên lại diễn ra trong bối cảnh quốc tế sự giành giật giữa những cường quốc hay những nước lớn mới nổi lên đang gia tăng, nhiều vấn đề chính trị nóng bỏng ở Trung Đông, châu Phi, Nam Á...chưa có giải pháp; vấn đề vũ khí A ở Iran và Bắc Triều Tiên ngày càng nóng hơn; nạn khủng bố… vẫn đang là những mối nguy thường trực… Trong một thế giới kinh tế và chính trị như vậy không phải không hiếm những tình huống “đục nước béo cò” hay “ngư ông đắc lợi” mà Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ cơ hội khai thác, nhiều trường hợp khai thác rất thành công[11].
Có thể nói hình ảnh: Cả thế giới, trước hết là phương Tây, trước hết nữa là Mỹ, giật mình trước hiện tượng Trung Quốc hôm nay.
Mỹ và phương Tây thừa nhận thất bại không kéo được Trung Quốc tham gia cuộc chơi chung trong trật tự quốc tế hiện hành là cùng phát triển và cùng chia chia sẻ trách nhiệm với thế giới. Các luật chơi đúng đắn trong nền kinh tế toàn cầu hóa và trong trật tự quốc tế hiện hành đều bị Trung Quốc lạm dụng hoặc làm ngược lại. Nhiều lãnh đạo và trí thức những nước phương Tây cho rằng: Sự thật không phải là Trung Quốc không tuân thủ luật chơi quốc tế hiện nay, mà là Trung Quốc đang chơi theo luật chơi riêng của mình! Một trong những chính khách và trí thức đã nói thẳng ra nhận xét này là tổng thống Mỹ Obama! “Trở lại châu Á” chính là phản ứng quyết liệt nhất và cần thiết của Mỹ.
Nhiều nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, châu Mỹ La tinh, châu Á… bắt đầu cảm thấy vị đắng của hàng rẻ và quyền lực mềm Trung Quốc. Ngày càng nhiều trong những số nước này tỉnh ngộ và đang tìm cách chống lại hay thoát khỏi sự thôn tính hay thao túng vô hình của quyền lực mềm Trung Quốc.
Nga và Ấn Độ cũng đang có nhiểu vấn đề đau đầu với Trung Quốc trên các phương diện kinh tế, chính trị, những vấn đề biên giới, những vấn đề thâm nhập của người Trung Quốc…
Ngày nay trên thế giới, không ai (hay là chưa thấy ai) điên cuồng đặt vấn đề ngăn cản sự đang xuất hiện siêu cường Trung Quốc, vì điều này phi lý và không thể. Mỹ và phương Tây cho rằng nếu không có sự tác động cần thiết, hay là nếu chấp nhận đối xử với Trung Quốc bằng một thứ chính sách xoa dịu (appeasement policy) như một thời đã làm với Đức Quốc xã trước khi xảy ra chiến tranh thế giới II sẽ chỉ rước thêm hiểm họa. Xu thế chung phổ biến trên thế giới – cũng bắt đầu từ phương Tây, trước hết là Mỹ (phương án G2) – là muốn kéo Trung Quốc đi con đường phát triển trong luật chơi chung của cộng đồng thế giới theo nguyên lý “phát triển gắn với chia sẻ trách nhiệm”. Tuy nhiên mọi nỗ lực này  chưa đạt kết quả. Mỹ và phương Tây đang tính đến phải thay đổi những cái có thể thay đổi trong luật chơi của trật tự quốc tế hiện hành.
Vì những lẽ trên, siêu cường Trung Quốc đang lên đang trở thành vấn đề của cả thế giới.
Xin lưu ý cho: Không thể không nghĩ đến tình huống ngoài sự “vận động ồn ào” tự nó vốn theo lẽ tự nhiên trong sự xuất hiện của một siêu cường đang lên liên quan đến không gian sinh tồn và phạm vi ảnh hưởng của nó, văn hóa Đại Hán trong thời kỳ Trung Quốc lại trở thành siêu cường lần này – thể hiện trong các chính sách bành trướng ảnh hưởng  kinh tế và chính trị, và một số trường hợp là cả bành trướng địa lý nữa (trước mắt là vấn đề Biển Đông), các thủ đoạn thực hiện… – đang có quá nhiều điểm đi ngược lại, hoặc bất chấp, hoặc đối kháng với các giá trị phổ cập của văn minh nhân loại đã hình thành nên trật tự quốc tế hôm nay. Sự trái ngược, hay đối lập, hay đối kháng mang tính văn hóa này sẽ làm  tăng thêm tính quyết liệt của mọi xung đột toàn cầu, vì nó còn mang thêm dấu ấn một sự đụng độ giữa một bên là văn hóa siêu cường đại Hán và một bên kia là văn hóa của những giá trị của văn minh nhân loại đang nằm trong trật tự quốc tế hiện thời.
Sự xung đột tiềm tàng mang tính văn hóa như thế khiến chúng ta phải liên tưởng đến thế giới một thời mới đây thôi đã xảy ra xung đột ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc suốt thời kỳ chiến tranh lạnh khoảng một nửa thế kỷ, bản đồ địa cầu bị phân chia, nhiều nước bị lôi kéo vào vòng liên lụy khốn khổ với nhiêu hệ quả nặng nề kéo dài cho đến hôm nay. Điều vừa trình bầy này nếu xảy ra, sẽ ảnh hưởng sát sườn và kinh khủng lắm đối với nước ta trong hiện tại và trong những thập kỷ tới, đơn giản vì ta là nước láng giềng của Trung Quốc, lãnh đạo nước ta hàng ngày vẫn đang nói là Việt Nam và Trung Quốc cùng chung ý thức hệ. Thật ra sự đụng độ tiềm tàng mang tính văn hóa này đã bắt đầu manh nha ngay từ khi Trung Quốc đề ra cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” năm 2002, sau đó thấy lộ liễu qua Trung Quốc lại đề ra “giấu mình chờ thời”. Ngụy trang đi ngụy trang lại tới Đại hội 17 của ĐCSTQ, song rõ nhất là tại Đại hội 18 Trung Quốc đã vứt nốt cái lá nho cuối cùng, chủ trương: Nước giầu quân mạnh, vươn ra đại dương xanh, sẵn sàng chiến thắng cuộc chiến tranh cục bộ! Trung Quốc đã chính thức mở màn chiến lược mới của mình: Tuyên bố thực hiện quyền cảnh sát trên Biển Đông từ 01-01-2013[12].
Tại điểm này xuất hiện câu hỏi rất quan trọng: [4]“Hiến pháp năm 1992 sửa đổi (hay Hiến pháp mới)  phải có những nội dung gì để phòng ngừa tối đa tái diễn bi kịch đất nước ta nếu không rơi vào trận địa bên này thì lại bị vướng vào trận địa bên kia? Quan trọng hơn thế, còn phải ghi vào Hiến pháp sửa đổi (hay Hiến pháp mới) ý chí Việt Nam dứt khoát không theo ai, không chống ai, không để cho ai lôi kéo vì bất kỳ mục đích gì; phải ghi vào Hiến pháp sửa đổi (hay Hiến pháp mới) ý chí Việt Nam kiên quyết đứng trên đôi chân của mình và cùng đi với cả thế giới – vì hòa bình và hạnh phúc của chính quốc gia mình cũng như của thế giới, lựa chọn con đường phát triển để đất nước có thực lực thực hiện được lẽ sống này.
Xem xét siêu cường đang lên Trung Quốc, không một lúc nào được phép bỏ qua có một nước Trung Quốc khác vĩ đại của nhân  dân Trung Quốc với tất cả ý chí và khát vọng đang tìm đường đồng hành với sự phát triển của văn minh nhân loại. Đấy cũng là đồng minh của Việt Nam.
Trong lòng siêu cường Trung Quốc đang lên này, bất chấp sự trấn áp quyết liệt của hệ thống chính trị, vẫn vang lên những tiếng nói sáng suốt, đầy lý trí và tính nhân bản của trí thức và nhiều người dân Trung Quốc phản đổi những chính sách đi lên siêu cường bằng bất kỳ giá nào, lên án thực trạng đất nước đầy rẫy những hiện tượng quan liêu, tham nhũng; những tiếng nói phản đối quyết liệt tình trạng môi trường bị tàn phá không thương tiếc, đất đai của dân bị cướp đoạt..; những tiếng nói dóng lên những đòi hỏi bức xúc về các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền… của dân…  Trong lòng đất nước Trung Hoa rộng lớn này hầu như không ngày nào không xảy ra ở nơi này nơi khác hoặc nhiều nơi khác các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động – đặc biệt là của nông dân (mỗi năm là nhiều nghìn vụ) – chống lại bất công, bóc lột, tình trạng khoảng cách giầu nghèo hãi hùng… Báo chí tiết lộ phía Tây Trung Quốc vẫn còn những vùng nghèo và lạc hậu như một nước chậm phát triển, hệ thống bạo lực của chính quyền còn quá nhiều những hình thức nhục hình tra tấn và những tội ác khó hình dung nổi. Báo chí chính thức của Trung Quốc cũng thừa nhận kinh tế Trung Quốc hiện nay còn nhiều bất cập nghiêm trọng và đang có nhiều cái bong bóng nguy hiểm.
Quy luật vẫn là quy luật, không ít trí thức Trung Quốc sống ở trong nước hay ở nước ngoài kết luận: Trung Quốc phải thay đổi từ mô hình phát triển đến thể chế chính trị, nếu không trước sau sẽ không thể tránh khỏi sụp đổ. Ít nhiều, cựu thủ tướng Ôn Gia Bảo khi còn đương chức đã nói theo hướng này.
Ngoài ra ở cung bậc toàn cầu hóa của thế giới hôm nay, siêu cường nào rồi cũng phải tìm cách “đi” ngày càng nhiều với cả thế giới, các nước nhỏ cũng đang tạo ra và tập hợp cho mình những lợi thế hoàn toàn mới chưa từng có..
III.2  Về Việt Nam dưới góc độ là nạn nhân của chiến tranh
Nội tình đất nước hiện nay đã được trình bầy trong phần II.
Phần này chỉ xin nói thêm một vấn đề hệ trọng của chiến tranh còn tồn đọng như là một di sản của quá khứ, song hiện tại vẫn đang thiêu đốt tâm can bất kể người Việt Nam nào sót thương vận mệnh lận đận của đất nước 2 thế kỷ qua, bẩy thập kỷ qua… Và bây giờ, vấn đề tồn đọng này vẫn là một trong những nguyên nhân quyết định khiến cho đất nước lận đận tiếp trong thế giới khắc nghiệt hôm nay: vấn đề thống nhất dân tộc.
Trong những lần phát biểu chính thức tại các nơi khác nhau, gần đây nhất là tại cuộc họp tháng 10-2010 lấy ý kiến cho chuẩn bị Đại hội XI do giáo sư Trần Phương chủ trì, tôi đã trình bầy: Đất nước độc lập thống nhất hơn 3 thập kỷ rồi mà vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ thống nhất dân tộc!  
Trong một số bài viết (có lẽ rõ nhất là trong loạt bài “Viễn tưởng”[13]), tôi cố gắng trình bầy đòi hỏi cấp thiết phải hoàn thành nhiệm vụ thống nhất dân tộc, chẳng những chỉ với tinh thần hàn gắn nỗi đau đất nước lâm vào cảnh chia cắt Bắc – Nam đẫm máu và quá dài trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn phải tạo ra sự thống nhất dân tộc về con đường phát triển hưng thịnh của đất nước trong một thế giới khắc nghiệt, về thể chế chính trị thúc đẩy và bảo đảm bất khả xâm phạm sự phát triển như thế của quốc gia...[14] Trong một số bài viết gần đây tôi còn lưu ý muốn đất nước trụ được trước những thách thức mới, tận dụng được những cơ hội mới, không thể để tồn tại mãi tình trạng lòng dân ngày càng phân tán như hiện nay. Bây giờ lại thêm sự tha hóa của chế độ chính trị  đang ngày càng làm sâu sắc thêm nỗi chia đôi mới trong lòng đất nước giữa một bên là người bị cai trị và một bên là kẻ cai trị …
Nước ta không thể tiếp tục như thế được, nhất là Trung Quốc bây giờ là siêu cường đang lên đang thách thức cả thế giới, Việt Nam trở thành chướng ngại vật tự nhiên đầu tiên siêu cường đang lên Trung Quốc nhất thiết phải khuất phục. Nước ta không thể tiếp tục như thế được, nhất là thế giới hôm nay đã hoàn toàn thay đổi so với khi nước ta giành được độc lập thống nhất. 
[5]Hiến pháp sửa đổi (hay Hiến pháp mới) nhất thiết phải giải quyết thành công vấn đề hòa giải thống nhất dân tộc như là một điều kiện tiên quyết mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.  Xin nêu lên đòi hỏi sống còn này của quốc gia, để mỗi người Việt Nam chúng ta cùng suy nghĩ, cùng tìm câu trả lời.
Về phần mình, ý kiến của tôi để thực hiện được đòi hỏi sống còn nêu trên là: Hơn bao giờ hết Việt Nam cần phải có một thể chế chính trị dân chủ làm nền tảng cho hòa giải dân tộc, để từ đây toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam – dù sống ở trong nước hay bất kỳ đâu trên trái đất này – một lòng một chí phát huy sức mạnh dân tộc phải có, để nước ta có thể trụ được và cùng đi được với cả thiên hạ, để nước ta có thể mở mày mở mặt trong thế giới chúng ta đang sống.
Cuộc sống không hỏi Việt Nam có làm được như vậy không, mà chỉ thách thức Việt Nam phải lựa chọn như thế, và không chờ đợi. Đòi hỏi này tất yếu đến mức nếu không thưc hiện được, đất nước sẽ không có độc lập – tự do – hạnh phúc, sẽ không thể phát triển phồn vinh với tính cách là láng giềng hữu nghị được tôn trọng bên cạnh siêu cường Đại Hán; và vì như thế, sẽ là nô lệ nên sẽ không thể là bạn với cả thế giới.
[Xin nói ngay, đây chỉ có thể là một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên – của  học tập, của trí tuệ, của phát triển, phù hợp với nước ta hiện nay trong thế giới ngày nay. Đó sẽ phải là một nền dân chủ như thế nào, hình thái đa nguyên ra sao, con đường và lộ trình những bước đi phải thiết kế để chuyển hóa hòa bình thể chế chính trị hiện hành sang một chính thể như thế của Việt Nam…- tất cả những điều này phải là sản phẩm của trí tuệ, của ý chí dũng cảm, của nỗ lực kiên gan, và của ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết cao nhất của mọi thành viên không ngoại trừ một ai trong cộng đồng dân tộc ta. Tôi chỉ mới nói lên được đòi hỏi tất yếu nước ta phải đi đến một chính thể dân chủ của hòa giải dân tộc như thế, và sơ bộ phác thảo đôi điều có tính tham khảo  - tạm coi như một thứ viễn tưởng để gợi ý tư duy - trong những bài viết của mình những năm qua, và mới đây nhất là trong chương 27 của tiểu thuyết , có dịp xin bàn kỹ sau].
Nhiều năm nay cân nhắc nung nấu, ngẫm nghĩ mọi phương diện, tôi không tìm được câu trả lời nào khác tiết kiệm thời gian, công sức và xương máu của dân tộc, của đất nước cho việc đi tới mục tiêu hòa giải thống nhất dân tộc có ý nghĩa sống còn đối với đất nước như vừa trình bầy trên.
Trong phạm vi cho phép của bài này, chỉ xin xới xáo gốc gác vì sao nhiệm vụ hòa giải thống nhất dân tộc đến hôm nay khó thế, vẫn chưa hoàn thành, vẫn bế tắc đến mức hầu như không thể.., mặc dù đã không ít công sức được bỏ ra.
Nhìn lại quá khứ, tôi đi tới nhận xét: Rồi đây cần phải dày công nghiên cứu khách quan và khoa học toàn bộ quãng đường lịch sử của nước ta kể từ khi bị Pháp đô hộ  cho đến hôm nay, không phải để làm lại lịch sử, mà để rút ra những kinh nghiệm, những bài học cho hôm nay và tương lai của mỗi chúng ta và của đất nước.
Trong quãng đường lich sử này, tôi thấy do bối cảnh quốc tế bất khả kháng, do những diễn biến nội tại trong nước mình suốt từ thời bị làm thuộc địa Pháp cho đến hôm nay – nhất là những nỗ lực trên các phương hướng khác nhau tìm đường cứu nước, rồi ngoài ra còn vì rất nhiều lý do ngoại cảnh và những lý do khác trong nội tình đất nước của thời kỳ thế giới có nhiều biến động lớn… cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của ta hàm chứa trong nó những cuộc chiến tranh sau đây:
1.        Trước hết đây là cuộc chiến tranh của Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Ngoài ra đây còn là:
2.        Cuộc chiến tranh của phong trào độc lập dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc.
3.        Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới diễn ra dưới dạng chiến tranh nóng trên đất Việt Nam.
4.        Cuộc tranh hùng giữa 2 cường quốc Xô – Mỹ như là một bộ phận của chiến tranh lạnh trên toàn thế giới, diễn ra dưới dạng chiến tranh nóng trên đất Việt Nam.
5.        Cuộc chiến tranh tranh giành ảnh hưởng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như trên trường quốc tế giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra trên đất Việt Nam.
6.        Cuộc chiến tranh mỗi bên tham gia là một nửa nước Việt Nam: một cuộc nội chiến với đầy đủ tính chất đặc trưng của nó. Đây là điều vô cùng đau khổ và đầy tai ương cho về sau, nhưng trong nước hiện nay vẫn tránh né không nói tới. Đau lòng hơn nữa, càng tránh né, vết thương lòng này của đất nước càng khó hàn gắn, đến bây giờ vẫn ứa máu. Sinh thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương chức đã nhiều lần nói với báo chí và nhiều người, đại ý: Mỗi khi kỷ niệm 30 Tháng Tư cả nước cứ một triệu người vui thì cũng có một triêu người buồn...[15].
Có 6 cuộc chiến tranh trong một cuộc chiến tranh như thế, có nghĩa một khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, CHXHCNVN nhất thiết phải xử lý đúng đắn tất cả những hệ quả của chúng. Song sự việc thời hậu chiến không diễn ra như vậy, khiến cho cái giá phải trả sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc rất đắt và còn rơi rớt lại đến hôm nay chưa dứt.
Xin đặc biệt lưu ý, cuộc nội chiến trong lòng đất nước thời kỳ kháng chiến chống Mỹ về nhiều mặt là sản phẩm trực tiếp của 5 cuộc chiến tranh khác đã nêu trên. Chính vì thế hệ quả nó để lại cho đất nước trong thời bình vô cùng phức tạp, vô cùng gay gắt, càng tránh né càng quyết liệt. Sự chia rẽ về ý thức hệ, rồi đến sự nô dịch của ý thức hệ, sự chia rẽ dân tộc trong những hoàn cảnh lịch sử vô cùng ngặt nghèo và éo le của thế giới và trong nước là những nguyên nhân chủ yếu làm nên tính gay gắt quyết liệt của cuộc nội chiến này khi đang diễn ra, gây ra những tổn thất không lấy lại được nữa. Mọi hệ lụy của cuộc nội chiến này trong thời bình di truyền gần như nguyên vẹn tính đối kháng nhau quyết liệt vốn là yếu tố tạo ra nó.
Xin lưu ý, sự tha hóa thời bình của con người trong hệ thống chính trị hiện hành cùng với cái “dốt” đất nước đang phải chịu đựng đang biến chứng bi kịch quốc gia – bi kịch dân tộc này của đất nước chúng ta theo hướng tạo mầm mống một cuộc bể dâu mới khó tránh khỏi đẫm máu.
[6]Chỉ có một con đường: Phải chặn đứng xu hướng biến chứng nguy hiểm này của “bi kch quc gia – bi kch dân tc”, bằng cách xây dựng một chính thể dân chủ của hòa giải dân tộc, để mở ra một chương sử mới cho đất nước. Với đòi hỏi này, Hiến pháp sửa đổi (hay Hiến pháp mới) phải được thiết kế như thế nào?

IV
Đảng và Hiến pháp

          Hiến pháp 1992 có không ít những Điều căn bản đúng và tốt.
Song vì có một số Điều hệ trọng hoặc là được viết không rõ ràng (cố ý?), hoặc là các Điều được thiết kế theo cách tránh né những nguyên tắc phân công phân quyền, kiểm soát lẫn nhau, công khai minh bạch, sự ràng buộc và tính giải trình, phân tách rạch ròi giữa quyền lực của nhà nước và hoạt động của Đảng.., lại trong tình trạng Đảng mới là nhà nước đích thực, cho nên trên thực tế Hiến pháp 1992 chỉ có chức năng là hình thức hợp thức về mặt pháp luật những quyết định của Đảng.
Hệ quả là hầu hết mọi quyền cơ bản của dân đã ghi được trong Hiến pháp năm 1992 đều bị vi phạm, nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng; hiện tượng vi hiến xảy ra hàng ngày trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước.
Ngay trong quá trình chỉ đạo tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp lần này, nhiều vị lãnh đạo đã nói: Sửa Điều 4 là tự sát, quyền lực chính trị là thống nhất không thừa nhận tam quyền phân lập, sửa đổi thế nào cũng phải trong khuôn khô Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng… Đấy không phải là lãnh đạo, mà là ra lệnh. Cách làm như vậy tự Đảng đã chứng minh ngay từ đầu là Đảng đứng trên Hiến pháp, trên đất nước. Điều này hoàn toàn không mới, mà là thực tiễn hoạt động hàng ngày của Đảng trong việc đề ra những quốc sách và quyết định.
Các cơ quan tham gia soạn thảo sửa đổi Hiến pháp và báo chí lề phải hàng ngày cũng đang hoạt động theo hướng chỉ đạo nêu trên. Có thể thấy ngay việc sửa đổi Hiến pháp lần này không thể đáp ứng những đòi hỏi đất nước đang đặt ra như đã trình bầy trong các phần I, II và III của bài viết này.
Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này được tiến hành đúng với tinh thần chỉ đạo và chương trình nghị sự đã vạch ra, chắc chắn sẽ có một Hiến pháp mới đẹp hơn phần nào đấy, song vẫn cùng một chức năng và số phận như Hiến pháp 1992. 
Nếu cứ viễn tưởng lãng mạn nghĩ rằng lần này sẽ viết nên được một Hiến pháp mới hoàn toàn tiến bộ như mong muốn về lời văn, đất nước cũng sẽ chỉ có thêm một đồ trang sức mới cho diện mạo bề ngoài của mình.
Không thể kết luận khác:
-         Đảng không thay đổi, nếu có được Hiến pháp giời, đất nước này cũng vẫn như cũ! Hoặc là
-         Nếu nhờ phép lạ, đất nước có được Hiến pháp giời, trước sau Đảng như hiện nay sẽ đối kháng đến mức phủ định nó, hoặc chính bản thân Đảng đến lúc nào đó sẽ bị nó phủ định.
Hiển nhiên Điều 4 được thiết kế với nội dung (a)thừa nhận Đảng là độc tôn trong toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, (b)giao cho Đảng vị trí đứng trên và đứng đầu toàn bộ hệ thống nhà nước, (c)khẳng định chức năng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, (d)hợp thức hóa bằng Hiến pháp vai trò của Đảng với tính cách Đảng mới là nhà nước đích thực. Vì thế, mọi giải thích chính thống trong nhiều văn kiện của Đảng và trên báo chí lề phải là Đảng không đứng trên và không đứng ngoài Hiến pháp là không sai so với lời văn và nội dung của Hiến pháp 1992. Nhưng Điều 4 phủ định trên thực tế tính Hiến pháp là tối thượng và tính pháp quyền của hệ thống nhà nước hiện nay.
Như đã trình bầy trong các phần II.2II.3, năng lực và phẩm chất của Đảng hiện nay so với thực trạng và những đòi hỏi bức thiết của đất nước thì lấy lý do gì để duy trì Điều 4?
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn đương chức đã nhiều lần nhận xét thẳng thắn trong các hội nghị của Đảng, Chính phủ và trong nhiều bài viết: Hiện tượng đảng hóa tuyệt đối toàn bộ hệ thống chính trị và đời sống đất nước, hiện tượng hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước quyện lại làm một chỉ làm cho hệ thống của Đảng và của nhà nước cùng tha hóa và ngày càng suy yếu.
[7]Vì thế, nếu nghiêm túc sửa đổi Hiến pháp, nhất thiết Đảng phải thay đổi.
Trong thư ngày 09-08-1995 gửi Bộ Chính trị, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: (1)phải nhìn nhận lại thế giới, (2)phải đánh giá lại đường lối phát triển đất nước, (3)phải xây dựng nhà nước pháp quyền, (4)phải xây dựng lại Đảng về đường lối và về tổ chức. Cả 4 đòi hỏi nêu trong thư này đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự và mức độ bức xúc khẩn thiết của nó.
Những năm cuối đời, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành hết tâm huyết mình nhiều lần viết và nói trực tiếp với từng ủy viên Bộ Chính trị và toàn thể Ban Chấp hành Trung ương ĐCSVN, và nói cả với toàn dân: Phải lột xác xây dựng Đảng trở thành đảng của dân tộc.  Nhân việc nhắc đến bức thư quan trọng này, xin cho phép hỏi trực tiếp trên ba triệu đảng viên của Đảng: “Đảng CSVN hôm nay có còn cách nào phục vụ lợi ích quốc gia tốt hơn không? Có đảng viên nào hôm nay dám nói mình yêu Đảng, bảo vệ Đảng hơn đảng viên Võ Văn Kiệt không?”
V
Đề nghị với nhân dân và với lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Sửa đổi Hiến pháp là việc vô cùng hệ trọng, song kế hoạch thực hiện nó như đang tiến hành cho thấy hoặc là:
-         việc này được nhìn nhận một cách quá hời hợt, nên cách làm sơ sài, hình thức, chiếu lệ.
-         hoặc là chưa có cái nhìn bao quát đầy đủ tầm vóc công việc này, cho nên chưa hình dung hết được những việc phải làm.
Các phần từ I đến IV của bài viết này đã nêu lên 6 nhóm vấn đề lớn việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải xử lý thỏa đáng. Những nhóm vấn đề này đã được đánh dấu từ [1] – [2] trong phần I,  [3] trong phần II, [4] - [5] - [6] trong phần III, và [6] trong phần IV.
Có 3 lý do cần xem lại cách làm:
1 - Giả định rằng dự thảo hiện nay của Hiến pháp sửa đổi đã hội đủ điều kiện để đưa ra thảo luận lấy ý kiến nhân dân, thì cũng không có đủ thời gian đến hết tháng 3-2013 có thể làm sáng tỏ được nên đưa những nội dung gì thỏa đáng của 6 nhóm vấn đề này vào Hiến pháp sửa đổi. (Trên thực tế dự thảo hiện nay rât lạc hậu và hậu như không động chạm bao nhiêu vào 6 nhóm vấn đề trọng yếu nêu trên)
2 – Trong khi nhân dân chưa được thông báo đầy đủ về thực trạng đất nước, cũng chưa được chuẩn bị cần thiết cho khả năng đánh giá đúng đắn thực trạng này.., cũng chưa rõ lắm cái đích cột lõi phải đi tới (ví dụ  như một thể chế chính trị dân chủ của hòa giải dân tộc, hay một thể chế định hướng xã hội chủ nghĩa), vì sao và nên lựa chọn cái gì để đưa vào Hiến pháp?.. vân vân… Chắc chắn việc lấy ý kiến chỉ là hình thức như lâu nay vẫn xảy ra  phổ biến trong cả nước.
3 – Hoàn toàn thiếu hẳn công việc chuẩn bị cho nhân dân trong việc…………………….
…….
……


(Còn nữa)



































Tôi thiết tha mong từng người dân Việt chúng ta học lại quá khứ của chính mình, của đất nước – tất cả những điều tốt và xấu. Không chờ và không cần ai cho mình hay bắt mình học cái gì, mà hãy đem tất cả ý chí của mình học lại tất cả, học những cái mới, học tất cả những điều phải học, trước hết để chiến thắng những yếu kém và nỗi sợ của chính mình. Học như thế để đổi đời của chính mình và của đất nước. Thực hiện bằng được hòa giải dân tộc để cứu tổ quốc đang lâm nguy, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước là trách nhiệm không của riêng một ai trong cộng đồng dân tộc Việt Nam chúng ta!












[1] Ba cột trụ của môt chính thể dân chủ là: Kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
[2] Tính theo chỉ số lạm phát hàng năm, trong vòng 6 năm nay, giá trị thật của VNĐ giảm mất khoảng ½, sự quản lý vàng và ngoại tệ rối ren và không minh bạch nhiều lúc làm chao đảo cả nền kinh tế với nhiều đỗ vỡ, toàn bộ hệ quả của tình hình này trước hết người lao động và người làm công ăn lương phải gánh chịu.
[3] Tôi nghĩ Việt Nam cũng thu nhận được nhiều bài học đích đáng trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc, từ chuyện mua móng trâu, rễ quế, lá điều… đến bô-xít Tây Nguyên, hàng lậu, hàng phế thải,thuê đất, thuê rừng, các nhà mày mía đường, xi-măng lò đứng, một số công trình kinh tế trọng điểm quốc gia…
[4] Tìm xem “Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action” (đã được dịch ra tiếng Việt: “Chết dưới tay Trung Quốc”)   của - Greg Autry  và Peter W. Navarro, và rất nhiều sách báo khác trên thế giới trong 5 năm nay liên quan đến chủ đề này.
[5] So sánh nào cũng khó tránh sự khập khiễng. Tuy vậy tôi vẫn tiếc không đủ thời giờ và sức lực làm việc so sánh – dù chỉ là ở góc độ thống kê khối lượng giá trị tiền tệ từ bên ngoài đưa vào, giữa một bên là các nguồn lực bên ngoài như thế  nước ta nhận được suốt 27 năm qua kể từ khi tiến hành đổi mới, và với từng bên phía bên kia đã nhận được như (1)Kế hoạch Marschall dành cho phục hồi kinh tế các nước châu Âu sau Chiến tranh thế giới II, (2)Hàn Quốc, (3)Đài Loan, (4)Singapore, (5)Indonesia… trong 2 hay 3 thập kỷ đầu tiên những quốc gia này nhận được cho sự phục hồi kinh tế của mình, họ - những quốc gia này, đạt được gì với sự giúp đỡ ấy? Còn nước ta?..  Song tôi có thể rút ra nhận xét như đinh đóng cột: Đã xảy ra sự lãng phí khủng khiếp ở nước ta, trong đó sự lãng phí lớn nhất là nguồn lực to lớn như thế ta nhận được từ bên ngoài đã không mở ra được một bước ngoặt quyết định đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, triển vọng nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 là huyễn hoặc.
[6] Đây là nhận xét phổ biến của rất nhiều lão thành cách mạng và trí thức trong các cuộc họp trước thềm các Đại hội Đảng toàn quốc từ đại họi VIII đến nay.
[7] Không biết nên khóc, nên cười, hay… nên làm gì nữa… khi có nhà lý luận dám đưa ra khái niệm “xã hội dân sự định hướng xã hội chủ nghĩa”, báo Nhân Dân cũng có lần đăng bài bác bỏ quyết liệt xã hội dân sự, dạy trong trường Đảng lại càng như vậy. Hòa hợp hòa giải dân tộc được coi như một vấn đề húy kỵ, vv… Đây chỉ là một  trong không biết bao nhiêu ví dụ trong cuộc sống hàng ngày. 
[8] Tham khảo thêm “Di chúc của một người lính” trong tiểu thuyết Lũ  của Nguyễn Trung, - bản thảo, tập II, chương 23, trang 554–558,  đăng trên trang web viet-studies.info của Trần Hữu Dũng
 http://viet-studies.info/kinhte/kinhte.htm
[9] Tham khảo các bài của Nguyễn Trung:         
(1)     Việt Nam trong thế giới của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21”  http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai18/201018_NguyenTrung.htm
(2)     “Sự lựa chọn nào dành cho Việt Nam đây?”
(3)      “Tôtem sói đã trở thành con sói ngày càng hung dữ” http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai21/201121_NguyenTrung.htm
(4)      “Biển Đông – cái biển hay cái ao?” http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai20/201020_NguyenTrung.htm
(5)     Phải chặn đứng nguy cơ tái diễn kịch bản Thành Đô 1990
(6)     Vân vân…


[10] Xin hãy ôn lại những gì đã diễn ra trong cách mạng văn hóa, sự kiện Thiên An Môn, các cuộc chiến tranh biên giới với tất cả các nước láng giềng, sự phát triển đầy máu và nước mắt và tàn phá môi trường của chính nền kinh tế Trung Quốc hiện nay…, xịn hãy nhớ lại những ngôn ngữ Đại Hán không ít khát máu nói với cả thế giới theo cái kiểu như bài nói của tướng Trì Hạo Điền và trên những trang mạng chính thức khác nhau của Trung Quốc… Đừng một lúc nào mơ ngủ với thực tế khách quan này.
[11] Trong giới nghiên cứu ở Mỹ và nhiều nước phương Tây có không ít ý kiến cho rằng việc Mỹ dưới thời Bush (junior) sa lầy vào Iraq và Afghanistan quá lâu (khoảng một thập kỷ), với tổn thất gần 10 nghìn binh lính, tốn kém trên 2000 tỷ USD (có ý kiến nói tính hết sẽ có thể là khoảng gần 4000 tỷ USD), tạo điều kiện để cho Trung Quốc rảnh tay đi quá xa như hôm nay… là  sai lầm chiến lược của Mỹ, chính quyền Obama đang tìm cách khắc phục.
[12] Xin nhắc lại chuyện cũ: Từ thời Đặng Tiểu Bình đến thời Giang Trạch Dân, lãnh đạo Trung Quốc mấy năm liền đều đặn “đặt hàng” và mời các chuyên gia, các trí thức lớn trên thế giới… gặp riêng lãnh đạo TQ để thuyết trình quan điểm về những vấn đề quan trọng nhất cua lịch sử và của thế giới, trong đó có vấn đề “Các siêu cường trên thế giới đã hình thành, đi lên đỉnh cao, và tàn lụi như thế nào?
[14] Thú thực, trong một vài buổi nói chuyện chia sẻ ý kiến của mình với các bậc lão thành đã nghỉ hưu tại một số cơ quan tôi đã từng làm việc, tôi cho rằng: Dứt khoát không được dùng quốc gia làm đối tượng thí nghiệm các ý tưởng, hay chủ nghĩa, hay kinh thánh…
[15] Trong một số cuộc trao đổi mang tính nghiên cứu có tính tổng kết ngoại giao, và trong tiểu thuyết Dòng đời (quyển I tập 2, từ trang 493-499, NXB Văn Nghệ, TPHCM 2006) tôi đã trình bầy suy nghĩ  của mình về 6 cuộc chiến tranh trong một cuộc  chiến tranh như vậy.. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét