Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Tham luận  của Nguyễn Trung
tại Hội thảo về sửa đổi Hiến pháp
do Hôi Khoa học Kinh tế tổ chức ngày  02-03-2013


I. Về Dự thảo sửa đổi

          (1)Dự thảo sửa đổi HP (gọi tắt là Dự thảo) cho thấy hầu như toàn bộ 140 điều của HP cũ đều được sửa đổi, chưa kể bổ sung thêm một số điều mới. Vì thế dự thảo trở thành một bản HP bị sửa nát, chắp vá, quá dài, quá chi tiết, còn nhiều chỗ mâu thuẫn nhau về nội dung; nhiều chỗ lẫn lộn giữa lập pháp và hành pháp, riêng về tư pháp thì hoàn toàn không rõ. Lời văn của dự thảo còn nhiều chỗ viết như nghị quyết. Cho dù giữ nguyện tinh thần của dự thảo, chỉ cần mời một nhóm luật sư có am hiểu về viết HP ngồi phân tích tỷ mỷ, có thể phát hiện hàng trăm chỗ trong Dự thảo cần được sửa về nội dung và lời văn, phải mất ít nhất vài tháng mới xong... Dự thảo rối rắm hơn bản HP cũ và về cơ bản không vượt qua được HP cũ, thậm chí có chỗ thụt lùi.


          (2)Những điểm bổ sung quan trọng nhất về Đảng, về Nhà nước thực ra  không làm rõ được những vấn đề cốt lõi phải giải quyết: Đảng lãnh đạo như thế nào trong hệ thống nhà nước pháp quyền mọi quyền lực thuộc về nhân dân? Đảng hoạt động trong khuôn khổ của HP là như thế nào? Quyền lực tối cao của cả nước là HP được thực thi thế nào nếu giữ nguyên cách lãnh đạo của Đảng như hiện nay – nghĩa là Đảng quyết định hết từ A đến Z ở mọi cấp và trong mọi lĩnh vực? Mối liên hệ giữa một bên là sự lãnh đạo của Đảng và một bên là quyền lực nhà nước với tinh thần là thể hiện quyền lực tối cao của HP không rõ. Nhân danh quyền lực nhà nước là thống nhất, quyền và sự phân quyền của lập pháp, hành pháp và tư pháp không rõ. Sự can thiệp của Đảng – nhân danh thực hiện sự lãnh đạo thống nhất – càng làm rối rắm thêm và giảm thiểu 3 quyền này. Nhà nước pháp quyền định hướng XHCN như trong Dự thảo vẫn là một công cụ thực thi quyền lực của Đảng như đang diễn ra hiện nay, nó không phải là nhà nước pháp quyền với đúng nghĩa... Vân vân…

Kết quả là Dự thảo vẫn giữ nguyên tình trạng “đảng hóa” như hiện nay – với hệ quả là Đảng vẫn tiếp tục đứng trên HP trên thực tế. Chính hiện tượng này là nguyên nhân gốc tạo ra một hệ thống chính trị chồng chéo (đảng – chính quyền – mặt trân) kìm hãm sự phát triển đất nước và đặt ra vấn đề phải sửa đổi HP.  


II. Thực trạng hiện nay và những vấn đề đặt ra

(1)Dự thảo không góp gì được vào cải thiện hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước hiện nay. Những yếu kém của hệ thống đang kìm hãm sự phát triển của đất nước và đang nuôi dưỡng tiêu cực - tham nhũng trong hệ thống chính trị và hệ thống nhà nước hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn, bởi vì những sửa đổi chỉ là những vấn đề phụ, kỹ thuật, câu chữ...

(2)Nếu Dự thảo đem thực thi, sẽ gây thêm nhiều bất đồng và bất mãn trong nhân dân, sẽ tạo thêm nhiều khó khăn, nguy hiểm mới cho đất nước vào lúc tình hình kinh tế, chính trị đối nội và đối ngoại của đất nước đang có quá nhiều vấn đề nhạy cảm như hiện nay.

(3)Còn quá nhiều vấn đề về HP mà các cơ quan hữu quan của hệ thống chính trị tham gia vào việc sửa đổi HP, ngay cả những người lãnh đạo đất nước, hoặc có nhiều bất cập về kiến thức, hoặc còn giữ những quan điểm bảo thủ cũ kỹ và sai lầm, tạo ra trở ngại chính cho việc xây dựng những quan điểm đúng đắn cần được phát huy cho việc sửa đổi HP. Ngay trong giới lãnh đạo và trong hệ thống nghiên cứu lý luận của Đảng cần xuất phát từ những đòi hỏi mới của đất nước, chứ không phải từ yêu cầu bảo vệ hệ thống chính trị hiện tại để xem xét lại tất cả. Đặc biệt là cần nhận thức lại: Con đường duy nhất bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng là tạo ra cho Đảng có khả năng đáp ứng những đòi hỏi mới hiện nay của đất nước, chứ không phải là con đường thâu tóm quyền lực đang tạo ra nguy cơ tiêu vong sự nghiệp cách mạng của Đảng.

(4)Quá trình thảo luận (nhất là các ý kiến của trí thức) về sửa đôi HP lần này càng cho thấy khoảng cách giữa một bên là đòi hỏi phát triển của đất nước và một bên là tính chất và chất lượng của toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay là quá lớn. Tình hình cho thấy sửa đổi hay soạn thảo HP mới mà không tiến hành đồng bộ với cải cách hệ thống chính trị, không một HP tốt làm nền móng cho cải cách chính trị, đất nước càng tụt hậu và tích lũy thêm nhiều yếu kém hay mâu thuẫn có tính bùng nổ nguy hiểm.        




III. Kiến nghị

          (1)Có quá nhiều vấn đề lớn cần thảo luận trong nội bộ lãnh đạo Đảng, trong nhân dân và trong Đảng cho vỡ lẽ. Nội dung sửa đổi hay xây dựng HP mới cần bám sát những đòi hỏi và thách thức mới của đất nước. Vì thế nên xem lại lần này chỉ là sửa đổi, hay là nên soạn thảo HP mới. Dù là sửa đổi hay xây dựng HP mới, cần  kéo dài thời gian thảo luận, lấy ý kiến cho tới hết năm 2013, tùy tình hình cụ thể sẽ tính tiếp. Tối ưu, thậm chí giải pháp duy nhất cho tình hình đất nước hiện nay là nên xây dựng một HP mới.

          (2)Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên coi việc sửa đổi HP là một cơ hội thay đổi chất lượng hệ thống chính trị (bao gồm cả Đảng) nhằm giải phóng mọi tiềm lực phát triển và bảo vệ đất nước, tạo khả năng đáp ứng những đòi hỏi phát triển và những mọi thách thức mới trong/ngoài. Trên quan điểm này cần mở rộng dân chủ thảo luận, nhằm nâng cao nhận thức mới trong Đảng và trong nhân dân cần thiết cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, tạo ra sự đồng thuận không thể thiếu trong cả nước. Nói riêng về Đảng, nên coi đây là cơ hội cuối cùng đổi mới Đảng, cần phải nắm lấy.

          (3)Trong thời gian lấy ý kiến kéo dài đến hết năm 2013 cần thực hiện ngay một số biện pháp thực hiện dân chủ (như đã đề nghị trong Thư ngỏ 19-02-2013) để phát huy được trí tuệ cả nước và hướng việc thảo luận vào mục đích xây dựng một HP tăng cường sức mạnh của đất nước. Sự đồng thuận về trí tuệ và ý chí như thế  trong cả nước cho HP mới sẽ tạo ra bước ngoặt cho đất nước ra khỏi những khó khăn hiện nay, mở ra một thời kỳ phát triển mới, đồng thời từng bước giúp Đảng lấy lại lòng tin của nhân dân.

          (4)Kéo dài thời gian đến hết năm 2013 không phải là để câu giờ. Ngay từ bây giờ nên huy động trí tuệ trong Đảng và trong cả nước xây dựng một chiến lược cải cách hệ thống chính trị của đất nước và thiết kế các bước đi. Lịch trình đại cương có thể là: (a)thực hiện ngay các biện pháp dân chủ để đến hết năm xây dựng được HP mới; (b)quá trình thực hiện quyền phúc quyết của nhân dân đối với HP mới đồng thời cũng là quá trình xây dựng xong chiến lược cải cách hệ thống chính trị; (c)khi có HP mới thì dựa vào HP mới đề ra các bước đi tiếp cho cải cách hệ thống chính trị. Vai trò lãnh đạo của Đảng là làm sao dẫn dắt đất nước sớm có được một HP lý tưởng như thế; quyền lực trong tay hoàn toàn cho phép Đảng có thể phát huy trí tuệ và sự đồng thuận của cả nước cho đạt được mục đích này (có HP mới và tiến hành cải cách hệ thống chính trị). Khỏi phải nói có còn cách nào đổi mới Đảng và bảo vệ Đảng tốt hơn không? Phải chăng yêu nước thì Đảng phải làm như thế? Trở lực duy nhất chỉ là sự dốt nát và tham nhũng quyền lực, tham nhũng kinh tế và mọi dục vọng thấp kém khác.

          (5)Nếu không gắn việc xây dựng HP mới với việc cải cách hệ thống chính trị, dựa vào HP mới đổi mới Đảng, thì nên lọai bỏ hẳn việc thảo luận sửa đổi HP đang tiến hành./.


Hết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét