Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Góp ý vho Đại hội XI ĐCSVN

Kính gửi
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương
ĐCSVV nhiêm kỳ khóa X

Thưa các Đồng chí,
Với trách nhiệm đảng viên đóng góp ý kiến vào Đại hội XI sắp tới,
ngày 04-06-2009 tôi đã có thư gửi Bộ Chính trị và BCHTƯ Đảng
kiến nghị thay đổi cách tiến hành Đại hội.
Hôm nay tôi xin trình bầy với các Đồng chí những suy nghĩ
về những vấn đề hệ trọng của đất nước đặt ra cho Đại hội XI
còn rất thô thiển và sơ thảo, dưới dạng những cảm nghĩ đầu tiên;
nghĩ, viết một mình, không có điều kiện học hỏi và trao đổi rộng,
nên có thể rất chủ quan và phiến diện.
Nghỉ hưu đã gần 15 năm, trí nhớ và hiểu biết có hạn, nghĩ gì nói nấy,
kính mong các Đồng chí tham khảo.

                                    Hà Nội, ngày 21-06-2009
Nguyễn Trung


Đại hội  ĐCSVN toàn quốc lần thứ XI
lựa chọn gì cho Việt Nam?
(Suy nghĩ về chuẩn bị Đại hội XI – bài số 2)


Nguyễn Trung


          Sau một phần tư thế kỷ đổi mới, Việt Nam kết thúc thời kỳ phát triển theo chiều rộng, trong khi đó kinh tế thế giới đang tìm cách ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới. Hai đặc điểm này đặt ra cho Đại hội toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN câu hỏi: Đại hội sẽ lựa chọn gì cho đất nước?

          Dưới đây xin trình bầy những suy nghĩ có liên quan.


I.             Bối cảnh thế giới  


Khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay một mặt đánh dấu kinh tế thế giới đi vào một thời kỳ phát triển khác kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc cách đây hai thập kỷ: trầm lặng hơn, phải điều chỉnh lại - không thể tiếp tục “sống quá mức làm ra” (nhất là ở Mỹ, và so với sức chịu đựng của trái đất!), phải quan tâm hơn nữa phát triển thị trường nội địa và cũng không thể quá nhấn mạnh hướng về xuất khẩu với bất kỳ giá nào (phải chú ý hơn đến nâng cao hàm lượng công nghệ trong xuất khẩu, nhất là tại các nền kinh tế đang nổi lên[1]). Đồng thời tình hình kinh tế thế giới hiện nay kích thích mạnh mẽ cục diện chính trị thế giới tiếp tục hướng về đa cực.

Với tầm nhìn bao quát hơn, còn có thể nói kinh tế thế giới bước vào một thời kỳ đòi hỏi phải có những thay đổi mang tính cấu trúc (tại các nước phát triển sẽ hướng nội nhiều hơn) và tính hệ thống (gia tăng vai trò nhà nước và nhận thức đúng đắn vai trò của thị trường, chấn chỉnh lại hệ thống ngân hàng và tài chính tiền tệ) do những hệ quả tất yếu của sự phát triển năng động của nó và quá trình toàn cầu hóa diễn ra từ sau chiến tranh thế giới II đến nay. Nói ngắn gọn: “Laissez faire!” với nội dung của chủ nghĩa tân tự do được hiện đại hóa và được lòng tham đẩy lên cao điểm trong mấy thập kỷ vừa qua không còn thức thời nữa[2]. “Phải trở lại thực tế!” - (như một thời triết học đã phải đưa ra khẩu hiệu “Zurueck zur Natur!” – Kant -). Tuy nhiên, chưa ai nói ngay được hậu khủng hoảng sẽ ra sao, chính Krugman (20 và 21-05-09, TPHCM) và nhiều kinh tế gia có tên tuổi khác cũng thừa nhận như vậy; song hầu như chắc chắn những khó khăn trong thời hậu khủng hoảng sẽ kéo dài, vì nan giải[3], vì tất cả phải nghĩ khác trước, làm khác trước!

Đòi hỏi trên được đặt ra từ thực tế khách quan sự phát triển kinh tế toàn cầu dựa trên tiêu thụ tài nguyên không tái tạo được và hủy hoại môi trường đã tới ngưỡng nguy hiểm. Phiên bản mới chủ nghĩa tân tự do (Reagan – Thatcher 1980s) đã dẫn dắt các nền kinh tế phát triển – đầu tầu của toàn bộ kinh tế thế giới nói chung – đi qua thời kỳ cao trào của nó, và  trạng thái thoái trào đạt tới hôm nay có thể mô tả là sát bờ vực thẳm. Sự sụp đổ của thị trường tiền tệ phái sinh và thị trường bất động sản – trước hết từ Mỹ (bắt đầu từ cuối năm 2007) - kéo theo sụp đổ của nhiều ngành kinh tế chủ chốt[4]. Tình hình không quyết liệt và không dẫn đến chiến tranh thế giới như cuộc đại khủng hoảng 1929 – 1933, nhưng sâu sắc hơn vì nguyên nhân chính nằm ngay trong hệ tuần hoàn (thị trường tài chính tiền tệ) và trong ngành kinh tế mang tính chất là xương sống (thị trường bất động sản) của nền kinh tế thế giới. Các nước lớn nhỏ đứng trước thực tế không có một vấn đề nào trong kinh tế thế giới có thể có thể quyết định được bởi một quốc gia riêng lẻ, cũng như tình trạng không một quốc gia nào đủ sức có thể đơn phương tự giải quyết những vấn đề kinh tế lớn của nước mình – dù quốc gia ấy là Mỹ, Trung Quốc, Nhật hay thậm chí cộng đồng EU.

Đòi hỏi của tình hình kinh tế thế giới hiện nay có ba vế chính sau đây:
1.     Thay đổi lý thuyết và quan điểm phát triển[5] với nội dung (a)vai trò can thiệp của nhà nước phải được nâng cao thêm để hỗ trợ thỏa đáng cho bàn tay vô hình của thị trường, (b)phát triển thân thiện hơn với tài nguyên thiên nhiên và môi trường, (c)tăng cường sự hiệp đồng trong quá trình toàn cầu hóa. Ngoài ra, với nghĩa nào đó, hầu hết các quốc gia đang phải đối phó với tình trạng sống quá mức mình làm ra!
2.     Thay đổi cấu trúc phát triển với nội dung thay vì nhấn mạnh quá mức outsourcing (khai thác và phát triển hướng về các nguồn lực ở bên ngoài) phải quan tâm phát triển hơn nữa thị trường nội địa song không quay lại chủ nghĩa bảo hộ.
3.     Chủ thuyết đơn phương của Mỹ cần được thay thế bằng chủ nghĩa đa phương. Đồng thời các thể chế quốc tế (UNO, IMF, WB…) và nhiều thể chế khu vực cũng đứng trước đòi hỏi phải thay đổi ngày càng gay gắt hơn[6].

Khả năng các quốc gia, trước hết là những diễn viên chính trên sân khấu thế giới, đáp ứng được tới đâu đòi hỏi nói trên, là vấn đề còn để ngỏ. Đến nay, nhận thức chung nhất được chia sẻ là: Không một quốc gia nào có thể đơn thương độc mã trong tình hình hiện nay; không loại trừ khả năng sự gia tăng của xu thế tiến dần tới cục diện đa cực có thể làm cho những mâu thuẫn khu vực nóng bỏng thêm; riêng trong khu vực Đông Nam Á – nhất là trên Biển Đông – đang hình thành trên thực tế (de facto) thế hai cực Mỹ - Trung với xu thế ảnh hưởng của Mỹ tiếp tục giảm sút[7].

 Đi vào bước ngoặt của tình hình hiện nay, có nhiều sự kiện nổi bật.

Trước hết thất bại của chủ nghĩa đơn phương và vỡ bong bóng kinh tế Mỹ đã dẫn tới việc đưa Obama lên cầm quyền – một bước ngoặt quan trọng và là hiện tượng đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Sự xuất hiện nước Mỹ Obama ảnh hưởng rộng lớn về nhiều mặt (kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh…) đối với cục diện thế giới. “Yes, we can!” – không chỉ đơn thuần là câu chuyện riêng của nước Mỹ với nghĩa cần có cái nhìn khác đi, cần thay đổi, và có thể thay đổi. “Yes we can!” với nội dung như thế cũng đang trở thành vấn đề thời sự đối với nhiều nước khác trên thế giới. Ít nhất đấy là một tín hiệu rõ rệt cho thấy thế giới đi vào thời kỳ có nhiều thay đổi khác trước, có nhiều vấn đề phải nhận thức lại với cách nhìn mới.

Trên phương diện nào đó, “Yes we can!” còn là tiếng gọi vọng lại của dân chủ, thôi thúc dân chủ trên thế giới.

Nước Mỹ Obama khởi sự với (a)kế hoạch khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của mình kể từ cuộc đại khủng hoảng 1929- 1933, và (b)đồng thời xác định lại ưu tiên chiến lược đã hình thành thời nước Mỹ theo đuổi chủ nghĩa đơn phương (bắt đầu ngay sau khi chiến tranh lạnh kết thúc và cao điểm là 2 nhiệm kỳ của Bush).  Hai nỗ lực này tạo ra thay đổi lớn trong nước Mỹ, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ cục diện thế giới.

Là nước chiếm 21,4% GDP thế giới năm 2008 (theo IMF) và với ảnh hưởng mọi mặt trên phạm vi toàn cầu, Mỹ vẫn giữ được vị thế siêu cường duy nhất của mình, sẽ tiếp tục củng cố, “níu kéo” vị thế này, song buộc phải có những bước đi được lựa chọn thận trọng hơn, cân bằng hơn: mở đầu là triển khai kế hoạch rút quân khỏi Iraq, nói chuyện với Iran và thế giới Hồi giáo, tập trung giải quyết vấn đề Taleban ở Afghanistan và Pakistan, thúc đẩy đàm phán 6 bên vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, coi trọng diễn đàn đa phương cho những vấn đề lớn trên thế giới, mềm dẻo hơn đối với Nga... Tất cả nói lên một bước lùi lớn của chủ nghĩa đơn phương Mỹ và một quan điểm nhìn nhận thế giới cấp tiến hơn[8]. Toàn bộ ý đồ chiến lược của Obama phụ thuộc rất nhiều vào việc nước Mỹ sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay như thế nào[9].

Kế đến là Hội nghị cấp cao “G20” tại London tháng 4-2009 thông qua gói kích cầu 1,1 nghìn tỷ USD (bao gồm cả kế hoạch cải tổ IMF và sẽ bãi bỏ quyền phủ quyết của Mỹ trong IMF vào năm 2011) để đối phó với khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra[10]. Sự kiện nổi bật này kéo theo bên cạnh nó cái bóng ma “G2” (Mỹ - Trung): Với túi tiền lớn trong tay, Trung Quốc có tiếng nói ngày càng quan trọng gần như chỉ sau Mỹ tại diễn đàn này. Thậm chí TQ đã đi xa tới mức cho phép mình nêu ra ý kiến đòi tìm đồng tiền thay thế đồng USD trong thương mại thế giới – mặc dù ý kiến này được Nga hưởng ứng bằng một sáng kiến riêng khác của mình, song không được G20 xem xét, đương nhiên thế giới cũng không theo[11].  Mỹ để cho các chuyên gia của mình thẳng thắn trả lời Trung Quốc: Rổ đồng tiền thế giới hiên nay chỉ có thể là USD, EURO và đồng Yên, còn Nhân dân tệ thì phải chờ, chừng nào Trung Quốc chưa thả nổi tỷ giá đồng tiền của mình.

Nhóm G7 hiện nay vẫn chiếm tới khoảng 60% GDP toàn thế giới, song những mối nguy kinh tế thế giới đang phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng hiện nay đã vượt qua tầm vóc của nó. Hơn nữa trên thực tế sức mạnh của các cường quốc đang lên đang tiếp tục gia tăng, trong khi EU và Nhật chìm vào cuộc khủng hoảng hiện nay sâu hơn người ta tưởng (hiện nay là tăng trưởng âm hoặc rất thấp và chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm). Cán cân quyền lực trên thế giới tuy vẫn nghiêng về G7 và NATO, nhưng khoảng cách chênh lệch tiếp tục thu hẹp, sự phát triển năng động trên thế giới chuyển sang châu Á. Điều đặc biệt quan trọng là tính chất toàn cầu của các vấn đề phải giải quyết trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng.  Chính thực tế này đã làm cho vai trò G7 ngày càng mờ nhạt hơn so với trước.

Cái công xưởng thế giới đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới và ngày càng nổi lên là cường quốc quân sự với ngân sách quốc phòng từ hàng thập kỷ nay tăng trưởng 2 con số[12]. Trung Quốc đang tận dụng lợi thế này, về nhiều mặt và ở phạm vi nhất định TQ được đối xử như “siêu cường thứ 2”. Thực tế này gây nhiều lo ngại cho mọi đối tác và đối thủ của TQ trên bàn cờ quốc tế, đến mức ngoại trưởng Hilary Clinton phải “cất đi để dành” món võ “nhân quyền” trong chuyến đi thăm Trung Quốc đầu tiên sau khi nhậm chức; tổng thống Pháp Sarkozy “tự sửa sai” bằng cách gặp riêng Hồ Cẩm Đào trong khi họp G20 (4-09) để khẳng định: Pháp không ủng hộ một nước Tây Tạng độc lập…(Báo chí nước ngoài nói: Việt Nam lúc này cũng phải “cống bauxite cho Trung Quốc”…tìm xem: David Pilling, Finance Times, 06/05/2009 etc…)  Sự kiện tầu chiến Mỹ Impeccable bị Trung Quốc thách thức trực tiếp trong Biển Đông; sự kiện Mỹ, Nhật và Hàn Quốc phải xử dịu trước việc Bắc Triều Tiên phóng tên lửa (đạn đạo? vệ tinh?) và đuổi các thanh tra giám sát hạt nhân IAEA về nước để tiếp tục chương trình hạt nhân của mình…đều chỉ ra thế mạnh đang lên của Trung Quốc[13]. Sự bành trướng quyền lực mềm của Trung Quốc riêng trong khu vực Đông Nam Á hiện nay gần như bất khả kháng và đang tạo ra nguy cơ lớn nhất cho hầu hết các quốc gia tại đây. Trên diễn đàn của các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã có những tiếng nói việc Mỹ sa lầy và hệ quả của vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên đang mang lại thời cơ ngàn năm có một cho việc độc chiếm Biển Đông, đã tính đến xảy ra chiến tranh cục bộ trong vùng này (nói: …sẽ đánh Philippines để giết gà dọa khỉ!..)

Nhìn nhận bức tranh thế giới như vừa trình bầy là nhằm đi tới kết luận: Cục diện thế giới đang có thay đổi lớn cả về kinh tế và chính trị, không náo nhiệt như khi chiến tranh lạnh kết thúc, song hầu như tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, thậm chí tại nhiều nước lan tỏa đến từng gia đình. Và lần này cũng thế, một khi bàn cờ thế giới có xáo trộn lớn, các nước nhỏ yếu và “lạc lõng”.., lại phải trả giá hoặc hứng chịu nhiều nhất mọi hệ quả cuả cuộc chơi lớn. Gần như là lẽ tất yếu: Trong tình hình bàn cờ thế giới ngày nay đòi hỏi sự cân bằng đa dạng hơn, tinh tế hơn, thân phận tốt đen mà không tìm được cho mình nước cờ thế thì chỉ được dành cho sứ mệnh làm quân đệm hoặc được thí. Sứ mệnh ấy chính là thế cờ nước ta đang lâm vào trong thế giới hôm nay, nhất là nước ta liền kề với một Trung Quốc đang trên đường trở thành siêu cường và đầy khát vọng, trong một khu vực ảnh hưởng của Mỹ ngày càng giảm sút. Không có ý thức hệ nào mà chỉ có lợi ích quốc gia và lợi ích địa chiến lược chi phối tình hình khu vực Đông Nam Á này. Tình hình thế giới và khu vực một lần nữa đặt nước ta trước bước ngoặt với câu hỏi không thể tránh né: Việt Nam đi về đâu trong thế giới hôm nay?[14]

Một lần hỏi về giới làm chính sách của nước Mỹ Obama nhìn nhận Việt Nam như thế nào?

Câu trả lời:
Mỹ không có ảo tưởng muốn Việt Nam trở thành một đối trọng chống Trung Quốc, song muốn Việt Nam có vai trò xứng đáng với chính mình và là đối tác tại khu vực Đông Nam Á. Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ và của hòa bình, an ninh trong khu vực. Tiếc thay, Việt Nam hiện nay chỉ là một Campuchia lớn, đang quá xa Indonesia và ngày càng quá gần Mianma, ngày càng có nhiều nét giống Bắc Triều Tiên, song không có những thứ để mặc cả như Bắc Triều Tiên… Trong chuyến đi thăm gần đây nhất (06-04-2009) thượng  nghị sỹ McCain đã chuyển đến Viêt Nam một thông điệp rõ ràng và quan trọng, nói lên quan điểm của Mỹ về quan hệ hai nước. Nhưng thông điệp này  đi vào không khí?..[15]


II.           Tình hình trong nước.

Đại hội X của ĐCSVN (2006) đứng trước nhiệm vụ dẫn dắt Việt Nam vào một thời kỳ phát triển mới. Đấy là đòi hỏi của thực tế khách quan do sự vận động tự thân của Việt Nam đặt ra. Sau hơn 20 năm đổi mới Việt Nam đã hoàn tất một giai đoạn phát triển (giai đoạn nền kinh tế phát triển theo chiều rộng), bản thân thực tế này tự nó đòi hỏi đất nước phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới (giai đoạn kinh tế phát triển theo chiều sâu). Mặt khác, tất cả những gì dấy lên được trong công cuộc đổi mới do Đại hội VI đề xướng đã làm xong chức năng của nó: chuyển đoạn từ nền kinh tế chỉ huy và bao cấp sang nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường.

Với việc năm 2007 trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khóa 2008 - 2009, Việt Nam có một vị thế quốc tế mới với những trách nhiệm mới trong cộng đồng quốc tế.

Sự phát triển năng động bên trong của Việt Nam, vị thế mới trên trường quốc tế, cùng với bối cảnh quốc tế vào lúc tiến hành Đại hội X mang lại cho Việt Nam những thuận lợi lớn[16]. Cả 3 yếu tố này tạo thành thời cơ vàng[17] cho Việt Nam đi vào một thời kỳ phát triển mới đáng mong muốn.

Trước khi Đại hội X được tiến hành, trong cả nước đã dấy lên một không khí tranh luận sôi nổi, nói lên khát vọng phải nắm lấy cơ hội vàng đang đến này. Một số ý kiến thẳng thắn cho rằng: Việt Nam cần bước vào “Đổi mới II”, đòi hỏi phải tìm đường trở thành một nước phát triển đã trở nên chín muồi. Nghiêm khắc mà nói, đòi hỏi này đã được đặt ra cho Việt Nam từ Đại hội IX của ĐCSVN, như thế cũng đã là quá muộn, song lúc đó đã bị bỏ qua, các cơ hội lớn như ký kết thương mại Việt –Mỹ, gia nhập WTO vì thế đã bị chậm mất nhiều năm một cách phi lý, kéo theo nhiều hệ lụy và những cái giá phải trả - nhất là trong phát triển kinh tế và trong quan hệ Việt – Trung, Việt – Mỹ...

Thực tế diễn ra từ sau Đại hội X cho đến nay giống như một gáo nước lạnh dội vào mọi hy vọng của thiện chí được nhen nhóm lên trong quá trình chuẩn bị Đại hội này. Gọi đúng tên của sự vật: Một lần nữa thiện chí của những người tâm huyết với đất nước bị đánh lừa! Đã có người phải đặt câu hỏi: Vì sao thiện chí dễ bị đánh lừa đến như vậy, và đây không biết là lần thứ bao nhiêu?! Hay là thiện chí khờ dại này chỉ là thước đo, là biểu hiện nói lên hy vọng le lói: Dẫu mọi tha hóa của hệ thống chính trị và những yếu kém khác trong kinh tế đang diễn ra, sự vô cảm của dân, của trí thức đối với chế độ tuy ngày càng tăng, song chưa đến nỗi lên đến mức tột đỉnh là đoạn tuyệt? Nghĩa là vẫn còn tồn tại một phần của thiện chí mong mỏi có sự thay đổi của đảng cầm quyền.

Tình hình kinh tế đất nước xấu đi một cách nhanh chóng từ cuối năm 2007 và đột biến vào năm 2008:

-         Lạm phát đột ngột nhảy lên 22,97%, tăng trưởng kinh tế giảm (còn 6,23%), hiệu quả kinh tế tiếp tục giảm, chỉ số ICOR lên tới 6,9  - cao mức kỷ lục suốt 23 năm đổi mới[18]. Vỡ bong bóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán gây thất thoát ước khoảng 60 – 70% giá trị[19]. Gói kích cầu 1 tỷ USD và 8 tỷ USD khó đem lại hiệu quả mong muốn vì chưa hẳn đã “bốc thuốc trúng bệnh” - bởi lẽ căn bệnh chính của nền kinh tế nước ta hiện nay nằm trong cơ cấu nền kinh tế (tăng trưởng chủ yếu do đầu tư mới, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên không tái tạo được) và hệ thống điều hành, trong khi đó biện pháp kích càu chỉ là “liều thuốc giảm đau”; thâm hụt ngân sách sẽ vượt 8% GDP với nguy cơ lạm phát và trì trệ cao  (stagflation). Tình hình sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi nước ta sẽ vẫn tiếp tục chìm sâu thêm vào trạng thái kinh tế vừa lạc về cơ cấu, vừa bị manh mún bởi “nền kinh tế GDP tỉnh”, hệ thống quản lý của bộ máy nhà nước rất kém hiệu quả[20].
-         Vấn đề nông dân và ruộng đất ngày càng bức xúc trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa[21]. Đất ruộng đang giảm với tốc độ nguy hiểm (trung bình mất khoảng 75.000ha/năm, hiện nay chỉ còn 4 triệu ha ruộng lúa cho dân số 86 triệu người, dự kiến từ năm 2020 sẽ bắt đầu phải nhập lương thực), phân hóa giầu nghèo trong nông thôn cũng như giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác ngày càng quyết liệt. Hiện nay vẫn còn tới 70% dân số cả nước sống trong nông thôn, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 60% lao động cả nước. Vấn đề nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa đã 3 thập kỷ mà vẫn chưa có lối ra; vấn đề nông dân và đất đai ngày càng nóng bỏng.
-         Vai trò lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế ngày càng lớn - báo chí nói công khai là đã hình thành các “nhóm lợi ích” bắt cóc nhiều quyết sách kinh tế lớn của Chính phủ; có nhiều quyết định khó hiểu bất chấp sự phản đối quyết liệt của dư luận như phá trụ sở Quốc Hội Ba Đình, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, vân vân… Riêng việc để cho Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) làm bauxite với Trung quốc một cách ồ ạt và theo một quy trình lộn ngược là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Cơ chế bao cấp và chủ quản biến tướng dưới hình thức mới (chủ yếu do tác động của các nhóm “lợi ích”), và trên thực tế vẫn còn rất nặng,  những ví dụ điển hình là: sự cứu trợ VINASHIN, vai trò và sức nặng ngày càng tăng của một số tập đoàn kinh tế nhà nước, trước hết là TKV, EVN…
-         Tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn dưới tác động của “các nhóm lợi ích”, mang những hình thái mới rất nguy hiểm như: tham nhũng dự án, tham nhũng chính sách, tham nhũng quy hoạch, tham nhũng đất đai… – điển hình là vụ PCI (Nhật/Huỳnh Ngọc Sỹ), cho một số tập đoàn quốc doanh lập ngân hàng riêng, các vụ sân golf biến tướng xuất hiện ồ ạt…
-         Tình trạng quản lý lao động người nước ngoài có nhiều sơ hở (báo chí nói cả nước hiện nay tính đến hết tháng 5-2009 có khoảng trên 70 nghìn người Hoa vào lao động tại hàng chục công trình kinh tế khắp cả nước, 4/5 trong số đó khoảng là bất hợp pháp và là lao động thủ công[22]). Tình trạng này kéo dài từ nhiều năm nay, nhưng phải chờ đến khi xảy ra phản ứng quyết liệt trong nhân dân đối với vấn đề bô-xít Tây Nguyên vấn đề lao động người Hoa bất hợp pháp mới bị lộ và trở thành vấn đề nóng bỏng trong dư luận. Việc quản lý lao động nước ngoài nhập cư như vậy, “bức thư” ngày 08-05-009 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội gửi giáo sư “Nguyễn Thị Huệ” (trả lời giáo sư Nguyễn Huệ Chi) và phát biểu của ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn ngày 18-05-2009 về vấn đề bô-xít… có thể được coi là các sự việc tiêu biểu nhất bộc lộ ra công luận (chưa nói tới các sự việc công luận không biết), nói lên sự nhếch nhác đến mức làm mất thể diện quốc gia một cách đáng hổ thẹn và phản ánh tính hiệu quả thấp kém đến mức nguy hiểm của hệ thống bộ máy công quyền nước ta.
-         Việc Trung Quốc gia tăng sức ép trên vấn đề biển đảo và đồng thời tăng cường bành trướng quyền lực mềm đang làm cho lòng dân xao xuyến. Việc Trung Quốc thắng thầu hầu hết các công trình kinh tế quan trọng trong cả nước từ Nam chí Bắc do phía Việt Nam làm chủ đầu tư, kể cả tại nhiều địa điểm có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc phòng.., càng tăng thêm mối nguy cho đất nước. Đáng chú ý là nước ta hiện nay đã đạt được trình độ phát triển nhất định, nhưng hầu như tất cả các công trình do Trung Quốc thực hiện đều dưới dạng chìa khóa trao tay (EPC - với công nghệ, thiết bị và vật tư gần như 100% là của TQ). Không thể không đặt ra câu hỏi: Trong những hợp đồng đã ký kết, đã thực hiện, và đang thực hiện, sự thao túng của bàn tay tham nhũng đến đâu? của bàn tay can thiệp của Trung quốc đến đâu? sự câu kết giữa hai bàn tay này đến đâu?
-         Lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ giảm sút nghiêm trọng (nhận xét của nhiều lão thành cách mạng). Một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là trong hàng ngũ những người đã xả thân vì sự nghiệp cách mạng cảm thầy bị lừa dối, bị phản bội. Trong khi đó kiểm duyệt báo chí ngày càng ngặt nghèo, khiến cho đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực bị tê liệt. Tình trạng bưng bít thông tin và thông tin một chiều ngày càng thêm trầm trọng, khuyến khích nói dối và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Tính công khai minh bạch nhất thiết phải thực hiện trong đời sống đất nước trở nên hầu như không khả thi.
-         Vân… vân...

Quá trình “cởi trói” khỏi cơ chế bao cấp cũ và bước đầu xây dựng thể chế mới sau 24 năm tiến hành đã làm xong sứ mạng của nó. Ngày nay thượng tầng kiến trúc và hệ thống chính trị hiện hành ngày càng bất cập và cản trở trực tiếp quá trình tiếp tục phát triển thể chế mới: thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự. Thực tế này đang tích tụ và phát triển những mâu thuẫn nội tại mới trong lòng đất nước và trong nền kinh tế của nó.

Không phải nghèo nàn lạc hậu, cũng không phải sự chèn ép từ bên ngoài, mà trước hết là tình trạng kém phát triển của thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự (gọi tắt là thể chế mới) và những mặt mục ruỗng trong hệ thống chính trị ngày nay đang trở thành nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của đất nước, đẩy đất nước rẽ ngang vào một ngã ba nguy hiểm theo hướng hình thành một Philippines mới trong khu vực[23], hay là sa vào “cái bẫy của nước có mức thu nhập trung bình”[24]. Cũng không phải sự cạnh tranh phải chấp nhận trong quá trình hội nhập hay sự can thiệp từ bên ngoài, mà trước hết là sự bất cập và mục ruỗng nêu trên đang làm cho những mâu thuẫn nội tại trong lòng đất nước gia tăng.

Nguyên nhân hàng đầu của tình trạng thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự ở nước ta hiện nay kém phát triển   là sự khập khiễng ngày càng nghiêm trọng giữa tính lạc hậu của hệ thống chính trị và đòi hỏi phát triển năng động của đất nước. Sự khập khiễng này ngày nay đã tới mức gần như vô hiệu hóa nhiều nỗ lực cải cách, nhất là những nỗ lực đến từ phía dân, các nhà kinh doanh, giới trí thức.  Trên thực tế, từ cuối nhiệm kỳ Đại hội IX đến nay cải cách hệ thống chính trị giẫm chân tại chỗ, thậm chí có những bước lùi mới và những tha hóa mới – nổi bật là sự gia tăng các hiện tượng mất dân chủ và quyền lực của các nhóm lợi ích.   Nguyên nhân chủ yếu của sự bất cập này là (a)phẩm chất nhân sự của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng xuống cấp, (b)sự hoành hành của tư duy “nền kinh tế GDP tỉnh” và “tư tưởng nhiệm kỳ”, (c)sự lũng đoạn ngày càng lớn của các “nhóm lợi ích”.

Cũng có thể nói, dân chủ là động lực quyết định mang lại những thành tựu của toàn bộ công cuộc đổi mới cho đến nay. Song bây giờ tha hóa và bất cập khiến cho mất dân chủ trở thành nguyên nhân hàng đầu kìm hãm việc tiếp tục công cuộc đổi mới. Toàn bộ quá trình này đang ngày càng làm cho lòng dân ly tán (thể hiện ở sự vô cảm hay thờ ơ gia tăng) và làm sâu sắc thêm sự phân hóa mới giữa các giai tầng xã hội, nhất là sự phân hóa giữa cai trị và bị cai trị.

Có thể nói sau 34 năm xây dựng trong hòa bình, trong đó có 10 năm đầu chưa ra khỏi tình trạng chiến tranh và 23 năm đổi mới, thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng đất nước như thế là chậm (so sánh với các nước khác), khó hoàn thành mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 như đã ghi trong các nghị quyết của Đảng. Thành tựu xây dựng thể chế chính trị của đất nước còn chậm hơn, thậm chí sai hướng ngày càng gay gắt[25], cản trở ngày càng nghiêm trọng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Sau hơn ba thập kỷ kiến thiết đất nước, đang xuất hiện nghịch lý: Kinh tế phát triển hầu như liên tục trong 23 năm đổi mới – dù rằng hiệu quả còn thấp và chưa bền vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt về nhiều mặt so với trước đổi mới (song vẫn còn thấp so với nhiều nước chung quanh), song ngày càng tích tụ càng nhiều ách tắc; bất công xã hội tăng theo; mất dân chủ và tha hóa leo thang; lòng tin của dân giảm sút nghiêm trọng. Chính sự phát triển đầy nghịch lý này – chứ không phải cái gì khác – ngày một khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở trong xã hội nước ta (bao gồm cả mâu thuẫn giữa cai trị và bị cai trị).

Nói một cách khác, ở đỉnh cao của những thành tựu đạt được trong 23 năm đổi mới kể từ Đại hội VI, hệ quả của những yếu kém đối nội và đối ngoại tích tụ lại qua năm tháng đã gay gắt tới mức thách thức nghiêm trọng chế độ chính trị và độc lập quốc gia, đồng thời kích thích sự lũng đoạn từ bên ngoài.  

 Cần đặc biệt lưu ý trong quan hệ đối ngoại sức ép toàn diện của Trung Quốc đối với nước ta ngày càng lớn – trong đối nội, trong kinh tế, trên bộ và trên biển, trong quan hệ kinh tế đối ngoại nói riêng và trong quan hệ quốc tế nói chung. Đồng thời sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc ngày càng trở nên đặc biệt nguy hiểm.

Tất cả những bước đi nhân nhượng (kể cả trong đối nội), những nỗ lực tự kiềm chế hay tìm kiếm thiện chí phía Việt Nam đã thực hiện kể từ Hội nghị Thành Đô tháng 9-1990 cho đến nay không xoay chuyển được thực tế là: Tùy thời, lúc gây căng thẳng, lúc tỏ ra hữu nghị hay hợp tác, chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam là nhất quán và ngày càng leo thang gây sức ép và can thiệp, tùy lúc ở mức trắng trợn, hiện nay đang nóng bỏng[26].  Chính sách này song hành với sự chuyển biến của vị thế của Trung Quốc trên thế giới và bối cảnh quốc tế.

Trước tình hình Mỹ tiếp tục sa lầy và trước những diễn biến nguy hiểm của vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã xuất hiện các tiếng nói hiếu chiến: Thời cơ ngàn năm có một đang đến cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông… Trung Quốc cần tính toán trước chiến tranh cục bộ, đòn đầu tiên có thể nhằm vào Philippines với mục đích “giết gà dọa khỉ!”…[27]

Cả thế giới biết rõ tình hình trên. Song vì nhiều lý do thực dụng, và trước hết vì thấy phía Việt Nam xử sự theo phương châm ngậm bồ hòn làm ngọt đến mức nhu nhược – nghĩa là không dám huy động dư luận trong nước và trên thế giới, nên các nước hầu như không dành cho sự lấn át của Trung Quốc sự chú ý đáng kể nào. Ngay cả việc nước ta tranh thủ sự hậu thuẫn tối thiểu nhất thiết phải có từ các nước ASEAN (nhất là hai nước Lào và Campuchia) cũng trở nên ngày càng mong manh, nguy cơ bị cô lập rất lớn. Một số người trong giới nghiên cứu đã nêu ra thẳng thắn: Trung Quốc nắm thóp được Việt Nam không bao giờ dám ngả vào Mỹ và phương Tây, nên càng làm tới!.. Việt Nam bị mất cắp mà không dám la làng thì thế giới bênh làm sao được[28]!..  


III.          Những vấn đề lớn đặt ra cho Đại hội XI

Khái quát lại, trước thềm Đại hội XI tình hình đất nước nổi lên 8 nhóm vấn đề nan giải như sau:

1.     Sau 23 năm đổi mới, những thành tựu đạt được và vị thế quốc tế của đất nước trong cục diện thế giới ngày nay đang cho phép nước ta vươn lên tận dụng mọi thời cơ mở ra bước ngoặt đi vào con đường sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển. Song cơ hội này đang bị đánh mất, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay mà thực chất là đang rẽ sang một ngả đường khác để bước vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện, mang tính hệ thống và cơ cấu rất sâu sắc, thể hiện ở 5 nhóm hiện tượng: (1)mô hình tăng trưởng và thể chế chính trị vận hành hiện có đã làm hết chức năng của nó, (2)thực tế này khiến cho hiệu quả kinh tế ngày càng thấp, tăng trưởng ngày càng  chủ yếu nhờ vào đầu tư mới, lao động rẻ và khai thác tài nguyên không tái tạo được, (3)sự phát triển theo chiều rộng gây ra ngày càng nhiều ách tắc và càng tích tụ mâu thuẫn; tình hình đã tới cái ngưỡng không được phép vượt qua, (4)ngày càng tích tụ những mâu thuẫn giữa thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở: bất công, mất dân chủ, mâu thuẫn giầu nghèo, sự tha hóa các giá trị văn hóa xã hội, tình trạng bất cập của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước trước yêu cầu phát triển mới của đất nước… gia tăng, và (5)trong khi đó Đảng chưa mở ra được hướng phát triển kinh tế đất nước theo chiều sâu, chưa vạch ra được chiến lược thực hiện yêu cầu này, tư duy lạc hướng. Trong 5 nhóm hiện tượng này, cần đặc biệt nhấn mạnh: Năng lực quản trị quốc gia và thể chế chính trị là nền tảng của nó đang ngày càng trở nên bất cập và trở thành nguyên nhân chủ yếu nhất trực tiếp kìm hãm sự phát triển năng động và bền vững của đất nước. Hệ quả chung là: Các mâu thuẫn kinh tế, chính trị, xã hội tích tụ ở mức ngày càng nguy hiểm... Thời kỳ khủng hoảng toàn diện này hoặc có thể kéo dài nhiều năm – đồng nghĩa với giam hãm đất nước trong vòng nghèo hèn và lệ thuộc nhiều năm - bao gồm những lúc kinh tế đất nước phát triển thăng trầm khác nhau (phát triển - suy sụp theo mô hình “răng cưa”)[29], hoặc có thể dẫn tới bùng nổ, đổ vỡ khi đất nước hoặc bối cảnh quốc tế có biến cố bất thường. Phải chăng các hiện tượng đang diễn ra như vậy là những tín hiệu cảnh báo cần đặc biệt lưu ý? (Bài học thành công của Đại hội VI năm 1986 dẫn tới đổi mới và bài học thất bại từ sự sụp đổ của các nước LXĐÂ cho thấy không thể chờ nước đến chân mới nhẩy).
2.     Vấn đề nóng bỏng hàng đầu của đất nước hiện nay nằm trong nhóm các hiện tượng (4) và (5), nói cụ thể là: Hệ thống chính trị và bộ báy quản trị quốc gia ngày càng bất cập mọi mặt. Sự bất cập này trực tiếp cản trở đất nước đi lên, tích tụ ngày càng nhiều các mâu thuẫn giữa cai trị và bị cai trị, trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng đối kháng. Trong khi đó Đảng hầu như bất lực trước nhiệm vụ cách mạng hàng đầu hiện nay của chính mình là phải đổi mới thể chế chính trị - khâu đột phá và cũng là khâu quyết định mở đường cho đất nước đi vào thời kỳ ổn định lâu dài và phát triển cao hơn sau ¼ thế kỷ đổi mới. Thực tế 34 năm xây dựng đầu tiên kể từ khi thống nhất đất nước cho phép kết luận: Thời kỳ đầu của đổi mới đã làm xong chức năng của nó; không mở đường đi vào thời kỳ phát triển cao hơn là đổi mới toàn diện hệ thống chính trị, sẽ không thể xây dựng được một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh,  không thể hoàn thành sự ngiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, càng không có nước giầu dân mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh như đã ghi trong các nghị quyết của Đảng. Các số liệu thống kê hiện có cũng cho phép phán đoán không thể có một nước Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 dù xem xét theo bất kỳ tiêu chí nào phải có dành cho nước công nghiệp hóa. Trên thế giới cũng không có một quốc gia công nghiệp hóa – hiện đại hóa nào có thể xuất hiện trong một thể chế chính trị lạc hậu, nhất là vào thời đại toàn cầu hóa như ngày nay.
3.     Cùng với khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, đất nước đồng thời lâm vào cuộc khủng hoảng thượng tầng kiến trúc, trước hết là cuộc khủng hoảng các giá trị và niềm tin, khủng hoảng nghiêm trọng của hệ thống giáo dục, sự xuống cấp và tha hóa rất nghiêm trọng của đạo đức và của đời sống văn hóa, xã hội - nhất là tình trạng xu nịnh, nói dối, mỵ dân, ngu dân, mê tín dị đoan, sự xói mòn các thuần phong mỹ tục, các hành vi làm tổn thương ý chí, lòng tự trọng và niềm tự hào dân tộc…Cực kỳ nguy hiểm là xu thế đang lên của thói sống vô cảm và vô trách nhiệm trong một bộ phận đáng kể hàng ngũ đảng viên và những người có chức có quyền, chỉ lo vơ vét chụp giựt và không nghĩ đến các thế hệ sau, không nghĩ đến tương lai, bất chấp tài nguyên môi trường bị hủy hoại trầm trọng, bất chấp an ninh quốc gia bị đe dọa chưa từng có, bất chấp thể diện quốc gia bị xúc phạm… Biểu hiện tập trung của mọi hiện tượng này ở phạm vi cá nhân là tham nhũng tiêu cực, ở phạm vi tập thể hay quốc gia là các chính sách kinh tế bóc ngắn cắn dài (bán đất đai, bán môi trường, sân golf, sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, khai thác khoáng sản để bán, đặc biệt nghiêm trọng là v/đ bauxite Tây Nguyên…).
4.     Mặc dù đã hoàn thành những bước đi căn bản trong quá trình hội nhập quốc tế, song do những yếu kém đối nội và do những sai lầm trong đường lối đối ngoại, Việt Nam  chưa tạo ra được cho mình một thế mạnh trong khu vực nói riêng và trên trường quốc tế nói chung mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay đòi hỏi. Thậm chí nước ta đang đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc, bị cô lập do thế và sức ép ngày càng tăng của Trung Quốc. Trên thực tế địa vị quốc tế của nước ta chưa tương xứng hoặc giảm sút so với cái thế tạo ra được trong quá trình hội nhập, chưa trở thành đối tác lâu dài và tin cạy của bất kỳ nước nào, đang thiếu hẳn  sự đồng tình và hậu thuẫn rộng rãi của cộng đồng quốc tế - nguyên nhân chủ yếu không phải vì nước ta nghèo, mà vì những yếu kém trong đối nội và đường lối đối ngoại có nhiều sai lầm đến mức lạc lõng. Nguyên nhân gốc của đối ngoại lạc lõng này là nhìn nhận thế giới thiển cận theo ý thức hệ, không có ý chí và không có khả năng dựa hẳn vào dân tộc cũng như trào lưu tiến bộ trên thế giới – tất cả bắt nguồn từ tha hóa và thiếu dân chủ. Vấn đề Trung quốc là nỗi bức xúc nóng bỏng của cả nước[30], đang trở thành mối lo hàng đầu trên mặt trận đối ngoại của nước ta. Đường lối đối nội và đối ngoại hiện nay của Đảng đang bó tay việc lựa chọn khả năng ứng xử thích đáng của đất nước.
5.     Do không theo kịp những đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước, tính tiền phong chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng hụt hẫng, phẩm chất cách mạng sa sút nghiêm trọng trong thời bình, khiến cho vai trò đảng lãnh đạo lu mờ dần. Chính sự bất cập này là nguyên nhân chủ yếu đang diễn biến hầu như không cưỡng lại được vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền thành vai trò đảng cai trị. Càng bất cập, càng phải tăng tính cai trị để duy trì vai trò độc tôn của Đảng – với danh nghĩa bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Thực tế này một mặt tiếp tục tước bỏ tính tiền phong chiến đấu của Đảng – nghĩa là làm cho Đảng ngày càng yếu đi, mặt khác hình thành và tích tụ ngày càng nhiều  mâu thuẫn gay gắt giữa lợi ích nắm quyền của Đảng và lợi ích của dân tộc.
6.     Do không cởi trói được về tư duy và do sự thao túng của quyền lực, trên thực tế hiện nay Đảng chưa đặt vấn đề, chưa tìm ra và chưa thiết kế được con đường xây dựng quốc gia Việt Nam trở thành một nước phát triển. Đảng chỉ đặt vấn đề công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hoặc công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Nhưng trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay làm sao có được một quốc gia công nghiệp hóa không phải là một bộ phận hữu cơ của kinh tế thế giới và với một bộ máy nhà nước và thể chế chính trị lạc hậu? Nói cách khác: Thực tế đang cho thấy sự thiếu vắng thể chế của một nước phát triển (kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự) ngày càng cản trở đất nước đi lên. Đảng nhân danh “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, nhân danh “chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc!” duy trì và biện minh cho sự thiếu vắng này. Chính sự thiếu vắng một thể chế chính trị cần phải có như vậy tự nó đã loại bỏ khả năng xây dựng thành công một nước Việt Nam công nghiệp hóa theo hướng hiện đại như các nghị quyết của Đảng mong muốn. Sự thật là xây dựng thể chế của một nước phát triển chẳng có gì mâu thuẫn với các mục tiêu tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội đích thực[31]. Song nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nên việc xây dựng thể chế bị bóp méo, ví dụ: Đảng cũng xây dựng kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, song đều ở trạng thái nửa vời và vì thế rất nguy hiểm cho sự phát triển năng động và bền vững; Đảng muốn giữ tất cả trong khuôn khổ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nên không thể tạo ra công khai minh bạch, mặt khác tránh né tuyệt đối việc phát triển xã hội dân sự, không thể thực hiện hòa giải dân tộc. Cái đích cuối cùng của một thể chế nửa vời như vậy là củng cố địa vị nắm quyền của Đảng; hệ quả là ngày càng tự tước bỏ đi vai trò lãnh đạo của mình.
7.     Do hệ quả của tư duy như nêu trong điểm 6, suốt 34 năm cầm quyền đất nước trong thời bình cho đến nay, Đảng nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa không đặt ra vấn đề xây dựng Đảng cho mục tiêu kiến tạo quốc gia trở thành một nước phát triển. Bên cạnh nguyên nhân bất cập nói trên (điểm 6, nguyên nhân không tự giác), tư duy theo ý thức hệ được sự tha hóa của quyền lực nâng đỡ đã trở thành nguyên nhân tự giác (nguyên nhân có ý thức), khiến Đảng nhân danh lãnh đạo toàn diện ngày càng chủ động đi sâu vào con đường trở thành đảng cai trị, với hệ thống các chân rết trên mọi lĩnh vực và ở mọi khắp mọi nơi (bệnh “đảng hóa”). Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa được dựng lên, nhưng khi nó thực thi nhiệm vụ của mình thì thực chất còn lại chỉ là một công cụ nhà nước của Đảng, nhiều nỗ lực thực thi nhiệm vụ của pháp quyền bị tham nhũng tiêu cực thao túng. Tình trạng này là nguyên nhân chính vì sao tính pháp quyền thấp, luật pháp thực thi kém hiệu quả. Vì thế không có được đại đoàn kết và hòa giải dân tộc thực sự, cũng không thực hiện được tự do và dân chủ như tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước đòi hỏi. Trên thực tế tuy đã hoàn thành được việc thống nhất đất nước, nhưng chưa có thể nói là đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất dân tộc, lòng dân vẫn chưa thu được về một mối, mà nguyên nhân chính là thiếu dân chủ, chưa thiết kế được một chế độ chính trị và một bộ máy nhà nước là công cụ của dân để thực thi dân chủ hữu hiệu. Về nhiều mặt, thực tế đang diễn ra là ở giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, Đảng như đang tồn tại đang tự tay mình đánh mất hay cướp đi vai trò của chính mình là lãnh đạo dân tộc, lãnh đạo đất nước.Tổng hợp mọi tác hại của tất cả sự chống phá của mọi lực lượng chống Đảng cũng không nguy hiểm bằng thực tế đang diễn ra này. Tất cả các đảng phái chống Đảng không có cái võ gì hơn là khoét sâu vào các yếu kém của Đảng. Về nhiều mặt, thực tế những yếu kém của Đảng đang diễn ra này làm giảm sức đề kháng của Đảng và là đồng minh không tự giác của mọi lực lượng chống Đảng. Nói ngắn gọn: Sau những năm đổi mới với viêc tạo ra được sự chuyển biến nhất định, song do thiếu tự giác trước sự phát triển mới của tình hình, Đảng đã không theo kịp, và vì thế Đảng đang đi vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc về phẩm chất, đường lối, nhân sự và về tổ chức. Đây chính là nguyên nhân sâu xa và lâu dài đe dọa sự mất còn của Đảng.
8.     Những yếu kém của Đảng và của toàn bộ hệ thống chính trị đang khuyến khích tình trạng tự phát rất nguy hiểm của kinh tế ngầm và quyền lực ngầm. Tình trạng tự phát này làm thui chột nhiều chủ trương chính sách đúng đắn đã xây dựng được, vô hiệu hóa đáng kể nhiều mặt tốt của hệ thống chính trị và hệ thống luật pháp, làm băng hoại kỷ cương quốc gia và quốc thể. Tình trạng tự phát này cùng với tham nhũng và tiêu cực đang lũng đoạn vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp hủy hoại phẩm chất cách mạng và tính tiền phong chiến đấu của Đảng. Tình trạng tự phát nguy hiểm này khác hẳn về chất với sự tự phát cần được khuyến khích sinh ra từ cơ chế thị trường và sự cạnh tranh lành mạnh. Tình trạng tự phát nguy hiểm này hầu như đứng ngoài và ngày càng có nguy cơ đứng ngoài hoàn toàn khả năng kiểm soát và giám sát của Đảng (sự chiến thắng của tha hóa và quán tính). Tình trạng tự phát nguy hiểm này là nguyên nhân hàng đầu diễn biến Đảng trở thành đảng cai trị - là sự diễn biến hòa bình nguy hiểm nhất đối với Đảng và đối với quốc gia. Toàn bộ sinh hoạt Đảng và các văn kiện chính thức của Đảng cho đến nay hàm chứa một sự thật là Đảng có chiều hướng làm ngơ hoặc chấp nhận chung sống với diễn biến hòa bình nguy hiểm này (bệnh thành tích, bệnh nói dối); một bộ phận không nhỏ đảng viên ý thức được tình trạng này nhưng không có khả năng đẩy lùi nó, hoặc không dám thẳng thắn vạch ra nó là nguy cơ và kẻ thù số một của Đảng! Chính sự tự phát nguy hiểm này đang tích tụ và kích thích những yếu tố dẫn dắt đất nước đi vào sự phát triển của đa nguyên hỗn loạn. Nền tảng của đa nguyên hỗn loạn này là sự câu kết giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị mà Đảng  ngày càng khó kiểm soát.

8 nhóm vấn đề nan giải nêu trên được nói tới trong điều kiện tình hình mọi mặt của đất nước tiếp tục xu thế phát triển bình thường như hiện nay. Trong tình huống đất nước có những biến cố bất thường như thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, sự cố kinh tế lớn, tác động của những biến cố lớn trong khu vực chung quanh vấn đề tranh chấp biển – đảo, tác động của biến cố lớn nào đó trên thế giới (ví dụ vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên…), xảy ra khủng bố, bạo loạn… mức độ gay gắt của 8 nhóm vấn đề này sẽ nguy hiểm hơn, thậm chí có thể dẫn tới biến động khó kiểm soát.

Cần nói thẳng thắn nhóm 8 vấn đề nêu trên Trung Quốc đi guốc trong bụng nước ta, cũng không có gì là “bí mật” đối với các thế lực chống đối ĐCSVN – dù họ là ai; các phương tiện truyền thông trên thế giới cho phép kết luận như vậy. Nhiều học viện và học giả trên thế giới cũng có những công trình nghiên cứu cảnh báo thực trạng tình hình nước ta và hệ thống chính trị hiện nay. Đảng viên và người dân trong nước có ý thức quan tâm đến tình hình đất nước cũng thấy như vậy. Câu chuyện còn lại chỉ là ý chí của Đảng – trước hết là của Bộ chính trị và BCHTƯ Đảng - nhìn thẳng vào sự thật như thế nào.

Xử lý 8 nhóm vấn đề nêu trên như thế nào chính là vấn đề đặt ra cho Đại hội XI và nhiệm kỳ của nó.


IV.         Suy nghĩ về sự lựa chọn của Đảng tại Đại hội XI

1.     Đảng lựa chọn ứng xử nào trước đòi hỏi của thực tế khách quan đặt ra cho đất nước

Tình hình và nhiệm vụ mới đặt ra cho đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay như trình bầy trên là thực tế khách quan; song ứng xử như thế nào với tư cách là đảng lãnh đạo, thậm chí là đảng lãnh đạo trong hệ thống chính trị một đảng, là sự lựa chọn chủ quan của Đảng.

ĐCSVN có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Tựu trung lại có thể chia thành hai nhóm lựa chọn:

(a)nhóm các kịch bản phát triển của tự giác – với nghĩa chủ động giác ngộ cao nhất lợi ích dân tộc và lợi ích quốc gia trong thời đại ngày nay, vươn lên nắm bắt và làm chủ tình hình, có bản lĩnh là đội tiền phong lãnh đạo đất nước trong giai đoạn hiện nay của đất nước; nói khái quát: đó là sự lựa chọn tự giác con đường đi với dân tộc đưa đất nước trở thành nước phát triển thông qua con đường dân chủ; hoặc là

(b)nhóm các kịch bản phát triển thiếu tự giác – với nghĩa trốn tránh sự thật khách quan, chịu khuất phục trước mọi tha hóa và lệ thuộc, nhấn mạnh giữ vững định hướng xã hội nghĩa, song trong thực tế ngày sẽ càng đi sâu vào con đường của đảng cai trị. Nói khái quát: đó là con đường lựa chọn lợi ích của Đảng. Tới một thời điểm nào đó khi mâu thuẫn giữa lợi ích của Đảng và lợi ích đất nước lên tới đỉnh điểm, sớm muộn sẽ dẫn tới sự kết thúc vai trò của Đảng, mở đầu cho đất nước thời kỳ đi vào con đường của đa nguyên hỗn loạn (như đã thấy ở Liên Xô sau 1990).

          Trước khi bàn về các khả năng lựa chọn của Đảng, cần khẳng định dứt khoát: Đất nước vẫn đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một nước phát triển, mọi thách thức đều có thể vượt qua được; kẻ thù nguy hiểm nhất của đất nước, và cũng là của Đảng lúc này, không phải là bất kể một cường quốc nào, kể cả Trung Quốc, cũng không phải là lực lượng hay các lực lượng chống đối, lật đổ nào,  mà duy nhất chỉ là sự tụt hậu và sự tự nô dịch chính mình trong nghèo hèn và lạc hậu.

          Cần lưu ý:  Lợi ích của các quốc gia trong cục diện thế giới ngày nay xắp xếp nên bàn cờ quốc tế hiện tại, trong đó không một quốc gia nào trên thế giới – kể cả Trung Quốc – muốn Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sụp đổ, vì điều này đảo lộn một cách nguy hiểm trật tự hiện nay không thể nói là bền vững như bàn thạch trong khu vực Đông Nam Á (chỉ cần nhìn vào các bước đi của Trung Quốc trên Biển Đông để thấy rõ tình hình này), trong khi thế giới đã có đủ các chuyện nóng bỏng đối với tất cả các cường quốc. Cũng không một nước nào – trước hết là Mỹ và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á – muốn Việt Nam đi với một bên chống một bên, và họ cũng hiểu ý thức độc lập tự chủ của Việt Nam không chấp nhận điều này.

Kịch bản mà Trung Quốc mong muốn nhất là có một Việt Nam èo uột và lệ thuộc bên cạnh mình, chậm tiến lâu dài, lý tưởng hơn nữa là một Việt Nam đàn em dưới cánh, một chư hầu, để có thể dễ bề kiểm soát. Trung Quốc cũng hiểu rằng không thể khuất phục được Việt Nam, nếu “quá tay” có thể sẽ “tuột” mất Việt Nam – điều mà Trung Quốc không muốn. Tuy nhiên, chính sách Việt Nam của Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay hoàn toàn để ngỏ các khả năng tái diễn lại tình hình “cho Việt Nam bài học 2-1979”, tiếp tục lấn chiếm biển đảo[32] – mà như thế là đủ để giữ Việt Nam trong vòng kiềm tỏa. Đồng thời Trung |Quốc đảy mạnh bành trướng quyền lực mềm, đi đôi với xuất lậu và tuôn vào Việt Nam hàng bẩn, vốn bẩn là đủ để nắm chắc và duy trì một Việt Nam quặt quẹo trong tay – mục tiêu này được Trung Quốc coi là thượng sách. Giới nghiên cứu nước ngoài đã nói đến khả năng khi thuận tiện Trung Quốc sẽ chiếm thêm một số đảo nữa trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và một vài đảo khác của Philippines và Malaysia để hình thành “một hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm”, thống soái toàn Biển Đông (ngôn ngữ báo chí trên mạng chính thống của Trung Quốc). Đấy chính là “chủ nghĩa thực dân Trung Quốc” (giới nghiên cứu nước ngoài đặt tên như vậy), đã và đang được vận dụng  ở châu Phi, nay được pha chế lại cho phù hợp để ứng dụng vào Việt Nam (sẽ bàn kỹ sau trong bài chuyên về chính sách đối ngoại khi có dịp).

Trung Quốc không sợ Việt  Nam có thể trở thành một đối thủ kinh tế hay quân sự có thể thách thức Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc rất sợ Việt Nam trở thành một nước dân chủ, vì như vậy (a)Việt nam sẽ độc lập và “khó bảo” hơn, một Việt  Nam dân chủ và phát triển thì bên trong sẽ có sức mạnh thống nhất toàn dân tộc và bên ngoài sẽ có sự hậu thuẫn của cả thế giới – kể cả trong các giới trí thức tiến bộ ở Trung Quốc, và (b)mô hình dân chủ thành công ở Việt Nam có nguy cơ phân hóa nghiêm trọng nội bộ Trung Quốc vốn đang tích tụ biết bao nhiêu vấn đề bùng nổ – đây chính là điều lãnh đạo Trung Quốc sợ nhất. Không phải ngẫu nhiên lãnh đạo Trung Quốc (đích thân Hồ Cẩm Đào và một số người khác) đã đôi lần cảnh cáo Việt Nam đẩy cải cách đi nhanh quá! Trung Quốc không thích, nhưng không có khả năng ngăn chặn Việt Nam trở thành một nước dân chủ, ngoại trừ trường hợp Việt Nam tự ngăn chặn và tự nô dịch chính mình.

Xem như vậy, dân chủ và phát triển còn là sức mạnh bất khả xâm phạm cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, là sức mạnh Việt Nam có thể hội tụ sự hậu thuẫn của mọi trào lưu tiến bộ ở tất cả các quốc gia – các nước phát triển và đang phát triển – trong thời đại ngày nay, là con đường Việt Nam phải lựa chọn, vì  hạnh phúc của chính mình và để giữ vững độc lập tự chủ trước mọi thách thức quyết liệt!

Đứng vĩnh viễn bên cạnh cái lò lửa “công xưởng thế giới” đang trên đường trở thành siêu cường, Việt Nam buộc phải lựa chọn cho mình con đường của dân chủ và phát triển, để có sức mạnh nội tại đứng vững được, đề có hậu thuẫn là cả thế giới, và để tranh thủ được cả sự đồng tình ủng hộ của trào lưu dân chủ và tiến bộ ngay trong lòng Trung quốc[33].

 Vấn đề sống còn đặt ra cho ĐCSVN là có dám lựa chọn cho mình vai trò lãnh đạo đất nước đi trên con đường dân chủ và phát triển như thế hay không. Đương nhiên, nếu Đảng không lựa chọn như vậy, dân tộc sẽ lựa chọn – với Đảng hoặc không có Đảng. Đấy chính là sự thật đặt ra cho Đảng trong thời đại mới.

Kịch bản phát triển cho Việt Nam mà các nước khác còn lại trên thế giới muốn có, trước hết là các đối thủ của Trung Quốc đứng đầu là Mỹ, đó là: một nước Việt Nam giàu mạnh, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và có vị thế xứng đáng là đối tác quan trọng của tất cả các nước – kể cả Trung Quốc.

Trong tình hình mới hiện nay, khả năng các nước lớn “mua bán”, “đổi chác” trên đầu Việt Nam như đã từng xẩy ra nhiều lần trong quá khứ không phải là không có, nhưng chỉ xảy ra trong trường hợp Việt Nam là một nước èo uột, lệ thuộc, rơi vào tư thế “tốt đen bị thí” trên bàn cờ quốc tế.


2.     Kịch bản phát triển lý tưởng: Con đường của dân chủ và phát triển để trở thành nước phát triển

Từ những điều trình bầy trên, có thể thấy ngay con đường đi lên của đất nước ở thời đại ngay nay là con đường của dân chủ và phát triển. Đây là một giai đoạn cách mạng mới của đất nước, với mục tiêu là phấn đấu trở thành một nước phát triển.

Chưa ai dự đoán được giai đoạn này sẽ kéo dài bao nhiêu năm, bao nhiêu thập kỷ, nhưng nhất thiết nó phải có sự mở đầu, đúng như tình hình phát triển hiện nay của Việt Nam đòi hỏi: Với mọi thành tựu đạt được sau 25 năm đổi mới (tính đến lúc có Đại hội XI), đã đến lúc phải đảy mạnh thực hiện đổi mới thể chế chính trị với tính cách là khâu đột phá quyết định nhất tạo ra sự phát triển mới năng động và bền vững cho đất nước trên chặng đường tiếp theo. Nhìn cụ thể vào nhiệm vụ trước mắt trong  5 – 10 năm tới cũng thấy sau thời kỳ phát triển theo chiều rộng sau 25 năm đổi mới (tính đến 2011), kinh tế đất nước đòi hỏi phải chuyển  vào thời kỳ phát triển theo chiều sâu (sẽ bàn kỹ hơn vào một dịp khác sau này trong chuyên đề về kinh tế), đồng thời phải phát huy dân chủ để tạo ra được sự phát triển đáng mong muốn này và để bảo vệ đất nước, để trở thành đối tác được tất cả các quốc gia tôn trọng, tin cậy, kể cả Trung Quốc.

Vì những lý do trình bầy trên, lựa chọn con đường dân chủ và phát triển cho đất nước trong những thập kỷ tới là tối ưu nhất.

 Vì những lẽ trình bầy trên, nên coi đổi mới thể chế chính trị là nhiệm vụ khai phá đầu tiên cho đất nước bước vào con đường dân chủ và phát triển, là nhiệm vụ của mọi nhiệm vụ đặt ra cho Đại hội XI.  Nói cách khác, công cuộc đổi mới được khởi xướng năm 1986 đã cơ bản làm xong việc chuyển đất nước đi vào kinh tế thị trường, bây giờ đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị để đất nước phát triển tiếp.

Nhìn vào thực trạng nước ta hiện nay, nhiệm vụ đổi mới hệ thống chính trị trước hết nhằm vào thực hiện bằng được “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ”. Đấy chính là nội dung mới của đổi mới hệ thống chính trị, là nội dung cụ thể của dân chủ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Cho đến nay Đảng mới chỉ nêu ra được sự phân vai nói trên như một khẩu hiểu, nhưng trên thực tế là chưa một vai nào thực hiện được tốt vai trò của mình, lại càng chưa xây dựng được một khung khổ hoạt động cho cả ba vai này thành một hệ thống chính trị hoạt động nhuần nhuyễn, hữu hiệu và hoàn chỉnh.

Nói ngắn gọn, thực hiện đổi mới hệ thống chính trị đề ra cho Đại hội XI như vậy có nghĩa là: Đảng phải trở về vai trò lãnh đạo, nhà nước phải được xây dựng thành nhà nước pháp quyền với Hiến pháp là tối thượng, nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình thông qua phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự[34].
Nói rõ hơn nữa: Đổi mới hệ thống chính trị có nội dung cốt lõi là chuyển từ đảng trên thực tế đang hoạt động như một đảng cai trị trở về làm đảng lãnh đạo, phát huy quyền làm chủ của dân, xây dựng thể chế quốc gia với Hiến pháp là thượng tôn. Mục đích đổi mới hệ thống chính trị như vậy là nhằm phát huy dân chủ để tạo ra sự phát triển năng động và bền vững cho đất nước trong khuôn khổ của Hiến pháp, ngăn chặn mọi nguy cơ của đa nguyên hỗn loạn[35] dưới mọi dạng các cuộc “cách mạng mầu” cũng như mọi sự can thiệp từ bên ngoài.

Nhiệm vụ đổi mới thể chế chính trị với nội dung như vậy là một quá trình rất gian khổ. Giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, Đảng có nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng là phát huy dân chủ, trí tuệ, bản lĩnh của toàn dân tộc vận dụng lợi thế nước đi sau, chắt lọc mọi thành quả của văn minh nhân loại, tất cả nhằm tạo ra và hội đủ những điều kiện để xây dựng nên ở nước ta thể chế pháp quyền của một quốc gia văn minh, loại bỏ mọi khả năng nhập khẩu một thể chế chính trị đa đảng. Đây là bước đi đầu tiên trên con đường dân chủ và phát triển, cho phép khơi dậy mọi yếu tố và nguồn lực để phấn đấu trở thành một nước phát triển.

Nếu căn cứ vào lý tưởng đã ghi lên lá cờ của Đảng lấy mục tiêu phụng sự Tổ quốc là trên hết, để xây dựng độc lập – tự do – hạnh phúc cho đất nước, lựa chọn cho đất nước con đường của dân chủ và phát triển chính là cách Đảng trung thành với lý tưởng đã cam kết như vậy với dân tộc kể từ Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, có sự lãnh đạo của một đảng như vậy, dân tộc Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng quốc gia mình sớm trở thành một nước phát triển.

Đảng lựa chọn gì? Tự nguyện đứng ra đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước thực hiện đổi mới hệ thống chính trị như thế[36], hay từ chối nhiệm vụ phải làm và chống lại quá trình đổi mới thể chế này?

Xin đừng quên: Đi vào thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước, tất cả mọi thành tựu đạt được trong 23 năm đổi mới trước hết là nhờ Đảng thừa nhận và phát huy dân chủ - đấy là những thành tựu cứu nguy cho Đảng và chế dộ chính trị để có hôm nay. Tất cả những tồn tại, tệ nạn và khuyết tật phạm phải trong 23 năm đổi mới, trước hết là tại những nơi và trong những vấn đề dân chủ thiếu vắng!
23 năm đổi mới cũng chứng minh Đảng có khả năng lựa chọn con đường dân chủ một cách tự giác nếu Đảng ý thức được vấn đề sống còn của đất nước và của chính mình. Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng chứng minh không thể phản bác được là: Dân chủ không bao giờ và không nhất thiết phải là một phạm trù tự nó đối kháng với bản chất và sự tồn tại của Đảng, mà chỉ tùy thuộc vào mức độ giác ngộ lợi ích dân tộc và sự lựa chọn của Đảng mà thôi. Sự giác ngộ lợi ích dân tộc thấp kém đến đâu thì sự nghiệp của Đảng mất dân chủ và thất bại đến đấy. Mọi thành tựu Đảng đạt được trong sự nghiệp của mình đều gắn với dân tộc và dân chủ. Mọi thành tựu lớn nhất Đảng đạt được trong sự nghiệp cách mạng của mình kể từ khi thành lập cho đến nay đều nằm trong tình huống Đảng thực hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn mọi mục tiêu dân tộc với dân chủ gắn kết lại với nhau là một! Không phải bất cứ một đảng chính trị nào cũng dễ gì mà có được những kinh nghiệm quý báu như vậy bằng chính thực tiễn chiến đấu của mình. Tiếc rằng ngày nay Đảng đang tự tay mình vứt bỏ kinh nghiệm này – vì diễn biến không tự giác thành đảng cai trị, hay là …để trở thành đảng cai trị? Hay là vì cả hai?..
Xin lưu ý:
Con đường của dân chủ và phát triển được đề cập ở đây hoàn toàn khác với tất cả những “kịch bản dân chủ đa nguyên” do các lực lượng chống đối chế độ trong và ngoài nước lâu nay đề xướng. Có rất nhiều sự khác biệt về chất, về nội dung giữa hai quan điểm này; sự khác biệt lớn nhất thể hiện ở điểm mấu chốt: Một bên đặt vấn đề dân chủ phải là thành quả của phát triển đồng thời là yếu tố thúc đảy sự phát triển; trong khi đó các “kịch bản dân chủ đa nguyên” của các lực lượng chống đối lại đặt vấn đề dân chủ đa nguyên là mục tiêu, và vì lẽ này trước sau chỉ dẫn đến đa nguyên hỗn loạn, với mọi hệ quả không thể chấp nhận được đối với một nước vừa mới ra khỏi 4 cuộc chiến tranh lớn như nước ta, lại đứng sát bất di bất dịch cái lò lửa “công xưởng thế giới” đang trở thành siêu cường.
Các lực lượng chống đối và lật đổ dù có muốn cũng không thể lựa chọn con đường của dân chủ và phát triển ở nước ta, vì họ không có khả năng và điều kiện làm như vậy. Chính vì lẽ này, họ buộc phải trông chờ vào sự sụp đổ của chế độ, hoặc phải đi con đường chống đối và lật đổ theo các kịch bản các “cuộc cách mạng mầu” để đạt mục tiêu dân chủ đa nguyên.
Những “kịch bản dân chủ đa nguyên” như vậy nếu xảy ra, sẽ chỉ mang lại hỗn loạn  đầy máu và nước mắt cho đất nước – bởi lẽ thứ dân chủ đa nguyên này thiếu hẳn nền tảng của một đất nước phát triển để mang tải nó và giúp nó tồn tại, vận hành. Trong trường hợp xảy ra một kịch bản dân chủ đa nguyên đầy hỗn loạn như thế,  không loại trừ khả năng sẽ bị Trung Quốc giập tắt, sẽ lại một lần nữa biến Việt Nam thành chiến trường xung đột về ý thức hệ và xung đột giữa các cường quốc.
Tiến hành chiến tranh Iraq để lật Sadam Hussein, hiển nhiên Mỹ muốn tạo dựng ở đây một chế độ chính trị dân chủ đa nguyên, song không thành, vì ở Iraq không hay chưa tồn tại các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho một chế độ chính trị như thế - đây cũng là một sai lầm lớn nhất trong các tính toán sai lầm của tổng thống Georg Bush.
Bầu cử ở Iran tháng 6-2009 đang gây ra nguy cơ đổ vỡ hoặc sẽ đẩy lùi dân chủ ở nước này, gần như cùng chung các nguyên nhân giống Iraq.
Ấn-độ là một nước dân chủ lớn nhất thế giới, đã gần 7 thập kỷ xây dựng chế độ dân chủ đa nguyên, nhưng chưa thành công bao nhiêu và vì thế đang tụt hậu so với Trung Quốc; nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của Ấn-độ là các vấn đề đẳng cấp, tôn giáo, văn hóa và sắc tộc.
Xem như vậy, đưa nước ta trở thành một nước phát triển thông qua con đường của dân chủ và phát triển là đòi hỏi của thời đại đặt ra cho nước ta, và đồng thời là kịch bản tối ưu nhất đất nước và Đảng có thể và có khả năng lựa chọn.

3.     Khả năng lựa chọn và cái giá phải trả

Như đã trình bày trên, về cơ bản có 2 loại hình lựa chọn tự giácthiếu tự giác, cũng có nghĩa là: Lựa chọn lợi ích của dân tộc, hay lựa chọn lợi ích của Đảng.

Có quá nhiều lý do để nói rằng khả năng lựa chọn sự tự giác hiện nay hầu như không có, hay chưa xuất hiện trong Đảng lúc này. Thậm chí trong quan điểm chính thống (quan điểm ngự trị) của Đảng lúc này có khuynh hướng coi con đường dân chủ và phát triển là đối nghịch với Đảng, là thù địch đối với chế độ. Đây là hệ qua của tư duy ý thức hệ hay là hệ quả của tha hóa? Của cả hai? Trong khi đó tình trạng Đảng chịu khuất phục trước mọi quán tính của tha hóa đang ở thế áp đảo: Mọi chuyện vẫn làm như cũ, tiếp tục đi trên con đường cũ, sự lạc hậu – nhất là lạc hậu về tư duy – có những mặt tới mức lạc lõng...

Mặt khác, cũng có thể nói tình hình đất nước chưa xấu đến mức bước ngoặt (bên bờ sự sụp đổ) như đã xảy ra và buộc phải chấp nhận đổi mới như lúc phải tiến hành đổi mới cách đây 23 năm. Tuy nhiên xin đừng quên sự vận động của đất nước hiện nay là đang rẽ sang ngả đường đi vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện hệ thống, mặc dù chưa thể nói được tời kỳ khủng hoảng này sẽ kéo dài bao nhiêu năm như đã trình bầy trong phần II.

Không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao Đảng không tự giác tận dụng thời gian của vài ba nhiệm kỳ Đại hội tới (cũng có nghĩa là một hai thập kỷ tới) và mọi điều kiện đang có trong tay tìm cách đảo ngược sự vận động này? Muốn thế thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ.  Còn định chờ nước đến chân mới nhảy sẽ lại là chuyện khác.

Vả lại trong tầm nhìn một hai thập kỷ tới, đằng nào Việt Nam cũng buộc phải tạo ra cho mình trong khoảng thời gian này sự phát triển năng động và bền vững để đối phó với mọi thách thức trước mắt; nghĩa là trước sau đều phải phát huy dân chủ và phát triển để đạt mục đích ngắn hạn và dài hạn.

Khi đi vào bước ngoặt phải tiến hành đổi mới năm 1986, đất nước lúc đó hầu như chỉ đứng trước yêu cầu nóng bỏng duy nhất nhất là “cởi trói” kinh tế. Hồi đó con đường đi vào kinh tế thị trường là thênh thang và chưa cạnh tranh quyết liệt như ngày nay, mọi mặt các ách tắc cũng không nhiều. Hồi đó vấn đề giữa người dân và chế độ chính trị không có những vấn đề nóng bỏng như bây giờ. Nhân tố thách thức từ Trung Quốc lúc ấy chưa toàn diện và nóng như hiện tại. Đấy là những khác biệt lớn giữa 1986 và 2011 (thời gian họp Đại hội XI).

Đảng hiện nay đang có rất nhiều cố gắng trên danh nghĩa là duy trì sự ổn định, bằng mọi giá giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế dù thấp và chất lượng kém. Song kết quả đạt được trên thực tế lại là kéo dài tình trạng hiện thời, chấp nhận sự tụt hậu nhất định để kéo dài tình trạng hiện thời, cố gắng đẩy bước ngoặt (có thể là biến động lớn, thậm chí là sự đổ vỡ) ra xa phía trước. Làm như vậy, bước ngoặt nếu một khi phải xảy ra, sẽ tích tụ thêm nhiều mâu thuẫn mới, khó có khả năng là một bước ngoặt hòa bình – có thể dễ dàng hình dung mức độ nguy hiểm của tình hình này. Gói kích cầu 8 tỷ USD thay vì dồn mọi nỗ lực vào đổi mới cơ cấu kinh tế, những “sửa sai” mang tính vá víu để đối phó với tình thế, ra sức kiểm soát thông tin ngặt nghèo, tránh né mọi thay đổi liên quan đến tận gốc rễ hệ thống chính trị… Phải chăng đấy là những nỗ lực thụ động, phản ánh đối sách trì hoãn bước ngoặt phía trước?

Tuy nhiên (a)đòi hỏi của chuyển đoạn phát triển kinh tế, (b)sức ép của Trung Quốc, và (c)sự bức xúc trong xã hội về tham nhũng tiêu cực đang kìm hãm đất nước phát triển là 3 yếu tố không cho phép Đảng thực hiện sự trì hoãn này vô thời hạn. Nguy hơn nữa, trong tình trạng trì hoãn này, Đảng hình như ngày càng tuột tay trong việc khống chế sự hoành hành của các nhóm lợi ích, tình trạng mất dân chủ gia tăng. Sự can thiệp của Trung Quốc trên Biển Đông đang được kích thích leo thang. Trong khi đó tính hấp dẫn của thị trường nền kinh tế Việt Nam đang lên đối với đầu tư nước ngoài có dấu hiệu giảm sụt (FDI giảm mạnh – 6 tháng đầu năm 2009 chỉ bằng 20% cùng kỳ năm ngoái, một vài đối tác quan trọng thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam)…

Tất cả cho thấy trì hoãn vô thời hạn là bất khả thi - dù rằng nó có thể kéo dài nhiều năm, dù rằng không ai nói trước được là bao nhiêu năm hay là thập kỷ.

Một lần nữa lại tấy lên câu hỏi: Nếu thế tại sao Đảng không chủ động tận dụng những năm của quãng thời gian trì hoãn này – chí ít là vài ba nhiệm kỳ Đại hội tới hoặc lâu hơn nữa – cho việc tạo ra bước ngoặt mới này cho đất nước: Đi vào thời kỳ xây dựng thể chế mới để đưa đất nước đi vào con đường của dân chủ và phát triển? Muốn bảo vệ Đảng thì phải đặt ra câu hỏi này. Song quan trọng hơn nhiều, muốn đất nước không rơi vào đổ vỡ huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt của đa nguyên hỗn loạn và tha hồ để cho bên ngoài lũng đoạn, Đảng phải tự mình nêu ra và trả lời đúng đắn câu hỏi này!

Hay là cái tặc lưỡi: Đời còn dài chán! Gian khổ mãi rồi… Sống cái đã!   …còn kẻ  xấu thì: Mặc! Vơ vét cái đã!..

Còn một tâm lý nữa có lẽ khá phổ biến: Thôi, không cải tới cải lui gì cả, chấp nhận vừa lòng với thực tại! Nghèo một tý, hèn một tý không sao! Cứ túc tắc mãi thế này cũng được, chẳng chết ai! Còn hơn là đổ vỡ! Miễn là bảo được nhau và đừng bất công quá…  Vì không có điều tra xã hội học nên không rõ tâm lý giữ nguyên trạng này sâu rộng đến mức nào, song những thách thức phía trước đất nước phải đối mặt có chấp nhận tâm lý này không?


4.     Bàn thêm về  
con đường của dân chủ và phát triển,
với cái đích là trở thành nước phát triển

Hiển nhiên, còn tự xem mình là đảng cách mạng, thì Đảng phải chấp nhận câu hỏi dẫn đến hành động tự giác, chứ không thể nhắm mắt đưa chân theo sự quyến rũ hoặc thúc ép của quán tính và tha hóa. Vì nhiều lẽ, tiếc rằng Đảng như hiện nay không có khả năng tự giác như thế, hoặc là ý chí tự giác như thế trong Đảng đang bị đè bẹp.

-                     Hỏi: Như vậy nhóm các kịch bản của con đường dân chủ và phát triển là không hiện thực?
-                     Trả lời: Có thể khẳng định dứt khoát là có một con đường như vậy. Còn hiện thực hay không hiện thực, hiện thực đến đâu, tất cả chỉ tùy thuộc vào sự lựa chọn của Đảng.

Phải nói ngay, trong trường hợp Đảng chấp nhận hành động tự giác, nguy cơ tan vỡ cũng rất lớn – sự sụp đổ tự bên trong  là chủ yếu của Liên Xô cảnh báo nghiêm khắc nguy cơ này. Bài học rối loạn của đa nguyên Thái Lan là một cảnh báo khác. Đất nước này từ 1932 – năm chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc – đã tìm đường đi vào dân chủ cộng hòa, đến nay là 77 năm mà vẫn chưa xây dựng thành công quốc gia mình trở thành nước phát triển. Xin lưu ý Thái Lan là nước duy nhất trong vùng không bị chủ nghĩa thực dân đô hộ. Myanma là một ví dụ khác cho thấy con đường từ một nền cộng hòa sau quá trình 40 năm tồn tại (1948-1988) với biết bao nhiêu thăng trầm đã bị đảy lùi vào một chế độ quân phiệt thông qua cuộc đảo chính 1988. Nguyên nhân chung cho cả Thái Lan và Myanma là cả hai quốc gia này chưa tạo ra được những điều kiện hình thành tốt trên các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cho một chính thể dân chủ cộng hòa. Nhìn vào các nước đang phát triển khác cũng thấy nhiều ví dụ tương tự như vậy.

Song kinh nghiệm Hàn Quốc trở thành một nước phát triển như hôm nay lại cho thấy: Dù chông gai như thế nào, vẫn còn một con đường rất riêng nào đó cho quốc gia này. Con đường ấy đã dẫn nó tới đích là một nước phát triển như hôm nay.

Là nước đi sau, ĐCSVN nói riêng, và trên hết là dân tộc Việt Nam đứng trước câu hỏi của thời đại: Ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam liệu có thể tìm ra cho nước mình con đường rất riêng này của dân chủ và phát triển được không? Hàn Quốc làm được, Việt Nam chẳng lẽ không? (Con đường rất riêng này của Việt Nam không nhất thiết là con đường giống Hàn Quốc, bởi vì mỗi quốc gia là một cá thể có đặc thù riêng).

Hay là đất nước hai nghìn năm văn hiến của con rồng cháu tiên cảm thấy vinh quang và vừa lòng với quá khứ chống ngoại xâm của mình, …và như thế là đủ rồi? Khi nào bị khoác lên cổ cái ách nô dịch mới sẽ hay, sẽ lại vùng lên, lại tự giải phóng, lại vinh quang!.. Dân tộc Việt Nam ta đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực chất những gì đang bị cái chủ nghĩa anh hùng đời đời vinh quang như vậy che khuất.

Cái đích phải tới là một nước phát triển. Con đường phải đi là con đường của dân chủ và phát triển của Việt Nam. Song con đường này dành cho nước ta chưa có trong bất kỳ bản đồ nào. Không nghĩ tới, không hoạch định, thì làm sao có con đường? Hôm nay không đặt chân bước vào làm sao một ngày nào đó sẽ đi tới đích? Đây chính là vấn đề, là câu hỏi đặt ra cho Đại hội XI.

Đã quá nhiều năm lún sâu vào trạng thái “lạc đường”[37] với mọi hệ quả phải trả giá[38], nên hiện nay đất nước không có một bộ óc siêu việt nào có thể giúp Đại hội XI trong một đêm thiết kế được con đường của dân chủ và phát triển mà thời đại ngày nay đòi hỏi đất nước phải bước vào, lại càng thiếu rất nhiều điều kiện cơ bản để đất nước bước vào con đường này. Vì vậy Đại hội XI phải bắt đầu từ nhận thức rõ thực trạng của đất nước và phải lựa chọn đúng đắn bước đi đầu tiên để mở đường, đó là cách mạng tư duy để nhận thức lại, nhận thức đầy đủ tình hình và nhiệm vụ mà thời đại đang đặt ra cho đất nước ở giai đoạn hiện nay: nhận thức tính tất yếu khách quan phải đổi mới hệ thống chính trị để đưa đất nước đi vào con đường dân chủ và phát triển, coi đây là bước đi đầu tiên.

Thiết nghĩ: Nhận thức lại được nhiệm vụ đặt ra cho đất nước trong thời đại ngày nay như vừa trình bầy trên, nhận thức đúng, nhận thức cố đạt mức thống nhất cao nhất. Làm được như vậy, Đại hội XI và sau đó là toàn Đảng sẽ nghĩ được, thiết kế được con đường và các bước phải đi tiếp theo.

Không nên và không thể giao cho nhiệm kỳ khóa XI là phải hoàn thành việc đổi mới hệ thống chính trị, bởi vì đổi mới hệ thống chính trị là nhiệm vụ thường xuyên chừng nào Đảng còn tồn tại và muốn tồn tại. Song nhiệm kỳ Đại hội XI phải làm được nhiệm vụ mở đường - nghĩa là trong khung thời gian 5 năm của nó – Đảng phải phác thảo được và thiết kế được chặng đường đầu tiên và những bước đầu tiên đất nước phải đi trên con đường dân chủ và phát triển. Đấy sẽ là những bước đi đầu tiên của nhiệm vụ đổi mới thể chế chính trị, phải có kế hoạch thực hiện, kèm theo lộ trình phải đi cho nhiệm kỳ 5 năm của Đại hội XI.

Sẽ tùy trí tuệ và bản lĩnh của Đại hội XI cân nhắc, quyết định chương trình và lộ trình này, ví dụ: những bước đầu tiên trong nhiệm kỳ Đại hội XI có thể là (không phải xếp theo thứ tự) (1)thực hiện công khai minh bạch và chống nói dối, (2)khắc phục bệnh “đảng hóa” bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị của đất nước song song với việc cải tổ, phát huy thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, (3) triệt để cải cách giáo dục[39], (4)thực hiện dân chủ trong Đảng và đổi mới xây dựng Đảng, xây dựng Hiến pháp mới của nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh (chuẩn bị thực hiện tam quyền phân lập vào nhiệm kỳ Đại hội XII), thực hiện hòa hợp hòa giải dân tộc, phát huy dân chủ để sử dụng người tài, tất cả để thực hiện tốt những bước đi 1, 2, 3… và chuẩn bị cho các bước đi của đổi mới thể chế chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội XII, (5)những mục tiêu phải đạt được trong nhiệm kỳ XI cho đổi mới cơ cấu kinh tế, vân vân…

Việc quyết định những bước đi đầu tiên như thế phải là sản phẩm của sự động não tư duy khoa học và nghiên cứu cẩn tắc, không thể làm theo cảm tính được. Nếu được hỏi sẽ lựa chọn cái gì là đầu tiên trong những bước đi đầu tiên này, tôi sẽ trả lời: Thực hiện dân chủ và chống nói dối! Vì trước hết phải nhìn thẳng vào sự thật.

Xin nhấn mạnh: Không thể khoán cho nhiệm kỳ Đại hội XI hoàn thành việc đổi mới hệ thống chính trị, nhưng nhiệm kỳ Đại hội XI phải thực hiện được những bước đi đầu tiên đưa được đất nước bước lên đường dẫn và đặt chân vào con đường của dân chủ và phát triển. Nói hình ảnh: Chuyển hướng đi của đất nước đang rẽ  vào con đường trở thành một Việt Nam Philippines đi sang ngả rẽ vào con đường dẫn tới trở thành một nước phát triển – định hướng xã hội chủ nghĩa phải là như vậy.

Thực tiễn những thành công và thất bại của 23 năm đổi mới và của phát huy dân chủ trong Đảng cũng như trong toàn thể cộng đồng dân tộc chắc chắn sẽ là người cố vấn, người thầy tin cậy giúp Đảng làm rõ mọi vấn đề, dẫn dắt Đảng thiết kế được con đường này, giúp Đảng tìm ra cách đưa đất nước tới đích. Việt Nam có thể và cần  học hỏi cả thế giới, song con đường này và cách đi Việt Nam phải tự sáng tạo cho mình, không thể sao chép của ai được. Cách đi nào chăng nữa thì cũng chỉ có thể là: Đảng phải phấn đấu nâng cao trí tuệ và phẩm chất để trở thành người lãnh đạo xứng đáng, nhất thiết không thể biến mình thành người nắm quyền cai trị như hiện nay. Sự nghiệp của đất nước rất cần một sự lãnh đạo sáng suốt, song nhất thiết sự nghiệp xây dựng thể chế chính trị mới cho đất nước phải là sự nghiệp của nhân dân, nghĩa là dân chủ – mọi lời hoa mỹ chỉ là sự dối trá có hại.

Cái giá phải trả sẽ rất đau đớn: Đảng phải vứt bỏ mọi đặc quyền, đặc lợi, mọi thói quen đã trở thành cố hữu. Trước hết Đảng phải tự giải phóng mình khỏi sự nô dịch của ý thức hệ đang ngự trị trong Đảng và phải giác ngộ triệt để lợi ích dân tộc. Đối với người đảng viên, kể từ cấp lãnh đạo cao nhất, còn phải đặt vấn đề nghiêm túc chống lại chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của đất nước. Đây là căn bệnh trầm trọng nhất trong Đảng hiện nay.  Ý thức hệ duy nhất và cao nhất Đảng phải giữ đến cùng là lợi ích dân tộc. Đó là ý thức hệ duy nhất và trên hết! Đảng có đủ sức chấp nhận đòi hỏi này không? Song cái được sẽ là tới một lúc nào đó, tới một trình độ phát triển nào đó trên con đường của dân chủ và phát triển (chưa thể đoán trước vào thời gian nào, nhiệm kỳ Đại hội nào…), sự lãnh đạo đáng mong muốn ấy của Đảng sẽ tạo ra những điều kiện hình thành cho một cao trào mang tính như một Cuộc Cách mạng Tháng Tám mới, đưa đất nước tiến lên xây dựng nên thể chế nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Xây dựng một thể chế chính trị quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thế, chứ không phải chỉ là việc đổi cái tên nước, là một quá trình gian khổ và chắc chắn không thể ngắn (có thể hàng thập kỷ?); nội dung của nó là tạo ra mọi điều kiện cần thiết về dân trí, trí tuệ, kỷ cương, tính công khai minh bạch, những thuận lợi cho phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phát huy được dân chủ và khả năng thực thi pháp luật cao.., tất cả trước hết nhằm đổi mới triệt để mọi mặt của cuộc sống đất nước để ngày càng giầu có và phát triển. Một Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thế trước hết phải là một thể chế pháp quyền văn minh trên một nền tảng kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội văn minh.

Quá trình này ngay từ đầu nhất thiết phải mang tính liên tục và tính thừa kế lịch sử rất cao. Chỉ có như vậy, quá trình phát triển này mới có được đại đoàn kết dân tộc và hòa hợp hòa giải dân tộc làm nền tảng hài hòa và bền vững. Chỉ có như vậy, sức mạnh dân tộc mới được phát huy, tự do dân chủ mới có thể bừng nở! Chỉ có như vậy, con người Việt Nam mới có chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng quốc tế dưới bầu trời này!

Viễn cảnh một Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thế chắc sẽ làm nức lòng nhân dân cả nước và tranh thủ được mọi bè bạn gần xa khắp nơi trên thế giới. Một Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thế sẽ có khả năng đi với cả thế giới, sẽ nhận được sự hậu thuẫn áp đảo của cả thế giới. Đây chính là nội dung và ý nghĩa thời đại đối với nước Việt Nam ta ngày nay! Đấy chính là con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bên cạnh cái “công xưởng thế giới” vỹ đại đang trở thành siêu cường.

Xem xét sự phát triển các mối tương quan trong xã hội Việt Nam ngày nay, ĐCSVN nợ dân tộc và đồng thời cũng có nghĩa vụ lịch sử đối với dân tộc là phải đi tiên phong trong việc mở đường và xây dựng nên chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà Đảng đã hứa hẹn, đã cam kết thuở ban đầu khi làm Cách mạng Tháng Tám. Đảng phải làm tròn trách nhiệm lãnh đạo dân tộc làm nên sự nghiệp này.

Xin đừng bao giờ quên: Dân tộc đi theo Đảng làm cách mạng và qua 4 cuộc chiến tranh, cho đến nay chiến đấu không từ hy sinh nào dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước và toàn thể dân tộc phải chịu biết bao nhiêu tổn thất, mất mát, hy sinh, trước hết là vì sự cam kết này của Đảng. Nói Đảng nợ dân tộc trước hết là vì lẽ này! Chưa nói đến công lao nhân dân bao bọc, che chắn, bảo vệ Đảng để còn Đảng cho đến hôm nay – kể cả những lúc Đảng phạm phải những sai lầm nghiêm trọng nhất! Không được phép lạm dụng sự bao dung độ lượng này.

Mối tương quan giữa các lực lượng chính trị trong xã hội Việt Nam ngày nay cũng cho thấy ĐCSVN đứng ra lãnh trách nhiệm trước dân tộc lãnh đạo đất nước xây dựng nên chính thể dân chủ cộng hòa là sự lựa chọn có thể là tối ưu nhất của đất nước trong bối cảnh hiện nay. Rõ ràng hiện nay không một lực lượng chính trị nào có thể đứng ra tranh giành với Đảng nhiệm vụ này, hiển nhiên với điều kiện duy nhất đặt ra cho Đảng là phải giác ngộ tuyệt đối lợi ích dân tộc. Vì lẽ này có thể nói: Lịch sử một lần nữa lựa chọn, đặt nhiệm vụ quyết liệt này lên vai ĐCSVN, và có lẽ đây là sự lựa chọn lần cuối cùng. ĐCSVN sẽ gánh vác nó trên vai đi đến cùng, hay vứt bỏ, hay chạy trốn sứ mệnh này? Đấy là câu hỏi đặt ra cho Đại hội XI.

Xin nói thẳng thắn, sự lựa chọn lần cuối cùng này của lịch sử - xin phép được gọi như vậy – còn do một lý do thiết thực khác: Ngoài việc dân tộc đòi nợ Đảng, đây có thể còn là kịch bản ít xương máu nhất cho dân tộc trong việc khai phá và đi vào con đường của dân chủ và phát triển mà thời đại ngày nay đang đặt ra cho đất nước.

Nói đây có thể là kịch bản ít xương máu nhất, bởi lẽ người lái con tầu đất nước giữa biển khơi nếu tự giác và có khả năng dẫn dắt con tầu ra khỏi thác ghềnh cái giá phải trả thường rẻ hơn là để con tầu xô vào đá đổ vỡ, để rồi phải làm lại cuộc hành trình từ đầu!

Chỉ nói được là có thể, bởi vì trong xã hội còn biết bao nhiêu ý kiến khác không thể bỏ qua:
-         Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay là gần 7 thập kỷ với biết bao nhiêu cơ hội, mà Đảng vẫn chưa làm được sự nghiệp này, làm sao bây giờ hy vọng Đảng làm được?
-         Làm gì có chuyện Đảng dám hy sinh lợi ích thống trị của mình để toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích dân tộc? Quyền lực không biết tự giác và không hiểu lẽ phải!
-         Liên Xô tự sụp đổ vì những lý do nội bộ, chứ có ai lật đổ nổi Liên Xô đâu!
-         Thà cứ để cho sụp đổ như Liên Xô rồi làm lại từ đầu còn hơn. Bây giờ hiển nhiên đang xuất hiện một nước Nga cường quốc mới! Sửa lại ngôi nhà mục khó lắm, cái giá phải trả có thể còn đắt hơn, đến kiếp nào xong!..
-          Vân… vân…

Thật là đau lòng, khó mà nói được sự lựa chọn nào hơn sự lựa chọn nào. Cũng là sự thật: Việt nam không phải là Liên bang Nga! Bởi vì vừa mới hôm qua thôi, 4 cuộc chiến tranh, trong đó hai cuộc chiến tranh lớn đồng thời cũng mang tính chất 2 cuộc nội chiến lớn, có ai dám chắc còn bao nhiêu vết thương của sự hằn thù đang rỉ máu!?.. Cũng là sự thật: Bài học đời đời cha truyền con nối phải khắc cốt ghi xương là không bao giờ được đem dân tộc ra làm thí nghiệm cho các chủ thuyết! Cũng là một sự thật nữa: Làm người dân thì từ nay trở đi cũng phải biết cách nhất thiết không để cho ai đem đất nước mình ra làm thí nghiệm cho chủ thuyết, vô luận nó là chủ thuyết gì!

Hay là… không có sự lựa chọn cuối cùng này nữa?

Trong hàng ngũ đảng viên chân chính, nhất là các đảng viên cao tuổi, có những người đã lo lắng hỏi nhau: Liệu sẽ có Đại hội XI? Đại hội XII?.. Song cũng có ý kiến: …Thôi! Đừng nói ra nói vào nhiều lời nữa! Đừng nói gì cả, cứ để cho quá trình tự sụp đổ diễn ra… Như thế sẽ nhanh hơn! Đất nước đỡ khổ đỡ nhục hơn!.. Càng góp ý lắm, càng níu kéo, trì hoãn sự đổ vỡ này!.. (Không phải ai khác, chính nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, trên giảng đường Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh khi truyền đạt cho đảng viên trung-cao cấp Nghị quyết Đại hội VIII đã đặt câu hỏi: Các triều đại thịnh nhất trong lịch sử nước ta kéo dài được vài trăm năm, Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam sẽ được bao nhiêu năm? Cử tọa lúc ấy không có câu trả lời).

Xây dựng thể chế quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thế lần này sẽ không đơn giản, bởi vì bản thân sự nghiệp này là rất khó, 34 năm nay lên đồi xuống ruộng mãi mà vẫn chưa tìm ra con đường, còn phủ nhận, còn đi lạc nữa mà vẫn chưa nhận ra là lạc đường, nói gì đến xây!.. Song sự nghiệp này sẽ còn vô cùng khó, bởi lẽ nó đòi hòi hỏi Đảng phải vượt qua được (a)quán tính của chính mình và (b)sự ngờ vực của nhân dân do quá khứ để lại. Đấy là sự thật, bỏ quên nó sẽ chẳng thay đổi gì. Nghĩa là, đòi hỏi Đảng phải học được những bài học của chính mình.

Tuy nhiên, lần này ĐCSVN không phải bắt tay khởi nghiệp mới với hai bàn tay trắng, Hiến pháp năm 1946 sẽ là hòn đá tảng đầu tiên cho sự nghiệp trọng đại này. Những thành tựu cứu nguy chế độ và thay đổi cục diện đất nước để có hôm nay nhờ phát huy dân chủ trong 23 năm đổi mới vừa qua sẽ cung cấp cho Đảng những kinh nghiệm vô cùng quý báu.

Xin nhắc lại: Nhóm các kịch bản tự giác với nội dung như vừa trình bầy trên sẽ là hiện thực hay không hiện thực, tất cả chỉ phụ thuộc vào sự lựa chọn của Đảng.


5.     Đa nguyên và vấn đề đa đảng

Con đường dân chủ và phát triển sẽ dẫn tới đa nguyên và chế độ chính trị đa đảng?

Chắc chắn như vậy.  Nói tôn trọng dân chủ đa nguyên, nhưng lại phủ nhận khả năng dẫn tới hệ thống chính trị đa đảng sẽ chẳng khác gì nói dối,  treo đầu dê bán thịt chó! Vậy câu chuyện còn lại chỉ là như thế nào? Và …lúc nào?

Xin lần lượt trình bầy.

Mọi người  sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho  họ những quyền không ai có thể xâm phạm được...”

Thực tế này được khẳng định cả trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước ta. Thực tế này là sự khẳng định tính tự nhiên và tất yếu của cuộc sống là đa nguyên, không thể tránh né được. Thực tế này giải thích vì sao cuộc sống xã hội của con người đòi hỏi để phát triển nhất thiết phải có tự do dân chủ.

Nhìn nhận đa nguyên như một húy từ, một sự kiêng cấm, sẽ chẳng khác gì nhắm mắt trước cuộc sống đang diễn ra, tự ta trói buộc tư duy của ta.

Song đa nguyên và chế độ chính trị đa đảng là hai vấn đề khác nhau.

Kịch bản lựa chọn con đường của dân chủ và phát triển như trình bầy trên là kịch bản tự giác phát huy dân chủ để phát triển, bao gồm cả việc thừa nhận tính đa nguyên của cuộc sống để phát huy dân chủ. Đây sẽ là một chặng đường dài hàng thập kỷ, nhất thiết phải có lãnh đạo sáng suốt mới có thể thành công. Sự lựa chọn này giả thiết rằng ĐCSVN vươn lên nắm lấy cơ hội, đảm đương được vai trò lãnh đạo đất nước đi trên chặng đường ấy. Giả thiết như thế, Đảng phải có ý chí đổi mới đến mức Đảng thực sự hoàn toàn vì lợi ích dân tộc, nếu không thì chỉ là ảo tưởng.

Một khi chặng đường này, vào khoảng thời gian và độ chín muồi nào đó – không thể nói trước khoảng thời gian này là bao nhiêu lâu, có thể là hàng thập kỷ… - sẽ dẫn tới chế độ dân chủ đa nguyên với hệ thống chính trị nhiều đảng, thì đó phải là một thể chế được cả nước chuẩn bị, cả nước tạo các điều kiện hình thành, lựa chọn, và xây dựng, trên một nền tảng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội vững chắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng: Một chính thể dân chủ cộng hòa bền vững và ngày cảng pháp triển.  Cần phải như vậy, để chính thể dân chủ cộng hòa này không rơi vào mô hình đa nguyên Thái Lan đầy hỗn loạn và sóng gió thường trực. Cần phải như vậy, để nó không thể bị lật ngược như ở Mianma năm 1989, kéo đất nước trở về quá khứ. Cần phải như vậy, để nó sẽ không nhất thiết phải trải qua con đường đẫm máu như ở Hàn Quốc thời Pak Chung Hy. Cần phải như vậy, để nó không phải là các cuộc thí nghiệm của các “cuộc cách mạng mầu”…

Có thể tận dụng lợi thế nước đi sau là rút kinh nghiệm từ tất cả các nước, các bài học từ kho tàng văn minh nhân loại, để giải phóng tư duy, để ước mơ, để tự giác tìm ra con đường của dân chủ và phát triển riêng cho Việt Nam đáng mong muốn như thế được không? Câu trả lời: Việt Nam chúng ta ngày nay có thể!

 Về lý luận rõ ràng là có thể. Bởi vì ngày nay, mỗi dân tộc muốn tự giải phóng mình thì cũng phải tự tìm đường cho mình. Dân tộc Việt Nam với lợi thế và tính cách là nước đi sau (late comer) trong thế giới mở của thông tin và hội nhập ngày nay không bắt buộc phải khuôn mình vào bất kỳ tư duy hay mô hình nào có sẵn. Một quốc gia độc lập không làm việc này thì còn việc gì đáng làm?

Tới đây xin bàn sâu thêm khía cạnh: Thừa nhận đa nguyên tất yếu sẽ phải dẫn đến thừa nhận có sự vận động khách quan trong đời sống xã hội của con người là dẫn tới chế độ chính trị đa đảng.

 Sự vận động khách quan này là bản chất của tự nhiên, là vấn đề không thể tránh né. Câu chuyện còn lại suy cho cùng chỉ là: người lãnh đạo, nhà chính khách, lực lượng hay đảng chính trị lựa chọn cách ứng xử nào đối với sự vận động khách quan này trong đời sống xã hội con người mà thôi. Cái gì  và hoàn cảnh nào quyết định sự lựa chọn cách ứng xử ấy? Lựa chọn cách ứng xử nào là tối ưu nhất?…

Nói cách khác: Không thể phủ nhận sự vận động khách quan này trong đời sống xã hội, nhưng có thể lựa chọn cách can thiệp vào sự vận động này theo hướng mình mong muốn: tận diệt, bóp chết, bóp méo, kìm hãm, làm lệch hướng, để phát triển tự nhiên, hoặc thậm chí kích thích, khuyến khích, khai thác…  Những hình thức can thiệp như thế đã từng xảy ra nhiều lần ngay trong thực tiễn cách mạng Việt Nam từ 1945 đến nay, không có gì mới lạ.

Ngày nay tìm đường đi lên con đường của dân chủ và phát triển, là nước đi sau, có lẽ Việt Nam nói chung và ĐCSVN nói riêng có thể từ kho tàng kinh nghiệm phong phú của thiên hạ và của chính mình trong 34 năm đầu tiên xây dựng thể chế chính trị sau khi đã thống nhất quốc gia để có thể sẽ tìm ra được sự can thiệp tối ưu vào sự vận động này nhằm đi tới đích đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Đây là vấn đề Đảng rất đáng bỏ công sức nghiên cứu kỹ lưỡng. Dưới đây xin nêu lên vài gợi ý.

Trước hết như đã trình bầy trên, nên lưu ý: từ đa nguyên đi đến đa đảng là một quá trình, có thể có độ dài thời gian và cách vận động khác nhau. Có thể nhận xét: bối cảnh và điều kiện hình thành đa nguyên sẽ quyết định tính chất và chất lượng hiện tượng hệ thống chính trị đa đảng sẽ xảy ra. Nhận xét này có 2 ý nghĩa:


Một là: đa nguyên có thể có một quá trình tự động hoặc không tự động dẫn tới chế độ chính trị đa đảng một cách có lợi hoặc bất lợi cho quốc gia, bởi vì còn tùy thuộc vào tính chất sự can thiệp, tùy bối cảnh và  các điều kiện hình thành ra nó – bao gồm cả những thủ đoạn chính trị có thể hoặc được phép; quá trình này có thể dài ngắn khác nhau, giống như một thời kỳ quá độ có thể tận dụng. Thời kỳ quá độ này có thể là khá nhiều năm, một vài thập kỷ, hoặc có thể là rất nhanh.

Nói thêm về thời kỳ quá độ: Hàn Quốc, Đài Loan sau khi ra khỏi chiến tranh (1953, 1949) khởi thủy xây dựng đất nước bằng chế độ chính trị độc tài và thực chất là chế độ chính trị một đảng. Pak Chung Hy và Tưởng Giới Thạch đã chuyển hóa thành công chế độ chính trị của họ sang chế độ chính trị đa nguyên và đa đảng. Giai đoạn chuyển hóa này ở Hàn Quốc là 13 năm (1963-1079), khá đẫm máu – vì đàn áp cộng sản và những người chống lại con đường hiện đại hóa của Pak (phe đối lập); ở Đài Loan là 18 năm (1954-1972) và diễn ra hòa bình hơn (có thể vì ở đây phong trào cộng sản không có hoặc rất yếu). Hai chính khách này và lược lượng chính trị của họ đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí có thể nói là quyết định, đối với sự chuyển hóa này. Bí quyết thành công của họ có thể là: định hướng đúng, có sự lãnh đạo đúng và kiên quyết, xây dựng và phát huy được thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự, đặc biệt cả 2 nước này rất coi trọng phát triển giáo dục.

Riêng Hàn Quốc còn chú trọng đến truyền thống văn hóa và tinh thần dân tộc (ví dụ: trong một hai thập kỷ đầu tiên khẩu hiệu “đánh đổ hàng Nhật”, “vượt hàng Nhật” có sức động viên lớn đối với sự phát triển của Hàn Quốc)[40]. Ví dụ Hàn Quốc – một đất nước rất nhanh ra khỏi sự đổ vỡ của chiến tranh tàn khốc – còn cho thấy một khi dân chủ, phát triển và tinh thần dân tộc gắn kết lại là một, sẽ đồng nghĩa với thăng hoa. Đấy là những kinh nghiệm rất đáng cho nước ta tham khảo.  (Cả Nhật và Hàn Quốc đều đi vào thời kỳ phát triển năng động sau 15 năm ra khỏi chiến tranh).

Singapore và Lý Quang Diệu cũng là một ví dụ rất đáng nghiên cứu về quá trình chuyển hóa này. Tuy nhiên quốc gia thành phố này có quá nhiều đặc thù nên không bàn kỹ ở đây.

Hai là: tính chất và chất lượng của hệ thống chính trị đa đảng tùy thuộc vào tính chât và chất lượng những điều kiện hình thành nên hệ thống ấy - trong đó có bối cảnh, những điều kiện khác mới tạo ra được trong quá trình chuẩn bị, chất lượng lãnh đạo của lực lượng chính trị chủ chốt, chất lượng sự can thiệp, chất lượng thời kỳ quá độ, v… v… – Ví dụ: chất lượng những điều kiện hình thành hệ thống chính trị đa đảng ở Thái Lan hoàn toàn khác và rất thấp so với chất lượng những điều kiện hình thành hệ thống chính trị tại bất kỳ một nước phát triển nào ở phương Tây, hay Hàn Quốc…

Ngoài ra truyền thống lịch sử văn hóa của mỗi nước giữ vai trò rất quan trọng đối với tính chất  và chất lượng hệ thống chính trị đa đảng. Nhật là ví dụ điển hình cho thấy những giá trị và truyền thống lịch sử - văn hóa tốt đẹp đã góp phần quyết định tạo nên chất lượng hệ thống dân chủ đa nguyên ở nước này. Trong khi đó tình hình các nước Đông Âu cũ, Liên bang Nga, các nước Nam Âu… cũng nhất quán cho thấy chất lượng hệ thống kinh tế - chính trị -văn hóa - xã hội mọi mặt của các quốc gia này sản sinh ra hệ thống chính trị đa đảng hoàn toàn khác

Tóm lại, điều kiện hình thành nào thì sản phẩm làm ra sẽ chất lượng ấy. Vấn đề cốt lõi nhất trong những điều kiện hình thành là chất lượng đảng lãnh đạo, mà trước hết là những con người của đảng ấy và bộ não của nó. Bằng ý chí và lòng trung thành với lợi ích của dân tộc, Đảng đang có trong tay mọi điều kiện để làm cho Đảng có được những con người và bộ não ấy cho chính mình và cũng là cho đất nước. Không có ý chí và lòng trung thành ấy, Đảng không thế làm được việc này. Mà không làm được việc này, sẽ đồng nghĩa với việc Đảng để tuột tay những lực lượng tinh túy của đất nước vào các lực lượng chính trị khác, với chung cuộc là Đảng sẽ mất quyền lãnh đạo.

Như vậy tối ưu sẽ không phải là câu chuyện tránh né vấn đề sẽ phải đến là đa nguyên và hệ thống chính trị đa đảng, mà là câu chuyện can thiệp và chủ động tạo điều kiện hình thành cho nó (hệ thống chính trị đa đảng) như thế nào và thiết kế thông minh các bước đi trong thời kỳ quá độ ra sao là tối ưu nhất cho đất nước – không được “đẻ non”, không đốt cháy giai đoạn, song cũng không được để tuột cơ hội, chất lượng lãnh đạo của lực lượng chính trị chủ chốt phải được nâng cao đến mức nghệ thuật.

Một câu hỏi khác: Vậy nội dung thực chất của dân chủ hay là dân chủ đa nguyên cần thực hiện trong đổi mới hệ thống chính trị hiện nay được đề cập đến trong bài này là gì?

Trả lời: Đó là dân chủ trong khung khổ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, như đã trình bầy trong điểm 2. của phần này. Đó là dân chủ được thiết lập trên những điều kiện phát triển tạo ra nó, dứt khoát không phải là thứ dân chủ tự phát hay bất cứ giá nào. Những điều kiện phát triển tạo ra nó càng cao, chất lượng dân chủ sẽ càng cao. Và đến lượt nó, chính dân chủ có chất lượng càng cao này sẽ phục vụ đắc lực nhất cho phát triển (xem thêm chú thích số 33).


6.     Khả năng lựa chọn của Đảng

Sẽ có câu hỏi đặt ra: Nếu chấp nhận dân chủ và phát triển, chấp nhận đa nguyên như vừa trình bầy trên, Đảng như hiện nay có thể lựa chọn cách can thiệp phù hợp nhất đối với mình để vận dụng vào quá trình đổi mới hệ thống chính trị hiện nay mà không quan ngại đến tương lai có thể hình thành hệ thống chính trị đa đảng ở nước ta được không?

Trước khi trả lời, cần nói ngay: Chính sự quan ngại này đã và đang làm nhụt trí tuệ xem xét vấn đề tới tận cùng, cản trở tư duy đến cùng; cứ đụng nói đến dân chủ đa nguyên là phải quay ngoắt đi chỗ khác vì sợ lây nhiễm như các virus của AH5N1 hay là AH1N1 đang hoành hành!.. Cần khắc phục sự quan ngại này.

Dưới đây là các kịch bản trả lời.

(1)Câu trả lời có lẽ sẽ là: Với vị thế hiện nay của Đảng, hoàn toàn là có thể.

(2)Câu trả lời tối ưu hơn là: Đảng cần vận dụng mọi điều kiện, “vốn liếng” và bối cảnh hiện nay tạo ra sự can thiệp vào thời điểm chin muồi (chưa ai đoán biết được sẽ là bao nhiêu năm, thập kỷ?) sẽ đem lại một hệ thống chính trị đa đảng thật sự và có lợi nhất cho Đảng, trong khuôn khổ một chính thể dân chủ cộng hòa.

(3)Câu trả lời tối ưu nhất là: Bằng mọi cách lấy lợi ích của Đảng phục tùng lợi ích đất nước, tận dụng vị thế hiện có của Đảng chủ động lãnh đạo đất nước xây dựng mọi điều kiện hình thành cho phép vào một thời điểm nào đó có thể hòa bình xây dựng nên một hệ thống chính trị đa đảng có chất lượng tốt nhất, phục vụ tốt nhất lợi ích của dân tộc và của đất nước, làm cho hệ thống này phục vụ thành công đất nước trên con đường dân chủ và phát triển để đưa nước ta trở thành một nước phát triển. Làm được như thế, vai trò lãnh đạo của Đảng chẳng những không mất đi, mà tự nhiên được khẳng định từ quá trình phấn đấu của chính mình, và được cuộc sống thừa nhận.

Nói Đảng nợ dân tộc, nợ đất nước thiết chế nên một thể chế dân chủ cộng hòa như đã cam kết thuở ban đầu là nói theo tinh thần như vậy. Trong xã hội và trong cộng đồng dân tộc hiện nay, Đảng là lực lượng chính trị có điều kiện tốt nhất thực hiện khát vọng này của dân tộc, tất cả chỉ tùy thuộc vào ý chí và bản lĩnh của Đảng phấn đấu hy sinh cho lợi ích dân tộc. Cũng có thể khẳng định ngay: Làm được như vậy, một khi hình thành hệ thống chính trị đa đảng, Đảng vẫn là đảng lãnh đạo và cũng là hướng đi, hướng phấn đấu để luôn luôn là đảng lãnh đạo. Đây còn là một con đường, hoặc thậm chí có thể là con đường tối ưu nhất xây dựng và bảo vệ Đảng ở tầm chiến lược trong thời đại mới ngày nay.

Còn câu trả lời số (4) nữa, hiện thực hơn tất cả 3 câu trả lời vừa nêu trên, đó là: Đảng với tư duy và phẩm chất của nó như hiện nay – nhất là của đội ngũ lãnh đạo hầu hết các cấp -  thì không có điều kiện lựa chọn cho đất nước con đường của dân chủ và phát triển! 

Sự thật là như thế. Hơn nữa, Đảng hiện nay đang thiếu một một nhân vật có thể đảm đương vai trò lãnh tụ để cầm cờ cho sự nghiệp mới này. Lịch sử cũng cho thấy khủng hoảng lãnh tụ thường là một cuộc khủng hoảng đau đớn cho đất nước. Mọi chuyện bây giờ phụ thuộc vào Đảng, trước hết là đội ngũ lãnh đạo của nó ứng xử như thế nào đối với thực tế này của Đảng và của đất nước. Người Việt Nam nào hay người đảng viên nào của Đảng hiểu được tình hình đất nước lại không mong muốn nhìn nhận Đảng lúc này nỗ lực vươn lên đáp ứng nhiệm vụ của mình là kịch bản tối ưu nhất, đáng mong muốn nhất cho đất nước?

 Đương nhiên nhân dân sẽ nhìn vào cách ứng xử của Đảng đối với sự thật này như thế nào để ứng xử lại đối với Đảng. Đấy cũng là một sự thật nữa.


Một câu hỏi khác: Trung Quốc là chế độ chính trị một đảng tại sao thành công và đang trên đường trở thành siêu cường?

Trung Quốc không chỉ là một nước lớn, mà còn là một thế giới riêng của chính mình, cho chính mình, vì chính mình, với một lịch sử văn hóa lâu đời nhất và đồng thời cũng là một trong các nôi văn hóa lớn của nhân loại. Truyền thống Trung Hoa và cốt lõi hơn nữa là truyền thống Đại Hán của quốc gia này rất sâu sắc.

Lịch sử nước CHNDTH ngay từ khi thành lập cho đến hôm nay thực chất là lịch sử trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa. Chủ nghĩa xã hội sắc thái Trung Quốc chỉ là cách diễn đạt sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa ngày nay tại Hoa Lục mà thôi[41]. Con đường Trung Quốc đang đi thực tế là con đường của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc với chế độ chính trị một đảng. Nếu gọi đấy là chủ nghĩa tư bản sắc thái Trung Quốc cũng hoàn toàn có lý. Một sự vật có 2 hay nhiều tên gọi biểu trưng đúng cho nó thì bản chất đích thực của nó phải là bản chất tổng hợp tất cả các tính chất chứa đựng trong các tên gọi đó. Bản chất đích thực ấy là Trung Quốc!

Bí quyết thành công của Trung Quốc có lẽ trước hết gồm 3 yếu tố:

(1) luôn luôn tìm mọi  mô hình để thực hiện bằng được chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc[42] – kể cả cách mạng văn hóa với cái giá 70 triệu sinh mạng và hủy hoại khoảng 2/3 tài sản cả nước làm ra trong những năm này, sẵn sàng hạ lệnh cho xe tăng  nghiến nát (hàng trăm? hay nghìn?) người ở Thiên An Môn 1989, bất chấp “mèo trắng, mèo đen”, nuôi dưỡng máu Đại Hán… Mô hình cụ thể của hôm nay là chủ nghĩa tư bản Trung Quốc với chế độ chính trị một đảng,
(2) nhất quyết không để Trung Quốc phân rã, và
(3) luôn luôn có được đội ngũ lãnh đạo đáp ứng tốt nhất đòi hỏi trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc qua mọi thời kỳ.

Lãnh đạo Trung Quốc tổ chức nghiên cứu chắt lọc kinh nghiệm sự sụp đổ của các đế chế từ cổ chí kim[43], rút ra kết luận dứt khoát không theo cái mô hình gọi là Pax Americana hoặc đế chế Xô-viết, song quyết tâm lấy lại 5 thế kỷ đánh mất để trở lại là trung tâm của thế giới là Trung Hoa. Siêu cường Trung Quốc sẽ là như vậy. Vì mục đích này, mọi tư duy và chủ nghĩa, học thuyết đều phải phục vụ chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc, mục tiêu biện minh cho bất kể biện pháp nào trong tầm tay[44]. Để đi trên con đường này, để đến mục tiêu này cho thế giới (hay thời đại) Trung Quốc, cho siêu cường Trung Quốc trong tương lai không xa, chỉ có thể dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của một đảng là linh hồn và bộ não của chủ nghĩa này mà thôi. Hiểu như thế, tên gọi ĐCSTQ chỉ là một sản phẩm lịch sử, trước đây và ngày nay thực chất nó là cái tên gọi cho đảng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang nắm quyền ở Hoa Lục. Trung Quốc chọn được cho mình con đường muốn chọn và đang lên được trên con đường ấy, cái giá phải trả dù lớn như thế nào nhưng đối với thế giới Trung Quốc 1,3 tỷ dân không thành vấn đề, miễn là đạt mục tiêu. Xem như vậy còn phải nói ngày nay cái tên gọi ĐCSTQ và chủ nghĩa xã hội sắc thái Trung Quốc là những tên gọi được vận dụng trong đối nội cũng như trong đối ngoại của quốc gia này qua mọi thời kỳ nhuần nhuyễn tới mức độ siêu nghệ thuật của chính trị.

Tiếc rằng Đảng hình như vẫn nhìn nhận Trung Quốc qua lăng kính của ý thức hệ “cùng là hai nước xã hội chủ nghĩa anh em” và “16 chữ” (có thêm “vàng”!).

Kinh nghiệm chế độ chính trị một đảng như thế ở Trung Quốc Việt nam có học được không?  

Cái khó nhất cho việc học này đối với Việt Nam là sự khác biệt giữa hai nước: Việt Nam phải đứng cạnh cái “công xưởng thế giới” khổng lồ có thể nuốt chửng nhiều thứ và đang trở thành siêu cường; còn Trung Quốc thì lại đứng cạnh nước Việt Nam nhỏ bé đang có nguy cơ trở thành một quốc gia “mãi mãi là vị thành niên” theo như cách gọi của Nguyễn Trần Bạt.

Hai nước khác nhau như thế, Việt Nam có thể học theo, làm theo chế độ chính trị một Đảng của Trung Quốc được không? Hay là để tồn tại và phát triển được bên cạnh cái lò nấu gang khổng lồ này, Việt Nam phải sớm tìm đường trở thành nước phát triển? Đài Loan, Hongkong, Macao phải chăng cho thấy Việt Nam cần lựa chọn kết luận này? Hay là nên dứt khoát loại bỏ con đường của dân chủ và phát triển, để kiên trì mãi mãi con đường chế độ chính trị một đảng, để phấn đấu trở thành một loại Bắc Triều Tiên mới, một loại Myanma mới trong tương lai? Mà như thế dân tộc Việt Nam này có chấp nhận không? Và cứ cho nó là như thế đi, liệu đất nước Việt Nam này có yên thân không? Lịch sử Việt Nam 1945-1975 (phần nào nữa kéo dài tới 1989) và những bài học đầy xương máu và nước mắt được rút ra từ chặng đường này có thể giúp người có suy nghĩ tìm được câu trả lời xác đáng. “Tọa sơn quan hổ đấu”, “chiến tranh qua tay người khác”, “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng!”, “Vượt trên ngăn chặn!”, “Boat people!”…Không! Không bao giờ một lần nữa! Không bao giờ để cho đất nước phải trải qua một lần nữa những thảm kịch này!
                                                             
Bài học đời đời là: Từ nay trở đi Việt Nam phải làm chủ vận mệnh của mình bằng mọi giá! Đấy chính là bài học Không có gì quý hơn độc lập tự do!, là trung thành với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh!

Trên thực tế cho đến nay Việt Nam đã học Trung Quốc nhiều thứ, cả hay và dở, có thànhbại, nhìn chung là thành ít hơn bại, không thiếu trường hợp phải trả giá đắt. Thành lớn nhất là rút ra được kết luận cay đắng: Phải độc lập tự chủ! Nhưng bài học này không phải lúc nào cũng thuộc!

Nhất quyết không thể Trung Quốc cải cách một bước, rồi ta mới dám làm cải cách thêm một bước. Trung Quốc nói tam nông, ta cũng nói theo tam nông!..


7.     Con đường có thể dẫn đến đa nguyên hỗn loạn ở nước ta

Xin nhắc lại, các phần trình bày trên đã phân tích và chứng minh: Trong tầm nhìn khoảng một hai nhiệm kỳ Đại hội hoặc lâu hơn nữa, ngọai trừ tình hình đột xuất hay đột biến, kịch bản hiện thực nhất là trong khoảng thời gian vài ba nhiệm kỳ Đại hội tới Đảng hầu như không có khả năng lựa chọn cho đất nước con đường của dân chủ và phát triển. Điều này có nghĩa ngày càng tiềm tàng khả năng đất nước rơi vào tình trạng của đa nguyên hỗn loạn (đã được đề cập tới trong nhóm vấn đề thứ 8, phần III).

Xin nói ngay: Sự vật sẽ không đứng yên. Khoảng thời gian vài ba nhiệm kỳ Đại hội tới nếu Đảng vẫn tiếp tục con đường mình đang đi như hiện nay sẽ có nghĩa là kéo dài thời gian tích tụ thêm những yếu tố dẫn đến tình trạng xảy ra đa nguyên hỗn loạn ở nước ta vào một thời điểm thích hợp.

Dưới đây xin nêu lên một số nhận xét chính đáng chú ý.

Một là: Nổi bật nhất có lẽ là hiện tượng quán tính đang tiếp tục trên đà chiến thắng. Hiện tượng này thể hiện rõ nét trong các chính sách kinh tế - xã hội gần đây và sự điều hành về cơ bản vẫn là đi theo  phát triển theo chiều rộng. Các biện pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế càng đặm nét tiếp tục phát triển theo chiều rộng. Tất cả hầu như  nói lên tốc độ tăng trưởng là quyết định. Sự kiện nổi bật nhất của hiện tượng quán tính đang tiếp tục trên đà chiến thắng có lẽ là nội dung và phương thức chuẩn bị cho Đại hội XI được tiến hành cho một tình hình đất nước hoàn toàn bình thường, không có thách thức gì đáng kể, không có yêu cầu phải chuyển giai đoạn sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu, hầu như đứng ngoài mọi diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới hiện nay.

Hai là: Dưới danh nghĩa tăng cường lãnh đạo toàn diện, lại trong tình hình phải phân cấp lãnh đạo, kỷ cương không nghiêm, dẫn tới tư duy nhiệm kỳ, tư duy “kinh tế GDP tỉnh” ngày càng chiếm thế thượng phong; lợi ích cục bộ và các nhóm lợi ích ngày càng giữ vai trò chi phối các chính sách của Đảng và Nhà nước. Hệ quả là hiệu quả và chất lượng kinh tế tiếp tục xuống dốc, tham nhũng tiêu cực tinh vi hơn và tiếp tục gia tăng. Hiện tượng “quốc doanh vỏ” ngày càng phổ biến; trong khi đó mối quan hệ “mẹ-con” (công ty mẹ - công ty con) giữ quan hệ ngày càng chi phối trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, quyền sở hữu của nhà nước trong khu vực kinh tế quốc doanh tiếp tục biến dạng nghiêm trọng. Cùng với sự bất cập đang diễn ra và việc tránh né đối mặt với sự thật – kể cả các hiện tượng mất dân chủ trong sinh hoạt Đảng, nguy cơ tuột tay trong sự quản lý của Đảng và  của Nhà nước trong các công việc của mình đang tiếp tục tăng theo, tích tụ ngày càng nhiều các vấn đề nóng bỏng trong đời sống mọi mặt của đất nước. Khái quát lại có thể nói: Tình hình đất nước hiện nay và bất cập của hệ thống chính trị - xã hội xấu hơn, có nhiều vấn đề bức xúc hơn so với khi tiến hành Đại hội X.

Ba là: Các quyết sách kinh tế phát triển theo chiều rộng đã và đang thực hiện, nhất là các quyết sách kinh tế không đúng, bao gồm cả những yếu kém trong quản lý vỹ mô và quản lý nhà nước trong thời gian qua – kể cả trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, việc thực thi pháp luật… – đang tích tụ thêm những mất cân đối lớn ngày càng khó kiểm soát; hiện tai và sắp tới gánh nặng thua lỗ của các doanh nghiệp lớn do đầu tư sai đang là những gánh nặng sẽ ngày càng nặng. Biểu hiện mới nhất là thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia ngày càng cao (mặc dù có sự giải thích là chưa đến mức báo động, song sức mạnh xu thế này là điều rất đáng ngại), 3 “thắt cổ chai” (nguồn nhân lực, năng lực quản trị quốc gia, kết cấu hạ tầng) ngày càng gay gắt, ô nhiễm môi trường nhìn chung vượt mức báo động cho phép; thiếu năng lượng và khan hiếm nước sẽ trở thành vấn nạn lớn, tình trạng nhiễm mặn và sa mạc hóa sẽ gia tăng; tệ nạn xã hội tiếp tục gia tăng. Trong khi đó những đòi hỏi mới của phát triển rất lớn, càng tạo thêm những căng thẳng mới. Ngay trước mắt là quy hoạch phát triển, vấn đề nông dân và đất đai, vấn đề giáo dục và an sinh xã hội, vấn đề quy hoạch kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành kinh tế lớn, phát triển đô thị, công việc đấu thầu… có nhiều vấn đề nan giải và chứa đựng những ách tắc mới nguy hiểm.

Bốn là: Sự can thiệp từ bên ngoài – nhất là của quyền lực mềm – có xu hướng leo thang. Vấn đề Biển Đông, tranh chấp biển  đảo, tranh chấp nguồn nước sẽ gây thêm những căng thẳng mới. Trong tình hình đó những bước đi không thỏa đáng của ta trong đối ngoại một mặt gây thêm những khó khăn mới cho đất nước trong việc đối phó, mặt khác khiến lòng dân phân tán và không yên, các chỗ yếu và mâu thuẫn nội bộ sẽ bị bên ngoài khoét sâu. Mặt khác, sau khi kinh tế thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, nước ta sẽ đứng trước nhiều đòi hỏi và thách thức mới liên quan đến cấu trúc kinh tế và sự điều hành của nước ta, khả năng ứng phó của ta như hiện nay chưa được chuẩn bị tốt. Trong tình hình như vậy nếu xảy ra những đột biến lớn trong khu vực hoặc trên thế giới sẽ có thể có những tác động khó lường. Một điều không thể bỏ qua là xu thế chạy đua vũ trang đang gia tăng ở khắp mọi nơi và ngay trong khu vực nước ta (sự phát triển của hải quân Trung Quốc, các bước đi lấn tới của Trung Quốc trên Biển Đông…).

Có thể nói đối mặt 4 nhóm vấn đề nêu trên, nếu thể chế chính trị vận hành đất nước không tạo ra được một bước phát triển mới, sẽ tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ. Một khi tình hình không kiểm soát được, sẽ có thể dẫn đến đa nguyên hỗn loạn. Xem như vậy, càng thấy lúc này đổi mới thể chế chính trị là khâu đột phá để chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Song mọi việc đến nay đã và đang thực hiện cho công việc chuẩn bị Đại hội XI hình như đi theo một hướng khác?



Kết luận

Đòi hỏi phát triển của đất nước trong cục diện mới của thế giới và trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu rộng, cùng với thách thức phải tồn tại và phát triển được mãi mãi bên cạnh Trung Quốc đang trở thành siêu cường khách quan đặt ra vấn đề phải tìm đường đưa nước ta trở thành một nước phát triển. Đại hội XI có nhiệm vụ đặt ra mục tiêu chiến lược này và mở đường cho đất nước đi vào con đường của dân chủ và phát triển để sẽ đi tới đích trong tương lai sớm nhất. Nhiệm kỳ của Đại hội XI là phải đi được những bước đầu tiên trong đổi mới thể chế chính trị - khâu đột phá đưa đất nước đi vào một giai đoạn phát triển mới. Rất nên khẳng định lựa chọn con đường của dân chủ và phát triển là nội dung đích thực của giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế của thời đại, để tạo ra sự đồng thuận và nhất trí cao trong toàn thể cộng đồng dân tộc nước ta cho mục tiêu trở thành một nước phát triển.

Với lợi thế của nước đi sau và với vị thế quốc tế và thời cơ nước ta đang có trong tay, con đường của dân chủ và phát triển để trong tương lai sớm nhất trở thành một nước phát triển là sự lựa chọn tối ưu của nước ta. Sự lựa chọn chiến lược này còn là phương án tối ưu nhất và có lẽ là duy nhất cho phép nước ta duy trì và phát huy những lợi thế hiện có của một nền kinh tế đang lên để tận dụng được thời cơ, đồng thời khắc phục được những yếu kém để tạo được khả năng đối phó thành công với mọi thách thức, ngăn ngừa cho đất nước khỏi đi vào nguy cơ đổ vỡ của đa nguyên hỗn loạn.

Quan trọng hơn nữa, vượt qua tất cả những tính toán chính trị và mọi quan niệm đạo đức, lịch sử và điều kiện tự nhiên khách quan ngày nay của thế giới và khu vực tạo ra tình thế Việt Nam đang trở thành vật cản lớn nhất đối với Trung Quốc trên con đường bành trướng không gian sinh tồn xuống phía Nam và trong khu vực Đông Nam Á. Thực tế khách quan này cũng có nghĩa Việt Nam trở thành một trở ngại lớn gần như tất yếu đối với Trung Quốc trên con đường trở thành siêu cường.

Chịu khuất phục bất kể dưới hình thức nào trước sự bành trướng này của Trung Quốc, hay trở thành đối tác được tôn trọng – ĐCSVN với tính cách là đảng cầm quyền sẽ lựa chọn gì cho đất nước?  Còn sự  lựa chọn của dân tộc trong hơn hai nghìn lịch sử của mình cho đến nay là bất di bất dịch. Động lực đưa Trung Quốc trở thành siêu cường là với tất cả sức mạnh của quy mô quốc gia đông dân nhất thế giới vận dụng quyền lực để khai thác mọi nguồn tài nguyên có hạn và không tái tạo được. Đối sách đối với động lực này, thậm chí vượt qua động lực này chỉ có thể là phát huy dân chủ để khai thác nguồn tài nguyên vô tận của cả thế giới là sáng tạo. Đối sách này phải là sự lựa chọn (alternative) của dân tộc ta đứng trước thực tế khách quan của hiện tượng Trung Quốc đang diễn ra và trước những đòi hỏi của hội nhập quốc tế trong thời đại ngày nay.  Như vậy, dân chủ và phát triển để khai thác được nguồn tài nguyên vô tận của cả thế giới trở thành con đường sống của nước ta, thậm chí là con đường sống duy nhất của nước ta trong cục diện thế giới đương đại.  

ĐCSVN đứng trước thách thức lớn nhất và nghĩa vụ lớn nhất  trong lịch sử của mình là phải vươn lên lãnh đạo đất nước tiến bước thành công trên con đường của dân chủ và phát triển. Lựa chọn như vậy sẽ tìm ra con đường. Đảng có trong tay mọi điều kiện thực hiện thắng lợi trọng trách này, kẻ thù duy nhất có thể làm Đảng thất bại chính là sự tha hóa đang tồn tại trong Đảng.

Đứng trước thực tế này, mỗi đảng viên cần tự hỏi mình: Đảng phải lựa chọn gì?: – Giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ để chiến thắng chính mình và để làm tròn nghĩa vụ với dân tộc, hay ươn hèn chịu khuất phục trước những yếu kém của chính mình, cam chịu thất bại trước mọi lấn át của ngoại bang và trước đòi hỏi của thời đại đặt ra cho đất nước?

Trung thành với ý thức hệ duy nhất là lợi ích dân tộc trên hết, ĐCSVN có bề dày kinh nghiệm chiến đấu của bản thân, có mối liên kết máu thịt với dân tộc, có khả năng khai thác kho tàng trí tuệ của văn minh nhân loại – tất cả những yếu tố này cho phép Đảng vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công nước ta trở thành một nước phát triển.

Tinh túy nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh là:
-         Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – độc lập tự do hạnh phúc.
-         Không có gì quý hơn độc lập tự do.
-         Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Bất chấp mọi khăn phía trước – kể cả nguy cơ bước vào thời kỳ khủng hoảng toàn diện của hệ thống nếu tiếp tục để cho tư duy lỗi thời và tha hóa ngự trị đất nước, về cơ bản Việt Nam vẫn có trong tay mọi điều kiện đảo ngược nguy cơ này, và là một nước đang lên. Không  có một lý do gì có thể bắt buộc Việt Nam phải lựa chọn bất kỳ một bước đi nào có thể tổn hại đến độc lập và toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Không một thế lực hay thách thức nào bất kể từ đâu tới có thể ngăn cản Việt Nam trở thành một nước phát triển. Bởi lẽ dân chủ và đại đoàn kết dân tộc sẽ làm nên tất cả.

Là đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, hy sinh phấn đấu với tất cả trí tuệ và bản lĩnh của mình để đưa đất nước trở thành nước phát triển là nghĩa vụ thiêng liêng không thể thoái thác của ĐCSVN trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và trước những thách thức mới của thời đại.

Có thể đây là lần cuối cùng lịch sử đặt lên vai Đảng sự lựa chọn: Gánh vác nghĩa vụ của mình, hay từ chối?./.

Tài liệu tham khảo:

1.     Các bài báo của các báo và tạp chí Neews Week,  New York Times, Financial Times, Far Eastern Economic Review, Asian Times… các tháng 1 đến 6-2009 về Mỹ, Trung Quốc và về khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.
2.     Các bài viết và nói của P. Krugman về khủng hoảng kinh tế thế giới trong các tháng từ 1 đến 6-2009.
3.     Các diễn văn của Tổng thống G. Bush lúc đương chức liên quan đến chiến lược toàn cầu của Mỹ.
4.  Các bài viết của Robert Kagan 2007 – 2009 về chiến lược toàn cầu của Mỹ.
5.  Các văn bản của cuộc họp G20 tháng 4-2009.
6.  Các tư liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố trong các năm 2006, 2007, 2008 và đầu năm 2009.
7.   (1)http://www.viet-studies.info/kinhte/erosion_of_us_power_in_asia·  (2)Biển Đông: Impeccable Affair and Renewed Rivalry in the South China Sea (Jamestown Foundation 30-4-09), ·  (3)Trung Quốc: China ready to join US as world power (Guardian 17-5-09), vân vân…
8.  Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ” Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain   tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội 07/04/2009.
9.  Các báo cáo số 3 và 4, của nhóm nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại đại học Harvard, 2008; các báo cáo về Mỹ và Trung Quốc trong các năm 2008 & 2009 của Nhóm Nghiên cứu.
10.  Trì Hạo Điền "Chiến tranh không xa và chúng ta là bà mụ đỡ đẻ của kỷ nguyên Trung Quốc", xem trên  http://www.peacehall.com/ và http://www.boxun.com/ ngày 23-04-2005.
11.                        TQ khai thác sông Mê Kông và nguy cơ giết chết ĐBSCL 21/06/2009 07  - http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7254/index.aspx
12.  (1)Nguyễn Trung, “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực”, 05-2007;  (2) “Ngã ba 2007”, 12-2007. (3)Nguyễn Trung, “Thân phận công dân thế giới hạng hai”, Hà Nội, mùa thu 2007, tìm trên Google và một số báo khác.
Hết



[1] Krugman, TPHCM, 20 và 21-05-2009, bài học tốt của Hàn Quốc: Xuất khẩu với hàm lượng công nghệ cao luôn luôn là nguồn thu nhập quan trọng hàng đầu cho các nền kinh tế đang lên.
[2] Krugman: cao trào của chủ nghĩa tân tự do bắt đầu từ Reagan – Thacher với “reaganomic”, được đẩy mạnh từ thời Clinton và cao điểm là thời Bush.
[3] Krugman nghi ngai rằng các nền kinh tế Bắc Đại Tây dương sau cuộc khủng hoảng hiện nay có thể mắc “căn bệnh Nhật Bản, căn bệnh Argentina” – nghĩa là đi vào thời kỳ suy thóa kéo dài.
[4] Vỡ bong bóng thị trường tiền tệ phái sinh và thị trường bất động sản tại các nước phát triển, trước hết khởi thủy tại Mỹ năm 2007, làm thiệt hại khoảng ½ giá trị các tài sản trên hai thị trường này. Vì vậy có thể hình dung mức tàn phá của hiện tượng này.
[5] Lần này “quả lắc” của đồng hồ kinh tế thế giới từ “neo-liberalism” đánh đu trở lại sang “neo- Keynes”.
[6] Ví dụ: Để giữ được sự cân bằng sinh thái ở mức như vào đầu thế kỷ 20, người ta tính rằng loài người hiện nay cần phải có tới 5 hay 6 trái đất!
[7] Nhiều lần Mỹ nói sẽ đứng ngoài tranh chấp biển đảo trên Biển Đông, nhưng không để cho ai xâm phạm hành lang thông thương hàng hải Malacca và Đài Loan. Trên thực tế Mỹ thời Clinton và Bush đã không làm gì khi EXON và BP phải rút bỏ những công trình thăm dò khai thác dầu khí trong phần thềm lục địa của Việt Nam mặc dù đã chi phí hàng chục triệu USD. Sự thị uy vũ lực của Trung Quốc trên Biển Đông đang gia tăng: Tầu Impeccable của Mỹ bị tầu chiến TQ thách thức trên Biển Đông tháng 3-2009; sau khi Việt Nam đăng ký vùng đặc quyền kinh tế trên biển và lãnh hải Việt Nam với UB LHQ về biển đảo, ngay lập tức Trung Quốc phản đối và cho tầu chiến Ngư Chính tuần tiễu trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố vùng cấm đánh bắt cá (5-09)… Tham khảo thêm: http://www.viet-studies.info/kinhte/erosion_of_us_power_in_asia·  Biển Đông: Impeccable Affair and Renewed Rivalry in the South China Sea (Jamestown Foundation 30-4-09), ·  Trung Quốc: China ready to join US as world power (Guardian 17-5-09), vân vân…
[8] Tiêu biểu cho chủ nghĩa đơn phương mà cao điểm là thời Bush với “mô hình Mỹ!”, “giá trị Mỹ”, “Cái gì tốt cho nước Mỹ là tốt cho cả thế giới!” (tìm xem các diễn văn của Bush), “Châu Âu là détente! là già cỗi và lỗi thời!” (Robert Kagan), bất  chấp cả tổ chức Liên Hiệp Quốc… Tóm lại, đấy là những quan điểm làm nền tảng cho quyết định  đơn phương tiến hành cuộc chiến tranh Iraq, kể cả vệc tạo ra bằng chứng giả về chiến tranh hóa học, với những mưu đồ lớn có thể đưa Mỹ lên giữ địa vị độc tôn trên thế giới! Có thể nói nhân sự kiện 11 tháng 9 - 2001 Bush đã đánh một canh bạc lớn theo kiểu Mỹ (gần như là “được ăn cả, ngã về không”), đó là làm mọi việc để tiến hành cuộc chiến tranh Iraq. Nước Mỹ Obama từ bỏ quan điểm này, muốn hướng về một nước Mỹ khác thân thiện hơn với thế giới còn lại, muốn chia sẻ nhiều hơn với thế giới còn lại – cả về các giá trị và trách nhiệm. Cũng có thể nói đấy là sự hướng về một nước Mỹ biết điều hơn. Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi: Liệu Obama có thoát được số phận John F. Kennedy? Hoặc: Sự khác biệt giữa lời nói và thực hiện? V… v…
[9] Đã có ý kiến cho rằng Obama đang chơi canh bạc kinh tế. Từ năm 2010 tới 2019, Obama dự đoán thâm  hụt ngân sách liên bang lên tới 7,1 nghìn tỷ USD, chưa kể thâm hụt 1,8 nghìn tỷ trong năm 2009. Tới năm 2019, tỷ lệ nợ liên bang do công chúng nắm giữ so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ đạt 70%, tăng so với 41% năm 2008. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1950 khi tỷ lệ này là 80%. Thâm hụt thời kỳ 2010-2019 sẽ lên tới 9,3 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ/GDP năm 2019 sẽ là 82%. (Theo News Week 05-2009). Như vậy có thể dự đoán thời kỳ hậu khủng hoảng ở Mỹ có thể kéo dài một số năm. Tình hình các nước EU và Nhật cũng khó khăn không kém. Tất cả nói lên những năm tới - với một ý nghĩa nào đó - cũng có thể được coi là cơ hội lớn đối với Trung Quốc (nhất là kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi nhanh hơn). Tất cả những chuyện này liên quan đến nước ta.
[10] G20 đã đt được tho thun cơ bn như sau:
1. Các nước cam kết biến Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thành cơ quan trung gian giám sát và điều hành việc cứu trợ nền kinh tế thế giới; cam kết thực hiện những nỗ lực bền vững cần thiết để khôi phục phát triển kinh tế, hỗ trợ cho vay và cải tổ tiến tới củng cố hệ thống tài chính toàn cầu; cam kết chống mọi hình thức bảo hộ và tiếp tục mở cửa buôn bán và đầu tư; cam kết giúp những nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển đối phó với sự đảo lộn của dòng chảy vốn quốc tế; cam kết đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thêm nguồn tiền tới 750 tỷ USD và tạo thêm khoản 250 tỷ USD cho IMF ở dạng quyền rút đặc biệt (SDR) để giúp các nước nghèo nhất.

2. Việc cải tổ Ngân hàng thế giới và IMF phải được hoàn tất vào 2010. Trong đó có việc đóng góp của các quốc gia cho IMF dựa trên nguồn lực kinh tế theo GDP. Đặc biệt là việc bãi bỏ quyền phủ quyết của Mỹ đối với IMF vào năm 2011. Từng bước sử dụng đồng SDR  trong thanh khoản quốc tế.

Tại G20 lần đầu tiên tổng thống Mỹ, ông Obama thừa nhận trách nhiệm của Mỹ trong cuộc khủng hoảng hiện nay: “căn nguyên của cuộc khủng hoảng kinh tế lần này là sự không hoàn thiện của hệ thống tài chính Mỹ”. Tuy nhiên ông Obama đã ra về với một chiến thắng trọn vẹn đó là việc khẳng định lại một lần nữa vai trò thống soái của đồng đola Mỹ.
Tham khảo: “Thấy gì từ cuộc họp G20”,  http://vitinfo.com.vn/images/nxp3.gif 04-04-2009
[11] Tuy nhiên, Trung quốc đang sử dụng ảnh hưởng và sức ép của mình đòi hỏi các đối tác là những nước đang phát triển (kể cả Việt Nam) thanh toán với nhau bằng bản tệ trong quan hệ thương mại song phương. Ghi chú: Hiện nay kim ngạch nhập khẩu hàng năm của VN từ TQ chỉ bằng >20% kim ngạch xuát khẩu.
[12] Từ hàng thập kỷ nay ngân sách quốc phòng TQ tăng 14 – 17% / năm, song đáng lo ngại nhất cho các nước Đông Nam Á là lưc lượng hải quân Trung Quốc giữ lợi thế áp đảo trong khu vực này. Tuy nhiên TQ thanh minh ngân sách quốc phòng của mình năm 2997 mới chỉ chiếm 1,4% GDP, trong khi đó của Mỹ là 4,6% GDP, Anh 3%, Ấn độ 2,65%, Nga 2,63%, Pháp 2%...
[13] Tìm đọc: Beijing Learns to be a Superpower, Far Eastern Economic Review, Tháng năm 2009 http://feer.com/essays/2009/may/beijing-learns-to-be-a-superpower
[14] Kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cho đến nay, trên con đường vận động của nước ta trong sự vận động chung của thế giới đã xuất hiện nhiều thời điểm bắt buộc nước ta phải lựa chọn bước ngoặt mới, với câu hỏi “Lựa chọn đi về đâu trong thế giới này?”. Song phần lớn những thời cơ cho việc lựa chọn bước ngoặt mới đã bị bỏ lỡ. Nguyên nhân có nhiều, song chủ yếu vì Việt Nam không tự dứt ra được khỏi “con đường định mệnh” đi lên chủ nghĩa xã hội! Con đường định mệnh này được hình thành trong bối cảnh lịch sử nhất định – nghĩa là do sự áp đặt gần như bất khả kháng của bối cảnh quốc tế bên ngoài và do những điều kiện chủ quan của chính mình – và về sau này được nuôi dưỡng bởi sự tha hóa của lực lượng lãnh đạo cách mạng là ĐCSVN. Ngày nay con đường định mệnh này trở thành sự nô dịch. Nhìn lại, tính riêng từ 30-04-1975 cho đến nay, hai thời cơ lớn nhất đã bị bỏ lỡ, hai sai lầm chiến lược, đó là: (1)Không hoàn thành sự nghiệp thống nhất dân tộc ngay sau khi đã thống nhất đất nước; (2)Không tìm cách trở thành một quốc gia độc lập không phụ thuộc vào bất kỳ ý thức hệ nào và không phải “đi” với bất kỳ cường quốc nào (mà là “đi” với cả thế giới) khi phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Không thể làm lại lịch sử, nhưng bài học thì cần phải rút ra. Sẽ bàn kỹ hơn vấn đề này trong các phần sau hoặc các dịp khác.
[15] Tìm xem: “Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ” Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội 07/04/2009: “…Giờ đây, công việc khó khăn nhất bình thường hoá quan hệ đã lùi lại phía sau. Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hoá quan hệ song phương sang hiện đại hoá những liên kết giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới…   Đã đến lúc cần có bước đi mới…Việc tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai nước không nên chỉ vì sự chuyển đổi kinh tế chưa từng thấy của Việt Nam và tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước trong hai thập kỷ qua, mà còn vì sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế mang tính lịch sử từ phương Tây về châu Á…Và trong kỷ nguyên này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò hếtsứcquantrọng”.
 


[16] Rõ nét nhất là (1)sự phát triển kinh tế năng động của khu vực châu Á; (2)hầu hết các đối tác của Việt Nam – đặc biệt là các nước Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ… - đều muốn có một nước Việt Nam phát triển mạnh bên cạnh cái công xưởng thế giới.
[17] Tìm xem loạt bài “Thời cơ vàng, hiểm họa đen” của Nguyễn Trung trên các báo trong nước tháng 1-2006.
[18] Tham khảo thêm: Biểu 1
            Tăng trưởng GDP        Tỷ lệ lạm phát              Chỉ số ICOR
2006          8,17%                          7,7%                           5,0 lần
2007          8,48                           12,6                              5,2
2008         6,23                           22,97                     6,9            
Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Chú ý: Chỉ số ICOR thời kỳ 2000 – 2006 là 5,0. Một số chuyên gia đánh giá chỉ số ICOR 2008 cho toàn bộ nền kinh tế nếu tính đủ là <7, và riêng cho khu vực nhà nước là <8 hoặc 2 con số, trong khi đó của khu vực tư nhân  là 3,2, của khu vực FDI là 5,2. Trong khu vực Đông Nam Á và Trung quốc chỉ số ICOR hiện nay phổ biến là 3 hoặc >3. Chỉ số ICOR rất cao của kinh tế Việt Nam trong một thời gian quá dài mà nền kinh tế vẫn ngày càng tích tụ thêm “thắt cổ chai” (ách tắc) cho thấy: (a)hiệu quả chung của toàn bộ kinh tế giảm sút; (b)tăng trưởng chủ yếu nhờ đầu tư mới chứ không phải nhờ vào công nghệ và năng suất lao động (bao gồm cả năng lực quản trị quốc gia; (c)tham nhũng ngày càng gia tăng, thất thoát trong đầu tư mới ngày càng lớn. Nhìn vào năng lực cạnh tranh của từng sản phẩm càng thấy rõ hiện tượng này. Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Ngã ba 2007” trong cuốn Tìm xem trong cuốn: “Bàn về công tác kế hoạch hóa ở nước ta trong thời kỳ đổi mới” – do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xuất bản, Hà Nội tháng 7 – 2008, trang 288 – 320 và trên Tuần Việt Nam – VNN 02-2008.

[19] Cho đến nay chưa có một điều tra hay thống kê chính thức những tổn thất trên hai thị trường này, mặc dù đó là việc phải làm. Chỉ biết rằng tháng 10-2007 chỉ số chứng khoán TPHCM vượt mức 1100 điểm và của Hà Nội vượt mức 350 điểm; trong quý I – 2009 hai chỉ số này chạm đáy ở mức 300 điểm và 100 điểm; trong khung thời gian nói trên giá cả trên thị trường bất động sản giảm sụt khoảng 50%.
·         [20] Tính chất vận động hiện nay của nền kinh tế nước ta rất đáng lo ngại. Hiện tượng nổi bật nhất là trong 10 năm trở lại đây, nhìn chung là từ cuối nhiệm kỳ Đại hội VIII, có xu hướng các vấn đề kinh tế trầm trọng xảy ra với tần xuất ngày một cao hơn, mang tính chất nóng bỏng và trầm trọng hơn, hoặc thậm chí có khi đột biến, như lạm phát rất nhanh nhảy vọt lên 2 con số, ào ạt vỡ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, cao trào các tập đoàn kinh tế lũng đoạn mạnh (điển hình là sự ra đời các ngân hàng riêng của các tập đoàn và những quyết định kinh tế khó hiểu của Chính phủ)… Một trong các ví dụ nổi bật là vấn đề sân golf, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa nhận: Trong vòng 2 năm nay kể từ khi phân cấp cấp phép dự án sân golf cho địa phương số lượng đã bùng nổ gấp 3 lần so với 14 năm Trung ương quản lý, hiện cả nước có 166 sân golf – cao gấp 10 lần mức bình quân trên thế giới; đa số dự án sân golf là trá hình, trung bình mỗi sân hơn 300 ha, mức đất cao gấp 3 lần quy định… Khi Quốc hội chất vấn việc xé lẻ chương trình khai thác bô-xít để “lách” luật, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời: chia ra các dự án không phải ý kiến của Bộ Công thương và Bộ không có thẩm quyền làm việc này (vậy ai có thẩm quyền?)... Ngẫm nghĩ, bức tranh chấm phá vài nét về hiện trạng kinh tế kinh tế nước ta như vừa nêu trên đủ cảnh báo nghiêm khắc nguy cơ phía trước.
[22] Vấn nạn là ở chỗ người Hoa vào ồ ạt bất hợp pháp, trái hẳn với quy định hiện hành.
[23] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực”, 05-2007; và “Ngã ba 2007”, 12-2007.
[24] Tham khảo: Báo cáo số 4, của nhóm nghiên cứu kinh tế Việt Nam tại đại học Harvard, 2008.
[25] Tham khảo: Nguyễn Trung, “Thân phận công dân thế giới hạng hai”, Hà Nội, mùa thu 2007, tìm trên Google và một số báo khác.
[26] Chiếm một số đảo của ta ở Trường Sa năm 1988, bắn giết ngư dân, gây sức ép các hãng BP và EXON phải hủy các hợp đòng thăm dò dầu khí đã ký với ta, tiếp tục nêu yêu sách “lưỡi bò” trên Biển Đông, hiện nay tuyên bố vùng cấm đánh cá từ 16-05-2009 đến 1-08-2009 kinh độ 170 Đông xuống tận vỹ tuyến 12; có lúc đã đưa tầu quân sự đánh đuổi tầu cá của ta trong vùng biển của ta chỉ cách bờ 65 hải lý… khiến hàng nghìn ngư dân của ta thất nghiệp và khốn đốn… Ngoài ra các đập thủy điện lớn của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong đang là mối nguy lớn cho đồng bằng song Cửu Long (tình trạng hiếu nước ngọt và hiện tượng nhiễm mặn gia tăng). Cũng phải nêu lên đầu tư của Trung Quốc đã chiếm lĩnh nhiều vị trí và địa thế quan trọng trên đất liền (tại nhiều nơi trong cả nước và trên đảo (vấn đề Mũi Sa Vĩ ở Quảng Ninh…), với sự hiện diện của khoảng 75.000 lao động TQ, phần đông là bất hợp pháp và không có tay nghề. Cách “giao thiệp” (khái niệm quá mềm yếu trong ngoại giao thế giới) ngày 04-06-2009 của thứ trưởng ngoại giao Hồ Xuân Sơn với đại sứ Trung Quốc để “đề nghị” Trung Quốc không cấm đánh bắt cá trong vùng biển của ta và cách trả lời ngày 09-06-2009 của người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói cấm đánh bắt cá ở toàn Nam Hải bao gồm cả Hoàng Sa và Trường là cần thiết, “Lệnh cấm đánh cá ở  Nam Hải là không thể bàn cãi” (THX) cho thấy nỗi nhục lớn của nước ta. Cũng nên xem cách phản ứng của Philippines về lệnh cấm đánh cá này để suy nghĩ.  Đảng nhu nhược như vậy thì vừa mất lòng dân, vừa không thể giữ được “đại cục” trong quan hệ với Trung Quốc.
[27] Tìm xem các báo điện tử chính thống của Trung Quốc tháng 5-2009.
[28] Loại trừ những người hay những việc làm có dụng ý đục nước béo cò, dư luận chính đáng trên thế giới, bao gồm cả chính giới, nói thẳng ra họ không sao hiểu nổi phản ứng nhu nhược hay nhẫn nhục của Việt Nam trước những sự kiện như hải quân TQ chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988, bắn giết ngư dân Việt, gây sức ép đuổi các công ty dầu khí Anh Mỹ đang hợp tác  thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam, tự ý đặt vùng cấm đánh bắt cá ngay cả trong vùng biển của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 8-2009… Nhiều người nước ngoài có tên tuổi đặt câu hỏi: Tại sao những thanh niên biểu tình chống Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào Tam Sa bị đối sử nghiêm khắc? Vấn đề đàm phán biên giới trên bộ? V… v…  Luồng dư luận này cho rằng: Hai vũ khí mạnh nhất của Việt Nam là lòng dân và công luận chính nghĩa trên thế giới, song vì e ngại Trung Quốc và vì sợ dấy lên trong nước phong trào dân chủ, nên cả hai vũ khí này Đảng đều không tận dụng được, khác hẳn với thời tiến hành hai cuộc kháng chiến lớn chống Pháp và chống Mỹ!...
[29] Xin lưu ý: Cuộc khủng hoảng toàn diện hệ thống của Liên Xô bắt đầu từ đầu thập niên 1960 (thời Nikita Khrutchev). Cuộc khủng hoảng này kéo dài 4 thập kỷ, bao gồm nhiều thời kỳ thăng trầm. Đó là một quá trình phát triển - suy sụp theo mô hình “răng cưa”, kết thúc bằng sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Cuộc khủng hoảng toàn diện hệ thống này xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản của cấu trúc hình thành Liên Xô và “thế giới” Liên Xô – Đông Âu. Chiến tranh lạnh và các tác nhân khác từ bên ngoài, đặc biệt là cuộc chạy đua vũ trang Xô-Mỹ, chỉ là các nhân tố tăng thêm tính bi kịch và gay gắt của cuộc khủng hoảng này, chứ không phải là các tác nhân quyết định. Friedrich Hayek (Anh) trong các bài viết 1945 và1955 phê phán  những khuyết tật của kế hoạch kinh tế tập trung quan liêu ở Liên Xô, là một trong những người sớm nhất dự báo về sự sụp đổ sẽ đến của Liên Xô là (xem trong Hayek “The Use of Knowledge in Society” -1945, và sau đó Hayek, trong “The Counter-Revolution of Science” 1955). Đầu thập kỷ 1960 Peter Drucker cũng nêu lên dự báo tương tự về sự sụp đổ trước sau sẽ diễn ra của Liên Xô, với cùng một lý do. Riêng ở nước ta cuộc hoảng dẫn tới đổi mới 1986 kéo dài 10 năm trong những điều kiện rất đặc thù, trước đó không tính vì đất nước chưa thống nhất và có chiến tranh.
[30] Có không ít ý kiến cho rằng có lẽ đành chịu để cho Trung Quốc nô dịch, thôn tính, rồi dân ta mới lại tỉnh ngộ và vùng lên ra khỏi tình trạng ươn hèn hiện nay. Thật chua chát! Nên nghĩ kỹ điều này.
[31] Có sự khác biệt rõ ràng giữa chủ nghĩa xã hội đích thực và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa như được viết ra trong các văn kiện chính thống của Đảng. Vậy chủ nghĩa xã hội đích thực là gì? Cho đến nay hình như khó có sự giải thích nào về chủ nghĩa xã hội đích thực đầy đủ hơn là câu nói của Marx: Tự do của mọi người là điều kiện phát triển và tự do của mỗi người! Hiểu theo tinh thần Marx như vậy, loài người cho đến nay đã đạt được nhiều thành quả của chủ nghĩa xã hội đích thực, thể hiện qua những thành tựu phục vụ con người như tại các nước Bắc Âu, các nước phát triển, một số nước đang phát triển… Phải chăng cũng có thể nói chủ nghĩa xã hội đích thực khác với tư duy ý thức hệ xã hội chủ nghĩa trước hết ở điểm mấu chốt là không coi chế độ công hữu là duy nhất hay chủ đạo, điều này cũng có nghĩa phải thừa nhận đa nguyên, sẽ bàn kỹ tại các phần sau và các dịp khác.
[32] Thái độ của Mỹ “khoanh tay” đứng ngoài tranh chấp biển đảo trên Biển Đông như hiện nay đang khích lệ Trung Quốc. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ thay đổi thái độ này nếu TQ có những bước đi thái quá hoặc khi xảy ra biến cố mới có liên quan.
[33] Nếu vì những lý do chính trị đối nội và đối ngoại, gọi con đường của dân chủ và phát triển ấy là định hướng xã hội chủ nghĩa, hơn thế nữa: coi con đường của dân chủ và phát triển chính là nội dung đích thực của định hướng xã hội chủ nghĩa, là một bước phát triển mới lý luận của Đảng, sẽ không có gì trái, thậm chí càng danh chính ngôn thuận. Giương cao ngọn cờ định hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung là con đường của dân chủ và phát triển có thể xem là một sáng tạo mới của Đảng, nếu Đảng có bản lĩnh lựa chọn như vậy, hành động như vậy, dứt khoát không coi đây là vấn đề từ ngữ.
[34] Đề nghị Đảng chỉ thị các cơ quan nghiên cứu của mình tổ chức nghiên cứu tình hình  thực hiện Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ như đang diễn ra, kiến nghị nội dung đổi mới thể chế chính trị hiện có - kể cả việc sửa đổi Hiến pháp - để hình thành một thể chế toàn diện là kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự làm nền tảng cho việc thực hiện Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nói đổi mới như thế hệ thống chính trị là nội dung cụ thể của dân chủ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước trước hết đó là thực hiện mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân trong khuôn khổ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, có nhà nước pháp quyền văn minh, có quyền làm chủ của nhân dân trong một xã hội dân sự được xây dựng trên nền tảng của sự phát triển ngày càng văn minh thịnh vượng, nhất thiết đó là dân chủ của trí tuệ, của giáo dục và văn hóa, của các giá trị đạo đức xã hội và truyền thống dân tộc, của nhà nước pháp quyền; dứt khoát không thể chấp nhận dân chủ theo kiểu bầy đàn, dân chủ của đám đông, dân chủ của kích động,...Thành tựu văn minh nhân lọai, trí tuệ, lợi thế nước đi sau, khả năng hợp tác… tất cả những điều kiện này cho phép thiết kế và thực hiện ở nước ta một nền dân chủ như thế; điều kiện cốt lõi là có được lực lượng chính trị đủ sức lãnh đạo nhân dân xây dựng nên một nền dân chủ như thế. Tại sao Đảng không vươn lên trở thành lực lượng lãnh đạo nhân dân đang mong đợi này? Cũng có thể gọi đấy là dân chủ của phát triển có lãnh đạo, đối lập hoàn toàn toàn với dân chủ của hỗn loạn.

[35] Như đã nêu trong vấn đề thứ (8) đặt ra cho Đại hội XI (xem phần II của bài này).
[36] - Hỏi: Thế còn “định hướng xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa xã hội”?
- Trả lời: Trên thực tế hiện nay chúng ta thấy giữa một bên là những nội dung tốt đẹp (tốt đẹp đến mức trở thành khát vọng đời đời của nhân loại) được đưa vào những cụm từ này và một bên là cuộc sống thực của đất nước khác nhau một trời một vực. Nghĩa là nói được mà không làm được, bởi 2 lẽ chủ yếu: (1)nội dung đưa vào những cụm từ này quá chung chung – nghĩa là còn ở mức ý tưởng, đã thế lại có nhiều khoảng trống cho sự vận dụng tùy tiện (ví dụ nhân danh giữ vững “ĐHXHCN” hầu như có thể làm bất cứ việc gì Đảng muốn; nhà nước pháp quyền ĐHXHCN như hiện nay trên thực tế không phải là nhà nước pháp quyền với đúng nghĩa của nó (mà trở thành một công cụ nhà nước của Đảng), lại càng không phải là nhà nước pháp quyền thể hiện đầy đủ tính pháp quyền và tính dân chủ, v… v… (2)những thiết chế được hình thành trên thực tế trong hệ thống kinh tế-chính trị của đất nước không thực hiện được hoặc không bảo đảm thực hiện được những điều tốt đẹp được đưa vào khái niêm “ĐHXHCN”, “CNXH”… Cho nên vấn đề ở đây không phải chi là cái tên gọi. (3)Rất nên xây dựng quan điểm và lý luận coi con đường của dân chủ và phát triển là nội dung định hướng xã hội chủ nghĩa như đã trình bầy trên.
[37] Về lý luận cũng như về thực tiễn có rât nhiều vấn đề phải bàn liên quan đến định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng nên phát huy trí tuệ của cả nước mổ xẻ những vấn đề này. Trung Quốc phải đề ra chủ nghĩa xã hội sắc thái Trung Quốc để tự thoát khỏi mô hình của chủ nghĩa xã hội đã từng được dựng lên dưới ngọn cờ tư tưởng Mao Trạch Đông và chủ nghĩa (có lúc nói là học thuyết) Mác (không có Lênin). Đấy là cách biểu thị khôn ngoan chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc – nói cho đúng hơn là chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc - được thiết kế cho thời đại ngày nay với cái tên gọi hiện đại. Chủ nghĩa xã hội được hình thành như thời kỳ có hệ thống thế giới XHCN và phong trào CS&CN quốc tế ngày nay không còn nữa trong các nước LXĐÂ, càng không có một phong trào của CNXH như một thời của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tại Cuba và Bắc Triều Tiên hiện nay không có gì liên quan đến chủ nghĩa xã hội như được định nghĩa trong cương lĩnh 81 Đảng (Moscow tháng 11-1960). Tại Việt Nam: phải đề ra khái niệm định hướng xã hội chủ nghĩa để thích nghi với thực tại, chủ nghĩa Mác-Lênin như đang được hiểu thực chất là một phiên bản của chủ nghĩa Stalin, nghĩa là có nhiều điều rất khác so với học thuyết và lý luận của Marx. Cuộc sống nước ta ngày nay đòi hỏi phải căn cứ vào sự vận động thực tại của cả thế giới để tìm ra con đường phát triển tối ưu và phù hợp nhất cho nước mình, tìm chỗ đứng xứng đáng trong một thế giới thực tại mà nước ta đã hội nhập toàn diện, chứ không thể đơn thuần dựa trên một định hướng nào đó chủ quan, mơ hồ, tách khỏi quy luật vận động khách quan của phát triển và thế giới chung quanh.
[38] Trong các hệ quả, trước hết phải nêu lên sự lạc lõng về tư duy, những kết quả không yên tâm về đào tạo con người của một nền giáo dục (kể cả trong Đảng và ngoài xã hội) có nhiều sai lầm nghiêm trọng kéo dài từ khi đất nước thống nhất, sự diễn biến lâu năm và nghiêm trọng của các thang giá trị đạo đức và xã hội, sự tha hóa tất yếu của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước kém phát triển… Bao chùm lên tất cả là khó mà hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020, thành tựu đạt được như vậy là đắt so với cái giá phải trả (có phát triển nhưng chất lượng thấp, không bền vững) và là rất chậm so với các NICs, càng phát triển càng nhiều ách tắc mới nan giải, chưa chuẩn bị được cơ cấu kinh tế mới để chuyển sang phát triển theo chiều sâu…
[39] Cải cách giáo dục thành công là một đòi hỏi không thể thiếu để xây dựng Việt Nam trở thành một nước phát triển, sẽ là yếu tố quyết định sâu sắc nhất sự phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21. Cải cách giáo dục như vậy ngoài việc phát huy con người Việt Nam với tính cách là người chủ và nguồn lực quý báu nhất của đất nước, nhất thiết phải bao hàm việc phục hồi, nuôi dưỡng và phát huy các giá trị đạo đức và truyền thống văn hóa, xã hội tốt đẹp của dân tộc ta, khắc phục triệt để sự tha hóa và mọi hiện tượng phản văn hóa như mê tín, dị đoan, nói dối, ngu dân… đang hoành hành trong đời sống tinh thần và xã hội nước ta. Với ý nghĩa như vậy, cải cách giáo dục phải được coi là một nhiệm vụ trung tâm của toàn bộ hệ thống chính trị và của cả nước. Với ý nghĩa nào đó, cải cách giáo dục như vậy thực sự là một cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức, phải khởi đầu từ một cuộc cách mạng tinh thần và đạo đức trong toàn bộ hệ thống chính trị và trong thượng tầng kiến trúc xã hội. Nhiệm vụ này để bê trễ quá lâu một cách nguy hiểm, đã hình thành những khuyết tật hay nếp văn hóa tai hại rất khó sửa.
[40] S kiện cựu tổng thống Roh Moo Huyn tự tử ngày 23-05-2009 vì ăn năn về vấn đề tham nhũng và việc nhân dân cả nước Hàn Quốc làm tang lễ dành cho ông ta là một sự kiện buồn, song nói lên phẩm giá rất đáng trân trọng của một dân tộc, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.
[41] Gọi Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa là một cách gọi, mang tính ý thức hệ. Song thực chất đấy có phải là một nước XHCN hay không  - về đối nội, về đối ngoại – thì sẽ phải hoặc là (a)đưa vào cụm từ XHCN ở đây (của Trung Quốc) những nội dung hầu như không hoặc rất ít dính dáng gì đến XHCN hay CNXH như lâu nay vẫn được hiểu trong kinh điển, hoặc là (b)phải coi tĩnh từ này là đồ trang sức. Ngoại trừ 2 vấn đề là (a)quốc gia này do ĐCS lãnh đạo, (b)thành phần công hữu còn chiếm tỷ trọng cao cơ cấu kinh tế quốc dân là mang đặc thù một nước XHCN; trong khi đó Trung Quốc thuộc nhóm các quốc gia đứng đầu thế giới về sự chênh lệch giầu nghèo và về bất công trong phân bổ thu nhập; giữa nông thôn và thành thị chênh lệch rất lớn về trình độ phát triển; năm 2005 có gần 200 triệu dân sống trong các khu nhà ổ chuột; nước sạch thiếu trầm trọng và môi trường ô nhiễm ngày càng nặng nề, các vụ khiếu kiện lớn của nông dân mỗi năm một tăng mạnh với mức độ ngày càng quyết liệt – năm 2005 đã lên tới 870.000 vụ, chủ yếu vì nguyên nhân đất đai; sự bùng nổ phản ứng xã hội ở Trung Quốc ngày càng tiềm tàng trong nông dân và trong giới trí thức; mô hình tư bản tư nhân và tư bản nhà nước ở Trung Quốc đã phát triển rất xa, hình thành các tập đoàn lớn tầm cỡ quốc tế; đã vận lối kinh doanh theo chủ nghĩa thực dân ở châu Phi và nhiều nơi khác…  Tóm lại cái giá Trung Quốc phải trả cho phát triển rất lớn.  Song điều thiết thực nhất đối với nước ta là các bài học nước ta có thể rút ra trong quan hệ ngoại giao và hợp tác giữa hai nước.
[42] ĐCS Trung Quôc tranh giành vai trò lãnh đạo với ĐCS Liên Xô trong những năm đầu của thập kỷ 1950 thực chất là tranh giành giương cao ngọn cờ Trung Quốc – đó chính là chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa vào thời kỳ ấy mang mầu sắc của chủ nghĩa cộng sản, trước hết vì chính bản thân Trung Quốc.
[43] Riêng thời Giang Trạch Dân, lãnh dạo Trung Quốc còn mời các học giả nước ngoài nghiên cứu, thảo luận, tổ chức hội thảo khoa học nhiều lần xung quanh chủ đề: Sự trỗi dậy và tàn lụi của các đế chế trong lịch sử nhân loại.
[44] Tham khảo thêm: Trì Hạo Điền "Chiến tranh không xa và chúng ta là bà mụ đỡ đẻ của kỷ nguyên Trung Quốc", xem trên  http://www.peacehall.com/ và http://www.boxun.com/ ngày 23-04-2005. Diễn văn này điển hình cho cách tư duy của người Trung Quốc: Mục tiêu biện minh cho mọi biện pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét