Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Hà Nội, ngày 03-10-2012
Nguyễn Trung

                                      Kính gửi
-         Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư BCHTƯ Đảng Cộng Sản Việt Nam
-         Các Ủy viên Bộ Chính trị BCTƯ ĐCSVN
-         Các Ủy viên BCHTƯ ĐCSVN đang họp Hội nghị Trung ương 6 khóa XI

Kính thưa các Đồng chí,
          Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đề ra vấn đề tự phê bình và phê bình (TPB&PB), nhằm bước đầu khắc phục những yếu kém và tha hóa trong Đảng đã đến mức thách thức sự mất/còn của Đảng và của chế độ chính trị (như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định). Đây là quyết định đúng, không mới, song làm thành một đợt quy mô, từ trên xuống.

          Tôi không được biết kết quả cụ thể đợt TPB&PB lần này ở Bộ Chính trị như thế nào, vì không có thông báo nào cho dân. Tuy nhiên, qua những tin tức thông báo trên TV, nhất là những thông báo mang tính chất đưa tin về các đợt sinh hoạt TPB&PB của đảng ủy ở các cấp Bộ, Ban, Ngành và tỉnh/thành phố.., tôi suy ra đợt TPB&PB lần này ở tất cả mọi cấp lãnh đạo chủ yếu nằm vào kiểm điểm những yếu kém cá nhân những người có cương vị trong hệ thống cầm quyền của đất nước. Làm như thế là cần thiết. 

Tuy nhiên, không có những thông tin cụ thể cho biết đợt kiểm điểm cá nhân này sâu sắc như thế nào, đạt kết quả gì. Những thông báo theo kiểu đưa tin cho thấy đợt TPB&PB lần này không coi việc kiểm điểm đúng/sai của đường lối chính sách và của hệ thống chính trị là trọng tâm, mặc dù những sai lầm của đường lối chính sách và của hệ thống chính trị là những nguyên nhân gốc, có ý nghĩa quyết định chủ yếu – (rồi mới đến những yếu kém của các cá nhân có chức có quyền) – trong việc gây ra tình hình nguy hiểm cho đất nước hiện nay.

Vì thế, việc kiểm điểm cá nhân lần này dù kết quả đến mức nào, nhưng nếu không đồng thời vạch ra những yếu kém và sai sót của tư duy, quan điểm, đường lối chính sách và hệ thống chính trị, thì không giải quyết được cái gốc của vấn đề. Sau đợt kiểm điểm cá nhân lần này như vậy, nếu vẫn giữ nguyên Đảng và hệ thống chính trị như hiện nay, chắc đến một lúc nào đó, rồi mọi bệnh tật vốn có sẽ lại tái diễn, nhưng càng về sau sẽ càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn.  

Dẫn chứng cụ thể là: Kể từ sau khi hoàn thành giành lại độc lâp và thống nhất đất nước, thực tế đang diễn ra là chất lượng của hệ thống chính trị, của Đảng và của đảng viên cứ sau mỗi khóa Đại hội toàn quốc lại suy giảm một nấc trầm trọng, mặc dù công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó có vấn đề TPB&PB, luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu trong Đảng. Không biết bao nhiêu công sức đã bỏ ra cho nhiệm vụ này. Trong công tác nhân sự - nhất là nhân sự ở những cấp bậc quan trọng chủ chốt – cũng không một lúc nào thiếu vắng những tiêu chuẩn và quy định khắt khe. Tuy nhiên cho đến nay, nghị quyết của Đảng và thực tế cuộc sống cứ  luôn đối nghịch nhau như nước với lửa.

Với tư duy, quan điểm đường lối chính sách và hệ thống chính trị hiện hành, cuộc sống thực tế của đất nước đang cho thấy:
-  từ nhiều năm nay trong toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước cái xấu đang ngày càng lấn át cái tốt;
-   những giá trị tiêu cực trong đời sống đang lũng đoạn đất nước ngày càng trầm trọng về mọi mặt, thậm chí đã và đang hình thành những thứ văn hóa bệnh hoạn, với những hệ quả rất lâu dài cho tương lai;
-    người tốt hoặc bị mai một, hoặc bị loại bỏ, hoặc phải quy phục cái xấu;
-   cái giả dối và cái ác đang ngự trị toàn xã hội; sự bưng bít thông tin, cái gọi là thực hiện sự “quán triệt lề phải” và lối “tô hồng sự việc”…  trên thực tế đã trở thành chính sách ngu dân đang hàng ngày hàng giờ làm trầm trọng thêm toàn bộ tình trạng đất nước như vừa trình bầy trên;
-    vân vân…

Lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật vừa nêu trên, lại quay ra đổ lỗi cho cơ chế kinh tế thị trường; mọi phê phán hay phản kháng của cái tốt chống lại cái xấu đều bị quy kết là sự suy đồi đạo đức chính trị và tư tưởng; những giá trị của văn minh nhân loại về tự do, dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường, về kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự… đều bị coi là nọc độc của diễn biến hòa bình, vân vân...

Đau lòng nhất là từ nhiều năm nay đã tiến hành với tất cả nỗ lực có thể có trong cả nước việc học tập tấm gương và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, song những năm vừa qua lại là thời kỳ đất nước phải chịu đựng nhiều nhất sự băng hoại toàn diện các giá trị đạo đức chân chính; tham nhũng tiêu cực diễn ra trong những năm vừa qua là trầm trọng nhất; đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước lâm vào khủng hoảng sâu sắc; đà phát triển năng động của đất nước bị chặn đứng. Những yếu kém và tha hóa đang diễn ra chẳng những  thách thức sự tồn tại của Đảng, của chế độ chính trị, mà còn làm giảm sút nghiêm trọng khả năng gìn giữ an ninh và chủ quyền quốc gia.

Nói riêng về kinh tế, trong 27 năm đổi mới, nước ta đã thu hút được khoảng 200 tỷ USD nguồn lực từ bên ngoài (bao gồm FDI, kiều hối, ODA, các viện trợ kỹ thuật, các viện trợ nhân đạo khác.., hiếm có một nước nào có được thuận lợi to lớn như vậy), đất đai và tài nguyên quốc gia đã bán đến mức gần như cạn kiệt, môi trường tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng, nhân dân cả nước lao động gian khổ, hàng triệu lao động phải đi kiếm việc làm ở nước ngoài.., thế mà đến hôm nay nước ta vẫn là một nước nghèo, nợ nần nhiều, các thành tựu đạt được còn rất thấp so với các quốc gia đã từng có cùng một thời kỳ phát triển ban đầu tương tự như của nước ta.

Đặc biệt đáng lo ngại là: Sau gần 3 thập kỷ đổi mới, thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều rộng đã kết thúc; yêu cầu phát triển tự thân của đất nước cũng như sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường quốc tế đặt ra cho nước ta đòi hỏi gay gắt phải chuyển nền kinh tế nước ta sang thời kỳ phát triển theo chiều sâu. Thế nhưng từ 5 năm nay kinh tế nước ta lâm vào một cuộc khủng hoảng cơ cấu sâu sắc, đến nay chưa có lối ra. Nhiều dự báo tin cậy cho thấy phải nỗ lực quyết liệt trong vài năm tới mới có thể ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Nói khái quát, đấy là những ách tắc và bất cập nhiều mặt trong toàn bộ nền kinh tế, với hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa từ vài năm nay phải đóng cửa hay giải thể; khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả nghiêm trọng, chiếm khoảng 70% toàn bộ vốn của cả nền kinh tế nhưng chỉ làm ra 1/3 của cải cho xã hội và chiếm 70% tổng nợ xấu của cả nước. Nền kinh tế đang ẩn chứa quá nhiều các quả bom nổ chậm, đó là lạm phát cao đang có nguy cơ quay trở lại, nợ công ngày càng khó kiểm soát, là những hiện tượng vỡ bong bóng gần như thường xuyên trong thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán, là những rối loạn và tỷ lệ nợ xấu rất cao của ngành ngân hàng, là những xí nghiệp hay công trình kinh tế trọng điểm quốc gia kém chất lượng với triển vọng đất nước phải trả giá đắt - trong đó có bô-xít Tây Nguyên, các xí nghiệp khai thác titan khắp ven biển miền Trung, thủy điện Sông Tranh 2, các nhà máy nhiệt điện và những công trình kinh tế quan trọng khác do Trung Quốc trúng thầu, nạn cho thuê đất thuê rừng, kinh tế Việt Nam về nhiều mặt đang có nguy cơ trở thành bãi thải của kinh tế Trung Quốc...

Quả bom nổ chậm lớn nhất hiện nay trong nền kinh tế nước ta là sự tổng hợp của (a)tình trạng tích tụ những ách tắc nhiều mặt phát sinh từ cơ cấu kinh tế không còn phù hợp, (b)cộng hưởng với sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích nhiều khi mang tính chất mafia, và (c)sự bất cập và tha hóa ngày càng gia tăng của toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy quản lý của một nhà nước đảng trị. Tình hình sẽ trở nên nhậy cảm và nguy hiểm hơn bao giờ hết nếu kinh tế nước ta bị chấn động lớn từ bên ngoài hoặc đất nước xảy ra thiên tai lớn. Cần lưu ý chưa bao giờ kinh tế nước ta lệ thuộc, dễ bị chấn thương như bây giờ. Quả bom nổ chậm lớn nhất này có nguy cơ tiêu vong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Đáng lo ngại hơn nữa là toàn bộ những tiền đề trọng yếu phải đáp ứng cho thời kỳ phát triển kinh tế theo chiều sâu như (1)kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật, (2)chất lượng nguồn nhân lực (bao gồm cả đội ngũ trí thức và cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý), (3)năng lực quản trị quốc gia, hệ thống luật pháp và bộ máy điều hành đất nước, (4)sự phát triển của giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, (5)năng lực tổ chức của xã hội… chẳng những không được chuẩn bị trước cho phù hợp với những đòi hỏi của giai đoạn phát triển mới này, mà đều ở trong tình trạng hẫng hụt nghiêm trọng. Mục tiêu hoàn thành, hay cơ bản hoàn thành Việt Nam là một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 coi như thất bại, không thể đổ lỗi thực tế này cho bất kỳ nguyên nhân bên ngoài nào.

Đất nước đang đứng trước một nghịch lý: Thu nhập tính theo người dân hiện nay tăng khoảng 10 - 12 lần (tùy theo cách tính) so với khi bắt đầu công cuộc đổi mới, song đời sống mọi mặt của đất nước ngày càng nhiều bất cập và tiêu cực; mất công bằng xã hội và chênh lệch giầu nghèo ngày càng gia tăng; nhiều quyền của nhân dân bị vi phạm nghiêm trọng không kém gì thời Pháp thuộc; cuộc khùng hoảng về giáo dục và văn hóa sâu sắc chưa từng thấy; hệ thống chính trị ngày càng mang nặng tính quan liêu ăn bám, đồng thời sự mục ruỗng của nó ngày càng nguy hiểm khó bề cứu vãn; lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ giảm sút hẳn so với khi bước vào đổi mới... Tiềm lực đất nước tăng nhiều so với khi bắt đầu công cuộc đổi mới; song kể từ sau khi hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập và thống nhất, chưa bao giờ đất nước lại thiếu ổn định và có nhiều mối lo bất an như ngày nay; khả năng đối phó với các thách thức từ bên ngoài - kể cả trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc - ngày càng nhiều bất cập.

Nói thêm về Đảng, trong toàn bộ lịch sử của mình, ĐCSVN hiện nay đang ở thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất về tư tưởng, đường lối và tổ chức; những yếu kém và tha hóa trong Đảng ngày càng nhiều và đang thay đổi sâu sắc bản chất chính trị của Đảng. Nhiều tổ chức của Đảng hoặc bất cập, thoái hóa, hoặc gần như tê liệt; Đảng hầu như bế tắc và mất hẳn tính tiền phong chiến đấu trong rất nhiều vấn đề sinh tử của đất nước. Trong hệ thống chính trị hiện nay, dần dà nhà nước của dân do dân vì dân trên thực tế bị biến cách thành công cụ của Đảng. Quan điểm đảng hóa toàn bộ đời sống đất nước để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng khiến cho vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng trên thực tế đã biến tướng thành vai trò đảng cai trị; cỗ máy vận hành toàn bộ mọi hoạt động của Đảng trở thành cỗ máy quan liêu ăn bám lớn nhất của quốc gia (trước hết với nghĩa nó có quyền hành và ảnh hưởng lớn nhất trong cả nước, nhưng hoàn toàn không có nghĩa vụ và tính trách nhiệm giải trình trước bất kể vấn đề gì của đất nước). Biểu hiện tập trung nhất tính chất độc tài toàn trị là Đảng đứng trên Hiến pháp. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những mâu thuẫn sâu sắc giữa một bên là lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và một bên là đòi hỏi duy trì sự tồn tại của Đảng.

Thậm chí phải nói, đất nước đã được độc lập thống nhất, nhưng chưa bao giờ tinh thần dân tộc Việt Nam ta bị chính chế độ chính trị của nước ta kìm hãm và bị làm tổn thương như hiện nay! Chưa bao giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam ở đỉnh cao nhất của quyền lực như hiện nay, song đồng thời lại đang đứng trước nguy cơ chưa từng có hủy hoại toàn bộ sự nghiệp cách mạng của mình - do những tha hóa của chính mình, chứ không phải do sự chống đối của bất kể lực lượng thù địch nào. Trước Đại hội X (phần nào đó trước Đại hội IX) và trước Đại hội XI đã có hàng nghìn ý kiến tâm huyết đóng góp với Bộ Chính trị và BCHTW nêu rõ thực trạng này của đất nước và của Đảng, đã kiến nghị những giải pháp quan trọng, song tiếc rằng không được lắng nghe.

Tựu trung lại, sau 37 năm độc lập thống nhất, đất nước đang lâm nguy vì nhiều yếu kém nghiêm trọng bên trong của chính mình, giữa lúc thế giới và khu vực châu Á đi vào một trật tự mới và đặt ra cho nước ta nhiều thách thức rất quyết liệt, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa bao giờ có nhiều đồng minh tự nhiên và có những cơ hội đầy triển vọng như hiện nay để vươn lên trở thành một nước phát triển. Một lần nữa (nếu xảy ra, đây sẽ lần thứ tư trong 37 năm qua) có nguy cơ những cơ hội lớn đang đến với đất nước sẽ có thể lại vuột mất, đất nước có thể sẽ đi vào một thời kỳ đen tối mới!

Lẽ ra, tập thể Bộ Chính trị khóa X và tập thể Bộ Chính trị khóa XI với tính cách là đầu não lãnh đạo của Đảng, cần nhận thức sâu sắc toàn bộ tình hình nêu trên với tất cả ý chí nhìn thẳng vào sự thật, để tự phê bình và tự kiểm điểm nghiêm khắc trước toàn dân và toàn Đảng, thẳng thắn nhận về mình trách nhiệm nghiêm trọng là đã để cho đất nước lâm vào tình trạng như vừa trình bầy bên trên. Qua việc nghiêm túc nhận sai sót về mình như thế, Bộ Chính trị cam kết với nhân dân và toàn Đảng phát huy trí tuệ và nghị lực của cả nước và của toàn thể dân tộc tiến hành một cuộc cải cách toàn diện đổi mới đất nước - bắt đầu từ việc phát huy dân chủ và thực hiện công khai minh bạch trong cả nước. Chẳng lẽ đây không phải là nhiệm vụ không thể tránh né của Bộ Chính trị theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4?

Thật ra, để cho đất nước hiện nay lâm vào vòng nguy khốn trong ngoài nhiều bề rất hiểm nghèo, phải vật lộn với không biết bao nhiêu khó khăn, tệ nạn trong cuộc sống hàng ngày, để cho Đảng tiền phong chiến đấu sa đọa đến mức mất hết cả phẩm chất cách mạng và bây giờ biến tướng thành đảng cai trị như đang diễn ra trong thực tế, rất đáng để Bộ Chính trị khóa X phải nhận về mình kỷ luật nghiêm khắc trước nhân dân, trước Đảng, rất đáng để tập thể Bộ Chính trị khóa XI tự nhận về mình kỷ luật cao nhất để tự răn dậy chính mình và làm gương cho toàn Đảng. Tự phê bình và phê bình với ý thức Tổ quốc trên hết như thế, với lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp vì dân vì nước của Đảng như thế, rất đáng Bộ Chính trị khóa XI phải làm như thế! Để rồi từ đây dấy lên trong toàn Đảng ý chí đổi mới Đảng, quyết tâm đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới

Thiết nghĩ, TPB&PB với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Bộ Chính trị khóa XI nên yêu cầu toàn thể BCHTƯ khóa XI đang họp hội nghị lần thứ 6 đánh giá lại toàn bộ tình hình đất nước và tình hình Đảng hiện nay, nhìn nhận toàn diện những đòi hỏi mới đang đặt ra cho đất nước trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và khu vực, để từ đó quyết định phải tiến hành cải cách toàn diện để đổi mới đất nước. Song song với việc tiếp tục tiến hành cải cách kinh tế, bây giờ phải đặt trọng tâm vào cải cách triệt đề hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, coi nhiệm vụ cải cách chính trị là đòn bẩy phá vỡ mọi bế tắc hiện nay, là chìa khóa mở đường cho đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới.


Thưa các đồng chí,

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cụ thể ở đây là thực hiện tự phê bình và phê bình với tinh thần cách mạng triệt để vì dân vì nước, Bộ Chính trị và BCHTƯ Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, dù muốn dù không, hiển nhiên đang đứng trước một sự lựa chọn lịch sử không thể thoái thác: Hoặc là quyết định tiến hành cải cách chính trị để đổi mới Đảng và mở đường đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới, hoặc là tiếp tục nhắm mắt trước sự thật và đành bất lực chịu đầu hàng trước mọi tha hóa và cám dỗ đang hủy hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng, để một ngày nào đó sẽ đẩy đất nước rơi vào sự đổ vỡ thê thảm.

Không có con đường thứ ba.

Hội nghị Trung ương 6 quyết định lựa chọn con đường cải cách chính trị, trí tuệ của tâm huyết trong cả nước và trong Đảng sẽ thiết kế được và thực hiện thành công sự nghiệp cải cách này – bao gồm cả nội dung cải cách, lộ trình tiến hành, bắt đầu từ sự thức tỉnh sâu sắc trong cả nước và trong toàn Đảng về thực trạng đất nước hôm nay và về một trật tự mới đang hình thành trên thế giới và trong khu vực.



Thưa các Đồng chí,

Trong thư ngảy 28-10-2010 gửi Đồng chí Nguyễn Phú Trọng (với tính cách là người sẽ đảm nhiệm trọng trách Tổng bí thư khóa XI) và toàn thể Bộ Chính trị khóa X lúc ấy, tôi đã kiến nghị các ủy viên Bộ Chính trị khép lại quá khứ của chính mình, dẹp hết mọi riêng tư với chính mình, trong gia đình mình và trong Bộ Chính trị với nhau, để tập thể toàn Bộ chính trị (khóa X, sau đó là khóa XI) chỉ còn một ý chí Tổ quốc trên hết, cùng nhau một lòng một ý chung vai làm tròn trách nhiệm của một Trần Thủ Độ tập thể ngày nay của đất nước. Bộ chính trị cần noi gương Trần Thủ Độ lịch sử, người đã đưa đất nước ta thoát ra khỏi thời kỳ mục nát cuối triều Lý, mở đường cho đất nước ta đi vào thời kỳ hiển hách và huy hoàng của nhà Trần một cách hòa bình – trước hết với nghĩa kế thừa thành công những thành tựu của nhà Lý, không phải xóa đi làm lại từ đầu, tạo ra sức mạnh mới của đất nước với tất cả tình thần hòa giải và thống nhất dân tộc. Diên Hồng nhà Trần mãi mãi sẽ là một mốc son vĩnh hằng trong lịch sử nước ta.

Khép lại quá khứ, thực hiện hòa giải và thống nhất dân tộc đang trở thành đòi hỏi bức xúc tạo ra sức mạnh đưa đất nước ra khỏi bế tắc hiện nay, mở đường cho đất nước đi vào một thời kỳ phát triển mới, ngõ hầu đương đầu thắng lợi với mọi thách thức mới bất kể từ đâu tới. Cải cách chính trị bây giờ trước hết phải nhằm thực hiện dân chủ, để tạo ra mọi điều kiện ban đầu thực hiện bằng được hòa giải và thống nhất dân tộc như thế, để từ đó giải phóng được trí tuệ và sức mạnh của cả nước, đưa đất nước tiến bước vững chắc trên con đường dân tộc và dân chủ trong thế giới quyết liệt ngày nay.

Ý tưởng về nhiệm vụ lịch sử của một Trần Thủ Độ tập thể cho Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước hôm nay là phương án tối ưu và hoàn toàn hiện thực xét  về mặt đạo lý làm người; nhất là Đảng luôn luôn có truyền thống một khi Bộ Chính trị nhận thức được tình hình và nhiệm vụ mới thì có thể xoay chuyển toàn Đảng và cả nước. Song ý tưởng này cũng có thể hoàn toàn là không tưởng nếu xét về mặt tranh giành quyền lực. Tất cả tùy thuộc vào phẩm chất con người – bao gồm cả bản lĩnh chính trị - trong  từng ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, nhất là bản lĩnh chính trị trước bước ngoặt quyết định của lịch sử.

Cuộc sống khắc nghiệt cũng đang đặt ra cho Bộ Chính trị khóa XI sự lựa chọn khắc nghiệt:

1.                 Thực hiện thỏa hiệp để bằng mọi giá cùng nhau duy trì sự tồn tại của chế độ chính trị đang tha hóa nghiêm trọng, đương nhiên nhân danh giữ gìn ổn định.
2.                 Một bên loại đi một bên để dễ bề níu kéo bằng mọi giá sự tồn tại của chế độ chính trị đang tha hóa nghiêm trọng, hoặc một bên loại đi một bên để nắm trọn quyền thao túng và sát phạt nhau quyết liệt hơn nữa.
3.                 Từng người gạt đi mọi chuyện cũ và riêng tư, tự mở ra một trang mới cho chính mình tất cả vì Tổ quốc với đúng tầm trách nhiệm của cương vị mình, để toàn thể Bộ Chính trị dũng cảm cùng nhau chung vai một lòng một ý thực hiện nhiệm vụ lịch sử của một Trần Thụ Độ tập thể đất nước hôm nay đang mong đợi.

Hiển nhiên, lựa chọn 1 và 2 đều đưa đến một hệ quả chung là Đảng thắng, nhưng đất nước thua và phải trả giá – kể cả nguy cơ với cái giá mất nước, và chung cuộc Đảng sẽ bị nhân dân phủ nhận khi tình hình chín muồi.

Cũng rất hiển nhiên như thế, sự lựa chọn 3 là con đường sống của Đảng và chắc chắn sẽ được nhân dân hậu thuẫn.

Đã đến lúc Bộ Chính trị khóa XI cần để cho lý trí với tinh thần tổ quốc trên hết quyết định sự lựa chọn của mình. Cũng xin lưu ý, trước sau nhân dân cũng sẽ có cách của chính mình để thực hiện sự lựa chọn của mình, chứ không phải chỉ có Đảng mới biết lựa chọn.

Khép lại quá khứ, không ngoái lại quá khứ, hòa giải với tất cả với tinh thần Tổ quốc trên hết, sự lựa chọn 3 là hoàn toàn khả thi và sẽ mở ra con đường vinh quang cho Đảng và cho đất nước.



          Thưa các Đồng chí,

Trong phần còn lại của thư này, tôi xin nêu vắn tắt một số ký kiến về Đảng và về xây dựng Hiến pháp mới, vì đây là hai vấn đề có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp cải cách chính trị nhất thiết sẽ phải tiến hành.

  Về Đảng, xin nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng không bao giờ là một thứ giống như cái tài sản thừa kế do cha mẹ để lại cho, Đảng hôm nay cứ thế nghiễm nhiên thừa hưởng. Không bao giờ được phép như vậy.

Vai trò lãnh đạo, vai trò cẩm quyền là cái Đảng nhất thiết từng ngày từng giờ trong từng hơi thở của mình phải phấn đấu giành lấy thông qua tiền phong chiến đấu trong mọi vấn đề sinh tử của đất nước, để qua đó Đảng được nhân dân tin cạy, thừa nhận, và để qua đó Đảng được nhân dân lựa chọn (thuê) cho việc thực hiện tối ưu nhất quyền lợi của nhân dân, của đất nước, chứ không phải là để thực hiện quyền lợi của Đảng, càng không thể có chuyện áp đặt hay cưỡng bức nhân dân phải chấp nhận vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng. Đây chính là vấn đề cho đến hôm nay Đảng vẫn không nhận thức được, hay chưa nhận thức đầy đủ trong bối cảnh đất nước đã có độc lập và nhân dân là người chủ của một quốc gia độc lập.

Cho đến nay trong thời bình của một quốc gia độc lập, Đảng vẫn không, hay chưa giác ngộ và chưa thực hiện được đầy đủ vai trò đầy tớ của mình – với ý nghĩa dù là trong công việc lãnh đạo hay là trong công việc cầm quyền thì Đảng vẫn chỉ có chức phận là đầy tớ, được nhân dân với chức phận là người chủ đất nước tin cậy và lựa chọn (thuê) cho việc thực hiện tối ưu nhất quyền lợi của nhân dân, của đất nước.

Đầy tớ trung thành của nhân dân phải là nghĩa vụ và mục đích duy nhất cho sự tồn tại của Đảng.

Đặt vấn đề như trên, Đảng không có quyền tự mình khẳng định ngay từ đầu quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước là thống nhất; cũng như Đảng không có quyền thừa nhận hay bác bỏ vấn đề tam quyền phân lập. Bởi vì có hay không có sự thống nhất như vậy trong quyền lực chính trị hay trong quyền lực nhà nước, có hay không có vấn đề tam quyền phân lập, vân vân…  là do quyền của nhân dân quyết định.

Đúng ra, vai trò lãnh đạo của Đảng bây giờ phải được thể hiện trong việc thuyết phục cả nước thấy rõ sự thống nhất quyền lực nhà nước như đang hiện hành là một trong những nguyên nhân cỗi rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện đất nước hiện nay đang lâm vào, cuộc cải cách chính trị lần này phải loại bỏ sự thống này tai ác này và phải thực hiện bằng được quyền lực của nhân dân là tối thượng – thể hiện qua quyền lực của Nhà nước và trong Hiến pháp.

Đúng ra vai trò cầm quyền của Đảng trong cải cách chính trị lần này phải được thể hiện qua việc Đảng tự chứng minh được mình đang xả thân tiền phong chiến đấu với mọi trí tuệ cao nhất trong mọi vấn đề sinh tử của đất nước, sự phấn đấu này được nhân dân dân thừa nhận, qua đó được nhân dân tin cậy và giao phó cho (thuê) việc cầm quyền. Như thế, cầm quyền  là được thuê, và hoàn toàn đối nghịch với tiếm quyền.

Lãnh đạo và cầm quyền với chức phận là người đầy tớ trung thành của nhân dân như thế, Đảng không có quyền áp đặt bất kể điều gì đối với nhân dân, kể cả việc quyết định con đường phát triển của đất nước, kể cả việc có hay không có vấn đề đa nguyên đa đảng.

Lãnh đạo và cầm quyền với chức phận là người đầy tớ trung thành của nhân dân, trước hết có nghĩa Đảng huy động được trí tuệ của cả nước và của văn minh nhân loại đưa ra được những phương án tối ưu nhất cho việc thực hiện quyền lợi của nhân dân, của đất nước, phát huy cao nhất ý chí và sức mạnh của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thuyết phục được nhân dân lựa chọn Đảng và giao cho Đảng những nhiệm vụ với chức phận như vậy.

Lãnh đạo và cầm quyền với chức phận là người đầy tớ trung thành của nhân dân có nghĩa trước hết Đảng phải làm tất cả mọi việc để nhân dân có thể giác ngộ cao nhất và có quyền năng hiệu quả nhất thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ làm chủ đất nước của nhân dân.

Đảng thực sự phải đổi mới hoàn toàn để có thể đảm nhiệm vai trò người đầy tớ trung thành như vậy của nhân dân trong một quốc gia độc lập và do nhân dân làm chủ. Cải cách chính trị lần này cần phải đạt được mục tiêu này về xây dựng Đảng.


Về xây dựng Hiến pháp mới: Đây là vấn đề cốt lõi để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thông qua một nhà nước của dân do dân vì dân, là bước khởi đầu và tạo nền móng cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới đất nước.

Điều cốt yếu là với tính cách là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Đảng phải tạo ra cho người chủ của mình mọi điều kiện tốt nhất có thể, giúp cho người chủ của mình nhờ vậy thực hiện được tối ưu nhất sự lựa chọn và quyền phúc quyết của người chủ, để cuối cùng hình thành được một Hiến pháp mới đáp ứng những đòi hỏi của đất nước trong thời kỳ phát triển mới. Lãnh đạo để xây dựng Hiến pháp mới là công việc như thế.

Đặt vấn đề như vậy, sẽ không có bất kỳ sự kiêng cấm nào trong quá trình thảo luận, tranh luận để đi tới những kết luận và những quyết định tối ưu nhất cho việc soạn thảo Hiến pháp mới. Đặt vấn đề như thế, sẽ phải đáp ứng bằng được yêu cầu đưa vào Hiến pháp mới những nội dung bảo đảm thưc thi quyền lực của nhân dân với tư cách là người chủ đất nước thể hiện qua quyền lực nhà nước và trong Hiến pháp là tối thượng, thực thi sự công khai minh bạch, thực thi tính trách nhiệm giải trình của mọi bộ phận và cá nhân trong toàn bộ hệ thống bộ máy nhà nước, thực thi sự đối xử bình đẳng mọi công dân trước pháp luật.

Đương nhiên, một Hiến pháp mới với những đòi hỏi cao như vậy cho thời kỳ phát triển mới của đất nước chỉ có thể là một Hiến pháp của một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên trên nền tảng kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự. Vấn đề đặt ra là làm thế nào xây dựng được một Hiến pháp mới và thiết kế được một hệ thống chính trị dân chủ đa nguyên, một hệ thống nhà nước pháp quyền mới như thế của Việt Nam, sao cho phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay và những đòi hỏi phát triển mới. Bảo đảm xây dựng thành công một Hiến pháp mới như thế, chính là thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng.

Một Hiến pháp mới như vậy, đấy chính là nền tảng, là cơ sở pháp lý tối thượng không một quyền lực hay cá nhân nào có thể đứng trên, để Đảng căn cứ vào đó đổi mới hoàn toàn việc xây dựng Đảng, xác lập rõ ràng vai trò cầm quyền của Đảng phải do nhân dân quyết định và lựa chọn. Tất cả phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc: Trong hệ thống nhà nước pháp quyền dân chủ, đảng cầm quyền chỉ là công cụ, là người làm thuê, được nhân dân tin cậy và lựa chọn giao cho nhiệm vụ cầm quyền – thông qua những quy định chặt chẽ của pháp luật nhà nước, thông qua bầu cử minh bạch và dân chủ, đương nhiên bao gồm cả quyền thuêquyền không thuê của nhân dân.
Sau khi xây dựng xong Hiến pháp mới như thế, Cương lĩnh, Điều lệ. phương thức tổ chức và phương thức hoạt động của Đảng cần được soạn thảo và thiết kế lại nhằm đáp ứng tốt nhất vai trò lãnh đạo và vai trò cầm quyền của Đảng trong một quốc gia độc lập do nhân dân làm chủ.

Với tinh thần quyền lực nhà nước là tối thượng, nói Đảng không đứng trên Hiến pháp, Đảng hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp trước hết phải có nghĩa:

-                     Đảng với vai trò là đảng lãnh đạo thì phải tìm cách thể hiện và tranh thủ được nhân dân công nhận vai trò này trong khuôn khổ vận động của xã hội dân sự;
-                     Đảng với vai trò là đảng cầm quyền thì chỉ có tính cách là người đầy tớ làm thuê cho người chủ đất nước là nhân dân, một công cụ của nhà nước pháp quyền được nhân dân lựa chọn (thuê).

Để cho quyền cai trị chiếm chỗ, cả hai nhiệm vụ (vai trò) này Đảng đã để chậm mất 37 năm rồi, không thể trì hoãn được nữa nếu như Đảng còn muốn giữ cho mình tính tiền phong chiến đấu của một đảng cách mạng, còn quyết tâm phấn đấu giành lấy vai trò đảng lãnh đạovai trò đảng cầm quyền với tính cách là người đầy tớ trung thành của nhân dân trong một quốc gia độc lập do nhân dân làm chủ. ĐCSVN không thể cứ giữ mãi tính cách và phương thức hoạt động như thời kỳ mất nước, càng không thể tự cho phép hôm nay biến mình thành ông chủ của đất nước. Khi không có quyền lực và một tấc sắt trong tay, Đảng đã từng được nhân dân tin cậy và lựa chọn, chẳng lẽ ngày nay trong một quốc gia độc lập Đảng không còn khả năng phấn đấu như thế nữa?

Thức tỉnh trong cả nước và trong Đảng về thực trạng đất nước hôm nay, đặt ra đòi hỏi sống còn phải cải cách chính trị đổi mới đất nước, Bộ Chính trị và BCHTƯ Đảng khóa XI sẽ dấy lên trong cả nước tinh thần Diên Hồng của đất nước trong thế kỷ 21. Hơn bao giờ hết, Tổ quốc đang lâm nguy và đang rất cần thức dậy một tinh thần Diên Hồng như thế. Xin đề nghị rành rọt như thế để Bộ Chính trị và Hội nghị Trung ương 6 khóa XI cân nhắc, đưa ra nhiệm vụ cải cách chính trị như đã trình bầy trong thư này để cả nước và toàn Đảng xem xét, quyết định./.

                                                                                                                                                                                      Kính thư
                                                          Nguyễn Trung (Thư đã gửi)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét