1
Siêu cường Trung Quốc?
Hà Nội, 6 – 2009
(Nhóm nghiên cứu Trung quốc)
1. Trung Quốc ngày nay là vấn đề của cả thế giới về bất kỳ phương
diện nào.
Với số dân là 1,3 tỷ người, TQ chiếm 1/5 nhân loại, là nước đông dân nhất
thế giới. Có diện tích là 9,6 triệu km2 (chưa kể diện tích biển) TQ là nước lớn thứ
3 thế giới sau Nga và Mỹ. Năm 2008 kinh tế TQ chiếm 12% GDP thế giới, đứng
thứ 3 thế giới, sau Mỹ (22%) và EU (21%), gần gấp đôi Nhật (7%); ngoại thương
chiếm 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn thế giới, tiêu thụ khoảng 11% sản
lượng dầu, khoảng 20% sản lượng kim loại thế giới…
Trong hơn 3 thập kỷ vừa qua kể từ khi tiến hành cải cách năm 1976, nền
kinh tế TQ tăng trưởng bình quân 9,5%/năm, cơ cấu kinh tế thường xuyên thay
đổi, sản lượng công nghiệp chế biến ngày nay đạt khoảng 43% GDP, tỷ lệ tiết kiệm
gần 50% GDP (cao nhất thế giới, ở Mỹ là gần 10%). Cùng với chính sách tăng
trưởng hướng về xuất khẩu, thặng dư thương mại đã đem lại cho TQ khoảng 2000
tỷ USD dự trữ và hiện nay là chủ nợ lớn nhất thế giới.
Điều đáng chú ý nhất là TQ là một nền kinh tế lớn rất năng động. So với các
nền kinh tế ở Mỹ Latinh hay Ấn Độ (những nước đứng đầu trong hàng ngũ các
nước đang phát triển) trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, TQ có tốc độ tăng trưởng kinh
tế gấp khoảng 3 lần, tốc độ tăng trưởng ngoại thương khoảng 2 lần. Là một nước
với dân số lớn nhất hành tinh đang trỗi dậy, TQ rất cần mở rộng không gian sinh
sống của mình, hiện nay rất đói nguyên liệu và năng lượng cần thiết cho nền kinh
tế đang phát triển bùng nổ. Đồng thời TQ có yêu cầu chiếm lĩnh thị trường thế giới
gần như với bất kỳ giá nào – thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu, thị trường
tài chính tiền tệ... Trong thời bình không có sự đe dọa trực tiếp nào từ bên ngoài,
chi tiêu quốc phòng của TQ hàng năm thường xuyên tăng 17 – 20%, có lực lượng
quân sự đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Nga); hải quân TQ chiếm ưu thế áp đảo
trên Biển Đông và đang tiếp tục được tăng cường với tham vọng trở thành hải
quân nước xanh (hải quân đại dương)… TQ đặt mục tiêu trở thành siêu cường vào
khoảng năm 2050.
2
Như sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi thời kỳ kể từ Mao Trạch Đông đến nay, tư
tưởng và mục tiêu “Đông phương hồng…”, Đại Trung Hoa, phục hưng Trung
Hoa… được nuôi dưỡng như một động lực thiêng liêng, vừa để giữ gìn Trung
Quốc trước bất kỳ nguy cơ phân rã nào, vừa để tập trung mọi quyền lực vào
ĐCSTQ cho thực hiện bằng được bất kỳ kế sách nào ĐCSTQ đề ra vì mục tiêu này
- cho dù đó là cách mạng văn hóa với cái giá là 70 triệu sinh mạng và hủy hoại 2/3
tài sản toàn xã hội, là đại nhẩy vọt, là “mèo trắng mèo đen”, là “Thiên An Môn -
1989” dùng xe tăng nghiền nát hàng trăm người (có tài liệu nói là 3000 người), là
“trỗi dậy hòa bình” và “đại công xưởng thế giới” thời Giang Trạch Dân, và hôm
nay là “mô hình thế giới hòa bình” thời Hồ Cẩm Đào (Thế giới con bồ câu, do TQ
lãnh đạo), vân vân…
Tư tưởng Đại Hán và khát vọng Đại Trung Hoa thực chất là một, song khái
niệm “Đại Hán” mang tính chất kỳ thị sắc tộc và không nói lên được hết nội dung
của vấn đề. Cần đặc biệt lưu ý: TQ nuôi dưỡng tư tưởng Đại Hán hay Đại Trung
Hoa không đơn thuần chỉ là duy trì một quan điểm bành trướng; còn hơn thế, đấy
là lẽ tồn tại (nếu không thì sẽ phân rã thành các nước nhỏ - một nguy cơ thường
trực của TQ), là lẽ sống... Và trên hết cả là tư tưởng này được các thế hệ lãnh đạo
TQ thường xuyên hun đúc như nguồn gốc sức mạnh tinh thần của một nước TQ
thống nhất đang đòi lại giá trị hàng nghìn năm “trung tâm thế giới” của nó, là
người Trung Quốc phải hy sinh vì nó: Trung Hoa. Mục tiêu này phải được nuôi
dưỡng trong mọi bối cảnh của thời cuộc, phải được thực hiện, bằng bất kỳ biện
pháp nào trong mọi tình thế. Không phải ngẫu nhiên việc đưa TQ trở thành siêu
cường vào giữa thế kỷ này là sự quan tâm hàng đầu và là mục tiêu có tính liên tục,
được tính toán mọi mặt của các thế hệ lãnh đạo TQ. Trong dư luận của chính giới,
của báo chí TQ thường xuyên có rất nhiều nỗ lực cổ xúy cho mục tiêu chiến lược
này. Ngày nay, tư tưởng chủ soái của quan điểm này là “Phục hưng Trung Hoa!”,
“Lấy lại 5 thế kỷ bị đánh cắp!”.., được đề xướng từ thời Giang Trạch Dân. Lãnh
đạo TQ còn tổ chức nhiều hội thảo cho các thành viên lãnh đạo đảng, mời các học
giả, các sử gia có tên tuổi trong nước và nước ngoài nghiên cứu chủ đề sự ra đời và
suy vong của các đế chế trong lịch sử nhân loại, với mục đích bên trong là lựa
chọn con đường trở thành siêu cường cho TQ.
Điển hình cho tư tưởng “phục hưng Trung Hoa” là các bài nói, bài viết, các
quan điểm của nhiều người trong chính giới và giới nghiên cứu TQ, được đưa ra
cho công luận liên tục từ những năm 2000 cho đến hôm nay. Tiêu biểu cho lọai
quan điểm này là bài "Chiến Tranh Không Xa – & Chúng ta là bà mụ của Thế Kỷ Người
3
Trung Quốc" của nguyên bộ trưởng quốc phòng TQ Trì Hạo Điền (2005). Ông ta
phê bình người cách mạng can trường quyết liệt như Mao Trạch Đông mà cũng
mới chỉ dừng lại ở điểm “giương cao ngọn cờ cách mạng vô sản toàn cầu”, chưa dám đụng chạm
thẳng thắn vấn đề cốt lõi là phục hưng Trung Hoa! Thế kỷ 21 là mở đầu kỷ nguyên Trung Hoa…
Trì Hào Điền lý giải: “Bề ngoài, khi so sánh, nước Tàu ngày nay có sự tương đồng đáng
kinh sợ như là Ðức xưa kia. Cả hai đều coi mình là những chủng tộc siêu đẳng nhất; cả hai có một lịch sử
bị bóc lột bởi những thế lực ngoại quốc, vì vậy muốn báo thù; cả hai có truyền thống tôn thờ giới lãnh đạo
của mình; cả hai cảm thấy là họ thiếu trầm trọng không gian sinh sống; cả hai giơ cao hai ngọn cờ chủ
nghĩa dân tộc và xã hội và tự nhận mình như là “xã hội chủ nghĩa có tinh thần dân tộc”; cả hai tôn thờ
“một nước, một đảng, một lãnh tụ, và một học thuyết”.
“…Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự làm một sự so sánh giữa Ðức và Tàu, thì như đồng chí Giang Trạch
Dân nhận xét, Ðức chỉ là “những đứa trẻ con” – quá tầm thường để được so sánh. Dân số của Ðức lớn
bao nhiêu ? Lãnh thổ Ðức to lớn ra sao ? Và lịch sử của Ðức dài được bao lâu ? Chúng ta đã loại bỏ tám
triệu quân Quốc Dân Ðảng chỉ trong vòng 3 năm. Bao nhiêu quân thù mà người Ðức đã giết ? Họ nắm
quyền lực chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nhiều hơn 12 năm một chút trước khi họ tan biến, trong khi
chúng ta vẫn tràn đầy năng lực sau khi cai trị hơn 80 năm. Dĩ nhiên lý thuyết của chúng ta về sự chuyển
dịch trung tâm văn minh thế giới thâm sâu hơn lý thuyết “các chúa tể trái đất” của Hitler. Nền văn minh
của chúng ta thâm sâu và rộng lớn đã xác định rõ ràng chúng ta khôn ngoan hơn họ nhiều…
…Giấc mộng của nước Ðức là trở thành “chúa tể của trái đất” đã bị thất bại, bởi vì trên hết, lịch
sử đã không trao tặng sứ mạng vĩ đại này cho họ. Nhưng ba bài học kinh nghiệm của nước Ðức là những
thứ chúng ta phải ghi nhớ trong khi chúng ta hoàn tất sứ mạng lịch sử của chúng ta và phục sinh nòi
giống chúng ta. Ba bài học đó là: Giữ chặt khoảng không gian sinh sống của đất nước, giữ chặt sự kiểm
soát của đảng trên toàn đất nước, và giữ chặt đường lối tổng quát nhắm vào việc trở thành “người chúa
tể của trái đất ”. (Tìm xem nguyên bản tiếng Trung: http://www.peacehall.com/ và
http://www.boxun.com/ ngày 23-04-2005.
Khát vọng Đại Trung Hoa, “phục hưng Trung Hoa”… bùng nổ ngay từ thời
Mao Trạch Đông, đó là động cơ đích thực dẫn tới mâu thuẫn không đội trời chung
Trung – Xô, âm ỷ từ khi CHNDTH được thành lập 1949, nhưng bùng nổ vào cuối
thập niên 1950. Mâu thuẫn này bắt đầu từ việc tranh giành với Liên Xô vai trò lãnh
đạo phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, việc tiếp theo cùng mục đích này là
TQ phát động phong trào “chống chủ nghĩa xét lại” trong những năm đầu của thập
kỷ 1960, tranh giành tiếp với Liên Xô trong việc nắm phong trào Không liên kết...
Đương nhiên, với quan điểm lợi ích quốc gia trên hết, Liên Xô cũng góp phần
riêng của mình vào mâu thuẫn này. Cả hai bên đều nhân danh và giương cao ngọn
cờ của chủ nghĩa xã hội, song thực chất là xung đột lợi ích quốc gia, lợi ích dân
tộc. Đỉnh cao của mâu thuẫn Trung - Xô là Trung Quốc chủ động tấn công vào
biên giới Liên Xô ở đảo Chân Bảo khu vực sông Ussuri năm 1969, tranh chấp biên
giới được TQ đưa ra là nguyên nhân chính, song các sử gia LX hồi ấy lại cho rằng
cuộc đụng độ này dọn đường cho cải thiện quan hệ Trung – Mỹ sau này. Năm
1972, TQ ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ, qua đó TQ dứt ra hoàn toàn
khỏi mối quan hệ xã hội chủ nghĩa với các nước LXĐÂ, tạo ra thế “tọa sơn quan
4
hổ đấu”, và theo đuổi một lập trường khác hẳn trước trong cuộc chiến tranh chống
Mỹ của Việt Nam…
Tất cả những điều vừa trình bầy trên cho thấy: Mọi vấn đề của TQ trong nội
trị cũng như mọi quan hệ của TQ với toàn bộ thế giới bên ngoài đều do điều cốt lõi
phục hưng Trung Hoa để trở thành siêu cường chi phối, quyết định. Vì mục tiêu
bất di bất dịch này, mọi biện pháp đều là có thể.
Vì mục tiêu bất di bất dịch của mình, TQ sẵn sàng dùng mọi biện pháp
mình muốn và có thể thực hiện. Một TQ coi mục tiêu muốn đạt được sẽ biện minh
cho mọi biện pháp như thế đang trở thành vấn đề cho cả thế giới, trước hết là cho
các nước láng giềng nhỏ bé.
2. Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa?
Sau 4 lần sửa đổi từ năm 1949, Hiến pháp của nước CHNDTH năm 1982 là
hiện hành, ghi rõ: Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa là nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công
nhân lãnh đạo , liên minh công nông làm cơ sở , chuyên chính dân chủ nhân dân . Chế độ xã hội chủ
nghĩa là chế độ căn bản của Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa .
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế đang diễn ra, các Đại hội toàn quốc gần
đây của ĐCSTQ khẳng định TQ đang xây dựng chủ nghĩa xã hội sắc thái TQ.
Về đại thể, nét nổi bật nhất là ĐCSTQ lãnh đạo và kinh tế quốc hữu (tức
phần kinh tế sở hữu thuộc nhà nước) là chủ thể (ước tính khoảng 60 - 70% toàn bộ
nền kinh tế).
Nét nổi bật khác là TQ đã có gần một chục tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia
thuộc sở hữu nhà nước và một vài tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia sở hữu tư nhân
có tầm vóc quốc tế, vận hành theo các chuẩn mực như của mọi công ty xuyên quốc
gia trên thế giới. Ví dụ (1): tập đoàn dầu khí quốc hữu TQ Petro China
(http://chinadigitaltimes.net/china/petrochina) có tổng vốn tới 1 nghìn tỷ USD, trở
thành tập đoàn có số vốn lớn nhất thế giới. Ví dụ 2: tập đoàn CHALCO (Aluminium
Corporation of China) hiện nắm 9% cổ phần của tập đoàn xuyên quốc gia về khoáng sản
và kim loại Rio Tinto (chủ yếu giữa Anh và Úc, có tổng vốn là 34 tỷ USD - 2008);
CHALCO đang có tham vọng mua tới 21% cổ phần của hãng này hoặc hơn nữa,
nhưng bị từ chối, TQ dọa sẵn sàng trả đũa bằng cách tẩy chay sản phẩm của Rio
Tinto vào TQ; hiện nay TQ đang đàm phán tiếp, có thể phía Anh và Úc phải
5
nhượng bộ… Ví dụ (3): Tập đoàn dầu khí đứng thứ 3 của TQ là China National
Offshore Oil Corp năm 2006 xuýt nữa thành công mua trọn gói tập đoàn dầu khí Mỹ
UNOCAL, song Hạ viện Mỹ đã phủ quyết thương vụ này, vì câu chuyện quá nhạy
cảm đối với an ninh nói chung (UNOCAL sở hữu một só mỏ dầu ở Mỹ) và đối với
an ninh năng lượng của Mỹ… Riêng ngành tài chính ngân hàng TQ phát triển rất
nhanh, song đồng thời cũng là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm nhất trong nền
kinh tế TQ.
Các tập đoàn kinh tế TQ (quốc hữu là chủ yếu) đã vươn ra đầu tư ở tất cả
các châu lục trên thế giới, nhất là ở châu Phi. Báo chí tài chính nhiều nước trên thế
giới bình luận: Các tập đoàn kinh tế lớn thuộc sở hữu nhà nước của TQ dưới dạng
những công ty xuyên quốc gia – nhất là các tập đoàn tài chính – đang trở thành
những “tay chơi” (các đấu thủ, players) ngày càng quan trọng và đang cùng với
một số công ty xuyên quốc gia khác của Arabe Emirate – Dubai, Temasek -
Singapore, Nga, và các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ… thay đổi bộ mặt đầu tư
trên thị trường thế giới. Vân… vân… Nghĩa là các tập đoàn kinh tế TQ dưới dạng
các công ty xuyên quốc gia thực sự là các đấu thủ ngang ngửa trên sân chơi này.
Nếu TQ đang trên đường trở thành siêu cường, thì các tập đoàn kinh tế của TQ
dưới dạng các công ty xuyên quốc gia như thế, trước hết là các tập đoàn quốc hữu,
là các cỗ đầu máy của đoàn tầu TQ trên con đường này.
Về đối nội, kinh tế và các vấn đề chính trị xã hội khác.., TQ là một nước
đang phát triển có thu nhập GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2008 đạt
3315 USD - đứng thứ 104/170 nước trên thế giới; khởi sự khi tiến hành cải cách
năm 1976 GDP p.c. danh nghĩa của TQ là 200 USD. TQ có đầy đủ mọi vấn đề của
một quốc gia thuộc lọai này: (1)khoảng cách phân biệt giầu nghèo rất lớn, tại Hội
nghị Ủy ban Thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc khóa 11 vừa
họp tháng 6-2009, Ủy viên Thái Kế Minh lưu ý ở TQ nhóm người giầu có nhất chỉ
chiếm 0,4% số dân nhưng nắm tới 70% của cải cả nước, mức độ tập trung của cải
như thế cao hơn cả Mỹ; 91% số hộ có tài sản từ 100 triệu nhân dân tệ trở lên là con
em cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước… (2)ô nhiễm môi trường thuộc các nước
nhóm đứng đầu thế giới, nước sạch thiếu trầm trọng.., (3)còn rất nhiều vấn đề tồn
tại về dân chủ, về công bằng xã hội, về chênh lệch trình độ phát triển giữa nông
thôn và thành thị, giữa miền duyên hải và phía Tây… Năm 2005 có gần 200 triệu
dân sống trong các khu nhà ổ chuột… Các vụ khiếu kiện lớn của nông dân mỗi
năm một tăng mạnh với mức độ ngày càng quyết liệt – năm 2005 đã lên tới
870.000 vụ, cá biệt có vụ lên tới hàng vạn người hoặc lan rộng cả một thị trấn, chủ
yếu vì nguyên nhân đất đai và tham nhũng. Trong xã hội TQ tiềm tàng ngày càng
6
nhiều phản ứng gay gắt của nông dân và trí thức. Nguy cơ phân rã là thường trực,
nhất là tại các vùng như Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông… Có thể nói cái giá
Trung Quốc phải trả cho phát triển là rất lớn, nhưng TQ đã và đang thành công lớn,
nhất là so với Ấn Độ, các nước Mỹ Latinh…
Ngày nay sản phẩm của TQ đã có mặt khắp nơi không trừ một ngóc ngách
nào trên thế giới, từ các mặt hàng rẻ chất lượng thấp đến các mặt hàng cao cấp của
các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới nhưng sản xuất tại TQ. Cái tên gọi
TQ là “đại công xưởng của thế giới” có lý do xác đáng của nó. Mặt khác TQ đã
mua được khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản ở hầu hết mọi châu lục, nhất là ở
Úc, mua được một số mỏ, hoặc nắm giữ được một phần quan trọng các cổ phần
trong nhiều công ty xuyên quốc gia chuyên về khai thác khoáng sản…
Riêng tại các nước đang phát triển giầu tài nguyên khoáng sản và đất đai,
có thể nói những năm gần đây đã hình thành các làn sóng “sản phẩm + tiền + đầu
tư (vốn) + người” của TQ tràn ngập vào nhiều vùng lãnh thổ những quốc gia này.
Hiện tượng này khá sôi động tại các nước nghèo và chậm phát triển ở châu Á,
trong đó có Lào và Campuchia.
Đặc biệt tại châu Phi tháng 11-2006 TQ đã tổ chức thành công cuộc họp cấp
cao TQ – toàn Châu Phi (48 nước), đã thông qua chương trình hành động cho hợp
tác toàn diện. Trên thực tế là từ nhiều năm nay TQ dành cho châu Phi những khoản
viện trợ rất lớn, xây dựng nhiều công trình, cam kết không can thiệp vào công việc
nội bộ (dù là những vấn đề rất nhậy cảm đối với luật pháp quốc tế, sự cai trị tàn
bạo ở một số nước, quyền con người, tàn sát sắc tộc…); đổi lại TQ tiêu thụ được
nhiều sản phẩm của mình, mua được nhiều tài nguyên, các mỏ lớn, mua hoặc thuê
nhiều vùng đất đai rộng lớn, đưa được một khối lượng lớn người vào châu Phi làm
ăn kinh doanh, phát huy ảnh hưởng TQ. Ngoài viện trợ trực tiếp cho các nước châu
Phi, ngân sách nhà nước TQ hậu thuẫn về tài chính bằng mọi cách cho các tập
đoàn TQ hoạt động kinh doanh khai thác tài nguyên ở châu Phi, bảo đảm thực hiện
các mục tiêu chính trị của TQ.
Với công thức đắc dụng “ứng vạn biến” “viện trợ chính phủ + tiền hoa hồng
(lót tay) + quan hệ cá nhân trong giới quyền lực châu Phi +quà biếu + chính sách
không can thiệp (thực chất là làm ngơ) + người + quyền lực mềm…” có thể nói là
TQ đang thành công lớn ở châu Phi. Chính sách này của TQ được lòng hầu hết các
giới cầm quyền ở châu Phi, về mặt nào đó giúp châu Phi gần đây phát triển nhanh
hơn trước, mặc dù đời sống của nhân dân châu Phi hầu như không có thay đổi gì
đáng kể. Không ít sách báo phương Tây thừa nhận: Với cái gọi là “công thức đắc
7
dụng”, “công thức châu Phi”, chủ nghĩa thực dân mới của TQ hiệu quả hơn nhiều
so với chủ nghĩa thực dân mới trước đây của các nước phương Tây!
3. Quan hệ với Việt Nam
Là nước láng giềng lớn của Việt Nam, trong phạm vi lợi ích quốc gia và
tham vọng của TQ đi cùng chiều với lợi ích của VN, giúp VN cũng là có lợi cho
TQ, cần khẳng định dứt khoát TQ đã dành cho VN nhiều sự giúp đỡ to lớn và rất
quý báu. Đó là thực tế tình hình quan hệ TQ-VN trong cuộc kháng chiến của VN
chống thực dân Pháp và trong một giai đoạn nhất định của cuộc kháng chiến chống
Mỹ. Tạm gọi đấy là tình hình quan hệ Trung – Việt trong bối cảnh “lợi ích cùng
chiều”.
Song từ giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ của VN cho đến
nay, mọi chính sách của TQ đối với VN trước hết và chủ yếu nhăm thực hiện các
chính sách và tham vọng của TQ đối với thế giới bên ngoài, dù đó là trong các mối
quan hệ song phương hay đa phương, trong phạm vi khu vực hay toàn cầu.
Trong chừng mực lợi ích quốc gia của VN không đối nghịch với chính sách
và tham vọng của TQ, thậm chí trong trường hợp ủng hộ VN cũng có lợi cho TQ,
quan hệ Trung – Việt có sự phát triển nhất định theo đúng tinh thần hai bên cùng
có lợi.
Một khi lợi ích quốc gia và những tham vọng của TQ không đi cùng chiều
hoăc thậm chí đối nghịch với lợi ích quốc gia của VN, TQ sẵn sàng dùng mọi biện
pháp có thể - kể cả chiến tranh – để thực hiện lợi ích của mình. Tạm gọi đấy là tình
hình quan hệ Trung – Việt trong bối cảnh “lợi ích khác chiều”. Nghĩa là một khi
bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN và yêu cầu phát triển kinh
tế xã hội của VN trái với hoặc cản trở việc thực hiện chính sách và tham vọng của
TQ, thì không còn là môi hở răng lạnh nữa, mà là “răng cắn xé môi!”. Một trong
những đỉnh cao của chính sách trong tình hình “khác chiều” là cuộc chiến tranh
biên giới chống Việt Nam 17-2-1979.
Bên cạnh mặt thuận và tích cực trong chính sách của TQ đối với VN khi có
“lợi ích cùng chiều”, dưới đây xin tập trung điểm qua những sự việc đáng chú ý
nhất đã xảy ra trong chính sách của TQ đối với VN trong bối cảnh quan hệ hai
nước có “lợi ích khác chiều”:
8
1. Tại hội nghị Geneva 1954 đàm phán kết thúc của chiến tranh xâm lược
của Pháp tại Đông Dương – chủ yếu là cuộc chiến tranh xâm lược của
Pháp chống Việt Nam, TQ chấp thuận yêu cầu của Pháp đòi phía VN
phải nhân nhượng đẩy giới tuyến phi quân sự xa thêm lên phía Bắc. TQ
đã hy sinh sinh lợi ích của VN để đáp ứng yêu cầu này của Pháp; đổi lại
CHNDTH lần đầu tiên giành được một vị trí và vai trò quan trọng trên
bàn đàm phán quốc tế tại hội nghi Geneva 1954 về Đông Dương. Cũng
có thể nói đấy là thắng lợi ngoại giao vang dội đầu tiên của TQ kể từ khi
CHNDTH được thành lập. Trong khi đó trong cuộc chiến tranh Triều
Tiên 1950-1953 TQ phải hy sinh rất nhiều (có tài liệu nói khoảng 80 vạn
đến 1 triệu binh sỹ) và chi phí rất nhiều cho “kháng Mỹ viện Triều”,
nhưng kết cục hầu như tay trắng không được gì.
2. 1956 hải quân TQ chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa.
3. Ngày 27-02-1972 Thủ tướng TQ Chu Ân Lai và Tổng thống Nixon ký
Thông cáo chung Thượng Hải, mở ra thời kỳ phát triển mới trong quan
hệ Trung - Mỹ. Bắt đầu từ thời điểm này TQ thay đổi hẳn chính sách của
TQ ủng hổ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của VN, đẩy mạnh
xây dựng mối quan hệ mới với lực lượng Khmer đỏ và giúp nó phát triển
(bắt đầu từ năm 1970). Về sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam
để thống nhất đất nước, lãnh đạo TQ nói thẳng với lãnh đạo VN chổi
ngắn không quét được rác xa, Việt Nam nên coi sự nghiệp thống nhất
đất nước là sự nghiệp trăm năm… Phục vụ cho quan điểm này, TQ có
nhiều hoạt động cụ thể ở VN và trên thế giới đối nghịch hoặc làm chậm
lại lại sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của VN. Trên chiến chường
Campuchia bắt đầu xuất hiện các “sự kiện” giữa quân tình nguyện Việt
Nam và lực lượng vũ trang của Khmer đỏ, đôi khi có đổ máu; càng về
sau “các sự kiện” như vậy càng mau hơn với tính chất phức tạp hơn, đôi
lúc đẫm máu hơn. Cái gọi là “vấn đề Campuchia” sau 1975 manh nha từ
đây.
4. Trong các năm 1971 và 1973 hải quân TQ tấn công tiếp tục vào Hoàng
Sa, tháng 1-1974 đã tiêu diệt toàn bộ đơn vị hải quân tại chỗ của chính
quyền CHVN (Sài Gòn), chiếm nốt phần còn lại của quần đảo Hoàng Sa.
5. Ngày 4-05-1975 Khmer đỏ tấn công đảo Phú Quốc, ngày 10-05 tấn công
đảo Thổ Chu giết hại hàng trăm dân thường Việt Nam, sau đó bắt đầu
các vụ đột kích vào biên giới phía Tây của Việt Nam, chủ yếu là An
Giang và các tỉnh liền kề. Cũng từ thời điểm này TQ cử nhiều cố vấn
quân sự sang Campuchia và viện trợ vũ khí ồ ạt cho Khmer đỏ.
6. Tháng 4-1977 Khmer đỏ tấn công quy mô lớn vào sâu lãnh thổ VN 10
km và chiếm một số vùng ở An Giang, tàn sát dã man dân thường.
9
7. Tháng 4 năm 1978 Khmer đỏ tổ chức đợt tiến công quy mô lớn lần thứ
hai, gây ra vụ thảm sát ở Ba Chúc giết hại 3157 dân thường.
8. Ngày 1 tháng 2 năm 1978, lãnh đạo Khmer đỏ ra quyết định thành lập
mới 15 sư đoàn để đánh VN, nghị quyết ghi rõ: …Chỉ cần mỗi ngày diệt
vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể
đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, sẵn sàng hy sinh 2 triệu
người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam (Nayan Chanda).
9. Ngày 13-12-1978, Khmer Đỏ đã huy động 10 sư đoàn (có tài liệu nói là
15 sư đoàn, khoảng 50.000 đến 60.000 quân) tiến công xâm lược Việt
Nam trên toàn tuyến biên giới phía Tây bao gồm Tây Ninh, Đồng Tháp,
An Giang, Kiên Giang, có nơi vào sâu trong lãnh thổ VN tới khoảng 20
km, gây rất nhiều tội ác dã man và thương vong cho phía VN. Nếu đặt
câu hỏi: Tại sao Khmer đỏ dám đánh VN đã thắng được Mỹ? Câu trả lời
nào có được cũng rất đáng suy ngẫm.
10.Lực lượng vũ trang Việt Nam phản công, đẩy lùi lực lượng Khmer đỏ ra
khỏi lãnh thổ VN, ngày 7-1-1979 giải phóng Phnompenh, cứu nhân dân
Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.
11.Ngày 17-02-1979 TQ tấn công quy mô lớn trên toàn bộ biên giới phía
Bắc VN để trả đũa và dậy cho VN một bài học, đồng thời để giảm áp lực
cho Khmer đỏ ở Campuchia, căng VN ra hai đầu mà đánh để làm cho
kiệt quệ. Cũng bắt đầu từ thời điểm này TQ cùng với Mỹ lập ra các
“nước tuyến đầu”, bao gồm Thái Lan, Singapore, và lôi kéo nhiều nước
khác hình thành một tập hợp thế giới chống Việt Nam quyết liệt trong
vấn đề Campuchia. Vấn đề Campuchia được dấy lên từ đấy trong
chương trình nghị sự quốc tế và trở thành sức ép toàn diện đối với VN,
kể cả bao vây cấm vận hàng chục năm sau đó (đến 1995 mới được rỡ bỏ
hoàn toàn sau khi thực hiện đượcbình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ).
Cuộc tấn công quy mô lớn của TQ trên biên giới phía Bắc chỉ kéo dài
đến 16-03-1979, song chiến tranh biên giới của TQ chống VN rất ác liệt
và kéo dài đến 1989, cho đến thời gian này kinh tế VN suy sụp.
12.Tháng 2-1988 hải quân TQ tấn công đẫm máu hải quân của VN ở
Trường Sa và chiếm thêm 3 đảo nữa sau khi đã chiếm 4 đảo và bãi ngầm
ở Trường Sa trong thời gian trước đó. Trong suốt thời gian này TQ tiếp
tục lấn chiếm biên giới trên bộ, và chiến tranh trên biên giới Trung –
Việt chưa chấm dứt.
13.Trong tình hình các nước LXĐÂ sụp đổ, Hội nghị Thành Đô 2-9-1990
mở ra thời kỳ bình thường hóa quan hệ Trung – Việt, với cái giá phải trả
rất đắt về phía VN, trong đó có việc cố UV BCT, phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch buộc phải khoác áo ra đi –
10
(tham khảo thêm: Trần Quang Cơ, nguyên UV BCHTƯ ĐCSVN, thứ
trưởng Bộ Ngoại giao “Hồi ức và suy nghĩ”). Cũng từ mốc thời gian
này đến ngày hôm nay, về đại thể chính sách của TQ với VN ngày càng
leo thang: Gây sức ép trong đàm phán biên giới trên bộ ở phía Bắc VN,
thường xuyên gây sức ép trên Biển Đông, thâm nhập của quyền lực
mềm, thâm nhập kinh tế…
14.TQ lôi kéo, phân hóa, cô lập, nếu cần thì gây sức ép trực tiếp đối với các
đối tác hợp tác với VN – ví dụ rõ nét nhất gần đây là đòi một số tập đoàn
dầu khí như BP, Exxon tháng 7-2008 phải hủy bỏ hợp đồng khai thác
dầu khí đã chi phí hàng triệu USD và đang triển khai dở dang với VN,
TQ đã đạt được mục đích… Đi đôi với những biện pháp như vậy, TQ ra
sức tranh thủ Lào và Campuchia, thực hiện được sự có mặt đáng kể tại 2
nước này. Tiền, người và quyền lực mềm của TQ ở hai nước này đạt
mức độ nguy hiểm trực tiếp cho hai quốc gia này và cho cả VN, bao
gồm cả việc TQ đã mua hay thuê dài hạn nhiều vùng đất rộng lớn sát
biên giới Lào-VN và biên giới Campuchia-VN (báo chí nước ngoài nói
số người TQ tại vùng Viên-chăn đã lên tới 3 vạn, nếu tính toàn nước Lào
con số này lớn hơn rất nhiều). TQ tranh thủ Thái Lan và các nước
ASEAN khác với ý đồ gạt VN sang một bên. Rõ nét nhất là TQ tận dụng
các diễn đàn giữa TQ với 1 nước hoặc một số nước ASEAN không có
VN, ký kết nhiều hợp tác riêng rẽ trong khung khổ này – ví dụ điển hình
là năm 2004 TQ đơn phương ký tay đôi với Philippines thăm dò dầu khí
tại khu vực Trường Sa (sau đó bị VN phản đối, nên cũng phải để VN
cùng tham gia, nhưng cuối cùng ký kết này cũng hết hiệu lực và bị hủy).
TQ thành lập riêng rẽ một hình thức hợp tác 4 nước sông Mekong gồm
TQ-Lào-Campuchia và Thái Lan, mặc dù đã có một tổ chức Hợp tác tiểu
vùng sông Mekong gồm 6 nước trong đó có VN, mặc dù có Ủy ban
Sông Mekong là một tổ chức chính thức nằm trong LHQ nhưng TQ
không tham gia… Các dự án TQ đã và sẽ triển khai trên thượng nguồn
song Mekong đang uy hiếp nghiêm trọng đồng bằng sông Cửu Long.
Vân vân…
15.Ra sức vận dụng nguyền lực mềm, đồng thời áp dụng “công thức châu
Phi” được điều chỉnh phù hợp với tình hình VN, trên thực tế TQ đã làm
được không ít việc ở VN, thuận lợi cho việc tiếp tục gây sức ép với VN.
Những bước tiếp tục lấn tới của TQ bất chấp những phản ứng của VN
(nhìn chung là yếu ớt) liên quan đến Biển Đông từ những năm gần đây
đang chứng minh thực trạng này. Trong quan hệ kinh tế, VN đã rút ra
được bài học đau đớn từ hợp tác theo kiểu nhập về các nhà máy xi măng
lò đứng, các nhà máy mía đường mà ngày nay đang là những gánh nặng
11
bãi thải công nghiệp cho VN. Nhưng lạ thay, dù VN đã có những bài
học đau đớn như thế, mà trong những năm gần đây TQ vẫn tiếp tục
thành công ở quy mô lớn hơn trong việc thắng thầu nhiều công trình
công nghiệp lớn, hầu hết dưới dạng chìa khóa trao tay (phương thức hợp
đồng EPC), nằm trên khắp lãnh địa VN, đưa vào được công nghệ lạc
hậu, với thiết bị hạng hai, hạng ba của TQ, và kèm theo hàng vạn lao
động người TQ vào VN (tính đến 6-2007 ước khoảng 7 – 7,5 vạn, các cơ
quan quản lý của VN chưa thống kê chính xác được là bao nhiêu, phần
lớn là lao động chân tay và vào lao động bất hợp pháp). Tất cả những
hiện tượng này kéo dài nhiều năm nay mà hầu như vẫn không gây ra cho
nhà cầm quyền VN phản ứng gì (tê liệt?). Nhiều công trình đầu tư như
vậy nằm trên các vị trí đắc địa hiểm yếu liên quan đến an ninh quốc
phòng của VN (ví dụ khu ressort của TQ tại mũi Sa Vĩ/Móng Cái là nơi
địa đầu của đất nước VN…, các mỏ bô-xít trên Tây Nguyên đang làm
cho cả nước lo lắng…). Không thể không đặt ra những câu hỏi: Sự có
mặt quá nhiều các công trình TQ ở khắp đất nước như vậy có dẫn đến
một sự thiên lệch nguy hiểm nào đó trực tiếp thách thức an ninh quốc
gia VN hay không? Tại sao từ nhiều năm nay ở Việt Nam các nhà thầu
TQ đánh bật các nhà thầu quốc tế có ưu thế hơn hẳn về công nghệ đã
trở thành hiện tượng phổ biến, kể cả những công trình rất quan trọng?
Tại sao vào thời điểm phát triển hiện tại của VN sau 30 năm công
nghiệp hóa và sau 25 năm đổi mới, mà VN vẫn còn phải nhập quá nhiều
công trình từ TQ dưới dạng chìa khóa trao tay như vậy - với công nghệ
lạc hậu và chất lượng thấp? Có điều gì ẩn khuất ở đây không? Nguy cơ
lâu dài đối với nền kinh tế VN từ những công trình kinh tế chất lượng
thấp này sẽ như thế nào? Khoảng dăm năm nữa, những công trình kinh
tế lớn của TQ đang xây dựng trên đất VN cũng sẽ rơi vào tình trạng hiệu
quả kinh tế thấp hoặc thua lỗ, ô nhiễm môi trường nặng nề, lãng phí
nghiêm trọng tài nguyên thiên nhiên như nhà máy luyện đồng Sinh
Quyền hiện nay, thử hỏi toàn bộ nền kinh tế VN sẽ ra sao? Nhập siêu từ
TQ hiện nay trên 10 tỷ USD/năm cùng với làn sóng ngày đêm không dứt
hàng nhập lậu tác động vào kinh tế và môi trường sống của VN đến
đâu? Phải chăng những hiện tượng này đang chứng minh hay chính là
thước đo những kết quả đạt được của quyền lực mềm TQ ứng dụng vào
VN? Tác động của quyền lực mềm TQ đến các lĩnh vực khác của VN
như thế nào?.. Vân vân…
16.Trong bối cảnh như vậy, nếu nhìn vào những gì TQ năm này qua năm
khác gây ra trên Biển Đông và ngày càng leo thang, từ việc chiếm đảo,
bắn giết ngư dân VN, đến việc ngang nhiên tuyên bố vùng cấm đánh bắt
12
cá phạm cả vào vùng biển của VN, nhiều lần bắn đuổi ngư dân ta ngay
trong vùng biển của ta (có nơi cách bờ biển của ta chỉ 60km),…vân…
vân.., không thể không nêu ra câu hỏi “TQ vận dụng như thế cùng một
lúc cả quyền lực rắn và quyền lực mềm đối với VN để làm gì? Nhất là
VN coi cả hai nước đều là xã hội chủ nghĩa?…” – Báo điện tử của quân
đội TQ “Trung Quân-Trung quân võng” ngày 25/5/2009 nói trắng ra:
“Trung Quốc cứng rắn ra lệnh ngừng đánh cá đã 12 ngày mà không có ai
dám trái ý Trung Quốc… Chỉ cần Trung Quốc đằng hắng một cái là các
nước nhỏ Đông Nam Á sợ vãi đái.” TQ thường xuyên để cho nhiều báo
chí của mình là nơi đăng tải những quan điểm không thể nói là phục vụ
duy trì quan hệ hữu nghị và sự hợp tác Trung – Việt, mà là nuôi dưỡng
hiềm khích giữa hai nước. Những bài báo này nói xấu VN, cổ vũ cho
việc lấn chiếm Biển Đông (vùng “lưỡi bò”), đòi chủ quyền ở Hoàng Sa,
Trường sa, không hiếm những trường hợp có những lời lẽ quá khích và
miệt thị - ví dụ: Báo mạng Milchina.com (của quân đội TQ) ngày
26/2/09 và tạp chí “Nam phương chu mạt” số đặc biệt tháng 2/2009 có
các bài viết bàn bạc về những diễn biến có thể xảy ra của một cuộc chiến
tranh với VN… Báo mạng chính thức của TQ “China.com” ngày 25-6-
2009 đưa tin hải quân VN thăm hữu nghị TQ với cái tít “Hải quân Việt
Nam lần đầu tiên thăm Trung Quốc: cũ nát như vậy mà vẫn chiếm các đảo ở
Nam hải của chúng ta!” Một số ý kiến khác còn nói, đại ý: Nếu ngày nay
chúng ta (TQ) phải phát động một cuộc chiến tranh đánh Việt Nam, sẽ
không cần phải làm một cuộc đánh thông tư tưởng trong nội bộ như khi tiến
hành cuộc tranh ngày 17-02-1979…Cũng trong thời gian gần đây, một số
báo TQ còn nói phải chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh cục bộ, điểm nhắm
đầu tiên có thể sẽ là Philippines, với mục đích giết gà dọa khỉ… Không thể
không nêu ra câu hỏi “TQ cho những báo chí của mình viết về VN như
thế nhằm mục đích gì? - nhất là TQ là tác giả của mối quan hệ 16 chữ
do TQ sáng tác cho quan hệ Trung – Việt!”. Tệ hại hơn nữa trên báo
mạng điện tử chính thức của hợp tác kinh tế Việt – Trung ở cấp cao nhất
hai nhà nước VN - TQ, phía TQ thường xuyên đưa các bài khẳng định
chủ quyền của TQ trên toàn bộ Biển Đông, tới mức Bộ Ngoại giao VN
phải chính thức phản đối!
17.Trên bàn cờ thế giới hiện nay, TQ là nước duy nhất không muốn có một
VN mạnh và độc lập tự chủ, vì một VN như thế sẽ khó bảo. Không phải
ngẫu nhiên báo chí và cả một số lãnh tụ TQ – trong đó có Hồ Cẩm Đào
– đã có lần lên tiếng phê phán VN để cho cải cách đi nhanh quá.
18.Những can thiệp khác.
13
18 điểm vừa trình bầy khái quát như trên được rút ra từ những sự việc đã xảy
ra trong quá khứ và hiện tại. Thực tế này sẽ được nối dài ra sao cho chính sách của
TQ đối với VN trong tương lai?.. sẽ dẫn tới một tương lai như thế nào cho quan hệ
Trung – Việt?
Trung Quốc chủ trương duy trì một Việt Nam èo uột, phụ thuộc, dễ bị tác
động để dễ chi phối, đồng thời để ngỏ mọi khả năng can thiệp của quyền lực mềm
và quyền lực rắn, khai thác triệt để lợi thế của TQ để phục vụ chính sách này.
Kết luận
Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng năng động như hiện nay, với chính sách
vơ vét tài nguyên thiên nhiên khắp nơi trên thế giới để nuôi dưỡng và phát huy cái
“đại công xưởng thế giới”, với chính sách đối ngoại có các chủ bài như 2000 tỷ
USD dự trữ ngoại hối, vấn đề vũ khí A của Bắc Triều Tiên, lực lượng quân sự thứ
3 trên thế giới, quyền lực rắn kết hợp với quyền lực mềm được vận dụng theo
những “công thức đắc dụng”, “công thức châu Phi”.., việc TQ trở thành siêu
cường vào năm 2050 là có thể, với nghĩa trước hết là TQ có một nền kinh tế có quy
mô về khối lượng của một siêu cường: Nền kinh tế lớn nhất!
Song siêu cường TQ sẽ không thể bá chủ thế giới, cũng như không thể dẫn
dắt thế giới, bởi lẽ siêu cường này chủ yếu được hình thành từ quyền lực để khai
thác những nguồn tài nguyên không tái tạo được có hạn. Trong khi đó xu thế phát
triển của thế giới chủ yếu được dẫn dắt do động lực hình thành từ dân chủ để khai
thác nguồn tài nguyên vô tận là trí tuệ và sáng tạo. TQ không có khả năng khắc
phục sự khác biệt này, ngoại trừ khả năng không bao giờ hay hầu như rất khó xảy
ra, đó là TQ phải tự thay đổi chính mình theo xu thế phát triển chung của thế giới:
dân chủ hóa!
Một siêu cường hình thành từ quyền lực để khai thác những nguồn tài
nguyên không tái tạo được và có hạn như thế một mặt có rất nhiều yếu kém nội tại,
song mặt khác sẽ gây ra nhiều phiền toái cho phần thế giới còn lại, nhất là cho các
nước láng giềng nhỏ hơn – trong đó có VN.
Hiện nay TQ có không ít những mâu thuẫn nội tại nghiêm trọng. Đặc biệt là
nguy cơ phân rã càng thúc bách TQ đang nuôi mộng siêu cường phải đi theo con
đường của riêng mình, đó là thực hiện chủ nghĩa tư bản trong khuôn khổ chế độ
chính trị một đảng là ĐCSTQ. Đấy chính là thực chất của chủ nghĩa xã hội sắc thái
14
TQ. Mọi thứ tự do dân chủ không thể thiếu cho phát triển kinh tế, xã hội chỉ là tất
cả những gì tối thiểu mà chủ nghĩa tư bản do ĐCSTQ thống trị - hay là chủ nghĩa
xã hội sắc thái TQ - có thể chấp nhận được. Nói một cách khác, gót chân Achiles
của TQ chính là vấn đề dân chủ. Nói cụ thể hơn nữa là: TQ không có khả năng
thực hiện dân chủ là mối nguy lớn nhất của TQ, chứ không phải có sự đe dọa nào
từ bên ngoài có thể uy hiếp TQ.
Là “đại công xưởng của thế giới”, TQ phụ thuộc vào thị trường và nguồn tài
nguyên của thế giới. Song là chủ nghĩa tư bản do chế độ một đảng thống trị
(ĐCSTQ), hiện nay và chắc còn nhiều năm nữa TQ chưa thể hay rất khó thả nổi tỷ
giá đồng tiền của mình, vì làm như thế nền kinh tế TQ sẽ phải chuyển đổi hoàn
toàn sang nền kinh tế thị trường, sẽ uy hiếp nghiêm trọng vai trò độc trị của
ĐCSTQ, nguy cơ phân rã TQ sẽ gia tăng. Vì lẽ này đồng Nhân dân tệ có lẽ còn
nhiều năm nữa chưa thể trở thành một trong các đồng tiến chính trong “rổ tiền tệ”
của thế giới (USD, EURO và Yên). Vì lẽ này tham vọng của TQ muốn cùng sánh
vai với Mỹ để trở thành G2 nắm cả thế giới có lẽ còn xa vời, ngoại trừ xảy ra đột
biến lớn trên thế giới.
Vì tất cả những lẽ vừa trình bầy trên, TQ hiện nay và siêu cường TQ trong
tương lai vẫn phải tính đến dư luận thế giới trong mọi bước đi của mình, không thể
muốn làm gì cũng được.
VN cần hiểu thực chất với mọi khía cạnh mạnh, yếu của người láng giềng
khổng lồ này của mình, và hiểu xu thế chung của cả thế giới, để từ đó có thể tìm ra
quyết sách tối ưu nhất cho sự tồn tại phát triển của mình với tính cách là một nước
độc lập, tự chủ và phát triển bên cạnh cái lò nấu gang “đại công xưởng thế giới”.
Chìa khóa cho giữ gìn độc lập tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, và
cho xây dựng đất nước thành công của VN là dân tộc và dân chủ./.
Hết
Nguyễn Trung nguyên trợ lý Cố Thủ Tướng : Võ Văn Kiệt, nguyên Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan, tác giả loạt bài : "Thời Cơ Vàng", "Dòng Đời", "Lũ",...
- A - 6 bài về Đại hội XII
- A - chuyên đề Đại hội XII
- A1 "Lũ" - Final Draft April 2015
- AA - về Đại hội XII ĐCSVN
- AAA - Nhật ký
- AAAA - sự kiện
- AAAAA - 1
- Archive
- Archive - Hiến pháp 1992
- Bản thảo sách: Về kinh tế trí thức
- bauxite Tây Nguyên
- Đảng Cộng Sản Việt Nam
- Đổi mới
- Giáo dục
- Sách tham khảo (1998)
- Sách tham khảo: Dấn bước đi lên
- Suy ngẫm
- Thời Sự
- Tiểu thuyết - Dòng đời
- tiểu thuyết "Hiến dâng"
- Tiểu thuyết "Lũ"
- Viễn tưởng
- Việt - Trung - Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét