Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Bàn về đổi mới ĐCSVN

Bản thảo 9

Lời nói đầu:

Trong những năm cuối đời kể từ khi thôi nhiệm vụ cố vấn, đổi mới Đảng
có lẽ là vấn đề chính trị được đồng chí Võ Văn Kiệt quan tâm nhất.
Có thể nói ngày đêm đồng chí Võ Văn Kiệt đứng ngồi không yên với vấn đề này.
Những năm cuối đời đồng chí đã làm nhiều việc xả thân cho vấn đề trọng đại này,
thúc giục các đồng chí đảng viên chung quanh cùng chung tay góp sức.
Rút ra bao nhiêu kinh nghiệm từ cuộc đời chiến đấu của chính mình, đồng chí
Võ Văn Kiệt chẳng những chia sẻ cho chúng tôi những bài học quý báu
về xây dựng Đảng, mà còn tự khẳng định dứt khoát với niềm tin sắt đá: Giai đoạn
cách mạng mới, Đảng nhất thiết phải đổi mới chính mình; là Đảng của dân tộc,
của Hồ Chí Minh thì nhất định đổi mới được.

Trên cơ sở những ý nghĩ đã chia sẻ cho chúng tôi, thảo luận đi thảo luận
 lại nhiều lần, vào những tháng nửa sau năm 2007, đồng chí Võ Văn Kiệt
yêu cầu mỗi chúng tôi cân nhắc và nhận lấy một chuyên đề,
sớm phác thảo ra rồi sẽ cùng nhau thảo luận.

Bàn đi bàn lại, tôi nhận chuyên đề
“Đổi mới xây dựng Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước”.
Sự phân công và lựa chọn này dành cho tôi có nguyên nhân chính là:
Nội dung của chuyên đề đụng chạm đến nhiều khía cạnh đối ngoại – vốn là
“sở trường” mang tính nghề nghiệp của tôi.

Đôi lần tôi hỏi đồng chí Võ Văn Kiệt:    Nên viết đến mức nào?
Trả lời:     Võ Văn Kiệt sẵn sàng mang thẻ Đảng viên của mình ra chịu trận tất cả!

Tết Mậu Tý tôi hoàn thành bản thảo 1, những tháng sau đó là các bản thảo tiếp theo.
Tính tôi hay viết dài lê thê, viết xong còn nghĩ tiếp chưa dứt, nên tôi chỉ gửi cho đồng chí
Võ Văn Kiệt một hay hai bản thảo (có thể các bản từ số 3 số 5, tôi không nhớ kỹ).
Tôi được đặc ân: Khi nào tự tôi thấy chuyên đề viết ra đã hoàn chỉnh thì sẽ đem
ra thảo luận, nên tôi cứ soạn thảo mãi mà chưa xong.

            Trong buổi gặp chúng tôi lần cuối cùng khoảng đầu tháng 6-2008 tại khu biệt thự
Hồ Tây, không biết vì sao, tôi cảm nhận được sự bức xúc đến tột độ của đồng chí Võ Văn Kiệt:
“Các anh nói đi, cần làm gì nữa? Cần gặp ai nữa? Đi đến đâu tôi cũng sẵn sàng!..” –
trong buổi gặp này chúng tôi bàn đến nhiều vấn đề liên quan đến xây dựng Đảng và
đường lối của Đảng, nhiều vấn đề lớn khác của đất nước. Tôi thầm hiểu đấy cũng là lời
thúc giục chính tôi phải hoàn thành sớm công việc đang làm.

            Tôi viết xong bản thảo lần thứ 6 thì có tin sét đánh: Đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi xa...
Tôi vô cùng ân hận vì chưa hoàn thành công việc của mình, trong lòng chỉ còn biết tự nhủ:
Phải cố động não viết lên được vấn đề!

            Trong quá trình viết, tôi luôn được anh Võ Văn Kiệt và các anh khác giúp đỡ
ý kiến và tư vấn. Song vấn đề quá lớn và quá khó so với trình độ mọi mặt của tôi,
không biết tôi còn phải viết đến bản thảo thứ bao nhiêu nữa thì mới được coi
là tàm tạm hoàn thành. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về tất cả những gì
đã viết ra thành giấy trắng mực đen trong bản thảo này.

Lời nói đầu này là viết cho bản thảo thứ 9, rồi sẽ tính tiếp. Nội dung chủ yếu của
bản thảo này được cô đọng lại trong phần tóm tắt và phần kết luận, để người đọc
ít thời giờ tiện theo dõi.





Đảng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước

Góp ý về đổi mới Đảng

(Chỉ để nghiên cứu, tuyệt đối không phổ biến trong công luận)
Nguyễn Trung


Nội dung

I.                  Những vấn đề cuộc sống đặt ra
I.1. Nhìn vào trong nước
I.2. Nhìn ra thế giới

II.               Ngăn chặn xảy ra mâu thuẫn lớn nhất  

III.           Đổi mới Đảng về đường lối cần bắt đầu từ
nhận thức những nhiệm vụ lớn phía trước
*Về nhiệm vụ 1: Chiến lược phát triển kinh tế
*Về nhiệm vụ 2: Xây dựng thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự
*Về nhiệm vụ 3: Xây dựng đường lối đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước
*Về nhiệm vụ số 4: Phát triển nền giáo dục tiên tiến
*Về nhiệm vụ số 5: Đổi mới xây dựng Đảng

Kết luận

****


I. Những vấn đề cuộc sống đặt ra

          Sau 32 năm xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời bình, trong đó có 22 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã hoàn tất một thời kỳ phát triển ban đầu: Phát triển theo chiều rộng. Tháng 1-2007 nước ta trở thành thành viên WTO, kết thúc một chặng đường dài đi từ nền kinh tế khép kín đến hội nhập toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Từ tháng 1-2008 nước ta là ủy viên không thường trực của HĐBALHQ khóa 2008-2009.

Năm 2007 cũng là năm nước ta đạt được những thành tựu cao nhất trong 22 năm đổi mới. Ngày nay, quy mô nền kinh tế tăng khoảng 8 lần so với khi bước vào đổi mới, thu nhập tính theo đầu người tăng 4 lần, hiện nay kim ngạch ngoại thương hàng năm (xuất + nhập khẩu, ví dụ trong 2 năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2006-2010) bằng khoảng 150% GDP, gấp 60 lần so với trước đổi mới – nghĩa là mức độ gắn kết với kinh tế thế giới rất cao[1] (chú ý: sau 20 năm đầu tiên trên con đường trở thành NIC, GDP của Hàn Quốc tăng 16 lần).

Tuy nhiên, sau 22 năm đổi mới và thực hiện công nghiệp hóa, nền kinh tế nước ta chủ yếu vẫn là nền kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên, mang nặng tính nền kinh tế gia công, hầu như chưa có hay có rất ít doanh nghiệp, càng chưa có một ngành kinh tế nào đủ khả năng cạnh tranh toàn diện để có thể tham gia các “chuỗi” hoặc “mạng” cung ứng của nền kinh tế thế giới[2], nghĩa là chưa có sản phẩm và phương thức kinh doanh đạt trình độ trở thành một mắt xích trong các chuỗi hay mạng này. Như vậy, về cơ bản vẫn là tình trạng “Có ta cũng được, không có ta thì chợ vẫn cứ vui!”[3]; nghĩa là nền kinh tế nước ta vẫn là đi bên lề kinh tế thế giới, chưa tạo ra được khả năng thông qua tự thiết kế và sáng tạo để có thương hiệu riêng hội nhập sâu vào các lĩnh vực và ngành nghề của kinh tế thế giới. Trên thế giới không có một nước công nghiệp nào, dù là nước nhỏ nhất như Monaco, Singapore.., có thể đứng bên lề của kinh tế thế giới. Thực tế này cho thấy mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa với đúng nghĩa của nó còn xa vời, bởi vì ngày nay không thể có một nước công nghiệp hóa được sinh ra để đứng một mình và chỉ tồn tại vì chính mình[4] (so sánh một bên là các nước công nghiệp hóa như Hàn Quốc, Đài Loan với một bên là Malaysia, Thái Lan, Philippines... sẽ thấy rõ điều này).

Hơn thế nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng tính bền vững thấp, chất lượng cuộc sống của đại bộ phận dân cư xuống cấp trên những phương diện quan trọng, đang thôi thúc Đảng phải tìm ra một hướng đi mới cho đất nước. Giữ nguyên phương thức và chiến lược phát triển như hiện nay[5], có nguy cơ không đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tóm lại (a)thành tựu đạt được, (b)đòi hỏi của phát triển sau 22 năm đổi mới, (c)cơ hội và thách thức mới, (d)vị thế quốc tế mới của đất nước trong cục diện thế giới ngày nay, đấy là 4 yếu tố quy tụ lại đặt nước ta trước ngã ba đường: Hoặc là thông qua triệt để đổi mới bứt lên trở thành một nước có nền kinh tế phát triển như dạng một Hàn Quốc hay Đài Loan, hoặc là đi vào vết xe đổ của một số nước Đông Nam Á như Philippines, Indonesia, Thái Lan với mức độ còn tồi tệ hơn nữa[6]. Tình hình lạm phát rộ lên hai con số từ quý 4 – 2007 là tín hiệu đỏ báo động nguy cơ rẽ vào bước ngoặt phát triển xấu và lại một lần nữa có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội đi lên một quốc gia phát triển hiện đại. Cuộc sống đặt ra yêu cầu phải chặn đứng nguy cơ này và đưa đất nước tiếp tục tiến lên phía trước.

Tình hình đất nước hiện nay có những vấn đề mới như sau:



I.1. Nhìn vào trong nước

Xu thế phát triển kinh tế theo chiều rộng như hiện nay đã lên tới đỉnh điểm, thể hiện rõ nhất ở chỗ những lợi thế so sánh hiện có như lao động rẻ, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đã được khai thác tới mức trần, không có khả năng phát huy tiếp:

a-     Lao động giá rẻ dựa trên hàm lượng công nghệ hay chất xám thấp ở nước ta một mặt ngày càng giảm sức cạnh tranh, giá trị gia tăng làm ra thấp, không có khả năng đưa nước ta thoát khỏi số phận nước nghèo[7]; mặt khác đang tạo ra nguy cơ không thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020[8]. Ngay trước mắt khả năng tiếp thu FDI cho các công trình kinh tế hiện đại rất hạn chế, lãng phí trầm trọng nhiều cơ hội tốt.
b-    Kinh tế phát triển năng động nhưng chưa bền vững và chất lượng tăng trưởng chưa cao.Tuy mới ở quy mô GDP tính theo đầu người là 700 – 800 USD song đã vấp phải 3 “thắt cổ chai” lớn, cản trở sự phát triển của đất nước: (1)thiếu kết cấu hạ tầng, (2)thiếu nguồn nhân lực thích ứng, (3)năng lực điều hành kinh tế vỹ mô và quản trị quốc gia yếu kém. Đã xuất hiện tình trạng không hấp thụ nổi khối lượng to lớn các nguồn lực  trong nước và nước ngoài huy động được, và chính thực tế này đang nhanh chóng gây ra cho đất nước những nguy cơ tiềm tàng mới (đặc biệt là hệ thống tài chính tiền tệ yếu kém, thị trường vốn phát triển nhanh nhưng dễ đổ vỡ, thị trường bất động sản đang có những “cơn sốt” cao hoặc “đóng băng” xen nhau, lạm phát cao.., tất cả đều là những lĩnh vực nhạy cảm)[9]. Chưa hình thành một tư duy, một chiến lược mới về phát triển kinh tế cho tình hình mới.
c-     Hệ thống chính trị - xã hội (bao gồm cả chất lượng văn hóa – xã hội) chưa được chuẩn bị cho yêu cầu chuyển dịch đất nước đi lên con đường phát triển hiện đại, ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém – thể hiện rõ nét nhất qua các vấn đề:
(1)    giáo dục và y tế tiếp tục xuống cấp, có những bất cập ngày càng lớn, ảnh hưởng sâu xa đến phát triển nguồn lực quý nhất và quan trọng nhất của sự nghiệp phát triển đất nước là con người;
(2)    cải cách hành chính giẫm chân tại chỗ, không theo kịp và không thúc đẩy sự phát triển của đất nước;
(3)    chất lượng các quyết định chính trị, các chính sách và luật pháp được ban hành nhìn chung thấp so với đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ, khả năng thực thi còn yếu kém hơn, chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức xuống cấp nghiêm trọng[10];
(4)    tính tiên liệu được, sự ổn định về luật pháp và chính sách, khả năng thực thi của pháp luật cần thiết cho những việc dài hạn nhìn chung thấp;
(5)    tình trạng quan liêu tham nhũng nghiêm trọng;
(6)    bao chùm lên tất cả là tình hình và nhiệm vụ có nhiều thay đổi lớn, nhưng trong Đảng lại có tâm lý cố thủ trong tư duy cũ, khẳng định: không thay Cương lĩnh năm 1991, chỉ cần bổ sung không cần sửa đổi.  
d-    Môi trường tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng do con người gây ra (quá trình phát triển theo chiều rộng như hiện nay), đồng thời có sự biến động của môi trường tự nhiên do hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Ngày càng nhiều thiên tai lớn, phải đặt ra câu hỏi: Có thể tiếp tục duy trì phương thức phát triển kinh tế như hiện nay được không? Phải chăng đã đến lúc phải đi tìm một phương thức phát triển kinh tế thích nghi tốt hơn, bền vững hơn?
e-     Chất lượng cuộc sống của đại bộ phận trong cộng đồng dân cư – nhất là nông dân và tầng lớp nghèo -  không theo kịp nhịp độ tăng trưởng của kinh tế, thậm chí có mặt giảm sút cả về vật chất và tinh thần: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông vận tải, các dịch vụ y tế, giáo dục xuống cấp...
f-      Đã hình thành những giai tầng hay nhóm lợi ích quan liêu ăn bám mới với nhiều hệ quả tiêu cực cho chế độ chính trị của đất nước.  
g-     Điều đáng lo ngại nhất là toàn bộ những yếu kém vừa trình bày trên đang tích tụ thành những sức ép, lúc bức xúc, lúc âm ỷ trên các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, chứa đựng mối nguy tiềm tàng lớn đối với chế độ chính trị của đất nước – đặc biệt là vấn đề đất đai, vấn đề nông dân và nông thôn.[11]
h-    Lạm phát 2 con số năm 2007 (12,6%), tháng 4-2008 tăng 11,2% so với tháng 12-2007; chỉ số CPI tháng 4-2008 tăng 21,42 so với tháng 4-2007; nhập siêu tăng bất thường, biến động giá cả chóng mặt, những rối loạn trên thị trường tiền tệ (vấn đề thanh khoản của các ngân hàng thương mại - NHTM, tỷ giá hối đoái, lãi suất, thị trường chứng khoán...) cùng với tình hình đầu cơ trên thị trường bất động sản, các biện pháp sốc “chữa cháy” của Chính phủ tỏ ra kém hiệu quả... Có thể nói lạm phát ở mức “báo động đỏ” hiện nay về bề nổi và trực tiếp là do những nguyên nhân tiền tệ; song về chiều sâu thì phải nhận định lạm phát hiện nay còn là hệ quả tất yếu của (a)những nguyên nhân kéo dài từ nhiều năm thuộc về hệ thống điều hành vĩ mô không tuân thủ những nguyên tắc của thể chế kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền, và (b)những nguyên nhân thuộc về cơ cấu kinh tế phát triển theo chiều rộng nhưng kém chất lượng, hiệu quả thấp và lãng phí lớn từ nhiều năm nay[12]. Tất cả đang cảnh báo nghiêm khắc nguy cơ “vỡ bong bóng”. Thiên tai (đặc biệt là vụ rét kéo dài vừa qua và các dịch bệnh) cùng với tác động của suy thoái kinh tế thế giới bắt nguồn từ Mỹ làm trầm trọng thêm những vấn đề của nước ta.

          Tình hình mới (bao gồm cả vị thế mới của đất nước và bối cảnh kinh tế thế giới có làn sóng suy thoái mới) và những cơ hội lớn dồn về đến mức cao điểm trong năm 2007 – năm thuận lợi nhất cho nước ta trong suốt 22 năm đổi mới – làm cho cơ chế điều hành đất nước và cơ cấu hiện tại của nền kinh tế trở nên bất kham, những yếu kém trầm trọng tích tụ từ nhiều năm bộc lộ thành những vấn đề nan giải trong những tháng cuối năm 2007 và 2 tháng đầu năm. Tình hình diễn biến nhanh  và nóng tới mức giữa phát triển năng động và nguy cơ khủng hoảng tàn phá chỉ cách nhau gang tấc – ví dụ nếu không kiểm soát được lạm phát, nếu để cho thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nối đua nhau đổ vỡ?.. Nền kinh tế nước ta không có nguy cơ sụp đổ vì tình trạng khan hiếm các nguồn lực, nhưng lại đang đối mặt gay gắt với nguy cơ vỡ cấu trúc hệ thống và bội thực các cơ hội và nguồn lực dồn về.

          Nói nghiêm khắc: Sau khi đổi mới đạt được đỉnh cao đầu tiên năm 1995, lãnh đạo Đảng đã bảo thủ, trì trệ quá lâu trong tư duy cũ, bỏ ngoài tai những dự báo và cảnh báo có liên quan đến quá trình phát triển năng động và đòi hỏi hội nhập của đất nước, chạy theo các sự vụ trước mắt và bị động, trên thực tế là không tạo ra được sự chuẩn bị cần thiết khi đất nước năm 2007 giành được vị thế mới và những cơ hội mới. Cơ hội tuột tay để có thể biến ngay thành nguy cơ trước hết là do sự hẫng hụt này. Đảng phải nghiêm túc nhận trách nhiệm trước đất nước về tình hình nguy hiểm hiện nay[13].

          Tóm lại: Sau chặng đường đổi mới 22 năm, quá trình phát triển đất nước ta tự nó từ bên trong đang đặt ra vấn đề phải trên cơ sở nâng cao hiệu quả và chất lượng phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối hiện hành – tạm gọi là phát triển theo chiều rộng, đồng thời phải đẩy mạnh cải cách toàn diện để mau chóng chuyển hướng đi lên một giai đoạn phát triển cao hơn – tạm gọi là phát triển theo chiều sâu cả về cơ cấu kinh tế và thể chể chế điều hành đất nước. Cái áo cũ đang mặc của thể chế đã bắt đầu nứt toác không thể bao bọc nổi cơ thể phát triển mới của nền kinh tế đang lớn lên.

Cái “nóng lên” đột ngột từ quý 4-2007 trên mặt trận kinh tế và những bất cập[14] trong ứng xử với tình hình trong những tháng vừa qua đã đẩy lạm phát vốn đã cao từ nhiều năm (6 – 8%) song chỉ trong vòng mấy tháng nhảy vọt lên 2 con số. Hai tác nhân chủ yếu dẫn đến sự khủng hoảng này là:
(a)  sự lũng đoạn từ lâu do các tập đoàn kinh tế quốc doanh gây ra đã bột phát mạnh mẽ từ sau Đại hội X, và đi tới gần cái ngưỡng có thể làm sụp đổ nền kinh tế;  và
(b) sự phá sản của điều hành kinh tế theo quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo[15].

Sự ổn định của chế độ chính trị và tính bền vững của phát triển kinh tế sau 20 năm đổi mới đột nhiên bị thách thức nghiêm trọng, ảnh hưởng của các nhóm lợi ích ngày càng lớn; đồng thời các mục tiêu của “định hướng xã hội chủ nghĩa” liên quan đến công bằng, dân chủ, văn minh, đến thu hẹp khoảng cách giầu nghèo, phát triển phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên... bị đẩy lùi đáng kể, chất lượng cuộc sống có nhiều mặt giảm sút (giáo dục, y tế, tai nạn và ách tắc giao thông, tác động của lạm phát đối với người nghèo...) – nhất là từ sau Đại hội X. Thời cơ vàng bị đẩy ra xa và để cho hiểm họa đen đang tiến lại gần, tình hình  cảnh báo nghiêm khắc nguy cơ mất còn của chế độ chính trị, của Đảng.

 Tóm lại, có thể mô tả: Bức tranh tổng thể tình hình đất nước hiện nay gồm hai mảng: Cơ hội tiếp tục phát triển năng động hiện nay rất lớn đối với nền kinh tế còn đang “trẻ” và nhiều sức hấp dẫn của Việt Nam, đồng thời nguy cơ khủng hoảng toàn diện hệ thống kinh tế cũng đang tới gần điểm bùng nổ; tuy nhiên vẫn còn một dư địa nhất định đủ cho việc tiến hành mọi nỗ lực chặn đứng nguy cơ sụp đổ và cho phép tận dụng được cơ hội - nhưng đòi hỏi phải có bản lĩnh quyết liệt.

Tất cả càng làm rõ tình hình: Đất nước đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cái áo của hệ thống điều hành đất nước đã bục rách không thể vá víu được nữa, phải thay áo mới. Đã qua rồi cái thời cải cách hệ thống điều hành đất nước có thể lẽo đẽo chạy theo những bước phát triển mọi mặt của đất nước – trước hết là trên mặt trận kinh tế. Ngày nay, trong quá trình hội nhập toàn diện và sâu sắc, cọ sát với thế giới toàn cầu hóa ngày càng quyết liệt, đòi hỏi toàn dân tộc phải là một đội quân tinh nhuệ được dẫn dắt bởi trí tuệ và ý chí của một nhà nước thao lược. Vì vậy bất kỳ một sự hoang dã nào còn tồn tại trong hệ thống chính trị và trong kinh tế, trong đời sống mọi mặt của đất nước, đều đồng nghĩa với cản trở bước đi của đất nước và kéo dài tụt hậu, đều có khả năng biến thời cơ thành nguy cơ như đang diễn ra từ quý 4-2007. Ngày nay trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, mỗi công dân của đất nước đều phải trực tiếp tham chiến ngay tại chỗ đứng của mình trong xã hội; tại trận địa này của chính mình mỗi công dân vừa là tướng và đồng thời cũng là chiến sỹ. Hiển nhiên quốc gia cần phải có một hệ thống điều hành và quản trị đất nước để mỗi công dân của mình có điều kiện thực hiện tốt nhất chức năng vừa là tướng vừa là chiến sỹ ngay trên trận địa của chính mình.

Tình hình nêu trên tự nó đặt ra đòi hỏi cải cách thể chế trong giai đọạn hiện nay phải mang tính triệt để và phải đi trước một bước những cải cách kinh tế, để có thể đối phó có hiệu quả mọi thách thức đất nước đang đối mặt, đồng thời hậu thuẫn những nỗ lực tìm đường đi vào thời kỳ phát triển mới.

Đảng ý thức được đòi hỏi mới này của đất nước và sẽ giữ được vai trò đi tiên phong của mình? [16]


I.2. Nhìn ra thế giới

Mối quan hệ của nước ta với thế giới bên ngoài chuyển sang một thời kỳ mới. Đứng trước tình hình này, tư duy về hội nhập, về đối ngoại – bao gồm cả kinh tế đối ngoại chưa có sự chuyển biến sâu rộng lẽ ra phải có (nghĩa là còn những phương diện giữ nguyên cái cũ,  hoặc có tiến bộ nhưng chậm, hoặc đã thay đổi nhưng vẫn lạc hậu về cách nghĩ so với đòi hỏi của tình hình). Những vấn đề chính là:

a-    Tư duy chiến lược:  So với sự thay đổi của tình hình chưa có đổi mới hay chuyển biến mạnh mẽ trên cả 3 phương diện kinh tế, chính trị, quan hệ đối ngoại mà thời kỳ đất nước hội nhập toàn diện đòi hỏi và thời cơ đang cho phép và trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn. Nghĩa là trên nhiều phương diện còn duy trì tư duy cũ, phương thức cũ, thụ động, lạc hậu.  Vấn đề lớn nhất hiện nay là cục diện thế giới đang chuyển động nhanh sang trật tự đa cực[17]. Đấy là trật tự vẫn còn một siêu cường là Mỹ, nhưng các cường quốc khác – trước hết là Trung Quốc – đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng của mình và thu hẹp đáng kể khoảng cách đối với Mỹ. Riêng tại khu vực Đông Nam Á vai trò của Trung Quốc ngày càng nổi trội trong khi đó ảnh hưởng của Mỹ có xu thế co lại. Tình hình này đòi hỏi nước ta không thể chỉ đơn thuần một chiều lễ phép bầy tỏ lòng mong muốn là bạn và là đối tác của cả thế giới, mà phải chủ động  tìm cách đi với cả thế giới, phải tìm đường phát triển thuận theo xu thế của cả thế giới – với mục tiêu Việt Nam coi cả thế giới là đối tác của mình, coi thị trường cả thế giới là của mình, phải chủ động làm mọi việc để cho cả thế giới nhìn nhận Việt Nam là đối tác . Chiến lược kinh tế nào, đường lối đối nội và đối ngoại nào cần phải có để đạt mục tiêu này? Cần nói thẳng thắn ta chưa nhận thức được sâu sắc tình hình mới này, nên các chính sách đối nội, đối ngoại và chiến lược phát triển kinh tế nhìn chung điều chỉnh không kịp (đối với thời cơ cũng như thách thức), và thực sự đang thiếu hẳn một chiến lược mới với một cách nhìn mới.
b-    Về kinh tế: Độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn (kim ngạch XNK >150% GDP), đã hội nhập toàn diện vào khung khổ hiện tại của các thể chế toàn cầu. Điều này có nghĩa là sự phụ thuộc của kinh tế nước ta vào kinh tế thế giới rất cao, đặt ra vấn đề càng phát triển càng phải hội nhập sâu và mở rộng quan hệ để chiếm lợi thế cạnh tranh. Song chiến lược phát triển theo chiều rộng đã đi tới giới hạn cho phép, khả năng cạnh tranh theo phương thức hiện hành đã kịch tới trần, đang ngày càng hạn chế khả năng tranh thủ chuyển giao công nghệ cao, hạn chế khả năng tự làm ra công nghệ mới, vì vậy về cơ bản nước ta chưa tìm được lối thoát ra khỏi nền kinh tế gia công dựa trên lao động rẻ và khai thác tài nguyên hiện có. Tiếp tục xu thế này khả năng cạnh tranh sẽ giảm dần – và như vậy làm sao vào năm 2020 có thể trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại (trước hết với ý nghĩa nền kinh tế có nhiều tri thức và tạo ra nhiều giá trị gia tăng mới)[18]? Trong khi đó cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ “vỡ hệ thống” (còn gọi là nguy cơ bội thực) do khối lượng các nguồn vốn và cơ hội từ bên ngoài đổ về lớn, nhưng khả năng hấp thụ và khả năng ứng xử của ta trước tình thế này rất yếu kém; từ quý 4-2007 còn thêm tác động phá hoại của lạm phát 2 con số.
c-     Về chính trị: Đất nước đứng trước yêu cầu chuyển từ chiến lược phát triển kinh tế theo chiều rộng sang chiến lược phát triển kinh tế dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập, song hệ thống chính trị hiện nay (bao gồm cả hệ thống nhà nước và bộ máy hành chính của nó) chưa được chuẩn bị cho yêu cầu chiến lược này, nhất là chưa hướng mạnh vào xây dựng một thể chế của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự ngày càng phát triển mà giai đoạn phát triển kinh tế hiện tại của đất nước đòi hỏi.
d-    Về đối ngoại: (i)cục diện đang hình thành thế giới đa cực với những giằng xé mới, (ii)sự suy giảm của siêu cường Mỹ, (iii)sự xuất hiện cái “công xưởng thế giới đang đói và đảo lộn thế giới” mà nước ta ở sát nách, (iv)đòi hỏi của đất nước chuyển sang giai đoạn phát triển mới – cả 4 yếu tố này đặt nước ta trước tình hình phải thực hiện một chiến lược biến cả thế giới là đối tác của mình, làm cho cả thế giới thừa nhận Việt Nam là đối tác.  Hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là món quà được trao tặng cho nước ta, mà chỉ có chủ động phấn đấu để giành lấy. Ta chưa có một chiến lược đối ngoại và phát triển quan hệ kinh tế đạt yêu cầu này, trong tư duy và trong chính sách còn nhiều điều bất cập. Đặc biệt là chưa nhận thức được sự cần thiết phải có những thay đổi quyết liệt trong toàn bộ lĩnh vực đối nội (kể cả hệ thống chính trị, các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng...) làm nền tảng cho một chiến lược đối ngoại mới như tình hình hiện nay đòi hỏi.



II. Ngăn chặn để xẩy ra tình hình mâu thuẫn giữa khát vọng phát triển đất nước của dân tộc và sự hẫng hụt năng lực của Đảng trở thành mâu thuẫn lớn nhất của đất nước trong thời kỳ phát triển mới

Tự bản chất của sự vật là có lãnh đạo thì có mâu thuẫn giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Đảng cầm quyền nào cũng phải lo củng cố quyền lực của mình để có khả năng thực hiện được nhiệm vụ chính trị của nó – là cầm quyền, là lãnh đạo. Vì vậy đương nhiên nảy sinh mâu thuẫn giữa một bên là lợi ích củng cố quyền lực của đảng và một bên là lợi ích quốc gia.

Mâu thuẫn giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo là tự nhiên, là bình thường trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau của sự vật giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Hơn thế nữa, bất kể một thực thể tổ chức chính trị nào cũng phải thường xuyên đối mặt với sự tha hóa của chính bản thân trong quá trình vận động của nó hoặc do tác động của cuộc sống. Đó cũng là sự vận động của quy luật tự nhiên. Chính vì lẽ này trong tổ chức hệ thống chính trị, hệ thống nhà nước của một quốc gia bao giờ cũng phải thiết kế một hệ thống kiềm chế, điều chỉnh, kiểm soát, chống tha hóa, thúc đẩy đổi mới... Trong hệ thống chính trị chỉ có một đảng duy nhất đồng thời cũng là đảng cầm quyền như ở nước ta, việc xây dựng một hệ thống kiềm chế như vậy càng khó khăn nhưng càng cần thiết. Thực tế này đòi hỏi Đảng càng phải quan tâm nhiều hơn đến mâu thuẫn giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo. Điều quyết định là ở chỗ Đảng phải nhận thức được sự tồn tại của mâu thuẫn này như một thực tế khách quan, để từ đó thường xuyên chăm lo xử lý mâu thuẫn này như công việc thường xuyên chăm lo tôi luyện Đảng.

Rất tiếc là thực tế khách quan này không được tự giác nhận biết  mọi chiều cạnh của nó, thậm chí tránh né, hoặc cố ý phủ nhận nó; tệ hại hơn nữa là sự tồn tại của tư duy thần thánh hóa Đảng.

Sự nghiệp phát triển của đất nước luôn luôn đặt ra nhiều vấn đề mới – nhất là trong quá trình toàn cầu hóa ngày nay, luôn luôn khách quan tạo ra sự bất cập mới trong năng lực và trong phẩm chất của lãnh đạo - ở quốc gia nào cũng vậy. Thực tế khách quan này là lẽ tự nhiên, đặt ra thách thức thường trực Đảng phải thường xuyên xử lý.

Song vì thiếu sự tự giác về thách thức thường trực nêu trên, mâu thuẫn tự nhiên giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo có điều kiện thúc đẩy sự tha hóa và bất cập của Đảng gia tăng trong quá trình phát triển năng động của cuộc sống đất nước. Thực tế khách quan này tích tụ và làm gia tăng mâu thuẫn giữa một bên là đòi hỏi củng cố quyền lực của Đảng và một bên là thực thi và bảo vệ lợi ích quốc gia. Sự vận động như vậy dần dần trở thành nguyên nhân căn bản tự nó gây ra những tha hóa và bất cập mới của Đảng trong đối nội và đối ngoại như vừa trình bày trên, khiến cho quyền lợi quốc gia trong những trường hợp nhất định không được coi là tối thượng. Mâu thuẫn này cản trở đáng kể việc phát huy dân chủ để huy động trí tuệ và nghị lực trong Đảng và của toàn dân tộc giải quyết tối ưu mọi vấn đề của đất nước trong tình hình mới.

Bản chất nội tại của mâu thuẫn này đang phát triển theo khuynh hướng đặt lợi ích về sự tồn tại của Đảng và yêu cầu bảo vệ chế độ chính trị của Đảng lên trên lợi ích quốc gia, nhân danh sự lựa chọn con đường định hướng xã hội chủ nghĩa [19]. Trên thực tế và dưới góc độ nhất định, chế độ chính trị cũng phát triển theo khuynh hướng ngày càng trở thành điều kiện hay phương thức bảo vệ sự tồn tại của Đảng – nghĩa là khuynh hướng đặt lộn ngược vấn đề,  không coi chế độ chính trị cũng chỉ là một phương tiện thực hiện và bảo vệ lợi ích quốc gia. Chính khuynh hướng “lộn ngược” này hạn chế nhận thức coi việc thực hiện lợi ích quốc gia là phương thức duy nhất đúng đắn thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và xác lập sự bảo vệ chính đáng sự tồn tại của Đảng. Chính khuynh hướng “lộn ngược” này làm giảm ý chí phấn đấu vươn lên của Đảng với tính cách là đội tiền phong (của giai cấp và) của dân tộc.

Tất cả nói lên trong giai đoạn phát triển mới của đất nước kể từ sau khi hoàn thành sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước, khuynh hướng lộn ngược này là nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế tầm nhìn của Đảng, khiến cho trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ngày càng phát sinh nhiều biểu hiện xa dời quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, ngày càng lúng túng trong việc lựa chọn con đường phát huy sức mạnh dân tộc, trên thực tế là chưa đi hẳn với dân tộc để lãnh đạo dân tộc và cùng trường tồn với dân tộc. Khuynh hướng “lộn ngược” này thực ra là một nấc tha hóa thang mới của đảng cầm quyền trong thời bình, mặc dù về lý thuyết Đảng luôn luôn nhấn mạnh phát huy sức mạnh dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc.   

Cùng với mọi tha hóa diễn ra, mâu thuẫn tự nhiên này đang diễn biến chế độ chính trị của quốc gia theo xu hướng đảng hóa, làm cho chế độ chính trị quốc gia ngày càng mang tính chất là chế độ chính trị của Đảng, làm cho mâu thuẫn tự nhiên và thường có giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo ngày càng đi sâu vào khuynh hướng trở thành mâu thun ln nht giữa một bên là năng lực ngày càng hụt hẫng của đảng lãnh đạo và một bên là khát vọng phát triển đất nước của dân tộc kể từ khi bước vào thời bình.  Vì không ý thức đầy đủ về nguy cơ mâu thuẫn lớn nhất này và tìm cách khắc phục nó, trong Đảng có nhiều nỗ lực cố thủ trong tư duy cũ, tích tụ bản năng đề kháng với cái mới, khiến cho nhận thức của Đảng không theo kịp tình hình hình nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Tình hình này khiến Đảng về nhiều mặt rơi vào bị động đối phó, nhiều khi phải ăn bám vào vinh quang của quá khứ để tự khẳng định mình.

Thực chất tình hình nêu trên là quá trình diễn biến hòa bình đích thực đang tha hóa Đảng, là mối nguy lớn nhất liên quan đến tồn vong của Đảng và của chế độ chính trị, nói lên xu thế nguy hiểm là Đảng không thắng được quán tính lịch sử: Vai trò của Đảng là người lãnh đạo đất nước ngày một teo đi mãi, vai trò của Đảng là kẻ thắng cai trị đất nước tiếp tục lấn át [20].

Chung cuộc là tính tiền phong chiến đấu của Đảng về nhiều mặt trong thời bình bị suy giảm: Đảng có mặt tại khắp mọi nơi, ngày càng tăng lớn về số lượng và quy mô tổ chức, tỷ lệ thuận với tăng theo sự bất cập về năng lực và phẩm chất của Đảng. Chưa bao giờ Đảng lớn như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ Đảng yếu như bây giờ. Hệ quả tất yếu là lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng suy giảm, vị thế của đất nước chưa phát huy được như tình hình cho phép. Thời cơ và thách thức là rõ ràng, nhưng về cơ bản hiện nay tư duy và mọi quyết sách Đảng đề ra chủ yếu vẫn là bị động ứng phó hay chạy theo tình thế, chứ không phài là thật sự làm chủ tình thế để giành lấy cơ hội đang đến. Tình trạng hẫng hụt chung hiện nay của đất nước trước thời cơ mới là hệ quả tất yếu của sự hẫng hụt khả năng lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới[21]. Tình hình từ quý 4-2007 đến nay còn cho thấy thời cơ đang diễn biến thành nguy cơ nhanh như thế nào.

Không thể không đặt ra câu hỏi: Trí tuệ, tính tiên phong, ý chí, bản lĩnh kiên cường và chủ động tiến công của Đảng trong thời chiến trước kia sao bây giờ lại tìm không thấy trong thời bình?

Nhìn lại từ sau 30-4-1975: Sau khi ra khỏi chiến tranh, 10 năm đầu lâm vào khủng hoảng trầm trọng do duy ý chí; 22 năm đổi mới phát triển mạnh nhưng vẫn dưới mức tiềm năng cho phép và nhiều lần không tận dụng được cơ hội đến tay; hiện nay vừa có nguy cơ không tận dụng được cơ hội mới, vừa có nguy cơ không đương đầu thắng lợi được với những thách thức mới. So sánh với bên ngoài: 30 năm là thời gian đủ để Hàn Quốc, Đài Loan... trở thành nước công nghiệp hóa (NIC), (Malaysia cũng gần đạt mục tiêu này, riêng Singapore là quốc gia thành phố nên không đem ra so sánh ở đây). Còn nước ta?

Tính theo các Nghị quyết Đại hội Đảng, đến năm 2020, Việt Nam ta còn 12 năm nữa để hoàn thành chặng đường CNH-HĐH. Xin lưu ý, khoảng cách phát triển hiện tại giữa ta với Thái Lan là 20 – 30 năm, với Đài Loan, Hàn Quốc là 50 - 60 năm... Nghĩa là trong vòng 12 năm tới (vào năm 2020) làm sao nước ta chí ít cũng phải phát triển được bằng Thái Lan hiện tại (nước đang phát triển có thu nhập cao)? Kịp không? Chắc không kịp! Còn so với Đài Loan, Hàn Quốc thì quá xa vời...

Cứ giả định là làm được dù ở mức thấp, quá trình CNH-HĐH của nước ta như thế sẽ là 45 năm tính từ 1975. Như thế là nhanh hay chậm so với các NICs trong khu vực, chất lượng thế nào?

Vì sao kinh tế đất nước đang lên, cuộc sống vật chất nhìn chung khá giả hơn so với trước, nhưng lại ngày càng nhiều hiện tượng suy đồi, lòng người không yên, ý chí dân tộc có những mặt sa sút, cuộc sống văn hóa không theo kịp, khuynh hướng phát triển hoang dã gia tăng?..

Đấy là những câu hỏi đau đáu phải trả lời.

Đảng cần thấu hiểu khát vọng chấn hưng đất nước của dân tộc, không để cho những thành tích trước mắt dù được thế giới ca ngợi ru ngủ và hủ hóa mình. Cần  thẳng thắn thừa nhận: 32 năm nước ta đi như thế là chậm, những thành tựu đạt được dù to lớn đến thế nào vẫn là “ta hôm nay so với ta trước đổi mới” và là quá nhỏ, quá xa so với cái giá dân tộc ta phải trả, là nhỏ so với những gì thiên hạ đã làm được trong khoảng thời gian như thế, là quá nhỏ bé so với tiềm năng và khả năng của dân tộc này, của đất nước này trong thời thế hiện nay cho phép!

Xin hãy bình tâm nhìn lại: Sức mạnh nào làm nên sự kỳ diệu năm 1986 còn phải ăn độn bobo, nhập khẩu lương thực, nhưng năm 1989 đã xuất khẩu trên 2 triệu tấn gạo và từ đó đến nay trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba thế giới? Làm sao mà xuất khẩu của đất nước hàng năng tăng liên tục 2 con số trong suốt 22 năm đổi mới vừa qua, bất chấp mọi yếu kém? Vì sao trong nền hành chính quan liêu, trong tình trạng tham nhũng nặng nề của bộ máy, trong tình trạng bị phân biệt đối sử không thể hơn được nữa, khu vực kinh tế tư nhân vẫn phát triển năng động, với khoảng 30% vốn liếng quốc gia nhưng làm ra trên 60% tổng sản phẩm xã hội và hàng năm trên 90% việc làm mới là do khu vực này tạo ra? Nếu đảo ngược được sự đối xử bất bình đẳng hiện nay với kinh tế tư nhân tình hình sẽ như thế nào?

Tại sao một dân tộc hiếu học, thông minh như dân tộc ta, được thử thách suốt chiều dài lịch sử từ ngày dựng nước, về cơ cấu dân số hiện nay lại là một dân tộc trẻ, cần cù, giàu khát vọng và sáng tạo.., nhưng hơn 30 năm trong hòa bình rồi mà vẫn thuộc nhóm nước nghèo? Trầm trọng hơn nữa là về nhiều mặt dân tộc ta đang bị nhiễm những tha hóa mới trong thời bình – do những tha hóa và bất cập nghiêm trọng của thượng tầng kiến trúc xã hội, do chính sách ngu dân (những biểu hiện nổi bật là thiếu công khai minh bạch, bưng bít, nói dối và thích nghe nói dối...) và tình hình mất dân chủ của chế độ chính trị; trên hết cả là do nền giáo dục lạc hậu có nhiều tính phản khoa học và vì thế về cơ bản là một nền giáo dục phản tiến bộ. Tất cả đang tạo nên một tầng văn hóa có những giá trị bị mai một, vừa duy trì những hủ bại nhất định vốn có trong chế độ xã hội trước, vừa làm thui chột nhiều triển vọng mới. Tựu trung đó là một thượng tầng kiến trúc kìm hãm nhiều hơn là thúc đẩy sự phát triển đất nước. Nguy cơ giành lại được độc lập thống nhất rồi lại có thể sẽ sớm rơi vào cảnh mất nước hay lệ thuộc vì lạc hậu như đã từng xảy ra đối với nước ta trước đây 2 thế kỷ đang ươm mầm trong tình hình vừa nói trên. Tình hình nhức nhối đến mức không sao tránh né được câu hỏi: Hay là dân tộc Việt Nam chúng ta cứ cái đà này sẽ mãi mãi không có cơ may xây dựng được một quốc gia tiên tiến?

Tại sao trong nước có nhiều người tài không phát huy được?

Hiện tượng người Việt định cư ở nước ngoài nhìn chung thành đạt hơn tất cả các cộng đồng mới định cư khác (có lẽ chỉ sau người Hoa), nhiều cá nhân trở thành những người tài xuất sắc, một số người tài đạt tầm cỡ thế giới... nói lên điều gì?

Sâu xa hơn nữa là câu hỏi: Vì sao trí thức chưa thành được một tầng lớp có ảnh hưởng dẫn dắt đất nước? Vì sao trí thức không được trọng dụng? Vì sao tri thức (chứ không phải là giới trí thức) không chiếm được vị trí phải có của nó trong đời sống tinh thần của xã hội nước ta? Vì sao có nhiều trí thức trong nước hay đang sống ở nước ngoài dè dặt, im hơi lặng tiếng, thậm chí quay lưng lại với chế độ giữa lúc đất nước cần người tài? Thậm chí tình hình còn tồi tệ đến mức phải đặt câu hỏi: Ở nước ta bây giờ có hay không một tầng lớp trí thức (dù là trong hay ngoài Đảng) với tư cách là một bộ phận, hay là một phần của bộ phận tinh hoa (the élite) dân tộc dẫn dắt đất nước? Một chế độ xã hội có những hiện tượng này, hay một xã hội không tạo ra được một tầng lớp tinh hoa như thế, một xã hội thậm chí không có đất cho một lực lượng tinh hoa như thế dung thân, dụng võ.., nên được phân tích đánh giá như thế nào để nhìn vào được bản chất của nó?.. Việc khiên cưỡng đưa “trí thức” vào giai cấp công nhân như Nghị quyết Trung ương 6 khóa X có thay đổi được hiện trạng này không hay chỉ làm cho vấn đề bế tắc hơn? Vì sao Việt Nam ta từ hai thập kỷ nay là cường quốc xuất khẩu gạo trên thế thế giới mà đất nước vẫn chưa bước ra khỏi cái thời “Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sỹ”? Cái gì làm cho một dân tộc như dân tộc ta sau khi giành được độc lập thống nhất đã trên 3 thập kỷ rồi mà vẫn chịu để cho đất nước mình mang nặng mãi trên vai số phận hèn kém? Dân tộc này không có sức bật trong xây dựng đất nước? Hãy so sánh sức bật của đất nước và vị thế đất nước đang có trong tay!..

Tình hình còn bi đát đến mức giả thử có ngay một nền dân chủ thực sự ở đâu đó từ trên trời rơi xuống vào nước ta thì cũng khó mà tìm ngay ra được trí tuệ, kỹ năng và người có tài có đức để dựng lên  một hệ thống kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội ngõ hầu có thể phát huy mọi lợi thế của đất nước. Quan trọng hơn gấp nhiều lần là tức tốc tìm đâu ra một văn hóa của cả nước cho vận hành và nuôi dưỡng một hệ thống như thế cho đất nước? Thiếu một văn hóa như thế mọi chuyện không chóng thì trày sẽ quay trở lại điểm xuất phát. Đấy là tình trạng vừa thiếu hụt mọi thứ, vừa không được chuẩn bị sẵn sàng cho đòi hỏi phát triển mới. ...Để rồi, giả thử có một nền dân chủ rơi xuống nước ta như như một quả sung rụng trời cho như thế, có lẽ cũng chỉ ngày một ngày hai đất nước trên thực tế sẽ lại rơi vào tay một tầng lớp cơ hội và lưu manh mới, chắc gì tình hình đất nước sẽ có triển vọng tốt hơn hiện nay. Cứ thế đất nước ta rồi sẽ lại chui vào một cái vòng luẩn quẩn mới một cách không tự giác, theo một quán tính của lịch sử được lặp đi lặp lại gần như là định mệnh!?

Làm sao từng người Việt Nam, trước hết từng đảng viên ĐCSVN với tư cách là người phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì đang diễn ra trên đất nước này, nhận thức rõ được sự thui chột đang diễn ra: thời cơ đã bao phen đến tay mà không phất lên được!

Sự thui chột này trong những thập kỷ vừa qua bao phen cướp đi thời cơ vàng của đất nước, và bây giờ nó đang muốn dìm đất nước vào một hiểm họa đen mới như chưa từng có!.. Ngay trong thế giới hôm nay!.. Cứ như thế sự thui chột này hình như đang lặng lẽ chuẩn bị, sáng tác ra một bi kịch mới cho đất nước, theo một quán tính xưa kia, cứ cách một vài thế kỷ lại tái diễn một lần trên sân khấu  loài người cái vở kịch: giữa lúc cả thế giới bước sang trang thì nước ta lại tìm cách đứng lại như cuối thời Nguyễn... – để sự tụt hậu cứ kéo dài triền miên từ hế hệ này sang thế hệ khác.  Và lần này – nghĩa là trong giai đoạn lịch sử này, nếu xảy ra như vậy, kẻ sinh thành nuôi dưỡng sự thui chột ấy cho đất nước sẽ là ĐCSVN, với tư cách là người giữ vai trò cai trị đất nước từ gần 70 năm nay? Có nguy cơ này không? Sự thui chột này đang manh nha trong hiện tại?  Đến mức vài ông Tây mũi lõ vào nước ta ăn nói ba lăng nhăng cũng được bốc lên đến trời xanh – có những người vào nước ta với hai bàn tay trắng đã bốc được đôla tiền triệu mang về nước họ sau một thời gian khua khoắng, vài cái ngân hàng nước ngoài tẻo teo có mặt ở nước ta cũng đủ sức khuấy đảo thị trường tài chính cả nước, vài cái xí nghiệp hót từ nước ngoài về với tất cả ưu ái Nhà nước dành cho đang hủy hoại không thương tiếc môi trường của đất nước, đang được ca tụng là chiếm lĩnh công nghiệp mũi nhọn.., Việt Nam ngày nay là một trong những cường quốc lớn nhất thế giới về đóng tầu...  Trong khi đó trí tuệ của chính ta sản sinh ra lại bị vứt bỏ, mọi nội lực vực nền kinh tế này lên để có được bộ mặt như hôm nay bị “kinh tế quốc doanh là chủ đạo” cướp công, lấn át, v... v...!

Sự thui chột đang manh nha này đã tác động đến mức nền kinh tế đang phát triển năng động với mọi cơ hội bên trong và bên ngoài chưa từng có trong vòng 20 năm nay, thế nhưng chỉ trong vòng 6 tháng (kể từ tháng 8 – 2007) đã lăn sát tới bờ vực thẳm của lạm phát 2 con số, Chính phủ không một lời xin lỗi, còn nhân dân thì cắn răng chịu đựng... Nếu tình hình này xảy ra ở Nhật, Hàn Quốc hay một nước nào đó thì có lẽ Chính phủ phải xin từ chức ba, bốn lần rồi! Nhưng quan trọng hơn là cả nước đang nín thở ngóng chờ xem những biện pháp vực dạy nền kinh tế sẽ đem lại kết quả mong đợi như thế nào.

Hãy đem so sánh chất lượng những chính sách, những quyết định – đối nội cũng như đối ngoại, cách điều hành đất nước của ta với Trung Quốc, với Thái Lan..; rồi so với vài nước chung quanh xa xa nữa... Hãy bắt đầu từ những so sánh rất cụ thể - ví dụ như cách quản lý một thành phố của ta với của Trung Quốc... v... v..., sẽ thấy sự thui chột ở nước ta lớn đến chừng nào! Hay là nước ta ngu, dân tộc ta ngu, nên phải cam chịu ngu lâu như thế? Không thể tự bịt tai bịt mắt, mẹ hát con khen hay mãi được nữa!

Xin hãy thấu hiểu lòng tự trọng và nỗi nhục nước nghèo của người Việt ta để trả lời, bắt đầu từ nhận thức Đảng với tính cách là người cầm quyền đang mang lại cho dân tộc sự thui chột đất nước như thế nào... Lịch sử vẻ vang của Đảng ngày hôm qua không thể và không bao giờ có thể là lời thanh minh hay biện minh cho hôm nay.

Hàn Quốc điêu đứng sau cơn bão tài chính tiền tệ năm 1997, song chỉ trong vòng 2 năm đã phục hồi và ngày nay lại tiếp tục bành trướng vị thế của mình. Xin hãy nhớ lại người dân Hàn Quốc trong những ngày đen tối ấy làm gì – có những người trong số họ đã hy sinh cả những tiệc cưới, những khoản chi tiêu cho tuần trăng mật ở nước ngoài, đem ngoại tệ và đồ trang sức cúng vào ngân sách nhà nước.., tất cả cho chống lạm phát và cứu nền kinh tế! Nhưng tuyên giáo và báo chí nước ta hiện nay chỉ biết lớn tiếng phê phán những người giầu tiếp tục sài sang theo kiểu mua cái ôtô giá cả triệu USD làm cho nhập siêu của nước ta 4 tháng đầu năm 2008 cao bằng cả năm 2007, giữa lúc lạm phát đang thăng thiên 2 con số... Song Tuyên giáo và báo chí nước ta lại chưa có thể nghĩ ra những câu hỏi đại loại: Chế độ nước ta là chế độ gì? Tương lai của đất nước này ra sao mà người có tiền lại cứ ném tiền đi như thế, không lo vun vén cho đất nước mình? Chẳng lẽ người giầu ở Hàn Quốc có ý thức yêu nước hơn người giầu nước Việt ta? Vì sao trên đất nước này cứ cái gì hở ra là chộp, là giật, là móc bỏ túi? – kể cả những khoản tiền cứu trợ đồng bào nơi bị bão lụt... Hay là... chỉ vì Tuyên giáo và báo chí nước ta phải cất trí tuệ đi để viết theo đúng đường lối?[22]

Cái gì làm cho Trung Quốc rút ngắn ngày càng nhanh khoảng cánh phát triển so với siêu cường Mỹ và đang tạo nên sự phát triển làm cả thế giới lúng túng?

Indonesia thời Suhartoe phát triển năng động nhưng cuối cùng đổ vỡ chủ yếu vì tham nhũng, đất nước rối loạn, nhất là trong tình hình Đông Timor tách ra, bà Sukarno bước lên chính trường nhưng muôn vàn khó khăn hầu như còn nguyên vẹn. Vì sao trong tình hình ấy bà Sukarno dám tổ chức bầu cử tự do và vì sao nhân dân Indonesia lại lựa chọn được Susilo Bambang Yudhoyono làm tổng thống để có được Indonesia ổn định hơn trước như ngày nay? Người dân Indonesia tài ba hơn người dân Việt ta? Chẳng lẽ ta không có người tài, hệ thống tổ chức của ta không có khả năng lựa chọn người tài, đảng viên và nhân dân ta không biết bầu cử để có được một đảng luôn luôn duy trì được tính tiền phong chiến đấu của nó và để bộ máy nhà nước biết phát huy hết mức lợi thế của đất nước và con người Việt Nam?

Hãy xem một bộ phận không nhỏ người dân Thái Lan công khai hồ hởi đón thủ tướng bị lật đổ Thaksin  trở về - người dân Thái Lan có nhiều quyền hơn người dân Việt Nam mình? Hôm nay họ lại rầm rộ biểu tình phản đối chính phủ thân Thaksin. Tổng thống mới của Hàn Quốc Lee Myung-back lúc tranh cử bị nghi vấn tham nhũng, tòa án điều tra công khai, kết luận xong tổng thống mới được nhậm chức... 

Còn biết bao nhiêu ví dụ khác, cũng có nghĩa là còn biết bao nhiêu câu hỏi đau lòng như thế mà hễ là người Việt thì phải biết động lòng! Là người đảng viên lại càng phải như vậy. Hay là nhân danh giữ vững ổn định, nên tất cả chúng ta phải “ngủ” giữa lúc cả thế giới thức? Ai có thể thờ ơ trước những ví dụ như thế đang diễn ra chung quanh nước ta trên thế giới này?

Vân... vân...

Trong khi đó hình như đất nước ta lúc nào cũng nặng chĩu nỗi lo diễn biến hòa bình, nơm nớp sự chống đối của các thế lực thù địch!..

Xin hãy vạch mặt chỉ tên chúng cụ thể là ai? So sánh lực lượng giữa chúng và ta như thế nào mà khiến báo chí, nghị quyết và phát ngôn cứ phải ngày đêm kêu gọi cảnh giác đến mất ăn mất ngủ? Dân tộc ta, Đảng ta chẳng lẽ quá yếu, bản lĩnh quá non nớt và quá yếu kém trước những thủ đoạn và sự chống đối của chúng? Khi còn một nửa nước chưa được giải phóng dân tộc ta chưa hề sợ một kẻ thù nào, sao bây giờ lại phải co vào cố thủ và lúng túng, nhìn đâu cũng thấy địch như thế? Cần tỉnh táo nhìn lại một số vụ án có liên quan đã xử là tăng cường hay làm yếu công cụ chuyên chính của Nhà nước, là nâng cao hay làm giảm sút ý thức của dân đối với bảo vệ chế độ, là nâng cao hay làm giảm sút vị thế của đất nước? Trong khi đó thử hỏi Đảng đã đủ cảnh giác trước những mưu ma chước quỷ của “quyền lực tiền”, “quyền lực mềm” và nhiều thủ đoạn uy hiếp mua chuộc khác từ bên ngoài nhằm nhằm vào nước ta?

Thực tế đang có nhiều hiện tượng vừa mất cảnh giác và vừa tự hù dọa mình, diễn ra đồng thời với các hiện tượng “siết” tư tưởng, “siết” báo chí, cùng với nhiều quy định “siết” khác trái với Điều lệ Đảng và trên thực tế là hạ thấp Đảng (điển hình là 19 điều cấm – mà để làm gì?); trong khi đó có không ít chủ trương sai lầm, non tay, thiếu bản lĩnh (ví dụ: trong vấn đề tôn giáo, trong vấn đề các dân tộc Tây Nguyên, trong đối sử với một số người chống đối, trong vấn đề nền kinh tế nhiều thành phần, trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa...)... Không thể nói khác, “siết” như thế, cũng là cách Đảng không tin vào chính mình, đang tự trói mình, khuất phục trước những tha hóa của chính mình. Trên tất cả, bảo vệ đất nước dựa vào đâu nếu không trước hết dựa vào lòng dân và sự cố kết của toàn dân tộc? Bảo vệ chế độ chính trị dựa vào đâu nếu không làm cho người dân coi chế độ chính trị này là do mình, của mình, vì mình? Mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả - đấy là tình hình những giờ phút chót của Đảng Cộng Sản Liên Xô, mặc dù lúc đó trong tay còn nguyên vẹn tất cả!

Nguy cơ diễn biến hòa bình thực sự đang nằm ở chỗ những tha hóa của hệ thống chính trị đang tiếp tục trầm trọng thêm, một mặt làm giảm sút niềm tin của nhân dân, một mặt tạo ra mảnh đất mầu mỡ cho mọi hoạt động chống phá và can thiệp bất kỳ từ đâu đến.

Cần nhìn ra cả thế giới rồi nhìn thẳng vào sự thực của đất nước để thấy rõ vì sao sau chặng đường dài 22 năm  đổi mới vẫn còn muôn vàn vấn đề gay gắt như xía vào tim gan. Xin hãy lật các trang báo để nhìn được sâu vào các ngõ ngách của cuộc sống đất nước hàng ngày... Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với sự mất còn của Đảng và chế độ chính trị không là ai khác ngoài sự tha hóa của Đảng.

Mọi vấn đề trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước đòi hỏi phải triệt để thực hiện dân chủ làm nền tảng xây dựng đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chủ nghĩa yêu nước, phát huy cao độ ý chí và nghị lực sáng tạo của toàn thể dân tộc cho sự nghiệp chấn hưng đất nước – trước hết bắt đầu từ trong Đảng. Cũng như chủ nghĩa xã hội không thể đến với nước ta bằng con đường đốt cháy giai đoạn, dân chủ cũng không thể đến với nước ta bằng cách ăn sống nuốt tươi! Dân chủ là hàng đầu và phải được mở đầu từ nâng cao dân trí, từ nuôi dưỡng và tuân thủ các giá trị thiêng liêng mà dân tộc ta đã gây dừng nên được. Dân chủ bắt đầu từ làm cho toàn dân thể chế hóa được nó; và lãnh đạo là người gương mẫu thực hiện nó, chăm lo xây dựng nó. Không thể khác được.

Song Đảng lại chưa hình thành được một tư tưởng, một chiến lược làm nền tảng cho yêu cầu sống còn này của dân chủ, chưa hiểu được dân chủ với nghĩa và nội hàm như thế, và vì thế chưa xây dựng được một thể chế chính trị với những quyết sách phù hợp và có sức tập hợp, phát huy ý chí của toàn thể dân tộc như một thời của “Không gì quý hơn độc lập tự do!” bắt nguồn từ dân chủ[23]. Đây là sự hẫng hụt lớn nhất trong học tập, kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sự nhấn mạnh một cách bảo thủ vào “giữ vững định hướng xã hội nghĩa” nhưng lại thiếu lý luận xác đáng dẫn dắt, thiếu những thành quả thuyết phục làm nền tảng, trong khi đó lại để xảy ra quá nhiều biểu hiện đối nghịch trong cuộc sống, cho nên trên thực tế sự nhấn mạnh hay “kiên định” này hầu chỉ còn là một khẩu hiệu để nói cho đúng lập trường. Hệ quả là không mở được lối ra, không tạo ra được ý chí phấn đấu của toàn dân tộc mà giai đoạn phát triển đất nước trong bối cảnh quốc tế ngày nay đòi hỏi. Bảo thủ như thế thực chất chỉ nhằm duy trì  và củng cố quyền lực thống trị của Đảng, là phương sách bảo vệ Đảng tồi tệ nhất: Bởi lẽ nó hủy hoại sức chiến đấu của Đảng cho khát vọng của đất nước, nó tiêu tan sức đề kháng của Đảng trước mọi tha hóa.  Trong khi đó có thể nói: Hàng ngày cuộc sống có bao nhiêu ý tưởng mới làm ra những sản phẩm mới, thì có bằng nấy sự loại bỏ cái cũ và làm xuất hiện bằng nấy sự thay đổi và phát triển trong mọi lĩnh của đời sống đời sống kinh tế, xã hội,chính, trị văn hóa của mỗi con người, của quốc gia, cũng như của cộng đồng thế giới.

Không có thứ thuốc độc nào tốt hơn thủ tiêu Đảng một cách chắc chắn và triệt để bằng sự bảo thủ này – vì nó đầu độc tư duy trong Đảng, lây chuyền mọi dịch bệnh tha hóa, và biến quyền lực từ công cụ phục vụ cách mạng trở thành thành cứu cánh vĩnh viễn. Bằng con đường ấy, bảo thủ đang hình thành cả một hệ thống các mạng lưới “quan hệ” rộng khắp toàn xã hội và các lĩnh vực (trên-dưới, dọc-ngang, trong-ngoài, ngắn hạn – dài hạn...), đảo ngược nhiều giá trị, đủ sức gông cùm bất khả kháng Đảng vào quyền lực và vào sự tha hóa tiếp theo của quyền lực.

Bảo thủ như thế dẫn đến nói dối và sáo rỗng, đang tạo ra mảnh đất duy dưỡng lạc hậu. Nhân danh đòi phải nói đúng, viết đúng nghị quyết, bảo thủ đang làm cho công tác nghiên cứu lý luận đi vào ngõ cụt và mù mờ trước đúng - sai[24]. Trong khi đó công tác tư tưởng, văn hóa và báo chí không hiếm hững hiện tượng mỵ dân và ngu dân, kìm hãm lòng tự trọng dân tộc; đồng thời có không ít việc làm đầu độc tinh thần dân tộc bằng cái chủ nghĩa “nhất Đông Nam Á, nhất châu Á, nhất thế giới...”[25], bằng cách mài quá khứ ra mà sống. Đời sống kinh tế thấp so với những nước chung quanh, lại trên nền tảng học vấn yếu kém và thiếu môi trường tự do dân chủ, tâm lý tự ty dân tộc phát sinh (nhất là qua những vấn đề như xuất khẩu lao động, vấn đề xuất hiện các “chợ vợ” cho người nước ngoài...); khoa học kỹ thuật không phát huy được, giáo dục xuống cấp trầm trọng, đời sống văn hóa nghệ thuật trở nên sáo mòn và cằn cỗi, khả năng đề kháng văn hóa ngoại lai tê liệt, nhiều hiện tượng biến dạng thành phản văn hóa (ngoài tệ nạn xã hội trầm trọng, chưa bao giờ hủ tục lại sống lại và lây lan rộng rãi như ngày  nay, và trên thực tế đang là một dạng ma túy nguy hiểm, một văn hóa vô cùng độc hại đối với toàn xã hội), nhiều trường hợp mở cửa biến thành để ngỏ cửa cho xâm lăng văn hóa đến từ bên ngoài.

Những lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội (xin nhấn mạnh: lý tưởng) lẽ ra phải làm cho nó trở thành mục tiêu, thành khát vọng hướng tới của cả dân tộc, phải là kết quả sẽ do quá trình phấn đấu phát triển đất nước đem lại, nhưng lại bị ý thức hệ biến tướng thành con đường, thành đường lối, thành biện pháp – một sự đặt ngược, làm ngược nghiêm trọng. Song cái ngược đầy tai hại này nếu hãn hữu được nhắc tới qua việc kiểm điểm một vài sai lầm thì khi kết luận cũng lại đổ thừa cho “bệnh chủ quan duy ý chí...”. Trước đổi mới, sai lầm này là đốt cháy giai đoạn. Trong đổi mới tàn dư của sai lầm này là tình trạng bảo thủ và bao cấp về kinh tế và chính trị còn tồn tại, nhiều trường hợp dẫn đến đặc quyền đặc lợi do câu kết hay liên kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế của các nhóm lợi ích các loại.  

 Do nhận thức không đúng và không giương cao được ngọn cờ dân tộc - dân chủ trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất  nước, Đảng không tạo ra được môi trường cần phải có cho sự rèn luyện của chính mình. Trong tình hình thiếu vắng một môi trường cọ sát như vậy, sự tha hóa của Đảng trong thời bình gần như không “phanh”, với hệ quả tạo dựng ra một bộ máy hành chính quan liêu đến mức từ người lái xe đến người gác cổng thường trực cơ quan... cũng có thể tự cho mình có một cái quyền nào đó đối với dân! Chính thực tế này một mặt tháo rỡ dần vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng thêm sự vô cảm của Đảng đối với mối nguy đe dọa sự tồn tại của Đảng; mặt khác tiếp sức cho mọi  vận động ngược chiều từ trong dân[26] và tạo thêm các luận điệu chống đối cho các thế lực có khuynh hướng phủ nhận vai trò của Đảng.  

Đảng yếu kém dẫn tới sự yếu kém của toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống nhà nước và hệ thống xã hội của đất nước. So với yêu cầu phát triển của đất nước và so với nhiều nước trong khu vực, bộ máy nhà nước và hệ thống hành chính quốc gia của nước ta quá cồng kềnh; năng lực thực thi pháp luật và năng lực quản trị quốc gia thấp. Xã hội dân sự thụ động, sài đẹn và sơ cứng, do đó không làm được chức năng giám sát quyền lực và phát huy các nguồn lực của đất nước, yếu kém trong cọ sát với bên ngoài... Hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy như vậy ngày càng  bộc lộ nhiều bất cập lớn – mặc dù quy mô nền kinh tế nước ta mới chỉ ở mức  khoảng 800 USD/đầu người và mức độ hội nhập tuy toàn diện nhưng mới ở bước sơ khởi. Thử hỏi: Nếu ở vào quy mô GDP pc  2500 - 5000 - 13000... USD/đầu người và mức độ hội nhập cao hơn, hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước do Đảng thiết kế như hiện nay có kham nổi không? Hay là với hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước như hiện nay nếu không có sự thay đổi triệt để thì những con số GDP 2500 – 5000 – 13000 USD tính theo đầu người chỉ là ảo tưởng? (Hiện nay GDP.pc của Thái Lan là 2500 USD, của Hàn Quốc là 13000 USD).

Nhìn lại, trong mọi yếu kém của Đảng đã vấp phải, yếu kém lớn nhất là xây dựng con người, phát huy con người – ngay trong Đảng cũng như trong toàn xã hội. Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng vào thời đại yếu tố con người quyết định vận mệnh quốc gia trong cuộc sống thế giới toàn cầu hóa. Thất bại của nền giáo dục nước nhà cũng là thất bại lớn nhất đất nước phải gánh chịu trong 22 năm đổi mới và đang có nguy cơ kéo dài thêm sự tụt hậu toàn diện của đất nước. Vì con người được xây dựng trên cơ sở nền giáo dục yếu kém hiện nay, lại trong khung khổ của hệ thống tuyển chọn, sử dụng, đào thải sơ cứng và lạc hậu, dẫn tới khoa học - công nghệ và tiến bộ kỹ thuật không phát triển được, hệ thống chính trị có xu hướng ngày càng chai lỳ và cùn đi, chất lượng bộ máy quản trị quốc gia yếu kém trầm trọng về bất kỳ phương diện nào, và các thiết chế trong hệ thống tự nó có khuynh hướng đề kháng người tài (ví dụ vấn đề cơ cấu, cơ chế tuyển chọn và sử dụng người...)

Con người - kể cả trong Đảng và ngoài xã hội - không được đào tạo và phát huy đúng tầm, lại vận động trong một hệ thống chính trị về cơ bản là khép kín (vấn đề “đảng hóa” và “cơ cấu”), vào đúng vào thời kỳ đất nước phải chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, toàn bộ thực tế này đang làm gay gắt thêm bất cập của chế độ chính trị của đất nước (càng phát triển, càng vấp nhiều khó khăn mới). Trong khi đó tình hình mọi mặt của đất nước vừa đòi hỏi, vừa có điều kiện và cơ hội phát triển năng động. Chính sự bất cập  này đang tạo điều kiện cho sự phát triển hoang dã, làm vô hiệu hóa những chủ trương chính sách đúng đắn và làm biến dạng, thậm chí có nơi là làm tê liệt hệ thống pháp luật. Thực tế này cho thấy mất dân chủ ngay trong Đảng và ngoài xã hội đang làm mai một trí tuệ và tính tiền phong chiến đấu của Đảng, thậm chí tác hại trầm trọng đến mức uy hiếp sự tồn tại của Đảng. Thực tế này đang tăng tốc quá trình tha hóa Đảng về mọi phương diện với hệ quả chung là làm tha hóa toàn bộ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, và làm xã hội xuống cấp. Có thể xem yếu kém này là nguy cơ của mọi nguy cơ đối với Đảng và chế độ chính trị hiện nay.

Tất cả dẫn đến câu hỏi: Đảng bây giờ với tính cách là người cầm quyền đang thành công điểm nào, thất bại điểm nào trong dẫn dắt đất nước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Nhìn toàn cục, Đảng đang thúc đẩy hay đang cản trở sự phát triển của đất nước? Mặt nào thúc đẩy, mặt nào kìm hãm? Muốn đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng phải trả lời sòng phẳng. Không thể nào chấp nhận ngay trong Đảng có tình trạng loại ngôn ngữ chính thống trong hội nghị và trên sách báo và loại ngôn ngữ ngoài đời của cán bộ đảng viên các cấp là hai thứ ngôn ngữ khác nhau: “Nói vậy mà không phải vậy!”. Hiện tượng này là gì nếu không phải là một biểu hiện của suy thoái nghiêm trọng? Đảng phải đủ sức trung thực với chính mình để đương đầu với sự thật, đủ sức ngăn chặn mâu thuẫn giữa một bên là sự bất cập của Đảng và một bên là khát vọng của dân tộc phát triển đất nước đang tự nó tích tụ để trở thành mâu thuẫn lớn nhất[27] đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Tình hình trên nói lên yêu cầu bức bách: Phải đưa Đảng trở về với dân tộc, phải đổi mới Đảng trở thành lực lượng lãnh đạo dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước với 2 yêu cầu: (a)dân tộc là đối tượng và mục tiêu phục vụ duy nhất của Đảng; (b)dân tộc là người thày, người xây dựng, rèn luyện, bảo vệ Đảng.

Nhìn lại vai trò của Đảng trong lịch sử Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến, Đảng hoàn thành sứ mệnh của mình và quốc gia giành thắng lợi, trước hết là do Đảng là của dân tộc, là lực lượng lãnh đạo dân tộc, đi đường lối dân tộc, phát huy dân chủ để giương cao ngọn cờ dân tộc - cũng có nghĩa là ngọn cờ dân tộc và dân chủ - để phát huy sức mạnh bất khả chiến bại của cách mạng – sức mạnh dân tộc. Lịch sử cũng cho thấy bất kể bước đi nào hay quyết sách gì (trong thời chiến cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước) không đi đường lối dân tộc, không giương cao ngọn cờ  dân chủ - dân tộc, không phát huy được sức mạnh dân tộc, Đảng đều mất tính tự chủ sáng tạo và hứng chịu thất bại, còn đất nước phải trả giá đắt.

Trong thời chiến đã có lúc Đảng ta tổng kết: Đối với Đảng, lập trường giai cấp kiên định nhất, tiền phong chiến đấu nhất, độc lập tự chủ và sáng tạo nhất là đi đường lối dân tộc, giương cao ngọn cờ dân chủ và dân tộc. Cho đến nay, kể từ khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh, chưa có một quan điểm hay ngọn cờ vay mượn nào từ thế giới bên ngoài đã có thể làm nên một thắng lợi nào dù nhỏ nhất trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta, mà chỉ có sự trả giá cho sự vay mượn này. Những kinh nghiệm quý báu trong kho tàng văn minh nhân loại cũng phải được vận dụng kinh qua đường lối dân tộc – dân chủ ở nước ta mới có thể đem lại thắng lợi. Những thành tựu đảo ngược tình thế của 22 năm đổi mới vừa qua chứng minh điều này. Thắng lợi của đổi mới thực chất là  thắng lợi của giương cao ngọn cờ dân chủ và dân tộc.

Không có lý do gì những bài học nói trên đúc kết từ xương máu của cách mạng nước ta lại không được gìn giữ và phát huy cho sự nghiệp chấn hưng đất nước trong thời đại hội nhập quốc tế toàn diện ngày nay. Chỉ có một sự khác biệt vô cùng quan trọng và duy nhất: Ngày trước Đảng giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ để lãnh đạo một dân tộc mất nước đấu tranh giành lại độc lập, ngày nay Đảng cần giương cao ngọn cờ này để lãnh đạo một dân tộc là chủ nhân ông của đất nước trên con đường chấn hưng đất nước.

Cần nói thẳng thắn, hiện nay yếu kém lớn nhất của Đảng là giác ngộ thấp  nhất lợi ích dân tộc so với mọi giai đoạn cách mạng trước 30-04-1975 – vì thế Đảng cứ lúng túng mãi giữa quốc doanh là chủ đạo hay không chủ đạo; ngập ngừng mãi mới đi tới thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần nhưng vẫn chưa khắc phục được phân biệt đối sử. Dùng dằng như thế nên cải cách và cổ phần hóa đang bị biến tướng thành chia chác và một số nơi là ăn cướp tài sản quốc gia. Cứ nhấn mãi liên minh công nông và trí thức là nền tảng để từ đó đuy trì, tiếp tục củng cố toàn bộ hệ thống chính trị – nhà nước – xã hội như hiện nay mà thực chất là hệ thống được “đảng hóa”. Ngày càng làm sâu sắc thêm vấn đề giai cấp (thật ra chỉ có ý nghĩa hình thức và không hiệu quả), mà không đặt vấn đề bức xúc hàng đầu là thống nhất dân tộc, hòa hợp dân tộc, đoàn kết dân tộc; không đặt vấn đề phát huy sức mạnh dân tộc lên trên vấn đề giai cấp... Vì những lẽ này chưa làm cho sự nghiệp chấn hưng đất nước trở thành sự nghiệp của toàn dân tộc với đúng thực chất và quan trọng của nó. Hệ quả của toàn bộ tình hình này là trí tuệ của Đảng nghèo đi, sức chiến đấu suy giảm, hệ thống chính trị giẫm chân tại chỗ và thoái hóa, cải cách mãi không được, lòng dân phân hóa, xuất hiện những hiện tượng ly tán. Hệ quả lớn hơn nữa là sự nghiệp chấn hưng đất nước chật vật: Sau 30 năm, con đường phát triển của đất nước hiện nay lẽ ra phải hướng thẳng vào một nước phát triển (30 năm là một thời gian quá đủ), thì lại đang đứng trước ngã ba đường: sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hay sẽ rơi sâu mãi vào vòng luẩn quẩn của nghèo nàn và lạc hậu? Hiện nay đang thiếu trí tuệ và động lực quyết định thực hiện bước ngoặt dứt khoát để có thể đưa đất nước rẽ vào con đường trở thành nước phát triển hiện đại.

Cần nhìn thẳng vào sự thật: hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội như Đảng đang có trong tay và tiếp tục củng cố, sớm muộn sẽ chặn đứng con đường của đất nước đi lên một quốc gia phát triển hiện đại. Vì thế cần đổi mới Đảng để khởi đầu cho đổi mới toàn bộ hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Bài học sụp đổ của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa và kinh nghiệm của 22 năm đổi mới ở nước ta cho thấy đây là một quá trình lâu dài, gian khổ, phức tạp, đầy thách thức mất còn, nhưng không thể tránh né, phải tiến hành ngay từ bây giờ trước khi quá muộn, với những bước đi được cân nhắc thấu đáo. Đổi mới Đảng như thế thực sự là vấn đề sống còn đối với Đảng, trước hết bắt đầu từ nhận thức sâu sắc phải quyết tâm đổi mới đến lột xác như vậy.

Nếu nói về học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, xin lưu ý: Trong giờ phút “trứng nước” của Cách mạng Tháng Tám, tư tưởng Hồ Chí Minh là tinh thần “Tôi chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Việt Nam!”[28]. Trong đọ sức trống mái với “đế quốc đầu sỏ của thế giới” (nói theo ngôn ngữ lúc đương thời), tư tưởng Hồ Chí Minh là “Không gì quý hơn độc lập tự do!”  Đấy là những đỉnh cao trong tư tưởng Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm, những bài học lịch sử mãi mãi có giá trị về giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ.

Tổng hợp một số công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh – trong đó có  những công trình của anh Việt Phương, thấy toát lên nhiều điều quan trọng trong  quan điểm và lý luận phát triển của Người:
-         Quan tâm và phát triển từng người trong cộng đồng. Xem trọng trí thức và nhân tài, tin cạy và đặc biệt quan tâm thế hệ trẻ.
-         Động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội là dân tộc và dân chủ với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đại đoàn kết dân tộc để xây dựng xã hội mới tức là xã hội chủ nghĩa. Đại đoàn kết dân tộc với nghĩa không lọai bỏ ai, không có bạn đường với nghĩa sách lược cho từng giai đoạn mà chỉ có tất cả mọi người cùng chung một chí hướng vì một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
-         Chống lại tệ sùng bái chính trị và tệ sùng bái kinh tế, nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong phát triển, đi đúng đường lối dân tộc và tiếp thu tinh hoa nhân loại.
-         Nhà nước là đầy tớ của dân.
-         Nêu gương thực hiện mối quan hệ giữa cán bộ và dân (i.)tin yêu và kính trọng dân; (ii.)phục vụ lợi ích của dân; (iii.)tôn trọng các quyền của dân; (iv.)phát huy các nguồn lực của dân; (v.)là người học trò khiêm tốn của dân; (vi.)gương mẫu đi đầu trong dân và cùng dân; (vii.)tận tụy hướng dẫn dân những điều mình biết; (viii.)vui sau dân và lo trước dân; (ix.)chịu sự kiểm tra và phán quyết của dân; (x.)dám đòi hỏi rất cao ở dân khi tình hình cách mạng đòi hỏi như vậy.
-         Giữ vững đường lối độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, tiến bộ xã hội và phát triển.
-         Vân vân...

Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh hình như vậy rất khác với những việc Đảng đang tiến hành từ hai năm nay: hàng vạn hội thi hội thảo, hàng nhiều tấn bài thi và bài viết, hàng chục vạn câu chuyện viết hay câu chuyện kể miệng từ trí tưởng tượng về Bác Hồ.., trong khi đó cuộc sống thực hàng ngày cứ đi theo con đường riêng của nó.

Hiện tại Đảng lại vừa mới phát động một cao trào mới: Đã hai năm học tập rồi, bây giờ phải chuyển mạnh sang làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh!.. (có thể coi đây là một việc làm dẫn chứng sinh động nhất của sự nghèo nàn, sự bế tắc trong công tác lý luận và giáo dục chính trị - tư tưởng của Đảng).

Nếu có cách gì hỏi ý kiến Bác về việc đang làm này, Bác sẽ trả lời ra sao!

Ngày nay trước học tập tư tưởng Hồ chí Minh, thiết nghĩ trước hết là phấn đấu kiên cường với lòng trung thành vô hạn thực hiện bằng được Điều mong muốn cuối cùng của Người: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới ”. 

Ngày nay có thể đo lường được sự tha hóa của Đảng qua việc kiểm tra lại xem Đảng đứng xa chân lý này đến mức nào.

Bàn sâu về vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc nên giành cho một dịp khác. Song cần nhấn mạnh ngay tại đây: Đối lập vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc là trái với quan điểm của một đảng chỉ có một lý tưởng, một sứ mệnh là phụng sự lợi ích của tổ quốc, của dân tộc.

Đặt vấn đề giai cấp lên trên vấn đề dân tộc – cụ thể ở đây là vai trò giai cấp công nhân – là làm bé nhỏ và hạ thấp giai cấp này, là xa dời chân lý có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp. Cũng với ý nghĩa này, giai cấp công nhân muốn tự giác được chính mình, trước hết nó phải tự giác được về chính dân tộc của mình – tất cả vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh. Vì lẽ này, giương cao ngọn cờ dân tộc - dân chủ là lập trường nhất, là tiền phong chiến đấu nhất đối với một đảng tự coi mình là đội tiền phong chiến đấu của giai cấp công nhân, nếu Đảng cứ nhất thiết muốn coi mình trước hết phải là Đảng của giai cấp công nhân (thật ra tư duy như thế này cũng là lỗi thời, nhất là đối với nước ta). Giương cao ngọn cờ dân tộc – dân chủ để giải phóng tiềm năng con người Việt Nam cho sự nghiệp chấn hưng đất nước trong bối cảnh thế giới ngày nay là tiên tiến và cách mạng triệt để, là phù hợp và làm chủ xu thế thời đại, là bứt lên khắc phục tụt hậu, chứ không phải là bước lùi, là xét lại.

Đối với xây dựng Đảng, giương cao ngọn cờ dân tộc - dân chủ một mặt là điều kiện để sáng tạo ra đường lối độc lập tự chủ cho phép thực hiện thành công nhiệm vụ cách mạng; mặt khác là tạo ra môi trường Đảng được thử thách, rèn luyện tốt nhất để trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc. Đấy là con đường ngăn chặn, kiểm soát mâu thuẫn giữa bất cập của Đảng và khát vọng của dân tộc về chấn hưng đất nước.

Vấn đề giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ sẽ còn được bàn tới trong các phần có liên quan dưới đây. Chưa ai và cũng chưa có một quốc gia nào trên thế giới cho đến nay có thể chứng minh chủ nghĩa xã hội  sẽ được xây dựng và thành công ra sao với mục tiêu lâu dài là xây dựng chủ nghĩa cộng sản như đã được ghi vào Cương lĩnh năm 1991 của ĐCSVN; lịch sử thế giới cho đến nay chỉ có thể cung cấp những dẫn chứng cho sự thất bại.

Tuy nhiên mọi tiến bộ xã hội các quốc gia trên thế giới đã đạt được cho đến nay – dù là loại quốc gia gì, có chăng là mức độ và chất lượng những thành tựu đã đạt được ở mỗi nước khác nhau mà thôi – đều dựa trên sự phát huy yếu tố dân tộc và dân chủ. Hiện tượng này có thể quan sát rõ nhất trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là trong nửa sau của thế kỷ này. Hiện tượng này phải chăng nói lên:  Dân tộc và dân chủ là hai yếu tố quyết định của ổn định, phát triển và phát triển bền vững cho mọi quốc gia? Đồng hành với sự phát triển của văn minh nhân loại, hai yếu tố dân tộc và dân chủ ngày ngày được cuộc sống bổ sung và tự phát triển thêm; quá trình này vừa tạo ra yếu tố đổi mới thường trực, vừa đặt ra đổi mới trở thành đòi hỏi mang tính thách thức. Tự đổi mới, luôn luôn đứng trước thách thức phải đổi mới – đó chính là quá trình loại bỏ mọi tha hóa để phát triển của một quốc gia, không một giáo điều nào có thể thay thế được.

Không phải ngẫu nhiên mà ĐCS Trung Quốc đang tìm cách khai phá cho riêng Trung Quốc con đường mang tên là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và xây dựng “xã hội hài hòa” - được khởi xướng từ Đặng Tiểu Bình và đang được triển khai ở nấc thang mới dưới thời Hồ Cẩm Đào. Lập luận cơ bản của con đường này là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của hàng trăm năm, từ nay tới đó – nghĩa là trong thời gian hàng trăm năm đó, mèo trắng mèo đen cũng được miễn là bắt được chuột. Trên thực tế, đây là một nỗ lực có ý nghĩa quyết định của ĐCSTQ nhằm dời bỏ tư duy và chủ nghĩa đã đựng nên nước CHNDTH, vì nó không còn thích hợp cho quốc gia này trên con đường phát triển với mục tiêu cuối cùng là trở thành siêu cường. Dưới ngọn cờ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, sự phát triển của Trung Quốc ngày nay có nhiều nét là sự phát triển của “chủ nghĩa tư bản đặc sắc Trung Quốc” ở thời kỳ ban đầu.

Hiện nay ở Trung Quốc đang có không ít nỗ lực về mặt lý luận  hướng sự phát triển thực dụng “mèo trắng mèo đen” này vào con đường của chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic socialism) hay là xây dựng một nền dân chủ xã hội (social democracy). Song điều này rất khó hoặc đang ít nhiều không tưởng – trước hết bởi lẽ Trung Quốc với tất cả những đặc thù của mình không thể đi những bước lớn theo con đường dân chủ. Ưu tiên của Trung Quốc lúc này là phát triển chứ không phải dân chủ, chính vì thế nên nhiều máu và nước mắt[29]. Nhiều nhà lý luận và chiến lược gia trên thê giới cho rằng: Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc trên thực tế là chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ đầu với những đặc sắc của một chính thể thiên triều phương Đông – cả về đối nội cũng như đối ngoại. Xin đặc biệt lưu ý nhận xét này.

Tiếc rằng công tác nghiên cứu lý luận hiện nay của ĐCSVN càng muốn kiên định và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa bao nhiêu, càng đi sâu vào ngõ cụt bấy nhiêu, càng làm tê liệt tính tiền phong chiến đấu của Đảng trong việc vạch ra một đường lối phát triển riêng của Việt Nam. Tình hình đến mức gần như Đảng cố tình tự bịt mắt mình trước cuộc sống thực tại trong nước và trên thế giới, gây ra cho chính mình và cho đất nước những mối nguy lớn.

Đảng là của từng đảng viên chứ không phải là của riêng lãnh đạo, của các nhóm lợi ích hay là của riêng một ai. Vì vậy mỗi đảng viên phải tự giác ý thức đầy đủ thực tế khách quan mà đảng của mình và đất nước đang đối mặt. Nếu không làm được như vậy sẽ không còn đủ tư cách đảng viên. Nếu lãnh đạo Đảng không trang bị được cho đảng viên của mình khả năng tự giác này, thậm chí làm thui chột khả năng này, sẽ vô ý thức hay có ý thức diễn biến Đảng dần dần trở thành một sự tập hợp vì lợi ích, chứ không phải là một tổ chức chính trị có tính chiến đấu cao đứng lên nhận về mình sứ mệnh dẫn dắt đất nước. Trong hơn 30 năm thời bình, công tác lý luận và giáo dục chính trị của Đảng nói rất nhiều về đảng cách mạng, đảng kiểu mới, đảng của giai cấp... Nhưng chưa bao giờ công tác lý luận và giáo dục chính trị làm cho trong toàn Đảng quán triệt và thực hiện đúng điều cốt lõi này: Đảng là của từng đảng viên tự giác, của dân tộc, và không bao giờ được biến Đảng thành phương tiện của quyền lực – kể cả trong khâu kết nạp đảng viên mới. Sự thực này cắt nghĩa vì sao Đảng hiện nay đông, có mặt ở khắp nơi, nhưng không mạnh; rờ vào đâu là phát hiện tham nhũng tiêu cực ở đấy, không hiếm các tổ chức cơ sở Đảng mang danh hiệu trong sạch vững mạnh nhưng trên thực tế là tê liệt...

Quyền lực dành cho Đảng với tính cách là một tổ chức chính trị chỉ là một phương tiện phải được giới hạn rõ rệt, được quy định và kiểm soát chặt chẽ trong hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước. Quyền lực này chỉ được phép sử dụng cho mục tiêu được ghi rõ ràng trong Hiến pháp, đó là quyền được giữ vai trò lãnh đạo với những trách nhiệm ràng buộc. Hiện nay, quyền lãnh đạo thì được ghi trong Hiến pháp, nhưng những trách nhiệm ràng buộc lại không được ghi. Quyền lãnh đạo này chủ yếu do hoàn cảnh lịch sử tạo ra và vì thế cũng chỉ có vai trò lịch sử nhất định. Quyền lực này – nói cho đúng hơn là quyền lãnh đạo này -  không phải là và không thể là bất biến và vô định. Quyền lãnh đạo phải gắn với khả năng và phẩm chất lãnh đạo. Càng không được phép biến Đảng thành một công cụ của quyền lực như đang xảy ra ở mặt này mặt khác trong đời sống hàng ngày và đang tha hóa Đảng.

Đã đến lúc lãnh đạo cần đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị tư tưởng, làm cho từng đảng viên giác ngộ sâu sắc những điều cốt yếu nói trên. Cần làm mọi việc để từng đảng viên  tự giác thực hiện trách nhiệm của mình xây dựng Đảng cho giai đoạn cách mạng mới của đất nước, trước hết là làm cho mỗi đảng viên nhận thức sâu sắc tình hình và nhiệm vụ hiện nay, thực trạng và những vấn đề đặt ra cho đảng lãnh đạo – chứ không phải đơn thuần đòi đảng viên quán triệt nghị quyết, nói theo nghị quyết, bởi vì chúng ta đều biết các nghị quyết hiện hành có không ít những điều xa lạ, lạc hậu như thế nào khi đối chiếu với thực tiễn cuộc sống của đất nước. Cần phát huy trí tuệ, ý chí kiên cường và lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc và với Đảng ở trong Đảng để làm tốt việc nâng cao giác ngộ của từng đảng viên về nhiệm vụ xây dựng Đảng. Sức chiến đấu của Đảng cần được nuôi dưỡng trong từng đảng viên.

Nhân dân – xin hiểu ở đây đồng nghĩa với khái niệm dân tộc – là  người đi theo Đảng từ ngày Đảng khởi đầu sự nghiệp cách mạng của mình, gửi gắm khát vọng độc lập tự do của mình vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ chiến đấu thực hiện khát vọng của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, là người mẹ, người nuôi dưỡng, người bảo vệ Đảng qua tất cả các giai đoạn khốc liệt của cách mạng – trong thắng lợi cũng như trong thất bại, trong thành công cũng như trong khủng khoảng, trong bất kỳ thử thách gian nguy nào của đất nước cho đến ngày hôm nay. Đảng không có quyền và không được phép làm dân tộc thất vọng.  Đảng phải làm mọi việc để nhân dân tiếp tục là người dạy dỗ, rèn luyện và bảo vệ mình, để thực hiện được sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đã trao cho. Đổi mới xây dựng Đảng nhìn theo phương diện này là làm mọi việc nâng cao bằng được vai trò như vậy của nhân dân, của dân tộc, là cách tránh bằng được sự tha hóa Đảng trở thành người cai trị dân.

Xin đặc biệt lưu ý: Ở vào giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước ta, sự lãnh đạo sáng suốt của một đảng chính trị mạnh là không thể thiếu được. Bởi lẽ đây là giai đoạn nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn phức tạp nhất của phát triển đúng với nghĩa vạn sự khởi đầu nan, mọi điều kiện xây dựng cái mới cho đất nước đều hạn chế - kể cả năng lực con người. Không một chủ trương chính sách hay luật pháp nào dù đúng đắn đến đâu có thể bao quát được mọi tình huống và đáp ứng được mọi vấn đề. Không có một con người siêu tài xuất chúng nào có thể quán xuyến được tất cả mọi việc, cuộc đấu tranh giữa đúng-sai và giữa cái nên - cái không nên có không biết bao nhiêu kẽ hở cho mọi ý đồ xấu thao túng. Đứng trước tình hình như thế, thời ngày xưa trông chờ vào đấng minh quân – người có khả năng thu phục được trái tim và mọi trí tuệ kiết suất của đất nước, còn thời nay trông chờ vào tính tiền phong chiến đấu và ý chí cách mạng kiên cường của đảng lãnh đạo. Mỗi đảng viên, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, hãy tự hỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam có năng lực và phẩm chất và có dám nhận về mình vai trò một minh quân như thế cho đất nước ngày nay hay không? – như một thời Hồ Chí Minh cùng với Đảng của mình đã làm! Nhân dân và cuộc sống sẽ là người phán xét câu trả lời của Đảng cho hôm nay.

          Nguy cơ số một và duy nhất đe dọa sự tồn tại của Đảng không thể là cái gì khác ngoài sự bất cập về năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng trước khát vọng da diết của dân tộc về sự nghiệp chấn hưng đất nước.



III. Đổi mới xây dựng Đảng về đường lối cần bắt đầu từ
nhận thức những nhiệm vụ lớn phía trước
         
Đổi mới xây dựng Đảng về đường lối trong giai đoạn phát triển hiện tại của đất nước, trước hết cần xuất phát từ nhận thức rõ đoạn đường đã trải qua và những yêu cầu, những nhiệm vụ lớn phía trước của đất nước.

Cần nhìn vào cốt lõi của sự thật là đoạn đường đất nước ta đã trải qua sau 22 năm đổi mới – dù bất kể tên gọi của nó là gì, về thực chất  22 năm đó là những bước đi đầu tiên trong quá trình tích tụ ban đầu hoang sơ của chủ nghĩa tư bản, mang một số nét biến tướng lịch sử và văn hóa nhất định của Việt Nam hiện tại - được gọi là xã hội chủ nghĩa hay là định hướng xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn tích tụ ban đầu này ở quốc gia nào cũng tất yếu đầy tính hoang dã. Câu hỏi đặt ra cho nước ta là: Với tính cách là nước đi sau, sự phát triển ở nước ta có nhất thiết phải chấp nhận mức độ hoang dã như đang diễn ra không - (nhất là xem xét trên phương diện làm giầu từ “quyền lực được bao cấp”, tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, bóc lột người lao động, ô nhiễm môi trường...)? Và phải chăng thực tế này giải thích tại sao quá trình  CNH-HĐH ở nước ta diễn ra chậm chạp và “đắt” như vậy? Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này phải chăng là do nhân danh kiên trì “định hướng xã hội chủ nghĩa” nên cố tình không tự giác nhận thức được đặc trưng của quá trình tích tụ ban đầu này với những tri thức và tầm nhìn của trình độ văn minh hiện đại? Đồng lõa với sự kiên trì này là sự tha hóa của quyền lực. Có tìm cách trả lời đúng đắn những câu hỏi này mới có cách  nhận thức, phác họa con đường đất nước phải đi tiếp.

Có 5 nhiệm vụ chủ yếu cho đoạn đường phía trước như sau:

1.     Phải vạch ra được chiến lược phát triển mới và con đường thực hiện, nhằm đưa nền kinh tế nước ta từ phát triển theo chiều rộng như hiện nay sang phát triển dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập (phát triển theo chiều sâu, yếu tố khoa học và công nghệ ngày càng giữ vai trò quyết định, phát triển kinh tế tri thức).
2.     Xây dựng được thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự ngày càng phát triển để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên (nhiệm vụ 1).
3.     Xây dựng đường lối đối ngoại thực hiện yêu cầu chiến lược đi với cả thế giới, coi cả thế giới là đối tác của mình, làm cho cả thế giới nhìn nhận Việt Nam là đối tác.
4.     Đổi mới hoàn toàn hệ thống giáo dục, để trong vòng vài ba thập kỷ và từ đó trở đi sẽ có các thế hệ người Việt Nam đáp ứng được mọi yêu cầu vô cùng khắc nghiệt của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước[30].
5.     Đổi mới Đảng trở thành đảng lãnh đạo trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Đảng là lực lượng tinh hoa của dân tộc.

Song trên hết cả như đã trình bầy, đây là giai đoạn Đảng phải thúc đẩy cải cách hệ thống chính trị đi trước một bước cải cách kinh tế, ngay trước mắt là phải lo chống thành công lạm phát, phục hồi sự phát triển kinh tế ổn định, gắn việc chống lạm phát với  cải cách quyết liệt cơ cấu kinh tế và hệ thống quản trị quốc gia cho sự phát triển lâu dài và bền vững của đất nước.

Dưới đây là một số vấn đề nổi bật cần chú ý của mỗi nhiệm vụ.

Về nhiệm vụ 1: Chiến lược phát triển kinh tế

          Nhìn vào mọi mặt, chiến lược phát triển kinh tế theo chiều rộng như đang tiến hành đã tiến tới giới hạn không được phép vượt qua, đồng thời yêu cầu phát triển và cạnh tranh cũng đang bắt buộc nước ta phải mau chóng chuyển sang chiến lược phát triển theo chiều sâu chủ yếu dựa trên yếu tố phát huy tiềm năng con người và hội nhập.

          Cuộc sống – sự phát triển của đất nước – tự nó khách quan đặt ra vấn đề như vậy, không thể duy ý chí lựa chọn khác được. Phát triển con người để phát huy nguồn lực quý báu nhất này của quốc gia trở thành vấn đề trung tâm của chiến lược mới nước ta cần theo đuổi – vì đó là con đường tối ưu nhất dẫn tới một nền kinh tế phát triển hiện đại và ngày càng nhiều hàm lượng của một nền kinh tế tri thức – xu thế phát triển tất yếu của thời đại ngày nay, với nghĩa quốc gia nào không thực hiện được sự tất yếu này sẽ tụt về phía sau với mọi hệ quả phải trả giá.

          Hôm nay mới đặt vấn đề phát triển con người là vấn đề trung tâm của chiến lược phát triển là chúng ta đã lạc hậu mất hai, ba thập kỷ. Vấn đề này không mới, đã được các Đại hội Đảng nói tới nhiều, nhưng trên thực tế là rơi vào tình trạng: nói được mà không làm được – trong tất cả mọi khâu: giáo dục đào tạo, tuyển chọn và sử dụng; quyền, nghĩa vụ vai trò và vị trí con người trong hệ thống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, vai trò và vị trí người tài... Trong suốt 22 năm đổi mới, sự thất bại thảm hại của nền giáo dục nước nhà và tình trạng thiếu hẳn một thể chế kinh tế - chính trị - xã hội cho phép phát huy tối ưu tiềm năng con người, - đặc biệt là phát huy tính làm chủ, khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân con người được phát triển toàn diện - là nguyên nhân sâu xa nhất của tình trạng lạc hậu và tụt hậu kéo dài ngày nay của đất nước. (Phải chăng cuộc sống đang chứng minh: Chế độ chính trị nào thì có nền giáo dục ấy? Điều này cũng có nghĩa: Muốn cải cách nền giáo dục hiện tại, không thể không cải cách thể chế chính trị).

          Hơn nữa, là một quốc gia đất hẹp người đông, mật độ dân số cao hơn mật độ dân số trung bình của thế giới và của châu Á, lại là một trong một số các nước đang và sẽ tiếp tục hứng chịu nhiều nhất mọi thiên tai và biến động do diễn biến khí hậu toàn cầu gây ra[31], ở vào vị thế địa kinh tế và địa chính trị rất thuận lợi song cũng đầy thách thức ác nghiệt nhất, nguồn lực lớn nhất của đất nước chỉ có thể là con người. Không phát huy được tối ưu nguồn lực này sẽ làm sao tồn tại, cạnh tranh và phát triển được? Có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, khoảng 60% trong tuổi lao động trong đó trên 40% là lực lượng lao động trẻ, đây là lợi thế rất lớn của nước ta nếu được phát huy. Song nếu không làm tốt được nhiệm vụ phát triển con người, lợi thế này sẽ trở thành một gánh nặng đầy tai họa. Thử hình dung: Hiện nay đất nước ta đã “chật cứng” – nhất là tại các đô thị, và bắt đầu khan hiếm nhiều thứ, kể cả nước; nhưng đến năm 2050 dân số nước ta sẽ vào khoảng 150 triệu người, tài nguyên thiên nhiên của nước ta vốn không giàu và vào thời điểm này sẽ cạn kiệt, diện tích trồng trọt sẽ thu hẹp bớt khoảng 1/3 hoặc hơn nữa do đô thị hóa, phát triển đường xá và hiệu ứng nhà kính... Giải những bài toán mới này như thế nào, phải bắt đầu từ hôm nay, hay là chẳng lẽ chỉ lo toan mỗi năm xuất khẩu vài vạn lao động ra nước ngoài và biến cả nước thành kẻ làm thuê?.. Vài thập kỷ là thời gian quá ngắn... Hay là tư duy nhiệm kỳ không cần quan tâm đến tương lai của đất nước?
                
          Trong thời đại ngày nay, tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới một mặt đang tạo nên sự cạnh tranh chưa từng có, mặt khác đem lại cho một con người cũng như cho cả một quốc gia năng suất lao động và khả năng giao lưu kinh tế đòi hỏi phải nhằm vào thị trường cả thế giới và coi cả thế giới là đối tác của mình thì mới phát huy được. Bởi lẽ đời sống kinh tế ngày nay cho phép huy động mọi nguồn lực bất kể ở đâu, để có thể sản xuất tại bất kỳ nơi nào, làm ra bất kỳ sản phẩm nào, miễn là có con người với sự hỗ trợ của thể chế thích hợp có thể chiếm được thị trường và làm chủ được toàn bộ quá trình này. Đối mặt với cạnh tranh chưa từng có, nắm trong tay thời cơ chưa từng có, đến mức: Cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tượng lao động của mình! Đấy là một đặc điểm, một khía cạnh khác nữa cần làm rõ khi phân tích ý nghĩa của thời đại ngày nay – nhất là đối với nước ta, một nước nghèo, tụt hậu xa so với mặt bằng thế giới. Nhưng là nước đi sau, nếu biết khai thác kinh nghiệm các nước đi trước, chúng ta sẽ sớm tìm ra được con đường và thể chế phát huy con người như thế. Xem như vậy chiến lược phát triển kinh tế dựa trên phát huy yếu tố con người khác với đường lối kinh tế hiện hành đến nhường nào! Đường lối hiện hành không giải được bài toán này.

          Công nghiệp hóa chưa bao giờ, và ở vào trình độ toàn cầu hóa ngày nay của kinh tế thế giới lại càng không bao giờ có thể bó khung trong phạm vi một nước, cho dù sản phẩm của nó chỉ để tiêu dùng trong nội địa. Tương lai kinh tế của một quốc gia luôn luôn phụ thuộc vào những sản phẩm mới của nó với tuổi đời của sản phẩm ngày càng rút ngắn. Sức phát triển năng động của một quốc gia và tương lai của nó hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tạo ra những công dân làm chủ được toàn bộ quá trình này. Xu thế phát triển này ngày càng đậm nét tại nhiều nước phát triển và đang phát triển, trở thành trào lưu chính của vận động kinh tế thế giới.

          Chủ yếu dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa trong nửa sau của thế kỷ 20, khoảng cách của Mỹ với các nước phát triển khác hẹp dần[32], vị trí nhiều nước bị đảo lộn, đồng thời xuất hiện một loạt các nước NICs, rồi đến cái “công xưởng thế giới” ngày nay là Trung Quốc ra đời. Nguyên nhân chủ yếu và hàng đầu của hiện tượng này là những quốc gia này bằng những con đường riêng của mình đã thành công ở các mức độ khác nhau trong việc đi theo xu thế vận động nói trên của kinh tế thế giới. Trong khi đó trên thế giới ngày nay vẫn còn khoảng 100 quốc gia đã giành được độc lập từ những năm 1950 – 1960, song họ vẫn là những nước nghèo đói, chậm phát triển – trước hết vì họ đứng ngoài hay đi bên lề xu thế phát triển nói trên của kinh tế thế giới. Thực tế này nghiêm khắc cảnh báo nước ta không được dấn sâu thêm vào con đường phát triển theo chiều rộng như hiện nay đang đi. Xin nhắc lại, “cái nóng lên đột ngột” từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 của nền kinh tế nước ta thôi thúc: Phải chuyển nhanh sang một giai đoạn phát triển mới.

          Một câu hỏi lớn khác tự cuộc sống đặt ra: Vào khoảng giữa thế kỷ này, Trung quốc có khả năng trở thành một siêu cường mới, là một trong 2 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới (sau hoặc vượt Mỹ), ngay từ bây giờ bản thân sự vận động này đặt ra cho Việt Nam rất nhiều thách thức mới, Việt Nam lựa chọn kịch bản phát triển nào cho mình trước tình hình này? Sát sườn hơn nữa: Đứng cạnh cái “công xưởng thế giới” đang “đói” và bất chấp tất cả (không chỉ có kinh tế, chính trị, quân sự, mà cả môi trường...), Việt Nam lựa chọn gì?

          Hình như chỉ có một kịch bản duy nhất có thể chấp nhận được: Nếu không muốn là bải thải công nghiệp thì Việt Nam phải trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ 21. Tồn tại hay không tồn tại!
                                                                                                     
          Nhìn nhận trên cả hai phương diện đối nội và đối ngoại sự lựa chọn trở thành một nước phát triển vào giữa thế kỷ này là phương án duy nhất cho phép nước ta giữ được trong ấm ngoài êm. Kinh nghiệm các nước Philippines, Indonesia và Thái Lan cho thấy rõ điều này[33]. Ngay từ bây giờ mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 cần được điều chỉnh, bổ sung nhiều vấn đề theo tinh thần là một chặng đường đi tới một nước phát triển vào giữa thế kỷ. Nội dung chủ yếu của những điều chỉnh và bổ sung này xoay quanh yêu cầu trung tâm: Ngay từ bây giờ cần đẩy mạnh xây dựng thể chế kinh tế - chính trị - xã hội như thế nào để phát huy tốt nhất lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà dựa trên yếu tố con người và hội nhập, coi đây là điều kiện tiên quyết để đổi mới cơ cấu kinh tế, khắc phục tụt hậu, và tiến lên hiện đại. Chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang xúc tiến không đề cập tới hoặc đề cập chưa đầy đủ yêu cầu phải xây dựng thể chế này và như thế là quá chậm, nhưng chưa muộn.

          Một lần nữa xin đặc biệt nhấn mạnh: Sự bổ sung quan trọng nhất vào chiến lược là chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tình hình đòi hỏi cải cách chính trị và thể chế điều hành đất nước phải đi trước một bước sự phát triển của kinh tế[34].Đất nước ta đã chuyển sang giai đoạn: Nếu cải cách chính trị và hệ thống nhà nước không đi trước một bước, quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa sẽ đình đốn và thất bại. Xin nhắc đi nhắc lại: Nâng cao năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng là tiền đề, là điều kiện tiên quyết của bước cải cách mới này – ngoại trừ trường hợp Đảng tự mình khước từ bất kể bằng cách nào sứ mệnh lãnh đạo này.

          Những thành tựu đạt được trong 22 năm đổi mới, những đòi hỏi mới của phát triển trong bối cảnh quốc tế ngày nay, những yếu kém tích tụ lại trong suốt thời kỳ này tới thời điểm năm 2007, vị thế quốc tế mới của đất nước - tất cả 4 yếu tố này đặt nước ta trước một ngã ba đường dứt khoát phải lựa chọn: Việt Nam phải phấn đấu trở thành một nước phát triển, hoặc là để cho thời kỳ phát triển năng động theo chiều rộng và không bền vững như hiện nay dẫn dắt đất nước đi tới ngõ cụt của khủng hoảng và đổ vỡ trong một tương lai không xa[35]. Không có kịch bản thứ 3.
         
          Cần nhìn nhận sự lựa chọn nêu trên không phải chỉ  bó hẹp trong phạm vi không gian Việt Nam, mà phải đặt Việt Nam vào toàn bộ không gian kinh tế, văn hóa, chính trị của cả thế giới: Phát triển con người Việt Nam thành công dân làm nên Việt Nam thành một nước phát triển, đồng thời là công dân thế giới mà đất nước rất cần cho hội nhập thắng lợi vào quá trình toàn cầu hóa. Trước hết mỗi đảng viên phải tự phấn đấu trở thành một công dân như thế.

          Nếu đặt vấn đề như vậy, toàn bộ đường lối cách mạng của Đảng trong giai đoạn hiện nay sẽ rất khác so với những gì đã viết vào được Cương lĩnh 1991 và Điều lệ Đảng hiện hành (2006). Ngay cả tiêu chuẩn kết nạp đảng viên cũng phải thay đổi.

          Phát triển con người như thế là điều kiện tiên quyết để đi tới mục tiêu dân giầu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh và phải trở thành yêu cầu trung tâm của việc xây dựng đường lối chính sách mới của Đảng cho giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước. Đặt vấn đề như vậy sẽ thấy rõ giáo dục, y tế và đời sống mọi mặt văn hóa xã hội, và bao trùm lên tất cả là thể chế chính  trị - xã hội phải làm gì để tạo ra con người như vậy cho đất nước.

          Nhận định như vậy, sẽ xác lập được những chủ kiến rõ ràng, thiết thực, và sẽ biết phải làm gì. Nên đối chiếu nhận định này với nhận định đang chế ngự tư duy và lý luận của Đảng hiện nay về thời đại, về giai cấp, về dân tộc, về con người, đối chiếu giữa lý luận và hành động trong thực tiễn, để làm rõ các vấn đề có liên quan, xây dựng chiến lược phát triển đất nước theo chiều sâu chủ yếu dựa trên yếu tố phát huy tiềm năng con người và hội nhập.


          Trên đây là nói về đường lối.

          Nguy cơ trước mắt là hiệu quả và chất lượng phát triển kinh tế hiện nay thấp và tích tụ nhiều rối loạn, sẽ là không thể cứu vãn được nếu không sớm đảo ngược được tình trạng này.

          Những vấn đề nóng bỏng nhất phải sớm giải quyết là:

-         Sự điều hành vỹ mô có những mặt tê liệt: chỉ số ICOR 10 năm liền gần đây rất cao (5 – 5,2) không kéo xuống được[36]; hỗn loạn trong đầu tư và trong quy hoạch gây lãng phí và thất thoát lớn; nhập siêu ngày càng lớn;  có nhiều rối loạn trên thị trường BĐS và TTCK, ách tắc giao thông, vấn đề buôn lậu.., song trầm trọng nhất và bao trùm lên tất cả là vấn đề lạm phát 2 con số: tỷ lệ lạm phát đã ở mức “báo động đỏ” từ quý 4-2007, nhưng không được đánh giá đúng mức, dẫn tới xử lý lúng túng trong năm 2008; nhìn chung trên mặt trận tài chính tiền tệ có nhiều vấn đề nhạy cảm có nguy cơ tuột tay không kiểm soát được, ví dụ: vấn đề lãi suất, vấn đề tỷ giá, “vấn đề đồng đôla”, tình trạng đổ vỡ của TTCK, việc điều hành các dòng vốn trong nước và nước ngoài..[37];
-         Đặc biệt nghiêm trọng là các vấn đề đất đai, nông dân và nông thôn là những vấn đề khó nhất của quá trình CNH-HĐH, đang ẩn chứa nguy cơ làm thất bại chiến lược CNH – HĐH phải hoàn thành vào năm 2020 và tác động tiêu cực vào sự phát triển bền vững của đất nước; theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính riêng trong khoảng 7 năm (2000 – 2006) trung bình mỗi năm có khoảng 35.000 ha ruộng lúa (chưa kể đất trồng trọt khác) biến mất cho quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa một cách lãng phí và hỗn độn, với tham nhũng tiêu cực ngoài trí tưởng tượng; (một số tài liệu khác nói trong 22 năm đổi mới trung bình mỗi năm bị mất khoảng 50.000 – 70.000 ha ruộng lúa và đất đai trồng trọt cho đô thị hóa và công nghiệp hóa); cả nước hiện nay có khoảng 180 khu công nghiệp với tổng diện tích lến đến gần 50 nghìn ha, nhưng rải rác manh mún khắp nơi, tổng diện tích sử dụng (đã có nhà máy) chưa được 1/3 và nhìn chung hiệu quả thấp[38]; đặc biệt nghiêm trọng là chỉ riêng 6 địa phương TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An và Lâm Đồng đã có 34 dự án sân golf được cấp phép và chấp thuận đầu tư với diện tích hơn 13 ngàn ha, tổng cộng hiện nay cả nước có 123 sân golf chiếm 38.445 ha ruộng đất[39];  trong khi cả nước vẫn còn tới 70% dân số sống trong nông thôn với rất nhiều vấn đề nóng bỏng, mỗi năm tồn đọng hàng vạn vụ khiếu kiện về đất đai[40]..; nhiều chuyên gia của Tổ chức Nông lương thế giới đã phải thốt lên kinh ngạc: "Không nơi đâu trên thế giới lại dễ dàng hy sinh đất lúa cho sân golf, khu công nghiệp như ở Việt Nam"! Có những dự án quan trọng đã quyết nhưng lại bỏ - ví dụ như cảng nước sâu Vân Phong, hoặc những dự án lớn mà nghiên cứu khả thi còn sơ lược (trong giao thông, năng lượng, lọc dầu, thép, khoáng sản...). Cần nhấn mạnh: Việt Nam là một nước đất chật người đông, mật độ dân số là 254/km2 - cao hơn mức bình quân của châu Á và cao gần gấp đôi Trung Quốc; nguồn tài nguyên quý hiếm số một của quốc gia là đất đai đang bị hủy hoại và lãng phí một cách tàn bạo, một diện tích đáng kể bị cướp đi một cách trắng trợn qua bàn tay tham nhũng tiêu cực của bộ máy chính quyền; thực tế này đang gây ra nhiều căng thẳng kinh tế và xã hội trong nông dân, đồng thời đe dọa nghiêm trọng cuộc sống nhiều đời con cháu chúng ta sau này trong tương lai[41]; cần lứu ý: tình trạng đầu cơ đất đai hiện nay đã vượt sức chịu đựng của nền kinh tế, đe dọa hủy hoại khả năng cạnh tranh của  nước ta, song biện pháp xử lý lại mới chỉ tìm cách tập trung vào đánh thuế cao đầu cơ bất động sản (không dễ thực hiện và có rất nhiều kẽ hở, hệ quả), thiếu hẳn những chính sách vỹ mô tăng nguồn cung và làm lành mạnh thị trường bất động sản, trên thực tế là hầu như không kiểm soát được sự lũng đoạn của các “đại gia” trên thị trường này; ngoài ra xin đừng lúc nào quên nền nông nghiệp Việt Nam còn tồn đọng nhiều vấn đề lớn[42]. Hiệu quả sử dụng đất đai của cả nước thấp với những tổn thất lớn (hủy hoại đất đai và môi trường) như hiện nay là có tội lớn, nhất là đối với các thế hệ con cháu chúng ta; chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước có nguy cơ bị phá sản nếu tiếp tục duy trì tình trạng sử dụng đất đai như hiện nay.
-         Nhìn chung hiệu quả kinh tế của các tập đoàn quốc doanh thấp và ngày càng phát sinh nhiều vấn đề; về cơ bản các tập đoàn kinh tế quốc doanh không tạo ra được thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà chỉ lũng đoạn nghiêm trọng kinh tế thị trường[43]; việc để cho các tập đoàn quốc doanh lũng đoạn thị trường vốn (có số liệu nói hiện nay có 9 tập đoàn được lập ngân hàng riêng hoặ các công ty tài chính), chi phối mạnh mẽ thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, tiềm tàng nguy cơ có thể làm sụp đổ cả nền kinh tế vào một thời điểm nào đó; theo thống kê của Bộ Tài chính đến cuối 12-2007 tổng nợ của 70 tập đoàn và tổng công ty nhà nước (cũng có nghĩa là Nhà nước nợ - hay còn gọi là nợ khu vực công) đã lên ới 28 tỷ USD (bằng 40% GDP), đẩy tỷ lệ nợ của cả nước/GDP lên tới 100%, nghĩa là mức nguy hiểm[44]; tình hình sẽ còn nguy hiểm hơn nếu không kiểm soát được các dòng vốn của nước ngoài. Trong khi đó sự phân biệt đối sử với các thành phần kinh tế khác còn nặng nề; nhất thiết phải nhìn nhận xác thực vai trò và tác động của tất cả các tập đoàn kinh tế đối với đất nước, cần tìm cách chấm dứt ngay sự thao túng đang diễn ra: lực, vốn và quyền đều nhiều nên dễ lũng đoạn, làm ăn hiệu quả thấp, quá quan tâm đến lợi ích riêng của tập đoàn, nhà nước khó điều khiển và khó kiểm soát[45]. Trên thực tế các tập đoàn đã bỏ ra tới gần 1/3 số vốn huy động được – tương đương với 10% GDP – để kinh doanh trái nghề (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, dịch vụ...), với hệ quả là thua lỗ lớn, nợ xấu tăng nhanh, làm thất thoát lớn vốn của Nhà nước, phá vỡ cạnh tranh lành mạnh..; Hãy xem xét một số ví dụ: Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, nhiều tập đoàn đã sử dụng vốn vay để đầu tư tài chính với số lượng vốn gấp từ 1 đến 2 lần số vốn chủ sở hữu; nhiều doanh nghiệp như Vinashin đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản vượt quá cả vốn sở hữu, có nghĩa là họ đang sử dụng vốn vay để đầu tư rủi ro (Euro Capital đánh giá hiện nay – 05-2008 – Thị trường Chứng khoán Việt Nam mất giá 50%, TTBĐS đóng băng hết 2008 chưa hồi phục được..; là người thay mặt nhân dân quản lý tài sản quốc gia, Chính phủ hay Quốc hội rất cần – đúng ra là phải cho tiến hành ngay kiểm toán thống kê những thiệt hại này, cho đến nay chỉ có các biện pháp “cứu”);[46], Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản (TKV) và cách quản lý của tỉnh Quảng Ninh để xảy ra mỗi năm xuất lậu 10 triệu tấn than – nên coi đây là một tội ác kinh tế nghiêm trọng xâm hại lợi ích quốc gia[47], ngoài ra nên đòi hỏi TKV công bố công khai những hoạt động kinh tế ngoài ngành của mình; Tập đoàn điện lực (EVN) có vốn kinh doanh cao ốc và các khu nhà nghỉ (resort). nhưng lại để cho đất nước thiếu điện năm này qua năm khác – với lý do thiếu vốn,  hàng chục dự án trong tay về điện của EVN đang thực hiện đều bị chậm tiến độ từ một năm đến nhiều năm; báo chí nói điện Petro Vietnam bán nhưng EVN không chịu mua mặc dù cả nước thiếu điện?!..[48]
-         Còn nhiều bất cập của lãnh đạo; trong sự điều hành của Chính phủ hiện nay thường diễn ra là: nếu không đại thể dưới dạng nghiêm khắc cảnh cáo, các bên hữu quan cần kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm (tham khảo thông báo của số 109 TB-VPCP ngày 26-04-2008 về kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đối với than xuất khẩu lậu của TKV), thì lại thiếu thông tin minh bạch nên có khi bị “nhiễu” hoặc kém chuẩn xác - đến mức tạo ra bất ngờ theo kiểu đột biến gen: người hôm qua bị coi là trọng tội Nguyễn Việt Tiến, hôm nay đột nhiên được tuyên bố là vô tội – dân tình hoang mang: Nếu đúng như vậy, cách làm việc này có nghĩa vô tội cũng có thể dễ bị quy kết oan thành có tội? Cấp thứ trưởng còn bị oan như thế, dân thường thì sao? Hay là còn nguyên nhân gì khác nữa? V...v... Người dân nhức nhối câu hỏi: Bao giờ nước ta mới có được một nền tư pháp độc lập để bớt những oan sai thế này, để chống tham nhũng có hiệu quả, để bảo vệ người chống tham nhũng, và để ngăn chặn lợi dụng chống tham nhũng đánh nhau, để ngăn chặn nhân danh công lý bịt miệng dư luận chính đáng...[49]; hoặc điều hành kinh tế một cách khó hiểu như phát triển quá nóng Thị trường chứng khoán và các biện pháp cứu nó; trong lúc nhập siêu và thâm hụt ngân sách thường xuyên tăng liên tục nhiều năm, lại vào đúng thời điểm bong bóng chứng khoán đang trương mạnh, việc tung tiền mặt ra mua 9-10 tỷ USD làm dự trữ ngoại tệ là cú hích quyết định, trong vòng 6 – 7 tháng làm bùng nổ mọi yếu tố đưa lạm phát vọt lên 2 con số, cao nhất trong 12 năm qua với nhiều tổn thất lớn, nền kinh tế đất nước bị đẩy tới bên bờ vực thẳm (mua ngoại tệ làm dự trữ như thế khác hẳn về bản chất so với dữ trữ có được nhờ xuất siêu hay tích lũy từ nền kinh tế)[50] – sau 20 năm đổi mới, từ thời cơ lồng lộng 2006-2007 đến tình hình nguy hiểm hiện nay gần như trong nháy mắt (từ quý IV năm 2007 đến quý I-2008), cái xảy nẩy cái ung, dân tình lo lắng, chắc chắn sẽ rất chật vật mới ra khỏi nguy cơ này (báo chí nước ngoài nói Việt Nam có lẽ đang rơi vào tình trạng của nhiều nước châu Á năm 1997; tâm lý tích trữ ngoại tệ và vàng, bán trái phiếu Chính phủ để rút lại tiền... đang lây lan dư luận hoang mang...[51]); duy ý chí trong những quyết định: xây nhà mới cho Quốc hội, quyết định mở rộng Thủ đô... – có thể nói lãnh đạo không đếm xỉa đến những bức xúc chính đáng trong nhân dân - (không thể nói lãnh đạo không biết, nhưng sao vẫn “quyết”?) - riêng về việc mở rộng Hà Nội tuy là cần thiết song còn nhiều điều đáng bàn, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu thẳng thắn coi đấy là cách làm không đàng hoàng, trong dân ồn ào không biết bao nhiêu dư luận đau lòng, chỉ cần lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho toàn Đảng và toàn dân thảo luận công khai minh bạch, phân tích nguyên văn phát biểu giải thích mang tính áp đặt của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ngày 18-05-2008 tại Quốc Hội sẽ thấy được tầm nghiêm trọng của nhiều vấn đề chung quanh việc mở rộng Hà Nội[52] – trong khi ngay trong lòng Hà Nội với diện tích hiện nay đang tồn tại nhiều vấn đề lớn; đất nước thiếu hẳn việc trưng cầu dân ý cho những vấn đề quốc gia trọng đại; hàng năm có tới khoảng gần một nửa các vụ án không được xét xử hay không thể xét xử được..; về chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét: - "Năm 2007, cả nước phát hiện 584 vụ tham nhũng, nhưng không vụ nào do tổ chức Đảng phát hiện. Có trường hợp tiêu cực ở Tổng công ty vật tư nông nghiệp bị tố cáo lên tố cáo xuống, nhưng Đảng uỷ đó vẫn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Cần xem lại vai trò của các cấp ủy Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng"  (18:34' 12/01/2008 GMT+7 – VietNamNet);  .  Rất dễ hình dung, nối dài những câu chuyện điều hành theo cung cách này, tình hình đất nước sẽ đi về đâu?[53]
-         Sự lãng phí vô hình do yếu kém và tác trách: Loại bỏ vấn đề tham nhũng tiêu cực và những vấn đề phi đạo đức khác sang một bên để xem xét trong một phạm trù khác, một phạm vi khác, sự lãng phí do yếu kém và tác trách được bàn tới ở đây được hiểu là những lãng phí do trình độ kỹ năng yếu kém và tinh thần thiếu trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước nói riêng hay là toàn bộ hệ thống chính trị nói: chung làm không tốt, làm không đúng chức năng nhiệm vụ phải làm. Tình trạng này thế đem lại những lãng phí to lớn về sức người, sức của, thời gian, cơ hội, với nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài, kéo dài sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước. Việc dễ thấy nhất là những quyết định đầu tư sai hoặc kém hiệu quả, tạm gọi chung dưới cái tên chung là các “đầu bài sai” – ví dụ những công trình đầu tư hiệu quả kinh tế thấp và đẻ ra nhiều vấn đề mới; những công trình đầu tư xong thì tốt nhất là nên đập đi (ví dụ trong vấn đề đô thị hóa), những ách tắc do quy hoạch sai..; hay là những quyết định hoặc những dự án, những hoạt động tốn kém... mang đặm yếu tố chính trị hơn là các yếu tố kinh tế phục vụ dân sinh và phát triển (ví dụ: dự án dâu tằm tơ, dự án đánh cá xa bờ, kinh phí xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất so với dự toán ban đầu và so với khả năng sinh lời trên vốn bỏ ra, các đợt học tập mang tính phong trào hình thức tốn kém công của và thời gian, trong khi  đó lại rất thiếu  các hoạt động giúp cho dân nắm vững pháp luật, luật lệ - nhất là sau khi nước ta gia nhập WTO...); những tổn thất do các cơ quan trong hệ thống quản lý nhà nước được dân đóng thuế nuôi, nhưng không cung cấp được những dịch vụ đáp ứng những đòi hỏi của công việc trong đời sống sản xuất kinh doanh.., kể cả các dịch vụ y tế, giáo dục, các dịch vụ khác trong đời sống hàng ngày. Có không biết bao nhiêu xí nghiệp mỗi năm phải dùng hàng chục nghìn giờ làm việc chỉ riêng cho một việc đi nộp thuế; mỗi năm có không biết bao nhiêu nông dân, người nuôi trồng thủy sản, các hộ lâm nghiệp... phải chịu những tổn thất lớn vì bị phá sản oan do thiếu kiến thức, do không được hỗ trợ trong các khâu đầu vào và đầu ra... (ví dụ: không được tư vấn tốt, không được cung cấp những dịch vụ có chất lượng cho sản xuất kinh doanh của mình...) dẫn tới lúc phải chặt loại cây này, lúc xóa bỏ việc nuôi con kia, không tiêu thụ được sản phẩm, thu hoạch thất bát... - điển hình nhất là vấn đề nuôi bò sữa ở một số tỉnh đẩy nông dân vào cảnh nợ nần khó trả và nghèo khổ... Chi phí trung gian trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và làm lỡ mất không biết bao nhiêu cơ may của nhà kinh doanh – nhất là của các doanh nghiệp nhỏ... Xin đến xem những rừng cây ăn trái bị chặt, những cánh đồng tôm chết hàng loạt, những cánh đồng mía bị phá bỏ, rồi các nạn dịch bệnh gia súc... Chỉ có thể tóm tắt trong một câu: Lãng phí do kỹ năng yếu kém và làm việc tác trách của các cơ quan trong bộ máy quản lý đất nước gây ra cho nền kinh tế và cho nhân dân những tổn thất không sao kể siết. Trên hết cả là nền giáo dục yếu kém đã lãng phí không thương tiếc nguồn lực con người, công sức, thời gian, cơ hội... Ước lượng một cách khiêm tốn, những lãng phí vô hình và gián tiếp như thế do chất lượng yếu kém của nhà nước do dân - vì dân - của dân lấy đi mất khoảng 1/3 GDP hàng năm có thể làm ra. Chỉ riêng chi phí sản xuất trung bình cho 1 USD sản phẩm ở Việt Nam cao hơn mức trong khu vực 20 – 30%, tham nhũng và tiêu cực lấy đi mất khoảng 15-20% đầu tư từ ngân sách nhà nước, thiệt hại của cá dự án treo không sao tính xuể, tiến của của nhân dân chi cho giáo dục không mang lại kế quả mong muốn, số học sinh ra trường không có việc làm, số tốt nghiệp phải đào tạo lại...vv.., tất những dữ kiện này đủ cho phép nhận xét như vậy. Không thể đổ lỗi tình trạng này hoàn toàn cho thiên tai dịch bệnh, cho những yếu kém của phía dân, mà phải coi chất lượng công việc và trình độ kỹ năng thấp kém cùng với sự làm việc tác trách của hệ thống quản lý đất nước là một trong các tòng phạm chính. Cần nhận thức sâu sức mức độ nghiêm trọng của sự lãng phí vô hình để có quyết tâm nâng cao khả năng kỹ trị và chất lượng công việc trong hệ thống kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự. Chỉ đơn thuần nhấn mạnh “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong hệ thống này không giải quyết được vấn đề.
-         Vân vân...
         
          Những bất cập trong điều hành vỹ mô của Chính phủ và sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế quốc doanh là hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình hình lạm phát nóng và những rối loạn trong kinh tế hiện nay[54].

          Ngoài ra cũng phải xem lại những kết luận sai hoặc không chính xác, trong khi tìm các biện pháp khắc phục cho một số vấn đề đặt ra, ví dụ:
-         cho rằng nhập siêu lớn chủ yếu do yêu cầu phát triển, nhưng chưa đánh giá đúng mức sự lơi lỏng trong quản lý nhập khẩu và trong điều hành vỹ mô (nhất là trong đầu tư);
-         tỷ lệ nguyên vật liệu nhập cho sản phẩm gia công để xuất khẩu rất cao (thường tới <60% giá trị xuất khẩu), song lại rút ra kết luận sai là phải tăng đầu tư sản xuất nguyên vật liêu để khắc phục (công nghiệp thượng nguồn). Kết luận như vậy có nguy cơ tiếp tục đi sâu vào kinh tế nguyên liệu, và làm sâu sắc thêm cơ cấu kinh tế lạc hậu, càng phát triển sẽ càng nghèo một cách không thể cứu vãn được. Bài toán phải giải là cần mau chóng tìm đường phát triển những sản phẩm mới có hàm lượng chất xám và công nghệ cao, chứ không phải là tăng kim ngạch xuất khẩu hàng gia công bằng mọi giá, càng không phải là đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế thượng nguồn.
-         Vân... vân...

          Những vấn đề bức xúc nêu trên và cách vận hành, xử lý chúng hiện nay nóng bỏng đến mức phải đặt ra câu hỏi:
-         Đảng lãnh đạo lựa chọn gì?
-         Vì các đại gia, tập đoàn? Cứu quốc doanh? Cứu thị trường chứng khoán?.. Tức là vấn đề cứu ai hay cứu cả nền kinh tế?
-         Trên thực tế những đảng viên giữ vai trò chủ chốt trong những tập đoàn lớn là những người trực tiếp thay mặt Đảng nắm giữ những đơn vị kinh tế này, họ đang hoạt động vì ai?
-         Những tập đoàn kinh tế mạnh này chịu ảnh hưởng của ai và vì ai?
-         Làm gì để giải phóng tiềm năng to lớn của cả nước còn đang bị kìm hãm?
-         Vân... vân...

          Không thể không đặt ra câu hỏi: Phải chăng dây dợ nuôi dưỡng sự tồn tại của các tập đoàn đang “định hướng” nền kinh tế và nhiều quyết định khác, chứ không phải những chủ trương “định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đảng?.. Hiện tượng này ngày càng rộ lên kể từ sau Đại hội X.  Mọi chuyện sống còn của đất nước, của chế độ chính trị hiện nay, của sự tồn tại của Đảng với tính chất là Đảng lãnh đạo đòi hỏi phải tìm ra sự thật nằm trong những câu hỏi nêu trên. Đấy là cách định hướng xác đáng đổi mới xây dựng Đảng về xây dựng đường lối kinh tế.

          Tóm lại, Đảng ta đứng trước nhiệm vụ một mặt phải ra sức nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhằm hoàn thành chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020 như đã đề ra trong các nghị quyết các Đại hội Đảng gần đây, song mặt khác: ngay từ bây giờ phải tìm cách chuyển sang giai đoạn phát triển mới của đất nước theo chiến lược phát triển kinh tế theo chiều sâu dựa trên phát huy yếu tố con người và hội nhập, với mục tiêu trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này. Tiếp tục xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, gần như cầm chắc không hoàn thành được CNH-HĐH vào năm 2020, trong đó đặc biệt khó khăn là sẽ không thể giải quyết được vấn đề mấu chốt: phát triển nông nghiệp và nông thôn; trong tình hình như vậy, vấn đề nông dân hiện nay đang có nhiều dấu hiệu căng thẳng sẽ trở nên nóng bỏng khó lường. Tiếp tục xu thế phát triển kinh tế hiện nay, triển vọng đổ vỡ không phải là xa xôi.

          Có 3 lý do quyết định khiến Đảng ta phải đề ra chiến lược trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này là:

(1) Trong thời đại ngày nay và trong tình hình nước ta đã hội nhập toàn diện vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa của nước ta chỉ có thể thực hiện thành công trong một thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự được phát triển cao – một thể chế nhất thiết phải có cho phép phát huy mọi nguồn lực của đất nước và đảm bảo sự phát triển bền vững. Thực chất đấy là thể chế của một nước phát triển với những nội dung và tiêu chí rõ ràng[55]. Cho đến nay các nghị quyết của Đảng mới chỉ nhấn mạnh đến về CNH-HĐH, phần xây dựng thể chế thì lại bó khung trong phạm trù tư duy “định hướng xã hội chủ nghĩa”[56] chưa được lý giải rõ ràng và có nhiều mâu thuẫn với cuộc sống.
(2) Xây dựng thể chế của một nước phát triển là một nhiệm vụ toàn diện của một quốc gia, lâu dài, gian khổ, phải bắt đầu ngay từ bây giờ, thậm chí phải đi trước phát triển kinh tế một bước. Về nhiều mặt thể chế này là nền tảng kinh tế - chính trị - xã hội – văn hóa của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, ngày nay không thể có CNH-HĐH tách khỏi nền tảng này. Thể chế này phát huy tối ưu lợi thế cạnh tranh của một quốc gia, vì lẽ này nó định hướng sự nghiệp CNH-HĐ của một quốc gia đi theo và làm chủ xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Ngày nay không thể có CNH-HĐH duy ý chí tách rời quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới, hoặc phó thác vận mệnh mình cho cái vòng luẩn quẩn các nước nghèo vướng mắc vào từ nhiều thập kỷ nay.
(3) Tồn tại kề bên cái công xưởng thế giới và cạnh tranh với cả thế giới  đặt ra cho nước ta đòi hỏi bắt buộc là phải tìm đường trở thành một nước phát triển. Có như vậy mới có thể khắc phục được tụt hậu và thoát khỏi số phận là bãi thải công nghiệp với nhiều kinh nghiệm cay đắng còn nóng hổi, thoát khỏi số phận một quốc gia lệ thuộc. Hơn thế nữa, không tự giải phóng ra khỏi tình trạng kém phát triển thì sẽ không có ổn định và càng không thể có dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

          Trong phạm vi bàn về đường lối, nếu đề cập đến nhận định thời đại hiện nay, có lẽ kết luận cần rút ra đối với nước ta là:  Ý nghĩa quan trọng nhất của thời đại hiện nay là vừa đòi hỏi, vừa cho phép nước ta phát huy con người trở thành yếu tố quyết định nhất sự nghiệp phát triển. Thời cơ chưa bao giờ có đang đến với đất nước chính là điểm này, nhưng nó lại chưa được nhận biết đúng tầm[57]Như vậy, cốt lõi hay vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng đường lối của Đảng trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước phải là đường lối phát huy sức mạnh dân tộc trên cơ sở phát triển con người tự do của Việt Nam.

         
Về nhiệm vụ 2: Xây dựng thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự

          Về kinh tế thị trường: Bước đột phá của đổi mới đã làm nên những thành tựu của 22 năm qua là xóa bỏ cơ chế kinh tế bao cấp để chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, nước ta hiện nay đang đàm phán tiếp đòi WTO và những đối tác quan trọng khác như EU, Mỹ, Nhật... thừa nhận nền kinh tế thị trường ở nước ta. Tuy nhiên mức độ phát triển của kinh tế thị trường ở nước ta còn thấp. Những yếu kém lớn hiện nay là thị trường nước ta vẫn còn tồn tại không ít tính sơ khai, hoang dã, tính công khai minh bạch thấp, còn nhiều can thiệp hành chính, sự lũng đoạn và câu kết giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế vẫn tiếp tục gia tăng và ngày càng tinh vi, vẫn còn nhiều thủ tục phiền hà đối với đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong khi đó lại kiểm soát chưa có hiệu quả sự thao túng của bên ngoài[58]. Một vấn đề lớn là tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong tham gia thị trường thấp. Yêu cầu phát triển nặng động của nền kinh tế quốc dân đòi hỏi khắc phục sự phân biệt đối sử này và phải tìm cách loại trừ mọi câu kết có thể có giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị.  
                                                                      
          Xây dựng thể chế kinh tế thị trường ngày càng phát triển trước hết mang nội dung làm cho thị trường thực hiện tốt chức năng điều tiết cung cầu, chức năng cung cấp tín hiệu, điều phối các nguồn lực, tạo ra cầu mới và cung mới.., đồng thời phải thường xuyên hoàn thiện những công cụ pháp lý, chính sách, thông tin để điều tiết, kiểm soát và phát triển thị trường.

          Quy luật trung tâm của kinh tế thị trường là quy luật cung cầu, song thị trường tự nó không bao giờ hoàn hảo, đòi hỏi Nhà nước hoặc là phải dành cho nó bàn tay của “bà đỡ”, hậu thuẫn những xu hướng phát triển tốt; hoặc là ngự trị (làm chủ) nó bằng bàn tay “điều tiết”, bằng những công cụ nói trên. Ở mức độ nhất định và trong tình hình nhất định phải có bàn tay của Nhà nước “can thiệp” vào thị trường - vì lợi ích chung của cả nền kinh tế, kể cả những yêu cầu duy trì sự phát triển hài hòa của kinh tế, ổn định trong xã hội và thân thiện với môi trường tự nhiên. Có thể nói phát triển hay điều tiết kinh tế thị trường là những vấn đề của nghệ thuật – nghĩa là của những kỹ năng cao vận dụng quy luật, hệ thống luật pháp, thông tin, các chính sách và các đòn bảy được thường xuyên được đổi mới theo kịp sự phát triển của tình hình. Nền kinh tế nào và trình độ phát triển nào thì thị trường nấy và phải có những công cụ điều tiết và đòn bẩy thích hợp, vận hành trong hệ thống pháp luật, chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường văn hóa phù hợp. Nói tóm tắt, đó là những điều kiện để kinh tế thị trường vận hành thông xuốt.

          Xem như vậy, không thể duy ý chí hoặc đơn thuần điền thêm khái niệm “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà giải quyết được vấn đề. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng thể chế kinh tế thị trường trước hết không phải là dùng những biện pháp “cài cắm” hay can thiệp, nắm tập đoàn, bảo hộ quốc doanh.., mà chủ yếu và duy nhất là tạo mọi điều kiện vận hành phải có cho kinh tế thị trường (thường nói tóm tắt là hành lang pháp lý và sân chơi lành mạnh). Cần đặc biệt quan tâm xây dựng và thực thi hệ thống luật pháp thường xuyên cập nhật, cung cấp cho thị trường và hệ thống nhà nước những con người có kỹ năng và thông tin, tôn trọng và bảo hộ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh; thực hiện sự bình đẳng trong đối xử và trước pháp luật đối với mọi thành phần kinh tế; cổ vũ sự hiệp đồng, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh... Tổng kết sự phát triển được coi là kỳ diệu trong 3 thập kỷ vừa qua của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, nhiều học giả trên thế giới cho rằng nguyên nhân căn bản hay bước đột phá của các quốc gia này là những thành công nhất định trong cải cách thị trường và hội nhập kinh tế thế giới. Đánh giá này càng thôi thúc đảng lãnh đạo ở Việt Nam phải đảy mạnh phát triền kinh tế thị trường[59].

          Nếu vì những lý do chính trị nhất định cần phải duy trì khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam ở giai đoạn hiện nay thì cần nhấn mạnh nội dung sau đây:
(1) thực hiện đối sử bình đẳng mọi thành phần kinh tế;
(2) từng đồng vốn mọi dạng của mọi thành phần kinh tế phải tuân thủ nguyên tắc sinh lời và thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội (đóng thuế theo Luật);
(3) loại bỏ sự can thiệp của chính trị vào kinh tế; luật pháp và sự công khai minh bạch phải là nền tảng của thị trường;
(4) bàn tay “hữu hình” của Nhà nước phải đảm bảo sự phát triển ổn định, hài hòa của toàn bộ nền kinh tế trên cơ sở thường xuyên phát triển thị trường, gìn giữ môi trường xã hội và môi trường tự nhiên;
(5) chống: “mafia”, lợi ích “nhóm”, sự lũng đoạn của bên ngoài.

          Nói rộng hơn nữa, để phát triển kinh tế thị trường, nhất thiết phải đồng thời phát triển hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội phù hợp, xây dựng văn hóa kinh doanh mới trở thành nếp sống. Điều khó nhất của phát triển kinh tế thị trường ở nước ta phải ra sức khắc phục là vẫn còn sự can thiệp quá nhiều của chính trị nên mức độ công khai minh bạch thấp; tín hiệu của thị trường và các quy luật của kinh tế bị méo mó, còn nhiều quyết định kinh tế duy ý chí và vì mục đích chính trị mà lẽ ra phải đặt ngược lại: kinh tế thị trường đạt hiệu quả cao cho sự phát triển hài hòa là “chính trị” cao nhất!

          Đạt thứ “chính trị’ cao nhất này chính là mục tiêu của xây dựng thể chế kinh tế thị trường mà Đảng cần nắm chắc.

         
Về mặt xây dựng nhà nước pháp quyền: đòi hỏi phải thiết lập được một bộ máy xây dựng và thực hiện luật pháp, vận hành nền kinh tế đất nước và quản trị mọi công việc của quốc gia đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng nhà nước pháp quyền. Thế nhưng với mối lo “tuột tay” mất quyền lãnh đạo, thậm chí cả do tha hóa về quyền lực, Đảng đề ra yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền định xã hội chủ nghĩa, đồng thời thông qua hệ thống nhà nước để nắm các tập đoàn kinh tế (những “quả đấm thép”). “Nắm” hết như thế có nghĩa là không muốn tách, hoặc không tách bạch được giữa vai trò lãnh đạo của Đảng,  vai trò quản lý của nhà nước, vai trò làm chủ của nhân dân, mặc dù Đảng đã đề ra nhiều lý lẽ tốt cho nội dung này.  

Chế độ lãnh đạo và làm việc song trùng hiện nay giữa Đảng và hệ thống nhà nước và hiện tượng đảng hóa toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội của đất nước là hai hiện tượng nghiêm trọng đang làm cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền trở nên vô nghĩa – cho dù được gắn thêm cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hiện tượng song trùng và hiện tượng “đảng hóa” trên thực tế đã triệt tiêu khẩu hiệu cực kỳ quan trọng “sống và làm việc theo pháp luật” mà Đảng thường xuyên vận động nhân dân cả nước thực hiện; Hiến pháp và luật pháp do đó không thể giữ được vai trò thượng tôn; dân chủ của dân trở thành thứ “ban cho” đến đâu thì được đến đấy – và sự “ban cho” này thường ít có ý nghĩa thiết thực (ví dụ như trong bầu cử...).   

Nguy hiểm hơn nữa, cơ chế song trùng một mặt là mảnh đất mầu mỡ cho mọi tha hóa, tiêu cực và tham nhũng, tạo ra một cơ chế không thể quy ai chịu trách nhiệm về những quyết định và những việc làm có khi là sai lầm, cho dù đấy là những vấn đề quốc gia trọng đại trong đối nội, đối ngoại, trong kinh tế, trong nhiều vấn đề lớn khác như tình trạng giáo dục, y tế, văn hóa hiện nay.., trong việc bỏ lỡ nhiều cơ hội và chuẩn bị không thấu đáo cho những bước phát triển sắp tới của đất nước, v... v...  

Vô cùng tai hại là cơ chế song trùng xây dựng trên nền tảng “cơ cấu” một mặt đã và đang tha hóa nghiêm trọng toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội, mặt khác nuôi dưỡng không cách gì gột bỏ được tư tưởng “nhiệm kỳ” đối kháng với lợi ích căn bản và lâu dài của đất nước. Phải chăng một tỉnh cho phép tới 13 dự án sân golf là một ví dụ điển hình của tư tưởng “nhiệm kỳ” và “bóc ngắn cắn dài”? Nói nghiêm khắc: Đấy là một tội ác!  Không thể có cách gì bào chữa cho những hiện tượng tương tự như vậy xuất hiện dưới dạng khác nhau và ở hầu hết mọi địa phương. Những hiện tượng như vậy không thể không đặt ra câu hỏi: Chính quyền này đang biến thành của ai? Người cầm quyền này là vì ai? Như thế có phải là nhà nước pháp quyền không? Có phải là nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa không?.. Xin thử hình dung cuộc sống xã hội, tương lai đất nước sẽ ra sao nếu người cán bộ, người đảng viên không lo, không cần biết “sau ta sẽ là gì!”, hay là chỉ cần quan tâm đến điều duy nhất: “...miễn là ta hạ cánh an toàn!  

Cơ chế song trùng mang trong nó sự đối kháng với yêu cầu nâng cao chất lượng nhà nước pháp quyền mà tình hình phát triển của đất nước đòi hỏi. Điều này giải thích vì sao cải cách hành chính giẫm chân tại chỗ, vì sao không thể xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ trị cho bộ máy nhà nước (vì yêu cầu đào tạo, tuyển dụng, sử dụng của hệ thống có nhiều yếu tố hạn chế sự tham gia của họ, hoặc đố kỵ, thải loại họ như sự thải loại vật thể lạ trong cơ thể sinh học). Thực tế này cắt nghĩa vì sao hệ thống bộ máy nhà nước tự nó đề kháng với người tài, việc chiêu hiền đãi sỹ đề ra từ hàng chục năm nay vẫn là vô vọng (bầu cử Quốc hội khóa 12 là ví dụ mới nhất)[60]. Hệ quả là người bất tài (nhưng “đỏ” – thực ra hay chủ yếu là nhờ những lý do “quan hệ”) thường giữ trọng trách, đã chớm xuất hiện người có năng lực bỏ chức hàng loạt ở TPHCM, Hà Nội. Một hệ thống nhà nước có đặc trưng của cơ chế song trùng và hiện tượng “đảng hóa” tràn lan thì ngay từ đầu tự nó loại bỏ hay cản trở khả năng đưa đất nước trở thành một quốc gia công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, bởi vì một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại không thể được quản lý bởi một hệ thống nhà nước lạc hậu, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ trị, luật pháp bị thao túng, thể chế vận hành đất nước trên thực tế là một thể chế nhân trị.

Tình hình nguy hiểm tới mức bộc lộ nỗi khiếp sợ mất “đảng hóa”. có đồng chí đã nói ra thành lời trước công luận: Không chơi cái trò chơi dân chủ! Không chơi cái trò tam quyền phân lập! Bỏ điều 4 trong Hiến pháp là tự sát!.. Vân vân...  
                                                                                                     
Hiện tượng song trùng và đảng hóa hệ thống chính trị-xã hội trên thực tế làm cho cả hệ thống này ngày càng xa dân, tạo ra một cuộc sống có nhiều mặt ảo, không hiếm hiện tượng lý lẽ đi một đằng, cuộc sống đi một nẻo. Song vấn đề còn cực kỳ nguy hiểm ở chỗ có quá nhiều các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đang làm cho cái “ảo” này che khuất mọi mối nguy đang âm ỷ trong một tình hình thậm chí chỉ cần để xảy ra một tai nạn nhỏ - ví dụ làm chết một người trong biểu tình – cũng có thể gây ra một đổ vỡ lớn khôn lường. Tai họa lớn hơn đối với đất nước đang rập rình từ những ảo ảnh được nuôi dưỡng bởi những con số đẹp của tăng trưởng kinh tế. Vân vân... 

Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử VNDCCH và CHXHCNVN có hiện tượng có khoảng cách lớn như hiện nay giữa năng lực của hệ thống Nhà nước với nhiệm vụ và thách thức của thực tế cuộc sống đất nước đặt ra. Nguyên nhân hàng đầu không phải vì trang thiết bị lạc hậu hay thiếu thốn tiền bạc, mà chủ yếu vì trình độ kỹ năng thấp và sự tha hóa, xuống cấp của một bộ phận đội ngũ con người trong bộ máy của hệ thống và sự lạc hậu, bất cập chung của chính hệ thống so với tình hình và nhiệm vụ mới.

Những đòi hỏi cấp bách đặt ra cho Đảng ta trong xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh là: (a)Tách quyền lực chính trị ra khỏi quyền lực pháp lý của nhà nước, (b)loại bỏ sự câu kết của quyền lực kinh tế với quyền chính trị, (c)chống lại sự thao túng của thế lực nước ngoài.  Yêu cầu trung tâm của việc xây dựng nhà nước pháp quyền là nhằm thực hiện bằng được mọi quyền lực liên quan đến vận mệnh của đất nước thuộc về dân, là của dân và vì dân, phát huy trí tuệ và ý chí của dân thực hiện bằng được yêu cầu này. Nước ta không phải bắt đầu việc xây dựng nhà nước pháp quyền như vậy từ con số không. Hiến pháp và hệ thống luật pháp hiện hành của nước ta đã đi được một đoạn đường dài trên con đường này, nhưng vấn đề đảng hóa đã vô hiệu hóa nó đáng kể. Vậy khắc phục hiện tượng đảng hóa và đề ra chủ trương bồi dưỡng người dân trở thành chủ nhân của đất nước là tinh thần cốt lõi của việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đảng ôm đồm bao biện nhà nước như hiện nay đang tạo ra một hiện tượng cộng sinh của nhau, một mặt làm tha hóa cả Đảng và Nhà nước, mặt khác làm cho Hiến pháp và luật pháp tất yếu không thể trở thành nguyên tắc tối thượng phải tuân thủ. Thực tế này là nguyên nhân trực tiếp nhất, tước bỏ có hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị của đất nước, đồng thời làm tăng tính chất đảng cai trị.

Triển vọng xây dựng được một nhà nước đủ sức quán xuyến đất nước trong giai đoạn phát triển mới rất đáng lo ngại, gần như vô kế khả thi nếu như Đảng không tự đổi mới mình, đây thực sự là một thách đố lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng. Trong một số nghị quyết, Đảng đã có kết luận: cải cách hành chính phải bắt đầu từ đổi mới Đảng! Song cải cách hành chính mới chỉ là cái ngọn, là một phần rất nhỏ trong xây dựng nước pháp quyền – vì nhà nước nào thì nền hành chính nấy. Xin nhắc lại: Nguy cơ lớn nhất dẫn tới khủng hoảng kinh tế trong tình hình thuận lợi như hiện nay của nước ta chủ yếu đến từ hai phía: (a) khả năng quản trị đất nước yếu kém của Nhà nước (trong đó có tổ chức Đảng và vấn đề “đảng hóa”) và (b)con ngựa bất kham các tập đoàn kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Từ khủng hoảng kinh tế đến khủng hoảng chính trị chỉ là gang tấc.

Thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhiệm vụ này cần xuất phát từ Đảng phải được xây dựng lại và đổi mới chính mình cho phù hợp với phương thức hoạt động trong khung khổ một nhà nước pháp quyền ngày càng phát triển, bắt đầu từ nhận thức lại nhà nước pháp quyền với những tri thức hiện đại nhất của văn minh nhân loại[61].

Tuyên ngôn Độc Lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và biết bao nhiêu kinh nghiệm thành, bại khác trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hơn một nửa thế kỷ vừa qua là vốn liếng vô cùng quý báu cho nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền cho giai đoạn phát triển mới của nước ta. Là nước đi sau, nước ta có điều kiện vừa thực hiện được việc kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, của nước mình, vừa thu thập và học tập những kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền trong tình hình mới của Việt Nam, phù hợp với Việt Nam.

Rõ ràng về quan điểm và đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng bỏ “đảng hóa”, bỏ “nắm” quyền, bỏ “đảng trị”, bỏ “đảng cai trị” – nghĩa là bỏ các cơ chế cơ cấu, song trùng và cài cắm trong hệ thống nhà nước cũng như trong hệ thống kinh tế, thay thế bằng các cơ chế của Hiến pháp, bầu cử, tuyển chọn của luật pháp và xã hội dân sự.

Nói một cách thô thiển: Xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta là xây dựng một nhà nước trong đó Đảng phải thực thi gương mẫu và đầy đủ nhất Hiến pháp và luật pháp. Vai trò của Đảng là lãnh đạo nhân dân phát huy dân chủ và trí tuệ xây dựng được một nhà nước hiện đại với những thành quả mới nhất của văn minh nhân loại. Nhà nước mạnh là điều kiện để có Đảng mạnh. Lãnh đạo đích thực là như vậy. Nhà nước yếu Đảng mạnh để cho Đảng dễ lãnh đạo sẽ là tha hóa cả hai và làm hư hỏng toàn xã hội như đang diễn ra.
Đã đến lúc Đảng phải xem lại quan điểm cơ bản của mình về vai trò một nhà nước pháp quyền đất nước cần phải có trong giai đoạn phát triển hiện tại, phải đặt lại nhiều vấn đề, bắt đầu từ xây dựng lại Hiến pháp, phân định cho rõ để thực hiện bằng được nhà nước pháp quyền của Việt Nam, quyền lực nhà nước hoàn toàn thuộc về Nhà nước theo phương thức đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, cả nước – nghĩa là không loại trừ một ai – sống và làm việc theo pháp luật, Hiến pháp là tối thượng. Một nhà nước pháp quyền như thế phải tự nó trở thành một thể chế vững chãi và thường xuyên phát triển trên cơ sở một hệ thống tổng thể lập pháp – hành pháp – tư pháp ngày càng hoàn thiện[62].

Thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng có nghĩa là Đảng bằng trí tuệ và tính tiền phong chiến đấu của mình phát huy ảnh hưởng vào mọi khâu và mọi hoạt động hình thành, xây dựng và thực thi các nhiệm vụ của nhà nước pháp quyền.


Về mặt xây dựng xã hội dân sự: Đây là vấn đề Đảng đang cố tránh, bởi vì coi xã hội dân sự thuộc phạm trù “tư sản”, phạm trù “phương Tây”, là công cụ “diễn biến hòa bình nước ta”... để không thừa nhận, để biện minh cho việc hình thành và bảo toàn một kiểu xã hội Đảng có thể thực hiện được quyền kiểm soát. Cách suy nghĩ này  thoát ly quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Trên thế giới khái niệm xã hội dân sự rất phong phú và hình thái và mức độ phát triển rất khác nhau ở mỗi nước, do những điều kiện và đặc thù ở mỗi nước quyết định, không nước nào có thể sao chép nước nào. Tuy nhiên, điểm đồng nhất cho mọi quốc gia là tạo môi trường thực hiện dân chủ của người dân.

Xã hội dân sự được bàn đến ở đây trong điều kiện và đặc thù của nước ta nói đơn giản là tạo môi trường xã hội để người dân có điều kiện tốt nhất phát triển mình, thực hiện quyền và trách nhiệm của mình làm chủ đất nước. Đảng nói nhiều đến xã hội dân chủ - công bằng – văn minh, lựa chọn con đường được gọi là phát huy dân chủ cơ sở để thực hiện mục tiêu này. Đấy chính là những vấn đề của xã hội dân sự. Thế nhưng cách làm là theo hướng đảng hóa các đoàn thể quần chúng và thông qua các tổ chức cơ sở Đảng tác động vào mọi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư đến cấp cơ sở, nên cái đạt được chỉ là thứ dân chủ ban cho, thứ dân chủ phục vụ việc thực hiện các chủ trương chính sách được đề ra.  Nội dung chủ yếu của phát huy dân chủ cơ sở như vậy xoay quanh vấn đề bảo đảm trật tự trị an và “quán triệt” những chủ trương chính sách mà người dân cần thực hiện.

Một kiểu xã hội thụ động và có sự can thiệp sâu của các tổ chức Đảng và Nhà nước như vậy không phát huy được sáng tạo của mỗi cá nhân và sự tham gia của quảng đại quần chúng nhân dân vào việc giải quyết những vấn đề của cộng đồng tại chỗ nói riêng và của cả nước nói chung, hầu như giảm thiểu hoặc loại bỏ khả năng của nhân dân giám sát mọi mặt các cơ quan nhà nước. Đó không phải là thứ dân chủ thực hiện quyền làm chủ của dân; trong quá trình thực hiện không đem lại cho dân trí tuệ mới, không trau giồi được những khả năng và phẩm chất mới để người dân có thể ngày một nâng cao quyền năng làm chủ của mình (làm chủ bản thân, làm chủ đất nước).

Trên thực tế người dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay về nhiều mặt vẫn là thần dân (một dạng dân của đức Vua), chưa phải là công dân (dân của nền cộng hòa), càng chưa chưa phải là chủ nhân ông của đất nước. Tình trạng này thể hiện rõ nét nhất qua cách tiến hành các cuộc bầu cử và qua cách lấy ý kiến dân để thực hiện những chủ trương chính sách đã được ban hành. Cách làm như vậy mang tính hợp thức hóa nhiều hơn là có ý nghĩa giá trị thực chất. Cũng vì những lẽ này nhiều hoạt động xã hội chỉ mang ý nghĩa phong trào và không có chiều sâu, không lâu bền, nhưng lại nuôi dưỡng nhiều hủ tục. Cũng vì những lẽ này thiếu vắng hẳn vai trò tham gia xây dựng, phản biện của dân đối với mọi chính sách, quy định và mọi vấn đề của đất nước. 32 năm xây dựng trong hòa bình, đất nước đứng trước biết bao nhiêu vấn đề cực kỳ hệ trọng, nhưng ngoài việc “lấy ý kiến dân” một cách gần như chiếu lệ và ít thực chất, cho đến nay chưa có trưng cầu dân ý, chưa xây dựng việc cầu dân ý trở thành một thể chế quyền lực của quốc gia.

Sự thiếu vắng xã hội dân sự cắt nghĩa vì sao bộ máy của hệ thống chính trị và hệ thống Nhà nước rất đồ sộ cả về quy mô và biên chế, dàn trải và có mặt  ở khắp mọi nơi, nhưng chủ trương chính sách và luật pháp khó thực thi, kết quả quản trị quốc gia của Nhà nước yếu kém, xã hội tồn đọng nhiều vấn đề, người tài và nhiều giá trị tinh hoa mai một dần, nhiều vấn đề xã hội không giải quyết được. Cuộc sống còn nhiều hiện tượng lạc hậu, các tệ nạn tiêu cực trong xã hội kéo dài, kỷ cương xã hội xuống cấp. Tất cả đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển năng động và bền vững của đất nước và tăng thêm nguy cơ tụt hậu.  

Một quốc gia có sức phát triển năng động và bền vững đòi hỏi phải có sự phát triển hài hòa ở mức tối đa cho phép của kinh tế, của bộ máy nhà nước và của hệ thống xã hội. Trong thời đại sự phát triển kinh tế đòi hỏi phải phát huy tối đa tiềm năng con người và phải có một nhà nước thông minh quản trị đất nước, việc xây dựng xã hội dân sự càng trở thành một đòi hỏi tất yếu: không có cái này thì cũng không thể có cái kia! Cuộc sống nhiều quốc gia và ở ngay nước ta trong 22 năm đổi mới đã chứng minh không có sự phát triển hài hòa của cả 3 cấu trúc kinh tế, nhà nước và xã hội, không thể tạo ra sự phát triển năng động, bền vững và phục vụ lợi ích con người. Nguy cơ đi vào con đường phát triển của chủ nghĩa tư bản hoang dã cũng chủ yếu xuất phát từ thiếu vắng sự phát triển hài hòa của 3 cấu trúc này. (Thực tế cuộc sống cũng cho thấy càng “quản” chặt, càng phát sinh nhiều tiêu cực, nghĩa là càng nảy sinh hoang dã!).

 Xây dựng xã hội dân sự là một nhiệm vụ thường xuyên, khó, phức tạp, đòi hỏi mỗi quốc gia phải xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, tình hình phát triển mọi mặt của đất nước và bối cảnh môi trường quốc tế mà tìm ra con đường riêng cho mình để thực hiện. Việc xây dựng xã hội dân sự ở nước ta là nhằm mục đích phát triển con người tự do với tính cách là chủ nhân ông của một quốc gia độc lập tự do, vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh..

Nói cụ thể hơn nữa, đó là xây dựng một xã hội tạo điều kiện cho mỗi cá nhân con người có môi trường phát triển, tái tạo được chính mình trong cuộc sống lao động, phát huy được chính mình để tự tổ chức lấy cuộc sống của mình, có khả năng tham gia xây dựng tổ chức cuộc sống chung của cộng đồng, từ đó ngày càng nâng cao trí tuệ và quyền năng của bản thân và của cộng đồng, để có thể giải quyết được những vấn đề do cuộc sống của mình đặt ra, tham gia có hiệu quả vào những vấn đề chung của cộng đồng, của đất nước – từ xây dựng Hiến pháp đến các quyết sách của đất nước, gìn giữ môi trường xã hội và môi trường tự nhiên cho cuộc sống...

Vì xã hội dân sự là tổ chức cộng đồng và tự nguyện của những người dân với vị thế là chủ nhân đất nước, nên phải bảo đảm sự độc lập của nó đối với Nhà nước. Điều kiện tồn tại và phát triển của xã hội dân sự là tôn trọng, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị chung, đồng  thời thừa nhận sự khác biệt của mỗi cá nhân, cổ vũ phát huy mỗi cá nhân con người vì chính họ và vì sự nghiệp chấn hưng đất nước. Xã hội dân dự là môi trường hoạt động, là trường học của công dân, là nơi hình thành nhân cách và phát huy nhân tài, là nơi nẩy nở những tinh hoa văn hóa cho đất nước. Xã hội dân sự đòi hỏi thượng tôn pháp luật và được dẫn dắt bởi văn hóa giàu bản sắc dân tộc và nhân văn. Xác định rõ như vậy sẽ thấy ngay cần hay không cần một xã hội dân sự như thế để đưa đất nước đi lên, đồng thời cũng làm rõ được mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền.

Riêng về mối quan hệ giữa xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền có thể diễn đạt một cách giản lược khái quát như sau: Người của xã hội dân sự (được hiểu là công dân không tham chính) được phép làm những gì luật pháp không cấm, người của nhà nước hay của hệ thống chính trị chỉ được làm những gì luật pháp cho phép.

Vấn đề trung tâm của chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn hiện tại là phát huy tiềm năng con người, xây dựng xã hội dân sự vì thế trở thành đòi hỏi tất yếu, không gì có thể thay thế được.

Chúng ta đứng trước thực tế là: trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước nhìn chung còn thấp, có nhiều di sản lạc hậu, lại trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài, cộng thêm những yếu kém và sai lầm với tính chất là những “sản phẩm” của bản thân chế độ chính trị nước ta – bao gồm cả tệ nạn bưng bít thông tin, thói nói dối, coi thường pháp luật, đứng trên pháp luật, những yếu kém của nền giáo dục.., nhiều giá trị tốt đẹp bị vùi dập trong một nền kinh tế thị trường chưa phát triển. Cần nhìn thẳng vào sự thật là có hiện tượng kinh tế đang phát triển gần như cùng một nhịp độ với sự xuống cấp của xã hội – nhất là các giá trị xã hội, mà tội lỗi không phải là do kinh tế phát triển, mà là do yếu kém của hệ thống chính trị - xã hội và con người trong hệ thống. Toàn bộ thực tế gay gắt này nói lên bất cập nhiều mặt của hệ thống chính trị quốc gia và đang gây ra nhiều khó khăn cho việc xây dựng xã hội dân sự.

Tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là tư duy của đảng lãnh đạo chưa có nhận thức về sự cần thiết phải có xã hội dân sự, cho nên đến nay chỉ hướng mọi nỗ lực của mình vào xây dựng một xã hội được cai quản tốt, một xã hội biết vâng lời.

So với nhiều nước đang phát triển khác có mức thu nhập và trình độ phát triển kinh tế tương đương, phải nói Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn trong sự nghiệp xây dựng xã hội dân sự; trước hết đó là truyền thống văn hóa lịch sử, sự tôi luyện và thử thách trong chiến tranh, trình độ phát triển văn hóa – xã hội hiện tại. Một thuận lợi vô cùng to lớn hiếm quốc gia nào có được là chỗ nào cũng có đảng viên, và giả thiết rằng mỗi đảng viên được giác ngộ cao về trách nhiệm xây dựng xã hội dân sự, phấn đấu tại nơi mình sinh sống và hoạt động trong việc đi đầu xây dựng một xã hội như thế, chắc chắn sẽ mang lại kết quả mong muốn – nhưng nếu đảng viên và các tổ chức cơ sở không làm được nhiệm vụ này thì ưu thế này lại là một trở lực lớn. Ngoài ra Đảng còn có một hệ thống các đoàn thể quần chúng có mặt ở khắp mọi nơi, song vì bị đảng hóa và vì không gắn cho nó nhiệm vụ xây dựng xã hội dân sự, nên hệ thống này trở thành cánh tay nối dài của Đảng và trên thực tế là không thuận hay không làm được nhiệm vụ xây dựng xã hội dân sự. Đặt giả thiết đảo ngược được tình hình này, thay đổi căn bản nội dung công tác tuyên truyền vận động, và trên hết cả là thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng,  có thể nói việc xây dựng xã hội hội dân sự ở nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, nhất là nước ta có mối quan hệ lịch sử gắn bó giữa nhân dân và Đảng, dân tộc ta đã trải qua nhiều thực thách và có nhiều truyền thống tốt đẹp. Đảng chuyển biến, sẽ tạo ra chuyển biến trong cả nước.

Những điều kiện thiết yếu để xây dựng xã hội dân sự là tự do, dân chủ, pháp luật, văn hóa, sự công khai minh bạch, sự phát triển của dân trí. Nói một cách giản lược nhất, đó là xã hội tạo cho dân những điều kiện thực hiện tốt nhất quyền được nói của mình, quyền thể hiện mình, gắn với phát huy trách nhiệm công dân của mình. Cái khó nhất đối với Đảng ta là phải trở thành lực lượng tinh hoa trong một xã hội như thế thì mới có thể lãnh đạo, đi đầu trong việc xây dựng xã hội dân sự; hiện nay Đảng mới chỉ là một lực lượng chính trị mạnh. Nhìn theo khía cạnh này lại càng rõ việc xây dựng xã hội dân sự cũng phải bắt đầu tự đổi mới Đảng thành lực lượng tinh hoa của dân tộc, Đảng phải là người đi đầu trong việc xây dựng xã hội dân sự. Không làm được như vậy Đảng sẽ biến thành trở lực.

Xây dựng xã hội dân sự có dẫn đến diễn biến hòa bình đa nguyên đa đảng không, có tạo ra mầm mống của hỗn loạn và bạo loạn không, có nguy cơ lật đổ chế độ và loại bỏ sự lãnh đạo của Đảng không? V... v...

Thật ra những câu hỏi trên là sự nhìn nhận không đúng những nguyên nhân dẫn đến những tình huống như vậy. Bởi lẽ sự vận động của xã hội dân sự chủ yếu do những giá trị tốt đẹp và những tầng lớp tinh hoa của xã hội dẫn dắt, mục đích cuối cùng của xã hội dân sự là phát triển con người, gìn giữ và tạo ra những giá trị mới.

Hơn nữa sự tha hóa đạo đức và chính trị cũng như mọi tệ nạn tham nhũng tiêu cực thường là đối tượng của xã hội dân sự. Bản thân xã hội dân sự không đẻ ra được những hiện tượng nêu trên, càng không phải là nguyên nhân dẫn tới biến động xã hội thường là dưới một trong 2 dạng (a)diễn biến hòa bình, (b)bạo loạn. Ví dụ: Nếu Đảng không có khả năng thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thì tự thực tế này sẽ tước đi vị thế lãnh đạo của Đảng – cho dù không có xã hội dân sự; thậm chí trong một xã hội của mafia thì đảng phái chính trị nào cũng có thể trở thành con mồi hay nạn nhân của mafia, nghĩa là Đảng cũng có thể bị tước mất vai trò lãnh đạo. Một số sách báo ở nước ta cũng đã nói tới xuất hiện hiện tượng nơi này nơi khác có lúc Đảng trở thành đối tượng – nghĩa là như một thứ của cải – để tham nhũng! Đó là những nơi tổ chức Đảng bị tê liệt,  bị thao túng, trở thành bình phong, biến thành công cụ phục vụ tiêu cực và tham nhũng...

Sẽ có câu hỏi: Không có dân chủ, không thực hiện đa nguyên có xây được xã hội dân sự không? Tình trạng hỗn loạn của một số nước Đông Nam Âu và một số nơi khác ở Trung Đông, Nam Á có chế độ nhiều đảng nói lên điều gì?

Có thể nói nhìn vào bất kỳ đâu trên thế giới này sẽ thấy: Trình độ phát triển của dân chủ tới đâu thì quốc gia ấy phát triển tới đó, nghĩa là không thể có dân chủ theo kiểu ăn sống nuốt tươi!

Dân chủ ở đây không nên hiểu theo một nghĩa thô thiển và đơn giản, mà cần được hiểu là dân chủ được xây dựng trên nền tảng của những giá trị tốt đẹp và luật pháp phát triển, của trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt được, của trình độ dân trí ngày càng nâng cao. Điều này có nghĩa dân chủ phải được thiết kế, xây dựng, gây dừng, giáo dục, dẫn dắt, nuôi dưỡng, phát triển – nghĩa là dân chủ cũng phải có lãnh đạo cần thiết cho sự phát triển của chính nó, lãnh đạo với nghĩa nuôi dưỡng các yếu tố khuyến khích dân chủ phát triển ngày càng tới đúng với ý nghĩa đích thực của nó. Dân chủ không thể tự nó sinh ra, không thể tự nó đến, không thể tự nó hoàn chỉnh[63]. Như vậy dân chủ nước ta cần phải có không phải là cái dân chủ của tự phát, hỗn loạn, vô tổ chức, vô chính phủ và của mọi phản ứng hay hiệu ứng bày đàn.

Xây dựng dân chủ như vậy ở một nước kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều mặt kém phát triển như ở nước ta là nhiệm vụ vô cùng gian khổ, bởi vì đấy phải là dân chủ dựa trên nền tảng của giáo dục, mãi mãi cùng đi với giáo dục – dân chủ của phát triển. Chính đòi hỏi này thách thức Đảng, song cũng chính đòi hỏi này nói lên sự cần thiết phải có vai trò đi đầu và sự dẫn dắt của lực lượng tinh hoa nhất của dân tộc – cũng có nghĩa là đòi hỏi này đặt ra yêu cầu Đảng phải đổi mới mình để trở thành một lực lượng như thế để tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo của mình.

Hầu hết các nước trên thế giới có chế độ chính trị nhiều đảng, song rất đông trong số những nước này không có dân chủ và cũng không có cả xã hội dân sự, nguyên nhân chính của tình hình hỗn loạn ở những nước này là trình độ phát triển thấp. Nhìn vào các nước Pakistan, Afghanistan, các nước Nam Âu... sẽ thấy rõ, đó là những nước có chế độ nhiều đảng, nhưng không thể nói có dân chủ với đúng nghĩa của nó; đó là đa đảng, đa nguyên của hỗn loạn, nghĩa là đa nguyên cũng không tự nó mang lại dân chủ và phát triển. Đừng mơ hồ về điều này. Không có dân chủ và phát triển với yêu cầu phải có như thế mà đi vào đa nguyên là chuốc lấy hỗn loạn và tự sát. Nước ta không thể lựa chọn, không thể nhập khẩu một thứ đa nguyên như thế.

Trong khi đó các nước phát triển đều có xã hội dân sự phát triển, có chế độ chính trị nhiều đảng, và nhìn chung tình hình ở đấy ổn định hơn các nước đang phát triển. Vậy cốt lõi của vấn đề là phát triển và dân chủ với nghĩa là thành quả của phát triển, đấy cũng là vấn đề nước ta bây giờ phải chăm lo.

Chế độ một đảng mà không có dân chủ thì không có xã hội dân sự và không phát triển - ví dụ như Mianma... Trong khi đó chế độ một đảng ở Đài Loan và Hàn Quốc kéo dài cho đến đầu thập kỷ 1980, song có dân chủ, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền nên đã phát triển và trở thành các nước mới công nghiệp hóa (NICs) ngày nay. (Singapore cũng đáng để tham khảo).

 Việt Nam có thể có một thuận lợi hiếm có. Đảng Cộng Sản Việt Nam với truyền thống cách mạng của mình và có mối quan hệ gắn bó với dân tộc, với tính cách là lực lượng chính trị mạnh tuyệt đối trong xã hội nước ta, với trên 3 triệu đảng viên ở khắp mọi nơi trong cả nước, giả thiết rằng với tính cách ấy Đảng giác ngộ nhiệm vụ của mình trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trở thành người tiên phong trong toàn dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội dân sự, điều gì sẽ diễn ra? Phải chăng tình hình hiện nay là Đảng không được chuẩn bị để làm nhiệm vụ này? Hay là bản chất của Đảng tự nó đối lập với nhiệm vụ này? Đấy là những câu hỏi nghiêm túc cần đặt ra. Đảng có cả một hệ thống dày đặc các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận TQVN, giả thiết thay vì chỉ làm việc cứu tế xã hội, nếu những tổ chức này được phát huy vào việc xây dựng xã hội dân sự với đúng nghĩa của nó?.. Một lần nữa càng rõ: Nếu Đảng không phải là lực lương tinh hoa của dân tộc thì chẳng làm được gì cho xã hội dân sự, và như vậy Đảng sẽ không có môi trường xứng đáng để rèn luyện mình, chẳng có cái gì ngoài quyền lực hiện đang nắm giữ, mà như thế làm sao Đảng mạnh và lâu bền?  

Nhưng nếu làm cho việc xây dựng xã hội dân sự như đã trình bày trên trở thành môi trường tôi luyện Đảng, là nguồn cung cấp bất tận cho Đảng sức sống mới, tinh hoa và trí tuệ mới, câu trả lời cho tương lai thật rõ ràng: Đảng luôn luôn sống và được tiếp sức bằng sinh lực mới của dân tộc thông qua xây dựng xã hội dân sự ngày càng phát triển. Nói dân tộc là người thày, người xây dựng, rèn luyện Đảng, trước hết là xây dựng một xã hội dân sự phát triển trở thành môi trường cho sự khẳng định và trưởng thành của Đảng. Không có một môi trường sống như vậy, trong chế độ chính trị một đảng Đảng trở thành người cai trị độc tài.  

Xã hội dân sự là đa nguyên, vì bản thân cuộc sống là như thế. Song đa nguyên và đa đảng là hai vấn đề khác nhau. Từ xây dựng xã hội dân sự có đi tới chế độ đa đảng hay không và đi tới như thế nào còn là cả một giai đoạn phát triển và tùy thuộc vào nhiều yếu tố và các điều kiện cần phải có. Ở các nước như Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan giai đoạn phát triển này là hàng chục năm – riêng ở Singapore thì đến bây giờ là bốn chục năm nhưng giai đoạn phát triển này vẫn chưa thực sự kết thúc.

Trên thế giới đại thể có 2 con đường đi tới chế độ đa đảng: (a)từ sự phát triển của dân chủ trong xã hội dân sự - tạm gọi đó là chế độ đa đảng của phát triển; (b)từ sự đổ vỡ của chế độ chuyên chế - tạm gọi đấy là chế độ đa đảng của hỗn loạn.

Tại các nước LXĐÂ cũ có con đường thứ ba: Sau một thời gian hình thành chế độ đa đảng từ đổ vỡ và hỗn loạn do sự sụp đổ của thể chế XHCN, hiện nay đang đi dần vào thời kỳ chế độ đa đảng của phát triển.

Xã hội dân sự thực sự trước sau, đến một giai đoạn phát triển nào đó và trong những điều kiện nhất định nào đó, sẽ dẫn tới chế độ chính trị đa đảng. Đó là quá trình phát triển tất yếu của sự vật.

Ngay từ bây giờ, cuộc sống đặt Đảng đứng trước tình hình: Trong một tương lai nhất định, Đảng sẽ chuẩn bị và lựa chọn cho đất nước, cho dân tộc mình hình thái chế độ đa đảng nào? Phải đặt ra câu hỏi này, vì không thể có chế độ một đảng vĩnh viễn. Phải đặt ra câu hỏi này còn vì lẽ thiết thực ngay trước mắt: Ngay từ bây giờ, Đảng phấn đấu như thế nào cho sự lựa chọn của mình: (a)bằng mọi giá kiên trì chế độ một đảng vĩnh viễn? (b)hay là vươn lên trở thành lực lượng tinh túy nhất trong tình hình sự phát triển của đất nước trong một tương lai nào đó sẽ dẫn tới chế độ đa đảng?

Sự lựa chọn nào thì hệ lụy ấy.

Nếu Đảng thừa nhận “trả” món “nợ” phải lãnh đạo nhân dân xây dựng nên một thiết chế dân chủ vận hành đất nước sau khi đã giành được độc lập thống nhất để xây dựng được dân giầu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh, triển vọng vào một thời điểm nào đó trong tương lai đất nước sẽ đi vào chế độ đa đảng là tất yếu. Cho nên không có chuyện lựa chọn hay không lựa chọn; mà chỉ có chuyện Đảng lựa chọn cái gì mà thôi.

-         Giả thử vào lúc nào đó sẽ đi đến một chế độ đa đảng do kết quả của sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết quả của dân chủ; Đảng giành thế chủ động trong quá trình phát triển này bằng cách thường xuyên nâng cao tính tiền phong chiến đấu để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo – nghĩa là lãnh đạo do khả năng và phẩm chất ưu việt mà xác lập được, chứ không phải do quyền lực.
-         Hoặc Đảng cố thủ trong địa vị độc quyền lãnh đạo của mình, dùng quyền lực để duy trì địa vị lãnh đạo, tất yếu sẽ không thể tránh khỏi đi tới đổ vỡ do tha hóa, và hệ quả là sẽ xuất hiện chế độ đa đảng từ đổ vỡ - trong quá trình này Đảng không tồn tại được nữa – các đảng cộng sản ở các nước LXĐÂ cũ là minh chứng.

Đội ngũ lãnh đạo Đảng và toàn thể đảng viên chọn cho Đảng của mình kịch bản nào?

Điều tất yếu là không có dân chủ, sẽ không có công nghiệp hóa – hiện đại hóa, không có phát triển, không thể đi tới dân giàu nước mạnh – xã hội dân chủ công bằng văn minh. Không có dân chủ, đồng nghĩa với nô lệ đối với bên trong và cả bên ngoài vì sẽ là một quốc gia ươn hèn.

Sự thật là sau khi lãnh đạo đất nước thực thiện thành công sự nghiệp độc lập và thống nhất, Đảng hiện nay nợ dân tộc việc thiết lập thể chế dân chủ cho đất nước như đã ghi trong Tuyên Ngôn Độc Lập 2-09-1945, làm cho dân chủ trở thành cội nguồn sức mạnh của đất nước. Những hy sinh của dân tộc này dành cho Đảng, niềm hy vọng của dân tộc này gửi gắm Đảng, không cho phép Đảng quên món nợ này!

Tự nhận về mình sứ mệnh lãnh đạo đất nước, biết bao nhiêu người thuộc các thế hệ khác nhau đã ngã xuống vì sự nghiệp mà Đảng đã giương cao, bây giờ Đảng có nghĩa vụ phải thực hiện bằng được thể chế dân chủ là thành quả của phát triển.

Tất cả cho thấy xây dựng xã hội dân sự với nội dung trình bày trên là cách thực hiện vế thứ 3 trong 3 vế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Mục tiêu thường trực và cao nhất của xây dựng xã hội dân sự là nhằm đảm bảo thực hiện quyền lực kiểm soát tối thượng thuộc về nhân dân.

Lãnh đạo được một xã hội như thế - chứ không phải một xã hội thực hiện chính sách ngu dân -  cả Nhà nước và Đảng đều mạnh lên, xã hội trở nên lành mạnh. Nói Đảng nằm trong dân, là của dân, là do dân nuôi dưỡng, bảo vệ và xây dựng trong giai đoạn phát triển hiện tại của đất nước chính là làm sao Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng được một xã hội dân sự như thế. Nói cách khác, Đảng có nhiều yếu kém và khắc phục trày trật cũng chính là vì thiếu một xã hội dân sự làm môi trường rèn luyện bản lĩnh và phẩm chất của Đảng – chẳng khác gì thép tôi trong lửa nguội chỉ có thể cho ra sắt mau gỉ!.. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân như đã ghi trong Điều lệ của Đảng và trong Hiến pháp, trước hết cần bắt đầu từ việc tạo cho dân điều kiện và khả năng thực hiện quyền của mình thông qua việc xây dựng xã hội dân sự trong khung khổ của Hiến pháp - nghĩa là thực hiện cái việc tạo cho dân có khả năng và phẩm chất tốt nhất xây dựng và bảo vệ đất nước.    

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Dân chủ có nghĩa là để cho người dân mở mồm ra nói!” Thiết nghĩ đấy chính là bí quyết để xây dựng xã hội dân sự.

Xin nhắc lại: Không có một nhà nước hiện đại, không có xã hội dân sự, kinh tế thị trường sẽ không phát triển được,  và như vậy sẽ không có một Việt Nam công nghiệp hóa – hiện đại hóa, không có một Việt Nam là nước phát triển.
Xin nhắc lại: Đặc điểm của giai đoạn phát triển mới hiện nay của đất nước là thể chế nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự phải đi trước một bước để có con người và có thể chế hậu thuẫn cho phát triển kinh tế.
Nhiệm vụ thường trực đặt ra đối với Đảng là phấn đấu nâng cao tính tiền phong chiến đấu của mình để thực hiện được vai trò lãnh đạo trong một xã hội dân sự ngày càng phát triển – kể cả trong một tương lai nào đó khi sự phát triển lành mạnh của đất nước dẫn tới sự hình thành thể chế đa nguyên lành mạnh, chứ không phải là bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng bằng cách tránh né một xã hội dân sự để ngăn cản nguy cơ đa nguyên. Sự tránh né như vậy sớm muộn sẽ dẫn đến đổ vỡ từ tha hóa, tất yếu dẫn đến một đa nguyên của rối loạn - như chúng ta đã chứng kiến tại Liên Xô cũ sau 70 năm tồn tại và một phần nào đó tại một số nước Đông Âu khác. Chính sự phát triển rối loạn này là vấn đề Đảng lãnh đạo cần tránh cho đất nước ta. Cộng Hòa Dân Chủ Đức là trường hợp đặc biệt, tuy vậy cũng đủ để kết luận: vì là đa nguyên của phát triển, nên sau khi thống nhất nước Đức không có rối loạn ở CHDC Đức.
Đảng ta đủ kinh nghiệm để rút ra cho mình kết luận: Mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước đều có chiến trường của giai đoạn ấy, Đảng phải chiến đấu, phải giành chiến thắng trên “chiến trường” riêng của giai đoạn ấy. “Chiến trường” của giai đoạn cách mạng hiện tại đất nước đặt ra cho Đảng chính là xây dựng kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự. Đảng không nên và không được phép tự mình chọn “chiến trường” cho mình. Đây còn là con đường tránh cho đất nước đi tới sự phát triển rối loạn.
                           
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   
Về nhiệm vụ 3: Xây dựng đường lối đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước:

Đảng ghi rõ trong các nghị quyết của mình: Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác, là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Đó là đường lối đối ngoại đúng đắn và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng trong 22 năm đổi mới để có được hôm nay.  

Tuy nhiên Đảng cũng mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng về đối ngoại trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước, nhân dịp này cần được đánh giá toàn diện để rút kinh nghiệm cho hiện tại. Dưới đây xin tập trung nói về những sai lầm, tồn tại lớn.

Khi thế giới chuyển sang thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, nước ta đứng lại, mất nước, trở thành thuộc địa. Nhìn lại, từ sau chiến tranh thế giới II, nói chính xác hơn là từ sau Cách mạng tháng Tám nước ta đã phải trải qua 4 cuộc chiến tranh chiếm hơn quá nửa tuổi đời của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cho đến nay cộng lại – trong đó có các nguyên nhân
(1) Việt Nam luôn luôn là con mồi của các thú dữ,
(2) là đối tượng của tranh chấp giữa các nước lớn,
(3) luôn luôn là địa bàn diễn ra tranh chấp giữa các nước lớn vì họ tránh đụng độ trực tiếp với nhau,
(4) là nơi nước lớn này muốn tự khẳng định mình hay giành lợi thế với nước lớn kia,
(5) luôn ở vào vị trí đứng giữa hai làn đạn trong khi lợi ích của nước ta lúc bị bên này, lúc bị bên kia thí,
(6) là điểm nóng hội tụ sự đụng độ giữa các xu hướng phát triển khác nhau của thế giới – một thời là giữa chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xã hội, và
(7) giữa các “phe” các quốc gia  của các lợi ích khác nhau như trong chiến tranh Campuchia,
(8)  xung đột biên giới và lãnh hải luôn luôn tiềm tàng.
(9)...

Ngoài ra còn có nguyên nhân thứ (10): Đảng phải đủ can đảm nhìn nhận một sự thật đẫm máu là hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm – nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ - ở mức độ nhất định còn mang tính chất là nội chiến; nghĩa là tự thân trong lòng đất nước ta cũng chứa đựng những yếu tố “hút” những tranh chấp của thế giới bên ngoài vào nước ta, những yếu tố tự ta làm cho chính nước ta trở thành nạn nhân của xung đột “hai phe 4 mâu thuẫn”, xung đột ý thức hệ, “hút” sự can thiệp của bên ngoài sau 1975... Thực tế này cũng làm sáng tỏ thêm vì sao Việt Nam phải cần tới 30 năm chiến tranh mới giải quyết xong vấn đề độc lập thống nhất, nhưng ngay sau đó xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc để rồi rơi vào 10 năm chiến tranh Campuchia. Ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất đã diễn ra vấn đề “nạn kiều” (vấn đề người Việt gốc Hoa) và thảm kịch di tản. Ngày nay  sau 32 năm mà vẫn chưa có thể nói vết thương dân tộc đã được hàn gắn, chưa thể nói dân tộc đã thống nhất thành một khối – điều tối quan trọng trong thời bình xây dựng và bảo vệ tổ quốc.  

Ngay lập tức câu hỏi đặt ra: Nước ta, dân tộc ta phải làm gì thoát khỏi số phận gần như là định mệnh cay nghiệt này? – Định mệnh tụt hậu cả một giai đoạn phát triển của lịch sử thế giới và định mệnh trở thành con mồi cho mọi cuộc tranh chấp cùng với biết bao nhiêu hệ quả đau lòng khác cho đến hôm nay![64] Dễ gì ngày mai thân phận đất nước sẽ khác đi nếu tư duy của Đảng chưa được nâng lên đến tầm này làm căn cứ cho xác định chiến lược phát triển đất nước?  Mà như thế khác gì thúc giục đất nước phải đứng lên tìm một sự lựa chọn khác?

Cho đến nay vẫn thiếu hẳn sự nghiên cứu nghiêm túc các cuộc chiến tranh, các cuộc đụng độ và mọi sự can thiệp nước ta đã phải gánh chịu từ sau chiến tranh thế giới II đến nay để rút ra những kết luận xác đáng. Nghiên cứu, tổng kết đã làm được vừa thiếu khoa học, vừa bị ý thức hệ ám ảnh, vừa thiếu trí tuệ mới, khiến cho Đảng đang tự ru ngủ mình, bịt mắt mình trên rất nhiều phương diện liên quan đến tương lai – và hình như nếu trong tương lai lại xẩy ra hiểm họa mới cho đất nước, thì có lẽ sẽ bắt nguồn từ đây – (Tôi thành thực xin lỗi khi tự đặt ra cho mình câu hỏi đầy nghi vấn: Phải chăng sống trong thời đại ngày nay mà chúng ta vẫn đang nhìn nhận thế giới với con mắt của một anh nông dân tiểu nông, của một anh tiểu nhược quốc!? Tôi không biết câu xấc láo hỏi này có được chia sẻ?!..).

Điều đáng lo ngại nhất là các hiện tượng chiến tranh, can thiệp và đụng độ... mà nước ta phải hứng chịu từ 1945 đến nay hầu như có mối liến quan mật thiết với nhau, nghĩa là nhân quả của nhau, hệ lụy của nhau để nối tiếp nhau gây đau khỏ cho dân tộc ta. Lịch sử trong quãng thời gian này cho thấy không hiếm trường hợp ta hoàn toàn bị động về chiến lược – hoặc do tình thế bất khả kháng, hoặc do tầm nhìn chưa với tới cục diện toàn cầu và chưa hoàn toàn đứng trên lợi ích quốc gia. Hay là... từ Trịnh - Nguyễn phân tranh đến nay các nhân tố nội tại trong lòng dân tộc luôn luôn là một tác nhân, một nam châm liên quan đến những hiện tượng “hút” sự can thiệp từ bên ngoài? Ngày nay là vương vất sự khác biệt nào đó khó nói lên lời giữa miền Bắc và miền Nam?..

Lịch sử không làm lại được, nhưng có thể cho nhiều bài học. Công tác nghiên cứu và tổng kết đang nợ câu trả lời chuẩn xác cho câu hỏi: Đó là những bài học gì?

Để rộng đường suy nghĩ cho việc tìm kiếm câu trả lời như vậy, xin kể lại một giai thoại. Đó là trong một buổi hội kiến ít nhiều mang tính chất không chính thức giữa Thủ tướng nước ta và Thủ tướng Thái Lan. Sau khi nghe phía ta trình bày tóm tắt chặng đường Việt Nam đã trải qua từ 1945 đến khi Việt Nam vào ASEAN, phía Thái Lan bày tỏ lòng khâm phục và thốt lên: Thái Lan có may mắn là không phải chiến thắng nước lớn nào! (Thái Lan chưa bao giờ là thuộc địa của một ai).

(Riêng cá nhân tôi, thú thực trong thâm tâm ghen tỵ với Thái Lan về sự “may mắn” này. Hay tôi là người mất lập trường rồi!..)

Bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, gìn  giữ hòa bình ổn định để phát triển phải là mục tiêu tối thượng của đất nước[65].

Thế nhưng sau 30-4-1975 đường lối đối ngoại của ta không xuất phát từ thực tế nêu trên, mà nặng về chủ quan duy ý chí của tâm lý thừa thắng xông lên, không hiểu biết sâu sắc thế giới, không biết mình biết người, và ảo tưởng về chiến thắng của ý thức hệ và của chủ nghĩa xã hội. Kết cục trong thực tế là: Đối nội đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng trầm trọng, đối ngoại lâm vào thế bị động chiến lược, mất dần uy tín và những lợi thế to lớn có trong tay của toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ tạo ra - bao gồm cả khí thế của dân và vị thế của đất nước, cảm tình của nhân dân thế giới. Trên phương diện nhất định vấn đề Campuchia là cái bẫy được Trung Quốc cài đặt sẵn với mục đích kiềm chế, tiêu hao một Việt Nam say sưa chiến thắng; và thật cay đắng: cái bãy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó.

Đàm phán tại Paris để giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vật vã mất hơn 4 năm với biết bao nhiêu lần chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ dồn dập ra miền Bắc; Hội nghị Thành Đô chưa đầy 2 ngày giải quyết xong 11 năm chiến tranh Campuchia! Thế là thế nào? Từ sau cuộc gặp cấp cao Việt – Trung tại Thành Đô (1990)[66] đến nay, đường lối đối ngoại của ta về cơ bản là lùi bước trước sự uy hiếp của Trung Quốc. Sai lầm đẻ ra sai lầm, đất nước chịu thêm nhiều khó khăn và thiệt thòi mới. Vì đồng chí Lê Duẩn đã mất? Vì thấm đòn cuộc chiến tranh tháng 2-1979? Vì ảo tưởng về “giải pháp đỏ” cho vấn đề Campuchia? Vì Trung Quốc quá mạnh và ở sát nách ta nên ngại? Vì những lý do gì nữa?.. Vì ít nhiều còn bấu víu hay bị chi phối bởi ý thức hệ? Trong khi đó tình hình thế giới đã thay đổi sâu sắc, chuyển hẳn sang cục diện mới, nhưng Đảng vẫn chưa ra khỏi tư duy và trí tuệ cũ[67].

Nét nổi bật nhất trong thời kỳ 1975 - 1989 là những yếu kém của ta đã giúp cho Trung Quốc dễ dàng trong việc đi đầu, kéo cả Mỹ và một số nước ASEAN hùa theo, trói chặt ta trong vấn đề Campuchia mà đánh, ta không sao gỡ được, can thiệp thô bạo vào nội bộ nước ta từ sau cuộc họp Thành Đô. Từ đó đến nay, Trung Quốc tiếp tục leo thang – lúc thì bằng những miếng võ bọc nhung trong quan hệ với ta, lúc thì kết hợp với đụng độ võ trang trên biên giới và lãnh hải hoặc một số biện pháp ngoại giao cứng rắn khác – kể cả trong đàm phán bình thường hóa quan hệ và giải quyết vấn đề biên giới, lãnh hải. Khai thác được những non kém của ta, hình như về cơ bản Trung Quốc đã xác lập ra được  một quỹ đạo nào đó cầm giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của mình để tiếp tục kiềm tỏa Việt Nam. Trong khi đó đã có lúc vì thiển cận (trước hết là nhìn Trung Quốc và Mỹ bằng con mắt ý thức hệ, đánh giá sai những nguyên nhân của sự sụp đổ các nước LXĐÂ cũ) và vì quá lo cho sự an toàn của chế độ - cũng có nghĩa là coi nhẹ và thiếu lòng tin vào dân tộc, không đủ bản lĩnh phát huy sức mạnh dân tộc trong tình huống đày nhạy cảm này - nên đã lúng túng trong việc phá thế bị bao vây cô lập của mình; do ăn phải bả “diễn biến hòa bình” của Trung Quốc nên đã làm chậm quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ và hội nhập quốc tế... Đây là những sai lầm lớn mang tính chiến lược, với nhiều thua thiệt, tổn thất.

Sau khi thực hiện được bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, những sai lầm nêu trên còn tiếp tục để lại nhiều hậu quả – tiêu biểu là việc đàm phán ký kết kéo dài những vấn đề quan trọng như Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, gia nhập WTO, thiếu chủ động giành lấy và phát huy những thời cơ đang đến; hoạt động của ta trong ASEAN và trên nhiều diễn đàn lớn còn thụ động... [68]

Bước sang thế kỷ 21, tình hình thế giới có nhiều thay đổi lớn.
            
Nét nổi bật là từ thế thượng phong là siêu cường duy nhất sau chiến tranh lạnh - mà đỉnh cao là thời tổng thống B. Clinton, sau 5 năm chiến tranh Iraq Mỹ đã nhanh chóng đi vào suy thoái về nhiều mặt; báo chí Mỹ ngày càng nói nhiều về “đế chế Mỹ đang lu mờ dần, tàn lụi dần...”, “sự ra đi vào tương lai không xa của đế chế Mỹ...”, tình trạng sa lầy ở Iraq, đồng đô-la suy sụp, kinh tế Mỹ suy thoái, vân vân... Điểm lại, Mỹ công khai thừa nhận quyền lực và ảnh hưởng của mình ngày nay bị co hẹp lại đáng kể so với cách đây 10 năm - mà nguyên nhân hàng đầu là quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới[69]. Về nhiều phương diện sự thay đổi nào của siêu cường Mỹ cũng đều gây chấn động trên thế giới với những ảnh hưởng khác nhau tùy nơi và tùy vấn đề. Trong phạm vi toàn cầu sự suy thoái của kinh tế Mỹ  đang có nguy cơ kéo theo suy thoái kinh tế thế giới; sự sa lầy của Mỹ trong chiến tranh Iraq đang được nhiều đối thủ khai thác và do đó tăng thêm mối bất an  khu vực – như tại Trung Đông, vùng Balkan, Nam Á và Đông Nam Á. Sự suy yếu của Mỹ mặc nhiên tăng thêm mối nguy cho các nước nhỏ trong khu vực.

Trong khi đó, với sức bành trướng mạnh của xuất khẩu, sự tăng cường ráo riết sức mạnh quân sự (nhất là hải quân ở Đông Nam Á), Trung Quốc từ sau đại hội 16 bắt đầu từ bỏ quan điểm chiến lược “giấu mình chờ thời, không đi đầu” để chuyển mạnh sang trỗi dậy hòa bình; gần đây nhất tung ra ý tưởng “mô hình thế giới con bồ câu” – với ý đồ tạo ra cho Trung Quốc ảnh hưởng nổi bật[70] -  đặc biệt trong đó sẽ biến Hải Nam thành trung tâm kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, lấn át các nước trong khu vực. Dư luận báo chí thế giới cho rằng với chính sách đồng tiền đi trước (vũ khí lợi hại nhất của quyền lực mềm, vũ khí lợi hại thứ hai là sản phẩm giá rẻ) Trung Quốc thành công hơn chủ nghĩa thực dân mới (của phương Tây) ở châu Phi, mở rộng ảnh hưởng ở Nam Mỹ, châu Úc... Ngoài mục đích năng lượng và nguyên liệu, chính sách ngoại giao này còn nhằm mở rộng ảnh hưởng và tập hợp lực lượng. TQ đồng thời đẩy mạnh cải thiện quan hệ với các đối tác Nga, Ấn Độ, Nhật, EU song song với việc bắt đầu có một vài biểu hiện rắn lên với Mỹ (nhân nhượng giỏ giọt trong đàm phán kinh tế song phương, kéo dài vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, hạn chế một số hoạt động của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á). Quyền lực mềm và rắn đang được Trung Quốc ra sức phát huy.

Như vậy trong phạm vi toàn cầu trạng thái một siêu đa cường giảm bớt theo hướng đang xuất hiện cục diện đa cực. Tuy nhiên riêng trong khu vực Đông Nam Á trên thực tế đã hình thành cục diện 2 cực Trung – Mỹ, điều này cực kỳ hệ trọng và nhạy cảm đối với nước ta. Riêng liên quan đến nước ta, cục diện 2 cực Trung – Mỹ có trạng thái “cực Mỹ” đang lép vế (ví dụ: Trung Quốc ép được một số công ty lớn của Mỹ, Anh về dầu khí phải từ bỏ hợp đồng làm ăn với ta).

Nói xu thế hòa bình là chủ đạo là nhìn vào toàn cầu, còn nhìn vào từng khu vực thì tình hình không hẳn như vậy: trong những năm trước là các cuộc chiến tranh vùng Balkan, Afghanistan, hiện nay là Trung Đông và chiến tranh Iraq.

Nhìn về Đông Nam Á và Biển Đông, hình như Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận lùi tới chiến tuyến cuối cùng khi tình hình đòi hỏi: miễn là đi lại tự do trong eo Malacca, Trung Quốc không được đụng chạm đến Đài Loan, chấm hết! Còn lại Mỹ sẽ tùy tình hình định cách ứng xử. Trong thực tế Mỹ đã khoanh tay án binh bất động trước việc hải quân Trung Quốc đụng độ với hải quân Việt Nam và  Philippines, trước việc Trung Quốc chiếm thêm một số đảo trong khu vực Trường Sa năm 1998, trước việc Trung Quốc gần đây tiếp tục gây áp lực đòi một số tập đoàn dầu khí phương Tây không được hợp tác với Việt Nam v... v...

Chiến lược ngoại giao “quyền lực mềm” của Trung Quốc đối với Việt Nam bao gồm toàn diện kinh tế, chính trị, quân sự, tùy vấn đề và tùy thời mà vận dụng, lúc cương lúc nhu, song nhìn về toàn cục từ 1990 đến nay Trung Quốc rắn lên, lấn thêm được một số bước, gây thêm được một số ảnh hưởng. Tình hình này đang gây ra cho nước ta nhiều lo ngại.

Toàn bộ tình hình trên diễn ra quá nhanh so với tốc độ lớn mạnh không được nhanh như thế của nước ta, quá nhanh so với khả năng của ta định hình được một đường lối đối ngoại thích ứng tối ưu nhất trong bối cảnh quốc tế mới. Ta yếu hay nhỏ hơn Trung Quốc không phải là vấn đề. Trước sau cái nguy nhất vẫn là tình hình diễn ra quá nhanh so với nhận thức của ta. Trên phương diện đối ngoại, nói thời cơ sẽ có thể biến thành nguy cơ trước hết là do nhận thức chậm, nhận thức sai.  

Tất cả đang tạo ra thách thức khôn lường, bởi lẽ nước ta lại một lần nữa có thể sẽ rơi vào hay nằm vào trận địa (hay khu vực) tranh giành ảnh hưởng của cả hai cực Mỹ - Trung, hai cực đang gây ra cho cả thế giới nhiều mối quan tâm lo lắng nhất. Đấy là chưa nói đến chuyện Việt Nam và Trung Quốc là hai nước cùng chung biên giới và cùng chung một biển, còn nhiều vấn đề tranh chấp chưa giải quyết được[71]. Sự lúng túng của ta trong đối ngoại đang làm giảm vị thế của nước ta cùng một lúc với cả Mỹ và Trung Quốc.

 Trừ phi duy tâm nhìn thế giới này bằng con mắt của người say chiến thắng, hoặc bị cận thị ý thức hệ, hoặc có tâm lý nô lệ sẵn sàng chấp nhận sự lệ thuộc, ngày nay không một ai dám khẳng định những bi kịch đẫm máu hoặc những o ép đã xảy ra đối với nước ta trong quá khứ sẽ không tái diễn trong tương lai.., nếu để xẩy ra cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”.., nếu Việt Nam vụng về. Đừng đánh giá thấp nguy cơ này. Ngay trước mắt hàng loạt vấn đề tranh chấp còn tồn tại giữa ta và Trung Quốc liên quan đến sự toàn vẹn thiêng liêng về lãnh thổ của ta chưa thấy có giải pháp nào khả thi nào, trong khi đó Trung Quốc đứng trước những yêu cầu gay gắt mở rộng vùng ảnh hưởng của mình và có ngân sách vũ trang với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới và lớn thứ hai sau Mỹ[72].

          Trong cục diện thế giới đang chuyển sang thế đa cực ngày nay, một lần nữa nước ta lại có thể rơi vào vị trí nhạy cảm. Làm gì để Việt Nam không phải là con mồi, để không thế lực nào có thể biến Việt Nam thành con mồi, không phải là nơi giao tranh của các thế lực?.. Những câu hỏi thiết thân này càng trở nên nóng bỏng.

          Chắc chắn câu trả lời nào chấp nhận được cũng phải kinh qua con đường tự cường dân tộc, không thể nào khác được.

Kịch bản chấp nhận thân phận một nước lệ thuộc phải loại bỏ, vì nó chắc chắn bị dân tộc ta loại bỏ ngay từ đầu, vì nó sẽ chỉ mang lại chia rẽ huynh đệ tương tàn trong nội bộ dân tộc như đã diễn ra trong 2 cuộc kháng chiến lớn vừa qua.

Kịch bản thực hiện đường lối ngoại giao đối trọng cho một quốc gia yếu kém và ít thực lực trong tay như nước ta, lại có vị trí địa lý sát nách Trung Quốc, là không khả thi. Chung cuộc kịch bản này vẫn sẽ dẫn tới đi với một bên chống một bên, với những hệ quả: Hoặc là tay sai và quân tốt đen để được thí, hoặc trở thành trận địa cho các bên giao tranh thử sức – với mọi tàn phá, hủy hoại nước ta phải gánh chịu.

Như vậy chỉ còn lại kịch bản: Phải trở thành một quốc gia có thực lực để tất cả các bên phải coi ta là đối tác, là nhân tố thúc đảy hợp tác hòa bình trong khu vực và trên thế giới, không thể khác được.

Việt Nam ngày nay không phải là gì đó đồng nghĩa với chiến tranh, mà là một quốc gia. Song như thế vẫn chưa đủ trong thế giới đang chuyển sang đa cực ngày nay. Còn phải tiến tới: Việt Nam không phải là nơi giao tranh giữa các cực, mà phải là điểm xúc tác cho hợp tác, là cầu nối cho các cực. Đó chính là vị thế đối ngoại nước ta nhất thiết phải lựa chọn, phải có thực lực để giành lấy.

Đất nước không có nhiệm kỳ, lợi ích quốc gia lâu dài đòi hỏi phải tìm đường trở thành một nước như thế, dù là mang sắc cờ gì đi nữa, kể cả sắc cờ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, cũng phải nhằm vào mục tiêu này. Đấy chỉ có thể là kịch bản trở thành một nước phát triển, để có đủ năng lực và bản lĩnh giành lấy một vai trò như thế.

Lựa chọn con đường đi với cả thế giới, coi thị trường cả thế giới là nơi “dụng võ” cho sản phẩm nền kinh tế nước ta, coi cả thế giới là đối tác, đồng thời làm cho cả thế giới nhìn nhận Việt Nam là đối tác, đấy chính là sự lựa chọn lý tưởng, gần như đến mức tuyệt đỉnh, và nước nào không muốn như vậy? Song quả thực cuộc sống trong bối cảnh thế giới ngày nay và vị trí địa lý áp đặt cho nước ta sự lựa chọn như thế, không cho phép làm khác. Bởi vì là một nước đất hẹp người đông, lại có vị thế mọi mặt thuận lợi số 1 nhưng cũng  bị thách thức số 1, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác, ngoại trừ muốn trối bỏ chính mình là một nước độc lập tự do và cam chịu sống lệ thuộc với một nền kinh tế lạc hậu, cam chịu thân phận làm con mồi cho sự giành giật của các bên.

Xin nhắc lại, đứng kề bên “cái công xưởng thế giới”, Việt Nam chỉ có thể tránh được số phận là bãi thải rác bằng cách tự tạo ra cho mình khả năng chung sống hòa bình và  khai thác được thị trường khổng lồ Trung Quốc. Đường lối đối ngoại của Việt Nam dứt khoát là đường lối độc lập tự chủ, không chống lại Trung Quốc, không đi với một ai chống Trung Quốc, không đứng về phía Trung Quốc chống lại bất kỳ ai, xây dựng mối quan hệ trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình do chính Trung Quốc đề xướng, xây dựng và gìn giữ chữ tín cho phát triển quan hệ lâu dài đúng với tinh thần “Núi liền núi, sông liền sông...” Nói 16 chữ - dù ta có chủ động thêm cả vàng vào nữa – cũng không thể vượt ra ngoài những điều này.

Xin đặc biệt nhấn mạnh: Không thể có hòa bình và hữu nghị cho không! Muốn có hòa bình hữu nghị với Trung Quốc, đúng hơn là phải nói: Muốn được Trung Quốc hòa bình và hữu nghị với ta, thì nhất thiết phải tìm cách hợp tác thực sự với Trung Quốc, song việc này chỉ có thể bắt đầu từ chỗ ta phải tự tạo ra cho mình khả năng thực hiện được sự hợp tác ấy.

-         Bằng cách nào?
-         Chỉ có thể bằng cách thông qua hợp tác kinh tế mật thiết với các nền kinh tế lớn trong khu vực, trước hết là với Nhật, Hàn Quốc trong khu vực, với Mỹ và EU ngoài khu vực, và với Nga, Ấn là hai cường quốc đang lên; thông qua sự hợp tác này để ta có lực hợp tác với Trung Quốc – tay đôi, ở nước thứ ba, đi vào thị trường Trung Quốc. Hợp tác như thế là con đường hữu hiệu nhất với Trung Quốc để có hòa bình và hữu nghị, tránh được đụng độ, không bị Trung Quốc ăn hiếp. Nhất thiết không nên hợp tác theo cách đã làm như “hai hành lang và một vành đai”, như “bô-xít Đắc Nông” – vừa nguy hiểm, vừa lép vế, vừa mất cả chì lẫn chài đồng thời lại dễ bị Trung Quốc quy kết là mất chữ tín! Khỏi phải nhắc lại những chuyện khác như xi-măng lò đứng, nhà máy mía đường, công trình khu Mỹ Đình và nhiều  thứ đau lòng khác...

Khả năng thực hiện một đường lối đối ngoại và kinh tế đối ngoại như vậy chỉ có thể trở thành hiện thực với một chiến lược kinh tế bám sát mục tiêu này đồng thời nhanh chóng đổi mới đất nước về mọi mặt theo hướng hiện đại hóa để có khả năng thực hiện chiến lược ấy.

Cần dứt bỏ tư duy cũ để nhận thức sâu sắc đòi hỏi sống còn này.

Thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự được phát triển cao là điều kiện tiên quyết cho một chiến lược kinh tế và một chiến lược đối ngoại như vậy. Không có kinh tế và nội trị như thế, thì cũng không có đối ngoại như thế!  Xin nhắc lại: Tất cả các thú dữ chỉ sợ một Việt Nam có dân chủ!

Cuộc sống đất nước thúc bách phải làm như vậy, Đảng chỉ có thể tuân thủ - nghĩa là phải đi tiên phong và chiến đấu trên chiến trường mới này của đất nước, hoặc bị cuộc sống loại bỏ vì bất cập – và đương nhiên dân tộc sẽ tự lập nên người lãnh đạo khác cho mình – vì dân tộc này sau hai cuộc kháng chiến thần thánh từ nay trở đi quyết không lựa chọn và cũng không thể lựa chọn cái gì khác: Một VieetjNam thóa khỏi thân phận làm con mồi!

Vì đất nước này, dân tộc này ở vào giai đoạn hiện nay không có chiến trường nào khác là xây dựng đất nước làm nền tảng cho đường lối đối ngoại như thế, cũng có nghĩa là Đảng cũng không thể có chiến trường nào khác. Nhìn về bất kỳ phương diện nào cũng thấy Đảng không thể và không được phép chọn cho mình một chiến trường riêng theo sở trường hay sở nguyện của Đảng để rồi áp đặt cho đất nước. Những vấn đề, những nhiệm vụ đất nước phải giải quyết cho sự tồn tại và phát triển của chính mình trong cục diện quốc tế mới đang trở nên ngày càng quyết liệt. Đó cũng là chiến trường Đảng phải lựa chọn cho mình, đến mức tránh né “chiến trường” mới này đồng nghĩa với tự loại bỏ. Nói cụ thể hơn nữa: Phát triển kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự với mục tiêu sớm trở thành một nước phát triển để tạo chỗ đứng xứng đáng trong thế giới này là bắt buộc; không phải chuyện muốn hay không muốn. Chủ nghĩa xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa, hay là chủ nghĩa gì đi nữa, hay là ý thức hệ nào, là tôn giáo nào.., cũng phải lựa chọn chiến trường này của đất nước hôm nay. Là người Việt Nam thì phải lựa chọn chiến trường này của đất nước! Đối với ĐCSVN lại càng như vậy.  Ý nghĩa thời đại vận dụng vào nước ta bây giờ là như thế, chứ không phải chuyển viển vông cao xa nào khác!

Những điều trình bày trên cho thấy cả về đối nội và đối ngoại, phấn đấu trở thành một nước phát triển là mục tiêu chiến lược sống còn và phải bắt tay vào việc ngay từ bây giờ. Quy luật muôn đời trong thế giới này là nếu Việt Nam không muốn làm đe thì phải làm búa.

Xin lưu ý: Tự thân cuộc kháng chiến chống Mỹ của nước ta đã trở thành một sức mạnh lớn tập hợp lực lượng trên mặt trận ngoại giao trong thời kỳ này. Yếu tố này không còn nữa trong trật tự thế giới ngày nay. Với tư cách là một quốc gia độc lập có chủ quyền, nước ta phải chuyển sang chủ động dấn thân vì người nhiều hơn, để người cũng sẽ vì ta nhiều hơn trong mở rộng hợp tác cũng như trong tập hợp lực lượng để ứng phó với các nước lớn. Đấy chính là phương thức tập hợp lực lượng của nước ta trong thế giới hiện tại.

Trong quan hệ quốc tế không bao giờ có hòa bình và hữu nghị cho không, càng không có hòa bình và hữu nghị “chay” của kẻ mạnh với kẻ yếu, vì vậy ta phải có thực lực để giành lấy, để thực hiện. Trong tương quan lực lượng với các nước lớn giàu mạnh hơn ta nhiều lần, thực lực của nước ta chỉ có thể là một sức mạnh tổng hợp như chúng ta đã từng tạo ra trong hai cuộc kháng chiến. Khác chăng ngày xưa là tính chính nghĩa của kháng chiến, còn ngày nay là sức mạnh tổng hợp bắt nguồn từ việc thu phục được lòng người – từ  thu phục lòng người trong nội bộ cộng đồng dân tộc nước mình, cho đến lòng người tại các nước và bè bạn gần xa khắp thế giới, mang lại hợp tác thiết thực, cùng có lợi, vì hòa bình, hữu nghị và cùng nhau phát triển. Hội nhập trước hết có nghĩa như vậy, và chính yêu cầu này đòi hỏi  nước ta phải tự thay đổi mạnh mẽ để có thể cùng đi với cả thiên hạ, để cả thiên hạ coi ta là đối tác.

Một Việt Nam dân chủ, phồn vinh là thu phục lòng người một cách thuyết phục nhất cả trong nước và khắp nơi trên thế giới, sẽ tạo ra sự cổ vũ lớn cho tiến bộ trong thiên hạ - và đây chính là sức mạnh và thế mạnh của ta đúng với xu thế của thời đại, đây chính là điều các thế lực chống ta lo ngại nhất và không muốn. Một Việt Nam dân chủ, phồn vinh sẽ làm nức lòng những người đã đứng về phía ta thời kháng chiến chống Mỹ - họ sẽ thấy không uổng tâm sức đã ủng hộ một sự nghiệp như thế (đừng nhầm lẫn là họ ủng hộ “chủ nghĩa xã hội”!). Một Việt Nam dân chủ, phồn vinh sẽ có cả thế giới tiến bộ hậu thuẫn, bảo vệ, vì cả loài người tiến bộ đang khát khao hòa bình, dân chủ, phồn vinh và con người được hạnh phúc! Dân chủ chính là vũ khí của dân tộc ta và nó cũng phải là của Đảng. Đừng để cho bất kỳ ai cướp lấy vũ khí này chống lại nước ta, chống lại Đảng.

Chúng ta phải thật sự khép lại quá khứ[73] để thu phục lòng người cho xây dựng mối quan hệ mới – từ ngay trong lòng dân tộc, mở rộng ra thu phục lòng người cả thế giới. Vì lợi ích của chính mình, nước ta phải chủ động, không thể chờ người đi bước trước ta mới “có đi có lại”. Thậm chí ta phải tìm cách chủ động đi bước trước để người phải “có đi có lại” và qua phương thức giành chủ động này định hướng sự “có đi có lại”, tất cả nhằm vào mục đích cao nhất là tăng vị thế của ta trong ứng xử với Trung Quốc và Mỹ. Phải khép lại quá khứ để sáng tạo lại chính mình trong giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước.

Tại sao một nước có vị trí nhất định trong hàng ngũ các nước đang phát triển như nước ta không nghĩ đến việc giương cao ngọn cờ dân chủ - hòa bình - ổn định - phát triển để nâng cao hiệp đồng và sự hợp tác giữa các nước đang phát triển với nhau và cùng nhau tìm cách ứng xử có lợi nhất đối với các nước lớn, hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề phát triển của mỗi quốc gia, tranh thủ sự hợp tác của các nước phát triển và của các tổ chức quốc tế và khu vực cho ngọn cờ này, nhất là nước ta đang giữ cương vị là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2008-2009? Tại sao một nước tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân mà lại để cho bên ngoài hay các thế lực chống đối tước đoạt khỏi tay ngọn cờ dân chủ - nhân quyền? Cần nói thẳng là trong thời bình ngoại giao nước ta vẫn chịu ảnh hưởng của ngoại giao thụ động, chăm lo tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ như trong thời chiến trước đây, trong khi đó lại chậm nghĩ đến dấn thân, chưa tạo ra cho mình điều kiện thực hiện ngoại giao dấn thân, còn không ít những biểu hiện tự ty.

 Cần nói rõ thêm một số lợi thế của ta để tự tin và tích cực phát huy cho ngoại giao dấn thân, đó là:
(1) Các nước lớn trên thế giới – kể cả Mỹ, và hầu hết các nước trong khu vực không ai muốn có một Việt Nam yếu để sẽ rơi vào vòng tay của Trung Quốc, lại càng không có lợi ích ủng hộ hay thiện cảm với một Việt Nam tự nguyện đi với Trung Quốc; thậm chí trong trường hợp này họ sẵn sàng tảy chay, cô lập một Việt Nam thân Trung Quốc như thế, coi đấy là điểm dễ đánh nhất vào Trung Quốc, vì họ có nhiều giá trị khác và mâu thuẫn với siêu cường Trung Quốc trên nhiều vấn đề. Họ tin và đặt nhiều kỳ vọng vào một nước Việt Nam độc lập tự chủ, ngay cả Mỹ cũng không có ảo tưởng có thể tạo ra một Việt Nam đi hẳn với Mỹ chống Trung Quốc.
(2) Các đối tác lớn khác của ta như EU, Nhật, Nga, Ấn Độ là những nền kinh tế lớn, có vị trí ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, ngoài một số khác biệt họ không có mâu thuẫn lớn với nước ta, hơn thế nữa họ lại cùng ta chia sẻ nhiều lợi ích chung trong hòa bình, ổn định và phát triển, họ đều có vấn đề này vấn đề khác trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc (quyền lực mềm của Trung Quốc, cạnh tranh kinh tế năng lượng và nguyên liệu, hàng hóa rẻ...), nhưng trong quan hệ đối với ta chủ yếu là thuận chiều, các đối tác này đều muốn triển khai rộng rãi quan hệ với ta để phát huy vai trò và ảnh hưởng của họ, lợi ích của họ khiến họ đều muốn có một Việt Nam mạnh để khỏi rơi vào vòng tay của Trung Quốc.
(3) Truyền thống cách mạng, thành tựu đổi mới  và khả năng độc lập tự chủ của Việt Nam – cả về kinh tế, chính trị và quân sự - là sự cổ vũ lớn đối với các nước đang phát triển, vì lẽ này sự phát triển và ý chí độc lập tự chủ của Việt Nam sẽ được họ hậu thuẫn, sẵn sàng cùng hiệp đồng với ta trong những nỗ lực chung bênh vực lợi ích các nước đang phát triển. Phát huy điểm này, ta có khả năng lớn trong tập hợp lực lượng cho mình trên thế giới.
(4) Việt Nam là một quốc gia không thể nói là nhỏ (xếp thứ 13 thế giới về mặt dân số), có nhiều giá trị lớn từ truyền thống lịch sử - văn hóa, từ thành tựu hiện nay sau 22 năm đổi mới, có vị thế quốc tế quan trọng trong khu vực và về nhiều mặt khác, tất cả những yếu tố này cho phép thực hiện một đường lối đối ngoại khiến các nước lớn phải nể trọng – đó là đường lối đối ngoại không sợ ai nhưng cũng không gây gổ với ai, kiên cường với lợi ích chính đáng của mình, nhất quán với luật pháp và thông lệ quốc tế, trung thành với lợi ích chung của hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bênh vực lợi ích chính đáng của các nước nhỏ yếu, tích cực tham gia xử lý những vấn đề toàn cầu. Nhất thiết đó không thể là một đường lối đối ngoại van xin hay chỉ trông chờ vào thông cảm, tránh né những nghĩa vụ phải làm với cộng đồng quốc tế. Nhiều nước khác và các nước đang phát triển rất muốn ta là đối tác trong khi khu vực và thế giới có biết bao nhiêu vấn đề nóng bỏng cần tìm giải pháp thông qua hợp tác. Chỉ có một đường lối đối ngoại chủ động và tự cường như vậy mới thu phục được cộng đồng dân tộc về một mối và tập hợp được bạn bè xa gần ở bốn phương.
(5) Sức mạnh lớn nhất của nước ta chính là con người Việt Nam và dân tộc Việt Nam – ngoài 4 cuộc chiến tranh lịch sử, sức mạnh này đã thể hiện sinh động trong những thành tựu mọi mặt của 22 năm đổi mới – bất chấp mọi sai lầm yếu kém của lãnh đạo, bất chấp hoàn cảnh vị bao vây cô lập, cấm vận. Một điểm ít khi được nói tới đúng mức: sức mạnh này còn thể hiện ở sự hình thành và đang phát triển một tầng lớp doanh nhân mới của đất nước.

Đặc biệt là do tự ty, mặc dù biểu hiện ra bên ngoài là “tả khuynh” (mà thực chất là hữu khuynh), nên ta chưa hiểu đúng 2 đối tác quan trọng nhất của mình là Mỹ và Trung Quốc, chỗ mạnh và chỗ yếu của họ trong tương quan thế giới nói chung và trong quan hệ với nước ta nói riêng[74]. Vì vậy các chủ trương chính sách của ta đối với 2 đối tác này còn nhiều điều bất cập – phần nào bị ý thức hệ chi phối và thụ động hay lùi bước trước sự uy hiếp của Trung Quốc, trong khi đó chính ta lại chưa vượt ra khỏi hội chứng Mỹ. Hệ quả là ta vẫn chưa tạo ra được sự hợp tác lẽ ra phải có với cả 2 đối tác quan trọng nhất này, rơi vào tình trạng cả Mỹ và Trung Quốc chưa coi ta là đối tác có ý nghĩa[75], vị thế của đất nước không phát huy được như tình hình cho phép, bỏ lỡ nhiều cơ hội mở rộng quan hệ, nhiều lúc tự tạo ra cho mình tình thế tiến thoái lưỡng nan và nguy cơ mới. 

Tình hình đã chín muồi đòi hỏi Đảng phải sớm hình thành đường lối ngoại giao dấn thân, bắt đầu từ đường lối đối nội thu phục lòng người.

Bàn thêm về Trung Quốc: Đối với nước ta, Trung Quốc về nhiều phương diện là đối tác có nhiều vấn đề khó xử lý nhất, uy hiếp ta nhiều nhất, cái gì cũng mạnh hơn nước ta nhiều lần, lại có nhiều mâu thuẫn trực tiếp với nước ta. Một câu hỏi không thể không đặt ra:  Vậy ta có thế mạnh gì để ứng xử với một đối tác đang trở thành siêu cường như thế?

-         Ta có thế mạnh của nước nhỏ mà Trung Quốc không thể có cách gì áp đảo được nếu ta ý thức được thế mạnh này. Trước hết đó là thế mạnh của một nước Việt Nam có dân chủ. Nói cho cùng, trong quan hệ với ta: TQ chỉ sợ một Việt Nam có dân chủ.

Tuy nhiên, cần thấy thế mạnh là nước nhỏ của ta rất đa dạng – đã được thử thách qua Cách mạng Tháng Tám và 4 cuộc chiến tranh sau đó. Thế mạnh này vào thời kỳ đó là: Chính nghĩa, phù hợp lòng dân, thu phục được dư luận tiến bộ trên thế giới.

Trong thời bình, ta tiến hành đổi mới (cải cách) sau Trung Quốc 10 năm, nhưng trong vòng 3 năm đầu tiên ta đã vượt trước Trung Quốc về tốc độ cải cách và những tiến bộ đạt được: Chống lạm phát, xóa bỏ bao cấp, chuyển nhanh sang cơ chế một giá của thị trường, bỏ tỷ lệ hối đoái cố định... Rất tiếc rằng sau đó ta chững lại và có xu hướng quay lùi, lại để cho Trung Quốc vượt lên trước – nhất là trong chính sách đối ngoại – bao gồm cả kinh tế đối ngoại.

Tại sao Trung Quốc lại lo giùm cho ta nguy cơ diễn biến hòa bình nhiều như vậy? Trên thực tế Trung Quốc đã đạt yêu cầu  là ta “nhập khẩu” cả gói cái gọi là mối lo “diễn biến hòa bình”. Giữa Đại hội 16 và 17 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc lãnh đạo và báo chí nước bạn không dưới một lần cảnh báo công khai và trực tiếp Việt Nam cải cách nhanh quá! Họ lo giùm cho ta rơi vào nguy cơ “trệch hướng” hay lo cái gì khác? Báo chí Trung Quốc rất ít quan tâm đến Việt Nam, song cứ mỗi lần Việt Nam có việc phải lên tiếng phản đối vấn đề “nhân quyền” thì báo chí Trung Quốc đều đưa lại rất đậm nét để phục vụ những yêu cầu đối nội và đối ngoại của Trung Quốc... Giải thích những hiện tượng này như thế nào? Cho đến hiện nay Trung Quốc vẫn tiếp tục nói về chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam theo cách nghĩ của họ với lời lẽ không đúng với quan hệ 16 chữ[76]. Ngay bây giờ sách báo Trung Quốc đã chuẩn bị cho 30 năm ngày chiến tranh 17-02-1979. Còn ở ta? Nó còn đang vắng mặt trong nhiều sách dạy sử nữa! V.. v...

Chỉ có thể kết luận: Trung Quốc lo ngại những tiến bộ nhanh của Việt Nam trên con đường cải cách và thực thi dân chủ vì những lẽ (a)Việt Nam sẽ tiến nhanh, mạnh nhanh và ngày càng thu hút sự đồng tình ủng hộ rộng rãi trên thế giới, như vậy Việt Nam sẽ càng độc lập tự chủ hơn; (b) với những tiến bộ này Việt Nam ngày càng có nhiều bạn bè gần xa; (c) cải cách dân chủ thành công ở Việt Nam sẽ dội vào tình hình nội bộ Trung Quốc.

Xin đừng quên khi đàm phán gia nhập WTO, Trung Quốc đã tìm mọi cách tác động để đạt kết quả ta vào sau Trung Quốc, nhưng sau đó ta đàm phán song phương với Trung Quốc vất vả hơn nhiều nước khác.

Trung Quốc “xuống thang” chiến thuật khá nhanh trong vụ “Tam Sa” vì biết là đụng vào vấn đề thiêng liêng và cực kỳ nhạy cảm của Việt Nam, vì thấy không dễ gì đối phó với phản ứng của Việt Nam – nhất là thấy phản ứng từ phía thanh niên và nhân dân Việt Nam có thể gây bất lợi cho Trung Quốc (trong khi đó Olympic đang tới gần; Trung Quốc có thể không sợ Việt Nam, nhưng sợ thế giới, sợ thế giới đứng về phía Việt Nam...).

Báo chí thế giới nhận xét: Cải cách của Trung Quốc tiến tới đâu, Việt Nam sẽ theo sau đến đấy, Việt Nam không dám và sẽ không thể bứt lên đi trước..; họ  cho rằng Trung Quốc không muốn Việt Nam bứt lên trước... Nhiều đảng viên và người dân trong nước ta cũng nghĩ: Ta không dám đi trước Trung Quốc!

Thế là thế nào?

Trong mối tương quan với Trung Quốc nói riêng và với các nước lớn khác nói chung, vấn đề lớn nhất là ta chưa tự giác ý thức hết được chỗ mạnh của mình – đó là thế mạnh nhiều mặt của đất nước và dân tộc ta, chưa hiểu đúng chỗ yếu của mình – trước hết là tầm trí tuệ và sự giác ngộ quá chậm của chúng ta về thời thế hiện nay,  sự tha hóa..; cái mình yếu lại nghĩ là thế mạnh của mình – trước hết là  hệ thống chính trị; cái mình mạnh thì lại coi nhẹ - đó là khát vọng và sáng tạo của dân tộc, của con người Việt Nam vươn lên tự do dân chủ, ý chí độc lập tự chủ, ý chí vươn lên quốc gia hùng cường... Có thể nói tâm lý tự ty trước nước lớn khá nặng nề, đan xen với sự bảo thủ thiển cận và tàn dư của ý thức hệ... Trên hết cả lãnh đạo nước ta chưa đi tới được một đường lối đối ngoại: Phải đi với cả thế giới để có thể chung sống hòa bình,  hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với Trung Quốc, chưa có được một đường lối đối nội phát triển đất nước trên cơ sở lòng dân thu về một mối làm nền tảng cho một đường lối đối ngoại như thế.

Xin lưu ý, mặc dù về thực chất hiện nay là một nước tư bản hiện nay đang ở thời kỳ đầu với một chế độ thiên triều phương Đông như nhiều chiến lược gia trên thế giới nhận xét[77], bản thân Trung Quốc rất cần hòa bình, ổn định và phát triển cho những vấn đề riêng của Trung Quốc. Mặc dù sau này một khi trở thành siêu cường, Trung Quốc hầu như vẫn sẽ không thay đổi tính chất là một thiên triều phương Đông của mình, không gian cho một chính sách đối ngoại của nước ta như vừa trình bày trên trong hiện tại và trong tương lai vẫn đủ rộng để thành công; tất cả chỉ phụ thuộc vào bản lĩnh Việt Nam.

Khả năng linh hoạt của nước nhỏ, hợp lòng dân, hợp lòng người trên thế giới – đó là nguồn gốc sức mạnh nước nhỏ bất khả kháng của ta trong đối tác với các nước lớn. Hơn thế nữa, nước ta bắt buộc phải lựa chọn kịch bản phát triển nhanh và bền vững để không bị lọai ra khỏi xu thế phát triển năng động chung của châu Á, để có thể không trở thành cái bãi thải của “công xưởng thế giới”. Sự lựa chọn này chỉ có thể thành công nếu Đảng ta giương cao được ngọn cờ dân tộc và dân chủ như giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước đòi hỏi.

Những sự việc nêu trên cho thấy trong thời bình thế mạnh nước nhỏ của ta rất đa dạng. Vấn đề là ở chỗ ta chưa ý thức được sâu sắc thế mạnh này để phát huy. Trong khi đó Trung Quốc có nhiều cái yếu rất cơ bản trong nội tình đất nước và lệ thuộc lớn vào bên ngoài trên các phương diện nguyên nhiên liệu, ngoại thương... Sự tranh giành ảnh hưởng của các đối thủ lớn, sự ngờ vực và lo ngại của dư luận thế giới đối với Trung Quốc... là những vấn đề nhạy cảm[78].

Tóm lại, chưa bao giờ nước ta ở vào tình thế hầu như cả thế giới – có lẽ ngoại trừ Trung Quốc – không nước nào muốn có một Việt Nam yếu; mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc là sâu sắc nhất, khó xử lý nhất, trong tình huống nhất định dễ trở thành mâu thuẫn đối kháng như đã từng xảy ra trong quá khứ, song ngày nay nước ta có trí tuệ và điều kiện để giải quyết hòa bình mọi mâu thuẫn và kiến tạo lại mối quan hệ núi liền núi sông liền sông.., với điều kiện tiên quyết là ta phải ý thức sâu sắc được mình và thế giới.

Đường lối đối ngoại như vậy cũng tự nó đặt lại vấn đề xây dựng Đảng và chiến lược phát triển đất nước.

 Về nhiệm vụ 4: Giáo dục và đào tạo những thế hệ người Việt Nam  mới

          Đứng sát nách “cái công xưởng thế giới” với đủ mọi cái “nóng” rát mặt, lại là nước nghèo và tụt hậu rất xa phải tham gia vào cạnh tranh toàn cầu rất quyết liệt như ngày nay, ngoài ra phải đối mặt với sự tranh giành lẫn nhau giữa các thế lực mạnh trên thế giới,  cả 3 yếu tố này đặt ra cho nước ta thách thức thường trực và quyết liệt. Ở vào vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất khắc nghiệt như vậy của nước ta[79], kịch bản nguy hiểm nhất cho nước ta là trở thành một quốc gia èo uột. Bởi vì kịch bản này mang lại cho nước ta bất ổn và chia rẽ bên trong, thường xuyên tạo điều kiện cho bên ngoài can thiệp, tất yếu dẫn tới thường xuyên phải lệ thuộc vào bên ngoài. Một khi đã rơi vào kịch bản này, nước ta sẽ vĩnh viễn không sao ngóc đầu lên được. Chống lại kịch bản này, nước ta không có gì hơn là phát huy con người Việt Nam ngoan cường và sáng tạo để trở thành một quốc gia giầu mạnh, có thể đứng trên hai chân của mình.

Lịch sử Việt Nam rất hào hùng. Song chẳng lẽ tạo hóa sinh ra nước Việt Nam chỉ là một quốc gia hơn hai nghìn năm nay đời đời kiếp kiếp chống ngoại xâm? Dân tộc ta nhất thiết phải mãi mãi bị đầy đọa vào số phận này hay sao? Giành lại độc lập thống nhất 32 năm rồi, nhưng nguy cơ bị cột chặt vào số phận này vẫn còn nguyên vẹn – cuộc ngoại xâm vào nước ta lần này có thể sẽ ít súng đạn hơn, nhưng tính hủy diệt và nô dịch của nó chưa hẳn đã thua kém – trước hết là hủy diệt và nô dịch con người, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Cứ nhìn lên phía Bắc, nhìn ra cả 4 phương trời, nhìn vào mọi nguy cơ thâm nhập đất nước đang phải đối mặt.., để cảm nhận được số phận này cận kề đất nước ta như thế nào.

Xin đừng nhầm lẫn thời cơ và số phận. Trước mắt, nước ta đang có may mắn, có thời cơ vàng là không có quốc gia kẻ thù nào về danh nghĩa, phải ra sức tận dụng thời cơ này. Nhưng thời cơ này không phải là vĩnh hằng, không phải là bất biến. Thời cơ hiếm có này không được phép che khuất một sự thật khác là về lâu dài số phận cay nghiệt nói trên vẫn đang cận kề đất nước, nhất là trong tình hình bàn cờ thế giới đang thay đổi nhanh chóng sau khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mỹ hiện nay. (Tham khảo thêm phần bàn về nhiệm vụ đối ngoại  - nhiệm vụ 3 – đã trình bầy ở trên).

          Đứng trước thách thức trên, cuộc sống chỉ dành cho dân tộc ta một lối đi, một câu trả lời: Phải đẩy mạnh đổi mới để thiết lập được một chế độ chính trị thật tiến bộ cho phép xây dựng được một nền giáo dục rèn luyện nên những con người Việt Nam kiên cường, giàu trí tuệ và nghị lực sáng tạo mà sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thời hội nhập ngày nay đòi hỏi. Xin đừng quên: Không thể nào có một nền giáo dục tiên tiến trong một chế độ chính trị lạc hậu.  Đồng thời, nhìn về lâu dài, phải coi phát triển nền giáo dục tiên tiến là con đường vĩnh viễn đưa nước ta thoát khỏi số phận truyền kiếp nêu trên. Giáo dục, chứ không phải công nghiệp hóa – hiện đại hóa, sẽ quyết định số phận nước ta trong thế kỷ 21.

          Phát triển đòi hỏi phải hài hòa. Tuy nhiên, nên coi nhiệm vụ xây dựng một nền giáo dục tiên tiến là một trong những ưu tiên quan trọng nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; thậm chí nếu là một quốc gia có bản lĩnh thì nên có gan coi đó là ưu tiên số một, dồn mọi cố gắng có thể cho nhiệm vụ này – với tinh thần: có con người sẽ có tất cả.

          Vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhiệm vụ xây dựng một nền giáo dục như thế thật vô cùng nặng nề - nhất là từ khía cạnh xây dựng một thể chế chính trị thúc đẩy việc hình thành một nền giáo dục đáng mong muốn này.


Về nhiệm vụ số 5: Đổi mới xây dựng Đảng

          Những điều bàn về mục tiêu và đường lối cách mạng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cho thấy Đảng thực sự phải chuyển sang chiến đấu trên chiến trường mới với nhiệm vụ mới, với vũ khí mới là thế giới quan tiên tiến phù hợp với trào lưu phát triển của thời đại mà đất nước đang dấn thân hội nhập. Thực tế này đòi hỏi phải đổi mới Đảng toàn diện, từ phương thức sinh hoạt đảng, cấu trúc tổ chức Đảng, đến việc xác định lại tiêu chuẩn đảng viên và kết nạp đảng viên mới, sự hoạt động của Đảng. Sự nghiệp chấn hưng đất nước – như đã trình bầy trong phần III – đòi hỏi mỗi công dân Việt Nam phải phấn đấu trở thành công dân thế giới, tiêu chuẩn người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiển nhiên còn phải cao hơn  mức này, nếu không thì làm sao giữ được vai trò tiền phong chiến đấu?

Nguyên lý cơ bản và bất di bất dịch là Đảng phải phấn đấu nâng cao năng lực và phẩm chất để có thể trở về làm đúng chức năng người lãnh đạo, thực hiện bằng được cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.

Lãnh đạo hoàn toàn khác với “đảng hóa”. Yêu cầu trung tâm của đổi mới Đảng về mặt tổ chức là khắc phục tình trạng “đảng hóa”. 

Có 3 yếu tố quyết định nội dung đổi mới Đảng là:
(1) Đảng phải chiến đấu trên chiến trường mới của giai đoạn cách mạng hiện nay của đất nước – nghĩa là hoạt động trong  thể chế và trong môi trường của kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dận sự.
(2) Phải đảm bảo yêu cầu xây dựng thể chế và phát triển con người đi trước một bước phát triển kinh tế.
(3) Xây dựng Nhà nước mạnh với tinh thần Hiến pháp là tối thượng đối với Đảng và trong cả nước.

Như vậy sẽ có vấn đề Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và Hiến pháp cần được xây dựng lại nhằm đảm bảo được 3 điều nói trên.

Cái mới bắt buộc phải thực hiện trong thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền - xã hội dân sự là Đảng không bao biện làm thay. Đây là vấn đề nói thì dễ, nhưng thực hiện sẽ vô cùng gian khổ trên cả ba phương diện (a) năng lực phẩm chất của Đảng và từng đảng viên – nghĩa là đảng phải phấn đấu trở thành lực lượng tinh hoa của dân tộc; (b) giác ngộ quần chúng hiểu sự nghiệp chấn hưng đất nước là của chính mình, do mình thực hiện, vì lợi ích của chính mình; (c) tổ chức hệ thống chính trị, kinh tế, nhà nước, xã hội phải đáp ứng cả hai yêu cầu (a) và (b).

Ngay trước mắt phải khắc phục bằng được cơ chế song trùng giữa Đảng và chính quyền, vấn đề đảng hóa, đảng trị trong bộ máy nhà nước cũng như trong xã hội dân sự, nhằm một mặt thực hiện được dân chủ thực sự và có lãnh đạo, mặt khác không để xảy ra tình trạng lạm dụng yêu cầu “lãnh đạo” hạn chế phát huy dân chủ trong sự nghiệp chấn hưng đất nước. Đặt vấn đề như vậy, người tài (hiểu theo nghĩa bao gồm cả bản lĩnh, năng lực và đạo đức) là trung tâm của mọi hoạt động trong các lĩnh vực của toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của đất nước. Mỗi người trong xã hội có chỗ đứng được đặt đúng chỗ - do sự thử thách, sàng lọc của cuộc sống quyết định. Toàn bộ thể chế của đất nước vận động theo sự dẫn dắt của ý chí và nguyện vọng của dân tộc mà Đảng là người lan tỏa ảnh hưởng, dẫn dắt, lãnh đạo quá trình thực hiện nguyện vọng ấy. Đặt vấn đề như vậy sẽ thấy ngay lãnh đạo khác hoàn toàn và khó hơn muôn vàn lần so với nắm quyền hay cai trị.

Đặt vấn đề như trình bày trên, sẽ không còn chuyện bố trí, xắp xếp bộ máy và cơ cấu người vào kinh tế, vào hệ thống nhà nước và xã hội dân sự; mà phải làm ngược lại: Đảng vận động lòng yêu nước của các nhân tài (hiểu là người có bản lĩnh, tài và đức) xuất hiện trong đời sống của đất nước cũng như trong cộng đồng dân tộc Việt Nam để thu hút họ theo những thể thức của luật pháp vào những vị trí thích đáng trong hệ thống bộ máy Nhà nước và trong các hoạt động của xã hội dân sự, qua đó phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Trên cơ sở thành quả này, Đảng vận động kết nạp cho mình đảng viên mới, từ đó luôn luôn mang lại cho Đảng dòng máu mới, sinh lực mới về trí tuệ, con người và tổ chức. Đó cũng là con đường Đảng dẫn dắt sự nghiệp phát triển của đất nước, đồng thời tự thân mình cũng phát triển cùng với sự nghiệp phát triển của đất nước. Đó cũng là con đường Đảng luôn luôn tự đổi mới mình để trường tồn cùng với dân tộc. Chừng nào Đảng còn có sức hấp dẫn đối với nhân tài trong hệ thống nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự cứng cỏi như thế vào Đảng, chừng đó có thể nói: Đảng có lý do chính đáng để tồn tại.  

Và như thế, sức mạnh quốc gia chính là sức mạnh tổng hòa giữa sự phát triển năng động của thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự cộng với sức sống của một đảng được nuôi dưỡng từ thể chế này có truyền thống lãnh đạo dân tộc này từ ngót 8 thập kỷ nay. Một sức mạnh quốc gia như thế không đáng là khát vọng của Đảng Cộng Sản Việt Nam hay sao?

          Mô hình một đảng như ở Myanma và Bắc Triều Tiên sẽ là ác mộng đối với đất nước ta. Mô hình đa đảng như ở Philippines và phần nào nữa là Thái Lan cần phải tránh, đơn giản Việt Nam không thể nào chịu đựng nổi một tình trạng đất nước không ổn định với phong trào ly khai vũ trang, hay cứ 2-3 năm lại diễn ra một lần đảo chính quân sự...

Mô hình một NIC (nước mới công nghiệp hóa) kiểu Việt Nam, cho riêng Việt Nam tại sao không thể là một khả năng hiện thực? Về quy mô quốc gia, và vị thế địa kinh tế, địa chính trị trong thế giới ngày nay, Việt Nam nhất thiết phải lựa chọn cho mình mục tiêu trở thành một nước phát triển.

Hỏi như thế và so đo như thế với thiên hạ, nhiều lúc tôi sót sa về nỗi vì sao dân tộc ta không đủ kiên quyết và nghiêm khắc thúc đẩy Đảng mà chính mình đã từng bảo vệ và nuôi dưỡng quyết tâm đi theo hướng mới này; sót sa về nỗi vì sao Đảng - ở đây trước hết là những người giữ những trọng trách trong Đảng -  có thể phí phạm sự hy sinh, sự gửi gắm của dân tộc dành cho mình đến mức như vậy, phí phạm không thể nào nói siết vốn liếng lịch sử của Đảng do xương máu của biết bao nhiêu thế hệ đảng viên và nhân dân gây dừng nên!? Phí phạm đến mức đến nay đã bỏ lỡ không biết bao nhiêu thời cơ!

Sự thiếu nghiêm khắc đất nước còn dung tha như thế, sự phí phạm Đảng đang mắc phải như thế nên được đánh giá thế nào? Nói trung thành với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng người đảng viên không tự đặt ra cho mình những câu hỏi như thế, thì đấy là sự trung thành với cái gì?  

Hiển nhiên, toàn Đảng, không ngoại trừ một ai, phải tự hỏi mình như thế, để có ý chí đổi mới Đảng theo hướng trở thành đảng lãnh dân tộc thời kỳ chấn hưng đất nước. Đấy là điều kiện tiên quyết – tồn tại hay không tồn tại!

Cần xác định dứt khoát mục tiêu đổi mới Đảng toàn diện như vậy để có căn cứ để vạch ra những bước đi cụ thể, cho phép Đảng lãnh đạo bằng tầm nhìn, gắn được việc xóa bỏ cơ chế song trùng “đảng hóa” với việc nâng cao quyền năng và chất lượng của các hệ thống nhà nước và phát triển xã hội dân sự. Trên phương diện xây dựng Đảng, cần luôn luôn trung thành với nguyên tắc: Xây dựng nhà nước mạnh và xã hội dân sự phát triển là điều kiện để xây dựng Đảng vững mạnh.

Ý tưởng nói trên thực sự sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn trong tổ chức Đảng,thể chế nhà nước và xã hội ở nước ta. Song những thay đổi này thật ra không mới, vì nhiều quốc gia tiên tiến đã làm như vậy (đặc biệt là các nước Bắc Âu) và có nhiều kinh nghiệm cho chúng ta tham khảo. Chúng ta có thể học tập những kinh nghiệm này với tính cách là nước đi sau và tìm cách vận dụng sáng tạo phù hợp với chế độ chính trị một đảng ở nước ta: Làm cho chế độ chính trị một đảng không còn là một công cụ vĩnh cửu tự nó, vì nó, cho nó, mà chỉ là một công cụ hữu hiệu của quốc gia mở đường cho sự phát triển lâu dài của dân tộc và dân chủ trong ổn định và trật tự.  

Phương thức thực hiện ý tưởng này, đại thể là: Đảng lãnh đạo và giúp dân  (chứ không làm thay) xây dựng thể chế nhà nước và Hiến pháp phù hợp, bầu chọn đúng người. Đảng viên phải là những phần tử ứu tú trong xã hội và phải tự thi đua phấn đấu với những người ưu tú ngoài Đảng để được dân bầu chọn hoặc được thể chế nhà nước tuyển chọn vào các chức năng trong hệ thống nhà nước, chứ không phải do Đảng bố trí, cơ cấu. Đảng lãnh đạo Nhà nước qua vai trò gương mẫu của các đảng viên trong hệ thống Nhà nước, qua sự vận động của Đảng, chứ không phải là đứng trên Nhà nước và ra lệnh hay ban hành quyết định cho Nhà nước thực hiện. Nhà nước chỉ phục tùng duy nhất Hiến pháp và sự giám sát của nhân dân. Vì chức năng vai trò lãnh đạo của Đảng mang nội dung như vậy, nên Đảng với tính cách là một tổ chức phải nằm trong hệ thống xã hội dân sự và phải đứng ngoài hệ thống Nhà nước.


Kết luận

          Đổi mới Đảng mang tính chất một cuộc lột xác như vậy dứt khoát là một quá trình bắt buộc phải kinh qua, với lẽ:

-         Hoặc là sẽ tạo ra được khả năng và phẩm chất là người lãnh đạo của dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, và chỉ luôn luôn với tính cách như vậy Đảng mới có lý do tồn tại và có thể cùng đi mãi mãi với dân tộc.
-         Hoặc là Đảng không có khả năng lột xác như thế, để rồi sẽ tha hóa thành vật cản trên con đường phát triển của đất nước, chuyên quyền tới mức nào đó sẽ biến thành kẻ đi ngược lại lợi ích đất nước như là quy luật muôn đời của mọi chế độ xã hội.

Quá trình đổi mới Đảng hiện nay cần được chuẩn bị thấu đáo với sự giác ngộ cao nhất, đó cũng là quá trình đầy thách thức nhất, gian khổ nhất, có ý nghĩa mất còn gay gắt nhất của Đảng kể từ khi thành lập đến nay.

          Đổi mới Đảng như vậy, sẽ tạo ra một cao trào cách mạng có chiều sâu giải phóng mọi tiềm năng to lớn của dân tộc để làm nên một Việt Nam bên trong thì nức lòng dân, bên ngoài là một Việt Nam tiêu biểu những giá trị cao đẹp như đã từng một thời chiếm được trái tim của nhân dân thế giới – khác chăng một Việt Nam tiêu biểu lần này là một nước Việt Nam của hòa bình, phát triển, nhân phẩm và hạnh phúc, góp phần mình vào giải đáp câu hỏi chung của các nước đang phát triển về con đường đi lên của nước ngèo và lạc hậu.  

           Trên 3 triệu đảng viên của Đảng, không loại trừ một ai, phải tự đứng lên đổi mới đảng của mình. Cứ cho là tỷ lệ số đảng viên hư hỏng, thoái hóa, mất chất là rất lớn, có thể là ¼. , ½.., song dù như thế đi nữa, Đảng vẫn còn hàng triệu đảng viên một lòng một dạ sống chết với đất nước, tâm huyết với sự nghiệp của Đảng, được thử thách qua tất cả những giai đoạn đất nước đã kinh qua. Con số hàng triệu này lớn hơn nhiều lần con số 5000 đảng viên khi làm nên Cách Mạng Tháng Tám và lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.., đấy là chưa nói Đảng ngày nay có chính quyền trong tay, có trí tuệ, có khí thế và vận hội mới của đất nước. Điều quyết định chỉ là: lãnh đạo Đảng có ý chí và đặt lòng tin vào số đảng viên này. Hay là chính cái Đảng đang có trong tay ngày nay lại trở thành ma lực của quyền lực và là nguyên nhân chủ yếu làm phai mờ bản lĩnh của Đảng?

Hiển nhiên, hoàn toàn không loại trừ khả năng Đảng không thể tiến hành được cuộc đổi mới mang tính lột xác này, nếu... Thực tiễn có quá nhiều ví dụ chứng minh rằng chữ “nếu” này không nhỏ. Trong cuộc sống có quá nhiều ví dụ xác nhận cách nghĩ như vậy. Không loại trừ khả năng xuất hiện những nhóm lợi ích phản ứng quyết liệt đối với sự đổi mới triệt để đang đặt ra cho đất nước, cho Đảng. Trong tình huống nhất định còn phải tính đến cả sự can thiệp từ các phía bên ngoài.   

Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam kể từ ngày thành lập khẳng định: Đảng phải đổi mới chính mình trước mỗi giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng nước ta để luôn luôn là lực lượng tiền phong chiến đấu của dân tộc – đấy là mục đích duy nhất và cũng là lẽ tồn tại của Đảng. Ngay trước mắt, để chuyển từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, để thay thế quan điểm kinh tế quốc doanh là chủ đạo bằng quan điểm giải phóng nguồn lực con người là chủ đạo, yêu cầu cấp thiết là phải đẩy mạnh cải cách hệ thống và thể chế điều hành quốc gia đi trước một bước những phát triển về kinh tế làm khung khổ và nền tảng cho sự giải phóng này. Đảng phải chấp nhận cuộc chiến đấu mới này của đất nước là của mình, và phải thể hiện mình[80].

          Giả thiết rằng Đảng nhận thức được sâu sắc yêu cầu phải tự đổi mới mình để đi tiên phong lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới, sẽ còn phải mất rất nhiều trí tuệ, công sức với ý chí sắt đá để thiết kế được một kế hoạch, một lộ trình khả thi nhất, được tính toán kỹ lưỡng nhất mọi bề trong ngoài, để thực hiện thành công sự đổi mới này trong gắn kết với từng bước đi của đất nước. Đồng thời còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu tiếp, xử lý tiếp với ý thức: Đổi mới là thường xuyên, là cuộc sống hàng ngày của Đảng.

Để xểnh tay lỡ bước, cải cách biến thành đổ vỡ, sẽ là ân hận ngàn đời. Liên Xô sụp đổ hơn 15 năm rồi mà vẫn chưa phục hồi được như cũ, quá trình phân rã vẫn chưa kết thúc. Để thảm cảnh đó xảy ra ở nước ta, tình hình sẽ tồi tệ hơn nhiều lần và chẳng khác gì cảnh nồi da xáo thịt! Song vin vào lẽ này để không đổi mới Đảng thì cũng đồng nghĩa với tự hủy hoại.

Phải thừa nhận cuộc sống là đa nguyên – đó là bản chất khách quan của sự vật. Đa nguyên và đa đảng là hai vấn đề khác nhau. Song khái quát lại sớm muộn – không ai nói trước được là bao nhiêu năm, bao nhiêu thập kỷ.., tất yếu đa nguyên dẫn tới đa đảng – bằng một trong hai con đường: (1)con đường của đổ vỡ - đại thể như Liên Xô vừa qua sau 70 năm tồn tại; (2)con đường của phát triển – đại thể như sự ra đời của các nước tư bản phát triển cách đây gần hai thế kỷ hoặc như một vài nước NICs trong gần hết nửa sau thế kỷ 20. Bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng phải dựa trên vận dụng sáng tạo quy luật vận động của sự vật khách quan với tinh thần trường tồn cùng dân tộc.

Nhìn lại bài học của 22 năm đổi mới, nhiều bước đi quyết liệt mang tính chất thách đố mất còn đã được thực hiện thành công: xóa bỏ kinh tế kế hoạch tự cung tự cấp khép kín, xóa bỏ bao cấp, chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần và cải tạo kinh tế quốc doanh, chấp nhận đảng viên làm kinh tế tư nhân, thừa nhận về cơ bản sở hữu đất đai (dưới dạng thừa nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai năm 2003), phá bỏ bao vây cấm vận đồng thời tìm cách hội nhập, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, gia nhập WTO... Nguyên nhân cơ bản của những thắng  này là: (a)phát huy độc lập tự chủ và dân chủ, (b)quyết sách đúng, (c)giữ vững phương châm ổn định để phát triển trong thực hiện. Đó cũng là 3 bửu bối để Đảng tiếp tục xúc tiến công cuộc đổi mới chính mình.

Hiện nay dù còn nhiều khó khăn (trước mắt là vấn đề lạm phát), song kinh tế đất nước về cơ bản vẫn đang trong xu thế đi lên, vị thế quốc tế của nước ta vô cùng thuận lợi, đấy là những yếu tố bên trong và bên ngoài tạo ra cơ hội có một không hai nhất thiết phải nắm lấy để chủ động xúc tiến sự nghiệp đổi mới Đảng. Nhất thiết phải nắm lấy, để không phải lặp lại cảnh bị dồn vào chân tường như thời kỳ 1986 mới tiến hành đổi mới. Mọi việc chỉ có thể bắt đầu từ tạo ra sự thống nhất nhận thức và ý chí trong Đảng:  Chấp nhận chiến trường mới của đất nước, chấp nhận tạo ra cho mình khả năng và phẩm chất chiến đấu với tính cách là lực lượng tinh hoa của dân tộc trên chiến trường mới này – với ý chí vì dân tộc mình và với tất cả lòng tin vào dân tộc mình, vào hàng ngũ những người đảng viên sống chết với sự nghiệp của đất nước và của Đảng. Mọi việc bắt đầu từ phát huy dân chủ trong Đảng để xác lập ý chí và nội dung đổi mới Đảng.

           Mô hình xây dựng Đảng cần đạt tới là: Hiến pháp giữ vai trò quyền lực tối thượng đối với cả nước; Đảng là một tổ chức chính trị giữ vai trò lãnh đạo trong khuôn khổ của Hiến pháp; Đảng với tính cách là một tổ chức chính trị như thế phải đủ phẩm chất đóng vai trò trụ cột tinh thần và ý chí của dân tộc; Đảng lãnh đạo bằng lan tỏa ảnh hưởng của mình trong xã hội dân sự chứ không áp đặt; Đảng với tính cách là một tổ chức chính trị như thế phải đứng ngoài hệ thống Nhà nước để loại bỏ triệt để vấn đề cơ cấu, tư tưởng nhiệm kỳ và vấn đề đảng hóa. Nói đơn giản: Đảng, Nhà nước, và “ông chủ” nhân dân, ai nấy phải đứng đúng chỗ, làm đúng và phải làm tốt việc của mình.

Xin nhắc lại: Vai trò lãnh đạo ĐCSVN đang nắm giữ trong tay là do quá trình phấn đấu cách mạng của Đảng và sự xắp đặt của tiến trình lịch sử cận đại của đất nước xác định. Vai trò này mang những giới hạn nhất định về thời gian, nội dung, phạm vi ảnh hưởng. Vai trò này không phải là thứ vốn tự có, bất biến và vô định. Vai trò này càng không thể có được nhờ áp đặt. Khi người dân là kẻ mất nước, vai trò này của Đảng được người dân chấp nhận. Ngày nay, khi người dân là chủ đất nước, tình hình đất nước đang chuyển dần sang thời kỳ người dân sẽ lựa chọn hay không lựa chọn vai trò này của Đảng - để người dân thực hiện ý nguyện của mình, chứ không phải để thực hiện ý chí hay duy ý chí của Đảng. Tất cả tùy thuộc vào sự phấn đấu của Đảng trở thành đội tiền phong của dân tộc. Vai trò lãnh đạo của Đảng cần được thể hiện trước hết trong nhiệm vụ phát huy ý chí và trí tuệ của dân tộc xây dựng bằng được một Hiến pháp làm giường cột cho một thiết chế dân chủ mà Cách mạng Tháng Tám đã khởi xướng ra cho đất nước và xây dựng một nhà nước thực thi được Hiến pháp đó.

Dù còn nhiều gập ghềnh, tình hình đất nước về cơ bản vẫn đang trong thời kỳ mới bắt đầu đi lên, rất sung sức. Tình hình thế giới liên quan đến nước ta dù có nhiều biến động song về đại cục vẫn rất thuận cho phép tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ công cuộc đổi mới với mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển vào giữa thế kỷ này. Lòng dân đang khao khát ĐCSVN sẽ đổi mới ngang tầm, không thể để cho kỳ vọng này chuyển hướng. Trên tất cả là vốn chính trị của Đảng ở vào thời điểm hiện nay vẫn còn đủ cho thực hiện công cuộc đổi mới Đảng một cách triệt để với mục tiêu phấn đấu thực hiện được vai trò lãnh đạo dân tộc trong thời  kỳ chấn hưng đất nước. Đổi mới Đảng như thế là kịch bản tối ưu nhất, đỡ tốn kém xương máu nhất, và cũng là đáng mong muốn nhất cho đất nước. Tất cả chỉ còn phụ thuộc vào ý chí cách mạng của lãnh đạo Đảng và từng đảng viên.

Đảng Cộng Sản Việt Nam đang có trong tay mình một cơ đồ do Hồ Chí Minh khởi nghiệp và cả dân tộc này vun đắp, một vốn liếng chính trị với một triển vọng của tính chính đáng có lẽ hầu hết các đảng chính trị trên thế giới này phải ghen tị. Câu chuyện còn lại chỉ là: Bửu bối này có ý nghĩa gì đối với những người đang nắm giữ  vận mệnh của Đảng. Câu chuyện còn lại chỉ là... một khi từng đảng viên giác ngộ được điều này, bắt đầu từ việc thực hiện dân chủ và công khai minh bạch ngay từ trong Đảng.

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người dặn: Kháng chiến xong việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng... Căn cứ trên bản thảo ngày nay được chụp lại phổ biến rộng rãi, điều dặn dò này có lẽ được viết vào ngày 10-05-1969. Song không biết vì lý do gì lại có hai gạch chéo – nghĩa là bỏ?.. Có thể Người thấy vấn đề này đã chín muồi, song chiến tranh khốc liệt quá và còn đằng đẵng không biết bao nhiêu năm nữa, tất cả phải lo cho kháng chiến thành công  trước đã! Phải chăng là như vậy? Còn có cách hiểu nào khác nữa không về hai cái gạch chéo này? Đành rằng trong phần Di chúc nói về Đảng, Người đã dặn dò cặn kẽ Đảng phải như thế nào. Song điều mà Người đắn đo ấy lại chính là điều hệ trọng nhất trong thời bình ngày nay.

Đến nay là 39 năm rồi, đọc lại Di chúc của Người, phần Đảng thực hiện yếu kém nhất lại chính là điều hệ trọng nhất này. Thiếu sót này là nguyên nhân chính duy dưỡng mọi tha hóa trong Đảng, chưa thấy lãnh đạo đặt vấn đề kiểm điểm việc thực hiện điều hệ trọng nhất này, kể cả trong đợt vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiến hành từ 2 năm nay. Sự vận động hiện tại của đất nước trong thế giới ngày nay không đặt ra vấn đề chờ đợi Đảng có tự đổi mới mình hay không? nhanh hay chậm.., mà chỉ đặt ra thách thức: Đảng có tự đổi mới kịp thời và đúng tầm với nhiệm vụ lãnh đạo đất nước đòi hỏi hay không? Sự vận động này cũng không chờ đợi Đảng trả lời thách thức này như thế nào, mà cứ diễn tiến theo sự chi phối của những tất yếu khách quan. Sự diễn tiến này có thể sẽ có những thuận lợi to lớn, nếu Đảng có bản lĩnh chấp nhận mọi thách thức để tự đổi mới mình và có những bước đi sáng suốt (nghĩa là chỉ có ý chí đổi mới không thôi chưa đủ). Nhưng sự diễn tiến này cũng có thể trầy trật, thậm chí rất trầy trật, hoặc đổ vỡ với nhiều máu và nước mắt, nếu Đảng có những bước đi vụng về, sai lầm, hoặc có sự lựa chọn khác.

Có đến “n” kịch bản khác nhau cho sự diễn tiến vừa nói trên, nhưng có thể dự đoán tất cả những kịch bản mà trí tuệ có thể hình dung được, hầu như không có ngoại lệ: đều rất quyết liệt và sát phạt. Song thiết nghĩ, trong mọi kịch bản tối ưu nhất có thể lựa chọn được, cách tiếp cận đúng có lẽ sẽ là: (a)mở rộng dân chủ trong Đảng để làm bật ra chân lý, (b)đồng thời mở rộng dân chủ và nâng cao dân trí trong toàn xã hội để tạo ra sự đồng tâm nhất trí cao nhất trong cả nước. Có thể coi cách tiếp cận này là bước đi đầu tiên trong sự nghiệp đổi mới Đảng ngày nay, và từ đó mở rộng ra đổi mới toàn bộ hệ thống chính trị, đổi mới toàn xã hội. Về lâu dài, dân chủ và nền giáo dục tiên tiến sẽ mở đường cho đất nước đi vào một tương lai đầy hứa hẹn. Dân chủ và giáo dục sẽ là chiến trường lớn nhất quyết định vận mệnh của dân tộc ta trong thế kỷ 21 này.

Nhận về mình sứ mệnh lãnh đạo dân tộc, Đảng chỉ có sự lựa chọn là phải chiến đấu ngoan cường trên chiến trường của dân tộc trong giai đoạn này. Mà như thế, thì Đảng không thể lựa chọn cho mình một chiến trường riêng.

Xin điểm lại:
-         Sau đại thắng 30 Tháng Tư, Đảng mới chỉ hoàn thành sứ mệnh giành độc lập và thống nhất đất nước, nhưng đã bỏ lỡ mất cơ hội lớn nhất của thế kỷ 20 là hoàn thành sự nghiệp hòa giải và thống nhất dân tộc nhất thiết phải thực hiện. Quốc gia thống nhất nhưng nhân tâm chưa thu về một mối thì mọi nguy cơ sụp đổ đe dọa chính thể hiện nay của nước ta vẫn tiềm tàng, trong bối cảnh quốc tế và khu vực ngày nay lại càng như vậy. Đến thời điểm này, nhiệm vụ thống nhất dân tộc theo tinh thần thu nhân tâm về một mối chưa thể nói được là đã hoàn thành.
-         Năm 1991, trong khi đổi mới ở Việt Nam bắt đầu giành được những thành tựu quan trọng, Liên Xô sụp đổ. Sự kiện này chấm hết không thể cứu vãn được sự tồn tại của hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa. Song chính kết thúc đen tối này đã đem lại cho nước ta cơ hội có một không hai để thoát khỏi cái bóng của bất kỳ nước lớn nào và cho phép giải phóng nước ta khỏi sự ràng buộc vào bất kỳ ý thức hệ nào vay mượn từ bên ngoài. Đấy là cơ hội để từ đây dựng nên một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam và vì dân tộc Việt Nam – chiến trường của dân tộc ta vào thời điểm ấy là như vậy. Vị thế lãnh đạo của Đảng vào thời điểm ấy được củng cố vững chắc trong quá trình đổi mới, hoàn toàn cho phép Đảng vào thời điểm ấy mở ra trang sử mới nói trên cho dân tộc, tiếp tục lãnh đạo đất nước đi vào thời đại của Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. (Tiếc thay, vào lúc ấy nỗi lo mất chế độ hầu như đã choán hết tất cả tâm trí).

Vậy phải chăng cả hai cơ hội lớn nêu trên đã không được tận dụng, mà nguyên nhân trước hết chỉ vì Đảng không lựa chọn cho mình phải chiến đấu trên chiến trường của dân tộc lúc ấy, mà chỉ lựa chọn chiến trường của riêng minh: sự tồn tại của Đảng?

Đảng cũng không thể lựa chọn chiến trường cho mình theo kiểu duy ý chí “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” và tương lai là xây dựng chủ nghĩa cộng sản, rồi mặc nhiên coi đó là sự lựa chọn của dân tộc, coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo, muốn Dung Quất thì làm Dung Quất với bất kỳ giá nào, khai thác bừa bãi khoáng sản khắp cả nước – đặc biệt sắp tới là bauxite Tây Nguyên,  chớp nhoáng mở rộng thủ đô Hà Nội, tư duy chiến lược theo kiểu đào tạo hai vạn tiến sỹ và xây một lúc 4 nhà máy điện hạt nhân... Lợi ích của dân tộc, của đất nước không thể cho phép sự lựa chọn chiến trường như vậy, nhất là trong thời đại của toàn cầu hóa, của kinh tế tri thức và sự phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ này nay.

Trên hết cả, trong tương lai, Đảng có lẽ sẽ còn tiếp tục không thể lựa chọn cho mình chiến đấu trên chiến trường của dân tộc, chừng nào Đảng còn chưa giác ngộ và chưa phát huy tối đa vai trò người dân bây giờ là chủ của đất nước.

Nhìn lại, những thành tựu đạt được trong ba thập kỷ đầu tiên xây dựng đất nước thời bình như thế là chậm về nhiều mặt, và có thể nói là quá đắt so với cái giá  đất nước phải trả. Mà nguyên nhân hàng đầu phải chăng là do Đảng không lựa chọn chiến trường của dân tộc trong thời kỳ mới này là chiến trường của mình? Xem như vậy càng thấy dứt khoát lãnh đạo có nghĩa là phải nhận thức cho được chiến trường của dân tộc và lựa chọn chiến đấu trên chiến trường ấy. Xem như vậy, càng thấy đòi hỏi đổi mới Đảng bức thiết đến nhường nào! Con đường mở ra thời đại của Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh để Việt Nam có thể đi được với cả thế giới, trước hết là cùng đi được với tất cả các nước lớn, vẫn đang để ngỏ.

Bước đi đầu tiên cho việc tiến hành đổi mới Đảng nên là phát huy dân chủ trong Đảng để cởi trói tư tưởng, khách quan nhìn nhận sự vật để đi tới nhận thức: Đất nước đứng trước một giai đoạn phát triển mới, Đảng nhất thiết phải đổi mới chính mình. Đấy chính là cách nhận thức được chiến trường của dân tộc trong giai đoạn mới này, để trên cơ sở đó xác định sự lựa chọn của Đảng. Từ xác lập được nhận thức này trong toàn Đảng – trước hết là trong Bộ Chính trị, sẽ dễ dàng hơn trong hình thành các bước đi tiếp theo.

Trên đây mới chỉ là những gợi ý cá nhân, mang tính chất đặt vấn đề, được nung nấu từ những trăn trở lâu nay. Chắc chắn bản trình bày này còn nhiều điểm phiến diện, chủ quan và sai sót, rất cần thảo luận sâu rộng trong Đảng để xây dựng thành những nhận định, kết luận xác đáng./.


Hết



Hà Nội, Tết Mậu Tý
Sửa lại xong tháng 10 - 2008.




[1] Tỷ lệ  <150%GDP  còn nói lên độ mở của nền kinh tế nước ta ra thế giới bên ngoài rất cao, đòi hỏi có sự thông suốt giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới, từ đó đặt ra vấn đề phải có sự hài hòa trong ngoài trên các lĩnh vực luật pháp và nhiều lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật khác.
[2] Tham khảo Sài Gòn Giải p hóng: “Chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầuThứ ba, 13/11/2007, 09:19 (GMT+7) http://www.sggp.org.vn/daututaichinh/2007/11/130419/

[3] Ca dao ngày xưa: Có cô thì chợ cũng đông, Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui!
[4] Quá trình toàn cầu hóa tạo ra các chuỗi  và mạng cung ứng liên kết các khâu từ marketing, nghiên cứu&triển khai (R&D), thiết kế, đầu vào, sản xuất, đầu ra, lưu thông trên thị trường toàn cầu, các dịch vụ đi kèm... để làm ra một sản phẩm hoặc một nhóm sản phẩm. Ví dụ: Tập đoàn trang phục và đồ dùng thể thao Nike (Mỹ) có nhiều chuỗi và mạng như thế trên thế giới, dày Nike mà các xí nghiệp của ta đang gia công là nhận hợp đồng sản xuất từ một “khâu” nào đó là một công ty Hàn Quốc trong chuỗi và mạng Nike, một vài sản phẩm khác là gia công theo hợp đồng từ một “khâu” là một công ty nào đó của Đài Loan... Nếu vì lý do nào đấy (ví dụ: ta không có khả năng cạnh tranh với những nước làm gia công khác, hoặc sản phẩm bị lỗi thời...), các “khâu” này có thể bỏ nước ta và ký hợp đồng với các người làm gia công tại các nước khác hoặc hủy bỏ  sản xuất... Nghĩa là ta đứng ngoài “chuỗi” và “mạng” cung ứng, cho nên rất phụ thuộc. Gia công như vậy trên thực tế là ta chỉ bán lao động rẻ, địa điểm sản xuất, năng lượng, không có khả năng tự mình đi từ R&D (nghiê cứu & triển khai) làm ra sản phẩm có thương hiệu riêng trong các “chuỗi” và “mạng” cung ứng toàn cầu để tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trở thành một khâu trong chuỗi và mạng cung ứng  như thế trong nền kinh tế toàn cầu là quy luật vận động của kinh tế thế giới ngày nay. Quá trình trở thành một khâu trong chuỗi và mạng như vậy là cả một chặng đường có nhiều cung đoạn dài ngắn tùy theo khả năng phát triển của từng quốc gia, đối với sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao quá trình này càng gian khổ hơn, song đó là  con đường mà công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa của mỗi quốc gia bắt buộc phải trải qua. Chính thực tế này cho thấy không thể duy trì chiến lược và con đường CNH-HĐH như nước ta đã thiết kế từ 2 – 3 thập kỷ trước đây và hiện đang còn  tiếp tục duy trì!
[5] Thật ra khó mà nói được hiện nay Đảng ta đang có một chiến lược phát triển rõ ràng, bởi vì cuộc sống tự nó không đi theo những gì đã viết ra trong Nghị quyết các Đại hội; (a)có nhiều mục tiêu phát triển không đề ra hoặc không coi nó là những điểm chính nhưng lại phát triển rất mạnh, ví dụ: khu vực kinh tế tư nhân và những sản phẩm, thành quả kinh tế - xã hội của nó; (b)có những mục tiêu được coi là then chốt nhưng kết quả không như mong muốn như trong khu vực kinh tế quốc doanh; (c)chưa có những quyết sách hướng mạnh mẽ FDI vào những mục tiêu chiến lược ta muốn đạt tới, trên thực tế tình trạng gặp gì tranh thủ nấy, gặp gì làm nấy rất phổ biến, nguy cơ bãi thải công nghiệp rất lớn; (d)hầu như mỗi tỉnh có một chiến lược phát triển riêng cho tỉnh mình, rất ít bám được vào mục tiêu chung vỹ mô của cả nước, vừa tạo ra sự chùng lặp, vừa hạn chế phát huy sức mạnh tính thống nhất của nền kinh tế cả nước, chỗ này chỗ khác còn hiện tượng cát cứ...
[6] Tham khảo: Nguyễn Trung, (1) “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực”, tham luận tại hội thảo Nantes tháng 7-2007, đăng trên Thời đại mới số 11, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_NguyenTrung.htm
(2) “Ngã ba 2007” http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_NgaBa2007.htm– toàn văn trên Tia Sáng Online ngày 11-12-207;
và trên Viet-studies.info         http://www.viet-studies.info/NguyenTrung/NguyenTrung_NgaBa2007.htm
Ngoài ra đề nghị tham khảo thêm báo cáo của Đại học Harvard  “Lựa chọn Thành công - Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam”, trình bầy với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 16-01-2008 (Bản trên mạng Biện Minh do Nguyễn An Nguyên sưu tầm ngày 14-02-2008).
[7] Trong khoảng 10 năm liên tục cho đến nay chỉ số ICOR của ta ước tính là  5 – 5,2, cao nhất trong khu vực, trong khi đó ở Trung Quốc là 4, của các nước ASEAN6 là >3, trong 20 năm đầu tiên của của các NICs Hàn Quốc và Đài Loan chỉ số này là >2... Đã có rất nhiều so sánh một cách số học nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên báo chí – ví dụ ta muốn đuổi kịp mức Thái Lan hiện nay sẽ phải mất khoảng 20 - 30 năm, Singapore trên 100 năm, vân... vân...

[8] Nhìn vào các chỉ số phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, nhất là chỉ số cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, thời gian còn lại cho hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa vào năm 2020.., có rất nhiều vấn đề phải đặt ra: Hoặc là không thực hiện được mục tiêu, hoặc là nước ta phải định ra một tiêu chí riêng cho một nước “công nghiệp theo hướng hiện đại” của Việt Nam – nghĩa là một nước công nghiệp chẳng theo một tiêu chí chung nào trên thế giới này. Vào năm 2020 GDP tính theo đầu người  của nước ta có thể đạt khoảng 1500 – 2000 USD (theo thời giá, không tính theo PPP), nghĩa là sẽ chỉ bằng khoảng  2/3 mức của Thái Lan hiện tại (2990 USD – song hiện nay Thái Lan vẫn chưa được coi là một nước công nghiệp), cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của nước ta vào năm 2020 rất khó có khả năng có mô hình như một nước công nghiệp theo các chuẩn mực chung của thế giới. 
[9] Có thể đặt tên nguy cơ mới là nguy cơ “vỡ” hệ thống, vì không kham nổi áp lực của phát triển. Nguy cơ này không kém phần nguy hiểm so với nguy cơ sụp đổ hệ thống (xẩy ra vì áp lực của khủng hoảng). Trong một  báo cáo  của Đại học Harvard  ( toàn văn xem:  http://blog.360.yahoo.com/blog-C6To.awlc6eMWmDUvAozkYGe?tag=108%3Aluachonthanhcong%281%29
 trình Thủ tướng 02-2008 ) có 10 nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á năm 1997 thì đã  xuất hiện ở Việt Nam 8 nguyên nhân. Có nhiều cảnh báo của giới nghiên cứu trong nước và trên thế giới về nguy cơ đầu cơ trên thị trường bất động sản có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế, giá đất cao ngất ngưởng (vào loại nhất thế giới) đang kìm hãm kinh tế Việt Nam phát triển lành mạnh và gây thêm căng thẳng chính trị có liên quan đến đất đai trong nông thôn.
[10] Không vơ đũa cả nắm, nhưng  không thể bỏ qua nhận xét chung là: Toàn bộ bộ máy của hệ thống quản trị đất nước – bao gồm Đảng, nhà nước, các đoàn thể xã hội – có khoảng cách lớn so với đòi hỏi của nhiệm vu, song nghiêm trọng hơn là tình trạng đội ngũ cán bộ viên chức trong toàn hệ thống yếu về nghiệp vụ và thấp về phẩm chất, bệnh thành tích, nói dối..; trong đời sống có nhiều hiện tượng chỉ có thể gọi là “thiếu giáo dục đầy đủ” hoặc là chịu ảnh hưởng của “cá-độ”  (ví dụ: Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đem cả vấn đề lạm phát ra mà đánh cược trước công luận!..) Bệnh vô cảm, tác trách, lười đọc, lạm dụng giờ làm việc vào các việc riêng (vừa qua là nạn bỏ việc trong giờ để lên sàn chứng khoán...), ham chơi, năng lễ bái và mê tín, cờ bạc, tá lả... rất phổ biến ở tất cả các cấp. Không thể không đặt ra câu hỏi vì sao lại xảy ra tình trạng mất kỷ cương và tha hóa nghiêm trọng này!
[11] Một số vấn đề nổi cộm như sau: - Về chính trị : tình trạng bất cập của hệ thống (trên 3 phương diện: đối nội, đối ngoại, những thách thức mới của phát triển và hội nhập); tệ nạn quan liêu tham nhũng, vấn đề tôn giáo, vấn đề đất đai của nông dân... – Về kinh tế: tình trạng lạm phát cao, sự rối ren trong điều hành vỹ mô, nguy cơ lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế  với những ngân hàng riêng của mình, tình trạng đầu cơ trong thị trường bất động sản, v/đ đất đai của nông dân...  – Về xã hội: vấn đề mất dân chủ; tình trạng xuống cấp và bất cập của giáo dục, y tế, văn hóa, khoảng cách giàu nghèo doãng nhanh; những nguy cơ lớn của thiên tai và dịch bệnh...  Vừa qua rộ lên một số hiện tượng như những xử lý vụng về vấn đề biểu tình chống Trung Quốc sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào Tam Sa, vấn đề công giáo Hà Nội đòi đất... Hiện nay đang nóng bỏng các vấn đề cấm xe ba gác, cấm hàng rong, trong khi đó vấn đề mũ bảo hiểm chưa phải đã an bài...  Hệ quả chung dễ thấy nhất là kinh tế phát triển năng động, song tâm trạng thờ ơ hay bất mãn trong dân ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn mới. Mối nguy này chưa được nhận biết một cách xác đáng, vì vậy toàn bộ việc lãnh đạo, điều hành đất nước về đại cục vẫn đi  theo lối mòn cũ, thể hiện rõ nhất trong công tác lý luận của Đảng, trong vận hành kinh tế và nền hành chính quốc gia, trong mọi cuộc vận động chính trị trong  nước đang tiến hành – vừa qua là chuyện bầu cử Quốc hội khóa 12,chuyện thời sự hiện nay là phong trào rầm rộ  học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh gần như tách rời cuộc sống... Sinh hoạt chính trị của Đảng tiếp tục xa rời cuộc sống thực tế. Do vai trò tiền phong chiến đấu mờ nhạt, lại tiếp tục ngày càng xa dân, nên trên một số phương diện Đảng có nguy cơ ngày càng mang tính chất là một hội, một tổ chức của riêng mình – nhất là ở cấp tổ chức cơ sở Đảng.
[12] Những nguyên nhân về hệ thống điều hành vĩ mô (trước hết là còn nhiều lý do chính trị tham gia vào những quyết định phân bổ các nguồn lực, chính sách đầu tư, chi tiêu ngân sách, phát triển các tập đoàn kinh tế quốc doanh, chính sách tiền tệ, điều hành kinh tế vỹ mô và năng lực quản trị quốc gia.., tất yếu dẫn tới hiệu quả và chất lượng  tăng trưởng đều thấp) và những nguyên nhân  về cơ cấu kinh tế (phát triển theo chiều rộng, trùng lặp, chậm đổi mới cơ cấu, không chuẩn bị thỏa đáng kết cấu hạ tầng cho các bước phát triển tiếp theo...) kéo dài từ nhiều năm nay, song do nền kinh tế còn dư địa cho phát triển theo chiều rộng và những thuận lợi từ bên ngoài quá lớn (FDI, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, kiều hối, sự hấp dẫn của thị trường VN...), nên tác động của những nguyên nhân này bị che khuất, thậm chí  có sự cố ý che khuất (do tư tưởng thành tích – điển hình là cuối năm 2007 áp dụng cách tính mới để đo chỉ số lạm phát). Tình hình đang diễn ra là càng phát triển và càng nhiều thời cơ thuận lợi, thì 3 cái yếu kém “thắt cổ chai” cỗ hữu từ nhiều năm nay (thiếu nguồn nhân lực thích ứng, kết cấu hạ tầng bất cập, năng lực điều hành vỹ mô và quản trị quốc gia yếu kém) càng trở nên gay gắt và ngay lập thức biến thành thách thức quyết liệt – ví dụ: những khó khăn hiện nay trên thị trường tài chính tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản  cùng với một số nguyên nhân khác bên trong và bên ngoài và vấn đề giá cả... đang đe dọa đẩy nền kinh tế nước ta vào khủng hoảng. Thời cơ lớn, thách thức kèm theo cũng rất lớn, nhưng do yếu kém nội tại không kiểm soát được nên thời cơ đã nhanh chóng chuyển thành thách thức gay gắt.  Nhìn theo một khía cạnh khác: Thời cơ và những thuận lợi có trong tay không được vận dụng vào việc khắc phục các yếu kém và tìm đường chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, mà bị lạm dụng cho những mục đích chính trị và các lợi ích “nhóm”,  không  nhằm vào mục đích tạo ra tăng trưởng và phát triển bền vững và đổi mới cơ cấu kinh tế đất nước mà nhằm vào các mục đích “thành tích” (mục đích chính trị?) với những hệ quả như chúng ta đang thấy từ cuối năm 2007 và trong 2 tháng đầu năm 2008. Còn một sư  thật nữa là đang diễn ra ngày một sôi động hơn quá trình tranh thủ cơ hội cho “tư nhân hóa mầu đỏ” mà báo chí gọi là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Đảng phải nhận trách nhiệm về mình và cần tìm cách sớm đảo ngược tình hình này. Nếu đối chiếu tình hình này với Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 khóa X  tháng 2-2008 về “xây dựng giai cấp công nhân” và “kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa” thì đấy là: thực tế đi một đường, nghị quyết di một đường, hầu như không liên quan gì với nhau. Một câu hỏi nghiêm khắc phải đặt ra: Gần như theo tính quy luật, phải chăng kinh tế Việt Nam đang trải qua thời kỳ tích tụ tư bản ban đầu? – nhưng không phải như đã diễn ra trong lịch sử các nước phát triển, mà là đang diễn ra trên con đường đang có nhiều tên gọi mới như “chủ nghĩa tư bản đỏ”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “chủ nghĩa tư bản phong kiến”... – nghĩa là chưa có một tên gọi được thừa nhận. Trong tình trạng thiếu một thể chế kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự  hoạt động hữu hiệu, nên mặc dù ở vào thời đại văn minh của thế kỷ 21, quá trình tích tụ tư bản ban đầu ở nước ta hiện nay vẫn có nhiều đặc thù hoang dã không thể chấp nhận được và hoàn toàn trái ngược với nững mong muốn tốt đẹp dưới cái tên chung “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cứ nhìn vào đời sống nông dân và những người làm công ăn lương, nhìn vào tinh trạng quan liêu tham nhũng, nhìn vào sự tước đoạt đất đai, và sự lộng hành của các nhóm đặc quyền.., sẽ thấy ngay thực tế gay gắt này. Thực tế này chứng minh: Càng nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa để đẩy lùi việc phát triển thể chế  kinh tế thị trường – nhà nước pháp quyền – xã hội dân sự  bao nhiêu, càng duy trì và phát triển tính hoang dã này bấy nhiêu – và như thế chỉ có tác dụng tăng cường thanh thế cho các nhóm lợi ích, đây chính là nguyên nhân tổng hợp và sâu xa nhất của những rối ren trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của đất nước. Đảng lãnh đạo không có trách nhiệm gì trước tình hình này?
[13] Ngoài 3 “thắt cổ chai”, phải nói cho đến ngày hôm nay nước ta vẫn chưa có một chủ kiến, một chiến lược phát triển tối ưu cho một nước Việt Nam chấn hưng và một chương trình cải cách thể chế của đất nước  để thực thi chiến lược phát triển này. Nói một cách thô thiển: Chính ta cũng chưa biết và chưa nhất trí được với nhau: Ta muốn gì trong tình hình mới và trong thế giới hôm nay! Phải làm gì? Làm như thế nào?! Ví dụ thời sự đang nóng hổi là câu chuyện Vân Phong – vì thiếu tầm nhìn chuẩn xác cho Việt Nam phải trở thành  một nước phát triển, nên đang tranh chấp nhau giữa các ý kiến xây dựng tại đây nhà máy cán thép, nhà máy điện hay cảng nước sâu tầm cỡ quốc tế, trong cùng một thời gian quyết định này phủ định quyết định kia... Nói riêng về Vân Phong: Chúng ta thực sự đang đứng trước nguy cơ sai lầm trong quy hoạch tổng thể của một quốc gia cũng như trong quy hoạch và phát triển vùng, phát triển đô thị... thường là những sai lầm hầu như bóp chết mọi cơ may phát triển của đất nước  và khó có khả năng sửa sai. Sẽ khó tránh khỏi tình trạng phải nghiền nát đi làm lại!.. Tham khảo thêm bài:  “Non sông gấm vóc hay  là miếng da lừa” – http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/3423/index.aspx. Đấy là chưa nói đến nhận thức trong Đảng về thế giới, về bạn, thù còn chịu nhiều tàn dư của quá khứ. 
[14] Có thể sơ bộ nhận xét việc tung tiền mặt ra mua đôla làm dự trữ (hoàn toàn khác về bản chất so với đôla dự trữ có được nhờ số dương trong xuất khẩu và trong cán cân thanh toán), việc điều hành thị trường vốn – đặc biệt là vấn đề tỷ giá, lãi suất và thị trường chứng khoán, việc cho phép các tập đoàn kinh tế quốc doanh bung ra lập ngân hàng riêng qua đó gia tăng khả năng của chúng lũng đoạn nền kinh tế - đặc biệt là những hoạt động của các tập đoàn này tham gia thị trường vốn và thị trường bất động sản, ... là những sự việc làm tràn ly nước lạm phát đã đầy và đột nhiên đẩy toàn bộ nền kinh tế tới gần nguy cơ sụp đổ. Thật ra những sai lầm này nên được đánh giá là những quyết định “phiêu lưu kinh tế” trước cơ hội mới quá lớn, để lại những bài học sâu sắc, có phải như vậy không? Để thấy được chiều sâu của vấn đề, nên điểm lại những phát biểu “lạc quan  thái quá” của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh, Phó  đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến... cuối năm 2007 vào dịp chuẩn bị Kế hoạch 2008. Thực tế vừa qua cũng cho thấy việc khắc phục tình hình “đôla hóa” phải tìm cách giải quyết khác, chư không thể đơn giản tung nội tệ ra mua đôla khiến lượng tiền mặt nội tệ quá lớn ào ra thị trường. Tình hình khủng hoảng hiện nay càng trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới từ quý 4-2007 đột nhiên xấu đi nhanh chóng – xuất phát từ suy thoái kinh tế Mỹ. Bây giờ lại thêm sự phụ họa của thiên tai dịch bệnh. Cần hết sức đề phòng tình trạng dậu đổ bìm leo và họa vô đơn chí! Xem thêm:  SGGP Online- Tôi đánh cược với những ai nói lạm phát sẽ 2 con số!
[15] 19 tập đoàn kinh tế  quốc doanh hiện nay hàng năm sử dụng 70% - 80% tín dụng trong nước, 100% tài nguyên quốc gia nhưng chỉ làm ra 40% GDP; những đặc quyền của các tập đoàn này còn bóp chết những nỗ lực phát triển của đất nước; với sự hỗ trợ của 9 ngân hàng thương mại con riêng do mình đẻ ra, các tập đoàn huy động tới 1/3 tổng số vốn của mình – tương đương với 10% GDP -  đưa vào kinh doanh trái nghề để kiếm lời (chủ yếu là bất động sản và chứng khoán), gây nên tệ nạn đầu cơ và làm chao đảo nền kinh tế.  Có bài báo trên mạng nói giới đầu cơ đã thu được khoảng 5000 tỷ VNĐ – chủ yếu từ thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán , đã đem quy đổi ra đô la nên đẩy tỷ giá đôla tăng vọt từ 15.500/USD lên đến hơn 16.000/USD giữa lúc đồng đôla sút giá nghiêm trọng - Nhà nước có trong tay phương tiện xác minh nhận xét này đúng sai thế nào. Vân vân... Hệ quả trong thực tế là lạm phát đang  xói mòn  nhiều thành tựu xóa đói giảm nghèo, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, nhiều mất cân đối lớn và nhiều vấn đề nóng bỏng mới phát sinh, nhất là trong các vấn đề công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông dân, nông thôn, nông nghiêp.., bất công xã hội gia tăng, trên thực tế các nhóm lợi ích ngày càng giữ vai trò chi phối đời sống kinh tế - chính trị của đất nước...
[16] Ngay trước mắt, chỉ có thể thành công trong chống lạm phát nếu gắn kết được với đổi mới hệ thống điều hành đất nước và đổi mới cơ cấu kinh tế. Hoàn toàn không có khả năng thành công trong chống lạm phát như là một nhiệm vụ cắt rời khỏi sự đổi mới nói trên. Thậm chí  thành công trong đổi mới là tiền đề, là điều kiện tiên quyết cho khắc phục những nguyên nhân dẫn tới lạm phát hiện nay. Do đó chống lạm phát không thể là câu chuyện ngắn hạn từ nay đến hết năm, làm giỏi cũng phải hai hay ba năm mới có thể đưa lạm phát trở về tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Nhìn về lâu dài, ra khỏi lạm phát là để tiếp tục phát triển năng động và bền vững, vì thế càng phải đẩy mạnh đổi mới hệ thống và thể chế điều hành đất nước làm bà đỡ cho các bước đi mới của đất nước trên con đường CNH-HĐH để trở thành một nước phát triển. Đòi hỏi cải cách hệ thống điều hành đất nước phải đi trước một bước sự phát triển của kinh tế chẳng những là tất yếu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, mà còn là thách thức quyết liệt đối với vai trò lãnh đạo của Đảng: Thắng hay bại? Tồn tại hay không tồn tại?! Tham khảo thêm: Nguyễn Trung,  “Biến nguy cơ thành cơ hội” http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/3381/index.aspx
[17] Từ đỉnh cao của thế siêu cường đầu thập kỷ 1990, nhiều lợi thế của Mỹ bị thu hẹp nhanh chóng. Ngày nay Mỹ đang lâm vào kinh tế suy thoái và sa lầy ở Iraq, trong khi đó vị thế của các cường quốc khác trên trường quốc tế  đang ngày càng tăng lên, trước hết là Trung Quốc rồi đến Nga, Ấn Độ.  Trong tình hình nay EU và Nhật phải lo củng cố hơn nữa vị thế của bản thân mình. Đây là biến động rất lớn, tác động vào mọi quốc gia, bắt buộc mọi quốc gia – kể cả Mỹ - phải điều chỉnh chiến lược, hoặc cam chịu thất bại. Sẽ nói kỹ hơn vấn đề này trong phần bàn về nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.
[18] Ngày nay hầu như không còn một sản phẩm nào có thể được xem là “nội địa hóa” thuần túy; bất kể một sản phẩm công nghiệp nào – dù là chỉ để tiêu dùng trong nước – đều phải cạnh tranh với cả thế giới. Trong xu thế chủ đạo của toàn cầu hóa kinh tế ngày nay, tiêu chuẩn đánh giá mức độ công nghiệp hóa của một quốc gia gần như đồng nghĩa với việc đánh giá khả năng của nó cạnh tranh và tham gia vào các chuỗi và mạng cung ứng làm ra các giá trị của các sản phẩm trên thế giới, nghĩa là vượt rất xa về chất lượng so với các tiêu chuẩn đánh giá thông thường trước đây cho một nước công nghiệp hóa (như mức độ sản xuất sắt thép, tình hình kết hạ tầng, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động...).
[19] Ví dụ: Nhân danh giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chủ trương bác bỏ tam quyền phân lập trong hệ thống nhà nước pháp quyền, giữ vai trò kinh tế quốc là chủ đạo trong kinh tế, trong tất cả mọi lĩnh vực khác của đời sống văn hóa  - xã hội cũng làm theo hướng này.
[20] Trong mọi thời đại và ở mọi quốc gia, quán tính lịch sử thường xảy ra sau mỗi biến đổi hay mỗi cuộc cách mạng là người thắng trở thành kẻ cai trị. Không một ai – kể cả người cộng sản - có thể tự mình “miễn dịch” hay “đề kháng” được quán tính này, mà chỉ có thể chế quyền lực được thiết kế với sự giác ngộ cao nhất về dân chủ mới có thể kiểm soát được quán tính lịch sử. Trong lịch sử cận đại, tất cả các cuộc các mạng đã diễn ra trên thế giới từ Cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 cho đến nay đã và đang chứng minh thực tế này.
[21] Ví dụ: ngày nay nhìn lại có thể nói quá trình bình thường hóa quan hệ với các đối tác lớn – trước hết là với Trung Quốc và Mỹ - và quá trình hội nhập kinh tế thế giới kéo ra quá dài do tầm nhìn sai lệch và sự bị động của phía ta và đã phải trả giá đắt; đã thế trong suốt thời gian 10 – 15 năm này ngoài việc sửa sang một số luật lệ cho phù hợp với những ký kết song phương và quốc tế, hầu như ta đã không làm được gì khác – từ việc chuẩn bị con người, điều kiện kết cấu hạ tầng, đến các vấn đề thuộc thượng tầng kiến trúc... – để đón bắt thời cơ đang đến hôm nay, tất yếu dẫn đến hệ quả là các thiếu hụt như chúng ta đã biết, v..., v...

[22] Tại buổi nói chuyện của tôi với các bậc nhà giáo lão thành đã về hưu của Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (trước khi  sáp nhập thêm Học viện Hành chính Quốc gia), tại nhiều cuộc tiếp súc khác với các bậc lão thành cách mạng, tôi được nghe đi nghe lại nhiều lần ý kiến: Những điều hay lẽ phải “trên” biết hết cả đấy, đừng nghĩ là họ không biết, chỉ có biết nhưng không làm hay không muốn làm thôi! Thú thực, tôi cũng tin như vậy và cố tự nhủ mình không được hoang mang.
[23] Có thể nói, yêu cầu phát huy sức mạnh dân tộc trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước nếu không quan trọng hơn thì cũng không kém so với thời kỳ tiến hành Cách mạng Tháng Tám và 2 cuộc kháng chiến. Về nhiều mặt, phát huy sức mạnh dân tộc trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước – nhất là trong cục diện quốc tế hiện nay – khó khăn phức tạp hơn nhiều so với mọi giai đoạn cách mạng trước đó. Đây là vấn đề sâu xa nhất, quan trọng nhất  Đảng chưa ý thức được đầy đủ kể từ sau khi hoàn thành sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước, và do đó đã tái diễn liên tiếp nhiều sai lầm nghiêm trọng cho đến hôm nay. Đây cũng là yếu kém lớn nhất trong đường lối chính sách của Đảng.
[24] Quan điểm chính thức của Đảng nói: Sự sụp đổ của các nước LXĐÂ chỉ là sự thất bại của một mô hình nhất định của chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa xã hội vẫn là quy luật phát triển của xã hội loài người. Vậy mô hình đúng của CNXH là gì? Trên thực tế, việc giải thích nội dung “định hướng xã hội chủ nghĩa”, thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vẫn là vấn đề lý luận chưa giải đáp được. Tất cả những gì lý luận của Đảng cho đến nay giải thích về “định hướng xã hội chủ nghĩa” đều không đầy đủ và chưa rõ bằng những gì đã nêu trong Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, không rõ bằng những gì các nước phát triển đã nói trong hiến pháp của họ, đã giải thích trong phong trào xã hội dân chủ (quốc tế xã hội), không rõ bằng và chưa vượt qua được Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc do đại diện 152 quốc gia ký kết ngày 08-09-2000, và chưa thực hiện được nhiều như tại các nước phát triển và nhiều nước khác.
[25] Gần đây nhất là câu chuyện “Việt Nam khẳng định chủ quyền trong vũ trụ”  nhân dịp thuê phóng thành công vệ tinh VinaSat 1.
[26] Trên diễn đàn internet xuất hiện bài tùy bút cuối cùng của nhà văn lớn Nguyễn Khải “Đi tìm cái tôi đã mất”; đọc những lời tâm huyết của một nhà văn đảng viên trăn trở với những vấn đề của nước non trước khi đi xa, thật không thể không vắt tay lên trán mà suy nghĩ.  Nguyễn Khải  - “Đi tìm cái tôi đã mất” http://www.unblockmyspaceweb.com/index.php?q=aHR0cDovL3d3dy5kaWVuZGFuLm9yZy9zYW5nLXRhYy8xMTFpLXRpbS1jYWktdG9pLTExMWEtbWF0Lw%3D%3D  ; hoặc là:
http://www.diendan.org/sang-tac/111i-tim-cai-toi-111a-mat/
[27] Rất đáng phê phán tình trạng đang tồn tại thứ tư duy và lý luận nhân danh yêu cầu bảo vệ Đảng đang cố ý tạo ra sự nhầm lẫn hay sự đồng nhất này. Thực ra đấy là cách lý luận khiên cưỡng và giáo điều, vừa lòng cấp trên hay dụng ý trục lợi, vô ý thức hay có ý thức  là những hành động làm suy yếu Đảng, và hầu như chỉ có một tác dụng duy nhất làm hại Đảng từ bên trong?..  Cần làm rõ trong tư duy lý luận chính thống thể hiện trên báo chí hiện nay của Đảng chỗ nào là mơ hồ viển vông, chỗ nào là bảo thủ, lỗi thời, bất cập, duy ý chí.., chỗ nào nói chỉ là để mà nói cho có lập trường – (ví dụ Cương lĩnh và Điều lệ đều nói: Mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân,  trong thực tế diễn ra như thế nào? Nói xây dựng xã hội không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội, cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa cộng sản, song cuộc sống thực tế đang diễn ra như thế nào?... vân vân... Rất tiếc là những hoạt động mang tính “phong trào”  hình như không thóat khỏi sự chi phối thứ tư duy này, kết quả gặt hái được thật đáng lo ngại. Cần chú ý chưa lúc nào bệnh giả dối và tệ nạn nói dối trong Đảng và ngoài xã hội trầm trọng như hiện nay. Nghĩa là nói dối, giả dối, chính người nói cũng không tin vào điều mình nói. Nên tham khảo 2 bài viết để lại cho đời trước khi mất của nhà văn Nguyễn Khải: “Đi tìm cái tôi đã mất” và “Nghĩ muộn”.
[28] Trong những ngày đầu tiên xây dựng thể chế Việt Nam Dân Chủ cộng Hòa cuối năm 1945 đầu năm 1946, trên dư luận báo chí cũng như trong tranh luận tại các diễn đàn chính trị lúc bấy giờ - kể cả trong Quốc hội khóa đầu tiên mới được bầu - có không ít tiếng nói từ phía những lực lượng chính trị chống lại Việt Minh, chống Đảng, cho rằng Hồ Chí Minh là cộng sản, là tay sai của Quốc tế Cộng sản... Hồ Chí Minh đã lên tiếng: “Tôi chỉ có một Đảng duy nhất, Đảng Việt Nam!” – tinh thần này trước đó đã tỏa sáng trong Tuyên ngôn Độc lập và trong Hiến Pháp năm 1946.  Cũng vào khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước báo chí nước ngoài: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...  Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tín ngưỡng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam...” (in nghiêng trong sách được trích dẫn) Hồ Chí Minh – Toàn tập, tập 4 trang 161, Nà xuất bản Chính trị quốc gia, 1995.
[29] 32 năm cải cách của Trung Quốc cho thấy lãnh đạo TQ sẵn sàng chấp nhận trả giá cho mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phát triển và siêu cường, dù sự trả giá như thế là sự kiện Thiên An Môn, hay là vấn đề nông thôn Trung Quốc, vấn đề môi trường, và những đàn áp khác... Lãnh đạo Trung Quốc chỉ quan tâm đến phát triển dân chủ trong phạm vị nó phục vụ mục tiêu ưu tiên này. Vì vậy, người ta thấy TQ ngày càng có nhiều dân chủ hơn trên phương diện kinh tế tư nhân,  học thuật, văn học và báo chí – đi khá xa so với Việt Nam. Trong số 1,3 tỷ người Trung Quốc, có lẽ chỉ khoảng một hai trăm triệu người được hưởng sự mở rộng dân chủ có mức độ này; hay nói một cách khác: số một tỷ người còn lại là kẻ gánh vác chủ yếu những cái giá phải trả cho phát triển và giành vị thế cường quốc của TQ. Đấy là cái giá phải trả rất đau đớn, một mô hình phát triển đặc thù chỉ giành riêng cho TQ.
[30] Đây là nhiệm vụ quyết định nhất quyết định số phận đất nước trong thế kỷ 21 này, nhất là từ năm 2020 trở đi.
[31] Đã có nhiều dự báo trong một tương lai không xa, nếu  để cho nhiệt độ trái đất tăng thêm khoảng 4 độ C vào cuối thế kỷ này, khoảng 1/5 diện tích đồng bằng của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, 22 triệu dân sẽ mất nơi sinh sống... Hiện nay thiên tai đang tăng lên theo mỗi năm. Tham khảo thêm bài:  Biến đổi khí hậu đe doạ sinh kế người dân VNN 04:27' 29/11/2007 (GMT+7)  http://vietnamnet.vn/chinhtri/2007/11/757264/ .

[32] Sự thu hẹp này có thể ước lượng được bằng các số liệu. Thập kỷ 1960 GDP Mỹ chiếm trên 30% GDP toàn cầu, thập kỷ 1990 chỉ còn lại  <20% GDP toàn cầu,  thập kỷ 1960 tiến bộ khoa học công nghệ của Mỹ đi trước các nước phát triển 30 – 40 năm, ngày nay khoảng >20 năm, vân... vân...
[33]Thực tế 22 năm đổi mới cho thấy mọi cải cách, thay đổi theo hướng “cởi trói” và tạo điều kiện phát triển mới cho kinh tế và những tiến bộ xã hội đạt được trong phát huy tự do dân chủ ở mức độ nào đấy là nhân tố quyết định nhất giữ vững sự ổn định hiện nay của chế độ chính trị. Đồng thời cuộc sống cũng chỉ ra rất rõ những bức xúc xã hội, những nguy cơ và thách thức tiềm tàng đối với chế độ đều có mầm mống trong tham nhũng tiêu cực, sự trì trệ, nghèo túng và tình trạng chậm phát triển trong hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, “Chỗ đứng của Việt Nam trong thế giới đa cực” – Thời đại mới số 11 tháng 7-2007 (Nếu Việt Nam là một Philippines trong tương lai...) http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_NguyenTrung.htm . Tuổi trẻ 30-11-2007: Philippines: "Sẽ không có gì thay đổi".
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=231806&ChannelID=2
[34] Giữ vững ổn định luôn luôn là điều kiện để cải cách và phát triển. Thời kỳ 1986-2008 còn cho phép cải cách kinh tế có thể đi trước một bước, cải cách chính trị theo sau. Nhưng ngày nay quy mô và sức phát triển năng động của nền kinh tế đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và hoạch định chu đáo của thể chế điều hành, tất yếu đặt ra đồi hỏi cải cách thể chế điều hành phải vượt lên đi trước. Thực tế hiện nay đã cho thấy cải cách chính trị không theo kịp và đang trở thành trở ngại lớn nhất của phát triển kinh tế. Giai đoạn phát triển mới hiện nay đặc biêt khác giai đoạn vừa qua ở điểm này.
[35] Tham khảo thêm bài đã dẫn: Nguyễn Trung, “Ngã ba 2007”, tạp chí Tia Sáng tháng 12-2007 và tháng 1-2008, VNN tháng 1-2008 - http://www.tiasang.com.vn/news?id=2270  . Đấy là chưa nói đến một số vấn đề “nóng” mang tính thời sự trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, trong điều hành vỹ mô và trong một số vấn đề dân sự lớn khác đang diễn ra.
[36] Chỉ số ICOR của ta liên tiếp trong thập kỷ vừa qua là 5, hoặc giữa 5 và 6; trong khi đó Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... là 2 – 3, tìm xem Phạm Đỗ Chí,  “Còn tầng ngầm của lạm phát?), Tuổi trẻ 17-02-2008.
[37] Tham khảo: 1) Vũ Quang Việt  “Những vấn đề kinh tế cấp bách cần nhìn nhận lại” http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/5/88254.laodong; 2)Nguyễn Quang A, bài “Chính sách lãi suất kỳ lạ”, Lao Động Cuối tuần số 20 Ngày 18/05/2008 Cập nhật: 7:07 AM, 18/05/2008.
[38] Tìm xem Tuổi trẻ cuối tuần, Chủ Nhật, 18/05/2008, 11:01 (GMT+7)  TS Lê Văn Bảnh - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, bài “Mỗi năm mất 70.000ha đất nông nghiệp”, và bài “Ruộng vườn teo tóp” trong cùng số báo.
[39]  Tham khảo số liệu thống kê vủa Bộ Tài nguyên Môi trường ngày 27-05-2008:
[40] Xem bài “VẤN ĐỀ VIỆC LÀM CỦA NÔNG DÂN HIỆN NAY - BÀI TOÁN KHÔNG DỄ GIẢI”   trong tạp chí Cộng sản, số 9 (153) – 2008 http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID=11448185
[41] Lân la trong những đoàn nông dân đi biểu tình khiếu kiện vấn đề đất đai, có một câu vè như thế này: Đảng chỉ tay, Quốc hội giơ tay, Nhà nước ra tay, cán bộ khua tay, dân trắng tay!.. Có những nông dân mất đất uất ức nhắc lại câu ca dao cũ: Con ơi nhớ lấy câu này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan... Trong xã hội không hiếm những hiện tượng hò vè kiểu như vậy, chủ yếu xuất phát từ tâm trạng phản kháng, bất mãn, vì vậy không thể đơn giản quy kết đấy là những luận điệu phản động của địch. Thiết nghĩ Đảng lãnh đạo nên có cái tai rất thính với những vấn đề được hiện tượng hò vè này báo động. Đương nhiên kẻ chống đối chế độ được dịp bới móc.
Tham khảo thêm các bài báo:
-          Đất nông nghiệp và nông dân trong “cơn lốc” đô thị hóa nông thôn”,
-           bài “Đừng để dự án công nghiệp, vui chơi tấn công đồng lúa!” ...
-          “Bức xúc về sân golf Đại Lải”
http://vtc.vn/xahoi/180111/index.htm
và  nhiều bài khác trên Vietnam Net từ tháng 3-2008.

[42] Tìm đọc “Người nông dân gửi thư cho Thủ tướng “, Tuổi trẻ  Thứ Hai, 19/05/2008, 07:17 (GMT+7) http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=258289&ChannelID=3

[43] Tham khảo: 1) Nguyễn Quang A, bài  Nghe các tập đoàn lớn nói” , trong Lao Động Cuối tuần  số 18 Ngày 04/05/2008; cập nhật: Thứ Tư, 30/04/2008 - 7:13 AM; 
2) "Nên tạm dừng việc thành lập mới các tập đoàn kinh tế" http://www.anninhthudo.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=23648&ChannelID=6.
[44] Tham khảo (1) Tiền Phong,Thứ Sáu, 04/01/2008, 08:23 “Hàng loạt ngân hàng ồ ạt ra đời” : TP - Sau 10 năm không cấp phép thành lập cho bất cứ ngân hàng nào, tháng 11/2007, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập ngân hàng cổ phần FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính dầu khí. Đây là quyết định rất nguy hiểm trong bối cảnh nhất định có thể tạo ra nguy cơ làm sụp đổ nền kinh tế như sự đổ vỡ các chaebol của Hàn Quốc năm 1997 đã chỉ rõ. (2)Tham khảo Tuổi trẻ cuối tuần (http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=240314&ChannelID=119: bài  Phải công phá thành trì “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, Chủ Nhật, /01/2008, 11:02 (GMT+7) – nói về “quả đấm thép” của các tập đoàn kinh tế và sự lũng đoạn đang diễn ra. Vấn đề nghiêm trọng ở đây là  để cho tập đoàn được phép có ngân hàng riêng của mình sẽ phát sinh đầu cơ và lũng đoạn không luật pháp hay kỷ luật tài chính nào có thể kiểm soát được như đang diễn ra trên thực tế, thị trường sẽ càng tích tụ thêm tính hoang dã, toàn bộ nền kinh tế bị tước đoạt khả năng phát triển ổn định và bên vững. Tình hình còn rất đáng phê phán ở chỗ thị trường vốn nước ta hiện nay không thiếu ngân hàng thương mại và đang có quá nhiều ngân hàng thương mại kém chất lượng, trên thực tế là đang tham gia sâu vào thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, đang tích tụ những quả bom lớn phá hoại nền kinh tế.


[45] Tập đoàn kinh tế quốc doanh luôn luôn là đề tài nan giải của tất cả các quốc gia trên thế giới này và nhìn chung chưa có quốc gia nào có lời giải thỏa đáng. Tính chất quyền sở hữu nhà nước là nguồn gốc của mọi khó khăn, vì nó dính líu không thể tách rời được với quyền lực chính trị của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường. Ngay tại các nước phát triển, nếu vì lý do chính trị nào đấy bắt buộc phải duy trì loại hình này thì cũng chỉ một vài cái thôi với những chế tài luật pháp, tài chính, khoa học và công nghệ, môi trường...  rất nghiêm ngặt. Tập đoàn kinh tế quốc doanh rất khác với tập đoàn kinh tế tư nhân về bản chất, một bên là đứng lên trên cơ chế thị trường, một bên là do cơ chế thị trường chi phối. Ở nước ta hiển nhiên tập đoàn kinh tế quốc doanh không làm cho chế độ chính trị ổn định thêm, không nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, trong nhiều trường hợp là nguyên nhân hàng đầu của những khó khăn kinh tế. Tham khảo thêm Tiền Phong ngày 11-05-2008, bài: “Siết lại việc chi tiêu ngân sách cho đúng mục đích” – các tập đoàn kinh tế làm ăn không đủ chi.

[46] Tham khảo bài 1) “ Dùng vốn vay đầu tư BĐS: Nguy cơ lớn với các DNNN” trên Vietnam  Net,  Thứ hai, 12/5/2008, 07:33 GMT+7.
[47] Báo chí đưa tin bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh cũng bị tố cáo là có đường dây rửa than riêng! xem: http://vtc.vn/xahoi/179413/index.htm. Dư luận đặt câu hỏi: (a)Hay là “tỉnh” và tập đoàn TKV tranh giành nhau, nên câu chuyện xuất lậu hàng chuc triệu tấn than/năm như thế mới bại lộ; (b)xuất khẩu lậu than đến bao nhiêu triệu tấn thì sẽ bị coi là hành động phản quốc? Xin lưu ý: Không xa bao nhiêu sau năm 2015, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng bắt đầu thiếu than, thiếu dầu; nhưng bây giờ các tập đoàn vẫn  chăm chăm lo xuất khẩu, trong khi đó Nhà nước  cho đến nay vẫn chưa hình thành một chiến lược năng lượng có thể tin cậy được cho nền kinh tế.
[48] Tham khảo: (1)Lao Động cuối tuần, số 18 ngày 04-05-2008,  và báo Tuổi trẻ ngày 30-04-2008. http://www.laodong.com.vn/Home/skbl/2008/4/86665.laodong,  
(2)  EVN đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả? http://vietnamnet.vn/kinhte/2008/05/782708/
(3)  “Nghịch lý của chuyện thiếu điện” trên Tiền Phong
Vân... vân...
 
[49] Hiện nay dư luận nhân dân rất phân vân chung quanh “vụ” Nguyễn Việt Tiến và việc bắt giam 2 nhà báo và tướng Quắc, còn báo chí nước ngoài thì nói thẳng là lãnh đạo Việt Nam không quyết tâm, không thành thật trong chống tham nhũng. Tình hình như vậy không có lợi cho việc chống tham nhũng và ảnh hưởng xấu đến niềm tin của dân, đến uy tín quốc gia. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên tìm cách xử lý công khai và dứt điểm những vụ việc này, bắt đầu xét xử công khai từ “vụ” tướng Quắc, dù rằng đây là một “quả đắng” khó nuốt.
Tìm xem  1)Thời báo Kinh tế Việt Nam  22-09-2006 : “Hoan hô Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” http://vneconomy.vn/PrintView.phtml?id=d26f1b9ac315fd
2) “Vụ PMU 18: Không thể hiểu nổi”  http://www.laodong.com.vn/Home/bandocviet/2008/5/88354.laodong

3) “Shooting the messenger” trong The Economist  http://www.economist.com/world/asia/displaystory.cfm?story_id=11413016 .

Toàn văn bằng tiếng Việt:  Săn bắn sứ giả

“Báo chí phản công khi hai nhà báo chống tham nhũng bị bắt.
Các lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt nam nói họ đang chỉ đạo một cuộc trừng trị thẳng tay “không có vùng cấm” trước những tham nhũng trong đời sống chung. Họ khẩn nài báo chí của quốc gia này hãy phát hiện và tố giác ngón nghề lừa bịp của các công chức. Vào tháng Hai, thủ lĩnh của đảng, Nông Đức Mạnh, đã tán dương báo chí vì đã lột mặt nạ sự hối lộ, và do đó đã đáp ứng được “ý nguyện của nhân dân”. Vụ việc đáng chú ý nhất là vụ tai tiếng tại Bộ Giao thông trong năm 2006 mà báo chí đã tiết lộ chuyện các công chức đã đánh bạc khoảng 750,000USD từ tiền công quỹ trong cá cược kết quả các trận bóng đá. Trong cuộc truy quét tội phạm sau đó, người đứng đầu cơ quan quản lý xây dựng đường bộ của bộ này đã bị tống giam cùng với bảy người khác.
Nhưng những sự việc xảy ra gần đây đã tạo ra sự nghi ngờ sự thành thật của trong các tuyên bố của các nhà lãnh đạo sẽ chống tham nhũng ở mọi cấp. Những buộc tội chính chống lại Nguyễn Việt Tiến, nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông, công chức ở cấp vị cao nhất bị bắt do vụ tai tiếng này, thì nay đã được rỡ bỏ. Thêm những lo ngại khác, hai phóng viên điều tra có công đi đầu trong việc phát giác vụ tai tiếng, thì nay đã bị bắt, cùng với hai cựu sỹ quan công an là những người nắm giữ nguồn thông tin, với cáo buộc mập mờ rằng “lạm dụng quyền lực” và công bố thông tin không đúng sự thật.
Các giới truyền thông của Việt Nam, bất chấp cái vẻ bề ngoài đa dạng phong phú, vẫn bị kiểm soát chặt chẽ: các tổng biên tập của họ phải được đảng phê chuẩn và nhận lệnh trong những “chỉ đạo” hạn chế về những gì họ có thể tường thuật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, báo chí đã được phép bày tỏ ngày càng nhiều những chỉ trích về chính sách của chính phủ - mặc dù nó luôn thất bại trong việc bàn đến cái “quyền” lãnh đạo của đảng. Hai nhà báo bị bắt đang làm việc cho hai tờ báo, Thanh NiênTuổi Trẻ, đã từng rất can đảm trong việc bóc trần sự tham nhũng của giới công chức.
Bằng sự bày tỏ kháng cự chưa từng thấy, cả hai tờ báo đang bênh vực phóng viên của mình. Tờ Thanh niên đã cho chạy chạy tựa bài đòi hỏi: “Phải trả tự do cho các nhà báo chân chính”. Có ý kiến cho rằng bài báo đã bị “che khuất” cùng với những lời nhắn gửi ủng hộ đến từ công chúng và vài đại biểu Quốc hội. Nó thách thức những người nắm quyền lực phải giải thích tại sao, nếu như coi các bài báo gây khó chịu này là không chính xác, không một đại diện công an, bên công tố và bộ nội vụ dám chỉ ra những lỗi đó vào bất kì lúc nào trong hai năm qua.
Một chuyện nữa không rõ ràng là tại sao những người có quyền lại đột ngột thù ghét những trái bộc phá chống hối lộ. Không lẽ những trái bộc phá đó đã cận kề những vụ bê bối thậm chí còn lớn hơn? Các quan chức của đảng đang muốn gửi một thông điệp rằng ở một mức độ nào đó của cái tôn ti trật tự này thì những điều đó là bất khả xâm phạm? Hay đó chỉ là triệu chứng nhìn thấy được của sự tranh chấp giữa các nhân vật có chủ trương cải cách và phía bảo thủ trong hệ thống của đảng? “Nhân dân cảm nhận rằng các nhà báo có thể chỉ là những con tốt trong ván cờ lớn hơn nào đó nhưng điều đó không rõ ràng về những gì có thể đang xảy ra,” Catherine McKinley, một nhà phân tích truyền thông ở Hà Nội đã nói vậy.
Đảng Cộng sản, giống như một bản sao của Trung Quốc, dường như đã tranh thủ được sự chấp thuận bất đắc dĩ của dân chúng vì đã mở ra sự phát triển kinh tế mau lẹ một cách đầy ấn tượng từ chủ nghĩa tập thể đào mương của hơn 20 năm trước đây. Tuy nhiên, ngày nay, một cuộc chiến đang diễn ra để chống lại quái vật lạm phát đang gầm rú, cũng như cơn khủng khoảng về cân bằng thanh toán vừa nhen nhóm. Có thể phải cần đến những biện pháp không dễ được ưa chuộng nhưng mang tính sống còn; sự tăng trưởng của nền kinh tế có thể phải chịu hy sinh tạm thời để giữ gìn sự ổn định. Thế nên các quan chức của đảng sẽ cần đến sự độ lượng của công chúng. Một con đường chắc chắn để đánh mất nó là trù dập những ai đang đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng.”./.
[50] Tỷ lệ lạm phát xem:  “CPI cao nhất trong 12 năm qua”  http://vtc.vn/kinhdoanh/thitruong/180896/index.htm trên VTC News 26-05-08.
[51] Tham khảo:
(1) Nguyễn Trung, “Biến nguy cơ thành cơ hội”  http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/3381/index.aspx
(2) VND_Beyond_The_Tipping_Point.pdf
112K   Xem ở dạng HTML   Tải xuống  
(3) Có đủ các dữ liệu để nhận định kinh tế Việt Nam hiên nay đã rơi vào khủng hoảng, mặc dù nền kinh tế còn nhiều sức bật. Chủ đề này sẽ được bàn riêng vào dịp khác.
[52] Cho dù việc mở rộng thủ đô Hà Nội là cần thiết, song không phải với cách làm và với nội dung như đang tiến hành. Nên tham khảo rất nhiều ý kiến xác đáng đã đưa lên báo chi. Việc thông qua một dự án gượng ép như vậy sẽ chỉ chồng chất thêm nhiều khó khăn mới không đáng có, đồng thời làm giảm uy tín của Đảng,  Chính phủ và Quốc hội.
[53] Có những sự việc tiêu cực kỳ quặc gần như đùa rỡn với công luận: Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải hôm nay phê phán Chủ tịch UBNDTP Lê Thanh Hải hôm qua về tiêu cực đất đai ở Thủ Thiêm, xem bài : Khu đô thị Thủ Thiêm,  trên báo Đại đoàn kết:  http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=37&categoryId=95&id=3435
[54] Với những biểu hiện bên ngoài chỉ số CPI  trong các tháng  quí  I-2008 tăng bột phát một cách khác thường (trái với thông thường  của thời kỳ sau Tết chỉ số CPI thường xuống), lạm phát tháng 4 tháng đầu năm 2008 tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2007 – cao nhất trong suốt 22 năm đổi mới, có thể kết luận kinh tế Việt Nam có nguy cơ đi vào một thời kỳ khủng hoảng mới với nghĩa “rơi vào một tình trạng không ổn định với mối nguy hiểm hoặc khó khăn gay gắt”  (an unstable situation of extreme danger or difficulty – Wikipedia), thể hiện qua 4 hiện tượng:   (1)những khó khăn tích tụ từ  3 “thắt cổ chai” (khủng hoảng nguồn nhân lực do hệ quả khủng hoảng về giáo dục, khủng hoảng về kết cấu hạ tầng, sự  bất cập ngày càng lớn về năng lực quản trị quốc gia)  đã lên tới cái ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế,  thể hiện tập trung ở 2 điểm: chỉ số ICOR quá cao và hiệu quả kinh tế vào loại thấp nhất  so với ASEAN6 hoặc so với Trung Quốc; tiếp tục phát triển xu thế này sẽ rất nguy hiểm;  (2)tình trạng nhập siêu gay gắt, thị trường tài chính tiền tệ đứng trước nguy cơ đổ vỡ (do những yếu kém và tình trạng bị lũng đoạn trong hệ thống ngân hàng – nhất là hiện nay tính thanh khoản của nhiều ngân hàng rất thấp), sự sụp đổ mất trên 50% giá trị của thị trường chứng khoán (từ 1100 điểm xuống còn trên 400 điểm trong vòng 7 tháng),  sự đình đốn của thị trường bất động sản..;  (3)tăng trưởng kinh tế sụt và có nhiều mất cân đối ngày càng lớn, đã xuất hiện hiện tượng đình đốn trong các doanh nghiệp nhỏ và nhiều khó khăn trong nông nghiệp; (4) kiểm soát kém hiệu quả sức ép lớn của hội nhập (bao gồm cả cơ hội do các nguồn tài chính bên ngoại dồn về ở mức độ chưa từng có và vượt khỏi tầm khả năng vận hành;  những thách thức cạnh tranh mới...). Tình hình này càng gay gắt thêm do thiên tai dịch bệnh và do những tác động từ môi trường kinh tế thế giới bên ngoài. Chính phủ đã phải áp dụng hàng loạt các biện pháp bất thường (7 biện pháp lớn), ngoài ra Chính phủ còn phải thực chiện cưỡng chế giá một số mặt hàng thiết yếu đến tháng 6-2008. Trong nhân dân và giới kinh doanh đã xuất hiện các loại tâm lý lo lắng, hoang mang, chờ đợi, mất niềm tin. Toàn bộ tình hình vừa mô tả như vậy có thể tìm các số liệu định lượng hỗ trợ  để đi đến kết luận: Nền kinh tế nước ta đã có những biểu hiện rối loạn và đang đi vào một cuộc khủng hoảng mới – tạm gọi đây là thời kỳ có những suy thoái bột phá.  Cần nhận định tỉnh táo  tính nghiêm trọng của tình hình để  khép vào kỷ luật chống lạm phát, tận dụng các điều kiện đang có trong tay, quyết tâm khắc phục, không bỏ phí mọi tiềm năng và thời cơ. Nhiều báo chí nước ngoài cũng kêu gọi Việt Nam phải nỗ lực giữ vững tình hình và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn chung  giới kinh doanh nước ngoài vẫn cho rằng Việt Nam còn đang phát triển dưới tiềm năng, có thể khắc phục được tinh hình hiện nay, và họ đặt nhiều kỳ vọng (tìm xem Goldman Sachs: “Vietnam - The Next Asian Tiger in the Making” April 17, 2008 - Global Economics Paper No: 165)

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) dự báo lạm phát cả năm 2008 với các kịch bản khác nhau từ 19,4 -22,3%; một số báo chí nước ngoài dự  báo là 30% và cho rằng nếu thành công chống lạm phát thì cũng phải sang 2009 tình hình mới ổn định trở lại.
Theo một công trình nghiên cứu của nhóm giáo sư Harvard “Lựa chọn sự thành công...” 1-2008, trong 10 nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở châu Á 1997, kinh tế Việt Nam hiên nay đã có 8:
Những triệu chứng của KHTCTT châu Á 1997
Việt Nam năm 2007
  1. Thâm hụt tài khoản vãng lai
  1.  Bong bóng tài sản
  1. Vay ngoại tệ không phòng vệ
  1. Hệ số ICOR cao
  1. Đầu tư công kém hiệu quả
  1. Kiểm soát bất cẩn đối với ngân hàng
  1. Nợ xấu cao
  1. Vay nợ chéo trong tập đoàn
  1. Nợ nước ngoài ngắn hạn
Không
  1. Tự do hóa tài khoản vốn
Không
hoặc:  http://docs.google.com/View?docid=dfwzjsv9_24c76nwqtx
[55]  Theo các tổ chức LHQ, nước phát triển có những tiêu chí sau đây:
-    Kinh tế thị trường phát triển cao với đặc điểm có khu vực dịch vụ và khu vực công nghệ thông tin chiếm 70% GDP trở lên (Mỹ là 78%),
-    Có thu nhập tính theo đầu người cao (từ 24 nghìn đến 80 nghìn USD, trên thế giới có 37 quốc gia và nền kinh tế được xếp vào loại này).
-    Chỉ số phát triển con người cao,
-    và trên hết cả là có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở trình độ phát triển cao.
     Về nguyên lý, để kinh tế phát triển, bao giờ cũng đòi hỏi phải có 3 điều kiện tất yếu: thị trường tự do, các quyền tự do dân chủ của con người được bảo đảm, không có tham nhũng (hiểu theo nghĩa tương đối). Những kinh nghiệm 20 năm đổi mới ở nước ta cũng thừa nhận như vậy.
[56] Nghị quyết Trung ương 6 khóa X viết như sau về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:  “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế thành công, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế trong đó các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường được tự giác tạo lập và sử dụng để giải phóng triệt để sức sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Phát triển kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói, giảm nghèo; từng bước làm cho mọi thành viên xã hội đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường..., giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội. Phát huy quyền làm chủ xã hội của nhân dân, bảo đảm vai trò quản lý, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội và các yếu tố bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Xin hãy đối chiếu văn bản nghị quyết với thực tế cuộc sống đang diễn ra.

[57] Nếu còn chiến tranh lạnh, còn 2 phe 4 mâu thuẫn và sự kìm kẹp của ý thức hệ, nếu chưa có những tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ và xuất hiện kinh tế tri thức, và trên hết cả nếu quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới chưa đạt tới mức như hiện nay – nói một cách khác: nếu lực lượng sản xuất trên thế giới và cấu trúc thượng tầng của nó chưa phát triển như ngày nay và Việt Nam chưa phải là một quốc gia độc lập thống nhất, Việt Nam ta sẽ không có cơ hội này. Cần giải phóng tư duy của mình khỏi mọi giới hạn của quá khứ để nhận thức và nắm lấy cơ hội này, để phát triển, để chiến thắng nguy cơ lớn nhất – cũng là thách thức và kẻ thù lớn nhất đối với đất nước: TỤT HẬU!
[58] Cho đến nay thiếu hẳn việc đánh giá sự thao túng của bên ngoài đối với nền kinh tế nước ta, có nhiều công trình quan trọng rơi vào tay những đối tác không xứng đáng nên thường đắt, chất lượng thấp,  trong khi đó đối tác có tầm cỡ quốc tế bị đánh bật đi; có những liên doanh làm tổn hại lợi ích quốc gia...
[59] Tham khảo: Boston Review   JANUARY/FEBRUARY 2008, bài “What Makes a Miracle” của Pranab Bardhan.

[60] Phải thừa nhận sự thật đau lòng là từ ngày Cách mạng Tháng Tám và trong 2 cuộc kháng chiến vỹ đại là thời Bác Hồ thu hút được và trọng dụng được nhân tài, còn từ sau 30-4-1975 tình hình gần như hoàn toàn ngược lại. Không thể không đặt ra câu hỏi vì sao? (Xin lưu ý: trong một bộ phận nhân sỹ đã tham gia 2 cuộc kháng chiến và tham gia Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam sau 30-04-1975 số thì từ chỗ khâm phục chuyển sang mất niềm tin, số thì đã chia tay với chế độ ta bỏ nước ra đi,..).
[61] Một thực tế lịch sử về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước: Chỉ trong một thời gian rất ngắn trong những năm đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Đảng ta thực sự hoạt động với tính cách là đảng cầm quyền trong khung khổ một nhà nước pháp quyền, còn từ đó tới nay nhà nước về nhiều mặt trên thực tế cũng chỉ là một phương tiện hay một phương thức thực hiện đường lối của Đảng. Mối quan hệ như vậy thích hợp với tình hình đất nước có chiến tranh. Trong thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước của một quốc gia độc lập tự do, của một quốc gia nhân dân là người chủ của đất nước với một thể chế dân chủ, mối quan hệ như trên không còn thích hợp nữa, mà đòi hỏi  Đảng phải hoạt động trong khung khổ của nhà nước pháp quyền, trước hết với nghĩa không được đặt Đảng lên trên Nhà nước. Mối quan hệ giữa Đảng và nhà nước ngày nay lẽ ra phải là mối quan hệ lãnh đạo với nghĩa Đảng là người người đi đầu, người đi tiên phong bằng trí tuệ, ý chí và phẩm chất của mình, phát huy ảnh hưởng của mình; chứ không phải là người ra lệnh, người quyết định hay làm ra quyết định. Đòi hỏi này chưa thực hiện được, mặc dù Điều lệ Đảng (2006) ghi “Đảng lãnh đạo, tôn trọng, phát huy vai trò của Nhà nước...”, Hiến pháp 1992 (bản sửa đổi tháng 11-2005) ghi  “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Vì vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước không được xác định rõ, vì có sự đồng nhất giữa lãnh đạo, cầm quyền, nắm quyền, cho nên thông qua việc “đảng hóa” xu hướng đảng trị, đảng cai trị ngày càng phát triển –  nhân danh sự lãnh đạo toàn diện, hoặc dưới cái mũ “nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa”. Xu hướng này ngày càng được sự tha hóa của chính trị thúc đẩy. Đây là khó khăn lớn nhất đối với Đảng trong nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền.
[62] Hoàn thiện và tiếp tục phát triển hệ thống nhà nước là yêu cầu thường xuyên của hầu hết mọi quốc gia, nhất là các nước phát triển, đấy còn là cuộc đấu tranh thường xuyên và bất tận chống lại sự lạm dụng quyền lực, tính quan liêu, tệ nạn tham nhũng, sự lạc hậu so với yêu cầu phát triển. Xu hướng phấn đấu chung là trong hệ thống nhà nước mỗi chức năng và mỗi người phải được đặt đúng chỗ và làm đúng việc, chịu sự kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau, thực công khai minh bạch đối với cả nước, dân chủ là quyền của dân và đồng thời cũng là quyền cao nhất... Thời bình xây dựng và bảo vệ đất nước, lại phải cọ xát quyết liệt với cả thế giới, nhất thiết phải thay đổi cách làm việc: Bộ Chính trị ra quyết định – rộng hơn nữa là BCHTW Đảng, Quốc hội chủ yếu là hợp thức thông qua, Chính phủ thực tế do Bộ Chính trị điều hành hay chỉ đạo... Thực chất đấy là cách làm việc Đảng làm thay tất cả! Xuống đến các Bộ, các tỉnh và thành phố càng như vậy. (Tham khảo thêm “Chinh thể đại diện” tác giả: John Stuart Mill, NXB Tri thức, Hà Nội, 02-2008).
[63] Có không ít quan điểm sai lầm cho rằng cứ làm cho kinh tế phát triển, dân chủ sẽ tự đến, tự thiết lập. Thực tế hiện nay ở nước ta, ở Trung Quốc không thừa nhận quan điểm này. Điều mà cả hai nước này dang cần nhất là dân chủ. Trong lịch sử: Khi Hitler lên càm quyền, kinh tế Đức phát triển rất mạnh, nhưng lại trở thành một nước phát xít.
[64] Lên án sự phản động và tính chất tàn ác của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc là cần thiết nhưng không thay đổi được gì nếu tự mình nước ta không tự giải phóng được mình ra khỏi số phận đã tụt hậu mất cả một giai đoạn phát triển của lịch sử thế giới. Đảng lãnh đạo phải là người trước mọi người giác ngộ sâu sắc được sự thật này.
[65]Vua Trần Nhân Tông và sự nghiệp hậu chiến: Khi quân và dân ta đang tưng bừng ăn mừng chiến thắng ở thủ đô Thăng Long, thì tại Đại Đô, Hốt Tất Liệt đang thi hành những biện pháp trừng phạt đối với đám bại tướng của đạo quân xâm lược đã tháo chạy và sống sót trở về. Hắn đày Thoát Hoan ra Dương Châu và cấm suốt đời không được gặp mặt hắn, còn Áo Lỗ Xích bị đuổi ra Giang Tây, như Nguyên sử 117 tờ 5a1-2 và 131 tờ 7a9 đã ghi nhận. Về phía ta, vua Trần Nhân Tông đang chuẩn bị một mặt trận ngoại giao để đối phó với ý đồ xâm lược của triều đình nhà Nguyên, đồng thời tiến hành thực hiện một số biện pháp để xây dựng lại đất nước, sau khi đã bị chiến tranh tàn phá nhằm củng cố tiềm lực quốc gia cho mọi biến động có thể xảy ra.
Biện pháp thứ nhất là công bố đại xá cho cả nước và tha tô thuế tạp dịch cho những vùng đã trải qua chiến tranh, còn miễn và giảm cho các vùng khác như ĐVSKTT 5 tờ 55a1-3 viết: “Tháng tư mùa hạ (năm Mậu Tý, 1288) Thượng hoàng ngự ở hành lang thị vệ (vì cung điện thời bấy giờ bị giặc đốt hết) đại xá thiên hạ. Phàm những nơi nào từng bị binh lửa cướp phá thì miễn tô thuế và tạp dịch toàn phần, còn chỗ khác thì tha hoặc miễn theo thứ bậc khác nhau”. Rõ ràng đất nước đã kinh qua chiến tranh và bây giờ phải tập trung mọi nỗ lực để xây dựng lại những gì đã bị quân thù đốt phá. Miễn giảm tô thuế và tạp dịch là nhằm mục đích đó. Và biện pháp này thực hiện mấy ngày sau khi vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng trở về kinh đô Thăng Long hôm 27 tháng 3 năm Mậu Tý (1288). 
Điểm đặc biệt trong đợt xử trị này là việc Thượng hoàng Trần Thánh Tông ra lệnh đốt tất cả giấy tờ của những người xin đầu hàng giặc, mà quân ta đã bắt được. ĐVSKTT 5 tờ 57b9-58a6 đã mô tả lại sự kiện này như sau: “Trước kia khi người Nguyên vào cướp, vương hầu quan liêu phần nhiều đến dinh xin qui phục. Đến khi giặc thua, bắt được một hòm các tờ biểu xin đầu hàng, Thượng hoàng sai đốt đi để yên lòng kẻ phản trắc. Chỉ những kẻ đầu hàng trước đây thì dù bản thân đang ở triều đình giặc, cũng bị kết án vắng mặt, xử tội lưu đày hay tử hình, điền sản bị tịch thu làm của nhà nước, xoá quốc tính của chúng. Trích: TRẦN NHÂN TÔNG  - CON NGƯỜI & TÁC PHẨM, Lê Mạnh Thát, Nhà Xuất Bản TP.HC1999.
Hãy thử so sánh với sự ứng xử của chúng ta sau 30-04-1975 và những vấn đề đã giải quyết.
[66] Hội nghị Thành Đô là một mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Trung, cần nghiên cứu, đánh giá khách quan và rút ra những kết luận xác đáng để rút kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Tham khảo: Trần Quang Cơ, “Hồi ức và suy nghĩ” - vnthuquan.net/diendan/fb.aspx?m=236879 - 369k.
[67] Phải khép lại quá khứ, không gây thù hằn dân tộc, phải hướng mạnh vào tương lai, song phải luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật khách quan để có những bước đi đúng hướng về tương lai của quan hệ Việt – Trung. Song thực tế hiện nay là thế nào? về phía ta? về phía bạn? Giải thích thế nào có nhiều em học sinh cấp hai, cấp ba của ta không biết có cuộc chiến tranh biên giới tháng 2-1979, càng không hiểu gì về chiến tranh  Campuchia? vv...
[68] Hiện nay ở Philippines đang nổi cộm vấn đề có hay không tổng thống và Tập đoàn dầu khí Philippines kí hiệp định hợp tác với Trung Quốc thăm dò khu Vành Khăn tại Trường Sa với tinh thần “bán đứng cho Trung Quốc” với hợp đồng gắn với vay (dưới dạng ODA) 8 tỷ USD  và những khoản tiền cho vay đặc biệt khác lên tới hàng trăm triệu USD. Thượng viện Philippnes đang yêu cầu điều tra – khởi sự là hợp đồng này tự nhiên bị rút mất trên mạng. Đây còn là ký kết tay 3, do Việt Nam đòi tham gia vì đụng vào chủ quyền của ta. Thượng viện Philippines đòi sẽ vô hiệu hóa ký kết này nếu phát hiện tham nhũng. Tham khảo: TJ Burgonio, Philippine Daily, Inquirer -  08-03-2008.


[69] Báo chí Mỹ công khai thừa nhận như vậy. Thực tế này cho thấy quá trình toàn cầu hóa đầy thách thức đối với bất kỳ quốc gia nào, dù quốc gia đó là siêu cường. Trong khi đó Trung Quốc đang lên trong tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
[70] Đưa ra đầu năm 2007, nội dung chính là tăng cường vai trò Liên Hiệp Quốc và một số tổ chức khu  vực (ASEAN+3, APEC,  diễn đàn Thượng Hải, BRIC...) dưới sự phát huy ảnh hưởng của Trung Quốc.
[71] Về chuyến đi thăm TQ của phó Thủ tướng Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm, thông cáo báo chí phía Trung Quốc lờ hẳn phần thảo luận giữa hai bên về Biển Đông, mặc dù hai bên có bàn về đề tài này. Sau Olympic có thể Trung Quốc sẽ rắn hơn (BBC 23-01-2008).
[72] Có rất nhiều tư liệu về tình hình đảy mạnh vũ trang của TQ. Tham khảo “Bắc Kinh diệu võ dương oai” - http://www.iht.com/articles/2007/12/20/opinion/edlam.php, “Lời cam kết trống rỗng của Hồ Cẩm Đào”.  “China's Naval Secrets” trong The Wall Street Journal số 05-04-208, vân vân....

[73] Ta nói nhiều về “khép lại quá khứ”, song hiểu và làm gần như một bước đi chiến thuật hơn là một phương hướng chiến lược, chưa có một đường lối hòa giải và hòa hợp dân tộc thực sự  (nhiều lúc và hiện nay vẫn còn tránh nói đến “hòa hợp dân tộc”), còn nhiều việc làm không góp phần vào hàn gắn vết thương dân tộc, thậm chí “sự độc quyền yêu nước”  đang có tác dụng làm mù nhận thức về vết thương dân tộc.  Cho đến nay – ngoài khẩu hiệu và những việc làm mang tính chiến thuật - chưa có một chiến lược đối ngoại theo phương hướng thực sự khép lại quá khứ, khiến cho đối ngoại có nhiều bước đi nửa vời và bỏ lỡ nhiều cơ hội, với hệ quả là làm yếu thế thương lượng, thế mặc cả của ta đối với các nước lớn – trước hết là đối với Trung Quốc và Mỹ. Chuyện ngoài đời trong cuộc sống hàng ngày  gần như một thói quen là hễ có dịp vẫn cứ lôi các thất bại của đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ trong chiến tranh ra mà hạ nhục đến mức phản cảm, măc dù chiến tranh đã qua đi trên 50 năm, trên 30 năm; trong khi đó không một chữ về chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979. Tại một số nơi, nhiều học sinh trung học phổ thông cấp III không biết có cuộc chiến tranh 2-1979!  Tất cả chỉ để giáo dục chủ nghĩa yêu nước?
Cần thực sự khép lại quá khứ để tìm ra tư duy mới, mở ra tầm nhìn mới với tính chất là sáng tạo lại chính mình.
[74] Chỗ mạnh của Mỹ là vẫn ở vị thế siêu cường với một khoảng cách ước chừng từ 3 đến 5 thập kỷ so với cả các đối thủ, chỗ yếu của Mỹ là đế chế Mỹ đang đi vào thoái trào không thể cưỡng lại được, hiện tại kinh tế có biểu hiện bắt đầu một thời kỳ suy thoái mới, sa lầy trong vấn đề Iraq, vấn đề hạt nhân Iran và chống khủng bố. Chỗ mạnh của Trung Quốc là một cường quốc đang lên với sức bành trướng nhiều mặt mang tính tàn phá trên thị trường thế giới (gây nhiều đảo lộn); chỗ yếu của TQ là kinh tế còn nhiều khuyết tật lớn bên trong, TQ bắt buộc phải đi với cả thế giới mới có thể hy vọng đạt được mục tiêu trở thành siêu cường – song sẽ chỉ là một siêu cường mới trong khung khổ chung của thế giới, chứ không thể trở thành một đế chế.
[75] Ta có quá nhiều bước đi vụng về
- Đối với Trung Quốc  (vì nhu nhược? vì ý thức hệ? vì gì nữa?): có nhiều nhân nhượng không đúng, đồng thời lại có những cam kết không thực hiện được nên trở thành thất tín (do những cam kết này sai hoặc khó, hoặc không khả thi đối với ta... – ví dụ: trong các vấn đề biên giới, “một vành đai hai hành lang”, bauxite  Đắc Nông...);
- Đối với Mỹ: ta có những việc làm thiếu sách lược và tỏ ra thiếu bản lĩnh trong khi phải xử lý những vấn đề có liên quan đến sức ép của Trung Quốc đối với ta, hầu như không khai thác được bao nhiêu sự chủ động của phía Mỹ.
[76] Tìm xem “Giải mật vì sao Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ ngay trước khi khai chiến với Việt Namtrong Văn trích đai chúng ngày 27-02-2008 (báo của Trung Quốc lục địa) . Giải mật vì sao Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ ngay trước khi khai chiến với Việt Nam

[77] Tham khảo thêm các tài liệu nói về mối quan hệ biên giới của Trung Quốc với các nước láng giềng,các tài liệu nói về TQ đẩy mạnh phát triển lực lượng quân sự, gần đây nhất là bài nói về TQ xây dựng các căn cứ tần ngầm tại Biển Đông  - www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=255825&ChannelID=2.
[78] Tham khảo thêm các bài chuyên đề về Trung Quốc, 2 bức thư của Uông Triệu Vân, ủy viên thường vụ Hội nghị Chính trị hiệp thương tỉnh An Huy,  ngày 22 tháng 10 – 2007 và ngày 3 tháng 11-2007  gửi lãnh đạo ĐCSTQ. 
[79] Hai cuộc kháng chiến vừa qua của ta chống ngoại xâm và sau đó là cuộc chiến tranh Campuchia rất khốc liệt và kéo dài; một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu của tình hình này là sự tranh giành giữa các nước lớn. Về nhiều mặt, trên thực tế nước ta vừa là con mồi giữa các ác thú, vừa là trận địa của sự giành giật này. Đây là số phận nước ta từ nay trở đi phải tìm cách nhất quyết thoát ra.
[80] Tham khảo thêm bài  nêu những thành tựu và những tồn tại lớn của Việt Nam trong quá trình phát triển: “Half-way from rags to riches” Báo cáo đặc biệt của  The Economist số 24-04-2008 http://www.economist.com/specialreports/PrinterFriendly.cfm?story_id=11041638

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét