Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

 Vài suy nghĩ về Quyết định 97
Nguyễn Trung


Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09-06-2000 nhằm khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ của nước ta để đảy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực hiện Luật này, Ngày 24-07-2009 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định của số 97, sẽ có hiệu lực từ 15-09-2009, nhằm quy định danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, gọi tắt là các tổ chức khoa học và công nghệ. 

QĐ 97 có ba (3) nội dung chính:


(1)                         ràng buộc theo pháp luật hiện hành trách nhiệm toàn diện của cá nhân đối với tổ chức mình lập ra (điều 1 của QĐ 97);
(2)                         quy định các lĩnh vực được nghiên cứu trong phạm vi các danh mục được ban hành theo QĐ 97 (điều 2 của QĐ 97); và
(3)                         nếu có phản biện về đường lối chính sách thì phải gửi cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa cá nhân hoặc gắn với danh nghĩa tổ chức khoa học và công nghệ.

Q
uy định trách nhiệm toàn diện của cá nhân theo luật pháp – như nêu trong QĐ 97 – đối với tổ chức mình lập ra là đúng đắn và cần thiết,  rất đáng hoan nghênh. Trong nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, việc ràng buộc theo luật pháp trách nhiệm của cá nhân đối với mọi hành vi của mình cần được xem là một yếu tố cần thiết, thậm chí là một tiền đề quan trọng cho thực hiện điều đáng mong muốn là mọi công dân không có ngoại lệ đều phải sống và làm việc theo pháp luật, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống chứ không chỉ riêng gì trong lĩnh vực nghiên cứu.

Cần nhấn mạnh ràng buộc theo luật pháp trách nhiệm cá nhân đối với mọi hành vi của mình là điều rất nên cổ vũ toàn dân phấn đấu thực hiện; đảng viên và những người có chức có quyền phải làm gương đi trước.

Song tiếc rằng nội dung (2) và (3) của  QĐ 97 có một số vấn đề quan trọng cần được làm rõ.

Trước hết, quy định danh mục các lĩnh vực được thành lập các tổ chức khoa học và công nghệ ban hành kèm theo QĐ 97 là cách làm không phù hợp với thực tiễn của nghiên cứu khoa học và công nghệ, không phù hợp với cuộc sống hàng ngày của đất nước.

Tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật ngày nay đạt trình độ rất cao và tiếp tục phát triển vô cùng sinh động. Điểm nổi bật của quá trình phát triển này là (a)ngày càng nhiều lĩnh vực khoa học tự tách ra thành những lĩnh vực mới chuyên sâu hơn hoặc xuất hiện những lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới; (b)cuộc sống đặt ra ngày càng nhiều lĩnh vực phải nghiên cứu liên ngành và làm nẩy sinh ngày càng nhiều liên kết dưới mọi hình thái giữa các lĩnh vực khoa học và công nghệ; (c)ngày càng nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ trở nên lạc hậu hoặc bị cuộc sống vượt qua, đồng thời cuộc sống tiếp tục có những vấn đề chưa có lời giải hoặc thậm chí chưa được biết đến. Đấy là chưa nói đến sự phát triển của tư duy một mặt làm phong phú thêm nội hàm các khái niệm, mặt khác trong cuộc sống ngày càng hình thành các khái niệm mới, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ. Tính chất xã hội hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra ở mọi quốc gia – trong đó có nước ta – làm cho thực tiễn vừa trình bầy càng trở nên sinh động hơn. Hệ quả là hầu như mọi quốc gia đều đứng trước thách thức của thực tế khách quan là làm thế nào hướng sự phát triển như vậy của khoa học và công nghệ một cách tối ưu nhất vào việc phục vụ sự phát triển thịnh vượng và tiến bộ của đất nước mình.

Tại tất cả các nước phát triển trên thế giới, dù là ở châu Âu hay châu Á, châu Mỹ.., hầu như đều có sự lựa chọn giống nhau trên 2 hướng cơ bản, đó là:

(1)       cấm vận dụng những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nào đó hay một việc nghiên cứu nào đó (chứ không phải một lĩnh vực khoa học hay công nghệ) trái với luật pháp và văn hóa của quốc gia họ (ví dụ: nhiều nước cấm việc nhân bản con người, cấm việc nghiên cứu hay sản xuất vũ khí giết người hàng loạt…); và
(2)       vận dụng những khuyến khích (incentives) về luật pháp, kinh tế hay tài chính, tinh thần… hướng việc huy động các nguồn lực vào việc phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ mà bản thân quốc qia ấy có yêu cầu phát triển.

Qua tìm hiểu, cho đến nay chúng tôi chưa tìm thấy một nước phát triển nào ban hành danh mục các lĩnh vực khoa học và công nghệ được phép nghiên cứu, hoặc các lĩnh vực nghiên cứu phải đưa vào danh mục cấm. Trong khi đó họ lại tìm mọi biện pháp khuyến khích sự ra đời và mở  rộng vai trò hoạt động của các “think tank”. Chúng bao gồm các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ tư nhân hoặc phi chính phủ - thuộc đủ các loại: có tính thương mại hoặc không thương mại, vì  lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận. Một trong các nguyên do quan trọng của sự lựa chọn này có thể là cách tiếp cận “cho phép” hoặc “cấm” tương tự như mô hình trong QĐ 97  là vừa không thực tế, khó làm,  vừa không hiệu quả.

Phải chăng cách tiếp cận như vậy của các nước phát triển là một trong những lý do giúp họ luôn luôn đi đầu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ?

Dù quan tâm tìm kiếm, song đến nay tôi chưa tìm thấy ở Ấn Độ, Singapore hay Thái Lan...  có văn bản pháp quy nào “cho phép” hay “cấm” như vậy theo kiểu QĐ 97 không. Riêng ở Thái Lan tôi biết có tập quán: Cứ xảy ra việc gì trái với luật pháp và trái với truyền thống văn hóa Phật giáo thì bộ máy quản lý nhà nước và Nhà Chùa vận dụng mọi quy định hay phong tục hiện hành để cấm hay để tẩy chay việc cụ thể ấy.

Là nước đi sau, lại phải ra sức ganh đua với thiên hạ để có thể sớm khắc phục tình trạng tụt hậu của nước mình, phải chăng nước ta nên tham khảo những kinh nghiệm nói trên của các nước đi trước?

QĐ 97 đặt vấn đề: Liên quan đến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ được phản biện với tư cách cá nhân bằng cách gửi trực tiếp đến cơ quan hữu quan, cấm phản biện công khai, cấm phản biện với danh nghĩa hay gắn với danh nghĩa tổ chức.

Trước hết có câu hỏi: Tại sao lại chỉ được gửi thẳng phản biện đến cơ quan có thẩm quyền, cấm phản biện công khai?

Thực tế hiện nay của nước ta là: Hầu như trong cả nước, không một cơ quan nào của toàn bộ hệ thống chính trị, bên Đảng cũng như bên Nhà nước, là không tồn đọng các kiến nghị, các đóng góp ý kiến, các phản biện hoặc phản đối liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến đường lối chính sách, nhưng không được xử lý.  Số lượng các vấn đề tồn đọng như vậy rất lớn. Giở trang báo giấy hay báo mạng hàng ngày, cũng thấy có biết bao nhiêu phản biện công khai như vậy không được xử lý, của  các tổ chức cũng như của cá nhân.

Ví dụ điển hình nhất là từ nhiều năm nay những phản biện, kiến nghị như vậy liên quan đến giáo dục – quốc sách hàng đầu của đất nước – là vấn đề cải cách giáo dục, song hầu như mọi phản biện – dù là của cá nhân hay của tổ chức, dù là được gửi trực tiếp đến cơ quan hữu trách hay đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng -  đều không được xử lý, không một hồi âm là đã nhận được hay chưa nhận được, không rõ là tán thành hay bác bỏ…  Trên thực tế là hầu như tất cả những phản biện này đều rơi vào sự bác bỏ lặng lẽ. Vì thế, có thể nói ngay rằng: QĐ 97 cấm phản biện công khai sẽ càng tăng thêm thực trạng nguy hiểm này, tăng thêm nguy cơ các phản biện sẽ chỉ có điểm đến duy nhất là các ngăn kéo, với hệ quả trên thực tế là bác bỏ hoàn toàn phản biện.

Tuy nhiên, tác hại đối với đất nước của cấm phản biện công khai lớn hơn rất nhiều, trực tiếp khuếch trương tình trạng trì trệ và tiêu cực của đất nước, khó hình dung được các hệ quả.

Đặc biệt là cấm phản biện công khai các vấn đề về đường lối chính sách của Đảng và Nhà  nước là điều nguy hiểm đến mức gần như tự sát, bài học lịch sử của đổi mới kể từ Đại hội VI cho phép rút ra kết luận như vậy. Thật ra lợi ích sống còn của quốc gia ngày nay hiển nhiên không phải là cấm, mà là cần khuyến khích phản biện công khai một cách đúng đắn và có chất lượng cao các vấn đề về đường lối chính sách, để thành công sớm hơn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, để hạ xuống thấp nhất cái giá hoặc những tổn thất phải trả.

Hơn nữa thực hiện phản biện công khai như vậy là khuyến khích dân chủ - cội nguồn của mọi sáng tạo, là sức mạnh bất khả chiến bại đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và hủ bại, là nguồn lực nâng cao trí tuệ và bản lĩnh của người dân cũng như của hệ thống chính trị. Chẳng lẽ nước ta hiện nay không cần một động lực sáng tạo như thế? Không cần một sức mạnh đấu tranh như thế? Và không cần một bản lĩnh như thế cho  xây dựng cái mới, cho phát huy cái tiến bộ mà một nước Việt Nam công nghiệp hóa – hiện đại hóa không thể thiếu?

Vả lại, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước là để phục vụ đất nước, đều được công bố công khai, vì thế thực hiện phản biện công khai để giám định hoặc để nâng cao chất lượng của đường lối chính sách sao lại phải cấm?

Một điều băn khoăn lớn khác là quy định chỉ được phép phản biện với tính cách cá nhân, chứ không được nhân danh tổ chức hay gắn với tổ chức.

Nếu một phản biện là thành quả của một công trình tập thể (tổ chức), nhưng lại chỉ có cá nhân nhân danh chính mình được phép nêu ra một cách không công khai với cơ quan có thẩm quyền hữu quan, sẽ đặt ra những hệ lụy gì? Tại sao lại phải vận dụng cách làm này? V…v…

Có lẽ khó có một trí tưởng tượng nào có thể tìm ra các câu trả lời thỏa đáng. Các câu trả lời sẽ càng khó tìm hơn ở chỗ: Xu thế chung của nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại là ngày càng mang tính tập thể và liên ngành, thậm chí có ngày càng nhiều vấn đề nghiên cứu một cá nhân riêng lẻ không thể thực hiện được.

Song có thể khẳng định ngay: Cách làm như quy định trong điều 2 của QĐ 97 sẽ gây nguy hiểm khôn lường cho quốc gia, cho chính cơ quan có trách nhiệm thụ lý phản biện, cho cả bản thân người phản biện, cho nhiều bên hữu quan khác, chung cuộc là có hại cho đất nước. Tính trung thực, tính khoa học, tính khách quan, tính pháp lý, tính ràng buộc trách nhiệm... của bên phản biện, bên nhận phản biện, nhiều trường hợp sẽ còn có thêm các bên hữu quan khác nữa, tất cả đều sẽ ở trong trạng thái không kiểm định được, để ngỏ mọi con đường cho mọi sự vận dụng tùy tiện có thể xảy ra của bất kể bên nào. Một nhà nước pháp quyền không thể dung nạp một trạng thái  pháp lý không công khai minh bạch đầy nguy hiểm như vậy.

Nhìn kỹ vào các nội dung (2) và (3) của QĐ 97 còn thấy chúng
-      trái với Hiến pháp hiện hành ở Điều 53  quy định công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương; ở Điều 60 quy định công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng tác; và Điều 69 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
-      không phù hợp với Luật Khoa học và công nghệ coi phát huy khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Luật này khuyến khích sự tham gia nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân, Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ sự thực hiện những kết quả nghiên cứu, khuyến khích các hội khoa học và công nghệ có trách nhiệm tổ chức, động viên các thành viên tham gia tư vấn, phản biện, giám định xã hội và tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ… vân… vân…
-      có nhiều điểm trái với tinh thần và nội dung  Nghị quyết số 27 - NQ/T.Ư "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" vừa mới được ban hành tháng 10-2008. Nghị quyết này nhấn mạnh thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ngoài ra việc ban hành QĐ 97 vi phạm khoản 2 và khoản 4 Điều 67 trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể là đã bỏ qua trình tự bắt buộc phải tiến hành để bảo đảm sự tham gia ý kiến của nhân dân.   

T
rên đây mới chỉ là xới xáo lên một số băn khoăn ban đầu với sự cảm nhận của một công dân. Còn hơn 30 ngày nữa QĐ 97 mới có hiệu lực. Phạm vi tác động của QĐ 97 rất lớn, thiết nghĩ thời gian như vậy là còn đủ và rất đáng để cho Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ - với tính cách là người chủ trì cơ quan trực tiếp soạn thảo văn bản QĐ  97 – chủ động đứng ra phát huy trí tuệ cả nước xây dựng quyết định quan trọng này.

Hà Nội, ngày 13-08-2009





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét